THŪPAVAMSA
Nguyên tác Pāli: Vācissaratthera
[03] GIẢNG GIẢI VỀ SỰ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG NGÔI BẢO THÁP Sau đó, đức vua đã cho đem về các vật đã được phát sanh lên vì mục đích ngôi bảo tháp như vàng, v.v... và chất lại thành đống trong các kho chứa vật liệu. Sau đó, khi tất cả các vật liệu được đầy đủ đức vua đã khởi sự việc chuẩn bị làm nền móng cho việc xây dựng ngôi đại bảo tháp vào ngày Uposatha là ngày trăng tròn tháng Visākha khi chòm tinh tú Visākha xuất hiện. Đức vua đã cho mang lại tháp đá di tích được thiết lập tại địa điểm của ngôi bảo tháp, sau đó đã cho đào xuống mặt đất độ sâu một trăm ratana[87] rồi bao bọc bằng hàng rào đầu voi ở xung quanh nhằm đạt được trạng thái bền vững, đã cho di chuyển khối đất, và đã cho các dũng sĩ trải đều các tảng đá tròn rồi dùng búa thợ rèn đập vỡ làm thành các mảnh vụn. Sau đó, đức vua đã cho các con voi khổng lồ có bàn chân được bao bọc bằng lớp da dẫm đạp lên rồi đã cho trải đều đất sét bơ lỏng lên trên lớp nền bằng đá vụn. Tại địa điểm mà sông Gaṅgā ở trên trời đổ nước xuống, các hạt nước đã bắn lên và rơi xuống khu vực có kích thước ba mươi do-tuần ở xung quanh là nơi lúa sālī được sanh trưởng tự nhiên. Tại địa điểm ấy, chính vì tính chất ẩm ướt thường xuyên nên có tên là Tintasīsakoḷa; đất sét tại nơi ấy có bản chất mềm dẻo nên được gọi là “đất sét bơ lỏng.” Các vị sa di là bậc Lậu Tận đã mang đất sét từ nơi ấy lại. Điều cần biết là “công việc về đất sét ở khắp các nơi đã được thực hiện với loại đất sét ấy.” Sau đó đã cho trải các viên gạch bên trên lớp đất sét, bên trên lớp gạch là công việc hồ dính, bên trên lớp ấy là đá hồng ngọc, bên trên lớp ấy là màng lưới bằng sắt, bên trên lớp ấy là cát có mùi thơm đã được các vị sa di Lậu Tận mang lại từ núi Hy-mã-lạp, bên trên lớp ấy là đá sữa, bên trên lớp ấy là đá pha-lê, rồi bên trên lớp ấy cho trải lớp đá cuội. Toàn bộ đất sét dùng trong công trình đều là loại đất sét bơ lỏng. Ở bên trên lớp trải đá, đức vua đã cho lát miếng đồng đỏ dày tám ngón tay bằng nhựa cây táo được làm mềm bởi nước tinh khiết, rồi đã cho lát miếng bạc dày bảy ngón tay bên trên lớp ấy bằng thạch tín được làm mềm bởi dầu hạt mè. Sau khi đã cho chuẩn bị mặt nền bằng mọi phương thức như thế, vào ngày mười bốn thượng huyền tháng Āsāḷha đức vua đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã nói như vầy: “Ngày mai là ngày trăng tròn Uposatha với chòm tinh tú Uttarāsāḷha, trẫm sẽ cho đặt viên gạch kiết tường ở ngôi đại bảo điện. Ngày mai, thỉnh toàn thể hội chúng hãy tụ hội tại địa điểm của ngôi bảo tháp” rồi đã cho trống thông báo ở trong thành phố rằng: “Dân chúng hãy thọ trì ngày Trai Giới, hãy mang theo các loại hương thơm, tràng hoa, v.v... và hãy tụ hội tại địa điểm của ngôi bảo tháp.” Kế đến, đức vua đã ra lệnh cho hai vị quan đại thần tên là Visākha và Sirideva: “Mỗi người các khanh hãy đến và trang hoàng khu vực ngôi đại bảo điện.” Hai người ấy sau khi đi đến đã cho rải cát có màu sắc kim loại bạc xuống xung quanh, rồi đã cho rắc đều các loại bông hoa và bắp rang là loại thứ năm, rồi cho dựng lên cổng chào bằng cây chuối, cho đặt những chum đầy (nước uống), rồi cho buộc các cờ ngũ sắc ở những cây tre màu ngọc ma-ni, rồi đã cho trải ra nhiều loại bông hoa có hương thơm. Họ đã trang hoàng khu vực ấy bằng nhiều phương thức như thế. Sau đó, đức vua đã cho trang hoàng toàn bộ thành phố và con đường đi đến tu viện. Lúc đêm hừng sáng, ở bốn cổng trong thành phố đức vua đã ra lệnh bố trí những người thợ cạo cho công việc cạo râu, những người thợ tắm cho công việc tắm rửa, luôn cả những người phụ giúp cho công việc trang điểm nữa, cùng với các loại vải vóc nhiều màu sắc, các hương thơm và tràng hoa, v.v..., và các bữa ăn ngon ngọt có đủ xúp và thức ăn rồi đã cho những viên quan quản lý thông báo rằng: “Tất cả cư dân thành phố và xứ sở hãy để cho thực hiện công việc cạo râu, tắm rửa, thọ thực, trang điểm các loại vải vóc và đồ trang sức, v.v... theo như ý thích rồi hãy đi đến địa điểm của ngôi đại bảo điện.” Bản thân đức vua cũng đã được trang điểm với tất cả các đồ trang sức và đã thọ trì ngày Trai Giới cùng với bốn mươi ngàn người. Đức vua có sự bảo vệ do nhiều viên quan đại thần phục sức tráng lệ phụ trách và được hầu cận bởi những nữ vũ công trang điểm giống như các nàng tiên, trông tợ như vị thiên vương được tùy tùng bởi thiên chúng, trong lúc làm dân chúng vui mừng bởi sự thành tựu quyền quý của bản thân, đã đi đến địa điểm của ngôi đại bảo tháp vào lúc chiều tối trong khi vô số các loại nhạc cụ đang trình tấu. Nhằm mục đích kiết tường, đức vua đã cho đặt hơn tám ngàn cuộn vải tại vị trí của ngôi đại bảo điện, còn ở bốn bên đã cho chất các đống vải và đã cho xếp đặt các loại dầu ăn, mật ong, đường tinh khiết, v.v... Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến từ các địa phương khác nhau. Vị trưởng lão tên Indagutta đã đưa tám mươi ngàn vị tỳ khưu từ vùng lân cận thành Rājagaha đi đến theo đường không trung. Tương tợ như thế, vị trưởng lão tên Dhammasena cùng mười hai ngàn vị tỳ khưu từ đại tu viện ở Isipatana, Bārāṇasī, vị trưởng lão tên là Piyadassi cùng với sáu mươi ngàn vị tỳ khưu từ tu viện Jetavana, thành Sāvatthi, trưởng lão Buddharakkhita cùng mười tám ngàn vị tỳ khưu từ Mahāvana, thành Vesālī, trưởng lão Mahādhammakkhita cùng ba mươi ngàn vị tỳ khưu từ tu viện Ghosita thành Kosambī, trưởng lão Dhammarakkhita cùng bốn mươi ngàn vị tỳ khưu từ đại tu viện Dakkhiṇagiri ở xứ Ujjenī, trưởng lão Mittiṇṇa cùng một trăm sáu mươi ngàn vị tỳ khưu từ tu viện Asoka thành Pāṭaliputta, trưởng lão Attinna cùng hai trăm tám mươi ngàn vị tỳ khưu từ xứ Gandhāra, trưởng lão Mahādeva cùng bốn trăm sáu mươi ngàn vị tỳ khưu từ khu vực Mahāpallava, trưởng lão Dhammarakkhita người xứ Yona cùng ba mươi ngàn vị tỳ khưu từ thành phố Alasandā thuộc xứ sở Yonaka, trưởng lão Uttara cùng tám mươi ngàn vị tỳ khưu từ trú xứ ở lối vào khu rừng Viñjha, trưởng lão Cittagutta cùng ba mươi ngàn vị tỳ khưu từ tu viện Mahābodhimaṇḍa, trưởng lão Candagutta cùng tám mươi ngàn vị tỳ khưu từ khu vực Vanavāsi, trưởng lão Suriyagutta đã đưa chín mươi sáu ngàn vị tỳ khưu từ đại tu viện Kelāsa đi đến theo đường không trung. Đối với các vị tỳ khưu là cư dân ở đảo đã đi đến từ khắp các nơi, sự xác định về số lượng không được các tài liệu cổ đề cập đến. Trong số tất cả các vị tỳ khưu đã đi đến dự cuộc hội họp ấy, nghe nói chỉ riêng các vị Lậu Tận đã là chín mươi sáu koṭi vị.[88] Khi ấy, sau khi chừa lại khoảng trống ở trung tâm cho đức vua, hội chúng đã đứng không chạm lẫn nhau trông như là hàng rào san hô rào quanh vậy. Vị trưởng lão tên Buddharakkhita là bậc Lậu Tận đã đưa năm trăm vị Lậu Tận có cùng tên gọi với mình đứng ở phía đông. Tương tợ như thế, các vị trưởng lão tên Dhammarakkhita, Saṅgharakkhita, và Ānanda là các bậc Lậu Tận đã đưa từng nhóm năm trăm vị Lậu Tận có cùng tên gọi với mình đứng ở phía nam, ở phía tây, và ở phía bắc. Vị trưởng lão tên Piyadassi là bậc Lậu Tận đã đưa đại chúng tỳ khưu đứng ở góc đông bắc. Nghe nói ngay trong khi đi vào giữa hội chúng, đức vua đã suy nghĩ rằng: “Nếu việc xây dựng ngôi bảo điện đang được ta thực hiện đạt đến sự hoàn tất không gặp chướng ngại, thì xin các vị trưởng lão tên Buddharakkhita, Dhammarakkhita, Saṅgharakkhita, và Ānanda hãy đưa từng nhóm năm trăm vị tỳ khưu có cùng tên gọi với mình đứng ở phía đông, ở phía nam, ở phía tây, và ở phía bắc. Vị trưởng lão tên Piyadassi hãy đưa hội chúng tỳ khưu đứng ở góc đông bắc.” Người ta kể lại rằng: “Các vị trưởng lão cũng đã biết được điều ước nguyện của đức vua nên đã đứng theo như thế.” Hơn nữa, vị trưởng lão Siddhattha được tháp tùng bởi mười một vị trưởng lão này là: Maṅgala, Sumana, Paduma, Sīvali, Candagutta, Sūriyagutta, Indagutta, Sāgara, Cittasena, Jayasena, Acala đã đứng quay mặt về hướng đông sau khi đã đặt các chum đầy nước ở phía trước. Sau đó, khi nhìn thấy hội chúng tỳ khưu đứng như thế, đức vua đã sanh tâm tịnh tín và đã cúng dường các vật thơm, tràng hoa, v.v... rồi đã hướng vai phải nhiễu quanh, đã đảnh lễ bốn địa điểm, sau đó đã đi vào nơi có các chum đựng đầy (nước), rồi đã bảo người con trai của viên quan đại thần—được sanh ra hoàn hảo từ người mẹ và cha còn tại tiền, được khéo phục sức và trang điểm, được công nhận là điềm vô cùng tốt lành—cầm lấy cây gậy khoanh đường tròn được làm bằng bạc đã được buộc vào cây cọc bằng vàng (bởi sợi dây) và bắt đầu thực hiện vòng tròn lớn quanh ngôi bảo điện. Tuy nhiên, trong khi công việc đang được thực hiện như thế, vị trưởng lão Siddhattha đã cản lại. Nghe rằng vị này đã khởi ý như vầy: “Nếu vị đại vương xây dựng ngôi bảo điện, thì ngài sẽ băng hà ngay khi còn chưa được hoàn tất. Và sẽ khó được tiếp tục trong tương lai.” Vào giây phút ấy, hội chúng tỳ khưu đã nói rằng: “Tâu đại vương, vị trưởng lão là bậc trí tuệ. Nên làm theo lời nói của vị trưởng lão.” Sau khi biết được ý định của hội chúng tỳ khưu, đức vua trong lúc suy nghĩ rằng: “Vị trưởng lão sẽ thực hiện” nên đã nói như vầy: “Bạch các ngài, vậy trẫm sẽ thực hiện theo kích thước chừng nào?” Vị trưởng lão trong lúc vừa chỉ dẫn vừa nói rằng: “Ngài hãy thực hiện chu vi của ngôi bảo điện theo vị trí từng bước đi của tôi,” và đã khoanh đường tròn rồi bước đi. Sau khi cho thực hiện chu vi của ngôi bảo điện theo cách thức chỉ dẫn của vị trưởng lão, đức vua đã đi đến gần vị trưởng lão, đã hỏi tên, đã cúng dường các loại vật thơm và tràng hoa, v.v... rồi đã đảnh lễ, sau đó đã đến gần mười một vị trưởng lão còn lại đang đứng vòng quanh, đã cúng dường, đã đảnh lễ, đã hỏi tên của các vị ấy, và đã hỏi tên của người con trai viên quan đại thần là người cầm cây gậy khoanh đường tròn. Khi được nói rằng: “Tâu bệ hạ, thần tên là Suppatiṭṭhita Brahmā,” đức vua đã hỏi rằng: “Tên của cha khanh là gì?” Khi được nói rằng: “Tên là Nandisena,” đức vua đã hỏi đến tên của người mẹ. Khi được nói rằng: “Tên là Sumanādevī,” đức vua đã mừng rỡ (nghĩ rằng): “Các tên của tất cả đều được công nhận là vô cùng tốt lành, việc xây dựng ngôi bảo điện đang được ta thực hiện chắc chắn đạt đến sự hoàn tất.” Sau đó, đức vua đã cho đặt tám chum vàng và chum bạc ở giữa, rồi đã cho đặt hơn tám ngàn chum đầy bao quanh chúng. Sau đó, đức vua đã cho đặt tám viên gạch bằng vàng Rồi mỗi một viên gạch trong số ấy, đức vua đã cho bao bọc quanh và xếp đặt hơn tám trăm viên gạch bằng bạc và hơn tám trăm tấm vải. Sau đó, đức vua đã bảo Suppatiṭṭhita Brahmā người con trai của viên quan đại thần cầm lấy một viên gạch bằng vàng rồi đã bảo bảy người con trai của các viên quan đại thần—có cùng tên gọi với Suppatiṭṭhita Brahmā và có cha mẹ còn tại tiền—cầm lấy bảy viên gạch còn lại. Vào giây phút ấy, vị trưởng lão tên Mitta đã đặt xuống cục đất sét có mùi thơm ở trên mặt đất theo đường vạch vòng tròn ở khu vực phía đông. Vị trưởng lão tên Jayasena đã rưới nước làm cho ẩm ướt rồi ban bằng phẳng. Vào thời điểm tốt lành, Suppatiṭṭhita Brahmā đã đặt viên gạch kiết tường thứ nhất ở vị trí được hội đủ vô số điều kiện tốt lành như thế. Vị trưởng lão tên Sumana đã cúng dường chỗ ấy với các bông hoa nhài. Vào thời điểm ấy, đại địa cầu đã tạo thành vòng đai bằng nước và đã rúng động. Họ cũng đã đặt xuống bảy viên gạch còn lại đúng theo cách thức như thế. Sau đó, đức vua cũng đã cho đặt xuống những viên gạch bằng bạc rồi đã cúng dường bằng các vật thơm và tràng hoa, v.v... rồi đã cho xếp đặt mọi việc được tốt đẹp, sau đó đã cho mang lại những bông hoa đựng trong chậu vàng và đi đến gần đại trưởng lão Buddharakkhita đang đứng trước hội chúng tỳ khưu ở phía đông, rồi đã cúng dường với các vật thơm và tràng hoa, v.v..., sau khi đảnh lễ đã hỏi tên các vị tỳ khưu đứng xung quanh vị trưởng lão; sau đó đã đi đến gần đại trưởng lão Dhammarakkhita đang đứng ở phía nam, rồi đại trưởng lão Saṅgharakkhita đang đứng ở phía tây, rồi trưởng lão Ānanda đang đứng ở phía bắc và đã cúng dường bằng các vật thơm và tràng hoa, v.v..., sau đó đã đảnh lễ với năm điểm tiếp xúc,[89] rồi tương tợ như thế đã hỏi các tên, sau đó đã đi đến góc đông bắc đảnh lễ vị đại trưởng lão Piyadassi đang đứng ở nơi ấy, đã đảnh lễ, đã hỏi các tên, rồi đã đứng bên cạnh. Vị trưởng lão, trong lúc làm tăng trưởng phước lành, đã thuyết Pháp cho đức vua. Đến khi chấm dứt lễ hội, bốn mươi ngàn người trong hội chúng cư sĩ đến dự đã được an trú vào phẩm vị A-la-hán, bốn mươi ngàn vào quả vị Nhập Lưu, một ngàn vào quả vị Nhất Lai, một ngàn vào quả vị Bất Lai. Hơn nữa, mười tám ngàn vị tỳ khưu và mười bốn ngàn vị tỳ khưu ni đã đạt đến phẩm vị A-la-hán. Dứt Phần Giảng Giải về Sự Khởi Công Xây Dựng Ngôi Bảo Tháp. -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VÀ MÔ TẢ HÌNH THỨC CỦA CĂN PHÒNG THỜ XÁ-LỢI Sau đó, đức vua đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu rồi nói rằng: “Xin hội chúng tỳ khưu hãy thọ nhận vật thực của trẫm cho đến khi ngôi đại bảo điện được hoàn tất.” Các vị tỳ khưu đã không nhận lời. Trong lúc lần lượt thỉnh cầu và đạt được sự nhận lời trong bảy ngày của một nửa số lượng tỳ khưu, đức vua đã cho thực hiện các mái che ở mười tám địa điểm xung quanh vị trí của ngôi bảo tháp, rồi đã thỉnh hội chúng tỳ khưu ngồi xuống, và đã thực hiện cuộc lễ đại thí trong bảy ngày, sau đó đã dâng cúng dược phẩm như là dầu ăn, mật ong, đường mía, v.v... đến tất cả các vị, rồi đã tiễn biệt hội chúng tỳ khưu. Sau đó, đức vua đã cho trống thông báo trong thành phố và cho triệu tập tất cả các người thợ xây gạch lại. Bọn họ gồm có năm trăm người. Một người trong nhóm (nghĩ rằng): “Sau khi được lòng đức vua, ta có thể thực hiện ngôi đại bảo điện” rồi đã nhìn vào đức vua. Đức vua đã hỏi rằng: “Khanh làm cách nào?” Người ấy đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, thần chọn lấy một trăm nhân công, sau đó mỗi ngày cho đổ vào một xe đất, rồi tiến hành công việc.” Đức vua (nghĩ rằng): “Nếu như thế thì sẽ là đống đất. Các loại cỏ, cây, v.v... sẽ mọc lên và sẽ không tồn tại lâu dài,” rồi đã từ chối người ấy. Người khác đã nói rằng: “Thần chọn lấy một trăm nam nhân, sau đó mỗi ngày cho đổ vào một khối đất, rồi tiến hành công việc.” Người khác đã nói rằng: “Thần cho đổ vào năm ghe đất rồi tiến hành công việc.” Người khác đã nói rằng: “Thần cho đổ vào hai ghe đất rồi tiến hành công việc.” Đức vua cũng đã từ chối những người ấy. Khi ấy, có người thợ xây gạch khác sáng trí đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, sau khi cho giã trong cối giã, sàng bằng rây, nghiền nát bằng cối xay, mỗi một ngày thần sẽ cho đổ vào chỉ một ghe đất và chọn lấy một trăm nhân công rồi tiến hành công việc.” Đức vua (nghĩ rằng): “Nếu như thế ở ngôi đại bảo điện sẽ không có các loại cỏ, v.v... và sẽ tồn tại lâu dài” nên đã đồng ý rồi hỏi thêm rằng: “Tuy nhiên, khanh sẽ làm hình dạng gì?” Vào thời điểm ấy, thiên tử Vissakamma đã nhập vào cơ thể của người thợ xây. Người thợ xây đã cho mang nước lại đổ đầy cái chậu bằng vàng, sau đó đã dùng bàn tay nhúng nước búng ở trên mặt nước và đã làm hiện ra bong bóng nước lớn như cái chậu bằng pha-lê. Người ấy đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, thần làm như thế này.” Đức vua đã đồng ý (nói rằng): “Tốt lắm!” rồi đã ban cho người ấy hai xấp vải trị giá một ngàn, luôn cả đồ trang sức bằng vàng tên là puṇṇaka cũng trị giá một ngàn, đôi giày trị giá một ngàn, và mười hai ngàn đồng tiền, rồi còn bảo cấp cho nhà và ruộng ở địa điểm thích hợp nữa. Sau đó, trong đêm đức vua đã suy nghĩ rằng: “Làm thế nào ta có thể cho mang lại các viên gạch mà không phải đày đọa dân chúng?” Chư thiên biết được tâm của đức vua nên ngay trong đêm ấy đã thực hiện đống gạch đủ cho từng ngày một ở bốn cổng vào của ngôi bảo điện. Khi đêm hừng sáng, dân chúng đã nhìn thấy và đã trình lên đức vua. Đức vua mừng rỡ rồi đã cho thợ xây gạch tiến hành công việc. Bằng chính phương thức ấy, chư thiên đã thực hiện rồi đem lại số gạch vừa đủ của từng ngày một cho đến khi ngôi đại bảo điện được hoàn thành. Ở tại chỗ được tiến hành công việc, đất sét hoặc bột gạch không được sử dụng trọn thời gian trong ngày thì đã được chư thiên làm cho biến mất vào ban đêm. Khi ấy, ở mỗi một cánh cổng trong số bốn cổng vào, đức vua đã cho xếp đặt tiền lương và phần thưởng cho việc làm thủ công của bốn hội chúng tham gia công việc xây dựng ngôi đại bảo điện gồm có mười sáu ngàn đồng tiền, vải vóc, đồ trang sức, vật thơm, tràng hoa, dầu ăn, mật ong, đường mía, năm loại gia vị, các loại dược phẩm, bữa ăn gồm có nhiều loại xúp và thức ăn khác nhau, cháo, vật thực cứng, v.v..., tám loại thức uống được phép, các lá trầu kèm theo năm loại làm thơm miệng, rồi đã ra lệnh rằng: “Hãy để những người tại gia hoặc xuất gia đang tham gia công việc xây dựng ngôi đại bảo điện được nhận lãnh theo như ước muốn, những người tham gia công việc không nhận lãnh lương không được phép làm việc.” Khi ấy, có một vị trưởng lão mong muốn việc góp phần trong công việc xây dựng ngôi bảo điện nên đã tạo ra đất sét giống như ở chỗ thực hiện việc xây dựng, sau đó đã dùng một tay cầm lấy cục đất sét đã được bản thân thực hiện còn tay kia cầm lấy tràng hoa rồi đã bước lên khuôn viên của ngôi đại bảo điện, đã đánh lạc hướng những người nhân công của đức vua, và đưa cho người thợ xây gạch. Người ấy ngay trong khi nhận lấy đã biết rằng: “Không phải là đất sét thiên nhiên” và đã nhìn vào khuôn mặt của vị trưởng lão. Sau khi biết được động cơ của vị ấy, tại đó đã xảy ra sự lộn xộn. Cuối cùng, đức vua đã nghe được nên đã đi đến hỏi người thợ xây gạch rằng: “Này khanh, nghe nói có một vị tỳ khưu đã trao cho khanh cục đất sét chưa được trả công.” Người ấy đã nói như vầy: “Phần đông các ngài đại đức một tay cầm hoa tay kia cầm cục đất sét mang lại và trao cho, vì thế thần không biết nên đã đặt vào chỗ xây dựng. ‘Hơn nữa, vị này là vị vãng lai, vị này là vị tạm trú’ thần chỉ biết được chừng ấy.” (Đức vua đã nói rằng): “Như vậy thì hãy chỉ vị trưởng lão ấy cho người này” rồi đã bố trí một người lính thâm niên ở bên cạnh người thợ xây gạch. Khi vị trưởng lão lại đi đến, người thợ xây gạch đã chỉ vị ấy cho người lính. Người lính đã nhận diện vị ấy rồi trình lên đức vua. Đức vua đã trao nhiệm vụ cho người lính rằng: “Khanh đây hãy chất thành đống ba hũ hoa nhài vừa hé nụ và hãy xếp đặt vật thơm ở khuôn viên của cội Đại Bồ Đề. Vào thời điểm vị trưởng lão vãng lai đi đến khuôn viên của cội Đại Bồ Đề, hãy nói rằng: ‘Vật thơm và tràng hoa được đức vua ban cho nhằm mục đích cúng dường,’ rồi trao cho vị ấy.” Theo đúng phương thức chỉ bày của đức vua, người lính đã trao vật thơm và tràng hoa ấy cho vị trưởng lão vào lúc vị ấy đi đến khuôn viên cội Bồ Đề. Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, sau đó đã rửa sạch nền đá rồi đã khoanh vùng bằng hương thơm, sau khi đã thực hiện thảm trải bằng đá rồi đã cúng dường bông hoa và đảnh lễ bốn địa điểm, sau đó vị ấy đã chắp tay hướng về cánh cửa phía đông và sanh khởi niềm hoan hỷ đứng ngắm nhìn sự cúng dường bằng bông hoa. Vào lúc bấy giờ, người lính đã đi đến gần vị trưởng lão ấy, đã đảnh lễ, rồi đã nói như vầy: “Bạch ngài, đức vua bảo cho ngài hay rằng sự vật được ban thưởng là phần lương bổng cho cục đất sét chưa được trả công đã được ngài trao ra nhằm mục đích góp phần trong công việc xây dựng ngôi bảo điện. Đức vua còn bảo nhân danh đức vua đảnh lễ ngài nữa.” Sau khi nghe điều ấy, vị trưởng lão đã trở nên không được hoan hỷ. Người lính đã nói rằng: “Bạch ngài, chẳng riêng gì ba hũ hoa nhài vừa hé nụ, mà ngay cả các bông hoa bằng vàng cũng không giá trị bằng cục đất sét ấy. Bạch ngài, xin ngài hãy hoan hỷ ở trong tâm!” rồi đã ra đi. Khi ấy, có một vị trưởng lão cư ngụ ở tu viện Piyaṅgalla trong xứ sở Koṭṭhimāla là thân quyến của người thợ xây gạch. Vị ấy đã đi đến và chuyện trò với người thợ xây, sau khi biết được kích thước của viên gạch về chiều dài, bề dày, và chiều rộng thì đã ra đi. Vị ấy đã tự tay nhào trộn đất sét một cách cẩn thận rồi đã làm ra viên gạch, nung chín, và bỏ vào túi đựng bình bát, sau đó đã quay trở lại một tay cầm viên gạch của đức vua, một tay cầm bông hoa, và đã đưa ra viên gạch của đức vua cùng với viên gạch của mình. Người thợ xây đã nhận lấy đặt vào chỗ xây dựng. Vị trưởng lão đã sanh khởi sự hoan hỷ và vui mừng rồi trong lúc làm công việc ở ngôi đại bảo điện đã trú ngụ tại gian phòng ở nhà chứa gạch. Việc làm ấy của vị ấy đã được đồn đãi. Đức vua đã hỏi người thợ xây rằng: “Này khanh, nghe nói có viên gạch chưa được trả công đã được vị đại đức trao cho.” Người thợ xây đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, đúng vậy. Có viên gạch đã được vị đại đức trao cho, thần (nghĩ rằng): ‘Giống viên gạch của chúng ta’ nên đã đặt vào chỗ xây dựng.” Khi được đức vua hỏi rằng: “Khanh có nhận ra lại viên gạch ấy không?” Do sự quan hệ về quyến thuộc, người thợ xây đã đáp rằng: “Thần không nhận biết được.” Đức vua đã bố trí người lính (nói rằng): “Nếu như vậy thì hãy chỉ vị ấy cho người này.” Giống như trước đây, người ấy đã chỉ vị ấy cho người lính. Người lính đã đi đến căn phòng rồi đã ngồi xuống gần bên tỏ vẻ thân thiện rồi hỏi rằng: “Ngài là vị vãng lai hay là vị thường trú?” “Này cư sĩ, ta là vị vãng lai.” “Bạch ngài, ngài cư ngụ ở xứ sở nào?” “Này cư sĩ, ta cư ngụ ở tu viện Piyaṅgalla trong xứ sở Koṭṭhimāla.” “Ngài sẽ cư ngụ ở ngay tại chỗ này hay ngài sẽ đi?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Ta không cư ngụ ở đây, ta sẽ đi vào ngày ấy.” Người lính cũng đã nói rằng: “Tôi cũng sẽ đi cùng với ngài. Ngôi làng của tôi có tên như vầy và cũng ở ngay trong xứ sở ấy.” Vị trưởng lão đã đồng ý: “Tốt thôi!”. Người lính đã tường trình lại sự việc ấy lên đức vua. Đức vua đã trao cho người lính hai xấp vải trị giá một ngàn, một cái mền len nhuộm đắt giá, đôi dép, một nāḷi[90] dầu thơm hảo hạng, và nhiều vật dụng của sa-môn khác nữa (nói rằng): “Hãy trao cho vị trưởng lão.” Người lính đã nhận lấy vật dụng rồi đi đến căn phòng và đã ngụ qua đêm cùng với vị trưởng lão, sau đó đã cùng với vị ấy ra đi vào buổi sáng. Tuần tự đã đi đến chỗ nhìn thấy được tu viện Piyaṅgalla, người lính đã thỉnh vị trưởng lão ngồi xuống ở bóng râm, đã rửa hai bàn chân (của vị trưởng lão) rồi xoa bằng dầu thơm, sau đó đã mời uống nước đường rồi đã lấy ra đôi dép nói rằng: “Vật dụng này đã được tôi mang theo cho ngài trưởng lão thân thiết, bây giờ tôi xin dâng đến ngài. Hơn nữa, đây là hai xấp vải đã được mang đi nhằm đem đến sự may mắn cho con trai của tôi, xin ngài hãy may y và khoác vào,” rồi đã đặt ở chân của vị trưởng lão. Vị trưởng lão đã để hai xấp vải vào trong túi đựng bình bát và đã buộc các vật dụng còn lại thành gói, sau đó đã mang dép vào, cầm lấy cây gậy chống, rồi tiếp tục cuộc hành trình. Người lính đã đi cùng với vị ấy một khoảng ngắn rồi nói rằng: “Bạch ngài, xin hãy dừng bước. Đây là lối đi của tôi” rồi đã kể lại cho vị trưởng lão lời giải thích của đức vua theo đúng như phương thức đã được đề cập ở trên. Sau khi nghe được điều ấy, (nghĩ rằng): “Công việc đã được thực hiện với sự nỗ lực lớn lao giờ được biết là xem như chưa được thực hiện” vị trưởng lão đã trở nên buồn rầu, tuôn rơi giòng nước mắt (nói rằng): “Này cư sĩ, chính ngươi hãy nhận lại vật dụng của ngươi,” rồi đứng ngay tại chỗ đó và đã bỏ xuống tất cả các vật dụng. Người lính đã nói rằng: “Bạch ngài, sao ngài lại nói vậy? Cho dầu đức vua ấy đã định giá cao nhất trong khi đưa ra vật dụng cho ngài cũng không thể sánh bằng viên gạch của ngài được. Đức vua bắt làm như vầy với ý định: ‘Trẫm sẽ thực hiện toàn bộ việc xây dựng ở ngôi đại bảo điện, không để phần cho những người khác.’ Bạch ngài, hơn nữa ngài hãy cầm lấy vật dụng đã được ngài nhận lãnh và hãy hoan hỷ ở trong tâm.” Sau khi đã làm cho vị trưởng lão hiểu rõ, người lính đã ra đi. Tuy nhiên, không đếm được số lượng chúng sanh được sanh về cõi trời sau khi đã làm công việc với thù lao và đặt tâm hoan hỷ vào ngôi bảo điện này. Nghe rằng có những tiên nữ được sanh lên cung trời Đạo Lợi sau khi nhìn thấy sự thành tựu của bản thân rồi trong lúc quán xét rằng: “Do nghiệp gì mà chúng ta đã đạt đến sự thành tựu này?” Sau khi nhận biết bản thể được thành tựu do đã làm công việc với thù lao ở ngôi đại bảo điện nên đã suy nghĩ rằng: “Thậm chí kết quả của hành động đã được thực hiện với thù lao còn là như thế này, vậy kết quả của hành động đã được thực hiện bằng vật sở hữu của bản thân sau khi đã có niềm tin vào nghiệp quả thì sẽ là như thế nào?” sau đó đã cầm lấy các vật thơm và tràng hoa của cõi trời rồi trong đêm đã đi đến cúng dường và đảnh lễ ngôi bảo điện. Vào thời khắc ấy, vị trưởng lão tên Mahāsīva cư trú ở Bhātivaṅka đã đi đến nhằm mục đích đảnh lễ ngôi bảo điện, sau khi nhìn thấy các tiên nữ ấy đang đảnh lễ liền đứng cạnh cây cổ thụ Thất Diệp (Sattapaṇṇi). Đến khi các tiên nữ đã đảnh lễ theo như ý thích và sắp sửa ra đi, vị trưởng lão đã hỏi rằng: “Toàn thể hòn đảo Tambapaṇṇi có được ánh sáng thuần nhất do ánh sáng từ thân thể của các cô, các cô đã thực hiện nghiệp gì vậy?” Các tiên nữ đã nói rằng: “Bạch ngài, không phải là nghiệp đã được thực hiện bằng vật sở hữu của chúng tôi, chúng tôi đã thực hiện công việc với thù lao sau khi đã khởi tâm hoan hỷ vào ngôi bảo điện này.” Như thế, ngay cả công việc đã được thực hiện với thù lao do tâm hoan hỷ vào Giáo Pháp của đức Phật cũng có kết quả lớn. Do đó: Khi đã biết rằng: “Dầu chỉ khởi tâm hoan hỷ cũng sẽ đạt được sự tái sanh cao quý vào cõi trời,” bậc trí tuệ nên thực hiện việc cúng dường ngôi bảo tháp.[91] Trong lúc cho tiến hành công việc xây dựng ngôi bảo điện như thế, đức vua đã cho hoàn tất cái đỉnh ba chân dùng để cắm hoa. Các bậc Lậu Tận đã làm cho vật ấy chìm xuống ngang bằng mặt đất để có được trạng thái vững chắc. Như thế, các vị đã làm cho vật đã được thiết kế chìm sâu xuống chín lần. Đức vua trong khi không hiểu được nguyên nhân nên đã không hài lòng và đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại. Tám mươi ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội lại. Đức vua đã cúng dường hội chúng tỳ khưu bằng các vật thơm và bông hoa, v.v... rồi đã đảnh lễ và hỏi rằng: “Bạch các ngài, cái đỉnh ba chân để cắm hoa ở ngôi đại bảo điện đã bị chìm xuống trong lòng đất chín lần so với lúc đã được thiết kế. Trẫm không biết có phải là trạng thái nguy hiểm cho mạng sống của trẫm hay là cho công trình xây dựng?” Hội chúng tỳ khưu đã nói rằng: “Tâu đại vương, không có gì nguy hiểm cho công trình xây dựng hay là cho mạng sống của đại vương. Các vị có thần thông đã làm cho cái đỉnh ba chân chìm xuống để có được trạng thái vững chắc trong tương lai. Đến mức ấy rồi, các vị sẽ không làm cho chìm xuống nữa. Ngài chớ có làm khác đi và hãy cho hoàn thành ngôi đại bảo tháp.” Nghe được điều ấy, đức vua đã trở nên hoan hỷ và đã cho tiến hành công việc xây dựng ngôi bảo tháp. Mười cái đỉnh cắm hoa đã được hoàn tất với mười koṭi viên gạch. Hơn nữa, khi cái đỉnh ba chân để cắm hoa đã được hoàn tất, hội chúng tỳ khưu đã ra lệnh cho hai vị sa di Lậu Tận tên là Uttara và Sumana rằng: “Hai ngươi hãy mang lại sáu tảng đá màu vàng có kích thước tám mươi cánh tay ở mỗi cạnh, dày tám ratana, và là hình vuông đều đặn.” Hai vị đã đồng ý (đáp rằng): “Lành thay!” rồi đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc và mang lại sáu tảng đá màu vàng giống màu hoa bhaṇḍi có kích thước như cách thức đã được mô tả, sau đó đã lót một tảng đá ở trên mặt nền của căn phòng thờ xá-lợi, sau đó xếp đặt bốn tảng đá ở bốn phía, rồi đã làm cho tảng đá còn lại trở nên vô hình và đặt ở bên cạnh hàng rào bằng cát ở khu vực phía đông nhằm mục đích niêm phong căn phòng thờ xá-lợi. Sau đó, ở giữa căn phòng thờ xá-lợi đức vua đã cho thực hiện cây Bồ Đề được làm bằng tất cả các loại ngọc quý và có vẻ đẹp được thành tựu về mọi khía cạnh. Bởi vì nó được đặt ở trên mặt nền làm bằng ngọc bích và ngọc ma-ni, các rễ của nó được làm bằng san hô, thân được làm bằng bạc cao mười tám cánh tay, được tô điểm với tám biểu tượng kiết tường như là các con bò con của sự may mắn, v.v... những dãy lá cây, những giàn dây leo, và những hàng thú bốn chân và chim thiên nga. Còn có năm cành cây lớn dài mười tám cánh tay, những lá cây làm bằng ngọc ma-ni, những lá úa làm bằng vàng, các trái cây làm bằng san hô. Tương tợ, ở phía trên các chồi non đức vua đã cho buộc tấm màn che bằng vải. Ở xung quanh viền của màn che, đức vua đã treo màn lưới các chuông nhỏ làm bằng ngọc trai. Các dãy chuông vàng và các sợi chỉ vàng được treo đó đây. Ở bốn góc của tấm màn che có treo mỗi góc một chuỗi ngọc trai trị giá chín trăm ngàn. Ở đó, các hình tượng về mặt trăng, mặt trời, và các ngôi sao được làm bằng nhiều loại ngọc quý khác nhau và các đóa hoa sen đã được gắn vào một cách tương xứng. Hơn tám ngàn tấm vải đắt giá có nhiều màu sắc đã được treo lên. Kế đến, đức vua đã cho thực hiện lan can bằng bảy loại ngọc quý ở xung quanh cây Bồ Đề và đã lót ở nền những viên ngọc trai bằng trái āmalaka cỡ lớn. Bên trong những lan can bằng ngọc trai, đức vua đã cho đặt những hàng chậu làm bằng bảy loại ngọc quý và chứa đầy nước thơm. Trong số đó, ở cái chậu bằng vàng có các bông hoa làm bằng san hô, ở cái chậu bằng san hô có các bông hoa làm bằng vàng, ở cái chậu bằng ngọc ma-ni có các bông hoa làm bằng bạc, ở cái chậu bằng bạc có các bông hoa làm bằng ngọc ma-ni, ở cái chậu bằng bảy loại ngọc quý có các bông hoa làm bằng bảy loại ngọc quý. Ở khu vực phía đông của cây Bồ Đề, đức vua đã cho đặt tượng đức Phật làm bằng vàng khối rắn chắc ngồi trên bảo tọa làm bằng ngọc quý trị giá một koṭi. Ở trên bức tượng ấy, hai mươi móng tay và những chỗ màu trắng của hai con mắt được làm bằng ngọc pha-lê. Lòng bàn tay, lòng bàn chân, các nướu răng, và những chỗ màu đỏ của hai con mắt được làm bằng san hô. Tóc, các lông mày, và những chỗ màu đen của hai con mắt được làm bằng ngọc bích và ngọc ma-ni. Tuy nhiên, sợi lông giữa hai lông mày được làm bằng bạc. Sau đó, đức vua đã cho thực hiện Đại Phạm Thiên Sahampati đứng cầm chiếc lọng bằng bạc. Tương tợ, đức vua đã cho thực hiện vị Chúa Trời Sakka cùng với chư thiên ở hai cõi trời đang nắm lấy chiếc tù và bằng vỏ ốc Vijayuttara và đang ban cho lễ phong vương, rồi (đã cho thực hiện) thiên tử Pañcasikha là vị nhạc sĩ thiên đình cầm chiếc đàn vīṇā bằng gỗ beḷuva màu vàng úa đang tấu nhạc, và (đã cho thực hiện) Long Vương Mahākāḷa, được tùy tùng bởi các long nữ, đang ca ngợi đấng Như Lai bằng những lời tán dương theo nhiều cách khác nhau. Hơn nữa, đức vua đã cho thực hiện Ma Vương nổi tiếng về quyền lực đã biến hóa ra ngàn cánh tay cầm nhiều loại vũ khí như là chĩa ba, gậy ngắn, v.v... cỡi lên lưng voi Grimekhala có ngàn đầu được tháp tùng bởi binh lực hùng hậu đang tiến đến khuôn viên cội Bồ Đề và gây ra nhiều nỗi kinh hoàng. Sau khi đã cho trưng bày ở các phương còn lại ba bảo tọa trị giá mỗi cái một koṭi giống như cái bảo tọa ở khu vực phía đông, đức vua đã cho lắp đặt cây quạt san hô có cán làm bằng ngà. Đức vua còn cho đặt chiếc giường bằng bạc trị giá một koṭi được trang điểm với nhiều loại ngọc quý khác nhau và đã đặt phần đầu hướng về cội Bồ Đề. Đức vua đã cho thực hiện vị trí đấng Thập Lực đã đứng nhìn bảo tọa Bồ Đề bằng ánh mắt không chớp nháy sau khi thành tựu Chánh Đẳng Giác, (sau đó là) địa điểm kinh hành ở con đường kinh hành bằng ngọc trọn bảy ngày, (rồi đến) nơi chốn đã đi vào bảo thất và thâm nhập Giáo Pháp, (kế đến là) địa điểm gốc cây Mucalinda đã được Ngài đi đến và ngồi xuống sau đó được con rồng Mucalinda dùng các phần thân thể quấn quanh bảy vòng và phồng mang che ở phía trên rồi giữ yên, sau đó là địa điểm gốc cây Nigrodha của những người chăn dê đã được Ngài đi đến và ngồi xuống, kế đến là cội cây Rājāyatana đã được Ngài đi đến và ngồi xuống rồi sự thọ lãnh bình bát do bốn vị Đại Thiên Vương đem lại vào lúc vật thực là các cục mật ong được hai người thương buôn Tapussa và Bhallika mang đến. Sau đó, đức vua đã cho thực hiện sự thỉnh cầu của Phạm Thiên, sự chuyển vận bánh xe Pháp, sự xuất gia của Yasa, sự xuất gia của nhóm các vương tử, sự nhiếp phục ba anh em đạo sĩ tóc bện, sự đi đến của đức vua Bimbisāra ở công viên Laṭṭhivana, sự đi vào thành Rājagaha, sự thọ lãnh Veḷuvana (Trúc Lâm), và tám mươi vị đại đệ tử. Sau đó là việc đi đến thành Kapilavatthu, địa điểm đã đứng ở con đường kinh hành bằng ngọc quý, sự xuất gia của Rāhula, sự xuất gia của Nanda, sự nhận lãnh Jetavana (Kỳ Viên), sự thị hiện song thông ở gốc cây xoài Gaṇḍa, sự thuyết giảng Abhidhamma ở cõi trời, sự kỳ diệu trong việc hạ trần từ cõi trời, và cuộc hội họp với các câu hỏi của các vị trưởng lão. Tương tợ như thế, đức vua đã cho thực hiện cuộc hội họp với những bài kinh Đại Hội (Mahāsamayasutta),[92] kinh Giáo Giới La-hầu-la (Rāhulovādasutta),[93] kinh Điềm Lành (Maṅgalasutta),[94] kinh Trên Đường Đến Bờ Kia (Pārāyanasutta),[95] (rồi các) sự nhiếp phục Dhanapāla (voi Nālāgiri), (Dạ-xoa) Āḷavaka, (tướng cướp) Aṅgulimāla, (rồng chúa) Apalāla, (sau đó đã cho thực hiện) sự từ bỏ thọ hành, sự thọ lãnh thịt heo hầm, sự thọ lãnh hai xấp vải màu vàng, sự uống nước đã được lắng đọng, sự Viên Tịch Niết Bàn, sự than khóc của chư thiên và nhân loại, sự đảnh lễ hai bàn chân đức Thế Tôn của trưởng lão Mahākassapa, sự hỏa táng thi thể, về sự dập tắt ngọn lửa, sự long trọng ở lễ hỏa táng, và sự phân chia xá-lợi đã được thực hiện bởi Bà-la-môn Doṇa. Tương tợ, đức vua đã cho thực hiện năm trăm năm mươi câu chuyện Bổn Sanh. Hơn nữa, trong khi thực hiện câu chuyện bổn sanh Vessantara, đức vua đã cho thực hiện đại vương Sañjaya, hoàng hậu Phūsatī, hoàng hậu Maddī, hoàng tử Jāliya và Kaṇhajinā. Sau đó, (đức vua đã cho thực hiện) sự bố thí voi Paṇḍava, bảy trăm lần đại thí, sự nhìn lại thành phố, sự bố thí ngựa Sindhava, sự kéo chiếc xe bởi chư thiên trong hình dáng của các con nai, sự bố thí chiếc xe, sự bố thí cho hai đứa trẻ trái cây đã hái ở thân cây tự động uốn cong xuống, sự bố thí cây kim vàng cho người thợ săn đã cho mật ong và thịt, địa điểm đã trú ngụ với hình thức người xuất gia ở trong lòng ngọn núi Vaṅka, sự bố thí hai đứa con đến Pūjaka, sự bố thí người vợ đến bà-la-môn Sakka, địa điểm Pūjaka đã đi đến trước đức vua Sañjaya sau khi đã nhận lấy và đưa đi hai đứa trẻ do nhờ oai lực của chư thiên, sau đó là sự hội họp của sáu vị dòng dõi sát-đế-lỵ ở trong lòng ngọn núi Vaṅka, địa điểm của Vessantara và Maddī đã thành tựu lễ đăng quang, địa điểm đã đổ xuống cơn mưa bảy loại báu vật khi họ đi vào thành phố, kế đến là địa điểm tái sanh ở cung trời Đẩu Suất sau khi từ trần, đức vua đã cho thực hiện tất cả một cách chi tiết. Sau đó, đức vua đã cho thực hiện nơi chốn đã được chư thiên trong mười ngàn thế giới thỉnh cầu hạ trần để trở thành đức Phật, sự không quay trở lại lần nữa, sự giáng sanh vào lòng mẹ, hoàng hậu Mahāmayā, đại vương Suddhodana, địa điểm đản sanh ở khu rừng Lumbinī, sự đổ xuống của hai luồng nước từ không trung, sự quay mặt về hướng bắc, sự bước đi bảy bước chân, việc bậc Đại Nhân đặt bàn chân trên đầu tóc bện của Kāḷadevala, vị trí Ngài ngồi tư thế kiết già trên long sàng và thể nhập thiền định ở bóng mát không di động của cây Jambu sau khi nhìn thấy sự xao lãng của các nữ tỳ. Sau đó, đức vua đã cho thực hiện người mẹ của Rāhula và quý tử Rāhula. Kế đến là địa điểm quay trở lại sau khi nhìn thấy ba vị thiên sứ trong hình dáng người già, người bệnh, và người chết vào dịp đi dạo chơi ở vườn hoa lúc hai mươi chín tuổi; (rồi đến) địa điểm đã được Vissakamma trang hoàng trong dịp (du hành) lần thứ tư Ngài đã nhìn thấy hình ảnh vị xuất gia rồi đã khởi tâm rằng: “Sự xuất gia là tốt đẹp!” sau đó đã đi đến vườn hoa và đã cảm nhận được vẻ tráng lệ của khu vườn, rồi đã tắm rửa vào lúc chiều tối và đã ngồi xuống trên phiến đá ở hoàng cung, kế đến là sự từ bỏ vĩ đại sau khi nhìn thấy sự biến đổi của những vũ công vào lúc giữa khuya rồi đã cỡi lên con ngựa Kanthaka quý báu, địa điểm đã ra đi, cách thức cúng dường đã được thực hiện bởi chư thiên trong mười ngàn thế giới, địa điểm của ngôi bảo điện về sự quay trở lại của con ngựa Kanthaka, sự xuất gia ở bên bờ sông Anomā, sự đi vào thành Rājagaha, sự thỉnh cầu về việc cai trị vương quốc của đức vua Bimbisāra ở bóng râm tại núi Paṇḍava, sự thọ lãnh món cơm sữa được nàng Sujātā dâng cúng, sự thọ dụng món cơm sữa ở bờ sông Nerañjarā, sự kỳ diệu là sự lội ngược giòng sông của cái đĩa, chỗ đã đi đến nghỉ ngơi vào ban ngày ở trong rừng cây Sālā, sự thọ nhận cỏ kusa được Sotthiya dâng cúng, vị trí đã ngồi sau khi bước lên cội Bồ Đề, đức vua đã cho thực hiện tất cả một cách chi tiết. Sau đó, đức vua đã cho thực hiện bảy vị dẫn đầu là trưởng lão Mahinda đã cùng nhau đi đến. Ở bốn hướng, đức vua đã cho thực hiện bốn vị đại vương cầm gươm ở tay, sau đó là ba mươi hai vị thiên tử, rồi đến ba mươi hai vị tiên nữ cầm đèn có đế bằng vàng, sau đó là hai mươi tám vị tướng lãnh của các dạ-xoa, rồi đến các thiên nhân đứng chắp tay, sau đó là các thiên nhân đứng cầm những bó hoa làm bằng ngọc quý, rồi đến các thiên nhân đứng cầm những chậu vàng, sau đó là các thiên nhân vũ công, rồi đến các thiên nhân sử dụng nhạc cụ, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các gương soi có kích thước mười cánh tay và trị giá một trăm ngàn mỗi chiếc, rồi cũng tương tợ như thế đến các thiên nhân đứng cầm những cành hoa trị giá một trăm ngàn, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các đĩa hình mặt trăng, rồi đến các thiên nhân đứng cầm các đĩa hình mặt trời, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các đóa hoa sen, rồi đến các thiên nhân đứng cầm các lọng che, sau đó là các thiên tử võ sĩ mặc y phục sặc sỡ, rồi đến các thiên nhân múa vải, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các ngọc quý đắt giá, rồi đến các thiên nhân đứng cầm các bánh xe Pháp, sau đó là các thiên nhân mang gươm, rồi đến các thiên nhân đội ở trên đầu các chậu đèn bằng vàng có kích thước năm cánh tay được chứa đầy dầu thơm và được thắp sáng với những tim đèn bằng vải mịn. Sau đó, ở bốn góc trên đỉnh đầu các vòm bằng pha lê, đức vua đã cho đặt bốn viên ngọc ma-ni lớn và cho thực hiện bốn đống: vàng, ngọc ma-ni, ngọc trai, và kim cương ở bốn góc. Sau đó, ngài đã cho thực hiện các tia sét ở trên bức tường đá màu vàng. Kế đến đã cho thực hiện các chuỗi dây leo bằng ngọc quý, sau đó là các cây quạt lông thú, kế đến là các long nữ trẻ trung đứng cầm các bông hoa súng xanh. Đức vua đã cho thực hiện chừng ấy hình tượng toàn bằng vàng khối rắn chắc. Ngay cả các phương thức cúng dường còn lại, ngài cũng đã cho thực hiện toàn bằng bảy loại ngọc quý. Hơn nữa, đồ vật cúng dường ở tại nơi ấy như đã được mô tả là vô tận, không thể đo lường. Chính vì như thế, vị trưởng lão tên Cittagutta cư trú ở Ambapāsāna trong khi đang thuyết giảng Giáo Pháp đến mười hai ngàn vị tỳ khưu tụ hội ở tầng dưới của Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) đã bắt đầu với bài kinh Trạm Xe (Rathanavinītasutta),[96] và trong lúc ca ngợi về việc tôn trí xá-lợi vĩ đại đã suy nghĩ rằng: “Một số vị sẽ không tin” nên đã lược bớt rồi mới thuyết giảng. Vào thời điểm ấy, có vị trưởng lão tên Mahātissa cư trú tại núi Koṭa là bậc Lậu Tận ngồi ở chỗ không xa đang lắng nghe bài Pháp đã nói rằng: “Này đại đức Pháp Sư, có đoạn bỏ bớt trong bài giảng của đại đức. Có thể không cần lược bớt, hãy thuyết giảng chi tiết.” Khi ấy, ở ngay trên hòn đảo này, vị đại vương tên Bhātiya là có niềm tin và mộ đạo. Vị ấy, vào ban chiều và ban mai, chỉ sau khi đã đảnh lễ ngôi đại bảo điện rồi mới thọ thực. Đến một ngày nọ, vị đại vương ngồi ở nơi phòng xử án và đang phán quyết vụ án khó phần quyết định, đến lúc tối mịt đã đứng dậy, sau đó đã quên đi việc đảnh lễ ngôi bảo tháp và đặt tay vào thức ăn đã được mang lại nên đã hỏi mọi người rằng: “Có phải hôm nay trẫm chưa đảnh lễ bậc Tổ Phụ?” Bởi vì các vị vua thời xưa gọi bậc Đạo Sư là “Tổ Phụ.” Mọi người đã trả lời rằng: “Tâu bệ hạ, chưa đảnh lễ.” Vào giây phút ấy, đức vua đã buông rơi cục cơm được nắm trong tay vào đĩa, sau đó đã đứng dậy, bảo mở ra cánh cửa phía nam, rồi đã đi đến và bước lên khuôn viên ngôi đại bảo điện bằng cánh cửa phía đông, và trong khi đang đảnh lễ đã nghe được lời giảng Giáo Pháp của các bậc Lậu Tận ở bên trong căn phòng thờ xá-lợi nên suy nghĩ rằng: “Ở cánh cửa phía nam” rồi đã đi đến đó; sau khi không nhìn thấy nên đã theo đúng phương pháp ấy đi đến các cánh cửa khác, và cũng đã không nhìn thấy ở các nơi đó nên mới suy nghĩ rằng: “Các ngài đại đức di chuyển trong lúc giảng giải Giáo Pháp,” sau đó đã bố trí quân lính ở bốn cánh cửa để quan sát rồi đích thân đã đi vòng quanh lần nữa, nhưng vẫn không nhìn thấy nên đã hỏi mọi người và biết rằng không có biểu hiện gì ở bên ngoài, nên đã kết luận rằng: “Sẽ ở bên trong căn phòng thờ xá-lợi.” Và khi đang ở gần cánh cửa phía đông, đức vua đã quay mặt về ngôi đại bảo điện, buông xuôi tay chân, dứt bỏ mạng sống, nằm dài xuống, lập lời thệ nguyện rằng: “Nếu các ngài đại đức không làm cho trẫm nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi thì trẫm sẽ trải qua bảy ngày không vật thực và sẽ không đứng dậy cho dầu bị tan tác như nắm bột khô vậy.” Do nhờ oai lực đức hạnh của vị ấy, cung điện của Sakka đã trở nên nóng nực. Trong lúc suy xét, Sakka đã nhận biết được nguyên nhân ấy nên đã đi đến và đã nói với các vị trưởng lão đang giảng giải Giáo Pháp như vầy: “Bạch các ngài, vị vua này liêm chính, có niềm tin vào Phật Pháp, đã nghe được tiếng trì tụng ở nơi này nên đã nằm dài ra và lập lời thệ nguyện rằng: ‘Không nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi ta sẽ không đứng dậy.’ Nếu đức vua không nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi thì sẽ bị chết ngay tại chỗ ấy. Hãy cho đức vua đi vào nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi.” Cũng vì lòng thương xót đến đức vua nên các vị trưởng lão đã ra lệnh cho một vị trưởng lão chỉ cho đức vua thấy căn phòng thờ xá-lợi (bảo rằng): “Hãy dẫn đức vua đến cho nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi rồi hãy đưa đi.” Vị ấy đã nắm cánh tay của đức vua đưa vào căn phòng thờ xá-lợi và đã để cho đảnh lễ theo như ước muốn, rồi đã đưa đi khi đã chiêm ngưỡng xong tất cả. Sau khi đã trở về thành phố và vào thời gian sau đó, đức vua đã cho thực hiện các sự trang hoàng bằng vàng tương tợ như các hình tượng đã được bản thân nhìn thấy ở căn phòng thờ xá-lợi. Sau đó đã cho thực hiện nhà lộ thiên lớn ở hoàng cung và ở trong nhà lộ thiên ấy đã cho trưng bày các hình tượng ấy, rồi đã cho triệu tập các cư dân thành phố lại nói rằng: “Các hình tượng bằng vàng như thế này đã được trẫm nhìn thấy ở căn phòng thờ xá-lợi.” Do các hình tượng ấy đã được thực hiện theo bản chính nên được xem như là các hình tượng nguyên mẫu. Hàng năm, đức vua đã cho đem lại các hình tượng ấy và cho các cư dân thành phố chiêm ngưỡng. Vào thời kỳ được chiêm ngưỡng lần thứ nhất, các cư dân thành phố đã khởi niềm tin và đã đem lại từ mỗi một gia đình là một đứa trẻ và đã cho xuất gia. Hơn nữa, đức vua (nghĩ rằng): “Các ngài đại đức có nhiều vị không biết sự trưng bày này. Ta sẽ cho thông báo đến các vị ấy” nên đã đi đến tu viện rồi đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu ở tầng dưới của Lohapāsāda, sau đó đã đích thân đi đến Pháp tọa và đã thuyết giảng cả ba canh của đêm về sự thể hiện ở căn phòng thờ xá-lợi mà vẫn không có thể hoàn tất nên đã đứng dậy. Ở nơi ấy, có một vị tỳ khưu đã hỏi đức vua rằng: “Tâu đại vương, ngài đã dùng bữa ăn sáng rồi mới đi đến và trong khi tán dương cách thức cúng dường ở căn phòng thờ xá-lợi cả ba canh của đêm mà vẫn không thể chấm dứt; vậy có còn nhiều điều khác nữa không?” Đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, ngài nói cái gì? Điều trẫm đã nói với ngài thậm chí còn chưa được một phần trong mười phần. Hơn nữa, trẫm cũng chỉ nói về sự việc đã được trẫm xem xét. Bạch ngài, hình thức cúng dường ở căn phòng thờ xá-lợi là vô tận.” Đồ vật được cúng dường là vô tận như thế. Không dễ gì tiến hành theo thứ tự và đầy đủ ở trong căn phòng thờ xá-lợi hình vuông có kích thước mỗi một cạnh là tám mươi cánh tay, còn nói chi đến việc sắp xếp theo giá trị. Điều cần được nói về ý nghĩa của việc ấy đã được cổ nhân nói lên rằng: “Hãy vậy thôi! Không thể làm cho đầy đủ theo thứ tự kể từ ranh giới là hàng rào bằng cát của ngôi đại bảo điện cho đến căn phòng thờ xá-lợi. Vì thế, hãy xem như tất cả đồ vật được cúng dường ấy là lời nói về nơi ấy.” Nghe rằng trưởng lão Mahāsīva là vị thông Tam Tạng ở Nigrodhapiṭṭhi đã ngồi xuống ở hoàng cung và trong lúc thuyết giảng về bài kinh Sư Tử Hống (Sīhanādasutta)[97] của đấng Thập Lực cho đức vua đã ca ngợi về sự tôn trí xá-lợi rồi đã đề cập lại bài kinh. Đức vua đã nói với vị trưởng lão như vầy: “Bạch ngài, căn phòng thờ xá-lợi này là hình vuông có kích thước mỗi một cánh là tám mươi cánh tay, ai sẽ tin được rằng: ‘Các đồ vật cúng dường nhiều như thế được đặt ở tại nơi ấy’?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Trước đây ngài có nghe về ‘Hang Indasāla có kích thước như thế nào’ không?” Đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, có kích thước của chiếc giường nhỏ.” Kế đó, vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, trước đây ngài có nghe nói về ‘Bao nhiêu hội chúng đã ở trong hang vào ngày bậc Đạo Sư của chúng ta thuyết giảng bài kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhasuttanta)[98] cho Sakka’ không?” Đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, chư thiên ở hai cõi trời.” “Tâu đại vương, nếu là như thế phải chăng điều ấy cũng khó có thể tin được?” Khi được vị trưởng lão nói như thế, đức vua đã nói rằng: “Nhưng điều ấy là do quyền lực của chư thiên. Bạch ngài, quyền lực của chư thiên được xem là không thể nghĩ bàn.” Sau đó, vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, điều ấy là do quyền lực của chư thiên, tức là chỉ mới mỗi một loại. Trái lại, việc này được sanh lên do ba loại quyền lực này là do quyền lực của đức vua, do quyền lực của chư thiên, và do quyền lực cao quý của các bậc Thánh.” “Lành thay!” Đức vua đã đồng ý với lời nói của vị trưởng lão rồi đã cung nghinh vị trưởng lão với chiếc lọng màu trắng, và trong lúc cầm chiếc lọng che ở trên đầu, đã đưa đến ngôi Đại Tự, sau đó còn dâng chiếc lọng đến ngôi đại bảo điện trong bảy ngày và đã cúng dường các bông hoa nhài. Chỉ riêng mục đích hoàn tất ý nghĩa của điều này, còn có nhiều câu chuyện khác được biết đến; chúng đã được chúng tôi lược bỏ (nghĩ rằng): “Chúng không cần thiết.” Và ở đây, đức vua là có uy quyền lớn lao, có năng lực vĩ đại, có các ba-la-mật đã được tròn đủ, có lời phát nguyện đã được thực hiện; quyền lực của đức vua nên được hiểu theo ý nghĩa của điều ấy. Do sự ra lệnh của Sakka, đầu tiên là thiên tử Vissakamma hiện đến và hoàn tất công việc; quyền lực của chư thiên nên được hiểu theo ý nghĩa của điều ấy. Vị trưởng lão Indagutta là vị quản lý việc xây dựng, trong khi đôn đốc công việc, đã cho thực hiện các việc nhỏ nhặt linh tinh. Không chỉ riêng vị trưởng lão mà tất cả các Thánh nhân đều có sự nỗ lực của từng cá nhân trong các phận sự cần được thực hiện; như thế cần được hiểu rằng: “Đã được thực hiện do ba loại quyền lực này.” Bởi vì điều này đã được đề cập đến ở Mahāvaṃsa: Vị đại trưởng lão Indagutta, có Lục Thông, có đại trí tuệ, là vị quản lý việc xây dựng ở đây và đã sắp xếp tất cả công trình này. Tất cả việc này được hoàn thành không bị chướng ngại nhờ vào quyền lực của đức vua, quyền lực của chư thiên, và quyền lực của các bậc Thánh.[99]
Dứt Phần Giảng Giải và Mô
Tả -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ VIỆC TÔN TRÍ XÁ-LỢI Sau khi hoàn tất công việc cần phải làm ở căn phòng thờ xá-lợi như thế, vào ngày mười bốn đức vua đã đi đến tu viện và cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại. Ba mươi ngàn vị tỳ khưu đã tụ họp lại. Đức vua đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu và đã nói như vầy: “Bạch các ngài, công việc cần phải làm ở căn phòng thờ xá-lợi đã được trẫm hoàn tất. Việc tôn trí các xá-lợi sẽ tiến hành vào ngày mai tức là ngày Uposatha của tháng Āsāḷha, trong thời điểm của sao Uttarāsāḷha. Xin các ngài hãy tìm các xá-lợi.” Sau khi đã trao trách nhiệm cho hội chúng tỳ khưu, đức vua đã trở về lại thành phố. Khi ấy, trong lúc tìm kiếm vị tỳ khưu làm người rước xá-lợi đến, hội chúng tỳ khưu nhận thấy vị sa di tên Soṇuttara được mười sáu tuổi ngụ tại gian phòng cúng dường là có Lục Thông nên đã cho gọi vị ấy (nói rằng): “Này sư đệ Soṇuttara, đức vua đã cho hoàn tất căn phòng thờ xá-lợi và giao phó cho hội chúng tỳ khưu trách nhiệm đem lại xá-lợi. Vì thế, các xá-lợi cần được đệ rước lại.” Vị ấy đã hỏi rằng: “Bạch các ngài, tôi sẽ rước lại các xá-lợi, vậy sẽ nhận lãnh ở đâu?” Hội chúng tỳ khưu đã nói với vị ấy như vầy: “Này sư đệ Soṇuttara, khi nằm trên chiếc giường tử biệt đức Như Lai đã cho mời Chúa Trời Sakka đến rồi nói rằng: ‘Trong số các xá-lợi di thể có số lượng tám doṇa của ta, một doṇa sẽ được các đức vua xứ Koḷiya tôn kính và trong tương lai sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện trên hòn đảo Tambapaṇṇi.’ Sau đó, khi đức Thế Tôn viên tịch Niết Bàn, bà-la-môn Doṇa đã chia các xá-lợi thành tám phần rồi trao cho các cư dân của tám thành phố. Họ đã cho xây dựng ngôi bảo điện ở thành phố của từng nhóm rồi đã bảo quản. Trong số các phần xá-lợi ấy, khi ngôi bảo điện được xây dựng bởi những người Koḷiya tại Rāmagāma bị cơn lũ lớn làm sụp đổ, hộp xá-lợi có hào quang sáu màu bao phủ đã rơi vào biển cả và nằm yên ở trên bãi cát có ngọc quý. Loài rồng sau khi nhìn thấy đã đi đến cung điện Mañjerika của loài rồng và đã kể lại cho Long Vương Mahākāḷa. Long Vương được tùy tùng bởi mười ngàn koṭi con rồng đã đi đến, đã cúng dường với các vật thơm, tràng hoa, v.v... đã cho trương lên các lá cờ bằng vàng, san hô, ngọc ma-ni, và bạc, sau đó đã đặt hộp xá-lợi vào trong hòm bằng ngọc ma-ni, đội lên ở trên đầu, và đi giữa các vũ công là những con rồng thuộc nhiều chủng loại khác nhau có mang theo năm loại nhạc cụ. Trong lúc thực hiện sự tôn kính vô cùng trọng thể, Long Vương đã rước về long cung rồi đã cúng dường với các tài sản là chín mươi sáu koṭi, sau đó đã biến hóa ra ngôi bảo điện và gian nhà ở ngôi bảo điện với tất cả các loại ngọc quý, rồi đã bảo quản các xá-lợi. Trong lúc tôn trí các xá-lợi, trừ ra các xá-lợi ở Rāmagāma, các phần xá-lợi còn lại đã được trưởng lão Mahākassapa mang lại và trao cho Ajātasattu. Đức vua đã hỏi rằng: ‘Vì sao các xá-lợi ở Rāmagāma đã không được mang lại?’ Vị trưởng lão đã nói rằng: ‘Tâu đại vương, không có gì nguy hiểm cho các xá-lợi ấy; trong ngày vị lai chúng sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện trên hòn đảo Tambapaṇṇi.’ Ngay cả đức vua công chính Asoka sau khi khai quật chỗ tôn trí các xá-lợi, trong lúc xem xét đã không nhìn thấy phần xá-lợi thứ tám, nên đã hỏi rằng: ‘Bạch các ngài, phần xá-lợi kia ở đâu?’ Các bậc Lậu Tận đã đáp rằng: ‘Tâu đại vương, phần ấy đã được tôn trí tại ngôi bảo điện được xây dựng ở bờ sông Gaṅgā bởi những người Koḷiya, khi ngôi bảo điện bị sụp đổ bởi cơn lũ lớn đã rơi vào biển cả. Loài rồng sau khi nhìn thấy vật ấy đã đưa về long cung rồi đã bảo quản.’ Đức vua đã nói rằng: ‘Bạch các ngài, long cung là khu vực dưới quyền ra lệnh của trẫm, trẫm cũng sẽ lấy phần ấy lại.’ Các vị đã ngăn cản rằng: ‘Tâu đại vương, trong ngày vị lai các xá-lợi ấy sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện ở hòn đảo Tambapaṇṇi.’ Vì thế, ngươi hãy đi đến long cung Mañjerika và thông báo tin này cho Long Vương rồi rước các xá-lợi về. Việc tôn trí các xá-lợi sẽ diễn ra vào ngày mai.” Soṇuttara đã đồng ý (đáp rằng): “Lành thay!” rồi đã đi về gian phòng của mình. Đức vua cũng đã đi vào thành phố rồi cho trống thông báo ở trong thành phố rằng: “Việc tôn trí các xá-lợi sẽ diễn ra vào ngày mai. Tùy theo khả năng của mỗi cá nhân, các cư dân thành phố hãy trang điểm, hãy mang theo các vật thơm và tràng hoa, v.v... rồi đi đến khuôn viên của ngôi đại bảo điện.” Sakka cũng đã ra lệnh cho Vissakamma rằng: “Việc tôn trí các xá-lợi ở ngôi đại bảo điện sẽ diễn ra vào ngày mai. Ngươi hãy trang hoàng toàn bộ hòn đảo Tambapaṇṇi.” Vị ấy, vào ngày kế, sau khi đã làm hòn đảo Tambapaṇṇi (kích thước) chín mươi chín do-tuần được bằng phẳng như là vòng tròn đề mục kasiṇa của thiền định, rồi đã phủ lên bằng các bông hoa ngũ sắc trông như là cái đĩa bằng bạc được rắc cát lên, sau đó đã xếp đặt các hàng chum đầy ở xung quanh, đã bao quanh với những màn che, đã buộc các lều vải ở bên trên, rồi đã trưng bày các hoa sen của đất liền ở trên mặt đất và các hoa sen treo lủng lẳng ở trên không trung; vị ấy đã chuẩn bị giống như là phòng hội của chư thiên đã được trang hoàng vậy. Vị ấy còn làm cho đại dương được yên tĩnh và được bao phủ bởi năm loại hoa sen. Do nhờ oai lực của xá-lợi, toàn bộ thế giới đã được trang hoàng giống như thời kỳ (Bồ Tát) nhập thai hoặc chứng ngộ Chánh Đẳng Giác, v.v... Các cư dân thành phố cũng đã quét dọn các con đường trong thành phố, đã rải lên loại cát giống như là các hạt ngọc trai, đã rắc đều các bông hoa và bắp rang là loại thứ năm, đã cho trương lên các cờ và biểu ngữ đủ loại màu sắc, đã tô điểm và trang hoàng thành phố với các chậu vàng, với các cổng chào bằng cây chuối, và bằng các tràng hoa đắt giá, v.v... Đức vua đã cho đặt ở bốn cổng của thành phố nhiều loại vật thực cứng, vật thực mềm, hương thơm, tràng hoa, vải vóc, đồ trang sức, các lá trầu cùng với năm vật làm sạch miệng nhằm cung cấp vật dụng cho những người không nơi nương tựa. Sau đó, được trang điểm với tất cả các đồ trang sức, đức vua đã bước lên chiếc xe ngựa quý giá được thắng vào bốn con ngựa Sindhu có màu sắc của cánh hoa súng trắng, rồi đặt con voi Kaṇḍula đã được trang điểm ở phía trước, sau đó đã đội lên đầu chiếc hòm vàng, và đứng phía dưới chiếc lọng trắng. Vào thời điểm ấy, hàng ngàn nữ vũ công trông tợ như là các tiên nữ đã được điểm tô với vô số loại trang sức giống như là các nữ thần của Chúa Trời Sakka, và còn có mười vị đại dũng sĩ cùng với đoàn quân gồm bốn loại binh chủng đã hộ tống đức vua. Tương tợ, hơn tám ngàn nữ nhân đã mang các chậu đầy (nước) đứng xung quanh. Còn có số lượng hơn tám ngàn nam nhân và hơn tám ngàn nữ nhân đã cầm những giỏ bông hoa, những cây đuốc, và các cây cờ màu sắc khác nhau đứng xung quanh. Như thế, đức vua đã ra đi với oai lực vĩ đại của hoàng gia giống như là vị thiên vương đang rời khỏi khu rừng Nandana. Khi ấy, đại địa cầu dường như đạt đến trạng thái bị vỡ tan bởi những âm thanh của nhiều loại nhạc cụ khác nhau và những tiếng động của loài voi, loài ngựa, và các cỗ xe. Vào thời khắc ấy, Soṇuttara đang ngồi ở ngay trong phòng của mình và đã biết được việc ra đi của đức vua nhờ vào tiếng nhạc, sau đó đã thể nhập vào tứ thiền có nền tảng là thần thông, đã chú nguyện, rồi đi vào trong lòng trái đất, và đã hiện ra ở phía trước Long Vương Mahākāḷa tại cung điện Mañjerika của loài rồng. Long Vương sau khi nhìn thấy Soṇuttara đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ, rồi đã dùng nước thơm rửa hai bàn chân (của vị sa di), sau đó đã cúng dường với các bông hoa xinh đẹp và thơm ngát, rồi đã ngồi xuống ở một bên hỏi rằng: “Thưa ngài, ngài từ đâu đi đến đây?” Khi được nói rằng: “Tôi đã đi đến từ hòn đảo Tambapaṇṇi,” Long Vương đã hỏi rằng: “Vì mục đích gì?” Soṇuttara đã nói rằng: “Tâu đại vương, ở hòn đảo Tambapaṇṇi đại vương Duṭṭhagāmaṇi Abhaya trong lúc cho thực hiện ngôi đại bảo điện đã trao nhiệm vụ về các xá-lợi cho hội chúng tỳ khưu. Các vị tỳ khưu số lượng ba mươi ngàn đã tụ hội lại ở Mahāvihāra (Đại Tự) và đã phái tôi đến (nói rằng): ‘Các xá-lợi được để riêng dành cho ngôi đại bảo tháp được để ở chỗ Long Vương Mahākāḷa. Hãy nói với Long Vương lời nhắn ấy và rước các xá-lợi về.’ Vì thế, tôi đã đi đến đây.” Sau khi nghe được điều ấy, Long Vương bị tràn ngập bởi nỗi buồn lớn lao như là bị chèn ép bởi hòn núi nên đã suy nghĩ như vầy: “Chúng ta đã tin tưởng rằng: ‘Sau khi cúng dường các xá-lợi này, chúng ta sẽ thoát khỏi địa ngục và sẽ sanh về cõi trời.’ Tuy nhiên, vị tỳ khưu này lại có đại thần lực có đại oai lực. Nếu các xá-lợi này được duy trì ở tại nơi này thì vị ấy có thể khuất phục chúng ta và lấy đi. Vậy phải đưa các xá-lợi đi nơi khác.” Sau khi đã suy nghĩ và trong lúc quan sát đám cận thần, Long Vương đã nhìn thấy người cháu trai của mình tên là Vāsuladatta đang đứng ở cuối đám đông nên đã ra hiệu cho vị ấy. Vị ấy biết được ý định của người cậu nên đã đi đến gian nhà ở ngôi bảo điện, cầm lấy hộp đựng xá-lợi nuốt vào, rồi đã đi đến chân của ngọn núi Sineru. Con rồng có đại thần lực đã biến hóa ra thân hình chu vi một trăm do-tuần, dài ba trăm do-tuần, có hàng ngàn cái đầu. Trong lúc phun ra khói và khạc ra lửa ở chân của ngọn núi Sineru, con rồng đã cuộn mình nằm xuống ở trên bãi cát.[100] Nó đã biến hóa ra hàng ngàn con rắn giống như bản thân mình rồi cho nằm xuống bao bọc ở xung quanh. Khi ấy, đông đảo chư thiên và loài rồng đã đáp xuống nơi ấy (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến đấu của hai giống rồng.”[101] Sau đó, khi đã hay biết về việc các xá-lợi đã được người cháu đem đi, Long Vương đã nói như vầy: “Không có các xá-lợi ở nơi trẫm. Ngài chớ có chần chờ ở đây, hãy nhanh chóng đi và thông báo tin này cho hội chúng tỳ khưu. Hội chúng tỳ khưu sẽ tìm kiếm xá-lợi ở nơi khác.” Vị sa di đã nói về sự ngự đến của xá-lợi kể từ giai đoạn ban đầu rồi đã quở trách rằng: “Các xá-lợi là ở ngay nơi ngài, xin hãy trao ra và chớ làm chậm trễ.” Khi ấy, Long Vương biết rằng vị sa di đã nắm được nguồn gốc của sự việc nên đã suy nghĩ rằng: “Phải mời vị này đi bằng bất cứ cách nào mà không phải trao ra các xá-lợi” nên đã đưa vị sa di đến gian nhà xá-lợi rồi chỉ cho thấy ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện. Hơn nữa, ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện đều được làm bằng tất cả các loại ngọc quý. Bởi vì việc này đã được đề cập ở Mahāvaṃsa: “Này vị tỳ khưu, hãy nhìn xem ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện khéo được thực hiện khéo được thiết kế bằng nhiều ngọc quý thuộc nhiều loại.”[102] Hơn nữa, sau khi chỉ cho thấy Long Vương đã từ gian nhà của ngôi bảo điện bước xuống rồi đứng ở đóa hoa sen bằng san hô trên phiến đá hình bán nguyệt nói rằng: “Thưa ngài, hãy ước định giá trị của ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện này.” Vị sa di đã nói rằng: “Tâu đại vương, không thể ước định giá trị được, thậm chí các ngọc quý ở trên toàn bộ hòn đảo Tambapaṇṇi cũng không giá trị bằng phiến đá hình bán nguyệt này.” Long Vương đã nói rằng: “Này vị tỳ khưu, nếu như vậy thì việc di chuyển các xá-lợi từ nơi có sự tôn vinh trọng thể đến chỗ có sự tôn vinh kém hơn phải chăng là điều không hợp lý?” Vị sa di đã nói như vầy: “Tâu đại vương, theo chư Phật Giáo Pháp là quan trọng chứ tài vật không quan trọng. Trong khi ngài thị hiện ngôi nhà bằng ngọc quý có kích thước lớn bằng thế giới và chứa đầy tất cả các loại ngọc quý rồi bảo quản các xá-lợi, nhưng vẫn không có được một con rồng nào có khả năng thể nhập được Giáo Pháp. Vì thế: Sự thể nhập Chân Lý không hiện hữu ở các ngài là loài rồng. Điều hoàn toàn hợp lý là đưa các xá-lợi đến nơi có sự thể nhập chân lý. Các đấng Như Lai xuất hiện nhằm sự giải thoát khỏi khổ đau vì luân hồi. Và trong trường hợp này là ý định của đức Phật, vì thế ta sẽ rước các xá-lợi đi. Bởi vì đúng vào ngày hôm nay, vị vua ấy sẽ thực hiện việc tôn trí các xá-lợi. Do đó, chớ có làm chậm trễ. Hãy mau trao cho tôi các xá-lợi.[103] Được nói như thế, Long Vương đã trở nên bối rối và trong lúc nghĩ rằng: “Các xá-lợi đã được cháu trai của ta bảo quản” nên đã nói như vầy: “Thưa ngài, trong khi ngài không biết rõ về trạng thái có hay trạng thái không có các xá-lợi ở ngôi bảo điện lại nói rằng: ‘Hãy trao ra, hãy trao ra.’ Trẫm nói rằng: ‘Không có.’ Nếu ngài nhìn thấy thì hãy cầm lấy rồi đi đi.” “Tâu đại vương, tôi sẽ lấy.” “Này tỳ khưu, hãy lấy đi.” “Tâu đại vương, tôi sẽ lấy.” “Này tỳ khưu, hãy lấy đi” và đã khẳng định ba lần. Rồi trong khi đang đứng ngay tại chỗ ấy, vị tỳ khưu ấy đã biến hóa ra cánh tay mảnh khảnh rồi ngay lập tức đã vươn bàn tay đến miệng của người cháu trai. Sau khi cầm lấy hộp xá-lợi đã nói rằng: “Này rồng, hãy đứng yên” rồi đã lặn vào trong lòng đất và nổi lên ở gian phòng.[104] Sau đó, ngay cả hội chúng của chư thiên và loài rồng đã tụ hội lại (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến đấu của vị sa di với loài rồng.” Sau khi chứng kiến sự chiến thắng của vị tỳ khưu đối với loài rồng, họ đã trở nên mừng rỡ phấn chấn, và ngay trong lúc tôn vinh xá-lợi đã đi cùng với vị ấy. Lúc vị sa di đã ra đi, Long Vương (nghĩ rằng): “Ta đã đánh lừa được vị tỳ khưu và đã tiễn vị ấy đi” trở nên mừng rỡ hoan hỷ, sau đó đã nhắn tin cho người cháu trai cầm các xá-lợi đi đến. Sau đó, khi không nhìn thấy hộp Xá-lợi ở trong bụng, người cháu trai trong lúc than vãn đã đi đến và thông báo cho người cậu. Khi ấy, ngay cả vị Long Vương ấy cũng đã than vãn rằng: “Chúng ta đã bị gạt rồi.” Bị khổ sở, tất cả các con rồng cũng đã than vãn.[105] Sau đó, tất cả các con rồng đã tụ họp lại ở long cung, rồi xõa tóc ra, dùng hai tay cầm lấy trái tim, và từ những con mắt giống như là những đóa sen xanh đang trào ra giòng nước mắt như là đang tuôn ra nỗi sầu dai dẳng. Trong lúc than vãn, các con rồng đau khổ vì việc bị lấy đi các xá-lợi đã đi đến gần hội chúng và đã than vãn bằng nhiều cách.[106] Và sau khi đã than vãn, các con rồng đã nói với hội chúng tỳ khưu như vầy: “Bạch các ngài, chúng tôi đã không hành hạ đến người nào và đã nhận được các xá-lợi nhờ vào năng lực phước báu của chúng tôi, rồi đã bảo quản lâu nay. Tại sao các ngài lại thâu tóm tất cả và mang đi? Các ngài đã tạo nên chướng ngại cho cõi trời và sự giải thoát của chúng tôi.” Vì lòng bi mẫn, hội chúng đã bảo cho lại loài rồng một ít xá-lợi. Vì thế, họ đã mừng rỡ ra đi rồi đã mang lại những lễ vật cúng dường.[107] Sau đó, Chúa Trời Sakka đã gọi Vissakamma và nói rằng: “Ngươi hãy biến hóa ra mái che làm bằng bảy loại ngọc quý ở vị trí đang đứng của vị sa di.” Vị ấy đã biến hóa ra mái che vào ngay giây phút ấy. Sau đó, được tháp tùng bởi hội chúng chư thiên ở cả hai cõi trời, Sakka đã cầm lấy chiếc ngai làm bằng ngọc quý cùng với chiếc hòm vàng đi đến đặt ở mái che ấy, sau đó đã nhận lấy hộp xá-lợi từ tay của vị sa di và đã đặt ở trên chiếc ngai. Khi ấy, Phạm Thiên đã cầm chiếc lọng, Santussita đã cầm chiếc quạt lông đuôi thú, Suyāma đã cầm cành thốt nốt bằng ngọc ma-ni, Sakka đã cầm vỏ sò có chứa nước. Nhưng bốn vị Đại Thiên Vương đã đứng cầm gươm trong bàn tay. Ba mươi hai vị thiên tử có thần lực đã mang những cái giỏ ở cánh tay. Họ đã đứng ở chỗ đó và đang cúng dường bằng những bông hoa của cây san hô. Ba mươi hai thiếu nữ cũng đã đứng cầm các cây đuốc. Hơn nữa, hai mươi tám vị thủ lãnh dạ-xoa đã đuổi đi những dạ-xoa xấu xa rồi đã đứng thực hiện sự bảo vệ. Pañcasikha đã đứng ở đó trình tấu đàn vīṇa. Timbarū đã biến hóa ra bục sân khấu rồi đã làm vang lên tiếng nhạc cụ. Và nhiều vị thiên tử đã trình diễn những bài hát du dương. Long Vương Mahākāḷa đã ca ngợi bằng nhiều phương thức. Những nhạc cụ của thiên đình được tấu lên, dàn hợp ca của thiên cung đã trình diễn. Và chư thiên đã làm những cơn mưa và các hương thơm của cõi trời rơi xuống.[108] Sau đó, trưởng lão Indagutta đã biến hóa ra cái lọng bằng đồng ở trên bầu trời che khắp cả thế giới nhằm xua đuổi Ma Vương. Các vị trưởng lão thông thạo về năm bộ Kinh đã vây quanh các xá-lợi, sau đó đã ngồi xuống ở năm vị trí, và đã tiến hành việc trùng tụng. Vào lúc bấy giờ, đức vua đã đi đến nơi ấy và đã hạ chiếc hòm vàng từ trên đầu xuống, sau đó đã đặt cái hòm xá-lợi vào trong cái hòm của mình, rồi đã đặt lên trên chiếc ngai, đã cúng dường bằng các loại vật thơm và tràng hoa, v.v... sau đó đã đảnh lễ với năm điểm tiếp xúc, rồi đã chắp tay ở đỉnh đầu, mở mắt ra, và đứng nhìn chăm chú. Vào giây phút ấy, chiếc lọng trắng ở phía trên các xá-lợi đã được nhìn thấy nhưng vị Phạm Thiên là người cầm lọng lại không được nhìn thấy. Tương tợ như thế, cành thốt nốt, chiếc quạt, v.v... được nhìn thấy nhưng các người cầm lại không được nhìn thấy. Các sự hòa tấu và hợp xướng nhạc thiên đình được nghe tiếng nhưng các thiên nhân càn-thát-bà lại không được nhìn thấy. Đức vua sau khi nhận ra điều kỳ diệu ấy đã nói với trưởng lão Indagutta như vầy: “Bạch ngài, chư thiên đã cúng dường bằng cái lọng của thiên đình, trẫm sẽ cúng dường với cái lọng của nhân loại.” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đúng vậy!” Đức vua, sau khi cúng dường chiếc lọng trắng có cán bằng vàng của bản thân, đã cầm lấy cái bình bằng vàng và đã rưới nước hiến dâng. Ngày hôm ấy, đức vua đã dâng cúng vương quyền ở trên toàn thể đảo Tambapaṇṇi. Sau đó, họ đã cầm lấy tất cả các loại nhạc cụ, đã cúng dường bằng các loại vật thơm và tràng hoa, v.v... rồi đã tiến hành sự tôn vinh trọng thể. Đức vua lại hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, có phải bậc Đạo Sư của chúng ta đã sử dụng hai loại lọng che của chư thiên và loài người?” “Tâu đại vương, là ba lọng che, không phải hai lọng che.” “Bạch ngài, trẫm không nhìn thấy cái lọng che kia.” “Bậc Đạo Sư đã trương lên chiếc lọng trắng cao quý của sự giải thoát với giới là cái đế, định là cán cầm, quyền là cái sườn, lực là tràng hoa, đạo quả đã đắc chứng là tấm che. Ngài đã chứng đạt sự tấn phong của trí tuệ, sau đó đã vận chuyển bánh xe Pháp, rồi đã sở hữu và đã trị vì Phật quốc ở trong mười ngàn thế giới.” Đức vua đã cúng dường vương quyền đến xá lợi ba lần (nói rằng): “Trẫm xin dâng vương quyền ba lần đến bậc Ðạo Sư là vị sử dụng ba chiếc lọng.” Sau đó, trong lúc chư thiên và nhân loại đang cúng dường bằng các vật thơm và tràng hoa của thiên đình, v.v... và trong lúc nhiều dàn hòa tấu và hợp ca đang được trình diễn, đức vua đã cầm lấy hộp xá-lợi đặt ở trên đầu và đã rời khỏi mái che bằng các loại ngọc quý. Sau đó, được hội chúng tỳ khưu tùy tùng đức vua đã hướng vai phải nhiễu quanh ngôi đại bảo điện, rồi đã bước lên cánh cửa phía đông, và bước vào căn phòng thờ xá-lợi. Ở đó, các vị A-la-hán có số lượng chín mươi sáu koṭi đã đứng vòng quanh ngôi đại bảo điện. Đức vua đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ đưa cái hộp xá-lợi từ đỉnh đầu xuống và đặt ở bề mặt của long sàng vô cùng giá trị.” Vào thời điểm ấy, cái hộp xá-lợi từ trên đầu của đức vua đã bay lên độ cao bảy thân cây thốt nốt rồi đã tự động mở ra. Các xá-lợi đã bay lên không trung tạo thành hình dáng của đức Phật được điểm tô với chùm ánh sáng từ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân cùng tám mươi tướng phụ, được chiếu sáng bởi vầng hào quang ở đỉnh đầu, và rạng ngời với mạng lưới của vô số ánh sáng được phân thành các màu xanh, vàng, đỏ, v.v... rồi đã thị hiện song thông tương tợ như là song thông đã thị hiện ở cội cây xoài Gaṇḍa. Sau khi nhìn thấy thần thông ấy của xá-lợi, mười hai koṭi chư thiên và nhân loại đã khởi niềm tin và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Số đã thành tựu ba quả vị còn lại là vượt ngoài khả năng tính đếm. Sau khi đã thị hiện thần thông bằng nhiều phương thức và đã phóng ra hình bóng của đức Phật như thế, các xá-lợi đã trở vào chiếc hộp, rồi đã cùng với chiếc hộp hạ xuống, và ngự ở trên đầu của đức vua. Như là đã được đăng quang với sự bất tử, đức vua, trong khi nghĩ đến sự thành tựu thân nhân loại đã có kết quả, đã dùng hai tay cầm lấy chiếc hộp xá-lợi, và được tháp tùng bởi các vũ công đã đi đến bên cạnh chiếc long sàng đã được trang hoàng, rồi đã đặt chiếc hòm xá-lợi trên chiếc ngai bằng ngọc quý, sau đó đã rửa hai tay bằng nước đã được tẩm hương, đã chà xát bằng bốn vật có mùi thơm tự nhiên, rồi đã mở ra chiếc hộp bằng ngọc quý cầm lấy các xá-lợi, và đã suy nghĩ như vầy: Nếu các xá-lợi sẽ không bị khuấy nhiễu bởi bất cứ người nào và nếu các xá-lợi sẽ là nơi nương tựa cho mọi người và sẽ được tồn tại, Xin các xá-lợi hãy ngự xuống ở chỗ nằm vô cùng quý giá được khéo xếp đặt với hình dáng của bậc Ðạo Sư đã nằm xuống ở trên chiếc giường Vô Dư Niết Bàn.[109] Hơn nữa, sau khi đã suy nghĩ như thế, đức vua đã đặt các xá-lợi trên bề mặt của chiếc giường cao quý. Vào thời khắc ấy, các xá-lợi đã nằm với hình dáng của đức Phật ở trên chỗ nằm vô cùng giá trị theo đúng như cách thức đức vua đã nghĩ đến. Vào ngày rằm Uposatha của thượng huyền tháng Āsāḷha và nhằm lúc chòm sao Uttarāsāḷha, các xá-lợi đã được tôn trí như thế. Do việc tôn trí xá-lợi, đại địa cầu đã rung chuyển và nhiều hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra theo nhiều cách.[110] Bởi vì khi ấy, đại địa cầu này đã được bao bọc quanh bởi nước và đã lay động, rúng động, chuyển động. Đại dương đã dậy sóng. Các tia chớp đã xuất hiện trên không trung. Mưa rào đã rơi xuống. Từ sáu cõi trời đã có một sự chộn rộn. Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu này, đức vua đã tịnh tín cúng dường đến các xá-lợi chiếc lọng trắng với tràng hoa bằng vàng của bản thân, rồi đã dâng lên vương quyền ở trên đảo Tambapaṇṇi trong bảy ngày, sau đó đã cởi ra và đã cúng dường vật dụng trang sức trị giá một trăm ngàn. Tương tợ, tất cả các nữ vũ công, các quan đại thần, tất cả dân chúng còn lại, và chư thiên đã cúng dường toàn bộ đồ trang sức. Do đó, Người cúng dường với sự quý mến đến đấng Thiện Thệ khi Ngài còn tồn tại và được tôn kính trong tam giới, hoặc người cúng dường xá-lợi của vị ấy dầu chỉ nhỏ bằng hạt mù-tạt, “Quả của những phước báu ấy đều bằng nhau” người trí tuệ biết được điều ấy rồi đã cúng dường xá-lợi ấy với tâm tín thành và an tịnh cho dầu đấng Thiện Thệ đã Viên Tịch Niết Bàn.[111] Sau đó, đức vua đã cúng dường đến hội chúng các loại vải may y và các loại dược phẩm như là đường viên, bơ lỏng, v.v... rồi đã cho trùng tụng suốt đêm. Vào ngày kế, đức vua đã cho trống thông báo trong thành phố rằng: “Dân chúng hãy mang theo các vật thơm và các tràng hoa, v.v... rồi hãy đi đến và đảnh lễ các xá-lợi trong bảy ngày của tuần lễ này.” Trưởng lão Indagutta cũng đã chú nguyện rằng: “Dân chúng ở trên toàn bộ đảo Tambapaṇṇi có ý định đảnh lễ các xá-lợi ngay trong thời hạn ấy hãy đi đến và đảnh lễ, rồi về lại chỗ ở của mình.” Dân chúng đã đảnh lễ các xá-lợi rồi đã ra đi đúng y như thế. Đức vua đã tiến hành lễ đại thí đến hội chúng trong bảy ngày, và khi bảy ngày trôi qua đã thông báo đến hội chúng rằng: “Bạch các ngài, công việc cần phải làm ở căn phòng thờ xá-lợi đã được trẫm hoàn tất. Xin các ngài hãy niêm phong căn phòng thờ xá-lợi.” Hội chúng đã gọi các vị sa di Uttara và Sumana rồi bảo rằng: “Hãy niêm phong căn phòng thờ xá-lợi bằng tảng đá màu vàng đã được hai ngươi mang lại trước đây.” Hai vị đã đồng ý (đáp rằng): “Lành thay!” rồi đã niêm phong căn phòng thờ xá-lợi. Sau đó, các bậc Lậu Tận đã chú nguyện rằng: “Ở trong căn phòng thờ xá-lợi, các hương thơm chớ bị phai tàn, các tràng hoa chớ bị héo úa, các ngọn đèn chớ bị dập tắt, các ngọc quý chớ bị phai màu, các đồ vật cúng dường chớ bị mất mát, các tảng đá màu vàng hãy được liền lặn, những kẻ thù nghịch không có được cơ hội.” Sau khi đã cho tôn trí các xá-lợi như thế, đức vua lại cho trống thông báo trong thành phố rằng: “Những người nào có ước muốn tôn trí xá-lợi ở ngôi đại bảo điện thì hãy mang xá-lợi đến và hãy tiến hành việc tôn trí.” Dân chúng đã cho thực hiện các hộp bằng vàng, bạc, v.v... tùy theo khả năng của cá nhân rồi đã để các xá-lợi vào trong đó và đã đặt xuống ở bề mặt tảng đá màu vàng bên trên chỗ tôn trí các xá-lợi. Các xá-lợi đã được quy tụ lại bởi tất cả dân chúng có số lượng là một ngàn.
Phần Giảng Giải về Việc
Tôn Trí Xá-Lợi -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ NGÔI ĐẠI BẢO ĐIỆN Kế đến, đức vua đã cho niêm phong tất cả nơi ấy rồi trong lúc cho xây dựng ngôi bảo điện đã cho hoàn tất gian phòng hình chữ nhật cùng với phần bên trong. Sau đó, trong lúc công việc làm cái lọng che và công việc tô láng còn chưa được hoàn tất, đức vua đã lâm bệnh với căn bệnh chết người nên đã cho triệu hồi người em trai từ Dīghavāpī đến nói rằng: “Này em, công việc làm cái lọng che và công việc tô láng ở ngôi bảo điện chưa được hoàn tất; hãy nhanh chóng cho hoàn tất và hãy làm cho ta được hoan hỷ.” Biết được tình trạng yếu đuối của đức vua, người em (nghĩ rằng): “Không thể hoàn thành công việc chưa được hoàn tất trong khoảng thời gian ấy” nên đã cho thực hiện màn che bằng các tấm vải sạch rồi che ngôi bảo điện lại, sau đó ở bên trên tấm màn che đã cho thực hiện tranh vẽ hình lan can với hình các dãy chum được chứa đầy và các dấu vết năm ngón tay. Sau khi đã cho thực hiện cái lọng che làm bằng tre với các thanh sậy, người em đã cho thực hiện ở phía trên lan can các hình đĩa tròn mặt trăng và mặt trời được làm bằng các mảnh vải cứng, rồi đã tô điểm vật ấy với các loại nhựa cây và đất màu, sau đó đã thông báo với đức vua rằng: “Việc xây dựng ngôi bảo tháp đã được hoàn tất.” Đức vua đã nói rằng: “Như thế thì hãy cho trẫm nhìn thấy ngôi đại bảo điện,” rồi đã nằm xuống trên chiếc kiệu, và đã hướng vai phải nhiễu quanh ngôi bảo điện, sau đó đã cho sắp đặt giường nằm trên mặt đất ở cổng vào phía nam, rồi đã nằm tại chỗ ấy. Đức vua khi nằm bên hông phải thì nhìn thấy ngôi đại bảo tháp, và khi nằm bên hông trái thì nhìn thấy Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) nên đã sanh khởi niềm tịnh tín. Khi ấy, sau khi quán xét đến việc Giáo Pháp có nhiều lợi ích đối với đức vua, chín mươi sáu koṭi vị tỳ khưu từ nơi này nơi nọ đã đi đến nhằm mục đích thăm hỏi bệnh tình và đã đứng vây quanh đức vua. Sau đó, hội chúng đã phân thành từng nhóm và đã thực hiện việc trùng tụng. Đức vua không nhìn thấy trưởng lão Theraputtābhaya tại cuộc hội họp đó nên đã suy nghĩ như vầy: “Trong khi ta tiến hành hai mươi tám trận chiến đấu tàn khốc với những người Damiḷa, vị ấy đã không rút lui. Giờ đây, khi cuộc chiến đấu với tử thần đang diễn tiến, ta nghĩ rằng vị ấy đã nhìn thấy sự thất trận của ta nên không đi đến.” Khi ấy, vị trưởng lão đang cư trú tại ngọn núi Pajjalita ở thượng nguồn giòng sông Karinda đã biết được ý nghĩ suy tầm của đức vua nên đã cùng với năm trăm bậc Lậu Tận tùy tùng đi đến theo đường không trung và đã hiện ra ở phía trước đức vua. Đức vua sau khi nhìn thấy vị trưởng lão đã thỉnh ngồi xuống phía trước mình rồi đã nói như vầy: “Bạch ngài, sau khi có được ngài cùng với mười vị đại dũng sĩ, trẫm đã chiến đấu với những người Damiḷa. Giờ đây, trẫm chỉ mỗi một mình đã bắt đầu cuộc chiến đấu với tử thần. Tuy nhiên, trẫm không thể chiến thắng kẻ thù là thần chết được.” Do đó, Trưởng lão Theraputtābhaya đã nói rằng: “Tâu chúa thượng, chớ có sợ hãi. Không chiến thắng được kẻ thù phiền não thì không thể chiến thắng kẻ thù là thần chết.[112] Sau khi đã nói như thế, vị trưởng lão đã giảng dạy như vầy: “Tâu đại vương, hết thảy toàn bộ chúng sanh ở thế gian đều bị tác động bởi sự sanh, bị đày đọa bởi tuổi già, bị thống trị bởi bệnh tật, bị tấn công bởi sự chết. Vì thế, có điều nói rằng: Cũng giống như ngọn núi đá vĩ đại trong khi nén xuống ở bốn phía có thể vươn đến không trung và làm chuyển động khu vực xung quanh, Tương tợ như thế, tuổi già và thần chết thống trị các chúng sanh dầu là sát-đế-lỵ, bà-la-môn, thương buôn, nông phu, hạ tiện, cùng khổ. Chúng không tha bất cứ ai và đày đọa hết tất cả. Trong trường hợp ấy, không phải là môi trường của các con voi, của các xe ngựa, hay của binh lính, và cũng không thể chiến thắng bằng bùa chú, vũ khí, hay tài sản.[113] Do đó, điều gọi là sự chết này, không còn gì phải nghi ngờ, áp dụng cho những người có danh tiếng lớn lao như là Mahāsammata, v.v... cho những người có phước báu cao cả như là Jotiya, v.v... cho những người có sức mạnh phi thường như là Baladeva, v.v... cho các bậc Độc Giác đã chứng ngộ các chân lý nhờ vào trí tuệ tự thân, luôn cả các bậc Chánh Đẳng Giác thành tựu tất cả các đức hạnh. Vậy còn những chúng sanh nào khác nữa? Vì thế, Tất cả những vị vua cao quý ấy dầu đã đạt đến danh tiếng lớn lao như là Mahāsammata, v.v... và có sức mạnh phi thường như là Baladeva, v.v... đều phải trải qua trạng thái vô thường như thế. Những vị đầy đủ phước báu đã đạt được danh vọng và tài sản lớn như là Jotiya và Meṇḍaka, v.v... tất cả những vị ấy mặc dầu giàu có cũng đã đi vào miệng của tử thần giống như mặt trăng bị mất đi vào lúc nguyệt thực. Tâu đại vương, trong số những người con trai có thần thông của đức Như Lai, ngay cả vị trưởng lão được nổi tiếng là đứng hàng đầu cũng đi vào miệng của tử thần cùng với năng lực thần thông (của mình). Tâu đại vương, trong tất cả chúng sanh ngoại trừ đấng Chiến Thắng, không ai có trí tuệ sánh bằng vị Thinh văn là Tướng Quân Chánh Pháp, ngay cả vị ấy cũng gánh chịu sự vô thường. Tâu đại vương, ngay cả những đấng Tạo Hóa đã đạt đến sự an tịnh nhờ vào năng lực trí tuệ của chính mình, tất cả các vị ấy dầu đã thành đạt được sức mạnh của trí tuệ cũng không vượt qua được sự vô thường. Ngay cả đấng Thiện Thệ là bậc đại nhân, là vị chúa tể của tam giới đã vượt qua bản thể của sự vô thường cũng không thể thoát khỏi. Tâu bệ hạ, không có gì để nói về những chúng sanh khác. Vì thế, tâu đại vương, mặc dầu tất cả các chúng sanh trong các cõi không sao tránh khỏi sự chết, trong khi còn luân hồi tất cả cũng nên suy xét về “vô thường khổ não vô ngã.” Ngay cả trong kiếp sống trước, sự ao ước về Chánh Pháp của bệ hạ thật là lớn lao. Trong khi đang ngự ở cõi trời, bệ hạ đã từ bỏ an lạc của thiên đường.[114] Sau khi hạ sanh ở cõi này, bệ hạ đã thực hiện nhiều phước thiện bằng nhiều cách. Hơn nữa, sự thống nhất vương quốc của bệ hạ đem lại sự rạng ngời của Giáo Pháp. Tâu đại vương, chỉ tưởng nhớ đến tất cả phước thiện đã được bệ hạ thực hiện cho đến ngày hôm nay, an lạc sẽ hiện khởi ngay lập tức.” Sau khi lắng nghe điều ấy, đức vua đã khởi tâm hoan hỷ rồi nói rằng: “Bạch ngài, ngay cả trong cuộc chiến đấu với thần chết, ngài cũng là nguồn hỗ trợ.” Nói xong, đức vua đã được yên tâm rồi ra lệnh đọc lên cuốn sách ghi chép về phước báu. Viên thư ký đã đọc lên cuốn sách ghi chép về phước báu như vầy: Chín mươi chín tu viện và tu viện Maricavaṭṭi đã được vị đại vương cho xây dựng với chín mươi chín koṭi. Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) hạng nhất được cho xây dựng với ba mươi koṭi. Các vật quý giá ở ngôi đại bảo tháp đã được cho thực hiện là hai mươi bốn ngàn. Tâu đại vương, các việc còn lại ở ngôi đại bảo tháp cũng đã được bệ hạ là người có trí tuệ sắc sảo cho thực hiện trị giá một ngàn koṭi. Ở dãy núi tên là Koḷamba vào nạn đói phải ăn hạt akkha, bệ hạ đã đưa ra hai bông tai rất quý giá để trao đổi. Với tâm tín thành, phần cháo chua hạt kê tuyệt hảo đã được dâng đến năm vị đại trưởng lão là các bậc Lậu Tận. Trong trận chiến ở Cūḷaṅgaṇiya, sau khi bị bại trận và đang trốn chạy, ngài đã thông báo về thời điểm (của bữa ăn) đến vị đã ngự đến theo đường hư không. Không quan tâm gì đến bản thân, ngài đã dâng đĩa thức ăn đến vị tu sĩ Lậu Tận. Cuốn sách ghi chép về phước báu đã được đọc lên như thế.[115] Sau khi lắng nghe điều ấy, đức vua đã trở nên hoan hỷ và bảo rằng: “Này khanh, hãy ngưng lại! Hãy ngưng lại!” rồi đã nói như vầy: “Trong bảy ngày lễ hội của tu viện Maricavaṭṭi và bảy ngày khởi công ngôi bảo tháp, trẫm đã thực hiện cuộc lễ đại thí vô cùng xứng đáng đến cả hai hội chúng bốn phương. Trẫm đã cho thực hiện hai mươi bốn đại lễ cúng dường Vesākha (Rằm Tháng Tư) và đã cúng dường y đến đại chúng tỳ khưu ở trên hòn đảo Tambapaṇṇi ba lần. Trẫm đã cúng dường vương quyền của Laṅkā đến Giáo Pháp năm lần, mỗi lần bảy ngày. Trẫm đã cho thắp sáng thường xuyên một ngàn cây đèn ở mười hai địa điểm với tim đèn bằng vải trắng mịn được nhúng trong bơ lỏng. Trẫm đã ra lệnh cho các thầy thuốc thường xuyên bố thí thuốc men và thức ăn đến những người bệnh ở mười tám địa điểm. Trẫm đã bố thí dầu ăn và gạo ở bốn mươi bốn địa điểm. Trẫm đã cho bố thí thường xuyên các bánh nướng bơ với bữa ăn ở rất nhiều địa điểm. Mỗi tháng vào tám ngày Uposatha, trẫm đã ra lệnh bố thí dầu đèn ở tất cả các tu viện trên đảo Laṅkā. Sau khi đã nghe được rằng: ‘Sự bố thí Pháp là cao cả hơn sự bố thí tài vật,’ mặc dầu đã ngồi xuống trên Pháp tọa ở tầng dưới của Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) và đã bắt đầu giảng giải bài kinh Điềm Lành (Maṅgalasutta),[116] nhưng trẫm đã không thể giảng giải vì sự tôn kính hội chúng. Từ đó trở đi, trẫm đã tôn vinh các vị Pháp sư và đã cho thuyết giảng Giáo Pháp ở tất cả các tu viện. Vào tám ngày Uposatha trong tháng, trẫm đã cho cúng dường đến mỗi một vị Pháp sư bơ lỏng, đường mía, đường viên mỗi loại một nāḷī, thanh cam thảo dài bốn ngón tay ước lượng một nắm tay, và hai xấp vải. Tất cả các việc này cũng chỉ là sự bố thí sau khi đã có quyền lực nên không làm cho tâm ta được hoan hỷ. Trái lại, có hai việc bố thí đã được ta thực hiện khi bị lâm vào sự nguy khốn và không còn quan tâm đến mạng sống lại làm ta hoan hỷ.” Sau khi nghe được điều ấy, vị trưởng lão Abhaya đã nói rằng: “Tâu đại vương, bệ hạ đã đặt niềm tin vào đúng sự việc đáng để đặt niềm tin. Hơn nữa, hai lần vật thực ấy là vĩ đại do năm nguyên nhân này: Do duyên đã đạt được đúng Pháp bởi không hành hạ kẻ khác, do bản chất của sự bố thí không vướng mắc bởi không quan tâm đến bản thân, do bản chất của sự bố thí vật cần thiết đối với những người thọ lãnh, do bản chất của sự bố thí với đức tin mạnh mẽ tạo nên hỷ và lạc, và sự đạt đến tính chất hữu dụng một cách toàn diện của vật bố thí.” Rồi đã nói tiếp rằng: “Tâu đại vương, trong số các vị trưởng lão đã thọ lãnh món cháo chua hạt kê, vị trưởng lão Maliyamahādeva đã cho đến năm trăm vị tỳ khưu ở đỉnh núi Samanta rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Dhammagutta là vị đã làm rung động quả đất đã cho đến năm trăm vị tỳ khưu ở tu viện Kalyāṇī rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Dhammagutta cư ngụ ở Talaṅgara đã cho đến mười hai ngàn vị tỳ khưu ở Piyaṅgudīpe rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Cūḷatissa cư ngụ ở Maṅgaṇa đã cho đến sáu mươi ngàn vị tỳ khưu ở tu viện Kelāsakūṭa rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Mahābhagga cũng đã cho đến bảy trăm vị tỳ khưu ở tu viện Ukkānagara rồi mới thọ dụng. Hơn nữa, vị trưởng lão là người nhận lãnh thức ăn trong cái đĩa đã cho đến mười hai ngàn vị tỳ khưu ở Piyaṅgudīpe rồi mới tiến hành việc thọ thực;” và vị trưởng lão đã làm cho tâm của đức vua được thơ thới. Khi tâm đã được hoan hỷ, đức vua đã nói như vầy: “Bạch ngài, trong lúc trị vì vương quốc hai mươi bốn năm, trẫm đã là người có nhiều cống hiến cho hội chúng. Hãy để cho thân của trẫm cũng là vật cống hiến đến hội chúng. Các ngài hãy thiêu thi hài của trẫm là kẻ tôi đòi của hội chúng ở trong khuôn viên hành sự của hội chúng tại địa điểm nhìn thấy ngôi đại bảo điện.” Sau đó, đã cho gọi người em trai (nói rằng): “Này em Tissa, Hãy cho hoàn tất một cách tốt đẹp công việc chưa được hoàn tất ở ngôi đại bảo tháp. Hãy cho tiến hành việc cúng dường bông hoa sáng và tối ở ngôi đại bảo tháp và cho thực hiện nghi thức cúng dường ba lần. Chớ có bỏ bê mọi tập quán bố thí đã được trẫm thiết lập và luôn luôn chớ xao lãng các phận sự cần phải làm đối với hội chúng.” Sau khi nhắn nhủ, đức vua đã im lặng. Vào giây phút ấy, các vị tỳ khưu đã bắt đầu việc trùng tụng. Hơn nữa, chư thiên từ sáu cõi trời đã lấy sáu chiếc xe ngựa đưa đến và xếp hàng theo thứ tự nói rằng: “Tâu đại vương, cõi trời của chúng tôi thú vị lắm! Cõi trời của chúng tôi thú vị lắm!” và đã thỉnh cầu về việc đi đến cõi trời của chính các vị. Nghe lời nói của họ, đức vua đã ngăn cản họ bằng cách giơ tay ra dấu hiệu rằng: “Hãy chờ đợi cho đến khi trẫm nghe Pháp xong.” Hội chúng lại nghĩ rằng: “Đức vua ngăn cản việc trùng tụng” nên đã ngưng lại việc tụng đọc. Đức vua đã nói rằng: “Bạch các ngài, tại sao các ngài lại ngưng việc trùng tụng?” “Tâu đại vương, vì ngài đã giơ tay ra hiệu ngăn cản.” “Bạch các ngài, trẫm đã không ra dấu hiệu cho các ngài. Chư thiên từ sáu cõi trời đã đưa lại sáu chiếc xe ngựa và thỉnh cầu đi đến cõi trời của chính các vị. Vì thế, trẫm đã ra dấu hiệu cho họ rằng: ‘Hãy chờ đợi cho đến khi trẫm nghe Pháp xong.’” Sau khi nghe được điều ấy, một số người đã nghĩ rằng: “Vị vua này hoảng hốt vì sợ hãi sự chết nên nói nhảm. Không có chúng sanh nào gọi là người không sợ hãi sự chết.” Do đó, trưởng lão Abhaya đã nói rằng: “Tâu đại vương, làm thế nào có thể tin được rằng sáu chiếc xe ngựa đã được đưa lại từ sáu cõi trời?” Sau khi nghe được điều ấy, đức vua đã bảo ném những lẳng hoa lên không trung. Các lẳng hoa ấy đã bay lên và từng cái một đã máng vào ở càng xe. Đám đông sau khi nhìn thấy các lẳng hoa được máng ở trên không trung nên đã hết hoài nghi. Sau đó, đức vua đã hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, vậy cõi trời nào là thú vị?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, cung trời Đẩu Suất là thú vị. Bồ Tát Metteyya trong lúc quán xét thời điểm để trở thành Phật cư ngụ ở ngay tại nơi ấy.” Sau khi nghe được điều ấy, đức vua đã chọn sanh xứ ở cõi ấy và đã từ trần ngay trong lúc đang nằm ngắm nhìn ngôi đại bảo tháp, rồi đã tái sanh vào chiếc xe được đem lại từ cõi trời Đẩu Suất như là người vừa thức dậy sau giấc ngủ. Để bày tỏ đến đám đông quả báu của phước thiện đã được thực hiện bởi bản thân, đức vua được điểm tô với những vật trang sức của cõi trời đã đứng ở ngay trong chiếc xe ngựa, rồi trong khi đám đông đang chăm chú nhìn, đã hướng vai phải nhiễu quanh ngôi đại bảo tháp ba vòng, đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu, rồi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất. Như vậy, vô thường luôn luôn hiện hữu trong việc tích lũy vô ích đối với các tài sản. Những người có trí tuệ thực hiện sự xả bỏ tài sản đến Tam Bảo và nắm giữ thực chất sẽ sanh về cõi trời. Các nữ vũ công sau khi biết được trạng thái băng hà của đức vua đã đứng tại chỗ cởi bỏ chóp mũ đội đầu; tại chỗ ấy đã được xây dựng gian nhà gọi tên là Makuḷamuttasālā (sảnh đường của các chóp mũ đội đầu đã được cởi bỏ). Khi thi thể của đức vua được đưa lên giàn hỏa thiêu, tại địa điểm đám đông đã đưa tay lên khóc lóc đã được xây dựng sảnh đường gọi tên là Viravitthasālā (sảnh đường của sự khóc lóc). Tại chỗ họ đã hỏa táng thi thể của đức vua, chỗ ấy là khuôn viên của ranh giới và được gọi tên là Rājamālaka (khuôn viên của đức vua). Sau đó, người em trai của đức vua đã trở thành vị đại vương tên là Saddhātissa, sau đó đã cho hoàn tất công việc làm chiếc lọng che và công việc tô láng ở ngôi bảo điện chưa được hoàn tất, rồi đã cho xây dựng ngôi bảo tháp.
Phần Giảng Giải về Ngôi
Đại Bảo Điện -ooOoo-
Đức vua Kākavaṇṇatissa, người cha của đại vương Duṭṭhagāmaṇi Abhaya trong thời hiện tại, sẽ là người cha của đức Thế Tôn Metteyya (trong thời vị lai). Vihāramahādevī sẽ là người mẹ. Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ là vị đệ nhất Thinh Văn. Người em trai sẽ là vị đệ nhị Thinh Văn. Hoàng hậu Anuḷā, người cô của đức vua, sẽ là chánh cung hoàng hậu. Hoàng tử Sālirāja, con trai của đức vua, sẽ là người con trai. Viên thủ khố Saṅghāmacca sẽ là vị nam thí chủ hàng đầu. Người con gái của viên quan đại thần ấy sẽ là vị nữ thí chủ hàng đầu. Như thế, tất cả những người có lời phát nguyện đã được khẳng định và thành tựu nhân duyên, sau khi nghe Pháp của đức Thế Tôn ấy sẽ chấm dứt khổ đau và sẽ viên tịch Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Và chỉ có bấy nhiêu. Là người rành rẽ về Tam Tạng sống ở gian phòng tên Mahindasena với căn bản là y và bình bát. Là người đã được thành tựu về niềm tin và giới đức, và hoan hỷ trong việc lợi ích cho tất cả chúng sanh; vì thế, được yêu cầu bởi các thiện nhân tôi đã khởi sự thực hiện tác phẩm này. Giờ đây, việc ấy đã được dứt điểm. Tác phẩm Thūpavaṃsa (Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật) đã được hoàn thành, đầy đủ, không lẫn lộn, tốt đẹp về mọi phương diện, được các bậc trí thức khen ngợi. Với phước báu đạt được trong khi tôi thực hiện việc phước thiện này, xin cho tất cả chúng sanh đều đạt đến sự an lạc. Lịch sử của các ngôi bảo tháp cao quý đã đạt đến sự hoàn tất không bị chướng ngại như thế nào thì những ước nguyện có liên quan đến Chánh Pháp của chúng sanh hãy đạt đến sự thành tựu một cách mau chóng như thế ấy. Sớ giải Līnatthadīpanī của Paṭisambhidāmagga đã được vị ấy thực hiện tốt đẹp do sự ước muốn đề cao Chánh Pháp. Tương tợ như thế, các sự giảng giải ý nghĩa về tác phẩm Saccasaṅkhepa đã khéo được thực hiện tốt đẹp bằng ngôn ngữ Sinhala bởi vị ấy là bậc có trí tuệ ấy. Các sự giảng giải ý nghĩa về Visuddhimaggasaṅkhepa nhằm đem lại lợi ích cho các thiền sinh đã được vị ấy thực hiện bằng ngôn ngữ Sinhala. Vị ấy rành rẽ về Tam Tạng và có trách nhiệm ở thư khố của đức vua Parakkama là vị vua đứng đầu trong tất cả các vị vua. Giáo Pháp đã được khéo thiết lập cho các tỳ khưu đệ tử của vị ấy. Tác phẩm này được viết ra với lời văn của trưởng lão Vācissara ấy. Lịch Sử về Các Ngôi Bảo Tháp được chấm dứt. -ooOoo- [87] Ratana: đơn vị đo chiều dài, vào khoảng 25 cm (1 ratana = 12 aṅgula - ngón tay). [88] So sánh với câu kệ 44-45, chương 29, Sđd. [89] Dr. B.C. Law ghi ở cước chú là trán, hông, cùi chỏ, đầu gối, và hai bàn chân (tr. 73). [90] Theo ngài Mahāsamaṇa Chao giải thích ở Vinayamukha thì 1 nāli = 2 pattha, và pattha là lượng chứa do hai tay bụm lại. [91] Sđd., chương 30, các câu kệ 43. [92] Kinh Trường Bộ II, bài kinh số 7. [93] Kinh Trung Bộ II, Phẩm Tỳ Khưu, bài kinh số 2; Kinh Trung Bộ III, Phẩm Sáu Xứ, bài kinh số 5. [94] Suttanipāta - Kinh Tập, Cūḷavagga, bài kinh số 4. [95] Kinh Tập, Phẩm 5. [96] Kinh Trung Bộ I, Opammavagga -Phẩm Ví Dụ, bài kinh số 4. [97] Kinh Trung Bộ I, Sīhanādavagga -Phẩm Sư Tử Hống, bài kinh số 1 & 2. [98] Kinh Trường Bộ II, bài kinh số 8. [99] Sđd., chương 30, hai câu kệ 98-99. [100] So sánh với hai câu kệ 53-54, chương 31, Sđd. [101] Sđd., chương 31, hai câu kệ 55-56. [102] Sđd., chương 31, câu kệ 60. [103] Sđd., chương 31, các câu kệ 63-65. [104] So sánh với hai câu kệ 53-54, chương 31, Sđd. [105] Sđd., chương 31, các câu kệ 70-71. [106] Sđd., chương 31, câu kệ 73. [107] Sđd., chương 31, câu kệ 74. [108] Sđd., chương 31, câu kệ 78-84. [109] Sđd., chương 31, câu kệ 106-107. [110] Sđd., chương 31, câu kệ 109-110. [111] So sánh với câu kệ 100, chương 30, Sđd. [112] So sánh với câu kệ 18, chương 32, Sđd. [113] Kinh Bộ Tương Ưng, Thiên Có Kệ, Tương Ưng Kosala, Phẩm 3. [114] Câu kệ này và hai câu kế trích ở Sđd., chương 32, câu kệ 21-23. [115] So sánh với các câu kệ 26-32, chương 32, Sđd. [116] Suttanipāta - Kinh Tập, Cūḷavagga, bài kinh số 4. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated:
04-03-2005