BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode VU Times font |
Tâm Sở Vấn Đáp
Phần III - Tâm sở Tịnh hảo
(Sobhanacetasikā)
Tỳ
khưu Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu
Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli. |
[03] 7- Tâm sở Quân bình (tatramajjhattatā cetasika). 46-Hỏi: Hãy giải thích từ tatramajjhattatā? Đáp: Tatramajjhattatā khi phân tích thành : Tatra + majjhattatā. *- Tatra = tattha, là một tỉnh từ (adj) có ba nghĩa: 1- Tatra với ý nghĩa là "ở đó". Như: "Tatra kho Bhagavā bhikkhū āmantesi – bikkhavo’ti: "Chính tại nơi đó Đức Thế Tôn gọi các tỳkhưu rằng:Này các tỳkhưu". [1] Hoặc là: "Tatrāyaṃ vitthārakathā : Ở đây, theo câu chuyện chi tiết" [2] . 2- Tatra với nghĩa "điều này". Như: "Tatr’abhiratiṃ iccheyya: Hãy cầu vui Nípbàn" [3] . 3- Tatra dùng như một tiếp đầu ngữ (tatratatra), được xem như "khái quát hóa" với ý nghĩa là "bắt nguồn từ đây", như: "Tatrāyaṃ ādi bhāvati; idha paññassa bhikkhuno...: "Từ lợi ích tu tập ban đầu; ở đây, vị tỳkhưu có trí..." [4] . *- Majjhattatā = majjha + ttatā. - Majjha được dùng như một tính từ (adj) thì có nghĩa là "cân bằng". Majjhattatā là "trung trực, ngay thẳng, ở giữa". - Majjha được dùng như một danh từ thì có nghĩa là "chính giữa". Tatramajjhattatā là "không thiên vị, không thiên lệch". 47- Hỏi: Hãy giải thích tâm sở tatramajjhattatā (tâm sở quân bình)? Đáp: Tatramajjhattatācetasika được dịch là "tâm sở quân bình" hay "tâm sở hành xả". Đây là tâm sở làm cho các danh pháp đồng sinh với nó "ngang bằng với nhau", ví như người đánh xe song mã thiện xảo, y điều khiển hai con ngựa được huấn luyện thuần thục chạy song song với nhau. Tatra là "ở đó", là ở nơi đối tượng (ārammaṇa – cảnh) mà tâm nhận biết, còn majjhattatā là "ở khoảng giữa", nghĩa là không thiên lệch. Majjhattatā xem như là trọng tâm căn nhà, hay xem như đường phân giác của một góc... Đôi khi tâm sở quân bình được xem là upekkhā (xả) trong bốn tâm vô lượng là : Từ, bi, hỷ và xả. Trong tâm sở Vô lượng phần không Từ và Xả, vì tâm Từ xuất phát từ tâm sở vô sân, còn tâm Xả xuất phát từ tâm sở quân bình này. Có thể hiểu: Tâm sở vô sân như đứa bé còn non yếu, tâm Từ vô lượng (hay Từ phạm trú –mettābrahmavihāra) là đứa bé trưởng thành và Từ tâm giải thoát (mettāceto vimutti) ví như chàng trai đang độ tuổi sung mãn. Tương tự như thế với tâm sở quân bình, tức là tâm sở quân bình khi phát triển trở thành tâm Xả phạm trú, khi sung mãn trở thành Xả tâm giải thoát hoặc Xả giác chi (upekkhā bojjhaṅga). Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích tâm sở quân bình này như sau: "Tesu dhammesu majjhattatā tatramajjhattatā: Ngang bằng giữa các pháp, gọi là quân bình." [5] Các pháp cùng sinh với tâm sở quân bình có hai loại: Danh và sắc pháp. Ở đây chỉ cho danh pháp là tâm và tâm sở, vì tâm – tâm sở đồng sinh - đồng diệt với nhau. Còn sắc pháp có thể đồng sinh nhưng không đồng diệt hoặc đồng diệt nhưng không đồng sinh, đồng thời tâm sở quân bình không có khả năng làm cho sắc pháp ngang bằng nhau hoặc ngang bằng với tâm. 48- Hỏi: Hãy nêu ra và giải thích bốn đặc tính của tâm sở quân bình? Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở quân bình là: 1- Trạng thái:Làm cho tâm và các tâm sở ngang nhau (sā cittacetasikaanaṃ samavāhitalakkhaṇā). 2-Phận sự: Cản trở sự lui sụt (ūnādhikatānivāraṇarasā). Hay: "Ngăn chận sự biểu hiện khập khểnh" (pakkhapātupaccedanarasā). 3- Thành tựu: Tạo ra được sự quân bình (majjhattabhāvapaccupaṭṭhāṇā). 4- Nhân gần: Có pháp hòa hợp nhau (saṃyuttadhammapadaṭṭhāṇā). Giải: 1- "Làm cho tâm và các tâm sở ngang nhau". Tâm sở Quân bình làm cho các tâm sở ngang bằng nhau về sức mạnh. Chính tâm sở quân bình là tiêu chuẩn để làm cho các pháp ngang bằng nhau, tức là các pháp ngang bằng với tâm sở quân bình. 2.a- "Cản trở sự lui sụt". Là khi có tâm sở nào có sức mạnh kém hơn nó, nó sẽ nâng đở tâm sở ấy lên ngang hàng với nó. 2.b- "Ngăn chận sự biểu hiện khập khểnh". Sự khập khểnh có hai cách: Hoặc là một tâm sở vượt trội hoặc một tâm sở lui sụt. Đối với tâm sở đang lui sụt thì tâm sở quân bình nâng lên cho ngang hàng, đối với tâm sở đang vượt trội thì nó kéo lui trở lại. Ví như người đánh xe song mã thiện xảo, y điều khiển hai con ngựa được huấn luyện thuần thục chạy song song với nhau, đôi ngựa này có sức mạnh tương đương. Khi một con vượt lên thái quá, người đánh xe sẽ gì dây cương bên con ngựa ấy để kềm lại, khi một con ngựa có vẻ lui sụt, y thả lỏng dây cương bên con ngựa ấy để nó tiến lên. 3- "Tạo ra được sự quân bình". Nghĩa là tâm sở quân bình điều hành các pháp đồng sinh với nó đều ngang bằng nhau. Ví như người đánh xe điều khiển cặp ngựa được huấn luyện thuần thục chạy song song với nhau. Khi tâm cùng tâm sở có được sức mạnh như nhau, là khi tâm sở quân bình có sức mạnh tương đương với chúng. Như có trường hợp (thọ) hỷ quyền cường thịnh khiến tâm hưng phấn thì tâm sở quân bình làm cho tâm cùng hỷ quyền giảm sức mạnh. Như trường hợp của Ngài Bāhiya quá hoan hỷ khi gặp Đức Phật, thỉnh cầu Ngài nói pháp. Đức Thế Tôn từ chối ba lần, tâm hoan hỷ của Bāhiya chùn lại, đây là sự thành tựu của tâm sở quân bình. Đây là do tác động từ ngoại cảnh. Hoặc như Ngài Ānanda quá tinh tấn hành đạo suốt đêm nhưng không thể chứng quả Alahán. Khi mệt mỏi, Ngài khởi ý nghĩ ngơi chốc lát rồi tiếp tục hành pháp, khi đầu chưa chạm đất, chân vừa hỏng mặt đất; trong tư thế không phải ngồi cũng không phải nằm, các quyền đồng đẳng Ngài Ānanda chứng quả Alahán. Đây là do tác động từ nội cảnh. Như vậy, thành tựu của tâm sở quân bình là do tác động của cảnh. Có câu hỏi rằng: Pháp nào khiến cho tâm sở quân bình không thể hiển lộ sức mạnh để có được sự thành tựu là "tạo ra cách quân bình"? Đáp rằng: Chính là tâm sở tác ý (manasikāra), khi tâm chú ý đến cảnh quá mạnh khiến cho tâm sở quân bình không thể hiển lộ sức mạnh. 4- "Có pháp hòa hợp nhau". Là có tâm cùng tâm sở đồng sinh với tâm sở quân bình. 49- Hỏi: Tác dụng thành tựu của tâm sở quân bình ra sao? Đáp: Thành tựu của tâm sở Quân bình mang lại nhiều lợi ích bên trong là thành tựu các pháp thượng nhân như thiền định, thắng trí, tuệ quán và nhất là đắc được Nípbàn. Đối với những pháp bên ngoài với trạng thái quân bình tâm trong các cảnh trần với trí hiểu biết (vì tâm sở quân bình nếu đi chung với xả thọ lại vô trí thì dễ làm duyên cho si mê sinh khởi) làm duyên cho pháp quán vô thường sinh khởi. Lại nữa, chính vì trạng thái quân bình giữa tốt và xấu khiến pháp tri túc (santuṭṭhī) trong bốn món vật dụng sinh khởi. Đức Phật có tán thán Trưởng lão Mahākassapa như sau: "Santuṭṭhāyaṃ, bhikkhave, Kassapo itarītarena cīvarena, itarītaracīvarasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādi; na ca cīvarahetu anesanaṃ appatirūpaṃ āpajjati. Aladdhā ca cīvaraṃ na paritassati; laddhā ca cīvaraṃ agadhito amucchito anajjhāpanno ādīnavadassāvī nissaraṇapañño paribhuñjati. "Này các tỳkhưu, Kassapa tri túc với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh tri túc với bấc cứ loại y nào; không vì y làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được y, không có giao động; và nếu được y, vị này dùng y không tham đắm, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ. [6] Tương tự như thế với "vật thực, sàng tọa và thuốc trị bịnh". Tri túc trong bốn món vật dụng (y phục, vật thực, sàng tọa và thuốc trị bịnh) là truyền thống của bậc Thánh [7] . Và là "tài sản cao nhất". "Santuṭṭhī paramaṃ dhanaṃ : Tri túc là tài sản cao nhất" [8] . 50-Hỏi: Hãy giải thích từ Upekkhā (xả)? Đáp: Upekkhā = Upa+ căn ikkha. Căn IKKHA nghĩa là "thấy, nhìn". Tiếp đầu ngữ upa với nghĩa "gần, bên cạnh", như một người nhìn một vật bên cạnh sẽ không lưu ý đến những gì đang diễn ra ở bên cạnh, như một học sinh mãi miên man suy nghĩ không nghe lời giảng của thầy. Nhưng ở đây UPA không dùng với nghĩa này, vì khi ấy không phải là cảnh của upekkhā (xả). Upa với nghĩa là "vô tư" (upa = yuttito). Upekhā là "nhìn sự vật diễn tiến một cách vô tư". Ngài Buddhaghosa (Giác âm) có giải thích: "Upapattito ikkhatīti upekkhā: Nhìn sự việc diễn tiến một cách vô tư, gọi là xả" [9] . Hay: "Averā hontū" ti – ādibyāpārapahānena majjhattabhāvūpagamanena ca upekkhātīti upekkhā: "Nhìn vô tư, thản nhiên, không vướng mắc với khó chịu diễn ra bên ngoài (pāra), ngay cả ý nghĩ chúng sinh "đừng làm hại nhau" cũng không có, gọi là upekkhā (xả) [10] . Nhìn đối tượng một cách thản nhiên có hai loại : - "Thản nhiên không có trí". Đây là loại xả do ảnh hưởng của tâm sở si hay xả của những tâm vô tịnh hảo (asobhanacittaṃ). - "Thản nhiên với sự hiểu biết". Và tâm sở quân bình được nói đến trong ý nghĩa này, tức là tâm sở quân bình có trong những tâm tốt đẹp có trí (những tâm tịnh hảo hợp trí). 51- Hỏi: Có bao nhiêu loại xả (upekkhā)? Chi pháp của chúng là gì? Đáp: Có mười loại xả là: 1- Lục chi xả (chaḷaṅgupekkhā). 2-Xả phạm trú (brahmavihārupekkhā). 3- Xả giác chi (bojjhaṅgaupekkhā). 4- Cần xả (viriyupekkhā). 5- Hữu vi xả hay hành xả (saṅkhārupekkhā). 6- Thọ xả (vedanupekkhā). 7- Quán xả (vipassanupekkhā). 8- Quân bình xả (tatramajjhattatupekkhā). 9- Thiền xả (jhānupekkhā). 10- Tịnh xả (pārisuddhupekkhā). Giải: 1- "Lục chi xả". Là quân bình tâm trước sáu trần cảnh, không thích thú đối với cảnh khả ái đáng hài lòng, cũng không chán ghét khó chịu đối với cảnh xấu. Như kinh văn: Idha bhikkhave, bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati sato sampajāno. Sotena saddaṃ sutvā.... ghānena gandhaṃ ghāyitvā... jīvhāna raṃsāyitvā... kāyena photthabbaṃ phusitvā.... Manasā dhammaṃ viññā neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati sato sampajāno. "Ở đây, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu khi mắt thấy sắc không có ưa thích (sumano), không ghét bỏ (dummano), trú xả với niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi mùi... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... Khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả với niệm tỉnh giác [11] . Chi pháp là tâm sở quân bình (tatramajjhattatā cetasika). 2- "Xả phạm trú". Là cách nhìn "mọi chúng sinh đều bình đẳng". Như kinh văn: "Vị ấy trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả" [12] . Đối tượng của xả phạm trú là chúng sinh. Chi pháp là tâm sở quân bình. 3- "Xả giác chi". Là một chi phần dẫn đến giác ngộ chứng đắc Nípbàn. Xả giác chi là trạng thái làm quân bình các pháp đồng sinh, không cho giác chi nào vượt trội hay lui sụt. Chi pháp là tâm sở quânbình. 4- "Cần xả". Là quân bình trong sự tinh tấn, không quá nổ lực cũng không rơi vào biếng nhác, như dây đàn không quá căng sẽ dễ đứt, cũng không quá dùn khiến âm thanh không diễn đạt đúng âm điệu. Hoặc cần xả là: "Tinh tấn làm quân bình các pháp được ngang bằng với nhau", như kinh văn: ""Sace, bhikkhave, adhicittamanuyutto bhikkhu ekantaṃ samādhinimittaṃyeva manasi kareyya, ṭhānaṃ taṃ cittaṃ kosajjāya saṃvatteyya". "Tỳkhưu siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳkhưu, nếu một chiều (ekantaṃ), tác ý đến tướng định thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động (kosajjā). "Sace, bhikkhave, adhicittamanuyutto bhikkhu ekantaṃ paggahanimittaṃyeva manasi kareyya, ṭhānaṃ taṃ cittaṃ uddhaccāya saṃvatteyya". "Tỳkhưu siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳkhưu, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến phóng dật (uddhacca)". "Sace, bhikkhave, adhicittamanuyutto bhikkhu ekantaṃ upekkhānimittaṃyeva manasi kareyya, ṭhānaṃ taṃ cittaṃ na sammā samādhineyya āsavānaṃ khāyāya". "Tỳkhưu siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỳkhưu, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chân chánh định tỉnh (sammā samādhi)" Và Đức Phật dạy: Yato ca kho, bhikkhave, adhicittamanuyutto bhikkhu kālena kālaṃ samādhinimittaṃma nasi karoti, kālena kālaṃ paggahanimittaṃ manasi karoti, kālena kālaṃ upekkhānimittaṃ manasi karoti. Taṃ hoti cittaṃ muduñca kammaniyañca pabhassarañca, na ca pabhaṅgu, sammā samādhiyati āsavānaṃ khāyāya". "Nhưng nếu tỳkhưu siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳkhưu, nếu thỉnh oảng tác ý đến tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả. Tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, dễ sử dụng (kammaniya), chói sáng, không bị bể vụn, chân chánh định tỉnh để đoạn tận các lậu hoặc. [13] . Chi pháp của cần xả là tâm sở tinh tấn. 5- "Hành xả hay hữu vi xả (saṅkhārupekkhā)". Là bình thản nhìn các pháp hữu vi hiển lộ tam tướng: Vô thường, khổ, vô ngã. Chi pháp là tâm sở trí. Hoặc là: Khi thấy được ba tướng của danh sắc, hành giả quân bình tâm, không cho rơi vào thích thú cũng không cho rơi vào sợ hãi hay phiền muộn. Chi pháp là tâm sở quân bình. Hành xả có hai loại: - Hành xả bên ngoài: Là nhìn danh sắc hữu vi bên ngoài thân sinh diệt một cách vô tư. - Hành xả bên trong: Là quán xét tam tướng của pháp hữu vi nội thân với tính cách vô tư, như kinh văn: "Ajjhattaṃ rūpa-saññī eko bahidhā rupānī passati parittāni suvaṇṇa-dubaṇṇāni. Tưởng nội sắc thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp xấu" [14] . Lại nữa, hành xả có hai loại: - "Hành xả trong thiền chỉ (samathajhāna). Là quân bình tâm và tâm sở trong tám thiền chứng (từ Sơ định cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ). Chi pháp là tâm sở quân bình. Hành xả trong thiền chỉ có 8 loại (là tính theo 8 tầng thiền chứng). - "Hành xả trong thiền quán (vipassanājhāna)", có 10 loại: Là quân bình tâm cùng các tâm sở trong 10 trí minh sát. Mười trí minh sát (vipassanāñāṇa) là: 1’- Quán sát trí (sammasañāṇa). Là trí thấy được ba tướng: Vô thường, khổ, vô ngã của các pháp hữu vi. Hành giả bám sát (samnasa) vào một trong ba tướng này để tiến tu, làm tăng trưởng trí quán. 2’- Sinh diệt trí (udayabhayañāṇa). Là trí thấy rõ pháp hữu vi sinh diệt nhanh chóng. 3’- Hoại trí (bhaṅgañāṇa). Là trí chỉ thấy tướng diệt của pháp hữu vi. 4’- Sợ hãi trí (bhayañāṇa). Là thấy các pháp hữu vi diệt nhanh chóng nên có trạng thái kinh sợ. 5’- Nguy hại trí (ādīnavañāṇa). Là trí thấy tội lỗi của pháp hữu vi. 6’-Nhàm chán trí (nibbidāñāṇa). Là trí nhàm chán các pháp hữu vi. 7’- Trí muốn thoát ra (muñcitukamyatāñāṇa). Là trí muốn thoát ra khỏi pháp hữu vi. 8’- Quyết ly trí (paṭisaṅkhāñāṇa). Là trí sau khi phân tích rõ lợi - hại của pháp hữu vi, thấy các pháp hữu vi nhiều tai hại hơn là lợi ích, nên cương quyết tìm biện pháp để thoát ra. Ví như người bị kẻ thù bao vây, quyết định thoát ra vòng vây và tìm phương án thoát ra (chữ paṭi nghĩa là "chống lại"). 9’- Hành xả trí (saṅkhārupekkhāñāṇa). Là trí làm quân bình các danh pháp hữu vi. 10’- Thuận thứ trí (anulomañāṇa). Là trí thuận theo hữu vi lẫn vô vi. Chi pháp của mười loại trí này đều là tâm sở trí. 6- "Thọ xả (vedanupekkhā)". Là nhận lãnh đối tượng một cách thản nhiên. Chi pháp là tâm sở Thọ. 7- "Quán xả (vipassanāupekkhā)". Là trí quán thấy được tam tướng các pháp hữu vi, vị ấy nhìn tam tướng một cách vô tư. Chi pháp là tâm sở trí. 8- "Quân bình xả (tatramajjhattatā-upekkhā)". Là cách làm cho các danh pháp hữu vi đồng sanh được quân bình. Chi pháp là tâm sở Quân bình. 9- "Thiền xả (jhānupekkhā)". Là lìa bỏ chi hỷ của Nhị thiền để chứng Tam thiền, hoặc lìa bỏ chi lạc của Tam thiền (thiền bốn bậc) để trú xả (upekkhā vihārati), tức là chi Xả của Tứ thiền, như kinh văn: "... pītiya ca virāgā upekkhā ca viharāma satā ca sampayānā, sukhañca kaayena paṭisaṃvedema yantaṃ ariyā ācikkhanti; upekhato satimā sukhāvihārīti tatiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharāma. ... Ly hỷ trú xả, niệm - tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba". Và: "...Sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubbe va somanassadomanssānaṃ atthagamā adukkhaṃ asukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharāma. "... Xả khổ, xả lạc, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh [15] . Chữ xả (upekkhā) trong hai đoạn kinh văn trên chỉ cho thiền xả, chi pháp đều là tâm sở quân bình, chỉ có điều khác biệt là xả trong Tam thiền chưa thành chi thiền, còn xả trong Tứ thiền đã thành chi thiền. 10- "Tịnh xả (parisuddhupekkhā)". Là lặng yên các pháp ràng buộc (palibodha). Chi pháp là tâm sở Tịnh thân (kāyapassadhi). 52- Hỏi: Thế nào là Xả phạm trú (upekkhābrahmavihāra)? Đáp: Xả phạm trú là một tâm cao nhất trong bốn tâm: Từ - Bi - Hỷ - Xả. Gọi là phạm trú (brahmavihāra) với ý nghĩa là "chỗ trú tốt nhất" (seṭṭhaṭṭhāna), là chỗ "trau dồi không khó chịu được lâu dài ( tāya niddosabhāvena)". Gọi là "nơi trú tốt nhất". Vì đó là nơi làm tăng trưởng điều chân chánh (sammāpaṭipattibhāvena) đối với mọi chúng sinh. Chư Phạm thiên sống bằng những tâm tốt đẹp này, hành giả tu tập thành tựu một trong bốn loại tâm này, xem như ngang hàng với Phạm thiên, nên gọi là Phạm trú. Xả phạm trú là cách nhìn chúng sinh đều bình đẳng với nhau, không thương cũng không ghét, không khinh miệt cũng không trân trọng. Xả phạm trú có ưu điểm là "thoát ra tham ái lẫn ác cảm", nhược điểm của tâm Xả tâm là "dễ rơi vào sự lãnh đạm, thờ ơ". Vì tâm Xả và xả vô tri (aññāṇupekkhā) có chung đặc tính "không phân biệt tốt hay xấu" (xả vô tri chi pháp là thọ xả). Xả vô tri là loại xả của phàm nhân bị si mê dẫn dắt, họ không thể chế ngự bản chất kém cỏi nơi nội tâm. Xả vô tri là loại xả không thể vượt khỏi vật chất, gọi là xả liên hệ tại gia (upekkhā gehasita) [16] , như kinh văn: "Cakkhunā rūpaṃ disvā uppajjati upekkhā bālassa mūḷhassa puthujjanassa anodhsijinassa avipākajinassa anādīnavadassāvino assutavato puthujjanassa. Yā evarūpā upekkhā, rūpaṃ sā nātivattati. Tasmā sā upekkhā ‘gehasitā’ti vuccati. - "Phàm phu là người ngu si, ám độn, khi thấy sắc với con mắt, xả khởi lên nơi kẻ một vô văn phàm phu ấy, (kẻ ấy) không chinh phục được (phiền não), không chinh phục được quả dị thục, không thấy sự nguy hiểm. Loại xả như vậy không vượt khỏi sắc pháp. Do vậy, đây được gọi là xả liên hệ tại gia" [17] . Như vậy "xả vô tri" (hay xả liên hệ tại gia) có sáu loại là: Xả liên hệ đến sắc, xả liên hệ đến thinh, xả liên hệ đến mùi, xả liên hệ đến vị, xả liên hệ đến xúc, xả liên hệ đến pháp. Bốn đặc tính của Xả phạm trú là: 1- Trạng thái: Phát triển tính cách quân bình giữa các chúng sinh hữu tình (sattesu majjhattākārappavattilakkhaṇā). 2- Phận sự: Thấy được sự bình đẳng giữa các chúng sinh (sattesu samabhāva dassanarasā). 3- Thành tựu: Thoát ra khỏi thân hay thù (paṭighānunavayavūpasama paccupaṭṭhāṇā). 4- Nhân gần: Thấy chúng sinh là người thừa tự của nghiệp đang diễn tiến (pavattakammassa kālādassanapadaṭṭhāṇā). Giải: 1- "Phát triển tính cách quân bình giữa các chúng sinh". Là thấy chúng sinh chỉ là danh sắc hay năm uẩn đang hiện hữu. Danh sắc dù tốt hay xấu, chung quy cũng là giả hợp rồi tan biến nhanh. Người, chư thiên hay súc sinh, ngạ quỷ (peta) chung quy chỉ là danh sắc. Người hay chư thiên có thể chuyển kiếp trở thành chúng sinh hạ đẳng như súc sinh, ngạ quỷ; chúng sinh hạ đẳng cũng có thể chuyển kiếp trở thành người hay chư thiên ... cho dù thời gian một kiếp sống chư thiên hay Phạm thiên có thể dài bao lâu chăng nữa nhưng so với thời gian của luân hồi thì chẳng đáng là bao. Lại nữa, chính dòng luân hồi đã xáo trộn để thay đổi vị trí lẫn nhau, trong hiện kiếp có thể là xa lạ nhưng trong quá khứ từng là thân bằng quyến thuộc với nhau. Hay trong quá khứ từng là cha mẹ nay là thân súc sinh xa lạ, như trưởng giả Subha Todeyya (cha) sau khi chết tái sinh làm chó trong nhà để giữ 4 hầm tài sản [18] .... Đức Phật có dạy: "Na so, bhikkhave, satto sulabharūpo yo nāmamātābhūtapubbo iminā dīghena addhunā.... napitābhūtapubbo ... nabhātābhūtapubbo... nabhaginibhūtapubbo... naputtabhūtapubbo. "Này các tỳkhưu, thật không dễ gì tìm được một chúng sinh, trong thời gian dài này, lại không một lần đã làm mẹ, ... không một lần đã làm cha ... không một lần đã làm anh... không một lần đã làm chị... không một lần đã làm con trai.." [19] . Hoặc suy nghĩa "chính người ấy khi hành thiện là danh sắc khác, khi hành ác lại là danh sắc khác".... Do suy nghĩ như thế, nên luôn giữ trạng thái quân bình không nghiêng về danh sắc này hay nghiêng về danh sắc kia. Đây là trạng thái của tâm Xả. 2- "Thấy được sự bình đẳng giữa các chúng sinh". Là phá vỡ hàng rào giai cấp qua tính chất của nghiệp, như người nô lệ hay vị vua khi tạo thiện nghiệp thì cả hai đều thọ lãnh quả của nghiệp ấy như nhau, không phải Đức vua được sinh về cõi trời, còn kẻ nô lệ thì không ... Hoặc nếu cả hai cùng tạo ác nghiệp thì cả hai cùng nhận lãnh ác quả như nhau, không phải kẻ nô lệ phải nhận ác quả, còn Đức vua thì không. 3- "Thoát khỏi thân hay thù". Vì nhìn thấy danh sắc đang diễn tiến, danh sắc ấy diệt nhanh chóng, nên đối với người có tâm cung kỉnh với mình, không vì đó mà vui thích. Ngược lại, đối với người làm hại, bất kính... với mình, cũng không vì đó mà khó chịu, sinh ác cảm. Như kinh văn: "So kho ahaṃ Sāriputta susāne seyyaṃ kappemi chavaṭṭhikāni upadhāya. Apissu maṃ Sāriputta gomaṇḍalā upasaṅkamitvā oṭṭhubhanti pi omuttenti pi, paṃsukena okiranti pi, kaṇṇasotesu pi salākaṃ pavesenti. Na kho panāhaṃ Sāriputta abhijānāmi tesu pāpakaṃ cittaṃ uppādetā. Idaṃ su me Sāriputta upekhāvihārasmiṃ hoti. -Này Sāriputta, Ta nằm ngủ trong bãi tha ma, dựa trên một bộ xương. Này Sāriputta những đứa mục đồng đến gần Ta, nhổ trên Ta, đái trên Ta, rắc bụi trên Ta và lấy que đâm vào lổ tai Ta. Này Sāriputta, và Ta biết Ta không khởi ác tâm đối với chúng. Này Sāriputta, đây là hạnh trú xả của Ta". [20] 4- "Thấy chúng sinh là người thừa tự của nghiệp". Là suy gẫm đến quả dị thục đang hiện bày, quả này đã phân biệt chúng sinh có tốt, có xấu... [21] . Với chúng sinh đang hưởng quả vui an lạc của thiện nghiệp sẽ nghĩ rằng: "Đây là quả an lạc của họ, ta chẳng có cách nào để làm tăng trưởng thêm sự an lạc của họ" nên quân bình trong sự thích thú. Với chúng sinh đang nhận quả đau khổ của ác nghiệp, sẽ nghĩ rằng "đây là quả khổ của ác nghiệp, ta chẳng có cách gì giúp họ thoát ra", nên không buồn khổ. Như Đức Phật thấy rõ ác nghiệt sát cá trong quá khứ của dòng Thích ca đến hồi trả quả, sau khi ngăn cản ba lần, Ngài không còn ngăn cản vua Vidūdabha (Lưu ly) nữa. [22] *
8-Tâm sở Tịnh thân (kāyapassaddhi cetasika) 53- Hỏi: Thế nào là tâm sở kāyapassadhi (tịnh thân)? Tâm sở cittapassadhi (tịnh tâm)? Đáp: Passaddhi được dịch là "an tịnh" [23] hay "khinh an, trầm tỉnh". Kāyapassadhi là "thân an tịnh" hay "tịnh thân", còn cittapassadhi là "tâm an tịnh" hay "tịnh tâm". Ngài Budhdaghosa có giải thích trong sách Thanh tịnh đạo [24] như sau: "Kāyassa passambhanaṃ kāyapassaddhi: Thân an tịnh, gọi là tịnh thân. Cittassa passambhanaṃ cittapassaddhi: Tâm an tịnh, gọi là tịnh tâm. Hai tâm sở này có chung đặc tính là "làm yên lặng", một tâm sở làm yên lặng các tâm sở khác được gọi là tịnh thân, một tâm sở làm yên lặng tâm được gọi là tịnh tâm. Ví như cha và các người con đang bất hòa, có hai người đi đến, một người khuyên giải những người con; người kia khuyên giải người cha. Cả hai đều làm cho sự bất hòa trở nên yên lặng. Kāyapassaddhi = kāya + passaddhi. *- Kāya từ căn CI nghĩa là "tích lũy, xây dựng" [25] , như căn CI + nā = cināti hay cinoti nghĩa là "chất thành đống, gom lại, xây dựng". Kāya theo nghĩa đen là "nhóm, khối, đống", như mahājana kāya: Nhóm người, đám đông" [26] . Hoặc: "Sattime kāyā akaṭā akaṭavidhā...: Có 7 nhóm không tạo tác, không bị tạo tác..." [27] . Đây là chủ thuyết của ngoại đạo sư Pakudha Kaccāyana, chủ thuyết này cho rằng: Có 7 nhóm là : Đất, nước, lửa gió, khổ, lạc và mạng (jīva) luôn thường hằng. Kāya theo nghĩa ứng dụng: a- Là nhóm, khối thuộc vật chất (sắc pháp), như 32 thể trược... khi gom gọn lại thì có bốn thành phần cơ bản là đất, nước, lửa, gió. Vì các sắc pháp khác sinh lên cũng nương từ bốn khối này. Như vậy, kāya ở đây chỉ cho thân tứ đại. b- Là nhóm, khối thuộc tinh thần (danh pháp), đó là các uẩn (khandha). Và kāya ở đây chỉ cho ba danh uẩn là thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn. Nói cách khác kāya ở đây chỉ cho các tâm sở. Như từ ngữ kāyasakkhī (bậc Thân chứng), chỉ cho vị hành giả chứng đạt được từ Sơ định cho đến Diệt thọ tưởng định. Kinh văn có ghi: "Kāyasakkhī, kāyasakkhī’ti, āvuso vuccati. Kittāvatā nu kho, āvuso, kāyasakkhī vutto bhagavatā’ti? "Idhāvuso, bhikkhu vivicceva kāmehi...pe... pathamaṃ jhānaṃ upasampacca viharati...". "Này hiền giả, thân chứng, thân chứng, được nói đến. Như vậy, cho đến khi nào, này hiền giả, thân chứng được Đức Thế Tôn nói đến? - Ở đây, này hiền giả, vị tỳkhưu ly dục... chứng và trú Sơ thiền...." [28] . Hoặc là: Sakkāya samudaya: Có thân tập khởi" [29] . Và thân tập khởi ở đây chỉ cho ái (taṅhā). Kāya trong kāyapassadhi chi cho các tâm sở đồng sinh với nó, còn citta chỉ cho tâm. Sách Atthasālinī có giải thích kāya (thân) trong kāyapassaddhi như sau: "Kāyapassaddhiniddesādīsu yasmā kāyoti tayo khandhā adhippetā, tasmā vedanākkhandhassāti – ādi vuttaṃ: "Tịnh thân được mô tả ở trên, kāya (thân) ở đây là chú ý đến ba uẩn, trước tiên là thọ uẩn". [30] *- Passadhi = pa + căn sambh. Pa là "cùng khắp, trọn vẹn" (pa = pari); căn sambh là "yên tỉnh, thư thái", passaddhi nghĩa là "tỉnh lặng, an tịnh". Như kinh văn: Passaddhi, passaddhi, āvuso, vuccati... An tịnh, an tịnh, được nói đến như vậy..." [31] Hai tâm sở tịnh thân và tịnh tâm được ví như bóng mát của tàn cây cổ thụ, người đi đường bị nóng bức, mệt mỏi, đến ngồi nghỉ dưới tàn cây cảm thấy thư thái, tiêu trừ hết những mệt mỏi. Hoặc ví như nước có nhiều cặn bả, nước bị khuấy động thì chất cặn khởi lên, khi nước yên lặng chất cặn chìm xuống đáy. Do tính chất này, nên hai tâm sở tịnh thân và tịnh tâm này là pháp đối trị với phóng dật (uddhacca). Khi passadhi được tu tập làm cho sung mãn sẽ trở thành Tịnh giác chi (passadhibojjhaṅga). An tịnh (passaddhi) thường kết hợp với "hân hoan (pāmujja)" và hỷ (pīti). Sách Atthasālinī có giải thích passaddhi như sau: "Samassāsappattāti passaddhi: Cách yên lặng được tăng trưởng (như dây leo), là an tịnh.(sđd). Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có giải thích về kāyapassaddhi (tịnh thân) và cittapassaddhi (tịnh tâm) như sau: Katamā tasmiṃ samaye kāyapassaddhi hoti? - Thế nào là tịnh thân trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññakkhandhassa saṅkhārakkhandhassa passaddhi paṭipassaddhi passambhanā paṭipassambhanā paṭipassambhitattaṃ. Ayaṃ tasmiṃ samaye kāyapassaddhi hoti. - Trong khi ấy, pháp là sự yên lặng, tỉnh lặng, lắng dịu, an tịnh, trạng thái an tịnh của thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Đây là tịnh thân trong khi ấy. Katamā tasmiṃ samaye cittapassaddhi hoti? - Thế nào là tịnh tâm trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa passaddhi paṭipassaddhi passambhanā paṭipassambhanā paṭipassambhitattaṃ. Ayaṃ tasmiṃ samaye cittapassaddhi hoti. Trong khi ấy, pháp là sự yên lặng, tỉnh lặng, lắng dịu, an tịnh, trạng thái an tịnh của thức uẩn. Đây là tịnh tâm trong khi ấy. [32] . Trong sáu cặp tâm sở thân – tâm (kāya - citta) thì kāya chỉ cho ba uẩn : Thọ- tưởng và hành uẩn, còn citta chỉ cho thức uẩn. Theo đoạn kinh văn của bộ Pháp Tụ, chúng ta thấy passaddhi (tịnh an) có nhiều cấp độ như : Yên lặng (passaddhi), tỉnh lặng (paṭipassaddhi), lắng dịu (passambhanā), an tịnh (paṭipassambhanā), trạng thái an tịnh (paṭipassambhitattaṃ). -Tỉnh lặng (paṭipassaddhi). Là sự an tịnh được gia tăng nhờ có giới từ paṭi, đó là thái độ trầm tỉnh trước sự khổ . Như hành giả hành thiền quán thấy được tướng khổ của pháp hữu vi, tâm trầm tỉnh trước sự diễn biến của khổ. - Lắng dịu (passambhanā). Là làm cho sự khổ lắng xuống nhờ sự tỉnh lặng, ví như những cặn bả đã lắng xuống đáy ly. Sách Atthasālinī có giải thích: "Passambhanāti passambhanākāro: Làm cho yên tịnh, là lắng dịu (passambhanā)."(sđd) - Thanh tịnh (paṭipassambhanā). Là sự lắng dịu được gia tăng nhờ giới từ paṭi, khiến cho tâm và các tâm sở được trong sạch trong trạnh thái yên lặng. Ví như cặn bả đã lắng đọng xuống đáy ly, chất nước trong sạch ấy được dời sang qua ly trong sạch khác và để lắng yên. -Trạng thái thanh tịnh (paṭipassambhitattaṃ). Sách Atthasālinī có giải thích: "Passaddhisamaṅgitāya paṭippassambhitassa khandhattayassa bhāvo paṭippassambhittaṃ: "Thực trạng thanh tịnh nơi ba uẩn [33] , hướng về thanh tịnh, là trạng thái thanh tịnh."(sđd) Sự thanh tịnh được tăng cường bằng tiếp đầu ngữ paṭi, mang ý nghĩa "làm cho sự thanh tịnh" trở nên tuyệt đối. Ví như nước trong sạch không còn cặn bả, nhưng còn vướng mùi hay vị của cặn bả, nước ấy được thanh lọc để không còn mùi hay vị của chất bẩn nữa, nước ấy trong sạch hoàn toàn. Như kinh văn: "... Santi adhicittamanuyuttassa bhikkhuno sukhumasahagatā upakkilesā ñātivitakko janapadavitakko anavaññattipaṭisaṃyutto vitakko. "... Tỳkhưu tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử tế nhị, như suy nghĩ về quyến thuộc (ñāti – vittakko), suy nghĩ về quốc độ, suy nghĩ đến "không bị khinh thường (anavaññatti)". Tamenaṃ sacetaso bhikkhu dabbajātiko pajahati vinodeti byantīkaroti anabhāvaṃ gameti". Tỳ khưu có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi" [34] . 54- Hỏi: Có bao nhiêu loại được yên lặng do tâm sở tịnh an (passaddhi) thực hiện?. Đáp: Có sáu loại được tịnh an làm cho yên lặng là: 1- Lời nói (vācā) được yên lặng. 2- Tầm - tứ (vitakka – vicāra) được yên lặng. 3- Hỷ (pīti) được yên lặng. 4- Hơi thở ra – vào ( assāsa – passāsā) được yên lặng . 5- Thọ - tưởng (vedanā – saññā) được yên lặng. 6- Các phiền não như tham, sân, si được yên lặng. Trong sáu loại này, có loại thì tâm sở Tịnh an áp chế, có loại thì tâm sở Tịnh an trừ tuyệt. - Loại do tâm sở tịnh an áp chế. Là "tầm, tứ, hỷ, hơi thở, thọ, tưởng", nói rõ hơn "ám chỉ tâm sở tịnh an trong thiền chỉ". -Loại do tâm sở tịnh an trừ tuyệt. Là tham, sân, si và các loại phiền não. Trong cách trừ tuyệt thì có cách trừ từng phần, có cách dứt tuyệt. Như vị Dự lưu đã trừ tuyệt phiền não kiến – nghi, nhưng tham – sân – si thì chỉ trừ tuyệt từng phần, những tham sân si sân nào dẫn xuống khổ cảnh thì vị Thánh Dự lưu dứt tuyệt, nhưng vị ấy vẫn còn tham sân trong dục giới. Vị Alahán thì dứt tuyệt trọn vẹn tham, sân, si. Giải: 1- "Lời nói được yên lặng". Là vị tỳkhưu chứng và trú trong thiền tịnh, những âm thanh ồn ào, náo động là chướng ngại cho thiền giả ấy. Do vậy, các Ngài tìm nơi thanh vắng để trú ngụ. Có lần Đức Thế Tôn ngụ tại Vesāli nơi Đại Lâm (mahāvana) cùng với chư Trưởng lão danh tiếng như Tôn giả Cāla, Tôn giả Upacāla, Tôn giả Kakkata... Bấy giờ có những người Licchavī danh tiếng, đi vào Đại lâm để yết kiến D9ức Thế Tôn. Những người này to tiếng, cao giọng với nhau, các trưởng lão cảm thấy chướng ngại cho sự yên tỉnh của mình, các Ngài suy nghĩ : "Đức Thế Tôn có dạy : Tiếng ồn ào là cây gai của thiền (saddaṃ kaṇṭakā kho pana jhānā)". Nên các Ngài bỏ Đại lâm đi đến rừng Sừng bò (Gosiṅgavana) trú dưới những cội cây Sālā. [35] . 2- "Tầm- tứ được yên lặng". Là vị chứng và trú Nhị thiền (thiền bốn bậc). 3- "Hỷ được yên lặng". Là vị chứng và trú Tam thiền (thiền bốn bậc). 4- "Hơi thở ra vào được yên lặng". Là vị chứng và trú Tứ thiền (thiền bốn bậc). 5- "Thọ - tưởng được yên lặng". Là vị chứng và trú Diệt thọ tưởng định. 6- "Phiền não yên lặng". Là bậc Thánh, nhất là Alahán. Sau đây là bài kinh dẫn chứng: "Chayimā, bhikkhu, passaddhiyo, pathamaṃ jhānaṃ samāpannassa vācā paṭipassaddhā honti. "Này các tỳkhưu, có sáu yên lặng này. Khi chứng Sơ thiền, lời nói được yên lặng [36] . Dutiyaṃ jhānaṃ samāpannassa vitakkavicārā paṭipassaddhā honti. Khi chứng Nhị thiền, tầm- tứ được yên lặng. Tatiyaṃ jhānaṃ samāpannassa pīti paṭipassaddhā honti. Khi chứng Tam thiền, hỷ được yên lặng. Catutthaṃ jhānaṃ samāpanassa assāsapassāsā paṭipassaddhā honti. Khi chứng Tứ thiền, hơi thở ra - vào được yên lặng. Saññāvedayitanirodhaṃ samāpannassa saññā ca vedanā ca paṭipassaddhā honti. Khi chứng Diệt thọ tưởng định, thọ và tưởng được yên lặng. Khīṇāsavassa bhikkhuno rāgo paṭipassaddho hoti, dosso paṭipassaddho hoti, moho paṭipassaddho hoti. Đối với tỳkhưu đoạn tận các lậu hoặc, tham được yên lặng, sân được yên lặng, si được yên lặng" [37] . Bản kinh có nêu: "Vị chứng được Không vô biên xứ định làm yên lặng được sắc tưởng, vị chứng được Thức vô biên xứ định là yên lặng được Không vô biên xứ tưởng, vị chứng được Vô sở hữu định làm yên lặng được Thức vô biên xứ tưởng, vị chứng được Phi tưởng phi phi tưởng định làm yên lặng được Vô sở hữu tưởng", nhưng nên hiểu là: Tưởng chưa yên lặng, vì khi ấy hành giả chỉ thay đổi đề mục mà thôi. Ví như người chuyển nước từ bình sang ly, khi nước trong bình thì gọi là bình nước, nước trong ly gọi là ly nước, chất nước không thay đổi. Chỉ khi nào an trú vào Diệt thọ tưởng, bấy giờ thọ và tưởng mới yên lặng, ví như nước trong bình hay trong ly khô cạn. 55-Hỏi: Duyên cận (upanisa) cho tâm sở tịnh an tăng trưởng vững mạnh là gì? tịnh an làm tăng trưởng vững mạnh cho pháp chi? Đáp: Duyên thân cận giúp cho tịnh an tăng trưởng vững mạnh là pháp hỷ (pīti). Như Kinh văn: "Kā ca bhikkhave, passaddhiyā upanisā? Pītī’tissa vacananīyaṃ: "Và này chư tỳkhưu, duyên cận của tịnh an là gì? Hỷ là câu trả lời." Tịnh an giúp cho lạc được tăng trưởng vững mạnh. Như Kinh văn: Kā ca bhikkhave, sukhassa upanisā? Passaddhī’tissa vacanīyaṃ. " Và này, các tỳkhưu, duyên cận của lạc là gì? Tịnh an là câu trả lời" [38] . Hay : "Tassa abyāsittacittassa pāmojjaṃ jāyati. Pamuditassa pīti jāyati. Pītimanassa kāyo passambhati. Passaddhakāyo sukhaṃ viharati". "Với người có tâm không bị nhiễm ô nên hân hoan (pāmojjaṃ) sinh. Do có hân hoan nên hỷ sinh. Do có tâm hỷ nên thân an tịnh. Do có thân an tịnh nên an trú trong lạc" [39] . 54-Hỏi: Những tâm tịnh hảo xả thọ không có hỷ (pīti), vì sao lại có tâm sở tịnh an? Đáp: Tịnh an có trong các tâm tịnh hảo xả thọ, vì tịnh an là tâm sở tịnh hảo biến hành. Mặt khác, khi nói "hỷ là duyên cận cho Tịnh an tăng trưởng vững mạnh" là nói vào thời điểm tâm sở tịnh an còn yếu, khi tâm sở Tịnh an được vững mạnh rồi thì không cần có hỷ trợ giúp, ví như đứa bé đi chưa vững cần phải nương vào vật vịn, khi đã đi vững rồi không còn nương vào vật vịn nữa. Điều này rất rõ ràng khi nhận thấy "trạng thái an tịnh của tam thiền hơn hẳn trạng thái an tịnh của nhị thiền" (có tâm sở tịnh an), nhưng tam thiền không có hỷ. Trạng thái Tứ thiền càng an tịnh hơn trạng thái Tam thiền. Lại nữa, hỷ chỉ là duyên trợ giúp cho tâm sở tịnh an vững mạnh, ví như vật thực nhiều dưỡng tố nuôi dưỡng trẻ thơ, giúp đứa bé khỏe mạnh. Còn nhân sinh cho tâm sở tịnh an lại là pháp khác. Khi phân tích các tâm tịnh hảo xả thọ, chúng ta thấy rằng: Có hai loại tâm tịnh hảo xả thọ là: Tâm tịnh hảo xả thọ không thiền (na jhānacittaṃ), tâm tịnh hảo xả thọ có thiền (sajhānacittaṃ) a- Đối với tâm tịnh hảo xả thọ hữu thiền. Kể từ Sơ thiền nhị thiền (thiền 4 bậc) bấy giờ vẫn có hân hoan, vì duyên cận cho hỷ chính là hân hoan. Đến Tam thiền (thiền 4 bậc), tuy không có Hỷ nhưng sự yên lặng vẫn có, tức là lúc bấy giờ tâm sở tịnh an đã vững mạnh, và chính tâm sở tịnh an trợ giúp cho Lạc (sukha) được sung mãn (Tam thiền còn hai chi thiền là lạc và định). b- Đối với tâm tịnh hảo xả thọ không thiền. Đây là những tâm tịnh hảo xả thọ Dục giới. Sở dĩ những tâm này không có hỷ là do "quá quen thuộc với cảnh", khi lần đầu nhận cảnh thì hỷ sinh khởi, về sau chuyển sang xả thọ, nhưng tâm an tịnh vẫn có. Khi có tâm an tịnh tức là có thân an tịnh (kāyapassaddhi), như vậy "khinh an vẫn có". Như người mới thọ Quy - giới lần đầu rất hoan hỷ, về sau khi thọ trì Tam quy và ngủ giới có trạng thái thản nhiên (xả thọ) mặc dù người ấy rất chú tâm. 55-Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở tịnh an? Đáp: Tâm sở Tịnh an có bốn đặc tính là: 1- Trạng thái: Tâm - tâm sở yên lặng, thoát ra hay giảm bớt khổ (kāyacittadarathavūpasamalakkhaṇā). 2- Phận sự: Tâm - tâm sở yên lặng, không còn giao động (kāyacittadarathanimadaddanarasā). 3- Thành tựu: Tâm – tâm sở yên tỉnh mát dịu (kāyacittānaṃ aparipphandanasītibhāvapaccupaṭṭhānā). 4- Nhân cận: Có tâm – tâm sở (kāyacittānaṃ padaṭṭhāṇā). Giải: 1-"Tâm-tâm sở yên lặng, thoát ra hay giảm bớt khổ". Cái khổ ở đây chỉ cho "khổ tâm", tức là trạng thái "lo âu, phiền muộn, rối loạn". Tác nhân cho "khổ tâm này" chính là tâm sở phóng dật (uddhacca cetasika). Người có nổi khổ tâm thường suy nghĩ miên man, khổ tâm này có thể xuất phát từ tham, như người đang tầm cầu vật chất hay những pháp có liên quan đến dục (kāmadhammā) như nhớ lại cảnh đẹp đã biết, nhớ lại bài hát êm dịu đã nghe... người này mãi miên man suy nghĩ, hoặc tìm cách có được vật đáng hài lòng ấy, như người tìm cách có được xe ưng ý, viên kim cương thích ý... hoặc chỉ là "mơ ước suông", "đắm nhiễm suông"... Hoặc khổ tâm xuất phát từ sân như người lo âu cho điều nguy hại đang có hay sẽ có do vi phạm vào ác giới, ác nghiệp, nên miên man suy nghĩ. Hoặc khổ tâm xuất phát từ hoài nghi về các ân đức như Phật – pháp – tăng ... tâm cứ miên man suy nghĩ. Tâm sở tịnh an làm lắng dịu sự khổ này, bằng cách nào ? Bằng cách làm cho tâm cùng các tâm sở được yên lặng, ví như nước cứ mãi chao động thì cặn bả sẽ dấy lên, khi nước yên lặng thì cặn bả dần dần lắng xuống đáy. Hay như vị hành giả đang tu tập thiền an chỉ (samādhi) phát hiện tâm bấn loạn, vị ấy an trú tâm vào đề mục dần dần tâm trở lại trạng thái an tịnh. Đây là trạng thái của tâm sở Tịnh an. 2- "Tâm - tâm sở yên lặng, không còn dao động". Như nước bị gió làm cho xao động không thể yên tỉnh, ngăn chận được gió thì nước sẽ yên tỉnh. Cũng vậy, phận sự của tâm sở tịnh an là chống lại hay ngăn cản phóng dật, giúp cho tâm và tâm sở được yên tỉnh. 3-"Tâm-tâm sở yên tỉnh, mát dịu". Như ly nước nóng đã yên lặng, nhưng chất nóng vẫn còn, thời gian sau ly nước trở nên nguội lạnh. Ví dụ này minh họa cho sự thành tựu của tâm sở tịnh an. Tức là, sự yên lặng của tâm – tâm sở chỉ là phận sự, còn khi yên tỉnh lẫn mát dịu đó mới là sự thành tựu của tâm sở tịnh an. Tâm và tâm sở trước đó bị bấn loạn bởi phiền não phóng dật (uddhaccakilesa) nên có trạng thái bất an. Khi tâm sở tịnh an sinh lên, sự dao động của tâm và tâm sở được lắng yên, nhưng dư hưởng của phiền não phóng dật vẫn còn, khi dư hưởng của phiền não phóng dật lắng yên trọn vẹn, đó là thành tựu của tâm sở tịnh an. Đức Phật có dạy: "Yasmiñca kho, bhikkhave, adhikaraṇe ubhato vacīsaṃsāro diṭṭhipalāso cetaso āghāto appaccayo anabhiradhi ajjhattaṃ suvūpasantaṃ hoti, "Và này các tỳkhưu, trong cuộc tránh tụng nào, cả hai phía có lời qua tiếng lại, có những quan điểm ngoan cố, với tâm hiềm hận, ưu não, uất ức, nhưng nội tâm được an tịnh, tasmetaṃ, bhikkhave, adhikaraṇe pāṭikaṅkhaṃ-'na dīghattāya kharattāya vāḷattāya saṃvattissati, bhikkhū ca phāsuṃ viharissantī'ti" thời sự tránh tụng ấy, này các tỳ khưu, được chờ đợi sẽ "không kéo dài, không có gay gắt (kharattāya), không có thô bạo (vāḷattāya) và các tỳkhưu sẽ sống an lạc [40] . Đoạn kinh văn trên cho thấy khi "tâm sở tịnh an được thành tựu" thì tránh sự được chấm dứt trong sự tốt đẹp. Sách Thanh Tịnh đạo có ghi: "Kāyacittānaṃ avūpasamakara-uddhaccādikilesapaṭipakkhabhūtāti daṭṭhabbā: "(Chúng) đối kháng những nổi khổ do phiền não là tác nhân gây xáo trộn tâm và tâm sở, trước tiên (ādi) là phiền não Phóng dật." Khi tâm sở tịnh an có sức mạnh đầy đủ sẽ là duyên cho Lạc (sukha) sinh khởi, khi lạc sinh khởi hành giả cảm nhận tâm rất an tịnh, khi ấy phóng dật bị đẩy lùi hoàn toàn. Đó là sự thành tựu của tâm sở tịnh an. Có thể hiểu: Khi có ba chi thiền tầm - tứ - hỷ, khi ấy vẫn có tâm sở tịnh an nhưng tâm sở này chưa phát huy sức mạnh trọn vẹn nên hành giả vẫn còn bị phóng dật sinh khởi làm rối loạn tâm. Khi chi Hỷ sung mãn trợ giúp cho tâm sở tịnh an vững mạnh làm duyên cho chi Lạc sinh lên, bấy giờ phóng dật không còn cơ hội sinh khởi. Trạng thái ấy được gọi là "xả niệm", là không cần cố gắng "niệm vẫn có". Đây là sự thành tựu của tâm sở tịnh an rõ nhất. Sự thành tựu của tâm sở tịnh an được phát huy cao độ sẽ trở thành Tịnh giác chi. Do đó tính "mát dịu – sīta" của tâm sở tịnh an được đề cập đến trong phần này. 4- "Có tâm và tâm sở". Điều này cũng dễ hiểu. Đối với vị Alahán, nhân sinh tâm sở Tịnh an chỉ là tâm - tâm sở vô ký mà thôi. 56- Hỏi: Có phải thoát ra mọi ràng buộc được yên tịnh, đó là do có tâm sở tịnh an không? Đáp: Nên ghi nhận: "Tâm sở tịnh an là cách đối trị với tâm sở phóng dật". Sự an tịnh do không có phóng dật đó mới thật sự là do tâm sở tịnh an hiện khởi. Tức là sự an tịnh bên trong (nội phần), còn sự an tịnh bên ngoài không phải là tâm sở tịnh an. Như một người bị thân hữu quấy rầy, bỏ đi tìm nơi thanh vắng trú ngụ, người này có được sự yên tỉnh bên ngoài, nhưng bên trong có thể bất an. Hoặc người đang bồn chồn lo lắng trước một vấn đề nào đó, tạm thời quên đi để đở "căng thẳng", y suy nghĩ miên man đến những vấn đề khác. Sự yên lặng của vấn đề trước đó không phải do có tâm sở tịnh an xuất hiện, mà chỉ là sự thay đổi cảnh chứ tâm trạng vẫn bất an. Ví như người bị ghẻ lở có mùi tanh hôi, y băng bó ghẻ lở bằng vải sạch, mùi tanh hôi không bốc ra nhưng nó vẫn còn ở nơi ghẻ lở. Những trường hợp trên có thể xuất phát từ "tâm tham xả thọ". Tuy nhiên, không thể quên khía cạnh "sự yên tỉnh bên ngoài cũng góp phần trợ duyên cho an tịnh bên trong", bối cảnh náo động bên ngoài khó giúp cho tâm được an tịnh, vì rằng "gặp cảnh tâm sinh". 57- Hỏi: Vì sao passddhi (tịnh an) được kể vào pháp giác chi?. Đáp: Những chi phần dẫn đến chứng đạt Nípbàn, gọi là giác chi (bojjhaṅga). Muốn tiến đạt đến Nípbàn phải nương vào một trong tam tướng là: Vô thường tướng, khổ tướng hay vô ngã tướng. Có 7 pháp giác chi là: - Niệm giác chi (satibojjhaṅga). Là ghi nhận hay ghi nhớ được (một trong) tam tướng. - Trạch pháp giác chi (dhammānabojjhaṅga): Là trí phân biệt được tam tướng. - Tấn giác chi (viriyabojjhaṅga). Là nổ lực gìn giữ (một trong) tam tướng - Hỷ giác chi (pītibojjhaṅga). Là hài lòng, thích ý khi duy trì được (một trong) tam tướng. - Định giác chi (samādhibojjhaṅga). Là an trú tâm vào (một trong) tam tướng. - Xả giác chi (upekkhābojjhaṅga).Là quân bình tâm cùng các tâm sở trong tam tướng. Nhưng tam tướng xuất hiện rõ để các giác chi kia bắt được phải nhờ có tâm trong sáng (pasanna citta). Tâm được trong sáng là tâm không có phiền não dấy động, nguồn cội tâm bị dấy động là d0 phóng dật, tâm sở passaddhi (tịnh an) làm lắng yên phóng dật, giúp cho tâm an tịnh, trong sáng, mát dịu, từ đó tam tướng hiển lộ. Như Đức Phật dạy: "Seyyathāpi, bhikkhave, udakarahado accho vippasanno anāvilo tattha cakkhumā puriso tīre ṭhito passeyya sippisambukampi sakkharakaṭhalampi macchagumbampi carantampi tiṭṭhantampi. Taṃ kissa hetu? Anāvilattā, bhikkhave, udakassa. "Ví như, này các tỳkhưu, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Này các tỳkhưu, vì nước không bị khuấy đục. Evamevaṃ kho, bhikkhave, so vata bhikkhu anāvilena cittena attatthaṃ vā ñassati paratthaṃ vā ñassati ubhayatthaṃ vā ñassati uttariṃ vā manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṃ sacchikarissatīti ṭhānametaṃ vijjati". Cũng vậy, này các tỳkhưu, vị tỳkhưu với tâm không bị khuấy đục, biết được lợi ích của mình, biết được lợi ích của người, biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng của bậc Thánh, sự kiện này có xảy ra... [41] . H0ặc trong bài kinh "Kẻ lọc vàng (paṃsudhovakasuttaṃ)" [42] , Đức Phật có dạy: "...So hoti samādhi santo paṇīto paṭippassaddhiladdho ..." "... Định ấy được an tịnh, được thù diệu, được tỉnh lặng (paṭipassaddhi)...." Tuy các tâm sở đồng sinh với thất giác chi cũng biết được (một trong) tam tướng như thất giác chi, nhưng cách biết này là "nương theo để biết", không phải là cách biết trực tiếp như thất giác chi, ví như người tuy thấy cảnh vật nhưng muốn hiểu rõ phải nhờ người thông thạo giải thích. Người thông thạo ví như thất giác chi, còn các tâm sở ngoài ra ví như người nhờ giải thích mới hiểu rõ. Do đó passadhi (tịnh an) được kể là giác chi. 57- Hỏi: Thế nào là người "thật an tịnh (upasantapuggala)"? Đáp: Khi không bị người khác xúc phạm, người ấy có thể giữ tâm được an tinh, nhưng khi bị người khác xúc phạm thì tâm khó chịu hoặc phẫn nộ, như như thế không được gọi là người thật an tịnh. Ngược lại, tuy bị xúc phạm, người ấy vẫn giữ được trạng thái ôn hòa, người như thế mới được gọi là "thật an tịnh" [43] . *
10- Tâm sở Khinh thân (kāyalahutācetasika). 58- Hỏi: Thế nào là kāyalahutā (khinh thân)? Cittalahutā (khinh tâm)? Đáp: Tương tự như tâm sở tịnh an, kāya ở đây chỉ cho các tâm sở, citta chỉ cho tâm. Lahutā xuất phát từ lahu là "nhẹ nhàng, mau lẹ". Sách Atthasālinī có giải thích: Lahutākāro lahutāti: Làm cho nhẹ , gọi là nhẹ nhàng". Kāyalahutā dịch là "khinh thân ", là chỉ cho trạng thái nhẹ nhàng, linh hoạt, nhanh nhẹn của các tâm sở. Cittalahutā dịch là "khinh tâm", là chỉ cho trạng thái nhẹ nhàng linh hoạt của tâm. Đức Phật có dạy: "Nahaṃ, bhikkhave, aññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yaṃ evaṃ lahuparivattaṃ yathayidaṃ cittaṃ. Yāvañcidaṃ, bhikkhave, upamāpi na sukarā yāva lahuparivattaṃ cittan'ti". "Này các tỳkhưu, Ta không thấy một pháp, lại chuyển động nhẹ nhàng (lahu parivattaṃ) hơn tâm. Thật không dễ gì, này các tỳkhưu, dùng một ví dụ để diễn tả sự chuyển động nhẹ nhàng của tâm" [44] . Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có giải thích hai tâm sở khinh an này như sau: "Katamā tasmiṃ samaye kāyalahutā hoti? - Thế nào là khinh thân trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa lahutā lahupariṇāmatā adandhanatā avitthanatā. Ayaṃ tasmiṃ samaye kāyalahutā hoti. Trong khi ấy, pháp là sự nhẹ nhàng, sự biến chuyển nhẹ nhàng, không chậm chạp, không chần chừ của thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Đây là khinh thân trong khi ấy". "Katamā tasmiṃ samaye cittalahutā hoti? - Thế nào là khinh tâm trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa lahutā lahupariṇāmatā adandhanatā avitthanatā. Ayaṃ tasmiṃ samaye cittalahutā hoti. Trong khi ấy, pháp là sự nhẹ nhàng, sự biến chuyển nhẹ nhàng, không chậm chạp, không chần chừ của thức uẩn. Đây là khinh tâm trong khi ấy" [45] . Đoạn kinh văn trong bộ Pháp Tụ ở trên, cho chúng thấy tâm sở khinh an (lahutā) có những ý nghĩa là: Nhẹ nhàng (lahutā), biến chuyển nhẹ nhàng (lahupariṇāmatā), không chậm chạp (adandhanatā), không chần chừ (avitthanatā). - Biến chuyển nhẹ nhàng (lahupariṇāmatā). Là thay đổi sự nhẹ nhàng một cách khéo léo. Như Pāli có dẫn: "Tesaṃ bhāvo lahupariṇāmatā; sīghaṃ sīghaṃ parivattanasamatthatāti vuttaṃ hoti: "Đó là sự thay đổi nhẹ nhàng khởi lên; là nói đến sự thay đổi nhẹ nhàng, nói đến nhẹ nhàng một cách khéo léo" [46] . - Không chậm chạp, không chần chừ. Hai từ này diễn tả sự thoát ra "nặng nề, uể oải, lừ đừ", những điều này là do tâm sở hôn trầm và thụy miên tạo ra. Nói cách khác, tâm trở nên nhạy bén, linh hoạt khi chế ngự được hôn trầm và thụy miên. Tính linh hoạt của hai tâm sở này được thể hiện rõ khi suy xét một vấn đề nào đó, nhanh chóng hiểu biết, hay nhanh chóng tìm thấy biện pháp giải quyết gút mắc. Tâm sở khinh an khi phối hợp với trí, trở thành "lanh trí - lahutāñāṇa", hay "tốc trí- javanañāṇa" Trong lộ phản khán chi thiền hay lộ phản khán Đạo [47] tính linh hoạt mau chóng của hai tâm sở khinh an được hiển lộ. Chính do tính năng linh hoạt này, tâm sở lahutā (khinh an) đối nghịch với hai tâm sở hôn trầm (ṭhīna) và thụy miên (middha). Như Pāli có dẫn: "Kāyacittānaṃ garubhāvakarathinamiddhādikilesa paṭipakkhabhūtānidaṭṭhabbā: "(Chúng) đối kháng với những tội lỗi (ādina) là phiền não hôn - thụy, tác nhân gây ra sự đình trệ của tâm và tâm sở" [48] . 59- Hỏi: Trong tâm tham - sân vô trợ và hai tâm si không có hai tâm sở hôn trầm và thụy miên phối hợp. Vậy có phải là có tâm sở khinh an không?. Đáp: Dĩ nhiên không có hai tâm sở khinh an phối hợp trong những tâm bất thiện nói trên, vì 2 tâm sở khinh an là tâm sở tịnh hảo. Ngoài tính "nhẹ nhàng", nên lưu ý đến ý nghĩa "biến chuyển nhanh chóng (lahupariṇāmatā adandhanatā )" của hai tâm sở khinh an. Tức là chính tâm ấy có sự biến chuyển mau lẹ, như hành giả hành thiền quán, một tâm lộ thấy được tướng vô thường, tâm lộ thứ hai lại thấy rõ hơn... Lại nữa, sự "nhẹ nhàng" thoát ra cái khổ do phiền não gây ra. Trái lại những tâm bất thiện nêu trên đang bị phiền não tham – sân – si chi phối, khó thay đổi nhanh chóng. 60- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở khinh an?. Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở khinh an là: - Trạng thái:Lắng dịu sự khổ của tâm và tâm sở do có sự nặng nề (kāyacittagarubhāvavūpasamalakkhaṇā). - Phận sự: Tâm và tâm sở không bị sự nặng nề chi phối (kāyacittagarubhāvanimaddanarasā) [49] . -Thành tựu: Tâm và tâm sở không bị đình trệ (kāyacittānaṃ adanthatā paccupaṭṭhāṇā). - Nhân cận: Có tâm và tâm sở (kāyacittapadaṭṭhāṇā). Giải: 1- "Lắng dịu sự khổ của tâm và tâm sở do có sự nặng nề". Khi tâm sở khinh an sinh lên, làm giảm sự nặng nề của tâm và tâm sở, ví như người mang vật nặng trên vai, dần dần bỏ bớt những vật đang mang nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước. Cũng vậy khi bị phiền não hôn trầm và thụy miên chi phối, tâm cùng tâm sở cảm thấy nặng nề, khi tâm sở khinh an sinh lên làm giảm sự nặng nề ấy. Khi tâm sở khinh an có sức mạnh sẽ dứt trừ được sự nặng nề, trở nên linh hoạt. Đây là trạng thái của tâm sở khinh an. 2- "Tâm và tâm sở không bị sự nặng nề chi phối ". Như con rắn nuốt phải cục sắt, nó di chuyển nặng nề hoặc không di chuyển được. Cũng vậy, khi tâm và tâm sở bị uể oải chi phối do hai tâm sở hôn - thụy, tâm thực hiện điều thiện một cách chậm chạp, hay không muốn làm điều thiện. Phận sự của tâm sở khinh an là giúp cho tâm được linh hoạt, năng động trong các việc thiện. 3-"Tâm và tâm sở không bị đình trệ". Thành tựu của tâm sở khinh an là " sự nặng nề bị tan biến", tâm và tâm sở trở nên phấn chấn, hăng hái thực hiện điều tốt một cách nhanh chóng. Câu chuyện Bàlamôn Cūlekasāṭaka ( Tiểu Nhất y) minh họa cho thành tựu của tâm sở Khinh an này. Vợ chồng Bàlamôn Cūlekasāṭaka chỉ có một chiếc y choàng để mặc khi đi ra ngoài, nếu chồng đi thì vợ phải ở nhà và ngược lại. Một hôm được nghe tại Jetavanavihāra (Kỳviên Tinh xá) có pháp hội, vợ ông đi nghe pháp vào ban ngày, còn ông thì đi nghe pháp vào ban đêm. Trong đêm ấy, vào canh đầu khi nghe Đức Thế Ton giảng pháp, ông rất hoan hỷ, định dâng Đức Thế Tôn chiếc y chòang, nhưng bị tâm bỏn xẻn níu kéo, ông lại chần chừ. Vào canh giữa ông lại khởi ý định ấy, nhưng cũng bị sự bỏn xẻn lôi kéo. Vào cuối canh chót, ông lại khởi ý định thêm lần nữa và lần này ông nhanh chóng cúng dường đến Đức Phật chiếc y choàng vì ông e ngại sẽ bị bỏn xẻn lôi kéo như hai lần trước. Lần thứ ba ví như sự thành tựu của tâm sở khinh an là "nhanh nhẹn thực hiện điều tốt". Nhân đó Đức Phật dạy kệ ngôn: "Abhittharatha kaḷyāna; pāpā cittaṃ nivāraye. Dandhaṃ hi karoto puññaṃ; pāpasmiṃ ramati mano. "Hãy gấp rút làm điều thiện. Hãy chế ngự điều ác trong tâm, vì tâm của người dễ duôi, chậm tạo thiện nghiệp sẽ ưa thích làm ác" [50] . *
12- Tâm sở Nhu thân (kāyamudutācetasika). 61- Hỏi: Thế nào là mudutā (nhu nhuyến)? Đáp: Mudutā xuất từ mudu là "mềm dẻo, dễ uốn nắn" hoặc là "dịu dàng, dễ thương". Nhưng ở đây mudutā được dùng với nghĩa "mềm dẻo, dễ sử dụng". Như Phật ngôn: "Cittaṃ bhikkhave, bhāvitaṃ bahulīkataṃ mudu ca hoti kammaññañca hotī'ti: Này các tỳkhưu, tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, là nhu nhuyến và dễ sử dụng" [51] . Bộ Pháp tụ có giải thích: "Katamā tasmiṃ samaye kāyamudutā hoti? Thế nào là nhu thân trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akathinatā. Ayaṃ tasmiṃ samaye kāyamudutā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự nhu nhuyến, sự mềm mại, trạng thái không thô cứng, trạng thái không cương ngạnh của thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Đây là nhu thân trong khi ấy. "Katamā tasmiṃ samaye cittamudutā hoti? Thế nào là nhu tâm trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akathinatā. Ayaṃ tasmiṃ samaye cittamudutā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự nhu nhuyến, sự mềm mại, trạng thái không thô cứng, trạng thái không cương ngạnh của thức uẩn. Đây là nhu tâm trong khi ấy [52] . Như vậy, mudutā có các cấp độ như: Nhu nhuyến (mudutā), mềm mại (maddavatā), không thô cứng (akkhaḷatā), không cương ngạnh (akathinatā). Sách Atthasālinī giải thích: - Mudutāti mudubhāvo: Nhu nhuyến là thực trạngmềm mại. - Maddavatāti maddavaṃ vaccati siniddhaṃ: Vật (cứng) có thể xếp lại được nhờ dầu thấm vào, gọi là mềm mại. Hay: Maddavassa bhāvo maddavā: Thực trạng mềm dẻo, gọi là mềm mại [53] . - "Không thô cứng". Là tâm và tâm sở không bị "chai lì" do tà kiến chi phối. Người bị tà kiến chi phối lâu dần tâm sẽ rơi vào chai lì do cố chấp, hoặc theo thói quen không thể từ bỏ. Như "đốt giấy vàng mả cho người chết" chẳng hạn, đây là một hình thức của giới cấm thủ, trước người này có thể không tin "dị đoan" như thế, nhưng thấy những người chung quanh thường thực hiện việc này, lâu dần y cũng làm theo và cuối cùng y không bỏ được hủ tục "dị đoan "này. Hoặc một người theo thuyết "thiên mệnh", họ cho rằng "hạnh phúc hay đau khổ là do trời định đặt" và họ không thể từ bỏ được ý nghĩ "số phận an bài". - "Không cương ngạnh". Là không có tính chống đối. Sự cương ngạnh có là do so sánh "cái mình có và cái người có", nói cách khác chính là do ngã mạn (māna). Người có tâm ngã mạn thường so sánh mình và người qua nhiều khía cạnh như: Địa vị, danh tiếng, quyền lực, dòng dõi, học thức.... khi thấy mình vượt trội hơn người khác điểm nào đó thì thường "tự khen mình, chê người". Tóm lại: Mudutā mang những ý nghĩa sau đây: - Mudutā (nhu nhuyến). Là tính cách mềm mại dễ uốn nắn, chính tính cách này giúp trở thành người dễ dạy (suvaco) [54] . - Mudu mang ý nghĩa "dịu hiền", như: "... Tánh tình thật dịu hiền" [55] - Mudutā là tính cách lễ độ, không thô lỗ. Chính tính cách này giúp trở thành thiện giao du. - Mudutā là cách không cứng rắn, ví như tấm da khô được nước và dầu thấm vào, trở nên mềm mại, dễ sử dụng. - Mudutā là trạng thái không cương ngạnh, dễ dàng chấp nhận điều tốt đẹp của người hay những lỗi lầm của mình. Chính vì tính "không cứng rắn, không cương ngạnh ", tâm sở nhu nhuyến(mudutā) đối nghịch với hai tâm sở tà kiến và ngã mạn. Cũng như trên kāya chỉ cho ba uẩn: Thọ, tưởng và hành; còn tâm chỉ cho thức uẩn. 62- Hỏi: Thế nào là "người dễ dạy (suvaco)" đúng nghĩa?. Đáp: Do nhu cầu như: ăn, mặc, sự sống hay lợi đắc, người này trở nên dễ nói, dễ bảo, đó không thật sự là người dễ dạy. Vì khi không có những nhu cầu ấy, hoặc không được lợi lộc, sẽ trở thành người khó dạy. Chỉ khi nào người ấy tôn trọng pháp, cung kinh pháp, sùng kinh pháp, khi ấy người ấy mới thật sự là người dễ dạy [56] . 63- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở nhu nhuyến (mudutācetasikā). Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở nhu nhuyến là: - Trạng thái:Thoát ra sự cứng rắn của thân tâm (kāyacittatthambhavūpasama lakkhaṇā). - Phận sự:Làm tan biến sự cứng rắn của thân tâm (kāyacittathaddhabhāvani- maddanarasā). - Thành tựu:Không đối kháng (apaṭighātapaccupaṭṭhāṇā). -Nhân cận: Có tâm và tâm sở (kāyacitatpadaṭṭhāṇā). Giải: 1- "Thoát ra sự cứng rắn của thân tâm". Chữ thambha nghĩa đen là "cột trụ cứng chắc", nghĩa bóng là "lòng cứng cỏi như sắt đá". Tâm sở nhu nhuyến có trạng thái thoát ra sự cứng của thân tâm. Sự cứng cỏi của tâm cùng tâm sở do hai tâm sở tà kiến và ngã mạn (māna) là tác nhân. Tà kiến (micchādiṭṭhi), trước tiên là "cái nhìn sai lệch", "sự thấy không đúng với chân lý", như "thấy vô tội trong điều tội lỗi" hay " điều vô tội thấy là có tội". Hoặc là "thấy cốt lõi trong điều không cốt lõi " hay "thấy không cốt lõi trong điều cốt lõi"... Khi có tà kiến sinh khởi, tâm sẽ trở nên cứng rắn, và càng cứng rắn hơn khi bám chấp vào điều sai lệch ấy, ví như tấm da khô để lâu ngày càng khó gấp lại. Tâm sở nhu nhuyến sinh lên giúp tâm thoát ra sự cố chấp ấy. Ngã mạn (māna) là tự hào những gì mình đạt được, nên trở nên cứng rắn đối với sự khiêm cung, lễ độ. Tâm sở nhu nhuyến sinh lên, giúp tâm thoát ra sự cứng rắn ấy, trở thành nhu hòa lễ độ. Nên ghi nhận rằng: Trực tiếp tạo ra "cứng rắn tâm" là tà kiến, ngã mạn; ngoài ra chúng có thể làm duyên cho pháp bất thiện khác trở nên "cứng rắn", như trong kinh Trung bộ bài kinh "tâm cứng rắn – cetokhilasuttam" [57] , Đức Phật dạy "5 tâm cứng rắn" là: - Nghi ngờ Bậc Đạo Sư - chỉ cho Đức Phật (Satthari kaṅkhati). - Nghi ngờ Pháp (dhamme kaṅkhati). - Nghi ngờ Tăng (saṅghe kaṅkhati). - Nghi ngờ Học pháp (sikkhāya kaṅkhati). -Phẫn nộ đối với các bậc đồng phạm hạnh, tâm chống đối, cứng rắn (sabrahmacārisu kupito hoti anattamano āhatacitto kilajāto). Bốn loại tâm đầu thì "điều không nên nghi ngờ lại nghi ngờ" là do tà kiến làm duyên, bám chấp vào điều này trở thành "cứng rắn" là do tham làm duyên. Còn "cứng rắn trong phẫn nộ" do ngã mạn làm duyên. Và Đức Phật dạy "vị tỳkhưu không thoát ra 5 tâm cứng rắn này, không thể lớn mạnh trong Giáo pháp này". Bài kinh trong phẩm Tranh tụng (adhikaraṇavaggo) [58] minh họa trạng thái của nhu nhuyến là "thoát ra sự cứng rắn của thân tâm". Đại ý bài kinh mô tả: Trong cuộc tranh tụng nào vị tỳkhưu phạm tội và tỳkhưu buộc tội không khéo tự mình quán sát mình (na attanāva attānaṃ paccavekkhananti sādhukaṃ)), tranh tụng ấy sẽ kéo dài, gay gắt và chư tỳkhưu sống trong bất lạc. Trong cuộc tranh tụng nào, tỳkhưu phạm tội và tỳkhưu buộc tội khéo tự quán sát mình (attanāva attānaṃ paccavekkhanti sādhukaṃ), tranh tụng ấy không kéo dài, không gay gắt và chư tỳkhưu sống trong an lạc. Tỳkhưu phạm tội khéo tự quán sát mình, thấy mình phạm một tội về thân, vị ấy chấp nhận không tranh cải. Vì suy nghĩ rằng "ta không nên để phạm tội chinh phục ta". (Nếu vị tỳkhưu phạm tội phản bác), vị tỳkhưu buộc tội, khéo tự quán sát mình là: "Vì vị ấy phạm tội về thân, ta thấy vị ấy phạm tội về thân, ta nói lên điều này, điều này không đem lại hoan hỷ cho vị ấy. Vì không hoan hỷ, nên vị ấy nói lên lời không hoan hỷ". Và vị ấy im lặng vì nghĩ rằng "ta không nên tranh cải, nếu tranh cải thì chính sự phạm tội (của vị ấy) chinh phục ta". Có được một trong hai điều này, cuộc tranh tụng sẽ chấm dứt ngay. Đây là phận sự của tâm sở nhu nhuyến. 2-"Làm tan biến sự cứng rắn của thân tâm". Chữ maddana nghĩa đen là "sự nghiền nát", nimaddana là "không còn nghiền nát", tức là làm tan biến. Như nước và dầu thấm vào tấm da thô cứng, từng chút từng chút một làm cho tấm da trở nên mềm mại không còn khô cứng, có thể gấp xếp lại. Cũng vậy, khi tâm sở nhu nhuyến sinh lên, dần dần làm cho tâm và tâm sở trở nên mềm mại dễ sử dụng. Trong kinh Tạng có rất nhiều trường hợp các gia chủ, du sĩ, Bàlamôn... sau khi nghe Đức Phật giảng pháp, không còn nắm giữ tà kiến, tâm được tẩy sạch những cấu uế, như tấm vải sạch"dễ nhuộm màu". Tiếp theo, Đức Phật giảng pháp Tứ diệu đế; và vị ấy chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả Dự lưu vị ấy tuyên bố "quy ngưỡng Đức Thế Tôn cho đến trọn đời". Điển hình như tướng quân Sīha [59] sau khi nghe pháp thì tà kiến bị tan biến, còn trưởng giả Upāli thì ngã mạn lẫn tà kiến bị tan biến [60] . Đây chính là thành tựu của tâm sở nhu nhuyến, vì làm tan biến tà kiến hay sự ngã mạn. Cũng nên hiểu, tùy theo cấp độ "mềm mại" của tâm sở nhu nhuyến mà thành tựu này mang lại lợi ích nhiều hay ít. Với cấp độ thấp nhất thì tâm sở nhu nhuyến giúp tâm và tâm sở thoát ra những ác nghiệp từ thân, ngữ, ý do ngã mạn hay tà kiến tạo ra. Với cấp độ trung bình thì giúp tâm và tâm sở thực hiện những thiện sự như bố thí, trì giới, phục vụ... Thành tựu cao nhất của tâm sở nhu nhuyến là chứng đắc các thắng trí hay loại trừ các phiền não không cho chúng sinh khởi lại. Thành tựu cao nhất này phải do tu tập, rèn luyện mới có được, như kinh văn: "Seyyathāpi, bhikkhave, yāni kānici rukkhajātānaṃ phandano tesaṃ aggamakkhāyati yadidaṃ mudutāya ceva kammaññatāya ca. "Ví như, này các tỳkhưu, phàm có những loại cây gì, cây phandana được xem là tối thượng, tức là về nhu nhuyến và dễ sử dụng. Evamevaṃ kho ahaṃ, bhikkhave nāññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yaṃ evaṃ bhāvitaṃ bahulīkataṃ mudu ca hoti kammaññañca yathayidaṃ cittaṃ. Cũng vậy, này các tỳkhưu, Ta không thấy một pháp nào khác, lại nhu nhuyến hơn và dễ sử dụng hơn, như một tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Cittaṃ, bhikkhave, bhāvitaṃ bahulīkataṃ mudu ca hoti kammaññañca hotī'ti". Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các tỳkhưu, là nhu nhuyến và dễ sử dụng" [61] . 3-"Không đối kháng". Là không chống đối lại đối tượng (ārammaṇa), ví như đá chạm vào bông gòn sẽ không có phản chấn. Cũng vậy, khi cảnh chạm vào tâm, tâm sở nhu nhuyến giúp cho tâm và tâm sở không chống lại cảnh, lại tùy thuận theo cảnh, như trường hợp vị tỳkhưu quán thể trược tâm không chống lại cảnh bất mỹ, hoặc như vị tỳkhưu tu tập Tứ niệm xứ không chống lại "tâm tham, tâm sân..." mà chỉ ghi nhận "khi tâm có tham biết tâm có tham", "khi tâm có sân biết tâm có sân...", tức là bắt lấy tâm tham hay tâm sân đã diệt làm cảnh. Hay khi mắt thấy cảnh sắc, giữ lấy niệm... Nên ghi nhận: "Không đối kháng" ở đây chỉ cho "không đối kháng với cảnh, cho dù đó là cảnh phiền não", nhưng phải "đối kháng với phiền não trong tâm". Đức Moggallāna (Mụckiềnliên) có giảng về 16 pháp của vị tỳkhưu là người dễ nói [62] trong đó có: Không cố chấp, không thốt lời giận dữ, không chống đối, không chỉ trích. Đây là tính "không đối kháng với cảnh". 4- "Có tâm và tâm sở". *
14 - Tâm sở Thích thân (kāyakammaññatā). 64- Hỏi: Thế nào là Thích ứng (kammaññatā)? Đáp: Kammañña là biến thể của kammaniya. Kamma+ṇya = kammaniya. Kammaniya+tā = kammaniyatā hay kammaññatā. Kamaniyatā hay kammaññatā theo nghĩa đen là "sự dễ sử dụng, sự sẵn sàng", nghĩa bóng là "thích nghi, thích ứng". Ngài Buddhaghosa (Giác âm) trong sách Atthasālinī (Sớ giải bộ Pháp tụ) có giải thích: Kammaññatāti kammani sādhutā kusalākiriyāya viniyogakkhamatāti attho: Thích ứng là thực hành điều thiện tốt đẹp, với ý nghĩa bền bỉ (khamati) để không bị lệ thuộc [63] . Và: "Tā pasādanīya vatthūsu pasādavahā. "Chúng là yếu tố làm tăng trưởng niềm tin cho người có niềm tin". "Hita kiriyāsu viniyogakkhemabhāvāvahā: "Kiên trì thực hành những điều lợi ích, thoát ra sự lệ thuộc, đạt được trạng thái an lành." "Suvaṇṇavisuddhi viyāti daṭṭhabbā: (chúng) được ví như vàng ròng thanh tịnh [64] " Kammaññatā được ví như vàng ròng được nấu chảy, có thể làm thành nhiều loại trang sức tốt đẹp và chói sáng, theo ý muốn của người thợ bạc. ..."Taṃ hoti jātarūpaṃ dhantaṃ sandhantaṃ niddhantaṃ niddhantakasāvaṃ, mudu ca hoti kammaniyañca pabhassarañca, na ca pabhaṅgu, sammā upeti kammāya. ..." Vàng ấy đã được đốt sáng, được đốt sáng hơn, cho đến khi trào ra khỏi lò, được tinh sạch các uế nhiễm (kasāva), vàng ấy nhu nhuyến, thích nghi, chói sáng và không bị bể vụn, gần với sự thích ứng. Yassā yassā ca pilandhena vikatiyā ākaṅkhati - yadi paṭṭikāya, yadi kuṇḍalāya, yadi gīveyyake, yadi suvaṇṇamālāya – tañcassa atthaṃ anubhoti... Và loại trang sức nào (pilandhena vikatiyā) theo ước muốn, như các loại đai (paṭṭikā) [65] , các loại hoa tai xoắn (kuṇḍalāya), các loại trang điểm ở cổ (gīveyyake), các loại vòng hoa vàng (suvaṇṇamālāya), có thể làm thành như ý muốn. [66]Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có giải thích kammaññatā (thích ứng) như sau: "Katamā tasmiṃ samaye kāyakammaññatā hoti? Thế nào là thích thân (kāyakammaññatā) trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa kammaññatā kammaññataṃ kammaññabhāvo. Ayaṃ tasmiṃ samaye kāyakammaññatā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự thích nghi, cách thích nghi, tình trạng thích nghi của thọ uẩn, tưởng, hành uẩn. Đây là thích thân trong khi ấy. "Katamā tasmiṃ samaye cittakammaññatā hoti? Thế nào là thích tâm trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa kammaññatā kammaññataṃ kammaññabhāvo. Ayaṃ tasmiṃ samaye cittakammaññatā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự thích nghi, cách thích nghi, tình trạng thích nghi của thức uẩn. Đây là thích tâm trong khi ấy". Qua những định nghĩa trên, tâm sở thích ứng (kammaññatā) đối trị với ba pháp chướng ngại còn lại là: Tham dục, sân và hoài nghi. Vì khi tâm đã sẳn sàng, dễ thích ứng, khi ấy tâm đã thoát ra những chướng ngại, những uế nhiễm (kilesa), như Phật ngôn: "Kāmacchando, byāpādo, thinamiddhaṃ, uddhaccakukkuccaṃ, vicikicchā. Ime kho, bhikkhave, pañca cittassa upakkilesā yehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ cittaṃ na ceva mudu hoti na ca kammaniyaṃ na ca pabhassaraṃ pabhaṅgu ca na sammā samādhiyati āsavānaṃ khayāya". "Tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, phóng dật, nghi. Có năm uế nhiễm này của tâm, này các tỳkhưu, do năm uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm, không nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chân chánh định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc" [67] . Tâm sở tịnh an (passaddhi) đối trị phóng dật, tâm sở khinh an (lahutā) đối trị với hôn trầm - thụy miên. Còn tâm sở thích ứng (kammaññatā) đối trị với ba chướng ngại còn lại là tham dục, sân và nghi. 65- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở thích ứng (kammaññatā)? Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở thích ứng là: - Trạng thái: Thân tâm thoát ra hiện trạng không thích ứng (akammañña) (kāyacittākammaññatābhāva vūpasama lakkhaṇā). - Phận sự: Làm tan biến sự không thích nghi của thân tâm (kāyacittākammaññabhāva nimaddana rasā). - Thành tựu: Thực hiện và đạt được đối tượng (theo ý) (ārammaṇa karaṇa sampatti paccupaṭṭhāṇā) -Nhân gần: Có tâm và tâm sở (kāyacittapadaṭṭhāṇā). Giải: 1- "Thân tâm thoát ra hiện trạng không thích ứng". Tâm và tâm sở không thích ứng trong những điều mang lại lợi ích là do có 5 chướng ngại (nīvāraṇā), khi đã loại trừ tất cả 5 chướng ngại thì tâm sẳn sàng hoạt động theo chiều hướng mang lại lợi ích. Sách Mūla Ṭīkā (Phụ Sớ giải) có nêu lên những trường hợp do có năm chướng ngại, nên tâm rơi vào "không thích ứng". Như khi bị lửa tham chinh phục, tâm trở nên yếu đuối trong thiện pháp; khi bị ngọn lửa sân hay hoài nghi thì tâm cứng sượng như vàng chưa được tôi luyện... 2-"Làm tan biến sự không thích nghi của thân tâm ". Là sự "không thích nghi" đã bị nghiền nát như bụi, không thể bám vào thân tâm để gây trở ngại cho việc làm mang đến lợi ích. 3- "Thực hiện và đạt được đối tượng (theo ý)".Đối tượng (ārammaṇa) ở đây chỉ cho những pháp thượng nhân như thiền định thắng trí hay diệt trừ những ô nhiễm trong tâm không cho chúng sinh khởi trở lại. Như kinh văn: "Yassa yassa ca abhiññāsacchikaraṇīyassa dhammassa cittaṃ abhininnāmeti abhiññāsacchikiriyāya tatra trava sakkhibhabbataṃ pāpuṇāti sati sati āyatane". "Tùy thuộc pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào (sati sati āyatane)" (sđd). 4- "Có tâm và tâm sở". 66- Hỏi: Hãy kể ra những pháp thượng nhân mà tâm sở thích ứng làm thành tựu? Dẫn chứng? Đáp: Lợi ích trước tiên của tâm sở thích ứng là làm thành tựu những hạnh lành như bố thí, trì giới, cung kỉnh, phục vụ.... Khi đã tu tập làm cho tâm sở thích ứng vững mạnh, vị hành giả chứng đạt 8 thiền chứng theo như ý, nếu hành giả ấy là bậc Anahàm hay bậc Alahán, Ngài có thể an trú vào Diệt thọ tưởng định. Đây là làm thành tựu các định vức. Đức Anuruddha có trình bày với Đức Thế Tôn rằng: "Idha mayaṃ bhante yāvad-e ākaṅkhāma sabbaso nevasaññānāsaññāyatanaṃ samatikkamma saññvedayitanirodhaṃ upasampajja viharāma... Ở đây, bạch Thế Tôn, lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con vượt qua mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định... [68] Thành tựu Diệt thọ tưởng định xem như đã thành tựu tám thiền chứng trước đó. - Thành tựu được năm thắng trí theo như ý là: Thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông. [69] - Diệt trừ các ô nhiễm (āsava – lậu hoặc) (sđd). *
16- Tâm sở Thuần thân (kāyapāguññatācetasika). 67- Hỏi: Thế nào là tâm sở pāguññatā (thuần thục)? Đáp: Pāguññatā là biến thể của paguṇatā; paguṇatā = pa +căn guṇ + tā. Căn guṇ có hai nghĩa "tốt đẹp và tăng trưởng". Paguṇa nghĩa là "sự thực hiện tốt đẹp, sự hiểu biết rành rẽ, sự quen thuộc". Paguṇatā là "sự thuần thục, sự đầy đủ, sự sung túc". *- Theo căn guṇ với ý nghĩa "tốt đẹp", thì paguññatā mang ý nghĩa "sự thuần thục, sự điêu luyện, sự rành rẽ". Nghĩa bóng là "sự tinh chuyên, kinh nghiệm, khéo vận dụng, khéo kết hợp". *- Theo căn guṇ với ý nghĩa "tăng trưởng", như kāmaguṇa (dục tăng trưởng, dục trưởng dưỡng); thì paguṇatā có nghĩa là "sự đầy đủ, sung túc". Nghĩa bóng của paguṇatā là "sự khỏe mạnh, không ươn yếu". Ngài Buddhaghosa trong sách Atthassālinī có giải thích về pāguññatā như sau: "Paguṇatāti paguṇabhāvo, anāturatā niggilānatāni attho: Gọi thuần thục là "có sự rành rẽ", với ý nghĩa là "thực trạng không yếu đuối, không bịnh" [70] . Sự thuần thục có hai loại: Thuần thục trong bất thiện và thuần thục trong thiện. - Thuần thục trong bất thiện như "kẻ trộm rất rành rẽ trong cách thức trộm đồ vật" hay "người lấy mật ong rất rành rẽ trong cách xua đuổi ong để lấy mật", gả thợ săn có nhiều kinh nghiệm trong cách săn thú.... Hay điêu luyện trong những nghệ thuật làm "đắm nhiễm tâm người khác" như múa hát ... Thuần thục trong bất thiện này không do tâm sở paguññatā làm ra. Đó là do tầm - tứ kết hợp với tham hay sân". - Thuần thục trong thiện, như rành rẽ trong cách tạo thiện nghiệp, rành rẽ trong giới luật bậc Thánh, rành rẽ trong cách nhập thiền, xuất thiền... Pāguññatā ở đây chỉ cho "thuần thục trong thiện". Chính tính cách "rành rẽ, khỏe mạnh, không ươn yếu " của pāguññatā, đã đẩy lùi sự "thiếu tự tin trong tâm", nên tâm sở Thuần thục (pāguññatā) đối kháng với những ô nhiễm làm "tâm bị bịnh, ươn yếu", trước tiên là sự vô tín. Sách Atthasālinī có ghi: "Kāyacittagelaññakara - assaddhiyādikilesapaṭipakkhabhūtāti daṭṭhabbā: "Làm gẫy vụn (daṭṭhabbā), có tính đối nghịch với ô nhiễm (kilesa) là "vô tín" làm thân tâm yếu đuối." Bộ Pháp Tụ có giải thích "pāguññatā (thuần thục)" như sau: "Katamā tasmiṃ samaye kāyapāguññatā hoti? Thế nào là thuần thân (kāyapāguññatā) trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa paguṇatā paguṇattaṃ paguṇabhāvo. Ayaṃ tasmiṃ samaye kāyapāguññatā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự thuần thục, cách thuần thục, trạng thái thuần thục của thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Đây là thuần thân trong khi ấy "Katamā tasmiṃ samaye cittapāguññatā hoti? Thế nào là thuần tâm (cittapāguññatā) trong khi ấy? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa paguṇatā paguṇattaṃ paguṇabhāvo. Ayaṃ tasmiṃ samaye cittapāguññatā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự thuần thục, cách thuần thục, trạng thái thuần thục của thức uẩn. Đây là thuần thân trong khi ấy. Hai từ paguṇattaṃ và paguṇabhāvo mang tính cách "tăng cường cho paguṇatā". 68- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở thuần thục? Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở thuần thục (pāguññatā) là: - Trạng thái: Thân tâm được khỏe mạnh (kāyacittagelaññabhāvalakkhaṇā) - Phận sự:Làm tan biến sự ươn yếu của thân tâm (kāyacittagelaññanimaddana rasā). - Thành tựu: Không có khó khăn (nirādīnapaccupaṭṭhāṇā). -Nhân gần: Có tâm và tâm sở (kāyacittapadaṭṭhāṇā). Giải: 1- "Thân tâm được khỏe mạnh". Như người khỏe mạnh nhanh chóng hoàn tất việc nặng nhọc một cách dễ dàng, một việc mà một người yếu đuối không thể làm được. Cũng vậy, khi tâm sở thuần thục sinh lên, giúp cho tâm và tâm sở khỏe mạnh, không bị ươn yếu. Đây là trạng thái của tâm sở thuần thục. Đức Phật có đưa ra 2 hình ảnh: Con voi bị trói buộc bởi những sợi dây da và con chim cáy (laṭukikā) bị trói buộc bởi tấm lưới bằng dây leo. Con voi chỉ chuyển động thân đã bứt đứt những sợi dây trói buộc ấy, vì con voi có sức mạnh. Con chim cáy không thể thoát ra khỏi tấm lưới bằng dây leo mỏng manh, nó bị bắt hay bị chết, chỉ vì con chim cáy không có sức mạnh [71] . Cũng vậy, tâm bịnh hoạn bởi các phiền não là tâm yếu đuối, không thể thoát ra những trói buộc tầm thường để thực hiện những thiện sự mang lại lợi ích. Đức Phật có dạy: "Ārogya parama lābhā: Không bịnh lợi cao nhất" [72] . 2-"Làm tan biến sự ươn yếu của thân tâm". Khi tâm sở thuần thục (pāguññatā) sinh lên, nó có phận sự đẩy lùi sự rụt rè, e ngại trước những việc lành hoặc những điều có lợi ích. Nguyên nhân của sự ươn yếu thân tâm chính là "đánh mất tự tin". Đức Nāgasena có giảng cho vua Milinda về tính cách của đức tin, Ngài có cho ví dụ như sau: Một đám đông đứng bên bờ này của khe, rạch do trận mưa lớn gây ra, họ e ngại không dám vượt qua khe, rạch ấy vì không biết nước nông sâu, hay có những thủy quái chi chi. Một người khỏe mạnh đi đến, người này lội qua khe, rạch ấy một cách an toàn, thấy thế cả đám người còn lại theo gương người khỏe mạnh, vượt qua khe, rạch ấy [73] Người khỏe mạnh ví như tâm sở thuần thục đã đẩy lùi hay làm tan biến sự rụt rè của đám dông (ví như các tâm sở còn lại). Trong ví dụ trên cho chúng ta sự suy gẫm: "Một người có thể lội sang bên kia bờ, nhưng y đánh mất sự tự tin, y không dám lội xuống nước, thế là y vẫn ở bên bờ này." Cũng vậy, có những phật tử có tiềm năng chứng đạt Đạo, nhưng không "tự tin" nên không dám dấn thân hành đạo, thế là họ đánh mất những gì xét ra họ có thể có được. Xét cho cùng, người muốn chứng đạt giải thoát, bắt buộc phải hành đạo, đó là con đường tất yếu. Kiếp này không thực hiện thì những kiếp sau sau cũng phải thực hành thôi. 3- "Không dính líu với tội lỗi ". Nghĩa là "thoát ra những lỗi lầm" vì rành rẽ trong những thiện sự hay những pháp thượng nhân. Lại nữa, chính vì tính rành rẽ, quen thuộc của pāguññata, nên những điều lợi ích, những pháp thượng nhân được thành tựu một cách dễ dàng, không khó khăn, không phí sức. Ví như con voi khỏe mạnh thoát ra "trói buộc một cách dễ dàng" được nêu trên. Đức Phật có dạy Bàlamôn Vacchagotta về ba loại giường cao và lớn, mà Ngài có được dễ dàng, không khó khăn, không phí sức: "Tīṇi kho, imāni, brāhmaṇa, uccāsayanamahāsayanāni, yesāhaṃ etarahi nikāmalābhī akicchalābhī akasiralābhī. Katamāni tīṇi? "Này Bàlamôn, có ba loại giường cao và giường lớn này, Ta được chúng không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Thế nào là ba? Dibbaṃ uccāsayanamahāsayanaṃ, brāhmaṃ uccāsayanamahāsayanaṃ, ariyaṃ uccāsayanamahāsayanaṃ. Imāni kho, brāhmaṇa, Giường cao, giường lớn chư Thiên, giường cao, giường lớn Phạm thiên, giường cao, giường lớn bậc Thánh. Tīṇi uccāsayanamahāsayāni, yessahaṃ etarahi nikāmalābhī akicchalābhī akasiralābhī'ti" Ba giường cao, giường lớn này, này Bà-la-môn, Ta được chúng không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức" [74] . Nói về "bốn pháp tác thành vị Trưởng lão", trong đó có: ...catunnaṃ jhānānaṃ ābhicetasikānaṃ diṭṭhadhammasukhavihārānaṃ nikāmalābhī hoti akicchalābhī akasiralābhī..." ... "đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức..." [75] . Đây là sự thành tựu của tâm sở Thích ứng. 4- "Có tâm và tâm sở". *
18- Tâm sở Chánh
[76]
thân (kāyujukatācetasika). 69 -Hỏi: Thế nào là ujukatā (chánh trực)? Đáp: Uju xuất phát từ uju nghĩa là "ngay thẳng". Ujukatā = ujuka + tā. Sách Atthasālinī có giải thích về ujukatā (chánh trực) như sau: "Ujukatāti ujukabhāvo, ujukenākārena pavattanatāti attho: "Ujukatā là "có tính cách ngay thẳng", nghĩa là "những diễn tiến (pavattanatā) tạo ra tính ngay thẳng" [77] . Bộ Pháp Tụ nêu lên ý nghĩa của ujukatā như sau: "Katamā tasmiṃ samaye kāyujukatā hoti? Thế nào là chánh thân (kāyujukatā) trong khi ấy?Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa ujutā ujukatā ajimhatā avaṅkatā akuṭilatā. Ayaṃ tasmiṃ samaye kāyujukatā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự ngay thẳng, cách ngay thẳng, không cong vẹo, không vặn vẹo, không quanh co của thọ uẩn, thưởng uẩn, hành uẩn. Đây là chánh thân trong khi ấy. "Katamā tasmiṃ samaye cittujukatā hoti?Thế nào là chánh tâm (cittujukatā) trong khi ấy?Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa ujutā ujukatā ajimhatā avaṅkatā akuṭilatā. Ayaṃ tasmiṃ samaye cittujukatā hoti". Trong khi ấy, pháp là sự ngay thẳng, cách ngay thẳng, không cong vẹo, không vặn vẹo, không quanh co của thức uẩn. Đây là chánh tâm trong khi ấy. Theo bản kinh thì ujukatā (chánh trực) có 5 tính cách: Ngay thẳng (ujutā), cách ngay thẳng (ujukatā), không cong vẹo (ajimhatā), không ngay thật (avaṅkatā), không lường gạt (akuṭilatā). Ngài Buddhaghosa có giải thích ba từ ajimhatā (không cong vẹo), avaṅkatā (không ngay thật) và akuṭilatā (không lường gạt) như sau [78] : *- Ajimhatāti gomuttavaṅkabhāvapaṭikkhepo: "Không cong vẹo là từ bỏ thực trạng (bhāva) cong vẹo như nước tiểu bò" [79] . Avaṅkatāti candalekhāvaṅkabhāvapaṭikkhepo: "Không ngay thật là từ bỏ thực trạng cong vẹo như nghệ thuật viết chữ theo ý" [80] . Akuṭilatāti naṅgalakotivaṅkabhāvapaṭikkhepo: "Không lường gạt" là từ bỏ thực trạng cong vẹo như đường cày". * Người thực hành điều ác, lại nói "tôi không có làm (na karomīti)", rồi trở lại làm điều ác ấy, gọi là "cong như nước tiểu bò". *- Người thực hành điều ác, lại nói "tôi sợ điều ác (bhāyāmahaṃ pāpassā'ti)", người ấy bẻ cong sự kiện, gọi là "cong như nghệ thuật viết chữ theo ý". *-Người thực hành điều ác, lại nói "ai không sợ điều ác (ko pāpassa na bhāyeyyā'ti)", người ấy tráo trở như người diễn tuồng (nātikuṭilatāya), gọi là "cong như đường cày". Lại nữa, người không trong sạch ba nghiệp môn (kammadvārāni) là thân - ngữ - ý, gọi là người "cong như nước tiểu bò". Không trong sạch hai môn, gọi là người " cong như viết chữ nghệ thuật theo ý". Không trong sạch một môn, gọi là "cong như đường cày". Đặc tính chánh của tâm sở chánh trực (ujukatā) là ngay thẳng, chúng đối nghịch với tính cách xuyên vẹo, lừa gạt, quanh co của thân - ngữ -ý, chủ yếu là tâm và tâm sở. Tâm sở chánh trực khi phát triển được thành tựu, trở thành một ân đức Tăng là "ujupatipanno (bậc Trực hạnh)". 70- Hỏi: Hãy giải thích bốn đặc tính của tâm sở chánh trực. Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở chánh trực là: - Trạng thái:Thân – tâm ngay thẳng(kāyacitta ajjavalakkhaṇā) -Phận sự: Làm tan biến sự không ngay thật của thân – tâm (kāyacittakuṭilabhāvanimaddanarasā). -Thành tựu: Thân - tâm không cong vẹo (ajimhatāpaccupaṭṭhāṇā). -Nhân gần: Có tâm và tâm sở (kāyacittapadaṭṭhāṇā). Những điều này cũng dễ hiểu. 71- Hỏi: Thế nào là thân cong vẹo? Đáp: Là thân thực hiện ba ác hạnh : Sát sanh, trộm cắp và tà hạnh trong dục lạc , đó là phần chánh của thân cong vẹo. Ngoài ra còn dùng thân làm khổ chúng sinh khác như dùng gậy gộc, đao trượng đánh đập, gây thương tích cho chúng sinh khác... [81] Mặt khác, tuy không phạm vào ba thân ác nghiệp, không làm hại chúng sinh khác bằng thân, nhưng không dùng thân phục vụ điều đáng phục vụ. Như không quét dọn Phật điện, đền, tháp... Hay không phục vụ bậc đáng phục vụ, phục vụ bậc không đáng phục vụ. Hoặc không cung kính điều đáng tôn kính như "không đảnh lễ Bảo tháp tôn thờ Xálợi Phật, không đảnh lễ Xálợi Phật, không đảnh lễ kim thân Phật...". Không cung kỉnh bậc đáng cung kỉnh, cung kỉnh người không đáng cung kỉnh; không cúng dường bậc đáng cúng dường, cúng dường người không đáng cúng dường... Những điều trên là "thân cong vẹo". Đức Phật có dạy : Có ba hạng người: a- Hạng người không nên gần gũi (sevītabbo), không nên sống chung (bhajitabbaṃ), không nên hầu hạ cúng dường (payirupāsitabbo). b- Hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. c- Hạng người sau khi cung kỉnh, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. *- Thế nào là hạng người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? "Idha, bhikkhave, ekacco puggalo hīno hoti sīlena samādhinā paññāya. Evarūpo, bhikkhave, puggalo na sevitabbo na bhajitabbo na payirupāsitabbo aññatra anuddayā aññatra anukampā". " Ở đây, này các tỳkhưu, có hạng người thấp kém về giới - định - tuệ, hạng người như vậy, này các tỳkhưu, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn". Nếu không phải vì lòng thương tưởng, vì lòng bi mẫn (như đó là người nhà, người thân hoặc người có thi ân cho mình), dùng thân cung kỉnh, hầu hạ, cúng dường hạng người này, đó là "thân cong vẹo". *- Thế nào là hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường? "Idha, bhikkhave, ekacco puggalo sadiso hoti sīlena samādhinā paññāya. Evarūpo, bhikkhave, puggalo sevitabbo bhajitabbo payirupāsitabbo. Taṃ kissa hetu? "Ở đây, này các tỳkhưu, có hạng người đồng đẳng với mình về giới - định - tuệ. Hạng người như vậy, này các tỳkhưu, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Sīlasāmaññagatānaṃ sataṃ sīlakathā ca no bhavissati, sā ca no pavattinī bhavissati, sā ca no phāsu bhavissati. - Với ý nghĩ :"(Cả hai) thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được diễn tiến lợi ích cho cả hai, và sẽ làm cho cả hai an lạc. Samādhisāmaññagatānaṃ sataṃ samādhikathā ca no bhavissati, sā ca no pavattinī bhavissati, sā ca no phāsu bhavissati. - (Cả hai) thiện xảo về định, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về định, được diễn tiến lợi ích cho cả hai, và sẽ làm cho cả hai an lạc Paññāsāmaññagatānaṃ sataṃ paññākathā ca no bhavissati, sā ca no pavattinī bhavissati, sā ca no phāsu bhavissati". -(Cả hai) thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về tuệ, được diễn tiến lợi ích cho cả hai, và sẽ làm cho cả hai an lạc [82] . *- Thế nào là hạng người sau khi cung kỉnh, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Đó là hạng người thù thắng về giới - định - tuệ. Khi gần gũi, sống chung sẽ làm tăng trưởng giới, tăng trưởng định, tăng trưởng tuệ.Với hai hạng người sau: Không dùng thân để gần gũi, phục vụ, cúng dường cũng là "thân cong vẹo". Hoặc có ba hạng người khác: a- Hạng người không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Đức Phật nêu rõ: "Đây là hạng Samôn ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, nhưng hiện tướng samôn, không sống phạm hạnh nhưng hiện tướng có Phạm hạnh". Hạng người này không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì sao? Vì rằng: Tuy không có sở hành giống như vậy, tuy không theo tri kiến như vậy, nhưng vì thân cận gần gũi, sẽ mang tiếng xấu là "có bạn ác, có bạn thân ác, tôn sùng kẻ ác (pāpasampavaṅko)", ví như con rắn đi vào đống phân, tuy không làm hại ai, nhưng cũng bị đống phân làm cho nhơ uế. b- Hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Đức Phật nêu rõ : "Đây là hạng người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít cũng tức tối. Ví như hố phân được cây gậy quậy vào thì mùi hôi thúi nổi lên càng nhiều". Hạng người này cần phải nhìn thản nhiên, không nên cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì sao? Vì rằng "nó có thể chưởi mắng ta, nó có thể làm hại ta". Nếu cung kỉnh hầu hạ, cúng dường (bằng thân) với hạng 2 người này, gọi là "thân cong vẹo". c- Hạng người cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Đức Phật nêu rõ : "Đây là hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện". Gần gũi, thân cận với hạng người này, tuy không có sở hành như vậy, không tùy thuận theo tri kiến như vậy, nhưng được tiếng lành là "có bạn hiền, có thiện bằng hữu, là người tôn sùng thiện" [83] . Với hạng người này dùng thân phục vụ, cúng dường là "thân không cong". 72- Hỏi: Thế nào là "ngữ cong vẹo"? Đáp: Ngữ cong vẹo phần chính là bốn ngữ ác nghiệp như: Nói dối, nói hai lưỡi, nói ác, nói phù phiếm. Ngoài ra, tuy không rơi vào bốn ngữ ác nghiệp nhưng: - Nói lời tán thán người không đáng tán thán, không nói lời tán thán người đáng tán thán. - Chỉ trích người không đáng chỉ trích, không chỉ trích người đáng chỉ trích. - Không nói đúng pháp, nói phi pháp. "Dvīhi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bālo abyatto asappuriso khataṃ upahataṃ attānaṃ pariharati, sāvajjo ca hoti sānuvajjo ca viññūnaṃ, bahuñca apuññaṃ pasavati. Katamehi dvīhi? "Thành tựu hai pháp, này các tỳkhưu, kẻ ngu vụng về (avyatto), không phải bậc chân nhân, tự mình xử sự (attānaṃ pariharati) như một vật mất gốc (khataṃ), bị thương tích (upahataṃ), phạm tội (sāvajjo), bị kẻ trí quở trách (sānuvajjo) và tạo nên nhiều vô phước. Thế nào là hai? Ananuvicca apariyogāhetvā avaṇṇārahassa vaṇṇaṃ bhāsati, ananuvicca apariyogāhetvā vaṇṇārahassa avaṇṇaṃ bhāsati". Không suy tư (ananuvicca), không thẩm sát (apariyogāhetvā): Tán thán người không xứng đáng được tán thán; chỉ trích người xứng đáng được tán thán." [84] . Và: "Dveme, bhikkhave, tathāgataṃ abbhācikkhanti. Katame dve? Yo ca abhāsitaṃ alapitaṃ tathāgatena bhāsitaṃ lapitaṃ tathāgatenāti dīpeti. Yo ca bhāsitaṃ lapitaṃ tathāgatena abhāsitaṃ alapitaṃ tathāgatenāti dīpeti". "Này các tỳ khưu, có hai hạng người xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? - Như lai có nói, có thuyết. Người nêu rõ là" Như Lai không nói, không thuyết. - Như lai không nói, không thuyết, Người nêu rõ là "Như Lai có nói, có thuyết" [85] . Đây là hai hạng người "nói dối" xuyên tạc Như Lai. Hay là: "Dveme, bhikkhave, tathāgataṃ abbhācikkhanti. Katame dve? Yo ca neyyatthaṃ suttantaṃ nītattho suttantoti dīpeti. Yo ca nītatthaṃ suttantaṃ neyyattho suttantoti dīpeti". "Này các tỳkhưu, có hai hạng người xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? - Kinh cần phải giải nghĩa (neyyattha). Người ấy nêu rõ là "kinh đã được giải nghĩa (nītattha)". - Kinh đã được giải nghĩa. Ngưới ấy nêu rõ là "kinh cần phải giải nghĩa" (sđd). Đây là hai hạng người có "lời bẻ cong" về Pháp. 73- Hỏi: Thế nào là "ý cong vẹo"? Đáp: Ý có tham, có sân, có si gọi là ý cong vẹo, ngoài ra tưởng đi chung với tà kiến cũng là "ý cong vẹo". Như sau: -Điều phạm tội tưởng là không phạm tội, điều không phạm tội tưởng là phạm tội. -Điều đáng tin tưởng cho là không đáng tin tưởng, điều không đáng tin tưởng cho là đáng tin tưởng. - Điều phi luật cho là luật , điều đúng luật cho là phi luật. - Tưởng hợp pháp với điều không hợp pháp, điều không hợp pháp tưởng là hợp pháp. - Điều đáng lo lắng không lo lắng, điều không đáng lo lắng cho là đáng lo lắng. "Dvinnaṃ, bhikkhave, āsavā vaḍḍhanti. Katamesaṃ dvinnaṃ? Yo ca adhamme dhammasaññī, yo ca dhamme adhammasaññī . Imesaṃ kho, bhikkhave, dvinnaṃ āsavā vaḍḍhantī'ti" "Trong hai hạng người, này các tỳkhưu, các lậu hoặc tăng trưởng. Trong hai hạng người nào? Người tưởng đúng pháp đối với việc phi pháp và người tưởng phi pháp với việc đúng pháp. Đây là hai hạng người, này các tỳkhưu, các lậu hoặc tăng trưởng [86] . Hay là: "Dvinnaṃ, bhikkhave, āsavā vaḍḍhanti. Katamesaṃ dvinnaṃ? Yo ca avinaye vinayasaññī, yo ca vinaye avinayasaññī. Imesaṃ kho, bhikkhave, dvinnaṃ āsavā vaḍḍhantī'ti" "Trong hai hạng người, này các tỳkhưu, các lậu hoặc tăng trưởng. Trong hai hạng người nào? Người tưởng đúng luật đối với việc phi luật và người tưởng phi luật với việc đúng luật. Đây là hai hạng người, này các tỳkhưu, các lậu hoặc tăng trưởng (sđd). Dứt phần tâm sở tịnh hảo biến hành. * [1]- Sn.78; chương III, phẩm lớn (mahāvagga), kinh Khéo thuyết (subhāsitasuttaṃ). [2]- PvA. 19. [3]- Dhp. 88. Abhirati là tên gọi khác của Nípbàn, nghĩa đen là “cái vui cao nhất”. [4]- Dhp. 375. [5]- Vsm .Chương XIV, Mô tả các uẩn (khandhaniddeso). [6]- S.ii, 194. Tương ưng Kassapa. HT. Thích Minh Châu (d). [7]- A.ii, 27. Pháp bốn chi. Chương III, phẩm Uruvela, kinh Truyền thống bậc Thánh (ariyavaṃsasuttaṃ). [8]- Dhp. Câu số 204. [9]- Vsm. Chương IV: Mô tả Kasina đất (pathavīkasinaniddeso), luận đề Tam thiền (tatiyajhānakathā). [10]- Vsm. Chương Phạm trú. [11]- A.iii, 279, Pháp sáu chi. HT. Thích Minh Châu (d), Phẩm đáng được cung kính (āhuneyyavaggo), kinh Đáng được cung kính (āhuneyyasuttaṃ), tr. 281. [12]‑ D.i, 251 [13]- A.i, 253. Pháp ba chi; Phẩm (Loṇakapallavaggo), kinh Ấn tướng (Nimittasuttaṃ). HT. Thích Minh Châu (d). [14]- D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbāna). [15]- M.i, Rừng sừng bò tiểu kinh (cūlagosiṅgasuttaṃ). [16]- Xả tại gia là thọ xả có liên hệ đến sáu trần cảnh -Ns. [17]- M.iii.HT. Thích Minh Châu (d), kinh Phân biệt sáu xứ (saḷāyatanavibhaṅgasuttaṃ) (1975); Viện Đại Học Vạn hạnh, tr.424. [18]- MA- kinh Tiểu nghiệp phân biệt. [19]- S.ii, 189 – 190,. HT. Thích Minh Châu (d), Tương ưng Vô thủy (Anamaggatasam.yuttaṃ), kinh Mẹ (mātusuttaṃ)...(1982), Viên Đại học vạn Hạnh, tr.218. [20]- M.i, Sư tử hống đại kinh. [21]- M.ii, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt. [22]- DhpA. Kệ ngôn số 47. [23]- Ở đây Đức Tịnh sự dịch Passaddhi là "tịnh an" để khỏi nhầm lẫn với loại tâm sở Lahutā nghĩa là "nhẹ nhàng – khinh an" - Ns. [24]- Vsm. Chương XIV: Mô tả các uẩn (Khandhāniddeo), luận đề hành uẩn (khandhākathā). [25]- Đại Đức Giác Giới, Tầm nguyên ngữ căn (kn) - LHNB. [26]- S.iv, 191.Chương I, phẩm IV, kinh Khổ pháp (dukkhadhammasuttaṃ). [27]- S.iii, 211. Tương ưng kiến (diṭṭhisaṃyuttaṃ), phẩm Dự lưu (sotāpattivaggo), kinh Đại tà kiến (mahādiṭṭhisuttaṃ). [28]- A.iv, 451. Pháp 9 chi; chương V, phẩm Tương tự (sāmaññavaggo), kinh Thân chứng (kāyasakkhīsuttaṃ). [29]- M.i; kinh Tiểu phương quảng (cūlavedallasuttaṃ). [30]- Atts. Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [31]- A.iv, 455. Pháp 9 chi; chương VI, phẩm an lạc (khemavaggo), knh Khinh an (passaddhisuttam.). [32]- Dhs. Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), Bộ Pháp tụ, chương tâm sanh (1990). Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, tr.33. [33]- Passaddhi này chỉ cho tâm sở Tịnh thân – Ns. [34]- A.i, 253. Pháp ba chi. Kinh Kẻ lọc vàng (paṃsudhovakasuttaṃ). [35]- Xem A.v, 133. Pháp 10 chi, Chương VIII: Phẩm Ước nguyện (ākaṅkhavaggo), kinh Cây gai (Kaṇṭakasuttaṃ). [36]- Tiếp đầu ngữ Paṭi nhằm tăng cường cho passaddhi, nên paṭipassaddhi là "sự khinh an phát triển mạnh". Ở đây dịch là "yên lặng" - Ns. [37]- S.iv, 216. Chương II. Tương ưng thọ (vedanāsaṃyuttaṃ), kinh Sống một mình (rahogatasuttaṃ) [38]- S.ii, 29. Tương ưng nhân duyên, kinh Duyên cận (Upanisasuttaṃ) [39]-S.iv, 78. Chương I, Tương ưng sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ), phẩm từ bỏ (saḷavaggo), kinh sống phóng dật (pamādavihārīsuttaṃ), tr. 86. [40]- A.i, 76. Pháp hai chi. Phẩm VI: Phẫm người – 12. (puggalavagga). HT. Thích Minh Châu (d). [41]- A.i,8. Pháp một chi. Phẩm V. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Tâm đặt sai hướng - 6, (1987). Trường Cao cấp Phật học cơ sờ II Việt Nam, tr.17. [42]- A.i, 253. Pháp ba chi. HT. Thích Minh Châu (d). [43]- Xem M.i, kinh Ví dụ cái cưa (Kakacūpamasuttaṃ) [44]- A.8. Pháp một chi. [45]- Dhs. Đại trưởng lão Tịnh Sụ (d), Chương Tâm sanh (Cittuppādakaṇḍaṃ)(1990). Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, tr.33. [46]- Atts. Phần I, chương II: Phần Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [47]- Là hành giả khi chứng đắc Thiền hoặc nhập thiền, khi xuất thiền phát sinh một tâm lộ "xem xét lại những chi thiền", gọi là lộ Phản khán chi thiền. Khi chứng đắc Đạo (magga), tiếp theo có những tâm lộ nối tiếp " xem xét lại: Đạo đã chứng, Quả siêu thế đã đắc, Nípbàn đã đạt, phiền não đã sát trừ và phiền não còn tồn tại", gọi lả lộ phản khán Đạo (xem TK Chánh Minh, Quy trình tâm pháp) – Ns. [48]- Vsm . Chương XIV: Mô tả các uẩn (Khandhaniddesa). [49]- Maddana nghĩa đen là "nghiền nát" -Ns. [50]- Dhp, số 116 . Ông Phạm Kim Khánh (d). [51]- A.i,8. Pháp một chi. HT. Thích Minh Châu (d), Phẩm V: Đặt hướng và trong sáng (Paṇihita-acchavaggo) (1987), Trường cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II, tr.17. [52]- Dhs. Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), chương tâm sanh (1990). Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, tr.33. [53]- Atts. Phần I, chương II: Phần Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [54]- Xem. A.i,83. Pháp hai chi. Phẩm IX. [55]- A.iii, 42. Pháp năm chi. Phẩm IV: Phẩm Sumana (Sumanavaggo), Kinh Sự lợi lòng tin. [56]- Xem M.i, kinh số 21. Kinh Ví dụ cái cưa (Kakacūpamasuttaṃ). [57] -M.i, kinh số 16 [58] - A.i,52. Pháp hai chi. Phẩm II: Phẩm tranh tụng - 15. [59]- Vị này, trước theo chủ thuyết của ngoại đạo sư Nigantha Natāputta. [60]- Xem M.ii, kinh Upāli. [61]- A.i, 8. Pháp một chi. HT. Thích Minh Châu (d), Phẩm V: Đặt hướng và trong sáng (Paṇihita-acchavaggo) (1987), Trường cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II, tr.17. [62]- Xem M.i, kinh số 15 . Anumāna suttaṃ (kinh Tư lượng). [63]- Atts. Phần I, chương II: Phần Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [64]- Atts. Phần I, chương II: Phần Mô tả pháp lợi ích (Dhammuddesavāro) - Passaddhadiyugalavaṇṇanṇ [65]- Paṭṭika, nghĩa đen là "sợi dây lưng, dây nịt lưng) – Ns. [66]- A.i, 253. Pháp ba chi, Paṃsudhovaka suttaṃ (kinh Người lọc vàng). [67]- A.iii, 16. Pháp 5 chi. Phẩm III: Năm phần (pañcaṅgikavaggo), kinh Các uế nhiễm (upakkilesāsuttaṃ). [68]- M.i, kinh số 31 . HT. Thích Minh Châu (d), Rừng sừng bò tiểu kinh (Cūlagosiṅgasuttaṃ) (1973).Viện Đại học Vạn Hạnh, tr. 210. [69]- Xem A.iii, 16. Pháp 5 chi. Phẩm III: Năm phần (pañcaṅgikavaggo), kinh Các uế nhiễm (upakkilesāsuttaṃ). [70]- Atts. Phần I, chương II: Phần Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [71]- M.ii, kinh số 66. Kinh ví dụ con chim Cáy (laṭukikopamasuttaṃ). [72]- Dhp, câu 204. [73]- Miln. Đại trưởng lão Giới Nghiêm (d), Mi-Tiên vấn đáp I (1962), tr.90. [74]- A.i, 185, Pháp ba chi, Chương VII, Phẩm Lớn (Mahāvaggo), Kinh làng venāga (Venāgapurasuttaṃ), tr, 205. [75]- A.ii, 22, Pháp bốn chi, Chương III, Phẩm Uruvelā (Uruvelavaggo), kinh Tại Uruvelā II (Dutiya Uruvelasuttaṃ). tr, 374. [76]- Ujukatā dịch là chánh trực, xét ra không chuẩn lắm theo từ nguyên, vì không có từ sam hay sammā đi kèm, nhưng xét về nghĩa thì ổn. Uju là "sự ngay thẳng" - Ns. [77]- Atts. Phần I, chương II: Phần Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [78]- Atts. Phần I, chương II: Phần Giải thích về sự mô tả xoay quanh Thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā). [79]- "Cong như nước tiểu bò", có lẽ là một thành ngữ của Ấn cổ, chỉ cho người thường dối trá. [80]- Chữ candalekhā, có sách dịch là "trăng lưỡi liềm" (xem Chú giải bộ Pháp tụ - Tỳkheo Siêu Minh dịch). Theo nghĩa từ nguyên thì lekhā có nghĩa là "nghệ thuật viết chữ", canda "mặt trăng", canda xuất phát từ chanda (ước muốn). Theo Sớ giải kinh Khởi thế nhân bổn của Trường bộ IV thì: Người Sơ kiếp là những vị Phạm thiên cõi Quang âm thiên. Do khởi tâm tham nếm vị đất, rồi sau đó bẻ đất ăn. Khi ấy hào quang các vị này biến mất, bóng tối xuất hiện, chúng sinh ấy kinh hãi, bấy giờ mặt trời xuất hiện xua đuổi bóng tối mang lại sự dan dĩ, chúng sinh ấy hoan hỷ : "Vị chư thiên này mang lại sự tốt đẹp cho chúng ta", nên gọi mặt trời là Suriyadevaputta. Khi mặt trời di chuyển về Tây rồi lặn mất, chúng sinh ấy lại kinh sợ rằng "tất cả chúng ta sẽ ra sao khi thiên tử Suriya ra đi". Như hiểu ý các chúng sinh ấy, mặt trăng xuất hiện, chúng sinh ấy hoan hỷ gọi mặt trăng là "candadevaputta" (xin xem thêm chú giải Người và cõi - Đại Đức Thiện Phúc dịch). Nên candalekhā, tạm dịch là "nghệ thuật viết chữ theo ý". [81]- Xem M.iii, kinh số 135. Tiểu nghiệp phân biệt kinh. [82]- A.i, 124. Pháp ba chi. Phẩm III: Phẩm người (puggalavaggo). H.T. Thích Minh Châu (d), kinh Cần phải thân cận (sevitabbasuttaṃ). [83]- Xem A.i, 126. Pháp ba chi. Kinh Đáng ghê tởm (). [84]- A.i,88. Pháp 2 chi. Phẩm XII: Phẩm Hy cầu (Āyācanavaggo)- 5. HT.Thích Minh Châu (d), kinh Hy cầu (āyācanasuttaṃ). [85]- A.i, 59. Pháp hai chi. Phẩm III: Phẩm người ngu. HT. Thích Minh Châu (d). [86]- A.i, 84. Pháp 2 chi. Phẩm X: Phẩm kẻ ngu (bālavaggo).Ht. Thích Minh Châu (d), kinh kẻ ngu (bālasuttaṃ). -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Phần I | Phần II | Thư mục Vi Diệu Pháp |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006).
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006