BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Chú
Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la
- Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh
Quyển thứ hai -ooOoo- Sau khi nhận lời, chúng tăng cử Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu làm hòa thượng, Ma-Ha-Ðề-Bà (Mahàdeva) làm A-xà-lê, truyền mười giới; đại đức Mạt-Xiển-Ðề (Majjhantika) làm A-xà-lê để truyền giới cụ-túc. Khi ấy, đủ 20 tuổi nên Ma-Hê-Ðà thọ giới cụ-túc. Ngay tại giới đàn (upasampadàsìmàmandala), vị này chứng lậu tận la-hán với ba đạt trí, đủ sáu thần thông. A-xà-lê của Tăng-Già-Mật-Ða là A-Do-Ba-La (Àyupàli), hòa tượng tên là Ðàm-Ma-Ba-La (Dhammapàli). Khi ấy vừa 18 tuổi nên Tăng-Già-Mật-Ða được xuất gia và thọ sáu pháp tại giới đàn. Vua lên ngôi được sáu năm thì hai người con xuất gia. Khi học kinh và luật tạng với thầy mình, Ma-Hê-Ðà thọ trì thông thuộc tất cả Phật pháp trong ba tạng, đứng đầu trong 1000 bạn đồng học. Vua A-Dục lên ngôi được chín năm, có Tỳ-kheo tên Ðế-Tu con ông Câu-Ða (Kontiputta Tissa) bị bệnh nặng, bưng bát đi xin thuốc và chỉ được một miếng bơ (sappi) nên bệnh càng nặng thêm và sắp chết. Khi sắp viên tịch, vị này nhắn nhủ với các Tỳ-kheo: - Sống trong ba cõi, cẩn thận chớ lười biếng. Nói xong, vị này bay lên ngồi trên hư không, tự hóa ra lửa hỏa thiêu thân mình mà vào Niết-bàn. Nghe mọi người truyền nhau việc cúng dường vị ấy, vua suy nghĩ: - Trong nước của ta mà Tỳ-kheo lại không xin thuốc được. Do đó, vua lập những kho cấp thuốc và chứa đầy dược liệu (pokkharani) ở bốn cửa thành. Khi ấy, ở bốn hướng các cửa thành thuộc nước Ba-Thát-Lỵ-Phất có 4000 nhà khách (Sabhà). Hằng ngày, các nhà ấy nhận được 5000 tiền để nộp cho vua. Vua đem 1000 dâng đại đức Ny-Cù-Ðà, 1000 chi dụng cúng dường hoa hương cho tháp tượng, 1000 cung cấp pháp đường, 1000 cúng các vị luật sư, một vạn cúng chúng tăng, một vạn dùng chi phí kho cấp thuốc ở bốn cửa thành. Bấy giờ, Phật pháp hưng thịnh, các ngoại đạo suy vi. Bị mất lợi dưỡng, họ đi khất thực khắp nơi nhưng không xin được. Vì đói khát hành hạ, họ tạm nhờ vào Phật pháp làm sa-môn nhưng vẫn giữ theo pháp cũ của mình để giáo hóa mọi người; cho đó là pháp là luật nên không hành trì theo uy nghi cử chỉ pháp luật của Phật và không đến sống ở trong chùa, nhưng đến ngày bố tát (uposatha) lại vào giữa tăng. Do đó, các Tỳ-kheo thanh tịnh không chịu sinh hoạt chung với họ. Thấy vậy, Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu suy nghĩ: - Tránh-sự đã phát sinh, không bao lâu nữa sẽ lớn mạnh, nếu ta ở trong tăng chúng thì không diệt được tránh-sự. Sau khi đem đệ tử giao cho Ma-Hê-Ðà, tôn giả Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu vào ẩn cư một mình nơi yên tịnh trong núi A-hô-hà (Ahogangàpabbata). Các Tỳ-kheo ngoại đạo muốn Phật-pháp thành nhơ bẩn nên đem sách vở của mình xen vào giáo pháp. Họ vẫn hành trì theo pháp của mình như thờ lửa, đốt nóng cả năm chi phần thân thể (keci pancàtape tappanti), hay vào nước khi trời rất lạnh, hoặc phá hoại Phật pháp. Thế nên, các Tỳ-kheo chân chính không chịu bố tát, tự-tứ và làm tăng-sự với họ. Như vậy, kéo dài đến bảy năm không thuyết giới được. Biết sự việc này, vua A-Dục sai một đại thần đến tăng-già-lam A-Dục, thưa với chúng tăng nên giáo dục nhau diệt trừ sự đấu tranh mà cùng hòa hợp thuyết giới. Nhận lệnh vua, đại thần đến chùa, đem lệnh vua thưa với chúng tăng nhưng không ai chịu hưởng ứng cả. Ðại thần đành trở về bàn với quan cận thần: Vua có sắc lệnh bảo chúng tăng phải chấm dứt sự bất hòa nhưng không ai thuận theo cả, ý bạn ra sao? Vị cận thần đáp: - Tôi thấy, khi đại vương đi chinh phục các nước, ai không thuận theo đều bị giết chết. Việc này cũng nên làm như thế. Nghe cận thần nói như vậy, sứ thần đến chùa thưa với thượng tọa: - Vua ra sắc lệnh chúng tăng phải hòa hợp thuyết giới nhưng họ không tuân theo. Thượng tọa đáp: - Các Tỳ-kheo chân chính không chịu bố tát chung với các Tỳ-kheo ngoại đạo chứ chẳng phải không tuân lệnh vua. Khi ấy, từ thượng tọa trở xuống, tuần tự bị giết chết cho đến lượt vương đệ Ðế-Tu thì ngừng lại. Thấy các Tỳ-kheo bị giết, Ðế-Tu suy nghĩ: Vị quan này vâng sắc lệnh, vì hiểu sai lời vua nên giết chúng tăng. Vị quan hỏi: - Ðế-Tu này là ai? Ðáp: - Là em ruột của vua. Khi vua A-Dục lên ngôi, lập em làm thái tử. Một hôm vào rừng du ngoạn, thấy các con nai giao hợp nhau, thái tử suy nghĩ: Các con nai này ăn cỏ uống nước lã mà còn như vậy. Huống chi các Tỳ-kheo ở trong phòng chùa, giường nệm mềm mại, ăn uống vừa miệng, sao lại không có việc ấy. Du ngoạn về, đến gặp vua, thái tử tâu: - Vừa rồi thần du ngoạn, thấy các con nai đực cái giao hợp nhau. Loài súc sinh ăn cỏ uống nước lã mà còn có việc ấy, các Tỳ-kheo tăng ở trong chùa được cúng dường đầy đủ, lẽ nào không có việc ấy. Nghe tâu như vậy, vua suy nghĩ: - Chẳng phải chỗ nghi ngờ mà lại nghi ngờ. Một hôm, thái tử Ðế-Tu vô ý xúc phạm vua, bị vua tức giận bảo: - Từ nay trẫm cho khanh lên ngôi vua trong bảy ngày, sau đó trẫm sẽ giết. Bấy giờ, bảy ngày ấy tuy đươc làm vua, ngày đêm hưởng thụ ca nhạc, ăn uống, được phục vụ đủ các cách nhưng tâm trạng thái tử Ðế-Tu không thích thú gì cả, thân thể gầy yếu, buồn khổ vô cùng. Vì sao? Vì sợ chết. Sau bảy ngày, vua hỏi Ðế-Tu: - Vì sao khanh gầy yếu như vậy, ăn uống, ca nhạc không vừa ý hay sao? Ðáp: - Bị sự chết hành hạ, tâm không thích thú gì cả. Nghe tâu như vậy, vua bảo Ðế-Tu: - Ðã biết bảy ngày nửa mới chết mà khanh còn lo sợ như vậy, huống chi các Tỳ-kheo luôn luôn lo sợ vô thường trong từng hơi thở, tâm ý nào có nhiễm trước gì. Nghe vua nói xong, Ðế-Tu phát sinh tín tâm với Phật pháp. Một hôm, thái tử Ðế-Tu du ngoạn đi săn, dần dần đến nơi vắng vẻ (aranna) thấy một Tỳ-kheo đang ngồi tên là Ðàm-Vô-Ðức (yonakamahàdhammarakkhita). Có một con voi bẻ nhánh cây, quạt cho Tỳ-kheo này. Thấy như vậy, rất hoan hỷ, thái tử mong ước: Ðến bao giờ ta mới được như Tỳ-kheo kia. Biết tâm nguyện của Ðế-Tu, Tỳ-kheo Ðàm-Vô-Ðức dùng thần lực bay lên hư không và ngồi trên không trung. Làm cho Ðế-Tu trông thấy, Tỳ-kheo hạ xuống hồ nước lớn ở chùa A-Dục (Asokàràme pokkharani) và ngồi đứng trên nước, thoát tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng (sanghàti, uttaràsanga) ném lên không trung rồi xuống nước tắm rửa. Trông thấy đại đức này có thần thông lớn như vậy, thái tử Ðế-Tu rất hoan hỷ nói: - Hôm nay, ta sẽ xuất gia. Khi trở về cung, thái tử tâu vua: - Thần muốn xuất gia, xin đại vương thương tình cho được xuất gia. Nghe Ðế-Tu xin xuất gia, nhà vua rất kinh ngạc bảo rằng: - Trong cung với gái đẹp, món ăn trăm vị thơm ngon, khoái lạc thích ý, vì sao khanh lại xuất gia? Bằng mọi cách, vua khuyên vị này từ bỏ ý định trên. Với ý chí kiên cố không thay đổi, Ðế-Tu đáp: - Gái đẹp hoan lạc trong cung chỉ là tạm thời, hội họp sẽ chia ly. Nhà vua cảm thán khen: - Lành thay! Vua sai các quan sửa sang đường sá, quét dọn sạch sẽ, dựng cờ treo phướn trang trí rực rỡ. Sau khi trang trí xong, các quan tâu vua: - Ðã trang trí hoàn tất. Sau khi thu lấy triều phục, mão thiên quan, chuỗi ngọc anh lạc của thái tử, vua bố trí hàng ngàn xe ngựa vây quanh hộ tống thái tử đến chùa. Thấy thái tử Ðế-Tu xuất gia, chúng tăng rất hoan hỷ. Có người chuẩn bị sẵn tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội (antaravàsaka), bình bát (patta) đón chờ để cho thái tử được xuất gia ngay. Khi ấy, thái tử đi đến thiền phòng (padhànaghara) gặp Tỳ-kheo Ðàm-Vô-Ðức cầu xin xuất gia. Có một ngàn đồng tử con nhà hào quí cũng xuất gia theo thái tử, Thấy thái tử xuất gia, nhân dân trong nước suy nghĩ: Thái tử tôn quí như vậy mà còn bỏ vương vị để xuất gia tu đạo, chúng ta bần cùng thì có gì mà lưu luyến. Nghĩ như vậy nên có vô số người xuất gia theo. Vua A-Dục lên ngôi được bốn năm thì thái tử xuất gia. Chồng của Tăng-Già-Mật-Ða là cháu của vua tên A-Kỳ Bà-La-Môn (Aggibrahman) đã có một con trai, nghe thái tử xuất gia, rất kinh ngạc vui mừng, đến gặp nhà vua, tâu rằng: Con cũng muốn theo thái tử xuất gia, xin đại vương cho phép. Vua khen ngợi và cho phép vị này cùng xuất gia trong một ngày với thái tử. Khi ấy, có nhiều người thuộc đẳng cấp sát-lị xuất gia theo chánh pháp nên Phật pháp hưng thịnh. Trở lại việc trước... Ðế-Tu nói: - Nên biết vị quan này hiểu sai ý vua nên giết các Tỳ-kheo. Giết chưa xong, bị Tỳ-kheo Ðế-Tu đứng ra ngăn cản nên vị quan này không thể giết được nữa. Bỏ đao qua một bên, vị quan này về tâu vua: - Thần phụng mệnh đại vương bảo các Tỳ-kheo hòa hợp thuyết giới nhưng họ không tuân theo. Căn cứ vào tội ấy, thần đã tuần tự xử trảm họ nhưng giết chưa hết thì bị Tỳ-kheo Ðế-Tu ngăn cản nên không thể giết nữa, vậy có giết Tỳ-kheo Ðế-Tu không? Nghe vị quan này tâu đã giết các Tỳ-kheo, vua rất kinh hãi đau khổ ngất ngã lăn ra đất. Sau khi được rưới nước, một lúc sau tỉnh dậy, vua bảo vị quan này: - Than ôi! Ta sai ngươi đến chùa vì muốn cho chúng tăng hòa hợp thuyết giới, sao lại tự tiện giết chết chúng tăng? Ðích thân đến chùa, vua bạch với chư tăng: - Trước đây, con có sai một vị quan đến khuyên chư tăng hòa hợp thuyết giới chứ không bảo họ giết các Tỳ-kheo. Vị quan này tự tiện giết oan chúng tăng, không biết tội lỗi của việc này thuộc về ai? Có Tỳ-kheo đáp: - Do vua nên giết vậy tội thuộc vua. Có vị nói: - Cả hai đều bị tội. Có một Tỳ-kheo hỏi vua: - Tâm vua như thế nào, có tâm giết không? Vua đáp: - Con sai họ đi với ý tạo công đức chứ không có tâm giết hại. Vị kia nói: - Nếu tâm vua như vậy thì vua không có tội mà người giết bị tội. Nghe khác nhau như vậy, vua sinh ra hồ nghi, hỏi các Tỳ-kheo: - Ai có thể trừ được sự nghi ngờ của con. Nếu người nào trừ được tâm hồ nghi này thì con sẽ xây dựng lại Phật pháp. Các Tỳ-kheo đáp: - Ngài Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu có thể diệt trừ sự nghi ngờ này để kiến lập Phật pháp. Lập tức, vua phái bốn vị pháp sư (Dhammakathika), mỗi vị có ngàn Tỳ-kheo tùy tùng cùng lên đường. Vua lại sai bốn đại thần, mỗi người đều có ngàn tùy tùng, cùng nhau đi đón rước đại đức Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu trở về. Hai phái bộ cùng nhau vào núi A-hô-hà nghênh đón Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu. Ðến nơi, họ thưa với Ðế-Tu: - Nhà vua cho gọi Ðế-Tu. Nhưng Ðế-Tu không đi. Vua lại phái tám pháp sư, mỗi vị với ngàn Tỳ-kheo tùy tùng và tám đại thần, mỗi người cũng có ngàn người tùy tùng đến gặp Ðế-Tu. Ðến nơi họ cũng nói: - Vua cho gọi Ðế-Tu. Nhưng Ðế-Tu vẫn không đi. Trông đợi lâu ngày mà hai phái đoàn trên cũng chưa về, vua sinh nghi ngờ hỏi các vị đại đức: - Thưa đại đức! Con đã sai hai phái đoàn đi nghênh đón Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu đã lâu mà sao vẫn chưa thấy về. Chúng tăng đáp: - Sợ người đi đón truyền sai ý vua, nói là vua cho gọi Ðế-Tu nên ngài không đến. Vua lại hỏi: - Nói lời thỉnh như thế nào để ngài chịu đến? Ðáp: - Nếu thưa rằng Phật pháp đã bị mai một, xin đại đức đến hạ cố đến cùng nhau dựng lại Phật pháp thì ngài sẽ đến. Nghe như vậy, vua lại sai mười sáu vị pháp sư, mỗi vị với ngàn Tỳ-kheo tùy tùng; mười sáu đại thần, mỗi vị với ngàn tùy tùng đi mời. Vua lại hỏi: - Vị pháp sư ấy già (mahallanka) hay trẻ (dahara)? Chúng tăng đáp: - Vị ấy đã già. Vua nói: - Nếu vị ấy già, nên dùng xe (sivìka) để rước. Ðáp: - Ði xe không được. Vua lại hỏi: - Vị đại đức ấy trú ở nơi nào? Ðáp: - Trong núi A-hô-hà. Vua nói: - Như vậy nên đem thuyền bè (nàvàsanghàta) đi rước. Vua ra lệnh cho sứ giả: - Ðến nơi, ngươi phải thỉnh đại đức lên ở thuyền lớn và sai người mang binh khí bảo vệ chung quanh. Khi đến núi A-hô-hà, đoàn sứ giả đem lệnh vua thưa với đại đức: - Bạch ngài! Phật pháp đã bị mai một, xin ngài hạ cố đi đến cùng nhau dựng lại Phật pháp. Nghe sứ giả thưa như vậy, đại đức ấy nói: - Tôi xuất gia chỉ vì Phật pháp, nay đã đúng lúc. Ðứng dậy thu xếp tọa cụ, Ðế-Tu suy nghĩ: Ngày mai, ta sẽ đến nước Ba-thát-ly-phất. Ðêm ấy, vua A-Dục mộng thấy sự việc như sau: Có một voi trắng đến, dùng vòi thoa lên đầu vua, kéo lấy tay vua. Sáng mai, vua gọi tướng sư (supinajjhàyaka) đến, bảo: - Ta nằm mộng thấy sự việc như vậy, là lành hay dữ? Có một tướng sư đáp: - Nắm lấy tay vua là bậc Sa-môn tôn quí (Samànanàga). Nghe tướng sư nói xong, nhà vua được báo tin phải ra ngoài nghênh đón. Vua đích thân lội xuống nước ngập đến gối. Ðại đức Ðế-Tu muốn lên bờ, vua đưa tay phải đỡ lấy. Trong lúc đại đức Ðế-Tu nắm lấy tay vua, cận thần rút kiếm muốn chém tôn giả. Vì sao? Theo vương pháp (càritta) của vua A-Dục, nếu ai nắm đầu hoặc tay của vua thì bị chặt đầu; thế nên họ rút kiếm muốn giết. Thấy có bóng kiếm trong nước, vua quay đầu lại nói: - Than ơi! Trước đây ta ra lệnh cho đại thần đến chùa khuyên chúng tăng hòa hợp thuyết giới, lại hiểu sai ý ta nên giết các Tỳ-kheo, bây giờ ngươi lại muốn giết nữa hay sao, thôi thôi! đừng gây tội cho ta nữa. Pháp sư hỏi: - Tỳ-kheo không được nắm tay kẻ bạch y, vì sao ở đây được nắm? Ðáp: - Vua đi thỉnh đến vì muốn nghe pháp, vậy vua là đệ tử của đại đức nên được nắm tay. Khi ấy, đưa đại đức đến trú xứ ở khu-vườn (Ùyyàna) có phòng vệ ba lớp, vua đích thân rửa chân và thoa dầu cho đại đức, sau đó ngồi qua một bên. Vua suy nghĩ: Vị đại đức này có thể trừ diệt nghi ngờ cho ta không, nếu trừ được nghi ngờ của ta thì trừ diệt được sự tranh chấp và sau đó xây dựng lại Phật pháp. Ta hãy thử vị đại đức này. Vua thưa: - Con muốn thấy năng lực thần thông (Pàtihàriya), xin ngài thị hiện. Ðế-Tu nói: - Vua muốn thấy những loại thần thông nào? Vua đáp: - Con muốn thấy mặt đất chấn động. Ðế-Tu hỏi: - Muốn chấn động một bên hay chấn động tất cả? Vua hỏi: - Hai hiện tượng này, cái nào khó hơn? Ðế-Tu đáp:- Ví dụ cái mâm đồng đựng đầy nước, có người lay động mâm, toàn thể nước bị lay động là khó hay chỉ lay động nữa phần nước là khó? Vua đáp: - Chỉ lay động nửa phần nước thì rất khó. Ðế-Tu đáp: - Ðúng vậy, này đại vương. Vua nói: - Con muốn thấy nước nửa động nửa không động. Ðế-Tu bảo vua: - Trong chu vi bốn do tuần giáp bốn phương, giăng dây làm ranh giới (Sìma). Phương Ðông đặt xe, phương Nam đặt ngựa, phương Tây đặt người, phương Bắc đặt mâm nước. Ðặt người, ngựa, xe tại ranh giới, một chân trong giới và một chân ngoại giới; mâm nước đặt một nửa trong giới và một nửa ở ngoài giới. Sau khi vua làm như vậy xong, Ðế-Tu nhập vào thiền thứ tư rồi xuất khỏi thiền, hướng về vua nói: - Này đại vương Thiện-Kiến hãy xem. Ðại đức Ðế-Tu dùng thần lực làm cho phần ngoài ranh giới trong bốn do tuần ở bốn phương đều chấn động mạnh nhưng bên trong ranh giới vẫn đứng yên. Phần xe, ngựa, người ở ngoài ranh giới bị chấn động, phần bên trong vẫn đứng yên; nửa phần nước bị chấn động nửa phần nước kia vẫn đứng yên. Thấy thần lực của đại đức như vậy, nhà vua rất hoan hỷ, suy nghĩ: Sự nghi ngờ trước đây của ta, từ nay được chấm dứt và ác pháp trong Phật pháp bị tiêu diệt. Nhà vua hỏi đại đức Ðế-Tu: - Trước đây con có sai một đại thần đến chùa ra lệnh cho chư tăng hòa hợp thuyết giới, nhưng đại thần này tự ý giết các Tỳ-kheo, tội này ai chịu? Ðế-Tu hỏi: Ðại vương có ý giết không? Ðáp: - Con không có ý giết. Ðế-Tu nói: Nếu không có ý giết thì vua vô tội. Nhân đó, Ðế-Tu thuyết cho vua nghe kinh Bổn-Sanh (Jàtaka Tittirajataka, Giá-cô bản-sinh kinh): Phật dạy - Này các Tỳ-kheo, phải có tâm tính toán trước rồi sau mới tạo thành nghiệp, tất cả nghiệp của hành động đều do tâm. Ðế-Tu kể lại chuyện trong kinh Bổn-Sinh: Này đại vương! Ngày xưa có mọt con chim Giá-cô bị người nhốt dưới đất, lo buồn kêu cứu. Do đó đồng loại tụ tập đến và bị người giết chết. Giá-cô hỏi đạo sĩ (tàpasa): - Con có tội không? Ðạo sĩ đáp: - Khi con kêu cứu có tâm giết hại đồng loại không? Giá-cô đáp: - Con gọi bạn bè đến nhưng không có tâm giết hại. Ðạo sĩ nói: - Nếu không có tâm giết hại thì con không có tội. Và nói bài kệ:
(Na paticcakammam phusati mano ce na ppadussati, appossukkassa bhadrassa na pàpam upalimpati) Sau khi tuần tự dùng các phương tiện làm cho vua hiểu, đại đức Ðế-Tu ở lại trong vườn bảy ngày chỉ dạy cho vua rõ đây là Luật, đây là phi luật; đây là Pháp, đây là phi pháp; đây là lời Phật dạy, đây là trái lời Phật dạy. Sau bảy ngày, vua ra lệnh dùng vách ngăn ra từng nơi, những người đồng quan điểm tập trung vào một nơi, những người khác quan điểm tập trung vào nơi khác, và cứ mỗi nơi như vậy đưa ra một Tỳ-kheo. Ðích thân vua hỏi vị ấy: - Ðại đức! Phật pháp là gì? (kimvàdi sammàsambuddho) Có Tỳ-kheo đáp là thường (Sassatavàda), có người đáp là đoạn (ucchedavàda), có người nói là phi tưởng (asànnivàda), có người nói phi tưởng phi phi tưởng (nevasanninànivàda), có người nói thế Niết-bàn (ditthadhammannibbànavàda). Nghe những Tỳ-kheo nào nói như vậy, vua biết đây không phải là Tỳ-kheo mà là ngoại đạo (annatitthiya). Sau khi biết rõ như vậy, vua cho những ngoại đạo này mặc y phục trắng của thế tục rồi đuổi ra, bắt hoàn tục. Còn lại những nơi ngăn khác có sáu vạn Tỳ-kheo. Vua lại hỏi: - Ðại đức! Phật pháp là gì? Ðáp: - Phật phân biệt thuyết giảng (Vibhajjavàda). Sau khi các Tỳ-kheo nói như vậy, vua lại hỏi đại đức Ðế-Tu: - Phật có phân biệt thuyết không? Ðáp: - Ðúng như vậy, đại vương. Biết Phật pháp đã thanh tịnh, vua bạch với các đại đức: - Xin các đại đức bố tát thuyết giới. Vua sai người bảo vệ chúng tăng rồi trở về thành. Sau khi vua ra về, chúng tăng tập hợp có sáu vạn Tỳ-kheo. Trong chúng này Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu là thượng tọa phá tan đồ chúng ngoại đạo tà kiến. Chúng tăng chọn ra một ngàn Tỳ-kheo thông ba tạng, chứng ba đạt-trí. Theo như đại đức Ca-Diếp tập hợp chúng tăng ở đại hội thứ nhất và Tu-Na-Câu (Sonaka, Samp.Yasatthera) tập hợp chúng lần thứ hai để kết tập tạng luật, tất cả Phật-pháp đều được thanh tịnh không còn cấu bẩn, kết tập pháp tạng trong lần thứ ba này được hoàn tất trong chín tháng. Khi ấy, mặt đất chấn động sáu cách. Do có một ngàn Tỳ-kheo cùng nói ra nên gọi là kết tập lần thứ ba. Pháp sư hỏi: - Trong ba lần kết tập này, ai làm luật sư trong cõi Diêm-phù-lỵ này? Tôi xin tuần tự kể tên các vị ấy: thứ nhất là Ưu-Ba-Ly, thứ hai là Ðà-Tả-Câu (Dàsakà), thứ ba là Tu-Na-Câu (Sonaka), thứ tư là Tất-Già-Bà (Siggava), thứ năm là Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu. Năm vị luật sư này tuần tự đem tạng luật truyền lại cho nhau ở cõi Diêm-phù-lỵ này cho đến khi kết tập luật tạng lần thứ ba. Sau khi kết tập lần thứ ba này, khi Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu sắp Niết-bàn đem luật tạng truyền lại cho đệ tử là Ma-Hê-Ðà con trai vua A-Dục. Ngài Ma-Hê-Ðà đem tạng luật đến nước Sư-Tử (Tích lan). Khi Ma-Hê-Ðà sắp vào Niết-bàn, trao lại cho đệ tử là A-Lật-Thát (Arittha). Từ đó về sau, cùng nhau truyền thọ đến ngày nay, nên biết như vậy. Ta sẽ kể lại danh hiệu năm vị luật sư đem luật tạng từ đất Diêm-phù-lỵ đến nước Sư-Tử. Vị thứ nhất tên Ma-Hê-Ðà, vị thứ hai tên Ðịa-Du (Itthiya), vị thứ ba tên Uất-Ðế-Du (Uttiya), vị thứ tư tên Tham-Bà-Lầu (Sambala), vị thứ năm tên Bạt-Ðà-Sa (Bhaddanàma). Năm vị pháp sư này có trí tuệ vô cùng, thần thông vô ngại, đắc ba đạt trí, cùng nhau dạy bảo đệ tử ở nước Sư-Tử. Khi Ma-Hê-Ðà sắp Niết-bàn giao phó lại cho đệ tử là A-Lật-Thát. Vị này trao lại cho đệ tử là Ðế-Tu-Ðạt-Ða (Tissadatta). Vị này truyền lại cho đệ tử là Già-La-Tu-Mạt-Na (Kàlasumana). Vị này truyền lại cho đệ tử là Ðịa-Già-Na (Dìghanàmaka). Vị này truyền lại cho Tu-Mạt-Na (Dìghasumana). Vị này truyền lại cho Già-La-Tu-Mạt-Na (Kàlasumana). Vị này truyền lại cho Ðàm-Vô-Ðức (Dhammarakkita). Vị này truyền lại cho Ðế-Tu (Tissa). Vị này truyền lại cho Ðề-Bà (Deva). Vị này truyền lại cho Tu-Mạt-Na (Sumana). Vị này truyền lại cho Chuyên-Na-Già (Cùlanàga). Vị này truyền lại cho Ðàm-Vô-Bà-Ly (Dhamma - pàlinàma). Vị này truyền lại cho Xí-Ma (Khemanàma). Vị này truyền lại cho Ưu-Ba-Ðế-Tu (Upatissa). Vị này truyền lại cho Pháp-Phả. Vị này truyền lại cho A-Bà-Da (Abhaya). Vị này truyền lại cho Ðề-Bà (Cùla-Deva). Vị này truyền lại cho Tư-Bà (Sìva). Các vị luật sư như trên với trí tuệ đệ nhất, thần thông vô ngại, đắc ba đạt-trí, chứng ái-tận La-hán. Các vị sư trưởng như vậy truyền thừa không dứt cho đến ngày nay. Pháp sư nói: - Tôi xin kể lại nhân duyên từ đầu: Khi ấy tại nước Ba-Thát-Lỵ-Phất, sau khi kết tập lần thứ ba xong, tôn giả Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu suy nghĩ: Trong tương lai, Phật pháp sẽ trường tồn ở đâu? Tôn giả dùng thần thông quán sát cõi Diêm-phù-lỵ, thấy Phật pháp sẽ hưng thịnh ở biên địa. Biết như vậy, tôn giả tập họp chúng tăng bảo các trưởng lão: - Quí vị hãy đem Phật pháp đến thiết lập ở các nơi biên địa. Các Tỳ-kheo đáp: - Lành thay! (Xin xem tiếp Phần 2.b) -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)
update: 10-02-2001