BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, nền tảng của khoa học

Hòa thượng Prayudh Payutto

Tỳ kheo Thích Tâm Quang dịch


I. KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

MỘT TIẾN BỘ ÐÁNG NGỜ

Ðầu tiên, chúng ta phải công nhận vô số điều tốt lành tặng cho chúng ta bởi khoa học. Không một ai không công nhận giá trị to lớn của khoa học hiện có. Ðể có thể đến thuyết trình, chúng tôi đi từ Bangkok đến Chiang Mai mà chỉ mất có một giờ. Quay về thời đại của Hoàng Ðế Rama, muốn đi như vậy, chúng tôi phải mất ba tháng mới đến được, và do đó có lẽ chúng tôi không đến nếu ở vào thời đại ấy. Chúng ta phải công nhận sự đóng góp của khoa học vào phương tiện di chuyển như máy bay, xe lửa hay xe hơi.

Nhìn vào hệ thống truyền thông hiện đại, chúng ta thấy nào vô tuyến truyền thanh, điện thoại, điện thư, truyền hình, băng hình, vệ tinh vân vân..., tất cả những thứ trên đều do sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.

Những lãnh vực phát triển khác như y tế trên thế giới, rất nhiều các bệnh truyền nhiễm đã được thực sự ngăn ngừa. Bệnh dịch tả hầu như không xuất hiện, tại Á Châu, bệnh này không còn thấy nữa. Bệnh dịch hạch không còn thấy xẩy ra. Bệnh đậu mùa tại khắp nơi cũng được tiêu diệt. Ngày nay chúng ta không còn sợ hãi các bệnh truyền nhiễm này. Thời cổ, một người bị chết dễ dàng khi ruột thừa bị nhiễm trùng, nhưng ngày nay mổ ruột dư chỉ là một cuộc giải phẫu tầm thường. Phẫu thuật nào cũng thành dễ dàng hơn Ngay cả đến giải phẫu óc cũng không thành vấn đề. Những dụng cụ tinh vi được sử dụng để khám bệnh và chẩn bệnh ngày càng sẵn có. Máy Quang Tuyến X được thay thế bằng các máy quang tuyến điện tử, máy siêu âm và cả máy MRI. Chẳng bao lâu nữa sẽ không cần đến bác sĩ để khám bệnh, các máy móc sẽ thay thế họ. Những thí dụ điển hình trên đây cho thấy giá trị cực kỳ to lớn của tiến bộ kỹ thuật.

Rồi thì, chúng ta có điện và hằng hà sa số các máy móc để tiết giảm sức lao động. Ấn loát và phát hành hết sức là tiến bộ. Những máy móc như đồng hồ, truớc đây có vẻ phức tạp nhưng nay trở nên tầm thường. Những đồng hồ xưa, quá to, nặng nề rất khó sử dụng. Bạn phải hàng ngày điều chỉnh và lên dây cót. Ngày nay chúng ta có đồng hồ quartz (thạch anh). Ðồng hồ ngày nay đơn giản, rẻ và chính xác hơn xưa. Những dụng cụ để viết ngày nay rất nhiều và rẻ, 20 năm về trước chúng ta phải gìn giữ cây bút viết, nhưng nay, bút viết rất rẻ, chúng ta chỉ việc quẳng đi khi dùng hết mực. Mọi thứ đều đầy rẫy và tiện lợi. Ngày nay, con người đi vào không gian, phát triển máy điện toán, đó là mặt lợi của kỹ thuật.

Trong lãnh vực sinh học, chúng ta được chứng kiến sự phát triển 'gien' di truyền, nó có thể tạo ra các loài động thực vật mới hoặc các biến thái đặc biệt. Không thể ghi hết tất cả những tiến bộ kỹ thuật chúng ta có ngày nay.

Nhưng mặt khác, khi nhìn vào các tiến bộ đó, chúng ta thấy khoa học, và đặc biệt là kỹ thuật, cũng tạo ra nhiều khó khăn cho nhân loại. Ngày nay, tại những nước phát triển, người ta e sợ là loài người tức toàn thể thế giới có thể bị hủy diệt trong bàn tay của tiến bộ kỹ thuật. Sự hủy diệt có thể trong khoảnh khắc, chỉ cần bấm nút, ấy là nói vậy, hoặc một loại hủy diệt kéo dài do sự phá hoại môi trường gia tăng, một vấn đề hết sức nguy ngập đúng vào lúc này.

Ngay trong phạm vi thực tại đời sống hàng ngày, chúng ta cũng bị đe dọa bởi nguy cơ đó. Không thể chắc chắn được thức ăn của chúng ta có bị nhiễm các hóa chất hay không chẳng hạn cây cối, súc vật, thực phẩm cung ứng cho chúng ta, được chăm sóc bằng các chất tăng trưởng cho mau lớn. Heo được nuôi bằng các chất kích thích đặc biệt để thịt chúng trở thành đỏ tươi. Các chất độc đôi khi được dùng để giữ cho thực phẩm lâu hư, tăng mùi vị, hay giữ được mầu sắc, đó là chưa kể đến sự lạm dụng các loại thuốc trừ sâu (x). Chính một số những người bán những thực phẩm ấy cũng không dám ăn!

(x) Tất cả những việc làm này đã xẩy ra tại Thái Lan trong những năm vừa qua.

Sự rời bỏ khoa học và thiên nhiên

Trên phương diện đó, khoa học hình như đã xâm nhập vào thế giới thiên nhiên. Chúng ta nhận thức khoa học và thiên nhiên là hai thực thể riêng biệt, mặc dù khoa học nghiên cứu thiên nhiên và bao giờ cũng tồn tại kề cận với thiên nhiên. Về cơ bản khoa học với thiên nhiên là một, nhưng ngày nay đa số cảm thấy cái mà ta gọi là khoa học không phải là thiên nhiên. Sản phẩm của kỹ thuật tạo ra thường được gọi là 'nhân tạo': chúng ta có 'phổi nhân tạo', 'thận nhân tạo' vân vân...Khoa học dường như là kẻ xâm phạm thiên nhiên.

'Sự thao túng thiên nhiên' trên ngụ ý thế giới của thiên nhiên sau này có thể trở thành thế giới của khoa học. Khi khoa học đã hoàn toàn xâm chiếm thế giới thiên nhiên, chúng ta chỉ còn lại một thế giới khoa học hay 'nhân tạo'. Con người là một sinh vật tự nhiên, sống trong thế giới thiên nhiên., nhưng trong tuơng lai chúng ta sẽ thấy chúng ta sống trong một thế giới nhân tạo. Nếu chúng ta muốn con người sống hòa hợp với thế giới nhân tạo, có thể cần thiết là phải làm cho xác thân của chúng ta thích ứng, trở thành một con người nhân tạo để sống trong thế giới nhân tạo. Hiện nay, tình hình chưa phải là như vậy, chúng ta không hòa hợp được với môi sinh của chúng ta. Khi không còn tiếp xúc với thiên nhiên, chúng ta nhất định sẽ gặp khó khăn.

Quan niệm như vậy, sự tiến bộ của khoa học hình như không mấy hòa hợp. Khoa học, trên đà cố gắng 'cải thiện' môi trường của loài người, dường như biến nó thành thế giới khoa học. Nhiều phát minh mới, khích lệ đã được thấy nhưng khoa học không điều chỉnh được đời sống con người cho thích ứng. Tiến bộ của khoa học đã biến đổi môi trường vật chất chung quanh thành thế giới khoa học, hay thế giới nhân tạo.

Với con người có cả xác thân và tâm trí, phần thích ứng với thế giới bên ngoài là xác thân. Nhưng cái mà chúng ta khám phá ra, không phải là xác thân mà là tâm trí đã thích ứng. Khoa học biến tâm trí con người thành tâm trí nhân tạo: yêu thích khoa học, mong muốn các vật nhân tạo, tâm trí xa lìa thiên nhiên. Nơi đây có sự mâu thuẫn cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong, tâm trí và xác thân xung đột lẫn nhau, trong khi bên ngoài cái thân sinh vật, vật chất xung đột với thế giới khoa học. Trong khi còn là một cơ thể tự nhiên thuần túy, cần phải có không khí trong lành, nước sạch và đồ ăn hợp vệ sinh, thân thể gặp khó khăn với những vấn đề trên. Vấn đề không khí, nước và an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên tồi tệ, bị biến đổi bởi khoa học.

Vào thời điểm này, có lẽ nhân loại cần quyết định một con đường để con người thiên nhiên sống trong một thế giới thiên nhiên, hay cố gắng tạo ra 'con người khoa học' để sống trong một thế giới khoa học.

Hai loại kỹ thuật

Việc áp dụng khoa học đã ảnh hưởng, và thay đổi thế giới thiên nhiên, thay đổi thành cái gọi là thế giới nhân tạo, ta gọi là 'kỹ thuật'. Tuy nhiên, để tồn tại, kỹ thuật phải dựa vào kiến thức do khoa học giành được. Kỹ thuật là công cụ, là nguồn khai thác mà nhân loại dùng để lôi kéo thiên nhiên vào sự mưu cầu tiện nghi, nhưng đồng thời nhân loại cũng bị đe dọa bởi các nguy cơ liên quan đến kỹ thuật ấy. Kỹ thuật vừa là một dụng cụ để tìm kiếm hạnh phúc, vừa là chất xúc tác gây nguy hiểm.

Bây giờ để trả lời tất cả các điều trên, các khoa học gia có thể phản ứng lại nói rằng thế giới 'Khoa Học' có nghĩa là Khoa Học Thuần Túy. Khoa Học Thuần Túy khám phá, nói lên sự thật, và chỉ nghiên cứu kiến thức. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng kiến thức ấy vào công việc của mình, không liên quan gì đến khoa học. Khoa Học Thuần Túy có chiều hướng rũ bỏ trách nhiệm này.

Khoa học có khuynh hướng kết tội kỹ thuật sử dụng kiến thức đạt được do khoa học, vì mục đích riêng của mình, nhưng thực ra nó không sử dụng kiến thức khoa học chỉ riêng cho mục đích của mình. Kỹ thuật ban đầu nhằm đem lợi ích cho nhân loại, nhưng ngày nay chúng ta có hai loại kỹ thuật. Một loại kỹ thuật vị nhân sinh (để phục vụ nhân quần xã hội), một loại kỹ thuật vụ lợi(vì quyền lợi riêng tư). Cái mà chúng ta cần là kỹ thuật vị nhân sinh, nhưng những khó khăn mà chúng ta gặp phải ngày nay là do kỹ thuật hiện đại thuộc loại kỹ thuật vụ lợi.

Nếu chúng ta biết hạn chế trong việc tạo ra những cái có lợi trong công nghệ thì hậu quả kéo theo là nhỏ và xa xôi. Nhưng bất cứ lúc nào kỹ thuật được sử dụng để tìm kiếm mối lợi thì khó khăn xuất hiện như chúng ta mục kích ngày nay. Cho nên phải phân biệt rõ ràng kỹ thuật tạo lợi ích để phục vụ tha nhân với kỹ thuật dùng để tìm lợi ích vì quyền lợi riêng tư..

Vị thế của đạo đức

Ðây là vấn đề sử dụng, sẽ là cách sử dụng sai lầm kiến thức khoa học, kỹ thuật để tìm mối lợi, thậm chí phá hoại trái đất. Những vấn đề do kỹ thuật gây ra hoàn toàn là do cách sử dụng của con người. Vì khó khăn gây nên do nơi con người, nên vấn đề đạo đức, hay luân lý được nêu lên.

Những khó khăn này có thể giải quyết trực tiếp dễ dàng, dứt khoát chỉ khi người ta có luân lý. Chỉ như vậy, khoa học và kỹ thuật mới được dùng vào mục đích xây dựng. Tuy vậy, vẫn có thể có những hậu quả tai hại, gây nên do sự thiếu thận trọng hay thiếu hiểu biết, thì dù sao đó cũng là cách ngăn ngừa và sửa đổi có hiệu quả nhất.

Nhân loại trông chờ khoa học và kỹ thuật mang lợi ích cho xã hội loài người, nhưng khoa học và kỹ thuật không bảo đảm đem lại điều mà nhân loại mong muốn. Những điều này hoàn toàn trong tay người sử dụng, gây tai hại hay tạo lợi ích, tùy thuộc cách thức sử dụng.

Nếu chúng ta không lưu tâm đến đạo đức hay luân lý, thay vì tạo lợi ích, khoa học và kỹ thuật hầu hết chỉ gây khó khăn, căng thẳng do thả lỏng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chỉ nhằm vào thỏa mãn giác quan, nuôi dưỡng dục vọng và tham lam (tham dục); dẫn đến leo thang dùng sức mạnh để phá hoại (sân hận), làm gia tăng các phương tiện và cường độ của các ảnh hưởng đó khiến người dân thiếu sáng suốt, thiếu suy nghĩ (si mê). Như vậy, kỹ thuật làm nhơ nhuốc phẩm chất đời sống, ô uế môi sinh. Chỉ đạo đức đích thực mới có thể giảm bớt các ảnh hưởng phá hoại này.

Không có đạo đức, tiến bộ kỹ thuật, dù là loại lợi ích, vẫn có khuynh hướng gia tăng đưa đến phá hoại. Khoa học và kỹ thuật càng tiến bộ bao nhiêu, thì nhân loại lại càng bị đe dọa mạnh bấy nhiêu. Khoa học và kỹ thuật càng phát triển, thì đạo đức càng cần thiết, sự ổn định và hạnh phúc của nhân loại càng tùy thuộc vào điều đó.

Bất luận ra sao, đề tài về đạo đức, tuy là tầm thường, chân thật nhưng hầu như không được thời đại tiền tiến này lưu ý tới. Ða số dân chúng muốn sống yên ổn không có vấn đề gì, nhưng lại không muốn giải quyết các vấn đề đó. Chừng nào mà họ không muốn giải quyết, hay lưu tâm đến đạo đức, họ phải chuẩn bị chịu đựng nhiều khó khăn trở ngại.

Khoa học và kỹ thuật không thể rời nhau

Khoa học và kỹ thuật lúc nào cũng hỗ trợ lẫn nhau. Không phải chỉ có khoa học nuôi dưỡng kỹ thuật lớn mạnh - kỹ thuật cũng là một yếu tố quyết định trong việc phát triển khoa học. Cái gì đã khiến khoa học tiến bộ đến mức độ bây giờ? Phương pháp khoa học. Phần chủ yếu của phương pháp khoa học là quan sát và thử nghiệm. Hình thức quan sát và thử nghiệm sớm nhất được thực hiện thông qua năm giác quan - mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, đặc biệt là mắt để nhìn, tai để nghe và tay để sờ mó.

Tuy nhiên giác quan con người rất hữu hạn. Với mắt thường, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một số các vì sao và một phần giới hạn của vũ trụ. Do kỹ thuật phát triển, viễn vọng kính được sáng chế. Việc sáng chế viễn vọng kính giúp cho khoa học đạt được một Bước Nhẩy Vọt. Những vật li ti không thể nhìn bằng mắt thường, nay có thể thấy do sự sáng chế kính hiển vi. Khoa học đạt được những bước tiến. Như ta đã thấy, Khoa Học Thuần Túy tùy thuộc rất nhiều vào kỹ thuật để tiến bộ.

R‚ ràng khoa học và kỹ thuật ảnh hưởng lẫn nhau. Dụng cụ để nghiên cứu khoa học là sản phẩm của kỹ thuật. Do đó, khoa học và kỹ thuật chẳng bao giờ rời nhau, luôn đồng hành trên con đường phát triển. Ngày nay, khoa khoa học gia nhắm vào máy điện toán, dụng cụ cho tương lai, để tìm kiếm sự thật. Máy điện toán có thể thu thập và kiểm tra rất nhiều thông tin, nhiều hơn đầu óc của một người bình thường. Trong tương lai, máy điện toán không thể thiếu được để thử nghiệm các giả thiết và công thức của các định lý.

Nói chung, lợi ích cho quảng đại quần chúng tạo bởi khoa học được thực hiện qua kỹ thuật. Tuy nhiên, nhân loại phải biết chọn lọc kỹ thuật vị nhân sinh để phục vụ nhân quần xã hội hay kỹ thuật vụ lợi vì quyền lợi riêng tư..

Tiến đến mức giới hạn, không tìm được câu trả lời

Ngày nay, tiến bộ của khoa học rộng lớn đến mức dường như tiếp cận giới hạn của vũ trụ vật chất. Khoa học đã giới hạn sự nghiên cứu về thế giới vật chất, nhưng khi tiến đến mức giới hạn đó, khoa học quay về với thế giới tâm linh. Ðúng là có một số khoa học gia đã chú ý đến những huyền bí của tâm trí. Tâm trí ra sao? Ý thức là gì? Nó có phát sinh ra từ nguồn vật chất không? Có phải máy vi tính biết suy nghĩ chăng? Phát triển Trí Năng Nhân Tạo sẽ dẫn đến các máy vi tính xâm nhập tâm trí? Ðây là câu hỏi mà một số khoa học gia đang ức đoán. Ðiều này cho thấy khoa học bắt đ?u xâm phạm vào biên giới của tâm trí.

Nhìn vào những phương pháp quan sát và xác minh hiện đại, chúng ta thấy những phương pháp ấy vượt quá giới hạn của năm giác quan. Trước đây, năm giác quan tự chúng có đủ dụng cụ để quan sát - mắt trần, tai và tay. Sau này chúng ta dựa vào khả năng có hạn của chúng. Bất cứ lúc nào giác quan không đủ khả năng tiếp nhận, thì chúng ta tìm đến những dụng cụ kỹ thuật.

Nhưng nay dù đã có những dụng cụ, dường như chúng ta đã tới mức giới hạn. Ở giai đoạn này các vụ nghiên cứu khoa học dùng ký hiệu toán học. Ngôn ngữ toán đưọc dùng để truyền đạt ý nghĩa của khái niệm khoa học, vũ trụ được rút gọn thành một thế giới các ký hiệu.

Khi quan sát, thí nghiệm và phân tách nhập đi vào thế giới tâm linh, khoa học giữ nguyên thái độ căn bản và phương pháp thử nghiệm, vì vậy trở thành đi phỏng đoán về niềm tin. Có rất nhiều niềm tin, định kiến, trong loại quan sát này. Khi khoa học tiến đến biên giới của tâm, còn phải xem liệu khoa học thực ra có thể đi sâu vào tâm hay không, và bằng cách nào.

Gía trị và động cơ

Chúng ta hãy quay trở lại, nhìn vào lúc mới khai sanh khoa học và khoa học đã phát triển ra sao cho đến tình trạng hiện nay.

Dù Khoa Học Thuần Túy muốn tách rời Khoa Học Ứng Dụng và Kỹ Thuật, nhưng vẫn phải chia sẻ trách nhiệm về những kết quả tai hại. Thật ra, trong khoảng trăm năm vừa qua, Khoa Học Thuần Túy không hẳn thuần túy. Ðó là vì có những tiêu chuẩn đạo đức (hay phương châm xử thế) ẩn chứa trong Khoa Học Thuần Túy, mà nhóm người làm công tác khoa học không ý thức được, và vì không ý thức về tiêu chuẩn đạo đức, Khoa Học vô tình trở thành đối tượng bị ảnh hưởng.

Nguồn gốc của khoa học là gì? Tất cả khoa học, dù là khoa tự nhiên học hay xã hội học đều dựa vào những tiêu chuẩn đạo đức. Chúng ta hãy lấy kinh tế làm thí dụ. Khởi nguyên của kinh tế là gì? Nguồn gốc của nó là gì? Nhu cầu là nguồn gốc của kinh tế. Nhu cầu là gì? Nhu cầu có thể quan sát thấy bằng một trong năm giác quan không? Không, không thể được. Ðó là một đặc tính của tâm trí, một giá trị. Một môn học được biết đ?n như khoa học, cho rằng nó không dính líu gì đến giá trị, nhưng thực ra nó chẳng bao giờ không dính dáng đến giá trị.

Bây giờ, nguồn gốc của khoa học tự nhiên ở đâu? Nguồn gốc, hay động cơ của khoa học là lòng ham thích biết sự thật của thiên nhiên, hay sự thực. Câu trả lời trên đây được chấp nhận bởi đa số khoa học gia, và thực tế câu trả lời này cũng chính là của một khoa học gia. Lòng ham thích biết sự thực của thiên nhiên cùng với niềm tin thiên nhiên có những qui luật không thay đổi, hoạt động theo nguyên nhân và kết quả, là hai tiền đề căn bản mà khoa học căn cứ vào để truy nguyên bí mật của thiên nhiên.

Nền tảng của khoa học ở ngay trong tâm trí con người, ở sự ham thích muốn biết, và ở niềm tin. Không có hai đức tính ấy, khoa học không thể nẩy nở và phát triển.

Ðộng cơ thúc đẩy việc phát triển lúc ban đầu của khoa học, vẫn còn tồn tại ở một mức đô nào đó, là sự ham thích biết sự thật của thiên nhiên. Ðó là loại ham thích tương đối trong sạch. Sau này, sự ham thích muốn biết đó, bị Giáo Hội Cơ Ðốc đàn áp ở đầu thời kỳ Trung Cổ. Giáo Hội Cơ Ðốc thiết lập tòa án để thẩm xét niềm tin của dân chúng gọi là Tòa Án Dị Giáo. Những ai bày tỏ lời nghi ngờ ở Kinh Thánh đều bị xử trước tòa án này, và nếu phát hiện có tội sẽ bị trừng phạt. Galileo là một trong những người bị xử trước tòa án này. Galileo tuyên bố trái đất quay quanh mặt trời, suýt bị tử hình vì đầu độc mọi người bằng học thuyết của mình. Ðến giây phút cuối cùng, ông nhận tội và được tha; ông không bị chết nhưng có rất nhiều người bị thiêu sống trên cọc.

Vào thời gian đó, việc tìm kiếm sự thật bị công khai cấm chỉ. Nhưng càng ngăn cấm mạnh mẽ bao nhiêu thì phản ứng lại mạnh mẽ bấy nhiêu. Cho nên, chuyện đã xẩy ra là đàn áp và cấm đoán trong Thời Ðại Tối Tăm (Trung Cổ) đã tác động làm tăng thêm lòng ham muốn biết sự thật - Chân Lý Thiên Nhiên, và sự ham thích đó thấm nhuần vào tư tưởng văn hóa Tây Phương cho đến ngày nay.

Sự tiến triển vào thời đó tương đối là do lòng ham thích muốn tìm biết thiên nhiên. Dù vậy sự ham muốn ấy vẫn còn được coi là ham muốn hiểu biết tương đối trong sạch.Tuy nhiên, khoa học chúng ta có ngày nay không còn được như thế nữa. Ngày nay dù đã phát triển Khoa Học vẫn chịu ảnh hưởng của hai hệ thống giá trị lớn, tức thành kiến đã thấm vào sự tiến triển của khoa học và điều khi?n phương hướng nghiên cứu, học hỏi.

Hai giá trị trên đây là gì? Chúng là:

1) Cuộc vận động chinh phục thiên nhiên, hay quan niệm rằng thịnh vượng của nhân loại xoay quanh việc chinh phục thiên nhiên.

Lối suy nghĩ này bắt nguồn từ niềm tin Cơ Ðốc là Thượng Ðế tạo ra loài người theo ý của mình, để kiểm soát toàn thể thế giới và có quyền thống trị thiên nhiên. Thượng Ðế tạo thiên nhiên, và vạn vật cho con người sử dụng. Nhân loại là người lãnh đạo, trung tâm của vũ trụ, vị chủ tể. Nhân loại khám phá những bí mật của thiên nhiên cốt để thao túng nó theo sở thích của mình. Thiên nhiên hiện hữu để cho con người sử dụng.

Một tài liệu Tây Phương viết ý kiến trên sẽ chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của Khoa Học Tây Phương. Tài liệu nói vào thời cổ ở Ðông Phương, đặc biệt Ấn Ðộ và Trung Hoa, khoa học tiến bộ hơn Tây Phương, nhưng rốt cuộc Tây Phương đã vượt qua Ðông Phương vì ảnh hưởng của lý tưởng chinh phục thiên nhiên, và do đó dẫn đầu về khoa học hiện nay.

Cho nên, hệ thống giá trị đầu tiên là niềm tin cho rằng Con Người có quyền chinh phục thiên nhiên là lý do khuyến khích và biện minh cho những hành động trên. Bây giờ chúng ta đi đến ảnh hưởng lớn thứ hai.

2) Tin rằng hạnh phúc lệ thuộc vào lượng của cải vật chất.

Lối suy nghĩ trên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc mở mang công nghiệp tại Tây Phương. Khởi thủy, theo lịch sử Tây Phương, nền công nghiệp được tạo nên để đáp ứng vấn đề khan hiếm. Ðời sống các quốc gia Tây Phương bị bao vây bởi sức mạnh thiên nhiên đối nghịch, mùa đông băng giá, không thể cầy cấy được. Dân chúng tại các nơi ấy có cuộc sống hết sức khó khăn. Họ không những phải chịu đựng thời tiết băng gía lạnh lẽo, mà còn chịu khổ vì nạn thiếu thực phẩm. Phải tranh đấu để sống còn, và do sự tranh đấu này, kỹ nghệ phát triển.

Bây giờ, cái gì trái với khan hiếm? Trái với khan hiếm là thừa thãi, sung túc. Người dân Tây Phương nghĩ rằng khi vấn đề khan hiếm đưọc giải quyết, họ sẽ hạnh phúc. Ðó là động cơ thúc đẩy có cuộc Cách Mạng Công Nghiệp - sự nhận thức về khan hiếm, sự ham muốn cung cấp đầy đủ, trở thành căn bản bởi quan niệm vật chất phong phú là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc.

Cách suy nghĩ trên triển khai thành chủ nghĩa vật chất, rồi thành chủ nghĩa tiêu thụ mà hiển nhiên trực tiếp là sự góp phần to lớn của các nhà tư bản công nghiệp chịu ảnh hưởng suy nghĩ trên. Ý tưởng ban đầu ấy bây giờ trở thành niềm tin là con người thống trị thiên nhiên. Ði đôi với quan niệm hạnh phúc tùy thuộc vào sự dồi dào của cải vật chất, chúng ta tin tưởng là thiên nhiên phải được chinh phục để sản xuất hàng hóa vật chất phục vụ sở thích con người. Hai lối suy nghĩ trên đây quan hệ mật thiết với nhau, và hỗ trợ lẫn nhau.

Dường như lòng mong muốn đơn thuần về kiến thức đã bị tha hóa dưới ảnh hưởng của sự ham thích chinh phục thiên nhiên mà là sản xuất hàng hóa vật chất cho phong phú, nghĩa là duy vật chủ nghĩa. Khi hai giá trị này đi vào một khung cảnh, lòng mong muốn thuần túy và trong sạch về kiến thức đã trở thành dụng cụ để thỏa mãn mục tiêu của giá trị thứ hai, đem đến tương quan lợi dụng thiên nhiên.

Cứ cho rằng chinh phục thiên nhiên nhân loại có thể tạo hằng hà sa số hàng hóa vật chất để phục vụ sở thích con người, đưa đến hạnh phúc lý tưởng việc nghiên cứu các phương pháp để thực hiện ý tưởng trên là điều tất yếu. Cho nên có rất nhiều tiến bộ được thực hiện trong thời gian vừa qua, nhất là sau cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Cũng có người nói khoa học phát triển mới đây trong Thời Ðại Công Nghiệp, là phục vụ cho công nghiệp.

Chắc chúng ta có thể đồng ý rằng sự thịnh vượng trong thời gian mới đây, là sự thịnh vượng của công nghiệp. Tuy nhiên, trong khi người Thái đem hết tâm lực vào Thời Ðại Công Nghiệp thì Phương Tây lại phát triển mau hơn nữa. Thái Lan thích được gọi là Quốc Gia Công Nghiệp Mới, nhưng người Phương Tây đã vượt qua giai đoạn này và tiến tới Thời Ðại Hậu Công Nghiệp, đó là Thời Ðại Thông Tin. Khoa học là yếu tố quan trọng trong tất cả hai trường hợp.Có thể nói là khoa học mở đường cho công nghiệp, nhưng Công Nghiệp lại nói " Khoa Học! Người phục vụ cho ta!"

Song song với sự phát triển công nghiệp, chúng ta cũng nhận thấy một hậu quả tai hại liên quan phát sanh, mà sự gia tăng đưa đến tình trạng nghiêm trọng chưa từng thấy. Giờ đây nguy cơ do sự phá hoại môi sinh đe dọa chúng ta đã quá rõ ràng.

Nguyên nhân của nó là hai ý tưởng: sự ham thích chinh phục thiên nhiên và duy vật chủ nghĩa, hai ý tưởng trên đem nhân loại đến con đường thao túng, mà hậu quả là tàn phá thiên nhiên trên một qui mô tăng nhanh chưa từng thấy. Thêm vào đó, hai xung lực này là nguyên nhân tranh cấp trong lòng nhân loại, tranh chấp giữa cá nhân, để giành nhiều tiện nghi cho phần mình. Thậm chí có thể nói con người hiện đại đã phải trải qua những hậu quả tai hại của sự phát triển công nghiệp trong thế kỷ vừa qua vì ảnh hưởng của hai mục đích được cho là đúng này.

Ðàng sau sự thịnh vượng...

Hai sự mặc nhận trên chưa phải là một bức tranh toàn vẹn. Còn có hai khuynh hướng lớn hỗ trợ cho chúng:

1) Chuyên Môn: Thời Ðại Công Nghiệp là thời đại chuyên môn. Các ngành học thuật đều được phân chia thành các lãnh vực chuyên môn. Mỗi ngành có khả năng rất thành thạo trong lãnh vực của mình, nhưng tổng quát, nhiều lãnh vực không thể hợp nhất được.

Mục đích ban đầu về việc chuyên môn hóa kiến thức là mong có nhiều kiến thức chi tiết hơn trong một lãnh vực, rồi tổng hợp tất cả những kiến thức ấy, nhưng các nhà chuyên môn đã bắt đầu lóa mắt bởi kiến thức của họ, dẫn đến loại chuyên môn lệch lạc, một quan niệm cực đoan. Trong lãnh vực khoa học, có những người nghĩ rằng khoa học đơn phương đủ để giải quyết các khó khăn của nhân loại, có thể trả lời mọi câu hỏi, khiến nó không chịu nhượng bộ để hợp tác với các lãnh vực kiến thức khác.

Loại quan niệm đó tạo ra sự tin tưởng rằng tôn giáo và đạo đức cũng là những lãnh vực kiến thức chuyên môn khác. Hệ thống giáo dục hiện đại coi đạo đức chỉ như một môn học lý thuyết. Khi nghĩ về đạo đức, họ nghĩ "Ồ, Tôn Giáo" rồi xếp lại trong ngăn tủ. Họ không quan tâm tới. Khi phải giải quyết các khó khăn trên thế giới, họ nói: "Ồ, lãnh vực của tôi có thể giải quyết được!" và không nghĩ là phải cố gắng hợp tác với các môn khác. Nếu quả thật có đủ khả năng giải quyết tất cả các khó khăn, họ cũng có thể giải quyết vấn đề đạo đức. Nhưng họ lại nói đạo đức là vấn đề phải giải quyết của tôn giáo hay là vấn đề của lãnh vực chuyên môn này kia. Việc này khiến chúng tôi có quan điểm thứ hai xin được trình bày sau đây:

2) Tin rằng vấn đề đạo đức có thể giải quyết được mà không cần đến đạo đức. Những người ủng hộ ý kiến này tin rằng phát triển vật chất khi đã lên tới đỉnh cao, tất cả những vấn đề đạo đức tự nó không còn nữa. Theo quan điểm này, không cần thiết huấn luyện hay mở mang tinh thần con người. Ðó là lý luận gần đây xuất hiện trong lãnh vực kinh tế. Một số kinh tế gia chủ trương kinh tế phồn thịnh, hàng hóa vật chất phong phú, sẽ không còn tranh chấp, và xã hội sẽ hòa thuận. Câu nói trên đơn giản cho thấy, vấn đề đạo đức hay luân lý, có thể giải quyết bằng phương tiện vật chất, không cần đến đạo đức.

Ðiều trên đây không hẳn là sai. Tình hình kinh tế có liên quan đến vấn đề đạo đức, nhưng sẽ là sai nếu ta chỉ đơn giản lướt qua vấn đề, tin tưởng rằng kinh tế phồn thịnh thì vấn đề đạo đức sẽ biến mất.

Có thể nói, nếu phần nào là khôi hài, lập luận trên chỉ đúng trong một khía cạnh vì lẽ không có đạo đức thì kinh tế làm sao có thể phồn thịnh được . Phải nói rằng nếu thực hiện tốt đạo đức (thí dụ như khích lệ chuyên cần, độ lượng, thận trọng và biết dùng của cải của mình để đem lợi ích cho xã hội), khó khăn kinh tế sẽ biến đi.

Câu nói kinh tế tốt, vấn đề đạo đức sẽ không có, chỉ đúng về một ý nghĩa nào đó khi vấn đề đạo đức được xử trí trước lúc kinh tế phồn thịnh. Tương tự, câu nói tất cả vấn dề đạo đức đều được giải quyết, kinh tế sẽ phồn thịnh, cũng chỉ đúng một phần, ấy là kinh tế phải đưọc đề cập đến trước khi vấn đề đạo đức được giải quyết.

Lời nói 'vấn đề đạo đức' có tầm rộng trong các tình huống như sức khỏe tinh thần, và mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề đạo đức qua phương tiện vật chất đòi hỏi sự phối hợp của tâm trạng, cảm nghĩ, chẳng hạn việc tổng hợp các loại an thần để chữa các bệnh căng thẳng tinh thần, lo lắng, suy nhược và phiền não.Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ cố gắng giải quyết các vấn đề đạo đức qua những phương tiện trên. Loại điều trị như vậy chỉ có tính cách tạm thời. Nó chỉ làm cho vấn đề lắng dịu xuống nhưng không thể giải quyết được. Chúng ta sẽ trở lại điểm này ở phần sau.

Nhiều ngành học thuật muốn đưọc công nhận họ là khoa học, nhưng vấn đề chuyên môn tự nó gây ra sự hạn hẹp, tương phản và trở thành một trở ngại cho khoa học thực sự. Nhà chuyên môn không thể là nhà khoa học chân chính. Cả đến vật lý cũng không thể gọi là khoa học thực sự, vì lẽ nó thiếu tính chất toàn vẹn, sự thật mà nó chứng minh được chỉ là từng mảnh, sự thật chỉ là một phần nào thôi. Khi sự thật chỉ là một phần, một phần thì nó không phải là sự thật đích thật- chân lý. . Ch? biết một số sự việc thực tế thì bất kể suy luận nào cũng không phù hợp với sự thật hoàn toàn. Không khám phá được dòng nguyên nhân và hiệu quả trong tính toàn vẹn của nó, thì chân lý vẫn còn nằm ngoài tầm với.

Hai thái độ hay niềm tin đó (nghĩa là chuyên môn và niềm tin là những vấn đề đạo đức có thể giải quyết bằng phương tiện vật chất) tràn ngập trong Thời Ðại Công Nghiệp Hóa. Do hai lý do trên, sự khó khăn đã gia tăng.

Giờ đây hãy triển khai một cuộc điều tra. Có thể một số quý vị phân vân là tất cả những thứ này có liên quan đến tôn giáo không. Ðể trả lời, tôi xin được nói là từ điểm này, tôi bắt đầu đi vào lãnh vực tôn giáo. Trước đây, tôi có đề cập lướt qua lãnh vực tôn giáo, nhưng để có thể thấy chi tiết hơn, tôi muốn trở lại và đi vào đề tài tôn giáo. Chúng tôi đã nói về khoa học, nguồn gốc và sự phát triển của nó, bây giờ xin hãy nhìn vào nguồn gốc và sự phát triển tôn giáo để cố gắng tìm một đường lối dung hòa cho cả hai.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Chương I | Chương II | Chương III | Chương IV | Chương V | Chương VI

Xin xem thêm nguyên tác Anh ngữ: "Buddhism as the Foundation of Science"

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thích Tâm Quang, chùa Tam Bảo, California,
đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 10-2001).


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 27-10-2001