BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vì sao tin Phật
Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch Việt

Nguyên tác: What Buddhists believe


Chương 17

BÓI TOÁN VÀ MỘNG MỊ

-ooOoo-

THUẬT CHIÊM TINH VÀ THIÊN VĂN HỌC

"Tôi tin chiêm tinh học, nhưng không tin vào các chiêm tinh gia"

Ngay từ thuở sơ khai, con người đã bị quyến rữ bởi các tinh tú và lúc nào cũng cố gắng tìm một số liên hệ giữa những tinh tú này với định mệnh con người. Quan sát tinh tú và các vận hành của các vì sao đã phát xuất hai lãnh vực nghiên cứu quan trọng gọi là Khoa Chiêm Tinh và Thiên Văn Học. Thiên Văn Học được coi như một loại khoa học thuần túy chuyên vào đo đạc khoảng cách, sự tiến hóa và sự hoại diệt, vận hành của các vì sao vân vân ... Dĩ nhiên, tất cả những cách tính toán này đều đặt liên hệ với hành tinh trái đất và xem những vận hành giữa các hành tinh ảnh hưởng nhân loại trên bình diện vật chất ra sao. Thiên Văn Học hiện đại tìm tòi những câu trả lời cho những câu hỏi còn chưa được giải đáp liên quan đến nguồn gốc con người và sự chấm dứt chung cuộc có thể xẩy ra cho con người là thành phần của giống người. Đó là một lãnh vực nghiên cứu rất hấp dẫn, và kiến thức mới của chúng ta về vũ trụ và các giải ngân hà đã đem nhiều áp lực đến nhiều tôn giáo để đánh giá lại những cơ sở lập luận lâu đời liên quan đến đấng sáng tạo và sự sáng tạo đời sống.

Phật Giáo không phải đối đầu với việc khó xử nào, đơn giản vì Đức Phật không khuyến khích tín đồ của Ngài ức đoán những điều vượt khỏi tầm hiểu biết của mình. Tuy nhiên Ngài cũng có một số điều ám chỉ mà dưới ánh sáng kiến thức hiện đại đạt được qua khoa học, cho thấy Đức Phật ý thức rõ ràng rằng bản chất thực sự của vũ trụ vốn không phải được sáng tạo trong một phút huy hoàng nào đó, rằng trái đất chỉ là một hạt bụi nhỏ chẳng quan trọng gì trong tất cả không gian, rằng sự thành trụ và sự hoại diệt tiếp diễn liên tục và mọi sự vật lúc nào cũng chuyển động không ngừng nghỉ.

Tuy nhiên, nhìn chung, Chiêm tinh lại là một lãnh vực nghiên cứu hoàn toàn khác hẳn. Con người từ thuở sơ khai bắt đầu nghĩ ngợi xâu xa về sự tương quan của mình với vũ trụ. Khi xã hội loài người tiến vào các hoạt động nông nghiệp từ cách săn bắn để sinh nhai và bắt đầu nhận thấy sự liên hệ giữa sự vận hành của mặt trời qua nhiều năm và những sinh hoạt của mình về trồng trọt, gặt hái, và trong những dự án tương tự. Con người càng trở nên thông thạo có thể tiên đoán được sự chuyển động của mặt trời, và đã sáng chế ra cách đo lường thời gian, chia thành năm, tháng, ngày, giờ, phút và giây.

Con người liên kết kiến thức này với cuộc sống do đó cảm thấy có một sự tương quan giữa chu kỳ của cuộc sống của mình với cuộc vận hành của những hành tinh. Do đó nẩy sanh ra Hoàng Đạo - con đường biểu kiến của mặt trời. Nó gồm có mười hai chòm sao. Nghiên cứu sự vận chuyển của các chòm sao này trong tương quan với đời sống của con người gọi là giải đoán tử vi.

Sự nghiên cứu chiêm tinh liên hệ đến sự hiểu biết lớn lao về bản chất con người gồm khả năng ước định chính xác vận hành của các hành tinh, cùng với trí thấu hiểu bên trong vào hiện tượng hình như không thể giải thích được của vũ trụ. Có nhiều nhà chiêm tinh gia lỗi lạc trong quá khứ và đến ngày nay cũng có một số. Nhưng bất hạnh thay lại có một số lớn các kẻ bịp bợm đã làm chiêm tinh bị ô danh. Họ lừa bịp người ta bằng cách tiên đoán những biến chuyển tương lai giả dối. Họ kiếm được những món tiền lớn bằng cách khai thác sự ngu dốt và sợ hãi của người cả tin. Và kết quả là sau một thời gian dài, các khoa học gia phỉ báng chiêm tinh và không tin vào khoa này. Tuy nhiên thái độ thù nghịch của khoa học gia không hẳn là đúng. Mục đích chính của người đoán tử vi là phải thấu đáo bên trong đặc tính của một người, giống như bức hình quang tuyến X cho thấy tính chất thân thể của con người.

Thống kê cho thấy ảnh hưởng của mặt trời theo ký hiệu Hoàng Đạo trên sự ra đời của những người bất thường vào một số tháng nào đó. Nhiều các tội ác tương ứng với ký hiệu Hoàng Đạo mà mặt trời vận hành trong vài tháng nào đó của một năm. Cho nên sự hiểu biết về sự tương quan này sẽ giúp con người dự tính cho đời mình có ý nghĩa hơn, hòa hợp với khuynh hướng bẩm sinh của mình và sự va chạm sẽ ít đi qua dòng đời.

Một đứa nhỏ mới sanh ra giống như một hạt giống. Trong thân nó chứa đựng tất cả những chất liệu cho nó thành một cá nhân tuơng tự nhưng khác hẳn tất cả những người đồng chủng, giống như hạt giống tiềm năng của nó phát triển tùy thuộc vào cách nuôi dưỡng mà nó nhận được. Bản chất của một người được sanh khởi ngay bên trong của mình, nhưng sự tự do của chính mình quyết định có thực sự sử dụng được tài cán và khả năng của mình hay không. Con người có thể khắc phục được thói xấu và nhược điểm hay không là tùy ở lúc thiếu thời được rèn luyện ra sao. Nếu ta nhận rõ được bản chất của mình - khuynh hướng lười biếng, bứt rứt, lo âu, khủng hoảng, độc ác, gian xảo, ganh ghét - chúng ta có thể có những biện pháp tích cực để chế ngự chúng. Bước đầu tiên giải quyết vấn đề là nhận thức được chúng như thế nào.

Giải thích chiêm tinh cho biết sở thích và xu hướng của chúng ta. Một khi đã vạch rõ ra được, chúng ta phải có những biện pháp cần thiết để hoaïch định đời sống của mình trong cách xỐế thế để trở thành người công dân hữu dụng của thế giới. Ngay cả đến một người có khuynh hướng tội ác cũng có thể trở nên một thánh nhân, nếu người đó nhận thức được bản chất của mình và có những biện pháp để sống một cuộc đời lương thiện.

Tử vi là một biểu đồ cho thấy nghiệp lực của một người được tính từ lúc mới sanh. Nghiệp lực quyết định giờ sanh và do biết giờ sanh này, một chiêm tinh gia tài giỏi có thể lập một biểu đồ chính xác về vận mệnh, trong suốt thọ mạng của một người.

Mọi người đều biết trái đất phải mất khoảng một năm để quay chung quanh mặt trời. Sự vận hành này, nhìn từ trái đất, đặt mặt trời ở nhiều vị trí hoàng đạo trong một năm. Một người sanh ra (không phải là ngẫu nhiên mà do ảnh hưởng của nghiệp lực) khi mặt trời di chuyển trong một của mười hai ký hiệu Hoàng Đạo.

Qua tử vi, bạn có thể quyết định thời gian nào đó trong cuộc đời, bạn cần phải giảm hay tăng mức độ sáng tạo hoặc cần phải theo dõi các hoạt động và sức khỏe của mình.

THÁI ĐỘ PHẬT GIÁO VỚI CHIÊM TINH

Câu hỏi mà đa số người ta hay nêu lên là Phật Giáo chấp nhận hay bài bác khoa chiêm tinh. Nói cho chính xác, Đức Phật không tuyên bố trực tiếp gì đến vấn đề này vì cũng như trong nhiều trường hợp khác, Ngài dạy là bàn cãi về vấn đề này không liên quan gì đến việc phát triển tâm linh. Không như các tôn giáo khác, Phật Giáo không kết án khoa chiêm tinh và con người hoàn toàn tự do lĩnh hội được từ môn này cho cuộc sống mình có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ lời dạy của Đức Phật, chúng ta có khả năng chấp nhận rằng một hiểu biết chính đáng và thông minh về chiêm tinh có thể là một dụng cụ hữu ích. Có sự liên hệ trực tiếp giữa đời sống của một người và những vận hành rộng lớn của vũ trụ. Khoa học hiện đại phù hợp với Giáo Lý Đạo Phật. Thí dụ chúng ta biết có một sự liên kết chặt chẽ giữa sự di chuyển của mặt trăng và tính khí của chúng ta. Sự kiện này được thấy rõ ràng ở những người khủng hoảng tinh thần hay kẻ hung bạo bất bình thường. Cũng rất đúng với một vài chứng bệnh như suyễn và viêm cuống phổi hay bị nặng thêm vào những tuần trăng tròn dần. Cho nên có đủ căn cứ để tin là các hành tinh khác cũng ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta.

Phật Giáo chấp nhận có một năng lượng vũ trụ rộng lớn rung động mọi sinh vật kể cả cây cối. Năng lượng này tác động tương hợp với năng lượng của nghiệp mà một cá nhân tạo ra và quyết định cho tiến trình của một kiếp sống . Sự ra đời của của một cá nhân không phải là bước sáng tạo đầu tiên cho một kiếp sống mà chỉ là sự tiếp diễn của một kiếp sống luôn luôn đã hiện hữu và sẽ tiếp tục hiện hữu trong bao lâu mà nghiệp lực chưa bị dập tắt bởi sự giải thoát cuối cùng trong tình trạng vô điều kiện. Bây giờ để một kiếp sống tự nó biểu hiện dưới một hiện hữu mới, một số yếu tố, như thời tiết, mầm giống, và thiên nhiên phải hội đủ. Những thứ này được hỗ trợ bởi năng lượng của tinh thần và của nghiệp và tất cả những thành phần này luôn luôn ở trong sự phản ứng liên tục, phụ thuộc lẫn nhau đưa đến kết quả là những thay đổi không ngừng của một kiếp sống con người.

Theo các nhà chiêm tinh học, thời gian ra đời của một con người được tiền định bởi năng lượng vũ trụ và nghiệp lực. Cho nên, có thể kết luận là việc sanh ra đời không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của các phản ứng giữa nghiệp lực của một cá nhân và lực của năng lượng vũ trụ. Tiến trình của đời sống con người được tiền định, nguyên do một phần của hành động chính của một chúng sanh trong quá khứ và những năng lượng vận chuyển vũ trụ. Ngay khi bắt đầu, sự sống kiểm soát bởi sự tương hợp giữa hai lực ấy ngay cả lúc chào đời. Do đó một nhà chiêm tinh tài giỏi, là người hiểu rõ vũ trụ cũng như thông suốt ảnh hưởng của nghiệp, có thể lập một biểu đồ cho cuộc sống của một người, căn cứ vào giờ sanh của người ấy.

Trong khi về một ý nghĩa nào đó chúng ta phải gánh chịu những lực ấy thì Đức Phật chỉ rõ cho chúng ta thấy một phương cách có thể thoát khỏi các ảnh hưởng của chúng. Tất cả những nghiệp lực đều tàng chứa trong tiềm thức thường được miêu tả là những yếu tố thanh tịnh hay bất tịnh của tâm. Vì nghiệp lực ảnh hưởng đến vận mệnh của một người nên ta có thể phát triển tâm trí để vô hiệu hóa ảnh huởng tội lỗi gây ra từ bất thiện nghiệp trước đây. Một người cũng có thể thanh lọc được tâm mình và có thể tự mình quét sạch được nghiệp lực, và ngăn không cho tái sanh tiếp diễn. Khi không có tái sanh, sự sống không có tiềm lực, và hậu quả là không có kiếp "tương lai" để có thể khẳng định hay thiết lập biểu đồ (tử vi). Ở giai đoạn phát triển tinh thần và tâm linh như thế, một người có thể vượt qua sự cần thiết muốn biết đời mình ra sao vì hầu hết tất cả những bất toàn và bất toại nguyện đã được dẹp sạch. Một người tinh thần phát triển cao độ không cần đến tử vi.

Vào đầu Thế Kỷ Thứ Hai Mươi, những nhà tâm lý và phân tâm học đã công nhận có rất nhiều điều về tâm ý con người hơn là các nhà duy vật cứng ngắc đã từng chấp nhận. Có nhiều điều hơn cho thế gian có thể nhìn thấy và xúc chạm được. Nhà Tâm Lý Học Thụy Sĩ nổi tiếng Carl Jung, thường lấy tử vi bệnh nhân của ông. Có một dịp khi ông nghiên cứu chiêm tinh về 500 cuộc hôn nhân, ông thấy những khám phá của Ptolemy mà các nhà chiêm tinh Tây Phương căn cứ vào, vẫn còn giá trị; những phương vị thuận lợi giữa mặt trời và mặt trăng của các cặp vợ chồng khác nhau đã đem hạnh phúc cho các cuộc hôn nhân .

Nhà tâm lý học Pháp nổi tiếng Michel Gauguelin khởi thủy có một quan niệm tiêu cực về chiêm tinh học, sau khi đã khảo sát khoảng chừng 20.000 bản nghiên cứu tử vi, ngạc nhiên thấy rằng những đặc tính của những người được nghiên cứu trùng hợp với cách mô tả đặc tính mà phương pháp tâm lý hiện đại áp dụng.

Việc trồng hoa, cây và rau vào thời điểm khác nhau trong một năm đã làm cho chúng mọc mạnh và nhanh khác nhau. Cho nên chắc chắn con người sanh vào thời điểm nào đó trong một năm sẽ có những đặc tính khác biệt hơn những người sanh ở thời điểm khác. Hiểu được nhược điểm, những thất bại và các thiếu sót của mình, một người có thể cố gắng hơn nữa để thắng lướt chúng và tự mình sẽ làm cho mình trở thành một người hữu dụng hơn cho xã hội. Việc hiểu biết này cũng sẽ giúp cho người ấy rất nhiều trong việc tránh những bất hạnh và thất bại. (Thí dụ ra đi khỏi nước mà mình đã sanh ra, đôi khi có thể giúp cho một người tránh khỏi ảnh hưởng của các vì sao).

Shakespeare nói rằng: "Lỗi lầm không phải nơi các vì sao mà chính nơi chúng ta". Một nhà chiêm tinh học nổi tiếng đã nói: "Các vì sao chỉ thúc đẩy mà không thúc ép". St Thomas Aquinas nói: "các hành tinh ảnh hưởng nhiều trên phần cơ bản của con người hơn trên những đam mê", nhưng nhờ con người tri thức có thể sắp xếp đời sống hài hòa với các hành tinh cùng trau dồi, sử dụng tài năng bẩm sinh của mình để cầu tiến.

Khoa chiêm tinh không thể tự động giải quyết tất cả những vấn đề. Bạn phải tự mình làm lấy. Giống như một bác sĩ có thể chẩn bệnh, đoán biết tính chất của bệnh, một chiêm tinh gia chỉ có thể cho thấy một số phương diện nào đó về cuộc đời và cá tính của bạn. Sau đó phần còn lại chính là bạn phải điều chỉnh lối sống của bạn. Đương nhiên, công việc sẽ dễ dàng hơn nếu hiểu biết điều gì phù hợp hay không phù hợp với bạn. Một số người lại quá lệ thuộc vào thuật chiêm tinh. Họ tìm đến chiêm tinh gia bất cứ lúc nào có một điều gì xẩy ra hay nếu họ thấy mộng. Cần nhớ rằng thời nay khoa chiêm tinh là một môn khoa học không toàn hảo và ngay cả đến những chiêm tinh gia giỏi nhất cũng có những lầm lẫn quan trọng. Sử dụng chiêm tinh học một cách thông minh giống như bạn sử dụng một dụng cụ nào đó làm cho đời bạn thoải mái và thú vị. Trên hết coi chừng những chiêm tinh gia giả mạo đánh lừa bạn bằng cách không nói sự thực mà chỉ nói những điều bạn thích nghe.

Đừng nên mong đợi hồng vận đến với mình hay dễ dàng đến tầm tay mà phần mình không mất chút công sức nào cả. Nếu bạn muốn có mùa gặt tốt, bạn phải gieo giống và giống phải là loại giống tốt. Nên nhớ: "Cơ hội chỉ gõ cửa, nhưng không bao giờ bẻ gẫy khóa để vào".

BÓI TOÁN VÀ BÙA NGẢI

Chuyên cần là vì sao đem may mắn nhất.

Mặc dù Phật Giáo không bài bác tín ngưỡng nơi các chư thiên, quỷ thần, thuật chiêm tinh, và bói toán nhưng lời khuyên của Đức Phật là không nên lệ thuộc vào các năng lực trên đây. Một Phật Tử tốt có thể thắng lướt tất cả những khó khăn của mình nếu người đó hiểu biết cách sử dụng trí thông minh và sức mạnh ý chí của mình. Những cách tin tưởng trên không có ý nghĩa tinh thần và giá trị gì cả. Con người phải vượt qua tất cả những vấn đề và khó khăn bằng nỗ lực của chính mình chứ không phải qua trung gian của chư thiên, quỷ thần, thuật chiêm tinh và bói toán. Một trong những truyện Phật Giáo Jataka (Túc Sanh Truyện), Ngài Bồ Tát nói: "

Kẻ ngu dại trông ngóng ngày may mắn,
Nhưng hồng vận chẳng bao giờ đến cả,
Hồng vận chính nó là hồng vận của vì sao,
Chỉ là vì sao thì làm nên được gì?

Bồ Tát tin rằng chuyên cần là vì sao hên nhất và ta không nên phí thì giờ bằng cách tham khảo các vì sao và ngày hồng vận để được thành công. Nỗ lực hết sức để tự giúp mình tốt hơn là chỉ trông vào các vì tinh tú hay những ngưồn lực bên ngoài.

Mặc dù một số Phật Tử thực hành bói toán, và phổ biến một số hình thức bùa ngải dưới chiêu bài tôn giáo, Đức Phật không bao giờ khuyến khích một ai làm những điều này. Giống như bói toán, bùa ngải là loại hình thức dị đoan, không có một giá trị đạo giáo nào cả. Tuy thế mà ngày nay vẫn có nhiều người, vì đau yếu và kém may mắn cho rằng nguyên nhân đau yếu và xui xẻo là do sức mạnh của bùa ngải. Khi nguyên nhân của đau yếu và bất hạnh không được biết chắc và không tìm ra dấu vết, nhiều người có khuynh hướng tin là các khó khăn đó do bùa ngải hoaëc do một số nguyên nhân bên ngoài. Họ quên rằng họ đang sống ở thế kỷ thứ hai mươi. Đó là thời đại tiên tiến của việc phát triển và đạt thành quả của khoa học. Những khoa học gia lãnh đạo của chúng ta đã dẹp qua một bên nhiều tín ngưỡng dị đoan, và họ đã đem được cả người lên cung trăng!

Tất cả các đau yếu đều do nguyên nhân tinh thần hay vật chất (tâm bệnh và thân bệnh). Trong Shakespeare, Macbeth hỏi bác sĩ có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh cho người vợ không, được bác sĩ trả lời rằng: "Bà cần nhiều sự siêu phàm hơn là các thầy thuốc". Cái mà vị bác sĩ muốn giải thích là một số bệnh chỉ có chữa khỏi nếu tâm ý được thanh tịnh trong sạch. Một số các bệnh xáo trộn tinh thần nghiêm trọng tự nó trở thành thân bệnh như lở loét dạ dầy, đau bao tử vân vân...

ĐỐơng nhiên thân bệnh có thể được chữa khỏi bởi một bác sĩ giỏi. Và sau cùng, một số xáo trộn không thể giải thích được có thể do nguyên nhân mà người Phật tử gọi là do nghiệp quả đã chín muồi. Đó có nghĩa là chúng ta phải trả một số hành vi bất thiện mà chúng ta gây ra trong kiếp trước. Nếu chúng ta có thể hiểu đó là trường hợp của một số bệnh nan y, chúng ta phải hết sức kiên tâm chịu đựng vì biết được nguyên nhân thực sự của chúng.

Ai thấy không hết bệnh nên tìm đến một thầy thuốc chuyên môn để được điều trị thận trọng hơn. Nếu sau khi đã được khám xét tổng quát chữa trị mà không hết bệnh và thấy vẫn cần đến sự điều trị, người đó có thể tìm đến một vị đạo sư tôn giáo thích hợp hơn để được hướng dẫn.

Người Phật Tử được khuyên bảo cẩn trọng đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết và vô căn cứ. Trau dồi một sức mạnh ý chí mạnh mẽ bằng cách không tin vào ảnh hưởng của bùa ngải.

Một khóa thiền ngắn giúp ích rất nhiều để thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Thiền định dẫn đến sự thanh lọc tâm ý. Tâm được thanh lọc tự động dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh. Pháp Phật là một tác dụng giảm đau và chữa khỏi các loại tâm bệnh này.

TIN COI ĐỒNG CỐT

Tin coi đồng cốt không phải là cách hành đạo của Phật Giáo: Đó chỉ là một lối tin tưởng theo truyền thống và tâm lý.

Tại nhiều quốc gia, người dân tìm lời khuyên bảo và chỉ dẫn nơi các đồng cốt để tránh các khó khăn trong các tình huống mà họ cho là ngoài tầm hiểu biết của họ.

Người ta tìm đến đồng cốt trong nhiều cách và nhiều lý do. Khi đau yếu mà y khoa thì hình như vô hiệu, một số người trở nên thất vọng và quay về bất cứ nơi nào để tìm an ủi. Vào những lúc như vậy, người ta tìm đến đồng cốt. Một số người cũng quay về với đồng cốt, khi họ gặp phải vấn đề phức tạp và không tìm ra cách giải quyết khả dĩ chấp nhận được. Một số khác tin coi đồng cốt vì tham lam muốn làm giàu nhanh chóng.

Một số người tin rằng khi một con đồng trong trạng thái xuất thần, linh hồn của một thần linh hoặc của một chư thiên nào đó nhập vào và truyền thông qua con đồng để ban bảo các lời khuyên hoặc hướng dẫn những ai đang cần giúp đỡ. Những người khác tin rằng trong trạng thái lên đồng, tiềm thức nổi lên và thay thế tâm thức.

Tin coi đồng cốt rất phổ thông trong đại chúng. Phật Giáo có thái độ trung lập đối với việc tin coi đồng cốt. Rất khó có thể kiểm chứng những truyền đạt của con đồng là đúng hay sai. Tin coi đồng cốt không phải là một cách hành đạo của Phật Giáo; việc này chỉ là loại thực hành có tính cách truyền thống.

Tin coi đồng cốt chỉ là muốn được lợi lạc vật chất thế gian, Giáo lý của Đức Phật là để phát triển tinh thần. Tuy nhiên, nếu người ta tin tưởng điều mà đồng cốt truyền đạt là đúng, không có lý do gì người Phật Tử lại phản đối tập tục này.

Nếu một người thấu hiểu và hành trì Phật Pháp, người đó có thể nhận thức được thực chất của những vấn đề khó khăn của mình. Người đó có thể khắc phục được khó khăn của chính mình mà không cần phải tin coi đồng cốt.

NHỮNG GIẤC MỘNG VÀ Ý NGHĨA VỀ MỘNG

"Đời chẳng là gì cả mà chỉ là một giấc mộng".

Một trong những vấn đề lớn nhất không giải quyết được của con người là sự bí mật của các giấc mộng. Từ thuở sơ khai, con người đã cố gắng phân tích các giấc chiêm bao, và cố giải thích chúng bằng thuật ngữ tiên tri và tâm lý, nhưng dù có một vài biện pháp thành công mới đây, chúng ta có lẽ vẫn không tiến gần đến câu trả lời cho câu hỏi khó khăn trở ngại này: "Mộng là gì?"

Một nhà thơ lãng mạn Anh William Wordsworth có một quan niệm khá kỳ lạ : Cuộc đời mà chúng ta đang sống chỉ là một giấc mộng và chúng ta sẽ tỉnh daẾy với thực tại khi chúng ta chết, khi giấc "mộng" của chúng ta chấm dứt".

"Sự sanh ra đời của chúng ta chỉ là giấc ngủ, và lãng quên:
Linh hồn cùng sanh ra với chúng ta, vì sao của đời chúng ta
Đã lặn đi nơi nào đó,
và đến từ xa .

Một quan niệm tương tự được giải thích trong một câu chuyện vui cổ Phật Giáo kể một chư thiên đang vui chơi cùng với các chư thiên khác. Quá mệt, chư thiên này nằm xuống ngủ một giấc và tịch luôn. Chư Thiên này tái sanh thành một cô gái ở trần gian. Cô lấy chồng, có một vài đứa con và sống rất lâu. Sau khi chết cô lại sanh làm chư thiên giữa những chư thiên bạn hữu mới chỉ vừa chấm dứt cuộc chơi. (Câu chuyện này cũng làm sáng tỏ tính chất tương đối của thời gian, đó là ý niệm thời gian của người trần thế khác biệt ra sao với thời gian của kiếp sống ở một cõi khác).

Phật giáo đã nói gì về những giấc mộng? Cũng giống như tất cả văn hóa khác, Phật Giáo đã có phần đóng góp phải chăng của mình với những người tự cho là có tài đoán mộng. Những người này kiếm được rất nhiều tiền bằng cách khai thác cái ngu muội của những ai tin tưởng là mỗi giấc mộng đều có ý nghĩa tinh thần hoặc tiên tri.

Theo tâm lý Phật Giáo, giấc mộng là những tiến trình ý tưởng diễn ra như những hoạt động của tâm trí. Khi xét về diễn tiến của các giấc mộng, cần nhớ rằng tiến trình ngủ có thể được coi như rơi vào năm giai đoạn sau:

1. Buồn ngủ
2. Ngủ thiu thiu
3. Ngủ say
4. Ngủ chập chờn
5. Tỉnh ngủ

Ý nghĩa và nguyên nhân các giấc mộng đã là đề tài thảo luận trong cuốn sách nổi tiếng "Milinda Panha" hay "Những câu hỏi của Hoàng Đế Milinda", trong đó Tỳ kheo Na Tiên nói mộng có sáu nguyên nhân, ba thuộc hữu cơ, hơi (trong bao tử), mật và đờm dãi. Nguyên nhân thứ tư do sự xen vào của sức mạnh siêu nhiên, nguyên nhân thứ năm do phục hồi nhớ lại kinh nghiệm quá khứ, và thứ sáu ảnh hưởng của các biến cố tương lai. Nói rõ ràng là các giấc mộng chỉ xuất hiện trong lúc thiu thiu ngủ giống như giấc ngủ của con khỉ. Trong sáu nguyên nhân Tỳ Kheo Na Tiên khẳng định nguyên nhân cuối cùng gọi là các giấc mộng tiên tri mới là quan trọng, còn những giấc mộng khác tương đối vô nghĩa.

Mộng là hiện tượng do tâm tạo ra và chúng là các hoạt động của tâm. Tất cả mọi người đều nằm mộng, mặc dù có người không nhớ được. Phật Giáo dạy một số mộng có ý nghĩa tâm lý. Sáu nguyên nhân kể trên cũng có thể xếp loại theo cách thế sau đây:

I. Mỗi một tư tưởng tạo ra đều được tàng trữ trong tiềm thức và một số các tư tưởng này ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm ý tùy theo những lo âu của chúng ta. Khi chúng ta ngủ, một số những tư tưởng này được hoạt hóa và hiện ra đến chúng ta như những bức tranh chuyển động trước chúng ta. Việc này xẩy ra vì trong khi ngủ, năm giác quan của chúng ta tiếp xúc với trần cảnh tạm thời ngưng lại. Tiềm thức được tự do trở nên ưu thế và "tái diễn" những tư tưởng tàng trữ. Những giấc mộng này có thể có giá trị về phần tâm nhưng không thể xếp vào loại tiên đoán. Chúng chỉ là sự phản chiếu của tâm ý đang nghỉ ngơi.

II. Loại mộng thứ hai cũng vô nghĩa. Loại mộng này do nguyên nhân bởi sự kích thích trong và ngoài làm thành một chuỗi tư tưởng thuộc thị giác nhìn thấy bởi tâm ý lúc nghỉ ngơi. Những yếu tố bên trong nhiễu loạn cơ thể (như ăn quá no khiến ngủ không ngon hoặc mất thăng bằng và sự va chạm giữa các thành phần cấu tạo thành cơ thể). Kích khích bên ngoài là khi tâm ý bị xáo trộn (mặc dù người ngủ không ý thức gì cả) do hiện tượng thiên nhiên như thời tiết, gió, lạnh, mưa, tiếng xào xạc của lá cây, tiếng lộp độp trên cửa sổ vân vân...Tiềm thức phản ứng với những sự náo động ấy, tạo thành những bức ảnh để giải thích ngay chúng. Tâm ý điều tiết sự bực bội trong một cách có vẻ hữu lý nên người nằm mộng vẫn tiếp tục ngủ không bị quấy rầy. Những giấc mộng này không quan trọng nên không cần có sự giải thích.

III. Rồi đến các loại mộng có tính cách tiên đoán. Những loại này quan trọng. Loại mộng này ít có và chỉ khi có một sự kiện sắp xẩy đến rất đáng kể với người nằm mộng. Phật Giáo dạy rằng ngoài thế giới hữu hình mà ta có thể kinh nghiệm thấy, có các chư thiên hiện hữu ở một cõi khác hoặc một số quỷ thần hướng về trái đất và ta không nhìn thấy họ được. Họ cũng có thể là thân nhân hay bạn bè của chúng ta đã quá cố và đã tái sanh. Họ vẫn duy trì mối liên hệ tinh thần trước đây, và quyến luyến với chúng ta. Khi người Phật Tử hồi hướng công đức đến chư thiên và các người quá vãng, người Phật Tử tưởng nhớ chư thiên và các thân nhân đã khuất và mời họ chia sẻ niềm vui tích lữy công đức. Đối lại, chư thiên hoan hỉ và theo dõi chúng ta và chỉ cho ta điều gì đó trong mộng khi chúng ta phải đối đầu với các khó khăn lớn và các chư thiên che chở chúng ta khỏi bị tổn hại.

Cho nên, khi có một việc gì quan trọng sắp sẩy ra trong đời sống của chúng ta, các chư thiên hoạt hóa một số năng lượng tinh thần trong tâm ý, thể hiện cho ta thấy trong giấc mộng. Những giấc mộng này có thể báo trước sự nguy hiểm sắp sẩy tới hoặc cả đến sửa soạn cho chúng ta trước những tin quá vui bất thần. Những thông điệp này được đưa ra trong thuật ngữ tượng trưng (giống như âm bản của bức ảnh chụp) và phải được giải thích khéo léo và với trí thông minh. Bất hạnh có rất nhiều người lẫn lộn loại mộng này với hai loại đầu, cuối cùng đã uổng phí thì giờ và tiền bạc để tin coi các đồng cốt và những kẻ đoán mộng giả mạo. Đức phật nhận thức rằng việc này có thể bị khai thác để đạt lợi dưỡng riêng tư, nên Ngài đã khuyến cáo các thầy tu chống lại các bói toán, chiêm tinh và đoán mộng dưới danh nghĩa Phật Giáo.

IV. Cuối cùng, tâm của chúng ta là nơi dung chứa tất cả nghiệp lực tích lữy trong quá khứ. Đôi khi, lúc nghiệp chín muồi, (đó là, khi hành động mà chúng ta làm trong kiếp trước hay trong giai đoạn đầu của cuộc đời, sắp lãnh quả) tâm ý đang trong lúc nghỉ ngơi có thể gây ra hình ảnh điều sắp xẩy ra. Lại nữa, hành động sắp xẩy ra là một hành động hết sức quan trọng và phải nhồi thật mạnh đến nỗi tâm "toát" ra năng lực phụ trội dưới hình thức một giấc mơ như thật. Những giấc mộng này rất ít khi xẩy ra, chỉ riêng một số người với một loại tinh thần đặc biệt mới có được. Dấu hiệu của hiệu quả một số nghiệp cũng hiện ra trong tâm chúng ta vào những chập tư tưởng cuối cùng khi chúng ta sắp từ giã thế giới này.

Những giấc mộng có thể xẩy ra khi hai người còn sống gửi cho nhau thông điệp bằng thần giao cách cảm. Khi một người khao khát mạnh mẽ muốn truyền đạt với một người khác, người đó tập trung (tư tưởng) vào thông điệp và người mà mình muốn truyền đạt. Khi tâm ý ở trong trạng thái nghỉ ngơi, đó là lúc ở trong một trạng thái lý tưởng để nhận những thông điệp được nhìn thấy như giấc mộng. Thường thường những giấc mộng này chỉ xuất hiện trong lúc cường độ mạnh vì tâm con người không đủ mạnh để nhận được những thông điệp trong một thời gian dài.

Những người trần đều là những kẻ nằm mơ, và họ thấy là thường còn cái gì thực sự là vô thường. Họ không nhìn thấy trẻ rồi cũng cuối cùng đi đến già, đẹp rồi cũng xấu, khỏe rồi cũng bệnh, và chính đời sống cũng chấm dứt với cái chết. Trong cõi trần mộng ảo này, cái thật sự chẳng có thực chất lại được nhìn thấy như thực thể. Chỉ những ai tỉnh thức như các Đức Phật và A La Hán mới nhìn thấy được thực thể.

Các Đức Phật và A La Hán không bao giờ nằm mộng. Ba loại mộng đầu không bao giờ xuất hiện trong tâm các Ngài, vì tâm các Ngài bao giờ cũng "tĩnh lặng", và không thể bị các giấc mộng hoạt hóa. Loại mộng sau chót cũng không thể xuất hiện với các Ngài vì các Ngài đã nhổ hết năng lực tham dục, và không còn "mảy may" năng lực lo âu hay khát vọng bất toại nguyện để hoạt hóa tâm phát sanh mộng mị. Đức Phật cũng được gọi là Đấng Tỉnh Thức vì cách Ngài cho cơ thể nghỉ ngơi không phải là cách mà chúng ta ngủ để rồi mộng mị.

Những nghệ sĩ và và các nhà tư tưởng vĩ đại như Goethe, người Đức, thường được nói đến là có cảm hứng tốt nhất do các giấc mộng. Điều này có thể là đúng vì khi tâm ý họ tách hẳn năm giác quan lúc ngủ, những tư tưởng trong sáng phát xuất, những tư tưởng này sáng tạo đến mức độ cao nhất. Wordsworth cũng giải thích như vậy khi ông nói những vần thơ hay là do kết quả từ "những cảm xúc mạnh mẽ được nhớ ra trong tĩnh lặng'.

CHỮA BỆNH BẰNG ĐỨC TIN

Chữa bệnh bằng đức tin - một phương pháp tâm lý.

Cách trị bệnh bằng đức tin được phổ biến tại nhiều quốc gia. Nhiều người cố gắng gây ảnh hưởng trong công chúng bằng sự thu phục tình cảm gọi là chữa bệnh bằng đức tin. Để gây ấn tượng với bệnh nhân về hiệu quả của sự trị liệu bằng thần thông, một số lang y dùng danh nghĩa một vị thần hoặc một đối tượng tôn giáo để giới thiệu hương vị của tôn giáo vào phương pháp trị liệu bằng đức tin của họ. Sự dẫn nhập tôn giáo vào cách trị liệu này hiện nay là chiêu bài hay một cái bẫy để lừa dối bệnh nhân vào việc khai triển tâm thành tín và đề cao lòng tin tưởng của người bệnh hơn nữa vào lang y trị bệnh bằng đức tin. Thi hành cách chữa trị này trong quần chúng có dụng ý quy nạp họ vào một loại tôn giáo đặc biệt nào đó.

Cho đến bây giờ, sự kiện thực tế liên quan đến việc trị liệu bằng đức tin, yếu tố tôn giáo không quan trọng đến như thế. Có rất nhiều trường hợp các lang y thi triển cách điều trị bằng đức tin không dùng đến danh nghĩa tôn giáo. Một trường hợp đáng kể là khoa thôi miên, áp dụng thuật thôi miên không cần xen vào khía cạnh nào của tôn giáo cả. Những kẻ liên kết tôn giáo với thuật dùng đức tin để chữa bệnh muốn dùng một hình thức tinh vi tạo ảo tưởng hấp dẫn mong quy nạp người vào tôn giáo của họ bằng cách sử dụng cách trị liệu này, và mô tả các trường hợp được chữa lành như do phép lạ.

Người dùng đức tin để trị bệnh áp dụng các phương pháp về điều kiện hóa tâm ý bệnh nhân vào một thái độ tinh thần đem đến kết quả vài thay đổi tâm lý và sinh lý thuận lợi sẽ diễn ra. Việc này ảnh hưởng được điều kiện của tâm thần, tim mạch, lưu thông máu huyết và nhiều chức năng của cơ quan khác; do đó tạo ra được một cảm giác mạnh khỏe. Nếu ốm đau mà do điều kiện của tâm trí, thì chính tâm trí chắc chắn có thể tạo điều kiện thích hợp để trợ lực diệt trừ bất cứ bệnh não nào có thể xẩy ra.

Trong phạm vi này, điều cần ghi nhớ là sự tu tập thiền định kiên trì và đều đặn có thể giúp giảm thiểu nhiều hình thức của ốm đau nếu không trừ tiệt được chúng. Có nhiều bài pháp trong Giáo Lý của Đức Phật cho thấy nhiều loại bệnh được diệt trừ do điều kiện của tâm. Do đó đáng cho ta cố gắng tu tập thiền định để thân tâm được an lạc.

MÊ TÍN VÀ GIÁO ĐIỀU

Người ta hay "diễu cợt dị đoan của người khác trong khi lại yêu dấu mê tín của mình."

Ốm đau bệnh tật có thể chữa khỏi nhưng dị đoan không thể chữa khỏi. Và nếu vì lý do này hay lý do khác, bất cứ một dị đoan nào đã kết tinh vào một tôn giáo, thì dị đoan đó rất dễ dàng trở thành một căn bệnh hầu như bất trị. Trong khi thi hành chức năng tôn giáo, một số người, ngay cả đến những người có giáo dục hiện đại, đã quên mất nhân phẩm mà đi chấp nhận những hình thức mê tín lố bịch nhất.

Các loại tín ngưỡng và nghi lễ có tính dị đoan được áp dụng để trang trí một tôn giáo hầu lôi cuốn quần chúng. Nhưng đôi khi cây leo trồng lên để tô điểm điện thờ lại mọc quá lớn che khuất cả điện thờ đi đến kết quả là giáo lý của tôn giáo đã bị loại bỏ nhường chỗ cho tín ngưỡng và nghi lễ dị đoan trở thành ưu thế - cây leo làm lu mờ điện thờ.

Cũng giống như dị đoan, niềm tin giáo điều cũng làm tắc nghẽn sức phát triển của tôn giáo. Niềm tin giáo điều luôn luôn đi đôi với sự cố chấp. Ta cũng nhớ lại thời đại Trung Cổ với những tòa án dị giáo, những vụ tàn sát tàn bạo, bạo động, lăng nhục, cực hình và những vụ thiêu sống người vô tội hết sức tàn nhẫn. Ta cũng nhớ đoàn quân viễn chinh thập tự giá dã man tàn bạo.

Tất cả những biến cố ấy đều bị khích động bởi niềm tin giáo điều trong quyền năng tôn giáo và đi đến kết quả bất khoan dung.

Trước kia khi kiến thức khoa học chưa phát triển, người ngu muội có nhiều niềm tin dị đoan. Chẳng hạn rất nhiều người tin rằng nhật thực hay nguyệt thực mang điềm xấu và bệnh dịch. Ngày nay chúng ta biết những cách tin như vậy không đúng. Vài nhà tôn giáo thiếu lương tâm khuyến khích người dân tin vào dị đoan để họ có thể sử dụng các tín đồ cho lợi ích riêng của mình. Khi thực sự thanh lọc được hết tâm vô minh, ta sẽ nhìn thấy vũ trụ đúng bản chất của nó và sẽ không còn khổ đau bởi dị đoan và giáo điều. Đó là sự cứu độ mà người Phật Tử mong muốn.

Quả là hết sức khó khăn để loại trừ được cảm xúc gắn bó với mê tín hay giáo điều. Ngay cả đến ánh sáng của kiến thức khoa học cũng không đủ mạnh khiến cho chúng ta xa lìa được những quan niệm sai lầm. Chẳng hạn, chúng ta đã có kiến thức từ bao nhiêu thế hệ qua là trái đất chuyển động chung quanh mặt trời; nhưng trên kinh nghiệm chúng ta vẫn thấy mặt trời mọc, di chuyển qua bầu trời, và lặn vào buổi chiều. Chúng ta cần phải có có một bước nhẩy vọt của trí thức mới tưởng tượng được là thật ra chúng ta đang chuyển động mạnh với một tốc độ phi thường chung quanh mặt trời.

Chúng ta phải hiểu là những nguy hiểm của tín điều và dị đoan đi tay trong tay với tôn giáo. Đây là lúc những người trí nên tách rời tôn giáo khỏi tín điều và dị đoan. Nếu không, danh nghĩa đẹp đẽ của tôn giáo sẽ bị hoen ố, và làm gia tăng số người không đức tin như chúng ta đã từng thấy.

- HẾT -

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05a | 05b | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17

Chân thành cám ơn Tỳ-kheo Thích Tâm Quang đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Bình Anson, tháng 11-2001)

Xem bản Anh ngữ: What Buddhists believe


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 03-11-2001