Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) »» 128. Kinh Tùy Phiền Não »»

Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) »» 128. Kinh Tùy Phiền Não

Donate

Upakkilesa sutta

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Kosambī (Kiều-thưởng-di), tại tịnh xá Ghosita (Cu-sư-la).

Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo ở Kosambī sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi.

Rồi một Tỷ-kheo đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo ở Kosambī, sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Tốt lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn, đến các Tỷ-kheo ấy.
Thế Tôn im lặng nhận lời.

Rồi Thế Tôn đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến liền nói với họ:

-- Thôi vừa rồi, các Tỷ-kheo! Chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau!

Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc Pháp Chủ, hãy dừng lại! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng! Thế Tôn hãy an trú, chú tâm và hiện tại lạc trú! Vì rằng chúng con chịu trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:

-- Thôi vừa rồi, này các Tỷ-kheo! Chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau!

Lần thứ hai, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc Pháp Chủ, hãy dừng lại! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng! Thế Tôn hãy an trú, chú tâm và hiện tại lạc trú! Vì rằng chúng con chịu trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.

Lần thứ ba, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:
-- Thôi vừa rồi, này các Tỷ-kheo! Chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau!

Lần thứ ba, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc Pháp Chủ, hãy dừng lại! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng! Thế Tôn hãy an trú, chú tâm vào hiện tại lạc trú!

Vì rằng chúng con chịu trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát và đi vào Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Kosambī, ăn xong, trên con đường khi khất thực trở về, sau khi dọn dẹp chỗ nằm, lấy y bát, Ngài đứng và nói bài kệ:

Giữa quần chúng la ó,
Không ai nghĩ mình ngu,
Giữa Tăng chúng phân ly
Có ai nghĩ hướng thượng?

Thất niệm kẻ trí nói,
Ba hoa trăm thứ chuyện,
Miệng há, nói thả dàn,
Dẫn đi đâu, ai biết?

"Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!"
Ai ôm oán niệm ấy,
Hận thù không thể nguôi.

"Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!"
Không ôm oán niệm ấy,
Hận thù sẽ tự nguôi.

Hận thù diệt hận thù,
Không đời nào diệt được,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

"Người khác không hiểu biết,
Ở đây ta bị diệt",
Những ai hiểu điều này,
Nhờ vậy, tranh luận tiêu.

Kẻ chủ xướng hại mạng,
Cướp bò, ngựa tài sản,
Kẻ cướp đoạt quốc độ,
Họ còn biết đoàn kết,
Sao các Ông không vậy?

Nếu được bạn hiền trí,
Ðồng hành, khéo an trú,
Ðả thắng mọi hiểm nạn,
Sống hoan hỷ chánh niệm.

Nếu không bạn hiền trí,
Như vua bỏ quốc độ,
Cô độc như voi rừng.


Tốt hơn, sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu,
Cô độc không làm ác,
Nhàn hạ, như voi rừng.

Rồi Thế Tôn đứng nói lên những câu kệ này, rồi đi đến làng Bālakaloṇakāra.

Khi ấy, Tôn giả Bhagu sống ở trong làng Bālakaloṇakāra. Tôn giả Bhagu thấy Thế Tôn từ xa đi đến, liền sắp đặt chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn; sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Bhagu đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhagu đang ngồi một bên:

-- Này Tỷ-kheo, có được an lành không? Có được sống yên vui không? Ði khất thực, có khỏi mệt nhọc không?

-- Bạch Thế Tôn, con được an lành. Bạch Thế Tôn, con sống yên vui. Bạch Thế Tôn, con đi khất thực khỏi có mệt nhọc.

Rồi Thế Tôn sau khi với thời thuyết pháp khích lệ Tôn giả Bhagu, làm cho hân hoan, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Pacinavamsadaya.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Nandiya (Nan-đề) và Tôn giả Kimbila (Kim-ty-la) trú ở Pacinavamasadaya. Người giữ vườn thấy Thế Tôn từ xa đi đến, khi thấy vậy liền bạch Thế Tôn:

Này Sa-môn, chớ có vào khu vườn này. Có ba Thiện gia nam tử, rất ái luyến tự ngã (attakamanipa) trú tại đây. Chớ có phiền nhiễu các vị ấy.

Tôn giả Anuruddha nghe người giữ khu vườn nói chuyện với Thế Tôn, liền nói với người giữ vườn:

-- Này Người giữ vườn, chớ có ngăn chặn Thế Tôn! Thế Tôn là bậc Ðạo sư của chúng tôi đã đến.

Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila và nói:

-- Chư Tôn giả hãy đến! Chư Tôn giả hãy đến! Thế Tôn, bậc Ðạo sư của chúng ta đã đến.

Rồi Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila ra đón Thế Tôn, một người cầm y bát Thế Tôn, một người sửa soạn chỗ ngồi, một người đặt sẵn nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn; sau khi ngồi, Thế Tôn rửa chân. Rồi các Tôn giả ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi xuống một bên:

-- Này các Anuruddha, các Ông có được an lành không? Có được sống yên vui không? Ði khất thực có khỏi mệt nhọc không?

-- Bạch Thế Tôn, chúng con được an lành. Bạch Thế Tôn, chúng con sống yên vui. Bạch Thế Tôn, chúng con đi khất thực khỏi có mệt nhọc.

-- Này các Anuruddha, các Ông có sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau. Như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không?

-- Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.

-- Này các Anuruddha, như thế nào các Ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?

-- Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con nghĩ như sau: "Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các đồng Phạm hạnh như vậy! Bạch Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp, trước mặt và sau lưng; con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng.

Bạch Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau: "Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này". Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm.

Rồi Tôn giả Nandiya... Rồi Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con nghĩ như sau: "Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các vị đồng Phạm hạnh như vậy!" Bạch Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp, trước mặt và sau lưng; con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng.

Bạch Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau: "Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này". Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm. Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.

-- Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Và này các Anuruddha, các Ông có sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không?

-- Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

-- Này các Anuruddha, như thế nào, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần?

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con ai đi vào làng khất thực về trước, người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi vào làng khất thực về sau, người ấy, còn đồ ăn để lại, nếu muốn thì ăn, nếu không muốn thời bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng.

Người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước trống không, người ấy sẽ lo liệu (nước).

Nếu làm không nỗi với sức bàn tay của mình, người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: "Chúng ta hãy lo liệu (nước)". Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả một đêm chúng con ngồi đàm luận về đạo pháp. Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

-- Lành thay, lành thay, này các Anurudda! Này các Anuruddha, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, các Ông có chứng được pháp thượng nhân tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái an lạc không?

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, chúng con nhận thấy được hào quang, cũng như sự hiện khởi các sắc pháp. Nhưng hào quang ấy không bao lâu biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Chúng con không được hiểu rõ tướng ấy là gì.

-- Này các Anuruddha, tướng ấy các Ông cần phải hiểu rõ. Ta cũng vậy, này các Anuruddha, trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta nhận thấy hào quang và sự hiện khởi các sắc pháp. Nhưng hào quang ấy không bao lâu biến mất nơi Ta cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.

Này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì hào quang biến mất đối với Ta, cùng với sự hiện khởi các sắc pháp?" Này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Nghi hoặc khởi lên nơi Ta. Vì có nghi hoặc nên định của Ta bị biến diệt; khi định biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta sẽ phải làm thế nào để nghi hoặc không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, nhận thấy được hào quang cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Nhưng hào quang ấy không bao lâu biến mất nơi Ta, cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.

Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì, hào quang biến mất nơi Ta, cùng với sự hiện khởi của các sắc pháp?" Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Không tác ý khởi lên nơi Ta. Vì không có tác ý, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như thế nào để nghi hoặc và không tác ý không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Hôn trầm, thụy miên, khởi lên nơi Ta. Vì có hôn trầm, thụy miên nên định của Ta bị biến diệt; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như thế nào để nghi hoặc, không tác ý và hôn trầm, thụy miên không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Sự sợ hãi khởi lên nơi Ta. Vì có sợ hãi, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp".

Ví như, này các Anuruddha, một người đang đi trên con đường, có kẻ giết người nhảy đến (công kích) từ hai phía. Do nhân duyên từ hai phía, người ấy khởi lên sợ hãi. Cũng vậy, này các Anuruddha, sợ hãi khởi lên nơi Ta. Vì có sợ hãi, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên và sự sợ hãi không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật.. Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Sự phấn chấn (ubbilla) khởi lên nơi Ta. Vì có sự phấn chấn, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.

Ví như, này các Anuruddha, một người đi tìm cửa miệng một kho tàng, và trong một lần tìm được năm cửa miệng kho tàng, do nhân duyên này phấn chấn khởi lên. Cũng vậy, này các Anuruddha, phấn chấn khởi lên nơi Ta. Vì có phấn chấn nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào, để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi và sự phấn chấn không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Dâm ý (dutthullam) khởi lên nơi Ta. Vì có dâm ý, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, phấn chấn, dâm ý không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật.... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Sự tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta, và vì có tinh cần quá độ, nên định lực biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.

Ví như, này các Anuruddha, một người với hai tay bắt nắm quá chặt một con chim cáy khiến con chim chết liền tại chỗ. Cũng vậy, này các Anuruddha, tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta. Vì có tinh cần quá độ... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, phấn chấn, dâm ý, và tinh cần quá độ không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Tinh cần quá yếu đuối khởi lên nơi Ta. Vì có tinh cần quá yếu đuối, nên định biến diệt nơi Ta; khi định biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.

Ví như, này các Anuruddha, một người bắt một con chim cáy quá lỏng lẻo, con chim ấy bay khỏi hai tay của người ấy. Cũng vậy, này các Anuruddha,... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, phấn chấn, dâm ý, tinh cần quá độ và tinh cần quá yếu đuối không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Ái dục khởi lên nơi Ta. Vì có ái dục.. với sự hiện khởi các sắc pháp... Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý... tinh cần quá yếu đuối và ái dục không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... Rồi này các Anuruddha, Ta nghĩ như sau: "Sai biệt tưởng khởi lên nơi Ta... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc... ái dục và sai biệt tưởng không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và Ta nhận thấy được hào quang cùng với sự hiện khởi sắc pháp. Những hào quang ấy không bao lâu biến mất nơi Ta cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.

Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì, hào quang biến mất nơi Ta cùng với sự hiện khởi các sắc pháp?" Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Một trạng thái quá chú tâm vào các sắc pháp khởi lên nơi Ta... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như thế nào để nghi hoặc.. (như trên)... các tưởng sai biệt và trạng thái quá chú tâm vào các sắc pháp không khởi lên nơi Ta nữa".

Rồi này các Anuruddha, sau khi biết được nghi hoặc là một phiền não của tâm, Ta đoạn trừ nghi hoặc, phiền não của tâm; sau khi biết được không tác ý là một phiền não của tâm, Ta đoạn trừ không tác ý, phiền não của tâm; sau khi biết được hôn trầm, thụy miên... sau khi biết được sợ hãi... sau khi biết được phấn chấn.... sau khi biết được dâm ý... sau khi biết được sự tinh cần quá độ... sau khi biết được sự tinh cần quá yếu đuối... sau khi biết được dục ái... sau khi biết được tưởng sai biệt;

sau khi biết được trạng thái quá chú tâm đến sắc pháp là một phiền não của tâm, Ta đoạn trừ trạng thái quá chú trọng vào các sắc pháp, một phiền não của tâm.

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, nhận thấy được hào quang nhưng Ta không thấy các sắc pháp cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày. Ta thấy các sắc pháp nhưng không nhận thấy hào quang.

Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì, Ta chỉ nhận thấy hào quang, nhưng không thấy sắc pháp: cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày?" Ta chỉ thấy các sắc pháp nhưng không nhận thấy hào quang.

Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Trong khi Ta không tác ý sắc tướng, nhưng có tác ý hào quang tướng, trong khi ấy ta nhận thấy hào quang, nhưng không thấy sắc pháp. Còn trong khi Ta không tác ý hào quang tướng, nhưng tác ý sắc tướng; trong khi ấy Ta thấy các sắc pháp, nhưng không nhận thấy hào quang, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày".

Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy được các sắc pháp có hạn lượng; nhận thấy hào quang vô lượng và nhận thấy được các sắc pháp vô lượng, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày.

Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì, Ta nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy các sắc pháp có hạn lượng; nhận thấy hào quang vô lượng và thấy được các sắc pháp vô lượng, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày?"

Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Khi nào định có hạn lượng, khi ấy mắt của Ta có hạn lượng; với con mắt có hạn lượng ấy, Ta nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy sắc pháp có hạn lượng. Nhưng khi nào định của Ta không hạn lượng, trong khi ấy mắt của Ta thành vô lượng, và với con mắt vô lượng ấy, Ta nhận thấy hào quang vô lượng và thấy các sắc pháp vô lượng cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày".

Này các Anuruddha, khi nào biết được nghi hoặc là một phiền não của tâm, thời nghi hoặc phiền não của tâm được đoạn trừ; khi nào biết được không tác ý là một phiền não của tâm, thời không tác ý phiền não của tâm được đoạn trừ; khi nào biết được hôn trầm, thụy miên... ; khi nào biết được sợ hãi... ; khi nào biết được phấn chấn... ; khi nào biết được dâm ý... ; khi nào biết được tinh cần quá độ... ; khi nào biết được sự tinh cần quá yếu đuối... ; khi nào biết được dục ái... ; khi nào biết được tưởng sai biệt... ;

khi nào biết được trạng thái quá chú tâm đến các sắc pháp là một phiền não của tâm, thời trạng thái quá chú tâm đến các sắc pháp phiền não của tâm được đoạn trừ. Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Những phiền não tâm của Ta đã được đoạn trừ. Nay Ta tu tập ba loại định".

Rồi này các Anuruddha, Ta tu tập định có tầm, có tứ; Ta tu tập định không có tầm, chỉ có tứ; Ta tu tập định không tầm, không tứ; Ta tu tập định có hỷ; Ta tu tập định không có hỷ; Ta tu tập định câu hữu với lạc; Ta tu tập định câu hữu với xả.

Này các Anuruddha, khi nào Ta tu tập định có tầm, có tứ; khi nào Ta tu tập định không tầm, chỉ có tứ; khi nào Ta tu tập định không có tầm, không có tứ; khi nào Ta tu tập định có hỷ; khi nào Ta tu tập định không có hỷ; khi nào Ta tu tập định câu hữu với xả, thời tri kiến khởi lên nơi Ta: "Giải thoát của Ta là bất động, đây là đời sống cuối cùng của Ta, nay không còn hiện hữu".

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Anuruddha hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hết phần 128. Kinh Tùy Phiền Não (Upakkilesa sutta)

(Lên đầu trang)


Tập 3 có tổng cộng 52 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Học đạo trong đời


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Hạnh phúc là điều có thật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.185.202 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...