Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font
Phần 2
Luận Diễn Giảng
1. Những Lẽ Thực
Chúng ta thường nghe nói những điều Phật nói ra đều là lẽ thật (chân lý).
Lẽ thật này trước sau như một không thay đổi. Vậy cái gì là lẽ thật? Trong Kinh Phật nói: "Mặt trời dù có lạnh, mặt trăng dù có nóng, lời Phật nói ra không bao giờ thay đổi".
Lẽ thật Phật nói ra rất nhiều, gồm trong các Kinh điển, xin lược nêu vài điểm điển hình:
Ðối với thân người:
Phật nói thân này là giả dối: Vì nó do các duyên (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp, đã do duyên hòa hợp thì hết duyên nó phải tan rã, chúng ta thử xét, có thân ai chẳng do duyên hợp chăng?
Thân này vô thường: Sự còn mất của thân này không cố định thời gian, người mới sinh rồi mất, người sinh ra mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm cho đến tám mươi năm rồi mất, có khi thân mạnh, có lúc nó đau. Khi mới sinh thì trẻ, lớn lên rồi già v.v... luôn luôn đổi thay sinh diệt. Trên thế gian này, thử hỏi có thân ai chẳng hư hoại không?
Thân này bất tịnh: Bản chất của thân này vốn là bất tịnh, thế nên trong những chỗ bài tiết (mắt, tai, mũi, miệng, đường đại, đường tiểu, các lỗ chân lông) đều bài tiết ra những vật bất tịnh...
Ðây là lẽ thật về thân, những lẽ thật này có giá trị từ đời này qua đời khác không thay đổi. Tuy nhiên, quan niệm của mọi người là trốn sự thật. Sự thật nó như thế, nhưng mỗi khi nói đến sự thật thì họ nhăn mặt, có vẻ phản ứng tự nhiên. Dụ như thân vốn là hư giả, nhưng nhắc đến cái giả dối thì họ cảm thấy không vui. Chẳng hạn gặp ai mình muốn xả giao nói anh chị còn trẻ quá, còn đẹp quá thì họ vui thích, trái lại nói anh chị già quá, xấu quá, họ cảm thấy buồn không thích mình ngay. Họ rất sợ nhắc đến những cái vô thường thay đổi, nên khi gặp nhau chúc tụng, là chúc sống lâu (thọ chớ không bao giờ chúc chết sớm "yểu"). Thậm chí đã chết, đi nhắc quan tài mà còn tránh né cử không dám gọi tên, bảo là nhắc "cái thọ". Thân vốn nhớp nhúa nhơ bẩn, nhưng nếu gặp ai nói thân anh hay chị nhơ bẩn thì phản đối kịch liệt. Ngược lại, có đa số người còn thích tô điểm vẽ vời. Nhưng thử hỏi bản chất nó là sạch sẽ thì cớ gì lại phải tô điểm nó để che lấp? Cớ gì nó lại bài tiết ra những thứ đáng nhờm đáng chán?
Ðối với sự vật:
Phật nói tất cả sự vật trong thế gian đều bắt nguồn từ nhân mới thành quả. Chúng ta muốn trồng được cây cam, cũng phải tìm được giống cam để gieo trồng. Hạt cam là nhân, cây cam là quả. Muốn biết chữ phải đi học. Ði học là nhân, biết chữ là quả. Cho đến một câu nói hàng ngày chúng ta cũng đều nằm trong nhân quả, như nói: "Tôi muốn ăn cơm". Vì sao muốn ăn cơm? Vì bụng tôi đói. Bụng đói là nhân, muốn ăn cơm là quả. Ðó là những việc nhỏ hằng ngày bày ra trước mắt chúng ta, đều không ngoài nhân quả.
Nói rộng ra cho đến quả địa cầu cũng thuộc nhân quả. Như các nhà khoa học nói: Ban đầu do những đám xoáy lâu ngày kết tụ thành quả đất. Thế nên nhiều hạt bụi là nhân, quả địa cầu là quả v.v... Tóm lại, muôn sự muôn vật đều nằm trong lý nhân quả.
Ðối với tướng sinh diệt của sự vật, ngoài lý nhân quả, chúng ta còn thấy lý nhân duyên. Phật dạy các pháp có đều do nhân duyên hòa hợp mới thành, không có một pháp nào có tự thể riêng của nó. Dụ như thân ta cũng phải do bốn đại: Ðất, nước, gió, lửa cộng với thần thức hợp lại mới thành. Sự vật bên ngoài cũng do duyên hợp mới thành, như muốn làm cái nhà cũng phải đủ vật liệu như gỗ, tôn, vôi cát, gạch, xi măng, công thợ v.v... mà tạo thành cái nhà. Muốn trồng cây, cũng phải nhờ có hạt giống, phân, đất, nước, ánh sáng, công chăm sóc mới thành cây. Như vậy tạo thành thân người hay sự vật, nếu thiếu một trong những điều kiện trên cũng không thể thành được.
Tóm lại, lý nhân duyên và nhân quả nó bao trùm trong mọi vật và phổ biến suốt cả thời gian và không gian. Nên kinh Phật gọi là "Chân lý tương đối phổ biến". Những chân lý (lẽ thật) này nó nằm sẵn trong con người và mọi vật. Ðức Phật chỉ là người phát minh ra lẽ thật ấy mà thôi...
Thế nên người tu chúng ta phải thấy đúng những lẽ thật như vậy, đó là chúng ta đã thấy đạo.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật hỏi các thầy Tỳ Kheo mạng người sống bao lâu? Một vị Tỳ Kheo đáp: "Khoảng vài ngày". Phật nói: "Ông chưa thấy đạo". Phật lại hỏi vị Tỳ Kheo khác, vị này đáp: "Khoảng trong bửa ăn". Phật nói: "Ông cũng chưa thấy đạo". Phật lại hỏi vị Tỳ Kheo khác và vị này thưa: "Mạng người sống chỉ trong hơi thở". Phật liền gật đầu chấp nhận nói: "Ông đã thấy đạo". Rõ ràng thấy đạo là thấy lẽ thật chứ không có gì khác. Tuy nhiên người ta dễ lầm thấy đạo là phải có thần thông diệu dụng thần bí v.v...
Qua những lẽ thật trên, nếu chúng ta chịu khó nghiền ngẫm và dụng công tu tập quán chiếu thì tâm chấp trước về ngã pháp lần lần dứt sạch, phiền não cũng theo đó mà hết, tức là chúng ta đã sống với trí tuệ vậy.
2. Mời Bạn Ðến
Trong Tạng Kinh Pali chép:
Trong những buổi thuyết pháp, Phật thường nhắc đến câu: "Mời bạn đến để mà thấy, không phải đến để mà tin", để giảng dạy. Chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa câu kinh này thế nào?
Bình:
Phần nhiều chúng ta đến với đạo bằng "niềm tin" hơn là đến với "trí tuệ", vì thế chúng ta có những hành động lệch lạc với đạo Phật.
Ðạo Phật là đạo giác ngộ. Thế nên người tu Phật không thể thiếu trí tuệ.
Trong kinh Phật dạy: "Cái khổ thiêu đốt dưới địa ngục chưa gọi là khổ, cái khổ của con lạc đà, con lừa chưa phải là khổ, chỉ có người si mê không trí tuệ mới là khổ". Tại sao? Vì si mê chính là động cơ thúc đẩy chúng sanh lưu chuyển luân hồi. Si mê là trạng thái đen tối đưa chúng sanh đến cảnh giới mê muội khổ đau... Vì vậy, trong mười hai nhân duyên, vô minh là đầu mối tạo thành nghiệp sanh tử. Từ đó, mười hai vòng xích xoay dần buộc chúng sanh trong sanh tử. Phật dạy: Muốn cắt đứt vòng xích mười hai nhân duyên, đầu tiên phải dùng kiếm trí tuệ. Một khi trí tuệ đến đâu thì bóng tối vô minh tan biến đến đó. Như trong nhà tối, khi có đèn sáng đến thì bóng tối phải biến mất. Công dụng của trí tuệ lớn lao như vậy, nên trong ba môn vô lậu học (văn huệ, tư huệ, tu huệ) sau mỗi môn đều có kèm chữ "Huệ".
Chữ "Huệ" ở đây là dùng trí tuệ giản trạch các pháp, biết rõ một cách không sai lầm. Biết những gì?
1. Dùng trí xét, biết rõ các pháp là "vô thường". Từ thân ta, cho đến mọi vật đều là vô thường là huyễn hóa. Sự vật có đều do nhân duyên hòa hợp; đã do nhân duyên hợp, thì đủ duyên tạm hợp, hết duyên liền tan. Dù cho vật lớn như quả địa cầu rồi cũng phải hoại diệt, nếu thiếu duyên.
2. Biết các pháp là "Khổ". Bởi sự vật bị vô thường chi phối, nên mới có các thứ khổ như: Sanh, già, bệnh, chết, yêu thích mà xa lìa, oán hờn gặp gỡ, năm ấm hưng thạnh... Các khổ này không tha thứ một ai, nếu người ấy chưa hoàn toàn giác ngộ. Tuy nhiên, chẳng phải không có vui, nhưng cái vui chỉ trong chốc lát tạm bợ nhất thời.
3. Biết rõ các pháp là "Không". Kinh Kim Cang Phật nói: Tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, như huyễn thuật, như bọt nước, như điện chớp (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc như điển...) và Phật cũng nói: Phàm vật gì có hình tướng đều là hư vọng (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng...). Vì thế các pháp dù có ngàn sai muôn khác, nhưng xét kỹ lại đều một tánh không mà thôi.
4. Xét biết các pháp "Vô ngã". Bởi tất cả các pháp do nhân duyên hòa hợp nên không có tự ngã. Nghĩa là sự vật không có một vật gì đứng riêng mà thành được. Ví như thân ta phần vật chất do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp mới có. Phần tinh thần do thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mới thành. Nếu phân tích ra từng phần thì không có cái gì là ta, là tự ngã của ta. Nói rộng ra đến sự vật như cái bàn để viết này do gỗ, đinh, công nhân, thợ v.v... hợp lại tạo thành. Nếu chia ra từng phần, cái gì là cái bàn. Cây đào trồng trước sân cũng phải do hạt giống, đất, nước, ánh sáng, nhân công... mới thành cây đào. Nếu thiếu các điều kiện trên, cây đào cũng không thể thành. Muôn sự, muôn vật đều đồng như thế cả.
Dùng trí quán biết như vậy, trong kinh Phật gọi "Trí tuệ Bát Nhã". Nghĩa là dùng trí xét rõ các pháp đúng với tinh thần giác ngộ.
Do dùng trí tuệ nhận biết tất cả các pháp như thế lần lần chúng ta mới dứt hết mê lầm. Niết bàn cũng nhân đây mà được. Vì thế hỏi chừng nào có Niết bàn? Chúng ta dó thể đáp: Khi nào hết mê lầm. Mà muốn hết mê lầm phải nhờ khả năng của trí tuệ. Vì vậy được Niết bàn không nhất định thời gian chậm hay mau, mau chậm đều do ta có trí tuệ hay không mà thôi. Như thế thì sự an lạc của Niết bàn là từ diệu dụng nhiệm mầu của trí tuệ. Diệu dụng ấy tự ta phát minh ra nó, chứ đâu phải tìm kiếm mà được.
Xưa có vị Bà La Môn đến hỏi Phật:
-- Nghe nói Gotama biết huyễn thuật và dùng huyễn thuật ấy để lôi cuốn người ngoại đạo phải vậy chăng?
Phật liền nói với vị Bà La Môn:
-- Này Bà La Môn, ngươi chớ có tin điều gì do báo cáo đem lại. Chớ có tin điều gì do tin đồn đem lại, chớ có tin điều gì do truyền thống đem lại, chớ có tin điều gì do kinh điển để lại, chớ có tin điều gì do phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin điều gì do uy quyền nói ra, chớ có tin điều gì do bậc Ðạo Sư truyền dạy.
Này Bà La Môn, ngươi hãy tin những gì do chính ngươi thực sự chứng nghiệm, cái đó có đưa đến an lạc hạnh phúc hay không?... (Tăng Chi Bộ Kinh, III, 65).
Ðọc đoạn kinh trên chúng ta thấy chủ trương của đức Phật dạy chúng ta phải hoàn toàn sống với trí tuệ. Dùng trí tuệ giản trạch các pháp và thực sự chứng nghiệm nó qua sự nhận xét kỹ càng của trí tuệ chứ không phải do niềm tin. Dù niềm tin ấy của bất cứ một ai và ở đâu đem đến. Giả sử đức Phật nói ra điều gì cũng chớ vội tin mà phải dùng trí tuệ xét nét kỹ lưỡng rồi sẽ tin. Ðức Phật dạy: "Tin ta mà không hiểu ta là bài báng ta". Bởi vì lòng tin mù quáng sẽ đưa đến mê lầm, dễ bị người ta lừa gạt.
Ở thế gian này người ta rất dễ tin, nghe đâu có việc linh thiêng liền tin và tìm đến. Hoặc theo một tôn giáo nào thì cứ một bề theo tôn giáo đó mà không chịu hiểu lời dạy của tôn giáo đó có phải chân lý hay không? Hoặc theo một học thuyết thì chấp cứng theo chủ trương của học thuyết mình là chân lý cao tột, không chịu tìm hiểu cái hay cái đẹp của học thuyết khác. Lại có khi vì cảm tình riêng, vì truyền thống lâu đời, vì một uy quyền, một thế lực mà cúi đầu tin theo một cách mù quáng vô điều kiện! Vì thế nên đức Phật thường cân nhắc môn đồ: Trước khi tin một điều gì phải xét nét kỹ lưỡng rồi sẽ tin, dù là một truyền thống để lại, dù do kinh điển lưu truyền, dù là một đấng Ðạo Sư nói ra v.v... cũng chớ vội tin. Mà phải tin những gì do tự mình chứng nghiệm được, nó hợp với lẽ phải, đúng với chân lý và đem lại sự an lạc hạnh phúc cho mình, cho mọi người hiện tại và mai sau.
Chúng ta phải có cái nhìn đúng như vậy mới hợp với tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Ðó là chúng ta đến để mà thấy, chứ không phải đến để tin, đúng như điều Phật thường nhắc!
3. Thấy Biết Như Thật
Chúng ta những ai có đọc Kinh Niết Bàn chắc còn nhớ câu chuyện "Những người mù rờ voi". Phật nói: Ví như có người đem con voi lớn đến trong đám người mù bảo họ thử diễn tả hình dáng hình dáng con voi như thế nào? Trong đó có kẻ rờ phải cái chân voi liền nói con voi giống như cây cột tròn lớn, kẻ rờ trúng lỗ tai nói con voi giống như cái ky, kẻ rờ trúng bụng nói con voi giống như cái lu, kẻ rờ trúng đuôi nói con voi giống như cây chổi, mỗi người nói mỗi cách tùy theo chỗ nhận của mình, người sáng mắt chỉ nhìn con voi mà cười.
Nghe qua câu chuyện chúng ta thử nghiệm xem đức Phật muốn nói gì? Con voi là chỉ cho "Lý rốt ráo chân thật", đám người mù là chỉ chúng ta, những kẻ đang bàn tán lăng xăng về lý ấy. Nghĩa là chúng ta đui mù không mắt tuệ đối với lý chân thật tròn đầy của Như Lai, lại đem thức tình sai biệt để tự phán đoán rồi chấp trước theo chỗ nhận hiểu riêng tư, trở lại bài bác lẫn nhau khiến cho "Lý thật vốn không hai" mà thành cách biệt, nghĩa vốn tròn đầy lại bị chia chẻ đây kia. Ngờ đâu tự mình vẫn chưa thông, thêm làm rối loạn người sau. Phật nói những kẻ như thế giống như đám người mù rờ voi, tranh cãi ồn ào mà tướng thật con voi còn chưa thấy được. Với người sáng mắt, đứng trước con voi tuy không lý luận dông dài nhưng toàn thể con voi hiện rõ không sai sót. Người ấy thấy đúng như thật con voi là con voi, chớ không nói thêm cái gì.
Cũng như thế người chân thật đạt đạo vốn không nhiều lời, nhưng mỗi việc, mỗi việc điều sáng ngời không mê. Trái lại, kẻ thông minh nói thao thao bất tuyệt đến khi bị gạn lại thì trong lòng rỗng tuếch. Như Hương Nghiêm Trí Nhàn bình thường hỏi một đáp mười, nhưng khi bị Qui Sơn gạn một câu: "Trước khi cha mẹ chưa sanh hãy nói cho một câu" liền câm miệng. Cho nên không thể lấy trí thông minh ở đời mà đo lường pháp thật. Chỗ lý tột cùng chỉ nên im lặng thầm thông, đâu kham trình bày thế này thế nọ. Ví như câu chuyện Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma. Một hôm Ngài gọi trong đồ chúng đến hỏi:
-- Giờ ta trở về sắp đến, các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình.
Ðạo Phó ra thưa:
-- Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo!
Ngài bảo:
-- Ngươi được phần da của ta.
Bà Ni Tổng Trì thưa:
-- Nay chỗ hiểu của con như Tổ A Nan thấy cõi Phật A Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại!
Ngài bảo:
-- Ngươi được phần thịt của ta.
Ðạo Dục ra thưa:
-- Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con, không một pháp có thể được!
Ngài bảo:
-- Ngươi được phần xương của ta.
Ðến Huệ Khả bước ra đảnh lễ rồi lui lại đứng yên.
Ngài bảo:
-- Ngươi được phần tủy của ta.
Ðây chúng ta hãy nghe thêm câu chuyện của Ngài Vân Môn. Một hôm Ngài thượng đường cầm cây gậy đưa lên nói: "Phàm phu thấy nó là thật, Nhị thừa phân tích nói là không, Viên Giác thấy như huyễn, Bồ Tát thì đương thể tức không. Thiền gia thấy cây gậy gọi cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến". Nghĩa là phàm phu si mê chấp trước cho là thật khỏi phải nói. Nhị thừa phân tích thấy là không, tức chưa phải ngay đó thật thấy. Viên Giác thấy như huyễn, vẫn còn có chỗ lý quán. Bồ Tát đương thể tức không, chưa khỏi chiếu soi, vẫn chưa tột lý. Chỉ Thiền gia thẳng đó thấy đúng như thật nó là nó không thêm không bớt một chút gì, nên nói: "Ði chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến" là chỉ ngay cái thể hiện tiền. Ðây là nói người còn kẹt trên lý sai biệt tức chưa tột lý thật, chớ có hiểu lầm Thiền gia cao hơn Bồ Tát, Viên Giác mà trở lại sanh nghi ngờ!
Từ đó chúng ta mới thấy những kẻ còn bàn tán lăng xăng, bài bác người này người nọ mà nói rằng: Ta hội thiền, ta đạt đạo thì biết ngay là thứ thật hay thứ giả rồi. Con người chúng ta thường hay có cái bệnh chủ quan, tức là những điều gì của mình thấy, của mình nhận, đều cho là đúng cả và đả kích chỗ thấy của người, mà không biết lẽ thật tràn đầy khắp nơi và ai ai cũng có, đâu được một bề cố chấp. Thế nên, dù tu hành công phu mà chưa sạch kiến chấp ắt rơi một góc, một cạnh, không thể đạt thành viên mãn. Ðó là nói về người tu.
Nói rộng ra ngoài thế gian cũng thế. Khi một vấn đề mà còn giả thuyết này, giả thuyết nọ về vấn đề đó, tức chưa thấy được vấn đề. Thế mà chúng ta nhắm mắt dựa vào những giả thuyết để tranh cãi nhau thì có phải là quá thiển cận hay không? Dù cho thật đã phát minh ra, nhưng nếu cứ chấp vào một điều phát minh đó thì cũng chưa thấu hiểu mọi mặt. Thí dụ: Một chậu nước, nếu nhìn bằng cặp mắt của nhà hóa học thì chỉ thấy có H2O, nhưng nếu nhìn thêm với cặp mắt nhà vi trùng học tức sẽ thấy có những vật li ti sống trong ấy. Hoặc với cặp mắt của ông Archimède, sẽ nhận ra một nguyên lý về sức đẩy của nước. Cho nên nếu chấp theo cái thấy riêng tư là không thấy toàn diện vấn đề.
Trong xã hội cũng vậy, chúng ta sở dĩ tranh cãi nhau là có gì lạ đâu. Bởi mỗi người chấp một mặt, rồi chấp theo chỗ thấy của mình mà bác bỏ chỗ thấy của người, từ đó nên sanh chuyện. Chẳng hạn, một người thấy phải kính trọng cha mẹ là đáng hơn hết, vì cha mẹ là đấng sanh thành dưỡng dục cho chúng ta nên người. Kẻ khác nói, kính trọng Thầy mới là trên hết, vì có Thầy dạy dỗ, chúng ta mới trở thành người sáng suốt thành tài. Cứ thế hai người cãi nhau chứ có biết đâu mỗi người chỉ thấy một mặt. Nếu có Thầy mà không có cha mẹ thì làm sao có chúng ta để thành tài. Cũng như có cha mẹ mà không có Thầy thì sự dưỡng dục làm sao trọn vẹn? Do đó nếu chỉ nhìn có một mặt, thử hỏi đến bao giờ mới hết tranh cãi? Hiểu được lẽ đó, chúng ta không còn gì để tranh cãi với nhau, vì biết rằng mỗi người đều có một cái phải của mình, mỗi người có một cái hiểu biết riêng mà lẽ thật thì không có ranh giới; người thấy mặt này, người thấy mặt khác, chỉ nên thông cảm với nhau để cùng đóng góp, cùng vui sống trong lẽ thật tương đối của cuộc đời.
Tiến lên để đạt đến cứu cánh chân thật, chúng ta phải buông hết những cái thấy riêng tư, những suy nghĩ do thức tình đem lại cho đến mọi sở đắc do công phu đạt được. Bởi lý tột vốn không hai, mà cái hiểu biết nếu còn mang hình bóng của một cái Ta thì đâu tránh khỏi bị chia cách? Dụ như đứng trước một đóa hoa thấy là đóa hoa tức cái thấy đó vẫn còn nguyên vẹn chưa có gì và đóa hoa vẫn chưa bị xâm phạm. Vừa khởi nghĩ: "Ta thấy hoa", tức một bức màn ngăn cách giữa Ta và đóa hoa. Ta khác với đóa hoa. Thế là sự thật đã bị chia chẻ, vũ trụ đã bị phân đôi, cái thấy không còn nguyên vẹn mà đã có niệm chen vào.
Cũng một câu chuyện Thiền về đóa hoa. Thiền Sư Quế Sâm, một hôm cùng Trường Khánh, Bảo Phước vào Châu thấy một đóa mẩu đơn. Bảo Phước nói: "Một đóa mẩu đơn đẹp!". Trường Khánh bảo: "Chớ để con mắt sanh hoa". Quế Sâm bảo: "Ðáng tiếc một đóa hoa". Chúng ta thấy chỉ một đóa hoa bình thường vô sự mà Bảo Phước, Trường Khánh lại cố làm sóng gió, tưởng đâu có thể mờ mắt Sư. Nào ngờ gặp Sư đầy đủ mắt sáng, ngay một câu trả lại đóa hoa bình thường. Tâm nếu không thì vật từ đâu khởi? Thế nên muôn pháp vẫn thường như. Thấy như thế là thấy chân thật, nếu nói có, nói không là vẫn còn chạy nơi mé ngoài, chưa phải tâm bình thường như thật.
Ðến đây chúng ta mới cảm thông với đức Phật, khi được hỏi đến Niết Bàn là có hay không, Ngài vẫn giữ thái độ im lặng không trả lời. Vì với trí phàm phu của chúng ta khi chưa đạt đến thì khó mà nói cho hiểu được. Nếu bảo Niết Bàn là "có" tức chúng ta liền nghĩ: "Niết Bàn có một cảnh giới nào đó, như vậy Niết Bàn tất thuộc vô thường, vì có hình tướng!". Trái lại nếu nói quyết định là "không", chúng ta lại nghĩ "Niết Bàn là không ngơ như hư không, không có một cái gì". Nhưng nếu Niết Bàn là không ngơ thì cái gì biết được Niết Bàn. Do đó, nói có nói không gì cũng đều kẹt, chỉ người đạt đến liền cảm thông không còn nghi ngờ.
Thế nên, nếu lấy tình thức mà đo lường cảnh giới Thánh, thì cảnh giới Thánh cũng thành sai biệt. Các Tổ đâu chẳng thường bảo: "Chỉ hết phàm tình, chớ sanh Thánh giải". Cần yếu là chúng ta phải chữa cho sáng mắt, chừng ấy toàn thể con voi bày ra rõ ràng khỏi nhọc nhằn bàn tán lăng xăng. Người còn bàn tán lăng xăng là kẻ chưa thấy đạo. Tóm lại, chỗ lý tột cùng không còn tranh cãi, người thấy chân thật im lặng thầm thông. Thật tướng con voi vốn không hai thể, chớ vì mù mắt bài bác kia đây. Ai là kẻ sáng mắt hãy tự giữ gìn, chớ để cho người kiểm điểm, thật đáng hổ thẹn xiết bao.
4. Quán Vô Ngã
Trong kinh Phật nói: "Thân này chẳng phải là Ta, chẳng phải của Ta, chẳng phải tự ngã của Ta". Vậy phải quán như thế nào để thấy được nó chẳng phải Ta, chẳng phải của Ta, chẳng phải tự ngã của Ta.
Ðáp: Có hai phần:
1. Về sắc uẩn: Sắc uẩn do bốn đại hợp thành, giả hiện có thân tướng. Ðã do bốn đại hòa hợp thành thì đất là của đất, sao bảo là của Ta? Cũng thế, nước là của nước, gió là của gió, lửa là của lửa đâu thể bảo là của Ta? Còn thế nào là chẳng phải Ta? Bởi ta là hữu tri, vốn có đủ tánh phân biệt hiểu biết, trái lại bốn đại là vật không tri giác làm sao gọi bốn đại là Ta? Vả lại bốn đại mỗi đại đều có tính chất riêng, đất tính cứng, nước tính ướt, gió tính động, lửa tính nóng, mỗi phần riêng biệt hợp lại đâu thể thành một thể thuần nhất. Vì thế nên biết sắc uẩn cũng không phải tự ngã của Ta, vì tự ngã là một cái thể nguyên vẹn.
2. Về tâm có bốn thứ: Thọ, tưởng, hành, thức -- tức là thuộc về phần tinh thần. Thọ: do căn trần tiếp xúc mà sanh khổ vui, hoặc bình thường (không khổ, không vui). Tưởng: do nghĩ nhớ những việc đã qua, suy tưởng việc sắp đến, nghĩ việc hiện tại. Hành: do niệm sanh diệt tương tục trong từng sát na, có thiện hành, ác hành, vô ký hành. Thức: do phân biệt lành dữ, tốt xấu, phải quấy... có thủ xả, không thủ xả.
Về Thọ có phải là Ta chăng? Thọ do xúc mà có, không xúc thì thọ cũng không. Nếu bảo Thọ là Ta như vậy khi không xúc, Ta cũng không nữa sao? Thế nên biết Thọ chẳng phải là Ta. Nếu bảo Thọ là của Ta cũng không được, vì Thọ do xúc mà có, là của xúc sao bảo là của Ta? Thọ từ xúc sanh, lại có khi thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ, chẳng phải một thể nguyên vẹn, nên cũng chẳng phải tự ngã của Ta.
Về Tưởng có phải là Ta chăng? Tưởng do nhớ nghĩ mà thành, không nhớ nghĩ thì Tưởng cũng không. Nếu bảo Tưởng là Ta thì khi không nhớ nghĩ ta cũng không. Thế nên biết Tưởng chẳng phải là Ta. Lại Tưởng do nghĩ nhớ mà thành, thì Tưởng là của nhớ nghĩ sao gọi là của Ta? Tưởng có tưởng về quá khứ, tưởng về vị lai, tưởng về hiện tại, không một thể nhất định không phải tự ngã của Ta.
Về Hành có phải là Ta chăng? Hành do niệm khởi, niệm diệt thì Hành cũng không. Nếu bảo Hành là Ta, như vậy khi niệm diệt Ta cũng không. Thế là Hành cũng chẳng phải Ta. Hành do niệm khởi thì Hành là của niệm sao bảo của Ta? Hành có ác hành, thiện hành, vô ký hành, sanh diệt không dừng, không có thể cố định, nên cũng không phải tự ngã của Ta.
Về Thức có phải là Ta chăng? Thức do phân biệt sanh, không phân biệt thì Thức cũng không. Nếu bảo Thức là Ta tức khi không phân biệt Ta cũng không. Thế nên Thức chẳng phải là Ta. Thức đã do phân biệt sanh thì Thức là của phân biệt, sao bảo của Ta? Thức có thủ có xả, có bình thường, không thủ không xả, chẳng có một thể cố định nên cũng chẳng phải tự ngã của Ta.
Như vậy, nếu quán cùng tột lẽ trên, chúng ta sẽ thông đạt lý vô ngã, khi tâm chấp ngã hết tức mầm mống sanh tử dứt, ngay đó là Niết Bàn vậy.
5. Niết Bàn Là Gì?
Hỏi:
-- Mục đích của người tu Phật lấy quả vị Niết Bàn làm chỗ cứu cánh. Vậy Niết Bàn là gì?
-- Trong các kinh điển có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng chữ Niết Bàn (Nirvana) không ngoài những nghĩa Viên tịch (hoàn toàn vắng lặng), Vô sanh (không còn sanh diệt) và Giải thoát v.v... những nghĩa này nhằm chỉ cho người đạt đạo sống trong trạng thái tâm thể hoàn toàn vắng lặng, dứt hết vọng tưởng vô minh.
Do trình độ giác ngộ khác nhau nên trong kinh chia ra bốn thứ Niết Bàn:
1. Niết Bàn Hữu Dư Y: Niết Bàn đã dứt sạch phiền não vọng hoặc trong ba cõi, nhưng còn thân của nghiệp báo dư thừa.
2. Niết Bàn Vô Dư Y: Niết Bàn đã dứt sạch phiền não hữu lậu và không còn mang thân của nghiệp báo (dứt hết uẩn thân).
3. Niết Bàn Tự Tánh: Niết Bàn tự tánh sẵn có của chúng sanh, nó vốn sẵn có tánh Niết Bàn không phải tu tập mới có. Như mặt gương tánh vốn sạch không phải đợi lau chùi mới hiện.
4. Niết Bàn Vô Trụ Xứ: Niết Bàn không chỗ nơi. Các vị Bồ Tát khi giác ngộ, lao mình trong lục đạo giáo hóa chúng sanh, lấy sự sanh tử của chúng sanh làm cảnh giới. Tuy ra vào sanh tử nhưng lúc nào cũng tự tại vô ngại.
Hai thứ Niết Bàn trên là của hàng Nhị thừa, hai thứ Niết Bàn dưới chỉ riêng hàng Ðại thừa mới có.
Hỏi:
-- Làm sao thể nghiệm để biết có Niết Bàn?
-- Như trên chúng ta đã hiểu, căn cứ Tự Tánh Niết Bàn thì mỗi người chúng ta đều sẵn có thể tánh thanh tịnh sáng suốt tròn đầy, nhưng vì phiền não ngăn che mà không hiển lộ. Muốn tánh Niết Bàn hiển lộ là phải diệt trừ phiền não. Phiền não ở đây chính là sự mê lầm "chấp ngã". Mê lầm chấp ngã hết, tức là Niết Bàn. Vậy thì hỏi khi nào có Niết Bàn? Chúng ta phải đáp: Khi nào tâm "chấp ngã" hết, hoặc tham, sân, si sạch chính khi ấy tức Niết Bàn, khỏi phải hỏi đâu xa.
Chúng ta hãy đọc một đoạn văn trích trong Tạng Kinh Pali của tác giả "Cái Ta Nguy Hiểm" Buddhahasa sau đây:
Trong câu Phật ngôn: "Nếu chư Tỳ Kheo hành theo Chánh hạnh thì cõi thế gian không vắng bóng các bậc A La Hán". Chữ Chánh hạnh có ý nghĩa sâu xa quan trọng. Sống chánh hạnh ngụ ý sự vắng mặt của ý tưởng Ta và của Ta.
Chúng ta sống hết ngày này qua ngày khác, nhưng sống một cách không chân chánh, cho nên cái tà kiến "Ta" và "của Ta" mới sanh, và mỗi ngày nó vọt lên nhiều lần, khiến cho cái Niết Bàn viên mãn bị đứt đoạn, không có dịp tốt để xuất hiện, và vì thế chúng ta không thành bậc Vô sanh (A La Hán). Sống chánh hạnh là sinh hoạt đúng với Bát Chánh Ðạo. Vậy điều cần yếu là ta phải dùng tri kiến chân chánh và hành động chân chánh sao cho "Cái ý niệm Ta" và "của Ta" không thể nổi dậy, ngõ hầu không có sự sanh. Khi không có sự sanh nào cả thì không có khổ nào cả và đó là chân hạnh phúc như lời đức Phật đã thuyết.
Ðọc qua đoạn văn ngắn này, chúng ta thấy Phật dạy điều kiện muốn được Niết Bàn phải có Chánh hạnh (sinh hoạt đúng với Bát Chánh Ðạo). Khi nào có Chánh hạnh thì khi ấy có Niết Bàn. Khi nào không có Chánh hạnh thì không có Niết Bàn. Vậy muốn đạt được Niết Bàn phải có Chánh hạnh, tức là không còn khởi dậy cái ý niệm "Ta" và "của Ta". Một giây phúc nào cái ta "Ta" và "của Ta" không khởi dậy trong tâm thức thì phút giây đó ta có Niết Bàn (Niết Bàn trong thời gian ngắn là Niết Bàn nhân, sống với Niết Bàn vĩnh viễn là viên mãn Niết Bàn). Vậy muốn kéo thời gian Niết Bàn của ta dài hay ngắn đều từ tâm thức có khởi vọng tưởng chấp ngã hay không chấp ngã mà thôi. Nếu sống được một phút không vọng tưởng là một phút Niết Bàn, sống được hai phút là hai phút Niết Bàn, sống một giờ, một ngày là được một giờ, một ngày Niết Bàn viên mãn.
Trong Ðốn Ngộ Nhập Ðạo Yếu Môn chép:
Có người hỏi:
-- Làm sao được Ðại Niết Bàn?
Thiền Sư Huệ Hải đáp:
-- Chẳng tạo nghiệp sanh tử.
Khi nào chẳng tạo nghiệp sanh tử tức là Niết Bàn, chứ không phải tìm Niết Bàn nơi nào khác và cũng không phải đợi thời gian nào mới đạt Niết Bàn. Vì vậy, đạt Niết Bàn sớm hay muộn, thời gian có Niết Bàn lâu hay mau đều tùy chúng ta cả.
Có một Cư sĩ đến hỏi Phật:
-- Bạch đức Thế Tôn! Như Phật nói Niết Bàn hiện tại đến để mà thấy có thời gian chăng?
Phật bảo:
-- Như người ý vừa nghĩ "tham", miệng nói lời tham, thân làm việc tham thì ngay đó ưu bi khổ não liền khởi. Như người ý vừa nghĩ "sân", miệng nói lời sân, thân làm việc sân thì ưu bi khổ não ngay đó liền khởi. Như người ý vừa nghĩ "si", miệng nói lời si, thân làm việc si thì ưu bi khổ não ngay đó liền khởi. Người nào nếu thân miệng ý dứt được tham, sân, si thì ưu bi khổ não không có. Chính ngay lúc đó là Niết Bàn hiện tại (Tương Ưng Bộ Kinh).
Hỏi:
-- Khi đạt Niết Bàn rồi, còn có hay không còn có?
-- Vấn đề còn có hay không còn có đặt ra ở đây đã sai rồi. Ðể trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn lời hỏi của một vị Bà La Môn đến hỏi Phật (Tạp A Hàm):
-- Thưa Thế Tôn! Thế giới hữu biên, vô biên? Thế giới hữu thường, vô thường? Niết Bàn còn có hay không còn có?
Cả ba câu hỏi đức Phật đều im lặng không đáp. Tại sao Phật không đáp? Bởi người đời phần nhiều hễ nói "không" thì họ chấp hoàn toàn không, khi nói "có" thì chấp hoàn toàn có (chấp một chiều), vì vậy mà Phật không đáp. Nghĩa là nếu nói "không" thì họ chấp là "không ngơ" (ngoan không) như lông rùa, sừng thỏ; nói "có" thì "chấp thường còn mãi mãi" (vĩnh viễn không thay đổi), mà nghĩa "có-không" ở đây không cố định, không hẳn là "có", không phải hoàn toàn "không". Hơn nữa nghĩa Niết Bàn, nó ly khai nghĩa "có" và "không". Tại sao? Vì nếu "có" thì phải có hình tướng chỗ nơi có thể chỉ được, nhưng Niết Bàn đâu có hình tướng và chỗ nơi. Nếu nói "không", ai biết có chứng đắc Niết Bàn? Vì vậy không thể nói có hay không.
Lấy một việc gần gũi làm thí dụ. Như khi ngồi thiền, tâm ta buông xả tất cả vọng niệm không còn một chút dấy động, tâm lặng lẽ thênh thang trùm khắp. Lúc bấy giờ, còn có gì hay không còn có gì? Nếu nói còn có gì tại sao không thấy tướng mạo? Nếu nói không còn gì thì cái gì tỉnh sáng biết là không? Vì nó không phải thật có và thật không, nên nếu trả lời là "Có" là "Không" đều không đúng lẽ thật. Thế giới hữu thường vô thường, hữu biên vô biên cũng vậy, nó không phải thật có, thật không mà tùy duyên biến đổi. Vì thế nên Phật không trả lời.
Khi Phật còn tại thế có một vị Tỳ Kheo chứng A La Hán tịch, các Thầy Tỳ Kheo đến hỏi Phật: "Thầy Tỳ Kheo tịch sanh về đâu?" Phật trả lời: "Như củi hết lửa tắt". Nghĩa là còn duyên thì hiện, hết duyên thì ẩn, chớ không về đâu!
Nhân ngày kỵ Mã Tổ, Nam Tuyền hỏi chúng:
-- Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay chăng?
Cả chúng không đáp được. Ðộng Sơn Lương Giới ra đáp: "Ðợi có bạn liền đến". Tức là đủ duyên liền đến.
Qua hai câu chuyện trên chúng ta hiểu nghĩa tùy duyên là như vậy.
Hỏi:
-- Người đã trở về sống với Tự tánh Niết Bàn hằng ở trong thể tịch tịnh bất động hay còn gì nữa khác?
-- Thể của Tự tánh Niết Bàn tuy tịch mà thường chiếu, hằng vắng lặng mà vẫn chiếu soi. Vì thế chư Phật và các vị Bồ Tát khi thành đạo, các Ngài có Tam thân (Pháp thân, Báo thân, Hóa thân), Tứ trí (Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, Ðại viên cảnh trí), Ngũ nhãn (Nhục nhãn, Thiên nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn). Lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông, Lậu tận thông). Vô số diệu dụng thần biến v.v... giáo hóa muôn loài. Tuy hiện muôn loài nhưng tánh thể bất động.
Thế nên cảnh giới Hoa Nghiêm đã diễn tả nào là mây, ánh sáng, tàn lọng ánh sáng, cho đến đồ ăn, đồ mặc, núi sông v.v... hết thảy đều trở thành ánh sáng cả. Chúng ta lấy làm lạ không biết ý kinh muốn nói gì không thể hiểu nổi, chẳng ngờ chính là để nói diệu dụng bất tư nghì của đức Phật sau khi đã đạt Niết Bàn. Nghĩa là sau khi đạt đến Niết Bàn thì đâu đâu cũng là cảnh giới bất tư nghì, chớ không phải đạt đến đó rồi không còn gì hết. Ðó là điều chúng ta chớ lầm lẫn.
6. Con mắt thứ hai
Thường thường mỗi người chúng ta ai cũng có hai con mắt, nhưng chúng ta có biết thế nào là con mắt thứ hai chăng? Nếu chỉ mắt bên phải hoặc bên trái đều không đúng, vì cả hai đồng thời sanh thì làm sao bảo cái nào là cái thứ nhất, cái nào là cái thứ hai? Vậy ai có thể chỉ ra được?
Ðây chúng ta hãy nghe câu chuyện đức Phật khi Ngài còn làm Bồ Tát. Thuở ấy Ngài sanh làm một vị vua trị vì thiên hạ. Một hôm, do túc duyên nhiều đời Ngài bỗng chán ngai vàng và những lạc thú thế gian, vua liền trốn khỏi Hoàng thành đi vào rừng sâu để tìm bậc Ðạo Sư chuyên tu thiền định. Hoàng hậu hay tin vội đuổi theo tìm vua và bà gặp Ngài trên đường đi. Vua hết sức khuyên bà trở lại, nhưng bà quyết một mực theo Ngài.
Trời Ðế Thích thấy vua có chí siêu xuất thế gian, để thúc đẩy Ngài thêm, mới hiện ra một người thợ mộc ở gần bên đường. Vua vừa đi đến, chợt trông thấy anh ta đang cầm thanh gỗ nhắm xem đã thẳng mực hay chưa? Trong khi đó anh ta nhắm bớt một mắt lại, vua thấy lạ mới đến hỏi: Vì sau phải nhắm bớt một mắt lại như vậy? Người thợ mộc đáp: Vì nếu có con mắt thứ hai thì hai con nó tranh nhau khó nhìn chính xác.
Vua nghe nói chợt tỉnh, nghĩ rằng: Cũng thế, ta đã chán cảnh đua chen của thế gian để vào rừng chuyên tu, thế mà còn có con mắt thứ hai là Hoàng hậu bên cạnh thì làm sao tránh khỏi tâm bị chi phối. Nghĩ như vậy, vua từ giả anh thợ mộc, đi đến một ngã tư đường, vua bẻ một cành lau đưa trước Hoàng hậu hỏi: Như cành lau này có thể dính trở lại với thân cây chăng? Bà thưa: Tâu bệ hạ, không thể được. Vua nói: Cũng vậy, chừng nào cành lau này dính trở lại với thân cây, chừng ấy chúng ta mới có thể sống lại với nhau, giờ chúng ta phải chia tay. Tức thời vua bỏ bà ở lại và phóng thẳng vào rừng.
Như thế chúng ta đã thấy con mắt thứ hai chưa, nhất là đối với những người xuất gia? Cứ nhắm đi một mắt thì sẽ thấy những gì là con mắt thứ hai! Giờ chúng ta hãy nghiệm lại câu nói của người thợ mộc: "Nếu có con mắt thứ hai thì hai con nó tranh nhau khó nhìn chính xác". Người tu đã phát nguyện từ bỏ gia đình, cắt đứt những gì thân ái từ trước để sống đời phạm hạnh; thực hiện hoài bảo cao cả của người xuất gia; thế mà thiếu tinh thần dứt khoát làm sao đạt thành sở nguyện?
Chúng ta hãy quán kỹ lại xem, tất cả thế gian này có gì quan trọng đáng để lưu ý? Ngay cái thân sống hàng ngày đây ta cũng không thể lo lắng giữ gìn được, huống là những cái bên ngoài! Nó già ta bảo nó đừng già cũng không được. Nó đau ta bảo nó đừng đau, nhưng nó vẫn đau, cho đến ta bảo nó đừng hư hoại, song rốt cuộc rồi nó cũng phải hư hoại! Thế thì, cái theo sát một bên mà chúng ta còn không thể giữ gìn sắp xếp gì được, thì những việc xa vời đâu đâu mà cứ vương vấn mãi, thử hỏi có sáng suốt hay không? Vậy mà đa số vẫn không bỏ được!
Người tu chúng ta là người sống theo trí tuệ, lấy chánh giác làm đầu, không thể đi theo con đường u ám! Với trí tuệ quán sát kỹ, cái đáng làm chúng ta sẵn sàng làm, cái đáng bỏ chúng ta sẵn sàng buông bỏ, như thế mới đúng ý nghĩa cao đẹp của người xuất gia. Ðằng này, vừa mới phát tâm xuất gia liền nghĩ: "Gia đình rồi đây ai chăm sóc?". Vừa cạo tóc, liếc thấy những sợi tóc đen huyền óng ánh lại nghĩ: "Ta hãy giữ nó làm kỹ niệm". Vừa khoác áo cà sa lại nhớ đến: "Mấy đứa bạn hôm qua sao chẳng đến thăm?" v.v... Như vậy, có xứng đáng với tâm xuất gia chưa hay đã rong về trần tục mất rồi? Do đó ngay từ bước ban đầu phải sẵn sàng bẻ gẫy những gì còn vương vấn có thể đưa đến tâm sai biệt, vươn lên khỏi vòng vây con mắt thứ hai. Phải can đảm dứt khoát như vị vua bẻ gẫy cành lau không chút luyến tiếc.
Chúng ta còn nhớ bài kệ khi ba nhát dao của bậc Thầy thế độ lên đầu, và ba lượn tóc bắt đầu rơi khỏi mái tóc thân yêu:
Hủy hình thủ chí tiết
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thế nhân.Hủy hình là phá đi cái đẹp của hình sắc diện mạo để giữ gìn cái chí siêu trần, cắt đứt sợi dây ân ái, xa lìa những chỗ thân yêu. Quyết một bề bỏ nhà ra đi hoằng truyền đạo Thánh tức là đạo giải thoát, đưa hết mọi người đồng qua biển khổ, đó là lời thề của ta vậy. Thế nhưng chúng ta có giữ đúng chăng hay là mấy hôm sau, trên đầu đã thấy lấm tấm bụi trần trở lại? Nếu không khéo chúng ta cứ buông xuôi theo đó ắt không lâu tóc đen phủ kín da đầu như cũ. Cho nên phải dứt khoát ngay từ đầu, sẵn sàng con dao bên cạnh, một lần cạo là cạo mãi, chớm lên liền cạo, cạo cho đến hơi thở cuối cùng quyết không dừng tay ngó lại con mắt thứ hai! Chúng ta đâu chẳng nghe Hòa Thượng Triệu Châu, sau khi được Nam Tuyền ấn khả, Sư trở về Tào Châu thăm Bổn Sư. Những người quen thuộc hay tin Sư về đều muốn đến thăm. Sư nghe được nói: "Lưới ái trần tục không có ngày dứt được, ta đã từ bỏ xuất gia không muốn gặp lại". Sư liền mang bát, cầm gậy ra đi. Phải một con người dứt khoát như vậy mới hay làm nên việc lớn. Ðâu thể yếu đuối để cho các duyên lôi cuốn mà phai mờ chí nguyện cao đẹp của buổi ban đầu! Ðó là nói về con mắt thứ hai duyên đối với bên ngoài tức thuộc về tình.
Ðến bên trong nói về lý thì hình ảnh con mắt thứ hai có phần tế nhị hơn. Nghĩa là còn tương ưng một pháp thứ hai là còn có hình ảnh của nó. Chẳng hạn khi chúng ta đang ngồi thiền lặng lẽ không vọng tưởng, chợt khởi nghĩ: "Còn cái gì nữa chăng?". Thế là lọt vào con mắt thứ hai, vướng víu trong cái sai biệt! Ðâu chẳng biết, chính ngay lúc tâm lặng lẽ tỉnh sáng rõ ràng không một bóng dáng gì chen vào làm rối loạn, như vậy tức thảnh thơi quá rồi, lại còn đòi hỏi cái gì thêm nữa? Ðòi thêm cái nữa thì cái này bỏ đi đâu? Nếu có hai cái, đến bao giờ mới được thôi dứt? Thế nên nói: "Sáng không chiếu cảnh, cảnh cũng chẳng còn, sáng cảnh đều quên, lại là vật gì?". Sáng là tâm, cảnh là duyên. Tâm không chỗ chiếu, cảnh từ đâu khởi? Tâm cảnh đều dứt, còn gì lại nghi?
Chúng ta đọc kinh Viên Giác có một đoạn cũng ứng hợp chỗ này: "Ở tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, ở các vọng tâm cũng chẳng tắt diệt. Trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm rõ biết, ở không rõ biết chẳng phân biệt chân thật". Ở tất cả thời chẳng khởi vọng niệm là "tâm không sanh". Ở các vọng tâm cũng chẳng tắt diệt là "trí chẳng dứt". Trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm rõ biết là "chiếu không nơi". Ở không rõ biết chẳng phân biệt chân thật là "năng sở đều dứt, rõ ràng không nghi".
Ðến đây chẳng bảo chúng ta nhắm con mắt thứ hai mà phải thấu suốt cả hai mắt không còn nhắm mở, đó mới là chỗ cứu cánh giải thoát. Trái lại, còn dính bên nhắm hoặc bên mở đều chưa tránh khỏi vòng vây con mắt thứ hai, khó đạt đến kết quả viên mãn. Chúng ta hãy nghe câu chuyện Ngài Ðạo Ưng. Sư cất am ở nơi Tam Phong, trải qua tuần nhật không xuống trai đường. Ðộng Sơn thấy lạ hỏi: Mấy ngày nay sao không thấy ngươi đến thọ trai?
Sư thưa:
-- Mỗi ngày có Thiên thần cúng dường.
Ðộng Sơn bảo:
-- Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn kiến giải, ngươi rảnh chiều lại.
Chiều Sư đến, Ðộng Sơn gọi:
-- Ưng am chủ!
Sư ứng thanh: Dạ!
Ðộng Sơn bảo:
-- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?
Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ. Thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng dường.
Chúng ta thấy, vì sao Ðạo Ưng bị Ðộng Sơn quở? Chính bởi Sư tuy đã từng đạt lý thật mà còn một chút niệm thiện chưa quên, bị Thiên thần xem thấy nên Ðộng Sơn quở là "Kẻ vẫn còn kiến giải" tức chưa sạch hết dấu vết, nếu chấp trước nơi đây ắt công phu khó viên mãn.
Do đó người tu phải sẵn sàng buông bỏ, can đảm dứt khoát những gì còn liên hệ níu kéo ngay từ buổi đầu cho đến rốt sau, từ cái bên ngoài cho đến trong tâm thức. Nói cho dễ hiểu là dứt bặt hết các duyên không để một chút gì còn vương vấn như người buông tay đi trong không. Ðó là hình ảnh con người chân thật dứt khoát và tự tại.
Nên nhớ rằng sở dĩ chúng ta bị dẫn đi mãi trong luân hồi không có ngày ra là cũng tại "mê chỗ duyên sanh" chớ không có gì lạ. Mê duyên khởi là sanh tử, ngộ duyên khởi là Niết Bàn. Bởi vì tự tâm vốn không sanh, do duyên mà khởi, nếu khi khởi mà chẳng giác biết tức bị cuốn trôi. Trái lại, ngay lúc vừa khởi liền tỉnh giác tức thành vô sanh. Cho nên các Tổ thường nói: Chính khi sanh tức chẳng sanh (Ðương sanh tức bất sanh) nghĩa là thẳng đó liền dứt bặt chẳng thể tiếp nối. Ðược vậy mới xứng đáng là người xuất gia giải thoát, tình và lý đều vô ngại.
Ðến đây kết luận bằng bài kệ của Tổ Hoàng Bá:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tố nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương!Dịch:
Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường
Ðầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!Muốn vượt khỏi trần lao chẳng phải việc tầm thường, phải nắm giữ lập trường vững chắc, phải dám chịu một cái lạnh thấu xương của mùa Ðông, nếu không làm sao có thể ngửi được mùi thơm của hoa mai?
Vậy có ai dám bẻ gẫy cành lau chưa? Người có tâm thoát tục hãy khéo nhận cho kỹ!
7. Thân Người Ðáng Yêu Hay Ðáng Chán?
Chúng ta vẫn thường nghe đức Phật quở trách thân này là hư dối, là vô thường biến hoại như ghẻ lở, như ung nhọt, như đâm như chém không có gì đáng ưa thích. Lại đức Phật cũng nói, thân người khó được như chuyện "Rùa mù tìm bọng cây". Phật nói: Ví như trong biển lớn sóng mạnh, có một khúc cây bộng bị gió thổi sóng đánh hoặc trôi bên Ðông, hoặc trôi bên Tây. Dưới đáy biển có con rùa mù cứ một trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần tìm bọng cây ấy để chui vào, nhưng biển cả mênh mông, khúc cây thì theo sóng trôi dạt Ðông Tây, rùa lại mù, thử hỏi đến bao giờ mới tìm được bộng cây? Cũng vậy, chúng sanh lăn lộn trong các thú một phen được thân người rất khó như rùa mù tìm được bộng cây.
Như thế, chúng ta thấy có mâu thuẩn hay không? Ở trước Phật hết sức quở trách thân này, sau Phật lại khen bảo là khó gặp. Vậy chúng ta phải nhìn như thế nào đối với thân này cho đúng lẽ thật?
Bởi phàm phu mê mờ không có mắt tuệ, điên cuồng chấp ngã, nhận lầm thân này là Ta và thật của Ta, rồi một bề quý trọng cung dưỡng nó, tự đó tạo tác không biết bao nhiêu nghiệp ác, gây biết bao đau khổ cho người vật xung quanh! Ðể đối trị các chấp sai lần tai hại ấy, đức Phật bảo, thân này là cái vay mượn của đất, nước, gió, lửa và sự hòa hợp của năm uẩn và được hình thành bởi vô minh khát ái. Do vậy, thân này phải chịu vô thường biến hoại, là pháp thống khổ, không là Ta và của Ta. Vì nếu thân này là của Ta thì nó phải thuộc quyền Ta sai khiến. Vậy Ta hãy bảo nó đừng già xem có được không? Nhưng nó vẫn già! Ta hãy bảo tóc ta đừng bạc, nhưng nó vẫn bạc! Khi nó đau, ta hãy bảo nó đừng đau! Khi nó sắp chết hãy bảo nó đừng chết! Nhưng nó vẫn đau vẫn chết! Thế thì lấy gì bảo đảm là của Ta. Còn nếu thân này là Ta thì nó với Ta là một, nhưng có là một được chăng? Thể của nó là hư hoại, còn Ta là cái thường còn, làm sao bảo nó là Ta được?
Lại nữa nếu phân tích kỹ hơn, thì trong thân này cái gì là Ta? Ðất là Ta chăng? Ðất là vô tri, nếu đất là Ta thì Ta thành cái vô tri sao? Cũng vậy, nước, gió, lửa là cái vô tri đâu thể bảo là Ta! Là Ta không được vậy có phải là của Ta chăng? Ðất là thuộc của đất, nước là thuộc của nước, gió là thuộc của gió, lửa là thuộc của lửa, cái gì là bảo của Ta? Ðó là Phật chỉ rõ cái bản chất hư dối tạm bợ của thân, để cho chúng ta nhận rõ lẽ thật của nó mà thức tỉnh xa lìa các chấp điên đảo về thân. Chính khi thấy cái lẽ không thật của thân, những cái chấp trước về thân dần dần bị phá vỡ, một đời sống thánh thiện trở lại với chúng ta. Ðó là lý do Phật chê trách thân người.
Tuy nhiên, có kẻ cạn cợt khi nghe nói thân này xấu xa nhơ nhớp, đáng nhàm chán, không kịp nhận định kỹ, vội khởi lên tư tưởng hủy hoại hay hành hạ đối với xác thân. Chẳng hạn có lần Phật thuyết về "Tứ niệm Xứ", Ngài nói đến sự bất tịnh của thân, thật không còn gì để nhàm chán hơn nữa. Sau đó Phật tuyên bố với chúng Tỳ Kheo hãy để cho Ngài ở yên một chỗ trong ba tháng, không ai được thăm viếng, trừ A Nan làm thị giả đem cơm nước. Sau ba tháng Ngài trở ra, chợt thấy trong chúng Tỳ Kheo thưa giảm đi quá nhiều. Ðức Phật liền hỏi Tôn giả A Nan lý do vì sao? Tôn giả A Nan thưa: Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng về pháp "Tứ niệm xứ" nói đến sự bất tịnh của thân, chư Tỳ Kheo thấy qua nhàm chán, ghê sợ nên đã cùng nhau mướn người giết đi. Nghe xong Phật quở trách, sau đó Ngài cho nhóm chư Tỳ Kheo lại và tuyên bố từ nay không ai được mướn người giết, nếu mướn người giết là phạm luật. Cho nên hành hạ thân này cũng là một cực đoan.
Bởi vì sao chẳng được hủy hoại? Vì thân này tuy là hư dối tạm bợ nhưng không vì thế mà ta lại hủy hoại nó khi chúng ta còn chưa đạt thành sở nguyện. Nghĩa là khi còn đang trên con đường đi tất phải mượn nó làm chiếc bè để qua sông. Trong kinh Phật có thí dụ người bị chìm đắm giữa sông lớn không có gì để bám, chợt nắm được khúc gỗ mục thì người ấy phải làm sao? Mặc dù biết là khúc gỗ mục không có chút giá trị, nhưng giữa lúc này thật là đáng quý vô cùng. Người ấy quyết phải nương khúc cây mục đó mà vô đến bờ, khi vô đến bờ rồi chừng ấy liền bỏ đi không luyến tiếc! Cũng vậy, khi chúng ta chưa đạt đến đích, phải mượn thân này làm phương tiện để thực hành chân diệu pháp. Tiến xa hơn nữa, dùng nó để làm lợi ích chúng sanh, khi công phu viên mãn liền bỏ lại ra đi không luyến tiếc! Ðược vậy mới là người biết dùng đúng chỗ dùng của thân. Trái lại, chê nó là khúc củi mục không chịu dùng, hoặc ở trên khúc củi đó mà tô điểm, sơn phết tưng tiu để rồi đành phải chết chìm ở giữa giòng, Phật nói như vậy đồng một hạng ngu si!
Chúng ta có biết chăng, "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe", trong cuộc lưu chuyễn luân hồi, chúng ta đã từng bao lần lên xuống làm trùng kiến, làm trâu, làm ngựa cho người chà đạp, leo cưỡi, hôm nay may mắn thay chúng ta lại được thân người lại gặp chánh pháp Như Lai. Thế thì chúng ta phải làm sao để khỏi bỏ lỡ cái cơ hội tốt lành này! Thí dụ: "Con rùa mù tìm bộng cây" tức là chỉ chúng ta vậy. Ai đã thấy?
Ôi luân hồi dài dài
Biết đâu là khởi điểm
Trăm năm vải lau đá
Kiếp dài biết là bao?
Mấy lần đã đi qua
Bao lần uống sửa mẹ
Ôi! Bể cả khôn lường
Lại như cát sông Hằng!
Chừng ấy đủ cho ta
Chịu đựng cơn thống khổ
Chừng ấy đủ cho ta
Giải thoát tất cả hành!Phật từng nói trong cuộc luân hồi từ vô thủy của chúng ta không thể tìm thấy đâu là khởi điểm, ví như một hòn núi đá lớn có người cứ một trăm năm đến đó với tấm vải Kasi lau một lần, lau cho đến mòn hòn đá ấy cũng chưa sánh được kiếp luân hồi của chúng ta. Trong ấy chúng ta đã biết bao lần uống sữa mẹ cho đến còn nhiều hơn là nước biển cả. Thế mà hôm nay chúng ta lại không thức tỉnh tiến tu, mượn thân này mà giải quyết cơn mộng vô minh, một phen qua rồi bao giờ gặp lại cơ hội tốt như thế. Như một lần đức Phật ở tại thành Xá Vệ, rừng Kỳ Ðà vườn Ông Cấp Cô Ðộc, Ngài khơi một chút đất trên đầu ngón tay đưa lên hỏi chư Tỳ Kheo: "Này Chư Tỳ Kheo, các ông thấy đất trên đầu ngón tay ta nhiều, hay đất quả địa cầu nhiều?". Các Thầy Tỳ Kheo đáp: "Bạch Thế Tôn, đất quả địa cầu rất nhiều so với đất đầu ngón tay Thế Tôn gấp trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn lần cho đến khó mà tính kể được". Phật nói: "Cũng vậy, ta thấy chúng sanh ở thế gian này sau khi bỏ thân người phần đông đi vào các thú nhiều như quả đất địa cầu, còn kẻ trở lại làm người rất ít như đất đầu ngón tay".
Thế nên đức Phật mới nói được thân người rất khó, trăm lần, ngàn lần khó để nhắc nhở chúng ta phải khéo tu học chánh pháp, khích lệ thêm niềm tin và sự phấn khởi. Ðó là Ngài nói lợi ích của thân trên đường tu học. Còn một điểm mà chúng ta ít người biết đến là chính ngay cái thân giả dối này đã có sẵn cái chân thật, bất sanh bất diệt mà chư Phật hằng khen ngợi. Ấy là điều mà những người tu Phật chúng ta thường ao ước muốn gặp và đã từng tốn bao công phu đeo đuổi tìm cầu, nhưng không ngờ nó ở ngay nơi thân này. Ngài Triệu Pháp Sư nói: "Trong càn khôn, giữa vũ trụ có hòn ngọc quý ở tại hình sơn". Hình sơn là chỉ thân năm uẩn này vậy. Do đó, chúng ta có đủ niềm tin nơi mình, sẵn sàng vươn lên trong cái sinh diệt, mà sống với cái bất sinh bất diệt
Như vậy, đối với thân này có hai điểm, một điểm đáng chê trách xa lìa; một điểm đáng khích lệ vươn lên, chúng ta phải quán cả hai mặt. Ðể phá chấp, chúng ta phải quán thẳng vào bản chất hư dối, không chắc thật của thân thể, phá trừ cái si mê chấp ngã, đã dẫn dắt chúng ta đi mãi trong luân hồi sanh tử. Thứ hai để tu tiến chúng ta phải lợi dụng thân này để làm lợi khí vượt qua vòng sanh tử mà đạt đến cứu cánh giải thoát. Thêm một điểm nữa, ngay cái thân không thật này, khéo nhận ra cái chân thật, bao nhiêu công đức sẽ từ đó đầy đủ tất cả, cho đến cứu cánh thành Phật không còn nghi ngờ gì hết.
Tóm lại, quá yêu mến quý trọng thân này để rồi tha hồ cho nó thụ hưởng lạc thú là một cực đoan, mà hành hạ hủy hoại nó cũng là một cực đoan. Phải tránh hai cực đoan này mà sống theo trung đạo, đó là đi đúng đường chư Phật đã đi, chớ để một thời qua suông, dịp may không đến hai lần, về sau ắt phải ân hận! Hãy xét kỹ! Hãy xét kỹ!
8. Giá Trị Chân Thật
Thuở trước có vợ chồng một ông vua đã lớn tuổi mà không có con trai chỉ sanh được một Công Chúa. Vua cùng Hoàng Hậu mới bàn nhau kén Hoàng Tử. Một hôm vua cho rao khắp thần dân trong nước ai có con trai hãy đến ra mắt Ngài. Thế là bao nhiêu cậu trai trong nước đều tụ về trước cửa triều đình. Vua mới trao cho mỗi người một gói bảo: "Ðây là những gói hoa giống, mỗi người hãy đem về ương trồng cho kỹ càng, rồi đem đến dâng cho ta, nếu hoa của ai đẹp nhất ta sẽ chọn làm Hoàng Tử". Các chàng trai vâng lệnh đem về chọn đất tốt, phân bón hết sức kỹ lưỡng. Ðến hạn định mỗi người cùng nhau đem đến dâng lên vua những chậu hoa thật là xinh xắn. Vua và Hoàng Hậu đi giáp một vòng xem tất cả những chậu hoa. Phải nói nhiều chậu đẹp không thể chê. Tuy nhiên, vua cùng Hoàng Hậu đi tới đi lui lắc đầu ra vẻ buồn bả. Chợt có một thằng bé ôm một chậu đất không vừa chạy đến vua khóc. Vua mới hỏi vì sao con lại khóc? Nó mếu máo thưa: "Thưa Ngài, hôm trước Ngài đưa cho con một gói hoa giống, con đem về tìm đất tốt, phân bón chăm sóc hết sức kỹ lưỡng nhưng rốt cuộc không lên một cây nào! Hu! Hu!". Vua bỗng sáng mắt lấy tay xoa đầu thằng bé nói với mọi người: "Ðây là Hoàng Tử của ta". Tất cả ai nấy ngạc nhiên và có ý phản đối, vua mới bảo: "Hôm trước ta đưa cho các ngươi những giống đó là ta đã đem hấp chín hết rồi, thế mà mọi người đem về đổi lấy những giống hoa khác thay vào nên mới có được những cây hoa đẹp này. Ðó là các ngươi chưa thành thật, chỉ có thằng bé này mới là người thành thật, rất xứng đáng là Hoàng Tử của ta". Vua liền chọn thằng bé làm Hoàng Tử.
Bình:
Ở thế gian ít có mấy ai dám nhìn sự thật và nói lên sự thật. Do vậy, đa số sống với nhau toàn bằng cái hình thức giả dối bên ngoài, rất khó tìm được một người chân thật hoàn toàn. Giả sử chúng ta làm cái gì sai, có người hỏi: "Ai làm cái này?", tức liền nói: "Không biết ai làm à?". Hoặc có nói thật thì mười phần chỉ nói một hai không bao giờ dám nói hết. Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể câu chuyện: Có một anh chàng rất hung bạo và thô lỗ, một hôm ở trong buổi tiệc, một số anh em đang ngồi nói chuyện, có liên quan đến anh, một người xen vào nói: "Cái anh chàng đó mà nói làm gì, thật là hung bạo và thô lỗ..." Bất chợt anh ta đi ngang qua, vừa nghen chưa hết câu, liền bạt anh bạn kia mấy bạt tay nói: "Chú mầy nói ai thô lỗ?". Như vậy có đáng tức cười không? Chẳng chịu nhận mình là thô lỗ lại bạt tay người, vậy cái hành động ấy phải nói là gì? Thế nên chúng ta có bao giờ dám nhìn thẳng vào sự thật!
Ðến trong đạo cũng vậy, chúng ta đã chán những cái giả dối ở thế gian, vào đạo để mong tìm một đời sống chân thật. Nhưng rồi cũng bày ra những cái giả với nhau mà cái thật đâu không thấy. Chẳng hạn một số người tu hành bình thường không chịu. Trái lại làm ra những cái lạ đời, nào ăn rau, uống nước lạnh, nhịn đói v.v... để chi vậy? Có phải chăng để cho người chú ý đến ta? Nếu ta thật sự chân tu thì người biết đến hay không có can hệ gì? Thế là đã sống với cái giả rồi mà không hay! Tại sao chúng ta không dám thành thật với chính mình, sống ngay cái bình thường chân thật, cũng ăn uống như bao nhiêu người, nhưng mỗi một niệm hư dối, tà vọng vừa dấy lên tức liền tỉnh giác buông xả, mỗi một sự trái ý nghịch lòng đưa đến đều vui vẻ thông qua, đó là đã sống trong đạo lý rồi đâu phải nhọc nhằn bày ra những việc kỳ đặt như thế? Như thằng bé sẵn sàng ôm chậu đất đến trước nhà vua để trình lên sự thật, chớ không dối đem những thứ hoa này, hoa nọ trồng vào để mong được khen ngợi.
Chúng ta nên biết, thân này vốn từ cái nhân hư vọng mà thành thì dù cho có khen ngợi, che đậy bao nhiêu, kết cuộc rồi nó cũng lộ ra cái bản chất hư dối của nó, tức là tan rã hư hoại! Người có trí phải thấy rõ điều đó, không thể ở trên cái hư dối lại dựng thêm cái hư dối để rồi gạt gẫm lẫn nhau. Nói thẳng ra, cho đến bạn bè anh em, cũng mấy khi thành thật với nhau. Sở dĩ ta thân với người bạn này là vì anh ta biết chiều ta, giúp ta, thuận theo chỗ muốn của ta. Nếu trái lại, thử hỏi ta có còn thân nữa chăng? Giả sử, một người bạn thân nhất, ta muốn gì bạn đều giúp cả, nhưng lỡ một lần vì bận việc không giúp ta được, ngay đó đã bớt thân rồi, nếu vài lần như vậy ắt không còn thân nữa! Vợ chồng với nhau cũng vậy. Mới xem qua tưởng chừng thương yêu nhau lắm, nhưng xét kỹ lại, giả sử người vợ hoặc người chồng bị ho lao hoặc cùi hủi, thì thử hỏi có còn đủ cái tình nghĩa ban đầu nữa chăng, hay đã lợt lạt đi rồi và có thể hất bỏ là khác! Như vậy có thương yêu chân thật chưa, hay chỉ thương trên bóng dáng của một cái ta? Nói rộng ra, trên thế gian này gần như tất cả đều sống trên cái giả nhiều hơn là cái thật. Trách gì chúng ta không khỏi hồi hộp lo âu từng phút giây, khổ nhiều mà vui ít. Vậy cho nên muốn sống đời sống cao quý, chúng ta phải can đảm sống thẳng với sự thật, chấp nhận sự thật để vươn lên chớ không thể vì một chút bản ngã thấp hèn mà đem cái giả phủ lên cái thật để rồi kết cuộc đành phải hổ thẹn!
Hãy sẵn sàng thành thật như thằng bé ôm chậu đất trình trước vua.
[Mục lục] [Lời đầu sách]
[Trích Giảng Kinh A-Hàm] [Diễn Giảng]
[Vấn Ðáp] [Trích Giảng Thiền Sử] [Thơ Kệ]
[Trở về trang gốc]