BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thanh Tịnh Ðạo
Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt


Chương XIX

Ðoạn Nghi Thanh Tịnh

(Kankhàvitarana-Visuddhi- Niddesa)

-ooOoo-

1. Cái trí được thiết lập do vượt qua hoài nghi về ba thời bằng cách phân biệt các duyên của danh-sắc, gọi là thanh tịnh nhờ đoạn nghi.

Các Cách Phân Biệt Nhân Và Duyên

2. Vị tỷ kheo muốn viên mãn việc này, khởi sự đi tìm nhân và duyên của danh-sắc, cũng như khi lương y đứng trước một cơn bệnh tìm nguyên nhân gây bệnh, hay khi người giàu lòng bi mẫn trông thấy một đứa trẻ nằm trên đường, phải tự hỏi cha mẹ nó là ai.

Không Do Một Ðấng Tạo Hóa Sanh, Cũng Không Phải Vô Nhân

3. Ðể bắt đầu, người ấy xét như sau: "Trước hết, danh-sắc này không phải vô nhân, vì nếu vô nhân thì kết quả sẽ là danh-sắc giống nhau ở khắp nơi, vào mọi thời. Nó không có một Sáng tạo chủ, vì không hiện hữu một Sáng tạo chủ, v.v... (xem Ch.XVI, 85) ngự trị trên danh-sắc. Nếu người ta biện luận rằng danh-sắc chính nó là sáng tạo chủ v.v... của nó, thì kết quả là cái danh-sắc ấy, mà họ xem là Sáng tạo chủ, chính nó sẽ là thành vô nhân. Do vậy, phải có nhân và duyên cho danh sắc. Ðó là những gì?

4. Sau khi hướng sự chú ý đến nhân và duyên của danh-sắc, hành giả trước hết phân biệt nhân và duyên của cái thân vật lý (sắc) như sau: "Khi thân này sanh ra, nó không phải sanh ra trong một bông sen, bóng sáng màu xanh, đỏ hay trắng v.v... hay trong một kho ngọc ngà châu báu nào cả, trái lại, như một con dòi sanh trong cá thối, thây thối, bột thối, trong rãnh nước dơ, trong hố phân. Nó được sanh ra ở giữa bọc chứa thức ăn chưa tiêu và bọc chứa thức ăn đã tiêu, ở đằng sau màng bụng, trước xương sống, vây quanh bởi lòng và ruột, trong một chỗ hôi hám, ghê tởm buồn nôn như thế. Khi được sanh ra kiểu ấy, nhân của nó là bốn thứ: vô minh, ái, thủ và nghiệp. Vì chính những thứ này làm ra sự sanh của thân xác. Và thức ăn là duyên của nó, vì chính thực phẩm củng cố thân xác. Như vậy, có năm món làm nên nhân và duyên cho sắc thân. Và trong năm thứ này, thì ba thứ vô minh, ái, thủ là nhân - y duyên cho thân, như bà mẹ đối với hài nhi, và nghiệp sanh ra nó, như cha đối với đứa bé, thực phẩm bảo trì nó, như vú nuôi đối với trẻ.

Sự Sanh Ra Của Nó Luôn Luôn Có Ðiều Kiện

5. Sau khi phân biệt duyên của sắc thân như vậy, hành giả lại phân biệt danh-thân (tâm) như sau; "Do con mắt và sắc, nhãn thức sanh". (S. ii, 72) Khi hành giả đã thấy rằng sự sanh khởi của danh-sắc là do nhiều duyên hay điều kiện thì cũng thấy rằng, trong hiện tại đã vậy, thì trong quá khứ và tương lai cũng vậy, danh-sắc sanh do nhiều duyên.

6. Khi hành giả thấy vậy, tất cả nghi hoặc được rũ bỏ. Ðó là năm mối nghi về quá khứ như: "Trong quá khứ ta có mặt? hay không có mặt? Ta là gì trong quá khứ? Ta như thế nào trong quá khứ? Ta đã là cái gì sau khi là gì, trong quá khứ?"

Và năm nghi hoặc về tương lai như sau: " Trong tương lai ta có mặt? hay không có mặt? Ta sẽ là gì trong tương lai? Ta sẽ như thế nào trong tương lai? Sau khi là gì, ta sẽ là gì trong tương lai?" Và sáu loại nghi hoặc về hiện tại như sau: "Hiện tại ta có mặt? Hay không có mặt? Hiện tại ta là gì? Ta như thế nào trong hiện tại? Từ đâu tự ngã này đi đến? Tự ngã này sẽ đi về đâu?" (M. i, 8)

Các Duyên Tổng Và Biệt

7. Một người khác thấy có hai thứ duyên cho danh, là chung (tổng), và không chung cho tất cả (biệt); và bốn duyên cho sắc là nghiệp, tâm, thời tiết, đồ ăn.

8. Duyên cho danh có hai, chung và riêng. Sáu căn và sáu trần là duyên chung cho danh, vì tất cả loại tâm thiện, bất thiện đều sanh do duyên ấy. Nhưng tác ý v.v... thì không chung cho tất cả, vì như lý tác ý, nghe diệu pháp v.v... chỉ là duyên cho thiện tâm, trong khi những loại ngược lại, là duyên cho bất thiện. Nghiệp v.v... là duyên cho dị thục danh, và hữu phần v.v... là duyên cho tâm duy tác.

9. Nghiệp, tâm, thời tiết, đồ ăn là duyên cho sắc sanh khởi đầu bởi nghiệp. Ở đây chỉ khi nghiệp đã trở thành quá khứ mới là duyên cho sắc do nghiệp, tâm là duyên khi nó đang sanh, cho sắc do tâm sanh. Thời tiết và thức ăn là duyên trong trú thời của chúng cho sắc do thời tiết và đồ ăn sanh. Ðây là cách phân biệt duyên của danh-sắc.

10. Khi vị ấy đã thấy danh-sắc do duyên sanh như vậy, vị ấy cũng thấy luôn rằng, như hiện tại, trong quá khứ danh sắc cũng do duyên sanh, và trong vị lai, sự sanh của danh sắc cũng do duyên. Khi thấy như vậy, sự nghi hoặc của vị ấy về ba thời được đoạn trừ như đã nói.

Duyên Sanh - Ngược Chiều

11. Một người khác, khi thấy rằng các hành gọi là danh sắc đi đến già, và các hành đã già, tan rã, vị ấy phân biệt các duyên của danh sắc bằng lý duyên sinh ngược chiều như sau: Ðây là già chết của các hành, già chết này có mặt khi có sự sanh ra, sanh có mặt khi hữu có mặt, hữu có mặt khi thủ có mặt, thủ có mặt khi ái có mặt, ái có mặt khi thọ có mặt. Thọ có mặt khi xúc có mặt, xúc có mặt khi thức có mặt, thức có mặt khi hành có mặt, và hành có mặt khi vô minh có mặt. Khi ấy, sự hoài nghi của hành giả được từ bỏ theo cách đã nói.

Duyên Sanh - Thuận Chiều

12. Một người khác phân biệt duyên của danh sắc bằng duyên khởi theo chiều thuận như đã nói (Ch.XVII, 29), như sau: "Vô minh duyên hành, v.v... " Khi ấy nghi hoặc của vị ấy được đoạn trừ theo cách đã nói.

Nghiệp Và Nghiệp Dị Thục

13. Một người khác phân biệt các duyên của danh sắc bằng vòng nghiệp và nghiệp báo như sau: "Trong nghiệp hữu đời trước, có vọng tưởng, tức vô minh, có tích lũy, tức hành, có bám víu, tức ái, có ôm giữ, tức thủ, có ý hành, tức hữu; như vậy năm món này trong nghiệp hữu quá khứ là duyên cho kiết sanh ở đây trong đời hiện tại.

Trong hiện tại, có kiết sanh, là thức, có nhập thai, là danh sắc, có tịnh sắc là sáu xứ, có cái được chạm, là xúc, có cái được cảm giác, là thọ. Như vậy năm món này trong sanh hữu hiện tại có duyên của chúng trong nghiệp đã làm thuộc đời quá khứ.

Trong hiện tại, với sự thuần thục các căn, có vọng tưởng, tức vô minh, có tích lũy, tức hành, có bám víu, tức ái, có ôm giữ, tức thủ, có ý dục, tức hữu, như vậy, năm món này ở đây trong nghiệp hữu hiện tại là duyên cho kiết sanh trong tương lai.

Trong tương lai, có kiết sanh là thức, có nhập thai là danh sắc, có tịnh sắc là sáu xứ, có cái được chạm là xúc, có cái được cảm là thọ; như vậy năm món này trong sanh hữu vị lai có duyên của chúng là nghiệp đã làm trong hữu hiện tại". (Ps.i, 52)

14. Ở đây, nghiệp có bốn: Nghiệp có quả báo được cảm thọ ngay bây giờ, được cảm quả lúc ái sanh, được cảm quả trong một đời mai hậu, và nghiệp không có báo (hiện báo, sanh báo, hậu báo và vô báo).

Trong những thứ ấy, (1) tư tâm sở hoặc thiện hoặc bất thiện thuộc tốc hành tâm đầu tiên, trong bảy tốc hành tâm thuộc một lộ trình tâm duy nhất, gọi là nghiệp hiện báo, nó cho quả báo ngay trong cùng một "ngã tánh" ấy. Nhưng nếu nó không cho quả báo như vậy, thì gọi là (4) nghiệp không có báo (ahoskiamma). (2) tư tâm sở thuộc tốc hành tâm thứ bảy hoàn tất mục tiêu nó, gọi là nghiệp sanh báo, bởi nó cho quả báo trong ngã tánh kế tiếp. Nếu không có quả báo, thì gọi là nghiệp không báo như trên (3) tự tâm sở ở tốc hành thứ năm gọi là nghiệp hậu báo, nó cho quả báo trong tương lai khi có dịp. Và cho dù vòng tái sanh có tiếp tục dài bao lâu đi nữa, nó cũng không bao giờ trở thành vô báo.

15. Một cách phân loại khác về bốn loại nghiệp: cực trọng nghiệp, thường nghiệp, cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp.

[Chú thích: cực trọng nghiệp là nghiệp bất thiện rất đáng trách, hoặc thiện nghiệp rất manh, thường nghiệp là những gì được làm theo thói quen, và lặp lại nhiều lần. Cận tử nghiệp là những gì được nhớ lại một cách sống động vào lúc lâm chung. Ðiều muốn nói là, cái được làm vào lúc chết không thành vấn đề. Cực trọng nghiệp chín mùi trước hết, nên nó được gọi như vậy. Khi cực trọng nghiệp không có, thì những gì được làm nhiều lần, sẽ chia. Khi nghiệp này cũng không có, thì cận tử nghiệp. Khi cận tử nghiệp cũng không, thì nghiệp làm từ những đời trước, gọi là tích lũy nghiệp chín mùi. Và ba thứ nghiệp sau này khi sanh có thể mạnh hay yếu. Ðôi khi vì nhiều lý do, quả báo của một loại nghiệp này có thể triển han hoặc thay thế bằng quả báo của một nghiệp khác. Ðây là phạm vi thấy biết của Như lai về nghiệp.]

Ở đây, (5) khi có một nghiệp cực trọng và không cực trọng thì nghiệp nặng hơn trong hai thứ hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc nghiệp giết mẹ, hay nghiệp thuộc cảnh giới cao, chiếm ưu thế trong khi chín mùi. (6) Cũng vậy khi có nghiệp thường và không thường, thì nghiệp thường xuyên hơn sẽ thắng lướt, dù thiện hay ác, chín mùi trước (7). Cận tử nghiệp là nghiệp được nhớ lại vào lúc sắp chết. Vì khi một người gần chết có thể nhớ lại lúc sắp chết. Vì khi một người gần chết có thể nhớ lại nghiệp, thì nó tái sanh tùy theo đó. (8) Nghiệp không thuộc ba loại trên mà thường làm, thì gọi là tích lũy nghiệp. Nghiệp này đem lại kiết sanh khi những nghiệp kia không có.

16. Một cách phân loại nghiệp nữa là sanh nghiệp, trì nghiệp, chướng nghiệp và đoạn nghiệp.

Ở đây, (9) sanh nghiệp vừa là thiện và bất thiện. Nó phát sinh các uẩn sắc, vô sắc ở kiết sanh cũng như trong một đời. (10) Trì nghiệp không thể phát sinh quả báo, nhưng khi quả báo đã được phát sanh trong tư lương của một kiết sanh bởi một nghiệp khác, thì trì nghiệp có tác dụng củng cố lạc hoặc khổ đã khởi lên và làm nó kéo dài. (11) Và khi quả báo đã được phát sanh bởi nghiệp khác trong tư lương của kiết sanh, thì chướng nghiệp làm trở ngại, ngăn cản lạc hay khổ đã khởi lên, không để nó kéo dài. (12) Ðoạn nghiệp vừa thiện vừa bất thiện, nó nhổ gốc nghiệp khác yếu hơn, ngăn chanä quả báo của nghiệp này, và đoạt mất cơ hội của nghiệp này để đem lại quả báo riêng nó. Nhưng khi cơ hội đã được cung cấp bởi nghiệp khác ấy, thì chính quả báo của đoạn nghiệp này được gọi là sanh khởi.

17. Chuỗi liên tục nghiệp và quả báo trong 12 loại nghiệp ấy chỉ hiện rõ trong bản chất thật của bó với tri kiến của chư Phật về nghiệp và báo. Tri kiến ấy không ấy có thể được rõ biết một phần bởûi một người thực hành tuệ quán. Vì lý do đó sự giải thích về nghiệp sai khác này chỉ nêu lên những đề mục.

Ðấy là cách phân biệt danh sắc bằng vòng nghiệp và nghiệp báo, áp dụng cách phân biệt 12 phần này cho vòng nghiệp.

18. Khi hành giả đã thấy như vậy nhờ vòng nghiệp và nghiệp-báo, rằng danh sắc sanh do một duyên, vị ấy thấy luôn rằng hiện tại đã vậy, thì quá khứ và tương lai cũng vậy, danh sắc sanh là do duyên cái vòng nghiệp và nghiệp báo. Ðây là nghiệp và nghiệp báo, vòng nghiệp và vòng nghiệp báo, sự sanh khởi của nghiệp, và sự sanh khởi của báo, sự tương tục của nghiệp và tương tục của báo, hành động và kết quả hành động.

Nghiệp báo diễn tiến từ nghiệp.
Quả báo có nghiệp là nguồn gốc
Hữu trong tương lai phát xuất từ nghiệp
Ðây là cách thế gian luân chuyển

19. Khi thấy rõ như vậy, hành giả bỏ được tất cả nghi hoặc, tức 16 nghi nói ở đoạn 6.

Không Có Người Làm Chỉ Có Nghiệp Và Báo.

Trong tất cả loại hữu sanh, thú, thức trú và hữu tình cư, chỉ có danh sắc xuất hiện, sanh bằng sự liên kết nhân-quả, hành giả không thấy có người làm ở ngoài động tác. Không có con người cảm thọ quả báo ở ngoài sự sanh quả báo. Nhưng vị ấy thấy với trí tuệ chân chánh rằng bậc trí nói "người làm" khi có sự làm và "người cảm thọ" khi có cảm thọ, chỉ là nói tùy thuận thế tục. Do đó cổ đức nói:

20.

Không có người làm nghiệp
cũng không người gặt quả báo
Chỉ có hiện tượng trôi chảy
thấy khác thế là không đúng

Và khi nghiệp và báo
duy trì vòng quay theo nhân duyên
như hột và cây tiếp nối lẫn nhau
người ta không thể chỉ ra khởi thủy
trong vòng sinh tử ở tương lai
cũng không thể nói là chúng không sanh

Vì không biết được điều này,
mà ngoại đạo không đạt tự chủ,
chúng chấp có tự ngã
Thấy nó là thường hoặc đoạn,
Chấp thủ 62 tà kiến
Chủ trương trái ngược lẫn nhau
Dòng khát ái cuốn trôi phăng chúng
Bị vướng trong lưới kiến chấp của mình,
Và khi bị cuốn theo dòng như thế,
Chúng không thoát khỏi khổ đau

Một tỷ kheo đệ tử Phật
Khi đã thắng trí điều này,
Có thể thâm nhập duyên sanh
Trống rỗng, sâu xa và vi tế.
Không có nghiệp trong báo
cũng không có báo trong nghiệp
mặc dù chúng "không" lẫn nhau,
nhưng không có quả nếu không có nghiệp.

Như lửa không hiện hữu
trong mặt trời, ngọc, phân bò
mà cũng ở ngoài chúng,
nhưng được phát sinh nhờ những yếu tố này.

Cũng vậy quả không thể thấy
ở trong nghiệp hay ngoài nghiệp
nghiệp cũng không tồn tại
trong quả nó đã phát sinh
Nghiệp trống rỗng quả,
Quả cũng chưa có trong nghiệp,
Nhưng quả được sanh từ nghiệp,
hoàn toàn phụ thuộc vào đấy.

Vì ở đây không có Phạm thiên,
sáng tạo chủ của vòng tái sanh,
chỉ có những hiện tượng tuôn chảy,
do nhân duyên và các duyên khác.

Biết Thấu Ðáo Cái Ðược Biết ( Sở Tri)

21. Khi hành giả đã phân biệt các duyên của danh sắc bằng vòng luân chuyển nghiệp và nghiệp báo, và đã từ bỏ nghi hoặc về ba thời, thì các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại, được vị ấy hiểu rõ phù hợp với sự chết và kiết sanh. Ðó là sự "biết rõ cái được biết" của vị ấy. (xem Ch. XX, 3)

22. Vị ấy hiểu rằng: "Các uẩn đã sanh trong quá khứ do duyên nghiệp, đã chấm dứt tại đấy, nhưng các uẩn khác cũng đã được sanh ra trong hữu này, với nghiệp quá khứ làm duyên, mặc dù không có một vật gì đi từ hữu quá khứ đến hữu hiện tại. Và các uẩn sanh trong đời này do nghiệp làm duyên, sẽ chấm dứt, và trong tương lai các uẩn khác sẽ được sanh, mặc dù không một pháp nào sẽ đi từ hữu hiện tại đến hữu vị lai.

Lại nữa, như khi sự tụng đọc từ miệng vị thầy không đi vào miệng người học trò, nhưng không vì vậy mà sự tụng đọc không xảy ra ở miệng người học; hay khi nước phép do một người thay mặt (proxy) uống vào, không xuống bao tử của người bệnh, nhưng không vì vậy mà không chữa được bệnh; hoặc như khi đồ trang sức không đi vào cái bóng phản chiếu trong gương, nhưng không vì vậy mà chúng không xuất hiện trong gương; hay như ngọn đèn không di chuyển từ cái tim bấc này qua tim bấc khác nhưng không vì vậy mà không mồi được ngọn khác... Cũng vậy, không có gì di chuyển từ hữu quá khứ đến hũu hiện tại, hay từ đời hiện tại đến đời vị lai, nhưng uẩn xứ và giới vẫn sanh ở đây (đời này) với uẩn xứ giới trong quá khứ làm duyên, hoặc sanh trong tương lai với uẩn xứ giới hiện tại làm duyên.

23.

Cũng như nhãn thức kế tiếp theo sau ý giới,
nhãn thức này mặc dù không xuất phát từ ý giới,
vẫn không khỏi được sanh ra sau đó.

Cũng vậy, trong kiết sanh,
dòng tâm tương tục xảy ra,
tâm trước chấm dứt
tâm sau liền sanh
giữa hai cái không có khoảng cách
không có khe hở giữa hai tâm
Mặc dù không có gì qua lại
mà kiết sanh vẫn xảy đến

24. Khi tất cả pháp đều được vị ấy hiểu phù hợp với chết và kiết sanh như vậy, thì trí phân biệt các duyên của danh sắc trở nên minh mẫn trong mọi phương diện và 16 loại nghi càng được từ bỏ một cách dứt khoát hơn. Và không những thế mà thôi, vị ấy còn bỏ được tâm loại hoài nghi về đấng đạo sư, v.v... (A. iii, 248) và bỏ được 62 tà kiến (D. i)

25. Trí được an lập nhờ vượt qua hoài nghi về ba thời do phân biệt các duyên của danh sắc theo nhiều phương pháp khác nhau, gọi là đoạn nghi thanh tịnh hay còn gọi là trí biết tương quan các pháp, hay chánh tri và chánh kiến.

26. Vì điều này được nói: "Tuệ phân biệt các duyên như sau: "Vô minh là duyên, hành là pháp do duyên sanh, và cả hai duyên sinh", tuệ ấy gọi là trí biết tương quan nhân quả giữa các pháp". (Ps. i, 501) và "Khi vị ấy tác ý vô thường, thì những pháp gì được vị ấy thấy đúng, biết đúng? Làm thế nào là có chánh kiến? Thế nào suy từ đó, các hành được thấy rõ là vô thường? Ở đâu hoài nghi được từ bỏ? Khi vị ấy tác ý khổ... Khi vị ấy tác ý vô ngã, thì những pháp nào được vị ấy thấy đúng, biết đúng?... Ở đâu hoài nghi được từ bỏ?

"Khi tác ý vô thường, vị ấy thấy đúng, biết đúng tướng. Do đó mà chánh kiến được nói đến. Như vậy, suy từ đó, tất cả các hành được thấy rõ là vô thường. Ở đây hoài nghi được từ bỏ. Khi vị ấy tác ý khổ, thì thấy đúng và biết đúng sự sanh khởi. Do đó mà chánh kiến được nói đến... Khi vị ấy tác ý vô ngã, thì thấy biết đúng tướng và đó, tất cả pháp được thấy rõ là vô ngã. Ở đây, hoài nghi được từ bỏ.

"Thấy đúng và biết đúng và đoạn nghi những sự kiện này văn nghĩa đều khác, hay khác văn đồng nghĩa? Thấy đúng và biết đúng và đoạn nghi, những thứ này là một về ý nghĩa, chỉ khác về văn". (Ps. ii, 62)

27. Khi một người tu tuệ đã đạt đến trí này, tức đã tìm được an lạc trong giáo lý Phật, đã thấy một chỗ đặt chân, đã chắc chắn về số phận mình, vị ấy được gọi là một bậc dự lưu.

Vậy, một tỷ kheo hãy vượt qua hoài nghi
rồi luôn luôn chánh niệm,
hay phân biệt duyên
của danh và sắc một cách rốt ráo.

Chương XIX này "Ðoạn nghi thanh tịnh" trong luận về Tuệ tu tập, thuộc luận Thanh tịnh đạo, được soạn thảo để làm hoan hỉ những người hiền thiện.

-ooOoo-

01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04a | 04b | 05 | 06 | 07a | 07b | 08a | 08b | 08c | 09a | 09b |
 10 | 11 | 12a | 12b | 13a | 13b | 14a | 14b | 15 | 16 | 17a | 17b | 17c | 17d |
 18 | 19 | 20a | 20b | 21a | 21b | 22 | 23 | Mục lục | Đầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Đẳng, Chùa Pháp Luân, Texas,
đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 10-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 20-10-2001