Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

 

Tạp A-Hàm

Mở đầu
Quyển 01
Quyển 02
Quyển 03
Quyển 04
Quyển 05
Quyển 06
Quyển 07
Quyển 08
Quyển 09
Quyển 10

Quyển 11
Quyển 12
Quyển 13
Quyển 14
Quyển 15
Quyển 16
Quyển 17
Quyển 18
Quyển 19
Quyển 20

Quyển 21
Quyển 22
Quyển 23
Quyển 24
Quyển 25
Quyển 26
Quyển 27
Quyển 28
Quyển 29
Quyển 30

Quyển 31
Quyển 32
Quyển 33
Quyển 34
Quyển 35
Quyển 36
Quyển 37
Quyển 38
Quyển 39
Quyển 40

Quyển 41
Quyển 42
Quyển 43
Quyển 44
Quyển 45
Quyển 46
Quyển 47
Quyển 48
Quyển 49
Quyển 50

 

TẠP A-HÀM QUYỂN 18

 

KINH 490. DIÊM-PHÙ-XA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Na-la[2], nước Ma-kiệt-đề.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ở xóm Na-la, Ma-kiệt-đề.

Khi ấy, có xuất gia ngoại đạo tên là Diêm-phù-xa[3], là bạn cũ của Xá-lợi-phất[4], đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Xá-lợi-phất:

“Trong pháp luật của Hiền thánh có việc gì khó[5]?”

Xá-lợi-phất bảo Diêm-phù-xa:

“Chỉ có xuất gia là khó.”

“Xuất gia, cái gì là khó?”

Đáp:

“Ái lạc[6] khó.”

“Ái lạc, cái gì là khó?”

Đáp:

“Thường tu tập thiện pháp là khó[7].”

 

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành[8] nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì thiện pháp tăng trưởng không?”

Đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”

Diêm-phù-xa nói:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, thì chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận được các hữu lậu.”

Khi ấy hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Tương tự như kinh trên, với những câu hỏi của Diêm-phù-xa, gồm bốn mươi kinh[9].

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[10]

“Thế nào là vị khéo thuyết pháp? Thế nào là vị chánh hướng trong đời[11]? Thế nào là vị thiện thệ trong đời[12]?”

Xá-lợi-phất nói:

“Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; đó gọi là vị khéo thuyết pháp. Nếu hướng đến sự điều phục dục tham, hướng đến sự điều phục sân nhuế, hướng đến sự điều phục ngu si; đó gọi là chánh hướng. Nếu tham dục đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; sân nhuế và ngu si đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; đó gọi là thiện thệ.”

Lại hỏi:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì có thể phát khởi thiện thệ[13]?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[14]

“Nói là Niết-bàn; thế nào là Niết-bàn?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Niết-bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục; sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết-bàn.”

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì chứng đắc Niết-bàn chăng?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[15]

“Vì sao ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Vì để đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh[16].”

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có đoạn được tham dục, sân nhuế, ngu si không?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[17]

“Nói là hữu lậu đã đoạn tận. Thế nào là hữu lậu đã được đoạn tận?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu lậu có ba[18]; đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu và vô minh hữu lậu. Ba thứ hữu lậu này đã trừ hết, không còn sót, nên gọi là hữu lậu đã được đoạn tận.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì các lậu trừ hết không.”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[19]

“Nói là A-la-hán. Thế nào là A-la-hán?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Tham dục, sân nhuế, ngu si đã trừ sạch không còn sót, thì gọi là A-la-hán.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để chứng đắc A-la-hán không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[20]

“Nói là A-la-hán. Thế nào là A-la-hán?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn diệt tận không còn sót, đó gọi là A-la-hán.”

Lại hỏi:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì chứng đắc A-la-hán không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[21]

“Nói là vô minh. Thế nào là vô minh?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Nói là vô minh, là không biết tiền tế, không biết hậu tế, không biết tiền, hậu, trung tế[22]; không biết Phật, Pháp, Tăng; không biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không biết thiện, bất thiện và vô ký; không biết trong, không biết ngoài. Nếu đối với những sự này hay sự kia mà không biết, bị ám chướng, đó gọi là vô minh[23].”

Diêm-phù-xa nói với Xá-lợi-phất:

“Đây là khối u ám vĩ đại.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đoạn trừ vô minh không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[24]

“Gọi là hữu lậu. Thế nào là hữu lậu?”

Như trên đã nói.[25]

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[26]

“Nói là hữu. Thế nào là hữu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu có ba; đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có hướng đến nào để tu tập và khi tu tập nhiều thì có đoạn trừ những hữu này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[27]

“Nói là hữu thân[28]; thế nào là hữu thân?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu thân, đó là năm thọ ấm. Thế nào là năm thọ ấm? Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào, để đoạn trừ hữu thân này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[29]

“Nói là khổ; thế nào là khổ?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Khổ là chỉ cho sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái xa cách nhau khổ, oán ghét gặp nhau khổ, những gì cầu không được khổ, lược nói về khổ của năm thọ ấm, thì đó gọi là khổ.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ những khổ này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[30]

“Nói là lưu[31]; thế nào là lưu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những lưu này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[32]

“Nói là ách[33]; thế nào là ách?”

Ách cũng nói như lưu.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[34]

“Nói là thủ[35]; thế nào là thủ?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những thủ này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[36]

“Nói là hệ phược[37]; thế nào là hệ phược?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Phược có bốn, đó là tham dục phược, sân nhuế phược, giới thủ phược và ngã kiến phược.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những phược này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[38]

“Gọi là kết; vậy thế nào là kết?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Kết có chín[39], đó là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, tha thủ kết[40], nghi kết, tật kết và xan kết.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những kết này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[41]

“Gọi là sử, vậy thế nào là sử?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Sử có bảy, đó là tham dục sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử và nghi sử.”[42]

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những sử này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[43]

“Gọi là dục, vậy thế nào là dục?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.

“Này Diêm-phù-xa, năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư duy.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất liền nói bài kệ:

“Tất cả sắc thế gian,

Không phải ái dục sử[44],

Duy chỉ là giác tưởng,

Đó chính là người dục[45].

Bao nhiêu hiện sắc này,

Thường ở tại thế gian,

Điều phục tâm ái dục,

Đó là người thông tuệ.”

Diêm-phù-xa hỏi lại Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ được những dục này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bà luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[46]

“Gọi là cái; thế nào là cái[47]?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Cái có năm, đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái và nghi cái.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được những cái này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[48]

“Gọi là sự nghỉ ngơi, vậy thế nào là sự nghỉ ngơi?”[49]

Xá-lợi-phất đáp:

“Sự nghỉ ngơi là sự đoạn trừ ba kết sử.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[50]

“Nói là đạt đến sự nghỉ ngơi; thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến sự nghỉ ngơi là ba kết sử đã bị đoạn, đã được biết.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[51]

“Gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[52], vậy thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng là đã vĩnh viễn đoạn tận tham dục, sân nhuế và ngu si[53]. Đó gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[54].”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[55]

“Gọi là đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng[56]; thế nào là được chỗ dừng nghỉ bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng là đối với tham dục vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn; đối với sân nhuế, ngu si, vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đó gọi là chỗ dừng nghỉ bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[57]

“Nói là thanh lương[58], vậy thế nào là thanh lương?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch; tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân nhuế.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để có thể đoạn trừ năm hạ phần kết này, để đạt đến thanh lương không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[59]

“Gọi là được thanh lương, vậy thế nào là được thanh lương?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đối với năm hạ phần kết đã đoạn tận, đã niệm tri, đó gọi là được thanh lương.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[60]

“Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thanh lương bậc thượng là khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn; tất cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó gọi là thanh lương bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đạt được thanh lương bậc thượng không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[61]

“Nói là đạt được thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là đạt được thanh lương bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt được thanh lương bậc thượng là đối với tham dục đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn; đối với sân nhuế và ngu si đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn. Đó gọi là đạt được thanh lương bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương bậc thượng này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất[62]:

“Gọi là ái, vậy thế nào là ái?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Ái có ba, đó là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể diệt trừ được ba ái này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[63]

“Gọi là nghiệp đạo[64], vậy thế nào là nghiệp đạo?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Nghiệp đạo. đó là mười nghiệp đạo bất thiện, tức sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để diệt trừ mười nghiệp đạo này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[65]

“Gọi là ô uế, vậy thế nào là ô uế?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Uế có ba, đó là tham dục, sân nhuế và ngu si.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể trừ được ba uế này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Như kinh Uế, cũng vậy các kinh nói về Cấu bẩn [32], Cấu ghét [33], Gai nhọn [34], Luyến [35] và Hệ phược [36] cũng như vậy.

*

 

KINH 491. SA-MÔN XUẤT GIA SỞ VẤN[66]

Như kinh Diêm-phù-xa hỏi, kinh Sa-môn xuất gia hỏi cũng như vậy.

*

 

KINH 492. NÊ THỦY[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào[68] được vô lượng tam-muội[69], thân tác chứng, thành tựu và an trụ, nhưng đối với Niết-bàn, sự diệt tận của hữu thân[70], mà tâm không hoan hỷ[71], luyến tiếc hữu thân[72]. Giống như người tay dính keo mà nắm trên cành cây, thì tay liền bị dính trên cành không gỡ ra được. Vì sao? Vì keo dính tay.

“Nếu Tỳ-kheo tự thân đã tác chứng vô lượng Tam-ma-đề[73], nhưng tâm không hoan hỷ[74] đối với Niết-bàn, sự diệt tận của hữu thân[75]; luyến tiếc hữu thân, thì trọn không thể thoát ly, ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc mà phải sanh lại cõi này; cuối cùng rồi cũng không phá được sự si ám. Như bên cạnh làng có ao bùn; lớp bùn rất sâu. Lâu ngày trời không mưa, nước ao khô cạn, đất nứt nẻ ra[76]. Cũng vậy, Tỳ-kheo ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc và sẽ trở lại đọa vào cõi này.

“Nếu có Tỳ-kheo nào được vô lượng tam-muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết-bàn, này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân. Giống như người dùng bàn tay khô ráo, sạch sẽ, vịn vào cành cây, thì tay sẽ không bị dính theo cây. Vì sao? Vì bàn tay sạch. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo nào được vô lượng tam-muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết-bàn này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân; ngay trong đời này tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung không còn sanh lại cõi này nữa.

“Cho nên Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh. Giống như bên cạnh làng có ao bùn, nước từ bốn phía chảy vào, trời lại hay mưa, nước thường vào ao đầy dẫy, đồ dơ bẩn chảy ra hết, ao nước này trở nên trong sạch. Cũng vậy Tỳ-kheo ngay trong đời này mà tùy thuận giáo pháp; cho đến khi mạng chung sẽ không còn sanh trở lại cõi này. Bởi vậy, Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 493. THỪA THUYỀN NGHỊCH LƯU[77]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo a-luyện-nhã[78], hoặc ở giữa đất trống, trong rừng, dưới bóng cây, nên học như vầy: Quay vào bên trong mà tư duy, quán sát, tự biết trong tâm còn có dục tưởng không? Nếu không tự biết được, thì ở nơi cảnh giới hoặc ở nơi tịnh tướng, ở đó sẽ có ái dục khởi lên, trái với hạnh viễn ly[79]. Giống như người dùng sức chèo thuyền nghịch dòng đi lên, thân nếu hơi mệt mỏi, biếng nhác, thì thuyền quay trở lại, xuôi dòng đi xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi tư duy tịnh tưởng, trở lại sanh ra ái dục, trái với hạnh viễn ly. Tỳ-kheo này tu học, tu phương tiện thấp kém, hành không thuần tịnh. Vì vậy lại bị ái dục cuốn trôi, không được pháp lực, tâm không tĩnh lặng, tâm không chuyên nhất; đối với tịnh tướng kia theo đó mà sanh ái dục, trôi nổi lăn lóc, trái với hạnh viễn ly. Nên biết Tỳ-kheo này, không dám tự xác nhận là đối với năm phẩm chất của dục mà ly dục, giải thoát.

“Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi đất trống, trong rừng hoặc dưới bóng cây, tư duy như vầy: ‘Trong nội tâm ta đã ly dục chưa?’ Tỳ-kheo này sẽ ở nơi cảnh giới hoặc tiếp nhận tịnh tướng, mà biết tâm mình đã xa lìa tướng ấy, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy. Giống như lông chim vào lửa thì bị quắn lại, không có nở ra. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào, hoặc tiếp nhận tịnh tướng mà tùy thuận viễn ly, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy.

“Tỳ-kheo, nên biết như vầy, đối với phương tiện thực hành tâm không biếng nhác, chứng đắc pháp, tịch tĩnh, tĩnh chỉ, an ổn, khoái lạc, thuần tịnh nhất tâm và tự nói: ‘Ta sau khi tư duy, đối với tịnh tướng, mà tùy thuận viễn ly, tùy thuận tu đạo, thì có thể tự xác nhận, đối với năm phẩm chất của dục, đã ly dục giải thoát.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ, phụng hành.

*

 

KINH 494. KHÔ THỌ[80]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, sáng sớm, Tôn giả đắp y mang bát ra khỏi núi, vào thành Vương xá khất thực; thấy bên lề đường một cây đại thọ khô liền đến bên cây này trải tọa cụ ngồi ngay thẳng và nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào tu tập thiền tứ, đạt được thần thông, tâm được tự tại, muốn biến cây khô này thành đất, thì sẽ thành đất liền. Vì sao? Vì trong cây khô này có địa giới. Cho nên Tỳ-kheo có sức thần thông, tâm muốn tạo ra đất, tức thì thành đất không khác. Nếu có Tỳ-kheo nào đạt được sức thần thông, tự tại như ý, mà muốn khiến cây này thành nước, lửa, gió, vàng, bạc v.v… tất cả đều thành tựu không khác. Vì sao? Vì cây khô này có thủy giới. Cho nên, thiền tứ được sức thần thông, tự tại như ý; nếu muốn khiến cây khô này thành vàng, tức thì thành vàng không khác và những vật khác cũng đều thành tựu như vậy. Vì sao? Vì cây khô này có các giới. Cho nên, Tỳ-kheo thiền tứ, được sức thần thông, tự tại như ý, nến muốn làm thành các vật khác thì cũng đều thành tựu không khác. Tỳ-kheo nên biết, khi Tỳ-kheo thiền tứ, cảnh giới thần thông không thể nghĩ bàn. Cho nên, Tỳ-kheo phải tinh cần thiền tứ, học các thần thông.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 495. GIỚI[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Người phạm giới, vì phá giới nên sở y sút giảm, tâm không an trú với sự an lạc[82]. Vì tâm không an trú với sự an lạc nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam-muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật[83], sự yếm ly, ly dục, giải thoát, vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết-bàn. Giống như cây bị mục thì tất cả cành, lá, hoa, trái đều không thể thành tựu. Tỳ-kheo phạm giới lại cũng như vậy, công đức sút giảm[84], tâm không an trú với sự an lạc. Vì tâm không an trú với sự an lạc[85] nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam-muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật, sự yếm ly, ly dục, giải thoát. Do thoái thất giải thoát nên vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết-bàn.

“Tỳ-kheo trì giới, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam-muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết-bàn. Ví như gốc cây không bị mục thời cành, lá, hoa, trái đều được thành tựu. Tỳ-kheo trì giới lại cũng như vậy, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam-muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết-bàn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 496. TRÁNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu các Tỳ-kheo khởi lên tranh cãi với nhau, có Tỳ-kheo phạm tội, Tỳ-kheo cử tội. Nhưng Tỳ-kheo này, nếu không bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, thì nên biết Tỳ-kheo này ngang ngạnh lâu dài, tranh cãi, kiện tụng càng tăng, chống đối nhau, nuôi hận càng ngày càng sâu. Đối với những tội lỗi đã khởi lên, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được.

“Nếu Tỳ-kheo đã khởi lên việc tranh tụng, nhưng Tỳ-kheo phạm tội, hay Tỳ-kheo cử tội, bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, chịu khiển trách, thì nên biết Tỳ-kheo này không ngang ngạnh lâu dài, không chống đối nhau và hận thù không còn tăng trưởng; đối với tội đã khởi có thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn cho dừng lại.

“Thế nào là Tỳ-kheo bằng tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát? Tỳ-kheo nên tư duy như vầy: ‘Ta thật sự không phải, không tốt, không nên tạo tội, để cho người khác bắt gặp mình. Nếu ta không tạo tội này thì người kia sẽ không bắt gặp. Vì người kia bắt gặp ta phạm tội, khiến họ không vui vẻ và hiềm trách nên cử tội. Còn những Tỳ-kheo khác nếu nghe cũng sẽ hiềm trách. Cho nên việc tranh tụng xảy ra lâu dài, tính nganh ngạnh càng tăng và tranh cãi với nhau. Đối với những tội đã khởi, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được. Nay ta tự biết như mình đã nộp thuế[86].’ Đó gọi là Tỳ-kheo đối với những tội đã khởi có thể tự quán sát.

“Thế nào là Tỳ-kheo cử tội có thể tự phản tỉnh quán sát? Tỳ-kheo cử tội nên nghĩ như vầy: ‘Trưởng lão Tỳ-kheo này phạm tội không tốt khiến ta bắt gặp. Nếu vị ấy không phạm tội không tốt đó thì ta đâu có bắt gặp. Vì ta đã bắt gặp tội của người này khiến không vui nên phải nói ra. Còn những Tỳ-kheo khác nếu bắt gặp thì cũng sẽ không vui và cũng sẽ nêu tội. Sự tranh tụng cứ như vậy kéo dài tăng trưởng không dừng, không thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn những tội đã làm, khiến cho dừng lại. Từ ngày hôm nay ta tự mình từ bỏ nó, như mình nộp thuế.’ Như vậy Tỳ-kheo cử tội nên khéo y cứ vào tư duy đúng, để nội tĩnh quán sát.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, người có tội và người cử tội phải y cứ vào tư duy đúng, tự quán sát đừng để cho sự ngang ngạnh tăng trưởng thêm lên. Này các Tỳ-kheo, không nên tranh tụng nữa, nếu việc tranh tụng có khởi lên thì có thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn khiến nó dừng lại.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 497. CỬ TỘI[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo cử tội muốn cử tội người khác, khiến cho tâm an trụ, thì cần có bao nhiêu pháp để được cử tội người khác?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Nếu Tỳ-kheo nào khiến tâm an trụ, có đủ năm pháp được cử tội người khác. Năm pháp đó là: Thật, chứ không phải không thật. Đúng thời, chứ không phải phi thời. Ích lợi, chứ chẳng phải không ích lợi. Nhu nhuyến, chứ không thô bạo. Từ tâm, chứ không sân hận. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào muốn cử tội thì phải đủ năm pháp này mới được cử tội người khác.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội, phải dùng bao nhiêu pháp để tự an được tâm mình?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội phải nhờ vào năm pháp khiến cho tâm mình được an. Phải nghĩ rằng, ‘Người này do đâu mà biết được? Hãy là sự thật chứ đừng là không thật. Mong cho đúng thời, chứ đừng khiến phi thời. Mong cho vì ích lợi chứ đừng khiến không vì ích lợi. Mong nhu nhuyến, đừng khiến thô bạo. Mong là từ tâm, đừng khiến sân hận. Này Xá-lợi-phất, người bị cử tội phải đủ năm pháp này thì mới tự an được tâm mình.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con thấy có sự cử tội người khác mà không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời, chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm. Bạch Thế Tôn, đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật đó, phải dùng bao nhiêu pháp vì lợi ích khiến cho hối cải?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo cử tội mà không đúng sự thật, phải dùng năm pháp vì lợi ích khiến cho hối cải. Nên nói với người ấy rằng, ‘Trưởng lão, hôm nay Trưởng lão cử tội, không thật chứ chẳng phải thật; Trưởng lão nên hối cải. Phi thời chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm; Trưởng lão nên hối cải.’ Này Xá-lợi-phất, đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật, thì phải dùng năm pháp vì lợi ích này, khiến cho hối cải, cũng khiến cho Tỳ-kheo trong vị lai không vì người khác mà cử tội không đúng sự thật.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội không đúng sự thật, phải dùng bao nhiêu pháp để khiến cho không bị hối hận[88]?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội không đúng, thì phải nhờ vào năm pháp để không tự mình phải hối hận. Người này phải nghĩ như vầy, ‘Tỳ-kheo kia cử tội không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời chứ chẳng phải thời; không vì lợi ích chứ chẳng phải vì lợi ích, thô bạo chứ chẳng phải nhu nhuyến, sân hận chứ không phải từ tâm. Ta thật sự không phải hối hận.’ Tỳ-kheo bị cử tội không thật đó phải nhờ vào năm pháp này để tự an tâm mình, không tự mình phải hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải không đúng thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận; Tỳ-kheo cử tội đúng đó nên bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, nên bằng năm pháp vì lợi ích để khiến cho không bị hối hận. Nên nói như vầy, ‘Trưởng lão, ngài đã cử tội đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải phi thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận.’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào cử tội đúng thì phải bằng năm pháp lợi ích này để khiến Tỳ-kheo đó không bị hối hận và cũng để cho Tỳ-kheo vị lai cử tội người khác đúng mà không bị hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng năm pháp lợi ích này để không bị hối hận. Nên nói như vầy, ‘Tỳ-kheo này cử tội đúng chứ không phải không đúng, ông chớ hối hận; đúng thời chứ không phải phi thời; nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, ông chớ hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con thấy Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà lại sân hận. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà sân hận, thì phải dùng bao nhiêu pháp để tự giải tỏa đối với sân hận?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì phải dùng năm pháp để tự giải tỏa. Nên nói với người ấy rằng, ‘Trưởng lão, Tỳ-kheo cử tội ông là đúng sự thật chứ không phải không thật, ông chớ sân hận… cho đến từ tâm chứ không phải sân hận.’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì nên dùng năm pháp này để đối với sân hận được giải tỏa.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có người cử tội đúng, có người không đúng; đối với hai người này con tự an tâm. Nếu kia đúng sự thật thì con phải tự biết. Nếu kia không đúng thì con phải tự hóa giải rằng, ‘Điều đó không đúng, nay ta tự biết là không có lỗi này.’ Bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như những gì Thế Tôn đã dạy trong kinh Thí dụ xẻ gỗ[89], dạy các Sa-môn: ‘Nếu có giặc đến bắt ông, rồi dùng cưa, cưa xẻ thân ông. Các ông đối với giặc mà khởi lên niệm ác, nói lời ác, thì tự sanh ra chướng ngại. Cho nên, Tỳ-kheo, nếu bị giặc dùng cưa, cưa xẻ thân các ông, các ông đối với giặc chớ khởi lòng ác và nói lời ác, chỉ tự làm chướng ngại mình mà thôi. Đối với những người đó nên sanh lòng từ bi, không oán hận; chứng nhập, thành tựu và trú với từ tâm cùng khắp bốn phương cảnh giới.’ Cho nên, bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như lời Thế Tôn đã dạy, đối với cái khổ thân bị cưa xẻ mà còn tự an nhẫn; huống chi những cái khổ nhỏ nhặt, hay những lời phỉ báng nhỏ nhặt mà không an nhẫn được. Vì mục đích của Sa-môn, vì ước muốn của Sa-môn, muốn đoạn trừ pháp bất thiện, muốn tu tập pháp thiện thì đối với pháp bất thiện này nên đoạn trừ; và đối với pháp thiện thì nên phương tiện tu tập tinh cần, khéo tự phòng ngừa, buộc niệm tư duy, không để buông lung. Hãy tu học như vậy.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu con cử tội Tỳ-kheo khác, đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải không đúng thời; có nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, nhưng có Tỳ-kheo bị cử tội kia vẫn ôm lòng thù hận.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo loại nào khi nghe cử tội mà sanh tâm thù hận?”

Xá-lợi-phất bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo kia cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng Sa-môn, không siêng năng tu học, không tự tỉnh quán sát, vì kế sống mà xuất gia, không vì cầu Niết-bàn; những người như vậy nghe con cử tội liền sanh sân nhuế.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Những hạng Tỳ-kheo nào nghe ông cử tội mà không sân hận?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào tâm không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, không bỏ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, tôn sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, không vì kế sống; những Tỳ-kheo như vậy nghe con cử tội thì hoan hỷ nhận lãnh như uống cam lộ. Như người nữ dòng Sát-lợi hay Bà-la-môn tắm gội sạch sẽ, được hoa đẹp đẽ, yêu thích, đội lên đầu, cài lên đầu. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo nào không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, chánh tín, có hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, siêng tu tập, tự tỉnh giác, vì pháp xuất gia, chí cầu Niết-bàn, thì Tỳ-kheo như vậy khi nghe con cử tội vui vẻ nhận lãnh như uống cam lộ.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu Tỳ-kheo nào cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng hạnh Sa-môn, không cầu Niết-bàn, vì kế sống xuất gia, thì đối với Tỳ-kheo như vậy không nên dạy dỗ và nói chuyện. Vì sao? Vì những Tỳ-kheo này phá phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không cong vạy, không giả dối, không lừa gạt, có lòng tin, hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, chí sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, thì những Tỳ-kheo như vậy phải nên dạy dỗ. Vì sao? Vì những Tỳ-kheo này thường tu phạm hạnh, có thể tự đứng vững.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 498. NA-LA-KIỀN-ĐÀ[90]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Na-la-kiền-đà, trong vườn Am-la của người bán y[91]. Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ[92] của Thế Tôn, huống lại là hơn!”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất! Lành thay những lời nói hi hữu đệ nhất này, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tự nói tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ có được của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ của Thế Tôn, huống lại là hơn!”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có thể biết rõ về tăng thượng giới của Phật quá khứ chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Đức Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết rõ tăng thượng giới của Phật vị lai, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết rõ giới tăng thượng của Phật hiện tại, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu ông không biết trong tâm của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại sở hữu các pháp đó, thì tại sao ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tán thán như vầy: ‘Con tin sâu xa về Thế Tôn rằng: trí tuệ có được của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng trí tuệ Thế Tôn, huống lại là hơn!’”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết giới hạn trong tâm[93] của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng con có thể biết giới hạn về pháp[94] của chư Phật Thế Tôn. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, càng lúc càng sâu xa, càng lúc càng thù thắng, càng lúc càng tăng thượng, càng lúc càng vi diệu. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, khi biết một pháp tức thì đoạn một pháp, biết một pháp liền chứng một pháp, biết một pháp tức thì tu tập một pháp, cứu cánh đối với pháp. Cho nên đối với Đại Sư lòng tin được thanh tịnh và tâm được thanh tịnh. Thế Tôn là Bậc Đẳng Chánh Giác.

“Bạch Thế Tôn, như quốc vương có thành trì ở biên giới, vòng thành vây quanh vuông vức, bốn mặt kiên cố, chắc chắn, chỉ có một cửa, không có cửa thứ hai, sai người đứng giữ cửa; nhân dân ra vào đều từ cửa này. Việc đi ra hoặc đi vào, tuy người giữ cửa này không biết số người nhiều hay ít, nhưng biết nhân dân chỉ đi từ cửa này, không đi chỗ khác. Cũng vậy, con biết chư Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ, đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Chư Phật Thế Tôn đời vị lai cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Ngày nay, chư Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác hiện tại cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Này Xá-lợi-phất, chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại thảy đều đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 499. THẠCH TRỤ[95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Khi ấy có Tỳ-kheo Nguyệt Tử[96] là đệ tử của Đề-bà-đạt-đa[97], đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, chào hỏi xong đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa có thường thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo nghe không?”

Nguyệt Tử thưa:

“Thưa, có thuyết pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp thế nào?”

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp như vầy: ‘Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà tu tâm[98], Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận rằng, ta đã ly dục, giải thoát khỏi năm dục công đức.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Đề-bà-đạt-đa của ông sao không thuyết pháp như vầy, ‘Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, lìa tâm dục, lìa tâm sân nhuế, lìa tâm ngu si, được pháp không tham, được pháp không sân và không si, không trở lại pháp dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu; thì Tỳ-kheo ấy có thể tự xác nhận, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’?”

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa:

“Vị ấy không thể như vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất.”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Nếu có Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như gần thôn ấp có núi đá lớn, không thể cắt đứt được, không thể phá nát và xuyên thủng được, nó dày đặc và kín mít. Giả sử có gió từ phương Đông thổi tới, không thể làm cho nó lay động, cũng không thể vượt qua nó để đến phương Tây. Cũng vậy, gió từ phương Nam, Tây, Bắc và bốn góc thổi đến cũng không thể làm cho nó lay động và vượt qua khỏi nó. Cũng vậy, Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như cột đồng nhân-đà[99] được cắm sâu vào trong đất, đắp đất lên chặt kín, gió bốn phía có thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, cắm vào lòng đất tám khuỷu tay, gió bốn phương thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như người đốt lửa chưa cháy, cháy rồi thì không đốt nữa. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 500. TỊNH KHẨU[100]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đó.

Sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Khất thực xong, ngồi dưới bóng cây thọ trai. Trong lúc ấy có nữ ngoại đạo xuất gia Tịnh Khẩu[101] từ trong thành Vương xá đi ra có chút việc, gặp Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi ăn dưới bóng cây, bà tiến đến hỏi:

“Sa-môn đang ăn phải không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vâng, đang ăn.”

Lại hỏi:

“Sao, Sa-môn cúi mặt xuống[102] mà ăn.”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Ngửa mặt lên[103] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Xoay mặt bốn phương[104] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không”

Lại hỏi:

“Xoay mặt bốn góc[105] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Tôi hỏi Sa-môn đang ăn phải không, Sa-môn đáp là đang ăn. Tôi hỏi ngửa mặt lên mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không; hỏi cúi mặt xuống mà ăn chăng? Sa-môn đáp không; hỏi xoay mặt bốn phương mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không; hỏi xoay mặt bốn góc mà ăn chăng? Sa-môn đều trả lời không. Những gì Sa-môn nói như vậy là có ý nghĩa gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Này tỷ muội, những Sa-môn, Bà-la-môn có kiến thức về sự vật[106], có kiến thức về hoành pháp[107], kiếm ăn một cách tà mạng; những Sa-môn, Bà-la-môn này cúi mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào ngước mặt nhìn xem hiện tượng trăng sao, kiếm ăn một cách tà mạng như vậy; Sa-môn, Bà-la-môn này ngửa mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm sứ giả cho người khác, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn phương mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh[108], kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Này tỷ muội, tôi không thuộc vào cách kiếm ăn theo bốn thứ tà mạng này, mà tôi chỉ theo đúng pháp kiếm ăn để tự nuôi sống. Cho nên, tôi nói là không phải là bốn cách ăn tà mạng đó.”

Khi xuất gia ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ từ giã, rồi bà đi đến chỗ ngã tư đường trong thành Vương xá, khen ngợi rằng: ‘Sa-môn Thích tử nuôi sống chân chính[109], tự nuôi sống rất chân chính! Nếu người nào muốn bố thí cúng dường, thì nên cúng dường cho Sa-môn Thích tử; nếu muốn tạo phước, thì nên đến Sa-môn Thích tử tạo phước.”

Lúc ấy các Sa-môn ngoại đạo nghe xuất gia nữ ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu khen ngợi Sa-môn họ Thích, bèn khởi tâm tật đố hại bà ấy. Nữ ngoại đạo ấy bị họ hại chết, được sanh lên cõi trời Đâu-suất, nhờ sanh lòng tin đối với Tôn giả Xá-lợi-phất.

*

 

KINH 501. THÁNH MẶC NHIÊN[110]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

“Một thời, Thế Tôn ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà; tôi đang ở trong núi Kỳ-xà-quật này, một mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: ‘Thế nào là sự im lặng của bậc Thánh?’ Lại nghĩ tiếp: ‘Nếu có Tỳ-kheo mà giác và quán đã dứt[111], nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do đinh sanh, chứng và an trú Nhị thiền, đó gọi là sự im lặng của bậc Thánh.’ Lại nghĩ tiếp: ‘Nay ta cũng nên im lặng như bậc Thánh, với giác và quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú nhiều lần.’ Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm lại khởi có giác, có quán. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, tức thì Ngài biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra trong núi Kỳ-xà-quật, trước mặt tôi. Ngài nói với tôi rằng:

“Này Mục-kiền-liên, ông nên im lặng như bậc Thánh, chớ sanh buông lung.

“Tôi nghe Đức Thế Tôn nói xong, liền xa lìa hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trụ Nhị thiền. Ba lần như vậy, Phật cũng dạy tôi ba lần: ‘Ngươi nên im lặng như bậc Thánh chớ buông lung.’ Tôi lại dứt hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú Nhị[112] thiền.

“Nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp[113], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được vương pháp, không tinh cần phương tiện mà có thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.”

Sau khi Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 502. VÔ MINH[114]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

“Khi Đức Thế Tôn ở thành Vương xá, tôi ở trong núi Kỳ-xà-quật, một mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: ‘Thế nào gọi là Thánh trụ?’[115] Lại nghĩ tiếp: ‘Nếu có Tỳ-kheo nào không niệm tất cả tướng, vô tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm[116], thì đó gọi là Thánh trụ.’ Tôi lại nghĩ: ‘Ta nên ở nơi Thánh trụ này, không niệm tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm,’ và an trụ nhiều lần. Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm chấp tướng[117] lại sanh.’ Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, dùng sức thần thông biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra ở núi Kỳ-xà-quật, đến trước tôi, nói tôi rằng: ‘Này Mục-kiền-liên, ông nên trụ nơi sự an trụ của bậc Thánh, chớ sanh buông lung.’ Tôi nghe Đức Thế Tôn dạy xong, liền lìa tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm. Ba lần như vậy; Thế Tôn cũng ba lần đến dạy tôi: ‘Ngươi nên an trụ nơi Thánh trụ, chớ sanh buông lung.’ Tôi nghe xong, liền xa lìa tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm.

“Các Đại đức, nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp[118], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được hưởng vương pháp, không tinh cần phương tiện, mà có thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.”

Sau khi Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 503. TỊCH DIỆT[119]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-nan cùng ở chung một phòng nơi vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ, vào cuối đêm, trời gần sáng[120], Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Lạ thay, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Hôm nay Tôn giả trụ trong tịch diẹât chánh thọ[121], tôi không nghe tiếng thở[122] của Tôn giả.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trả lời:

“Đó không phải là tịch diệt chánh thọ mà chỉ an trụ thô chánh thọ[123]. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm nay tôi đã hầu chuyện với Đức Thế Tôn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Thế Tôn đang trú tại vườn Cấp cô độc, nước Xá-vệ, cách đây rất xa, làm sao cùng nói chuyện? Hiện tại Tôn giả đang ở Trúc viên, vậy làm sao hầu chuyện? Hay là Tôn giả đã dùng sức thần thông để đến chỗ Thế Tôn, hay Thế Tôn đã dùng sức thần thông đến chỗ Tôn giả?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi không dùng sức thần thông đến chỗ Đức Thế Tôn và Thế Tôn cũng không dùng thần thông để đến chỗ tôi. Nhưng đối với những lời Phật ở trong thành Vương xá, nước Xá-vệ, tôi vẫn nghe được; vì Thế Tôn và tôi đều có thiên nhãn và thiên nhĩ, nên tôi có thể hỏi Thế Tôn, được nói là ân cần tinh tấn. Thế nào là ân cần tinh tấn? Thế Tôn trả lời tôi: ‘Này Đại Mục-kiền-liên, ban ngày nếu Tỳ-kheo nào đi kinh hành hay ngồi thiền, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Đầu hôm hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Vào giữa đêm ra khỏi phòng, rửa chân, trở vào nằm nghiêng sang hông bên phải, hai chân xếp lên nhau, cột niệm vào tướng sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ muốn trỗi dậy. Đến cuối đêm, thức dậy từ từ, hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Này Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là Tỳ-kheo ân cần tinh tấn.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thật là có sức thần thông lớn, sức công đức lớn, an tọa mà ngồi. Tôi cũng có sức lớn, được cùng ở chung với Tôn giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, ví như núi lớn có người cầm một hòn đá nhỏ ném vào, đá cùng màu vị với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với sức lớn, đức lớn của Tôn giả, ngồi cùng chỗ ngồi. Cũng như vật đẹp đẽ tươi tốt của thế gian được mọi người tôn trọng; đức lớn, sức lớn của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng được những người phạm hạnh cung kính tôn trọng. Nếu ai được gặp Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, qua lại kết giao, cung kính cúng dường, người ấy được ích lớn. Nay tôi được cùng Tôn giả Đại Mục-kiền-liên kết giao qua lại, cũng được thiện lợi.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nay tôi được cùng với bậc Đại trí, Đại đức Xá-lợi-phất ngồi cùng chỗ ngồi, cũng giống như cầm hòn đá nhỏ ném vào núi lớn, thì đá cùng màu với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với Tôn giả Xá-lợi-phất ngồi cùng chỗ ngồi và làm bạn nhau.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ giã về chỗ của mình.

*


[1].    Đại Chánh quyển 18, “Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ phẩm”. Quốc Dịch “Tụng iv”. Ấn Thuận, Tụng vi. Đệ tử sở thuyết và ghi chú: “Nguyên phụ vào ‘Tạp nhân tụng’. Nhưng nguyên bản dịch đã biệt lập, đề ‘Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ’. Từ quyển 18-22; phân thành sáu Tương ưng, Ấn Thuận: 28. Tương ưng Xá-lợi-phất (Đại Chánh kinh 490-500), 29. Tương ưng Mục-kiền-liên (Đại Chánh kinh 501-534), 30. Tương ưng A-na-luật (Đại Chánh kinh 535-545), 31. Tương ưng Đại Ca-chiên-diên (Đại Chánh kinh 546-555), 32. Tương ưng A-nan (Đại Chánh kinh 556-565), 33. Tương ưng Chất-đa-la (Đại Chánh kinh 566-575). Tương đương Pāli, cāc Samyutta: S.38.Jambukhādaka, S.39. Sāmanadaka, S.40. Moggalāna, 41. Citta. Chú thích của Ấn Thuận Hội Biên (hạ): “Xá-lợi-phất tương ưng, gồm tám mươi mốt kinh”. Bảy mươi hai kinh đầu tương đương Pāli các Samyutta: S.38, S.39. Đại Chánh, kinh số 490. Tương đương Pāli, S.38. 1-16. Nibbāna và tiếp theo.

[2].    Na-la tụ lạc 那羅聚落. Pāli: Nālakagāmaka.

[3].    Diêm-phù-xa 閻浮車. Pāli: Jambukhādaka-paribbājaka.

[4].    Chú giải Pāli nói ông là cháu của Xá-lợi-phất (the rassa bhāgineyyo).

[5].    Đoạn đối thoại, tương đương Pāli, S.38.16 Dukkara.

[6].    Ái lạc 愛樂. Pāli: abhirati, đây chỉ sự vui thú đời sống xuất gia.

[7]  Bản Pāli: “thực hành pháp và tùy pháp là khó”.

[8].    Hữu đạo hữu hướng 有道有向. Pāli: atthi maggo atthi paṭipadā, có đạo và đạo tích.

[9].    Thực tế bản Hán chỉ có ba mươi sáu.

[10].   Đoạn vấn đáp 2, Pāli, S.38.3 Dhammavādī.

[11].   Thế gian chánh hướng 世間正向. Pāli: loke suppaṭipanna, vị hành trì chân chánh, hay khéo hành trì trong đời.

[12].   Thế gian thiện thệ 世間善逝. Pāli: loke sugata, vị đã khéo léo đi đến (Niết-bàn).

[13].   Bản Pāli: “Có con đường nào dẫn đến sự dứt trừ tham dục, sân nhuế, ngu si?”

[14].   Đoạn vấn đáp 3, Pāli S.38.1 Nibbāna.

[15].   Đoạn vấn đáp 4, Pāli S.38.4 Kimatthi.

[16].   Bản Pāli: dukkhassa pariññatthaṃ, “vì mục đích biến tri khổ”.

[17].   Đoạn vấn đáp 5, Pāli, S.38.8 Āsavā.

[18].   Bản Pāli, ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tayo āsvā: kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.

[19].   Đoạn vấn đáp 6, Pāli, S.38.2 Arahattaṃ.

[20].   Đoạn vấn đáp 7, không có Pāli tương đương.

[21].   Đoạn vấn đáp 8, Pāli, S.38.9. Avijjā.

[22].   Tiền tế, hậu tế, trung tế 前際後際中際: giới hạn quá khứ khởi thủy, giới hạn tận cùng vị lai, giới hạn trung gian.

[23]Bản Pāli: dukkhe aññāṇaṃ dukkhasamudaye aññāṇaṃ dukkhanirodhe aññāṇaṃ dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññāṇaṃ, ayaṃ vuccati avijjā, “không biết khổ, không biết tập khởi của khổ, không biết sự diệt khổ, không biết con đường dẫn đến diệt khổ; đó được nói là vô minh”.

[24]Đoạn vấn đáp 9, không có Pāli tương đương.

[25]Xem đoạn 5 ở trên.

[26]Đoạn vấn đáp 10, Pāli, S.38.13 Bhava.

[27]Đoạn vấn đáp 11, S.38.15 Sakkāya.

[28]Hán: hữu thân 有身, hay tự thân 自身. Pāli, sakkāya; f. S.ii., tr. 159: katamo bhikkhave sakkāyo? pañcūpādāna-kkhandhā tassa vacanīyaṃ, “Thế nào là hữu thân? Năm thủ uẩn, được nói là hữu thân”.

[29]Đoạn vấn đáp 12, Pāli, S.38.14 Dukkha.

[30]Đoạn vấn đáp 13, S.38.11 Ogha.

[31]Lưu ; đây chỉ bộc lưu dòng nước lũ. Pāli: ogha.

[32].   Đoạn vấn đáp 14, như trên.

[33].   Ách ; chính xác: chỉ gọng cày. Pāli: cattāro yogā.

[34].   Đoạn vấn đáp 15, S.38.12 Upādāna.

[35].   Thủ . Pāli: cattāri upādānāni kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ. sīlabbatūpādānaṃ, atta-vādūpādānaṃ.

[36].   Đoạn vấn đáp 16, không có trong bản Pāli.

[37].   Phược ; tức Tập dị 8, tr. 399, thân hệ 身繫, có bốn: tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm thân hệ, thử thật chấp thân hệ. Pāli, D.iii, tr. 230: cattāro ganthā, abhijjhā kāyagantho, vyāpādo kāyagantho, sīlabbataparrāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniviseso kāyagantho.

[38]Đoạn vấn đáp 17, bản Pāli không có.

[39]Xem Tập Dị 19, tr.446 a25

[40]Tập dị 19, tr.446 b9: thủ kết 取結; “Hai thủ được gọi là thủ kết; kiến thủ và giới cấm thủ”. Pāli, parāmāsa, gồm diṭṭhiparāmāsa, sīlabbatapaāmāsa.

[41]Đoạn vấn đáp 18, không có trong bản Pāli.

[42]Sử 使; hoặc dịch là tùy miên 隨眠. Pāli, D.iii. 254, satta anusayā: kāmarāgānusayo, paṭighānusayo, diṭṭhānusayo, vicikcchānusayo, mānāusayo, bhavarāgānusayo, avijjānusayo.

[43]Đoạn vấn đáp 19, không có trong bản Pāli.

[44].   Ái dục sử 愛欲使; hay ái dục tùy miên; Pāli: kāmarāgānusaya.

[45].   Hán: sĩ phu dục 士夫欲.

[46].   Đoạn vấn đáp 20.

[47].   Cái , hay triền cái. Pāli, pañca nīvaraṇāni: kāmacchanda-, vyāpāda-, thīnamiddha-, uddhaccakukkucca.

[48]Đoạn vấn đáp 21, Pāli, S.38.5 Assāso.

[49]Hán: an tức 安息. Pāli: assāsa, nguyên chỉ hơi thở vào, hơi thở điều hòa: trạng thái ngưng nghỉ, an ổn.

[50]Đoạn vấn đáp 22, như kinh trên Pāli, S.38.5 Assāsa.

[51]Đoạn vấn đáp 23, Pāli, S.38.6 Paramassāna.

[52]Hán: thượng an tức 上安息. Pāli: paramassāsa.

[53]Pāli: assāso ... channam phassāyatanānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtam pajānāti, “đạt đến sự nghỉ ngơi là biết như thực về sự tập khởi, sự tiêu diệt, vị ngọt, tai hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ”.

[54]Pāli: ... viditvā anupādā vimutto hoti, “sau khi biết, giải thoát với sự không chấp thủ”.

[55]Đoạn vấn đáp 24, không có trong bản Pāli.

[56]Hán: thượng tô tức xứ 上蘇息處.

[57].   Đoạn vấn đáp 25, không có trong Pāli.

[58].   Thanh lương 清涼; hay trạng thái mát lạnh. Pāli: sītibhūta.

[59].   Đoạn vấn đáp 26, không có trong Pāli.

[60].   Đoạn vấn đáp 27.

[61].   Đoạn vấn đáp 28.

[62].   Đoạn vấn đáp 29, Pāli, S.38.10 Taṇhā.

[63].   Đoạn vấn đáp 30.

[64].   Hán: nghiệp đạo 業道. Pāli: kammapatha; bản Hán hiểu là kammapada.

[65].   Đoạn vấn đáp 31.

[66].   “Những câu hỏi của Sa-môn xuất gia”. Nội dung gần giống các kinh trên.

[67].   “Ao bùn”. Pāli, A.4.178 Jambāli.

[68].   Pāli: cattārome bhikkhave puggalā santo saṃvijjamānā lokasmiṃ, thế gian có bốn hạng người.

[69].   Pāli: santaṃ cetovimutti, tâm giải thoát tịch tĩnh.

[70].   Hán: hữu thân diệt 有身滅. Pāli: sakkāyanirodha.

[71].   Hán: tâm bất lạc trước 心不樂着. Pāli: na pakkhandati: không tiến tới, hay không phấn chấn.

[72].   Bản Pāli, A.ii, tr.165: sakkāyanirodhe cittaư na pakkhandati nappasīdati na santiṭṭhati nādhimuccati, “(Vị ấy khi tác ý hữu thân diệt) đối với hữu thân diệt mà tâm không thăng tiến, không trừng tịnh, không an trú, không quyết tín”.

[73].   Xem cht.69 trên.

[74].   Xem cht.71 trên.

[75].   Bản Pāli: “Vị ấy khi tác ý sự diệt trừ vô minh”.

[76].   Bản Pāli: ao đã bị bít, không thoát nước, lại lâu ngày không mưa, lớp bùn khô cứng không thể vét cạn”.

[77].   “Cỡi thuyền đi ngược dòng”.

[78].   Hán: A-luyện-nhã tỳ-kheo 阿練若比丘. Pāli: araññaka-bhikkhu, tỳ-kheo sống trong rừng.

[79].   Trái với đời sống ẩn dật.

[80].   Pāli, A.6.41 Dārukkhandha.

[81].   Pāli, A.5.168 Sīla; 10.4 Upanisā; 11.4-5 Upanissā. Tham chiếu Hán, No26 Trung, 48 Giới kinh.

[82].   Hán: sở y thoái giảm tâm bất lạc trú 所依退減心不樂住. Pāli: hatūpaniso hoti sammāsamādhi, tư trợ (sở y) của chánh định bị tổn hại.

[83].   Pāli: sammāsamādhivipannssa hatūpanisaṃ hoti yathābhūtaññāṇadassanaṃ, do thoái thất chánh định, tư trợ (sở y) của tri kiến như thật bị tổn hại.

[84].   Hán: công đức (thoái giảm) 功德 (退減). Đoạn trên dịch là sở y. Pāli: hatūpanisā. Xem cht.82 trên.

[85].   Hán: bất tín lạc 不信樂: không còn tin tưởng.

[86].   Hán: thâu thuế 輸稅. Bản Tống: thâu di 輸移.

[87].   Pāli, A.5.167 Codanā.

[88].   Hán: biến hối 變悔. Pāli: avippaṭisāro.

[89].   Hán: Giải tài kinh 解材經; Không rõ xuất xứ.

[90].   Pāli, S.47.12 Nālandā. Tham chiếu, D.28 Sampasādanīya-suttanta.

[91].   Na-la-kiền-đà mại y giả Am-la viên 那羅揵陀賣衣者菴羅園. Pāli: Nālandāyaṃ viharati pāvārikambavane, vườn xoài của nhà phú hộ Pāvārika là nghề (bán y) chứ không phải tên người.

[92].   Nguyên Hán: Bồ-đề 菩提. Pāli: Sambodhi.

[93].   Hán: bất tri… tâm chi phân tề 不知心之分齊. Pāli: cetopariyañāṇa n’atthi, “không có nhận thức về tâm tư…” Bản Hán đọc ceto-paryanta (giới hạn của tâm tư) thay vì ceto-pariya (động thái của tâm tư).

[94].   Hán: pháp chi phân tề 法之分齊. Pāli: dhammanvaya: tổng tướng (tính loại tợ) của pháp.

[95].   Pāli, A.9.26 Silāyūpa.

[96].   Nguyệt Tử Tỳ-kheo 月子比丘. Pāli: Candikaputta.

[97].   Đề-bà-đạt-đa 提婆達多. Pāli: Devadatta.

[98].   Hán: tâm pháp tu tâm 心法修心. Pāli: cetassā cittaṃ suparicitam, tâm hoàn toàn được được tích tập bởi tâm ý.

[99].   Hán: nhân-đà đồng trụ 因陀銅柱. Pāli: indakhīla, cọc trụ trước cổng chợ để làm mốc. Bản Pāli không dẫn thí dụ này.

[100]. Pāli, S.28.10 Sucimukhī.

[101]. Tịnh Khẩu ngoại đạo xuất gia ni 淨口外道出家尼; theo cách dịch này, đây không phải là tên riêng. Pāli: Sūcimukhī.

[102]. Hán: hạ khẩu thực 下口食; chỉ sự kiếm ăn bằng tự canh tác. Pāli: adhomukha. Trong Pāli, mukha, nghĩa là miệng; cũng có nghĩa là mặt.

[103]. Hán: ngưỡng khẩu thực 仰口食; kiếm ăn bằng sự xem thiên văn. Pāli: ubbhamukha.

[104]. Hán: phương khẩu thực 方口食: tu sĩ kiếm ăn bằng cách làm mai mối, thông sứ, liên lạc viên cho cư sĩ. Pāli: disāmukha.

[105]. Hán: tứ duy khẩu thực 四維口食: kiếm ăn bằng sự bói toán. Pāli: vidisāmukha.

[106]. Hán: minh ư sự 明於事. Pāli: vatthuvijjā, được hiểu là môn học về đất đai, nhà cửa; trạch địa minh, gia tướng học; một thứ phong thủy học. Chính xác, có lẽ là môn học về chú thuật trấn yểm thổ trạch.

[107]. Hán: minh ư hoành pháp 明於橫法. Pāli: tiracchānavijjā, kiến thức về súc vật, bàng sanh minh, hay động vật học. Chính xác, loại chú thuật về súc vật.

[108]. Pāli: aṅgavijjātiracchānavijjāya micchājivena jīikaṃ kappenti, “kiếm sống một cách tà mạng bằng chiêm tinh học, súc sanh học”.

[109]. Hán: tịnh mạng tự hoạt 淨命自活. Pāli: dhammikaṃ āhāraṃ āhārenti, “Họ ăn thức ăn đúng pháp”.

[110]. Ấn Thuận, Tụng 6. Đệ tử sở thuyết, “29. Tương ưng Mục-kiền-liên”, gồm các kinh Đại Chánh 501-534, phần lớn tương đương Pāli, S.40. Moggalāna-Samyutta. Đại Chánh kinh 501, Pāli, S.21.1 Kolito. Xem thêm, S.40.1-6 Savitakka.

[111]. Hán: tức hữu giác hữu quán 息有覺有觀. Pāli, savitakka (hữu tầm) và savicāra (hữu tứ), hai chi của Sơ thiền đã lắng xuống (vitakkavicārānaṃ vūpasamā) khi chứng Thiền thứ hai.

[112]. Bản Cao-ly: tam . Theo nội dung, đây sửa lại là nhị .

[113]. Hán: đắc Phật pháp phần 得佛法分.

[114]. Pāli, S.40.9 Animitto.

[115]. Thánh trụ 聖住: an trú của bậc Thánh, hay đời sống của Thánh giả. Có ba trụ, Pāli: tayo vihārā dibbo vihāro, brahmavihāro ariyo vihāro, thiên trụ, phạm trụ và thánh trụ.

[116]. Hán: vô tướng tâm chánh thọ 無相心正受. Pāli: animittaṃ cetosamādhiṃ, vô tướng tâm định.

[117]. Hán: thủ tướng tâm 取相心. Pāli: nimittānusāriviññāṇaṃ, thức hồi tưởng tướng.

[118]. Xem cht.113, kinh 501.

[119]. Pāli, S.21.3 Ghaṭo (vò nước).

[120]. Bản Pāli: vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc.

[121]. Hán: tịch diệt chánh thọ 寂滅正受. Pāli: santena... vihārena vihāsi, Tôn giả an trụ với sự an trụ tịch tĩnh. Vihāra: an trú tịch tĩnh.

[122]. Bản Pāli: Xá-lợi-phất nhìn sắc mặt mà phát biểu.

[123]. Pāli: oḷārikena... vihārena vihāmi, tôi an trú với sự an trụ thô.

 

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 24-02-2004

Kinh Tap A Ham - Thich Duc Thang dich
Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

 

Tạp A-Hàm

Mở đầu
Quyển 01
Quyển 02
Quyển 03
Quyển 04
Quyển 05
Quyển 06
Quyển 07
Quyển 08
Quyển 09
Quyển 10

Quyển 11
Quyển 12
Quyển 13
Quyển 14
Quyển 15
Quyển 16
Quyển 17
Quyển 18
Quyển 19
Quyển 20

Quyển 21
Quyển 22
Quyển 23
Quyển 24
Quyển 25
Quyển 26
Quyển 27
Quyển 28
Quyển 29
Quyển 30

Quyển 31
Quyển 32
Quyển 33
Quyển 34
Quyển 35
Quyển 36
Quyển 37
Quyển 38
Quyển 39
Quyển 40

Quyển 41
Quyển 42
Quyển 43
Quyển 44
Quyển 45
Quyển 46
Quyển 47
Quyển 48
Quyển 49
Quyển 50

 

TẠP A-HÀM QUYỂN 18

 

KINH 490. DIÊM-PHÙ-XA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Na-la[2], nước Ma-kiệt-đề.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ở xóm Na-la, Ma-kiệt-đề.

Khi ấy, có xuất gia ngoại đạo tên là Diêm-phù-xa[3], là bạn cũ của Xá-lợi-phất[4], đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Xá-lợi-phất:

“Trong pháp luật của Hiền thánh có việc gì khó[5]?”

Xá-lợi-phất bảo Diêm-phù-xa:

“Chỉ có xuất gia là khó.”

“Xuất gia, cái gì là khó?”

Đáp:

“Ái lạc[6] khó.”

“Ái lạc, cái gì là khó?”

Đáp:

“Thường tu tập thiện pháp là khó[7].”

 

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành[8] nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì thiện pháp tăng trưởng không?”

Đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”

Diêm-phù-xa nói:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, thì chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận được các hữu lậu.”

Khi ấy hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Tương tự như kinh trên, với những câu hỏi của Diêm-phù-xa, gồm bốn mươi kinh[9].

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[10]

“Thế nào là vị khéo thuyết pháp? Thế nào là vị chánh hướng trong đời[11]? Thế nào là vị thiện thệ trong đời[12]?”

Xá-lợi-phất nói:

“Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; đó gọi là vị khéo thuyết pháp. Nếu hướng đến sự điều phục dục tham, hướng đến sự điều phục sân nhuế, hướng đến sự điều phục ngu si; đó gọi là chánh hướng. Nếu tham dục đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; sân nhuế và ngu si đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; đó gọi là thiện thệ.”

Lại hỏi:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì có thể phát khởi thiện thệ[13]?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[14]

“Nói là Niết-bàn; thế nào là Niết-bàn?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Niết-bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục; sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết-bàn.”

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì chứng đắc Niết-bàn chăng?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[15]

“Vì sao ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Vì để đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh[16].”

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có đoạn được tham dục, sân nhuế, ngu si không?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[17]

“Nói là hữu lậu đã đoạn tận. Thế nào là hữu lậu đã được đoạn tận?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu lậu có ba[18]; đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu và vô minh hữu lậu. Ba thứ hữu lậu này đã trừ hết, không còn sót, nên gọi là hữu lậu đã được đoạn tận.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì các lậu trừ hết không.”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[19]

“Nói là A-la-hán. Thế nào là A-la-hán?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Tham dục, sân nhuế, ngu si đã trừ sạch không còn sót, thì gọi là A-la-hán.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để chứng đắc A-la-hán không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[20]

“Nói là A-la-hán. Thế nào là A-la-hán?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn diệt tận không còn sót, đó gọi là A-la-hán.”

Lại hỏi:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì chứng đắc A-la-hán không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[21]

“Nói là vô minh. Thế nào là vô minh?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Nói là vô minh, là không biết tiền tế, không biết hậu tế, không biết tiền, hậu, trung tế[22]; không biết Phật, Pháp, Tăng; không biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không biết thiện, bất thiện và vô ký; không biết trong, không biết ngoài. Nếu đối với những sự này hay sự kia mà không biết, bị ám chướng, đó gọi là vô minh[23].”

Diêm-phù-xa nói với Xá-lợi-phất:

“Đây là khối u ám vĩ đại.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đoạn trừ vô minh không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[24]

“Gọi là hữu lậu. Thế nào là hữu lậu?”

Như trên đã nói.[25]

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[26]

“Nói là hữu. Thế nào là hữu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu có ba; đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có hướng đến nào để tu tập và khi tu tập nhiều thì có đoạn trừ những hữu này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[27]

“Nói là hữu thân[28]; thế nào là hữu thân?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu thân, đó là năm thọ ấm. Thế nào là năm thọ ấm? Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào, để đoạn trừ hữu thân này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[29]

“Nói là khổ; thế nào là khổ?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Khổ là chỉ cho sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái xa cách nhau khổ, oán ghét gặp nhau khổ, những gì cầu không được khổ, lược nói về khổ của năm thọ ấm, thì đó gọi là khổ.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ những khổ này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[30]

“Nói là lưu[31]; thế nào là lưu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những lưu này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[32]

“Nói là ách[33]; thế nào là ách?”

Ách cũng nói như lưu.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[34]

“Nói là thủ[35]; thế nào là thủ?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những thủ này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[36]

“Nói là hệ phược[37]; thế nào là hệ phược?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Phược có bốn, đó là tham dục phược, sân nhuế phược, giới thủ phược và ngã kiến phược.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những phược này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[38]

“Gọi là kết; vậy thế nào là kết?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Kết có chín[39], đó là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, tha thủ kết[40], nghi kết, tật kết và xan kết.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những kết này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[41]

“Gọi là sử, vậy thế nào là sử?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Sử có bảy, đó là tham dục sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử và nghi sử.”[42]

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những sử này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[43]

“Gọi là dục, vậy thế nào là dục?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.

“Này Diêm-phù-xa, năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư duy.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất liền nói bài kệ:

“Tất cả sắc thế gian,

Không phải ái dục sử[44],

Duy chỉ là giác tưởng,

Đó chính là người dục[45].

Bao nhiêu hiện sắc này,

Thường ở tại thế gian,

Điều phục tâm ái dục,

Đó là người thông tuệ.”

Diêm-phù-xa hỏi lại Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ được những dục này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bà luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[46]

“Gọi là cái; thế nào là cái[47]?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Cái có năm, đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái và nghi cái.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được những cái này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[48]

“Gọi là sự nghỉ ngơi, vậy thế nào là sự nghỉ ngơi?”[49]

Xá-lợi-phất đáp:

“Sự nghỉ ngơi là sự đoạn trừ ba kết sử.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[50]

“Nói là đạt đến sự nghỉ ngơi; thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến sự nghỉ ngơi là ba kết sử đã bị đoạn, đã được biết.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[51]

“Gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[52], vậy thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng là đã vĩnh viễn đoạn tận tham dục, sân nhuế và ngu si[53]. Đó gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[54].”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[55]

“Gọi là đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng[56]; thế nào là được chỗ dừng nghỉ bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng là đối với tham dục vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn; đối với sân nhuế, ngu si, vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đó gọi là chỗ dừng nghỉ bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[57]

“Nói là thanh lương[58], vậy thế nào là thanh lương?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch; tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân nhuế.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để có thể đoạn trừ năm hạ phần kết này, để đạt đến thanh lương không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[59]

“Gọi là được thanh lương, vậy thế nào là được thanh lương?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đối với năm hạ phần kết đã đoạn tận, đã niệm tri, đó gọi là được thanh lương.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[60]

“Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thanh lương bậc thượng là khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn; tất cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó gọi là thanh lương bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đạt được thanh lương bậc thượng không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[61]

“Nói là đạt được thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là đạt được thanh lương bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt được thanh lương bậc thượng là đối với tham dục đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn; đối với sân nhuế và ngu si đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn. Đó gọi là đạt được thanh lương bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương bậc thượng này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất[62]:

“Gọi là ái, vậy thế nào là ái?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Ái có ba, đó là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể diệt trừ được ba ái này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[63]

“Gọi là nghiệp đạo[64], vậy thế nào là nghiệp đạo?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Nghiệp đạo. đó là mười nghiệp đạo bất thiện, tức sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để diệt trừ mười nghiệp đạo này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

 

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[65]

“Gọi là ô uế, vậy thế nào là ô uế?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Uế có ba, đó là tham dục, sân nhuế và ngu si.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể trừ được ba uế này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Như kinh Uế, cũng vậy các kinh nói về Cấu bẩn [32], Cấu ghét [33], Gai nhọn [34], Luyến [35] và Hệ phược [36] cũng như vậy.

*

 

KINH 491. SA-MÔN XUẤT GIA SỞ VẤN[66]

Như kinh Diêm-phù-xa hỏi, kinh Sa-môn xuất gia hỏi cũng như vậy.

*

 

KINH 492. NÊ THỦY[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào[68] được vô lượng tam-muội[69], thân tác chứng, thành tựu và an trụ, nhưng đối với Niết-bàn, sự diệt tận của hữu thân[70], mà tâm không hoan hỷ[71], luyến tiếc hữu thân[72]. Giống như người tay dính keo mà nắm trên cành cây, thì tay liền bị dính trên cành không gỡ ra được. Vì sao? Vì keo dính tay.

“Nếu Tỳ-kheo tự thân đã tác chứng vô lượng Tam-ma-đề[73], nhưng tâm không hoan hỷ[74] đối với Niết-bàn, sự diệt tận của hữu thân[75]; luyến tiếc hữu thân, thì trọn không thể thoát ly, ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc mà phải sanh lại cõi này; cuối cùng rồi cũng không phá được sự si ám. Như bên cạnh làng có ao bùn; lớp bùn rất sâu. Lâu ngày trời không mưa, nước ao khô cạn, đất nứt nẻ ra[76]. Cũng vậy, Tỳ-kheo ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc và sẽ trở lại đọa vào cõi này.

“Nếu có Tỳ-kheo nào được vô lượng tam-muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết-bàn, này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân. Giống như người dùng bàn tay khô ráo, sạch sẽ, vịn vào cành cây, thì tay sẽ không bị dính theo cây. Vì sao? Vì bàn tay sạch. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo nào được vô lượng tam-muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết-bàn này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân; ngay trong đời này tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung không còn sanh lại cõi này nữa.

“Cho nên Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh. Giống như bên cạnh làng có ao bùn, nước từ bốn phía chảy vào, trời lại hay mưa, nước thường vào ao đầy dẫy, đồ dơ bẩn chảy ra hết, ao nước này trở nên trong sạch. Cũng vậy Tỳ-kheo ngay trong đời này mà tùy thuận giáo pháp; cho đến khi mạng chung sẽ không còn sanh trở lại cõi này. Bởi vậy, Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 493. THỪA THUYỀN NGHỊCH LƯU[77]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo a-luyện-nhã[78], hoặc ở giữa đất trống, trong rừng, dưới bóng cây, nên học như vầy: Quay vào bên trong mà tư duy, quán sát, tự biết trong tâm còn có dục tưởng không? Nếu không tự biết được, thì ở nơi cảnh giới hoặc ở nơi tịnh tướng, ở đó sẽ có ái dục khởi lên, trái với hạnh viễn ly[79]. Giống như người dùng sức chèo thuyền nghịch dòng đi lên, thân nếu hơi mệt mỏi, biếng nhác, thì thuyền quay trở lại, xuôi dòng đi xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi tư duy tịnh tưởng, trở lại sanh ra ái dục, trái với hạnh viễn ly. Tỳ-kheo này tu học, tu phương tiện thấp kém, hành không thuần tịnh. Vì vậy lại bị ái dục cuốn trôi, không được pháp lực, tâm không tĩnh lặng, tâm không chuyên nhất; đối với tịnh tướng kia theo đó mà sanh ái dục, trôi nổi lăn lóc, trái với hạnh viễn ly. Nên biết Tỳ-kheo này, không dám tự xác nhận là đối với năm phẩm chất của dục mà ly dục, giải thoát.

“Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi đất trống, trong rừng hoặc dưới bóng cây, tư duy như vầy: ‘Trong nội tâm ta đã ly dục chưa?’ Tỳ-kheo này sẽ ở nơi cảnh giới hoặc tiếp nhận tịnh tướng, mà biết tâm mình đã xa lìa tướng ấy, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy. Giống như lông chim vào lửa thì bị quắn lại, không có nở ra. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào, hoặc tiếp nhận tịnh tướng mà tùy thuận viễn ly, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy.

“Tỳ-kheo, nên biết như vầy, đối với phương tiện thực hành tâm không biếng nhác, chứng đắc pháp, tịch tĩnh, tĩnh chỉ, an ổn, khoái lạc, thuần tịnh nhất tâm và tự nói: ‘Ta sau khi tư duy, đối với tịnh tướng, mà tùy thuận viễn ly, tùy thuận tu đạo, thì có thể tự xác nhận, đối với năm phẩm chất của dục, đã ly dục giải thoát.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ, phụng hành.

*

 

KINH 494. KHÔ THỌ[80]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, sáng sớm, Tôn giả đắp y mang bát ra khỏi núi, vào thành Vương xá khất thực; thấy bên lề đường một cây đại thọ khô liền đến bên cây này trải tọa cụ ngồi ngay thẳng và nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào tu tập thiền tứ, đạt được thần thông, tâm được tự tại, muốn biến cây khô này thành đất, thì sẽ thành đất liền. Vì sao? Vì trong cây khô này có địa giới. Cho nên Tỳ-kheo có sức thần thông, tâm muốn tạo ra đất, tức thì thành đất không khác. Nếu có Tỳ-kheo nào đạt được sức thần thông, tự tại như ý, mà muốn khiến cây này thành nước, lửa, gió, vàng, bạc v.v… tất cả đều thành tựu không khác. Vì sao? Vì cây khô này có thủy giới. Cho nên, thiền tứ được sức thần thông, tự tại như ý; nếu muốn khiến cây khô này thành vàng, tức thì thành vàng không khác và những vật khác cũng đều thành tựu như vậy. Vì sao? Vì cây khô này có các giới. Cho nên, Tỳ-kheo thiền tứ, được sức thần thông, tự tại như ý, nến muốn làm thành các vật khác thì cũng đều thành tựu không khác. Tỳ-kheo nên biết, khi Tỳ-kheo thiền tứ, cảnh giới thần thông không thể nghĩ bàn. Cho nên, Tỳ-kheo phải tinh cần thiền tứ, học các thần thông.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 495. GIỚI[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Người phạm giới, vì phá giới nên sở y sút giảm, tâm không an trú với sự an lạc[82]. Vì tâm không an trú với sự an lạc nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam-muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật[83], sự yếm ly, ly dục, giải thoát, vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết-bàn. Giống như cây bị mục thì tất cả cành, lá, hoa, trái đều không thể thành tựu. Tỳ-kheo phạm giới lại cũng như vậy, công đức sút giảm[84], tâm không an trú với sự an lạc. Vì tâm không an trú với sự an lạc[85] nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam-muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật, sự yếm ly, ly dục, giải thoát. Do thoái thất giải thoát nên vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết-bàn.

“Tỳ-kheo trì giới, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam-muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết-bàn. Ví như gốc cây không bị mục thời cành, lá, hoa, trái đều được thành tựu. Tỳ-kheo trì giới lại cũng như vậy, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam-muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết-bàn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 496. TRÁNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu các Tỳ-kheo khởi lên tranh cãi với nhau, có Tỳ-kheo phạm tội, Tỳ-kheo cử tội. Nhưng Tỳ-kheo này, nếu không bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, thì nên biết Tỳ-kheo này ngang ngạnh lâu dài, tranh cãi, kiện tụng càng tăng, chống đối nhau, nuôi hận càng ngày càng sâu. Đối với những tội lỗi đã khởi lên, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được.

“Nếu Tỳ-kheo đã khởi lên việc tranh tụng, nhưng Tỳ-kheo phạm tội, hay Tỳ-kheo cử tội, bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, chịu khiển trách, thì nên biết Tỳ-kheo này không ngang ngạnh lâu dài, không chống đối nhau và hận thù không còn tăng trưởng; đối với tội đã khởi có thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn cho dừng lại.

“Thế nào là Tỳ-kheo bằng tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát? Tỳ-kheo nên tư duy như vầy: ‘Ta thật sự không phải, không tốt, không nên tạo tội, để cho người khác bắt gặp mình. Nếu ta không tạo tội này thì người kia sẽ không bắt gặp. Vì người kia bắt gặp ta phạm tội, khiến họ không vui vẻ và hiềm trách nên cử tội. Còn những Tỳ-kheo khác nếu nghe cũng sẽ hiềm trách. Cho nên việc tranh tụng xảy ra lâu dài, tính nganh ngạnh càng tăng và tranh cãi với nhau. Đối với những tội đã khởi, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được. Nay ta tự biết như mình đã nộp thuế[86].’ Đó gọi là Tỳ-kheo đối với những tội đã khởi có thể tự quán sát.

“Thế nào là Tỳ-kheo cử tội có thể tự phản tỉnh quán sát? Tỳ-kheo cử tội nên nghĩ như vầy: ‘Trưởng lão Tỳ-kheo này phạm tội không tốt khiến ta bắt gặp. Nếu vị ấy không phạm tội không tốt đó thì ta đâu có bắt gặp. Vì ta đã bắt gặp tội của người này khiến không vui nên phải nói ra. Còn những Tỳ-kheo khác nếu bắt gặp thì cũng sẽ không vui và cũng sẽ nêu tội. Sự tranh tụng cứ như vậy kéo dài tăng trưởng không dừng, không thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn những tội đã làm, khiến cho dừng lại. Từ ngày hôm nay ta tự mình từ bỏ nó, như mình nộp thuế.’ Như vậy Tỳ-kheo cử tội nên khéo y cứ vào tư duy đúng, để nội tĩnh quán sát.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, người có tội và người cử tội phải y cứ vào tư duy đúng, tự quán sát đừng để cho sự ngang ngạnh tăng trưởng thêm lên. Này các Tỳ-kheo, không nên tranh tụng nữa, nếu việc tranh tụng có khởi lên thì có thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn khiến nó dừng lại.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 497. CỬ TỘI[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo cử tội muốn cử tội người khác, khiến cho tâm an trụ, thì cần có bao nhiêu pháp để được cử tội người khác?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Nếu Tỳ-kheo nào khiến tâm an trụ, có đủ năm pháp được cử tội người khác. Năm pháp đó là: Thật, chứ không phải không thật. Đúng thời, chứ không phải phi thời. Ích lợi, chứ chẳng phải không ích lợi. Nhu nhuyến, chứ không thô bạo. Từ tâm, chứ không sân hận. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào muốn cử tội thì phải đủ năm pháp này mới được cử tội người khác.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội, phải dùng bao nhiêu pháp để tự an được tâm mình?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội phải nhờ vào năm pháp khiến cho tâm mình được an. Phải nghĩ rằng, ‘Người này do đâu mà biết được? Hãy là sự thật chứ đừng là không thật. Mong cho đúng thời, chứ đừng khiến phi thời. Mong cho vì ích lợi chứ đừng khiến không vì ích lợi. Mong nhu nhuyến, đừng khiến thô bạo. Mong là từ tâm, đừng khiến sân hận. Này Xá-lợi-phất, người bị cử tội phải đủ năm pháp này thì mới tự an được tâm mình.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con thấy có sự cử tội người khác mà không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời, chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm. Bạch Thế Tôn, đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật đó, phải dùng bao nhiêu pháp vì lợi ích khiến cho hối cải?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo cử tội mà không đúng sự thật, phải dùng năm pháp vì lợi ích khiến cho hối cải. Nên nói với người ấy rằng, ‘Trưởng lão, hôm nay Trưởng lão cử tội, không thật chứ chẳng phải thật; Trưởng lão nên hối cải. Phi thời chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm; Trưởng lão nên hối cải.’ Này Xá-lợi-phất, đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật, thì phải dùng năm pháp vì lợi ích này, khiến cho hối cải, cũng khiến cho Tỳ-kheo trong vị lai không vì người khác mà cử tội không đúng sự thật.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội không đúng sự thật, phải dùng bao nhiêu pháp để khiến cho không bị hối hận[88]?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội không đúng, thì phải nhờ vào năm pháp để không tự mình phải hối hận. Người này phải nghĩ như vầy, ‘Tỳ-kheo kia cử tội không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời chứ chẳng phải thời; không vì lợi ích chứ chẳng phải vì lợi ích, thô bạo chứ chẳng phải nhu nhuyến, sân hận chứ không phải từ tâm. Ta thật sự không phải hối hận.’ Tỳ-kheo bị cử tội không thật đó phải nhờ vào năm pháp này để tự an tâm mình, không tự mình phải hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải không đúng thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận; Tỳ-kheo cử tội đúng đó nên bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, nên bằng năm pháp vì lợi ích để khiến cho không bị hối hận. Nên nói như vầy, ‘Trưởng lão, ngài đã cử tội đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải phi thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận.’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào cử tội đúng thì phải bằng năm pháp lợi ích này để khiến Tỳ-kheo đó không bị hối hận và cũng để cho Tỳ-kheo vị lai cử tội người khác đúng mà không bị hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng năm pháp lợi ích này để không bị hối hận. Nên nói như vầy, ‘Tỳ-kheo này cử tội đúng chứ không phải không đúng, ông chớ hối hận; đúng thời chứ không phải phi thời; nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, ông chớ hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con thấy Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà lại sân hận. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà sân hận, thì phải dùng bao nhiêu pháp để tự giải tỏa đối với sân hận?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì phải dùng năm pháp để tự giải tỏa. Nên nói với người ấy rằng, ‘Trưởng lão, Tỳ-kheo cử tội ông là đúng sự thật chứ không phải không thật, ông chớ sân hận… cho đến từ tâm chứ không phải sân hận.’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì nên dùng năm pháp này để đối với sân hận được giải tỏa.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có người cử tội đúng, có người không đúng; đối với hai người này con tự an tâm. Nếu kia đúng sự thật thì con phải tự biết. Nếu kia không đúng thì con phải tự hóa giải rằng, ‘Điều đó không đúng, nay ta tự biết là không có lỗi này.’ Bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như những gì Thế Tôn đã dạy trong kinh Thí dụ xẻ gỗ[89], dạy các Sa-môn: ‘Nếu có giặc đến bắt ông, rồi dùng cưa, cưa xẻ thân ông. Các ông đối với giặc mà khởi lên niệm ác, nói lời ác, thì tự sanh ra chướng ngại. Cho nên, Tỳ-kheo, nếu bị giặc dùng cưa, cưa xẻ thân các ông, các ông đối với giặc chớ khởi lòng ác và nói lời ác, chỉ tự làm chướng ngại mình mà thôi. Đối với những người đó nên sanh lòng từ bi, không oán hận; chứng nhập, thành tựu và trú với từ tâm cùng khắp bốn phương cảnh giới.’ Cho nên, bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như lời Thế Tôn đã dạy, đối với cái khổ thân bị cưa xẻ mà còn tự an nhẫn; huống chi những cái khổ nhỏ nhặt, hay những lời phỉ báng nhỏ nhặt mà không an nhẫn được. Vì mục đích của Sa-môn, vì ước muốn của Sa-môn, muốn đoạn trừ pháp bất thiện, muốn tu tập pháp thiện thì đối với pháp bất thiện này nên đoạn trừ; và đối với pháp thiện thì nên phương tiện tu tập tinh cần, khéo tự phòng ngừa, buộc niệm tư duy, không để buông lung. Hãy tu học như vậy.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu con cử tội Tỳ-kheo khác, đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải không đúng thời; có nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, nhưng có Tỳ-kheo bị cử tội kia vẫn ôm lòng thù hận.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo loại nào khi nghe cử tội mà sanh tâm thù hận?”

Xá-lợi-phất bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo kia cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng Sa-môn, không siêng năng tu học, không tự tỉnh quán sát, vì kế sống mà xuất gia, không vì cầu Niết-bàn; những người như vậy nghe con cử tội liền sanh sân nhuế.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Những hạng Tỳ-kheo nào nghe ông cử tội mà không sân hận?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào tâm không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, không bỏ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, tôn sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, không vì kế sống; những Tỳ-kheo như vậy nghe con cử tội thì hoan hỷ nhận lãnh như uống cam lộ. Như người nữ dòng Sát-lợi hay Bà-la-môn tắm gội sạch sẽ, được hoa đẹp đẽ, yêu thích, đội lên đầu, cài lên đầu. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo nào không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, chánh tín, có hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, siêng tu tập, tự tỉnh giác, vì pháp xuất gia, chí cầu Niết-bàn, thì Tỳ-kheo như vậy khi nghe con cử tội vui vẻ nhận lãnh như uống cam lộ.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu Tỳ-kheo nào cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng hạnh Sa-môn, không cầu Niết-bàn, vì kế sống xuất gia, thì đối với Tỳ-kheo như vậy không nên dạy dỗ và nói chuyện. Vì sao? Vì những Tỳ-kheo này phá phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không cong vạy, không giả dối, không lừa gạt, có lòng tin, hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, chí sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, thì những Tỳ-kheo như vậy phải nên dạy dỗ. Vì sao? Vì những Tỳ-kheo này thường tu phạm hạnh, có thể tự đứng vững.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 498. NA-LA-KIỀN-ĐÀ[90]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Na-la-kiền-đà, trong vườn Am-la của người bán y[91]. Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ[92] của Thế Tôn, huống lại là hơn!”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất! Lành thay những lời nói hi hữu đệ nhất này, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tự nói tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ có được của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ của Thế Tôn, huống lại là hơn!”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có thể biết rõ về tăng thượng giới của Phật quá khứ chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Đức Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết rõ tăng thượng giới của Phật vị lai, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết rõ giới tăng thượng của Phật hiện tại, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu ông không biết trong tâm của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại sở hữu các pháp đó, thì tại sao ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tán thán như vầy: ‘Con tin sâu xa về Thế Tôn rằng: trí tuệ có được của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng trí tuệ Thế Tôn, huống lại là hơn!’”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết giới hạn trong tâm[93] của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng con có thể biết giới hạn về pháp[94] của chư Phật Thế Tôn. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, càng lúc càng sâu xa, càng lúc càng thù thắng, càng lúc càng tăng thượng, càng lúc càng vi diệu. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, khi biết một pháp tức thì đoạn một pháp, biết một pháp liền chứng một pháp, biết một pháp tức thì tu tập một pháp, cứu cánh đối với pháp. Cho nên đối với Đại Sư lòng tin được thanh tịnh và tâm được thanh tịnh. Thế Tôn là Bậc Đẳng Chánh Giác.

“Bạch Thế Tôn, như quốc vương có thành trì ở biên giới, vòng thành vây quanh vuông vức, bốn mặt kiên cố, chắc chắn, chỉ có một cửa, không có cửa thứ hai, sai người đứng giữ cửa; nhân dân ra vào đều từ cửa này. Việc đi ra hoặc đi vào, tuy người giữ cửa này không biết số người nhiều hay ít, nhưng biết nhân dân chỉ đi từ cửa này, không đi chỗ khác. Cũng vậy, con biết chư Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ, đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Chư Phật Thế Tôn đời vị lai cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Ngày nay, chư Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác hiện tại cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Này Xá-lợi-phất, chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại thảy đều đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 499. THẠCH TRỤ[95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Khi ấy có Tỳ-kheo Nguyệt Tử[96] là đệ tử của Đề-bà-đạt-đa[97], đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, chào hỏi xong đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa có thường thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo nghe không?”

Nguyệt Tử thưa:

“Thưa, có thuyết pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp thế nào?”

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp như vầy: ‘Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà tu tâm[98], Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận rằng, ta đã ly dục, giải thoát khỏi năm dục công đức.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Đề-bà-đạt-đa của ông sao không thuyết pháp như vầy, ‘Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, lìa tâm dục, lìa tâm sân nhuế, lìa tâm ngu si, được pháp không tham, được pháp không sân và không si, không trở lại pháp dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu; thì Tỳ-kheo ấy có thể tự xác nhận, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’?”

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa:

“Vị ấy không thể như vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất.”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Nếu có Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như gần thôn ấp có núi đá lớn, không thể cắt đứt được, không thể phá nát và xuyên thủng được, nó dày đặc và kín mít. Giả sử có gió từ phương Đông thổi tới, không thể làm cho nó lay động, cũng không thể vượt qua nó để đến phương Tây. Cũng vậy, gió từ phương Nam, Tây, Bắc và bốn góc thổi đến cũng không thể làm cho nó lay động và vượt qua khỏi nó. Cũng vậy, Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như cột đồng nhân-đà[99] được cắm sâu vào trong đất, đắp đất lên chặt kín, gió bốn phía có thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, cắm vào lòng đất tám khuỷu tay, gió bốn phương thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như người đốt lửa chưa cháy, cháy rồi thì không đốt nữa. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 500. TỊNH KHẨU[100]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đó.

Sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Khất thực xong, ngồi dưới bóng cây thọ trai. Trong lúc ấy có nữ ngoại đạo xuất gia Tịnh Khẩu[101] từ trong thành Vương xá đi ra có chút việc, gặp Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi ăn dưới bóng cây, bà tiến đến hỏi:

“Sa-môn đang ăn phải không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vâng, đang ăn.”

Lại hỏi:

“Sao, Sa-môn cúi mặt xuống[102] mà ăn.”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Ngửa mặt lên[103] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Xoay mặt bốn phương[104] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không”

Lại hỏi:

“Xoay mặt bốn góc[105] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Tôi hỏi Sa-môn đang ăn phải không, Sa-môn đáp là đang ăn. Tôi hỏi ngửa mặt lên mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không; hỏi cúi mặt xuống mà ăn chăng? Sa-môn đáp không; hỏi xoay mặt bốn phương mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không; hỏi xoay mặt bốn góc mà ăn chăng? Sa-môn đều trả lời không. Những gì Sa-môn nói như vậy là có ý nghĩa gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Này tỷ muội, những Sa-môn, Bà-la-môn có kiến thức về sự vật[106], có kiến thức về hoành pháp[107], kiếm ăn một cách tà mạng; những Sa-môn, Bà-la-môn này cúi mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào ngước mặt nhìn xem hiện tượng trăng sao, kiếm ăn một cách tà mạng như vậy; Sa-môn, Bà-la-môn này ngửa mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm sứ giả cho người khác, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn phương mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh[108], kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Này tỷ muội, tôi không thuộc vào cách kiếm ăn theo bốn thứ tà mạng này, mà tôi chỉ theo đúng pháp kiếm ăn để tự nuôi sống. Cho nên, tôi nói là không phải là bốn cách ăn tà mạng đó.”

Khi xuất gia ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ từ giã, rồi bà đi đến chỗ ngã tư đường trong thành Vương xá, khen ngợi rằng: ‘Sa-môn Thích tử nuôi sống chân chính[109], tự nuôi sống rất chân chính! Nếu người nào muốn bố thí cúng dường, thì nên cúng dường cho Sa-môn Thích tử; nếu muốn tạo phước, thì nên đến Sa-môn Thích tử tạo phước.”

Lúc ấy các Sa-môn ngoại đạo nghe xuất gia nữ ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu khen ngợi Sa-môn họ Thích, bèn khởi tâm tật đố hại bà ấy. Nữ ngoại đạo ấy bị họ hại chết, được sanh lên cõi trời Đâu-suất, nhờ sanh lòng tin đối với Tôn giả Xá-lợi-phất.

*

 

KINH 501. THÁNH MẶC NHIÊN[110]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

“Một thời, Thế Tôn ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà; tôi đang ở trong núi Kỳ-xà-quật này, một mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: ‘Thế nào là sự im lặng của bậc Thánh?’ Lại nghĩ tiếp: ‘Nếu có Tỳ-kheo mà giác và quán đã dứt[111], nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do đinh sanh, chứng và an trú Nhị thiền, đó gọi là sự im lặng của bậc Thánh.’ Lại nghĩ tiếp: ‘Nay ta cũng nên im lặng như bậc Thánh, với giác và quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú nhiều lần.’ Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm lại khởi có giác, có quán. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, tức thì Ngài biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra trong núi Kỳ-xà-quật, trước mặt tôi. Ngài nói với tôi rằng:

“Này Mục-kiền-liên, ông nên im lặng như bậc Thánh, chớ sanh buông lung.

“Tôi nghe Đức Thế Tôn nói xong, liền xa lìa hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trụ Nhị thiền. Ba lần như vậy, Phật cũng dạy tôi ba lần: ‘Ngươi nên im lặng như bậc Thánh chớ buông lung.’ Tôi lại dứt hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú Nhị[112] thiền.

“Nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp[113], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được vương pháp, không tinh cần phương tiện mà có thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.”

Sau khi Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 502. VÔ MINH[114]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

“Khi Đức Thế Tôn ở thành Vương xá, tôi ở trong núi Kỳ-xà-quật, một mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: ‘Thế nào gọi là Thánh trụ?’[115] Lại nghĩ tiếp: ‘Nếu có Tỳ-kheo nào không niệm tất cả tướng, vô tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm[116], thì đó gọi là Thánh trụ.’ Tôi lại nghĩ: ‘Ta nên ở nơi Thánh trụ này, không niệm tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm,’ và an trụ nhiều lần. Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm chấp tướng[117] lại sanh.’ Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, dùng sức thần thông biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra ở núi Kỳ-xà-quật, đến trước tôi, nói tôi rằng: ‘Này Mục-kiền-liên, ông nên trụ nơi sự an trụ của bậc Thánh, chớ sanh buông lung.’ Tôi nghe Đức Thế Tôn dạy xong, liền lìa tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm. Ba lần như vậy; Thế Tôn cũng ba lần đến dạy tôi: ‘Ngươi nên an trụ nơi Thánh trụ, chớ sanh buông lung.’ Tôi nghe xong, liền xa lìa tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm.

“Các Đại đức, nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp[118], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được hưởng vương pháp, không tinh cần phương tiện, mà có thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.”

Sau khi Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 503. TỊCH DIỆT[119]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-nan cùng ở chung một phòng nơi vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ, vào cuối đêm, trời gần sáng[120], Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Lạ thay, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Hôm nay Tôn giả trụ trong tịch diẹât chánh thọ[121], tôi không nghe tiếng thở[122] của Tôn giả.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trả lời:

“Đó không phải là tịch diệt chánh thọ mà chỉ an trụ thô chánh thọ[123]. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm nay tôi đã hầu chuyện với Đức Thế Tôn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Thế Tôn đang trú tại vườn Cấp cô độc, nước Xá-vệ, cách đây rất xa, làm sao cùng nói chuyện? Hiện tại Tôn giả đang ở Trúc viên, vậy làm sao hầu chuyện? Hay là Tôn giả đã dùng sức thần thông để đến chỗ Thế Tôn, hay Thế Tôn đã dùng sức thần thông đến chỗ Tôn giả?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi không dùng sức thần thông đến chỗ Đức Thế Tôn và Thế Tôn cũng không dùng thần thông để đến chỗ tôi. Nhưng đối với những lời Phật ở trong thành Vương xá, nước Xá-vệ, tôi vẫn nghe được; vì Thế Tôn và tôi đều có thiên nhãn và thiên nhĩ, nên tôi có thể hỏi Thế Tôn, được nói là ân cần tinh tấn. Thế nào là ân cần tinh tấn? Thế Tôn trả lời tôi: ‘Này Đại Mục-kiền-liên, ban ngày nếu Tỳ-kheo nào đi kinh hành hay ngồi thiền, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Đầu hôm hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Vào giữa đêm ra khỏi phòng, rửa chân, trở vào nằm nghiêng sang hông bên phải, hai chân xếp lên nhau, cột niệm vào tướng sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ muốn trỗi dậy. Đến cuối đêm, thức dậy từ từ, hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Này Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là Tỳ-kheo ân cần tinh tấn.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thật là có sức thần thông lớn, sức công đức lớn, an tọa mà ngồi. Tôi cũng có sức lớn, được cùng ở chung với Tôn giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, ví như núi lớn có người cầm một hòn đá nhỏ ném vào, đá cùng màu vị với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với sức lớn, đức lớn của Tôn giả, ngồi cùng chỗ ngồi. Cũng như vật đẹp đẽ tươi tốt của thế gian được mọi người tôn trọng; đức lớn, sức lớn của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng được những người phạm hạnh cung kính tôn trọng. Nếu ai được gặp Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, qua lại kết giao, cung kính cúng dường, người ấy được ích lớn. Nay tôi được cùng Tôn giả Đại Mục-kiền-liên kết giao qua lại, cũng được thiện lợi.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nay tôi được cùng với bậc Đại trí, Đại đức Xá-lợi-phất ngồi cùng chỗ ngồi, cũng giống như cầm hòn đá nhỏ ném vào núi lớn, thì đá cùng màu với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với Tôn giả Xá-lợi-phất ngồi cùng chỗ ngồi và làm bạn nhau.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ giã về chỗ của mình.

*


[1].    Đại Chánh quyển 18, “Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ phẩm”. Quốc Dịch “Tụng iv”. Ấn Thuận, Tụng vi. Đệ tử sở thuyết và ghi chú: “Nguyên phụ vào ‘Tạp nhân tụng’. Nhưng nguyên bản dịch đã biệt lập, đề ‘Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ’. Từ quyển 18-22; phân thành sáu Tương ưng, Ấn Thuận: 28. Tương ưng Xá-lợi-phất (Đại Chánh kinh 490-500), 29. Tương ưng Mục-kiền-liên (Đại Chánh kinh 501-534), 30. Tương ưng A-na-luật (Đại Chánh kinh 535-545), 31. Tương ưng Đại Ca-chiên-diên (Đại Chánh kinh 546-555), 32. Tương ưng A-nan (Đại Chánh kinh 556-565), 33. Tương ưng Chất-đa-la (Đại Chánh kinh 566-575). Tương đương Pāli, cāc Samyutta: S.38.Jambukhādaka, S.39. Sāmanadaka, S.40. Moggalāna, 41. Citta. Chú thích của Ấn Thuận Hội Biên (hạ): “Xá-lợi-phất tương ưng, gồm tám mươi mốt kinh”. Bảy mươi hai kinh đầu tương đương Pāli các Samyutta: S.38, S.39. Đại Chánh, kinh số 490. Tương đương Pāli, S.38. 1-16. Nibbāna và tiếp theo.

[2].    Na-la tụ lạc 那羅聚落. Pāli: Nālakagāmaka.

[3].    Diêm-phù-xa 閻浮車. Pāli: Jambukhādaka-paribbājaka.

[4].    Chú giải Pāli nói ông là cháu của Xá-lợi-phất (the rassa bhāgineyyo).

[5].    Đoạn đối thoại, tương đương Pāli, S.38.16 Dukkara.

[6].    Ái lạc 愛樂. Pāli: abhirati, đây chỉ sự vui thú đời sống xuất gia.

[7]  Bản Pāli: “thực hành pháp và tùy pháp là khó”.

[8].    Hữu đạo hữu hướng 有道有向. Pāli: atthi maggo atthi paṭipadā, có đạo và đạo tích.

[9].    Thực tế bản Hán chỉ có ba mươi sáu.

[10].   Đoạn vấn đáp 2, Pāli, S.38.3 Dhammavādī.

[11].   Thế gian chánh hướng 世間正向. Pāli: loke suppaṭipanna, vị hành trì chân chánh, hay khéo hành trì trong đời.

[12].   Thế gian thiện thệ 世間善逝. Pāli: loke sugata, vị đã khéo léo đi đến (Niết-bàn).

[13].   Bản Pāli: “Có con đường nào dẫn đến sự dứt trừ tham dục, sân nhuế, ngu si?”

[14].   Đoạn vấn đáp 3, Pāli S.38.1 Nibbāna.

[15].   Đoạn vấn đáp 4, Pāli S.38.4 Kimatthi.

[16].   Bản Pāli: dukkhassa pariññatthaṃ, “vì mục đích biến tri khổ”.

[17].   Đoạn vấn đáp 5, Pāli, S.38.8 Āsavā.

[18].   Bản Pāli, ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tayo āsvā: kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.

[19].   Đoạn vấn đáp 6, Pāli, S.38.2 Arahattaṃ.

[20].   Đoạn vấn đáp 7, không có Pāli tương đương.

[21].   Đoạn vấn đáp 8, Pāli, S.38.9. Avijjā.

[22].   Tiền tế, hậu tế, trung tế 前際後際中際: giới hạn quá khứ khởi thủy, giới hạn tận cùng vị lai, giới hạn trung gian.

[23]Bản Pāli: dukkhe aññāṇaṃ dukkhasamudaye aññāṇaṃ dukkhanirodhe aññāṇaṃ dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññāṇaṃ, ayaṃ vuccati avijjā, “không biết khổ, không biết tập khởi của khổ, không biết sự diệt khổ, không biết con đường dẫn đến diệt khổ; đó được nói là vô minh”.

[24]Đoạn vấn đáp 9, không có Pāli tương đương.

[25]Xem đoạn 5 ở trên.

[26]Đoạn vấn đáp 10, Pāli, S.38.13 Bhava.

[27]Đoạn vấn đáp 11, S.38.15 Sakkāya.

[28]Hán: hữu thân 有身, hay tự thân 自身. Pāli, sakkāya; f. S.ii., tr. 159: katamo bhikkhave sakkāyo? pañcūpādāna-kkhandhā tassa vacanīyaṃ, “Thế nào là hữu thân? Năm thủ uẩn, được nói là hữu thân”.

[29]Đoạn vấn đáp 12, Pāli, S.38.14 Dukkha.

[30]Đoạn vấn đáp 13, S.38.11 Ogha.

[31]Lưu ; đây chỉ bộc lưu dòng nước lũ. Pāli: ogha.

[32].   Đoạn vấn đáp 14, như trên.

[33].   Ách ; chính xác: chỉ gọng cày. Pāli: cattāro yogā.

[34].   Đoạn vấn đáp 15, S.38.12 Upādāna.

[35].   Thủ . Pāli: cattāri upādānāni kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ. sīlabbatūpādānaṃ, atta-vādūpādānaṃ.

[36].   Đoạn vấn đáp 16, không có trong bản Pāli.

[37].   Phược ; tức Tập dị 8, tr. 399, thân hệ 身繫, có bốn: tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm thân hệ, thử thật chấp thân hệ. Pāli, D.iii, tr. 230: cattāro ganthā, abhijjhā kāyagantho, vyāpādo kāyagantho, sīlabbataparrāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniviseso kāyagantho.

[38]Đoạn vấn đáp 17, bản Pāli không có.

[39]Xem Tập Dị 19, tr.446 a25

[40]Tập dị 19, tr.446 b9: thủ kết 取結; “Hai thủ được gọi là thủ kết; kiến thủ và giới cấm thủ”. Pāli, parāmāsa, gồm diṭṭhiparāmāsa, sīlabbatapaāmāsa.

[41]Đoạn vấn đáp 18, không có trong bản Pāli.

[42]Sử 使; hoặc dịch là tùy miên 隨眠. Pāli, D.iii. 254, satta anusayā: kāmarāgānusayo, paṭighānusayo, diṭṭhānusayo, vicikcchānusayo, mānāusayo, bhavarāgānusayo, avijjānusayo.

[43]Đoạn vấn đáp 19, không có trong bản Pāli.

[44].   Ái dục sử 愛欲使; hay ái dục tùy miên; Pāli: kāmarāgānusaya.

[45].   Hán: sĩ phu dục 士夫欲.

[46].   Đoạn vấn đáp 20.

[47].   Cái , hay triền cái. Pāli, pañca nīvaraṇāni: kāmacchanda-, vyāpāda-, thīnamiddha-, uddhaccakukkucca.

[48]Đoạn vấn đáp 21, Pāli, S.38.5 Assāso.

[49]Hán: an tức 安息. Pāli: assāsa, nguyên chỉ hơi thở vào, hơi thở điều hòa: trạng thái ngưng nghỉ, an ổn.

[50]Đoạn vấn đáp 22, như kinh trên Pāli, S.38.5 Assāsa.

[51]Đoạn vấn đáp 23, Pāli, S.38.6 Paramassāna.

[52]Hán: thượng an tức 上安息. Pāli: paramassāsa.

[53]Pāli: assāso ... channam phassāyatanānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtam pajānāti, “đạt đến sự nghỉ ngơi là biết như thực về sự tập khởi, sự tiêu diệt, vị ngọt, tai hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ”.

[54]Pāli: ... viditvā anupādā vimutto hoti, “sau khi biết, giải thoát với sự không chấp thủ”.

[55]Đoạn vấn đáp 24, không có trong bản Pāli.

[56]Hán: thượng tô tức xứ 上蘇息處.

[57].   Đoạn vấn đáp 25, không có trong Pāli.

[58].   Thanh lương 清涼; hay trạng thái mát lạnh. Pāli: sītibhūta.

[59].   Đoạn vấn đáp 26, không có trong Pāli.

[60].   Đoạn vấn đáp 27.

[61].   Đoạn vấn đáp 28.

[62].   Đoạn vấn đáp 29, Pāli, S.38.10 Taṇhā.

[63].   Đoạn vấn đáp 30.

[64].   Hán: nghiệp đạo 業道. Pāli: kammapatha; bản Hán hiểu là kammapada.

[65].   Đoạn vấn đáp 31.

[66].   “Những câu hỏi của Sa-môn xuất gia”. Nội dung gần giống các kinh trên.

[67].   “Ao bùn”. Pāli, A.4.178 Jambāli.

[68].   Pāli: cattārome bhikkhave puggalā santo saṃvijjamānā lokasmiṃ, thế gian có bốn hạng người.

[69].   Pāli: santaṃ cetovimutti, tâm giải thoát tịch tĩnh.

[70].   Hán: hữu thân diệt 有身滅. Pāli: sakkāyanirodha.

[71].   Hán: tâm bất lạc trước 心不樂着. Pāli: na pakkhandati: không tiến tới, hay không phấn chấn.

[72].   Bản Pāli, A.ii, tr.165: sakkāyanirodhe cittaư na pakkhandati nappasīdati na santiṭṭhati nādhimuccati, “(Vị ấy khi tác ý hữu thân diệt) đối với hữu thân diệt mà tâm không thăng tiến, không trừng tịnh, không an trú, không quyết tín”.

[73].   Xem cht.69 trên.

[74].   Xem cht.71 trên.

[75].   Bản Pāli: “Vị ấy khi tác ý sự diệt trừ vô minh”.

[76].   Bản Pāli: ao đã bị bít, không thoát nước, lại lâu ngày không mưa, lớp bùn khô cứng không thể vét cạn”.

[77].   “Cỡi thuyền đi ngược dòng”.

[78].   Hán: A-luyện-nhã tỳ-kheo 阿練若比丘. Pāli: araññaka-bhikkhu, tỳ-kheo sống trong rừng.

[79].   Trái với đời sống ẩn dật.

[80].   Pāli, A.6.41 Dārukkhandha.

[81].   Pāli, A.5.168 Sīla; 10.4 Upanisā; 11.4-5 Upanissā. Tham chiếu Hán, No26 Trung, 48 Giới kinh.

[82].   Hán: sở y thoái giảm tâm bất lạc trú 所依退減心不樂住. Pāli: hatūpaniso hoti sammāsamādhi, tư trợ (sở y) của chánh định bị tổn hại.

[83].   Pāli: sammāsamādhivipannssa hatūpanisaṃ hoti yathābhūtaññāṇadassanaṃ, do thoái thất chánh định, tư trợ (sở y) của tri kiến như thật bị tổn hại.

[84].   Hán: công đức (thoái giảm) 功德 (退減). Đoạn trên dịch là sở y. Pāli: hatūpanisā. Xem cht.82 trên.

[85].   Hán: bất tín lạc 不信樂: không còn tin tưởng.

[86].   Hán: thâu thuế 輸稅. Bản Tống: thâu di 輸移.

[87].   Pāli, A.5.167 Codanā.

[88].   Hán: biến hối 變悔. Pāli: avippaṭisāro.

[89].   Hán: Giải tài kinh 解材經; Không rõ xuất xứ.

[90].   Pāli, S.47.12 Nālandā. Tham chiếu, D.28 Sampasādanīya-suttanta.

[91].   Na-la-kiền-đà mại y giả Am-la viên 那羅揵陀賣衣者菴羅園. Pāli: Nālandāyaṃ viharati pāvārikambavane, vườn xoài của nhà phú hộ Pāvārika là nghề (bán y) chứ không phải tên người.

[92].   Nguyên Hán: Bồ-đề 菩提. Pāli: Sambodhi.

[93].   Hán: bất tri… tâm chi phân tề 不知心之分齊. Pāli: cetopariyañāṇa n’atthi, “không có nhận thức về tâm tư…” Bản Hán đọc ceto-paryanta (giới hạn của tâm tư) thay vì ceto-pariya (động thái của tâm tư).

[94].   Hán: pháp chi phân tề 法之分齊. Pāli: dhammanvaya: tổng tướng (tính loại tợ) của pháp.

[95].   Pāli, A.9.26 Silāyūpa.

[96].   Nguyệt Tử Tỳ-kheo 月子比丘. Pāli: Candikaputta.

[97].   Đề-bà-đạt-đa 提婆達多. Pāli: Devadatta.

[98].   Hán: tâm pháp tu tâm 心法修心. Pāli: cetassā cittaṃ suparicitam, tâm hoàn toàn được được tích tập bởi tâm ý.

[99].   Hán: nhân-đà đồng trụ 因陀銅柱. Pāli: indakhīla, cọc trụ trước cổng chợ để làm mốc. Bản Pāli không dẫn thí dụ này.

[100]. Pāli, S.28.10 Sucimukhī.

[101]. Tịnh Khẩu ngoại đạo xuất gia ni 淨口外道出家尼; theo cách dịch này, đây không phải là tên riêng. Pāli: Sūcimukhī.

[102]. Hán: hạ khẩu thực 下口食; chỉ sự kiếm ăn bằng tự canh tác. Pāli: adhomukha. Trong Pāli, mukha, nghĩa là miệng; cũng có nghĩa là mặt.

[103]. Hán: ngưỡng khẩu thực 仰口食; kiếm ăn bằng sự xem thiên văn. Pāli: ubbhamukha.

[104]. Hán: phương khẩu thực 方口食: tu sĩ kiếm ăn bằng cách làm mai mối, thông sứ, liên lạc viên cho cư sĩ. Pāli: disāmukha.

[105]. Hán: tứ duy khẩu thực 四維口食: kiếm ăn bằng sự bói toán. Pāli: vidisāmukha.

[106]. Hán: minh ư sự 明於事. Pāli: vatthuvijjā, được hiểu là môn học về đất đai, nhà cửa; trạch địa minh, gia tướng học; một thứ phong thủy học. Chính xác, có lẽ là môn học về chú thuật trấn yểm thổ trạch.

[107]. Hán: minh ư hoành pháp 明於橫法. Pāli: tiracchānavijjā, kiến thức về súc vật, bàng sanh minh, hay động vật học. Chính xác, loại chú thuật về súc vật.

[108]. Pāli: aṅgavijjātiracchānavijjāya micchājivena jīikaṃ kappenti, “kiếm sống một cách tà mạng bằng chiêm tinh học, súc sanh học”.

[109]. Hán: tịnh mạng tự hoạt 淨命自活. Pāli: dhammikaṃ āhāraṃ āhārenti, “Họ ăn thức ăn đúng pháp”.

[110]. Ấn Thuận, Tụng 6. Đệ tử sở thuyết, “29. Tương ưng Mục-kiền-liên”, gồm các kinh Đại Chánh 501-534, phần lớn tương đương Pāli, S.40. Moggalāna-Samyutta. Đại Chánh kinh 501, Pāli, S.21.1 Kolito. Xem thêm, S.40.1-6 Savitakka.

[111]. Hán: tức hữu giác hữu quán 息有覺有觀. Pāli, savitakka (hữu tầm) và savicāra (hữu tứ), hai chi của Sơ thiền đã lắng xuống (vitakkavicārānaṃ vūpasamā) khi chứng Thiền thứ hai.

[112]. Bản Cao-ly: tam . Theo nội dung, đây sửa lại là nhị .

[113]. Hán: đắc Phật pháp phần 得佛法分.

[114]. Pāli, S.40.9 Animitto.

[115]. Thánh trụ 聖住: an trú của bậc Thánh, hay đời sống của Thánh giả. Có ba trụ, Pāli: tayo vihārā dibbo vihāro, brahmavihāro ariyo vihāro, thiên trụ, phạm trụ và thánh trụ.

[116]. Hán: vô tướng tâm chánh thọ 無相心正受. Pāli: animittaṃ cetosamādhiṃ, vô tướng tâm định.

[117]. Hán: thủ tướng tâm 取相心. Pāli: nimittānusāriviññāṇaṃ, thức hồi tưởng tướng.

[118]. Xem cht.113, kinh 501.

[119]. Pāli, S.21.3 Ghaṭo (vò nước).

[120]. Bản Pāli: vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc.

[121]. Hán: tịch diệt chánh thọ 寂滅正受. Pāli: santena... vihārena vihāsi, Tôn giả an trụ với sự an trụ tịch tĩnh. Vihāra: an trú tịch tĩnh.

[122]. Bản Pāli: Xá-lợi-phất nhìn sắc mặt mà phát biểu.

[123]. Pāli: oḷārikena... vihārena vihāmi, tôi an trú với sự an trụ thô.

 

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 24-02-2004