BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thanh Tịnh Ðạo
Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt


Chương VIII (a)

Ðịnh: Những Ðề Mục Quán Khác Bằng Tùy Niệm

(Anussati Kammatthàna- niddesa)

-ooOoo-

Niệm Chết

1. Bây giờ, ta hãy nói về sự tu tập niệm chết (tử tưởng) được liệt kê kế tiếp phần sáu niệm.

Ðịnh nghĩa

Ở đây, chết (marana) là sự gián đoạn mạng căn được giới hạn trong một đời sống. Nhưng chết kể như sự đứt đoạn, nói cách khác sự chấm dứt cái khổ luân hồi nơi một bậc A-la-hán, thì không phải là điều muốn nói ở đây, cũng không phải là cái chết trong chốc lát, cũng không phải cái chết trong nghĩa thường dùng "như cây chết", "kim loại chết" v.v...

2. Cái chết muốn nói ở đây gồm hai loại, nghĩa là cái chết đúng thời hạn và cái chết phi thời. Ở đây, chết đúng thời xảy đến cùng sự hết phước đức hoặc hết thọ mạng hoặc hết cả hai thứ phước và thọ. Chết phi thời là cái chết xảy ra do cái nghiệp đến gián đoạn sanh nghiệp.

3. Ở đây, cái chết do hết phước đức là một danh từ để chỉ cái loại chết xảy đến chỉ do hậu quả của nghiệp đưa đến tái sinh ở đời trước đã chấm dứt mặc dù những điều kiện thuận lợi cho sự kéo dài tương tục tính của một đời có thể đang còn. Cái chết do thọ mạng tận là danh từ để chỉ loại chết xảy đến do sự chấm dứt thọ mạng thông thường của con người ngày nay, chỉ gồm một trăm năm do sự thù thắng về mạng (như Chư Thiên có) hoặc về thời gian (như đầu một thời kiếp thì có) hoặc về thức ăn (nhu những Uttarakurù v.v... có). Chết phi thời là danh từ chỉ cái chết của những người mà tương tục thọ mạng bị gián đoạn vì nghiệp có khả năng khiến chúng đoạ (cànava) khỏi vị trí của chúng ngay lúc ấy, như trường hợp Dùsi- Màra (xem M. i, 337). Kàlaburajà(xem Jà, iii. 39), v.v... Hoặc chỉ cái chết của những người mà sự tương tục thọ mạng bị gián đoạn do sự tấn công bằng khí giới v.v... Vì nghiệp đời trước. Tất cả những loại chết này được bao gồm dưới sự chấm dứt mạng căn thuộc loại đã mô tả, Bởi thế Niệm chết là sự nhớ lại cái chết, nói khác đi, nhớ lại sự gián đoạn mạng căn.

Tu Tập

4. Một người muốn tu tập phép quán này, cần đi vào độc cư và luyện sự tác ý một cách có trí tuệ như sau: "Chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn", hay: "Chết, chết".

5. Nếu luyện tập sự tác ý một cách thiếu trí tuệ khi niệm cái chết (có thể xảy ra) của một người thân thì sầu ưu sẽ sinh khởi, như khi một người nọ nghĩ đến cái chết của một đứa con cưng, và niềm hoan hỷ sinh khởi khi nghĩ đến cái chết c?a một người mình ghét, như khi những người thù nghĩ đến cái chết của người, và không một ý thức khẩn trương (sense of urgency) nào khởi lên khi tưởng cái chết của kẻ không thân không thù, như trường hợp xảy ra nơi một người thiêu tử thì khi thấy một thấy chết, và sự lo ngại khởi lên khi tưởng đến cái chết của chính mình, như thường xảy đến cho một người nhát gan khi thấy một kẻ sát nhân với cây kiếm.

6. Trong những trường hợp trên, đều không có chánh niệm, cũng không có ý thức khẩn trương, cũng không có tri kiến. Bởi thế hành giả nên nhìn chỗ này chỗ kia, những người đã bị giết hoặc đã chết, và tác ý đến cái chết của những hữu tình đã chết mà trước đây mình đã trông thấy chúng hưởng thọ các lạc, tưởng nghĩ như vậy với chánh niệm, với một ý thức khẩn trương và với tri kiến, sau đó hành giả có thể tác ý theo cách đã nói trên: "Cái chết đã xảy đến" làm như vậy, vi ấy tu tập niệm chết một cách có trí tuệ. Nghĩa là vị ấy tu tập niệm chết như là một phương tiện chính đáng.

7. Khi một người tu tập niệm chết như vậy, thì những triền cái của chúng được điều phục, niệm được an trú với cái chết làm đối tượng, và đề mục thiền đạt đến cận hành định.

Tám Cách Niệm Chết

8. Những người nào nhận thấy niệm chết không tiến xa đến mức ấy, thì hãy niệm chết theo tám cách như sau: (1) có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân, (2) sự thành công bị phá sản, (3) So sánh, (4) Thân thể bị san sẻ với nhiều chúng sinh, (5) Mạng sống mong manh, (6) Không tướng, (7) sự giới hạn của Không gian, (8) Sự ngắn ngủi của sát na.

9. 1) Ở đây, "như thế có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân" nghĩa là vị ấy nên tưởng thế này: "Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế". Tại sao? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống.

10. Cũng như những mộc nhĩ (nấm) luôn luôn mọc lên với bụi trên đầu, các hữu tình cũng sinh ra mang theo già chết. Vì thức liên hệ đến tái sinh của chúng đạt đến già ngay khi nó vừa sinh ra, rồi cũng tan rã với các uẩn liên kết với nó giống như một tảng đá rơi từ trên đỉnh một mỏm đá. Bởi thế, khởi dầu là cái chết từng sát na đi liền với sinh. Nhưng cái chết không thể tránh đối với những gì có sinh, do đó

11. Loại chết muốn nói ở đây cũng đi liền với sinh. Bởi thế, cũng như mặt trời mọc di chuyển dần đến lặn và không bao giờ quay trở lại dù chỉ trong chốc lát, hay như một dòng thác từ núi cao đổ xuống chảy xiết, luôn luôn tuôn chảy và tiếp tục đổ tới, không bao giờ quay trở lại dù chỉ trong thoáng chỗ, cũng vậy, chúng sinh này tuần tự du hành hướng về cái chết ngay từ khi nó vừa sinh ra không bao giờ quay trở lại dù chỉ trong chốc lát. Bởi thế có câu:

"Ngay từ lúc một con người vừa
Tượng hình trong bào thai
Là nó chỉ còn có nước là tiến
Tới trước, không thể dù chỉ một
Lần quay trở lui". (Jà. iv, 494)

Và trong khi nó tiến tới trước như vậy, cái chết đối với nó càng gần, giống như dòng sông nhở dần khô cạn dưới nóng mùa hạ, như trái chín dần đến thời rụng, như bình đất phải vỡ khi lấy búa đánh vào, như những giọt sương tan biến dưới ánh mặt trời. Do vậy có câu:

Ngày đêm trôi qua
Mạng sống tàn dần
Cho đến kết thúc
Như sông dần khô
Như trái đã chín
Ðợi kỳ rơi rụng
Cũng thế hữu tình
Khi đã sinh ra
Nơm nớp sợ lo
Cái chết sẽ đến
Như chiếc bình đất
Khi đã nặn ra
Dù lớn dù nhỏ
Dù nung không nung
Ðều phải tan vỡ.

Cũng thế đời người
Dần đến cái chết
Sương đầu ngọn cỏ
Tan dưới mặt trời
Cũng thế đời người
Mong manh hư ảo
Bởi thế, mẹ ơi
Ðừng ngăn cản con (Jà, iv. 122)

13. Bởi vậy cái chết này, đi kèm với sinh, thật giống như một kẻ sát nhân với cây kiếm chực sẵn. Và giống như kẻ sát nhân kề gươm vào cổ, cái chết đoạn mất mạng sống và không bao giờ đem trở lại mạng sống. Do vậy, cái chết xuất hiện như một kẻ sát nhân với cây gươm chực sẵn, khi nó đã đi cùng với sinh và đoạt mất mạng sống, ta phải tưởng đến cái chết "như dạng một kẻ sát nhân".

14. 2) Như sự thành công bị phá sản: sự thành công chói sáng bao lâu thất bại chưa đến thắng lướt nó. Nhưng không có sự thành công nào mà có thể tồn tại lâu dài không bị thất bại. Do đó:

Vua vui mừng bố thí một trăm triệu
Sau khi chinh phục toàn cõi đất
Cho đến cuối cùng vương quốc
Của ông chỉ còn
Giá trị không bằng nửa hạt giẻ
Nhưng khi phước đức hết
Xác thân vua thở hơi cuối cùng
Thì vua Asoka mệnh danh là Vô Ưu
Cũng phải thấy ưu sầu khi chạm mặt thần chết".

15. Hơn nữa, mọi sức khoẻ chấm dứt bằng tật bệnh, mọi tuổi trẻ chấm dứt bằng già nua, mọi sự sống chấm dứt bằng cái chết. Tất cả sự tồn sinh trên thế gian đều do sinh mà có, bị già ám ảnh, bị bệnh tật tấn công thình lình, và bị cái chết đánh ngã gục.

Như núi đá khổng lồ
Lớn rộng tới trời cao
Tiến đến từ mọi phía
Nghiền nát mọi sinh loài
Già chết nghiền nát hetá
Sát lợi, Bà-la-môn
Thương gia người công nghệ
Tiện dân và hốt rác
Nát hết chẳng chừa ai
Dù tượng quân, xa quân
Bộ quân hay chú thuật
Dù đem cả tài sản
Không đánh được tử thần. (S. i, 102)

Như vậy là cách tưởng đến cái chết: "như sự phá sản mọi sự nghiệp" bằng cách định nghĩa cái chết là vố phá sản cuối cùng của mọi thành công trên đời.

16. 3) Bằng cách so sánh là so sánh mình với những kẻ khác. Ở đây, chết cần được tưởng bằng cách so sánh theo 7 hạng: so với hạng người có danh vọng lớn, công đức lớn, sức mạnh lớn, thần thông lớn, trí tuệ lớn, với Ðộc giác và với Chư Phật. So sánh như thế nào?

17. Mặc dù những vị như Mahàsammata, Mandhàtu, Mahàsudassa, Dakasenki, Nisi v.v... Thật nổi tiếng vĩ đại có đông đồ chúng, tài sản khổng lồ, thế mà cuối cùng cái chết cũng tóm lấy họ không thể tránh thoát, vậy thì làm sao cuối cùng cái chết lại không đuổi kịp ta?

Cái chết cần được tưởng niệm như vậy, bằng cách tự ví với những người có danh vọng lớn.

18. Thế nào là so với người có công đức lớn?

Jotika, Jotila, Ugga
Nandaka và Punnaka
Cùng với những người khác
Thế gian đều bảo rằng
Họ rất nhiều công đức
Vậy mà họ cũng chết
Huống những kẻ như ta

Như vậy là tưởng cái chết bằng cách so với những người có công đức lớn.

19. Thế nào là bằng cách so với người có sức mạnh?

Vàsudava, Baladeva,
Bhìnasona, Yuddhitthila.
Và các Cànura người vật tay
Ðều ở dưới năng lực của tử thần
Họ nổi tiếng khắp thế giới
Là do sức mạnh hùng vĩ
Nhưng họ cũng đi đến cái chết
Huống những người như ta?

Cái chết nên được tưởng niệm như vậy bằng cách so với những người có sức mạnh.

20. Thế nào là so sánh với những người có thần thông?

Vị thứ hai trong số chư đại đệ tử
Vị thần thông đệ nhứt
Người với đầu ngón chân cái
Lấy được cả lâu vojayanta
Ngay cả người ấy nữa
Với năng lực thần thông
Vẫn rơi hàm thần chết
Như nai vào hàm sư tử
Huống chi đến hạng tôi?

Cái chết nên được tưởng niệm như vậy bằng cách so với những người có thần thông lớn.

21. Thế nào là so với người có trí tuệ lớn?

Thứ nhất trong hai đại đệ tử
Bậc trí tuệ siêu quần
Mà trừ Ðức Thế tôn ra
Không ai bằng phần mười sáu.
Nhưng dù tuệ căn lớn
Như của Xá lợi phất
Ngài cũng phải rơi vào
Năng lực của tử thần
Nói gì đến như tôi?

Cái chết cần được tưởng niệm bằng cách so với những bậc có trí tuệ lớn như trên.

22. Thế nào là bằng cách so với các bậc Ðộc giác? Ngay các vị nhờ sức mạnh của tự tri kiến mình và tự tinh tấn lực của mình, phá tan được tất cả giặc phiền não nhiễm ô và tự mình đạt giác ngộ, những bậc có thể đứng vững một mình như cái sừng tê giác, vẫn không thoát khỏi chết. Vậy làm sao ta lại có thể thoát được?

23. Thế nào là so với những đức Phật toàn giác? Ngay cả đức Thế tôn, mà sắc thân được trang hoàng bằng ba mươi hai đại nhân tướng và tám mươi tướng phụ (xem M. Kinh số 91, và D. Kinh 30), mà pháp thân đã viên mãn về giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn, thanh tịnh về mọi phương diện, đấng siêu việt về danh xưng, về công đức, về hùng lực, về thần thông, về trí tuệ, đấng không có ai sánh bằng, đấng ngang bằng với những đấng không ai sanh bằng, đấng không hai, đấng viên mãn giác ngộ- ngay đến Ngài cũng thình lình bị dập tắt bởi trận mưa lũ của cái chết, như một đống lửa lớn bị dập tắt bởi một trận mưa lũ.

24. Khi hành giả tưởng niệm cái chết bằng cách tự ví với những người khác, những người có danh xưng lớn, v.v... Dưới ánh sáng của tính phổ quát của cái chết, nghĩ rằng "Cái chết sẽ đến với ta như sẽ đến với những con người đặc biệt kia", thì khi ấy đề mục quán của hành giả đi đến cận hành định.

Ðó là cách tưởng niệm cái chết bằng cách so sánh.

25. 4) Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh: Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Trước hết, nó được chia sẻ cho 80 gia đình sâu bọ. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào lớp da ngoài, lấy da ngoài làm thức ăn, có những chúng sinh sống bám vào lớp da trong, lấy da trong làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào thịt, lấy thịt làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào gân, lấy gân làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào xương, lấy xương làm thực phẩm, những chúng sinh sống bám vào tuỷ, lấy tuỷ làm thực phẩm. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với tám mươi gia đình sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bịnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v...

26. Như một cái mục tiêu dựng lên ở ngã tư đường thì tên nhọn, cọc nhọn, đá, v.v... Bay tới từ mọi phía và trúng nhằm nó, cũng thế mọi thứ tai nạn giáng trên thân thể, và nó có thể đi đến chết chóc do những tai nạn này. Bởi vậy đức Thế tôn nói: "Ở đây, này các tỷ kheo, khi ngày tàn đêm xuống, một tỷ kheo suy nghĩ như sau: ta có thể lâm vào chết chóc bằng nhiều cách. Một con rắn có thể mổ ta, hoặc một con bò cạp hay con rết có thể đốt ta. Ta có thể chết vì lý do ấy, hoặc ta có thể vấp ngã, hoặc ta có thể chết vì trúng thực, vì mật bị đảo lộn, vì đàm bị đảo lộn, vì phong bị đảo lộn, làm khô những khớp xương của ta như dao nhọn". (A. iii, 306)

Ðó là cách tưởng niệm cái chết bằng cách tưởng thân xác là chỗ ở của nhiều chúng sinh cộng trú.

27. 5) Về sự mong manh của đời sống: sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.

28. Sự sống chỉ xảy ra khi hơi thở vào và hơi thở ra có đều đặn. Nhưng khi hơi gió trong lỗ mũi đã đi ra mà không vào lại, và khi nó đi vào mà không ra lại, thì khi ấy một con người được kể là đã chết.

Sự sống cũng chỉ có, khi bốn uy nghi được điều hoà, khi một trong bốn uy nghi trội hẳn ba cái kia, thì sự sống bị gián đoạn.

Sự sống cũng chỉ có khi nóng lạnh điều hoà. Khi quá nóng hoặc quá lạnh thì con người không thể sống.

Sự sống cũng chỉ xảy đến khi bốn đại điều hoà. Nhưng với sự rối loạn của địa đại, ngay cả một người mạnh cũng có thể chết nếu thân thể trở nên cững đờ, hoặc bị rối loạn một trong bốn đại khởi từ thuỷ đại, nếu thân thể trở nên mềm nhũn và thối vì tiêu chảy v.v... Hay nếu thân bị một cơn sốt hoành hành, hay nếu nó bị cắt đứt những đường gân nối các khớp xương (xem Ch. XI, 102)

Và sự sống cũng chỉ xảy ra nơi một người được thực phẩm đúng thời, nếu không được ăn, thì hết sống.

Ðây là cách tưởng chết trong sự mong manh của đời sống.

29. 6) Vô tướng: nghĩa là không định đoạt được (bất định). Nghĩa là cái chết không thể đoán trước được. Với tất cả chúng sanh thì:

Tuổi thọ, bệnh tật, thời gian, nơi chốn
Thân xác này được đặt xuống số phận;
Thế gian không bao giời biết được những điều này
Không có dấu hiệu gì báo trước những sự kiện ấy.

30. Ở đây, trước hết thọ mạng không có tướng vì không thể định đoạt những điều sau: phải sống chừng ấy thời gian, không nhiều hơn. Vì hữu tình chết vào nhiều giai đoạn khi còn là bào thai, vào giai đoạn như sữa đông (kalala) vào giai đoạn abbuda, pessi, ghana, vào lúc một tháng, hai tháng, ba tháng, bốn tháng, năm tháng, mười tháng, và vào lúc ra khỏi bụng mẹ. Sau đó hoặc chúng chết trước năm mươi tuổi hoặc sau năm mươi tuổi.

31. Bệnh không có tướng vì không thể định như sau: các hữu tình chỉ chết vì bệnh này, không chết vì bệnh nào khác. Chúng sinh thường chết vì đủ thứ bệnh khởi từ bệnh mắt, tai.... (xem A. v, 110)

32. Thời gian không có tướng vì không thể định đoạt rằng ta phải chết vào lúc này, không vào lúc nào khác. Vì các hữu tình có thể chết bất cứ vào thời khoảng nào, sáng hay trưa v.v...

33. Nơi chốn thân xác sẽ được đặt xuống cũng không có tướng, bởi vì không thể định rằng, khi người ta chết, chúng phải để thây của chúng nằm xuống tại chỗ này, không chỗ nào khác. Vì người sinh trong làng có thể chết để thây ở ngoài làng, người sinh ngoài làng, có thể chết để thây trong làng. Cũng thế, có kẻ sinh ra trên nước mà chết để thây trên đất, có kẻ sinh ra trên đất, chết để thân trên nước. Tương tự nhiều cách.

34. Số phận cũng không tướng vì không thể định rằng một kẻ chết chỗ kia phải tái sinh tại chỗ này. Vì có người chết từ thiên giới mà tái sinh ở cõi người, có người chết ở nhân gian mà tái sinh ở cõi trời v.v... Và với cách ấy thế giới xoay vần, chúng sinh xoay chuyển trong năm sanh thú (cõi) như con bò được gắn vào một cái máy.

Ðây là tưởng đến cái chết vô tướng

35. 7. Giới hạn của đời người: cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi. Do đó đức Thế tôn nói: "Này các tỷ kheo, đời người ngắn ngủi. Có đời sống mới phải đi đến, có các nghiệp thiện phải làm, có đời phạm hạnh phải được sống. Ðối với cái gì đã sinh ra, không có chuyện không chết. Người nào sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm năm.

Loài người thọ mạng ngắn
Bậc trí phải âu lo
Lữa cháy đầu, hãy sống
Tử vong rồi phải đến (S. i. 108)

Ðức Thế tôn lại nói: "Hỡi các tỷ kheo, ngày xưa có một bậc đạo sư tên Araka.." (A. iv. 136) toàn thể kinh này cần được dẫn với bảy ví dụ.

36. Và Phật còn dạy thêm: "Này có Tỳ kheo, khi một Tỳ kheo tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế tôn như vậy ta đã làm nhiều". Một vị khác: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế tôn. Như vậy ta đã làm nhiều". Một vị khác nữa: "Mong rằng trong thời gian một bữa ăn, ta sống tác ý đến lời dạy của Thế tôn. Như vậy ta đã làm nhiều". Và một vị nữa tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống trong khoảng thời gian nhai và nuốt bốn năm miếng, tác ý đến lời dạy của Thế tôn. Như vậy ta đã làm nhiều". Ðây là những tỷ kheo trú phóng dật, giải đãi tu tập niệm chết để phá trừ lậu hoặc.

37 "Và này các tỷ kheo, khi một tỷ kheo tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống thời gian nhai nuốt một miếng ăn, tác ý đến lời dạy của Thế tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Khi một tỷ kheo tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống khoảng thời gian hơi thở vào ra, hay trong khoảng thời gian hơi thở ra vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Ðây gọi là những tỷ kheo trú trong tinh cần, sắc bén tu tập niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc". (A. iii. 305-6)

38. Cuộc đời quả thật ngắn ngủi đến độ không chắc nó có kéo dài trong khoảng kịp nhai nuốt bốn hay năm miếng.

Ðây là niệm chết bằng cách tưởng đến thời khắc ngắn ngủi.

39. 8) Về tánh cách ngắn ngủi trong sát-na: Nói cho cùng, đời sống chúng sanh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm (điểm tiếp giáp với mặt đất), cũng thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: "Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai.

"Sự sống con người, lạc khổ,
Chỉ những thứ này
Họp lại trong một niệm thoáng qua
Các uẩn đã diệt của những
Người đã chết hay còn sống
Ðều giống nhau, một đi không trở lại
Không có thế giới sanh
Nếu ý thức không sanh
Khi ý thức có mặt,
Thì thế giới tồn tại
Khi ý thức tan rã,
Thế giới chết;
Theo ý nghĩa tuyệt đối
Là như vậy".

Trên đây là niệm chết theo nghĩa sự ngắn ngủi trong sát na.

Kết Luận

40. Khi hành giả tưởng niệm bằng một trong tám cách nói trên, tâm vị ấy đạt được chánh niệm an trú với chết là đối tượng, những triền cái bị áp đảo, và những thiền chi xuất hiện.

Nhưng vì đối tượng ở đây là những trạng thái mang tính chất cá biệt và sẽ làm khởi dậy ý thức cấp bách, nên thiền này không đạt đến định an chỉ mà chỉ đến định cần hành. Bây giờ, với sự tu tập đặc biệt, thiền siêu thế và các thiền vô sắc thứ hai và thứ tư có thể đạt đến định ngay cả với những trạng thái có tính chất cá biệt. Vì thiền siêu thế đạt định nhờ thiền tu dần dần các thanh tịnh, còn các thiền vô sắc thì đạt định nhờ vượt qua đối tượng (xem Chương X) vì ở đây, trong hai thiền vô sắc, chỉ có sự vượt qua đối tượng thiền đã đạt định. Nhưng ở đây, trong tưởng về cái chết thuộc về thế gian, thì không cả hai thứ kể trên bởi thế chỉ đạt định cần hành. Và cần hành định ấy được gọi là "tư tưởng" vì được khởi lên từ phương pháp ấy.

41. Một tỷ kheo niệm chết luôn luôn tinh cần tinh tấn. Vị ấy được sự không tham luyến đối với bất cứ loại hiện hữu nào. Vị ấy chinh phục được sự bám víu vào đời sống. Vị ấy thống trách ác pháp và tránh tích trữ nhiều. Vị ấy không bị cấu uế của lòng tham bốn vật dụng. Vô thường tưởng dần dần phát triển trong tâm vị ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã. Trong khi những chúng sinh chưa tu tập tư tưởng thường là nạn nhân của hãi hùng, kinh sợ, bối rối vào lúc chết, như thể thình lình bị dã thú vồ, bị ma quỷ bắt, rắn mổ, kẻ cướp hay sát nhân sấn tời, thì người tu tập niệm chết ngược lại chết một cách tỉnh giác không vọng tưởng, vô uý, không rơi vào bất cứ một tình trạng nào như trên. Và cho dù không đạt đến bất tử ngay trong hiện tại, ít ra vị ấy cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung.

Người thực sự có trí
Thì công việc thường xuyên
Là tưởng niệm cái chết
Có năng lực phi thường

Trên đây là đoạn nói về niệm chết với giải thích chi tiết.

Thân Hành Niệm

42. Bây giờ đến phần mô tả sự tu tập thân hành niệm kể như đề mục thiền, một pháp tu chưa hề được công bố trước khi Ðấng Ðại Giác xuất hiện, vượt ngoài lãnh vực của ngoại đạo. Pháp môn ấy đã được đức Thế tôn ca tụng bằng nhiều cách, trong nhiều kinh như: "Này các tỷ kheo, có một pháp này, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ minh và giải thoát. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm". (A i, 43). Và: "Hỡi các tỷ kheo, ai thưởng thức thân hành niệm người ấy nếm vị bất tử, ai không thưởng thức thân hành niệm người ấy không được nếm vị bất tử". Trong quá khứ, những ai đã nếm vị bất tử đều đã thưởng thức thân hành niệm. Những ai đã được pháp thân hành niệm, chính họ đã tìm thấy bất tử" (A. i, 45). Pháp này đã được mô tả trong 14 phần trong đoạn kinh bắt đầu như sau: "Này các tỷ kheo, thế nào là thân hành niệm được tu tập, được làm cho sung mãn có quả báo lớn, có lợi lạc lớn? Ở đây, này tỳ kheo, vị tỷ kheo đi đến khu rừng..." (M. iii, 89) Mười bốn chương đó là những chương nói về hơi thở, về thế ngồi, về các loại tỉnh giác, về pháp quán bất tịnh, quán tứ đại, và về chín pháp quán tử thi trên nghĩa địa.

43. Ở đây, ba đoạn nói về thế ngồi, về bốn loại tỉnh giác và về quán tứ đại, thuộc tuệ. Chín đoạn về quán nghĩa địa đề cập đến giai đoạn đặc biệt của tuệ gọi là quán nguy hiểm. Và bất cứ sự tu tập định nào đối với thi thể phình trương, v.v... Bao hàm ở đây, đều được giải thích trong phần Quán Bất Tịnh (chương VI). Vậy chỉ còn hai đoạn thuộc định là đoạn nói về hơi thở và sự hướng tâm đến vẻ gớm ghiếc (quán bất tịnh). Trong hai đoạn này, đoạn nói về hơi thở là một niệm đề mục thiền định riêng, gọi là Niệm Hơi Thở.

Kinh Văn

44. Những gì ở đây muốn nói về thân hành niệm, chính là 32 uế vật. Ðề này được gọi là sự hướng tâm đến vẻ gớm ghiếc của thân thể như sau: "Lại nữa, này các tỷ kheo, một vị tỷ kheo quán sát thân này, từ dưới bàn chân trở lên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tuỷ, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, niêm dịch, mủ, máu, mồ hôi, mỡ nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu". (M. iii, 90). Não dược bao gồm trong tuỷ, nên đây ta chỉ thấy có 31 vật.

45. Sau đây là mô tả sự tu tập dần dần bằng một luận giải về bản kinh.

Giải Thích danh từ

Thân này: là cái thân làm bằng bốn đại chủng này. Dưới từ bàn chân trở lên: từ các gót chân trở lên. Trên cho đến đỉnh tóc xuống; từ phần cao nhất của ngọn tóc đi xuống. Bao bọc bởi da: toàn thể xung quanh được kết thúc bằng da. Chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: vị ấy quán sát thân này đầy những bất tịnh thuộc đủ loại bắt đầu là tóc. Quán như thế nào? "Trong thân này, có tóc, lông, nước tiểu".

46. Ở đây, có nghĩa là được tìm thấy ở đấy. Trong thân này, là cái được diễn tả như sau: "Dưới từ bàn chân trở lên, trên từ đỉnh tóc trở xuống, và được bao bọc bởi da, là chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt". Thân: "cái xác. Xác người được gọi là thân (kàaya) vì đó là nơi tập hợp những dơ uế, vì những vật xấu xa (kucchita) như tóc, v.v... Và trăm thứ bệnh khởi đầu là bệnh về mắt, đều do thân làm nguồn gốc (àya). Tóc, lông: Những vật này khởi đầu bằng tóc, lông gọi là 32 uế vật. Câu văn ở đây cần được hiểu như sau: "Trong thân này có tóc, trong thân này có lông".

47. Khắp thần thể hơn một thước này, từ gót chân trở lên từ đỉnh tóc trở xuống, và từ khắp nơi trên da, không ai đã từng tìm được một chút gì đẹp đẽ, dù chỉ bằng hạt bụi, chẳng hạn chút ngọc trai, ngọc bích, pha lên, xa cừ, trái lại, chỉ tìm thấy đủ thứ hôi hám ghê tởm bất tịnh là tóc, lông... Nước tiểu".

Trên đây là luận giải về kinh văn.

Sự Tu Tập

48. Một thiện nam tử muốn tu tập đề mục thiền này phải đi đến một thiện tri thức như đã mô tả (Chương III, đoạn 61-73) để học pháp môn ấy. Và bậc thầy nào chỉ dẫn cách tu cho vị ấy cần bảo vị ấy bảy điều thiện xảo trong việc tu học và mười điều tốt đẹp trong sự chú ý.

Bảy Thiện Xảo Trong Sự Học

Ở đây, bảy thiện xảo trong tu học cần được nói rõ như sau: (1) thuộc lòng trên ngôn từ, (2) thuộc lòng trong tâm, (3) biết rõ màu sắc, (4) hình dáng, (5) phương hướng, (6) định xứ (7) giới hạn.

49. 1) Ðề mục quán này cốt chú ý đến khía cạnh ghê tởm. Dù hành giả có là Tam Tạng pháp sư đi nữa, sự thuộc lòng từ ngữ vẫn phải học khi bắt đầu chú ý đến đề mục. Vì đề mục chỉ trở thành rõ rệt cho vị ấy nhờ học thuộc lòng, như đối với hai vị thượng toạ học đề mục này với trưởng lão Mahadeeva ở xứ đồi (Malaya). Khi hai vị này xin Trưởng lão một đề mục thiền quán, Trưởng lão đã cho bản văn 32 uế vật, bảo: "Hãy học chỉ một cái này trong bốn tháng". Mặc dù hai vị này người thì thông hai tạng, người thông ba tạng, vậy mà bốn tháng sau họ mới chứng quả dự lưu nhờ tụng đọc và hiểu rõ bản văn. Bởi thế, bậc thầy khi giảng đề mục thiền cần phải bảo môn đệ tụng đọc cho thuộc trước.

50. Khi học, nên chia từng nhóm năm "tóc, lông". Và sau khi đọc "tóc, lông, móng, răng, da". Hãy đọc ngược lại" da, răng, móng, lông, tóc".

51. Kế đến với nhóm năm kế tiếp, sau khi đọc "thịt, gân, xương, tuỷ thận" vị ấy phải đọc ngược lại "thận, tuỷ, xương, gân, thịt".

52. Kế tiếp, với nhóm năm "phổi v.v... Sau khi đọc tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi ", vị ấy phải đọc ngược lại là " Phổi, lá lách, hoành cách mô, gan, tim, thận, tủy, xương, gân, thịt, da, răng, móng, lông, tóc".

53. Kế tiếp, với nhóm năm "não..." sau khi đọc "ruột non, ruột già, màng ruột, phân, não". Hành giả đọc ngược chiều "não, phân, màng ruột, ruột già, ruột non, phổi, lá lách, hoành cách mô, gan, tim, thận, tuỷ, xương, gân, thịt, da, răng, móng, lông, tóc".

54. Kế tiếp với nhóm sáu "mỡ.." sau khi đọc: "mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ" hành giả đọc ngược chiều: "mỡ, mồ hôi, máu, mủ, đàm, mật não, phân, màng ruột, ruột già, ruột non, phổi lá lách, hoành cách mô, gan, tim, thận, tuỷ, xương, gân, thịt, da, răng, móng, lông, tóc".

55. Kế tiếp, với nhóm sáu: "nước tiểu..." sau khi đọc: "nước mắt, nước mũi, nước miếng( bọt), nước mủ, nước khớp xương, nước tiểu". Hành giả đọc ngược chiều "nước tiểu, nước khớp xương, nước mủ, nước bọt, nước mũi, nước mắt, mỡ, mồ hôi, máu, mủ, đàm mật, não, phân, màng ruột, ruột già, ruột non, phổi, lá lách, hoành cách mô, gan, tim, thận, tuỷ, xương, gân, thịt, da, răng, móng lông tóc.

56. Hành giả phải đọc thuộc lòng như vậy một trăm lần, ngàn lần, hay cả trăm ngàn lần. Vì chính nhờ đọc như vậy mà đề mục thiền định thành quen thuộc, tâm khỏi tán loạn, các phần trở nên rõ rệt như những ngón tay hay như những cọc hàng rào.

57. 2) Sự nhẩm đọc trong tâm cũng cần thiết như đọc ra tiếng, vì sự đọc thành tiếng là một điều kiện giúp cho sự thuộc lòng trong tâm, và sự nhẩm trong tâm là một điều kiện để thâm nhập tính chất bất tịnh.

58. 3) Về màu sắc: màu sắc tóc v.v... cần được định rõ.

4) Về hình dáng: hình dáng các vật ấy cũng thế, cần định rõ.

5) Phương hướng: trong thân này, từ rốn trở lên gọi là hướng trên, từ rốn trở xuống gọi là hướng dưới. Bởi thế phương hướng được định rõ như sau: "Phần này ở về hướng này".

6) Ðịnh xứ: chỗ ở nhất định của thân phần này hay khác cần định rõ như sau: phần này được an lập ở chỗ này.

59. 7) Giới hạn: có hai cách định giới hạn, là định giới hạn của phần ấy bằng cách nói rõ nó được giới hạn trên dưới, xung quanh bằng cái này. Hoặc định bằng cái khác với nó như: tóc không phải là lông, và lông không phải là tóc.

60. Khi dạy về thiện xảo trong sự học bằng bảy cách như thế, vị thầy nên biết trong những kinh nào đề mục thiền định này được giảng giải theo quan điểm bất tịnh, và trong kinh nào được giảng giải theo quan điểm bốn đại. Vì trong kinh Ðại niệm xứ (D. 22) các phần được trình bày trên khía cạnh bất tịnh. Trong kinh Tượng Tích dụ (M. 28), kinh Giáo giới Rahula (M. 62) và Giới phân biệt (M. 140) các phần được trình bày dưới khiá cạnh tứ đại. Tuy nhiên trong kinh Thân hành niệm (M. 119), bốn thiền được giải thích liên hệ đến một vị mà đề mục thiền này đã xuất hiện với vị ấy như một Kasina màu sắc (xem Chương III). Ở đây khi giảng đề mục này là tứ đại, thì đó là thiền quán và khi giảng là bất tịnh thì đó là một đề mục về tịnh chỉ. Do đó ở đây bàn về nó như là một đề mục định.

Mười Thiện Xảo Về Sự Chú Tâm

61. Sau khi dạy bảy thiện xảo trong học tập, vị thầy cần nói về mười thiện xảo trong việc chú tâm như sau (1) về thứ tự, (2) không quá nhanh, (3) không quá chậm (4) tránh phân tâm, (5) vượt qua khái niệm, (6) về sự từ bỏ liên tục, (7) về định, (8-10) về ba bản kinh.

62. 1) Ở đây, về thứ tự: là từ khi bắt đầu học thuộc, cần phải chú ý theo dõi thứ tự không bỏ sót. Khi một người không giỏi leo trèo lên một cái thang có ba mươi hai nấc mà cứ leo hai nấc một, thì thân thể vị ấy sẽ mệt mỏi và phải té trước khi tới đỉnh, cũng thế, một người chú tâm trên 32 phần mà bỏ sót thì tâm sẽ mệt mỏi và không hoàn tất sự tu tập, vì vị ấy không đạt được sự thoả mãn cần phải đạt nhờ tu tập thành công.

63. 2) Khi chú tâm trên đề mục thiền này bằng cách theo dõi thứ tự từng nhóm, hành giả không nên làm quá nhanh. Vì cũng như người khởi hành cuộc hành trình ba dặm, dù vị ấy đã đi về cả trăm lần một cách mau chóng song nếu không chú ý những khúc quanh cần tránh ho?c phải theo, thì vị ấy vẫn cứ phải hỏi cách làm sao để đến đích. Cũng vậy, khi thiền giả chú tâm đến đề mục, đề mục vẫn không trở nên rõ rệt hoặc đem lại sự phân minh nào. Bởi vậy, hành giả không nên chú tâm đề mục quá nhanh.

64. 3) Ngược lại, cũng không quá chậm. Ví như một người muốn đi một cuộc hành trình ba dặm đường trong một ngày, mà dọc đường, vị ấy cứ lang thang thơ thẩn trong rừng cây, hốc đá, ao hồ, v.v... Thì không thể hoàn tất cuộc hành trình trong một ngày mà phải hai ba ngày mới đến đích, cũng vậy, nếu hành giả chú tâm quá lâu trên đề mục, vị ấy không đến được cùng đích, và không thể làm cho đề mục trở nên rõ rệt.

65. 4) Tránh phân tâm: Hành giả phải tránh đi ra ngoài đề mục thiền và để tâm bị phân tán trong những đối tượng bên ngoài. Vì cũng như một người đi trên đường dốc đứng chỉ rông bằng bàn chân, mà cứ nhìn dáo dác khắp nơi không để ý từng bước một, thì có thể té xuống vực sâu trăm trượng bên dưới. Cũng vậy khi hành giả tán tâm ra ngoài đề mục, thì việc thiền định bị thối thất.

66. 5) Về sự vượt qua khái niệm: khái niệm danh từ, bắt đầu bằng "tóc, lông" cần phải được vượt qua, và ý thức cần được an trú ở khía cạnh "bất tịnh" ghê tởm của nó. Vì cũng như một người tìm ra lỗ nước trong rừng vào mùa đại hạn, treo tại đó một cái gì làm dấu như một tàu dừa, để người ta đến tắm, uống nước nhờ sự chỉ dẫn của dấu hiệu. Nhưng khi con đường đã trở nên quá rõ nhờ sự đi lại thường xuyên, thì không cần gì đến dấu hiệu nữa, người ta cứ đến uống và tắm rửa khi cần. Cũng thế, tính cách đáng tởm đã hoá ra quá rõ trệt với hành giả trong lúc vị ấy chú tâm trên đối tượng nhờ phương tiện danh từ "tóc, lông" thì cuối cùng vị ấy phải vượt qua khái niệm, danh từ ấy, mà chỉ trú tâm trên khía cạnh bất tịnh thực sự mà thôi.

67. 6) Về sự lần lượt loại bỏ: Trong khi chú tâm, hành giả cuối cùng nên bỏ ra ngoài những phần nào không hiện rõ. Khi một người mới tu tập chú tâm đến tóc, sự chú ý của vị ấy tiếp tục đi đến những phần khác cho đến cuối cùng là nước tiểu rồi ngưng tại đấy, và khi hành giả chú tâm đến nước tiểu, sự chú tâm của vị ấy tiếp tục cho đến lúc trở lại tóc và ngưng tại đây. Trong khi vị ấy cứ tiếp tục chú tâm như vậy, thì một số phần hiện rõ còn một số không rõ. Hành giả nên tiếp tục chú tâm trên những phần hiện rõ cho đến khi có một cái rõ nhất, và khơi dậy sự xác định bằng cách chú tâm nhiều lần trên cùng một phần đã hiện rõ như thế.

68. Ví như một thợ săn đang bắt một con khỉ sống trong một cụm rừng có ba mươi hai cây dừa, và vị ấy bắn mũi tên xuyên qua tàu dừa của cây đầu tiên và hét lên một tiếng, con khỉ cứ thế nhảy từ cây này qua cây khác cho tới khi nó tới cây cuối cùng, và khi thợ săn cũng bắn tên đến đó thì nó chạy ngược trở lại, đến cây đầu tiên, Sau nhiều lần bị theo dõi như vậy, cuối cùng con khỉ nhảy đến vịn vào tàu dừa của cây chặn giữa, và không nhảy nữa dù có bị tên bắn. Ở đây cũng vậy.

69. Ba mươi hai uế vật trong thân ví như 32 cây dừa. Con khỉ dụ cho tâm ý. Hành giả như người thợ săn. Tâm hành giả chú trên đối tượng của 32 phần ấy cũng như sự cư trú của con khỉ trong rừng với ba mươi hai cây dừa. Sự chú tâm của hành giả trên từng phần liên tục ví như con khỉ nhảy từ cây này sang cây khác cho đến cuối và trở lại. Trong khi chú tâm trên các phần ấy, một số hiện rõ một số không rõ. Hành giả liên tục hướng sự chú tâm vào những phần hiện rõ và bỏ ra ngoài những phần không rõ, cũng như con khỉ lúc bị săn đuổi nhảy lên từ chỗ có tiếng hét. Cuối cùng, hành giả chú tâm trên phần hiện rõ nhất trong hai phần còn lại, và nhờ vậy đắc định, cũng như con khỉ cuối cùng dừng lại trên một tàu dừa, bám lấy nó và không nhảy nữa dù có bị bắn.

70. Và đây là một ví dụ khác. Ví như có một người ăn đồ khất thực đi đến sống gần một khu làng có 32 nhà, và khi vị ấy được hai phần bố thí tại một nhà đầu tiên, vị ấy bỏ nhà gần đó, và hôm sau khi được ba phần bố thí tại nhà đầu tiên, vị ấy bỏ ra hai nhà kế tiếp, và ngày thứ ba vị xin được đầy bát tại nhà đầu tiên, bèn đi đến nhà ăn để ăn.

71. 32 uế vật cũng như khu làng có 32 nhà. Hành giả ví như người ăn đồ khất thực. Công việc chú ý ban sơ của vị ấy ví như hiền giả đi đến sống gần làng. Vị tiếp tục chú ý hai phần cuối cùng hiện rõ, bỏ ngoài những phần không rõ, giống như người khất thực được hai phần ăn tại nhà đầu tiên, bỏ ra ngoài một nhà, và ngày hôm sau người ấy được ba phần ăn tại nhà đầu tiên, bỏ ra ngoài hai nhà. Sự khơi dậy định bằng cách chú ý liên tục trên đối tượng hiện rõ nhất trong hai cái còn lại, giống như người khất thực xin được đầy bát tại nhà đầu tiên trong ngày thứ ba, rồi đến nhà để ăn.

72. 7) Về định: định từng phần một. Ở đây muốn nói, phải được hiểu là định phát sinh trong mỗi một phần.

73. 8-10) Về ba bản kinh: là những kinh về tăng thượng tâm, (chỉ cho thiền), về sự mát mẻ, và về những thiện xảo trong những giác chi, mục đích của chúng là liên kết tâm lực và định lực.

74. 8) Ở đây, bản kinh này nên hiểu là đề cập đến tăng thượng tâm: "Này các tỷ kheo, một tỷ kheo chuyên tu tập tăng thượng tâm thỉnh thoảng cần tác ý ba tướng. Thỉnh thoảng vị ấy nên tác ý tướng định, thỉnh thoảng vị ấy nên tác ý tướng tinh tấn, thỉnh thoảng nên tác ý tướng xả. Nếu một tỷ kheo tu tập tăng thượng tâm mà chỉ tác ý tướng định, thì tâm vị ấy dễ đi đến giải đãi. Nếu một tỷ kheo tu tập tăng thượng tâm mà chỉ tác ý tướng tinh tấn, thì khi ấy tâm vị ấy dễ đi đến trạo cử. Nếu một tỷ kheo tu tập tăng thượng tâm mà chỉ tác ý tướng xả, thì tâm vị ấy không có thể tập trung đúng mức để diệt trừ lậu hoặc. Nhưng này các tỷ kheo, một khi tỷ kheo muốn tu tập tăng thượng tâm mà cứ thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh tấn, tỉnh thoảng tác ý tướng xả, thì tâm vị ấy trở nên nhu nhuyễn, dễ sử dụng, trong sáng không dễ vỡ tan, đủ tập trung để diệt trừ lậu hoặc.

75. "Này các tỷ kheo, như một người thợ vàng thiện xảo hay đệ tử người thợ vàng sửa soạn lò bệ, đốt lò và đổ vào đấy vàng thô để luyện, thì vị ấy thỉnh thoảng thụt bể, thỉnh thoảng rưới nước, thỉnh thoảng ngồi canh chừng. Nếu người thợ vàng ấy chỉ có một bề thụt ống bệ, thì vàng sẽ nguội lạnh, và nếu chỉ ngồi nhìn mãi, thì vàng không được tôi luyện đúng mức. Nhưng nếu vị ấy thỉnh thoảng thụt bể, thỉnh thoảng rưới nước, thỉnh thoảng ngồi canh chừng, thì vàng sẽ trở nên nhu nhuyễn, dễ sử dụng, sáng không dễ vỡ, và vàng ấy trở nên dễ uốn nắn, muốn làm đồ trang sức như dây chuyền, vòng kiềng cổ đều làm được.

76 Cũng vậy, này tỷ kheo, có ba tướng mà tỷ kheo tu tập tăng thượng tâm cần phải thỉnh thoảng tác ý.. Thì tâm vị ấy trở nên nhu nhuyễn dễ sử dụng và tập trung đúng mức để diệt trừ lậu hoặc. Vị ấy đi đến khả năng chứng đắc bất cứ trạng thái nào có thể chứng đắc nhờ tuệ (direct knowledge) vị ấy mong muốn" (A. i. 256)

77. 9) Bản kinh này đề cập đến sự mát mẻ "Này các tỷ kheo, khi một tỷ kheo có sáu pháp, thì có thể đạt đến sự mát mẻ tối thượng. Gì là sáu pháp? Ở đây, này các tỷ kheo, khi tâm cần được chế ngự, vị ấy chế ngự tâm, Khi tâm cần được nỗi lực, vị ấy tinh tấn, khi tâm cần được khuyến khích, vị ấy khuyến khích, khi tâm cần được nhìn với xả, vị ấy nhìn tâm với xả. Vị ấy quyết định đạt đến tăng thượng tâm, vị ấy ái lạc niết bàn. Có sáu pháp này, một tỷ kheo có thể đạt được sự mát mẻ tối thượng". (A. iii, 435)

78. 10) Thiện xảo về các giác chi: xả được đề cập trong phần giải thích thiện xảo về định (Ch. IV, 51-57) trong đoạn bắt đầu "Này các tỷ kheo, khi tâm đang giải đãi, thì không phải lúc để tu tập khinh an giác chi..." (S.v, 113)

79. Bởi thế thiền giả cần hiểu rõ bảy thiện xảo này trong việc học và mười thiện xảo trong việc chú tâm để học đề mục thiền định một cách thích nghi.

Khởi Sự Tu Tập

80. Nếu người học có thể ở trong cùng một tu viện với thầy, thì vị ấy không cần phải xin giải thích chi tiết nhưng sau khi vị ấy đã nắm vững đề mục và khởi sự tu tập thì có thể xin giải thích từng giai đoạn một đến khi đạt đến sự phân biệt rõ (distinction). Một người muốn đi sống nơi khác để tu tập thì lại khác. Vị ấy cần phải xin giảng giải đề mục một cách chi tiết như đã nói trên, và phải đảo qua đảo lại nhiều lần, giải tất cả nghi vấn. Vị ấy phải từ bỏ một trú xứ thuộc loại không thích hợp như đã tả ở phần biến xứ đất, để đến sống tại một trú xứ thích hợp, rồi vị ấy phải từ bỏ những chướng ngại nhỏ (Chương IV, đoạn 20) và khởi sự công việc chuẩn bị cho sự tác ý đến tướng bất tịnh.

32 Uế Vật: Bàn về chi tiết

81. Khi khởi sự, hành giả trước hết hãy nắm giữ học tướng ở đối tượng tóc. Cách nào? Màu sắc cần phải được định rõ trước hết bằng cách nhổ ra một hai sợi tóc đặt trên lòng bàn tay. Vị ấy cũng có thể nhìn tóc ở nơi chỗ hớt tóc hay trong một bát nước hay bát cháo. Nếu những sợi tóc vị ấy thấy là màu đen, trong lúc nhìn thấy, thì hãy nhớ trong tâm là "đen" nếu màu trắng thì nhớ là "trắng", nếu màu lẫn lôn, thì hãy nhớ màu nào nổi nhất. Và cũng như trường hợp tóc, tất cả năm món khởi từ tóc cần phải được nắm lấy tướng bằng sự nhìn như vậy.

82. Sau khi học được tướng như thế rồi, và (a) định rõ tất cả những thân phần khác theo màu sắc, hình dáng, phương hướng, định xứ, giới hạn của nó, hành giả kế đó (b) hãy định tính ghê tởm của nó bằng năm cách, là màu sắc, hình dáng, xuất xứ và chỗ ở của nó (habitat and location)

83. Sau này là giải thích về tất cả các thân phần theo thứ tự.

Tóc

(a) Trước hết tóc bình thường có màu đen, màu của hột aritthaka tươi. Về hình dáng, hình ống dài. Về phương hướng, chúng ở phía trên. Về xuất xứ của chúng, chúng ở trong lớp da sát lớp da bao bọc cái sọ, giới hạn về hai phía bởi hai vành tai, ở trước bằng cái trán, và ở sau bằng cái gáy. Về cách định giới ranh của nó, tóc có ranh ở dưới là bề mặt của chính những chân tóc, được mắc dính vào đầu bằng cách vào sâu cỡ chừng bằng hạt thóc vào làn da trong bọc lấy cái sọ. Những sợi tóc có giới ranh phía trên là hư không, về xung quanh là tóc, không có hai sợi tóc cùng một nơi. Ðây là định giới hạn của tóc bằng chính tóc. Tóc không phải là lông, lông không phải là tóc, cũng vậy tóc không phải lẫn lộn với 31 phần còn lại trong thân, tóc là một phần riêng biệt. Ðây là cách định ranh giới bằng sự so sánh với các phần khác. Như vậy gọi là định nghĩa tóc về phương diện màu sắc v.v...

84. (b) Ðịnh nghĩa tóc về phương diện bất tịnh, đáng ghê tởm, theo sáu cách nghĩa là theo màu sắc, v.v... Là như sau. Tóc đáng tởm về màu sắc cũng như về hình dáng, mùi cũng như xuất xứ và chỗ ở của nó.

85. Vì khi thấy màu của một sợi tóc trong một bát cơm, người ta tởm và bảo "Cơm này có tóc! Hãy vứt sợi tóc đi!" Bởi vậy, nó đáng tởm về màu sắc. Cũng vậy khi người ta ăn cơm trong bóng tối ban đêm, người ta cũng lợm nếu có cảm giác ăn nhằm một sợi tóc, vậy là tóc càng đáng tởm về hình dáng.

86. Còn cái mùi tóc, nếu không bôi dầu thơm, tẩm nước hoa, v.v... thì lại càng tởm hơn, nhất là khi đốt cháy khét. Mặc dù tóc không đáng tởm một cách trực tiếp về phương diện màu sắc và hình dáng, thì cái mùi của nó cũng đáng tởm một cách trực tiếp. Như phân của đứa trẻ có màu vàng như nghệ, hình dáng như của nghệ, màu sắc và hình dáng này không có gì đáng tởm nên nói rằng về màu sắc không trực tiếp đáng tởm, song về cái mùi của phân thì đáng tởm một cách trực tiếp.

87. Nhưng cũng như rau mọc ở nương rãnh dơ dáy... Trong một làng đối với người đô thị văn minh thật đáng tởm và không thể dùng, tóc cũng đáng tởm vì nó mọc trên mảnh da gồm mủ, máu, phân, tiểu, mật, đàm v.v... Ðây là khía cạnh đáng tởm của xuất xứ của tóc.

88. Và tóc mọc trên đống gồm 31 thứ bất tịnh kia cũng như nấm mọc từ một đống phân. Do bởi chúng mọc trong chỗ dơ dáy, tóc thật hoàn toàn khó ngửi cũng như rau mọc trên nghĩa địa, trên đống phân v.v... Như sen mọc trong lỗ cống. Ðây là khía cạnh đáng tởm của xuất xứ.

-ooOoo-

01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04a | 04b | 05 | 06 | 07a | 07b | 08a | 08b | 08c | 09a | 09b |
 10 | 11 | 12a | 12b | 13a | 13b | 14a | 14b | 15 | 16 | 17a | 17b | 17c | 17d |
 18 | 19 | 20a | 20b | 21a | 21b | 22 | 23 | Mục lục | Đầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Đẳng, Chùa Pháp Luân, Texas,
đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 10-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-10-2001