[02] Tháng thứ bảy Các cơ chế của sự tự dối mình Trong tâm của mỗi con người bình thường đều có di sản của những ham muốn nguyên thuỷ được truyền lại từ những tổ tiên trước khi có loài người và tổ tiên người sơ khai của nhân loại trong cuộc đấu tranh sinh tồn của họ. Nhận ra những ham muốn nguyên sơ tồn tại trong bản thân là một trong những bước đầu tiên bạn phải làm trong tiến trình đi lên trên con đường hiểu biết bản thân; khước từ nhận ra chúng, chối bỏ nhìn nhận chúng như là những phần làm nên tâm bạn là xây lên ngay trong tâm bạn một bức tường tự lừa dối mình. Thuở đầu đời, vì những người khác phản đối những ham muốn nguyên sơ đó, bạn đã học cách che đậy chúng và trong một số trường hợp xấu hổ vì chúng. Đầu tiên, bạn học từ chối thừa nhận chúng với những người khác, rồi ở giai đoạn sau bạn từ chối – ít nhất là cố gắng từ chối thừa nhận chúng với bản thân mình. Một lý do của sự chối bỏ này là bạn muốn nghĩ tốt về bản thân, để bằng mọi giá giữ cho bản ngã của mình không bị đụng chạm. Thật ngẫu nhiên, chính ý thức bản ngã này là tâm điểm của sự tự lừa dối mình và cũng chính ý thức bản ngã này là tiêu điểm mà giáo lý của Đức Phật tập trung công kích. * Xét về các cơ chế mà tâm sử dụng trong nỗ lực tự lừa dối, sẽ hữu ích nếu chúng ta xem xét chúng về khía cạnh cấu trúc và chức năng của não. Theo một cách nào đó bạn có thể coi não là một hệ thống rất phức tạp gồm các đường dẫn nhỏ và đường vòng theo đó năng lượng thần kinh di chuyển. Mỗi đường dẫn đó được gọi là một dây thần kinh (neurogram). Khi năng lượng thần kinh di chuyển trong một đường dẫn cụ thể hay một dây thần kinh nào đó, một ý tưởng tương ứng có khuynh hướng nảy sinh trong ý thức, khi năng lượng thần kinh chạy sang một đường hay dây thần kinh khác, tư tưởng đầu tiên sẽ phai mờ và một ý tưởng khác lại nảy sinh trong ý thức. Nếu một trong những dây thần kinh ấy bị suy yếu hay bị hư hại thế nào đó, nếu còn có thể chuyên chở năng lượng thần kinh, nó sẽ chỉ chuyên chở một cách khó khăn. Bạn có thể so sánh tình huống này với một con đường với các ổ gà, ô tô chạy qua đó sẽ bị xóc và chao đảo. Bất cứ khi nào có thể, người lái xe đều tránh con đường xóc, khó khăn và đau đớn đó. Sự ví von này sẽ giúp bạn hiểu "cơ chế tránh né" của tâm, vì theo cách tương tự như vậy năng lượng thần kinh sẽ tránh đi theo hay đi qua dây thần kinh đã trở thành khó khăn và đau đớn. Không cần đến một biệt ngữ kỹ thuật hay sự đào tạo tâm lý học nào để nói rằng tất cả chúng ta đều hay tránh né sự đau đớn và khó chịu. Tất nhiên, chúng ta hay tránh né cái được xác định là đau đớn và khó chịu. Hãy xem xét một ví dụ. Một đứa trẻ trải qua một kinh nghiệm hãi hùng, trải nghiệm đó thuộc loại gì không phải là vấn đề quan trọng lắm, nhưng điều đó làm nó rất khiếp đảm. Khi điều đó đã qua đi một thời gian, nó cố gắng không nghĩ tới nữa bởi vì khi nghĩ tới, nó lại trở nên sợ hãi. Điều này là hợp lý và dễ hiểu, và tất cả những điều đó xảy ra ở cấp độ ý thức. Sau đó, nó trở thành tiềm thức. Nhưng điều này không có nghĩa là đứa trẻ ngay lập tức xoá nhoà tất cả trí nhớ về trải nghiệm hãi hùng đó; quá trìnhh này diễn ra từ từ theo quy luật, và lúc đầu việc đứa trẻ từ chối nghĩ về trải nghiệm ấy không có hiệu quả. Tuy nhiên về sau, việc đó dần dần thành công và đồng thời trở thành thói quen. Khi một hoạt động nào đó, thuộc tâm hay thân, trở thành thói quen, nó cũng trở nên ít có ý thức hơn. Do vậy cơ chế tránh né lúc đầu là có ý thức sau đó dần dần chìm xuống tầng tiềm thức. Có những loại kinh nghiệm khác bên cạnh nỗi sợ hãi khởi đầu sự vận động cơ chế tránh né; ví dụ sự khiếp sợ; kinh tởm, và nỗi đau thể chất. Mặc cảm tự ti cũng là một loại trải nghiệm, cảm giác tội lỗi và vô giá trị cũng vậy. Không ai muốn cảm thấy mình thấp hèn, tội lỗi và vô giá trị, và tâm thức ở cả cấp độ ý thức và tiềm thức đều có khuynh hướng tránh những cảm giác này. Nhưng hãy quay trở lại ví dụ về người lái xe; nhận thấy con đường đầy ổ gà, khó đi và thậm chí gây đau đớn, anh ta tránh nó; tuy nhiên anh ta vẫn mong muốn đến đích bằng cách nào đó và không từ bỏ hành trình chỉ vì điều kiện con đường xấu. Anh ta tìm thấy một con đường khác cho dù đó là con đường vòng dài và hành trình xa hơn. Cũng giống như vậy, năng lượng thần kinh không chịu dừng hoạt động vì một dây thần kinh nào đó bị ngăn trệ do bị đau, nó tìm ra một dây thần kinh khác cho nó đường đi dễ chịu. Khi điều này xảy ra trong não bộ, trong tâm sẽ nảy sinh một ý tưởng thay thế, vì trong khi tâm từ chối cho phép ý tưởng bị cái đau ngăn chặn phát sinh trong ý thức, nó chuyển hướng năng lượng của nó đến một ý tưởng dễ chấp nhận hơn. Đây là cơ chế "làm trệch hướng". Do cơ chế làm trệch hướng này, có những lúc bạn trải qua cảm xúc nhưng lại tự lừa dối về đối tượng thực sự của nó. Vì lý do nào đó bạn không muốn gắn cảm xúc cụ thể này cho đối tượng riêng biệt đó. Ví dụ một đứa trẻ vừa yêu vừa ghét mẹ nó. Cần phải thấy rằng trên thực tế tất cả mọi đứa trẻ đều có những tình cảm lẫn lộn đối với cha mẹ chúng. Trên thực tế, nó có những thái độ lẫn lộn đối với nhiều thứ quan trọng trong đời, có nghĩa là nó vừa yêu vừa ghét chúng. Nó yêu quý cha mẹ lúc này vì họ chăm sóc nó và ghét họ lúc khác khi họ mắng chửi và trừng phạt nó; nhưng cả hai điều đối lập này đều luôn tồn tại tiềm ẩn trong cấu trúc tâm thức của nó. Trong khi sự biểu lộ tình cảm yêu quý của đứa trẻ được cha mẹ đón nhận thì sự biểu lộ lòng căm ghét mang đến cho nó sự chê bai, chửi, đánh và có thể cả những bài thuyết giảng về tính xấu xa của việc không yêu quý cha mẹ. Trong trường hợp một đứa trẻ nhạy cảm, tất cả sự chê bai và thuyết giáo này sẽ đem lại một cảm giác tội lỗi và đáng khinh và sau đó khi trở nên ý thức được sự căm ghét của mình, nó sẽ cố gắng kiềm chế. Nhưng không có hiểu biết thực sự về cách mà tâm thức của mình hoạt động, những nỗ lực kiểm soát những bột phát bản năng sẽ chỉ dẫn đến sự đè nén chúng. Nhưng bất cứ yếu tố tinh thần nào bị đè nén đều không vì thế mà bị tiêu diệt, cảm xúc thù hận bị đè nén sẽ phải tìm lối thoát. Vì tình cảm căm ghét của đứa trẻ không thể chĩa vào bà mẹ, nó phải chĩa vào thứ gì khác, một thứ gì đó có vẻ ít gây ra sự phản đối chê bai của những người lớn. Ví dụ, đối tượng thay thế này có thể là giáo viên ở trường của nó. Do đó cảm xúc bị chê bai được chuyển từ đối tượng thật là người mẹ sang đối tượng thay thế là giáo viên. Bạn có thể dễ nhận thấy rằng cơ chế tránh né và cơ chế làm trệch hướng đi cùng với nhau. Năng lượng thần kinh tránh đi trên đường dẫn của não hoặc dây thần kinh làm nảy sinh những tư tưởng và cảm xúc tội lỗi, mặc cảm tự ti, vô giá trị, đau đớn, và nó được chuyển hướng sang những dây thần kinh tránh những cảm giác khó chịu này. Và nếu những dây thần kinh này làm nảy sinh những tư tưởng tự phụ, tự cao, hoặc tự đại, điều đó sẽ tốt hơn nhiều, hay ít ra nó có vẻ như vậy theo nghĩa thiển cận. * Tương tự như nỗi đau và những cảm xúc khó chịu có thể phá huỷ một dây thần kinh, khoái lạc về thể chất hay tình cảm có thể xoa dịu và cải thiện dây thần kinh khác và do đó tạo thuận lợi cho dòng năng lượng thần kinh chảy qua nó. Lại quay trở lại thí dụ về người lái xe, anh ta sẽ tránh một con đường chật hẹp đầy ổ gà và chuyển hướng sang một con đường khác tốt hơn. Nhưng nếu có một con đường thứ ba đã được mở rộng, mặt đường tốt và có khung cảnh đẹp, thú vị suốt chặng đường thì anh ta sẽ đi trên con đường đó bất cứ khi nào có thể. Anh ta làm như vậy không phải lúc nào cũng vì nó dẫn đến một đích đặc biệt mà chỉ vì sự vui thích đi trên con đường đó cùng với các quang cảnh và viễn cảnh của nó. Thậm chí anh ta có thể làm vậy khi đáng lẽ anh ta nên đi đến nơi làm việc hoặc tập trung vào những trách vụ khác. Cũng như vậy, năng lượng tinh thần sẽ chảy theo một dây thần kinh đem lại sự vui thích, mặc dù không có mục đích nào khác ngoài niềm vui thích mà nó mang lại, và thậm chí nó chẳng giải quyết vấn đề gì khác và không đưa lại một quyết định cụ thể nào. Điều này mô tả cơ chế "ngưng đọng”. Ví dụ, nếu một đứa trẻ bị làm hư bởi sự nuông chiều, nếu bà mẹ quá chú ý đến sự thoải mái và vui thích của nó, nếu bà ta che chở quá mức và khen ngợi con quá đáng, tất cả bằng cái giá sự phát triển tính cách của đứa trẻ, thì năng lượng tinh thần của đứa trẻ sẽ trở nên gắn bó với hình ảnh tinh thần của bà mẹ. * Ở đây bạn có ba cơ chế tinh thần cơ bản – né tránh, gây ra bởi một dây thần kinh nào đó bị ngăn trệ vì đau đớn; trệch hướng, tuỳ thuộc vào dây thần kinh thay thế; và sự ngưng đọng phát sinh từ một dây thần kinh được tạo thuận lợi quá mức. Nếu bạn chấp nhận ý tưởng rằng cùng với nhân loại nói chung, tâm bạn tận dụng những phương thức tự lừa dối khác nhau, bạn sẽ thấy những cơ chế đó là gốc rễ của nhiều sự tự lừa dối này và chính những dây thần kinh bị ngăn trệ vì đau giải thích cho sự chống đối rất tự nhiên đôi lúc nổi lên khi trong quá trình tự hiểu biết bản thân bạn buộc phải đối diện với những khía cạnh ít dịu ngọt trong tâm trí bạn. Sự phản kháng này xuất hiện khi ai đó chất vấn sự đúng đắn hay giá trị của sự tự dối mình mà bạn hằng quý trọng. Sự phản kháng đó xuất hiện trên bề mặt như là sự khó chịu, sợ hãi, hoặc một loại thái độ tinh thần không hợp lý nào đó. Chức năng của nó – nếu bạn có thể gọi nó là chức năng- là giữ cho sự tự dối lừa được nguyên vẹn. Cho đến khi bạn có thể vượt qua sự phản kháng này và đối diện với mọi sự tự lừa dối mình thì bạn vẫn bất lực với chúng; chúng ngự trị tư duy của bạn, và đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong việc tự hiểu bản thân. Bài tập thực hành Ít người trong chúng ta hoàn toàn vượt qua được khuynh hướng nói hoặc phản ứng một cách cáu gắt trong những tình huống khó khăn, cũng không nhiều người trong chúng ta thoát khỏi được khuynh hướng nuôi dưỡng sự oán giận ở mức độ nào đó. Sự oán giận này nói chung liên quan đến những tổn thương và sự bất công nho nhỏ do người khác gây ra trên thực tế hoặc đôi khi trong tưởng tượng. * Để phục vụ những mục đích hiện tại, hãy giả thiết bạn nằm trong số đông xét về khía cạnh này. Trong một tháng hoặc hơn, hãy giải quyết những khuynh hướng cáu gắt và oán giận của bản thân bạn, dù chúng chỉ là nhẹ nhàng thế nào, và sử dụng chúng làm cơ sở cho bài tập chánh niệm. Trong nhịp độ bình thường nhưng không tự nhiên của cuộc sống thật khó có thể duy trì một điều kiện yên bình trong tất cả mọi hoàn cảnh, vì thường có quá nhiều những sự bực mình nho nhỏ trong nếp sống hàng ngày và hậu quả là tâm trí quá thường xuyên bị khuấy động dẫn đến tình trạng giận dữ. Sự giận dữ này không cần phải là một cơn thịnh nộ hay điên tiết; rất thường là bạn chỉ hơi giận dữ và bạn không nhận ra trong tiến trình bình thường một ngày sự giận dữ của bạn bị khuấy động nhẹ thường xuyên như thế nào. Do đó bài thực tập này là vấn đề quan sát bạn một cách có phê phán và thản nhiên với ý định nhận ra cơn giận của bạn bị khuấy động nhẹ lên thường xuyên như thế nào và trong những hoàn cảnh nào. Trong bài luyện này, bạn không quan tâm đến sự bộc lộ của những cơn giận lớn đôi khi xuất hiện mà bạn hoàn toàn ý thức được; chính những sự khó chịu nhỏ xảy ra không thường xuyên, những cáu kỉnh lặt vặt nên là đối tượng của tỉnh giác gia tăng trong cuộc sống hàng ngày vì một khi những hình thái giận nho nhỏ đó được kiểm soát tốt thành một thói quen, thì những cơn giận biểu lộ lớn sẽ được kiểm soát dễ dàng hơn. Rất cần nhấn mạnh ở đây rằng kiểm soát không có nghĩa là kìm nén, vì sự kìm nén một suy nghĩ chứa đầy cảm xúc có nghĩa là nó bị nén xuống dưới tầm nó có thể tiếp cận được với ý thức. Một quá trình như vậy rất đối lập với quá trình chánh niệm mà theo một nghĩa nào đó chánh niệm là tiến trình mở rộng phạm vi của ý thức. Nếu bạn có thể xây dựng được thói quen luôn luôn quán sát bình thản với sự tôn trọng các trạng thái tâm của bạn, bạn có thể ngày càng tăng được sự kiểm soát các phản ứng với thế giới bên ngoài và dần dần sẽ tìm thấy một mức độ cân bằng và bình yên lớn hơn. Để có được một ý thức chi tiết hơn về các chức năng và nội dung của tâm trí bạn, một phần của quá trình này là làm quen với những thành phần khó chịu hơn của nó, những yếu tố làm trì trệ cản trở tâm. Nếu bạn trở nên quen thuộc hơn với sự căm ghét, nỗi sợ hãi, ghen tị ẩn giấu trong tâm bạn, bạn sẽ hiểu biết rõ ràng hơn làm thế nào để giải quyết chúng. Hãy lập một giao ước với bản thân, một nghị quyết – thoả ước, với hiệu lực là bạn sẽ tự bắt mình chịu một hình phạt nhỏ ngay sau mỗi lần bạn phản ứng một cách cáu kỉnh hay nuôi dưỡng những ý nghĩ oán giận. -ooOoo- Tháng thứ tám Giáo lý Đạo Phật về Vô ngãSự tự khẳng định, sự khẳng định về các quyền và đặc quyền riêng của một người, về tầm quan trọng của một con người, và về sự tồn tại riêng biệt và cá thể của một con người: đây là một trong những cách thức cơ bản của phản ứng bản năng đối với nhiều tình huống trong cuộc sống. Nó là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc tìm kiếm sự hài lòng cá nhân. Đó là cuộc kiếm tìm không bao giờ kết thúc, cuộc tìm kiếm cho sự hài lòng cá nhân; vì mỗi sự thoả mãn đạt được chỉ là nhất thời, và sớm hay muộn cuộc tìm kiếm phải bắt đầu lại. Theo giáo lý đạo Phật, kiếm tìm hạnh phúc bằng cách tự khẳng định là cách chắc chắn nhất để mãi mãi kéo dài nỗi buồn khổ và những yếu tố bất toại nguyện trong đời sống cá nhân, vì hạnh phúc vĩnh viễn chỉ có thể tìm được nhờ phá mà thoát khỏi niềm tin sai lầm về một cái tôi tách biệt ra khỏi đời sống như một tổng thể. Đặc điểm khác biệt nhất của đạo Phật là giáo lý dạy rằng cốt lõi thâm sâu nhất của sự tồn tại cá thể không phải là một cái tôi hay một cái ngã cố định không thay đổi mà là một dòng năng lượng nhất thời và liên tục thay đổi. Điều này, nếu được theo đuổi đến cùng, sẽ dẫn đến cách xử sự không khẳng định thay cho tự khẳng định, và do đó sự không khẳng định cần phải được tu dưỡng trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc tối thượng. * Một trong những đặc điểm cơ bản của thế giới xung quanh ta là hoàn toàn vắng mặt sự vĩnh cửu (vô thường). Một vài thứ có thể tồn tại lâu và đúng là có vẻ ít thay đổi trong nhiều năm; nhưng không có gì là tồn tại mãi mãi hiểu theo bất kỳ một nghĩa chân thật nào. Bạn sẽ nhận thấy rằng dễ thừa nhận sự vô thường theo cách hời hợt; nhưng bạn cũng sẽ nhận thấy rất khó chấp nhận sự thật đó với tất cả những hàm ý của nó. Chúng ta sống trong một thế giới của vô thường, nhưng cùng lúc chúng ta lại cố gắng né tránh sự vô thường này bằng cách khiến những thứ mà ta mong ước tồn tại lâu dài hết khả năng của ta. Khi trở nên già, chúng ta cố gắng duy trì một vẻ bề ngoài trẻ trung nào đó. Trong khi thừa nhận sự thực về vô thường, chúng ta thấy nó thật khó chịu và từ chối chấp nhận nó. Chúng ta thành công trong việc chối bỏ nó ở chừng mực nào, thì chúng ta đang lừa dối bản thân ở chính chừng mực đó. Tất nhiên, chúng ta biết là phải chấp nhận nỗi khổ, nỗi buồn đau nào đó, pha trộn với hạnh phúc trong vòng sinh tử này; nhưng vì không biết đến sự tồn tại nào khác, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác mà phải tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc bằng cách làm hài lòng những mong ước của mình. Chúng ta nghĩ rằng đây là cách duy nhất để chúng ta có thể đạt được hạnh phúc; và ở đây một lần nữa chúng ta lại lừa dối mình. Trong nỗ lực ngăn chặn sự vô thường luôn bao bọc xung quanh ta và trong cuộc đấu tranh kiếm tìm hạnh phúc trong một thế giới pha trộn cả niềm vui lẫn nỗi đau, nhiều lúc chúng ta bị buộc phải tự khẳng định bản thân và hành động xuất phát từ lợi ích bản thân mà không biết rằng xét cho cùng, sự tự khẳng định mình là kẻ thù tinh quái của hạnh phúc. Ở đây chúng ta lại một lần nữa tự lừa dối mình. Như vậy chúng ta đang lừa dối bản thân theo ba cách chính. Khi tìm kiếm sự thường hằng trong một thế giới cơ bản là vô thường, chúng ta đang làm giảm chứ không phải là làm tăng thêm niềm hạnh phúc. Khi tìm kiếm hạnh phúc trong vòng sinh tử, chúng ta đang nhìn theo một hướng sai. Và khi tự khẳng định mình, chúng ta đang làm chính cái việc khiến hạnh phúc tròn đầy trở nên không thể. Do đó, giáo lý của Đức Phật tuyên bố rằng trên thực tế chúng ta phải hiểu và hoàn toàn chấp nhận ba đặc tính cơ bản của hiện hữu, đó là: 1- Sự thật là tất cả mọi thứ trong vũ trụ tương đối này là vô thường; 2- Sự thật là tất cả mọi thứ trong vũ trụ tương đối này luôn ở trong tình trạng bất an, một tình trạng mà trong đó tất cả chúng hữu tình có thể phải chịu đau khổ; và 3- Sự thật là không một sinh vật nào có một cái tôi, linh hồn hay tự ngã cố định, không thay đổi, vĩnh hằng. Bạn sẽ thấy là ba đặc điểm cơ bản này của thế giới tương đối – vô thường, khổ, và vô ngã – có tầm quan trọng cơ bản trong đạo Phật. Đặc tính đầu tiên, vô thường được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, vì sự dính mắc của chúng ta vào những thứ vô thường đã giam hãm chúng ta trong vòng quay luân hồi sinh tử. Đặc tính thứ hai, khổ, là điểm khởi đầu của đạo Phật, vì con đường của đức Phật chủ yếu nói về khổ và chấm dứt khổ. Xét về những nguyên tắc cơ bản, tất cả mọi phần tử của thế giới này đều ở trong tình trạng bối rối, và ở tất cả chúng hữu tình, những cấp độ bối rối lo âu lớn hơn trở thành những mức độ khổ đau khác nhau. Một số mức độ bối rối thấp hơn được biết đến như là niềm vui, và sự khác nhau giữa niềm vui và nỗi khổ nằm ở mức độ của sự bối rối. Đặc tính thứ ba, vô ngã, là tâm điểm của toàn bộ giáo lý của đức Phật, là thành tố trung tâm của toàn bộ giáo lý. Bạn không thể hiểu giáo lý của đức Phật nếu bạn không hiểu ý nghĩa của vô ngã ngay từ đầu. Không phải là vấn đề quá lớn nếu bạn quên những chi tiết nhỏ trong quy luật tác động và phản ứng hoặc những sự tinh vi huyền ảo trong siêu hình học Phật giáo, nhưng sẽ là vấn đề nếu bạn không nắm bắt được ý nghĩa của vô ngã. Tất cả mọi thứ đều tập trung ở điểm này và không hiểu nó thì nhiều thứ trong đạo Phật có thể không có ý nghĩa gì nữa. Trong thực hành con đường của đức Phật, tầm quan trọng của thuyết vô ngã này thậm chí còn quan trọng và có ý nghĩa sống còn hơn. Nếu bạn muốn thực hành đạo Phật, khác với việc biến nó thành một trò chơi trong nhà như cờ vua, bạn phải tập trung chú ý vào việc đánh bại khái niệm tự ngã của bạn và nhận ra sự dối lừa của nó. Đi theo những nề nếp đạo đức bên ngoài chỉ là bước khởi đầu của sự tu tập. Những tập quán truyền thống của đạo Phật được thực hiện ở phương Đông là đúng theo thông lệ ở khu vực của họ, nhưng những tập quán đó được du nhập vào phương Tây có lẽ chỉ mang lại những lợi ích phụ mà làm suy yếu sự tấn công vào khái niệm về cái tôi. Nói về đạo Phật cho đến đau quai hàm có thể khiến những người khác giác ngộ, nhưng nó thường chủ yếu chỉ làm chức năng phương tiện của sự khẳng định cái tôi. Không gì trong những điều sau đây – đạo đức nông cạn, sự tuân thủ các tập quán, và nói về đạo Phật – có giá trị rốt ráo nếu nó không đưa đến nỗ lực xoá bỏ ảo tưởng về cái tôi. Lý do mà giáo lý về vô ngã có tầm quan trọng cực kỳ như vậy là vì niềm tin về một cái tôi riêng lẻ vĩnh hằng là điểm chính yếu nhất trong cái vô minh căn bản mà theo đạo Phật nó được xem là nguồn gốc của mọi khổ đau; vì khi nào ảo tưởng về cái tôi được phá vỡ dứt khoát thì cái vô minh căn bản ấy cũng được diệt trừ. Vấn đề vô ngã thực sự là một trường hợp cụ thể của vô thường; bởi vì điều đó có nghĩa là một chúng sinh không sở hữu một linh hồn vĩnh hằng hoặc một linh hồn không thay đổi ở trung tâm tồn tại của mình, mà bao gồm một dòng sống vô thường và luôn thay đổi, không bao giờ y nguyên trong hai thời điểm kế tiếp. Theo điều này thì không có một hạt nhân cứng tại trung tâm tồn tại của một chúng sinh, không có một linh hồn vĩnh cửu, không có một cái tôi cố định hoặc không thay đổi được. Theo nghĩa này, cái tôi không tồn tại. Tuy nhiên, nói rằng cái tôi không tồn tại một cách thẳng thừng và trơn toẹt như vậy không thể hiện được một bức tranh chân thực. Sẽ hay hơn nhiều khi nói rằng cái tôi không tồn tại theo cách chúng ta nghĩ nó tồn tại. Cái tôi không tồn tại như một thực thể không biến đổi, nhưng nó thực sự tồn tại như một dòng sống biến động hoặc biến đổi thất thường, như một dòng hiện hữu luôn thay đổi. Theo khái niệm của đạo Phật về sự vật thì chúng sinh được mô tả như là "một tiến trình giống lửa, cháy nhờ một sức mạnh đặc biệt riêng cho nó". Hãy đặc biệt lưu ý thuật ngữ “một tiến trình giống lửa": điều này thể hiện rất chính xác ý tưởng đó, vì bạn sẽ nhận thấy rằng giáo lý của Đức Phật nhắc đi nhắc lại khẳng định bản chất năng động của tồn tại không có một thực thể tĩnh tại ở bất kỳ đâu. Tiến trình giống lửa này (là phương pháp tiếp cận gần nhất với cái tôi hay linh hồn mà bạn luôn tìm thấy trong đạo Phật) là một dòng chảy sống. Trong con người, nó thể hiện bằng ngũ uẩn. Đầu tiên, nó xây dựng nên xung quanh mình một cơ thể vật chất (sắc uẩn). Thứ nhì, nhờ vào cơ thể vật chất ấy nó kinh nghiệm tồn tại dưới dạng thọ lạc, thọ không lạc không khổ và thọ khổ (thọ uẩn). Thứ ba, nó kinh nghiệm được sự tồn tại dưới dạng tri giác (tưởng uẩn). Thứ tư, nó phản ứng lại những trải nghiệm ấy nhờ những khuynh hướng ý chí, hay các yếu tố quyết định, nhờ đó nó phân loại các cảm thọ và nhận thức và nó quyết định đường lối hành động (hành uẩn). Và thứ năm, có một khả năng nhận thức cơ bản hoạt động như ý thức và cũng hoạt động ở tầng tiềm thức (thức uẩn). Nói cách khác, tiến trình giống lửa mà chúng ta gọi là một dòng này bao gồm vô số các thành tố cả vật chất lẫn tinh thần; những thành tố này được sắp xếp thành năm nhóm nhằm mục đích phân tích con người cá thể. Năm nhóm thành tố vừa được chúng ta đề cập ngắn gọn có thể được mô tả đầy đủ hơn theo cách sau. Nhóm thành tố thứ nhất – cơ thể. Bạn với tư cách một con người cá thể bao gồm tâm trí và cơ thể; diễn đạt tổng quát, có thể nói cơ thể bạn là một tập hợp các thành tố vật chất giúp tạo nên dòng đời của bạn, cái được gọi là cái tôi của bạn. Nhóm thành tố thứ hai – các cảm thọ. Bạn nhận thức thế giới xung quanh bằng năm giác quan của cơ thể và cũng bằng những tư tưởng bạn tạo nên từ những ấn tượng giác quan đó. Khi nhận thức được về một tác nhân kích thích như vậy – nghĩa là về một đối tượng của giác quan hoặc một ý tưởng – bạn kinh nghiệm được nhận thức dễ chịu, hoặc nhận thức khó chịu, hay nhận thức trung tính không dễ chịu cũng không khó chịu về nó. Đặc tính này của nhận thức được gọi là cảm thọ, tất cả các cảm thọ dễ chịu, trung tính và khó chịu đều được bao gồm trong nhóm thành tố thứ hai này. Nhóm thành tố thứ ba – tri giác (tưởng uẩn). Trong tâm lý học Phật giáo có sáu loại tri giác nhận thức khác nhau. Đó là (1) nhãn tưởng, (2) nhĩ tưởng, (3) tỹ tưởng, (4) thiệt tưởng, (5) thân xúc tưởng (hoặc sử dụng thuật ngữ thần kinh học, tri giác xúc giác của cơ thể bao gồm tri giác về thân nhiệt và tiếp xúc), và (6) ý tưởng. Từ được dịch là tri giác bao gồm cả sự nhận biết và khả năng nhận biết, xác định và so sánh sự khác biệt và giống nhau giữa các yếu tố kích thích. Nhóm thành tố thứ tư – các yếu tố quyết định (hành uẩn). Hai nhóm thành tố trước (cảm thọ và tri giác) bao gồm các yếu tố tâm hơi thụ động. Điều đó có nghĩa là các cảm thọ và tri giác là những hình thái nhận thức xuất hiện liên quan đến việc tiếp nhận các tác nhân kích thích đang đến. Ngược lại, nhóm thứ tư bao gồm các thành tố mang bản chất chủ động hay năng động. Chúng tập trung vào ý chí hoặc quyết tâm, và quyết định các hành động của con người; và vì lý do đó chúng ta có thể gọi chúng là các yếu tố quyết định. Có năm mươi yếu tố quyết định (hành uẩn) thường được liệt kê và tôi không có ý định làm bạn chán bởi việc thảo luận tất cả những yếu tố này. Tuy nhiên, tôi sẽ nêu ra vài yếu tố. Đầu tiên là nhận thức tiếp xúc (xúc), sự xúc chạm hay gặp gỡ ban đầu của một đối tượng giác quan hay đối tượng tâm trí (cảnh) với giác quan (căn) và sự nhận biết (thức). Yếu tố tiếp theo được đề cập ở đây là ý chí hay quyết tâm (tư / cetana). Yếu tố này nổi trội hơn tất cả các yếu tố quyết định khác và đến một mức độ nào đó nó kiểm soát các hoạt động của các yếu tố quyết định kia, do đó ảnh hưởng đến các khuynh hướng của tư duy, ngôn ngữ và hành động. Tiếp theo có một điểm nổi bật, nhờ đó tâm trí được tập trung trong một thời gian vào một đối tượng cảm giác hay ý tưởng (tâm sở nhất hành). Sức sống của tâm là yếu tố tiếp theo và gần như song hành mặc dù không giống hệt với năng lượng thần kinh (tâm sở mạng căn). Tiếp theo là sự chú ý, khả năng tâm đưa đối tượng cảm giác hay tư tưởng tới tâm điểm của ý thức (tác ý / manasikara). Năm tâm sở tôi vừa nêu trên có mặt trong tất cả các hình thái của thức, cùng với thọ và tưởng (tức tri giác), cả thảy làm nên bảy yếu tố tinh thần chung (hay còn gọi là tâm sở biến hành - ND). Các yếu tố khác trong nhóm các yếu tố quyết định là sự đính áp (tâm sở tầm) (sự gắn ghép ban đầu của ý thức khi một ấn tượng mới nhập tâm); suy luận là khả năng tìm kiếm trong tâm thức sự nhận dạng và những liên tưởng đến một ấn tượng mới nhập (tâm sở tứ); nỗ lực tinh thần (tâm sở tinh tấn); thích thú (tâm sở hỷ); ý muốn (tâm sở dục); và tính quyết định hoặc khả năng quyết định giữa hai hướng hành động (tâm sở thắng giải). Không có yếu tố nào trong những yếu tố quyết định đã nêu trên mang tính đạo đức hoặc phi đạo đức. Tuy nhiên, những yếu tố còn lại trong nhóm thành tố này có liên hệ đến các tính chất đó, và chúng được phân loại thành 25 yếu tố quyết định mang tính thiện (tâm sở thiện) và 14 yếu tố mang tính bất thiện (tâm sở bất thiện). Trong các yếu tố quyết định mang tính thiện có tính hào phóng (tâm sở vô tham), thiện chí (tâm sở vô sân), không si mê (tâm sở trí tuệ); các yếu tố quyết định mang tính bất thiện bao gồm tính tham lam (tâm sở tham), ác ý (tâm sở sân), ảo tưởng (tâm sở si), giáo điều (tâm sở tà kiến), ghen tỵ (tâm sở tật), và lo lắng bồn chồn (tâm sở hối). Một yếu tố quyết định khác được gọi chung là tự phụ (tâm sở ngã mạn), trên thực tế giống khái niệm phức cảm tự ti của phương Tây. Chắc chắn bạn sẽ thấy một số yếu tố có thể khá tương đương với các khái niệm bản năng trong tâm lý học Phương Tây, những ham muốn và cảm xúc nảy sinh cùng với hoạt động của những bản năng này và, những thói quen tư duy được xây dựng nên từ sự lặp lại thường xuyên các suy nghĩ. Nhóm thành tố thứ năm – khả năng nhận thức cơ bản (thức uẩn): Trong tâm lý học Phật giáo thì tâm trí – cả trong hình thái ý thức đầy đủ và các chức năng tiềm thức của nó – là một hình thái của năng lượng, cùng một ý nghĩa như ánh sáng và điện là các hình thái của năng lượng; và thiếu sự có mặt của hình thái năng lượng đặc biệt này thì các nhóm thành tố tâm khác không thể xuất hiện. Khả năng nhận thức cơ bản hoạt động theo con đường sáu nhánh thông qua các giác quan khác nhau. Thứ nhất, nó hoạt động như nhận thức về thị giác khi nó thực hiện chức năng nhờ mắt và nhận biết hình ảnh toàn bộ. Thứ hai như nhận thức về thính giác nhờ tai và nhận biết âm thanh; thứ ba như nhận thức về khứu giác nhờ cảm giác mùi; thứ tư như nhận thức về vị giác nhờ gai nếm ở lưỡi và nơi khác nữa; thứ năm là nhận thức về thân nhờ rất nhiều cơ quan đầu mút cảm giác về sự tiếp xúc, nhiệt độ, và các giác quan cảm xúc khác của thân thể, và thứ sáu là ý thức về tâm – sự nhận thức các tư tưởng – nhờ các cơ quan của tâm. Tất cả các trạng thái tâm được xem như mang một mức độ nhận thức, kể cả những trạng thái tâm có vẻ như vô thức; nhưng nhận thức trong những trạng thái được gọi là vô thức và tiềm thức có cường độ quá thấp để có thể ghi vào trí nhớ, và do đó sau này người ta không thể nhớ lại. Sự phân tích con người thành năm nhóm thành tố (ngũ uẩn) như vậy đối với bạn có vẻ khô khan và hơi mang nặng tính kỹ thuật và có lẽ khá vô nghĩa. Nhưng nó có nghĩa và ý nghĩa là nó liên quan trực tiếp tới giáo lý về vô ngã. Ý nghĩa là mỗi trong các nhóm thành tố là vô thường, biến động thất thường, và luôn luôn thay đổi; và trong vô số những thành tố của một tồn tại cá nhân không thể tìm thấy cái gì mang một bản chất cố định và thường hằng. Nhóm thành tố thứ nhất – thân, thay đổi trong suốt thời gian, nhanh hay chậm, lớn lên hay bé đi, kiệt sức hay tự hồi phục, ấm lên hay lạnh đi, hoặc thay đổi theo cách nào đó. Bốn nhóm thành tố thuộc tâm cũng qua nhanh như vậy, hay có khi nhanh hơn. Cảm thọ khởi lên và mất đi từng phút từng phút, và tri giác cũng sinh diệt tương tự như vậy; trong khi đó các yếu tố quyết định bị quy định hoặc lệ thuộc vào cảm thọ và tri giác cũng thay đổi theo. Khả năng nhận thức cơ bản, hoạt động như ý thức, liên tục thay đổi từng sát-na, cũng vô thường như tất cả những thành tố khác. Do vậy, bạn có thể thấy mục đích của sự phân tích về tồn tại cá thể này là chỉ ra rằng không ở đâu có thể có một cái tôi hay một linh hồn bất diệt. Một ngọn sóng dâng lên trên đại dương của sự trở thành, và bạn là ngọn sóng đó; một ngọn sóng khác xuất hiện ở gần, và tôi là ngọn sóng đó; trong khi đó tất cả xung quanh chúng ta là những ngọn sóng khác, những sinh vật khác, những con người, những con kiến, những con voi, những con mèo và những con chó. Sớm hay muộn, mỗi ngọn sóng sẽ hoà vào đại dương của sự trở thành; nhưng những lực bao gồm cả con sóng đó khiến cho một ngọn sóng mới xuất hiện ở một nơi nào đó. Con sóng mới không y hệt con sóng cũ, nhưng cũng không hoàn toàn khác nhau; có một sự tiếp nối, nhưng không có một cá thể cố định không thay đổi. Cũng như vậy, khi một sinh vật chết đi, một ít năng lực nào đó của dòng sống khiến một sinh vật mới ra đời. Sinh vật mới không đồng nhất với sinh vật cũ, nhưng nó không hoàn toàn khác sinh vật cũ; có một sự tiếp nối, nhưng không có một thực thể cố định. Vì tiêu điểm của đạo Phật là sự nhận ra cái tôi (ngã) là một ảo tưởng, mục đích cuối cùng đương nhiên là phá vỡ ảo tưởng. Mục đích cuối cùng này là đạt đến Vô sinh, là hạnh phúc tột bực vượt ra ngoài hạnh phúc bình thường của đời sống cá nhân. Theo một nghĩa thì nó là sự tiêu diệt, nhưng chỉ là sự huỷ diệt thứ hư ảo. Vô sinh là trạng thái vượt ra ngoài ngôn ngữ và ra ngoài tư duy, nó xảy đến không ngờ khi ảo tưởng về bản ngã bị tiêu diệt; bởi vì nó là thế giới của vô thường và đau khổ đã bị nhận ra là hư ảo khi được đo lường theo khái niệm tối hậu. Vậy thì bây giờ đâu là tầm quan trọng của vô ngã liên quan đến chừng mực đời sống hàng ngày của bạn? Tầm quan trọng của nó là ở chỗ cái tôi mà bạn nuôi dưỡng âu yếm đến thế, cái ngã mà bạn thích bành trướng và ghét phải rút lui là một sự ảo tưởng và là nguyên nhân tột cùng dẫn tới đau khổ của bạn. Mỗi hành động bạn thực hiện nhân danh cái tôi ảo tưởng chỉ là để đổ rất nhiều năng lượng xuống cống. Một khi bạn nhận ra được sự thật về vô ngã ấy, một khi bạn học được cách thường trực ý thức được nó và rèn luyện cách cư xử phù hợp, nó nhất thiết phải thay đổi phong cách sống của bạn và khiến bạn có thể dũng cảm chịu đựng được những sự cự tuyệt, thờ ơ, chối từ mà thế giới này đôi lúc chất chồng lên bạn. Học thuyết vô ngã có thể được tóm tắt súc tích như sau: "Các bạn, những kẻ nô lệ của cái tôi, những kẻ làm lụng quần quật từ sáng tới tối để hầu hạ cái tôi, những kẻ sống trong nỗi sợ hãi không ngớt về sinh, già, bệnh, chết, nhận được một tin tốt lành là ông chủ tàn bạo của bạn không tồn tại." * Phức cảm tự ti Bạn có thể thấy thú vị khi xem xét khái niệm của phương Tây về phức cảm tự ti dưới ánh sáng giáo lý của đạo Phật về vô ngã. Bạn sẽ nhớ lại khi thảo luận về các thành tố của hiện hữu cá thể mà chúng ta gọi là các yếu tố quyết định – những yếu tố tinh thần chủ động hay năng động – chúng ta đã đề cập đến một yếu tố được gọi chung là tính ngã mạn. Theo giáo lý của đức Phật, yếu tố quyết định này có ba loại. Thứ nhất là sự ngã mạn khiến một người nghĩ rằng "Tôi kém cỏi hơn người kia", hình thái thứ hai của ngã mạn khiến phát sinh tư tưởng "Tôi bằng người kia", và thứ ba là loại ngã mạn khiến người ta nghĩ rằng "Tôi hơn người kia". Từ điều này thấy rõ ngã mạn hiểu theo cách này có nghĩa là một yếu tố tâm không chỉ khiến một người cảm thấy hơn người khác (cái nghĩa thường được gán cho từ này) mà nó gợi cho người ta quan tâm đến sự kém, ngang bằng, vượt trội của bản thân so với người khác. Do đó, bạn có thể thấy ý nghĩa này của ngã mạn rất tương đồng với ý tưởng của phương Tây về phức cảm tự ti nảy sinh từ mối quan tâm vị kỷ và không lành mạnh của riêng một người tới sự kém hơn, ngang bằng và tốt hơn so với những người khác. Hãy xem xét vấn đề phức cảm tự ti này từ quan điểm của tư duy phương Tây. Tất cả chúng ta đều biết sẽ cảm thấy như thế nào khi bị loại ra ngoài một cuộc đàm luận. Tất cả chúng ta đều biết sẽ cảm thấy thế nào khi những người khác trong nhóm nói về những điều mà chúng ta chẳng biết gì cả, và nó tệ hơn như thế nào khi họ nói về chúng gần như thể chúng ta hoàn toàn không có mặt ở đó. Không ai – bạn hay tôi hoặc bất kỳ người bình thường nào thích bị phớt lờ. Bị phớt lờ khi chúng ta muốn được thừa nhận có nghĩa là cảm thấy thấp kém. Tất cả chúng ta cũng đều biết cảm giác e dè ngượng ngập một cách đau đớn là thế nào. Không nghi ngờ gì, bạn có thể nhớ lại tình huống người ta trông chờ bạn nói một điều gì đó hoặc làm một cái gì đó khi mọi sự chú ý tập trung vào bạn: bạn ngập ngừng và ấp úng mà không biết rõ phải nói hoặc làm gì. Do đó, bị chú ý quá nhiều khi bạn cảm thấy không ngang tầm với hoàn cảnh, có nghĩa là cảm thấy thấp kém. Như thế, điều này có nghĩa là có những tình huống mà bạn hoan nghênh sự chú ý, vì bạn biết mình có thể xử lý thoả đáng tình huống trong tầm tay. Do đó bạn có thể cảm thấy hơi tự cao. Và có thể nói là có những lúc bạn không thích bị đưa vào tâm điểm mà muốn đứng ngoài rìa vấn đề. Đôi khi sự chú ý bộc lộ sự yếu kém của bạn và bạn bực bội vì nó mang lại cho bạn cảm giác tự ti; lúc khác sự chú ý lại phô bày những điểm tốt của bạn, nên bạn hoan nghênh nó; nó khiến bạn cảm thấy nổi trội và quan trọng. Cảm giác tự cao và tự ti tuỳ thuộc nhiều vào việc những người khác có tán thưởng bạn hay không, hoặc ít nhất là có chấp nhận những gì bạn nói và làm không. Không nghi ngờ gì là suốt cuộc đời bạn đã có những trải nghiệm, trong đó bạn cảm thấy tự ti và tất cả những trải nghiệm ấy đã được xây dựng dần thành một cấu trúc tâm phức tạp được biết khái quát là phức cảm tự ti. Tất cả chúng ta, những con người bình thường đều có một loại phức cảm tự ti nào đó. Phức cảm của bạn có thể mạnh mẽ hoặc chỉ nhẹ nhàng; nó có thể mạnh tới mức ngự trị bạn, hoặc bạn có thể đã nắm được cách hiểu và kiểm soát nó; nhưng trừ phi tình cờ bạn là siêu nhân, bạn hẳn phải có một loại phức cảm tự ti nào đó. Đó là một phần của bộ thiết bị chuẩn trong tâm trí con người và nó đã có giá trị tiến hoá đặc biệt trong quá khứ. Bạn ít khi nghe thấy người ta nhắc đến phức cảm tự tôn. Tại sao? Thực tế là phức cảm tự tôn – bề ngoài có vẻ như ngược hẳn lại – cũng giống hệt phức cảm tự ti. Muốn cảm thấy trội hơn cũng khá giống với việc không thích cảm giác thấp kém và cơ chế tâm của phức cảm này cũng giống cơ chế tâm của phức cảm kia. Hãy xem xét ý nghĩa của thuật ngữ phức cảm tự ti. Ngoài ý nghĩa tâm lý học, một phức hợp là một số những thứ được kết hợp lại với nhau theo một cách để tất cả chúng có thể hoạt động như một đơn vị. Theo nghĩa này, bạn có thể gọi một cái máy khâu là một phức hợp vì nó bao gồm một số bộ phận được gắn kết với nhau để hoạt động như một đơn vị; tất nhiên bạn không thể gọi chính những bộ phận này là một phức hợp nếu chúng được chồng thành một đống. Theo nghĩa tâm lý học thì bạn có thể coi một phức cảm nghĩa là một số các tư tưởng được tập hợp lại với nhau để chúng có thể thực hiện chức năng như một đơn vị. Một phức cảm như vậy có thể liên quan đến bản năng hung hăng và khuấy động cảm giác giận dữ. Một phức cảm khác – hay bất cứ tư tưởng nào hình thành nên một phần của nó – có thể khiến bản năng trốn chạy hoạt động và do đó sinh ra một hình thức sợ hãi nào đó; phức cảm như vậy được gọi là nỗi ám ảnh. Còn một phức cảm khác có thể khuyến khích bản năng tự khẳng định và mang theo nó cảm giác tự cao và tự đại, hay nếu bị ngăn trở thì mang lại cảm giác tự ti. Bản năng riêng mà một phức cảm liên quan đến – ví dụ như sự hung hăng, trốn chạy, tự khẳng định – là yếu tố liên kết và điều phối trong phức cảm đó. Khi bạn khẳng định bản thân theo một cách nào đó và bị cản trở, hay khi bạn gắng thử thể hiện sự vượt trội và thất bại, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy tự ti, và mỗi thất bại bạn phải chịu sẽ để lại vết tích trong kho ký ức của bạn. Toàn bộ những vết tích của những nỗ lực tự khẳng định mình bị ngăn trở đó tạo nên phức cảm tự ti của bạn. Phức cảm tự ti không giống như cảm giác tự ti, vì đây là cảm giác nảy sinh khi một phức cảm bị kích động và sau đó bị ngăn trở. Mặt khác, khi phức cảm tự ti của bạn bị kích động biến thành hành động và hành động này thành công thì bạn có cảm giác nổi trội. Tại sao phức cảm tự ti lại quan trọng như vậy? Trong quá trình tiến hoá của con người từ tổ tiên trước loài người, chúng ta có thể thấy cá thể với những bản năng hung hăng và tự khẳng định mạnh mẽ nhất sẽ là những người có nhiều khả năng sống sót nhất trong những hoàn cảnh khó khăn. Trong một cuộc chiến đấu, ai kém hung hăng rất có thể bị diệt vong. Trong một cuộc tranh giành thức ăn, những ai thiếu tự khẳng định rất có thể bị đói, suy nhược và chết. Hung hăng và tự khẳng định là hai bản năng liên quan chặt chẽ với nhau; chức năng chính của hung hăng là đánh bại một kẻ thù hoặc một đối thủ, chức năng của tự khẳng định (một phần) là hăm doạ kẻ thù hoặc đối thủ. Sự tự khẳng định còn có một khía cạnh khác, vì chúng ta thấy nó hoạt động dưới hình thức tự khoe khi đi tán tỉnh. Do đó bạn có thể thấy sự tự khẳng định có một giá trị sống còn không chỉ trên lĩnh vực tồn tại của cá thể, mà còn cả trên lĩnh vực tồn tại của chủng tộc. Vì bản năng tự khẳng định của bạn quá quan trọng nên phức cảm tự ti cũng quan trọng, và do đó, nó lại có ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ cuộc sống của bạn. Thực hành không tự khẳng định Nếu bạn thấy phức cảm tự ti có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mình và nếu bạn quyết định giải quyết nó bằng một hình thức luyện tâm nào đó, thì có một kỹ thuật Phật giáo cổ xưa có thể ứng dụng trực tiếp vào việc này. Một nguyên tắc vận hành cơ bản của tâm lý học Phật giáo là cố gắng luôn nhìn nhận mọi sự như nó thực sự là, luôn hành động để có sự nhận thức rõ ràng như là sự đối nghịch với sự tự lừa dối mình hay ảo tưởng. Kỹ thuật sử dụng cho sự nhận thức rõ ràng này là chánh niệm, và một khía cạnh của chánh niệm được gọi là niệm chi tiết trạng thái tâm. Niệm chi tiết trạng thái tâm nhằm làm tăng sự tự hiểu biết, đặc biệt là về đặc tính xúc cảm của các trạng thái tâm khác nhau. Ở đây không nói về một kiến thức lý thuyết về những gì diễn ra trong tâm trí con người nói chung, mặc dù kiến thức lý thuyết này đôi khi rất hữu ích; mà nói về sự nhận biết chi tiết và trực tiếp những gì diễn ra trong tâm trí của chính bạn. Nó là sự nhận biết sắc bén đặc tính xúc cảm của mỗi trạng thái tâm như và khi nó xuất hiện, và ở một mức độ nào đó cả trong khi nó được hồi tưởng. Nó là một hình thức tự quan sát nhằm phá vỡ sự tự lừa dối và giữ cho dòng ý thức không bị vướng vào ảo tưởng. Kỹ thuật này bao gồm sự hình thành một thói quen mới, thói quen chú tâm một cách trần trụi. Để ý thuật ngữ này – "sự chú ý trần trụi", nó có nghĩa là sự chú tâm bị lột bỏ tất cả những sự gợi ý cảm xúc và những dòng tư tưởng ngầm, sự chú ý không mắc thiên kiến, không mắc định kiến và không tự lừa dối bản thân. Chỉ đơn thuần bằng sự chú ý trần trụi bạn mới có thể thấy mọi sự như chúng thực sự là, bởi vì cảm xúc làm mờ và tô màu nhận thức của bạn. Hình thành thói quen mới này là không dễ. Tâm bạn, như bạn biết, thích chạy trên những đường mòn sâu cũ, và cần có sự kiên trì quan sát tự thân và trung thực với bản thân để phá vỡ những đường mòn ấy. Không có cách nào dễ dàng và không có con đường nào nhanh chóng để hình thành được thói quen chú tâm trần trụi, nhưng có một sự chỉ dẫn quý giá liên quan đến vấn đề phức cảm tự ti. Đó là: mỗi khi bạn cảm thấy mình quan trọng hay vượt trội, bạn nên cố gắng để nhận ra nó chỉ là một bản năng xưa cũ ngự trị trí tuệ mình. Khi trí tuệ của bạn có thể thống trị bản năng nguyên sơ, bạn sẽ có thể tiến tốt trên con đường này – không phải tới cảm giác tự cao giỏi hơn – mà tới sự vượt trội thực sự. Khi bạn học cách áp dụng niệm chi tiết trạng thái tâm, bạn sẽ nhận thấy phần đóng góp của bản năng tự khẳng định vào cuộc sống của chính bạn. Bạn sẽ thấy mặc dù khuynh hướng khẳng định bản thân mang tính di truyền có một giá trị sống còn trong những tình huống cổ xưa thì trong những điều kiện của nền văn minh hiện đại, khuynh hướng này đôi khi lại có hại hơn là có lợi. Bạn đã thấy rằng khi bản năng tự khẳng định bị kích động, nó sẽ khiến bạn làm một việc gì đó, và nếu hoạt động này thành công bạn sẽ có xu hướng cảm thấy hợm hĩnh hoặc tự cao tự đại. Nhưng mặt khác khi hành động tự khẳng định bản thân này bị ngăn trở hoặc không thành công, bạn cảm thấy tự ti. Không biết bao nhiêu lần trong đời, những nỗ lực tự khẳng định bản thân của bạn bị thất bại; không biết bao nhiêu lần sự tự cao tự đại của bạn bị thách thức, và hậu quả là bạn cảm thấy tự ti và không đủ khả năng đối mặt với thách thức. Bây giờ với quá nhiều cuộc tấn công vào sự tự cao của bạn, những nỗ lực của bạn phần lớn được khuyến khích bởi khuynh hướng tự khẳng định bản thân; nhưng động cơ này phần lớn là thuộc tiềm thức. Nhiều nỗ lực của bạn đối với thế giới rộng lớn bên ngoài là những cố gắng – thuộc ý thức cũng như tiềm thức – nhằm làm môi trường bên ngoài hợp với những mong muốn riêng của bạn; nhưng những con người ở thế giới rộng lớn bên ngoài có những sự tự khẳng định riêng của họ, cũng mang tính chất tự cho mình là trung tâm như của bạn, và nói chung là mạnh mẽ hơn rất nhiều. Kết cục là sự xung đột và thường thường là thua cuộc. Một yếu tố khác lại được thêm vào phức cảm tự ti của bạn; một dấu vết nữa trong kho trí nhớ, cảm giác đau đớn phải bị đè nén đến cấp độ ý thức không tiếp cận được. Kết quả là, một mặt bạn sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát hơn, hoặc mặt khác bạn sẽ trở nên khoa trương hơn và tự khẳng định hơn. Sẽ có những ảnh hưởng nhất định nào đó đến phong cách sống chung của bạn, luôn hướng về thái cực này hoặc thái cực khác, trừ phi từ rất sớm trong đời bạn đã học được cách xử lý toàn bộ tình huống. Chắc chắn có những dịp mà sự tự khẳng định của bạn tập trung xung quanh thành công hoặc thất bại của người khác. Có thể đứa con trai nhỏ của bạn xếp thứ nhất ở trường hoặc mất việc làm đầu tiên vì làm việc không hiệu quả, và vì thế bạn chia sẻ thành công hay thất bại của nó; nhưng trong những trường hợp như vậy, cảm giác tự cao hoặc tự ti của bạn khởi sinh vì một thứ gì đó thuộc về bạn bị liên luỵ và nó là phần mở rộng của cái ngã của bạn. Chính là cái tôi của bạn cảm thấy tự cao và thích thú nó, và cũng chính là cái tôi của bạn cảm thấy tự ti và tìm kiếm cách này hay cách khác để cảm thấy vượt trội. Bây giờ chính xác là tầm quan trọng của cái tôi đối với cái tôi là cái mà bạn phải phá vỡ nếu bạn muốn giải quyết thoả đáng vấn đề phức cảm tự ti, và vì lý do này bạn phải nhận ra rằng để giũ sạch cảm giác tự ti bạn cũng phải giũ sạch cảm giác tự cao. Để thoát khỏi cảm giác tự ti bạn phải thoát khỏi cảm giác tự cao. Do đó, bạn sẽ thấy lời dạy cổ xưa của Phật giáo về vô ngã rất hợp thời nay; vì niềm tin bám rễ sâu về tầm quan trọng của cái tôi riêng của một người đi liền với sự khẳng định vượt trội bám rễ sâu tương tự. Như tôi đã nói, nếu bạn muốn hiểu đạo Phật thì việc hiểu giáo lý vô ngã là quan trọng. Mặt khác, bạn tin vào học thuyết ấy hay không, chỉ vì nó là một phần của toàn bộ giáo lý thì điều đó hơi ít quan trọng hơn. Hoàn toàn không cần thiết tin vào bất cứ một điều gì một cách không phê phán hoặc chấp nhận bất kỳ một điều gì mà không xem xét thấu đáo. Điều thực sự quan trọng là nhận ra rằng bạn không bao giờ có thể đạt được bất kỳ hạnh phúc lâu dài nào nhờ tự khẳng định mình. Tối thiểu cũng cần hiểu và chấp nhận thực tế là sự tự khẳng định thái quá gây ra xung đột với những người khác và xung đột ngay trong tâm trí bạn. Như thế thì trên cơ sở này, sự tự rèn luyện về việc này là vấn đề nỗ lực giữ cho tất cả những hành động của bạn tránh khỏi sự tự khẳng định mình càng xa càng tốt. Bạn bắt đầu bằng việc tự quán sát, vì tự quán sát bản thân là then chốt của tự rèn luyện. Bạn bắt đầu bằng cách quan sát có phê phán những phản ứng với những sự việc và tình huống bên ngoài với mục đích xem bạn tự khẳng định cái tôi lúc nào và như thế nào; sự tự quán sát này phải trở thành thói quen và liên tục. Bạn phải học để bật ngọn đèn pha tỉnh thức soi rọi mỗi một hành động và phản ứng của bạn. Sự tỉnh thức ngày càng tăng này, sự chú tâm hướng nội này giúp bạn khám phá ra các cơ chế tâm của chính bạn, ví dụ cơ chế tâm của sự duy lý và ức chế được thúc đẩy bởi sự không sẵn lòng đối diện với những điều trong tâm bạn. Sau đó khi bạn hiểu bản thân hơn, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy những khuynh hướng tự khẳng định của mình như chúng thực sự là. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy mình đẩy bản thân nổi bật lên trong những tình huống cho cơ hội tự cao và chùn lại trước một nhiệm vụ khi nó làm nảy sinh cảm giác tự ti. Tỉnh giác và sự hiểu biết bản thân tăng lên này sẽ hoạt động như cái phanh hãm khi bạn tìm kiếm cảm giác tự tôn và sẽ khích lệ bạn hành động khi bạn chùn lại vì nỗi sợ hãi của cảm giác tự ti. Ưu việt và thấp hèn hơn theo ý nghĩa chủ quan – đó là những cảm giác tự tôn và tự ti – sẽ dần dần biến mất và cũng dần dần được thay bằng sự ưu việt thật sự. Và sự ưu việt thật sự này sẽ hoàn toàn khác biệt với sự tự tôn giả tạo của các cảm xúc. Khi việc tự quan sát bản thân tiếp tục, bạn có thể thấy áp dụng một áp lực kỷ luật nào đó lên bản thân là hữu ích; và áp lực tự kỷ luật này sẽ hoạt động theo ba hướng chính. Đầu tiên là trong suy nghĩ. Ví dụ bạn có thể bực mình vì điều gì đó nghe được, hoặc vì bạn đã bị bỏ ra ngoài lề câu chuyện, hoặc vì những phẩm chất tốt đẹp của bạn đã không được thừa nhận. Bạn có thể hay suy nghĩ ủ ê, nghiền ngẫm một cách ngu xuẩn về bất cứ điều gì đã làm tổn thương bạn, day đi day lại sự việc đó. Do đó bạn phóng đại tầm quan trọng của nó, bạn phóng đại cảm giác tự ti của chính mình và bạn phóng đại mong muốn tìm một cảm giác tự tôn để thay thế nó. Thứ hai là trong lời nói. Bạn có thể là một người nói hay đến mức thành một người nghe tồi, bạn có thể cắt ngang cuộc nói chuyện của những người khác để nói. Lời nói của bạn có thể toàn về bản thân: ví dụ, khi đàm luận về vườn tược, bạn ba hoa về cái vườn của bạn; hay nếu ai đó nói là bị đau lưng, bạn bắt đầu cho thấy rằng chứng đau lưng của bạn gây đau đớn và tê liệt hơn ở những người khác. Vì vậy bạn hay thổi phồng cái ngã của bạn bằng không khí nóng như quả khinh khí cầu. Và thứ ba là trong hành động. Có lẽ bạn có thể thấy mình khuỳnh khuỷu tay lên phía trước vì thích được mọi người chú ý đến, hoặc chùn lại vì hồi hộp run sợ; cả hai thái cực đó đều do cái ngã được quá quí trọng. Dù thể hiện trong suy nghĩ, lời nói hay hành động, sự tự khẳng định bản thân là nguồn bất hạnh tiềm tàng theo cách này hay cách khác. Nó bỏ ngỏ bạn cho những cảm giác tổn thương hay hạ thấp. Nếu bạn luôn hành động hướng tới chánh niệm tỉnh giác ngày càng tinh tiến hơn đối với mọi hình thức mà khuynh hướng tự khẳng định của bạn thể hiện, kết hợp với nỗ lực liên tục để kiểm soát chúng như và khi chúng xuất hiện, bạn sẽ đạt được một trạng thái tâm bình an và cân bằng trong đó không có chỗ cho cảm giác tự tôn và tự ti. Và khi những khuynh hướng tự khẳng định này biến mất, những xung đột bên trong và bên ngoài là hậu quả của chúng cũng biến mất. Bài tập thực hành Nếu bạn muốn đưa những điều vừa nói trên vào cơ sở thực hành, tôi gợi ý là bạn nên đề ra cho mình một thời gian ít nhất một tháng – hoặc tốt hơn là một thời gian ba tháng hay dài hơn – trong thời gian đó bắt đầu khám phá và ý thức ngày càng rõ hơn về những cách thức mà khuynh hướng tự khẳng định của bạn tìm được cách thể hiện nó – đôi khi sự thể hiện chỉ trong ý nghĩ, đôi khi qua lời nói và lúc khác là bằng hành động. Chính trong công việc hàng ngày, trong cuộc sống gia đình, trong các mối giao tiếp xã hội với những người khác, ảo tưởng về cái tôi gây ra tác hại và do đó, ngay chính trong đời sống hàng ngày đó, bạn phải thực hiện những bước sửa chữa đầu tiên. Khi những khuynh hướng tự khẳng định mình được kiềm chế bởi sự hiểu biết và ý chí của chính bản thân bạn, đó là điều tốt; khi chúng bị kiềm chế bởi sự sợ hãi hay do người khác hăm doạ, điều đó không tốt lắm. Như thế bạn hoàn toàn không thực hành theo nguyên tắc không khẳng định mình. Tuy nhiên điều cơ bản trong bài tập này là chánh niệm. Nếu bạn có thể quan sát những khuynh hướng tự khẳng định mình như chúng là và khi chúng xuất hiện thì càng hay, nhưng khi không làm được điều đó, bạn có thể nhận ra chúng trong hồi ức; điều chính yếu ở đây là nhận thức được chúng theo cách này hay cách khác. Hãy áp dụng bài tập này trên cơ sở kỷ luật tự giác; hãy tự giao ước với bản thân để tự bắt bạn chịu hình phạt nhẹ bất kỳ khi nào bạn tự khẳng định mình một cách không hợp lý, không chỉ trong hành động và lời nói mà cả trong suy nghĩ. Yếu tố kỷ luật tự giác này là một yếu tố quan trọng. Bạn sẽ thấy rằng nếu bạn chỉ thuần tuý quyết tâm sửa chữa thói quen tự khẳng định mình, nhiều khả năng bạn sẽ quên quyết tâm của bạn sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn tự thoả thuận với bản thân và bất kỳ khi nào bạn thấy mình khẳng định tầm quan trọng của bản thân một cách không thích đáng, bạn sẽ không hút thuốc trong vài giờ hoặc uống cà phê ít đường hơn thì có nhiều khả năng bạn duy trì quyết định của mình hơn. Theo cách này, bạn sẽ áp dụng nguyên tắc kỷ luật tự giác song song với nguyên tắc chánh niệm. -ooOoo- Tháng thứ chín Thực hành kiểm soát suy nghĩ Trong hầu hết các cộng đồng, những suy nghĩ của một người bình thường bị chi phối bởi suy nghĩ của số đông những người bình thường khác, và điều này xảy ra ngay từ thời thơ ấu cho đến khi già. Người bình thường chỉ suy nghĩ độc lập bởi bản thân anh ta ở một mức độ giới hạn nào đó. Khi còn nhỏ bạn học tập phần lớn nhờ sử dụng các giác quan; bạn nhìn mọi thứ, nghe âm thanh, ngửi mùi và nếm vị, sờ mó và cầm đồ vật, và qua đó bạn trải nghiệm cảm giác đau và dễ chịu thể chất. Do đó nhờ tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của các giác quan mà bạn làm quen với những yếu tố cơ bản của kinh nghiệm. Khi khám phá thế giới bằng các giác quan, bạn nhận thấy có những thứ mang lại sự hài lòng hay dễ chịu, bạn coi thứ đó là tốt, và tương tự khi bạn gặp điều gì gây đau đớn, bạn coi nó là xấu xa. Ở giai đoạn này tốt và xấu đồng nghĩa với dễ chịu và đau đớn. Nhưng những người lớn tuổi hơn bạn nhanh chóng làm phức tạp hoá vấn đề với bạn bằng cách rầy la bạn khi bạn thích thú những sự dễ chịu và bắt bạn phải làm những điều được gọi là tốt, mặc dù không dễ chịu. Khi bạn học ngôn ngữ của những người lớn tuổi hơn, những khái niệm cụ thể của bạn về tốt và xấu trở nên càng lẫn lộn hơn với những khái niệm trừu tượng về đúng và sai, trong khi tính đúng đắn và tính sai quấy của mọi thứ được xác định bởi sự tán thành hay không tán thành của những người khác. Do vậy ngay từ đầu, những suy nghĩ của bạn đã bị chi phối phần lớn bởi suy nghĩ của những người khác về bạn, được chuyển cho bạn bởi sự tán thành hay sự phản đối của họ. Có những ảnh hưởng bên ngoài khác làm định hình suy nghĩ của bạn khi bạn lớn tuổi dần, nhưng phần lớn tác động của những yếu tố ảnh hưởng này – mặc dầu ít rõ ràng hơn – đi theo những kiểu mẫu đã định hình từ thời thơ ấu. Bạn có khuynh hướng tán thành những thứ được những người mà bạn yêu quý và ngưỡng mộ tán thành và phê phán những thứ liên quan đến những người mà bạn không thích. Trong giai đoạn hiện tại của cuộc đời, bất kể là nó như thế nào, phần lớn là bạn vẫn đi theo những kiểu mẫu thời thơ ấu. Đôi khi, hình như là bạn có thể tin tưởng vào một điều gì đó vì nó làm bạn dễ chịu khi tin nó, và không phải vì lý trí của bạn ủng hộ nó. Hoặc bạn tin nó vì mọi người xung quanh bạn tin nó, hoặc vì hồi trước bố mẹ bạn dạy bạn tin nó. Đối với những đầu óc ngây thơ, quyền uy tạo nên cơ sở duy nhất cho niềm tin; nhưng thậm chí nếu đầu óc bạn chín chắn hơn có lẽ nó vẫn duy trì những niềm tin xưa cũ và xây dựng những niềm tin mới dựa trên những cơ sở không đủ vững, chủ yếu bởi vì bạn chưa bao giờ được yêu cầu áp dụng chức năng phê phán của sức mạnh lập luận của mình đối với những vấn đề liên quan đó. Bạn cứ chấp nhận nó như vậy. Có một yếu tố rất mạnh mẽ trong đời sống hiện đại luôn tác động vào tư duy của bạn, hay có lẽ là sự thiếu tư duy của bạn. Những kiểu mẫu và lối suy nghĩ của bạn bị tác động ở mức độ lớn bởi sự om sòm không ngớt của các quảng cáo. Nó sử dụng các phương tiện ầm ĩ và tinh vi để duy trì những ham muốn thoả thích giác quan và cả cảm giác tự cao của bạn ở cường độ cao nhất. Bạn có thể nhận thấy việc phát triển một kỹ thuật kiểm soát suy nghĩ có tầm quan trọng sống còn. Về khía cạnh này, tâm lý học Phật giáo đưa ra một phương pháp gọi là chú ý trần trụi. Đây là một trong những hình thức chánh niệm quan trọng nhất. Trong sự chú tâm trần trụi, sự chú ý bị lột bỏ tất cả các thiên kiến cảm xúc, thành kiến, tự khoe khoang và những liên tưởng. Sự chú ý không mang cảm xúc này là thiết yếu để thấy mọi thứ như chúng thật sự là, bởi vì những thiên kiến cảm xúc, thành kiến và những liên tưởng không được kiểm soát sẽ đưa đến những nhận thức sai lệch hay méo mó. Do đó chú ý trần trụi nghĩa là sự tỉnh giác thông suốt, trần trụi của một nhận thức mà không có bất kỳ phản ứng nào đối với nó dưới hình thức hành động, lời nói hay bình luận trong tâm. Nếu bạn đã từng phải xem xét những nhận thức bình thường hàng ngày của mình, bạn có thể thấy là chúng thường bị làm lộn xộn, rối loạn bởi tư tưởng ở đâu đó và nó mơ hồ hoặc bị bóp méo. Đôi khi những sự xuyên tạc bóp méo này gây ra hiểu nhầm, xung đột và xích mích. Bạn có thể thấy là nếu bạn áp dụng nguyên tắc chú ý trần trụi trong suy nghĩ hàng ngày của mình, bạn có thể giảm bớt sự hiểu lầm thỉnh thoảng xảy ra, cùng với những xung đột và bất hoà đi theo nó. Chỉ đến khi bạn biết rõ được sự hoạt động của tâm mình thì bạn mới có thể nhận ra được những thiên kiến cảm xúc mạnh mẽ của bạn thực sự rộng và sâu đến mức nào. Thực tế, chúng quá rộng và sâu đến mức nếu không có sự tự rèn luyện đặc biệt thì không thể nào nhận thấy được một đối tượng của giác quan, không thể hình thành một ý tưởng rõ ràng về một tình huống hoặc nhớ lại một sự kiện mà không có sự bóp méo nào đó. Trong rừng rậm những tư tưởng bị cảm xúc bóp méo chiếm một phần lớn tâm trí con người bình thường, có những khu vực nguy hiểm, và khi những khu vực này bị kích thích sẽ làm nảy sinh tư duy bất hợp lý, tâm trạng xấu và đánh giá sai lầm. Bất kỳ trạng thái nào nói trên đều có thể gây ra sự cãi lộn, nỗi đau lòng khi chúng xâm phạm vào những mối liên hệ của bạn với những người khác. Và điều quan trọng là cần nhận ra sự thực là theo quy luật bạn không thể nhìn thấy những khu vực nguy hiểm trong tâm bạn, vì những mớ lộn xộn của những tầng cảm xúc dưới thấp khiến chúng không tiếp cận được tới ý thức. Cho đến khi ánh sáng của ý thức đầy đủ có thể được mang đến chiếu rọi vào chúng để nhận diện chúng và dọn sạch chúng đi, chúng sẽ vẫn là những khu vực nguy hiểm. Rất nhiều thứ trong tầng dưới thấp này được gieo trồng từ thời thơ ấu và trước đó, nếu bạn thực sự muốn biết rõ chi tiết tâm của chính mình theo nghĩa đầy đủ nhất, bạn phải học cách phá vỡ những liên hệ cảm xúc sai lầm đã được hình thành từ rất sớm trong đời. Có thể nhiều phức cảm được chôn giấu đang tồn tại trong tâm trí bạn và là gốc rễ của những ứng xử bất hợp lý, những cái yêu và ghét không lý giải nổi, những nỗi sợ hãi và oán giận của bạn. Tôi không có ý định thảo luận về những phương pháp phân tích bản thân hay các phương cách tiếp cận các phức cảm bị chôn giấu. Đây là lĩnh vực của chuyên gia và bất kỳ một nỗ lực nào nhằm tiến vào những khu vực nguy hiểm của tâm bằng cách tấn công trực diện có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. Sự thực hành chú ý trần trụi, ít nhất theo nghĩa mà chúng ta đang đề cập ở đây, không phát động một cuộc tấn công trực tiếp hoặc trực diện vào những vấn đề như vậy; nó hoạt động nhờ thiết lập một nền tảng chắc chắn trong sự quán sát và nhận thức về hiện tại và dọn sạch những thiên kiến và thành kiến đó; và sau đó khi những kinh nghiệm hiện tại này được làm cho trong sạch, quá trình dọn dẹp này sẽ mở rộng về phía sau, nghĩa là về quá khứ. Nói cách khác, khi những kinh nghiệm hiện tại của bạn dần dần bị lột trần khỏi những búi cảm xúc lộn xộn làm trì trệ, sự tỉnh giác đã tăng lên sẽ mở rộng đến những mẫu hình trí nhớ về những trải nghiệm cảm xúc trước đó. Ngược lại sự tấn công trực diện khi tiếp cận một phức cảm quá nhạy cảm trên thực tế chắc chắn sẽ thất bại, ảnh hưởng dần dần và tinh tế của sự chú ý trần trụi thấm qua vào những lớp thấp hơn của tâm trí – những lớp mà bình thường không tiếp cận được với ý thức – và dọn sạch chúng ở chính tầng lớp của chúng. Tuy nhiên cần biết rằng đây không phải là công việc của vài tuần, hay vài tháng hay vài năm; nó phải được xem như một quá trình ít nhất là hàng thập kỷ; trên thực tế nó là công việc cả đời. Có một điểm thú vị khác trong việc áp dụng sự chú ý trần trụi đối với rừng rậm những tầng cây thấp cảm xúc được gọi là tâm trí con người. Khi bạn áp dụng kỹ thuật chú ý trần trụi đối với những trải nghiệm hiện tại – khi bạn nỗ lực duy trì sự quán sát và nhận thức hiện tại không vướng các thiên kiến, định kiến và những cảm xúc không thích hợp – bản thân tâm bạn cũng thay đổi. Nó giống như lau một cái gương tích đầy những đốm và vết bẩn; khi bạn tiến bước trên quá trình làm sạch, bạn sẽ thấy sự phản chiếu trở nên chân thực hơn và rõ ràng hơn. Cũng theo cách như vậy, khi bạn dần dần làm sạch khả năng nhận thức của tâm trí bạn, bạn làm cho nó có khả năng nhìn vào chính nó rõ ràng hơn và do đó tiến vào những tầng sâu hơn. * Vấn đề chú ý trần trụi này là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong Bát Chánh Đạo, cốt tuỷ của Phật giáo. Để làm rõ điểm này, hãy lướt qua tám bước đó. Chánh kiến là bước thứ nhất. Theo một nghĩa thì đó là sự hiểu biết có trí tuệ về giáo lý của Đức Phật; theo một nghĩa khác nó là sự hiểu biết về bản chất thật của hiện hữu; còn theo một nghĩa khác nữa nó trở thành trí tuệ thấy biết trực tiếp về thực tại tuyệt đối vượt ra ngoài mọi sự. Bước thứ hai, chánh tư duy, là một trong những phương diện tâm lý đặc trưng của Đạo (Con đường), vì nó bao hàm việc kiểm soát các tiến trình tâm. Tiếp theo tuần tự là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, cả ba yếu tố tóm tắt thành các khía cạnh đạo đức của Đạo Phật. Tiếp đến là bước thứ sáu, chánh tinh tấn, đó là sự luyện tập ý chí, là một phần cơ bản trong tâm lý học Phật giáo. Bước thứ bảy, chánh niệm, cũng mang tính tâm lý vì nó bao gồm quá trình hoàn thiện khả năng chú tâm bình thường. Bước cuối cùng trong tám bước, chánh định, đưa chúng ta vượt ra ngoài tâm lý học bình thường đến sự tu dưỡng khả năng siêu việt của tâm. Chính bước thứ hai trong Bát Chánh Đạo, bước được gọi là chánh tư duy mà hiện giờ chúng ta đang quan tâm trước tiên. Chánh tư duy thường được miêu tả là tư duy không có những ham muốn giác quan không được kiểm soát, không mang ác ý, ác tâm. Ở một mức độ rộng lớn, các tiến trình tâm đòi hỏi phải sử dụng ngôn từ, không chỉ để thể hiện tư duy mà còn để hình thành chúng; và do đó việc kiểm soát các tiến trình tâm này có thể được hỗ trợ bằng việc sử dụng chức năng diễn đạt thành lời của tâm. Tuy nhiên, trước khi bàn đến tư duy được diễn đạt thành lời, sẽ thật thú vị khi xem xét tâm lý học Phật giáo phải nói gì về bản chất của tư duy theo nghĩa rộng, và sau đó chúng ta có thể thảo luận về loại tư duy sử dụng ngôn từ như là công cụ của nó. Giáo lý của Đức Phật mô tả tư duy (theo nghĩa là tiến trình chung của nhận thức) như là một tiến trình có ý thức, một tiến trình nhờ đó các yếu tố kích thích khác nhau tác động đến ý thức. Tất nhiên, tư duy bao giờ cũng phải có ý thức. Không có cái gì là tư duy không có ý thức cả; và mặc dù chúng ta có thể nói về những tiến trình tâm tiềm thức, những tiến trình này không thể được gọi một cách đúng đắn là tư duy. Cũng như tư duy phải có ý thức, bất kỳ một loại nhận thức nào đều phải có một tác nhân kích thích hay một đối tượng. Tác nhân kích thích này có thể đến từ bên ngoài nhờ một trong năm giác quan của cơ thể (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác), nó có thể đến từ chính trong tâm dưới hình thức một tư tưởng hay một hình ảnh tâm. Vì vậy, nếu không có yếu tố kích thích (cảnh) (không có âm thanh, không có mùi, không có hồi ức, không có đối tượng nào khác của giác quan hay của tâm), sẽ không thể có sự nhận thức. Trong những điều kiện như vậy, trạng thái tâm chiếm ưu thế được tâm lý học Phật giáo gọi là luồng tâm hộ kiếp; chính nó là dạng năng lượng tâm mang lại cho cơ thể sự sống, và nếu không có năng lượng tâm này thì cơ thể không thể sống được. Nó có thể được hình dung như một dòng chảy ngầm của đời sống tâm mà từ đó sự nhận biết đầy đủ phát sinh. Trong những tài liệu về Phật giáo bằng tiếng Anh nó thường được gọi là tâm tiềm thức: nhưng để tránh nhầm lẫn với khái niệm của phương Tây, tốt hơn là dùng thuật ngữ luồng tâm hộ kiếp. Luồng tâm hộ kiếp có thể được minh hoạ bởi dòng nước chảy yên lặng và đều đều; và khi dòng nước này bị quấy động, sóng sẽ nổi lên trên mặt nước. Tương tự như vậy, khi luồng hộ kiếp bị khuấy động bởi các tác nhân kích thích (dù là đối tượng giác quan bên ngoài hay đối tượng của tâm bên trong), nhận thức sẽ nảy sinh, giống như sóng nổi lên trên bề mặt nước. Luồng tâm hộ kiếp này là nền tảng cơ bản của đời sống cá thể và không có luồng tâm hộ kiếp này thì đời sống vật chất cá thể không thể tồn tại. Những ấn tượng là kết quả của tất cả các trải nghiệm trước đây được tích trữ trong nó; những điều này đôi khi đi vào ý thức dưới dạng trí nhớ. Luồng hộ kiếp này không sở hữu một ý chí nào của chính nó, vì ý chí chỉ thuộc về sự nhận biết; nhưng những tiến trình tâm tiềm thức diễn ra trong nó bị điều khiển bởi những thói quen đã được hình thành do hoạt động mang ý chí có nhận thức trong quá khứ. Trong lúc thức tỉnh táo bình thường, sự nhận thức dường như hoàn toàn liên tục, nhưng giáo lý của Đức Phật dạy rằng nó không giống như nó có vẻ là vì đời sống thức, tỉnh táo bình thường bao gồm các giai đoạn nhận thức thay đổi qua lại nhanh chóng với các giai đoạn tiềm thức. Nếu chúng ta nhìn vào một cái đèn điện được bật tắt nhiều lần trong mỗi giây, nó sẽ xuất hiện như là một ánh sáng hoàn toàn liên tục, nhưng ngược lại thực sự là có sự thay đổi qua lại nhanh chóng giữa ánh sáng và bóng tối. Cũng theo cách như vậy, cái có vẻ như là sự nhận thức liên tục thực ra là sự thay đổi qua lại nhanh chóng của các trạng thái có nhận thức và tiềm thức. Mỗi trạng thái tâm kéo dài trong một phần rất nhỏ không thể nào quan niệm được của một giây (sát-na) và sau đó biến mất, để được nối tiếp ngay lập tức bằng trạng thái tâm tiếp theo. Khi biến mất, mỗi trạng thái tâm truyền năng lượng của nó sang trạng thái tiếp theo, do đó mà trạng thái tâm tiếp sau ở mức độ nào đó là tương tự như những tâm tiền thân. Nhưng trạng thái tâm mới này không nhất thiết giống với trạng thái tâm trước nó về tất cả mọi khía cạnh, vì tác nhân kích thích mới bên ngoài có thể đã nảy sinh. Do đó bất kỳ trạng thái tâm nào cũng bao gồm năng lượng của những trạng thái tâm trước nó, đôi khi cộng thêm một mức độ thay đổi nhất định. Trong đời sống tỉnh táo, nhận thức nảy sinh từ luồng tâm hộ kiếp và chìm trở lại điều kiện tiềm thức hàng triệu lần trong một giây, và sự kế tiếp nhanh chóng này của các trạng thái thay đổi qua lại đưa đến ảo tưởng về nhận thức liên tục. Đơn vị thời gian được sử dụng để mô tả các tiến trình nhận thức được gọi là khoảnh khắc tư duy (sát-na); hàng triệu khoảnh khắc tư duy sẽ làm nên một giây. Khi tâm trí đang ở trạng thái tiềm thức và một yếu tố kích thích mạnh xuất hiện, sự nhận thức đầy đủ có thể nảy sinh, và tiến trình nảy sinh của nó có thể chiếm thời gian mười bảy sát na. Dưới đây là đoạn miêu tả tiến trình đề cập từng sát na một: Sát na 1: Luồng tâm hộ kiếp chảy đều đều dưới tầng nhận thức và một tác nhân kích thích mạnh bỗng nhiên xuất hiện. Sát na 2: Luồng tâm hộ kiếp này bị kích thích hoặc bị khuấy động. Sát na 3: Tâm hướng về tác nhân kích thích hay đối tượng. (Giai đoạn này được gọi là hướng tâm, nhưng không được hiểu là sự chú ý vì sự nhận biết trong tâm chưa xuất hiện). Sát na 4: Lúc này sự nhận biết đối tượng của giác quan nảy sinh, nhưng đây chỉ là cảm giác và không có gì hơn, vì nó mới chỉ xuất hiện tại giác quan của cơ thể; nó vẫn chưa được nhận thức trong tâm. Sát na 5: Vào sát na này sự kích thích được truyền qua những dây thần kinh đến hệ thống thần kinh trung ương và được nhận biết trong tâm. Chức năng này được gọi là tiếp thu, ít hay nhiều nằm dưới sự kiểm soát của ý chí, và nếu nó không nảy sinh, sự nhận biết thêm về đối tượng không thể xảy ra. Trong trường hợp tác nhân yếu, thì tác nhân đó có thể bị cắt đứt bởi ý chí (ý nghiệp, sức mạnh của tâm ý); nhưng trong trường hợp tác nhân mạnh thì nó thường không thể nằm ngoài tầm nhận biết của tâm trí. Sát na 6: Trong giai đoạn tiếp theo, diễn ra chức năng gọi là thẩm tra. Thẩm tra theo cách hiểu thông thường là một quá trình diễn ra trong một khoảng thời gian, do đó chúng ta không cho rằng toàn bộ tiến trình điều tra bản chất của đối tượng cảm giác diễn ra trong một sát na. Nó có nghĩa là trong bất kỳ một giai đoạn nhận thức nào kiểu như thế này, năng lượng tâm tìm kiếm để kết nối đối tượng giác quan mới với những ấn tượng đang tồn tại do những kích thích giác quan trước đây để lại. Trong mỗi giai đoạn tiếp theo của nhận thức, tiến trình ngắn ngủi này lại được nhắc lại. Sát na 7: Tiếp theo hoạt động của sát na trước đó (giai đoạn thẩm tra), một sự liên kết ở mức độ nào đó với những ấn tượng do sự kích thích giác quan tương tự trước đó được thực hiện và vì có sự kết nối này, tâm trí có thể bắt đầu phân loại đối tượng giác quan cụ thể. Ở đây tiến trình này lại được lặp lại trong mỗi quá trình nhận thức cho đến khi sự phân loại kết thúc. Các sát na từ 8 đến 14: Trong 7 sát na kế tiếp, tâm trí quyết định thích hay không thích đối tượng, một thái độ thiện hoặc bất thiện. Giai đoạn này trong thời kỳ nhận thức được gọi là tốc hành; xét về khía cạnh tâm thì đây là phần tích cực chủ động nhất của tiến trình, và ở mức độ nào đó nó chịu sự kiểm soát của ý chí (ý nghiệp, sức mạnh của tâm ý). Trong 7 sát na tốc hành này, các lực phản ứng phát sinh trong cấu trúc tâm, và trong mỗi sát na riêng lẻ sinh ra một loại lực phản ứng cá biệt riêng của nó. Sát na 15 và 16: Trong thời gian của 2 sát na này, rốt cục tiến trình được ghi sâu hoặc lưu vào tâm trí, hay nói cách khác nó chuyển sang kho trí nhớ. Sát na 17: Trong sát na cuối cùng, quá trình nhận thức đầy đủ dừng lại ở đây, sau đó toàn bộ tiến trình nhận thức có thể được lặp đi lặp lại trong khi tác nhân kích thích còn diễn ra. Mô tả trên đây thích hợp với một tác nhân kích thích giác quan mạnh, nhưng nếu tác nhân kích thích rất yếu thì không có gì hơn là một sự xáo trộn nhẹ trong luồng tâm hộ kiếp. Khi tác nhân kích thích không phải là đối tượng giác quan mà là đối tượng tâm dưới dạng một ý tưởng hay hồi ức, tiến trình này hơi khác một chút; nhưng ảnh hưởng của các sát na tốc hành nói chung vẫn như vậy. Các giai đoạn ý thức và vô thức thay đổi qua lại với tần số lớn tới mức có một sự ảo tưởng về ý thức liên tục. * Vì từ tư duy được sử dụng trong bước thứ hai của Bát Chánh Đạo – bước được gọi là chánh tư duy – ý nghĩa của nó bị giới hạn ở một mức độ lớn trong cái được gọi là chức năng diễn đạt thành lời của tâm trí. Chúng ta thực hiện một phần lớn tư duy bằng phương tiện lời nói, vì ngôn từ là biểu tượng của tư tưởng, trong khi đó tư tưởng đến lượt nó lại là đại diện tinh thần cho các sự vật, ý kiến, quá trình và những khái niệm trừu tượng. Trong khi một tư tưởng về một thứ phức tạp cần phải là phức tạp, nhìn chung nó có thể được cô đúc lại trong một từ đơn giản; do đó suy nghĩ bằng các tư tưởng (không có ngôn từ) có thể lúng túng và vất vả, suy nghĩ bằng ngôn từ nhanh hơn và dễ hơn nhiều. Do đó kiểm soát tư duy phần lớn có nghĩa là kiểm soát chức năng diễn đạt thành lời của tâm, chức năng “lời nói bên trong" nhờ đó chúng ta thầm sử dụng ngôn từ để xem xét một vấn đề, suy luận về nó, ra quyết định, và vạch ra đường lối hành động. Tiếp theo, chúng ta có thể thấy chúng ta sử dụng ngôn từ không chỉ để bày tỏ suy nghĩ mà còn để hình thành suy nghĩ. Trong khi không thể nói là tất cả mọi suy nghĩ của chúng ta đều sử dụng dạng nói không thành lời, hoặc suy nghĩ dưới dạng diễn đạt thành lời, chúng ta phải nhận thấy rằng một phần lớn suy nghĩ của chúng ta sử dụng hình thức này. Thế thì rõ ràng là nếu những ngôn từ chúng ta lựa chọn để hình thành suy nghĩ của mình không thể hiện chính xác những tư tưởng chúng định biểu đạt, tư duy của chúng ta sẽ lỏng lẻo và không chính xác, thế nên bất cứ khuynh hướng tự dối mình nào mà chúng ta đang sở hữu đều sẽ bị nổi bật lên. Ít người trong chúng ta thoát khỏi khuynh hướng tự dối mình nào đó dù là nhẹ đi chăng nữa. Mặc dù nói chung chúng ta ý thức được những dạng cực đoan của ham muốn giác quan, ác ý, và độc ác khi chúng xuất hiện trong cái vỏ của chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được những đặc tính có hại này khi chúng xuất hiện dưới dạng nhẹ và kín đáo. Do đó, khi chúng ta cho phép một trong những đặc tính có hại ấy hoạt động trong tâm trí theo cách nhỏ nhặt, chúng ta có thể hay che đậy nó, biện bạch cho nó, và không hề nỗ lực để giải quyết nó. Chúng ta cảm thấy nó quá tầm thường không đáng để lo lắng. Nhưng những hoạt động nhỏ nhặt hàng ngày của một yếu tố tâm độc hại dưới dạng thứ yếu sẽ từng bước được tăng cường và do đó đặt nền tảng cho sự xuất hiện mạnh mẽ của nó vào một thời gian sau, khi xảy ra một sự khủng hoảng. Vì vậy trong việc tu dưỡng bước thứ hai của Bát Chánh Đạo, điều cơ bản là quan sát tất cả những biểu hiện nhỏ nhặt hàng ngày của những ham muốn cảm giác, ác tâm, và sự tàn nhẫn, và nhận ra chúng dưới nhiều hình thức nhẹ nhàng và kín đáo. Đợi đến khi chúng xuất hiện dưới những hình thức cực đoan thì gần như vô dụng, vì lúc đó chúng quá mạnh không thể xử lý một cách hiệu quả. Chừng nào chúng ta còn cho phép tư duy của mình lờ mờ, nhạt nhoà, chúng ta sẽ không nhận ra được những hình thức nhỏ hơn của những đặc tính có hại. Mặt khác, nếu chúng ta diễn đạt những suy nghĩ thành lời chính xác, chắc chắn chúng ta sẽ khám phá ra được những đặc tính này và sau đó có thể giải quyết chúng dễ dàng hơn. Điều này đưa chúng ta đến việc dùng phương pháp lời nói như là công cụ kiểm soát suy nghĩ. Một cách diễn đạt dùng từ cẩn thận hoặc được lựa chọn tốt, được thầm lặp lại, có thể hoạt động như một kiểu trợ giúp máy móc để hướng tư duy theo một luồng cụ thể, hay như một lựa chọn khác là hướng tư duy ra khỏi những đối tượng tâm không phù hợp hoặc không mong muốn. Nếu chúng ta đang đau khổ vì cảm giác sâu sắc về mất mát – ví dụ sau khi mất người thân – có thể hữu ích nếu sử dụng một cụm từ như thế này: "Bản chất rất tự nhiên của mọi sự vật là đến một lúc nào đó chúng ta phải xa lìa tất cả những thứ thân yêu; và mong mỏi sự quay trở về của những thứ đã qua chỉ kéo dài thêm nỗi đau buồn của mình mà thôi." Tất nhiên, vấn đề chính ở đây là nhớ sử dụng phương pháp này khi nó là cần thiết nhất, vì vào những lúc đó chúng ta nói chung bị ngập tràn bởi cảm giác mất mát; nhưng đây là vấn đề xây dựng thói quen chánh niệm mà bản thân nó là một phần chính yếu trong luyện tâm của đạo Phật. Một cách lý tưởng, chúng ta không nên đợi đến lúc sự mất mát dữ dội xảy ra mới rèn luyện sự không dính mắc. Một khía cạnh của chánh tư duy là nó được đặc trưng bởi tâm không dính mắc vào đối tượng, con người, kinh nghiệm, trí nhớ và những dự kiến đem lại cảm giác dễ chịu. Vì đời sống bình thường phần lớn xoay quanh những thứ như vậy, chúng ta thông thường bị vướng vào mạng lưới dính mắc, và việc thoát ra khỏi mạng lưới này thường nằm ngoài khả năng của chúng ta. Do đó khi một mất mát dữ dội xảy ra thì sử dụng mọi sự trợ giúp là rất quan trọng – ví dụ sự trợ giúp tạo ra bởi sự lặp lại trong tâm một công thức nào đó – để điều chỉnh theo hoàn cảnh mới. * Vậy thì chúng ta phải thừa nhận là trông chờ những người bình thường như chúng ta, những người phải sống đời sống bình thường trong những môi trường cũng bình thường như vậy, suy nghĩ thoát được tất cả mọi ham muốn thuộc cảm giác là quá nhiều. Có lẽ xem xét khái niệm ham muốn cảm giác nghĩa là gì sẽ giúp chúng ta hiểu được vấn đề. Nói vắn tắt, ham muốn thuộc giác quan là suy nghĩ chất đầy mong muốn thoả thích bằng sáu giác quan, cụ thể là bằng những ấn tượng của các đối tượng hình ảnh, bằng âm thanh, mùi, vị, ấn tượng xúc giác, và bằng sự phản chiếu của tâm lên bất kỳ cảm giác trên. Các ham muốn giác quan bao gồm mong muốn được nhìn thấy bình minh, ánh đèn của một thị trấn qua một thung lũng, giấy dán tường được thiết kế đẹp, hoặc nhìn thoáng qua một gương mặt yêu dấu; tất cả là những thứ thuộc hình ảnh. Nhiều ham muốn thuộc về âm thanh, ham muốn nghe một đoạn nhạc hoặc thậm chí một hợp âm, tiếng suối chảy trên núi, hay giọng nói của một người yêu quý. Có những ham muốn được thưởng thức những thứ nước hoa dễ chịu, mùi vị và cảm giác thân thể như sự ấm áp dễ chịu, và có ham muốn hồi tưởng lại bất kỳ một sự thoả thích giác quan vật chất nào trong quá khứ hoặc trông chờ chúng. Thế thì thoát khỏi tất cả những hình thức ham muốn giác quan này có vẻ như thoát khỏi tất cả các dạng động cơ thông thường; điều này đúng đến một mức độ nào đó. Động cơ thông thường được dựa trên một loại ham muốn thoả thích giác quan hay tinh thần nào đó, và nếu không có viễn cảnh vui thú thì phần lớn hoạt động của chúng ta sẽ đi đến chỗ dừng lại. Tất nhiên tất cả là như vậy; nhưng Bát Chánh Đạo không phải là con đường đi đến đời sống thông thường với những vui thú bình thường, mà đi đến sự Giải thoát, một địa hạt nằm ngoài và vượt ra khỏi thế giới tương đối mà chúng ta thường biết đến; và sự dính mắc vào những vui thú giác quan và tinh thần trở thành một rào cản đối với ai nhắm mục tiêu vượt lên hơn thế giới tương đối này. Tuy nhiên, những ai trong chúng ta chưa cảm thấy sẵn sàng đi theo mục tiêu cao cả đó, thì việc kiểm soát ham muốn thoả thích giác quan ở một mức độ nào đó là cần thiết nếu chúng ta muốn thu được từ cuộc sống những giá trị trọn vẹn nhất. Mặc dù việc áp dụng có giới hạn sự kiểm soát cảm giác như thế có thể không đòi hỏi từ bỏ hoàn toàn những khoái lạc giác quan, chắc hẳn nó làm cho sự không dính mắc ở mức độ nào đó trở thành có một giá trị nhất định; và sự không dính mắc, thay vì làm giảm, lại làm tăng niềm vui của cuộc sống nhờ cắt bỏ những khuynh hướng tham lam hay làm hư hại những niềm vui đó. Đôi khi chúng ta được khuyên nên tỉnh giác với hiện tại và không nên sống trong quá khứ. Thoạt nhìn đây có vẻ là một lời khuyên tốt thiết thực; nhưng khi chúng ta thử thực hành nó thì chúng ta thường thành công đến mức nào? Chúng ta được dạy là: "Hãy giết chết mọi ký ức về trải nghiệm quá khứ. Đừng nhìn lại phía sau, không bạn sẽ bị lạc." Nhưng nếu chúng ta tuân theo chính xác những điều này – giả thiết rằng có thể – tiến trình bình thường của tư duy sẽ chấm dứt. Chúng ta cũng được bảo rằng “quá khứ không được kiểm soát tương lai, trong tương lai mỗi phút giây là một sự sinh mới". Nhưng nếu chúng ta tuân theo điều này từng chữ một, chúng ta sẽ không thể cộng đủ hoá đơn tạp phẩm tuần tới vì chúng ta không cho phép quá khứ (hồi mà chúng ta học tính toán) ảnh hưởng đến việc mua sắm cho gia đình trong tương lai của ta. Có phải điều này nghĩa là lời khuyên đó vô dụng? Không, nó có nghĩa là chúng ta đã hiểu sai nó. Nó thực sự nghĩa là chúng ta nên chấp nhận quá khứ với những mất mát và sai lầm, nỗi đau buồn và sự tan vỡ, niềm vui sướng và thích thú. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là niềm vui sướng và thích thú trong quá khứ phải đi tới chỗ kết thúc vào một lúc nào đó – đây là điều cố hữu trong chính bản chất của vũ trụ này và nếu chúng ta nhìn lại chúng và mong muốn chúng trở lại, thì tất cả điều chúng ta làm là làm hỏng giây phút hiện tại này. Nếu chúng ta nhìn lại một sự kiện vui vẻ trong quá khứ và từ đó có được niềm vui vốn có trong một hồi ức hay ký ức vui vẻ, mà không mong nó quay trở lại, thì ký ức – vì lúc này chúng ta đang sống trong hiện tại, nên ký ức vui vẻ đó là một ký ức chứ không phải một sự kiện – là một phần của chính hiện tại này. Như là một sự kiện thì nó là một phần của quá khứ, nhưng như là một ký ức xuất hiện trong ý thức chúng ta vào thời điểm hiện tại thì trên thực tế nó là trải nghiệm hiện tại của chúng ta. Như là một ký ức, chúng ta có thể thưởng thức nó mà không làm hư hỏng hiện tại này; nhưng nếu chúng ta mong muốn nó trở lại hoặc muốn nó lặp lại thì chúng ta đang chia lìa chính mình với hiện tại và cố gắng ném chúng ta trở về quá khứ mà trong thời khắc này là không tồn tại. * Chẳng có gì để nói nhiều hơn được nữa về vấn đề chánh tư duy kiểu như vậy, cái được gọi là sự giải phóng khỏi những ham muốn giác quan. Một khía cạnh khác của chánh tư duy là giải phóng khỏi ác tâm, hoặc nói một cách tích cực, là tư duy mang đặc điểm thiện chí. Đôi khi thậm chí một người điềm đạm nhất trong chúng ta cũng trở nên bực bội vì những người bạn; và mặc dù thường thì sự bực bội này bay biến khi nguyên do gây ra nó trôi qua, đôi lúc nó để lại tàn dư của sự oán giận hay ác tâm cần được xử lý đặc biệt. Dễ dàng thấy rằng một cái tâm không thể nào phát triển được/tiến bộ được nếu nó bị đầu độc bởi ác ý hoặc sự căm ghét, hay bất kỳ một yếu tố tâm liên quan nào như sự hận thù, bực bội và giận giữ. Lại nữa, chánh tư duy là tư duy không có sự hung ác. Mặc dù sự hung ác thường nảy sinh từ sự căm ghét hay giận dữ, nhiều sự hung ác tàn bạo cũng nảy sinh do sự lãnh đạm với sự đau khổ của người khác hoặc vì sự ích kỷ. Do đó, chánh tư duy không chỉ bao gồm sự vắng mặt của sự căm ghét chủ ý và chủ động, mà còn gồm sự vắng mặt của sự lãnh đạm vô ý và thụ động đối với những đau khổ của người khác. Bước thứ hai của Bát Chánh Đạo – chánh tư duy – phải dựa trên bước thứ nhất, chánh kiến; bởi vì cần nhận ra chánh tư duy là chánh tư duy và tà tư duy là tà tư duy. Nếu không có tâm trí tập trung được xây dựng nên nhờ chánh niệm, không thể có chánh tư duy theo nghĩa đầy đủ nhất của nó. Vì vậy, bạn có thể thấy là bước thứ hai trong Bát Chánh Đạo phải được thực hiện song song với nhiều bước khác, và mỗi bước không thể tách rời khỏi các bước khác. Cụ thể, việc thực hành chánh tư duy phải được thực hiện cùng với việc thực hành chú ý trần trụi, vì nếu không có sự thực hành chú ý trần trụi – một khía cạnh của chánh niệm – tất cả các tiến trình tư duy sẽ có khuynh hướng trở nên rối loạn bởi cảm xúc. Bài tập thực hành Trong những hoàn cảnh lý tưởng, nếu bạn muốn thiết lập những mẫu hình tâm của sự chú ý trần trụi dưới dạng hoàn chỉnh, bạn nên gác lại một bên tất cả các trách nhiệm và sở thích trong một thời gian vài tuần lễ và dành trọn bản thân cho một khoá nghiêm ngặt tự rèn luyện. Trong những điều kiện như vậy, bạn sẽ tránh tất cả chỉ trừ những thứ thiết yếu tối thiểu nhất trong công việc chân tay và bạn sẽ gác lại một bên càng nhiều càng tốt các việc viết và đọc, thậm chí việc nói. Nhưng những điều kiện lý tưởng này nằm ngoài khả năng của hầu hết chúng ta. Trừ phi bạn có được điều kiện may mắn, có lẽ là bạn không thể tìm được đủ thời gian và thoát khỏi các trách nhiệm để nghiêm ngặt thực hành chánh niệm tới mức không làm các hoạt động khác trong một thời gian dài. Thế thì làm thế nào để bạn thực hành chú ý trần trụi? Cái gì bạn không thể làm trọn vẹn thì phải làm từng phần. Vì bạn không thể tự đặt mình vào hoàn cảnh lý tưởng, bạn phải sử dụng những hoạt động hàng ngày làm cơ sở cho sự phát triển tinh thần; và trên thực tế, thì đối với mục đích này có lẽ những hoạt động hàng ngày đó thực sự lại lý tưởng hơn là một đời sống ẩn dật. Để tạo nên những kiểu mẫu tâm của sự chú ý trần trụi, bạn phải giảm tốc độ một số hoạt động. Khởi đầu bạn có thể chọn một hoạt động xác định để bạn có thể thực hiện một cách chậm hơn bình thường mà vô hại cho những thứ khác. Nếu bạn phải bắt chuyến tàu 8:17 mỗi sáng, rõ ràng là bạn không thể chậm lại trong công việc cụ thể đó. Nếu bạn là bà nội trợ có các con phải chăm sóc thì bạn khó mà làm chậm lại các công việc vặt liên quan đến việc đón chúng từ trường về. Lại nữa, nếu bạn là người bán vé xe buýt, bạn không thể sử dụng thời gian đi lại cao điểm để bắt đầu bài thực hành chú ý trần trụi. Tuy nhiên, hẳn phải có hoạt động thường ngày nào đó mà bạn có thể sử dụng làm cơ sở để thiết lập sự thực hành. Phải có một số thời gian ngắn khi mức độ khẩn cấp thúc bách của công việc giảm bớt một chút. Có lẽ những người làm ở văn phòng có thể thư giãn ở tiệm cà phê trong giờ ăn trưa, hay bà nội trợ có thể ngừng việc vài phút khi bọn trẻ đã được đưa đến trường, trong khi người bán vé xe buýt có vài phút ở bến xe đầu mối khi anh ta có thể hút thuốc lá. Trong mỗi trường hợp đó, có cơ hội để bắt đầu gây dựng sự chú ý trần trụi, thậm chí theo một cách khiêm tốn. Nhân viên văn phòng thường có thể giảm nhịp độ hoạt động trong thời gian nghỉ trưa và quan sát một cách chánh niệm sức nặng của thìa và dĩa trong tay anh ta, có thể nhai chậm lại và quán sát vị của thức ăn, và có thể quán sát màu sắc và hình dáng cái chén và đĩa của mình. Và quan trọng hơn, vào lúc này anh ta có thể theo dõi trạng thái các cơ nói chung của mình, cảm nhận xem các cơ đang căng cứng hay thư giãn. Cũng tương tự như vậy, người nội trợ có thể chủ tâm thong thả hơn khi pha một chén trà cho mình để chú tâm hoàn toàn vào nó. Lúc đó cô ta trở nên ý thức rõ hơn hơi nước đang bay lên từ cái ấm, thứ tự các động tác cơ khi cô pha trà, nâng chén lên môi, nhấm nháp và nuốt trà, vân vân. Khi thực tập trong sự chú ý này, cô sẽ trở nên nhận biết rõ hơn các chi tiết mà bình thường không nhận thấy. Bản thân những chi tiết này không quan trọng; vấn đề là chúng có thể đem đến cơ hội để tăng chánh niệm. Lại nữa, khi người bán vé xe buýt hút thuốc trong vài phút nghỉ ngơi ở bến xe đầu mối, anh ta có thể áp dụng sự chú tâm hơn đến cảm giác về điếu thuốc giữa hai môi, đến mùi và đến sự xuất hiện của làn khói bay lên từ đầu điếu thuốc rực sáng. Rõ ràng những nỗ lực nhỏ bé để thực hiện sự chú ý trần trụi này chỉ có giá trị rất nhỏ nếu chúng kết thúc nơi chúng bắt đầu. Việc nắm bắt một cơ hội nhỏ bé xảy ra thường xuyên hoặc đều đặn để thực hành chánh niệm và kiên định áp dụng sự chú ý trần trụi có giá trị ở chỗ nó giúp thiết lập một nền tảng vững chắc. Một khi nền tảng này đã tồn tại, sẽ khá dễ dàng để mở rộng sự thực hành đối với những thứ nhỏ nhặt khác trong ngày. Tuy nhiên, để thay bằng một ví von khác, nó chỉ là cái đầu mỏng của cái nêm, nếu cái nêm không được đặt đúng hướng, nó có rất ít hiệu quả. Do đó cách bạn thực hành sự chú ý trần trụi nên là lựa chọn một sự việc nhỏ bé nào đó mà bạn làm tương đối thường xuyên và bạn có thể làm nó một cách chậm hơn và trong chánh niệm hơn bình thường. Bạn nên quyết tâm chú ý hơn vào hoạt động nhỏ này trong một thời gian; và làm điều này mà không mong chờ kết quả, mà chỉ thuần tuý là một bài tập trong chánh niệm. Tất nhiên, bạn sẽ nhận thấy việc đề ra một quyết tâm mơ hồ là khi một cơ hội xuất hiện bạn sẽ hành động chậm lại và áp dụng chánh niệm gia tăng, sẽ chỉ có ích lợi nhỏ. Bạn sẽ cần phải cụ thể hơn, và bạn cần tăng cường quyết tâm của mình bằng một hình thức phạt tự áp cho bản thân. Do đó, hãy quyết tâm cụ thể là trong một thời kỳ hoặc ít nhất là một tháng bạn sẽ dành thời gian gấp hai lần bình thường cho một nhiệm vụ nhỏ nào đó, ví dụ việc cởi giầy mỗi tối trước khi đi ngủ. Nếu bạn lơ đãng hoặc quên giảm nhịp độ làm việc này, quên chánh niệm gia tăng đối với nó, bạn có thể tự bắt mình chịu hình phạt nhỏ vào ngày hôm sau. Tiếp sau đó, bạn nên tìm một hoạt động khác và dùng nó vào cùng mục đích trên, thực hiện nó với nhịp độ chậm hơn, nhận biết sắc bén và nhiều hơn về nó. Một khi giai đoạn khởi đầu đã được thiết lập, nó sẽ dễ dàng hơn một chút khi chú tâm hơn vào các hoạt động khác mà không cần làm chúng chậm lại nhiều. Mặc dù bài tập này chủ yếu liên quan đến những hoạt động thân thể hơn là hoạt động tinh thần, bạn sẽ thấy rằng nó sẽ hữu ích trong kế hoạch tự quan sát chung của bạn, và bằng cách này sẽ tăng cường hiệu quả của những bài thực hành khác. -ooOoo- Tháng thứ mười Tu tập sự không dính mắc Khi nhìn vào tổng thể cuộc sống, bạn sẽ đồng ý nó là sự pha trộn của đau khổ và vui sướng, nỗ lực và nghỉ ngơi, bất toại nguyện và thoả mãn. Tất nhiên, bạn muốn sự pha trộn này theo tỉ lệ khác, bạn muốn bớt nỗi đau và tăng niềm vui; bạn muốn bớt đi một chút nỗ lực và được tăng một chút nghỉ ngơi, và bạn muốn ít bất toại nguyện hơn và được thoả mãn nhiều hơn. Nhưng bạn hẳn nhận ra là nếu không có nỗi đau và nỗi buồn nào đó trong cuộc sống, sẽ không có động cơ nào cho sự nỗ lực; và nếu không có nỗ lực, bạn không thể tiến bộ. Nếu không có sự không thoả mãn, cuộc sống của bạn sẽ trở nên quá tĩnh tại để có thể có giá trị cơ bản nào đó. Người ta đã nói rằng: Bánh mì cay đắng là thức ăn nhờ đó con người lớn lên hết tầm vóc của mình. Theo quan điểm Phật giáo, giải thoát khỏi khổ đau chỉ có thể đạt được nhờ vượt hơn sự tồn tại cá thể và nhờ đạt đến trạng thái vượt ra ngoài ngôn từ và suy nghĩ, trạng thái mà đôi khi được gọi là Vô duyên sinh hay Sự giải thoát. "Vô sinh" này là một trạng thái mà tất cả dấu vết của tham, sân, si đã bị diệt trừ, và trong trạng thái này không có khổ đau nào. Đạt được “Vô sinh” này là mục tiêu tối thượng của đạo Phật. Tuy nhiên, trong khi cái tôi riêng rẽ vẫn tồn tại – trong khi ý thức cá nhân với sự tách biệt của nó với cuộc sống chung vẫn tồn tại – khổ đau ở một mức độ nào đó là không thể tránh được. Dầu vậy, có thể làm giảm tác động của nó nhờ tu tập sự không dính mắc, hay nói cách khác nhờ ngày càng giảm dần sự dính mắc vào những khoái lạc của cuộc sống. Có một phương pháp thực hành Phật giáo bao gồm việc trở nên tỉnh giác, càng trọn vẹn càng tốt, về những cảm giác vui thú và khó chịu như và khi chúng nảy sinh và cùng lúc đó quan sát chúng một cách càng bình thản càng tốt. Tất nhiên mục đích của sự chú ý được tăng lên này là để đánh giá rõ ràng hơn những niềm vui thú và sự khó chịu của cuộc sống và nhờ đó tránh bị chúng áp đảo. Nếu không có thái độ tinh thần bình thản không dính mắc này, đôi khi bạn hay bị ngập chìm quá sâu trong những niềm vui thú, và lúc khác lại dao động sang thái cực đối lập và ngập chìm trong nỗi buồn và nỗi đau. Có lẽ có những lúc bạn đắm mình trong những cảm xúc và để chúng hoàn toàn chi phối bạn. Do đó, mục tiêu là học đứng xa bên ngoài những trải nghiệm của mình cả về hạnh phúc lẫn buồn đau và học quan sát chúng một cách bình thản, không bị chúng nhấn chìm. Bạn cần học làm điều này khi hồi tưởng về những kinh nghiệm của quá khứ và, cố gắng làm như vậy cả với những trải nghiệm hiện tại ngay khi nó đến với bạn; cũng bằng một cách như vậy, bạn phải học dự đoán những kinh nghiệm tương lai mà không có cảm xúc thái quá. Khi bạn biết được sự vô ích của việc tham lam những thứ trong hiện tại và khao khát những thứ trong quá khứ và tương lai, thì tâm trí bạn phát triển được tính linh hoạt cao hơn nhiều. Bất kỳ cái gì mà bạn lệ thuộc để mưu cầu hạnh phúc đều là đối tượng của sự dính mắc, là cột trụ để tựa vào; và bất cứ khi nào bạn tựa vào bất kỳ cái cột trụ nào, bạn đang tự mở cơ hội cho sự đau buồn. Bất kỳ lúc nào cũng có khả năng một vài cột dựa của bạn bị đánh bật, vì cuộc sống có một khuynh hướng khó chịu là rút đi những chỗ dựa ra khỏi bạn. Tuổi trẻ của bạn biến mất theo thời gian; có thể bạn mất một người thân yêu, và những hoàn cảnh cũ bên ngoài quen thuộc trong thế giới cá nhân riêng của bạn nhường chỗ cho những hoàn cảnh bên ngoài mới và lạ. Nếu tâm trí bạn không đủ linh hoạt để theo kịp những mất mát và thay đổi khi những cột tựa của bạn bị đánh bật, thì hậu quả là bạn chịu đựng khổ đau càng nhiều hơn. Tuy nhiên, tựu chung khi nhìn lại, bạn có thể nhận thấy bạn xoay sở để theo kịp những thay đổi và sự vô thường của cuộc sống bằng cách đổi chỗ dựa này lấy chỗ dựa khác, do đó xét về lâu dài bạn không khá hơn mấy; bạn vẫn phụ thuộc vào những chỗ dựa nào đó. Và điều này không chỉ đúng với thế giới bên ngoài của các đối tượng giác quan mà còn đúng với thế giới bên trong của các đối tượng tâm trí vì sự dính mắc vào ký ức quá khứ và dự tính tương lai cũng là một sự bó buộc mạnh mẽ như sự dính mắc vào những thứ bên ngoài trong hiện tại. Có một câu nói trong đạo Phật đại khái thế này: Đau buồn đến từ sự dính mắc, sợ hãi đến từ sự dính mắc. Người không bị dính mắc không biết đến đau buồn và sợ hãi. Bạn dính mắc vào thứ mà bạn yêu quý càng mạnh bao nhiêu thì bạn càng hạnh phúc nhiều bấy nhiêu khi hoàn cảnh cho phép bạn hưởng nó; nhưng khi nó bị giật khỏi tay bạn thì khổ đau của bạn cũng to lớn như hạnh phúc của bạn lúc trước. Nếu bạn khao khát mạnh mẽ một thứ gì đó, nó sẽ trở thành đối tượng của sự dính mắc. Đương nhiên bạn dính chặt vào đối tượng của sự dính mắc, bạn ôm chặt chúng và bám chặt chúng. Khi chúng rời xa bạn, bạn mong mỏi chúng trở về. Nhưng xét về lâu dài, tất cả những gì mà sự níu chắc, ôm chặt, bám chặt, hoặc mong mỏi đó mang đến cho bạn là khiến cho nỗi đau buồn mất mát càng lớn hơn nhiều. Theo tâm lý học Phật giáo hiển nhiên là một lúc nào đó bạn sẽ phải xa lìa mọi thứ gần gũi nhất và thân yêu nhất với bạn, và bạn dính mắc vào những thứ yêu quý gần gũi này càng mãnh liệt bao nhiêu, thì nỗi đau chia lìa khi nó đến càng khó chịu bấy nhiêu. Một khi sự ôm chấp dính mắc phi đạo đức đã được thiết lập thì không thể nào phá bỏ nó bằng triết lý, và sức mạnh của sự dính mắc phụ thuộc vào sức mạnh của lòng ham muốn đối với thứ đã bị mất. Một khi lòng khát khao về thứ đã bị mất đó đã giành được một nền tảng vững chắc, nó không thể bị trục ra bằng lý luận, và lòng khát khao ham muốn này chỉ có thể nảy sinh khi bạn tự cho phép mình bị thống trị bởi những cảm giác vui thích và khó chịu. Đây là quan điểm của Phật giáo về sự dính mắc và những yếu tố liên quan đến nó, quan điểm có thể được diễn đạt dưới một hình thức đơn giản hoá như thế này: Sự dính mắc phụ thuộc vào lòng ham muốn; lòng ham muốn phụ thuộc vào cảm giác vui thích và khó chịu; và cảm giác vui thích và khó chịu phụ thuộc vào sự tiếp xúc của các giác quan với thế giới bên ngoài. Trong đời sống bình thường không thể giải quyết vấn đề dính mắc bằng cách cắt đứt sự tiếp xúc của các giác quan với thế giới các đối tượng cảm giác bên ngoài, và cũng tương tự không thể ngăn chặn sự vui sướng và khó chịu phát sinh một khi có sự tiếp xúc này. Điều đó có nghĩa là nếu chuỗi "nảy sinh phụ thuộc" này (hay ít chính xác hơn là chuỗi nhân và quả này) bị đứt đoạn một chút, nó phải bị đứt đoạn tại mắt xích vui thích hoặc khó chịu. Chuỗi đau buồn phải bị tấn công ở giai đoạn thích và không thích, ưa muốn và ghét bỏ, hấp dẫn và ghê tởm. Vậy thì toàn bộ điều này thoạt nhìn có vẻ là bạn phải từ bỏ mọi thứ mang lại hạnh phúc hoặc vui sướng; nhưng hoàn toàn không phải ý như vậy. Nó thực sự có nghĩa là bạn phải học để độc lập với những cảm giác vui sướng và khó chịu càng nhiều càng tốt, và không bị chúng điều khiển. Nó có nghĩa là trí tuệ chứ không phải là những phức cảm cảm xúc, hay những điều thích và không thích vô lý của bạn phải kiểm soát cuộc sống của bạn; và do đó điều cơ bản (ít nhất trong kỹ thuật Phật giáo) là trở nên tỉnh giác biết rõ càng trọn vẹn càng tốt về tất cả những thứ đang diễn ra trong tâm trí bạn. Trong kỹ thuật này, chánh niệm liên tục tăng lên đối với tất cả các cảm giác vui thích và khó chịu khi chúng xuất hiện là cực kỳ quan trọng. Do đó, trước hết, điều cốt yếu là biết rõ hoàn toàn về giá trị và ý nghĩa thực sự của những cảm giác vui sướng để ngăn chặn chúng tạo ra những thiên kiến và định kiến cảm xúc. Tất nhiên, điều nói trên cũng được áp dụng với các cảm giác khó chịu vì nếu không được kiểm soát tốt chúng cũng có khuynh hướng làm nảy sinh những thiên kiến và định kiến cảm xúc. Ác cảm, cũng y như lòng mong ước, làm nảy sinh sự thèm muốn và dính mắc, và bạn bị trói buộc vào những thứ bạn ghét cũng nhiều như vào những thứ bạn khát khao. Nếu bạn có thể đạt được dù chỉ một phần sự không dính mắc, nếu bạn có thể làm giảm dù chỉ phần nào sự bám dính vào những thứ đang bó buộc bạn, thì bạn tự do hơn để thưởng thức chúng mà không dính mắc, và cũng vì lý do đó cảm giác mất mát của bạn sẽ ít hơn khi những thứ đó ra đi. Một tâm trí hoàn toàn lanh lợi có thể đánh giá một cách khách quan mỗi kinh nghiệm như và khi nó xảy ra; nhưng đối với đa số chúng ta sự quan sát bản thân bình thản này không thể được thực hiện tại thời điểm đó mà chỉ có thể được thực hiện khi hồi tưởng. Nhưng bất kể là bạn thực hiện điều đó vào đúng lúc trải nghiệm hay sau đó, điều chính yếu là ngăn những niềm vui thích và sự khó chịu đó kiểm soát bạn. Một khi một khối cảm xúc mạnh mẽ mang bản chất vui sướng hoặc khó chịu trở nên dính mắc vào một tư tưởng, khối cảm xúc ấy có thể dễ dàng tuột khỏi tay và gây ra mọi loại xáo trộn bên trong và xung đột bên ngoài. Chỉ bằng cách gia tăng chánh niệm bạn mới có thể giải phóng tâm trí khỏi những ràng buộc cảm xúc sai lầm và khỏi những hậu quả của nó là sự xáo trộn và xung đột. Do đó, tu tập sự không dính mắc nhằm mục đích thoát khỏi sự ngự trị của cảm xúc, khỏi sự thống trị của niềm vui thích và sự khó chịu; nó nhằm thoát khỏi sự dính mắc vào những thứ bên ngoài, khỏi ký ức và tiên đoán, khỏi những nỗi khát khao và sự căm ghét, và thoát khỏi ngay cả bản thân lòng mong ước không dính mắc. Bài tập thực hành Trong tâm trí con người có nhiều điểm mù – những điểm mù mà đôi khi là nguyên nhân và đôi khi là kết quả của những định kiến và thiên kiến cảm xúc – và vì những điểm đó, tâm trí không có khả năng nhìn thấy chính nó như nó thực sự là. Những điềm mù như vậy ngăn cản chúng ta nhận thấy quy mô và các nhánh của sự dính mắc sai lầm của mình, và bất kỳ phương tiện nào mà chúng ta có thể sử dụng để giảm bớt chúng đều là một biện pháp hỗ trợ cho hoạt động của chánh niệm hướng vào nội tâm. Bản câu hỏi dưới đây được dự định làm một công cụ như vậy và trợ giúp bạn trong quá trình khám phá và đánh giá sự dính mắc của chính bản thân. Khi trả lời những câu hỏi này, bạn có thể nhận thấy câu trả lời thứ nhất xuất hiện trong đầu có thể chính xác hoặc không chính xác. Do vậy, bạn nên đọc toàn bộ bản câu hỏi khoảng 6 lần trong tháng, cho phép nó bắt đầu một chuỗi suy nghĩ hơn là cố gắng lập tức đưa ra những câu trả lời dứt khoát. Theo quy luật, câu hỏi khó trả lời sẽ có giá trị với bạn nhiều hơn câu hỏi dễ trả lời. Giá trị thực sự của câu trả lời không nằm ở chính nó, mà nằm ở chỗ tự quán sát hay chánh niệm đã được áp dụng để đưa ra nó. Không cần phải cố gắng làm cho các câu trả lời của bạn nhất quán ở bất kỳ khía cạnh nào. Bạn cần nhận thấy là thông thường bạn có những thái độ lẫn lộn đối với nhiều thứ quan trọng trong cuộc sống, ví dụ, bạn có thể vừa yêu vừa ghét cùng một người ở những thời điểm khác nhau, hoặc bạn có thể cảm thấy bị hấp dẫn bởi một khía cạnh của cái gì đó và khó chịu bởi khía cạnh khác của nó. Với những thái độ lẫn lộn kiểu như vậy, có thể một trong hai cảm xúc trái ngược đã bị đè nén, nhưng từ một vùng nào đó trong tâm trí bạn mà ý thức không đến được, nó tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của bạn. Không thể nào tách rời đối tượng dính mắc ra khỏi cảm giác của bạn về sự sở hữu, về những sự đánh giá, về sự tự khẳng định bản thân, hay nhiều khía cạnh đa dạng khác của đời sống tinh thần của bạn. Vì vậy, những câu hỏi dưới đây không nhằm mục đích xác định các đối tượng cụ thể của sự dính mắc, mà nhằm giúp bạn phát triển sự tỉnh giác lớn hơn nữa về nội dung tâm bạn; và trong quá trình đó, các đối tượng dính mắc cụ thể – có lẽ những dính mắc đặt sai chỗ – có thể nổi lên. Dưới đây là các câu hỏi: 1. Tôi có đồng ý với tuyên bố này không? "Đau buồn đến từ sự dính mắc, sợ hãi đến từ sự dính mắc. Ai thoát khỏi sự dính mắc không biết đến đau buồn hay sợ hãi." 2. Tôi có dính mắc quá mức vào sở hữu vật chất nói chung không, hay nói cách khác tôi có thái độ chiếm hữu với chúng không? 3. Tôi có ý muốn sở hữu người khác, ví dụ gia đình, con cái, bạn bè tôi không? 4. Tôi có khát khao một loại quyền lực nào đó không phải để có thể đạt được điều gì nhờ quyền lực đó, mà thuần tuý để có quyền lực hay không? 5. Tôi có bất kỳ một sự dính mắc nào can thiệp vào sự bình an tinh thần và cảm xúc của mình không? 6. Tôi có ích kỷ hay tự cho mình là trung tâm trong bất kỳ phạm vi nào của cuộc sống không? 7. Tôi có bị chi phối bởi những thiên kiến và định kiến cảm xúc nhiều hơn một người bình thường bị không? 8. Tôi có thích chi phối bạn bè, con cái và những người khác không? 9. Tôi có bực bội khi bị những người khác chi phối không? 10. Tôi có quá dính mắc – một cách cứng nhắc hoặc quá không linh hoạt – vào những niềm tin và ý kiến của mình trong bất cứ phạm vi tư duy nào không? 11. Tôi có bị ngăn giữ lại theo bất kỳ cách nào bởi sự dính mắc quá mức hoặc sai chỗ với thứ nào đó hay ai đó không? 12. Tôi có thích người khác ngưỡng mộ một vài trong những thứ tôi sở hữu mà tôi dính mắc vào không? * Bất cứ hình thức quán sát bình thản nào – dù là hướng vào nội tâm hay hướng ra thế giới sự kiện bên ngoài – đều là công cụ hỗ trợ cho sự tu tập không dính mắc. Bạn có thể cố gắng áp dụng nguyên tắc quán sát thản nhiên vào các mối quan hệ của bạn với những người khác, như là một bài tập cụ thể trong chánh niệm. Đôi khi bạn hiểu nhầm điều người khác nói hay làm, có lẽ vì bạn tình cờ đang tuyệt vọng hoặc bực mình vì một điều gì hoàn toàn khác. Trong trường hợp đó, bạn đã tô màu hoàn toàn sai chủ ý của người khác. Hoặc có thể bạn hiểu sai một câu hỏi, và đưa ra một câu trả lời mà đúng hơn cho một câu hỏi hoàn toàn khác. Do vậy, trong bài tập thực hành này và trong sự giao tiếp hàng ngày với người khác, bạn hãy bắt đầu quán sát một cách bình thản, không thành kiến những chủ ý của người khác, không bị tô vẽ bởi những cảm xúc hoặc thành kiến của bản thân mình. Bạn sẽ thường nhận ra rằng chủ ý thật sự hoàn toàn khác với sự diễn dịch ban đầu của bạn về nó. Bạn có thể thấy cần luyện tập bản thân để không ngắt lời người khác mà không có lý do xác đáng. Ít người là người biết lắng nghe, và bạn có thể là một trong số ít đó; nếu bạn không phải người như vậy – nếu bạn chỉ nghe một nửa điều người khác đang nói, và bạn hay ngắt lời bằng những vấn đề thứ yếu không liên quan – thì bạn cần tự học nghe càng nhiều càng tốt, không cho phép các liên tưởng cảm xúc của mình can thiệp. Để biết lắng nghe cần nỗ lực, vì biết lắng nghe có nghĩa là nghe tất cả những điều được nói ra và hiểu chúng càng đúng càng tốt. Trong quá trình lắng nghe bạn sẽ học xác định chính xác những từ và ý tưởng mang nặng cảm xúc nảy sinh, những từ và tư tưởng phát huy những thiên kiến và định kiến của chính bạn. Nhờ xác định chính xác những từ và tư tưởng như vậy, những thiên kiến và định kiến của bạn sẽ không thể hoạt động từ cấp độ tiềm thức trong tâm bạn được nữa, và tới chừng đó bạn sẽ thu được nhiều kiến thức hơn và sẽ kiểm soát được các tiến trình tâm của chính bạn. Như thế, việc thực hành lắng nghe một cách bình thản, ở mức độ lớn, bao gồm sự nghe thận trọng và chăm chú, đi đôi với nỗ lực giữ cho bản thân thoát khỏi những phản ứng mang cảm xúc. * Giả thiết là bạn đang áp dụng phương pháp tự thoả thuận kỷ luật tự giác, hãy nhìn lại vài ngày qua xem bạn có sử dụng bản câu hỏi một cách nhất quán và đủ sâu sắc hay chưa, và xem bạn đã thực hành lắng nghe bình thản đủ mức hay chưa. Nếu bạn cảm thấy chưa làm được như vậy, hãy tự tước bỏ một vài vui thích nho nhỏ nào đó. -ooOoo- Tháng thứ mười một Đạt đến sự bình an Trong lịch sử tiến hoá, con người đã đạt vị trí thống trị trong thế giới của mình nhờ có trí tuệ; dầu vậy con người vẫn bị chi phối phần lớn bởi bản năng và cảm xúc của mình. Động cơ ban đầu của con người xuất phát từ sự ham muốn bảo tồn cái tôi và bảo tồn nòi giống thôi thúc đấu tranh, trốn chạy, giao phối, v.v.; trí tuệ của nó đã hoạt động, ít nhất là một phần, bằng cách hướng nó đến nơi mà bản năng đã thúc đẩy nó đi. Tuy nhiên, thiếu bản năng và xúc cảm, con người sẽ không bao giờ sống sót. Người ta đã nói rằng: Nếu người ta hoàn toàn hiểu rằng các cảm xúc là các ông chủ còn trí tuệ là đầy tớ, thì có vẻ sẽ có ít kết quả nhờ cải thiện kẻ đầy tớ trong khi ông chủ vẫn không được cải thiện. Cải thiện kẻ đầy tớ chỉ mang lại cho các ông chủ nhiều khả năng đạt mục đích hơn. (Herbert Spencer) Rồi thì những thôi thúc nguyên sơ này đã phục vụ một mục đích trong sự tiến hoá của con người, nhưng nhìn chung chúng phù hợp với những điều kiện nguyên sơ; chúng đã được mở ra trong những điều kiện nguyên thuỷ, và trên nhiều khía cạnh chúng không còn phù hợp với những hoàn cảnh của xã hội văn minh. Do đó, để loài người tiến bộ hơn nữa và để thực hiện những tiềm năng của con người, hiện nay có vẻ những động cơ của con người phải được chuyển hoá và làm cho tinh khiết. Cho đến nay sự phát triển mang tính chất chủng tộc hơn là tính chất cá nhân; tức là loài người nói chung đã phát triển hay tiến hoá, và trong hầu hết các trường hợp, cá nhân chỉ đơn giản là một đơn vị trong một chủng tộc đang tiến hoá. Tuy nhiên, bây giờ hoá ra nhiều con người cá thể đã đạt đến điểm tại đó sự phát triển của họ trên con đường tiến hoá phần lớn nằm trong sự kiếm soát của chính họ. Do vậy, có vẻ như một số trong chúng ta đã đạt đến điểm mà tại đó sự tiến hoá lên nữa có thể được thúc đẩy một cách có ý thức và mang tính cá thể, chứ không phải là được thúc đẩy một cách vô ý thức và mang tính chủng tộc. Tuy nhiên, những thôi thúc ban sơ vẫn còn lại với chúng ta, vẫn là những bộ phận không tách rời trong cấu trúc tâm ta; và theo cách này hay cách khác chúng chịu trách nhiệm về một phần rất lớn cho các quá trình tư duy mang thiên kiến cảm xúc và về nhiều thái độ tinh thần bị bóp méo của chúng ta. Chúng nằm ở gốc rễ của nhiều sự xáo trộn bên trong và sự xung đột với người khác. Theo cách này, những thôi thúc ban sơ – từng là những yếu tố cơ bản trong giai đoạn đầu tiến hoá – bây giờ (ở một mức độ nào đó) lại là những yếu tố làm chậm sự tiến bộ. Chúng có thể trở thành chướng ngại cho việc đạt đến bình an. Giáo lý của Đức Phật nhấn mạnh nhiều tâm kiết sử và triền cái bên trong ngăn cản tâm hoạt động đúng chức năng, và do đó đứng chặn trên con đường đến sự bình an. Trong số những yếu tố gây trì trệ cản trở có sự hoài nghi, cảm giác về tự ngã riêng biệt, ác tâm; những yếu tố này và những yếu tố khác được coi là những yếu tố làm ô nhiễm, tê liệt tâm. Hãy xem xét những chướng ngại hay những yếu tố gây trì trệ này từng cái một, bắt đầu từ thái độ hoài nghi. Theo quan điểm Phật giáo, hoài nghi là một trạng thái cứng nhắc của tâm, và trạng thái này không tốt hơn gì trạng thái ngược lại là cả tin. Trạng thái trung lập ở giữa hai thái cực hoài nghi và cả tin là trạng thái linh hoạt của tâm, một trạng thái sẵn sàng xem xét những tư tưởng mới hoặc lạ và đánh giá nó mà không xét đoán trước. Sự hoài nghi hoặc sự cứng nhắc của tâm là một chướng ngại cho sự bình an vì nó là sự từ chối xem xét và đánh giá những tư tưởng mới mà không xét đoán trước bằng cảm tính. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc chi phối có thể là cảm giác tự tôn, hoặc một loại sợ hãi nào đó hay một yếu tố của sự oán giận nào đó với nguồn của những tư tưởng mới đó; nhưng trừ khi trí tuệ không có khả năng nắm bắt được những ý tưởng mới, sự cứng nhắc là do sự thống trị của cảm xúc loại này hay loại khác. Quan niệm và sự tự phụ về cái tôi là một chướng ngại khác cho sự bình an. Theo giáo lý của Đức Phật cái tôi là một ảo tưởng. Có câu nói rằng: Cái tôi là một nhãn hiệu không có gì được gắn vào cả. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với sự suy xét trên lý thuyết "giáo lý về vô ngã", như nó được gọi vậy; điều đó không quan trọng ở bước này. Điều quan trọng là thái độ bên trong của chính bạn, những cảm giác của chính bạn về nó. Khi bạn cảm thông với những nỗi đau của những người khác (và cả những vui sướng của họ) tới chừng mực nào, thì bạn đã phá vỡ được chướng ngại đó, ảo tưởng về cái tôi tới chừng mực ấy. Khi đã tiến bộ hơn, trọng tâm được chuyển chậm rãi và từng bước khỏi những mối quan tâm tập trung vào cái tôi sang sự hạnh phúc thịnh vượng của cuộc sống nói chung; và chừng nào sự ôm chấp chặt cứng về cái tôi trung tâm được nới lỏng ra, chừng ấy sự bình an nội tâm bắt đầu thay thế sự lo lắng, oán giận và sự tự khẳng định mình. Sự bình an nội tâm có thể chưa biểu lộ ra ngoài dưới hình thức ứng xử hoàn toàn điềm đạm và trầm tĩnh: đầu tiên nó được cảm nhận như là một trung tâm phẳng lặng, mặc dù vẫn còn nhiều náo động xung quanh nó, và thiết lập trung tâm phẳng lặng này là bước đầu tiên để đạt đến sự bình an. Có thể diễn đạt nó theo cách sau: Giác ngộ là một điểm phẳng lặng ở trung tâm của sự náo động, giống như cái trục là một điểm tĩnh tại ở trung tâm của một bánh xe đang chuyển động. Một chướng ngại khác đối với sự bình an là ác tâm, nó bao gồm tất cả các cấp độ của sự ác tâm, từ sự oán giận nhẹ nhất và gần như không nhận thấy được đến cợn thịnh nộ điên cuồng nhất. Mặc dù có lẽ bạn nghĩ về nó như là ác tâm hướng đến những người mà bạn không thích, bạn phải nhận thấy rằng ác tâm đối với những vấn đề và hoàn cảnh của bạn có thể là một chướng ngại lớn đối với sự bình an cũng giống như ác tâm đối với những người khác. Do đó điều thiết yếu là phải tiếp cận tất cả các vấn đề của bạn với thái độ thiện chí, và phá tan tất cả những sự oán giận đối với chúng. Điều này thích hợp với những hoá đơn mà bạn phải trả và những việc lặt vặt khó chịu mà bạn phải làm, cũng rất thích hợp với những người đã làm hại hoặc cản trở bạn theo cách nào đó, và cũng tương tự như vậy với những thứ bâng quơ đã gây trì trệ và lo lắng cho bạn. Một thái độ tinh thần không kháng cự những thứ khó khăn trong cuộc sống sẽ hữu ích về khía cạnh này; nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải chấm dứt phản kháng về mặt vật chất nếu bạn cảm thấy chúng sai. Một thái độ tinh thần không chống đối không có nghĩa là chấm dứt nỗ lực để cải thiện; nó có nghĩa là phá tan lo lắng bồn chồn, lòng oán giận và sự tự khẳng định mình mà là nguyên nhân cơ bản của sự căng thẳng tinh thần. Là một thái độ tinh thần, sự không kháng cự phải được áp dụng đối với bất cứ điều gì và mọi điều xảy đến trong đời bạn – đối với những người bạn gặp, đối với công việc bạn phải làm, đối với những vấn đề bạn phải giải quyết. Nếu bạn cưỡng lại công việc hàng ngày, nếu bạn thấy nó quá tẻ nhạt, không đòi hỏi kỹ năng cần đến tài năng của bạn, quá giống như là lao dịch, thì sự phản kháng này sẽ gây ra sự mệt nhọc lớn hơn – và như thế nó sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn. Cuộc sống mang lại cho bạn nhiều cơ hội để học hỏi, nhưng những cơ hội này thường được nguỵ trang như là sự cực nhọc vất vả. Có câu nói rằng: Công việc cực nhọc là cần thiết để gọi ra những kho báu của tâm trí cũng như việc cày bừa để trồng trọt những kho báu của trái đất. (Margaret Fuller) Vậy nếu khi làm một điều gì đó tẻ nhạt, bạn có thể nhận ra là nó có thể cho phép bạn gọi ra được những kho báu của tâm trí bạn, thì thái độ không phản kháng sẽ nảy sinh. Nếu khi giao tiếp, làm việc với một người bạn không thích, bạn có thể sử dụng cơ hội đó để phát triển thiện chí, thì bằng cách đó bạn sẽ tiến một bước về phía bình an. Và nếu trong một tình huống khó khăn, thậm chí đau đớn, bạn quyết tâm học tất cả những điều tình huống đó có để dạy bạn, thì bạn sẽ học được bí quyết của sự thành đạt to lớn. Bí quyết của sự thành đạt to lớn này là yêu quý bất kỳ thứ gì mà bạn ghét. Do vậy với sự linh hoạt to lớn hơn của tâm trí chứ không phải sự hoài nghi cứng nhắc, với sự hiểu biết về bản chất ảo của cái tôi, và với khả năng đang lớn lên để yêu quý bất kỳ thứ gì mà bạn ghét bỏ, bạn đã có một sự bắt đầu tốt đẹp. Bạn đã bắt đầu – ít nhất là trên lý thuyết – phá tan một số chướng ngại chính yếu đối với sự bình an. Tất nhiên còn có những chướng ngại khác nữa. Có sự tự cao, là sự đánh giá quá cao một cái tôi riêng biệt – đánh giá quá cao một ảo tưởng, theo học thuyết của Đức Phật. Có sự đố kỵ và bỏn xẻn, cũng xuất phát phần lớn từ sự ảo tưởng về cái tôi; và có sự bối rối là trạng thái bị rối tung lên do sự bồn chồn lo lắng, oán giận và sự tự khẳng định mình. Theo kỹ thuật Phật giáo, bây giờ bạn có thể giải quyết tất thảy những chướng ngại đối với sự bình an này nhờ chánh niệm kết hợp với kỷ luật tự giác. Chánh niệm ở đây có nghĩa là quán sát bản thân một cách bình thản; nó có nghĩa là sự thừa nhận trung thực các yếu tố tâm gây trì trệ trong bất kỳ vỏ bọc nào mà nó xuất hiện. Kỷ luật tự giác bao gồm sự nỗ lực nhẹ nhàng nhưng bền bỉ để kiểm soát mà không đè nén chúng một cách có hại. Tất thẩy cái đó tự quy về vấn đề hình thành những thói quen và kiểu tư duy mới và phá tan những thói và kiểu cũ. Nhiệm vụ này có thể trở nên dễ dàng hơn và cụ thể hơn nếu bạn chọn một trong các yếu tố tinh thần của bạn tách hẳn khỏi những yếu tố khác và lấy nó làm đối tượng quan sát trong một thời gian. Ví dụ, có thể trong đời sống hàng ngày nhiều cơ hội xuất hiện khiến bạn trở nên bối rối, xôn xao; những tình huống khủng hoảng nhẹ thỉnh thoảng lại xuất hiện. Nếu bạn luyện tập cho mình để không dễ dàng bị bối rối – không bị hoảng loạn – thì các phán xét của bạn sẽ chính xác hơn, các quyết định của bạn sẽ sáng suốt hơn, và cuộc sống của bạn sẽ hài hoà hơn. Để bắt đầu, trước hết bạn phải hình thành thói quen quan sát bản thân thật kỹ lưỡng để phát hiện ra khi nào và trong những điều kiện nào bạn hay trở nên bối rối. Có thể bạn đang phục vụ sau quầy trong cửa hàng trong thời gian cao điểm với một khách hàng nôn nóng đang làm mọi thứ trở nên khó khăn; có thể bạn đang lái xe khi động cơ chết máy ở chỗ giao đường bận rộn; hoặc có thể bạn đang trông nom một đứa trẻ quấy phá. Trong những hoàn cảnh như vậy, bạn hay trở nên rối loạn hơn là bạn nhận thấy. Trước hết, bạn cần nhận thức thực tế này, và với sự tỉnh giác được gia tăng, sự cải thiện dần dần sẽ xuất hiện. Sự cải thiện tự nhiên này khi đó có thể được trợ giúp, nếu cần, bởi nỗ lực rõ ràng của kỷ luật tự giác. * Do vậy, đạt đến sự bình an không phải là vấn đề tìm những hoàn cảnh lý tưởng hay tìm tự do khỏi những sự xáo trộn bên ngoài: nó là vấn đề khám phá ra những chướng ngại tinh thần bên trong đối với sự bình an (từng cái một) nhờ sự quán sát bình thản, và là vấn đề loại bỏ chúng (từng cái một) nhờ nỗ lực kỷ luật tự giác nhẹ nhàng nhưng bền bỉ. Bài tập thực hành Trở nên hơi bối rối trong một sự khủng hoảng nhẹ có vẻ – và nói chung – chỉ là một thất bại nhỏ. Sự giận dữ nhẹ với những tình huống gây bực bội, hơi lo lắng và tự kiêu ở mức độ hạn chế cũng vậy. Tất cả đều là những thất bại bình thường và nhỏ, dù chúng không phải là những trạng thái lý tưởng của tâm trí. Nếu một trong những yếu tố tâm thứ yếu này được cho trở nên quá mức, nó sẽ trở thành bệnh lý. Một trong những nhiệm vụ chính của chánh niệm là mang lại ý thức chính xác và rõ ràng về các trạng thái cảm xúc khi chúng còn nhẹ và chưa rõ ràng, vì ở giai đoạn này chúng còn dễ bị kiểm soát hơn là khi chúng tiến đến mức độ bệnh hoạn. Ở bất kỳ giai đoạn nào, không chỉ trong những hình thức cực đoan, những yếu tố tâm này là những chướng ngại đạt đến sự bình an. Ở bất kỳ giai đoạn nào, chúng cũng cần bị đặt dưới sự quán sát chặt chẽ. Do vậy, trong thời gian ít nhất một tháng, hãy quán sát bản thân chặt chẽ với hy vọng khám phá các yếu tố cảm xúc trong bản thân bạn đã ngăn cản bạn đạt đến sự bình an. Sự tự quán sát này sẽ giúp bạn hiểu và do đó kiểm soát những yếu tố cảm xúc đang hoạt động chống lại sự bình an. Vài lần trong tháng đó, bạn nên quyết định là trong thời gian hai hoặc ba ngày, hoặc thậm chí trong một ngày, bạn sẽ ghi nhận lại trong trí óc tất cả những cảm xúc mà bạn trải qua trong thời gian đó. Bạn có thể xem nó như là các thời kỳ thí nghiệm trong đó bạn cố thử giữ một thái độ tinh thần quán sát thuần tuý, ít nhất là đến mức điều kiện cho phép. Như là một công cụ trợ giúp cho sự quán sát bình thản, sẽ có ích khi xác định và đặt tên, nếu có thể, mỗi trạng thái xúc cảm khi nó xuất hiện, hoặc nếu không thể thì làm như vậy khi hồi tưởng lại. Nếu bạn có thể ngừng lại, quán sát bản thân một cách có phê phán, và nói với mình rằng "Tôi đang trở nên ghen tị" hay "Tôi đang trở nên xáo động” thì điều này sẽ giúp giữ các cảm xúc lại cho bạn xem xét. Ý tưởng của việc làm này là ghi nhận sự kiện rõ ràng trong tâm bạn mà không trở nên bị lúng lúng bối rối bởi sự kiện và cũng không cảm thấy tội lỗi về nó hoặc không bào chữa bản thân vì nó. Quá trình đơn giản của việc đặt tên rõ ràng cho trạng thái tâm này đôi khi sẽ giúp bạn xử lý trạng thái đó. Tất nhiên, không nhất thiết như vậy trong trường hợp các cảm xúc mạnh mẽ, nhưng giá trị lớn nhất của nó là nhận ra những cảm xúc nhẹ mà mức độ quan trọng của nó có thể lớn hơn nhiều khi thoạt nhìn ban đầu. Trong cuộc sống gia đình, trong công việc và trong các mối quan hệ xã hội với những người khác, bạn buộc phải phản ứng bằng lời nói và hành động dưới hình thức nào đó, nhưng trong thời kỳ thí nghiệm này bạn phải cố gắng làm cho những phản ứng này thoát được những thiên kiến cảm xúc càng nhiều càng tốt. Nhưng những phản ứng tư duy nội tâm là quan trọng hơn nhiều so với những phản ứng bên ngoài của lời nói và hành động. Bạn phải quán sát dòng suy nghĩ để xem chúng chứa đựng bao nhiêu cảm xúc không đúng chỗ, không phù hợp và quá mức, chúng bị lệch lạc bởi những định kiến bao nhiêu, và chúng thể hiện bao nhiêu xung đột nội tâm. Sự quán sát bản thân, ngày càng trở nên bình thản, sẽ mang lại cho bạn sự hài hoà hơn nhiều trong tâm. Bạn sẽ có khuynh hướng phản ứng lại mọi thứ với ít cảm xúc quá độ và sai chỗ hơn, và do vậy với ít xung đột tinh thần hơn và ít hiểu lầm hơn. Sự hài hoà lớn hơn trong các mối quan hệ của bạn với những người khác tự nó sẽ đền đáp nỗ lực chánh niệm đã được đòi hỏi. Giả thiết là bạn đang thực hiện phương pháp tự thoả thuận kỷ luật tự giác, bạn có thể tự buộc mình chịu một hình phạt nhỏ mỗi khi bạn trở nên lơ là lỏng lẻo trong việc tự quán sát này. -ooOoo- Tháng thứ mười hai Thực hành sự thấy biết trong sáng Để xây dựng một phương pháp tiếp cận hiệu quả với những vấn đề của cuộc sống, một trong những yếu tố cơ bản hàng đầu là đạt đến một sự thấy biết trong sáng về điều mà bạn thực sự cần ở cuộc sống. Bạn có thể đơn giản hoá – hoặc quá đơn giản hoá – câu trả lời cho câu hỏi này bằng cách nói rằng tất cả những thứ tôi cần là hạnh phúc. Mặt khác, bạn có thể liệt kê một đống những hy vọng và tham vọng có thể rối rắm và mâu thuẫn với nhau tới mức bạn sẽ cần phải thực hiện một quá trình tự phân tích bản thân dài dòng trước khi bạn có thể phân loại chúng. Một loại câu trả lời nửa chừng giữa quá đơn giản và quá phức tạp là cái thực sự được mong muốn. Nếu không có sự hiểu biết thật rõ ràng về mục tiêu trung tâm của bạn trong cuộc sống là gì – nghĩa là nếu không có sự thấy biết trong sáng về động cơ, như được gọi trong tâm lý Phật giáo – sẽ có một khuynh hướng bị chìm trong lối sống thụ động thiếu suy nghĩ; và một khi đã bị mắc kẹt trong dòng trôi dạt thiếu suy nghĩ, cả cuộc sống của bạn sẽ thiếu điểm trọng tâm. Biết được bạn muốn gì là rất quan trọng. Biết được tại sao bạn muốn cũng rất quan trọng. Nếu bạn hiểu trên lý thuyết bản chất những mong ước của mình, nguồn gốc của chúng trong những bản năng và những cảm xúc liên quan đến chúng thì nó sẽ giúp bạn hiểu được bạn muốn gì và tại sao bạn muốn. Để hiểu được những cảm xúc và khát vọng của mình, trước tiên bạn phải hiểu những bản năng của bạn. Những bản năng này là những khuynh hướng cố hữu hành động theo những cách cụ thể trong những tình huống cụ thể. Bản thân những bản năng này nằm dưới tầng trí năng – có nghĩa là, nằm dưới tầng của những quá trình lập luận có ý thức – và già hơn nhiều so với trí năng (theo nghĩa tiến hoá) nên chúng mạnh hơn rất nhiều. Trong khi bản năng là thuộc tiềm thức, cảm xúc và mong muốn của bạn là có ý thức – đôi khi quá có ý thức. Trên thực tế những cảm xúc và khát khao của bạn được dâng từ những bản năng lên ý thức. Một bản năng giống như một núi lửa; nó tồn tại phần lớn dưới mặt đất, nhưng khi nó hoạt động nó phun trào dung nham và khói lên trên. Cũng theo cách như vậy, bản năng tồn tại dưới tầng ý thức nhưng khi nó hoạt động nó phun trào những cảm xúc và khát khao lên trên tầng ý thức. Tiếp theo, bạn có thể thấy cảm xúc và khát khao được phun trào lên bình diện ý thức từ những bản năng; nhưng một cảm xúc không giống y như một khát khao. Một cảm xúc là một hình thái tương đối mập mờ và lan tràn của nhận thức ở tầng cảm thọ thể xác, trong khi một khát khao là một hình thái nhận thức ở tầng cao hơn, ở tầm tư tưởng. Trên thực tế, các khát khao là một loại tư tưởng; chúng là các tư tưởng về những hành động mà bạn muốn thực hiện hoặc là các tư tưởng về những cảm thọ mà bạn muốn trải qua. Do đó hễ bạn tức giận thì bạn có ý tưởng đấm vào một cái gì đó; điều này có thể được gọi là một ý tưởng vận động, ý tưởng về hoạt động cơ bắp, và chúng bị đánh thức bởi bản năng hung hăng. Lại nữa, nếu bạn đói, tư tưởng cảm giác về thức ăn nảy sinh trong tâm trí bạn, được tiếp năng lượng hoặc đánh thức bởi khuynh hướng cố hữu là ăn khi cơ thể đòi hỏi thức ăn. Có lẽ sự phân loại thành ước muốn vận động và ước muốn cảm thọ – thành ước muốn để hành động và ước muốn được trải nghiệm – là quá đơn giản hoá; có lẽ tất cả các ước muốn đều bao gồm các tư tưởng vận động và các tư tưởng cảm thọ; nhưng điểm chính yếu trong ngữ cảnh hiện thời là ước muốn tồn tại ở tầng tạo thành tư tưởng của tâm trí trong khi cảm xúc tồn tại ở tầng nhận thức thể xác bị khuếch tán. Hãy nhìn chúng theo cách này: khi một trong những bản năng của bạn hoạt động, cơ thể bạn tự động chuẩn bị sẵn sàng cho những hoạt động thích hợp bằng một loạt các thay đổi. Bạn trở nên nhận thức về những thay đổi thể xác, và nhận thức lan tràn về chúng tạo nên một cảm xúc. Cùng lúc đó, một tư tưởng cụ thể về việc thực hiện hành động nào đó hoặc trải qua một kinh nghiệm có thể nảy sinh trong tâm trí bạn; điều này cũng là kết quả của bản năng đã bị đánh thức. Tư tưởng này được nạp cảm xúc – có nghĩa là nó được tiếp sinh lực bởi năng lượng của bản năng – và như thế nó trở thành một ước muốn. Trong đời sống thấp dưới loài người, tất cả các hành động chủ yếu mang tính bản năng, và bất cứ trí tuệ nào tồn tại đều được hướng về việc tìm cách thoả mãn những xúi giục thuộc bản năng. Trong đời sống loài người tình hình này về cơ bản không khác trong đời sống thấp dưới loài người nhưng nó phức tạp hơn rất nhiều. Đại đa số hoạt động được thúc đẩy chủ yếu trước hết bởi bản năng, thể hiện trên ý thức bằng cảm xúc và ước muốn. Trí năng hoạt động chủ yếu bằng việc tìm các cách – các cách thường thường rất xảo quyệt – làm vừa lòng những ước muốn và đem lại những cảm xúc dễ chịu. Điều này có nghĩa là trí tuệ hoạt động chủ yếu bằng việc tìm các cách thoả mãn bản năng. Bản năng giống như động cơ của một con tàu trong khi trí năng giống như bánh lái. Rất ít hoạt động, nếu có chăng, được thúc đẩy chủ yếu bởi trí năng, và động cơ trí tuệ là thứ yếu sau động cơ bản năng. Do vậy các suy nghĩ của bạn, các niềm tin của bạn, các ý kiến của bạn và cả các kế hoạch của bạn – tất cả phần lớn bị quy định bởi cái cách bạn cảm giác, cái bạn ưa và ghét, điều bạn muốn làm, và điều bạn muốn tránh. * Do vậy bạn thấy hầu hết suy nghĩ của bạn là suy nghĩ mang cảm xúc, và rất ít trong số suy nghĩ của bạn là suy nghĩ khách quan hoặc bình thản. Trong suy nghĩ mang cảm xúc, các sự việc và điều quan sát được bị bóp méo và tô vẽ sai lầm bởi những mong ước, thiên kiến và định kiến. Mặt khác, trong suy nghĩ bình thản – thật ít có-cùng những sự kiện như vậy được nhìn nhận một cách rõ ràng và cùng những điều quan sát ấy không bị mang thiên kiến và không mang các ước muốn và định kiến, không có sự tô vẽ sai lầm. Trong suy nghĩ mang cảm xúc, bạn có khuynh hướng tin vào một điều vì nó làm bạn dễ chịu khi tin vào nó hoặc chối bỏ một tư tưởng vì nó làm bạn khó chịu. Trong suy nghĩ khách quan, bạn chấp nhận một ý tưởng nếu nó hợp lý bất kể nó làm bạn dễ chịu hay khó chịu, và bạn từ chối một ý tưởng bất kể bạn thích nó biết chừng nào, nếu nó không thể đưa ra lý do; hoặc ít ra bạn chỉ tạm chấp nhận nó trong một tinh thần thử nghiệm. * Đúng là một trong những yếu tố chính yếu mang lại cho con người nguyên thuỷ sự ưu việt so với những đối thủ và kẻ thù tiền nhân loại là trí tuệ của nó, là khả năng sử dụng tư duy như là những công cụ để lập luận, và sử dụng những từ đơn giản như là những biểu tượng tốc ký, gọi là thế, cho những tư tưởng phức tạp. Cùng lúc, điều quan trọng là nhận ra rằng khi tương phản với cảm xúc và khát khao, trí tuệ xuất hiện như một lực lượng tương đối yếu kém và đôi khi không hiệu quả. Cảm xúc và khát khao được dâng lên tầng ý thức từ những sức mạnh bản năng khủng khiếp, và thậm chí trí tuệ mạnh mẽ nhất có thể tự thấy bất lực khi đối diện với đối phương như vậy. Do vậy kiểm soát một nỗi khát khao chỉ bằng nỗ lực ý chí đơn giản thường rất khó khăn, đôi khi là không thể, và có những lúc là có thể có hại. Là khó khăn khi khát khao là một cái gì nhiều hơn một thứ hời hợt. Là không thể khi khát khao làm một phương tiện thoả mãn một bản năng đầy sức mạnh. Và có thể có hại khi khát khao làm một phương tiện thoả mãn một bản năng đã từng từ chối những phương tiện thoả mãn khác. Điều này đặc biệt đúng khi có một cảm giác tội lỗi hay một cảm giác xấu hổ hoạt động như một sức mạnh trấn áp. Chính đó là lúc sự tự hiểu biết một cách rộng lớn và sâu sắc trở nên cần thiết để hiểu và kiểm soát những khát khao của bạn; nhưng bạn không thể xử lý thoả đáng những khát khao mạnh mẽ trừ khi bạn tự luyện tập để giải quyết những mong ước nhỏ thỉnh thoảng nảy sinh trong đời sống hàng ngày của bạn. Mặc dù một số hình thức luyện tâm của Phật giáo có thể được thực hiện tốt nhất trong môi trường yên tĩnh và hẻo lánh, các hình thức luyện tập khác có thể được đan dệt trong các mối quan tâm hàng ngày và do vậy có thể làm thành một phần không thể thiếu của những mối quan tâm này. Thực hành sự thấy biết trong sáng là một trong những hình thức loại thứ hai này, vì nó có phạm vi rộng lớn để áp dụng trong đời sống bận rộn hàng ngày. Mặc dù thuật ngữ thấy biết trong sáng là khá sáng sủa, cần thảo luận một lát xem nó có nghĩa là gì xét về sự tu tập tinh thần Phật giáo. Trong việc áp dụng thuật ngữ này lần đầu, sự thấy biết trong sángcó nghĩa là hiểu biết sáng tỏ về động cơ hay mục đích của một hành động. Nói cách khác, bất kể bạn đang làm việc gì, bạn nên hiểu một cách rõ ràng tại sao bạn làm như vậy. Thay vì có một ý tưởng mơ hồ hoặc mờ nhạt về điều mà bạn trông chờ đạt được bằng việc đó, bạn nên cố gắng có một ý tưởng rõ ràng về mục tiêu của việc bạn làm, có nghĩa là một ý tưởng rõ ràng về những khát khao thúc đẩy bạn thực hiện hành động đó. Thứ đến, khi động cơ về một hành động đã được làm rõ trong tâm trí, bạn nên có một ý tưởng cũng rõ ràng như vậy về việc hành động đó có thực sự phù hợp với mục đích của nó hay không. Giáo lý của Đức Phật chỉ ra sự cần thiết không chỉ phải có sự thấy biết trong sáng về động cơ của một hành động mà còn phải có sự thấy biết trong sáng về tính phù hợp của hành động đối với mục tiêu của nó. Thứ ba, cần hấp thụ yếu tố thấy biết trong sáng này vào mỗi hành động. Nói cách khác, toàn bộ cuộc sống của một con người, bao gồm mọi hoạt động và mọi trải nghiệm là lãnh địa của chánh niệm, và do vậy, nhờ việc mở rộng phạm vi của sự chánh niệm này vào trong mỗi hoạt động và mỗi kinh nghiệm, toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành nền tảng cho sự trau dồi tâm. Cuối cùng, có một hình thái của chánh niệm được gọi là thấy biết trong sáng về sự không si mê. Hàm ý đầy đủ của thấy biết trong sáng về sự không si mê này liên quan đến giáo lý cơ bản của Phật giáo rằng một cái tôi riêng biệt chỉ là một ảo tưởng; do vậy sự thấy biết trong sáng về sự không si mê là sự tỉnh giác sắc bén xuyên thủng sự tự lừa dối mình và thâm nhập thẳng xuyên qua sự ảo tưởng về cái tôi đến sự thực về sự tồn tại của một con người. Bây giờ chúng ta hãy trở lại loại thấy biết trong sáng đầu tiên, thấy biết trong sáng về động cơ. Khi bạn áp dụng điều này đối với toàn bộ đời sống của mình, đối với những hy vọng và khát khao của bạn, đối với tất cả những kế hoạch và nỗ lực của bạn, giả định trước là bạn có mục tiêu cơ bản nhất định trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn có thể không có một động cơ toàn diện trong cuộc sống; bạn có thể bị mắc kẹt vào dòng trôi dạt không suy nghĩ, và nếu như vậy thì việc đầu tiên cần làm là trở nên ý thức được về điều này, và nếu có thể thì xác định một cái đại loại như động cơ toàn diện. Tuy nhiên giả thiết bạn có một động cơ hay mục tiêu như vậy trong cuộc sống, một điều đáng mong muốn vì một đời sống hiệu quả là bạn suy nghĩ về những hành động của mình xét về mặt tổng thể để xem chúng có phù hợp với trọng tâm cuộc sống của bạn hay không hoặc là chúng dẫn bạn đến với tất cả các loại vấn đề phụ không mang lại lợi ích gì cả hay không. Tất nhiên, điều này không có ý nói là bạn không thể có các vấn đề phụ; các vấn đề đó là không thể tránh khỏi trong đời sống bình thường. Có nhiều điều bạn phải làm hoàn toàn trái ngược với mục tiêu trung tâm của bạn, những điều nếu để tự bạn thì bạn sẽ không bao giờ thậm chí nghĩ đến việc tiến hành chúng; nhưng vì nhu cầu kiếm sống hoặc vì trách nhiệm và nghĩa vụ đối với những người khác mà bạn phải làm những điều đó. Trong hoàn cảnh đó nếu bạn để cho nhu cầu làm những việc đó dần dần gây nên sự oán giận và bực bội, chắc chắn chúng sẽ đưa bạn đi trệch mục tiêu trọng tâm của bạn, nhưng ngược lại nếu bạn sử dụng chúng như những cơ hội để phát triển sự kiên nhẫn và khoan dung, bạn sẽ mang chúng đi theo mục tiêu trọng tâm của bạn. Do vậy, nhờ sự thấy biết trong sáng rằng mỗi kinh nghiệm đều là lãnh địa của sự chánh niệm, bạn có thể tận dụng tốt nhất những hoạt động mà nếu không có chánh niệm thì sẽ không có ích. Mặc dù có thể không dễ dàng xác định được mục tiêu tột cùng của cuộc sống, bạn vẫn có thể xác định khái quát những mục tiêu trước mắt trong những hoạt động hàng ngày của bạn. Bạn biết tại sao bạn luôn phải bắt một chuyến tàu nhất định mỗi buổi sáng đi làm; bạn biết tại sao bạn đi làm; và bạn biết tại sao bạn phải kiếm tiền. Bạn cũng biết tại sao bạn mua những thứ cần thiết cho cuộc sống, và có lẽ bạn biết tại sao bạn lại mua một vài thứ xa xỉ. Những thứ xa xỉ đó có thực sự làm cho cuộc sống của bạn thích thú hơn hay không? Vài thứ thì có mang lại thích thú; còn những thứ khác làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Có lẽ đó là những thứ xa xỉ mà bạn phải mua vì giá trị thanh thế của chúng, có thể vì các hàng xóm của bạn có chúng, hoặc vì trong giới xã hội của mình bạn được trông chờ có chúng. Nhưng những thứ xa xỉ này có thể trở thành những thứ bắt buộc phiền toái, và vì phải trả tiền mua và bảo trì, chúng sẽ tốn kém nhiều hơn là ích lợi. Đây là nơi mà sự thấy biết trong sáng về vô si xuất hiện trên bức tranh này. Bạn bị thúc đẩy bởi sự tự khẳng định mình vì nỗi khát khao thanh thế và sự tán đồng ở mức độ nào? Có lẽ sau khi đã tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này, và đã thấy chúng không đến nỗi quá hão huyền, bạn nhận thấy mình phải tiếp tục làm những điều không có giá trị cơ bản. Vì những nghĩa vụ gia đình, hoặc vì trách nhiệm với những người khác, hoặc vì việc kinh doanh bắt buộc, bạn phải tiếp tục làm những điều không tương ứng với mục tiêu cơ bản trong cuộc sống của bạn. Bạn đã áp dụng nguyên tắc thấy biết trong sángvề tính phù hợp và thấy rằng một số hành động nhất định là hoàn toàn không phù hợp với mục tiêu cuối cùng của chúng; nhưng những tình huống như vậy thường là không tránh khỏi. Nhưng ít nhất là bạn không lừa dối bản thân. Chính khi nào bạn làm những điều không cần thiết một cách thiếu chánh niệm – những hành động không tương ứng với mục tiêu trung tâm của bạn – thì bạn chìm trong dòng trôi vô định không suy nghĩ. Do vậy, điều quan trọng là thoát khỏi dòng trôi dạt vô định thiếu suy nghĩ, và chìa khoá cho sự tự do này là sự thấy biết trong sáng – sự thấy biết trong sáng về mục tiêu của mỗi hành động và tính phù hợp của nó, sự thấy biết trong sáng rằng mỗi hành động đều là lãnh địa của sự chánh niệm và sự thấy biết trong sáng về sự không si mê. Đây là sự thực hành thấy biết trong sáng trong Phật giáo, dưới rất nhiều hình thức đa dạng của nó. Bài tập thực hành Trên con đường đi tới tự hiểu biết bản thân, bạn sẽ thấy đạt được sự thấy biết trong sáng về động cơ thực của các hành động của bạn có một tầm quan trọng to lớn. Chính trong phạm vi hoạt động của động cơ mà có lẽ tâm trí con người thấy cơ hội lớn nhất để tự lừa dối mình, và hậu quả là nỗi băn khoăn cho mình là trung tâm, sự oán giận và tự khẳng định mình thường là nền tảng của những hành động mà trên bề mặt có vẻ mang động cơ cao thượng hơn và ít ích kỷ hơn. Do vậy bài tập thực hành cho bạn trong thời kỳ này bao gồm sự cố gắng liên tục để trở nên có nhận thức một cách phê phán về những động cơ cơ bản đằng sau những hoạt động hàng ngày của bạn. Một hành động đối với bạn và người khác có vẻ hào phóng, đầy thiện chí, và không mang tư lợi, khi tự xem xét có thể chứng tỏ là bị thúc đẩy bởi sự lo lắng ích kỷ, sự oán giận hoặc sự tự khẳng định mình dưới hình thức nào đó; và nhận ra động cơ đích thực là một phần cốt yếu của sự tự hiểu biết bản thân. Bài tập nỗ lực liên tục để trở nên nhận thức có phê phán về những động cơ này, như bạn có thể thấy, là thiết yếu; nhưng nỗ lực liên tục này có thể có khuynh hướng trở nên bị mất tác dụng bởi áp lực của những mối quan tâm hàng ngày. Đây chính là chỗ mà phương pháp tự thoả thuận kỷ luật tự giác sẽ chứng tỏ là hữu ích nhất. Để áp dụng nó, mỗi ngày trong thời gian một tháng, bạn sẽ nhìn lại những hoạt động chính trong ngày và xem xét có phê phán những động cơ khác nhau của mình. Khi bạn không làm được điều này, hãy tự bắt mình chịu một hình phạt nhỏ. -ooOoo- VỀ HỘI XUẤT BẢN PHẬT GIÁO Hội Xuất Bản Phật Giáo – Pali Text Society (thành lập năm 1958) xuất bản những tác phẩm đích thực về nhiều phương diện khác nhau của giáo lý Đạo Phật và ứng dụng thực tiễn giáo lý đó vào trong cuộc sống. Nhiều cuốn sách nhỏ bằng Anh ngữ, tổng quát cũng như chuyên sâu, dưới dạng tập san "Pháp Luân" (Wheel Series) bao gồm những chủ đề như: - Giáo lý Phật giáo, triết học và văn hoá thiền Phật giáo; - Các bản dịch từ kinh văn thiêng liêng của Phật giáo; - Những bài chuyên luận khác về một số khía cạnh cụ thể của đạo Phật khi so sánh với những tín ngưỡng và thái độ chung của phương Tây hoặc các khái niệm của tôn giáo phương Tây. Nếu quý độc giả quan tâm, có thể gửi thư đến chúng tôi để lấy thư mục cụ thể hơn và miễn phí: The Hon. Secretary, -ooOoo- |
Chân thành cám ơn đạo hữu Minh Nguyệt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2007).
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 10-05-2009