BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền Tịnh song tu

Ni Trưởng Thích nữ Như Thanh

Nhà xuất bản Tôn Giáo, Việt Nam
PL. 2544 – TL. 2001


Mục lục

1. NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT VÀ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA THIỀN VÀ TỊNH

1.1. Những điểm dị biệt
1.2. Những điểm tương đồng

2. THIỀN VÀ TỊNH BỔ SUNG CHO NHAU

2.1. Thiền bổ sung cho Tịnh
2.2. Tịnh bổ sung cho Thiền
2.3. Tự lực và tha lực phải đầy đủ

3. THẾ NÀO LÀ THIỀN TỊNH SONG TU?

3.1. Lý giải
3.2. Hành trì
Kết luận

4. NGHI THỨC TỌA THIỀN

a- Nghi thức nhập thiền
b- Nghi thức xả thiền
c- Phương pháp chà xát thân thể

-ooOoo-

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Theo gương Sư trưởng, bằng tấm lòng thiết tha phụng sự Đạo pháp và chúng sanh, đệ tử chúng con đã kết tập những lời chỉ dạy của Thầy về pháp "Thiền Tịnh Song Tu" và ấn tống quyển sách này.

Nguyện cho quyển sách nhỏ này được lưu thông rộng rãi và pháp Thiền Tịnh song tu được phổ cập trong đại chúng để mọi người con Phật đều được hưởng pháp lạc, pháp vị và cùng được vãng sanh về Cực Lạc, quê hương muôn thuở.

Nguyện đem công đức này trang nghiêm cõi Tịnh của Đức Phật A Di Đà và hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều phát đại Bồ đề tâm, viên thành Phật đạo.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ-tát.

-ooOoo-

THAY LỜI TỰA

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Giác linh Thầy,

Thầy đã đến như một vầng mây ngũ sắc, Thầy ra đi như một làn mây bạc nhẹ nhàng tan trong gió:

"Ngày về Phật là ngày thoát hóa,
Xác thân này tan rã còn chi!
Có Không, Không Có ra gì,
Như làn mây bạc, tan đi nhẹ nhàng…"

Qua những vần thơ di chúc, qua những chứng tích vãng sanh mà Thầy đã thị hiện, đệ tử chúng con có thể minh định rằng khi chùa Huê Lâm vắng bóng Thầy là lúc đóa sen nơi Liên Trì Hải Hội vừa nở. Đức Phật A Di Đà cùng bao Thánh chúng hoan hỉ đón một đệ tử, một bạn hữu vừa trở về sau thời gian hành Bồ-tát Đạo nơi cõi Ta-bà nhiễu nhương ngũ trược:

"Ngày về Phật thênh thang nhẹ gót...
...Như người cất bước dặm trình quê xưa

Kính bạch Giác linh Tôn sư,

Sau hơn 60 năm hành Đạo hóa đời, Thầy đã để lại một đạo nghiệp lớn lao gồm đủ vô vi và hữu vi, đã nâng cao trình độ tu học của đại đa số Ni chúng miền Nam, thành lập Ni Bộ Bắc Tông, chỉnh đốn kỷ cương lề lối, nghiêm trì giới luật nhằm đào tạo những người con Phật đầy đủ phẩm chất đạo hạnh để gánh vác Phật sự, đảm đương vai trò sứ giả Như Lai.

Hơn ai hết, là đệ tử của Thầy, không luận là xuất gia hay tại gia, tất cả chúng con đều được hưởng thâm ân giáo dưỡng, lại được thấm nhuần hạnh giáo vô ngôn mà Thầy đã thể hiện qua cách hành xử của một Bồ-tát suốt đời vì Đạo quên thân.

Thầy đã đi vào sinh tử để cứu nguy sinh tử. Lẽ nào chúng con vô tâm như những người con của vị trưởng giả, cứ mải mê vui chơi trong ngôi nhà lửa đỏ vây quanh?

Chúng con ý thức được mình phải làm gì để tiếp tục hoài bão, kinh dinh đạo nghiệp của Thầy và tự giải thoát ra khỏi khổ đau sinh tử. Một trong những cố gắng của chúng con là in ấn, lưu truyền lại pháp THIỀN TỊNH SONG TU mà Thầy đã truyền dạy cho chúng con từ bấy lâu nay, do Phật tử Diệu Nga biên soạn lại.

Thực hành và lưu thông pháp "Thiền Tịnh Song Tu", theo thiển ý của chúng con, là phương cách thực tiễn để tự độ, độ tha, giúp mình và người đều có phương tiện thoát ly sanh tử luân hồi.

Nhân lễ Đại tường của Thầy hôm nay, chúng con xin kính dâng quyển sách nhỏ này lên Thầy chứng minh.

Chúng con ngưỡng mong chư Tôn đức từ bi chỉ chính cho những điều sai sót để chúng con có cơ hội học hỏi và làm cho quyển "Thiền Tịnh Song Tu" được hoàn bị hơn.

Chúng con ngưỡng cầu Chư Phật từ bi gia hộ cho những ai có dịp đọc qua quyển sách này đều phát lòng kính tin, ngưỡng mộ và thực hành cho đến khi thành tựu viên mãn pháp môn vi diệu Thiền Tịnh Song Tu.

Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ-tát
Nam mô Từ Lâm Tế chánh tông, đệ tứ thập thế, Sư trưởng Ni Bộ Bắc Tông, Huê Lâm đường thượng, Tỳ-kheo-ni Hòa thượng thượng Như hạ Thanh, liên tòa chứng giám.

Hàng đệ tử xuất gia và tại gia đồng kính lễ tam bái.

-ooOoo-

LỜI NÓI ĐẦU

Trong mười tông phái chính của Phật giáo thì Thiền tông và Tịnh độ tông được phổ cập nhiều nhất, trải qua mấy ngàn năm nay. Thiền xuất hiện sớm, từ thuở Sơ tổ Ca Diếp ở Ấn Độ được Đức Phật Thích Ca truyền tâm ấn đã phát triển rực rỡ ở Tây Thiên với sự tiếp nối truyền thừa của 28 vị Tổ. Vị Tổ thứ 28 là ngài Bồ Đề Đạt Ma, đã vâng lời Sư phụ là Bát Nhã Đa La (Tổ thứ 27) rời Thiên Trúc sang Đông Độ (năm 520) để truyền trao mạch Thiền.

Ngài Bồ Đề Đạt Ma trở thành vị Tổ thứ nhất của Trung Hoa. Liên tục đến đời thứ sáu thì Thiền Trung Hoa chia làm hai nhánh, ngài Huệ Năng ở phương Nam chủ trương đốn tu đốn chứng, ngài Thần Tú ở phương Bắc thì dạy tiệm tu tiệm ngộ.

Từ đó, nguồn Thiền lan rộng không chỉ ở Trung Hoa mà còn sang các nước ở vùng Đông Nam Á tạo thành nhiều hệ phái tùy theo sắc thái đặc biệt của mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Mặc nhiên, mọi người đều xem Thiền tông là phái quan yếu lưu truyền mạng mạch Phật Pháp.

Tịnh độ tuy cũng được Đức Bổn Sư Thích Ca giảng nói và kinh sách Tịnh độ cũng được kết tập rõ ràng sau khi Phật nhập diệt, nhưng sự phát triển ở bước đầu không đáng kể. Điều đáng ghi nhận là Bồ-tát Mã Minh (vị tổ thứ 12 của Ấn Độ) trong Khởi Tín Luận đã ca ngợi pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây phương và chính Ngài cũng phát nguyện vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Đến đời Tổ thứ 14 là ngài Long Thọ (100 – 200 TL) với Trúc Tỳ Bà Sa cũng hết lời tán thán cảnh Tây phương và tôn sùng pháp môn niệm Phật.

Tuy nhiên pháp môn này không phát triển ở Ấn Độ. Mãi đến về sau, ở Trung Hoa, đời Nam Tống, nhờ Tổ Huệ Viễn hết lòng xiển dương mà pháp môn Tịnh độ bắt đầu đơm hoa kết trái, thành tông phái rõ ràng, được sự tiếp nối tổng cộng đến 13 vị Tổ mà ngài Ấn Quang là vị sau rốt. Từ ấy đến nay, tuy không có vị Tổ nào xuất hiện, nhưng pháp môn Tịnh độ đã đi sâu vào quảng đại quần chúng từ nước Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, Mãn Châu đến Nhật Bản và Việt Nam. Vô số người được vãng sanh với chứng tích đầy đủ rõ ràng.

Vì hay có sự chống đối luận biện, đả kích giữa hành giả tu Thiền và Tịnh nên nhiều người cho rằng Thiền và Tịnh đối nghịch mâu thuẫn nhau như nước với lửa. Thực ra, trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền. Hai pháp môn này bổ sung cho nhau một cách tuyệt hảo, cho nên từ đời Tổ Liên Trì Đại Sư ở Trung Hoa, Ngài đã đề xướng lý Nhất tâm đế hội thông Thiền Tịnh để hòa dung Thiền và Tịnh. Từ đó khai sinh pháp Thiền Tịnh song tu mà kết quả bảo đảm được Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ xác nhận như sau: "Người nào vừa tu Thiền vừa tu Tịnh độ cũng như cọp có thêm sừng. Đời này làm thầy người, đời sau sẽ thành Phật, tác Tổ."

Trong khuôn khổ của bài này, chúng tôi xin trình bày thế nào là Thiền Tịnh song tu, từ lý giải đến sự hành trì. Chúng tôi tuy chỉ là đám cỏ non dưới gốc cây đại thụ, nhưng vì sự lợi ích thực tiễn của pháp tu Thiền Tịnh, xin mạo muội trình bày cùng quý Phật tử khắp nơi để chúng ta chung hưởng Pháp lạc.

Bài tiểu luận này gồm những đề mục sau đây:

1. Những điểm dị biệt và tương đồng giữa Thiền và Tịnh.

1.1 Những điểm dị biệt
1.2 Những điểm tương đồng

2. Thiền và Tịnh bổ sung cho nhau

2.1. Trong Tịnh có Thiền
2.2. Trong Thiền có Tịnh
2.3. Tự lực và tha lực phải đầy đủ

3. Thế nào là Thiền Tịnh song tu?

3.1. Lý giải
3.2. Hành trì

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Mục lục

Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-08-2001