BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Vì sao
tin Phật
Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch Việt
Nguyên tác: What Buddhists believe
Chương 8 GIỚI HẠNH VÀ SỰ TU TẬP CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ -ooOoo- ĐẠO ĐỨC Những qui luật và tục lệ về luân lý do con người đặt ra không dựng nên được nền đạo đức Phật Giáo. Thế giới ngày nay ở trong một trạng thái hỗn loạn; những nền đạo đức có giá trị đang bị đảo ngược. Sức mạnh của chủ nghĩa hoài nghi về vật chất đã quay bao lưỡi dao cắt đứt từng mảnh các quan niệm truyền thống của những gì được coi là phẩm tính của con nguời. Tuy nhiên, bất cứ ai quan tâm đến văn hóa và văn minh sẽ tự mình cảm thấy lo lắng với những vấn đề tu tập và đạo đức. Bởi vì đạo lý liên quan đến hạnh kiểm của con người, đạo lý liên quan đến sự giao tế giữa chúng ta và với người đồng loại. Nhu cầu phải có đạo lý phát xuất từ sự kiện là bản chất con người vốn không toàn hảo: con người phải tự rèn luyện để thành lương thiện. Cho nên luân lý trở thành phương diện quan trọng nhất của cuộc sống. Đạo đức Phật Giáo không phải là những tiêu chuẩn tùy tiện do con người sáng chế bởi con người với mục đích vị lợi cho chính mình. Cũng chẳng phải đạo đức được đặt ra không mục đích. Những qui luật và tập tục xã hội do người đặt ra không dựng nên được căn bản đạo đức Phật Giáo. Thí dụ lối ăn mặc thích hợp với khí hậu, thời điểm và văn minh ở chỗ này có thể bị coi là không tề chỉnh ở chỗ khác; nhưng việc này hoàn toàn là một vấn đề tập tục xã hội không liên can gì đến đạo đức cả. Tuy nhiên, những quy ước xã hội nhân tạo không ngừng bị lẫn lộn với những nguyên tắc đạo đức vốn luôn có giá trị và không thay đổi. Đạo đức Phật Giáo không đặt nền móng vào sự thay đổi của tục lệ xã hội mà vào sự không thay đổi của các định luật thiên nhiên. Giá trị đạo đức Phật Giáo thực chất là một phần của thiên nhiên và sự không thay đổi của luật nhân quả (Nghiệp). Sự kiện đơn giản là đạo đức Phật Giáo mọc rễ trong định luật thiên nhiên khiến nguyên tắc của nó vừa hữu dụng và vừa được thế giới tân tiến chấp nhận. Thế nên quy tắc đạo đức Phật Giáo đã hình thành trên 2500 năm vẫn không mất giá trị do đặc tính vượt thời gian của nó. Điểm thiết yếu của đạo đức Phật Giáo là phải thực hành vì đạo đức chỉ là một phương tiện dẫn đến mục tiêu cuối cùng của hạnh phúc tối thượng. Trên con đường đi đến giải thoát, nguời Phật Tử hoàn toàn chịu trách nhiệm mọi phước báu hay bất hạnh của chính mình. Mỗi cá nhân phải tự mình tu tập để tự giải thoát bằng sự hiểu biết và nỗ lực của chính mình. Theo Đạo Phật giải thoát là kết quả của sự trau dồi tinh thần của cá nhân chứ chẳng phải bị đặt để hay cứu độ bởi một tác nhân bên ngoài nào cả. Nhiệm vụ của Đức Phật là soi sáng cho con người thấy được bản chất của kiếp sống và chỉ dạy họ cách hành động tốt nhất cho hạnh phúc của chính mình và cho lợi ích của người khác. Kết cục, đạo đức Phật Giáo không thành lập do một mạng lệnh nào bắt buộc con người phải tuân theo. Đức Phật dạy con người về những điều kiện lương hảo nhất dẫn đến lợi ích dài lâu cho chính mình và cho người khác. Thay vì gọi những người phạm tội với những từ ngữ như " đáng xấu hổ", "độc ác", tệ hại", "đáng khinh", và "đáng chửi rủa", Ngài chỉ nói " Con thật dại dột hành động như vậy vì hành động như thế sẽ mang phiền não cho chính con và cho người khác ". Lý thuyết về đạo đức Phật Giáo tìm thấy ở sự giải thích thực tiễn trong nhiều giới luật khác nhau. Những giới luật hay kỷ luật này không gì ngoài những cách thức hướng dẫn đại cương chỉ đường hướng cho người Phật Tử phải nương theo để tiến tới giải thoát cuối cùng. Mặc dù nhiều giới luật được trình bày dưới hình thức tiêu cực, chúng ta không nên nghĩ rằng giới luật Phật Giáo chỉ gồm có việc tránh các việc ác mà không có bổ sung làm các điều thiện. Luân lý tìm thấy trong tất cả các giới luật có thể tóm tắt trong ba nguyên tắc đơn giản: "Chớ làm điều ác, hãy làm việc lành, thanh lọc tâm ý, ấy là lời Chư Phật dạy" (Kinh Pháp Cú, câu 183) Trong Phật Giáo, sự khác biệt giữa điều tốt và điều xấu rất đơn giản. Tất cả những hành động bắt rễ từ tham, sân và si phát xuất từ lòng vị kỷ nuôi dưỡng ảo tưởng tác hại chỉ nghĩ đến mình. Những hành động đó đáng trách, lầm lỗi và xấu xa. Những hành động này được gọi là Bất Thiện Nghiệp. Tất cả những hành động bắt rễ từ những phẩm hạnh khoan dung, tình thương, và trí tuệ, đều đáng ngợi khen - Thiện Nghiệp. Tiêu chuẩn của thiện hay bất thiện áp dụng do những tác động của tâm ý, lời nói hay việc làm. ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐƯỢC THIẾT LẬP TRÊN Ý MUỐN HAY TÁC Ý. Đức Phật dạy "Nghiệp là tác ý". Hành động tự chúng chẳng tốt mà cũng chẳng xấu nhưng chính tác ý và tư tưởng làm chúng thành tốt hoặc xấu. Tuy nhiên, đạo đức Phật Giáo không xác nhận rằng một người phạm những "tội lỗi" theo quy ước có thể cho là mình làm vậy với dụng ý tốt. Nếu phải giải quyết tình huống này, Phật Giáo sẽ tự giới hạn về những vấn đề tâm lý và phải để mặt nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức và giới luật hạnh kiểm lên trên mặt giáo lý giải thoát. Sự liên hệ giữa ý nghĩ và hành động, giữa hành động tinh thần và vật chất là sự mở rộng của tư tưởng. Không thể nào phạm tội sát nhân với một tâm thiện vì giết một mạng sống đơn giản chỉ là sự biểu lộ ra ngoài của một trạng thái tâm ý bị chế ngự bởi sân hận hay tham lam. Hành vi là sự cô đọng của tư tưởng giống như mưa là sự hóa đọng của hơi. Hành vi thể hiện từ mái chót của hành động chỉ là cái đã vi phạm trong căn phòng im lặng và bí mật của con tim. Do đó, một kẻ phạm một hành động vô luân phải công nhận hắn không chế ngự được trạng thái bất thiện của tâm ý. Cũng vậy, một người có tâm ý trong sạch và sáng ngời, tư tưởng và cảm nghĩ trong tâm hoàn toàn không còn ô trược, thì không thể nào phạm những hành động vô luân. Đạo Đức Phật Giáo cũng thừa nhận tính cách khách quan của các giá trị tinh thần. Nói một cách khác, nghiệp quả phát xuất phù hợp với nghiệp luật thiên nhiên, bất chấp thái độ của cá nhân hay bất chấp thái độ của xã hội với hành động đó. Thí dụ say rượu có những nghiệp quả của nó; đó là điều tội lỗi vì nó làm cho chính cá nhân đó không hạnh phúc và còn làm cho người khác không hạnh phúc. Nghiệp quả của say rượu vẫn hiện hữu dù rằng kẻ say hay xã hội nghĩ thế nào về thói uống rượu. Những quan niệm và thái độ thông thường bằng những sự kiện khách quan cũng không giảm thiểu được tính bất thiện hiển nhiên của say rượu. Những hậu quả - tâm lý, xã hội, và nghiệp - tạo thành những hành động hợp luân lý hay vô luân lý - mà không cần đến thái độ tinh thần của những ai phán xét hành động đó. Vậy nên trong khi thuyết tương đối về đạo đức được thừa nhận, điều này không làm suy giảm tính cách khách quan của các loại giá trị . LUẬT LÀ GÌ? Luật là quy tắc kỷ luật để tự tu tập do Đức Phật đặt ra cho các nam nữ tu sĩ nghiêm trì. Luật đóng vai trò cột trụ trong đời sống tu hành. Đức Phật không thiết lập quy tắc kỷ luật bằng một một sự rèn luyện đơn phương. Tuy nhiên Ngài đặt ra một số điều luật khi cần thiết. Luật Tạng và bộ chú giải chứa đựng nhiều câu chuyện có ý nghĩa về nguyên nhân tại sao và như thế nào Đức Phật lại đặt ra một số giới luật. Theo Ngài, hình thức tốt nhất của Luật là đặt kỷ luật cho tâm ý, lời nói và hành động. Những đệ tử đầu tiên của Đức Phật là những bậc tinh thần phát triển cao độ nên không cần đến luật lệ đặt ra cho các Ngài. Tuy nhiên khi đoàn thể Tăng Già mở rộng, có nhiều người gia nhập, một số những người này chưa được trau dồi về tinh thần. Từ đó phát xuất một số vấn đề liên quan đến hạnh kiểm và lối sống như tham gia vào hoạt động thế tục để mưu sinh và có khuynh hướng bị cám dỗ bởi lạc thú giác quan. Do tình trạng này, Đức Phật phải đặt ra nguyên tắc chỉ đạo cho các nam nữ tu sĩ phải tuân hành để họ có thể thấy sự khác biệt giữa đời sống tu sĩ và cư sĩ. Tăng đoàn và Ni đoàn là một đoàn thể tôn giáo được thành lập rất hoàn chỉnh so với các nhóm tu khổ hạnh khác lúc bấy giờ. Đức Phật ấn định tất cả cương lĩnh cần thiết để duy trì đoàn thể thánh thiện Tăng Già trên mọi phương diện. Khi Đức Phật qua đời, những điều luật này được đối chiếu kiểm tra để tăng đoàn có thể dựa vào đó mà áp dụng. Quy tắc hạnh kiểm ấn định bởi Đức Phật có thể chia thành hai lãnh vực lớn. Giới Luật Tổng Quát, Lokavajja, áp dụng cho cả đoàn thể Tăng Già và cho cả cư sĩ để sống một cuộc đời đạo hạnh. Một số quy tắc kỷ luật hay luật lệ được đặt ra để phù hợp với các điều đòi hỏi của quốc gia về văn hóa và xã hội hiện hữu vào lúc nào đó được gọi là Pannatti Vajja. Trong loại thứ nhất, Luật Tổng Quát triệt để cấm mọi hành vi vô luân và tội lỗi. Loại thứ hai luật áp dụng trực tiếp cho các nam nữ tu sĩ phải tôn trọng về oai nghi, truyền thống, bổn phận, tục lệ, và nghi thức. Vi phạm Luật Tổng Quát tạo tai tiếng và nghiệp xấu, trong khi vi phạm giới luật căn cứ vào các điều kiện xã hội không hẳn là tạo các nghiệp xấu. Tuy nhiên họ vẫn phải bị chỉ trích vì phạm giới dù dưới hình thức nào cũng có thể làm mất ô nhiễm tính trong sạch và phẩm giá của đoàn thể thánh thiện. Những điều luật này phần lớn căn cứ vào tình hình văn hóa xã hội hoặc lối sống thịnh hành tại Ấn cách đây 25 thế kỷ. Theo kinh Maha Parinibbana Sutta (Đại Bát Niết Bàn), Đức Phật tuyên bố rằng một số điều luật "thứ yếu" có thể thay đổi và bổ sung cho thích hợp với thời gian và không gian với điều kiện là chúng không khuyến khích tư cách vô luân hay có hại. Thật ra, ngay trong thời Đức Phật hiện tiền, một số luật thứ yếu đã được sửa đổi bởi các tỳ kheo với sự chấp thuận của Ngài. Đức Phật cũng chấp thuận nam nữ tu sĩ bị đau yếu được miễn chấp hành một số giới luật. Tuy nhiên khi các điều luật đã được liệt kê bởi các đệ tử của Ngài trong Kỳ Đại Hội Kiết Tập Lần Thứ Nhất triệu tập ba tháng sau khi Ngài nhập diệt, tất cả các điều luật đều được giữ lại hết vì lẽ không một ai có thể chắc chắn những điều luật ấy có nên sửa đổi hay không. Cuối cùng các đệ tử của Ngài quyết định giữ tất cả giới luật do Đức Phật ban hành. Thời gian trôi qua, một số giới luật trở thành lỗi thời và một số các đệ tử chính thống lại khăng khăng nhấn mạnh rằng phải tuân hành chặt chẽ những giới luật theo văn tự hơn là theo tinh thần. Sự kiện chính xác là Đức Phật cũng muốn tránh việc chấp chặt vào giới luật như vậy nên Ngài đã không đề cử một người nào kế nghiệp Ngài cả. Ngài dạy rằng hiểu Giáo Pháp và duy trì Giáo Pháp như vị thầy mình cũng đủ để giúp ta sống cuộc đời thánh thiện. Một lý do khác là tại sao những đệ tử lúc ban đầu của Đức Phật không tán thành thay đổi giới luật là vì các Ngài không có lý do và cơ hội để thay đổi vì chỉ sống có một thời gian ngắn sau khi Đức Phật nhập diệt. Hơn nữa vào thời bấy giờ, đa số những người đã từ bỏ thế tục là những người thành thực và quyết tâm xuất gia. Tuy nhiên khi những điều kiện xã hội bắt đầu thay đổi, và khi Phật Giáo lan tràn tại nhiều nơi tại Ấn và các quốc gia khác, quyết định của các đệ tử không thay đổi một giới luật nào tại Đại Hội Kiết Tập lần Thứ Nhất trở thành một vấn đề rất to lớn vì một số giới luật không thích ứng với những sự thay đổi về chính trị và kinh tế trong những tình huống đổi thay. PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG TĂNG GIÀ Cộng đồng Tăng Già, theo dòng thời gian, cũng tự phân hóa thành nhiều hệ phái, trong số này nhiều hệ phái trong khi tôn trọng một số giới luật chính do Đức Phật ban bố lại có khuynh hướng bỏ qua các giới luật thứ yếu. Hệ Phái Nguyên Thủy tỏ ra chính thống hơn, trong khi Đại Thừa và một số hệ phái khác có khuynh hướng tự do hơn về quan điểm và về cách thực hành đạo lý. Hệ Phái Nguyên Thủy cố gắng tôn trọng Luật từng ly từng tí mặc dầu hoàn cảnh và môi trường thay đổi. Những sự thay đổi giới luật thứ yếu, thỉnh thoảng vẫn có, nhưng không được công nhận ngay cả giữa những thành viên của hệ phái Nguyên Thủy. Chẳng hạn chúng ta nhìn vào giới luật về việc thọ thực sau giờ quy định trong ngày. Hệ phái Nguyên Thủy không thừa nhận thẳng thắn sự kiện về một số thay đổi có thể được chấp thuận trong những hoàn cảnh đặc biệt. Trong khi những trường phái khác tự cho phép mặc các y áo với mầu sắc và kiểu cách thích hợp, Nguyên Thủy vẫn tiếp tục tôn trọng việc sử dụng các y áo kiểu cũ theo truyền thống trước đây mặc dầu điều kiện xã hội và khí hậu có thay đổi. Chỉ những ai sanh ra trong truyền thống văn hóa Phật Giáo mới có thể hiểu thấu đáo được nhiều cách thức hành tập của giới xuất gia. Ở một cực đoan khác, có một số nhà sư nhất định yêu cầu chấp hành Giới trong Tạng Luật theo từng chữ một hơn là chỉ theo tinh thần, mặc dù hành động như vậy sẽ làm ngỡ ngàng những người chung quanh. Thí dụ càng ngày càng có nhiều nhà sư Phật Giáo được mời sang các quốc gia Tây Phương mà văn hóa và khí hậu hoàn toàn khác hẳn Á Châu, các vị này có thể bị coi như kỳ lạ và ngoại lai ở một bối cảnh khác. Nơi đây nhà sư phải biết vận dụng cách ứng xử thông thường để khỏi trở thành một trò hề dưới mắt thiên hạ. Giới luật quan trọng phải triệt để tuân theo là không tạo ra những hành động vô luân, ác độc, tác hại, và khiếm nhã, và những tình cảm của con người phải được tôn trọng. Nếu những nhà sư có thể sống một cuộc đời liêm khiết, từ ái, vô hại, hiểu biết chúng sanh, bằng cách giữ gìn nhân phẩm và kỷ luật của họ, thì những đức tính này sẽ được trân trọng tại bất cứ nơi nào trên thế giới này. Gìn giữ cái gọi là truyền thống và tập quán của xứ sở mình ít có liên quan gì với thực chất của Giáo Pháp do Đức Phật giảng dạy. Lại có một vấn đề khác nữa. Nhiều người, nhất là tại Phương Tây, chấp nhận lối sống Phật Giáo, đọc giới Luật trong kinh, nghĩ rằng các nhà sư phải tuân theo trọn vẹn tất cả các giới luật trên bất cứ nơi nào trên thế giới đúng theo cách thức đã đưọc ghi nhận trong sách. Chúng ta phải nhớ rằng một số giới luật thực hành tại Ấn cách đây 25 thế kỷ qua đã không còn thích hợp nữa ngay cả tại Á Châu ngày nay. Phải mang trong đầu óc rõ ràng là Đức Phật đặt ra giới luật chỉ để cho các thành viên của cộng đồng Tăng Già sống tại Ấn, ngay tại miền Đức Phật sống. Những các nhà sư này chưa bao giờ có kinh nghiệp về đời sống của các quốc gia khác. Vấn đề quan tâm của họ là phải phát triển tinh thần làm sao tránh sự chia rẽ, quấy rầy đến xã hội mà họ sống. Nhưng nếu họ sống vào thời nay, họ sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn mới nếu chỉ triệt để tuân thủ tất cả các giới luật ở một quốc gia mà dân chúng không cảm tình hay không hiểu họ. Quy tắc kỷ luật cho giới cư sĩ là làm sao cho người cư sĩ sống một cuộc đời đạo đức cao thượng mà không cần phải từ bỏ nếp sống thế gian. Lời khuyên của Đức Phật đều được đề cập trong những kinh như Mangala, Prabhava, Sigalovada, Vasala và Vygghapajja và trong nhiều kinh khác nữa. Nhiều giới luật chỉ áp dụng cho những người xuất gia. Đương nhiên, người cư sĩ có thể vâng giữ một số giới luật nếu những giới này tạo điều kiện cho họ mở mang tinh thần nhiều hơn nữa. XÃ HỘI THAY ĐỔI Khi xã hội thay đổi, nhà sư không thể duy trì truyền thống mà không đáp ứng với những sự thay đổi mặc dù đã lìa bỏ đời sống thế gian. Một số người không hiểu tình trạng này nên đã phê phán tư cách đạo đức của một số nhà sư vì những sự thay đổi này. Tuy nhiên, khi những nhà sư muốn sửa đổi một vài giới luật thứ yếu, cũng phải có sự phê chuẩn của một Hội Đồng Tăng Già chính thức. Cá nhân những nhà sư không có quyền tự do sửa đổi bất luận một giới luật nào theo sáng kiến hay sở thích của mình. Thành viên của Hội Đồng Tăng Già cũng có thể ban một số hình phạt với những nhà sư vi phạm trầm trọng giới luật hay tư cách đạo đức làm Tăng Già mất uy tín. Đức Phật thiết lập Hội Đồng để giúp các nhà sư tránh các hành động tội lỗi và tránh các cám dỗ của đời sống trần tục. Giới luật là những điều hướng dẫn hơn là những định luật bất khả xâm phạm ban xuống từ một chức quyền thần thánh nào đó. Đặc biệt tại một vài quốc gia Á Châu, chư tăng hết sức được kính trọng và tôn sùng. Cư sĩ kính trọng chư tăng như các bậc đạo sư và như là các người đã hy sinh cuộc đời thế tục để sống một cuộc đời thánh thiện. Chư tăng dâng hiến đời mình cho việc nghiên cứu và tu tập Giáo Pháp và không kiếm tiền để sinh sống. Cho nên cư sĩ, cung cấp nhu cầu vật chất cho chư tăng để đổi lại được hưởng nhu cầu tinh thần từ các chư tăng. Như vậy, các nhà sư phải tự mình biết cư sử thế nào để có được sự kính trọng và tôn sùng của cư sĩ ngoài xã hội. Thí dụ, nếu một nhà sư được trông thấy tại một nơi không chính đáng, nhà sư đó vẫn b? phê bình dù là không gây nên một hành động vô luân nào cả. Cho nên bổn phận của nhà sư là tránh những môi trường xung quanh không thích hợp để giữ phẩm giá của Đoàn Thể thánh thiện. Nếu một nhà sư không kính trọng cảm nghĩ của ngưòi cư sĩ và cứ cư xử theo ý mình mà cho là đúng, cư sĩ sẽ nhất định không lưu ý gì đến nhu cầu của nhà sư nữa. Có nhiều trường hợp được ghi nhận trong các kinh sách là ngay cả trong thời kỳ Đức Phật hiện tiền, cư sĩ đã từ chối không săn sóc gì các nhà sư cao ngạo, hay gây gỗ và vô trách nhiệm. Các nhà sư có thể bị chỉ trích nếu làm một số việc thế tục nào đó mà lẽ ra chỉ những người cư sĩ mới được làm. PHÁP VÀ LUẬT Nhiều người vẫn chưa hiểu rằng Pháp, Chân Lý do Đức Phật khám phá, không thể thay đổi dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Một số giới luật cũng được liệt vào loại như vậy và không bao giờ thay đổi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng một số giới luật khác phải thay đổi để ngăn ngừa những bất lợi quá mức. Pháp và Luật không giống nhau. Một số các nhà sư cố gắng chấp giữ một số truyền thống như là những nguyên tắc đạo lý quan trọng mặc dù những người khác không hề tìm thấy được ý nghĩa hay ẩn dụ đạo giáo nào trong những cách tu tập của họ. Đồng thời một số người ích kỷ và xảo quyệt lại cố gắng duy trì một số biểu hiện trong sạch bề ngoài để lừa dối các tín đồ ngây thơ coi họ là những nhà sư chân tu và thành thực. Nhiều cách hành trì cho là của Phật Giáo trong các quốc gia Á Châu với các nhà sư và các tín đồ không cần đến giới luật tôn giáo mà chỉ tu tập theo truyền thống dân gian. Mặt khác, một số cách thức nhằm cho các nhà sư tuân thủ giới luật đã thực sự duy trì được phẩm giá và sự thanh tịnh của đoàn thể tăng già. Mặc dù truyền thống và tập tục đạo giáo có thể tạo nên một không khí thích hợp cho việc phát triển tinh thần, một số giới luật cần phải được sửa đổi cho phù hợp với sự thay đổi các điều kiện xã hội. Nếu sự thay đổi này không thực hiện, các nhà sư sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn trong tiến trình sống còn của họ và trong sự kết hợp với đại chúng. Một số các cư sĩ chỉ trích các nhà sư về việc nắm tiền bạc. Rất là khó khăn để thi hành các hoạt động tôn giáo và muốn tích cực trong xã hội tân tiến mà không liên hệ đến tiền bạc. Điều mà một nhà sư phải làm là tự coi mình như không ràng buộc gì với tiền bạc, của cải như là tài sản riêng tư của mình. Đó là điều mà Đức Phật muốn nói. Đương nhiên có một số khác tự do giải thích sai giới luật hầu được lợi dưỡng. Họ sẽ phải lãnh những hậu quả của sự bất lực của mình trong sự nghiệp phát triển tâm linh. Tuy nhiên, những ai thích tự thu thúc ở một nơi hẻo lánh để thiền định cho tâm được thanh tịnh, cũng vẫn có thể thi hành bổn phận đạo lý mà không bị chướng ngại do những công việc thế tục có khi rất nặng nề. Tuy nhiên trước tiên họ phải chắc chắn là họ có đủ tín chủ ủng hộ những nhu cầu cho họ. Trong khi có các nhà sư muốn rút lui hẳn ra khỏi xã hội, thì cũng phải có đủ một số nhà sư ra ngoài xã hội để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cần thiết cho đại chúng. Nếu không, người dân sẽ nghĩ rằng Phật Giáo không thể đóng góp gì vào đời sống hàng ngày của họ. ĐẶC TÍNH CỦA MỘT NHÀ SƯ Một số trong những đặc tính nổi bật của một nhà sư là tính trong sạch, sống an bần (lạc đạo), khiêm tốn, đơn giản, phục vụ bất vụ lợi, tự chủ, kiên nhẫn, từ bi và không làm hại ai. Nhà sư phải giữ bốn loại giới trọng sau đây:
Bốn loại giới luật gọi chung là Sila-Visuddhi (Sự trong sạch của giới hạnh, Giới Thanh tịnh). Khi một người gia nhập Đoàn Thể Tăng Già và thọ giới, người đó được gọi là Sa Di. Sa Di phải giữ mười Giới Luật Sa Di với một số quy tắc kỷ luật sống cuộc đời trong tu viện cho đến khi được thọ giới cao hơn - Upasampa (Cụ túc giới)- để trở thành một Tỳ Kheo hay một nhà sư hoàn toàn. Một tỳ kheo hay nhà sư phải giữ bốn loại giới trọng kể trên gồm có 227 điều luật với một số giới thứ yếu. Bốn giới trọng phải triệt để tuân hành là: sống độc thân, không trộm cắp, giết người, xuyên tạc cấp trên. Nếu vi phạm một trong bốn giới trên, vị sư này kể như là bị loại ra khỏi cộng đồng Tăng Già. Nhà sư này cũng sẽ bị Tăng Đoàn tước đi một số quyền lợi về tôn giáo. Trong trường hợp vi phạm các điều giới cấm khác, nhà sư đó phải chịu nhiều hậu quả và phải sửa chữa tùy theo mức quan trọng của tội vi phạm. Một tỳ kheo không phải có lời thề nguyền nào. Trở thành một vị tỳ kheo là do sự tự nguyện của chính mình để sống một cuộc đời thánh thiện trong bao lâu mà mình thích. Cho nên không cần thiết cho vị tỳ kheo phải bị vương mắc vào lời thề trước đây và bị coi như đạo đức giả vì chính vị tỳ kheo tự quyết định tuân theo hay không tuân theo giới luật. Tỳ kheo hoàn toàn tự do rời bỏ Tăng Đoàn bất cứ lúc nào để sống cuộc đời cư sĩ nếu muốn. MƯỜI THIỆN NGHIỆP VÀ MƯỜI BẤT THIỆN NGHIỆP. Con người hữu phúc hay bất hạnh là tùy vào thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp của cá nhân đó. Làm những hành động tốt tạo công đức, một đức tính làm thanh tịnh và trong sạch tâm ý. Nếu tâm không được kiểm soát, tâm sẽ có khuynh hướng ngả về tội lỗi, dẫn ta làm những hành vi xấu ác và gây khó khăn cho ta. Công đức giúp thanh lọc tâm ý khỏi những khuynh hướng tội lỗi của tham sân si. Tâm tham thúc đẩy con người tham dục, tích lữy và cất dấu của cải; tâm sân lôi kéo con người đến ghét bỏ và giận dữ; và tâm si làm con người trở nên vương mắc vào tham và sân mà lại nghĩ rằng những gốc rễ tội lỗi đó là đúng và thích đáng. Những hành vi thất đức gây nhiều đau khổ và giảm thiểu cơ hội cho ta hiểu biết và tu tập Giáo Pháp. Công đức rất quan trọng theo hỗ trợ ta trong suốt quãng hành trình của cả cuộc đời. Công đức liên quan với những gì tốt và lợi lạc cho mình, cho người khác, và làm tăng phẩm chất của tâm. Trong khi của cải vật chất của một người gom góp có thể bị tiêu tan vì trộm cắp, nước, lửa, bị tịch thu vân vân..., phước báu của công đức theo ta kiếp này đến kiếp khác và không thể bị mất, mặc dù công đức có thể bị cạn hết nếu không biết vun bồi thêm nhiều công đức nữa. Một người chứng nghiệm hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ cũng như về sau này là do tạo được công đức. Công đức là một điều kiện thuận lợi to lớn: Nó mở cánh cửa cơ hội khắp mọi nơi. Một người có công hạnh sẽ thành công trong bất cứ một lãnh vực nào mà người đó tham gia. Nếu người đó muốn hoạt động thương trường, người đó sẽ có ngay cơ hội gặp gỡ và bạn bè. Nếu người đó muốn trở thành học giả, người đó sẽ được trợ cấp học bổng và sự ủng hộ của các nhà bảo trợ cố vấn học thuật. Nếu người đó muốn tiến bộ về thiền định, người đó sẽ gập một đạo sư giỏi thiền hướng dẫn để phát triển tinh thần. Giấc mơ của người đó sẽ thành sự thật nhờ kho tàng công đức của người đó. Chính công đức làm cho một người tái sanh vào thiên giới, và cung cấp cho người ấy những điều kiện thích ứng và giúp người đó đạt Niết Bàn. Có một số phước điền (nơi thọ nhận) phong phú đem kết quả vô lượng cho nguời tạo hành vi thiện. Giống như một số đất tốt có thể sản xuất mùa gặt tốt hơn (đất mầu mỡ so với đất sỏi đá), một hành vi thiện hồi hướng cho một số người có thể đem nhiều công đức hơn là cho những người khác. Những lãnh vực gieo công đức phong phú gồm Tăng Già hay các vị thánh thiện, mẹ, cha và người nghèo túng. Hành thiện nghiệp cho những người trên đây qua nhiều hình thức khác nhau sẽ là nguồn gốc của những kết quả kỳ diệu. Đức Phật dạy mười điều công đức (Thập Thiện Nghiệp) cho chúng ta thi hành để đạt một cuộc đời hạnh phúc và an lạc và cũng để phát triển kiến thức và sự hiểu biết. Mười điều công đúc đó là:
Làm mười thiện nghiệp trên không những đem lợi ích cho chính mình, mà còn đem lợi ích cho những người khác, ngoài phần đem lợi lạc cho người được hưởng. Giới hạnh đem lợi ích tất cả chúng sinh mà ta tiếp xúc. Trau dồi tinh thần mang an lạc cho người khác và gợi ý cho họ tu tập Pháp. Lòng tôn kính gây hài hòa trong xã hội, và sự phục vụ người khác khiến đời sống của họ cải tiến. Chia sẻ công đức với người khác cho thấy sự quan tâm của mình đến hạnh phúc của người khác, và trong khi vui với công đức của người khác khuyến khích họ tạo nhiều công đức hơn nữa. Dạy và nghe Pháp là những yếu tố quan trọng cho hạnh phúc của cả vị thầy lẫn người nghe, và khuyến khích cả hai sống đúng với Pháp. Trau dồi chánh kiến của mình sẽ làm cho người khác thấy được cái đẹp của Giáo Pháp. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
MƯỜI ÁC NGHIỆP Người Phật Tử hay được nhắc nhở phải tránh xa mười hành vi bất thiện. Những hành vi này bắt nguồn từ tham, sân, si, gây đau khổ cho người khác nhưng nhất là cho chính mình ngay trong kiếp này và những kiếp sau. Khi một người hiểu Nghiệp Luật và nhận thức được những hành vi bất thiện mang lại kết quả xấu, người đó sẽ tu tập chánh kiến và tránh những hành động này. Có ba hành động bất thiện nghiệp thuộc về thân: (1) Giết hại chúng sanh, (2) Trộm cướp, và (3) Tà dâm. Những thân nghiệp này tương ứng này với ba trong năm giới của người cư sĩ phải vâng giữ. Hậu quả của giết hại là phải chịu vắn số, tật bệnh, luôn luôn đau buồn vì phài xa lìa các người thân, sống trong sợ hãi thường xuyên. Những hậu quả xấu do trộm cướp là nghèo túng, cùng cực, thất vọng, và phải sống nhờ vả. Hậu quả xấu của tà dâm là có nhiều kẻ thù, thường xuyên bị người oán ghét, gặp vợ hoặc chồng không vừa ý. Bốn hành động bất thiện nghiệp thuộc về lời nói (khẩu) là: (1) Nói dối, (2) Nói lưỡi hai chiều, (3) Nói lời hung ác, (4) Nói chuyện tầm phào vô ích. Ngoài điều nói dối, những bất thiện nghiệp của lời nói được xem là phần mở rộng của Giới Thứ Tư của người cư sĩ. Những người nói dối sẽ bị hậu quả xấu là bị lăng mạ, phỉ báng, không được ai tin cậy, và sức khỏe yếu kém. Hậu quả cho người nói lưỡi hai chiều là mất bạn vô cớ. Những kẻ nói lời hung ác sẽ bị người khác ghét và có giọng nói thô bỉ. Hậu quả không tránh được của kẻ nói phiếm là thân bị khiếm tật, và không ai tin tưởng vào lời nói của kẻ đó. Ba bất thiện nghiệp về tâm ý là: (1) tham, hay ham muốn những gì thuộc về người khác, (2) ác ý, (3) và tà kiến . Ba hành vi này tương ứng với ba gốc rễ tội lỗi của tham sân, và si. Giới Thứ Năm: không được dùng những chất say (rượu, độc dược) vì ma túy không những dẫn tâm phạm ba điều bất thiện trên khi bị say sưa nhiễm độc mà còn làm thân và khẩu phạm những hành vi thất đức. Hậu quả tác hại của tham ái là sự không đạt được ước nguyện của mình. Hậu quả của ác ý là bị xấu xí, nhiều bệnh, và có một tâm địa đáng ghét. Cuối cùng, hậu quả cho kẻ nhiều tà kiến là nhiều dục vọng thô lỗ, thiếu trí tuệ, đần độn, mang bệnh tật kinh niên và ý tưởng đáng chê trách. Ta nên luôn luôn làm điều thiện và tự kiềm chế khỏi các hành động sai quấy. Tuy nhiên nếu một người phạm một hành động tội lỗi, người đó cần phải nhận thức được đã sai lầm tại chỗ nào và cố gắng đừng tái phạm lỗi lầm ấy nữa. Đó mới là ý nghĩa thực sự của sám hối, và chỉ làm như vậy ta mới tiến bộ trên con đường cao thượng giải thoát. Cầu nguyện được tha tội sẽ vô nghĩa, nếu sau khi cầu nguyện, người đó vẫn tiếp tục tái phạm các hành động ác hại. Ai ở đấy mà rửa sạch tội lỗi của mình ngoại trừ chính mình? Phải bắt đầu với sự nhận thức, chất liệu tẩy trừ tuyệt diệu. Trước tiên, kẻ đó phải nhận thức được bản chất hành vi của mình, và tầm mức tác hại của nó. Kế đến, người ấy nhận thức được hành vi ấy là bất thiện, rút bài học từ đó và và hạ quyết tâm không tái phạm. Tiếp theo, phải cố gắng làm điều lành cho phía bị thiệt hại cũng như cho những người khác, càng nhiều càng tốt. Bằng cách đó, người ấy, nhờ hàng loạt hành động thiện lành sẽ lướt qua được ảnh hưởng do việc xấu ác của mình. Theo Phật Giáo, người lầm lỗi nào cũng có thể chuộc tội hay cứu vãn được đặc biệt bằng sự tỉnh thức và Chánh Tinh Tấn (Nỗ Lực) của họ. Tin tưởng rằng một người có thể "rửa sạch" tội lỗi nhờ một phương cách thần diệu nào đó hoàn toàn chỉ là mê tín dị đoan nhưng còn tệ hại hơn nữa là không giúp ích gì được cho việc trau dồi tinh thần của chính mình. Làm như vậy chỉ sẽ khiến cho kẻ đó tiếp tục bị ngu muội và tự mãn. Nói tóm lại, chính niềm tin đặt không đúng chỗ này lại còn tai hại nhiều hơn là những hậu quả những hành vi lầm lẫn do người đó gây ra và sợ hãi. GIỚI LUẬT Giữ giới không những chỉ trau dồi sức mạnh tinh thần, mà còn phục vụ hữu hiệu nhất cho người đồng loại. Mỗi quốc gia hay xã hội đều có kỷ cương riêng được coi là những hành động luân thường đạo lý trong phạm vi xã hội. Những quy tắc này thường liên quan đến quyền lợi xã hội và pháp luật của nước đó. Một hành động được coi như đúng khi không vi phạm luật lệ và vượt quá tình cảm quần chúng hay cá nhân. Những quy tắc nhân tạo này linh động và thỉnh thoảng được điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi hoàn cảnh. Những tiêu chuẩn nhân tạo ấy tuy quan trọng đối với xã hội nhưng không thể dùng làm cương lãnh đáng tin cậy cho một số nguyên tắc luân lý được áp dụng chung quát. Ngược lại, đạo đức Phật giáo không do trí óc con người phát minh ra. Nó cũng chẳng phải căn cứ vào luân lý sơ khai được dần dà thay thế bởi các bộ luật nhân văn. Đạo đức Phật Giáo căn cứ trên định luật nhân quả phổ quát (Nghiệp), và xem một hành động thiện hay bất thiện tùy theo cách thức nó ảnh hưởng cho chính mình và cho người khác. Một hành động, tuy mang lợi lạc cho mình, cũng không thể cho là một hành động thiện nếu nó gây đau thương vật chất và tinh thần cho người khác. Đạo đức Phật Giáo nhằm vào một câu hỏi rất phổ thông nhưng chủ yếu: Làm sao ta có thể phán đoán một hành động là tốt hay xấu? Theo Phật Giáo, câu trả lời rất đơn giản. Tính chất của một hành động được căn cứ trên tác ý hay động lực thúc đẩy bắt nguồn. Nếu một người làm một việc thúc đẩy bởi tham sân và si, hành động này là hành động bất thiện. Mặt khác, nếu người đó làm một việc phát xuất từ tình thương, nhân ái, và trí tuệ, hành động này là hành động thiện. Tham, Sân, và Si là "ba Gốc Rễ Tội Lỗi", trong khi tình thương, lòng nhân và trí tuệ là những "Gốc Rễ Thiện". Từ ngữ "Gốc Rễ" ám chỉ tác ý mà hành động bắt nguồn. Cho nên, mặc dù là kẻ đó che đậy bản chất hành động của mình thế nào đi nữa, sự thật vẫn hiển bày bằng cách tra xét tư tưởng nào đó tạo thành hành động ấy. Tâm là nguồn gốc của tất cả lời nói và hành động. Trong Phật Giáo, nhiệm vụ hàng đầu của một người là tự mình gột sạch những ô trược tinh thần của tham, sân và vô minh. Làm việc này không phải do sợ hãi hay để vừa lòng một đấng thần linh nào đó. Nếu ai vì lý do này mà làm, người ấy vẫn còn thiếu trí tuệ. Kẻ đó hành động do sợ hãi chẳng khác gì trẻ nít sợ bị phạt vì nghịch ngợm. Người Phật Tử hành động từ sự hiểu biết và trí tuệ. Người Phật Tử hành các hạnh lành vì hiểu rằng nhờ làm điều thiện, sức mạnh tinh thần sẽ phát triển và vun bồi nền móng cho tâm linh dẫn đến giải thoát. Hơn nữa, người đó nhận thức được là hạnh phúc hay đau khổ của mình do mình tự tạo qua sự vận hành của Nghiệp Luật. Muốn giảm thiểu những phiền muộn và khó khăn trong đời sống, người đó phải nỗ lực kiềm chế hành động tội lỗi. Người đó làm điều thiện vì hiểu rằng việc đó sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình. Vì ai ai cũng mưu tìm hạnh phúc trong đời sống, và vì người đó có thể tạo được điều kiện để đạt hạnh phúc, thì không có lý do nào người đó lại không làm việc thiện và tránh điều tội lỗi. Xa hơn nữa, sự nhổ gốc rễ những ô nhiễm tâm này, nguồn gốc của những hành động chống xã hội, sẽ đem lại lợi ích lớn cho những ngưòi khác trong xã hội. NĂM GIỚI Đạo đức của của hàng cư sĩ Phật Tử tiêu biểu trong Năm Giới có thể được nhìn ở hai mức độ. Trước tiên giới hạnh giúp con người ở những cộng đồng có văn hóa cùng chung sống trong tương kính và tín nhiệm lẫn nhau. Kế đến, đó là điểm khởi đầu cho cuộc hành trình tinh thần tiến tới Giải Thoát. Không giống như những điều răn do mệnh lệnh của thần linh ban xuống con người, chính đương nhân tình nguyện thọ giới, nhất là khi người ấy đã nhận thức được lợi ích của việc vâng giữ những điều luật cho thân, khẩu và ý. Hiểu biết hơn là không vì sợ hãi hình phạt là lý do giữ giới. Một Phật Tử tốt nên tự nhắc nhớ tới việc gìn giữ năm giới hàng ngày. Đó là:
Ngoài tinh thần hiểu biết rằng Năm Giới chỉ là một nhóm điều lệ để ngăn chận, một Phật Tử nên tự nhắc nhở là qua việc giữ giới, ta cũng hành tập được năm Đức Hạnh Cao Quý. Trong khi Năm Giới dạy điều gì không nên làm, Năm Đức Hạnh Cao Quý cho biết những phẩm tính nào cần phải trau dồi như hạnh từ bi, buông bỏ, tri túc, thành thực, và chánh niệm. Khi ta giữ Giới Thứ Nhất không giết hại, ta kiểm soát được tâm sân hận và trau dồi tâm từ ái. Ở Giới Thứ Hai, ta kiểm soát được lòng tham và tập hạnh buông bỏ hay không luyến ái. Ta sẽ kiểm soát lòng tham muốn nhục dục và rèn luyện hạnh tri túc của mình ở Giới Thứ Ba. Ở Giới Thứ Tư, ta tránh nói dối và đồng thời trau dồi đức thành tín, và trong khi tự khắc phục khỏi những kích thích tinh thần bất thiện, ta vun bồi chánh niệm ở Giới Thứ Năm. Một khi đã hiểu được những điều cao quý trên, ta sẽ nhận thức được rằng giữ gìn Năm Giới không làm cho mình trở thành lãnh đạm, chủ bại và tiêu cực, nhưng tạo một nhân cách tích cực đầy tình thương và cẩn trọng cùng các phẩm tính khác cũng được tăng trưởng nơi một con người sống một cuộc đời đạo hạnh. Giới là sự tu tập căn bản trong Phật Giáo. Mục đích giữ giới là để loại trừ những tham ái thô thiển biểu lộ qua tư tưởng, lời nói và hành động. Giới cũng là nền tảng rất cần thiết cho những ai muốn trau dồi tâm ý. Nếu không theo một số giới hạnh căn bản, công năng của thiền định có thể bị sử dụng vào những động cơ sai lầm và ích kỷ. TÁM GIỚI (Bát Quan Trai Giới) Trong nhiều xứ Phật Giáo, các tín đồ thuần thành thường theo thông lệ thọ Tám Giới (Bát Quan Trai Giới) vào một số ngày nào đó trong tháng, như ngày rằm và những ngày trăng mới mọc. Những người này đến Chùa từ sáng sớm và ở lại 24 giờ tại chùa, tu tập bát quan trai giới. Giữ Tám Giới này, họ tự cắt khỏi cuộc sống trần tục hàng ngày dồn dập bởi bao đòi hỏi về vật chất và giác quan. Mục đích của việc giữ Tám Giới là để được thoải mái và yên tĩnh, để rèn luyện tâm ý, và để tự phát triển tinh thần. Trong thời gian giữ các giới này, họ dành thì giờ đọc tụng kinh sách, nghe giảng Giáo Lý của Đức Ph?t, thiền tập, và tham gia công quả trong mọi sinh hoạt của ngôi chùa. Sáng hôm sau ngày bát quan trai giới, họ trở lại thọ Năm Giới hàng ngày và trở về nhà tiếp tục đời sống bình thường. Tám Giới đó là tránh không:
Một số người cảm thấy khó hiểu ý nghĩa một vài giới luật này. Họ cho rằng Phật Tử chống lại khiêu vũ, ca hát, âm nhạc, chiếu bóng, vật thơm, và những món trang sức xa hoa. Thật ra trong Phật Giáo không có luật nào bắt buộc người cư sĩ không được dùng các loại trên. Những người chọn lựa tránh những thú tiêu khiển ấy là những Phật Tử thuần thành chỉ giữ những giới ấy trong một thời gian ngắn như một lối kỷ luật tự giác. Lý do tránh các loại giải trí và vật trang sức là để lắng đọng giác quan trong vài giờ và để rèn luyện tâm ý khỏi bị lệ thuộc vào các lạc thú giác quan. Những hình thức vui chơi ấy gia tăng sự say mê của tâm ý và phát sanh cảm xúc làm trở ngại cho việc phát triển tinh thần của cá nhân. Tự khắc phục được các thú tiêu khiển này, ta có thể đạt tiến bộ, chế ngự được các nhược điểm, và kiểm soát chính mình được nhiều hơn. Tuy nhiên, Phật Giáo không kết tội các loại giải trí này. Thực hành việc giữ giới (Năm Giới và Tám Giới) bằng một tâm ý nhiệt thành chắc chắn là một công đức tốt đẹp mang nhiều lợi lạc ngay trong kiếp này và các kiếp sau. Cho nên nếu có thể được ta nên cố gắng hết lòng thường xuyên giữ giới với sự hiểu biết. LÒNG TỪ-ÁI Điều thiếu sót trong thế giới ngày nay là lòng từ-ái hay thiện chí. Thế giới ngày nay, có đủ của cải vật chất. Có rất nhiều nhà trí thức tiên tiến, nhiều văn nhân lỗi lạc, biết bao hùng biện gia, triết lý gia, tâm lý gia, khoa học gia, cố vấn tôn giáo tài năng, những nhà thơ vĩ đại, và những nhà lãnh đạo thế giới uy quyền. Mặc dù có bao nhà trí thức như trên, vẫn không có hòa bình và an toàn thực sự cho thế giới ngày nay. Còn thiếu một điều gì. Đó là lòng từ-ái hay thiện chí giữa nhân loại. Vật chất đạt được chính nó không bao giờ có thể mang lại hòa bình và hạnh phúc vĩnh cửu. Hòa bình thoạt tiên phải hiện hữu trong tâm mình, trước khi có thể mang cho người khác và toàn thể thế giới. Con đường thực sự đi đến hòa bình là theo lời khuyên của các đạo sư tôn giáo. Muốn thực hành lòng từ-ái, trước nhất ta phải tu tập Nguyên Tắc Cao Thượng của bất bạo động, phải luôn luôn sẵn sàng thắng lướt tính vị kỷ và nêu cho người khác thấy chánh đạo. Sự chiến đấu không phải nơi thân xác vật chất, vì tính chất độc ác của con người không ở nơi thân mà ở tâm. Bất bạo động là một khí giới rất hiệu quả để chống lại tội lỗi hơn là trả thù. Bản chất thực sự của trả thù chỉ làm tăng tâm tính độc ác. Muốn hành tập lòng từ-ái, ta cũng phải xả bỏ tính ích kỷ. Bao nhiêu tình thương trong thế giới vị kỷ này tựu trung chỉ là tình thương cho chính mình: "Không phải vì tình thương ban cho người chồng yêu dấu; nhưng chồng mình sở dĩ được yêu là do mình yêu chính mình. Con cái được cha mẹ yêu thương, không phải do tình thương ban cho con cái, mà do cha mẹ thương yêu chính họ. Thần thánh được yêu kính, chẳng phải vì cho thần thánh, mà là kính yêu cho chính mình. Chẳng phải người nào đưọc yêu thương là do ai hiến tặng thương yêu, nhưng chính do lòng tự yêu mình của ai đó". Con người phải học hỏi cách thể hiện lòng vị tha hầu duy trì được hòa bình thực sự và cho sự giải thoát của chính mình. Giống như tự tử giết đi thân xác, tính ích kỷ giết đi tiến bộ tâm linh. Tâm từ trong Đạo Phật chẳng phải là cảm xúc và cũng chẳng phải ích kỷ. Đó là sức truyền cảm do tâm thanh tịnh tỏa ra sau khi đoạn trừ được hận thù, ghen ghét, độc ác, thù địch và hằn học. Theo Đức Phật, Metta, lòng bi mẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để giữ tâm thanh tịnh và trong sạch hóa bầu không khí tinh thần bị ô nhiễm. Từ ngữ "tình thương" dùng để bao gồm một tầm mức rộng lớn những cảm xúc mà con người kinh nghiệm. Mức nghiêng nặng về thú tính tham dục đối với một người khác phái sẽ làm mất quan niệm về tình thân thiện giữa các chúng sanh. Theo Phật Giáo, có nhiều loại cảm xúc, tất cả những cảm xúc ấy đều được gọi thông thường là "tình thương". Trước tiên, có tình thương ích kỷ và tình thương không vị kỷ. Kẻ có tình thương ích kỷ khi kẻ đó chỉ quan tâm đến thỏa mãn cá nhân mình mà thôi còn không quan tâm gì đến như cầu hay cảm nghĩ của người đồng loại khác. Ghen ghét thường là một triệu chứng của lòng vị kỷ. Mặt khác, tình thương không vị kỷ được cảm nhận thấy khi một người quên thân mình làm điều tốt cho người khác - cha mẹ thường đối với con cái bằng tình thương như vậy. Thường thường con người hay pha trộn giữa hai tình thương vị kỷ và vị tha trong các mối tương giao. Thí dụ, trong khi cha mẹ có những hy sinh to lớn cho con cái, họ cũng thường mong mỏi được đền đáp. Một loại tình thương khác, cũng liên hệ mật thiết với loại trên, là tình huynh đệ hay tình bằng hữu. Về ý nghĩa, loại tình cảm này có thể coi như ích kỷ vì tình thương này chỉ giới hạn trong một số người đặc biệt mà không nới rộng ra nhiều người khác. Trong một loại nữa, có tình yêu xác thịt giữa hai người khác phái đến với nhau do sự lôi cuốn thể chất. Đó là loại tình yêu được các ngành giải trí hiện đại khai thác tối đa, bao gồm từ sự cuồng dại đon sơ của lứa trẻ mới lớn cho đ?n những liên hệ phức tạp nhất giữa người đã trưởng thành. Cao cả hơn những tình thương nói trên là Tình Thương Đại Đồng hay Tâm Từ (Metta). Tình thương bao quát này là đức hạnh vĩ đại thể hiện nơi Đức Phật. Chẳng hạn, Đức Thế Tôn đã từ bỏ vương quốc, gia đình và mọi lạc thú để tận lực tìm ra phương cách giải thoát nhân loại khỏi kiếp sống khổ đau. Để đạt được Giác Ngộ, Ngài đã phải chiến đấu qua không biết bao nhiêu kiếp sống. Người yếu kém chắc phải ngã lòng, nhưng Đức Phật thì không. Do đó người ta gọi Ngài là "Đấng Từ Bi". Tình thương bao la vô bờ bến của Đức Phật không chỉ riêng cho loài người mà cho tất cả các sinh vật. Tình thương ấy không phải là cảm xúc hay ích kỷ, mà là một tình thương vô biên giới, không kỳ thị. Không giống như loại tình thương khác, tâm từ bi không bao giờ chấm dứt trong thất vọng hay bất mãn vì tình thương này không mong được đền đáp. Người trau dồi tâm từ bi cũng trau dồi tâm hỷ và tâm xả, và người đó sẽ đạt đến tình trạng siêu phàm. Trong cuốn "Con Đường Xưa của Đức Phật", Hòa thượng Piyadassi nói: "Tình thương là một sức mạnh tích cực. Mỗi hành động của tình thương thể hiện với một tâm ý trong sạch để nâng đỡ, cứu trợ, khích lệ, giúp người khác tiến bước dễ dàng, êm ái và thích nghi hơn cho việc chiến thắng phiến não, đạt hạnh phúc tối thượng. "Phương cách để phát triển tình thương là suy niệm về những điều sai trái của sân hận, đến những lợi ích của tâm không-sân, suy nghĩ theo thực tại, theo nghiệp luật rằng không có gì để sân hận, rằng sân hận là một cảm giác điên rồ nuôi dưỡng càng ngày càng nhiều tối tăm, che lấp sự hiểu biết chính đáng. Sân hận kìm hãm, thương yêu cỏi mở. Sân hận bóp nghẹt, thương yêu giải phóng. Sân hận đem dầy vò, thương yêu đem an lạc. Sân hận chao đảo, thương yêu bình thản, an nhiên, tĩnh lặng. Sân hận chia rẽ, tình thương đoàn kết. Sân hận làm khô cứng, tình thương làm mềm dịu. Sân hận cản ngăn, tình thương giúp đỡ. Như thế do nghiên cứu và nhận định chính xác những hậu quả của sân hận và những lợi ích của tình thương, chúng ta nên phát triển tình thương rộng lớn". Trong Kinh Metta, Đức Phật giải thích cặn kẽ tình thương trong Đạo Phật. Chẳng khác gì người mẹ che chở đứa con duy nhất của mình dù phải hy sinh tính mạng, đến như vậy ta cũng nên trau dồi tình thương vô biên đối với tất cả chúng sanh. Hãy trải tâm từ rộng lớn của mình tỏa khắp toàn thể thế giới, bên trên, bên dưới, ngang qua không chướng ngại nào, không sân hận nào, không thù hằn nào". LÒNG NHÂN TỪ THỰC SỰ Lòng nhân từ thực sự là "cho mà không mong gì đền đáp lại". Cốt lõi của lòng nhân từ thực sự là cho mà không mong cầu gì đền đáp lại món quà mình tặng. Nếu một người tìm cầu một lợi lạc vật chất nào từ tặng phẩm của mình, hành động ấy chỉ có tính cách đổi chác mà không phải do lòng nhân. Một người nhân đức không nên làm cho người khác cảm thấy thiếu nợ mình hay dùng lòng nhân như một phương cách để kiểm soát họ. Người đó cũng không mong mỏi gì người ta phải biết ơn mình vì phần đông con người hay quên và không hẳn họ đều là người vô ơn. Một hành động do lòng nhân thực sự là một hành động thiện lành, không vương mắc để người cho cũng như người nhận đều cảm thấy tự do. Tôn giáo nào cũng đều tán thán công đức từ thiện. Những ai có mức sống đầy đủ nên nghĩ đến người khác, mở rộng hạnh bố thí vào những trường hợp thích đáng. Trong hàng những người làm việc từ thiện, có một số dùng việc cho tặng như một phuơng tiện để lôi cuốn người khác theo tôn giáo hay tín điều của mình. Hành động "cho" như vậy với một động cơ kín đáo để đổi chác không thể là lòng nhân từ thực sự được. Người Phật Tử quan niệm từ thiện là một hành động để giảm thiểu lòng tham, một tâm bất thiện làm ngăn trở sự phát triển tâm linh. Ai đang trên con đường rèn luyện tinh thần đều phải cố gắng giảm thiểu tính vị kỷ và tâm tham ái mạnh mẽ muốn có thêm và thêm mãi. Ta nên giảm thiểu lòng luyến ái vào các vật sở hữu, vì nếu ta không tỉnh thức, chúng sẽ có thể biến ta thành nô lệ cho lòng tham ái. Thay vào đó ta nên sử dụng chúng để đem lợi ích và hạnh phúc lại cho người khác như các thân hữu và những ai cần đến sự giúp đỡ của mình. Khi cho, ta không chỉ thể hiện lòng nhân từ như một nghĩa cử của thân mà thôi, mà với cả con tim và khối óc. Phải có một niềm vui mỗi khi cho. Có một sự khác biệt giữa một hành động từ thiện và bố thí (dana). Trong hành động phước thiện bình thường, do lòng trắc ẩn và tính tình tử tế, ta cho khi nhận thấy một người nào đó thiếu thốn cần sự giúp đỡ, và ta đang ở trong tư thế phát tâm muốn giúp đỡ. Còn đối với người hành hạnh bố thí, cho ở đây là một phương tiện để trau dồi tâm nhân ái, một đức hạnh để giảm thiểu tính vị kỷ và tham đắm của chính mình. Người này đang trau dồi trí tuệ khi nhớ rằng bố thí là một phẩm hạnh rất quan trọng mà mỗi người Phật Tử phải tu tập và là ba la mật đầu tiên (Bố Thí Ba La Mật) mà Đức Phật hành trì trong nhiều tiền kiếp của Ngài trên đường tìm Giác Ngộ. Ta thực hành hạnh bố thí để tỏ lòng tri ân những phẩm tính và cao cả của Tam Bảo. Có nhiều thứ mà ta có thể cho. Có thể tặng vật dụng như thực phẩm cho người đói, tiền bạc, quần áo cho người nghèo. Cũng có thể cống hiến kiến thức, kỹ năng, thì giờ, nghị lực và cố gắng vào những kế hoặch mang lợi ích cho người khác. Ta cũng có thể lắng nghe với thái độ thiện cảm và trao vài lời khuyên tốt đến người bạn đang gập khó khăn. Cũng có thể tự kiềm chế việc giết hại các chúng sanh khác, và làm như vậy chính là đã tặng lại đời sống cho những sinh vật yếu đuối này lẽ ra có thể bị giết chết. Ta cũng có thể hiến tặng một phần thân thể của mình để cứu người khác, chẳng hạn như cho máu, cho mắt, thận vân vân.... Những ai tu tập đức hạnh này, thúc đẩy bởi tâm đại bi cao cả đối với người khác cũng có thể có thể hy sinh đến tính mạng của mình nữa. Trong nhiều tiền kiếp của Ngài, Bồ Tát (Tất Đạt Đa) đã nhiều lần cho những phần thân thể của Ngài để cứu các người khác. Ngài cũng đã hy sinh cả mạng sống của Ngài để cho người khác được sống, tấm lòng quảng đại và bi mẫn của Ngài thật to lớn. Nhưng chứng tích vĩ đại nhất về lòng từ bi vô bờ bến của Đức Phật là tặng phẩm vô giá cho nhân loại, Giáo Pháp giúp tất cả chúng sinh có thể giải thoát khỏi khổ đau. Đối với người Phật Tử, tặng phẩm cao quý nhất trong tất cả tặng phẩm là Phật Pháp. Tặng phẩm này có sức mạnh vĩ đại thay đổi đời sống. Khi một người nhận Phật Pháp với một tâm ý trong sạch và tu tập chân lý nghiêm chỉnh, người đó không thể nào không thành công được. Người đó đạt nhiều hạnh phúc to lớn hơn nữa, an lạc và hoan hỷ trong cả tim lẫn óc. Nếu người đó có lần độc ác, thì nay người đó sẽ sinh lòng trắc ẩn. Nếu người đó đã có lần trả thù, thì nay người đó biết tha thứ. Nhờ Phật Pháp, kẻ sân hận trở thành bi mẫn hơn, kẻ tham lam biết mở lòng rộng rãi hơn, và kẻ bất an tìm được sự thanh thản hơn. Khi một người hưởng hương vị của Giáo Pháp, người đó không những chứng nghiệm hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, mà còn hưởng hạnh phúc trong những kiếp sau, và trong cuộc hành trình tiến đến Niết Bàn. THÁI ĐỘ PHẬT GIÁO VỚI ĐỜI SỐNG CỦA LOÀI VẬT Nếu chúng ta tin rằng thú vật được tạo ra cho con người, thì chắc phải tin là con người được tạo ra cho loài vật bởi vì có một số thú vật ăn thịt người. Ngưòi ta nói rằng loài vật chỉ ý thức về hiện tại. Chúng sống không quan tâm gì đến quá khứ và tương lai. Giống như vậy, trẻ nít hình như không có khái niệm gì về tương lai. Chúng chỉ sống với hiện tại cho đến khi khả năng về trí nhớ và tưởng tượng phát triển. Con người có năng khiếu lý luận. Sự cách biệt giữa người và vật chỉ là ở chỗ con người biết phát triển khả năng lý luận và hành động phù hợp. Người Phật Tử chấp nhận rằng con vật không những có sức mạnh trực giác mà cũng có khả năng suy nghĩ tuy ở một mức độ kém hơn Trong vài phương diện, con vật cao hơn con người. Loài chó có thính giác nhậy bén hơn; côn trùng có khứu giác tinh tế hơn, diều hâu có tốc độ nhanh hơn, chim phượng hoàng có tầm nhìn xa hơn. Chắc chắn con người khôn ngoan hơn nhưng cần phải học hỏi nhiều điều nơi con kiến và con ong. Tuy loài vật có một số khả năng như vậy nhưng loài người còn có nhiều hơn nữa: Chúng ta có tiềm năng phát triển tinh thần. Phật Giáo không chấp nhận là do ai đó con vật được tạo ra cho con người; nếu vậy hóa ra loài người cũng được tạo ra cho loài vật vì có một số con vật ăn thịt người. Người Phật Tử được khuyến khích nên thương yêu tất cả sinh vật, và không nên chỉ hạn hẹp trong tình thương cho con người mà thôi. Họ nên thực hành lòng từ-ái với tất cả mọi sinh vật. Đức Phật dạy rằng quả không hợp lý nếu con người lấy đi đời sống của bất cứ sinh vật nào vì mỗi chúng sinh đều có quyền tồn tại. Con vật cũng sợ hãi và đau đớn như con người. Tước đoạt mạng sống của chúng thật là sai quấy. Ta không lạm dụng trí thông minh và sức mạnh để tàn hoại sinh vật mặc dù đôi khi chúng gây thiệt hại cho ta. Loài vật cần thiện cảm của con người. Giết hại chúng đâu phải là biện pháp duy nhất để tống khứ chúng. Mỗi sinh vật đều đóng góp vào việc bảo tồn thế giới này. Thật là bất công khi ta tước đi quyền sống của chúng. Trong cuốn Handbook of Reason (sách nói về lý trí), D. Runes nói: "Thật khó nói về đạo đức trong sự tương quan với các sinh vật mà con người đã ăn nuốt một cách có hệ thống, hầu hết bằng cách thui nướng và đôi khi ăn sống. Có nhi?u người thực hành hạnh thương yêu súc vật như ngựa chó mèo ... Nhưng chính những người này lại có thể túm cổ con hươu, con nai, đâm họng chúng hứng huyết uống tươi hoặc làm dồi tiết, và cắn lấy thịt tươi. Và ai là người nói con ngựa mà họ cưng cao quý hơn con hươu họ ăn? Thật ra có người ăn thịt mèo, chó, và ngựa nhưng lại chỉ dùng bò như loài gia súc để làm việc". Có người khóc than một con chim nhỏ hay một con cá vàng mới chết; Lại có kẻ lặn lội thật xa bắt cá bằng một lưỡi câu ghê tởm để ăn hoặc chỉ để tiêu khiển hoặc tìm vui trong thú bắn chim. Có kẻ đi vào tận rừng sâu săn giết thú như một loại thể thao trong khi có kẻ khác lại tiêu rất nhiều tiền để nuôi những con vật này tại nhà như những gia súc yêu quý. Có người nuôi ếch nhái để tiên đoán thời tiết; người khác lại cắt đùi chúng đem chiên. Một số nuôi chim trong những chiếc lồng hào nhoáng; một số khác lại dùng chúng để ăn điểm tâm. Tất cả hầu như lẫn lộn nhau. Trong một thế giới mà người đánh người để kiếm tiền hoặc chỉ để đổ máu chơi, quả là khó khăn mà có đủ thì giờ cân nhắc về đạo đức của con nguời trong mối tương quan với loài vật. Tôn giáo nào cũng khuyên ta thương yêu đồng loại. Có đạo còn khuyên ta thương yêu nhau nhiều hơn nếu cùng thuộc về một tín ngưỡng. Nhưng Phật Giáo cao cả hơn ở chỗ dạy chúng ta thể hiện quan tâm và lòng bi mẫn đồng đều cho khắp mỗi chúng sinh trên vũ trụ này. Sự phá hoại bất cứ sinh vật nào đều gây rối cho nền Trật Tự của Vũ Trụ. Trong những lời dạy của Ngài, rõ ràng Đức Phật chống lại mọi hình thức độc ác với bất cứ chúng sinh nào. Một hôm Đức Phật thấy một người đang sửa soạn giết súc vật để làm lễ tế thần . Hỏi tại sao lại đem giết con thú vô tội này, người đó trả lời là để làm vừa lòng thánh thần. Đức Phật bảo vậy hãy giết Ngài đi để tiến lễ, vì nếu mạng sống của súc sanh có thể làm họ toại ý thì mạng người ắt còn làm cho họ vừa lòng hơn nữa. Sự độc ác đối với loài vật còn là hình thức biểu lộ của lòng tham bất trị của con người. Ngày nay nhân loại tiêu hoại cầm thú và tước đi quyền sống của chúng để mở rộng môi sinh cho sự tiện nghi của mình. Nhưng chúng ta đã phải trả đắt giá về hành động độc ác và ích kỷ này. Môi sinh của chúng ta đang bị báo động và nếu chúng ta không có những biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ sự sống còn của các sinh vật, sự hiện hữu của chính chúng ta trên trái đất này cũng không thể được bảo đảm. Sự có mặt của một số sinh vật quả cũng có đe dọa đời sống con người. Tuy nhiên chúng ta lại chẳng bao giời lưu ý rằng con người chính là mối đe dọa to lớn nhất đối với tất cả sinh vật trên trái đất và trong không gian, trái lại sự hiện hữu của vài sinh vật chỉ là một nguy cơ nhỏ đối với một số khác mà thôi. Vì mỗi sinh vật đều đóng góp cho sự bảo tồn hành tinh và bầu khí quyển, tiêu diệt chúng không phải là một giải pháp để khắc phục những sự xáo trộn của chúng ta. Con người phải dùng các biện pháp khác để duy trì mức cân bằng của thiên nhiên. LÒNG KHOAN DUNG CẦN THIẾT CHO THỜI ĐẠI NÀY "Nếu ai dại khờ làm điều sai trái với Như Lai, trở lại Như Lai sẽ che chở cho y bằng một tình thương vô bờ bến. Hắn càng làm tội lỗi bao nhiêu thì Như Lai lại càng cho y thiện ý bấy nhiêu. Lúc nào Như Lai cũng chỉ tỏa ra hương thơm của điều thiện" (Đức Phật) Con người ngày nay bất an, lo lắng với bao sợ hãi và bất mãn. Họ bị đầu độc bởi lòng ham muốn được danh tiếng, của cải và uy quyền. Họ tham đắm trong sự thỏa mãn giác quan. Họ sống qua ngày trong sợ hãi, nghi kỵ và bất ổn. Trong thời điểm rối loạn và khủng hoảng này, con người thật khó sống chung hòa bình với bạn đồng loại. Thế nên lòng khoan dung trong thế giới ngày nay tối thiết phải có thì sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc mới có thể thành tựu được. Thế giới đã đổ máu và thống khổ bởi căn bệnh giáo điều và cố chấp. Mảnh đất của nhiều quốc gia ngày nay đã bị đẫm ướt bởi máu đổ trên bệ thờ do các loại đấu tranh chính trị giống như những bầu trời ở thời đại hoàng kim xa xưa đã bị bao phủ bởi khói thiêu các vị thánh tử đạo của nhiều tín ngưỡng khác nhau. Trong tôn giáo hay chính trị, con người vẫn hay cho mình có sứ mệnh mang nhân loại vào cách sống của mình và hay công kích những cách sống khác. Đương nhiên, sự bất khoan dung của tinh thần Thập Tự Chinh đã làm hoen ố sử sanh tôn giáo. Chúng ta hãy nhìn lại thế kỷ hiện tại mà "TIẾN BỘ" được quảng cáo rầm rộ - một thế kỷ của máy móc và phát minh. Sự trưng bày các phát minh khoa học và kỹ thuật mới làm ta chóa mắt - điện thoại, điện cơ, máy bay, vô tuyến, truyền hình, điện toán, tầu không gian, vệ tinh và các dụng cụ điện tử. Nhưng cũng trong thế kỷ này, những đứa con của trái đất đã triển khai bao phát minh cực kỳ tiến bộ ấy, vẫn là những người đó đã giết hại cả triệu người khác bằng lưỡi lê, súng đạn hay hơi độc. Tinh thần khoan dung ở đâu, giữa tất cả tiến bộ vĩ đại đó? Ngày nay con người đang ra sức thám hiểm ngoại tầng không gian. Nhưng người và người hoàn toàn không thể cùng nhau sống trong thái bình và hài hòa. Con người rồi đây sẽ làm mất tính chất thiêng liêng của mặt trăng và các hành tinh khác. Để mưu lợi vật chất, con người hiện đại xâm phạm thiên nhiên. Hoạt động tinh thần lại quá đặt nặng về hưởng lạc nên họ không tìm ra mục đích của cuộc đời. Cách hành xử trái tự nhiên của nhân loại ngày nay do kết quả quan niệm sai lầm về đời sống con người, và về mục tiêu chủ yếu. Đó là nguyên nhân của bao thất vọng, sợ hãi, bất an và cố chấp của thời đại ngày nay. Tóm lại, ngày nay thái độ thiếu bao dung vẫn còn thể hiện dưới danh nghĩa tôn giáo. Người ta chỉ nói suông về tôn giáo và hứa hẹn con đường tắt tiến tới thiên đường mà không lưu tâm gì đến việc thực hành. Nếu người Cơ Đốc Giáo sống theo Bài Thuyết Giáo Trên Đồi, nếu người Phật Tử hành theo Bát Chánh Đạo, nếu người Hồi Giáo thực sự theo quan niệm Tình Anh Em, và nếu người Ấn Độ Giáo sống theo khuôn khổ tinh thần nhất như, nhất định nhân loại sẽ có hòa bình và hòa hợp trên thế giới này. Bất chấp những giáo lý vô giá của những đạo sư tôn giáo vĩ đại, người ta vẫn không nhận thức được giá trị của lòng khoan dung. Nhân danh tôn giáo để biểu lộ thái độ cố chấp thật là tệ hại và đáng trách. Đức Phật có dạy: "Sung sướng thay ta sống không
thù hận những người thù hận ta. LỀ NGHI TANG CHẾ PHẬT GIÁO Đám tang thực sự theo Phật giáo là một nghi lễ tôn giáo đơn giản, nghiêm túc và trang trọng. NGÀY TANG LỀ Một đám tang cử hành đúng theo tinh thần đạo Phật tại các xứ Phật Giáo là một nghi lễ đơn giản, nghiêm túc và trang trọng. Nhưng không may nhiều người đã đưa thêm lắm tiết mục ngoại lai không cần thiết cùng các hình thức dị đoan vào trong tang lễ. Những nghi thức xa lạ trên được thay đổi tùy theo truyền thống và tập tục của người dân địa phương. Những điều này được ứng dụng từ rất lâu đời bởi những người có lẽ không hiểu gì về bản chất của đời sống, và của cái chết, và về kiếp sống sẽ ra sao sau khi chết. Khi những ý kiến bổ sung này được sát nhập vào tang nghi theo Phật Giáo, người ta có khuynh hướng chê trách đạo Phật vì tang lễ tốn kém. Nếu đại chúng Phật Tử được thân cận đúng người đã thâm hiểu Giáo Pháp và truyền thống thực sự của Phật Giáo, họ sẽ nhận được lời khuyên phải tổ chức tang lễ như thế nào. Điều đáng tiếc nhất là các sự kiện trên đã gieo một cảm tưởng xấu rằng Đạo Phật khuyến khích người dân phung phí tiền bạc và thì giờ vào những hình thức không cần thiết. Phải nên hiểu minh bạch là Phật Giáo không liên quan gì đến những thủ tục thấp kém ấy. Người Phật Tử không quan tâm đặc biệt gì về chôn hay thiêu một xác chết. Trong nhiều xứ Phật Giáo, hỏa táng là một tục lệ. Thiêu được khuyến khích vì lý do vệ sinh và kinh tế. Ngày nay, dân số trên thế giới đang gia tăng nếu ta tiếp tục để xác chết chiếm một số đất đai có giá trị, rồi một ngày nào đó, tất cả đất đai còn lại sử dụng được đều sẽ bị người chết dành hết, và người sống sẽ không còn chỗ mà sống. Vẫn còn có một số người phản đối việc thiêu xác chết. Họ cho là hỏa thiêu trái với luật của thượng đế, cũng một lập luận như vậy, họ đã phản đối nhiều điều khác trong quá khứ. Những hạng người như vậy phải cần một thời gian mới hiểu được là hỏa thiêu thích hợp và hiệu quả hơn chôn cất. Mặt khác, người Phật Tử không tin rằng ngày nào đó có một đấng nào đó sẽ đến đánh thức hương linh người quá cố từ ngôi mộ hay tro cốt trong bình đựng và quyết định ai sẽ đuợc lên thiên đường, ai sẽ phải xuống địa ngục. Thức hay năng lực tinh thần của người quá vãng không có liên quan gì nữa với cái thân xác, bộ xương hay tro cốt để lại. Nhiều người lại còn tin rằng nếu người chết không được chôn đúng cách hay mộ chí đã được làm phép mà không được để vào nấm mộ, linh hồn người chết sẽ lang thang khắp bốn phương trời khóc than rên rỉ, và đôi khi quay trở về quấy phá người thân. Trong Phật Giáo không hề có lối tin như vậy. Người Phật Tử tin rằng một người khi chết sẽ tái sanh ở một nơi nào đó tùy theo hành động tốt hay xấu của người đó. Khi mà người đó còn tham sống, người đó phải tái sanh. Chỉ có các đấng A la Hán, đã vượt qua tất cả các tham ái mới không còn tái sanh và sau khi chết các Ngài sẽ đạt mục tiêu cuối cùng là Niết Bàn. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05a | 05b | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 |
Chân thành cám ơn Tỳ-kheo
Thích Tâm Quang đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Bình Anson, tháng 11-2001)
Xem bản Anh ngữ: What Buddhists believe
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 03-11-2001