BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Nền tảng của đạo Phật
Tiến sĩ
Peter D. Santina
Tỳ kheo Thích Tâm Quang dịch
[01] ÐẠO PHẬT - MỘT NHÃN QUAN HIỆN ÐẠI Chúng tôi xin trình bày phần nền tảng Phật Pháp trong mười hai bài thuyết trình nói về cuộc đời Ðức Phật, Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh Ðạo, Nghiệp, Tái Sinh, Lý Nhân Duyên, Tam Tướng pháp và Ngũ Uẩn. Trước khi đi vào loạt bài giảng, chúng tôi muốn nêu lên đây cách trình bày Phật Giáo theo phép phối cảnh. Tùy theo dân tộc và văn hóa khác nhau, người ta hiểu Phật Giáo một cách khác nhau, và đặc biệt chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đối chiếu hai thái độ khác nhau giữa quan điểm Tây Phương và quan điểm truyền thống Á Ðông đối với Phật Giáo. Cách nghiên cứu theo nguyên tắc phối cảnh này hữu ích bởi vì khi chúng ta hiểu được cách nhìn của mỗi dân tộc có văn hóa khác nhau về một số điều nào đó, chúng ta mới thấy được sự hạn chế hay tính chất một chiều trong cách nhìn của chúng ta. Ở Tây Phương, Phật Giáo đang được chú ý và gây được thiện cảm rộng rãi khắp nơi. Nhiều người có địa vị đáng kể trong xã hội Tây Phương là Phật Tử hoặc có những người không phải là Phật Tử nhưng rất có cảm tình với Phật Giáo. Thí dụ cụ thể nhà Bác học Albert Einstein đã nhận xét trong bài tự thuật rằng ông là người không tôn giáo nhưng nếu ông là một người có tôn giáo thì ông phải là người Ðạo Phật. Ðiều này đáng ngạc nhiên vì chúng ta không thể ngờ một cha đẻ của khoa học hiện đại lại có một ý kiến như vậy. Nhìn vào xã hội Tây Phương hiện nay, chúng ta thấy một nhà vật lý-thiên văn học là một Phật Tử tại Pháp, một nhà tâm lý học nổi tiếng là Phật Tử tại Ðại Học La Mã, và mới đây một vị chánh án tại Anh Quốc cũng là Phật Tử. Chúng ta hãy xét kỹ những lý do mà Phật Giáo được chú ý hiện nay tại Tây Phương. Trước khi xét, chúng tôi xin so sánh tình hình nơi đây với những nơi khác trên thế giới. Nói chung tại Âu Châu thái độ chú ý tới Phật giáo vì tôn giáo này rất tiến bộ, rất hữu lý, và rất tinh vi. Cho nên chúng tôi ngạc nhiên khi tới một quốc gia Á Châu lại thấy người dân tại đây coi Phật giáo như một tôn giáo lỗi thời, không hợp lý và quá nhiều liên hệ tới mê tín dị đoan. Ðó là một trong hai thái độ nhận xét khác nhau về giá trị Phật Giáo. Thái độ khác lại cho rằng Phật Giáo quá sâu xa, trừu tượng và khó hiểu. Ðây là một sự đổi hướng hoàn toàn khác. Do đó chúng tôi muốn nói về nguyên tắc phối cảnh vì dưới nhãn quan của người Tây Phương, Phật Giáo có một hình ảnh nào đó, còn đối với nhãn quan truyền thống, ta lại có một hình ảnh khác nữa. Hình ảnh tiêu cực của Phật Giáo phải thay đổi trước khi chúng ta có thể thực sự hiểu rõ giá trị lời Ðức Phật dạy, và trước khi chúng ta có thể có một suy luận đứng đắn toàn bộ về Phật Giáo. Ðiều trước tiên, người Phương Tây thấy giá trị của Phật Giáo bởi vì Phật Giáo không kết chặt với văn hóa, Phật Giáo không ràng buộc vào một xã hội đặc biệt, vào một chủng tộc hay vào một nhóm thiểu số nào. Có những tôn giáo gắn liền với văn hóa, chẳng hạn như Do Thái Giáo nhưng Phật Giáo lại không. Cho nên trong lịch sử Phật Giáo ta thấy có Phật Tử Ấn, Thái, Trung Hoa, Srilankan, Miến Ðiện, vân vân... và chúng ta sẽ có Phật Tử Anh, Phật Tử Hoa Kỳ, Phật Tử Pháp, vân vân... Ðó là vì lý do Phật Giáo không gắn bó với văn hóa. Phật Giáo hội nhập dễ dàng từ văn hóa này đến văn hóa khác vì lẽ Phật Giáo chú trọng đến việc chuyển hóa nội tâm hơn là ở bên ngoài. Phật Giáo nhấn mạnh phương cách bạn trau giồi trí tuệ hơn là cách thức ăn mặc hay trang điểm của bạn, vân vân... Ðiều thứ hai mà chúng tôi muốn nói đến là tính thực dụng hay thực tiễn của Phật Giáo. Thay vì lưu ý đến siêu hình học hay các lý thuyết trừu tượng Ðức Phật đề cập những vấn đề bản thân và giải thích các vấn đề này một cách cụ thể. Ðó cũng là điều mà người Tây Phương rất đồng ý về thuyết tiện-ích (có tính cách thực dụng) nghĩa là vật gì tốt mới dùng. Ðó là phần lớn đường lối về chính trị, kinh tế, và triết lý khoa học của người Tây Phương. Thái độ thực tế này được Ðức Phật trình bày rành mạch trong Kinh Culama-Lunkya về thí dụ một người bị thương. Một người trúng tên muốn biết kẻ nào đã bắn, bắn từ hướng nào, đầu mủi tên làm bằng xương hay bằng thép, cây cung làm bằng loại gè gì, và nhiều điều khác trước khi hắn cho rút mủi tên ra. Kẻ này không khác gì những ai muốn biết nguồn gốc của vũ trụ, thế giới có bất diệt không và hữu hạn hay không trước khi thực hành tôn giáo. Giống như vậy, kẻ đó sẽ chết trước khi được nghe những câu trả lời về nguồn gốc và tính chất của mủi tên, và chẳng bao giờ được nghe thấy câu trả lời về những câu hỏi không thích đáng đó. Thí dụ trên cho chúng ta gọi thái độ cửa Ðức Phật là một thái độ thực tiễn. Có nhiều điều đáng nói về câu hỏi ưu tiên và lý giải các vấn đề. Chúng ta không thể mở mang trí tuệ nếu chúng ta có những câu hỏi lầm lẫn. Câu hỏi ưu tiên phải thiết thực. Việc ưu tiên của tất cả chúng ta là vấn đề khổ đau. Ðức Phật biết điều này và nói chúng ta chẳng cần bàn đến thế giới này trường cửu hay không, vì mỗi người chúng ta đều có một mủi tên trong ngực, mủi tên của khổ đau. Chỉ có thế thôi! Trong đời sống hàng ngày, chúng ta luôn luôn có những ưu tiên phải làm. Ví dụ có khi ta phải luộc đậu trên lò. Trong khi chờ đợi đậu sôi, chúng ta đi quét nhà, và khi đang quét nhà bỗng ngửi thấy mùi khét. Vì vậy chúng ta phải lựa chọn, hoặc cứ quét nhà, hoặc đi vặn lửa xuống để đậu khỏi cháy. Cũng như vậy, muốn khai mở trí tuệ, chúng ta phải biết điều gì là ưu tiên phải làm và điều này đã được giải thích rõ ràng trong câu chuyện về người bị thương. Ðiểm thứ ba chúng tôi muốn liên hệ đến lời dạy của Ðức Phật về tầm quan trọng của việc thực chứng qua kinh nghiệm bản thân. Ðiểm này được Ðức Phật trình bày rõ ràng trong lời khuyên của Ngài với những người Kalamas trong kinh Kesaputtiya. Những người Kalamas cũng giống như những người văn minh hiện đại ngày nay khi thấy quá nhiều giáo lý khác biệt. Họ tìm đến Ðức Phật và hỏi Ngài rằng có quá nhiều vị thầy và vị nào cũng cho lý thuyết của mình là đúng, vậy làm sao biết được ai là người nói đúng sự thật. Ðức Phật bảo họ không nên chấp nhận điều gì vì quyền lúc, vì điều đó đã được ghi lại, vì kính nể sư phụ của mình, vì là điều truyền thống, hay vì điều đó hình như có vẻ hữu lý. Nhưng để xem điều đó đúng hay sai, chúng ta phải dùng kinh nghiệm bản thân để trắc nghiệm nó. Khi nhận thấy các điều đó có hại thì nên bỏ đi. Khi thấy các điều đó đem lợi ích, đem hạnh phúc và an lành, thì nên theo. Ðức Phật dạy rằng chúng ta nên suy xét những điều nghe thấy bằng chính kinh nghiệm bản thân của mình. Trong phạm vi lời khuyên của Ðức Phật với những người Kalama, chúng tôi nghĩ rằng ý Ngài muốn nói là hãy dùng trí óc mình như một ống thử nghiệm. Bạn có thể tự nhìn thấy nơi bạn những điều tham, sân hiện hữu dẫn đến khổ sở, đau đớn, và lo âu. Và bạn cũng tự nhìn thấy nơi bạn niềm an lạc và hạnh phúc khi tham sân không còn ở trong tâm. Ðó là việc thực hành đơn giản mà mọi người trong chúng ta đều có thể làm được. Ðiều này rất quan trọng bởi vì những điều gì Ðức Phật dạy chỉ hữu hiệu, và thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta thực hành kinh nghiệm của Ngài, nếu chúng ta nhận thức được chân lý của lời Phật dạy qua kinh nghiệm bản thân và kiểm điểm thành quả của nó. Lúc bấy giờ, chúng ta mới dám nói là chúng ta đã tiến bộ trên con đường giác ngộ. Chúng ta có thể thấy sự tương đồng trong phương cách lý-giải kiến thức của Ðức Phật và khoa học. Ðức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc quan sát mục tiêu. Quan sát là ý thức then chốt về phương pháp khai sáng trí tuệ của Ðức Phật. Chính do sự quan sát đó đem lại đầu tiên Tứ Diệu Ðế - chân lý của khổ đau. Lại nữa, trong Ðế cuối cùng, chính sự quan sát đem lại kết quả trong việc thực hành chấm dứt hẳn khổ đau. Vì vậy trong Ðế Thứ Nhất, Ðế Thứ Hai và Ðế Thứ Tư, quan sát đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Ðó cũng tương tự như vai trò quan sát mục tiêu theo truyền thống khoa học là khi cứu xét một vấn đề, chúng ta cần phải soạn thảo một lý thuyết chung và một giả thuyết riêng biệt. Chúng ta thấy có sự tương đồng trong việc giảng dạy về Tứ Diệu Ðế. Theo lý thuyết chung, mọi việc đều có nguyên nhân, và theo giả thuyết riêng biệt, nguyên nhân của khổ đau là tham dục và vô minh. Chân lý về khổ đau vì tham dục và vô minh có thể kiểm chứng bằng phương pháp thực nghiệm. Về Tứ Diệu Ðế, phương pháp thực nghiệm là con đường thực hiện. Ðế Thứ Hai (nguyên nhân của khổ đau) và Ðế Thứ Ba (chấm dứt khổ đau) được xác minh bởi vì khi tu tập Tứ Ðế, ta có thể loại trừ tham dục và vô minh Và khi ta loại trừ tham dục và vô minh, ta loại trừ được đau khổ. Việc thử nghiệm này cứ lập đi lập lại giống như trong khoa học, vì lẽ không riêng mình Ðức Phật hết khổ đau mà tất cả những ai theo con đường của Ngài cũng chấm dứt khổ đau. Nếu ta nhìn kỹ cách lý-giải của Ðức Phật về vấn đề kiến thức, chúng ta thấy phương cách của Ngài tương tự như cách lý-giải của khoa học, và điều này đã khiến người Phương Tây hết sức chú ý đến. Bây giờ chúng ta mới hiểu tại sao nhà Bác Học Einstein đã có nhận định như trên. Chúng ta sẽ thấy nhận xét này không gì lạ như đã tưởng lúc ban đầu. Chúng tôi muốn nói đến phương pháp lý-giải rõ ràng của Ðức Phật, và khi đọc kỹ phương cách của Ngài, chúng ta sẽ thấy đó là phương cách thực nghiệm. Kinh nghiệm trong Phật Giáo gồm hai phần - khách quan và chủ quan. Nói một cách khác chúng ta nhận định mọi việc chung quanh ta. Cái đặc biệt của Phật Giáo là phương pháp lý-giải trong lãnh vực triết lý và tâm lý. Ðiều đó có nghĩa là Ðức Phật đã phân tách thể-nghiệm thành Năm Uẩn căn bản: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Năm Uẩn này này được phân tích thành 18 thành phần (Dhatus, Giới = 6 căn + 6 trần + 6 thức) và có thể được phân tách ra thành 72 thành phần (Pháp). Phương pháp này có thể lý-giải vì nó phân tách đến tận cùng của sự vật. Một khi chúng ta chưa hài lòng với một việc gì mù mì, chúng ta cần phải cứu xét và phân tích ra thành phần nhỏ như tháo gỡ một cỗ xe dần dần đến bánh xe và trục xe, vân vân... Ví dụ khi ngắm một bông hoa, chúng ta thấy đó là kết quả của duyên hợp. Ðó là phương cách lý-giải. Lại nữa phương pháp lý-giải này không có gì là lạ đối với khoa học và triết học hiện đại. Chúng ta thấy phương pháp lý-giải rất nhiều trong khoa học. Trong triết học, chúng ta thấy truyền thống lý-giải cao nhất ở Bertrand Russell. Nhiều nghiên cứu đã thành công trong việc so sánh triết học Bertrand Russell và Vi Diệu Pháp (Abhidarma) của Phật Giáo. Phương pháp lý-giải trong triết học và khoa học Tây Phương, tương đồng với phương pháp lý-giải của Phật Giáo và điều này cũng lại là những nét đặc biệt đã lôi cuốn các tư tưởng gia và các nhà khoa bảng Tây Phương về Phật Giáo. Trong lãnh vực tâm lý, những nhà tâm lý học ngày nay, lưu ý sâu xa đến sự phân tích của Phật Giáo về những yếu tố của kinh nghiệm như cảm xúc, tư tưởng, thói quen, vân vân... Hiện nay họ đang tìm đến giáo lý của Phật Giáo hầu thâm nhập nội-tâm nhiều hơn trong tinh thần kỷ luật tự giác của chính họ. Việc chú trọng ngày càng tăng và những giáo lý hấp dẫn của Ðạo Phật cùng với khuynh hướng mới của khoa học về triết học và tâm lý học lúc này lên cao đến tột đỉnh như khoa Vật-Lý Nguyên-Lượng đã được đề xuất. Ðó là những triển khai cuối cùng của những lý thuyết vật lý đã được thể-nghiệm. Rồi chúng ta thấy không những Ðức Phật đã tiên đoán những phương pháp phân tích của khoa học mà còn dạy rõ về bản chất của con người và vũ trụ như đã nói trong phần triển khai gần nhất của Vật-Lý Lượng-Tử. Cách đây không lâu một nhà vật lý học nổi tiếng nhận xét vũ trụ giống như một tâm tưởng vĩ đại. Ðiều này đã được nói trong Kinh Dhammapada (Kinh Pháp Cú): "Tâm đẫn đầu mọi pháp, tâm chủ, tâm tạo tác". Sự liên hệ giữa vật chất và năng lượng cũng đã được nói đến. Không có sự phân chia cơ bản nào giữa tâm và vật. Tất cả những dấu hiệu đó ngày nay càng được tuần tự khám phá ra bởi những tiến bộ mới nhất của khoa học. Cho nên, điều cho thấy trong học-quy (văn cảnh) của Tây Phương các nhà tâm lý học, và khoa học tìm thấy một truyền thống trong Ðạo Phật phù hợp với những nguyên tắc căn bản về tư tưởng khoa học của Tây Phương. Thêm vào đó, họ thấy Phật Giáo rất đặc sắc vì những phương pháp và phát minh của họ thường rất tương đồng với Phật Giáo, họ cũng nhận ra cho đến nay khoa học không mở con đường nào hay phương pháp nào có thể hoàn tất được việc chuyển hóa nội tâm. Họ có những phương thức xây dựng, cải tiến các thành phố, xa lộ, nhưng họ không có một hệ thống nào có thể xây dựng con người tốt hơn được. Cho nên người Tây Phương quay về với Phật Giáo. Là một truyền thống lâu đời, Phật Giáo có nhiều khía cạnh gần giống như việc thực hành trong truyền thống khoa học Tây Phương nhưng Phật Giáo vượt qua truyền thống duy vật của Tây Phương và vượt qua giới hạn của truyền thống khoa học. -ooOoo- BÀI I - THỜI TIỀN PHẬT GIÁO Chúng ta bắt đầu đề cập đến tình trạng Tiền Phật Giáo tại Ấn Ðộ. Thường thường khi học Phật, chúng ta thường bắt đầu nghiên cứu đời sống của Ngài. Nhưng ở đây chúng ta bắt đầu nói về thời kỳ Tiền Phật Giáo. Cá nhân chúng tôi thấy tìm hiểu bối cảnh trước khi Ðức Phật ra đời rất quan trọng vì việc nghiên cứu này sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ đời sống và lời dạy của Ðức Phật trong quá trình lịch sử, phạm vi nhận thức, và cũng để nhận chân giá trị bản chất của Phật Giáo và tư tưởng Ấn Ðộ. Chúng tôi không biết có những quý vị nào đã viếng thăm Ấn Ðộ. Phía Bắc Ấn có hai con sông lớn, sông Hằng và sông Yamuna. Hai con sông lớn này do hai nguồn khác nhau từ Hy Mã Lạp Sơn, chảy riêng rẽ theo một chiều dài thiên lý. Hai con sông này gặp nhau miền đông bắc Ấn và từ đó chảy về vịnh Bengal. Theo địa dư hai con sông lớn này biểu tượng cho nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo, triết lý và tư tưởng của người Ấn vì lẽ trong tôn giáo Ấn cũng có hai con sông lớn khởi thủy khác nhau, nguồn gốc khác nhau, trải dài một thời gian chia rẽ nhưng đến một thời điểm nào đó, chúng đã hợp nhất cùng chảy chung dòng cho đến ngày nay. Có lẽ nếu đi vào phần lịch sử Tiền Phật Giáo của Ấn Ðộ, chúng ta có thể giữ được hình ảnh trong đầu hai con sông tuy bắt nguồn riêng rẽ nhưng đến một điểm nào đó chúng đã hợp nhất để cùng chảy ra biển. Khi nhìn lại lịch sử Ấn lúc sơ khai, chúng ta thấy vào năm thứ 3000 truớc Tây Nguyên có một nền văn minh cực kỳ phát triển tại lục địa Ấn. Nền văn minh này rất lâu đời nên được gọi là cái nôi của văn hóa nhân loại, một nền văn minh giống như của người Ai Cập và Babylon. Nền văn minh này tồn tại vào khoảng năm 1800 và 2800 trước Tây Nguyên. Ðó là nền Văn Minh của Thung Lũng Indus hay đôi khi được gọi là nền Văn Minh Harappa, và nó đã mở rộng đến tận Phía Tây Pakistan hiện nay, phía nam xuống tận gần Bombay và phía đông đến tận miền lân cận Simla hiện nay tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Nhìn vào bản đồ Ấn, bạn sẽ thấy phạm vi phát triển rộng lớn của nền văn minh này. Không những nền văn minh này đứng vững cả ngàn năm, mà nó cũng là một nền văn minh rất phát triển cả về tinh thần lẫn vật chất. Về vật chất, nền văn minh này rất phát triển về trồng trọt. Người dân có tài về dẫn thủy nhập điền và kiến thiết thành phố. Ngoài ra, tinh thần văn hóa của họ rất phát triển. Ðiều này đã được các di tích khảo cổ chứng minh khi được phát hiện tại Mohenjodaro và Harappa. Cũng có những bằng chứng cụ thể là người dân tại đó có học thức. Họ có để lại một bản in nhưng rất tiếc chúng ta không đọc được. Ðời sống thanh bình của nền văn minh này đã không may bị gián đoạn vào năm 1800 hoặc 1500 trước Tây Nguyên vì nạn xâm lăng từ miền Tây Bắc. Dân tộc xâm lăng là những người Aryans, tên gọi của một dân tộc Ðông Âu. Người Aryan có nguồn gốc ở những vùng đồng cá từ Ba Lan đến phía Tây Nga Sô. Người Aryans khác hẳn dân Vùng Văn Minh Thung Lũng Indus vì người Aryans thường là du mục sống nay đây mai đó. Họ không có một nền văn minh định cõ. Họ là những kẻ hiếu chiến của một nền văn minh đang bành trướng, sống bằng những chiến-lợi-phẩm cướp đoạt của các sắc dân khác trên con đường xâm lăng của họ. Khi người Aryans tới Ấn, họ đã tiêu diệt nhanh chóng nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Nền Văn Minh Thung Lũng Indus tan rã truớc sức mạnh quân sự của người Aryans. Những gì còn lại tại Ấn sau cuộc xâm chiếm là văn minh của kẻ thống trị Aryans. Trên đây chúng ta có một đại cương về lịch sử lúc sơ khai của Ấn. Chúng ta hãy nhìn vào khía cạnh tôn giáo của người dân vùng Văn Minh Thung Lũng Indus, và văn minh của người Aryans. Nền Văn Minh Thung Lũng Indus có một ấn bản mà không may chúng ta không giải thích được. Nhưng những tìm tài được về bản chất của nền văn minh này là do hai nguồn gốc, một do sự khám phá của các nhà khảo cổ tại địa điểm Mohenjodaro và Harappa, và nguồn thứ hai từ tài liệu của người Aryans mô tả về nhân cách đạo lý và niềm tin của dân tộc mà họ chiến thắng. Từ chứng cớ khảo cổ, chúng tôi thấy một số biểu tượng có tính cách đạo giáo, đặc biệt là Phật Giáo: Biểu tượng cây bồ đề và những sinh vật như voi và nai. Biểu tượng quan trọng nhất là việc khám phá thấy một số hình ảnh người ngồi xếp bằng hai chân tréo lên nhau và bàn tay để trên đầu gối, mắt khép hờ đúng như tư thế của người ngồi thiền. Những bằng chứng khảo cổ được các học giả uyên bác nghiên cứu và kết luận rằng việc hành thiền chắc chắn bắt nguồn từ nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Ðọc kinh Vệ Ðà của các người Aryans mô tả tôn giáo của nền Văn Minh Thung Lũng Indus, chúng ta thường thấy hình ảnh của một nhà tu khổ hạnh. Chúng ta thấy họ hành thiền, sống độc thân, sống cuộc đời khổ hạnh, đôi khi không áo che thân hoặc ăn mặc rất đơn sơ, họ lang thang không nhà cửa, và giảng dạy về lẽ sinh tử. Nếu tập trung những bằng chứng khảo cổ của nền Văn Minh Aryans, chúng ta thấy nổi lên hình ảnh tôn giáo của nền Văn Minh Thung Lũng Indus, và nhận thấy mấy điều quan trọng. Trước tiên là yếu tố thiền định hay tập trung tư tưởng. Thứ hai là từ bỏ thế tục, bỏ cuộc sống gia đình, sống một cuộc đời khổ hạnh nay đây mai đó. Thứ ba chúng ta thấy quan niệm về tái sinh qua nhiều kiếp sống. Thứ tư là chúng ta có một quan niệm về trách nhiệm tinh thần về cuộc đời, khỏi niệm về nghiệp, và cuối cùng mục đích của đời sống đạo lý, mục tiêu của giải thoát. Trên đây là những nét đặc thù nổi bật trong tôn giáo của nền Văn Minh Ấn lúc sơ khai. Bằng cách đối chiếu, không khó khăn mấy để tìm ra điểm dị biệt giữa hai tôn giáo này. Chúng ta hãy nghiên cứu tôn giáo của người Aryans. Ðến đây, nhờ vào nền văn hóa tôn giáo của họ, chúng ta dễ tạo nên một hình ảnh cụ thể. Khi người Aryans tới Ấn, họ có một tôn giáo hoàn toàn thế tục. Họ chủ trương mở rộng xã hội bằng tiên phong khai phá. Có rất nhiều nét tương đồng giữa tôn giáo của người Aryans với tôn giáo của người Hy Lạp. Nếu bạn thấy kiến trúc của một đền thì Hy Lạp, bạn sẽ thấy đền thì của người Aryan cũng giống vậy. Bạn sẽ thấy người Aryans tin vào nhiều vị thần là những hiện tượng thiên nhiên được nhân cách hóa. Chẳng hạn chúng ta thấy Thần Indra là Thần Sấm Chớp tượng trưng cho sức mạnh, Agni là Thần Lửa, và Varuna là Thần Nước. Chúng ta thấy tôn giáo được hình thành mà vị thầy tu là bộ mặt quan trọng nhất, trong khi đó với nền Văn Minh Thung Lũng Indus vị ẩn sĩ lại là bộ mặt quan trọng nhất. Trong Văn Minh Thung Lũng Indus, việc từ bỏ thế tục là một đời sống đạo hạnh lý tưởng, trong khi tôn giáo của người Aryans lý tưởng là giữ nhà. Với nền Văn Minh Thung Lũng Indus, người dân không cần đến con cái nối dõi, trong khi với tôn giáo của người Aryans, có con cái là điều tốt nhất. Trong khi nền Văn Minh Thung Lũng Indus thực hành thiền định thì người Aryans thực hành việc hy sinh (sinh vật) trong tôn giáo - việc hy sinh (sinh vật) là một đường lối quan trọng để truyền cảm với các vị thần, để ăn mừng chiến thắng, để có con, để được lên thiên đàng. Trong khi nền Văn Minh Thung Lũng Indus tin vào Nghiệp và Tái Sinh thì nền Văn Minh Aryans không quan niệm gì về tái sinh cả. Với nền Văn Minh Thung Lũng Indus, chúng ta có khái niệm tinh thần trách nhiệm qua hàng loạt kiếp sống, nhưng trong nền Văn Minh Aryans không có quan niệm này. Cho nên lý tưởng cao nhất là trung thành, và đức hạnh này đóng góp vào sức mạnh của cộng đồng. Cuối cùng trong nền Văn Minh Thung Lũng Indus, giải thoát là mục tiêu của đời sống đạo lý thì trong nền Văn Minh Aryans lên thiên đàng là mục tiêu của đời sống tôn giáo. Về ý kiến thiên đàng, đối với họ thiên đàng được rập khuôn theo một đời sống toàn bích ngay trong cõi đời này. Rất khó tìm thái độ đối lập của hai tôn giáo.Cho nên nếu chúng ta muốn tổng kết những dị biệt về tôn giáo của hai nền văn minh này, chúng ta có thể nói rằng tôn giáo của nền Văn Minh Thung Lũng Indus đề cao về từ bỏ thế tục, thiền định, tái sinh, nghiệp, mục tiêu giải thoát; ngược lại tôn giáo của nền Văn Minh Aryans nhấn mạnh đời sống thực tại, hạnh phúc vật chất, của cải, quyền thế, danh lợi và hy sinh là những đường lối để tiến tới các mục tiêu này. Thực là khó có thể tìm ra được một loại tính chất đối lập về thái độ tôn giáo nào rõ hơn như vậy. Hơn nữa, có hai thành phần quan trọng của tôn giáo Aryans mà chúng ta phải nhớ là vấn đề giai cấp nghĩa là sự phân chia từng giai cấp trong xã hội, và niềm tin vào sức mạnh của Thánh Kinh Vệ Ðà. Hai yếu tố này không thấy trong nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Lịch sử tôn giáo Ấn từ 1500 cho đến 600 hay 500 năm trước Tây Nguyên, thời Ðức Phật tại thế, lịch sử của những năm 1000 tại Ấn là một lịch sử chống đối càng ngày càng tăng giữa hai quan điểm hoàn toàn đối nghịch về tôn giáo. Khi người Aryans ngày càng bành trướng và định cư tại khắp lục địa khổng lồ Ấn, và khi những lợi dụng khai thác của họ giảm dần; quan điểm của hai tôn giáo đối nghịch này đã ảnh hưởng lẫn nhau. Hai tôn giáo cùng tương-tác và cùng hợp-nhất. Chính sự hợp nhất này là sự hợp nhất của hai con sông lớn. Trong thời gian Ðức Phật tại thế, hậu quả của việc hợp nhất này là một quang cảnh tôn giáo rất hèn tạp. Việc này rất rõ ràng khi ta xét đến một vài điều trong đời sống của Ðức Phật. Chẳng hạn, chúng ta thấy khi Ðức Phật đản sinh, có hai nhóm người tiên đoán về tương lai huy hoàng của Ngài. Lời tiên đoán thứ nhất của Asita (A Tu Ðà). Asita là một đạo sĩ ẩn dật, sống trên nứi, và là một người Bà La Môn thuộc giai cấp tu sĩ. Ðiều này cũng là bằng chứng của sự tương-phân giữa hai truyền thống. Trong thời Ðức Phật, những người Bà La Môn bắt đầu cuộc sống ẩn dật. Ðó là điều chưa từng nghe nói cách đây 1000 năm. Ít lâu sau, nghe nói có108 vị đạo sĩ Bà La Môn được mời đến để làm lễ đặt tên cho Thái Tử. Tại đây, có những bằng chứng cho thấy những đạo sĩ này không từ bỏ đời sống trần tục - một thí dụ về thể chế cố hữu thuộc nền Văn Minh Aryans. Tại sao hai truyền thống - truyền thống của Thung Lũng Indus và truyền thống Aryans lúc ban đầu quá nhiều dị biệt, lại có thể hợp nhất được? Chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời là việc thay đổi đột ngột của đời sống dân tộc Ấn giữa khoảng thời gian thứ 2000 trước Tây nguyên và thời gian Ðức Phật tại thế. Việc bành trướng của người Aryans chấm dứt sau khi họ thôn tính những miền đồng bằng Ấn. Việc bành trướng chấm dứt mang nhiều thay đổi về xã hội, kinh tế và chính trị. Trước tiên, chính trị xã hội của các bộ lạc tiến hóa vào thể chế của cả nước nên đã không còn một bộ lạc nào giữ được tính chất riêng rẽ trung thành của mình nữa. Bây giờ chúng ta có lãnh thổ quốc gia mà trong đó có rất nhiều người thuộc các bộ lạc cùng chung sống. Vương quốc Magadha (Ma Kiệt Ðà) do Bimbisara (Bình Sa Vương) trị vì trong thời Ðức Phật là một điển hình về việc hợp nhất lãnh thổ. Thứ hai, chúng ta thấy lối sống du mục nay đây mai đó thay đổi và trở thành lối sống định cư tập thể nông nghiệp cho nên người dân ngày nay sống tại các trung tâm thành thị, tránh khỏi các sức mạnh thiên nhiên mà họ thần thánh hóa. Về kinh tế, thương mại trở nên quan trọng. Cho nên thuở ban đầu của nền Văn Minh Aryans, các tu sĩ và những chiến sĩ là những bộ mặt quan trọng nhất- các thầy tu vì có thể truyền thông được với các thần linh- chiến sĩ đã thắng được địch quân và mang chiến lợi phẩm về cho cộng đồng. Nhưng bây giờ những thương gia càng ngày càng trở nên quan trọng. Chúng ta có thể thấy việc trên trong thời Ðức Phật, những đệ tử nổi danh của Ðức Phật là những nhà buôn - Anathapindika (Cấp-Cô-Ðộc) là một trong số đó. Sự thay đổi về xã hội, kinh tế và chính trị góp phần vào việc người Aryans cởi mở chấp nhận lý tưởng đạo giáo của nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Lúc đầu người Aryans thôn tính dân tộc Thung Lũng Indus bằng vũ lực, nhưng 1000 đến 2000 năm sau, ta thấy những người Aryans này càng ngày càng chịu ảnh hưởng của các lý tưởng của nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Cho nên trong những thế kỷ đầu của thời đại Cộng Sinh việc phân biệt giữa truyền thống Aryans và truyền thống Thung Lũng Indus trở nên càng ngày càng khó khăn. Thật vậy, sự kiện này là một nhận định sai lầm khi cho rằng Phật Giáo chống lại Ấn Ðộ Giáo, hay Phật Giáo là một ngành của Ấn Ðộ Giáo. Về Phật Giáo, sự sáng tạo phần lớn bắt nguồn từ tôn giáo của nền Văn Minh Thung Lũng Indus như từ bỏ thế tục, thiền định, nghiệp, tái sinh, giải thoát tối hậu. Ðó là những lý tưởng quan trọng trong nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Chính Ðức Phật cho thấy truyền thống của Ngài là do nguồn gốc Văn Minh Thung Lũng Indus khi Ngài nói con đường của Ngài dạy là con đường cổ, và mục đích mà Ngài hướng dẫn là mục đích đã có từ xưa. Người Phật Tử chúng ta cũng tin rằng có sáu Ðức Phật trước khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Tất cả những điểm này cho thấy sự tiếp nối giữa truyền thống của Thung Lũng Indus với lời dạy của Ðức Phật. Nếu chúng ta nhìn vào Phật Giáo và Ấn Ðộ Giáo, chúng ta sẽ thấy một tý lệ nhiều hay ít giáo lý lấy từ truyền thống Văn Minh của Thung Lũng Indus và truyền thống Văn Minh Aryans. Chẳng hạn, nếu chúng ta nghiên cứu Phật Giáo, chúng ta thấy một số lớn giáo lý lấy từ nền Văn Minh Thung Lũng Indus và một số nhỏ lấy từ truyền thống Aryans. Cho nên tại sao chúng ta thấy có nói đến các thần Aryans trong kinh điển Phật Giáo, mặc dù vai trò của các thần này chỉ là ngoại biên, một thí dụ về giáo lý Aryans trong truyền thống Phật Giáo. Mặt khác, nếu chúng ta nhìn vào một vài trường phái của Ấn Ðộ Giáo, chúng ta thấy một số lớn giáo lý đã được lấy từ truyền thống Aryans và một số nhỏ được lấy từ truyền thống Thung Lũng Indus. Chúng ta thấy việc phân chia giai cấp, quyền năng của Thánh kinh Aryans của Kinh Vệ Ðà và việc hy sinh sinh vật đã được chú trọng. Song song với những sự kiện trên, chúng ta tìm thấy Phật Giáo nói về việc từ bỏ thế tục, thiền định, nghiệp và tái sinh. -ooOoo- BÀI II - CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT Chúng tôi muốn dành một chút ít thì giờ để nói về đời sống của Ðức Phật. Chúng tôi không có ý định dành nhiều thì giờ để nói về đời sống và sự nghiệp của Ngài vì hầu hết tiểu sử của Ngài đã được kể lại. Nhưng nhân dịp này, chúng tôi xin lưu ý quý vị về một số giá trị quan trọng qua cuộc đời tranh đấu của Ngài. Trước đây, chúng tôi đã nói về hai truyền thống tôn giáo bắt nguồn từ hai gốc khác nhau tại Ấn, nhưng dần dần đã tương tác và hợp nhất. Chúng tôi có thể nói rằng tiến trình tương tác này đã bắt đầu vào thời kỳ Ðức Phật tại thế. Chúng ta thấy sự khởi đầu của việc tương tác và tiến trình này tiếp tục cho đến cả ngàn năm sau khi hai truyền thống hợp nhất và trở nên khó phân biệt. Có lẽ không phải là một sự trùng hợp mà tại một nơi đầu tiên hai truyền thống thực sự va chạm mãnh liệt nhau tại địa điểm được biết là Madhyadesha, vùng chung quanh hiện nay là Phía Ðông Uttar Pradesh và Bihar. Nơi này được người Brahmins (Bà Là Môn) coi là một nơi thử thách truyền thống Aryans. Việc xẩy ra là khi hai truyền thống tôn giáo gặp nhau tạo thành bầu không khí có tiềm năng mạnh mẽ giúp cho việc phát triển đường hướng của một tôn giáo mới. Nói rộng ra, chúng ta có thể nhìn thấy đời sống và giáo lý của Ðức Phật trong phương sách. Ngoài việc tương tác của hai truyền thống, có những sự thay đổi rất có ý nghĩa về xã hội, chính trị và kinh tế mà chúng tôi đã đề cập trước đây. Những điều này đã nâng ý thức tôn giáo đến mức độ cao nhất lương tâm đạo lý. Việc này luôn luôn xảy ra trong thời gian có sự biến động về chính trị và xã hội khiến con người phải nhìn vào nội tâm và quay về với tôn giáo. Khi nhận thấy những thể chế tôn giáo vững vàng của cha ông, khuynh hướng tự nhiên là họ quay về với tôn giáo, và điều này đã góp vào việc nâng cao hoạt động tôn giáo và lương tâm đạo lý. Ðó là trường hợp của thế kỷ thứ sáu trước Tây Nguyên. Giá trị nổi bật trong đời sống của Ðức Phật mà chúng tôi muốn nói là ba điều thiết yếu: từ bỏ thế tục, tâm từ bi, và trí tuệ. Ba phẩm hạnh này nổi bật qua những quãng đời của chính Ngài. Do ngẫu nhiên, không có một sự trùng hợp nào, những phẩm hạnh trên đều ngang bằng với việc đạt được Niết Bàn vì lẽ như quý vị đã hiểu, chúng ta vì có ba ô-trược nên phải sinh tử, tử sinh. Ba ô-trược đó là Tham, Sân và Si. Trong phạm vi này, chúng ta cũng phải nhớ là từ bỏ thế tục là thuốc giải độc cho tham, tâm từ bi là thuốc giải độc cho sân hận, và trí tuệ là thuốc giải độc cho si mê. Qua việc trau dồi các phẩm hạnh trên, ta có thể loại bỏ các ô-trược trong tâm và đạt được giác ngộ. Cho nên không một trí ngại nào khiến ba phẩm hạnh trên không nổi bật lên trong đời sống của Ðức Phật. Chúng ta hãy xét từng phần hành một và bắt đầu với hạnh từ bỏ thế tục. Một số bằng chứng đầu tiên về sự từ bỏ thế tục phát hiện từ khi Ðức Phật còn rất trẻ. Căn bản của sự từ bỏ thế tục là công nhận mọi cuộc sống đều khổ đau. Khi ta công nhận mọi cuộc sống đều khổ đau thì điều này mang lại sự phản tỉnh. Nói một cách khác, khi nhận thấy cuộc đời đầy khổ đau, chúng ta bắt đầu tìm kiếm một điều gì khác. Cho nên tại sao Khổ là điều thứ nhất trong Tứ Diệu Ðế. Công nhận cuộc sống là khổ đau là thực chất của việc từ bỏ trần tục. Quý vị biết Thái Tử Tất Ðạt Ða dự cuộc lễ hạ điền hàng năm vào lúc bảy tuổi. Tại đây Thái Tử nhìn thấy cảnh một con trùng bị lưỡi cầy sới lên, và bị con chim nuốt sống. Thấy cảnh này khiến Thái Tử suy gẫm đến sự thực của cuộc đời, nhận thấy rằng chúng sinh giết lẫn nhau vì miếng ăn và đó là nguồn gốc của khổ đau. Ðọc tiểu sử của Ngài, chúng ta thấy ngay từ khi còn nhỏ tuổi, Ngài đã nhận thức được cuộc sống là khổ đau. Nếu xét thêm về cuộc đời của Ðức Phật, chúng ta sẽ thấy giai thoại nổi tiếng về bốn cảnh tượng khiến Ðức Phật đã từ bỏ cuộc sống gia đình và theo đuổi một cuộc sống khổ hạnh để tìm chân lý. Những cảnh già, bệnh và chết và một nhà tu khổ hạnh làm cho Ngài thấy cuộc sống như vậy, Ngài cảm thấy bất an, ray rứt, và nghĩ thực ra chính Ngài cũng không thoát khỏi già bệnh và chết. Nhận thức này khiến Ngài phát triển ý nghĩ lìa bỏ dục lạc, tìm chân lý bằng con đường từ bỏ trần tục Ðiều đáng chú ý là việc từ bỏ trần tục của Thái Tử Tất Ðạt Ða không phải là một cuộc từ bỏ vì thất vọng. Ngài sống rất hạnh phúc, nhưng Ngài đã trông thấy sự khổ đau trong đời sống, và thấy rằng dù thú vui có vui đến một mức độ nào đi nữa, con người vẫn không tránh khỏi các khổ đau trên. Nhận định như vậy, Ngài đã từ bỏ đời sống gia đình, tìm giác ngộ để cứu độ chúng sinh. Kế đó hãy nhìn vào phẩm tính của tâm từ ái. Nơi đây chúng ta cũng thấy những đức tính này xuất hiện ngay từ khi Ðức Phật còn nhỏ tuổi. Một thí dụ điển hình đáng chú ý nhất là giai thoại con thiên nga bị thương. Chuyện kể lại là Ngài cùng người em họ là Ðề Bà Ðạt Ða đang dạo chơi trong vườn bao quanh hoàng thành thì Ðề Bà Ðạt Ða dùng cung tên bắn một con thiên nga. Cả hai đều chạy đến chổ con thiên nga rơi xuống, nhưng Thái Tử Tất Ðạt Ða chạy nhanh hơn nên đã tới chổ con thiên nga trước. Ôm con thiên nga trong tay, Ngài trìu mến nó khiến Ðề Bà Ðạt Ða phản ứng, và nhất định cho rằng con chim là của ông ta vì chính ông là người đã bắn con chim. Hai cậu bộ này đem việc này đến nhờ một nhà hiền triết phân xử, và vị này quyết định người có quyền giữ con chim là người săn sóc nó chứ không phải là người giết nó. Nơi đây chúng ta thấy thí dụ điển hình về thái độ và lòng từ bi của Ðức Phật đã phát hiện qua sự nhận định bản chất của cuộc đời là khổ đau. Rồi sau khi giác ngộ, Ðức Phật không ngừng thể hiện phẩm hạnh này chẳng hạn trong một giai thoại nổi tiếng khi Ngài săn sóc Tissa, một người bệnh mà tất cả mọi người trong Tăng Ðoàn đều lánh xa. Chúng ta xét đến trí tuệ, phẩm hạnh thứ ba nói trên. Trí tuệ là điều quan trọng nhất trong ba phẩm hạnh bởi vì trí tuệ mở cửa đến giác ngộ. Trí tuệ nhổ tận gốc rễ vô minh là nguyên nhân cơ bản của khổ đau. Người ta nói rằng nếu chúng ta có cắt hết cònh và thân một cây, nhưng không nhổ hết rễ thì cây đó sẽ lại mọc lên nữa. Cũng như vậy, ta có thể loại trừ tham dục qua sự từ bỏ thế tục, nhưng không loại trừ vô minh, tham và sân vẫn có thể xẩy ra nữa. Trước hết có trí tuệ là nhờ thiền định. Chúng ta thấy ngay trong lúc thiếu thời, Ngài đã phát huy năng khiếu tập trung tư tưởng cùng lúc với việc bắn chim và giết trùng. Chuyện lại kể sau khi chứng kiến con chim nuốt con trùng, và nhận định bản chất bất hạnh của cuộc đời, vị Thái Tử trẻ tuổi này bèn ngồi dưới một gốc cây và bắt đầu thiền định. Ngài đã vượt qua bước đầu của thiền định bằng phương pháp tùy-tức (hơi thở). Chúng ta thấy Ngài thực hành thiền định ngay từ lúc còn nhỏ, và sau này khi xuất gia và đi tìm chân lý, giới luật đầu tiên mà Ngài áp dụng chính là giới luật thiền định. Chúng ta được biết Ngài học hỏi phương pháp hành thiền với hai vị thầy nổi tiếng đương thời là Arada Kalama và Udraka Ramaputra. Ở phần trên chúng tôi có nói đến những khám phá tại Mohenjodaro và Harapa với những hình ảnh ngồi trong tư thế thiền định. Chúng ta có lý do xác đáng để tin tưởng là phương pháp tập trung tinh thần đã có từ Năm Thứ Ba Nghìn trước Tây Nguyên và hai vị thầy này là tiêu biểu cho truyền thống thiền định. Chúng ta thấy Thái Tử đã bỏ hai vị thầy này vì Ngài thấy thiền định không thôi không thể chấm dứt vĩnh viễn được khổ đau. Ðiều này rất quan trọng. Ngài chú trọng đến thiền định là Pháp nằm trong truyền thống của Nền Văn Minh Thung Lũng Indus, nhưng Ngài còn đi xa hơn nữa ngoài truyền thống thiền định. Cho nên lời Ðức Phật dạy khác hẳn với giáo lý của nhiều trường phái Ấn khác, đặc biệt về giáo lý của truyền thống Yoga. Cũng có những khác biệt giữa Phật Giáo và các đạo khác về truyền thống tư duy, vì lẽ thiền định không thôi chưa đủ. Thiền định tựa như ta gọt bút chì, gọt gióa tâm trí cho bộn nhọn. Giống như khi ta gọt bút chì, chúng ta gọt nó dùng vào mục đích để viết, khi chúng ta gọt gióa tâm trí thì mục đích chính là đạt trí tuệ. Ðôi khi sự tương quan giữa thiền định và trí tuệ được thí dụ điển hình như một cây đuốc. Ví dụ như chúng ta đốt đuốc để xem một tấm hình trong phòng tối. Nếu có nhiều gió lùa trong phòng, chúng ta sẽ thấy ngọn đuốc lung linh. Cũng vậy, nếu tay run, ánh sáng của cây đuốc sẽ chập chìn không đứng nguyên một chè, và chúng ta không thể xem được tấm hình. Cũng như vậy, chúng ta muốn tìm hiểu bản chất của mọi sự vật, nếu tâm chúng ta không vững vàng, phóng dật, lung lay do hậu quả của các xáo trộn xúc cảm, chúng ta không thể đi sâu vào bản chất thực sự của sự vật. Ðức Phật khám phá ra điều này trong đêm giác ngộ của Ngài, Ngài đạt đến sự nhất tâm bằng thiền định, Ngài hướng tâm đến việc hiểu được bản chất của sự thực và xuyên thấu được bản chất thực sự của mọi vật. Cho nên sự giác ngộ của Ðức Phật là kết quả trực tiếp của sự phối hợp thiền định và trí tuệ của tập trung và nội quán. Chúng ta cũng tìm thấy nhiều khía cạnh khác của trí tuệ đã thể hiện trong đời sống của Ðức Phật, và trong những khía cạnh quan trọng nhất là Trung Ðạo. Chúng tôi không bàn luận đến những mức độ và ý nghĩa của con đường Trung Ðạo nhưng cũng vẫn thừa đủ để nói rằng ý nghĩa căn bản nhất của con đường Trung Ðạo là tránh sự ham mê lạc thú của giác quan và sự hành hạ thân xác đến mức độ thái quá. Ðiều quan trọng cần nói lên là Thái Tử đã trải qua một đời sống xa hoa cùng sáu năm tu khổ hạnh sau khi rời bỏ cung điện của vua cha. Qua kinh nghiệm bản thân và thấy các phù phiếm của hai cực đoan đó, Ngài bèn tìm ra con đường Trung Ðạo để tránh các cực đoan này. Ðời sống của Ðức Phật có nhiều giai đoạn quan trọng. Nếu chúng ta xem đời của Ngài là một bài học thay vì một tiểu sử đơn giản gồm có tên tuổi và địa danh; nếu chúng ta bắt đầu nhận thức được giá trị và các phẩm hạnh gương mẫu trong đời sống của Ngài, chúng ta sẽ đạt được sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa thực sự đời sống của Ðức Phật. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ
kheo Thích Tâm Quang, Chùa Tam Bảo, California, đã gửi tặng bản vi
tính
(Bình Anson, 03-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 06-04-2002