BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Chú
Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la
- Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh
Quyển
thứ nhất Phẩm Bạt-Xà-Tử: Kết tập Pháp tạng.-ooOoo- Bấy giờ, theo thời gian ngày đêm, thánh chúng tuần tự ra đi. Sau khi Thế Tôn Niết-bàn 100 năm (Vassasataparinibbute Bhagavati), trong nhóm Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử ở thành Tỳ-Xá-Ly (Vesàlikà Vajjiputtakàbhikkhù) phát sinh mười điều phi pháp ở Tỳ-Xá-Ly. Mười điều ấy là:
Mười điều phi pháp này xuất hiện tại Tỳ-Xá-Ly. Có người con của Tu-Na-Ca thuộc giòng Bạt-Xà-Tử tên là A-Tu ( Tesam Susunàgaputto Kàlàsoko nàma ràjà pakkho ahosi) làm vua và ủng hộ phe Bạt-Xà-Tử. Khi ấy, trưởng lão Da-Tu-Câu-Ca (Yasa Kàkandakaputta) là con của Ca-Càn-Ðà, đang đi dần vào vùng Bạt-Xà, nghe xuất hiện mười điều phi pháp tại thành Tỳ-Xá-Ly do nhóm Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử. Vì nghĩ rằng ta không nên ở mãi đây mà để cho pháp đức Thập-lực bị phá hoại, hãy tìm phương tiện diệt ác pháp ấy nên trưởng lão đi đến Tỳ-Xá-Ly. Khi ấy, trưởng lão Da-Tu-Câu Ca-Kiền-Ðà-Tử trú ở giảng đường Cưu-tá-già-la thuộc rừng Ðại-Lâm. Trong lúc thuyết giới, các Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử đem bát đựng đầy nước đặt giữa Tỳ-kheo tăng. Khi các Ưu-bà-tắc (upàsaka) ở Tỳ-Xá-Ly đến, những Tỳ-kheo ấy bảo họ tùy ý cúng dường tiền cho chúng tăng, nửa tiền (màsaka), hay một tiền để tăng sắm y phục... tất cả nhu cầu được nói ra. Sự việc kết tập Tỳ-ny tạng này với đúng số 700 Tỳ-kheo nên gọi là Bảy trăm Tỳ-kheo kết tập Tỳ-ny tạng. Có hai vạn Tỳ-kheo tập họp trong hội này. Trưởng lão Tỳ-kheo Da-Tư-Na đứng ra vận động tổ chức việc này. Giữa chúng Tỳ-kheo Bạt-Xà-Tử, trưởng lão Ly-Bà-Ða (Revata) hỏi và Tát-Bà-Ca (Sabbakàmin) đáp, cùng nhau đem luật tạng ra để quyết đoán mười việc phi pháp và dập tắt sự tranh chấp. Sau đó, Tát-Bà-Ca thưa: - Ðại đức, giờ đây chúng ta nên kết tập pháp và luật. Họ chọn lựa những vị Tỳ-kheo thông suốt ba tạng cho đến những vị chứng ba đạt trí. Sau khi chọn xong, tại vườn Bà-Lỵ-Ca (Vàtukàràma) ở Tỳ-Xá-Ly, khi đại chúng đã tập họp, tiến hành theo đúng như lúc Ca-Diếp kết tập pháp tạng lần đầu. Tất cả sự cấu bẩn trong Phật pháp đều bị loại trừ, y cứ vào tạng để hỏi, y cứ A-hàm để hỏi, y cứ chi tiết để hỏi, y cứ các pháp-tụ để hỏi (Pitakavasena, Nikàyavasena, Angavasena Dhammakkhandhavasena); tất cả pháp-tạng và Tỳ-ny tạng đều được kết tập hết. Như vậy, vào tháng tám, đại chúng này đã kết tập xong. Có kệ khen ngợi:
Khi ấy, Tát-Bà-Ca-My (Sabbakàmin), Tô-Mị (Sàlha), Ly-Bà-Ða, Quật-Xà-Tu-Tỳ-Ða, Da-Tu (Revata, Khujjasobhita, Yasa), Bà-Na-Tham-Phục-Ða (Sànasambhùta) đều là đệ tử của đại đức A-Nan-Ðà. Hai vị Tu-Ma-Nậu-Bà (Sumana), Ta-Già-Mi (Vàsabhagàmin) đều là đệ tử của A-Nậu-Lưu-Ðà (Anurudha), đã từng gặp đức Phật; nói kệ:
Phẩm A-Dục Vương: Kết tập Pháp-tạng.Các vị đại đức suy nghĩ rằng: Vào đời đương lai, trong pháp của Ðại-sư chúng ta có nhơ bẩn như vậy xảy ra nữa hay không và các vị ấy thấy trong đời tương lai sẽ có phi pháp nhơ bẩn nổi lên. Sau thời điểm này chừng 100 năm, vào năm thứ 18, có vua A-Dục (Àsoka) nước Ba-Tá-Lỵ-Phất (Pàtaliputta) ra đời. Vua chinh phục tất cả đất đai cõi Diêm-phù-lỵ (sakala-jambudìpa), rất tin tưởng Phật-pháp (Buddhasàsana) nên cúng dường vô số. Bấy giờ, thấy vua A-Dục tin tưởng Phật-pháp như vậy, các ngoại đạo, Phạm chí (titthiya) tham lam sự cúng dường nên chen vào Phật pháp làm sa-môn nhưng vẫn phụng sự ngoại đạo như cũ, dùng pháp ngoại đạo giáo hóa mọi người. Nhơ bẩn lớn này trong Phật pháp, do tham dục nhơn bẩn tạo thành. Khi ấy, các đại đức suy nghĩ rằng trong đời tương lai chúng ta gặp nhơ bẩn ấy không. Sau khi quán sát, biết không sống đến lúc ấy nên họ suy nghĩ: -Ai sẽ truyền bá được Phật-pháp trong tương lai? Quán sát khắp trong Dục-giới, không tìm được người nào, lại quán sát thế giới Phạm-thiên (Brahmaloka), các đại đức thấy có một vị trời ngắn tuổi thọ đã từng thiền quán pháp-tướng. Các đại đức nghĩ rằng chúng ta nên đến thỉnh vị trời này giáng hạ vào thế gian, thọ thai vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên, sau đó chúng ta sẽ giáo hóa làm cho người ấy xuất gia; sau khi xuất gia, vị ấy sẽ thông đạt tất cả Phật-pháp, chứng ba đạt trí, phá tan ngoại đạo, phán quyết các pháp tranh cãi, chỉnh đốn và hộ trì Phật-pháp. Sau khi suy nghĩ như vậy, các vị đại đức này đến gặp vị Phạm-thiên. Phạm-thiên này tên là Ðế-Tu (Tissa). Ðến gặp Ðế-Tu, các vị đại đức nói rằng đến 100 năm sau vào năm thứ 18 có cấu bẩn lớn phát sinh trong giáo pháp của Như Lai. Chúng tôi xem xét khắp thế gian trong Dục-giới không thấy có một người nào hộ trì Phật-pháp được; xem đến Phạm-thiên thấy chỉ có ông. Lành thay, người thiện, nếu ông xuống thế gian thì pháp của đức Thập-lực (Dasabalassa sàsana) sẽ được ông hộ trì. Phạm-thiên Ðế-Tu nghe các đại đức nói rằng mình sẽ trừ diệt được cấu bẩn phát sinh trong Phật-pháp nên rất vui mừng nói: - Lành thay! Xin vâng. Ðã được Phạm thiên ấy cam kết đồng ý xong, các đại đức rời khỏi cõi Phạm thiên. Khi ấy, có đại đức Hòa-Ca-Bà (Siggava), Chiên-Ðà-Bạt-Xà (Candavajji). Hai vị này bậc trì ba tạng, thông ba đạt-trí (Tipitakadhara pattapatisambhida khìnàsava), chứng ái-tận A-la-hán trong chúng thiếu niên. Nhưng hai vị này không tham dự ngăn tránh-sự (kết-tập lần hai). Các vị đại đức nói với hai trưởng lão: Hai vị không tham dự việc ngăn được tránh-sự đúng lúc nên chúng tăng y vào việc này trị phạt hai vị. Tương lai, có vị Phạm-thiên tên Ðế-Tu sẽ sinh vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên. Hai vị hãy chia nhau, một người đến đó tiếp nhận và độ cho xuất gia; một người dạy học Phật-pháp. Sau đó, các vị đại đức A-la-hán tùy theo tuổi thọ dài ngắn mà tuần tự vào Niết-bàn. Có bài kệ:
Nói về chúng tăng thứ hai này, Ma-ha Phạm-thiên Ðế-Tu (Tissa Mahàbrahman) từ Phạm thiên giới giáng hạ sinh vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên (Moggalibrahmana). Khi ấy, thấy Ðế-Tu đã thác thai vào nhà Bà-la-môn Mục-Kiền-Liên, hằng ngày Hòa-Ca-Bà đến nhà ấy khất thực cho đến bảy năm. Vì sao? Vì tạo điều kiện để hóa độ. Suốt cả bảy năm, tại nhà này, tôn giả không khất thực được thức ăn, xin nước cũng không được. Qua bảy năm, tôn giả vẫn đến khất thực, được người trong nhà nói: Ðã ăn xong rồi, xin đại đức hãy đi sang nhà khác. Hòa-Gia-Bà suy nghĩ: Ðã được họ nói đến, vậy nên trở về. Trên đường từ chỗ khác trở về nhà, gặp Hòa-Bà-Ca, Bà-la-môn kia nói: - Ối cha! Này người xuất gia, có phải vừa ra khỏi nhà tôi, có được gì không? Ðáp: - Ðược. Về đến nhà, Bà-la-môn này hỏi gia nhân: - Có cho Tỳ-kheo khất thực món gì không? Ðáp: - Không cho gì cả. Nói: - Tỳ-kheo nói dối, nếu ngày mai ông ấy đến đây, ta sẽ hỏi cho rõ. Sáng hôm sau, Bà-la-môn ngồi chờ trước cửa. Khi đại đức Hòa-Ca-Bà đến, Bà-la-môn hỏi: - Này đại đức! Hôm qua ông nói có nhận được nhưng chắc chắn không có gì; vì sao nói dối, pháp Tỳ-kheo có được nói dối không? Ðại đức Hòa-Ca-Bà đáp: - Tôi đến nhà ông đã bảy năm nhưng không được gì cả, hôm qua được nghe gia nhân nói bảo tôi đi sang nhà khác; thế nên nói có được. Bà-la-môn thầm nghĩ: - Tỳ-kheo này chỉ được lời nói mà nói có được. Lành thay! Chính là người biết đủ. Nếu được ăn uống, tất người ấy rất hoan hỷ. Bà-la-môn liền vào trong, lấy phần thức ăn của mình dâng cúng cho Hòa-Ca-Bà và thưa rằng từ nay về sau, xin ngài đến đây nhận thức ăn. Do đó, hằng ngày Hòa-Ca-Bà đến nhận thức ăn. Thấy Hòa-Ca-Bà đầy đủ uy nghi nên Bà-la-môn sinh tâm ý hoan hỷ. Khi đã có tâm hoan hỷ, ông ta lại thỉnh: - Ðại đức! Từ nay về sau đừng đến khất thực nhà khác nữa, mà đến thọ thực ở đây luôn. Hòa-Ca-Bà im lặng nhận lời. Hằng ngày, sau khi thọ thực, tôn giả giảng dạy Phật pháp rồi ra về. Bấy giờ, con trai người Bà-la-môn vừa được 16 tuổi, đã học xong ba sách Vi-đà theo pháp Bà-la-môn (Tinnam vedànam pàragu ahosi). Thiếu niên Bà-la-môn này vừa từ Phạm-thiên giáng hạ nên còn ưa thích sự tịnh khiết, chọn trước ghế dài riêng cho mình không cho người khác dùng chung. Khi sắp đến gặp thầy học, chọn ghế dài riêng cho mình, lau chùi sạch sẽ, treo lên giữa nhà rồi mới ra đi. Sau đó, đại đức Hòa-Ca-Bà đến nhà, suy nghĩ: Ðã đến lúc rồi, ta tới lui ở đây nhiều năm nhưng chưa nói chuyện với thiếu niên Bà-la-môn này, nên dùng cách gì để hóa độ nó đây. Tôn giả dùng thần lực che mất không thấy được ghế dài trong nhà, chỉ thấy ghế dài (pallanka) của thiếu niên Bà-la-môn. Thấy tôn giả Hòa-Ca-Bà đến, Bà-la-môn tìm ghế ngồi khắp nơi nhưng không có, chỉ thấy ghế của con mình nên lấy đưa cho tôn giả ngồi. Trở về nhà, thấy Hòa-Ca-Bà ngồi trên ghế dài của mình đã chọn nên thiếu niên Bà-la-môn rất tức giận. Anh ta hỏi gia nhân: Ai đem ghế dài ta đã chọn cho sa-môn ngồi vậy. Khi Hòa-Ca-Bà thọ thực xong, thiếu niên Bà-la-môn đã bớt tức giận. Ðại đức nói với thiếu niên này: - Này con! Con biết được gì? Ðáp: - Thưa Sa-môn, con chẳng biết được gì? Hỏi: - Vậy ai biết? Thiếu niên Bà-la-môn hỏi Hòa-Ca-Bà: - Sa-môn biết pháp Vi-đà không? Hỏi như vậy vì cho là Sa-môn này đều biết hết. Ðại đức Hòa-Ca-Bà thông suốt cả ba sách Vi-đà, Càn-thư (Nighandu) (Hán dịch là sách vạn vật), Khai-thư (ketubha), Y- để-ha-tả (Itihàsa, Akkharappabheda), phân biệt được tất cả văn tự. Thiếu niên Bà-la-môn này có những pháp còn nghi ngờ chưa thông hiểu được. Vì sao? Do thầy cậu ta không hiểu rõ. Thiếu niên Bà-la-môn này hỏi Hòa-Ca-Bà từng vấn đề nan giải và được giải đáp tận cùng. Hòa-Ca-Bà nói với thiếu niên Bà-la-môn: - Con đã hỏi nhiều rồi, đến lượt ta hỏi một việc; con hãy trả lời. Thiếu niên Bà-la-môn nói: - Lành thay! Thưa Sa-môn, con sẽ phân biệt mà trả lời. Hòa-Ca-Bà đem trong hai tâm (cittayamaka) ra hỏi: - Tâm của người nào đã phát sinh thì không diệt, tâm của người nào bị diệt thì không sinh, tâm của người nào khi diệt thì diệt, tâm người nào khi sinh thì sinh (Yassa cittam uppajjati na nirujjati, tassa cittam nirujjhissati n'uppajjissati, yassa và pana cittam nirujjhissati n'uppajjissati, tassa cittam uppajjati na nirujjhati). Khi ấy, hết ngó lên trời rồi lại cúi nhìn xuống đất, không biết tại sao cả nên thiếu niên Bà-la-môn hỏi lại Sa-môn: - Thưa Sa-môn, đây là nghĩa gì? Ðáp: - Ðây là Vi-đà của Phật. (Buddhamanta) Thiếu niên Bà-la-môn thưa: - Ðại đức dạy cho con được không? Ðáp: - Ðược. Hỏi: - Làm sao được học? Ðáp: - Nếu con xuất gia thì sau đó được học. Bấy giờ, rất vui mừng, đến gặp cha, thiếu niên Bà-la-môn ấy thưa rằng: - Sa-môn này biết Vi-đà của Phật, con muốn đến học; nhưng với hình thức áo trắng thế tục thì Sa-môn không dạy, bảo con xuất gia sau đó mới được học. Sau khi suy nghĩ, cha nói: - Lành thay! Nếu con xuất gia, học Vi-đà xong hãy mau về nhà. Thanh niên Bà-la-môn suy nghĩ: - Ta đến học Vi-đà với Sa-môn này, sau khi học xong sẽ trở về. Khi sắp lên đường, cha mẹ răn dạy: - Con phải cố gắng học tập, cho phép con lên đường. Ðáp: - Con không dám phiền cha mẹ răn dạy. Khi ấy, con người Bà-la-môn đến gặp Hòa-Ca-Bà và được tôn giả độ cho làm sa di, rồi đem 32 pháp thiền định (về thân thể) dạy cho vị này tư duy. Trong thời gian ngắn, vị này đắc Tu-đà-hoàn đạo. Hòa-Ca-Bà suy nghĩ: Thanh niên này đã đắc đạo tích, không còn thích về nhà. Như hạt giống đã rang cháy không còn mọc nữa, sa di này cũng như vậy. Tôn giả lại nói: - Nếu ta cho học pháp thiền định sâu xa thì người này sẽ chứng quả A-la-hán và thích sống an tịnh, không còn chịu học Phật-pháp nữa. Từ nay, ta nên đưa vị này đến gặp Chiên-Ðà-Bạt-Xà (Candavajjitthe rassasantika) để học Phật-pháp và thực hiện được ý định của ta. Hòa-Ca-Bà nói: - Lành thay! Sa di đến đây (ehi tvam sàmanera), con có thể đến gặp đại đức Chiên-Ðà-Bạt-Xà để học Phật-pháp không? Ðến nơi, con thưa với vị ấy rằng: Ðại đức, thầy con sai đến đây để học tập Phật pháp. Ðược Sa di này thưa, Chiên-Ðà-Bạt-Xà đáp: - Lành thay sa di, ngày mai sẽ học. Sau đó, Ðế-Tu được học tất cả Phật-pháp chỉ trừ luật tạng. Sau khi học tập, Ðế-Tu được thọ giới cụ túc và chưa đầy một năm đã thông suốt Luật tạng. Khi đã hiểu biết hết ba tạng, Ðế-Tu được hòa thượng và A-xà-lê (Àcariyupajjhàya) đem hết Phật pháp giao phó cho rồi tùy theo tuổi thọ mà họ vào Niết-bàn. Khi ấy, Ðế-tu chuyên tu thiền định, chứng quả La-hán, đem Phật pháp giáo hóa mọi người. Bấy giờ, vua Tân-Ðầu-Sa-La (Bindusara) có cả trăm (101) người con. Sau khi vua Tân-Ðầu-Sa-La qua đời, trong bốn năm vua A-Dục giết hết các anh em khác, chỉ còn để lại một người em cùng mẹ (ekamàtikam tissakumaram thapsantika). Qua bốn năm, vua A-Dục mới tự xưng vương. Từ khi Phật vào Niết-bàn đến nay là 218 năm (Tathàgatassa parinibbànato dvinnam vassasatànam upari atthàrasame 218 vasse sakala-jambudipe-ekarajjabhisekam pàpuni). Sau đó, vua A-Dục thống lĩnh hết cả cõi Diêm-phù-lỵ. Tất cả vua khác đều phục tùng. Uy thần của vua bao trùm cả hư không đến mặt đất trong một do-tuần. Hằng ngày, các quỉ thần ở ao A-nậu-đạt (anotattadaha) đem đến tám gánh có 16 chum nước để dâng cho vua. Khi ấy đã tin tưởng Phật pháp nên vua A-Dục đem tám chum nước dâng Tỳ-kheo tăng; hai chum dâng đến vị thông ba tạng; hai chum tặng cho phu nhân của vua, và xử dụng bốn chum. Hằng ngày, quỉ thần ở núi Tuyết dâng cây đánh răng mềm mại thơm đẹp (dantakattha) tên la-đa (nàgalatà) dâng cho vua. Vua đem cây chà răng này ban phu nhân và thể nữ trong cung một vạn sáu ngàn người, sáu vạn Tỳ-kheo trong chùa, dùng hằng ngày đầy đủ. Lại có quỷ thần ở núi Tuyết dâng trái thuốc tên A-ma-lặc, Ha-la-lặc (agadàmalaka, agadaharitaka). Loại trái này màu vàng kim, hương vị hiếm có. Lại có quỷ thần dâng trái Am-la chín (ambapakka). Hằng ngày, lại có quỷ thần dâng năm loại y phục màu hoàng kim và khăn tay (hatthapunchanapattaka), dâng nước mật hiền thánh, dâng hương thoa, hoa xà-đề. Vua rồng dưới biển dâng thuốc trị mắt danh tiếng (anjana). Tại bờ ao A-nậu-đạt có lúa thơm tự nhiên được chuột bóc sạch vỏ, lấy ra hạt gạo sạch. Hằng ngày, chim anh vũ mang 90 gánh gạo này đến dâng vua. Ong mật làm tổ trong cung của vua, dâng mật cung cấp cho vua. Bay đến chỗ vua ở, chim Ca-lăng-tần-già (karavikasakuna) ca hót những âm thanh hòa nhã làm vui lòng vua. Nhà vua có những uy thần như vậy. Một hôm, vua làm xích khóa bằng vàng, sai người đưa vua rồng biển về. Vua rồng biển này sống lâu một kiếp nên đã từng thấy bốn đức Phật thời quá khứ. Khi vua rồng đến nơi, vua mời ngồi vào tòa sư tử và che lọng trắng ở trên, đem các loại hương hoa cúng dường. Vua A-Dục cổi chuỗi ngọc đang mang, đeo cho vua rồng biển, đem một vạn sáu ngàn kỹ nữ vây quanh cúng dường và nói với vua rồng: - Nghe đức Như Lai có tướng tốt đặc biệt, ta muốn nhìn thấy, long vương hãy hiện ra cho. Nghe lệnh vua, bằng thần lực của mình, vua rồng biển biến thân mình ra hình tướng Như Lai (Sammàsambuddhassa rùpa) trang nghiêm bằng các công đức vi diệu với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như hoa sen, hoa Uất-ba-la nở xinh đẹp trên mặt nước, trang hoàng với những ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng chiếu xa một tầm như các ngôi sao trên không trung, như cầu vồng, như điện quang xoay tròn tỏa ra, như núi vàng rực rỡ bằng ánh sáng các loại châu báu chung quanh; tất cả mọi người nhìn không chán; các phạm, thiên, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà... chăm chú chiêm ngưỡng trong suốt bảy ngày đêm. Nhìn thấy thân tướng Như Lai, vua A-Dục rất hoan hỷ. Trong suốt ba năm từ khi lên ngôi, chỉ biết phụng sự ngoại đạo (bàhirakapàsanda), đến năm thứ tư nhà vua mới có tín tâm với Phật pháp. Nhà vua phụng sự ngoại đạo vì khi tại vị phụ vương của vua là Tân-Ðầu-Sa-La tin tưởng ngoại đạo, cúng dường cho sáu vạn Bà-la-môn hằng ngày. Vua và phu nhân, trong cung đều phụng thờ ngoại đạo vì thừa hành theo tín ngưỡng của cha. Một hôm, vua A-Dục tổ chức cúng dường các Bà-la-môn. Ngồi trên điện, vua nhìn thấy các Bà-la-môn nhìn ngó hai bên không có phép tắc gì cả. Thấy như vậy, vua suy nghĩ: Ta sẽ tuyển chọn, chắc chắn có những vị đủ phép tắc và sẽ cúng dường các vị ấy. Sau khi suy nghĩ, vua bảo các đại thần: - Này các khanh, ai có phụng sự các Sa-môn, Bà-la-môn thì mời họ vào cung ta sẽ cúng dường. Các quan đáp: - Lành thay. Sau khi trở về, các quan mời những vì Ny-kiền-đà (nighantha), ngoại đạo... mà họ phụng sự vào cung vua. Ðến nơi, các quan tâu: - Ðây là các vị la-hán của chúng tôi. Khi ấy, vua A-Dục bố trí những chỗ ngồi cao thấp đẹp xấu không giống nhau và bảo các ngoại đạo tùy theo khả năng của mình mà ngồi vào chỗ. Nghe vua nói như vậy, các ngoại đạo ngồi theo sở thích mình. Có người ngồi trên ghế dài, hoặc ngồi trên tấm ván. Thấy như vậy, vua suy nghĩ: Những ngoại đạo này nhất định không có pháp tắc. Nghĩ như vậy, vua nói: - Ngoại đạo như vầy thật không đáng cúng dường. Do đó, sau bữa ăn, vua ra lệnh họ ra về ngay. Một hôm, ở bên cửa sổ (sìhapanjara) trên cung điện, thấy một sa-di tên là Nê-Cù- Ðà (Nigrodha) đang đi ngang trước điện với dáng đi uy nghi vững vàng (Iriyàpathàsampanna). Vua hỏi: - Ðấy là Sa-di nào vậy? Cận thần đáp: - Sa-di Nê-Cù-Ðà, là con của Tu-Ma-Na con trưởng của tiên vương (Bindusàraranno jetthaputtassa Sumanaràjakumàrassa putto). Pháp-sư (Buddhaghosa) nói: Sau đây, tuần tự ta sẽ kể lại nhân duyên ấy. Sau khi vua Tần-Ðâu-Sa-La bị bệnh qua đời, từ nước Uất-chi (ujjenirajja) là nơi được phong, vua A-Dục trở về nước của cha và giết ngay thái tử Tu-Ma-Na và tự giữ lấy việc nước. Sau khi giết thái tử Tu-Ma-Na, vua A-Dục kiểm soát hết trong cung. Vợ của Tu-Ma-Na đã có thai được mười tháng, thay đổi y phục đi trốn, đến thôn Chiên-đà-la (candàlagàma) gần thành. Gần thôn, có cây đại thụ tên Nê-Cù-Ðà. Có một vị trời làm thọ thần ở đây. Thấy vợ của Tu-Ma-Na, thọ thần nói: - Hãy đến đây. Nghe thần cây gọi, bà này liền đến nơi. Dùng thần lực của mình, thọ thần hóa ra một cái nhà và bảo bà ấy: - Bà hãy ở trong nhà này. Nghe bảo như vậy, bà ấy vào nhà và ngay đêm ấy sinh được một bé trai nên người mẹ đặt tên là Nê-Cù-Ðà. Vì vậy, chủ thôn Chiên-đà-la cung kính cung cấp không khác gì nô tỳ thấy người chủ. Khi ấy, vương phi này đã sống trong ngôi nhà của thọ thần đến bảy năm và Nê-Cù-Ðà lên bảy tuổi. Khi ấy, có vị Tỳ-khưu A-la-hán tên là Bà-Lưu-Na (Mahàvaruna) dùng thần thông quán sát Nê-Cù-Ðà, thấy có nhân duyên được hóa độ, nên suy nghĩ: Ðã đến lúc rồi, sẽ độ cho cậu bé ấy làm sa-di. Tôn giả đến gặp Vương phi xin độ Nê-Cù-Ðà làm sa-di. Sau khi được vương phi chấp nhận, tôn giả thế độ cho Nê-Cù-Ðà làm sa-di. Khi tóc chưa rơi hết xuống đất, sa-di này đã chứng A-la-hán (khuragge yeva arahattam pàpuni). Một hôm, sau khi dọn dẹp, sa-di này mặc y phục đàng hoàng đến gặp thầy mình để cúng dường rồi cầm y bát (Pattacìvaram àdàya) đi đến chỗ người mẹ, vào thành bằng cửa Nam, đi ngang trước cung điện và định ra cửa phía Ðông. Khi ấy, đang kinh hành qua lại về hướng Ðông trên điện, thấy sa-di Nê-Cù-Ðà với uy nghi đỉnh đạc đang đi nhìn dưới đất cách bảy tấc nên tâm nhà vua trở nên thanh tịnh...sự việc này như nói ở trước; sẽ nói tiếp theo. Bấy giờ, vua A-Dục suy nghĩ: Vị sa-di này uy nghi cử chỉ đàng hoàng từ tốn, tất có pháp lợi của bậc thánh (lokuttaradhamma). Sau khi gặp sa-di này, nhà vua rất hoan hỷ tin tưởng, phát sinh tâm từ bi. Vì sao? Trong đời quá khứ, sa-di này là anh vua A-Dục, đã cùng nhau làm các công đức. Có bài kệ: Do nhân duyên đời trước, Nên đời này hoan hỷ, Như hoa Uất-la-bát (uppala) Nở tươi tốt trong nước. Khi tâm từ bi đã phát sinh, vua A-Dục không kềm lòng được, vội vàng sai ba đại thần đi gọi sa-di ấy. Các đại thần đi đã lâu nhưng không thấy trở về. Vua lại sai ba đại thần khác đến bảo sa-di: - Sa-di ơi! Hãy đến mau. Khi ấy, với uy nghi nghiêm trang, sa-di này từ tốn đi đến. Thấy sa di đến, vua bảo hãy tự xem xét mà chọn chỗ ngồi tùy ý. Quan sát khắp mọi người, biết rõ không có Tỳ-kheo, sa di định ngồi vào tòa cao có che lọng trắng nên ra dấu để vua nhận bát. Thấy sa di ra dấu, vua thầm nghĩ: sa di này chắc là gia chủ. Sau khi đưa bát cho vua, sa di ngồi vào tòa của vua. Nhà vua lấy thức ăn của mình dâng cho sa di. Sa di chỉ nhận thức ăn vừa đủ no. Sau khi sa di thọ trai xong, vua hỏi: - Này sa di! Thầy có biết hết lời dạy của thầy không? Ðáp: - Tôi biết một phần nhỏ. Vua nói: - Lành thay, xin nói cho tôi nghe. Ðáp: - Lành thay, đại vương, tôi sẽ nói. Sau khi suy nghĩ: theo khả năng tiếp thu của vua mà ta nói pháp cú để chú nguyện (Dhammapada); sa di nói nữa bài kệ:
Nghe xong, vua nói với sa di: - Tôi đã nghe rồi, xin nói tiếp cho hết. Sau khi sa di chú nguyện, vua thưa: - Hằng ngày xin cúng dường tám phần ăn. Sa di đáp: - Lành thay, tôi xin dâng lại cho thầy (upajjàya) Vua hỏi: - Thầy của sa di là ai? Ðáp: - Vị không gây tội, thấy tội thì quở trách đó là thầy tôi. Vua nói: - Xin dâng thêm tám phần nữa. Sa di đáp: - Lành thay! Xin dâng lại cho A-xà-lê (Acariya). Vua hỏi: - A-xà-lê là ai? Ðáp: - Vị giáo dục cho biết chánh pháp là A-xà-lê của tôi. Vua nói: - Lành thay! Tôi dâng thêm tám phần nữa. Sa di nói: - Tám phần này xin dâng đến Tỳ-kheo tăng. Vua hỏi: - Tỳ-kheo tăng là ai? Sa di đáp: - Là nơi mà thầy tôi, A-xà-lê của tôi, và tôi y chỉ vào đó để đắc giới cụ túc. Nghe nói, vua càng hoan hỷ, nói với sa di: - Nếu như vậy, tôi xin dâng thêm tám phần nữa. Sa di đáp: - Lành thay! Xin nhận. Sau khi nhận lời, hôm sau sa di đưa 32 vị đến cung vua. Thọ thực xong, vua hỏi sa di: Còn có Tỳ-kheo khác không? Ðáp: - Còn có. Vua nói: - Nếu có, xin đưa thêm 32 vị đến nữa. Cứ như vậy, lần tuần tự tăng dần đến sáu vạn vị. Bấy giờ, sáu vạn đồ chúng ngoại đạo bị mất phần cúng dường. Ðại đức Nê-Hòa-Ðà dạy bảo vua và phu nhân trong cung cùng các quan đều thọ ba qui y và năm giới cấm. Tín tâm của vua và mọi người tăng gấp bội không có thối lui. Vì chúng tăng, vua xây dựng chùa lớn để làm trú xứ cho tăng, hằng ngày cúng dường sáu vạn vị. Vua ra lệnh tám vạn bốn ngàn quốc vương do vua thống lĩnh xây dựng tám vạn bốn ngàn chùa lớn, tám vạn bốn ngàn tháp tại các nước. Ðược vua ra lệnh như vậy, các nước đều hoan hỷ thực hiện. Một hôm, vua tổ chức hội đại bố thí (mahàdàna) ở Tăng-già-lam A-Dục (Asokàràma). Sau khi bố thí, ngồi giữa sáu vạn Tỳ-kheo tăng, vua thưa: Bốn vật cúng dường (catùhi paccayehi pavàretvà) là thuốc men, thức ăn, y phục, ngọa cụ, trẫm xin dâng cho tăng theo yêu cầu. Sau khi thưa như vậy, vua hỏi: - Các đại đức! Pháp của Phật gồm bao nhiêu loại? Tỳ-kheo đáp: - Có chín phần pháp, chia thành tám vạn bốn ngàn pháp-tụ. Nghe như vậy, với tâm chí thành về pháp, vua thầm nghĩ: Ta nên xây tám vạn bốn ngàn ngôi chùa để cúng dường tám vạn bốn ngàn pháp-tụ. Ngay hôm ấy, vua bỏ ra chín mươi sáu ức ngân tiền, và gọi đại thần đến, bảo rằng: - Hãy sai sứ giả đến bảo tám vạn bốn ngàn nước của ta thống lĩnh, cứ một nước xây dựng một ngôi chùa. Chính nhà vua tự xây dựng chùa A-Dục. Biết vua muốn xây dựng thành chùa lớn, chúng tăng liền sai một Tỳ-kheo tên Nhân-Ðà-Quật-Ða (Indagutta) là bậc lậu tận A-la-hán có đại thần lực làm tổng tri sự việc trong chùa. Thấy trong chùa có chỗ nào khiếm khuyết, Nhân-Ðà-Quật-Ða dùng thần lực của mình để sửa chữa cho hoàn hảo. Bằng tiền của vua dâng và thần lực của La-hán, sau ba năm ngôi chùa hoàn thành. Sau khi chùa ở các nước hoàn thành, họ đến tâu vua. Cùng đến trong một ngày, họ gặp tể tướng, thưa: - Chùa đã xây xong. Tể tướng vào tâu vua: - Tám vạn bốn ngàn ngôi chùa của tám vạn bốn ngàn nước đã xây xong. Sau khi khen ngợi lành thay, vua sai một đại thần đánh trống tuyên bố chùa tháp đã hoàn tất, bảy ngày sau sẽ có hội bố thí cúng dường to lớn, tất cả nhân dân trong ngoài trong nước đều thọ tám giới (attha sìlangàni) để thân tâm thanh tịnh, sau bảy ngày mọi người trang sức đàng hoàng đến nhận lệnh vua. Như chư thiên vây quanh Thiên-đế-thích, quốc độ của vua A-Dục cũng được trang nghiêm như vậy. Nhân dân đi dự hội không chán, cùng nhau vào chùa chiêm ngưỡng. Khi ấy, chúng tăng tậïp họp có tám ức Tỳ-kheo tăng, chín mươi sáu vạn Tỳ-kheo ny. Trong chúng này, có một vạn La-hán. Các vị Tỳ-kheo tăng suy nghĩ: Ta nên dùng thần lực làm cho vua thấy được công đức mà mình đã tạo, được thấy như vậy rồi thì sau đó làm cho Phật pháp cực kỳ thịnh hành. Dùng năng lực thần thông, các Tỳ-kheo làm cho trong một lúc vua thấy được tất cả các chùa tháp, tất cả những công đức do sự bố thí sự cúng dường của vua trong tất cả vùng đất ngang dọc bốn phương đến tận bờ biển của vua thống lĩnh ở cõi Diêm-phù-lỵ. Ðược thấy như vậy rồi, vua rất hoan hỷ, bạch với chúng tăng: - Hiện nay, con làm việc đại bố thí cúng dường Như Lai, trong lòng hoan hỷ như vậy, có ai làm bằng con không? Khi ấy, trong tăng cử Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu đáp lời cho vua. Ðế-Tu trả lời: - Khi Phật còn tại thế, mọi người cúng dường không bằng vua, không ai có thể hơn vua được. Nghe Ðế-Tu nói, vua hoan hỷ vô cùng, suy nghĩ: Làm việc bố thí lớn trong Phật pháp không ai bằng ta, ta nên thọ trì Phật pháp như con yêu mến cha, thì không còn gì nghi ngờ nữa. Khi ấy, vua hỏi Tỳ-kheo tăng: - Ðối với Phật pháp, trẫm đã vào được chưa? Nghe vua hỏi, thấy bên cạnh vua có vương tử tên Ma-Hê-Ðà (Mahinda) đã đầy đủ nhân duyên, nên Ðế-Tu suy nghĩ: Nếu vương tử này được xuất gia thì Phật pháp hưng thịnh vô cùng. Sau khi suy nghĩ, Ðế-Tu thưa với vua: - Ðại vương, công đức như thế này vẫn chưa vào Phật pháp được. Như có người đem bảy loại quý báu chồng chất từ mặt đất lên tận cõi Phạm-thiên ra bố thí, nhưng vẫn chưa được vào trong Phật pháp, huống chi sự bố thí như vua mà mong được vào. Vua hỏi: - Làm sao được vào pháp phần? Ðáp: - Người nghèo hay giàu cho con ruột của mình xuất gia thì được vào Phật pháp. Nghe nói như vậy, vua suy nghĩ: Ta bố thí như vậy mà cũng chưa được vào Phật pháp vậy ta nên tìm cách để được vào. Nhìn sang hai bên, thấy Ma-Hê-Ðà, vua suy nghĩ: Em ta là Ðế-Tu đã tự xuất gia nên phải lập Ma-Hê-Ðà làm thái tử, nhưng đưa lên làm thái tử là tốt hay cho xuất gia là tốt. Vua bảo Ma-Hê-Ðà: - Con có thích xuất gia không? Thấy chú mình là Ðế-Tu đã xuất gia, Ma-Hê-Ðà đã có ý muốn xuất gia, nghe vua hỏi như vậy, rất vui mừng thưa: - Thật con muốn xuất gia. Nếu con xuất gia, đại vương được pháp phần trong Phật pháp. Khi ấy, có vương nữ tên Tăng-Già-Mật-Ða (Sanghamittà) mà trước đây chồng đã xuất gia theo Ðế-Tu, đang đứng cạnh anh mình. Vua hỏi Tăng-Già-Mật-Ða: - Con thích xuất gia không? Ðáp: - Thật muốn. Vua nói: - Nếu con xuất gia thì tốt lắm. Biết tâm ý của họ, vua rất hoan hỷ hướng về Tỳ-kheo thưa: - Ðại đức, xin chúng tăng độ hai con của tôi để tôi được vào Phật pháp. Luật Thiện kiến Tỳ-bà-sa - Quyển thứ nhất - -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)
update: 10-02-2001