BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


Lý thuyết & Thực tế

Bình Anson

NXB Tôn Giáo
TL. 2008 - PL. 2551
 

Lưu ý:  Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  

II


-6-

Trưởng lão ni Sanghamitta:
Vị Ni trưởng đầu tiên tại Sri Lanka

Lorna Dewaraja

Hằng năm, vào ngày Rằm tháng Mười Một âm lịch, Phật tử khắp nơi trong đảo quốc Sri Lanka hành lễ tưởng niệm Trưởng lão ni Sanghamitta, là vị nữ tu sĩ cùng với anh trai của bà là ngài Trưởng lão Mahinda đã mang Phật giáo truyền vào đảo quốc hơn 2300 năm trước, trong triều đại vua Davanampiya Tissa. Một điều quan trọng đáng ghi nhận là khi Ngài Mahinda hoằng pháp tại vùng Anuradhapura, đa số cư sĩ lắng tâm chuyên chú thính pháp là phụ nữ, trong hàng hoàng gia lẫn hàng thường dân. Sự kiện đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, số nữ cư sĩ tham gia vào các cuộc lễ Phật giáo bao giờ cũng đông hơn số nam cư sĩ.

Sau khi nghe Ngài Trưởng lão Mahinda thuyết giảng, Hoàng hậu Anuladevi, vợ của Phó vương Mahanaga, phát tâm tín thành nơi lời dạy của Đức Phật, và ngỏ ý muốn xuất gia để trở thành một vị Tỳ khưu ni. Khi được biết ý định nầy, Ngài Mahinda nói với vua rằng theo đúng giới luật tu sĩ, Ngài không thể truyền giới cho phụ nữ. Ngài đề nghị nhà vua gửi văn thư đến vua Asoka (A-dục) của xứ Maurya, Ấn Độ, yêu cầu vua Asoka gửi con gái của vua là Trưởng lão ni Sanghamitta sang đảo quốc, và đem theo một nhánh của cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật đã thành đạo.

Lúc bấy giờ, bang giao giữa hai triều đình rất tốt đẹp, nên vua Devanampiya Tissa không ngần ngại gửi một vị quan là ngài Arittha đến thành phố Pataliputra (bây giờ là Patna) của xứ Ấn Độ, để gặp vua Asoka, chuyển đạt lời thỉnh cầu ấy.

Lúc đầu, vua Asoka ngần ngại, không muốn gửi con gái mình ra đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng vì Trưởng lão ni Sanghamitta cương quyết yêu cầu nhà vua cho phép bà xuất dương đi hoằng đạo, nên sau cùng, vua Asoka đồng ý cho phép. Một đoàn mười một vị Tỳ khưu ni cùng lên thuyền đi với bà Sanghamitta, vượt biển sang đảo quốc, mang theo nhánh cây bồ đề, với sự hướng dẫn của quan Arittha. Đây là một việc làm dũng cảm của bà Sanghamitta, vì vào thời đó, khi người ta vẫn còn có thành kiến xem thường phụ nữ, bà Sanghamitta đã có đủ nghị lực và can đảm để thực hiện cuộc hành trình vượt biển đầy nguy hiểm, mà không có người trong hoàng tộc cùng đi để bảo vệ bà.

Tại cảng Jambukolapattana (nay là cảng Pedro, bán đảo Jaffna), vua của đảo quốc cùng với Trưởng lão Mahinda và rất đông các tín đồ Phật tử đã ra nghênh đón Trưởng lão ni cùng với Ni chúng từ Ấn Độ sang, mang theo nhánh cây bồ đề. Nhà vua đã tổ chức buổi lễ tiếp rước rất long trọng, và rất đông dân chúng đã tham gia cùng với phái đoàn truyền giáo đưa nhánh cây nầy về kinh đô Anuradhapura, cuộc hành trình kéo dài 14 ngày bằng đường bộ. Nhánh cây nầy được trồng trong vườn Mahamegha tại một nơi tôn nghiêm. Từ ngày ấy cho đến nay, trong suốt 23 thế kỷ qua, vua chúa và dân chúng đảo quốc Sri Lanka tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và tôn quý cây bồ đề này, như là một bảo vật quốc gia. Cổ thụ bồ đề ngày nay được xem như là một trong những cổ thụ lâu năm nhất trên thế giới.

Trưởng lão ni Sanghamitta đã thực hiện một công tác quan trọng nhất tại đảo quốc là truyền giới và hướng dẫn tu tập cho Hoàng hậu Anuladevi và các thị nữ sau khi các vị nầy xuất gia với Bà. Từ đó, Ni đoàn Sri Lanka được thành lập và kéo dài khoảng 1000 năm. Theo các nguồn sử liệu Trung quốc, vào năm 429 CN, Ni đoàn nầy đã gửi 9 vị Tỳ khưu ni do Ni sư Deva Sara lãnh đạo, vượt đại dương, đi thuyền đến Trung quốc để truyền giới cho 300 vị tu nữ tại Nam kinh, thành lập Ni đoàn tại xứ sở đó; và từ Trung quốc, đã phát triển đến các quốc gia khác trong vùng Đông Á cho đến ngày nay.

Trưởng lão ni Sanghamitta lưu lại tại đảo quốc, tiếp tục công trình hoằng pháp, truyền bá đạo Phật, và viên tịch tại đó, vào tuổi 59. Bà là tấm gương dũng cảm cho các vị nữ tu sĩ, đã không ngần ngại lên đường mạo hiểm nơi xa xôi để hoằng dương Chánh Pháp. Bà cũng là một vị nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử ngoại giao cận đại, đã được một vị quốc trưởng gửi đi theo lời mời của một vị quốc trưởng khác. Cho đến ngày nay, phụ nữ Sri Lanka nói riêng, và Phật giáo Sri Lanka nói chung, đều thành tâm ghi ân và tán thán công đức của Bà.

Bình Anson trích dịch
Tây Úc, tháng 3-2007


-7-

Vesak là ngày lễ quốc tế

Trong phiên họp khoáng đại ngày 15 tháng 12 năm 1999, Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết "Công nhận quốc tế về ngày Lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và các văn phòng liên hệ" (văn bản số A/54/L.59) do đại diện nước Sri Lanka đệ trình. Hội đồng quyết định hằng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày Lễ Vesak với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Hội đồng. Ngày Vesak – ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch mỗi năm – là ngày thiêng liêng nhất của mọi Phật tử trên toàn thế giới để kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của Đức Phật (do đó, được gọi là ngày Đại lễ Tam Hợp, mặc dù nhiều người vẫn gọi là Lễ Phật Đản).

Sau đây là tóm tắt các lời phát biểu trong kỳ họp này:

Ông JOHN DE SARAM, đại sứ Sri Lanka, giới thiệu dự thảo nghị quyết công nhận Ngày Vesak (văn bản số A/54/L.59), nói rằng Hội đồng LHQ đã công nhận nhiều sự quan tâm khác nhau trong một thế giới phức tạp, và đã chấp nhận rằng mọi người trên thế giới mong mỏi Hội đồng ghi nhận sự quan tâm, lòng hy vọng và sự tín ngưỡng của họ. Trong tinh thần ấy, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Quốc tế trông chờ LHQ có một sự công nhận quốc tế về Ngày Vesak – ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch, là ngày hơn 150 triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới làm lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của Đức Phật.

Ông kêu gọi Hội đồng LHQ công nhận ngày Vesak là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo, và cho phép bố trí thích hợp để hành lễ tại trụ sở LHQ và các văn phòng của tổ chức này.

Ông cũng ghi nhận rằng đại diện nước Hy Lạp, Mauritius, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng hỗ trợ bản dự thảo này.

Ông VORAVEE WIRASAMBAN, đại sứ Thái Lan, nói rằng thông điệp phổ quát về hòa bình, thiện ý và từ bi mà Đức Phật đã truyền giảng hơn 2500 năm trước càng thêm nhiều ý nghĩa cho thời đại ngày nay. Phật giáo luôn luôn đề cao các giải pháp hòa hợp cho các cuộc xung đột, dù giữa các cá nhân hay giữa các cộng đồng. Phật giáo là đồng nghĩa với hòa bình. Thêm vào đó, sự bao dung là một trong các điểm chính yếu của Phật giáo. Tại Thái Lan, bao dung, nhất là bao dung tôn giáo, đã được ghi nhận trong hiến pháp, và là một lối sống của người dân Thái.

Phật giáo đề cao đường lối trung dung, ông nói. Sống dung hòa là căn bản của mọi hành động của mọi Phật tử, mà giúp ngăn chận các hành động cực đoan thường thấy xảy ra trên thế giới. Sự công nhận của quốc tế về Ngày Vesak là một hành động cần thiết để công nhận và tôn trọng Phật giáo và hàng triệu Phật tử trên thế giới và tái khẳng định sự quyết tâm của LHQ tuân thủ nguyên tắc tôn trọng mọi dị biệt.

Bà CHRISTINE LEE, đại sứ Singapore, nói rằng công nhận Ngày Vesak là một việc làm thích hợp để tôn trọng Đức Phật. Đây là một trong bốn dịp lễ chính tại Singapore, nơi có một phần ba dân số là Phật tử.

Bà ca ngợi bản dự thảo vì nó phù hợp với nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ về năm 2000 là Năm Quốc tế Văn hóa Hòa bình và thập kỷ 2001-2010 là Thập kỷ Quốc tế về Văn hóa Hòa bình cho Thiếu nhi Toàn cầu. Đặc điểm của lời dạy của Đức Phật là về sự hòa bình và bất bạo động. Dự thảo này cũng giúp mở đường cho năm 2001 là Năm Đối thoại giữa các Nền Văn minh.

Ông SHAIKH RAZZAQUE ALI, đại sứ Bangladesh, phát biểu rằng tại châu Á và các nơi khác trên thế giới, rất nhiều người đã cử hành Ngày Vesak như là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo. Bangladesh có một lịch sử gắn bó với văn minh Phật giáo, có thành phần dân chúng theo đạo Phật rất đáng kể, và cử hành lễ Vesak cũng như các lễ khác. Sự công nhận quốc tế về ngày này là một cơ hội để áp dụng các lời dạy quý báu của Đức Phật, để mang đến sự thông cảm, hạnh phúc và an vui cho thế giới.

Ông OM PRADHAN, đại sứ Bhutan, nói rằng sự công nhận quốc tế về các đóng góp của Phật giáo đã và đang cung hiến cho thế giới sẽ giúp tăng trưởng sự hiểu biết và thông cảm về tính dị biệt trong các xã hội ngày nay.

Những lời dạy của Phật giáo có tính phổ quát, ông nói. Đó là lời dạy về sự chừng mực, bất bạo động, hiện hữu hòa bình và bao dung. Đó là lời dạy về bảo tồn các nguồn lực và môi trường thiên nhiên, tôn trọng sự sống của mọi loài. Có rất nhiều nguyên tắc của Phật giáo tương đồng với các tôn giáo lớn khác, và cũng tương hợp với các nguyên tắc căn bản của LHQ.

Ông JUAN LUIS FLORES, đại sứ Tây Ban Nha, phát biểu rằng nước ông là một thành viên hỗ trợ dự thảo nghị quyết, và tin rằng LHQ là một nghị trường để các tôn giáo và các nền văn hóa lớn gặp gỡ và trao đổi ý kiến. Công nhận Ngày Vesak là để ghi nhận các đóng góp của những tôn giáo và văn hóa khác nhau cho sự bao dung và thông cảm lẫn nhau của mọi người trên thế giới.

Ông U WIN MRA, đại sứ Miến Điện, nói rằng LHQ kêu gọi mọi quốc gia thực hành bao dung và chung sống hòa bình. Điều đó cũng nằm trong lời dạy của Đức Phật, đã được hằng triệu người tuân theo. Đạo Phật, cũng như các tôn giáo lớn khác, đã có nhiều đóng góp đáng kể để duy trì hòa bình, và đây là một điều thích hợp để LHQ tạo ra một cơ hội tốt giúp mọi Phật tử giới thiệu ngày thiêng liêng của họ đến cộng đồng quốc tế. Ngày Vesak là ngày lễ thiêng liêng của Miến Điện, nơi có 90 phần trăm dân số theo đạo Phật. Để kỷ niệm ngày này, dân chúng thường cử hành lễ tưới cây Bồ đề, là nơi Đức Phật thành đạo.

Ông NARENDRA BIKRAM SHAH, đại sứ Nepal, phát biểu rằng tinh hoa của đạo Phật là cho con người, hòa bình, từ bi, thông cảm, bất bạo động, sự bình đẳng giữa mọi người, và kính trọng các tín ngưỡng tôn giáo khác.

Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nơi Đức Phật đản sinh, ngày nay là một Di sản Quốc tế. LHQ đã từng hỗ trợ để bảo tồn và phát triển nơi đó. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Quốc tế đã được tổ chức tại Lâm-tỳ-ni vào năm trước, và đã công bố đây là nơi cội nguồn của hòa bình. Ngày Vaishakh Purnima (theo tiếng Nepal) hay là Ngày Vesak – còn được gọi là Ngày Lâm-tỳ-ni – đã được công nhận tại Nepal như là một ngày lễ quốc gia, một ngày chính thức của tinh thần bất bạo động.

Ông INAM-UL-HAQUE, đại sứ Pakistan, nói rằng miền tây bắc của đất nước ông là quê hương của nền văn minh Phật giáo Gandhara, phát triển vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch. Đây là thời kỳ của nghệ thuật Gandhara, là một kết nối của nghệ thuật Hy Lạp - La Mã với truyền thống Phật giáo. Sự đóng góp của Phật giáo vào văn hóa, nghệ thuật và văn minh của dân chúng Nam Á và các nơi khác rất quan trọng. Thông điệp về hòa bình, từ bi và chân lý của Đức Phật đã được chia sẻ trong các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Công nhận của LHQ về Ngày Vesak là một ghi nhận thích đáng về sự đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển tâm linh của nhân loại.

Ông KAMALESH SHARMA, đại sứ Ấn Độ, nói rằng tác động lớn lao của Phật giáo vào các giá trị của thế giới về tâm linh, luân lý và đạo đức rất xứng đáng để Hội đồng LHQ công nhận và tôn vinh Ngày Vesak. Cốt lõi của các lời dạy của Đức Phật đã tác động lên đời sống của hàng triệu người trên thế giới, với hy vọng và giải thoát. Quốc gia của ông sẽ tham gia tích cực vào ngày lễ này tại LHQ.

Sau đó, đại sứ các nước Lesotho, Nicaragua và Hoa Kỳ cùng quyết định tham gia hỗ trợ dự thảo nghị quyết này. Tiếp theo, nghị quyết được Hội đồng LHQ chấp thuận thông qua, ngày 15 tháng 12 năm 1999.


-8-

Về bài kinh Kalama

Tỳ khưu Bodhi

Bài kinh Kalama, trong Tăng chi bộ, chương Ba Pháp, thường được nhiều người xem như là một "Hiến chương Phật giáo về Tự do Trạch vấn". Mặc dù bài kinh bác bỏ các tư duy giáo điều và lòng tin mù quáng, vấn đề ở đây là bài kinh có thật sự mang những ý nghĩa mà người ta thường gán ghép vào đó hay không? Dựa vào một đoạn duy nhất của bài kinh, thường được trích dẫn sai lạc ra ngoài mạch văn, người ta thường nghĩ rằng Đức Phật là một nhà chủ nghĩa thực nghiệm, bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, và giáo pháp của Ngài chỉ là công cụ của một người tư duy tự do để đạt chân lý, và mời gọi mỗi người chấp nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì theo sở thích của họ.

Thế nhưng, bài kinh Kalama có thật sự biện minh cho quan điểm đó không? Hay chúng ta thấy ở đây chỉ là một tập hợp các dạng thái khác nhau của khuynh hướng trơ trẽn xưa cũ là đánh đồng giáo pháp với những gì thích hợp với mình – hoặc thích hợp với những người đang nghe mình thuyết giảng? Trong giới hạn của bài viết ngắn này, chúng ta hãy đọc lại toàn bộ bài kinh Kalama, và cũng cần nên nhớ rằng để hiểu đúng lời Phật dạy, chúng ta cần phải tìm hiểu ý định của Ngài khi nói ra các lời dạy đó.

*

Đoạn kinh thường được nhiều người trích dẫn như sau:

- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình."

"Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng. ... Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

Đoạn kinh này, cũng như những đoạn khác ghi lại trong kinh điển, Đức Phật nói ra trong một ngữ cảnh đặc biệt – cho thính chúng trong một bối cảnh đặc biệt nào đó – và vì thế cần phải hiểu trong ngữ cảnh đó. Các người trong bộ tộc Kalama, cư dân của thị trấn Kesaputta, được nhiều vị đạo sư với những quan điểm khác nhau đến viếng thăm, mỗi vị đề cao giáo thuyết của mình và bôi bác giáo thuyết của người khác. Điều này làm cho những người Kalama hoang mang. Khi biết ẩn sĩ Gotama, được ca ngợi là bậc Giác Ngộ, đến viếng thị trấn, họ đến yết kiến Ngài, với hy vọng rằng Ngài sẽ giúp giải tỏa các sự hoang mang, nghi ngờ của họ. Khi đọc tiếp các đoạn sau của bài kinh, chúng ta thấy rõ ràng các vấn đề làm cho họ hoang mang là về sự tái sinh và hậu quả của các hành động thiện và ác.

Đức Phật bắt đầu bằng cách trấn an những người Kalama rằng trong tình huống như thế, họ nghi ngờ hoang mang là đúng, và Ngài khuyến khích họ nên trạch vấn. Tiếp theo, Ngài nói với họ những điều như đã được ghi trong đoạn kinh trích dẫn ở trên, khuyên họ nên từ bỏ những điều họ tự biết rõ là bất thiện, và thực hành những những điều họ tự biết rõ là thiện. Lời khuyên này có thể nguy hiểm cho những ai không có luân lý đạo đức, và chúng ta có thể hiểu rằng ở đây, Đức Phật xem những người Kalama này là những người có đạo đức tốt. Dù thế nào, Ngài cũng không để cho họ tự mình suy diễn, mà Ngài còn khéo léo hỏi họ để cho họ thấy tham sân si đưa đến bất hạnh, khổ đau cho mình và cho người khác, và chúng phải được từ bỏ. Trái lại, tâm vô tham, vô sân, vô si sẽ đưa đến an lạc, hạnh phúc, và vì thế, cần phải được nuôi dưỡng.

Tiếp theo, Đức Phật giảng rằng một "vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si" sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả bao trùm toàn thế giới. Với tâm thanh tịnh, không oán thù, không ác hại như vậy, vị ấy có được "bốn sự an ổn" ngay bây giờ và tại nơi đây: (i) nếu có đời sau và nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ sinh vào cõi thiện lành; (ii) nếu không có đời sau và nếu không có kết quả dị thục, vị ấy vẫn sống tự tại và an lạc tại đây và ngay bây giờ; (iii) nếu có quả xấu trổ ra bởi nghiệp ác, vị ấy không chịu quả xấu; và (iv) nếu quả xấu không trổ bởi nghiệp ác, cũng không ảnh hưởng gì đến vị ấy vì ý nghĩ lẫn hành động của vị ấy đều trong sạch. Sau khi nghe giảng như thế, các người Kalama tỏ lòng tri ân và tán thán Đức Phật, rồi xin Ngài cho phép họ quy y Tam Bảo.

*

Bài kinh Kalama có đề nghị, theo quan điểm của nhiều người, rằng một người Phật tử có thể bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, rằng người ấy chỉ cần dựa theo kinh nghiệm cá nhân của mình như là tiêu chuẩn để đánh giá các lời dạy của Đức Phật và để bác bỏ những gì mà mình không thể dung hợp, hay không? Đúng rằng Đức Phật không đòi hỏi những người Kalama phải chấp nhận những gì Ngài nói vì họ có lòng tin nơi Ngài, nhưng chúng ta cần phải ghi nhận một điểm quan trọng: những người Kalama này, khi bắt đầu bài kinh, chưa phải là đệ tử của Đức Phật. Họ đến gặp Ngài và xem Ngài chỉ như là một vị cố vấn, để nghe những lời khuyên khả dĩ giúp họ xóa tan sự nghi ngờ thắc mắc của họ, nhưng họ chưa xem Ngài là đấng Như Lai, bậc Toàn Giác, là vị có thể chỉ cho họ con đường tâm linh đưa đến giải thoát tối hậu.

Bởi vì các người Kalama không có ý định đến gặp Đức Phật để tìm hiểu sứ mạng hoằng pháp của Ngài, để tìm hiểu con đường giải thoát, cho nên chưa phải là dịp để Đức Phật thuyết giảng về giáo pháp cao diệu của Ngài, chẳng hạn như là Tứ Diệu Đế, tam tướng (khổ, vô thường, vô ngã), và các pháp quán niệm. Giáo pháp này chỉ giảng đặc biệt cho những ai đã chấp nhận Đức Phật là vị Thầy dẫn đường giải thoát. Trong các bài kinh khác, Ngài chỉ thuyết giảng cho những ai đã có "lòng tín thành nơi Đức Như Lai" và cho những ai đã có đầy đủ phước duyên để thông hiểu và thực hành các lời dạy đó. Những người Kalama này, ngay trong đoạn đầu bài kinh, chưa phải là thửa đất mầu mỡ để Ngài gieo các hạt giống giáo pháp giải thoát. Họ còn đang hoang mang về các lời tuyên bố trái ngược nghe được từ các vị đạo sĩ khác, tâm họ vẫn chưa rõ ràng, ngay cả về nền tảng căn bản của đạo đức.

Vì thế, sau khi khuyên họ không nên tin dựa theo các truyền thống sẵn có, dựa theo lý luận trừu tượng, dựa theo các bậc đạo sư khéo thuyết, Đức Phật trình bày những gì có thể kiểm chứng tức khắc và có khả năng thiết lập một nền tảng vững chắc cho đời sống đạo đức và thanh tịnh tâm hồn. Ngài dạy rằng cho dù có hay không có tái sinh sau khi chết, một đời sống có đạo đức và có lòng từ bi với mọi loài chúng sinh tất nhiên sẽ mang đến phần thưởng quý báu ngay bây giờ và ở nơi đây, đó là sự an bình và hạnh phúc nội tâm, cao quý hơn tất cả các khoái lạc mong manh khi con người vi phạm các nguyên tắc đạo đức và chạy theo lòng tham dục. Cho những ai dù chưa sẵn sàng chấp nhận có đời sau, có đời sống khác sau khi chết, lời dạy như thế sẽ đảm bảo sự an vui hiện tại của họ, và nhờ thế, có khả năng giúp họ tái sinh về cõi thiện lành.

Mặt khác, cho những ai có khả năng hiểu biết và chấp nhận sự hiện hữu của chúng ta qua tái sinh luân hồi, lời dạy của Ngài cho những người Kalama vượt qua các tác động tức thời và chỉ thẳng vào cốt lõi của Giáo Pháp. Ba trạng thái tâm – tham, sân, si – được Ngài đem ra thuyết giảng không phải chỉ là căn bản của tà hạnh và uế nhiễm trong tâm. Trong khung giáo lý của Ngài, đó là cội nguồn của lậu hoặc – là nguyên nhân chính của tất cả mọi ràng buộc và đau khổ – và toàn thể giáo pháp có thể xem như là pháp hành để diệt sạch ba cội rễ ác hại này, bằng cách phát triển toàn hảo ba liều thuốc hóa giải: xả ly, từ bi và trí tuệ.

*

Như thế, bài giảng cho các người Kalama trình bày cách thử nghiệm tốt để mang lại sự tín nhiệm nơi giáo pháp của Đức Phật như là một giáo thuyết khả thi, đưa đến giải thoát. Giáo pháp bắt đầu với một lời dạy có thể chứng nghiệm tức thời, giá trị của lời dạy ấy có thể thấy được bởi bất cứ người nào có đạo đức tốt và thực hành nghiêm túc cho đến kết luận cuối cùng; nghĩa là có thể thấy được: các lậu hoặc trong tâm gây tai hại và đau khổ cho mình và cho xã hội, đoạn trừ lậu hoặc sẽ mang đến an bình và hạnh phúc, và các pháp hành mà Đức Phật đã dạy là những phương cách hiệu quả để đoạn trừ các lậu hoặc đó. Bằng cách tự thử nghiệm lời dạy này, chỉ cần tạm thời đặt lòng tin nơi Đức Phật như hành trang đi đường, cuối cùng, ta sẽ có được một sự tin tưởng vững chắc, dựa trên kinh nghiệm thực chứng, nơi uy lực giải thoát và thanh tịnh hóa của giáo pháp. Sự tin tưởng nơi lời dạy ấy sẽ mang lại lòng tịnh tín sâu xa nơi Đức Phật là vị Thầy, và từ đó, ta sẽ chấp nhận các nguyên tắc hành trì mà Ngài truyền giảng để giúp ta tiến bước trên con đường đưa đến giác ngộ, ngay cả khi chúng vượt ngoài khả năng kiểm chứng của ta. Đây chính là đánh dấu sự khai mở Chánh Kiến, bước đầu tiên của Bát Chánh Đạo.

*

Một phần vì phản ứng chống lại chủ nghĩa giáo điều, một phần vì quỵ lụy vào kiến thức khoa học khách quan, khuynh hướng thời thượng ngày nay là vội vàng suy diễn cho rằng Đức Phật bác bỏ mọi lòng tin và giáo thuyết đã thiết lập, và cho rằng Ngài dạy chúng ta chỉ chấp nhận những gì ta có thể tự kiểm nghiệm, qua bài kinh Kalama. Tuy nhiên, sự suy diễn này không chính xác. Chúng ta đừng quên rằng đây là các lời khuyên của Đức Phật đến những người Kalama khi họ chưa sẵn sàng tin Ngài và giáo pháp của Ngài; cũng bởi lẽ ấy, bài kinh đã không đề cập gì đến Chánh Kiến và cả bầu trời tươi sáng khi có được một cái nhìn chân chính. Trái lại, bài kinh chỉ đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất để họ có được một đời sống hiền thiện, khi vấn đề về đức tin tối hậu được tạm thời gác sang một bên.

Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng lời Đức Phật dạy trong bài kinh bao gồm những gì mà chúng ta có thể tự thực chứng trong kinh nghiệm đời sống hằng ngày; rồi từ đó, sẽ là cơ sở vững chắc để ta đặt niềm tin vào những khía cạnh khác của giáo pháp, vượt qua những kinh nghiệm thông thường của ta. Đức tin trong Phật Pháp không bao giờ được xem như là cứu cánh, cũng không đủ bảo đảm để giác ngộ giải thoát, mà chỉ là điểm khởi đầu của một tiến trình thăng hoa chuyển hóa nội tâm để khai mở tuệ quán. Để tuệ quán thực hiện được chức năng giải thoát, nó cần phải được khai mở trong bối cảnh nắm bắt chính xác các chân lý trọng yếu về vị trí của chúng ta trong thế gian và về phạm vi của giải thoát. Các chân lý này đã được Đức Phật hoằng truyền từ sự hiểu biết thâm sâu của Ngài về bản chất của con người. Chấp nhận các chân lý đó với lòng tín thành, sau khi xem xét kỹ lưỡng, là đặt bước đầu tiên trên cuộc hành trình chuyển hóa niềm tin thành trí tuệ, sự tín nhiệm thành sự chắc chắn, và đưa đến giải thoát khỏi mọi đau khổ.

Tỳ khưu Bodhi
(Buddhist Publication Society, Newsletter No. 9, Sri Lanka, 1988)

Bình Anson lược dịch
(Perth, Tây Úc, tháng 8-2007)

-ooOoo-

Kinh Kalama
(Tăng chi III.65)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Thế Tôn du hành trong xứ Kosala, cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kalama.

Các người Kalama ở Kesaputta được nghe: "Du sĩ Gotama là bậc xuất gia của dòng họ Thích-ca đang du hành trong xứ Kosala, vừa đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp về Ngài Gotama được truyền đi như sau: Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Ngài giảng pháp cao diệu, rõ ràng, đầy đủ từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối. Ngài tuyên bố đã chứng đắc đạo quả tối thượng bằng chính tuệ giác của Ngài đến toàn thể thế giới của chư thiên và nhân loại. Ngài có đời sống phạm hạnh hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng ta được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy".

Rồi các người Kalama ở Kesaputta đến yết kiến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân thiện với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người cung kính chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng ngồi xuống một bên.

*

Sau khi ngồi xuống, các người Kalama ở Kesa-putta thưa với Thế Tôn:

- Bạch Ngài, có một số du sĩ, Bà-la-môn, đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Lại có một số du sĩ, Bà-la-môn khác đến Kesaputta, họ cũng thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ cũng lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Ngài, đối với những người ấy, chúng con nghi ngờ phân vân: "Trong những du sĩ, Bà-la-môn này, ai nói đúng sự thật, ai nói không đúng sự thật?"

- Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ, phân vân. Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.

Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

*

- "Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng."

Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê khởi lên trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?

- Đem đến đau khổ, bạch Thế Tôn.

- Này quý vị, người nào có tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, và khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?

- Bất thiện, bạch Thế Tôn.

- Đáng chê hay không đáng chê?

- Đáng chê, bạch Thế Tôn.

- Có tội hay không có tội?

- Có tội, bạch Thế Tôn.

- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?

- Bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.

- Như vậy, này quý vị, hãy ghi nhớ điều Ta vừa nói:

"Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng".

*

- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê không hiện hữu trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?

- Đem đến lợi lạc, bạch Thế Tôn.

- Này quý vị, người nào không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm si, không bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ không sát sinh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy lợi lạc hạnh phúc lâu dài hay không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?

- Thiện, bạch Thế Tôn.

- Đáng chê hay không đáng chê?

- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.

- Có tội hay không có tội?

- Không có tội, bạch Thế Tôn.

- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?

- Không bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến lợi lạc hạnh phúc không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.

- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

*

- Này quý vị Kalama, vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Từ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Từ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Bi bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Bi cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Hỷ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Hỷ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Xả bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Xả cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

*

Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn:

i) "Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh vào cõi thiện lành"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.

ii) "Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, tại đây và ngay bây giờ, ta vẫn sống tự tại, an lạc, với tâm không oán thù, không ác hại"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.

iii) "Nếu có quả xấu trổ ra cho người làm nghiệp ác, nhưng ta không tác ý làm điều ác hại cho bất cứ ai; do vậy, làm sao quả xấu đó có thể tác động đến ta?"; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.

iv) "Nếu quả xấu không trổ ra cho người làm nghiệp ác, cũng không tác động gì đến ta, vì tâm ta thanh tịnh và thân ta không làm điều ác"; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.

Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.

- Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng Chánh Pháp rõ ràng bằng nhiều phương cách, như người dựng đứng những gì bị xô ngã xuống, hay phô bày những gì bị che phủ, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong tối để những ai có mắt có thể thấy tường tận. Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Kính xin Ngài nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ; từ bây giờ cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.

*

Tham khảo:

1) "Kinh Kalama", bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Thiện Châu.
2) "Kinh Kalama" (Tăng chi bộ), bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Minh Châu.
3) "The Instruction to the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Soma.
4) "To the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhik-khu Bodhi.


-9-

Về bài kinh Quán Niệm

Bài đọc trong diễn đàn Tìm Hiểu Kinh Điển Pali, Paltalk, tháng 8-2006

*

Kính thưa quý chư tôn đức Tăng Ni và quý anh chị đạo hữu,

Mấy tháng trước, chúng tôi được thông báo là sẽ có một chương trình giảng bài kinh Satipatthana trong diễn đàn Tìm Hiểu Kinh Điển Pali, thuộc chương trình trực tuyến Paltalk, trong nhiều tuần lễ. Chúng tôi rất hoan hỷ và tán thán đề xuất đó.

Khi được đề nghị có một bài đọc nhân buổi khai mạc thời giảng kinh này, chúng tôi rất ngần ngại, vì với kiến thức hạn hẹp, chúng tôi hầu như rất ít khi viết hay thuyết trình về một bài kinh nào của Đức Phật, mà chỉ chuyên tâm dịch các bài Anh ngữ của các vị cao tăng thạc đức, hay chỉ soạn ra các bài viết ngắn, trong đó có trích lục các đoạn kinh trong nguồn kinh tạng Pali.

Tuy nhiên, để đánh dấu ngày đầu tiên của thời giảng bài kinh Satipatthana, cũng như để đóng góp, chia sẻ những gì mình đã học tập, chúng tôi xin mạn phép được trình bày vài ý kiến thô thiển, vài câu hỏi gợi ý, vài điểm quan trọng mà chúng tôi thường suy gẫm, có liên quan đến bài kinh và sự tu học của chính bản thân mình.

*

Trước hết, bài kinh Satipatthana là một bài giảng chi tiết của Đức Phật, mà người Phật tử chúng ta cần phải học tập. Có người cho rằng đây là bài kinh quan trọng nhất, nhưng chúng tôi tránh dùng chữ "nhất" ở đây. Bài kinh nào của Đức Phật cũng đều quan trọng như nhau. Trong suốt 45 năm hoằng hóa độ sinh, Ngài đã để lại các bài giảng quý báu cho từng căn cơ, từng nhân duyên, từng hoàn cảnh. Mỗi bài giảng là đặc biệt cho một loại thính chúng nào đó để hóa độ họ. Tùy theo căn duyên của mỗi cá nhân, lời giảng của Đức Phật có những tác động khác nhau. Và cũng tùy theo thời điểm trên con đường tu học, có khi chúng ta có cảm nhận sâu xa về bài kinh này, và có khi chúng ta cảm thấy gần gủi với lời dạy của Ngài trong bài kinh khác. Cho nên, chúng ta không thể cho rằng bài kinh này lại quan trọng hơn bài kinh kia. Thêm nữa, qua nhận xét của chúng tôi, đã có một số người vì lý do này hay lý do khác, có vẻ quá tôn sùng một bài kinh, cho rằng đó là quan trọng nhất, chỉ cần học một bài kinh đó thôi là đủ, không cần học thêm các bài kinh khác. Chúng tôi e rằng đó là một thái độ cực đoan, chủ quan, cố chấp, không lợi lạc trong quá trình tu học của chúng ta.

Trong Tam Tạng, Đức Phật đề cập rất nhiều về Chánh Niệm và pháp Quán Niệm, được ghi lại trong nhiều bài kinh, thí dụ như các bài kinh trong Tương ưng Niệm Xứ của Tương ưng bộ. Tuy nhiên, có hai bài kinh thường được nhiều người biết đến, nhất là trong giới thiền sinh: đó là Satipatthana Sutta – Kinh Quán Niệm, bài kinh số 10 trong Trung Bộ, và Maha Satipatthana Sutta – Đại Kinh Quán Niệm, bài kinh số 22 trong Trường bộ. Hai bài kinh này có nội dung giống nhau, chỉ khác ở chỗ bài kinh trong Trường bộ thì dài hơn, vì có thêm phần triển khai về Tứ Diệu Đế.

Ở đây, chúng tôi xin ghi nhận có vài cách để dịch tựa bài kinh. Thứ nhất, chúng ta hiểu như thế nào về chữ "Maha" (Đại) trong tựa kinh "Maha Satipatthana Sutta"? Nó bổ nghĩa cho chữ Kinh hay chữ Niệm? Dịch là "Đại Kinh Niệm Xứ" hay "Kinh Đại Niệm Xứ"? Theo chúng tôi, chữ Maha ở đây là để phân biệt bài kinh dài hay ngắn, do đó, tựa đề của 2 bài kinh có thể dịch là "Kinh Niệm Xứ" trong Trung Bộ, và "Đại Kinh Niệm Xứ" trong Trường Bộ. Điều này cũng được các dịch giả Âu Mỹ dùng khi họ dịch sang Anh ngữ (Long Discourse on Mindfulness Short Discourse on Mindfulness).

Thứ hai, Satipatthana được dịch như thế nào? Quan niệm thông thường dịch là Niệm Xứ hay Nền Tảng Của Niệm, như là kết hợp của chữ SatiPat-thana. Nhưng cũng có dịch giả, như ngài Tỳ khưu Bodhi, không đồng quan điểm, mà cho rằng nên dịch là Sự Thiết Lập Niệm (Establishment of Mindfulness) – như là kết hợp của chữ SatiUpatthana, và như thế, tựa đề sẽ là Kinh Lập NiệmĐại Kinh Lập Niệm. Tỳ khưu Soma trong quyển Con Đường Chánh Niệm (The Way of Mindfulness), dịch là Bài Giảng Về Sự Khơi Dậy Niệm, hay Thẩm Thấu Niệm (the Dis-course on the Arousing of Mindfulness, the Discourse on Penetrating Mindfulness).

Và quan trọng hơn, chúng ta hiểu như thế nào về chữ Niệm? Theo cách chiết tự chữ Hán, chữ Niệm là kết hợp của chữ Tâm và chữ Kim (hiện tại), nghĩa là "tâm trong hiện tại". Ngày nay, trong rừng kinh sách phát triển về sau này, nhất là trong truyền thống Thiền tông Trung Hoa, chữ Niệm có lẽ là một chữ đã mang nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa khác nhau, và từ đó, tạo nhiều tranh luận vì không cùng thống nhất về ý nghĩa của chữ Niệm - Sati.

*

Bài kinh được Đức Phật giảng cho người dân Kuru ở thị trấn Kamasadamma, bây giờ là vùng Đông Kailash thuộc thành phố Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Nếu quý vị có dịp đi hành hương Ấn Độ và ghé vào thủ đô Delhi, chúng tôi đề nghị quý vị thu xếp thì giờ để đến viếng nơi Đức Phật giảng bài kinh Satipatthana này, ngày nay chỉ còn là một ngọn đồi nhỏ trong vùng Đông Kailash, với những tảng đá to, có ghi khắc lại sự kiện lịch sử đó.

Theo Chú giải, Đức Phật giảng bài kinh Quán Niệm cho thính chúng xứ Kuru, gồm đầy đủ bốn thành phần: tỳ khưu, tỳ khưu ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Các vị nầy sống an vui, thân thể khỏe mạnh, tâm trí tươi sáng, sống trong chánh pháp, lúc nào cũng có thực hành quán niệm ngay cả trong các hoạt động hằng ngày. Vì vậy, nhận thấy nhân duyên đã tròn đủ, Đức Phật mới thuyết giảng bài kinh nầy với ý nghĩa thâm sâu, để giúp họ đi vào dòng thánh giác ngộ giải thoát. Có lẽ vì vậy, các vị ấy có thể thu nhận dễ dàng những gì Ngài truyền dạy.

Về phần chúng ta, sau 25 thế kỷ từ khi Phật Pháp được quảng bá, chúng ta vẫn còn ngồi đây, luân lưu trong cõi Ta bà này, không biết chúng ta đã có đầy đủ phước duyên để dễ dàng thông hiểu bài kinh như thính chúng xứ Kuru hay không? Thêm vào đó, ngữ văn Pali ngày nay là một cổ ngữ, không còn ai sử dụng, mà đa số chúng ta lại không am tường rõ ràng loại ngữ văn đó. Vì thế, đương nhiên là ngày nay, chúng ta thấy nhiều cách diễn giải về bài kinh. Trong bài kinh, nhiều cụm từ và thành ngữ Pali có thể được được chuyển dịch theo những ý nghĩa khác nhau, theo những quan kiến khác nhau, mà chắc rằng Đại đức giảng sư sẽ trình bày chi tiết để chúng ta được thông hiểu tường tận hơn.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin chia sẻ thêm một kinh nghiệm nhỏ, là khi chúng ta học kinh và nghe hoặc đọc những giải thích khác nhau, từ các bản Chú giải hay Phụ Chú giải – hoặc từ các bài giảng luận của các tác giả đương đại, đương nhiên là chúng ta có một thái độ kính quý nhưng chúng ta cũng không nên vội cả tin, và nhất là không nên quá chấp chặt vào một kiến giải nào cả, dù rằng đó là từ một vị cao tăng thạc đức. Chúng ta cần có một thái độ cởi mở, bao dung nhưng độc lập, kính trọng nhưng không nô lệ, đón nhận các ý kiến khác nhau, tự mình suy tư và thành tâm áp dụng vào đời sống hằng ngày, và tự rút tỉa những nhận định cho riêng mình, cho đời sống tu tập của chính mình. Chúng ta nên thẳng thắn và thành thật với chính mình: rằng mình chỉ là một phàm nhân còn nhiều vô minh, cho nên, những gì mình hiểu, mình biết, những kết luận mà mình tự tìm ra được hay qua giảng giải của người khác, tất cả chỉ là những tri thức tạm bợ, nhất thời, có thể còn thay đổi, chuyển hóa theo thời gian, trong tiến trình tu học của mình.

Thêm vào đó, theo kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng nên tra cứu các bài kinh tương đương, ghi lại trong các bộ kinh A-hàm của Hán tạng. Các bài kinh A-hàm đã được lược dịch sang Hán ngữ từ các nguồn Phạn ngữ của nhiều tông phái khác nhau, cho nên, đôi khi, lời văn có vẻ cô đọng hơn, và ngày nay đã được chuyển dịch sang tiếng Việt. Nếu chúng ta tìm đọc và so sánh các bài kinh từ nguồn Pali tạng lẫn Hán tạng, ý nghĩa của các đoạn kinh liên quan có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trong trường hợp bài kinh Satipatthana Sutta, trong Hán tạng có 2 bài kinh tương đương là: (i) Kinh Niệm Xứ (Trung A-hàm, kinh 98); và (ii) Kinh Nhất Nhập Đạo (Tăng Nhất A-hàm, chương XII), mà chúng ta cũng nên tìm đọc và so sánh.

*

Chúng ta học bài kinh này như thế nào? Theo thiển ý, đầu tiên, chúng tôi đề nghị ta nên tìm đọc toàn bộ bài kinh, đọc bằng bản dịch tiếng Việt hay đọc bản tiếng Anh, hay cả hai. Đây là bài kinh nổi tiếng nên đã có nhiều bản dịch, đăng trong các trang web Phật giáo trên Internet. Theo kinh nghiệm riêng, cho một người sinh sống trong môi trường Tây phương và phải sử dụng tiếng Anh hằng ngày, chúng tôi phải thành thật nói rằng, nhiều khi, đọc bản dịch tiếng Anh thì lại thấy dễ hiểu hơn bản tiếng Việt, nhất là nếu bản tiếng Việt dùng quá nhiều từ ngữ Hán Việt cổ xưa. Đọc chậm rãi, đọc to thành tiếng hơn là đọc thầm trong miệng, vì theo thiển ý, khi ta đọc to thành tiếng, lời kinh dễ thâm nhập vào tâm thức hơn. Trong giai đoạn sơ khởi nầy, có thể chúng ta chưa hiểu hết toàn thể ý nghĩa của bài kinh, nhưng ít ra, khi chúng ta đọc toàn bộ bài kinh, chúng ta cũng có một ý niệm khái quát về các lời Phật dạy trong bài kinh đó.

Trong những buổi giảng tiếp theo, chúng ta cũng nên làm như thế. Trước buổi giảng chừng 15-20 phút, chúng ta nên tự đọc lại toàn bộ bài kinh, đọc từ từ, chậm rãi, thong thả, để điều hướng tâm ta về bài kinh sắp được giảng.

Trong khi nghe giảng, nên có một cuốn sổ tay hay một tập giấy để ghi chú. Chúng ta không cần phải ghi chép tất cả những gì đang giảng, nhưng chỉ đánh dấu, ghi nhanh vài chữ chính, có liên hệ đến các điểm quan trọng khi nghe giảng: điểm nào đáng lưu ý, điểm nào ta không đồng ý với giảng sư, điểm nào nghe không rõ, điểm nào còn thắc mắc nghi ngờ. Đến phần tham vấn sau bài giảng, ta có thể khai triển các điểm đó với giảng sư, để soi sáng thêm, hoặc để đóng góp cho không khí sinh hoạt của diễn đàn.

Sau giờ giảng, chúng ta nên tự suy tư, những gì đã nghe, đã theo dõi trong một giờ qua, xem có lợi lạc gì cho mình, giúp ích được gì cho sự tu tập của mình. Nên thẳng thắng và thành thật hỏi lòng mình và tự trả lời. Có thể ta chưa tìm được câu trả lời, có thể các ý tưởng còn lộn xộn trong đầu, nhưng ít ra, khi ta tự đặt câu hỏi như thế, ta hướng tâm ý ta vào con đường để tìm một lời giải thích thỏa đáng. Không nên tiếp tục ngồi nghe Paltalk bằng cách vội vàng chạy vào các diễn đàn khác như thể một hình thức chạy show, lãng phí thì giờ đã theo dõi bài giảng. Hãy dừng lại, đứng lên, rời bỏ máy vi tính, đi pha một tách trà, một ly nước, uống chậm rãi, rồi ra sau vườn, hay đi bộ loanh quanh, hay vào một phòng riêng, ngồi tĩnh tâm, suy gẫm về những gì vừa được nghe giảng.

*

Trong bài kinh, Đức Phật giảng về cách sửa soạn tâm ý trước khi áp dụng pháp quán niệm. Chúng ta có thật lòng thực hành các bước sửa soạn đó không? Trong mỗi pháp quán niệm, ta cần quán với thái độ như thế nào? Làm sao để tập luyện được như thế? Chúng ta có thử tạm gát bỏ mọi chuyện đời, tìm một nơi thanh vắng, hay sửa soạn một phòng riêng, một góc riêng, dành một ít thì giờ mỗi ngày, để tập quán niệm không? Hiểu là một chuyện, thực hành lại là một chuyện khác. Chúng ta dành thì giờ để nghe giảng, tìm hiểu bài kinh này để làm gì? Để gia tăng kho tàng tri thức của mình, để bàn luận suông, khoe khoang, chỉ dạy, tranh cãi với người khác, hay là để tập áp dụng, thực hành trong đời sống hằng ngày của mình? Và áp dụng như thế nào khi sáu căn tiếp xúc liên tục với sáu trần, và làm sao để giữ chánh niệm trước những đổi thay liên tục quay cuồng trong đời sống?

Trong bài kinh, Đức Phật đưa ra 21 đề mục với chi tiết rõ ràng để chúng ta tập quán niệm. Chúng ta cần tìm hiểu và ghi nhận đầy đủ; rồi tùy thời, tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà đem ra áp dụng. Các đề mục nầy được Ngài tập hợp lại trong 4 nhóm tổng quát: thân, thọ, tâm, pháp, và thường được Ngài giảng tóm tắt trong các bài kinh khác. Ở đây, đối với người Phật tử Việt Nam, vốn được nghe và đọc nhiều kinh sách từ cả hai nguồn Bắc truyền và Nam truyền, có lẽ chúng ta thường nghe nhiều người nói câu: "Quán tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán pháp vô thường, quán tâm vô ngã". Câu này được người ta nói đi nói lại nhiều lần, máy móc như thể một câu thiệu. Sau khi nghe loạt bài giảng về kinh Satipatthana này, chúng ta cũng nên tự hỏi: - Câu thiệu đó, tuy nghe có vẻ đơn giản và ngắn gọn, có còn đúng không? Có ích lợi gì không? Có tóm tắt được ý nghĩa của bài kinh không? Hay đó chỉ là một cách nói suông, dựa theo lời bàn luận trong Chú giải, để giúp đối trị bản tính tham lam, sân hận, si mê của một vài hạng thiền sinh mà thôi?

Sau khi giải thích tỉ mỉ từng đề mục, Đức Phật khuyên chúng ta phải quán sát, theo dõi, ghi nhận sự sinh khởi, hay ghi nhận sự tàn diệt, hay ghi nhận sự sinh và diệt của đề mục. Từ đó, khởi lên trí tuệ, để thấy tính vô thường và vô ngã của nó, và rồi, khi phước duyên tròn đủ, sẽ không còn tham ái, chấp thủ vào đó. Đây là mục đích chính của Chánh Niệm, một chi phần của Con Đường Tám Chánh mà Đức Phật đã truyền giảng.

Nói đến Con Đường Tám Chánh, thỉnh thoảng, trong khi tìm hiểu về bài kinh, chúng ta cũng nên dừng lại, và tự hỏi: - Bài kinh này, với những đề mục và phương cách quán niệm ghi lại trong đó, giúp chúng ta được gì trong công phu thực hành Bát Chánh Đạo, trong đó, Chánh Niệm chỉ là một chi phần, và làm thế nào để phát triển bảy chi phần kia? Tác động hỗ tương giữa Chánh Niệm và bảy chi phần đó là như thế nào? Suy diễn, quy nạp các lý luận tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ, mà chúng ta cần phải tự dấn thân, tự thực nghiệm trong đời sống của mình. Có người cho rằng chỉ cần tu quán niệm là đủ rồi, điều đó có đúng không? Hay là chúng ta dùng Chánh Niệm như là một nền tảng vững chắc để phát triển các chi phần kia? Trong phần cuối của bài kinh, Đức Phật có đề cập đến Bát Chánh Đạo, và như thế, vai trò của bài kinh nầy là gì trong sự hành trì Con Đường Tám Chánh đó? Con Đường Tám Chánh này là con đường duy nhất để đưa đến giác ngộ giải thoát, là con đường mà các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đều đi qua trong các thời kỳ trước. Đức Phật của chúng ta cũng đã đi theo Con Đường Tám Chánh ấy, và Ngài truyền giảng con đường này trong suốt 45 năm hoằng đạo, như đã ghi lại trong rất nhiều bài kinh, từ ngay trong bài giảng đầu tiên sau khi thành đạo và trong bài giảng cuối cùng trước khi nhập diệt.

Đã có nhiều sách, nhiều tài liệu, nhiều bài giảng luận của các vị cao tăng thiền sư mà chúng ta có thể tham khảo để tìm hiểu thêm, trong đó có nhiều điểm tương đồng mà cũng có những điểm bất đồng, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ được nghe giảng giải chi tiết trong các buổi học sắp tới. Nhưng cuối cùng rồi, chính mỗi người chúng ta phải tự nhận định, để có một chọn lựa thích hợp cho sự tu tập của chính mình.

*

đây, chúng tôi chỉ đưa ra những câu hỏi mà không đưa ra câu trả lời, vì đây chỉ là các câu hỏi gợi ý, để chúng ta cùng suy gẫm, trong tiến trình học tập bài kinh, sau khi nghe các vị pháp sư giảng giải, và sau khi đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày của mình. Chúng tôi chỉ là phàm nhân cư sĩ, còn đang tu tập, còn nhiều vô minh, thì những câu trả lời của chúng tôi, nếu có, cũng chỉ là tạm bợ, nhất thời mà thôi, và vì thế, không cần thiết ở đây.

Trước khi dứt lời, một lần nữa, chúng tôi rất hoan hỷ và xin tán thán công đức của Đại đức giảng sư với tâm từ bi, đã bỏ nhiều thì giờ và công sức soạn thảo giáo trình mà Sư sẽ thuyết giảng trong thời gian tới, chắc chắn sẽ đem nhiều lợi lạc cho toàn thể thính chúng trong diễn đàn này. Chúng tôi xin cầu chúc Sư được nhiều sức khỏe, và xin chúc toàn thể quý vị thính giả mọi điều tốt lành, học và hành đầy đủ, với nhiều thuận duyên trên con đường tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát, chứng đạt Niết Bàn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Bình Anson
Tây Úc, Tháng 8-2006


-10-

Sống tỉnh giác từng ngày

1. Sống tỉnh giác từng ngày

"Mùa mưa ta ở đây..." (Pháp Cú, 286)

Ðó là lời của Ðức Phật dạy cho ông Ðại Phú (Mahadhana), một vị thương gia, khi Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên.

Một ngày nọ, vị thương gia nầy dùng 500 xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Ba-na-lại đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá-vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: "Ngày mai ta sẽ qua sông", rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông. Trong đêm đó, một trận bão kéo đến với mưa tầm tả cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại. Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng: "Ta đã trải qua một quảng đường dài, nếu ta quay về thì lại bị trễ nải. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa xuân và mùa hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng nầy..."

Khi Ðức Phật đi trì bình khất thực trong thành phố, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Ðại đức A-nan hỏi Phật vì sao Ngài cười. Ðức Thế Tôn đáp: "Này A-nan, thầy có biết ông Ðại Phú đó không?"

"Dạ có, bạch Thế Tôn."

"Không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, ông ta vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của ông ấy."

"Thật vậy sao, bạch Thế Tôn?"

"Ðúng thế, này A-nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt." Nói xong, Thế Tôn thốt lên bài kệ:

"Hãy tinh tấn thi hành
việc cần làm hôm nay.
Có ai biết chắc chắn
cái chết đến lúc nào?
Có ai chống lại được
mệnh lệnh của thần Chết?
An lạc thay cho người
ngày và đêm tinh tấn
sống tỉnh giác từng ngày!"

"Bạch Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông ấy biết," ngài A-nan thưa với Phật.

"A-nan, thầy cứ việc đi," Ðức Phật đáp.

Ðại đức A-nan đi khất thực đến nơi ông Ðại Phú trú ngụ với đoàn xe buôn của ông. Ông ta kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Ðại đức nói với vị thương gia: "Ông định ngụ lại đây trong bao lâu?"

"Bạch Ðại đức, con đã trải qua một quảng đường dài, nếu con quay về thì lại bị trễ nải. Cho nên con sẽ ở đây trọn năm, cho đến khi nào bán hết vải thì con mới ra đi."

"Này quý cư sĩ, mặc dù mạng sống đã gần hết mà ít ai lại biết được! Ông nên tinh tấn!"

"Bạch Ðại đức, tại sao thế? Có phải đời sống của con đã gần mãn?"

"Ðúng vậy, quý cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài bảy ngày nữa thôi."

Ông Ðại Phú rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Ðức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến chư Tăng, và trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bát của Đức Phật và xin Ngài chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Ðức Thế Tôn giảng thêm:

"Này quý vị tu sĩ và cư sĩ, một người hiền trí không bao giờ nên nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia.’ Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác từng giây khắc và luôn luôn quán chiếu về cái chết của mình như thể mình chỉ sống thêm được một đêm nữa thôi." Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ dưới đây, về sau được ghi lại trong kinh Pháp Cú (kệ 286-289):

Mùa mưa ta ở đây,
đông, hạ cũng ở đây,
người ngu tâm tưởng vậy,
không tự giác hiểm nguy.

Người tâm ý đắm say
con cái và súc vật,
tử thần bắt người ấy,
như lụt trôi hàng ngủ.

Một khi tử thần đến,
không có con che chở,
không cha, không bà con,
không thân thích che chở.

Biết rõ ý nghĩa này,
bậc trí lo trì giới,
mau lẹ làm thanh tịnh,
con đường đến Niết-Bàn. (Pháp Cú, 286-289)

Sau khi nghe xong bài giảng, vị thương gia tỉnh ngộ, thành tâm xin quy y Tam Bảo và đắc quả Dự lưu, các tu sĩ trong đoàn cũng đạt được thắng trí.

Sau đó, ông Ðại Phú đưa tiễn Ðức Phật về tinh xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói: "Tôi cảm thấy nhức đầu, thân thể mệt mỏi!", và nằm xuống giường để nghỉ. Vừa nằm xuống thì ông chết, và được tái sinh vào cõi trời Ðâu-suất.

*

2. Ðoạn diệt để giải thoát

Trong 45 năm thuyết pháp độ sinh, Ðức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng trạch khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn những người đang bị hoạn khổ. Có khi Ngài dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục người tài trí. Cũng có khi Ngài dùng các ẩn dụ mạnh mẻ gây sửng sốt, để khích động sự tu tập quán chiếu, khai mở trí tuệ giải thoát tri kiến.

Một ngày nọ có một nhóm các thầy Tỳ khưu từ phương xa đến đãnh lễ Phật. Trong dịp đó, Ngài dạy rằng:

"Sau khi giết cha mẹ rồi,
Giết hai vua nọ, hết đời hiếu tranh.
Chém tên quốc khố đại thần,
Diệt luôn lãnh thổ, quan quân tùy tùng.
Ðược rồi quốc độ mênh mông,
Bậc Vô Ưu sống thong dong bốn mùa."

và:

"Mẹ cha đã giết, đã chôn
Và hai vua Bà-La-Môn, chém ngành.
Ðoạn viên hổ tướng thứ năm,
Bậc Vô Ưu sống cõi hằng vô sinh."

Ðó là hai câu kệ số 294 và 295 ghi trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), do Tỳ khưu Giới Ðức chuyển dịch sang Việt ngữ (Kinh Lời Vàng, Nxb Thuận Hóa, 1995). Hòa thượng Minh Châu (Kinh Pháp Cú, Tiểu bộ) dịch bằng hai câu kệ năm chữ như sau:

Hãy giết cha, giết mẹ
Giết hai vua Sát-Lỵ
Giết vương quốc quần thần
Bà-la-môn như vậy,
Vô ưu sống thoải mái

Hãy giết cha, giết mẹ
Giết hai vua Bà-Môn
Giết hổ tướng thứ năm
Bà-La-Môn như vậy,
Vô ưu sống thoải mái.

Hòa thượng Thiện Siêu (Kinh Pháp Cú, Thiền viện Vạn Hạnh, 1995) dịch ra văn xuôi từ bản dịch Hán tự:

"Hãy diệt mẹ và cha, diệt hai vua dòng Sát-Ðế-Lợi, diệt vương quốc luôn cả quần thần, mà hướng về Bà-La-Môn vô ưu."

"Hãy diệt mẹ và cha, diệt hai vua dòng Bà-La-Môn, diệt luôn hổ tướng 'nghi' thứ năm, mà hướng về Bà-La-Môn vô ưu."

Kinh Pháp Cú còn được dịch sang Anh ngữ bởi nhiều tác giả khác nhau, chẳng hạn như Hòa thượng Narada (The Dhammapada, Buddha Educational Foundation, Taiwan, 1995) và Tỳ khưu Khantipalo (The Path of Truth, Mahamakut Press, Bangkok, 1977). Theo bản dịch của ngài Khantipalo:

"One's mother and father having slain
and then two warrior kings,
a realm and its treasurer having slain,
one goes immune, a Brahmana"

"One's mother and father having slain
and then two learned kings,
the fifth, a tiger having slain,
one goes immune, a Brahmana"

Thật khó mà hiểu rõ được ý nghĩa của các câu kệ nầy nếu chúng ta không đọc bản Chú Giải ghi chép lại trong kinh tạng Pali. Theo Tỳ khưu Khantipalo và Hòa thượng Narada, ý nghĩa của các câu kệ đó như sau:

"... Mẹ là ẩn dụ cho lòng tham ái, và cha là ẩn dụ của ngã mạn. Chính vì tham ái và ngã mạn mà ta phải tái sinh nhiều đời, nhiều kiếp trong cõi Ta bà luân hồi này. Hai vị vua, luôn luôn thống trị tâm tư duy của chúng ta, chính là hai biên kiến của vô minh: thường kiếnđoạn kiến, thường tạo ra nhiều tranh cãi hý luận vô ích, cần phải được phá bỏ. Vương quốc lãnh thổ kia chính là thân xác nầy, gồm sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) luôn luôn giao tiếp với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Vị quốc khố đại thần là để chỉ lòng tham đắm dục lạc phát sinh và chất chứa từ sáu căn đó. Sau cùng, hổ tướng thứ năm chính là con quỷ thứ năm làm cản trở sự định tâm, khai phát tuệ minh. Ðó là sự hoài nghi, là yếu tố thứ năm trong nhóm năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, và hoài nghi. Sau khi đã đoạn diệt tất cả các chướng ngại nầy thì hành giả mới thong dong, tự tại, đi đến giải thoát giác ngộ ..."

Theo lời giải thích trong Chú Giải, sau khi lãnh hội và quán triệt được ý nghĩa thâm sâu của hai câu kệ trên, các vị Tỳ khưu ấy đắc quả A-la-hán.

-ooOoo-

 Ðầu trang | I | II | III | IV | Mục lục



[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 04-04-2008

Ly Thuyet & Thuc Te - Binh Anson

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


Lý thuyết & Thực tế

Bình Anson

NXB Tôn Giáo
TL. 2008 - PL. 2551
 

Lưu ý:  Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  

II


-6-

Trưởng lão ni Sanghamitta:
Vị Ni trưởng đầu tiên tại Sri Lanka

Lorna Dewaraja

Hằng năm, vào ngày Rằm tháng Mười Một âm lịch, Phật tử khắp nơi trong đảo quốc Sri Lanka hành lễ tưởng niệm Trưởng lão ni Sanghamitta, là vị nữ tu sĩ cùng với anh trai của bà là ngài Trưởng lão Mahinda đã mang Phật giáo truyền vào đảo quốc hơn 2300 năm trước, trong triều đại vua Davanampiya Tissa. Một điều quan trọng đáng ghi nhận là khi Ngài Mahinda hoằng pháp tại vùng Anuradhapura, đa số cư sĩ lắng tâm chuyên chú thính pháp là phụ nữ, trong hàng hoàng gia lẫn hàng thường dân. Sự kiện đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, số nữ cư sĩ tham gia vào các cuộc lễ Phật giáo bao giờ cũng đông hơn số nam cư sĩ.

Sau khi nghe Ngài Trưởng lão Mahinda thuyết giảng, Hoàng hậu Anuladevi, vợ của Phó vương Mahanaga, phát tâm tín thành nơi lời dạy của Đức Phật, và ngỏ ý muốn xuất gia để trở thành một vị Tỳ khưu ni. Khi được biết ý định nầy, Ngài Mahinda nói với vua rằng theo đúng giới luật tu sĩ, Ngài không thể truyền giới cho phụ nữ. Ngài đề nghị nhà vua gửi văn thư đến vua Asoka (A-dục) của xứ Maurya, Ấn Độ, yêu cầu vua Asoka gửi con gái của vua là Trưởng lão ni Sanghamitta sang đảo quốc, và đem theo một nhánh của cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật đã thành đạo.

Lúc bấy giờ, bang giao giữa hai triều đình rất tốt đẹp, nên vua Devanampiya Tissa không ngần ngại gửi một vị quan là ngài Arittha đến thành phố Pataliputra (bây giờ là Patna) của xứ Ấn Độ, để gặp vua Asoka, chuyển đạt lời thỉnh cầu ấy.

Lúc đầu, vua Asoka ngần ngại, không muốn gửi con gái mình ra đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng vì Trưởng lão ni Sanghamitta cương quyết yêu cầu nhà vua cho phép bà xuất dương đi hoằng đạo, nên sau cùng, vua Asoka đồng ý cho phép. Một đoàn mười một vị Tỳ khưu ni cùng lên thuyền đi với bà Sanghamitta, vượt biển sang đảo quốc, mang theo nhánh cây bồ đề, với sự hướng dẫn của quan Arittha. Đây là một việc làm dũng cảm của bà Sanghamitta, vì vào thời đó, khi người ta vẫn còn có thành kiến xem thường phụ nữ, bà Sanghamitta đã có đủ nghị lực và can đảm để thực hiện cuộc hành trình vượt biển đầy nguy hiểm, mà không có người trong hoàng tộc cùng đi để bảo vệ bà.

Tại cảng Jambukolapattana (nay là cảng Pedro, bán đảo Jaffna), vua của đảo quốc cùng với Trưởng lão Mahinda và rất đông các tín đồ Phật tử đã ra nghênh đón Trưởng lão ni cùng với Ni chúng từ Ấn Độ sang, mang theo nhánh cây bồ đề. Nhà vua đã tổ chức buổi lễ tiếp rước rất long trọng, và rất đông dân chúng đã tham gia cùng với phái đoàn truyền giáo đưa nhánh cây nầy về kinh đô Anuradhapura, cuộc hành trình kéo dài 14 ngày bằng đường bộ. Nhánh cây nầy được trồng trong vườn Mahamegha tại một nơi tôn nghiêm. Từ ngày ấy cho đến nay, trong suốt 23 thế kỷ qua, vua chúa và dân chúng đảo quốc Sri Lanka tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và tôn quý cây bồ đề này, như là một bảo vật quốc gia. Cổ thụ bồ đề ngày nay được xem như là một trong những cổ thụ lâu năm nhất trên thế giới.

Trưởng lão ni Sanghamitta đã thực hiện một công tác quan trọng nhất tại đảo quốc là truyền giới và hướng dẫn tu tập cho Hoàng hậu Anuladevi và các thị nữ sau khi các vị nầy xuất gia với Bà. Từ đó, Ni đoàn Sri Lanka được thành lập và kéo dài khoảng 1000 năm. Theo các nguồn sử liệu Trung quốc, vào năm 429 CN, Ni đoàn nầy đã gửi 9 vị Tỳ khưu ni do Ni sư Deva Sara lãnh đạo, vượt đại dương, đi thuyền đến Trung quốc để truyền giới cho 300 vị tu nữ tại Nam kinh, thành lập Ni đoàn tại xứ sở đó; và từ Trung quốc, đã phát triển đến các quốc gia khác trong vùng Đông Á cho đến ngày nay.

Trưởng lão ni Sanghamitta lưu lại tại đảo quốc, tiếp tục công trình hoằng pháp, truyền bá đạo Phật, và viên tịch tại đó, vào tuổi 59. Bà là tấm gương dũng cảm cho các vị nữ tu sĩ, đã không ngần ngại lên đường mạo hiểm nơi xa xôi để hoằng dương Chánh Pháp. Bà cũng là một vị nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử ngoại giao cận đại, đã được một vị quốc trưởng gửi đi theo lời mời của một vị quốc trưởng khác. Cho đến ngày nay, phụ nữ Sri Lanka nói riêng, và Phật giáo Sri Lanka nói chung, đều thành tâm ghi ân và tán thán công đức của Bà.

Bình Anson trích dịch
Tây Úc, tháng 3-2007


-7-

Vesak là ngày lễ quốc tế

Trong phiên họp khoáng đại ngày 15 tháng 12 năm 1999, Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết "Công nhận quốc tế về ngày Lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và các văn phòng liên hệ" (văn bản số A/54/L.59) do đại diện nước Sri Lanka đệ trình. Hội đồng quyết định hằng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày Lễ Vesak với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Hội đồng. Ngày Vesak – ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch mỗi năm – là ngày thiêng liêng nhất của mọi Phật tử trên toàn thế giới để kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của Đức Phật (do đó, được gọi là ngày Đại lễ Tam Hợp, mặc dù nhiều người vẫn gọi là Lễ Phật Đản).

Sau đây là tóm tắt các lời phát biểu trong kỳ họp này:

Ông JOHN DE SARAM, đại sứ Sri Lanka, giới thiệu dự thảo nghị quyết công nhận Ngày Vesak (văn bản số A/54/L.59), nói rằng Hội đồng LHQ đã công nhận nhiều sự quan tâm khác nhau trong một thế giới phức tạp, và đã chấp nhận rằng mọi người trên thế giới mong mỏi Hội đồng ghi nhận sự quan tâm, lòng hy vọng và sự tín ngưỡng của họ. Trong tinh thần ấy, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Quốc tế trông chờ LHQ có một sự công nhận quốc tế về Ngày Vesak – ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch, là ngày hơn 150 triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới làm lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của Đức Phật.

Ông kêu gọi Hội đồng LHQ công nhận ngày Vesak là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo, và cho phép bố trí thích hợp để hành lễ tại trụ sở LHQ và các văn phòng của tổ chức này.

Ông cũng ghi nhận rằng đại diện nước Hy Lạp, Mauritius, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng hỗ trợ bản dự thảo này.

Ông VORAVEE WIRASAMBAN, đại sứ Thái Lan, nói rằng thông điệp phổ quát về hòa bình, thiện ý và từ bi mà Đức Phật đã truyền giảng hơn 2500 năm trước càng thêm nhiều ý nghĩa cho thời đại ngày nay. Phật giáo luôn luôn đề cao các giải pháp hòa hợp cho các cuộc xung đột, dù giữa các cá nhân hay giữa các cộng đồng. Phật giáo là đồng nghĩa với hòa bình. Thêm vào đó, sự bao dung là một trong các điểm chính yếu của Phật giáo. Tại Thái Lan, bao dung, nhất là bao dung tôn giáo, đã được ghi nhận trong hiến pháp, và là một lối sống của người dân Thái.

Phật giáo đề cao đường lối trung dung, ông nói. Sống dung hòa là căn bản của mọi hành động của mọi Phật tử, mà giúp ngăn chận các hành động cực đoan thường thấy xảy ra trên thế giới. Sự công nhận của quốc tế về Ngày Vesak là một hành động cần thiết để công nhận và tôn trọng Phật giáo và hàng triệu Phật tử trên thế giới và tái khẳng định sự quyết tâm của LHQ tuân thủ nguyên tắc tôn trọng mọi dị biệt.

Bà CHRISTINE LEE, đại sứ Singapore, nói rằng công nhận Ngày Vesak là một việc làm thích hợp để tôn trọng Đức Phật. Đây là một trong bốn dịp lễ chính tại Singapore, nơi có một phần ba dân số là Phật tử.

Bà ca ngợi bản dự thảo vì nó phù hợp với nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ về năm 2000 là Năm Quốc tế Văn hóa Hòa bình và thập kỷ 2001-2010 là Thập kỷ Quốc tế về Văn hóa Hòa bình cho Thiếu nhi Toàn cầu. Đặc điểm của lời dạy của Đức Phật là về sự hòa bình và bất bạo động. Dự thảo này cũng giúp mở đường cho năm 2001 là Năm Đối thoại giữa các Nền Văn minh.

Ông SHAIKH RAZZAQUE ALI, đại sứ Bangladesh, phát biểu rằng tại châu Á và các nơi khác trên thế giới, rất nhiều người đã cử hành Ngày Vesak như là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo. Bangladesh có một lịch sử gắn bó với văn minh Phật giáo, có thành phần dân chúng theo đạo Phật rất đáng kể, và cử hành lễ Vesak cũng như các lễ khác. Sự công nhận quốc tế về ngày này là một cơ hội để áp dụng các lời dạy quý báu của Đức Phật, để mang đến sự thông cảm, hạnh phúc và an vui cho thế giới.

Ông OM PRADHAN, đại sứ Bhutan, nói rằng sự công nhận quốc tế về các đóng góp của Phật giáo đã và đang cung hiến cho thế giới sẽ giúp tăng trưởng sự hiểu biết và thông cảm về tính dị biệt trong các xã hội ngày nay.

Những lời dạy của Phật giáo có tính phổ quát, ông nói. Đó là lời dạy về sự chừng mực, bất bạo động, hiện hữu hòa bình và bao dung. Đó là lời dạy về bảo tồn các nguồn lực và môi trường thiên nhiên, tôn trọng sự sống của mọi loài. Có rất nhiều nguyên tắc của Phật giáo tương đồng với các tôn giáo lớn khác, và cũng tương hợp với các nguyên tắc căn bản của LHQ.

Ông JUAN LUIS FLORES, đại sứ Tây Ban Nha, phát biểu rằng nước ông là một thành viên hỗ trợ dự thảo nghị quyết, và tin rằng LHQ là một nghị trường để các tôn giáo và các nền văn hóa lớn gặp gỡ và trao đổi ý kiến. Công nhận Ngày Vesak là để ghi nhận các đóng góp của những tôn giáo và văn hóa khác nhau cho sự bao dung và thông cảm lẫn nhau của mọi người trên thế giới.

Ông U WIN MRA, đại sứ Miến Điện, nói rằng LHQ kêu gọi mọi quốc gia thực hành bao dung và chung sống hòa bình. Điều đó cũng nằm trong lời dạy của Đức Phật, đã được hằng triệu người tuân theo. Đạo Phật, cũng như các tôn giáo lớn khác, đã có nhiều đóng góp đáng kể để duy trì hòa bình, và đây là một điều thích hợp để LHQ tạo ra một cơ hội tốt giúp mọi Phật tử giới thiệu ngày thiêng liêng của họ đến cộng đồng quốc tế. Ngày Vesak là ngày lễ thiêng liêng của Miến Điện, nơi có 90 phần trăm dân số theo đạo Phật. Để kỷ niệm ngày này, dân chúng thường cử hành lễ tưới cây Bồ đề, là nơi Đức Phật thành đạo.

Ông NARENDRA BIKRAM SHAH, đại sứ Nepal, phát biểu rằng tinh hoa của đạo Phật là cho con người, hòa bình, từ bi, thông cảm, bất bạo động, sự bình đẳng giữa mọi người, và kính trọng các tín ngưỡng tôn giáo khác.

Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nơi Đức Phật đản sinh, ngày nay là một Di sản Quốc tế. LHQ đã từng hỗ trợ để bảo tồn và phát triển nơi đó. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Quốc tế đã được tổ chức tại Lâm-tỳ-ni vào năm trước, và đã công bố đây là nơi cội nguồn của hòa bình. Ngày Vaishakh Purnima (theo tiếng Nepal) hay là Ngày Vesak – còn được gọi là Ngày Lâm-tỳ-ni – đã được công nhận tại Nepal như là một ngày lễ quốc gia, một ngày chính thức của tinh thần bất bạo động.

Ông INAM-UL-HAQUE, đại sứ Pakistan, nói rằng miền tây bắc của đất nước ông là quê hương của nền văn minh Phật giáo Gandhara, phát triển vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch. Đây là thời kỳ của nghệ thuật Gandhara, là một kết nối của nghệ thuật Hy Lạp - La Mã với truyền thống Phật giáo. Sự đóng góp của Phật giáo vào văn hóa, nghệ thuật và văn minh của dân chúng Nam Á và các nơi khác rất quan trọng. Thông điệp về hòa bình, từ bi và chân lý của Đức Phật đã được chia sẻ trong các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Công nhận của LHQ về Ngày Vesak là một ghi nhận thích đáng về sự đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển tâm linh của nhân loại.

Ông KAMALESH SHARMA, đại sứ Ấn Độ, nói rằng tác động lớn lao của Phật giáo vào các giá trị của thế giới về tâm linh, luân lý và đạo đức rất xứng đáng để Hội đồng LHQ công nhận và tôn vinh Ngày Vesak. Cốt lõi của các lời dạy của Đức Phật đã tác động lên đời sống của hàng triệu người trên thế giới, với hy vọng và giải thoát. Quốc gia của ông sẽ tham gia tích cực vào ngày lễ này tại LHQ.

Sau đó, đại sứ các nước Lesotho, Nicaragua và Hoa Kỳ cùng quyết định tham gia hỗ trợ dự thảo nghị quyết này. Tiếp theo, nghị quyết được Hội đồng LHQ chấp thuận thông qua, ngày 15 tháng 12 năm 1999.


-8-

Về bài kinh Kalama

Tỳ khưu Bodhi

Bài kinh Kalama, trong Tăng chi bộ, chương Ba Pháp, thường được nhiều người xem như là một "Hiến chương Phật giáo về Tự do Trạch vấn". Mặc dù bài kinh bác bỏ các tư duy giáo điều và lòng tin mù quáng, vấn đề ở đây là bài kinh có thật sự mang những ý nghĩa mà người ta thường gán ghép vào đó hay không? Dựa vào một đoạn duy nhất của bài kinh, thường được trích dẫn sai lạc ra ngoài mạch văn, người ta thường nghĩ rằng Đức Phật là một nhà chủ nghĩa thực nghiệm, bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, và giáo pháp của Ngài chỉ là công cụ của một người tư duy tự do để đạt chân lý, và mời gọi mỗi người chấp nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì theo sở thích của họ.

Thế nhưng, bài kinh Kalama có thật sự biện minh cho quan điểm đó không? Hay chúng ta thấy ở đây chỉ là một tập hợp các dạng thái khác nhau của khuynh hướng trơ trẽn xưa cũ là đánh đồng giáo pháp với những gì thích hợp với mình – hoặc thích hợp với những người đang nghe mình thuyết giảng? Trong giới hạn của bài viết ngắn này, chúng ta hãy đọc lại toàn bộ bài kinh Kalama, và cũng cần nên nhớ rằng để hiểu đúng lời Phật dạy, chúng ta cần phải tìm hiểu ý định của Ngài khi nói ra các lời dạy đó.

*

Đoạn kinh thường được nhiều người trích dẫn như sau:

- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình."

"Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng. ... Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

Đoạn kinh này, cũng như những đoạn khác ghi lại trong kinh điển, Đức Phật nói ra trong một ngữ cảnh đặc biệt – cho thính chúng trong một bối cảnh đặc biệt nào đó – và vì thế cần phải hiểu trong ngữ cảnh đó. Các người trong bộ tộc Kalama, cư dân của thị trấn Kesaputta, được nhiều vị đạo sư với những quan điểm khác nhau đến viếng thăm, mỗi vị đề cao giáo thuyết của mình và bôi bác giáo thuyết của người khác. Điều này làm cho những người Kalama hoang mang. Khi biết ẩn sĩ Gotama, được ca ngợi là bậc Giác Ngộ, đến viếng thị trấn, họ đến yết kiến Ngài, với hy vọng rằng Ngài sẽ giúp giải tỏa các sự hoang mang, nghi ngờ của họ. Khi đọc tiếp các đoạn sau của bài kinh, chúng ta thấy rõ ràng các vấn đề làm cho họ hoang mang là về sự tái sinh và hậu quả của các hành động thiện và ác.

Đức Phật bắt đầu bằng cách trấn an những người Kalama rằng trong tình huống như thế, họ nghi ngờ hoang mang là đúng, và Ngài khuyến khích họ nên trạch vấn. Tiếp theo, Ngài nói với họ những điều như đã được ghi trong đoạn kinh trích dẫn ở trên, khuyên họ nên từ bỏ những điều họ tự biết rõ là bất thiện, và thực hành những những điều họ tự biết rõ là thiện. Lời khuyên này có thể nguy hiểm cho những ai không có luân lý đạo đức, và chúng ta có thể hiểu rằng ở đây, Đức Phật xem những người Kalama này là những người có đạo đức tốt. Dù thế nào, Ngài cũng không để cho họ tự mình suy diễn, mà Ngài còn khéo léo hỏi họ để cho họ thấy tham sân si đưa đến bất hạnh, khổ đau cho mình và cho người khác, và chúng phải được từ bỏ. Trái lại, tâm vô tham, vô sân, vô si sẽ đưa đến an lạc, hạnh phúc, và vì thế, cần phải được nuôi dưỡng.

Tiếp theo, Đức Phật giảng rằng một "vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si" sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả bao trùm toàn thế giới. Với tâm thanh tịnh, không oán thù, không ác hại như vậy, vị ấy có được "bốn sự an ổn" ngay bây giờ và tại nơi đây: (i) nếu có đời sau và nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ sinh vào cõi thiện lành; (ii) nếu không có đời sau và nếu không có kết quả dị thục, vị ấy vẫn sống tự tại và an lạc tại đây và ngay bây giờ; (iii) nếu có quả xấu trổ ra bởi nghiệp ác, vị ấy không chịu quả xấu; và (iv) nếu quả xấu không trổ bởi nghiệp ác, cũng không ảnh hưởng gì đến vị ấy vì ý nghĩ lẫn hành động của vị ấy đều trong sạch. Sau khi nghe giảng như thế, các người Kalama tỏ lòng tri ân và tán thán Đức Phật, rồi xin Ngài cho phép họ quy y Tam Bảo.

*

Bài kinh Kalama có đề nghị, theo quan điểm của nhiều người, rằng một người Phật tử có thể bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, rằng người ấy chỉ cần dựa theo kinh nghiệm cá nhân của mình như là tiêu chuẩn để đánh giá các lời dạy của Đức Phật và để bác bỏ những gì mà mình không thể dung hợp, hay không? Đúng rằng Đức Phật không đòi hỏi những người Kalama phải chấp nhận những gì Ngài nói vì họ có lòng tin nơi Ngài, nhưng chúng ta cần phải ghi nhận một điểm quan trọng: những người Kalama này, khi bắt đầu bài kinh, chưa phải là đệ tử của Đức Phật. Họ đến gặp Ngài và xem Ngài chỉ như là một vị cố vấn, để nghe những lời khuyên khả dĩ giúp họ xóa tan sự nghi ngờ thắc mắc của họ, nhưng họ chưa xem Ngài là đấng Như Lai, bậc Toàn Giác, là vị có thể chỉ cho họ con đường tâm linh đưa đến giải thoát tối hậu.

Bởi vì các người Kalama không có ý định đến gặp Đức Phật để tìm hiểu sứ mạng hoằng pháp của Ngài, để tìm hiểu con đường giải thoát, cho nên chưa phải là dịp để Đức Phật thuyết giảng về giáo pháp cao diệu của Ngài, chẳng hạn như là Tứ Diệu Đế, tam tướng (khổ, vô thường, vô ngã), và các pháp quán niệm. Giáo pháp này chỉ giảng đặc biệt cho những ai đã chấp nhận Đức Phật là vị Thầy dẫn đường giải thoát. Trong các bài kinh khác, Ngài chỉ thuyết giảng cho những ai đã có "lòng tín thành nơi Đức Như Lai" và cho những ai đã có đầy đủ phước duyên để thông hiểu và thực hành các lời dạy đó. Những người Kalama này, ngay trong đoạn đầu bài kinh, chưa phải là thửa đất mầu mỡ để Ngài gieo các hạt giống giáo pháp giải thoát. Họ còn đang hoang mang về các lời tuyên bố trái ngược nghe được từ các vị đạo sĩ khác, tâm họ vẫn chưa rõ ràng, ngay cả về nền tảng căn bản của đạo đức.

Vì thế, sau khi khuyên họ không nên tin dựa theo các truyền thống sẵn có, dựa theo lý luận trừu tượng, dựa theo các bậc đạo sư khéo thuyết, Đức Phật trình bày những gì có thể kiểm chứng tức khắc và có khả năng thiết lập một nền tảng vững chắc cho đời sống đạo đức và thanh tịnh tâm hồn. Ngài dạy rằng cho dù có hay không có tái sinh sau khi chết, một đời sống có đạo đức và có lòng từ bi với mọi loài chúng sinh tất nhiên sẽ mang đến phần thưởng quý báu ngay bây giờ và ở nơi đây, đó là sự an bình và hạnh phúc nội tâm, cao quý hơn tất cả các khoái lạc mong manh khi con người vi phạm các nguyên tắc đạo đức và chạy theo lòng tham dục. Cho những ai dù chưa sẵn sàng chấp nhận có đời sau, có đời sống khác sau khi chết, lời dạy như thế sẽ đảm bảo sự an vui hiện tại của họ, và nhờ thế, có khả năng giúp họ tái sinh về cõi thiện lành.

Mặt khác, cho những ai có khả năng hiểu biết và chấp nhận sự hiện hữu của chúng ta qua tái sinh luân hồi, lời dạy của Ngài cho những người Kalama vượt qua các tác động tức thời và chỉ thẳng vào cốt lõi của Giáo Pháp. Ba trạng thái tâm – tham, sân, si – được Ngài đem ra thuyết giảng không phải chỉ là căn bản của tà hạnh và uế nhiễm trong tâm. Trong khung giáo lý của Ngài, đó là cội nguồn của lậu hoặc – là nguyên nhân chính của tất cả mọi ràng buộc và đau khổ – và toàn thể giáo pháp có thể xem như là pháp hành để diệt sạch ba cội rễ ác hại này, bằng cách phát triển toàn hảo ba liều thuốc hóa giải: xả ly, từ bi và trí tuệ.

*

Như thế, bài giảng cho các người Kalama trình bày cách thử nghiệm tốt để mang lại sự tín nhiệm nơi giáo pháp của Đức Phật như là một giáo thuyết khả thi, đưa đến giải thoát. Giáo pháp bắt đầu với một lời dạy có thể chứng nghiệm tức thời, giá trị của lời dạy ấy có thể thấy được bởi bất cứ người nào có đạo đức tốt và thực hành nghiêm túc cho đến kết luận cuối cùng; nghĩa là có thể thấy được: các lậu hoặc trong tâm gây tai hại và đau khổ cho mình và cho xã hội, đoạn trừ lậu hoặc sẽ mang đến an bình và hạnh phúc, và các pháp hành mà Đức Phật đã dạy là những phương cách hiệu quả để đoạn trừ các lậu hoặc đó. Bằng cách tự thử nghiệm lời dạy này, chỉ cần tạm thời đặt lòng tin nơi Đức Phật như hành trang đi đường, cuối cùng, ta sẽ có được một sự tin tưởng vững chắc, dựa trên kinh nghiệm thực chứng, nơi uy lực giải thoát và thanh tịnh hóa của giáo pháp. Sự tin tưởng nơi lời dạy ấy sẽ mang lại lòng tịnh tín sâu xa nơi Đức Phật là vị Thầy, và từ đó, ta sẽ chấp nhận các nguyên tắc hành trì mà Ngài truyền giảng để giúp ta tiến bước trên con đường đưa đến giác ngộ, ngay cả khi chúng vượt ngoài khả năng kiểm chứng của ta. Đây chính là đánh dấu sự khai mở Chánh Kiến, bước đầu tiên của Bát Chánh Đạo.

*

Một phần vì phản ứng chống lại chủ nghĩa giáo điều, một phần vì quỵ lụy vào kiến thức khoa học khách quan, khuynh hướng thời thượng ngày nay là vội vàng suy diễn cho rằng Đức Phật bác bỏ mọi lòng tin và giáo thuyết đã thiết lập, và cho rằng Ngài dạy chúng ta chỉ chấp nhận những gì ta có thể tự kiểm nghiệm, qua bài kinh Kalama. Tuy nhiên, sự suy diễn này không chính xác. Chúng ta đừng quên rằng đây là các lời khuyên của Đức Phật đến những người Kalama khi họ chưa sẵn sàng tin Ngài và giáo pháp của Ngài; cũng bởi lẽ ấy, bài kinh đã không đề cập gì đến Chánh Kiến và cả bầu trời tươi sáng khi có được một cái nhìn chân chính. Trái lại, bài kinh chỉ đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất để họ có được một đời sống hiền thiện, khi vấn đề về đức tin tối hậu được tạm thời gác sang một bên.

Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng lời Đức Phật dạy trong bài kinh bao gồm những gì mà chúng ta có thể tự thực chứng trong kinh nghiệm đời sống hằng ngày; rồi từ đó, sẽ là cơ sở vững chắc để ta đặt niềm tin vào những khía cạnh khác của giáo pháp, vượt qua những kinh nghiệm thông thường của ta. Đức tin trong Phật Pháp không bao giờ được xem như là cứu cánh, cũng không đủ bảo đảm để giác ngộ giải thoát, mà chỉ là điểm khởi đầu của một tiến trình thăng hoa chuyển hóa nội tâm để khai mở tuệ quán. Để tuệ quán thực hiện được chức năng giải thoát, nó cần phải được khai mở trong bối cảnh nắm bắt chính xác các chân lý trọng yếu về vị trí của chúng ta trong thế gian và về phạm vi của giải thoát. Các chân lý này đã được Đức Phật hoằng truyền từ sự hiểu biết thâm sâu của Ngài về bản chất của con người. Chấp nhận các chân lý đó với lòng tín thành, sau khi xem xét kỹ lưỡng, là đặt bước đầu tiên trên cuộc hành trình chuyển hóa niềm tin thành trí tuệ, sự tín nhiệm thành sự chắc chắn, và đưa đến giải thoát khỏi mọi đau khổ.

Tỳ khưu Bodhi
(Buddhist Publication Society, Newsletter No. 9, Sri Lanka, 1988)

Bình Anson lược dịch
(Perth, Tây Úc, tháng 8-2007)

-ooOoo-

Kinh Kalama
(Tăng chi III.65)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Thế Tôn du hành trong xứ Kosala, cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kalama.

Các người Kalama ở Kesaputta được nghe: "Du sĩ Gotama là bậc xuất gia của dòng họ Thích-ca đang du hành trong xứ Kosala, vừa đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp về Ngài Gotama được truyền đi như sau: Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Ngài giảng pháp cao diệu, rõ ràng, đầy đủ từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối. Ngài tuyên bố đã chứng đắc đạo quả tối thượng bằng chính tuệ giác của Ngài đến toàn thể thế giới của chư thiên và nhân loại. Ngài có đời sống phạm hạnh hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng ta được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy".

Rồi các người Kalama ở Kesaputta đến yết kiến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân thiện với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người cung kính chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng ngồi xuống một bên.

*

Sau khi ngồi xuống, các người Kalama ở Kesa-putta thưa với Thế Tôn:

- Bạch Ngài, có một số du sĩ, Bà-la-môn, đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Lại có một số du sĩ, Bà-la-môn khác đến Kesaputta, họ cũng thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ cũng lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Ngài, đối với những người ấy, chúng con nghi ngờ phân vân: "Trong những du sĩ, Bà-la-môn này, ai nói đúng sự thật, ai nói không đúng sự thật?"

- Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ, phân vân. Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.

Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

*

- "Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng."

Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê khởi lên trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?

- Đem đến đau khổ, bạch Thế Tôn.

- Này quý vị, người nào có tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, và khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?

- Bất thiện, bạch Thế Tôn.

- Đáng chê hay không đáng chê?

- Đáng chê, bạch Thế Tôn.

- Có tội hay không có tội?

- Có tội, bạch Thế Tôn.

- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?

- Bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.

- Như vậy, này quý vị, hãy ghi nhớ điều Ta vừa nói:

"Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng".

*

- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê không hiện hữu trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?

- Đem đến lợi lạc, bạch Thế Tôn.

- Này quý vị, người nào không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm si, không bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ không sát sinh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy lợi lạc hạnh phúc lâu dài hay không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?

- Thiện, bạch Thế Tôn.

- Đáng chê hay không đáng chê?

- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.

- Có tội hay không có tội?

- Không có tội, bạch Thế Tôn.

- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?

- Không bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến lợi lạc hạnh phúc không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?

- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.

- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".

*

- Này quý vị Kalama, vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Từ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Từ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Bi bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Bi cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Hỷ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Hỷ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Xả bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Xả cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.

*

Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn:

i) "Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh vào cõi thiện lành"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.

ii) "Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, tại đây và ngay bây giờ, ta vẫn sống tự tại, an lạc, với tâm không oán thù, không ác hại"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.

iii) "Nếu có quả xấu trổ ra cho người làm nghiệp ác, nhưng ta không tác ý làm điều ác hại cho bất cứ ai; do vậy, làm sao quả xấu đó có thể tác động đến ta?"; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.

iv) "Nếu quả xấu không trổ ra cho người làm nghiệp ác, cũng không tác động gì đến ta, vì tâm ta thanh tịnh và thân ta không làm điều ác"; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.

Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.

- Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng Chánh Pháp rõ ràng bằng nhiều phương cách, như người dựng đứng những gì bị xô ngã xuống, hay phô bày những gì bị che phủ, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong tối để những ai có mắt có thể thấy tường tận. Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Kính xin Ngài nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ; từ bây giờ cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.

*

Tham khảo:

1) "Kinh Kalama", bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Thiện Châu.
2) "Kinh Kalama" (Tăng chi bộ), bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Minh Châu.
3) "The Instruction to the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Soma.
4) "To the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhik-khu Bodhi.


-9-

Về bài kinh Quán Niệm

Bài đọc trong diễn đàn Tìm Hiểu Kinh Điển Pali, Paltalk, tháng 8-2006

*

Kính thưa quý chư tôn đức Tăng Ni và quý anh chị đạo hữu,

Mấy tháng trước, chúng tôi được thông báo là sẽ có một chương trình giảng bài kinh Satipatthana trong diễn đàn Tìm Hiểu Kinh Điển Pali, thuộc chương trình trực tuyến Paltalk, trong nhiều tuần lễ. Chúng tôi rất hoan hỷ và tán thán đề xuất đó.

Khi được đề nghị có một bài đọc nhân buổi khai mạc thời giảng kinh này, chúng tôi rất ngần ngại, vì với kiến thức hạn hẹp, chúng tôi hầu như rất ít khi viết hay thuyết trình về một bài kinh nào của Đức Phật, mà chỉ chuyên tâm dịch các bài Anh ngữ của các vị cao tăng thạc đức, hay chỉ soạn ra các bài viết ngắn, trong đó có trích lục các đoạn kinh trong nguồn kinh tạng Pali.

Tuy nhiên, để đánh dấu ngày đầu tiên của thời giảng bài kinh Satipatthana, cũng như để đóng góp, chia sẻ những gì mình đã học tập, chúng tôi xin mạn phép được trình bày vài ý kiến thô thiển, vài câu hỏi gợi ý, vài điểm quan trọng mà chúng tôi thường suy gẫm, có liên quan đến bài kinh và sự tu học của chính bản thân mình.

*

Trước hết, bài kinh Satipatthana là một bài giảng chi tiết của Đức Phật, mà người Phật tử chúng ta cần phải học tập. Có người cho rằng đây là bài kinh quan trọng nhất, nhưng chúng tôi tránh dùng chữ "nhất" ở đây. Bài kinh nào của Đức Phật cũng đều quan trọng như nhau. Trong suốt 45 năm hoằng hóa độ sinh, Ngài đã để lại các bài giảng quý báu cho từng căn cơ, từng nhân duyên, từng hoàn cảnh. Mỗi bài giảng là đặc biệt cho một loại thính chúng nào đó để hóa độ họ. Tùy theo căn duyên của mỗi cá nhân, lời giảng của Đức Phật có những tác động khác nhau. Và cũng tùy theo thời điểm trên con đường tu học, có khi chúng ta có cảm nhận sâu xa về bài kinh này, và có khi chúng ta cảm thấy gần gủi với lời dạy của Ngài trong bài kinh khác. Cho nên, chúng ta không thể cho rằng bài kinh này lại quan trọng hơn bài kinh kia. Thêm nữa, qua nhận xét của chúng tôi, đã có một số người vì lý do này hay lý do khác, có vẻ quá tôn sùng một bài kinh, cho rằng đó là quan trọng nhất, chỉ cần học một bài kinh đó thôi là đủ, không cần học thêm các bài kinh khác. Chúng tôi e rằng đó là một thái độ cực đoan, chủ quan, cố chấp, không lợi lạc trong quá trình tu học của chúng ta.

Trong Tam Tạng, Đức Phật đề cập rất nhiều về Chánh Niệm và pháp Quán Niệm, được ghi lại trong nhiều bài kinh, thí dụ như các bài kinh trong Tương ưng Niệm Xứ của Tương ưng bộ. Tuy nhiên, có hai bài kinh thường được nhiều người biết đến, nhất là trong giới thiền sinh: đó là Satipatthana Sutta – Kinh Quán Niệm, bài kinh số 10 trong Trung Bộ, và Maha Satipatthana Sutta – Đại Kinh Quán Niệm, bài kinh số 22 trong Trường bộ. Hai bài kinh này có nội dung giống nhau, chỉ khác ở chỗ bài kinh trong Trường bộ thì dài hơn, vì có thêm phần triển khai về Tứ Diệu Đế.

Ở đây, chúng tôi xin ghi nhận có vài cách để dịch tựa bài kinh. Thứ nhất, chúng ta hiểu như thế nào về chữ "Maha" (Đại) trong tựa kinh "Maha Satipatthana Sutta"? Nó bổ nghĩa cho chữ Kinh hay chữ Niệm? Dịch là "Đại Kinh Niệm Xứ" hay "Kinh Đại Niệm Xứ"? Theo chúng tôi, chữ Maha ở đây là để phân biệt bài kinh dài hay ngắn, do đó, tựa đề của 2 bài kinh có thể dịch là "Kinh Niệm Xứ" trong Trung Bộ, và "Đại Kinh Niệm Xứ" trong Trường Bộ. Điều này cũng được các dịch giả Âu Mỹ dùng khi họ dịch sang Anh ngữ (Long Discourse on Mindfulness Short Discourse on Mindfulness).

Thứ hai, Satipatthana được dịch như thế nào? Quan niệm thông thường dịch là Niệm Xứ hay Nền Tảng Của Niệm, như là kết hợp của chữ SatiPat-thana. Nhưng cũng có dịch giả, như ngài Tỳ khưu Bodhi, không đồng quan điểm, mà cho rằng nên dịch là Sự Thiết Lập Niệm (Establishment of Mindfulness) – như là kết hợp của chữ SatiUpatthana, và như thế, tựa đề sẽ là Kinh Lập NiệmĐại Kinh Lập Niệm. Tỳ khưu Soma trong quyển Con Đường Chánh Niệm (The Way of Mindfulness), dịch là Bài Giảng Về Sự Khơi Dậy Niệm, hay Thẩm Thấu Niệm (the Dis-course on the Arousing of Mindfulness, the Discourse on Penetrating Mindfulness).

Và quan trọng hơn, chúng ta hiểu như thế nào về chữ Niệm? Theo cách chiết tự chữ Hán, chữ Niệm là kết hợp của chữ Tâm và chữ Kim (hiện tại), nghĩa là "tâm trong hiện tại". Ngày nay, trong rừng kinh sách phát triển về sau này, nhất là trong truyền thống Thiền tông Trung Hoa, chữ Niệm có lẽ là một chữ đã mang nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa khác nhau, và từ đó, tạo nhiều tranh luận vì không cùng thống nhất về ý nghĩa của chữ Niệm - Sati.

*

Bài kinh được Đức Phật giảng cho người dân Kuru ở thị trấn Kamasadamma, bây giờ là vùng Đông Kailash thuộc thành phố Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Nếu quý vị có dịp đi hành hương Ấn Độ và ghé vào thủ đô Delhi, chúng tôi đề nghị quý vị thu xếp thì giờ để đến viếng nơi Đức Phật giảng bài kinh Satipatthana này, ngày nay chỉ còn là một ngọn đồi nhỏ trong vùng Đông Kailash, với những tảng đá to, có ghi khắc lại sự kiện lịch sử đó.

Theo Chú giải, Đức Phật giảng bài kinh Quán Niệm cho thính chúng xứ Kuru, gồm đầy đủ bốn thành phần: tỳ khưu, tỳ khưu ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Các vị nầy sống an vui, thân thể khỏe mạnh, tâm trí tươi sáng, sống trong chánh pháp, lúc nào cũng có thực hành quán niệm ngay cả trong các hoạt động hằng ngày. Vì vậy, nhận thấy nhân duyên đã tròn đủ, Đức Phật mới thuyết giảng bài kinh nầy với ý nghĩa thâm sâu, để giúp họ đi vào dòng thánh giác ngộ giải thoát. Có lẽ vì vậy, các vị ấy có thể thu nhận dễ dàng những gì Ngài truyền dạy.

Về phần chúng ta, sau 25 thế kỷ từ khi Phật Pháp được quảng bá, chúng ta vẫn còn ngồi đây, luân lưu trong cõi Ta bà này, không biết chúng ta đã có đầy đủ phước duyên để dễ dàng thông hiểu bài kinh như thính chúng xứ Kuru hay không? Thêm vào đó, ngữ văn Pali ngày nay là một cổ ngữ, không còn ai sử dụng, mà đa số chúng ta lại không am tường rõ ràng loại ngữ văn đó. Vì thế, đương nhiên là ngày nay, chúng ta thấy nhiều cách diễn giải về bài kinh. Trong bài kinh, nhiều cụm từ và thành ngữ Pali có thể được được chuyển dịch theo những ý nghĩa khác nhau, theo những quan kiến khác nhau, mà chắc rằng Đại đức giảng sư sẽ trình bày chi tiết để chúng ta được thông hiểu tường tận hơn.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin chia sẻ thêm một kinh nghiệm nhỏ, là khi chúng ta học kinh và nghe hoặc đọc những giải thích khác nhau, từ các bản Chú giải hay Phụ Chú giải – hoặc từ các bài giảng luận của các tác giả đương đại, đương nhiên là chúng ta có một thái độ kính quý nhưng chúng ta cũng không nên vội cả tin, và nhất là không nên quá chấp chặt vào một kiến giải nào cả, dù rằng đó là từ một vị cao tăng thạc đức. Chúng ta cần có một thái độ cởi mở, bao dung nhưng độc lập, kính trọng nhưng không nô lệ, đón nhận các ý kiến khác nhau, tự mình suy tư và thành tâm áp dụng vào đời sống hằng ngày, và tự rút tỉa những nhận định cho riêng mình, cho đời sống tu tập của chính mình. Chúng ta nên thẳng thắn và thành thật với chính mình: rằng mình chỉ là một phàm nhân còn nhiều vô minh, cho nên, những gì mình hiểu, mình biết, những kết luận mà mình tự tìm ra được hay qua giảng giải của người khác, tất cả chỉ là những tri thức tạm bợ, nhất thời, có thể còn thay đổi, chuyển hóa theo thời gian, trong tiến trình tu học của mình.

Thêm vào đó, theo kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng nên tra cứu các bài kinh tương đương, ghi lại trong các bộ kinh A-hàm của Hán tạng. Các bài kinh A-hàm đã được lược dịch sang Hán ngữ từ các nguồn Phạn ngữ của nhiều tông phái khác nhau, cho nên, đôi khi, lời văn có vẻ cô đọng hơn, và ngày nay đã được chuyển dịch sang tiếng Việt. Nếu chúng ta tìm đọc và so sánh các bài kinh từ nguồn Pali tạng lẫn Hán tạng, ý nghĩa của các đoạn kinh liên quan có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trong trường hợp bài kinh Satipatthana Sutta, trong Hán tạng có 2 bài kinh tương đương là: (i) Kinh Niệm Xứ (Trung A-hàm, kinh 98); và (ii) Kinh Nhất Nhập Đạo (Tăng Nhất A-hàm, chương XII), mà chúng ta cũng nên tìm đọc và so sánh.

*

Chúng ta học bài kinh này như thế nào? Theo thiển ý, đầu tiên, chúng tôi đề nghị ta nên tìm đọc toàn bộ bài kinh, đọc bằng bản dịch tiếng Việt hay đọc bản tiếng Anh, hay cả hai. Đây là bài kinh nổi tiếng nên đã có nhiều bản dịch, đăng trong các trang web Phật giáo trên Internet. Theo kinh nghiệm riêng, cho một người sinh sống trong môi trường Tây phương và phải sử dụng tiếng Anh hằng ngày, chúng tôi phải thành thật nói rằng, nhiều khi, đọc bản dịch tiếng Anh thì lại thấy dễ hiểu hơn bản tiếng Việt, nhất là nếu bản tiếng Việt dùng quá nhiều từ ngữ Hán Việt cổ xưa. Đọc chậm rãi, đọc to thành tiếng hơn là đọc thầm trong miệng, vì theo thiển ý, khi ta đọc to thành tiếng, lời kinh dễ thâm nhập vào tâm thức hơn. Trong giai đoạn sơ khởi nầy, có thể chúng ta chưa hiểu hết toàn thể ý nghĩa của bài kinh, nhưng ít ra, khi chúng ta đọc toàn bộ bài kinh, chúng ta cũng có một ý niệm khái quát về các lời Phật dạy trong bài kinh đó.

Trong những buổi giảng tiếp theo, chúng ta cũng nên làm như thế. Trước buổi giảng chừng 15-20 phút, chúng ta nên tự đọc lại toàn bộ bài kinh, đọc từ từ, chậm rãi, thong thả, để điều hướng tâm ta về bài kinh sắp được giảng.

Trong khi nghe giảng, nên có một cuốn sổ tay hay một tập giấy để ghi chú. Chúng ta không cần phải ghi chép tất cả những gì đang giảng, nhưng chỉ đánh dấu, ghi nhanh vài chữ chính, có liên hệ đến các điểm quan trọng khi nghe giảng: điểm nào đáng lưu ý, điểm nào ta không đồng ý với giảng sư, điểm nào nghe không rõ, điểm nào còn thắc mắc nghi ngờ. Đến phần tham vấn sau bài giảng, ta có thể khai triển các điểm đó với giảng sư, để soi sáng thêm, hoặc để đóng góp cho không khí sinh hoạt của diễn đàn.

Sau giờ giảng, chúng ta nên tự suy tư, những gì đã nghe, đã theo dõi trong một giờ qua, xem có lợi lạc gì cho mình, giúp ích được gì cho sự tu tập của mình. Nên thẳng thắng và thành thật hỏi lòng mình và tự trả lời. Có thể ta chưa tìm được câu trả lời, có thể các ý tưởng còn lộn xộn trong đầu, nhưng ít ra, khi ta tự đặt câu hỏi như thế, ta hướng tâm ý ta vào con đường để tìm một lời giải thích thỏa đáng. Không nên tiếp tục ngồi nghe Paltalk bằng cách vội vàng chạy vào các diễn đàn khác như thể một hình thức chạy show, lãng phí thì giờ đã theo dõi bài giảng. Hãy dừng lại, đứng lên, rời bỏ máy vi tính, đi pha một tách trà, một ly nước, uống chậm rãi, rồi ra sau vườn, hay đi bộ loanh quanh, hay vào một phòng riêng, ngồi tĩnh tâm, suy gẫm về những gì vừa được nghe giảng.

*

Trong bài kinh, Đức Phật giảng về cách sửa soạn tâm ý trước khi áp dụng pháp quán niệm. Chúng ta có thật lòng thực hành các bước sửa soạn đó không? Trong mỗi pháp quán niệm, ta cần quán với thái độ như thế nào? Làm sao để tập luyện được như thế? Chúng ta có thử tạm gát bỏ mọi chuyện đời, tìm một nơi thanh vắng, hay sửa soạn một phòng riêng, một góc riêng, dành một ít thì giờ mỗi ngày, để tập quán niệm không? Hiểu là một chuyện, thực hành lại là một chuyện khác. Chúng ta dành thì giờ để nghe giảng, tìm hiểu bài kinh này để làm gì? Để gia tăng kho tàng tri thức của mình, để bàn luận suông, khoe khoang, chỉ dạy, tranh cãi với người khác, hay là để tập áp dụng, thực hành trong đời sống hằng ngày của mình? Và áp dụng như thế nào khi sáu căn tiếp xúc liên tục với sáu trần, và làm sao để giữ chánh niệm trước những đổi thay liên tục quay cuồng trong đời sống?

Trong bài kinh, Đức Phật đưa ra 21 đề mục với chi tiết rõ ràng để chúng ta tập quán niệm. Chúng ta cần tìm hiểu và ghi nhận đầy đủ; rồi tùy thời, tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà đem ra áp dụng. Các đề mục nầy được Ngài tập hợp lại trong 4 nhóm tổng quát: thân, thọ, tâm, pháp, và thường được Ngài giảng tóm tắt trong các bài kinh khác. Ở đây, đối với người Phật tử Việt Nam, vốn được nghe và đọc nhiều kinh sách từ cả hai nguồn Bắc truyền và Nam truyền, có lẽ chúng ta thường nghe nhiều người nói câu: "Quán tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán pháp vô thường, quán tâm vô ngã". Câu này được người ta nói đi nói lại nhiều lần, máy móc như thể một câu thiệu. Sau khi nghe loạt bài giảng về kinh Satipatthana này, chúng ta cũng nên tự hỏi: - Câu thiệu đó, tuy nghe có vẻ đơn giản và ngắn gọn, có còn đúng không? Có ích lợi gì không? Có tóm tắt được ý nghĩa của bài kinh không? Hay đó chỉ là một cách nói suông, dựa theo lời bàn luận trong Chú giải, để giúp đối trị bản tính tham lam, sân hận, si mê của một vài hạng thiền sinh mà thôi?

Sau khi giải thích tỉ mỉ từng đề mục, Đức Phật khuyên chúng ta phải quán sát, theo dõi, ghi nhận sự sinh khởi, hay ghi nhận sự tàn diệt, hay ghi nhận sự sinh và diệt của đề mục. Từ đó, khởi lên trí tuệ, để thấy tính vô thường và vô ngã của nó, và rồi, khi phước duyên tròn đủ, sẽ không còn tham ái, chấp thủ vào đó. Đây là mục đích chính của Chánh Niệm, một chi phần của Con Đường Tám Chánh mà Đức Phật đã truyền giảng.

Nói đến Con Đường Tám Chánh, thỉnh thoảng, trong khi tìm hiểu về bài kinh, chúng ta cũng nên dừng lại, và tự hỏi: - Bài kinh này, với những đề mục và phương cách quán niệm ghi lại trong đó, giúp chúng ta được gì trong công phu thực hành Bát Chánh Đạo, trong đó, Chánh Niệm chỉ là một chi phần, và làm thế nào để phát triển bảy chi phần kia? Tác động hỗ tương giữa Chánh Niệm và bảy chi phần đó là như thế nào? Suy diễn, quy nạp các lý luận tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ, mà chúng ta cần phải tự dấn thân, tự thực nghiệm trong đời sống của mình. Có người cho rằng chỉ cần tu quán niệm là đủ rồi, điều đó có đúng không? Hay là chúng ta dùng Chánh Niệm như là một nền tảng vững chắc để phát triển các chi phần kia? Trong phần cuối của bài kinh, Đức Phật có đề cập đến Bát Chánh Đạo, và như thế, vai trò của bài kinh nầy là gì trong sự hành trì Con Đường Tám Chánh đó? Con Đường Tám Chánh này là con đường duy nhất để đưa đến giác ngộ giải thoát, là con đường mà các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đều đi qua trong các thời kỳ trước. Đức Phật của chúng ta cũng đã đi theo Con Đường Tám Chánh ấy, và Ngài truyền giảng con đường này trong suốt 45 năm hoằng đạo, như đã ghi lại trong rất nhiều bài kinh, từ ngay trong bài giảng đầu tiên sau khi thành đạo và trong bài giảng cuối cùng trước khi nhập diệt.

Đã có nhiều sách, nhiều tài liệu, nhiều bài giảng luận của các vị cao tăng thiền sư mà chúng ta có thể tham khảo để tìm hiểu thêm, trong đó có nhiều điểm tương đồng mà cũng có những điểm bất đồng, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ được nghe giảng giải chi tiết trong các buổi học sắp tới. Nhưng cuối cùng rồi, chính mỗi người chúng ta phải tự nhận định, để có một chọn lựa thích hợp cho sự tu tập của chính mình.

*

đây, chúng tôi chỉ đưa ra những câu hỏi mà không đưa ra câu trả lời, vì đây chỉ là các câu hỏi gợi ý, để chúng ta cùng suy gẫm, trong tiến trình học tập bài kinh, sau khi nghe các vị pháp sư giảng giải, và sau khi đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày của mình. Chúng tôi chỉ là phàm nhân cư sĩ, còn đang tu tập, còn nhiều vô minh, thì những câu trả lời của chúng tôi, nếu có, cũng chỉ là tạm bợ, nhất thời mà thôi, và vì thế, không cần thiết ở đây.

Trước khi dứt lời, một lần nữa, chúng tôi rất hoan hỷ và xin tán thán công đức của Đại đức giảng sư với tâm từ bi, đã bỏ nhiều thì giờ và công sức soạn thảo giáo trình mà Sư sẽ thuyết giảng trong thời gian tới, chắc chắn sẽ đem nhiều lợi lạc cho toàn thể thính chúng trong diễn đàn này. Chúng tôi xin cầu chúc Sư được nhiều sức khỏe, và xin chúc toàn thể quý vị thính giả mọi điều tốt lành, học và hành đầy đủ, với nhiều thuận duyên trên con đường tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát, chứng đạt Niết Bàn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Bình Anson
Tây Úc, Tháng 8-2006


-10-

Sống tỉnh giác từng ngày

1. Sống tỉnh giác từng ngày

"Mùa mưa ta ở đây..." (Pháp Cú, 286)

Ðó là lời của Ðức Phật dạy cho ông Ðại Phú (Mahadhana), một vị thương gia, khi Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên.

Một ngày nọ, vị thương gia nầy dùng 500 xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Ba-na-lại đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá-vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: "Ngày mai ta sẽ qua sông", rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông. Trong đêm đó, một trận bão kéo đến với mưa tầm tả cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại. Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng: "Ta đã trải qua một quảng đường dài, nếu ta quay về thì lại bị trễ nải. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa xuân và mùa hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng nầy..."

Khi Ðức Phật đi trì bình khất thực trong thành phố, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Ðại đức A-nan hỏi Phật vì sao Ngài cười. Ðức Thế Tôn đáp: "Này A-nan, thầy có biết ông Ðại Phú đó không?"

"Dạ có, bạch Thế Tôn."

"Không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, ông ta vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của ông ấy."

"Thật vậy sao, bạch Thế Tôn?"

"Ðúng thế, này A-nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt." Nói xong, Thế Tôn thốt lên bài kệ:

"Hãy tinh tấn thi hành
việc cần làm hôm nay.
Có ai biết chắc chắn
cái chết đến lúc nào?
Có ai chống lại được
mệnh lệnh của thần Chết?
An lạc thay cho người
ngày và đêm tinh tấn
sống tỉnh giác từng ngày!"

"Bạch Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông ấy biết," ngài A-nan thưa với Phật.

"A-nan, thầy cứ việc đi," Ðức Phật đáp.

Ðại đức A-nan đi khất thực đến nơi ông Ðại Phú trú ngụ với đoàn xe buôn của ông. Ông ta kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Ðại đức nói với vị thương gia: "Ông định ngụ lại đây trong bao lâu?"

"Bạch Ðại đức, con đã trải qua một quảng đường dài, nếu con quay về thì lại bị trễ nải. Cho nên con sẽ ở đây trọn năm, cho đến khi nào bán hết vải thì con mới ra đi."

"Này quý cư sĩ, mặc dù mạng sống đã gần hết mà ít ai lại biết được! Ông nên tinh tấn!"

"Bạch Ðại đức, tại sao thế? Có phải đời sống của con đã gần mãn?"

"Ðúng vậy, quý cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài bảy ngày nữa thôi."

Ông Ðại Phú rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Ðức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến chư Tăng, và trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bát của Đức Phật và xin Ngài chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Ðức Thế Tôn giảng thêm:

"Này quý vị tu sĩ và cư sĩ, một người hiền trí không bao giờ nên nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia.’ Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác từng giây khắc và luôn luôn quán chiếu về cái chết của mình như thể mình chỉ sống thêm được một đêm nữa thôi." Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ dưới đây, về sau được ghi lại trong kinh Pháp Cú (kệ 286-289):

Mùa mưa ta ở đây,
đông, hạ cũng ở đây,
người ngu tâm tưởng vậy,
không tự giác hiểm nguy.

Người tâm ý đắm say
con cái và súc vật,
tử thần bắt người ấy,
như lụt trôi hàng ngủ.

Một khi tử thần đến,
không có con che chở,
không cha, không bà con,
không thân thích che chở.

Biết rõ ý nghĩa này,
bậc trí lo trì giới,
mau lẹ làm thanh tịnh,
con đường đến Niết-Bàn. (Pháp Cú, 286-289)

Sau khi nghe xong bài giảng, vị thương gia tỉnh ngộ, thành tâm xin quy y Tam Bảo và đắc quả Dự lưu, các tu sĩ trong đoàn cũng đạt được thắng trí.

Sau đó, ông Ðại Phú đưa tiễn Ðức Phật về tinh xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói: "Tôi cảm thấy nhức đầu, thân thể mệt mỏi!", và nằm xuống giường để nghỉ. Vừa nằm xuống thì ông chết, và được tái sinh vào cõi trời Ðâu-suất.

*

2. Ðoạn diệt để giải thoát

Trong 45 năm thuyết pháp độ sinh, Ðức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng trạch khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn những người đang bị hoạn khổ. Có khi Ngài dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục người tài trí. Cũng có khi Ngài dùng các ẩn dụ mạnh mẻ gây sửng sốt, để khích động sự tu tập quán chiếu, khai mở trí tuệ giải thoát tri kiến.

Một ngày nọ có một nhóm các thầy Tỳ khưu từ phương xa đến đãnh lễ Phật. Trong dịp đó, Ngài dạy rằng:

"Sau khi giết cha mẹ rồi,
Giết hai vua nọ, hết đời hiếu tranh.
Chém tên quốc khố đại thần,
Diệt luôn lãnh thổ, quan quân tùy tùng.
Ðược rồi quốc độ mênh mông,
Bậc Vô Ưu sống thong dong bốn mùa."

và:

"Mẹ cha đã giết, đã chôn
Và hai vua Bà-La-Môn, chém ngành.
Ðoạn viên hổ tướng thứ năm,
Bậc Vô Ưu sống cõi hằng vô sinh."

Ðó là hai câu kệ số 294 và 295 ghi trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), do Tỳ khưu Giới Ðức chuyển dịch sang Việt ngữ (Kinh Lời Vàng, Nxb Thuận Hóa, 1995). Hòa thượng Minh Châu (Kinh Pháp Cú, Tiểu bộ) dịch bằng hai câu kệ năm chữ như sau:

Hãy giết cha, giết mẹ
Giết hai vua Sát-Lỵ
Giết vương quốc quần thần
Bà-la-môn như vậy,
Vô ưu sống thoải mái

Hãy giết cha, giết mẹ
Giết hai vua Bà-Môn
Giết hổ tướng thứ năm
Bà-La-Môn như vậy,
Vô ưu sống thoải mái.

Hòa thượng Thiện Siêu (Kinh Pháp Cú, Thiền viện Vạn Hạnh, 1995) dịch ra văn xuôi từ bản dịch Hán tự:

"Hãy diệt mẹ và cha, diệt hai vua dòng Sát-Ðế-Lợi, diệt vương quốc luôn cả quần thần, mà hướng về Bà-La-Môn vô ưu."

"Hãy diệt mẹ và cha, diệt hai vua dòng Bà-La-Môn, diệt luôn hổ tướng 'nghi' thứ năm, mà hướng về Bà-La-Môn vô ưu."

Kinh Pháp Cú còn được dịch sang Anh ngữ bởi nhiều tác giả khác nhau, chẳng hạn như Hòa thượng Narada (The Dhammapada, Buddha Educational Foundation, Taiwan, 1995) và Tỳ khưu Khantipalo (The Path of Truth, Mahamakut Press, Bangkok, 1977). Theo bản dịch của ngài Khantipalo:

"One's mother and father having slain
and then two warrior kings,
a realm and its treasurer having slain,
one goes immune, a Brahmana"

"One's mother and father having slain
and then two learned kings,
the fifth, a tiger having slain,
one goes immune, a Brahmana"

Thật khó mà hiểu rõ được ý nghĩa của các câu kệ nầy nếu chúng ta không đọc bản Chú Giải ghi chép lại trong kinh tạng Pali. Theo Tỳ khưu Khantipalo và Hòa thượng Narada, ý nghĩa của các câu kệ đó như sau:

"... Mẹ là ẩn dụ cho lòng tham ái, và cha là ẩn dụ của ngã mạn. Chính vì tham ái và ngã mạn mà ta phải tái sinh nhiều đời, nhiều kiếp trong cõi Ta bà luân hồi này. Hai vị vua, luôn luôn thống trị tâm tư duy của chúng ta, chính là hai biên kiến của vô minh: thường kiếnđoạn kiến, thường tạo ra nhiều tranh cãi hý luận vô ích, cần phải được phá bỏ. Vương quốc lãnh thổ kia chính là thân xác nầy, gồm sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) luôn luôn giao tiếp với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Vị quốc khố đại thần là để chỉ lòng tham đắm dục lạc phát sinh và chất chứa từ sáu căn đó. Sau cùng, hổ tướng thứ năm chính là con quỷ thứ năm làm cản trở sự định tâm, khai phát tuệ minh. Ðó là sự hoài nghi, là yếu tố thứ năm trong nhóm năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, và hoài nghi. Sau khi đã đoạn diệt tất cả các chướng ngại nầy thì hành giả mới thong dong, tự tại, đi đến giải thoát giác ngộ ..."

Theo lời giải thích trong Chú Giải, sau khi lãnh hội và quán triệt được ý nghĩa thâm sâu của hai câu kệ trên, các vị Tỳ khưu ấy đắc quả A-la-hán.

-ooOoo-

 Ðầu trang | I | II | III | IV | Mục lục



[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 04-04-2008