BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU-Times font


THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

NHỰT HÀNH
CỦA NGƯỜI TẠI GIA TU PHẬT

Bhikkhu VAṂSARAKKHITA
Tỳ khưu HỘ TÔNG

Ấn bản 2006 (PL. 2550)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  
 

MỤC LỤC

Lời tựa
Phật Pháp lược giải

[01] Phần I: LỄ BÁI TAM BẢO

Bài thỉnh Chư Thiên
Lễ Bái Tam Bảo
Lễ Đức Xá Lợi
Kinh hồi hướng Chư Thiên

[02] Phần II: LUẬT CƯ SĨ TÓM TẮT

Phép tu bước đầu
Chúc người mới Quy Y
Phép thọ Ngũ Giới
Bát Quan Trai Giới
Chi của Ngũ Giới
Chi của giới Bát Quan Trai
Hạn kỳ trong phép Thọ Giới
Tóm tắt thọ trì Bát Quan Trai
Việc nên làm
Phép niệm Phật có ba cách
Thập ác nghiệp
Thập thiện nghiệp
Tứ thập nghiệp
Giải về 14 phép
Phương pháp dâng cúng vật dụng
Bài thỉnh Pháp Sư
Thỉnh Tỳ-khưu Tăng tụng kinh cầu an
Kệ hồi hướng đến Chư Thiên
Lễ bái phụ mẫu kệ
Bài sám hối
Kinh tụng rãi tâm bác ái đến tất cả các hướng
Kinh hồi hướng
Phương pháp nên suy xét hằng ngày
Kệ Vô thường-Khổ não-Vô ngã

[03] Phần III: PHÁP TRÍCH LỤC

Pháp thường tự hóa
Giải rằng
Giải về pháp bố thí
Giải về tích thọ trì Ngũ Giới
Pháp niệm Phật tham Thiền
Cách niệm Phật
Tham Thiền
Năm phép cái
Giải về tích niệm Phật
Pháp của Đức Đế Thích giải cho Chư Thiên nghe
Toát yếu
Phật ngôn

-ooOoo-

LỜI TỰA

Quyển kinh này phát sanh do các bậc Thiện Tín Sài gòn có tâm tín thành trong sạch, mong làm việc pháp thí, là một điều phước rất cao quý, nên cầu atmā trích dịch để phân phát cho những hàng cư sĩ mộ đạo thấy rõ chơn lý nhà Phật và thực hành theo, ngõ hầu hưởng hạnh phúc thanh cao trong đời này và kiếp sau.

Quyển kinh này đã diễn ra quốc âm, nay tái bản, có duyệt chánh và thêm pháp trích lục trong các kinh, nhất là Hạnh phúc kinh - Maṅgalasutta.

Do quả phước của pháp thí này, cầu cho tất cả chúng sanh đừng có sự thù oán lẫn nhau, đừng có sự làm hại lẫn nhau, đừng có sự khổ não, hãy hòa hảo nhau, thương yêu nhau và cho được an vui lâu dài, cho có chánh kiến, xu hướng theo Phật Pháp, mau đến Niết-Bàn, dứt khỏi sanh tử luân hồi, hưởng quả vô sanh bất diệt.

Mong thay…

VAṂSARAKKHITA Bhikkhu
(HỘ TÔNG Tỳ khưu)

-ooOoo-

PHẬT PHÁP LƯỢC GIẢI

Vấn.– Vì sao phải tu Phật?

Đáp.– Đạo Phật là con đường để cho tinh thần của chúng sanh nương theo, ngõ hầu đi đến mục đích thoát ly sông mê biển khổ. Trong thế gian có nhiều sự khổ kể không xiết, nên Phật gọi là biển khổ: sanh khổ; già khổ; đau khổ; chết khổ; muốn mà không được, khổ; thương mà phải lìa, khổ; ghét mà phải hợp, khổ; thương tủi, khổ; thất vọng, khổ; sanh ly tử biệt, khổ; vân vân… Đã biết bị trầm luân khổ ải, lẽ cố nhiên phải tìm đường thoát khổ; con đường ấy là Đạo Phật vậy. Cho nên chúng ta cần phải xu hướng theo để dứt khỏi thống khổ luân hồi.

Vấn.– Tu, cớ sao phải thọ Tam Quy?

Đáp.– Tam Quy, bước đường tối tiên của người học Phật; Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng, gọi là Quy y Tam Bảo. Bạc, vàng, san hô, hổ phách, xà cừ, xích châu, mã não là bảy báu thế gian, tuy quý thật, nhưng chẳng có năng lực tiếp độ chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử. Chỉ có Phật Pháp Tăng mới cứu vớt chúng sanh hết khổ đến vui được, nên gọi là Tam Bảo. Ba món báu quý trọng hơn hết.

Quy y Phật, là nương theo Phật. Phật là bậc đã tỉnh giác vô minh, thấu suốt ba cõi, thông cả ba đời, đã chứng quả vô sanh bất diệt.

Chúng sanh muốn được giải thoát các thống khổ, lẽ đương nhiên phải nương theo Ngài, đi trên con đường Ngài đã đi, thì sẽ đạt mục đích như Ngài chẳng sai.

Quy y Pháp, là phải nương theo lời Phật dạy, có ghi chép trong Tam Tạng Pháp Bảo (Kinh, Luật, Luận). Xem Tam Tạng và học hỏi thêm nơi bậc Thiện Trí Thức, để suy cứu cho châu đáo, lời nào hữu lý mới nên thật hành theo, chẳng vì nghe thấy mà vội tin, e phải lầm đường lạc nẽo.

Phật có dặn Đại Đức A-Nan-Đa rằng: "A-Nan-Đa nầy! sau khi Như Lai nhập diệt, nếu có ai nói ta nghe Phật giảng giải cách này, hoặc thế kia, các ngươi chớ nên vội tin mà cũng đừng vội bỏ; nghe rồi phải xét, lời nào đúng theo chơn lý là lời của Như Lai; bằng không, là lời bịa đặt, các ngươi nên cẩn thận, dè dặt".

Quy y Tăng là nương theo Tăng, Tăng là nhóm thầy Tỳ-khưu, từ 4 vị trở lên, hòa thuận ở chung cùng nhau, ăn theo Phật [1], ở theo Phật [2], mặc theo Phật [3], nghiêm trì giới luật theo Phật [4]. Các Ngài siêng năng học hỏi Tam Tạng, nhứt là phải thông thuộc Tạng Luật để thọ trì cho tinh nghiêm, và cảm hóa người đời y theo chí nguyện hoằng pháp lợi sanh của Phật.

Tăng là những bậc tu hành chân chánh, xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, hạnh kiểm trang nghiêm đáng làm mô phạm cho quần sinh, nên chi ta cần nương theo để bước lên con đường giải thoát.

Vấn.- Vì sao phải niệm Phật?

Đáp.- Vì bị ngũ trần lôi cuốn, làm cho tâm lu mờ điên đảo, không phân lẽ chánh điều tà, nên chúng ta tạo ra nghiệp báo sâu dày, do đó mà phải bị luân chuyển trong sáu đường, từ vô lượng kiếp, đến nay vẫn còn mắc trong vòng khốc hại. Nếu muốn được sáng suốt, trước trì giới cho nghiêm, sau định tâm cho vững, chế ngự lục căn, ngăn ngừa lục trần, thì tâm sẽ dần dần thanh tịnh, suốt thông mọi lẽ, phân biệt chánh tà, lánh các sự dữ, làm những điều lành, như thế sẽ hết khổ được vui. Ví như nước giữa gió, thường hay xao động, nên chúng ta xem trong nước nào thấy rõ vật chi. Nếu đem nước đựng vào nơi kín đáo, sóng lặn nước trong, vật chi trong nước cũng hiện bày tỏ rõ, chúng ta biết nước tốt mà dùng, biết nước dơ mà bỏ.

Cho nên niệm Phật, tham thiền là một phương pháp tối cao, làm cho tâm xao xuyến trở nên thanh tịnh, tâm mờ ám ra sáng suốt, thấu rõ ba tướng: vô thường, khổ não, vô ngã, của sự vật, chẳng có vật chi là của ta, cho đến thân tứ đại (mà ta lầm tưởng là ta), cũng chẳng phải ta thì ngoài ra có cái chi là ta, là của ta. Với nhận thức ấy, chẳng còn chi cho ta phải quyến luyến, thương yêu ham muốn thì có chi là khổ, tức là được tiêu diêu tự tại vậy.

Kinh Pháp Cú có nói: "Cái nhân của các thống khổ là lòng thương yêu, ham muốn; bằng dứt lòng thương yêu, ham muốn, cái khổ không sanh vậy". Chúng ta vì khổ mà phải tu, nếu niệm Phật mà dứt khổ thì còn chờ gì mà không thành tâm đêm ngày niệm Phật đặng thoát khổ đến vui.

Vấn.- Quan sát các sở hành có ích lợi chi?

Đáp.- Vì đã quan sát hoặc quan sát không chu đáo những hành vi, nên ta hay tưởng lầm làm quấy, cho giả là thiệt, lấy khổ làm vui, rồi gây ra nghiệp báo dẫy đầy. Mà cũng chưa biết tự hối, vì thế mà đức Phật dạy các đệ tử: "Phải xem xét việc làm, lời nói và ý tưởng cho nhặt nhiệm, bằng không thì sự tu hành khó bề tấn hóa".

Thường hồi ức quan sát mới có thể tự thấy lỗi mình, rồi thành tâm sám hối ngay; thân tâm sẽ trở nên trong sạch, tu hành mau có hiệu quả.

Sám hối là ăn năn chừa cải những lỗi đã phạm trước và nguyện sau này chẳng dám tái phạm. Sự ăn năn cũng chưa đủ trừ tội, phải làm lành thêm, làm nhiều hơn cái tội mà mình đã phạm mới được.

Vấn.- Thờ Phật, lễ Phật và cúng Phật có ý nghĩa như thế nào?

Đáp.- Thờ Phật để cho ta thường được chiêm ngưỡng Đức Hạnh cao siêu của Phật mà thức tỉnh thân tâm, tu hành theo chánh pháp của Ngài. Thờ Phật phải chọn chỗ quí trọng. Phật là bậc Chí Tôn Chí Thánh, thầy cả ba giới, từ phụ bốn loài, chỗ thờ Ngài phải chí cao, chí trọng mới là phải.

Lễ Phật, cúng Phật vì lòng kính mến ân đức của Phật, Ngài đã trọn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả, siêu xuất tam giới, đáng cho chúng sanh lễ bái, chiêm ngưỡng. Khi dâng hương, dâng hoa, cúng Phật nên thành tâm niệm tưởng chí nguyện tự giác giác tha của Ngài.

Thưở còn ở địa vị Bồ Tát, Ngài thấy chúng sanh hằng bị cái khổ sanh tử trọng đại, cho đến thân Ngài cũng không tránh khỏi số phận ấy; nhân đó, Ngài đành lìa ngôi vua, trốn cha lánh vợ, xa con, vào non tuyết lãnh tu, khổ hạnh sáu năm, để tìm đạo giải thoát. Khi tìm chứng quả Niết-Bàn rồi mà cũng chưa vội Nhập diệt, Ngài đi thuyết pháp trọn 45 năm, mong tiếp độ chúng sanh thoát ly khổ hải, Ngài mới mãn nguyện. Ân đức ấy, trời cao khó sánh, biển thẳm không bì. Nên chi, khi lễ Phật, cúng Phật, chúng ta phải nhớ đến ân đức cao thâm ấy, rồi chuyên trì theo đạo hạnh của Ngài, nguyện tu theo đạo hạnh của Ngài, nguyện tu theo chủ nghĩa từ bi, bác ái, tự giác, giác tha, thế mới gọi là lễ Phật, cúng Phật bằng cách chơn chánh cao thượng.

Trong sách Minh Tâm có mấy câu nầy, rất đúng chơn lý:

Lễ Phật giả, Kính Phật chi đức,
Niệm Phật giả, Cảm Phật chi ân,
Khán kinh giả, Minh Phật chi lý,
Tọa thiền giả, Đăng Phật chi cảnh.

Nghĩa là:

Lạy Phật ấy, Kính đức của Phật,
Tưởng Phật ấy, Cảm tạ ơn của Phật,
Xem kinh ấy, Rõ lẽ của Phật,
Ngồi thiền ấy, Lên cõi của Phật.

Vấn.- Tu cần phải ăn chay không?

Đáp.- Ăn cách nào tu cũng được, tùy duyên mà ăn cho vừa đủ sức lực đặng sống để hành đạo cho tinh tấn. Ăn chay mà thân thể xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất hại; đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn phải thối chuyển, trở ngại cho sự tu hành. Ăn chay như thế, thà là ăn mặn, ăn theo câu "ăn mà sống, chứ không phải sống mà ăn", phải nguyện cữ ba món kể sau nầy, dầu không ăn nó mà phải chết, cũng chẳng nên ăn:

1.- Thú mà người cố ý giết để cho ta ăn, và ta nghe tiếng nó kêu la.
2.- Thú mà người cố ý giết để cho ta ăn và ta đã thấy nó bị giết.
3.- Thú mà ta biết hoặc nghi người giết cố ý để cho ta ăn.

Ba thứ thịt ấy gọi là "Tam Tịnh Nhục".

Dưới đây, tôi xin trích soạn mấy điều xin của thầy Đề-Bà-Đạt-Đa (đệ tử nghịch Phật) một ngày kia vào bạch Phật như vầy: Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn nhận chịu mấy lời đệ tử xin sau nầy:

Xin Đức Thế Tôn buộc các Thầy Tỳ-khưu:

1.- Phải ở tu nơi rừng đến trọn đời.
2.- Phải khất thực mà ăn đến trọn đời.
3.- Phải ăn chay đến trọn đời.
4.- Phải mặc y bằng vải dơ lượm được đến trọn đời.
5.- Phải tu gần cội cây đến trọn đời.

Phật bèn đáp: "Đề-Bà-Đạt-Đa nầy! Như Lai không thể thuận theo lời của người xin đó đâu. Các Thầy Tỳ-khưu được phép:

1.- Tu ở rừng, ở núi, hoặc ở chùa.
2.- Phải khất thực mà ăn, nhưng khi có thí chủ thỉnh thì được phép đi dự trai tăng.
3.- Ăn chay hoặc ăn mặn theo tam tịnh nhục (là ba món đã kể trên).
4.- Phải mặc y may bằng vải lượm được
[5], nhưng khi có thí chủ dâng cúng y thì được phép thọ lãnh và mặc.
5.- Được phép tu ở tịnh thất.

Sự giải thoát chẳng phải chỗ ăn chay hoặc ăn mặn, mà ở tịnh tam nghiệp là:

Thân: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Khẩu: Không nói dối, không chửi rủa, không đâm thọc, không nói lời vô ích.

Ý: Không tham, không sân, không tà kiến.

Ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao, giới luật không giữ thì đâu gọi là ăn chay. Chay là lành, là trong sạch toàn cả thân, khẩu, ý.

Trong Phật học đại tự điển có giải rằng: Trai giả, khiết giả, trang giả, cung gia, Chữ trai ấy nghĩa là: sạch vậy, nghiêm vậy, kỉnh vậy. Tẩy tâm viết trai: rửa lòng trong sạch gọi là trai vậy [6].

Ông Pierre Salet, dịch giả cuốn "Les paroles du Bouddha" có trích diễn câu này: "Ce qui nous rend impur, ce n’est pas manger de la viande, mais c’est la haine, l’intempérance, l’entêtement, la bigoterie, la fourberie, l’envie, l’orgueil, la complaisance pour les hommes injustes".

Nghĩa là "Những điều làm cho chúng ta bất tịnh không phải là sự ăn thịt (ăn mặn), mà là lòng oán hận, không tiết độ, ngang ngạnh, mê tín, gian xảo, tật đố, kiêu căng, xu hướng theo kẻ bất chánh."


Chú thích:

[1] Phật ngọ thực.
[2] Ngài hằng ngự nơi thanh vắng (rừng núi) trừ ra trong 3 tháng hạ thì Ngài mới ngự nơi tịnh xá.
[3] Ngài mặc tam y, trì bình khất thực.
[4] Giới luật tinh nghiêm.
[5] Rồi giặt sạch.
[6] Chữ trai tục thường gọi là chay, xem thêm trong "Lịch sử Phật pháp".

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | Mục lục


Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2006)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 27-04-2006