Âm
dương, Nam nữ
Theo thường lệ, người tu phải
tránh xa sắc dục, xem nữ sắc như rắn độc. Riêng người
Á Ðông thấm nhuần truyền thống Nho Giáo, "Nam Nữ thọ thọ
bất thân", nói đến chuyện nam nữ là điều tối kỵ. Người
thường đã vậy, nói chi đến người tu. Nhưng oái ăm thay!
Ở đời cái gì càng cấm người ta lại càng thích. Không
thích được trước mặt thì thích sau lưng, điều này tiếng
Pháp gọi là "fausse pudeur" tức là tiết hạnh giả, trước
mặt thì bẽn lẽn ngượng ngùng nhưng sau lưng thì liếc mắt
đưa tình, thầm thương trộm nhớ.
Tôi biết có vài Thầy rất ghét
phái nữ, ghét ra mặt, nhưng chính mấy Thầy này lại là những
người hoàn tục lấy vợ sớm hơn ai khác. Ở đời có câu:
"ghét của nào, trời trao của đó". Nghe qua thấy ông Trời
bất công, nhưng thật ra ưa ghét chỉ là sự xung đột mâu
thuẫn của nội tâm. Những người hoàn tục đâu phải họ
không muốn tu, họ là những người muốn tu và giữ giới
nghiêm chỉnh hơn ai hết, nhưng họ chỉ giữ giới tướng
mà không hiểu giới tánh. Họ không hiểu chính họ. Con người
là một loại chúng sinh, tiếng Phạn là Sattva có nghĩa là
loài hữu tình, có tình cảm. Và như vậy con người không
phải là rô bô, bấm nút ưa là ưa, bấm nút ghét là ghét.
Người tu ưa sống với lý trí hơn tình cảm vì cho tình cảm
là ràng buộc, từ đó có quan niệm tu là phải cắt đứt
tình cảm. Theo tôi nghĩ, con người cần phải dung hòa cả
hai, lý trí và tình cảm. Nếu chỉ có lý trí mà không tình
cảm thì trở thành lưu manh, xảo quyệt, ích kỷ, vô lương
tâm. Chữ tâm, tiếng Tàu có nghĩa là tim (quả tim), trung tâm
của tình cảm, người có tâm là người có tim, có lòng, biết
thương yêu kẻ khác. Do đó chữ tâm đi đôi với tình cảm.
Không nên lầm lẫn tâm (heart) với tâm ý hay ý thức (consciousness).
Ý thức đi đôi với lý trí. Nếu chỉ có tình cảm mà thiếu
lý trí thì dễ đa tình, dễ cười, dễ khóc. Ða tình ở đây
nên hiểu là giàu tình cảm. Tới bây giờ chữ đa tình thường
mang nghĩa xấu, do đó chúng ta không được đa tình!
Ban đầu đi tu, tôi cũng không hiểu
rõ lý trí và tình cảm, chỉ biết tu là phải dẹp hết tình
cảm, vùi đầu vào kinh sách để tìm chân lý. Càng cứng rắn,
nhạt nhẽo chừng nào thì huynh đệ và phật tử lại có vẻ
nể khen là tu giỏi, tu khá! Mải mê chạy theo lý trí, thỏa
mãn trí thức, thường xuyên quán chiếu để dập tắt tình
cảm, lục dục nên sau một thời gian tôi không ngờ là quả
tim mình đã trở thành khô héo. Trong Ðạo Phật có danh từ
gọi là càn huệ, một loại trí huệ khô cằn. Nhiều người
tu hay mắc bệnh này, Tam Tạng Kinh Ðiển rất thông nhưng cư
xử lại thiếu tình người, chỉ biết sai khiến phật tử,
củng cố địa vị, danh vọng của mình.
Không phải tự nhiên mà tôi nhận
ra được quả tim mình khô héo đâu. Phải có nguyên do và
triệu chứng chứ! Số là trong lúc nhập thất ba năm, vào
những buổi lễ, tôi thường làm lopeun hoặc oumzé, tức là
chủ lễ, vì tôi tụng tiếng Tây Tạng nhanh hơn các bạn đồng
tu. Ðây cũng là một vinh dự cho tôi, nhưng theo luật bù trừ
thì trong cái lợi có sẵn mầm của cái hại, hoặc nói cách
khác càng leo cao thì dễ té đau. Ðúng ra trong nhóm tu mười
lăm người, mỗi người phải thay phiên nhau làm chủ lễ và
xử dụng các nhạc khí như: radong, kyangling, gyaling, reulmo,
v.v... nhưng đến các buổi lễ lớn với Sadhana dài như Mahakala,
Dorjé Pamo, Dorjé Sempa thì tôi phải lãnh việc chủ lễ. Mỗi
buổi lễ như thế kéo dài từ sáu đến tám tiếng đồng
hồ. Sang năm thứ hai, tôi bắt đầu chán và mệt vì yếu
hơi không thể dẫn chúng được nữa. Cùng lúc tôi hay bị
tức thở và nhói nơi ngực. Sau cùng tôi đành phải bỏ luôn
chức chủ lễ, tuy thế tôi vẫn bị khó thở giống như có
một cục đá đè nơi ngực vậy. Tôi bị khổ sở trong mấy
tháng trời, áp dụng đủ mọi cách hít thở Yoga phối hợp
với Thiền tọa nhưng chỉ bớt chút ít thôi, vì hễ tụng
lớn một chút lại bị tức thở hụt hơi ngay. Mãi sau này,
khi ra thất tôi có dịp nghiên cứu thêm về tâm lý học, Ðông-Y
và tu tập Yoga ở Trung Tâm Sivananda, tôi mới hiểu rõ phần
nào căn bệnh của mình. Lúc đầu tôi đổ tại nghiệp, nghĩ
chắc là mình tạo ác nên nay phải trả nghiệp tức ngực,
khó thở, vì các Sư Tây Tạng tụng kinh suốt bảy, tám tiếng
đồng hồ mà đâu có ai tức ngực khó thở.
Trong Y học dân tộc có câu : "Thông,
tắc bất thống, thống, tắc bất thông."
Khí huyết lưu thông thì không có
nơi nào bị bế tắc mà sinh ra bệnh. Nếu có bệnh tức là
khí huyết không thông.
Theo Tây-Y, nguyên nhân gây ra bệnh
là vi trùng. Cách chữa bệnh của họ là cho thuốc giết vi
trùng. Nếu thử máu, chiếu điện không thấy triệu chứng
bất thường thì đối với họ, bạn không có bệnh.
Theo Ðông-Y, nguyên nhân gây ra bệnh
là sự mất thăng bằng âm dương trong cơ thể, khiến khí
huyết không lưu thông, tĩnh mạch bế tắc, tạng phủ suy nhược.
Từ đó vệ khí (khí bao bọc chung quanh người) yếu dần,
vi trùng, vi khuẩn dễ xâm nhập. Vi trùng ở đâu chả có,
nó đầy khắp trong không khí, khi cơ thể yếu, kháng trùng
ít thì nó xâm nhập. Nếu so sánh thì quan niệm nguyên nhân
gây ra bệnh của Ðông-Y vi tế hơn Tây-Y một bậc. Nhưng con
người đâu phải chỉ có thể xác không thôi, còn có tinh
thần nữa. Thất tình, lục dục quá nhiều cũng có thể gây
ra bệnh, điều này Ðông-Y có nói tới.
Khi nói đến bệnh, người ta thường
chia ra làm hai loại: thân bệnh và tâm bệnh, tới bây giờ
các tôn giáo chỉ chú trọng chữa tâm bệnh thôi, còn thân
bệnh để dành cho các bác sĩ và lương y. Trên lý thuyết
phân chia như vậy có vẻ dễ giải quyết, nhưng thực tế
đâu phải như thế. Thân và tâm đâu phải là hai thực thể
cách biệt, thân tâm thẩm thấu vào nhau. Thân bệnh thì làm
sao tâm vui cho được trừ khi bạn là người tu cao đã đạt
đến trạng thái Bất động Ðịa. Và nếu tâm buồn thì thân
cũng khó mà an. Do đó có những bệnh gọi là bệnh tâm thể
(psychosomatique), do những cảm xúc (émotion) phát xuất từ tâm
rồi truyền dần phát ra thành bệnh nơi thể xác. Ða số người
tu, do dồn nén tình cảm, từ chối thể chất, nên dễ mắc
bệnh này. Chính tôi là một bệnh nhân, bệnh tức ngực, khó
thở của tôi cũng thuộc loại này. Quý Thầy bị bệnh tiểu
đường, ung thư, các Sư Cô bị bệnh tử cung, phần lớn cũng
do tâm thể dồn nén cảm xúc, từ chối không muốn biết đến
thân thể của mình vì cho nó "bất tịnh". Tôi đã tụng Tâm
Kinh Bát Nhã hàng ngày mà hình như hai chữ bất cấu, bất
tịnh vẫn chưa in vào đầu tôi được chút nào, có lẽ vì
cái ngã Ðại Ðức của tôi chỉ muốn mình là Thầy tu chân
tịnh mà thôi.
Vì lầm cho Tu chỉ là Tu tâm, nên
tôi đã làm ngơ đối với thể xác của mình,và như vậy
tôi đâu có tu thân. Khi tâm tham khởi lên, tôi biết có tâm
tham và tôi thiền quán để chữa cho tâm hết tham, đó là
tôi chữa (tu) tâm khỏi bệnh tham. Nhưng khi đau bụng, nhức
đầu, khó thở tôi đâu có biết đó là những dấu hiệu
cầu cứu (S.O.S.) của thân, nó báo cho tôi hay là có những
sự bất ổn bên trong, và tôi cứ làm ngơ tụng kinh, ngồi
thiền, dùng ý chí khống chế thể xác. Ðương nhiên tôi có
thể khống chế như vậy được vài lần, vài tháng, vài năm
và tôi sẽ cảm tưởng rằng tôi làm chủ được thân thể
mình, nhưng thực tế thì tôi là một kẻ ngu si đè nén cảm
xúc, tạo ra nội kết. Ðến một ngày nào những nội kết
này bộc phát ra thành bệnh. Như vậy bệnh là một tiếng
chuông tỉnh thức, một thiền trượng gõ vào đầu thiền
sinh mê ngủ hoặc đang chìm trong dòng ảo tưởng. Bệnh khổ
đương nhiên là một nghiệp quả, nhưng đó là kết quả của
sự vô minh. Tôi vô minh không biết tu thân,nên đã tạo nghiệp
khiến cho thân phải bị bệnh.
Trong quyển "Con đường chuyển hóa"
Thầy Nhất Hạnh đã dùng đến danh từ "nội kết" rất hay.
Tới bây giờ Phạn ngữ Samyojana được dịch là kiết sử,
kiết là kết tụ lại thành một khối, sử là ràng buộc
và sai sử. Khi nói đến kiết sử, ta thường liên tưởng
đến mười phiền não gốc : tham, sân, si, mạn nghi, thân kiến,
biên kiến v.v .... nhưng ta không ý thức được tính cách đúc
tụ thành một khối của chúng. Chữ nội kết rất hợp với
tâm lý học hiện đại, nó bao gồm tất cả những loại tình
cảm đa dạng. Con người là loài hữu tình, nếu bảo tu là
dứt hết tình cảm trở thành vô tình như cây như đá thì
có khác gì bảo con người đừng làm người nữa. Từ tình
cảm (sentiment) sinh ra cảm xúc (émotion), trong Ðạo Phật thường
gán cảm xúc vào phiền não (émotion perturbatrice) và đa số
thường có khuynh hướng đàn áp tiêu diệt cảm xúc. Ðây
là điều không hợp khoa học. Cảm xúc là những năng lượng
(énergie) rất mạnh không thể bị đè nén. Thí dụ một người
bình thường có vẻ yếu ớt, nhưng
khi cơn giận nổi lên,
anh sẽ cảm thấy sức mình như tăng vọt lên gấp mấy lần.
Với sức mạnh này anh có thể giúp ích hay làm hại kẻ khác
tùy theo sự hiểu biết hoặc vô minh của anh.
"Con đường chuyển hoá" cũng bàn
đến cách thức chuyển hoá nội kết rất có giá trị. Mật
Giáo Tantra không chủ trương tiêu diệt phiền não mà ngược
lại đón tiếp ân cần để chuyển hoá chúng.
Ngoài cách thức quản lý những
cảm xúc, Tantra đặc biệt nhấn mạnh đến việc chuyển hoá
năng lượng tính dục (énergie sexuelle). Ðây là một quan niệm
khác hẳn với quan niệm tu là phải diệt dục của Hiển Giáo
truyền thống. Hiển Giáo hình như chỉ chú trọng đến việc
tu tâm tích đức, tiêu diệt phiền não để cõi lòng được
thanh tịnh. Trong khi đó, Mật Giáo Tantra chú trọng đến tất
cả khía cạch của năng lượng (énergie). Mùa đông ở Âu
Mỹ trời lạnh, người ta thường dùng thức ăn có nhiệt
tố cao (calorie), những thức ăn này chuyển thành nhiệt lượng
giúp cơ thể chịu lạnh. Như vậy thức ăn tiềm chứa trong
đó những năng lượng của sức nóng. Nhưng nếu gặp trời
lạnh, ta cứ cầm trong tay mấy củ khoai hay cà rốt, mong cho
nó sưởi ấm mình thì bạn nghĩ sao? Hay là ta phải ăn vào
thì những năng lượng kia mới chuyển hóa thành nhiệt lượng
giúp cơ thể ta ấm hơn lên. Tất cả sự vật mà ta quen gọi
là lục trần (sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp) đều có những
năng lượng tiềm tàng của chúng. Nếu ta thông minh và biết
cách xử dụng chuyển hóa chúng thì sự tu hành sẽ dễ đạt
kết quả. Do đó Mật Giáo Tây Tạng chủ trương rằng Tantrayana
(Mật Thừa) dẫn đến Phật quả nhanh hơn Sutrayana (Kinh Thừa).
Về màu sắc, các Sư Tây Tạng mặc
màu đỏ chát (bordeaux) vì màu đỏ có khả năng kích thích
năng lượng sinh tồn (énergie vitale) và nhiệt lượng giúp
họ có sức chịu lạnh. Hơn nữa màu đỏ thuộc cực dương,
xứ Tây Tạng rất lạnh thuộc cực âm, mặc màu đỏ ở xứ
lạnh cũng là một cách quân bình âm dương. Trong bảy màu
của ánh sáng mà mắt thường có thể thấy được, có ba
màu thuộc dương : đỏ, cam, vàng, và bốn màu thuộc âm :
xanh lá cây, xanh da trời, xanh nước biển, tím. Mỗi màu sắc
đều có những năng lượng riêng của nó. Trong các Mạn Ðà
La (Mandala) của Tây Tạng, nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều
màu sắc đủ loại được sắp xếp theo luật rung động của
năng lượng (loi d'énergie vibratoire).
Các kinh chú Tây Tạng thường được
tụng với giọng rất trầm khác với giọng bổng của người
Việt. Vì giọng trầm có khả năng kích thích các luân xa (chakras)
phía dưới cơ thể, nơi tiềm tàng năng lượng sinh tồn (énergie
vitale) và năng lượng tính dục (énergie sexuelle).
Các hình Phật Tây Tạng thường
được vẽ dưới trạng thái Yab-Yum. Yab có nghĩa là Cha, Yum
là Mẹ. Yab-Yum có nghĩa là giao hợp, tương đương với nghĩa
Yoga (union) là hợp nhất. Tới đây tôi nhớ lại một lần,
các Lạt Ma Tây Tạng tặng cho thư viện Chùa Linh Sơn mấy
tấm tranh Phật (thangka), trên đó có hình Phật Yab-Yum. Sư
Cô tri tạng trông coi thư viện lúc bấy giờ không dám treo
lên, vì Sư Cô nói với tôi rằng :"Hình Phật gì mà kỳ quá!
Sao họ lại vẽ hình Phật ôm người nữ"? Nhưng hình Phật
Yab-Yum chỉ là biểu tượng, Phật nam tượng trưng cho phương
tiện thiện xảo (upaya), Phật nữ tượng trưng cho trí huệ
(prajna). Sự hợp nhất giữa nam tính và nữ tính, hoặc âm
dương, là chìa khóa căn bản của Tantra tối thượng (Anuttara
Yoga Tantra).
Tantra Tây Tạng được chia làm bốn
loại :
1 - Kriya Tantra.
2 - Carya Tantra.
3 - Yoga Tantra.
4 - Anuttara Yoga Tantra.
Tantra nào cũng dẫn đến giải thoát,
nhưng khác nhau ở phương tiện tu hành. Trong ba năm nhập thất,
tôi được học nhiều về Anuttara Yoga Tantra. Anuttara, Hán Việt
phiên âm là A Nậu Ða La có nghĩa là không gì cao hơn. Loại
Tantra này xử dụng nhiều đến năng lượng cảm xúc (énergie
émotionnelle) và năng lượng tính dục (énergie sexuelle). Khi
nói đến tính dục thì phải nói đến âm tính và dương tính,
hoặc nói cách khác là nữ tính và nam tính. Chữ tính ở đây
không phải là tính tình mà là nguyên lý (principe). Vạn vật
trong vũ trụ đều có thể xếp vào hai loại: âm và dương.
Ở đây ta tìm thấy giáo lý của Ðạo Lão, bậc thánh nhân
là người biết sống thuận với Trời Ðất, Trời thuộc
dương, Ðất thuộc âm. Ta cũng thấy sự trùng hợp với y
lý cổ truyền, người mạnh khỏe là người biết điều hoà
quân bình âm dương trong cơ thể. Con người có hai loại: nam
và nữ. Một ngày hai mươi bốn tiếng cũng có hai phần: ngày
và đêm. Một cục nam châm cũng có hai đầu: cực dương và
cực âm. Ðiện cũng có hai loại: điện âm và điện dương.
Một hạt nguyên tử cũng có dương tử (proton) và âm tử tức
điện tử (electron).
Nói chung tất cả đều có thể
xếp loại âm dương. Âm tính thì bị thu hút bởi dương tính
và ngược lại dương tính cũng bị thu hút bởi âm tính. Khi
trưởng thành, người nam thường đi tìm một người nữ để
kết hôn. Người thường không để ý tại sao lại như vậy?
Họ cho rằng đó là lẽ tự nhiên, Ông Trời sinh ra như thế
thì cứ sống như thế, hơi đâu mà tìm hiểu làm chi cho mệt.
Sự kết hôn nam nữ là việc đi tìm hạnh phúc trăm năm, vì
người đàn ông là một nửa vòng tròn (bán cầu) đi tìm một
nửa vòng tròn khác để kết hợp lại thành một vòng tròn.
Khi vòng tròn được thành hình thì gọi là viên mãn, viên
là tròn, mãn là đầy đủ. Viên mãn tức là hạnh phúc. Nhưng
thực tế đâu phải đơn giản như vậy. Vấn đề thường
xẩy ra là hai nửa vòng tròn kia không cùng kích thước. Một
nửa quá lớn hoặc một nửa quá nhỏ. Và như vậy thì không
có sự viên mãn, tức không có hạnh phúc. Trên phương diện
tình cảm một người nam khi gặp một người nữ hợp nhãn,
hợp ý, thì tưởng rằng hai người có thể sống chung hạnh
phúc. Nhưng sau một thời gian, anh nhận ra mình đã tưởng
lầm. Ðến đây thường có hai trường hợp: hoặc anh ta chịu
sống trong đau khổ cố giữ hai bán cầu không cùng kích thước
dính vào nhau, hoặc anh ly dị để tìm một nửa vòng tròn
khác với hy vọng rằng nó sẽ cùng kích thước với nửa
vòng tròn của anh. Nhiều khi gặp hên, hoặc do phước duyên
đời trước, anh tìm được một nửa vòng tròn đúng kích
thước, một người yêu lý tưởng, thuận vợ, thuận chồng,
sống hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long.
Người thường là như vậy, còn
người tu thì sao? Người tu đâu có thể lấy vợ, lấy chồng
được! Mà nếu thế thì âm dương mất quân bình, và người
tu sẽ mãi mãi là một nửa vòng tròn cho đến hết đời.
Nửa vòng tròn thì đâu gọi là viên mãn. Không viên mãn thì
làm sao có hạnh phúc, có an lạc được! Nếu tu là để thiếu
thốn, khao khát hạnh phúc thì tu làm chi cho khổ! Có người
sẽ trả lời : tu là khổ bây giờ để có hạnh phúc mai sau.
Nếu được như vậy thì tốt lắm, nhưng chỉ sợ không được
như vậy thôi! Nếu tu mà có được hạnh phúc ngay bây giờ
và luôn cả mai sau thì có tốt hơn không?
Thật ra người tu vẫn đi tìm một
nửa vòng tròn khác để kết hợp lại thành một vòng tròn.
Sự kết hợp này gọi là hợp nhất (nhập lại thành một)
tiếng Phạn gọi là Yoga (union). Hành giả Ấn Giáo Yogi, tu
tập Du Già (Yoga) để tìm sự hợp nhất với Brahma (Phạm
thiên). Các tu sĩ Ðạo Thiên Chúa cũng đi tìm sự trở về
với Thượng Ðế. Thiền Sư đi tìm sự trở về với bổn
tánh hay Phật tánh. Người tu khôn khéo là người biết đi
tìm nửa vòng tròn kia ngay nơi mình, không tìm kiếm bên ngoài.
Ðó là lý do tại sao Thiền Sư không đi tìm Phật bên ngoài.
Nhưng đâu phải người tu nào cũng biết như vậy. Vấn đề
mà tôi muốn nói ở đây là sự giải quyết những năng lượng
tính dục nơi người tu, nhất là cho những thanh thiếu niên
xuất gia. Họ là những người ở lứa tuổi mà năng lượng
tính dục đang phát triển mạnh nhất, khác với những người
lớn tuổi đã có gia đình, vợ con rồi mới xuất gia. Năng
lượng tính dục hay bất cứ năng lượng nào khác cũng cần
được hiểu để xử dụng và chuyển hóa trong việc tu hành.
Tôi rất vui khi về Làng Hồng thấy
Tăng Ni ở đó được quyền chơi đá banh, bóng chuyền. Ðó
là những hình thức lành mạnh giúp cho những năng lượng
trong cơ thể có cơ hội thoát tiết ra ngoài để quân bình
hóa âm dương. Ở Việt Nam, quý Hoà Thượng hay Thượng Tọa
cũng chơi thể thao, bóng bàn hoặc luyện võ như các Sư Chùa
Thiếu Lâm trong phim Tàu, v.v...Ðó là những phương tiện thiện
xảo (upaya) để quân bình hóa những năng lượng trong tâm
hồn và thể xác. Nếu không có những cơ hội như vậy thì
người tu sẽ phải đè nén tình cảm, đàn áp cảm xúc và
từ từ đi đến chỗ sinh bệnh. Tệ hơn nữa là các vị quản
chúng, chúng trưởng thường không có khái niệm về khoa học,
sinh lý, tâm lý và y lý nên thay vì tìm phương cứu chữa,
lại gieo vào đầu bệnh nhân mặc cảm tội lỗi: "Chắc con
nghiệp nặng nên mới ra nông nỗi này" hoặc "Ðây là bệnh
nghiệp, thôi con ráng trả", hoặc "ráng trì kinh Dược Sư đi
sẽ khỏi", v.v...
Trở về giáo lý Tantra mà tôi được
học, con người có hai thân: thân tứ đại thô kệch và thân
vi tế. Trong thân vi tế có đến 84.000 kinh mạch nhưng quan
trọng nhất là ba kinh chính: Tạng ngữ là Uma, Roma, Kyangma,
Phạn ngữ là Sushumna, Pingala, Ida. Sushumna là kinh chính giữa
chạy dọc theo xương sống từ trên đỉnh đầu xuống tới
hậu môn. Ida và Pingala là hai kinh phụ bắt đầu từ hai lỗ
mũi chạy lên đỉnh đầu rồi trở xuống quyện quanh Sushumna
và giao nhau ở các luân xa (chakras). Ida là kinh bên trái màu
trắng tượng trưng cho năng lực của mặt trăng thuộc âm.
Pingala là kinh bên phải màu đỏ tượng trưng cho năng lực
của mặt trời thuộc dương. Mục đích của hành giả Tantra
là làm sao hít thở điều khiển đưa hai luồng khí âm dương
nhật nguyệt từ Ida và Pingala xuống dưới hậu môn chạy
trở vào kinh chính Sushumna, đánh thức luồng hỏa hầu Kundalini
nằm ở luân xa thứ nhất (Muladhara). Kundalini là một năng
lực vô cùng siêu phàm, nó sẽ chạy dọc theo kinh chính đi
qua từng luân xa một để cuối cùng lên đến luân xa thứ
bảy (Sahasrara) và từ đó nhập một với Thượng Ðế, Phạm
Thiên, Phật hay Chúa... Khi đưa được hai luồng khí prana vào
Sushumna, hành giả sẽ có cảm giác khoái lạc tương đương
với sự giao hoan của nam nữ. Do đó hành giả Tantra không
cần phải đi tìm một người nam hay nữ bên ngoài để giao
hoan mà tìm cách giao hợp ngay trong thân mình hai tính âm dương
nam nữ.
Người tu là người biết được
nửa vòng tròn khiếm khuyết kia nằm sẵn tiềm tàng nơi mình
và tìm cách làm nó phát hiện để cuối cùng chính mình trở
thành một vòng tròn viên mãn.
Một người đàn ông mà nghĩ rằng
mình phải là nam nhi chi chí, không được có nữ tính thì
người đàn ông này dễ trở thành vũ phu, không biết thông
cảm niềm đau nỗi khổ của vợ con.
Một người đàn bà hoàn toàn nữ
tính, yếu đuối ủy mị, đa sầu đa cảm, không có được
một chút cứng rắn của nam tính thì người đàn bà này sẽ
dễ đau khổ vì tình, thường có khuynh hướng đi tìm một
đấng "anh hùng" để nương tựa, và vô tình hay cố ý cam
chịu cuộc đời "chồng chúa vợ tôi".
Tóm lại người tu hay nói chung là
người muốn sống an vui hạnh phúc cần phải biết những
nguyên lý âm dương nam nữ hầu giải tỏa và chuyển hoá những
nội kết cảm xúc của mình.
Nếu tu chỉ là tu tâm mà thôi thì
sự tu đó còn thiếu phân nửa. Ðối với tôi, tu là tu
cả hai: tu thân lẫn tu tâm. Tinh thần và thể xác luôn
đi đôi. Không thể có một tinh thần bạc nhược trong một
thể xác tráng kiện hay tinh thần minh mẫn trong một thể xác
bệnh hoạn. |