BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Tỳ kheo Hộ Pháp
PL 2546 - TL 2002


  

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Pháp môn niệm Phật chính là niệm Ân Ðức Phật.

Niệm Ân Ðức Phật là một trong 10 đề mục tuỳ niệm (Anussati), cũng là 1 trong 40 đề mục thiền định.

Niệm Ân Ðức Phật, Ðức Phật thuyết dạy trong bài kinh Dhajaggasutta (Samyuttanikàya, phần Sagàthàvagga) có đoạn:

"Sace tumhàkam bhikkhave arannagatànam và rukkhamùlagatànam và sunnàgàragatànam và uppajjeyya bhayam và chambhitattam và lomahamso và mameva tasmim samaye anussareyyàtha".

"Itipi so Bhagavà Araham... Bhagavà' ti...

Này chư Tỳ khưu, nếu sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy phát sanh lên đối với các con ở nơi thanh vắng, dưới cội cây, trong rừng sâu. Khi ấy các con chỉ nên niệm tưởng đến 9 Ân Ðức của Như Lai rằng:

"Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

Này chư Tỳ khưu, do nhờ niệm tưởng Ân Ðức Phật, sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy nào phát sanh, thì điều ấy bị tiêu diệt.

Hoặc nếu các con không niệm tưởng đến 9 ân đức của Như Lai, thì các con niệm tưởng đến 6 Ân Ðức Pháp rằng:

"Svàkkhàto Bhagavatà dhammo, Sanditthiko, Akàliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattam veditabbo vinnùhi".

Này chư Tỳ khưu, do nhờ niệm tưởng Ân Ðức Pháp, sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy nào phát sanh, thì điều ấy bị tiêu diệt.

Hoặc nếu các con không niệm tưởng đến 6 Ân Ðức Pháp của Như Lai, thì các con niệm tưởng đến 9 Ân Ðức Tăng rằng:

"Suppatipanno Bhagavato sàvakasamgho.
Ujuppatipanno Bhagavato sàvakasamgho.
Nàyappatipanno Bhagavato sàvakasamgho.
Sàmìcippatipanno Bhagavato sàvakasamgho.
Yadidam cattàri purisayugàni attha purisa-puggalà. Esa Bhagavato sàvakasamgho.
Àhuneyyo, Pàhuneyyo, Dakkhineyyo, Anjali-karanìyo, Anuttaram punnakkhettam lokassa".

Này chư Tỳ khưu, do nhờ niệm tưởng Ân Ðức Tăng, sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy nào phát sanh, thì điều ấy bị tiêu diệt".

Theo bài kinh này, niệm 9 Ân Ðức Phật hoặc 6 Ân Ðức Pháp hoặc 9 Ân Ðức Tăng đều có kết quả là tiêu diệt mọi điều kinh sợ đã phát sanh, và ngăn được mọi điều kinh sợ không thể phát sanh.

TIẾN HÀNH NIỆM ÐỀ MỤC ÂN ÐỨC PHẬT

Muốn tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, trước tiên hành giả tự mình thọ Tam quy.

- Buddham saranam gacchàmi.
- Dhammam saranam gacchàmi.
-
Samgham saranam gacchàmi.

- Dutiyampi Buddham saranam gacchàmi.
- Dutiyampi Dhammam saranam gacchàmi.
-
Dutiyampi Samgham saranam gacchàmi.

- Tatiyampi Buddham saranam gacchàmi.
- Tatiyampi Dhammam saranam gacchàmi.
-
Tatiyampi Samgham saranam gacchàmi.

Hành giả cần phải có giới trong sạch để làm nền tảng cho thiền định, thiền tuệ.

Nếu là người cận sự nam, cận sự nữ tự mình nguyện xin thọ ngũ giới, hoặc bát giới, hoặc thập giới để cho giới của mình được trong sạch và trọn đủ.

Nếu là bậc Xuất gia, Sa di cần phải thọ Tam quy và Sa di thập giới nơi một vị Ðại Ðức (Thầy Tế độ).

Bậc Tỳ khưu cần phải sám hối àpatti với một vị Tỳ khưu khác để cho giới của mình trở nên trong sạch và trọn đủ.

Khi hành giả có giới trong sạch và trọn đủ rồi sẽ làm nền tảng để tiến hành thiền định với đề mục niệm Ân Ðức Phật này.

Chín Ân Ðức Phật này chỉ có nơi Ðức Phật. Ngoài Ðức Phật ra, không có một Sa môn, Bà la môn, chư thiên, phạm thiên... nào có thể có đủ 9 ân đức này. Ðể liên tưởng đến Ðức Phật, hành giả nên ngồi kiết già hoặc bán già (phái nữ nên ngồi xếp hai chân sang một bên) trước tượng Ðức Phật; hoặc ngồi trước tấm hình ngôi tháp bảo tôn thờ Xá Lợi của Ðức Phật; hoặc ngồi xung quanh ngôi tháp bảo tôn thờ Xá Lợi của Ðức Phật; hoặc ngồi xung quanh cội Bồ Ðề, nơi Ðức Bồ Tát đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác; hoặc một nơi thanh vắng, để cho thuận lợi việc tiến hành niệm Ân Ðức Phật.

Niệm Ân Ðức Phật có nhiều cách:

CÁCH THỨ NHẤT

Hành giả có thể niệm đủ 9 Ân Ðức Phật như sau:

"Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

Niệm thầm ở trong tâm hằng trăm lần, hằng ngàn lần, niệm suốt thời gian ngồi niệm Ân Ðức Phật, khi niệm đến Ân Ðức Phật nào, định tâm an trú nơi Ân Ðức Phật ấy; không những an trú nơi Ân Ðức Phật ấy, mà còn phải hiểu rõ những ý nghĩa của Ân Ðức Phật ấy nữa. Nhờ vậy, hành giả mới phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ ý nghĩa mỗi Ân Ðức Phật.

CÁCH THỨ NHÌ

Hành giả có thể chọn niệm một Ân Ðức Phật nào trong 9 Ân Ðức Phật bằng một câu Ân Ðức Phật.

Ví dụ: "Itipi so Bhagavà Araham...", hoặc "Itipi so Bhagavà Buddho...". Niệm thầm ở trong tâm Ân Ðức Phật ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần suốt thời gian tiến hành ngồi niệm Ân Ðức Phật...

CÁCH THỨ BA

Hành giả có thể chọn niệm một Ân Ðức Phật nào trong 9 Ân Ðức Phật bằng một chữ Ân Ðức Phật.

Ví dụ: "Araham... Araham... Araham..." hoặc "Buddho... Buddho... Buddho...", v.v...

Niệm thầm ở trong tâm hàng trăm lần, hàng ngàn lần, suốt thời gian tiến hành ngồi niệm Ân Ðức Phật, định tâm an trú nơi Ân Ðức Phật, đồng thời hiểu rõ những ý nghĩa Ân Ðức Phật, để tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ về ý nghĩa Ân Ðức Phật.

Tất cả mọi đề mục thiền định đều có một mục đích duy nhất là định tâm an trú trong một đề mục thiền định duy nhất, không để phóng tâm chuyện này chuyện kia. Có những đề mục thiền định có thể dẫn đến cận định (upacàrasamàdhi) rồi tiến đến an định (appanàsamàdhi) để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc.

Riêng đối với đề mục "niệm Ân Ðức Phật" là một đề mục vô cùng vi tế, sâu sắc, rộng lớn, vô lượng vô biên, nên định tâm không thể an trú trong đối tượng nhất định rõ ràng. Do đó, đề mục niệm Ân Ðức Phật chỉ có khả năng dẫn đến cận định mà thôi; không thể tiến đến an định, nên không thể chứng đắc được bậc thiền nào cả.

Như vậy, cận định tâm của đề mục niệm Ân Ðức Phật vẫn còn là dục giới đại thiện tâm, thuộc về dục giới thiện nghiệp.

Quả báu ở kiếp hiện tại

Dục giới thiện nghiệp được tạo do thiền định này cho quả ở kiếp hiện tại, trong khi đang tiến hành niệm Ân Ðức Phật, đại thiện tâm hợp với hỉ, phát sanh hỉ lạc rất vi tế ở ý thức tâm, nên hành giả có thể ngồi niệm Ân Ðức Phật hằng giờ vẫn cảm thấy an lạc lạ thường.

Do năng lực dục giới thiện nghiệp này, trong cuộc sống hằng ngày của hành giả thường được an lạc, tránh khỏi điều rủi ro tai hại một cách phi thường, phần đông mọi người kính mến, chư thiên cũng kính yêu và hộ trì hành giả.

Quả báu ở kiếp vị lai

Dục giới thiện nghiệp được tạo do tiến hành thiền định này, có phần vững chắc hơn dục giới thiện nghiệp được tạo do bố thí giữ giới. Cho nên, hành giả khi gần chết, tâm không mê muội, tâm bình tĩnh sáng suốt. Vì vậy, sau khi chết, nếu dục giới thiện nghiệp này cho quả tái sanh làm người, thì sẽ là người có trí tuệ thuộc "hạng người tam nhân" [*], hoặc tái sanh làm chư thiên ở một trong 6 cõi trời dục giới, dầu sanh làm chư thiên ở cõi trời nào cũng có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời đặc biệt.

[*] Tái sanh tâm có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ)

Phương Pháp Ðặc Biệt Niệm 9 Ân Ðức Phật

Nước Myanmar phần đông những bậc Xuất gia: Sa di, Tỳ khưu, Ðại Ðức, Ðại Trưởng lão và các hàng tại gia cư sĩ: cận sự nam, cận sự nữ hành thiền thường sử dụng xâu chuỗi 108 hột làm phương tiện để niệm...

Theo được biết, có rất nhiều phương pháp hành thiền niệm... bằng xâu chuỗi 108 hột. Phương pháp nào cũng cốt để cho thiện tâm an tịnh tự nhiên.

Ví dụ: Phương pháp niệm Tam quy lần theo chuỗi hột: "Buddham saranam gacchàmi..." [*] v.v...

[*] Quyển "Buddha Yin Chê Mu A Chê Piếu" do Bộ Tôn Giáo Myanmar ấn hành.

Thuở bần sư ở nước Myanmar, một hôm, đọc một tờ đặc san Phật giáo, gặp một bài pháp dạy về phương pháp niệm Ân Ðức Phật bằng phương tiện xâu chuỗi 108 hột, do một Ngài Ðại Trưởng Lão (không nhớ rõ pháp danh) đã phát hiện ra, trong 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm, và xâu chuỗi có 108 hột. Ngài dạy phương pháp tâm niệm mỗi âm, đồng thời tay lần theo mỗi hột. Khi niệm đủ 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm, đồng thời lần theo chuỗi đủ 108 hột.

Ðây là phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật rất kỳ diệu, bởi sự khám phá có sự trùng hợp, giữa 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm và xâu chuỗi có 108 hột; và cũng là một phương pháp tuyệt vời, là vì giúp cho hành giả kiểm soát được tâm mình, còn như các đề mục thiền định khác thì không có tính ưu việt này.

Do đó, hành giả muốn tiến hành theo phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật này, điều trước tiên cần phải học thuộc lòng 108 âm trong 9 Ân Ðức Phật, vì mỗi âm trong 9 Ân Ðức Phật liên quan đến vị trí thứ tự nhất định trong chuỗi 108 hột.

Chín Ân Ðức Phật theo thứ tự như sau:

1- I-ti-pi-so Bha-ga-và A-ra-ham,

10 âm,10 hột

2- I-ti-pi-so Bha-ga-và Sam-mà-sam-bud-dho,

12 âm,12 hột

3- I-ti-pi-so Bha-ga-và Vij-jà-ca-ra-na-sam-pan-no,

15 âm,15 hột

4- I-ti-pi-so Bha-ga-và Su-ga-to,

10 âm,10 hột

5- I-ti-pi-so Bha-ga-và Lo-ka-vi-dù ,

11 âm,11 hột

6- I-ti-pi-so Bha-ga-và A-nut-ta-ro-pu-ri-sa-dam-ma-sà-ra-thi,

19 âm, 19 hột

7- I-ti-pi-so Bha-ga-và Sat-thà-de-va-ma-nus-sà-nam,

15 âm,15 hột

8- I-ti-pi-so Bha-ga-và Bud-dho,

9 âm, 9 hột

9- I-ti-pi-so Bha-ga-và.

7 âm, 7 hột

Tổng cộng:

108 âm, 108 hột

Ðiểm ưu việt cách niệm 9 Ân Ðức Phật cùng xâu chuỗi 108 hột

Phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật này, gọi là "kỳ diệu" là vì dễ dàng làm cho tâm an trú trọn đủ 9 Ân Ðức Phật, một cách liên tục trước-sau. Và gọi là "tuyệt vời" là vì tự mình có thể kiểm soát biết mình tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật đúng theo phương pháp này.

Bởi vì phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này có hai đặc tính ưu việt như sau:

1- Theo dõi Ân Ðức Phật trước - sau liên quan với nhau.
2- Kiểm soát được tâm mình.

1- Theo dõi Ân Ðức Phật trước - sau liên tục với nhau như thế nào?

Ân Ðức Phật thứ nhất: "Itipi so Bhagavà Araham".

Tiếp theo Ân Ðức Phật thứ nhì: "Itipi so Bhagavà Sammàsambuddho".

Và tiếp tục như vậy cho đến Ân Ðức Phật thứ 9: "Itipi so Bhagavà".

Như vậy, mỗi Ân Ðức Phật đều bắt đầu giống nhau là: "Itipi so Bhagavà", khiến cho hành giả phải chú tâm đặc biệt, nếu không chú tâm để ý thì dễ lộn Ân Ðức Phật này sang Ân Ðức Phật kia. Sự thật, 9 Ân Ðức Phật này, mỗi Ân Ðức Phật có một vị trí thứ tự nhất định trong xâu chuỗi 108 hột, không thể thay đổi. Cho nên hành giả cần phải thận trọng, chú tâm nhiều.

Ví dụ:

Bắt đầu niệm Ân Ðức Phật thứ nhất rằng: "I-ti-pi-so-Bha-ga-và-A-ra-ham" tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, tiếp tục đến niệm Ân Ðức Phật thứ nhì cũng bắt đầu bằng: "I-ti-pi-so-Bha-ga-và..." khiến hành giả liên tưởng đến Ân Ðức Phật trước gọi là gì? Tự trả lời chính xác Ân Ðức Phật trước gọi là Araham, vậy Ân Ðức Phật tiếp theo sau phải là "Sammàsambuddho". Hành giả niệm "Sam-mà-sam-bud-dho", tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, cứ như vậy liên tưởng Ân Ðức Phật trước - Ân Ðức Phật sau, cho đến Ân Ðức Phật thứ 9 sau cùng là "I-ti-pi-so Bha-ga-và".

Hành giả có trí nhớ (niệm)trí tuệ cùng với tâm tinh tấn tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật khắng khít với nhau, không có khoảng thời gian trống nào, để tâm nghĩ đến chuyện này, chuyện kia. Như vậy, hành giả niệm Ân Ðức Phật nào, tâm an trú ở Ân Ðức Phật ấy, giúp cho định tâm an trú trọn đủ 9 Ân Ðức Phật một cách liên tục suốt thời gian tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật.

Ðó là một đặc tính ưu việt của phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng chuỗi 108 hột này.

2- Kiểm soát được tâm mình như thế nào?

Phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng cách sử dụng xâu chuỗi 108 hột làm phương tiện.

Phương pháp này có một sự trùng hợp kỳ diệu giữa 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm và xâu chuỗi có 108 hột, hành giả chú tâm niệm mỗi âm trong 9 Ân Ðức Phật, đồng thời tay lần theo mỗi hột trong xâu chuỗi cho đến âm "Và" cuối cùng của Ân Ðức Phật thứ 9 là Bha-ga-, đồng thời đến hột cuối cùng của xâu chuỗi 108 hột, qua một vòng chuỗi hột.

Như vậy, gọi là hành giả tiến hành đúng theo phương pháp này, cứ mỗi lần niệm 9 Ân Ðức Phật đúng theo phương pháp, hành giả tâm cảm thấy hoan hỉ, nhiều lần đúng, thì tâm càng thêm hoan hỉ dẫn đến phát sanh tâm hỉ lạc.

Hành giả tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật theo phương pháp này, tâm niệm mỗi âm, tay lần theo một hột cho đến âm "Và" cuối cùng của Ðức Phật thứ 9 là "Bha-ga-", đồng thời qua một vòng chuỗi 108 hột. Nếu gặp phải hoặc thiếu, không đúng 108 hột, như vậy, hành giả biết ngay rằng: "đã tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật không đúng theo phương pháp này".

Nhờ biết như vậy, hành giả càng chú tâm ghi nhớ, có niệm (tâm sở)trí tuệ tốt hơn, cần có sự cố gắng tinh tấn nhiều hơn để tiếp tục tiến hành tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, càng chú tâm theo dõi mỗi âm trong 9 Ân Ðức Phật đồng thời lần theo mỗi hột để cho đúng theo phương pháp này.

Hành giả tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật, tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, chỉ cần qua một vòng chuỗi 108 hột là biết ngay [*] mình hành đúng hay hành sai phương pháp, không phải mất thì giờ.

[*] Trong chuỗi 108 hột này, mỗi hột có một vị trí "âm" nhất định, hành giả có thể làm dấu màu đỏ ở 9 âm cuối của 9 Ân Ðức Phật: cuối cùng của Ân Ðức Phật thứ nhất là ham, vị trí hột số 10; Ân Ðức Phật thứ nhì là dho = hột số 22; Ân Ðức Phật thứ ba là no = hột số 37; Ân Ðức Phật thứ tư là to = hột số 47; Ân Ðức Phật thứ năm là = hột số 58; Ân Ðức Phật thứ sáu là thi = hột số 77; Ân Ðức Phật thứ bảy là nam = hột số 92; Ân Ðức Phật thứ tám là dho = hột số 101; Ân Ðức Phật thứ 9 là = hột số 108. Như vậy, mỗi khi hành giả tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, thấy sai vị trí, nên biết hành sai phương pháp, hành giả có thể bắt đầu trở lại.

Ðó là một đặc tính ưu việt của phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này, có thể kiểm soát được tâm của mình.

Không chuỗi hột, khó kiểm soát tâm mình

Một số hành giả thường hay phóng tâm, hoặc suy nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác, khi họ niệm Ân Ðức Phật không có xâu chuỗi 108 hột, thì khó kiểm soát được tâm của mình.

Ví dụ:

- Trường hợp hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật trở thành thói quen. Nghĩa là "miệng vẫn niệm thầm, tâm vẫn lo nghĩ chuyện này chuyện kia mà không hay biết", cho nên tâm không an trú nơi Ân Ðức Phật nào cả, tưởng lầm mình đang niệm Ân Ðức Phật.

- Trường hợp hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật, được một lúc tâm xao nhãng, không còn chú tâm niệm Ân Ðức Phật, phát sanh phóng tâm chuyện này chuyện kia một hồi lâu mà vẫn không hay biết, đến khi sực tính lại mới biết mình phóng tâm...

Những trường hợp xảy ra như vậy, vì hành giả không có một dụng cụ phương tiện nào để kiểm soát được tâm của mình.

Vì vậy, phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột dùng làm phương tiện có thể kiểm soát tâm của mình một cách hữu hiệu hơn phương pháp nào khác, nhất là đối với người hay phóng tâm, lo nghĩ, hay quên,...

PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT PHỔ THÔNG

Những người thường hay phóng tâm, lo nghĩ chuyện này, chuyện kia; những người suy nghĩ miên man; những người có nhiều công việc đa đoan; những thương gia lắm công nhiều việc, thường hay lo nghĩ suy tư; những học sinh, sinh viên theo học nhiều môn, ôn nhiều bài, học khó hiểu, khó nhớ lâu; những người đang ở tâm trạng băn khoăn lo ngại, do dự một vấn đề nào đó chưa dứt khoát... Tất cả những hạng người này muốn tiến hành thiền định không dễ dàng, bởi vì tâm của họ khó an trú một đề mục thiền định duy nhất nào làm đối tượng.

Tuy vậy, đối với những hạng người này có thể tiến hành phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, dễ dàng làm cho tâm trí mau chóng ổn định tự nhiên. Khi tâm trí ổn định, phát sanh trí tuệ sáng suốt, làm chủ mọi hành động, lời nói, ý nghĩ; chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho mình và tất cả mọi người, mọi chúng sinh.

Ðối với những người bệnh tật, già yếu; những người bệnh hoạn ốm đau, không thể ngồi dược, thì có thể nằm lắng nghe băng cassette hướng dẫn niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, cũng có thể giúp cho tâm của họ được ổn định an tịnh.

Cho nên, phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này không những riêng cho các hành giả, mà còn có thể áp dụng chung cho mọi tầng lớp, nhất là những người bình thường khó tiến hành pháp môn thiền định. Bởi vì tâm của họ khó an trú trong một đề mục thiền định nào nhất định làm đối tượng. Còn phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này, giúp cho họ dễ dàng định tâm trong từng mỗi Ân Ðức Phật, nhờ phương pháp "tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột".

Khi niệm đến Ân Ðức Phật nào, hành giả nên có trí tuệ hiểu biết rõ ý nghĩa của Ân Ðức Phật ấy.

Nói chung, mọi phương pháp tiến hành niệm Ân Ðức Phật, điều trước tiên cũng là điều thiết yếu nhất, hành giả cần phải học hỏi, nghiên cứu cho hiểu biết rõ ý nghĩa mỗi Ân Ðức Phật một cách rành rẽ, thông thạo. Mỗi khi niệm đến Ân Ðức Phật nào, có trí tuệ hiểu biết rõ ý nghĩa của Ân Ðức Phật ấy. Cũng như nói một thứ tiếng, mình hiểu điều mình nói, mình nói điều mình hiểu và người nghe cũng hiểu được.

Như vậy, hành giả mới phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc.

Ðể tăng thêm đức tin trong sạch, hành giả nên tìm hiểu con số 108 có liên quan đến pháp trong Phật giáo.

Atthasatam là con số 108.

Trong các Chú giải có đề cập đến tanhà = tham ái có 108 loại như: atthasatam tanhàvicaritam: tham ái tính đầy đủ gồm có 108 loại, là nhân sanh khổ đế (dukkhasamudayasacca), là ác pháp nên diệt, là một sự thật chân lý trong tứ đế (catusacca).

Trong bài kinh Ratanasutta, danh từ ghép atthasatam dnnh liền với nhau trong câu:

"Ye puggalà atthasatam pasatthà...".
"108 hạng Thánh nhân mà chư bậc Thiện trí như Ðức Phật v.v... đều tán dương ca tụng...".

Phân chia 108 hạng Thánh nhân như sau:

A- 4 Thánh Quả gồm có 100 hạng Thánh nhân.

1- Bậc Thánh Nhập Lưu gồm có 24 hạng (3 hạng Thánh Nhập Lưu x 4 pháp hành (patipadà) x 2 phận sự (dhura) thành 24 hạng).

2- Bậc Thánh Nhất Lai gồm có 24 hạng (3 hạng Thánh Nhất Lai x 4 pháp hành x 2 phận sự thành 24 hạng).

3- Bậc Thánh Bất Lai gồm có 48 hạng (5 hạng Thánh Bất Lai x với 4 cõi suddhàvàsa bậc thấp thành 20, + 4 bậc Thánh Bất Lai ở cõi akanittha (trừ bậc Thánh Uddhamsota akanitthagàmi) là 24, x 2 phận sự thành 48 hạng).

4- Bậc Thánh Arahán gồm có 4 hạng (2 hạng Thánh Arahán x 2 phận sự thành 4 hạng).

B- 4 Thánh Ðạo gồm có 8 hạng Thánh (4 Thánh Ðạo x 2 phận sự thành 8 hạng).

Tổng cộng 24 + 24 + 48 + 4 + 8 = 108 hạng Thánh nhân.

Như vậy, hành giả niệm 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm, còn có liên quan đến con số 108 hạng Thánh nhân là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật.

-ooOoo-

 Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp, Thiền viện Viên Không, Bà Rịa, đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, tháng 04-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 11-05-2002