PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO QUYỂN III
HÀNH GIỚI Tỳ khưu Hộ Pháp
II-
Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Giới ājīvaṭṭhamakasīla: Bát giới có giới thứ 8 sống chánh mạng không những là giới chung cho tất cả người tại gia và những bậc xuất gia, mà còn là giới của các hành giả thực hành pháp hành thiền định, nhất là thực hành pháp hành thiền tuệ. Cho nên giới ājivaṭṭhamakasīla này có một tầm quan trọng trong cuộc sống của mọi người, dù có thọ trì hay không thọ trì. Nếu người nào phạm đến điều giới nào, thì người ấy đã tạo ác nghiệp. Bởi vậy cho nên, người nào đã thọ trì giới ājīvaṭṭhamaka-sīla này xong, người ấy cố gắng giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để tạo mọi thiện nghiệp. Nếu dể duôi mà phạm điều giới nào, thì cần phải biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn sám hối tội lỗi, có trí nhớ và trí tuệ biết mình, rồi xin thọ trì giới ấy trở lại. Như vậy gọi là người có giới. Nghi Thức Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Người cận sự nam, cận sự nữ (hoặc hành giả) đảnh lễ Ngài Đại đức xong, tiếp theo hành nghi lễ tuần tự như sau: Lễ bái Tam Bảo Lễ sám hối Tam Bảo * Lễ sám hối Đức Phật Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Pháp Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Tăng Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, Bài kệ cầu nguyện Iminā puññakammena, Do nhờ năng lực thiện tâm
sám hối này, Lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo và giới Ājīvaṭṭhamakasīla Mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante. Dutiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante. Tatiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla cho chúng con. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla cho chúng con, lần thứ nhì. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla cho chúng con, lần thứ ba. Ngài Đại đức truyền dạy rằng: NĐĐ: Yamahaṃ vadāmi, taṃ
vadetha. Tất cả mọi người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh thưa rằng: CSN: Āma, Bhante. Kính lễ Đức Phật Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng: Namo Tassa Bhagavato
Arahato Sammāsambuddhassa. (Con đem hết lòng thành
kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy). Thọ phép quy y Tam Bảo Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. NĐĐ: Tisaraṇagamanaṃ
paripuṇṇaṃ. CSN: Āma! Bhante. Thọ Trì Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì giới ājīvaṭṭhamakasīla:
1-
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
2-
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
3-
Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
4-
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
5-
Pisuṇavācā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
6-
Pharusavācā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
7-
Samphappalāpā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
8-
Micchājīvā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi. NĐĐ: Tisaraṇena saha
ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena sampādetha. CSN: Āma, Bhante. NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti.
Chúng sinh tái sinh cõi
trời, nhờ giữ giới. CSN: Sādhu! Sādhu! Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭha-makasīla xong, tiếp theo tất cả mọi người cận sự nam, cận sự nữ nên đọc 3 bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm cho tăng thêm đức tin như sau: Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và giới ājīvaṭṭhamakasīla . Giải Thích Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Ājīvaṭṭhamakasīla = ājīva + aṭṭhamaka + sīla. - Ājīva: Mạng sống, nuôi mạng Có 2 cách: 1- Micchājīva: Sống tà mạng, nghĩa là sống bằng cách thân hành ác, khẩu hành ác như sát sinh, trộm cắp, v.v... 2- Sammā ājīva: Sống chánh mạng, nghĩa là sống bằng cách thân hành thiện, khẩu hành thiện như tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, v.v…; không buôn bán những thứ gây tai hại đến chúng sinh. ─ Aṭṭhamaka: Thứ 8. ─ Sīla: Điều giới. ─ Ājīvaṭṭhamakasīla: Điều giới thứ 8 sống chánh mạng, nghĩa là điều giới thứ 8 tránh xa cách sống tà mạng. Ājīvaṭṭhamakasīla có 8 điều giới, 4 điều giới đầu (điều giới thứ nhất, điều giới thứ nhì, điều giới thứ ba và điều giới thứ tư) đã được giải thích ở trong phần ngũ giới. Điều Giới Thứ 5 Pisuṇavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Pisuṇavācā Þ Pisuṇa + vācā + Pisuṇa: Phá tan sự đoàn kết, làm cho chia rẽ. + Vācā: Lời nói. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Pisuṇavācā: Lời nói làm mất tình thương yêu đoàn kết nhau, lời nói chia rẽ nhau. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói lời chia rẽ.
Chi Pháp Phạm Điều Giới Nói Lời Chia Rẽ Người phạm điều giới nói lời chia rẽ cần phải hợp đủ 5 chi pháp: 1- Nói lời chia rẽ giữa hai người đang thân thiết với nhau. 2- Tác ý ác nói làm cho hai người ấy chia rẽ nhau. 3- Cố gắng bằng khẩu để hai người ấy chia rẽ nhau. 4- Hai người nghe và tin lời người nói, rồi lánh xa nhau. 5- Hai người oán ghét lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh nhau. Nếu hội đủ 5 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nói lời chia rẽ. Nếu thiếu 1 trong 5 chi pháp, thì không thể gọi là phạm điều giới nói lời chia rẽ. Giảng Giải Về Sự Nói Lời Chia Rẽ * Sự nói lời chia rẽ như thế nào? Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, thường giúp đỡ lẫn nhau. Cô C nhìn thấy họ như vậy nên sinh tâm ganh tỵ, tìm cách làm cho cậu A và cô B nghi ngờ lẫn nhau, rồi ghét nhau dẫn đến xa lánh nhau. Cô C lén tìm đến gặp cậu A nói rằng: ─ Này anh A, em báo cho anh biết, cô B lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn! Ban đầu cậu A không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cậu A phát sinh tâm nghi ngờ cô B; từ nghi ngờ nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt. Lúc khác cô C lén tìm đến gặp cô B khuyên rằng: ─ Này em B, chị báo cho em biết, cậu A lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy thận trọng trong việc quan hệ với cậu ấy, để tránh sự hối hận về sau. Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ cậu A; từ nghi ngờ, nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ thờ ơ đối với cô. Cô B tin lời cô C nói là thật và nghĩ rằng: “Chị C thật tâm thương mình nên nhắc nhở”. Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét, để ý thấy cô B gần đây có thái độ đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng: ─ Điều cô C nói có lẽ là sự thật! Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi nào đó. Cậu A liền lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng: “Cô C thật tốt với mình, cô ấy không muốn mình thất vọng”. Chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu A tìm đến gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng: ─ Cô là con người lừa dối, không thật tâm đối với tôi! Khi nghe vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và vì quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng: ─ Anh cũng không tốt gì đâu! Vì nghe theo lời nói chia rẽ của cô C, làm cho cậu A và cô B đã hiểu lầm nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau. Như vậy, cô C là người đã phạm điều giới nói lời chia rẽ. Nói lời chia rẽ do khẩu là chính, nhưng cũng có trường hợp thuộc về phần thân: “Không nói mà có cử chỉ, hành động, hoặc viết thư gửi cho hai người khiến cho họ hiểu lầm nhau, rồi ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau”. Tội Nặng - Tội Nhẹ Phạm Điều Giới Nói Lời Chia Rẽ Tội nặng hoặc tội nhẹ của sự phạm điều giới nói lời chia rẽ tùy thuộc vào đối tượng người có giới đức hoặc không có giới đức. ─ Nếu người có tác ý bất thiện nói lời chia rẽ giữa hai người có giới đức, thì có tội nặng; sau khi chết, do ác nghiệp này có thể cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). ─ Nếu người có tác ý bất thiện nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới đức, thì có tội nhẹ. * Quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ Người phạm điều giới nói lời chia rẽ, có tội nặng; sau khi chết, nếu ác nghiệp này cho quả thì sẽ tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp cho đến khi mãn quả ác nghiệp. Nếu thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, thì người ấy phải chịu những quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ từ trong kiếp quá khứ như sau: 1- Tâm thường bất hòa với bạn bè, vợ chồng, anh em, bà con... 2- Thường bị người khác đánh đập, bị tàn tật. 3- Không có bạn bè thân thiết. 4- Bạn bè không bền vững, không lâu sẽ bỏ nhau. 5- Có nhiều người không ưa thích, không thân thiết. 6- Tâm thường bị ô nhiễm bởi phiền não, sống đau khổ. * Quả báu của thiện nghiệp tránh xa nói lời chia rẽ Đối với người thọ trì và giữ gìn điều giới tránh xa sự nói lời chia rẽ; sau khi chết, nếu thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, thì người ấy được hưởng những quả báu của thiện nghiệp không nói lời chia rẽ từ trong kiếp quá khứ như sau: 1- Tâm thường hòa thuận với bạn bè, vợ chồng, anh em, bà con... 2- Không bị người khác đánh đập, không bị tàn tật. 3- Có nhiều bạn bè thân thiết. 4- Tình bạn bè thân thiết bền vững, không bỏ nhau. 5- Có nhiều người thương yêu, quý mến. 6- Tâm ít bị ô nhiễm, sống an lạc. Điều Giới Thứ 6 Pharusavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Pharusavācā Þ Pharusa + vācā + Pharusa: Thô tục, phát sinh từ tâm sân. + Vācā: Lời nói. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Pharusavācā: Lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), phát sinh từ tâm sân. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Chi Pháp Phạm Điều Giới Nói Lời Thô Tục Người phạm điều giới nói lời thô tục cần phải hợp đủ 3 chi pháp: 1- Tâm sân tức giận. 2- Có người bị chửi rủa, mắng nhiếc. 3- Đã nói lời chửi rủa, mắng nhiếc. Nếu hội đủ 3 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Nếu thiếu 1 trong 3 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Giảng Giải Về Sự Nói Lời Thô Tục Sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này có tác ý bất thiện (tác ý ác) phát sinh từ tâm sân, do đó, lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) chua chát hoặc ngọt ngào, nghe êm tai, thì cũng gọi là pharusavācā: Lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Người nào nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) thậm tệ với tâm sân làm khổ người khác, thì người ấy phạm điều giới pharusavācā: Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). * Trường hợp nói lời ngọt ngào nghe êm tai, với tác ý bất thiện (tác ý ác) bắt nguồn từ tâm sân muốn tiêu diệt đối tượng. Ví dụ: Một người có tâm sân muốn giết người khác, nhưng nói bằng lời lẽ ngọt ngào rằng: “Tôi sẽ giúp anh được yên giấc nghìn thu; hoặc tôi sẽ đưa anh về nơi chín suối; hoặc tôi sẽ gửi anh đi chầu trời, v.v...”. Như vậy, người ấy vẫn phạm điều giới pharusavācā: Lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Trong Chú giải Aṭṭhasālini, giảng giải về sự nói lời thô tục rằng: “Cha mẹ rầy la, chửi mắng con; hoặc thầy rầy la, chửi mắng học trò,... là cốt để dạy dỗ, khuyên răn, hăm dọa muốn cho con cái, học trò trở nên người tốt, người thiện. Những lời rầy la, chửi mắng ấy hoàn toàn không có tác ý bất thiện làm hại con cái, làm hại học trò...”. Như vậy khi cha mẹ, thầy rầy la, chửi mắng không hợp đủ chi phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Cho nên cha mẹ, thầy không gọi là phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Trong Phụ chú giải Ṭikā của Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh, giảng giải về nói lời thô tục rằng: “Người nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) với tâm sân, dù không có người thù mình, ghét mình, hoặc người thù ghét đã chết, người ấy vẫn hợp đủ 3 chi pháp phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), cho nên, người ấy đã phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc)”. Lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) * Lời chửi rủa, mắng nhiếc là 1 trong 3 chi pháp phạm điều giới này. Lời chửi rủa, mắng nhiếc như thế nào? Lời chửi rủa, mắng nhiếc có 10 cách: 1- Hạng người (jāti): Lời mắng nhiếc gọi người thấp hèn hay người cao quý. * Hạng người thấp hèn như: Đồ tôi tớ!, đồ kẻ ăn mày!,... * Hạng người cao quý như: Thôi, ông chủ!, thôi, ông tướng!,... 2- Tên người (nāma): Lời mắng nhiếc gọi tên xấu hay tên đẹp. * Tên xấu như: Đồ thằng quỷ!, đồ con ma!,... * Tên đẹp như: Ông hoàng!, bà chúa!,... 3- Dòng dõi (gotta): Lời mắng nhiếc gọi dòng dõi thấp hèn hay cao quý. * Dòng dõi thấp hèn như: Con nhà ăn trộm!, con nhà lừa đảo!,... * Dòng dõi cao quý như: Con ông hoàng!, công nương!, tiểu thư!,... 4- Nghề nghiệp (kamma): Lời mắng nhiếc gọi nghề nghiệp thấp hèn hay cao quý. * Nghề nghiệp thấp hèn như: Đồ sát sinh!, đồ trộm cắp!, đồ tà dâm,... * Nghề nghiệp cao quý như: Thầy dạy học!, ông làm quan!,... 5- Chuyên môn (sippa): Lời mắng nhiếc gọi chuyên môn thấp hay cao. * Chuyên môn thấp như: Đồ chuyên môn lừa đảo!,... * Chuyên môn cao như: Thôi, anh làm thơ hay rồi!, anh giỏi nói chữ!,... 6- Bệnh (ābādha): Lời mắng nhiếc gọi bệnh người hèn, bệnh người sang. * Bệnh người hèn như: Thằng bệnh lậu!, thằng bệnh nghiện ma túy,... * Bệnh người sang như: Ông bệnh đau đầu!, bà bệnh đau tim!,... 7- Hình dáng (liṅgika): Lời mắng nhiếc gọi hình dáng xấu hay hình dáng đẹp. * Hình dáng xấu như: Thằng lùn!, con mụ mập!,... * Hình dáng đẹp như: Thôi, cậu công tử!; thôi, cô tiên nữ!,... 8- Phiền não (kilesa): Lời mắng nhiếc gọi phiền não... * Đồ tham lam!, đồ ngu ngốc!,... 9- Tội lỗi (āpatti): Lời mắng nhiếc gọi tội... * Ông đã phạm tội bất công trụ!,... 10- Lời thô tục (akkosa): Lời mắng nhiếc nói lời thô tục... * Mẹ mày!, cha mày!, đồ loài súc sinh!,... Đó là 10 cách chửi rủa, mắng nhiếc thô tục. Chửi rủa, mắng nhiếc bằng 2 môn ─ Chửi rủa mắng nhiếc bằng khẩu. ─ Chửi rủa mắng nhiếc bằng thân. Lời chửi rủa, mắng nhiếc phần nhiều bằng khẩu, nhưng cũng có trường hợp bằng thân như hành vi cử chỉ thô tục hoặc viết thư, viết báo, viết sách,... bằng những lời lẽ thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). Tội Nặng - Tội Nhẹ Phạm Điều Giới Nói Lời Thô Tục Người nào phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến cha mẹ, thầy tổ, những bậc Trưởng Lão, chư Tỳ khưu, Sadi có giới hạnh trong sạch, đến Đức Phật Độc Giác, Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì người ấy phạm tội nặng; sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục. Người nào phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến người không có giới đức trong sạch, thì người ấy phạm tội nhẹ. * Quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục Người phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) phạm tội nặng; sau khi chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) cho quả tái sinh trong cõi địa ngục chịu khổ, cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy. Nếu có thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, thì người ấy còn phải chịu những quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) từ trong kiếp quá khứ như sau: 1- Thường nghe những lời không hài lòng như lời chửi rủa, mắng nhiếc, v.v... 2- Có nhiều người ghét. 3- Thường bị chê trách, bị vu oan giá họa. 4- Ít được nghe những lời ngon ngọt mật thiết. 5- Đời sống nghèo nàn khổ cực. 6- Bị tàn tật câm điếc, đui mù. * Quả báu của thiện nghiệp tránh xa nói lời thô tục Đối với người thọ trì điều giới, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc); sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, người ấy còn hưởng được những quả báu tốt của thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) như sau: 1- Thường được nghe những lời ngọt ngào đáng hài lòng. 2- Được nhiều người thương yêu quý mến. 3- Thường được nghe những lời tán dương ca tụng, không bị vu oan giá họa. 4- Thường được nghe những lời ngọt ngào thân thiết. 5- Đời sống an lạc hạnh phúc. 6- Có giọng nói thanh tao rất hay. Điều Giới Thứ 7 Samphappalāpā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Samphappalāpā Þ Sampha+ palāpā + Sampha: Làm mất sự lợi ích và sự an lạc. + Palāpā: Lời nói. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Samphappalāpā: Lời nói làm mất sự lợi ích và sự an lạc. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói lời vô ích. Chi Pháp Phạm Điều Giới Nói Lời Vô Ích Người phạm điều giới nói lời vô ích cần phải hợp đủ 2 chi pháp: 1- Tác ý bất thiện nói lời vô ích. 2- Nói lời vô ích. Nếu hội đủ 2 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nói lời vô ích, nếu thiếu 1 trong 2 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới nói lời vô ích. Giảng Giải Về Sự Nói Lời Vô Ích Trường hợp người nói hoặc người viết sáng tác những chuyện không có thật thành câu chuyện để cho người nghe hoặc người đọc tin theo, say mê theo lời nói của mình, rồi họ phát sinh tâm tà kiến thấy sai chấp lầm làm mất sự lợi ích, sự an lạc. Như vậy, lời nói của người ấy gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa). Trường hợp người nói hoặc người viết những chuyện không có thật để làm ví dụ trong việc giảng dạy, để giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích. Trường hợp người nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người đọc. Như vậy, lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích. Trường hợp người nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật, để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu khiển trong chốc lát, làm mất thì giờ mà không đem lại lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa); nhưng không gọi là lời nói dối (musāvāda), bởi vì người nói hay người viết không có tác ý bất thiện nói dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại. Nếu người nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật, để người nghe hoặc người đọc say mê, tin theo rồi làm mất lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ, thì người nói hoặc người viết phạm điều giới nói lời vô ích và phạm điều giới nói dối nữa. Tội Nặng - Tội Nhẹ Phạm Điều Giới Nói Lời Vô Ích Nếu người phạm điều giới nói lời vô ích trở thành thói quen hằng ngày như các diễn viên hài, viết chuyện vui cười, chuyện nhảm nhí,... thì người ấy có tội nặng. Nếu thỉnh thoảng hoặc đôi khi nói lời vô ích, thì người ấy có tội nhẹ. * Quả xấu của ác nghiệp nói lời vô ích Đối với người phạm điều giới nói lời vô ích, có tội nặng, sau khi chết, do ác nghiệp nói lời vô ích cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy. Do nhờ thiện nghiệp khác cho quả, nếu tái sinh làm người, thì người ấy còn phải chịu những quả xấu của ác nghiệp nói lời vô ích từ trong kiếp quá khứ như sau: 1- Có nhiều người không tin theo lời nói của mình. 2- Có nhiều người không ưa thích. 3- Không được nhiều người kính trọng. 4- Không thể nói cho người khác tin theo. 5- Là người nghèo khổ. 6- Là người không có quyền lực. 7- Là người thiểu trí (ngu dốt). * Quả báu của thiện nghiệp tránh xa nói lời vô ích Đối với người thọ trì điều giới tránh xa sự nói lời vô ích, sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, thì người ấy được hưởng những quả báu của giới tránh xa sự lời nói vô ích như sau: 1- Có nhiều người tin theo lời nói của mình. 2- Có nhiều người thương yêu, quý mến. 3- Có nhiều người kính trọng. 4- Có thể nói cho người khác tin theo. 5- Là người sống hạnh phúc an lạc. 6- Là người có nhiều quyền lực. 7- Là người có nhiều trí tuệ, có khả năng đối đáp nhanh nhẹn. Nói Lời Vô Ích Nói lời vô ích (niratthakathā) là nói những lời không đem lại sự lợi ích. Trong kinh Sāmaññaphalasutta [1] Đức Phật thuyết giảng có 32 chuyện không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ gọi là Tiracchānakathā, đó là: 1- Rājakathā: Nói chuyện về Đức vua, Hoàng tộc,... 2- Mahāmattakathā: Nói chuyện về các quan trong triều đình, trong Chính phủ. 3- Corakathā: Nói chuyện về bọn trộm cướp. 4- Senākathā: Nói chuyện về quân đội. 5- Bhayakathā: Nói chuyện về tai họa. 6- Yuddhakathā: Nói chuyện về chiến tranh. 7- Annakathā: Nói chuyện về vật thực: Cơm, gạo,... 8- Pānakathā: Nói chuyện về đồ uống. 9- Vatthakathā: Nói chuyện về vải, quần áo. 10- Mālākathā: Nói chuyện về các loại hoa, vòng hoa. 11- Sayanakathā: Nói chuyện về chỗ nằm, chỗ ở. 12- Ghandhakathā: Nói chuyện về mùi thơm, dầu thơm. 13- Ñātikathā: Nói chuyện về bà con, dòng họ. 14- Yānakathā: Nói chuyện về xe cộ. 15- Gāmakathā: Nói chuyện về xóm làng. 16- Nigamakathā: Nói chuyện về quận, huyện. 17- Nagarakathā: Nói chuyện về thành phố. 18- Janapadakathā: Nói chuyện về vùng quê, ngoại thành. 19- Itthikathā: Nói chuyện về đàn bà. 20- Purisakathā: Nói chuyện về đàn ông. 21- Kumārakathā: Nói chuyện về những chàng trai. 22- Kumārīkathā: Nói chuyện về những cô gái. 23- Surakathā: Nói chuyện về sự can đảm. 24- Visikhākathā: Nói chuyện về đường xá. 25- Kumbaṭṭhānakathā: Nói chuyện về bến nước. 26- Pubbapetakathā: Nói chuyện về bà con đã qua đời. 27- Nānattakathā: Nói những chuyện nhảm nhí. 28- Lokakkhāyika: Nói chuyện về thế giới tạo thiên lập địa. 29- Samuddakkhāyika: Nói chuyện về đại dương. 30- Itibhavābhavakathā: Nói chuyện về kiếp nhỏ, kiếp lớn luân hồi. 31- Araññakathā: Nói chuyện về rừng. 32- Pabbatakathā: Nói chuyện về núi,... * 10 Chuyện Có Ích (Kathāvatthu) [2] Đức Phật dạy có 10 chuyện nên nói đem lại lợi ích, đó là: 1- Appicchakathā: Nói chuyện về ít tham muốn. 2- Santutthikathā: Nói chuyện về biết tri túc. 3- Parivekakathā: Nói chuyện về hoan hỷ ở nơi thanh vắng. 4- Asaṃsaggakathā: Nói chuyện về sự sống không chung đụng nhiều người, nên sống riêng rẽ một mình. 5- Vīriyārambhakathā: Nói chuyện về sự cố gắng tinh tấn giải thoát khổ. 6- Sīlakathā: Nói chuyện về giới trong sạch và trọn vẹn. 7- Samādhikathā: Nói chuyện về định vững chắc. 8- Paññākathā: Nói chuyện về tuệ thấy rõ chân lý Tứ Thánh Đế. 9- Vimuttikathā: Nói chuyện về giải thoát khỏi phiền não. 10- Vimuttiñāṇadassanakathā: Nói chuyện về tri kiến giải thoát phiền não. Đó là 10 chuyện nên nói, nên đàm đạo. * Hai phận sự nên hành Đức Phật khuyên dạy chư Tỳ khưu rằng: ─ “Sannipatitānaṃ vo bhikkhave dvayaṃ karaṇīyaṃ dhammī vā kathā ariyo vā tuṇhibhāvo” [3]. “Này chư Tỳ khưu, đối với các con khi gặp mặt nhau có 2 việc nên làm là: Nói đúng pháp, hoặc nên im lặng như bậc Thánh”. * Trường hợp Đức Phật thuyết pháp Đức Thế Tôn tùy thời thuyết pháp chân lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, nếu không đem lại sự lợi ích, thì Đức Thế Tôn không thuyết pháp. Đức Thế Tôn biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau: ─ Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy. ─ Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy. ─ Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy. ─ Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, người nghe cũng không hài lòng, không hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy. ─ Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật và đem lại sự lợi ích, nhưng người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy. ─ Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật và đem lại sự lợi ích, người nghe cũng hài lòng, hoan hỷ. Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy. Nhận Xét Về 7 Giới 3 điều giới đầu liên quan đến sự sát sinh, sự trộm cắp và sự tà dâm có thể bị phạm do thân và khẩu; nhưng phần nhiều bị phạm do thân, cho nên phạm 3 điều giới này thuộc về thân ác nghiệp hoặc thân hành ác cũng gọi là tà nghiệp. 4 điều giới tiếp theo liên quan đến sự nói dối, sự nói lời chia rẽ, sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) và sự nói lời vô ích; có thể bị phạm do khẩu và thân, nhưng phần nhiều bị phạm do khẩu, cho nên phạm 4 điều giới này thuộc về khẩu ác nghiệp hoặc khẩu hành ác cũng gọi là tà ngữ. Điều Giới Thứ 8 Micchājīvā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Micchājīvā Þ Micchā + ājīvā + Micchā: Sai lầm, tà. + Ājīvā: Sinh mạng. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Micchājīvā: Sống bằng tà mạng. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa cách sống tà mạng. Giảng Giải Về Sự Tránh Xa Cách Sống Tà Mạng Micchājīvā: Sống tà mạng, nghĩa là nuôi mạng bằng thân hành ác, khẩu nói ác. ─ Thân hành ác là sát sinh, trộm cắp, tà dâm gọi là tà nghiệp. ─ Khẩu nói ác là nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích gọi là tà ngữ. Người nào sống bằng những thứ vật dụng như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh... là những thứ nhu cầu cần thiết cho cuộc sống được tạo ra bằng tà nghiệp (thân hành ác), tà ngữ (khẩu nói ác), thì người ấy được gọi là sống tà mạng (micchājīvā). Và người sống bằng tà mạng do làm 5 nghề buôn bán như: 1- Satthavāṇijjā: Làm nghề buôn bán vũ khí giết hại chúng sinh. 2- Sattavāṇijjā: Làm nghề buôn bán người để làm nô lệ, làm tôi tớ. 3- Maṃsavāṇijjā: Làm nghề giết gia cầm, gia súc để bán thịt. 4- Majjavāṇijjā: Làm nghề buôn bán các chất say như rượu, thuốc phiện, ma túy, thuốc lá,... 5- Visavāṇijjā: Làm nghề buôn bán các loại thuốc độc giết hại chúng sinh (người, các loài vật,...). Và các nghề cờ bạc, nghề cá độ ăn thua,... người nào sống bằng những thứ của cải được tạo ra do những nghề bất lương như vậy, thì người ấy được gọi là sống bằng tà mạng. Vấn: Điều giới tránh xa cách sống tà mạng, sống bằng chánh mạng như thế nào? Đáp: Người nào sống bằng chánh mạng là sống bằng những thứ của cải được tạo ra một cách hợp pháp, là tránh xa tà nghiệp (thân hành ác); tránh xa tà ngữ (khẩu nói ác); tránh xa 5 nghề buôn bán làm khổ chúng sinh; tránh xa nghề cờ bạc, nghề cá độ ăn thua,... Sống bằng chánh nghiệp, chánh ngữ, thì người ấy được gọi là sống bằng chánh mạng. Vấn: Trước kia, một người chưa hiểu biết cách sống bằng chánh mạng, mà sống bằng tà mạng. Người ấy đã tạo ra những của cải bằng tà nghiệp do thân hành ác; bằng tà ngữ do khẩu nói ác; bằng nghề buôn bán bất lương làm khổ chúng sinh, v.v... Về sau, được nghe chánh pháp, hiểu biết chánh pháp, người ấy đã tránh xa cách sống tà mạng, đã từ bỏ cách sống tà mạng, sống bằng chánh mạng. Nhưng những của cải sự nghiệp như nhà cửa ruộng đất, những thứ vật dụng, đồ dùng, v.v... đã có trước kia được tạo ra bằng tà nghiệp do thân hành ác; bằng tà ngữ do khẩu nói ác; hoặc bằng nghề buôn bán bất lương làm khổ chúng sinh. Như vậy, người ấy có thể tiếp tục sử dụng những thứ của cải bất hợp pháp ấy được không? Nếu người ấy sử dụng những thứ của cải bất hợp pháp ấy, thì có gọi người ấy sống bằng tà mạng hay không? Đáp: Sau khi hiểu biết chánh pháp, tránh xa cách sống tà mạng, từ bỏ cách sống tà mạng, người tại gia ấy có thể tiếp tục sử dụng những thứ của cải bất hợp pháp cũ đã có từ trước kia cho đến hết (mà không tạo ra thêm những thứ của cải bất hợp pháp mới). Người ấy chỉ làm những nghề lương thiện mà thôi. Như vậy, tuy thân vẫn còn sử dụng những thứ của cải bất hợp pháp cũ còn lại, nhưng tâm người ấy đã tránh xa tà nghiệp (thân hành ác); đã tránh xa tà ngữ (khẩu nói ác); đã tránh xa các nghề buôn bán bất lương… thì không thể gọi người ấy sống bằng tà mạng, mà nên gọi người ấy sống bằng chánh mạng. Ví dụ: Trong bộ chú giải Pháp Cú, tích ông đao phủ tên Tambadāṭhikacoraghātaka [4] ông hành nghề giết tội nhân trộm cướp theo lệnh của Đức vua suốt 55 năm để nuôi mạng. Đến khi tuổi già sức yếu, ông xin nghỉ việc về hưu. Một hôm Ngài Đại đức Sāriputta đi khất thực, ông thỉnh Ngài vào trong nhà để làm phước bố thí vật thực. Ngài Đại đức Sāriputta thuyết pháp tế độ ông. Sau khi nghe pháp xong, ông đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy. Cùng trong chú giải Pháp Cú, tích người thợ săn tên Kukkuṭamitta [5] làm nghề săn bắn thú rừng nuôi sống cả gia đình gồm người vợ, 7 đứa con trai và 7 đứa con dâu (bà vợ của người thợ săn là bậc Thánh Nhập Lưu từ khi còn con gái. Khi kết hôn với người thợ săn, bà sinh được 7 đứa con trai). Một hôm Đức Phật ngự đến thuyết pháp tế độ họ, người thợ săn cùng với 7 người con trai và 7 người con dâu, đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Từ đó về sau, tất cả gia đình đều tuyệt đối tránh xa sự sát sinh săn thú rừng; vĩnh viễn từ bỏ sự sát sinh săn thú rừng để nuôi mạng, trở lại hành nghề lương thiện nuôi mạng chân chính, gọi là họ sống bằng chánh mạng. Vấn: Một người thích săn bắn thú rừng hoặc thích câu cá,… xem như thú vui tiêu khiển. Vậy, người ấy có phải sống bằng tà mạng hay không? Đáp: Người ấy thích săn bắn thú rừng hoặc thích câu cá,… xem như thú vui tiêu khiển, không liên quan đến vấn đề nuôi mạng. Cho nên người ấy không phạm điều giới sống bằng tà mạng, mà chỉ phạm điều giới sát sinh (tà nghiệp) mà thôi. Tương tự, một người nói dối lừa gạt người khác cho vui, không liên quan đến vấn đề nuôi mạng, thì người ấy không phải sống bằng tà mạng, mà chỉ phạm điều giới nói dối (tà ngữ) mà thôi. ─ Nếu người nào làm nghề sát sinh để nuôi mạng, thì người ấy phạm điều giới sát sinh (tà nghiệp) và phạm điều giới sống bằng tà mạng sát sinh. ─ Nếu người nào nói dối lường gạt người khác để lấy của cải về nuôi mạng, thì người ấy phạm điều giới nói dối (tà ngữ) và phạm điều giới sống bằng tà mạng nói dối. * Bậc xuất gia sống bằng chánh mạng ─ Bậc xuất gia là Tỳ khưu, Sadi sống bằng chánh mạng và người tại gia là cận sự nam, cận sự nữ sống bằng chánh mạng có những điểm khác biệt nhau như thế nào? Bậc xuất gia là Tỳ khưu, Sadi tránh xa cách sống tà mạng, sống bằng chánh mạng cần phải thực hành theo đúng giới luật mà Đức Phật đã chế định và ban hành. Đức Phật không cho phép vị Tỳ khưu hành nghề thầy thuốc, thầy bói, thầy xem tướng số,… và các ngành nghề khác. Nếu Tỳ khưu nào làm nghề như vậy, Tỳ khưu ấy bị phạm điều giới (āpatti). Và những thứ vật dụng được phát sinh do hành nghề ấy gọi là những thứ vật dụng không hợp pháp. Do đó, vị Tỳ khưu phạm điều giới ấy không thể sử dụng được những thứ vật dụng không hợp pháp ấy, và tất cả chư Tỳ khưu khác, dù biết hay không biết, cũng không thể sử dụng được. Cho nên, vị Tỳ khưu ấy chỉ phải xả bỏ mà thôi. Đức Phật chế định những điều giới đối với vị Tỳ khưu sống bằng tà mạng: * Bởi vì sống bằng tà mạng thấp hèn, Tỳ khưu tự khoe khoang pháp của bậc Thánh mà chính mình không có, Tỳ khưu ấy phạm điều giới Bất cộng trụ (Pārājika) (không còn phẩm hạnh Tỳ khưu nữa). * Bởi vì sống bằng tà mạng, Tỳ khưu làm mai mối cho người nam và người nữ kết hôn thành vợ chồng, Tỳ khưu ấy phạm điều giới Tăng tàn (Saṃghādisesa). * Bởi vì sống bằng tà mạng, Tỳ khưu nói gián tiếp trong chùa có vị Thánh Nhân, Tỳ khưu ấy phạm điều giới Trọng (Thullaccaya). * Bởi vì sống bằng tà mạng, Tỳ khưu không có bệnh xin vật thực ngon để dùng, Tỳ khưu ấy phạm điều giới Ưng đối trị (Pācittiya). * Bởi vì sống bằng tà mạng, Tỳ khưu độ vật thực như cơm, canh,… không đàng hoàng, Tỳ khưu ấy phạm điều giới Tác ác (Dukkaṭa). Để nâng cao đời sống trở nên cao thượng, tất cả những bậc xuất gia và mọi người tại gia phải nên giữ gìn giới tránh xa cách sống tà mạng, chỉ sống bằng chánh mạng mà thôi. Nhận Xét Về Ngũ Giới Và Bát Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Ngũ giới và bát giới ājīvaṭṭhamakasīla có điểm giống nhau và khác nhau: Ngũ giới và bát giới ājīvaṭṭhamakasīla (giới thứ 8 sống bằng chánh mạng) là 2 loại giới chung cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo nào, dân tộc nào. Dù thọ trì hay không thọ trì 2 loại giới này, hễ người nào phạm đến giới nào, thì người ấy vẫn bị phạm tội của giới ấy. Tội nặng hoặc tội nhẹ tùy theo tác ý bất thiện và đối tượng làm cho phạm giới. Bát giới ājīvaṭṭhamakasīla có nhiều điểm đặc biệt hơn ngũ giới. 4 điều giới đầu của bát giới ājīvaṭṭhamakasīla là: Giới tránh xa sự sát sinh, giới tránh xa sự trộm cắp, giới tránh xa sự tà dâm và giới tránh xa sự nói dối có trong ngũ giới. Còn lại 4 điều giới sau không có trong ngũ giới. Trong giới ājīvaṭṭhamakasīla, gồm có đủ 3 chánh: Chánh nghiệp, chánh ngữ và chánh mạng. * Chánh nghiệp có 3 thân thiện nghiệp là: - Tránh xa sự sát sinh. - Tránh xa sự trộm cắp. - Tránh xa sự tà dâm. * Chánh ngữ có 4 khẩu thiện nghiệp là: - Tránh xa sự nói dối. - Tránh xa sự nói lời chia rẽ. - Tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). - Tránh xa sự nói lời vô ích. * Chánh mạng là tránh xa cách sống tà mạng do thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp; chỉ sống bằng chánh mạng mà thôi. Ngũ giới là giới cơ bản của con người, làm nền tảng để cho dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp phát sinh và phát triển. Bát giới ājīvaṭṭhamakasīla (giới thứ 8 sống bằng chánh mạng) cũng là giới cơ bản của con người, không những làm nền tảng cho dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp phát sinh và phát triển, mà còn đặc biệt để cho thiện pháp Siêu tam giới phát sinh và phát triển. Bởi vì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla gồm có đủ 3 chánh: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng thuộc về phần giới trong Bát Chánh Đạo. Mỗi khi Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định đồng sinh trong Thánh Đạo Tâm và Thánh Quả Tâm đặc biệt chỉ có đối tượng Niết Bàn mà thôi. Như vậy, ngũ giới không những có một tầm quan trọng giữ gìn duy trì địa vị con người được vững chắc mà còn nhờ thiện nghiệp này làm nền tảng nâng cao kiếp sau có thể trở thành chư thiên hoặc phạm thiên. Bát giới ājīvaṭṭhamakasīla có một tầm quan trọng hơn ngũ giới. Bát giới này là thiện nghiệp làm nền tảng không những nâng cao kiếp sau trở thành chư thiên hoặc phạm thiên, mà còn có thể nâng cao con người trở thành bậc Thánh Nhân ngay trong kiếp hiện tại này. Bởi vậy cho nên, bát giới ājīvaṭṭhamakasīla có một tầm quan trọng cho cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Người nào thọ trì, giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla (giới thứ 8 sống bằng chánh mạng) trong sạch và trọn vẹn, thì ngay trong kiếp hiện tại được an lạc, và quả báu của bát giới này rất lớn, được thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti) và thành tựu chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti). Giới Ādibrahmacariyakasīla Là Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Trong bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) gọi giới ādibrahmacariyakasīla: Giới ban đầu thực hành phạm hạnh cao thượng (thực hành Tứ niệm xứ), giới ấy chính là giới ājīvaṭṭhamakasīla gồm có 8 giới mà giới thứ 8 là tránh xa cách sống tà mạng. Trong 8 giới này có đầy đủ 3 chánh: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. 3 chánh này thuộc về phần giới trong Bát chánh đạo. Cho nên, hành giả thực hành pháp hành Tứ niệm xứ hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ, cần phải thọ trì giới ājīvaṭṭhamakasīla, rồi giữ gìn giới này cho được trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, để làm nền tảng thực hành pháp hành Tứ niệm xứ hay thực hành pháp hành thiền tuệ cho được phát triển. Cho nên, giới ājīvaṭṭhamakasīla không những đóng vai trò quan trọng trong tam giới mà còn có tầm quan trọng trong pháp Siêu tam giới nữa.
Những Tích Chuyện Liên Quan Đến Phạm Điều Giới Ājīvaṭṭhamakasīla * Quả xấu của sự phạm điều giới nói lời chia rẽ * Tích Ngạ Quỷ Sūciloma Trong kinh Sūcilomasutta [6] , được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna và Ngài Đại đức Lakkhaṇa ở tại núi Gijjhakūṭa. Một buổi sáng, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna và Ngài Đại đức Lakkhaṇa đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực. Từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna nhìn thấy ngạ quỷ có lông kim đâm thật kỳ quái, Ngài mỉm cười [7] . Khi ấy, Ngài Đại đức Lakkhaṇa hỏi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna rằng: ─ Kính thưa pháp huynh Mahāmoggallāna, do nhân duyên nào mà pháp huynh mỉm cười. Ngài Đại đức Mahāmoggallāna trả lời rằng: ─ Này pháp hữu Lakkhaṇa, bây giờ không phải lúc trả lời. Pháp hữu hãy hỏi, khi có Đức Thế Tôn hiện diện. Hai vị Đại đức đi vào kinh thành Rājagaha khất thực. Sau khi độ vật thực xong, hai vị Đại đức cùng nhau đến ngôi chùa Veḷuvana đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Đại đức Lakkhaṇa hỏi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna rằng: ─ Kính thưa pháp huynh Mahāmoggallāna, khi từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, do nhân duyên nào mà pháp huynh mỉm cười? Ngài Đại đức Mahāmoggallāna trả lời rằng: ─ Khi từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, tôi nhìn thấy ngạ quỷ có lông kim đâm lơ lửng trên hư không; những lông kim ấy đâm từ đầu ra miệng, đâm từ miệng ra ngực, đâm từ ngực ra bụng, đâm từ bụng ra 2 vế non, đâm từ 2 vế non ra 2 bắp chân, đâm từ 2 bắp chân ra 2 bàn chân. Ngạ quỷ ấy đau đớn khóc than thảm thiết. Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy chư Tỳ khưu rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử là người có nhãn thông, có trí tuệ, có khả năng nhìn thấy, biết rõ ngạ quỷ ấy đúng như vậy, có thể làm chứng được. Thật ra, trước đây, Như Lai đã từng gặp ngạ quỷ có lông kim đâm ấy, nhưng chưa cho các con biết có loài ngạ quỷ như vậy. Khi ấy Như Lai nói ra, nếu người nào không tin Như Lai, thì điều ấy sẽ đem lại sự bất lợi, làm họ khổ lâu dài. Này chư Tỳ khưu, tiền kiếp của ngạ quỷ có lông kim đâm này là người phạm điều giới nói lời chia rẽ, làm cho mọi người trong kinh thành Rājagaha mất đoàn kết. * Tích Ngạ Quỷ Đầu Heo Trong Chú giải Pháp Cú (Dhammapadaṭṭhakathā). Khi Đức Phật ngự ở tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha, Ngài đề cập đến ngạ quỷ đầu heo (sūkarapetavatthu [8]), được tóm lược như sau: Một hôm, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna và Ngài Đại đức Lakkhaṇa cùng nhau đi khất thực, từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, đến một nơi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna nhìn thấy ngạ quỷ thật kỳ quái, rồi Ngài mỉm cười. Ngài Đại đức Lakkhaṇa hỏi rằng: ─ Kính thưa pháp huynh Mahāmoggallāna, do nhân duyên nào mà pháp huynh mỉm cười. Ngài Đại đức Mahāmoggallāna bảo rằng: ─ Này pháp hữu Lakkhaṇa, bây giờ tôi chưa có thể trả lời được. Pháp hữu chờ khi trở về, chúng ta cùng đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, khi ấy, tôi sẽ trả lời cho pháp hữu rõ. Hai vị Đại đức đi vào kinh thành Rājagaha khất thực. Sau khi độ vật thực xong, hai vị Đại đức cùng đến ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Đại đức Lakkhaṇa hỏi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna rằng: ─ Kính thưa pháp huynh Mahāmoggallāna, khi từ trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, do nhân duyên nào mà pháp huynh mỉm cười? Ngài Đại đức Mahāmoggallāna trả lời rằng: ─ Này pháp hữu Lakkhaṇa, khi ấy tôi nhìn thấy một ngạ quỷ thật kỳ quái, nó cao khoảng 3 gāvuta [9] thân hình của nó giống người, cái đầu giống đầu heo, trong miệng của nó có mọc một cái đuôi, các con dòi chảy ra từ miệng. Tôi chưa từng thấy một ngạ quỷ kỳ quái như vậy. Đó là nhân duyên làm cho tôi mỉm cười. Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng: ─ “Này chư Tỳ khưu, chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Như Lai, có nhãn thông nhìn thấy được ngạ quỷ có thân hình kỳ quái ấy đúng như vậy! Trước đây, chính Như Lai cũng đã từng gặp ngạ quỷ có thân hình kỳ quái ấy, nhưng Như Lai chưa cho các con biết, vì nói ra có người không tin sẽ có hại cho họ. Bây giờ Như Lai nói, vì có Moggallāna làm chứng. Này chư Tỳ khưu, Moggallāna thuật lại thấy ngạ quỷ có thân hình kỳ quái như vậy là hoàn toàn đúng với sự thật”. Lắng nghe lời dạy của Đức Phật, chư Tỳ khưu bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, tiền kiếp ngạ quỷ này đã tạo ác nghiệp thế nào, mà kiếp này là ngạ quỷ có thân hình kỳ quái như vậy, bạch Ngài. Đức Thế Tôn dạy rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, như vậy, các con hãy lắng nghe, trong tiền kiếp ngạ quỷ ấy đã tạo ác nghiệp được tóm lược như sau: “Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, có hai vị Đại đức rất thương yêu kính mến nhau, cùng sống chung trong một ngôi chùa làng. Một vị có 60 hạ và vị kia có 56 hạ; vị Đại đức nhỏ hạ hết lòng tôn kính vị Đại đức cao hạ Hằng ngày, vị Đại đức nhỏ hạ cung kính làm mọi phận sự như đem nước uống, nước dùng, quét dọn, giặt y,… cho vị Đại đức cao hạ. Khi vị Đại đức cao hạ đi khất thực, thì vị Đại đức nhỏ hạ mang y và bát theo sau… vị Đại đức nhỏ hạ làm mọi phận sự như một vị Sadi cung kính phục vụ vị thầy của mình. Hai vị Đại đức sống chung hòa thuận với nhau như hai anh em ruột cùng cha mẹ sinh ra. Một hôm, có một vị Pháp sư đến chùa, nhằm vào ngày thuyết pháp; hai Ngài Đại đức kính thỉnh vị Pháp sư thuyết pháp. Sau khi lắng nghe pháp xong, hai Ngài phát sinh đức tin vô cùng hoan hỷ. Ngày hôm sau, hai vị Đại đức thỉnh vị Pháp sư cùng đi vào xóm làng khất thực, sau khi thọ thực xong, hai vị Đại đức thỉnh vị Pháp sư thuyết pháp tế độ những thí chủ. Nghe pháp rất hoan hỷ, những người thí chủ kính thỉnh vị Pháp sư mỗi ngày đi khất thực, để họ có cơ hội tốt cúng dường vật thực và nghe pháp. Vị Pháp sư nghĩ rằng: “Hai vị Đại đức này dễ dạy, những thí chủ nơi đây có đức tin nơi ta, vậy ta nên tìm cách làm cho hai vị Đại đức bỏ ngôi chùa này đi nơi khác, chỉ có một mình ta ở lại ngôi chùa này, thì lợi ích biết dường nào!” Sau khi suy nghĩ xong, lén tìm đến chỗ ở của vị Đại đức cao hạ, vị Pháp sư bịa chuyện thưa với vị Đại đức cao hạ rằng: ─ Thưa Ngài, tôi xin nói nhỏ cho Ngài biết, vị Đại đức nhỏ hạ nói xấu Ngài, còn khuyên tôi không nên gần gũi thân cận với Ngài. Ban đầu, vị Đại đức cao hạ không tin rằng đó là sự thật, bởi vì từ lâu họ đã sống chung với nhau như tình huynh đệ. Và lại lén tìm đến vị Đại đức nhỏ hạ, vị Pháp sư bịa chuyện thưa với vị Đại đức nhỏ hạ rằng: ─ Thưa Ngài, tôi xin nói nhỏ cho Ngài biết, vị Đại đức cao hạ nói xấu Ngài, còn khuyên tôi không nên gần gũi thân cận với Ngài. Ban đầu, vị Đại đức nhỏ hạ không tin rằng đó là sự thật, bởi vì từ lâu họ đã sống chung với nhau như tình huynh đệ. Vị Pháp sư cố gắng bịa chuyện nói như vậy nhiều lần, khiến gây ra sự ngờ vực giữa hai vị Đại đức, rồi từ ngờ vực lẫn nhau, phát sinh hiểu lầm nhau, dẫn đến tin rằng: Điều mà vị Pháp sư nói có lẽ là sự thật! Như thường ngày, đến giờ đi khất thực, vị Đại đức nhỏ hạ đến đảnh lễ vị Đại đức cao hạ xin nhận mang y bát theo sau, nhưng sáng hôm ấy vị Đại đức cao hạ không cho vị Đại đức nhỏ hạ nhận y bát của mình, mỗi vị Đại đức đi khất thực riêng rẽ. Khi xảy ra sự bất bình giữa hai vị Đại đức với nhau, cả hai vị Đại đức đều bỏ ngôi chùa đi mỗi người mỗi hướng, một vị Đại đức đi về hướng Đông, còn vị Đại đức khác đi về hướng Tây. Chỉ còn lại một mình vị Pháp sư đi vào xóm làng khất thực, những người thí chủ bạch hỏi đến hai vị Đại đức ấy, vị Pháp sư nói rằng: ─ Ngày hôm qua hai vị Đại đức ấy có chuyện bất hòa, cãi cọ với nhau, bần sư đã cố gắng hết sức khuyên bảo giải hòa, nhưng không được, cho nên hai vị Đại đức đã đi khỏi ngôi chùa, mỗi người mỗi hướng. Vị Đại đức cao hạ nghĩ rằng: “Ác nghiệp của vị nhỏ hạ nặng thật, đã nói xấu ta, lại còn khuyên vị Pháp sư không nên gần gũi thân cận với ta”. Và vị Đại đức nhỏ hạ cũng nghĩ rằng: “Ác nghiệp của vị cao hạ nặng thật, đã nói xấu ta, lại còn khuyên vị Pháp sư không nên gần gũi thân cận với ta”. Vì vậy, hai vị Đại đức mỗi vị đi một con đường suốt 100 năm; tâm của hai vị không được an lạc. Một hôm, vị Đại đức cao hạ đến tạm trú tại một ngôi chùa; về sau, vị Đại đức nhỏ hạ cũng ghé vào tạm trú tại ngôi chùa ấy, ngẫu nhiên hai vị Đại đức gặp lại nhau. Vị Đại đức cao hạ nhận biết vị Đại đức nhỏ hạ, và vị Đại đức nhỏ hạ cũng nhận biết vị Đại đức cao hạ, hai vị Đại đức vô cùng cảm động và đều trào nước mắt. Vị Đại đức nhỏ hạ đảnh lễ vị Đại đức cao hạ xong, rồi bạch rằng: ─ Kính thưa pháp huynh, trong thời gian qua, tất cả mọi phận sự mà pháp đệ đã làm do thân và khẩu đã bị phạm những lỗi lầm gì làm phật ý pháp huynh hay không? Vị Đại đức cao hạ suy xét kỹ rồi trả lời rằng: ─ Này pháp đệ, pháp huynh chưa từng thấy lỗi lầm nào cả. ─ Kính thưa pháp huynh, như vậy, tại sao pháp huynh nói xấu pháp đệ với vị Pháp sư, và khuyên vị Pháp sư không nên gần gũi thân cận với pháp đệ? Vị Đại đức cao hạ khẳng định rằng: ─ Này pháp đệ, pháp huynh không bao giờ nói như vậy với vị Pháp sư ấy. Và chính vị Pháp sư đã nói với pháp huynh rằng: “Pháp đệ nói xấu pháp huynh với vị Pháp sư ấy, và khuyên vị Pháp sư không nên gần gũi thân cận với pháp huynh”. ─ Nghe vậy, vị Đại đức nhỏ hạ khẳng định chắc chắn rằng: ─ Kính thưa pháp huynh, pháp đệ không bao giờ dám nói xấu pháp huynh với vị Pháp sư, và cũng không bao giờ khuyên vị Pháp sư không nên gần gũi thân cận với pháp huynh. Ngay lúc ấy, hai vị Đại đức mới hiểu rõ rằng: Vị pháp sư có mưu đồ đen tối bịa chuyện nói lời chia rẽ, gây ra sự hiểu lầm giữa hai vị Đại đức huynh đệ thân thiết như ruột thịt, làm cho hai vị Đại đức giận hờn nhau bỏ đi mỗi vị một hướng, để ngôi chùa lại cho vị Pháp sư. Bây giờ đã hiểu biết rõ như vậy, nên hai vị Đại đức sám hối lẫn nhau, tình huynh đệ trở lại thân thiết như xưa. Hai vị Đại đức cùng nhau trở về ngôi chùa cũ, vị Pháp sư giả vờ tỏ vẻ vui mừng đón rước, nhưng do đã biết rõ thái độ giả dối của vị Pháp sư, nên hai vị Đại đức nói rằng: ─ Này vị Pháp sư, Ngài không còn xứng đáng ở tại ngôi chùa này nữa, Ngài hãy đi nơi khác. Biết âm mưu của mình đã bị bại lộ, vị Pháp sư liền đi ra khỏi chùa ngay tức thì. Vị Pháp sư đã xuất gia suốt 20.000 năm trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Tuy vị Pháp sư thuyết pháp hay, nhưng đã phạm điều giới nói lời chia rẽ hai vị Đại đức có giới, cho nên sau khi chết, do khẩu ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, từ thời kỳ Đức Phật Kassapa. Khi mãn quả ác nghiệp ấy, được ra khỏi cõi địa đại ngục Avīci, cũng do ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy, lại cho quả tái sinh làm ngạ quỷ có hình thù kỳ quái đầu heo như vậy”. Tuy vị Pháp sư thuyết pháp hay, nói đạo giỏi, xuất gia từ thời kỳ Đức Phật Kassapa, nhưng không thể tránh khỏi 4 cõi ác giới, bởi vì phạm điều giới nói lời chia rẽ hai vị Đại đức có giới. Trong vòng tử sinh luân hồi từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama vẫn chưa thoát khỏi 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. * Người phạm điều giới nói lời thô tục Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, Ngài đề cập đến tiền kiếp của Ngài Đại đức Jambuka [10] đã nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bậc Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, được tóm lược như sau: Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, một người thí chủ giàu, có đức tin nơi Tam Bảo, tạo dựng một ngôi chùa xong, rồi thỉnh vị Đại đức làm trụ trì tại ngôi chùa ấy và xin hộ độ 4 thứ vật dụng: Y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh,... Hằng ngày, vị Đại đức trụ trì đến độ ngọ tại nhà thí chủ. Một hôm, một vị Đại đức Tăng khách là bậc Thánh Arahán du hành khất thực đến đứng trước cổng nhà người thí chủ ấy, Ngài biết thu thúc lục căn thanh tịnh thật đáng tôn kính. Nhìn thấy Ngài Đại đức Tăng khách, người thí chủ liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài; người thí chủ ra tận cổng, kính thỉnh Ngài vào trong nhà, thỉnh Ngài ngồi chỗ cao quý, rồi kính dâng vật thực đến Ngài Đại đức Tăng khách một cách cung kính; thấy tấm y của Ngài đã cũ, người thí chủ xin phép dâng đến Ngài tấm y mới; thấy tóc Ngài hơi dài, người thí chủ xin phép gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài; người thí chủ kính thỉnh Ngài đến nghỉ tại chùa, và xin phép mang một chiếc giường đến dâng Ngài,… Vị Đại đức trụ trì đang ngồi trong nhà thí chủ, theo dõi nhìn thấy người thí chủ hết lòng thành kính đối với vị Đại đức Tăng khách như vậy, nên phát sinh tâm ganh tỵ, rồi nghĩ rằng: “Mới gặp vị Đại đức Tăng khách này, mà người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần săn sóc đến như thế; còn ta đến đây độ ngọ mỗi ngày, mà ta đâu có được người thí chủ này đối xử như vậy”. Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại đức Tăng khách đến nghỉ tại ngôi chùa, cung kính tiễn đưa Ngài Đại đức Tăng khách và Ngài Đại đức trụ trì trở về chùa, người thí chủ kính dâng một tấm y mới đến Ngài Đại đức Tăng khách; gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài; kính dâng đến Ngài một chiếc giường, kính thỉnh Ngài sử dụng chiếc giường ấy để cho thí chủ có được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài. Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại đức Tăng khách và Ngài Đại đức trụ trì sáng ngày hôm sau đến nhà ông độ ngọ. Người thí chủ cung kính đảnh lễ hai vị Đại đức, rồi xin phép trở về nhà. Theo dõi thấy người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần săn sóc chu đáo vị Đại đức Tăng khách, vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ không sao chịu nổi được, nên vội vàng đến chỗ ở của Ngài, buông lời chửi mắng Ngài Đại đức Tăng khách, bậc Thánh Arahán 4 điều là: ─ Này ông Tăng khách! - Ông nên ăn phẩn hơn là độ vật thực của nhà thí chủ. - Ông nên ở truồng hơn là mặc tấm y của nhà thí chủ. - Ông nên nằm trên mặt đất hơn là nằm trên giường của nhà thí chủ. - Ông nên tự nhổ tóc hơn là để cho người thí chủ gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho ông. Nghe lời chửi mắng như vậy, Ngài Đại đức Tăng khách nghĩ rằng: “Xin cho vị Đại đức trụ trì này đừng có bị tai hại vì ta”. Ngài Đại đức Tăng khách nghỉ lại một đêm tại ngôi chùa ấy, khi thức dậy, không quan tâm đến lời thỉnh mời hôm trước của người thí chủ, từ sáng sớm Ngài đã lặng lẽ đi ra khỏi chùa du hành đến nơi khác. Sáng hôm ấy, sau khi làm mọi công việc trong chùa xong, đến giờ đi khất thực, vị Đại đức trụ trì dùng ngón tay búng nhẹ vào cái chuông báo hiệu giờ đi khất thực, rồi một mình đi đến nhà người thí chủ. Người thí chủ đảnh lễ Ngài Đại đức trụ trì xong, bèn bạch rằng: ─ Kính bạch Ngài, Ngài đến đây một mình, còn Ngài Đại đức Tăng khách sao chưa thấy đến. Bạch Ngài. Vị Đại đức trụ trì bảo rằng: ─ Này ông thí chủ, xin ông đừng nhắc đến vị ấy nữa. Hôm qua, sau khi ông trở về, vị Tăng khách ấy vào phòng ngủ. Sáng nay sư thức dậy sớm làm mọi công việc quét dọn sạch sẽ bên trong, bên ngoài chùa, lấy nước uống, nước dùng… xong, đến giờ đi khất thực bần sư đã đánh chuông báo hiệu, mà vẫn chưa thấy vị ấy thức dậy, nên chỉ một mình bần sư đến đây. Người thí chủ nghĩ rằng: “Ngài Đại đức Tăng khách là bậc biết thu thúc lục căn thanh tịnh, đáng tôn kính như vậy, thì chắc chắn không phải là bậc ham mê ngủ như vị Đại đức trụ trì đã nói. Có lẽ vị Đại đức trụ trì thấy ta hết lòng tôn kính, ân cần chăm sóc chu đáo đặc bịêt vị Đại đức Tăng khách, cho nên vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ mà bịa chuyện nói xấu vị Đại đức Tăng khách ấy”. Người thí chủ kính dâng vật thực đến vị Đại đức trụ trì độ xong, đem bát rửa sạch sẽ, rồi để vật thực ngon lành vào đầy bát, mang đến kính dâng vị Đại đức trụ trì và bạch rằng: ─ Kính bạch Ngài, kính xin Ngài hoan hỷ mang bát vật thực này về chùa dâng lại cho vị Đại đức Tăng khách. Bạch Ngài. Vị Đại đức trụ trì nhận lấy bát đầy vật thực, trên đường về chùa Ngài nghĩ rằng: “Nếu vị ấy có được vật thực ngon như thế này, thì sẽ ở mãi ngôi chùa của ta, không dễ gì chịu đi nơi khác đâu!”. Nghĩ xong, vị Đại đức trụ trì đem cái bát đầy vật thực ấy đổ bỏ, rồi mang cái bát không trở về chùa. Khi đến chùa, vị Đại đức trụ trì đi vào chỗ ở của Ngài Đại đức Tăng khách, nhưng không còn thấy Ngài nữa. Từ đó về sau, vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm hối hận, nóng nảy khổ tâm, cho nên thực hành pháp hành thiền định hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ không thể phát triển được; bởi vì vị Đại đức trụ trì phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến Ngài Đại đức Tăng khách là một vị Thánh Arahán. Vị Đại đức trụ trì đã tạo khẩu ác nghiệp, lương tâm bị dày vò, duy trì sinh mạng đến 20.000 năm hết tuổi thọ. Sau khi chết, do khẩu ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu biết bao nhiêu nỗi khổ do quả của ác nghiệp mà mình đã tạo, suốt thời gian lâu dài, từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. * Quả của ác nghiệp khẩu chửi rủa mắng nhiếc bậc Thánh Arahán còn dư sót Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của vị Đại đức trụ trì ấy, do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh đầu thai vào một gia đình khá giả ở trong kinh thành Rājagaha. Đứa trẻ sinh ra đời được đặt tên là Jambuka, khi bé Jambuka lớn lên biết đi, nó có những tính cá biệt như: - Nó chỉ thích ăn phân của nó mà thôi, không chịu ăn món vật thực nào khác. Cha mẹ nó tưởng rằng: “Trẻ con còn nhỏ dại không biết nên ăn bậy”. - Nó chỉ thích nằm dưới đất mà thôi, không chịu nằm trên giường. - Nó chỉ thích ở truồng mà thôi, không chịu mặc quần áo gì cả (mặc dù trời lạnh hay trời nóng). Tuy đã lớn, nhưng cậu Jambuka vẫn thích ăn phân, không chịu ăn các món ăn khác; vẫn thích ở truồng, không chịu mặc quần áo; vẫn thích nằm trên mặt đất, không chịu nằm trên giường. Cha mẹ của cậu bàn tính với nhau rằng: ─ Tuy Jambuka đã lớn rồi, nhưng không biết hổ thẹn, không biết mắc cở; nó thích ở truồng, không chịu mặc quần áo; chúng ta nên cho Jambuka xuất gia theo phái ngoại đạo lõa thể, thì sẽ thích hợp với nó hơn là sống tại gia với chúng ta. Cha mẹ dẫn Jambuka đến nhóm ngoại đạo tu sĩ lõa thể, xin cho Jambuka được xuất gia theo nhóm tu sĩ này. Nhóm tu sĩ lõa thể chấp thuận cho Jambuka xuất gia theo họ, nhưng bắt buộc Jambuka phải nhổ tóc cho sạch, không được cạo tóc. Jambuka tự nhổ sạch tóc mới được xuất gia trở thành tu sĩ lõa thể. Cha mẹ của tu sĩ Jambuka mời tất cả tu sĩ lõa thể đến nhà ông để dùng cơm vào ngày hôm sau. Sáng hôm ấy, tất cả nhóm tu sĩ đều đến nhà cha mẹ của Jambuka, nhưng tu sĩ Jambuka xin phép ở lại tu viện một mình. Thấy tất cả nhóm tu sĩ vừa đi ra khỏi chùa, tu sĩ Jambuka đến hầm cầu dùng 2 bàn tay hốt phân ăn no đủ. Khi nhóm tu sĩ trở về, có mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng Jambuka không thọ nhận, bèn thưa rằng: ─ Con đã dùng vật thực no đủ rồi. Và những ngày kế tiếp… Jambuka vẫn xin phép ở lại tu viện một mình ăn phân no đủ. Nhóm tu sĩ mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng lần nào Jambuka cũng không nhận phần ăn ấy, mà thưa rằng: ─ Con đã dùng vật thực no đủ rồi. Nhóm tu sĩ sinh tâm hoài nghi rằng: “Tại sao Jambuka không dùng vật thực mà mình đem về? Vật thực mà Jambuka dùng mấy hôm vừa qua có từ đâu? Chúng ta nên cho người dò xét xem để biết sự thật”. Cũng như mọi ngày, tất cả nhóm tu sĩ lõa thể ra khỏi tu viện đi khất thực, nhưng đặc biệt hôm ấy còn hai vị tu sĩ lõa thể ở lại ẩn vào một chỗ kín đáo làm phận sự theo dõi tu sĩ Jambuka có được vật thực từ đâu? Thấy tất cả tu sĩ đã ra khỏi tu viện, tu sĩ Jambuka đi đến hầm cầu dùng 2 tay hốt phân ăn no đủ rồi đi ra, không hề hay biết có người đang theo dõi mình. Khi nhóm tu sĩ đi khất thực trở về, hai vị tu sĩ làm phận sự theo dõi tu sĩ Jambuka trình bày sự thật, mà họ đã tận mắt thấy cho mọi người cùng nghe. Nghe xong, nhóm tu sĩ lõa thể bàn tính với nhau rằng: ─ “Nếu chúng ta để Jambuka ở lại nơi đây, không sớm thì muộn đệ tử của Samôn Gotama hay biết, chắc chắn chúng ta sẽ mất uy tín, tiếng xấu sẽ lan tỏa đi khắp mọi nơi. Vậy chúng ta nên đuổi Jambuka ra khỏi tu viện”. Tu sĩ Jambuka bị đuổi ra khỏi tu viện, đi đến trú ở một nơi gần tảng đá, chỗ để cho mọi người đi đại tiện. Buổi tối, tu sĩ lõa thể Jambuka lén đến nơi đó lấy phân ăn, còn ban ngày y đứng một chân, một chân kia chống vào đầu gối; và một tay vịn vào tảng đá há miệng ngửa mặt nhìn trời. Một số đông người qua lại gặp tu sĩ lõa thể Jambuka hành hạnh lạ thường, đảnh lễ xong, bạch rằng: ─ Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng há miệng như vậy? Tu sĩ Jambuka đáp rằng: ─ Này quý vị, ta là người dùng vật thực bằng gió, chỉ có gió là vật thực của ta mà thôi, ngoài vật thực gió ra ta không dùng một thứ vật thực nào khác. ─ Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng một chân, còn một chân kia chống vào đầu gối như vậy? ─ Thưa quý vị, ta là người hành hạnh cao thượng, hạnh này có nhiều thần lực. Nếu ta đứng cả 2 chân trên mặt đất, thì sẽ làm cho mặt đất này rung chuyển. Vì vậy, ta chỉ đứng một chân mà thôi, còn chân kia chống vào đầu gối, suốt ngày đêm không ngồi, không nằm. Một số đông người kém trí tuệ, mê tín tin theo lời của tu sĩ Jambuka, họ tán dương ca tụng, cho đó là hạnh phi thường chưa từng thấy bao giờ! Một số đông dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem nhiều phẩm vật đến cúng dường, nhưng tu sĩ Jambuka không nhận một thứ nào cả. Tu sĩ Jambuka ở truồng, ăn phân, nằm trên mặt đất, nhổ tóc trải qua suốt 55 năm ròng rã. * Đức Phật ngự đến tế độ tu sĩ Jambuka Vào canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn quán xét với tâm đại bi xem chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ. Ngài thấy tu sĩ Jambuka hiện rõ trong màng lưới trí tuệ của Ngài. Đức Phật quán xét thấy tu sĩ Jambuka có duyên lành chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với tứ tuệ phân tích, và đồng thời có 84.000 chúng sinh cũng được chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn cùng với tu sĩ lõa thể Jambuka. Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự vào kinh thành Rājagaha để khất thực, khi trở về Đức Phật gọi Ngài Đại đức Ānanda dạy rằng: ─ Này Ānanda, Như Lai sẽ ngự đi một mình đến tế độ tu sĩ Jambuka. Chư thiên biết Đức Phật sẽ ngự đến chỗ ở dơ bẩn của tu sĩ Jambuka, cho nên, chư thiên làm một trận mưa lớn để rửa sạch nơi ấy, làm cho các loại cây đều trổ hoa tạo nên một phong cảnh sạch mát, xinh đẹp. Buổi chiều hôm ấy, Đức Thế Tôn ngự đến gặp tu sĩ Jambuka xin nghỉ trọ một đêm. Tu sĩ Jambuka một mực khước từ, y nói rằng: ─ Thưa Samôn, nơi đây không có chỗ cho Samôn nghỉ trọ một đêm đâu, xin Samôn hãy đi đến nơi khác. Đức Thế Tôn bèn hỏi Jambuka rằng: ─ Này Jambuka, ngươi có phải là tu sĩ lõa thể không? Tu sĩ Jambuka khẳng định trả lời rằng: ─ Này Samôn, ta là tu sĩ đạo lõa thể. ─ Này Jambuka, những đồ vật dụng của tu sĩ đạo lõa thể của ngươi để đâu mà ta không thấy? Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, tu sĩ Jambuka nổi giận, nói như xua đuổi rằng: ─ Này Samôn, nơi đây không có chỗ để Samôn nghỉ trọ đâu. ─ Này Jambuka, xin đừng nổi giận, xin ngươi chỉ cho Như Lai một chỗ ở. ─ Này Samôn, tùy Samôn tự tìm lấy chỗ ở. Đức Thế Tôn ngự đến một nơi không xa chỗ ở của tu sĩ Jambuka, Ngài trải tọa cụ ngồi nhập thiền. Canh đầu đêm, Đức Tứ Đại Thiên Vương từ 4 hướng cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh hào quang của các Ngài hiện rõ tỏa ra khắp một vùng trời. Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh sáng hào quang gì vậy, 4 vị ấy là ai mà đến hầu đảnh lễ Samôn ấy? Vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”. Canh giữa đêm, Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh hào quang hiện rõ tỏa ra khắp vùng rộng lớn hơn canh đầu đêm.Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh hào quang này lớn hơn lần trước, vị đến hầu đảnh lễ Samôn cũng có oai lực hơn 4 vị trước.Vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”. Vào canh chót đêm, một vị Đại Phạm Thiên đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh sáng hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước làm sáng tỏa cả khu rừng rộng lớn. Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước, vị đến hầu đảnh lễ Samôn cũng có nhiều oai lực hơn các vị trước. Chắc chắn vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”. Sáng hôm sau, tu sĩ Jambuka đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng: ─ Kính thưa Đại Samôn, canh đầu đêm hôm qua, 4 vị nào từ 4 hướng đến hầu đảnh lễ Ngài, 4 vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa ra một vùng như vậy? Bạch Ngài. Đức Phật dạy rằng: ─ Này Jambuka, 4 vị ấy là Tứ Đại Thiên Vương từ 4 hướng của cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. ─ Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Tứ Đại Thiên Vương. ─ Này Jambuka, Như Lai là Bậc cao thượng hơn Tứ Đại Thiên Vương, cho nên, Tứ Đại Thiên Vương đến hầu hạ Như Lai. ─ Kính thưa Đại Samôn, canh giữa đêm hôm qua, vị nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa ra một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài. ─ Này Jambuka, vị ấy là Đức vua Sakka trị vì cõi trời Tam Thập Tam Thiên. ─ Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn Đức vua trời Sakka. ─ Này Jambuka, Như Lai là Bậc cao thượng hơn Đức vua trời Sakka, cho nên, Đức vua trời Sakka như người nuôi bệnh của Như Lai, hay như một Sadi nhỏ hầu hạ Như Lai. ─ Kính thưa Đại Samôn, canh chót đêm hôm qua, vị nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa khắp một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài. ─ Này Jambuka, vị ấy là vị Đại Phạm Thiên. ─ Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Đại Phạm Thiên. ─ Này Jambuka, Như Lai là bậc cao thượng hơn cả vị Đại Phạm Thiên. ─ Kính thưa Đại Samôn, Ngài là Bậc cao thượng nhất, tôi hành hạnh cao thượng, chỉ đứng một chân, còn chân bên kia chống vào đầu gối; không ngồi, không nằm, ngửa mặt lên trời dùng gió làm vật thực trải qua 55 năm rồi, mà không có một chư thiên nào đến hầu hạ tôi cả. Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy tu sĩ Jambuka rằng: ─ “Này Jambuka, ngươi lừa dối được những người mê tín; ngươi không thể lừa dối được Như Lai đâu! Có phải trải qua suốt 55 năm, hằng ngày ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc. Thế mà ngươi đã lừa dối những người mê tín rằng: “Ngươi ăn vật thực bằng gió, đứng một chân, không ngồi, không nằm”. Như vậy, ngươi còn muốn lừa dối cả Như Lai nữa hay sao! Trong tiền kiếp, ngươi đã tạo khẩu ác nghiệp, kiếp hiện tại này ngươi phải chịu quả khổ của khẩu ác nghiệp còn dư sót, cho nên, ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc. ─ Bây giờ ngươi còn chấp thủ do tà kiến thấp hèn như vậy nữa hay sao?” Tu sĩ Jambuka kính thỉnh Đức Thế Tôn rằng: ─ Kính bạch Đại Samôn, khẩu ác nghiệp nào mà con đã tạo trong tiền kiếp quá khứ? Bạch Ngài. Đức Thế Tôn thuyết giảng cho biết về tiền kiếp của tu sĩ Jambuka. Tu sĩ đã từng là vị Tỳ khưu trụ trì đã tạo nghiệp khẩu nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đối với một vị Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Lắng nghe về khẩu ác nghiệp của mình như vậy, tu sĩ Jambuka phát sinh động tâm và vô cùng hổ thẹn với tội lỗi của mình, liền ngồi chồm hổm xuống. Đức Thế Tôn trao cho một tấm vải choàng tắm đến tu sĩ Jambuka, tu sĩ cung kính nhận tấm vải rồi mặc vào, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Jambuka. Sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp xong, tu sĩ Jambuka liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích. Đặc biệt đồng thời ngay khi ấy, khẩu ác nghiệp đã tạo đối với vị Thánh Arahán từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cũng đã mãn quả ác nghiệp ấy, hết hiệu lực cho quả xấu. Tu sĩ Jambuka kính xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia Sadi, Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Đức Thế Tôn quán xét thấy tu sĩ Jambuka có đủ phước thiện đã tạo trong những tiền kiếp, nhất là kiếp Tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật Kassapa suốt 20.000 năm, quả báu của thiện nghiệp được tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Do đó, 8 thứ vật dụng của Samôn có thể phát sinh như thần thông nhờ phước thiện ấy cho quả, nên Đức Thế Tôn dạy rằng: - “Ehi bhikkhu, cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya”. (Này Jambuka, hãy đến đây, con được trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện! Con nên thực hành phạm hạnh cao thượng dẫn đến tận cùng của khổ sinh). Khi Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy vừa dứt, tướng mạo của tu sĩ Jambuka liền biến mất. Và ngay khi ấy, Jambuka trở thành Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn, và có tăng tướng như một vị Đại đức có 60 hạ. Như mọi hôm, dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem những lễ vật đến cúng dường tu sĩ Jambuka. Hôm ấy họ gặp Đức Phật tại nơi ấy, cho nên họ suy nghĩ rằng: “Không biếtSamôn Gotama cao thượng hơn tu sĩ Jambuka vị thầy của họ, hay vị thầy của họ cao thượng hơn Samôn Gotama?”. Để phá tan sự hoài nghi của dân xứ Aṅga và xứ Magadha tại nơi ấy, Ngài Đại đức Jambuka xin Đức Thế Tôn cho phép Ngài nhập đệ tứ thiền, biến hóa thần thông bay lên hư không cao khoảng một cây thốt nốt, rồi bạch rằng:
-
“Satthā me Bhante Bhagavā.
Sāvako’ hamasmi”. Khi bạch xong, Đại đức Jambuka đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức Thế Tôn. Một lần nữa, Đại đức Jambuka bay lên cao khoảng 2 cây thốt nốt, 3 cây thốt nốt,…, 7 cây thốt nốt,… rồi bạch như lần trước xong đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức Thế Tôn. Tại nơi ấy, mọi người đã thấy và nghe rõ lời của Đại đức Jambuka, cho nên không còn hoài nghi nữa, họ đồng tán dương ca tụng Ân đức Phật thật phi thường! Khi ấy, Đức Phật thuyết một bài kệ, vừa chấm dứt bài kệ, có 84.000 chúng sinh đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo ba-la-mật của mỗi vị. * Nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có hậu quả như thế nào? Những nghệ sĩ chuyên nghiệp ca hát, nhảy múa, đánh đàn…; những tài tử là diễn viên trên sân khấu, những nghệ sĩ biểu diễn xiếc, v.v.. Những người này nuôi mạng sống bằng nghệ thuật ấy. - Có phải là chánh ngữ hay không? - Có phải là chánh nghiệp hay không? - Có phải là chánh mạng hay không? - Hậu quả của họ như thế nào? * Nghiệp và quả của nghiệp của người nghệ sĩ Để hiểu rõ những vấn đề này, nên tìm hiểu bài kinh Tālaputtasutta [11] Đức Phật dạy ông Tālaputta, được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, một nghệ sĩ nhảy múa ca hát tên Tālaputta đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xong ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe lời dạy của nghệ sĩ tài hoa, giỏi về nghệ thuật nhảy múa ca hát, những người ấy là bậc thầy, và bậc thầy của bậc thầy tiền bối nói rằng: “Những nghệ sĩ nào có tài nhảy múa ca hát, trình diễn, làm cho người xem, người nghe vui cười, hài lòng hoan hỷ. Khi nói chuyện hài hước, chuyện có thật hoặc chuyện không có thật trên sân khấu cốt để làm cho khán thính giả vui. Những nghệ sĩ ấy, sau khi chết, do nghiệp ấy sẽ cho quả tái sinh làm bạn của chư thiên Pahāsa”. Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều này, Đức Thế Tôn dạy như thế nào? Bạch Ngài. Đức Thế Tôn dạy rằng: ─ “Này Gāmaṇī, con không nên hỏi Như Lai về điều ấy”. Lần thứ nhì…, lần thứ ba cũng như trên rằng: “Những nghệ sĩ nào có tài trình diễn, nhảy múa, ca hát,... làm cho người xem, người nghe vui cười, hài lòng hoan hỷ. Khi nói chuyện hài hước, chuyện có thật, hoặc chuyện không có thật trên sân khấu, cốt để làm cho khán thính giả vui. Những nghệ sĩ ấy, sau khi chết, do nghiệp ấy sẽ cho quả tái sinh làm bạn của chư thiên Pahāsa”. Đức Thế Tôn dạy rằng: ─ Này Gāmaṇī, Như Lai đã dạy bảo con rằng: “Con không nên hỏi Như Lai về điều ấy”, nhưng con muốn biết. Vậy Như Lai sẽ trả lời cho con biết rõ rằng: Này Gāmaṇī, những người chưa diệt được tâm tham dục, bị phiền não tham dục chế ngự; khi xem, nghe người nghệ sĩ có tài trình diễn, nhảy múa, ca hát,… là đối tượng trên sân khấu, làm cho người xem, người nghe phát sinh tâm tham dục say mê trong đối tượng. Những người chưa diệt được tâm sân hận, bị phiền não sân hận chế ngự; khi xem, nghe người nghệ sĩ có tài trình diễn,… là đối tượng trên sân khấu, làm cho người xem, người nghe phát sinh tâm sân không hài lòng trong đối tượng. Những người chưa diệt được tâm si mê, bị phiền não si mê chế ngự; khi xem, nghe người nghệ sĩ có tài trình diễn,… là đối tượng trên sân khấu, làm cho người xem, người nghe phát sinh tâm si lầm lạc trong đối tượng. Chính người nghệ sĩ ấy say mê, dể duôi, đặt mình trong sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Cho nên, sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục gọi là cõi địa ngục Pahāsa. Này Gāmaṇī, nếu người nào hiểu rằng: “Những nghệ sĩ nào có tài trình diễn, nhảy múa, ca hát,… làm cho người xem, người nghe vui cười, hài lòng hoan hỷ. Khi nói chuyện hài hước, chuyện có thật hoặc chuyện không có thật trên sân khấu, cốt để làm cho khán thính giả vui. Những nghệ sĩ ấy, sau khi chết, do nghiệp ấy sẽ cho quả tái sinh làm bạn của chư thiên Pahāsa”. Sự hiểu của người ấy là sự hiểu sai lầm. Này Gāmaṇī, Như Lai dạy rằng: “Đối với người hiểu sai lầm ấy, có hai cõi tái sinh: Tái sinh trong cõi địa ngục hoặc tái sinh làm loài súc sinh”. Khi nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, nhà nghệ sĩ có tài nhảy múa ca hát tên gọi Tālaputta nước mắt trào ra, khóc tức tưởi. Ông Gāmaṇī cung kính bạch rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, con không phải khóc do điều mà Đức Thế Tôn đã dạy con, nhưng con đã khóc tức tưởi, bởi vì những nghệ sĩ có tài nhảy múa, ca hát,… là bậc thầy, và bậc thầy của bậc thầy tiền bối đã lừa con từ lâu rằng: “Những nghệ sĩ nào có tài nhảy múa, ca hát,…, làm cho người xem, người nghe vui cười, hài lòng hoan hỷ. Khi nói chuyện hài hước, chuyện có thật hoặc chuyện không có thật trên sân khấu, cốt để làm cho khán thính giả vui. Những nghệ sĩ ấy, sau khi chết, do nghiệp ấy sẽ cho quả tái sinh làm bạn của chư thiên Pahāsa”. Kính bạch Đức Thế Tôn, lời giáo huấn của Ngài thật rõ ràng lắm. Kính bạch Đức Thế Tôn, lời giáo huấn của Ngài thật rõ ràng lắm, Đức Thế Tôn thuyết pháp bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy; hoặc mở ra vật bị đóng chặt; hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường; hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối, để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ mọi vật hiện hữu. Con đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn, nơi Đức Pháp và chư Tỳ khưu Tăng. Kính bạch Đức Thế Tôn, con kính xin Đức Thế Tôn cho phép con được xuất gia Sadi và Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Khi đã được xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Thế Tôn xong, Ngài Đại đức Tālaputta ở nơi thanh vắng một mình, không dể duôi, tinh tấn không ngừng thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán.
Giới Uposathasīla Phàm mọi người tại gia cư sĩ đều phải giữ gìn ngũ giới là thường giới (niccasīla) và giữ gìn giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, để giữ gìn nhân phẩm của mình. Ngoài ra, đối với những người cận sự nam, cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng cần cố gắng tinh tấn giữ gìn bát giới uposathasīla, hoặc cửu giới uposathasīla, hoặc thập giới của người tại gia; tùy theo khả năng của mỗi người, để cho mọi thiện pháp phát sinh và phát triển.
III- Bát Giới Uposathasīla Bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới từ điều giới tránh xa sự sát sinh cho đến điều giới tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp. Bát giới uposathasīla này thuộc về kālapariyantasīla: Bát giới bị chấm dứt theo thời gian hạn định do phát nguyện thọ trì, đến khi qua thời gian ấy là chấm dứt, không còn hiệu lực nữa, rồi trở lại giới cơ bản cũ của mình đó là ngũ giới, bát giới ājīvaṭṭhamakasīla. Bát giới uposathasīla theo thời gian hạn định Theo Tam Tạng và các Chú giải, bát giới uposathasīla theo thời gian hạn định có nhiều loại như sau: * Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 4 ngày: Trong mỗi tháng có 4 ngày giới được thọ trì bát giới uposathasīla là những ngày mồng 8, ngày rằm (15), ngày 23 và ngày 30 tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm ngày 29). * Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 6 ngày: Trong mỗi tháng có 6 ngày giới được thọ trì bát giới uposathasīla là những ngày mồng 8, ngày 14, ngày rằm (15), ngày 23, ngày 29 và ngày 30 tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm ngày 28 và ngày 29). * Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 8 ngày: Trong mỗi tháng có 8 ngày giới được thọ trì bát giới uposathasīla là những ngày mồng 5, mồng 8, ngày 14, ngày rằm (15), ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm ngày 28 và ngày 29). * Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 20 ngày hoặc 19 ngày (kể thêm ngày đón rước trước 1 ngày và ngày tiễn đưa sau 1 ngày). Trong mỗi tháng có 8 ngày bát giới uposathasīla căn bản, là những ngày 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30. Để cho những ngày giới chính thức trọng thể, người hành giới chuẩn bị đón rước trước một ngày giới và tiễn đưa sau một ngày giới. Cho nên, trong một tháng những ngày bát giới uposathasīla là ngày (4) + 5 + (6), (7) + 8 + (9), (13) + 14 + 15 + (16), (19) + 20 + (21), (22) + 23 + (24), (28) + 29 + 30 + (1) tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm vào ngày (27) + 28 + 29 + (1). * Bát giới uposathasīla suốt 3 tháng an cư nhập hạ: Mỗi năm, từ ngày 16 tháng 6 cho đến ngày 16 tháng 9, suốt 3 tháng (chư Tỳ khưu an cư nhập hạ), một số cận sự nam, cận sự nữ cũng xin nguyện thọ trì bát giới uposathasīla rồi giữ gìn suốt 3 tháng an cư nhập hạ ấy. Khi chư Tỳ khưu Tăng mãn hạ, đồng thời bát giới upo-sathasīla của những cận sự nam, cận sự nữ cũng hết hạn. * Bát giới uposathasīla suốt đời: Đối với tu nữ đã xuất gia sống trong chùa, những người làm công quả sống trong chùa, những người trú trong chùa,... những người này thường xin nguyện thọ trì bát giới uposatha-sīla suốt đời ở trong chùa. Bát giới uposathasīla là thuộc về kālapariyantasīla: Bát giới bị chấm dứt theo thời gian hạn định do phát nguyện thọ trì. Thông thường, hành giả phát nguyện thọ trì giới upo-sathasīla, rồi giữ gìn trong ngày giới suốt 1 ngày 1 đêm kể từ buổi sáng sớm, lúc bình minh cho đến lúc bình minh của ngày hôm sau. Nhưng có những trường hợp đặc biệt như sau: ─ Hành giả không có cơ hội thọ trì bát giới uposathasīla từ sáng sớm lúc bình minh, thì đến giờ ngọ (12 giờ trưa), hành giả mới xin thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn từ thời gian đó cho đến bình minh của ngày hôm sau. ─ Hành giả không có cơ hội thọ trì bát giới uposathasīla trong ngày, thì đến lúc ban đêm, hành giả xin thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn suốt đêm cho đến lúc bình minh của ngày hôm sau. ─ Trường hợp hành giả đến chùa nghe pháp trong ngày giới, vị Pháp sư hướng dẫn quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn giới suốt thời gian lắng nghe pháp. Khi lắng nghe pháp xong, đồng thời bát giới uposathasīla của hành giả ấy cũng hết hạn. Do đó, bát giới uposathasīla thuộc về kālapariyantasīla: Bát giới bị chấm dứt theo thời gian hạn định do phát nguyện thọ trì. Bát giới uposathasīla có nhiều loại do căn cứ vào nhiều đối tượng khác nhau. Phước thiện thọ trì bát giới uposathasīla và giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, sẽ có được quả báu vô cùng phong phú và lớn lao trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, đặc biệt còn tạo nên duyên lành làm nền tảng cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ phát triển. Để hiểu rõ về bát giới uposathasīla, nên tìm hiểu bài kinh Uposathasīla. Bài Kinh Uposathasīla Đức Phật thuyết dạy giới uposathasīla có 3 loại trong bài kinh Uposathasīla [12] , được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Pubbārāma, trong lâu đài của bà Visākhā Migāramātā [13], gần kinh thành Sāvatthi. Sáng hôm ấy, nhằm ngày giới uposathasīla, bà Visākhā đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng: ─ Này Visākhā, hôm nay sao con đến đây từ sáng sớm vậy? ─ Kính bạc Đức Thế Tôn, hôm nay là ngày giới uposathasīla. Bạch Ngài. Khi ấy, Đức Thế Tôn bèn dạy rằng: ─ Này Visākhā, giới uposathasīla có 3 loại: 1- Gopāla uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla như người chăn bò. 2- Nigaṇṭha uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla như nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha. 3- Ariya uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla y như bậc Thánh Nhân. * Gopāla uposatha 1- Giữ gìn giới uposathasīla như người chăn bò như thế nào? Buổi chiều người chăn bò dẫn đàn bò trở về nộp vào chuồng cho người chủ bò xong (họ nhận tiền công) trở về nhà rồi tưởng nhớ rằng: “Hôm nay, ta đã dẫn đàn bò ăn cỏ nơi bãi đó, cho đàn bò uống nước nơi bến nước đó...; ngày mai, ta sẽ dẫn đàn bò đi ăn cỏ nơi bãi đó, sẽ cho đàn bò uống nước nơi bến nước đó...” như thế nào? Có một số người giữ gìn bát giới uposathasīla cũng như thế ấy, họ nghĩ tưởng rằng: “Hôm nay, ta ăn những món đồ ăn mềm này, nhai những món đồ ăn cứng kia; và ngày mai, ta sẽ ăn những món đồ ăn mềm này, sẽ nhai những món đồ ăn cứng kia”. Những hành giả ấy giữ gìn bát giới uposathasīla suốt ngày đêm trôi qua với tâm tham muốn ăn những món đồ ăn kia. ─ Này Visākhā, như vậy gọi là gopāla uposatha: Giữ gìn bát giới như người chăn bò (để mong nhận tiền công). Giữ gìn bát giới uposatha như vậy không có kết quả nhiều, không có quả báu nhiều, không làm cho giới được hiện rõ, không làm cho giới được lan rộng khắp mọi nơi. * Nigaṇṭha uposatha 2- Giữ gìn giới uposathasīla như nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha như thế nào? ─ Này Visākhā, một nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha dạy nhóm đệ tử của họ rằng: Này quý vị hãy lại đây! Trong hướng Đông, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được. Trong hướng Tây, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được. Trong hướng Nam, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được. Trong hướng Bắc, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được. Như vậy, nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dạy nhóm đệ tử của họ có lòng thương đến một số chúng sinh này, và không có lòng thương đến một số chúng sinh kia. Trong ngày giới uposathasīla, nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dạy nhóm đệ tử của họ rằng: Này quý vị hãy lại đây! Quý vị hãy nên cởi bỏ tất cả quần áo rồi tuyên bố rằng: “Ta không còn liên quan đến ai cả, nơi nào cả; và ta cũng không bận tâm dính mắc những gì trong thân, hay ngoài thân cả”. Nhưng cha mẹ của người ấy biết rõ rằng: “Người ấy là con của ta”. Và chính người ấy cũng biết rõ rằng: “Hai người ấy là cha mẹ của ta”. Vợ và con của người ấy biết rõ rằng: “Người ấy là chồng, là cha của ta”. Và chính người ấy cũng biết rõ rằng: “Người ấy là vợ, là con của ta”. Những người tôi tớ, người làm công của người ấy biết rõ rằng: “Người ấy là người chủ của chúng ta”. Và chính người ấy cũng biết rõ rằng: “Những người kia là người tôi tớ, là người làm công của ta”. Nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dạy nhóm đệ tử của họ nói lời chân thật, nhưng thật ra họ dạy nhóm đệ tử nói dối. Do đó, Như Lai nói: “Lời dạy của nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy là lời nói dối”. Khi đêm đã qua, đến rạng đông sáng tỏ, nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dùng vật thực mà người chủ không cho. Do đó, Như Lai nói: “Sự dùng vật thực của nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy là sự trộm cắp”. Này Visākhā, như vậy gọi là Nigaṇṭha uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla như nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha như vậy không có kết quả nhiều, không có quả báu nhiều, không làm cho giới được hiện rõ nhiều, không làm cho giới được lan rộng khắp mọi nơi. * Ariya uposatha 3- Giữ gìn giới uposathasīla y như bậc Thánh Nhân như thế nào? 3. 1 Brahma uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Phật - Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật rằng: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasāratthi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā” [14] . 1- Arahaṃ: Đức Arahán là Bậc cao thượng có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại. 2- Sammāsambuddho: Đức Chánh Đẳng Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị. 3- Vijjācaraṇasampanno: Đức Minh Hạnh Túc là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng. 4- Sugato: Đức Thiện Ngôn là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh. 5- Lokavidū: Đức Thông Suốt Tam Giới là Bậc thấy rõ, biết rõ chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới. 6- Anuttaro purisadammasārathi: Đức Vô Thượng giáo hóa chúng sinh là Bậc giáo huấn chúng sinh cải tà quy chánh, cái ác làm thiện, từ hạng phàm nhân lên bậc Thánh Nhân. 7- Satthādevamanussānaṃ: Đức Thiên Nhân Sư là Bậc Thầy của chư thiên, chư phạm thiên và nhân loại... 8- Buddho: Đức Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài (cũng chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo năng lực ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi chúng sinh). 9- Bhagavā: Đức Thế Tôn là Bậc có 6 Ân đức đặc biệt do 30 pháp hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Ngài. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, ví như trên đầu bị dơ bẩn, làm cho cái đầu sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn. Trên đầu bị dơ bẩn, làm cho cái đầu sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Người ta dùng nước trái cây và nước sạch với sự tinh tấn của người ấy gội sạch cái đầu. Này Visākhā, trên đầu bị dơ bẩn, làm cho cái đầu được sạch sẽ nhờ sự tinh tấn gội sạch cái đầu. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật rằng: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasāratthi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. - Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Brahma uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Phật, như được sống gần gũi với Đức Phật, tâm thiện của bậc ấy hướng đến Đức Phật, nên tâm thiện trở nên trong sạch, phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy. 3. 2 Dhamma uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 6 Ân đức Pháp ─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp rằng: “Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi” [15] . 1- Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh tịnh. 10 chánh pháp đó là: - Pháp học chánh pháp. - 9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + 1 Niết Bàn). 2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh pháp gồm 9 pháp Siêu tam giới mà chư Thánh Nhân đã chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn nào, rồi tự thấy, tự biết bằng trí tuệ của mình. 3- Akāliko dhammo: Chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo cho quả tương ứng 4 Thánh Quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo nào liền cho Thánh Quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh. 4- Ehipassiko dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới thuộc Chân nghĩa pháp rất trong sạch và thanh tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc. 5- Opaneyyiko dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. 6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới mà chư bậc thiện trí Thánh Nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh Quả hưởng sự an lạc Niết Bàn tịch tịnh. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, ví như thân thể bị dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn. Thân thể bị dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Người ta dùng bột đá, bột và nước trong với sự tinh tấn của người ấy tắm rửa thân hình sạch sẽ. Này Visākhā, thân thể bị dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn tắm rửa thân thể. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp rằng: “Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi”. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. - Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Dhamma uposathasīla có đối tượng 6 Ân đức Pháp, như được sống gần gũi với Đức Pháp, tâm thiện của bậc ấy hướng đến Đức Pháp, nên tâm thiện trở nên trong sạch, phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy. 3. 3 Saṃgha uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Tăng ─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng rằng: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho, Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa” [16] 1- Suppaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật. 2- Ujuppaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành trung thực đúng theo pháp hành Trung đạo, không quanh co lầm lạc. 3- Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành theo pháp hành Bát chánh đạo, chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. 4- Sāmicippaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành giới-định-tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng sinh tôn kính lễ bái cúng dường. Cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo tâm Siêu tam giới). Chư Thánh Thanh Văn có 4 đôi: - Nhập Lưu Thánh Đạo → Nhập Lưu Thánh Quả - Nhất Lai Thánh Đạo → Nhất Lai Thánh Quả - Bất Lai Thánh Đạo → Bất Lai Thánh Quả - Arahán Thánh Đạo → Arahán Thánh Quả Chư Thánh Thanh Văn có 8 bậc Thánh: 4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả - Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Đạo - Arahán Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả - Nhất Lai Thánh Quả - Bất Lai Thánh Quả - Arahán Thánh Quả 5- Āhuneyyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn. 6- Pāhuneyyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài. 7- Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến. 8- Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng cho chúng sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường. 9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là phước điền cao thượng của chúng sinh không đâu sánh được. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, ví như tấm vải bị dơ bẩn, làm cho tấm vải được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn. Tấm vải bị dơ bẩn, làm cho tấm vải được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Người ta dùng đất mặn, tro và nước trong với sự tinh tấn của người ấy giặt giũ tấm vải cho sạch sẽ. Này Visākhā, tấm vải bị dơ bẩn, làm cho tấm vải được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn giặt giũ tấm vải. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng rằng: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho, Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. ─ Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Saṃgha uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Tăng, như được sống gần gũi với Đức Tăng, tâm thiện của bậc ấy hướng đến Đức Tăng, nên tâm thiện trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy. 3. 4 Sīla uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng giới của mình trong sạch và trọn vẹn ─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, giới không bị đứt (akhaṇḍa) [17] , giới không bị thủng (lủng) (acchidda) [18] , giới không bị đốm (asabala) [19] , giới không bị đứt lan (akam-māsa) [20] , giới tự chủ (không bị nô lệ bởi phiền não), được bậc thiện trí tán dương, giới làm nền tảng cho định và tuệ. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, ví như tấm kính bị lu mờ, làm cho tấm kính được trong suốt do nhờ sự tinh tấn. Tấm kính bị lu mờ, làm cho tấm kính được trong suốt do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Người ta dùng dầu lau kính, tro và nước sạch với sự tinh tấn của người ấy lau chùi làm cho tấm kính trở nên trong suốt. Này Visākhā, tấm kính bị lu mờ làm cho tấm kính được trong suốt do nhờ sự tinh tấn lau chùi tấm kính. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan,... Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc, cho nên những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Sīla uposathasīla có đối tượng giới của mình trong sạch và trọn vẹn, như được sống gần gũi với giới, tâm thiện của bậc ấy hướng đến giới của mình, nên tâm thiện trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy. 3. 5 Devata uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 5 pháp chư thiên hiện hữu trong mình ─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 5 pháp của các hàng chư thiên rằng: “Những hàng chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên, chư thiên cõi Dạ Ma Thiên, chư thiên cõi Đấu Xuất Đà Thiên, chư thiên cõi Hóa Lạc Thiên, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, chư phạm thiên cõi trời cao tiền kiếp vốn có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ nào, sau khi chết, do nhờ thiện pháp ấy cho quả tái sinh lên cõi trời ấy như thế nào, chính trong ta cũng có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ cũng như thế ấy”. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 5 pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ của mình với của các hàng chư thiên, thì tâm thiện của bậc ấy trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, ví như vàng chưa tinh khiết, làm cho vàng được tinh khiết do nhờ sự tinh tấn. Vàng chưa tinh khiết, làm cho vàng được tinh khiết do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Người ta đem vàng bỏ vào cái vá, đem đốt trên lò với sự tinh tấn của người ấy làm cho vàng trở nên tinh khiết. Này Visākhā, vàng chưa tinh khiết làm cho vàng được tinh khiết do nhờ sự tinh tấn làm cho vàng trở nên tinh khiết. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn. Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạchđược, do nhờ sự tinh tấn như thế nào? Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 5 pháp của các hàng chư thiên rằng: “Những hàng chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên, chư thiên cõi Dạ Ma Thiên, chư thiên cõi Đấu Xuất Đà Thiên, chư thiên cõi Hóa Lạc Thiên, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, chư phạm thiên cõi trời cao tiền kiếp vốn có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ nào, sau khi chết, do nhờ thiện pháp ấy cho quả tái sinh lên cõi trời ấy như thế nào, chính trong ta cũng có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ cũng như thế ấy”. Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ của mình với của các hàng chư thiên, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc, cho nên những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là: Devata uposathasīla có đối tượng các pháp của chư thiên, như được sống gần gũi với chư thiên, tâm thiện của bậc ấy hướng đến chư thiên, nên tâm thiện trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt. Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy. 3. 6 Bát giới uposathasīla ─ Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử có trí tuệ sáng suốt suy xét rằng: 1- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự sát sinh, tuyệt đối tránh xa sự sát sinh, đã bỏ gậy gộc, đã bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn mọi tội lỗi, có tâm bi thương xót cứu khổ tất cả mọi chúng sinh. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự sát sinh, tránh xa sự sát sinh, bỏ gậy gộc, bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn mọi tội lỗi, có tâm bi thương xót cứu khổ tất cả mọi chúng sinh suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự sát sinh, được trong sạch. 2- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự trộm cắp, tuyệt đối tránh xa sự trộm cắp, chỉ thọ nhận vật dụng mà người ta cúng dường, không bao giờ trộm cắp, là bậc sống hoàn toàn trong sạch thanh cao. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự trộm cắp, tránh xa sự trộm cắp, chỉ thọ nhận vật dụng mà người ta cho, không trộm cắp, là người sống hoàn toàn trong sạch thanh cao suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự trộm cắp, được trong sạch. 3- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự hành pháp không cao thượng (hành dâm), chỉ hành phạm hạnh cao thượng, tránh xa việc hành dâm thấp hèn, tuyệt đối tránh xa sự hành dâm, pháp của người tại gia. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự hành pháp không cao thượng (hành dâm), chỉ hành phạm hạnh cao thượng, tránh xa việc hành dâm thấp hèn, tránh xa sự hành dâm, pháp của người tại gia suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự hành dâm, được trong sạch. 4- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự nói dối, tuyệt đối tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật, lúc nào cũng nói lời chân thật, lời nói có chứng cứ rõ ràng, lời nói đáng tin, không lừa dối. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự nói dối, tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật, lúc nào cũng nói lời chân thật, lời nói có chứng cứ rõ ràng, lời nói đáng tin, không lừa dối suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự nói dối được trong sạch. 5- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp; đã tuyệt đối tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp; tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi, được trong sạch. 6- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời chỉ độ (dùng) vật thực một bữa (trong ngày), không dùng vật thực ban đêm, tránh xa sự độ vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa). Hôm nay, ta cũng chỉ dùng vật thực một bữa (trong ngày), không dùng vật thực ban đêm, tránh xa sự dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa) suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự dùng vật thực phi thời, được trong sạch. 7- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự nhảy múa ca hát, thổi kèn, tuyệt đối tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái. Hôm nay ta cũng từ bỏ sự nhảy múa ca hát, thổi kèn, tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới từ bỏ sự nhảy múa ca hát thổi kèn, tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, được trong sạch. 8- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, tuyệt đối tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô. Hôm nay, ta cũng từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô, được trong sạch. Quả báu của bát giới Ariya uposathasīla ─ Này Visākhā, như vậy gọi là Ariya uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla như bậc Thánh Nhân. Này Visākhā, thọ trì bát giới uposathasīla như bậc Thánh Nhân có kết quả nhiều, có quả báu nhiều, quả báu được hiện rõ nhiều, quả báu được lan rộng khắp mọi nơi. Giữ gìn bát giới uposathasīla như bậc Thánh Nhân có được kết quả nhiều bao nhiêu? Có được quả báu nhiều bao nhiêu? Quả báu được hiện rõ nhiều thế nào? Quả báu được lan rộng khắp mọi nơi thế nào? Này Visākhā, ví như người nào được suy tôn lên làm Vua trị vì 16 vùng rộng lớn như vùng Aṅga, vùng Magadha, vùng Kāsī, vùng Kosala, vùng Vajjī, vùng Malla, vùng Sūrasena, vùng Assaka, vùng Avantī, vùng Gandhāra, vùng Kamboja,... có đầy đủ 7 báu vật quý giá ấy cũng chưa bằng 1 phần 16 của người thọ trì bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Điều ấy tại sao vậy? Bởi vì sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Này Visākhā, cứ 50 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương có khoảng 500 năm cõi trời (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 500 X 12 X 30 X 50 = 9.000.000 (chín triệu năm)) ở cõi người. Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy. Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Này Visākhā, cứ 100 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Tam Thập Tam Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Tam Thập Tam Thiên có khoảng 1.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 1.000 X 12 X 30 X 100 = 36.000.000 (ba mươi sáu triệu năm ở cõi người). Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Tam Thập Tam Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy. Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Này Visākhā, cứ 200 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Dạ Ma Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Dạ Ma Thiên có khoảng 2.000 năm cõi trời (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 2.000 X 12 X 30 X 200 = 144.000.000 (một trăm bốn mươi bốn triệu năm ở cõi người). Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Dạ Ma Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy. Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Này Visākhā, cứ 400 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Đấu Xuất Đà Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Đấu Xuất Đà Thiên có khoảng 4.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 4.000 X 12 X 30 X 400 = 576.000.000 (năm trăm bảy mươi sáu triệu năm ở cõi người). Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Đấu Xuất Đà Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy. Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Này Visākhā, cứ 800 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Hoá Lạc Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Hoá Lạc Thiên có khoảng 8.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 8.000 X 12 X 30 X 800 = 2.304.000.000 (hai tỷ ba trăm lẻ bốn triệu năm ở cõi người). Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Hoá Lạc Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy. Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Này Visākhā, cứ 1.600 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên có khoảng 16.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 16.000 X 12 X 30 X 1.600 = 9.216.000.000 (chín tỷ hai trăm mười sáu triệu năm ở cõi người). Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy. Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi. Đức Phật thuyết câu kệ có ý nghĩa: Người thọ trì bát giới,
giữ gìn đủ tám giới là Chuẩn Bị Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla Phàm người cận sự nam, cận sự nữ có lắm công nhiều việc, ít có dịp thư thả, cho nên đến ngày bát giới uposathasīla là ngày quan trọng. Người cận sự nam, cận sự nữ cần phải chuẩn bị trước khi thọ trì bát giới uposathasīla, đang khi thọ trì và sau khi thọ trì bát giới uposathasīla theo tuần tự như sau: 1- Biết rằng: Ngày hôm sau là ngày bát giới uposathasīla, cho nên ngày hôm ấy, người cận sự nam, cận sự nữ cần phải sắp đặt mọi công việc cho xong. 2- Chuẩn bị đồ ăn uống giản dị cho ngày hôm sau. 3- Biết thu xếp công việc. Nếu biết công việc nào không cần thiết, thì người cận sự nam, cận sự nữ không nên làm công việc ấy trong ngày bát giới uposathasīla. 4- Ngày hôm sau lúc bình minh tỏ rạng, người cận sự nam, cận sự nữ thức dậy sớm xong, làm cho thân hình sạch sẽ, quần áo được sạch sẽ, có thiện tâm trong sạch. 5- Hằng ngày thường trang điểm phấn son, đồ trang sức (đối với người cận sự nữ), sáng ngày bát giới uposathasīla người cận sự nam, cận sự nữ không trang điểm những đồ trang sức ấy. 6- Nếu nhà ở gần chùa, thì người cận sự nam, cận sự nữ nên đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla theo nghi thức với vị Đại đức hướng dẫn, rồi ở lại chùa suốt ngày đêm cho đến sáng ngày hôm sau. Nếu không có cơ hội đến chùa thì người cận sự nam, cận sự nữ đến trước bàn thờ Tam Bảo, đem hoa, trầm lễ bái cúng dường Tam Bảo xong, đọc 3 bài sám hối Tam Bảo, rồi tự mình nguyện xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát giới uposathasīla cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày và đêm cho đến rạng sáng ngày hôm sau. 7- Sau khi thọ trì bát giới uposathasīla xong, người cận sự nam,cận sự nữ ở một mình chỗ thanh vắng để thực hành thiền định đề mục niệm 9 Ân đức Phật, hoặc đề mục niệm 6 Ân đức Pháp, hoặc đề mục niệm 9 Ân đức Tăng,...; hoặc ngồi nghe pháp, hoặc đàm đạo pháp, hoặc xem kinh đọc sách đạo (không đọc sách báo trong đời); thực hành thiền tuệ trong 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm trong ngày đêm đó cho đến rạng sáng ngày hôm sau. 8- Đến giờ dùng vật thực chỉ dùng đồ giản dị, khi dùng nên suy xét rằng: “Dùng vật thực để duy trì mạng sống, để thực hành giới-định-tuệ”. Như vậy, vật thực dù ngon, dù dở cũng đều dùng được tự nhiên. Quá giờ ngọ (12 giờ trưa) không được dùng một thứ vật thực nào cả, cho đến lúc bình minh của sáng ngày hôm sau. Nếu người cận sự nam, cận sự nữ cảm thấy bụng đói, khó chịu, thì được phép dùng các thứ nước trái cây ép bỏ xác lấy nước để dùng, dùng mật ong, thuốc bổ, thuốc trị bệnh. 9- Ban đêm người cận sự nam, cận sự nữ nên ngủ ít (ngủ khoảng từ 22 giờ đến 2 giờ khuya) dành nhiều thời giờ để thực hành thiền định hoặc thực hành thiền tuệ. Khi thức dậy sớm, người cận sự nam, cận sự nữ nên quán xét lại bát giới uposathasīla của mình rằng: “Chư Bậc Thánh Arahán tuyệt đối tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự hành dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, tránh xa sự ăn phi thời, tránh xa sự xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp suốt trọn đời. Về phần ta, noi gương theo chư Thánh Arahán, ta cũng đã thọ trì bát giới uposathasīla tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự hành dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, tránh xa sự ăn phi thời, tránh xa sự xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp suốt 1 ngày và 1 đêm nay”. 10- Lúc bình minh của ngày hôm sau, hoàn mãn ngày bát giới uposathasīla, người cận sự nam, cận sự nữ lễ bái Tam Bảo, hồi hướng phước thiện giữ giới đến tất cả chúng sinh, chư thiên, nhất là ông bà, cha mẹ, thầy tổ, cùng những bậc ân nhân từ hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ. Cầu xin tất cả đều hoan hỷ phần phước thiện thanh cao này, để thoát mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài. Người cận sự nam, cận sự nữ không cần xả bát giới uposathasīla. Thật ra, hành giả đã phát nguyện thọ trì bát giới uposathasīla 1 ngày 1 đêm, khi trải qua 1 ngày 1 đêm, ngay khi ấy bát giới uposathasīla hoàn mãn, không còn hiệu lực nữa, trở lại ngũ giới là thường giới, bát giới ājīvaṭṭhamakasīla của người tại gia. Nghi Thức Lễ Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có ý nguyện muốn làm lễ thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới gọi uposathasīla. Nghi thức theo tuần tự như sau: Người cận sự nam, cận sự nữ (hoặc hành giả) đảnh lễ Ngài Đại đức xong, tiếp theo hành nghi lễ tuần tự như sau: Lế bái Tam Bảo Lễ sám hối Tam Bảo * Lễ sám hối Đức Phật Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Pháp Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Tăng Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, Bài kệ cầu nguyện Iminā puññakammena, Do nhờ năng lực thiện tâm
sám hối này, Lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla Mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante. Dutiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante. Tatiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla cho chúng con. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla cho chúng con, lần thứ nhì. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla cho chúng con, lần thứ ba. Ngài Đại đức truyền dạy rằng: NĐĐ: Yamahaṃ vadāmi, taṃ
vadetha. Tất cả mọi người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh thưa rằng: CSN: Āma, Bhante. Kính lễ Đức Phật Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng: Namo Tassa Bhagavato
Arahato Sammāsambuddhassa. Con đem hết lòng thành
kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy. Thọ phép quy y Tam Bảo Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. NĐĐ: Tisaraṇagamanaṃ
paripuṇṇaṃ. CSN: Āma! Bhante. Thọ trì bát giới uposathasīla Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì bát giới uposathasīla như sau:
1-
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
2-
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
3-
Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
4-
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
5-
Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
6-
Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
7-
Nacca gīta vādita visūkadassana
mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
8-
Uccāsayana mahāsayanā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Ngài Đại đức khuyên dạy rằng: NĐĐ: Tisaraṇena saha
aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena
sampādetha. Những người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh bạch rằng: CSN: Āma! Bhante. NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti. Chúng sinh tái sinh cõi
trời, nhờ giữ giới. CSN: Sādhu! Sādhu! Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, tiếp theo đọc bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm tăng đức tin vững chắc, như sau: Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla. Phần Giải Thích Trong bát giới uposathasīla có tất cả 8 điều giới; có 4 điều giới là: “Tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say...” đã được giải thích trong phần ngũ giới. Trong phần sau sẽ giải thích 4 điều giới còn lại là: Tránh xa sự hành dâm; tránh xa sự dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa); tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái; tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Điều Giới Thứ 3 Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Abrahmacariyā Þ A + brahmacariyā + A = na: Không. + Brahmacariyā: Hành phạm hạnh. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Abrahmacariyā: Không hành phạm hạnh, nghĩa là hành dâm. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm. Chi Pháp Phạm Điều Giới Hành Dâm Người phạm điều giới hành dâm cần phải hợp đủ 2 chi pháp: 1- Tâm muốn hành dâm. 2- Sự tiếp xúc giữa 2 bộ phận sinh dục của 2 bên. Nếu hội đủ 2 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới hành dâm. Nếu thiếu 1 trong 2 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới hành dâm. Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi thọ trì bát giới uposathasīla, giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. * Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy quan hệ tình dục với vợ hoặc chồng của mình, thì người ấy phạm điều giới hành dâm, không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, nhưng không phải phạm điều giới tà dâm, nên không tạo ác nghiệp tà dâm. * Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy quan hệ tình dục với vợ hoặc chồng, hoặc con của người khác (không phải vợ hoặc chồng của mình), thì người ấy không những phạm điều giới hành dâm mà còn phạm điều giới tà dâm nữa, tạo ác nghiệp tà dâm, phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Điều Giới Thứ 6 Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Vikālabhojanā Þ Vikāla + bhojanā + Vikāla: Phi thời, nghĩa là thời gian quá ngọ (quá 12 giờ trưa) cho đến trước lúc bình minh của sáng ngày hôm sau. + Bhojanā: Dùng vật thực gồm có cơm, các món đồ ăn, các loại bánh, các thứ trái cây, các thứ bột ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bơ đặc, v.v... đều gọi chung là vật thực. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Vikālabhojanā: Không dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa) gồm có cơm, các món đồ ăn, các loại bánh, các thứ trái cây, các thứ bột ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bơ đặc, v.v... * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự dùng vật thực lúc phi thời. Chi Pháp Phạm Điều Giới Dùng Vật Thực Phi Thời Người phạm điều giới dùng vật thực phi thời cần phải hợp đủ 3 chi pháp: 1- Lúc phi thời là khoảng thời gian từ quá ngọ (quá 12 giờ trưa) qua đêm cho đến trước lúc bình minh của buổi sáng ngày hôm sau. 2- Các thứ vật dụng như cơm, các món đồ ăn, các loại bánh, các thứ trái cây, các thứ bột ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bơ đặc, v.v... 3- Vật thực nuốt qua khỏi cổ. Nếu hội đủ 3 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới dùng vật thực phi thời. Nếu thiếu 1 trong 3 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới dùng vật thực phi thời. Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, người ấy chỉ được phép dùng vật thực từ lúc rạng đông cho đến giờ ngọ, 12 giờ trưa mà thôi. Khi quá 12 giờ trưa qua đêm cho đến trước lúc bình minh của sáng ngày hôm sau, thì hành giả không nên dùng các loại vật thực. Nếu người bị bệnh hành hạ, thì có thể dùng nước trái cây xay nhuyễn, lọc kỹ, bỏ xác lấy nước uống, hoặc có thể dùng 5 thứ thuốc là nước bơ trong, nước bơ lỏng, dầu mè, mật ong và nước đường, hoặc các loại thuốc dùng để trị bệnh được. Nếu người ấy giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc đặc biệt trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy dùng vật thực phi thời, thì người ấy phạm điều giới dùng vật thực phi thời, không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, nhưng không tạo tội lỗi gì, bởi vì dùng vật thực của mình, không làm khổ mình cũng không làm khổ người khác. Điều Giới Thứ 7 Nacca gīta vādita visūkadassana mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: - Nacca: Nhảy múa nghĩa là tự mình nhảy múa, hoặc sai bảo người khác nhảy múa để cho mình xem là phạm điều giới, thậm chí sai khiến con công múa cũng phạm điều giới. - Gīta: Ca hát nghĩa là tự mình ca hát, ngâm thơ,...; hoặc sai bảo người khác ca hát, ngâm thơ,... để cho mình nghe là phạm điều giới. - Vādita: Thổi kèn, đánh đàn nghĩa là tự mình thổi kèn, đánh đàn, sử dụng các loại nhạc cụ khác; hoặc sai khiến người khác thổi kèn, đánh đàn, sử dụng các loại nhạc cụ khác để cho mình nghe là phạm điều giới. - Visūkadassana: Xem nhảy múa, nghe ca hát, thổi kèn, đánh đàn đều là đối tượng của tham ái nhân sinh khồ, là pháp nghịch với giới-định-tuệ là phạm điều giới. - Mālādharaṇa: Đeo tràng hoa nghĩa là trang điểm cho mình bằng các thứ hoa, là phạm điều giới. - Gandhamaṇḍana: Làm đẹp bằng các thứ phấn son là phạm điều giới. - Vilepanavibhūsana: Xức nước hoa trong người có mùi thơm là phạm điều giới. - Ṭhāna: Nhân sinh tâm tham ái. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái. Chi Pháp Phạm Điều Giới Nhảy Múa, Ca Hát, Thổi Kèn… Người phạm điều giới nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái cần phải hợp đủ 6 chi pháp: 1- Nhảy múa ca hát, thổi kèn, đánh đàn... 2- Tâm thỏa thích. 3- Xem nhảy múa, nghe ca hát... 4- Trang điểm bằng những thứ như tràng hoa... 5- Tâm thích trang điểm. 6- Đã thỏa mãn hành động bằng thân và khẩu. Nếu hội đủ 6 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái. Nếu thiếu 1 trong 6 chi, thì không không thể gọi là phạm điều giới nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái. Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc đặc biệt trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy tự mình nhảy múa ca hát, thổi kèn, đánh đàn,...; hoặc sai khiến người khác nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn,...; hoặc đi xem người khác nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn... làm nhân phát sinh tâm tham ái trong đối tượng ấy, làm trở ngại cho việc thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ, không dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn giải thoát khổ. Thật ra, người phạm điều giới này chỉ là nhân làm trở ngại các thiện pháp như sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp và Siêu tam giới thiện pháp không thể phát sinh mà thôi, nhưng không trở ngại cho sự tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới. Điều Giới Thứ 8 Uccāsayana mahāsayanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Uccāsayana: Chỗ nằm ngồi quá cao nghĩa là chân giường, chân ghế cao quá 1 hắt tay với 1 gang tay (quá 60 cm). ─ Mahāsayanā: Chỗ xinh đẹp nghĩa là chiếc giường, chiếc ghế được chạm trỗ; chân giường, chân ghế được chạm trỗ...; chỗ nằm ngồi bằng tấm nệm bông gòn, bằng lớp cao su dày, dùng tấm vải có thêu hình đẹp trải giường, trải ghế, v.v... Như vậy gọi là chỗ nằm ngồi xinh đẹp. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Chi Pháp Phạm Điều Giới Nằm Ngồi Nơi Quá Cao Và Xinh Đẹp Người phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp cần phải hợp đủ 3 chi pháp: 1- Chỗ nằm, chỗ ngồi quá cao và xinh đẹp. 2- Tâm muốn nằm, ngồi nơi ấy. 3- Đã nằm, đã ngồi nơi ấy với tâm thỏa thích. Nếu hội đủ 3 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Nếu thiếu 1 trong 3 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc đặc biệt trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp, thì phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp, dễ phát sinh tâm tham ái say mê trong đối tượng, cho nên không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt. Giới Cấm Và Giới Hành Trong bát giới uposathasīla có 2 phần giới: 1- Phần giới cấm (vārittasīla) là giới không được phạm. 2- Phần giới hành (cārittasīla) là giới nên thực hành. 1- Phần giới cấm trong bát giới uposathasīla có 4 điều giới là: - Tránh xa sự sát sinh. - Tránh xa sự trộm cắp. - Tránh xa sự nói dối. - Tránh xa sự uống rượu và các chất say. Đó là 4 điều giới cấm mà người nào giữ gìn 4 điều giới này được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy có được nhiều phước thiện, có quả báu an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Ngược lại, nếu người nào phạm điều giới nào, thì người ấy đã tạo ác nghiệp, rồi phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. 4 điều giới cấm này có trong ngũ giới là thường giới của tất cả mọi người, không ngoại lệ một ai cả. Tất cả mọi người ai ai cũng cần phải giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để đem lại sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. 2- Phần giới hành trong bát giới uposathasīla có 4 điều giới là: - Tránh xa sự hành dâm. - Tránh xa sự dùng vật thực phi thời. - Tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn,... - Tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Đó là 4 điều giới hành mà người cận sự nam, cận sự nữ nào đã thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn 4 điều giới này được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy đã tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, có được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Nhưng nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla rồi, mà phạm điều giới hành nào, thì người ấy không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt của điều giới hành ấy, nhưng không có tội lỗi do thân và khẩu. Tóm lại: Người nào giữ gìn 4 điều giới cấm được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy đã tạo được phước thiện. Nếu người nào không giữ gìn, phạm trong 4 điều giới cấm, thì người ấy đã tạo ác nghiệp. Còn người cận sự nam, cận sự nữ nào, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla rồi, giữ gìn 4 điều giới hành được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy đã tạo được phước thiện cao quý đặc biệt. Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào không giữ gìn, mà phạm 4 điều giới hành, thì người ấy không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, nhưng không có tội lỗi do thân và khẩu. Thật vậy, trong các hàng cận sự nam, cận sự nữ tại gia, có một số người là bậc Thánh Nhập Lưu, có một số người là bậc Thánh Nhất Lai. Những bậc Thánh Nhân này chắc chắn có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, họ có vợ hoặc có chồng và có con. Cho nên việc hành dâm là điều không thể tránh khỏi, nhưng chắc chắn họ không bao giờ phạm điều giới tà dâm. * Ví như trường hợp bà Visākhā, khi bà còn là một cô bé mới lên 7 tuổi, cô bé Visākhā đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, lúc trưởng thành, cô làm lễ thành hôn với công tử Puññavaḍḍhana, con trai của ông phú hộ Migāra. Bà Visākhā sinh được 20 người con (10 người con trai và 10 người con gái). Bà Visākhā thường trang điểm cho bà bằng tấm áo choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc quý giá, v.v... Như vậy, những bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai sống tại gia, họ thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thì họ mới giữ gìn 4 điều giới hành được trong sạch và trọn vẹn. Ngoài ngày giới ra, 2 bậc Thánh Nhân này có ngũ giới là thường giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. Riêng bậc Thánh Bất Lai, đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới, dù tại gia bậc Thánh Bất Lai cũng không bao giờ ham thích hành dâm. Cho nên quý Ngài không có vợ hoặc có chồng. Trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, nếu vị ấy đã có vợ hoặc có chồng, thì sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, vị Thánh ấy tuyệt nhiên không bao giờ sống chung với người vợ cũ hoặc người chồng cũ của mình như trước nữa. * Trong thời kỳ Đức Phật hiện còn trên thế gian, có 2 ông trưởng giả cùng tên Ugga: Trưởng giả Ugga người xứ Vesāli và trưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji. Cả 2 trưởng giả này sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, rồi thực hành thiền tuệ đều chứng đắc đến bậc Thánh Bất Lai, đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới. Cho nên bậc Thánh Bất Lai tuyệt nhiên không bao giờ hành dâm nữa. Ông trưởng giả Ugga có 4 người vợ, sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai trở về, ông gọi 4 người vợ cũ đến rồi ban của cải cho mỗi bà và ông bảo rằng: “Từ nay về sau, quý bà được tự do, ai muốn có chồng khác, thì được quyền chọn lựa theo ý của mình”. Những Tích Chuyện Người Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla * Quả báu thọ trì bát giới uposathasīla chỉ trong một đêm Trích từ tích Sāmavativatthu [22] trong Chú giải Pháp cú có một đoạn chư thiên ngự ở cội cây thuật lại tiền kiếp của mình đã thọ trì bát giới uposathasīla, thời gian ngắn một đêm, được tóm lược như sau: Một chư thiên ngự ở cội cây da lớn, có nhóm Đạo sĩ ở dưới cây da lớn ấy. Vị Đạo sĩ trưởng nghĩ rằng: “Cây da lớn như thế này chắc chắn có chư thiên ngự trên cây, và chư thiên này chắc chắn có nhiều oai lực. Quý hoá biết dường nào! Nếu vị chư thiên ấy bố thí cho chúng tôi nước uống!” thì ngay tức thì, chư thiên ấy dâng nước uống đến cho nhóm Đạo sĩ. Vị Đạo sĩ trưởng mong muốn rằng: “Xin chư thiên bố thí nước tắm” thì ngay tức thì, chư thiên ấy dâng nước tắm đầy đủ đến cho nhóm Đạo sĩ. Vị Đạo sĩ trưởng mong muốn rằng: “Xin chư thiên bố thí vật thực” thì ngay tức thì, chư thiên ấy dâng vật thực đầy đủ đến cho nhóm Đạo sĩ. Vị Đạo sĩ trưởng mong muốn rằng: “Chư thiên này có nhiều phước báu, có nhiều oai lực, ta mong muốn những thứ nào, chư thiên ấy đều dâng cúng những thứ ấy. Quý hoá biết dường nào! Nếu ta được diện kiến vị chư thiên ấy!” thì ngay tức thì, vị chư thiên ấy xuất hiện trước sự hiện diện nhóm Đạo sĩ. Nhóm Đạo sĩ bèn hỏi chư thiên rằng: - Này vị thiên nam, Ngài có nhiều phước báu, có nhiều oai lực. Tiền kiếp Ngài đã tạo phước thiện nào, mà nay Ngài có nhiều oai lực như vậy? Vị thiên nam có vẻ e thẹn, mắc cở vì phước thiện ít ỏi nhỏ bé của mình, nên không muốn trình bày cho nhóm Đạo sĩ biết. Nhưng nhóm Đạo sĩ vẫn khẩn khoản, năn nỉ, vị thiên nam không còn cách nào có thể từ chối được, nên đành phải thuật lại phước thiện mà mình đã tạo trong tiền kiếp như sau: * Người nghèo khổ làm công, thọ trì bát giới uposathasīla Vị thiên nam thuật lại tiền kiếp rằng: “Kiếp trước tôi là người nghèo khổ đi làm thuê, làm mướn để nuôi mạng sống qua ngày, một hôm tôi đến nhà ông phú hộ Anāthapiṇḍika xin việc làm kiếm sống”. Khi đến ngày giới, ông phú hộ từ chùa Jetavana trở về hỏi người nhà rằng: ─ Hôm nay là ngày giới uposathasīla, có ai nói cho người làm công mới đến biết hay không?. Người trong nhà thưa rằng: ─ Thưa ông, không có nói cho người làm công mới ấy biết. Ông phú hộ dạy bảo rằng: ─ Chiều nay, chỉ nấu cơm cho một mình người làm công mới ấy mà thôi, còn lại tất cả mọi người ở trong nhà đều thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla cả thảy. Tôi là người làm công mới ấy, sáng hôm ấy, dùng vật thực xong đi vào rừng làm việc đến chiều mới trở về nhà ông phú hộ. Khi tôi trở về đến nhà, nhìn thấy trong nhà vắng vẻ, yên tịnh, không giống như mấy ngày hôm trước, mọi người xôn xao ăn uống; người này đòi cơm, người khác đòi canh, v.v..., chuyện trò ồn ào, hôm nay vắng lặng yên tịnh, chỉ có một người lo việc nấu ăn mang đến cho tôi một phần cơm bảo tôi ăn, tôi chưa vội ăn, bèn hỏi người đem cơm rằng: ─ Hôm nay, mọi người ăn xong rồi đi nghỉ hết, chỉ còn lại một mình tôi chưa ăn phải không? Người đem cơm trả lời cho tôi biết rằng: ─ Hôm nay là ngày thọ trì bát giới uposathasīla, mọi người trong gia đình từ ông phú hộ, phu nhân, các con, các cháu kể cả các cháu nhỏ đang còn bú sữa, cho đến mọi người làm công trong nhà, tất cả đều thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla. Mọi người đều tìm nơi thanh vắng yên tịnh để giữ gìn bát giới và thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ cả thảy. Chúng tôi quên nói cho anh biết hôm nay là ngày giới uposathasīla, nên chỉ có một mình anh đi làm, đây là phần cơm nấu cho anh, anh hãy ăn cơm một mình vậy! Tôi nghĩ rằng: “Mọi người trong nhà ai cũng thọ trì bát giới uposathasīla, chẳng lẽ một mình ta không thọ trì được bát giới uposathasīla hay sao? Ta cũng nên thọ trì bát giới uposathasīla như mọi người trong nhà này”. Nghĩ vậy, không chịu ăn phần cơm, tôi đi đến tìm ông phú hộ Anāthapiṇḍika, trình bày ý nguyện xin thọ trì bát giới uposathasīla của tôi. Khi nghe xong, ông phú hộ hoan hỷ nói lên lời “Sādhu!: Lành thay!” Ông phú hộ Anāthapiṇḍika giảng giải cho tôi hiểu ngày giới uposathasīla bắt đầu từ rạng đông của ngày này đến rạng đông của ngày hôm sau gồm có 1 ngày 1 đêm. Nếu tôi thọ trì bát giới uposathasīla ngay khi ấy, thì được 1 đêm là một nửa uposathasīla. Tôi vô cùng hoan hỷ xin thọ trì bát giới uposathasīla từ nơi ông phú hộ Anāthapiṇḍika xong, trở về chỗ ở rồi giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Bởi vì, tôi đi làm vất vả suốt ngày mà chiều về không ăn, cho nên tối đến bụng đói. Ban đêm tôi bị lâm bệnh phong (gió), căn bệnh hành hạ đau khổ khiến tôi không chịu nổi. Khi biết tôi bị lâm bệnh phong nặng, ông phú hộ đem thuốc đến cho tôi uống. Tôi thưa với ông phú hộ rằng: ─ Thưa ông, những người khác đều dùng thuốc rồi phải không? Ông phú hộ dạy rằng: ─ Những người khác không có bệnh, không được dùng, chỉ có một mình con có bệnh nên con được phép dùng thuốc. Tôi thưa với ông phú hộ rằng: ─ Thưa ông, con xin giữ gìn bát giới uposathasīla cho được trong sạch và trọn vẹn. Dầu chỉ thọ trì bát giới một nửa (một đêm), con cũng không thể để cho phạm điều giới hoặc để bị đứt giới nào. Ông phú hộ một mực khuyên tôi dùng thuốc để mau khỏi bệnh; nhưng tôi quyết tâm giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Tuy thân thể của tôi có khổ, nhưng tâm của tôi vô cùng hoan hỷ cho đến khi yếu dần rồi chết. Sau khi tôi chết, chính thiện nghiệp giữ gìn bát giới một đêm của tôi cho quả tái sinh làm vị thiên nam ở tại cội cây da này, được hưởng những quả báu như quý Ngài đã thấy. * Quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla một nửa (một đêm) Trích trong bộ Jātaka chuyện tiền thân của Đức Phật, phần đầu của tích chuyện Gaṅgāmālajātaka [23] . Đức Phật thuyết lại chuyện tiền kiếp của Ngài, khi Ngài còn là một Đức Bồ Tát nghèo đi làm công ở nhà phú hộ, thọ trì và giữ gìn bát giới upaḍḍhuposathakamma (một nửa uposathakamma) chỉ có 1 đêm [24], được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại chùa Jetavana (Kỳ Viên) của phú hộ Anāthapiṇḍika gần thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết dạy những người cận sự nam, cận sự nữ nên bố thí, nên thọ trì bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới, rồi giữ gìn bát giới cho được trong sạch và trọn vẹn hoàn toàn. Đức Phật thuyết lại rằng: ─ “Một tiền kiếp Đức Bồ Tát thọ trì bát giới uposathasīla, gồm có 8 điều giới, rồi giữ gìn bát giới trong sạch và trọn vẹn chỉ có một đêm, mà hưởng được quả báu vô cùng lớn lao”. Những người cận sự nam, cận sự nữ nghe Đức Phật thuyết như vậy, muốn biết câu chuyện tiền kiếp của Ngài, nên thỉnh cầu Đức Phật thuyết thuật lại tiền kiếp Đức Bồ Tát thuở ấy. Đức Phật dạy rằng: “Một thuở nọ, Đức vua Brahmadatta trị vì xứ Bārāṇasī. Trong xứ ấy, một phú hộ tên là Siripavara có đức tin trong sạch thường bố thí, giữ ngũ giới. Đặc biệt vào 6 ngày giới uposathasīla trong mỗi tháng là ngày 8 - 14 - 15 - 23 - 29 và ngày 30 cuối tháng. Ông phú hộ cùng vợ con, tôi tớ, những người làm công cho đến người chăn bò,… hết thảy đều phải thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Thời ấy, Đức Bồ Tát hạ sinh vào một gia đình nghèo khổ. Hằng ngày, người cha phải đi làm công để nuôi gia đình. Khi Đức Bồ Tát trưởng thành cũng phải tự đi làm công để nuôi sống. Một hôm, Đức Bồ Tát đến nhà ông phú hộ để xin việc làm, ông phú hộ nhận Đức Bồ Tát vào làm công. Thông thường, ông phú hộ nhận người vào làm công có kèm theo điều kiện là đến ngày giới mỗi tháng phải thọ trì bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới rồi giữ gìn bát giới uposathasīla ấy. Nhưng trường hợp Đức Bồ Tát, thì ông quên không đề cập đến điều kiện ấy. Mấy ngày đầu, Đức Bồ Tát thức dậy sớm, dùng cơm sáng xong đi ra đồng làm việc đến chiều mới trở về. Đức Bồ Tát làm công việc rất siêng năng và cần mẫn, nên ông phú hộ rất hài lòng. Hôm ấy, nhằm vào ngày giới, Đức Bồ Tát là người mới vào làm công nên không biết gì về chuyện thọ trì bát giới uposathasīla trong ngày giới, cho nên, sau khi ăn cơm sáng, Đức Bồ Tát vẫn đi ra đồng sớm, làm việc như mọi ngày. Sáng hôm ấy, ông phú hộ gọi mọi người đến và dạy rằng: ─ Hôm nay là ngày giới, những người làm công dùng sáng xong, không phải đi làm việc, chỉ thọ trì bát giới uposathasīla rồi giữ gìn bát giới uposathasīla mà thôi. Như vậy, toàn thể gia đình ông phú hộ, vợ, con, cháu, người tôi tớ, người làm công đều thọ trì bát giới uposathasīla, rồi sau khi dùng cơm sáng xong, mỗi người đều tự tìm cho mình nơi thanh vắng, để giữ gìn bát giới uposathasīla và thực hành thiền định cả thảy. Đức Bồ Tát đi làm suốt cả ngày, đến chiều trở về nhà ông phú hộ, nhìn thấy trong nhà vắng vẻ, yên tịnh, khác với những ngày qua, mọi người xôn xao, ăn uống, nói cười, chuyện trò vui vẻ. Đức Bồ Tát tìm người hỏi để biết xem chuyện gì đã xảy ra. Đức Bồ Tát gặp một người và họ cho biết rằng: ─ Hôm nay là ngày giới, mọi người đều đã thọ trì bát giới uposathasīla, mỗi người đều tìm nơi thanh vắng yên tịnh để giữ gìn bát giới uposathasīla và thực hành pháp hành thiền định, chỉ có một mình anh mới đến làm công, nên không biết nội quy ở đây. Đức Bồ Tát nghe nói như vậy, nghĩ rằng: “Bát giới uposathasīla là thế nào? Mọi người ở đây đều có giới, chỉ có một mình ta không có giới hay sao? Ngay bây giờ, ta thọ trì bát giới uposathasīla có được hay không?” Nghĩ xong, Đức Bồ Tát liền tìm đến ông phú hộ, nhờ giảng giải những điều thắc mắc của mình. Khi Đức Bồ Tát thưa rằng: ─ Thưa ông phú hộ, bát giới uposathasīla là như thế nào, xin ông hãy giảng giải cho tôi nghe. Ông phú hộ giảng giải kỹ càng cho Đức Bồ Tát hiểu rõ ràng, Đức Bồ Tát thưa rằng: ─ Thưa ông phú hộ, ngay bây giờ, tôi có thể thọ trì bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới được không? Ông phú hộ bảo: ─ Này con, bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới như vậy, người thọ trì bát giới 1 ngày 1 đêm cũng tốt, hoặc nửa ngày cũng tốt, hoặc ngay bây giờ cho đến rạng đông của ngày mai, được một đêm cũng tốt. Đức Bồ Tát thưa rằng: ─ Như vậy, tôi xin thọ trì bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới ngay bây giờ cho đến rạng đông ngày mai. Ông phú hộ: “Sādhu!: Lành thay!” Đức Bồ Tát xin thọ trì bát giới uposathasīla từ ông phú hộ xong, trở về chỗ ở riêng của mình, giữ gìn bát giới cho được trong sạch và trọn vẹn đầy đủ và thực hành thiền định. Do Đức Bồ Tát làm việc vất vả suốt ngày, đến chiều không dùng vật thực, trong bụng đói, đến canh chót đêm phát sinh bệnh phong (gió) đau đớn như dao cắt ruột, vô cùng đau khổ. Ông phú hộ cho thuốc uống, Đức Bồ Tát nghĩ rằng: “Ta đã có đức tin quyết tâm giữ gìn bát giới uposathasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, thà ta chịu chết chứ không để phạm giới, hoặc đứt giới”. Đức Bồ Tát chịu đựng sự đau đớn cho đến sáng ngày hôm sau, sức khoẻ yếu dần, mọi người biết không thể sống được, nên đem Đức Bồ Tát ra nằm ở ngoài hiên nhà. Sáng hôm ấy, Đức vua Bānāṇasī ngự trên xe ngựa cùng các quan đi ngoài đường ngang qua nhà ông phú hộ, Đức Bồ Tát nằm nhìn thấy Đức vua, phát sinh tâm tham muốn trở thành Đức vua. Do phước thiện giữ gìn bát giới uposatha-sīla trong sạch và trọn vẹn trong thời gian 1 đêm ngắn ngủi ấy, sau khi chết, liền tái sinh đầu thai vào lòng bà chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Bānāṇasī. Bà Hoàng hậu thọ thai, đúng 10 tháng hạ sinh được Thái tử khôi ngô tuấn tú. Hoàng tử được đặt tên là Udayakumāra. Hoàng tử trưởng thành và theo học các bộ môn theo truyền thống Vua Chúa đều xuất sắc, văn võ song toàn... Đức Bồ Tát nhớ rõ lại tiền kiếp của mình, nên thường tự truyền dạy rằng: “Ngày nay ta được hưởng mọi sự an lạc như thế này, là do quả báu giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn, trong thời gian ngắn, chỉ một đêm ở kiếp trước của ta”. Khi Đức phụ vương đến tuổi già băng hà, các quan làm lễ đăng quang suy tôn Hoàng tử lên ngôi Vua để trị vì xứ Bārāṇasī. Đức vua Udaya trị vì xứ Bārāṇasī dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng. Đức vua thọ hưởng mọi sự an lạc, thần dân được an cư lạc nghiệp. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn trong một thời gian ngắn ngủi (một đêm) của Đức Bồ Tát từ trong kiếp trước”. * Quả báu giữ gìn bát giới uposathasīla một lần Trích trong bộ Apadāna, Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Ekuposathākattherī [25] kể lại chuyện tiền kiếp của Ngài, được tóm lược như sau: Trong kinh thành Bandhumati, vào ngày rằm Đức vua Bandhumā thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch . Ở thời ấy, tôi là người đầy tớ gái tên là Kumbhadāsī trong kinh thành Bandhumati ấy, tôi được biết Đức vua cùng các quan thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát giới uposathasīla, nên tôi nghĩ rằng: “Đức vua còn bỏ ngai vàng, việc nước để thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát giới uposathasīla. Chắc chắn bát giới uposathasīla ấy có quả báu tốt lành!”. Tôi đã suy xét cuộc đời khốn khổ, nghèo nàn làm tôi tớ của mình, bằng trí tuệ đúng đắn, nên tôi phát sinh tâm hoan hỷ thọ trì bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới, rồi đã giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn, chỉ có một lần trong giáo pháp của Đức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian. Do năng lực phước thiện thọ trì bát giới như vậy, sau khi tôi chết, thiện nghiệp giữ gìn bát giới uposathasīla cho quả tái sinh làm thiên nữ xinh đẹp nhất trong cõi Tam Thập Tam Thiên, có lâu đài nguy nga tráng lệ cao 1 do tuần, trang hoàng hết sức lộng lẫy, lúc nào cũng có 100.000 (một trăm ngàn) thiên nữ hầu hạ. Tôi đã từng là chánh cung Hoàng hậu của Vua trời Sakka suốt 64 đời Vua trời truyền ngôi kế tiếp. Khi tôi sinh làm người, tôi cũng đã từng là chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Chuyển Luân Thánh Vương, trải qua 63 đời Vua trong cõi người. Tôi là người rất xinh đẹp, có màu da như màu vàng, bất cứ sinh ra ở kiếp nào, tôi cũng là người cao quý trong cảnh giới ấy. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Tôi có đủ các loại xe, xe ngựa, voi,... được trang hoàng lộng lẫy. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Tôi có đủ các thứ vải, vải lụa, lông thú,... toàn là những thứ vải tốt. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Tôi có nhiều thứ vàng, ngọc quý báu, có giá trị. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Tôi có đầy đủ các thứ nước hoa thơm, đồ trang điểm quý báu. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Tôi có đủ các kiểu lâu đài nguy nga và tráng lệ. Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Kể từ khi tôi đã thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla cho đến kiếp chót này, trải qua suốt 91 đại kiếp trái đất. Trong vòng tử sinh luân hồi suốt khoảng thời gian ấy, tôi không hề sa đọa vào 4 đường ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn một lần của tôi. Khi tôi sinh làm người, mới lên 7 tuổi, tôi xin cha mẹ đi xuất gia; sau khi tôi xuất gia được nửa tháng, tôi đã chứng đắc đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não, đã nhổ tận gốc rễ vô minh và tham ái, nên không còn dắt dẫn tái sinh kiếp lớn, kiếp nhỏ nào nữa. Tôi đã đến xuất gia nơi Đức Phật cao thượng, thật là điều vô cùng diễm phúc cho tôi. Tôi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, cùng với Tam minh, Tứ tuệ phân tích, 8 Pháp giải thoát và Lục thông. Tôi đã hoàn thành phận sự của người nữ xuất gia, tôi đã thực hành đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật Gotama. Nhận Xét Về Bát Giới Uposathasīla Đối với người tại gia cư sĩ có những giới như ngũ giới, bát giới ājivaṭṭhamakasīla. 2 loại giới này có tính chất chung cho tất cả mọi người tại gia cư sĩ, không phân biệt tôn giáo, dân tộc nào, người thọ trì hoặc người không thọ trì 2 loại giới này. Hễ người nào giữ gìn 2 loại giới này được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày và đêm cho đến trọn đời trọn kiếp thì người ấy đã tạo được thiện nghiệp; thiện nghiệp này cho quả an lạc, quả tốt lành ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, nếu thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó. Người nào không giữ gìn 2 loại giới này, hoặc phạm 1 điều giới nào trong 2 loại giới này, người ấy đã tạo ác nghiệp; ác nghiệp này cho quả khổ, quả xấu ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó. Và bát giới uposathasīla này có tính chất riêng cho những người cận sự nam, cận sự nữ nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, thọ trì bát giới upo-sathasīla, rồi giữ gìn bát giới uposathasīla ấy trong sạch và trọn vẹn trong khoảng thời gian hạn định từ lúc bình minh của ngày này cho đến lúc bình minh của ngày hôm sau (trọn 1 ngày 1 đêm) trong những ngày giới của mỗi tháng. Hành giả giữ gìn bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn dù thời gian ít, dù thời gian nhiều vẫn có nhiều quả báu đặc biệt hơn cả ngũ giới và bát giới ājivaṭṭhamakasīla. Bởi vì, trong bát giới uposathasīla có 4 điều giới không những thuộc về giới của người tại gia cư sĩ, mà còn thuộc về giới của bậc xuất gia tu sĩ (Sadi, Tỳ khưu). 4 điều giới ấy là: 1- Giới tránh xa sự hành dâm. 2- Giới tránh xa sự dùng vật thức phi thời. 3- Giới tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe cá hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái. 4- Giới tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Đó là 4 điều giới trong phần giới của vị Sadi, vị Tỳ khưu, mà quý vị cần phải giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày đêm, trọn cuộc đời xuất gia của mình. Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào thọ trì bát giới uposathasīla, trong đó có 4 điều giới hành này trong sạch và trọn vẹn, thì chắc chắn người cận sự nam, cận sự nữ ấy có được những quả báu đặc biệt của bát giới uposathasīla, tùy theo năng lực của thiện nghiệp bát giới uposathasīla ấy cho quả của chúng.
IV- Giới Uposathasīla Có 9 Điều Uposathasīla có 8 điều giới, người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn 8 điều giới uposathasīla cho được trong sạch và trọn vẹn. Có bát giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, rồi thực hành thiền định niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh trong 10 phương hướng là thêm một chi pháp. Do đó gọi giới uposathasīla có 9 chi pháp, như Đức Phật thuyết dạy trong bài kinh Navaṅguposathasutta [26] , được dịch nghĩa như sau: Đức Phật dạy rằng: - “Này chư Tỳ khưu, người đã thọ trì và giữ gìn uposathasīla gồm đầy đủ 9 chi pháp, có được kết quả nhiều, có quả báu nhiều, quả báu hiện rõ nhiều, quả báu tỏa rộng nhiều. Này chư Tỳ khưu, thọ trì và giữ gìn uposathasīla gồm đầy đủ 9 chi pháp như thế nào, để có được kết quả nhiều, có quả báu nhiều, quả báu hiện rõ nhiều, quả báu tỏa rộng nhiều? Này chư Tỳ khưu, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử có trí tuệ sáng suốt suy xét rằng: 1- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự sát sinh, tuyệt đối tránh xa sự sát sinh, đã bỏ gậy gộc, đã bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn mọi tội lỗi, có tâm bi, thương xót cứu khổ tất cả mọi chúng sinh. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ sự sát sinh, tránh xa sự sát sinh, bỏ gậy gộc, bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn mọi tội lỗi, có tâm bi, thương xót cứu khổ tất cả mọi chúng sinh suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự sát sinh, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ nhất. 2- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự trộm cắp, tuyệt đối tránh xa sự trộm cắp, chỉ thọ nhận vật dụng mà người ta cúng dường, không bao giờ trộm cắp, là bậc sống hoàn toàn trong sạch thanh cao. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ sự trộm cắp, tránh xa sự trộm cắp, chỉ thọ nhận vật dụng mà người ta cho, không trộm cắp, sống hoàn toàn trong sạch thanh cao suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự trộm cắp, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ nhì. 3- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự hành pháp không cao thượng (hành dâm), mà hành phạm hạnh cao thượng, tránh xa việc hành dâm thấp hèn, tuyệt đối tránh xa hành dâm, pháp của người tại gia. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ sự hành pháp không cao thượng (hành dâm), mà hành phạm hạnh cao thượng, tránh xa việc hành dâm thấp hèn, tuyệt đối tránh xa hành dâm, pháp của người tại gia suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự hành dâm, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ ba. 4- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự nói dối, tuyệt đối tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật, lúc nào cũng nói lời chân thật, lời nói có chứng cứ rõ ràng, lời nói đáng tin, không lừa dối đời. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ sự nói dối, tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật, lúc nào cũng nói lời chân thật, lời nói có chứng cứ rõ ràng, lời nói đáng tin, không lừa dối đời suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự nói dối, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ tư. 5- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, tuyệt đối tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ năm. 6- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời chỉ độ (dùng) vật thực một bữa (trong ngày), không dùng vật thực ban đêm, tránh xa sự độ vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa). Hôm nay, chính ta cũng chỉ dùng vật thực một bữa (trong ngày), không dùng vật thực ban đêm, tránh xa sự dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa) suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự dùng vật thực phi thời, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ sáu. 7- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự nhảy múa ca hát, thổi kèn, tuyệt đối tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ sự nhảy múa ca hát, thổi kèn, tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới từ bỏ sự nhảy múa ca hát thổi kèn, tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ bảy. 8- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, tuyệt đối tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô. Hôm nay, chính ta cũng từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta cũng được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô, được trong sạch. Đó là uposathasīla chi pháp thứ tám. 9- Hành giả có thiện tâm hợp với tâm từ rải khắp hướng Đông đến tất cả mọi chúng sinh trong muôn loài, trong khắp mọi nơi, với tâm từ vô lượng rải khắp mọi chúng sinh vô biên, không oan trái lẫn nhau, giữ gìn thân tâm được an lạc. Cũng như vậy, tâm từ rải khắp hướng Nam...; tâm từ rải khắp hướng Tây...; tâm từ rải khắp hướng Bắc...; tâm từ rải khắp phía dưới…; tâm từ rải khắp phía trên đến tất cả mọi chúng sinh trong muôn loài, trong khắp mọi nơi, với tâm từ vô lượng rải khắp mọi chúng sinh vô biên, không oan trái lẫn nhau, giữ gìn thân tâm được an lạc. Đó là uposathasīla chi pháp thứ chín. Này chư Tỳ khưu, như vậy người hành giả thọ trì, giữ gìn uposathasīla gồm có 9 chi pháp này được kết quả nhiều, có quả báu nhiều, quả báu hiện rõ nhiều, quả báu tỏa rộng nhiều”. (Xong bài kinh Navaṅguposathasutta) Nghi Thức Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Uposathasīla Gồm Có 9 Chi Mọi nghi thức phần đầu giống như nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla. Đến phần xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi, thì thay đổi lời xin. Trường hợp số nhiều, từ 2 người trở lên xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi, thì đọc như sau: Mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha navaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā sīlaṃ detha no Bhante. Dutiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha navaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā sīlaṃ detha no Bhante. Tatiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha navaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā sīlaṃ detha no Bhante. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và uposathasīla gồm có 9 chi cho chúng con. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và uposathasīla gồm có 9 chi cho chúng con, lần thứ nhì. Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và uposathasīla gồm có 9 chi cho chúng con, lần thứ ba. Ngài Đại đức truyền dạy rằng: NĐĐ: Yamahaṃ vadāmi, taṃ
vadetha. Tất cả mọi người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh thưa rằng: CSN: Āma, Bhante. Kính lễ Đức Phật Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng: Namo Tassa Bhagavato
Arahato Sammāsambuddhassa. Con đem hết lòng thành
kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy. Thọ phép quy y Tam Bảo Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. NĐĐ: Tisaraṇagamanaṃ
paripuṇṇaṃ. CSN: Āma! Bhante. Thọ trì bát giới uposathasīla gồm có 9 chi pháp Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì uposathasīla gồm có 9 chi pháp như sau:
1-
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
2-
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
3-
Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
4-
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
5-
Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
6-
Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
7-
Nacca gīta vādita visūkadassana
mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
8-
Uccāsayana mahāsayanā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
9-
Mettāsahagatena cetasā sabbapāṇabhūtesu
pharitvā viharaṇaṃ samādiyāmi. Ngài Đại đức khuyên dạy rằng: NĐĐ: Tisaraṇena saha
navaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena
sampādetha. Những người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh bạch rằng: CSN: Āma! Bhante. NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti. Sīlena bhogasampadā. Chúng sinh tái sinh cõi
trời, nhờ giữ giới. CSN: Sādhu! Sādhu! Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi pháp xong rồi, tiếp theo đọc bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm tăng đức tin cho vững chắc, như sau: Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới uposathasīla gồm có 9 chi pháp. Nhận xét về cửu giới uposathasīla Trong giới uposathasīla gồm có 9 điều, điều thứ 9 là thọ pháp hành thiền định niệm rải tâm từ như sau: “Mettāsahagatena cetasā
sabbapāṇabhūtesu pharitvā viharaṇaṃ samādiyāmi”. Cũng trong điều thứ 9 này, một số sách khác thọ trì như sau: “Yathābalaṃ
mettāsahagatena cetasā sabbavantaṃ lokaṃ pharitvā viharāmi”. Điều thứ 9 trong giới uposathasīla có 9 chi pháp không phải là điều giới như 8 điều giới ở phần trước (từ điều giới thứ nhất đến điều giới thứ 8), mà là điều pháp hành thiền định niệm rải tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Như vậy, trong giới uposathasīla có 9 chi pháp này, 8 điều giới đầu thuộc về pháp hành giới, hỗ trợ cho điều thứ 9 thuộc về pháp hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Phước thiện và quả báu đặc biệt của giới uposathasīla có 9 chi pháp Nếu hành giả thọ trì giới uposathasīla có 9 chi pháp rồi giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn, thì hành giả không những được phước thiện giữ giới, mà còn có được phước thiện hành thiền. Do đó, giới uposathasīla có 9 chi pháp này cao quý hơn bát giới uposathasīla. Phước thiện hành thiền niệm rải tâm từ sẽ có được 11 quả báu trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai như sau: 1- Ngủ được an lạc. 2- Thức dậy được an lạc. 3- Không thấy các ác mộng. 4- Được mọi người thương yêu, quý mến. 5- Được các hàng phi nhân thương yêu, quý mến. 6- Được chư thiên hộ trì. 7- Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí,... không thể làm hại được. 8- Tâm dễ dàng an tịnh. 9- Gương mặt sáng sủa. 10- Lúc lâm chung tâm không mê muội (tâm trí sáng suốt). 11- Đề mục niệm rải tâm từ có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới (trừ đệ ngũ thiền); nếu chưa trở thành bậc Thánh Arahán, thì sau khi chết, bậc thiền hữu sắc sở đắc của mình cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên. Hành giả thực hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ [27] đến cho mình rồi đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì chính mình được sự an lạc, do năng lực tâm từ ấy, chúng sinh gần xa cũng được sự an lạc tuỳ theo năng lực tâm từ của hành giả. V- Thập Giới (Dasasīla) Thập giới là thường giới của bậc xuất gia Sadi. Bậc Sadi có thập giới là thường giới và có nhiều loại giới khác, 14 pháp hành,... cần phải giữ gìn suốt ngày đêm cho được trong sạch và trọn vẹn trong phẩm hạnh Sadi. Đối với người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo một cách sâu sắc, nhưng người ấy chưa có đủ duyên được xuất gia, họ tư duy rằng: “Ta chưa có đủ duyên từ bỏ nhà đi xuất gia như các bậc xuất gia (Sadi, Tỳ khưu), vì ta còn bị ràng buộc bởi gia đình, xã hội. Nay được nghỉ ngơi một thời gian ngắn, ta nên vào chùa xin thọ trì thập giới, trong suốt thời gian ở trong chùa, để có cơ hội tốt thực hành giới-định-tuệ. Bởi vì đời sống của người tại gia có nhiều ràng buộc, khó thực hành phạm hạnh được trong sạch hoàn toàn”. Sau khi suy xét chân chính như vậy, người cận sự nam, cận sự nữ ấy đến chùa; nếu có mang theo tiền, vàng bạc, của cải quý giá, người ấy phải gửi cho người hộ Tăng trong chùa, nhờ cất giữ. Sau khi xả giới trở về nhà, người ấy đến xin nhận lại số tiền, vàng bạc, những của cải quý giá đã gửi nơi người hộ Tăng ấy. Người cận sự nam, cận sự nữ đến đảnh lễ vị Đại đức trong chùa, bạch cho Ngài biết rõ nguyện vọng xin ở trong chùa, thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới trong suốt thời gian ở trong chùa. Kính xin Ngài từ bi tế độ. Nghi Thức Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Thập Giới Của Người Tại Gia Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo một cách sâu sắc mới có khả năng thọ phép quy y Tam Bảo và thập giới của người tại gia theo tuần tự như sau: Lễ bái Tam Bảo Lễ sám hối Tam Bảo * Lễ sám hối Đức Phật Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Pháp Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Tăng Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, Bài kệ cầu nguyện Iminā puññakammena, Do nhờ năng lực thiện tâm
sám hối này, Lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha dasagahaṭṭhasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante. Dutiyampi ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha dasagahaṭṭhasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante. Tatiyampi ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha dasagahaṭṭhasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante. Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và thập giới của người tại gia cho con. Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và thập giới của người tại gia cho con, lần thứ nhì. Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và thập giới của người tại gia cho con, lần thứ ba. Ngài Đại đức truyền dạy rằng: NĐĐ: Yamahaṃ vadāmi, taṃ
vadehi. Người cận sự nam, hoặc cận sự nữ thưa rằng: CSN: Āma, Bhante. Kính lễ Đức Phật Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng: Namo Tassa Bhagavato
Arahato Sammāsambuddhassa. Con đem hết lòng thành
kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy. Thọ phép quy y Tam Bảo Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. NĐĐ: Tisaraṇagamanaṃ
paripuṇṇaṃ. CSN: Āma! Bhante. Thọ trì thập giới của người tại gia Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì thập giới của người tại gia:
1-
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
2-
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
3-
Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
4-
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
5-
Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
6-
Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
7-
Nacca gīta vādita visūkadassanā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
8-
Mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana
vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
9-
Uccāsayana mahāsayanā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
10-
Jātarūpa rajata paṭiggahanā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Ngài Đại đức khuyên dạy rằng: NĐĐ: Tisaraṇena saha
dasagahaṭṭhasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena sampādetha. Người cận sự nam, hoặc người cận sự nữ bạch rằng: CSN: Āma! Bhante. NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti. Chúng sinh tái sinh cõi
trời, nhờ giữ giới. CSN: Sādhu! Sādhu! Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia xong rồi, tiếp theo đọc bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm tăng đức tin cho vững chắc, như sau: Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và thập giới của người tại gia. Phần Giải Thích Thập giới gồm có 10 điều giới, từ điều giới thứ nhất đến điều giới thứ 6 và điều giới 9 đã được giải thích trong phần ngũ giới và bát giới uposathasīla. Trong phần sau sẽ giải thích điều giới thứ 7: Tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát là pháp nghịch với giới-định-tuệ; điều giới thứ 8: Tránh xa sự đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái; điều giới thứ 10: Tránh xa sự thọ nhận vàng bạc, châu báu. Điều Giới Thứ 7 Nacca gīta vādita visūkadassanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Tự mình nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn; hoặc sai bảo người khác nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn do bởi tâm tham ái là nhân sinh khổ, nghịch với pháp hành giới-định-tuệ không dẫn đến giải thoát khổ trong Phật giáo. Đó là điều nên tránh xa, tự mình không nên hành động, cũng không nên sai bảo người khác hành động như vậy. Do đó, trở thành một điều giới riêng biệt mà hành giả phải tránh xa để khỏi phạm điều giới. Điều Giới Thứ 8 Mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Đeo tràng hoa, thoa phấn son, xức nước hoa, tự mình làm đẹp là nhân sinh tâm tham ái. Đó là điều nên tránh xa. Do đó trở thành một điều giới riêng biệt mà hành giả phải nên tránh xa để khỏi phạm điều giới. Điều giới thứ 7: “Nacca gīta vādita...” và điều giới thứ 8: “Mālāgandha vilepana...” gom chung thành 1 điều giới trong bát giới uposathasīla và cửu giới uposathasīla, bởi vì trong 2 điều giới này, mỗi sự việc tuy có tính chất khác nhau, nhưng cả 2 điều giới đều có chung sắc trần và thanh trần đáng hài lòng thuộc về kāmaguṇa: Đối tượng dục giới ràng buộc, dễ phát sinh tâm tham ái. Trong thập giới, điều giới thứ 7: “Nacca gīta vādita...” tự mình nhảy múa, ca hát,... và sai bảo người khác nhảy múa, ca hát,... để xem, để nghe thuộc về thân hành ác và khẩu hành ác. Do đó, trở thành một điều giới nên tránh xa riêng biệt. Điều giới thứ 8: “Mālāgandha vilepana...” đeo tràng hoa, thoa phấn son, xức nước hoa,... tự mình làm đẹp là nhân sinh tâm tham ái. Do đó, trở thành một điều giới nên tránh xa riêng biệt. Điều Giới Thứ 10 Jātarūpa rajata paṭiggahanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Jātarūpa: Vàng ròng, gồm tất cả những đồ trang sức làm bằng vàng như dây vòng vàng, nhẫn vàng,... ─ Rajata: Bạc, gồm tất cả những đồ làm bằng bạc, tiền bạc bằng đồng, bằng bạc, bằng giấy, bằng ngân phiếu,... ─ Paṭiggahanā: Nhận lấy, đụng chạm đến vàng bạc, tiền bạc,... bằng 5 cách: + Uggaha: Tự mình thọ nhận, đụng chạm đến vàng, tiền bạc, ngân phiếu,... + Uggahāpana: Sai bảo người khác thọ nhận vàng, tiền bạc, ngân phiếu,... cất giữ cho mình. + Upanikkhittasādayana: Thí chủ đem vàng, tiền bạc, ngân phiếu,... dâng cúng dường đến vị Tỳ khưu để mua sắm y mặc, mua dép mang, mua vé xe, vé tàu, vé máy bay,... Vị Tỳ khưu ấy không thọ nhận bằng thân hoặc bằng khẩu mà thọ nhận bằng tâm hoan hỷ số vàng, tiền bạc, ngân phiếu,... ấy dành cho mình. + Dubbicāraṇa: Người thí chủ hiểu biết giới luật của Tỳ khưu, cho nên không trực tiếp dâng vàng, tiền bạc, ngân phiếu,... đến vị Tỳ khưu ấy, mà đem gửi cho người hộ Tăng, nhờ người hộ Tăng ấy mua những thứ vật dụng cần thiết dâng đến vị Tỳ khưu ấy (đúng theo giới luật của Tỳ khưu mà Sadi cũng nên hành theo). Người thí chủ tìm đến vị Tỳ khưu ấy bạch rằng: ─ Kính bạch Ngài Đại đức, con có gởi một số tài chánh cho người hộ Tăng, nhờ người ấy mua sắm những thứ vật dụng mà Ngài cần dùng. Khi Ngài cần thứ vật dụng nào, kính xin mời Ngài đến gặp người hộ Tăng, nhờ người ấy đi tìm kiếm thứ vật dụng ấy, để dâng đến Ngài (đúng theo giới luật của Tỳ khưu mà Sadi cũng nên hành theo). Vị Tỳ khưu tìm đến người hộ Tăng hỏi để biết số tiền mà thí chủ dâng cho Ngài bao nhiêu, hoặc sai bảo người hộ Tăng bỏ vào hộp cất giữ, hoặc sai bảo người hộ Tăng lấy tiền từ trong hộp ra mua sắm những thứ vật dụng này, thứ vật dụng kia (như vậy, không đúng theo giới luật của Tỳ khưu). + Āmasana: Vị Tỳ khưu không được phép hoan hỷ đụng chạm đến vàng, tiền bạc, ngân phiếu,... của người khác. Đó là 5 cách mà hành giả thọ trì điều giới thứ 10 cần phải tránh xa để giữ gìn điều giới ấy được trong sạch và trọn vẹn. Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo một cách sâu sắc mới thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia. Để giữ gìn điều giới thứ 10: “Tránh xa thọ nhận vàng bạc, tiền bạc, ngân phiếu...” trong suốt khoảng thời gian phát nguyện thọ trì thập giới. Nếu người cận sự nam hoặc người cận sự nữ có mang theo vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... thì trước khi xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia, người ấy nên đem số vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... gưỉ người hộ Tăng đáng tin cậy trong chùa, rồi mới xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia. Sau khi người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia xong rồi, từ đó không thọ nhận vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... từ một người nào khác, kể cả người trong gia đình, để giữ gìn điều giới thứ 10 cho được trong sạch và trọn vẹn. Thập giới của người tại gia với thập giới của bậc xuất gia Sadi khác nhau như thế nào? * Đối với người tại gia, trước khi đi vào chùa để thọ trì thập giới của người tại gia, người cận sự nam, cận sự nữ không phải từ bỏ gia đình, không phải xả bỏ tất cả của cải, vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... trong nhà, trong ngân hàng,... Khi đi vào chùa, nếu người cận sự nam, cận sự nữ có mang theo vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... thì cần phải gửi người hộ Tăng tin cậy trong chùa xong, mới xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia. Sau khi đã thọ thập giới của người tại gia xong, từ đó người ấy không thọ nhận vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... từ người khác, dù người ấy là người thân trong gia đình (cha mẹ, anh, chị, em, con cái,...) cũng không nên thọ nhận, để giữ gìn thập giới cho được trong sạch và trọn vẹn, làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. * Đối với bậc xuất gia, trước khi đi vào chùa để làm lễ xuất gia trở thành Sadi trong Phật giáo, người cận sự nam từ bỏ tất cả của cải, vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... của mình. Khi đi vào chùa, người cận sự nam giới tử xin cạo tóc, làm lễ xuất gia trở thành Sadi trong Phật giáo. Sadi có nhiều loại giới, trong đó có thập giới của bậc xuất gia Sadi là thường giới, vị Sadi ấy phải giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt cuộc đời phạm hạnh xuất gia Sadi của mình. Thập giới của người tại gia với thập giới của bậc xuất gia Sadi khác nhau như vậy. Sau một thời gian phát nguyện thọ trì thập giới của người tại gia, người cận sự nam hoặc người cận sự nữ xin xả thập giới trở lại ngũ giới là thường giới và 8 giới 8 ājīvaṭṭhamakasīla của người tại gia, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường của người tại gia. Nhận xét về thập giới của người tại gia Thập giới vốn là thường giới của bậc xuất gia Sadi, trong thập giới có điều giới thứ 10: “Tránh xa thọ nhận vàng bạc, châu báu, tiền bạc,...” bởi vì bậc xuất gia không liên quan đến vàng bạc, châu báu, tiền bạc,...; còn đối với người tại gia, vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... là một nhu cầu cần thiết trong cuộc sống mà không thể thiếu được. Do đó, người tại gia còn bị ràng buộc bởi của cải, vàng bạc, châu báu, tiền bạc,... mà khó có thể từ bỏ, khó xả bỏ hết thảy. Người cận sự nam hoặc người cận sự nữ nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo một cách sâu sắc mới có khả năng thọ trì thập giới của người tại gia. Về hình thức bên ngoài tuy người ấy chưa phải là bậc xuất gia Sadi, nhưng nội tâm bên trong, người ấy hành giới y như bậc xuất gia Sadi trong suốt thời gian phát nguyện thọ trì thập giới của người tại gia. Như vậy, quả báu thập giới của người ấy chắc chắn cao quý hơn bát giới uposathasīla và hơn cửu giới uposathasīla. Giới Bị Chấm Dứt Và Giới Không Bị Chấm Dứt (Pariyantasīla Và Apariyantasīla) Trong bộ Paṭisambhidāmagga trình bày giới có 2 loại: 1- Giới bị chấm dứt (pariyantasīla). 2- Giới không bị chấm dứt (apariyantasīla). 1- Giới bị chấm dứt (pariyantasīla) ─ Giới bị chấm dứt vì tham muốn lợi lộc (của cải) (lābhapariyantasīla). - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ bộ hạ (danh vọng) (yasapariyantasīla). - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ thân quyến (ñātipariyantasīla). - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ các bộ phận trong thân (aṅgapariyantasīla). - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ sinh mạng (jīvitapariyantasīla). * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì tham muốn lợi lộc (của cải)? Trong đời này, một số người phạm giới vì tham muốn lợi lộc (của cải) là nhân, là duyên, là nguồn gốc. Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị đứt) vì tham muốn lợi lộc. * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ bộ hạ (danh vọng)? Trong đời này, một số người phạm giới vì muốn bảo vệ bộ hạ của mình (danh vọng của mình) là nhân, là duyên, là nguồn gốc. Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị đứt) vì bảo vệ bộ hạ của mình. * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ thân quyến? Trong đời này, một số người phạm giới vì muốn bảo vệ thân quyến của mình là nhân là duyên, là nguồn gốc. Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị đứt) vì bảo vệ thân quyến của mình. * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ các bộ phận trong thân? Trong đời này, một số người phạm giới vì muốn bảo vệ các bộ phận trong thân của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc. Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị đứt) vì bảo vệ các bộ phận trong thân của mình. * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ sinh mạng? Trong đời này, một số người phạm giới vì muốn bảo vệ sinh mạng của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc. Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị đứt) vì bảo vệ sinh mạng của mình. Vì vậy, cho nên giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan, không tự chủ - làm tôi tớ của tham ái, không được bậc thiện trí tán dương ca tụng, bị tà kiến và tham ái khống chế, không thể làm nền tảng để phát sinh tâm định (cận định, an định), làm cho thân tâm nóng nảy khó chịu, không làm cho tâm thoải mái, không làm cho tâm hoan hỷ, không làm cho thân tâm an tịnh, không làm cho thân tâm an lạc, không có tâm định, không có trí tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, chắc chắn không phát sinh trí tuệ thiền tuệ nhàm chán tử sinh luân hồi, không ly dục trong tử sinh luân hồi, không diệt được phiền não, không làm vắng lặng được phiền não, không chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị đứt). 2- Giới không bị chấm dứt (apariyantasīla) ─ Giới không bị chấm dứt vì lợi lộc (của cải). ─ Giới không bị chấm dứt vì bộ hạ (danh vọng). ─ Giới không bị chấm dứt vì thân quyến. ─ Giới không bị chấm dứt vì các bộ phận trong thân. ─ Giới không bị chấm dứt vì sinh mạng. * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt vì lợi lộc (của cải)? Trong đời này, một số người không để phạm giới vì lợi lộc (của cải) là nhân, là duyên, là nguồn gốc; số người ấy cũng sẽ không phạm giới vì lợi lộc. Đó gọi là giới không bị chấm dứt vì lợi lộc. * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt vì bộ hạ (danh vọng)? Trong đời này, một số người không để phạm giới vì bộ hạ của mình (danh vọng của mình) là nhân, là duyên, là nguồn gốc; số người ấy cũng sẽ không phạm giới vì bộ hạ của mình. Đó gọi là giới không bị chấm dứt vì bộ hạ của mình. * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt vì thân quyến? Trong đời này, một số người không để phạm giới vì thân quyến của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc; số người ấy cũng sẽ không phạm giới vì thân quyến của mình. Đó gọi là giới không bị chấm dứt vì thân quyến của mình. * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt vì các bộ phận trong thân? Trong đời này, một số người không để phạm giới vì các bộ phận trong thân của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc; số người ấy cũng sẽ không phạm giới vì các bộ phận trong thân của mình. Đó gọi là giới không bị chấm dứt vì các bộ phận trong thân của mình. * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt vì sinh mạng? Trong đời này, một số người không để phạm giới vì sinh mạng của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc; số người ấy cũng sẽ không phạm giới vì sinh mạng của mình. Đó gọi là giới không bị chấm dứt vì sinh mạng của mình. Vì vậy, cho nên giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan, tự chủ - không làm tôi tớ của tham ái, được bậc thiện trí tán dương ca tụng, tà kiến và tham ái không thể khống chế được, có thể làm nền tảng để phát sinh tâm định (cận định, an định), làm cho thân tâm mát mẻ dễ chịu, làm cho tâm thoải mái, phát sinh tâm hoan hỷ, làm cho thân tâm an tịnh, làm cho thân tâm được an lạc, có tâm định trong sáng, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, chắc chắn phát sinh trí tuệ thiền tuệ nhàm chán tử sinh luân hồi, tâm ly dục trong tử sinh luân hồi, để dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, để chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, để làm vắng lặng mọi phiền não. Đó gọi là giới không bị chấm dứt. (Tóm lược trong bộ Paṭisambhidāmagga) Giải thích 1- Giới bị chấm dứt 2- Giới không bị chấm dứt 1- Giới bị chấm dứt nghĩa là phạm giới, giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan do nguyên nhân vì lợi lộc, vì nhóm bộ hạ, vì người thân quyến, vì bộ phận trong thân thể, vì sinh mạng của mình; do nguyên nhân nào đó mà người ấy bị phạm giới, không giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn như trước nữa. 2- Giới không bị chấm dứt nghĩa là không phạm giới, giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan dù bất cứ nguyền nhân nào như lợi lộc, nhóm bộ hạ, người thân quyến, bộ phận trong thân thể, sinh mạng của mình; mà vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn. Ví dụ: 1- Nguyên nhân vì lợi lộc a) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu khi thấy món lợi lộc nhỏ thì người ấy không phát sinh tâm tham, không quan tâm đến món lợi lộc nhỏ ấy, người ấy vẫn giữ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn. Nhưng nếu khi thấy món lợi lộc lớn, mà không ai thấy, không ai hay biết, cũng không ai nghi ngờ, thì người ấy mới phát sinh tâm tham, quan tâm đến món lợi lộc lớn ấy, rồi dẫn đến phạm giới, để chiếm đoạt món lợi lộc lớn ấy về cho mình. Như vậy gọi là giới bị chấm dứt, giới của người ấy bị phạm do nguyên nhân vì lợi lộc. b) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn dù thấy món lợi lộc lớn mà không ai thấy, không ai hay biết, cũng không ai nghi ngờ; người ấy cũng không phát sinh tâm tham, không quan tâm đến món lợi lộc lớn ấy. Người ấy vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, không bị phạm điều giới nào. Như vậy gọi là giới không bị chấm dứt, giới của người ấy không bị phạm do nguyên nhân vì lợi lộc. 2- Nguyên nhân vì nhóm bộ hạ a) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu thấy một người không thân, không phải là bộ hạ của mình có hành vi phạm pháp, thì người ấy vẫn giữ thái độ thản nhiên. Nhưng nếu thấy một người thân là bộ hạ của mình có hành vi phạm pháp, thì người ấy phát sinh tâm thiên vị vì thương, nên đứng ra là chứng gian (phạm điều giới nói dối) để giúp cho người thân, bộ hạ của mình tránh khỏi bị tù tội. Như vậy gọi là giới bị chấm dứt, giới của người ấy bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ nhóm bộ hạ của mình. b) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù thấy người thân, bộ hạ của mình có hành vi phạm pháp, người ấy không bao che cho bộ hạ của mình để tránh khỏi bị tù tội, mà vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn. Như vậy gọi là giới không bị chấm dứt, giới của người ấy không bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ nhóm bộ hạ của mình. 3- Nguyên nhân vì người thân quyến a) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu thấy một người không quen có hành vi phạm pháp, thì người ấy vẫn giữ thái độ thản nhiên. Nhưng nếu thấy một người thân quyến của mình có hành vi phạm pháp, thì người ấy phát sinh tâm thiên vị vì thương, nên đứng ra là chứng gian (phạm điều giới nói dối) để giúp cho người thân quyến của mình tránh khỏi bị tù tội. Như vậy gọi là giới bị chấm dứt, giới của người ấy bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ người thân quyến. b) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù thấy người thân quyến của mình có hành vi phạm pháp, người ấy không bao che cho người thân quyến của mình để tránh khỏi bị tù tội, mà vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn. Như vậy gọi là giới không bị chấm dứt, giới của người ấy không bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ người thân quyến. 4- Nguyên nhân vì bộ phận trong thân thể a) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu người ấy bị thương nhẹ, thì dùng thuốc có sẵn để chữa trị vết thương. Nhưng nếu khi người ấy bị thương nặng gãy cánh tay (hoặc bị gãy chân) mà vị thầy thuốc hướng dẫn cần phải giết một con gà quạ (đen) trộn chung với các vị thuốc đắp vào chỗ gãy xương ấy mới có thể lành, khỏi bị thương tật. Vì chấp nhận làm theo lời hướng dẫn của vị thầy thuốc, nên bệnh nhân phải giết con gà quạ (phạm điều giới sát sinh) để chữa trị chỗ xương bị gãy cho lành lại. Như vậy gọi là giới bị chấm dứt, giới của người ấy bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ bộ phận trong thân thể. b) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù người ấy bị thương nặng gãy cánh tay (hoặc bị gãy chân) và đã được vị thầy thuốc hướng dẫn cần phải giết một con gà quạ (đen) trộn chung với các vị thuốc đắp vào chỗ gãy xương ấy mới có thể lành, khỏi bị thương tật. Nhưng người bệnh nhân không chấp nhận làm theo lời hướng dẫn của thầy thuốc, không chịu giết con gà quạ để làm thuốc. Người bệnh nhân thà chịu hy sinh chặt cánh tay (hoặc chân), chứ không chịu phạm điều giới sát sinh, giết chết con gà quạ để làm thuốc. Như vậy gọi là giới không bị chấm dứt, giới của người ấy không bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ bộ phận trong thân thể. 5- Nguyên nhân vì sinh mạng a) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu khi bị con vật gì cắn, thì người ấy dùng thuốc để chữa trị . Nhưng nếu khi bị con trăn quấn siết chặt vào thân mình làm cho đau đớn, thì người ấy dùng khí giới giết con trăn ấy (phạm điều giới sát sinh) để cứu sinh mạng của mình. Như vậy, gọi là giới bị chấm dứt, giới của người ấy bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ sinh mạng của mình. b) Một người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù bị con trăn quấn siết chặt vào thân mình làm cho đau đớn kinh khủng, người ấy có khả năng giết chết con trăn ấy, nhưng vì có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, hiểu biết rõ tai hại của sự phạm điều giới sát sinh và hiểu rõ quả báu của giới tránh xa sự sát sinh, nên người ấy có sự nhận thức đúng đắn rằng: Quyết tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, thà chịu hy sinh sinh mạng, để bảo vệ giới của mình được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. Như vậy gọi là giới không bị chấm dứt, giới của người ấy không bị phạm do nguyên nhân vì bảo vệ sinh mạng của mình. Phân Tích 4 Tính Chất Của Giới Trong ngũ giới, bát giới uposathasīla, cửu giới uposathasīla, thập giới, v.v.. có 4 tính chất: 1- Giới bị đứt và giới không bị đứt. 2- Giới bị thủng và giới không bị thủng. 3- Giới bị đốm và giới không bị đốm. 4- Giới bị đứt lan và giới không bị đứt lan. 1- Thế nào gọi là giới bị đứt (khaṇdha) và giới không bị đứt (akhaṇdha)? Trong ngũ giới và bát giới,... nếu hành giả phạm điều giới đầu và điều giới cuối, 2 điều giới này bị đứt rời ra, thì gọi là giới bị đứt; ví như tấm vải có phần đầu và phần cuối bị rách rời ra. * Ví dụ: Ngũ giới gồm có 5 điều giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Nếu phạm điều giới thứ nhất và điều giới thứ 5 (2 điều giới này bị đứt rời ra) thì gọi là ngũ giới bị đứt. * Ví dụ: Bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Nếu phạm điều giới thứ nhất và điều giới thứ 8 (2 điều giới này bị đứt rời ra) thì gọi là bát giới bị đứt. Và hành giả thọ trì ngũ giới, bát giới,... rồi giữ gìn điều giới đầu và điều giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, thì gọi là giới không bị đứt. 2- Thế nào gọi là giới bị thủng (chidda) và giới không bị thủng (acchidda)? Trong ngũ giới và bát giới,..., ngoại trừ điều giới đầu và điều giới cuối ra, nếu hành giả phạm một trong những điều giới còn lại ở khoảng giữa, thì gọi là giới bị thủng; ví như tấm vải bị thủng ở giữa. * Ví dụ: Ngũ giới 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Nếu phạm một trong những điều giới thứ 2, điều giới thứ 3, điều giới thứ 4, thì gọi là ngũ giới bị thủng. * Ví dụ: Bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 V.v… Nếu phạm một trong những điều giới thứ 2, điều giới thứ 3, điều giới thứ 4, điều giới thứ 5, điều giới thứ 6, điều giới thứ 7, thì gọi là bát giới bị thủng. Và hành giả thọ trì ngũ giới, bát giới,... rồi giữ gìn những điều giới ở khoảng giữa của điều giới đầu và điều giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, thì gọi là giới không bị thủng. 3- Thế nào gọi là giới bị đốm (sabala) và giới không bị đốm (asabala)? Trong ngũ giới, bát giới,..., ngoại trừ điều giới đầu và điều giới cuối. Nếu hành giả phạm các điều giới còn lại cách khoảng nhau, thì gọi là giới bị đốm; ví như con bò bị đốm từng chấm, từng chấm cách khoảng nhau. * Ví dụ: Ngũ giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Những điều giới thứ nhất, điều giới thứ 3, điều giới thứ 5 được giữ gìn trong sạch; nếu phạm điều giới thứ 2 và điều giới thứ 4 cách khoảng nhau, thì gọi là ngũ giới bị đốm. * Ví dụ: Bát giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Những điều giới thứ nhất, điều giới thứ 3, điều giới thứ 5, điều giới thứ 7 và điều giới thứ 8 được giữ gìn trong sạch; nếu phạm điều giới thứ 2, điều giới thứ 4 và điều giới thứ 6 cách khoảng nhau, thì gọi là bát giới bị đốm. Và hành giả thọ trì ngũ giới, bát giới,... rồi giữ gìn những điều giới ở phần giữa của điều giới đầu và điều giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, không để bị phạm điều giới cách khoảng nhau, thì gọi là giới không bị đốm. 4- Thế nào gọi là giới bị đứt lan (kammāsa) và giới không bị đứt lan (akammāsa)? Trong ngũ giới, bát giới,..., nếu hành giả phạm những điều giới liền theo với nhau, thì gọi là giới bị đứt lan; ví như con bò có từng vệt vá. * Ví dụ: Ngũ giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 Nếu phạm điều giới thứ 2 và điều giới thứ 3 liền theo với nhau, hoặc phạm điều giới thứ 3 và điều giới thứ 4 liền theo với nhau, thì gọi là ngũ giới bị đứt lan. * Ví dụ: Bát giới. 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 V.v… Nếu phạm điều giới thứ 2 và điều giới thứ 3, hoặc điều giới thứ 3 và điều giới thứ 4, hoặc điều giới thứ 4 và điều giới thứ 5, hoặc điều giới thứ 6 và điều giới thứ 7 liền theo với nhau, thì gọi là bát giới bị đứt lan. Hoặc nếu phạm điều giới thứ 2, điều giới thứ 3, điều giới thứ 4; hoặc điều giới thứ 5, điều giới thứ 6, điều giới thứ 7 liền theo với nhau, thì gọi là bát giới bị đứt lan. Hoặc nếu phạm điều giới thứ 2, điều giới thứ 3, điều giới thứ 4, điều giới thứ 5 liền theo với nhau, thì gọi là bát giới bị đứt lan. Hoặc nếu phạm điều giới thứ 4, điều giới thứ 5, điều giới thứ 6, điều giới thứ 7; liền theo với nhau, thì gọi là bát giới bị đứt lan. Hoặc nếu phạm điều giới thứ 2, điều giới thứ 3, điều giới thứ 4, điều giới thứ 5, điều giới thứ 6 liền theo với nhau, thì gọi là bát giới bị đứt lan. Hoặc nếu phạm điều giới thứ 3, điều giới thứ 4, điều giới thứ 5, điều giới thứ 6, điều giới thứ 7 liền theo với nhau, thì gọi là bát giới bị đứt lan. V.v… Và hành giả thọ trì ngũ giới, bát giới,... rồi giữ gìn những điều giới ở phần giữa của điều giới đầu và điều giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, không phạm các điều giới liền theo với nhau, thì gọi là giới không bị đứt lan. Giải Thích 4 Tính Chất Phạm Ngũ Giới * Ví dụ 1: Giới bị đứt (phạm điều giới đầu và điều giới cuối). Một người sau khi đã thọ trì ngũ giới, vì tính dể duôi, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nên giết con gà để ăn nhậu (phạm điều giới đầu “sát sinh”. Khi ăn thịt gà, người ấy còn uống rượu (phạm điều giới cuối “uống rượu”). Như vậy, người ấy có ngũ giới bị đứt, bởi vì phạm điều giới thứ nhất “sát sinh” và điều giới thứ 5 “uống rượu”. * Ví dụ 2: Giới bị thủng (phạm điều giới ở giữa). Một người sau khi đã thọ trì ngũ giới, vì tính dể duôi, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nên nói dối (phạm điều giới thứ 4 “nói dối” ở giữa ngũ giới). Như vậy, người ấy có ngũ giới bị thủng, bởi vì phạm điều giới thứ 4 “nói dối” ở giữa. * Ví dụ 3: Giới bị đốm (phạm những điều giới cách khoảng). Một người sau khi đã thọ trì ngũ giới, vì tính dể duôi, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nên trộm cắp tiền bạc của người khác (phạm điều giới thứ 2 “trộm cắp”). Khi bị bắt, bị điều tra xét hỏi, người ấy nói dối rằng: “Tôi không trộm cắp tiền bạc của người khác” (phạm điều giới thứ 4 “nói dối”). Như vậy, người ấy có ngũ giới bị đốm, bởi vì phạm điều giới thứ 2 “trộm cắp” và điều giới thứ 4 “nói dối”. * Ví dụ 4: Giới bị đứt lan (phạm những điều giới liền theo với nhau). Một người sau khi đã thọ trì ngũ giới, vì tính dể duôi, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nên hành dâm với vợ (hoặc chồng) của người khác (phạm điều giới thứ 3 “tà dâm”). Khi bị bắt, bị điều tra xét hỏi, người ấy nói dối rằng: “Tôi không hành dâm với vợ (hoặc chồng) của người khác” (phạm điều giới thứ 4 “nói dối”). Như vậy, người ấy có ngũ giới bị đứt lan, bởi vì phạm điều giới thứ 3 “tà dâm” và điều giới thứ 4 “nói dối”. Giới Với Sinh Mạng Bậc thiện trí dám hy sinh của cải tiền bạc, để bảo vệ các bộ phận trong thân thể; dám hy sinh cả của cải tiền bạc lẫn bộ phận trong thân thể, để bảo vệ sinh mạng; và dám hy sinh của cải tiền bạc, các bộ phận trong thân thể và sinh mạng, để bảo vệ giới. Xét thấy rằng: Tuy của cải tiền bạc trong đời rất cần thiết đối với sự sống của con người, của cải tiền bạc thuộc về của cải bên ngoài thân mình. Nếu đem của cải tiền bạc so với các bộ phận trong thân thể, thì các bộ phận trong thân thể quý hơn của cải tiền bạc. Cho nên, khi có bộ phận nào trong thân thể bị thương, bậc thiện trí dám hy sinh đem của cải tiền bạc để chữa trị cho đến khi khỏi hẳn, dù phải tốn kém bao nhiêu cũng không tiếc. Khi người bị lâm bệnh nặng, nếu bác sĩ khuyên rằng: “Phải nên cưa tay, cưa chân, hoặc mổ cắt một phần bộ phận nào trong thân,..., của bệnh nhân, thì mới có thể cứu sống bệnh nhân được”. Vì bảo vệ sinh mạng, người bệnh nhân phải hy sinh bộ phận nào trong thân thể, dù bộ phận ấy cũng quan trọng trong thân thể. Trong cuộc sống bậc thiện trí gặp phải vấn đề nan giải, nếu bảo vệ sinh mạng thì phải phạm giới. Nếu giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn thì phải hy sinh sinh mạng. Trong trường hợp này, bậc thiện trí quyết định hy sinh sinh mạng, để bảo vệ giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Bởi vì, bậc thiện trí suy xét đúng đắn rằng: “Nếu hôm nay ta chịu phá giới để bảo vệ duy trì sinh mạng, thì sinh mạng này cũng không thể duy trì lâu theo ý muốn của ta được, chắc chắn một ngày nào đó ta cũng phải chết, từ bỏ sinh mạng này, mà khi ấy giới của ta không được trong sạch, thì chắc chắn khó tránh khỏi tai hoạ tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Nếu hôm nay, ta chịu hy sinh sinh mạng, để bảo vệ giữ gìn giới của ta cho được trong sạch và trọn vẹn, thì sau khi chết, do nhờ giới trong sạch và trọn vẹn là thiện nghiệp cao quý cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới. Nếu tái sinh làm người, thì sẽ làm người cao quý, có trí tuệ sáng suốt, hưởng được nhiều sự an lạc trong cõi người. Nếu tái sinh làm vị thiên nam (hoặc vị thiên nữ) trong cõi trời dục giới nào, thì sẽ là vị thiên nam (hoặc thiên nữ) cao quý trong cõi trời dục giới ấy”. Cho nên, hy sinh sinh mạng để bảo vệ, giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, đó là điều cao quý, bởi vì, thiện nghiệp giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn cho quả báu an lạc trong nhiều kiếp vị lai. Tích những bậc Thánh dám hy sinh sinh mạng để giữ gìn giới trong sạch * Ngài Đại đức hành đạo tại khu rừng [28] Thời quá khứ, một Ngài Đại đức đang hành đạo trong khu rừng lớn tên Mahāvattani (xứ Srilankā). Một bọn cướp gặp Ngài, chúng bắt Ngài, cột trói Ngài bằng một sợi dây trong rừng, rồi để Ngài nằm nơi ấy. Ngài Đại đức không dám vùng vẫy sợ làm đứt sợi dây còn tươi, sẽ bị phạm điều giới pācittiya mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến tất cả chư Tỳ khưu. Ngài quyết định hy sinh sinh mạng để bảo vệ giới, nên nhẫn nại chịu đựng, đồng thời thực hành thiền tuệ đến ngày thứ 7, Ngài chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ bậc Thánh Nhập Lưu cho đến bậc Thánh Bất Lai rồi Ngài chết tại nơi đó. Sau khi chết, do nhờ bậc thiền hữu sắc - sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới theo bậc thiền sở đắc của Ngài. * Ngài Đại đức xứ Srilankā [29] Ngài Đại đức xứ Srilankā đang hành đạo trong rừng; một bọn cướp gặp Ngài, chúng bắt Ngài, cột trói Ngài bằng một sợi dây trong rừng, rồi để Ngài nằm nơi ấy. Trận hỏa hoạn cháy rừng cháy lan đến chỗ Ngài nằm, Ngài không dám vùng dậy chạy thoát thân, sợ làm đứt sợi dây còn tươi, sẽ bị phạm điều giới pācittiya mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến tất cả chư Tỳ khưu. Ngài quyết định hy sinh sinh mạng để bảo vệ giới, nên nhẫn nại chịu đựng, đồng thời thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, trở thành bậc Thánh Arahán, đồng thời khi ấy ngọn lửa lan đến thiêu cháy Ngài. Ngài tịch diệt Niết Bàn gọi là “Jīvitasamasīsī: Chứng đắc Arahán đồng thời tịch diệt Niết Bàn”. * Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta lâm bệnh Một thuở nọ, Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta và Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna cùng nhau ở trong một khu rừng. Một hôm Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta lâm bệnh phong đau đớn khổ thân. Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna đến hộ độ phục vụ Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta. Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna bèn hỏi rằng: ─ Thưa pháp huynh, ngày xưa pháp huynh bị căn bệnh như thế này, pháp huynh đã chữa trị khỏi bệnh bằng phương thuốc nào? Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta trả lời rằng: ─ Này pháp đệ, ngày xưa lúc còn tại gia, mẹ tôi làm món bơ trộn với mật ong, đường nấu với sữa tươi nguyên chất không lẫn với nước thành món sữa pāyāsa, tôi đã dùng món ấy, nên trị khỏi được bệnh này. Nghe như vậy, Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna thưa rằng: ─ Do nhờ phước thiện của pháp huynh hoặc pháp đệ, ngày mai chúng ta sẽ có được món sữa pāyāsa thì tốt biết dường nào! Hai Ngài Đại Trưởng Lão nói chuyện với nhau, chư thiên cội cây nghe rõ câu chuyện của hai Ngài, nên nghĩ rằng: “Ngày mai ta sẽ giúp làm cho phát sinh món sữa pāyāsa đến hai Ngài”. Chư thiên hiện đến gia đình thường xuyên hộ độ hai Ngài Đại Trưởng Lão, chư thiên ấy làm cho đứa con trai lớn trong nhà nóng mê sảng nói rằng: ─ Làm món sữa pāyāsa dâng cúng đến Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna trong ngày mai thì bệnh con mới khỏi. Cha mẹ bảo rằng: ─ Con không nói, thì gia đình chúng ta cũng thường hộ độ hai Ngài Đại Trưởng Lão. Hôm ấy, gia đình thường hộ độ hai Ngài Đại Trưởng Lão nấu món sữa pāyāsa để sẵn. Sáng ngày hôm sau, Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna đi khất thực đến nhà thí chủ ấy; gia đình thí chủ thỉnh Ngài ngồi chỗ cao quý, xin cái bát của Ngài, rồi đặt món vật thực đặc biệt, món sữa pāyāsa vào bát, rồi dâng đến Ngài. Nhìn thấy món vật thực sữa pāyāsa, Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna nghĩ nên mang món vật thực sữa pāyāsa về dâng cúng dường đến Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta. Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại Trưởng Lão Mahā-moggallāna độ món vật thực sữa pāyāsa này, còn một phần vật thực sữa pāyāsa sẽ dâng cúng dường đến Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta nữa. Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna độ xong, người thí chủ xin cái bát đặt món vật thực sữa pāyāsa, kính nhờ Ngài mang phần vật thực sữa pāyāsa về kính dâng cúng dường đến Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta. Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna mang món vật thực sữa pāyāsa về bèn bạch rằng: ─ Kính thưa pháp huynh, xin pháp huynh độ món vật thực sữa pāyāsa này. Nhìn thấy món vật thực sữa pāyāsa, Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta suy xét rằng: “Món vật thực sữa pāyāsa này được phát sinh bằng cách nào?”. Ngài Đại Trưởng Lão biết rõ rằng: “Món vật thực sữa pāyāsa này được phát sinh do chính ta nói ra, chư thiên cội cây lắng nghe được, chư thiên ấy nhập vào người con trai lớn của nhà thí chủ thường hộ độ ta. Người con trai lớn xin gia đình nấu món vật thực sữa pāyāsa này. Do đó, ta không nên độ món vật thực sữa pāyāsa này”. Suy xét xong, Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta bèn nói với Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna rằng: ─ Này pháp đệ, pháp huynh không thể độ món sữa pāyāsa này, bởi vì món vật thực này được phát sinh do pháp huynh đã nói ra bằng lời, do đó, món vật thực này không hợp với pháp huynh. Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta đem bát vật thực sữa pāyāsa đổ xuống đất cho các loài súc sinh, đồng thời ngay khi ấy, căn bệnh của Ngài khỏi hẳn. Từ đó, cho đến lúc Ngài tịch diệt Niết Bàn, căn bệnh phong khủng khiếp ấy không bao giờ tái phát lại nữa. Những tích chuyện tương tự có nhiều trong các Chú giải. Như vậy, chư thiện trí quý trọng giới hơn quý trọng sinh mạng của mình.
Tôn Trọng Giới Của Mình Trong bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo), Đức Phật khuyên dạy câu kệ rằng: “Kikīva aṇḍaṃ camarīva
vāladhiṃ. “Như con chim kikī giữ
gìn, bảo vệ cái trứng của nó, không màng đến sinh mạng. Để giữ gìn, bảo vệ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, hành giả cần phải có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng, biết tôn trọng những điều giới của mình, có trí tuệ nhận thức rõ sự tai hại lớn trong điều tội lỗi nhỏ, biết hỗ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi; có đức tin theo lời dạy của Đức Phật về 5 quả báu đối với người giữ giới trong sạch và trọn vẹn, và 5 điều tai hại đối với người phạm giới, người không có giới. Giới của mình được giữ gìn trong sạch và trọn vẹn rồi, sẽ có những quả báu tốt lành, sự an lạc ngay trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai không có giới hạn. Và giới của mình đã bị phạm rồi, hoặc không có giới sẽ có những điều tai hại, sự khổ đau ngay trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai không có giới hạn. Giới của mình được giữ trong sạch và trọn vẹn sẽ làm nền tảng cho mọi thiện pháp phát sinh và phát triển từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp, Mỗi thiện pháp có khả năng giải thoát khổ tái sinh như sau: ─ 8 dục giới đại thiện pháp của hàng phàm nhân có khả năng giải thoát khổ tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; những thiện pháp này có khả năng cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới, có thời gian hạn định. ─ 5 sắc giới thiện pháp của hành giả phàm nhân có khả năng giải thoát khổ tái sinh trong 11 cõi dục giới; những thiện pháp này có khả năng cho quả tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, có thời gian hạn định. ─ 4 vô sắc giới thiện pháp của hành giả phàm nhân có khả năng giải thoát khổ tái sinh trong 11 cõi dục giới và 16 cõi sắc giới; những thiện pháp này có khả năng cho quả tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, có thời gian hạn định. Cả 3 loại thiện pháp này thuộc tam giới thiện pháp (lokiyakusala) có khả năng cho quả trong tam giới, không có khả năng giải thoát khổ khỏi tam giới. * 4 Siêu tam giới thiện pháp (Lokuttarkusala) đó là 4 Thánh Đạo Tâm của 4 bậc Thánh Nhân, 4 Thánh Đạo Tâm này không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà có năng lực đặc biệt hạn chế tái sinh kiếp sau: ─ Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm của bậc Thánh Nhập Lưu có năng lực đặc biệt ngăn cản vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; và hạn chế chỉ còn tái sinh kiếp sau nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới: Cõi người và cõi trời mà thôi. Đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới. ─ Nhất Lai Thánh Đạo Tâm của bậc Thánh Nhất Lai có năng lực đặc biệt hạn chế chỉ còn tái sinh kiếp sau 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Chắc chắn trong kiếp ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới. ─ Bất Lai Thánh Đạo Tâm của bậc Thánh Bất Lai có năng lực đặc biệt ngăn cản không trở lại tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới; và hạn chế chỉ còn tái sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới ấy, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới. ─ Arahán Thánh Đạo Tâm của bậc Thánh Arahán có năng lực đặc biệt ngăn cản vĩnh viễn không còn tái sinh kiếp sau nữa. Ngay kiếp hiện tại, bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ hoàn toàn tử sinh luân hồi trong tam giới. Cho nên, giới của mình được giữ gìn trong sạch và trọn vẹn, để làm nền tảng cho mọi thiện pháp được phát sinh và phát triển, tùy theo khả năng ba-la-mật của mỗi chúng sinh. Trong Phật giáo: * Pháp hành giới là pháp hành ở phần đầu mà hành giả cần phải giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn; giới có khả năng diệt được phiền não loại thô (vītikkama-kilesa) không thể biểu hiện ra ở thân và khẩu. * Pháp hành định đó là pháp hành thiền định là pháp hành ở phần giữa mà sau khi đã có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, hành giả thực hành pháp hành thiền định với đề mục thiền định có khả năng dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, các bậc thiền vô sắc. Bậc thiền này có khả năng diệt được phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakilesa) không thể phát sinh ở trong tâm, có thể làm nền tảng cho pháp hành tuệ phát sinh. * Pháp hành tuệ đó là pháp hành thiền tuệ là pháp hành ở phần cuối mà sau khi đã có định tâm trong đối tượng làm nền tảng, hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, có khả năng đặc biệt diệt đoạn tuyệt được phiền não loại vi tế (anusaya-kilesa) ngủ ngầm trong tâm. Bởi vậy cho nên, hành giả cần phải biết tôn trọng giới của mình. [1] Dīghanikāya, Sīlakkhandhavagga. Kinh Sāmaññaphalasutta. [2] Aṅg. Dassakanipāta, kinh Kathāvatthusutta... [3] M. Mū. Kinh Pāsarāsisutta. [4] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Tambadāṭhikacoraghātakavatthu. [5] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Kukkuṭamittanesādavatthu. [6] Bộ Saṃyuttanikāya, phần Nidānavagga, kinh Sūcilomasutta. [7] Vị Thánh Arahán nhìn thấy ngạ quỷ kỳ quái bằng nhãn thông, không phải bằng mắt thường. Ngài mỉm cười bởi vì Ngài tự quán xét biết rõ chắc chắn mình đã thoát khỏi kiếp ngạ quỷ như vậy, và Ngài niệm đến Đức Phật là Bậc Toàn Giác thấy rõ biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của tất cả chúng sinh. Đức Phật dạy: “Này chư Tỳ khưu nghiệp và quả của nghiệp là bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ…” [8] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Maggavagga, tích Sūkarapetavatthu. [9] 1 gāvuta = 5120,64 mét. [10] Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, tích Jambukattheravatthu. [11] Saṃyuttanikāya, phần Sālāyatanavagga, kinh Tālaputtasutta. [12] Aṅguttaranikayā, phần Tikanipatā, kinh Uposathasīla. [13] Migāramātā: Mẹ của ông phú hộ Migāra. Thật ra, bà Visākhā là con dâu của ông phú hộ Migāra nhưng ông suy tôn bà lên địa vị người mẹ của ông. [14] Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta. [15] Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta. [16] Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta. [17] Chú thích bát giới được trong sạch có 4 trạng thái: Giới không bị đứt (akhaṇḍa) nghĩa là điều giới đầu và điều giới cuối (điều giới thứ nhất và điều giới thứ 8) được giữ gìn trong sạch, thì gọi là giới không bị đứt. Nhưng nếu phạm điều giới đầu và điều giới cuối, thì gọi là giới bị đứt (khaṇḍa). [18] Giới không bị thủng (acchidda) nghĩa là ngoại trừ điều giới đầu và điều giới cuối ra, còn lại 6 điều giới ở giữa được giữ gìn trong sạch nguyên vẹn, thì gọi là giới không bị thủng (lủng). Nhưng nếu phạm 1trong 6 điều giới ở giữa, thì gọi là giới bị thủng (lủng) (chidda). [19] Giới không bị đốm (asabala) nghĩa là trong 8 điều giới ấy, điều giới thứ 2, điều giới thứ 4, điều giới thứ 6 được giữ gìn trong sạch trọn vẹn, thì gọi là giới không bị đốm. Nhưng nếu phạm điều giới thứ 2, điều giới thứ 4, điều giới thứ 6, thì gọi là giới bị đốm (sabala). [20] Giới không bị đứt lan (akammāsa) nghĩa là trong 8 điều giới ấy, điều giới thứ 2 và điều giới thứ 3, hoặc điều giới thứ 3 và điều giới thứ 4; điều giới thứ 4 và điều giới thứ 5, điều giới thứ 6 và điều giới thứ 7 đều được giữ gìn trong sạch nguyên vẹn, thì gọi là giới không bị đứt lan. Nhưng nếu phạm điều giới thứ 2 và điều giới thứ 3; hoặc điều giới thứ 3 và điều giới thứ 4; hoặc điều giới thứ 4, điều giới thứ 5, điều giới thứ 6 và điều giới thứ 7 đều bị đứt liền với nhau, thì gọi là giới bị đứt lan (kammāsa). [21] Tam giới: Chúng sinh thế giới, cảnh thế giới, pháp hành thế giới. [22] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Appamādavagga, câu chuyện Sāmavativatthu. [23] Khuddakanikāya, quyển Jātaka, phần Aṭṭhakanipāta, tích Gaṅgāmālajātaka. [24] Ngày giới uposathasīla được giới hạn thời gian kể từ lúc bình minh (rạng đông) của ngày này cho đến lúc bình minh của ngày hôm sau, thời gian trọn một ngày và một đêm. Nếu hành giả thọ trì bát giới chỉ có thời gian một đêm hoặc thời gian một ngày thì gọi là hành 1 nửa uposatha (upaḍḍhuposathakamma) . [25] Khuddakanikāya, quyển Therī apadāna chuyện Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Ekuposathākattherī. [26] Aṅguttaranikāya, phần Navakanipāta, kinh Navaṅguposathasutta. [27] Xem thêm trong quyển Hạnh Phúc An Lành “TÂM TỪ” cùng một soạn giả. [28] Bộ Visuddhimagga, phần Sīlaniddesa. [29] Bộ Visuddhimagga, phần Sīlaniddesa. [30] Bộ Visudhimagga, phần Sīlaniddesa. -ooOoo- Ðầu trang | Lời nói đầu | 1 | 2 |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 07-2007)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 07-07-2007