BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền Tịnh song tu
Ni Trưởng Thích nữ Như Thanh


1. NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT VÀ TƯƠNG ĐỒNG
GIỮA THIỀN VÀ TỊNH

-ooOoo-

Thiền (hay Thiền–na) là âm của tiếng Phạn "Dhyana", là pháp môn "trực chỉ Chơn tâm, kiến tánh thành Phật". Thiền được Trung Hoa dịch là Tịnh Lự (Tịnh=Định; Lự=Huệ) nhằm nêu bày tính cách Định Huệ viên dung. Nhờ Định, Huệ cân bằng mà hành giả thấu suốt và khế nhập được chơn thể của bản tánh chơn tâm, do đó được tự tại vô ngại, gọi là chứng ngộ.

Định càng sâu, Huệ càng tỏ; Huệ càng tỏ rạng thì Định càng thêm vững vàng; đó là sự tương quan như nhất và là điều kiện chủ yếu để đạt Đạo, phá trừ vô minh tận gốc rễ cội nguồn của nó.

Theo quan niệm của Thiền Phật giáo thì vạn hữu đều do tâm sinh khởi (Vạn pháp duy tâm) cho nên khi nắm được cái tâm thì làm chủ được tất cả; thành ra phương thức duy nhất, thẳng tắt là hồi quang phản chiếu, không tìm cầu bên ngoài, không dựa vào tha lực. Phật không có trong núi, cũng không có trong sách vở nên không cần lễ bái, không lập văn tự, chỉ cần Minh sư trực chỉ cho Thiền sinh trực ngộ, tâm tâm tương ứng thì mạch Thiền sẽ được lưu truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi mạch Thiền tươi nhuận thì Phật giáo thịnh hành, đất nước hòa bình, nhân dân an lạc; khi nguồn Thiền cạn khô thì Đạo Phật suy vi và kéo theo sự lầm than cơ cực, hỗn loạn đảo điên cho nhân quần xã hội.

Ngài Huệ Viễn thời Nam Tống ở Trung Hoa, sau khi chứng ngộ Thiền cơ, quán sát căn tánh chúng sanh đương thời, thấy đây là lúc nên xiển minh Tịnh độ, khởi xướng tông phái trọng yếu của Đạo Phật thành hệ thống rõ ràng, lý sự đầy đủ.

Tịnh, nói đủ là thanh tịnh, tức là không có nhiễm ô, dơ bẩn, đó là ý nghĩa tiêu cực. Về phương diện tích cực, không tạp nhiễm lỗi lầm phiền não, tức là thanh tịnh, đầy đủ công đức, trí huệ.

Độ là cõi nước, thế giới hay nơi chốn nương tựa chung.

Vậy Tịnh độ là cõi nước thanh tịnh trang nghiêm nơi đó tâm địa chúng sanh không nhiễm ô, không phiền não, luôn an vui tu tập để tiến đến cứu cánh giải thoát viên mãn. Đây là thế giới trang nghiêm vi diệu.

Tịnh là mục tiêu, là đặc điểm của Phật pháp. Theo quan niệm Đại thừa, Tịnh phải gồm đủ hai phương diện: chúng sanh tịnh và thế giới tịnh, tức là hành giả ngoài sự thanh tịnh hóa thân tâm còn phải phát Bồ-đề tâm cứu độ chúng sanh, chuyển Ta-bà thành Tịnh độ. Ấn Thuận Đại sư nói: "Tâm tịnh thì chúng sanh tịnh, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Phật pháp tuy có vô lượng pháp môn, vô lượng nghĩa, nhưng Tịnh là căn bản".

Tịnh độ có nhiều cõi, mỗi cõi do một vị Phật làm chủ, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Ngoài cõi tịnh của Ngài Di Lặc ở cung trời Đâu Suất và cõi nước của Ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà hiện nay có nhiều người đang ngưỡng mộ, gieo duyên lành cầu sanh về thì chính trong kinh A Di Đà cũng đề cập đến nhiều cõi tịnh ở phương Đông với A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, v.v... Ở phương Nam là thế giới của Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, v.v..., nhưng riêng Tây phương Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà thì được biết tới nhiều nhất, được đa số Phật tử chiêm ngưỡng quy kính và nguyện vãng sanh về đấy.

Lý do là vì 48 lời phát nguyện của Ngài Pháp Tạng Bồ-tát (Tiền thân Đức Phật A Di Đà) tạo cho Phật tử một sự tin tưởng đầy khích lệ về phương pháp dễ tu, dễ đạt thành. Nhất là nơi Phàm Thánh Đồng Cư độ chúng ta có thể đới nghiệp vãng sanh. Ở đấy, dù chưa dứt trừ được kiến hoặc, tư hoặc nhưng nhờ Phật lực gia hộ mà khỏi phải trở lại dòng luân hồi đầy phiêu lưu bất trắc, lại được sống bình an, lâu dài trong cảnh giới tuyệt hảo vô ưu, thân cận cùng các bậc Bồ-tát, thượng nhân thiện tri thức. Vì thế, trong bài này, chữ Tịnh độ dùng để chỉ Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Trên đã trình bày sơ lược về Thiền và Tịnh, giờ đây chúng ta thử tìm những điểm khác biệt giữa hai tông này.

1.1. Những điểm dị biệt:

1.1.1. Lòng tin: Tịnh độ dùng chữ tín làm căn bản. Tin vào thế giới Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm chủ là cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm, thuần vui không khổ. Nơi ấy, mặt đất lát vàng trải lối, bảy báu làm thành cung điện, cây báu xếp thành hàng trên những con đường rộng rãi thẳng tắp, hoa trái xum xuê, ao hồ trong mát, hoa sen đủ màu tròn to như bánh xe, phát ra ánh sáng, những loài chim quí ca hát líu lo. Lại thêm tiếng gió thoảng, tiếng chuông ngân, tiếng nước chảy tạo thành thứ âm thanh vi diệu khiến lòng người lâng lâng êm ả và không quên niệm Phậât, niệm Pháp, niệm Tăng.Chúng sanh nơi cõi ấy không phải bận tâm về đời sống vật chất. Mọi thứ nhu cầu như y phục, ẩm thực, v.v... tùy theo sở cầu đều được toại ý... Đó là Y báo. Còn Chánh báo ra sao? Vì nhân dân trong nước này đều từ hoa sen hóa sanh nên thân tướng đẹp đẽ, thanh tịnh, có ánh sáng, lại không có tướng nữ. Sự đi lại tự tại, trong thời gian một bữa ăn có thể đi cúng dường Chư Phật khắp mười phương. Thân này sống lâu vô lượng, không già, không bệnh, không chết, thật là đúng như ước vọng của chúng sanh nơi cõi Ta-bà. Đức tin này dựa vào các kinh: Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh, Phật thuyết Vô Lượng Thọ kinh, Phật thuyết A Di Đà kinh. Về luận thì có Vãng Sanh Tịnh Độ luận của Thế Thân Bồ-tát, Đại thừa Khởi Tín luận của Mã Minh Bồ-tát, Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận của Ngài Long Thọ, v.v...

Lại căn cứ vào 48 lời nguyện của Ngài Pháp Tạng cũng như kinh A Di Đà, hàng Phật tử tin rằng nếu hoàn toàn nương tựa vào lòng từ bi cùng Phật lực của Đức Phật A Di Đà hay cứu độ, chuyên tâm hành trì pháp môn niệm Phật, quán tưởng Phật và nguyện sanh về Tây phương Cực Lạc thì chắc chắn sẽ được như ý nguyện. Nói chung, người tu Tịnh độ đặt trọn niềm tin vào tha lực, nhờ sự cứu độ mà được vãng sanh.

Người tu Thiền, ngược lại, chú trọng vào tự lực. Bởi vì vạn pháp duy tâm, chỉ có tâm này là chủ, tâm này là Phật, tâm này là tất cả, vậy thì cứ quay về trọn vẹn sống với Chơn tâm thì ngay nơi ấy là Cực Lạc, là Niết-bàn.

Đức Lục tổ Huệ Năng nói: "Pháp này phải đến trong tánh Phật mà cầu, chứ hướng ngoài thân mà cầu, tự không có bổn tâm. Phải tự thấy bổn tánh, mê thì làm chúng sanh, giác tức là Phật." Thấy được bổn tánh vốn thanh tịnh, vốn sẵn đủ và sống trọn vẹn với nó thì không còn bị các pháp ràng buộc, đối cảnh chẳng sanh tình nên được tự tại thong dong. Như thế, đâu cần phải rời Ta-bà để về Tịnh độ. Ngay nơi đây là Niết-bàn tự tâm, ngay nơi cõi đời vô thường, khổ, không này lại là cảnh giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh vậy.

Chữ Tín của Thiền tông nhắm vào tự lực, tin tưởng vào tánh Phật và khả năng thành Phật của mình. Còn Tịnh độ tông đặt trọng tâm vào tha lực. Sự mâu thuẫn này là nguyên nhân gây ra nhiều tranh biện chống báng nhau giữa tông đồ của hai bên.

1.1.2. Nguyện vọng: Do lòng tin sai khác như vậy nên mục tiêu hay nguyện vọng của hai tông cũng sai khác. Môn đồ của Tịnh độ tông khởi tâm nhàm chán Ta-bà ngũ trược ác thế này cầu sanh Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà để được ly khổ đắc lạc, thọ mạng dài lâu, vui hưởng cảnh giới trang nghiêm tốt đẹp, thân cận toàn thượng nhân thiện tri thức. Nơi đạo tràng lý tưởng này, người dân của cõi Tịnh, nhờ Phật lực gia trì, nhờ môi trường tu tập toàn hảo mà tiến tu không ngừng, chẳng ai bị thoái chuyển. Cho nên dù là đới nghiệp vãng sanh đi nữa, họ cũng được bảo đảm sự thành tựu quả vị Bồ-đề.

Tu theo Đại thừa, đa số đều phát nguyện độ sanh cho nên đối với những bậc đại căn, Tịnh độ còn là nơi an dưỡng, nơi mà họ trở về sau một chuyến đi hành Bồ-tát đạo. Về rồi lại đi, đi rồi lại về, họ qua lại như những vị tướng lãnh xông pha ngoài trận mạc chống ma vương. Mỗi lần về Tây phương Cực Lạc là mỗi lần được tăng trưởng Căn bản trí, được tô bồi trí lực để rồi huờn đáo Ta-bà hoằng pháp độ sinh.

Va chạm với thực tế, tiếp xúc với cuộc đời, trực diện với đủ loại chúng sanh, Bồ-tát tự mình phát triển Hậu đắc trí. Khi nào Phước Trí viên thành, Trí Bi trọn đủ thì Bồ-đề quả mãn, thành bậc Vô Thượng Giác.

Còn Thiền gia, ngay từ khởi điểm, đã xác định mục tiêu: Kiến tánh thành Phật. Đó là đại nguyện duy nhất. Cứu cánh là mong đạt đến quả vị tối thượng viên mãn. Nhưng như Đức Phật Thích Ca kể lại trong các kinh Bổn Sự, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu hành, lúc mang thân người, lúc đội lớp thú, v.v... Kiếp nào Ngài cũng xả thân lo cho kẻ khác, quên mình để cứu người. Như vậy, trên quá trình tiến đến chỗ thành Phật, Thiền gia cũng phải trải qua giai đoạn tu Bồ-tát đạo, hành Bồ-tát hạnh.Ngài Huệ Viễn đã nói: "Thể tánh như hư không, không bờ mé để kêu gọi nhau, đi về qua lại". Những Thiền sư đắc Đạo cũng đi về qua lại để độ chúng sanh, nhưng chắc chắn là không trụ ở nơi nào khác ngoài thể tánh. Đã vào trong thể tánh Chơn như rồi thì không còn phân biệt uế độ và tịnh độ. Vì không phân biệt nên không nhàm chán Ta-bà, không cầu sanh Tịnh độ. Các Ngài chỉ tùy duyên diệu dụng, tùy nguyện độ sanh, với cõi lòng an nhiên tự tại cho đến khi thể nhập Phật tánh Chơn như một cách viên mãn thì trọn thành Phật Đạo.

1.1.3. Pháp hành trì: Lý đốn nhưng sự tiệm. Dầu biết rằng tánh Phật vốn sẵn đủ trong ta, nhưng từ lúc được Minh sư khai thị cho đến khi ngộ nhập được Phật tri kiến là một công trình chông gai gian khổ, nếu không bền chí hạ thủ công phu lâu dài, miên miên mật mật thì mãi mãi còn xa cách nghìn trùng.

Thiền tông chủ trương phản bổn huờn nguyên, hồi quang phản chiếu để sống với Chơn tâm vốn bình đẳng nhất như, bất sanh bất diệt. Muốn vậy phải phá trừ vọng tưởng chấp trước, phát sanh từ vô minh. Chỗ dụng công của Thiền gia thường là khởi nghi tình, khán thoại đầu. Minh sư tùy theo căn duyên của đệ tử mà trao cho một công án để tham cứu. Thí dụ như: Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mày thật của mình ra sao? Hoặc: Niệm Phật là ai? Tiếng vỗ của một bàn tay, v.v...

Thiền sinh được công án rồi thì miệt mài suy tư tìm phương giải đáp. Nhưng càng dụng công suy nghĩ thì càng mịt mờ, khó hiểu, đó là lúc khởi được nghi tình. Nghi tình này, nếu được sự nỗ lực gia công của Thiền sinh thì ngày sẽ một lớn thêm và kết thành một khối, nó khiến cho hành giả quên ăn mất ngủ. Đi, đứng, nằm, ngồi, gì cũng ôm giữ khối nghi, không nghĩ tưởng điều gì khác, giống như mèo chăm chăm rình chuột. Cho đến khi thời tiết nhân duyên hội đủ thì hoát nhiên đại ngộ.

Muốn đại ngộ phải có đại nghi. Đại nghi là hình thức của đại định, do tập trung tất cả tâm thức vào một chỗ, như kính hội tụ tập trung ánh sáng vào một điểm thì sanh ra lửa. Lửa này đốt cháy được vọng tưởng và khơi nguồn trí huệ.

Trong thời gian môn đồ hạ thủ công phu. Thiền sư giúp đệ tử bằng cách đốn bỏ mọi sở chấp của họ khiến họ chẳng còn có thể bám víu vào đâu, như kẻ đứng trên đầu sào cao chót vót rồi mà vẫn bị hối thúc phải tiến lên. Cho đến khi ý thức bị dồn vào tuyệt lộ, bị bức bách quá, chết ngất đi, thì hành giả được giải thoát khỏi thế giới nhị nguyên đối đãi của phàm phu. Một trong những phương tiện giúp đỡ của Minh sư là những lời nói nghịch lý hay mâu thuẫn với kinh điển. Nhiều người khi nghe những câu nói phóng túng của Thiền sư như: "Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma", hay thậm chí đốt tượng Phật để sưởi ấm… thì tưởng rằng Thiền tông phá chấp triệt để đến nỗi bỏ cả Giới luật.

Thật ra, Giới là nền tảng của Thiền. Chỉ khi nào Minh sư thấy rằng đệ tử của mình Giới thể trang nghiêm, Giới tướng đầy đủ lại có chí khí vững vàng mới trao cho một công án. Bằng không như vậy, Thiền sinh không thể nào khán thoại đầu. Giới là điều kiện cần yếu để đi tới Định và Huệ, cho nên kinh điển đều nói rằng Giới Định Huệ là Tam vô lậu học, nhằm nỗ lực phát huy nội tại tức Tâm tức Phật.

Thiền được xếp vào loại "nan hành đạo", vì Thiền gia phải dồn tất cả nỗ lực để tự mình phấn đấu, tự mình đảm đương vấn đề sanh tử, dù thầy ở kế bên cũng không giúp được gì hơn vì ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng. Tất cả đều chỉ là ngoại hộ.

Trái lại, pháp hành của môn đồ Tịnh độ tông lại hướng ra ngoài, chú tâm cầu sự tiếp độ của Đức Phật A Di Đà để được vãng sanh Tịnh độ. Không phải tông đồ Tịnh độ không có lý của họ. Nay là thời kỳ mạt pháp, đa phần chúng sanh đều bị vô minh dầy đặc, ham vui ngũ dục, căn tánh yếu ớt, tinh thần dễ chao đảo, nếu không nương vào bi nguyện độ sanh của Đức Phật A Di Đà thì khó có thể một mình vượt qua vòng sanh tử luân hồi, như là bánh xe đang quay tít do nghiệp lực vô minh từ bao đời bao kiếp. Chi bằng bước lên thuyền từ của Đức Phật A Di Đà để về nơi đạo tràng thù thắng mà tiến tu đạo nghiệp, không sợ bị thoái chuyển hay lạc vào nẻo tà, đường ma.

Pháp hành của Tịnh độ có thể chia làm bốn:

a. Trì danh
b. Quán tưởng
c. Quán tượng
d. Thiệt tướng

Trong bốn pháp này thì môn chấp trì danh hiệu là phổ thông hơn hết, vì rất hợp cơ. Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, lắng tai nghe kỹ tiếng niệm từ miệng ra rồi in câu niệm Phật vào tâm. Nếu nhiếp được nhĩ căn thì các căn kia không thể buông lung chạy theo bên ngoài. Tu tập thuần thục và chắc chắn như vậy thì mau được nhất tâm bất loạn. Đại Thế Chí Bồ-tát bảo: "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối luôn, được Tam-ma-địa. Đây là bậc nhất". Vào Tam-ma-địa (Samadhi, đại định) rồi thì trí tuệ làu làu tỏ thông, thật tướng hiện bày, không cần quán tưởng cũng thấy cảnh Tây phương, không cần quán tượng cũng thấy Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí, nên chỉ một pháp trì danh mà gồm đủ các pháp khác.

Người tu Tịnh độ, ngoài thời khóa nhất định để lễ bái, chiêm ngưỡng, tán thán, niệm Phật ra, còn phải nhiếp tâm niệm thầm, chấp trì danh hiệu trong tâm tưởng khiến cho câu niệm Phật không gián đoạn. Khi 6 chữ hồng danh không gián đoạn thì nó trở thành một luồng nước ngầm mạnh mẽ, cuốn sạch hết những rác rến vọng tưởng phiền não. Bấy giờ không cần dẹp vọng mà vọng tự tiêu, không cần đối trị phiền não mà phiền não tự diệt.Khi niệm lực vững vàng thì Định lực phát sanh. Định lực vững chắc thì trí huệ sáng tỏ. Tâm địa hành giả trở nên thanh tịnh, tương ưng cùng tự tánh A Di Đà, bấy giờ tuy niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm vậy. So với Thiền thì Tịnh độ dễ hành trì hơn (Dị hành đạo), vì niềm tin vào tha lực như tăng sức mạnh, làm phấn khởi tinh thần. Hễ tin sâu, nguyện thiết, hành trì bền bỉ không gián đoạn thì chắc chắn được vãng sanh.

1.2. Những điểm tương đồng:

Trên đã lược sơ về những dị biệt căn bản giữa Thiền và Tịnh. Song vì pháp môn tu do Phật chế ra tuy có vô lượng, nhưng tất cả đều cùng một vị giải thoát, nên Thiền và Tịnh cũng có nhiều điểm tương đồng.

1.2.1. Thiền và Tịnh đều cột tâm vào một chỗ: Tâm chúng sanh sinh diệt từng sát-na với những ý tưởng thay đổi không ngừng, như khỉ chuyền cành, như ngựa chạy vườn hoang (tâm viên, ý mã), vì vậy mà năng lực trở thành yếu ớt kém cỏi. Nay dùng phương tiện cột tâm lại một chỗ khiến cho tâm được định tĩnh và sáng suốt. Ví như cây đèn vốn sáng, nhưng vì để gió lay động chao đảo nên không hữu dụng, phải dùng chụp đèn che gió, nhờ vậy mà ánh sáng tập trung lại được và đẩy lui bóng tối.

Thiền sinh nhờ chuyên tâm vào công án mà được định, người tu Tịnh nhờ dụng công niệm Phật nên được nhất tâm bất loạn. Phương pháp tuy khác nhau, nhưng tựu trung chỉ một mục đích.

1.2.2. Định của Thiền và Tịnh đưa đến trí huệ, ngộ nhập Phật tri kiến: tập trung ý thức vào một điểm, một chữ, một câu, một vấn đề thì có thể đạt đến trạng thái định tĩnh, an ổn, nhưng điều đó không có nghĩa là loại định nào cũng khai thông được trí huệ Bát-nhã. Thiền định Du-già (Yoga) đưa hành giả đến trạng thái cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nhưng không thể đi vào trí huệ Như Lai, vì vậy gọi là Thiền ngoại đạo.

Xin dẫn một ví dụ dễ hiểu hơn: Thuở xưa, có một vị thầy dạy đệ tử niệm Phật, nhưng khổ nỗi người này tánh hay quên, hễ dạy chữ sau thì quên chữ trước, nên trải qua cả năm trời cũng không thuộc được danh hiệu Phật. Ngày nào cũng theo hỏi xin thầy nhắc lại, ban đầu thầy còn kiên nhẫn lặp lại nhưng mãi rồi cũng sanh bực, thầy mắng "đồ ngu" và đuổi đi. Người đệ tử tưởng đó là danh hiệu Phật ngắn gọn dễ nhớ nên cứ thế mà lặp đi lặp lại: đồ ngu… đồ ngu… Về sau, vì thương nhớ đệ tử, thầy đi tìm, thấy anh ta đang rửa nồi cạnh bờ sông, miệng không ngừng niệm nho nhỏ, tư thái khoan thai, mặt mày thanh thản an lạc. Thầy vui lòng lắm, bước đến hỏi: "Từ lâu nay con vẫn thường niệm Phật đấy ư?". Anh đáp: "Dạ, con nhiếp niệm không xao lãng". "Thế con niệm gì?". Anh thưa "Dạ, thầy đã dạy con hai chữ đồ ngu" Thầy chợt hiểu, thương hại giải thích: "Đó là tiếng mắng, không phải danh hiệu Phật." Đệ tử vỡ lẽ ra thì trạng thái định của anh ta cũng tiêu mất và công đức cũng không còn.

Thế nên khi tâm duyên hệ chuyên nhất vào một cảnh, một chữ nào đó mà không móng khởi phân biệt thì có thể sanh khởi một thứ định, dẫn đến một năng lực phi thường (như phái Du-già - Yoga - ở Ấn Độ niệm chỉ một chữ "Umh" mà đạt được năng lực ấy). Môn đồ Tịnh độ niệm danh hiệu Phật, nhờ Phật lực gia trì nên khi được định thì thẳng vào cảnh giới Phật, đến lúc hoa sen nở thì thấy Phật, ngộ vô sanh, vào tri kiến Phật, thành bực Bồ-tát bất thoái chuyển.

Thiền sư tuy không chú trọng vào sự gia trì ngoại hộ của Phật, Bồ-tát, nhưng họ đã được trang bị chánh kiến Phật Đà, được Minh sư khai thị và đến khi chứng đắc cũng phải cầu ấn chứng, nên không sợ lạc vào tà ma ngoại đạo. Những vị này tự phá vỡ bức tường vô minh, tự hiển lộ Bát-nhã trí, tự chứng tức tâm tức Phật.

1.2.3. Thiền tông và Tịnh độ tông đều là pháp tu Đại thừa: Gọi Đại thừa hay Bắc tông là nói đến sự giải thoát toàn thể: mình/người, tâm/cảnh. Người tu Thiền cũng như tu Tịnh đều phát Bồ-đề tâm, trên thì mong cầu Phật đạo được thành tựu viên mãn, dưới thì nguyện cứu độ chúng sanh. Mình và tha nhân tuy không phải một, nhưng cũng không khác, nên làm sao mình an vui được khi chung quanh mọi loài đang thống khổ? Người tu Tịnh độ, tự mình tin vào bi nguyện của Phật, gắng sức tu hành lại còn gia công phát huy Đạo pháp. Về sự tướng thì xây chùa, tạc tượng, cúng dường, bố thí, v.v... Về lý tánh thì hoằng dương Phật pháp, gieo rắc niềm tin vào thế giới An Dưỡng của Đức Phật A Di Đà, lập ra hội niệm Phật để cùng chung tu niệm, nguyện hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh đều được vãng sanh Tịnh độ.Còn Thiền gia, một khi tỏ ngộ Thiền cơ rồi cũng ra sức hoằng dương Chánh pháp, hưng Thiền hộ quốc. Tùy theo căn cơ, Thiền sư khi giảng pháp Hữu, khi nói pháp Vô và không ngần ngại dạy môn đồ, cư sĩ niệm Phật cầu vãng sanh (như Ngài Vĩnh Minh, Đạo Xước, Đàm Loan, v.v...). Đối với những bậc đại căn thượng trí, sau khi phá vỡ được thành trì chấp ngã rồi thì tiến thêm một bước. Nhờ huệ nhãn ngày một sáng tỏ, các vị ấy thấu triệt thiệt tướng của vạn hữu: Nhất thiết duy tâm tạo. Do một tâm này mà có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhưng cũng một tâm này thôi mà có cảnh giới trời, người, Cực Lạc, Phật độ, v.v... thành ra tu mà không tu, đắc mà không có gì để gọi là chứng đắc, và độ tận chúng sanh mà thật ra không có chúng sanh nào được độ. Đó là giai đoạn Tâm Cảnh nhất như, Ngã Pháp song vong vậy.

Dù tu Thiền hay Tịnh, hành giả luôn luôn gắng gỏi công phu, trang nghiêm Giới đức để tiến tới cứu cánh viên mãn là thành Phật, chớ không dừng lại ở những hóa thành phương tiện. Họ vì lợi ích của chúng sanh mà phát nguyện tu hành, vì gánh vác sự nghiệp Như Lai mà gia công hoằng truyền Chánh pháp. Thậm chí cũng không mong cầu về Cực Lạc để an hưởng, không trụ nơi Niết-bàn để được tịch diệt an nhiên. Các vị đi về trong 3 cõi 6 đường, tự tại vô ngại, tùy duyên diệu dụng, tùy nguyện độ sanh.

1.2.4. Thiền hay Tịnh đều cần Tam vô lậu học - Giới, Định, Tuệ: Phóng túng, phá chấp như Thiền gia vẫn lấy Giới luật làm căn bản vì ngoài Giới ra, không cách chi thúc liễm thân tâm, không cách gì giữ được Giới thể trang nghiêm thanh tịnh. Giới là điều kiện cần thiết để góp phần giúp Thiền sinh vào Định. Từ Định mới đắc Huệ. Khi Định Huệ ngang bằng, công phu mới có kết quả. Từ xưa đến nay, trong lịch sử Thiền tông, chưa ai vượt qua quy cách này mà đạt Đạo bao giờ. Tu Tịnh độ cũng do trì giới, giữ gìn thân tâm thanh tịnh mà hành giả có thể chuyên chú niệm, tưởng, hầu đi đến nhất tâm. Từ nhất tâm bước vào Tam-muội (Samadhi) là Định và cuối cùng, khi Huệ trí được tỏ rạng là lúc thể nhập cùng tự tánh A Di Đà.

1.2.5. Trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền: Không những Thiền và Tịnh chỉ có vài điểm tương đồng kể trên, chúng ta còn tìm thấy Thiền trong Tịnh và Tịnh trong Thiền.

* Trong Thiền có Tịnh: Người tu Thiền phải thanh tịnh tâm ý, không để vọng tưởng quấy rầy, không dấy chứa phiền não, tham, sân, si. Tâm không bợn nhơ, ý không vẩn đục, đó là tâm an tịnh rất cần thiết cho hành giả vậy. Hễ tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Cho dù Thiền gia không nguyện về Cực Lạc, không muốn về mười phương Tịnh độ, nhưng vì sự chiêu cảm tương ứng giữa tâm và cảnh, Y báo và Chánh báo, họ vẫn tùy thời vãng lai nơi những cõi nước thanh tịnh. Chỉ trừ khi vì bổn nguyện độ sanh họ mới hóa thân nơi cõi Ta-bà ngũ trược ác thế mà thôi.

* Trong Tịnh có Thiền: Dĩ nhiên người tu Tịnh độ tới nơi tới chốn cũng không đi khác nẻo với Thiền gia. Niệm Phật, quán tưởng đến chỗ nhất tâm bất loạn là vào Thiền định. Đắc niệm Phật Tam-muội thì trí huệ tự nhiên khai mở thông suốt như người tu Thiền do nơi Đại định mà ngộ Pháp tánh vậy.

Đến như Thật Tướng Niệm Phật thì vào chỗ vô tướng, vô tác, vô trụ, thấu rõ chơn lý của vũ trụ nhân sinh, buông bỏ mọi chấp trước. Tình không, cảnh không, đây cũng là mục tiêu của Thiền gia, muốn thành người vô sự. Bởi thế, tuy chỗ hạ thủ công phu của hai tông không giống nhau, nhưng nẻo về chỉ có một. Tới nơi cứu cánh viên mãn thì Thiền là Tịnh, Tịnh là Thiền. Cho nên cổ đức để lại bài tụng sau đây:

Tham thiền, niệm Phật bổn lai đồng
Khám phá phân minh tổng thị không
Công đáo tự nhiên toàn thể hiện
Xuân lai y cựu bá hoa hồng.Dịch nghĩa:

Tham thiền, niệm Phật xưa nay đồng
Nhìn rõ phân rành trọn thể không
Công đến tự nhiên toàn thể hiện
Xuân sang như cũ trăm hoa hồng.

Trong tâm chỉ giữ chặt hồng danh A Di Đà, niệm niệm tương tục nào khác gì kẻ khởi nghi tình, khán thoại đầu. Hoặc quán tưởng, quán tượng hay quán cảnh giới Cực Lạc thì cũng như người tu thiền quán Tứ vô lượng tâm, tức nhiên công phu gồm đủ Chỉ, Quán. Ấy là trong Tịnh có Thiền vậy.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Mục lục

Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-08-2001