BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Lịch
Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm
Maha Thongkham Medhivongs
THIÊN THỨ TÁM THỌ KÝ ÐỨC PHẬT TỔ VỊ LAI ÐỨC DI LẶC-ooOoo- Trong khi đức Thế Tôn của chúng ta còn tại thế. Ðức đại Bồ tát DI LẶC sanh vào lòng bà Hoàng hậu (A Xà Thế) thành Vương Xá tên là bà KANCANÀ . Khi sanh ra đức vua đặt tên là AJITA. Khi Thái tử lớn lên nhằm lúc vua cha là A Xà Thế đã bỏ Ðề Bà Ðạt Ða trong sạch với Phật qui y Tam bảo là một thiện nam rất chân chánh. Khi Thái tử theo vua cha vào hầu Phật trông thấy kim thân của đức Thế Tôn oai nghiêm và từ ái đẹp không chi sánh bằng, Ngài lấy làm thỏa thích và rất trong sạch với Phật bảo nên Ngài nghĩ rằng: Oai lực của đấng cứu thế thật là vô lượng vô biên. Sự thật nếu người không thực hành đúng theo ba mươi pháp Ba la mật thì không khi nào đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được. Vậy ta nên dứt bỏ cái cạm bẫy là mùi tục lụy là ngai vàng quyền lực giàu sang danh vọng nhứt là quyến thuộc, không nên mến tiếc và điều cần nhứt là xuất gia. Khi Ngài nghĩ vậy mới vào xin Phụ vương xuất gia theo chánh pháp. Ðức vua sẵn là người có đức tin với Tam bảo và đang hối hận vì tội lỗi đã qua nên rất hài lòng cho con xuất gia. Sau khi xuất gia xong ông là người rất thông minh học đâu hiểu thông đó. Ông thường hay thuyết pháp cho chư phàm Tăng nghe. Lúc nọ, đức Thế Tôn lại ngự về thành Ca Tỳ La Vệ lần thứ nhì. Ngài ngự tại chùa Nigrodha, có vị Tỳ khưu mới xuất gia là tiền thân đức Di Lặc theo hầu và cũng có nhiều vị Thánh và phàm Tăng theo hầu Phật. Lịnh bà Gotamì là di mẫu của đức Thế Tôn hay tin rằng: Ðức Thế Tôn đã ngự về thành Ca Tỳ La Vệ bà lấy làm thỏa thích vui mừng và nghĩ rằng: Kể từ ngày đức Thế Tôn ngự về thành lần thứ nhứt đến nay là lần thứ nhì ta chưa hề được dâng cúng vật gì chính tay ta tạo ra. Nếu nói về cúng dường vật thực thì gia đình nào cũng có thể cúng dường được, nhứt là đối với gia đình của hoàng gia thì càng dễ, vật thực càng quí giá. Vậy ta nên tạo ra bộ cà sa chính tay ta làm để cúng dường đến Phật. Sự thật hàng vải lụa là nhung gấm trong hoàng cung không thiếu mà toàn là vật đắc giá, nhưng vẫn còn không xứng đáng với đức tin của ta muốn tạo ra vật quí. Ta muốn tự ta tạo ra một khổ vải để cúng dường đến Ngài, như vậy phước báu ấy mới hoàn toàn của ta. Sau khi nghĩ xong, bà truyền gọi thợ bạc đến lấy vàng làm ra bảy chậu lớn rất to, lấy những lá cây thơm quí giá ủ mục làm phân để vào những chậu lớn vàng làm phân trồng bông vải, tưới bằng sữa tươi và để hoa thơm vào. Chính tay bà vun phân tưới nước; khi có bông tự bà hái, bông vải ấy có màu vàng óng ánh như vàng thoi. Bà cho mời những người thợ chuyên môn giỏi nhứt trong nước đến, bà có truyền cất một tòa nhà to lớn đủ tiện nghi cho những người thợ dệt chuyên môn ở, trần nhà làm bằng thứ hàng quí. Những người thợ ấy phải luôn luôn tắm rửa sạch sẽ mặc đồ sạch nhứt là phải có ngũ giới hay Bát quan trai cho trong sạch. Bà thì lo kéo chỉ, sau khi thợ dệt đã dệt xong hai khổ vải mỗi khổ mười bốn hắc tay, bà trả giá cho những người ấy rất hậu. Hai tấm vải ấy thật đẹp và rất quí giá, thật xứng đáng vật cúng dường đến Phật bảo. Bà xem đi xem lại rất hài lòng việc làm của bà. Bà để hai tấm vải ấy lên mâm vàng rồi đội lên đầu đem vào chùa, có rất nhiều phi tần và tín đồ nghe tin bà tạo hai tấm vải quí đem vào chùa dâng cúng đến Phật bảo. Khi đến chánh diện là nơi Phật đang ngự thuyết pháp giữa hàng ngàn Tăng chúng, thật là một nơi tôn nghiêm yên tịnh hình như những người đang ngồi thính pháp là những vị bằng tượng. Lịnh bà đảnh lễ đức Thế Tôn ngó quanh thấy chư Tăng ngồi yên lặng lục căn thu thúc thật đáng lễ bái cúng dường, lòng kính thành và trong sạch của bà càng phát sanh rất mãnh liệt. Lịnh bà liền bạch Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn đây là hai tấm vải vàng, tự tay tôi trông nom vun phân tưới nước, hái bông và quay chỉ. Sự cố gắng tạo nên hai tấm vải này do nơi đức tin lòng thành kính, ý nhứt định làm để cúng dường ngay đến đức Thế Tôn. Xin Ngài thâu nhận để tôi được nhiều sự lợi ích an vui và hạnh phúc lâu dài. Ðức Thế Tôn đáp: Thưa nương nương, xin nương nương hãy dâng cúng hai tấm vải ấy cho chư Tăng, quả ấy còn cao thượng và quí báu hơn cúng dường riêng cho cá nhân của Như Lai. Khi nương nương cúng dường cho Tăng là nương nương cúng dường cho Như Lai và cho Tăng chúng. Lịnh bà Gotami yêu cầu đức Thế Tôn lần thứ nhì, lần thứ ba nhưng đức Thế Tôn cũng vẫn từ chối không thọ lãnh và cũng dạy nên đem cúng dường cho Tăng cao thượng hơn. Nơi đây, trong chú giải có để câu: Tại sao lịnh bà Gomati là di mẫu của Phật dâng cúng đến Ngài mà Ngài không thọ lãnh. Trái lại, lại dạy đem cúng dường cho Tăng có phước báu cao thượng hơn? Vậy có phải là AÂn đức Tăng bảo cao thượng hơn Phật bảo chăng? Ðáp: Sở dĩ đức Thế Tôn không thọ lãnh vì Ngài muốn làm cho quả bố thí của lịnh bà Gotami cao thượng hơn. Vì khi lòng bà trong sạch muốn cúng dường cho đức Thế Tôn đây gọi là PUGGALIDÀNA nghĩa là Cá nhân tuyển thí, nghĩa là bố thí mà còn chọn người mình kính mến thương yêu riêng. Hơn nữa, lòng trong sạch của bà thật là cao thượng; lòng trong sạch ấy đủ ba nguyên nhân trong ba giai đoạn mà người thí chủ nào muốn được phước đầy đủ phải có là: 1) PUBBACETANÀ. Tâm trong sạch vui vẻ trước khi làm phước như bố thí v.v... 2) MUNCANACETANÀ. Tâm trong sạch vui vẻ trong khi đang làm phước. 3) APARAPARACETANÀ. Và trong sạch vui vẻ sau khi làm phước xong. Vì nguyên nhân kể trên, nên đức Thế Tôn muốn để cho bà cúng dường đến Tăng chúng không lựa chọn một cá nhân nào tự bà kính mến mà cúng dường. Khi người còn chọn lấy người để đem của ra bố thí chính là người ấy còn bị phiền não lẫn vào làm cho tâm không được hoàn toàn trong sạch, vì người bố thí còn lẫn trong sự lựa chọn bởi thương mến riêng của một cá nhân. Người ấy bố thí với phiền não chớ không phải bố thí do nơi trí tuệ quan sát thấy vô thường, khổ não, vô ngã mà bố thí để mau mau giải thoát khỏi phiền não. Cao thượng hơn ấy nữa là; đức Thế Tôn muốn cho tín đồ hiểu rõ rằng: Sự cúng dường đến Tăng có quả báu rất cao thượng. Hơn nữa đức Thế Tôn biết rằng: Ngài sẽ nhập diệt, chỉ còn Pháp và Tăng tồn tại đến năm ngàn năm. Nếu người chỉ biết cúng dường đến Phật bảo, sau khi Phật nhập diệt thì tín đồ không cúng dường đến chư Tăng thì chư Tăng làm sao sống được? Phật giáo làm sao tồn tại đến năm ngàn năm. Vì lý do kể trên nên Ngài không thọ lãnh vật cúng dường của bà Gotami. Còn nói về phước đức nhiều hay ít không có vật gì đem lại đo lường hai công đức của Phật và Tăng được. Khi đức Thế Tôn không thọ lãnh vật cúng dường của bà làm cho bà thất vọng và rất buồn tủi, không biết giải bày nỗi khổ ấy cùng ai, chỉ biết khóc mà thôi. Bà liền nhớ đến Ðại Ðức Ananda ; nên bà lại đến tư thất của Ðại Ðức và bạch với Ngài rằng: Bạch Ðại Ðức không biết tôi có lỗi gì, nên đức Thế Tôn không vui lòng thọ lãnh hai tấm vải của tôi cúng dường. Tôi cầu xin Ngài vui lòng giúp tôi đến bạch xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi thọ lãnh hai tấm vải cho tôi được sự lợi ích bình an lâu dài. Ðức Ananda nhận lời vào hầu Phật và bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, xin Ngài mở lượng đại từ đại bi thọ lãnh hai tấm vải của bà Gotami , chính bà là di mẫu của Ngài. Khi Ngài vừa sanh ra được bảy ngày Phật mẫu thăng hà, lịnh bà Gotami giao con đẻ của mình là Nanda cho phi tần trông coi, còn chính lịnh bà săn sóc cho Ngài, Ngài đã bú sữa của bà từ ngày ấy đi cho đến trưởng thành, vậy ơn ấy là dường nào. Hơn nữa hiện nay, lịnh bà là người tín nữ đã thọ Tam qui, trì ngũ giới, và đắc Tu-đà-huờn quả người thấy Tứ Diệu Ðế bằng tuệ nhãn, không còn nghi ngờ gì về Tam bảo, thật là người đáng cho đức Thế Tôn tế độ. Ðức Thế Tôn phán rằng: Người mà như bà Gotami thì rất đáng cho người đời kính nể. Nhưng sự cúng dường tứ vật dụng đến các bực giáo chủ như Nhu Lai bằng phương pháp trả ơn thật là việc không nên làm (Ý đức Thế Tôn dạy rằng: Không nên làm phước thuộc về cá nhơn tuyển thí, vì bà nhọc công làm để cúng dường cho một người mà người ấy là cháu bà). Rồi đức Thế Tôn thuyết bài pháp gọi là PATIPUGGALIDAKKINÀDÀNA (Nghĩa là: Cúng dường chân chánh mà còn chọn người để cúng dường). Trong đoạn Dakkhinàvibhanga như vầy: Nầy Ananda! Cá nhân tuyển thí có mười bốn hạng là: 1) Người thí chủ chú trọng chọn ngay đức Chánh đẳng Chánh giác làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 2) Người thí chủ chú trọng chọn ngay đức Phật Ðộc Giác làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 3) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị đại A-la-hán đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 4) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang cố hành đạo để chứng quả A-la-hán làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 5) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị A na hàm đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 6) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang hành đạo để đắc A na hàm quả làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 7) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị Tư đà hàm đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 8) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang cố hành đạo để đắc Tư đà hàm làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 9) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị Tu đà hoàn đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 10) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang cố hành đạo để đắc Tu-đà-huờn quả mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 11) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị đạo sĩ ngoài Phật pháp đã đắc được Ngũ thông làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 12) Người thí chủ chú trọng chọn ngay người tại gia cư sĩ có giới làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 13) Người thí chủ chú trọng chọn ngay người cư sĩ không có giới đức làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. 14) Người thí chủ chú trọng chọn ngay một loại thú nào làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường. Nầy Ananda , sự bố thí cho loài thú có ơn với người (gia súc như trâu bò v.v...), hoặc bố thí cho những con thú khác không có ân gì với người, sự bố thí của người thí chủ ấy chỉ mong diệt phiền não, hay chỉ bố thí cho người nghèo một bữa ăn no lòng mà có lòng diệt phiền não chớ không mong phước nhiều ít, người ấy sẽ được hưởng phước năm trăm kiếp; sẽ được năm điều quả báo: Sống lâu, Sắc đẹp, An vui, Sức mạnh và nói năng hoạt bát. Nếu người thí chủ hạng này bố thí cho người không có giới đức sẽ được năm điều quả báo như trên một ngàn kiếp. - Nếu người thí chủ hạng trên bố thí cho người phàm nhơn nhưng có giới đức trong sạch, sẽ được hưởng quả báo như kể trên muôn kiếp. Bố thí đến vị thiện nam hay tín nữ có giới đức trong sạch, hay vị Sa di hoặc thầy Tỳ khưu mới xuất gia lo hành thiền định, phước mà người được hưởng tùy theo sự trong sạch của người thọ thí mà trả quả cho người thí chủ. Bố thí đến vị hành hầu đoạt quả Tu-đà-huờn trở lên mà tâm người thí chủ trong sạch là cố diệt phiền não chớ không chọn người tùy thích để bố thí, phước ấy vô lượng vô biên. Ananda này, sự cúng dường đúng theo lẽ chánh cũng gọi là trai Tăng, hay cúng dường đến Tăng có bảy điều là: 1) Cúng dường có đủ hai phái Tăng (là Tỳ khưu Tăng, và Tỳ khưu ni Tăng). Có đức Thế Tôn làm tọa chủ. 2) Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, người chỉ cúng dường hai phái Tăng. 3) Hoặc cúng dường cho một phái Tăng Tỳ khưu. 4) Hay cúng dường đến Tỳ khưu ni Tăng. 5) Hoặc thí chủ đến nơi vị Ðại Ðức (Tỳ khưu) người có phận sự chia cho chư vị Tỳ khưu khác đi thọ thực các nơi mà thí chủ đến thỉnh đi trai Tăng; xin Ngài chia cho bao nhiêu vị Tỳ khưu tùy theo sức của mình về nhà cúng dường. 6) Người thí chủ đi đến nơi của Tỳ khưu ni Tăng chỗ vị có phận sự chia Tăng đi thọ lễ cúng dường của thí chủ thỉnh bao nhiêu vị tùy theo khả năng của mình có thể cúng dường được đến nhà cúng dường. 7) Hoặc đến nơi của Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni Tăng xin thỉnh một vị về nhà trai Tăng. Khi ấy các vị có phận sự cho vị Tỳ khưu nào đến nhà trai Tăng cũng được. Bảy điều mà Như Lai đã giải trên, về sau này có vị Tỳ khưu phá giới tạm gọi là Tăng (vì không còn có giới, đức), bọn ấy chỉ mặc một cái choàng vàng nhỏ, hoặc một miếng vải vàng nhỏ ở cổ mà cho là vị Tỳ khưu. Thí chủ trong sạch cúng dường đến hạng Tỳ khưu phá giới ấy, nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng: Ðây là bố thí đến Tăng. Phước ấy có nhiều đến hằng A-tăng-kỳ kiếp. Như Lai không hề vì một lẽ nào mà dạy rằng Cá nhân tuyển thí có phước hơn cúng dường đến Tăng. Sự thật sự cúng dường đến Tăng có phước báu nhiều hơn Cá nhân tuyển thí. Ananda nầy, cúng dường cao thượng có bốn điều là: 1) Sự cúng dường cao thượng ấy phần thí chủ được trong sạch. 2) Sự cúng dường cao thượng ấy phần vị thọ thực trong sạch. 3) Sự cúng dường cao thượng ấy trong sạch cả hai bên. 4) Sự cúng dường ấy cả hai bên không bên nào trong sạch (Nghĩa là người thí chủ cũng như người thọ thí không ai trong sạch) toàn là hạng phá giới. Rồi đức Thế Tôn tự vấn rằng: Ananda nầy, thế nào gọi là trong sạch một bên? Ngài tự đáp: Nghĩa là người thí chủ là người có giới đức nhưng vị thọ thí không có giới. Như thế này Như Lai gọi là bố thí cao thượng trong sạch một bên là thí chủ còn người thọ thí không trong sạch. Sự cúng dường cao thượng mà người thí chủ không trong sạch ấy là thế nào? Ngài tự đáp: Nghĩa là người thọ thí là người có giới đức hành phạm hạnh, còn người thí chủ không có giới đức. Ðây gọi là sự cúng dường cao thượng trong sạch này do nơi người thọ thí có giới đức. Thế nào gọi là trong sạch cả hai? Thí chủ cũng trong sạch và người thọ thí cũng trong sạch? Ngài tự đáp: Có nghĩa là thí chủ cũng như người thọ thí cả hai đều có giới đức trong sạch hành phạm hạnh, như thế gọi là sự cúng dường cao thượng và trong sạch cả hai bên. Thế nào gọi là sự cúng dường ấy không trong sạch cả hai bên? Ngài tự đáp: Có nghĩa là người thí chủ cũng như người thọ chí cả hai đều là người không có giới đức, không bên nào có hành phạm hạnh. Cộng cả thảy sự cúng dường cao thượng có bốn điều. Trong chú giải có đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao đức Thế Tôn lại đem sự cúng dường cao thượng có bốn điều dạy trong trường hợp nầy? Ðáp: Vì trong cách bố thí có bốn điều khác nhau là: 1) Người thí chủ có phạm hạnh trong sạch. 2) Người thọ thí có phạm hạnh trong sạch. 3) Cả hai là người bố thí cũng như người thọ thí đều có phạm hạnh trong sạch. 4) Cả hai là người bố thí và người thọ thí không có ai có phạm hạnh trong sạch. Nơi đây ý nói rằng: Theo cá nhơn của một vị Tỳ khưu phá giới nghĩa là không có giới đức chi cả. Nhưng nếu nói chung là Tăng thì Tăng không bao giờ có phá giới. Tăng đây là chỉ chung một số các vị Tỳ khưu đã đắc Thánh quả. Vì người cúng dường có tâm trong sạch hướng về Tăng, nên sự cúng dường của người thí chủ ấy được kết quả cao thượng, tâm không hướng vào cá nhơn mà cúng dường. Ðức Thế Tôn liền thuyết thời pháp gọi là DAKKHINADÀNA nghĩa là sự bố thí đúng theo lễ chánh, làm cho tín đồ đượm nhuần lấy lý thuyết cao siêu mầu nhiệm của Pháp bảo nên diệt bỏ lòng trong sạch riêng với một cá nhân. Có hai hạng thí chủ là: 1) Có người trong sạch riêng với cá nhơn nên khi bố thí chọn ngay vị hay người mà chính mình trong sạch cúng dường, ngoài ra vị khác không cúng dường. Ðây là nhân làm cho tâm người thí chủ càng chồng chất thêm nhiều phiền não chớ không có ích gì đến sự tu tập, đã bỏ việc thương yêu của thân thuộc mà đi tìm thêm kẻ thân thuộc bên ngoài. 2) Có hạng thí chủ tâm hướng về các bực xuất gia, vị nào hay người nào cũng được xin có người cần đến của cải mà mình đã có và sẵn lòng mang ra cho không hối tiếc không cần biết người ấy là ai. Thời pháp mà đức Thế Tôn dạy về cúng dường làm cho lòng người mát mẻ và hiểu rõ chân lý của Phật. Có thể ví như trời mưa to trong mùa hạn làm cho đất được rút lấy nước làm cho cây cỏ xinh tươi. Cũng có nghĩa là tâm người thiếu trí tuệ nên chỉ biết trong sạch cá nhân sau nghe lời Phật dạy làm cho tâm sáng suốt không còn tối mê để rước thêm phiền não vào tâm mà không hay biết. Khi lịnh bà Gotami được nghe thời pháp ấy làm cho tâm bà mát mẻ vì hiểu tại sao đức Thế Tôn không thọ lãnh vì muốn phước báu bà cao thượng xứng với tâm trong sạch và công khó của bà đã cố tạo. Khi tâm bà trở nên vui vẻ vì hiểu thấu đáo lý đạo bà liền phát tâm trong sạch ôm hai khổ vải đến nơi ngồi của đức Xá Lợi Phất dâng cho Ngài. Ngài tỏ vẻ không nhận lãnh và bảo rằng: Thưa lịnh bà, không nên cúng dường cho bần đạo. Lịnh bà liền đưa qua mé tay trái của Phật dâng đến Ðại Ðức Mục Kiền Liên. Ngài cũng tỏ vẻ không nhận và cũng nói như Ngài Ðại Ðức Xá Lợi Phất. Bà tuần tự dâng hết tám chục vị đại đệ tử của Phật, nhưng không vị nào thọ lãnh. Bà lần lần dâng cho vị Tỳ khưu cao hạ nhứt đến vị nhỏ nhứt là ông Ajita (tiền thân đức Di Lạc). Ông liền thọ lãnh. Bà Gotami rất tủi lòng rơi lụy vì bà nghĩ rằng: Ta rất là vô phước, cố công làm ra được hai tấm vải là cố ý muốn cúng dường ngay đức Thế Tôn. Nhưng cả đức Thế Tôn cùng tám chục vị đại đệ tử không vị nào thương hại để giúp đỡ ta là thọ lãnh hai tấm vải này, để cho vị Tỳ khưu trẻ tuổi mới xuất gia lãnh hai tấm vải này. Khi đức Thế Tôn biết bà Gotami buồn phiền như vậy, Ngài mới nghĩ rằng: Như Lai nên làm cho bà vui lòng. Ðức Thế Tôn dạy Ðại đức Ananda: Ananda này, người hãy đem bát của Như Lai đến cho Như Lai. Ðức Ananda vâng lời mang bát đến dâng Phật, đức Thế Tôn cầm lấy bát và phát nguyện rằng: Tất cả các chư đại đệ tử không có vị nào có thể tìm thấy bát này, chỉ để một mình ông Tỳ khưu mới xuất gia tên Ajita tìm được thôi. Khi nguyện xong đức Thế Tôn thảy bát lên không, bát tự động biến mất. Ðại đức Xá Lợi Phất đảnh lễ Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn đệ tử xin đem bát ấy về dâng Phật. Ðức Thế Tôn nhận lời, nhưng ông không thể nào tìm thấy bát ấy. Ðến lượt Ðại Ðức Mục Kiền Liên xin đi tìm bát, nhưng cũng chẳng tìm thấy nơi nào. Lần lượt hết tám mươi vị đại đệ tử Phật là hạng có thần thông cao thượng, nhưng không vị nào tìm thấy bát của Phật. Ðức Thế Tôn mới dạy vị Tỳ khưu trẻ tuổi mới xuất gia rằng: Nầy Ajita , ông nên đi tìm bát Như Lai đem về đây cho ta. Ông Ajita mới nghĩ rằng: Thật chuyện phi thường. Tất cả chư đại đệ tử là bực thần thông quảng đại, các Ngài không còn chút vị trần trong tâm, bực Thánh nhơn mà không tìm được bát của đức Thế Tôn thay, phương chi ta là kẻ phàm phu tâm còn dẫy đầy phiền não không có tí thần thông mà đức Thế Tôn lại dạy ta đi tìm bát về cho Ngài. Chắc chắn là có duyên cớ chi đây, ta phải vâng lời Ngài. Ông nghĩ vậy hỉ lạc liền phát sanh rất mạnh, nên đến đảnh lễ Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử cố tìm bát đem về dâng Ngài. Ðức Thế Tôn nhận lời. Ông ra đứng nơi xa hàng tín đồ , ngó lên không trung và phát nguyện rằng: Nếu ta xuất gia theo chánh pháp của đấng Ðại Giác vì lý do ham muốn tứ vật dụng, hay vì lẽ không có phương thế sanh sống với đời nổi, thì xin bát ấy đừng về tay ta. Nhược bằng sự xuất gia của ta do nơi lòng trong sạch thành tín với đức tin muốn tìm đường giải thoát, hành phạm hạnh điều quan trọng nhứt của ta là tìm cho được sự lợi ích là sự giác ngộ Thánh pháp để cứu thoát chúng sanh ra ngoài vòng luân hồi. Khi ấy, chuyện phi thường hiển hiện là bát của đức Thế Tôn hiện ra nơi tay của ông Ajita. Tất cả hàng tín đồ kể cả bà Gotami lấy làm lạ lùng và phát tâm trong sạch với Phật pháp có oai lực vô lượng vô biên. Ðây là hiện tượng của Ngài Ajita sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sau này. Và đây cũng là một hiện tượng để các vị Thánh Tăng biết rằng: Ta (Bát) không bao giờ vào tay của vị nào không phải là bực Chánh đẳng Chánh giác. Vì ta không phải là đồ dùng của hàng đại đệ tử, vì ta là đồ dùng của bực Ðại Giác mà thôi. Vì vậy ta mới vào tay của vị đại Bồ Tát này. Bà Gotami bỗng nhiên có thông tuệ hiểu rằng: Tại sao bát lại vào tay của Tỳ khưu trẻ tuổi này, và bà tự nghĩ rằng: Chư Thánh Tăng có công đức vô lượng vô biên, chỉ có một vị Tỳ khưu trẻ tuổi như thế này mà oai đức cao thượng như vậy thì oai lực của một vị đại đệ tử như Ngài Ðại Ðức Xá Lợi Phất thì làm sao đo lường được. Khi ấy, tín lực dõng mãnh của bà phát sanh, vui mừng không sao tả được. Bà liền đảnh lễ đức Thế Tôn xong trở về cung. Ông Ajita nghĩ rằng: Hai tấm vải này tuy là đẹp quí thật, nhưng đối với ta là vật không có ích gì, vì ta không xứng đáng mặc đồ quí giá này. Sự thật, thân này chỉ là ổ khổ và cũng là nguyên nhân sanh tội lỗi, thân nầy không bền vững, chỉ có hạng người thiếu trí mới ham mê say đắm theo nó, và người ấy thường tưởng tượng rằng: Thân này bền vững, của ta, hạnh phúc vì hưởng những dục lạc. Còn các bực trí thức thì bằng quán tưởng rằng: Thân này là vô thường, đem lại những điều khổ sở, nó không phải là của ta. Chính ta là người lòng còn dẫy đầy phiền não thì không nên dùng hai khổ vải cao quí nầy gói lấy những điều tội lỗi và vật hôi thúi này. Ta chỉ thấy có đức Thế Tôn mới là xứng đáng dùng vì Ngài là đấng hoàn toàn giải thoát, là đấng đã hành Ba la mật hầu đoạt quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hầu tế độ chúng sanh, Ngài là đấng có đủ Giới Ðịnh Huệ rất hoàn toàn trong sạch và Ngài có Giải thoát Tri kiến. Ðây là đấng mà ta nên lễ bái cúng dường. Khi ông Ajita nghĩ vậy, mới đem hai tấm vải vào nơi Phật ngự một tấm làm trần che và một tấm chia ra bốn phần treo bốn gốc trần trông thật là đẹp; Ông tự nói rằng: Vật cúng dường của ta thật là cao thượng làm cho tâm ta thật là vui thích, do nhờ quả báo của sự cúng dường nầy ta không có sự ước mong thỏa thích những gì trong tam giới nầy vì tam giới hằng bị phiền não dày vò đau khổ. Vì bị si mê và vô minh che án làm cho tâm không thấy rõ các pháp và không có chủ định chắc chắn, ngoài ra còn năm pháp chướng ngại ngăn cản không cho tâm tiến hóa, vì những pháp trên bao phủ làm cho mờ mịt say đắm trầm nịch trong tam giới... Mặc dầu người can tâm chịu trầm luân để bị khổ cả sanh, già, đau, chết. Người đời không còn một vật gì để nương tựa chắc chắn, dầu, cho các vị Thiên Vương hay Ðại Phạm Thiên chăng nữa cũng không ra ngoài vòng trầm luân trong biển Luân hồi. Ta là người có nguyện vọng tối cao là đã đào tạo ba mươi pháp Ba La Mật thâm tâm chỉ muốn đắc thành Chánh đẳng Chánh giác để cứu độ chúng sanh ra khỏi luân hồi. Khi ấy, ông mới vào đảnh lễ Phật, xong liền phát nguyện xin đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngày vị lai. Ðức Thế Tôn ngự trên bảo tọa ngó ông Tỳ khưu trẻ tuổi Ajita ấy mỉm cười bốn cái răng nhọn chiếu hào quang sáu màu sáng tươi và rất đẹp. Phàm một vị đã đắc được Thánh quả cao nhứt không bao giờ cười khóc như kẻ thường tình, nhưng khi thấy Thế Tôn mỉm cười vì vậy làm cho Ðại Ðức Ananda lấy làm lạ. Bạch hỏi đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn do nguyên nhân nào đức Thế Tôn lại mỉm cười? Ðức Thế Tôn đáp rằng: Ananda nầy, thầy Tỳ khưu Ajita sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong đại kiếp nầy (Ðức Thế Tôn ngụ ý chỉ kiếp của tuổi trái đất chớ không phải kiếp con người) có Hồng danh là METTEYA (Di Lạc), do nhờ oai lực của sự cúng dường hôm nay. Ananda nầy, sau khi giáo pháp của Như Lai không còn tồn tại nữa, tuổi chúng sanh cứ một trăm năm giảm đi một tuổi, đến khi người trường thọ nhứt trong thời kỳ ấy là mười tuổi. Vì dễ duôi nên giết hại nhau không có chút nào là thiện pháp. Khi ấy có một nhóm trí thức trông thấy sự tàn sát nhau rất dã man nên lo trốn đi một nơi nào rồi tựu họp lại để tìm phương pháp ngăn đón sự tàn sát nhau, sau khi ấy các vị trí thức tìm thấy người đời vì thiếu ngũ giới nên làm hại nhau, từ ấy người ai ai cũng phải thọ trì ngũ giới. Nhờ sự không dễ duôi ấy mà tuổi thọ con người gia tăng mỗi trăm năm được thêm một tuổi, tăng đến tuổi thọ con người là tám muôn bốn ngàn tuổi. Chúng sanh duy trì tình trạng ấy đến một thời gian dài không kể xiết, người thời kỳ ấy không còn thấy cảnh chết chóc vì trường thọ. Khi ấy người lại dễ duôi không lo tu hành trở nên hung dữ, ngũ giới càng ngày càng mất lần đi, tuổi lại tùy theo tội lỗi của chúng sanh giảm tới người trường thọ nhứt trong thời kỳ ấy là tám muôn tuổi. Khi ấy xứ Bàrànasì đổi tên lại là Ketumatìmahànagara là xứ giàu có thạnh vượng nhứt, thành ấy đẹp như thiên đàng; xứ ấy rộng lớn bề dài mười hai do tuần, bề ngang bảy do tuần. Giữa đô thành ấy có một tòa nhà bằng ngọc cao. Tòa lầu ấy đẹp nhứt có do nơi oai lực của một vị chư Thiên tên Jetthanala thoát sanh từ cõi trời Ðạo Lợi xuống làm Hoàng tử con vua xứ Ketumatì tên Thái tử SANKHA. Sau khi được thay vua cha trị vì Ngài là một nhà vua oai đức hoàn toàn. Ngài thường làm việc lành như bố thí. Ngày rằm,ba mươi, Ngài cởi bỏ cả cân đai châu ngọc thọ Bát quan trai giới. Do nơi oai đức tu hành của Ngài nên bảy báu như xe ngọc v.v... Phát hiện đến cho Ngài. Khi ấy có vị Quốc sư là người có tài đức phạm hạnh thanh cao nhứt tên là ông Bà la môn SUBRÀHM , là người hằng dạy đạo cho nhà vua. Khi ấy vị đại Bồ tát là đức Di Lạc lại giáng sanh vào lòng của bà Quốc sư vợ ông Subràhm. Khi đến ngày sanh bà sanh đức đại Bồ tát tại vườn Lộc Giã. Sau khi lớn lên Ngài hưởng tất cả những sự an lạc trong thế gian như Thái Tử Sĩ Ðạt Ta. Vợ Ngài tên là bà CANDRAMUKHÌ , Ngài hưởng an lạc ấy tám muôn năm. Sau lại Ngài nhận thấy bốn hiện tượng như Thái Tử Sĩ Ðạt Ta nên Ngài lại xuất gia. Bà Canddramukhì sanh được một người con trai tên là VATTHANA . Ngài xuất gia hành đạo dưới cội cây Long Thọ. Ngài ngự dưới cội Long Thọ (Pali: Nàgarukkha - Nghĩa là Long Thọ - Theo tôi biết là cây Mù u) trong một tòa nhà tự nhiên hiện lên do nơi oai đức của Ngài. Ngài hành đạo bảy ngày, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi Ngài xuất gia cũng như thời kỳ Thái tử Sĩ Ðạt Ta xuất gia. Rồi Ngài thuyết pháp độ đời chúng sanh thành đạo giải thoát nhiều vô số kể. Ðức Thế Tôn liền dạy rằng vị đại Bồ Tát thành đạo ngày vị lai ấy là vị Tỳ khưu trẻ tuổi và mới xuất gia tên Ajita hiện nay vậy. -ooOoo- Trang trước | Ðầu trang | Mục lục | Trang kế |
Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)
update: 25-04-2001