BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU Times font


Tâm Sở Vấn Đáp

Phần III - Tâm sở Tịnh hảo
(Sobhanacetasikā)

Tỳ khưu Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

[04]

B- Tâm sở ngăn trừ phần.
(Viraticetasikā).

74- Hỏi: Như thế nào là virati (ngăn trừ)? Có bao nhiêu tâm sở thuộc nhóm ngăn trừ?

Đáp: Virati là danh động từ của vimarati. Vimarati = vi + căn ram +a.

 Căn ram +a = rati nghĩa là "quyến luyến, thích thú". Từ đây có chữ ārati (sự kiêng cữ, sự xa lìa). Pāli có giải thích ārati như sau:

Ārakā ramatīti ārati: Vui thích trong sự lìa bỏ, là "kiêng tránh" [1] .

Những tiếp đầu ngữ VI và PAṬI là để nhấn mạnh sự kiêng tránh, sự lìa bỏ. Như:

Tato tato paṭinivattāva hutvā tehi vinā ramatīti paṭivirati:

"Hân hoan vì không tham dự vào những điều xấu, gọi là xa lánh (sđd).

Vinā tehi ramatīti virati:

"Không vui thích trong điều đó (là những ác hạnh , như bốn ngữ ác chẳng hạn– Ns), gọi là kiêng tránh (sđd).

Vimarati theo nghĩa đen là "không quyến luyến, không thích thú". Nghĩa bóng là " kiêng cử, từ bỏ, tránh xa".

Theo Sớ giải Trường bộ kinh thì vimarati đồng nghĩa với vemaraṇī (tránh xa) [2] .

Vināsetīti veramanī : Từ bỏ, gọi là tránh xa (sđd).

Hoặc là: "... abrahmacariyā virameyya medhunā...".

"...Từ bỏ các dâm dục, vì đó là phi phạm hạnh... [3] ".

Trong Trưởng lão ni kệ (Therīgāthā) có ghi lại câu chuyện của vị Thánh nữ ni Subhā (Tuyệt Mỹ) tóm lược như sau:

Nàng Subhā sinh ra trong một gia tộc Bàlamôn danh tiếng ở thành Vương xá (Rājagaha, nàng rất xinh đẹp nên có tên là Subhā. Đước nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, nàng xin được xuất gia tỳkhưu ni và chứng quả Anahàm.

Một lần nọ, nàng vào rừng hành thiền, gặp một thanh niên phóng đảng, thấy nàng xinh đẹp, y ép buộc nàng phải cho y thỏa mãn dục vọng, nàng hỏi :

- Người thấy ta đẹp ở nơi nào?

- Nàng đẹp ở đôi mắt.

Nghe vậy, Subhā liền móc một con mắt trao cho y, y kinh hoàng, khẩn cầu nàng tha lỗi và hứa không còn hành động như thế nữa.

Nàng Subhā trở về yết kiến Đức Thế Tôn, vừa trong thấy Đức Thế Tôn mắt nàng tái hiện như xưa, hoan hỷ với điều diệu kỳ này, nàng thuật lại câu chuyện.

Đức Thế Tôn nhân đó thuyết lên pháp thoại giúp nàng chứng quả Alahán.

Hoan hỷ với Nípbàn lạc, nàng nói lên những kệ ngôn (30 kệ ngôn) nêu lên sự chứng đạt của mình.

"...Tassa ca viramāsi tāvade; rāgo tattha kamāpayī ca naṃ

Sotthi siyā brahmacārinī; na puno edisākaṃ bhavissati...

"...Đồng thời khát ái của kẻ ấy được từ bỏ ngay chính nơi ấy, người ấy khẩn cầu được tha thứ.

Mong cầu Phạm hạnh ni được hạnh lạc, tôi không còn hành động theo phương cách này nữa... [4] ".

Bà Subhā móc mắt cho người thanh niên là "từ bỏ theo ý nghĩa vật chất". Chàng thanh niên "không còn hành động như thế nữa" là "từ bỏ theo ý nghĩa tinh thần".

Như vậy, những từ như ārati, virati, paṭivirati đều có nghĩa là "kiêng tránh, từ bỏ, tránh xa" [5] .

Nhóm ngăn trừ này có ba tâm sở là : Chánh ngữ (sammāvācā); chánh nghiệp (sammā kammanto) và chánh mạng (sammā-ājīvo) – xem biểu đồ ở trước. Pāli có nêu dẫn như sau:

"Sammāvācā, sammākammanto, sammā-ājīvo c'āti tisso viratiyo nāma [6] .

"Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Ba tâm sở này được gọi là "ngăn trừ".

 75 - Hỏi: Có bao nhiêu cách kiêng tránh (virati)?

Đáp: Sách Atthasālinī có nêu ra ba sự kiêng tránh là [7] :

a- Sampatta virati (kiêng tránh do đạt được). Là sự kiêng tránh không do tuân thủ một quy tắc đạo đức nào, nhưng do:

*- Tập quán trong những kiếp trước. Như có vị Phạm thiên cõi Sơ thiền, mệnh chung tái sinh về nhân loại là một vị Hoàng tử, từ bé đã không chịu được mùi nữ nhân, không thể gần gũi nữ nhân, nên có tên gọi là Anitthigandha (không có mùi nữ nhân) [8] .

Hoặc như tiền thân của Ngài Mahā Kassapa cùng hành phạm hạnh với tiền thân nàng Bhaddā, nên kiếp này tuy phải vâng lời cha mẹ kết hôn cùng nhau, nhưng ông bà vẫn trong sạch, xem nhau như bạn [9] .

*- Xuất phát từ truyền thống gia tộc. Như gia tộc Bồtát Dhammapāla không hề phạm vào "tà hạnh trong dục lạc – kāmesu micchācāra", nên được trường thọ.

*- Do suy tư đến dòng dõi, địa vị, tuổi tác... nên không làm điều xấu xa [10] .

b- Samādāna virati (kiêng tránh do thọ trì). Là không làm điều ác - xấu do phát nguyện thọ trì.

Như người phật tử vào ngày bát quan trai giới, sau khi phát nguyện giữ gìn 8 giới, không hề vi phạm trọn ngày đêm hoặc trọn thời gian đã phát nguyện.

Hoặc như vị tỳkhưu phát nguyện hành hạnh Dhutaṅga (đầuđà) "ngăn oai nghi nằm", sẽ không nằm.... Chi pháp của sự kiêng tránh này là Tín kết hợp với tinh tấn.

c- Samuccheda virati (kiêng tránh do đoạn trừ). Là sự kiêng tránh làm điều bất thiện do diệt trừ tận gốc rễ của chúng, không cho sinh khởi lại, như vị Thánh Dự Lưu không hề phạm vào 5 giới, vị thánh Anahàm không còn quan hệ tình dục, vị Alahán không còn ác- bất thiện pháp.

Samuccheda virati còn được gọi là "phá hủy cây cầu – setughāta", như người qua cầu, phá hủy cây cầu để không còn quay trở lại.

Cũng vậy, vị Thánh sau khi tận diệt những điều ô nhiễm theo khả năng sẽ không quay lại với những ô nhiễm ấy nữa.

Chi pháp của samuccheda virati là tâm sở trí.

Trong ba điều kiêng cử, hai điều đầu sự kiêng tránh còn có thể bị phá vỡ, riêng điều thứ ba thì vững chắc. Đặc biệt là vị Thánh Alahán, vì Ngài đã tận diệt mọi vô minh và ái dục.

Ngoài ba sự kiêng tránh theo mô thức tổng quát ở trên, sách Atthasālinī còn nêu ra 8 cách kiêng tránh khác, tám cách kiêng tránh này nhằm mục đích không cho tham – sân – si xâm nhập vào nội tâm qua các cửa (dvāra – môn).

Tám cách kiêng tránh này là: Gìn giữ (saṃvara) 8 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (xúc), thân, ngữ và ý bằng "sự thu thúc" [11] .

Tức là khi tiếp xúc với năm cảnh trần : Sắc, thinh, hương, vị, xúc thì ngăn chận không cho tham ái hay sân hận sinh khởi.

Riêng về thân - ngữ - ý thì gìn giữ để không tạo ác nghiệp. Như Phật ngôn:

1- "Cakkhunā saṃvaro sādhu; sādhu sotena saṃvaro.

Ghāṇena saṃvaro sādhu; sādhu jivhāya saṃvaro.

"Lành thay phòng hộ mắt; lành thay phòng hộ tai.

Lành thay phòng hộ mũi; lành thay phòng hộ lưỡi.

2- "Kāyena saṃvaro sādhu; sādhu vācāya saṃvaro.

Sabbattha saṃvuto bhikkhu; sabbadukkhā pamuccati."

Lành thay phòng hộ thân; lành thay phòng hộ lời.

 Lành thay phòng hộ ý; lành thay phòng tất cả.

Tỳkhưu phòng tất cả; thoát khỏi mọi khổ đau [12] .

Chi pháp của sự gìn giữ này là tâm sở niệm (saticetasika).

*

1- Tâm sở chánh ngữ (sammāvācācetasikā).

76-Hỏi: Thế nào là chánh ngữ (sammā vācā)?

Đáp: Sammāvācā = sammā + vācā. Chánh ngữ là lời nói đúng đắn.

Trước tiên là từ bỏ bốn ác tà ngữ là "nói dối (musāvādā), nói đâm thọc (pisuṇāvācā), nói ác (pharasavācā), nói vô ích (sampapphalāpa)".

*- Không nói dối. Là "nói đúng với thực trạng". Nói đúng với thực trạng có tám điều chia làm bốn đôi như sau:

a- Thấy nói thấy, không thấy nói không thấy.

b- Nghe nói nghe, không nghe nói không nghe.

c- Có thọ nhận (vedanā) nói có thọ nhận, không thọ nhận nói không thọ nhận.

d- Có thức tri (hiểu biết) nói có thức tri, không thức tri nói không thức tri. [13]

Đức Phật gọi lời nói dối là "nói như phẩn(gūthabhāṇī)" [14] .

Quả của nói dối nặng nhẹ tùy đối tượng xúc phạm đến, nếu đối tượng xúc phạm là bậc có ân đức lớn thì quả báo nặng, như:

"Tayome bhikkhave, āpāyikā nerayikā idamappahāya. Katame tayo?

Yo ca abrahmacārī brahmacāripaṭiñño.

Yo ca suddhaṃ brahmacariyam. carantaṃ amūlakena abrahmacariyena anuddhaṃseti,

Yo cāyaṃ evaṃvādī evaṃdiṭṭhi – 'natthi kāmesu doso'ti, so tāya kāmesu pātabyataṃ āpajjati".

"Này các tỳkhưu, ba hạng người này rơi vào đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ khi chúng đoạn bỏ pháp này (idaṃ appahāya). Thế nào là ba?

- Ai sống không phạm hạnh, tự xưng là có sống phạm hạnh.

- Đối với người sống phạm hạnh thanh tịnh, hành phạm hạnh thật thanh tịnh, ai công kích (anuddhaṃseti) là không phạm hạnh một cách vô căn cứ.

- Ai chủ trương như sau: "Không có lỗi lầm (doso) trong các dục vọng" và rơi vào say đắm (pātavyataṃ) trong các dục vọng.... [15] .

Hai điều đầu là "nói dối"; điều thứ ba là "tà kiến".

*- Không nói đâm thọc. Nói đâm thọc là lời nói (dù là lời thật) với mục đích gây chia rẽ hai người hoặc hai nhóm.

*- Không nói thô lỗ cộc cằn. Nói thô lỗ cộc cằn là lời nói ác được thực hiện với ý muốn làm hại người, như mắng chưỡi người, nguyền rủa người...

*-Không nói vô ích. Lời vô ích là bàn luận về những điều không thực có.

Hoặc những điều thực có nhưng không mang lợi ích, không liên hệ đến giải thoát.

Như vị tỳkhưu bàn luận về chiến tranh, bàn luận về cách trị nước của Đức vua, bàn luận về sự vận hành của các vì sao...

Ngoài sự từ bỏ bốn lời nói này, chánh ngữ là nói lời "có lợi ích cho mình, có lợi ích cho người, có lợi ích cho cả hai", như vị Giảng sư giảng pháp, người trì kinh...

Mặt khác, tuy là lời có lợi ích cho người, nhưng nói không đúng thời, không đúng đối tượng, cũng không được gọi là chánh ngữ hoàn hảo.

*- Nói đúng thời. Là khi thấy thích hợp mới nói. Có bốn cách tùy thời là:

- Tùy thời giảng pháp (kālena dhammassavanaṃ).

- Tùy thời đàm luận pháp (kālena dhammasākaccā).

- Tùy thời tu tập chỉ (kālena samma saññā).

- Tùy thời tu tập quán (kālena vipassanā) [16] .

Trong thời tu tập thiền chỉ hay thiền quán mà giảng pháp, hay đàm luận pháp, là "nói phi thời"....

Đức Sāriputta (Xálợiphất) có dạy chư tỳkhưu:

"Codakena, āvuso, bhikkhunā paraṃ codetukāmena pañca dhamme ajjhattaṃ upaṭṭhāpetvā paro codetabbo. Katame pañca?

Kālena vakkhāmi, no akālena; bhūtena vakkhāmi, no abhūtena; saṇhena vakkhāmi, nopharusena; atthasaṃhitena vakkhāmi, no anatthasaṃhitena; mettacitto vakkhāmi, no dosantaro".

"Khi vị tỳkhưu muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội.Thế nào là năm?

"Tôi sẽ nói đúng thời, không phải nói phi thời. Tôi sẽ nói chân thật, không phải phi chân. Tôi sẽ nói nhu hòa, không phải nói thô bạo, Tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích, không phải là lời không liên hệ đến lợi ích. Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải nói với sân tâm" [17] .

*- Về đối tượng:

"Assaddhassa saddhākathā dukkathā.

Dussīlassa sīlakathā dukkathā.

Appassutassa bāhusaccakathā dukkathā.

Maccharissa cāgakathā dukkathā.

Duppaññassa paññākathā dukkathā.

"- Nói về tín với người vô tín là ác thuyết.

- Nói về giới với người ác giới là ác thuyết.

- Nói về nghe nhiều với người ít nghe là ác thuyết.

- Nói về bố thí với người xam tham là ác thuyết".

- Nói về trí tuệ với người với người ác tuệ là ác thuyết [18] .

77- Hỏi: Thế nào là lời có lợi ích?

Đáp: Gọi là lời có lợi ích là lời nói có 10 đặc tính như trong kinh Trạm xe [19] có ghi nhận. Mười đặc tính của lời nói có lợi ích như sau:

- Nói về ít ham muốn (appiccakathā).

- Nói về biết đủ (santuṭṭhakathā).

- Nói về độc cư (pavivekakathā).

- Nói về không ô nhiễm (asaṃsaggakathā).

- Nói về tinh tấn tinh cần (viriyārambhakathā).

- Nói về thành tựu giới (sīlasampadākathā).

- Nói về thành tựu định (samādhisampadākathā).

- Nói về thành tựu tuệ (paññāsampadākathā).

- Nói về thành tựu giải thoát (vimuttisampadākathā).

- Nói vềthành tựu giải thoát tri kiến (vimuttiñāṇadassanakathā).

Đây là 10 đặc điểm của lời nói có lợi ích.

78- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở chánh ngữ (sammāvācācetasika)?.

Đáp: Sách Thanh tịnh đạo có trình bày ba đặc tính của tâm sở Chánh ngữ là:

 - Trạng thái: Giữ gìn (pariggahalakkhaṇā).

- Phận sự :Tránh xa (viramanarasā).

- Thành tựu: Đoạn trừ tà ngữ (micchāvācappahānapaccupaṭṭhāno).

Giải:

1- "Gìn giữ". Là gìn giữ sự thật.

2- "Tránh xa". Là tránh xa những điều hư ngụy.

3- "Đoạn trừ tà ngữ". Sách Vô ngại giải đạo (paṭisambhidāmagga) có giải thích:

 "Trong sátna đạo, chánh ngữ mang ý nghĩa xác nhận sự thật, đoạn trừ tà ngữ....".

Sự đoạn trừ tà ngữ có:

- Trong tâm Sơ đạo là "diệt tận lời dối trá", một phần của ba ác ngữ còn lại và một phần các ngữ cong vẹo.

- Trong tâm Nhị đạo là "diệt trừ "một lần nữa một phần ba ác ngữ và các ngữ cong vẹo".

- Trong tâm Tam đạo thì "sát trừ lời đâm thọc, lời thô ác", một phần "lời cong vẹo".

- Trong tâm Tứ đạo thì trừ diệt tất cả "lời vô ích cùng các ngữ cong vẹo còn lại".

Riêng về nhân cận, cả ba tâm sở này đều có nhân cận giống nhau, đó là: "Có những ân đức đặc biệt của bậc hiền triết như : Tín, niệm, tàm, quý, thiểu dục" [20] .

*

2- Tâm sở chánh nghiệp (sammākammantācetasika).

78- Hỏi: Thế nào là chánh nghiệp (sammākammanto)?

Đáp: Chánh nghiệp theo nghĩa từ nguyên là "việc làm đúng".

Chánh nghiệp chủ yếu là "kiêng tránh, từ bỏ" ba thân ác nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong dục lạc.

Ngoài ba thân ác hạnh được từ bỏ, chánh nghiệp còn từ bỏ những gì thuộc "thân cong" như đã nói ở trước.

79- Hỏi: Đặc tính của tâm sở chánh nghiệp ra sao?

Đáp: Sách Thanh tịnh đạo giải thích thực tính pháp của chánh nghiệp là:

- Trạng thái: Thực hiện việc đúng (sammāṭhāpanalakkhaṇo).

- Phận sự: Tránh xa (viramanarasā).

- Thành tựu: Đoạn trừ tà nghiệp (micchākammantappahaanapaccupaṭṭhāno).

Sách Vô ngại giải Đạo giải thích: "Trong sátna đạo, chánh nghiệp có ý nghĩa "việc làm đúng", đoạn trừ tà nghiệp".

"Việc làm đúng". Là giúp các pháp đồng sinh cùng với chính mình tiến đắc Nípbàn, diệt trừ phiền não.

"Đoạn trừ tà nghiệp". Là diệt trừ ba thân ác hạnh: Sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong dục lạc (trong tâm sơ đạo), làm cho chúng trong tương lai không thể sinh khởi trở lại.

Trong hai tâm đạo: Nhị và tam đạo tâm đạo thì diệt trừ phần lớn "thân cong vẹo",

Trong tâm Tứ đạo thì diệt trừ trọn vẹn "thân cong vẹo".

*

3- Tâm sở chánh mạng (sammā – ājīvacetasika).

80 –Hỏi: Thế nào là chánh mạng (sammā - ājīvo)?

Đáp: Chữ jīva theo nghĩa từ nguyên là "sự sống", nghĩa mở rộng là "sự tồn tại, sự sinh tồn".

Ājīva là "sự nuôi sống, sự nuôi mạng sống".

Sammā-ājīva là "sự nuôi mạng sống đúng đắn".

Chánh mạng theo đời thường là nuôi mạng đúng, tức là tránh xa cách nuôi mạng tà vạy, như người cư sĩ lánh xa 5 nghề: buôn bán người, buôn bán thú sống, buôn bán chất độc, buôn bán vũ khí (dùng để sát hại sinh vật như cung tên, giáo, đao, thương...), buôn bán chất say, cùng một số nghề sái quấy khác.

Sự nuôi mạng này này tùy thuộc vào thân hay ngữ, do đó chánh mạng được xếp chung với chánh ngữ và chánh nghiệp.

81- Hỏi: Đặc tính của tâm sở chánh mạng (sammā-ājīvacetasika) ra sao?

Đáp: Sách Thanh tịnh đạo có giải thích ý nghĩa thực tính của Chánh mạng là:

- Trạng thái: Trong sạch (yodānalakkhaṇo)

- Phận sự:Duy trì sự sống đúng (ñāyājīvappattiraso).

- Thành tựu: Đoạn trừ tà mạng (micchājīvappahānapaccupaṭṭhāno).

Sách Vô ngại giải đạo có giải thích : "Trong sátna đạo, chánh mạng có ý nghĩa là trong sạch, đoạn trừ sự nuôi mạng sống sai (tà mạng)".

Đặc tính chung của ba tâm sở ngăn trừ phần là:

 - Trạng thái: Từ bỏ, không phạm vào ác hạnh (thân ác - ngữ ác) (viratiyaduccarita avītikkamalakkhaṇā)

- Phận sự: Ngăn chận (ác hạnh)(tatosaṅkocanarasā [21] )

- Thành tựu: Không thực hành (ác hạnh)(akiriyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận: Có những ân đức hay tài sản đặc biệt như: Tín, niệm, tàm, quý, thiểu dục (saddhā-sati-hiri-ottappa-appicchadhānaguṇaṃpadaṭṭhāṇā).

82- Hỏi: Tâm sở chánh trực (ujukatācetasika) ngăn ngừa sự "cong vẹo" của thân - ngữ". Vì sao chánh ngữ, chánh nghiệp lại sinh lên thêm nữa?

Đáp: Nên ghi nhận rằng: Tâm sở chánh trực là "làm cho tâm – tâm sở ngay thẳng".

Tuy tâm và tâm sở ngay thẳng sẽ dẫn đến thân - ngữ không "cong vẹo", như Phật ngôn: "Mano pubbaṅgamā dhammā: Ý dẫn đầu các pháp" [22] .

Nhưng tâm sở chánh trực không thể đưa tâm và tâm sở "xa lánh hay trừ diệt được "thân ác hay ngữ ác", chỉ có tâm sở chánh ngữ và tâm sở chánh nghiệp mới làm được việc này tùy theo đối tượng (ārammaṇa) thuộc về thân hay ngữ.

Do đó chúng sinh lên để thực hiện phận sự ấy, như sách Vô ngại giải đạo (Paṭisambhidāmagga) đã giải thích ở trên.

Nói dễ hiểu hơn: Tâm sở chánh trực đảm nhận phần "bên trong" tức là về ý, còn chánh ngữ, chánh nghiệp đảm nhận "bên ngoài", nếu là thân thì chánh nghiệp làm phận sự của mình, về ngữ thì chánh ngữ thực hiện phận sự của mình.

Nếu thân - ngữ này có liên quan đến" sự nuôi mạng" thì do chánh mạng đảm nhận.

Lại nữa, tâm sở chánh trực nhận được nhiều cảnh và chúng làm cho tâm – tâm sở ngay thẳng đối với cảnh, như với cảnh tốt thì tâm và tâm sở nhận thức "tốt", cảnh xấu thì nhận thức là "xấu", không bị "cong vẹo đối với cảnh".

Khi gặp cảnh có liên hệ đến ngữ hay thân thì tâm sở chánh ngữ hay tâm sở chánh nghiệp sinh lên để ngăn trừ những tà vạy do ngữ hay thân làm ra.

Nói rõ hơn, tâm sở chánh ngữ ngăn không cho tâm tạo ra sắc tâm ngữ bất thiện, tâm sở chánh nghiệp ngăn không cho tâm tạo ra sắc tâm thân bất thiện, nhờ đó tâm "xa lánh " không thực hành ngữ ác hay thân ác.

Chánh ngữ làm cho "ngữ không cong vẹo", chánh nghiệp làm cho "thân không cong vẹo" chỉ là tác dụng phụ, phần chủ yếu của hai tâm sở này là "xa lánh, diệt trừ" ba thân ác hạnh và bốn ngữ ác hạnh (tùy theo phận sự của chúng).

Nói cách khác, tâm sở chánh trực xem như "bao quát", còn tâm sở chánh ngữ và tâm sở chánh nghiệp là "chuyên phần".

83- Hỏi: Vì sao trong những tâm thiền hiệp thế không có ba tâm sở ngăn trừ (virati) phối hợp?

Đáp: Tâm thiền hiệp thế là loại tâm chỉ nhận lấy cảnh thiền (jhānārammaṇa), đối tượng ở đây là "đề mục" như đất, nước...

Cảnh thiền này thường là cảnh chế định (paññattārammaṇa) trừ ba tâm thiền "Thức vô biên xứ" và ba tâm thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhận cảnh chân đế (paramatthārammaṇa).

Cho dù nhận cảnh là "chế định hay chân đế", cảnh này chẳng liên hệ gỉ đến thân nghiệp, ngữ nghiệp hay sự nuôi mạng cả.

Ba tâm sở Ngăn trừ chỉ sinh lên khi nào có cảnh tương thích với chúng, như khi gặp "cảnh có liên quan đến ngữ nghiệp" thì tâm sở chánh ngữ sinh lên để ngăn trừ tà ngữ, thực hiện ngữ nghiệp thiện.

Khi gặp "cảnh có liên quan đến thân nghiệp" thì tâm sở chánh nghiệp sinh lên để ngăn trừ tà nghiệp, thực hiện thân thiện nghiệp.

Khi có "cảnh liên quan đến sự nuôi mạng" thì tâm sở chánh mạng sinh lên để ngăn trừ tà mạng.

Do đó, trong tâm thiền hiệp thế không có ba tâm sở này phối hợp.

84- Hỏi: Vì sao trong tâm thiện Dục giới khi có tâm sở ngăn trừ phối hợp thì chỉ có một, còn trong tâm Siêu thế (lokuttacittaṃ) thì chúng có đủ cả ba?

Đáp: Trong một thời điểm tâm chỉ nhận biết một cảnh, ba tâm sở ngăn trừ (virati) có cảnh khác biệt nhau.

Do đó tâm thiện Dục giới, nếu có tâm sở ngăn trừ phối hợp thì chỉ có một mà thôi.

Còn tâm Siêu thế chỉ nhận độc nhất một cảnh, đó là cảnh Nípbàn. Tâm Siêu thế có hai loại: Tâm đạo và tâm quả Siêu thế.

- Tâm đạo có phận sự "sát trừ phiền não", phiền não có ba loại: Thô – trung bình – và vi tế.

Đối với phiền não thô thì do Giới phần đảm nhiệm phần diệt trừ, phiền não trung bình thì do Định phần đảm nhiệm, phiền não vi tế do Tuệ phần đảm nhiệm.

Giới phần chính là : Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Tức là khi ấy ba tâm sở này có sức mạnh "tuyệt trừ" các phiền não thô. Do đó chúng cùng có mặt để cùng làm phận sự "sát trừ".

- Tâm quả Siêu thế là thành quả của tâm Đạo, nên ba tâm sở này đều có mặt (vì chúng có mặt đầy đủ trong tâm Đạo). Như nói "Đức Phật dạy...", tuy Ngài đã viên tịch, nhưng thành quả "giảng pháp để tế độ chúng sinh" vẫn còn.

 85-Hỏi: Vì sao trong tâm quả hữu nhân (sahetuka) Dục giới không có ba tâm sở ngăn trừ?.

Đáp: Tâm quả hữu nhân Dục giới có bốn việc làm (kicca) là: Tục sinh, hữu phần, tử và nacảnh (hưởng cảnh còn dư sót).

*- Khi tâm quả Hữu nhân Dục giới làm việc: Tục sinh, hữu phần hay tử; chúng chỉ nhận một trong ba cảnh riêng của chúng, đó là: cảnh nghiệp. cảnh nghiệp tướng, cảnh sinh thú tướng (gatinimittārammaṇa). Một trong ba cảnh này xuất hiện vảo giai đoạn sắp mệnh chung của chúng sinh ấy trong kiếp trước đó.

Ba tâm sở ngăn trừ không gặp được cảnh tương thích nên không thể sinh lên.

*- Khi tâm quả hữu nhânDục giới làm việc nacảnh, khi ấy cảnh đã muội lược, sắp diệt mất (chỉ còn sáu sátna tiểu), nên không thể trợ giúp cho tâm sở sinh lên.

Do đó, ba tâm sở ngăn trừ không có trong tâm quả hữu nhân Dục giới.

Dứt phần tâm sở ngăn trừ.

*

C- Tâm sở Vô lượng phần
(appamaññāya cetasikā).

86- Hỏi: Hãy giải thích ý nghĩa và đặc điểm của từ appamaññā (vô lượng)? Có bao nhiêu tâm sở thuộc Vô lượng phần?

Đáp: Appamaññā là biến thể của appamāṇa (không giới hạn).

Appamāṇa = na + pamāṇa.

Pamāṇa là danh động từ của pamiṇāti (pa+ căn mi + nā), nghĩa là "đo lường".

Vô lượng có ba cách:

- Pháp vô lượng, như "appamāṇā dhammā: Các pháp vô lượng" [23] ; chi pháp là tâm Siêu thế cùng tâm sở hợp và Nípbàn.

- Phương hướng vô lượng. Như " vị tỳ khưu an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ..." [24] .

- Chúng sinh vô lượng. Là chỉ cho chúng sinh nhiều vô số.

Appamañnā chỉ cho "chúng sinh vô lượng", appamaññā là không phân biệt chúng sinh, không giới hạn chúng sinh nào cả.

Ngài Buddhaghosa có giải thích "appamāṇa" như sau:

"Appamāṇasattārammaṇavasena = appamāṇa:

"Trú trong cảnh chúng sinh nhiều vô số, gọi là vô lượng [25] ."

Có hai tâm sở thuộc vô lượng phần, đó là: Tâm sở bi (karuṇācetasika) và tâm sở tùy hỷ (muditācetasika) (xem biểu đồ ở trước).

 Pāli có nêu dẫn:

"Karuṇā, muditā pana appamaññāyo, nāma'ti sabbathā'pi [26] .

"Bi, tùy hỷ. Tất cả được gọi là vô lượng".

*

1- Tâm sở Bi (karuṇācetasika).

87- Hỏi: Hãy giải thích ý nghĩa karuṇā (bi)?

Đáp: Karuṇā thường được dịch là "lòng trắc ẩn, lòng bi mẫn".

Karuṇā xuất phát từ ngữ căn kar (làm ra) + uṇā.

Như con nhện nằm giữa lưới nhện, khi va chạm vào sợi tơ nhện sẽ làm rúng động con nhện. Cũng vậy, một dấu hiệu đau khổ của chúng sinh khác cũng làm rung động trái tim của bậc hiền thiện, đó là karuṇā (bi), như Phật ngôn:

..."Sabbesu bhūtesu nidhāya [27] daṇḍaṃ,

Ye thāvarā ye ca tasā santi loke".

"Hãy giữ lại hình phạt đối với tất cả sinh chúng, dù đó là kẻ ngang ngạnh hay người đang run sợ" [28] .

Ý nghĩa kệ ngôn này là "người phạm lỗi đáng bị trừng phạt, nhưng hãy giữ lại hình phạt ấy, cho dù tội nhân là người đang run sợ trước những hình phạt hay là kẻ ngang ngạnh. Đối với tất cả chúng sinh nào cũng như thế, như đối với những thú dữ hoặc những con vật hiền thiện đang run sợ."

Thanh niên Cakkana đã "rung động trái tim" khi thấy vẻ sợ hãi của con thỏ và đã tha chết cho con thỏ [29] .

Bản Sớ giải kinh tập [30] có giải thích: "Từ và bi là hai pháp bổ túc cho nhau".

Về tâm từ (mettā) là:

"Hita sukhūpanaya kāmatā: mong muốn hạnh phúc - lợi ích đến người".

Về karuṇā (bi) là:

"Ahita dukkhāpanaya kāmatā: mong muốn loại trừ đau khổ và bất hạnh của chúng sinh khác".

Sách Atthasālinī có giải thích karuṇā như sau[31]:

"Paradukkhe sati sādhūnaṃ hadaya kampanaṃ karotī’ti = karuṇā:

"Làm rung động trái tim tốt đẹp qua dấu hiệu đau khổ của chúng sanh khác", gọi là bi".

Hay:

Kināti vā paradukkhaṃ hiṃsati vināsetīti = karuṇā:

"Hủy diệt tai hại hay đau khổ của chúng sinh khác, gọi là karuṇā (karuṇā xuất phát từ căn ki, nghĩa là "phá hủy, tiêu diệt").

Hoặc:

Karīyati vā dukkhitesu pharaṇavasena pasāriyatīti = karuṇā:

"Trải rộng sự bi mẫn đến những chúng sinh đau khổ, gọi là bi" (karuṇā xuất phát từ căn koe, nghĩa là "trải rộng, rải ra").

88-Hỏi: Bốn đặc tính của tâm sở bi là gì?

Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở bi là:

1- Trạng thái: Mong muốn chúng sinh thoát khổ (paradukkhā panayana lakkhaṇā).

2- Phận sự: Không chịu đựng nổi khi thấy chúng sinh khổ (paradukkhā sahana rasā).

3- Thành tựu: Có lòng nhân từ (hay không làm hại người) (avihiṃsā paccupaṭṭhāna).

4- Nhân gần: Thấy được nhu cầu cần thiết của chúng sinh đang bị khổ vây chặt (dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassana padaṭṭhānā).

Giải:

1- "Mong chúng sinh thoát khổ". Khổ có hai: Khổ đang hiện bày và khổ sẽ sinh khởi trong tương lai.

Đức Phật cùng chư Tăng ngự đến kinh thành Vesāli để giải trừ ba tai họa: Bịnh tật, phi nhâm và sự đói khát đang có. Là giải trừ sự khổ trong hiện tại.

Đức Phật giảng pháp độ người hữu duyên chứng quả Thánh là giải trừ "khổ trong tương lai".

Lại nữa, có hai loại khổ khác là: Khổ về vật chất và khổ về tinh thần.

Đức Phật dạy những pháp làm tăng trưởng tài sản một cách hợp pháp để thoát ra cái khổ vật chất như:

- Đầy đủ tháo vát trong công việc (uṭṭhānasampadā).

- Đầy đủ trong sự gìn giữ (ārakkhasampadā)

- Làm bạn với thiện (kaḷyānamittatā).

- Sống thăng bằng điều hòa (samajīvitā).

Để thoát ra cái khổ tinh thần, Đức Phật dạy:

- Đầy đủ đức tin (saddhāsampadā).

- Đầy đủ giới hạnh (sīlasampadā).

- Đầy đủ sự xả ly (cāgasampadā

- Đầy đủ trí tuệ (paññāsampadā). [32] ...

Tâm Bi có trạng thái "mong cho chúng sinh thoát khỏi các loại khổ này".

2- "Không chịu đựng nổi khi thấy chúng sinh khổ". Là không thể thản nhiên, dững dưng trước cái khổ của người khác.

Hay không đành lòng trước cái khổ của chúng sinh, cố gắng giúp chúng sinh đang bị khổ dày vò thoát ra cái khổ ấy.

Một người tuy xúc động trước cái khổ đang hiện bày của chúng sinh khác nhưng không tìm cách giúp đở, đó là tâm bi tiêu cực.

Khi có hành động bằng thân hay bằng lời giúp đở chúng sinh đang bị khổ nạn là tâm Bi tích cực.

3- "Có lòng nhân từ". Là từ bỏ những hình phạt hay bất cứ những hình thức nào gây ra đau khổ cho chúng sinh khác, như không gây chia rẻ, không đe dọa ...

Trong điều học của chư tỳkhưu : "Vị tỳkhưu nào dùng tay dọa vị tỳkhưu khác, phạm Ưngđốitrị (pācittiya) [33] , hay trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt [34] : "từ bỏ gậy, gộc, đao trượng..."

4- "Thấy được nhu cầu cần thiết của chúng sinh đang bị khổ bao vây". Có hai loại nhu cầu cần thiết để thoát ra cái khổ đang bao vây, đó là: Biết nhưng không thể thoát ra, và không biết cách thoát ra khổ.

Bồtát trong kiếp làm khỉ chúa, thấy một Bàlamôn rơi xuống hố sâu, không thể thoát ra được, Ngài tìm cách cứu người Bàlamôn này ra khỏi hố sâu.

Ngài cỏng người Bàlamôn trên lưng leo chuyền theo vách đá lên khỏi hố.

Khi lên khỏi hố Ngài mệt quá nằm nghỉ, người Bàlamôn vì quá đói nên khởi ác tâm, toan giết Ngài để ăn thịt, y dùng đá đập vào đầu Bồtát, nhờ có sức khỏe Ngài thoát chết nhưng máu ra nhiều.

Tuy nhiên, Ngài vẫn giúp kẻ bạc ân ra khỏi rừng, bằng cách chuyền trên cây để máu nhỏ giọt xuống chỉ đường cho y về nhà [35] .

Tuy ý chính câu chuyện là "Bồtát tu tập Xả balamật", nhưng trong đó chúng ta vẫn thấy Bồtát có tâm Bi.

Đây là "thấy chúng sinh không thể thoát ra khổ đang vây".

Đối với chúng sinh tự mình có thể thoát ra khổ, nhưng không biết cách, Đức Phật giảng pháp chỉ dẫn cách thực hành để thoát ra khỏi khổ luân hồi.

Đây là "thấy chúng sinh không biết phương pháp thoát ra khổ".

Hai điều này là nhân gần để sinh khởi tâm sở bi.

89- Hỏi: Ưu - nhược điểm của tâm bi là gì?

Đáp: Ưu điểm của tâm Bi là "thoát ra sự lãnh đạm trước cái khổ của người", thành tựu cao tột của tâm Bi là "làm an tịnh sự tàn hại người", tức là thành tựu một chi phần của chánh tư duy (sammāsaṅkappo) là "ly hại tầm".

Nhược điểm của tâm bi là: Có kẻ thù trực tiếp là "tàn bạo - hiṃsa", hay " phẫn nộ - paṭigha)", kẻ thù gián tiếp là "phiền muộn – domanassa)".

Lẽ thường người có tâm bi với chúng sinh nào đó, thấy một người khác hành hạ chúng sinh ấy, tâm khởi lên sự bất bình hoặc phẩn nộ. Như người đi đường thấy đứa bé lớn đang đánh đập đứa bé nhỏ, y bất bình can thiệp ngay...

Đây là "kẻ thù trực tiếp" của tâm bi.

"Kẻ thù gián tiếp là phiền muộn sinh khởi". Như khi thấy chúng sinh đang khổ, muốn giúp chúng sinh ấy thoát khổ nhưng bất lực, bấy giờ tâm tư sinh sầu muộn. Hoặc bà mẹ thấy con bịnh nặng, không thể giúp gì cho đứa con ấy, bà phát sinh sầu muộn...

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Vihiṃsūpasamo tassā sampatti, sokasambhavo vipatti:

(Nó) đạt được khi diệt trừ "sự tàn bạo", không đạt được thì sinh khởi sự phiền muộn." [36] .

Tâm bi (karuṇā) phần nhiều đi chung với xả thọ vì phải nhận thấy "cảnh khổ của chúng sinh khác", nếu không khéo tác ý dễ dẫn đến thọ ưu (somanassa), loại thọ ưu này gọi là thọ ưu tại gia (gahesita domanassa), thế là dẫn đến sân (dosa).

Tâm bi đi chung với thọ hỷ, khi thấy chúng sinh ấy thoát ra được nỗi khổ dày vò.

*

2- Tâm sở Hỷ (muditācetasika).

90- Hỏi: Thế nào là muditā (hỷ)?

Đáp: Muditā được dịch là tùy hỷ, tuy cách dịch có gượng ép về từ ngữ, nhưng không gượng ép về nghĩa, tùy hỷ là vui theo niềm vui của người.

Lại nữa để phân biệt với tâm sở hỷ (pīticetasika).

Muditā khác với pīti, tuy cả hai đều có nghĩa là "vui thích, hoan hỷ", nhưng niềm vui của pīti là niềm vui suông, như người vui thích với cảnh đẹp hoặc vui thích với quả an lạc mà mình có được....

Idha nandati pecca nandati; katapuñño ubhayattha nandati

"Puññaṃ me kataṃ ti nandati; bhiyyo nandati sugatiṃ gato.

Ở đây vui thích, sau lại vui thích; làm thiện hai lần vui.

Vui vì nghĩ "ta làm thiện"; sinh vào cõi lành vui hơn" [37] .

Còn muditā là niềm vui trước ưu điểm tốt đẹp hay hạnh phúc của người. Như người thầy hoan hỷ trước sự thông minh của học trò, hay hoan hỷ trước sự khôn ngoan của con vật (dù đó là vật sở hữu của người khác)...

Đức Thế Tôn khen ngợi câu hỏi thông minh của vị Tỳkhưu như sau: Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

"... Kena nu kho, bhante, loko nīyati, kena loko parikassati, kassa ca uppannassa vasaṃ gacchatī’ti?".

"... Bạch Thế Tôn, cái gì hướng dẫn thế gian? Thế gian do cái chi lôi kéo (parikissati)? Cái chi đến kiểm soát thế gian?.

"Sādhu sādhu, bhikkhu! Bhaddako kho te, bhikkhu, ummaggo bhaddakaṃ paṭibhānaṃ, kalyāṇī paripucchā..."

"Lành thay, lành thay, này Tỳkhưu, hiền thiện tỳkhưu là ngươi, hiền thiện là sự thông minh thâm sâu (bhaddako te ummaggo [38] paṭibhānaṃ) ngươi hỏi. Hiền thiện là sự biện tài (paṭibhānaṃ), câu hỏi thật tốt đẹp ..." [39] .

Và Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi thâm sâu ấy là: "Đó là tâm, tâm hướng dẫn thế gian, tâm lôi kéo thế gian và tâm kiểm soát thế gian".

Hoặc như người Phật tử hoan hỷ với việc phước của người khác hay vui thích khi thấy người khác phát sinh những quả lành...

 Lại nữa, pīti sinh lên đối trị với "thọ ưu của sân", còn muditā thì đối trị với "ganh tỵ (issā)".

Về từ muditā thì: Muditā có gốc từ ngữ căn mud, ngữ căn mud có hai nghĩa: "Hoan hỷ", hoặc "hòa lẫn". [40]

Như vậy, muditā là sự vui thích, hoặc niềm vui hòa lẫn (là vui với niềm vui của người, hoặc vui với niềm vui có trước (của người khác).

Ngài Buddhaghosa trong sách Thanh Tịnh đạo có giải thích:

"Modanti tāya taṃ samaṅgino, sayaṃ vā modati, modana mattameva vā tanti muditā".

"Gìn giữ điều hạnh phúc với niềm vui, niềm vui tự có (sayaṃ vā modati) hoặc điều hạnh phúc của người, gọi là tùy hỷ." [41]

*-"Niềm vui tự có".Là ám chỉ tâm sở Tùy hỷ có trong tâm quả: Sơ, nhị, tam thiền hiệp thế (thiền bốn bậc).

*- "Hạnh phúc của người". Là sự an lạc, hạnh phúc của người khác.

91- Hỏi: Hãy giải thích bốn đặc tính của tâm sở tùy hỷ?

Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở tùy hỷ là:

- Trạng thái:Vui thích với chúng sinh (sattesu pamodanalakkhaṇā).

- Phận sự:Không ganh tỵ (anissāyanarasā).

- Thành tựu: Phá hủy sự chán ghét (arativighātapaccupaṭṭhāṇā).

- Nhân gần: Thấy chúng sinh thành đạt (sattānaṃ sampattidassanapadaṭṭhāṇā).

Giải:

1- "Vui thích với chúng sinh". Là chúng sinh đang vui với hạnh phúc hay sự an lạc có được, tâm sở Tùy hỷ cũng vui với niềm vui của chúng sinh ấy.

Chữ satta (chúng sinh) ở đây dùng để xác định ý nghĩa "vô lượng", là không phân biệt đối tượng.

Cha mẹ chỉ vui thích với sự thành công của con mình hay của người thân, tâm hỷ ấy không gọi là vô lượng vì còn hạn hẹp.

2- "Không ganh tỵ". Là không cảm thấy khó chịu trước sự thành đạt của người khác, như:

- Trong lãnh vực quyền lực, các vị hoàng tử khi thấy vị hoàng tử khác trong thân tộc lên ngôi vua, không cảm thấy khó chịu.

- Trong lãnh vực "danh tiếng", khi nghe người khác được khen ngợi, không cảm thấy khó chịu.

- Trong lãnh vực hội chúng, khi thấy người khác có đông tùy tùng , không cảm thấy khó chịu ...

3- "Phá hủy sự chán ghét". Là làm cho sự chán ghét do ganh tỵ sinh lên bị tiêu diệt.

4-" Thấy chúng sinh thành đạt". Khi thành đạt điều hạnh phúc hay an lạc nào đó, dĩ nhiên người này hay chúng sinh ấy có sự vui thích.

Nhìn thấy sự hạnh phúc của người tâm cảm thấy hân hoan, thích thú, như các chư thiên hân hoan với vị tân thiên tử vừa sainh lên... Hoặc hoan hỷ khi thấy hành giả chứng thiền, hoan hỷ khi thấy người khác bố thí, trì giới, tu tập...

Đó là nhân gần để sinh khởi tâm sở tùy hỷ.

92- Hỏi: Ưu - nhược điểm của tâm sở tùy hỷ ra sao?

Đáp: Ưu điểm của tâm sở tùy hỷ là "khi đạt được thì diệt trừ được ganh tỵ, phá hủy sự chán ghét".

Khi phát triển làm cho tăng trưởng thì tâm sở tùy hỷ trở thành "ly sân tầm " của chánh tư duy.

Nói cách khác "ly sân tầm " có thể được thành tựu từ một trong hai pháp "tâm từ hoặc tâm hỷ".

Nhược điểm là "khi không đạt được thì dẫn đến "quá vui".

Như sách Thanh tịnh đạo [42] có ghi:

"Ārativūpasamo tassā sampatti, pahāsasambhavo vipatti:

"(Nó) đạt được khi diệt trừ được sự chán ghét [43] , khi không đạt được thì trở thành quá vui."

Mặt khác, tâm sở Tùy hỷ có hai kẻ thù: Kẻ thù trực tiếp là "ganh tỵ", kẻ thù gián tiếp là "niềm vui dẫn đến tham ái".

Gọi là "kẻ thù trực tiếp", vì không thể vừa hoan hỷ vừa chán ghét.

Gọi là "kẻ thù gián tiếp", vì bất thiện có thể sinh khởi từ sự tùy hỷ này.

Như một người hoan hỷ với sự giàu có, danh tiếng của người khác, rồi mơ ước mình cũng sẽ được như vậy.

Tâm sở tùy hỷ phần nhiều đi chung với thọ hỷ (somanassa vedanā) khi bắt 5 cảnh trần hoặc pháp khả ái, khả hỷ liên hệ đến dục (kāma), loại thọ hỷ này được gọi là "hỷ tại gia – gahesita somanassa". Và "hỷ lạc này làm duyên cho tham áisinh khởi ".

 Đức Phật dạy:

"Tasmātiha, bhikkhave, setughāto gīte, setughāto nacce, alaṃ vo dhammappamoditānaṃ sataṃ sitaṃ sitamattāyā'ti"

"Thật là vừa đủ, nếu các ngươi được hoan hỷ đúng pháp (dhamma pamoditānaṃ sataṃ), mỉm cười để tỏ là các ngươi được hoan hỷ (sataṃ Sitamattāya) [44] .

Tâm sở tùy hỷ đi chung với thọ xả khi "thấy được hạnh phúc nhỏ nhoi của chúng sinh khác".

93- Hỏi: Vì sao trong trong tâm quả hữu nhân Dục giới không có hai tâm sở bi và tùy hỷ phối hợp, trái lại trong tâm quả thiền sắc giới (từ Sơ đến Tam thiền - thiền bốn bậc) lại có chúng phối hợp.?

Đáp: Như đã giải ở trên, tâm quả hữu nhân Dục giới chỉ bắt cảnh riêng của chúng khi làm việc tục sinh - hữu phần – tử. Những cảnh này không phải là cảnh "chúng sinh đang khổ" hay cảnh "chúng sinh đang an lạc", nên bi vhay tùy hỷ không thể sinh lên.

Khi chúng làm việc Nacảnh (tadālambanakicca), thì cảnh đã muội lược, không đủ sức trợ cho tâm sở khác sinh lên.

Còn trong tâm quả thiền hữu sắc (từ sơ đến tam thiền - thiền bốn bậc), có được tâm sở Bi hay tâm sở Tùy hỷ phối hợp là vì: Vị ấy tu tập bi vô lượng tâm hay hỷ vô lượng tâm và chứng đắcđịnh, nên trong tâm quả thiền ấy có bi hay tùy hỷ phối hợp. Nhưng nên lưu ý rằng : "nếu có chỉ có một mà thôi".

Nói cách khác, ngoại trừ hành giả tu tập đề mục hỷ vô lượng tâm hay bi vô lượng tâm, thành tựu được thiền chứng, khi tái sinh về Phạm thiên giới bằng tâm quả thiền chứng ấy thì tâm quả ấy mới có Bi hoặc Tùy hỷ phối hợp, ngoài ra nếu tu tập thiền chỉ tịnh bằng đế mục khác như : Đất, nước, gió. lửa, hơi thở... thì tâm quả thiền ấy không có bi hay tùy hỷ phối hợp.

94- Hỏi: Trong Tứ vô lượng tâm: Từ - bi - hỷ - xả. Từ và xả được kể vào pháp Balamật (pāramī). Vì sao bi và hỷ không được xếp vào pháp balamật?.

Đáp: Tuy bi tùy hỷ khi phát triển vững mạnh trở thành hai chi phần của chánh tư duy (sammā saṅkappo), nhưng cả hai phải dựa vào nền tảng là vô sân.

Nói cách khác, nguyên nhân xa sinh khởi cho tâm bi và tâm hỷ chính là tâm sở vô sân, nên khi đề cập đến chánh tư duy chỉ nói đến hai pháp chủ yếu là "vô tham và vô sân".

Mặt khác, tâm bi và tâm hỷ chỉ nhận biết "cảnh chúng sinh" mà thôi, ngoài ra đối với những cảnh khác chúng không thể bắt lấy nên không sinh khởi.

Nípbàn là cảnh tịch lặng, không có chúng sinh, do đó chúng không thể sinh lên.

Trái lại, tuy tâm từ cũng xuất phát từ vô sân, nhưng ngoài cảnh "chúng sinh "ra, tâm từ có thể nhận được nhiều cảnh, trong đó cócảnh Nípbàn, nên từ được xếp vào balamật.

Tương tự như thế, tâm xả xuất phát từ tâm sở quân bình (tatramajjhattatā), tâm sở quân bình có thể nhận được21 cảnh trong đó có cảnh Nípbàn.

Do đó tâm xả được xếp vào Xả ba lamật.

Dứt tâm sở Vô lượng phần.

*

D- Tâm sở Tuệ quyền
(paññindriyacetasika).

95-Hỏi: Thế nào là paññā (tuệ)?

Đáp: Paññā= pa+căn ñā. PA là "cùng khắp, trọn vẹn, đầy đủ", căn ÑĀ là "hiểu biết".

Trước tiên, ở khía cạnh "hiểu biết" thì trí (ñāṇa) xem như tương đương với paññā (tuệ), như:

 "Somanassa sahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ kusalacittaṃ:

"Tâm thiện sanh chung với thọ hỷ hòa lẫn với trí, không có sự trợ giúp".

Sự hiểu biết (pajānāti) nói gọn có hai cách:

*- "Hiểu biết theo đời thường", như am tường các môn học, các môn nghệ thuật ...

*- "Hiểu biết đặc biệt", như hiểu rõ về tam tướng: Vô thường, khổ, vô ngã, Tứ đế...

Nói cách khác, trí có hai cách "hiểu biết": Hiểu biết về chế định và hiểu biết về chân đế.

Chính tiếp đầu ngữ PA đã nhấn mạnh và tăng cường cho "sự hiểu biết" này.

Có thể ví ñāṇa (trí) như sư tử, còn paññā (tuệ) như sư tử chúa, hoặc ñāṇa như sư tử đang trưởng thành còn paññā như sư tử sung mãn sức lực .

- Ñāṇa (trí) là sự hiểu biết thông thường, còn paññā (tuệ) là "hiểu biết một cách đặc biệt". Hoặc là:

- Ñāṇa (trí) là hiểu biết chế định, chân đế cả "đặc biệt", còn paññā chỉ hiểu biết "đặc tướng của chân đế".

Cảnh chân đế (paramatthasaccārammaṇa) có hai loại: Chân đế thông thường, chân đế đặc biệt.

"Cảnh chân đế đặc biệt", là khi tâm nhận một trong ba tướng: vô thường, khổ, vô ngã của pháp hữu vi, làm cảnh.

 Như một người hiểu được "danh từ đất chỉ cho những gì có trạng thái (lakkhaṇa) cứng hay mềm". Đó là biết "cảnh chế định".

Người ấy nhậnbiết "trạng thái cứng hay mềm" khi tiếp xúc với đất, đó là biết "cảnh chân đế".

Khi tu tập pháp quán, người ấy thấy "cái gọi là đất ấy bị tan rã, hoại diệt. Đó là biết "cảnh chân đế đặc biệt".

Trí là sự biết cả ba loại cảnh này; còn paññā (tuệ) chỉ biết cảnh chân đế đặc biệt mà thôi. Nên đôi khi trí chính là tuệ và tuệ chính là trí.

Ngài Buddhagho sa có giải thích paññā như sau:

"Pajānātīti paññā: Biết rõ là tuệ" [45] .

Kiṃ pajānāti? Idaṃ dukkhan'ti – ādinā nayena arisaccāni:

"Biết rõ cái gì? Thưa rằng: Theo phương cách Thánh đế, biết rõ "đây là khổ" ...

Có thể nói: Tuệ nương vào trí mà hình thành. Tức là khi trí vững mạnh trở thành tuệ.  

Nói về trí thì có tất cả 73 loại trí, trong đó chư Thánh Thinh văn chỉ có được 67 loại trí và 6 trí dành riêng cho bậc Chánh đẳng giác [46] .

Tất cả các trí ấy, gọi chung là paññā (tuệ). Đây là lấy theo ý nghĩa "đầy đủ của PA".

Paññā theo nghĩa "hiểu biết tường tận (của PA)" thì loại trí này do nương vào tam tướng mà hình thành. Ngài Buddhaghosa có giải thích như sau:

- "Pākaṭa karaṇasaṅkhātena paññapanaṭṭhena paññā:

"Tuệ là hiểu biết rõ ràng theo nhiều cách như tên gọi, cách tạo ra, cách nuôi dưỡng..."

Hay : "Aniccādinā pakārena dhamme jānātīti paññā:

"Biết được quy luật pháp trước tiên là vô thường, gọi là tuệ".

Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có định nghĩa về tuệ quyền (paññindriya) như sau:

"Katamaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti?

Thế nào là tuệ quyền trong khi ấy?

 Yā tasmiṃ samaye paññā pajānanā vicayo pavicayo dhammavicayo sallakkhaṇā upalakkhaṇā paccupalakkhaṇā paṇḍiccaṃ kosallaṃ nepuññaṃ vebhabyā cintā upaparikkhā bhūrī medhā pariṇāyikā vipassanā sampajaññaṃ patodo paññā paññiṇdriyaṃ paññābalaṃ paññāsatthaṃ paññāpāsādo paññā-āloko paññā-obhāso paññāpajjoto paññāratanaṃ amoho dhammavicayo sammādiṭṭhi.

Idaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti.

"Trong khi ấy, pháp là trí hiểu, hiểu rõ, lựa chọn, cân nhắc, trạch pháp, tham khảo, phân định, khảo sát, thông thái, rành mạch, khôn ngoan, sáng suốt, suy xét, nghiên cứu, minh mẫn, mẫn tiệp, hồi quang, quán minh, tỉnh giác, sắc sảo, tuệ là tuệ quyền, tuệ lực, tuệ như vũ khí, tuệ như lâu đài, tuệ như ánh sáng, tuệ như hào quang, tuệ như ngọn đèn, tuệ như bảo vật, vô si, chánh kiến.

Đây là tuệ quyền trong khi ấy. [47]

Như vậy, paññā bao gồm những ý nghĩa như đã được liệt kê (lấy theo ý nghĩa ĐẦY ĐỦ của tiếp đầu ngữ PA).

Sách Atthasālinī có giải thích về các từ ngữ trên như sau [48] :

"Pajānanākāro pajānanā: Làm cho hiểu biết rõ ràng, là hiểu rõ.

"Aniccādīni vicinātīti vicayo: Xét đoán tính vô thường của vạn vật, gọi là lựa chọn".

"Pavicayoti upasaggena padaṃ vaḍḍhitaṃ: Cân nhắc là (xét đoán đến) con đường nguy hiểm, tai hại. (Tiếp đầu ngữ Pa là tăng cường cho vicayo).

"Catusaccadhamme vicinātīti dhamma vicayo: Nghiên cứu kỹ pháp Tứ đế, gọi là trạch pháp".

"Aniccādīnaṃ sallakkhaṇavasena sallakkhaṇā: Suy xét đến những biến chuyển (vasena) của vô thường, là phân biệt.

Paṇḍitassa bhāvo paṇḍiccaṃ: Thực trạng của sự sáng suốt, là thông thái.

Kusalassa bhāvo kosallaṃ: Thực trạng tốt đẹp, là rành mạch.

"Nipuṇassa bhāvo nepuññaṃ: Thực trạng khéo léo là khôn ngoan.

"Aiccādīnaṃ vibhāvanavasena vebhabyā: Giải thích rõ ràng tội lỗi (của) vô thường... gọi là sáng suốt.

" Aniccādīnaṃ cintanakavasesa cintā: Trú nơi suy gẫm "tội lỗ của vô thường", là suy xét.

"Aniccādīni upaparikkhantītiti upaparikkhā: Thường khảo sát về tội lỗi vô thường, là nghiên cứu.

Bhūrī, đây là từ có tính ẩn dụ. Bhūri là mặt đất như:

Bhūrīti pathaviyā nāmaṃ: Bhūrī là tên gọi chỉ cho đất.

Bhūrī ám chỉ tuệ rộng lớn như đất, hay tuệ là nơi nương nhờ. Như đất là nơi nương nhờ của sinh - thực vật.

Ngoài ra, đất tiềm ẩn những mỏ quý; cũng vậy, tuệ tiềm ấn những điều kỳ diệu.

"Asani viya siluccaye kilese medhati hiṃsatīti medhā:

"Hủy diệt phiền não một cách sáng suốt, ví như lưỡi sét đánh vào tảng đá, "minh mẫn".

"Yassa upapajjati taṃ attahitapaṭipattiyaṃ sampayuttadhamme ca yāthāvalakkhaṇapaṭivedhe parinetīti pariṇāyikā:

"Điều nào sinh khởi để đạt được lợi ích cho mình, hòa hợp với pháp và hướng dẫn trọn vẹn sự chứng đạt chơn tướng đúng đắn, điều ấy là pariṇāyikā (sáng suốt tự tâm).

 Như cây gậy nhọn dùng để huấn luyện ngựa Sindhu mỗi khi nó đi sai đường, buộc nó phải đi đúng theo đưởng mà người ấy muốn. Cũng vậy:

-"kūṭacittaṃ vīthi āropanatthaṃ vijjhatīti patodo viya patodo:

"Ví như vật nhọn thúc vào tâm tà vạy, buộc tâm phải đi đúng đường, gọi là patodo (sắc sảo).

 Đức Phật có giảng về bốn hạng người hiền thiện ví như ngựa hiền thiện với gậy thúc ngựa (patoda), tóm lược như sau [49] .

-Hạng ngựa hiền thiện, khi thấy bóng gậy thúc ngựa liền bị dao động, bị kích thích, suy nghĩ "ta nên làm theo ý của chủ".

Cũng vậy, có hạng người hiền thiện nghe "có người chết", tâm dao động, tâm bị kích thích, người ấy nổ lực tu tập và chứng đạt được Nípbàn.

Đây là hạng người hiền thiện thứ nhất.

- Hạng ngựa hiền thiện, khi thấy bóng gậy, không bị dao động. Khi bị gậy thúc ngựa đâm vào hông mới dao động, bị kích thích.

Cũng vậy, có hạng người hiền thiện khi nghe "có người chết", tâm không dao động, không bị kích thích. Khi chính mắt thấy "người chết", tâm bị dao động, bị kích thích; người ấy nổ lực hành pháp, chứng đạt Nípbàn.

Đây là hạng người hiền thiện thứ hai.

- Hạng ngựa hiền thiện không bị dao động bởi hai điều trên, nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào thịt, bấy giờ mới bị dao động, bị kích thích.

Cũng vậy, khi nghe hay thấy "có người chết", tâm không dao động không bị kích thích. Nhưng khi người trong thân tộc đồng huyết thống mệnh chung, người ấy bị dao động, bị kích thích, nổ lực hành pháp, chứng đạt Nípbàn.

Đây là hạng người hiền thiện thứ ba.

- Hạng ngựa hiền thiện không bị dao động bởi ba điều trên, nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào đến xương mới bị dao động, bị kích thích.

Cũng vậy, có hạng người hiền thiện, không bị dao động khi nghe "có người chết", thấy "có người chết", "có thân tộc chết" vẫn không bị dao động.

Đến khi tự thân bị bịnh, bị thân khổ mãnh liệt, bấy giờ tâm mới bị kích thích, bị dao động; người ấy nổ lực hành pháp chứng đạt Nípbàn.

 Đây là hạng người hiền thiện thứ tư.

96-Hỏi: Thế nào tuệ như vũ khí? Tuệ như lâu đài?

Đáp: Tuệ được ví như vũ khí vì nó cắt đứt những sợi dây trói buộc vào luân hồi, là thanh gươm trí tuệ. Ngài Buddhaghosa có giải thích:

 "Kilesacchedanaṭṭhena paññāva satthaṃ paññāsatthaṃ:

"Cắt bỏ những phiền não bằng trí tuệ bén như thanh gươm, gọi là "tuệ như vũ khí".

- "Tuệ được ví như lâu đài", vì lâu đài là nơi trú ngụ cao nhất, cũng vậy, tuệ có được vị trí cao nhất trong các pháp hữu vi.

Chữ pāsāda còn có nghĩa là "hoàng cung, đền vua". Đây là nơi trú ngụ của vị lãnh đạo cao nhất. Tuệ được ví như pāsāda với ý nghĩa là "ở nơi tốt đẹp nhất".

 Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Accuggataṭṭhena paññāva pāsādo paññāpāsādo.

"Tuệ được mang đến nơi cao nhất như lâu đài, gọi là "tuệ như lâu đài".

97- Hỏi: Thế nào là tuệ như ánh sáng? Tuệ như hào quang? Tuệ như ngọn đèn?.

Đáp: - "Tuệ như ánh sáng". Khi có ánh sáng rọi đến thì nó xua đuổi bóng tối, làm cho những vật khác được hiển lộ ra.

Cũng vậy, khi trí tuệ sinh lên nó xua đuổi hay diệt trừ được si mê, giúp cho người có mắt nhìn thấy rõ mọi vật, nên trí tuệ được ví như là ánh sáng.

Những lời tán thán của các cư sĩ sau khi chứng quả Dự lưu đã nói lên ý nghĩa "tuệ được ví như ánh sáng":

"... Như người mang ánh sáng vào trong tối, để những ai có mắt có thể nhìn thấy các sắc...".

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Ālokanaṭṭhena paññāva āloka paññā-āloko:

"Mang trí tuệ như ánh sáng vào nơi cần ánh sáng, gọi là "tuệ như ánh sáng".

- "Tuệ như hào quang". Cũng tương tự như ánh sáng (āloka), nhưng obhāsa (hào quang) còn mang thêm ý nghĩa "xinh đẹp", "huy hoàng".

"Obhāsanaṭṭhena paññāva paññāva obhāso paññā-obhāso:

"Mang trí tuệ như hào quang vào nơi cần hào quang, gọi là "tuệ như hào quang".

"Tuệ như ngọn đèn". Tương tự như hai loại trên, nhưng mang thêm ý nghĩa phụ là "cần dùng", tức loại trí tuệ thông dụng cho mỗi lúc mỗi nơi.

Ánh sáng mặt trời chỉ có ban ngày, ánh sáng mặt trăng chỉ có ban đêm, ánh sáng ngọn lửa (hay ánh sáng ngọn đèn) thì đáp ứng cho lợi ích khi cần đến, như nấu nướng, soi rọi nơi ẩn khuất....

 Sách Atthasālinī có nêu dẫn: "Có bốn loại ánh sáng (āloka)" [50]

- Ánh sáng mặt trăng (candāloko).

- Ánh sánng mặt trời (suriyāloko).

- Ánh sáng ngọn lửa (aggāloko).

- Ánh sáng trí tuệ (paññāloko).

98- Hỏi: Thế nào là tuệ như bảo vật?

Đáp: Lẽ thường vật báu thường được mọi người ưa chuộng, trí tuệ là điều mà mọi sinh chúng đều ưa chuông, nên tuệ được ví như bảo vật.

Phàm những tai hại, những bất lợi chỉ xảy đến cho người ngu. Những ích lợi, an lành thường có cho người trí.

Do vậy, trí tuệ là điều cần thiết trong cuộc sống, là điều cần thiết để chứng đắc các pháp thượng nhân, nên trí tuệ được xem là bảo vật.

Dạ xoa Ālavaka có bạch hỏi Đức Thế Tôn:

..." Kathaṃ jīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ?

... "Nếp sống như thế nào, là nếp sống tối thắng?".

Đức Thế Tôn đáp:

..."Paññājīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ

..."Nếp sống với trí tuệ, là nếp sống tối thắng." [51]

 99- Hỏi:Tuệ có được bao nhiêu vị trí?

Đáp: Tuệ có được những vị trí sau đây:

- Ở khía cạnh như ý (iddhipāda), thì tuệ là thẩm như ý (vīmaṃs'iddhipāda)

- Ở khía cạnh quyền thì tuệ là tuệ quyền (paññindiya).

- Ở khía cạnh lực thì tuệ là tuệ lực (paññābala).

-Ở khía cạnh dẫn đến giác ngộ (bojjhaṅga) thì tuệ là trạch pháp giác chi (dhammavicaya).

- Ở khía cạnh đạo (magga) thì tuệ là chánh kiến (sammādiṭṭhi).

- Ở khía cạnh gốc rễ (mūla) thì tuệ là vô si (amoha).

- Ở khía cạnh nghiệp (kamma) thì tuệ là chánh kiến (trong 10 thiện nghiệp).

- Ở khía cạnh hiểu biết đúng về tam tướng thì tuệ là tỉnh giác (sampajaññā).

- Ở khía cạnh thiền quán thì tuệ là quán minh (vipassanā ñāṇa).

Trong sách Atthasālinī chỉ nêu ra 7 vị trí (trừ như ý và giác chi).

100- Hỏi: Bốn đặc tính của tuệ quyền (paññindriya) ra sao?

Đáp: Bốn đặc tính của tuệ quyền là:

- Trạng thái: Biết rõ pháp thực tính (dhammasabhāva paṭivedhalakkhaṇā).

- Phận sự: Phá tan việc làm cho tối tăm (mohandhakāra viddhaṃsanarasā)

- Thành tựu: Không mê muội (asammoha paccupaṭṭhāṇā).

- Nhân gần: Tác ý khéo (yoni so manasikāra padaṭṭhāṇā).

Hay: Có quyền đồng đẳng (indriyaparipākatā padaṭṭhāṇā).

Hay: Xa lìa phiền não (kilesadūrībhava padaṭṭhāṇā).

Hay : Tục sinh bằng tâm tam nhân (tihetukapaṭisanthikatā padaṭṭhāṇā).

Giải:

1- "Biết rõ pháp thực tính". Trước tiên là biết bốn đặc tính của các pháp một cách rành rẽ (chữ paṭivedha nghĩa là "biết một cách rõ ràng).

Thứ đến, tuệ có trạng thái biết rõ ba đặc tính của pháp hữu vi là: Vô thường, khổ , vô ngã. Sở dĩ tuệ biết rõ ba tướng của pháp hữu vi là vì đối trị với si mê, khi còn si mê thì ba tướng này không thể hiển lộ.

Ngoài ra, tuệ còn biết rõ ràng bốn sự thật: Đây là khổ, đây là nguyên nhân sinh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn đến diệt khổ.

2- "Phá tan việc làm cho tối tăm". Ví như người mang ánh sáng vào trong bóng tối, sự tối tăm mất. Hoặc trong bóng tối, ngọn lửa sinh lên sẽ xua đuổi bóng tối.

Trong sự soi sáng thì không một soi sáng nào bằng sự soi sáng của tuệ, chỉ một lần "sáng rực" có thể soi thấu mọi nơi của các pháp, thậm chí pháp vi tế nhất là Nípbàn cũng được ánh sáng trí tuệ soi rọi đến.

3- "Không mê muội". Là không còn nhầm lẫn.

Một người trong đêm thấy nhánh cây rung động, có thể nghĩ rằng "có con vật trên đó", sự nghĩ này có thể bị nhầm lẫn. Nhưng nếu người này soi ánh đèn vào nhánh cây, mọi khuất lấp không còn có thể che dấu, người này thấy rõ. Thế là người này không còn nhầm lẫn nữa.

4- "Có tác ý khéo". Tác ý khéo là nhân sinh cho tất cả mọi thiện pháp, nhưng ở đây là trí tuệ, thì tác ý khéo này là:

- Những gì vô thường, biết là vô thường; những gì khổ, biết là khổ; những gì vô ngã, biết là vô ngã, những gì không trong sạch, biết là trong sạch.

-"Có các quyền đồng đẳng". Là khi các quyền ngang nhau, tuệ sẽ tăng trưởng tiến thêm bước nữa. Ví như người từ cấp 1 tiến lên cấp hai.

Trong thiền chỉ (samathajhāna), nếu các quyền đồng đẳng, hành giả này đắc Sơ định. Rõ ràng trí trong cận định không thể sánh bằng trí trong Sơ định. Các tầng thiền kế tiếp cứ thế mà suy.

Trong thiền quán (vipassanā jhāna), khi các quyền đồng đẳng thì hành giả tiến lên tuệ kế tiếp. Do đó nói rằng "các quyền đồng đẳng là nhân cận của trí".

- "Xa lìa phiền não". Khi có phiền não thì tuệ không sinh lên, ví như con ong không bay đến hố rác.

Cũng vậy, khi tâm có phiền não thì tam tướng không hiể lộ, mà tuệ thì nhận cảnh tam tướng. Do đó nói "xa lìa phiền não" là nhân gần của tuệ.

- "Tục sinh bằng tâm tam nhân". Là ám chỉ trí trong tâm định hay trí trong tâm đạo, chính người tục sinh bằng tâm tam nhân mới sinh khởi được hai loại trí này.

Do đó nói "tục sinh bằng tâm tam nhân là nhân gần của tuệ".

Bồ đề tự, mùa an cư 2006- PL 2550.
Soạn xong ngày 7-9-2006 .

-ooOoo-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kinh Tạng PĀLI.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch:

-          Dīgha Nikāya (Trường Bộ Kinh), I, II, III, IV. (1972). Sài Gòn, Viện Đại Học Vạn Hạnh.

-          Dīgha Nikāya- atthakathā (Chú giải Trường Bộ Kinh I)

-          Majjhima Nikāya (Trung Bộ Kinh), I, II, III.(1973). Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

-          Majjhima Nikāya atthakathā (chú giải Trung Bộ Kinh I).

-          Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ), I, II, III, (1987 – 1988), Tp Hồ Chí Minh, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam.

-          Saṃyutta Nikāya (Tương Ưng bộ), I, II, III, IV, V. (1982), Tp Hồ Chí Minh, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

-          Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh), (1982), Tp Hồ Chí Minh,Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

*- Suttanipāta (Kinh tập).

*- Dhammapāda (Kinh Pháp cú).

*- Jātaka atthakātha (Câu chuyện tiền thân).

-          Đại trưởng lão Pháp Minh, Chú giải kinh Pháp cú I (1997), II (1998), III (2000) (Dhammapāda – Atthakathā), Tp Hồ Chí Minh, Thành hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh.

-          Đại Đức Narada (soạn) – Ông Phạm Kim Khánh dịch, Kinh Pháp cú (1971)

-          Đại Trưởng lão Bửu Chơn (dịch), (1962), Kho Tàng Pháp Bảo, Sài Gòn, nhà in Nguyên Ba.

-          Đại Trưởng lão Bửu Chơn dịch (1976), Từ Điển Pāli Việt Nam .

-          Đại Trưởng lão Giới Nghiêm, (1962 – 1981), Mi Tiên vấn đáp I (Milindapañhā).

-          Đại Đức Thiện Phúc dịch (kn)

*- Sớ giải Therīgāthā, (Trưởng lão Ni kệ).

*- Sớ giải Theragāthā (Trưởng lão Tăng kệ).

- Đại Đức Giác Giới, (kn), Tầm nguyên ngữ căn.

- Tỳkhưu Chánh Minh soạn (2006)- Tâm Vấn đáp.

- Tỳkhưu Chánh Minh soạn (2006) – Quy Trình Tâm Pháp.

- Sư cô Thích nữ Trí Hải (dịch), (2001), Thanh Tịnh Đạo I, II (Visuddhimagga) Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo.

-          Nguyễn Hoàng Hải (dịch) (1988), Vô ngại giải đạo (Paṭisambhidāmagga).

*

Luật Tạng.

-          Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Luật Đại Phẩm I (Vinaya- Mahā Vagga).

-          Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Phân tích giới tỳkhưu II (Vinaya- Mahā Vagga).

*

Luận Tạng.

-           Đại Trưởng lão Tịnh Sự (dịch):

- Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) (1990), Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

*- Siêu Lý Sơ học (kn).

- Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasālinī)

- HT. Thích Minh Châu (dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận (1966). (abhidhammatthasaṅgaha), Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

- Phạm Kinh Khánh (dịch), Vi diệu pháp toát yếu (kn).

-ooOoo-


[1]- Atts. Thiện Siêu thế tốt đẹp (lokuttarakusalavaṇṇā).

[2]- DA. 1.035.

[3]- Sn.402. Kinh Người hành pháp (dhammikasuttaṃ)

[4]- Therī. Trưởng lão ni Subhā (kệ số 399).

[5]- Virati, HT. Thích Minh Châau dịch là "tiết chế".

[6]- Đức Naarada. Ông Phạm Kim Khánh (d), Vi diệu pháp toát yếu,

[7]- Atts. Giải thích "con đường thiện nghiệp" (kusalakammapathakathā).

[8]- DhpA. Câu số 215.

[9]- Thera. Truyện Ngài Mahā Kassapa.

[10]- Sách Atthasaalinī có nêu lên câu chuyện thanh niên Cakkana xứ Tích lan (Ceylon) để dẫn chứng– xem phần giải về tâm Bi.

[11]- Atts. Giải thích "con đường bất thiện nghiệp" (akusalakammapathakathā).

[12].- Dhp. Kệ ngôn số 360 – 361. HT. Thích Minh Châu (d).

[13]-A.ii, 229. Pháp 4 chi. Kinh Cách thức nói (Paṭhamavohārapathasuttaṃ).

[14]- A.i, 127 . Pháp 3 chi. Kinh Nói như phẩn (Gūthabhāṇīsuttaṃ).

[15]- A.i, 265. Pháp ba chi. Ht. Thích Minh Châu (d), kinh Rơi vào đọa xứ (Āpāyikasuttaṃ).

[16]- A.ii, 140. Kinh Thời gian (kālasuttaṃ).

[17]-A.iii, 196. Pháp 5 chi., phẩm XVII: Hiềm hận. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Buộc tội (Codanāsuttaṃ).

[18]- A.iii, 181. Pháp 5 chi, phẩm XVI: Diệu Pháp. HT. Thích Minh Châu (d), kinh ác thuyết (Dukkathāsuttaṃ).

[19]- M.i, kinh số 24. Kinh trạm xe (Rathavivūtasutta).

[20]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (s), Siêu lý Sơ học (kn) – LHNB.

[21] Tatosaṅkocana. Nghĩa từ nguyên là "Co rút lại từ đây".

[22]- Dhp. Câu 1-2.

[23]- Dhs. Mẫu đề tam (māṭikā).

[24]- S.iv, 295, kinh Godatta (Godattasuttaṃ).

[25]- Vsm – ChươngIX. Mô tả Phạm trú (brahmavihāraniddeso).

[26]- Đức Naarada. Ông Phạm Kim Khánh (d), Vi diệu pháp toát yếu.

[27]- Nidhāya, nghĩa đen là: để dành, cất giữ, giữ lại.

[28]- Sn, 66 – kinh dhammika (396).

[29]- Atts. Giải thích "con đường bất thiện nghiệp" (akusalakammapathakathā).

[30]- SnA, 128; trong Sn, 73.

[31]- Atts. Giải về phạm trú.

[32]- A.iv, 322, pháp 8 chi. Kinh Đầy đủ (sampadāsuttaṃ)

[33]- Phân tích luật tỳkhưu, phần Ưngđối trị (pācittiya).

[34]- M.ii.

[35]- Vsm. Chương Phạm trú (Brahmavihāra).

[36]- Vsm, chương IX, Mô tả Phạm trú (Brahmavihāraniddeso).

[37]- Dhp. Câu số18.

[38]- Ummagga nghĩa đen là: Đường hầm, đường quanh co, lạc đường. Nhưng ở đây dùng theo nghĩa bóng là “thâm sâu, lắt léo”.

[39] A. ii, 177, Pháp bốn chi, chương XIX, Kinh Thâm sâu (ummaggasuttaṃ).

[40]- Đại Đức Giác Giới, Tầm nguyên ngữ căn (kn)- LHNB.

[41]- Vsm. chương IX, Mô tả Phạm trú (brahmavihāraniddesa).

[42]- Vsm. Chương IX: Mô tả Phạm trú (brahmavihāraniddeso).

[43]- Khi có tùy hỷ thì không có ưu thọ, sự chán ghét dĩ nhiên cũng không sinh, nhưng rồi sự chán ghét sẽ sinh. Nên ở đây dùng "diệt trừ" chỉ cho chán ghét không còn sinh khởi trở lại. Và ārati (chán ghét) ở đây chỉ cho issā (ganh tỵ) – Ns.

[44]- A.i, 261. Pháp 3 chi, Phẩm Chánh Giác (Sambodhavaggo). HT. Thích Minh Châu (d), kinh Khóc than (Ruṇṇasuttaṃ).

[45]- Atts. Mô tả xoay quanh Pháp (dhammuddesavāro) – indriyarāsivaṇṇa (một số quyền tốt đẹp).

[46]- Ps. Chương luận về trí (ñāṇakathā).

[47]- Dhs. Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), Chương tâm sinh (1990), Thành hột Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr.42.

[48]- Atts. Kāmāvacarakusalaniddesavārakathā (Giải thích xoay quanh thiện dục giới).

[49]- Xem A.ii, 114 . Pháp bốn chi, kinh Gậy thúc ngựa (patodasuttaṃ )

[50]- A.ii, 139. Pháp bốn chi, Kinh Hào quang (obhāsasuttaṃ).

[51]- Sn.31. Kinh Ālavaka (Ālavakasuttaṃ)

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Phần I | Phần II | Thư mục Vi Diệu Pháp


Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006

Tam So Van dap - Chanh Minh

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU Times font


Tâm Sở Vấn Đáp

Phần III - Tâm sở Tịnh hảo
(Sobhanacetasikā)

Tỳ khưu Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

[04]

B- Tâm sở ngăn trừ phần.
(Viraticetasikā).

74- Hỏi: Như thế nào là virati (ngăn trừ)? Có bao nhiêu tâm sở thuộc nhóm ngăn trừ?

Đáp: Virati là danh động từ của vimarati. Vimarati = vi + căn ram +a.

 Căn ram +a = rati nghĩa là "quyến luyến, thích thú". Từ đây có chữ ārati (sự kiêng cữ, sự xa lìa). Pāli có giải thích ārati như sau:

Ārakā ramatīti ārati: Vui thích trong sự lìa bỏ, là "kiêng tránh" [1] .

Những tiếp đầu ngữ VI và PAṬI là để nhấn mạnh sự kiêng tránh, sự lìa bỏ. Như:

Tato tato paṭinivattāva hutvā tehi vinā ramatīti paṭivirati:

"Hân hoan vì không tham dự vào những điều xấu, gọi là xa lánh (sđd).

Vinā tehi ramatīti virati:

"Không vui thích trong điều đó (là những ác hạnh , như bốn ngữ ác chẳng hạn– Ns), gọi là kiêng tránh (sđd).

Vimarati theo nghĩa đen là "không quyến luyến, không thích thú". Nghĩa bóng là " kiêng cử, từ bỏ, tránh xa".

Theo Sớ giải Trường bộ kinh thì vimarati đồng nghĩa với vemaraṇī (tránh xa) [2] .

Vināsetīti veramanī : Từ bỏ, gọi là tránh xa (sđd).

Hoặc là: "... abrahmacariyā virameyya medhunā...".

"...Từ bỏ các dâm dục, vì đó là phi phạm hạnh... [3] ".

Trong Trưởng lão ni kệ (Therīgāthā) có ghi lại câu chuyện của vị Thánh nữ ni Subhā (Tuyệt Mỹ) tóm lược như sau:

Nàng Subhā sinh ra trong một gia tộc Bàlamôn danh tiếng ở thành Vương xá (Rājagaha, nàng rất xinh đẹp nên có tên là Subhā. Đước nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, nàng xin được xuất gia tỳkhưu ni và chứng quả Anahàm.

Một lần nọ, nàng vào rừng hành thiền, gặp một thanh niên phóng đảng, thấy nàng xinh đẹp, y ép buộc nàng phải cho y thỏa mãn dục vọng, nàng hỏi :

- Người thấy ta đẹp ở nơi nào?

- Nàng đẹp ở đôi mắt.

Nghe vậy, Subhā liền móc một con mắt trao cho y, y kinh hoàng, khẩn cầu nàng tha lỗi và hứa không còn hành động như thế nữa.

Nàng Subhā trở về yết kiến Đức Thế Tôn, vừa trong thấy Đức Thế Tôn mắt nàng tái hiện như xưa, hoan hỷ với điều diệu kỳ này, nàng thuật lại câu chuyện.

Đức Thế Tôn nhân đó thuyết lên pháp thoại giúp nàng chứng quả Alahán.

Hoan hỷ với Nípbàn lạc, nàng nói lên những kệ ngôn (30 kệ ngôn) nêu lên sự chứng đạt của mình.

"...Tassa ca viramāsi tāvade; rāgo tattha kamāpayī ca naṃ

Sotthi siyā brahmacārinī; na puno edisākaṃ bhavissati...

"...Đồng thời khát ái của kẻ ấy được từ bỏ ngay chính nơi ấy, người ấy khẩn cầu được tha thứ.

Mong cầu Phạm hạnh ni được hạnh lạc, tôi không còn hành động theo phương cách này nữa... [4] ".

Bà Subhā móc mắt cho người thanh niên là "từ bỏ theo ý nghĩa vật chất". Chàng thanh niên "không còn hành động như thế nữa" là "từ bỏ theo ý nghĩa tinh thần".

Như vậy, những từ như ārati, virati, paṭivirati đều có nghĩa là "kiêng tránh, từ bỏ, tránh xa" [5] .

Nhóm ngăn trừ này có ba tâm sở là : Chánh ngữ (sammāvācā); chánh nghiệp (sammā kammanto) và chánh mạng (sammā-ājīvo) – xem biểu đồ ở trước. Pāli có nêu dẫn như sau:

"Sammāvācā, sammākammanto, sammā-ājīvo c'āti tisso viratiyo nāma [6] .

"Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Ba tâm sở này được gọi là "ngăn trừ".

 75 - Hỏi: Có bao nhiêu cách kiêng tránh (virati)?

Đáp: Sách Atthasālinī có nêu ra ba sự kiêng tránh là [7] :

a- Sampatta virati (kiêng tránh do đạt được). Là sự kiêng tránh không do tuân thủ một quy tắc đạo đức nào, nhưng do:

*- Tập quán trong những kiếp trước. Như có vị Phạm thiên cõi Sơ thiền, mệnh chung tái sinh về nhân loại là một vị Hoàng tử, từ bé đã không chịu được mùi nữ nhân, không thể gần gũi nữ nhân, nên có tên gọi là Anitthigandha (không có mùi nữ nhân) [8] .

Hoặc như tiền thân của Ngài Mahā Kassapa cùng hành phạm hạnh với tiền thân nàng Bhaddā, nên kiếp này tuy phải vâng lời cha mẹ kết hôn cùng nhau, nhưng ông bà vẫn trong sạch, xem nhau như bạn [9] .

*- Xuất phát từ truyền thống gia tộc. Như gia tộc Bồtát Dhammapāla không hề phạm vào "tà hạnh trong dục lạc – kāmesu micchācāra", nên được trường thọ.

*- Do suy tư đến dòng dõi, địa vị, tuổi tác... nên không làm điều xấu xa [10] .

b- Samādāna virati (kiêng tránh do thọ trì). Là không làm điều ác - xấu do phát nguyện thọ trì.

Như người phật tử vào ngày bát quan trai giới, sau khi phát nguyện giữ gìn 8 giới, không hề vi phạm trọn ngày đêm hoặc trọn thời gian đã phát nguyện.

Hoặc như vị tỳkhưu phát nguyện hành hạnh Dhutaṅga (đầuđà) "ngăn oai nghi nằm", sẽ không nằm.... Chi pháp của sự kiêng tránh này là Tín kết hợp với tinh tấn.

c- Samuccheda virati (kiêng tránh do đoạn trừ). Là sự kiêng tránh làm điều bất thiện do diệt trừ tận gốc rễ của chúng, không cho sinh khởi lại, như vị Thánh Dự Lưu không hề phạm vào 5 giới, vị thánh Anahàm không còn quan hệ tình dục, vị Alahán không còn ác- bất thiện pháp.

Samuccheda virati còn được gọi là "phá hủy cây cầu – setughāta", như người qua cầu, phá hủy cây cầu để không còn quay trở lại.

Cũng vậy, vị Thánh sau khi tận diệt những điều ô nhiễm theo khả năng sẽ không quay lại với những ô nhiễm ấy nữa.

Chi pháp của samuccheda virati là tâm sở trí.

Trong ba điều kiêng cử, hai điều đầu sự kiêng tránh còn có thể bị phá vỡ, riêng điều thứ ba thì vững chắc. Đặc biệt là vị Thánh Alahán, vì Ngài đã tận diệt mọi vô minh và ái dục.

Ngoài ba sự kiêng tránh theo mô thức tổng quát ở trên, sách Atthasālinī còn nêu ra 8 cách kiêng tránh khác, tám cách kiêng tránh này nhằm mục đích không cho tham – sân – si xâm nhập vào nội tâm qua các cửa (dvāra – môn).

Tám cách kiêng tránh này là: Gìn giữ (saṃvara) 8 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (xúc), thân, ngữ và ý bằng "sự thu thúc" [11] .

Tức là khi tiếp xúc với năm cảnh trần : Sắc, thinh, hương, vị, xúc thì ngăn chận không cho tham ái hay sân hận sinh khởi.

Riêng về thân - ngữ - ý thì gìn giữ để không tạo ác nghiệp. Như Phật ngôn:

1- "Cakkhunā saṃvaro sādhu; sādhu sotena saṃvaro.

Ghāṇena saṃvaro sādhu; sādhu jivhāya saṃvaro.

"Lành thay phòng hộ mắt; lành thay phòng hộ tai.

Lành thay phòng hộ mũi; lành thay phòng hộ lưỡi.

2- "Kāyena saṃvaro sādhu; sādhu vācāya saṃvaro.

Sabbattha saṃvuto bhikkhu; sabbadukkhā pamuccati."

Lành thay phòng hộ thân; lành thay phòng hộ lời.

 Lành thay phòng hộ ý; lành thay phòng tất cả.

Tỳkhưu phòng tất cả; thoát khỏi mọi khổ đau [12] .

Chi pháp của sự gìn giữ này là tâm sở niệm (saticetasika).

*

1- Tâm sở chánh ngữ (sammāvācācetasikā).

76-Hỏi: Thế nào là chánh ngữ (sammā vācā)?

Đáp: Sammāvācā = sammā + vācā. Chánh ngữ là lời nói đúng đắn.

Trước tiên là từ bỏ bốn ác tà ngữ là "nói dối (musāvādā), nói đâm thọc (pisuṇāvācā), nói ác (pharasavācā), nói vô ích (sampapphalāpa)".

*- Không nói dối. Là "nói đúng với thực trạng". Nói đúng với thực trạng có tám điều chia làm bốn đôi như sau:

a- Thấy nói thấy, không thấy nói không thấy.

b- Nghe nói nghe, không nghe nói không nghe.

c- Có thọ nhận (vedanā) nói có thọ nhận, không thọ nhận nói không thọ nhận.

d- Có thức tri (hiểu biết) nói có thức tri, không thức tri nói không thức tri. [13]

Đức Phật gọi lời nói dối là "nói như phẩn(gūthabhāṇī)" [14] .

Quả của nói dối nặng nhẹ tùy đối tượng xúc phạm đến, nếu đối tượng xúc phạm là bậc có ân đức lớn thì quả báo nặng, như:

"Tayome bhikkhave, āpāyikā nerayikā idamappahāya. Katame tayo?

Yo ca abrahmacārī brahmacāripaṭiñño.

Yo ca suddhaṃ brahmacariyam. carantaṃ amūlakena abrahmacariyena anuddhaṃseti,

Yo cāyaṃ evaṃvādī evaṃdiṭṭhi – 'natthi kāmesu doso'ti, so tāya kāmesu pātabyataṃ āpajjati".

"Này các tỳkhưu, ba hạng người này rơi vào đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ khi chúng đoạn bỏ pháp này (idaṃ appahāya). Thế nào là ba?

- Ai sống không phạm hạnh, tự xưng là có sống phạm hạnh.

- Đối với người sống phạm hạnh thanh tịnh, hành phạm hạnh thật thanh tịnh, ai công kích (anuddhaṃseti) là không phạm hạnh một cách vô căn cứ.

- Ai chủ trương như sau: "Không có lỗi lầm (doso) trong các dục vọng" và rơi vào say đắm (pātavyataṃ) trong các dục vọng.... [15] .

Hai điều đầu là "nói dối"; điều thứ ba là "tà kiến".

*- Không nói đâm thọc. Nói đâm thọc là lời nói (dù là lời thật) với mục đích gây chia rẽ hai người hoặc hai nhóm.

*- Không nói thô lỗ cộc cằn. Nói thô lỗ cộc cằn là lời nói ác được thực hiện với ý muốn làm hại người, như mắng chưỡi người, nguyền rủa người...

*-Không nói vô ích. Lời vô ích là bàn luận về những điều không thực có.

Hoặc những điều thực có nhưng không mang lợi ích, không liên hệ đến giải thoát.

Như vị tỳkhưu bàn luận về chiến tranh, bàn luận về cách trị nước của Đức vua, bàn luận về sự vận hành của các vì sao...

Ngoài sự từ bỏ bốn lời nói này, chánh ngữ là nói lời "có lợi ích cho mình, có lợi ích cho người, có lợi ích cho cả hai", như vị Giảng sư giảng pháp, người trì kinh...

Mặt khác, tuy là lời có lợi ích cho người, nhưng nói không đúng thời, không đúng đối tượng, cũng không được gọi là chánh ngữ hoàn hảo.

*- Nói đúng thời. Là khi thấy thích hợp mới nói. Có bốn cách tùy thời là:

- Tùy thời giảng pháp (kālena dhammassavanaṃ).

- Tùy thời đàm luận pháp (kālena dhammasākaccā).

- Tùy thời tu tập chỉ (kālena samma saññā).

- Tùy thời tu tập quán (kālena vipassanā) [16] .

Trong thời tu tập thiền chỉ hay thiền quán mà giảng pháp, hay đàm luận pháp, là "nói phi thời"....

Đức Sāriputta (Xálợiphất) có dạy chư tỳkhưu:

"Codakena, āvuso, bhikkhunā paraṃ codetukāmena pañca dhamme ajjhattaṃ upaṭṭhāpetvā paro codetabbo. Katame pañca?

Kālena vakkhāmi, no akālena; bhūtena vakkhāmi, no abhūtena; saṇhena vakkhāmi, nopharusena; atthasaṃhitena vakkhāmi, no anatthasaṃhitena; mettacitto vakkhāmi, no dosantaro".

"Khi vị tỳkhưu muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội.Thế nào là năm?

"Tôi sẽ nói đúng thời, không phải nói phi thời. Tôi sẽ nói chân thật, không phải phi chân. Tôi sẽ nói nhu hòa, không phải nói thô bạo, Tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích, không phải là lời không liên hệ đến lợi ích. Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải nói với sân tâm" [17] .

*- Về đối tượng:

"Assaddhassa saddhākathā dukkathā.

Dussīlassa sīlakathā dukkathā.

Appassutassa bāhusaccakathā dukkathā.

Maccharissa cāgakathā dukkathā.

Duppaññassa paññākathā dukkathā.

"- Nói về tín với người vô tín là ác thuyết.

- Nói về giới với người ác giới là ác thuyết.

- Nói về nghe nhiều với người ít nghe là ác thuyết.

- Nói về bố thí với người xam tham là ác thuyết".

- Nói về trí tuệ với người với người ác tuệ là ác thuyết [18] .

77- Hỏi: Thế nào là lời có lợi ích?

Đáp: Gọi là lời có lợi ích là lời nói có 10 đặc tính như trong kinh Trạm xe [19] có ghi nhận. Mười đặc tính của lời nói có lợi ích như sau:

- Nói về ít ham muốn (appiccakathā).

- Nói về biết đủ (santuṭṭhakathā).

- Nói về độc cư (pavivekakathā).

- Nói về không ô nhiễm (asaṃsaggakathā).

- Nói về tinh tấn tinh cần (viriyārambhakathā).

- Nói về thành tựu giới (sīlasampadākathā).

- Nói về thành tựu định (samādhisampadākathā).

- Nói về thành tựu tuệ (paññāsampadākathā).

- Nói về thành tựu giải thoát (vimuttisampadākathā).

- Nói vềthành tựu giải thoát tri kiến (vimuttiñāṇadassanakathā).

Đây là 10 đặc điểm của lời nói có lợi ích.

78- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở chánh ngữ (sammāvācācetasika)?.

Đáp: Sách Thanh tịnh đạo có trình bày ba đặc tính của tâm sở Chánh ngữ là:

 - Trạng thái: Giữ gìn (pariggahalakkhaṇā).

- Phận sự :Tránh xa (viramanarasā).

- Thành tựu: Đoạn trừ tà ngữ (micchāvācappahānapaccupaṭṭhāno).

Giải:

1- "Gìn giữ". Là gìn giữ sự thật.

2- "Tránh xa". Là tránh xa những điều hư ngụy.

3- "Đoạn trừ tà ngữ". Sách Vô ngại giải đạo (paṭisambhidāmagga) có giải thích:

 "Trong sátna đạo, chánh ngữ mang ý nghĩa xác nhận sự thật, đoạn trừ tà ngữ....".

Sự đoạn trừ tà ngữ có:

- Trong tâm Sơ đạo là "diệt tận lời dối trá", một phần của ba ác ngữ còn lại và một phần các ngữ cong vẹo.

- Trong tâm Nhị đạo là "diệt trừ "một lần nữa một phần ba ác ngữ và các ngữ cong vẹo".

- Trong tâm Tam đạo thì "sát trừ lời đâm thọc, lời thô ác", một phần "lời cong vẹo".

- Trong tâm Tứ đạo thì trừ diệt tất cả "lời vô ích cùng các ngữ cong vẹo còn lại".

Riêng về nhân cận, cả ba tâm sở này đều có nhân cận giống nhau, đó là: "Có những ân đức đặc biệt của bậc hiền triết như : Tín, niệm, tàm, quý, thiểu dục" [20] .

*

2- Tâm sở chánh nghiệp (sammākammantācetasika).

78- Hỏi: Thế nào là chánh nghiệp (sammākammanto)?

Đáp: Chánh nghiệp theo nghĩa từ nguyên là "việc làm đúng".

Chánh nghiệp chủ yếu là "kiêng tránh, từ bỏ" ba thân ác nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong dục lạc.

Ngoài ba thân ác hạnh được từ bỏ, chánh nghiệp còn từ bỏ những gì thuộc "thân cong" như đã nói ở trước.

79- Hỏi: Đặc tính của tâm sở chánh nghiệp ra sao?

Đáp: Sách Thanh tịnh đạo giải thích thực tính pháp của chánh nghiệp là:

- Trạng thái: Thực hiện việc đúng (sammāṭhāpanalakkhaṇo).

- Phận sự: Tránh xa (viramanarasā).

- Thành tựu: Đoạn trừ tà nghiệp (micchākammantappahaanapaccupaṭṭhāno).

Sách Vô ngại giải Đạo giải thích: "Trong sátna đạo, chánh nghiệp có ý nghĩa "việc làm đúng", đoạn trừ tà nghiệp".

"Việc làm đúng". Là giúp các pháp đồng sinh cùng với chính mình tiến đắc Nípbàn, diệt trừ phiền não.

"Đoạn trừ tà nghiệp". Là diệt trừ ba thân ác hạnh: Sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong dục lạc (trong tâm sơ đạo), làm cho chúng trong tương lai không thể sinh khởi trở lại.

Trong hai tâm đạo: Nhị và tam đạo tâm đạo thì diệt trừ phần lớn "thân cong vẹo",

Trong tâm Tứ đạo thì diệt trừ trọn vẹn "thân cong vẹo".

*

3- Tâm sở chánh mạng (sammā – ājīvacetasika).

80 –Hỏi: Thế nào là chánh mạng (sammā - ājīvo)?

Đáp: Chữ jīva theo nghĩa từ nguyên là "sự sống", nghĩa mở rộng là "sự tồn tại, sự sinh tồn".

Ājīva là "sự nuôi sống, sự nuôi mạng sống".

Sammā-ājīva là "sự nuôi mạng sống đúng đắn".

Chánh mạng theo đời thường là nuôi mạng đúng, tức là tránh xa cách nuôi mạng tà vạy, như người cư sĩ lánh xa 5 nghề: buôn bán người, buôn bán thú sống, buôn bán chất độc, buôn bán vũ khí (dùng để sát hại sinh vật như cung tên, giáo, đao, thương...), buôn bán chất say, cùng một số nghề sái quấy khác.

Sự nuôi mạng này này tùy thuộc vào thân hay ngữ, do đó chánh mạng được xếp chung với chánh ngữ và chánh nghiệp.

81- Hỏi: Đặc tính của tâm sở chánh mạng (sammā-ājīvacetasika) ra sao?

Đáp: Sách Thanh tịnh đạo có giải thích ý nghĩa thực tính của Chánh mạng là:

- Trạng thái: Trong sạch (yodānalakkhaṇo)

- Phận sự:Duy trì sự sống đúng (ñāyājīvappattiraso).

- Thành tựu: Đoạn trừ tà mạng (micchājīvappahānapaccupaṭṭhāno).

Sách Vô ngại giải đạo có giải thích : "Trong sátna đạo, chánh mạng có ý nghĩa là trong sạch, đoạn trừ sự nuôi mạng sống sai (tà mạng)".

Đặc tính chung của ba tâm sở ngăn trừ phần là:

 - Trạng thái: Từ bỏ, không phạm vào ác hạnh (thân ác - ngữ ác) (viratiyaduccarita avītikkamalakkhaṇā)

- Phận sự: Ngăn chận (ác hạnh)(tatosaṅkocanarasā [21] )

- Thành tựu: Không thực hành (ác hạnh)(akiriyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận: Có những ân đức hay tài sản đặc biệt như: Tín, niệm, tàm, quý, thiểu dục (saddhā-sati-hiri-ottappa-appicchadhānaguṇaṃpadaṭṭhāṇā).

82- Hỏi: Tâm sở chánh trực (ujukatācetasika) ngăn ngừa sự "cong vẹo" của thân - ngữ". Vì sao chánh ngữ, chánh nghiệp lại sinh lên thêm nữa?

Đáp: Nên ghi nhận rằng: Tâm sở chánh trực là "làm cho tâm – tâm sở ngay thẳng".

Tuy tâm và tâm sở ngay thẳng sẽ dẫn đến thân - ngữ không "cong vẹo", như Phật ngôn: "Mano pubbaṅgamā dhammā: Ý dẫn đầu các pháp" [22] .

Nhưng tâm sở chánh trực không thể đưa tâm và tâm sở "xa lánh hay trừ diệt được "thân ác hay ngữ ác", chỉ có tâm sở chánh ngữ và tâm sở chánh nghiệp mới làm được việc này tùy theo đối tượng (ārammaṇa) thuộc về thân hay ngữ.

Do đó chúng sinh lên để thực hiện phận sự ấy, như sách Vô ngại giải đạo (Paṭisambhidāmagga) đã giải thích ở trên.

Nói dễ hiểu hơn: Tâm sở chánh trực đảm nhận phần "bên trong" tức là về ý, còn chánh ngữ, chánh nghiệp đảm nhận "bên ngoài", nếu là thân thì chánh nghiệp làm phận sự của mình, về ngữ thì chánh ngữ thực hiện phận sự của mình.

Nếu thân - ngữ này có liên quan đến" sự nuôi mạng" thì do chánh mạng đảm nhận.

Lại nữa, tâm sở chánh trực nhận được nhiều cảnh và chúng làm cho tâm – tâm sở ngay thẳng đối với cảnh, như với cảnh tốt thì tâm và tâm sở nhận thức "tốt", cảnh xấu thì nhận thức là "xấu", không bị "cong vẹo đối với cảnh".

Khi gặp cảnh có liên hệ đến ngữ hay thân thì tâm sở chánh ngữ hay tâm sở chánh nghiệp sinh lên để ngăn trừ những tà vạy do ngữ hay thân làm ra.

Nói rõ hơn, tâm sở chánh ngữ ngăn không cho tâm tạo ra sắc tâm ngữ bất thiện, tâm sở chánh nghiệp ngăn không cho tâm tạo ra sắc tâm thân bất thiện, nhờ đó tâm "xa lánh " không thực hành ngữ ác hay thân ác.

Chánh ngữ làm cho "ngữ không cong vẹo", chánh nghiệp làm cho "thân không cong vẹo" chỉ là tác dụng phụ, phần chủ yếu của hai tâm sở này là "xa lánh, diệt trừ" ba thân ác hạnh và bốn ngữ ác hạnh (tùy theo phận sự của chúng).

Nói cách khác, tâm sở chánh trực xem như "bao quát", còn tâm sở chánh ngữ và tâm sở chánh nghiệp là "chuyên phần".

83- Hỏi: Vì sao trong những tâm thiền hiệp thế không có ba tâm sở ngăn trừ (virati) phối hợp?

Đáp: Tâm thiền hiệp thế là loại tâm chỉ nhận lấy cảnh thiền (jhānārammaṇa), đối tượng ở đây là "đề mục" như đất, nước...

Cảnh thiền này thường là cảnh chế định (paññattārammaṇa) trừ ba tâm thiền "Thức vô biên xứ" và ba tâm thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhận cảnh chân đế (paramatthārammaṇa).

Cho dù nhận cảnh là "chế định hay chân đế", cảnh này chẳng liên hệ gỉ đến thân nghiệp, ngữ nghiệp hay sự nuôi mạng cả.

Ba tâm sở Ngăn trừ chỉ sinh lên khi nào có cảnh tương thích với chúng, như khi gặp "cảnh có liên quan đến ngữ nghiệp" thì tâm sở chánh ngữ sinh lên để ngăn trừ tà ngữ, thực hiện ngữ nghiệp thiện.

Khi gặp "cảnh có liên quan đến thân nghiệp" thì tâm sở chánh nghiệp sinh lên để ngăn trừ tà nghiệp, thực hiện thân thiện nghiệp.

Khi có "cảnh liên quan đến sự nuôi mạng" thì tâm sở chánh mạng sinh lên để ngăn trừ tà mạng.

Do đó, trong tâm thiền hiệp thế không có ba tâm sở này phối hợp.

84- Hỏi: Vì sao trong tâm thiện Dục giới khi có tâm sở ngăn trừ phối hợp thì chỉ có một, còn trong tâm Siêu thế (lokuttacittaṃ) thì chúng có đủ cả ba?

Đáp: Trong một thời điểm tâm chỉ nhận biết một cảnh, ba tâm sở ngăn trừ (virati) có cảnh khác biệt nhau.

Do đó tâm thiện Dục giới, nếu có tâm sở ngăn trừ phối hợp thì chỉ có một mà thôi.

Còn tâm Siêu thế chỉ nhận độc nhất một cảnh, đó là cảnh Nípbàn. Tâm Siêu thế có hai loại: Tâm đạo và tâm quả Siêu thế.

- Tâm đạo có phận sự "sát trừ phiền não", phiền não có ba loại: Thô – trung bình – và vi tế.

Đối với phiền não thô thì do Giới phần đảm nhiệm phần diệt trừ, phiền não trung bình thì do Định phần đảm nhiệm, phiền não vi tế do Tuệ phần đảm nhiệm.

Giới phần chính là : Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Tức là khi ấy ba tâm sở này có sức mạnh "tuyệt trừ" các phiền não thô. Do đó chúng cùng có mặt để cùng làm phận sự "sát trừ".

- Tâm quả Siêu thế là thành quả của tâm Đạo, nên ba tâm sở này đều có mặt (vì chúng có mặt đầy đủ trong tâm Đạo). Như nói "Đức Phật dạy...", tuy Ngài đã viên tịch, nhưng thành quả "giảng pháp để tế độ chúng sinh" vẫn còn.

 85-Hỏi: Vì sao trong tâm quả hữu nhân (sahetuka) Dục giới không có ba tâm sở ngăn trừ?.

Đáp: Tâm quả hữu nhân Dục giới có bốn việc làm (kicca) là: Tục sinh, hữu phần, tử và nacảnh (hưởng cảnh còn dư sót).

*- Khi tâm quả Hữu nhân Dục giới làm việc: Tục sinh, hữu phần hay tử; chúng chỉ nhận một trong ba cảnh riêng của chúng, đó là: cảnh nghiệp. cảnh nghiệp tướng, cảnh sinh thú tướng (gatinimittārammaṇa). Một trong ba cảnh này xuất hiện vảo giai đoạn sắp mệnh chung của chúng sinh ấy trong kiếp trước đó.

Ba tâm sở ngăn trừ không gặp được cảnh tương thích nên không thể sinh lên.

*- Khi tâm quả hữu nhânDục giới làm việc nacảnh, khi ấy cảnh đã muội lược, sắp diệt mất (chỉ còn sáu sátna tiểu), nên không thể trợ giúp cho tâm sở sinh lên.

Do đó, ba tâm sở ngăn trừ không có trong tâm quả hữu nhân Dục giới.

Dứt phần tâm sở ngăn trừ.

*

C- Tâm sở Vô lượng phần
(appamaññāya cetasikā).

86- Hỏi: Hãy giải thích ý nghĩa và đặc điểm của từ appamaññā (vô lượng)? Có bao nhiêu tâm sở thuộc Vô lượng phần?

Đáp: Appamaññā là biến thể của appamāṇa (không giới hạn).

Appamāṇa = na + pamāṇa.

Pamāṇa là danh động từ của pamiṇāti (pa+ căn mi + nā), nghĩa là "đo lường".

Vô lượng có ba cách:

- Pháp vô lượng, như "appamāṇā dhammā: Các pháp vô lượng" [23] ; chi pháp là tâm Siêu thế cùng tâm sở hợp và Nípbàn.

- Phương hướng vô lượng. Như " vị tỳ khưu an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ..." [24] .

- Chúng sinh vô lượng. Là chỉ cho chúng sinh nhiều vô số.

Appamañnā chỉ cho "chúng sinh vô lượng", appamaññā là không phân biệt chúng sinh, không giới hạn chúng sinh nào cả.

Ngài Buddhaghosa có giải thích "appamāṇa" như sau:

"Appamāṇasattārammaṇavasena = appamāṇa:

"Trú trong cảnh chúng sinh nhiều vô số, gọi là vô lượng [25] ."

Có hai tâm sở thuộc vô lượng phần, đó là: Tâm sở bi (karuṇācetasika) và tâm sở tùy hỷ (muditācetasika) (xem biểu đồ ở trước).

 Pāli có nêu dẫn:

"Karuṇā, muditā pana appamaññāyo, nāma'ti sabbathā'pi [26] .

"Bi, tùy hỷ. Tất cả được gọi là vô lượng".

*

1- Tâm sở Bi (karuṇācetasika).

87- Hỏi: Hãy giải thích ý nghĩa karuṇā (bi)?

Đáp: Karuṇā thường được dịch là "lòng trắc ẩn, lòng bi mẫn".

Karuṇā xuất phát từ ngữ căn kar (làm ra) + uṇā.

Như con nhện nằm giữa lưới nhện, khi va chạm vào sợi tơ nhện sẽ làm rúng động con nhện. Cũng vậy, một dấu hiệu đau khổ của chúng sinh khác cũng làm rung động trái tim của bậc hiền thiện, đó là karuṇā (bi), như Phật ngôn:

..."Sabbesu bhūtesu nidhāya [27] daṇḍaṃ,

Ye thāvarā ye ca tasā santi loke".

"Hãy giữ lại hình phạt đối với tất cả sinh chúng, dù đó là kẻ ngang ngạnh hay người đang run sợ" [28] .

Ý nghĩa kệ ngôn này là "người phạm lỗi đáng bị trừng phạt, nhưng hãy giữ lại hình phạt ấy, cho dù tội nhân là người đang run sợ trước những hình phạt hay là kẻ ngang ngạnh. Đối với tất cả chúng sinh nào cũng như thế, như đối với những thú dữ hoặc những con vật hiền thiện đang run sợ."

Thanh niên Cakkana đã "rung động trái tim" khi thấy vẻ sợ hãi của con thỏ và đã tha chết cho con thỏ [29] .

Bản Sớ giải kinh tập [30] có giải thích: "Từ và bi là hai pháp bổ túc cho nhau".

Về tâm từ (mettā) là:

"Hita sukhūpanaya kāmatā: mong muốn hạnh phúc - lợi ích đến người".

Về karuṇā (bi) là:

"Ahita dukkhāpanaya kāmatā: mong muốn loại trừ đau khổ và bất hạnh của chúng sinh khác".

Sách Atthasālinī có giải thích karuṇā như sau[31]:

"Paradukkhe sati sādhūnaṃ hadaya kampanaṃ karotī’ti = karuṇā:

"Làm rung động trái tim tốt đẹp qua dấu hiệu đau khổ của chúng sanh khác", gọi là bi".

Hay:

Kināti vā paradukkhaṃ hiṃsati vināsetīti = karuṇā:

"Hủy diệt tai hại hay đau khổ của chúng sinh khác, gọi là karuṇā (karuṇā xuất phát từ căn ki, nghĩa là "phá hủy, tiêu diệt").

Hoặc:

Karīyati vā dukkhitesu pharaṇavasena pasāriyatīti = karuṇā:

"Trải rộng sự bi mẫn đến những chúng sinh đau khổ, gọi là bi" (karuṇā xuất phát từ căn koe, nghĩa là "trải rộng, rải ra").

88-Hỏi: Bốn đặc tính của tâm sở bi là gì?

Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở bi là:

1- Trạng thái: Mong muốn chúng sinh thoát khổ (paradukkhā panayana lakkhaṇā).

2- Phận sự: Không chịu đựng nổi khi thấy chúng sinh khổ (paradukkhā sahana rasā).

3- Thành tựu: Có lòng nhân từ (hay không làm hại người) (avihiṃsā paccupaṭṭhāna).

4- Nhân gần: Thấy được nhu cầu cần thiết của chúng sinh đang bị khổ vây chặt (dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassana padaṭṭhānā).

Giải:

1- "Mong chúng sinh thoát khổ". Khổ có hai: Khổ đang hiện bày và khổ sẽ sinh khởi trong tương lai.

Đức Phật cùng chư Tăng ngự đến kinh thành Vesāli để giải trừ ba tai họa: Bịnh tật, phi nhâm và sự đói khát đang có. Là giải trừ sự khổ trong hiện tại.

Đức Phật giảng pháp độ người hữu duyên chứng quả Thánh là giải trừ "khổ trong tương lai".

Lại nữa, có hai loại khổ khác là: Khổ về vật chất và khổ về tinh thần.

Đức Phật dạy những pháp làm tăng trưởng tài sản một cách hợp pháp để thoát ra cái khổ vật chất như:

- Đầy đủ tháo vát trong công việc (uṭṭhānasampadā).

- Đầy đủ trong sự gìn giữ (ārakkhasampadā)

- Làm bạn với thiện (kaḷyānamittatā).

- Sống thăng bằng điều hòa (samajīvitā).

Để thoát ra cái khổ tinh thần, Đức Phật dạy:

- Đầy đủ đức tin (saddhāsampadā).

- Đầy đủ giới hạnh (sīlasampadā).

- Đầy đủ sự xả ly (cāgasampadā

- Đầy đủ trí tuệ (paññāsampadā). [32] ...

Tâm Bi có trạng thái "mong cho chúng sinh thoát khỏi các loại khổ này".

2- "Không chịu đựng nổi khi thấy chúng sinh khổ". Là không thể thản nhiên, dững dưng trước cái khổ của người khác.

Hay không đành lòng trước cái khổ của chúng sinh, cố gắng giúp chúng sinh đang bị khổ dày vò thoát ra cái khổ ấy.

Một người tuy xúc động trước cái khổ đang hiện bày của chúng sinh khác nhưng không tìm cách giúp đở, đó là tâm bi tiêu cực.

Khi có hành động bằng thân hay bằng lời giúp đở chúng sinh đang bị khổ nạn là tâm Bi tích cực.

3- "Có lòng nhân từ". Là từ bỏ những hình phạt hay bất cứ những hình thức nào gây ra đau khổ cho chúng sinh khác, như không gây chia rẻ, không đe dọa ...

Trong điều học của chư tỳkhưu : "Vị tỳkhưu nào dùng tay dọa vị tỳkhưu khác, phạm Ưngđốitrị (pācittiya) [33] , hay trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt [34] : "từ bỏ gậy, gộc, đao trượng..."

4- "Thấy được nhu cầu cần thiết của chúng sinh đang bị khổ bao vây". Có hai loại nhu cầu cần thiết để thoát ra cái khổ đang bao vây, đó là: Biết nhưng không thể thoát ra, và không biết cách thoát ra khổ.

Bồtát trong kiếp làm khỉ chúa, thấy một Bàlamôn rơi xuống hố sâu, không thể thoát ra được, Ngài tìm cách cứu người Bàlamôn này ra khỏi hố sâu.

Ngài cỏng người Bàlamôn trên lưng leo chuyền theo vách đá lên khỏi hố.

Khi lên khỏi hố Ngài mệt quá nằm nghỉ, người Bàlamôn vì quá đói nên khởi ác tâm, toan giết Ngài để ăn thịt, y dùng đá đập vào đầu Bồtát, nhờ có sức khỏe Ngài thoát chết nhưng máu ra nhiều.

Tuy nhiên, Ngài vẫn giúp kẻ bạc ân ra khỏi rừng, bằng cách chuyền trên cây để máu nhỏ giọt xuống chỉ đường cho y về nhà [35] .

Tuy ý chính câu chuyện là "Bồtát tu tập Xả balamật", nhưng trong đó chúng ta vẫn thấy Bồtát có tâm Bi.

Đây là "thấy chúng sinh không thể thoát ra khổ đang vây".

Đối với chúng sinh tự mình có thể thoát ra khổ, nhưng không biết cách, Đức Phật giảng pháp chỉ dẫn cách thực hành để thoát ra khỏi khổ luân hồi.

Đây là "thấy chúng sinh không biết phương pháp thoát ra khổ".

Hai điều này là nhân gần để sinh khởi tâm sở bi.

89- Hỏi: Ưu - nhược điểm của tâm bi là gì?

Đáp: Ưu điểm của tâm Bi là "thoát ra sự lãnh đạm trước cái khổ của người", thành tựu cao tột của tâm Bi là "làm an tịnh sự tàn hại người", tức là thành tựu một chi phần của chánh tư duy (sammāsaṅkappo) là "ly hại tầm".

Nhược điểm của tâm bi là: Có kẻ thù trực tiếp là "tàn bạo - hiṃsa", hay " phẫn nộ - paṭigha)", kẻ thù gián tiếp là "phiền muộn – domanassa)".

Lẽ thường người có tâm bi với chúng sinh nào đó, thấy một người khác hành hạ chúng sinh ấy, tâm khởi lên sự bất bình hoặc phẩn nộ. Như người đi đường thấy đứa bé lớn đang đánh đập đứa bé nhỏ, y bất bình can thiệp ngay...

Đây là "kẻ thù trực tiếp" của tâm bi.

"Kẻ thù gián tiếp là phiền muộn sinh khởi". Như khi thấy chúng sinh đang khổ, muốn giúp chúng sinh ấy thoát khổ nhưng bất lực, bấy giờ tâm tư sinh sầu muộn. Hoặc bà mẹ thấy con bịnh nặng, không thể giúp gì cho đứa con ấy, bà phát sinh sầu muộn...

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Vihiṃsūpasamo tassā sampatti, sokasambhavo vipatti:

(Nó) đạt được khi diệt trừ "sự tàn bạo", không đạt được thì sinh khởi sự phiền muộn." [36] .

Tâm bi (karuṇā) phần nhiều đi chung với xả thọ vì phải nhận thấy "cảnh khổ của chúng sinh khác", nếu không khéo tác ý dễ dẫn đến thọ ưu (somanassa), loại thọ ưu này gọi là thọ ưu tại gia (gahesita domanassa), thế là dẫn đến sân (dosa).

Tâm bi đi chung với thọ hỷ, khi thấy chúng sinh ấy thoát ra được nỗi khổ dày vò.

*

2- Tâm sở Hỷ (muditācetasika).

90- Hỏi: Thế nào là muditā (hỷ)?

Đáp: Muditā được dịch là tùy hỷ, tuy cách dịch có gượng ép về từ ngữ, nhưng không gượng ép về nghĩa, tùy hỷ là vui theo niềm vui của người.

Lại nữa để phân biệt với tâm sở hỷ (pīticetasika).

Muditā khác với pīti, tuy cả hai đều có nghĩa là "vui thích, hoan hỷ", nhưng niềm vui của pīti là niềm vui suông, như người vui thích với cảnh đẹp hoặc vui thích với quả an lạc mà mình có được....

Idha nandati pecca nandati; katapuñño ubhayattha nandati

"Puññaṃ me kataṃ ti nandati; bhiyyo nandati sugatiṃ gato.

Ở đây vui thích, sau lại vui thích; làm thiện hai lần vui.

Vui vì nghĩ "ta làm thiện"; sinh vào cõi lành vui hơn" [37] .

Còn muditā là niềm vui trước ưu điểm tốt đẹp hay hạnh phúc của người. Như người thầy hoan hỷ trước sự thông minh của học trò, hay hoan hỷ trước sự khôn ngoan của con vật (dù đó là vật sở hữu của người khác)...

Đức Thế Tôn khen ngợi câu hỏi thông minh của vị Tỳkhưu như sau: Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

"... Kena nu kho, bhante, loko nīyati, kena loko parikassati, kassa ca uppannassa vasaṃ gacchatī’ti?".

"... Bạch Thế Tôn, cái gì hướng dẫn thế gian? Thế gian do cái chi lôi kéo (parikissati)? Cái chi đến kiểm soát thế gian?.

"Sādhu sādhu, bhikkhu! Bhaddako kho te, bhikkhu, ummaggo bhaddakaṃ paṭibhānaṃ, kalyāṇī paripucchā..."

"Lành thay, lành thay, này Tỳkhưu, hiền thiện tỳkhưu là ngươi, hiền thiện là sự thông minh thâm sâu (bhaddako te ummaggo [38] paṭibhānaṃ) ngươi hỏi. Hiền thiện là sự biện tài (paṭibhānaṃ), câu hỏi thật tốt đẹp ..." [39] .

Và Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi thâm sâu ấy là: "Đó là tâm, tâm hướng dẫn thế gian, tâm lôi kéo thế gian và tâm kiểm soát thế gian".

Hoặc như người Phật tử hoan hỷ với việc phước của người khác hay vui thích khi thấy người khác phát sinh những quả lành...

 Lại nữa, pīti sinh lên đối trị với "thọ ưu của sân", còn muditā thì đối trị với "ganh tỵ (issā)".

Về từ muditā thì: Muditā có gốc từ ngữ căn mud, ngữ căn mud có hai nghĩa: "Hoan hỷ", hoặc "hòa lẫn". [40]

Như vậy, muditā là sự vui thích, hoặc niềm vui hòa lẫn (là vui với niềm vui của người, hoặc vui với niềm vui có trước (của người khác).

Ngài Buddhaghosa trong sách Thanh Tịnh đạo có giải thích:

"Modanti tāya taṃ samaṅgino, sayaṃ vā modati, modana mattameva vā tanti muditā".

"Gìn giữ điều hạnh phúc với niềm vui, niềm vui tự có (sayaṃ vā modati) hoặc điều hạnh phúc của người, gọi là tùy hỷ." [41]

*-"Niềm vui tự có".Là ám chỉ tâm sở Tùy hỷ có trong tâm quả: Sơ, nhị, tam thiền hiệp thế (thiền bốn bậc).

*- "Hạnh phúc của người". Là sự an lạc, hạnh phúc của người khác.

91- Hỏi: Hãy giải thích bốn đặc tính của tâm sở tùy hỷ?

Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở tùy hỷ là:

- Trạng thái:Vui thích với chúng sinh (sattesu pamodanalakkhaṇā).

- Phận sự:Không ganh tỵ (anissāyanarasā).

- Thành tựu: Phá hủy sự chán ghét (arativighātapaccupaṭṭhāṇā).

- Nhân gần: Thấy chúng sinh thành đạt (sattānaṃ sampattidassanapadaṭṭhāṇā).

Giải:

1- "Vui thích với chúng sinh". Là chúng sinh đang vui với hạnh phúc hay sự an lạc có được, tâm sở Tùy hỷ cũng vui với niềm vui của chúng sinh ấy.

Chữ satta (chúng sinh) ở đây dùng để xác định ý nghĩa "vô lượng", là không phân biệt đối tượng.

Cha mẹ chỉ vui thích với sự thành công của con mình hay của người thân, tâm hỷ ấy không gọi là vô lượng vì còn hạn hẹp.

2- "Không ganh tỵ". Là không cảm thấy khó chịu trước sự thành đạt của người khác, như:

- Trong lãnh vực quyền lực, các vị hoàng tử khi thấy vị hoàng tử khác trong thân tộc lên ngôi vua, không cảm thấy khó chịu.

- Trong lãnh vực "danh tiếng", khi nghe người khác được khen ngợi, không cảm thấy khó chịu.

- Trong lãnh vực hội chúng, khi thấy người khác có đông tùy tùng , không cảm thấy khó chịu ...

3- "Phá hủy sự chán ghét". Là làm cho sự chán ghét do ganh tỵ sinh lên bị tiêu diệt.

4-" Thấy chúng sinh thành đạt". Khi thành đạt điều hạnh phúc hay an lạc nào đó, dĩ nhiên người này hay chúng sinh ấy có sự vui thích.

Nhìn thấy sự hạnh phúc của người tâm cảm thấy hân hoan, thích thú, như các chư thiên hân hoan với vị tân thiên tử vừa sainh lên... Hoặc hoan hỷ khi thấy hành giả chứng thiền, hoan hỷ khi thấy người khác bố thí, trì giới, tu tập...

Đó là nhân gần để sinh khởi tâm sở tùy hỷ.

92- Hỏi: Ưu - nhược điểm của tâm sở tùy hỷ ra sao?

Đáp: Ưu điểm của tâm sở tùy hỷ là "khi đạt được thì diệt trừ được ganh tỵ, phá hủy sự chán ghét".

Khi phát triển làm cho tăng trưởng thì tâm sở tùy hỷ trở thành "ly sân tầm " của chánh tư duy.

Nói cách khác "ly sân tầm " có thể được thành tựu từ một trong hai pháp "tâm từ hoặc tâm hỷ".

Nhược điểm là "khi không đạt được thì dẫn đến "quá vui".

Như sách Thanh tịnh đạo [42] có ghi:

"Ārativūpasamo tassā sampatti, pahāsasambhavo vipatti:

"(Nó) đạt được khi diệt trừ được sự chán ghét [43] , khi không đạt được thì trở thành quá vui."

Mặt khác, tâm sở Tùy hỷ có hai kẻ thù: Kẻ thù trực tiếp là "ganh tỵ", kẻ thù gián tiếp là "niềm vui dẫn đến tham ái".

Gọi là "kẻ thù trực tiếp", vì không thể vừa hoan hỷ vừa chán ghét.

Gọi là "kẻ thù gián tiếp", vì bất thiện có thể sinh khởi từ sự tùy hỷ này.

Như một người hoan hỷ với sự giàu có, danh tiếng của người khác, rồi mơ ước mình cũng sẽ được như vậy.

Tâm sở tùy hỷ phần nhiều đi chung với thọ hỷ (somanassa vedanā) khi bắt 5 cảnh trần hoặc pháp khả ái, khả hỷ liên hệ đến dục (kāma), loại thọ hỷ này được gọi là "hỷ tại gia – gahesita somanassa". Và "hỷ lạc này làm duyên cho tham áisinh khởi ".

 Đức Phật dạy:

"Tasmātiha, bhikkhave, setughāto gīte, setughāto nacce, alaṃ vo dhammappamoditānaṃ sataṃ sitaṃ sitamattāyā'ti"

"Thật là vừa đủ, nếu các ngươi được hoan hỷ đúng pháp (dhamma pamoditānaṃ sataṃ), mỉm cười để tỏ là các ngươi được hoan hỷ (sataṃ Sitamattāya) [44] .

Tâm sở tùy hỷ đi chung với thọ xả khi "thấy được hạnh phúc nhỏ nhoi của chúng sinh khác".

93- Hỏi: Vì sao trong trong tâm quả hữu nhân Dục giới không có hai tâm sở bi và tùy hỷ phối hợp, trái lại trong tâm quả thiền sắc giới (từ Sơ đến Tam thiền - thiền bốn bậc) lại có chúng phối hợp.?

Đáp: Như đã giải ở trên, tâm quả hữu nhân Dục giới chỉ bắt cảnh riêng của chúng khi làm việc tục sinh - hữu phần – tử. Những cảnh này không phải là cảnh "chúng sinh đang khổ" hay cảnh "chúng sinh đang an lạc", nên bi vhay tùy hỷ không thể sinh lên.

Khi chúng làm việc Nacảnh (tadālambanakicca), thì cảnh đã muội lược, không đủ sức trợ cho tâm sở khác sinh lên.

Còn trong tâm quả thiền hữu sắc (từ sơ đến tam thiền - thiền bốn bậc), có được tâm sở Bi hay tâm sở Tùy hỷ phối hợp là vì: Vị ấy tu tập bi vô lượng tâm hay hỷ vô lượng tâm và chứng đắcđịnh, nên trong tâm quả thiền ấy có bi hay tùy hỷ phối hợp. Nhưng nên lưu ý rằng : "nếu có chỉ có một mà thôi".

Nói cách khác, ngoại trừ hành giả tu tập đề mục hỷ vô lượng tâm hay bi vô lượng tâm, thành tựu được thiền chứng, khi tái sinh về Phạm thiên giới bằng tâm quả thiền chứng ấy thì tâm quả ấy mới có Bi hoặc Tùy hỷ phối hợp, ngoài ra nếu tu tập thiền chỉ tịnh bằng đế mục khác như : Đất, nước, gió. lửa, hơi thở... thì tâm quả thiền ấy không có bi hay tùy hỷ phối hợp.

94- Hỏi: Trong Tứ vô lượng tâm: Từ - bi - hỷ - xả. Từ và xả được kể vào pháp Balamật (pāramī). Vì sao bi và hỷ không được xếp vào pháp balamật?.

Đáp: Tuy bi tùy hỷ khi phát triển vững mạnh trở thành hai chi phần của chánh tư duy (sammā saṅkappo), nhưng cả hai phải dựa vào nền tảng là vô sân.

Nói cách khác, nguyên nhân xa sinh khởi cho tâm bi và tâm hỷ chính là tâm sở vô sân, nên khi đề cập đến chánh tư duy chỉ nói đến hai pháp chủ yếu là "vô tham và vô sân".

Mặt khác, tâm bi và tâm hỷ chỉ nhận biết "cảnh chúng sinh" mà thôi, ngoài ra đối với những cảnh khác chúng không thể bắt lấy nên không sinh khởi.

Nípbàn là cảnh tịch lặng, không có chúng sinh, do đó chúng không thể sinh lên.

Trái lại, tuy tâm từ cũng xuất phát từ vô sân, nhưng ngoài cảnh "chúng sinh "ra, tâm từ có thể nhận được nhiều cảnh, trong đó cócảnh Nípbàn, nên từ được xếp vào balamật.

Tương tự như thế, tâm xả xuất phát từ tâm sở quân bình (tatramajjhattatā), tâm sở quân bình có thể nhận được21 cảnh trong đó có cảnh Nípbàn.

Do đó tâm xả được xếp vào Xả ba lamật.

Dứt tâm sở Vô lượng phần.

*

D- Tâm sở Tuệ quyền
(paññindriyacetasika).

95-Hỏi: Thế nào là paññā (tuệ)?

Đáp: Paññā= pa+căn ñā. PA là "cùng khắp, trọn vẹn, đầy đủ", căn ÑĀ là "hiểu biết".

Trước tiên, ở khía cạnh "hiểu biết" thì trí (ñāṇa) xem như tương đương với paññā (tuệ), như:

 "Somanassa sahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ kusalacittaṃ:

"Tâm thiện sanh chung với thọ hỷ hòa lẫn với trí, không có sự trợ giúp".

Sự hiểu biết (pajānāti) nói gọn có hai cách:

*- "Hiểu biết theo đời thường", như am tường các môn học, các môn nghệ thuật ...

*- "Hiểu biết đặc biệt", như hiểu rõ về tam tướng: Vô thường, khổ, vô ngã, Tứ đế...

Nói cách khác, trí có hai cách "hiểu biết": Hiểu biết về chế định và hiểu biết về chân đế.

Chính tiếp đầu ngữ PA đã nhấn mạnh và tăng cường cho "sự hiểu biết" này.

Có thể ví ñāṇa (trí) như sư tử, còn paññā (tuệ) như sư tử chúa, hoặc ñāṇa như sư tử đang trưởng thành còn paññā như sư tử sung mãn sức lực .

- Ñāṇa (trí) là sự hiểu biết thông thường, còn paññā (tuệ) là "hiểu biết một cách đặc biệt". Hoặc là:

- Ñāṇa (trí) là hiểu biết chế định, chân đế cả "đặc biệt", còn paññā chỉ hiểu biết "đặc tướng của chân đế".

Cảnh chân đế (paramatthasaccārammaṇa) có hai loại: Chân đế thông thường, chân đế đặc biệt.

"Cảnh chân đế đặc biệt", là khi tâm nhận một trong ba tướng: vô thường, khổ, vô ngã của pháp hữu vi, làm cảnh.

 Như một người hiểu được "danh từ đất chỉ cho những gì có trạng thái (lakkhaṇa) cứng hay mềm". Đó là biết "cảnh chế định".

Người ấy nhậnbiết "trạng thái cứng hay mềm" khi tiếp xúc với đất, đó là biết "cảnh chân đế".

Khi tu tập pháp quán, người ấy thấy "cái gọi là đất ấy bị tan rã, hoại diệt. Đó là biết "cảnh chân đế đặc biệt".

Trí là sự biết cả ba loại cảnh này; còn paññā (tuệ) chỉ biết cảnh chân đế đặc biệt mà thôi. Nên đôi khi trí chính là tuệ và tuệ chính là trí.

Ngài Buddhagho sa có giải thích paññā như sau:

"Pajānātīti paññā: Biết rõ là tuệ" [45] .

Kiṃ pajānāti? Idaṃ dukkhan'ti – ādinā nayena arisaccāni:

"Biết rõ cái gì? Thưa rằng: Theo phương cách Thánh đế, biết rõ "đây là khổ" ...

Có thể nói: Tuệ nương vào trí mà hình thành. Tức là khi trí vững mạnh trở thành tuệ.  

Nói về trí thì có tất cả 73 loại trí, trong đó chư Thánh Thinh văn chỉ có được 67 loại trí và 6 trí dành riêng cho bậc Chánh đẳng giác [46] .

Tất cả các trí ấy, gọi chung là paññā (tuệ). Đây là lấy theo ý nghĩa "đầy đủ của PA".

Paññā theo nghĩa "hiểu biết tường tận (của PA)" thì loại trí này do nương vào tam tướng mà hình thành. Ngài Buddhaghosa có giải thích như sau:

- "Pākaṭa karaṇasaṅkhātena paññapanaṭṭhena paññā:

"Tuệ là hiểu biết rõ ràng theo nhiều cách như tên gọi, cách tạo ra, cách nuôi dưỡng..."

Hay : "Aniccādinā pakārena dhamme jānātīti paññā:

"Biết được quy luật pháp trước tiên là vô thường, gọi là tuệ".

Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có định nghĩa về tuệ quyền (paññindriya) như sau:

"Katamaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti?

Thế nào là tuệ quyền trong khi ấy?

 Yā tasmiṃ samaye paññā pajānanā vicayo pavicayo dhammavicayo sallakkhaṇā upalakkhaṇā paccupalakkhaṇā paṇḍiccaṃ kosallaṃ nepuññaṃ vebhabyā cintā upaparikkhā bhūrī medhā pariṇāyikā vipassanā sampajaññaṃ patodo paññā paññiṇdriyaṃ paññābalaṃ paññāsatthaṃ paññāpāsādo paññā-āloko paññā-obhāso paññāpajjoto paññāratanaṃ amoho dhammavicayo sammādiṭṭhi.

Idaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti.

"Trong khi ấy, pháp là trí hiểu, hiểu rõ, lựa chọn, cân nhắc, trạch pháp, tham khảo, phân định, khảo sát, thông thái, rành mạch, khôn ngoan, sáng suốt, suy xét, nghiên cứu, minh mẫn, mẫn tiệp, hồi quang, quán minh, tỉnh giác, sắc sảo, tuệ là tuệ quyền, tuệ lực, tuệ như vũ khí, tuệ như lâu đài, tuệ như ánh sáng, tuệ như hào quang, tuệ như ngọn đèn, tuệ như bảo vật, vô si, chánh kiến.

Đây là tuệ quyền trong khi ấy. [47]

Như vậy, paññā bao gồm những ý nghĩa như đã được liệt kê (lấy theo ý nghĩa ĐẦY ĐỦ của tiếp đầu ngữ PA).

Sách Atthasālinī có giải thích về các từ ngữ trên như sau [48] :

"Pajānanākāro pajānanā: Làm cho hiểu biết rõ ràng, là hiểu rõ.

"Aniccādīni vicinātīti vicayo: Xét đoán tính vô thường của vạn vật, gọi là lựa chọn".

"Pavicayoti upasaggena padaṃ vaḍḍhitaṃ: Cân nhắc là (xét đoán đến) con đường nguy hiểm, tai hại. (Tiếp đầu ngữ Pa là tăng cường cho vicayo).

"Catusaccadhamme vicinātīti dhamma vicayo: Nghiên cứu kỹ pháp Tứ đế, gọi là trạch pháp".

"Aniccādīnaṃ sallakkhaṇavasena sallakkhaṇā: Suy xét đến những biến chuyển (vasena) của vô thường, là phân biệt.

Paṇḍitassa bhāvo paṇḍiccaṃ: Thực trạng của sự sáng suốt, là thông thái.

Kusalassa bhāvo kosallaṃ: Thực trạng tốt đẹp, là rành mạch.

"Nipuṇassa bhāvo nepuññaṃ: Thực trạng khéo léo là khôn ngoan.

"Aiccādīnaṃ vibhāvanavasena vebhabyā: Giải thích rõ ràng tội lỗi (của) vô thường... gọi là sáng suốt.

" Aniccādīnaṃ cintanakavasesa cintā: Trú nơi suy gẫm "tội lỗ của vô thường", là suy xét.

"Aniccādīni upaparikkhantītiti upaparikkhā: Thường khảo sát về tội lỗi vô thường, là nghiên cứu.

Bhūrī, đây là từ có tính ẩn dụ. Bhūri là mặt đất như:

Bhūrīti pathaviyā nāmaṃ: Bhūrī là tên gọi chỉ cho đất.

Bhūrī ám chỉ tuệ rộng lớn như đất, hay tuệ là nơi nương nhờ. Như đất là nơi nương nhờ của sinh - thực vật.

Ngoài ra, đất tiềm ẩn những mỏ quý; cũng vậy, tuệ tiềm ấn những điều kỳ diệu.

"Asani viya siluccaye kilese medhati hiṃsatīti medhā:

"Hủy diệt phiền não một cách sáng suốt, ví như lưỡi sét đánh vào tảng đá, "minh mẫn".

"Yassa upapajjati taṃ attahitapaṭipattiyaṃ sampayuttadhamme ca yāthāvalakkhaṇapaṭivedhe parinetīti pariṇāyikā:

"Điều nào sinh khởi để đạt được lợi ích cho mình, hòa hợp với pháp và hướng dẫn trọn vẹn sự chứng đạt chơn tướng đúng đắn, điều ấy là pariṇāyikā (sáng suốt tự tâm).

 Như cây gậy nhọn dùng để huấn luyện ngựa Sindhu mỗi khi nó đi sai đường, buộc nó phải đi đúng theo đưởng mà người ấy muốn. Cũng vậy:

-"kūṭacittaṃ vīthi āropanatthaṃ vijjhatīti patodo viya patodo:

"Ví như vật nhọn thúc vào tâm tà vạy, buộc tâm phải đi đúng đường, gọi là patodo (sắc sảo).

 Đức Phật có giảng về bốn hạng người hiền thiện ví như ngựa hiền thiện với gậy thúc ngựa (patoda), tóm lược như sau [49] .

-Hạng ngựa hiền thiện, khi thấy bóng gậy thúc ngựa liền bị dao động, bị kích thích, suy nghĩ "ta nên làm theo ý của chủ".

Cũng vậy, có hạng người hiền thiện nghe "có người chết", tâm dao động, tâm bị kích thích, người ấy nổ lực tu tập và chứng đạt được Nípbàn.

Đây là hạng người hiền thiện thứ nhất.

- Hạng ngựa hiền thiện, khi thấy bóng gậy, không bị dao động. Khi bị gậy thúc ngựa đâm vào hông mới dao động, bị kích thích.

Cũng vậy, có hạng người hiền thiện khi nghe "có người chết", tâm không dao động, không bị kích thích. Khi chính mắt thấy "người chết", tâm bị dao động, bị kích thích; người ấy nổ lực hành pháp, chứng đạt Nípbàn.

Đây là hạng người hiền thiện thứ hai.

- Hạng ngựa hiền thiện không bị dao động bởi hai điều trên, nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào thịt, bấy giờ mới bị dao động, bị kích thích.

Cũng vậy, khi nghe hay thấy "có người chết", tâm không dao động không bị kích thích. Nhưng khi người trong thân tộc đồng huyết thống mệnh chung, người ấy bị dao động, bị kích thích, nổ lực hành pháp, chứng đạt Nípbàn.

Đây là hạng người hiền thiện thứ ba.

- Hạng ngựa hiền thiện không bị dao động bởi ba điều trên, nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào đến xương mới bị dao động, bị kích thích.

Cũng vậy, có hạng người hiền thiện, không bị dao động khi nghe "có người chết", thấy "có người chết", "có thân tộc chết" vẫn không bị dao động.

Đến khi tự thân bị bịnh, bị thân khổ mãnh liệt, bấy giờ tâm mới bị kích thích, bị dao động; người ấy nổ lực hành pháp chứng đạt Nípbàn.

 Đây là hạng người hiền thiện thứ tư.

96-Hỏi: Thế nào tuệ như vũ khí? Tuệ như lâu đài?

Đáp: Tuệ được ví như vũ khí vì nó cắt đứt những sợi dây trói buộc vào luân hồi, là thanh gươm trí tuệ. Ngài Buddhaghosa có giải thích:

 "Kilesacchedanaṭṭhena paññāva satthaṃ paññāsatthaṃ:

"Cắt bỏ những phiền não bằng trí tuệ bén như thanh gươm, gọi là "tuệ như vũ khí".

- "Tuệ được ví như lâu đài", vì lâu đài là nơi trú ngụ cao nhất, cũng vậy, tuệ có được vị trí cao nhất trong các pháp hữu vi.

Chữ pāsāda còn có nghĩa là "hoàng cung, đền vua". Đây là nơi trú ngụ của vị lãnh đạo cao nhất. Tuệ được ví như pāsāda với ý nghĩa là "ở nơi tốt đẹp nhất".

 Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Accuggataṭṭhena paññāva pāsādo paññāpāsādo.

"Tuệ được mang đến nơi cao nhất như lâu đài, gọi là "tuệ như lâu đài".

97- Hỏi: Thế nào là tuệ như ánh sáng? Tuệ như hào quang? Tuệ như ngọn đèn?.

Đáp: - "Tuệ như ánh sáng". Khi có ánh sáng rọi đến thì nó xua đuổi bóng tối, làm cho những vật khác được hiển lộ ra.

Cũng vậy, khi trí tuệ sinh lên nó xua đuổi hay diệt trừ được si mê, giúp cho người có mắt nhìn thấy rõ mọi vật, nên trí tuệ được ví như là ánh sáng.

Những lời tán thán của các cư sĩ sau khi chứng quả Dự lưu đã nói lên ý nghĩa "tuệ được ví như ánh sáng":

"... Như người mang ánh sáng vào trong tối, để những ai có mắt có thể nhìn thấy các sắc...".

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Ālokanaṭṭhena paññāva āloka paññā-āloko:

"Mang trí tuệ như ánh sáng vào nơi cần ánh sáng, gọi là "tuệ như ánh sáng".

- "Tuệ như hào quang". Cũng tương tự như ánh sáng (āloka), nhưng obhāsa (hào quang) còn mang thêm ý nghĩa "xinh đẹp", "huy hoàng".

"Obhāsanaṭṭhena paññāva paññāva obhāso paññā-obhāso:

"Mang trí tuệ như hào quang vào nơi cần hào quang, gọi là "tuệ như hào quang".

"Tuệ như ngọn đèn". Tương tự như hai loại trên, nhưng mang thêm ý nghĩa phụ là "cần dùng", tức loại trí tuệ thông dụng cho mỗi lúc mỗi nơi.

Ánh sáng mặt trời chỉ có ban ngày, ánh sáng mặt trăng chỉ có ban đêm, ánh sáng ngọn lửa (hay ánh sáng ngọn đèn) thì đáp ứng cho lợi ích khi cần đến, như nấu nướng, soi rọi nơi ẩn khuất....

 Sách Atthasālinī có nêu dẫn: "Có bốn loại ánh sáng (āloka)" [50]

- Ánh sáng mặt trăng (candāloko).

- Ánh sánng mặt trời (suriyāloko).

- Ánh sáng ngọn lửa (aggāloko).

- Ánh sáng trí tuệ (paññāloko).

98- Hỏi: Thế nào là tuệ như bảo vật?

Đáp: Lẽ thường vật báu thường được mọi người ưa chuộng, trí tuệ là điều mà mọi sinh chúng đều ưa chuông, nên tuệ được ví như bảo vật.

Phàm những tai hại, những bất lợi chỉ xảy đến cho người ngu. Những ích lợi, an lành thường có cho người trí.

Do vậy, trí tuệ là điều cần thiết trong cuộc sống, là điều cần thiết để chứng đắc các pháp thượng nhân, nên trí tuệ được xem là bảo vật.

Dạ xoa Ālavaka có bạch hỏi Đức Thế Tôn:

..." Kathaṃ jīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ?

... "Nếp sống như thế nào, là nếp sống tối thắng?".

Đức Thế Tôn đáp:

..."Paññājīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ

..."Nếp sống với trí tuệ, là nếp sống tối thắng." [51]

 99- Hỏi:Tuệ có được bao nhiêu vị trí?

Đáp: Tuệ có được những vị trí sau đây:

- Ở khía cạnh như ý (iddhipāda), thì tuệ là thẩm như ý (vīmaṃs'iddhipāda)

- Ở khía cạnh quyền thì tuệ là tuệ quyền (paññindiya).

- Ở khía cạnh lực thì tuệ là tuệ lực (paññābala).

-Ở khía cạnh dẫn đến giác ngộ (bojjhaṅga) thì tuệ là trạch pháp giác chi (dhammavicaya).

- Ở khía cạnh đạo (magga) thì tuệ là chánh kiến (sammādiṭṭhi).

- Ở khía cạnh gốc rễ (mūla) thì tuệ là vô si (amoha).

- Ở khía cạnh nghiệp (kamma) thì tuệ là chánh kiến (trong 10 thiện nghiệp).

- Ở khía cạnh hiểu biết đúng về tam tướng thì tuệ là tỉnh giác (sampajaññā).

- Ở khía cạnh thiền quán thì tuệ là quán minh (vipassanā ñāṇa).

Trong sách Atthasālinī chỉ nêu ra 7 vị trí (trừ như ý và giác chi).

100- Hỏi: Bốn đặc tính của tuệ quyền (paññindriya) ra sao?

Đáp: Bốn đặc tính của tuệ quyền là:

- Trạng thái: Biết rõ pháp thực tính (dhammasabhāva paṭivedhalakkhaṇā).

- Phận sự: Phá tan việc làm cho tối tăm (mohandhakāra viddhaṃsanarasā)

- Thành tựu: Không mê muội (asammoha paccupaṭṭhāṇā).

- Nhân gần: Tác ý khéo (yoni so manasikāra padaṭṭhāṇā).

Hay: Có quyền đồng đẳng (indriyaparipākatā padaṭṭhāṇā).

Hay: Xa lìa phiền não (kilesadūrībhava padaṭṭhāṇā).

Hay : Tục sinh bằng tâm tam nhân (tihetukapaṭisanthikatā padaṭṭhāṇā).

Giải:

1- "Biết rõ pháp thực tính". Trước tiên là biết bốn đặc tính của các pháp một cách rành rẽ (chữ paṭivedha nghĩa là "biết một cách rõ ràng).

Thứ đến, tuệ có trạng thái biết rõ ba đặc tính của pháp hữu vi là: Vô thường, khổ , vô ngã. Sở dĩ tuệ biết rõ ba tướng của pháp hữu vi là vì đối trị với si mê, khi còn si mê thì ba tướng này không thể hiển lộ.

Ngoài ra, tuệ còn biết rõ ràng bốn sự thật: Đây là khổ, đây là nguyên nhân sinh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn đến diệt khổ.

2- "Phá tan việc làm cho tối tăm". Ví như người mang ánh sáng vào trong bóng tối, sự tối tăm mất. Hoặc trong bóng tối, ngọn lửa sinh lên sẽ xua đuổi bóng tối.

Trong sự soi sáng thì không một soi sáng nào bằng sự soi sáng của tuệ, chỉ một lần "sáng rực" có thể soi thấu mọi nơi của các pháp, thậm chí pháp vi tế nhất là Nípbàn cũng được ánh sáng trí tuệ soi rọi đến.

3- "Không mê muội". Là không còn nhầm lẫn.

Một người trong đêm thấy nhánh cây rung động, có thể nghĩ rằng "có con vật trên đó", sự nghĩ này có thể bị nhầm lẫn. Nhưng nếu người này soi ánh đèn vào nhánh cây, mọi khuất lấp không còn có thể che dấu, người này thấy rõ. Thế là người này không còn nhầm lẫn nữa.

4- "Có tác ý khéo". Tác ý khéo là nhân sinh cho tất cả mọi thiện pháp, nhưng ở đây là trí tuệ, thì tác ý khéo này là:

- Những gì vô thường, biết là vô thường; những gì khổ, biết là khổ; những gì vô ngã, biết là vô ngã, những gì không trong sạch, biết là trong sạch.

-"Có các quyền đồng đẳng". Là khi các quyền ngang nhau, tuệ sẽ tăng trưởng tiến thêm bước nữa. Ví như người từ cấp 1 tiến lên cấp hai.

Trong thiền chỉ (samathajhāna), nếu các quyền đồng đẳng, hành giả này đắc Sơ định. Rõ ràng trí trong cận định không thể sánh bằng trí trong Sơ định. Các tầng thiền kế tiếp cứ thế mà suy.

Trong thiền quán (vipassanā jhāna), khi các quyền đồng đẳng thì hành giả tiến lên tuệ kế tiếp. Do đó nói rằng "các quyền đồng đẳng là nhân cận của trí".

- "Xa lìa phiền não". Khi có phiền não thì tuệ không sinh lên, ví như con ong không bay đến hố rác.

Cũng vậy, khi tâm có phiền não thì tam tướng không hiể lộ, mà tuệ thì nhận cảnh tam tướng. Do đó nói "xa lìa phiền não" là nhân gần của tuệ.

- "Tục sinh bằng tâm tam nhân". Là ám chỉ trí trong tâm định hay trí trong tâm đạo, chính người tục sinh bằng tâm tam nhân mới sinh khởi được hai loại trí này.

Do đó nói "tục sinh bằng tâm tam nhân là nhân gần của tuệ".

Bồ đề tự, mùa an cư 2006- PL 2550.
Soạn xong ngày 7-9-2006 .

-ooOoo-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kinh Tạng PĀLI.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch:

-          Dīgha Nikāya (Trường Bộ Kinh), I, II, III, IV. (1972). Sài Gòn, Viện Đại Học Vạn Hạnh.

-          Dīgha Nikāya- atthakathā (Chú giải Trường Bộ Kinh I)

-          Majjhima Nikāya (Trung Bộ Kinh), I, II, III.(1973). Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

-          Majjhima Nikāya atthakathā (chú giải Trung Bộ Kinh I).

-          Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ), I, II, III, (1987 – 1988), Tp Hồ Chí Minh, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam.

-          Saṃyutta Nikāya (Tương Ưng bộ), I, II, III, IV, V. (1982), Tp Hồ Chí Minh, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

-          Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh), (1982), Tp Hồ Chí Minh,Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

*- Suttanipāta (Kinh tập).

*- Dhammapāda (Kinh Pháp cú).

*- Jātaka atthakātha (Câu chuyện tiền thân).

-          Đại trưởng lão Pháp Minh, Chú giải kinh Pháp cú I (1997), II (1998), III (2000) (Dhammapāda – Atthakathā), Tp Hồ Chí Minh, Thành hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh.

-          Đại Đức Narada (soạn) – Ông Phạm Kim Khánh dịch, Kinh Pháp cú (1971)

-          Đại Trưởng lão Bửu Chơn (dịch), (1962), Kho Tàng Pháp Bảo, Sài Gòn, nhà in Nguyên Ba.

-          Đại Trưởng lão Bửu Chơn dịch (1976), Từ Điển Pāli Việt Nam .

-          Đại Trưởng lão Giới Nghiêm, (1962 – 1981), Mi Tiên vấn đáp I (Milindapañhā).

-          Đại Đức Thiện Phúc dịch (kn)

*- Sớ giải Therīgāthā, (Trưởng lão Ni kệ).

*- Sớ giải Theragāthā (Trưởng lão Tăng kệ).

- Đại Đức Giác Giới, (kn), Tầm nguyên ngữ căn.

- Tỳkhưu Chánh Minh soạn (2006)- Tâm Vấn đáp.

- Tỳkhưu Chánh Minh soạn (2006) – Quy Trình Tâm Pháp.

- Sư cô Thích nữ Trí Hải (dịch), (2001), Thanh Tịnh Đạo I, II (Visuddhimagga) Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo.

-          Nguyễn Hoàng Hải (dịch) (1988), Vô ngại giải đạo (Paṭisambhidāmagga).

*

Luật Tạng.

-          Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Luật Đại Phẩm I (Vinaya- Mahā Vagga).

-          Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Phân tích giới tỳkhưu II (Vinaya- Mahā Vagga).

*

Luận Tạng.

-           Đại Trưởng lão Tịnh Sự (dịch):

- Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) (1990), Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

*- Siêu Lý Sơ học (kn).

- Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasālinī)

- HT. Thích Minh Châu (dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận (1966). (abhidhammatthasaṅgaha), Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

- Phạm Kinh Khánh (dịch), Vi diệu pháp toát yếu (kn).

-ooOoo-


[1]- Atts. Thiện Siêu thế tốt đẹp (lokuttarakusalavaṇṇā).

[2]- DA. 1.035.

[3]- Sn.402. Kinh Người hành pháp (dhammikasuttaṃ)

[4]- Therī. Trưởng lão ni Subhā (kệ số 399).

[5]- Virati, HT. Thích Minh Châau dịch là "tiết chế".

[6]- Đức Naarada. Ông Phạm Kim Khánh (d), Vi diệu pháp toát yếu,

[7]- Atts. Giải thích "con đường thiện nghiệp" (kusalakammapathakathā).

[8]- DhpA. Câu số 215.

[9]- Thera. Truyện Ngài Mahā Kassapa.

[10]- Sách Atthasaalinī có nêu lên câu chuyện thanh niên Cakkana xứ Tích lan (Ceylon) để dẫn chứng– xem phần giải về tâm Bi.

[11]- Atts. Giải thích "con đường bất thiện nghiệp" (akusalakammapathakathā).

[12].- Dhp. Kệ ngôn số 360 – 361. HT. Thích Minh Châu (d).

[13]-A.ii, 229. Pháp 4 chi. Kinh Cách thức nói (Paṭhamavohārapathasuttaṃ).

[14]- A.i, 127 . Pháp 3 chi. Kinh Nói như phẩn (Gūthabhāṇīsuttaṃ).

[15]- A.i, 265. Pháp ba chi. Ht. Thích Minh Châu (d), kinh Rơi vào đọa xứ (Āpāyikasuttaṃ).

[16]- A.ii, 140. Kinh Thời gian (kālasuttaṃ).

[17]-A.iii, 196. Pháp 5 chi., phẩm XVII: Hiềm hận. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Buộc tội (Codanāsuttaṃ).

[18]- A.iii, 181. Pháp 5 chi, phẩm XVI: Diệu Pháp. HT. Thích Minh Châu (d), kinh ác thuyết (Dukkathāsuttaṃ).

[19]- M.i, kinh số 24. Kinh trạm xe (Rathavivūtasutta).

[20]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (s), Siêu lý Sơ học (kn) – LHNB.

[21] Tatosaṅkocana. Nghĩa từ nguyên là "Co rút lại từ đây".

[22]- Dhp. Câu 1-2.

[23]- Dhs. Mẫu đề tam (māṭikā).

[24]- S.iv, 295, kinh Godatta (Godattasuttaṃ).

[25]- Vsm – ChươngIX. Mô tả Phạm trú (brahmavihāraniddeso).

[26]- Đức Naarada. Ông Phạm Kim Khánh (d), Vi diệu pháp toát yếu.

[27]- Nidhāya, nghĩa đen là: để dành, cất giữ, giữ lại.

[28]- Sn, 66 – kinh dhammika (396).

[29]- Atts. Giải thích "con đường bất thiện nghiệp" (akusalakammapathakathā).

[30]- SnA, 128; trong Sn, 73.

[31]- Atts. Giải về phạm trú.

[32]- A.iv, 322, pháp 8 chi. Kinh Đầy đủ (sampadāsuttaṃ)

[33]- Phân tích luật tỳkhưu, phần Ưngđối trị (pācittiya).

[34]- M.ii.

[35]- Vsm. Chương Phạm trú (Brahmavihāra).

[36]- Vsm, chương IX, Mô tả Phạm trú (Brahmavihāraniddeso).

[37]- Dhp. Câu số18.

[38]- Ummagga nghĩa đen là: Đường hầm, đường quanh co, lạc đường. Nhưng ở đây dùng theo nghĩa bóng là “thâm sâu, lắt léo”.

[39] A. ii, 177, Pháp bốn chi, chương XIX, Kinh Thâm sâu (ummaggasuttaṃ).

[40]- Đại Đức Giác Giới, Tầm nguyên ngữ căn (kn)- LHNB.

[41]- Vsm. chương IX, Mô tả Phạm trú (brahmavihāraniddesa).

[42]- Vsm. Chương IX: Mô tả Phạm trú (brahmavihāraniddeso).

[43]- Khi có tùy hỷ thì không có ưu thọ, sự chán ghét dĩ nhiên cũng không sinh, nhưng rồi sự chán ghét sẽ sinh. Nên ở đây dùng "diệt trừ" chỉ cho chán ghét không còn sinh khởi trở lại. Và ārati (chán ghét) ở đây chỉ cho issā (ganh tỵ) – Ns.

[44]- A.i, 261. Pháp 3 chi, Phẩm Chánh Giác (Sambodhavaggo). HT. Thích Minh Châu (d), kinh Khóc than (Ruṇṇasuttaṃ).

[45]- Atts. Mô tả xoay quanh Pháp (dhammuddesavāro) – indriyarāsivaṇṇa (một số quyền tốt đẹp).

[46]- Ps. Chương luận về trí (ñāṇakathā).

[47]- Dhs. Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), Chương tâm sinh (1990), Thành hột Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr.42.

[48]- Atts. Kāmāvacarakusalaniddesavārakathā (Giải thích xoay quanh thiện dục giới).

[49]- Xem A.ii, 114 . Pháp bốn chi, kinh Gậy thúc ngựa (patodasuttaṃ )

[50]- A.ii, 139. Pháp bốn chi, Kinh Hào quang (obhāsasuttaṃ).

[51]- Sn.31. Kinh Ālavaka (Ālavakasuttaṃ)

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Phần I | Phần II | Thư mục Vi Diệu Pháp


Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006