PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO QUYỂN III
HÀNH GIỚI Tỳ khưu Hộ Pháp
CHƯƠNG V
HÀNH GIỚI Chương IV Quy Y Tam Bảo đã trình bày trong quyển Nền Tảng Phật Giáo II Quy Y Tam Bảo xong, chương V trình bày về Hành Giới. Hành giới: Sīlācāra nghĩa là hành các điều giới của mình. Trong pháp hành Phật giáo, pháp hành giới là pháp hành đầu tiên để làm nền tảng cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ được phát triển. Thế nào gọi là pháp hành giới? Pháp hành giới là tác ý thiện (kusalacetanā) giữ gìn các điều giới của mình, tránh xa mọi thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp; đồng thời thành tựu thân hành thiện, khẩu hành thiện; và hành 14 pháp hành phận sự [1] đầy đủ đối với bậc xuất gia Sadi, Tỳ khưu... gọi là pháp hành giới. Pháp nào gọi là giới? Trong bộ Paṭisambhidāmagga có trình bày 4 pháp gọi là giới: 1- Cetanāsīla: Tác ý gọi là giới. 2- Cetasikasīla: Tâm sở tiết chế (viraticetasika) gọi là giới. 3- Saṃvarasīla: Thu thúc không để tâm ác phát sinh gọi là giới. 4- Avītikkamasīla: Không phạm điều giới gọi là giới. 1- Cetanāsīla: Tác ý gọi là giới như thế nào? Tác ý thiện (kusalacetanā) tránh xa mọi thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp; và tác ý thiện làm tròn phận sự 14 pháp hành... gọi là tác ý giới. 2- Cetasikasīla: Tâm sở tiết chế gọi là giới như thế nào? Tâm sở tiết chế (viraticetasika) có 3 loại: ─ Chánh ngữ (sammāvācā): Lời nói chân chánh, đó là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) và tránh xa sự nói lời vô ích. ─ Chánh nghiệp (sammākammanta): Hành nghiệp chân chánh đó là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm. ─ Chánh mạng (sammāājīva): Nuôi mạng chân chánh đó là tránh xa cách sống tà mạng do thân hành ác, khẩu hành ác. Tiết chế (virati) gọi là giới có 3 trường hợp: ─ Sampattavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp khi gặp đối tượng đang hiện hữu. ─ Samādānavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp do đã thọ trì giới. ─ Samucchedavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp một cách đoạn tuyệt do năng lực của Thánh Đạo Tuệ của bậc Thánh Nhân. * Sampattavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp khi gặp đối tượng đang hiện hữu như thế nào? Trường hợp một người chưa xin thọ trì giới, đến khi gặp phải đối tượng có thể làm cho phạm giới; người ấy vốn là bậc thiện trí học nhiều hiểu rộng, có trí tuệ sáng suốt, biết tự răn dạy mình rằng: “Ta chớ nên tạo ác nghiệp, bởi vì ác nghiệp chỉ làm khổ mình, khổ chúng sinh khác mà thôi”. Sở dĩ người ấy có sự nhận thức đúng đắn như vậy là nhờ sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống đạo đức, được giáo dục tốt. Đến khi trưởng thành nên người, là người có học thức và đạo đức tốt. Ví dụ: Tích cậu Cakkana [2] ở đảo Sihaḷa (nước Srilankā), được tóm lược như sau: Mẹ của cậu Cakkana bị lâm bệnh, người anh sai bảo cậu Cakkana vào rừng săn bắt một con thỏ đem về để làm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cậu Cakkana vâng lời mang lưới vào rừng, giăng lưới bắt thỏ. Thấy một con thỏ đang đi ăn cỏ, cậu liền vây đuổi làm cho con thỏ hoảng sợ cắm đầu chạy về phía trước để lánh nạn, nó bị mắc lưới, kêu: ‘kiri! kiri!’ vùng vẫy sợ chết. Cậu Cakkana nghe tiếng thỏ kêu, chạy đến bắt con thỏ và nghĩ rằng: “Ta đem con thỏ này về làm thuốc chữa bệnh cho mẹ”. Nhìn thấy con thỏ đau khổ, sợ chết, cậu phát sinh tâm bi nghĩ lại rằng: “Chúng sinh đều muốn bảo vệ sinh mạng, sợ chết. Vậy ta không nên sát hại con thỏ này để làm thuốc trị bệnh cho mẹ ta”. Cậu Cakkana buông thả con thỏ để nó chạy trở lại vào rừng, rồi trở về với tâm thanh thản và nhẹ nhàng. Thấy cậu, người anh liền hỏi: ─ Sao em không bắt được con thỏ nào? Cậu thuật lại sự việc đã xảy ra, liền bị người anh trách mắng. Cậu đến bên cạnh người mẹ hiền, phát nguyện bằng lời chân thật rằng: “Từ khi con sinh ra, trưởng thành, cho đến hôm nay, con chưa từng có tác ý sát hại một chúng sinh nào. Do lời chân thật này, xin cho mẹ hiền hết bệnh”. Thật là lạ thường! Do năng lực lời phát nguyện chân thật của cậu, bệnh tình của người mẹ chẳng bao lâu đã khỏi hẳn. Đó là trường hợp tiết chế tránh xa ác nghiệp, khi gặp đối tượng đang hiện hữu. * Samādānavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp do đã thọ trì giới như thế nào? Trường hợp một người đã xin thọ trì giới, sau đó, gặp phải đối tượng có thể làm cho bị phạm giới; nhưng người ấy niệm tưởng lại giới mà mình đã thọ trì, quyết tâm giữ gìn giới cho trong sạch trọn vẹn, dù phải hy sinh sinh mạng, chứ không để phạm giới. Ví dụ: Tích chuyện người cận sự nam tên Uttaravaḍḍha-māna [3], được tóm lược như sau: Một buổi sáng, cận sự nam Uttaravaḍḍhamāna đến đảnh lễ Ngài Đại đức Buddharakkhita, xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới xong, xin phép Ngài trở về nhà, dắt bò ra đồng cày ruộng. Cày xong, ông thả bò cho đi ăn cỏ, chẳng may con bò đi lạc đường. Người cận sự nam đi tìm theo giấu chân bò dọc theo ven núi, chẳng may bị một con trăn lớn siết chặt vào người. Lúc bấy giờ, trong người cận sự nam có mang theo một con dao bén và nhọn, ông bèn nghĩ rằng: “Ta rút con dao này cắt cổ con trăn”. Nhưng ông chợt nhớ lại rằng: “Sáng hôm nay ta đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới nơi Ngài Đại đức Buddharakkhita; ta nên giữ gìn ngũ giới cho trong sạch và đầy đủ, không nên phạm điều giới sát sinh”. Con trăn càng lúc càng xiết mạnh, làm cho thân mình ông vô cùng đau đớn, ông lại nghĩ đến việc rút con dao bén giết hại con trăn, để cứu sinh mạng của mình. Nhưng ông lại nghĩ như lần trước, nên không giết chết con trăn. Mãi cho đến lần thứ ba, lần này ông suy xét rằng: “Sở dĩ, bao nhiêu lần ta định giết hại con trăn này, là vì ta ỷ lại trong mình ta có con dao”. Nghĩ vậy, người cận sự nam rút con dao ném ra xa, rồi phát nguyện rằng: “Thà rằng ta chịu hy sinh sinh mạng để giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, quyết tâm không để phạm giới”. Do năng lực của giới, khiến con trăn từ từ buông ra khỏi mình ông, rồi bò vào rừng. Đó là trường hợp tiết chế tránh xa ác nghiệp do đã thọ trì ngũ giới. * Samucchedavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp một cách đoạn tuyệt như thế nào? Trường hợp hành giả thực hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ phát sinh theo tuần tự đến trí tuệ thứ 14 gọi là Thánh Đạo Tuệ có Niết Bàn làm đối tượng, nên diệt được phiền não một cách đoạn tuyệt. Loại phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt do năng lực của Thánh Đạo Tuệ rồi, loại phiền não ấy vĩnh viễn không bao giờ phát sinh trở lại được nữa. Bậc Thánh Nhập Lưu có giới đức hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. 3- Saṃvarasīla: Thu thúc, giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác tâm phát sinh gọi là giới như thế nào? Thu thúc, giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác tâm phát sinh có 5 loại: - Pātimokkhasaṃvara: Thu thúc với tác ý giữ gìn 227 điều giới trong giới bổn Tỳ khưu (Bhikkhupātimokkha) bằng đức tin. - Satisaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng chánh niệm trong 6 môn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý không để phiền não phát sinh (thuộc về giới giữ gìn 6 môn). - Ñāṇasaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng trí tuệ ngăn chặn phiền não tham, sân, si,… không cho phát sinh trong tâm (thuộc về giới quán tưởng 4 thứ vật dụng hằng ngày đêm). - Khantisaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng tâm nhẫn nại, khi gặp thời tiết nóng, lạnh, cảnh đói, khát, những đối tượng trái ý nghịch lòng, v.v... mà sân tâm không phát sinh, chỉ có thiện tâm phát sinh mà thôi. - Vīriyasaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng tinh tấn ngăn ác pháp chưa phát sinh thì không cho phát sinh; tinh tấn diệt ác pháp đã sinh; tinh tấn làm cho thiện pháp chưa phát sinh thì phát sinh; và tinh tấn làm phát triển thiện pháp đã sinh (thuộc về giới nuôi mạng thanh tịnh). 4- Avītikkamasīla: Không phạm điều giới gọi là giới như thế nào? Sau khi đã thọ trì giới xong rồi, hành giả có đức tin trong sạch, có tác ý thiện giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn; dù phải hy sinh sinh mạng của mình, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ giới cho trong sạch và trọn vẹn, không để phạm giới. Như vậy, thu thúc, giữ gìn bảo vệ điều giới không để bị phạm gọi là giới. Trong bộ Paṭisambhidāmagga trình bày giới có 3 loại: - Kusalasīla: Giới thiện đó là tâm sở tác ý đồng sinh với thiện tâm. - Akusalasīla: Giới bất thiện (giới ác) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm). - Abyākatasīla: Giới không thiện không ác đó là tác ý tâm sở đồng sinh với tâm quả và tâm duy tác. Trong 3 loại giới này, giới cần giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn thuộc giới thiện, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với dục giới đại thiện tâm. Ý Nghĩa Của Giới (Sīla) Giới có nhiều ý nghĩa * Sīla: Giới có ý nghĩa là sīlana: Hành. ─ Sīlana: Hành có 2 ý nghĩa. 1- Samādhāna: Hành giới làm cho thân và khẩu được tự nhiên đàng hoàng. Người hành giới có thân hành thiện, khẩu nói thiện, nên cử chỉ hành động của thân đàng hoàng tự nhiên đáng kính, nói năng nhã nhặn đáng yêu. 2- Upadhāraṇa: Hành giới trong sạch để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Pháp hành đầu tiên là pháp hành giới có khả năng diệt phiền não loại thô (vītikkama-kilesa) nơi thân và khẩu, cho nên giới được thanh tịnh. Giới thanh tịnh làm nền tảng cho pháp hành thiền định được phát triển. Pháp hành thiền định có khả năng diệt phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakisela) ở trong tâm, để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc. Giới thanh tịnh làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ được phát triển từ trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiyavipassanā) cho đến trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttaravipassanā) chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, có khả năng diệt đoạn tuyệt được phiền não loại vi tế (anusayakilesa) ngấm ngầm trong tâm. Như vậy ‘giới’ có thể ví như ‘đất’. Đất là nơi nương nhờ của các loại thảo mộc để phát sinh và phát triển. Định và tuệ cũng có thể ví như các giống cây ăn trái cần phải nương nhờ nơi đất để phát sinh và phát triển, rồi đơm hoa kết trái. * Sīla: Giới còn có các ý nghĩa khác như: ─ Sīla: Giới có nghĩa là sira: Cái đầu. Trong thân thể mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng, cái đầu là phần quan trọng nhất. Thật vậy, trong thân thể con người, dù bị chặt tay, chặt chân,… người ấy vẫn còn sinh mạng (còn sống); nhưng nếu người ấy bị đứt đầu, thì đồng thời mất sinh mạng (chết). Cũng như vậy, giới dẫn đầu, giới là nền tảng cho mọi thiện pháp được phát triển tốt, từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp. Nếu không có giới hoặc giới bị đứt, thì tất cả mọi thiện pháp không có nơi nương nhờ để phát triển; cũng như nếu không có đất, thì tất cả cây cối, v.v... không có nơi nương nhờ để sinh trưởng. ─ Sīla: Giới có nghĩa là sītala: Mát mẻ, thanh tịnh. Phiền não làm cho tâm nóng nảy, rồi làm cho khẩu nóng nảy, thân nóng nảy. Hành giả có tác ý thiện giữ gìn giới, nên chế ngự, đè nén, diệt được phiền não loại thô không thể phát sinh ra nơi thân và khẩu. Do đó, giữ gìn giới làm cho thân và khẩu được mát mẻ, thanh tịnh. ─ Sīla: Giới có ý là pakati [4] : Thường, thói quen. Chữ sīla ghép vào những danh từ như: - Ayaṃ sukhasīlo: Người này thường được an lạc. - Ayaṃ dukkhasīlo: Người này thường chịu đau khổ. - Ayaṃ kalahasīlo: Người này có thói quen hay cãi cọ. - Ayaṃ maṇḍanasīlo: Người này có thói quen thích trang điểm. * Sīlabbata (sīla + vata): Hành vi cách sống theo thói quen của loài bò, loài chó,... * Sīlabbatupādāna (sīla + vata + upādāna): Tà kiến chấp thủ trong hành vi theo thói quen của loài bò, loài chó,… Nghĩa là một số người bắt chước hành theo thói quen của loài bò, loài chó,... như ăn, uống, đi, đứng, v.v... có tà kiến chấp thủ trong cách sống theo thói quen ấy, rồi cho rằng sẽ được tái sinh lên cõi trời, sẽ giải thoát khổ,... * Sīlabbataparāmāsa (sīla +vata + parāmāsa ): Tà kiến thấy sai, chấp lầm trong hành vi cách sống theo thói quen của loài bò, loài chó,... như ăn, uống, đi, đứng, v.v... có tà kiến thấy sai, chấp lầm trong cách sống theo thói quen ấy, rồi cho rằng sẽ được tái sinh lên cõi trời, sẽ giải thoát khổ... gọi là chấp thủ pháp thường hành. 4 Tính Chất Của Giới Để nhận thức rõ về giới, cần phải căn cứ vào 4 tính chất của giới: 1- Trạng thái của giới (lakkhaṇa). 2- Phận sự của giới (rasa). 3- Quả hiện hữu của giới (paccupaṭṭhāna). 4- Nhân gần của giới (padaṭṭhāna). * Trạng thái của giới như thế nào? Giới tuy có nhiều loại, nhưng đều có chung 2 trạng thái: - Trạng thái giữ gìn thân, khẩu hành thiện đàng hoàng. - Trạng thái làm nền tảng cho mọi thiện pháp, nhất là pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ được phát triển và tăng trưởng tốt. * Phận sự của giới như thế nào? Giới có 2 phận sự: - Có phận sự diệt trừ sự phạm giới. - Có phận sự giúp làm cho đầy đủ các đức. * Quả hiện hữu của giới như thế nào? Quả hiện hữu của giới là thân hành thiện, khẩu nói thiện, ý nghĩ thiện; thân, khẩu, ý trong sạch thanh tịnh. * Nhân gần của giới như thế nào? Giới được phát sinh do 2 nhân gần: ─ Hiri: Biết hổ thẹn tội lỗi: Tự mình biết hổ thẹn tội lỗi, cho nên tránh xa mọi ác nghiệp, tinh tấn hành mọi thiện nghiệp. ─ Ottappa: Biết ghê sợ tội lỗi: Biết sợ các bậc thiện trí chê trách, sợ khổ trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), do đó, nên tránh xa mọi ác nghiệp, tinh tấn hành mọi thiện nghiệp. Quả Báu Của Người Có Giới (Sīlavanta ānisaṃsa) [5] Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại làng Pāṭaligāma, dân làng Pāṭali đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Thế Tôn bèn gọi dân làng Pāṭali mà dạy rằng: ─ Này các gia chủ, có 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. 5 quả báu ấy là: 1- Này các gia chủ, trong đời này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, có được nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi. Đó là quả báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. 2- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, có được danh thơm tiếng tốt lan truyền khắp mọi nơi. Đó là quả báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. 3- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, có tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn Hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn… Đó là quả báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. 4- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, phát sinh tâm không mê muội, tâm trí sáng suốt lúc lâm chung. Đó là quả báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. 5- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp giữ giới cho quả tái sinh cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Đó là quả báu thứ năm của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. ─ Này các gia chủ, đó là 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn như vậy.
Các Loại Giới Giới của 2 hạng người: 1- Gahaṭṭhasīla: Giới của người tại gia. 2- Pabbajitasīla: Giới của bậc xuất gia. 1- Giới của người tại gia: Có nhiều loại - Ngũ giới. - Bát giới. - Cửu giới. - Thập giới… 2- Giới của bậc xuất gia: Giới của Sadi và giới của Tỳ khưu * Giới của Sadi: Sadi có các giới như: - 10 giới Sadi. - 10 giới hoại phạm hạnh Sadi. - 10 giới hành phạt Sadi. - 75 điều giới hành của Sadi. - 14 pháp hành của Sadi, Tỳ khưu. * Giới của Tỳ khưu: Tỳ khưu có 4 giới thanh tịnh: - Thu thúc trong giới bổn Tỳ khưu bằng đức tin giữ gìn 227 điều giới. - Giới thu thúc lục căn thanh tịnh bằng chánh niệm trong 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). - Giới nuôi mạng chân chính bằng tinh tấn đi khất thực. - Giới suy xét các thứ vật dụng bằng trí tuệ thấy rõ thực chất của nó khi dùng.
-ooOoo-
PHẦN I GIỚI CỦA NGƯỜI TẠI GIA I- Ngũ Giới Là Thường Giới (Pañcasīla Niccasīla) Ngũ giới gọi là thường giới (niccasīla) chung cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, tôn giáo,… Tất cả mọi người đều phải nên nghiêm chỉnh giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, bất luận có thọ trì ngũ giới hoặc không thọ trì ngũ giới; bởi vì, ngũ giới là thường giới của con người. ─ Nếu người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy có được phước thiện, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai. ─ Nếu người nào phạm một hoặc nhiều điều giới trong ngũ giới, thì người ấy đã tạo tội ác, có hậu quả bất lợi, thoái hóa, khổ não cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Đức Phật dạy 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, được tóm lược như sau: 1- Có được nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi. 2- Có được danh thơm, tiếng tốt lan truyền khắp mọi nơi. 3- Có tâm dũng cảm, không rụt rè, e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn Hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn ... 4- Có tâm không mê muội, tâm trí sáng suốt lúc lâm chung. 5- Sau khi chết, thiện nghiệp giữ giới cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi người, các cõi trời dục giới). Và Đức Phật dạy 5 điều tai hại của người không có giới, người phạm giới, được tóm lược như sau: 1- Làm tiêu tan của cải lớn lao, do nhân dể duôi. 2- Có tiếng xấu lan truyền khắp mọi nơi. 3- Có tâm rụt rè, e thẹn, sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn Hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn... 4- Có tâm mê muội, hoặc tâm sợ hãi lúc lâm chung. 5- Sau khi chết, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phạm giới cho quả tái sinh trong các cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Những bậc thiện trí có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nhận thức rõ được 5 quả báu của người có giới trong sạch và 5 điều tai hại của người không có giới, người phạm giới. Cho nên, những bậc thiện trí giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, đồng thời khuyến khích, động viên người khác cũng nên giữ gìn giới của họ cho được trong sạch và trọn vẹn. Phép Quy Y Tam Bảo Và Ngũ Giới Theo truyền thống Phật giáo, trước khi thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, người cận sự nam, cận sự nữ nên làm lễ xin sám hối Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng xong, tiếp theo xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới. Nghi thức xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới đã được trình bày trong chương IV: Nền Tảng Phật Giáo Quyển II “Quy y Tam Bảo”. Trong chương V: Hành Giới này sẽ giảng giải về các giới. Giảng Giải Về Ngũ Giới Thọ Trì Ngũ Giới 1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh. 2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp. 3- Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm. 4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối. 5- Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi. Chi Pháp Của Ngũ Giới Mỗi điều giới có những chi pháp riêng biệt, muốn biết phạm giới hoặc không phạm giới cần phải căn cứ vào những chi pháp của mỗi điều giới ấy. Nếu hội đủ chi pháp của điều giới ấy, thì gọi là phạm điều giới ấy; nếu thiếu một trong những chi pháp ấy, thì không thể gọi là phạm điều giới ấy. 1- Điều Giới Tránh Xa Sự Sát Sinh Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Pāṇātipātā Þ Pāṇā + atipātā. + Pāṇā: Chúng sinh, tất cả mọi sinh vật có sinh mạng. + Atipātā: Rơi mau, lìa mau. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ. + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Pāṇātipātā: Hành động làm cho chúng sinh lìa bỏ sinh mạng trước thời gian hạn định hết tuổi thọ của chúng sinh ấy; nghĩa là giết hại chúng sinh ấy chết trước thời gian hạn định tuổi thọ của chúng sinh ấy. Thật ra, tất cả chúng sinh đều phải chết cả thảy, không ngoại trừ một ai cả. Mỗi chúng sinh chết do hết tuổi thọ, do mãn nghiệp hỗ trợ…, đó gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa). Trường hợp chúng sinh có thể duy trì, kéo dài sinh mạng thêm cho đến hết tuổi thọ, đến mãn nghiệp hỗ trợ…, nhưng chúng sinh ấy bị người khác giết hại, cắt đứt dòng sinh mạng trước thời gian hạn định tuổi thọ của chúng sinh ấy, đó gọi là pāṇātipātā: Giết hại chúng sinh. (Nếu người có tác ý bất thiện giết hại chúng sinh hợp đủ chi pháp của điều giới sát sinh, thì người ấy phạm điều giới sát sinh). * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh. Chi Pháp Phạm Điều Giới Sát Sinh Người phạm điều giới sát sinh cần phải hợp đủ 5 chi pháp: 1- Chúng sinh có sinh mạng (pāṇo). 2- Biết rõ chúng sinh có sinh mạng (pāṇasaññitā). 3- Tâm nghĩ sát hại chúng sinh (vadhakacittaṃ). 4- Cố gắng sát hại chúng sinh (payogo). 5- Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maraṇaṃ). Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới sát sinh. Nếu thiếu 1 trong 5 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới sát sinh. Giảng Giải Về Sự Sát Sinh * Chúng sinh là gì? Chúng sinh là những sinh vật có sinh mạng; có nhiều loại chúng sinh khác nhau, dù nhỏ dù lớn, mỗi chúng sinh cũng đều có sinh mạng. Sinh mạng này phát sinh từ nghiệp; do đó, các loài thực vật, cây cỏ, núi non, đất, nước, lửa, gió, v.v… đều không có sinh mạng. Mỗi chúng sinh được gọi, được biết qua những danh từ chế định bằng mỗi thứ ngôn ngữ, tiếng nói khác nhau, nhưng theo Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma), thì chỉ có 3 pháp là: Tâm, tâm sở, sắc pháp mà thôi. Danh từ gọi “chúng sinh” còn sinh mạng, theo Chân nghĩa pháp, chúng sinh ấy còn có đủ sắc mạng chủ (jīvitindriyarūpa) và danh mạng chủ (jīvitindriyanāma); nếu chúng sinh ấy không còn có sinh mạng (sắc mạng chủ), thì gọi là thi thể, xác chết,… 2 pháp: Sắc mạng chủ và danh mạng chủ: ─ Sắc mạng chủ có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, đồng thời có phận sự bảo hộ, duy trì thân thể sinh mạng của mỗi chúng sinh liên tục không gián đoạn suốt mỗi kiếp (sắc mạng chủ hạn chế trong mỗi kiếp). ─ Danh mạng chủ có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có phận sự bảo hộ danh pháp (tâm và tâm sở) từ kiếp này sang kiếp khác, thay đổi do năng lực quả của nghiệp trong mỗi kiếp, từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại theo các lộ trình tâm, cho đến khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó, sát sinh nghĩa là sát hại sinh mạng của chúng sinh. Sự thật đúng theo Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca) đó là cắt đứt sắc mạng chủ (jīvitindriyarūpa) thuộc về sắc pháp của kiếp ấy; còn danh mạng chủ (jīvitindriyanāma) thuộc về danh pháp có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp khác, thay đổi do năng lực quả của nghiệp trong mỗi kiếp, thì không thể bị cắt đứt được. Như vậy, sát sinh nghĩa là cắt đứt sắc mạng chủ thuộc sắc pháp của kiếp chúng sinh ấy. Còn danh mạng chủ thuộc danh pháp vẫn sinh rồi diệt liên tục kế tiếp kiếp sau, tuỳ theo nghiệp cho quả tái sinh. ─ Tác ý bất thiện sát hại chúng sinh có 2 cách: 1- Bằng thân: Tự chính mình sát hại chúng sinh. 2- Bằng khẩu: Sai khiến người khác sát hại chúng sinh. ─ Cố gắng để sát hại chúng sinh có 6 cách: 1- Tự mình sát hại chúng sinh. 2- Sai khiến người khác sát hại chúng sinh bằng lời nói, bằng chữ viết, hoặc bằng cách ra hiệu v.v… 3- Phóng lao, ném dao, bắn tên, bắn súng v.v… làm cho chúng sinh ấy chết. 4- Người làm ra những thứ vũ khí để sát hại chúng sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, bom, thuốc độc, v.v… Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy để sát hại chúng sinh, thì người làm ra những thứ vũ khí ấy phạm điều giới sát sinh. Bởi vì, người ấy có tác ý bất thiện sát hại chúng sinh có tính cách lâu dài. 5- Sử dụng bùa chú, phù phép, trù ếm, v.v… làm cho chúng sinh ấy chết. 6- Sử dụng phép mầu của mình sát hại chúng sinh. Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Sát Sinh Tội nặng hoặc tội nhẹ của sự sát sinh được căn cứ vào chúng sinh lớn hoặc nhỏ; có giới đức hoặc không có giới đức; giới đức nhiều hoặc giới đức ít, v.v… * Chúng sinh có thân hình lớn - thân hình nhỏ: - Nếu sát hại chúng sinh có thân hình to lớn như con voi, con trâu, con bò, v.v… thì tội nặng, vì cần phải cố gắng nhiều. - Nếu sát hại chúng sinh có thân hình nhỏ như con kiến, con muỗi, con ruồi, v.v… thì tội nhẹ, vì cần cố gắng ít. * Chúng sinh có giới đức - không giới đức: - Nếu sát hại con người, thì tội nặng hơn sát hại loài súc vật. - Nếu sát hại người có giới, thì tội nặng hơn sát hại người không có giới. - Nếu sát hại bậc Thánh Nhân, thì tội nặng hơn sát hại hạng phàm nhân. - Nếu sát hại Thánh Nhân bậc cao, thì tội nặng hơn sát hại Thánh Nhân bậc thấp. - Nếu sát hại bậc Thánh Arahán, cha, mẹ của mình, thì tội nặng nhất, vì phạm trọng tội thuộc ác nghiệp vô gián (anantariyakamma), sau khi chết, chắc chắn ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci (không có nghiệp nào có thể ngăn cản được); chịu khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới mong thoát khỏi cõi địa ngục. * Tự Sát Người tự sát có phạm điều giới sát sinh hay không? Người phạm điều giới sát sinh hay không phạm điều giới sát sinh cần phải xét theo 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh. 1- Pāṇo: Chúng sinh có sinh mạng (chính mình). 2- Paṇasaññitā: Biết rõ chúng sinh ấy có sinh mạng (chi pháp này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình). 3- Vadhakacittaṃ: Tâm ác nghĩ sát hại chúng sinh ấy. 4- Payogo: Cố gắng sát hại chúng sinh ấy (cố gắng tự sát, tự giết mình). 5- Tena maraṇaṃ: Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng (mình chết do sự cố gắng của mình). Xét trong 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh này, chi pháp thứ nhì “Paṇasaññitā”: “Biết rõ chúng sinh ấy có sinh mạng” này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình. Do đó, trong trường hợp người tự giết mình (tự sát) thì thiếu chi pháp paṇasaññitā này. Cho nên, người tự giết mình (tự sát) không đủ 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh. Như vậy, người tự sát không phạm điều giới sát sinh. Ví dụ: Trường hợp Tỳ khưu Channa dùng dao cắt cổ tự sát, trước khi chết Ngài thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn; khi đắc Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết Bàn, gọi là bậc Thánh Arahán Jīvitasamasīsi (Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài). Như trong bài kinh Channasutta [6] , được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài Đại đức Channa bị lâm bệnh nặng trầm trọng, đau đớn không thể kham nhẫn nổi. Vào buổi chiều, Ngài Đại đức Sāriputta và Ngài Đại đức Mahācunda đến thăm hỏi bệnh tình của Ngài Đại đức Channa. Ngài Đại đức Sāriputta hỏi rằng: - Này hiền đệ Channa, hiền đệ có kham nhẫn nổi thọ khổ không? Tứ đại của hiền đệ có điều hòa được không? Thọ khổ của hiền đệ giảm bớt, chứ không tăng có phải không? Bệnh tình giảm rõ ràng, chứ không tăng có phải không? Ngài Đại đức Channa thưa rằng: - Kính thưa Ngài Đại đức Sāriputta, đệ không thể kham nhẫn nổi thọ khổ. Tứ đại của đệ không điều hòa được. Thọ khổ của bệnh không thuyên giảm, mà lại tăng lên. Bệnh tình tăng lên rõ ràng, mà không giảm bớt. Thưa Ngài. Kính thưa Ngài Sāriputta: * Ví như một người đàn ông mạnh mẽ dùng cây sắt nhọn bén đâm vào đầu như thế nào, bệnh phong (gió) cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào đầu của đệ cũng như thế ấy. * Ví như một người đàn ông lực lưỡng dùng sợi dây bằng da dẻo dai, bền chắc, siết chặt cái đầu như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp siết chặt cái đầu của đệ cũng như thế ấy. * Ví như người giết bò hoặc người phụ của người giết bò, dùng con dao mổ bụng con bò như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào bụng của đệ cũng như thế ấy. * Ví như hai người đàn ông lực lưỡng, mỗi người một bên nắm tay chân của người ốm yếu đặt lên hầm lửa đang cháy, nướng người ấy nóng bỏng như thế nào, sự nóng trong thân của đệ còn hơn thế ấy. - Kính thưa Ngài Đại đức Sāriputta, đệ không thể kham nhẫn nổi thọ khổ. Tứ đại của đệ không điều hòa được. Thọ khổ của bệnh không thuyên giảm mà lại tăng lên. Bệnh tình tăng lên rõ ràng, mà không giảm bớt. Thưa Ngài. Ngài Đại đức Channa thưa tiếp rằng: - Kính thưa Ngài Sāriputta, đệ sẽ đem con dao để tự cắt cổ giết hại mình, đệ không còn muốn sống để phải chịu nỗi đau đớn khủng khiếp như thế này nữa. Ngài Đại đức Sāriputta khuyên rằng: - Này hiền đệ Channa, hiền đệ nên dùng thuốc chữa trị. Hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh mạng, chúng tôi muốn hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh mạng. Nếu vật thực không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm vật thực thích hợp. Nếu thuốc trị bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm thứ thuốc thích hợp. Nếu người nuôi bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ làm người nuôi bệnh lo săn sóc hiền đệ. Xin hiền đệ chớ nên dùng dao tự sát. Tiếp theo Ngài Đại đức Sāriputta nhắc nhở Ngài Đại đức Channa về các pháp như 6 thức tâm với 6 đối tượng và liên quan đến các pháp: Tham ái, ngã mạn, tà kiến chấp thủ và không chấp thủ do bởi tham ái, ngã mạn, tà kiến. Và Ngài Đại đức Mahācunda cũng nhắc nhở Ngài Đại đức Channa rằng: “Đối với người không còn có tham ái, ngã mạn, tà kiến, thì tâm của những bậc ấy không bao giờ bị lay chuyển...”. Sau khi nhắc nhở khuyên dạy Ngài Đại đức Channa xong, Ngài Đại đức Sāriputta và Ngài Mahācunda trở về chỗ ở của quý Ngài. Khi ấy, Ngài Đại đức Channa vẫn còn là hạng phàm nhân không thể kham nhẫn nổi sự đau đớn khủng khiếp của bệnh phong ấy, nên Ngài dùng con dao tự cắt cổ giết chết mình để giải thoát khỏi nỗi thọ khổ ấy. Vốn Ngài là người có giới trong sạch và trọn vẹn, trước khi chết, Ngài thực hành thiền tuệ liền dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Cho nên, khi chứng đắc đến Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết Bàn gọi là “Bậc Thánh Arahán Jīvitasamasīsi” (nghĩa là khi chứng đắc Arahán Thánh Quả đồng thời cùng một lúc tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài). Khi Ngài Đại đức Channa đã tự mình cắt cổ chết, Ngài Đại đức Sāriputta đến hầu Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Veḷuvana bạch hỏi về hậu quả kiếp sau của Ngài Đại đức Channa như thế nào? Đức Phật dạy: “Tỳ khưu Channa đã chứng đắc Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài”. Tích Ngài Đại đức Channa đã chứng minh rằng: “Tự sát không phạm điều giới sát sinh”. Nếu tự sát là phạm điều giới sát sinh, thì Ngài Đại đức Channa không thể chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Sự thật, Ngài Đại đức Channa đã chứng đắc Arahán, thì chắc chắn Ngài phải có giới trong sạch và trọn vẹn. Người tự sát không phạm điều giới sát sinh, bởi vì thiếu chi pháp thứ nhì “pāṇasaññitā”: Biết rõ chúng sinh có sinh mạng (nghĩa là chính mình biết rõ chúng sinh khác có sinh mạng). Như vậy, chi pháp này không ám chỉ mình, mà ám chỉ chúng sinh khác. Cho nên, người tự tử không phạm điều giới sát sinh. Tuy người tự tử không phạm điều giới sát sinh, nhưng nếu người tự sát do tâm sân chán đời, tuyệt vọng không muốn sống trên đời này nữa, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp do tâm sân ấy cho quả,thì khó có thể tránh khỏi tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Như Đức Phật dạy: “Evameva kho bhikkhave citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā” [7] . “Này chư Tỳ khưu, như vậy, khi lâm chung tâm ác phát sinh do phiền não ô nhiễm, sẽ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh)”.
Những Trường Hợp Liên Quan Đến Sự Chết Người hy sinh sinh mạng vì một mục đích cao thượng, với thiện tâm thiện chí của mình. Ví dụ: Trong bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo). * Một vị Tỳ khưu hành đạo sống ở trong rừng. Một hôm bọn cướp gặp Ngài, chúng cho là điều xui xẻo sẽ xảy đến với chúng. Sợ xui, nên chúng bắt trói Ngài bằng một sợi dây rừng đang còn tươi và đặt Ngài nằm tại nơi ấy, rồi bỏ đi. Khu rừng chẳng may xảy ra vụ hỏa hoạn, đám cháy dần dần lan đến chỗ Ngài. Ngài suy nghĩ rằng: “Nếu ta muốn lánh khỏi nạn, thì phải làm cho sợi dây rừng bị đứt; như vậy ta sẽ bị phạm điều giới pācittiya. Sự chết là điều chắc chắn sẽ xảy đến với ta, không sao tránh khỏi được (nghĩa là tránh khỏi chết hôm nay, sau này cũng phải chết). Thà rằng, hôm nay ta chịu hy sinh sinh mạng, quyết giữ gìn giới mà Đức Phật đã chế định đến Tỳ khưu”. Sau khi quyết định như vậy, vốn Ngài có giới đức hoàn toàn trong sạch làm nền tảng, cho nên khi thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, đồng thời đám lửa cháy lan đến thiêu đốt Ngài. Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. * Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng. Để thành tựu pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải hy sinh sinh mạng của mình để hoàn thành pháp hạnh ba-la-mật ấy. Như vậy, sự hy sinh sinh mạng của chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, vì mục đích cao thượng, để thành đạt nguyện vọng trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, với thiện tâm thiện chí trong sạch và cao cả, thì không thể gọi là phạm điều giới sát sinh. Như vậy, dù là người tự tử, hoặc Đức Bồ Tát hy sinh sinh mạng, vẫn không thể phạm điều giới sát sinh, vì không hợp đủ 5 chi pháp của điều giới sát sinh. Trường Hợp Phạm Điều Giới - Không Phạm Điều Giới Sát Sinh Vấn: Một người đi chợ mua thịt hay cá chết đem về làm đồ ăn có phạm điều giới sát sinh hay không? Đáp: Căn cứ theo 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh, thì không có một chi pháp nào cả. Vậy người ấy không phạm điều giới sát sinh. Vấn: Trong 2 trường hợp sau đây, người mua thịt cá có phạm điều giới sát sinh hay không? - Một người đi chợ đến hàng bán tôm, cá; người ấy không chịu mua những con tôm, cá đã chết, mà chọn lấy những con tôm, cá còn sống, bảo người bán hàng làm thịt những con tôm, cá ấy, rồi mua đem về làm đồ ăn. - Và một người đi chợ đến hàng bán thịt gà, người ấy không chịu mua thịt gà đã làm sẵn, mà chỉ vào con gà đang còn sống, bảo với người bán hàng rằng: Ông (bà) hãy làm thịt con gà này để bán cho tôi… Đáp: Căn cứ theo 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh, thì hội đủ cả 5 chi pháp. Cho nên, trường hợp này người bán phạm điều giới sát sinh và người mua cũng phạm điều giới sát sinh. Vấn: Một người làm bếp đi chợ mua những con cá còn sống, con gà còn sống, đem về làm món ăn cho ngon miệng người chủ. Vậy, người làm món ăn, và người chủ dùng món ăn, người nào phạm điều giới sát sinh, có tội? Đáp: Căn cứ theo 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh, người làm bếp giết cá, giết gà làm món ăn cho chủ; người làm bếp ấy phạm điều giới sát sinh, có tội, vì hội đầy đủ 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh. - Trường hợp người chủ bảo người làm bếp phải mua cá còn sống, gà còn sống về làm món ăn cho mình, thì người chủ cũng phạm điều giới sát sinh. - Trường hợp người chủ chẳng hay biết gì về người làm bếp giết cá, giết gà, chỉ có biết dùng những món ăn mà người làm bếp dọn lên bàn mà thôi, thì người chủ không phạm điều giới sát sinh, vì không có chi pháp nào trong 5 chi phạm điều giới sát sinh. Vấn: Một người vô ý đóng cửa làm chết một con thằn lằn nằm ngay ngạch cửa. Người ấy có phạm điều giới sát sinh hay không? Đáp: Người ấy không phạm điều giới sát sinh, vì thiếu chi pháp tác ý ác sát hại chúng sinh. Vấn: Một người giận con chó, với tác ý ác đánh chết nó; nhưng nó không chết mà chỉ bị thương nặng mà thôi. Lần sau, người ấy lại đánh đuổi con chó ấy, với tác ý làm cho nó sợ bỏ đi; nhưng chẳng may đụng nhằm vào vết thương cũ, làm cho con chó ấy chết. Như vậy, người ấy phạm điều giới sát sinh vào lần thứ nhất hay lần thứ nhì? Đáp: Người ấy đã phạm điều giới sát sinh ở lần thứ nhất, không phải ở lần thứ nhì. Bởi vì, lần thứ nhì người ấy đánh con chó với tác ý làm cho con chó sợ bỏ đi, mà không có tác ý giết hại nó. V.v… Phạm Điều Giới Sát Sinh Tạo Ác Nghiệp Trọng Tội Người phạm điều giới sát sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán (akusala-garukakamma) tạo nghiệp ác trọng tội thuộc loại nghiệp anantariyakamma: Ác nghiệp vô gián trọng tội nghĩa là ác nghiệp này chắc chắn cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài, mà không có một nghiệp nào có khả năng ngăn cản, làm gián đoạn được nghiệp ấy. Những trường hợp giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán * Trong đêm tối, người con không phân biệt được cha (hoặc mẹ) của mình; tưởng nhầm rằng kẻ trộm lén vào nhà lấy trộm của cải, người con giết kẻ trộm ấy; nhưng sự thật, người bị giết ấy chính là cha (hoặc mẹ) của mình. Mặc dù vậy, người con vẫn phạm tội giết cha (giết mẹ). * Người con bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra đời, được cô nhi viện, hoặc người khác nuôi dưỡng… Khi trưởng thành, người ấy không biết ai là cha, ai là mẹ của mình. Nếu người ấy giết một người đàn bà, mà người ấy không biết bà ấy là mẹ của mình; hoặc giết một người đàn ông, mà người ấy không biết ông ấy là cha của mình. Như vậy người ấy cũng gọi là người phạm tội giết cha, giết mẹ của mình. * Người cha thay đổi trở thành nữ giới; người mẹ thay đổi trở thành nam giới. Nếu người con giết người đàn bà (trước kia là cha) hoặc giết người đàn ông (trước kia là mẹ), thì người con vẫn phạm tội giết cha hoặc giết mẹ. * Những trường hợp như: ─ Người con là loài người, còn cha là loài súc sinh và mẹ là loài người (trường hợp Công tử Sīhabāhu xứ Srilankā, là con của một Công chúa và một Sư tử chúa). ─ Người con là loài người, còn mẹ là loài súc sinh và cha là loài người (trường hợp Đạo sĩ Migasinga là con của con nai và một vị Đạo sĩ). ─ Con là loài súc sinh, cha mẹ cũng là loài súc sinh. Trong 3 trường hợp trên, người con giết cha là loài súc sinh, giết mẹ là loài súc sinh; và con là loài súc sinh giết cha mẹ cũng là loài súc sinh; cả 3 trường hợp này người con đã tạo ác nghiệp nặng sát sinh, mà không gọi là ác nghiệp trọng tội hoặc ác nghiệp vô gián. * Một người đánh đập hành hạ một hành giả còn là phàm nhân đang thực hành thiền tuệ, bị thương nặng. Hành giả ấy tiếp tục thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, bởi vì bị thương nặng. Người đánh đập hành hạ ấy phạm tội giết bậc Thánh Arahán, thuộc ác nghiệp vô gián trọng tội. Chắc chắn ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài. Thuốc diệt vi khuẩn - vi trùng Dùng thuốc để diệt vi khuẩn, vi trùng không phạm điều giới sát sinh; bởi vì vi khuẩn, vi trùng không có sinh mạng cũng không có tâm thức. Chúng chỉ có tứ đại (đất, nước, lửa, gió) phát sinh do thời tiết nóng lạnh, bên trong, bên ngoài. Chúng phát triển tăng trưởng do hỏa đại (lửa) di chuyển do phong đại (gió). Cũng như các loài thực vật (cây, cỏ,…) cũng không có sinh mạng, không có tâm thức. Trong số 28 sắc pháp; sắc mạng chủ (jīvitindriyarūpa) phát sinh do nghiệp. Các loài vi khuẩn, vi trùng, các loài cây cỏ phát sinh do utu: Thời tiết và āhāra: Vật thực,… Do đó, diệt vi khuẩn, diệt vi trùng, chặt cây, cỏ không phạm điều giới sát sinh. Trường hợp đàn bà uống thuốc ngừa thai, diệt tinh trùng của đàn ông… không phạm điều giới sát sinh. Nhưng nếu trường hợp người đàn bà uống thuốc có tác ý ác phá thai, thì người đàn bà ấy phạm điều giới sát sinh, phạm tội giết con; bởi vì thai nhi sẽ là một đứa con. Thật ra, khi tâm tái sinh đầu thai vào lòng mẹ đầu tiên, có tâm quả tái sinh cùng với 3 sắc pháp là sắc thân (kāya), sắc nam tính hoặc sắc nữ tính (bhava) và sắc ý căn (hadayavatthu) nơi nương nhờ của tâm quả. Như vậy, ngay khi đầu thai đã hình thành một chúng sinh, một thai nhi tuy còn rất nhỏ, có đủ ngũ uẩn (3 sắc pháp thuộc sắc uẩn, tâm quả tái sinh gồm có 4 danh uẩn). Còn trường hợp người mẹ bị sẩy thai ngoài ý muốn, thì người mẹ không bị phạm điều giới sát sinh, vì thiếu chi pháp tác ý ác sát hại chúng sinh. Phạm điều giới sát sinh này rất vi tế, cũng rất đa dạng, nên tìm hiểu trong Tạng Luật phần giới Pārājika: Bất cộng trụ của Tỳ khưu. 2- Điều Giới Tránh Xa Sự Trộm Cắp Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Adinnādānā Þ A + dinna + ādānā + A: Không, không được phép. + Dinna: Của cải, tài sản mà chủ nhân cho phép. + Ādānā: Lấy, chiếm đoạt. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Adinnādānā: Lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà chủ nhân không cho phép hoặc chủ nhân đang giữ gìn. Người lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà người chủ không cho, bằng cách trộm cắp, cướp giật, lường gạt, đánh tráo, v.v… đều bị phạm điều giới trộm cắp. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp. Chi Pháp Phạm Điều Giới Trộm Cắp Người phạm điều giới trộm cắp cần phải hợp đủ 5 chi pháp: 1- Của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitaṃ). 2- Biết rõ của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitasaññitā). 3- Tâm nghĩ trộm cắp (theyyacittaṃ). 4- Cố gắng trộm cắp (payogo). 5- Lấy được của cải ấy do sự cố gắng (avahāro). Nếu hội đủ 5 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới trộm cắp. Nếu thiếu 1 trong 5 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới trộm cắp. Giảng Giải Về Sự Trộm Cắp Của cải: Đó là các thứ tài sản tiền của, vàng bạc châu báu,…; các thú vật như voi, ngựa, trâu, bò,…; các thứ sở hữu trí tuệ,… là những thứ của cải giá trị có chủ. * Tâm nghĩ trộm cắp có 2 cách: 1- Bằng thân, tự mình chiếm đoạt của cải người khác. 2- Bằng khẩu, dùng lời nói lường gạt, hoặc sai khiến người chiếm đoạt của cải người khác. * Cố gắng trộm cắp có 6 cách: 1- Do chính mình trộm cắp của cải người khác. 2- Sai khiến người trộm cắp của cải người khác. 3- Ném hàng hóa, đồ đạc qua các trạm thu thuế, cửa khẩu… để trốn thuế. 4- Sai khiến người rằng: “Chờ có cơ hội hãy trộm cắp của cải ấy” không hạn định thời gian. 5- Dùng bùa chú, thuốc mê làm cho người chủ mê muội, rồi chiếm đoạt của cải. 6- Dùng thần thông lấy nước hồ để uống (trường hợp vị Sadi xin nước hồ để uống, Long Vương giữ hồ không cho; vị Sadi này dùng thần thông để lấy nước hồ uống. Trường hợp này không gọi là trộm cắp, vì người chủ là Long Vương giữ hồ, và lượng nước hao tốn không đáng kể). Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Trộm Cắp Tội nặng - tội nhẹ của sự trộm cắp được căn cứ vào giá trị của cải, tài sản nhiều hoặc ít; và căn cứ vào chủ nhân có giới đức hoặc không có giới đức. - Trộm cắp của cải, tài sản có giá trị nhiều, thì tội nặng. - Trộm cắp của cải, tài sản có giá trị ít, thì tội nhẹ. - Trộm cắp của cải, tài sản của bậc xuất gia Sadi, Tỳ khưu, thì tội nặng. - Trộm cắp của cải, tài sản của người tại gia cư sĩ, thì tội nhẹ. - Trộm cắp của cải, tài sản của cá nhân, thì tội nhẹ. - Trộm cắp của cải, tài sản của chung, của nhà nước, thì tội nặng. - Trộm cắp của cải, tài sản của bậc Thánh Nhân, thì tội nặng. - Trộm cắp của cải, tài sản của hạng phàm nhân, thì tội nhẹ. - Trộm cắp của cải, tài sản của chư Đại đức Tăng, thì tội nặng hơn cả. 25 Cách Trộm Cắp 25 cách trộm cắp được chia ra làm 5 phần, mỗi phần có 5 cách. 1- Nānābhaṇḍa pañcaka: Trộm cắp của cải nhiều loại và các thứ tài sản, có 5 cách. 1. 1 Ādiyana adinnādāna: Một người muốn chiếm đoạt của cải, tài sản như đất đai, nhà cửa,… của người khác, bằng cách thưa kiện ra tòa. Trường hợp này người có mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người chủ mà không liên quan đến nợ nần, tài sản thế chấp, mà đó chỉ là mưu đồ muốn làm chủ (chiếm đoạt) đất đai tài sản hoặc nhà cửa người khác. Việc ra tòa xét xử lâu ngày, khiến cho người chủ nản lòng, có ý nghĩ buông bỏ tài sản ấy rằng: “Tài sản của ta, chắc chắn sẽ thuộc về của người khác rồi”. Như vậy, người có mưu đồ chiếm đoạt của cải, tài sản (đất đai, nhà cửa,…) của người khác hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 1. 2 Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê mang của cải người khác đến một nơi đã định. Trong khi đang mang của cải đi trên đường, người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt làm của mình. Khi tâm nghĩ trộm cắp phát sinh, người ấy chỉ cần di chuyển của cải ấy rời khỏi chỗ cũ chút đỉnh, ví dụ như từ vai phải sang vai trái, hoặc từ tay phải sang tay trái. Như vậy, người làm thuê mang của cải ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 1. 3 Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ của cải của ông B; về sau, ông B đến gặp ông A xin lấy lại những thứ của cải mà trước đây ông B đã gửi gắm nhờ ông A giữ hộ. Ông A có tâm tham muốn chiếm đoạt của cải của ông B, nên ông A đã phủ nhận rằng: ─ Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ của cải của ông. Khi ông B, người chủ của cải không còn hy vọng lấy lại của cải của mình, và nghĩ rằng: “Của cải mà ta đem gởi cho ông A giữ hộ trước kia, bây giờ xem như đã mất rồi”. Như vậy, ông A nhận giữ hộ của cải của ông B, rồi chiếm đoạt của cải ấy, ông A hội đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 1. 4 Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Chủ nhân đang ngồi hoặc đang nằm, hoặc đang đứng,… tại nơi của cải, tài sản của mình. Người trộm cướp muốn chiếm đoạt số của cải, tài sản ấy, nên đã hăm dọa người chủ nhân phải rời khỏi nơi ấy, để y chiếm đoạt của cải ấy. Khi bắt buộc chủ nhân phải rời khỏi nơi ấy, dù 1-2 bước, thì người trộm cướp ấy hội đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 1. 5 Ṭhānācāvana adinnādāna: Các báu vật mà chủ nhân đặt để một nơi, kẻ trộm cướp nhìn thấy, phát sinh tâm tham, muốn trộm cắp báu vật ấy; kẻ ấy chỉ cần di chuyển báu vật ấy rời khỏi vị trí chỗ cũ chút ít, thì kẻ ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 2- Ekabhanda pañcaka: Trộm cắp những sinh vật có sinh mạng, có 5 cách. 2. 1 Ādiyana adinnādāna: Người muốn chiếm đoạt những sinh vật có sinh mạng như các loài gia súc của người khác, bằng cách thưa kiện. Đến khi chủ nhân của các loài gia súc kia nản lòng buông bỏ và nghĩ rằng: “Đàn gia súc của ta chắc chắn sẽ thuộc về người khác rồi”. Như vậy, người chiếm đoạt hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 2. 2 Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê dắt con bò đi đến một nơi đã định. Trên đường đi, người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò ấy trở thành của mình. Sau khi suy nghĩ xong, người ấy chỉ cần dắt bò đi theo con đường khác hoặc có ý trao từ tay này sang tay khác. Như vậy, người làm thuê ấy đã hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 2. 3 Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ con bò của ông B. Về sau, ông B đến gặp ông A xin nhận lại con bò mà trước đây ông đã nhờ ông A giữ hộ. Nhưng ông A có tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò của ông B, nên ông A đã phủ nhận rằng: ─ Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ con bò của ông. Khi ông B không còn hy vọng nhận lại con bò của mình được nữa, thì nghĩ rằng: “Chắc chắn ta không thể lấy lại con bò được rồi”. Như vậy, ông A đã nhận giữ hộ con bò mà không chịu trả lại, hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 2. 4 Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Người, hoặc trâu, bò,… đang đi, đứng, nằm, tại một địa điểm nào đó; người có tâm tham muốn bắt cóc người để vụ lợi, hoặc bắt trộm trâu, bò dắt đi bán,… Khi người, hoặc trâu, bò chỉ cần bị di chuyển 1-2 bước khỏi nơi ấy mà thôi, là người ấy đã hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 2. 5 Ṭhānācāvana adinnādāna: Chủ nhân đang nhốt trâu, bò ở trong chuồng. Người có tâm tham, muốn dắt trộm trâu, bò ra khỏi chuồng. Khi trâu, bò bị dắt ra khỏi chuồng 1-2 bước mà thôi, là người ấy đã hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 3- Sahatthika pañcaka: Chính tự mình trộm cắp, có 5 cách. 3. 1 Sahatthika adinnādāna: Chính tự mình trộm cắp của cải, tài sản của người khác. Như vậy, người ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 3. 2 Āṇattika adinnādāna: Sai khiến người khác đi trộm cắp của cải, tài sản của người khác. Và người bị sai đi đã trộm cắp của cải, tài sản ấy. Như vậy, người sai khiến hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp, và người bị sai cũng phạm điều giới trộm cắp. 3. 3 Nissaggiya adinnādāna: Giấu hàng hóa để trốn thuế. Như vậy, người giấu hàng hóa ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 3. 4 Atthasādhaka adinnādāna: Người ra lệnh cho nhóm bộ hạ tay sai đi trộm cắp của cải của người khác, nếu khi có cơ hội, không hạn định thời gian. Và nhóm bộ hạ đã đi trộm cắp của cải ấy. Như vậy, người ra lệnh phạm điều giới trộm cắp, và nhóm bộ hạ cũng phạm điều giới trộm cắp. 3. 5 Dhuranikkhepa adinnādāna: Người vay mượn tiền của người khác; hoặc nhận lãnh cất giữ tài sản của cải của người khác. Khi người chủ nhân đến đòi nợ; hoặc xin nhận lại tài sản của cải đã gửi gắm. Người vay mượn (con nợ) hoặc người nhận lãnh cất giữ của cải từ chối rằng: ─ Tôi không hề vay mượn tiền của của ông, hoặc tôi không hề nhận lãnh cất giữ tài sản của cải cho ông. Người chủ nhân quyết định buông bỏ rằng: “Tiền của, hoặc tài sản của cải của ta chắc chắn đã bị người ấy chiếm đoạt rồi”. Ngay khi ấy, người vay mượn tiền của, hoặc người nhận lãnh cất giữ của cải mà không trả lại, hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp. 4- Pubbapayoya pañcaka: Phạm điều giới trộm cắp trước khi lấy trộm tài sản, của cải của người khác, có 5 cách. 4. 1 Pubbapayoya adinnādāna: Người ra lệnh cho người khác đi trộm cắp rằng: Bằng mọi cách ngươi phải trộm cắp cho được của cải ấy. Khi ra lệnh xong, người ấy phạm điều giới trộm cắp ngay khi ấy. 4. 2 Sahapayoya adinnādāna: Người nào phát sinh tâm trộm cắp tài sản, của cải của người khác, đồng thời cố gắng di chuyển tài sản, của cải ra khỏi chỗ cũ; người ấy phạm điều giới trộm cắp. Người nào phát sinh tâm gian lận, lấn chiếm đất đai của người khác, đồng thời cố gắng dời cột mốc ranh giới sang phần đất của người bên cạnh. Người ấy phạm điều giới trộm cắp. 4. 3 Saṃvidāvahāra adinnādāna: Một nhóm người (từ 2 người trở lên) hợp thành nhóm cùng nhau đi trộm cướp. Trong nhóm người ấy, nếu có một người nào trộm cướp được của cải, tài sản của người khác, thì cả nhóm người ấy đều phạm điều giới trộm cắp. 4. 4 Saṅketakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn tay sai đi trộm cắp, có quy định thời gian rõ ràng, ví dụ vào lúc nửa đêm 24 giờ chẳng hạn. - Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp đúng theo giờ quy định (24 giờ), thì người sai khiến phạm điều giới trộm cắp, và bọn tay sai cũng phạm điều giới trộm cắp. - Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp vào lúc thời gian sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định (trước hoặc sau 24 giờ), thì người sai khiến không phạm điều giới trộm cắp; chỉ có bọn tay sai phạm điều giới trộm cắp mà thôi. 4. 5 Nimittakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn tay sai đi trộm cắp, theo hiệu lệnh như vỗ tay, huýt sáo (huýt gió)… để thực hiện hành động trộm cắp. - Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp đúng theo hiệu lệnh, thì người sai khiến phạm điều giới trộm cắp, và bọn tay sai cũng phạm điều giới trộm cắp. - Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp mà không theo hiệu lệnh đã quy định, thì người sai khiến không phạm điều giới trộm cắp; chỉ có bọn tay sai phạm điều giới trộm cắp mà thôi. 5- Theyyāvahāra pañcaka: Trộm cắp bằng cách lừa bịp, có 5 cách. 5. 1 Theyyāvahāra adinnādāna: Người bán hàng cân hàng hóa thiếu, bán đồ giả, buôn bán hàng lậu, trốn thuế,… người ấy phạm điều giới trộm cắp. 5. 2 Pasayhāra adinnādāna: Người dùng vũ khí (súng, dao,…) để hăm dọa người khác, bắt buộc người khác phải trao của cải, vàng bạc,… Người ấy phạm điều giới trộm cắp. 5. 3 Parikappāvahāra adinnādāna: Người muốn trộm cắp một thứ nào đó, dù đã được thứ ấy, hoặc được một thứ nào khác, mà vẫn hài lòng, thì người ấy phạm điều giới trộm cắp. 5. 4 Paṭicchannāvahāra adinnādāna: Một người vào nhà người khác nhìn thấy món đồ quý giá (nhẫn kim cương, hột xoàn, v.v…) mà người chủ để trên bàn. Người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt món đồ ấy trở thành của mình, nên đã lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi khác, chờ cơ hội người chủ đi khỏi nơi đó, mới lấy món đồ ấy đem đi. Trong khi lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi, người ấy chưa phạm điều giới trộm cắp. Đến khi người chủ tìm không thấy món đồ của mình, do công việc gấp phải đi khỏi nơi đó và có ý định sau khi xong công việc sẽ trở lại tìm kỹ hơn. Khi người chủ rời khỏi nơi đó rồi, người trộm cắp lấy món đồ ấy, người ấy phạm điều giới trộm cắp. 5. 5 Kusāvahāra adinnādāna: Trộm cắp lấy món đồ quý giá của người khác rồi thay thế vào đó món đồ không giá trị của mình. Ví dụ: Một người lấy chiếc đồng hồ đắt giá của người khác, rồi thay thế vào đó một chiếc đồng hồ xấu, rẻ tiền của mình; hoặc có hai gói đồ, một gói có tên của mình và một gói là tên của người khác. Người ấy nhìn thấy gói đồ có tên của người khác gồm các món đồ quý giá, còn gói đồ có tên của mình gồm các món đồ tầm thường; người ấy liền bóc cái nhãn ghi tên của mình gắn vào gói đồ dùng của người khác, và bóc cái nhãn có ghi tên của người khác gắn vào gói đồ dùng của mình, v.v… Người có tâm tham thay đổi món đồ xấu lấy đồ tốt, hoặc thay đổi tên của mình thế vào chỗ tên của người khác,… người ấy phạm điều giới trộm cắp. Phạm Điều Giới - Không Phạm Điều Giới Trộm Cắp Để nhận định có phạm điều giới hay không phạm điều giới trộm cắp đều căn cứ vào tác ý (cetanā). Nếu có tác ý bất thiện (tác ý ác) cộng với hợp đủ chi của giới, thì bị phạm điều giới; còn nếu có tác ý bất thiện mà không đủ chi của giới, thì không phạm điều giới. Ví dụ: Nhìn thấy con mèo bắt cắn cổ con gà chết của người khác, rồi người ấy bắt buộc con mèo thả con gà ra để cho y ăn thịt, mà không cho con mèo ăn thịt con gà. Vậy, người ấy đã phạm điều giới trộm cắp. Nhưng khi nhìn thấy con mèo bắt con gà còn sống, người ấy bắt buộc con mèo thả con gà, để cứu mạng con gà, không cho con mèo ăn thịt con gà. Vậy, người ấy không phạm điều giới trộm cắp, mà còn tạo được phước thiện cứu mạng. Trường hợp ông Bàlamôn Doṇa là người đứng ra làm trung gian phân chia Xá lợi của Đức Phật Gotama cho các nước lớn; Đức vua mỗi nước thỉnh Xá lợi Phật đem về, rồi tạo ngôi Tháp Bảo để tôn thờ Xá lợi Đức Phật. Trong khi phân chia Xá lợi Phật, ông Bàlamôn Doṇa thỉnh ‘Xá lợi Răng Nhọn’ giấu kín trên đầu tóc của mình, để tôn thờ. Đức vua Sakka [8] trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên nhìn thấy, suy xét rằng: “Ông Bàlamôn Doṇa không thể có một ngôi Tháp Bảo xứng đáng để tôn thờ Xá lợi Răng Nhọn của Đức Phật. Ta nên hiện xuống thỉnh Xá lợi Răng Nhọn về cõi trời này”. Suy nghĩ xong, Đức vua trời Sakka hiện xuống cõi người, thỉnh ‘Xá lợi Răng Nhọn’ từ trên đầu tóc của ông Bàlamôn Doṇa, mà ông chẳng hề hay biết. Đức vua trời Sakka thỉnh về tôn thờ trong ngôi Bảo Tháp Cūḷāmaṇī tại cõi trời Tam Thập Tam Thiên, để cho toàn thể chư thiên lễ bái cúng dường. Như vậy, Đức vua trời Sakka không thể phạm điều giới trộm cắp, bởi vì Đức vua trời (là bậc Thánh Nhập Lưu) có tác ý thiện, có giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, nên không có tội, chỉ có nhiều phước thiện cao thượng mà thôi. Cho nên phạm điều giới hay không phạm điều giới được căn cứ vào tác ý (cetanā) là chính. Nếu có tác ý bất thiện (tác ý ác) rồi tạo nên ác nghiệp do thân hoặc khẩu, thì gọi là phạm điều giới; ngược lại, nếu có tác ý thiện rồi tạo nên thiện nghiệp do thân hoặc khẩu, thì không phạm điều giới, không có tội, chỉ có phước thiện mà thôi. 3- Điều Giới Tránh Xa Sự Tà Dâm Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Kāmesumicchācāra Þ Kāmesu + micchā + cara + Kāmesu: Trong sự hành dâm (Kāmesu’ ti methunasamācaresu: Kāmesu có nghĩa là hành dâm). + Micchā: Tà, bất chính. + Cara: Hành vi. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Kāmesumicchācāra: Hành vi tà, bất chính xấu xa trong sự hành dâm, mà chư thiện trí thường chê trách. Bậc thiện trí chê trách những người đàn ông hoặc người đàn bà nào có hành vi tà, bất chính xấu xa trong quan hệ tình dục, mà không phải là vợ chồng của nhau, những người ấy bị phạm điều giới tà dâm. Nếu hai người là vợ chồng của nhau đúng theo phong tục tập quán, được sự công nhận của hai bên cha mẹ, bà con dòng họ, và cũng được chính quyền chấp thuận, mọi người công nhận… thì sự quan hệ tình dục giữa hai vợ chồng với nhau là việc bình thường của người đời, không bị chê trách. Người phạm điều giới tà dâm chỉ tạo thân ác nghiệp hoặc thân hành ác mà thôi, không liên quan đến khẩu và ý. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm. Chi Pháp Phạm Điều Giới Tà Dâm Người phạm điều giới tà dâm cần phải hợp đủ 4 chi pháp: 1- Đối tượng nữ không được quan hệ tình dục (agamaniyavatthu). 2- Tâm tham muốn quan hệ tình dục (tasmiṃ sevanacittaṃ). 3- Sự cố gắng hành dâm (payogo). 4- Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục nam - nữ với nhau (maggena-maggapaṭipatti addhivāsaṃ). Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới tà dâm. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới tà dâm. Giảng Giải Về Sự Tà Dâm Con trai, đàn ông không được quan hệ tình dục với 20 hạng con gái, đàn bà sau đây: 1- Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa). 2- Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa). 3- Con gái có mẹ cha trông nom. 4- Con gái có chị hoặc em gái trông nom. 5- Con gái có anh hoặc em trai trông nom. 6- Con gái có bà con trông nom. 7- Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái sống ở ngoại quốc, thì có người cùng nòi giống trông nom). 8- Con gái hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom. 9- Con gái đã được Đức vua hoặc người có quyền thế đến mai mối rồi. 10- Con gái đã nhận lễ hứa hôn (lễ ăn hỏi) của đằng trai. 11- Con gái đã được một người đàn ông chuộc về làm vợ. 12- Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu, để làm vợ. 13- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được của cải. 14- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được đồ trang sức. 15- Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn ông đúng theo phong tục tập quán. 16- Con gái nghèo buôn bán, đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi, để làm vợ (con gái không còn buôn bán nữa). 17- Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ. 18- Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở lấy làm vợ. 19- Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy làm vợ. 20- Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn (như các cô kỹ nữ). Trong 20 hạng con gái ấy, 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người hành phạm hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ. Do đó, nếu những người con gái này tự ý lén lút yêu thương một người con trai còn độc thân, và hai người này đã có quan hệ tình dục với nhau, nếu xét về giới, thì người con gái ấy không phạm điều giới tà dâm, chỉ có người con trai phạm điều giới tà dâm mà thôi, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến hạng người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép. Tuy người con gái không phạm điều giới tà dâm, nhưng đó là hành vi xấu xa không đúng theo phong tục tập quán, đáng cho mọi người chê trách, cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu. Cho nên, người con gái cảm thấy hổ thẹn, hối hận, làm cho tâm bị ô nhiễm, có thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). 12 hạng con gái còn lại, kể từ hạng con gái thứ 9 cho đến hạng con gái thứ 20, là người đã có chồng, đã có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ (cô kỹ nữ ưng thuận làm vợ của một người đàn ông trong thời gian ngắn, cô vẫn được xem như đã có chồng). Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái ấy phạm điều giới tà dâm. Như vậy, người con trai không được phép quan hệ tình dục với 20 hạng con gái này. Nếu người con trai nào có quan hệ tình dục với 1 trong 20 hạng người con gái này, thì người con trai ấy phạm điều giới tà dâm. Và người đàn ông nào đã có vợ (dù là vợ chưa cưới), người vợ ấy đã là chủ cuộc đời của ông, nếu người đàn ông ấy tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn bà nào khác (không phải là vợ của mình), thì người đàn ông ấy phạm điều giới tà dâm. Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Tà Dâm ─ Người phạm điều giới tà dâm với người có giới đức, thì phạm tội nặng. ─ Người phạm điều giới tà dâm với người không có giới đức, thì phạm tội nhẹ. ─ Người phạm điều giới tà dâm bằng cách hiếp dâm, dù với người không có giới, thì vẫn phạm tội nặng. ─ Người phạm điều giới tà dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thích với nhau, thì phạm tội nhẹ. ─ Người phạm điều giới tà dâm với bậc Thánh Nhân, thì phạm tội nặng hơn phạm điều giới tà dâm với hạng phàm nhân. ─ Người phạm điều giới tà dâm với bậc Thánh Nhân càng cao, thì phạm tội càng nặng. ─ Người hiếp dâm bậc Thánh nữ Arahán, thì phạm tội nặng nhất. Như trường hợp tên Nanda hiếp dâm Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh Arahán. Tên Nanda đã phạm tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra hút gã vào sâu trong lòng đất. Sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ cực suốt thời gian lâu dài. Vấn Đề Liên Quan Đến Tà Dâm Người đàn bà nào đã có chồng, nghĩa là người đàn bà đã có người đàn ông làm chủ và cũng đã chấp nhận làm vợ của người đàn ông ấy rồi. Như vậy, phần thể xác của cô đã có chủ, cô có phận sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người chồng của cô mà thôi. Nếu cô ấy ngoại tình, yêu một người đàn ông khác, và có quan hệ tình dục với người đàn ông ấy, thì cô đã tự trộm cắp thể xác đã có chủ đem trao cho người đàn ông khác, cho nên cô ấy phạm điều giới tà dâm. Cũng tương tự như vậy, người đàn ông đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có một người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp nhận làm chồng của cô ấy rồi. Như vậy, phần thể xác của ông ấy đã có chủ, ông ấy có phận sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người vợ của mình mà thôi. Nếu ông ấy ngoại tình, yêu một người đàn bà nào khác, và có quan hệ tình dục với người đàn bà ấy, thì ông đã tự trộm cắp thể xác đã có chủ đem trao cho người đàn bà khác, cho nên ông ấy phạm điều giới tà dâm. Vấn: Trong đời, nếu đàn ông đã có người vợ cả rồi, còn có thêm người vợ lẻ nữa. Như vậy, người đàn ông ấy có phạm điều giới tà dâm hay không? Đáp: Người đàn ông ấy phạm điều giới tà dâm, và cũng có thể không phạm điều giới tà dâm. a) Trường hợp phạm điều giới tà dâm: Người đàn ông đã có người vợ cả, rồi lén lút ngoại tình, yêu một người đàn bà khác như một nhân tình hoặc như người vợ lẻ, và có quan hệ tình dục bất chính. Vậy người đàn ông ấy đã tự trộm cắp thể xác của mình đã có vợ cả làm chủ, đem trao cho người đàn bà khác. Do đó, người đàn ông ấy phạm điều giới tà dâm. b) Trường hợp không phạm điều giới tà dâm: Người đàn ông đã có người vợ cả rồi, người vợ cả không có con để nối dòng dõi. Người đàn ông ấy muốn có người vợ lẻ. Chính người vợ cả sẽ đi hỏi cưới người đàn bà khác đem về cho chồng mình làm người vợ lẻ. Như vậy, người vợ cả đã đồng ý chia quyền làm chủ thể xác của người chồng cho người vợ lẻ. Cho nên, người chồng được phép quan hệ tình dục với người vợ lẻ, mà không phạm điều giới tà dâm. Vấn: Trường hợp đồng tính luyến ái có phạm điều giới tà dâm hay không? Đáp: Đối với người tại gia cư sĩ, nếu hai người đàn ông độc thân với nhau, hoặc hai người đàn bà độc thân với nhau, thì họ không phạm điều giới tà dâm. Nhưng đó là hành động xấu xa đáng chê trách; bởi vì, theo phong tục tập quán của người đời không chấp nhận những hành vi như vậy. Còn đối với bậc xuất gia, nếu hành động như vậy, thì chắc chắn phạm điều giới hành dâm, không còn phạm hạnh của bậc xuất gia nữa. Vấn: Người đàn bà hoặc người đàn ông có quan hệ tình dục với loài gia súc (chó, khỉ,…) có phạm điều giới tà dâm hay không? Đáp: Trong trường hợp ấy, có thể phạm điều giới tà dâm và cũng có thể không phạm điều giới tà dâm. a) Trường hợp phạm điều giới tà dâm: Nếu người đàn bà nào đã có chồng, hoặc người đàn ông nào đã có vợ rồi, mà có quan hệ tình dục với loài gia súc (chó, khỉ…), thì người đàn bà ấy hoặc người đàn ông ấy phạm điều giới tà dâm. Ví dụ: Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế gian, bà Mallikā [9] chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Pasenadi-kosala phạm điều giới tà dâm với con chó trong phòng tắm, Đức vua nhìn thấy nhưng bà nói dối là không có làm như vậy. Bà chánh cung Hoàng hậu Mallikā vốn là người cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ, hết lòng thành kính làm phước bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng. Thế mà, sau khi bà chết, do giới không trong sạch, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 mới mãn quả của ác nghiệp, rồi được tái sinh lên cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên - cõi trời thứ 4 trong 6 tầng trời dục giới) hưởng mọi sự an lạc của cõi trời ấy. Và trong Tạng Luật, phần giới Tỳ khưu có một Tỳ khưu phạm điều giới hành dâm với con khỉ cái. Do đó, Đức Phật chế định thêm vào điều giới: “Tỳ khưu nào hành dâm với người hoặc loài súc sinh; Tỳ khưu ấy bị phạm điều giới pārājika (bất cộng trụ) mất phạm hạnh Tỳ khưu”. Đối với người tại gia cư sĩ độc thân (không có vợ hoặc không có chồng), mà hành dâm với loài gia súc (chó, khỉ,…) có chủ, là phạm điều giới tà dâm. b) Trường hợp không phạm điều giới tà dâm: Người tại gia cư sĩ độc thân (không có vợ hoặc không có chồng) nếu hành dâm với loài gia súc (chó, khỉ,…) vô chủ, thì không phạm điều giới tà dâm. Nhưng đó là một hành vi đáng xấu hổ, trái với luân thường đạo lý, đáng chê trách; bởi vì không phù hợp với phong tục tập quán trong đời. ─ Sự hành dâm là sự quan hệ tình dục giữa nam và nữ, đó là việc thường xảy ra đối với chúng sinh trong cõi dục giới. - Bậc thiện trí hành phạm hạnh có tác ý tránh xa sự hành dâm. Nếu người cận sự nam, cận sự nữ thọ trì 8 giới uposatha-sīla, thì trong những ngày giới hằng tháng, họ tránh xa sự hành dâm với vợ hoặc chồng trong những ngày giới ấy. - Những tu nữ hoặc những người sống trong chùa hành phạm hạnh thọ trì 8 giới uposathasīla, thì họ tránh xa sự hành dâm suốt đời. - Những bậc xuất gia là Sadi, Tỳ khưu hành phạm hạnh tránh xa sự hành dâm trọn đời. 4- Điều Giới Tránh Xa Sự Nói Dối Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Musāvāda Þ Musā + vāda + Musā: Chuyện dối trá, điều không thật, vật không có thật… + Vāda: Lời nói. Ví dụ: Mình biết chuyện ấy mà nói không biết; mình không biết chuyện ấy mà nói biết,… như vậy “chuyện ấy” là chuyện musā: Lừa dối. Mình có tiền mà nói không có tiền; mình không có tiền mà nói có tiền,… như vậy “tiền” là vật musā: Lừa dối. Như vậy, musā không phải trực tiếp bằng lời nói. ─ Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. ─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Người ta nói điều không thật, vật không có… với tác ý bất thiện (tác ý ác) nói là thật, là có gọi là nói dối (musāvāda) cốt để làm cho người khác hiểu lầm. Sự nói dối này phát sinh phần nhiều bằng lời nói; và đôi khi cũng phát sinh ở thân bằng cử động lắc đầu phủ định, gật đầu khẳng định… dù vậy, vẫn gọi là nói dối (musāvāda). * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối. Chi Pháp Phạm Điều Giới Nói Dối Người phạm điều giới nói dối cần phải hợp đủ 4 chi pháp: 1- Điều không thật, vật không có (atthavatthu). 2- Tâm nghĩ lừa dối (visaṃvādanacittatā). 3- Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình (payoga). 4- Người nghe tin theo sự lừa dối ấy (tadattha vijānanaṃ). Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nói dối. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới nói dối. Giảng Giải Về Sự Nói Dối * Những điều không thật như: - Điều mình không thấy, nói tôi thấy. - Điều mình không nghe, nói tôi nghe. - Điều mình không tiếp xúc, nói tôi tiếp xúc. - Điều mình không biết, nói tôi biết. - Điều mình thấy, nói tôi không thấy. - Điều mình nghe, nói tôi không nghe. - Điều mình tiếp xúc, nói tôi không tiếp xúc. - Điều mình biết, nói tôi không biết. * Những vật không có như: - Vật ấy mình không có, nói tôi có. - Vật ấy mình có, nói tôi không có, v.v… * Tâm nghĩ lừa dối người nghe: Có 2 trường hợp. 1- Tâm nghĩ lừa dối người nghe, nhưng không gây thiệt hại đến người tin theo, thì chỉ là lừa dối mà không phạm điều giới nói dối, không cho quả tái sinh trong cõi ác giới. 2- Tâm nghĩ lừa dối người nghe, để gây thiệt hại đến người tin theo, thì thật là lừa dối, cho nên phạm điều giới nói dối, cho quả tái sinh trong cõi ác giới. * Sự cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động: Có 4 cách. 1- Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói dối hoặc bằng thân cử động lắc đầu phủ định điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật. 2- Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu hoặc bằng thân. 3- Viết chuyện không thật trên báo, trong thư, nói trên đài phát thanh,… lan truyền ra làm cho độc giả, thính giả,… tin theo. 4- Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh vào băng đĩa,… có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả tin theo. Người có tâm ác lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối của mình, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối, hội đầy đủ 4 chi pháp phạm điều giới nói dối. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối ấy, thì người ấy không đủ chi, không phạm điều giới nói dối. Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Nói Dối Người phạm điều giới nói dối phạm tội nặng hoặc tội nhẹ căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc ít đến cho người tin theo sự nói dối ấy. - Nếu người phạm điều giới nói dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo sự nói dối, thì người nói dối ấy phạm tội nặng, có thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới. - Nếu người phạm điều giới nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói dối, thì người nói dối ấy phạm tội nhẹ, không thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới. Tính Chất Của Sự Nói Dối * Đối với người tại gia cư sĩ là cận sự nam, cận sự nữ: Nói dối là 1 giới cấm trong ngũ giới, trong bát giới, trong cửu giới,… mà người tại gia nói chung cần phải giữ gìn cho được trong sạch, thì được nhiều phước thiện cao quý. Ngược lại, nếu người nào phạm đến giới nói dối, thì người ấy phải chịu phạm tội nặng hoặc nhẹ tùy theo sự thiệt hại đã gây ra đối với người tin theo sự lừa dối ấy. Ngay trong kiếp hiện tại người ấy bị mất uy tín đối với mọi người; nếu phạm tội nặng, thì ác nghiệp ấy có thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới trong những kiếp vị lai. * Đối với bậc xuất gia là Sadi hoặc Tỳ khưu: - Đối với vị Sadi: Sự nói dối là 1 giới cấm trong 10 giới của Sadi; nếu vị Sadi nào phạm điều giới nói dối, thì vị Sadi ấy bị hư hỏng phạm hạnh, không còn là vị Sadi nữa. Nếu vị Sadi ấy biết mình không còn phạm hạnh Sadi nữa, thì nên biết phục hồi phạm hạnh Sadi trở lại, bằng cách tìm đến vị Thầy tế độ hoặc vị Đại đức Tỳ khưu, đảnh lễ Ngài, xin Ngài hướng dẫn phép quy y Tam Bảo. Khi vị ấy thọ phép quy y Tam Bảo đến lần thứ ba xong, ngay khi ấy, vị ấy trở thành vị Sadi trở lại như trước. - Đối với vị Tỳ khưu: Phạm điều giới nói dối có nhiều mức độ nhẹ - nặng khác nhau. Trong khi hành Tăng sự tụng giới bổn của Tỳ khưu (Bhikkhupātimokkha) một vị Tỳ khưu luật sư tụng xong mỗi phần giới, hỏi nhóm Tỳ khưu hội họp tại Sīmā đều trong sạch phải không? + Nếu vị Tỳ khưu nào có giới không trong sạch, mà vẫn ngồi im lặng, không nói, đó cũng là một cách lừa dối, thì vị Tỳ khưu ấy phạm điều giới dukkaṭa (tác ác). + Nếu vị Tỳ khưu nào nói lời không đúng sự thật, thì vị Tỳ khưu ấy phạm điều giới pācittiya (đối trị). + Nếu vị Tỳ khưu nào nói lời vu khống vị Tỳ khưu khác phạm điều giới Pārājika (Bất cộng trụ), thì vị Tỳ khưu ấy bị phạm điều giới Saṃghādisesa (Tăng tàn). + Nếu vị Tỳ khưu nào tự nói khoe khoang pháp của bậc Thánh Nhân như chứng đắc thiền định, phép thần thông; chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn mà chính mình không có, thì vị Tỳ khưu ấy bị phạm điều giới Pārājika (Bất cộng trụ) không còn phạm hạnh Tỳ khưu nữa. Đối với vị Tỳ khưu phạm điều giới nói dối có nhiều mức độ nhẹ - nặng khác nhau, tùy theo lời nói dối. Nói Dối, Lừa Dối Vô Tội Người nói dối bằng khẩu hoặc lừa dối bằng thân, nhưng không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo lời nói dối, sự lừa dối ấy; thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho người tin theo lời nói dối, sự lừa dối ấy; thì người ấy không có tội, mà còn có phước thiện lớn nữa. * Như câu chuyện vị quan cận thần thân tín tâu với Đức vua, được tóm lược như sau: Một đôi vợ chồng trẻ nghèo khổ sống trong túp lều nhỏ ngoại thành. Lần đầu tiên, người vợ mang thai nghén, lại sinh chứng lạ thường là thèm ăn đồ ăn của Đức vua; nếu nàng không được ăn món vật thực thèm muốn ấy, thì nàng không thể sống được. Người chồng quá thương vợ, thương con, muốn bảo vệ vợ và con, nên người chồng liền tìm cách cứu vợ và con. Người chồng giả làm một vị Tỳ khưu, biết đến giờ Đức vua sắp độ vật thực, vị Tỳ khưu giả mang bát đi vào trong cung điện của Đức vua để khất thực, với hành vi cử chỉ đi chậm rãi từng bước - từng bước thật đáng kính. Đức vua nhìn thấy vị Tỳ khưu ấy, liền phát sinh đức tin mà nghĩ rằng: “Vị Tỳ khưu kia chắc không phải là vị Tỳ khưu tầm thường, Ngài là bậc có pháp đặc biệt nào đó”, nên Đức vua truyền lệnh cho các quan thỉnh vị Tỳ khưu ấy vào trong cung điện, rồi Đức vua cung kính để bát những món ăn của mình đến vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu giả ấy im lặng chậm rãi từng bước - từng bước ra khỏi cung điện. Đức vua truyền gọi một vị quan cận thần thân tín, có trí tuệ, theo dõi xem vị Đại đức ấy ở nơi nào, rồi trở về tâu cho Đức vua biết rõ. Vị quan cận thần đi sau theo dõi vị Tỳ khưu ấy, mà vị Tỳ khưu giả ấy chẳng hề hay biết gì; khi đi ra khỏi thành về đến túp lều nhỏ, vị Tỳ khưu cởi bỏ y ra, rồi mặc bộ đồ người tại gia, ôm bát đồ ăn của Đức vua trao cho người vợ đang mang thai nghén ăn. Vị quan cận thần đã theo dõi mọi hành vi cử chỉ của vị Tỳ khưu giả từ đầu đến cuối, nên biết rõ rằng: “Người ấy không phải là Tỳ khưu, mà chỉ giả làm Tỳ khưu với một ý đồ của y mà thôi. Khi trở về, nếu ta tâu lên Đức vua những điều đã trông thấy đúng theo sự thật, thì chắc chắn sẽ đem lại những hậu quả không tốt cho cả hai bên: ‘Đức vua sẽ mất đức tin, còn người lừa bịp giả làm Tỳ khưu kia sẽ phải chịu tội tử hình’. Vậy ta nên tâu lên Đức vua với lời lẽ thật khéo léo, để đem lại sự lợi ích cho cả hai bên”. Nghĩ vậy, vị quan cận thần thân tín có trí tuệ đến chầu Đức vua bèn bạch rằng: ─ Muôn tâu bệ hạ, thừa lệnh bệ hạ, hạ thần đã đi theo dõi sát vị Đại đức ấy; sau khi ra khỏi thành đến một nơi, thì hình ảnh tấm y vàng ấy biến mất khỏi tầm mắt của hạ thần, và từ đó hạ thần không còn nhìn thấy hình dáng vị Đại đức ấy nữa. Đức vua nghe vị quan tâu xong, liền phát sinh tâm thiện vô cùng hoan hỷ, truyền bảo rằng: “Bậc Đại đức ấy chắc là bậc Thánh Arahán, hôm nay sự bố thí cúng dường của ta thật cao thượng”. Qua câu chuyện trên, vị quan cận thần thân tín có trí tuệ tâu với lời lẽ không đúng về sự thật, Đức vua đã tin theo rồi hiểu sai sự thật, nhưng không gây ra sự thiệt hại; mà lại làm cho phát sinh sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho Đức vua. Như vậy, vị quan cận thần ấy, tuy phạm điều giới nói dối, nhưng không có tội; cho nên không thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới. * Chuyện tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát Pañcāvudhakumāra [10] bị Dạ xoa tên Silesaloma bắt để ăn thịt. Đức Bồ Tát Pañcāvudhakumāra bảo Dạ xoa rằng: ─ Này Dạ xoa, trong thân của ta có khí giới, nếu ngươi ăn thịt ta, thì khí giới của ta sẽ sát hại sinh mạng của ngươi luôn. Dạ xoa nghe Đức Bồ Tát nói như vậy, tin theo lời của Đức Bồ Tát, nên Dạ xoa không dám ăn thịt, mà thả Đức Bồ Tát trở về. Đức Bồ Tát Pañcāvudhakumāra nói trong thân của mình có vũ khí, danh từ khí giới mà Đức Bồ Tát sử dụng ở đây là khí giới trí tuệ (ñāṇāvudha), nhưng Dạ xoa lại tin và hiểu rằng khí giới ở đây là khí giới sát hại. Đức Bồ Tát nói lời lẽ khó hiểu, tuy Dạ xoa tin theo và hiểu sai, nhưng không gây ra sự thiệt hại đến cho Dạ xoa. Như vậy, tuy Đức Bồ Tát nói như vậy nhưng không có tội. * Chuyện tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát khỉ chúa [11] sống trong rừng. Một hôm con cá sấu bò lên bờ gặp khỉ chúa, nói dối lừa gạt khỉ chúa rằng: ─ Này chú khỉ, bờ sông bên kia có nhiều thứ trái cây ngon, nếu chú muốn qua bên đó thì chú lên ngồi trên lưng tôi, tôi sẽ chở chú qua bên kia. Con khỉ chúa tin theo lời của cá sấu leo lên ngồi trên lưng; cá sấu bơi ra giữa dòng sông định lặn xuống, thì khỉ chúa bèn hỏi rằng: ─ Này anh cá sấu, anh định cho tôi chìm trong nước để được sự lợi ích gì cho anh? Cá sấu nói thật rằng: ─ Này chú khỉ, tôi nói dối lừa gạt chú để ăn trái tim của chú. Khỉ chúa bảo rằng: ─ Này anh cá sấu, trái tim của tôi không có trong thân này, tôi đã gỡ trái tim ra và đem treo lủng lẳng trên cành cây kia kìa. Vừa nói, khỉ chúa vừa đưa tay chỉ cho cá sấu thấy chùm trái cây gần bờ sông và bảo tiếp với cá sấu rằng: ─ Nếu anh muốn ăn trái tim, thì anh chở tôi vào lại bờ cây kia. Cá sấu nghe vậy tin theo lời của Đức Bồ Tát khỉ chúa, bơi vào gần bờ, Đức Bồ Tát khỉ chúa liền nhảy lên cành cây, sinh mạng được an toàn. Như vậy, Đức Bồ Tát khỉ chúa nói dối lừa gạt cá sấu, nhưng không gây sự thiệt hại nào đến cá sấu. Cho nên, tuy Đức Bồ Tát khỉ chúa nói dối nhưng không có tội. * Một người làm cử chỉ đuổi chim, bằng cách giả làm bộ ném một vật gì, hoặc giương cung mà không có mũi tên ra hăm dọa… làm cho chim tưởng ném thật, hoặc bắn thật, chúng hoảng sợ bay đi… Đó là hành vi cử chỉ lừa dối bằng thân, nhưng không gây ra sự tai hại nào đến đối tượng bị lừa dối. Cho nên, sự lừa dối ấy vô tội. Như vậy, nói dối bằng lời nói, hoặc lừa dối bằng thân, mà không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo, đều là vô tội, không thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới. 5- Điều Giới Tránh Xa Uống Rượu Và Các Chất Say Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. * Nghĩa phân tích chữ: ─ Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā Þ Surā + meraya + majja + pamāda + ṭhānā. + Surā: Rượu là nhân sinh bạo dạn, liều lĩnh,… + Meraya: Chất say làm cho ngất ngưởng, không biết tự chủ. + Majja: Say sưa, say mê, ngất ngưởng. + Pamāda: Sự dể duôi trong mọi thiện pháp. + Ṭhānā: Nhân sinh. - Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ + Veramaṇī: Tác ý tránh xa. + Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới. - Samādiyāmi: Con xin thọ trì. Rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp nói chung; cũng là nhân sinh sự bạo dạn, liều lĩnh dám tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa uống rượu và các chất say là nhân phát sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Chi Pháp Phạm Điều Giới Uống Rượu Và Các Chất Say Người phạm điều giới uống rượu và các chất say cần phải hợp đủ 4 chi pháp: 1- Rượu hoặc các chất say (surāmerayabhāvo). 2- Tâm muốn uống rượu hoặc các chất say (pivitukāmatā). 3- Cố gắng uống rượu hoặc các chất say (pivanaṃ). 4- Uống rượu hoặc các chất say qua khỏi cổ (maddanaṃ). Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới uống rượu và các chất say. Nếu thiếu 1 trong 4 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới uống rượu và các chất say. Giảng Giải Về Sự Uống Rượu Và Các Chất Say * Surā: Rượu là một chất nước được làm bằng cơm gạo, trái cây, v.v… Mỗi khi uống rượu vào say sưa, mất tự chủ, làm kích thích tâm tham, tâm sân, tâm si,… trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh,… không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, nên dám tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Rượu (surā) có 5 loại: 1- Rượu được làm từ gạo (gạo tẻ, gạo nếp,...). 2- Rượu được làm từ cơm như cơm rượu. 3- Rượu được làm từ các trái cây (trái nho, táo,...). 4- Rượu được làm từ bánh. 5- Rượu được làm từ các chất có men rượu. * Meraya: Chất say là một chất nước ngâm các thứ trái cây, hoa,… lâu ngày trở thành chất say. Mỗi khi người uống chất say vào, cảm thấy say sưa ngất ngưởng không còn biết mình, không còn tự chủ, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, nên tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Chất say (meraya) có 5 loại: 1- Chất say do ngâm các loại hoa,… lâu ngày. 2- Chất say do ngâm các loại trái cây,… lâu ngày. 3- Chất say do ngâm các trái nho lâu ngày. 4- Chất say do ngâm nước mía lâu ngày. 5- Chất say do ngâm các trái cây làm thuốc lâu ngày. Ngoài ra, còn có các loại chất say khác rất nguy hiểm như ma túy, thuốc phiện, cần sa, thuốc lá, v.v… cũng là loại chất say, mà khi người nào dùng đến chúng lâu ngày trở thành bệnh nghiện, rất khó từ bỏ. * Majja: Làm cho say, có 2 loại: 1- Rượu và các chất say mà người uống vào làm cho say sưa, không còn biết tự chủ, trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, dám làm mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý. 2- Thuốc phiện, ma túy, cần sa, thuốc lá, v.v… mà người dùng các chất say này thành thói quen, trở nên nghiện rồi khó từ bỏ. * Pamāda: Sự dể duôi quên mình trong mọi thiện pháp, chìm đắm trong mọi ác pháp. * Ṭhāna: Nhân sinh, nguyên nhân. Tổng hợp lại: Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā: Rượu và các chất say… là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. * Nghĩa tổng hợp: Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa uống rượu và các chất say là nhân phát sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. 4 Hạng Người Dùng Rượu 1- Dùng rượu trộn trong thuốc hoặc trong vật thực. 2- Dùng rượu làm thuốc trị bệnh. 3- Uống rượu để thưởng thức hương vị của rượu. 4- Uống rượu làm cho tâm trở nên bạo dạn, liều lĩnh, để tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Trong 4 trường hợp người dùng rượu này, hạng người nào phạm điều giới uống rượu và các chất say? Và có tội nhẹ - nặng như thế nào? * Trường hợp thứ nhất: Khi rượu được trộn trong thuốc để trị bệnh, hoặc trộn trong vật thực,… rượu hoàn toàn bị biến chất không còn mùi rượu, không có khả năng làm say nữa; nên người dùng thuốc ấy hoặc vật thực ấy không phạm điều giới uống rượu và các chất say, không có tội. * Trường hợp thứ hai: Dùng rượu trực tiếp hoặc pha lẫn với thuốc nước (còn có mùi rượu, có khả năng làm choáng váng chút đỉnh). ─ Nếu người dùng biết rõ thuốc nước có rượu, nhưng với mục đích trị bệnh, không phải muốn hưởng hương vị rượu, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say, có tội rất nhẹ. ─ Nếu người dùng thuốc nước không biết rõ có rượu, chỉ dùng với mục đích trị bệnh mà thôi, thì không phạm điều giới uống rượu và các chất say, không có tội. * Trường hợp thứ ba: Người uống rượu để thưởng thức hương vị của rượu, rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết gì nữa; người ấy đã phạm điều giới uống rượu và các chất say, vì say mê chìm đắm trong hương vị của rượu, nên có tội nặng. Đức Phật dạy: “Này chư Tỳ khưu, người thường thường uống rượu và các chất say, uống nhiều rượu và các chất say, uống nhiều lần, ác nghiệp này có thể cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, trong loài súc sinh. Tội nhẹ nhất của sự uống rượu và các chất say không cho quả tái sinh, nếu nhờ thiện nghiệp khác cho quả được tái sinh làm người, thì người ấy sẽ là người điên cuồng mất trí (ummattakasaṃvattiko) [12] ”. * Trường hợp thứ tư: Uống rượu làm cho tâm trở nên bạo dạn, liều lĩnh dám tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Một người bình thường có tính nhút nhát, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, không dám làm mọi tội ác. Nhưng một khi người ấy uống rượu và các chất say vào làm kích thích, không còn tự chủ, trở thành người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh dám làm mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói năng chửi rủa gây gỗ lung tung, v.v... Người ấy phạm điều giới uống rượu và các chất say có tội nặng, nếu ác nghiệp này cho quả tái sinh, thì chắc chắn tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ do ác nghiệp mà mình đã tạo. Tính Chất Của Sự Uống Rượu Và Các Chất Say Phạm điều giới uống rượu và các chất say đối với người tại gia cư sĩ và đối với bậc xuất gia Tỳ khưu Sadi có tính chất nhẹ - nặng khác nhau. * Đối với hàng tại gia cư sĩ là cận sự nam, cận sự nữ, sự uống rượu và các chất say là 1 giới cấm trong ngũ giới, bát giới, cửu giới… Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào đã phạm điều giới uống rượu và các chất say, thì người cận sự nam, cận sự nữ ấy xem như bị đứt ngũ giới (đứt bát giới, đứt cửu giới). Người cận sự nam, cận sự nữ ấy cần phải xin thọ trì lại ngũ giới (hoặc bát giới, hoặc cửu giới) để cho mình là người có giới trở lại. * Đối với vị Sadi, sự uống rượu và các chất say là 1 giới cấm trong thập giới Sadi. Nếu vị Sadi nào phạm điều giới uống rượu và các chất say, thì giới của vị Sadi ấy bị đứt đồng thời hư phạm hạnh Sadi, không còn là Sadi nữa. Dù hình thức thân bên ngoài còn mặc y, song nội dung tâm bên trong không còn phạm hạnh Sadi nữa. Vị Sadi ấy biết mình bị đứt giới, hư phạm hạnh Sadi, vị ấy cần phải đến hầu vị Thầy tế độ, hoặc một vị Đại đức Tỳ khưu hiểu rõ giới luật, xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì Sadi thập giới trở lại. Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, vị Sadi ấy được phục hồi lại phạm hạnh như trước. * Đối với vị Tỳ khưu, sự uống rượu và các chất say là 1 giới cấm trong 227 điều giới bổn của Tỳ khưu. Nếu vị Tỳ khưu nào phạm điều giới uống rượu và các chất say, thì vị Tỳ khưu ấy phạm điều giới pācittiya (đối trị). - Vị Tỳ khưu dù biết, hay không biết rượu và các chất say, khi uống vào khỏi cổ vẫn bị phạm điều giới pācittiya. - Vị Tỳ khưu đã phạm điều giới ấy rồi cần phải tìm đến một vị Tỳ khưu khác không uống rượu và các chất say, để làm lễ xin sám hối theo nghi thức trong luật của Đức Phật đã chế định; sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trở lại trong sạch như trước. Một người uống rượu và các chất say đã trở thành thói quen nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, nghiện thuốc lá, v.v… không dễ dàng từ bỏ; bởi vì, cảm thấy chưa biết no đủ, vẫn còn thèm khát mãi mãi. Đức Phật dạy: Có 3 điều không biết no đủ, vẫn thèm khát mãi mãi như sau: “Này chư Tỳ khưu, có 3 điều không biết no đủ, 3 điều ấy là gì? ─ Này chư Tỳ khưu, không biết no đủ trong sự nằm ngủ. ─ Này chư Tỳ khưu, không biết no đủ trong sự uống rượu và các chất say. ─ Này chư Tỳ khưu, không biết no đủ trong sự hành dâm. Này chư Tỳ khưu, 3 điều này không biết no đủ” [13]. Thật ra, 3 điều này thường phát sinh do phiền não tham muốn, mà tâm tham là nhân sinh khổ cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. ─ Nằm ngủ là một sự cần thiết để nghỉ ngơi do cơ thể mệt nhọc; nhưng người say mê trong giấc ngủ, ngủ nhiều, thì cũng dễ sinh bệnh. Bậc thiện trí biết thức tỉnh tâm của mình, không để say mê trong giấc ngủ. Bậc thiện trí biết thì giờ ngủ nghỉ, biết thì giờ thức giấc, để làm những công việc có ích trong cuộc sống. ─ Sự uống rượu và các chất say là một thói hư tật xấu, do phiền não tham muốn là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, say mê trong mọi ác pháp. Bậc thiện trí có giới, có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say, không dể duôi, tránh được các thứ bệnh phát sinh do rượu và các chất say. Uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp nào trong 10 ác nghiệp? 10 ác nghiệp được tạo bằng thân, khẩu, ý như sau: * Thân ác nghiệp hoặc gọi thân hành ác có 3 loại ác nghiệp: ─ Ác nghiệp sát sinh. ─ Ác nghiệp trộm cắp. ─ Ác nghiệp tà dâm. * Khẩu ác nghiệp hoặc gọi khẩu hành ác có 4 loại ác nghiệp: ─ Ác nghiệp nói dối. ─ Ác nghiệp nói lời chia rẽ. ─ Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). ─ Ác nghiệp nói lời vô ích. * Ý ác nghiệp hoặc gọi ý hành ác có 3 loại ác nghiệp: ─ Ác nghiệp nghĩ tham lam của người khác. ─ Ác nghiệp nghĩ thù hận người khác. ─ Ác nghiệp nghĩ tà kiến, thấy sai chấp lầm. Uống rượu và các chất say là 1 giới cấm trong ngũ giới, trong bát giới, trong cửu giới... mà trong 10 ác nghiệp này không có tên gọi 1 ác nghiệp riêng biệt như những ác nghiệp khác. Vì sao vậy? Bởi vì xét về nghiệp, thì uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp bất định, nên không có tên gọi 1 ác nghiệp riêng biệt. Ác nghiệp này tùy thuộc vào ác nghiệp nào mà nó liên quan, thì nó có tên gọi chung với ác nghiệp ấy. Xét trong những trường hợp sau: * Trường hợp một người phạm điều giới uống rượu và các chất say, cốt chỉ để thưởng thức vị trần của rượu rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết mình, nằm ngủ cho đến khi tỉnh say rượu. Vậy, người ấy đã tạo ác nghiệp nào? Người phạm điều giới uống rượu hoặc các chất say, muốn thưởng thức ngũ trần đó là vị trần, hương trần của chất rượu hoặc chất say,…; cũng như người tạo ác nghiệp tà dâm muốn thưởng thức ngũ trần (kāmesumicchācāra) đó là xúc trần, hoặc xúc trần và vị trần của người khác phái. Như vậy, phạm điều giới tà dâm có đối tượng xúc trần, hoặc xúc trần và vị trần trong ngũ trần, còn phạm điều giới uống rượu và các chất say cũng có đối tượng vị trần, hương trần trong ngũ trần. Do đó, hai giới này có đối tượng tương tự như nhau. Cho nên, người phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp tà dâm. * Trường hợp một người vốn có tính nhút nhát, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, không dám làm mọi ác nghiệp. Khi người ấy phạm điều giới uống rượu hoặc các chất say; chất rượu hoặc chất say kích thích tâm tham, sân, si, người ấy trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám tạo 10 ác nghiệp. Người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi say sưa không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám tạo ác nghiệp nào, thì người phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp ấy. - Nếu như người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp sát sinh, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp sát sinh. - Tương tự như vậy, nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp trộm cắp, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp trộm cắp. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp tà dâm, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp tà dâm. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói dối, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp nói dối. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp nói lời chia rẽ. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc). - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời vô ích, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp nói lời vô ích. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tâm nghĩ tham lam của cải của người khác, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp tham lam của cải của người khác. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi tâm nghĩ thù oán người khác, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp thù oán người khác. - Nếu người phạm điều giới uống rượu và các chất say, rồi phát sinh tà kiến thấy sai chấp lầm, thì phạm điều giới uống rượu và các chất say được ghép chung vào ác nghiệp tà kiến thấy sai chấp lầm. Do đó, uống rượu và các chất say là nhân tạo nên 10 ác nghiệp. Cho nên, uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp bất định, nên không chế định ra 1 ác nghiệp riêng biệt nào. Thật vậy, Ngài Đại đức Ānanda (lớp người hậu sinh) biên soạn bộ Mūlaṭīkā giải rằng: “Tassa sabhāgattena micchācāre, upakārakattena dasasu pi kammapathesu anuppaveso hoti”. (Sự uống rượu này được ghép chung vào ác nghiệp tà dâm, bởi vì nó có đối tượng tương tự với tà dâm. Và sự uống rượu cũng được ghép chung vào trong 10 ác nghiệp, bởi vì nó là nhân tạo nên 10 ác nghiệp). Tính Chất Nghiêm Trọng Của Người Phạm Điều Giới Uống Rượu Và Các Chất Say Người đã phạm điều giới uống rượu và các chất say, có thể dám làm mọi tội ác nghiêm trọng: Khi nào đã uống rượu, lên cơn say, thì người ấy không còn tự chủ, trở nên người hung hăng, tàn bạo, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám làm mọi tội ác nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm. Khi người nào thường dùng các chất say như thuốc phiện, ma túy,... trở thành bệnh nghiện nặng, đến khi người ấy lên cơn thèm khát các chất say ấy mà không có sẵn, khiến cho người ấy lên cơn điên loạn, dám làm mọi tội ác nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm. Như vậy, phạm điều giới uống rượu và các chất say là nguyên nhân dẫn đến tạo mọi ác nghiệp nghiêm trọng, có nguy hại trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Trong Chú giải Suttanipāta, giải về tội lỗi của sự uống rượu và các chất say như sau: “Yasmā pana majjapāyī atthaṃ na jānāti, dhammaṃ na jānāti, mātupi antarāyaṃ karoti, pitupi Buddhapaccekabuddhatathāgatasāvakānampi antarayaṃ karoti, diṭṭhadhamme ca garahaṃ samparāye ca duggatiṃ aparāpariyāye ummādaṃ pāpuṇāti”. (Người thường uống rượu và các chất say, không biết quả, không biết nhân, gây ra sự tai hại đến với sinh mạng của cha mẹ, Đức Phật, Đức Phật Độc Giác, các hàng đệ tử của Như Lai. Trong kiếp hiện tại, người uống rượu và các chất say thường bị chư thiện trí chê trách. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), khi mãn quả của ác nghiệp trong cõi ác giới, do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, người ấy sẽ là người mất trí, người điên cuồng). Và Ngài Đại đức Mahābuddhaghosa dạy về tội lỗi của sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, dám tạo mọi ác pháp, có tội lỗi lớn như sau: “Apicettha surāmerayamajjappamādaṭṭhānameva mahāsāvajjaṃ na tathā pāṇātipātā-dayo, kasmā manussabhūtassapi ummattakabhavasaṃvattanena ariyadhammantarāya karaṇato”. (Thật sự, trong ngũ giới ấy, phạm điều giới uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, có tội lỗi lớn hơn 4 giới còn lại là phạm điều giới sát sinh, phạm điều giới trộm cắp, phạm điều giới tà dâm, phạm điều giới nói dối; 4 giới này gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn phạm điều giới uống rượu và các chất say. Bởi vì, phạm điều giới uống rượu và các chất say này còn là nhân làm cho người ấy có bệnh điên, mất trí, làm nguy hại cho sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả). Thật vậy, trong ngũ giới, người phạm điều giới sát sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán,…, đã tạo ác nghiệp trọng tội (akusalagarukakamma) gọi là anantariya-kamma (ác nghiệp vô gián); sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ trong suốt thời gian lâu dài trong cõi đại địa ngục, cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa ngục. Nếu có thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, thì người ấy có thể là người có trí tuệ sáng suốt, có khả năng thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn được. * Như trường hợp Đức vua Ajātasattu giết Phụ vương của ông là Đức vua Bimbisāra (bậc Thánh Nhập Lưu). Về sau, Đức vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi, đến xin sám hối nơi Đức Phật; Đức vua có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, hết lòng hộ độ Tam Bảo. Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, Đức vua Ajātasattu là người hộ độ chư Đại đức Tăng trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất, thời gian khoảng 3 tháng 4 ngày sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, do năng lực ác nghiệp “giết phụ vương” là ác nghiệp vô gián cho quả, thay vì phải tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, thì chỉ bị tái sinh trong địa ngục Lohakumbhī chịu khổ suốt thời gian 60.000 (sáu mươi ngàn) năm thôi. Sau khi mãn quả ác nghiệp ấy, sẽ được thoát ra khỏi địa ngục, do thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người trong thời kỳ không có Đức Phật Toàn Giác và giáo pháp của Ngài. Hậu thân của Đức vua Ajātasattu sẽ chứng đắc thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu Đức Phật Độc Giác Vijitāvi. Đó là lời thọ ký của Đức Phật Gotama của chúng ta. * Trong thời kỳ Đức Phật Gotama, có Ngài Đại đức Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật. Trong tiền kiếp xa xưa, Ngài đã từng nghe lời vợ, bày mưu đánh xe chở cha mẹ già đui mù đi vào khu rừng, Ngài xuống xe giả làm tên cướp đánh đập cha mẹ chết. Sau khi Ngài chết, do ác nghiệp vô gián giết cha mẹ ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, trong suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi địa ngục. * Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài sinh vào trong dòng Bàlamôn có tên Kolita, xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Đức Phật, rồi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, Ngài là Đại đức Mahāmoggallāna, có thần thông xuất chúng nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, v.v… Những dẫn chứng trên để có được sự nhận thức rõ rằng: “Mặc dù ác nghiệp trọng tội như ác nghiệp giết cha, giết mẹ,… thuộc ác nghiệp vô gián chắc chắn phải tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi địa ngục. Thế mà, sau khi thoát khỏi địa ngục, do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, người ấy vẫn có cơ hội thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán được. Còn như phạm điều giới uống rượu và các chất say; sau khi chết, nếu ác nghiệp này cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, hoặc cõi atula hoặc cõi ngạ quỷ hoặc cõi súc sinh, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy suốt thời gian lâu hoặc mau, cho đến khi mãn quả ác nghiệp mới mong thoát khỏi cõi ác giới ấy. Sau khi thoát khỏi cõi ác giới rồi, do thiện nghiệp khác cho quả nếu được tái sinh làm người, người ấy sẽ là người có bệnh điên cuồng, mất trí, không có khả năng thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ, không dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn”. Sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, dám tạo mọi ác pháp, đem lại cho người say những hậu quả nguy hại vô cùng khủng khiếp cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Những bậc thiện trí từ ngàn xưa đã chế định ngũ giới là thường giới (niccasīla) của con người, mọi người cần phải giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Trong ngũ giới có giới tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi, mà Đức Phật cũng công nhận điều ấy, và Ngài truyền dạy những người cận sự nam, cận sự nữ phải giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, không để cho giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan. Đức Phật đã thuyết dạy 5 điều tai hại của sự phạm điều giới, và 5 quả báu tốt lành của sự giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn. Như vậy, sự uống rượu và các chất say đem lại cho người say những hậu quả nguy hại vô cùng kinh khủng; nhưng một số người có tính dể duôi xem thường, xem sự uống rượu và các chất say là thú tiêu khiển; cũng có một số người biết rượu và các chất say có hại cho sức khỏe, sinh nhiều bệnh tật khó chữa, một số người này đã trở thành nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, nghiện ma túy, nghiện thuốc lá, v.v… trở thành người yếu đuối, không còn khả năng từ bỏ rượu, thuốc phiện, thuốc lá, v.v… tự làm khổ mình, làm khổ người thân của mình… Tội Lỗi Từ Say Rượu Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy, Đức Phật thuyết về tích tiền thân của Ngài là Đức Bồ Tát Dhammadhaja [14] có một đoạn giảng giải về tội lỗi phát sinh từ say rượu, được tóm lược như sau: Đức Bồ Tát Dhammadhaja là quan cận thần của Đức vua Yasapānī, có một người bạn thân tên Chattapānī. Chattapānī là người thợ cắt tóc, sửa râu của Đức vua. Ông có bản tính tự nhiên do lời chân thật phát nguyện không bao giờ uống rượu trong suốt mỗi kiếp cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Bởi vì, ông nhận thức thấy rõ tội lỗi phát sinh từ uống rượu, say rượu… Một hôm, người thợ cắt tóc Chattapānī tâu lên Đức vua Yasapānī rằng: ─ Muôn tâu Đại vương, trong tiền kiếp kẻ hạ thần đã từng ăn thịt con bởi vì say rượu. Sau khi tỉnh say rượu, kẻ hạ thần vô cùng sầu não, khổ tâm cùng cực, vì thương nhớ đến đứa con yêu quý nhất. Rồi từ kiếp đó, hạ thần đã phát nguyện trong suốt mỗi kiếp không bao giờ uống rượu nữa. Người thợ cắt tóc thuật lại câu chuyện xảy ra rằng: ─ Muôn tâu Đại vương, tiền kiếp của hạ thần cũng làm vua trị vì xứ Bārānasi, khi hạ thần là Đức vua, hằng ngày không thể thiếu món rượu, và trong mỗi bửa ăn không thể thiếu món thịt. Trong kinh thành Bārānasi thời ấy, vào ngày giới hằng tháng, người ta không sát sinh; cho nên người đầu bếp phải mua thêm thịt vào trước ngày giới, để dành phần cho ngày hôm sau. Do sơ suất, ông cất giữ món thịt ấy không cẩn thận, nên bị con chó ăn mất hết. Sáng hôm ấy, nhằm vào ngày giới, người đầu bếp đi tìm mua thịt khắp nơi, mà không có món thịt nào cả. Ông cố gắng làm những món ăn thơm tho ngon lành xong, mà chưa dám đem đến dâng Đức vua đang ở trên lâu đài. Ông vào tâu với bà chánh cung Hoàng hậu rằng: ─ Tâu Hoàng hậu, hôm nay, kẻ hạ thần đi tìm mua thịt khắp nơi mà không có thịt. Bữa ăn này không có món thịt, nên kẻ hạ thần chưa dám dâng lên Đức vua. Bây giờ, kẻ hạ thần phải làm thế nào? Thưa bà. ─ Này ngươi, Hoàng tử của ta được Đức vua thương yêu quý mến nhất, khi Đức vua đang thương yêu, âu yếm ôm Hoàng tử vào lòng, chắc Người không còn quan tâm đến bữa ăn có món thịt hay không. Bà chánh cung Hoàng hậu trang điểm cho Hoàng tử thật đáng yêu, rồi bồng Hoàng tử đặt ngồi trên vế của Đức vua. Đức vua say mê vui đùa với Hoàng tử. Khi ấy, người đầu bếp mang vật thực vào dâng lên Đức vua. Khi đang say rượu, Đức vua nhìn trong mâm thức ăn không thấy món thịt, bèn phán rằng: ─ Tại sao hôm nay không có món thịt? Người đầu bếp hoảng sợ tâu rằng: ─ Muôn tâu Bệ hạ, hôm nay là ngày giới, nên kẻ hạ thần đi tìm khắp nơi, mà vẫn không mua được thịt. Đức vua đang trong lúc say ngất ngưởng phán rằng: ─ Tìm thịt làm món ăn cho Trẫm, khó như vậy sao? Đức vua bèn nắm đầu Hoàng tử vặn cổ chết tươi, rồi ném xuống trước mặt người đầu bếp, mà phán tiếp rằng: ─ Ngươi hãy mau đem đi làm món ăn cho ta! Người đầu bếp tuân theo lệnh của Đức vua, làm món ăn bằng thịt của Hoàng tử, rồi đem lên dâng Đức vua dùng trong bữa ăn tối hôm ấy. Chánh cung Hoàng hậu và tất cả những người hầu chẳng có một ai dám khóc than, phản đối gì cả, vì họ rất sợ Đức vua. Đức vua dùng bữa ăn tối xong, nằm ngủ cho đến sáng ngày hôm sau mới thức dậy. Đã tỉnh cơn say, Đức vua truyền lệnh rằng: ─ Hãy bồng Hoàng tử yêu quý của ta đến đây! Bà chánh cung Hoàng hậu đến chầu, cúi lạy dưới chân Đức vua mà than khóc. Đức vua bèn truyền hỏi rằng: ─ Ái khanh khóc vì chuyện gì? Tại sao lại không bồng Hoàng tử yêu quý của ta đến đây? Chánh cung Hoàng hậu bạch thưa rằng: ─ Tâu Hoàng thượng, chiều hôm qua Hoàng thượng đã vặn cổ Hoàng tử chết tươi, rồi trao cho người đầu bếp bảo làm món ăn cho Hoàng thượng. Hoàng thượng đã dùng bữa ăn với món thịt của Hoàng tử từ tối hôm qua rồi. Lắng nghe chánh cung Hoàng hậu tâu như vậy, Đức vua cảm thấy vô cùng đau xót sầu não, vì vô cùng thương tiếc Hoàng tử yêu quý. Khi đã nhận thức rõ tội lỗi lớn lao phát sinh ra từ việc uống rượu, say rượu, Đức vua bèn chắp chặt đôi tay đưa lên trán, rồi phát nguyện rằng: “Kể từ kiếp này về sau, và những kiếp sau kế tiếp cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh Arahán, ta nguyện sẽ không bao giờ uống rượu nữa, để không còn thấy cảnh tự làm khổ mình và làm khổ những người thân yêu của ta nữa”. Thật vậy, kể từ đó cho đến trọn kiếp và trải qua vô số kiếp tử sinh luân hồi, kiếp nào hạ thần cũng không bao giờ uống một chút rượu nào cả. (Một đoạn trích trong tiền kiếp Đức Bồ Tát Dhammadhaja) Tính Chất Của Ngũ Giới Ngũ giới là thường giới (niccasīla) của tất cả mọi người tại gia cư sĩ. Nếu người nào không giữ ngũ giới đầy đủ (dù chỉ phạm 1 trong 5 điều giới cũng gọi là không giữ ngũ giới đầy đủ), thì người ấy phải chịu những tai hại xấu xa.Và nếu người nào giữ ngũ giới đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy được những quả báu tốt lành. Như vậy, quả ác nghiệp của người không có giới, và quả thiện nghiệp của người có giới hoàn toàn trái ngược với nhau. Đức Phật thuyết giảng bài kinh Sīlasutta [15] dạy về 5 tai hại của người không có giới, và 5 quả báu của người có giới đầy đủ trọn vẹn hoàn toàn trái ngược nhau như sau: * Tai hại của người không có giới: ─ Này chư Tỳ khưu, 5 điều tai hại của người không có giới, người phạm giới. 5 điều ấy như thế nào? ─ Này chư Tỳ khưu, 5 điều tai hại của người không có giới, người phạm giới. 5 điều tai hại ấy là: 1- Này chư Tỳ khưu, trong đời này, người không có giới, người phạm giới làm tiêu tan nhiều của cải to lớn vì nhân dể duôi. - Này chư Tỳ khưu, đó là tai hại thứ nhất của người không có giới, người phạm giới. 2- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người không có giới, người phạm giới có tiếng xấu lan truyền khắp mọi nơi. - Này chư Tỳ khưu, đó là tai hại thứ nhì của người không có giới, người phạm giới. 3- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người không có giới, người phạm giới có tâm sợ sệt, rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn Hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn. - Này chư Tỳ khưu, đó là tai hại thứ ba của người không có giới, người phạm giới. 4- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người không có giới, người phạm giới phát sinh tâm mê muội lúc lâm chung. - Này chư Tỳ khưu, đó là tai hại thứ tư của người không có giới, người phạm giới. 5- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người không có giới, người phạm giới, sau khi chết, ác nghiệp không giữ giới cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. - Này chư Tỳ khưu, đó là tai hại thứ năm của người không có giới, người phạm giới. ─ Này chư Tỳ khưu, đó là 5 điều tai hại của người không có giới, người phạm giới như vậy. * Quả báu của người có giới: ─ Này chư Tỳ khưu, 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. 5 quả báu ấy như thế nào? ─ Này chư Tỳ khưu, 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. 5 quả báu ấy là: 1- Này chư Tỳ khưu, trong đời này, người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn có được nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi. - Này chư Tỳ khưu, đó là quả báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. 2- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trong sạch trọn vẹn có được danh thơm tiếng tốt lan truyền khắp mọi nơi. - Này chư Tỳ khưu, đó là quả báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. 3- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn có tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn Hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn. - Này chư Tỳ khưu, đó là quả báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. 4- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn phát sinh tâm không mê muội, tâm trí sáng suốt lúc lâm chung. - Này chư Tỳ khưu, đó là quả báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. 5- Này chư Tỳ khưu, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp giữ giới cho quả tái sinh cõi thiện dục giới: Cõi người, các cõi trời dục giới,… - Này chư Tỳ khưu, đó là quả báu thứ năm của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn. ─ Này chư Tỳ khưu, đó là 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch đầy đủ trọn vẹn như vậy. Quả Nghiệp Của Mỗi Giới Ngũ giới có 5 điều giới, mà mỗi điều giới có đối tượng khác nhau, nên cách phạm mỗi điều giới, cách tạo ác nghiệp của mỗi điều giới khác nhau. Và cách giữ gìn mỗi điều giới, cách tạo thiện nghiệp của mỗi điều giới cũng khác nhau. Do đó, quả ác nghiệp của mỗi điều giới, và quả thiện nghiệp của mỗi điều giới khác nhau. 1- Sự Sát Sinh Sự sát sinh liên quan đến sinh mạng của chúng sinh, có thể tạo nên 2 loại nghiệp: - Người phạm điều giới sát sinh là giết hại chúng sinh, tạo nên ác nghiệp sát sinh. - Người giữ giới tránh xa sự sát sinh, không sát sinh, tạo nên thiện nghiệp không sát sinh. Quả của ác nghiệp sát sinh và quả của thiện nghiệp không sát sinh hoàn toàn trái ngược nhau. 1. 1 Quả của ác nghiệp của người phạm điều giới sát sinh Người nào phạm điều giới sát sinh, giết hại sinh mạng của chúng sinh, dù lớn dù nhỏ cũng tạo nên ác nghiệp sát sinh. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác giới. Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới sát sinh, tạo ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác có cơ hội cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ như sau: 1- Có thân hình tật nguyền. 2- Có thân hình không cân đối, xấu xí. 3- Là người chậm chạp. 4- Có lòng bàn tay, và dưới lòng bàn chân lõm sâu (không đều đặn). 5- Có thân hình xấu xí, đầy sẹo. 6- Có sắc diện tối tăm. 7- Có da thịt sần sùi. 8- Có tính hay sợ hãi. 9- Có sức khỏe yếu đuối. 10- Có lời nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ. 11- Bị mọi người ghét bỏ. 12- Có những bộ hạ tùy tùng bị chia rẽ. 13- Có tính hay giật mình, hoảng sợ. 14- Thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc… 15- Là người si mê, ngu dốt. 16- Có rất ít bạn bè. 17- Có thân hình dị hợm, đáng ghê sợ. 18- Có thân hình kỳ dị. 19- Hay bệnh hoạn ốm đau. 20- Thường sầu não, lo sợ. 21- Con cháu thường xa lánh. 22- Mỗi kiếp thường bị chết yểu. 23- Bị chết do người khác giết. Đó là 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ trong kiếp quá khứ. 1. 2 Quả của thiện nghiệp của người giữ điều giới không sát sinh Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự sát sinh”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sát sinh ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ. Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không sát sinh cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sát sinh không cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của thiện nghiệp không sát sinh từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải 23 quả báu của thiện nghiệp không sát sinh từ kiếp quá khứ như sau: 1- Có thân hình không tật nguyền, đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể. 2- Có thân hình cân đối xinh đẹp. 3- Là người nhanh nhẹn. 4- Có lòng bàn tay, lòng bàn chân đầy đặn. 5- Có thân hình xinh đẹp, không tỳ vết. 6- Có da thịt mềm mại, hồng hào. 7- Có thân hình sạch sẽ, trong sáng. 8- Có tâm dũng cảm, không sợ hãi. 9- Có sức khỏe dồi dào. 10- Có giọng nói thanh tao, lời nói ngọt ngào, suôn sẻ. 11- Được mọi người quý mến. 12- Có bộ hạ tùy tùng, bạn bè đoàn kết gắn bó thương yêu nhau. 13- Thân tâm được an lạc tự tại, không hoảng sợ. 14- Không bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…. 15- Có trí tuệ sáng suốt. 16- Có nhiều bạn bè thân thiết. 17- Có thân hình đẹp đẽ, đáng quý mến. 18- Có các bộ phận lớn nhỏ trong thân thể cân đối đẹp đẽ. 19- Là người ít bệnh hoạn ốm đau. 20- Là người có tâm thường an lạc. 21- Là người thường được sống gần gũi với con cháu yêu quý. 22- Là người được trường thọ, sống lâu. 23- Không có một ai có thể mưu sát được. Đó là 23 quả báu tốt của thiện nghiệp không sát sinh từ trong kiếp quá khứ. 2- Sự Trộm Cắp Sự trộm cắp liên quan đến của cải tài sản của người khác, có thể tạo nên 2 loại nghiệp: - Người phạm điều giới trộm cắp của cải tài sản của người khác, tạo nên ác nghiệp trộm cắp. - Người giữ giới tránh xa sự trộm cắp, không trộm cắp, tạo nên thiện nghiệp không trộm cắp. Quả của ác nghiệp trộm cắp và quả của thiện nghiệp không trộm cắp hoàn toàn trái ngược nhau. 2. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới trộm cắp Người nào phạm điều giới trộm cắp của cải tài sản của người khác dù ít dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp trộm cắp. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác giới. Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào cho quả tái sinh trở lại làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới trộm cắp, tạo nên ác nghiệp trộm cắp có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ kiếp quá khứ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 11 quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ kiếp quá khứ như sau: 1- Không thể có những thứ của cải quý giá. 2- Thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v… 3- Là người nghèo khổ túng thiếu của cải. 4- Không phát triển được những thứ của cải mới. 5- Khi làm ra được của cải quý giá, thì không giữ gìn được lâu dài. 6- Không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn. 7- Khi có được của cải, thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, do nhà Vua tịch thu... 8- Của cải được phát triển, thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được. 9- Là người không thể nào chứng đắc được pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả và Niết Bàn). 10- Là người thường nghe đến danh từ ‘không có’. 11- Là người sống không được an lạc. Đó là 11 quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ trong kiếp quá khứ. 2. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không trộm cắp Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự trộm cắp”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không trộm cắp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ. Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không trộm cắp cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không trộm cắp không cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của thiện nghiệp không trộm cắp từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 11 quả báu của thiện nghiệp không trộm cắp từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người có nhiều của cải quý giá, giàu sang. 2- Có đầy đủ của cải, tài sản như lúa gạo, vàng bạc, châu báu,... 3- Là người có nhiều của cải, tài sản lớn lao, giàu sang phú quý, tiêu dùng không sao hết được. 4- Của cải nào chưa phát sinh, thì của cải ấy sẽ được phát sinh và càng phát triển nhiều. 5- Những thứ của cải quý giá nào như vàng bạc, ngọc ngà, châu báu,… đã có rồi, thì những thứ của cải quý giá ấy được giữ gìn duy trì bền vững lâu dài. 6- Mong muốn những thứ của cải quý giá nào, thì chắc chắn mau chóng thành tựu như ý. 7- Những thứ của cải, tài sản lớn lao của người ấy, không bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, do nhà Vua tịch thu, do người không ưa thích đoạt lấy… 8- Của cải được phát triển, không liên quan đến người khác, chính mình sở hữu. 9- Là người có thể chứng đắc được pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả và Niết Bàn). 10- Là người không thường nghe đến danh từ ‘không có’, bởi vì muốn thứ nào, thì có ngay thứ ấy. 11- Là người sống được an lạc. Đó là 11 quả báu tốt của thiện nghiệp không trộm cắp từ trong kiếp quá khứ. 3- Sự Tà Dâm Sự tà dâm liên quan đến tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, có thể tạo nên 2 loại nghiệp: - Người phạm điều giới tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo nên ác nghiệp tà dâm. - Người giữ giới tránh xa sự tà dâm, không tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo nên thiện nghiệp không tà dâm. Quả của ác nghiệp tà dâm và quả của thiện nghiệp không tà dâm hoàn toàn trái ngược nhau. 3. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới tà dâm Người nào phạm điều giới tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo nên ác nghiệp tà dâm. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác giới. Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới tà dâm, tạo ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người có nhiều người oan trái. 2- Là người có nhiều người thù ghét. 3- Là người nghèo khổ, thiếu thốn. 4- Là người ngủ không được an lạc. 5- Là người thức không được an lạc. 6- Là người không tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). 7- Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà). 8- Là người có tính hay nóng giận. 9- Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn. 10- Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi. 11- Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí. 12- Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm. 13- Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng. 14- Là người khuyết tật: Đui mù, câm điếc,... 15- Sinh làm người đàn bà (tiền kiếp là người đàn ông). 16- Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ. 17- Là người không biết đủ, sống khổ cực. 18- Là người sống nơi nào cũng không được an lạc. 19- Là người gặp nhiều tai hại, oan trái với mọi người. 20- Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ. Đó là 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ. 3. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không tà dâm Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự tà dâm”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không tà dâm ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ. Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không tà dâm cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không tà dâm không cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ có được quả báu tốt của thiện nghiệp không tà dâm từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả báu tốt của thiện nghiệp không tà dâm từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người không có người oan trái. 2- Là người được mọi người thương yêu quý mến. 3- Là người có nhiều của cải giàu sang phú quý. 4- Là người ngủ được an lạc. 5- Là người thức được an lạc. 6- Là người có thể tránh được 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). 7- Sinh làm người đàn ông hoàn toàn 100%. 8- Là người có tính ôn hòa, ít nóng giận. 9- Là người sinh ra trong dòng họ cao quý, có tính khiêm nhường. 10- Là người có tính minh bạch rõ ràng, không che giấu tội lỗi. 11- Là người không có tật nguyền, có thân hình xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ. 12- Là người có sắc diện trong sáng. 13- Là người được mọi người tin tưởng. 14- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) đầy đủ và tốt đẹp. 15- Là người có tư cách đáng kính. 16- Là người không có những chứng bệnh đáng ghê sợ. 17- Là người có trí tuệ, đời sống được an lạc. 18- Là người sống nơi nào cũng được an lạc. 19- Là người không có tai hại, không có người gây oan trái. 20- Là người thường được sống gần gũi với người thân yêu. Đó là 20 quả báu tốt của thiện nghiệp không tà dâm từ kiếp quá khứ. 4- Sự Nói Dối Sự nói dối liên quan đến nói lời không chân thật, lừa dối,... có thể tạo nên 2 loại nghiệp: - Người phạm điều giới nói dối gây ra thiệt hại đến người khác, tạo nên ác nghiệp nói dối. - Người giữ giới tránh xa sự nói dối, không nói dối, tạo nên thiện nghiệp không nói dối. Quả của ác nghiệp nói dối và quả của thiện nghiệp không nói dối hoàn toàn trái ngược nhau. 4. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới nói dối Người nào phạm điều giới nói dối gây ra sự thiệt hại dù ít dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp nói dối. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác giới. Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới nói dối, tạo ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng. 2- Là người có giọng nói không rõ, khó nghe. 3- Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí. 4- Là người có thân hình quá mập, dị kỳ. 5- Là người có thân hình quá ốm, tong teo. 6- Là người có thân hình quá thấp, lùn tịt. 7- Là người có thân hình quá cao, lêu nghêu. 8- Là người có da thịt sần sùi, xấu xí. 9- Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu. 10- Là người nói không ai tin theo. 11- Là người nói không ai muốn nghe. 12- Là người có cái lưỡi cứng và ngắn. 13- Là người có tâm thường thoái chí nản lòng. 14- Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc. Đó là 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ trong kiếp quá khứ. 4. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không nói dối Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự nói dối”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không nói dối ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ. Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không nói dối cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không nói dối không cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ có được quả báu tốt của thiện nghiệp không nói dối từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả báu tốt của thiện nghiệp không nói dối từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) trong sáng. 2- Là người có giọng nói ngọt ngào, dễ nghe. 3- Là người có đôi hàm răng đều đặn, đẹp đẽ. 4- Là người có thân hình không mập quá. 5- Là người có thân hình không ốm quá. 6- Là người có thân hình không thấp quá. 7- Là người có thân hình không cao quá. 8- Là người có da thịt mịn màng, mềm mại. 9- Là người mà trong miệng có mùi thơm tho thoát ra dễ chịu như mùi hoa sen. 10- Là người nói được nhiều người tin theo, không có ai ganh tỵ. 11- Là người nói được nhiều người muốn nghe. 12- Là người có cái lưỡi mềm mỏng, màu hồng như cánh hoa sen đỏ. 13- Là người có định tâm vững vàng. 14- Là người có lời nói rõ ràng, ý nghĩa sâu sắc, được nhiều người tin tưởng và tôn trọng. Đó là 14 quả báu tốt của thiện nghiệp không nói dối từ kiếp quá khứ. 5- Sự Uống Rượu Và Các Chất Say Rượu và các chất say liên quan đến uống rượu và các chất say, là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, có thể tạo nên 2 loại nghiệp: - Người phạm điều giới uống rượu và các chất say, tạo nên ác nghiệp do uống rượu và các chất say. - Người giữ giới tránh xa sự uống rượu và các chất say, không uống rượu và các chất say, tạo thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say. Quả của ác nghiệp do uống rượu và các chất say và quả của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say hoàn toàn trái ngược nhau. 5. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới uống rượu và các chất say Người nào phạm điều giới uống rượu và các chất say dù ít dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp do uống rượu và các chất say. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp do uống rượu và các chất say cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác giới. Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới uống rượu và các chất say, tạo ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp do uống rượu và các chất say ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp do uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 30 quả xấu của ác nghiệp do uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người không biết những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm. 2- Là người thường không có trí nhớ, hay quên mình. 3- Là người loạn trí, điên cuồng. 4- Là người không có trí tuệ. 5- Là người có tính lười biếng trong công việc. 6- Là người thường hay buồn ngủ. 7- Là người bị câm điếc từ khi đầu thai. 8- Là người si mê, ngu dốt. 9- Là người khó nhớ, dễ quên. 10- Là người có sự hiểu biết kém cỏi, dốt nát. 11- Là người có thân hình nặng nề chậm chạp. 12- Là người thường bị tai nạn. 13- Là người sầu não, khổ tâm. 14- Là người hay nói lảm nhảm. 15- Là người hay nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích. 16- Là người có tính biếng nhác ngày đêm trong công việc nặng, nhẹ. 17- Là người không biết ơn và không biết đền ơn đối với người ân nhân của mình. 18- Là người không biết công việc đã làm xong. 19- Là người keo kiệt, bủn xỉn. 20- Là người không thích làm phước thiện bố thí đến cho người khác. 21- Là người không có giới, hoặc phạm điều giới. 22- Là người không chân thật, không ngay thẳng. 23- Là người hay sinh tâm sân hận. 24- Là người không biết hổ thẹn tội lỗi, khi làm ác. 25- Là người không biết ghê sợ tội lỗi, khi làm ác. 26- Là người có tà kiến hiểu lầm, chấp lầm trong mọi đối tượng. 27- Là người dám tạo mọi tội ác. 28- Là người không có trí tuệ, không hiểu rõ chân lý. 29- Là người không thể phát sinh trí tuệ. 30- Là người không biết phân biệt được sự lợi, sự hại, điều chánh, lẽ tà. Đó là 30 quả xấu của ác nghiệp do uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ. 5. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không uống rượu và các chất say Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ. Sau khi chết ở cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say ấy cho quả tái sinh làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết, thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say không cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ có được quả báu tốt của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ. Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 30 quả báu tốt của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ như sau: 1- Là người có trí tuệ sáng suốt, hiểu biết mau lẹ những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm. 2- Là người thường có trí nhớ. 3- Là người không loạn trí, điên cuồng. 4- Là người có trí tuệ, thông minh, nhạy bén. 5- Là người có sự tinh tấn không ngừng. 6- Là hạng người có tam nhân (vô tham, vô sân, vô si) từ khi đầu thai. 7- Là người không bị câm điếc,… từ khi đầu thai. 8- Là người có trí tuệ sáng suốt, không mê muội. 9- Là hạng người không dể duôi trong mọi thiện pháp. 10- Là hạng người đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng. 11- Là người có thân hình đầy đủ, cân đối các bộ phận lớn nhỏ xinh đẹp. 12- Là người ít gặp tai nạn. 13- Là người ít có sầu não, khổ tâm. 14- Là người thường nói lời chân thật, đáng tin. 15- Là người không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích. 16- Là người có sự tinh tấn không ngừng ngày đêm trong mọi công việc thiện. 17- Là người có lòng biết ơn và biết đền ơn đối với người ân nhân của mình. 18- Là người hiểu biết những công việc đã làm. 19- Là người không có tính keo kiệt, bủn xỉn của cải của mình. 20- Là người có tâm hoan hỷ trong việc làm phước bố thí của cải đến cho người khác. 21- Là người có giới đầy đủ và trọn vẹn. 22- Là người trung thực với mình và mọi người. 23- Là người ít sinh tâm sân hận . 24- Là người biết hổ thẹn tội lỗi, không dám làm điều ác. 25- Là người biết ghê sợ tội lỗi, không dám làm điều ác. 26- Là người có chánh kiến thấy đúng, có khả năng thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp. 27- Là người có nhiều phước thiện cao thượng. 28- Là người có nhiều trí tuệ, hiểu biết các pháp. 29- Là bậc thiện trí hiểu biết phân biệt được điều lợi, điều hại, điều chánh, lẽ tà,…. 30- Là bậc thiện trí biết sự lợi ích kiếp hiện tại, sự lợi ích kiếp vị lai, sự lợi ích Tối Thượng Niết Bàn. Đó là 30 quả báu tốt của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ. Nhận Xét Về Nghiệp Và Quả Của Nghiệp Ngũ Giới Ngũ giới có 5 điều giới, là thường giới (niccasīla) đối với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, người có thọ trì ngũ giới hoặc người không có thọ trì ngũ giới. Hễ người nào phạm điều giới nào, thì người ấy đã tạo nên ác nghiệp điều giới ấy. Và hễ người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy đã tạo nên thiện nghiệp của mỗi giới. * Ác nghiệp và quả của ác nghiệp ngũ giới ─ Nếu ác nghiệp cho quả trong kiếp hiện tại, thì người ấy phải chịu khổ do bị mất mát nhiều của cải, do tiếng xấu lan truyền mọi nơi, tâm sợ sệt, rụt rè,... ─ Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) phải chịu quả khổ của ác nghiệp của mình đã tạo trong kiếp quá khứ, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác giới. ─ Ác nghiệp trọng tội (akusalagarukakamma) là ác nghiệp giết mẹ, giết cha, giết bậc Thánh Arahán, thuộc về ác nghiệp vô gián (ānantariyakamma). Nếu người nào phạm ác nghiệp vô gián nào, thì sau khi chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián ấy cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào khác có thể ngăn cản được, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài trong đại địa ngục ấy, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp. * Thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp ngũ giới ─ Nếu thiện nghiệp ngũ giới cho quả trong kiếp hiện tại, thì người ấy được an lạc do có được nhiều của cải, có tiếng tốt lành lan truyền khắp mọi nơi, có tâm dũng cảm không sợ sệt, rụt rè... ─ Nếu thiện nghiệp ngũ giới có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ tái sinh làm người trong cõi người, hoặc tái sinh làm thiên nam (hoặc thiên nữ) trong 6 cõi trời dục giới, hưởng quả an lạc của thiện nghiệp mà mình đã tạo trong những tiền kiếp quá khứ, cho đến hết tuổi thọ. Trường hợp thiện nghiệp ngũ giới cho quả trong cõi người, có 2 thời kỳ: ─ Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla) đó là sát-na đại quả tâm đầu tiên đầu thai vào lòng mẹ cùng với 3 sắc pháp: Thân (kāya), sắc nam tính hoặc sắc nữ tính (bhava) và sắc ý căn (hadayavatthu) tạo thành ngũ uẩn đầu tiên. ─ Thời kỳ kiếp hiện hữu (pavattikāla) đó là khoảng thời gian kể từ sau khi đã tái sinh, thai nhi được phát triển và tăng trưởng trong bụng người mẹ, đến ngày sinh ra đời và duy trì sinh mạng kiếp sống hiện tại cho đến lúc chết. Trong khoảng thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của mỗi người, tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp đã được tích luỹ từ vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại này, nếu nghiệp nào có cơ hội cho quả thì nghiệp ấy cho quả của nó. Cho nên, khi thì thiện nghiệp cho quả an lạc; khi thì ác nghiệp cho quả khổ, trong suốt khoảng thời kỳ kiếp hiện hữu này. Trong bộ Chú giải Khuddakapātha có giảng giải về nghiệp và quả nghiệp ngũ giới như sau: Hễ phạm điều giới nào thì tạo ác nghiệp điều giới ấy và chịu quả xấu của ác nghiệp ấy. Hễ giữ gìn điều giới nào trong sạch thì tạo thiện nghiệp điều giới ấy và hưởng quả tốt lành của thiện nghiệp ấy. Quả của thiện nghiệp, ác nghiệp hoàn toàn trái ngược với nhau, được tóm lược như sau: 1- Sự Sát Sinh a) Phạm điều giới sát sinh, thì tạo nên ác nghiệp sát sinh và quả của ác nghiệp sát sinh có 23 điều xấu. b) Giữ gìn điều giới tránh xa sự sát sinh, thì tạo nên thiện nghiệp không sát sinh và quả của thiện nghiệp không sát sinh có 23 điều tốt. 2- Sự Trộm Cắp a) Phạm điều giới trộm cắp, thì tạo nên ác nghiệp trộm cắp và quả của ác nghiệp trộm cắp có 11 điều xấu. b) Giữ gìn điều giới tránh xa sự trộm cắp, thì tạo nên thiện nghiệp không trộm cắp và quả của thiện nghiệp không trộm cắp có 11 điều tốt. 3- Sự Tà Dâm a) Phạm điều giới tà dâm, thì tạo nên ác nghiệp tà dâm và quả của ác nghiệp tà dâm có 20 điều xấu. b) Giữ gìn điều giới tránh xa sự tà dâm, thì tạo nên thiện nghiệp không tà dâm và quả của thiện nghiệp không tà dâm có 20 điều tốt. 4- Sự Nói Dối a) Phạm điều giới nói dối, thì tạo nên ác nghiệp nói dối và quả của ác nghiệp nói dối có 14 điều xấu. b) Giữ gìn điều giới tránh xa sự nói dối, thì tạo nên thiện nghiệp không nói dối và quả của thiện nghiệp không nói dối có 14 điều tốt. 5- Sự Uống Rượu Và Các Chất Say a) Phạm điều giới uống rượu và các chất say, thì tạo nên ác nghiệp do uống rượu và các chất say và quả của ác nghiệp do uống rượu và các chất say có 30 điều xấu. b) Giữ gìn điều giới tránh xa sự uống rượu và các chất say, thì tạo nên thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say và quả của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say có 30 điều tốt. (đã trình bày trong phần trước) Như vậy, kiếp sống của mỗi người như thế nào, khổ hoặc an lạc, giàu hoặc nghèo, đại trí hoặc thiểu trí, có thân hình đẹp hoặc xấu, v.v... hoàn toàn tùy thuộc vào quả của nghiệp mà chính mình đã tạo từ vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại này. Cho nên, vấn đề nghiệp và quả của nghiệp chỉ cần có đức tin (saddhā) mà thôi, không thể sử dụng trí tuệ (paññā) mà tư duy quán xét về nghiệp và quả của nghiệp, bởi vì nghiệp và quả của nghiệp là 1 trong 4 điều bất khả tư nghì (acinteyya) mà Đức Phật đã dạy cho các hàng Thanh Văn đệ tử. Thật ra, chỉ có Đức Phật Toàn Giác mới có khả năng thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của chúng sinh mà thôi, còn các bậc Thanh Văn, dù là bậc Thánh Arahán cũng không thể biết rõ mọi nghiệp và quả của nghiệp của tất cả chúng sinh được. Cho nên, đối với các hàng Thanh Văn cần phải có đức tin rằng: “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi” [16] . (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào: “Thiện nghiệp hoặc ác nghiệp”, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp ấy). Người nào có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, người ấy thuộc hạng người có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) Người nào không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, mà tin nơi không đáng tin, người ấy thuộc hạng người tà kiến. Nghiệp và quả của nghiệp rất công bằng, nếu nghiệp nào có cơ hội cho quả, thì nghiệp ấy cho quả của nó, mà không hề thiên vị một ai, thậm chí cả Đức Phật và chư Thánh Arahán. Dù ai có tin hoặc không tin nghiệp và quả của nghiệp, khi nghiệp nào có cơ hội cho quả, thì nghiệp ấy vẫn cho quả của nó một cách tự nhiên. Đức Phật dạy câu kệ rằng: “Yādisaṃ vapate bījaṃ, “Người nào gieo hạt giống
thế nào, Như vậy, muốn quả thiện như thế nào, thì nên tạo thiện nghiệp như thế ấy. Không muốn quả ác như thế nào, thì chớ nên tạo ác nghiệp như thế ấy. Đó là lẽ công bằng của nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên, nghiệp và quả của nghiệp không hề thiên vị một ai cả.
Tầm Quan Trọng Của Ngũ Giới Sự an lạc hoặc sự khổ não của mỗi người tại gia trong kiếp sống hiện tại và trong những kiếp vị lai, hoàn toàn tùy thuộc vào cơ bản ngũ giới. Cho nên, ngũ giới có một tầm quan trọng rất lớn trong đời sống của người tại gia. Nên tìm hiểu trong bài kinh Verasutta [18], mà Đức Phật thuyết dạy ông phú hộ Anātha-piṇḍika, được tóm lược như sau: Một thuở nọ, ông phú hộ Anāthapiṇḍika đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ; khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết dạy ông phú hộ Anāthapiṇḍika rằng: ─ Này ông phú hộ, người tại gia chưa từ bỏ được 5 điều oan trái gọi là người không có giới, người phạm điều giới, sẽ tái sinh trong cõi địa ngục. 5 điều oan trái ấy như thế nào? 5 điều oan trái ấy là sự sát sinh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện pháp. ─ Này ông phú hộ, người tại gia chưa từ bỏ được 5 điều oan trái này, gọi là người không có giới, người phạm điều giới, sẽ tái sinh trong cõi địa ngục. ─ Này ông phú hộ, người tại gia đã từ bỏ được 5 điều oan trái này, gọi là người có giới, sẽ tái sinh cõi thiện dục giới [19] . 5 điều oan trái ấy như thế nào? 5 điều oan trái ấy là sự sát sinh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện pháp. ─ Này ông phú hộ, người tại gia đã từ bỏ được 5 điều oan trái này, gọi là người có giới, sẽ tái sinh trong cõi thiện dục giới . - Này ông phú hộ, người tại gia phạm tội sát sinh, thì sẽ gặp điều tai hại, oan trái cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân sát sinh. Người tại gia đã tránh xa sự sát sinh, thì sẽ không gặp tai hại, oan trái ấy cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ không bị khổ thân, khổ tâm, bởi vì đã tránh xa sự sát sinh là tránh được tai hại, oan trái ấy. - Này ông phú hộ, người tại gia phạm tội trộm cắp, thì sẽ gặp điều tai hại, oan trái cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân trộm cắp. Người tại gia đã tránh xa sự trộm cắp, thì sẽ không gặp tai hại, oan trái ấy cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ không bị khổ thân, khổ tâm, bởi vì đã tránh xa sự trộm cắp là tránh được tai hại, oan trái ấy. - Này ông phú hộ, người tại gia phạm tội tà dâm, thì sẽ gặp điều tai hại, oan trái cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân tà dâm. Người tại gia đã tránh xa sự tà dâm, thì sẽ không gặp tai hại, oan trái ấy cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ không bị khổ thân, khổ tâm, bởi vì đã tránh xa sự tà dâm là tránh được tai hại, oan trái ấy. - Này ông phú hộ, người tại gia phạm tội nói dối, thì sẽ gặp điều tai hại, oan trái cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân nói dối. Người tại gia đã tránh xa sự nói dối, thì sẽ không gặp tai hại, oan trái ấy cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ không bị khổ thân, khổ tâm, bởi vì đã tránh xa sự nói dối là tránh được tai hại, oan trái ấy. - Này ông phú hộ, người tại gia phạm tội uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, thì sẽ gặp điều tai hại, oan trái cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Người tại gia đã tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, thì sẽ không gặp tai hại, oan trái ấy cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai, sẽ không bị khổ thân, khổ tâm, bởi vì đã tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp là tránh được tai hại, oan trái ấy. Đức Phật thuyết bài kệ: “Người nào trong đời tạo
ác nghiệp. Người Ác - Người Thiện Danh từ người ác - người thiện được chế định ra để gọi do căn cứ vào ngũ giới và nghiệp. Người nào phạm ngũ giới, tạo ác nghiệp người ấy bị gọi là người ác. Và người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch trọn vẹn, tạo thiện nghiệp người ấy được gọi là người thiện. Người nào tự mình phạm ngũ giới, tạo nên ác nghiệp, còn động viên, sai khiến người khác cùng phạm ngũ giới, tạo ác nghiệp, người ấy bị gọi là người ác hơn người ác. Và người nào tự mình giữ gìn ngũ giới trong sạch, tạo thiện nghiệp, còn động viên khuyến khích người khác cùng giữ gìn ngũ giới trong sạch, tạo thiện nghiệp, người ấy được gọi là người thiện hơn người thiện. Trong bài kinh Sikkhapadasutta [20] , Đức Phật dạy rằng: ─ “Này chư Tỳ khưu, Như Lai sẽ thuyết giảng về người ác, và người ác hơn người ác; người thiện, và người thiện hơn người thiện. Các con hãy lắng nghe, nên chú tâm lắng nghe”. Chư Tỳ khưu vâng lời Đức Thế Tôn, chú tâm lắng nghe lời giáo huấn của Đức Thế Tôn. * Người ác - người ác hơn người ác: Đức Thế Tôn dạy rằng: ─ “Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là người ác? ─ Này chư Tỳ khưu, trong đời này, số người là người sát sinh, người trộm cắp, người tà dâm, người nói dối, người uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi số người ấy là người ác. ─ Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là người ác hơn người ác? ─ Này chư Tỳ khưu, trong đời này, số người tự mình sát sinh, còn động viên, khuyến khích, sai khiến người khác cùng sát sinh. - Số người tự mình trộm cắp, còn động viên, khuyến khích, sai khiến người khác cùng trộm cắp. - Số người tự mình tà dâm, còn động viên, khuyến khích, sai khiến người khác cùng tà dâm. - Số người tự mình nói dối, còn động viên, khuyến khích, sai khiến người khác cùng nói dối. - Số người tự mình uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, còn động viên, khuyến khích, sai khiến người khác cùng uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. ─ Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi số người ấy là người ác hơn người ác. * Người thiện - người thiện hơn người thiện: Đức Thế Tôn dạy rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là người thiện? ─ Này chư Tỳ khưu, trong đời này, số người là người tránh xa sự sát sinh, người tránh xa sự trộm cắp, người tránh xa sự tà dâm, người tránh xa sự nói dối, người tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi số người ấy là người thiện. ─ Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là người thiện hơn người thiện? ─ Này chư Tỳ khưu, trong đời này, số người tự mình tránh xa sự sát sinh, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự sát sinh. - Số người tự mình tránh xa sự trộm cắp, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự trộm cắp. - Số người tự mình tránh xa sự tà dâm, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự tà dâm. - Số người tự mình tránh xa sự nói dối, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự nói dối. - Số người tự mình tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, còn động viên, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. ─ Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi số người ấy là người thiện hơn người thiện. Ngũ Giới Với Con Người Ngũ giới là cơ bản của con người, những người được sinh ra trong cõi người này, chắc chắn kiếp trước ít nhất đã có ngũ giới trong sạch và trọn vẹn. Thật vậy, nếu kiếp trước không có giới, phạm giới, thì kiếp hiện tại này chắc chắn không thể tái sinh được làm người như thế này! Như vậy, đã được tái sinh làm người, thì người ấy vốn dĩ có ngũ giới trong sạch đã được tích lũy từ kiếp quá khứ. Trong kiếp hiện tại, nếu người nào không có giới, phạm giới, làm mất phẩm chất cao quý của con người, thì người ấy không chỉ lãnh chịu những hậu quả tai hại trong kiếp hiện tại, mà còn phải chịu hậu quả tai hại trong nhiều kiếp vị lai, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới mong thoát khỏi cõi ác giới. Trong kiếp hiện tại, nếu người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn là giữ gìn phẩm chất cao quý của con người, thì người ấy không những hưởng được những quả báu tốt lành trong kiếp hiện tại, mà còn hưởng được những quả báu tốt lành trong nhiều kiếp vị lai, do nhờ thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) hưởng được mọi sự an lạc trong cõi ấy; đặc biệt còn có thể tạo mọi pháp hạnh ba-la-mật để tạo duyên lành trên con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài nữa. Sự Tích Giữ Gìn Ngũ Giới * Trích sự tích Ngài Đại đức Pañcasīlasamādāniyatthera [21] thuật lại chuyện tiền kiếp của Ngài, được tóm lược như sau: Trong thời quá khứ xa xưa, khi Đức Phật Anomadassī [22] xuất hiện trên thế gian, tôi là người nghèo khổ ở trong thành Candavati, sống bằng nghề làm thuê làm mướn cho người khác. Tôi chưa có duyên lành xuất gia trở thành Tỳ khưu, nhưng tôi suy nghĩ rằng: “Chúng sinh sống trong đời này, thường bị màng vô minh che trùm phủ kín, tối tăm không hiểu biết được chân lý, thường bị lửa tham, sân, si thiêu đốt không ngừng, luôn luôn chịu khổ não. Ta sẽ giải thoát khổ bằng cách nào đây?”. Tôi vốn là người nghèo khổ, làm thuê làm mướn vừa đủ sống qua ngày, không có của cải để làm phước thiện bố thí; nên tôi suy nghĩ rằng: “Điều tốt hơn ta nên thọ trì ngũ giới và cố gắng giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn”. Suy nghĩ như vậy, tôi liền đến hầu Ngài Đại đức Nisabha, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Anomadassī, kính xin thọ trì ngũ giới. Ngài đã hướng dẫn tôi thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới. Vào thời đại ấy, tuổi thọ con người khoảng 100.000 (một trăm ngàn) năm, tôi đã cố gắng giữ gìn ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn cho đến trọn đời. Khi sắp lâm chung (sắp chết) tôi niệm tưởng đến ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn của tôi, nên chư thiên ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên đem một cỗ xe sang trọng gồm có 1.000 con ngựa báu đến rước. Sau khi chết, thiện nghiệp giữ ngũ giới trong sạch và trọn vẹn ấy cho quả tái sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Tôi đã làm Đức vua trời cõi Tam Thập Tam Thiên suốt 30 kiếp, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy. Khi tái sinh làm người trong cõi người, tôi trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương suốt 75 kiếp, và Đức vua trị vì các nước lớn trải qua nhiều kiếp không sao kể xiết. ─ Ngài Đại đức Pañcasīlasamādāniyatthera thuật lại rằng: Tôi đã giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, từ thời kỳ Đức Phật Anomadassī cho đến kiếp hiện tại này, trải qua thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, tôi không từng tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), kiếp nào cũng tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời). Khi tái sinh trong cõi nào, tôi cũng có địa vị cao quý, hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ. Đó là do năng lực quả báu của phước thiện giữ ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn của tôi. Tôi còn có 3 quả báu đặc biệt là: - Là người sống lâu trường thọ. - Là người có địa vị cao quý, giàu sang phú quý. - Là người có nhiều trí tuệ. Vào thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, tôi ở trên cõi trời dục giới, sau khi từ giã cõi trời ấy, thiện nghiệp giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn ấy, cho quả tái sinh làm người trong gia đình thuộc dòng dõi Bàlamôn giàu sang phú quý trong xứ Vesālī. Gần đến ngày nhập hạ, cha mẹ dắt dẫn tôi đến hầu đảnh lễ Đức Phật, cha mẹ bảo tôi kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới. Vâng lời cha mẹ, tôi kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới. Khi ấy, tôi niệm tưởng lại ngũ giới, do năng lực của ngũ giới mà tôi đã giữ gìn trong sạch và trọn vẹn từ kiếp quá khứ xa xưa. Chính tại nơi đang ngồi thọ trì ngũ giới ấy, tôi liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán. Khi ấy tôi vừa mới lên 5 tuổi. Đức Phật đã biết rõ duyên lành của tôi, Ngài cho tôi xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Tôi đã giữ gìn ngũ giới trong sạch đầy đủ và trọn vẹn đến trọn đời, mà được hưởng quả báu của thiện nghiệp ngũ giới như vậy. Còn như chư vị Sadi, chư Tỳ khưu, chư bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Phật có rất nhiều điều giới, thì quả báu của thiện nghiệp giữ giới nhiều biết dường nào kể xiết được. Những Sự Tích Liên Quan Mỗi Giới 1- Sự tích người phạm điều giới sát sinh Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế gian, một cận sự nam tên Mahākāla là bậc Thánh Nhập Lưu, bị vu oan giá họa là kẻ trộm cắp, với tang chứng rõ ràng, và ông bị đánh chết. Câu chuyện được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy một người cận sự nam Mahākāla [23] là bậc Thánh Nhập Lưu có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn; ông thường thọ bát giới (uposathasīla) vào những ngày giới hằng tháng. Hôm ấy, nhằm vào ngày giới (uposathasīla), ông cận sự nam Mahākāla đến ngôi chùa Jetavana xin thọ bát giới xong, rồi ở lại chùa nghe pháp, hành thiền suốt đêm, gần sáng ông mới trở về nhà. Khi ra khỏi chùa Jetavana, ông đến hồ nước trước cổng chùa để rửa mặt. Trong đêm ấy, bọn trộm cắp lén vào một nhà trong thành lấy trộm của cải, tài sản. Người chủ nhà hay biết thức dậy, bọn trộm cắp liền mang theo của cải chạy trốn thoát. Người chủ nhà cho người đuổi theo bọn trộm cắp khắp các ngõ đường. Một tên trong bọn chạy dọc theo ven đường đến chùa Jetavana, biết đằng sau có người đuổi theo mình và không thể mang theo gói của cải đã lấy trộm, nên liền ném gói đồ xuống hồ nước, để nhẹ người chạy thoát thân cho nhanh. Chẳng may gói đồ lấy trộm ấy lại rơi đúng gần bên cạnh ông cận sự nam Mahākāla đang ngồi rửa mặt lúc rạng đông. Khi ấy, nhóm người chủ nhà đến, nhìn thấy gói của cải lấy trộm nằm bên cạnh ông cận sự nam Mahākāla, chúng bắt ông cận sự nam Mahākāla rồi bảo rằng: ─ Đêm qua, ngươi vào nhà lấy trộm của cải của chúng tôi, có tang chứng rõ ràng, ngươi đừng giả vờ, đêm qua đã ở chùa giữ giới, nghe pháp, hành thiền trở về. Người cận sự nam Mahākāla bị đánh đập đến chết, rồi chúng bỏ thây bên hồ nước. Buổi sáng hôm ấy, một số Tỳ khưu trẻ và Sadi mang nồi đi lấy nước ở hồ, nhìn thấy tử thi của ông cận sự nam Mahākāla, rồi bảo nhau rằng: ─ Ông cận sự nam Mahākāla giữ bát giới, nghe pháp, hành thiền suốt đêm hôm qua tại chùa; nay ông bị đánh đập chết oan, thật không công bằng. Chư Tỳ khưu đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch về cái chết oan của ông cận sự nam Mahākāla. Đức Phật dạy rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, người cận sự nam Mahākāla bị chết như vậy là không công bằng ở kiếp hiện tại này, nhưng lại công bằng theo ác nghiệp sát sinh của người cận sự nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá khứ. Chư Tỳ khưu, Sadi lắng nghe Đức Phật dạy như vậy, liền đảnh lễ Đức Thế Tôn, kính thỉnh Ngài thuyết giảng về ác nghiệp sát sinh nào của người cận sự nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá khứ. * Tiền kiếp của người cận sự nam Mahākāla đã tạo ác nghiệp sát sinh như thế nào? Trong thời kỳ quá khứ, trong nước của Đức vua Bāraṇāsi, vùng biên giới có bọn cướp ẩn náu thường quấy nhiễu dân chúng qua lại, cướp của giết người; nên Đức vua truyền phái một đội binh lính đến vùng biên giới, đặt trạm canh phòng làm phận sự dẫn đường đưa dân chúng đi lại từ vùng này đến vùng khác, để bảo vệ dân chúng được an toàn cả sinh mạng lẫn của cải. Một hôm, có đôi vợ chồng trẻ, người vợ rất xinh đẹp đi trên một chiếc xe bò nhỏ đến trạm canh phòng lúc về chiều. Người trạm trưởng nhìn thấy người vợ trẻ xinh đẹp đem lòng thương yêu, và ganh tỵ với người chồng trẻ. Hai vợ chồng trẻ yêu cầu người trạm trưởng cho lính dẫn đường sang vùng bên kia. Người trạm trưởng đang có mưu đồ đen tối xấu xa, nên đã từ chối một cách khéo léo rằng: ─ Này anh chị, trời sắp tối rồi, đợi sáng mai tôi sẽ cho lính đưa anh chị đi sớm. Hai vợ chồng trẻ khẩn khoản năn nỉ nhờ người trạm trưởng cho lính dẫn đường đi ngay lúc đó, bởi vì, thời gian còn đi lại được, hai vợ chồng trẻ cũng có công việc gấp, nên không muốn về nhà trễ. Người trạm trưởng có mưu đồ đen tối xấu xa, nên vẫn tiếp tục khuyên hai vợ chồng trẻ rằng: ─ Này anh chị, tối nay xin mời anh chị về nhà tôi nghỉ lại, sáng sớm tôi sẽ cho lính dẫn đường đưa anh chị đi. Hai vợ chồng trẻ không còn cách nào khác, nên đành phải đến nhà người trạm trưởng, tạm ở lại qua đêm. Người trạm trưởng mời hai vợ chồng trẻ nghỉ trọ trong nhà khách, tiếp đãi cơm nước rất đàng hoàng, tử tế. Ban đêm, khi hai vợ chồng đang ngủ say, người trạm trưởng lén đem viên ngọc maṇī giấu vào chiếc xe nhỏ của họ. Gần rạng đông, người trạm trưởng kêu la lên là có kẻ trộm lén vào nhà lấy viên ngọc maṇī quý giá, rồi cho người nhà đi lục soát tìm khắp mọi nơi. Lúc ấy, hai vợ chồng trẻ thức dậy đang sửa soạn chiếc xe bò nhỏ để đi sớm, người trạm trưởng bảo người nhà lục soát trong chiếc xe bò nhỏ, nhìn thấy viên ngọc maṇī giấu trong chiếc xe. Chúng bảo với hai vợ chồng trẻ rằng: ─ Ngươi lấy trộm viên ngọc maṇī quý của chủ ta, rồi sáng sớm định sửa soạn chạy trốn thoát hay sao! Chúng liền bắt người chồng trẻ đem đến trình chủ là người trạm trưởng rồi thưa rằng: ─ Thưa ông chủ, chúng tôi bắt được người này lấy trộm viên ngọc maṇī của ông, đây là viên ngọc maṇī tang chứng rõ ràng. Người trạm trưởng quở mắng người chồng trẻ rằng: ─ Ta đã cho vợ chồng ngươi đến nghỉ đêm nhà ta, cho ăn uống tử tế, thế mà ngươi không biết ơn, còn lén vào nhà lấy trộm viên ngọc maṇī quý giá của ta. Ông chủ trạm sai bảo người nhà đánh đập người chồng trẻ đến chết, đem thây vào bỏ trong rừng…, rồi bắt người vợ trẻ xinh đẹp làm vợ của mình. Người trạm trưởng sau khi chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh vào đại địa ngục Avīci, bị thiêu đốt, bị hành hạ chết đi rồi tái sinh trở lại trong địa ngục, chịu bao nỗi khổ cực suốt thời gian trong cõi địa ngục, do ác nghiệp mà mình đã tạo, cho đến khi mãn quả ác nghiệp mới thoát ra khỏi cõi địa ngục. Do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người, kiếp nào cũng bị vu oan giá họa, rồi bị đánh đập đến chết suốt 100 kiếp. Người trạm trưởng phạm điều giới sát sinh trong thời quá khứ, chính là tiền kiếp của người cận sự nam Mahākāla. Do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, người cận sự nam Mahākāla đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, song quả của ác nghiệp sát sinh còn có năng lực dư sót, nên kiếp hiện tại này bị vu oan giá họa, rồi bị đánh đến chết như vậy. Do đó, người cận sự nam Mahākāla bị đánh chết là công bằng theo ác nghiệp sát sinh của ông đã tạo trong kiếp quá khứ (khi làm người trạm trưởng). * Sự tích người phạm điều giới sát sinh và gây oan trái Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy Đức Thế Tôn thuyết giảng đề cập đến nữ Dạ xoa Yakkhinī [24] , được tóm lược như sau: Một đôi vợ chồng không có con, người vợ lớn đi tìm một người đàn bà về làm vợ nhỏ cho chồng, để sinh con nối dòng và giữ gìn của cải, tài sản gia đình. Khi tìm được người vợ nhỏ cho chồng, người vợ lớn lại nghĩ rằng: “Nếu người vợ nhỏ có con, thì tất cả của cải, tài sản đều thuộc về người vợ nhỏ”. Nên bà vợ lớn bảo với bà vợ nhỏ rằng: ─ Khi nào em có thai, hãy báo cho chị biết. Vâng lời bà vợ lớn, khi có thai, bà vợ nhỏ liền báo cho bà vợ lớn biết. Bà vợ lớn làm thuốc phá thai trộn lẫn vào thức ăn, đồ uống cho bà vợ nhỏ dùng, nên người vợ nhỏ đã bị hư thai lần thứ nhất. Người vợ nhỏ có thai lần thứ nhì, cũng như lần trước người vợ nhỏ liền báo cho người vợ lớn biết, người vợ lớn làm thuốc phá thai làm cho người vợ nhỏ bị hư thai lần thứ nhì. Người vợ nhỏ có thai lần thứ ba, bà nghĩ rằng: “Ta đã bị hư thai hai lần là bởi do bà vợ lớn, lần này ta không báo cho bà vợ lớn biết”. Cái thai trong bụng của bà vợ nhỏ càng ngày càng lớn dần; bà vợ lớn biết vậy, liền quở trách bà vợ nhỏ rằng: ─ Tại sao em có thai, mà không báo cho chị biết! Bà vợ nhỏ thưa rằng: ─ Hai lần trước em có thai, báo cho chị biết, chị cho uống thuốc làm cho em hư thai hai lần, cho nên, lần này em không dám báo cho chị biết. Bà vợ lớn sẵn có mưu đồ đen tối xấu xa, nên bà tìm cơ hội lúc bà vợ nhỏ sơ hở, bà trộn thuốc vào thức ăn, đồ uống; bà vợ nhỏ không biết nên ăn uống vào, làm cho bào thai bị hư. Lần này bào thai không thể ra ngoài được, làm cho bà vợ nhỏ phải chết. Trước khi chết, bà vợ nhỏ nguyện kết oan trái với bà vợ lớn rằng: “Kiếp này, ngươi đã hại ta hai lần bị hư thai, lần thứ ba này, ngươi không chỉ làm cho ta bị hư thai, mà còn sát hại sinh mạng của ta nữa. Kiếp sau ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”. Sau khi bà vợ nhỏ chết, với tâm oan trái trả thù, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm con mèo cái trong gia đình ấy. * Oan trái gây oan trái lẫn nhau Người chồng biết được người vợ lớn là thủ phạm đã hai lần làm người vợ nhỏ bị hư thai, lần này không chỉ làm hư thai, mà còn làm người vợ nhỏ chết; ông nổi giận đánh đập người vợ lớn đến chết. Sau khi người vợ lớn chết, ác nghiệp sát sinh cho quả tái sinh làm con gà mái cũng ở trong gia đình ấy. Khi gà mái đẻ trứng ra, cả hai lần đều bị con mèo cái đến ăn trứng; đến lần thứ ba, sau khi ăn trứng xong, con mèo cái vồ con gà mái cắn cổ chết rồi ăn thịt gà luôn. Con gà mái trước khi chết nguyện gây oan trái với con mèo cái rằng: “Kiếp này, ngươi đã ăn trứng của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi không chỉ ăn trứng của ta mà còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”. Con gà mái sau khi chết, ác nghiệp oan trái trả thù cho quả tái sinh làm con cọp cái. Còn con mèo cái sau khi chết, do ác nghiệp sát sinh cho quả tái sinh làm con nai cái. Khi con nai cái sinh con lần thứ nhất, con cọp cái tìm đến ăn thịt nai con; khi con nai cái sinh con lần thứ nhì, con cọp cái cũng tìm đến ăn thịt nai con; khi con nai cái sinh con lần thứ ba, lần này con cọp cái tìm đến không chỉ ăn thịt nai con, mà còn bắt nai mẹ giết chết ăn thịt nữa. Con nai mẹ trước khi chết, nguyện kết oan trái với con cọp cái rằng: “Kiếp này, ngươi đã ăn thịt con của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi đã ăn thịt con ta lại còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau, ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”. Con nai cái sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm nữ Dạ xoa Yakkhinī ở phương Bắc thuộc cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Còn con cọp cái sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm con gái của một gia đình trong kinh thành Sāvatthi. Khi nàng trưởng thành khôn lớn có chồng, và sống ở bên gia đình chồng. Lúc nàng sinh đứa con thứ nhất, nữ Dạ xoa theo dõi biết rõ, rồi biến hóa thành người bạn thân đến thăm nàng. Nhìn thấy con nàng, nữ Dạ xoa liền bắt đứa con của nàng để ăn thịt. Nàng sinh đứa con lần thứ nhì, nữ Dạ xoa theo dõi biết, liền xuất hiện đến bắt đứa con của nàng để ăn thịt như lần trước. Khi nàng có thai lần thứ ba, gần đến ngày sinh, nàng bàn tính với chồng, xin về nhà cha mẹ của nàng để sinh con; bởi vì nếu nàng sinh ở đây, thì nữ Dạ xoa sẽ đến bắt con của nàng để ăn thịt như hai lần trước. Người chồng đồng ý, hai vợ chồng cùng đưa nhau về bên nhà cha mẹ nàng để sinh con. Khi nàng sinh đứa con và làm lễ đặt tên cho con xong, hai vợ chồng bồng đứa con trở về lại bên nhà chồng. Trên đường đang trở về nhà, khi đi ngang qua ngôi chùa Jetavana, nàng nhìn thấy nữ Dạ xoa đang đi tìm nàng, để bắt đứa con của nàng; nàng hoảng sợ quá, liền bồng đứa con chạy vào chùa trốn thoát. Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp tế độ chúng sinh, nàng bồng đứa con đến gần Đức Thế Tôn rồi đặt đứa con phía dưới đôi bàn chân của Ngài, bèn bạch rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin kính dâng đứa con này đến Ngài, cầu xin Ngài rải tâm đại bi cứu mạng đứa con của con. Lúc này, bên ngoài cửa ngôi chùa, chư thiên giữ cửa cấm không cho nữ Dạ xoa đi vào trong ngôi chùa Jetavana. Đức Thế Tôn truyền dạy Ngài Đại đức Ānanda cho gọi nữ Dạ xoa được phép vào hầu Ngài. Khi nữ Dạ xoa đi vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn. Nhìn thấy nữ Dạ xoa, nàng hoảng sợ vô cùng, khóc la bèn bạch rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, nữ Dạ xoa. Đức Thế Tôn khuyên dạy, trấn an tâm của nàng rằng: ─ “Này con! Con đừng sợ, không có điều tai hại nào xảy đến cho đứa con của con và con đâu!” Khi ấy, Đức Thế Tôn khuyên dạy nữ Dạ xoa rằng: ─ “Này các con! Nếu các con không đến gặp Như Lai, thì sự oan trái giữa các con sẽ tiếp diễn mãi mãi. Tại sao các con oan trái trả thù lại bằng oan trái? Sự thật, sự oan trái được dập tắt bằng sự không oan trái, chứ không phải dập tắt bằng sự oan trái”. Đức Phật thuyết câu kệ rằng: “Na hi verena verāni, “Trong đời này những sự
oan trái, Sau khi lắng nghe câu kệ xong, nữ Dạ xoa liền chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, và các hàng đệ tử cũng được nhiều lợi ích, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo trí tuệ ba-la-mật của mỗi người. Bắt đầu từ khi ấy, sự oan trái hoàn toàn bị dập tắt, tâm từ và nhẫn nại phát sinh giữa nữ Dạ xoa và nàng có đứa con, họ thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thương yêu đứa con nhỏ.
Tóm lược tiến trình thay đổi qua mỗi kiếp và gây oan trái Người vợ lớn → Người vợ nhỏ ↓ Sinh kiếp gà mái ← Sinh kiếp mèo cái ↓ Sinh kiếp cọp cái → Sinh kiếp nai cái ↓ Sinh kiếp con gái → Sinh kiếp nữ Dạ xoa Vấn: Sự khác nhau giữa oan trái và ác nghiệp như thế nào? Đáp: Người gây oan trái chắc chắn tạo ác nghiệp. Người tạo ác nghiệp, có khi có oan trái, có khi không có oan trái. Oan trái có thể dập tắt bằng sự không oan trái; còn ác nghiệp không thể dập tắt bằng thiện nghiệp, song thiện nghiệp có khả năng làm giảm bớt tiềm lực cho quả của ác nghiệp. Vấn: Hai người đàn bà gây oan trái với nhau, những đứa con của mỗi người có liên quan gì mà phải chịu khổ? Đáp: Cái thai (của người vợ nhỏ), trứng gà (của gà mái), nai con (của nai cái), đứa con (của người đàn bà) không liên quan trực tiếp đến oan trái của người mẹ, mà chịu ảnh hưởng gián tiếp về quả của ác nghiệp của mẹ mình. Những người con còn nhỏ thường chịu ảnh hưởng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp của cha mẹ. Nếu cha mẹ giàu có, thì đứa con sinh ra được sống sung túc; nếu cha mẹ nghèo khổ, thì đứa con sinh ra chịu cảnh thiếu thốn. Ngược lại có trường hợp đặc biệt, cha mẹ chịu ảnh hưởng quả của thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp của người con, từ khi mới đầu thai hoặc khi sinh ra đời rồi. Ví như: * Trường hợp Ngài Đại đức Sīvali, khi Ngài đầu thai vào lòng mẹ là bà Suppavāsa, công nương dòng Koliya; trong nhà các kho của cải lúc nào cũng đầy đủ, sung túc, không bao giờ thấy bị hao hụt, giảm bớt chút nào. Đó là quả của thiện nghiệp của Ngài làm ảnh hưởng tốt lành đến gia đình cha mẹ của Ngài và những người thân trong dòng họ. * Trường hợp Ngài Đại đức Losaka, khi Ngài đầu thai vào một gia đình trong xóm dân chài gồm 500 gia đình; từ khi Ngài đầu thai, không chỉ gia đình cha mẹ của Ngài phải chịu cảnh đói khổ thiếu thốn, mà còn ảnh hưởng đến 500 gia đình trong xóm dân chài ấy cũng phải chịu cảnh đói khổ thiếu thốn nữa. Đó là quả của ác nghiệp của Ngài gây ảnh hưởng đói khổ đến gia đình cha mẹ của Ngài và những gia đình trong xóm dân chài. * Bậc Thánh Arahán không tránh khỏi quả ác nghiệp sát sinh Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, đề cập đến sự tích Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, bị bọn cướp sát nhân đánh đập Ngài cho đến gần chết, phải tịch diệt Niết Bàn. Câu chuyện được tóm lược như sau: Nhóm ngoại đạo tà giáo hội họp lại với nhau, cùng nghĩ rằng: “Sở dĩ chúng ta mất nhiều lợi lộc cúng dường là vì Đại đức Mahāmoggallāna xuất hiện lên cõi trời hỏi các chư thiên, khi ở cõi người đã tạo thiện nghiệp nào, mà nay được hưởng mọi sự an lạc như thế này; hoặc gặp các loài ngạ quỷ hỏi kiếp trước đã tạo ác nghiệp nào, mà nay phải chịu khổ như thế này v.v… Ngài tường thuật lại cho dân chúng nghe và họ tin theo Ngài, nên phần đông họ chỉ làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng đệ tử của Đức Phật mà thôi. Do đó chúng ta càng ngày càng mất nhiều lợi lộc cúng dường. Chúng ta nên tìm cách giết hại Đại đức Mahāmoggallāna, rồi chúng ta sẽ có lại những lợi lộc cúng dường như trước đây”. Nhóm ngoại đạo tà giáo đều đồng tâm nhất trí, họ thuê mướn bọn cướp sát nhân với số tiền trên 1.000 (một ngàn) đồng kahāpana (tiền Ấn Độ thời xưa) để giết hại Đại đức Mahāmoggallāna. Bọn cướp đồng ý làm theo sự yêu cầu của nhóm ngoại đạo tà giáo. Bọn chúng kéo nhau đến vây hãm chỗ ở của Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tại làng Kāḷasila. Ngài vốn là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, đệ nhất xuất chúng về thần thông. Khi biết bọn cướp đến vây hãm, Ngài bay lên hư không, cho nên bọn chúng vào không thấy Ngài. Những ngày kế tiếp, bọn chúng cũng đến vây hãm chỗ ở của Ngài, khi thì Ngài bay lên hư không, khi thì Ngài biến mất; bọn chúng không sao tìm gặp được Ngài, cứ như vậy kéo dài cả tháng mà bọn chúng vẫn không sao bắt được Ngài. Đến cuối tháng, khi bọn chúng kéo đến vây hãm chỗ ở của Ngài, lần này quán xét thấy đến lúc hết tuổi thọ, đồng thời ác nghiệp xưa cũng đến lúc cho quả, nên Ngài không dùngthần thông thoát ra khỏi chỗ ở. Bọn cướp xông vào bắt Ngài, rồi đánh đập Ngài tan xương nát thịt, bọn cướp tưởng Ngài đã chết nên đem bỏ thây ở bụi cây. Ngài Đại đức Mahāmoggallāna nghĩ rằng: “Ta nên đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép tịch diệt Niết Bàn”. Nghĩ xong, Ngài dùng năng lực thiền định và thần thông gắn liền xương thịt lại rồi bay lên không trung đến hầu đảnh lễ Đức Phật xong, bèn bạch rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài cho phép con tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm nay. Bạch Ngài. Đức Thế Tôn cho phép Ngài Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn tại làng Kāḷasila xứ Magadha. Như vậy, 1 tháng sau hạ thứ 45 của Đức Phật, vào rằm tháng 10, Ngài Đại đức Sāriputta, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử, tịch diệt Niết Bàn tại làng Nālākagāma xứ Magadha; cuối tháng 10 (30 tháng 10) Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn tại làng Kāḷasila xứ Magadha. Thế là hai vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật đều đã tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn, Đức vua Ajātasattu truyền lệnh truy tìm kẻ chủ mưu sát hại Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Quân lính điều tra biết rõ bọn cướp sát nhân đã nhận tiền thuê mướn của nhóm ngoại đạo, để sát hại Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Đức vua truyền lệnh bắt bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo tà giáo 500 người để xét xử, tất cả đều nhận tội. Đức vua truyền lệnh đem tất cả bọn chúng chôn một nửa người xuống đất, phủ rơm lên trên thiêu sống, dùng cày sắt cày xới, làm cho bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo chết tan xương nát thịt cả thảy. Đó là quả của ác nghiệp sát sinh, đánh đập bậc Thánh Arahán đến chết (tịch diệt Niết Bàn). Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đã tịch diệt Niết Bàn, chư Tỳ khưu bàn luận rằng: ─ Thật đáng động tâm, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử đệ nhất thần thông xuất chúng trong hàng đệ tử, thế mà Ngài tịch diệt Niết Bàn như vậy, thật không công bằng chút nào! Khi ấy, Đức Phật vừa ngự đến, bèn hỏi rằng: ─ Này các con, các con đang hội họp bàn luận chuyện gì vậy? Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang bàn luận về Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn như vậy là không công bằng chút nào. Bạch Ngài. Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn không công bằng trong kiếp hiện tại này, song Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn lại công bằng xét theo ác nghiệp sát sinh mà tiền kiếp của Mahāmoggallāna đã tạo trong quá khứ xa xưa. Chư Tỳ khưu đảnh lễ kính thỉnh Đức Phật thuyết giảng về ác nghiệp sát sinh trong tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmoggallāna như sau: Trong thời quá khứ xa xưa, trong xứ Bārāṇasi, một người con trai có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mù lòa, có lòng biết ơn và đền đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình. Hằng ngày, người con trai lo cơm nước, giặt quần áo, phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi xong công việc trong nhà mới đi làm việc ngoài như vào rừng, ra ruộng,… để kiếm tiền bạc của cải đem về nuôi dưỡng cha mẹ già một cách rất chu đáo, với tấm lòng hiếu thảo và tôn kính cha mẹ. Một hôm, cha mẹ nói với đứa con yêu quý của mình rằng: ─ Này con yêu quý, một mình con chịu làm lụng vất vả ngoài đồng, về nhà còn phải lo bao nhiêu công việc trong nhà. Cha mẹ muốn tìm cho con một người vợ, để giúp đỡ con lo công việc trong nhà, nghe con! Người con trai một mực từ chối, xin với cha mẹ rằng: ─ Thưa cha mẹ, con không muốn lấy vợ, con muốn chỉ một mình con lo phụng dưỡng cha mẹ mà thôi. Mỗi ngày, cha mẹ khẩn khoản năn nỉ, người con trai đành phải chiều theo ý của cha mẹ, chịu cưới vợ để làm cho cha mẹ hài lòng. Người vợ giúp đỡ chồng lo công việc trong nhà, lo phục vụ cha mẹ chồng mới chỉ được 2 - 3 ngày mà thôi, rồi những ngày tiếp theo nàng tỏ vẻ bực dọc cảnh cha mẹ chồng mù lòa, không muốn sống chung với cha mẹ chồng nữa. Người vợ than vản với chồng rằng: ─ Này anh, em không muốn sống chung với cha mẹ mù lòa của anh nữa. Nàng đặt điều nói xấu cha mẹ chồng. Ban đầu người chồng không tin theo lời người vợ. Một hôm, khi người chồng đi ra ngoài làm công việc, người vợ ở nhà bày đồ đạc, đổ vỡ rải rác trong nhà. Người chồng đi làm về hỏi người vợ: ─ Tại sao đồ đạc đổ vỡ rải rác như thế này? Người vợ nói với người chồng là do hai ông bà mù lòa làm đồ đạc đổ vỡ rải rác, nàng phải dọn dẹp mệt nhừ cả người, mà vẫn không làm hết việc; nàng không thể nào chịu nổi. Bây giờ nàng không muốn sống chung với hai ông bà già mù lòa đó nữa. Mỗi ngày, từ đồng ruộng trở về, người chồng nghe vợ than vãn, không sao chịu nổi. Người con trai liền lập mưu kế nói lừa dối cha mẹ rằng muốn đưa cha mẹ đi thăm người bà con. Người con thưa rằng: ─ Thưa cha mẹ, người bà con bên làng ấy muốn mời cha mẹ đến thăm viếng, để con đánh xe đưa cha mẹ đi. Cha mẹ tin con nói thật, nên đồng ý đi thăm, người con sửa soạn chiếc xe bò rồi bồng cha mẹ đặt ngồi lên xe và đánh chiếc xe bò chở cha mẹ đến một khu rừng rậm; tại đây người con thưa với cha mẹ rằng: ─ Thưa cha mẹ, nơi đây thường có bọn cướp sát nhân, xin cha mẹ hãy giữ lấy dây và roi, để con xuống xe xem xét. Người con bước xuống xe bò, rồi một lát sau giả làm bọn cướp sát nhân hung ác la hét chạy đến đánh đập cha mẹ mù lòa. Tuy thân già yếu mù lòa chịu đánh đập đau đớn, nhưng vẫn luôn nghĩ thương đứa con thân yêu, nên hai ông bà la lớn bảo rằng: ─ Này con yêu quý, con hãy chạy thoát thân, cha mẹ già yếu mù lòa có chết cũng cam phận. Mặc dù cha mẹ gào thét như vậy, nhưng người con vẫn giả giọng kẻ cướp sát nhân đánh đập cha mẹ già cho đến chết, và đem thây cha mẹ ném trong rừng, rồi đánh xe trở về nhà. Đức Phật thuyết thuật lại, người con giả làm bọn cướp sát nhân đánh đập cha mẹ đến chết, bỏ thây trong rừng trong thời quá khứ ấy, chính là tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Người con ấy đã tạo ác nghiệp giết cha mẹ thuộc ác nghiệp vô gián (anantariyakamma), chắc chắn cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt, chết đi tái sinh trở lại trong địa ngục suốt thời gian lâu dài, đến khi mãn quả ác nghiệp, mới được thoát ra khỏi cõi địa ngục. Do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, đã tạo mọi phước thiện, tạo mười pháp hạnh ba-la-mật. Nhưng do năng lực của ác nghiệp giết cha mẹ còn dư sót có cơ hội cho quả trong kiếp người, nên bị bọn cướp sát nhân đánh đập tan xương nát thịt chết như vậy, suốt hằng trăm kiếp. Đến kiếp chót này Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đã trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử, đệ nhất thần thông trong hàng Thanh Văn đệ tử Phật, thế mà do năng lực của ác nghiệp giết cha mẹ từ tiền kiếp trong quá khứ xa xưa ấy vẫn có cơ hội cho quả lần cuối cùng, Ngài bị bọn cướp sát nhân đánh đập tan xương nát thịt gần chết, phải tịch diệt Niết Bàn. Do đó, Đức Phật dạy: ─ Này chư Tỳ khưu, Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn không công bằng trong kiếp hiện tại này, song Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn ấy, lại công bằng xét theo ác nghiệp sát sinh mà tiền kiếp của Mahāmoggallāna đã tạo trong quá khứ xa xưa. Còn bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo tà giáo đã có tác ý bất thiện thuê mướn sai khiến bọn cướp sát nhân đánh đập Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, bậc Thánh Arahán đến chết, tất cả đều phạm ác nghiệp giết hại bậc Thánh Arahán thuộc ác nghiệp vô gián, nên chúng đều bị hành hình theo lệnh truyền của Đức vua. Sau khi chết, ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Āvici, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. * Sự Chết Của Chúng Sinh Tất cả mọi chúng sinh trong ba giới [26] bốn loài [27] đều phải chết. Sự chết có 4 trường hợp. 1- Chết vì hết tuổi thọ. 2- Chết vì mãn nghiệp hỗ trợ. 3- Chết vì hết tuổi thọ và mãn nghiệp hỗ trợ. 4- Chết vì tai nạn (chưa hết tuổi thọ, chưa mãn nghiệp hỗ trợ). * Người có phước tránh được tai nạn Không đề cập đến 3 trường hợp trên, mà chỉ đề cập đến trường hợp thứ tư: Chết vì tai nạn. Người có phước thoát khỏi mọi tai nạn một cách mầu nhiệm tự nhiên, ngoài khả năng của con người, dù người khác có tác ý ác, cũng không thể giết được người có phước, bởi vì phước thiện hộ mệnh người ấy. Như trường hợp phú hộ Ghosaka: Trong Chú giải bộ Pháp Cú [28], Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Ghositārāma trong xứ Kosambi, Ngài thuyết pháp đề cập đến cuộc đời ông phú hộ Ghosaka một đoạn trong sự tích Sāmāvativatthu, được tóm lược như sau: Trong thời quá khứ, vùng Allakappa xảy ra nạn đói khát và bệnh dịch làm nhiều người chết. Người chồng tên Kotuhalika dẫn người vợ và đứa con đi đến xứ Kosambi để lánh nạn. Hai vợ chồng đi đường đồ ăn uống đã hết, bệnh đói khát làm rã rời tay chân, bồng đứa con cũng không nổi nữa, người chồng bàn với vợ rằng: ─ Này em, vợ chồng chúng ta còn sống, hy vọng sẽ có con nữa, bỏ đứa con này ta đi thôi. Người mẹ thương yêu con không đành bỏ con khi nó đang còn sống. Hai vợ chồng đồng ý thay phiên nhau bồng đứa con, mỗi người một đoạn đường. Sự đói khát lại càng làm bủn rủn tay chân; người chồng lại bàn tính với vợ bỏ đứa con; người vợ một mực năn nỉ chồng đừng bỏ đứa con. Đứa con nhỏ được trao từ tay chồng sang tay vợ, rồi trao từ tay vợ sang tay chồng làm cho đứa trẻ như ngất xỉu trên tay người cha. Người cha biết đứa con mệt ngủ thiếp đi, nên đặt nó nằm trên đống lá cây khô, ở dưới bóng mát gốc cây, rồi bỏ đi theo vợ ở phía trước. Người vợ nhìn lại không thấy đứa con bèn hỏi: Con của chúng ta đâu rồi? Người chồng trả lời: ─ Anh để nó nằm dưới bóng mát ở gốc cây kia. Người vợ khóc lóc, van xin chồng bồng đứa con lại cho mình, người chồng trở lại bồng đứa con, thì đứa trẻ đã chết [29]. Hai vợ chồng tiếp tục đi đến một vùng nọ và gặp một gia đình nuôi bò. Hôm ấy, gia đình nuôi bò làm lễ cầu an cho bò. Hằng ngày, nhà ấy có thỉnh Đức Phật Độc Giác đến độ vật thực, nhưng đặc biệt hôm ấy là ngày lễ cầu an, nên người nuôi bò nấu cơm sữa bò nhiều. Người chủ nhà nhìn thấy hai vợ chồng đói khát từ nơi xa đến, nên tiếp đãi rất tử tế và cho hai phần cơm sữa bò. Người vợ nói với chồng: ─ Này anh, có anh thì em sống được an lạc; đã 7 ngày qua, anh chịu đói khát nhiều, vậy anh nên dùng thêm phần cơm sữa bò của em cho no đủ. Người vợ nhường một phần cơm của mình thêm cho chồng ăn, còn mình chỉ dùng một ít cơm với bơ thôi. Người chồng chịu đói khát đã 7 ngày qua, nay gặp món cơm sữa bơ ngon miệng nên ăn quá no, nhìn thấy người chủ nhà cho con chó nằm dưới ghế, ăn cơm sữa bơ, người ấy ngồi nghĩ rằng: “Con chó này có quả phước tốt thật, được ăn những đồ ăn ngon lành đến thế!”. Đêm ấy, người chồng ăn vật thực quá no, không tiêu hóa được, nên bị chết. Sau khi chết, do tâm tưởng đến con chó, nên tái sinh vào bụng con chó cái của chủ nhà. Người vợ lo làm lễ hỏa táng cho chồng xong, xin ở lại làm công trong nhà người chủ nuôi bò ấy. Người góa phụ làm công được một ít gạo, nấu cơm để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác, rồi bạch rằng: ─ Kính bạch Ngài, cầu xin phước thiện này được thành tựu đến người chồng của con vừa qua đời. Người góa phụ suy nghĩ rằng: “Ta nên ở lại làm công nơi này, hằng ngày Đức Phật Độc Giác đến đây khất thực, dù ta không có gì để bố thí, đặt bát cúng dường làm phước, nhưng ta cũng có cơ hội để đảnh lễ Ngài, có đức tin trong sạch ở nơi Ngài, ta cũng có được nhiều phước thiện”. Mấy tháng sau, con chó mẹ sinh ra một con chó con, người chủ nuôi con chó con bằng sữa bò, nên chó con mau lớn khôn. Mỗi khi Đức Phật Độc Giác độ vật thực xong, Ngài cho chó con ăn vật thực còn thừa. Vì vậy con chó rất kính yêu Đức Phật Độc Giác. Mỗi ngày nó đi theo người chủ nuôi bò đến hầu Đức Phật Độc Giác. Trên đường đi đến nơi rừng cây rậm rạp, e sợ có thú dữ rình mồi, người chủ lên tiếng ‘sù! sù’ 3 lần, nếu có thú dữ thì chúng lánh đi nơi khác. Một hôm, người nuôi bò bạch với Đức Phật Độc Giác rằng: ─ Kính bạch Ngài, ngày nào con không có cơ hội đến kính thỉnh Ngài được, con sẽ cho con chó này đến kính thỉnh Ngài đến nhà con. Từ đó trở về sau, khi nào người chủ nhà nuôi bò không có cơ hội đến hầu Đức Phật Độc Giác được, thì người chủ nuôi bò sai bảo con chó rằng: ─ Này con, con hãy đến kính thỉnh Đức Phật Độc Giác nhé con! Nghe xong, con chó liền vẫy đuôi chạy thẳng đến cốc của Đức Phật Độc Giác. Trên đường đi, đến nơi rừng cây rậm rạp, chó phát tiếng sủa 3 lần để cho thú dữ lánh đi nơi khác. Con chó đến cốc lá của Đức Phật Độc Giác, nhẹ nhàng đến trước cửa nằm mọp xuống ngẩng đầu sủa 3 tiếng, để báo tin cho Đức Phật Độc Giác biết, rồi nằm im lặng chờ Đức Phật Độc Giác đi ra. Con chó đi đằng trước dẫn đường, Đức Phật Độc Giác đi theo đường về nhà, nó rất kính yêu Đức Phật Độc Giác. Về sau y của Đức Phật Độc Giác cũ quá, người chủ nuôi bò dâng vải, để cho Đức Phật Độc Giác may y mặc. Đức Phật Độc Giác nói với người chủ nuôi bò rằng: ─ Một mình may y rất khó, cho nên Như Lai phải tìm bạn đồng phạm hạnh cùng giúp may. Người chủ nuôi bò bạch rằng: ─ Kính thỉnh Ngài đi may y xong, kính thỉnh Ngài trở lại. Con chó đứng nghe Đức Phật Độc Giác và người chủ nuôi bò nói chuyện với nhau. Tại nơi ấy, Đức Phật Độc Giác dùng thần thông bay lên hư không hướng về núi Gandha-mādana. Con chó đứng nhìn theo Đức Phật Độc Giác bay lên hư không, và sủa theo với tất cả tấm lòng kính yêu Đức Phật Độc Giác, cho đến khi không còn nhìn thấy bóng dáng nữa, thì con chó chết ngay tại nơi ấy. Con chó chết với lòng kính yêu vô hạn nơi Đức Phật Độc Giác, nên sau khi chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời Tam Thập Tam Thiên, có lâu đài nguy nga, có 1.000 (một ngàn) nữ chư thiên hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc ở cõi trời. Khi thiên nam này nói nhỏ bên tai chư thiên nào, thì tiếng nói ấy vang xa đến 16 do tuần (1 do tuần khoảng 20 km), nếu thiên nam này nói bình thường, tiếng nói vang rộng xa đến 10.000 (mười ngàn) do tuần; vì vậy, vị thiên nam này có tên là “Ghosakadevaputta: Thiên nam có giọng nói vang”. Đó là quả của phước thiện kiếp chó sủa với lòng kính yêu vô hạn đối với Đức Phật Độc Giác. Vị thiên nam Ghosaka hưởng mọi sự an vui ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Vị thiên nam Ghosaka say mê trong ngũ trần, quên dùng vật thực, thể xác không thể duy trì được, nên phải chết từ cõi trời, do thiện nghiệp cũ cho quả tái sinh đầu thai vào lòng một kỹ nữ xinh đẹp ở thành Kosambi. * Cuộc đời Ghosaka có phước thoát chết 7 lần 1- Trẻ sơ sinh Ghosaka bị bỏ rơi trong đống rác Ngày Ghosaka chào đời, người kỹ nữ hỏi người tớ gái rằng: ─ Bé trai hay bé gái? Người tớ gái thưa rằng: ─ Bé trai. Người kỹ nữ bảo người tớ gái đem đứa bé trai ấy bỏ nơi đống rác, vì kỹ nữ chỉ nuôi con gái, không nuôi con trai, bởi vì con trai không kế nghiệp nghề kỹ nữ được. Đứa bé trai sơ sinh bị bỏ nơi đống rác, bầy quạ, diều, chó vây quanh đứa bé, mà không con nào dám ăn thịt. Đó là quả của phước thiện kiếp chó sủa với lòng kính yêu vô hạn đối với Đức Phật Độc Giác. Khi ấy, một người thấy bầy quạ, diều, chó vây quanh đống rác, liền đi lại xem có gì lạ thường, thì thấy một đứa bé trai; người ấy vui mừng hớn hở bồng đứa bé như đứa con của mình, sung sướng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi người ấy bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế. 2- Bé Ghosaka bỏ trước cổng chuồng bò Khi ấy, phú hộ thành Kosambi đi đến chầu Đức vua, giữa đường gặp vị quân sư nhà vua chuyên môn xem sao đoán số. Ông phú hộ hỏi vị quan rằng: ─ Thưa vị quân sư, hôm nay có điều lành dữ thế nào? Vị quân sư thưa: ─ Hôm nay Đức vua và triều đình, Hoàng gia cho đến thần dân thiên hạ đều bình an và có một việc lành: “Đặc biệt, đứa bé nào sinh ra đời ngày hôm nay, về sau, nó sẽ trở thành một phú hộ trong xứ này”. Lúc này, phu nhân của phú hộ đang mang thai, già ngày già tháng rồi; phú hộ cho người trở về nhà xem phu nhân đã sinh hay chưa. Người nhà báo tin phu nhân chưa sinh. Ông phú hộ đến chầu Đức vua xong, vội vàng trở về, gọi bà tớ gái thân tín tên Kāḷi và trao cho bà 1.000 đồng (một ngàn đồng) kahāpana (tiền Ấn Độ thời xưa), để bà đi tìm kiếm trong kinh thành có đứa bé nào sinh trong ngày, thì bà trao cho họ số tiền 1.000 đồng kahāpana ấy, rồi bồng đứa bé về. Bà Kāḷi đi tìm hỏi khắp nơi, lần lượt đến nhà một người, nhìn thấy có đứa bé bèn hỏi người nhà ngày sinh của đứa bé ấy. Người nhà bảo đứa bé vừa mới sinh trong ngày. Bà Kāḷi trao cho người chủ nhà 1.000 đồng kahāpana, rồi bồng đứa bé về cho ông phú hộ. Ông phú hộ nghĩ rằng: “Nếu phu nhân ta sinh con gái, ta sẽ cho con gái của ta làm vợ nó, rồi cho nó chức tước phú hộ; nếu phu nhân ta sinh con trai, thì ta sẽ giết nó”. Ông phú hộ bảo người nuôi nấng săn sóc đứa bé ở trong nhà. Về sau, phu nhân của phú hộ sinh con trai, ông phú hộ tính kế giết đứa bé này, để con mình lớn lên được chức tước phú hộ. Ông phú hộ gọi bà Kāḷi đến sai bảo rằng: ─ Sáng sớm này, bà hãy bồng đứa bé Ghosaka này bỏ trước cổng chuồng bò, để khi bò ra sẽ đạp chết đứa bé này. Bà đứng xem đứa bé chết hay sống thế nào rồi về trình cho ta biết. Bà Kāḷi làm theo lời của phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ trước cửa cổng chuồng bò. Người chăn bò mở cổng, thường ngày con bò đầu đàn đi ra sau chót, nhưng hôm ấy nó đi ra trước, bốn chân đứng như bốn trụ cột, đứa bé nằm ở giữa, đàn bò hằng trăm con lấn hai bên sườn con bò đầu đàn đi ra. Người chăn bò thấy điều lạ thường, nghĩ rằng: “Bò đầu đàn này hằng ngày đi ra sau cùng, hôm nay ra trước đứng yên một chỗ, có chuyện gì lạ vậy!”. Đến xem thấy đứa bé đang nằm giữa bốn chân bò đầu đàn, người chăn bò sung sướng vui mừng bồng đứa bé, kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế. Bà Kāḷi trở về trình cho ông phú hộ biết tất cả sự việc đã xảy ra. Ông phú hộ liền trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn bò và bồng đứa bé trở về. 3- Bé Ghosaka bị bỏ trên đường Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng: ─ Này Kāḷi, sáng sớm hôm nay sẽ có đoàn xe bò 500 chiếc chở hàng hóa đi bán. Bà bồng đứa bé Ghosaka này đặt nằm ngang trên đường bánh xe lăn, để cho bò đạp chết, hoặc xe cán nó chết. Bà đứng đó theo dõi nó sống chết thế nào rồi về trình cho ta biết. Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka đặt nằm ngang trên đường bánh xe. Khi ấy, người trưởng đoàn xe đi trước, khi đi đến gần chỗ đứa bé nằm, con bò đứng sững lại, không chịu bước tới trước, dù người trưởng đoàn la bảo thế nào hai con bò vẫn không chịu bước, chỉ đứng sừng sững tại một chỗ. Chờ đến gần sáng, người trưởng đoàn nghĩ rằng: “Tại sao hai con bò này lại đứng sừng sững như vậy?”. Người trưởng đoàn bước xuống xe xem đường, nhìn thấy đứa bé nằm ngang trên đường bánh xe lăn, người trưởng đoàn vui mừng sung sướng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế. Bà Kāḷi về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú hộ nghe. Ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người trưởng đoàn xe, rồi bồng đứa bé trở về. 4- Bé Ghosaka bị bỏ nơi nghĩa địa Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng: ─ Này Kāḷi, bà bồng đứa bé Ghosaka này bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, để cho chó rừng, quạ, diều ăn thịt, hoặc hạng phi nhân sát hại nó chết. Bà xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết. Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, bà đứng ở một nơi theo dõi xem xét. Bầy quạ, diều, chó rừng, phi nhân v.v… không con nào dám đến gần đứa bé, vì phước thiện của đứa bé trong tiền kiếp hộ mệnh nó. Khi ấy, người chăn dê thả đàn dê vào nghĩa địa ăn lá cây, một con dê mẹ đi ăn vào giữa bụi cây, nhìn thấy đứa bé, dê mẹ quỳ gối xuống để cho đứa bé bú sữa. Người chăn dê la bảo dê mẹ không chịu ra, nên đi vào bụi cây đuổi dê mẹ thì nhìn thấy dê mẹ đang quỳ gối cho đứa bé bú sữa. Người chăn dê sung sướng vui mừng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế. Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú hộ nghe, ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn dê, rồi bồng đứa bé về. 5- Bé Ghosaka bị ném xuống hố sâu Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng: ─ Này Kāḷi, bà bồng đứa bé Ghosaka này lên đỉnh núi nơi ném bọn cướp, rồi ném đứa trẻ xuống hố sâu để thân hình nó đụng vào đá tan xương nát thịt rơi xuống đất. Bà theo dõi xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết. Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka lên đỉnh núi rồi ném đứa bé xuống. Đứa bé rơi xuống nằm trên bụi tre có dây tơ hồng chằng chịt như nằm trên tấm thảm làm bằng lông thú êm ấm. Hôm ấy, người thợ đan tre và đứa con lên núi đốn tre. Khi đốn cây tre xong, lôi cây tre ra, làm cho bụi cây rung chuyển, đứa trẻ phát ra tiếng khóc, người thợ nói rằng: “Giống như tiếng khóc của một đứa bé”. Người thợ đi vòng quanh, nhìn lên ngọn bụi tre, thấy đứa bé nằm trên ấy, người thợ sung sướng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế. Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc xảy ra cho ông phú hộ nghe, ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người thợ đan tre, rồi bồng đứa bé về. 6- Nghĩ hại người, lại tự làm khổ mình Ông phú hộ nghĩ mưu kế nào cũng không sát hại được đứa bé Ghosaka, đành nuôi nấng chờ tìm mưu kế khác. Đứa bé Ghosaka càng ngày càng khôn lớn trưởng thành, ngây thơ và tưởng mình là con của ông phú hộ, không hề hay biết ông phú hộ tìm mưu kế sát hại mình. Khi ấy, phú hộ nghĩ ra mưu kế sát hại cậu Ghosaka, ông phú hộ đến chỗ làm đồ gốm, gặp người thợ đồ gốm quen thân, hỏi rằng: ─ Khi nào anh sẽ đốt lò. Người thợ trả lời: ─ Ngày mai, thưa ông! Ông phú hộ bảo rằng: ─ Như vậy, anh nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana này, rồi giúp tôi một việc. Người thợ hỏi: ─ Thưa ông việc gì? Ông phú hộ bảo rằng: ─ Tôi có một đứa con ngỗ nghịch, vong ơn, tôi sẽ sai nó đến chỗ anh, anh dẫn nó vào trong phòng chặt nó làm nhiều đoạn, bỏ vào trong hũ, rồi đem đốt trong lò. Tôi xin thưởng cho anh trước 1.000 đồng kahāpana, khi nào anh làm xong, tôi sẽ hậu tạ xứng đáng cho anh. Người thợ đồ gốm nhận lời. Hôm sau, ông phú hộ gọi cậu Ghosaka đến rồi bảo rằng: ─ Này Ghosaka, hôm qua, cha có gặp người thợ đồ gốm nhờ làm một việc, con hãy đến nơi ấy, gặp người thợ đồ gốm nói rằng: “Cha tôi sai tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”. Cậu Ghosaka vâng lời cha ra đi, vừa ra khỏi nhà, gặp đứa em trai (con ruột của ông phú hộ) đang chơi bắn bi với tính cách ăn thua với nhóm trẻ con. Người em thấy anh Ghosaka đến vui mừng nói rằng: ─ Này anh Ghosaka, em chơi bị thua bọn trẻ này rất nhiều bi, bây giờ nhờ anh chơi hộ, bắn thắng lại số bi ấy cho em. Cậu Ghosaka bảo với em rằng: ─ Anh phải đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung, ở đây chơi trò bắn bi sẽ bị cha rầy la, anh sợ cha lắm! Biết cậu Ghosaka có tài chơi trò bắn bi rất giỏi, lúc nào cũng thắng bọn trẻ, nên người em năn nỉ rằng: ─ Thôi anh đừng sợ, để em đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung thay anh, còn anh ở đây chơi trò bắn bi với nhóm trẻ, thắng lại số bi cho em; anh chờ em trở lại. Cậu Ghosaka nói với em rằng: ─ Nếu như vậy, em đến chỗ lò gốm, gặp người thợ đồ gốm nói rằng: “Cha tôi sai bảo tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”. Người em là người con ruột của ông phú hộ đến gặp người thợ đồ gốm nói như vậy. Khi ấy, người thợ đồ gốm liền giết đứa con của ông phú hộ theo lời yêu cầu của ông, chặt đứa con từng đoạn bỏ vào hũ đặt vào lò nung thiêu cháy. Cậu Ghosaka chơi trò bắn bi đợi cho đến chiều không thấy em trở lại, nên trở về nhà. Ông phú hộ nhìn thấy Ghosaka liền hỏi: ─ Con không đi hay sao? Cậu Ghosaka thưa với cha (ông phú hộ) rằng: ─ Kính thưa cha, khi con đi ra, gặp em trai chơi trò bắn bi bị thua bọn trẻ, nên nó nhờ con chơi để gỡ lại, còn nó thay con đi đến nhà bác thợ nung lò gốm. Khi nghe như vậy, ông phú hộ liền kêu la rằng: ─ Đừng có giết con tôi. Ông phú hộ đầu óc choáng váng, bước đi khệnh khạng, đến chỗ người thợ đồ gốm, hai tay ôm đầu kêu la: ─ Hỡi anh thợ thân yêu! Xin đừng làm cho tôi thiệt hại. Người thợ đồ gốm thấy ông phú hộ đến kêu la như vậy, bèn thưa với ông phú hộ rằng: ─ Thưa ông phú hộ, ông đừng lớn tiếng kêu la như vậy, công việc ông yêu cầu tôi đã hoàn thành xong rồi. Ông phú hộ khổ tâm sầu não tột cùng, như bị quả núi lớn đè lên ngực của ông. * Người này mưu hại người kia, mà người kia không có tâm mưu hại trở lại; hoặc người này mưu làm khổ người kia, mà người kia không có tâm mưu làm khổ trở lại, thì người mưu làm hại này sẽ phải chịu 10 điều khổ não, như Đức Phật đã dạy: 1- Chịu khổ tâm cùng cực. 2- Bị thiệt hại lớn. 3- Bị đau đầu, đứt mạch máu (vì sự nóng nảy quá độ). 4- Bị bệnh trầm trọng. 5- Bị phóng tâm, loạn trí, điên cuồng. 6- Bị tai hại do từ Đức vua. 7- Bị chê trách dữ dội. 8- Bà con, bè bạn bị tai nạn. 9- Của cải, sự nghiệp bị thiệt hại. 10- Sau khi chết sa vào địa ngục. 7- Mưu kế sát hại Ghosaka lần cuối cùng Mặc dù vậy, vẫn chưa từ bỏ ý định sát hại cậu Ghosaka, ông phú hộ nghĩ ra được mưu kế: “Ta sẽ sai Ghosaka đi đến nhà bác thâu thuế 100 gia đình của ta, nhờ bác thâu thuế giết nó”. Nghĩ xong, ông phú hộ liền viết một lá thư gửi cho bác thâu thuế ấy rằng: “Người cầm thư này là đứa con ngỗ nghịch vong ơn của tôi, tôi nhờ bác giết nó chết rồi ném xuống hầm phân. Khi giết chết nó xong rồi, tôi sẽ ban thưởng cho bác trọng hậu”. Ông phú hộ gọi cậu Ghosaka rồi bảo rằng: ─ Này Ghosaka, con mang thư này đưa đến cho bác thâu thuế của nhà ta. Ông phú hộ đem lá thư cột vào chéo áo của Ghosaka. Cậu Ghosaka không biết đọc chữ, vì từ nhỏ đến lớn cậu không được học hành chữ nghĩa, cho nên cậu Ghosaka đem thư giết mình, nhưng vẫn không biết, cậu thưa với người cha rằng: - Thưa cha, trên đường đi con sẽ ở trọ nơi nào?. Ông phú hộ bảo rằng: - Con đừng lo, trên đường đi sang tỉnh bên ấy, có một phú hộ là bạn thân của cha, con đến nhà ông phú hộ ăn và nghỉ lại đêm nơi ấy, rồi sáng mai đi tiếp. Ghosaka đảnh lễ cha rồi từ giã ra đi, đến tỉnh bên hỏi thăm nhà phú hộ, gặp phu nhân của phú hộ, cậu tự giới thiệu tên là Ghosaka, con trai của phú hộ xứ Kosambi. Được biết như vậy, bà phú hộ vô cùng hoan hỷ, bởi vì phú hộ xứ Kosambi với gia đình bà vốn là bạn thân thiết với nhau. Phu nhân phú hộ nhìn thấy Ghosaka đem lòng thương yêu như con của mình. * Tình thương yêu phát sinh do hai nguyên nhân Gia đình phú hộ tỉnh này có một đứa con gái 16 tuổi rất xinh đẹp đáng yêu. Cô ở trong một căn phòng sang trọng đặc biệt trên tầng lầu thứ 7, với một người tớ gái lo phục vụ cho cô.. Khi ấy, cô sai bảo đứa tớ gái đi chợ. Phu nhân phú hộ nhìn thấy đứa tớ gái, gọi lại hỏi rằng: ─ Con đi đâu? Người tớ gái thưa rằng: ─ Thưa bà, tiểu thư sai con đi chợ mua sắm đồ. Phu nhân phú hộ sai bảo người tớ gái rằng: ─ Con hãy lo nước tắm, nước rửa chân, sắp đặt chỗ nghỉ cho cậu Ghosaka, con của phú hộ xứ Kosambi, rồi đi chợ sau. Người tớ gái đi chợ về trễ, bị tiểu thư quở trách. Người tớ gái thưa chuyện với tiểu thư rằng: “Sở dĩ em về trễ là vì phải lo phục vụ chỗ ở cho công tử phú hộ xứ Kosambi tên Ghosaka xong, rồi mới đi chợ, xin tiểu thư đừng trách em”. Nghe đến tên Ghosaka, con trai phú hộ Kosambi, con gái phú hộ rung động con tim, lòng yêu thương dạt dào trong lòng, khiến nàng không thể ngồi yên. Thật ra, cô con gái phú hộ này vốn là vợ yêu quý của cậu Ghosaka trong tiền kiếp. Tiền kiếp Ghosaka tên là Kotuhalika, người chồng yêu quý nhất của nàng, hai vợ chồng bồng đứa con nhỏ đi sang xứ khác sinh sống, người vợ hết mực thương yêu chồng. Khi người chồng chết, trở thành góa phụ, người vợ làm công được ít gạo, nấu cơm để bát dâng cúng dường Đức Phật Độc Giác rồi hồi hướng đến cho người chồng quá cố. Do phước thiện bố thí ấy, nay kiếp này được sinh làm con gái của phú hộ. Cho nên, tình yêu thương trong kiếp trước đã phát sinh trở lại với nàng, khi nghe đến tên, liền cảm thấy thân thương gần gủi lắm. Do đó, Đức Phật dạy rằng: “Tình yêu phát sinh do hai nguyên nhân: - Do tình yêu vợ chồng sống chung trong kiếp trước. - Do tình nghĩa giúp đỡ lẫn nhau ở kiếp hiện tại”. Cô gái phú hộ hỏi người tớ gái rằng: ─ Bây giờ công tử Ghosaka đang ở đâu? Người tớ gái: ─ Thưa tiểu thư, công tử đang nghỉ ở trong phòng khách. Cô gái phú hộ hỏi: ─ Công tử có mang gì theo không? Người tớ gái: ─ Thưa tiểu thư, công tử có mang theo lá thư đeo ở chéo áo. Cô gái phú hộ nôn nao muốn biết nội dung của lá thư. Cô gái phú hộ từ tầng lầu thứ 7 vội vàng đi xuống. Trong nhà, cả người làm lẫn cha mẹ đều không hay biết, nàng lén vào phòng ngủ của công tử Ghosaka, thấy cậu Ghosaka đang nằm ngủ say, tình yêu thương vô hạn phát sinh, nàng muốn biết lá thư nói gì, nên lấy lá thư trở về phòng đọc, nàng giật mình nghĩ rằng: “Người gì mà khờ khạo đến thế! Mang thư giết mình, mà không hay biết, nếu ta không đọc thư này, thì chắc anh ta chết mất thôi!”. Nàng xé bỏ lá thư ấy viết lại lá thư khác, dựa theo lời của ông phú hộ, nhưng đổi ý nghĩa lại rằng: “Thưa bác, con của tôi tên Ghosaka, mang thư này đến bác, nhờ bác thâu thuế 100 nhà, rồi làm một nhà lầu 2 tầng, có hàng rào xung quanh chắc chắn, có người canh gác cửa ngày đêm. Nhờ bác thay mặt tôi đứng làm lễ thành hôn con trai của tôi Ghosaka với con gái phú hộ ở tỉnh ấy. Khi công việc xong rồi, bác báo tin cho tôi biết, tôi sẽ hậu tạ bác”. Viết xong nàng gấp lại như cũ, xuống lầu đến phòng ngủ công tử Ghosaka, cột vào chéo áo của cậu ta như trước. Cậu Ghosaka nghỉ một đêm, sáng dậy ăn uống no đủ, từ giã ông bà phú hộ đi đến nhà bác thâu thuế. Bác thâu thuế nhìn thấy cậu Ghosaka hỏi: ─ Này công tử, công tử đến có công việc gì? Cậu Ghosaka thưa rằng: ─ Thân phụ của con gửi thư cho bác đây! Ghosaka đưa thư cho bác thâu thuế xem, đọc xong thư bác thâu thuế vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng ông phú hộ đã giao cho ông công việc quan trọng, một vinh dự quá lớn lao. Ông tuyên bố với 100 gia đình thâu thuế rằng: ─ Thưa quý bà con, con trai của ông phú hộ mang thư đến cho tôi, giao phận sự cho tôi lo công việc thành hôn đứa con trai lớn của phú hộ với đứa con gái phú hộ tỉnh ấy. Chúng ta hãy mang vật liệu v.v… để xây cất một căn nhà lầu 2 tầng thật xinh đẹp, rồi làm lễ thành hôn cho con trai phú hộ. Tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, chung lo xây cất nhà, rồi làm lễ thành hôn con trai lớn của phú hộ với con gái của phú hộ tỉnh ấy xong, cho người báo tin cho ông phú hộ xứ Kosambi biết rằng: “Công việc ông phú hộ giao cho tôi, bây giờ tôi đã làm xong”. Ông phú hộ nghe người đem tin thuật lại sự việc ngoài ý muốn của mình, ông than thở rằng: “Ta muốn làm điều nào, thì điều ấy không thành tựu, ta không muốn làm điều nào, thì điều ấy lại thành tựu”. Ông phú hộ khổ tâm buồn phiền lâm bệnh nặng, một phần vì thương tiếc đứa con ruột, một phần uất ức đứa con nuôi, bao nhiêu lần giết nó mà vẫn không thành; căn bệnh của phú hộ càng ngày càng trầm trọng, không có thuốc men nào điều trị cho khỏi được. Về phần con gái phú hộ, sau khi làm lễ thành hôn với cậu Ghosaka rồi, nàng điều khiển nhóm gia nhân, bảo rằng: ─ Nếu có người nhà ông phú hộ xứ Kosambi đến đây, mang tin tức gì, các người hãy cho ta biết trước, không được cho cậu Ghosaka biết trước. Ông phú hộ lâm bệnh nặng, nhưng nghĩ rằng: “Ta sẽ không cho đứa con nuôi xấu số này thừa hưởng của cải sự nghiệp của ta”. Ông phú hộ sai người đem thư đến gọi đứa con nuôi Ghosaka về gặp ông hai lần mà phu nhân của Ghosaka vẫn giấu kín tin, không cho công tử Ghosaka biết; mãi đến lần thứ ba, người nhà phú hộ đem tin đến, bảo công tử Ghosaka trở về nhà cho ông phú hộ gặp mặt. Lần này phu nhân của Ghosaka hỏi thăm tình hình và biết ông phú hộ lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống lâu được nữa, nàng mới báo tin cho chồng biết: ─ Cha của anh bị bệnh nặng trầm trọng, hai vợ chồng chúng ta nên sắp đặt trở về thăm cha. Nàng muốn kéo dài thời gian, nên nàng tính đem xe chở của cải hàng hóa thâu thuế 100 nhà về nhà chồng. Khi cậu Ghosaka về đến nhà, thì ông phú hộ đã quá yếu rồi, người nhà báo tin cho ông phú hộ biết cậu Ghosaka về đến. Cậu Ghosaka đứng phía dưới chân của người cha, vợ của Ghosaka đứng ở phía trên đầu. Ông phú hộ gọi người thủ kho báo cáo tất cả của cải vàng bạc trong kho của ông và của cải bên ngoài. Người thủ kho báo cáo: “Của cải có 400.000.000 (bốn trăm triệu), còn ruộng đất, đàn gia súc: trâu, bò, ngựa, xe cộ, v.v… có chừng ấy, chừng ấy,…”. Ông phú hộ nghĩ không muốn cho cậu Ghosaka số của cải, tài sản ấy, nhưng miệng lại nói cho, ngược lại với điều ông đã nghĩ. Bởi vì, do phước thiện của cậu Ghosaka khiến ông phú hộ nói trái với điều ông suy nghĩ; sau đó, ông phú hộ chết, tất cả của cải, tài sản sự nghiệp của ông ta đều thuộc về cậu Ghosaka. * Cuộc đời Ghosaka trở thành phú hộ Sau khi ông phú hộ xứ Kosambi chết, các quan tâu lên Đức vua Udena xứ Kosambi. Đức vua hỏi: ─ Ông phú hộ có đứa con nào không? Các quan tâu: ─ Thưa có một đứa con tên là Ghosaka. Đức vua truyền lệnh gọi cậu Ghosaka đến, rồi ban cho Ghosaka thừa kế chức tước phú hộ của người cha để lại. Từ đó Ghosaka trở thành phú hộ xứ Kosambi. Một hôm, phu nhân phú hộ nhìn Ghosaka mỉm cười, phú hộ hỏi phu nhân cười việc gì, nàng nói cho Ghosaka biết, ngày nay chàng trở thành phú hộ như thế này là nhờ nàng giúp một phần. Phú hộ Ghosaka không thể tin lời phu nhân, phú hộ Ghosaka tin rằng: “Ta là người con thừa kế của cải và chức tước của người cha để lại”. Phú hộ Ghosaka không hề hay biết gì về thân phận của mình, và những sự việc mà ông phú hộ đã đối xử với mình. Do đó, phú hộ Ghosaka không thể tin lời phu nhân. Nàng kể lại việc cậu Ghosaka đem lá thư đến bác thâu thuế, nhờ bác ấy giết cậu, chính nàng đã xé bỏ thư ấy, rồi viết lại thư khác, nhờ bác ấy làm lễ thành hôn với con gái phú hộ, v.v… Phú hộ Ghosaka vẫn chưa tin, nàng cho người gọi bà tớ gái Kāḷi đứng ra làm chứng. Bà tớ gái thân tín đứng ra làm chứng thuật lại, kể từ khi Ghosaka còn là đứa trẻ sơ sinh, ông phú hộ đã tốn nhiều tiền, với cố tâm giết chết Ghosaka, nhưng không thể nào giết được. Ghosaka thoát chết 7 lần, nay trở thành phú hộ ở xứ Kosambi này. Phú hộ Ghosaka nghe qua tiểu sử cuộc đời của mình như vậy, nên suy nghĩ rằng: “Ta đã làm nghiệp gì nặng mà ta bị tai nạn như thế ấy, ta đã làm phước thiện gì, mới được thoát chết như vậy, từ nay ta không nên dể duôi, cố gắng tạo mọi phước thiện”. Từ đó, phú hộ Ghosaka mỗi ngày đem của cải ra làm phước bố thí, cho mọi người đói khát đi đường, v.v… Về sau, khi nghe tin Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng xuất hiện trên thế gian, phú hộ Ghosaka cùng với hai người bạn cũng là phú hộ tên Kukkuṭa và Pāvārika cùng nhau đến hầu Đức Phật tại xứ Sāvatthi, nghe pháp xong, cả ba phú hộ đều chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu. Cả 3 phú hộ thỉnh Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng ngự đến xứ Kosambi, rồi mỗi người xây cất một ngôi chùa dâng cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng. - Phú hộ Ghosaka xây cất ngôi chùa đặt tên Ghositārāma. - Phú hộ Kukkuṭa xây cất ngôi chùa đặt tên Kukkuṭārāma. - Phú hộ Pāvārika xây cất ngôi chùa đặt tên Pāvāritārāma. 3 ông hộ độ Tam Bảo cho đến trọn đời, trọn kiếp. 2- Sự tích người phạm điều giới trộm cắp Khi ấy, Đức Phật ngự tại cung điện Vua Bimbisāra trong kinh thành Magadha thuyết kinh Tirokuḍḍasutta này. Trong Chú giải kinh Tirokuḍḍasutta [30] Đức Phật thuyết về nhóm ngạ quỷ tiền kiếp là bà con của Đức vua Bimbisāra, được tóm lược như sau: Ở thời Đức Phật Phussa xuất hiện trên thế gian, lúc đó tuổi thọ của con người khoảng 90.000 (chín chục ngàn) năm, cách thời kỳ Đức Phật Gotama 92 đại kiếp trái đất, đã trải qua 7 Đức Phật là Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa, rồi đến Đức Phật Gotama của chúng ta hiện tại. Đức Phật Phussa nguyên là Hoàng thái tử của Đức vua Jayasena và Mẫu hậu Sirimā, cùng có 3 hoàng đệ cùng Phụ vương khác Mẫu hậu. 3 Hoàng tử huynh đệ xin phép Vua cha hộ độ Đức Phật Phussa cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng suốt 3 tháng hạ. 3 Hoàng tử cùng 2.500 người tùy tùng hộ độ Tam Bảo. 3 huynh đệ Hoàng tử truyền lệnh cho quan thủ kho cùng với vợ là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hằng ngày lo giúp công việc làm phước bố thí vật thực đến Đức Phật Phussa cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng một cách tôn kính; truyền lệnh cho vị quan thâu thuế cùng dân chúng khoảng 11.000 (mười một ngàn) người làm. Trong số người ấy, một số không có đức tin nơi Tam Bảo, có tâm ganh tỵ và bủn xỉn, họ đã phạm điều giới trộm cắp những thứ dùng để làm thức ăn cúng dường Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng, đem ăn trước và đem phân phát cho các con của họ cùng ăn nữa, đã tạo ác nghiệp trộm cắp của Tăng, lại còn đốt cháy nhà bếp. Đến khi ra hạ, 3 Hoàng tử huynh đệ làm phước lớn cúng dường Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng, kính thỉnh Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng ngự về thăm Vua cha. Đức Phật Phussa thọ 90.000 tuổi; sau đó Ngài tịch diệt Niết Bàn, Đức vua băng hà, 3 Hoàng tử huynh đệ, các vị quan thủ kho, các vị quan thâu thuế cùng vợ và một số dân chúng có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo làm phước bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng một cách tôn kính, lần lượt chết. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp cho quả đều tái sinh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc, từ cõi trời này đến cõi trời khác. Còn nhóm người không có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đã phạm điều giới trộm cắp những thứ dùng để làm thức ăn cúng dường Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng, đem ăn trước và phân phát cho các con của họ cùng ăn nữa, tạo ác nghiệp trộm cắp của chư Tăng. Cho nên, sau khi chết, do ác nghiệp trộm cắp cho quả tái sinh vào địa ngục này đến địa ngục khác suốt thời gian 92 đại kiếp trái đất, trải qua 5 Đức Phật là Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, cho đến thời kỳ của Đức Phật Kassapa, tiền kiếp của nhóm người trộm cắp của chư Tăng trước đây, mới thoát ra khỏi địa ngục, do ác nghiệp trộm cắp còn dư sót cho quả tái sinh làm ngạ quỷ. Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 20.000 (hai mươi ngàn) năm, những người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, làm phước bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng rồi hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc của họ là hàng ngạ quỷ. Những hàng ngạ quỷ khi hoan hỷ nhận được phước hồi hướng của thân bằng quyến thuộc, tất cả bọn chúng được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói khát, đau khổ, tái sinh làm chư thiên được sự no đủ an lạc hạnh phúc. Khi ấy, nhóm ngạ quỷ kiếp trước là bà con của vị quan thâu thuế trong thời kỳ Đức vua Jayasena, thấy nhóm ngạ quỷ kia thoát khỏi cảnh đói khát, đau khổ, được sự no đủ an lạc hạnh phúc, nên kéo nhau đến hầu Đức Phật Kassapa bạch rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, đến bao giờ tất cả chúng con mới có thân quyến hồi hướng phước thiện bố thí đến nhóm ngạ quỷ chúng con, để chúng con thoát khỏi cảnh khổ, được hưởng sự an lạc? Bạch Ngài. Đức Phật Kassapa dạy rằng: ─ Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa được gì đâu! Các con hãy chờ cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thuở ấy, Đức vua gọi là Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con cách đây 92 đại kiếp trái đất. Đức vua Bimbisāra sẽ làm phước cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư Đại đức Tăng, rồi hồi hướng phước thiện bố thí ấy đến cho các con. Nhóm ngạ quỷ nghe lời thọ ký của Đức Phật Kassapa [31] , tâm cảm thấy vô cùng hoan hỷ trông ngóng như sắp được hoan hỷ phần phước thiện vào ngày hôm sau. Khi Đức Phật Kassapa tịch diệt Niết Bàn và giáo pháp của Ngài cũng hoàn toàn tiêu hoại. Từ đó, con người làm cho mọi thiện pháp từ từ suy thoái, còn ác pháp càng ngày càng phát triển, do đó, tuổi thọ con người càng ngày càng giảm dần, giảm dần từ 20.000 năm xuống còn khoảng 10 năm. Từ đó, con người kinh sợ tội lỗi, tránh xa ác pháp; cố gắng tạo thiện pháp; mọi thiện pháp dần dần phát triển, còn ác pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người tăng dần, tăng dần từ 10 năm lên đến tột cùng a-tăng-kỳ năm [32] . Sau đó, con người bắt đầu dể duôi, ác pháp phát sinh, làm cho tuổi thọ con người lại giảm dần, giảm dần cho đến khi tuổi thọ còn khoảng 100 năm. Khi ấy, Đức Phật Gotama hiện tại của chúng ta xuất hiện trên thế gian. Như vậy, từ Đức Phật Kassapa cho đến Đức Phật Gotama, trải qua thời gian lâu dài không thể tính bằng số được. Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của 3 Hoàng tử huynh đệ của Đức vua Jayasena cùng nhóm tùy tùng, các quan trong kiếp quá khứ như sau: ─ Hậu kiếp của 3 Hoàng tử huynh đệ trong kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại sinh làm người đã xuất gia trở thành 3 Đạo sĩ trưởng. Và nhóm tùy tùng 2.500 người trong kiếp quá khứ, nay cũng xuất gia trở thành 2.500 Đạo sĩ, đệ tử của 3 Đạo sĩ trưởng. Đức Phật Gotama ngự đến tế độ 3 Đạo sĩ trưởng cùng nhóm đệ tử, tất cả đều xuất gia trở thành Tỳ khưu, rồi đều chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. ─ Hậu kiếp của vị quan thủ kho trong quá khứ, nay kiếp hiện tại ông là phú hộ Visakha; và vợ vị quan thủ kho trong kiếp quá khứ, nay bà là vợ của phú hộ Visakha, có tên là Dhammadinnā. Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đến tế độ ông phú hộ Visakha, ông phú hộ chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai; và vợ của ông phú hộ là bà Dhammadinnā xuất gia trở thành Tỳ khưu Ni rồi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. ─ Hậu kiếp của vị quan thâu thuế kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại ông là Đức vua Bimbisāra ngự tại kinh thành Rājagaha, trị vì xứ Magadha. Đức Phật ngự đến tế độ Đức vua Bimbisāra, Đức vua đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, cùng với số đông các quan và dân chúng trong kinh thành Rājagaha. ─ Hậu kiếp những người bà con của vị quan thâu thuế, mà không có đức tin nơi Tam Bảo, đã phạm điều giới trộm cắp đồ ăn của chư Tỳ khưu Tăng trong kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại chúng là nhóm ngạ quỷ đói khát. Đức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, Tam Bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana dâng đến chư Đại đức Tăng tứ phương có Đức Phật chủ trì chứng minh. Nhóm ngạ quỷ thân quyến đang trông chờ Đức vua hồi hướng phần phước thiện đến cho họ; nhưng trong dịp ấy, Đức vua quên không hồi hướng phước thiện bố thí đến cho chúng. Nhóm ngạ quỷ thân quyến thất vọng đêm khuya đến kêu la, than khóc phát ra âm thanh đáng kinh sợ. Sáng ngày, Đức vua đến hầu Đức Phật, bạch hỏi do nhân nào có hiện tượng như vậy. Đức Phật dạy: “Này Đại vương, không có gì đáng kinh sợ, đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ thân quyến của Đại vương trong quá khứ. Nhóm ngạ quỷ này trông ngóng Đại vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ, được tái sinh nơi cõi thiện dục giới ”. Lắng nghe Đức Phật dạy như vậy, Đức vua liền bạch: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện bố thí một lần nữa, lần này con sẽ hồi hướng phước thiện đến nhóm ngạ quỷ thân quyến của con. Đức Phật im lặng nhận lời thỉnh mời của Đức vua. Đức vua Bimbisāra đảnh lễ Đức Thế Tôn trở về cung điện, sửa soạn vật thực làm phước thiện bố thí cho ngày hôm sau. Phước thiện bố thí và hồi hướng Sáng hôm sau, Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của Đức vua. Chính tự tay Đức vua cúng dường vật thực đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng xong, Đức Phật thuyết bài kinh “Tirokuḍḍapetavatthu” tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời Đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến. Chúng phát sinh thiện tâm hoan hỷ thọ hưởng phần phước thiện ấy, nên tất cả bọn chúng đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát ngay khi ấy; do nhờ năng lực phước thiện cho quả, được tái sinh làm chư thiên, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới. Chúng ta được sinh làm người, có cơ hội làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội bố thí. Cho nên, chúng ta nên tìm cơ hội tốt để làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho thân quyến của chúng ta đang chịu đói khát, khổ cực trong hàng ngạ quỷ; lúc nào họ cũng trông ngóng đến sự hồi hướng phước thiện của thân quyến. Khi họ hay biết hoan hỷ phần phước thiện, mà chúng ta hồi hướng đến cho họ, chắc chắn họ thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, do nhờ phước thiện ấy cho quả được tái sinh cõi thiện dục giới : Cõi trời, cõi người. Cho nên, khi thí chủ tạo được phước thiện nào xong rồi, nên đọc câu hồi hướng rằng:
“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, “Phước thiện bố thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả thân quyến của chúng tôi, từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ. Cầu mong tất cả thân quyến phát sinh thiện tâm hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện này, để thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài”. Như vậy, thân quyến là loài ngạ quỷ đang đứng trông chờ hoan hỷ phần phước thiện mà thân quyến đã hồi hướng, ngay khi ấy, do năng lực phước thiện cho quả, họ được thoát khỏi kiếp sống ngạ quỷ đói khát, được chuyển kiếp tái sinh làm người hoặc làm chư thiên, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời. 3- Sự tích của người phạm điều giới tà dâm Người phạm điều giới tà dâm là người có quan hệ tình dục bất chính với vợ hoặc chồng của người khác, đã tạo nên ác nghiệp tà dâm. * Quả khổ của ác nghiệp tà dâm Trích trong bộ Therīgāthā (Đại đức Tỳ khưu ni kệ), Đại đức Tỳ khưu ni Isidāsitheri [34] thuật lại rằng: Tỳ khưu ni Isidāsi và Tỳ khưu ni Bodhī là bậc có giới đức hoàn toàn trong sạch, nhập thiền an hưởng sự an lạc trong thiền, là bậc đa văn túc trí, bậc Thánh Arahán đã tận diệt mọi phiền não. 2 Đại đức Tỳ khưu ni cùng nhau đi khất thực, độ xong cùng trở về, ngồi nghỉ một nơi thanh vắng đàm đạo với nhau. Đại đức Tỳ khưu ni Bodhī hỏi Đại đức Tỳ khưu ni Isidāsi rằng: ─ Này em Isidāsi, em là bậc đáng kính trọng, em đang còn trẻ, em thấy tội lỗi gì trong đời mà em xuất gia Tỳ khưu ni vậy? Đại đức Tỳ khưu ni Isidāsi là bậc trí tuệ thông minh, có tài thuyết pháp đã thưa rằng: ─ Thưa chị Bodhī, xin chị nghe em thuật lại câu chuyện cuộc đời em, khiến em đi xuất gia như vầy: “Em là đứa con gái duy nhất trong gia đình, cha em là phú hộ ở trong thành Ujjeni, là người có giới, có lòng từ bi thương yêu em. Khi em đã trưởng thành, có một người con trai phú hộ ở xứ Sāketa đến xin làm lễ cưới em về làm vợ, thân phụ của em bằng lòng cho em về làm dâu gia đình phú hộ xứ Sāketa. Em đã về nhà cha mẹ chồng, hằng ngày, em đảnh lễ cha mẹ chồng; cha mẹ chồng dạy bảo điều nào em cũng làm tròn phận sự điều ấy. Chị gái, em gái, anh trai, em trai, bà con, bạn bè người quen biết bên chồng, em chỉ thấy một lần, về sau khi gặp lại em cư xử kính trọng lễ phép, tiếp đón tử tế bằng thức ăn, nước uống, đồ dùng v.v…, em biết những gì hợp với người nào, em tiếp đãi biếu tặng cho người ấy. Buổi sáng, em thường thức dậy sớm, rửa mặt rửa tay xong, chắp tay đi vào hầu hạ chồng, nào lấy nước nóng nhúng khăn lau mặt, chải tóc, xoa vật thơm, lấy gương soi mặt, đem áo quần thay mới, hầu hạ chồng em, như người tớ gái ngoan ngoãn vâng lời chủ. Em tự nấu cơm canh, rửa chén bát, giặt quần áo cho chồng,… Người mẹ hiền săn sóc đứa con yêu quý duy nhất như thế nào, em cũng săn sóc chồng như thế ấy. Em chỉ có một mực hết lòng thương yêu, chiều chuộng chồng, chung thủy với chồng, làm tròn bổn phận người vợ trung thực đối với chồng. Em không hề có tính ngã mạn khó dạy, không hề lười biếng, nhác làm. Em là người siêng năng cần mẫn, dễ dạy, có giới trong sạch và đầy đủ. Thế mà chồng em không vừa lòng với em, không thương yêu em, chồng em thưa với cha mẹ rằng: ─ Kính thưa cha mẹ, con sẽ bỏ nhà ra đi, con không thể nào sống chung cùng trong một ngôi nhà với nàng Isidāsi được. Cha mẹ chồng bảo chồng em rằng: ─ Này con yêu quý, con chớ nên nói như vậy, nàng Isidāsi là người thiện thông minh, siêng năng chăm chỉ, làm tròn phận sự của người vợ hiền, dâu thảo. Tại sao con không vừa lòng, không thương yêu Isidāsi vậy con! Chồng em thưa với cha mẹ rằng: ─ Kính thưa cha mẹ, Isidāsi không hề làm điều gì để cho con phật ý, không vừa lòng cả, nhưng thưa cha mẹ, con không thể sống chung với Isidāsi được, con không muốn nhìn thấy mặt Isidāsi, con xin phép từ giã cha mẹ, con xin đi nơi khác. Cha mẹ chồng khi nghe chồng em nói như vậy, đến hỏi em rằng: ─ Này con yêu quý, con đã làm điều gì sai quấy, làm cho chồng con không vừa lòng mà muốn từ bỏ con, con hãy nói thật cho cha mẹ nghe điều ấy? Em thưa với cha mẹ chồng rằng: ─ Kính thưa cha mẹ, con không hề làm điều gì sai quấy, con không hề làm điều gì khiến cho chồng con phật ý, không vừa lòng cả. Con không hề coi thường chồng con, con không hề nói lời thô tục khiến chồng con không vừa lòng hoặc giận hờn con cả. Cha mẹ chồng em khổ tâm vô cùng, không nói gì cả, nhưng dù sao cũng phải giữ con trai ở lại nhà, không cho con trai đi nơi khác, nên đành phải trả em trở về nhà cha mẹ em ở thành Ujjeni. Thế là kể từ đó, em trở thành người đàn bà đẹp bị chồng bỏ. Em về sống với gia đình cha mẹ em được một thời gian, cha của em lại gả em cho một người con trai của một gia đình giàu có, của cải bằng một nửa gia đình cha mẹ người chồng thứ nhất. Em sống chung với người chồng thứ hai, em cố gắng làm tròn phận sự của một người vợ, một người con dâu trong gia đình cha mẹ chồng, em hầu hạ săn sóc chồng em như một người đầy tớ gái hầu hạ săn sóc chủ. Mặc dù vậy, em hầu hạ săn sóc chồng em được một tháng, người chồng thứ hai cũng gửi trả em về lại với cha mẹ của em. Em trở về sống với gia đình cha mẹ em. Một hôm, cha em gặp một chàng trai trẻ đi lang thang, đi xin ăn sống nhờ vào lòng từ bi của người khác, chàng trai trẻ có thân, khẩu, ý hành thiện tốt. Cha em bảo chàng trai hành khất ấy: ─ Anh hãy đến làm rể của nhà tôi, anh hãy vất bỏ cái nồi đất nhỏ, cái bát xin cơm, bộ đồ rách rưới dơ bẩn của anh đi. Anh ấy đồng ý đến làm rể của cha mẹ em, làm chồng của em. Em sống chung với người con trai hành khất ấy là người chồng thứ ba được trọn mười lăm (15) ngày. Người con trai hành khất ấy thưa với cha em rằng: ─ Thưa ông, xin ông trả lại cái nồi đất nhỏ, cái bát xin cơm, và bộ đồ rách rưới dơ bẩn ấy lại cho con, để cho con đi xin ăn, con không thể sống chung với nàng Isidāsi được. Cha mẹ em và người bà con hỏi anh chàng hành khất ấy rằng: ─ Có điều gì làm con không được vừa lòng trong căn nhà ấy, con hãy nói, cha mẹ và bà con sẽ giúp đỡ cho con được vừa lòng như ý. Chàng trai hành khất thưa với cha mẹ em và bà con rằng: ─ Tôi muốn được sống tự do, tôi không muốn sống chung với nàng Isidāsi. Cha mẹ em phải để cho chàng trai hành khất ra đi sống tự do, còn lại một mình em suy nghĩ: “Em nên từ biệt cha mẹ, em nên đi tự tử, hoặc nên đi xuất gia Tỳ khưu ni”. Khi ấy, Đại đức Tỳ khưu ni Jinadattā, Ngài có giới đức trang nghiêm, bậc đa văn túc trí đến khất thực tại nhà em. Em nhìn thấy Đại đức Tỳ khưu ni, cung kính đón rước tiếp đãi, trải chỗ cho Ngài ngồi, em đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ngài, rồi kính dâng vật thực cúng dường đến Ngài. Khi Đại đức Tỳ khưu ni Jinadattā độ vật thực xong, em đảnh lễ và bạch rằng: ─ Kính thưa Đại đức ni, con có nguyện vọng muốn xuất gia Tỳ khưu ni, kính xin Ngài từ bi tế độ cho con. Khi ấy cha mẹ em bảo với em rằng: ─ Này con gái yêu quý, con nên sống tại nhà, thực hành pháp, dâng vật thực cúng dường đến Samôn, Bàlamôn, như vậy cũng tốt chứ con! Em chắp tay lạy cha mẹ, vừa khóc vừa thưa với cha mẹ rằng: ─ Kính xin cha mẹ từ bi cho phép con được xuất gia Tỳ khưu ni, con cố gắng thực hành phạm hạnh để làm cho ác nghiệp cũ của con hết hiệu lực cho quả. Cha mẹ em biết không thể ngăn được ý nguyện của em, cha mẹ đành cho phép em xuất gia Tỳ khưu ni. Cha mẹ em còn cầu chúc cho em chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn cao thượng mà Chư Phật đã dạy: “Niết Bàn là pháp an lạc tuyệt đối, đối với chúng sinh đã chứng ngộ”. Em chắp tay lạy cha mẹ và bà con, rồi xin đi xuất gia Tỳ khưu ni. Sau khi em xuất gia Tỳ khưu ni được 7 ngày, em đã chứng đắc Arahán Thánh Đạo đến Arahán Thánh Quả cùng Tam minh, trở thành bậc Thánh Arahán. Em đã nhớ rõ lại tiền kiếp của em suốt 7 kiếp, kể từ kiếp hiện tại này trở lại theo tuần tự 7 kiếp quá khứ của em, để biết ác nghiệp nào cho quả khiến cho cuộc đời của em bị chồng không vừa lòng bỏ em như vậy. Em xin kể lại quả của ác nghiệp đã tạo trong tiền kiếp. Xin chị lắng tai nghe ác nghiệp và quả ác nghiệp ấy: * Quả khổ não của ác nghiệp tà dâm ─ Tiền kiếp thứ 7, kể từ kiếp này trở lui, em là con trai tiệm vàng có nhiều của cải giàu sang ở thành Erakaccha, là người dể duôi si mê trong thời trẻ trung, đã phạm điều giới tà dâm với vợ người khác, đã tạo nên ác nghiệp tà dâm. ─ Tiền kiếp thứ 6, sau khi con trai tiệm vàng chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh vào cõi địa ngục, chịu khổ não suốt thời gian lâu dài trong đại địa ngục Avīci, là quả khổ của ác nghiệp phạm điều giới tà dâm, cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cảnh địa ngục. ─ Tiền kiếp thứ 5, sau khi thoát ra khỏi cảnh địa ngục, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh làm con khỉ đực. Khỉ đực con sinh ra được 7 ngày, bị con khỉ chúa cắt đứt bộ dương vật. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm. ─ Tiền kiếp thứ 4, sau khi kiếp con khỉ chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh làm con dê đực bị mù mắt, què chân; về sau, cũng bị cắt đứt bộ dương vật, rồi sinh bệnh sưng làm mủ, dòi ăn bộ sinh dục, phải chịu đau khổ suốt 12 năm rồi chết. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm. ─ Tiền kiếp thứ 3, sau khi dê đực chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh làm con bò đực có bộ lông nâu. Khi lớn lên được 12 tháng cũng bị thiến bộ sinh dục. Kiếp làm bò đực, khi thì người chủ bắt kéo cày, khi thì người chủ bắt kéo xe, không có lúc nào được nghỉ ngơi; về sau, kiếp bò đực ấy bị mù đôi mắt, bệnh hoạn rồi chết. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm. ─ Tiền kiếp thứ 2, sau khi kiếp bò đực chết, do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm con của một người tớ gái, là đứa trẻ ái nam ái nữ (không phải trai cũng không phải gái), sống được 30 tuổi rồi chết. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm. ─ Tiền kiếp thứ nhất, sau khi kiếp ái nam ái nữ chết, do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người con gái ở gia đình thợ dệt chiếu nghèo nàn cực khổ, túng thiếu mang nợ, chủ nợ đến đòi, không trả nổi, người chủ nợ lấy tất cả của cải, bắt gia đình, kể cả con gái về làm tôi tớ. Về sau, khi đứa con gái (là em) lớn được 16 tuổi rất xinh đẹp, người con trai chủ nợ tên Giridāsa bắt ép làm vợ, mặc dù ông ta đã có vợ lớn rồi. Người vợ lớn là người có giới, có đức hạnh tốt, thương yêu chiều chuộng chung thủy với chồng. Song ông Giridāsa rất say mê người vợ nhỏ xinh đẹp. Thấy vậy, người vợ nhỏ (là em) năn nỉ, lời ngon, tiếng ngọt, xúi dục ông Giridāsa đuổi người vợ lớn ra khỏi nhà. Do ác nghiệp đó nên kiếp này 3 người chồng đều ruồng bỏ em, đuổi ra khỏi nhà, không muốn nhìn mặt em, mặc dù em hết lòng hầu hạ chồng như người tớ gái ngoan ngoãn lo phục vụ chủ. Đó là ác nghiệp xúi dục chồng đuổi vợ lớn ra khỏi nhà. Kiếp hiện tại này là kiếp cuối cùng của em, quả của mọi ác nghiệp sẽ kết thúc trong kiếp sống chót này, vì kiếp nàyem đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, sẽ tịch diệt Niết Bàn chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, không còn tái sinh trở lại kiếp nào nữa. * Quả khổ của ác nghiệp tà dâm Trích trong bộ Chú giải Pháp cú, khi ấy Đức Phật đang ngự tại chùa Jetavana đề cập đến câu chuyện Aññatarapurisavatthu [35] : Có một đoạn nói về quả khổ của ác nghiệp tà dâm, được tóm lược như sau: Một hôm, Đức vua Pasenadi Kosala cỡi bạch tượng trang sức lộng lẫy có đoàn quân lính hầu ngự đi trong thành biểu dương oai lực của Đức vua. Khi ấy, một người đàn bà rất xinh đẹp, đứng ở cửa sổ trên tầng 7 của lâu đài nhìn Đức vua; Đức vua ngẩng lên nhìn thấy nàng đẹp như tiên nữ, Đức vua sinh tâm yêu say đắm nàng ấy. Khi trở về cung điện, Đức vua gọi vị quan cận thần đi dò hỏi xem nàng đã có chồng hay chưa. Vị quan cận thần về tâu cho Đức vua biết, nàng đã có chồng rồi. Đức vua truyền lệnh đòi chồng của nàng vào, Đức vua bày mưu kế hiểm giết người chồng, để chiếm người vợ trẻ rất xinh đẹp ấy. Mưu kế đã đặt bày, đợi ngày hôm sau mới giết người đàn ông và sẽ chiếm người vợ trẻ xinh đẹp, Đức vua bị lửa tình dục thiêu đốt, suốt đêm không sao ngủ được, trông cho mau đến sáng. Khi ấy, có 4 chúng sinh trong địa ngục Lohakumbhi “Địa ngục nước đồng sôi” (chiều sâu 60 do tuần) bị lửa ngục thiêu đốt, nước đồng sôi làm cho cả 4 chúng sinh ấy nhào lên rồi lộn xuống, giống như hạt gạo đang sôi trong nồi cháo lỏng. Từ miệng địa ngục nước đồng sôi chìm đến đáy thời gian 30.000 (ba mươi ngàn) năm; rồi từ đáy nước đồng sôi nổi lên đến miệng thời gian 30.000 (ba mươi ngàn) năm, vừa đến miệng 4 chúng sinh nhìn nhau định đọc một câu kệ, nhưng thời gian không kịp, cho nên mỗi chúng sinh ấy chỉ đọc được âm: Du, sa, na, so. Đức vua suốt đêm không ngủ được, vào canh giữa đêm nghe rõ 4 âm đầu “du, sa, na, so”. Đức vua kinh sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình, cho Hoàng hậu hoặc cho ngai vàng của mình, không sao nhắm mắt được cho đến sáng. Đức vua truyền lệnh gọi vị quân sư đến hỏi, vị quân sư không biết, nhưng sợ mất mặt nên nói bậy: “Có sự nguy hiểm đến sinh mạng của Đức vua”. Vị quân sư bày ra việc lấy máu tế thần, bắt 100 con voi, 100 con ngựa, 100 con bò đực, 100 con bò sữa, 100 con dê, 100 con cừu, 100 con gà, 100 con heo, 100 đứa con trai, 100 đứa con gái cắt cổ lấy máu tế thần, để Đức vua khỏi bị nguy hiểm đến tính mạng. Hoàng hậu Mallikā hay tin Đức vua tin theo lời vị quân sư, truyền lệnh bắt sinh vật làm lễ tế thần. Hoàng hậu Mallikā ngăn cản việc sát sinh và mời Đức vua đến hầu Đức Phật. Đức vua cùng Hoàng hậu Mallikā đến hầu Đức Phật, Hoàng hậu Mallikā kính bạch Đức Phật rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, vào canh giữa đêm Đức vua không ngủ được, nằm nghe 4 tiếng rùng rợn, Đức vua hỏi vị quân sư, quân sư tâu có sự nguy hiểm đến tính mạng của Đức vua, nên bày ra việc sát sinh làm lễ tế thần, để khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Sự thật như thế nào? Bạch Ngài. Đức Phật truyền dạy rằng: ─ Này Đại vương, Đại vương nghe tiếng như thế nào? Đức vua bạch rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, đêm qua con không ngủ được, vào canh giữa đêm con nghe 4 âm du, sa, na, so, con cảm thấy kinh sợ không biết sự việc gì sẽ xảy đến cho con? Bạch Ngài. Đức Phật dạy: ─ Này Đại vương, không có sự nguy hiểm gì xảy đến cho Đại vương. Đó là 4 chúng sinh trong địa ngục đã từng tạo ác nghiệp trong tiền kiếp, khi chúng nhìn thấy lại nhau, muốn đọc câu kệ, nhưng thời gian không kịp, mới đọc được âm đầu của câu, rồi bị chìm lại xuống đại địa ngục. Đức vua bạch hỏi: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, 4 chúng sinh ấy đã tạo ác nghiệp gì? Bạch Ngài. Đức Thế Tôn thuyết dạy về ác nghiệp của 4 chúng sinh ấy rằng: ─ Này Đại vương, Đại vương hãy lắng nghe ác nghiệp mà 4 chúng sinh ấy đã tạo trong kiếp quá khứ. Trong quá khứ, thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ của con người khoảng 20.000 (hai mươi ngàn) năm. Đức Phật Kassapa cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đi khắp mọi nơi tế độ chúng sinh. Trong xứ Bārāṇasi, 4 người con trai của 4 ông phú hộ, có của cải đến 400 triệu, là bạn hữu với nhau, chúng không nghĩ làm phước bố thí cúng dường Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng, không nghĩ giữ gìn giới và tạo mọi thiện pháp, nhưng chúng lại bàn tính với nhau rằng: “Trong nhà chúng ta có nhiều của cải, chúng ta sẽ làm gì với số của cải ấy để được sung sướng”. Một người nói rằng: ─ Chúng ta uống rượu ngon, ăn đồ ngon, đi chơi, thì đời sống của chúng ta được sung sướng. Một người khác lại nói rằng: ─ Chúng ta ăn cơm nấu từ gạo sāli, có mùi thơm được cất giữ suốt 3 năm, với đồ ăn ngon, đi chơi, thì đời sống của chúng ta được sung sướng. Một người khác nói rằng: ─ Chúng ta sai người làm đồ ăn ngon đặc biệt, ăn rồi đi chơi, thì cuộc sống chúng ta được sung sướng. Một người khác nói rằng: ─ Này các bạn, phần đông đàn bà ham tiền của, chúng ta đem tiền của ra dụ dỗ vợ của người khác sống chung với chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được sung sướng nhiều. Cả 4 người con của 4 ông phú hộ đồng tình với nhau theo ý kiến cuối cùng. Từ đó, cả 4 người ấy đem tiền bạc dụ dỗ con gái, vợ người khác, đã phạm điều giới tà dâm tạo ác nghiệp. Cả 4 người sau khi chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, suốt khoảng thời gian lâu dài, từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian. Khi chúng mãn quả ác nghiệp tà dâm trong đại địa ngục Avīci, song quả ác nghiệp ấy còn dư sót, cho quả tái sinh vào địa ngục Lohakumbhi “Địa ngục nước đồng sôi” chiều sâu 60 do tuần (yojana), từ miệng địa ngục chìm xuống đến đáy trải qua thời gian 30.000 (ba mươi ngàn) năm, rồi từ đáy địa ngục nước đồng sôi trồi lên đến miệng địa ngục trải qua thời gian 30.000 năm, khi nổi lên đến miệng địa ngục thì 4 người nhìn nhau định đọc câu kệ, nhưng vì thời gian ngắn ngủi không kịp, mỗi người chỉ đọc được một âm đầu, rồi chìm xuống đáy trở lại. ─ Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “du”, còn câu kệ đầy đủ là: “Dujjīvitamajīvimha, “Này các bạn thân mến của
tôi! ─ Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “sa”, còn câu kệ đầy đủ là: “Saṭṭhivassasahassāni, “Này các bạn thân mến của
tôi! ─ Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “na”, còn câu kệ đầy đủ là: “Natthi anto kato
anto, “Này các bạn thân mến của
tôi! ─ Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “so”, còn câu kệ đầy đủ là: “Sohaṃ nūna ito
gantvā, “Này các bạn thân mến của
tôi! Khi Đức Phật giảng giải xong ý nghĩa 4 âm đầu của 4 câu kệ đầy đủ của 4 chúng sinh địa ngục vốn là 4 người con của 4 ông phú hộ trong tiền kiếp, Đức vua lắng nghe phát sinh động tâm nghĩ rằng: “Tạo ác nghiệp tà dâm này nặng đến thế! 4 người con của 4 ông phú hộ phạm điều giới tà dâm, phải chịu thiêu đốt ở đại địa ngục Avīci, suốt khoảng thời gian từ Đức Phật Kassapa đến Đức Phật Gotama. Sau khi thoát ra khỏi đại địa ngục Avīci, rồi còn phải sa vào địa ngục nước đồng sôi Lohakumbhi chiều sâu 60 do tuần, chịu thiêu đốt 60.000 (sáu mươi ngàn) năm rồi, cũng chưa biết lúc nào mãn hạn quả khổ ở địa ngục nước đồng sôi này. Còn ta đem lòng thương yêu, say mê vợ người khác, làm suốt đêm không ngủ được. Kể từ nay, ta sẽ không dám sinh tâm thương yêu, say mê vợ người khác nữa”. * Quả khổ của ác nghiệp tà dâm Trong bộ Chú giải Pháp cú (Dhammapadaṭṭhakathā). Khi ấy, Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Jetavana, đề cập chuyện Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā [39] , một đoạn nói đến quả khổ của ác nghiệp tà dâm, được tóm lược như sau: Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā vốn có sắc đẹp tuyệt trần, có màu da đẹp như đóa hoa sen hồng. Ngài là bậc Thánh Arahán, với ngôi vị Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn có Thần thông xuất sắc nhất trong hàng Thánh nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama Khi Ngài còn sống tại gia, có tên Nanda say mê sắc đẹp của Ngài. Mặc dù Ngài đã xuất gia Tỳ khưu ni trở thành bậc Thánh Arahán rồi, tên Nanda vẫn say mê Ngài, luôn luôn theo dõi để biết chỗ ở của Ngài, còn biết rõ ràng Ngài đi khất thực giờ nào, trở về vào giờ nào... Khi ấy, Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā ở một cốc nhỏ trong khu rừng rất yên tĩnh. Buổi sáng Ngài đi vào xóm để khất thực, tên Nanda lén vào rừng, chui vào cốc nằm trốn dưới gầm giường. Sau khi khất thực độ xong, trở về cốc nhỏ ở trong rừng, Ngài vừa ngồi lên giường, thì tên Nanda từ dưới gầm giường bò ra, leo lên giường dùng sức mạnh hãm hiếp Ngài. Tuy Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā ngăn cấm rằng: Này kẻ ngu muội, ngươi chớ
nên làm điều tội lỗi! Nhưng tên Nanda quá si mê tăm tối, không nghe lời ngăn cấm của Ngài mà vẫn dùng sức mạnh cưỡng hiếp Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā. Sau khi hành động xong, tên Nanda đã tạo ác nghiệp trọng tội khiến mặt đất nứt ra làm hai, ngọn lửa phun lên hút y vào trong lòng đất. Sau khi chết, ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh trong đại địa ngục Avīci, chịu khổ thiêu đốt trong đại địa ngục ấy. Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā trình sự việc ấy lên Tỳ khưu ni Tăng, Tỳ khưu ni Tăng trình bày lên Tỳ khưu Tăng, Tỳ khưu Tăng trình lên Đức Phật. Nhân sự việc xảy ra, Đức Phật thuyết câu kệ rằng: “Madhu vā maññati bālo, “Này chư Tỳ khưu , Chuyện Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā bị tên Nanda hãm hiếp; có số người không biết sinh tâm hoài nghi rằng: “Bậc Thánh Arahán có còn thỏa thích trong dục lạc hay không?”. Để diệt bỏ tâm hoài nghi ấy, nên Đức Phật truyền dạy rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, chư bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn thỏa thích trong dục lạc nữa, không thích trong sự hành dâm; giống như hột nước không dính trên lá sen, không đọng lại trên lá sen mà chảy rơi xuống ngay; hoặc giống như hạt cải nhỏ không dính trên đầu mũi kim, không đứng vững trên đầu mũi kim mà phải rơi xuống ngay. Giống như vậy, phiền não dục (kilesakāma) và vật dục (vatthukāma) không bao giờ làm ô nhiễm tâm của bậc Thánh Arahán. Bậc Thánh Arahán không bao giờ dính mắc hai loại dục này. 4- Sự tích người phạm điều giới nói dối Người phạm điều giới nói dối là người nói lời lừa dối, trái với sự thật, khiến cho người nghe tin theo, đem lại sự tai hại trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Cho nên, người phạm điều giới nói dối, tạo ác nghiệp nói dối, rồi phải chịu quả khổ tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. * Tích con cá vàng Kapila Sự tích con cá vàng Kapila trong bộ Chú giải Dhamma-padaṭṭhakathā, được tóm lược như sau: Khi ấy, Đức Phật đang ngự tại chùa Jetavana, đề cập đến sự tích con cá tên là Kapila [41] , tóm lược một đoạn liên quan đến ác nghiệp nói dối như sau: Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa, có hai anh em, người anh tên Sāgata, người em tên Kapila. Cả hai anh em có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa. Còn thân mẫu tên Sādhinī, và em gái tên Tapanā, cả hai người đều xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Sau khi hai anh em trở thành Tỳ khưu xong, một hôm hai huynh đệ Tỳ khưu bạch hỏi Thầy tế độ rằng: ─ Kính bạch Thầy, phận sự trong Phật giáo có bao nhiêu? Bạch Thầy. Vị Thầy tế độ dạy rằng: ─ Này con, trong Phật giáo này có hai phận sự chính là: 1- Gandhadhura: Phận sự học pháp học đó là học Tam Tạng, Chú giải, v.v… 2- Vipassanādhara: Phận sự hành pháp hành thiền tuệ, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Vị Tỳ khưu Sāgata suy nghĩ rằng: “Ta lớn tuổi, ta nên theo phận sự hành pháp hành thiền tuệ, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn ”. Vị Tỳ khưu Sāgata ở với vị Thầy tế độ 5 hạ (5 năm) học hiểu rõ về giới-định-tuệ, pháp hành thiền tuệ với Thầy tế độ xong, xin phép đi vào rừng để thực hành thiền tuệ; về sau chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán. Vị Tỳ khưu Kapila nghĩ rằng: “Ta còn nhỏ tuổi, ta nên theo phận sự học pháp học trước, khi lớn tuổi ta sẽ theo phận sự hành pháp hành thiền tuệ sau”. Vị Tỳ khưu Kapila cố gắng theo học pháp học, ghi nhớ Tam Tạng, nhờ ghi nhớ pháp học giỏi, có tài biện luận, có tài thuyết pháp hay, nên có nhiều người nghe theo. Do có nhiều người nghe theo, nên có nhiều lợi lộc phát sinh, vị Tỳ khưu Kapila say mê trong lợi lộc, ỷ lại vào tài năng sở học của mình, nên phát sinh tâm ngã mạn, tự cho mình là tài giỏi hơn người, coi thường bậc phạm hạnh có giới đức, dùng sở học của mình áp chế người khác, ngụy biện đảo lộn. ─ Điều nên hành (kappiya), nói không nên hành (akappiya). ─ Điều không nên hành (akappiya), nói nên hành (kappiya). ─ Điều có lỗi (sāvajja), nói không có lỗi (anavajja). ─ Điều không có lỗi (anavajja), nói có lỗi (sāvajja)… Những bậc thiện trí có giới đức, có lòng từ bi, đến khuyên bảo nhắc nhở rằng: ─ Này pháp hữu Kapila, không nên nói như vậy, làm hư hoại Phật giáo. Tỳ khưu Kapila không kính trọng bậc thiện trí, lại còn coi thường trách rằng: ─ Quý vị không hiểu biết gì, quý vị chỉ có nắm tay không… Những bậc thiện trí đem chuyện này thưa với Ngài Đại đức Sāgata, bậc Thánh Arahán, là pháp huynh của Tỳ khưu Kapila. Ngài Đại đức Sāgata đến khuyên bảo nhắc nhở rằng: ─ Này Kapila, pháp đệ nên thực hành đúng đắn như chư thiện trí khuyên dạy, làm cho Phật giáo được trường tồn. Vì vậy, cho nên pháp đệ hãy từ bỏ tà kiến sai lầm, như điều nên hành nói không nên hành, v.v… Tỳ khưu Kapila ngã mạn khó dạy, không làm theo lời khuyên của pháp huynh. Ngài Đại đức Sāgata từ bi đến khuyên dạy 2-3 lần, biết Tỳ khưu Kapila không nghe lời khuyên bảo nhắc nhở, mới dạy rằng: ─ Này Kapila, như vậy, pháp đệ sẽ thọ lãnh quả ác nghiệp của mình. Tỳ khưu Kapila càng ngày càng tạo ác nghiệp nói dối, sau khi chết, ác nghiệp nói dối ấy cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo. Thân mẫu và em gái là Tỳ khưu ni có tính thiên vị, bênh vực Tỳ khưu Kapila, rồi mắng nhiếc những Tỳ khưu có giới đức, nên cả hai sau khi chết, cũng do ác nghiệp cho quả đều tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo. * Kapila sinh làm con cá vàng lớn Hậu kiếp Tỳ khưu Kapila ở trong đại địa ngục Avīci, bị thiêu đốt chịu bao nhiêu khổ cực, suốt khoảng thời gian từ thời Đức Phật Kassapa cho đến thời Đức Phật Gotama, mới thoát ra khỏi địa ngục. Do ác nghiệp nói dối ấy còn dư sót cho quả tái sinh làm con cá lớn ở sông Aciravatī có vảy như màu vàng, nhưng miệng có mùi hôi thối ghê tởm, đó là quả của ác nghiệp nói dối. Một hôm nhóm trẻ xóm dân chài, bàn tính nhau đi bắt cá, đem lưới giăng ở sông Aciravatī, cá vàng lớn này bị mắc lưới, được bắt lên trên ghe, dân chài thấy cá lạ, mang đến trình Đức vua để lãnh thưởng. Đức vua nhìn thấy con cá vàng lớn lạ thường, nên nghĩ rằng: “Mang con cá này đến trình Đức Phật để biết rõ thế nào”. Con cá được mang đến chùa Jetavana, khi con cá mở miệng mùi hôi thối tỏa ra khắp chùa Jetavana. Đức vua bạch hỏi Đức Phật rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào con cá có màu như vàng? Do nhân nào miệng con cá lại hôi thối đến như thế? Bạch Ngài. Đức Phật dạy rằng: ─ Này Đại vương, con cá này tiền kiếp là Tỳ khưu tên Kapila trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa, là bậc đa văn túc trí, học Tam Tạng có tài thuyết pháp; được nhiều người nghe theo. Vì lòng tham muốn trong lợi lộc chế ngự, mắng nhiếc Tỳ khưu có giới đức không nghe theo mình. Khi giáo pháp của Đức Phật Kassapa bị mai một; Tỳ khưu Kapila sau khi chết, do ác nghiệp nói dối cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ ác nghiệp mà y đã tạo. Bây giờ cũng do ác nghiệp nói dối ấy cho quả tái sinh làm con cá màu vàng này. Con cá có màu như vàng là do quả của thiện nghiệp, học pháp học Phật giáo nhiều năm và tán dương ca tụng Ân đức Phật lâu năm. Miệng của con cá có mùi hôi thối ghê tởm là do quả của ác nghiệp mắng nhiếc Tỳ khưu có giới, thuyết pháp sai chánh pháp.. Này Đại vương, Như Lai sẽ làm cho con cá nói được. ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài làm cho con cá nói. Bạch Ngài. Đức Phật hỏi con cá rằng: ─ Ngươi có tên là Kapila phải không? Con cá bạch rằng: ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, con tên là Kapila. Bạch Ngài. ─ Ngươi từ đâu đến tái sinh? ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, kiếp trước con từ đại địa ngục Avīci, do ác nghiệp cho quả tái sinh đến làm con cá. Bạch Ngài. ─ Tỳ khưu Sāgata, pháp huynh của ngươi ở đâu? ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp huynh Sāgata đã tịch diệt Niết Bàn. Bạch Ngài. ─ Tỳ khưu ni Sādhinī, thân mẫu của ngươi ở đâu? ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, thân mẫu của con đang ở trong địa ngục. ─ Tỳ khưu ni Tāpana, em gái của ngươi ở đâu? ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, em gái của con cũng đang ở trong địa ngục. ─ Bây giờ ngươi sẽ đi đâu? ─ Kính bạch Đức Thế Tôn, sau khi chết, ác nghiệp sẽ cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci như trước. Bạch Ngài. Con cá Kapila hối hận tức mình tự đập đầu chết tức thì, cũng do ác nghiệp nói dối cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci trở lại. Tất cả mọi người nghe cuộc đối thoại giữa Đức Phật và con cá vàng, phát sinh động tâm nổi da gà, rợn tóc gáy. * Nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā vu oan cho Đức Phật Thuở ấy, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành Sāvatthi, nhóm các tu sĩ ngoại đạo bày mưu với nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā [42] vu oan, mắng nhiếc Đức Phật, để làm mất uy tín của Ngài trước tứ chúng đệ tử [43] . Vào thời kỳ đầu của chánh pháp, các hàng đệ tử ngày một thêm đông, chư thiên, phạm thiên, nhân loại đã chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả vô số, không sao kể xiết. Vì vậy, danh thơm tiếng tốt của Đức Phật lan tỏa khắp mọi nơi. Đại đa số quần chúng trước kia có truyền thống theo các giáo phái ngoại đạo, nay đã trở thành đệ tử của Đức Phật. Đó là điều mà các tu sĩ ngoại đạo cảm thấy bị tổn thương, những tín đồ cũ không giữ lại được, tín đồ mới không thêm, sự cúng dường lợi lộc càng ngày càng giảm dần. Khi thấy quần chúng lũ lượt kéo nhau đi nghe pháp cúng dường tứ vật dụng đến Đức Phật và Tăng chúng, các tu sĩ ngoại đạo đã ra đứng chặn giữa đường rồi lớn tiếng thuyết phục: ─ Không chỉ Samôn Gotama là Đức Phật mà chúng tôi đây cũng là Thế Tôn. Bố thí cúng dường đến Samôn Gotama có phước nhiều, quả báu nhiều, thì bố thí cúng dường đến chúng tôi cũng được như vậy! Mặc dù các tu sĩ ngoại đạo gắng sức rao truyền quảng cáo, cũng không thể đem lại đức tin cho quần chúng được nữa. Khi phần đông dân chúng mất đức tin nơi các tu sĩ đạo, thì họ cũng bị mất nhiều lợi lộc. Do đó, chúng họp bàn với nhau bày mưu kế thâm độc để hạ uy tín của Đức Phật. Thời ấy, trong thành Sāvatthi có người kỹ nữ duyên dáng, xinh đẹp như thiên nữ tên là Ciñcāmāṇavikā. Nàng vốn là đệ tử thuần thành của các tu sĩ ngoại đạo. Thấy sắc đẹp tuyệt trần của nàng Ciñcāmāṇavikā, các tu sĩ ngoại đạo nghĩ ra diệu kế: “Chúng ta dùng nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā giả mang thai với Samôn Gotama, gây ra sự hiểu lầm, để làm mất uy tín của Samôn!”. Mưu kế ấy được họ chấp nhận. Một hôm, như lệ thường nàng Ciñcāmāṇavikā đến tu viện ngoại đạo, đảnh lễ các tu sĩ xong, nàng ngồi một bên. Nàng Ciñcāmāṇavikā rất ngạc nhiên không hiểu sao các tu sĩ ngồi im lặng không nói với nàng một câu nào. Nàng nghĩ: “Mình có lỗi gì đây!”. Nàng bạch vị Trưởng Lão rằng: ─ Kính bạch Ngài, con đã lễ bái quý Ngài ba lần rồi, nhưng con không biết con có lỗi gì mà quý Ngài không nói với con một lời nào? Vị Trưởng Lão tỏ vẻ nghiêm nghị nói với nàng: ─ Không! Này con, con là một đệ tử rất tốt, con không có lỗi gì! Hiện nay đời sống của quý thầy khổ sở, thiếu thốn lắm con à! Vì vậy, quý thầy buồn bực, khổ tâm, không ai buồn nói với ai điều gì nữa. Nàng Ciñcāmāṇavikā ngạc nhiên, nóng lòng hỏi: ─ Kính bạch quý Ngài, trước đây đời sống của quý Ngài được đầy đủ lắm, sao hiện nay lại lâm vào hoàn cảnh khổ cực như vậy? ─ Này Ciñcāmāṇavikā, con không biết gì hay sao? Chính Samôn Gotama đã làm khổ quý thầy, chính Samôn Gotama đã làm cho quý thầy mất hết cả uy tín, danh vọng và những lợi lộc cúng dường,… cho nên, quý thầy phải sống trong cảnh thiếu thốn khổ cực như vậy! Nàng Ciñcāmāṇavikā cảm thấy rất đau lòng, chân tình thưa: ─ Vậy mà con có hay biết gì đâu? Không biết con có thể làm gì, để giúp đỡ cho quý Ngài? Các vị tu sĩ ngoại đạo giả vờ im lặng một lúc rồi có vị nói: ─ Chỉ sợ con ngại khó, mà không giúp quý thầy đó thôi. Nàng Ciñcāmāṇavikā mau mắn đáp: ─ Không! khó khăn gì con cũng có thể làm được, miễn là làm sao cho quý Ngài được sống an lạc, thế là con mãn nguyện lắm rồi! Vị tu sĩ ngoại đạo nghiêm chỉnh nói: ─ Đây là việc rất hệ trọng, đòi hỏi con phải khôn khéo. Nếu con thật tình muốn giúp đỡ quý thầy, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là con hãy dùng cái sắc đẹp duyên dáng, đầy quyến rũ của con, làm thế nào đó giả mang thai với Samôn Gotama. Con làm được như vậy, sẽ làm giảm uy tín của Samôn Gotama, như thế thì phần đông tín đồ của Samôn Gotama sẽ trở về lại với chúng ta. Nàng Ciñcāmāṇavikā hớn hở nói: ─ Đúng vậy, kế này rất hay! Xin quý Ngài hãy tin tưởng nơi con, con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận để đền đáp công ơn của quý Ngài đối với con. Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong thành Sāvatthi sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp tại chùa Jetavana xong, đảnh lễ Đức Phật trở về nhà, họ thường gặp nàng Ciñcāmāṇavikā ăn mặc đẹp đẽ rất quyến rũ, cầm một bó hoa trên tay đang đi trên đường hướng đến chùa Jetavana, có người tò mò dừng lại hỏi: ─ Chiều tối rồi, cô đi đâu mà ăn mặc đẹp vậy? Nàng Ciñcāmāṇavikā trả lời cố ý tạo ra một sự nghi ngờ: ─ Tôi đi đâu là việc của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì! Nói xong, nàng bước đi theo hướng đến chùa Jetavana, nhưng lại nghỉ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó. Rồi sáng hôm sau, khi có một số cận sự nam, cận sự nữ đem vật dụng đến chùa Jetavana để cúng dường Đức Phật và Tăng chúng, thì thấy nàng Ciñcāmāṇavikā từ hướng chùa Jetavana trở lại thành Sāvatthi, người ta lại hỏi nàng: ─ Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy? Nàng Ciñcāmāṇavikā ỡm ờ đáp: ─ Tôi nghỉ ở đâu có nơi có chỗ của tôi, quý vị biết phỏng có lợi ích gì! Và từ đó, cứ vào mỗi buổi chiều và mỗi buổi sáng, từ tháng này sang tháng khác, nàng Ciñcāmāṇavikā đều làm như vậy. Cho đến một hôm, có số người cận sự nam, cận sự nữ khác hỏi rằng: ─ Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy? Nàng Ciñcāmāṇavikā thấy đã đến lúc cần phải nói, để bắt đầu gây ra sự ngờ vực. ─ Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Sớm muộn gì quý vị cũng sẽ biết thôi mà! Nếu quý vị muốn biết bây giờ tôi xin khai thật: “Đêm qua tôi nghỉ ở Gandhakuṭi chung với Samôn Gotama để phục vụ Ngài, đó là một niềm vinh dự lớn lao của đời tôi”. Nói xong, nàng tỏ vẻ đắc ý bỏ vào thành. Khi nghe nàng Ciñcāmāṇavikā nói vậy, một số cận sự nam, cận sự nữ thiểu trí, sinh tâm bán tín bán nghi. 3 - 4 tháng sau, nàng Ciñcāmāṇavikā lấy vải độn bụng, mặc áo lụng thụng che bên ngoài làm như người đang mang thai. Có một số người không có trí tuệ, không hiểu biết về giáo pháp của Đức Phật nghĩ là cô Ciñcāmāṇavikā thật sự có thai với Samôn Gotama rồi. Thời gian đã đến 9 tháng, màn kịch hạ uy tín Đức Thế Tôn đến hồi chung cuộc. Nhóm tu sĩ ngoại đạo gọi nàng Ciñcāmāṇavikā đến, họ dùng một miếng gỗ đẽo hình dạng giống như cái thai sắp đến ngày sinh nở, có 4 đầu dây giăng. Nàng Ciñcāmāṇavikā mang vào buộc chặt sau lưng, mặc áo phủ kín lại, nhìn giống như người mang thai thật; sau đó, nhóm tu sĩ ngoại đạo dùng cây đánh vào sống bàn tay, bàn chân của nàng cho sưng lên nhìn đúng là người đàn bà sắp đến thời kỳ sinh nở. * Đức Phật thắng nàng Ciñcāmāṇavikā Vào một buổi chiều, khi Đức Phật đang ngự trên pháp tòa, tại giảng đường chùa Jetavana, tứ chúng đệ tử đang ngồi im lặng lắng nghe pháp như thường lệ, thì nàng Ciñcā-māṇavikā từ ngoài xồng xộc đi vào, đến trước Đức Phật, chỉ tay buông lời mắng nhiếc: ─ Này ông đại Samôn Gotama! Ông thuyết pháp thật là hay, thật là giỏi, ông tế độ biết bao nhiêu người, còn tôi sao ông không tế độ? Tôi bụng mang dạ chửa là vì ông, ông nói ngon nói ngọt với tôi, bảo là sẽ giúp tôi thế này, thế nọ…. Hôm nay, sắp đến ngày sinh nở, ông lo thuyết pháp tế độ người khác, chẳng đoái hoài gì đến tôi. Dầu ông bận không lo cho tôi được, thì ông bảo những người hộ độ ông như Đức vua Pasenadi, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà Visākhā,… lo cho tôi cũng được. Nhưng đằng này, ông chỉ biết thỏa mãn dục vọng cá nhân, ông không hề biết đến nỗi khổ của tôi phải chịu bụng mang dạ chửa như thế này đây! Nghe nàng Ciñcāmāṇavikā mắng nhiếc, Đức Phật ngưng thuyết pháp, vẫn ngồi an nhiên tự tại, an tịnh trên pháp tòa rồi từ tốn nói: “Bhagini, tayā kathitassa tathabhāvaṃ vā vitathabhāvaṃ vā ahameva ca tvañca jānāma” [44] . ─ Này cô! Cô nói lời chân thật hay giả dối chỉ có Như Lai và cô biết rõ mà thôi? Nàng Ciñcāmāṇavikā liền đáp: ─ Đúng vậy, này ông Đại Samôn, chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi! Ngay giây phút ấy, tại cung trời Tam Thập Tam Thiên, bảo tòa của Vua trời Sakka nóng lên, bằng thiên nhãn quan sát nguyên nhân, vua trời thấy rõ nàng Ciñcāmāṇavikā đang mắng nhiếc Đức Phật trước tứ chúng đệ tử, bởi những chuyện không có thật. Đây là âm mưu thâm độc của nhóm tu sĩ ngoại đạo, dùng cô kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā vô liêm sĩ, cố ý làm hạ uy tín của Đức Phật trước tứ chúng đệ tử. Vua trời Sakka quyết định phải làm sáng tỏ chuyện này. Vua trời cùng 4 thiên nam xuất hiện xuống giảng đường chùa Jetavana ngay tức khắc. Theo lệnh của Đức vua trời, 4 vị thiên nam hóa thành 4 con chuột, cùng một lúc bò lên cắn đứt 4 sợi dây dùng để cột tấm gỗ, hình dạng giống bào thai, sau lưng nàng Ciñcāmāṇavikā, đồng thời Vua trời hóa một luồng gió thổi cho tấm gỗ kia rơi xuống đất đụng nhằm vào hai bàn chân của nàng Ciñcāmāṇavikā, làm cho đôi chân của nàng bầm máu. Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn ngủi, mọi sự thật hiển nhiên được phơi bày trước mắt tứ chúng đệ tử. Nàng Ciñcāmāṇavikā bị mắng nhiếc không tiếc lời, có người nhổ nước bọt rồi xua đuổi nàng ra khỏi khuôn viên chùa. Nàng Ciñcāmāṇavikā thất vọng, thất tha, thất thểu bước đi ra vừa khuất tầm mắt của mọi người, ác nghiệp nói dối của nàng quá nặng nên mặt đất liền nứt ra làm hai, phát lên một tia lửa thiêu cháy nàng rồi hút xác nàng xuống sâu dưới lòng đất. Sau khi nàng Ciñcāmāṇavikā chết, do ác nghiệp nói dối ấy cho quả tái sinh vào đại địa ngục Avīci chịu quả khổ của ác nghiệp nói dối ấy. * Quả khổ của ác nghiệp nói dối Trích trong Chú giải Pháp cú, khi ấy Đức Phật đang ngự tại chùa Jetavana, Ngài đề cập đến chuyện tu nữ ngoại đạo tên Sundarī, tạo ác nghiệp nói dối, được tóm lược như sau: Đức Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh, càng ngày càng nhiều người bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài; và cũng càng ngày càng nhiều người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Ngài. Trong số Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, có số trước kia là tín đồ của các nhóm ngoại đạo, nay đã trở thành đệ tử của Đức Phật. Những người cận sự nam, cận sự nữ này có đức tin trong sạch nơi Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng, nên thường đem những lễ vật, 4 thứ vật dụng đến cúng dường Đức Phật và chư Đại đức Tỳ khưu Tăng càng ngày càng nhiều. Ngược lại nhóm tu sĩ ngoại đạo có số tín đồ càng ngày càng giảm dần, cho nên những thứ lễ vật cúng dường càng ngày càng ít lại, không sung túc như trước, thậm chí còn lâm vào cảnh thiếu thốn nữa. Nhóm tu sĩ ngoại đạo hội họp, bàn tán với nhau rằng: “Từ khi Samôn Gotama xuất hiện trên thế gian, chúng ta mất dần lợi lộc, chúng ta phải tìm cách làm mất uy tín của Samôn Gotama, để cho lợi lộc của chúng ta được phát sinh trở lại”. * Dùng nàng Sundarī làm mất uy tín của Đức Phật Thời ấy, nữ tu sĩ ngoại đạo tên Sundarī rất xinh đẹp, đến viếng thăm các tu sĩ ngoại đạo, đảnh lễ xong rồi, thấy nhóm tu sĩ ngoại đạo ngồi im lặng không nói với cô một lời nào. Cô bèn bạch hỏi: – Kính thưa quý Ngài, con có lỗi gì mà quý Ngài không nói với con lời nào? Một tu sĩ ngoại đạo than vãn rằng: – Tất cả chúng tôi bị Samôn Gotama làm khổ, mà con không quan tâm hay biết gì, đó là lỗi cuả con đó! Con có thể vu khống Samôn Gotama được hay không? – Kính thưa quý Ngài, con có thể làm được. Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong thành Sāvatthi, sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jetavana xong, đảnh lễ Đức Phật trở về nhà, họ thường gặp cô tu sĩ Sundarī cầm một bó hoa trong tay đang đi trên đường hướng đến ngôi chùa Jetavana, có người tò mò dừng lại hỏi: – Chiều tối rồi, cô đi đâu vậy? Cô tu nữ Sundarī trả lời gây ra sự nghi ngờ: – Tôi đi đâu là việc của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì! Nói xong, cô liền bước đi theo hướng đến ngôi chùa Jetavana, nhưng lại nghỉ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó. Rồi sáng hôm sau, khi có số cận sự nam, cận sự nữ đem phẩm vật đến chùa Jetavana, để cúng dường Đức Phật và chư Tỳ khưu Tăng, họ lại thấy cô tu nữ Sundarī từ hướng chùa Jetavana trở lại thành Sāvatthi. Người ta hỏi cô: – Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu, mà sáng nay lại vào thành sớm vậy? Cô tu nữ Sundarī muốn gây ra sự ngờ vực bèn đáp rằng: – Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Nếu quý vị muốn biết, thì tôi sẽ nói thật: “Đời tôi rất vinh hạnh, đêm đêm được đến phục vụ Samôn Gotama tại cốc Gandhakuṭi của Ngài”. Nhóm tu sĩ ngoại đạo chờ tin này, nay có cơ hội, họ liền truyền tin vu khống rằng: – Thưa quý vị, quý vị đã nghe rõ hành vi xấu xa của Samôn Gotama như vậy! Chính cô tu nữ Sundarī cũng rêu rao vu khống hành vi xấu của Đức Phật đối với cô nữa, gieo rắc hoang mang, gây ra sự ngờ vực đến mọi người. Đối với các hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật thì chắc chắn không bao giờ tin lời vu khống của các tu sĩ nhóm ngoại đạo và cô tu nữ ngoại đạo Sundarī. Còn đối với một số phàm nhân thiểu trí thì sinh tâm ngờ vực. Đó là âm mưu của các tu sĩ ngoại đạo làm giảm uy tín của Đức Phật, để mong phục hồi uy tín của mình. * Giết nàng Sundarī đổ tội cho Tỳ khưu Dù các tu sĩ ngoại đạo và cô Sundarī vu khống Đức Phật những điều xấu không có thật, vẫn không làm giảm uy tín Đức Phật được, nên nhóm tu sĩ ngoại đạo dùng đến thủ đoạn thâm độc là thuê mướn nhóm côn đồ nghiện rượu giết cô tu nữ ngoại đạo Sundarī, rồi giấu xác chết của cô trong đống rác trước cổng ra vào ngôi chùa Jetavana. Nhóm côn đồ nghiện rượu đã hành động y theo kế của họ. Sau đó, nhóm tu sĩ ngoại đạo xin vào trình Đức vua Pasenadi Kosala: – Tâu Đức vua, cô tu nữ Sundarī, đệ tử của chúng tôi đã mất tích. Đức vua truyền lệnh cho phép đi tìm kiếm cô tu nữ Sundarī. Nhóm tu sĩ ngoại đạo kéo nhau giả vờ đi tìm, đến gặp xác chết cô tu nữ Sundarī trong đống rác trước cổng ra vào ngôi chùa Jetavana, họ đặt xác chết cô tu nữ Sundarī trên cáng đem vào trình Đức vua, rồi khiêng đi quanh thành Sāvatthi rêu rao, vu khống rằng: “Thưa quý vị! Xin quý vị hãy nhìn thấy hành vi xấu xa của Samôn Gotama,và nhóm đệ tử của y đã giết chết cô tu nữ Sundarī, đệ tử ngoan đạo của chúng tôi, để che giấu tội lỗi của Samôn Gotama”. * Nhóm tu sĩ ngoại đạo và nhóm sát nhân chịu tội Đức vua Pasenadi Kosala anh minh và sáng suốt, truyền lệnh quân lính đi điều tra tìm rõ kẻ đã giết cô tu nữ Sundarī. Khi ấy, nhóm côn đồ nghiện rượu đang uống rượu say sưa rồi cãi cọ với nhau và đổ lỗi cho nhau rằng: – Mày giết cô tu nữ Sundarī! – Không phải tao, mà chính mày!... Lính trong triều đình nghe được câu chuyện, liền bắt nhóm côn đồ nghiện rượu đem trình lên Đức vua xét hỏi. Đức vua truyền hỏi: – Các ngươi đã giết chết cô tu nữ Sundarī có phải không? – Muôn tâu Đức vua! Dạ phải, chính bọn con giết cô tu nữ Sundarī. Đức vua truyền hỏi tiếp: – Ai thuê mướn các ngươi giết chết cô tu nữ Sundarī. Nhóm côn đồ nghiện rượu liền khai: – Muôn tâu Đức vua! Chính nhóm tu sĩ ngoại đạo thuê mướn chúng con giết chết cô tu nữ Sundarī, rồi bảo chúng con đem giấu xác chết của cô trong đống rác trước cổng ra vào của ngôi chùa Jetavana. Đức vua liền truyền lệnh cho bắt nhóm tu sĩ ngoại đạo, bắt chúng phải nhận tội; rồi phải đi quanh thành Sāvatthi cải chính lại lời vu khống Đức Phật Gotama và chư Tỳ khưu Tăng trước kia rằng: – Kính thưa tất cả mọi người! Chính chúng tôi là người đã thuê mướn nhóm côn đồ nghiện rượu giết chết cô tu nữ Sundarī, để đổ tội cho Samôn Gotama và chư Tỳ khưu Tăng Thanh Văn đệ tử của Ngài. Sự thật, Đức Phật Gotama và nhóm Thanh Văn đệ tử hoàn toàn vô tội. Khi nhóm tu sĩ ngoại đạo làm như vậy, dân chúng trong thành Sāvatthi không còn ngờ vực gì nữa. Nhóm côn đồ nghiện rượu và nhóm tu sĩ ngoại đạo chủ mưu giết hại cô tu nữ Sundarī đều bị hành hình. Tất cả bọn chúng bị chết do ác nghiệp nói lời vu khống Đức Phật cùng chư Tỳ khưu. Sau khi chết, do ác nghiệp nói lời vu khống ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Avīci, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. 5- Sự tích người phạm điều giới uống rượu và các chất say Trích trong Chú giải Pháp cú, thuở ấy, Đức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, Ngài đã đề cập đến hai người con của hai nhà phú hộ (Mahādhanaseṭṭhiputta-vatthu) [45] , được sơ lược như sau: Một nhà phú hộ trong thành Bārānasī có của cải, tài sản nhiều đến 800 triệu, chỉ có một người con trai duy nhất. Hai ông bà phú hộ bàn với nhau rằng: – Gia đình chúng ta có nhiều tiền, nhiều của như thế này, chúng ta chỉ có một đứa con trai, sau này chúng ta sẽ giao tất cả gia tài lại cho con mình, để nó thừa hưởng sung sướng suốt cuộc đời cũng không sao hết được. Con chúng ta không cần làm việc gì cho vất vả. Hai ông bà phú hộ nhất trí như vậy, nên cho đứa con trai đi học đờn ca, múa hát vui chơi, không học nghề hay chuyên môn nào khác. Một nhà phú hộ khác cũng trong thành Bārānasī này, cũng có của cải, tài sản nhiều đến 800 triệu, cũng chỉ có một người con gái duy nhất. Hai ông bà phú hộ cùng bàn với nhau, như nhà phú hộ có người con trai, nên cho đứa con gái đi học đờn ca, múa hát vui chơi, như con trai nhà phú hộ kể trên. Đến khi người con trai và người con gái của hai nhà phú hộ đến tuổi trưởng thành, hai bên kết làm thông gia, cho con cái họ kết hôn với nhau. Sau khi cha mẹ hai bên lần lượt qua đời, tất cả gia tài của hai nhà phú hộ gom chung lại thành 1.600 triệu. Như vậy, họ có một tài sản của cải rất lớn, nên gọi là “Mahādhana”, và hai người con của hai nhà phú hộ gọi là “Seṭṭhiputtā”. Hai danh từ ghép lại nhau gọi là “Mahādhanaseṭṭhiputtā”, nghĩa là: “Hai đứa con của hai nhà phú hộ có tài sản lớn”. Hai vợ chồng trẻ, con nhà phú hộ, không biết công việc làm ăn nào khác, chỉ biết đờn ca, múa hát vui chơi mà thôi. Thường ngày, hai vợ chồng đến chầu Đức vua. Bên đường đi, có một nhóm người ăn chơi, rượu chè ca hát; chúng nhìn thấy hai vợ chồng con của phú hộ thường qua lại, nên bàn tính với nhau rằng: “Chúng ta có thể làm cách nào để cho hai vợ chồng con của phú hộ này nghiện rượu, chúng ta sẽ sống bám vào họ, và được sung sướng suốt đời”. Chúng bàn mưu tính kế vừa xong, khi thấy hai vợ chồng con của phú hộ đang đi tới, bọn chúng vừa uống rượu, vừa ca hát, nhảy múa có vẻ rất vui sướng, rồi đồng thanh nói lời chúc tụng rằng: – Chúng tôi cầu chúc hai vợ chồng con của phú hộ được sống lâu trăm tuổi, được hạnh phúc an lạc; chúng tôi nương nhờ nơi hai người, cũng sẽ được an lạc, sung sướng. Người con trai phú hộ nghe bọn chúng chúc tụng mình có vẻ thích thú hoan hỷ lắm, mới hỏi người đánh xe rằng: – Này chú, chúng nó uống nước gì vậy? – Thưa cậu chủ, chúng nó uống rượu ạ!. – Rượu có vị ngon không? – Thưa cậu chủ, trong các loại nước, rượu là loại nước có vị ngon, làm cho người ta ngây ngất. Người con trai của phú hộ bèn nói với người đánh xe rằng: – Nếu như vậy, thì ta cũng nên uống chơi cho biết vị của rượu. Người con của phú hộ sai người đánh xe đến gặp nhóm người kia lấy một chút rượu, uống thử cho biết. Về sau không lâu, uống rượu được nhiều, người con trai phú hộ đã trở thành người nghiện rượu nặng. Nhóm người nghiện rượu kia biết người con trai của phú hộ đã nghiện rượu rồi, chúng rủ nhau đến tận nhà người con trai phú hộ để uống rượu cho có bạn. Lâu ngày, tiếng đồn càng xa, bọn chúng rủ nhau đến ngày càng đông. Người con trai của phú hộ sai gia nhân mua rượu, mỗi lần 100 kahāpana, rồi 200 kahāpana, v.v… Ngoài việc tốn tiền mua rượu, còn tốn thêm tiền mua bông hoa, nước thơm, tiền mướn đoàn vũ nữ nổi tiếng đến ca hát, nhảy múa, xong rồi còn ban thưởng, mỗi lần 1.000 kahāpana, 2.000 kahāpana, v.v… Người con trai phú hộ phung phí tiền bạc suốt ngày đêm như vậy, trải qua một thời gian lâu, của cải, tài sản 800 (tám trăm) triệu phần của mình đã hết sạch. Người quản gia đến trình cho người con trai phú hộ biết rằng: – Thưa cậu chủ, của cải, tài sản phần của cậu đã hết sạch rồi! Người con trai của phú hộ bèn hỏi: – Của cải, tài sản phần của phu nhân ta không còn hay sao? Người quản gia thưa rằng: – Thưa cậu chủ, của cải, tài sản phần của mợ vẫn còn ạ! Người con trai của phú hộ ra lệnh: – Hãy lấy của cải phần của phu nhân ta ra xài. Người con trai của phú hộ phung phí như vậy trải qua thêm một thời gian lâu nữa, tài sản phần của người vợ cũng hết sạch. Những ngày tiếp theo sau, bán dần ruộng, vườn, xe cộ, đồ đạc trong nhà, đến cuối cùng cũng bán cả căn nhà đang ở để tiêu xài. Đến lúc hai vợ chồng con của phú hộ tuổi già, không có nhà ở, phải dẫn nhau ra ở bên hiên nhà người khác. Hằng ngày, hai vợ chồng cầm mảnh bát đi xin những đồ ăn thừa của người ta, để sống qua ngày. Một hôm, ông già đứng gần cửa trai tăng đường để chờ nhận đồ ăn còn dư của chư Tỳ khưu, Sadi. Đức Thế Tôn nhìn thấy mỉm cười. Khi ấy, Đại đức Ānanda bạch hỏi Đức Thế Tôn, do nguyên nhân nào Ngài mỉm cười. Đức Thế Tôn dạy Đại đức Ānanda rằng: – Này Ānanda, ông già kia, trước đây là con của nhà phú hộ, có một tài sản lớn lao, nhưng đã tiêu xài phung phí hết sạch; sau đó lại còn bán hết tất cả ruộng, vườn, đồ đạc, nhà cửa,…. Bây giờ, không còn gì nữa, ông ta phải dẫn vợ đi xin ăn trong thành phố này. Đức Thế Tôn dạy rằng: – Nếu người con của phú hộ, trong tuổi thiếu niên không tiêu xài phung phí của cải, tài sản, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn, thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhất trong thành Bārānasī này. – Nếu cả hai vợ chồng, con của phú hộ trong tuổi thiếu niên, xuất gia trong Phật giáo, biết thực hành thiền tuệ, thì người chồng có thể sẽ chứng đắc đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán; còn người vợ có thể sẽ chứng đắc đến Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Bất Lai. – Nếu người con của phú hộ, trong tuổi trung niên, với phần của cải, tài sản còn lại, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn, thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhì trong thành Bārānasī này. – Nếu cả hai vợ chồng, con của phú hộ, trong tuổi trung niên, xuất gia trong Phật giáo, biết thực hành thiền tuệ, thì người chồng có thể sẽ chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai; còn người vợ có thể sẽ chứng đắc đến Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhất Lai. – Nếu người con của phú hộ, trong tuổi lão niên, với phần của cải, tài sản còn lại, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn, thì sẽ trở thành phú hộ thứ ba trong thành Bārānasī này. – Nếu cả hai vợ chồng, con của phú hộ, trong tuổi lão niên, xuất gia trong Phật giáo, biết thực hành thiền tuệ, thì người chồng có thể sẽ chứng đắc đến Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhất Lai; còn người vợ có thể sẽ chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Nhưng bây giờ, hai vợ chồng, con của phú hộ này, đã trải qua hết cả 3 thời rồi, của cải, tài sản trong thế gian của họ đã bị khánh kiệt; của báu Siêu tam giới là Thánh Đạo và Thánh Quả trong Phật giáo cũng bị hủy hoại luôn, như con cò già rụng hết lông cánh, nằm thoi thóp trong vũng bùn khô. Đức Phật dạy bài kệ rằng: “Acaritvā brahmacariyaṃ,
“Người ngu dốt không biết
hành phạm hạnh. * Nhận xét chung: Nghiệp và quả của nghiệp thật là công bằng, không bao giờ thiên vị một ai cả, dù là Đức Phật hoặc chư Thánh Arahán, nghiệp nào có cơ hội cho quả, thì nghiệp ấy vẫn cứ cho quả của nó, không một ai có quyền năng ngăn cản được. Nghiệp và quả của nghiệp là 1 trong 4 điều “bất khả tư nghì”, người bình thường không dễ gì hiểu biết rõ, không có khả năng suy tư được. Duy chỉ có Đức Phật với trí tuệ đặc biệt gọi là Cutūpapatañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tử, sự sinh của mỗi chúng sinh, do đã tạo nghiệp nào, hưởng quả ấy ra sao. Những người bình thường có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp tin rằng: - Thiện nghiệp cho quả tốt, quả an lạc; hay hưởng được quả an lạc, quả tốt là do thiện nghiệp mà mình đã tạo. - Ác nghiệp cho quả xấu, quả khổ não; hay chịu quả khổ não, quả xấu là do ác nghiệp mà mình đã tạo. ─ Quả an lạc chắc chắn phát sinh từ thiện nghiệp, và quả khổ não chắc chắn phát sinh từ ác nghiệp. Song tất cả mọi thiện nghiệp, ác nghiệp không phải lúc nào cũng có thể cho quả của chúng được. Sự thật, thiện nghiệp hoặc ác nghiệp nào có cơ hội, hoặc hội đủ nhân duyên của nó, thì thiện nghiệp hoặc ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó. Nếu nghiệp nào không có cơ hội, không hội đủ nhân duyên, thì nghiệp ấy cũng phải chờ khi có đủ điều kiện mới cho quả của nó.
Ngũ Giới Đem Lại Sự An Lành Ngũ giới có tầm quan trọng trực tiếp đem lại sự an lành đến cho mình nói riêng, đến cho mọi chúng sinh nói chung. Tầm quan trọng của ngũ giới trong sạch và trọn vẹn đem lại sự an lành tuỳ theo địa vị mỗi người trong đời. Nếu người ấy là một Đức vua có giới, thì trong toàn xứ sở có mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ đều sống an cư lạc nghiệp… Sự tích tiền kiếp Đức Bồ Tát gọi Karudhammajātaka [47] , được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Đức Thế Tôn thuyết sự tích tiền kiếp của Ngài khi còn là Đức Bồ Tát rằng: Trong thời quá khứ, Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya trị vì kinh thành Indapattha trong vùng Karu. Đức vua Bồ Tát hành pháp karu (karudhamma) “tên gọi của ngũ giới”, và có 10 người hành theo Đức Bồ Tát, giữ gìn karudhamma (ngũ giới) trong sạch đó là: 1- Mẫu hậu của Đức Bồ Tát. 2- Chánh cung Hoàng hậu của Đức vua. 3- Hoàng đệ - Đức phó vương. 4- Vị Bàlamôn quân sư của Đức vua. 5- Vị quan đo điền thổ. 6- Người đánh xe ngựa của Đức vua. 7- Phú hộ trong thành. 8- Vị quan trông coi kho thóc gạo. 9- Người đóng cửa thành. 10- Cô kỹ nữ trong thành Indapattha. Đức vua Bồ Tát lập ra trại bố thí vật thực và đồ dùng tại 6 nơi: 4 cửa thành, trung tâm kinh thành và trước cửa cung điện Đức vua. Đức Bồ Tát là người rất hoan hỷ trong sự bố thí ba-la-mật. Mỗi ngày, đem của cải trị giá 600.000 (sáu trăm ngàn) phân phát tại 6 trại bố thí, cho mọi người nghèo khổ, đói khát, người đi đường. Đức vua Bồ Tát trị vì kinh thành Indapattha mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được an cư lạc nghiệp. Thời ấy, Đức vua Kāliṅga trị vì kinh thành Dantapura trong vùng Kāliṅga. Vùng Kāliṅga gặp cơn hạn hán, trời không mưa, nên mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, dân chúng thiếu ăn; còn sinh ra 3 nạn: Nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc. Dân chúng trong vùng kéo đến kinh thành, đứng trước cung điện Đức vua kêu la, than khóc xin Đức vua cứu giúp. Đức vua Kāliṅga truyền hội các quan cận thần bèn hỏi: – Này các quan, có chuyện gì xảy ra? Các quan tâu rằng: – Tâu Bệ hạ, trong xứ sở của Đức vua gặp cơn hạn hán, trời không mưa, nên mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, dân chúng thiếu ăn, còn sinh ra 3 nạn: Nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc. Dân chúng trong vùng kéo đến kinh thành, đứng trước cung điện Đức vua kêu la, than khóc xin Đức vua cứu giúp, cầu xin Đức vua làm cho mưa thuận gió hòa. Đức vua bèn truyền lệnh hỏi các quan rằng: – Này các quan, các đời Vua trước làm cách nào để cho mưa thuận gió hòa? Các quan tâu rằng: – Tâu Bệ hạ, các đời Vua trước, khi trời mưa không thuận gió không hòa, thì Đức vua đem của cải ra bố thí, nguyện thọ giới, nằm trên giường không lát nệm bông suốt 7 ngày, trời sẽ mưa. Đức vua làm theo lời thỉnh cầu của các quan cận thần, nhưng trời vẫn không chịu mưa. Đức vua bèn hỏi các quan rằng: – Này các quan, Trẫm nên làm thế nào để cho trời mưa? Các quan tâu rằng: – Tâu Bệ hạ, ở kinh thành Indapattha, Đức vua Dhanañcayakorabya có con voi báu tên là Añjanavaṇṇa, nếu Bệ hạ có được voi báu ấy, thì trời ắt phải mưa. Đức vua truyền lệnh hỏi rằng: – Này các quan, làm thế nào để chúng ta có được con voi báu ấy? Các quan tâu rằng: – Tâu Bệ hạ, chúng ta không thể chiến thắng Đức vua Dhanañcayakorabya bằng sức mạnh, Đức vua ấy là bậc thiện trí cao thượng, hoan hỷ bố thí đến người thọ thí theo nhu cầu; dù người ta muốn xin ngôi Vua, Đức vua cũng truyền ngôi lại cho; dù muốn xin đôi mắt, Đức vua cũng móc mắt ra cho; dù muốn xin sinh mạng, Đức vua cũng cho sinh mạng được. Vậy huống gì xin con voi báu chỉ là chuyện nhỏ. Chúng ta sẽ đến xin voi báu ấy, chắc chắn Đức vua sẽ ban cho chúng ta ngay. Đức vua truyền hỏi rằng: – Này các quan, bây giờ ai là người có thể đi đến xin con voi báu ấy được? Đức vua phái nhóm 8 vị Bàlamôn đi xin voi báu. Nhóm 8 vị Bàlamôn đến kinh thành Indapattha dò hỏi để biết Đức vua ngày nào sẽ ngự đến trại bố thí. Dân chúng cho biết Đức vua thường ngự đến trại bố thí mỗi tháng 6 ngày: 8 - 14 - 15 - 23 - 29 - 30. Ngày hôm sau nhằm vào ngày rằm (ngày 15), Đức vua sẽ ngự đến trại bố thí. Nhóm 8 vị Bàlamôn vội đến trước cửa thành phía Đông chờ đợi từ sáng sớm. Đức vua ngự trên voi báu trang điểm đầy đủ đồ trang sức, vòng vàng, ngọc quý. Khi Đức vua ngự đến phía Đông, tự tay Đức vua bố thí đến cho 7 - 8 người xong, rồi truyền lệnh cho các quan làm phận sự bố thí. Đức vua cỡi lên voi báu ngự đến cửa thành phía Nam. Vì các quan theo hầu đông đảo, nên nhóm 8 vị Bàlamôn không thể đến gần Đức vua được. Nhóm 8 vị Bàlamôn vội đến cửa thành phía Nam đứng chờ đợi. Khi Đức vua đến, nhóm 8 vị Bàlamôn chắp tay chúc tụng Đức vua rằng: – Cầu xin Đại vương sống trường thọ. Đức vua nghe vậy, liền giục voi báu đến gần nhóm 8 vị Bàlamôn bèn hỏi rằng: – Này các vị Bàlamôn, các vị muốn được gì? Nhóm 8 vị Bàlamôn ca tụng ân đức của Đức vua bằng câu kệ trằng: Muôn tâu Đại vương, bậc
cao thượng. Đức vua Bồ Tát nghe như vậy, truyền dạy cho an tâm rằng: – Này các vị Bàlamôn, nếu các ngươi dâng vàng để đổi lấy voi báu này, thì thật là việc làm không hợp lẽ chút nào. Trẫm sẽ ban cho voi báu này cùng với đồ trang sức của nó, và người nài voi tài giỏi này. Con voi báu này là vật xứng đáng dành cho Đức vua làm phương tiện. Đức vua ngự xuống voi, đi vòng quanh xem xét mọi đồ trang sức đầy đủ, sau đó, Đức vua Bồ Tát cầm lấy vòi voi đặt lên bàn tay nhóm 8 vị Bàlamôn, rồi lấy bình nước bằng vàng đựng đầy nước thơm rót từ trên vòi voi chảy xuống tay Bàlamôn rơi xuống đất, gọi là làm lễ bố thí voi báu,cùng người nài voi tài giỏi và cả nhóm tùy tùng đến cho nhóm 8 vị Bàlamôn. Nhóm 8 vị Bàlamôn dẫn voi báu, người nài voi tài giỏi và đoàn tùy tùng trở về kinh thành Dantapura, để dâng lên Đức vua Kāliṅga. Bây giờ đã có voi báu, nhưng trời vẫn không chịu mưa, nên Đức vua Kāliṅga bèn hỏi các quan rằng: – Này các quan, Trẫm nên làm thế nào nữa, để cho mưa thuận gió hòa, để dân chúng sống no đủ thái bình an lạc. Các quan tâu rằng: – Tâu Bệ hạ, Đức vua Dhanañcayakorabya là bậc thiện trí giữ gìn karudhamma (ngũ giới). Chính do nhờ thiện pháp ấy, nên trong nước mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp. Đó chắc chắn là do oai lực của pháp karu (ngũ giới) trong sạch của Đức vua. Con voi báu này không có oai lực bằng pháp karu (ngũ giới). Nghe các quan tâu như vậy, Đức vua liền truyền lệnh các quan đem voi báu cũng như người nài voi tài giỏi và tất cả nhóm tùy tùng dâng trở lại cho Đức vua Dhanañcayakorabya, rồi kính xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) trên tấm biển vàng đem về. Đức vua phái nhóm Bàlamôn và các quan đi đến kinh thành Indapattha, chầu Đức vua Dhanañcayakorabya, xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) đem về thực hành theo. Pháp Karu Là Tên Gọi Của Ngũ Giới 1- Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya giữ gìn pháp karu Các quan cận thần của Đức vua Kāliṅga và nhóm Bàlamôn đến kinh thành Indapattha vào chầu Đức vua Dhanañcayakorabya dâng trở lại voi báu, người nài voi tài giỏi và nhóm tùy tùng, rồi kính tâu lên với Đức vua rằng: – Muôn tâu Đại vương, trong nước chúng hạ thần, khi đem voi báu trở về, trời vẫn hạn hán không có mưa, được biết Đại vương là bậc giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch, Đức vua của hạ thần muốn giữ gìn pháp karu (ngũ giới), nên phái chúng hạ thần đến kính xin Đại vương cho ghi chép pháp karu (ngũ giới) trên tấm biển vàng này đem về dâng cho Đức vua của chúng hạ thần để thực hành. Kính xin Đại vương mở lòng từ bi ban cho pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Đức vua Bồ Tát dạy rằng: – Này các ngươi, Trẫm có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ Trẫm rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của Trẫm. Do đó, Trẫm không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Theo lệ thường, cứ 3 năm tổ chức lễ một lần, các quan đều hội họp đông đủ, mỗi đời Đức vua đều đóng vai chư thiên đứng trên cung điện Yakkha tên Cittarāja bắn cây tên được trang điểm bằng các thứ hoa từ 4 phương; cũng như vậy, khi Trẫm cầm cây cung đứng trên cung điện Yakkha Cittarāja, gần mặt hồ nước, bắn mũi tên đến bốn phương, Trẫm thấy rõ 3 mũi tên theo 3 hướng, còn một mũi tên rơi xuống hồ nước, cho nên Trẫm ái ngại rằng: – Không biết mũi tên của Trẫm rơi xuống nước có đụng phải con cá nào hay không?. Khi niệm tưởng đến giới mà Trẫm đang giữ gìn, Trẫm e ngại rằng: – Trẫm có phạm điều giới sát sinh hay không?”. Vì vậy, Trẫm không hài lòng pháp karu (ngũ giới) của mình, Trẫm xin giới thiệu đến Mẫu hậu của Trẫm, người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi Mẫu hậu của Trẫm. Các sứ giả đều tâu rằng: – Tâu Đại vương, Đại vương không có tác ý sát sinh, thì không thể gọi là phạm điều giới sát sinh được. Vậy kính xin Đại vương từ bi ban cho pháp karu (ngũ giới), mà Đức đại vương đã giữ gìn cho chúng hạ thần. Đức vua Bồ Tát truyền dạy rằng: – Nếu vậy các ngươi hãy ghi chép. Các sứ giả đem tấm biển vàng ra ghi chép: + Pāṇo na hantabbo: Không nên sát sinh. + Adinnaṃ nādātabbaṃ: Không nên trộm cắp. + Kāmesu micchā na caritabbaṃ: Không nên tà dâm với vợ hoặc chồng người khác. + Musā na bhanitabbaṃ: Không nên nói dối. + Majjaṃ na pātabbaṃ: Không nên uống rượu và các chất say. Đức vua Bồ Tát dạy: – Mặc dù vậy, Trẫm vẫn chưa hài lòng, Trẫm xin giới thiệu đến Mẫu hậu của Trẫm là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi Mẫu hậu của Trẫm. 2- Mẫu hậu của Đức vua giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến hầu Mẫu hậu của Đức vua bèn tâu rằng: – Muôn tâu Hoàng thái hậu, chúng con được biết rằng Bà giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin Bà mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng con. Hoàng thái hậu truyền dạy rằng: – Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Ta có hai Hoàng tử, Hoàng tử trưởng là Chánh vương, và Hoàng tử thứ là Phó vương. Một lần có một Đức vua ở nước lân bang, gửi đồ cống hiến Đức vua Chánh vương của ta một lõi trầm thơm giá trị 100.000 (một trăm ngàn) đồng kahāpana, và một nhánh hoa bằng vàng giá trị 1.000 (một ngàn) đồng kahāpana. Đức vua Chánh vương đem hai món quà ấy dâng cho ta. Ta nghĩ rằng: Lõi trầm ta cũng không thoa và nhánh hoa vàng ta cũng không trang điểm, ta nên đem cho hai nàng dâu của ta. Ta đem nhánh hoa bằng vàng có giá trị ít cho nàng dâu trưởng là chánh cung Hoàng hậu của Hoàng tử trưởng Chánh vương; và đem lõi trầm có giá trị cao hơn cho nàng dâu thứ là vợ của Hoàng tử thứ, Phó vương. Khi ta đem cho xong, nghĩ lại ta là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) lẽ ra ta không nên có tâm thiên vị nàng dâu nào giàu, nàng dâu nào nghèo; ta nên nghĩ đến địa vị lớn nhỏ. Đúng ra, vật có giá trị cao ta nên cho nàng dâu trưởng, ta đã không làm như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không?” Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi. Các sứ giả tâu rằng: – Tâu Thái hậu, của cải của mình muốn cho đến ai tùy theo mình, điều ấy không làm cho giới bị ô nhiễm. Vậy xin Bà từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng con. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi Thái hậu của Đức vua trên tấm biển vàng xong, Bà truyền dạy rằng: – Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến nàng dâu trưởng là chánh cung Hoàng hậu của Hoàng tử Chánh vương, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi nàng dâu trưởng của ta. 3- Chánh cung Hoàng hậu của Đức vua giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến hầu chánh cung Hoàng hậu tâu rằng: – Muôn tâu Hoàng hậu, chúng hạ thần được biết chánh cung Hoàng hậu giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin chánh cung Hoàng hậu mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Chánh cung Hoàng hậu truyền dạy rằng: – Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, ta đứng trên bao lơn cung điện, nhìn thấy Đức chánh vương ngồi trước, Đức phó vương ngồi sau trên lưng voi đang ngự ra khỏi thành, ta trộm nghĩ thầm rằng: Ta nên thân cận Đức phó vương này, khi Đức chánh vương băng hà; Đức phó vương lên ngôi Chánh vương sẽ có lòng ưu ái đến ta. Sau đó, ta cảm thấy hổ thẹn tội lỗi, vì ta là người hành pháp karu (ngũ giới), Đức vua phu quân của ta vẫn còn sống, ta lại trộm nghĩ đến một người đàn ông khác, như vậy giới của ta có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi. Các sứ giả tâu rằng: – Tâu Hoàng hậu, chỉ có suy nghĩ ở trong tâm, không thể phạm điều giới tà dâm được. Vì vậy, kính xin chánh cung Hoàng hậu từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi chánh cung Hoàng hậu của Đức vua trên tấm biển vàng xong, Hoàng hậu truyền dạy rằng: – Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến Đức phó vương, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi Đức phó vương ấy. 4- Đức phó vương - Hoàng đệ của Đức vua giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến hầu Đức phó vương tâu rằng: – Muôn tâu Đức phó vương, chúng hạ thần được biết Đức phó vương giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin Đức phó vương mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Đức phó vương dạy rằng: – Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một buổi chiều, ta đến chầu Đức chánh vương bằng xe ngựa, ta nghĩ, khi đến chầu Đức hoàng huynh xong, sẽ xin cáo lui trở về. Nhưng khi đến chầu xong, lại gặp phải cơn mưa lớn có sấm sét, Đức hoàng huynh ngăn cản không cho ta về, nên ta phải nghỉ đêm tại cung điện. Phần người lái xe và đoàn người tùy tùng nghĩ rằng: ‘Đức phó vương sẽ trở về, nên chờ đợi suốt đêm đến sáng’. Sáng ngày hôm sau, ta xin phép ra về, khi ra đến cửa, ta thấy người lái xe và đoàn người tùy tùng đứng chờ suốt đêm, bị trời mưa ướt phải chịu cực khổ, ta cảm thấy ân hận và thương cảm cho người lái xe và đoàn người tùy tùng. Ta nghĩ, ta là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) mà làm khổ người khác như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không?” Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi. Các sứ giả tâu rằng: – Muôn tâu Đức phó vương, Đức phó vương không cố ý làm khổ người khác, còn giới của Đức phó vương không hề bị ô nhiễm một điều giới nào cả. Vậy, kính xin Đức phó vương từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi Đức phó vương trên tấm biển vàng xong, Đức phó vương truyền dạy rằng: – Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến vị Bàlamôn quân sư của Đức vua, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi vị quân sư ấy. 5- Vị Bàlamôn quân sư của Đức vua giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến hầu vị quân sư Bàlamôn tâu rằng: – Thưa quân sư, chúng thần được biết quân sư giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin quân sư mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Vị Bàlamôn quân sư dạy rằng: – Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, ta đến chầu Đức vua, trên đường đi ta thấy một chiếc xe mới xinh đẹp, được biết chiếc xe ấy của Đức vua lân bang đem đến cống hiến Đức vua Dhanañcayakorabya. Ta thầm nghĩ rằng: ‘Ta đã già rồi, nếu được Đức vua ban chiếc xe này cho ta; ta sẽ dùng chiếc xe này làm phương tiện đi lại chầu Đức vua thì tốt biết dường nào!’. Khi ta vào chầu Đức vua, sứ giả tâu cống hiến chiếc xe lên Đức vua. Đức vua khen ngợi chiếc xe rất xinh đẹp, rồi truyền dạy rằng: – Này sứ giả, các ngươi nên cống hiến chiếc xe xinh đẹp này đến vị Bàlamôn quân sư khả kính của ta. Ban đầu ta không chịu nhận, nhưng Đức vua khẩn khoản mãi ta mới chịu nhận. Vì ta là vị quân sư giữ gìn pháp karu (ngũ giới), sao lại phát sinh tâm tham muốn trong của cải của người khác, như vậy giới của ta có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi. Các sứ giả bạch rằng: – Thưa quân sư, tâm nghĩ tham muốn của cải người khác, thì chưa phạm điều giới được. Bởi vì phạm điều giới phải do thân và khẩu. Vậy, kính xin quân sư từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi vị quân sư trên tấm biển vàng xong, vị quân sư truyền dạy rằng: – Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến vị quan đo điền thổ của Đức vua, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ vị quan ấy. 6- Vị quan đo điền thổ của Đức vua giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến hầu vị quan đo điền thổ thưa rằng: – Thưa quan đo điền thổ, chúng tôi được biết ông giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin ông mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Vị quan đo điền thổ bảo rằng: – Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi có phận sự đo điền thổ ở tỉnh ngoài, tôi lấy sợi dây cột vào hai đầu cây, người chủ đất cầm một đầu, còn tôi cầm một đầu. Khi tôi giăng dây để đo đất, đầu cây của tôi nhằm ngay vào hang con cua, tôi nghĩ rằng: ‘Nếu tôi cắm cây ngay vào hang con cua, thì có thể làm con cua chết; nếu tôi cắm cây tránh quá hang con cua, thì bị thâm lạm đất nhà nước; nếu tôi cắm cây trước hang con cua, thì thiếu hụt đất của chủ điền. Tôi nghĩ nếu trong hang này có con cua, thì tôi đã thấy nó, tôi đã xem xét không nhìn thấy con cua nào, có lẽ nó đã bỏ hang đi rồi. Khi tôi cắm cây nhằm ngay vào hang cua, tôi lắng nghe có tiếng kêu, và nghĩ có lẽ tôi đã cắm cây đụng phải con cua bị đau, nhưng tôi không biết con cua sống chết thế nào, như vậy, giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: – Thưa vị quan đo điền thổ, Ngài không có tác ý sát sinh, dù con cua có chết hay không Ngài cũng không phạm điều giới sát sinh. Vậy, xin Ngài từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi vị quan đo điền thổ trên tấm biển vàng xong, vị quan đo điền thổ khuyên rằng: – Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu người đánh xe ngựa của Đức vua, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các người hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ ông ấy. 7- Người đánh xe ngựa của Đức vua giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến gặp người đánh xe ngựa cho Đức vua thưa rằng: – Thưa anh đánh xe ngựa, chúng tôi được biết anh giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin anh mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Người đánh xe ngựa thưa rằng: – Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) đến cho quý ông. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi đánh xe ngựa đưa Đức vua dạo chơi vườn thượng uyển. Đức vua mải ngắm cảnh, đến quá chiều Đức vua mới ngự lên xe hồi cung; xe đi được một đoạn đường, tôi nhìn thấy bầu trời mây kéo đen nghịt, báo hiệu trời sắp mưa, lo Đức vua sẽ bị mưa ướt, nên tôi dùng roi báo hiệu cho ngựa chạy nhanh về cung điện. Bắt đầu từ đó về sau, mỗi khi đến đoạn đường này, con ngựa vụt chạy nhanh với ý nghĩ nơi đoạn đường này có nguy hiểm, nên trước đây người lái xe đã báo hiệu cho chạy nhanh. Sự thật, hôm ấy trời mưa ướt hay không, chính tôi không có lỗi, thế mà tôi dùng roi ra hiệu cho ngựa chạy nhanh, tôi đã làm khổ con ngựa từ ngày ấy cho đến nay; tôi cảm thấy ân hận thương cảm cho con ngựa. Vì tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) không nên làm khổ chúng sinh khác, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho các ông. Các sứ giả nói rằng: – Này anh lái xe ngựa, tâm của anh không nghĩ làm khổ đến con ngựa, còn giới của anh không phạm một điều nào cả. Vậy, xin anh từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi người đánh xe ngựa trên tấm biển vàng xong, người đánh xe ngựa khuyên rằng: – Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu ông phú hộ, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi ông ấy. 8- Ông phú hộ ở kinh thành Indapattha, giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến gặp ông phú hộ thưa rằng: – Thưa ông phú hộ, chúng tôi được biết ông giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin ông mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Ông phú hộ thưa rằng: – Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) đến cho quý ông. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi đi thăm ruộng của tôi, xem xét lúa sāli đến thời kỳ chín, có thể gặt được chưa. Trước khi trở về, tôi sai người cắt một nắm đem về, sau đó tôi nghĩ rằng: ‘Lúa ruộng của tôi chưa được đóng thuế cho nhà nước, nhưng tôi đã đem về một nắm lúa, mà tôi chưa đóng thuế’. Tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) lẽ ra, tôi phải đóng thuế lúa cho nhà nước xong rồi, phần lúa còn lại là phần của mình mới đem về nhà được, tôi đã vô ý, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: – Thưa ông phú hộ, ông không có tác ý trộm cắp, nên giới của ông không phạm gì cả, vậy xin ông từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi ông phú hộ trên tấm biển vàng xong, ông phú hộ khuyên rằng: – Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu vị quan trông coi kho thóc gạo, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi vị quan ấy. 9- Vị quan trông coi kho thóc gạo của Đức vua, giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến tìm gặp vị quan trông coi kho thóc gạo của Đức vua rồi thưa rằng: – Thưa quan trông coi kho thóc gạo, chúng tôi được biết ông giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin ông mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Vị quan trông coi kho thóc gạo thưa rằng: – Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) đến cho các ông. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi ngồi trước cửa kho, dùng thẻ để đếm lúa đem nạp vào kho thóc lúa nhà Vua. Trong khi đang đếm lúa, thì trời mưa; vì sợ trời mưa ướt lúa, tôi vội vàng sai người đong lúa đóng thuế nạp vào kho. Khi công việc xong rồi, tôi nghĩ lại rằng: ‘Trong khi vội vàng lỡ đếm nhầm, nếu thiếu lúa thì có hại cho nhà nước, hoặc nếu dư lúa thì có hại cho dân chúng’. Tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) mà không thận trọng trong phận sự của mình, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: – Thưa ông, ông không có tác ý gì, nên ông không thể phạm điều giới được. Vậy, xin ông từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi vị quan trông coi kho thóc gạo trên tấm biển vàng xong, vị quan ấy khuyên rằng: – Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu người đóng cửa thành, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi ông ấy. 10- Người đóng cửa thành giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến gặp người đóng cửa thành thưa rằng: – Thưa anh, chúng tôi được biết anh giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin anh mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Người đóng cửa thành thưa rằng: – Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, đến giờ đóng cửa thành, tôi đã công bố lớn tiếng đến 3 lần; khi ấy, một người nghèo với một đứa em gái vào rừng tìm củi, cỏ xong, đang trên đường đi vào cửa thành. Hai anh em vội vàng chạy đến, cũng vừa đúng lúc đóng cửa thành. Tôi quở trách người nghèo ấy rằng: – Anh không biết có Đức vua trong thành, anh không biết đến giờ đóng cửa thành hay sao! Mà anh ham vui dẫn vợ đi dạo chơi trong rừng mãi cho đến giờ này mới trở về? Anh chàng nghèo ấy đáp rằng: – Người con gái ấy là em của tôi, không phải là vợ. Tôi nghĩ lại rằng: ‘Em gái của anh ấy mà ta nói là vợ’. Tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới), tôi không biết rõ, nên nói lời không chân thật, tôi rất ân hận, như vậy giới của tôi có bị phạm hay không?”. Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Các sứ giả bảo rằng: – Này anh đóng cổng thành, người nào nói theo sự hiểu lầm của mình, thì người ấy không gọi là phạm điều giới. Vậy, xin anh từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi người đóng cửa thành trên tấm biển vàng xong, người ấy khuyên rằng: – Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu cô kỹ nữ Vaṇṇadasī, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi cô ấy. 11- Cô kỹ nữ trong kinh thành Indapattha, giữ gìn pháp karu Các sứ giả đến gặp cô kỹ nữ Vaṇṇadasī rồi thưa rằng: – Thưa cô, chúng tôi được biết cô giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin cô mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Cô kỹ nữ Vaṇṇadasī thưa rằng: – Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một thuở nọ, để thử xem tôi có đức tin giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn hay không, Đức vua trời Sakka (Đế Thích) đã biến hóa thành một chàng trai trẻ đến tìm tôi và trao trước cho tôi một số tiền 1.000 đồng kahāpana, rồi bảo với tôi rằng: – Hãy chờ tôi! Tôi sẽ trở lại. Chàng trai trẻ ấy ra đi (hồi cung trời Tam Thập Tam Thiên), tôi đã chờ đợi suốt 3 năm ròng rã vẫn không thấy chàng trai trẻ ấy trở lại sống chung với tôi. Trong suốt thời gian 3 năm trường ấy, tôi không dám nhận tiền bạc của cải từ một người đàn ông nào khác, sợ rằng giới của mình bị phạm. Tôi phải chịu sống nghèo khổ túng thiếu, đến lúc tôi không thể nào tiếp tục chịu đựng kéo dài cuộc sống được nữa, nên tôi thưa trình chuyện này, nhờ tòa án phán xét. Khi tôi đến tòa trình bày rằng: – Thưa quan tòa, xin tòa phán xét trường hợp của tôi như vầy: “Cách đây tròn đúng 3 năm, một chàng trai trẻ trao trước cho tôi số tiền 1.000 đồng kahāpana, rồi ra đi bảo tôi chờ đợi chàng sẽ trở lại. Tôi đã chờ đợi chàng trai trẻ ấy tròn đúng 3 năm rồi, mà vẫn không thấy chàng trai trẻ ấy trở lại tìm tôi, nên tôi không dám nhận tiền bạc của người đàn ông khác nữa, vì sợ bị phạm giới. Do đó, cuộc sống của tôi càng ngày càng túng thiếu, nghèo khổ; đến nay, tôi không thể tiếp tục chịu đựng kéo dài cuộc sống như vậy”. Kính xin tòa phán xét giải quyết hoàn cảnh của tôi thế nào cho được công minh. Tòa phán xét rằng: – Kể từ nay, nàng có thể nhận tiền bạc từ người đàn ông khác được. Khi tòa phán xét xong, tôi vừa bước ra khỏi tòa, thì có một người đàn ông lại tìm tôi, trao cho tôi một số tiền 1.000 đồng kahāpana, tôi vừa đưa tay ra định nhận; nhưng chưa nhận, thì ngay khi ấy Đức vua trời Sakka (Đế Thích) hiện ra là một chàng trai trẻ cách đây đúng 3 năm về trước. Tôi vừa thấy chàng trai ấy, liền rút tay lui lại và kêu lên rằng: – Chàng trai trẻ năm xưa đã đến rồi! Tôi không thể nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana của ông được, xin ông thông cảm! Chàng trai trẻ ấy hóa trở lại thành Đức vua trời Sakka (Đế Thích) đứng trên hư không có hào quang sáng ngời, làm cho dân chúng trong thành đều vui mừng hớn hở. Đức vua trời Sakka (Đế Thích) truyền dạy rằng: – Cách đây đúng 3 năm, Trẫm đã biến hóa thành một chàng trai trẻ trao cho nàng kỹ nữ số tiền 1.000 đồng kahāpana, để thử lòng nàng kỹ nữ có giữ giới trong sạch hay không. Nay Trẫm đã biết rõ nàng kỹ nữ là người đã giữ giới trong sạch và trọn vẹn. Đức vua trời Sakka (Đế Thích) khuyên mọi người giữ gìn ngũ giới trong sạch sẽ được nhiều quả báu lớn lao. Sau đó, Đức vua trời Sakka (Đế Thích) ban phước lành cho tôi, trong nhà có đầy đủ 7 thứ báu vật và khuyên dạy rằng: – Nàng nên giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, chớ nên dể duôi trong mọi thiện pháp, kể từ nay cho đến trọn đời, sau khi chết do nhờ thiện nghiệp giữ giới sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời, thọ hưởng mọi sự an lạc cao quý ở cõi trời. Như vậy, tôi đã nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana từ chàng trai, nhưng tôi chưa làm xong phận sự, lại còn đưa tay định nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana từ một người đàn ông khác; tuy tôi đưa tay nhưng chưa nhận số tiền ấy, tôi vẫn ái ngại, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”. Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: – Thưa cô Vaṇṇadasī, như vậy, giới của cô không bị ô nhiễm, vẫn còn trong sạch và trọn vẹn. Vậy xin cô từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi. Các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi cô kỹ nữ trên tấm biển bằng vàng. Các sứ giả của Đức vua Kāliṅga ở kinh thành Dantapura đã ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ 11 vị đã giữ gìn trong sạch trên tấm biển vàng, rồi trở lại kinh thành Dantapura dâng tấm biển vàng ấy lên Đức vua Kāliṅga. Đức vua Kāliṅga thực hành theo pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn, thì trong xứ Kāliṅga của Đức vua được mưa thuận gió hòa, 3 tai nạn không còn nữa, trong nước thái bình thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, dân chúng sống được an cư lạc nghiệp, cuộc sống được an lạc. Phần Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya tiếp tục bồi bổ ba-la-mật bố thí, trì giới,v.v… cho đến trọn đời. Đức vua Bồ Tát cùng những người trung tín sau khi chết, thiện nghiệp giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn cho quả đều được tái sinh lên cõi trời, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời. Đức Phật thuật lại câu chuyện tiền kiếp của Ngài, có số chúng sinh chứng đắc thành bậc Nhập Lưu, có số chúng sinh chứng đắc thành bậc Nhất Lai,... có số chúng sinh phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới. Kiếp quá khứ liên quan đến kiếp hiện tại 1- Cô kỹ nữ Vaṇṇadāsī: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī. 2- Người đóng cửa thành: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Puññatthera. 3- Vị quan đo điền thổ: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Kaccayanatthera. 4- Vị quan trông coi thóc lúa: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Mahāmoggallānatthera. 5- Ông phú hộ kinh thành Indapattha: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Sāriputatthera. 6- Người lái xe ngựa của Đức vua: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Anuruddhatthera. 7- Vị Bàlamôn quân sư: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Mahākassapatthera. 8- Đức phó vương, Hoàng đệ của Đức vua: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Nandatthera. 9- Chánh cung Hoàng hậu của Đức chánh vương: Kiếp hiện tại này là Chánh cung Hoàng hậu Yasodharā, về sau xuất gia trở thành Tỳ khưu ni Yasodharātherī. 10- Mẫu hậu của Đức vua: Kiếp hiện tại này là Mẫu hậu Mahāmayādevī. 11- Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya: Kiếp hiện tại này chính là Như Lai (Đức Phật Gotama). Như vậy, sự giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn có một tầm rất quan trọng đối với tất cả chúng sinh, có khả năng đem lại sự lợi ích lớn hoặc nhỏ tuỳ theo địa vị của mỗi người trong đời. ─ Nếu Đức vua là người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì trong nước được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thần dân thiên hạ được no ấm an lạc, mọi người được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng. ─ Nếu người chủ gia đình là người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì toàn thể những người trong gia đình được sống an lành hạnh phúc. ─ Nếu mỗi người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì chính người ấy đã tạo cho mình những thiện nghiệp ngũ giới; mà mỗi thiện nghiệp trở thành một pháp đại thí đối với tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Như trong bài kinh Abhisandasutta [48], Đức Phật thuyết dạy về 5 loại đại thí như sau: Năm loại đại thí ấy là thế nào? 1- Này chư Tỳ khưu, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự sát sinh, hoàn toàn tránh xa sự sát sinh. Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự sát sinh, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (sinh mạng của tất cả chúng sinh), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình. Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ nhất gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý. 2- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự trộm cắp, hoàn toàn tránh xa sự trộm cắp. Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự trộm cắp, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (của cải người khác), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình. Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ nhì gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý. 3- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự tà dâm, hoàn toàn tránh xa sự tà dâm. Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự tà dâm, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (vợ, chồng, con cái của người khác), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình. Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ ba gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý. 4- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự nói dối, hoàn toàn tránh xa sự nói dối. Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự nói dối, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (không gây thiệt hại), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình. Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ tư gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý. 5- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, hoàn toàn tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (không gây ra tai hại), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình. Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ năm gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý. Nhận Xét Về Ngũ Giới Ngũ giới là thường giới (niccasīla) cho tất cả mọi người trong đời, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, v.v… Hễ người nào không giữ gìn ngũ giới đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy được gọi là người không có giới, người phạm giới, đã tạo nên ác nghiệp, rồi phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, ngay cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Hễ người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy được gọi là người có giới, đã tạo nên thiện nghiệp, rồi được hưởng quả báu an lạc của thiện nghiệp ấy, ngay cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Người nào không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, thì người ấy khó mà giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và đầy đủ trọn vẹn. Người ấy gọi là người không có giới, người phạm giới, cũng gọi là người ác, mà tâm của người ác thường thích làm điều ác, nói điều ác, nghĩ đến điều ác. Cho nên, khi có cơ hội tạo ác nghiệp nào, người ấy tạo ác nghiệp một cách dễ dàng, rồi khi hậu quả khổ xảy ra với họ, họ thường trách người khác..., bởi vì họ là người không có đức tin và trí tuệ, không tin nghiệp và quả của nghiệp. Người ác dễ làm việc ác tạo ác nghiệp, mà khó làm việc thiện tạo thiện nghiệp. Người nào có đức tin nơi Tam Bảo, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, có thiện tâm biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, thì người ấy dễ dàng giữ gìn ngũ giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn. Người ấy gọi là người có giới, cũng gọi là người thiện, mà tâm của người thiện thường thích làm điều thiện, nói điều thiện, nghĩ đến điều thiện. Cho nên, khi có cơ hội tạo thiện nghiệp nào, người ấy tạo thiện nghiệp ấy một cách dễ dàng, bởi vì họ là người có đức tin và trí tuệ, tin nghiệp và quả của nghiệp. Người thiện dễ làm việc thiện tạo thiện nghiệp, mà khó làm việc ác tạo ác nghiệp. Nhận Xét Khó Hoặc Dễ Của Ngũ Giới * Người nào không giữ gìn ngũ giới, phạm giới, người ấy có tác ý bất thiện (tác ý ác), rồi cố gắng tạo ác nghiệp bằng thân, bằng khẩu; gọi là người phạm giới, người tạo ác nghiệp. Như vậy ác nghiệp khó tạo hay dễ tạo ??? * Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, không phạm giới, người ấy có tác ý thiện, rồi không tạo ác nghiệp bằng thân, bằng khẩu; gọi là người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, người tạo thiện nghiệp. Như vậy thiện nghiệp khó tạo hay dễ tạo ??? Hay nói rõ, người nào không giữ gìn ngũ giới, phạm giới, người ấy phải có tác ý ác, rồi sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say,... tạo ác nghiệp. Đó là ác nghiệp khó tạo hay dễ tạo ??? Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, không phạm giới nào, người ấy phải có tác ý thiện, rồi không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say,... tạo thiện nghiệp. Đó là thiện nghiệp khó tạo hay dễ tạo ??? * Đặt ra từng câu hỏi cho mỗi giới, rồi tự mình suy xét trả lời trung thực như sau: ─ Sát sinh và không sát sinh, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động? ─ Trộm cắp và không trộm cắp, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động? ─ Tà dâm và không tà dâm, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động? ─ Nói dối và không nói dối, trong hai sự việc ấy, việc nào khó nói? Việc nào dễ nói? - Uống rượu và các chất say và không uống rượu và các chất say, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động? * Vấn đề không nói dối, thì nói thật như sau: ─ Mình làm sao, thì nói vậy (để mọi người không còn hoài nghi người khác). ─ Mình nói sao, thì làm vậy (để tạo niềm tin cho mọi người). ─ Mình nói lời đầu như thế nào, thì lời sau cũng nói như thế ấy (để giữ uy tín đối với mọi người, mình là người biết tự trọng). Khi nói sự thật cần phải có đầy đủ ba yếu tố cần thiết: - Thời gian nào có thể nói sự thật. - Nơi chốn nào nên nói sự thật. - Con người nào biết nghe sự thật. Khi có đầy đủ ba yếu tố cần thiết (thời gian, nơi chốn, con người) thích hợp, thì nên nói sự thật. Sự thật ấy sẽ đem lại sự lợi ích cho mình và cho người nghe sự thật. Ví dụ: Trong những trường hợp ─ Người đứng trước tòa án cần phải khai thật đề tòa xét xử, luận tội đúng theo pháp luật nhà nước. ─ Trong cơ quan điều tra, khi nhà chức trách xét hỏi, người phạm tội cần phải khai báo đúng sự thật. ─ Khi làm sai điều gì mà người khác không biết, thì người ấy phải nên nói sự thật để người ta không còn nghi ngờ người khác v.v… Đó là những trường hợp có đầy đủ ba yếu tố cần thiết thích hợp để nói sự thật. Tuy nhiên, những trường hợp nếu người nào nghĩ tham muốn tài sản của người khác một cách bất hợp pháp, thì người ấy không nên nói sự thật cho người khác biết. Nếu nói sự thật thì chắc chắn có hại cho mình và cho người khác mà thôi. Ví dụ: Nhìn thấy vợ hoặc chồng người khác xinh đẹp, người ấy phát sinh tâm tham muốn vợ hoặc chồng của người khác. Khi ấy, không nên nói sự thật ý nghĩ tham muốn của mình. Cho nên, không phải lúc nào nghĩ sao cũng nên nói vậy. Sự thật ý nghĩ của mình có khi nên nói, có khi không nên nói, vì điều đó không có ai bắt buộc. Việc dễ làm, việc khó làm hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng hiểu biết, và bản tính thiện hoặc ác của mỗi người. - Người ác dễ làm việc ác, nhưng khó làm việc thiện. - Bậc thiện trí dễ làm việc thiện, nhưng khó làm việc ác. Như Đức Phật dạy: Sukaraṃ sādhunā sādhu, Này chư Tỳ khưu, Đối với tất cả hàng phàm nhân (không phải bậc Thánh Nhân) xét về thiện - ác ai cũng có đầy đủ 12 ác tâm là 8 tham tâm + 2 sân tâm + 2 si tâm; và có 8 dục giới đại thiện tâm. Đặc biệt một số người có 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm. Trong đời này, nếu người nào gần gũi thân cận với bạn ác, thì người ấy dễ bị ảnh hưởng bởi bạn ác, làm cho tâm ác phát sinh tạo những ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý dẫn đến sự phạm giới, trở thành người không có giới, rồi phải chịu quả khổ ngay trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Trong đời này, nếu người nào gần gũi thân cận với bạn lành, bạn tốt, bậc thiện trí, thì người ấy được ảnh hưởng từ người bạn lành, bạn tốt, bậc thiện trí ấy, làm cho tâm thiện phát sinh, tạo những thiện nghiệp bằng thân, khẩu, ý từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp. Như vậy, con người còn là phàm nhân vốn có 3 nhân ác: Tham, sân, si và cũng có 3 nhân thiện: Vô tham, vô sân, vô si, nên kiếp hiện tại này, nếu người nào thường thân cận với kẻ ác, thì ác pháp dễ phát sinh và phát triển, trở thành người phạm giới. Nếu người nào thường thân cận với bậc thiện trí, thì thiện pháp dễ phát sinh và tăng trưởng, trở thành người có giới. Cho nên, cuộc đời của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào những người bạn [50] của mình. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tính Ưu Việt Của Người Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Ngũ Giới * Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, và người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới. Nếu cả hai người này đều phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) cùng tạo ác nghiệp như nhau, thì người nào có ác nghiệp nặng? Người nào có ác nghiệp nhẹ? Câu hỏi này tương tự câu hỏi của Đức vua Milinda bạch hỏi Ngài Đại đức Nāgasena, như sau: Đức vua Milinda [51] bạch hỏi đại ý như sau: ─ Kính bạch Ngài Đại đức Nāgasena, một người không hiểu biết ác nghiệp, và một người hiểu biết ác nghiệp. Nếu cả hai người cùng tạo ác nghiệp giống nhau, thì người nào tạo ác nghiệp nặng, người nào tạo ác nghiệp nhẹ? Bạch Ngài. Ngài Đại đức Nāgasena giải đáp rằng: ─ Thưa Đại vương, người không hiểu biết (ajānanto) ác nghiệp, và người hiểu biết ác nghiệp (jānanto). Nếu cả hai người cùng tạo ác nghiệp giống nhau, người không hiểu biết ác nghiệp thì tạo ác nghiệp nặng, còn người hiểu biết ác nghiệp thì tạo ác nghiệp nhẹ. Nghe như vậy, Đức vua Milinda bạch rằng: ─ Kính bạch Ngài Đại đức Nāgasena, nếu như vậy, thì những vị quan, quân lính trong triều đình của con, người nào không hiểu biết pháp luật mà phạm đến pháp luật, thì con phải hành phạt trị tội nặng đối với người ấy có phải không? Bạch Ngài. Ngài Đại đức giải thích bằng ví dụ rằng: ─ Thưa Đại vương, Đại vương hiểu thế nào về điều này: “Một thỏi sắt được nung cháy đỏ, một người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy; và một người khác hiểu biết rõ thỏi sắt nóng ấy mà phải đưa tay dè dặt đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy. Trong hai người đều đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, người nào bị cháy phỏng nặng hơn, người nào bị cháy phỏng nhẹ hơn?”. ─ Kính bạch Ngài Đại đức Nāgasena, dĩ nhiên người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì chắc chắn phải bị cháy phỏng nặng hơn; còn người hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay dè dặt đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì bị cháy phỏng nhẹ hơn. Bạch Ngài. ─ Thưa Đại vương, cũng như vậy, người nào không hiểu biết ác nghiệp mà tạo ác nghiệp, thì người ấy tạo ác nghiệp nặng hơn; còn người nào hiểu biết ác nghiệp, mà bất đắc dĩ phải tạo ác nghiệp, thì người ấy tạo ác nghiệp nhẹ hơn. Dựa theo lời giải đáp của Ngài Đại đức Nāgasena, mà có thể giải đáp một cách hợp lý rằng: * Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, và người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới. Nếu cả hai người cùng phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) cùng tạo ác nghiệp giống nhau, người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới thì tạo ác nghiệp nặng hơn; còn người đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, thì tạo ác nghiệp nhẹ hơn. Nguyên nhân vì sao? Người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới, vốn là người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi. Khi họ phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) tạo ác nghiệp, rồi họ không ăn năn hối lỗi, không biết sám hối tội lỗi. Bởi vậy cho nên, người ấy có ác nghiệp nặng hơn. Còn người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, vốn là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi. Song vì sự dể duôi, hoặc vì nể mặt, hoặc vì phiền não xui khiến họ phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) tạo ác nghiệp, rồi liền sau đó họ biết ăn năn hối lỗi, biết thành tâm sám hối tội lỗi, họ phát nguyện xin thọ trì ngũ giới trở lại, trong đó có giới: “Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi”. Họ trở thành người có giới đầy đủ như trước, rồi cố gắng giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho mọi thiện nghiệp phát sinh và phát triển. Do đó, người ấy có ác nghiệp nhẹ hơn. Ví dụ: Một thỏi sắt được nung cháy đỏ, nếu một người không biết thỏi sắt ấy nóng, mà lấy bàn tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì bàn tay bị cháy phỏng nặng. Còn một người khác biết rõ thỏi săt ấy nóng, mà bất đắc dĩ phải lấy bàn tay dè dặt đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, cho nên bàn tay bị cháy phỏng nhẹ hơn. Cũng như vậy, hai người cùng tạo ác nghiệp: ─ Một người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới, vốn là người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết rằng: - Ác nghiệp cho quả khổ thân, khổ tâm. - Thiện nghiệp cho quả thân an lạc, tâm an lạc. Sau khi đã phạm giới, tạo ác nghiệp xong, người ấy không biết ăn năn hối lỗi, không biết sám hối tội lỗi của mình, không biết cách ngăn ác pháp. Do đó, ác nghiệp của người ấy nặng hơn. ─ Một người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, vốn là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. Bởi do sự dể duôi quên mình nên bất đắc dĩ mới phạm giới tạo ác nghiệp, nhưng ngay sau đó, người ấy có trí nhớ biết mình, không dể duôi, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn hối lỗi, biết cách sám hối tội lỗi, biết cách ngăn cản không để ác pháp phát triển bằng cách phát nguyện xin thọ trì ngũ giới trở lại, trở thành người có giới, rồi giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn như trước, để làm nền tảng cho mọi thiện pháp phát triển. Do đó, ác nghiệp mà người ấy đã tạo trước đây bị giảm tiềm năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai. Ví dụ: Nếu đổ một muỗng muối vào trong cái ly chứa ít nước, thì làm cho nước trong ly có vị mặn nhiều. Nhưng nếu cũng muỗng muối ấy đổ vào trong một cái bể chứa nhiều khối nước, thì làm cho nước trong hồ sẽ có vị mặn không đáng kể. Cũng như vậy, khi một người cận sự nam, cận sự nữ có sự dể duôi đã lỡ tạo ác nghiệp, rồi ngay sau đó, người ấy có trí nhớ không dể duôi thọ trì lại ngũ giới rồi giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho mọi thiện nghiệp phát sinh và phát triển. Chính nhờ thiện nghiệp này làm giảm được tiềm năng cho quả của ác nghiệp; hoặc nhờ thiện nghiệp được phát triển cho nên ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ của nó. Như vậy, người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới vốn là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. Nhưng đôi khi do phiền não có năng lực xui khiến làm cho phạm giới, tạo nên ác nghiệp làm khổ mình, làm khổ chúng sinh. Khi tự mình có trí nhớ biết mình, người cận sự nam, cận sự nữ liền xin thọ trì ngũ giới trở lại, rồi giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn như trước; hoặc có bậc thiện trí nhắc nhở, khuyên dạy thì người cận sự nam, cận sự nữ ấy dễ dàng biết phục thiện ngay, rồi trở thành người có giới trong sạch và trọn vẹn lại như trước, để làm nền tảng cho mọi thiện nghiệp phát triển. Đó là tính ưu việt của người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới là thường giới. Ngũ Giới Hành Phạm Hạnh
Ngũ giới hành phạm hạnh như thế nào? Thông thường ngũ giới là thường giới (niccasīla) đối với tất cả mọi người tại gia nói chung vẫn có thể có vợ hoặc có chồng. Trong ngũ giới có giới thứ ba là: “Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi” (Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm) Còn ngũ giới hành phạm hạnh (brahmacariyapañcasīla) dành cho bậc Thánh Bất Lai tại gia suốt đời trọn kiếp. Cho nên, trong ngũ giới hành phạm hạnh có giới thứ ba là: “Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi” (Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm) Bởi vì, bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới, đương nhiên tâm không còn muốn hành dâm nữa. Do đó, bậc Thánh Bất Lai hành phạm hạnh, nghĩa là tuyệt đối không còn hành dâm không chỉ suốt trọn đời trọn kiếp này mà còn những kiếp vị lai cho đến khi trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. Trong thời kỳ Đức Phật hiện còn trên thế gian, có hai trưởng giả cùng tên Ugga: Trưởng giả Ugga người xứ Vesāli và trưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji. Cả hai trưởng giả này lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thực hành thiền tuệ đều chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, đã diệt đoạn tuyệt được phiền não tham dục trong cõi dục giới, nên tâm không còn thỏa thích, say mê thèm khát trong ngũ trần nữa. Hai trưởng giả là người cận sự nam sống tại gia, cho nên, họ thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh. Tìm hiểu bài kinh Uggasutta [52] Đức Phật đề cập đến trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa lớn trong khu rừng gần thành Vesāli. Khi ấy, Đức Thế Tôn gọi chư Tỳ khưu dạy rằng: ─ Này chư Tỳ khưu, các con nên ghi nhớ rằng: ‘Trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có’. Đức Thế Tôn dạy như vậy xong, đứng dậy ngự vào chùa. Vào một buổi sáng, có một vị Tỳ khưu mặc y bát đến ngôi nhà của trưởng giả Ugga xứ Vesāli, ngồi trên tọa cụ đã trải sẵn. Trưởng giả Ugga xứ Vesāli đảnh lễ vị Tỳ khưu xong, ngồi một nơi hợp lẽ; khi ấy, vị Tỳ khưu hỏi trưởng giả Ugga xứ Vesāli rằng: – Này trưởng giả Ugga, Đức Thế Tôn khen ngợi ông rằng: “Trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có”. Này trưởng giả, 8 pháp phi thường chưa từng có đó là pháp như thế nào? Trưởng giả Ugga xứ Vesāli bạch rằng: ─ Kính bạch Đại đức, con không biết Đức Thế Tôn khen ngợi con là người có 8 pháp phi thường chưa từng có thế nào. Nhưng đối với con, kính xin Đại đức hoan hỷ lắng nghe 8 pháp phi thường chưa từng thấy của con; con xin trình bày cho Đại đức được rõ. Vị Tỳ khưu đáp rằng: ─ Lành thay! Trưởng giả Ugga. Trưởng giả Ugga xứ Vesāli bạch rằng: 1- Kính bạch Đại đức, lần đầu tiên khi con thấy Đức Thế Tôn từ xa, tức thì ngay khi ấy, tâm của con phát sinh đức tin trong sạch hoàn toàn nơi Ngài. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ nhất của con. 2- Kính bạch Đại đức, có đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, con đến ngồi gần Đức Thế Tôn, lắng nghe Ngài thuyết pháp Anupubbikathā (Pháp theo tuần tự) để tế độ con, đó là thuyết về giới, thuyết về cõi trời, tội lỗi của ngũ dục [53] thấp hèn ô nhiễm, quả báu của sự xa lánh ngũ dục. Khi ấy, Đức Thế Tôn biết tâm trí của con đã nhu mì dễ dạy, đã xa lìa pháp chướng ngại, tâm thiện trong sạch. Để tế độ con, Đức Thế Tôn thuyết pháp chân lý Tứ Đế đó là Khổ đế, Nhân sinh Khổ đế, Diệt đế, Pháp hành diệt Khổ đế. Ví như tấm vải trắng mới sạch sẽ, không dơ bẩn, muốn nhuộm màu gì cũng tốt đẹp. Cũng như vậy, sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, chính tại nơi ấy con đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã phát sinh pháp nhãn, không còn phiền não làm ô nhiễm. Trí tuệ thấy rõ biết rõ rằng: “Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng thái diệt ”. Kính bạch Đại đức, con đã phát sinh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã đạt đến chân lý Tứ Thánh Đế, đã biết rõ đúng theo chân lý Tứ Thánh Đế, đã thấu rõ thông suốt chân lý Tứ Thánh Đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; tâm không còn hoài nghi nào nữa. Với trí tuệ thiền tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn rồi, nên không còn tin nơi người nào khác nữa. Con đã quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo và xin thọ trì ngũ giới có điều giới hành phạm hạnh chính tại nơi ấy. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ nhì của con. 3- Kính bạch Đại đức, con có 4 người vợ trẻ, con đến gặp 4 người vợ trẻ ấy bảo với họ rằng: – Này các em, kể từ nay anh đã thọ trì ngũ giới, có điều giới hành phạm hạnh rồi; em nào muốn dùng của cải làm phước thiện bố thí cũng được; em nào muốn trở về nhà cha mẹ, bà con mình cũng được; em nào muốn lấy người đàn ông khác làm chồng, anh sẽ trao em cho người đàn ông ấy. Khi con bảo như vậy, người vợ lớn nói với con rằng: – Xin anh đem trao em cho người đàn ông tên ấy. Con cho người mời ông ấy đến, tay trái con nắm tay người vợ trẻ, tay phải cầm bình nước, con rót nước xuống tay người vợ trẻ trao cho người đàn ông ấy. Tâm con vẫn tự nhiên không hề xao động chút nào cả. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ ba của con. 4- Kính bạch Đại đức, trong nhà con có nhiều của cải, con hoan hỷ làm phước bố thí phân phát của cải ấy đến cho những bậc có giới đức trong sạch, có thiện pháp cao thượng. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ tư của con. 5- Kính bạch Đại đức, khi con tìm đến vị Tỳ khưu nào, gặp vị Tỳ khưu ấy với tâm kính trọng thật sự, không phải gặp vị Tỳ khưu ấy với tâm không tôn kính. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ năm của con. 6- Kính bạch Đại đức, nếu vị Tỳ khưu ấy thuyết pháp cho con nghe, thì con ngồi lắng nghe một cách tôn kính thật sự, không phải lắng nghe pháp một cách không tôn kính; nếu vị Tỳ khưu ấy không thuyết pháp cho con nghe, thì chính con thuyết pháp cho vị Tỳ khưu ấy nghe. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ sáu của con. 7- Kính bạch Đại đức, không có gì lạ thường, khi chư thiên đến tìm con và nói rằng: “Này trưởng giả chánh pháp mà Đức Thế Tôn đã thuyết thật hoàn hảo”. Con trả lời với chư thiên rằng: “Dù quý vị có nói như vậy hay không, sự thật, chánh pháp mà Đức Thế Tôn đã thuyết vẫn thật sự hoàn hảo. Nhưng con không thấy tự hào về vấn đề chư thiên đến tìm con, hay con nói chuyện với chư thiên”. Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ bảy của con. 8- Kính bạch Đại đức, Đức Thế Tôn thuyết năm pháp ràng buộc bậc thấp trong cõi dục giới [54] (Orambhāgiyasam-yojana); trong 5 pháp ấy, con xem xét không thấy pháp nào mà con chưa diệt đoạn tuyệt (đã diệt đoạn tuyệt được 5 pháp ràng buộc bậc thấp trong cõi dục giới; trở thành bậc Thánh Bất Lai ). Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ tám của con. – Kính bạch Đại đức, 8 pháp phi thường chưa từng có của con như vậy. Con không biết Đức Thế Tôn khen ngợi con là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như thế nào? Sau đó, vị Tỳ khưu nhận vật thực tại nhà trưởng giả Ugga người xứ Vesāli. Sau khi thọ thực xong trở về chùa, vị Tỳ khưu vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn toàn bộ cuộc đàm đạo tại ngôi nhà trưởng giả Ugga người xứ Vesāli. Đức Thế Tôn dạy rằng: – Này Tỳ khưu, đúng vậy, trưởng giả Ugga người xứ Vesāli đã trình bày đúng theo sự thật. Này Tỳ khưu, Như Lai khen ngợi trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như vậy, và các con nên ghi nhớ trưởng giả Ugga người xứ Vesāli là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như vậy. (Trưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji cũng có 8 pháp phi thường chưa từng có trong bài kinh Uggasutta thứ nhì trong Chi Bộ Kinh). Ngũ Giới Hành Phạm Hạnh
Ngũ giới là thường giới (niccasīla) đối với tất cả mọi người tại gia gồm có hạng người phàm nhân và bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai tại gia có chồng hoặc có vợ. Còn đối với người tại gia là bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới xong rồi, không còn ham muốn trong ngũ dục, hoàn toàn tuyệt đói tránh xa sự hành dâm suốt đời trọn kiếp này và những kiếp vị lai nữa. – Nếu bậc Thánh Bất Lai tại gia chưa có vợ hoặc chưa có chồng, thì bậc Thánh Bất Lai ấy suốt đời trọn kiếp không bao giờ có vợ hoặc có chồng. – Nếu bậc Thánh Bất Lai tại gia, trước khi chưa chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai đã có vợ hoặc có chồng rồi, thì sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, chắc chắn tránh xa sự hành dâm suốt đời trọn kiếp. Cho nên, bậc Thánh nam Bất Lai chắc chắn vĩnh viễn tránh xa hành dâm với người vợ cũ; và bậc Thánh nữ Bất Lai cũng chắc chắn vĩnh viễn tránh xa hành dâm với người chồng cũ. Do đó, bậc Thánh Bất Lai thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh, tuyệt đối không còn hành dâm nữa. Nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh có phần giống như nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới thường giới, chỉ có khác nhau về điều giới thứ ba. Nghi Thức Thọ Trì Phép Quy Y Tam Bảo Và Ngũ Giới Hành Phạm Hạnh Người cận sự nam, cận sự nữ (hoặc hành giả) đảnh lễ Ngài Đại đức xong, tiếp theo hành nghi lễ tuần tự như sau: Lễ bái Tam Bảo Lễ sám hối Tam Bảo * Lễ sám hối Đức Phật Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Pháp Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, * Lễ sám hối Đức Tăng Bảo Uttamaṅgena vande’haṃ, Con hết lòng thành kính
cúi đầu đảnh lễ, Bài kệ cầu nguyện Iminā puññakammena, Do nhờ năng lực tâm thiện
sám hối này, Xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh Ahaṃ [55] Bhante, tisaraṇena saha, pañca komārabrahmacariyasīlaṃ [56] dhammaṃ yācāmi [57] , anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me [58] , Bhante. Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañca komārabrahmacariyasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante. Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañca komārabrahmacariyasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante. Nghĩa: “Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam [59] . Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam cho con. Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam cho con, lần thứ nhì. Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam. Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam cho con, lần thứ ba”. Phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh Hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh như sau: Ngài Đại đức truyền dạy rằng: – Yamahaṃ vadāmi, taṃ vadehi [60] (vadetha). (Sư hướng dẫn từng chữ từng câu như thế nào, con hãy nên lặp lại đúng từng chữ từng câu như thế ấy). Người cận sự nam (hoặc cận sự nữ) thưa rằng: – Āma! Bhante. (Dạ, xin vâng, kính bạch Ngài) Lễ bái Đức Phật Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng: Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần) (Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy). (3 lần) Người cận sự nam (hoặc cận sự nữ) lặp lại theo Ngài Đại đức: Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần) (Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy). (3 lần) Thọ phép quy y Tam Bảo Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ
gacchāmi. NĐĐ
[61]
: Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ. CSN
[62]
: Āma! Bhante. Thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì ngũ giới:
1-
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
2-
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
3-
Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.
4-
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
5-
Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā
veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. NĐĐ: Tisaraṇena saha pañca
komārabrahmacariyaṃ
[63]
sādhukaṃ katvā appamādena sampādehi. CSN: Āma! Bhante. NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti
Chúng sinh tái sinh cõi
trời, nhờ giữ giới, CSN: Sādhu! Sādhu! Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh xong rồi, tiếp theo cận sự nam (hoặc cận sự nữ) nên đọc 3 bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm cho tăng thêm đức tin như sau: Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ, Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam (hoặc người cận sự nữ). Ngũ giới hành phạm hạnh không những dành cho bậc Thánh Bất Lai tại gia, mà còn đối với những người cận sự nam, cận sự nữ sống độc thân, hoặc những người cận sự nam có vợ đã chết mà không tục huyền; hoặc những người cận sự nữ có chồng đã chết mà không tái giá. Tất cả những hạng người này đều có thể xin thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh này được. [1] 14 pháp hành phận sự của Sadi, Tỳ khưu trong quyển “Gương Bậc Xuất Gia” cùng một soạn giả. [2] Chú giải M.Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, kinh Sammādiṭṭhivaṇṇanā. [3] Chú giải M.Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, kinh Sammādiṭṭhivaṇṇanā. [4] Chú giải bộ Paṭisambhidāmagga, phần Sīlamayañāṇaniddesa. [5] Dī. Mahāvagga, kinh Mahāparinibbānasutta, đoạn Sīlavanta ānisaṃsa. [6] Saṃyuttanikāya, Saḷāyatanavagga, kinh Channasutta. (Ngài Đại đức Channa trùng tên với Tỳ khưu Channa, vốn là vị quan đánh ngựa đưa Đức Bồ Tát Siddhattha đi xuất gia). [7] M.Mūlapaṃṇāsa, kinh Vatthasutta. [8] Đức vua trời Sakka đã là bậc Thánh Nhập Lưu trong thời kỳ Đức Phật đang còn tại thế. [9] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā chuyện Mallikādevīvatthu. [10] Bộ Jātaka tích Pañcavudhajātaka. [11] Bộ Jātaka tích Saṅsumārajātaka. [12] Bộ Aṅguttaranikāya. [13] Bộ Aṅguttaranikāya, Tikanipāta, kinh Atittasutta. [14] Bộ Jātaka, phần Dukanipāta, tích Dhammadhajajātaka. [15] Aṅguttaranikāya, phần Pañcakanipāta, kinh Sīlasutta. [16] Aṅguttaranikāya trong kinh Abhiṇhasutta. [17] Saṃyuttanikāya, phần Sagāthavagga. [18] Aṅguttaranikāya, phần Pañcakanipāta, kinh Verasutta. [19] Cõi thiện dục giới : Cõi người, cõi trời dục giới … [20] Aṅguttaranikāya Catukanipāta, kinh Sikkhapadasutta. [21] Bộ Therāpadāna, sự tích Ngài Đại đức Pañcasīlasamādāniyatthera. [22] Khoảng cách thời gian từ thời kỳ Đức Phật Anomadassī đến Đức Phật Gotama là 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua 18 Đức Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian. [23] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Mahākāla upāsakavatthu. [24] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Kāḷayakkhinīvatthu. [25] Dhammapadagāthā thứ 5 trong tích Kāḷayakkhinīvatthu. [26] Ba giới : Gồm có 31 cõi: -
Cõi dục giới có 11 cõi, [27] Bốn loài : Loài thai sinh, loài noãn sinh, loài thấp sinh, loài hóa sinh. [28] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Sāmāvativatthu. [29] Người cha bỏ con như vậy, về sau, khi tái sinh làm người bị người ta bỏ chết 7 lần, nhưng do nhờ phước thiện hộ mệnh nên không chết. [30] Bộ Khuddakanikāya, Khuddakapātha, kinh Tirokuññasutta. [31] Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian vào thời đại tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm. [32] A-tăng-kỳ năm tính theo số lượng thì bằng số 1 theo sau 140 số không (10140). [33] Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, trong tích Tirokuññapetavatthu. [34] Bộ Khuddakanikāya, trong tích Therīgāthā, kệ Isidāsitherīgāthā. [35] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Bālavagga, câu chuyện Aññatarapurisavatthu. [36] Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Aññatarapurisavatthu. [37] Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Aññatarapurisavatthu [38] Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Aññatarapurisavatthu. [39] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Bālavagga, chuyện Uppalavaṇṇatherīvatthu. [40] Dhammapadagāthā câu kệ thứ 69. [41] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Kapilamacchavatthu. [42] Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Ciñcāmāṇavikā; Bộ Chú giải Jātaka… [43] Chuyện xảy ra vào khoảng thời gian sau hạ thứ 7, chưa đến hạ thứ 8 của Đức Phật. [44] Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Ciñcāmāṇavikāvatthu. [45] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Jarāvagga, tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu. [46] Dhammapadagāthā thứ 155, 156. [47] Bộ Jātaka, sự tích tiền kiếp Karudhammajātaka. Karudhammo nāma pañca sīlāni: Pháp kuru là tên gọi ngũ giới. [48] Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Abhisandasutta. [49] Dammapadaṭṭhakathā trong sự tích Devadattavatthu. [50] Người bạn ở đây có ý nghĩa rộng gồm cả cha mẹ, thầy tổ, bạn hữu. Đức Phật cũng tự xưng là bạn lành, bạn tốt của tất cả chúng sinh. [51] Bộ Milindapañhā. [52] Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Uggasutta. [53] Ngũ dục: 5 đối tượng tham muốn, đó là sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục. [54] Orambhāgiyasamyojana: 5 pháp ràng buộc bậc thấp trong cõi dục giới đó là: Tà kiến theo ngũ uẩn, hoài nghi, chấp thủ pháp thường hành, tham ái trong cõi dục giới và thù hận. Bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được 5 pháp ràng buộc này. Còn lại 5 pháp ràng buộc bậc cao đó là: Tham ái trong cõi sắc giới, tham ái trong cõi vô sắc giới, ngã mạn, phóng tâm và vô minh. Bậc Thánh Arahán mới có thể diệt đoạn tuyệt được 5 pháp ràng buộc này. [55] Nếu có nhiều người thì thay chữ “ahaṃ” bằng chữ “mayaṃ”. [56] Nếu là người cận sự nữ thì đọc “komārībrahmacariyaṃ”. [57] Nếu có nhiều người thì thay chữ “yācāmi” bằng chữ “yācāma”. [58] Nếu có nhiều người thì thay chữ “me” bằng chữ “no”. [59] Nếu là người cận sự nữ thì đọc “của người cận sự nữ”. [60] Nếu chỉ có một người thì dùng chữ vadehi, nếu có 2 người trở lên thì dùng chữ vadetha. [61] Ngài Đại đức. [62] Người cận sự nam (hoặc người cận sự nữ). [63] Nếu người cận sự nữ thì đọc: “komārībrahmacariyaṃ”. [64] Ba bài kệ này trong quyển “Nhật Hành Cư Sĩ” của Sư Tổ Hộ Tông. -ooOoo- Ðầu trang | Lời nói đầu | 1 | 2 |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 07-2007)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 07-07-2007