BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Ðại Tạng No. 1451
CĂN BẢN
THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -
Hán dịch:
Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri. Quyển thứ mười sáu--- ooOoo --- Nhiếp tụng hai trong biệt môn bốn:
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Sau khi trưởng giả Cấp Cô Ðộc dâng cúng, kẻ đạo người tục đến chùa quá đông. Sau khi suy nghĩ: "Nay vườn chùa biến thành đại lộ, vậy ta nên làm tường rào chung quanh". Trưởng giả đến gặp Phật và bạch: - Thế Tôn! Nay vườn chùa này trở thành đại lộ, con muốn làm tường rào vườn lại, không biết có được không? Phật dạy: - Trưởng giả, nên làm tùy ý. Trưởng giả xây tường kín bốn mặt. Ðến mùa hạ, trời mưa nước không thoát được nên ứ đọng lại. Sau đó, trưởng giả đến lễ Phật, thấy nước đọng đầy nên suy nghĩ: "Trước đây khi xây tường, ta không làm cống thoát nên nước bị ứ đọng thế này, nếu Phật cho phép, sẽ làm cống thoát". Trưởng giả bạch Phật, Phật dạy: - Tùy ý làm cống thoát nước. Bấy giờ, trâu bò cạ thân hình hay húc sừng vào tường làm cho hư hoại. Thấy vậy, trưởng giả suy nghĩ: "Ta tuy làm tường nhưng chưa làm rào gỗ ... nói rộng như trên. Phật dạy: - Nên làm rào gỗ. Có kẻ xấu trộm lấy gỗ mang đi. Ðến nơi, trưởng giả thấy rào bị lấy trộm nên nghiêng ngã, đem sự việc bạch Phật xin làm hào ngoài rào. Phật dạy: - Làm tùy ý. Trưởng giả làm hào vây chung quanh tường rào. Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô ny tên là Ðể Lệ, tóc đã quá dài, đến nhà thợ cạo để cạo tóc. Thợ suy nghĩ: "Các Thích nữ này cố ép ta làm không công ... vv.." như trước. Theo lời xin của Bí-sô, Phật cho phép Ny tăng già được phép cất giữ dụng cụ cạo tóc ... và nên cạo tóc cho nhau ở chỗ khuất. * Duyên xứ như trước. Sau khi Thế Tôn độ Nan Ðà xuất gia, nàng Tôn Ðà La làm pháp y đẹp làm thật láng sạch, ủi cho thẳng gửi đến Nan Ðà. Nan Ðà mặc bộ y tốt này, tay bưng bát thượng hạng, đi nhanh trước đại chúng. Bí-sô bạch Phật. Suy nghĩ: "Do mặc y láng đẹp nên có lỗi như vậy", Phật bảo các Bí-sô: - Ðây là việc phi pháp không nên làm. Kẻ ngu si Nan Ðà mặc y phục đẹp này, tay bưng bát tốt đi nhanh trước đại chúng thật là phi pháp. Nếu có Bí-sô mặc y láng đẹp bị tội vượt pháp. Khi Thế Tôn đã ngăn dùng y láng đẹp, có Bà-la-môn cư sĩ với tín tâm đem y láng đẹp dâng cho Bí-sô. Bí-sô không dám nhận, nói rộng như trước"... lẽ nào để chúng con không có tư lương thiện để mang sang đời sau hay sao, xin hãy nhận cho". Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Ðược phép nhận nhưng khi nhận rồi phải làm mất màu láng đẹp của y mới được xử dụng tùy ý. Bí-sô dùng tay chà sát y nhưng không mất màu láng. Phật dạy: - Ðể nơi đất trống làm cho ướt rồi chà. Nhưng cũng không làm cho hết. Phật dạy: - Ngâm nước cho bạc màu. Nhưng cũng không hết sạch. Phật dạy: - Sau khi đã ngâm nước rồi thì xử dụng tùy ý chớ có nghi ngại. Nếu có các tín tâm Bà-la-môn cư sĩ dâng y láng đẹp đến đại chúng thì xử dụng như trên. * Duyên xứ như trước. Bấy giờ các Bà-la-môn cư sĩ tại thành này có việc quan trọng nên tập họp trong giảng đường cùng nhau đàm luận. Họ nói: - Các vị biết không! Sa-môn Kiều Ðáp Ma và các đệ tử Thanh văn nhận được lợi dưỡng thì không chia đều cho nhau, chẳng bằng ngoại đạo. Giữa buổi họp, trong chúng có một Bà-la-môn trước đây không có tịnh tín, bảo mọi người: - Sáng mai, tôi cùng các bạn đích thân đến xem chúng Kiều Ðáp Ma có chia đều với nhau không? Mọi người nói: - Tốt. Khi ấy, Bà-la-môn đem hai tấm vải bạch điệp vào rừng Thệ Ða và ngay trước thượng tọa đem dâng vải đến tứ phương Tăng, thưa: - Thánh giả! Tôi dâng xấp vải này đến chúng tăng tùy ý thọ dụng. Thượng tọa nói: - Này đại Bà-la-môn! Chúc ngài khỏe mạnh trường thọ. Vải cúng dường này của ngài chính là trang nghiêm tâm là giúp đỡ tâm, khéo hộ trì định lực thù thắng để đắc diệu Bồ đề, được thọ hưởng y phục thù thắng trong nhân gian và thiên thượng. Nghe như vậy, Bà-la-môn giả dạng biểu hiện thái độ cung kính, làm lễ từ giả. Khi ấy, Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan Ðà: - Ông nên bảo các Bí-sô rằng Bà-la-môn ấy cố đến chùa vì muốn tìm khuyết điểm nên cúng xấp vải. Các Bí-sô nên phân chia quân bình, nhận lấy từng phần nhỏ hoặc dùng vá y hoặc làm dây nút cột, hoặc làm khăn tay xử dụng tùy thân. Vâng lời Phật dạy, A Nan Ðà bảo các Bí-sô: - Thế Tôn có dạy Bà-la-môn kia đến để tìm khuyết điểm. Với xấp vải họ cúng, các vị nên phân chia đều mỗi người lấy một phần nhỏ hoặc dùng để vá y hoặc dùng để làm dây nút hoặc làm khăn tay xử dụng tùy thân. Nghe như vậy, Bí-sô nói với Tôn giả: - Chúng tôi phụng hành đúng lời dạy của Thế Tôn. Nhận được vải, Bí-sô phân đều và xử dụng như đã nói. Vào sáng sớm, Bà-la-môn đứng tại cửa thành. Bấy giờ các Bí-sô mặc y mang bát vào thành khất thực, vừa đi đến cửa thành. Bà-la-môn ấy nói: - Thánh giả! Xấp vải tôi cúng cho tăng, các vị xử dụng như thế nào? Một Bí-sô nói với đại Bà-la-môn: - Sau khi nhận vải, chúng tăng cùng phân chia bình đẳng. Phần của tôi dùng để vá y rách. Người khác nói: - Phần của tôi dùng để làm dây nút cột y. Người khác nói: - Phần của tôi vuông bằng bàn tay dùng làm khăn xử dụng tùy thân. Nghe nói như vậy, Bà-la-môn suy nghĩ: "Những lời chúng ta nói đều không thật, lại cùng khinh mạn hủy báng nói Sa-môn Thích tử được lợi dưỡng không chia đều nhau. Nay chính ta nghiệm biết các Bí-sô là bậc đầy đủ đức hạnh, thật là công bằng tâm không thiên lệch phe đảng, vậy ta nên xuất gia với họ". Sau khi phát lòng tin như vậy, Bà-la-môn ấy đi đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân bạch rằng: - Cầu xin Thế Tôn từ bi cho phép con được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết và thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô, để siêng năng tu tập phạm hạnh. Thế Tôn bảo Bà-la-môn: - Lành thay! Lành thay! Ông có thể phát tâm cao thượng này mà cầu xuất gia. Bậc trí liễu tri những bậc xuất gia có năm lợi thù thắng sau sẽ nói rộng, cho đến Thế Tôn và các Thánh giả đều tán thán, vậy nên cầu xuất gia. Thế Tôn bảo Bà-la-môn: - Thiện lai Bí-sô! Vị này liền được xuất gia, trở thành viên cụ, siêng năng chánh niệm dũng mãnh không ngừng đạäp phá tan bánh xe sinh tử năm nẻo như nói rộng ở trước, đoạn trừ các phiền não chứng quả A-la-hán, cho đến Thích Phạm chư thiên đều cung kính. Phật dạy các Bí-sô: - Biết nhận vừa đủ, giúp đỡ người khác, được thu hoạch lợi ích như vậy. Thế nên này Bí-sô, nếu được bánh, thức ăn cho đến rất nhỏ như chiếc lá cây, đại chúng nên cùng nhau phân chia. Nếu được y vật cho đến vật nhỏ để làm tim đèn, chúng tăng cũng phải cùng phân chia. * Duyên xứ như trước. Khi ấy trong thành có một Bà-la-môn thường ưa thích sự thanh tịnh, mong cầu xuất gia, suy nghĩ: "Ta sẽ xuất gia theo pháp mà có sự tẩy tịnh thoả mãn theo ý mình". Bà-la-môn ấy đi khắp nơi tìm kiếm, qua những nơi tu hành của ngoại đạo và Bà-la-môn, thấy có người đi vệ sinh xong không có tẩy tịnh, có người xuống nước dùng hàng trăm cục đất để tẩy tịnh, thấy nhiều việc xấu ác, hoặc nhiều việc phức tạp, đều không vừa ý không phải là nơi quy y. Bà-la-môn suy nghĩ: "Ta đã xem khắp nơi nhưng không vừa ý mình, chỉ có chưa đến xem Sa-môn Thích tử". Ðến rừng Thệ Ða, ông ta gặp cụ thọ Xá Lợi Phất cầm bình đựng chừng ba thăng nước đi đến nơi vệ sinh. Thấy vậy, sau khi suy nghĩ: "Ðây là đệ tử thượng thủ của Sa-môn Kiều Ðáp Ma, ta hãy đến xem họ tẩy tịnh như thế nào", ông ta đi theo sau. Khi vị A-la-hán không nhập định, không thể quán sát ý hướng của người khác. Thấy người khác đi theo, Xá Lợi Tử liền chánh niệm quán sát vì sao Bà-la-môn này đi theo mình, mới biết tâm người này vì tìm sự sạch sẽ, nên theo dõi việc hay dỡ của ta. Tôn giả lại quán sát người ấy có thiện căn không và có nhân duyên với ai, mới thấy người này trước đây có thiện căn và thuộc nhân duyên với mình. Sau khi sau nghĩ như vậy, Tôn giả xếp đặt pháp phục trên đầu gió, chỉ mặc tăng khước kỳ và nội y, thứ đến đặt bảy cục đất vụn hình như nữa trái đào, theo một hàng ở một bên trên bệ gạch, bên này lại xếp hàng bảy cục, lại đặt một cục ở riêng một bên. Tôn giả cầm một miếng thẻ và ba cục đất đi vào nhà xí nhưng không đóng cửa lại tạo điều kiện để người khác từ xa thấy được. Sau khi vệ sinh, Tôn giả dùng miếng thẻ chùi sạch thân rồi cầm một cục đất bằng tay trái tẩy tịnh bên dưới, đến lượt dùng một cục đất tẩy tịnh chỗ tiểu tiện, sau khi sạch rồi lại dùng một viên đất tẩy tịnh tay trái, tay phải cầm bình nước đến chỗ để đất cục, đặt bình trên đùi trái cho nước chảy từ từ (nếu có cây chảng ba để đặt bình ở trên thì rất tiện). Trước tiên dùng bảy cục đất để tẩy tịnh tay trái bằng từng viên, sau đó dùng bảy viên tẩy tịnh cả hai tay, tẩy rửa hai tay cho thật sạch, sau đó dùng một cục để chùi rửa bình rửa. Sau khi làm xong, từ từ đi ra với uy nghi tịch tịnh mặc pháp y vào, rồi dùng nước rửa hai chân, sau đó vào trong phòng dùng nước sạch súc miệng ba lần, sau đó mới tùy ý làm việc khác. Thấy sự việc như vậy, Bà-la-môn ấy phát sinh lòng tin sâu xa và suy nghĩ: "Lành thay! Pháp cần thiết như vậy không thể làm hơn được nữa! Ngoại đạo dùng cả trăm cục, chẳng bằng Thích tử chỉ cần mười bốn cục". Sau khi suy nghĩ như vậy, vị này đảnh lễ sát dưới hai chân Xá Lợi Tử, bạch: - Tôn giả! Nay con xin nguyện được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Tôn giả và thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô, cần tu phạm hạnh, sống không phóng dật. Xá Lợi Tử nói: - Lành thay! Lành thay! Này Bà-la-môn, ông có thể phát tâm thù thắng như vậy, thật là việc toàn thiện. Như lời Phật đã dạy, các bậc trí giả thấy năm điều lợi ích nên ưa thích xuất gia. Năm điều ấy là:
Ông nên quán sát sự lợi ích này, dùng tâm chí thành xả bỏ lưới tục cầu đại công-đức. Sau khi dạy như vậy, Tôn giả cho vị ấy xuất gia thọ mười học xứ, thứ đến thọ cận viên, theo như pháp được giáo giới siêng năng tu tập, đoạn trừ các phiền não, chứng pháp vô sinh, đắc quả A-la-hán thoát ly ô nhiễm của ba cõi, xem vàng không khác đất, như dao cắt dầu thơm, liễu tri không hai tướng, như tay vỗ trên không, tâm không còn trở ngại, dùng đại trí tuệ phá tan vỏ vô minh, đầy đủ tất cả ba minh, sáu thông, bốn vô ngại biện, xả ly tất cả ái trước, lợi dưỡng cung kính trong ba cõi, được Ðế Thích chư thiên cùng nhau tán thán. Bấy giờ, Xá Lợi Tử đưa vị đệ tử La-hán này đến gặp đức Phật, cùng nhau lạy sát chân Ngài và trình bày lại tất cả sự việc trên. Phật bảo Xá Lợi Tử: - Ông khéo dùng phương tiện hay như vậy dẫn dắt chúng sinh vào pháp của Ta, nhân đây chế giới làm việc thanh tịnh phước lợi vô biên. (Nghiệm vào thánh giáo chính do kim khẩu Phật nói ra này, sự hợp với việc nên làm, không trái nghịch với lý đúng, chỉ vì những luật bộ trước đây có thiếu sót, tuy có truyền chút ít nhưng không tường tận chỗ thiết yếu làm cho học giả không có chỗ y cứ làm cho pháp này bị thiếu sót trong bảy trăm năm, hoặc dùng ống gỗ mềm vào việc tẩy tịnh, hoặc dùng vải lau thân, hoặc lau tay trên đá, không có nơi nào dùng đất cả. Việc này hoặc phi giáo pháp căn bản nên muốn sạch lại trở thành nhơ bẩn. Nay đã có gương sáng rõ ràng, làm theo hay không là do kính vâng hay khinh mạn.) Bấy giờ, các Bí-sô đều có nghi ngờ, thưa với Thế Tôn: - Do duyên nghiệp gì mà cụ thọ Xá Lợi Tử dùng việc thanh tịnh để điều phục hướng dẫn Bà-la-môn kia làm cho xuất gia đạt đến chỗ viên tịch? Phật bảo các Bí-sô: - Chẳng phải chỉ ngày nay điều phục được người kia làm cho được an lạc, thời quá khứ cũng đã từng dùng việc thanh tịnh điều phục làm cho xả bỏ bè đảng giặc mà quy y Tam bảo thọ trì năm giới. Các ông hãy lắng nghe: - Ngày xưa, tại tụ lạc kia có Bà-la-môn cưới vợ rồi sinh được một bé gái hình dáng xinh đẹp. Khi mới lớn, cô gái vẫn sống trong nhà. Một đêm nọ, có năm trăm tên giặc vào cướp trong thôn ấy. Bị khát, tên chúa đảng cần nước uống nên vào nhà người Bà-la-môn tìm nước, thấy cô gái nhỏ, nên bảo: - Cô gái! Ta đang khát nước, có nước hãy mang lại đây. Sau khi nói: - Xin đợi một chút, cô gái vội đốt đèn để xem xét nước. Chúa giặc hỏi: - Xem gì vậy? Ðáp: - Xem nước. Hỏi: - Có gì đáng để xem? Ðáp: - Sợ có cỏ tóc, uống sinh bệnh. Nói: - Ta là giặc cướp muốn hại thôn ngươi, làm việc nghịch lý đáng cho uống độc dược, lo gì đến cỏ tóc làm ta bị bệnh! Nghe như vậy, cô gái nói kệ:
Sau khi biết rõ nước sạch, cô gái đưa cho tên giặc. Uống nước xong, tên giặc chúa sinh ý vui vẻ nói với cô gái nhỏ: - Cô hãy làm em gái ta, chớ ái ngại! Cô gái nói: - Tôi thật không cần kẻ làm giặc như vậy làm anh em. Họ thường có tâm cướp đoạt tài vật người khác. Thấy vậy, tài chủ sẽ bắn tên độc và kẻ cướp bị chết khổ đau khó nói hết. Tôi nghe anh chết, càng đau khổ gấp bội. Nay nếu ngài có thể quy y Tam bảo giữ năm giới, tôi sẽ chịu làm em ngài. Tên giặc ôn hòa bảo cô gái: - Lời nói của em thật hay, ta sẽ làm theo. Cô gái liền giảng về Tam quy Ngũ giới làm cho họ sinh lòng tin. Bọn giặc cùng nhau phụng trì rồi tìm đường bỏ về. - Này các Bí-sô, chớ nghĩ gì khác, chúa giặc ngày xưa nay chính là người Bà-la-môn . Cô gái ấy nay là Xá Lợi Phất. Ngày xưa vì sạch sẽ nên xem nước làm cho giặc thọ giới bỏ việc ác mà quy y. Nay lại dùng pháp tẩy tịnh ấy làm cho họ thán phục, cứu ra khỏi sông ái lên bờ Niết bàn, thoát hẳn biển khổ, vĩnh viễn chứng vô sinh. Phật bảo các Bí-sô: - Các ông nên biết đây là việc thường làm nên phải luôn để ý, tẩy tịnh như vậy có lợi ích lớn, làm cho thân thể thanh khiết, chư thiên cung kính. Thế nên này các Bí-sô, từ nay về sau, các Bí-sô, Bí-sô ny, học giới nữ, cầu tịch nam, cầu tịch nữ, Ô ba sách ca, Ô ba tư ca, quy y với Ta, nhận Ta làm thầy, đều phải tẩy tịnh như Xá Lợi Tử. Người nào không tẩy tịnh như vậy, không nên nhiễu tháp hành đạo, không được lễ Phật tụng kinh, không được làm lễ người, không được nhận người lễ, không được ăn cơm, ngồi trên giường tòa của tăng cũng không được vào giữa Tăng vì thân thể bất tịnh không đúng như pháp hay làm cho chư thiên gặp mặt không sinh hoan hỷ, trì chú pháp không hiệu nghiệm. Ai vi phạm bị tội ác-tác. Nếu người không tẩy tịnh mà cúng trai tăng, chép kinh, tạo tượng, vì khinh mạn nên được phước rất ít. Sáng sớm, sau bữa trưa, ai không đánh răng thì không được ăn, cũng không thành trai giới, mắc tội như trước. Các ông nên vâng theo lời dạy của Ta, không được tự xem thường, làm pháp bất tịnh, biếng nhác phóng dật hành động theo hạ tiện sẽ đọa đường ác. Khi các Bí-sô nghe lời Phật giáo huấn đều rất hoan hỷ, phụng hành như pháp. Nhiếp tụng ba trong biệt môn bốn:
* Duyên khởi tại vườn Cấp Cô Ðộc, thành Thất La Phiệt. Khi ấy các Bí-sô mặc y cũ không có tâm yêu tiếc nên biên y đều bị rách. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Dùng chỉ vá lại những chỗ rách. Họ đã may ngang, chỉ lại sút ra, lại dùng chỉ tốt may lại thật chắc. Phật dạy: - Nên xem y Tăng già chi như da trên thân. Có các Bí-sô lại không có y phụ thêm nên thường mặc đại y, dưới nách họ chảy mồ hôi làm nhơ bẩn, hôi hám bất tịnh làm y mau bị hư. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Ngay chỗ dưới nách may chồng thêm biên vải. Bí-sô không biết may chồng như thế nào. Phật dạy: - Dùng miếng vải rộng một gang rưỡi, dài một cánh tay làm tấm may chồng lên. Không nên dùng màu trắng nên dùng hoại sắc. Họ dùng màu casa, Phật dạy: - Không nên dùng đá đỏ đất đỏ để nhuộm (đây là màu càn đà, đỏ, đen, sợ ố qua y khác). Bí-sô may lên thật kỹ, Phật dạy: - Nên may sơ thôi. Họ may chồng lên một bên, Phật dạy: - Nên may chồng cả hai biên y rồi tùy ý mặc cả trên và dưới. Nếu có mùi hôi phải thường giặt sạch. * Duyên xứ như trước. Bà-la-môn nọ lấy vợ chưa bao lâu sinh được một gái tên là Minh nguyệt. Tuổi vừa trưởng thành, Minh nguyệt được Ðại thế chủ độ cho xuất gia và thọ cận viên. Bấy giờ, Ðại thế chủ đưa năm trăm Bí-sô ny đến gặp Phật, lạy sát hai chân rồi ngồi qua một bên. Sau khi thuyết pháp xong, Ðức Phật ngồi im lặng. Sau khi nghe pháp, Ðại thế chủ rời khỏi chỗ ngồi sửa y một bên vai, chắp tay cung kính bạch: - Thế Tôn! Ngài đã thuyết Tỳ Nại Da cho Bí-sô, xin Ngài từ bi cũng thuyết cho ny. Phật dạy: - Không thể có sự việc Như Lai Ðại sư đích thân thuyết pháp Tỳ Nại Da cho Bí-sô ny. Nhưng đối với chúng Bí-sô ny, có người nào chỉ nghe một lần mà thọ trì được, Ta sẽ thuyết cho họ. Khi ấy đang ngồi trong chúng, Bí-sô ny Minh Nguyệt đứng dậy chắp tay bạch: - Thế Tôn! Xin thuyết cho, con hy vọng được lĩnh ngộ khi nghe lời Ngài dạy một lần. Khi được nghe Ph?t thuyết, vị này lĩnh ngộ không sai. Phật bảo các Bí-sô: - Chúng Thanh văn ny trong giáo pháp của Ta, người chỉ nghe một lần đã lĩnh ngộ, Bí-sô ny Minh Nguyệt chính là đệ nhất. Ðức Phật suy nghĩ: - Không phải nơi nào cũng tìm được người như Minh Nguyệt hay tương tợ như vậy cũng khó có được, thế nên Bí-sô nên thọ trì Tỳ Nại Da của Bí-sô ny và thuyết cho Bí-sô ny, lại nên dạy bảo, trả lời cho họ khi được hỏi. Như Thế Tôn dạy: - Do y vào giới, do trú vào giới mà tu tập theo pháp, nên định và tuệ tương ưng đúng như lý. Ny Minh Nguyệt này tùy thuận nơi Ta, do y vào giới do trú vào giới nên định và tuệ tương ưng phát sinh mạnh mẽ, tinh tấn chuyên cần nói rộng như trước, đắc quả A-la-hán phá tan bánh xe năm nẻo, ra khỏi biển sinh tử ... Thích Phạm chư thiên đều cúng dường. Khi ấy, các Bí-sô đều có nghi ngờ, thưa với Thế Tôn: - Bí-sô ny Minh Nguyệt này từng làm nghiệp gì mà do quả dị thục của nghiệp ấy nên rất thông tuệ có biện tài lớn, được gọi là bậc đệ nhất về ghi nhớ điều đã nghe, xuất gia tu tập trong Phật pháp, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán? Phật bảo các Bí-sô: - Nghiệp mà Bí-sô ny Minh Nguyệt này đã từng làm nay quả báo thành thục nói rộng như nơi khác. - Này các Bí-sô! Vào thời quá khứ, cách đây 91 kiếp, khi loài người thọ tám vạn tuổi, có đức Phật ra đời hiệu Tỳ Bát Thi, đầy đủ mười hiệu, cùng sau vạn hai ngàn Bí-sô đi đến thành Thân Tuệ, ở trong rừng Thắng Tuệ. Bấy giờ trong thành có một trưởng giả lấy vợ chưa lâu sinh được một bé gái. Khi cô ta lớn lên, người cha kính tín vào ngày lễ Tùy ý (tự-tứ) đưa cô ta đến chùa các Bí-sô ny, đem dao cạo và kim cúng dường lễ Tùy ý cho chúng Bí-sô ny. Thấy thiện sự này, cô gái sinh tâm hoan hỷ thưa với cha: - Con cũng đồng tình cùng chúng Bí-sô ny, tham dự lễ Tùy ý. Cha nói: - Lành thay! Hãy làm theo ý con. Cô gái liền đem dao cạo và kim may, vàng, bạc, trân bảo các vật khác nhau dâng lên ny chúng để làm lễ Tùy ý rồi quỳ trước vị thủ chúng, chắp tay lễ bái phát nguyện: - Con xin nguyện đem thiện căn này có được do cung kính làm phước cúng dường ny chúng, trong đời tương lai làm cho con đạt được đại trí tuệ đại biện tài, đầy đủ nghe và ghi nhớ. Này các Bí-sô, chớ có nghĩ khác, cô gái ngày xưa, nay là Minh Nguyệt. Do ngày trước cô ta cúng dường dao cạo ... đến ny chúng, tạo được thiện căn, lại phát nguyện rộng, nguyện vào đời tương lai được đại biện tài đầy đủ nghe và ghi nhớ. Do nghiệp duyên ấy nên nay hưởng quả báo này. Lại nữa, vào thời Phật Ca Nhiếp Ba, cô ấy xuất gia tu tập làm Bí-sô ny cho đến trọn đời giữ giới thanh tịnh nhưng cuối cùng vẫn chưa chứng quả. Thời đó, vị ny thân giáo sư của cô ấy là bậc đệ nhất về nghe và ghi nhớ trong Phật pháp ấy. Ðệ tử vị kia phát nguyện thế này: - Trong Phật pháp này, thân giáo sư của tôi là bậc tổng trì đệ nhất. Như Phật thọ ký vào đời tương lai khi loài người thọ 100 tuổi, có Phật ra đời hiệu Thích Ca Mâu Ny, tôi sẽ xuất gia trong giáo pháp của Phật ấy và cũng được Phật thọ ký tôi là bậc đệ nhất về nghe và thọ trì trong ny chúng. Do nguyện lực ngày xưa, nay hưởng thụ quả báo này. Các ông nên biết, nếu nghiệp thuần đen hưởng quả báo đen ... nói rộng như trước. Thế nên các ông cần phải tu học như vậy. Duyên xứ như trước. Có hai Bí-sô một già một trẻ cùng du hành nhân gian đến thành Thất La Phiệt. Bí-sô già đi đến tinh xá Lộc Tử Mẫu. Sau khi đi vào vườn Cấp Cô Ðộc, để cư trú một thời gian, Bí-sô trẻ thỉnh một Bí-sô làm y chỉ rồi thưa với vị thầy ấy: - Bạch A Giá Lợi Da, con để y bát ở chùa kia, xin đến lấy về. Thầy nói: - Con tùy theo việc đi mau về. Ðáp: - Nơi ấy không có việc gì khác thì con về ngay. Sau khi lạy sát chân thầy, Bí-sô này đến chùa kia. Trước đây, Tăng nơi đó có quy chế ai không có thầy y chỉ thì không được ở lại dù trong một đêm nên Bí-sô này đến vị khác xin y chỉ. Vào sáng sớm, ý vị này muốn về nên đến phòng thầy gõ cửa, thưa: - Con xin kính lễ A Giá Lợi Da, thân tứ đại ngài khỏe không? Thầy đáp: - Không khỏe. Vị này suy nghĩ: "Thầy đang bệnh mà ta bỏ đi ngay thật không nên. Vì việc này mà Thế Tôn chế định cần phải y chỉ để săn sóc nhau. Nay, ta nên ở lại chờ thầy hết bệnh sẽ đi". Sau khi phục vụ cho thầy hết bệnh, vị này thưa: - Xin thầy trông nom ngọa cụ, con muốn ra đi. Thầy nói: - Con có thiếu thốn gì không? Ðáp: - Không thiếu gì cả nhưng nguyên ý con không tính ở đây, chỉ tạm đến để lấy y bát của mình. Vì chúng này có chế định tạm trú một đêm cũng phải có y chỉ, con sợ pháp của tăng nên thỉnh y chỉ, thấy thầy có bệnh con suy nghĩ thầy đang bị bệnh mà ta bỏ đi thật không đúng, nay xin nói rõ ý mình. Thầy khen: - Lành thay! Lành thay Cụ thọ! môn nhân, cộng trú đối với thân giáo sư và quỹ phạm sư nên chăm sóc nhau. Nếu có các môn nhân, cộng trú khác đối với hai thầy cũng nên như vậy, tăng trưởng thiện pháp như hoa sen vượt lên khỏi nước, đây là việc thiện, con lên đường bình an, thường nên cẩn thận chớ có phóng dật. Vị này đảnh lễ thầy, từ giả ra đi, dần dần về vườn Cấp Cô, đến gặp thầy chắp tay lễ kính. Thầy nói: - Lành thay Cụ thọ! Vừa về đến, vì sao ở lâu vậy? Vị ấy đem sự việc trình bày hết cho thầy biết. Thầy nói: - Lành thay Cụ thọ! Ông khéo làm được như vậy, là đã kính trọng chăm sóc thầy mình, làm cho thiện căn ngày đêm tăng trưởng như hoa sen trong nước. Vị thầy lại suy nghĩ: "Vì trước đây đã y chỉ (người khác) nay nên cho thọ lại y chỉ không?" Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Có chuyện đi tạm thời, tính trở lại, nên y chỉ theo thầy cũ không phiền thọ y chỉ lại. * Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô chuyên tu tập tịnh lự. Một Bí-sô nhỏ khác cầu vị này làm y chỉ. Vị này suy nghĩ: "Như lời Phật dạy, thà làm đồ tể chứ không nên cho người khác xuất gia và thọ cận viên mà không dạy bảo. Với người cộng trú đã như vậy thì đối với môn nhân cũng thế. Ta tu thiền định không có điều kiện dạy bảo vậy ta nên gửi cho vị khác nhờ dạy bảo đọc tụng". Vị này đến gặp một Bí-sô nói: - Cụ thọ! Xin dạy kinh cho người này. Ðáp: - Tôi dạy đọc khi thầy cam kết nếu có người kia thiếu thốn sẽ cung cấp, thì tôi vâng theo. Nói: - Nếu họ có thiếu thốn, tôi sẽ tự cung cấp. Sau khi được dạy bảo một thời gian, vị kia bị bệnh. Vị thầy y chỉ phải như pháp cung cấp làm cho hết bệnh. Vị thầy y chỉ bị nhiễm bệnh, vị kia không chăm sóc lại thầy mình. Ba lần như vậy, vị kia vẫn không phục vụ thầy. Thầy bảo: - Ông hãy đi cầu y chỉ khác. Ðáp: - Ðược thầy làm y chỉ chính là ban ân, con không bị một khuyết điểm gì, vì sao lại đuổi đi? - Ông không khuyết điểm nhưng tôi có. Khi ông bị bệnh thì tôi đích thân săn sóc. Tôi bệnh đến lần thứ ba mà ông vẫn không ngó đến. Ông đã có hành động không kính trọng như thế cho nên nếu có ai cho ông y chỉ thì ông nên ở với vị ấy. Vị ấy phải im lặng không thể đáp được. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Ðối với thầy y chỉ phải phục vụ, xem thầy như cha mẹ. Ai làm trái bị tội vượt pháp. Bấy giờ có vị giáo độc A Giá Lợi Da bị bệnh, đệ tử thọ pháp lại không chăm sóc nhưng khi thầy hết bệnh lại đến học hỏi kinh. Thầy nói: - Ông đi đi, khi ta bị bệnh, ông chẳng khi nào ngó đến vậy ai lại có thể dạy bảo ông học tập, hãy tìm đến người khác để dạy bảo cho. Người đệ tử phải im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Nên săn sóc thầy y chỉ, đối với thầy giáo độc cũng phải cung cấp. Vào một lúc khác, cả hai thầy y chỉ và giáo độc đều bị bệnh, không biết nên cung cấp cho vị nào. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Người nào có khả năng nên cung cấp cho cả hai thầy, nếu không khả năng, có thể cung cấp cho thầy y chỉ. Nếu không có thầy giáo độc thì được ở tùy ý nhưng không có thầy y chỉ thì không được cư trú. * Duyên xứ như trước. Có Bí-sô cho người kia xuất gia và thọ cận viên rồi bỏ họ đó, đi du hành nhân gian, không cung cấp y thực và dạy bảo giáo pháp gì cả. Người đệ tử này phải cầu y chỉ với vị khác. Vị thầy y chỉ này hổ trợ y thực và dạy bảo giáo pháp cho người này đúng như Thế Tôn dạy bằng bốn nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Người môn nhân kia đối với thầy y chỉ rất yêu kính gấp bội, ý không muốn rời ra. Thời gian sau đó, sau khi du hành xong, vị thân giáo sư của người kia trở về vườn Cấp cô. Các Bí-sô trẻ tuổi đều nghênh tiếp, Bí-sô lớn tuổi đều chào đón . Tuy thấy, nhưng người đệ tử cũ vẫn không rời chỗ ngồi. Các Bí-sô bảo: - Thấy Tôn giả đến, người trẻ đều nghênh tiếp, người già chào thiện lai, vì sao thấy Bổn sư mà ông không rời khỏi chỗ ngồi, có hợp lý không? Ðáp: - Ông ấy cho tôi xuất gia thọ cận viên nhưng chẳng giúp đỡ về y thực, dạy bảo giáo pháp mà khiến tôi nhớ đến để thấy mà nghênh tiếp hay sao? Bí-sô nói: - Chớ nói lời ấy. Như lời Phật dạy, nếu người nào nương dựa vào thầy, cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục, với lòng tin thanh tịnh, xuất gia tu hành trong Phật pháp, mà trọn đời cúng dường tứ sự cho thầy cũng chưa thể báo được ân. Ông nói như vậy thật không đúng lý. Vị kia im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Khi trông thấy thầy, đệ tử môn nhân phải đứng dậy. Nếu gặp lại thân giáo sư thì xả ngay y chỉ. Như lời Phật dạy, gặp thân giáo sư thì xả y chỉ, các Bí-sô không biết như thế nào ... sẽ nói rõ ở sau. * Duyên xứ như trước. Có Bí-sô làm y chỉ cho một thiếu niên Bí-sô. Sau nữa tháng đến khi trưởng tịnh, người kia đến gặp thầy thưa: - A Giá Lợi Da! Con xin đảnh lễ có việc thưa thỉnh, muốn thủ trì trưởng tịnh. Thầy nói: - Hiền thủ! Vì sao tôi được làm thầy của ông? Ðáp: - Con đã nhận A Giá Lợi Da làm thầy y chỉ. - Như ông ngạo mạn không biết kính trọng, ai cho y chỉ, hãy tùy ý đi tìm thầy y chỉ khác. Người đệ tử im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Do các Bí-sô hằng ngày không kính lễ thầy mình ba lần nên có lỗi như vậy. Vì thế nên biết, môn nhân đệ tử mỗi ngày ba lần phải đích thân đến lễ kính hai thầy". Ngài dạy các Bí-sô: - Vì vậy, đệ tử môn nhân các ông hằng ngày ba lần phải đích thân đến lễ kính hai thầy. * Duyên xứ như trước. Bí-sô nọ làm y chỉ cho người trẻ tuổi, nuôi dưỡng cung cấp thương yêu như con. Người đệ tử có việc phải đi đến trú xứ khác, bạch với thầy: - A Giá Lợi Da! Xin ngài trông nom phòng xá ngọa cụ, con muốn du hành nhân gian. Thầy đáp: - Con có thiếu thốn gì không? Ðáp: - A Giá Lợi Da! Con không thiếu gì cả, chỉ muốn du lịch trong nhân gian, không bao lâu sẽ về. Thầy nói: - Ði nữa đường, nếu con hối hận thì nên quay trở về. Ðáp: - Rất đúng! Con xin vâng lời dạy sẽ về. Ði nữa đường, vị này sinh hối hận nên suy nghĩ: "Ta cần gì thầy y chỉ đều cung cấp, ta bỏ vị ấy mà đi, thật không hợp lý vậy nên trở lại". Trông thấy vị ấy trở lại trú xứ, vị thầy hỏi: - Con có quên gì không mà trở lại? Ðáp: - Con không bỏ quên gì cả nhưng nữa đường suy nghĩ: ta cần gì, thầy y chỉ đều cung cấp, vậy còn cầu gì nữa ở ngoài mà du hành, nên con trở lại. Thầy nói: - Rất tốt. Thầy lại suy nghĩ: "Nên y chỉ như cũ hay cho y chỉ lại?" Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Nếu thầy y chỉ có tâm thương mến nhưng môn nhân không có tâm thương mến thì gọi là không xả y chỉ. Nếu thầy y chỉ không có tâm thương mến nhưng môn nhân có tâm thương mến thì cũng gọi là không xả y chỉ. Nếu cả hai đều có tâm thương mến cũng không gọi là xả. Cả hai đều xả thì gọi là hết y chỉ. * Duyên xứ như trước. Một Bí-sô nọ làm thủ chúng, có nhiều thiếu niên đến học tập. Một hôm, vị thầy bỗng nhiên bị bệnh nhưng những người theo học không ai chăm sóc thầy. Ðến lần thứ ba, họ vẫn không hỏi han đến. Khi thầy hết bệnh, các đệ tử đều đến thưa với thầy xin dạy học tập hoặc xin dạy tụng. Thầy nói: - Cụ thọ! Ta bị bệnh ba lần, các ông chẳng có ai đến trông nom ta. Ai thấy các ông ngạo mạn như vậy mà dạy cho thì hãy đến học với họ. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Nên chăm sóc thầy dạy đọc tụng. Họ lo chăm sóc thầy, bỏ phế việc tu tập thiện pháp. Phật dạy: - Nên chia phiên nhau. Bấy giờ có một Bí-sô già yếu trước đó đã đến y chỉ, người khác báo: - Ông già, ngày mai đến lượt ông. Ðáp: - Vì sao ta cứ túc trực với thầy mãi vậy. Các ông an nhàn còn ta luôn phục vụ. Những người khác nói: - Ðây là việc thiện như lời Phật dạy: "Ai chăm sóc người bệnh là chăm sóc Ta". Ông là trượng phu tốt tùy ý nên làm. Vị này liền chăm sóc thầy nhờ vậy hết bệnh, đến thưa: - Xin thầy dạy con tụng kinh. Ðáp: - Khoan đã, chưa đến lượt ông. Lần sau đến thưa: - Dạy con tụng thuộc lòng. Ðáp: - Chưa đến lượt ông. Vị này thưa thầy: - Cung cấp phục vụ là đến lượt con, dạy đọc tụng kinh đến phiên người khác. Xin thầy ở lại an ổn, con đi nơi khác. Thầy nói: - Khoan đã, ông cần gì cứ nói, ta đều làm hết. Vị này im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Ðối với người thường phục vụ không nên xem như người khác. Không nên bỏ họ để đến lượt người khác. Bấy giờ có hai người một thông minh, một chậm lụt. Khi dạy người thông minh thì dùng văn dài, người chậm lụt bị bỏ sót. Phật dạy: - Nên dạy lại. * Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô cùng đến nhà môn đồ. Họ đưa giường ra mời, cả sáu người cùng ngồi làm giường bị sập nên cùng nhau cười lớn. Các Bí-sô khác thấy vậy, nói: - Cụ thọ! Làm việc phi pháp như vậy chẳng biết xấu hổ mà còn cười lớn. Họ cùng nhau đáp: - Chẳng lẽ tôi uống rượu ăn hành tỏi hay sao? - Không bao lâu nữa, cũng sẽ thấy các ông làm. Họ hỏi: - Tôi có phi pháp gì? -Chẳng lẽ không thấy giường hư nặng à? Ðáp: - Chẳng lẽ gỗ không còn và thợ mộc chết hết hay sao? Bí-sô đành im lặng, đem bạch Phật. Phật dạy: - Không được sáu người cùng ngồi một giường. Họ lại ngồi năm người một giường và bị lỗi như trước, bốn người cũng vậy. Phật dạy: - Không được bốn người. Trên một giường, ba người được ngồi, nếu gỗ quá cũ chỉ ngồi hai người. Giường nhỏ chỉ ngồi một người. Ai làm vi phạm bị tội vượt pháp.
Nhiếp tụng bốn trong biệt môn bốn:
* Duyên xứ như trước. Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn: - Như lời Phật dạy, nếu gặp người bệnh nên phục vụ cho họ, vậy dùng những vật gì để cung cấp? Phật dạy: - Này Ô Ba Ly! Chỉ trừ tánh tội, còn các vật thanh tịnh khác, tùy ý cung cấp. * Duyên xứ như trước. Cụ thọ Ô Ba Nan Ðà có một cầu tịch muốn thọ cận viên nên mời yết ma sư, bình giáo sư và bảy vị khác rồi đưa cầu tịch đến cầm theo tọa vật. Vị này, đến nơi đàn tràng trước, rưới nước quét dọn mặt đất trải tọa cụ nhưng mọi người vẫn chưa đến. Ô Ba Nan Ðà nhìn sang hai bên thấy hoa nở trên cây nên sai cầu tịch: - Ông hãy hái hoa dâng lên tăng chúng. Vâng lời, cầu tịch leo lên hái hoa, bị rơi xuống đất gãy tay nên không thọ cận viên được. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Các ông nên biết như đệ nhất thái tử của vua Chuyển luân sắp thọ lễ quán đảnh để lên ngôi vua, trong thời gian ấy phải giữ gìn bội phần. Người muốn thọ cận viên cũng như vậy, phải khéo yêu mến che chở, cho nên không được sai họ leo lên cây cao. Ai sai họ leo cây, bị tội vượt pháp. * Duyên xứ như trước. Trưởng giả tên Quảng Ðại, là người tin tưởng của vua Thắng Quang. Một hôm, nhân có lỗi nên trưởng giả bị vua khiển trách. Ông ta suy nghĩ: "Ðối với quốc chúa, thật khó phục vụ lâu dài, vậy phải tránh xa. Ta nên đi cầu xuất gia". Sau khi suy nghĩ như vậy, ông ta đi đến rừng Thệ Ða. Thông thường, Lục chúng Bí-sô cắt một người canh cửa chùa. Ðang đứng trước cửa, thấy Quảng Ðại đến, Ô Ba Nan Ðà dùng lời ngon ngọt nói: - Xin chào! Làm sao khó gặp ngài như trăng đầu tháng vậy? Ðáp: - Ðại Ðức! Chẳng lẽ ngài không nghe người đời có câu: ít gặp thì kính, thường thấy nên khinh. Hỏi: - Này Quảng Ðại, vì sao đến đây? Ðáp: - Thánh giả! Phàm là quốc vương, thật khó phục vụ, nay tuy vừa ý họ nhưng sau cùng cũng bị diệt thân. Tôi muốn xuất gia, mong ngài tế độ cho. - Hiền thủ phát được tâm này thật là việc tốt đẹp. Người xuất gia có năm lợi ích thù thắng nói rõ như trước. Chư Phật, Thanh văn và các bậc trí đều cùng khen ngợi. Nay thật đúng lúc. Họ đưa Quảng Ðại đi xuất gia và thọ cận viên. Bấy giờ, vua Thắng quang hỏi quần thần: - Không thấy Quảng Ðại, vì bệnh phải không? Ðáp: - Ông ấy không bệnh nhưng bị đại vương khiển trách nên đã bỏ đi, đến rừng Thệ Ða xuất gia. Vua hỏi: - Ai làm việc này? Ðáp: - Thánh giả Ô Ba Nan Ðà. Nghe như vậy, nhà vua nổi giận sai sứ giả đến báo: - Thánh giả! Người bị tôi khiển trách, ngài liền cho xuất gia vậy nay nên độ cho tôi cùng thái tử Ác Sinh và Thắng Man Hành Vũ cùng xuất gia luôn rồi ngài tự xưng vương thống lĩnh thành ấp. Ðến chùa, sứ giả trình bày đầy đủ lời vua phán. Nghe lời này của vua, Ô Ba Nan Ðà bảo sứ giả: - Ông hãy đem lời ta về nói lại vua của ông, hãy đến chùa đem theo Ác Sinh, Thắng Man, Hành Vũ cùng nhau xuất gia. Ta sẽ làm vua nào có hại gì? Ta nào có đến nhà dụ dỗ Quảng Ðại xuất gia đâu. Hắn tự đến cầu, ta mới tế độ, lợi ích luôn luôn được phước vô biên. Nghe nói như vậy, nhà vua bất mãn chê trách. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Ðộ đại thần của vua có lỗi như vậy. Vì vậy, không nên vội độ những hạng này". Ngài bảo các Bí-sô: - Các ông nên biết, Ô Ba Nan Ðà là kẻ ngu si, độ đại thần Quảng Ð?i xuất gia làm cho vua hiềm khích. Vậy nên Bí-sô không nên độ đại thần xuất gia, thấy họ đến xin, cần phải gạn hỏi: - Ông có phải là quan thần không? Nếu ai không gạn hỏi mà cho họ xuất gia, bị tội vượt pháp. Sau khi Phật đã chế, có người ở nước ngoài đến, không ai biết rõ, vua bản quốc cũng chưa cho phép, đến gặp Bí-sô cầu xin xuất gia. Họ đều ngờ vực không cho xuất gia. Phật dạy: - Nếu có những người ở nước ngoài như vậy, nên cho họ xuất gia, chớ nghi ngại. * Duyên xứ như trước. Vào một lúc nọ, cụ thọ A Nan Ðà vừa mới cạo râu tóc, vào sáng sớm mặc y mang bát vào thành khất thực, đi đến ngã đường kia. Có một Bà-la-môn là đại học sĩ đang ngồi trên tòa nhà cao đẹp rộng lớn giảng bốn minh luận cho năm trăm Bà-la-môn trẻ. Vị bác sĩ này ngạo mạn tự cao không giữ lễ phép, tính tình độc ác, khinh miệt người khác. Thấy Tôn giả A Nan, ông ta sai đệ tử: - Ngươi có thể dùng tay đánh vào đầu Sa-môn trọc đầu này không? Ðáp: - Làm được. Vâng lệnh thầy, người đệ tử nắm tay đánh vào đầu Tôn giả. A Nan Ðà nhìn khắp bốn phía. Bà-la-môn càng thêm sân hận lại sai đệ tử đánh tiếp vào đầu Tôn giả. Suy nghĩ: "Ta nhìn làm gì ", nên A Nan im lặng bỏ đi. Về đến rừng Thệ Ða, sau khi thọ trai rửa bát xong, Tôn giả nói với các Bí-sô: - Cụ thọ! Không nên đi đến ngõ ấy. Hỏi: - Có nguy hiểm gì? - Nơi đó có Bà-la-môn tính tình độc ác không biết lễ phép, dạy các đệ tử đọc minh luận, sai một đệ tử dùng tay đánh vào đầu tôi. Bí-sô hỏi: - Thầy phạm lỗi gì làm cho họ nổi giận? - Tôi không có lỗi, lại vừa có lỗi. Hỏi: - Việc ấy như thế nào? Ðáp: - Tôi vốn không có lỗi, họ sai người đánh vào đầu. Vì tôi nhìn nên họ đánh thêm. Trước không lỗi nhưng sau có lỗi. Nghe như vậy, Ô Ba Nan Ðà hỏi: - Tôn giả! Ngài nói gì vậy? Ðáp: - Chỉ là chuyện nhỏ. - Vừa rồi tôi chỉ nghe sơ qua, xin ngài nói lại. Nghe nói lại đầy đủ, vừa gật đầu, miệng v?a ừ liên tục, Ô Ba Nan Ðà suy nghĩ: "Ta đã biết cách trị kẻ tiểu nhân ấy rồi". Ô Ba Nan Ðà bảo thợ cạo cạo ngược xuôi làm đầu sạch nhẵn rồi dùng dầu thoa cho bóng. Vào sáng sớm, mặc y mang bát vào thành Thất La Phiệt, đi dần đến chỗ Bà-la-môn dạy học kia. Ðang bận việc khác, họ không thấy Bí-sô. Ngay trước nhà họ, Ô Ba Nan Ðà đi qua lại nhiều lần. Thấy vậy, Bà-la-môn sai một đệ tử: - Ngươi hãy đến đánh vào Sa-môn trọc đầu kia. Nghe nói như vậy, Ô Ba Nan Ðà bảo Bà-la-môn: - Người là vật chẳng biết gì, vì sao sai người khác mà không tự đi đánh? Giận dữ nổi lên, Bà-la-môn đích thân đến dùng nắm tay đánh vào đầu Ô Ba Nan Ðà . Ô Ba Nan Ðà liền nắm lấy tay người kia và bảo: - Này vật ngu si, A Nan Ðà bị ngươi đánh, nay ta phải đưa ngươi đến gặp vua. Ô Ba liền nắm tay hắn và lôi đi về phía trước. Bà-la-môn lên tiếng kêu các đệ tử đến nắm tay kia kéo lại. Những đệ tử cùng kế tiếp nhau kéo lại. Ô Ba Nan Ðà có khí lực rất mạnh lôi cả người Bà-la-môn cùng năm trăm đệ tử đi đến cửa vua. Khi giận dữ, Lục chúng có khả năng đến như vậy. Ðến cửa đền vua, cả cung điện đều chấn động. Thấy như vậy, vua hỏi tả hữu: - Hãy ra cửa xem xét có việc gì mà Thánh giả Lục chúng đến đây? Ra ngoài, họ thấy Ô Ba Nan Ðà dẫn năm trăm Bà-la-môn trẻ cùng đến cửa, nên vào tâu vua: - Thánh giả Ô Ba Nan Ðà đang ở ngoài cửa. Vua nói: - Cho gọi vào. Gặp mặt vua, Tôn giả hỏi: - Ðại vương! Giả như trước đây thánh giả A Nan Ðà không xuất gia thì ở địa vị nào? Vua đáp: - Thánh giả! Sẽ làm Lực Luân vương. - Vậy vua làm người nào? Ðáp: - Trẫm là tùy tùng. - Trước đây nhà vua có quy chế xem các Bí-sô cũng như thái tử, Bí-sô ny được xem như phi hậu, đặc cách việc này không chung với người khác. Ðối với chúng tôi, vua rất thương yêu. Nhưng có Bà-la-môn nghịch lại lệnh vua, tự dùng tay đánh vào đầu thánh giả A Nan Ðà rồi lại nổi sân đánh vào đầu tôi, việc này đúng không? Nghe nói, vua cả giận sai cận thần: - Khanh hãy đến chặt tay Bà-la-môn . Ðại thần liền đưa Bà-la-môn đến ngã tư đường, bảo cho mọi người biết. Bấy giờ, cha mẹ, thân tộc và các bạn bè của họ kéo tới khóc lóc như mưa, lên tiếng kêu gào nói: - Khổ thay con tôi! Khổ thay con tôi! Họ cùng nhau kéo tới thưa với pháp quan: - Lành thay đại quan! Con tôi có tội nên vua ra lệnh chặt tay, đã phạm hiến pháp không phải phạt oan nhưng Bà-la-môn sống bằng tay phải, nếu ngài chặt tay trái thật là ban ân. Nghe vậy, đại thần chặt tay trái. Sau đó, khi vết thương ở tay của Bà-la-môn này vừa lành, liền che tay trái đưa tay phải lên làm dấu chỗ đọc trong sách. Từ xa trông thấy họ đưa tay lên, Ô Ba Nan Ðà rất phẫn nộ, trở lại gặp vua, tâu: - Ðại vương! Làm theo đúng pháp lệnh của vua nhưng lại thành khoái lạc. Tuy biết trong nước không có việc này, vua vẫn hỏi: - Thánh giả! Ta có làmviệc gì? Ðáp: - Trước đây vua ra lệnh chặt tay Bà-la-môn nhưng tay họ vẫn còn. Vua gọi đại thần lại, hỏi: - Sao không chặt tay Bà-la-môn? - Ðã chặt rồi. - Nếu vậy, vì sao thánh giả Ô Ba Nan Ðà thấy họ đưa tay dạy bảo? Ðại thần tâu: - Thấy cha mẹ của họ khóc lóc van xin vì Bà-la-môn sống bằng tay phải, mong được chặt tay trái. Thế nên, thần chặt tay trái của hắn. Vua phán: - Khanh vì cha mẹ hắn nên chặt bên trái, nay theo lệnh ta chặt bên phải. Ðại thần tuân lệnh đến chặt bên phải. Không còn hai bàn tay, Bà-la-môn phải thả thỏng hai tay. Một hôm, Ô Ba Nan Ðà đi qua bên cạnh, hỏi: - Vì sao thả hai tay không như ngày xưa đến đánh vào đầu ta? Nghe vậy, người kia đau buồn im lặng không biết nói gì. Khi ấy các Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ cùng mọi người đều bất mãn nói: - Sa-môn Thích tử không có từ bi gây việc hành hình, tạo sự đau khổ, chặt tay của người. Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Khi Bí-sô chặt tay của người gây ra lỗi như vậy, thế nên Bí-sô không được chặt tay chân của người". Ngài bảo các Bí-sô: - Ô Ba Nan Ðà là kẻ ngu si, làm trái pháp Sa-môn, gây việc không được làm, đã bỏ tục xuất gia vào giáo pháp của Ta, lại làm nghiệp ác. Bí-sô nào chặt tay chân người, phạm tội Tốt Thổ La Ðể Dã. Các Bí-sô đếu có nghi vấn, thưa Thế Tôn: - Vì sao cụ thọ A Nan Ðà hộ vệ Bà-la-môn ấy còn Ô Ba Nan Ðà thì có ý báo thù? Phật dạy: - Chẳng phải ngày nay A Nan Ðà có tâm ủng hộ, Ô Ba Nan Ðà gây việc báo thù chặt tay của người. Các thầy nên lắng nghe, thời quá khứ trong khu vườn kia với đầy đủ hoa trái ao tắm, có một ẩn sĩ ở đó, chỉ ăn củ trái uống nước để sống, mặc y vỏ cây không mong muốn gì cả, ngồi kiết già dưới gốc cây, tư duy ý nghĩa của pháp. Trên cây có con khỉ hái trái cho rụng lổ đầu vị này. Vị ẩn sĩ nói kệ:
Trước đây, vị ẩn sĩ quen biết với người thợ săn. Có việc ra ngoài, thợ săn vào rừng đến dưới gốc cây có trái kia. Có việc nên ẩn sĩ đi khỏi chỗ ấy. Thấy không có ẩn sĩ ở đó nên thợ săn tạm thời nghỉ dưới gốc cây. Bấy giờ, con khỉ lấy trái lớn ném vào đầu thợ săn. Ðầu thợ săn vốn không có tóc, bị trái kia đánh vào nên chảy máu. Bị đau đớn cả tâm can, thợ săn ngững nhìn lên cây thấy con khi đang chuyền trên cành cây. Ông ta lấy cung bắn bằng tên độc. Con khỉ rơi xuống đất chết. - Này các Bí-sô, chớ có nghi ngờ, vị ẩn sĩ ngày xưa nay chính là A Nan, con khỉ nay là Bà-la-môn, thợ săn nay là Ô Ba Nan Ðà. Ngày xưa, nó được A Nan Ðà hộ trì, bị Ô Ba Nan Ðà báo thù cho đến ngày nay cũng như vậy một người giữ, một người bỏ. Vì vậy nên biết nghiệp duyên đã tạo không bị mất ... nói rộng như nơi khác. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ-NẠI-DA TẠP-SỰ Quyển mười sáu hết. -ooOoo- Ðầu
trang | 00
| 01 | 02 | 03
| 04 | 05 | 06
| 07 | 08 | 09
| 10 | 11 | 12
| 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19
| 20 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Tâm Hạnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 03-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 01-03-2002