Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Nhặt Lá Bồ Ðề - Tập 2
Thích Thanh Từ


Phần 3

Vấn Ðáp

Nhân khách đến Tu Viện hỏi đạo, Thầy Viện Chủ trả lời, chúng tôi ghi vào đây những câu hỏi chúng ta thường thắc mắc.

Hỏi:

-- Phật có trước hay pháp có trước?

Ðáp:

-- Nếu căn cứ vào pháp duyên khởi, pháp có trước, Phật có sau. Vì pháp ấy xưa nay vẫn như vậy (như thị) dù có Phật ra đời hay không ra đời pháp ấy vẫn không thêm không bớt (pháp đó là lẽ thật của muôn đời). Kinh nói: "Pháp này là mẹ của chư Phật trong ba đời". Chư Phật do ngộ pháp này mà thành đạo.

Y cứ lời Phật nói: Phật có trước, pháp có sau. Do đức Phật tu hành thành đạo mới nói ra mười hai bộ kinh, nên Phật có trước pháp có sau.

Hỏi:

-- Thế nào thuyết pháp như dã can? Thế nào là thuyết pháp như Sư tử rống?

Ðáp:

-- Ðem giáo pháp cứu cánh dạy cho người tức thời thấy đạo, đạt lý vô sanh trong hiện tại thẳng đó dứt nghiệp hết khổ, sống với Niết Bàn tự tánh, nghĩa là trở về với tánh thường nhiên. Như người nghiện rượu khổ sở, biết rượu là hại liền bỏ trở lại tánh bình thường. Người dạy pháp ấy gọi là "Sư tử rống" (tiếng hét oai hùng của Sư tử, trăm thú đều khiếp sợ kinh hoàng).

Trái lại đem những pháp phương tiện dạy người tu theo tiệm thứ sanh đây, sanh kia còn trong vòng nhân quả hữu lậu. Người dạy này gọi là thuyết như "dã can" (chỉ kêu rè rè).

Hỏi:

-- Tại sao thể tánh "Chơn không" lại sanh ra sơn hà đại địa?

Ðáp:

-- Không phải Chơn không sanh ra sơn hà đại địa, mà mê Chơn không hiện ra có sơn hà đại địa...

Hỏi:

-- Trong Kinh Lăng Nghiêm nói:

"Nhất nhân phát chân nguyên,
thập phương thế giới tận thành tiêu dẫn"

Như vậy một người trở về nguồn chân thì thế giới này đâu còn nữa?

Ðáp:

-- "Mười phương thế giới không còn" là không còn với người trở về nguồn chân. Còn đối với chúng sanh khác (còn mê) thì thế giới vẫn nguyên vẹn. Nếu không phải như thế thì khi Phật thành đạo thế giới này hẳn đã tiêu mất đâu còn đến ngày nay?

Hỏi:

-- Người tu Tịnh Ðộ sau khi lâm chung tùy theo sức tu mà sanh về Cực Lạc có cửu phẩm liên hoa. Còn người tu Thiền nếu chưa được giác ngộ giải thoát sau khi lâm chung về đâu?

Ðáp:

-- Người tu Thiền nếu chưa hoàn toàn giải thoát thì khi lâm chung nên giữ tâm thanh tịnh, không khởi niệm thì cũng được tùy nguyện trong khi tu mà sanh về những cảnh giới tốt để tiếp tục tu nữa.

Hỏi:

-- Kinh Lăng nghiêm nói: "Một người thể nhập Pháp thân thì trùm khắp cả pháp giới", thế còn chỗ đâu cho người sau thể nhập.

Ðáp:

-- Trong Kinh Viên Giác, Phật ví dụ như trong một ngôi nhà lớn, người ta đem vào một ngọn đèn, thì ánh sáng ngọn đèn tràn đầy khắp cả căn nhà. Có một người lại đem thêm một ngọn đèn nữa thì ánh sáng cũng tràn khắp căn nhà và nếu đem thêm nhiều ngọn đèn nữa, ánh sáng vẫn trùm khắp mà không ngăn ngại nhau. Cũng như thế nếu ai thể nhập pháp thân thì sẽ thấy trùm khắp và hòa trong pháp giới chớ không ngăn ngại chi cả.

Hỏi:

-- Thế nào là "kiến tánh khởi tu?"

Ðáp:

-- Tức là trước nhận ra được tánh giác rồi theo chỗ thấy đó, tu cho đến cứu cánh giải thoát.

Hỏi:

-- Còn "kiến tánh khỏi tu" là sao?

Ðáp:

-- Ðó là trường hợp của đức Lục Tổ.

-- Chưa kiến tánh phải tu như thế nào?

-- Như trong hồ nước có hòn ngọc, người thấy ngọc đưa tay nắm lấy (dụ cho người kiến tánh khởi tu). Người chưa thấy, quơ tay mò một lúc nắm lấy giữ gìn (dụ cho người chưa kiến tánh). Tuy chưa thấy nhưng tin chắc rằng trong ấy nhất định có hòn ngọc.

Hỏi:

-- Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy trì bốn câu kệ. Vậy trì bốn câu nào?

Ðáp:

-- Văn Kinh nói rõ ràng: "Hoặc trì nhẫn đến bốn câu kệ v.v...". Như vậy tùy, hoặc trì cả bộ kinh hoặc trì bốn câu, hai câu cũng được, đâu nhất định câu nào. Ðó là không vấn đề mà đặt thành vấn đề thêm việc rắc rối.

Hỏi:

-- Trong kinh Phật nói: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Làm sao chứng minh được đều này?

Ðáp:

-- Ví như có người đào đất được mấy tấm gương, người ấy đem một tấm lau chùi sáng, liền biết mấy tấm kia thế nào? Tức cũng có sáng, nếu chịu khó lau chùi.

Ðức Phật là một con người do tu mà được giác ngộ thành Phật, chúng ta cũng là một con người như Ngài tức cũng có tánh giác, cũng sẽ thành Phật không nghi.

Hỏi:

-- Thế nào là Niết Bàn trong sanh tử?

Ðáp:

-- Tâm niệm sanh diệt là sanh tử. Hết tâm niệm sinh diệt là Niết Bàn (ngay nơi tâm thể mà có Niết Bàn).

Hỏi:

-- Phong tục cử đi đường ngày 5, 14, 23 có đúng không?

Ðáp:

-- Không đúng! Tại sao? Xin đặt lại câu hỏi: Tất cả những tai nạn thường xảy ra chỉ mấy ngày đó thôi hay những ngày khác cũng có? Trái đất xoay quanh mặt trời, có nói tốt xấu gì không? Nếu ba ngày đó là ngày xấu thật thì thế gian này không có nhân quả. Tuy nhiên ăn trộm ắt có lúc bị bắt đâu tránh khỏi. Thế nên, nếu đi vì việc lành thì tốt, đi việc dữ thì xấu. Làm việc lành kết quả thiện, làm việc dữ kết quả ác, chứ không phải do ngày giờ.

Hỏi:

-- Tâm muốn vươn lên nhưng gặp nhiều nghịch cảnh không thực hiện được ý muốn. Phải dùng biện pháp gì?

Ðáp:

1. Nghĩ mình đã chết.

2. Nhận thật mình đang sống trong cảnh mộng.

Hỏi:

-- Thế nào là tà kiến?

Ðáp:

-- Hành động, lời nói, việc làm, ước mơ, đều hướng về nẻo ác, sa đọa, tội lỗi, khổ đau là tà kiến.

-- Thế nào là chánh kiến?

-- Hành động, lời nói, việc làm, ước mơ, đều hướng về nẻo thiện: Từ bi, cứu khổ, giải thoát, an lạc... là chánh kiến. Dụ như hạt giống đắng như khổ qua, gặp mưa móc thấm ướt lên cây đều đắng. Trồng cây giống ngọt v.v... cũng thế. Tóm lại tin nhân quả là chánh kiến.

Hỏi:

-- Người tu pháp mười hai nhân duyên phải diệt món nào trước?

-- Diệt xúc và diệt thọ.

-- Tại sao không diệt vô minh v.v... mà đi diệt xúc và thọ?

-- Vì vô minh thuộc về nhân quá khứ không thể diệt được. Hành, thức, danh sắc, lục nhập cũng không thể diệt được. Vì hành là nghiệp quá khứ. Thức, danh sắc, lục nhập là bộ phận của thân thể con người cũng không đoạn được. Chỉ có xúc thọ tùy cảnh mà có thể dễ thấy, dễ diệt. Xúc thọ là nguồn gốc của yêu ghét mà yêu ghét là động cơ chính của luân hồi. Do sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh cảm thọ vui hoặc khổ hoặc không vui không khổ, phiền não (tham, sân, si, tắng ái) cũng theo đó mà sanh. Trái lại, sáu căn tiếp xúc sáu trần không dấy một niệm phân biệt tức là "không cảm thọ". Không cảm thọ thì không khởi tâm yêu ghét, yêu ghét không thì tham sân cũng không. Mê lầm nhân đây mà dứt (dứt si) tức tịch tỉnh Niết Bàn.

Hỏi:

-- Có một Phật tử đến hỏi: Ngài Nam Tuyền bảo Triệu Châu: "Tâm bình thường là đạo, còn tu tức trái đạo". Tại sao Thầy dạy chúng con tu?

Ðáp:

-- Ngài Nam Tuyền nói là chỉ cho người "Tâm đã bình thường". Trái lại, tâm con chưa bình thường nên Thầy dạy con tu.

Hỏi:

-- Cúng dường người nào có phước nhiều nhất?

Ðáp:

-- Cúng dường người không tu không chứng (đạo nhân vô tâm) phước nhiều nhất.

-- Người không tu không chứng là người nào?

-- Ðây chính là trở về với chính mình.

-- Tại sao gọi là vô tu, vô chứng?

-- Vì tự nó sẵn có đâu phải do tu mà được. Dụ tánh nước tự trong, đâu phải do lóng nước mới trong.

Tóm lại, trở về với chính mình mới quý (giải thoát sinh tử), dù cúng dường mười phương chư Phật, cũng chỉ là Phật bên ngoài được phước mà thôi, nên gọi là không bằng.

Hỏi:

-- Tại sao căn bản đạo Phật xây dựng trên quan niệm nhân sinh đau khổ (dụ Khổ đế)?

Ðáp:

-- Vì khổ có nghĩa là "Vô thường". Vô thường chi phối tất cả sự vật, không một cá nhân nào thoát khỏi (khổ là một lẽ thật muôn đời). Từ khổ mà giải thoát mới là giải thoát chân thật, ngoài ra tưởng tượng một cảnh giới nào đó để giải thoát, đó là giải thoát hư tưởng vậy.

1. Ba Cửa Giải Thoát

Hỏi:

-- Ba cửa giải thoát (Tam giải thoát môn) là gì?

Ðáp:

1. Cửa không (không môn): Nhận rõ các pháp không thật có. Sở dĩ các pháp có muôn ngàn sai khác, đều do nhân duyên hòa hợp tạm có, không có một pháp nào có cái thể chân thật. Bởi do duyên hợp, nên đủ duyên nó hợp thiếu duyên thì tan. Nó tạm bợ dường như bọt nổi, như bóng chớp, như sương mù... (có nhưng không thật).

2. Cửa không tướng (vô môn tướng): Muôn ngàn hiện tượng trong thế gian đều không có tướng cố định. Những hình tướng có đều tùy theo nghiệp của chúng sanh mà thấy thế này hoặc thế khác. Cũng một thân người mà loài người cho là thân thể họ, loài vi trùng cho đó là vũ trụ của nó đang sống. Cái bàn viết, với con người là cái bàn viết, con mọt cho là thức ăn của chúng v.v... Vậy gọi đó là tướng gì?

3. Cửa không tạo tác (Vô tác môn): Vì nhận rõ các pháp hữu vi là huyễn hóa, sanh diệt, vô thường nên không khởi tâm tạo tác. Cũng gọi là vô nguyện, vì không tâm mong cầu. Dụ như thấy ảnh trên màn bạc, do biết bóng trên màn bạc là giả nên dù bóng có đẹp, xấu vẫn không sanh phân biệt yêu ghét...

Ba cửa này có công năng đưa hành giả ra khỏi khổ sanh tử, chứng Niết Bàn an lạc, nên gọi là cửa "Giải thoát". Song ba cửa này giữa Ðại thừa và Tiểu thừa có khác:

-- Ðại thừa: Do dùng trí tuệ, nhận rõ các pháp là không thật thể do nhân duyên hòa hợp như huyễn như mộng để xa lìa lòng chấp trước mà thực hành "Lục Ba La Mật" lợi ích chúng sanh.

-- Tiểu thừa: Do quán không, thành tựu được "Không quán" xa lìa tâm chấp trước đối với ngã pháp để đạt đến Niết Bàn không tịch.

2. Ba Nghiệp Thân Hay Thù?

Hỏi:

-- Trong thân thể này vật nào là thân thiện nhất và thù ghét nhất?

Ðáp:

-- Ba nghiệp (thân, miệng, ý) chính là bạn thân thiện nhất, mà cũng chính là kẻ thù nhất. Tại sao? Bởi vì nếu dùng ba nghiệp để làm các việc lành, theo chiều giác ngộ thì giúp ta an lạc và giải thoát tiến lên các quả lành (thành Phật tác Tổ) đó gọi là thân. Trái lại, đem ba nghiệp này làm các việc ác, chạy theo ngũ dục, theo chiều si mê, nó sẽ đưa chúng ta đến chỗ khổ đau, trầm luân đen tối trong tam đồ, ấy gọi là thù.

-- Nghiệp có tác dụng gì mà chi phối lớn lao như thế?

-- Nghiệp là chủ động, mà cũng là động cơ chính yếu cho cuộc sống của con người. Tất cả mọi an lạc hay khổ đau đều do nghiệp mà ra cả. Nghiệp là gì? Nghiệp chính là thói quen ta huân tập lâu ngày thành nghiệp. Do nghiệp đó mà dẫn dắt chúng ta đến cảnh giới thiện ác, hoặc khổ hoặc vui v.v... Ví dụ: Như người tập uống rượu, sẽ bị nghiệp rượu (ghiền) dẫn vào quán rượu. Người cờ bạc sẽ bị nghiệp cờ bạc dẫn vào nhà chứa bài. Người tập rèn công nghệ văn nghệ thì sẽ trở thành ngươì thuần thục về công nghiệp và văn nghệ v.v... Lý nghiệp dẫn là như thế, chứ không phải có người thứ hai nào chen vào sai xử cả.

Tóm lại, nếu chúng ta biết sử dụng ba nghiệp theo chiều lành, chiều giác ngộ thì ba nghiệp sẽ giúp ích chúng ta và là bạn thân thiết. Trái lại, nếu buông lung ba nghiệp, tạo ác theo chiều si mê để bị sa đọa trầm luân thì như thế nghiệp là kẻ thù đáng chê trách nhất.

3. Hai Cái Nghĩ

Hỏi:

-- Làm sao giản trạch được cái nghĩ nào thuộc cái nghĩ của chúng sanh, cái nghĩ nào thuộc cái nghĩ của chư Phật?

Ðáp:

-- Nghĩ hơn thua, phải quấy, thiện ác, tốt xấu v.v... thuận theo sự suy tính của thế gian thuộc về nghĩ của chúng sanh. Trái lại, cái nghĩ nào phù hợp với trí Bát Nhã, gọi đó là trí huệ Phật, nghĩa là dùng trí quán chiếu, nhìn sự vật trên tinh thần giác ngộ, giải thoát. Biết sự vật là hư huyễn giả dối... nên không khởi niệm phân biệt yêu ghét, lấy bỏ v.v... Thường khởi lòng từ bi độ thoát chúng sanh.

-- Như thế thì Phật vẫn còn khởi niệm, mà còn khởi niệm thì còn động, đâu thể gọi là tịch tịnh được?

-- Vấn đề này chúng ta nên xét cho kỹ. Mặc dù Phật có khởi niệm nhưng Ngài vẫn ở trong định, vì thế mới gọi Ngài ở trong Ðại Thiền Ðịnh. Nghĩa là trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, động, tịnh, nói, nín đều là định. Bởi vì Phật đã dứt tâm hữu lậu thế gian, Ngài hằng sống với trí "Vô phân biệt", mặc dù Ngài có khởi dụng phân biệt độ sanh nhưng vẫn ở trong tánh thể như như bất động (không dấy khởi phiền não). Ngài hoàn toàn làm chủ mọi tâm niệm. Trái lại, chúng sanh sống theo nghiệp thức phân biệt theo tình, lòng nhiễm ô ái trước đầy dẫy, nên khởi tình yêu ghét, có niệm tham sân, hằng sống trong sanh diệt luân chuyển, niệm niệm trôi lăn không hay tự chủ.

Ðể chứng minh cho đều này xin dẫn bài kệ Lục Tổ đáp với ông Ngọa Luân.

Ông Ngọa Luân do lầm chấp là phải dứt bặt tư tưởng phân biệt không cho dấy niệm mới ngộ đạo nên ông nói:

Ngọa luân hữu kỹ lưỡng
Năng đoạn bách tư tưởng
Ðối cảnh tâm bất khởi
Bồ đề nhật nhật trưởng.

Dịch:

Ngọa Luân có kỹ lưỡng
Hay đoạn trăm tư tưởng
Ðối cảnh tâm chẳng khởi
Bồ đề ngày thêm lớn.

Lục Tổ nghe xong liền bảo, bài kệ này tâm địa chưa sáng. Nếu y theo đó tu hành càng thêm triền phược. Nhân đó Tổ nói kệ:

Huệ Năng một kỹ lưỡng
Bất đoạn bách tư tưởng
Ðối cảnh tâm sổ khởi
Bồ đề tác ma trưởng.

Dịch:

Huệ Năng chẳng kỹ lưỡng
Chẳng đoạn trăm tư tưởng
Ðối cảnh tâm thường khởi
Bồ đề đâu có lớn?

Vì lẽ đó nên pháp tu của Ðại thừa giáo hay Thiền Tông có phần phóng khoáng, không gò bó như lối tu kềm tâm và đoạn tư tưởng cho khô kiệt như Nhị thừa. Vì vậy, nên vấn đề ứng dụng độ sanh của Phật và Bồ Tát mới được sâu rộng và phổ cập quần sanh, khác hơn hàng Nhị thừa thân diệt trí chìm trong Niết Bàn không tịch.

4. Bốn Ðiều Nương Tựa

Hỏi:

-- Trong kinh Niết Bàn, Phật dạy: Người tu Phật phải nương theo pháp "Tứ Y" mà tu tập. Vậy "Tứ Y" là gì?

Ðáp:

1. Y pháp bất y nhân (Y theo giáo pháp chẳng y theo người): Pháp Phật là lẽ thật, là chân lý, quý báu vô lượng. Người giảng nói pháp ấy tuy có hành vi không chân chánh, nếu mình vì chút hành vi đó không tin nhận hoặc không chịu đến nghe ắt sẽ mất phần lợi lạc. Ðể gạt bỏ tâm phân biệt tỵ hiềm này Phật dạy chúng ta phải cố gắng học hỏi rồi y cứ giáo pháp Phật dạy để tu hành, mặc dù người giảng dạy có tốt hay xấu không cần thiết. Xưa khi còn làm hạnh Bồ Tát, Phật vẫn đến nghe Dã Can nói pháp. Trong Luận Ðại Trượng Phu có dụ như trong thùng rác nhơ có hòn ngọc quý, chúng ta đừng ngại vì thùng rác nhơ mà không chịu thò tay lấy ngọc. Nghĩa y pháp bất y nhân là như vậy.

2. Y nghĩa bất y ngữ (Y theo nghĩa lý chẳng y theo văn tự ngôn ngữ): Nghĩa Phật nói ra nhằm dạy chúng ta đạt được chân lý, lẽ thật của sự vật. Người học phải y theo nghĩa đó mà tu hành để đạt chân lý, đừng chạy theo phân biệt văn tự ngôn ngữ, dù ngôn ngữ văn tự đó có kém dở, có vụng về, chúng ta cũng không nên cố chấp.

3. Y trí bất y thức (Y theo trí không y theo tình thức phân biệt): Dùng trí để quán xét mới hợp chân lý. Trái lại, thức thì hợp với tình cảm, tình cảm là theo nghiệp. Vì vậy, muốn đạt được chân lý phải sống bằng trí tuệ, gạt bỏ mọi tình cảm phân biệt theo vọng thức.

4. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa (Y theo kinh điển liễu nghĩa, chẳng y theo kinh điển không liễu nghĩa): Kinh điển Phật nói ra tùy căn cơ, tùy tâm bệnh, như vị lương y tùy bệnh cho thuốc nên có cao thấp chẳng đồng, nhưng mục đích cứu cánh là giải thoát sinh tử. Những kinh điển chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật) là kinh liễu nghĩa. Trái lại, kinh điển nào dùng phương tiện cho hàng căn cơ thấp kém, như Nhân thừa, Thiên thừa v.v... là kinh điển bất liểu nghĩa.

Vậy người tu Phật muốn ra khỏi sinh tử thẳng đến Phật quả phải lấy "Tứ Y" này làm kim chỉ nam để hướng thẳng đến đạo giác ngộ. Ðây là phương pháp tu của Ðại thừa Phật Giáo.

5. Dứt Tâm Tam Giới

Hỏi:

-- Trong kinh Phật nói: Dứt tâm trong ba cõi là Niết Bàn (Tam giới tâm tận tức thị Niết Bàn). Thế nào là tâm trong ba cõi?

Ðáp:

-- Ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc.

1. Tâm trong cõi Dục (Dục giới): Tâm đắm nhiễm ái trước lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và buông lung theo ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) không biết nhàm chán và xa lìa...

2. Tâm trong cõi Sắc (Sắc giới): Người tu Thiền định (Tứ Thiền) do lóng dừng được một phần vọng tưởng thô động bên ngoài, phiền não nhiễm ô cũng theo đó mà nhẹ. Kết quả sẽ sanh các cõi trời Sắc giới (Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên v.v...). Do tâm họ còn chấp về sắc tướng nên sanh cõi này.

3. Tâm trong cõi Không Sắc (Vô Sắc Giới): Người này tu về Không Ðịnh (Tứ Không). Họ thiên về "Tưởng Không", tâm thức họ chìm đắm trong không tịch.

Vì thế kết quả họ sẽ sanh lên các cõi trời Vô Sắc... (Không Vô Biên Xứ Thiên, Thức Vô Biên Xứ Thiên...). Quả vị này không còn chấp sắc tướng, nhưng họ kẹt về "chấp không".

Nếu người tu tập biết dứt trừ tâm chấp trước trong ba cõi (Dục, Sắc, Vô Sắc) vừa kể, thông hiểu Phật pháp đoạn sạch nhân hữu lậu, họ sẽ ra khỏi ba cõi và đạt đến Niết Bàn.

6. Ngộ Thể Khế Dụng

Yêm Bà Nữ hỏi Ngài Văn Thù:

-- Người đạt lý vì sao chưa tự tại trong sanh tử?

Ngài Văn Thù đáp:

-- Vì lực dụng chưa đủ.

Ngài Văn Thù trả lời nghĩa này thế nào? Người đạt lý không sanh tử, đối với sự sanh tử không còn lầm mê, tuy nhiên về khởi hạnh chưa có (lực dụng chưa đủ). Vì vậy muốn đạt rốt ráo lý sinh tử, phải dụng công khởi hạnh, diệt phiền não dứt vọng hoặc. Khi phiền não vọng hoặc dứt sạch, mới thể nhập lý không sinh tử. Thể nhập lý không sinh tử viên mãn, mới khế hợp với chân tánh và hằng sống với tâm thể vô sanh. Khi trở về với tâm thể vô sanh, mới có đủ diệu dụng nhiệm mầu, phát đại bi tâm tùy cơ giáo hóa độ khắp hữu tình.

Vì thế, nên nói "Ngộ" không sanh tử không bằng "Thể" không sanh tử, "Thể" không sanh tử không bằng "Nhập" không sanh tử, "Nhập" không sanh tử không bằng "Khế" không sanh tử, "Khế" không sanh tử không bằng "Dụng" không sanh tử.

Cùng nghĩa này Tiến Sơn Chủ đem câu hỏi trên hỏi Tu Sơn Chủ. Tu Sơn Chủ đáp:

-- "Giống như măng sẽ thành tre, nhưng ngày lúc còn măng thì không thể kết thành bè".

Vì thế, người muốn thể nhập rốt ráo lý vô sanh, phải theo thứ lớp mà tu tập. Trước tiên ngộ lý không sanh tử, kế phải thực hành để thể nhập được lý ấy. Khi thể nhập viên mãn mới khế hợp thể tánh thanh tịnh sẵn có của mình. Bấy giờ có đủ diệu dụng bất khả tư nghì giáo hóa chúng sinh, khi công hạnh viên mãn thành Phật quả.

Ðây là con đường tiến tu của người tu hạnh Ðại thừa phải trải qua vậy.

7. Sống Thật

Thiền Sư Triệu Châu nói: "Cả ngày ăn cơm mà chẳng nhai nát một hạt gạo. Cả ngày mặc áo mà chẳng dính mắc một sợi tơ". Ngài muốn nói gì với chúng ta?

-- Bởi vì người đạt đạo thấu được lẽ chân, nhận ra tánh chân thật của chính mình. Rõ thông các hành động đều từ tâm thể hiện, nên không dấy niệm có không, được mất... Trái lại, phàm phu ngu mê, chạy theo thức tình phân biệt, lúc ăn còn nghĩ trăm thứ, lúc mặc còn nghĩ trăm việc. Do đó mà phiền não (tham, sân, si) dấy khởi mất tánh thường nhiên, tâm luôn luôn bàng hoàng xao xuyến, khắc khoải lo âu... Vì vậy mà sống xa với đạo (lẽ thật). Vì sống với đạo phải sống với tánh bình thường. Tánh bình thường này ai ai cũng có và không lúc nào vắng mặc nó. Tuy nhiên, vì ta mãi lo chạy theo ngoại cảnh mà bỏ quên tánh ấy. Khi chúng ta nhớ lại không chạy theo ngoại cảnh, tức là trở lại tánh thường nhiên. Tánh ấy nó thường hằng và miên viễn không phải đợi tìm kiếm mới có.

Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói: "Ma ni châu, nhân bất thức. Như lai tàng lý thân thâu đắc. Lục ban thần dụng không bất không. Nhất khỏa viên quang sắc phi sắc". Nghĩa là: Có ngọc Ma ni người không biết. Sáu ban thần dụng (lục thông diệu dụng) không mà chẳng không. Một viên tròn sáng sắc mà chẳng phải sắc.

Thể tánh vắng lặng thường nhiên của chúng ta ví như hạt minh châu. Hạt châu này sẵn trong kho Như Lai của chúng ta, nếu chịu khó sẽ nhận đặng. Khi nhận được châu liền có đủ thần thông diệu dụng bất khả tư nghì. Nó vốn tròn sáng không phải sắc, không phải không mà gồm đủ cả sắc và không.

Người nhận ra hạt châu này sống với nó mới là sống thật. Hạt châu này chính là tánh giác của mọi người chúng ta vậy.

Tóm lại, muốn sống thật là phải nhận ra được tánh giác của chính mình, tánh ấy nó bất sanh bất diệt tròn sáng không từng ô nhiễm. Khi hằng sống với tánh giác thì không còn lầm mê, không bị sáu trần sai sử. Nhờ đó mà định lực chúng ta kiên cố, trí tuệ tròn đầy, sanh tử nhân đây mà dứt. Ðây chính là sống thực và sống miên viễn vậy.


[Mục lục] [Lời đầu sách]
[Trích Giảng Kinh A-Hàm] [Diễn Giảng]
[Vấn Ðáp] [Trích Giảng Thiền Sử] [Thơ Kệ]
[Trở về trang gốc]