THŪPAVAMSA
Nguyên tác Pāli: Vācissaratthera
[02] GIẢNG GIẢI VỀ TU VIỆN BẢO THÁP (THŪPĀRĀMA) Đức vua công chính Asoka, sau khi đã thực hiện lễ hội của tám mươi bốn ngàn tu viện như thế, rồi đã đảnh lễ các vị đại trưởng lão, và hỏi rằng: “Bạch các ngài, trẫm có phải là thân quyến của Phật Giáo không?” “Tâu đại vương, ngài là thân quyến của cái gì? Ngài là người dưng đối với Giáo Pháp.” “Bạch các ngài, trẫm đã xuất ra của cải chín mươi sáu ngàn koṭi và đã cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện có cả ngôi bảo tháp mà không phải là thân quyến, vậy những người khác ai là thân quyến?” “Tâu đại vương, ngài được gọi là người thí chủ về vật dụng, còn người nào cho con trai và con gái xuất gia, người ấy được gọi là thân quyến của Giáo Pháp.” Được nói như vậy, đức vua Asoka, trong lúc đang mong mỏi việc trở thành thân quyến của Giáo Pháp, đã nhìn thấy hoàng tử Mahinda đang đứng gần đó nên đã nói rằng: “Này con, con có thể xuất gia không?” Hoàng tử Mahinda có ước muốn xuất gia từ trong bản chất nên khi nghe được lời nói của đức vua đã phát sanh niềm vui sướng vô tận và đã thưa rằng: “Tâu bệ hạ, con sẽ xuất gia. Cha hãy cho con xuất gia và trở thành thân quyến của Giáo Pháp.” Và vào lúc bấy giờ, công chúa Saṅghamittā cũng đang đứng tại nơi ấy. Đức vua đã nhìn thấy nàng nên đã nói rằng: “Này con, con cũng có thể xuất gia không?” Nàng đã đồng ý (đáp rằng): “Thưa cha, thật tốt đẹp thay!” Sau khi tiếp nhận ý định của hai con, đức vua với tâm tư phấn khởi đã đi đến gặp hội chúng tỳ khưu (nói rằng): “Bạch các ngài, xin hãy cho hai trẻ xuất gia và hãy làm cho trẫm trở thành thân quyến của Giáo Pháp.” Hội chúng đã chấp nhận lời thỉnh cầu của đức vua, sau đó đã cho người con trai xuất gia với thầy tế độ là trưởng lão Moggalliputtatissa và thầy giáo thọ là trưởng lão Mahādeva, rồi đã cho tu lên bậc trên với thầy giáo thọ là trưởng lão Majjhantika. Mahinda đã thành tựu phẩm vị A-la-hán với các tuệ phân tích ngay trong lúc còn đang tiến hành nghi thức tu lên bậc trên. Về phần công chúa Saṅghamittā thì trưởng lão ni tên Āyupālā là thầy giáo thọ ni và trưởng lão ni tên Dhammapālā là thầy tế độ ni. Sau đó, tính từ thời điểm đã được tu lên bậc trên, trưởng lão Mahinda, trong lúc rèn luyện về Pháp và Luật với chính thầy tế độ của mình, đã học tập trong ba năm về truyền thống Theravāda gồm có Tam Tạng và Chú Giải đã được tổng hợp và truyền lại qua hai kỳ kết tập, và đã là vị đứng đầu trong số một ngàn tỳ khưu học trò của thầy tế độ của mình. Vào lúc bấy giờ, trưởng lão Moggalliputtatissa trong lúc suy xét rằng: “Trong tương lai, Giáo Pháp có thể phát triển bền vững ở nơi đâu?” và biết được rằng: “Sẽ được phát triển bền vững ở các quốc độ lân bang” nên đã giao trách nhiệm cho từng nhóm các vị tỳ khưu rồi đã phái các vị tỳ khưu ấy một số đi chỗ này, một số đi chỗ nọ. Ngài đã phái trưởng lão Majjhantika đến xứ Kasmīra và Gandhāra (nói rằng): “Ngươi hãy đi đến xứ sở ấy và phát triển Giáo Pháp ở đó.” Sau khi đã nói y như thế với trưởng lão Mahādeva rồi đã phái đến xứ Mahiṃsaka-maṇḍala, trưởng lão Rakkhita đến xứ Vanavāsi, trưởng lão Dhamma-rakkhita người xứ Yona đến Aparantaka, trưởng lão Mahādhammarakkhita đến Mahāraṭṭha, trưởng lão Mahārakkhita đến lãnh thổ Yonaka, trưởng lão Majjhima đến khu vực Hi Mã Lạp Sơn, trưởng lão Soṇa và trưởng lão Uttara đến Suvaṇṇabhūmi. Còn đệ tử của mình là trưởng lão Mahinda cùng với trưởng lão Iṭṭiya, trưởng lão Uttiya, trưởng lão Bhaddasāla, và trưởng lão Sambala (nói rằng): “Các ngươi hãy đi đến hòn đảo Tambapaṇṇi và phát triển Giáo Pháp ở nơi ấy.” Tất cả các vị ấy trong khi đi đến xứ này xứ nọ ở các phương đã đi thành nhóm năm người. Tất cả các vị trưởng lão ấy đều tạo được niềm tin cho dân chúng và đã thiết lập Giáo Pháp ở tại địa điểm đã đi đến. Phần trưởng lão Mahinda, khi được thầy tế độ và hội chúng tỳ khưu yêu cầu: “Ngươi hãy đi đến và thiết lập Giáo Pháp ở hòn đảo Tambapaṇṇi,” trong lúc quán xét rằng: “Có phải bây giờ là lúc để ta đi đến hòn đảo Tambapaṇṇi hay không?” đã nghĩ đến tình trạng già nua của đức vua Muṭasīva: “Vị đại vương này thì già cả, không thể thuyết phục vị này để hoằng khai Giáo Pháp được. Vả lại, con trai của vị ấy là Devānampiyatissa sẽ trị vì xứ sở trong đời hiện tại.” Sau khi nắm được điều ấy (đã suy nghĩ rằng): “Phải chăng vị ấy sẽ có khả năng hoằng khai Giáo Pháp? Vậy chúng ta hãy đi thăm các thân quyến cho đến khi nào thời điểm ấy đến. Khi ấy, biết chúng ta có thể trở lại xứ sở này lần nữa hay không đây?” Sau khi suy nghĩ như thế, vị ấy đã đảnh lễ thầy tế độ và hội chúng tỳ khưu rồi đã cùng với bốn vị trưởng lão ấy là Iṭṭiya, v.v..., người con trai của Saṅghamittā là sa di Sumana, và nam cư sĩ Bhaṇḍuka rời khỏi tu viện Asoka. Trong khi du hành ở xứ sở Dakkhiṇāgiri ở gần thành Rājagaha và thăm viếng các thân quyến, sáu tháng đã trôi qua. Sau đó, theo tuần tự vị ấy đã đến được nơi trú ngụ của người mẹ là thành phố tên Veṭisa. Hơn nữa, vị hoàng hậu mẹ của trưởng lão, khi nhìn thấy vị trưởng lão vừa đi đến, đã đê đầu đảnh lễ ở chân, đã dâng vật thực, rồi đã bàn giao tu viện tên Veṭisagiri do bà kiến tạo đến vị trưởng lão. Khi đang ngồi ở tu viện ấy, vị trưởng lão đã suy nghĩ rằng: “Công việc chúng ta cần phải làm ở đây đã được hoàn tất. Có phải bây giờ là lúc để đi đến đảo Laṅkā không?” Sau đó, lại suy nghĩ rằng: “Hãy để cho Devānampiyatissa trải qua lễ phong vương do cha ta phái đến và được nghe về ân đức của Tam Bảo, sau đó rời khỏi thành phố vì mục đích săn bắn và leo lên ngọn núi Missaka, khi ấy chúng ta sẽ gặp vị ấy tại chỗ ấy;” và vị trưởng lão đã trú ngụ ở tại nơi ấy thêm một tháng nữa. Khi một tháng đã trôi qua, Chúa Trời Sakka đã đi đến gặp trưởng lão Mahinda và đã nói điều này: “Thưa ngài, đức vua Muṭasīva đã băng hà, giờ đây vị đại vương Devānampiyatissa trị vì vương quốc. Và ngài đã được bậc Chánh Đẳng Giác chú nguyện rằng: ‘Trong ngày vị lai, vị tỳ khưu tên Mahinda sẽ gieo niềm tin ở hòn đảo Tambapaṇṇi này.’ Thưa ngài, vì thế đối với ngài bây giờ là thời điểm của việc đi đến hòn đảo cao quý ấy, và ta sẽ là bạn đồng hành với ngài.” Đồng ý với lời nói của vị ấy, bản thân vị trưởng lão là người thứ bảy đã từ tu viện Veṭisapabbata bay lên không trung rồi đã đáp xuống ngọn núi Missaka ở phía đông thành phố Anurādhapura; bây giờ nơi ấy được biết đến là “Núi Cetiya.” Vào ngày hôm ấy, trên hòn đảo Tambapaṇṇi là dịp lễ kỷ niệm tháng Jeṭṭhamūla. Sau khi cho thông báo về lễ kỷ niệm, đức vua đã ra lệnh cho các quan đại thần rằng: “Hãy tổ chức lễ hội” sau đó cùng với đoàn tùy tùng bốn mươi ngàn nam nhân đã rời khỏi thành phố đi về hướng ngọn núi Missaka với ý định tiêu khiển việc săn thú. Khi ấy, vị thiên thần ngự ở ngọn núi ấy (nghĩ rằng): “Ta sẽ tạo điều kiện cho đức vua gặp các vị trưởng lão” nên đã biến thành con nai màu đỏ bước đi ở gần đó như là đang ăn cỏ và lá cây. Đức vua sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Không đáng để bắn con vật lơ đễnh vào lúc này,” nên đã khẽ búng sợi dây cung. Con nai đã ra sức tẩu thoát theo lối đi đến Ambatthala. Đức vua trong lúc đuổi theo sát phía sau cũng đã lên đến Ambatthala. Và con nai đã biến mất ở nơi không xa các vị trưởng lão lắm. Khi đức vua đang đi đến gần, trưởng lão Mahinda đã chú nguyện rằng: “Hãy để nhà vua chỉ nhìn thấy ta chớ không nhìn thấy các vị khác” rồi đã nói rằng: “Này Tissa! Này Tissa! Hãy đi đến đây.” Nghe tiếng, nhà vua đã suy nghĩ rằng: “Không ai sanh ra trên hòn đảo Tambapaṇṇi này có thể biết được và gọi ta bằng tên là ‘Tissa,’ vậy mà kẻ mặc vải choàng cắt ngang dọc, đầu cạo trọc, khoác y ca-sa lại gọi ta bằng tên. Kẻ này là ai, người hay là phi nhân?” Vị trưởng lão đã nói rằng:
- Tâu Đại Vương, Vào lúc bấy giờ, đức vua Devānampiyatissa và vị vua công chính Asoka là bạn bè nhưng chưa hề gặp mặt. Và do năng lực phước báu của đức vua Devānampiyatissa, tại lùm tre ở chân núi Chāta có ba chồi măng tre đã mọc lên: một gọi là chồi măng dây leo, một gọi là chồi măng bông hoa, và một gọi là chồi măng chim chóc. Trong số đó, bản thân chồi măng dây leo có màu bạch kim, nhưng sau khi được tô điểm bởi nó các dây leo mọc lên được nhìn thấy có màu hoàng kim. Hơn nữa, ở chồi măng bông hoa được nhìn thấy những bông hoa mọc lên có màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, và có các cành, lá, và nhụy hoa khéo được phân phối. Ở chồi măng chim chóc, các con chim như là thiên nga, gà trống, chim jīvaṃjīvaka, v.v... và vô số loài thú bốn chân được nhìn thấy như là loài thú đang còn sức sống. Thậm chí vô số loại ngọc quý như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, v.v... từ biển cả cũng đã phát sanh lên cho vị ấy. Hơn nữa, ở Tambapaṇṇi đã phát sanh lên tám loại ngọc trai là: Mã ngọc, tượng ngọc, xa ngọc, ngọc āmalaka, ngọc vòng, ngọc nhẫn, ngọc kakudha, và ngọc thiên nhiên. Chính các chồi măng ấy, các ngọc trai ấy, và nhiều loại ngọc quý khác nữa đã được gởi đến vị vua công chính Asoka để làm quà biếu. Đức vua Asoka được hoan hỷ cũng đã gởi đến năm vật biểu tượng của hoàng gia và nhiều quà biếu khác để dùng cho lễ đăng quang. Và toàn bộ việc ấy không chỉ là quà biếu về vật chất, việc này được nghe nói là đức vua còn gởi đến quà biếu Giáo Pháp nữa:
“Trẫm đã đến nương tựa
Hỡi này bậc quý nhân, Sau khi nghe được lời nói ấy của vị trưởng lão rằng: “Tâu Đại Vương, chúng tôi là sa-môn đệ tử đấng Pháp Vương” và trong khi nhớ lại lời nhắn nhủ về Giáo Pháp đã được nghe trong thời gian gần đây, đức vua (nghĩ rằng): “Quả nhiên các ngài đại đức đã đến!” ngay lập tức đã hạ vũ khí, sau đó đã ngồi xuống ở một bên, và nói lời chào hỏi thân thiện. Ngay trong lúc đức vua đang nói lời chào hỏi thân thiện, bốn mươi ngàn nam nhân ấy đã đi đến và đứng quanh đức vua. Khi ấy, vị trưởng lão cũng đã làm cho nhìn thấy các vị kia. Sau khi nhìn thấy, đức vua đã hỏi rằng: “Những người này đã đến khi nào vậy?” “Tâu Đại Vương, họ đã đến cùng lúc với bần tăng.” “Hiện nay ở Jambudīpa cũng có những vị sa-môn khác như thế này hay sao?” “Tâu Đại Vương, hiện nay Jambudīpa đang rực rỡ với bóng dáng của y ca-sa và được tràn ngập bởi vô số hiền triết. Ở nơi ấy:
Nhiều đệ tử đức Phật Sau đó, đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, ngày mai trẫm sẽ phái xe đến. Xin ngài hãy lên xe ấy và đi đến” rồi đã ra đi. Sau khi đức vua ra đi không bao lâu, vị trưởng lão đã bảo với sa di Sumana rằng: “Này Sumana, hãy đi và thông báo giờ giấc nghe Pháp.” Vị sa di đã thể nhập vào tứ thiền có cơ sở của thần thông, sau đó đã xuất thiền rồi chú nguyện bằng tâm định, và đã thông báo về giờ giấc nghe Pháp khiến cho toàn bộ đảo Laṅkā đều nghe được. Khi nghe được lời thông báo của vị sa di, chư thiên địa cầu đã lập lại lời ấy. Và bằng phương thức trên, lời thông báo đã đi lên đến tận cõi trời Phạm Thiên. Nhờ lời thông báo ấy, đông đảo chư thiên đã tụ hội lại. Khi nhìn thấy đông đảo chư thiên đã tụ hội lại, vị trưởng lão đã thuyết bài kinh Tâm Thăng Bằng (Samacittasuttantaṃ).[54] Đến khi chấm dứt bài thuyết pháp, vô số chư thiên đã lãnh hội được Giáo Pháp; nhiều loài rồng và kim-sỉ-điểu đã an trú vào sự quy y (Tam Bảo). Sau đó, khi trải qua đêm ấy nhà vua đã cho xe đến rước các vị trưởng lão. Các vị trưởng lão đã nói rằng: “Chúng tôi không lên xe đâu. Ngươi cứ việc đi, sau đó chúng tôi sẽ đi đến,” rồi đã bay lên không trung, và đã đáp xuống vùng đất của ngôi bảo tháp thứ nhất ở về phía đông[55] của thành phố Anurādhapura. Phần nhà vua, sau khi đã phái người đánh xe đi và cho chuẩn bị mái che ở nội cung, đã suy nghĩ rằng: “Các ngài đại đức sẽ ngồi hay sẽ không ngồi ở trên ghế?” Ngay lúc đức vua đang suy nghĩ như thế, người đánh xe đã đi đến cổng thành và nhìn thấy các vị trưởng lão đã đến trước đang buộc dây thắt lưng và khoác lại y. Sau khi nhìn thấy, người đánh xe đã sanh tâm tín thành cao độ rồi đã đi đến trình lên đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, các vị trưởng lão đã đến.” Đức vua đã hỏi rằng: “Các vị có bước lên xe không?” “Tâu bệ hạ, không có bước lên. Hơn nữa, họ khởi hành sau nhưng lại đến trước và đang đứng ở cửa thành phía đông.” Đức vua sau khi nghe rằng: “Các vị đã không lên xe” liền nói: “Này các khanh, như thế thì hãy sắp xếp các chỗ ngồi theo lối đơn giản là tấm trải ở trên mặt nền” rồi đã đi ra đón rước. Các quan đại thần đã cho sắp xếp thảm lông thú ở trên mặt đất và ở bên trên xếp đặt các tấm trải sặc sỡ như là thảm lông cừu, v.v... Đức vua đã đi đến và đảnh lễ các vị trưởng lão, sau đó đã nhận lấy bình bát từ tay của trưởng lão Mahinda, rồi đã đưa các vị trưởng lão đi vào thành phố với sự tôn vinh và cung kính vô cùng trọng thể, sau đó đã đưa vào nội cung. Sau khi tự tay làm hài lòng các vị trưởng lão với vật thực thượng hạng loại cứng loại mềm, đức vua đã cho gọi hoàng hậu Anulā dẫn đầu năm trăm nữ nhân (bảo rằng): “Hãy đảnh lễ, cúng dường, và tôn vinh các vị trưởng lão,” rồi đã ngồi xuống ở một bên. Vị trưởng lão, trong lúc ban phát cơn mưa Pháp Bảo cho nhà vua và những người tùy tùng, đã thuyết giảng về Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu), Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu),[56] và Tương Ưng Sự Thật (Saccasaṃyutta).[57] Sau khi lắng nghe vị trưởng lão, luôn cả năm trăm nữ nhân ấy cũng đã chứng ngộ quả vị Nhập Lưu. Kế đến, những cư dân trong thành phố sau khi nghe được đức hạnh của các vị trưởng lão đã than vãn rằng: “Chúng tôi không được nhìn thấy các vị trưởng lão.” Khi ấy, đức vua suy nghĩ rằng: “Ở đây, không có khoảng trống!” nên đã nói rằng: “Này các khanh, hãy đi và dọn dẹp khu trại voi, rải đều cát lên, rắc các bông hoa ngũ sắc, cột mái che, rồi xếp đặt chỗ ngồi cho các vị trưởng lão ở vị trí của vương tượng.” Các quan đại thần đã thực hiện theo như thế. Vị trưởng lão sau khi đi đến nơi ấy đã ngồi xuống và đã thuyết giảng bài kinh Thiên Sứ (Devadūtasuttantaṃ).[58] Khi chấm dứt bài thuyết giảng, vị ấy đã an trú một ngàn người vào quả vị Nhập Lưu. Tương tợ, họ (nghĩ rằng): “Trại voi bị đông đúc!” nên đã sắp xếp chỗ ngồi nơi vườn hoa Nandana ở cửa thành phía nam. Vị trưởng lão đã ngồi xuống tại chỗ ấy và đã thuyết giảng bài kinh Rắn Độc (Āsivisosuttantaṃ).[59] Khi chấm dứt bài thuyết giảng, một ngàn người đã chứng đạt quả vị Nhập Lưu. Như thế, vào ngày thứ nhì kể từ ngày đi đến, hai ngàn năm trăm người đã lãnh hội Giáo Pháp. Ở tại khu vườn Nandana, trong lúc vị trưởng lão còn bận tiếp chuyện với các phụ nữ gia đình danh giá, với các cô dâu gia đình danh giá, với các thiếu nữ gia đình danh giá đang lần lượt đi đến, thì trời sụp tối. Vị trưởng lão nhận biết về thời gian nên đã đứng dậy (nói rằng): “Bây giờ, tôi đi về núi Missaka.” Các quan đại thần đã đưa các vị trưởng lão đến ngụ tại vườn thượng uyển Mahāmegha. Khi trải qua đêm ấy, nhà vua cũng đã đi đến gặp các vị trưởng lão hỏi han về việc nghỉ ngơi có được an lạc không rồi đã hỏi như vầy: “Bạch ngài, tu viện có được phép đối với hội chúng tỳ khưu không?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu Đại Vương, được phép.” Đức vua mừng rỡ đã cầm lấy cái bình bằng vàng chế nước trên tay của vị trưởng lão và đã cúng dường khu vườn thượng uyển Mahāmegha. Vào ngày kế tiếp, vị trưởng lão đã thọ thực ở ngay tại hoàng cung rồi đã thuyết giảng về Luân Hồi Vô Thỉ (Anamataggiyāni)[60] ở khu vườn Nandana, vào ngày kế đã thuyết giảng bài kinh Ví Dụ về Đám Lửa (Aggikkhandhopama).[61] Theo phương thức ấy, vị trưởng lão đã thuyết giảng bảy ngày. Tám ngàn năm trăm người đã lãnh hội Giáo Pháp. Tuy nhiên, vào ngày thứ bảy sau khi thuyết giảng đến đức vua bài kinh Không Phóng Dật (Appamādasuttantaṃ)[62] ở nội cung, vị trưởng lão đã đi thẳng về núi Cetiyagiri. Sau đó, đức vua đã suy nghĩ rằng: “Vị trưởng lão không do thỉnh cầu đã tự mình đi đến; do đó cũng có thể xảy ra việc ra đi mà không từ giã!” nên đã leo lên xe ngựa đi đến núi Cetiya. Trong khi đi đến gặp các vị trưởng lão, đức vua đã ra đi với oai quyền lộng lẫy của hoàng gia nhưng lúc đến gần lại có dáng vẻ vô cùng mệt nhọc. Khi ấy, vị trưởng lão đã nói với đức vua rằng: “Tâu đại vương, vì sao ngài đi đến có vẻ mệt nhọc như thế này?” “Bạch ngài, với mục đích để biết được rằng: ‘Chẳng lẽ sau khi ban lời giáo giới đến trẫm một cách mật thiết rồi bây giờ Ngài lại có ý định ra đi hay sao?’” “Tâu đại vương, chúng tôi không có ý định ra đi, tuy nhiên lúc này gọi là thời điểm vào mùa an cư mưa. Gọi là sa-môn thì cần phải biết địa điểm vào mùa an cư mưa.” Đúng vào thời điểm ấy, đức vua đã rào quanh lại khuôn viên ngôi bảo điện Karaṇḍaka và đã cho khởi sự công việc xây dựng sáu mươi tám chỗ trú ngụ rồi đã đi về thành phố. Và các vị trưởng lão ấy, trong lúc giáo giới đám đông dân chúng, cũng đã cư trú mùa mưa ở tại núi Cetiya. Sau đó, khi đã trải qua mùa (an cư) mưa và đã hành lễ Pavāraṇā (lễ Tự Tứ) vào ngày Uposatha nhằm ngày trăng tròn tháng Kattika,[63] đại đức Mahāmahinda đã nói với đức vua điều này: “Tâu đại vương, đã lâu chúng tôi không còn được nhìn thấy bậc Chánh Đẳng Giác và không còn cơ hội thực hiện các việc đảnh lễ, phục vụ, chắp tay, và hành động thích hợp; vì thế chúng tôi tiếc nuối.” “Bạch ngài, không phải ngài đã nói là bậc Chánh Đẳng Giác đã viên tịch Niết Bàn rồi hay sao?” “Tâu đại vương, mặc dầu đã viên tịch Niết Bàn nhưng di thể xá-lợi của Ngài còn tồn tại.” “Bạch ngài, trẫm đã hiểu rồi. Hãy để trẫm cho xây dựng ngôi bảo tháp. Xin ngài hãy xác định khu đất.” Rồi thêm vào: “Từ đâu trẫm sẽ nhận được các xá-lợi?” “Tâu đại vương, ngài hãy thỉnh ý sa di Sumana.” Đức vua đã đi đến gặp sa di Sumana và hỏi rằng: “Bạch ngài, trẫm sẽ nhận được các xá-lợi từ đâu bây giờ?” Sumana đã nói rằng: “Tâu đại vương, ngài không phải nhọc công. Ngài hãy cho làm sạch sẽ các con đường rồi trang hoàng với những lá cờ, biểu ngữ, và các lu chứa đầy (nước), v.v... Hãy cùng với đoàn tùy tùng thọ trì trai giới, hãy cho tập trung tất cả các nhạc công lại, hãy cho thực hiện việc trang điểm con vương tượng với tất cả các loại trang sức, hãy cho che lọng trắng phía trên nó rồi quay mặt về khu vườn thượng uyển và đi đến vào ban đêm, chắc chắn rằng ngài sẽ nhận được các xá-lợi ở tại địa điểm ấy.” Đức vua đã đồng ý rằng: “Lành thay!” Rồi các vị trưởng lão đã đi thẳng đến núi Cetiya. Tại đó, đại đức trưởng lão Mahinda đã nói với sa di Sumana rằng: “Này sa di, ngươi hãy đi đến gặp ông ngoại tức là đức vua công chính Asoka ở Jambudīpa rồi hãy nói với lời của ta như vầy: ‘Tâu đại vương, người bạn của ngài là Devānampiyatissa đã tin tưởng Phật Pháp và có ý định cho xây dựng ngôi bảo tháp. Nghe nói ngài có trong tay cái bình bát đã được đức Thế Tôn sử dụng và cả xá-lợi nữa. Xin ngài hãy trao cho tôi vật ấy.’ Sau khi nhận lấy vật ấy, ngươi hãy đi đến gặp Chúa Trời Sakka (nói rằng): ‘Tâu đại vương, Nghe nói ngài có trong tay hai loại xá-lợi là chiếc răng bên phải và mảnh xương vai bên phải. Do đó, ngài hãy thờ phượng chiếc răng bên phải và hãy cho chúng tôi mảnh xương vai bên phải.’ Và ngươi hãy nói với vị ấy rằng: ‘Tâu đại vương, tại sao sau khi phái chúng tôi đến hòn đảo Tambapaṇṇi ngài lại thờ ơ vậy?’” “Bạch ngài, lành thay!” Sau khi tiếp nhận lời nói của vị trưởng lão, Sumana ngay lập tức đã cầm lấy y và bình bát bay lên không trung rồi hạ xuống ở cổng thành Pātaliputta[64] đi đến gặp đức vua và kể lại sự việc ấy. Đức vua mừng rỡ đã nhận lấy cái bình bát từ tay của vị sa di, đã dâng thức ăn, sau đó đã tẩm bình bát của đức Thế Tôn bằng các loại hương thơm và chứa đầy các loại xá-lợi trông giống như các hạt ngọc trai quý báu, rồi đã trao cho. Vị sa di sau khi nhận lấy vật ấy rồi đã đi đến gặp Chúa Trời Sakka. Sau khi nhìn thấy vị sa di, Chúa Trời Sakka đã nói rằng: “Bạch ngài Sumana, việc gì mà ngài đi thưởng ngoạn vậy?” “Tâu đại vương, sau khi phái chúng tôi đến hòn đảo Tambapaṇṇi tại sao ngài lại thờ ơ vậy?” “Bạch ngài, tôi đâu có thờ ơ. Ngài bảo tôi làm việc gì?” “Nghe nói ngài có trong tay hai loại xá-lợi là chiếc răng bên phải và mảnh xương vai bên phải. Do đó, ngài hãy thờ phượng chiếc răng bên phải và hãy cho chúng tôi mảnh xương vai bên phải.” “Bạch ngài, lành thay!” Vị Chúa Trời Sakka đã mở ra ngôi bảo tháp bằng ngọc ma-ni có kích thước một do-tuần rồi đã mang lại mảnh xương vai bên phải trao cho Sumana. Vị sa di đã nhận lấy vật ấy rồi đã tôn trí ở ngay tại ngọn núi Cetiya. Khi ấy, tất cả các nhân vật kiệt xuất ấy có ngài Mahinda dẫn đầu đã tôn trí các xá-lợi đã được vị vua công chính Asoka trao tặng ở ngay tại ngọn núi Cetiya rồi đã cầm lấy mảnh xương vai phải đi đến vườn thượng uyển Mahānāga trong lúc hoàng hôn đang kéo đến. Phần đức vua, sau khi thực hiện sự cúng dường và tôn vinh theo cách thức đã được Sumana giảng giải, rồi vào ban đêm đã cỡi lên mình con voi cao quý, nắm giữ chiếc lọng trắng che ở đầu con vương tượng, rồi đã ngự đến vườn thượng uyển Mahānāga. Khi ấy, đức vua đã khởi ý điều này: “Nếu đây là xá-lợi của đấng Chánh Đẳng Giác thì chiếc lọng hãy cúi lạy, con vương tượng hãy quỳ xuống bằng các đầu gối ở trên mặt đất, và chiếc hòm xá-lợi hãy ngự lên trên đầu của ta.” Khi tâm của đức vua vừa khởi, chiếc lọng đã cúi lạy, con voi đã quỳ xuống bằng các đầu gối, và chiếc hòm xá-lợi đã ngự lên trên đầu của đức vua. Với thân thể như là được rưới nước thánh bất tử, đức vua đã đạt đến niềm phỉ lạc cùng tột và đã hỏi rằng: “Bạch ngài, trẫm sẽ làm gì với xá -lợi?” “Tâu đại vương, ngài chỉ việc đặt ở ngay trên trán của con voi.” Đức vua đã đặt chiếc hòm xá-lợi ở trên trán của con voi. Con voi đã mừng rỡ rống lên tiếng rống của loài voi. Một đám mây lớn đã hiện ra và đổ xuống cơn mưa các đóa hoa sen. Đại địa cầu đã dâng nước lên ở xung quanh và đã rúng động, có ý rằng: “Các xá-lợi của bậc Chánh Đẳng Giác sẽ được tôn trí ở ngay cả xứ biên địa.” Sau đó, trong lúc đang được vây quanh bởi nhiều nhạc công đang cung kính bày tỏ sự cúng dường và tôn vinh vô cùng trọng thể, con long tượng ấy đã quay mặt về hướng tây rồi khởi hành đi đến cửa thành phía đông, sau đó đã đi vào thành phố bằng cửa thành phía đông. Và khi đang được cúng dường trọng thể trong khắp cả thành phố, con long tượng đã rời khỏi bằng cửa thành phía nam rồi đi đến khu vực phía tây của Tu Viện Bảo Tháp, là nơi nghe nói có mảnh đất dành cho việc tế lễ. Sau khi đi đến nơi ấy, con long tượng đã quay mình lại với khuôn mặt hướng về Tu Viện Bảo Tháp. Và nơi ấy là vị trí của ngôi bảo điện đã được xây dựng sau khi tôn trí bình lọc nước, dây buộc thân, và vải choàng tắm của ba vị Chánh Đẳng Giác thời quá khứ. Ngay cả khi các ngôi bảo điện đã bị tiêu hoại, chính nơi ấy đã tồn tại và được bao quanh bởi nhiều lùm cây và các cành bao phủ những gai nhọn nhờ vào năng lực của chư thiên: “Chớ cho bất cứ người nào làm ô uế khu vực ấy với những chất thải và rác rến dơ bẩn.” Sau đó, những người của đức vua đã đi đến phía trước của con voi ấy rồi đã chặt đứt tất cả các lùm cây, đã làm sạch sẽ mặt đất, và làm cho khu vực ấy trở thành như là lòng bàn tay vậy. Con long tượng đã đi đến, hướng mặt về địa điểm ấy, rồi đã đứng tại vị trí của cội Bồ Đề ở trên phần đất phía tây của khu vực ấy. Sau đó, họ đã khởi sự đưa xá-lợi từ đầu của con voi ấy xuống. Con voi đã không cho lấy xuống. (Đức vua) đã hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, tại sao con voi lại không cho lấy xá-lợi xuống.” “Tâu đại vương, đã được nâng lên rồi không tiện hạ thấp xuống.” Và vào lúc bấy giờ, nước ở hồ Abhaya rút cạn đi, mặt đất xung quanh nứt ra, các khối đất sét được nâng lên dễ dàng. Từ đó, đám đông người đã nhanh chóng hối hả mang đất sét lại và đã thực hiện nền móng có kích thước bằng cái trán của con voi. Kể từ lúc ấy, họ đã bắt đầu thực hiện các viên gạch cho mục đích xây dựng ngôi bảo tháp. Cho đến khi các viên gạch được hoàn tất, con long tượng, trong những ngày ấy, vào ban ngày đứng trong trại voi ở tại vị trí của cội Bồ Đề, còn vào ban đêm thì đi vòng quanh khu đất sẽ được xây dựng lên ngôi bảo tháp. Sau đó, khi đã cho xây dựng nền móng, đức vua đã hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, bảo tháp nên được thực hiện như thế nào?” “Tâu đại vương, giống như là đống lúa vậy.” “Bạch ngài, đúng vậy!” Sau khi cho xây dựng ngôi bảo tháp đến độ cao của đầu gối, đức vua đã cho thực hiện sự tôn vinh trọng thể nhằm mục đích đưa xá-lợi xuống. Kế đến, toàn thể người dân trong thành phố và xứ sở đã tụ hội lại để chiêm ngưỡng lễ hội xá-lợi. Và khi đám dân chúng ấy đã tụ hội lại, xá-lợi của đấng Thập Lực từ cái trán của con voi đã bay lên không trung với độ cao bảy thân cây thốt-nốt và đã thị hiện song thông. Các hào quang sáu màu, các nguồn nước, và các khối lửa đã tuôn ra từ mỗi một vị trí của xá-lợi. Thần thông này cũng giống y như thần thông đã được đức Thế Tôn thị hiện tại cội cây xoài Gaṇḍa ở thành Sāvatthi. Và điều ấy không phải do năng lực của các vị trưởng lão, cũng không phải do năng lực của chư thiên, mà chính là do oai lực của chư Phật. Nghe rằng đức Thế Tôn ngay trong lúc còn tại tiền đã chú nguyện rằng: “Hãy xuất hiện song thông vào ngày tôn trí xá-lợi xương vai phải của ta tại địa điểm ngôi bảo điện của ba vị Phật quá khứ ở khu vực phía nam của thành Anurādhapura trên hòn đảo Tambapaṇṇi.” Như vậy, chư Phật là vượt trên sự suy luận! Các Pháp của chư Phật là vượt trên sự suy luận! Quả thành tựu cho những người đã đặt niềm tin vào chư Phật và các Pháp của chư Phật là vượt trên sự suy luận![65] Thậm chí, ở trên toàn bộ bề mặt hòn đảo Tambapaṇṇi, không có khoảng không gian nào gọi là không được chạm đến bởi các hạt nước phát xuất từ di thể xá-lợi. Như thế, bằng những hạt nước di thể xá-lợi ấy của đức Phật đã làm tan biến cơn nóng ở trên mặt đất của hòn đảo Tambapaṇṇi, đã thị hiện thần thông của bậc Đại Nhân, rồi đã hạ xuống và an vị ở trên đầu của đức vua. Trong khi suy nghĩ rằng: “Việc thành tựu thân người đã được tưởng thưởng!” đức vua đã tôn trí xá-lợi và đã thể hiện sự tôn vinh thật trọng thể. Do sự tôn trí xá-lợi, đại địa cầu đã rúng động. Hơn nữa, khi ngôi bảo tháp đã được hoàn tất, đức vua cùng các anh em của đức vua và các hoàng hậu đã xây dựng từng ngôi bảo tháp riêng biệt khiến cho chư thiên, các loài rồng, và các dạ-xoa phải ngạc nhiên. Với di thể xá-lợi, đấng Chiến Thắng mặc dầu đã Niết Bàn vẫn có thể tạo nên các pháp đem lại lợi ích và an lạc cho nhân loại về nhiều phương diện như thế. Đương nhiên khi còn tại tiền, bậc Lãnh Đạo đã thực hiện việc làm tương tợ.[66]
Phần Giảng Giải về Tu Viện
Bảo Tháp (Thūpārāma) -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ SỰ NGỰ ĐẾN CỦA CỘI BỒ ĐỀ Hơn nữa, khi việc cúng dường xá-lợi đã được hoàn tất và xá-lợi cao quý đã được tôn trí, trưởng lão Mahinda đã đi đến vườn thượng uyển Mahāmegha và ngụ tại đó. Vào lúc bấy giờ, hoàng hậu Anulā có ý muốn xuất gia và đã kể lại cho đức vua. Sau khi lắng nghe lời nói của hoàng hậu, đức vua đã nói với vị trưởng lão điều này: “Bạch ngài, hoàng hậu Anulā có ý muốn xuất gia, xin ngài hãy cho nàng xuất gia.” “Tâu đại vương, chúng tôi không được phép cho người nữ xuất gia. Tuy nhiên, ở Pātaliputta có trưởng lão ni tên Saṅghamittā là em gái của tôi. Tâu đại vương, hãy triệu vời vị ni ấy đến. Và ở trên hòn đảo này, cội bồ đề của ba vị Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã được vun trồng, vậy cội bồ đề của đức Thế Tôn chúng tôi có mạng lưới hào quang đủ màu tỏa ra cũng nên được vun trồng. Vì thế, đức vua hãy nhắn tin đi; như thế Saṅghamittā sẽ mang theo cội Bồ Đề và đi đến.” Đức vua đã đồng ý lời đề nghị của vị trưởng lão, và trong lúc thảo luận với các quan đại thần đã bảo người cháu trai của mình là Ariṭṭha rằng: “Này cháu yêu dấu, cháu có thể đi đến Pātaliputta rước vị đại đức trưởng lão ni Saṅghamittā cùng với cội Đại Bồ Đề về không?” “Tâu bệ hạ, thần có thể nếu bệ hạ sẽ cho phép thần xuất gia.” “Này cháu yêu dấu, hãy đi! Sau khi rước vị trưởng lão ni về rồi hãy xuất gia.” Sau khi đã nhận lấy tin nhắn cho đức vua và vị trưởng lão ni rồi nhờ vào sự chú nguyện của vị trưởng lão, Ariṭṭha chỉ trong một ngày đã đi đến hải cảng Jambukola lên tàu băng qua biển cả, sau đó đã đến được Pātaliputta và đã thông báo lời nhắn tin đến đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, con trai của bệ hạ là trưởng lão Mahinda đã nói như vầy: ‘Nghe rằng hoàng hậu tên Anulā, vợ của người em trai của Devānampiyatissa là bạn của ngài, có ý muốn xuất gia, xin ngài hãy phái vị đại đức trưởng lão ni Saṅghamittā đi để cho cô ấy xuất gia, và cùng với vị đại đức ni là cội Đại Bồ Đề nữa.’” Sau khi thông báo lời nhắn tin của vị trưởng lão, Ariṭṭha đã đi đến gặp trưởng lão ni Saṅghamittā và đã nói như vầy: “Bạch ni sư, anh trai của ni sư là trưởng lão Mahinda đã phái tôi đến gặp ni sư (nói rằng): ‘Vợ của người em trai của đức vua Devānampiyatissa là hoàng hậu tên Anulā cùng với năm trăm công nương và năm trăm cung nữ có ý muốn xuất gia.’ Nghe nói ni sư hãy đi đến và cho hoàng hậu xuất gia.” Ngay lập tức, vị ni đã nhanh chóng đi đến và trình lại sự việc ấy cho đức vua rồi đã nói rằng: “Tâu đại vương, thần sẽ đi đến hòn đảo Tambapaṇṇi.” “Này con, như vậy thì con hãy nhận lấy cội Đại Bồ Đề rồi hãy đi.” Nói xong, đức vua đã cho dọn dẹp con đường từ Pāṭaliputta đến cội Đại Bồ Đề, sau đó đã rời khỏi thành Pāṭaliputta cùng với đoàn quân vĩ đại dài bảy do-tuần hàng ngang ba do-tuần, đã rước theo hội chúng Thánh Nhân, và đã đi đến khu vực lân cận cội Đại Bồ Đề. Đức vua đã cho đoàn quân bao quanh cội Đại Bồ Đề có các cờ và biểu ngữ đã được dương lên, được sặc sỡ với vô số ngọc quý các loại, được trang hoàng với nhiều loại trang sức, được rải rắc bởi những bông hoa vô số loại, và được vang dội bởi nhiều loại nhạc cụ. Kế đến, sau khi cúng dường với các bông hoa, hương thơm, tràng hoa, v.v..., đức vua đã hướng vai phải nhiễu quanh ba vòng, đã đảnh lễ tại tám địa điểm, rồi đã đứng dậy, chắp tay lên, đứng yên, sau đó với ước muốn nhận được cội Bồ Đề bằng hành động của lời nói chân thật, nên đã bước lên bảo tọa cầm lấy cây bút làm dấu bằng đá đỏ, sau đó đã thực hiện hành động chân thật rằng: “Nếu cội Đại Bồ Đề cần được vun trồng ở đảo Laṅkā và nếu trẫm có thể vững tin vào Giáo Pháp của đức Phật, xin cội Đại Bồ Đề hãy tự động được ươm trồng ở trong cái chậu bằng vàng này.”[67] Do hành động chân thật, nhánh Bồ Đề đã được cắt rời ở vị trí đánh dấu bằng đá đỏ rồi đã an vị ở trên cái chậu bằng vàng có chứa đầy đất thơm. Sau đó, đức vua đã rước cội Đại Bồ Đề từ khuôn viên cội Bồ Đề về Pāṭaliputta với sự tôn vinh trọng thể và đã biểu lộ tất cả mọi niềm sùng kính, sau đó đã đưa cội Đại Bồ Đề lên chiếc thuyền ở sông Gaṅgā. Ngay cả bản thân đức vua cũng đã rời khỏi thành phố, tự mình vượt qua khu rừng Viñjha, cuối cùng đã đến được Tāmalitti sau bảy ngày. Trên đường đi, chư thiên, các loài rồng, nhân loại đã thực hiện việc cúng dường cao cả đến cội Đại Bồ Đề. Đức vua cũng đã đặt cội Đại Bồ Đề ở trên bờ biển và đã thực hiện việc tôn vinh long trọng trong bảy ngày, sau đó đã đưa cội Bồ Đề cùng với trưởng lão ni Saṅghamittā và đoàn tùy tùng lên thuyền rồi than khóc rằng: “Ôi! Cội Đại Bồ Đề của đấng Thập Lực đang phát ra mạng lưới hào quang đủ màu đã ra đi thật rồi!” sau đó đã chắp tay lên, đứng yên, tuôn trào nước mắt. Chiếc thuyền ấy mang theo cội Đại Bồ Đề đã lướt đi trên mặt đại dương trong lúc đức vua đang dõi nhìn theo. Ngay cả ở trong đại dương, sóng được lặng yên ở xung quanh một do-tuần, các đóa hoa sen năm màu nở rộ. Ở trên không trung, các khúc nhạc thần tiên đã được tấu lên. Chư thiên ngự ở trên không trung, ở biển cả, và ở đất liền đã tiến hành sự cúng dường vô cùng trọng thể. Chiếc thuyền ấy đã đi vào bến tàu Jambukola với sự tôn vinh lớn lao như thế. Đại vương Devānampiyatissa cũng đã cho làm sạch sẽ và cho trang hoàng con đường bắt đầu từ cửa thành phía Bắc cho đến bến tàu Jambuloka. Rồi vào ngày khởi hành từ thành phố, đức vua đã đứng ở khu đất của Hải Dương Xá gần cửa thành phía Bắc, rồi nhờ vào oai lực của vị trưởng lão đã nhìn thấy ở trên biển cả cội Đại Bồ Đề với sự rạng rỡ ấy đang đi đến gần. Với tâm ý vui mừng, đức vua đã đi ra tung lên những bông hoa ngũ sắc ở khắp cả con đường rồi đã cho dựng lên cổng chào bằng bông hoa ở khoảng chính giữa, sau đó đã đi đến bến tàu Jambukola nội trong ngày hôm ấy. Trong lúc được vây quanh bởi toàn thể các nhạc công và được cúng dường bằng những bông hoa, nhang, và hương thơm, v.v... đức vua đã lội xuống nước ngập đến cổ, rồi với tâm tín thành (nói rằng): “Ôi! Quả nhiên cội Bồ Đề của đấng Thập Lực là vật phát ra mạng lưới hào quang đủ màu đã đi đến!” sau đó đã nâng cội Đại Bồ Đề đặt lên trên đỉnh đầu. Rồi cùng với mười sáu người xuất thân gia đình danh giá đã đi đến đứng quanh cội Đại Bồ Đề, đức vua đã cung nghinh cội Bồ Đề rời khỏi biển cả, sau đó đã đặt xuống ở bờ biển, và đã cúng dường với vương quyền của toàn thể hòn đảo Tambapaṇṇi trong ba ngày. Sau đó vào ngày thứ tư, trong lúc nhận lấy cội Đại Bồ Đề và tiến hành sự cúng dường cao quý, đức vua theo tuần tự đã đi đến Anurādhapura và cũng đã thực hiện sự tôn vinh trọng thể ở tại Anurādhapura. Vào ngày thứ mười bốn, lúc hoàng hôn đang bao phủ, đức vua đã rước cội Đại Bồ Đề vào bằng cửa thành phía bắc rồi đã băng ngang giữa thành phố và đã đi ra bằng cửa thành phía nam, rồi tiến đến địa điểm cách cửa thành phía nam năm trăm cây cung. Nơi ấy là nơi mà bậc Chánh Đẳng Giác của chúng ta đã ngồi xuống thể nhập thiền diệt và ba vị Chánh Đẳng Giác quá khứ đã ngồi xuống nhập định. Và là nơi cội Bồ Đề Sirīra của đức Phật Kakusandha, cội Bồ Đề Udumbara của đức Phật Konāgamana, và cội Bồ Đề Nigrodha của đức Phật Kassapa đã được vun trồng. Đức vua đã cho vun trồng cội Đại Bồ Đề ở vị trí cổng ra vào của khu vực hoàng gia, ở khu đất đã được thực hiện việc chuẩn bị cho việc trồng mè, trong khu vườn Mahāmegha ấy. Như thế, vì sự phát triển của Giáo Pháp và nhắm đến lợi ích cho xứ Laṅkā, cội Đại Bồ Đề đã được vun trồng ở khu vườn thượng uyển Mahāmegha xinh xắn.[68] Dứt Phần Giảng Giải về Sự Ngự Đến của Cội Bồ Đề. -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ CÁC NGÔI BẢO THÁP Ở MỖI DO-TUẦN Sau khi cùng với một ngàn phụ nữ gồm có năm trăm công nương và năm trăm cung nữ đã xuất gia trong sự chứng minh của trưởng lão ni Saṅghamittā, chẳng bao lâu sau đó hoàng hậu Anulā cùng với nhóm tùy tùng đã an trú vào phẩm vị A-la-hán. Ariṭṭho, cháu trai của đức vua, cùng với năm trăm nam nhân đã xuất gia trong sự chứng minh của vị trưởng lão. Cũng chẳng bao lâu sau, Ariṭṭho cùng với nhóm tùy tùng đã an trú vào phẩm vị A-la-hán. Sau đó vào một ngày nọ, đức vua sau khi đảnh lễ cội Bồ Đề rồi đã cùng với vị trưởng lão đi đến Tu Viện Bảo Tháp. Khi đức vua đi đến vị trí của Lohapāsāda,[69] các nam nhân đã mang lại các bông hoa và đức vua đã dâng các bông hoa đến vị trưởng lão. Vị trưởng lão đã cúng dường đến địa điểm của Lohapāsāda bằng các bông hoa. Ngay khi các bông hoa được đặt xuống mặt đất, đại địa cầu đã chấn động. Đức vua đã hỏi rằng: “Bạch ngài, tại sao địa cầu bị rung chuyển?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, tại địa điểm này trong ngày vị lai sẽ là nhà hành lễ Uposatha của hội chúng. Đây là điều báo trước của việc ấy.” Hơn nữa, khi đức vua đi đến địa điểm của ngôi đại bảo điện, họ đã mang lại các bông hoa campaka. Đức vua cũng đã cúng dường các bông hoa ấy đến vị trưởng lão. Vị trưởng lão sau khi cúng dường địa điểm của ngôi đại bảo điện bằng các bông hoa rồi đã đảnh lễ. Chính vào lúc ấy, đại địa cầu đã rúng động. Đức vua đã hỏi rằng: “Bạch ngài, tại sao quả địa cầu lại rúng động?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, tại địa điểm này trong ngày vị lai sẽ có ngôi đại bảo tháp không gì sánh bằng của đức Phật Thế Tôn. Đây là điều báo trước của việc ấy.” “Bạch ngài, chính trẫm sẽ thực hiện.” “Tâu đại vương, thôi đi! Có nhiều công việc khác cho ngài. Hơn nữa, cháu trai của ngài tên là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ thực hiện.” Khi ấy, đức vua (nói rằng): “Bạch ngài, nếu cháu trai của trẫm sẽ thực hiện, thì công việc sẽ được tiến hành là nhờ vào trẫm,” sau đó đã cho mang lại cột đá cao mười hai cánh tay và đã cho khắc hàng chữ: “Cháu trai của đức vua Devānampiyatissa tên là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ xây dựng ngôi bảo tháp ở tại khu vực này,” rồi đã cho dựng lên. Sau đó, đức vua Devānampiyatissa đã cho mang lại từ lưng con voi các xá-lợi đã được tôn trí ở ngọn núi Cetiya và được đưa đến sau khi chứa đầy bình bát đã được đấng Chánh Đẳng Giác sử dụng, sau đó đã cho xây dựng ngôi bảo tháp ở mỗi do-tuần trên toàn thể hòn đảo Tambapaṇṇi, và đã tôn trí các xá-lợi. Hơn nữa, đức vua đã tôn trí bình bát của đức Thế Tôn ở ngay tại hoàng cung và đã thực hiện việc cúng dường. Sau khi ra lệnh tôn trí các xá-lợi và cái bình bát của đấng Chánh Giác, vị đại vương đã cho xây dựng các ngôi bảo tháp ở mỗi do-tuần. Dứt Phần Giảng Giải về Các Ngôi Bảo Tháp ở Mỗi Do-Tuần. -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ CÁC ĐỨC VUA KẾ VỊ NHẰM GIẢI THÍCH SỰ VIỆC Sau đó, đức vua đã thực hiện nhiều việc phước báu khác nữa và đã trị vì vương quốc bốn mươi năm. Đến khi đức vua băng hà, người em trai của ngài là đức vua Uttiya đã trị vì vương quốc mười năm. Đến khi vị ấy băng hà, người em trai của vị ấy là Mahāsīva đã cai trị vương quốc chỉ mười năm. Đến khi vị ấy băng hà, người em trai của vị ấy là Sūratissa đã cai trị vương quốc cũng chỉ mười năm. Từ đó, hai người Damiḷa[70] là con trai của người lái buôn ngựa đã bắt Sūratissa và cai trị vương quốc một cách công minh trong hai mươi hai năm. Con trai của đức vua Muṭasīva tên là Asela đã bắt hai người ấy và đã cai trị vương quốc mười năm. Sau đó, người Damiḷa tên là Eḷāro đến từ xứ sở Coḷa đã bắt đức vua Asela và đã cai trị vương quốc bốn mươi bốn năm. Duṭṭhagāmaṇi Abhaya đã bắt Eḷāra và trở thành vị vua.
Dứt Phần Giảng Giải về các
Đức Vua Kế Vị -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ NGÔI BẢO THÁP Ở MAHIYAṄGANA Nghe nói người em thứ hai của đức vua Devānampiyatissa là vị phó vương tên Mahānāga. Khi ấy, trong lúc vị phó vương đang thực hiện cái hồ nước tên là Taraccha, hoàng hậu của đức vua mong muốn vương quyền cho con trai của mình nên đã tẩm độc trái xoài rồi để ở bên trên các trái xoài và gởi đến. Người con trai của hoàng hậu, đi với vị phó vương, đã tự mình cầm lấy trái xoài ở mâm đã được mở ra rồi ăn vào nên đã bị thiệt mạng. Vị phó vương biết được nguyên nhân ấy trở nên khiếp sợ bà hoàng hậu, rồi từ chính chỗ đó đã đưa nương tử của mình và đoàn quân đi đến Rohaṇa. Giữa đường ở tại trú xá tên Yaṭṭāla, chánh cung nương tử của vị ấy đã hạ sanh người con trai và đã lấy tên Tissa của người anh trai đặt cho đứa bé. Vị phó vương đã chiếm giữ vùng đất ấy và đã cai trị vương quốc Rohaṇa trong lúc cư ngụ tại Mahāgāma. Khi vị phó vương băng hà, con trai của vị ấy tên Yaṭṭālatissa đã trị vì vương quốc ở ngay tại Mahāgāma. Khi vị ấy băng hà, con trai của vị ấy tên Goṭhābhaya đã cai trị vương quốc ở ngay tại nơi ấy. Con trai của Goṭhābhaya tên Kākavaṇṇatissa đã cai trị vương quốc ở ngay tại nơi ấy. Nghe nói con gái của đức vua Kalyāṇitissa tên Vihāramahādevī là chánh cung hoàng hậu của đức vua Kākavaṇṇatissa. Nàng được đức vua yêu thương và quý mến. Trong lúc sống chung hòa hợp cùng nàng, đức vua đã thực hiện các phước thiện. Cho đến một ngày kia, sau khi thực hiện lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu ở ngay tại hoàng cung, vào buổi chiều vị hoàng hậu đã bảo mang theo các vật thơm và tràng hoa, v.v... đi đến tu viện để nghe Pháp và đã nhìn thấy một vị sa di giới đức bị bệnh trầm trọng gần chết đang nằm ở nơi ấy. Vị hoàng hậu đã cúng dường với các vật thơm và tràng hoa, v.v... rồi đã khen ngợi sự vinh hiển của bản thân sau đó đã yêu cầu rằng: “Bạch ngài, ngài hãy ước nguyện tái sanh làm con trai của tôi đi.” Vị ấy đã không đồng ý, tuy nhiên hoàng hậu vẫn cứ tiếp tục thỉnh cầu. Vị sa di cũng đã suy nghĩ như vầy: “Nếu là như vậy thì có thể thực hiện việc hộ trì Giáo Pháp” nên đã đồng ý. Sau khi đã buông bỏ thiên giới cho dầu cảnh tướng đã được xác định, rồi do nguyện ước vị ấy đã tái sanh vào bụng vị hoàng hậu đang ngồi trong chiếc kiệu vàng. Sau mười tháng, nàng đã sanh ra người con trai. Họ đã đặt tên cho đứa bé là Gāmaṇi Abhaya. Thời gian sau, họ cũng đã có người con khác nữa và đã đặt tên cho đứa bé ấy là Tissa. Trong lúc tuần tự lớn lên và đạt đến lứa tuổi mười sáu, hoàng tử Gāmaṇi là người thông thạo về voi, ngựa, kiếm thuật và đã thành tựu về danh tiếng, sức mạnh, và sự trì chí. Khi ấy, đức vua Kākavaṇṇatissa đã bố trí mười đại dũng sĩ là Nandimitta, Sūranimmila, Mahāsena, Goṭhayimbara, Theraputtābhaya, Bharaṇa, Veḷusumana, Khañcadeva, Phussadeva, và Labhiyavasabha sống kề cận người con trai. Phần nói về sự xuất thân của những vị ấy có thể xem ở Mahāvaṃsa.[71] Đức vua đã quý trọng mười vị đại dũng sĩ cũng như đã quý trọng người con trai vậy. Ngài đã bố trí hoàng tử Tissa ở Dīghavāpī nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ. Vào một ngày nọ, sau khi nhận thấy sự thành tựu binh lực của mình hoàng tử Gāmaṇi đã cho người thông báo với đức vua rằng: “Con sẽ gây chiến với những người Damiḷa.” Đức vua trong lúc bảo vệ đứa con trai đã ngăn cản rằng: “Bên này sông Gaṅgā là đủ rồi!” Vị hoàng tử đã cho người thông báo đến lần thứ ba khiến đức vua đã nổi giận (ra lệnh rằng): “Hãy làm sợi xích bằng vàng. Ta sẽ trói lại và bảo vệ nó.” Abhaya đã hờn giận vua cha nên đã trốn thoát và đi đến Malaya; do bản tánh hờn giận người cha nên từ đó trở đi được biết đến là Duṭṭhagāmaṇi.[72] Đức vua đã buộc các dũng sĩ thực hiện lời thề là không đi đến tham dự chiến trận của người con trai. Sau đó, đức vua Kākavaṇṇatissa đã cho xây dựng sáu mươi bốn tu viện và đã sống chỉ sáu mươi bốn năm rồi băng hà. Hoàng tử Tissa nghe được tin người cha đã băng hà nên đã từ Dīghavāpī đi đến và cho tiến hành việc mai táng thi thể của vua cha, sau đó đã giữ lại người mẹ và con voi Kaṇḍula rồi trở về lại Dīghavāpī vì sự e ngại đối với người anh trai. Các quan đại thần sau khi tụ họp đã bàn thảo về sự kiện ấy rồi đã phái người đi đến gặp Duṭṭhagāmaṇi. Vị ấy, sau khi nghe được lời nhắn ấy, đã đi đến Bhuttasālā[73] và đã phái các sứ giả đến gặp người em trai, rồi từ nơi ấy đã đi đến Mahāgāma và đã thành tựu lễ đăng quang, sau đó đã phái người đưa thơ cho người em đến lần thứ ba (ra lệnh rằng): “Hãy đưa mẹ và con voi Kaṇḍula về.” Và khi biết được tình trạng không chịu phục tòng (của người em), Duṭṭhagāmaṇi đã xuất binh ra trận. Trận chiến dữ dội của hai anh em đã diễn ra tại sườn núi ở Culaṅgaṇiya. Nghe rằng những dũng sĩ thân cận ấy đã không tham dự trận chiến của họ do đã thực hiện lời thề. Khi ấy, hàng ngàn binh sĩ của đức vua đã bị chết. Đức vua bị thua trận nên đã đem theo viên quan đại thần Tissa[74] và con lừa Dīghatūṇika tẩu thoát. Vị hoàng tử[75] đã đuổi theo sát phía sau. Các vị tỳ khưu đã biến hóa ra ngọn núi ở giữa. Sau khi nhìn thấy điều ấy, vị hoàng tử biết được: “Việc làm của hội chúng tỳ khưu” nên đã quay lui. Đức vua sau khi tẩu thoát đã đi đến hải cảng tên Jalamāla ở giòng sông Kappakandara và đã nói rằng: “Ta đói.” Viên quan đại thần đã đem lại bữa ăn được đặt vào trong cái tô bằng vàng rồi dâng lên. Đức vua đã xem xét thời giờ (nghĩ rằng): “Ta sẽ dâng đến hội chúng rồi mới ăn” và đã chia làm bốn phần cho hội chúng, vị quan đại thần, con lừa, và cho bản thân, rồi đã bảo thông báo về giờ giấc. Khi ấy, vị trưởng lão tên Kuṭumbiyatissa đã đi đến từ hòn đảo Piyaṅgu và đứng ở phía trước. Đức vua sau khi nhìn thấy vị trưởng lão liền sanh tâm tịnh tín và đã đặt phần chia dành riêng cho hội chúng và phần ăn của mình vào bình bát của vị trưởng lão. Viên quan đại thần cũng đã đặt phần ăn của mình (vào bình bát). Ngay cả con lừa cũng đã khởi tâm bố thí. Viên quan đại thần nhận biết được ý định của con lừa nên cũng đã đặt phần ăn của nó vào bình bát. Như thế, vị vua ấy đã dâng bình bát đầy vật thực đến vị trưởng lão. Sau khi nhận lấy bình bát, vị trưởng lão đã ra đi và đã dâng đến vị trưởng lão tên là Gotama. Sau khi đã giải quyết bữa ăn cho năm trăm vị tỳ khưu, vị trưởng lão đã làm đầy bình bát bằng những phần ăn được nhận lại từ nơi ấy, sau đó đã ném lên không trung. Bình bát đã di chuyển rồi dừng lại ở phía trước đức vua. (Viên quan đại thần) Tissa đã nhận lấy bình bát rồi phục vụ bữa ăn cho đức vua, bản thân đã thọ dụng phần còn lại, rồi mới cho con lừa ăn. Sau đó, đức vua đã buộc chặt lớp vải rồi ném bình bát đi. Từ chỗ đó, bình bát đã đi đến và đáp vào bàn tay của vị trưởng lão. Đức vua đã quay trở lại Mahāgāma và đã quy tụ lại quân đội, sau khi đạt được binh lực sáu mươi ngàn đã chiến đấu với người em lần nữa. Lần này, hàng ngàn binh sĩ của vị hoàng tử đã gục ngã. Vị hoàng tử sau khi trốn thoát đã đi vào tu viện rồi vào đến gian nhà của vị đại trưởng lão. Trong lúc đuổi theo sát phía sau, đức vua đã biết được việc đi vào tu viện (của người em) nên đã quay về. Sau đó, các vị trưởng lão đã hòa giải cả hai anh em họ với nhau. Rồi đức vua đã phái hoàng tử Tissa đến ngay tại Dīghavāpī để hướng dẫn các công việc mùa màng, còn bản thân sau khi cho nổi trống lên cũng đã điều hành các công việc trồng trọt. Sau đó, khi đã quy tụ được đông người, đức vua đã gắn xá-lợi ở cây thương rồi cùng với đoàn quân tùy tùng đi đến tu viện Tissa đảnh lễ hội chúng rồi đã nói rằng: “Bạch các ngài, trẫm sẽ đi đến bên kia sông Gaṅgā để làm sáng chói Giáo Pháp. Xin hãy cho các vị tỳ khưu cùng đi để chúng tôi được vinh hạnh.” Hội chúng đã trao cho năm trăm vị tỳ khưu. Sau khi tiếp nhận hội chúng tỳ khưu, đức vua đã leo lên lưng con voi Kaṇḍula, được hộ vệ bởi các dũng sĩ, rồi tiến ra chiến trường cùng với binh lực hùng mạnh tiến đến Mahiyaṅgana. Trong lúc chiến đấu với những người Damiḷa ở tại nơi ấy, đức vua đã cho xây dựng ngôi bảo tháp Kañcuka tại Mahiyaṅgana. Sau đây là phần giảng giải tuần tự nhằm mục đích nói rõ về ngôi bảo tháp ấy: Nghe rằng vào tháng thứ chín kể từ khi được giác ngộ, đức Thế Tôn đã ngự đến hòn đảo này và đã đi đến cộng đồng các dạ-xoa ở khu vườn Mahānāga có chiều dài ba do-tuần chiều rộng một do-tuần ở bờ sông Gaṅgā, sau đó đã đứng ở không trung phía bên trên các dạ-xoa ấy tại vị trí của bảo tháp Mahiyaṅgana và đã làm cho các dạ-xoa hoảng sợ bởi các cơn mưa, gió, và bóng tối, v.v... Khi được các dạ-xoa ấy cầu xin sự không còn sợ hãi, đức Phật đã nói rằng: “Ta sẽ ban cho các ngươi sự không còn sợ hãi, các ngươi hãy đồng ý cho ta một chỗ ngồi.” Các dạ-xoa đã nói rằng: “Quý nhân ơi, chúng tôi xin dâng ngài toàn thể hòn đảo này. Hãy ban cho chúng tôi sự không còn sợ hãi.” Sau đó, đức Thế Tôn đã xua tan nỗi sợ hãi của các dạ-xoa, rồi đã trải ra mảnh da thú ở trên mặt đất đã được chúng dâng cho, và đã ngồi xuống tại chỗ ấy. Ngài đã thể nhập đề mục lửa rồi đã làm cho phát hỏa ở xung quanh mảnh da thú, sau đó đã làm cho lan rộng ra. Bị chế ngự bởi mảnh da thú, các dạ-xoa đã co cụm lại ở ven bờ biển xung quanh. Bằng năng lực của thần thông, đức Thế Tôn đã mang hòn đảo tên Giri đến nơi ấy, đã đưa các dạ-xoa lên hòn đảo, rồi đã mang hòn đảo trở về lại vị trí cũ, sau đó đã gấp mảnh da thú lại. Khi ấy, chư thiên đã tụ hội lại. Ở cuộc tụ hội ấy, đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp. Khi ấy: “Không những nhiều koṭi chúng sanh đã lãnh hội Giáo Pháp mà vô số chúng sanh đã an trú vào các sự nương tựa và các giới cấm. Chúa Trời Mahāsumana ở trên núi đá Sumanakūṭa[76] sau khi chứng đạt quả vị Nhập Lưu đã cầu xin bậc đáng cúng dường về vật để cúng dường. Đấng Chiến Thắng, bậc ân nhân của chúng sanh đã sờ vào đỉnh đầu rồi đã cho vị ấy nắm tóc từ mái tóc xanh tuyền. Vị ấy đã nhận lấy vật ấy bằng chiếc hòm vàng quý báu. Khi đống báu vật gồm nhiều loại đã được gom tụ lại ở chỗ bậc Đạo Sư đã ngồi, vị ấy đã tôn trí nắm tóc ở bên trên bảy loại báu vật, sau đó đã kiến tạo ngôi bảo tháp bằng ngọc trùm lên nắm tóc và khối báu vật ấy, rồi đã phụng thờ.”[77] Hơn nữa, sau khi đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn, vị trưởng lão tên Sarabhū, đệ tử của bậc trưởng lão Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta, đã nhận lấy xá-lợi xương đòn ở cổ từ lễ hỏa táng rồi được tháp tùng bởi hội chúng tỳ khưu đã đi đến và đã tôn trí ở ngay tại ngôi bảo điện ấy, sau đó đã đậy lên bằng những viên đá màu mây, đã cho xây dựng ngôi bảo tháp cao mười hai cánh tay, rồi ra đi. Sau đó, người em trai của đức vua Devānampiyatissa tên là Cūḷābhaya đã nhìn thấy ngôi bảo điện tuyệt vời ấy rồi đã cho xây dựng ngôi bảo điện cao ba mươi cánh tay. Lúc bấy giờ, đức vua Duṭṭhagāmaṇi Abhaya cũng đã đi đến Mahiyaṅgana, và trong khi khuất phục những người Damiḷa ở tại nơi ấy, đã cho xây dựng ngôi bảo điện bao bọc quanh cao tám mươi cánh tay rồi đã thực hiện việc cúng dường. Ngay cả trong lúc tiến hành những công việc khẩn thiết như thế, những người hành đức hạnh, các bậc trí tuệ, những người sợ hãi nỗi hiểm nguy của sự luân hồi vẫn làm điều phước thiện. Dứt Phần Giảng Giải về Ngôi Bảo Tháp ở Mahiyaṅgana. -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ TU VIỆN MARICAVAṬṬI Kể từ đó, đức vua đã gây chiến với những người Damiḷa phe Chatta, rồi đã bắt được Chatta người Damiḷa và đã giết nhiều người Damiḷa tại nơi ấy, sau đó đã đi đến Ambatiṭṭhaṃ và đã bắt được Amba người Damiḷa sau bốn tháng. Từ đó, đức vua đã tiến xuống và chỉ trong một ngày đã bắt được bảy người Damiḷa có binh lực lớn mạnh. Sau đó, đã bắt được Mahākoṭṭha người Damiḷa ở Antarasobbha, Gavara người Damiḷa ở làng Doṇa, Mahissariya người Damiḷa ở Hālakola, Nāḷika người Damiḷa ở Nāḷisobbha, Dīghābhaya ở Dīghābhayagalla. Sau đó bốn tháng, đã bắt được Kiñcisīsa người Damiḷa ở Kacchatittha. Kế đến, đã bắt được Tāḷa người Damiḷa và Bhāṇaka người Damiḷa ở thành phố Veṭha, Vahiṭṭha người Damiḷa ở Vahiṭṭha, Gāmiṇi người Damiḷa ở Gāmiṇi, Kumbu người Damiḷa ở làng Kumbu, Nandika người Damiḷa ở làng Nandika, Khāṇu người Damiḷa ở làng Khāṇu, và hai cậu cháu người Damiḷa ở thôn Tambunna. Khi ấy, Ở tại nơi ấy, đức vua đã nghe được rằng: “Không nhận ra đội quân của mình, những người cùng phe giết nhau,” nên đã bày tỏ lời chân thật rằng: “Sự nỗ lực này của ta không bao giờ vì sự khoái lạc của vương quyền, việc này của ta chỉ nhằm việc thiết lập Giáo Pháp của đấng Toàn Giác. Do lời chân thật này, binh phục gắn trên mình các chiến sĩ của ta hãy trở nên giống như có màu sắc của ngọn lửa.” Khi ấy, sự việc ấy đã diễn ra đúng y như thế.[78] Đức vua đã giết các người Damiḷa ở bờ sông Gaṅgā như thế. Trừ số bị giết chết, tất cả số còn lại đã đi đến và vào trong thành phố Vijita. Khi ấy, đức vua đã nhìn thấy Nandhimitta đang tiến đến nhằm ra sức chiếm lấy thành phố Vijita nên đã thả con voi Kaṇḍula ra. Con voi Kaṇḍula cũng đã xông đến để tóm lấy Nandhimitta. Khi ấy, Nandhimitta đã dùng cả hai tay nắm chặt lấy hai ngà voi, ghì mạnh, và buộc con voi phải quỳ mọp xuống. Sau khi đã cho cả hai thử tài, đức vua đã đi đến thành phố Vijita. Khi ấy, ở cửa thành phía nam đã xảy ra trận xung đột dữ dội giữa các dũng sĩ. Ở cửa thành phía Đông Veḷusumana đã leo lên ngựa và đã giết nhiều người Damiḷa. Những người Damiḷa sau khi vào được bên trong đã đóng cửa thành lại. Do đó, đức vua đã cho các dũng sĩ xuất trận. Con voi Kaṇḍula, Nandhimitta, và Suranimmila đã thực hiện công việc ở cửa thành phía Nam. Mahāsoṇa, Goṭhayimbara, và Theraputtābhaya, ba người này đã thực hiện công việc ở ba cửa thành khác. Và thành phố ấy đã được bao bọc quanh bởi ba đường hào có tường thành và cổng thành vững chắc được gắn cánh cửa bằng sắt. Con voi Kaṇḍula đã quỳ bằng các đầu gối và phá vỡ các tảng đá, vữa hồ, và các viên gạch rồi đã đến được cánh cửa bằng sắt. Khi ấy, những người Damiḷa đứng ở cổng thành đã phóng ra vô số vũ khí. Họ còn ném ra những trái banh sắt đã được nung đỏ và cả nhựa dính đã được nấu chảy vào lưng của con voi. Khi ấy, con voi Kaṇḍula bị thọ khổ nên đã chạy đến chỗ có nước và đằm mình trong nước. Khi ấy, Goṭhayimbara đã nói rằng: “Đây không phải là nước thánh. Việc cần thiết là phá hủy cánh cửa bằng sắt. Hãy đi đến và phá hủy cánh cửa.” Nghe được điều ấy, con voi vô cùng tự hào về chủng loại đã rống lên tiếng rống của loài voi, rồi lội ra khỏi nước, và đứng ở trên mặt đất. Khi ấy, vị y sĩ chăm sóc voi đã rửa sạch chất nhựa dính rồi bôi thuốc vào. Sau đó, đức vua đã cỡi lên con voi rồi dùng bàn tay xoa trán khích lệ rằng: “Trẫm sẽ ban cho ngươi vương quyền ở trên toàn bộ đảo Laṅkā,” sau đó đã cho ăn thức ăn hảo hạng, đã dùng vải đắp lên vết thương, rồi cho che chắn kỹ lưỡng, sau đó đã xếp bảy lớp da trâu ở trên lưng làm áo giáp rồi thắt lại, còn buộc thêm lớp da có bôi dầu ở phía trên nó nữa, rồi cho nó xuất trận. Con voi rống lên như tiếng sấm rồi đã tiến đến dùng ngà xuyên thủng bề mặt cánh cửa và đã dùng chân dẫm nát khung cửa. Cánh cửa bằng sắt với vòm cửa đã rơi trên mặt đất với tiếng động ầm ĩ. Hơn nữa, khi nhìn thấy những cây gỗ và vật liệu ở cổng thành đang rơi xuống trên lưng con voi, Nandhimitta đã dùng cánh hai tay cản lại và xô sang một bên. Khi ấy, con voi Kaṇḍula đã từ bỏ nỗi thù hằn vì việc hành hạ cặp ngà. Sau đó, con voi Kaṇḍula đã nhìn Nandhimitta ngụ ý về việc cỡi lên ở trên lưng mình. Nandhimitta (nói rằng): “Ta sẽ không đi vào bằng con đường đã được ngươi dọn sẵn,” sau đó đã dùng tay đập vào bức tường thành cao mười tám cánh tay và đã làm đổ xuống khoảng tường thành kích thước tám usabha[79] rồi nhìn Suranimmila. Suranimmila cũng không thích con đường đã được Nandhimitta tạo ra nên đã nhảy qua tường thành và rơi vào bên trong thành phố. Goṭhayimbara, Soṇa, Theraputtābhaya mỗi người cũng đã phá vỡ một cánh cửa rồi tiến vào. Do đó: Con voi đã nắm lấy bánh xe ngựa, Mitta đã nắm lấy khung xe kéo, Gotha đã nắm lấy thân cây dừa, Nimmila đã nắm lấy cây gươm tuyệt hảo, Mahāsoṇa đã nắm lấy thân cây thốt nốt, Theraputta đã nắm lấy thanh sắt lớn rồi đã tiến lên theo đường lối riêng của mỗi người và đã nghiền nát những người Damiḷa tại nơi ấy.[80] Như thế trong bốn tháng, sau khi đã phá vỡ thành phố Vijita và giết chết những người Damiḷa, đức vua đã từ đó đi đến địa điểm gọi là Giriloka và đã bắt giữ Giriya người Damiḷa, rồi từ đó đã đi đến thành phố Mahela và trong bốn tháng đã bắt được vua Mahela. Từ đó, trong khi đi đến Anurādhapura, đức vua đã cho đóng quân ở xung quanh hòn núi tên Kāsa, sau đó đã cho đào hồ nước ở nơi ấy và đã thưởng thức lễ hội nước vào đầu tháng Jeṭṭha. Về phần Eḷāra sau khi nghe được việc tiến đến của Duṭṭhagāmani đã hội thảo với các quan đại thần rồi đã quyết định rằng: “Ngày mai, ta sẽ gây chiến.” Vào ngày kế, Eḷāra đã vũ trang rồi leo lên con voi Mahāpabbata và đã xuất chinh có binh lực hùng vĩ tháp tùng. Gāmaṇi cũng đã hội thảo với người mẹ sau đó đã phân chia thành ba mươi hai đội binh và đã bố trí các hình tượng của đức vua có che lọng ở tại chỗ này chỗ nọ, còn bản thân đã ngự ở đội quân chính giữa. Sau đó, trong lúc cuộc chiến đang xảy ra, đại dũng sĩ của đức vua Eḷāra tên là Dīghajattu đã cầm lấy thanh gươm và mộc che, sau đó đã từ mặt đất phóng lên không trung cao mười tám cánh tay, rồi đã chém đứt hình tượng đức vua, và đã phá vỡ đội binh thứ nhất. Như thế, sau khi phá vỡ các đội binh còn lại, Dīghajattu đã tiến đến đội binh do Gāmaṇi vĩ đại thống lãnh. Khi ấy, Suranimmila nhìn thấy Dīghajattu đang tấn công đức vua nên đã xưng tên của mình và đã mắng nhiếc vị ấy. Nghe được điều ấy, Dīghajattu đã nổi giận (nghĩ rằng): “Ta sẽ giết chết người này trước” rồi đã phóng lên không trung. Suranimmila nhìn thấy Dīghajattu đang lao xuống ở phía trên bản thân mình liền giương tấm mộc che của mình lên. Dīghajattu cũng đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ chém đứt gã cùng với tấm mộc che” rồi đã đánh vào tấm mộc che. Suranimmila đã buông rơi tấm mộc che. Trong khi chém đứt tấm mộc che, Dīghajattu đã rơi xuống ở trên mặt đất. Suranimmila đã dùng gươm chém gã. Vào giây phút ấy, Phussadeva đã thổi tù và, thanh âm nghe như là tiếng sấm. Mọi người dường như đã lên cơn điên loạn. Sau đó, đạo binh của người Damiḷa đã bị tan rã, Eḷāra đã trốn chạy. Cho đến khi ấy, họ đã giết nhiều người Damiḷa. Nơi ấy, nước hồ bị nhuộm đỏ bởi máu của những người đã bị giết chết; do đó được biết tiếng với tên là Kulatthavāpī. Ở nơi ấy, đức vua Duṭṭhagāmaṇi đã cho trống thông báo rằng: “Người khác chớ có giết Eḷāra, hãy nhường gã cho ta.” Đức vua đã vũ trang rồi tự mình leo lên con voi được vũ trang Kaṇḍula, và trong lúc đuổi theo Eḷāra đã đi đến cửa thành phía Nam. Cả hai vị vua đã chiến đấu ở khu vực phía nam thành phố. Eḷāra đã phóng cây thương, Gāmaṇi đã tránh khỏi nó. Rồi thúc voi của mình dùng ngà đâm thủng con voi kia và đã phóng cây thương vào Eḷāra. Vị ấy và voi đã ngã xuống tại nơi ấy. Do đó, với cuộc chiến đấu được thắng trận, vị ấy đã thực hiện xứ Laṅkā thành chung một quyền lãnh đạo và đã đi vào thành phố cùng với đoàn xe, và binh đội.[81] Sau đó, đức vua đã cho trống thông báo ở trong thành phố và đã tụ tập dân chúng trong khu vực xung quanh một do-tuần rồi đã thực hiện sự tôn vinh trọng thể đến thi thể của đức vua Eḷāra, sau đó đã đưa đến ngôi nhà mái nhọn, hỏa táng, rồi cho xây dựng ngôi bảo điện ở tại nơi ấy, và đã chu cấp sự bảo quản. Thậm chí hiện nay, các vị vua khi đi đến khu vực ấy cũng không cho khua trống. Như thế, đại vương Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sau khi tiêu diệt ba mươi hai vị vua người Damiḷa đã thực hiện xứ Laṅkā thành chung một quyền lãnh đạo. Khi Duṭṭhagāmaṇi chiếm giữ thành phố Vijita, dũng sĩ Dīghajattu đã đi đến gặp Eḷāra và đã kể lại bản chất dũng sĩ của người cháu trai tên Bhallūka của mình, rồi đã phái người đi đến gặp vị ấy nhằm mục đích triệu hồi đến nơi ấy. Vào ngày thứ bảy kể từ ngày Eḷāra được hỏa táng, Bhallūka đã đi đến cùng với sáu mươi ngàn nam nhân và đã nghe được sự việc tử trận của đức vua. Vì hổ thẹn, Bhallūka (nói rằng): “Ta sẽ gây chiến” rồi đã rời khỏi Mahātittha và cho đóng binh tại ngôi làng tên là Kolambahālaka. Hay tin về sự tiến quân của vị ấy, đức vua cũng đã vũ trang rồi cỡi lên con voi Kaṇḍula, có các dũng sĩ hộ vệ, đã cùng với binh lực hùng hậu xuất quân. Phussadeva cũng đã trang bị với năm loại vũ khí rồi đã ngồi ở chỗ ngồi phía sau đức vua. Bhallūka cũng đã trang bị với năm loại vũ khí rồi leo lên con voi tiến đến phía trước mặt của đức vua. Khi ấy, con voi Kaṇḍula đã từ từ rút lui theo bản tánh chậm chạp trong sự di chuyển của nó; và đoàn quân cũng đã cùng với con voi rút lui y như thế . Đức vua đã nói với Phussadeva rằng: “Con voi này trong hai mươi tám trận chiến trước đây đã không rút lui, tại sao bây giờ lại rút lui?” Vị ấy đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, chiến thắng này chính là thuộc về chúng ta. Con voi này trong lúc quan sát vùng đất của chiến thắng nên mới rút lui. Đến được vùng đất của chiến thắng rồi thì nó sẽ đứng lại.” Còn con voi sau khi rút lui đã đến đứng bên cạnh vị thiên nhân của thành phố ở trong ranh giới của ngôi Mahāvihāra (Đại Tự). Sau đó, Bhallūka đã đi đến trước mặt đức vua và đã chế giễu đức vua. Đức vua đã dùng bề mặt của thanh gươm bảo vệ khuôn mặt rồi cũng đã mắng lại vị ấy. Bhallūka đã bắn ra mũi tên (nghĩ rằng): “Ta sẽ xuyên thủng khuôn mặt của đức vua.” Mũi tên đã chạm vào bề mặt của thanh gươm rồi rơi xuống ở trên mặt đất. Bhallūka tưởng rằng: “Ta đã bắn thủng khuôn mặt” nên đã la lớn lên. Khi ấy, Phussadeva ngồi ở chỗ ngồi phía sau đức vua, trong lúc chạm vào vòng đeo tai của đức vua, đã bắn ra mũi tên vào mặt Bhallūka. Vị ấy trong lúc té xuống đã hướng hai chân về phía đức vua. Phussadeva liền bắn mũi tên khác trúng vào đầu gối khiến vị ấy ngã xuống, đầu hướng về đức vua. Với chiến thắng đạt được, đức vua đã đi vào thành phố rồi đã bảo mang lại mũi tên, sau đó đã cắm đứng mũi tên hướng phần đuôi lên trên và đã chất đống tiền kahāpaṇa có chiều cao bằng mũi tên ấy, rồi đã ban thưởng cho Phussadeva. Sau khi đã thực hiện vương quốc Laṅkā thành chung một quyền lãnh đạo như thế, đức vua đã ban thưởng các tước vị tương xứng đến các dũng sĩ. Tuy nhiên, trong khi được ban thưởng Theraputtābhaya đã không nhận lấy tước vị. Khi được hỏi rằng: “Vì sao khanh lại không nhận?” vị ấy đã trả lời rằng: “Tâu đại vương, có chiến tranh.” Khi được hỏi rằng: “Giờ đây, khi sự thống nhất vương quốc đã được thực hiện, cái gì được gọi là chiến tranh?” vị ấy đã đáp rằng: “Thần sẽ chiến đấu với lũ giặc cướp phiền não.” Đức vua đã nhiều lần ngăn cản. Còn vị ấy sau nhiều lần cầu xin đã được đức vua ưng thuận, rồi đã xuất gia, và trong lúc thực hành thiền minh sát đã đạt đến phẩm vị A-la-hán, rồi đã hòa nhập vào trong số năm trăm bậc Lậu Tận. Sau đó, đức vua khi đang nằm tại long sàng ở mặt tiền lâu đài của mình đã xem xét lại sự thành tựu vĩ đại và đã nhớ đến việc giết hại nguyên cả đoàn quân. Trong lúc đang hồi tưởng, đức vua đã khởi lên tâm trạng buồn bã day dứt (nghĩ rằng): “Có thể là chướng ngại cho con đường sanh về cõi trời của ta.” Khi ấy, các vị A-la-hán ở Piyaṅgudīpa biết được suy nghĩ suy tầm của đức vua nên đã phái đến tám vị A-la-hán để sách tấn đức vua. Sau khi đi đến, các vị ấy đã cho người thông báo về việc đã đi đến, rồi đã bước lên mặt tiền của lâu đài. Đức vua đã đảnh lễ các vị trưởng lão, rồi đã mời chỗ ngồi và đã hỏi nguyên nhân của việc đi đến. Các vị trưởng lão cũng đã nói về nguyên nhân của việc đi đến, sau đó đã làm cho đức vua hiểu rõ về việc không có chướng ngại cho cõi trời và sự giải thoát do việc làm ấy, rồi đã ra đi. Đức vua sau khi lắng nghe lời dạy của các vị ấy đã đạt được sự an tâm, sau đó đã đảnh lễ tiễn đưa các vị ấy rồi lại đến nằm ở long sàng tiếp tục suy nghĩ: “Hơn nữa, cha mẹ ta đã buộc ta hứa rằng: ‘Con chớ bao giờ thọ dụng thức ăn mà chưa dâng đến hội chúng.’ Phải chăng có thức ăn đã được ta ăn vào mà không dâng đến hội chúng, hay là không có?” Trong lúc suy nghĩ, đức vua đã nhận thấy chỉ có mỗi một hạt tiêu đã được ăn vào bữa điểm tâm mà không dâng đến hội chúng vì sự xao lãng về niệm. Và sau khi nhận biết, đức vua đã suy nghĩ rằng: “Ta đã làm điều sai trái, ta phải chịu hành phạt.” Sau đó, khi bảy ngày lễ hội vương quyền đã trôi qua, đức vua với oai lực lớn lao của vương quyền và với sự thể hiện lớn lao của lễ hội đã đi đến để tham dự lễ hội nước ở Tissavāpī nhằm duy trì truyền thống của các vị vua đã được đăng quang. Người ta đã thiết lập mọi sự chuẩn bị cùng với đôi hài và các lọng che cho đức vua ở tại địa điểm của tu viện Maricavaṭṭi. Cũng ở nơi ấy, tại địa điểm của ngôi bảo tháp, binh lính hoàng gia đã dựng đứng thẳng cây giáo của đức vua có gắn xá-lợi. Trong khoảng thời gian ban ngày, đức vua có các cung nữ vây quanh đã tiêu khiển , đến lúc hoàng hôn đổ xuống đã nói rằng: “Chúng ta sẽ đi đến thành phố. Hãy giương cây giáo lên.” Các binh lính hoàng gia trong lúc cầm lấy cây giáo đã không thể di động. Sau khi nhìn thấy hiện tượng kỳ lạ ấy, đội binh hoàng gia đã tụ họp lại rồi đã cúng dường với các vật thơm và bông hoa, v.v... Sau khi nhìn thấy hiện tượng vô cùng kỳ lạ ấy, đức vua với tâm ý hớn hở đã bố trí sự bảo vệ ở chung quanh rồi đã đi vào thành phố. Sau đó, đức vua đã cho rào quanh cây giáo rồi đã cho xây dựng ngôi bảo điện, sau đó đã rào quanh khu vực ấy lại rồi cho xây dựng tu viện. Tu viện đã được hoàn tất trong ba năm. Đức vua đã triệu tập hội chúng lại nhằm mục đích làm lễ hội cho tu viện. Một trăm ngàn vị tỳ khưu và chín mươi ngàn vị tỳ khưu ni đã tụ hội lại. Trong cuộc hội họp ấy, đức vua đã đảnh lễ hội chúng và đã nói như vầy: “Bạch các ngài, sau khi không ghi nhớ trẫm đã thọ dụng hạt tiêu mà chưa dâng đến hội chúng. (Nghĩ rằng): ‘Hãy để trẫm chịu hành phạt vì lý do ấy.’ Trẫm đã cho xây dựng tu viện Maricavaṭṭiya (Hạt Tiêu) có cả ngôi bảo điện. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy thọ lãnh tu viện cùng với ngôi bảo điện,” rồi đã rưới nước cúng dường và đã dâng tu viện đến hội chúng tỳ khưu. Xung quanh tu viện, đức vua đã cho xây dựng nhà tiền sảnh vĩ đại để có chỗ ngồi cho hội chúng tỳ khưu. Các cột chống nhà tiền sảnh đã được thiết lập ở trong nước của hồ Abhaya. Không cần phải đề cập về khu vực còn lại. Sau khi đã thỉnh hội chúng tỳ khưu ngồi xuống tại nơi ấy, đức vua đã thực hiện lễ đại thí bảy ngày và đã cúng dường mọi thứ vật dụng. Vật dụng do vị trưởng lão của hội chúng thọ nhận tại nơi ấy trị giá một trăm ngàn. Như thế: Trong chiến trận và trong việc bố thí, vị vua thông minh có tâm tịnh tín trong sạch vào Tam Bảo và có ý định làm rạng rỡ Giáo Pháp. Vị vua có lòng tri ân ấy khởi đầu với việc cho xây dựng ngôi bảo tháp và chấm dứt với các lễ hội của tu viện để cúng dường Tam Bảo. Ở đây, không tính đến các vật quý giá là các phẩm vật đã được dâng cúng, chỉ riêng các phần còn lại là mười chín koṭi.[82] Như thế, sau khi vượt qua sự vướng bận vào tài sản cùng thân mạng ngắn ngủi và không bền vững, người có trí nên làm việc phước thiện nhằm mục đích thành tựu sự an lạc và nỗ lực không ngừng để đạt đến cứu cánh. Dứt Phần Giảng Giải về Tu Viện Maricavaṭṭi. -ooOoo-
GIẢNG GIẢI VỀ SỰ NHẬN ĐƯỢC VẬT LIỆU XÂY DỰNG NGÔI BẢO THÁP Sau đó, đức vua đã suy nghĩ rằng: “Nghe rằng vị đại trưởng lão Mahinda đã nói với đức vua Devānampiyatissa nội tổ của ta như vầy: ‘Tâu đại vương, cháu trai của ngài tên là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ thực hiện ngôi bảo tháp có vòng hoa vàng cao một trăm hai mươi cánh tay và sẽ xây dựng lâu đài bằng đồng chín tầng để làm nhà hành lễ Uposatha cho hội chúng.’” Vả lại, sau khi đã suy nghĩ và trong lúc tìm kiếm đã nhìn thấy giòng chữ khắc ở cái đĩa bằng vàng đặt trong cái rương ở hoàng cung, đức vua đã cho đọc lên dòng chữ ấy rằng: “Trong ngày vị lai sau khi trải qua một trăm bốn mươi năm, con trai của Kākavaṇṇatissa là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ cho thực hiện việc này và việc này.” Sau khi nghe xong, đức vua đã khởi tâm vui mừng phấn chấn vỗ tay (nói rằng): “Nghe rằng ngài đại đức Mahāmahinda đã tiên tri về ta quả nhiên là đúng!” Sau đó, vào sáng sớm đức vua đã đi đến khu rừng Mahāmegha rồi đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã nói điều này: “Bạch các ngài, sau khi thực hiện nhà hành lễ Uposatha cho hội chúng tỳ khưu, trẫm sẽ xây dựng tòa lâu đài tương tự như là cung điện ở thiên đình vậy. Xin các ngài hãy phái người đi đến cõi trời, cho vẽ hình dáng của cung điện ở trên mảnh vải, rồi trao cho trẫm.” Hội chúng đã phái đi tám vị Lậu Tận. Các vị ấy sau khi đi đến cõi trời Đạo Lợi đã nhìn thấy tòa lâu đài bằng ngọc quý cao mười hai do-tuần, chu vi bốn mươi tám do-tuần ngự ở trên hư không, được điểm tô với ngàn tháp nhọn, có chín tầng lầu, một ngàn căn phòng, và được sanh lên bởi năng lực phước báu của người con gái của vị trời Bīraṇa. Sau khi vẽ lại hình dáng ấy bằng màu đỏ thắm ở trên mảnh vải, các vị đã đem lại và trao cho hội chúng tỳ khưu. Hội chúng đã gởi đến đức vua. Sau khi nhìn thấy vật ấy, đức vua khởi tâm hoan hỷ rồi đã cho thực hiện lâu đài bằng đồng tương tợ như bản vẽ ấy. Hơn nữa, vào lúc khởi sự công trình, đức vua đã cho đặt tám trăm ngàn miếng vàng ở bốn cửa thành. Sau đó, đã cho đặt ở bốn cửa thành mỗi nơi một ngàn gói vải và hàng ngàn hũ chứa đầy mật đường, dầu ăn, đường tinh khiết, mật ong rồi cho đánh trống thông báo rằng: “Không được thực hiện công việc không lương ở tòa lâu đài.” Đức vua đã cho định giá công việc đã hoàn thành chưa được trả công rồi đã bảo trả tiền cho những người lao công. Tòa lâu đài đã có kích thước ở mỗi bên là một trăm cánh tay và chiều cao cũng như vậy. Lâu đài này có chín tầng, ở mỗi tầng lầu có hàng trăm tháp nhọn; và tất cả những tháp nhọn ấy được lát bằng bạc và được bao quanh bởi những chuông nhỏ bằng vàng. Các tháp nhọn của những nơi ấy là các tầng gác bằng nhiều loại ngọc quý, có các lan can bằng đá san hô, và ở các lan can ấy còn có những đóa hoa sen được trang điểm bằng vô số loại ngọc quý nữa. Tương tợ như thế, một ngàn căn phòng được lát bằng nhiều loại ngọc quý khác nhau và được điểm tô với các cửa sổ. Sau khi nghe nói về chiếc xe chuyên chở phụ nữ của Vessavana, đức vua đã cho thực hiện mái che bằng ngọc quý theo hình thức ấy ở chính giữa. Mái che được tô điểm với nhiều cột bằng ngọc quý có các hình ảnh sư tử, cọp, v.v... cùng với các hình ảnh chư thiên, và được bao bọc bởi màng lưới ngọc trai treo ở xung quanh. Các lan can bằng san hô của nó cũng tương tợ như đã được đề cập trước đây. Hơn nữa, ở giữa mái che còn được trang điểm bằng bảy loại ngọc quý còn có chiếc giường làm bằng ngà ở trên mặt sàng làm bằng ngọc pha-lê. Ngay cả cái gối kê cũng được làm bằng ngà voi. Chiếc giường được tô điểm với những vầng mặt trời bằng vàng, với những vầng mặt trăng bằng bạc, và với các ngôi sao làm bằng ngọc trai. Ở chỗ kia chỗ nọ, tùy theo sự tương ứng, đức vua còn cho thực hiện những đóa hoa sen làm bằng nhiều loại ngọc quý khác nhau luôn cả các tranh chuyện Bổn Sanh làm sanh khởi niềm tin, và những hình dây leo bằng vàng xen kẽ ở giữa. Ở đó, đức vua đã cho trải ra tấm trải nền đắt giá và dựng đứng cây quạt xinh đẹp bằng ngà voi. Ngài đã cho thực hiện các đôi guốc bằng san hô. Tương tợ như thế, ở phía trên chiếc giường đức vua đã cho làm cái lọng màu trắng, có cán cầm bằng bạc được đặt cắm vào mặt nền bằng ngọc pha-lê. Ở đó, đức vua đã cho thực hiện tám biểu tượng kiết tường[83] làm bằng bảy loại ngọc quý, có các dãy thú bốn chân làm bằng ngọc ma-ni và ngọc trai xen kẽ ở khoảng giữa. Ở bìa mép của cái lọng, còn có các chuông làm bằng ngọc quý được treo thành hàng nữa. Tòa lâu đài, cái lọng che, chiếc giường, mái che là bốn vật vô giá. Sau khi cho xếp đặt các giường ghế đắt giá ở tại đó, đức vua đã cho trải ra các tấm mền len đắt giá làm thảm trải nền. Hũ nước súc miệng và cái gáo múc cũng được làm bằng vàng. Cũng không cần nói đến các vật dụng và đồ đạc còn lại. Thậm chí khung cửa ra vào cũng được rào quanh bằng hàng rào tuyệt đẹp. Hơn nữa, do tính chất được bao phủ bởi gạch bằng đồng đỏ nên lâu đài được gọi là “Lâu Đài Bằng Đồng” (Lohapāsāda).[84] Như thế, sau khi đã cho thiết lập nên tòa lâu đài như là chỗ hội họp của chư thiên ở cõi trời Đạo Lợi, đức vua đã cho triệu tập hội chúng lại. Hội chúng đã tụ hội lại như là vào dịp lễ hội của tu viện Maricavaṭṭi vậy. Các vị còn là phàm nhân đã đứng ở tầng lầu thứ nhất, các vị thông Tam Tạng ở tầng thứ nhì, trong ba tầng lầu kế, bắt đầu với tầng lầu thứ ba theo tuần tự là các vị Nhập Lưu, Nhất Lai, và Bất Lai, rồi chính các vị Lậu Tận đã đứng ở bốn tầng lầu ở bên trên. Như thế, sau khi đã cho triệu tập hội chúng lại, đức vua đã dâng tòa lâu đài đến hội chúng rồi đã cúng dường lễ đại thí trong bảy ngày như là lễ hội của tu viện Maricavaṭṭi vậy. Không tính đến bốn vật vô giá, đức vua đã hào phóng chi dụng ba mươi koṭi vì nguyên nhân tòa lâu đài.[85] Các bậc trí từ bỏ vật chất phù du và bố thí tài sản đã được tích lũy, sở dĩ thực hành như thế vì bố thí là tài sản luôn đi cùng. Vào một ngày kia, đức vua đã xuất ra một trăm ngàn và đã cúng dường đến cội Đại Bồ Đề, rồi trong khi đi vào thành phố đã nhìn thấy tháp đá di tích được lập nên ở địa điểm của ngôi bảo tháp liền nhớ lại lời nói của ngài trưởng lão Mahinda và đã có quyết định rằng: “Ta sẽ xây dựng ngôi đại bảo tháp.” Sau khi đi vào thành phố, đức vua đã bước lên bục cao, thọ dụng thức ăn hảo hạng, rồi đã nằm xuống trên long sàng, và suy nghĩ như vầy: “Trong khi ta tàn sát người Damiḷa thì thế gian này đã bị hành hạ quá mức rồi. Vậy bằng phương thức nào ta không phải ngược đãi dân chúng mà vẫn tạo ra được các viên gạch cần thiết cho ngôi đại bảo tháp một cách đúng pháp và công bằng?” Vị thiên nhân ngự ở trên cái lọng biết được điều suy nghĩ ấy nên đã công bố rằng: “Đức vua đã suy nghĩ như thế!” Ngay cả ở cõi trời kế tiếp cũng đã có sự xáo trộn xảy ra. Sau khi biết được điều ấy, Chúa Trời Sakka đã bảo Vissakamma rằng: “Này khanh Vissakamma, đại vương Duṭṭhagāmaṇi Abhaya đã suy nghĩ về vấn đề gạch của ngôi đại bảo tháp. Ngươi hãy đi và làm hiện ra các viên gạch ở bờ sông Gambhīra tại địa điểm cách thành phố một do-tuần về phía Bắc, rồi hãy trở về.” Hiểu được điều ấy, thiên tử Vissakamma đã đi đến và làm hiện ra các viên gạch cần thiết cho ngôi đại bảo tháp ở ngay tại chỗ ấy rồi đã trở về lại thiên cung. Vào ngày kế, có một người thợ săn đã dẫn các con chó đi vào rừng, trong lúc lang thang đó đây đã đi đến địa điểm ấy nhưng không nhìn thấy các viên gạch nên đã bỏ đi. Vào giây phút ấy, nhằm làm cho người thợ săn nhìn thấy các viên gạch, một vị thiên nhân địa cầu đã biến hóa thành con kỳ đà khổng lồ, rồi khiến cho người thợ săn và các con chó nhìn thấy bản thân mình, đến khi bị bọn chúng rượt theo đã chạy đến phía trước các viên gạch rồi biến mất. Sau khi nhìn thấy các viên gạch, người thợ săn (nghĩ rằng): “Đức vua của chúng ta có ý định xây dựng ngôi bảo tháp. Đương nhiên là chúng ta đã đạt được món quà khổng lồ!” rồi trở nên mừng rỡ, và vào lúc sáng sớm ngày hôm sau đã đi đến trình lên đức vua về món quà là các viên gạch đã được bản thân nhìn thấy. Đức vua sau khi nghe được tin ấy đã trở nên hoan hỷ, rồi đã cho thực hiện sự tôn vinh trọng thể đến người ấy, và đã cho chính người ấy làm người bảo vệ các viên gạch ấy. Sau đó, đức vua đã nói rằng: “Chính ta sẽ đi để xem xét các viên gạch. Hãy giương cây giáo lên!” Chính vào giây phút ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm về phía đông-bắc cách thành phố ba do-tuần ở trong ngôi làng Ācāraviṭṭhi, sau khi trời mưa trọn ba canh của đêm ở tại khu vực có diện tích mười sáu karīsa[86] đã có các quặng vàng nổi lên. Về kích thước của chúng, các quặng lớn có kích thước là một gang tay và các quặng nhỏ có kích thước tám ngón tay. Sau đó, lúc đêm đã rạng các dân làng đã nhìn thấy các quặng vàng (nghĩ rằng): “Quả nhiên, vật xứng đáng với đức vua đã được sanh lên!” Sau khi bố trí sự bảo vệ ở xung quanh, họ đã chất đầy các quặng vàng ở trong cái dĩa rồi đã đi đến trình đức vua xem. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến những người ấy và đã cho chính những người ấy làm những người bảo vệ vàng. Khi ấy, vào đúng thời điểm ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía đông cách thành phố bảy do-tuần phía bên kia sông Gaṅgā ở xứ sở tên là Tambaviṭṭhi đã xuất hiện đồng đỏ. Các dân làng đã lấy đồng đỏ chất đầy cái đĩa rồi đã đi đến trình đức vua xem. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến những người ấy và đã cho chính những người ấy làm những người bảo vệ. Cùng thời gian ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía đông-nam cách thành phố bốn do-tuần ở ngôi làng tên là Sumanavāpī đã xuất hiện nhiều ngọc ma-ni trộn lẫn với ngọc bích và hồng ngọc. Các dân làng đã chất đầy cái dĩa rồi đã đi đến và trình các viên ngọc ma-ni lên đức vua. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh đến những người ấy và đã cho chính những người ấy làm những người bảo vệ. Cùng thời gian ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía nam cách thành phố tám do-tuần ở trong xứ sở Ambaṭṭhakola đã có bạc sanh lên tại một hang động. Vào lúc bấy giờ, có một người thương buôn là cư dân của thành phố đã đi đến Malaya cùng với nhiều xe kéo vì mục đích về các loại gia vị như cà-ri, gừng, v.v... Sau khi tháo ra các xe kéo ở không xa hang động và trong lúc tìm kiếm nhánh cây để làm roi, người ấy đã leo lên hòn núi ấy và đã nhìn thấy một nhánh cây bánh mì. Nhánh cây ấy chỉ có mỗi một trái bánh mì khổng lồ có kích thước bằng cái chum làm trĩu nhánh cây non trẻ xuống và tựa lên bề mặt tảng đá ở bên dưới. Sau khi nhìn thấy sự trĩu xuống ấy do sức nặng của trái cây, người ấy liền đến gần dùng bàn tay sờ vào và biết được tình trạng đã chín tới nên đã cắt đi ở cuống. Nhánh cây bánh mình đã vươn lên và nằm yên ở vị thế tương xứng. Người thương buôn đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ cúng dường phần ngon nhất rồi mới thọ dụng,” sau đó đã thông báo về thời giờ. Khi ấy, bốn vị Lậu Tận đã đi đến và đã hiện ra phía trước vị ấy. Sau khi nhìn thấy các vị ấy, người thương buôn trở nên hoan hỷ, đã đảnh lễ ở chân, rồi thỉnh ngồi xuống, sau đó đã dùng dao khía xung quanh phần cuống của trái cây ấy, kéo phần ruột lên và lấy ra. Nước mật ở xung quanh đã giọt xuống và làm tràn đầy phần vỏ rỗng có phần ruột đã được lấy ra. Người thương buôn đã chứa đầy các bình bát với nước mật trái cây bánh mì có màu sắc của nước hồ Manosilā. Các bậc Lậu Tận ấy đã bay lên không trung và ra đi trong khi người thương buôn đang chăm chú nhìn theo. Người thương buôn lại thông báo thời giờ lần nữa. Bốn vị Lậu Tận khác đã đi đến. Sau khi nhận lấy các bình bát từ tay của các vị ấy, lần này người ấy đã chứa đầy với các múi có màu sắc vàng chói rồi đã dâng lên. Ba vị trưởng lão trong số ấy đã ra đi bằng đường không trung. Vị trưởng lão kia tên Indagutta là bậc Lậu Tận có ý định chỉ cho người thương buôn thấy số bạc ấy nên đã từ phía trên ngọn núi đi xuống, rồi đã ngồi xuống không xa hang động ấy và thọ thực phần ruột của trái bánh mì. Vào lúc vị trưởng lão đã ra đi, người cư sĩ cũng đã tự mình nhai phần ruột còn lại, sau đó đã gói ghém phần còn thừa rồi mang đi. Trong khi đi, người ấy đã nhìn thấy vị trưởng lão nên đã dâng nước và cành cây cho việc chùi rửa bình bát. Vị trưởng lão cũng đã biến hóa ra con đường cho các xe tải đi đến gần cửa hang động rồi đã nói rằng: “Này cư sĩ, hãy đi bằng con đường này.” Sau khi đảnh lễ vị trưởng lão, người ấy trong khi đi theo con đường ấy đã đến được cửa hang động, và trong khi xem xét ở chung quanh hang động đã nhìn thấy đống bạc ấy, sau khi cầm lấy thỏi bạc rồi khía bằng con dao và biết được tính chất của bạc, rồi đã lấy đi khối bạc lớn và đi đến gần các xe kéo. Sau khi đã đưa các xe kéo đến địa điểm đầy đủ cỏ và nước, người ấy đã nhanh chóng đi đến Anurādhapura trình cho đức vua xem rồi đã tường thuật lại sự việc ấy. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến người ấy. Cùng thời gian ấy, dân chúng cũng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía tây cách thành phố năm do-tuần ở ngọn núi Uruvelā có những viên ngọc trai với số lượng sáu mươi xe kéo đã từ biển cả hiện lên trên đất liền; chúng được lẫn lộn với san hô và có kích thước của trái cây āmalaka cỡ lớn. Các ngư phủ sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Quả nhiên vật xứng đáng với đức vua đã được sanh lên!” rồi đã chất thành đống, bố trí sự bảo vệ, chứa đầy cái đĩa, rồi đã đi đến trình đức vua xem và đã tường thuật lại sự việc ấy. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến những người ấy. Dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía tây-bắc cách thành phố bảy do-tuần, ở bãi cát nơi hang động dẫn xuống hồ nước của ngôi làng Peḷavāpī đã xuất hiện bốn loại ngọc ma-ni lớn có kích thước của viên đá mài nhỏ bề dài là một gang với bốn ngón tay, và có màu sắc của hoa cây bông vải . Khi ấy, một người thợ săn tên Matta đã dẫn bầy chó lang thang ở nơi ấy và đã đi đến địa điểm ấy, sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Quả nhiên là vật xứng đáng với đức vua!” rồi đã dùng cát lấp lại và đi đến thông báo cho đức vua. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến người ấy. Như thế, nội trong ngày hôm ấy đức vua đã nghe tin về các viên gạch, v.v... đã được sanh lên vì mục đích ngôi bảo tháp. Chính vì điều ấy, địa điểm phát sanh lên các viên gạch và bạc đã có được tên gọi.
Dứt Phần Giảng Giải về Sự
Nhận Được -ooOoo- [52] Mahāvaṃsa, chương XIV, câu kệ thứ 8. [53] So sánh với hai câu kệ 34-35, chương XI, Sđd. [54] Kinh Tăng Chi, Chương Hai Pháp, Phẩm 4. [55] Bản Thūpavaṃsa ghi là “pacchimadisāya” (ở phía tây) là không phù hợp với Mahāvaṃsa. Hơn nữa, theo đoạn văn ở bên dưới các vị trưởng lão đã đứng ở cửa thành phía đông nên việc các vị đã đáp xuống vùng đất phía đông xem ra hợp lý hơn. [56] Hai bộ kinh thuộc Kinh Tiểu Bộ. [57] Kinh Tương Ưng, Tập 5, Thiên Đại Phẩm, Chương Mười Hai. [58] Kinh Trung Bộ III, bài kinh 130. [59] Kinh Tương Ưng, Tập IV: Thiên Sáu Xứ, Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ, Phẩm 19: Rắn Độc, bài kinh thứ nhất. [60] Sđd., Tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương 4: Tương Ưng Vô Thỉ, Phẩm Thứ Hai. [61] Kinh Tăng Chi, Chương Bảy Pháp, Phẩm 7, Đoạn viii. [62] Kinh Tương Ưng, Tập I: Thiên Có Kệ, Chương 3: Tương Ưng Kosala, Phẩm Thứ Hai, bài kinh viii: Không Phóng Dật. [63] Tương đương ngày rằm tháng 9 âm lịch Việt Nam là ngày cuối cùng của mùa an cư mưa kỳ đầu. [64] Nay là thành phố Patnā của nước Ấn Độ. [65] Apadāna, Phẩm 1: Đức Phật, câu kệ thứ 82. [66] So sánh với câu kệ 65, chương 17, của Mahāvaṃsa. [67] So sánh với hai câu kệ 40-41, chương 18, Sđd. [68] So sánh với câu kệ 84, chương 19, Sđd. [69] Lohapāsāda nghĩa là tòa lâu đài bằng đồng, đã được sử dụng làm tên gọi. Vào thời điểm này, Lohapāsāda còn chưa được xây dựng. [70] Thủy tổ của người Tamil hiện nay. [71] Xem chương 23, Sđd. [72] Duṭṭha: hờn giận, giận dữ, xấu xa. Duṭṭha được ghép thêm vào ở phía trước tên của đức vua. [73] Mahāvaṃsa ghi là Guttahāla (Chương 24, câu kệ 17). [74] Viên quan đại thần có trùng tên “Tissa” với vị hoàng tử. [75] Vị hoàng tử là người em trai tên Tissa và đức vua là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya. [76] Theo Geiger, Sumanakūṭa là Adam’s Peak, một điểm du lịch của Sri Lanka ngày nay (The Mahāvaṃsa, trang 5, cước chú 1). [77] Sđd., chương 1, các câu kệ 32-36. [78] Sđd., chương 25, các câu kệ 16-18. [79] 18 hattha (cánh tay) = 9 m; 8 usabha = 400 m. [80] Sđd., chương 25, hai câu kệ 45-46. [81] Sđd., chương 25, hai câu kệ 66-71. [82] Sđd., chương 26, các câu kệ 23-25. [83] Tám biểu tượng kiết tường là: vỏ sò, bánh xe, hũ nước đầy, cái chùy, bò con của sự may mắn (sirivaccha), gậy thúc voi, ngọn cờ, dấu hiệu chữ S ở mang rắn hổ (Encyclopaedia of Buddhism vol. vi. Sri Lanka: Government of Sri Lanka, 2002), 604. [84] Loha: kim loại đồng, pāsāda: tòa lâu đài, dãy nhà dài, cung điện. [85] So sánh với câu kệ 47, chương 27, Sđd. [86] Karīsa là diện tích đất đủ để gieo trồng 1 karīsa hạt giống, ước lượng gần bằng 1 mẫu Anh (acre). -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated:
04-03-2005