BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ban Hoằng pháp Trung ương, GHPGVN
Phật Học Cơ Bản - Tập Ba


 

Phần II - Bài 3

Giới thiệu học thuyết phân kỳ về hệ thống phán giáo

Khải Thiên


Nội dung của bài này sẽ giới thiệu khái quát về học thuyết Phân kỳ và hệ thống Phán giáo. Ðây là cách thức tiếp cận hệ thống giáo lý Phật giáo rất quan trọng, giúp học viên nắm rõ tiêu chí cơ sở của các bộ kinh thuộc Nam tạng và Bắc tạng. Bài này sẽ là bước mở đầu để học viên đi vào nội dung cơ bản của một số tông phái của đạo Phật tiếp theo.

A- Dẫn nhập

Học thuyết Phân kỳ và hệ thống Phán giáo (của Phật học Trung Hoa) có thể nói là một phương pháp tiếp cận lịch sử-tư tưởng có hệ thống và rất bao quát. Các giai đoạn trong lịch sử Phân kỳ và Phán giáo, ở đó phần lớn các tư tưởng đã được hệ thống hóa hoàn chỉnh. Một cách tương đối, nó giúp chúng ta nắm bắt và xác định các học thuyết cơ bản của các giai đoạn đáng chú ý trong tiến trình lịch sử-tư tưởng triết học Phật giáo. Vì lẽ đó, ngày nay khi nghiên cứu Phật học, phần lớn đều dựa vào phương pháp tiếp cận này.

B- Nội dung

I.- Học thuyết phân kỳ - Lịch sử tư tưởng

Một trong những học thuyết Phân kỳ nổi tiếng được các nhà Phật học chuyên môn, đặc biệt là về tánh Không luận như T.R.V. Murti, Ed. Conze, J. May... đánh giá rất cao, đó là học thuyết của Stcherbatsky, một nhà luận lý học Phật giáo (1).

Trong những trang đầu của tác phẩm "Logic học Phật giáo", cũng như trong quyển "The Conception of Buddhist Nirvana" (Khái niệm về Niết bàn Phật giáo), ông đã có những nhận định chính xác và toàn diện về bối cảnh lịch sử-tư tưởng của Phật giáo tại Ấn Ðộ. Và theo Stcherbatsky, lịch sử phát triển của Phật giáo Ấn Ðộ có thể được chia thành 3 thời kỳ chính cộâng với một số tư tưởng trung tâm của mỗi thời kỳ. Các giai đoạn của lịch sử được bắt đầu và kết thúc trong vòng 1.500 năm, kể từ 500 năm trước Tây lịch. Và mỗi 500 năm là một thời kỳ, gồm có: sơ kỳ, trung kỳ và hậu kỳ.

1- Thời kỳ thứ nhất (500 năm tr.TL)

Sơ kỳ - Thời kỳ này, triết học Phật giáo được gọi chung là "đa nguyên luận" - phủ định về Ngã thể. Ở đây, khi nói đến từ Ða nguyên luận là nhằm chỉ đến cách thức phân tích các "pháp" hiện hữu trên cơ sở của 5 uẩn, 12 xứ và 18 giới. Và cũng trên cơ sở của các uẩn, xứ, giới này, Phật giáo hoàn toàn phủ nhận về Ngã thể bất biến - (Unreality of the Ego).

2- Thời kỳ thứ hai (500 năm sau TL)

Trung kỳ - Thời kỳ này, triết học Phật giáo được gọi chung là "Nhất nguyên luận" - phủ định về pháp - pháp vô ngã (Unreality of the Elements of existence). Triết gia xuất sắc trong thời kỳ này là Luận sư Long Thọ, người xiển dương về tánh Không luận - tất cả pháp vốn không có tự tính.

3- Thời kỳ thứ ba (500 năm kế tiếp)

Hậu kỳ - Thời kỳ của "Quan niệm luận", do hai Luận sư Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) xiển dương triết học Duy thức - tất cả pháp đều được xem như là sự biểu hiện của tâm thức, chúng không có tự ngã, và do đó, sự hiện hữu của chúng là không thực (Unreality of the External world).

Bảng 1 (Học thuyết phân kỳ)

Sơ kỳ (500 năm tr.TL)

Dòng triết học: Ða nguyên thực tại luận
"Nhân Không": Phủ định Ngã thể (Ego)

Trung kỳ (500 năm s.TL)

Dòng triết học: Nhất nguyên luận
"Pháp không": Phủ định Ngã tính của các pháp
Triết gia đầu tiên - Long Thọ - Tánh Không luận

Hậu kỳ (500 năm tiếp theo)

Dòng triết học: Duy thức
Triết gia xuất sắc: Vô Trước và Thế Thân
Chủ trương: Tam giới Duy thức (Tất cả pháp đều là sự biến hiện của Tàng thức Alaya)

 

Trên cơ sở này, chúng ta thấy được bối cảnh phân kỳ tư tưởng của Phật giáo Ấn Ðộ khá rõ ràng. Tuy nhiên, giữa thời kỳ thứ hai (trung kỳ) và thứ ba (hậu kỳ) còn có những mốc lịch sử tư tưởng quan trọng, do đó Stcherbatsky tiếp tục phân chia thêm một bảng phân kỳ dành cho sự phát triển của tư tưởng Ðại thừa Phật giáo.

Bảng 2

Thế kỷ I - Hưng khởi của Ðại thừa

Dòng triết học: A lại da và chân như Duyên khởi của Mã Minh

Thế kỷ II

Dòng triết học: Tánh Không, Duyên khởi luận do Long Thọ và Ðề Bà (còn gọi Thánh Thiên) thành lập

Thế kỷ III & IV

Một khoảng trống

Thế kỷ V

Dòng triết học: Duy thức luận (Vijnànavàda) của Vô Trước và Thế Thân

Thế kỷ VI

Sự phân hóa giữa phái Duy thức và tánh Không - An Huệ (Sthiramati) và Trần Na (Dingnàga) đại diện cho phái Duy thức; Phật Hộ (Buddhapalita) và Thanh Biện (Bhàvaviveka) đại diện cho phái Không luận

Thế kỷ VII

Hệ thống Trung quán do Nguyệt Xứng (Candrakirti) xiển dương và hoàn thành.

 

Bảng phân kỳ (số 2) trên, theo học giả J.Takakusu, trong "The Essentials of Buddhism Philosophy" (2), khoảng trống của thế kỷ thứ III và thứ IV, có thể điền vào bằng Kiên Huệ (Saramati) và Di Lạc (Maitreya). Di Lạc là thầy trực tiếp hoặc gián tiếp dạy Duy thức cho Vô Trước. Tuy nhiên, có lẽ do Di Lạc được truyền tụng bởi quá nhiều huyền thoại - có thuyết nói Ngài là vị Bồ tát trên cung trời Ðâu Suất, xuống trần gian dạy Duy thức cho Vô Trước... - nên về mặt lịch sử, Stcherbatsky đã không đề cập đến.

Từ các hệ thống phân kỳ lịch sử trên, giáo sư Takakusu đề xuất thêm một bảng phân kỳ mới, khác hơn, bao gồm 4 thời kỳ: Thực tại luận, Hư vô luận, Quan niệm luận và Phủ định luận.

Bảng 3

1- Thực tại luận: Thuộc Tiểu thừa hữu tông, đại biểu: thuyết Nhất thiết hữu bộ, xác định tất cả pháp đều có. Phủ định về ngã tính (Nhân không - Pudgala Sùnyata). Kết luận: Ðây là thuyết về Hữu (Ens).

2- Hư vô luận: Thuộc Tiểu thừa không tông, chủ trương "Nhất thiết pháp không" - phủ định thực tính của tâm và vật. Kết luận: Ðây là thuyết về Không (non-ens). Harivarman (Ha Lê Bạt Man) (kh. 250-350 tr.TL). Ở đây, Hư vô luận đối lập với Thực tại luận.

3- Quan niệm luận: Thuộc Ðại thừa bán giáo, chủ trương Duy thức luận, phủ định thực tính của tất cả pháp, chỉ có sự biểu hiện của thức. Kết luận: Ðây là giáo lý về Hữu (Ens) và phi hữu (non-ens).

4- Phủ định luận: Thuộc Ðại thừa không luận, chủ trương Trung quán luận (Madhyamika), cho rằng thực tại có thể nhận thức bằng phủ định tổng hợp (synthetic negation) - phủ định cái phủ định. Ðại biểu là Long Thọ, giáo thuyết cơ bản là "Bát bất Trung đạo". Kết luận: Ðây là giáo lý về phi hữu - phi phi hữu.

 

Trong bảng (số 3) phân kỳ này, mục đích của Giáo sư Takakusu là đưa Không luận của Harivarman (3) lên trên Long Thọ.

Trên đây là một số nét cơ bản của sự phân kỳ trong tiến trình phát triển của lịch sử-tư tưởng Phật giáo Ấn Ðộ. Như thế, trong suốt 1.500 năm này là thời kỳ phát triển hưng thịnh của Phật giáo Ấn Ðộ. Và từ đó, kéo dài cho đến thế kỷ thứ XI TL thì Phật giáo Ấn Ðộ rơi vào suy vong. Có điều, chúng ta nên nhớ rằng, trước khi Phật giáo Ấn Ðộ đi vào thời kỳ suy vong, thì mọi sự phát triển của nó đã được truyền sang các nước (theo hai hướng Nam truyền và Bắc truyền) khác. Và tất nhiên, trong sự truyền thừa đó, có cả những phát triển khác biệt mà nó được nảy sinh từ Ấn Ðộ. Trong trường hợp này, có thể nói tại Trung Hoa là nơi có những bước phát triển mới làm cho nền Phật học trở nên hoàn thiện, đặc biệt là quá trình hệ thống hóa các tư tưởng dị đồng được du nhập từ Phật giáo Ấn Ðộ. Ðiều này được trình bày cụ thể trong hệ thống phán giáo của Phật học Trung Hoa.

 

II.- Hệ thống phán giáo Phật học Trung hoa

Phán giáo cũng có nội dung và tính chất như phân kỳ, nhưng phần lớn nó được tập trung vào hệ thống giáo lý, kinh điển. Nếu, nói một cách chính xác thì lịch sử phán giáo bắt nguồn từ Ấn Ðộ vào thời đại của ngài Giới Hiền và Trí Quang, hai vị Luận sư này đều phân chia giáo lý Phật giáo theo ba thời giáo khác nhau, như được tìm thấy trong Pháp tướng tông (của ngài Giới Hiền) và Tam luận tông (của ngài Trí Quang) (4). Tuy nhiên, khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, thì phần lớn đều được hình thành qua hình thức tông phái, và trên cơ sở của mỗi tông phái mà hệ thống phán giáo được tổ chức khác nhau, theo hình thức khởi nguyên từ Ấn Ðộ.

Hệ thống phán giáo Phật học Trung Hoa, như đã đề cập, bắt đầu từ thời đại Nam Bắc triều (5) (cũng gọi là thời đại Lục triều), các nhà Phật học đã tổ chức hệ thống phán giáo khởi đầu, thông qua việc nghiên cứu kinh Niết Bàn mà ngài Ðạo Sinh đề xuất học thuyết "đốn ngộ thành Phật", và ngài Tuệ Quán đề xuất học thuyết "đốn tiệm bất địch", và học thuyết của Tuệ Quán được xem là một trong những sự khởi xướng hệ thống Phán giáo đầu tiên của nền Phật học Trung Hoa mà đời sau gọi là "Nam tam - Bắc thất" (ba hệ thống phán giáo ở phương Nam và bảy hệ ở phương Bắc).

A/- Ba hệ thống phán giáo ở Giang Nam

a)- Hệ thống một (do Pháp sư Hổ Khưu Sơn Cập lập thành) - có ba pháp luân:

1- Ðốn giáo: Kinh Hoa Nghiêm

2- Tiệm giáo:

Hữu tướng giáo: (11 năm thuyết giáo của Phật sau thời Hoa Nghiêm)
Vô tướng giáo: (12 năm sau cho đến thời Pháp Hoa)
Thường trụ giáo: (thời Niết bàn)

3- Bất định giáo: Các kinh điển ngoài đốn, tiệm như luật, kinh Thắng Man, Giải Thâm Mật...

b)- Hệ thống hai (do Pháp sư Tăng Ai lập thành) - có ba pháp luân:

1- Ðốn giáo: (như hệ thống một)

2- Tiệm giáo:

Hữu tướng giáo: (như hệ thống một)
Vô tướng giáo: (12 năm sau Phương Ðẳng và Bát Nhã)
Ðồng qui giáo: (thời Pháp Hoa)
Thường trụ giáo: (thời Niết bàn)

3- Bất định giáo: (như hệ thống một)

c)- Hệ thống ba (do Tăng Nhu, Huệ Thứ, Huệ Quán lập thành) - có ba pháp luân:

1- Ðốn giáo: (như hệ thống một)

2- Tiệm giáo:

Hữu tướng giáo: (như hệ thống một)
Vô tướng giáo: (Bát Nhã)
Ức dương giáo: (Phương Ðẳng)
Ðồng qui giáo: (như hệ thống một)
Thường trụ giáo: (như hệ thống một)

3- Bất định giáo: (như hệ thống một)

 

B/- Bảy hệ thống phán giáo ở Giang Bắc

a)- Hệ thống một (Hoặc Sư lập) - có năm pháp luân:

1- Nhân thiên giáo: (Ðề-vị-bà-lợi)
2- Vô tướng giáo: (Tịnh độ)
3- Ðốn giáo: (Hoa Nghiêm)
4- Tiệm giáo: (Phương Ðẳng)
5- Bất định giáo: (như trước)

b)- Hệ thống hai (Bồ Ðề Lưu Chi lập) - có hai pháp luân:

1- Tiên giáo bán tự: (12 năm trước - Tiểu thừa giáo)
2- Hậu giáo mãn tự: (12 năm sau - Ðại thừa giáo)

Bán tự và mãn tự - dụ cho trẻ con khi mới học thì trước hết dạy nửa chữ (tiên giáo bán tự), rồi sau đó mới dạy tiếp nguyên chữ (hậu giáo mãn tự).

c)- Hệ thống ba (Quang Thống lập)

Hệ thống này do ngài Giác Hiền, Huệ Quang đề xuất, có 4 tông:

1- Nhân duyên tông: (thuộc Tiểu thừa - Hữu bộ, chủ thuyết Tứ nhân lục duyên)
2- Giả danh tông: (thuộc Thành Thật tông, chủ thuyết Thành Thật luận: giảng về Tam giả - Nhân thành giả, Tương tục giả, Tương đãi giả)
3- Cuống tướng tông: (học thuyết Tam luận - Nhất thiết pháp không - Tính không luận)
4- Thường tông: (giáo lý Hoa Nghiêm và Niết bàn)

d)- Hệ thống bốn (Hoặc Sư lập) - có năm tông:

1- Nhân duyên tông: (A Tỳ Ðàm)
2- Giả danh tông: (Thành Thật)
3- Cuống tướng tông: (Tam luận)
4- Thường trụ tông: (Niết bàn)
5- Pháp giới tông: (Hoa Nghiêm)

e)- Hệ thống năm (Pháp Sư ở Kỳ Xà) - có sáu tông:

1- Nhân duyên tông: (A Tỳ Ðàm)
2- Giả danh tông: (Thành Thật)
3- Cuống tướng tông: (Tam luận)
4- Thường trụ tông: (Hoa Nghiêm - Niết bàn)
5- Chân tông: (Pháp Hoa)
6- Viên tông: (Ðại Tập)

f)- Hệ thống sáu (Hoặc Sư lập) - có hai tông:

1- Hữu tướng Ðại thừa
2- Vô tướng Ðại thừa

g)- Hệ thống bảy (Hoặc Sư lập) - có một tông:

Nhất âm giáo: (Phật dùng một âm thanh thuyết pháp, chúng sanh tùy theo đó mà hiểu biết về giáo pháp khác nhau).

Trên đây là phần trình bày đại cương về "Nam tam - Bắc thất" - sự khái lược hóa về các hệ thống phán giáo Phật học Trung Hoa.

 

C/- Hệ thống phán giáo của các tông phái Ðại thừa

Khi các tông phái Ðại thừa Phật giáo hình thành tại Trung Hoa, thì mỗi tông phái lại tổ chức hệ thống phán giáo đặc thù theo tư tưởng của từng tông phái. Theo truyền thống lịch sử Phật giáo Trung Hoa, các tông phái chính có hệ thống phán giáo được thành lập như sau:

1- Pháp tướng tông

Tông phái này y cứ trên cơ sở của kinh Giải Thâm Mật rồi đem giáo pháp của Phật chia làm ba pháp luân (ba lần chuyển pháp luân của Phật).

a)- Pháp luân I: Phật nói về Hữu (Hữu giáo)
b)- Pháp luân II: Phật nói về Vô (Không giáo)
c)- Pháp luân III: Phật nói về Trung đạo (Trung giáo)

- Hữu giáo là giáo lý thời Nguyên thủy và Bộ phái
- Không giáo là giáo lý tiền Ðại thừa và Ðại thừa
- Trung giáo là giáo lý Ðại thừa và hậu Ðại thừa

* Pháp luân I: Giáo lý cơ bản là 4 thánh đế và 12 nhân duyên
* Pháp luân II: Giáo lý cơ bản là "Nhất thiết pháp không"
* Pháp luân III: Giáo lý cơ bản là "Trung đạo đế"

Hai pháp luân đầu, Phật nói về pháp phương tiện và bất liễu nghĩa (khế lý, khế cơ). Pháp luân thứ ba, Phật nói về pháp liễu nghĩa - chân thật tối thượng - Chủ đề cơ bản là Trung đạo: - 3 tự tính và 3 vô tính (tam tính và tam vô tính).

Về kinh điển, người đời sau đối chiếu như vầy:

* Pháp luân I: Gồm 4 bộ A Hàm ~ 4 bộ Nikàya
* Pháp luân II: Gồm kinh Bát Nhã (không tông)
* Pháp luân III: Gồm kinh Giải Thâm Mật, Hoa Nghiêm...

2- Tam luận tông

Tông phái này phân chia giáo pháp của Phật làm hai tạng và ba pháp luân:

- Hai tạng (Tùng pháp giảng): Thinh Văn tạng , Bồ Tát tạng
- Ba pháp luân (Tùng nhân giảng): Pháp luân gốc, Pháp luân ngọn, Pháp luân ngọn về gốc

- Thinh Văn tạng: gồm các kinh A Hàm và Nikàya
- Bồ Tát tạng: gồm các kinh Ðại thừa

* Pháp luân gốc: Phật nói kinh Hoa Nghiêm
* Pháp luân ngọn: Phật nói kinh A Hàm đến Phương Ðẳng

* Pháp luân ngọn về gốc: Phật nói kinh Pháp Hoa

Hệ thống Phán giáo này do Cát Tạng đề xuất.

3- Thiên thai tông

Tông phái này chia giáo pháp của Phật thành ngũ thời, bát giáo.

Ngũ thời: Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Ðẳng (Duy Ma, Lăng Già...), Bát Nhã, Pháp Hoa - Niết Bàn. Năm thời tương ứng với năm vị (của kinh Niết Bàn): Sữa tươi (ngưu nhũ), Váng sữa (lạc), Váng bơ (sinh tô), Bơ kết (thục tô), Bơ lỏng (đề hồ). Ðề hồ là tối thượng trong 5 vị, và kinh Pháp Hoa, Niết Bàn được ví như đề hồ - tối thượng trong các kinh.

Bát giáo:

- 4 hóa nghi (Hóa nghi tứ giáo) [4 phương pháp giáo hóa]

1- Ðốn
2- Tiệm
3- Bí mật
4- Bất định

- 4 hóa pháp (Hóa pháp tứ giáo) [4 nội dung giáo lý cơ bản]

1- Tạng giáo
2- Thông giáo
3- Biệt giáo
4- Viên giáo

Tứ giáo:

- Tạng giáo: hệ thống kinh điển A Hàm và Nikàya
- Thông giáo: hệ thống kinh điển xuyên thông cả Tam thừa
- Biệt giáo: giáo lý đặc biệt dành cho đối tượng đặc biệt, như hàng Bôì tát, (Lục độ, Nhị đế v.v...)
- Viên giáo: giáo lý viên dung - nhất thừa, chỉ cho kinh Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Pháp Hoa

Tứ nghi:

- Ðốn giáo: giáo lý đốn ngộ, dành cho hàng trí giả - Ðại thừa
- Tiệm giáo: giáo lý được giảng tùy theo trình độ, căn cơ (các kinh A Hàm, Phương Ðẳng)
- Bí mật: giáo lý đặc thù dành cho đối tượng đặc thù (không phải ai cũng được nghe và hiểu được)
- Bất định: cùng một giáo lý, cùng một pháp hội nhưng chỗ này là đốn giáo, chỗ kia là tiệm giáo - tùy theo trình độ mà nói.

Ở đây, có một vấn đề. Tương truyền, ngũ thời bát giáo là do ngài Trí Khải (6), đệ tử của Huệ Tư, sáng lập. Nhưng học giả Sekiguchi Shindai trong bài viết "Khởi nguyên ngũ thời bát giáo" (Goji hakkyo kyohanron no kigen) (xem Taisho daigaku kiyo, tr.1-15 (1975)) cho rằng chính Trạm Nhiên (711-782) là người hệ thống hóa phán giáo này (?).

4- Hoa nghiêm tông

Tông phái này do sư Ðỗ Thuận, Trí Nghiễm và Pháp Tạng thành lập. Giáo pháp được chia thành 5 giáo, 10 tông.

* Năm giáo:

1- Tiểu thừa giáo: giáo lý cho hàng Thanh văn, như A Hàm, A Tỳ Ðàm luận, Thành Thật luận; 2- Ðại thừa sơ giáo: giáo lý cho hàng Ðại thừa, như Trung Quán luận, Du Già Sư Ðịa luận...; 3- Ðại thừa chung giáo: giáo lý cho hàng Ðại thừa cao cấp, như kinh Lăng Già, Thắng Man...; 4- Ðại thừa đốn giáo: giáo lý cho hàng Ðại thừa ưu tú, như Thiền tông...; 5- Nhất thừa viên giáo: giáo lý viên dung, tối thượng, như kinh Hoa Nghiêm...,

Nhất thừa viên giáo có hai loại:

a)- Nhất thừa đồng giáo: tương ứng với Tam thừa (kinh Pháp Hoa)
b)- Nhất thừa biệt giáo: khác với Tam thừa (kinh Hoa Nghiêm)

* Mười tông: (10 học thuyết cơ bản của Phật giáo Bộ phái và Ðại thừa)

Sáu học thuyết của Phật giáo Bộ phái:

1- Tông Ngã pháp đều có: thuộc giáo lý của Ðộc tử bộ, Pháp thượng bộ, Hiền vị bộ, Chính lượng bộ, Mật lâm sơn bộ, Kê dân bộ trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái.

2- Tông Ngã không pháp có: thuộc giáo lý của Nhất thiết hữu bộ, Tuyết sơn bộ, Ẩn quang bộ, Kinh lượng bộ.

3- Tông Pháp không khứ lai: thuộc quan niệm "Hiện tại hữu thể, quá vị vô thể" của Hóa địa bộ, Pháp tạng bộ, Ðại chúng bộ, Ða văn bộ, Chế đa sơn bộ, Tây sơn trụ bộ, Bắc sơn trụ bộ.

4- Tông Hiện thông giả thật: thuộc quan niệm "Chân giả tịnh hữu" của Thuyết giả bộ.

5- Tông tục vọng chân thật: Quan niệm của thuyết Xuất thế bộ.

6- Tông chư pháp giả danh: Quan niệm "Tam thế chư pháp giả danh vô thể" của Nhất thuyết bộ.

Bốn học thuyết của Ðại thừa:

7- Tông "Nhất thiết pháp không": thuộc Ðại thừa thỉ giáo.

8- Tông "Chư pháp thực tướng": thuộc Ðại thừa chung giáo.

9- Tông "Tướng và Tưởng đều không": thuộc Ðại thừa đốn giáo.

10- Tông "Như thị - viên mãn": thuộc Nhất thừa viên giáo (7).

Trên đây là các tông phái có hệ thống phán giáo cụ thể. Còn Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông (Chân ngôn tông) thì hệ thống phán giáo không cụ thể và cũng khá đa diện. Tuy nhiên, với ba tông này, chủ yếu là đi vào tu tập thực tiễn. Do đó, nếu lập phán giáo thì phải lập theo một thể cách đặc thù của nó.

Riêng về phần phán giáo như vừa trình bày trên đây, chúng ta thấy lộ rõ một điều ở các hệ thống phán giáo, đó là sự tương quan thống thiết giữa nhận thức của con người và chân lý thực tại. Bởi lẽ, nhận thức của con người thì bất khả thuyết - có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu nhận thức khác nhau. Ở đây, sẽ không bao giờ có bất kỳ một khuôn mẫu tư duy nào có thể dùng cho mọi người; cũng như, tất cả mọi người đều mang giày, nhưng không thể có một đôi giày nào khả dĩ được dùng cho tất cả mọi người. Vả lại, chân lý thực tại cũng chỉ có Một, Ðông phương hay Tây phương, đều chỉ có Một và chỉ Một mà thôi. Vì lẽ đó, vấn đề được đặt ra ở đây là: chân lý luôn luôn, lúc nào, và ở đâu, cũng bình đẳng trước mọi người; và, làm thế nào để mọi người có thể trực nhận được chân lý? Ðây là lý do tại sao Phật tử Trung Hoa đề xuất và tổ chức các hệ thống phán giáo. Nó xuất hiện như là sự nối kết các nhịp cầu phương tiện để giúp người sang sông. Từ đó, ba thừa phân đốn, tiệm, quyền, thật tất cả đều viên dung. Ðây là phương tiện thiện xảo để mỗi người với căn tánh và trình độ khác nhau đều có thể tu tập Phật giáo. Có thể tóm tắt ý nghĩa trên qua phát biểu của Long Thọ như sau: "Nếu không nương tục đế, thì không thể đạt đến chân lý. Nếu không đạt đến chân lý, thì không thể hiểu được Phật pháp" (8)./.

Ghi chú: Học viên đọc thêm cuốn"Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo" của tác giả Thích Tâm Thiện (phần Lược sử các bộ phái Phật giáo); cuốn "Lịch sử tư tưởng và triết học tánh Không" của tác giả Thích Tâm Thiện (phần Học thuyết Phân kỳ và hệ thống Phán giáo); "Tâm lý học Phật giáo" của tác giả Thích Tâm Thiện (phần Ðại cương triết học Duy thức)./.

* Chú thích:

(1) T.H.Stcherbatsky sinh ngày 19-9-1855 ở Keltse, Ba Lan (bấy giờ thuộc Nga), trong một gia đình công chức khá giả. Tại Ðại học Saint Petersburg, năm 1885, ông học các ngôn ngữ Ấn-Âu dưới sự hướng dẫn của GS Minayeff và S.Oldenberg. Năm 1888, ông đến Viene (Áo) để học Sanskrit. Từ 1893-1900, ông tập trung nghiên cứu Phật học. Ông có nhiều tác phẩm: "The Theory of knowledge and logic in the doctrine of later Buddhism" xuất bản năm 1903 bằng tiếng Nga; "Buddhist Logic" 2 tập, tác phẩm này được Thủ tướng Nehru (Ấn Ðộ) đánh giá cao như một tác phẩm về logic học xuất sắc nhất được xuất bản trong vòng hai thế kỷ. Ông là Giáo sư viện sĩ Hàn lâm viện Nga, thông thạo 6 thứ tiếng châu Âu và tiếng Sanskrit, tiếng Tây Tạng. Những công trình của ông là sự cống hiến vĩ đại cho nền Phật học Ấn Ðộ và châu Âu.

(2) Xem bản dịch "Các tông phái của đạo Phật" của Tuệ Sỹ, Tu thư Ðại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr.192-193.

(3) Harlvarman, tác giả bộ "Thành Thật luận" (Satyasiddhi-sastra, 16 quyển). Ông là người thuộc Kinh Lượng bộ, sinh ở vùng Trung Êẽn, trong một gia đình Bà la môn. Trong "Thành Thật luận" (gồm 202 phẩm), ở phẩm "Diệt Pháp Tâm", Harlvarman nói rõ về quan điểm "Nhân-pháp đều là không". Quan điểm này có lẽ là được kế thừa từ học thuyết "Quá, vị về thể hiện tại hữu thể" của Kinh Lượng bộ (Sautràntika).

(4) Trí Quang (Jnànaprabha), đệ tử của Thanh Biện theo dòng triết "Thật tướng luận" của Long Thọ tại chùa Nalanda. Ngài là bậc tinh thông Tam tạng của Ðại thừa và Tiểu thừa, nên tổng hợp lại giáo lý và lần đầu tiên lập ra hệ thống Phán giáo gồm 3 hạng: a- "Tâm cảnh câu hữu giáo", b- "Tâm hữu cảnh không giáo", c- Tâm cảnh câu không giới". Theo đó, Tiểu thừa Phật giáo thuộc "Tâm cảnh câu hữu giáo"; giáo nghĩa của Vô Trước và Thế Thân thuộc "Tâm hữu cảnh không giới"; và giáo nghĩa của Long Thọ thuộc về "Tâm cảnh câu không giáo".

Giới Hiền (Siladhadra), đệ tử của Hộ Pháp, nước Samatata, Trung Êẽn. Ngài học Duy thức với ngài Hộ Pháp tại Nalanda, khi Huyền Trang sang Êẽn vào niên hiệu Chính Quán, năm thứ 16, đời Ðường (636 TL). Huyền Trang đã thọ giáo với ngài Giới Hiền tại Phật viện Nalanda, lúc đó, ngài Giới Hiền đã 106 tuổi. Vì ngài Giới Hiền là luận sư xiển dương Duy thức học, nên để đối ứng lại Phán giáo của ngài Trí Quang, Giới Hiền lập ra ba thời giáo khác, gồm: "Hữu giáo", "Không giáo" và "Trung giáo". Hữu giáo là giáo nghĩa của Tiểu thừa, Không giáo là giáo nghĩa của Long Thọ, và Trung giáo là giáo nghĩa của Vô Trước và Thế Thân. Trung giáo là ngôi vị cao nhất trong ba thời giáo.

(5) Nhà Ðông Tấn suy vong, các vương hầu kế tiếp nổi dậy, ở phương Nam có các triều Lương, Tề, Tống, Trần; ở phương Bắc, nhà Ngụy thống nhất Ngũ Hồ và lập thành Ðông Ngụy và Tây Ngụy, kế Ðông Ngụy là Bắc Tề, kế Tây Ngụy là Bắc Chu; về sau, nhà Tùy thống nhất Nam Bắc, Nam triều ủng hộ Phật giáo, Bắc triều ủng hộ Ðạo giáo. Cho đến thời Võ đế-Bắc Chu và Thái Võ đế-Ngụy, Phật giáo rơi vào suy vong (xem Tôn giáo tỷ giảo - Thích Thánh Nghiêm).

(6) Trí Khải là tác giả của nhiều kinh sớ, và 3 tác phẩm: a- Ma ha chỉ quán - 209, Pháp Hoa huyền nghĩa - 109, và c- Pháp Hoa văn cú - 209, là 3 bộ chính yếu của Thiên thai tông.

- Nguồn gốc truyền thừa: Long Thọ-Bắc Tề Huệ Văn - Nam Nhạc Huệ Tư _ Thiên Thai Trí Khải - Chương An quán đảnh - Tấn Văn Trí Oai - Tả Khê Huyền Lăng - Kinh Khê Trạm Nhiên - Hưng Ðạo Ðạo Thúy - Chí Hành Quảng Tu - Chỉ Ðịnh vật ngoại - Diệu thuyết Nguyên Tú - Cao Luận Thanh.

(7) Sự truyền thừa của Hoa Nghiêm tông như sau: Bồ tát Mã Minh - Long Thọ _ Ðỗ Thuận - Trí Nghiễm - Pháp Tạng (Hiền Thủ) - Thanh Lương - Tông Mật...

Dưới tay Pháp Tạng có 6 đồ đệ ưu tú, gọi là Lục triết: Trí Quang, Tông Nhất, Huệ Uyển, Huệ Anh, Hoằng Quán và Văn Siêu.

(8) Tục đế (Samvrtti-satya) là chân lý của người còn vô minh, nó còn được gọi là chân lý công ước, nó khác biệt với Chân đế (Paramàrtha-satya) - tức chân lý tuyệt đối - là cảnh giới hiện quán của chư Phật. Hai chân lý này, khi ứng dụng khéo léo, được gọi là "Nhị đế viên dung" - như qua bên kia bờ thì phải dùng thuyền, con thuyền là Tục đế (mang ý nghĩa phương tiện), và bờ bên kia là Chân đế (mang ý nghĩa cứu cánh).

-oOo-

Câu hỏi hướng dẫn ôn tập

1- Trình bày sơ lược học thuyết Phân kỳ tư tưởng Phật giáo theo quan điểm của T.H. Stcherbatsky.

2- Tóm tắt những điểm cơ bản trong tổ chức hệ thống Phán giáo của Phật học Trung Hoa.

[^]

-oOo-

Bài trước | Mục lục | Bài kế


Tập Một | Tập Hai | Tập Bốn | Toàn bộ

Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000


[Trở về trang Thư Mục]

Revised: 25-11-2001