Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Ðại Tạng No. 1451

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -

TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
- Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998

 
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri.

Quyển thứ mười một

--- ooOoo ---

Tiếp theo tụng mười (Nhân duyên về Nan Ðà).

* Duyên tại vườn Nhiều Cây, thành Kiếp Tỷ La. Em của Thế Tôn tên Nan Ðà, thân màu vàng ròng, đủ 30 tướng tốt, chỉ thấp hơn Phật bốn ngón tay. Vợ của Nan Ðà tên Tôn Ðà La, hình dáng xinh đẹp hiếm có trên đời, rực rỡ tuyệt trần, ai cũng yêu mến. Nan Ðà yêu thương khắn khít không lúc nào rời xa cô ấy, tình ái đậm đà thề sống trọn đời bên nhau. Biết đã đến lúc giáo hóa, vào sáng sớm, mặc y mang bát cùng thị giả A Nan Ðà vào thành khất thực, lần lượt đến đứng đầu cổng cung Nan Ðà, với sức đại bi, Thế Tôn phóng ánh sáng hoàng kim chiếu vào cung Nan Ðà, làm cho khắp nơi trở thành màu vàng rực. Thấy ánh sáng bỗng nhiên chiếu đến, biết chắc là đức Như Lai, Nan Ðà liền sai sứ ra ngoài xem. Thấy đức Phật đến, sứ giả lui vào thưa với Nan Ðà:

- Thế Tôn ở ngoài cửa.

Nghe như vậy, Nan Ðà muốn ra ngoài nghênh tiếp làm lễ Thế Tôn. Với ý nghĩ: "Nếu ta để cho đi, chắc chắn Thế Tôn đưa chàng xuất gia". Tôn Ðà La kéo áo giữ Nan Ðà lại không cho đi. Nan Ðà nói:

- Hãy thả ra một chút, sau khi lễ Thế Tôn, anh vào ngay.

Sau khi nói: - Chàng hãy cam kết, em mới cho đi; Tôn Ðà La lấy son ướt bôi lên trán và nói thêm:

- Chàng hãy trở vào khi vết son này chưa khô, nếu trái lời, phạt năm trăm tiền vàng.

Sau khi chấp thuận, Nan Ðà ra cửa đảnh lễ sát chân Phật, lấy bát của Như Lai đi vào cung, đặt vào đầy thức ăn thơm ngon rồi mang ra cửa, thấy Thế Tôn đang bước đi nên đưa cho A Nan Ðà. Thế Tôn biểu hiện tướng không cho lấy bát. Vì tôn trọng uy nghiêm của Như Lai Ðại-sư, Nan Ðà không dám gọi Ngài đứng lại nên đưa bát cho A Nan Ðà. A Nan Ðà hỏi:

- Vừa rồi anh nhận bát này của ai?

Ðáp:

- Nhận của đức Phật.

A Nan Ðà nói:

- Hãy dâng cho Phật.

Sau khi đáp: - Tôi không dám xúc phạm đấng Ðại-sư, Nan Ðà im lặng đi theo. Về đến chùa, sau khi rửa tay chân, Thế Tôn trải tòa và ngồi yên. Nan Ðà dâng bát lên Thế Tôn. Sau khi thọ trai, Thế Tôn bảo Nan Ðà:

- Người ăn cơm thừa của Ta không?

Nan Ðà đáp:

- Con ăn.

Sau khi đưa cơm cho Nan Ðà ăn xong, Thế Tôn bảo:

- Ông có thể xuất gia không?

Ðáp:

- Có thể.

Xưa kia, khi Phật Thế Tôn hành Bồ tát đạo, không bao giờ trái nghịch lại lệnh của cha mẹ sư trưởng và các Tôn giả khác, nên nay có phước báo lời nói được nghe theo. Ngài bảo A Nan Ðà:

- Ông hãy cạo râu tóc cho Nan Ðà.

Sau khi thưa: - Xin vâng Thế Tôn! A Nan Ðà sai người thợ cạo cạo tóc cho Nan Ðà.

Thấy vậy, Nan Ðà bảo người kia:

- Ngươi biết không, không bao lâu nữa, ta sẽ làm Lực Luân Vương. Nếu ngươi cạo tóc, sau này ta sẽ chặt cổ tay ngươi.

Nghe nói, người kia sợ hãi, thu xếp dao cạo dụng cụ muốn từ giã. A Nan Ðà đến bạch Phật. Tự mình đến gặp Nan Ðà, Phật hỏi:

- Nan Ðà, ngươi không xuất gia?

Ðáp:

- Con xin xuất gia.

Thế Tôn tự cầm bình nước dội trên đầu Nan-Ðà, để tịnh nhân cạo tóc. Nan Ðà suy nghĩ: "Ta hãy kính phụng Thế Tôn, tạm xuất gia, chiều sẽ về nhà". Ðến chiều, Nan Ðà theo đường về nhà. Khi ấy, Thế Tôn hóa ra một hố lớn giữa đuờng. Thấy hố này, Nan Ðà suy nghĩ: "Vậy còn phải xa Tôn Ðà La, không cách gì vượt qua được, ta nhớ nàng chắc chết mất, nếu còn sống sáng mai ta sẽ đi về". Biết ý của Nan Ðà, Thế Tôn bảo A Nan Ða:

- Ông hãy đến bảo Nan Ðà làm tri sự. A Nan Ða đến bảo:

- Thế Tôn sai hiền giả làm tri sự.

Hỏi:

- Thế nào là tri sự và sẽ làm việc gì?

Ðáp:

- Kiểm soát việc cho Tăng chúng trong chùa.

Hỏi:

- Phải làm thế nào?

Ðáp:

- Cụ thọ! Người tri sự, khi các Bí-sô đi khất thực, phải quét dọn trong chùa, dùng Tân Cù Ma trát nền cho sạch, để ý giữ gìn vật của Tăng không cho thất lạc, Tăng có việc bình luận thì làm người tác bạch, nếu có hoa hương nên phân cho chúng Tăng, đêm đóng cửa chùa, sáng mở ra, chùi rửa nơi đại tiểu tiện, tu bổ những nơi bị hư trong chùa.

Nghe như vậy, Nan Ðà nói:

- Ðại đức! Tôi sẽ làm tất cả theo lời Phật dạy.

Vào buổi sáng, các Bí-sô mặc y mang bát, vào thành Kiếp Tỷ La khất thực. Thấy trong chùa không còn ai, Nan Ðà quét dọn với suy nghĩ:

"Quét dọn xong, ta sẽ về nhà". Biết rõ như vậy, bằng sức thần thông, Thế Tôn làm cho những nơi đã quét sạch rồi, dơ bẩn đầy trở lại. Sau khi suy nghĩ: "Ta phải dọn sạch nhơ bẩn mới được gọi là quét", Nan Ðà vứt chổi, hốt dọn phẩn uế, nhưng vẫn không hết.

Nan Ðà lại nghĩ: "Hãy đóng cửa bỏ đi". Biết như vậy, Thế Tôn làm cho Nan Ðà vì đóng cửa này xong cửa khác lại mở ra. Quá buồn bực, Nan Ðà suy nghĩ: "Dù giặc có phá tan chùa này cũng chẳng hại gì, khi lên làm vua ta sẽ làm lại trăm ngàn chùa đẹp hơn cả chùa này; vậy ta hãy về nhà". Với ý nghĩ nếu đi đường lớn sợ gặp Thế Tôn nên Nan Ðà đi đường nhỏ. Biết như vậy, Phật đi ngược lại theo đường nhỏ. Trông thấy Phật nhưng không muốn gặp, Nan Ðà núp vào dưới tàng cây um tùm bên đường đi. Sau khi làm cho nhánh cây nâng cao lộ hình tích Nan Ðà ra, Phật hỏi:

- Ông đi đâu vậy?

Quá ngượng ngùng, Nan Ðà đi theo đức Phật. Ðức Phật suy nghĩ:

- Ông này rất luyến ái vợ, hãy làm cho từ bỏ.

Ðể tiếp độ, đức Phật đưa Nan Ðà ra khỏi thành Kiếp Tỷ La đến thành Thất La Phạt. Ðến nơi, Nan Ðà trú ở vườn Tỳ Xá Khư mẹ Lộc Tử. Bấy giờ, nghe đức Phật có người em tên Nan Ðà, thân như vàng ròng, đủ 30 tướng, chỉ thấp thua Phật bốn tấc, đang cùng Phật đến đây, Ty Xá Khư mẹ Lộc Tử suy nghĩ: "Ta hãy đến làm lễ để được tương kiến".

Vào buổi sáng, Nan Ðà mặc y mang bát vào thành khất thực, tuần tự đến nhà mẹ Lộc Tử. Khi trông thấy dung mạo Nan Ðà tuấn tú rực rỡ hơn người, với suy nghĩ: "Ðây chẳng phải là em đức Phật hay sao". Với lòng tin trong sạch, Tỳ Xá Khư lạy sát xuống đất, đặt tay trên chân mềm mại của Nan Ðà. Người nữ thật nguy hiểm tiếp xúc dễ gây tổn hại. Với bản tính đa dục, Nan Ðà sinh tâm ô nhiễm, xuất tinh rơi trên đầu Tỳ Xá Khư. Biết như vậy, Thế Tôn biến chất bất tịnh kia thành dầu thơm Tô Hạp. Tay tiếp xúc với dầu này, ngửi thấy thơm nên suy nghĩ: "Vì sao ở đây có dầu thơm mùi vi diệu như vậy, phải do thần thông của Phật biến ra vật thơm này". Nan Ðà sinh tâm phấn chấn lạ thường, tán thán:

- Lành thay Phật Ðà! Lành thay Ðạt Ma! Lành thay Tăng Già! Khéo thuyết giảng pháp luật không thể nghĩ bàn, làm cho kẻ đam mê dục lạc như loại nam tử Nan Ðà cũng xuất gia đầu Phật chuyên tu tập phạm hạnh.

Khi ấy, với tâm hối hận, suy nghĩ: "Có phải ta đã phạm tội chúng giáo (tăng tàn) không". Nan Ðà bạch với các Bí-sô. Bí-sô bạch Phật. Phật tuyên bố:

- Nan Ðà không phạm. Nếu có người đa dục như vậy, nên dùng túi da bọc lại, chớ nghi ngờ.

Như Phật dạy:

- Người đa dục được sắm túi da.

Bí-sô không biết làm bằng da gì. Phật dạy:

- Dùng ba loại là da dê, nai, chuột.

Bí-sô dùng da sống nên có mùi hôi, Phật dạy:

- Nên thục rồi dùng, rửa sạch phơi khô.

Túi da đang phơi, Bí-sô gặp người nữ, sinh dục nhiễm, xuất tinh làm bẩn hạ y. Phật dạy:

- Nên làm hai cái, một cái phơi, một cái xử dụng.

Bị dính nhiều tinh, túi da bị ẩm hư, Phật dạy:

- Nên để trên vật lót phơi trên nền cát.

Có Bí-sô mang túi này đi dùng cơm, hoặc nhiễu tháp, Phật dạy:

- Tháo ra để chỗ khuất, sau khi rửa sạch tay mới được dùng cơm, hoặc lễ kính.

Một hôm, ngồi trên tảng đá, Nan Ðà nhớ đến Tôn Ðà La, vẽ hình cô ấy trên đá. Nhân đi ngang qua, thấy hình ấy trên đá, Ðại Ca Diếp Ba hỏi:

- Nan Ðà! Thầy làm gì vậy?

Ðáp:

- Ðại đức! Con vẽ hình Tôn Ðà La.

Ðại Ca Diếp bảo:

- Cụ thọ! Thế Tôn bảo Bí-sô nên làm hai việc: Một: là thiền định; Hai là học giáo pháp. Thầy không làm việc ấy, lại đi vẽ hình phụ nữ.

Nghe dạy, Nan Ðà im lặng.

Sau khi nghe Ca Diếp thưa việc này, Phật suy nghĩ: "Bí-sô vẽ hình có lỗi ". Như vậy nên bảo các Bí-sô:

- Kẻ ngu si Nan Ðà nhớ Tôn Ðà La nên vẽ hình cô ấy. Thế nên Bí-sô không được vẽ hình, ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Nghe Phật không cho vẽ hình, Bí-sô không dám thoa hương trên tháp. Phật hỏi A Nan Ðà:

- Vì sao không dùng dầu thơm và bột hương thoa ở tháp thờ tóc móng Như Lai?

A Nan Ðà đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Ðược phép dùng bột hương thoa tùy ý, nhưng không được vẽ hình tượng chúng sinh. Ai vi phạm bị tội vượt pháp. Nếu vẽ hình người chết hoặc bộ xương khô, không phạm.

Ðức Phật suy nghĩ: "Nan Ðà ngu si mê nhiễm, vẫn nhớ đến vợ mãi không bỏ tình ái được, hãy tạo điều kiện làm cho vị ấy không còn tâm ái nhiễm". Nên bảo Nan Ðà:

- Trước đây, thầy từng thấy núi Hương Túy chưa?

Ðáp:

- Chưa thấy.

Phật bảo:

- Hãy nắm lấy góc y của Ta.

Nan Ðà vâng lời nắm góc y. Bấy giờ, như vua Thiên Nga, Thế Tôn bay lên hư không đến núi Hương Túy, kéo theo Nan Ðà đang liếc nhìn sang hai bên. Thấy dưới gốc cây ăn trái, có một vượn cái mù, Nan Ðà liền ngước mặt lên nhìn Thế Tôn.

- Ông thấy con vượn mù này không? Thế Tôn hỏi.

- Bạch Thế Tôn! Con thấy.

Phật hỏi:

- Ý ông thế nào? Con vượn cái mù này so với Tôn Ðà La thì ai xinh đẹp hơn?

Ðáp:

- Tôn Ðà La thuộc giòng Thích ca, cũng như thiên nữ sắc đẹp số một, tuyệt thế vô song, con vượn này không bằng một phần ngàn cô ấy.

Phật hỏi:

- Ông đã thấy thiên cung chưa?

Ðáp:

- Chưa thấy.

Sau khi nghe, Phật bảo Nan Ðà nắm lấy góc y, Nan Ðà tuân lệnh. Như thiên nga chúa, Thế Tôn bay lên hư không đến cõi trời Ba Mươi Ba, bảo với Nan Ðà:

- Ông hãy đi xem những nơi xinh đẹp ở thiên cung.

Nan Ðà đi dạo vườn Hoan hỷ, vườn Thể thân, vườn Thô thân, vườn Giao hợp, cây Viên sinh, Thiện Pháp đường, quan sát khắp các nơi, các khu vườn ấy của chư thiên với hoa trái ao tắm, nơi chơi đùa hoan lạc đặc biệt. Sau đó, Nan Ðà đi vào thành Thiện Kiến thấy các loại trống nhạc kèn sáo với âm thanh vi diệu, cung điện thông suốt, giường màn rực rỡ, khắp nơi đều có thiên nữ xinh đẹp vui chơi. Nan Ðà trông thấy một nơi chỉ có thiên nữ không có thiên tử, nên hỏi:

- Vì sao những nơi khác nam nữ ở chung cùng nhau hưởng thụ khoái lạc, còn ở đây chỉ thấy thiên nữ không thấy người nam.

Thiên nữ đáp:

- Thế Tôn có người em tên là Nan Ðà theo Phật xuất gia chuyên tu tập phạm hạnh, sau khi qua đời sẽ sinh đến nơi này nên chúng tôi chờ đợi ở đây.

Nghe như vậy, Nan Ðà rất vui mừng trở về gặp Phật. Thế Tôn hỏi:

- Ông thấy những việc xinh đẹp vi diệu của chư thiên chưa?

Ðáp:

- Ðã thấy.

Phật hỏi:

- Ông thấy gì?

Nan Ðà kể lại hết với Thế Tôn về những điều đã thấy. Phật hỏi Nan Ðà:

- Thấy thiên nữ không?

Ðáp:

- Ðã thấy.

Phật hỏi:

- Những thiên nữ này so với Tôn Ðà La, ai xinh đẹp hơn?

- Bạch Thế Tôn! Ðem Tôn Ðà La so với Thiên nữ ở đây, cũng như đem con vượn mù ở núi Hương túy so với Tôn Ðà La, không bằng một phần trăm ngàn vạn lần.

Phật bảo Nan Ðà:

- Người tu tịnh hạnh có thắng lợi này, ông hãy cố tu tập phạm hạnh, sẽ được sinh thiên hưởng thụ những khoái lạc này.

Nghe như vậy, Nan Ðà lặng yên vui mừng.Sau khi Thế Tôn đưa Nan Ðà ra khỏi thiên cung trở về rừng Thệ Ða, Nan Ðà vì ái mộ thiên cung nên tu tập phạm hạnh. Biết ý ông ấy, Phật bảo A Nan Ðà:

- Ông đi bảo với các Bí-sô không ai được cùng với Nan Ðà ngồi chung, không đi kinh hành một nơi, không phơi y cùng một cây sào, không để bát và bình nước chung, không ngồi tụng kinh chung.

Sau khi nghe A Nan Ðà truyền lệnh của Phật, các Bí-sô đều phụng hành đúng Thánh chỉ. Thấy mọi người không sinh hoạt chung với mình, Nan Ðà rất xấu hổ. Một hôm, A Nan Ðà cùng các Bí-sô đang giúp nhau may y trong nhà. Thấy vậy, với ý nghĩ: "Các Bí-sô này đều bỏ rơi không chịu sinh hoạt chung với ta, nhưng A Nan Ðà là em ta lẽ nào cũng ghét hay sao", Nan Ðà liền đến ngồi chung. A Nan Ðà vội vàng đứng dậy tránh đi. Nan Ðà nói với A Nan Ða:

- Các Bí-sô khác tránh đi còn được, thầy là em tôi, tại sao cũng ghét?

A Nan Ða nói:

- Thật đúng vậy! Nhưng anh hành đạo khác, tôi phụng hành theo đường khác nên tránh nhau.

Hỏi:

- Ðạo của tôi là gì? Ðường nào của thầy?

Ðáp:

- Anh thích sinh thiên nên tu tập phạm hạnh. Tôi vì đến Viên tịch nên trừ dục nhiễm.

Nghe như vậy, Nan Ðà càng buồn rầu thêm.

Biết tâm niệm vị ấy, Thế Tôn bảo Nan Ðà:

- Ông từng thấy địa ngục chưa?

- Bạch Thế Tôn! Chưa thấy.

Phật bảo:

- Hãy nắm lấy góc y của Ta.

Sau khi Nan Ðà nắm góc y, Phật đưa vị này vào trong địa ngục. Ðến nơi, Thế Tôn đứng qua một bên, bảo Nan Ðà:

- Ông hãy đi xem các địa ngục.

Ði xem ngục Khôi hà trước, rồi đến Kiếm thọ Phẩn niệu Hỏa hà, Nan Ðà thấy các chúng sinh bị các loại đau khổ ở đó, hoặc thấy bị kềm kéo lưỡi, nhổ răng, móc mắt, bị cưa cắt thân thể, bị búa rìu chặt chân tay, dùng mâu dáo khoét thân, dùng tay đánh, dáo đâm, dùng chùy đồng đập tan thân, dùng nước đồng sôi rót vào miệng, hoặc leo lên núi dao rừng kiếm, giã trong cối, nghiền dưới đá, ôm trụ đồng nằm giường sắt cháy đỏ, đau khổ vô cùng, hoặc thấy vạc nước sắt sôi sùng sục cháy rực rỡ nóng chảy tràn lan đốt nấu hữu tình, thấy những sự việc làm cho đau khổ như vậy, lại thấy một vạc sắt nước sôi sùng sục nhưng bên trong không có hữu tình nào cả. Thấy vậy, với sợ hãi, Nan Ðà hỏi ngục tốt:

- Vì sao các vạc khác đều có đốt nấu hữu tình, riêng vạc này chỉ có nước sôi sục cháy?

Ðáp:

- Nan Ðà, em của Phật vì nguyện sinh thiên nên tu tập phạm hạnh, được sinh lên trời hưởng thụ khoái lạc tạm thời, sau khi qua đời vị ấy bị rơi vào vạc này. Vì vậy, chúng tôi đốt vạc để chờ.

Nghe nói như vậy, sợ hãi vô cùng, toàn thân nổi ốc, mồ hôi túa ra, với suy nghĩ:

- Nếu hắn biết ta là Nan Ðà chắc bắt sống ta bỏ vào vạc.

Nan Ðà vội vàng chạy về gặp Phật. Phật hỏi:

- Ông đã thấy địa ngục chưa?

Nan Ðà khóc lóc như mưa, thở hào hển thưa chẳng ra hơi:

- Bạch! Con đã thấy.

Phật hỏi:

- Ông thấy vật gì?

Sau khi nghe Nan Ðà kể lại đầy đủ, Phật bảo:

- Nếu nguyện cõi người hay cầu cõi trời mà tu phạm hạnh đều có hại như vậy. Vì vậy, ông nên cầu Niết bàn mà tu phạm hạnh, chớ cầu sinh thiên mà đưa đến cực khổ.

Nghe dạy xong, Nan Ðà rất xấu hổ im lặng chẳng biết nói gì. Biết ý nghĩ của vị ấy, Thế Tôn ra khỏi địa ngục, về rừng Thệ Ða, bảo Nan Ðà và các Bí-sô:

- Có ba cấu uế bên trong: Ðó là tham dục, sân hận, ngu si, cần phải vứt bỏ tránh xa chúng. Các thầy nên tu học như vậy.

Trú ở rừng Thệ Ða chưa bao lâu, muốn tùy duyên hóa độ chúng sinh, cùng với các môn đồ, Thế Tôn du hành đến nước Chiêm Ba, trú bên bờ hồ Yết ca. Nan Ðà cùng năm trăm Bí-sô cũng đi theo đến gặp Phật, làm lễ sát chân Thế Tôn, ngồi qua một bên. Thấy mọi người đã an tọa, Thế Tôn bảo Nan Ðà:

- Ta có giáo pháp, đầu giữa cuối đều thiện, văn nghĩa vi diệu, thuần nhất viên mãn, thanh bạch phạm hạnh, đó là kinh Vào Thai Mẹ. Thầy hãy lắng nghe, hết sức chú ý, ghi nhớ thật kỹ, Ta sẽ giảng thuyết.

Nan Ðà thưa:

- Xin vâng Thế Tôn! Con xin được nghe!

Phật dạy:

- Này Nan Ðà! Tuy có thai mẹ nhưng có khi nhập và không nhập. Thế nào là thọ sinh vào thai mẹ? Nếu cha mẹ có tâm ô nhiễm giao hội nhau, bụng người mẹ ổn định, đến nguyệt kỳ, trung uẩn hiện tiền, nên biết chính là lúc nhập thai mẹ được. Hình trung uẩn này có hai loại: Một: hình sắc xinh đẹp; Hai: dung mạo xấu xa. Trung hữu địa ngục dung mạo xấu xa như khúc cây cháy nám. Trung hữu bàng sinh có sắc như khói. Trung hữu ngạ quỷ có sắc như nước. Trung hữu trời người có hình vàng kim. Trung hữu Sắc giới có sắc tươi trắng. Trời vô sắc giới không có trung hữu vì vốn không có sắc. Trung uẩn của hữu tình có hai tay hai chân, hoặc bốn chân nhiều chân, hoặc không có chân. Tuỳ theo nghiệp đã tạo sẽ sinh vào đâu, trung hữu cảm ứng theo hình trạng ấy. Nếu trung hữu cõi thiên thì đầu hướng lên; Người, bàng sinh, quỷ thì nằm ngang mà đi; Trung hữu địa ngục thì đầu ngược xuống. Các trung hữu đều có thần thông nương hư không mà đi, từ xa thấy chổ sinh, như có thiên nhãn. Nói đến nguyệt kỳ là trong thời gian thọ thai được.

Này Nan Ðà có những người nữ trải qua ba ngày, năm ngày, nữa tháng, một tháng ... có người chờ đợi thời gian lâu thủy kỳ mới đến. Người nữ nào không có uy thế, chịu nhiều khổ cực, hình dung xấu xí, ăn uống không ngon, nguyệt kỳ có đến nhưng chấm dứt ngay, như đất khô khan, rảy nước xuống rất mau khô. Người nữ nào có uy thế, thường hưởng thụ an lạc, hình dáng xinh đẹp, được ăn uống ngon, nguyệt kỳ đến không chấm dứt mau, như khi đất ướt rãy nước lâu khô.

Thế nào là không nhập thai? Khi tinh cha xuất mà tinh mẹ không xuất; Tinh mẹ xuất mà tinh cha không xuất; Hay tinh cả hai đều không xuất thì không nhập thai. Nếu mẹ không ổn định mà cha ổn định, cha không ổn định mà mẹ ổn định, hay cả hai đều không ổn định cũng không thụ thai. Nếu căn môn của mẹ bị bệnh phong, bệnh vàng, bệnh phổi, bệnh tim, hoặc huyết khí kết ở thai, hoặc mọc thịt thừa, hoặc uống thuốc, bệnh mạch phúc, bệnh eo quá nhỏ, hoặc sản môn như miệng ngựa, hoặc bên trong như cây nhiều rễ, hoặc như đầu cày, hoặc như càng xe, hoặc như khúc dây leo, hoặc như lá cây, hoặc như đầu hạt lúa mạch, hoặc dưới bụng trên bụng sâu quá, hoặc chẳng có dạ con, hoặc thường chảy máu, hoặc như mỏ quạ thường mở không khép, hoặc trên dưới bốn bên rộng hẹp không bằng nhau, hoặc cao thấp lồi lõm, hoặc bên trong có trùng ăn làm hư hoại bất tịnh. Nếu người mẹ có những bệnh này thì không thể thọ thai. Hoặc cha mẹ tôn quý mà trung hữu ty tiện, hay trung hữu tôn quý cha mẹ ty tiện, như vậy cũng không thành thai. Nếu cha mẹ và trung hữu cùng tôn quý, nhưng không cộng nghiệp cũng không thành thai. Nếu đối với cảnh cha mẹ quan hệ nhau mà trung hữu không luyến ái về nam hay nữ, cũng không thọ sinh.

Nan Ðà! Thế nào là trung hữu được vào thai mẹ? Nếu bụng mẹ ổn định, trung hữu thấy đang làm việc dâm dục, không có những bệnh hoạn như nói ở trên, con với cha mẹ có nghiệp lực cảm ứng nhau, mới vào được thai mẹ.

Lại nữa, khi sắp vào thai, tâm trung hữu điên đảo luyến ái với mẹ, oán ghét với cha; Nếu là nam, luyến ái với cha; oán ghét mẹ, nếu là nữ. Nếu đã tạo các nghiệp trong đời quá khứ liền sinh vọng tưởng với tâm hiểu sai lầm, như tưởng lạnh lẽo, gió lớn, mưa lớn, mây mù ... hoặc nghe tiếng nhiều người cãi cọ nhau. Sau khi sinh tưởng này, rồi tùy theo nghiệp mạnh yếu, phát sinh mười tưởng hư vọng. Ðó là:

Ta đang vào nhà; Ta sắp lên lầu; Ta lên đài điện; Ta lên giường tòa; Ta vào thảo am; Ta vào nhà lá; Ta vào vùng cỏ rậm; Ta vào trong rừng cây; Ta vào kẻ tường hở; Ta vào giữa rào.

Nan Ðà! Khi trung hữu có niệm này liền vào thai mẹ. Nên biết, vừa thọ thai gọi là yết la lam, chính là tinh cha huyết mẹ, nhờ nhân duyên tinh huyết cha mẹ hòa hợp để thức dựa vào đó mà tồn tại. Như đổ lạc vào bình dùng nhân công lắc đều sẽ được tô, làm khác vậy thì không có. Nên biết, thân yết la lam cũng như tinh huyết bất tịnh của cha mẹ.

Lại nữa, này Nan Ðà! Có bốn ví dụ, ông hãy lắng nghe. Như trùng sinh ra nhờ vào cỏ xanh; Cỏ không phải trùng, trùng không rời cỏ, nhưng dựa vào nhân duyên hòa hợp với cỏ nên sinh ra thân trùng mang màu sắc xanh.

Nan Ðà nên biết! Thân yết la lam với tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, do nhân duyên đại chủng hòa hợp nên sinh ra căn. Như dựa vào phân bò nên trùng sinh ra, phẩn không phải là trùng, trùng không rời phẩn, nhưng y vào nhân duyên hòa hợp với phẩn nên sinh ra thân trùng màu vàng.

Nan Ðà nên biết! Thân yết la lam với tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, do nhân duyên đại chủng hòa hợp nên sinh ra căn. Như dựa vào gai sinh ra trùng, gai không phải là trùng, trùng không rời gai, nhưng y vào nhân duyên hòa hợp với gai nên sinh ra thân trùng màu đỏ.

Nan Ðà nên biết! Thân yết la lam với tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, do nhân duyên hòa hợp nên sinh ra căn. Như y vào lạc sinh ra thân trùng có màu trắng. Nói rộng ... cho đến nhân duyên đại chủng hòa hợp nên sinh ra căn.

Lại nữa, Nan Ðà! Y vào thân yết la lam bất tịnh của cha mẹ, địa giới hiện tiền, với tính chất cứng, thủy giới hiện tiền với tính chất ẩm ướt, hỏa giới hiện tiền với tính chất ấm nóng, phong giới hiện tiền với tính chất nhẹ động.

Nan Ðà! Thân yết la lam bất tịnh của cha mẹ nếu chỉ có địa giới không có thủy giới, thì bị khô khan và phân tán hết, như tay nắm lấy bột tro khô. Nếu chỉ có thủy giới không có địa giới, thì bị phân ly như giọt dầu trên nước. Do thủy giới nên địa gi?i không rã, do địa giới nên thủy giới không trôi đi. Này Nan Ðà! Nếu thân yết la lam có địa thủy giới mà không có hỏa giới, thì bị hư nát, như mùa hạ để cục thịt trong chỗ râm.

Này Nan Ðà! Nếu thân yết la lam có địa thủy hỏa giới mà không có phong giới thì không thể phát triển to lớn. Chúng đều do nghiệp từ trước làm nhân, lại cùng làm duyên hổ trợ, cùng nhau chiêu cảm, thức mới được sinh. Ðịa giới nâng đỡ, thủy giới kết dính, hỏa giới làm chín, phong giới làm tăng trưởng.

Này Nan Ðà! Như có người hay đệ tử người ấy, điều chế đường cát dùng hơi thổi vào làm cho phồng lên nhưng bên trong rỗng như ngó sen. Ðại chủng địa thủy hỏa phong trong thân do nghiệp lực làm tăng trưởng cũng như vậy.

Nan Ðà! Chẳng phải chỉ có chất bất tịnh của cha mẹ mà có yết la lam, cũng chẳng phải riêng bụng mẹ, cũng chẳng phải riêng nghiệp, chẳng phải riêng nhân hay riêng duyên, mà phải do các yếu tố này hòa hợp mới trở thành thai. Như hạt giống mới không bị gió nắng làm hư hoại, chắc không bị lép, được cất giữ đúng cách, đem gieo xuống ruộng tốt đủ độ ẩm ướt, có các yếu tố hòa hợp nhau mới mọc thành mầm, lần lượt phát triển thành cành lá hoa trái. Như vậy, nên biết là không phải chỉ có cha hay mẹ hay riêng các duyên khác mà có thai, phải do tinh cha huyết mẹ hợp cùng các nhân duyên khác mới thành thai.

Nan Ðà! Như người có mắt sáng tìm lửa, đem ngọc nhật quang đặt vào ánh sáng mặt trời, để trên phân bò khô thì lửa phát sinh. Như vậy nên biết nhờ vào tinh cha huyết mẹ và các duyên hòa hợp mới có thai. Bất tịnh của cha mẹ hợp thành yết la lam gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là danh, nên gọi là danh sắc. Tụ uẩn các danh sắc đáng chán này phát sinh các hữu, cho đến trong một sát na nhỏ nhất ta cũng không tán thán nó. Vì sao? Ðời sống trong các hữu thật là khổ. Ví như phẩn uế, dù chút ít cũng hôi thối.

Như vậy nên biết! Ðời sống trong các hữu dù nhỏ nhất cũng khổ. Năm thủ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức này đều có sinh trú tăng trưởng hoại diệt. Sinh là khổ, trú là bệnh, tăng trưởng hoại diệt là già chết.

Vậy nên, này Nan Ðà! Ðối với biển hữu, ai lại ưa thích mùi vị ái. Nằm trong thai mẹ chịu đau khổ khốc liệt như vậy.

Lại nữa, này Nan Ðà! Như vậy nên biết rằng, phàm nhập thai, nói theo số lớn thì có ba mươi tám lần bảy ngày. Trong bảy ngày đầu, thai trong bụng mẹ như quặng, như ung nhọt nằm trong phẩn uế, như trong bầu dầu thân căn và thức cùng ở một chổ bị nung nấu nóng bức khổ vô cùng nên gọi là yết la lam, thể trạng như cháo lỏng hoặc như lạc tương. Trong bảy ngày bị nung nấu, tính cứng của địa giới, tánh ướt của thủy giới, tánh nóng của hỏa giới, tánh động của phong giới mới hiện tiền.

Này Nan Ðà! Bảy ngày thứ hai, thai trong bụng mẹ nằm chung nơi nhơ uế như trong bầu dầu thần căn và thức cùng ở một chổ, bị nung nấu nóng nảy thật là cực khổ. Trong bụng mẹ có gió tự nổi lên gọi là xúc chạm khắp, do nghiệp trước sinh ra khi xúc chạm vào thai gọi là yên bộ đà, dạng như sữa đặc hay bơ, bị nung nấu, trong bảy ngày này có bốn đại chủng hiện tiền.

Này Nan Ðà! Bảy ngày thứ ba, nói rộng như trước, trong bụng mẹ có gió tên dao cắt miệng do nghiệp trước kia sinh ra, khi tiếp xúc như cắt vào thai, gọi là bế thi, dạng như đũa sắt hay con giun, trong bảy ngày này, bốn đại chủng hiện tiền.

Này Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ tư, nói rộng như trước, trong bụng mẹ có gió tên là nội khai, do nghiệp trước kia sinh ra, thổi vào thai như tên bắn, gọi là kiện nam, dạng như chiếc hài hay như cục đá ôn (serpentine), trong bảy ngày này bốn đại chủng hiện tiền.

Này Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ năm, nói rộng như trên, trong bụng mẹ có gió tên là nhiếp trì. Gió này tiếp xúc với thai có năm tướng hiện ra, đó là hai chi tay, hai đùi, và đầu. Như mùa xuân, trời mưa nước ngọt, rừng cây phát triển cành nhánh rậm rạp, giống như năm tướng biểu hiện ở đây.Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ sáu, trong thai mẹ có gió tên là quảng đại. Khi gió này tiếp xúc vào thai, có bốn tướng hiện ra. Ðó là hai khuỷu tay và hai đầu gối. Vào mùa xuân, mưa rơi cỏ tranh mọc cọng như bốn tướng hiển hiện ở đây.

Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ bảy, trong bụng mẹ có gió tên là toàn chuyển. Khi gió này tiếp xúc với thai có bốn tướng hiện ra, là hai bàn tay và hai bàn chân, bốn tướng này như bọt tụ hoặc như rêu nước.

Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ tám, trong bụng có gió tên là phiên chuyển. Khi gió này tiếp xúc thai, có 20 tướng hiện ra. Ðó là 20 ngón tay chân mới mọc ra như trời mưa mới, rễ cây mọc ra.

Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ chín, trong bụng mẹ có gió tên là phân tán. Gió này tiếp xúc vào thai, có chín tướng trạng xuất hiện, đó là: Hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng, và hai nơi đại tiểu.

Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười, trong bụng mẹ có gió tên kiên tiện, làm cho thai cứng lại. Trong bảy ngày này trong thai mẹ lại có gió tên phổ môn, thổi phồng bọc thai lên, như cái phao được thổi đầy khí.

Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười một, trong thai mẹ có gió tên sơ thông. Tiếp xúc với gió này, làm cho thai thông triệt, chín lỗ xuất hiện hết. Khi mẹ đi đứng nằm ngồi làm việc ... gió này xoay chuyển theo khoảng trống thông ra làm cho các lỗ lớn lên. Nếu gió thổi lên, làm lỗ trên mở ra, nếu thổi xuống, làm thông lỗ dưới. Như người thợ rèn và đệ tử họ, dùng ống bể quạt thổi khí lên xuống, luồng gió thổi qua rồi tự ẩn mất.

Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười hai, trong thai mẹ có gió tên khúc khẩu. Gió này thổi hai bên thai tạo thành đại tiểu trường quấn quít trong thân, cũng như tơ sen. Ngay trong bảy ngày này, có gió tên xuyên phát, ngay trong thai phát sinh đúng 120 chi tiết, lại do sức của gió làm thành 101 chỗ giữ lại.

Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười ba, trong thai mẹ do sức gió ở trước nên thai nhi có đói khát. Khi mẹ ăn uống, những chất bổ dưỡng theo cuống rốn dẫn vào để nuôi thân thai nhi.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười bốn, trong bụng mẹ có gió tên tuyến khẩu. Gió này làm cho thai mọc ra một ngàn sợi gân. Trước thân có 250, sau thân có 250, bên phải có 250, bên trái có 250.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười lăm, trong bụng mẹ có gió tên liên hoa, làm cho thai nhi hình thành hai mươi loại mạch để hấp thụ chất bổ dưỡng. Trước thân có năm, sau thân có năm, bên phải có năm, bên trái có năm. Các mạch này có nhiều tên và nhiều màu sắc, hoặc tên bạn, hoặc tên lực, hoặc tên thế sắc, các màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đậu tô, dầu lạc ... Lại có những màu xen lẫn nhau.

Nan Ðà! Hai mươi mạch này, mỗi mạch lại có bốn mươi mạch phụ, hợp thành tám trăm mạch hấp thụ khí, ở trước sau hai bên thân mỗi nơi có hai trăm mạch.

Nan Ðà! Tám trăm mạch này đều có một trăm đường mạch phụ thuộc, hợp lại có tám vạn, trước sau hai bên mỗi nơi có hai vạn.

Nan Ðà, tám vạn mạch này có nhiều lỗ trống, một hai cho đến bảy lỗ. Mỗi lỗ tiếp nối theo lỗ chân lông, như ngó sen có nhiều lỗ trống.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười sáu, trong thai mẹ có gió tên Cam lộ hành. Gió này có khả năng tạo điều kiện hình thành chỗ hai ổ mắt, hai tai, hai mũi, cuống họng ngực và ức của thai nhi, làm cho thức ăn đi vào có chổ chứa lại, làm cho thống suốt hấp thụ hơi thở vào ra. Như người thợ gốm và đệ tử lấy cục đất sét nhuyễn đặt trên bàn quay, tuỳ theo hình dáng của vật mà nắn làm cho không bị sai lạc. Ở đây, do gió nghiệp mà tùy chổ bố trí ổn định vị trí con mắt ... Như vậy, cho đến làm cho hơi thở vào ra thông suốt không sai lạc.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười bảy, trong thai mẹ có gió tên Mao phất khẩu. Gió này làm chỗ cho chất dinh dưỡng đi vào mắt tai mũi miệng yết hầu, ngực ức của thai nhi, làm cho nó trơn láng để hơi thở ra vào tận nơi. Như người thợ giỏi hay đệ tử họ dùng dầu và tro chùi tấm kính bị bụi ố, hoặc dùng đất mịn chà làm sạch. Ở đây do gió nghiệp làm cho an trí nơi chỗ không có trở ngại.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười tám, trong thai mẹ có gió tên vô cấu, làm cho sáng sạch sáu căn của thai nhi. Như mây lớn che nhật nguyệt, có gió lớn nổi lên thổi mạnh mây tan tứ tản, làm nhật nguyệt sáng lạn.

Nan Ðà! Sức gió nghiệp này làm cho sáng sạch sáu căn của thai cũng như vậy.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười chín, thai nhi trong bụng mẹ hình thành bốn căn mắt tai mũi lưỡi. Khi vào thai mẹ, trước tiên được ba căn là thân mạng và ý. Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi, trong bụng mẹ có gió tên kiên cố. Gió này làm cho chân trái sinh ra 20 đốt xương ngón chân, chân phải cũng sinh 20 xương, bàn chân bốn xương, bắp tay hai xương, đầu gối hai xương, đùi vế có hai xương, bàn tọa có ba xương, xương sống mười tám cái, xương sườn có hai mươi bốn cái, bàn tay trái có hai mươi xương, bàn tay phải có hai mươi xương, cổ tay có hai xương, tay có bốn xương, ngực có bảy xương, vai có bảy xương, cổ sau có bốn xương, cầm có hai xương, răng có ba mươi hai cái, sọ có bốn xương.

Nan Ðà! Như thợ làm tượng hay đệ tử ông ta, trước tiên dùng gỗ làm sườn, sau đó quấn dây chung quanh, cuối cùng đắp đất lên làm thành hình tượng. Sức gió nghiệp này, xếp đặt các đốt xương cũng như vậy, trừ các xương nhỏ khác.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi mốt, trong bụng mẹ có gió tên sinh khởi, làm sinh ra thịt trên thân thai nhi. Như người thợ hồ trước hết nhồi bùn, sau đó tô lên vách, gió này sinh thịt cũng như vậy.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi hai, trong bụng mẹ có gió tên phù lưu. Gió này làm cho thai nhi sinh máu.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi ba, trong bụng mẹ có gió tên phù trì. Gió này làm cho thai nhi sinh da.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi bốn, trong thai mẹ có gió tên tư mạn. Gió này làm cho da dẻ thai nhi bóng láng.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi lăm, trong bụng mẹ có gió tên Trì thành. Gió này làm cho máu thịt thai nhi càng thêm dồi dào.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi sáu,trong bụng mẹ có gió tên sinh thành, làm cho thai nhi sinh ra tóc lông móng tay móng chân chúng đều liên kết với các mạch máu.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi bảy, trong bụng mẹ có gió tên Khúc nghiệp. Gió này làm cho tóc lông móng tay móng chân của thai nhi được hoàn thiện.

Nan Ðà! Nếu nghiệp trước đây của thai nhi, là keo kiệt biển lận tài sản nên giữ chặt không bố thí, không nghe lời dạy của cha mẹ sư trưởng, vì thân miệng ý tạo nghiệp bất thiện, ngày đêm tăng trưởng thì thọ báo này:

- Sinh vào loài người thì bị quả báo không vừa ý. Nếu người đời cho dài là đẹp thì họ bị ngắn, nếu cho ngắn là đẹp thì họ bị dài, nếu cho thô là đẹp thì họ bị nhỏ bé, nếu cho nhỏ bé là đẹp thì họ bị thô, nếu cho chi tiết khít nhau là đẹp thì họ bị rời rạc, nếu cho rời rạc là đẹp thì họ bị khít nhau, nếu cho nhiều là đẹp thì họ bị ít, nếu cho ít là đẹp thì họ bị nhiều, nếu thích mập thì họ bị ốm, nếu thích ốm thì họ mập, thích khiếp nhược thì họ dũng mãnh, thích dũng mãnh thì họ khiếp nhược, ưa trắng thì họ đen, ưa đen thì họ trắng.

Này Nan Ðà! Lại do nghiệp ác đưa đến quả báo điếc mù câm ngọng, ngu si xấu xí, ngôn ngữ nói ra mọi người không thích nghe, tay chân cong vẹo hình dáng như ngạ quỷ, thân thuộc đều ghét không thích nhìn đến huống chi người khác. Có ba loại nghiệp này nên khi nói với người, họ không tin và không để ý đến. Vì sao vậy? Do đời trước họ tạo nghiệp ác nên bị quả báo này.

Nan Ðà! Do trước đây thai nhi có tu tập phước nghiệp, thích bố thí thương xót người bần cùng, không có tâm tham lam keo kiệt tài vật. Nghiệp đã làm này ngày đêm tăng trưởng, sẽ nhận ấy quả báo tốt. Nếu sinh vào loài người thì được nhận quả báo vừa ý. Nếu người đời cho dài là đẹp thì họ được dài, cho ngắn là đẹp thì được ngắn, thô hay nhỏ đều đúng cỡ, các chi tiết đều thích nghi, nhiều ít mập ốm dũng mãnh khiếp nhược nhan sắc ai thấy cũng thương mến, sáu căn đầy đủ xinh đẹp tuyệt trần, ngôn ngữ phân minh âm thanh hòa nhã, đầy đủ tướng mạo con người, ai cũng ưa nhìn, có ba nghiệp ấy khi nói với người, họ đều tin nhận và chú ý đến. Vì sao? Do đời trước họ tạo thiện nghiệp nên nay được quả báo này.

Nan Ðà! Nếu thai ấy là nam thì ngồi xổm bên hông phải mẹ, hai tay ôm mặt hướng vào xương sống của mẹ. Nếu là nữ thì ngồi xổm bên hông trái mẹ, hai tay ôm mặt hướng ra ngoài bụng mẹ, dưới sinh tạng trên thục tạng, bị sinh vật đè xuống thục vật đẩy lên, như trói chặt thân thể để trên cọc nhọn, mẹ ăn nhiều hay ít thai nhi đều bị khổ não. Như vậy, nếu mẹ ăn quá béo hay quá khô cứng, quá lạnh quá nóng, quá mặn nhạt đắng chua ngọt cay, thai nhi đều bị thống khổ. Nếu mẹ hành dục hoặc đi nhanh, khi ngồi chỗ khó khăn, ngồi lâu, nằm lâu, nhảy nhót, thai nhi đều bị khổ.

Nan Ðà nên biết! Thai nhi ở trong thai mẹ có những đau khổ như vậy, sự chèn ép thân thể không thể nói hết. Loài người còn chịu khổ như vậy huống chi khổ cực trong đường ác địa ngục khó ví dụ được. Thế nên Nan Ðà! Ai là người trí lại thích sống trong sinh tử, nơi biển khổ vô biên chịu ách nạn như vậy.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi tám, thai nhi trong bụng mẹ sinh ra sáu tưởng điên đảo. Ðó là: tưởng về nhà, xe, vườn, lầu gác, rừng cây, giường tòa, sông, ao. Những thứ ấy không thật có chỉ do vọng tưởng phân biệt.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi chín, trong thai mẹ có gió tên Hoa điều. Gió này thổi vào thai nhi làm cho màu sắc thân thể trở nên trắng đẹp sáng sạch, hoặc do nghiệp lực làm cho đen đúa, hoặc màu xanh, hoặc trở thành các loại nhan sắc xen lẫn khác, hoặc làm khô khan không có tươi nhuận, ánh sáng trắng hay đen tùy theo màu sắc mà có.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi, trong bụng mẹ có gió tên Thiết khẩu. Gió này thổi làm cho tóc lông móng tay móng chân thai nhi tăng trưởng. Các màu sáng trắng đen đều tùy theo nghiệp hiện ra, như nói ở trên.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi mốt, trong bụng mẹ, thai nhi lớn dần. Theo như vậy đến bảy ngày thứ ba mươi hai, ba mươi ba, ba mươi bốn, thai nhi phát triển to lớn.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi lăm, trong thai mẹ, các chi thể của thai nhi đã đầy đủ.

Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi sáu, thai nhi không thích ở trong thai mẹ nữa.

Nan Ðà! Vào ngày thứ ba mươi bảy, trong thai mẹ, thai nhi bỗng sinh ra ba tưởng không điên đảo. Ðó là bất tịnh tưởng, xú uế tưởng, hắc ám tưởng (nói theo như trước một phần)...

Nan Ðà! Bảy ngày thứ ba mươi tám, trong bụng mẹ có gió tên Lam hoa. Gió này làm cho thai nhi di chuyển thân thể trở xuống, duỗi thẳng hai tay, hướng về sản môn. Lại có gió tên Thú hạ, do nghiệp lực nên gió thổi vào thai nhi làm cho đầu quay xuống dưới, chân hướng lên trên, sắp ra khỏi sản môn.

Nan Ðà! Nếu đời trước, thai nhi ấy có tạo nghiệp ác và làm đọa thai người, do nhân duyên này khi sắp sinh ra, tay chân ngang ngược không nằm xuôi chiều, và bị chết trong bụng mẹ. Khi ấy, nếu người nữ có trí tuệ hoặc thầy thuốc giỏi, dùng dầu bơ ấm, nước vỏ cây du, và các chất trơn khác bôi lên tay, dùng ngón tay giữa kẹp dao nhỏ thật bén, mũi nhọn sắc bén. Bên trong như hầm phẩn tối đen hôi hám thật gớm. Có vô số vi trùng ở đó, nước hôi thường chảy ra, tinh huyết hư thật đáng nhàm chán, da mỏng che đậy, vết thương của thân ác nghiệp này nhơ bẩn như vậy. Ðưa tay vào đó dùng dao bén cắt thân thai nhi thành từng mảng lấy ra ngoài. Do đó người mẹ chịu đau khổ vô cùng không vừa ý, vì vậy qua đời. Nếu còn sống không khác gì chết.

Nan Ðà! Nếu thai nhi nhờ vào thiện nghiệp đã làm, dù có điên đảo nhưng không gây tổn hại mẹ, an ổn sinh ra không chịu đau khổ.

Này Nan Ðà! Giai đoạn đó chỉ là tầm thường không thể so với ách nạn vào bảy ngày thứ ba mươi tám này. Khi sắp sinh, mẹ chịu khổ lớn, tính mệnh gần như chết mới sinh được thai.

Này Nan Ðà! Ông hãy quán sát kỹ để câu xuất ly.

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

Quyển thứ mười một hết.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |


[ Trở Về ]