Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]

LUẬT XUẤT-GIA TÓM TẮT (PABBAJITA VINAYA SANKHEPA)

TỲ-KHƯU HỘ-TÔNG (VANSARAKKHITA BHIKKHU)

PL. 2510 - TL. 1966
TÁI BẢN PL. 2537 - TL. 1993


 
 

IV. 30 ÐIỀU HỌC ƯNG XẢ ÐỐI TRỊ (NISSAGGIYA PÀCITTIYA).

Ưng xả đối trị nghĩa là phạm phép chứa cất y càsa, bình bát, vàng, bạc, trái luật, nếu chịu xả vật ấy giao cho Tăng rồi sám hối mới được khỏi tội.

Chia làm 3 phần:

1) Lễ dâng y lần thứ nhất. (cìvaravagga) có 10 điều.
2) Ngọa cụ trộn với chỉ tơ lần thứ nhì (kositavagga) có 10 điều.
3) Bình bát dư lần thứ ba (pattavagga) có 10 điều.
1) LỄ DÂNG Y LẦN THỨ NHẤT.

Có 10 điều học:

1/- Lễ Dâng Y Lần Thứ Nhất (pathama kathina).

Y chưa gởi, chưa nguyện gọi là y dư (atirekacìvara) khi hết hạn quả báo lễ Dâng y rồi Tỳ-khưu đem cất giữ y dư ấy, lâu lắm là đến 10 ngày. Nếu quá 10 ngày phạm Ưng xả đối trị, nghĩa là y ấy, là vật phải xả, còn Tỳ-khưu phạm Ưng xả đối trị (pacittiya).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Gotamaka gần thành Xá vệ (Sàvatthi) do Ànanda hỏi Phật.

Chú giải: Y có 6 thứ:

- Y dệt bằng chỉ vỏ cây (khomam).
- Y dệt bằng chỉ bông (kappàsikam).
- Y dệt bằng chỉ tơ (koseyyam).
- Y dệt bằng lông thú (trừ lông củ người, lông đuôi, lông cánh của thú) (kambalam).
- Y dệt bằng cây gai (sànam).
- Y làm trộn với 5 thứ chỉ trên (bhangam).
Tất cả y làm bằng 1 trong 6 thứ chỉ ấy, nếu Tỳ-khưu cất giữ đến mặt trời mọc đến ngày thứ 11 kể từ ngày thọ y mà không gởi, không nguyện, không xả, trong hạn kỳ 10 ngày, thì phạm Ưng xả đối trị. Nếu không xả cho Tăng, cho 1, 2 hoặc 3 Tỳ-khưu trước mà đem ra mặc, phạm Tác ác (dukkata).

Y đã quá 10 ngày Tỳ-khưu biết rằng quá 10 ngày hoặc nghi, hoặc tưởng chưa quá cũng phạm Ưng xả đối trị.

Y chư quá 10 ngày tưởng đã quá, hoặc nghi đem ra mặc, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu đã nguyện, gởi, xả cho người nào trước 10 ngày, y thấy tiêu mất, bị lửa cháy, bị trộm cắp, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) có 5 chi:

- Y của mình (cìvarassa attanosantakatà).
- Y ấy đã đến tay mình, hoặc được nghe rồi là y của mình (gananupagàtà).
- 2 điều bận (Palibodha) đã dứt (niccha Palibodhabhàvo) [xem trong Kathina-khandhaka]
- y ấy là y dư (atirekacivaratà).
- đã quá 10 ngày (dasàhàtikamo).
Đều đũ cả 5 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội như trong điều học lễ dâng y lần nhứt (pathamakathina), phạm tội phát sanh do thân nghiệp (kayakamma), do thân khẩu ý (kàyavàcàcitta), phạm vì không làm (akiriyà), không khỏi phạm vì tưởng (nosannàvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannàttivajja), thân nghiệp (kàyakamma), khẩu nghiệp (vacìkamma), có 3 tâm (ticittam), có 3 thọ (tissovedanà).

2/- Lễ Dâng Y Lần Thứ Nhì (dutiya Kathina).

Khi mãn hạn kỳ quả báo lễ Dâng y rồi, Tỳ-khưu còn xa lìa Tam y, dầu chỉ trong 1 đêm cũng phạm Ưng xả đối trị, trừ ra Tỳ-khưu có bịnh và được Tăng cho phép (điều học này gọi là "uddosita" cũng được.).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do đức Ànanda đi thấy Tỳ-khưu đem y để hong nắng rất nhiều, nên hỏi thăm mới hay là y của chư Tỳ-khưu gởi, bỏ đi đến xứ khác, do cớ ấy, đức Ànanda bèn bạch với Phật.

Chú giải: Tỳ-khưu để y trong chỗ không có ngăn, che, phải ở trong nơi ấy không nên ở xá 1 hắc, 1 gan. Nếu nơi ấy có nhiều chủ, là nơi có ngăn che, để y nơi nào, phải ở trong nơi ấy, hoặc ở trong chỗ đô hội, hoặc gần cửa là nơi vô ra, không nên xa lìa khỏi hắc (hatthapàsa). Nếu để xa khỏi hắc đến mặt trời mọc, phạm Ưng xả đối trị.

Phải xả y ấy đến Tăng, đến 2, 3 Tỳ-khưu hoặc đến một Tỳ-khưu, nên mới mặc được, phải xả trước rồi sám hối sau mới khỏi tội.

Tam y mà Tỳ-khưu đã xa lìa rồi, biết rằng đã xa lìa, hoặc nghi, hoặc tưởng, không xa lìa cũng phạm Ưng xả đối trị.

Tam y mà Tỳ-khưu chưa xa lìa, tưởng rằng đã xa lìa hoặc nghi rồi đem, mặc phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu đã nguyện gởi... trước khi mặt trời mọc, Tỳ-khưu có bịnh có Tăng cho phép và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm vì dạy người (anànattika) có 4 chi:

- Y mà Tỳ-khưu đã nguyện đặt tên rồi (adhitthita cìvaratà).
- Không có quảbáo lễ Dâng y (anatthatakathinatà).
- Không có Tăng cho phép (aladdhasammatità).
- Ở xa y ấy đến khi mặt trời mọc(rattivikappavàso).
Ðều đủ cã 4 chi ấy phạm Ưng đối trị.

Chỗ sanh tội trong điều học "lễ dâng y lần thứ nhất" chỉ khác nhau là điều học trước không được nguyện, không được gửi gọi là phạm "vì khônglàm "(akirayà), trong điều học này vì không xả nguyện trước khi mặt trời mọc gọi là phạm vì không làm" (akiriyà).

3/- Lễ Dâng Y Lần Thứ 3 (Tatiya Kathina).

Nếu vải phát sanh ngoài lễ dâng y (akàlacìvara) đến Tỳ-khưu [*], Tỳ-khưu được rồi muốn làm y nhưng vải ấy thiếu,không đủ, nếu cố ý để tìm thêm hoặc tin chắc rằng sẽ được vải nữa, nên để vải ấy lâu lắm đến 1 tháng phạm Ưng xả đối trị.

[*] xem trong Kathina-khandhaka: tam y phát sanh trong 11 tháng, từ 16/10 năm này đến rằm tháng 9 năm sau, gọi là y ngoài lễ dâng y.
Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Ngài ngự xem thấy Tỳ-khưu được vải muốn làm y mà thiếu, song cố ý tìm vải thêm để may y.

Chỗ sanh tội như trong điều học lễ Dâng y lần thứ nhất, chỉ khác nhau là điều học này để quá 1 tháng.

4/- Dạy Tỳ-khưu ni giặt y (cìvara dhovana).

Tỳ-khưu sai Tỳ-khưu ni không phải bà con đi giặt y hoặc nhuộm y cũ, phạm Ưng đối trị (điều này gọi là purànacìvara cũng được).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Udàyi sai Tỳ-khưu ni là vợ cũ đi giặc y.

Chú giải: Tỳ-khưu bảo Tỳ-khưu ni không phải bà con đi giặc, nhuộm y cũ đã có mặc rồi, dầu chỉ đã mặc 1 lần, cũng phạm Ưng xả đối trị.

5/- Lãnh y nơi tay Tỳ-khưu ni (cìvarappatigahana).

Tỳ-khưu thọ y nơi tay Tỳ-khưu ni không phải bà con phạm Ưng xả đối trị, trừ ra đổi y với nhau.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana) gần thành Vương xá (Ràjagaha) do Tỳ-khưu Udàyi lãnh y nơi tay Tỳ-khưu ni.

6/- Xin y nơi người không phải bà con (annatakavinnatti).

Tỳ-khưu xin y nơi người thế không phải bà con, không phải người có yêu cầu, nếu xin được y phạm Ưng xả đối trị (trừ ra có duyên cớ nên xin y được, là khi y bị cướp, hoặc bị hư, mất, cháy).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda xin y nơi nhà phú trưởng giả không phải bà con.

Chú giải: thí chủ là bà con, Tỳ-khưu tưởng không phải bà con, nghi rồi đi xin phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Xin có duyên cớ (duyên cớ là lúc y bị cướp mất, lửa cháy, nước lôi, mối ăn, cũ rách), hoặc xin nơi bà con, hoặc nơi người có yêu cầu, xin cho người khác, đổi với nhau và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Nếu có cớ, đức Phật cho phép xin y nơi người không phải bà con, nếu chưa được xin đi đến chùa trước, dùng y để trong chùa, y để trải giường, nệm của Tăng trong chùa này rồi sẽ trả lại cũng nên. Nếu không có ý như thế, nên che mình bằng cỏ hoặc lá cây rồi mới nên đi, nếu đi lõa thể, phạm Tác ác.

Người thế có đức tin bạch rằng "tôi yêu cầu bố thí 4 món vật dụng, nếu đại đức cần dùng món chi xin cho tôi biết, tôi sẽ dâng" như thế gọi là yêu cầu, người yêu cầu bố thí ngay món nào, nếu cần dùng chỉ nên xin món ấy. Dâng sao dùng vậy chẳng nên đòi hỏi thêm.

Xin nơi bà con và người yêu cầu của mình, xin cho Tỳ-khưu khác không phạm.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) nhờ Tỳ-khưu khác đi xin nơi bà con và người yêu cầu của Tỳ-khưu cho mình, không phạm tội, có 4 chi:

- Y có thước tất vừa gởi (vikappanupagacìvaratà).
- Không có duyên cớ (samaỳabhàvo).
- Xin nơi người không phải bà con (annatakavinnattita).
- Xin được (patilàbho).
Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học làm mai dong (sancarita samutthàna), phạm vì làm (kiriyà), không khỏi phạm vì tưởng (nosannavimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp (kàyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), có 3 tâm(ticitam), có 3 thọ (tissovedanà).

7/- Trong mấy duyên cớ ấy (Taduttara).

Trong mấy duyên cớ ấy, Tỳ-khưu chỉ được phép xin y nội và y vai trái thôi (antaravàsaka, uttàsanga), nếu xin quá số xin được, thì phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu phe Thập thất sư, tìm các Tỳ-khưu bị mất y rồi dạy đi xin y rất nhiều.

Chú giải: Tỳ-khưu cố ý muốn xin nhiều y nơi người không phải bà con, ra đi mỗi bước phạm mỗi tội ác, nếu xin được y phạm Ưng xả đối trị.

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu nói "ta chỉ làm 2 cái y còn dư ta trả lại", thí chủ nói "vải còn dư xin để dâng ngài", xin nơi bà con hoặc người có yêu cầu và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) có 4 chi:

- Vui thích trong y nhiều quá số (tasuttarita).
- Không có duyên cớ mất hết y (acchinnàdikàramatà).
- Xin y nơi người không phải bà con (annàtakavinnathità).
- Xin y được để cho mình (patilàbho).
Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học trước.

8/- Định giá y lần thứ nhất (pathama upakkhata).

Nếu thí chủ không phải bà con, không có yêu cầu họ nói sẽ Dâng y đến Tỳ-khưu tên này, Tỳ-khưu ấy được biết rồi, đi nói cho họ dâng y như vầy, như kia, cao giá tốt hơn y của người đã định dâng mình, được y, thì phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda dạy người dâng y ca-sa cao giá hơn của họ đã định

Chú giải: Thí chủ bà con, tưởng không phải bà con, phạm Tác ác.

Thí chủ mua y tốt hoặc giá cao, Tỳ-khưu dạy mua y xấu hoặc rẽ, hoặc bằng giá y mà họ đã định hoặc xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu hoặc của mình nhờ kiếm giùm và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này thuộc về "tikkapàcittiya" có 3 chi:

- dạy dâng y cao giá hơn của người đã định (cìvarabhiyyokamyatà).
- xin nơi thí chủ không phải bà con (annatakavinnatthta).
- được y theo giá định ấy (patilàbho).
đều đủ 3 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị.

chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học "trong mấy duyên cớ ấy".

9/- Định giá y thứ nhì (dutiya upakkhata).

nếu có người thí chủ, họ chung đậu dâng y đến Tỳ-khưu, từ 2 người trở lên đều là không phải bà con, không phải người có yêu cầu, Tỳ-khưu đi nói cho họ chung đậu nhau để mua y giá cao hoặc tốt hơn y mà hạn định dâng ấy, được y, thì phạm tội Ưng xả đối trị.

Điều học này như trước, chỉ khác nhau là điều học này có nhiều thí chủ.

10/- Các thí chủ nhất là vua (Ràja).

Nếu có người đem dâng để mua y, họ hỏi Tỳ-khưu "Bạch ngài, người nào hộ ngài?" Tỳ-khưu cần dùng y nên chỉ người hộ (veyyàvaccakarana) hoặc cận sự nam (thiện nam - upàsaka) cho họ biết rằng "người này hộ chư sư trong chùa ". Khi họ đã giao y đến người hộ ấy, rồi đến bạch với Tỳ-khưu rằng "Nếu ngài cần dùng y, xin cho người hộ ấy hay rằng 'Ta cần dùng y'", như thế đến 3 lần, nếu không được y nên đi đứng cho vừa người hộ ấy xem thấy. Đứng nhiều lắm đến 6 lần, nếu chưa được mà đi đòi cho quá 3 lần, đi đứng quá 6 lần, được y, thì phạm Ưng đối trị. Nếu đã đi đòi, đi đứng đủ, theo luật định, mà không được y, nên đi cho thí chủ hay hoặc dạy người đi nói rằng "Của ấy không được sự lợi ích đến người đâu". Cho họ đòi của họ lại.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda thúc hối người dâng y lập tức, người hộ vì có việc gấp nên yêu cầu để qua ngày khác mà Tỳ-khưu Upananda không chịu.

Chú giải: khi Tỳ-khưu cần dùng y nên cho hay rằng "Ta cần dùng y", không nên nói "Ngươi nên dâng y đến ta, đem y đến cho ta", nói như thế không nên.

Nếu đi đòi 2, 3 lần được thì tốt, bằng không được Tỳ-khưu nên đi đến đứng làm thinh đến 4, 5 lần hoặc 6 lần là nhiều, đừng ngồi, đừng thọ vật chi, đừng nói đạo cho họ. Nếu họ hỏi "Ngài đến có việc chi? Nên đáp "Ngươi hãy nên biết lấy". Nếu Tỳ-khưu ngồi, hoặc thọ vật chi của họ, nói pháp cho họ nghe gọi là bỏ oai nghi đứng, làm cho hư hỏng sự đi đến.

Nếu Tỳ-khưu đứng làm thinh, đứng 6 lần là nhiều, được y thì tốt bằng không được y, Tỳ-khưu ráng đến đứng quá 6 lần thì phạm Tác ác, trong mỗi lần đứng, được y thì phạm Ưng xả đối trị.

Tỳ-khưu chỉ đi đứng, không đòi, đứng được 12 lần, nếu người hộ mà thí chủ chỉ, Tỳ-khưu đi đòi cũng được. Nếu làm cả 2 oai nghi, thì chỉ đi đòi được 3 lần, đứng đến 6 lần.

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu đòi theo phép và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (ànànattika) có 4 chi:

- Tỳ-khưu chỉ người hộ (kappiyakàrakàsss abhikkhanoni ditthabhàvo).
- Người tay sai nói cho người hộ hay rồi cho Tỳ-khưu biết nữa (dùtena appitatà).
- Ráng đi đòi, đi đứng quá luật định (taduttam vàyamo).
- Ðược y vì sự ráng sức ấy (tànavàỳamenapatilàbho).
Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học xin y nơi người không phải bà con

2) NGOẠ CỤ TRỘN VỚI CHỈ TƠ LẦN THỨ NHÌ (kosiyavagga).

Có 10 điều học:

1/- Ngọa cụ trộn với chỉ tơ (kosiya).

Tỳ-khưu làm ngọa cụ bằng lông cừu trộn với chỉ tơ, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Aggàlava gần thành Àlavi do phe Lục sư dạy người nấu tơ cho nhiều để làm ngọa cụ bằng chỉ tơ.

Chú giải: dầu làm ngọa cụ có trộn một sợi chỉ cũng phạm Ưng xả đối trị.

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu làm trần thất, làm sáo che, làm nệm, gối và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì người dạy (sànàtika) có 3 chi:

- Làm ngọa cụ trộn với chỉ tơ (kosiyamissakabhàvo).
- Mình làm hoặc dạy người làm cho mình (attano atthàyasantha tassa karanakàràpanam).
- Làm được (patilàbho).
Ðiều đủ 3 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này có 6 chỗ sanh tội vì làm (kiriyà), không khỏi phạm vì tưởng (nosannàvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp (kàyakamma), khẩu nghiệp (vacìkamma), có 3 tâm (ticitta), 3 thọ (tissovedanà).

2/- Ngọa cụ lông cừu toàn màu đen (suddhakàlaka).

Tỳ-khưu làm ngọa cụ lông cừu bằng màu đen, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá Kùtàgàra, trong rừng Tuyết sơn gần thành tỳ sa li (Vesàli) do phe Lục sư làm ngọa cụ bằng lông cừu bằng đen.

3/- Ngọa cụ lông cừu là màu đen hơn 2 phần (dvebhàga).

Tỳ-khưu làm ngọa cụ mà phải để lông cừu đen 2 phần, lông trắnng 1 phần, lông cừu đỏ 1 phần, thành 4 phần. Nếu không làm như thế rồi để lông cừu đen nhiều hơn 2 phần, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư làm ngọa cụ để lông cừu đen nhiều hơn 2 phần.

4/- Dùng ngọa cụ mới chưa đến 6 năm (Chabhassa).

Tỳ-khưu làm ngọa cụ mới phải dùng cho đến 6 năm, nếu chưa đến 6 năm, rồi làm ngọa cụ mới khác, phạm Ưng xả đối trị (trừ ra Tỳ-khưu có bịnh, có Tăng cho phép).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu xin lông cừu rất nhiều để làm ngọa cụ.

5/- Làm tọa cụ (nissidanasanthata).

Tỳ-khưu làm tọa cụ phải cắt lấy chung quanh tọa cụ cũ một gan của đức Phật đem may chung với tọa cụ mới, nếu không làm như thế, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu bỏ rải rác tọa cụ.

6/- Thọ lãnh lông cừu (Elakaloma).

Khi Tỳ-khưu đi đường xa, nếu có lông cừu phát sanh đến mình, rồi muốn cần dùng, thì được phép lãnh, nếu có người hộ, được phép tự mình đem đi xa lắm đến 3 do tuần. Ðem đi xá quá 3 do tuần, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu thọ lông cừu đi xa quá 3 do tuần.

7/- Khiến Tỳ-khưu ni giặc lông cừu (Elakalomadhovàpana).

Tỳ-khưu dạy Tỳ-khưu ni, không phải bà con đi giặt, hoặc nhuộm, hoặc chải lông cừu, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều này đức Phật cấm chế tại Tịnh xá Nigrodhà gần thành Ca tỳ la vệ (Kàpilavatthu) do phe Lục sư dạy Tỳ-khưu ni giặc lông cừu.

Chú giải: chỗ sanh tội (Samutthàna) của 6 điều học trên đây như trong điều học "ngọa cụ trộn với chỉ tơ" (kosiya).

8/- Thọ lãnh vàng bạc (Rùpiya).

Tỳ-khưu lãnh hoặc dạy người khác lãnh vàng bạc hoặc vui thích ngay vàng hoặc bạc mà người cất giữ cho mình phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại thành Vương xá (ràjagriha) do Tỳ-khưu Upananda thọ vàng bạc.

Chú giải: vàng lá, vàng cục, bạc hình, bạc cục, bạc nén, bạc giấy... hoặc các vật dụng để mua, bán, đổi thế cho vàng bạc cũng đều gọi là vàng bạc là vật phải xả bỏ.

Ngọc ngà, châu báu, 7 thứ lúa, tớ trai, tớ gái, ruộng vườn, trái, bông cây, đều là vật phát sanh tội Tác ác.

Chỉ gai, vải bông các thứ đậu, mè, thuốc, sữa, dầu,mật, nước mía ... đều là vật dụng thọ lãnh được, không phạm.

Trong vật phải xả bỏ, Tỳ-khưu thọ, hoặc dạy người lãnh cất cho mình, hoặc người cất ngay trước mặt họ nói: "vật này là của ngài", hoặc vật ấy để nơi kín, chủ chỉ dâng bằng thân, hoặc bằng khẩu, hoặc ra dấu nói như vầy "bạc, vàng của tôi có trong chỗ đó, bạc vàng ấy là của ngài". Nếu họ nói như thế, Tỳ-khưu không ngăn cấm, bằng ra dấu hoặc bằng khẩu cũng gọi là vui thích bạc vàng mà họ cất, phạm Ưng xả đối trị.

Nếu đã phạm nên xả như vầy: Aham bhate rùpiyam patiggahesim idam me bhate nissaggiyam imàham sanghassa nissajàmi.

Nghĩa: Bạch đại đức Tăng, tôi thọ bạc vàng rồi, bạc vàng ấy là của tôi phải xả, tôi xin xả bạc vàng ấy đến Tăng.

Nếu có mặt người thế nơi đó, cho Tăng nói với họ rằng "Người hãy biết vật này". Nếu họ hỏi "Với của này, tôi phải đem vật chi đến?" Tỳ-khưu không nên nói: "Phải đem vật chi chi...", chỉ nên nói "đem vật nên dùng" (sữa, dầu, mật). Nếu họ đem các vật ấy đến, các Tỳ-khưu nên chia nhau dùng, trừ ra Tỳ-khưu đã thọ vàng bạc ấy, Tỳ khưu đã thọ bạc vàng không nên dùng đến.

Nếu người thế họ không muốn lấy vàng bạc ấy, Tăng nên nhờ họ rằng "Ngươi nên liệng bỏ vật ấy đi". Nếu liệng trong một chỗ nào, hoặc họ lấy đi, chẳng nên ngăn cản, nếu họ không chịu liệng Tỳ-khưu ấy phạm Tác ác.

Không phải bạc vàng, tưởng là bạc vàng, hoặc nghi, hoặc lãnh bạc vàng cho người khác, nhất là thọ cho Tăng hoặc cho tháp, đều phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Họ dâng vàng bạc, hoặc cất để trong nơi khuất mắt, hoặc trước mặt họ nói rằng "Vậy này là vật dụng của ngài". Nếu Tỳ-khưu có tâm vui thích muốn lấy rồi ngăn cản ra, bằng cách ra dấu, hoặc bằng khẩu rằng "Vật ấy không nên", hoặc nếu không ngăn cản bằng thân hay khẩu mà có tâm trong sạch, không vui thích, tính rằng là "Vật không nên đến ta", cũng được, không có tội.

Tỳ-khưu lấy, hoặc dạy người ấy vàng bạc của người rớt trong chùa, hoặc trong chỗ mình ở, tính rằng "Của người nào, thì người ấy hãy lại lấy" như thế, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này, phạm tội vì dạy người (sànattika) có 3 chi:

- Vật ấy là vàng bạc, là vật phải xả bỏ (Jàtarùparajatabhàvo).
- Về phần của mình (attudesikatà).
- Tự mình lãnh hoặc dạy người khác lãnh, hoặc người cất giữ mà mình vui thích (patiggahanàdisu annatarabhàvo).
Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học làm mai dong, chỉ khác nhau là điều học này phạm vì lãnh (siyà akiriyà) và phạm vì không làm là không ngăn cản (siyà akiriyà) bạc vàng mà họ cất giữ cho.

9/- Mua, bán, đổi bạc vàng. (Rùpiyasamvohàra).

Tỳ-khưu mua bán, đổi vàng bạc là vật mà người dùng thế cho vàng bạc, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư mua, bán, đổi bạc vàng.

Chú giải: chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học trước.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) có 2 chi:

- vật đã đổi được hoăc của mình đem đi đổi (yamattanodhane parivateti tassavà dhanassavàrùpiyabhàvoceva).
- thành tựu được trong việc mua bán, đổi (parivatananca).
đều đủ 2 chi ấy phạm tội Ưng xả đối trị.

10/- Mua, bán, đổi vật y, bát (kayavikaya).

Tỳ-khưu mua, bán, đổi các vật nhất là y vật thực với người thế phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda đổi y.

Chú giải: Tỳ-khưu nói với người thế "ngươi hãy cho vật này", do vật này hoặc ngươi lấy vật này cho vật kia cho tôi, lấy vật này, đổi lấy vật này như thế, phạm Tác ác, nếu đổi được thì phạm Ưng xả đối trị.

Lấy vật của người gọi là mua, đem của mình cho người gọi là bán, cho nên Tỳ-khưu đưa vật của mình, lấy vật của người như thế, trừ ra hạng người xuất gia (Sa-di), Tỳ-khưu dầu là của cha mẹ, nếu nói tiếng "đổi", thì phạm Ưng xả đối trị.

Tỳ-khưu cho vật thực hoặc đồ gì khác đến người thế rồi nói, người nên dùng vật này, rồi đem vật kia đến cho tôi hoặc làm việc này cho tôi, hoặc làm việc kia cho tôi rồi dạy lấy nước nhuộm hoặc vật khác hoặc dạy đào đất, làm cỏ... Như thế phạm Ưng xả đối trị. Nếu có vật phải xả, bằng không có vật xả thì sám hối tội Ưng xả đối trị.

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu hỏi giá rằng: của giá bao nhiêu hoặc muốn lấy vật gì nơi tay người ấy, nhờ kẻ khác, dầu là bà con của chủ vật ấy tiếp đổi dùm, rằng "ngươi hãy lấy của này, đổi vật kia lại cho ta", hoặc nói không ra dấu, như người đi đường chỉ có gạo mà muốn được cơm nên nói với chủ cơm rằng: "Ta có gạo, không cần dùng, ta cần dùng cơm" như thế, chủ lấy gạo đi, cho cơm lại Tỳ-khưu, và Tỳ-khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) có 3 chi:

- của mình đem đi đổi hoặc của người đổi lại (tesamlappiyavatthutà).
- chủ của ấy là người thế (asahadhàmmikatà).
- đổi như các đã nói (kàyavikkaỳapajjanam).
Đều đủ cả 3 chia ấy mới phạm Ưng xả đối trị. Chỗ phạm tội như trong điều học thọ lãnh vàng bạc.

3. BÌNH BÁT LẦN THỨ BA (pattavagga).

Có 10 điều học.

1/- Bình bát dư (patta): Bình bát chưa gởi, chưa nguyện gọi là bình bát dư. Tỳ-khưu cất giữ bình bát dư ấy lâu lắm đến 10 ngày, nếu cất giữ quá 10 ngày phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư cất giữ nhiều bình bát.

Chú giải: Bình bát có 2 thứ: bình bát sắt và bình bát đất vừa cho Sa-môn dùng nên mới nguyện và gởi.

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina).

2/- Bình bát chưa nứt bể đến 5 chỗ: (Onapancabhanna): Bình bát nứt bể 2 ngón tay gọilà nứt bể 1 chỗ, Tỳ-khưu có bình bát nứt bể chưa đẻ 5 chỗ, nghĩa là có nứt bể chưa đủ 10 ngón tay, rồi đi xin bình bát mới nơi người thế không phải bà con, nơi người không có yêu cầu, nếu xin được, phạm Ưng xả đối trị.

Điều học này đức Phật cấm chế tại Nigrodha tịnh xá gần thành Ca tỳ la vệ (Kaoilavatthu) do chư Tỳ-khưu xin bình bát mới nhiều.

Chú giải: Tỳ-khưu phạm Ưng xả đối trị phải xả bình bát trước mặt 5 vị Tỳ-khưu trở lên, 5 vị Tỳ-khưu thế mặt cho Tăng ấy là người đổi bình bát. Nên đem bình bát của người cao hạ đem dâng cho vị thấp hạ, đổi theo thứ tự, lần xuống như thế, cho đến Tỳ-khưu ngồi sau cuối cùng chư Tăng, rồi lấy bình bát của Tỳ-khưu này, cho Tỳ-khưu vừa xả ấy và nói "bình bát của ngài, ngài hãy dùng cho đến bể và không bỏ, không nên cho ai".

Thể thức không phạm tội:

Tỳ-khưu có bình bát nứt hoặc bể, xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu của mình, nơi bà con và người có yêu cầu của Tỳ-khưu khác, xin cho vị khác hoặc kiếm do của mình và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 4 chi:

- Bình bát nên nguyện, nứt bể chưa đủ chỗ. (onapancahamdanattà).
- Xin cho mình (attuddesikatà).
- Xin nơi ngườikhông phải bà con, không có yêu cầu (agatavinnattità).
- Xin được (patilàbho).
Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội Ưng xả đối trị. Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học "khiến Tỳ-khưu ni giặt lông cừu" (ekaloma dhovàpana).

3/- Thuốc chữa bịnh (Bhesajja).

Tỳ-khưu lãnh 1 trong 5 thứ thuốc là: sữa lỏng, sữa đặc, dầu, mật ong, nước mía, chỉ được phép để dành dùng lâu lắm là đến 7 ngày, nếu quá 7 ngày, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu cất giữ thuốc ấy lâu ngày.

Chú giải: Tỳ-khưu cất giữ 1 trong 5 thứ thuốc ấy đến mặt trời mọc ngày thứ 8, phạm Ưng xả đối trị. Kể theo mỗi thứ thuốc, nếu đựng chung trong 1 chỗ phạm 1 tội. Thuốc xả rồi, dùng thoa, xức được, uống không được.

Cả 5 thứ thuốc ấy, nếu đã giao cho người chưa thọ Tỳ-khưu giới (Sa-di, thiện tín) trong 7 ngày được lại dùng không phạm. Tỳ-khưu đã thọ rồi, tính dùng, rồi mới để cho quá 7 ngày mới phạm Ưng xả đối trị, nếu không tính uống để thoa xức, dầu quá 7 ngày cũng không phạm tội.

4/- Y tắm mưa (Vassikasàtikà): Còn 1 tháng hết mùa nóng, kể từ 16 đến cuối tháng 5, trong nữa tháng ấy là hạn định cho Tỳ-khưu phải kiếm y tắm mưa, từ ngày mùng 1, đến trăng rằm tháng 6, trong nửa tháng này, Tỳ-khưu phải kiếm và làm cho xong y tắm mưa và mặc cũng được, nếu kiếm, làm, hoặc sái thì giờ đã định, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư kiếm làm, mặc y tắm mưa trước thì giờ đã định.

Chú giải: Thể thức không phạm tội: Tỳ-khưu có y bị trộm cướp hoặc mất và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika - Pariyesanàpatti) (phạm tội vì cách xin) có 3 chi:

- Y tắm mưa của mình .
- Tìm kiếm ngoài hạn kỳ.
- Xin được.
Navàsanàpatti (phạm tội vì cách mặc ngoài hạn định) có 4 chi:
- Không có hư mất.
- Tỳ-khưu không có y đều đủ.
- Y tắm mưa của mình.
- Mặc ngoài hạn kỳ.
Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học "khiến Tỳ-khưu ni giặt lông cừu".

5/- Đòi y (cìvaràcchindana).

Tỳ-khưu đã cho y đến vị khác, rồi giận đòi lại hoặc dạy kẻ khác đòi lại, đòi y được phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda cho y đến Tỳ-khưu rồi giận đòi lại.

Chú giải: Không phải Tỳ-khưu tưởng là Tỳ-khưu, Sa-di tưởng là Tỳ-khưu hoặc nghi, hoặc biết là Sa-di rồi đòi lại hoặc cho các y phục tùng khác đến Tỳ-khưu, rồi đòi lại thì phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Người được y vui, hoặc giận rồi trả lạivà Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) có 5 chi:

- Y có thước tấc nên gởi (vikkappanupaga pacchimacìvaratà).
- Chính tay mình cho (sàmamdinnatà).
- Tưởng là của mình (sakkha sannatà).
- Người đi theo là Tỳ-khưu (Upasampannatà).
- Chính mình đòi hoặc dạy kẻ khác đòi y vì giận (kodhavasena acchintanamvà acchindàpanamvà).
Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm Ưng xả đối trị. Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học trộm cắp (adinnàdàna samutthàna) chỉ khác nhau là điều này thuộc về thọ khổ.

6/- Xin chỉ nơi người không phải bà con. (suttavinnatti).

Tỳ-khưu xin chỉ nơi người thế không phải bà con, không phải người có yêu cầu đem cho thợ dệt y, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc Lâm tịnh xá (Velivana) gần thành Vương xá (Ràjagaha).

Chú giải: khi thợ dệt sắp sửa dệt, phạm Tác ác, mội lần dệt phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Xin chỉ để may vá các thứ y hoặc cho thợ dệt bà con hoặc có người yêu cầu, xin cho kẻ khác, kiếm do của mình và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anànattika) có 3 chi:

- Xin chỉ để dệt
- Cho mình
- Cho người thợ dệt và xin chỉ nơi người không phải bà con hoặc không phải người có yêu cầu.
Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng xả đối trị. Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong Điều học "khiến Tỳ-khưu ni giặt lông cừu".

7/- Thợ dệt (Mahapesakàra).

Người thế không phải bà con, không có yêu cầu, họ cho thợ dệt y để dâng đến Tỳ-khưu. Nếu Tỳ-khưu đi nói với thợ, cho họ dệt y tốt hơn rồi thưởng thêm, được y thì phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda nói với thợ dệt cho tốt rồi thưởng thêm.

Chú giải: Tỳ-khưu nói với thợ dệt. "người hãy dệt cho dài, cho lớn, cho mịn, cho tốt, khéo", như thế rồi đem vật chi chẳng hạn cho thợ (hoặc cho vật thực), nếu thợ dệt thêm chỉ rồi theo lời dạy, trong mỗi lần dệt phạm Tác ác, dệt xong đem về phạm Ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học trên, nhưng đây có 4 chi:

- Tỳ-khưu dạy thợ dệt của thí chủ không phải bà con,không có yêu cầu (vikappamàpajjanatà).
- Cho mình (attuddesikatà).
- Thợ dệt thêm chỉ theolời Tỳ-khưu (suttavaddhamma).
- Ðược y (cìvarapatilàbho).
8/- Cất giữ y quá hạn kỳ (Accekacìvara).

Còn 10 ngày nữa đến kỳ lễ tự tứ, là từ ngày mùng 5 tháng 9 nếu thí chủ muốn dâng y nhập hạ gấp đến Tỳ-khưu, Tỳ-khưu nên thọ để dành đến hết hạn kỳ giữ y, nếu để cho quá hạn, phạm Ưng xả đối trị.

Hạn kỳ giữ y ấy như vầy: nếu đã nhập hạ rồi không được thọ lễ dâng y, hạn kỳ giữ y chỉ có 1 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 đến rằm tháng 10, nếu có thọ lễ dâng y thì hạn kỳ giữ y có 5 tháng, kể từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 2 năm sau (5 tháng ấy gọi là hạn kỳ giữ y).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu không dám lãnh y gấp vì chưa có lịnh cho.

Chú giải: Y gấp vì người mắc đi chinh chiến, người có bịnh, hoặc phụ nữ sắp sanh sản, hoặc có người đức tin mới xin dâng y đến Tăng trong ngày mùng 5 tháng 9. Y như thế Tỳ-khưu thọ rồi nên để dành cho sự dứt hạ sẽ đem dâng lại cho Tăng. Nếu gởi, không nguyện cũng được, nếu cất giữ cho quá kỳ giữ y, phạm Ưng xả đối trị. Y ngoài kỳ hạn ấy, kể từ ngày 16, nếu không được thọ lễ dâng y thì được phép cất giữ đến rằm tháng 10 (trong 1 tháng), tháng 2 năm sau (trong 5 tháng) gọi là hạn kỳ.

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina) chỉ khác nhau là điều học này có 4 chi:

- Y dâng cúng gấp có thước tấc, dầu nhỏ hơn hết là vừa gởi nguyện (Accekacìvarassa attanosantakatà).
- Y phát sanh từ ngày mùng 5 táng 9 (uppannabhàno).
- Y không được gởi, không được nguyện (anadhitthita avikappitatà).
- Qua khỏi hạn kỳ giữ y ( cìvarakàlàtikkamo).
Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội Ưng xả đối trị.

9/- Chổ nguy hiểm (Sàlanka).

Tỳ-khưu nhập hạ trong rừng là nơi có điều lo sợ, khi ra hạ rồi, còn trong tháng là (1 tháng) từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10, nếu muốn để 1 trong 3 y nào trong xóm, chỉ được phép để trong 1 tháng ấy, khi có cớ đi khỏi nơi ấy được phép lìa xa y ấy chi trong 6 đêm, xa lìa quá 6 đêm thì phạm Ưng xả đối trị, trừ ra có Tăng chứng nhận cho.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu để y trong xóm quá 6 đêm,làm cho y phải hư mất.

Chú giải: Khi có đều đủ 4 chi, đức Phật cho phép gởi 3 y trong xóm được 4 chi là:

- Tỳ-khưu nhập hạ ngày 16 tháng 6 và được làm lễ tự tứ (Pavàranà).
- Từ 16 th1ng 9 đến rằm tháng 10
- Chỗ ở trong rừng xa xóm, ít lắm là 500 cây cung (lối ngàn thước tây).
- Chỗ ở trong rừng có điều lo sợ, nghĩa là trong chùa hoặc nơi gần chùa là chỗ ở, chỗ ăn, chỗ ngồi của bọn cướp, thấy rõ rệt, chỗ ở có điều lo sợ là trong chùa hoặc nơi gần chùa, bọn cướp giựt đánh phá người cũng thấy rõ.
Ðều đủ cả 4 chi như thế, Tỳ-khưu được phép gởi tam y trong xóm chỉ trong 1 tháng. Nếu hữu sự, Tỳ-khưu muốn đi khỏi nơi ấy, chỉ nên xa lìa tạm lâu lắm là 6 đêm, nếu xa lìa quá 6 đêm, qua đêm thứ 7 mặt trời mọc lên, phạm Ưng xả đối trị (trừ ra Tỳ-khưu có bịnh, có Tăng cho phép xa lìa tam y).

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhì (ditiyakathina).

10/- Đoạt lợi về cho mình (Parinata).

Tỳ-khưu biết rằng: lợi ích mà thí chủ họ sẵn dành để dâng đến Tăng rồi đoạt về cho mình, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư đoạt y về cho mình, phạm Ưng xả đối trị.

Chú giải: Tỳ-khưu biết rằng lợi ích của Tăng là 4 vật dụng họ để dâng cho Tăng, bằng lời "chúng ta sẽ dâng y đếnTăng" Tỳ-khưu biết như thế rồi đoạt về cho mình, trong mỗi lời nói khuyên người dâng đến mình ấy, phạm Tác ác, nếu đoạt được thì phạm Ưng xả đối trị.

Lợi mà thí chủ đã dâng choTăng, rồi Tỳ-khưu nghi, tính đoạt về cho mình, lợi mà họ dâng đến 1 Giáo hội, tính đoạt về 1 Giáo hội khác, hoặc cho tháp, như thế phạm Tác ác. Lợi mà họ tính dâng cho 1 tháp rồi đoạt về cho tháp khác, hoặc đoạt về cho Tăng, cho Tỳ-khưu, hoặc lợi mà họ để dâng cho Tỳ-khưu, rồi tính đoạt về cho Tỳ-khưu hoặc cho chỗ khác, hoặc lợi mà họ chưa dâng, Tỳ-khưu tưởng đã dâng, nghi đoạt về cho mình cho người khác, đều phạm Tác ác (trong khi nói).

Thể thức không phạm tội:

Lợi của họ đã dâng rồi, Tỳ-khưu tưởng chưa dâng rồi nói họ dâng cho mình, cho ngườikhác,hoặc thí chủ hỏi "tôi nên dâng cho ai?" Tỳ-khưu đáp "Ngươi có đức tin nơi nào nên dâng đến nơi ấy" nói như thế, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

- Lợi mà thí chủ đã dâng đến Tăng rồi (sanghe parinatabhàvo).
- Ðã biết rồi mà còn về đoạt về cho mình (attanoparinnàmanam).
- Ðược lợi (patilàbho).
Chỗ sanh tội (samutthàna) cũng như trong điều học trộm cắp (sikkhàpada adinnàdànà samutthàna).
-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục



[ Trở Về ]