BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tìm hiểu PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Tỳ
kheo Hộ Pháp
PL 2546 - TL 2002
QUẢ BÁU CỦA ÐỀ MỤC NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT Niệm Ân Ðức Phật có oai lực tránh được tai họa Dàrusàkatikaputtavatthu: tích đứa bé, con trai người đốn củi, được tóm lược như sau (Dhammapadatthakathà, chuyện Dàrusàkatikaputtavatthu): -- Trong thành Ràjagaha có 2 đứa bé trai:
Hai đứa thường chơi trò bắn bi, đến phiên đứa bé chánh kiến, trước khi bắn viên bi, nó niệm tưởng Ân Ðức Phật rằng: "Namo Buddhassa = con thành kính đảnh lễ Ðức Phật" rồi mới bắn; lần nào nó cũng bắn trúng đích, được thắng cuộc. Ðến phiên đứa bé tà kiến, trước khi bắn viên bi, nó cũng niệm tưởng vị Arahán của nó rằng: "Namo Arahantànam ï= con thành kính đảnh lễ chư Arahán" [*] rồi mới bắn; lần nào nó cũng bắn không trúng đích, bị thua luôn.
Một hôm, đứa bé chánh kiến theo cha ngồi trên chiếc xe bò đi vào rừng đốn củi. Buổi chiều chở củi về nhà ở trong thành Ràjagaha. Khi đến gần nghĩa địa bên ngoài cổng thành, người cha đứa bé cho xe ngừng lại, thả bò cho ăn cỏ, uống nước. Con bò đi theo đường vào thành, người cha đi tìm bò theo dấu chân vào thành. Khi gặp được con bò, ông định dắt bò trở ra thì cửa thành đã đóng rồi, người cha đành ở lại trong thành chờ đến sáng mai. Ðứa con trai nhỏ nằm trên xe củi chờ người cha, đói khát ngất xtu nằm ngủ thiếp đi trong xe củi. Ban đêm, có hai dạ xoa đi kiếm ăn, một dạ xoa có chánh kiến và một dạ xoa có tà kiến, cả hai dạ xoa nhìn thấy đứa bé nằm ngủ mê trên xe, dạ xoa tà kiến bảo rằng: "Ðứa bé kia là vật thực của chúng ta, chúng ta sẽ ăn thịt nó". Mặc dầu dạ xoa chánh kiến can ngăn, dạ xoa tà kiến vẫn tiến đến đưa tay nắm đôi chân đứa bé, đứa bé này vốn là con của gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, cha mẹ dạy cậu bé thường ngày niệm Ân Ðức Phật, nên khi dạ xoa vừa nắm chân đứa bé, đứa bé thức tính, cậu liền niệm Ân Ðức Phật rằng: "Namo Buddhassa". Dạ xoa tà kiến nghe đến Ân Ðức Phật, kinh hoàng hoảng sợ rút tay lại. Liền khi ấy, dạ xoa chánh kiến bảo rằng: "Chúng ta đã phạm phải một tội lỗi lớn rồi! Chúng ta phải chịu hành phạt thôi!". - Ðứa bé này đang bị đói khát, vậy nhà ngươi hãy vào trong cung điện Ðức Vua đem mâm đồ ăn của Ðức Vua cho đứa bé này ăn, để lập công chuộc tội lỗi của nhà ngươi. - Dạ xoa chánh kiến bảo. Dạ xoa tà kiến nghe nói phải, nên biến vào thành lấy mâm đồ ăn ra. Một dạ xoa hóa làm cha và một dạ xoa hóa làm mẹ của đứa bé, cho đứa bé ăn giống như cha mẹ của đứa bé hằng ngày. Ðứa bé ăn xong, dỗ đứa bé nằm ngủ ngon; trước khi hai dạ xoa từ giã đứa bé; khắc chữ cho biết những sự việc xảy ra trên chiếc mâm vàng, với cố ý chỉ để một mình Ðức Vua thấy biết mà thôi, còn những người khác không thấy, không biết được. Hai dạ xoa trở về chỗ ở của mình. Sáng hôm sau, trong cung điện của Ðức Vua phát giác chiếc mâm vàng cả đồ ăn bị mất trộm. Lnnh thị vệ đi lục soát khắp nơi không tìm gặp, rồi ra khỏi thành nhìn thấy chiếc mâm vàng và bộ đồ chén đĩa của Ðức Vua nằm trên xe củi, thấy đứa bé trong xe, bèn hỏi: "Những đồ vật này từ đâu có?". Ðứa bé trả lời: "Cha mẹ của con đem đến cho con ăn". Quân thị vệ bắt đứa bé với tang vật rõ ràng, dẫn đến trình Ðức Vua. Ðức Vua Bimbisàra cầm chiếc mâm vàng tang vật, nhìn thấy những dòng chữ của dạ xoa ghi lại. Ðức Vua hỏi cậu bé: - Này con, sự việc xảy ra như thế nào? Ðứa bé tâu: - Tâu Ðức Vua, con không ăn trộm, đêm qua cha mẹ con mang đến cho con ăn rồi dỗ con ngủ. Con chỉ biết như vậy thôi. Ðức Vua truyền lệnh bắt cha mẹ đứa bé dẫn đến trình Ðức Vua, rồi dẫn đứa bé và cha mẹ của nó cùng nhau đến hầu Ðức Phật tại chùa Veluvana. Ðảnh lễ Ðức Thế Tôn xong bèn bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, có phải chỉ có niệm Ân Ðức Phật mới hộ trì cho người hành pháp? Còn niệm Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng... có hộ trì cho người hành pháp được hay không? Bạch Ngài. Ðức Phật dạy: - Này Ðại Vương! Không chỉ niệm Ân Ðức Phật mới hộ trì cho người hành pháp, mà còn niệm Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, niệm thân ô trược, niệm rải tâm từ, niệm rải tâm bi... cũng được hộ trì cho người hành pháp vậy. Người Phật tử, ngày đêm tinh tấn niệm Ân Ðức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham...", hoặc niệm ân Ðức Pháp: "Svàkhàto Bhagavatà dhammo...", hoặc niệm Ân Ðức Tăng: "Suppatipanno Bhagavato sàvakasamgho...", sẽ là người luôn luôn được tâm trí sáng suốt, không mê muội, tránh mọi tai họa xảy đến cho mình. Nhân cơ hội ấy, Ðức Phật thuyết pháp tế độ, cậu bé và cha mẹ của cậu bé đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Về sau, cả người cha, người mẹ và đứa con đều xuất gia tiến hành thiền tuệ chứng đắc đến Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán. Oai Lực Niệm Ân Ðức Tam Bảo Tích Ðại Ðức Mahàkappina (Bộ Dhammapadatthakathà, chuyện Mahàkappinattheravatthu), khi Ngài còn là một vị Vua trị vì kinh thành Kukkutavatì. Một hôm, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan cận thần cưỡi ngựa du lãm ngoài thành, gặp nhóm người lái buôn từ kinh thành Sàvatthi đi vào thành, Ðức Vua bèn hỏi: - Này các ngươi, ở kinh thành Sàvatthi có tin lành gì không? - Tâu Ðức Vua: Buddho uppanno! = Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian! Ðức Vua vừa nghe đến danh hiệu "Buddho", thì liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có. Ðức Vua hỏi lại đến lần thứ ba, những người lái buôn đều tâu như lần trước, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Ðức vua hỏi tiếp: - Còn tin lành nào khác nữa? - Tâu Ðức Vua: Dhammo uppanno! = Ðức Pháp đã xuất hiện! Ðức Vua vừa nghe đến "Dhammo", như lần trước, liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi đến lần thứ ba, nghe tâu đ?n lần thứ ba, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Ðức vua hỏi tiếp: - Còn tin lành nào khác nữa? - Tâu Ðức Vua: Samgho uppanno! = Ðức Tăng đã xuất hiện! Ðức Vua vừa nghe đến "Samgho", như hai lần trước, liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi đến lần thứ ba, nghe tâu đến lần thứ ba, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Ðức Vua lấy tấm biển vàng ghi 300 ngàn đồng tiền vàng làm tiền thưởng, rồi trao cho nhóm người lái buôn, truyền lệnh đem đến trình Hoàng hậu Anojà để lãnh thưởng. Trong biển vàng, Ðức Vua ghi rõ, xin trao ngai vàng lại cho Hoàng hậu lên ngôi trị vì đất nước. Ðức Vua không hồi cung, cùng 1.000 vị quan cận thần từ đó đi đến hầu Ðức Phật. Trên đường đi gặp con sông Aparacchà sâu và rộng lớn, nơi đây không thuyền bè, với tâm mong muốn sớm hầu Ðức Phật, nên Ðức Vua niệm Ân Ðức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaropurisadammasàrathi, Satthàdeva-maussànam, Buddho, Bhagavà". Do oai lực của Ân Ðức Phật, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan cưỡi ngựa băng qua sông ấy một cách dễ dàng. Tiếp đến gặp con sông Nìlavàhinì, cũng sâu và rộng lớn không thuyền bè, như lần trước, Ðức Vua niệm Ân Ðức Pháp: "Svàkkhàto Bhagavatà Dhammo, Sanditthiko, Akàliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattam veditabbo vinnùhi". Do oai lực của Ân Ðức Pháp, Ðức Vua cùng các quan cưỡi ngựa băng ngang qua sông ấy một cách dễ dàng như trước. Tiếp đến lại gặp con sông Candabhàgà, cũng sâu và rộng lớn không thuyền bè, như hai lần trước, Ðức Vua niệm Ân Ðức Tăng: "Suppatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, Ujuppatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, Nàyappatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, Sàmìcippatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, yadidam cattàrì purisayugàni attha purisapuggalà. Esa Bhagavato Sàvakasamgho Àhuneyyo, Pàhuneyyo, Dakkhineyyo, Anjalikaranìyo, Anuttaram punnakkhettam lokassa". Do oai lực của Ân Ðức Tăng, Ðức Vua cùng các quan cưỡi ngựa băng ngang con sông ấy một cách dễ dàng như hai lần trước. Như đã biết trước, Ðức Phật ngồi dưới gốc cây phóng hào quang 6 màu sáng ngời làm hiệu cho Ðức Vua cùng 1.000 vị quan biết. Tất cả đều đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong, rồi ngồi nghe Ngài thuyết pháp. Nghe xong, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi đảnh lễ Ðức Phật xin xuất gia trở thành Tỳ khưu. Ðức Phật quán xét thấy rõ tất cả đều có phước thiện phát sanh 8 món vật dụng của Sa môn, nên Ngài đưa bàn tay phải chỉ bằng ngón trỏ mà truyền dạy:
Khi Ðức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan trở thành Tỳ khưu có đầy đủ 8 món vật dụng của Sa môn được phát sanh do thần thông. Chư Tỳ khưu ấy có tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như vị Tỳ khưu 60 hạ. Về phần những người lái buôn khi nhận được biển vàng do Ðức Vua ban cho, đi thẳng vào cung điện xin yết kiến Hoàng hậu Anojà, trình chiếu chỉ xin lãnh thưởng 300 ngàn đồng vàng. Hoàng hậu thấy vậy bèn hỏi: - Các ngươi làm việc gì mà Hoàng thượng ban thưởng số tiền lớn như vậy? - Tâu Hoàng hậu, chúng thần không làm công việc gì, chỉ có báo một tin lành mà thôi. - Các ngươi có thể nói cho ta nghe được không? - Tâu Hoàng hậu! Có thể được: Buddho uppanno! = Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian! Hoàng hậu vừa nghe đến danh hiệu "Buddho" thì liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, bà hỏi lại đến lần thứ ba, các người lái buôn tâu lại như lần trước, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc. Bà truyền bảo: - Còn tin lành nào khác nữa? - Tâu Hoàng hậu: Dhammo uppanno! = Ðức Pháp đã xuất hiện! Hoàng hậu vừa nghe đến "Dhammo", như lần trước liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi lại lần thứ ba, nghe tâu lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Bà truyền tiếp: - Còn tin lành nào khác nữa? - Tâu Hoàng hậu: Samgho uppanno! = Ðức Tăng đã xuất hiện! Hoàng hậu vừa nghe đến "Samgho", như hai lần trước, liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi lại lần thứ ba, nghe tâu lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Hoàng hậu truyền dạy: - Ba tin lành lớn lao đến dường ấy, mà Hoàng thượng ban thưởng cho các người có 300 ngàn. Còn ta, mỗi tin lành, ta ban thưởng cho các ngươi 300 ngàn, các ngươi được lãnh thưởng 900 ngàn tiền vàng". Như vậy, các lái buôn chỉ báo tin lành Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng đã xuất hiện mà được lãnh thưởng 1.200 ngàn đồng tiền vàng. - Hoàng Thượng cùng 1.000 quan cận thần đi đâu? - Hoàng hậu hỏi tiếp. - Tâu Hoàng hậu, Ðức Vua cùng 1.000 quan cận thần đi đến hầu Ðức Phật và sẽ xuất gia. - Các lái buôn trả lời. Nghe tâu như vậy, Hoàng hậu truyền gọi phu nhân của 1.000 vị quan đến báo tin: - Hoàng thượng của chúng ta hay tin lành Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng đã xuất hiện trên thế gian, Người đã từ bỏ ngai vàng để lại cho ta, như nhổ bỏ bãi nước miếng, rồi ngự đến hầu Ðức Phật, sẽ xuất gia để giải thoát khổ. Chẳng lẽ ta không có khổ hay sao? Ðức Vua từ bỏ ngai vàng như nhổ bỏ bãi nước miếng, chẳng lẽ ta lại quỳ gối liếm bãi nước miếng ấy hay sao? Ta cũng sẽ đi đến hầu Ðức Phật, sẽ xuất gia để giải thoát khổ? Còn các ngươi nghĩ thế nào? Nhóm 1.000 phu nhân đồng tâm nhất trí xin đi theo Hoàng hậu đến hầu Ðức Phật. Hoàng hậu truyền sửa soạn ngựa quý, cùng 1.000 phu nhân mỗi người một ngựa theo sau đến hầu Ðức Phật, và đi theo con đường mà Ðức Vua cùng các quan đã ngự đi. Hoàng hậu cùng các phu nhân đi đến con sông Aparacchà, Hoàng hậu niệm Ân Ðức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham...". Do oai lực Ân Ðức Phật, mọi người cùng băng qua con sông ấy một cách dễ dàng. Tiếp đến con sông Nìlavàhinì, Hoàng hậu niệm Ân Ðức Pháp: Svàkkhàto Bhagavatà Dhammo...". Do oai lực Ân Ðức Pháp, mọi người cùng băng qua con sông ấy một cách dễ dàng. Tiếp đến con sông Candabhàgà, Hoàng hậu niệm Ân Ðức Tăng: "Suppatipanno Bhagavato Sàvakasamgho...". Do oai lực Ân Ðức Tăng, mọi người cũng đều băng qua con sông ấy một cách dễ dàng. Thế rồi, Hoàng hậu cùng các vị phu nhân ngự đến hầu Ðức Phật. Ðức Thế Tôn biết Hoàng hậu Anojà cùng 1.000 vị phu nhân sắp đến, Ngài phóng hào quang 6 màu sáng ngời làm hiệu, Hoàng hậu cùng các vị phu nhân biết, đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong bạch: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ðức Vua Mahàkappina cùng 1.000 vị quan có đến đây không? Bạch Ngài! Ðức Phật hóa phép thần thông che khuất không để Hoàng hậu cùng 1.000 phu nhân nhìn thấy Tỳ khưu Mahàkappina cùng 1.000 vị Tỳ khưu khác. Ðức Thế Tôn dạy rằng: - Các con hãy ngồi nghe Như Lai thuyết pháp, rồi tại nơi đây các con sẽ nhìn thấy Mahàkappina cùng các quan. Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân an tâm ngồi nghe Ðức Phật thuyết pháp. Khi nghe pháp xong, Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Ðồng thời ngay khi ấy, Tỳ khưu Mahàkappina cùng 1.000 vị Tỳ khưu khác đều chứng đắc từ Nhất Lai Thánh Ðạo - Nhất Lai Thánh Quả, đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cùng với 4 Tuệ phân tích. Khi ấy, Ðức Phật thâu phép thần thông, Hoàng hậu cùng các phu nhân nhìn thấy Ðức Vua Mahàkappina cùng 1.000 vị quan, bây giờ ở trong tướng mạo một Tỳ khưu trang nghiêm như vị Ðại Ðức 60 hạ. Hoàng hậu cùng các vị phu nhân phát sanh đức tin trong sạch, kính xin Ðức Thế Tôn xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Ðức Thế Tôn chỉ dạy Hoàng hậu cùng 1.000 phu nhân đến tìm gặp Ðại Ðức Tỳ khưu ni Uppalavannà chỉ dẫn cách xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân sau khi đã trở thành Tỳ khưu ni thời gian không bao lâu, tất cả đều chứng đắc đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán trong giáo pháp của Ðức Phật. Oai lực niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng thật phi thường! Qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu rằng: danh hiệu Buddho, Dhammo, Samgho không phải dễ được nghe trong kiếp tử sanh luân hồi ba giới bốn loài, bởi vì, Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này rất hiếm có; có khi trải qua vô số kiếp trái đất thành - trụ - hoại - không mà không một Ðức Phật Toàn Giác nào xuất hiện cả. Cho nên, Ðức Phật xuất hiện trên thế gian rất hiếm có, khi Ðức Phật xuất hiện, Ngài đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho chúng sinh; nhất là những chúng sinh nào có đã gieo duyên lành từ Ðức Phật ở quá khứ, đã tạo ba la mật trọn đủ; nay kiếp hiện tại này, những hạng chúng sinh ấy gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ðức Phật chắc chắn sẽ được lợi ích cao thượng là chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Câu Chuyện Ðại Ðức Subhùti Tiền kiếp Ðại Ðức Subhùti [*] tên là Nanda, thuộc dòng tộc Bà la môn. Ngài sanh vào thời kỳ Ðức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, cách kiếp trái đất của chúng ta 100.000 đại kiếp.
Cậu Nanda khi trưởng thành đi xuất gia trở thành Ðạo sĩ có nhóm đệ tử gồm có 84.000 vị trú ở dãy núi Himavanta. Một hôm, Ðức Phật Padumuttara ngự đến dãy núi Himavanta, vị Ðạo sĩ cùng nhóm đệ tử đến hầu hộ độ cúng dường hoa, trái cây đến Ðức Phật. Ðức Phật Padumuttara dạy Ðạo sĩ Nanda: "Này Nanda, con nên tiến hành tuỳ niệm Ân Ðức Phật (Buddhànussati) là pháp hành cao quý. Do phước thiện mà con đã tiến hành tuỳ niệm Ân Ðức Phật, con sẽ hưởng sự an lạc ở cõi trời dục giới suốt 30.000 đại kiếp trái đất, con sẽ là Ðức Vua trời ở cõi Tam thập tam thiên suốt 20 kiếp. Tái sanh ở cõi người con sẽ là Ðức Chuyển luân thánh vương 1.000 kiếp, còn làm vua ở xứ lớn không sao kể xiết; trong các kiếp lớn, kiếp nhỏ trong vòng tử sanh luân hồi, con có đầy đủ các thứ của cải quý báu. Tất cả của cải quý báu ấy không bao giờ bị ai chiếm đoạt. Suốt 100.000 đại kiếp, trong vòng tử sanh luân hồi, con sẽ không bị sa vào trong 4 đường ác. Ðến kiếp trái đất, có Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, khi ấy con tái sanh trong một gia đình phú hộ, đặt tên là "Subhùti". Khi trưởng thành con từ bỏ của cải gồm có 80 triệu đi xuất gia trở thành Tỳ khưu, sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán có đức hạnh thọ thí cao quý xuất sắc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật Gotama". Ðó là lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara. Ðạo sĩ Nanda thực hành niệm Ân Ðức Phật theo lời dạy của Ðức Phật Padumuttara, mọi kết quả phát sanh đúng như lời thọ ký của Ðức Phật. Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của đạo sĩ Nanda tái sanh gia đình phú hộ Sumana trong kinh thành Sàvatthi, đặt tên là Subhùti. Ðến khi trưởng thành, từ bỏ gia đình, của cải đi xuất gia trở thành Tỳ khưu, tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cùng với 4 Tuệ phân tích. Ðức Phật tán dương Ðại Ðức Subhùti có đức hạnh thọ thí cao quý xuất sắc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của của Ðức Phật, đúng theo lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara ở quá khứ. Tích Singàlakamàtàtherìvatthu (Chú giải Anguttaranikàya, phần Etadaggavagga, chuyện Singàlakamàtàtherìvatthu.) Tiền kiếp mẹ của cậu Singàlaka là cô gái của một vị quan, sanh vào thời kỳ của Ðức Phật Padumuttara. Khi cô trưởng thành được phép từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài. Tỳ khưu ni này là một người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Do nhờ thiện pháp ấy, trong vòng tử sanh luân hồi suốt 100.000 đại kiếp không bị sa vào 4 đường ác (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh). Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, cô tái sanh làm con gái của phú hộ ở kinh thành Ràjagaha. Khi cô trưởng thành kết hôn cùng với người con trai của phú hộ, sanh được một người con trai đặt tên là Singàlaka. Do đó, bà có tên gọi là Singàlakamàtà = mẹ của cậu Singàlaka. Về sau, bà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, với đức tin trong sạch đặc biệt trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama; sau khi trở thành Tỳ khưu ni, bà tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật (Buddhànussati) rồi dùng định tâm của đề mục niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán. Một hôm, Ðức Phật tán dương Tỳ khưu ni Singàlakamàtà có đức tin trong sạch xuất sắc nhất trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật. Và còn có nhiều trường hợp tương tự khác. Ðề mục niệm Ân Ðức Phật là một đề mục dễ làm cho phát sanh đức tin nơi Tam bảo, mà đức tin là nền tảng mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến siêu tam giới thiện pháp. Như vậy, đề mục niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục thiền định, có khả năng chứng đạt đến cận định, mà còn là pháp làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ, dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ uẩn, diệt tận tham ái, phiền não, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo -Thánh Quả và Niết Bàn được. Như Ðức Phật dạy: "Này chư Tỳ khưu, có một pháp hành mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp - sắc pháp, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Pháp hành ấy là gì? Pháp hành ấy chính là Buddhànussati = pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật. Này chư Tỳ khưu, pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật, mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp; để diệt tận tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn".-- (Anguttaranikàya, phần Ekadhammapàli) Qua lời giáo huấn của Ðức Phật trên, thì đề mục tùy niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục thiền định, mà còn làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ nữa. Ðề mục tùy niệm Ân Ðức Phật có hai giai đoạn:
Tiến hành thiền tuệ Hành giả tiến hành thiền tuệ cần phải có danh pháp, sắc pháp hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) làm đối tuợng của thiền tuệ. Như vậy, đề mục tùy niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ như thế nào? Dựa theo Chú giải Chi bộ kinh, phần pháp một chi, giải về đề mục niệm Ân Ðức Phật ấy. Theo chân nghĩa pháp, ai niệm Ân Ðức Phật?
Bây giờ, hành giả tiến hành thiền tuệ có đại thiện tâm hợp với trí làm phận sự cận định tâm thuộc danh pháp, làm đối tượng thiền tuệ (trong phần niệm tâm của pháp hành Tứ niệm xứ) và sắc pháp đó là sắc ý căn(hadayavatthu) là nơi nương nhơ ø của đại thiện tâm hợp với trí ấy phát sanh. Như vậy, danh pháp liên quan với sắc pháp này làm đối tượng của thiền tuệ. Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ấy, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ấy dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Hay một cách khác: hành giả tiến hành thiền tuệ có đại thiện tâm hợp với trí làm phận sự cận định tâm, làm đối tượng thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đại thiện tâm hợp với trí ấy thuộc thức uẩn. - Thọ tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm ấy thuộc thọ uẩn. - Tưởng tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm ấy thuộc tưởng uẩn. - Các tâm sở khác còn lại đồng sanh với đại thiện tâm ấy thuộc hành uẩn. - Sắc ý căn (hadayavatthu) thuộc sắc uẩn là nơi nương nhờ của đại thiện tâm hợp với trí ấy phát sanh. Ngũ uẩn này là đối tượng của thiền tuệ. (trong phần niệm pháp của pháp hành Tứ niệm xứ). Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của ngũ uẩn ấy, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của ngũ uẩn ấy, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Như vậy, gọi là: Niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ. Như Ðức Phật dạy: "Này chư Tỳ khưu, pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; để diệt tận tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn". Quả báu đặc biệt niệm Ân Ðức Phật Hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật, trong kiếp hiện tại chưa chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả - Niết Bàn, hành giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:
Ðó là những quả báu phát sanh từ niệm Ân Ðức Phật. -ooOoo- ÐOẠN KẾT Ðức Phật là một Ðấng Từ Phụ chung của tất cả mọi người Phật tử là các bậc Xuất gia tu sĩ và các hàng tại gia cư sĩ. Tất cả chúng ta đều hết lòng tôn kính Ðức Phật, để tỏ lòng tôn kính, mỗi người Phật tử cúng dường Ðức Phật bằng những phẩm vật quý giá tùy theo khả năng của mình. Ðức Phật dạy cúng dường có hai cách:
Trong hai cách cúng dường này, Ðức Phật tán dương, ca tụng cách cúng dường bằng hành pháp gọi là cao thượng nhất. Ðến khi Ðức Phật gần tịch diệt Niết Bàn, Ngài dạy chỉ có hành pháp mới thật là cúng dường Ðức Phật một cách cao quý nhất. Như trong bộ Chú giải Pháp cú, tích Ðại Ðức Attadattha: Khi Ðức Phật truyền dạy cho chư Tỳ khưu được rõ, thời gian tịch diệt Niết Bàn của Ngài không còn lâu. Chư Tỳ khưu, thường đến hầu hạ Ðức Phật với lòng tôn kính yêu thương, riêng Ðại Ðức Attadattha nghĩ: "Ðức Thế Tôn còn thời gian không lâu sẽ tịch diệt Niết Bàn, còn ta vẫn chưa diệt được tham ái, ta nên cố gắng tiến hành thiền tuệ, chứng đắc đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền". Nghĩ vậy, Ngài ở nơi thanh vắng một mình để tiến hành thiền tuệ, có số Tỳ khưu chê trách Ngài không biết kính yêu Ðức Phật. Ðức Phật biết rõ, bảo một Tỳ khưu gọi Ngài đến. Ðức Phật bèn hỏi Ngài: - Này con, con nghĩ thế nào mà hành động như vậy? - Kính bạch Ðức Thế Tôn, con được nghe biết Ðức Thế Tôn không còn bao lâu nữa sẽ tịch diệt Niết Bàn, con cố gắng tiến hành thiền tuệ để chứng đắc đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả, trong khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền. Nghe vậy, Ðức Thế Tôn bèn Sàdhu! Sàdhu! = Lành thay! Lành thay! Ngài dạy: "Bhikkhave, yassa mayi sineho atthi, tena Attadatthena viya bhavitum vattati. Na hi gandhàdìhi pùjentà mam pùjenti, dhammà-nudhammapatipattiyà pana mam pùjenti, tasmà annenapi Attadatthasadiseneva bhavitabbam". (Bộ Dhammapadatthakathà, chuyện Attadatthatheravatthu). (Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu nào có lòng kính yêu Như Lai, Tỳ khưu ấy nên noi gương như Tỳ khưu Attadattha. Thật vậy, những người cúng dường bằng hương hoa v.v... chưa phải là cúng dường Như Lai. Những người tiến hành theo pháp hành thiền tuệ chứng đắc siêu tam giới pháp, mới thật là cúng dường Như Lai. Vì vậy, những người khác nên thực hành giống như Tỳ khưu Attadattha). Ðến khi Ðức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, chư thiên các cõi trời mang những đóa hoa trời, hương trời, âm thanh trời... đến cúng dường Ðức Phật. Khi ấy Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ànanda: "Này Ànanda, sự cúng dường những phẩm vật từ cõi trời như thế ấy, chưa phải tỏ lòng tôn kính Như Lai, hay tôn trọng, hay kính yêu, hay cúng dường, hay lễ bái Như Lai. Này Ànanda, Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ nào theo hành pháp hành thiền tuệ chứng đắc siêu tam giới pháp , cung kính thực hành nghiêm chỉnh theo Giới - Ðịnh - Tuệ, thực hành theo chánh pháp. người ấy mới thật tôn kính Như Lai, tôn trọng, kính yêu, cúng dường, lễ bái Như Lai một cách cao thượng. Như vậy, này Ànanda, trong Phật giáo này, các con nên học tập rằng: "Chúng ta nên theo hành pháp hành thiền tuệ, chứng đắc siêu tam giới pháp, cung kính thực hành nghiêm chỉnh theo giới - định - tuệ, thực hành theo chánh pháp".(Bộ Dìghanikàya, phẩm Mahàvagga, Kinh Mahàparinibbànasutta.) * * * Ðức Phật là đấng Từ Phụ của tất cả chúng sinh. Ðể tỏ lòng tôn kính Ðức Phật, Ðấng Từ Phụ, chúng con cố gắng tinh tấn thực hành theo lời giáo huấn của Ngài, để xứng đáng cúng dường đến Ngài; đồng thời đem lại cho chúng con sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cao quý; vừa đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian, hầu đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại. Ciram titthatu saddhammo
lokasmim Nguyện cầu chánh
pháp được trường tồn trên thế gian. Tỳ khưu Hộ Pháp -- Hết -- -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ
kheo Hộ Pháp, Thiền viện Viên Không, Bà Rịa, đã gửi tặng bản
vi tính
(Bình Anson, tháng 04-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 11-05-2002