BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Quan điểm về Nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy
Thích Hạnh Bình
1. TINH THẦN VÀ MỤC ÐÍCH GIÁO DỤC CỦA ÐỨC PHẬT Ðức Phật là một nhân vật có thật trong lịch sử Ấn độ, Ngài sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh xã hội thật rối loạn, tình hình chính trị của đất nước Ca tỳ la vệ lúc bấy giờ, là lãnh thổ mà phụ vương của Ngài thống trị, đang nằm trong tình trạng bị xâm lược của nước láng giềng Bạt kỳ, đang có chính sách bành trướng, lấn chiếm thuộc địa[1].Về mặt tư tưởng lại càng bi đát hơn, tư tưởng truyền thống của giai cấp Bà la môn không thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo văn hóa tôn giáo xã hội Ấn, không còn đủ sức hấp dẫn cho giới tri thức. Sự phân chia xã hội Ấn thành bốn đẳng cấp, và học thuyết Phạm ngã hợp nhất của Bà la môn là tiền đề thảo luận tranh cãi của giới tri thức đương thời, là điều kiện tất yếu để hình thành các trường phái tự do tư tưởng, đại diện là sáu phái triết học (Phật giáo gọi là Lục phái ngoại đạo) [2]:
Đức Phật Thích Ca cũng là người chống lại tư tưởng truyền thống Bà la môn, cho nên có thể xem Ngài thuộc vào phái phi truyền thống tư tưởng. Ở đây, chúng ta cần lưu ý, Kỳ na giáo là phái được đức Phật đề cập khá nhiều trong kinh tạng A hàm. Theo Lữ Trưng cho rằng, tư tưởng của phái này là kế thừa tư tưởng của Bà la môn. Một trong những học thuyết chính của phái này là "nghiệp" bao gồm thân nghiệp khẩu nghiệp và ý nghiệp, nhưng họ rất xem trọng "thân nghiệp", cho rằng, con người muốn thoát khỏi phiền não khổ đau trong cuộc sống này, để được giải thoát giác ngộ, cần phải diệt trừ phiền não, bằng cách tu khổ hạnh. Họ là những người thường đến vấn nạn đức Phật về vấn đề siêu hình, lý do là trong giáo lý của đức Phật đã đưa ra học thuyết "vô ngã" và "nghiệp báo", họ lập luận rằng, nếu không có "ngã" (àtman) thường hằng bất biến, thì ai là người tạo nghiệp (tác nhân), ai là người thọ nhận hậu quả (quả báo)? câu hỏi này đức Phật đã luôn luôn giữ thái độ im lặng không trả lời[3], trong thời kỳ A hàm, với lý do là những vấn đề này không liên hệ gì đến giải thoát khổ đau, thế nhưng sau khi đức Phật nhập diệt, phái Ðộc tử bộ đã công khai chủ trương "hữu ngã hữu pháp". Dù gì đi nữa, hai học thuyết vô ngã và nghiệp của Phật giáo là điểm căn cứ cho giới nghiên cứu Phật học đi đến kết luận tự thân Phật giáo tồn tại sự mâu thuẫn. Ðó là vấn đề chúng ta cần phải làm sáng tỏ, để tránh khỏi sự ngộ nhận trong Phật giáo. Mặc dù đức Phật phản bác lý thuyết àtman của Bà la môn cho rằng có một cái gọi là ngã vĩnh hằng, nhưng đối với những tư tưởng tự do, chủ trương phóng túng hưởng thọ dục lạc, phi đạo đức của phái phủ nhận giá trị đạo đức, phái đoạn diệt... thậm chí ngay cả chủ trương tu khổ hạnh của Kỳ na giáo Ngài cũng không đồng tình. Thế thì,lập trường và phương hướng giáo dục của Ngài nhằm vào mục đích gì? Ðể trả lời câu hỏi này, đức Phật đã nói lên quan điểm và xác định mục đích giáo dục của Ngài như sau: "Này các Tỳ kheo! Xưa cũng như nay, ta chi nói lên sự khổ và sự diệt khổ..."[4] hay "Thế gian có ba điều không vui, không ưa thích, không muốn nghĩ nhớ, đó là: già, bịnh và chết... Thế gian nếu không có ba điều này, Như Lai không xuất hiện ở thế gian, thế gian cũng không có Như Lai nói pháp, giáo giới..."[5]. Có thể nói, đây là lập trường và mục đích giáo dục của đức Phật. Giáo lý của đạo Phật là giáo lý phân tích về con người và những vấn đề liên quan đến cuộc sống của con người. Theo đạo Phật cho rằng, con người bao gồm hai yếu tố chính là vật chất và tinh thần, sinh già bịnh và chết là hiện tượng tự nhiên của cơ thể, là thật thể của cuộc sống. Già bịnh và chết là tình trạng suy thoái tự nhiên của cơ thể, dù là ai đi nữa cũng không thể tránh khỏi, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua tướng trạng này, đó là quy luật tự nhiên của cơ thể. Ðời người khi đến lứa tuổi già yếu, muốn làm điều gì cũng làm không được, đi lại bất tiện, ăn không ngon, ngủ không yên giấc... đây là nổi khổ về già. Bịnh là tướng trạng suy thoái, tứ đại không điều hòa của cơ thể, thân thể đau nhức mệt mỏi... là một trong những nổi khổ. Chết là sự chấm dứt của một đời người, con người không một ai ưa thích sự già cả, bịnh hoạn và chết, nhưng không một ai trong chúng ta tránh khỏi tướng trạng này, đó là nổi khổ của cơ thể vật chất. Ngoài nổi khổ tự nhiên về thân thể, con người còn có một nổi khổ lớn hơn, đó là nổi khổ về tâm lý. Theo đức Phật, nguồn gốc phát sinh nổi khổ về tâm lý của con người là do vô tri. Vô tri về cái gì? Ðó là vô tri về "ngã" và "ngã sở". Cái gọi là ngã tức là cái nhìn không đúng về con người, Phật giáo gọi là thái độ chấp trước về ngã, cho rằng con người có cái ngã thường hằng bất biến, không thay đổi. Nhưng theo sự phân tích của đức Phật, con người là do năm yếu tố: sắc (rùpa), thọ (vedana), tưởng (samjna), hành (samskara) và thức (vijnana) kết hợp mà thành, trong đó không có một yếu tố nào mang tính vĩnh hằng. Thức (vijnana) được hình thành đều phải tùy thuộc vào bốn yếu tố khác, nó không thể tồn tại độc lập; sắc (rùpa), thọ (vedana), tưởng (samjna), hành (samskara) cũng được phân tích như thế. Do vậy, cái gọi là ngã, bản chất của nó là duyên sinh (pratìtya-samutpàda), cái gì do duyên sinh thì cái ấy không thể gọi là ngã (àtman).Con người vốn gã, tưởng tượng cố chấp thật có ngã, đó chính là nguồn gốc phát sinh khổ đau, cũng là cái vô tri về ngã; "Ngã sở" là cái nhìn ảo tượng không thật về những vật chung quanh mình, tức sự chấp chặt về những vật mà chúng ta đang có, như là vợ tôi, người yêu tôi, nhà tôi, xe tôi, vật sở hữu của tôi.v.v..., cho rằng tất cả những thứ ấy thuộc quyền sở hữu của mình, không ai có thể xâm phạm được, nhưng trên thực tế, chúng ta hoàn toàn không làm chủ được bất cứ cái gì mà chúng ta đang có, nó luôn luôn thay đổi theo luật duyên khởi. Ví như, anh A đang có một người thương, trong ý thức anh ta nghĩ rằng: đây là người thương của tôi và chắc chắn chúng tôi sẽ yêu thương nhau mãi, thế nhưng, vì lý do nào đó, cô ta không còn yêu thương anh ấy nữa, thếá là một nổi khổ không cùng đến với anh ta, vì anh không chấp nhận một thực tại diễn biến. Một ví dụ khác, chúng ta có một số tiền lớn, cất nó trong tủ sắt, gởi ngân hàng hay cho người khác vay kiếm lời... trong ý thức chúng ta nghĩ rằng đây là số tiền của tôi, không ai có thể chiếm đoạt được, thế nhưng một ngày nào đó, vì nhân duyên không lành, két tiền bị kẻ trộm ăn cắp, ngân hàng bị phá sản, tiền cho vay bị người ta giựt. Lúc ấy, bạn nghĩ như thế nào về tài sản ấy? Và tâm lý của bạn như thế nào? Phải chăng là một trạng thái tâm lý khổ đau, vì bị mất tiền của? Xét cho cùng, nổi khổ mất tình và mất tiền là hai nổi khổ có cùng chung một nguồn gốc là không chấp nhận một thực tại diễn biến. Thật tại đang diễn dịch thay đổi, nhưng ý thức của chúng ta không tùy theo sự vật thay đổi là nguyên nhân phát sinh đau khổ. Một nhận thức như vậy, trong kinh A hàm đức Phật gọi là "không như thật tuệ tri", trong kinh Kim cang gọi là "điên đảo mộng tưởng", đó là một trong những nổi khổ về mặt tâm lý. Nếu như thế thì những cái mà chúng ta đang có, chúng ta không nên xem chúng là cái của tôi, mặc chúng tự do biến đổi sao? Như thế phải chăng đạo Phật đã cổ vũ khích lệ tinh thần "vô trách nhiệm" sao? Người viết xin trả lời rằng, đạo Phật không chủ trương như thế, đạo Phật luôn luôn khuyên mọi người, cần có tinh thần bổn phận và trách nhiệm, không những chỉ có trách nhiệm cá nhân mà ngay cả xã hội mà người ấy đang sống, vì hoàn thành trách nhiệm cá nhân là điều kiện tất yếu để xã hội hoàn thiện, một xã hội hoàn thiện là yếu tố cơ bản để con người có nếp sống bình an và hạnh phúc, đời sống cá nhân và tập thể có mối quan hệ chằng chịt không thể tách rời. Ở đây, đức Phật trình bày giáo lý "vô ngã" và "vô ngã sở" nhằm mục đích chỉ rõ thật tướng của các pháp, giúp cho con người có sự nhận thức đúng đắn về con người cũng như mọi vật chung quanh mình, vốn là "vô ngã" và "vô ngã sở" vì thật tướng của các pháp là duyên sinh, để phá vỡ những thành kiến, những cố chấp sai lầm của con người mà thôi, nó là nguyên nhân sinh ra mọi khổ đau. Nhưng muốn nhìn thấy tính "vô ngã" và "vô ngã sở" cần phải có trí tuệ. Trí tuệ là cái thấy đúng như sự thật (như thật tuệ tri), không phải là một cái thấy qua sự tưởng tượng mơ hồ. Thế nào là cái thấy đúng như sự thật? Là sự nhìn thấy giữa sự vật và ý thức là một không sai khác, như chúng ta thấy lửa, chúng ta biết lửa là nóng, cho nên chúng ta không thọc tay vào lửa để bị phỏng tay. Ý thức biết lửa là nóng và thực tại lửa cũng nóng, như vậy gọi là cái biết đúng như sự thật. Cái gì gọi là cái thấy qua sự tưởng tượng? Là cái thấy giữa ý thức và thật tại của sự vật không giống nhau. Ví như về đêm, trên con đường quê không có điện đường, người bộ hành thấy một sợi giây lầm tưởng con rắn, khi ý thức lầm tưởng sơi dây là con rắn thì tâm lý sợ hãi sinh khởi. Trên ý thức nghĩ là con rắn, ngược lại trên thực tế, sợi giây không phải là con rắn, như thế giữa nhận thức và thật tại là hai cái không giống nhau, đức Phật gọi đó là cái thấy qua sự tưởng tượng. Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể trả lời vấn đề vừa nêu trên rất dễ dàng. Hiện thật chúng ta là con người đang sống trên cuộc đời này, những nhu cầu cần thiết cho sự sinh tồn của con người, như nhà ở, cơm ăn, áo mặc... là những nhu cầu cần phải có khi con người còn sống, do vậy, con người sử dụng chúng là hành động tự nhiên, không có lỗi lầm gì, vì nó là phương tiện để sống, như vậy thái độ giữ gìn bảo hộä cũng là bổn phận và trách nhiệm cần có, chúng ta không thể suy nghĩ rằng, những vật này là duyên sinh vô ngã tính, chúng ta không nên sử dụng và mặt chúng tự do thay đổi. Nhưng khi chúng thay đổi theo luật tự nhiên, ngoài khả năng của con người mà chúng ta vẫn cố duy trì, đó là thái độ cố chấp xuất phát từ vô minh, không phải trí tuệ. Như mọi sự vật vận hành theo qui luật sanh trụ dị diệt, thế nhưng một khi sự vật vận hành theo qui luật này, ý thức con người lại không chấp nhận, đó là thái độ cố chấp. Như vậy thái độ mặc kệ và thái độ vận hành theo luật tự nhiên là hai thái độ khác nhau, một bên phát xuất từ sự hiểu biết và một bên phát xuất từ vô minh, cũng vậy tinh thần gìn giữ có trách nhiệm và thái độ cố chấp là hai thái độ cũng khác nhau. Tinh thần có trách nhiệm là tinh thần xuất phát từ tri tuệ, ngược lại thái độ cố chấp xuất phát từ vô minh. Cái gì xuất phát từ trí tuệ, cái ấy được đức Phật đề cao, mang lại sự hạnh phúc; cái gì xuất phát từ vô minh, cái ấy mang lại khổ đau, cái ấy được đức Phật khuyên từ bỏ. Do vậy, đức Phật khuyên mọi người nên có nhận thức đúng đắn về con người là "vô ngã" và "vô ngã sở", vì thực tại vốn là như vậy, không thể đổi khác, nhằm mục đích giúp con người nhìn thấy chân thật cuộc sống, tránh xa khổ đau. Ðây là ý nghĩa sâu xa của câu: "Xưa cũng như nay, ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ..." . Qua đó chúng ta thấy, con người là đối tượng cho sự thuyết giáo của đức Phật, đồng thời lập trường và mục đích giáo dục của Ngài là diệt trừ những khổ đau của con người. Theo đức Phật,nguồn gốc sâu xa của khổ đau chính là vô minh, vô minh là cha đẻ của sự nghèo nàn, của tất cả những thất bại trong cuộc sống. Như vậy,con người muốn được hạnh phúc không gì khác hơn là quật dậy ánh sáng của trí tuệ, nó là thanh đao bén nhất để đoạn trừ phiền não, là yếu tố cơ bản để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho đời này và đời sau. [1] Lữ Trưng, "Ấn độ Phật học tư tưởng khái luận", Ðài bắc, NXB Thiên hoa, 1993, p.11 [2].Thamkhảo: "TạpA hàm kinh" kinh số:154,155, 156, 157, 158, 159, 162, 163 ,164 ,165 , 559; "Kinh Trường A hàm" gồm 2 kinh: "Kinh Phạm động" và "Kinh Sa môn quả", tương đương kinh tạng Pàli là " Phạm võng kinh" và "Sa môn quả kinh" trong "Trường bộ kinh". [3] Kinh "Ví dụ mũi tên", Trung A hàm, ÐT 1. [4] HT. Minh Châu dịch, "kinh Ví dụ con rắn" trong "Kinh Trung bộ", Trường Cao cấp Phật học VN ấn hành, [5] "Kinh Tạp A hàm", kinh số 760, ÐT 2, tờ 199b-200a. -ooOoo- |
Source: Quảng Đức, http://www.quangduc.com
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 19-09-2002