BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Ðại Tạng No. 1451
CĂN BẢN
THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -
Hán dịch:
Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri. Quyển thứ bảy--- ooOoo --- (Phần tiếp theo thuộc tụng hai, biệt môn hai). * Duyên tại thành Thất La Phiệt, Lục chúng Bí-sô tuy tuổi già nhưng vẫn thường trạo cử, các Bí-sô khác nói: - Quý vị tuổi đã xế chiều vẫn chưa ngừng trạo cử. Họ nghe vậy im lặng, bảo với Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà: - Bọn bát đen thật nhiều chuyện, nên làm việc dạy khôn. Chúng ta hãy gây sỉ nhục để bọn chúng xấu hổ. Sau khi suy nghĩ, Lục chúng tìm cách. Bấy giờ có nhiều Bí-sô kỳ túc, đến ngồi yên dưới gốc cây trong rừng vắng. Cùng đến đó, thấy họ đang thiền định, liền theo hướng gió thổi, Lục chúng đốt lửa ba mặt, rồi đến nơi xa nhìn lại. Bấy giờ, các vị kỳ túc thấy lửa cháy đến, kinh sợ đứng dậy theo hướng khói chạy ra. Thấy vậy, Lục chúng nói: - Các vị già cả chưa hết trạo cử, vì sao vụt chạy mất hết thứ tự? Ðáp: - Cụ thọ! Thầy không thấy lửa dữ cháy rừng hay sao, chạy có lạ gì? Lục chúng nói: - Chẳng lẽ Thế Tôn chế giới áp dụng khi bình thường, lúc ách nạn được vi phạm hay sao? Ðáp: - Hay là các thầy gây ra hỏa hoạn này? Lục chúng cười lớn nói: - Chúng tôi cố ý muốn sỉ nhục các ông. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy: - Bí-sô không được đốt rừng hoang, ai vi phạm bị tội Tốt-thổ-la-để-dã. * Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có hai Bí-sô một già một trẻ cùng du hành nhân gian với nhau. Vị già có nhiều y phục vật dụng, vị trẻ chỉ có ba y. Vị già bảo trẻ: - Cụ thọ hãy mang túi đựng y cho tôi, tôi quá mỏi mệt muốn nghỉ vai một lúc. Vị trẻ thưa: - Con muốn thưa vài lời xin ngài đừng giận trách. Ðáp: - Thầy tùy ý nói, ai lại giận trách. Vị trẻ nói: - Trưởng lão lẽ nào chẳng thấy, Phật Pháp Tăng bảo đến đâu cũng được dâng cúng, hơi đâu mà chứa những vật ngu si này! Vị già nói: - Hiền thủ! Thầy không chịu mang, ai ép buộc thầy. Nhưng tôi hỏi thầy, thầy có phải là thân giáo sư hay quỹ phạm sư của tôi hay sao mà đem việc của tôi ra khuyên dạy? Vị nhỏ im lặng. Vị lớn suy nghĩ: "Ta sẽ xử lý thằng nhỏ này". Ðến chiều tối, cả hai cùng nghỉ tạm trong chùa. Trong chùa, từ trước Tăng chúng có lập điều lệ: - Ai không có y chỉ không được nghỉ lại. Vị tri sự chùa bảo hai vị khách: - Quý vị mới đến xin nhận ngọa cụ. Sau khi nhận ngọa cụ, vị già bảo vị trẻ: - Hãy lấy phần của thầy. Vị trẻ đáp: - Con chưa có y chỉ, đợi khi có thầy rồi, sẽ nhận ngọa cụ. Sau khi gặp thượng tọa thủ chúng, làm lễ xong, vị trẻ thưa: - Xin thượng tọa cho con y chỉ. Hỏi: - Hiền thủ, thầy đến đây với ai? Ðáp: - Bí-sô tên ... Nói: - Hiền thủ! Thầy hãy đến thỉnh vị ấy làm y chỉ, đừng để người ấy nói thượng tọa thủ chúng chia rẽ môn đồ chúng tôi. Vị trẻ nghe nói, đi đến cầu vị khác, lần lượt khắp cả chùa, nơi nào cũng đều không chịu. Cuối cùng, vị ấy trở lại phòng, gỏ cửa gọi: - Kính lễ thượng tọa! Hỏi: - Người là ai? Ðáp: - Con là ... chúc thầy mạnh khỏe. Thượng tọa biết không, đại chúng trong chùa này lập quy định, ai không có y chỉ không cho ở lại dù một đêm; xin cho con y chỉ. Ðáp: - Hiền thủ! Thật là quy định tốt, chúng Tăng không làm, ta cũng sẽ làm. Trước đây, ông nói với ta, chẳng lẽ không thấy tam tôn nên chứa nhiều vật ngu si. Nay lại nói kính lễ Thượng tọa, làm sao quá trái ngược như vậy! Khinh mạn như thế, ai làm y chỉ cho ông! Hãy đi tìm thầy y chỉ khác theo ý mình. Nói xong, vị lớn im lặng không mở cửa. Suốt đêm, vị nhỏ ngồi trên đất chịu khổ đến sáng. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy: - Không có thầy y chỉ, không nên du hành nhân gian. Các Bí-sô không nên như sư tử cố chấp lòng thù hận. Tăng già không được tự ý lập ra quy chế ác nghiệt như vậy, làm cho Bí-sô kia chịu khổ não oan uổng. Bí-sô nào không có thầy y chỉ mà du hành nhân gian, gây phiền não người khác vì lập quy chế phi pháp, đều bị tội vượt pháp. * Một thời, Phật du hóa nước Ma Kiệt Ðà, ở cung điện của Dược xoa Bạc Câu-la, núi Mộ-câu. Bí-sô Long Hộ làm thị giả. Giữa đêm tối mưa lâm râm với ánh chớp chiếu sáng, Thế Tôn đi kinh hành trên đất trống. Thường pháp cuả chư Phật là Thế Tôn chưa nằm nghỉ, thị giả không được đi nằm trước. Bấy giờ, với thiên nhãn quan sát khắp thế gian, thấy trong cung điện của Dược xoa Bạc-câu-la, Thế Tôn đang kinh hành trên đất trống giữa đêm tối mưa lâm râm với ánh chớp chiếu sáng, Thiên Ðế Thích suy nghĩ: ta hãy đến lễ bái Thế Tôn. Sau khi hóa ra cung điện xinh đẹp bằng lưu ly, mang theo che trên Thế Tôn, Ðế Thích đi kinh hành theo sau Ngài. Nếu thấy trẻ con kêu khóc ban đêm, thường dân nước Ma Yết Ðà bảo chúng đừng khóc bằng cách dọa: - Dạ-xoa Bạc-câu-la đến ăn thịt ngươi. Thấy đêm đã khuya mà Thế Tôn không nằm nghỉ, vẫn tiếp tục kinh hành, nên sau khi suy nghĩ: "Ta hãy giả Dược-xoa Bạc-câu-la để gây khủng bố", Bí-sô Long Hộ liền trùm tấm mền lớn lông dài, đến chỗ kinh hành dọa Thế Tôn: - Dạ-xoa Bạc-câu-la đến đây! Phật bảo Long Hộ: - Ngươi là kẻ ngu si nên đem Dạ-xoa Bạc-câu-la ra dọa bậc Thiện Thệ. Ðức Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác đã xa lìa sự sợ hãi từ lâu, thân tâm không còn chút nào kinh hãi nữa. Thấy Bí-sô Long Hộ làm việc phi pháp, Thiên Ðế Thích bất mãn thưa với Thế Tôn: - Trong Phật pháp cũng còn có những hạng người này sao? Phật bảo Thiên Ðế Thích: - Ông nên biết, ngôi nhà Kiều Ðáp Ma rất là to rộng, bên trong có nhiều phẩm loại khác nhau. Chớ khinh người này vì trong đời tương lai họ sẽ được pháp thù thắng. Thiên Ðế Thích lạy sát chân Phật rồi trở về thiên cung. Phật suy nghĩ: "Vì các Bí-sô dùng mền lớn để phần lông hướng ra ngoài nên có lỗi như vậy. Ta chế định, các Bí-sô nào đắp mền như vậy bị tội vượt pháp. Nghe Phật chế như vậy, khi đi theo đoàn buôn du hành nhân gian, đến chỗ người chăn bò, gặp phải đêm lạnh dùng mền lông dài, mền có mùi hôi nhiều rận rệp, muốn hướng mặt lông ra ngoài để đắp nhưng các Bí-sô sợ phạm giới nên không dám lật lại. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy: - Mền hướng mặt lông ra ngoài chỉ dùng trùm ngồi yên, không được kinh hành, ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Nhiếp tụng ba trong biệt môn hai: Phi chiên thính bất
thính * Duyên tại thành Thất La Phiệt. Phật bảo các Bí-sô: - Nếu được tấm lót nằm bằng kiếp bối hoặc vải nỉ lông dài, hoặc Cao Nhiếp Ba, những vật ấy Ta đều cho phép Tăng già hay cá nhân đều được tùy ý sử dụng. Nếu được loại nỉ cao-nhiếp-ba thượng hạng chỉ cho phép dùng cho tăng, cá nhân không được dùng. * Duyên tại thành Thất La Phiệt. Vào sáng sớm, trong khi mặc y ôm bát khất thực trong thành, thượng y bị tuột xuống, Bí-sô vội vàng đặt bát xuống đất để sửa y. Cư sĩ Bà-la-môn thấy vậy chê bai nói: - Sa-môn Thích tử phần nhiều không sạch sẽ, đặt bát ở chỗ nhơ bẩn. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy: - Ai tùy tiện đặt bát dưới đất bị tội vượt pháp. Vì giữ y cho phép làm nút, Bí-sô dùng kim gai may y làm y bị hư. Phật dạy: - Không nên làm vậy. Họ lại cột bằng tơ, Phật dạy: - Không nên làm vậy, nên làm chỗ giữ trên vai, tra nút trước ngực. Bí-sô không biết làm nút như thế nào, Phật dạy: - Có ba loại nút:
Ngay biên y trên vai, tra chỗ giữ thì mau bị đứt, nên tra vào sau biên chừng bốn ngón tay. Họ tra ngay trên y làm y bị rách, Phật dạy: - Nên may chồng hai lớp, làm lỗ khuy vòng để gài nút vào trong chỗ hai lớp vải, nút tra ngay trước ngực chỗ biên y, chỗ ba lớp y là nơi tra nút, ai vi phạm bị tội vượt pháp. * Duyên xứ như trước ở. Trong khi đi khất thực, hạ y bị tuột, Bí-sô đặt bát dưới đất để sửa y dưới. Người đời thấy vậy, bất mãn chê bai: - Sa-môn Thích tử không biết dơ sạch, chỗ nào dưới đất cũng để bát được. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy: - Phải cột chặt hạ y rồi mới được đi vào xóm làng. Họ dùng dây buộc chặt quá làm y mau hư. Phật dạy: - Ðừng dùng dây, nên dùng đai lưng. Bí-sô không biết làm đai như thế nào. Phật dạy: - Có ba loại đai, một là dẹp, hai là vuông, ba là tròn; ai làm khác bị tội vượt pháp.
Nhiếp tụng bốn trong biệt môn thứ hai:
* Duyên tại vườn cây Ða Căn, thành Kiếp Tỷ La. Khi ấy, ở một tụ lạc nọ của Thích-tử Ðại Danh, người quản lý đột ngột qua đời. Mọi người đến báo với Ðại Danh: - Người tri sự vừa chết, hãy cho người khác đến quản lý việc trong thôn. Khi ấy, Ðại Danh bảo một thanh niên đang đứng bên cạnh: - Này thanh niên! Ngươi hãy tạm đến kiểm tra sự việc trong thôn, sau đó ta sẽ sai kế tục tri sự. Người ấy đi đến thôn và kiểm soát đúng phép, những lợi nhuận về đất đai đều nộp lên Ðại Danh, nhiều hơn trước đây nhưng không làm ai oán hận. Ðại Danh hỏi: - Ngươi thu nộp nhiều thuế ruộng hơn trước, có phải thường ép buộc người phải không? Thưa: - Ðại gia! Tôi thu thuế đúng theo pháp lý không hề làm khổ người. Bấy giờ, Ðại Danh hỏi người trong thôn: - Thanh niên này có gây áp bức trong thôn không? Mọi người đáp: - Không có ai oán hận cả. Khi ấy, Ðại Danh đưa người ấy lên làm chủ. Người ấy y theo pháp lý thu thuế công bằng, không áp bức cướp đoạt, làm quan tri sự thống lĩnh thôn ấp. Thanh niên này lấy một cô gái thuộc tộc họ Bà-la-môn làm vợ, chẳng bao lâu sinh được một trai, năm sau lại sinh thêm một gái tên Minh Nguyệt. Bé gái này được nuôi dưỡng đúng pháp, khi lớn lên thông minh trí tuệ hình dáng tuyệt trần, trong thôn ai cũng khen xinh đẹp. Sau đó, người cha bị bệnh, tuy thuốc thang chữa trị nhưng vẫn không giảm. Tiền thu thuế hàng năm trong thôn đều dùng chữa bệnh nên không còn dư, phải vay thêm ở ngoài thôn để chi dụng. Bệnh ngày càng nặng, đến nỗi người cha qua đời.Người trong thôn đến báo với Ðại Danh: - Ðại gia, quan tri sự đã qua đời. Ðại Danh hỏi: - Năm nay trong thôn có nộp thuế không? Ðáp: - Trong năm nay họ thu nhiều thuế nhưng đã dùng hết vào việc mua thuốc trị bệnh mà vẫn không đủ phải vay thêm ở thôn khác. Ðại Danh nói: - Họ còn dư chút nào hãy đem trả vào nợ. Mọi người đáp: - Không còn gì cả, chỉ có một vợ và một trai một gái. Con gái tên Minh-nguyệt thông minh trí thức, dung nghi tuyệt trần, trong làng xóm ai cũng khen đẹp. Ðại Danh bảo: - Cho người mẹ và con trai tự sinh kế, hãy gọi người con gái đến đây. Người trong thôn thả hai mẹ con và đưa Minh-nguyệt đến gặp Ðại Danh. Trong nhà Ðại Danh có một bà già, thường làm hai việc, một là chiên bánh, hai là hái hoa. Bấy giờ, bà già bảo Ðại Danh: - Tôi đã già, không thể làm cả hai việc, hãy cho cô gái nhỏ này làm bạn với tôi. Ðáp: - Tùy ý. Bà lão bảo với Minh Nguyệt: - Con hãy đi vào rừng hái hoa, ta ở nhà coi việc làm bánh. Cô ta hái hoa kết thành vòng đẹp dâng lên Ðại Danh. Ðại Danh vui mừng bảo: - Vòng hoa thật đẹp, hãy để đó và đi đi.Gọi bà già, ông ta hỏi: - Vì sao trước đây hoa ít nay lại nhiều hơn vậy? Thưa: - Ðại gia,trước đây có bà con gần đến xin, tôi cho bớt, nay không cho nữa. Vả lại mắt tôi mờ xem không rõ, nay cô bé Minh Nguyệt hái hoa xem rõ nên được nhiều. Ðại Danh bảo: - Như vậy hãy để cô bé này lại trong vườn, hằng ngày thường hái nhiều hoa, kết thành vòng đem dâng cho ta. Nhân đó, đặt tên cô bé là Thắng Man (vòng hoa đẹp). Một hôm, nhận phần ăn của mình xong, đang đi vào trong vườn, Thắng Man gặp Phật Thế Tôn vào thành khất thực. Giữa đường, thấy tướng hảo của Phật, Thắng Man sinh tâm kính tín chiêm ngưỡng tôn nhan, tha thiết đứng yên suy nghĩ: "Vì xưa nay chưa từng cúng dường ruộng phước chân thật, nên nay ta bị bần tiện như thế này. Nếu Phật Thế Tôn nhận thức ăn của ta, ta sẽ đem bữa ăn này dâng lên Ngài". Biết ý nghĩ của cô gái, Thế Tôn đưa bát ra bảo: - Này thiện nữ! Con có ý niệm muốn dâng thức ăn, hãy đặt vào bát này. Khi ấy, với tâm cung kính, đem phần ăn của mình đặt vào bát của Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, Thắng Man bạch: - Con nguyện nhờ phước này xả bỏ thân ty tiện, không còn nghèo khổ được giàu sang lớn. Sau khi phát nguyện lễ Phật từ giã, trên đường Thắng Man bỗng gặp bạn của cha mình. Người này giỏi xem tướng, thấy Thắng Man có dị tướng nên hỏi: - Con muốn gì? Thắng Man khóc lóc. Lại hỏi: - Vì sao con ưu sầu như vậy? Ðáp: - Thưa chú, con bị Ðại Danh bắt làm nô tỳ. Người kia bảo: - Cháu gái hãy đưa tay cho ta xem tướng của con. Sau khi cô bé đưa tay, nhìn thấy, ông lão nói kệ:
Thắng Man bái tạ ông lão và trở vào vườn. Một hôm, vua Thắng Quang nghiêm giá bốn loại binh ra thành săn bắn, con ngựa đang cỡi bỗng nhiên vọt chạy không kềm chế được, đưa nhà vua đến thành Kiếp Tỷ La vào vườn Ðại Danh. Thắng Man trông thấy, thưa: - Kính chào đại vương! Vua hỏi Thắng Man: - Vườn này của ai? Ðáp: - Vườn của Ðại Danh. Nhà vua bước xuống, cô gái cột ngựa vào gốc cây. Vua nói: - Hãy lấy nước, ta muốn rửa chân. Sau khi suy nghĩ: "hãy tìm nước ấm để vua rửa chân", cô gái đi đến chỗ nước có mặt trời chiếu vào, dùng lá sen múc đầy nước đem dâng vua để rửa chân. Nhà vua lại bảo: - Hãy lấy nước cho ta rửa mặt. Sau khi suy nghĩ: "Nước ấm không nên dùng rửa mặt", cô gái dùng tay khuấy nước cho vừa mát rồi dâng lên vua. Sau khi rửa mặt, nhà vua lại bảo: - Hãy đem nước cho ta uống. Sau khi suy nghĩ: "cần có nước lạnh mới giải khát được", cô gái lấy nước chỗ sâu dưới ao đem dâng lên vua. Uống xong, nhà vua hỏi cô gái: - Trong vườn này có ba loại nước phải không? Ðáp: - Trong vườn không có ba loại nước, chỉ ở một chỗ. Vua lại hỏi: - Nếu một loại nước, vì sao vừa rồi nàng có ba loại khác nhau. Cô gái trình bày cho vua nghe cách làm của mình. Nghe xong, sau khi suy nghĩ: "Cô gái này giỏi biết phương pháp đáp ứng thời cơ". Nhà vua bảo cô gái: - Ta muốn nằm ngủ, cần nàng bóp chân. Cô gái bóp chân vua trong lúc ông ta an nghỉ. Khi nhà vua ngủ say, cô gái suy nghĩ: "Các vị vua tôn quý sang cả, tất có nhiều người oán ghét, ít kẻ ưu ái. Nhà vua đang ngủ say, sợ có kẻ ác đến làm làm hại ngài. Nếu không đóng cửa bảo vệ, có kẻ làm hại vua, ta và chủ nhân tất bị tội lỗi". Ðể bảo vệ, cô gái liền đóng cửa vườn. Khi ấy, đi tìm nhà vua, đến vườn kia, bốn loại binh hỏi thăm: - Nhà vua ở đây phải không? Nghe hỏi, cô gái vẫn không chịu mở cửa. Thức dậy vì nghe tiếng ồn ào của quân lính bên ngoài, nhà vua hỏi cô gái: - Tiếng vang gì vậy? Ðáp: - Có người đến hỏi đại vương ở đâu và muốn mở cửa. Hỏi: - Ai đã đóng cửa? Ðáp: - Thiếp đã đóng! - Vì sao đóng? Nhà vua hỏi. Ðáp: - Thiếp tự nghĩ, các vị vua tôn quý sang cả nên kẻ oán hận nhiều ít kẻ ưu ái. Nhà vua đang ngủ say, sợ có kẻ ác đến gây hại. Nếu không đóng cửa bảo vệ, bỗng nhiên vua bị thương tổn, ta và ông chủ tất bị tội lỗi. Vì vậy, thiếp đóng cửa. Nghe nói xong, sau khi khen ngợi: - Cô gái thật hay, có kế kỳ diệu. Nhà vua hỏi: - Người chủ vườn là Ðại Danh có thân thuộc gì với nàng? Ðáp: - Thiếp là người phục vụ của Ðại Danh. Vua hỏi: - Không phải hạng thấp hèn, là con gái của Ðại Danh, tại sao nàng không nói thật? Cô gái im lặng. Bấy giờ, nhà vua bảo cô gái vào trong thành, báo với Ðại Danh: - Vua Thắng Quang đang ở trong vườn của ông ta. Cô gái vội vàng đến báo đầy đủ với Ðại Danh.Sau khi nghe báo, cùng với nhiều người đến vườn kia mang theo thức ăn ngon và hương hoa, thấy vua Thắng Quang, Ðại Danh tung hô: - Kính chào đại vuơng! Sau khi cùng nhau thăm hỏi, ông ta phục vụ vua tắm rửa, rồi dâng y phục tốt đẹp, hương xoa, vòng hoa và đầy đủ thức ăn ngon. Sau khi ăn xong, trong lúc nói chuyện, nhà vua hỏi Ðại Danh: - Cô gái nhỏ này thân thuộc gì của khanh? Ðáp: - Là người phục vụ. Vua nói: - Chẳng phải là người phục vụ, là con của khanh, hãy dâng cho ta. Ðại Danh tâu: - Còn có nhiều cô gái thuộc giòng họ Thích xinh đẹp kỳ diệu gấp bội cô này, vì sao vua không lấy? Vua đáp: - Cô gái này chính là người mà ta cần, không cần người khác. Ðại Danh tâu: - Nếu như vậy, thần sẽ tổ chức đầy đủ nghi lễ để dâng lên ngài. Vua nói: - Lành thay! Ðại Danh liền trang hoàng thành phố, quét dọn đường lộ, trang điểm cho cô Thắng Man các loại anh lạc cho ngồi trên voi lớn, tại chỗ rộng rãi, rung chuông báo cáo cho mọi người trong thành Kiếp Tỷ La, và những người ở phương khác đến: - Thắng Man, con gái của Thích chủng Ðại Danh sắp được đưa dâng lên vua Thắng Quang nước Kiều Tát La làm đệ nhất phu nhân. Trước sự đưa tiễn của nhân dân cả thành, với nghi lễ quân lính đầy đủ, vua Thắng Quang nghênh đón Thắng Man về nước. Nghe nhà vua lấy nô tỳ làm phu nhân. Quốc mẫu rất ưu buồn, tức giận suy nghĩ: "Ðây chẳng phải là đứa con tốt, làm phiền ta lúc trong bụng, sinh ra nuôi cho trưởng thành cuối cùng làm chồng kẻ ti tiện". Về đến thành, vua bảo Thắng Man: - Nàng hãy đến làm lễ ra mắt đại-gia. Thắng Man đến gặp đại-gia, cúi đầu làm lễ, tay ôm lấy hai chân. Khi bàn tay mềm mại của Thắng Man chạm vào chân, bỗng nhiên quốc-mẫu cảm thấy thân tâm ngây ngất, giây lâu mới bình tỉnh lại, nói: - Xem cô gái hạ tiện với thân hình xinh đẹp này, tất làm tan nát thành Kiều Tát La của ta. Bấy giờ, vua Thắng Quang có hai đại phu nhân, một tên Hành Vũ, một tên Thắng Man. Khi cùng Thắng Man gặp nhau hoan hỷ, vua thường khen về Hành Vũ với lời lẽ: - Thắng Man nên biết, phu nhân Hành Vũ xinh đẹp tuyệt trần. Thắng Man tâu vua: - Bao giờ thiếp mới được gặp? Vua nói: - Không bao lâu nữa, nàng sẽ gặp. Khi gặp Hành Vũ, vua thường khen về Thắng Man với lời lẽ: - Hành Vũ nên biết, phu nhân Thắng Man da thịt mềm mại hiếm có trong đời. Hành Vũ tâu vua: - Bao giờ thiếp mới được diện kiến? Vua nói: - Không bao lâu sẽ cho nàng gặp. Thường khen hai người với nhau, vua làm cho họ yêu kính và muốn gặp nhau. Sau đó, vào tiết tháng ba mùa xuân, trăm hoa đua nở, cây cỏ tươi tốt, nước hồ trong xanh, chim hoa rực rỡ, chim- công, anh-vũ, nga, nhạn, oanh-ương, cùng nhau bay lượn đua hót véo von. Một hôm, trong khu vườn xinh đẹp, vua cùng thể nữ vây quanh vui chơi đùa giỡn khắp nơi. Khi vua nghỉ ngơi, các cung nhân tung tăng tham hái hoa quả, tùy ý đi khắp. Bấy giờ, Hành Vũ mệt nhọc nên vịn nhánh cây vô-ưu đứng nghĩ . Thắng Man đến lạy sát chân Hành Vũ vì khi đi qua gần bên, thấy cô ta, tưởng là thần cây. Ðược tay Thắng Man chạm đến, Hành Vũ liền ngây ngất. Vừa thức dậy, trông thấy Thắng Man ở chỗ Hành Vũ, vua liền bảo các thể nữ đi về cung. Sau đó, trước Hành Vũ, khi vua khen Thắng Man, Hành Vũ tâu: - Bao giờ thiếp được gặp Thắng Man? Vua nói: - Nàng đã được gặp. Hành Vũ thưa: - Thiếp nhớ chưa được gặp. Vua nói: - Ta làm cho nàng nhớ lại khi gặp nhau. Hãy nhớ lại, trước đây trong vườn, khi nàng đang đứng vịn nhánh cây vô-ưu, Thắng Man đến gặp và đã chạm tay vào chân nàng. Hành Vũ hỏi: - Người ấy là Thắng Man hay sao? - Ðúng vậy! Vua nói. Hành Vũ tâu: - Thiếp biết! Ðược đại vương rất yêu mến, nên mới bỏ qua người thân hình xinh đẹp mềm mại như vậy mà hạ cố đến thiếp. Tại chỗ Thắng Man, lúc vua khen Hành Vũ, Thắng Man tâu: - Bao giờ thiếp được gặp Hành Vũ? Vua nói: - Nàng đã từng gặp. Thắng Man thưa: - Thiếp chưa từng gặp! Vua nói: - Ta sẽ làm cho khanh nhớ lại, dưới cây vô-ưu, nàng đã làm lễ dưới chân Hành Vũ. Thắng Man hỏi: - Ðó là Hành Vũ hay sao? Vua nói: - Ðúng vậy! - Tâu đại vương, biết ngài rất yêu thương thiếp nên mới bỏ qua người với sắc đẹp như vậy mà hạ cố đến thiếp. Cả nước, mọi người đều biết, vua Thắng Quang có hai phu nhân là Thắng Man và Hành Vũ. Thắng Man mềm mại tuyệt trần. Hành Vũ xinh đẹp vô song. Các Bí-sô đều nghi ngờ, thưa Thế Tôn: - Ðại đức! Thắng Man và Hành Vũ đã làm thiện nghiệp gì, nhờ vào nghiệp lực ấy nên người này thân thể mềm mại, người kia hình dáng xinh đẹp tuyệt luân? Thế Tôn bảo: - Hai người này đang hưởng quả dị thục đều do nghiệp đã làm Tăng trưởng thành... nói rộng như chỗ khác. Này các Bí-sô, thời quá khứ, tại Ðại Thành có Bà-la-môn lấy vợ chưa bao lâu, sinh được một trai, vài năm sau lại sinh thêm một gái. Hai anh em vừa lớn lên, cha mẹ bị bệnh đều qua đời. Gặp phải sự việc quá sầu khổ, nên nghĩ đến việc vào rừng núi, đồng tử kia dắt em vào núi rừng hái hoa quả để nuôi thân. - Này các Bí-sô! Như rắn độc lớn có năm tai hại. Thế nào là năm? Một là nhiều sân; Hai là nhiều hận ; Ba là làm ác; Bốn là vô ân; Năm là rất độc. Nên biết người nữ cũng có năm lỗi: Một là nhiều sân; Hai là nhiều hận; Ba là làm ác, Bốn là vô ân; Năm là rất độc. - Thế nào là người nữ rất độc? - Thông thường người nữ có nhiều ái dục mãnh liệt trong lòng. Khi đồng nữ kia trưởng thành, tâm ái dục đã mạnh, nên bảo với anh: "Em không thể sống bằng cách ăn hoa quả nữa, chúng ta hãy xuống nơi có người để tìm thức ăn". Người anh đưa em ra khỏi núi rừng, cùng đi đến nhà Bà-la-môn khất thực. Nghe hai tiếng gọi, ra khỏi nhà thấy họ, chủ nhân hỏi: - Người ẩn sĩ cũng có vợ! Anh đáp: - Ðây là em gái chứ không phải vợ tôi. Hỏi: - Ðã đính hôn chưa? - Chưa. Người anh đáp. Chủ nhà nói: - Như vậy, tại sao không gả cho tôi? Ðáp: - Em tôi đã xa lìa pháp ác của thế gian. Với ý dục mãnh liệt, cô em nói với anh: - Chẳng lẽ em không thể ở trong rừng ăn trái cây để sống hay sao, nhưng vì em không chịu nỗi sự giày vò của phiền não, nên cùng anh từ bỏ núi rừng đến ở với mọi người, hãy gả em cho người Bà-la-môn. Người anh nói: - Ta thật không thể gả em lấy chồng vì đó là pháp ác, chẳng phải việc làm của ta, em có thể tùy ý làm theo tâm niệm thế tục của mình. Biết rõ ý cô gái, Bà-la-môn vào nhà, hội họp thân thuộc, cưới nàng làm vợ. Cô em bảo anh: - Từ nay anh sống chung nhà với em nhưng ở riêng phòng. Anh nói: - Anh không cầu dục lạc, chỉ vui thích xuất gia. Em nói: - Anh hãy hứa với em, sau đó tùy ý. Anh nói: - Giao kết điều gì? Em nói: - Nếu chứng đắc quả thù thắng, anh hãy đến gặp em. Sau khi nói: - Lành thay! Theo ý nguyện của em, người anh từ giã. Sau khi xuất gia nơi các vị ẩn sĩ, do sức thiện căn của đời trước, nhờ tu tập theo ba mươi bảy pháp Bồ-đề-phần, không thầy tự ngộ, người anh chứng quả Ðộc-giác. Trước đây, ta có hứa với em gái, nên đến gặp nó, suy nghĩ như vậy, vị Ðộc-giác đến nhà kia, bay lên hư không hiện các thần biến, trên thân phóng lửa sáng, dưới thân phun nước trong, với nhiều hiện tượng kỳ lạ, rồi hạ xuống đất. Khi thấy những thần thông này, tâm lý những kẻ phàm phu liền chuyển biến như cây đại thọ ngã xuống đất. Người em gái đảnh lễ sát chân anh, thưa: - Anh đã chứng được thắng đức thù diệu! Ðáp: - Ðúng vậy! Em thưa: - Anh cũng cần phải ăn uống để duy trì thân thể, em vì cầu phước xin được cúng dường, thỉnh anh ở đây. Ðáp: - Em không được tự ý, hãy thưa với chồng. Người em thưa với chồng: - Chàng biết không, anh của em xuất gia thành tựu giới cấm, đắc quả thượng diệu đệ nhất trong thế gian. Em muốn cúng dường nhưng không dám tự chuyên. Nếu được đồng ý, em sẽ cúng dường lương thực trong ba tháng. Ðáp: - Hiền thủ! Nếu anh ấy không xuất gia, dù không muốn ta cũng phải chu cấp đầy đủ, huống chi anh ấy đã xuất gia chứng đạo qu? thù thắng, vậy tùy theo ý em cúng dường ba tháng. Thấy sự cúng dường thực phẩm như vậy, sau khi suy nghĩ: "Gia tài là của chung, cô ta biết cầu phước, sao ta lại không làm", người vợ cũ của chồng cô em nói: - Anh của dì cũng là bậc tôi tôn trọng, tôi muốn chính mình cách nhật cúng dường. Ðáp: - Tùy ý chị. Em gái vị Ðộc Giác muốn giữ vẹn tình cảm với cô kia, nên để thức ăn ngon ở trong, thức ăn thường lên trên, mang đến nói với người vợ cũ: - Em mang thức ăn này đến cúng dường cho người anh xin chị tùy hỷ. Ðến ngày mình cúng dường, người vợ cũ cũng muốn giữ vẹn tình cảm với cô này, nên để thức ăn thường ở trong, thức ăn ngon lên trên, mang đến nói với vợ mới: - Tôi mang thức ăn thơm ngon này dâng lên tôn huynh, xin dì tùy hỷ. - Các Bí-sô nên biết rằng, Thắng Man chính là em gái vị Ðộc-giác, đem thức ăn tinh tế thơm ngon cúng dường người anh, do sức phước này nên trong năm trăm đời thân thể thường mềm mại. Hành Vũ chính là người vợ cũ đem thức ăn ngon để lên trên cúng dường vị Ðộc-giác, do phước nghiệp này nên trong năm trăm đời có hình dáng xinh đẹp ... cho đến đời này dung mạo tuyệt trần. Này các Bí-sô, phải biết nghiệp đen đưa đến quả báo đen, nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng, nghiệp xen tạp đưa đến quả báo xen tạp. Các thầy nên bỏ hai nghiệp đen và tạp, tu tập nghiệp trắng ... rộng như trước. Này các Bí-sô nên học như vậy. Sau đó, phu nhân Thắng Man có thai. Trong đêm ấy, vợ đại thần Bà-la-môn cũng có thai, và chịu nhiều đau khổ vì cái thai này. Sau chín tháng, phu nhân Thắng Man sinh một con trai, thân hình tuấn tú, ai cũng thích nhìn. Sau 21 ngày, thân tộc tụ họp muốn làm lễ đặt tên cho bé trai. Vua bảo: - Hãy bồng đứa bé này đến xin quốc-thái phu nhân đặt tên. Tuân lệnh vua, Quần thần bồng đứa bé đến trình phu nhân. Phu nhân nói: - Có phải trước đây ta đã nói, xem cô tỳ nữ này với thân thể xinh đẹp mềm mại, tất sẽ làm tan nát thành Kiều-tát-la của ta! Ðại thần tâu: - Thật đúng như vậy, khi đứa bé chưa sinh, quốc-thái phu nhân đã báo trước điều không lành, vậy nên đặt tên cậu ta là Ác Sinh. Trong ngày sinh của Ác Sinh, vợ đại thần cũng sinh con trai, vừa tròn tháng ... cũng như trên ... cho đến tập họp thân tộc làm lễ đặt tên. Mọi người bàn nhau: - Khi mang thai đứa bé này, người mẹ chịu nhiều gian khổ, khi sinh lại bị cực khổ nữa, vậy nên đặt tên cho nó là Khổ Mẫu. Có tám bà nhũ mẫu phục vụ thái tử Ác Sinh ... nói rộng như chỗ khác. Khổ Mẫu cũng được tám bà nhũ mẫu săn sóc, nuôi đến trưởng thành. Bà-la-môn phải học tập tận cùng về các loại nghề nghiệp. Một lúc nọ, thái tử Ác Sinh và Khổ Mẫu ra khỏi thành săn bắn. Con ngựa bỗng nhiên vọt chạy đưa thái tử đến vườn Thích-ca ở thành Kiếp-tỷ-la. Người giữ vườn báo với chủ: - Thái tử Ác Sinh đang đến trong vườn. Nghe như vậy, các Thích tử bàn luận nhau: - Chúng ta mau tiến ra, muốn giết Ác Sinh, thật là đúng lúc. Mọi người đều trang bị binh giáp, muốn xuất thành. Thấy như vậy, các vị kỳ lão hỏi họ: - Các ngươi muốn dẫn binh đi đâu? Ðáp: - Thái tử Ác Sinh đến vườn Thích Chủng. Kỳ lão nói: - Họ là khách mới đến đây, chưa xúc phạm gì, hãy tạm chịu nhịn đã. Nghe xong, những người kia lui vào thành. Ði tìm thái tử, bốn loại binh cũng đến và đi lại khắp nơi trong vườn. Người giữ vườn báo vào thành: - Bốn loại binh của Ác Sinh đã vào vườn tàn phá tan hoang. Nghe như vậy, mọi người càng thêm tức giận, tăng thêm uy vũ cùng nhau xuất thành, ý muốn tàn sát. Các vị kỳ lão lại hỏi: - Các ngươi xuất thành muốn đi đâu? Ðáp: - Thái tử Ác Sinh dẫn bốn loại binh phá hoại khu vườn cuả ta, chúng tôi muốn giết hắn. Kỳ lão nói: - Tạm thời hãy nhịn đã. Khi ấy, biết binh lính họ Thích muốn đến làm hại, Ác Sinh vội dẫn binh trở về nước, chỉ lưu lại một người để lén nghe Thích tử bàn luận. Khi quân Thích-chủng đến vườn, tìm kiếm chỉ thấy một người, hỏi: - Ðứa con ti tiện Ác Sinh nay ở đâu? Ðáp: - Vừa đi rồi. Các Thích Chủng bàn nhau với những lời: - Nếu chúng ta bắt được Ác Sinh, trước hết phải chặt tay, hoặc nói chặt chân, hoặc nói moi tim, nay hắn đã chạy đi còn làm được gì nữa. Họ liền sai người đào bới bỏ chỗ đất mà Ác Sinh đã đi đứng, sâu đến đầu gối, rồi lấy đất nơi khác lấp hố lại, phá đi rồi làm lại,thoa nước thơm những tường vách mà Ác Sinh đã dựa vịn, sửa soạn lại bông hoa và quét dọn hết trong vườn. Sau khi thấy tất cả những hành động như vậy, người mà Ác Sinh để lại đi về thành Kiều Tát La và gặp Ác Sinh, làm lễ xong đứng qua một bên. Ác Sinh hỏi: - Thích chủng bàn luận gì về ta? Ðáp: - Tâu thái tử, løời họ thật độc hại, thần không dám nói. Ác Sinh nói: - Họ nói lời ác, khiến họ phải chịu như vậy, ngươi nghe thấy thế nào hãy nói thật ra, ta muốn biết rõ sự việc họ đã làm. Người kia liền kể lại sự việc trên. Nghe xong, rất phẫn nộ, Ác Sinh bảo tả hữu: - Các ngươi hãy nhớ kỹ, sau khi phụ vương băng hà lúc ta kế vị, các ngươi phải kể sự việc này cho ta nhớ lại. Ðây là mối thù đứng đầu, nên ta phải tru diệt Thích chủng. Khổ Mẫu nói: - Lành thay, thái tử nói lời này thật khoái chí, xin hãy vững tâm, khi ngài kế vị, thần sẽ nhắc lại. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT
THIẾT HỮU BỘ Quyển thứ bảy hết. -ooOoo- Ðầu
trang | 00
| 01 | 02 | 03
| 04 | 05 | 06
| 07 | 08 | 09 | 10
| 11 | 12 | 13
| 14 | 15 | 16
| 17 | 18 | 19
| 20 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Tâm Hạnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 03-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 01-03-2002