Người Cư Sĩ          [Mục lục]          [  Trang chính  ]                                                         [Chương I]   [Chương II]  [Chương III]
 
Mở đầu
Tôi bắt đầu đến với Ðạo Phật vào lúc 15 tuổi, nhân dịp lên chùa làm lễ cầu siêu cho ông nội tôi. Rồi từ đó tôi mua sách Phật đọc thường xuyên và thấy thấm thía làm sao. Năm 23 tuổi vào chùa đi tu, tôi tự nhủ thầm phải làm sao giác ngộ giải thoát ngay trong đời này, cố gắng noi theo gương của chư Tổ thuở xưa. Ôi, sơ tâm vào Ðạo bao giờ cũng ngây thơ và dễ thương. Nhờ đó nên tôi đã hăng say phục vụ chúng sinh (vì phục vụ chúng sinh là cúng dường mười phương chư Phật), hăng say học Ðạo, tranh đua cùng với huynh đệ. Sau một thời gian học những nghi thức cúng kiến, ứng phú căn bản của một Thầy tu cùng những giáo lý phổ thông để có thể hướng dẫn cho phật tử hàng tuần, tôi vẫn cảm thấy mình còn thiếu nhiều hiểu biết, nên tôi đã lên đảnh lễ Thầy Tổ xin phép rời chùa, rời đại chúng ra đi tầm Sư học Ðạo thêm.

Trong thời gian lang thang tầm Ðạo sống đời du Tăng nay đây mai đó, tôi đã gặp nhiều điều mâu thuẫn và vô lý trong cộng đồng tôn giáo. Từ đó tôi phân vân giữa hai phản ứng: hoặc mặc kệ làm ngơ, mạnh ai nấy sống, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm; hoặc nói lên cảm nghĩ của mình. Năm 1987 trong quyển Thiền Tứ Niệm Xứ tôi đã phát biểu cái nhìn của mình và đã bị một số quý Thầy không ưa. Thấy sự phản ứng đó nên những quyển sách sau tôi viết trong phạm vi dịch thuật hoặc khuyên răn phật tử cách thức tu hành.

Ở đời có hai hạng người: hạng thứ nhất luôn luôn tìm hiểu và đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời; hạng thứ hai không muốn suy nghĩ gì cả, chỉ muốn sống như những đàn cừu, đi làm, ăn no ngủ kỹ, vui chơi theo dòng đời. Người đời làm sao ta làm vậy.

Hạng thứ nhất rất ít, đó là những nhà cách mạng, tiên tri, giáo chủ, bác học... Hạng thứ hai là đa số quần chúng, từ giàu sang tỷ phú cho đến nghèo hèn ăn xin, từ chủ hãng giám đốc cho tới nhân viên, cu li. Tất cả những người chạy theo tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tham lam ích kỷ. Không bao giờ tự hỏi tại sao ta sinh ra ở đời, để làm gì, v.v...

Ðức Phật là một nhà cách mạng, ngài đã không thỏa mãn với những giáo điều cổ truyền bà la môn nên đã tự mình tìm ra một Ðạo lý mới. Ngài cũng cách mạng chống lại sự phân chia giai cấp của xã hội Ấn thời bấy giờ.

Trong quá trình lịch sử, nếu ta để ý, bao giờ cũng có những cuộc cách mạng sau một thời gian chìm đắm của nhân loại trong cơn mê ngủ. Nhưng rồi những cuộc cách mạng kia cũng không thoát khỏi luật vô thường, nó chỉ làm cho con người bừng tỉnh một thời gian, thay đổi tư tưởng và lối sống, rồi từ từ chính nó cũng bị đưa vào một lề lối nề nếp khiến cho các thế hệ sau lại tiếp tục chìm đắm trong những truyền thống cổ hủ và bảo thủ.

Trở về cá nhân tôi, từ lúc đến với Ðạo Phật, tôi đã nuôi một lý tưởng giải thoát như bao nhiêu người khác. Ðịnh sau khi tu học một thời gian, sẽ xin phép Bổn Sư đi tìm một nơi thanh vắng nhập thất tịnh tu. Ngày ngày hai thời công phu, trì tụng thêm các kinh khác như Kim Cang, Pháp Hoa, Niết Bàn, v.v... Quyết xa lánh thế tục, tham thiền nhập định để mau giác ngộ. Nhưng trời xui đất khiến làm sao, càng tu lại thấy mình càng dốt, cần phải tham cầu học hỏi thêm, vì có nhiều điều khúc mắc chưa thông làm sao an nhiên tham thiền nhập định hoặc tụng kinh trì chú suốt ngày suốt đêm được. Do đó thay vì ở yên nơi am vắng tịnh tu, tôi lại xách gói đi tầm Sư học Ðạo, khiến cho huynh đệ rủa thầm là tu hành gì mà cứ xách gói đi ta bà, không chịu ở một chỗ tụng niệm như mọi người, không chịu hoằng pháp lợi sinh, xây chùa lập hội, v.v...

Trong lúc làm du Tăng tầm Sư học Ðạo, tôi đã viết vài ba quyển sách chia xẻ kiến thức với bạn đạo. Riêng lần này, tôi không viết theo thứ lớp mạch lạc như những lần trước mà tôi để mặc tư tưởng mình, nhớ điều gì viết điều đó, lẫn lộn hồi ký và giáo lý.

Cũng cần nhắc bạn một điều, xin đừng cho những gì trong đây là chân lý. Vì đến bây giờ, chính tôi cũng không chắc là mình có tu đúng với Ðạo Phật hay không, hay là tu theo Ðạo gì mà tôi chưa biết tên. Xin để bạn đọc đặt tên cho Ðạo này sau khi đọc hết tập sách.

Paris, tháng 6 năm 1996
Thích Trí Siêu
Giác ngộ giải thoát

Ðạo Phật là một Ðạo giác ngộ, giải thoát. Nhưng giác ngộ là giác ngộ cái gì? Giải thoát ai? Giác là biết nhưng biết cái gì? Ngộ là nhận ra, nhưng nhận ra cái gì chứ? Giải là mở là gỡ ra, nhưng gỡ cái gì? Thoát là vượt khỏi sự trói buộc, nhưng cái gì trói buộc và trói buộc ai? Bốn chữ giác ngộ giải thoát chúng ta vẫn thường dùng nhưng bạn đọc có bao giờ tự hỏi mình chưa?

Bạn muốn giác ngộ cái gì? Chắc bạn muốn giác ngộ như Ðức Phật Thích Ca khi xưa phải không? Nhưng Ðức Phật khi xưa đã giác ngộ cái gì?

Ðức Phật biết và nhận ra đời là bể khổ. Ðiều này chắc bạn đã biết và nhận ra rồi. Vậy bạn muốn giác ngộ cái gì hơn?

Ðức Phật biết và nhận ra nguyên nhân đưa đến khổ đau mà danh từ Phật Giáo gọi là Tập Ðế. Ðiều này chắc bạn cũng đã biết rồi, không nhiều thì ít. Nguyên nhân của đau khổ là tam độc tham sân si, hoặc thập triền thập sử... Vậy bạn muốn giác ngộ cái gì hơn nữa?

Ðức Phật biết và nhận ra Niết Bàn là trạng thái an vui tịch tĩnh không còn bóng dáng của khổ đau. Ðiều này chắc bạn cũng biết rồi, nhưng chắc bạn chưa chứng được Niết Bàn phải không? Vậy bạn phải làm gì để chứng Niết Bàn?

Ðức Phật biết và nhận ra con đường dẫn đến Niết Bàn (Ðạo Ðế). Ðiều này chắc bạn cũng biết rồi, Ðạo Ðế gồm 37 phẩm trợ đạo: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Ðề Phần, Bát Chánh Ðạo. Vậy bạn đang đi trên con đường nào dẫn đến Niết Bàn?

Tóm lại, bốn điều trên (Tứ Diệu Ðế) là điều mà Phật đã giác ngộ, bạn cũng đã biết, vậy bạn muốn giác ngộ cái gì hơn nữa?

Tứ Diệu Ðế là giáo lý căn bản của Ðạo Phật hầu như ai cũng biết. Vậy chúng ta giác ngộ rồi phải không? Chắc bạn sẽ trả lời là không. Vậy bạn còn thiếu cái gì nữa mà chưa giác ngộ?

Tất cả những gì Phật biết, ngài đã dạy lại cho chúng ta trong kinh điển rồi, ngài đâu có dấu diếm điều gì. Vậy chúng ta chỉ việc y theo kinh điển mà tu hành thì chắc sẽ thành Phật. Nhưng khổ nỗi, tham cứu kinh điển đâu phải chuyện dễ. Nào kinh Tiểu Thừa, kinh Ðại Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tiệm Giáo, Ðốn Giáo, v.v...

Trong các kinh Ðại Thừa lại có các kinh được xem là vua trong các kinh. Nếu chỉ có một vua thôi thì còn đỡ, đàng này có đến mấy ông vua, làm sao biết vua nào là vua lớn nhất?

Thói thường ai mà chả thích làm quen với vua, vì quen vua thì được hưởng nhiều đặc ân. Bởi vậy đa số đi tìm những kinh lớn, vua trong các kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, v.v... để trì để tụng. Nhưng tụng nhiều để được phước hay để giác ngộ? Mà giác ngộ cái gì? Ðược phước cho ai chứ? Cho cái Ta điên đảo, ích kỷ chăng? Hay cho chúng sinh? Mà ta có biết chúng sinh là ai không, hay là chỉ biết đến cái Ta, cái của Ta, con Ta, vợ Ta, nhà Ta, chùa Ta, phật tử của Ta?

Tuy vậy chưa đến nỗi tệ lắm vì còn có một số khác trí huệ thông minh hơn, biết đi nghe giảng kinh, sưu tầm băng kinh của Hoà Thượng này, Thượng Tọa nọ, cho là mình hiểu kinh lớn rồi nhìn người khác bằng nửa con mắt. Kinh Phật chỉ là phương tiện, không phải là chân lý, chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng. Vậy mà đa số đều cho là mình hiểu kinh Phật hơn kẻ khác rồi sinh ra ngã mạn khinh người. Học Kinh, tụng Kinh như vậy có đưa đến giác ngộ giải thoát không hay chỉ tạo thêm vô minh phiền não?

Giác ngộ cái gì? Ðối tượng của giác ngộ hoàn toàn tùy thuộc trình độ, căn cơ và sở thích của bạn.

Thanh Văn giác ngộ Tứ Ðế, Duyên Giác ngộ lý Nhân Duyên, Bồ Tát giác ngộ lý như huyễn ra vào sinh tử tự tại.

Còn bạn muốn giác ngộ cái gì? Giác ngộ bổn lai diện mục của mình chăng? Giác ngộ ông chủ hay Phật tánh? Vì bạn tu thiền!

Hay bạn muốn giác ngộ tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ vì bạn tu theo Tịnh Ðộ? Hay giác ngộ tức thân thành Phật theo Mật Tông?

Nhưng nếu bạn không tu Thiền, Mật hay Tịnh Ðộ thì bạn muốn giác ngộ cái gì? Giáo lý của Phật bao la đâu phải chỉ hạn hẹp chung quanh mấy danh từ Phật tánh, bổn lai diện mục, Thiền, Tịnh hay Mật. Giác ngộ cũng vậy hay nói đúng hơn là đối tượng của giác ngộ cũng bao la, đâu cứ phải vào chùa hoặc đi tu mới có giác ngộ! Giác ngộ có thể tìm được trong kinh này kinh nọ không? Hay cần được tìm thấy ngay trong đời sống hàng ngày?

Bạn có thấy nhiều người đi chùa hằng bao nhiêu năm, trì kinh không biết bao nhiêu bộ mà cách đối xử còn tệ bạc hơn những người không biết Ðạo Phật không?

Nếu đi tìm giác ngộ thì hãy xác định lại đối tượng giác ngộ của mình. Giác ngộ cái gì? Cái đó có giúp ta sống an vui hạnh phúc với người xung quanh không?

Bây giờ nói đến giải thoát. Ví dụ ta bị ai bắt, trói chân trói tay, nhốt vào một căn nhà. Sau đó ta tìm cách cởi được giây trói chạy thoát khỏi căn nhà. Khi chạy ra khỏi thì gọi là giải thoát.

Trong Kinh nói ba cõi không an, ví như nhà lửa (tam giới vô an, du như hỏa trạch), do đó cần phải tu để cầu giải thoát. Nhưng ai bắt ta? Ai trói ta? Trói ta bằng gì? Nhốt ta ở đâu?

Trong quyển "Vô Ngã" tôi đã nói rõ về vấn đề này. Ở đây chỉ nói sơ lược là không ai có thể làm khổ ta ngoài chính ta. Xưa kia Ðức Phật cũng bị ngoại đạo tìm đủ mọi cách hãm hại, mắng chửi nhưng ngài đâu có khổ mà ngược lại vẫn an nhiên tự tại. Trời mưa, trời nắng, người khen, kẻ chê, tất cả những cái đó chỉ là ngoại cảnh. Nếu không làm chủ được tâm, để vọng niệm khởi lên dính mắc làm ta đau khổ, đó là lỗi tại ta, đâu phải tại người.

Ðến chùa nghe người ta dèm pha nói xấu mình, tại sao mình lại khóc? Bài học giải thoát ở đâu? Người kia thiếu hiểu biết đã tự đầu độc tâm mình bằng tư tưởng xấu, tự làm nhơ miệng với lời nói xấu. Ðâu có ăn nhằm gì đến mình, tại sao mình khóc? Phải chăng cái Ta (ngã) của mình bị chạm tự ái? Bạn hãy đi tìm cái Ta (égo) của mình đi.

Giáo lý, Giáo điều, Giới luật

Bất cứ tôn giáo nào trên thế giới cũng đều bắt nguồn từ một cá nhân xuất chúng, một bậc siêu nhân phát minh ra được một chân lý hay nguyên lý nào đó. Rồi vị siêu nhân này đi rao giảng truyền bá lại cho quần chúng, trở thành giáo chủ và những lời dạy của giáo chủ trở thành giáo lý (doctrine).

Ðức Phật Thích Ca tương đối có đông đệ tử nhất, 1250 vị. Chúa Giê-Su có 12 tông đồ. Mahomet giáo chủ Ðạo Hồi chỉ có 5 đệ tử lúc đầu. Lão Tử thì chỉ một mình một trâu, còn Khổng Tử thì chỉ vài chục môn đệ bôn ba theo Thầy.
Theo tôi nghĩ, những vị giáo chủ này, đương thời họ đâu có muốn trở thành giáo chủ hay vị thống lãnh nào mà họ chỉ muốn chia xẻ với quần chúng tư tưởng của họ hoặc truyền bá một thông điệp nào đó mà thôi. Và như thế giáo lý cốt chỉ để chuyên chở thông điệp (message). Nếu không nhận được thông điệp thì giáo lý trở thành triết lý tràng giang đại hải. Rồi hàng môn đệ về sau mỗi người hiểu một ý, sinh ra chống báng lẫn nhau. Ðể tránh tình trạng này, họ mới cùng nhau đúc kết lại những điều căn bản của giáo lý, lấy đó làm nền tảng bất di bất dịch, bất khả xâm phạm, không ai được quyền sửa đổi nữa. Ðây gọi là giáo điều (dogme).

Giáo lý tuy nhiều nhưng không đáng ngại. Giáo điều tuy ít nhưng lại nguy hiểm vì nó làm cho người ta mắc kẹt, dễ hiểu lầm là chân lý. Giáo điều dạy chúng ta phải như thế này, phải như thế kia. Tu hành phải ăn chay niệm Phật, phải đi chùa cúng kiến, làm công quả, nếu không thì sẽ bị tội, v.v... Hoặc như bên Ðạo Chúa có người cho rằng nếu không đi nhà thờ ngày chủ nhật thì chết sẽ xuống địa ngục. Hoặc bên Hồi Giáo, ai mà phạm thượng đến Allah thì phải bị xử tử, v.v... Khi giáo điều được mọi người tin là chân lý thì giáo điều trở thành tín điều. Tóm lại giáo điều là một loại giáo lý đã bị đóng khung cứng ngắc.

Giới luật cũng là một loại giáo điều trên phương diện cư xử trong đời sống hằng ngày.
Trong luật Tứ Phần nói 12 năm đầu, đức Phật chưa chế giới luật vì Tăng chúng thanh tịnh. Ðến năm thứ 13, có những vị xuất gia sau, tu hành thiếu xót, gây ra nhiều phiền phức, lúc đó Phật mới tùy phương tiện chế ra giới luật, tùy bệnh cho thuốc. Nhưng lại có những người chấp thuốc thành bệnh. Thí dụ trong luật Tỳ Kheo cấm không được leo cây cao quá đầu người, thế rồi ngày kia có vị Tỳ Kheo đi vào rừng gặp cọp dữ, hoảng sợ bỏ chạy, bám vào cây nhưng không dám leo lên cao quá đầu vì sợ phạm giới, nên bị cọp nhẩy lên vồ trúng ăn thịt. Các vị Tỳ Kheo khác biết chuyện về thưa lại, đức Phật mới sửa thêm vào là trừ khi có nạn hay nhân duyên thì khai cho. Trong giới luật có giới tánh, giới tướng, có sự khai, giá, trì, phạm. Giới luật được chế ra tùy nhân duyên, căn cơ của đệ tử và bối cảnh xã hội đương thời. Từ lúc thành lập Tăng đoàn cho đến khi nhập diệt, đức Phật đã chế ra 250 giới cho hàng Tỳ Kheo trong 45 năm. Nếu đức Phật còn sống cho đến ngày nay thì chắc Tỳ Kheo phải có ít nhất là 2500 giới.

Trong Kinh Mahaparinibbana (Ðại Bát Niết Bàn) thuộc Trường Bộ Kinh, trước khi nhập diệt, đức Phật có nói với A-Nan, từ nay trở đi cho phép các Tỳ Kheo tùy nghi bỏ các giới cấm nhỏ nhặt. Trong kỳ kết tập Kinh điển lần thứ nhất, Ca Diếp đã trách A-Nan sao không hỏi lại Phật giới nào là giới nhỏ nhặt. Và Tăng chúng lúc bấy giờ có lẽ vì kính nể Phật hoặc không thấy giới nào là nhỏ nhặt cả nên đã giữ lại hết.

Tu hành cần phải có giới luật vì giới luật là hàng rào giúp cho hành giả khỏi bị sa ngã. Nhưng giới luật cũng cần được uyển chuyển, khi khai khi trì tùy theo căn cơ và bối cảnh xã hội.
Nếu bạn là một phật tử chân chính chắc chắn bạn cũng muốn giữ giới tinh nghiêm. Giữ giới là việc rất tốt, đáng khen nhưng làm sao đừng rơi vào quá khích và ngã mạn.
Tôi có biết một Thầy, Thầy này chủ trương giữ giới nghiêm khắc, khi nói chuyện với phụ nữ thì đứng xa ba thước. Lỡ khi có cô nào đi ngang vô ý đụng vào Thầy thì liền sau đó Thầy đi thay và giặt ngay bộ áo. Vả khi có Thầy nào vô ý nói chuyện hơi lâu với nữ phật tử thì Thầy này cũng tới cho hay là nói chuyện "quá giờ" rồi. Trong chùa ai nấy đều nể và ngán Thầy vì Thầy giữ giới tinh nghiêm. Nhưng sau vài năm, không hiểu vì sao chính Thầy lại bỏ ra đi cưới vợ.

Về phần tôi, khi mới thọ giới Tỳ Kheo xong cũng muốn giữ giới kỹ lắm. Nếu giữ phần mình thì không nói làm chi. Ðàng này lại đi dòm ngó người khác xem họ có giữ giới không? Nếu ai giữ giới thì mình nể, không thì mình khinh. Nhiều lúc lại lên mách sư phụ nữa chứ. Có những lúc đi phật sự, ngủ chung phòng với quý Thầy khác, mặc dù mỏi lưng mỏi cổ muốn quay sang trái nhưng vì lỡ làm "Ðại Ðức" nên cũng phải ráng nằm im bên phải giống như tượng Phật lúc nhập Niết Bàn.
May cho tôi, từ lúc làm du Tăng có dịp tiếp xúc với nhiều truyền thống khác, quan niệm về giới luật của tôi cũng thay đổi và trưởng thành, không còn ngây thơ như trước nữa.

Vấn đề giới luật được nêu ra ở đây là vì ai cũng muốn mình là đứa con ngoan nhất của Phật, ai cũng cho mình là biết giới và giữ giới đúng hơn kẻ khác. Ngay cả khi đức Phật còn tại thế đã có một vụ tranh chấp giữa hai nhóm Tỳ Kheo. Sự việc xảy ra tại Kosambi, lúc đó chư Tăng đang nhập hạ. Có một Thầy phạm nhằm giới nhỏ liên quan đến cách thức xử dụng phòng vệ sinh, bị nhóm Tỳ Kheo giỏi về giới luật bắt lỗi. Nhóm Tỳ Kheo giỏi về Kinh thì không đồng ý vì cho rằng lỗi ấy không đáng. Nhóm nào cũng cho mình có lý, không ai chịu thua ai, gây ra tranh chấp và bất hoà trong Tăng chúng. Ðức Phật đích thân đứng ra hòa giải và dàn xếp nhưng không ai nghe cả. Do đó ngài bỏ đi một mình, đến khu rừng Parileyyaka nhập hạ dưới một gốc cây sala. Theo tích chuyện kể lại, trong thời gian này có một con voi và một con khỉ theo hầu cận bên ngài.

Cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhì tại Vaisali cũng bắt nguồn từ một sự tranh chấp về giới luật giữa hai nhóm Tỳ Kheo làm Tăng đoàn bị chia thành hai phái: Thượng Tọa Bộ (Théravada) và Ðại Chúng Bộ (Mahasanghika).
Là phật tử đâu có ai muốn Tăng đoàn bị chia rẽ, nhưng khổ nỗi lại cứ muốn cho mình hiểu kinh hiểu luật hơn kẻ khác. Muốn một đàng, làm một nẻo, nhân quả làm sao tương ưng được?

Nếu bạn là một Tỳ Kheo thì bạn sẽ giữ bao nhiêu giới? Nếu bảo là 250 giới thì chỉ đúng với người Việt và Trung Hoa thôi. Vì Tỳ Kheo Nam Tông chỉ có 227 giới và Tỳ Kheo Tây Tạng 253 giới. Tất cả đều là Tỳ Kheo, đều bắt nguồn từ đức Phật, tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Ai đã cắt bỏ, thêm bớt những giới luật trên? Không cần nói đến giới luật của Nam Tông hay Tây Tạng, riêng 250 giới của Tỳ Kheo Ðại Thừa Việt Nam, Trung Hoa, ngày nay có ai giữ đúng được con số ấy không? Tôi có nói chuyện về vấn đề này với một  số quý Thầy, hầu hết đều công nhận rằng có rất nhiều giới nhỏ không còn thích hợp với thời đại xã hội ngày nay. Nhưng không ai dám sửa đổi vì cho rằng mình không có thẩm quyền gì mà sửa đổi giới của Phật. Nếu làm vậy thì sợ mang tội đối với Tam Bảo, hai là sẽ bị người khác chửi rủa. Thôi thì giới của Phật đặt ra bao nhiêu thì cứ giữ bấy nhiêu, còn mình giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ngoài giới Thanh Văn ra còn có giới Bồ Tát, Giới Thập Thiện. Thích thọ cho nhiều mà có giữ được đâu?
Giới luật của Phật chế ra xưa kia tùy thuộc vào bối cảnh phong tục tập quán của xã hội Ấn thời bấy giờ. Ngày nay muốn cai dân trị nước một cách hữu hiệu, các chính phủ cũng phải sửa đổi luật pháp cho hợp thời thế, không những hợp với tình thế quốc nội mà cũng phải hợp với sự biến chuyển của quốc tế nữa. Ðương thời, sau khi chế giới, đức Phật đâu có độc tài, lúc cần ngài cũng uyển chuyển khai thị sửa đổi kia mà (ở đây nói về những giới Ba Dật Ðề, Pacittiya, trở đi).

Bàn về giới luật, tôi không có tham vọng sửa đổi vì tôi dư biết là không ai dám cả gan sửa đổi giới luật của Phật, dù đó là một Tăng Thống hay Ðại Lão Hòa Thượng. Mục đích của tôi muốn nhắc nhở bạn, nếu thọ giới thì đừng thọ cho nhiều để khi dễ kẻ khác, khi giữ giới thì đừng cho mình trong sạch hơn kẻ khác, khi học giới thì nên ý thức giới luật không phải là giới điều bất di bất dịch mà chỉ là phương tiện.

Dù muốn dù không, giới luật của Phật đã có hơn 2500 tuổi rồi, kính lão đắc thọ, điều mình có thể làm được là lập ra những giới mới thích hợp với thời đại hơn. Ðây là trường hợp giới Tiếp Hiện của Thầy Nhất Hạnh. Trong những giới mà tôi được biết, có thể nói giới Tiếp Hiện là giới hợp lý và hợp thời nhất với xã hội ngày nay. Tiếp Hiện có 14 giới, nhưng tôi thích nhất 2 giới đầu.

Giới thứ nhất: Không được thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay một lý thuyết nào, kể cả chủ nghĩa và lý thuyết Phật Giáo. Những hệ thống giáo lý trong Ðạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không là những chân lý tuyệt đối để bảo vệ và thờ phụng.

Giới thứ hai: Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch, như thế để tránh sự trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác...

Ðến đây xin bạn đọc đừng hiểu lầm là tôi quảng cáo cho Thầy Nhất Hạnh. Vì tôi chưa thọ giới Tiếp Hiện và có lẽ sẽ không bao giờ thọ thêm giới nào nũa. Tôi đã thọ quá nhiều giới luật rồi, nào là giới Tỳ Kheo, giới Bồ Tát, rồi thêm 24 giới của Kim Cang Thừa Tây Tạng. Giới luật đã làm tôi ngộp thở vì tôi dại dột không nhận ra chúng chỉ là những giới điều.

Cho tới bây giờ, giới luật của các tôn giáo thường có tính cách tiêu cực, cấm làm cái này cấm làm cái kia, nếu lỡ làm thì phạm tội, gọi chung là giới cấm.
Nếu cần thọ giới, tôi sẽ đi tìm giới tích cực, đó là những giới khuyên ta nên làm điều lợi ích. Xin lấy thí dụ để hiểu:
Giới tiêu cực                Giới tích cực
Không được trộm cắp        Nên bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo khó
Không được sát sinh          Nên tìm cách cứu mạng sinh vật
Không được tham sân si    Nên học thương yêu, hiểu biết

Mới nhìn qua, bạn có thể thấy hai cái không khác nhau mấy, nhưng thật ra khác nhau nhiều lắm. Nếu học giới tích cực bạn sẽ thấy cuộc đời mang một màu sắc mới, không còn màu sắc của ảm đạm, u buồn, đáng ngán. Một người biết thương yêu giúp đỡ kẻ nghèo khó làm sao có thể ăn trộm ăn cắp được? Giới tích cực bao trùm giới tiêu cực, nhưng giới tiêu cực không bao trùm được giới tích cực.
Tôi không trộm cắp nhưng tôi cũng không bố thí giúp đỡ ai cả.
Tôi không sát sinh nhưng ai chết thì mặc kệ, đâu liên quan gì đến tôi.
Giới tiêu cực là những hàng rào ngăn cấm. Giới tích cực là những chân trời mở rộng thênh thang, những cánh đồng bát ngát đón mời ta vào thế giới tự tại và do đó không thể gọi là giới được vì giới tức là hàng rào. Chỉ vì so sánh với giới tiêu cực nên tạm gọi là giới tích cực mà thôi.

Ăn chay ăn mặn

Trong một chuyến hành hương sang Ấn Ðộ, trên máy bay vào giờ ăn có vài vị Sư Nam Tông ăn thịt do chiêu đãi viên đưa tới. Thấy thế vài phật tử Việt Nam xì xào với nhau: "Mấy ông Thầy này tu hành kiểu gì mà ăn mặn, không biết từ bi chỗ nào!".

Một dịp khác, có một Thầy Việt Nam đi cùng với phật tử đến viếng thăm một trung tâm Phật Giáo Tây Tạng. Không biết Thầy này thơ thẩn làm sao mà lại đi ngang nhà bếp thấy họ đang xào nấu thịt bò, trở ra nói với phật tử: "Trời ơi, ở đây họ ăn thịt!".

Quan niệm của đa số phật tử Việt Nam là người tu hành không được ăn thịt, nếu ăn thịt thì không phải kẻ tu hành. Trong khi đó phật tử các nước Nam Tông khi nhìn vào người tu hành Bắc Tông thì họ nói: "Tu hành gì mà lại ăn chiều, không giữ đúng giới luật của Phật". Khi thấy quý Thầy ăn chay, họ hỏi: "Bộ quý Thầy theo Ðề Bà Ðạt Ða hay sao?". Nếu không may, Thầy nào thành thật trả lời: "Truyền thống chúng tôi tu hành phải ăn chay" thì họ bẻ lại ngay: "Trâu ngựa kia ăn chay ăn cỏ, vậy chúng cũng tu hành sao?".

Người ăn chay thì hãnh diện cho mình tu thật. Còn người ăn mặn nhưng ngày ăn một bữa thì cho mình tu đúng lời Phật dạy.

Là du Tăng có dịp lang thang qua các Tu-Viện không phải truyền thống Việt Nam nên tôi thông cảm, không bênh bên nào cả. Tôi chỉ nói về kinh nghiệm cá nhân của mình để bạn đọc tùy ý lựa chọn.

Trước hết, trở về dòng lịch sử. Xưa kia đức Phật và chư Tăng đi khất thực, ai cho gì thì các ngài ăn cái đó, không đòi hỏi phân biệt chay mặn. Trong bộ Mahavagga có vài giới cấm Tỳ Kheo không được ăn thịt của một số loài vật như: voi, ngựa, sư tử, rắn và chó. Như thế có nghĩa là được quyền ăn những loại thịt khác. Khi đi khất thực, Tỳ Kheo được phép ăn năm thứ thịt, gọi là ngũ tịnh nhục:

1. Thịt ăn mà không thấy người giết.

2. Thịt ăn mà mình không nghe tiếng của con vật kêu la.

3. Thịt ăn mà mình không nghi người ta giết vì mình và cho mình ăn.

4. Thịt của con thú tự chết.

5. Thịt của con thú khác ăn còn dư.

Cũng cần thông cảm là khi đi xin ăn, một vị khất sĩ không thể nào đòi hỏi thí chủ phải cúng cho mình thứ này thứ kia theo khẩu vị và ý thích của mình được. Hơn nữa khi đi khất thực, nhiều khi phải đi đến những làng mạc xa xôi hẻo lánh nơi mà thí chủ đa số không phải là phật tử.

Khi đi khất thực, ai cho gì mình ăn cái nấy, đây là một phương pháp tu hành rất hay, nó tập cho ta bỏ tánh ham ăn ngon, ăn nhiều, bỏ tánh đòi hỏi cao lương mỹ vị, tăng trưởng hạnh tri túc và tánh bình đẳng. Ðiển hình là Ðại Ðức Pindola Bharadvaja (Tân đầu Lô Phả La Ðọa) đã thản nhiên ăn ngón tay của một người cùi rụng rơi vào bình bát của ngài, khi người này cúng dường vật thực. Ở trường hợp này ta thấy việc ăn chay hay ăn mặn không còn là một vấn đề nữa. Ngoài ra trong giới Pratimoksha của Tỳ kheo, dù là 227 giới của Tiểu Thừa hay 250 giới của Ðại Thừa đều không có giới nào cấm ăn thịt cả. Do đó một Tỳ Kheo ăn thịt lạt hay thịt mặn, không thể bị xem là phạm giới được.

"Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối". Câu này không có nghĩa khuyên người nên ăn mặn mà cốt cảnh tỉnh người ăn chay. Vì có nhiều người ăn chay dễ dàng nên sinh lòng kiêu mạn, tự cho mình hơn người rồi khinh người ăn mặn. Hoặc có người mới bước vào Ðạo đã ăn chay trường ngay, cốt để người khác khen ngợi. Ăn chay như vậy là do lòng háo danh mà ra.

Tại sao phật tử Ðại Thừa lại có giới ăn chay? Trong hai kinh Ðại Thừa: Lăng Già và Ðại Bát Niết Bàn, đức Phật dạy đệ tử không được ăn thịt cá. Ðại ý trình độ chư Tỳ Kheo lúc ban đầu còn thấp kém, chưa có thể lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa nên Phật nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các Thầy dùng ngũ tịnh nhục. Sau này trình độ các Thầy khá hơn, lãnh thọ được pháp Ðại Thừa nên Như Lai cấm tuyệt không cho ăn thịt cá nữa. Nếu còn ăn các thứ ấy thì còn phạm giới sát sinh, không trực tiếp thì cũng gián tiếp sát sinh, làm mất hạt giống từ bi. Sau nữa Ðại Thừa có kinh Phạm Võng nói về Bồ Tát giới: gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, trong đó giới khinh thứ 3 cấm ăn thịt. Bởi thế người nào thọ giới Bồ Tát phải trường trai.

Gần đây năm 1987, Thượng Tọa Ðức Niệm soạn dịch quyển Tại Gia Bồ Tát Giới, gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh, trong đó không bắt phải trường trai nữa mà phải giữ ít nhất 6 ngày chay trong một tháng (giới khinh thứ 7).

Nếu ta thích ăn chay vì lòng từ bi hoặc giữ giới Bồ Tát thì ta cứ việc ăn chay, nhưng đừng nên chỉ trích coi thường người ăn mặn, vì họ cũng có lý của họ.

Ngoài ra vào thời đức Phật, Ðề Bà Ðạt Ða đã yêu cầu Phật ban hành thêm năm điều sau đây trong giới luật của hàng xuất gia:

1. Tỳ Kheo phải sống trọn đời trong rừng.

2. Tỳ Kheo phải sống đời du phương hành khất.

3. Tỳ Kheo phải đắp y Pamsakula (y may bằng những mảnh vải lượm ở đống rác hoặc nghĩa địa).

4. Tỳ Kheo phải sống dưới gốc cây.

5. Tỳ Kheo phải ăn chay suốt đời.

Với lòng từ bi và đức khoan dung, đức Phật tuyên bố rằng các đệ tử của ngài được tự do hành động về năm điều này, muốn áp dụng hay không cũng được. Ngài không bắt buộc phải theo chiều nào nhất định.

Vì lý do này nên khi thấy quý Thầy ăn chay, các Sư Nam Tông mới nói: "Bộ quý Thầy theo Ðề Bà Ðạt Ða hay sao?".

Nên biết ngày nay chỉ có chư Tăng Việt Nam, Trung Hoa và Ðại Hàn là còn truyền thống ăn chay, các nước khác đều ăn mặn. Nhất là Tây Tạng, không những ăn thịt mà lại ăn cả ba bữa nữa.

Trong giới Bồ Tát của Tây Tạng gồm 18 giới trọng và 64 giới khinh, không có giới nào cấm ăn thịt cả. Tôi đã thọ giới này với Ganden Tripa Rinpoché thứ 98 tại institut Vajrayogini trong dịp lễ Ðiểm Ðạo Yamantaka Tantra năm 1987. Cùng lúc ấy tôi cũng thọ giới Kim Cang Thừa gồm 14 giới trọng và 10 giới khinh. Trong 24 giới này cũng không có giới cấm ăn thịt. Bởi vậy chư Tăng và các Lạt Ma Tây Tạng ăn thịt như thường, nhất là thịt Yak (một loại bò núi rất to).

Một lần trong buổi thuyết pháp của Thrangou Rinpoché (một vị Lạt Ma cao cấp của phái Kagyupa), có người hỏi: "Tại sao các Sư Tây Tạng không ăn chay?". Thrangou Rinpoché trả lời:"Dân Tây Tạng giết một con Yak nuôi được 10 người trong một tháng, trong khi đó nếu rửa và nấu một bó cải làm chết biết bao côn trùng sâu bọ mà chỉ nuôi được một người trong một bữa. Vậy thì cái nào lợi và ai sát sinh nhiều hơn?".

Không biết bạn đọc có đồng ý không? Nhưng theo tôi câu trả lời của Thrangou Rinpoché cũng chỉ là một lối biện hộ cho người ăn thịt mà thôi. Ta có thể tranh luận mãi về vấn đề này, vì người ăn thịt sẽ có lý lẽ của người ăn thịt và người ăn chay cũng có lý lẽ của người ăn chay. Không ai chịu thua ai! Tu hành đâu phải để ăn thua đủ với nhau mà dành phần thắng về mình.

Như vậy ăn chay hay ăn mặn cái đó tùy ý bạn. Nhưng nếu là người muốn tu hành thì chắc bạn sẽ đồng ý với tôi rằng chúng ta ăn để sống chứ không phải sống để mà ăn. Ăn để nuôi thân, cho thân có sức khỏe để tu hành, hoặc nếu không tu thì cũng làm sao tránh khỏi bệnh tật, sống đời an vui.

Có câu "bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất", có nghĩa là mọi căn bệnh đều vào từ miệng và mọi tai họa đều từ miệng mà ra. Con người có hai phần: thể xác và tinh thần. Người đời thường chỉ lo cho thể xác, còn người tu lo tinh thần. Có nhiều người tu ăn chay chỉ ăn rau luộc chấm nước tương vì cho rằng việc ăn uống không quan trọng, việc tu niệm quan trọng hơn. Sau một thời gian cơ thể thiếu sinh tố dinh dưỡng, bệnh hoạn đủ thứ, lúc đó liền đổ tại nghiệp. Tôi thấy cái đó đúng là tại nghiệp, nghiệp vô minh không biết ăn uống đúng với luật dưỡng sinh. Thân thể ví như chiếc bè để qua sông sinh tử đến bờ Niết Bàn. Muốn qua sông mà không săn sóc chiếc bè, để bè mục nát, chưa đến giữa dòng bè đã tan rã, như vậy có đến được bờ bên kia không?

Ăn chay là điều rất tốt nhưng nên ăn chay một cách thông minh. Những hành giả Yogi Ấn Ðộ ăn uống rất kỹ lưỡng. Họ chia thức ăn theo ba loại: tamasique, rajasique và sattvique.

Thức ăn tamasique là những loại có tính chất làm hại cơ thể tiêu hao nguyên lực và làm tâm trí hôn ám đần độn. Ðó là thức ăn thiu chua hoặc quá chín, thịt cá, hành tỏi, rượu, thuốc lá, thuốc phiện, đồ hộp, đồ đông lạnh, v.v... Ăn quá no cũng được xem là tamasique. Hành giả Yogi tuyệt đối tránh ăn những loại thức ăn này.

Rajasique là những loại kích thích cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Nó kích thích luôn cả đam mê và làm mất tự chủ. Hành giả Yogi cố tránh những thứ này càng nhiều càng tốt. Ðó là trứng, cà phê, trà, đồ gia vị mạnh, quá chua, quá đắng, đường trắng, bột trắng, đồ hóa học, v.v... Ăn quá nhanh hoặc ăn nhiều thứ trộn lẫn cũng được xem là rajasique. Người tu thiền ăn những thứ này dễ bị loạn tưởng chi phối.

Sattvique là loại thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể, đầy đủ sinh tố, dễ tiêu, giúp cho tâm trí bén nhạy, sáng suốt và vắng lặng. Ðây là thức ăn chính của hành giả Yogi, gồm ngũ cốc, hoa quả, rau cải tươi, bơ, sữa, fromage, đậu hạt, mật ong, nước trái cây, nước suối, v.v...

Người ăn chay nên ăn những thức ăn sattvique, nhưng cũng phải biết ăn theo thời tiết bốn mùa, tùy theo phong thổ và tạng âm dương.

Thầy tu có vợ

Ðúng theo Ðạo Phật thì người xuất gia (mà chúng ta quen gọi là Sư Tăng) không được lập gia đình. Chữ Sư có nghĩa là Thầy, chỉ có Thầy Tăng mới không được quyền có vợ, còn những ông thầy khác như giáo sư (thầy dạy học), Kỹ sư (thầy kỹ thuật), Kiến trúc sư (thầy vẽ kiểu nhà), võ sư (thầy dạy võ) v.v... những ông thầy này được quyền có vợ chứ! Ngay cả Ðạo sư (thầy dạy Ðạo) cũng có vợ được nếu đạo sư đó không phải là Tăng.

Gần đây có một số phật tử Việt Nam theo học Ðạo với các Thầy Lạt Ma Tây Tạng. Những phật tử này thường vẫn còn khái niệm Thầy tu không được có vợ. Vì thế nên có một cô phật tử ở Canada đến nói với tôi rằng: "Con theo học với vị Lạt Ma này được hai tháng nhưng sau khi biết ông ta có vợ thì thôi, không theo học nữa".

Giá trị đạo đức của một ông Thầy không nên được đánh giá trên việc ông ta có vợ hay không có vợ. Ở Nhật Bản các vị Tăng đa số đều có vợ. Có nhiều chùa, sau khi vị trụ trì mất thì con của họ lên thay thế làm trụ trì. Có hai vị thiền sư Nhật nổi tiếng là Shunryu Suzuki (1905-1971) tác giả quyển "Thiền tâm, Sơ tâm" (Zen mind, Beginner"s mind) và Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) tác giả bộ "Thiền Luận". Khi nói về hai vị này, nhiều người gọi họ là Ðại Sư. Tôi tự hỏi không biết những người này có biết là hai Ðại Sư của họ có vợ chăng? Nếu biết thì có còn gọi là Ðại Sư nữa không?

Riêng theo truyền thống Tây Tạng thì có hai loại Lạt Ma. Lạt Ma Tăng không có vợ và Lạt Ma cư sĩ có vợ con. Chữ Lạt Ma (Lama) là dịch từ chữ Phạn Guru có nghĩa là Ðạo Sư, vị Thầy chỉ đạo. Phật Giáo được truyền vào Tây Tạng khoảng thế kỷ thứ 8 do Padma-sambhava (Liên Hoa Sanh), vị này là một Ðạo Sư nổi tiếng về Mật Giáo, xuất thân từ tu-viện Vikramasila, một tu-viện lớn ngang hàng với Nalanda. Padmasambhava có hai người vợ và cũng là hai đệ tử lớn. Chính ông đã sáng lập ra phái Nyingmapa (Cổ Mật), trong phái này đa số các Lạt Ma đều là cư sĩ nên chuyện có hay không có vợ không phải là một vấn đề. Sau đó vào thế kỷ thứ 11, có thêm hai phái nữa ra đời là Kagyupa và Sakyapa. Sơ Tổ Tây Tạng phái Kagyupa là Marpa qua Ấn Ðộ học Ðạo với Naropa rồi trở về xứ dịch kinh truyền Ðạo. Ðạo Sư Marpa có vợ và đệ tử xuất sắc nhất của ông là Milarépa, vị này không phải là Tăng mà là một đạo sĩ Du Già (Yogi, naldjorpa). Ðệ tử kế nghiệp Milarépa là Gampopa, một vị Tăng nên bắt đầu từ Gampopa trở đi đa số đều là Tăng, nhưng vẫn còn một phần ba là cư sĩ. Kế nghiệp Gampopa là Karmapa, bắt đầu từ vị này thì có sự tái sinh trở lại ngôi vị mình cho tới Karmapa thứ 16, vị này mới mất năm 1982. Karmapa là vị lãnh đạo tối cao của phái Kagyupa, tương đương với đức Ðạt Lai Lạt Ma. Vị Karmapa thứ 15 cũng có vợ. Sơ Tổ của phái Sakyapa là Sachen Kunga Nyingpo cũng có vợ và hai vị Tổ kế tiếp chính là hai con trai của ông. Ða số Lạt Ma của phái này là cư sĩ, vị lãnh đạo tối cao hiện nay là Sakya Trizin. Vào thế kỷ 14 có phái Guélugpa ra đời, Sáng Tổ là Tsongkhapa, một vị Tăng. Kế thừa sau này là Gendun Drub, Ðạt Lai Lạt Ma thứ nhất. Sau khi chết, vị này tái sinh trở lại mỗi đời, cho tới nay là Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 (Tenzin Gyatso).

Trong bốn phái lớn vừa kể, ba phái đầu được gọi là Hồng Mạo phái (phái mũ đỏ), phái chót là Hoàng Mạo phái (phái mũ vàng). Phái này rất tôn trọng giới luật nên đa số Lạt Ma đều là Tăng.

Kể sơ các dòng phái của Tây Tạng để bạn đọc và người nào muốn theo học với Phật Giáo Tây Tạng khỏi bị bỡ ngỡ trước vấn đề "Lạt Ma có vợ". Với dân Tây Tạng, một vị Lạt Ma có vợ hay không, việc đó không thành vấn đề. Hơn thế nữa, trong giáo lý Mật Tông Tây Tạng (Tantrayana) có những pháp môn mà trong đó hành giả cần phải có vợ hay một người nữ cùng tu để tập chuyển hóa những năng lực tính dục (énergie sexuelle) hầu sớm mau đắc đạo. Ðây là một điều mà phật tử Việt Nam không thể nào hiểu nổi, nhiều khi còn cho đó là bàng môn tả đạo. Và đây cũng là một lý do mà tôi không muốn truyền bá Phật Giáo Tây Tạng sau sáu năm học Ðạo với các Lạt Ma.

Tạm bỏ qua chuyện Sư Nhật hay Lạt Ma Tây Tạng có vợ, bây giờ nói đến chuyện Sư thật hoàn tục để cưới vợ. Theo truyền thống Phật Giáo ở các nước Nam Tông như Thái Lan, Miến Ðiện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, các vị Sư tu hành lâu năm hoàn tục vẫn được phật tử kính nể vì họ quan niệm rằng vị Sư đó dù đã hoàn tục nhưng kiến thức và phẩm chất đạo đức của ông vẫn không mất. Ngược lại trong giới phật tử Việt Nam thì lại quan niệm việc hoàn tục là một sự thất bại, có nghĩa là vị Sư đó tu hành không đến nơi đến chốn, không có nghị lực để bị sa ngã, v.v... Vì đa số phật tử quan niệm như thế nên các vị Sư hoàn tục thường có mặc cảm tội lỗi, hoặc xấu hổ rồi đoạn tuyệt hẳn với Ðạo Phật, không dám bén mảng tới chùa nữa. Như vậy không những chùa mất đi một vị Tăng mà còn mất luôn một người phật tử nữa. Ðây là một điều đáng tiếc và quan niệm này hãy còn thiếu nhiều thương yêu hiểu biết.

"Chiếc áo không làm nên Thầy tu" kia mà! Sao chúng ta cứ mải vô minh cố chấp vào hình thức? Tu là phải như thế này, phải như thế kia!

Từ lúc vào chùa đi tu đến nay, tôi đã chứng kiến nhiều huynh đệ hoàn tục. Ban đầu tôi cũng bất mãn, thầm trách Thầy tôi sao không khuyên răn ngăn cản họ. Nhưng rồi với thời gian, tôi hiểu và thông cảm, thấy rằng họ còn những bài học cần phải học, cần phải hiểu để tiến hóa. Ðạo không nhất thiết phải học ở trong chùa hay trong kinh sách mà Ðạo ở khắp mọi nơi.

Có nhiều phật tử phê phán: "Tội nghiệp Thầy đó nghiệp nặng, hoặc Sư Cô đó còn nặng nợ trần gian". Họ làm như mình không còn nặng nợ nữa vậy. Có biết đâu mình cũng nặng nợ như ai nhưng trốn nợ hoặc chưa tới lúc phải trả đó thôi.

Tìm thầy trong khung

Ði tìm Ðạo tức là đi tìm Thầy. Do đó có câu: "Tầm Sư học Ðạo". Vì thế chữ Ðạo không thể rời chữ Sư. Ðức Phật là một Ðạo Sư, người chỉ đường đến Niết Bàn và con đường này được gọi là Ðạo Phật. Chúa Giê-Su cũng là một Ðạo Sư, người chỉ đường về nước trời (Thiên Ðàng) và con đường này được gọi là Ðạo Chúa. Ngày nay hai vị Ðạo Sư này không còn nhưng có các đệ tử đại diện cho hai ngài, đó là quý Thầy Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức, hoặc các cha Linh Mục, Giám Mục, Hồng Y, v.v...

* Tìm Thầy hay tìm một người mẫu lý tưởng?

Trong quyển Vô Ngã, viết năm 1990, chương "Liên hệ Thầy trò", tôi có nói là người tu hành ban đầu rất cần sự hướng dẫn của một vị Thầy. Nếu theo một Thầy lành, ta sẽ trở nên lành; nếu theo một Thầy ác, ta sẽ trở nên ác. Do đó người tu hành phải sáng suốt lựa chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng tin tưởng. Nếu lựa chọn đúng thì sự tu hành gặp nhiều thiện duyên tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể thối thất đạo tâm, không muốn tu hành, nhiều khi đâm ra hận và chán ghét luôn tất cả Thầy khác.

Ở đây tôi sẽ không giới thiệu bạn một Thầy mẫu lý tưởng mà chỉ nói lên sự nhận xét của tôi về chuyện tìm Thầy.

Tìm Thầy cũng giống như tìm bác sĩ vậy. Khi bị bệnh muốn khỏi thì phải đi tìm bác sĩ. Thí dụ trong tỉnh bạn ở có 10 ông bác sĩ. Sự đi tìm bác sĩ có thể được chia ra làm ba giai đoạn:

1. Tìm bác sĩ gần nhà nhất.

2. Tìm bác sĩ nổi tiếng hoặc do người quen giới thiệu.

3. Chính mình đi hết 10 ông bác sĩ.

Khi mới bị bệnh, bạn sẽ tìm đến một ông bác sĩ gần nhà nhất. Nếu bệnh của bạn không nặng lắm và ông ta cho thuốc chữa khỏi thì bạn không cần tìm một ông bác sĩ khác nữa.

Nhưng nếu bệnh của bạn thuộc loại nan y và ông ta không chữa khỏi, hoặc bạn đi chữa nhiều lần mà không thấy khá thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy cần phải tìm một ông bác sĩ khác khá hơn. Bạn có thể tìm đến một ông bác sĩ nổi tiếng trong vùng hoặc nhờ người quen giới thiệu. Nếu ông bác sĩ này chữa bạn hết bệnh hoặc bạn cảm thấy bệnh tình thuyên giảm thì bạn sẽ tiếp tục đến với ông ta và không cần đi tìm một bác sĩ khác nữa. Nhưng nếu ngay cả ông bác sĩ nổi tiếng này cũng không chữa bạn hết bệnh được thì giải pháp thứ ba là bạn phải tự mình chịu khó đi khám hết 10 ông bác sĩ trong vùng, may ra sẽ tìm được một ông chữa cho bạn khỏi bệnh.

Trong trường hợp cả 10 ông bác sĩ trong tỉnh cũng không chữa hết bệnh thì có lẽ bạn phải chịu khó lặn lội sang tỉnh lân cận để tìm bác sĩ khác. Và đây là một giải pháp thứ tư. Ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết và sẽ có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng tôi tạm ngưng ở ba giai đoạn đầu.

Ði tìm Thầy học Ðạo cũng tương tự như vậy. Bình thường chúng ta không bao giờ nghĩ chuyện tới chùa. Ðến khi trong nhà có ai bệnh, ai chết cần phải cầu an, cầu siêu thì lúc đó ta đến đại một chùa nào gần nhà có Thầy cầu an, cầu siêu. Nếu bệnh của ta chỉ là bệnh cần tín ngưỡng, cần cầu xin ơn trên gia hộ thì tất cả chùa nào có đầy đủ tượng Phật trang nghiêm, có quý Thầy tụng niệm nhịp nhàng hợp nhĩ là có thể cứu khổ cho ta được rồi.

Nhưng có những người sau thời gian cầu an, cầu siêu bỗng nhiên nghe lòng chán ngán cuộc đời vô thường, muốn tìm hiểu nhiều hơn và bắt đầu thỉnh kinh sách về đọc. Càng đọc càng thấm thía, muốn tìm hiểu hơn, muốn đi nghe thuyết pháp, muốn tu thiệt, muốn ngồi thiền, trì chú, v.v... Nếu vị Thầy trụ trì ở đó ngoài việc ứng phú, tụng kinh làm đám, còn biết giảng Ðạo thuyết pháp thì quá tốt, ta sẽ không cần phải đi tìm Thầy khác học Ðạo. Nhưng nếu sau một thời gian học Ðạo với Thầy, ta cảm thấy mình thông minh quá, học đâu hiểu đó và hình như Thầy cứ giảng đi giảng lại hoài những đề tài cũ rích. Ðến đây ta sẽ nảy lên ý niệm muốn đi tìm Thầy khác giỏi hơn. Ðây chính là giai đoạn hai: đi tìm Thầy nổi tiếng hoặc nghe đồn về Thầy nào giỏi. Nhiều người ở Pháp, Mỹ mua vé về Việt Nam xin làm đệ tử Thầy Thanh Từ, hoặc ở Việt Nam thì muốn sang Pháp tu học với Thầy Nhất Hạnh, hoặc gần đây có một số người muốn sang Ấn Ðộ, Dharamsala, làm đệ tử của đức Dalai Lama, hoặc các Lạt Ma Tây Tạng vì cho rằng các Lạt Ma tu cao hơn, nhiều thần thông. Họ đâu biết rằng Phật Giáo Tây Tạng cũng có những lủng củng nội bộ, chia rẽ tông phái, thù hiềm lẫn nhau.

Anh A thích tu theo Thầy Thanh Từ thì cứ để anh theo. Cô B thích theo Thầy Nhất Hạnh thì cứ để cô theo. Chị C thích theo Thầy Tây Tạng thì cứ để chị theo. Chúng ta là những người đang đi trong sa mạc nắng chói, cần tìm bóng mát. Các vị Thầy là những bóng cây che mát. Sao ta lại dại dột chia rẽ, níu kéo nhau, muốn mọi người phải theo về ông Thầy của mình, Thầy mình là giỏi nhất, là bậc chân tu đắc đạo.

Song le, có những người theo học với Thầy nổi tiếng trong một thời gian mà vẫn không thỏa mãn, còn nhiều nội kết đau khổ trong lòng chưa giải tỏa được. Ðến đây ta bước sang giai đoạn ba là lên đường tham vấn tất cả Thầy khác. Ðiều này xưa kia các thiền sư Trung Hoa đã có làm, gọi là hành cước.

Thông thường giai đoạn ba ít có người đến vì đa số dừng lại ở giai đoạn hai. Khi được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, có ai dại gì mà lại bỏ đi. Nếu có bỏ đi thì chắc phải tìm Thầy nổi tiếng hơn nữa, hơi đâu mà đi tìm một Thầy vô danh tiểu tốt. Ðược làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, dù không đắc đạo đi nữa, cái Ta (ngã) của mình không nhiều thì ít cũng được hưởng lây danh của Thầy.

Sau giai đoạn ba còn nhiều giai đoạn tìm Thầy nữa, nhưng theo tôi, có một giai đoạn sau cùng mà rất ít ai nghĩ tới, đó là giai đoạn mà ta không còn là đệ tử của một cá nhân ông Thầy nào nữa, mà là đệ tử của một bóng cây, một dòng sông, một đám mây, một cơn mưa, một ông già, một em bé, v.v...

Trong quyển "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Siddharta đã gặp và biết đức Phật là một Ðạo Sư đắc đạo nhưng anh ta vẫn không theo, trở về ngồi bên dòng sông, lắng nghe dòng sông. Không phải vì Phật là một Ðạo Sư nổi tiếng mà ta phải cố bám chạy theo. Không phải vì tôi là một tu sĩ Phật Giáo mà tôi phải luôn luôn ca tụng Ðạo Phật. Vì Ðạo Phật không phải là chân lý mà chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Các Ðạo khác cũng vậy, không phải là chân lý mà chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Tôi đến với Ðạo Phật vì tôi có nhân duyên và hoàn cảnh nhiều hơn đối với Ðạo khác.

Trên đây là ba giai đoạn thông thường của sự tìm Thầy. Trong mỗi giai đoạn chúng ta đều mang theo một cái khung về ông Thầy. Ðó là những khái niệm cứng ngắc sẵn có của ta về một ông Thầy lý tưởng. Thí dụ theo tôi thì một ông Thầy lý tưởng phải như sau:

- Hiền như Bụt.

- Khờ khạo không biết gì về chuyện đời.

- Sống kham khổ, ăn mặc thô sơ.

- Suốt ngày chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật.

Nếu tôi thích ứng phú thì tôi sẽ thêm vào:

- Thầy phải biết tán tụng đúng điệu miền Trung, tán rơi, tán xắp, tán trạo, v.v...

- Thầy phải biết làm sớ làm điệp ...

Hoặc nếu tôi biết đôi chút về giáo lý thì thêm:

- Thầy phải biết tất cả giáo lý căn bản.

- Thầy phải biết giảng kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cang, v.v...

Nếu tôi thích tu Thiền thì sẽ thêm:

- Thầy phải có định lực này nọ...

- Thầy phải ngồi thiền suốt ngày hay ít nhất là bốn tiếng một ngày...

Hoặc nếu thích Mật Tông thì:

- Thầy phải biết làm bùa vẽ chú, trừ ma yếm quỷ, v.v...

Cứ thế, cái danh sách tiêu chuẩn về Thầy lý tưởng của tôi dài hay ngắn tùy theo sự hiểu biết nhiều hay ít về Ðạo. Sau đó tôi đóng khung cái danh sách này rồi mang nó đi tìm Thầy. Nếu thấy Thầy nào hợp với những tiêu chuẩn ấn định trong khung thì tôi cho Thầy đó xứng đáng làm Thầy của tôi, là một Thầy tu chân chính.

Chúng ta thường khao khát đi tìm một Thầy chân tu đạo đức. Nhưng chân tu đạo đức của ai? Của ta hay của ông Thầy đó? Chân tu của ta có nghĩa là gì? Ðạo đức theo ta là sao? Phải chăng là những tiêu chuẩn đóng khung của ta? Ta đi tìm ông Thầy tự thân hay đi tìm ông Thầy trong khung của mình?

Thầy tôi phải như thế này, phải như thế nọ! Thầy tu không được như thế này, không được như thế kia!

Trước khi đi tu, tôi đã học đến cử nhân vật lý (licence de physique) ở Ðại Học Orsay. Khi đi tu, tôi nghĩ rằng bằng cấp thế gian không có ích lợi gì và cũng không có gì đáng để phô trương, vì Ðạo Phật há chẳng dạy buông xả hết sao! Thế nhưng sau khi vào chùa tôi thấy quý Thầy hay trưng bằng tiến sĩ (Ph.D) ra, và nhiều Thầy khuyên tôi nên trở lại Ðại Học để lấy bằng tiến sĩ, vì thời nay nếu có bằng cấp cao thì dễ làm Ðạo, nói người ta mới nghe, mới nể. Nghe nói hợp lý nên tôi cũng tính đi học lại để lấy bằng Ph.D, nhưng một hôm ngồi nói chuyện với chú Minh Lâm, chú nói một câu làm tôi tỉnh ngộ: "Sao quý Thầy cứ tốn thì giờ theo đuổi bằng cấp ngoài đời làm chi! Xá lợi Phất, Mục kiền Liên đâu có bằng Ph.D mà vẫn đắc đạo". Cuối cùng tôi đã nghe lời chú nên tới nay tôi vẫn không có bằng Ph.D. Nói vậy bạn đừng hiểu lầm cho tôi chống báng bằng cấp. Bằng cấp chỉ là bằng cấp, tự nó vô hại, chỉ có những khái niệm về bằng cấp mới là nguy hiểm mà thôi. Bằng cấp dùng để chứng minh trình độ kiến thức. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, bạn có thể tham khảo tất cả Tam Tạng Kinh Ðiển anh ngữ trên hệ thống Internet ngay nơi phòng ngủ của mình nếu bạn có máy vi tính. Với Internet bạn có thể mở mang kiến thức của mình 24 tiếng trong ngày nếu bạn muốn mà không cần phải vào Ðại Học hay Thư Viện.

Tìm thầy đắc đạo

Theo tôi nghĩ, không phải ai cũng muốn tìm Thầy đắc đạo, vì đa số chỉ cần một Thầy hướng dẫn tinh thần là đủ. Tuy nhiên ước muốn tìm Thầy đắc đạo không phải là không có, nhất là đối với người muốn tu hành thực sự, muốn giải thoát luân hồi càng sớm càng tốt. Là phật tử, chắc bạn cũng biết thời nay là thời mạt pháp, cách Phật xa hơn 2500 năm, tìm đâu ra Thầy đắc đạo? Mà đắc đạo theo bạn là thế nào? Có phải khi nhìn vào bạn, ông Thầy đó liền biết quá khứ, vị lai của bạn không? Nếu vậy thì Thầy đó có khác gì thầy bói tướng? Có phải Thầy đó biết trừ ma yếm quỷ, làm cho gia đạo của bạn được bình an không? Nếu thế thì đó là thầy bùa, thầy pháp rồi.

Ðắc đạo có phải ngồi thiền nhập định suốt ngày suốt đêm không? Ở Ấn Ðộ có nhiều đạo sĩ Fakir có thể ngồi hoặc nằm suốt ngày trên những bàn chông hoặc đứng một chân, giơ một tay suốt cả tuần cả tháng. Theo bạn nghĩ, mấy ông này có đắc đạo không?

Ðắc đạo có phải là giảng được những bộ kinh lớn Ðại Thừa như Kim Cang, Niết Nàn, Hoa Nghiêm không? Mấy giáo sư Ðại Học Triết ở Pháp, Bỉ, Mỹ cũng giảng được các kinh này và nhiều khi còn dẫn chứng đầy đủ hơn quý Thầy nữa.

Biết trước giờ chết của mình hoặc muốn chết thì chết như chuyện gia đình Bàng Long Uẩn của Thiền Tông, có phải là đắc đạo không? Ở Ấn Ðộ các đạo sĩ Du Già (Yogi) luyện tập pháp môn làm chủ hơi thở Pranayama có thể tùy ý làm đứng nhịp tim hoặc ngưng hơi thở để chôn sống hai ba ngày, sau đó sống trở lại như thường. Không biết mấy ông này đã đắc đạo chưa? Mà cho dù đắc đạo đi nữa cũng phải chờ đến khi ông ta chết tự tại rồi mới biết là đắc đạo, và như vậy đâu còn ích lợi gì cho tôi, nếu có thì chỉ xin hình ông ta đem về để lên bàn thờ tôn sùng khấn vái.

Bạn cho rằng tôi không thích mấy ông Thầy đắc đạo sao? Chính vì thích mấy Thầy đắc đạo nên tôi đã rời chùa, khăn gói lên đường tìm các bậc chân sư đắc đạo. Chữ đắc đạo đã làm tôi say mê đắm đuối trong suốt bảy năm (từ 87 đến 93). Ngoài chuyện tìm Thầy đắc đạo, tôi còn muốn đắc đạo ngay trong đời này nữa, muốn bắt chước Milarépa. Vì thế tôi đã đi tìm học với các Thầy Tây Tạng và nhập thất ba năm. Nhưng bây giờ tôi không còn muốn tìm Thầy đắc đạo nữa, chỉ muốn tìm Thầy chỉ "Ðạo Sống" khác với Ðạo Chết. Ðạo chết là Ðạo dạy tu hành để sau khi chết được lên thiên đàng hay vào Niết Bàn, v.v...và nhiều lúc chỉ vì muốn nhập Niết Bàn hay lên thiên đàng sớm mà người ta bỏ quên sự sống hiện tại, đánh mất bao nhiêu sinh lực và tiền của.

Ðạo Sống là sống cho ra sống, hiểu được ý nghĩa của sự sống, thực hiện an vui hạnh phúc ngay trong hiện tại, sống hoà hợp thương yêu với chính mình và mọi người, biết chấp nhận cả thiện lẫn ác.

Lúc trước mỗi khi nghe nói ở đâu có Thầy tu cao, đắc đạo là tôi liền tìm đến cầu học. Nhưng tôi chỉ ở được vài tuần hoặc vài tháng rồi lại bỏ đi. Bởi vì tôi không bắt được sự thông cảm hai chiều, có nghĩa là trò phải hiểu Thầy chứ Thầy không cần hiểu trò. Thầy dạy sao thì nghe vậy, hiểu hay không cũng phải làm theo. Có nhiều Thầy còn muốn tôi trở thành y hệt như ông ta, trở thành hình bóng của ông ta. Nhưng làm sao tôi trở thành hình bóng của một người khác được! Do đó cứ thế mà tiếp tục tầm Sư học Ðạo. Thế rồi có một lần tôi đừng lại, tự hỏi làm sao biết được Thầy kia là người đắc đạo? Mà đắc đạo là đắc đạo gì? Ở đây nếu bạn giỏi kinh thì có thể trả lời: người đắc đạo là đắc cái vô sở đắc, chứng cái vô sở chứng, dĩ vô sở đắc cố, cố danh chân đắc. Trả lời như vậy thì đúng là tinh thần bát nhã rồi, nhưng thú thật với bạn, tôi thấy nó không ăn nhập gì với tôi cả.

Bạn tu theo Ðạo Phật, tôi cũng tu theo Ðạo Phật, nhưng Ðạo Phật của bạn có chắc là Ðạo Phật của tôi không? Chắc chắn là không rồi. Cũng cùng là Phật Thích Ca nhưng Phật Thích Ca trong đầu bạn đâu có giống Phật Thích Ca trong đầu tôi. Không tin bạn cứ nhìn các tượng Phật thì biết. Tượng Phật của Trung Hoa, Nhật Bản thì mập mạp, đẫy đà; tượng Phật của Thái Lan, Miến Ðiện thì gầy gò, bụng thắt lưng eo.

Ở gần một Thầy đắc đạo mà không cảm thấy an vui hạnh phúc, ngược lại chỉ thấy buồn bực, khó chịu thì sự đắc đạo của ông ta có giúp ích gì cho mình? Hơn nữa làm sao biết được ông ta đắc đạo? Mình chỉ biết người khác đắc đạo khi chính mình đã đắc đạo. Nếu chưa được như vậy mà dám cho kẻ khác đắc đạo thì đó chỉ là một khái niệm đắc đạo chủ quan. Thêm vào đó, đắc đạo nào? Ðạo Phật chăng? Như đã nói hồi nãy, Ðạo Phật có nhiều truyền thống, mỗi truyền thống lại có nhiều tông phái, mỗi tông phái lại có nhiều khái niệm đắc đạo khác nhau. Bởi vậy khi đi tìm Thầy đắc đạo, ta cần phải xác định lại cái Ðạo mà mình cần đắc, sau đó quan sát xem ông Thầy "đắc đạo" mà mình theo học có thể hiện cái Ðạo mà mình muốn đắc hay không?

Giờ đây, bất cứ ai cũng có thể làm Thầy tôi được, từ một em bé đến một bà lão. Ngay cả bạn nữa, nếu bạn biết sống cho ra sống, tự thân bạn tỏa ra niềm vui, tỏa ra tình thương và sự chân thật thì thế nào tôi cũng có dịp đến học Ðạo với bạn.

[Mục lục]   [Chương I]   [Chương II]  [Chương III]



 [ Trở Về         [  Trang chính  ]