BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Nền tảng của đạo Phật

Tiến sĩ Peter D. Santina
Tỳ kheo Thích Tâm Quang dịch


[03]

BÀI V - GIỚI

Chúng ta đã hoàn tất việc tìm hiểu Tứ Diệu Ðế và trong chương trước đây chúng ta triển khai về Bát Chánh Ðạo (*) để chấm dứt khổ đau. Chúng ta đã lấy ví dụ việc trèo núi khi tu tập Bát Chánh Ðạo để chấm dứt khổ đau. Giống như ta trèo nứi, bước thứ nhất tùy thuộc bước chót, bước chót tùy thuộc bước đầu tiên vì lẽ chúng ta phải để mắt nhằm thẳng vào đỉnh núi và cũng phải cẩn thận để khỏi trượt chân trong khi bước những bước đầu tiên. Cho nên ở đây, khi trèo núi, mỗi chặng đường đều tùy thuộc với nhau. Trong nghĩa đó, tất cả các bước trong Bát Chánh Ðạo đều liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta không thể bỏ bất cứ một bước nào cả. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, tám bước được chia làm ba cách, hay ba phần để tu tập. Ba phần này là đức hạnh hay giới (Shila, hay Sila -  Phạn Ngữ), phát triển tinh thần hay thiền định (Shamadhi, hay Samadhi - Phạn Ngữ) và cuối cùng là trí tuệ hay huệ (Prajna, hay Panna, Phạn Ngữ).

(*) Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy (Nhóm Huệ);
Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng (Nhóm Giới);
Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh (Nhóm Ðịnh)

Dù theo quan niệm và sắp đặt, bước đầu tùy thuộc bước cuối và bước cuối tùy thuộc bước đầu; dù chúng đều tùy thuộc lẫn nhau, nhưng trong phần thực hành khi trèo núi, ta phải trèo từ chỗ sườn núi thấp nhất. Ai cũng muốn đi thẳng ngay tới đỉnh, nhưng muốn tới đỉnh, chúng ta phải bắt đầu từ chỗ sườn thấp trước. Ðó là lý do đặc biệt trong lúc tu tập mà chúng ta thấy tám bước của Bát Chánh đạo được chia làm ba phương cách để thực hiện.

Phương cách thứ nhất trong ba phương cách này là giới hạnh tốt. Giới hạnh tốt là căn bản cho việc tiến bộ trên con đường phát triển nhân cách cao hơn nữa. Giới hạnh được ví như đất, cơ sở của tất cả động vật và thực vật, vậy Giới là nền tảng của tất cả các đức tính, và phẩm hạnh. Khi nhìn quanh, chúng ta thấy mọi vật đều nằm trên quả đất như tòa nhà, cây, bôi cây, hoặc súc vật. Quả đất là cơ sở của mọi vật, thì Giới cũng là cơ sở của mọi đức tính, mọi phẩm hạnh, mọi thủ đắc phàm tục hay siêu phàm, từ chỗ thành công, thịnh vượng cho đến khả năng về thiền định, trí tuệ và giác ngộ. Qua ẩn dụ này, chúng ta có thể hiểu được sự quan trọng của giới đức như là nền tảng để theo Bát Chánh Ðạo, như một căn bản để hoàn tất kết quả trên con đường.

Tại sao chúng ta đã dành nhiều thì giờ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Giới như một nền móng để tu tập Bát Chánh Ðạo? Lý do là người ta có khuynh hướng cho rằng Giới chẳng khác gì hơn là buồn chán. Thiền định có vẻ hứng thú và hấp dẫn nhiều hơn. Triết lý cũng quyến rủ. Có những người có khuynh hướng nguy hiểm là không lưu ý đến sự quan trọng của đức hạnh mà muốn đến ngay những phần hấp dẫn của Bát Chánh Ðạo. Nếu chúng ta không tạo một nền móng của Giới, chúng ta không thể thành công trong việc bước tới các phần khác của Bát Chánh Ðạo.

Chúng ta phải hiểu những nguyên tắc và giới luật của đạo Phật vì có nhiều đường lối soạn thảo về luân lý và đạo lý. Chúng ta hãy nhìn vào những nguyên tắc đạo lý của tôn giáo lớn, chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên thấy sự tương đồng. Nếu ta đọc đạo lý của Ðức Khổng Tử, Lão Tử, Ðức Phật, các thầy tu Ấn Ðộ Giáo, Cơ Ðốc, Hồi Giáo và Do Thái, chúng ta thấy về căn bản những luật lệ về luân lý tương đồng rộng lớn.

Tại sao trong nhiều trường hợp luật lệ có sự tương đồng mà cung cách và đường lối của các luật này được trình bầy, diễn tả và am hiểu lại khác nhau từ tôn giáo này đến tôn giáo khác? Nói tổng quát, nguyên tắc đạo lý được soạn thảo theo hai đường lối. Một là đường lối mà ta gọi là độc tài, và một mà ta gọi là dân chủ. Thí dụ điển hình của đường lối thứ nhất Thượng Ðế trao Mười Ðiều Răn cho Moses trên núi. Trái lại trong đạo Phật, chúng tôi nghĩ rằng các giới luật được soạn thảo theo đường lối dân chủ. Quý vị phải hiểu tại sao chúng tôi lại nói như vậy. Sau cùng chúng ta vẫn có giới luật để lại trong kinh điển. Quý vị có thể hỏi việc trên đây khác gì Thượng Ðế trao bài cho Moses? Nhưng chúng tôi nghĩ không đúng vì lẽ nếu chúng ta nhìn kỹ vào những lời kinh, chúng ta thấy giới luật nằm ngay đằng sau, và những nguyên tắc nằm đằng sau này là nền móng của giới luật, là nguyên tắc của bình đẳng và hỗ tương.

Bình đẳng có nghĩa là tất cả chúng sinh đều bình đẳng trong mọi nguyện vọng. Nói một cách khác, tất cả chúng sinh đều muốn được hạnh phúc. Họ đều sợ hãi đau đớn, chết chóc và khổ đau. Tất cả đều muốn sống, hưởng hạnh phúc, và an ninh. Ðiều đó đúng cho tất cả chúng sinh cũng như đúng cho chúng ta. Chúng ta có thể gọi tính bình đẳng này là một nhãn quan đại đồng vĩ đại của đạo Phật trong đó tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Trên căn bản của sự bình đẳng ấy, chúng ta được khuyến khích hành động với ý thức hỗ tương.

Hỗ tương có nghĩa là chúng ta không muốn bị giết, bị cướp bóc, và bị lạm dụng, vân vân... cũng như tất cả chúng sinh khác không muốn những điều đó xảy ra cho họ. Ta có thể áp dụng nguyên tắc hỗ tương bằng một câu đơn giản: "Ðừng làm những gì cho người khác những gì mình không muốn người khác làm cho mình". Do đó, sẽ không khó để nhận ra những nguyên tắc về bình đẳng và hỗ tương này đã đứng sau, và tạo nền móng cho giới luật như thế nào.

Giờ đây chúng ta hãy cứu xét nội dung của giới luật trong đạo Phật. Ðường lối để thực hành giới luật bao gồm ba phần trong Bát Chánh Ðạo là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Lời nói là một phần cực kỳ quan trọng trong đời sống của chúng ta. Chúng ta thường coi thường sức mạnh của lời nói. Chúng ta thường không để ý đến năng lực của lời nói. Không nên làm như vậy. Trong cuộc đời lời nói của kẻ khác đã làm chúng ta tổn thương hay khuyến khích. Trong lãnh vực chính trị, có những người có khả năng truyền thông hữu hiệu khiến ảnh hưởng tốt hay xấu rất nhiều đến quần chúng. Hitler, Churchill, Martin Luther King là những nhà hững biện đã ảnh hưởng đến hàng triệu người với những lời phát ngôn của họ. Có câu nói rằng một lời nói thô bạo có thể làm tổn thương sâu xa hơn vũ khí. Một lời nói nhẹ nhàng có thể biến đổi trái tim và đầu óc của một kẻ phạm pháp bướng bỉnh nhất. Chắc chắn hơn cả mọi thứ, năng lực về ngôn ngữ phân biệt người và vật. Cho nên nếu ta muốn xây dựng một xã hội trong đó hòa hợp, phúc lợi, cảm thông và hợp tác là những mục tiêu phải thực hiện, ta phải kiểm soát, trau giồi và sử dụng khả năng ngôn ngữ một cách tích cực.

Tất cả những điều lệ của giới luật bao hàm sự tôn trọng được căn cứ trên sự hiểu biết về bình đẳng và hỗ tương. Trong phạm vi ấy, Chánh Ngữ bao hàm kính trọng sự thật, và kính trọng hạnh phúc của người khác. Nếu ta phát ngôn với những tiêu chuẩn trên trong tâm, ta sẽ trau dồi Chánh Ngữ và do đó chúng ta hoàn tất được sự hòa hợp lớn lao trong xã hội.

Theo truyền thống có bốn khía cạnh của Chánh Ngữ. Chánh Ngữ có nghĩa là không nói dối, không nói xấu hay đâm thọc, tránh nói lời hung dù, và tránh nói chuyện vô ích. Chắc một số quý vị còn nhớ lời Ðức Phật dạy La Hầu La về sự quan trọng của sự không nói dối. Ngài lấy thí dụ của một chậu nước. Chậu nước chỉ có một chút nước dưới đáy. Ngài nói: "Này La Hầu La, con hãy nhìn thấy chậu chỉ còn chút nước ở dưới đáy. Kẻ nói dối không biết hổ thẹn, đức hạnh của những kẻ đó rất nhỏ nhoi, và việc thoát tục của kẻ đó rất nhỏ nhoi chẳng khác gì chút nước trong chậu". Ðức Phật đổ nước đi rồi nói: "Những kẻ nói dối không biết hổ thẹn là những kẻ đã đổ đức hạnh đi giống như nước mà ta vừa đổ đi." Rồi Ðức Phật đưa cho La Hầu La xem chậu không còn nước và nói: "Ðiều đó cũng giống như chậu trống rèng là đức hạnh, là sự từ bỏ thế tục của những kẻ có tật nói dối."

Trên đây Ngài dùng cái chậu để nói nói lên tầm quan trọng của sự nói dối; nó liên quan mật thiết với việc thiện, với hạnh kiểm, và với cá tính của một người. Chúng ta làm một đằng nói một nẻo, và sợ những hành động xấu. Chúng ta tưởng rằng mình có thể nói dối để che đậy những hành động xấu của mình. Cho nên nói dối mở đường cho tất cả những hành động bất thiện. Nói lưỡi hai chiều gây chia rẽ. Nó tạo tranh chấp giữa bè bạn. Nó gây đau khổ và bất hòa. Nếu ta không muốn bị bạn bè chia rẽ vì những lời đâm thọc thì ta không nên thóc mách người khác. Cũng vậy ta không nên sỉ nhục người khác bằng lời lẽ hung ác, mà phải dùng lời lẽ lịch sự với họ cũng như mình muốn những lời êm đẹp này. Về những truyện thóc mách, nếu không để ý đến, bạn đã khá lắm rồi. Những truyện thóc mách là những điều rỉ tai có ác ý mà người ta nói để tiêu khiển, mua vui, hay soi mói những lỗi lầm cùng những thất bại của người khác. Thay vì sử dụng khả năng nói năng giỏi giang ấy vào các việc dối trá, chia rẽ, sỉ nhục người khác làm lãng phí thì giờ người khác, thì sao ta không dùng nó để xây dựng, truyền đạt đầy ý nghĩa, đoàn kết, và khuyến khích thông cảm giữa xóm giềng bè bạn, trao đổi những lời khuyên nhắc ý nghĩa và hữu ích. Ðức Phật một lần nói: "Lời nói dịu dàng ngọt ngào như mật, lời nói ngay thẳng thì đẹp như cánh hoa, và lời nói sai trái là bất thiện, nhơ nhớp". Cho nên muốn làm lợi ích cho chúng ta và cho người khác, chúng ta phải tu tập Chánh Ngữ để biếttôn trọng sự thật, và hạnh phúc của người khác.

Phần kế tiếp trong Bát Chánh Ðạo thuộc về giới là Chánh Nghiệp. Chánh Nghiệp đòi hỏi sự tôn trọng đời sống, tôn trọng tài sản, và tôn trọng việc giao tế cá nhân. Mới đây chúng ta đã nói rằng sự sống thật quý báu cho mọi người. Kinh Pháp Cú dạy mọi người ai cũng run sợ trước hình phạt, sợ chết, và tất cả chúng sinh đều muốn sống. Vậy thì, tuân theo nguyên tắc bình đẳng và hỗ tương, chúng ta không nên giết hại chúng sinh. Chúng ta sẵn sòng chấp nhận điều này đối với con người, nhưng chúng ta lại bỏ quên những sinh vật khác. Một vài tiến bộ của khoa học và kỹ thuật trong những năm gần đây đã khiến các nhà tư tưởng phải hoài nghi. Khoa học tiêu diệt một vài loại côn trùng nào đó, có chắc chắn là họ đã làm một điều thiện tốt đẹp nhất, một điều thiện lâu dài cho môi sinh chưa? Hay vô hình chung, chúng ta đã vô ý thức góp phần vào việc tạo sự bất quân bình gây nhiều khó khăn hơn cho tương lai? Hãy tôn trọng tài sản - không trộm cắp hay lừa bịp người khác. Ðiều này quan trọng vì lẽ những kẻ lấy của người bằng trộm cắp, bằng lừa đảo, hay sức mạnh thì cũng phạm giới giống như kẻ trộm cắp. Nói một cách khác, chủ nhân không trả lương tương xứng với công lao của người làm được coi như phạm tội ăn cắp. Cũng vậy, người làm công lãnh lương mà trốn tránh nhiệm vụ cũng phạm tội không tôn trọng tài sản của người khác. Sau cùng, tôn trọng tương quan cá nhân có nghĩa là tránh ngoại tình, tránh gian dâm. Những đường hướng này nếu quả được triển khai trong xã hội nào, xã hội ấy sẽ là một nơi tốt đẹp hơn để sống.

Bước thứ ba trong Bát Chánh Ðạo thuộc giới là Chánh Mạng. Chánh Mạng nới thêm những điều lệ của Chánh Nghiệp cho những người đi làm để nuôi sống gia đình. Như chúng ta đã biết về Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp, nguyên tắc nằm sau những giới luật là tôn trọng sự thật, đời sống, tài sản và giao tế cá nhân. Chánh Mạng có nghĩa là ta phải mưu sinh trong đường lối không vi phạm các nguyên tắc nằm trong giới đức nói trên. Ðặc biệt, có năm loại sinh kế mà người Phật Tử không nên là m. Ðó là buôn bán súc vật để đem giết, buôn bán nô lệ, buôn bán vũ khí, buôn bán độc dược, buôn bán ma túy, và buôn bán các thứ rượu. Người Phật Tử không nên sinh sống bằng năm nghề này vì những nghề đó làm xã hộibăng hoại, và vi phạm nguyên tắc tôn trọng đời sống của người khác, vân vân... Buôn bán súc vật để giết vi phạm nguyên tắc tôn trọng sinh mạng. Buôn bán nô lệ vi phạm nguyên tắc tôn trọng đời sống và tương quan cá nhân. Buôn bán vũ khí giết người vi phạm nguyên tắc tôn trọng sinh mạng. Buôn bán độc dược vi phạm nguyên tắc tôn trọng đời sống. Buôn bán ma tuý vi phạm nguyên tắc tôn trọng sự an toàn của người khác. Tất cả những sự buôn bán này tạo nên bất an, tạo khổ đau và bất hòa trong xã hội.

Tác dụng của Giới như thế nào? Như đã nói, đối với xã hội, giữ giới tạo một xã hội hòa hợp và an lành. Tất cả những mục tiêu xã hội có thể hoàn tất được do những nguyên tắc và điều lệ của giới căn cứ trên việc chấp nhận căn bản về tính bình đẳng và hỗ tương. Ngoài ra, cá nhân được lợi lạc do thực hành giới. Trong một cuốn kinh, Ðức Phật nói: "Ai thực hành nguyên tắc tôn trọng đời sống, người đó sẽ cảm thấy mình như một hoàng đế chính thức mang vương miện và chinh phục được kẻ thù. Người đó cảm thấy an lạc, thoải mái". Người giữ giới tạo cho nội tâm mình sự thanh tịnh, ổn định, an lòng và sức mạnh. Một khi người đó tạo được niềm an lạc nội tâm, người đó có thể đạt nhiều kết quả và thực hành thành công các bước khác trong Bát Chánh Ðạo. Người đó có thể trau dồi và phát triển thiền định.Người đó chỉ có thể đạt được trí tuệ khi đã tạo được nền móng căn bản của giới đức cả bên trong lẫn bên ngoài, trong nội tâm cũng như trong tương quan đối với người khác.

Tóm lại những điều trên là nguồn gốc, nội dung và mục tiêu của giới. Một điểm nữa là khi nghiên cứu giới luật, người ta thường nói làm sao mà giữ giới được. Thật là khó khăn hết sức để giữ được giới luật. Chẳng hạn, ngay cả giới cấm sát sinh, đôi khi cũng rất khó giữ. Khi rửa chén, rất có thể ta đã giết một vài con kiến. Lại nữa, hình như lúc nào cũng rất khó khăn trong việc nói năng để giữ được giới Chánh Ngữ. Làm sao ta có thể giải quyết cái khó khăn chính đáng đó? Vấn đề không phải là có luôn luôn giữ giới hay không. Trọng tâm là nếu những giới luật được thiết lập đúng, nếu chấp nhận bình đẳng và hỗ tương là những nguyên tắc mà ta tin theo, nếu xác nhận rằng những giới luật quả là thích đáng để thực thi những nguyên tắc đó, thì bổn phận chúng ta là phải tuân theo và giữ giới đến mức tối đa. Ðiều này không có nghĩa là lúc nào cũng phải tuyệt đối giữ giới. Nhưng phải nói rằng nếu muốn sống hòa bình cho chính mình và cho người khác, ta phải tôn trọng đời sống và tài sản của chúng sinh. Và nếu có trường hợp mà ta không thể áp dụng luật lệ đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt, thì không phải giới luật sai. Ðó chỉ là kẽ hí giữa luật-tắc và thực hành.

Khi người thuyền trưởng nhìn sao để lái chiếc tầu của mình trên đại dương, vị thuyền trưởng này không thể theo đúng con đường được chỉ dẫn bởi các vì sao. Các vì sao vẫn giữ vai trò hướng dẫn nhưng lái theo sao không thật chính xác hay chỉ xấp xỉ đúng, rồi vị thuyền trưởng vẫn đưa tầu tới bến. Cũng như vậy, khi chúng ta giữ giới, chúng ta không thể nói rằng chúng ta lúc nào cũng có thể giữ được giới. Vì việc năm giới luật được gọi là giới cho việc tu tập nên tại sao ta cứ phải giữ các giới này dài dài. Cái mà ta có được trong giới luật là cái khung từ đó chúng ta có thể sống hài hòa với các nguyên tắc căn bản soi sáng giáo lý đạo Phật, nguyên tắc bình đẳng cho tất cả chúng sinh và nguyên tắc tôn trọng người khác.

-ooOoo-

BÀI VI - ÐỊNH (PHÁT TRIỂN TINH THẦN)

Sau đây là những bước trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm phát triển tinh thần hay Ðịnh (Shamadhi). Chúng ta đã biết các bước liên hệ với nhau như thế nào, và trong phạm vi này, chúng ta nên hiểu vị trí của Ðịnh, bước phát triển tinh thần vì Ðịnh đứng giữa Giới và Huệ. Việc phát triển tinh thần rất quan trọng cho cả hai phẩm hạnh này. Ta có thể hỏi tại sao lại có trường hợp này. Thật ra, đôi khi có người nói với tôi thiền định là điều cần thiết. Nếu chúng ta chỉ đơn giản giữ gìn giới luật thì đã đủ để dẫn tới một cuộc sống đạo hạnh chưa?

Chúng tôi nghĩ rằng có một vài giải đáp cho câu hỏi này. Trước tiên, trong đạo Phật không phải chỉ có một mục tiêu độc nhất. Ngoài mục tiêu về hạnh phúc và thịnh vượng, còn có mục tiêu giải thoát. Nếu ta muốn đạt được mục tiêu giải thoát, con đường duy nhất có thể đạt được chỉ là do trí tuệ. Và muốn đạt trí tuệ, ta phải thanh lọc tâm ý, phát triển tâm ý qua thiền định. Dù đã trau giồi giới đức, giữ các luật lệ luân lý, việc rèn luyện tâm ý rất thiết yếu. Tại sao?

Bởi vì khi mọi việc đều tốt đẹp thì giữ giới luật tương đối dễ dàng. Nếu chúng ta có một công ăn việc làm tốt, sống trong một xã hội bình yên, kiếm tiền đủ cho mình và cho gia đình, việc giữ giới tương đối dễ. Nhưng nếu chúng ta sống trong một hoàn cảnh căng thẳng, bất an, chẳng hạn chúng ta thất nghiệp, hay khi chúng ta ở trong một tình trạng hèn loạn lan tràn. Lúc đó việc giữ giới bị thử thách. Trước tình trạng này, điều có thể cứu nguy được việc giữ giới là việc phát triển tinh thần. Việc phát triển tinh thần, một mặt giúp ta giữ Giới, và một mặt khiến tâm trí ta nhìn đúng sự vật và đạt đến trí tuệ. Trí tuệ mở cửa đến giải thoát, đến giác ngộ. Cho nên phát triển tinh thần có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hành Bát Chánh Ðạo.

Việc chú trọng phát triển tinh thần không có gì đáng ngạc nhiên nếu ta nhớ lại vai trò quan trọng của tinh thần trong đạo Phật. Một lần có người nhận xét rằng tinh thần là điều quan trọng nhất trong việc thực thi Bát Chánh Ðạo. Ðó là một nhận xét rất có ý nghĩa và rất đúng. Chúng ta thấy rõ ràng điều đó trong lời dạy của Ðức Phật qua đó tâm thức là nguồn gốc của tất cả các trạng thái tinh thần. Cũng có thể nói tâm thức là nguồn gốc của tất cả đức hạnh, tất cả những đức tính. Muốn đạt được các đức hạnh này, ta phải rèn luyện tâm ý. Tâm ý là chìa khóa thay đổi bản chất kinh nghiệm của chúng ta. Có một tý dụ là nếu ta phải dùng da để che phủ khắp mặt trái đất cho chông gai sỏi đá đừng cắt chân ta thì đó là điều quá khó. Nhưng thay vì vậy, ta chỉ cần dùng da để che chân ta là đủ rồi. Trong nghĩa đó, nếu chúng ta phải thanh lọc cả vũ trụ khỏi tham, sân và si, thì nhiệm vụ này quả thật khó khăn. Ðơn giản chỉ cần là thanh lọc tâm ý của chính mình khỏi tham, sân và si thì cũng giống như tất cả vũ trụ đều được thanh lọc khỏi các ô trược đó. Cho nên Ðạo Phật tập trung vào tâm thức như chìa khóa để đạt đến sự chuyển biến về cách kinh nghiệm cuộc sống, về cách liên hệ với người khác.

Sự quan trọng của tâm thức mới đây được xác nhận bởi các nhà khoa học, tâm lý học và các bác sĩ. Chắc một số quý vị đã biết một số kỹ thuật được các lương y Tây Phương sử dụng. Một số các bác sĩ đã thành công trong việc áp dụng kỹ thuật giống như kỹ thuật thiền định để chữa các bệnh nhân khỏi các bệnh kinh niên và rối loạn tinh thần. Sự kiện này nay được công nhận là một sự thật trong ngành y khoa. Mới đây có một trường hợp của vợ một giáo sư được bác sĩ gia đình áp dụng kỹ thuật thiền tập để chữa trị. Thiếu phụ này được cho biết là bà cần một cuộc giải phẫu để chữa bệnh rối loạn tinh thần. Trong khi đó, bà ta cũng được đề nghị hãy thử thực tập thiền định hai lần một ngày trong hai tháng. Thực hành như trên, bà đã không cần đến giải phẫu. Xét đến kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy rằng tinh thần ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta. Chẳng hiểu sao, có lúc chúng ta cảm thấy vui và có thái độ tích cực đối với các sinh hoạt của chúng ta. Khi vui chúng ta trở nên hữu hiệu khiến chúng ta làm trọn công việc một cách tốt đẹp nhất. Vào trường hợp khi tâm chúng ta bị xáo trộn và phiền muộn, ngay cả các công việc dễ dàng ta cũng không chu toàn được Vì vậy, ta có thể thấy tâm quan trọng như thế nào trong tất cả phạm vi hoạt động.

Có ba bước trong Bát Chánh Ðạo nằm trong nhóm ÐỊNH là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Nhờ ba bước này động viên và giúp ta, ta trở nên tự tin, có ý tứ và trầm tĩnh. Trước tiên, trong ý nghĩ thông thường, Chánh Tinh Tấn có nghĩa là tạo nên một thái độ tích cực trong công việc. Chúng ta có thể gọi Chánh Tinh Tấn là nhiệt tình. Nó có nghĩa là thi hành nhiệm vụ với nỗ lực và thiện chí để chu toàn. Trong kinh có nói là chúng ta phải bắt tay vào việc giống cách con voi bước xuống một hồ nước mát giữa cái nóng báng của trưa hè. Với sự cố gắng như thế, chúng ta sẽ thành công trong tất cả mọi việc mà chúng ta hoạch định, trong bất cứ nghề nghiệp, học hỏi hay thực hành Pháp. Trong ý nghĩa đó, tinh tấn cũng liên quan đến tin tưởng. Nó là sự áp dụng thực tế của tin tưởng. Nếu chúng ta không cố gắng trong bất cứ việc gì chúng ta làm, chúng ta không thể có hy vọng thành công. Nhưng cố gắng phải được kiểm soát, phải được cân nhắc. Ðến đây, khi nói về Trung Ðạo, chúng ta có thể nhớ lại cái mà ta gọi những sợi dây đàn, có sợi dây căng quá và sợi dây chùng quá. Vì vậy tinh tấn không bao giờ nên quá căng, quá cực đoan, và tương tự cũng không nên quá chểnh mảng, lơ là . Ðó là Chánh Tinh Tấn, một quyết tâm được theo dõi, vững vàng, hăng hái và phấn khởi.

Chánh Tinh Tấn được chia làm bốn khía cạnh (Tứ Chánh Cần). Một là tinh tấn để ngăn chận các tư tưởng bất thiện trỗi lên. Hai là tinh tấn để loại bỏ các tư tưởng bất thiện đã trỗi lên. Ba là tinh tấn để trau dồi các tư tưởng thiện. Bốn là tinh tấn để giữ các tư tưởng thiện. Ðiều cuối cùng rất đặc biệt quan trọng vì dẫu rằng chúng ta tạo nên một thái độ hướng thiện, nhưng thái độ đó thường chóng thay đổi. Bốn khía cạnh trên của Chánh Tinh Tấn tập trung năng lực vào các trạng thái tinh thần (tâm sở) theo một cách thể để giảm thiểu hoặc loại bỏ những tâm bất thiện mà chúng ta ấp ủ trong tâm cũng như để tăng trưởng và củng cố các tư tưởng thiện như một phần của bản chất tinh nguyên của tâm.

Bước thứ hai của Bát Chánh Ðạo nằm trong nhóm phát triển tinh thần là Chánh Niệm. Chánh Niệm rất cần thiết cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Theo lời dạy về Chánh Niệm này, chúng tôi dám mạnh dạn nói rằng tất cả giáo lý của đạo Phật, có thể giải nghĩa, có thể đem thí dụ với tất cả hoàn cảnh trong đời sống hàng ngày rất quen thuộc với chúng ta. Tóm lại, nếu nghe lời Phật dạy, ta sẽ tìm thấy Ngài lúc nào cũng dùng các thí dụ rất quen thuộc với người nghe khi Ngài dạy Pháp. Nơi đây cũng thế, về Chánh Niệm, chúng ta có thể dễ dàng nhìn vào sự quan trọng của Chánh Niệm trong đời sống thế tục hàng ngày. Chánh Niệm là tỉnh thức hay chú tâm lưu ý, tránh tình trạng tinh thần rối loạn hay phiền muộn. Sẽ có ít tai nạn nếu mọi người đều chú tâm lưu ý. Cho nên dù ta lái xe, băng qua một con đường nhiều xe cộ, tính toán, bất cứ làm việc gì, nhiệm vụ sẽ được thi hành có hiệu quả nếu ta lưu tâm và chú ý. Hiệu quả và năng xuất tăng gia và sẽ giảm thiểu số tai nạn xẩy ra vì vô ý, vì không tỉnh thức.

Ðặc biệt, về việc thực hành Pháp, Chánh Niệm tác động như một giây cương trên tâm ý. Ðiều này có nghĩa là nếu chúng ta muốn tâm ý hoạt động bình thường, chúng ta cần phải có một giây cương để kiềm chế nó. Vừa qua, có một cơn gió lốc mạnh, đã làm cửa sổ bên trái đóng sập lại. Chắc chắn tất cả tâm ý của chúng ta đều tập trung vào âm thanh này. Tương tự, vào hầu hết bất cứ giây phút nào, trong đời tâm ý chúng ta đều chạy theo đối tượng của cảm giác. Tâm ý không bao giờ tập trung hay đứng nguyên một chỗ cả. Ðối tượng của cảm giác có thể nghe thấy hay nhìn thấy. Trong khi bạn đang lái xe trên đường phố, mắt bạn bị thu hút bởi một quảng cáo hấp dẫn, tâm ý bạn bị lôi cuốn vào cái quảng cáo ấy. Khi bạn ngửi thấy mùi nước hoa của một người nào đó, tâm ý bạn dính mắc với đối tượng đó. Tất cả những thứ trên là nguyên nhân của lãng trí. Cho nên để kiểm soát, giảm thiểu lãng trí, chúng ta cần có một loại canh giữ che chở tâm ý khỏi bị dính mắc vào các đối tượng của cảm giác, vào những tư tưởng bất thiện. Việc canh chừng đó là Chánh Niệm. Ðức Phật, một lần kể một câu chuyện về hai diễn viên nhào lén - một thầy và một tập sự. Vào một dịp nào đó, ông thầy nói với trò: "Con che chở cho Thầy và Thầy sẽ che chở cho con. Như vậy chúng ta sẽ an toàn thi triển các màn trình diễn." Nhưng trò đáp: "Không thầy à, không được đâu, con sẽ tự bảo vệ con còn thầy tự bảo vệ lấy thầy". Cũng giống như vậy, chúng ta phải canh chừng tâm ý của chính chúng ta. Một số người có thể nói như vậy là hơi ích kỷ. Còn chung sức vào làm việc thì sao? Nhưng chúng tôi nghĩ đó là một hiểu lầm căn bản. Một giây xích không thể mạnh nơi mắt xích yếu. Một đội chỉ hữu hiệu khi các thành viên đều hữu hiệu. Một đội gồm những người đãng trí, bất lúc sẽ là một đội không có hiệu quả. Tương tự để đóng một vai trò hữu hiệu trong việc giao tiếp với đồng loại, trước tiên chúng ta phải canh chừng tâm ý của chúng ta. Tỉ dụ, bạn có một cái xe đẹp, bạn phải cẩn thận đậu tại một nơi nào đó để các xe khác khỏi đụng. Ngay cả khi đi làm việc hay ở nhà, đôi khi bạn nhìn qua cửa sổ để canh chừng xe có sao không. Chắc chắn bạn phải thường xuyên đưa xe cho người thợ máy coi. Chắc chắn bạn phải thường xuyên rửa xe. Tương tự như vậy, tất cả chúng ta đều có một điều, và điều này quý giá hơn tất cả của cải. Ðó là tâm của chúng ta.

Công nhận giá trị của tâm, chúng ta phải canh chừng nó. Ðó là sự chú tâm. Ðó là một khía cạnh của việc phát triển tâm ý mà ta có thể thực hành bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Thỉnh thoảng có người nói rằng tập thiền thật quá khó, và cũng có người chỉ hơi sợ tập thiền. Nói hẹp hay nói rộng họ đều nghĩ là tập trung thiền định hay ngồi thiền. Nhưng cả đến nếu ta không chuẩn bị thiền tập, chắc chắn Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm vẫn có thể thực hành không sợ một hậu quả bất lợi nào cả. Ðên giản chỉ cần tỉnh thức và chú ý, kiểm soát tâm ý, xem nó đi đâu, xem nó đang làm gì. Giống như chúng tôi đang nói chuyện với quý vị bây giờ, với một góc của tâm ý tôi, tôi có thể kiểm soát nó, theo dõi nó. Bây giờ tôi đang nghĩ gì? Có phải tâm ý tôi đang nghĩ về cái mà tôi đang nói không hay tâm ý tôi đang nghĩ về cái gì xẩy ra sáng nay, hay tuần trước, hay ngày mai sẽ làm gì. Một vị thầy có lần đã nói nếu cần pha một tách trà, trong đạo Phật có nghĩa là pha một tách trà ngon đúng cách, là tập trung tâm ý vào cái mà ta đang làm. Ðiều đó rất đúng dù chúng ta đang làm gì, quét dãn nhà cửa, đi tới trường, hay nấu bếp. Bất cứ việc gì đang làm ta vẫn giữ chánh niệm, tập kiểm soát tâm, theo dõi tâm.

Thực hành Chánh Niệm theo truyền thống, đóng một vai trò quan trọng trong đạo Phật. Ðức Phật đã gọi thực hành Chánh Niệm (chú tâm) là con đường chấm dứt được khổ đau. Ðặc biệt, việc tu tập Chánh Niệm có bốn ứng dụng (Tứ Niệm Xứ). Những lãnh vực này là Thân: chú tâm vào oai nghi; Thọ: lạc, khổ, trung tính; Tâm: các trạng thái của tâm; và Pháp: các đối tượng khác. Bốn đối tượng quán niệm này tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc tu thiền trong đạo Phật.

Chúng ta hãy xét đến bước thứ ba được gọi Chánh Ðịnh, thiền hay tĩnh lặng. Hãy trở về quá khứ nguồn gốc thiền từ nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Thiền định không liên quan gì đến điên khùng, hay mê mệt, hay nửa tỉnh nửa mê. Ðịnh là cách thực hành gom tâm nhắm vào một đối tượng. Ðối tượng có thể là vật chất hay tinh thần. Khi tâm tập trung làm một chỉ nhằm vào một đối tượng thôi là đạt định tâm, tâm hoàn toàn gắn chặt vào đối tượng, ngăn chặn được tất cả những suy nghĩ, phóng tâm, giao động, trạo cử, hay bần thần. Ðó là mục tiêu việc thực hành Chánh Ðịnh, tập trung tâm ý vào một đối tượng. Ða số chúng ta đã tiếp xúc được trạng thái này. Ðôi khi, một cái gì rất gần với loại nhất tâm này chợt trỗi dậy khi nghe một bản nhạc ưa thích, hay khi ngắm biển, ngắm bầu trời. Ta có thể kinh nghiệm được giây phút nhất tâm này khi tâm trụ yên vào đối tượng đó, âm thanh hay sắc tướng đó.

Thực tập tâm định có thể bằng nhiều cách. Ðối tượng tập trung có thể là một cảnh như ngọn lửa, một hình ảnh, một cánh hoa, hay có thể là một ý nghĩ, hoặc một thứ không phải là vật chất như không gian, như tâm từ. Khi thực tập định tâm ta không ngừng tập trung tâm vào đối tượng. Rồi dần dần tiến đến khả năng làm cho tâm nằm yên trên đối tượng không xao lãng. Khi việc trên có thể đạt được trong một thời gian ngắn, ta đạt được định tâm (nhất tâm). Ðiểm quan trọng cần chú ý đến khi thực hành thiền định là phải được tập luyện với sự hướng dẫn của một vị thầy có kinh nghiệm. Việc này cần thiết vì lẽ có một số yếu tố kỹ thuật đem thành công hay thất bại gồm có tư thế, thái độ, thời gian và cơ hội thực tập. Và rất khó cho người nào muốn đạt ngay những điều này mà chỉ bằng đọc sách. Tuy nhiên, không phải muốn trở thành một sa môn mới tập luyện thiền định, không phải cần thiết sống trong rừng, không phải từ bỏ các hoạt động thường nhật, nhưng chúng ta có thể bắt đầu thực tập một thời gian tương đối ngắn, vào khoảng mười hay mười lăm phút mỗi ngày.

Khi có thiền lúc, ta sẽ có hai lợi lạc chính. Trước tiên, thiền đem sự thoải mái về vật chất và tinh thần, thư thái, hỉ lạc, bình tĩnh, tịch tịnh. Thứ nhì, thiền khiến cho tâm trí trở thành một dụng cụ có thể nhìn sự vật đúng chúng là như thế. Thiền giúp cho tâm đạt trí tuệ. Khi chúng ta nói nhìn sự vật đúng như chúng là thế, chúng ta liên hệ khả năng này với việc phát triển các dụng cụ đặc biệt trong khoa học đã có thể quan sát được những hạt vi phân tiệm nguyên tử, vân vân... Nếu không có sự phát minh ra máy thu thanh chúng ta đâu có biết đến các làn sóng điện. Tương tự, nếu ta không mở mang tâm ý bằng cách trau dồi Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm, và đặc biệt là phát triển Tâm Ðịnh, thì sự hiểu biết của chúng ta về thực tướng của sự vật, về chân lý, sẽ vẫn chỉ là một kiến thức lý thuyết. Ðể có thể chuyển sự hiểu biết của chúng ta về Tứ Diệu Ðế trong sách vở thành kinh nghiệm thực chứng, chúng ta phải đạt đến trạng thái nhất tâm.Từ điểm này tâm định sẵn sòng biến sự chú tâm của nó trở thành trí tuệ. Ðó là điểm mà ta thấy vai trò của ÐỊNH trong đạo Phật. Trước đây chúng ta chỉ nói qua việc Ðức Phật quyết định rời bỏ hai vị thầy Arada Kalama và Udraka Ramaputra cùng việc phối hợp thiền định với thiền quán trong đêm Ngài giác ngộ. Cho nên ở đây, nhất tâm chưa đủ. Ðiều này cũng giống như gọt bút chì cho nhọn để viết, mài dìu cho sắc để cắt tận gốc rễ tham lam, sân hận và si mê. Khi chúng ta đạt được nhất tâm, chúng ta mới sẵn sòng lặng lẽ tiến tới việc hiểu biết sâu xa, thiền định với trí tuệ.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thích Tâm Quang, Chùa Tam Bảo, California, đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 03-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-04-2002