Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

 

Tạp A-Hàm

Mở đầu
Quyển 01
Quyển 02
Quyển 03
Quyển 04
Quyển 05
Quyển 06
Quyển 07
Quyển 08
Quyển 09
Quyển 10

Quyển 11
Quyển 12
Quyển 13
Quyển 14
Quyển 15
Quyển 16
Quyển 17
Quyển 18
Quyển 19
Quyển 20

Quyển 21
Quyển 22
Quyển 23
Quyển 24
Quyển 25
Quyển 26
Quyển 27
Quyển 28
Quyển 29
Quyển 30

Quyển 31
Quyển 32
Quyển 33
Quyển 34
Quyển 35
Quyển 36
Quyển 37
Quyển 38
Quyển 39
Quyển 40

Quyển 41
Quyển 42
Quyển 43
Quyển 44
Quyển 45
Quyển 46
Quyển 47
Quyển 48
Quyển 49
Quyển 50

 

TẠP A-HÀM QUYỂN 13

 

KINH 304. LỤC LỤC[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[2], Câu-lưu-sấu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Có sáu pháp sáu[3]. Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.

“Sáu nội nhập xứ[4] là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ, thân nhập xứ, ý nhập xứ.

“Sáu ngoại nhập xứ[5] là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ. Sáu thức thân[6] là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Sáu xúc thân[7] là những gì? Đó là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân. Sáu thọ thân[8] là những gì? Đó là, nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc sanh thọ. Sáu ái thân[9] là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.

“Nếu có người nói rằng ‘mắt là ta’[10], điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu mắt là ta thì ta này phải chịu sanh tử[11]. Cho nên nói mắt là ta, điều này chẳng đúng. Cũng vậy, hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ta, thì điều này cũng chẳng đúng. Vì sao? Vì thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu thọ do mắt tiếp xúc sanh ra là ta, thì ta này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sanh ra là ta, thì điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta. Cũng vậy, thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải ta. Vì sao? Vì thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu là ta thì ta này phải chịu sanh tử, cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sanh ra là ta, thì điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết-bàn. Thế nào là thấy biết như thật về cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết-bàn?”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, mắt chẳng phải ta. Nếu sắc, nhãn thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc[12]; kia cũng quán sát là chẳng phải ta. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật về sự tác thành do mắt, cho đến chánh hướng Niết-bàn. Đó gọi là kinh nói về Sáu pháp sáu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 305. LỤC NHẬP XỨ[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[14], Câu-lưu-sấu, bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Ở nơi nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối, tương ưng, luyến tiếc, kết buộc tâm, năm thọ ấm được tăng trưởng[15]; và tham ái hữu đương lai[16] câu hữu với hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc[17], thân tâm thiêu đốt, thân tâm hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sanh ra cảm giác khổ. Vì thân sanh ra cảm giác khổ nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với mắt thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, thấy biết như thật; vì thấy rồi, nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp[18], không ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thọ ấm và tham ái hữu tương lai câu hữu tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc, tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai đều bị tiêu diệt và thuần một khối khổ ấm lớn cũng bị diệt.

“Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh đầy đủ, thì đó gọi là tu tập tám Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ rồi, thì bốn Niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ-đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập[19].

“Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. Những pháp nào cần phải biết, cần phải dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát. Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chánh quán.

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; thì đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, thật sự chứng đắc vô gián đẳng[20], đạt đến cứu cánh của mé khổ.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 306. NHÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: “Tỳ-kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo nên biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?’”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên[21] cho đến)... những thứ chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu[22], phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu[23].

“Lại nói như vầy: ‘Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.’ Kia giả lập rồi nói như vầy: ‘Vị Tôn giả này tên như vậy, sanh như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng như vậy.’ Này Tỳ-kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết[24]; tất cả các pháp này đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, thì chúng là khổ. Khổ này phát sanh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh mà các khổ khác không tiếp nối, không phát sanh nữa; thì đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,… thân, xúc làm duyên sanh thức thân, cả ba hòa hợp sanh ra xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Duyên ý và pháp sanh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, vàø bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Nếu có người nào, đối với các pháp này, tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển, đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, thì đó là thấy pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 307. KIẾN PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: “Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi là thấy pháp?” Suy nghĩ xong, từ nơi thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?’ Hôm nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải thích cho.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức… Nói đầy đủ như trên.”

Tỳ-kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ:

“Mắt, sắc, hai thứ duyên,

Sanh tâm và tâm pháp,

Thức, xúc cùng câu sanh,

Thọ, tưởng… đều có nhân.

Chẳng ngã, chẳng của ngã,

Chẳng phải phước-già-la,

Chẳng phải ma-nậu-xà,

Cũng chẳng ma-na-bà.

Đây là pháp sanh diệt,

Khổ ấm, pháp biến dịch,

Nơi pháp này giả tưởng,

Giả lập là chúng sanh.

Na-la, ma-nậu-xà,

Cùng với ma-na-bà,

Cũng còn nhiều tưởng khác,

Đều từ khổ ấm sanh.

Các nghiệp ái vô minh,

Ấm tích lũy đời khác.

Sa-môn các đạo khác,

Nói về hai pháp khác.

Nếu họ nói như vậy,

Nghe rồi càng nghi hoặc.

Tham ái dứt không còn,

Vô minh lặng, diệt hẳn,

Ái sạch, các khổ dứt,

Vô thượng, Phật nói rõ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 308. BẤT NHIỄM TRƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chư Thiên, người thế gian, đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời và người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với âm thanh, mùi, vị, xúc, pháp cũng yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời, người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật. Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết như thật thì không còn ưa thích, đắn nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, nên sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh. Ách ngại bị diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh ra xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi, pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại và khi đã hết trở ngại rồi thì gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

“Nơi sắc, thanh, hương, vị,

Xúc, pháp, sáu cảnh giới,

Một hướng sanh vui thích,

Ái nhiễm, vui đắm sâu.

Chư Thiên và Người thế,

Chỉ vì cái vui này,

Khi biến đổi, diệt mất,

Họ sanh ra khổ đau.

Chỉ có bậc Hiền thánh,

Thấy chúng diệt, an vui,

Cái vui của thế gian,

Quán sát đều là oán.

Hiền thánh thấy là khổ,

Thế gian cho là vui,

Cái khổ của thế gian,

Đối với Thánh là vui.

Pháp sâu xa khó hiểu,

Thế gian sanh nghi hoặc,

Chìm đắm trong tối tăm,

Mờ mịt chẳng thấy gì.

Chỉ có người trí tuệ,

Mở bày sự sáng tỏ,

Lời sâu xa như vậy,

Phi Thánh nào ai biết?

Không lại thọ thân sau,

Đạt xa lẽ chân thật.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 309. LỘC NỮU (1)[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già[26] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu[27], đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Đức Thế Tôn đã dạy, “Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn độc một mình[28].” Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này.”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Nếu sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục[29]. Nếu Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại[30]. Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với người thứ hai [31]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào giống như vậy, thì dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ, cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Vì hỷ ái không đoạn, không diệt. Ái dục không được đoạn trừ, không được biến tri, chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.

“Nếu có Tỳ-kheo nào đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ. Do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; được gọi là sống đơn độc một mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào giống như vậy, thì dù ở nơi lầu các, gác cao, cũng vẫn là sống đơn độc một mình. Vì sao? Vì tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã biến tri, chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình.”

Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, đảnh lễ mà đi.

*

 

KINH 310. LỘC NỮU (2)[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già[33] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo:

“Lành thay! Lành thay! Lộc Nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Nếu có Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp lại cũng nói như vậy.”

Tôn giả Lộc Nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

*

 

KINH 311. PHÚ-LAN-NA[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Phú-lan-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Phú-lan-na, nếu Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ,ï nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy.”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú-lan-na muốn an trú chỗ nào?”

Tôn giả Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian đi về xứ Thâu-lô-na ở phương Tây[35].”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Người ở Thâu-lô-na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa chưởi bới. Phú-lan-na, nếu ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, thì ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu-lô-na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na ở phương Tây này vẫn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họï ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục, ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Người Thâu-lô-na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối với ngươi, ngươi có thể tránh được. Nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, thì ngươi như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu-lô-na ở phương Tây dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi nữa, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng tay đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, thì sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết ta.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Giả sử những người này giết ngươi, thì sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu-lô-na phương Tây giết con, thì con nghĩ rằng: ‘Các đệ tử của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu-lô-na phương Tây này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải thoát.’”

Phật bảo:

“Lành thay! Phú-lan-na! Ông khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay ngươi có thể đến ở lại Thâu-lô-na. Ngươi nên đến độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn.”

Bấy giờ, Tôn giả Phú-lan-na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi đi.

Sáng hôm sau Tôn giả Phú-lan-na đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, trở ra, giao lại ngọa cụ, đem y bát du hành đến nước Thâu-lô-na phương Tây và an cư tại đó. Tôn giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu-bà-tắc và kiến lập năm trăm Tăng-già-lam, cúng dường các thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ. Trải qua ba tháng hạ, đầy đủ Tam minh, liền ở nơi ấy nhập Vô dư Niết-bàn.

*

 

KINH 312. MA-LA-CA-CỮU[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Ma-la-ca-cữu[37] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: không còn tái sanh đời sau nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp luật của Ta còn không biếng nhác; huống chi là ngày nay tuổi của ngươi đã già, các căn đã suy yếu, mà đối với pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt.”

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Ma-la-ca-cữu bạch như vậy ba lần.

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Hãy thôi đi!”

Ba lần nói như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà đáp lời của Ta.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Nếu đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?”

Ma-la-ca-cữu đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai đối với âm thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng nói như vậy.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Lành thay! Này Ma-la-ca-cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn[38]; cảm giác, do cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn.”

Và Phật nói bài kệ:

Nếu ngươi chẳng phải kia,

Kia cũng chẳng phải đây,

Cũng chẳng giữa hai bên,

Thì đây là mé khổ[39].

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?”

Ma-la-ca-cữu trình lên Phật bài kệ:

“Nếu mắt đã thấy sắc,

Mà mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Giữ lấy tướng yêu nhớ.

Người giữ tướng yêu thích,

Tâm thường bị vướng mắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng sắc tập sanh.

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Khiến tâm mình sụt giảm,

Nuôi lớn thêm các khổ,

Vĩnh viễn lìa Niết-bàn.

Thấy sắc chẳng chấp tướng,

Tâm mình theo chánh niệm,

Không nhiễm ái, ác tâm,

Cũng chẳng sanh hệ lụy.

Không khởi lên các ái,

Vô lượng sắc tập sinh,

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Chẳng thể hại tâm mình.

Ít nuôi lớn các khổ,

Lần lượt gần Niết-bàn.

Đấng Nhật Tôn đã nói,

Lìa ái, đạt Niết-bàn.

Nếu tai nghe các tiếng,

Tâm mất đi chánh niệm,

Cứ giữ tướng âm thanh,

Giữ chặt mà không xả.

Mũi, hương, lưỡi thưởng vị,

Thân, xúc, ý nhớ pháp,

Quên mất đi chánh niệm,

Giữ tướng cũng như vậy;

Tâm mình sanh yêu thích,

Buộc đắm bám vững chắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng pháp tập sanh,

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Sụt giảm hại tâm mình,

Nuôi lớn các tụ khổ,

Vĩnh viễn lìa Niết-bàn.

Chẳng nhiễm nơi các pháp,

Chánh trí, trụ chánh niệm,

Tâm mình chẳng nhiễm ô,

Lại cũng không thích đắm,

Chẳng khởi lên các ái,

Vô lượng pháp tập sanh,

Tham, sân, nhuế, hại, giác,

Chẳng lui giảm tâm mình,

Các khổ theo đó giảm,

Dần dần gần Niết-bàn.

Ái tận, Bát-niết-bàn,

Thế Tôn đã nói thế.

“Đó gọi là giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Vì như ngươi đã nói kệ:

Nếu mắt thấy các sắc,

Quên mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Giữ lấy tướng ái niệm.

Như trên, nói đầy đủ chi tiết.

Tôn giả Ma-la-ca-cữu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, làm lễ rồi đi.

Sau khi, Tôn giả Ma-la-ca-cữu đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến thành A-la-hán, tâm được giải thoát.

*

 

KINH 313. KINH PHÁP[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có kinh pháp, mà các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới; tuy đối với kinh pháp, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả[41], nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe kỹ và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, khi mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.’ Nếu Tỳ-kheo nào mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.’ Các ông nghĩ sao? Ở đây, người này có tín, có sở thích, có sở văn, có tư duy sở hành, có kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?[42]

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy[43].”

“Quy hướng trên pháp này, thì có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng nói như vậy.”

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới. Tuy đối với kinh pháp này, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 314. ĐOẠN DỤC[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 315. NHÃN SANH[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu mắt sanh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, thì khổ sanh khởi, bệnh đình trú, già, chết xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, thì khổ sanh cũng diệt, bệnh dứt, (già) chết biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 316. NHÃN VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và cũng có thể nói: ‘Đối với con mắt ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.’ Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra và đối với mắt không thể muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 317. NHÃN KHỔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 318. NHÃN PHI NGÃ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như ba kinh Nội lục nhập xứ, ba kinh Ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.

*

 

KINH 319. NHẤT THIẾT[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nói rằng ‘tất cả’, vậy thế nào là tất cả?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói rằng: ‘Đó không phải là tất cả, mà Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập riêng tất cả khác,’ thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Bà-la-môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 320. NHẤT THIẾT HỮU[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài nói tất cả đều có[48], vậy thế nào là tất cả đều có?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà-la-môn, ý ông thế nào, mắt là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Sắc là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Này Bà-la-môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên từ giã.

*

 

KINH 321. NHẤT THIẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả pháp. Nếu có người lại nói: ‘Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,’ thì người ấy chỉ nói trên ngôn thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như ba kinh Bà-la-môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ-kheo khác hỏi và ba kinh Tôn giả A-nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.

*

 

KINH 322. NHÃN NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ, Thế Tôn chỉ nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo này:

“Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại[49]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy.”

Lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế nào ý là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại, thì đó gọi là ý nội nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Như lời Đức Thế Tôn đã dạy về sắc ngoại nhập xứ, Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi Phật:

“Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Như thanh, mùi vị cũng như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế Tôn đã nói về xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ, vậy thế nào là xúc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do tứ đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là xúc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể thấy, không đối ngại. Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 323. LỤC NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 324. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp ngoại nhập xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 325. LỤC THỨC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 326. LỤC XÚC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xúc thân. Đó là nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân. Đó là sáu xúc thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 327. LỤC THỌ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thọ thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó gọi là sáu thọ thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 328. LỤC TƯỞNG THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu tưởng thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 329. LỤC TƯ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu tư thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tư và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Đó gọi là sáu tư thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 330. LỤC ÁI THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi là sáu ái thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 331. LỤC CỐ NIỆM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ luyến nhớ[50]. Đó là luyến nhớ sắc, luyến nhớ thanh, luyến nhớ hương, luyến nhớ vị, luyến nhớ xúc, luyến nhớ pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 332. LỤC PHÚ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ che đậy[51]. Đó là sắc hữu lậu giữ tâm che đậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu giữ tâm che đậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 333. VÔ THƯỜNG[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh ra nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Như vô thường, thì khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.

Như bốn kinh Nội nhập xứ, bốn kinh Ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.

*

 

KINH 334. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ-kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.

“Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Đó là, nghiệp là nhân, nghiệp là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.

“Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.

“Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.

“Vô minh có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy đúng là hệ phược của vô minh.

“Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng? là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư duy đúng nên sanh ra si mê. Sự ngu si ấy là vô minh. Dục cầu si mê gọi là ái. Hành vi do ái tạo tác nên gọi là nghiệp.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh. Vô minh là nhân của ái. Ái là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 335. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Đệ nhất nghĩa không. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số[53]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.

“Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 336. LỤC HỶ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu hỷ hành[54]. Đó là: Này các Tỳ-kheo, nếu ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ-kheo gọi đó là sáu hỷ hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 337. LỤC ƯU HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ưu hành[55]. Đó là, này các Tỳ-kheo, nếu mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến hành nơi pháp xứ này, các Tỳ-kheo gọi đó là sáu ưu hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 338. LỤC XẢ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xả hành[56]. Đó là, này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến hành nơi pháp xứ này, thì đó gọi là sáu hành xả của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 339. LỤC THƯỜNG HÀNH (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành[57]. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí, thì đó gọi là sáu thường hành của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 340. LỤC THƯỜNG HÀNH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu sáu thường hành này, là điều thế gian khó làm được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 341. LỤC THƯỜNG HÀNH (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu sáu pháp thường hành này, là điều thế gian khó làm được, thì người này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 342. LỤC THƯỜNG HÀNH (4)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu được sáu pháp thường hành này, thì nên biết đó là Xá-lợi-phất v.v… Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].    Kinh Sáu Sáu; Đại Chánh, quyển 13, kinh 304. Ấn Thuận xếp lại vào quyển 12. Quốc Dịch quyển 11. Phẩm x, Tương ưng Lục nhập (tiếp theo kinh 282). Pāli, M.148. Chachakka-sutta.

[2].    Câu-lưu-sưu Điều ngưu tụ lạc 拘留搜調牛聚, xem cht.38, kinh 245; cũng dịch là Điều phục bác ngưu tụ lạc 調伏鉢牛聚落, kinh 247.

[3].    Lục lục pháp 六六法. Pāli: cha chakāni.

[4].    Nội nhập xứ 內入處. Pāli: ajjhatika āyatana.

[5].    Ngoại nhập xứ 外入處. Pāli: bāhira āyatana.

[6].    Thức thân 識身. Pāli: viññāṇakāya.

[7].    Xúc thân 觸身. Pāli: phassakāya.

[8].    Thọ thân 受身. Pāli: vedanakāya.

[9].    Ái thân 愛身. Pāli: taṇhakāya.

[10].   Pāli: cakkhu attā ti, mắt là tự ngã.

[11].   Pāli: attā me uppajjati ca veti cā ti, tự ngã của tôi sanh và diệt.

[12].   Pāli: cakkhuñca bhikkhave paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, tiṇṇaṃ saṅgati samphassa; samphassa-paccayā uppajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; do duyên xúc, cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc sanh.

[13].   Pāli, M. 149. Mahāsaḷāyatana-sutta.

[14].   Xem cht.2, kinh 304.

[15]Pāli: tassa sārattassa samyuttassa samūḷhassa assādānupassino viharato āyatiṃ pañcupādānakkhandhā upacayam gacchanti, vị ấy an trụ với quán sát vị ngọt, tham đắm, hệ phược, mê muội; do vậy năm thủ uẩn tương lai được tích tập.

[16].   Đương lai hữu ái tham hỷ (...)當來有愛 (trong bản in nhầm thụ ) 貪喜. Ấn Thuận thêm: bỉ bỉ lạc trước彼彼樂著. Pāli: taṇhā cassa ponobbha vikā nandī-rāgasahagatā tatratatrābhinandinī, khát ái hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, thích thú (sẽ sinh) chỗ này chỗ kia.

[17].   Thân tâm bì ác 身心疲惡.Pāli: kāyikāpi darathā... cetasikāpi darathā pavaḍḍhanti, những sự bất an của thân, của tâm đều tăng trưởng.

[18].   Xem lại đoạn trên: (…) không tương ưng.

[19].   Đối với bốn Thánh đế: Khổ nên biết, Tập nên đoạn, Diệt nên chứng, Đạo nên tu.

[20].   Nghĩa là thành tựu hiện quán Thánh đế, chứng đắc Tu-đà-hoàn.

[21].   Xem kinh 213.

[22].   Trong bản: sĩ kỳ 士其; đây sửa lại sĩ phu 士夫. Xem cht. dưới.

[23].   Các danh từ và ý niệm liên hệ tự ngã: na-la (Pāli: nara, con người, nói chung), ma-nậu-xà (manussa, con người trong xã hội), ma-na-bà (māṇavaka, niên thiếu), sĩ phu (puggala, con người nhân vị hay nhân xưng), phước-già-la (puggala, tức sĩ phu, hay con người), kỳ-bà (jīva, mạng, sanh mạng hay linh hồn), thiền-đầu (jantu, sanh loại).

[24].   Hán: tưởng, chí, ngôn thuyết , , 言說 , tức chỉ cho giả tưởng, giả tự xưng và giả ngôn thuyết.

[25].   Lưới bắt nai. Tên người. Pāli, S. 35. 63. Migajāla.

[26].   Yết-già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.

[27].   Lộc Nữu Pāli: Migajāla.

[28].   Đệ nhị trú 鹿紐. Pāli: sadutiyavihārī, sống với người thứ hai. Nhất nhất trú 一一住. Pāli: ekavihārī, sống một mình.

[29].   Pāli: kāmupasaṃhitā rajaniyā, (sắc bị) tham nhiễm liên kết với ái dục.

[30].   Ách ngại 阨礙 bị cái ách cùm cổ. Pāli: saṃyogo, sự kết buộc (buộc cổ hai con bò vào một cái ách).

[31].   Tức người sống chung thứ hai.

[32].   Pāli, như kinh 309.

[33].   Yết-già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.

[34].   Pāli, M. 145. Puṇṇovāda-sutta.

[35].   Tây phương Thâu-lô-na 西方輸盧那. Pāli: Sunāparantaka; quê của Phú-lan-na.

[36].   Pāli, S. 35. 95. Saṅgayha.

[37].   Ma-la-ca-cữu 摩羅迦舅. Pāli: Mālukyaputta.

[38].   Kiến dĩ kiến vi lượng 見以見為量. Pāli: diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sẽ chỉ thấy nơi cái được thấy.

[39].   Pāli: tato tvaṃ, mākukyaputta, nevidha,nahuraṃ na ubhayam antarena. Esevanto dhussā’ti, vì vậy, Māluhyaputta, ngươi đời này không có, đời sau không có, giữa hai đời không có. Đây chính là chỗ tận cùng sự khổ.

[40].   Pāli, S. 35. 152. Atthinukhopariyāya.

[41].   Pāli: atthi nu kho, bhikkhave, pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma bhikkhu aññtreva saddhāya aññatra ruciyā, aññatra anussavā, aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā aññanaṃ vyākāreyya: khīṇā jāti…, có pháp môn nào, mà y trên pháp môn đó, chứù không y nơi tín tâm, không y theo sở thích, không y nơi sự học hỏi, không y nơi luận biện, y nơi sự đam mê suy lý huyền tưởng, mà Tỳ-kheo có thể tuyên bố: “sự sanh đã dứt”.

[42].   Pāli: api nume bhikkhave dhammā saddhāa vā viditabbā, ruciyā vā veditabbā... No hetam bhante, những pháp này có phải được do bởi có tín, do bởi có sở thích...? Bạch Thế Tôn, không.

[43].   Bản Pāli: trả lời “không phải”.

[44].   Pāli, S. 27. 1. Cakkhu.

[45].   Pāli, S. 26. 1. Cakkhu.

[46].   Pāli, S. 35. 23. Sabba.

[47].   Pāli, như kinh trên; nhưng nội dung không hoàn toàn tương đồng. Hình như kinh này riêng biệt của Hữu bộ, là cơ sở giáo lý về chủ trương “Nhất thiết hữu”. Chú thích của Ấn Thuận.

[48].   Nhất thiết hữu 一切有.

[49].   Vô kiến, hữu đối 見有對. Quan điểm về nội xứ của Hữu bộ. Xem Câu-xá luận 1 và 2.

[50].   Lục cố niệm 六顧念.

[51].   Lục phú 六覆.

[52].   Pāli, S. 35. 7-12. Anicca, v.v...

[53].   Tục số pháp 俗數法, tức pháp nói theo tục đế.

[54].   Lục hỷ hành 六喜行, Tập Dị Môn Túc Luận 15: sáu hỷ cận hành. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha somanassūpavicārā: cakkhunā rūpaṃ dsvā somanassṭhāniyaṃ rūpaṃ upavicarati, sau khi nhận thức sắc bằng con mắt vị ấy tư niệm (đi sát, tiếp cận) sắc tùy thuận với hỷ.

[55].   Lục ưu hành 六憂行, cũng nói là sáu ưu cận hành; sđd. như kinh trên.

[56].   Sáu xả hành 六捨行, hay sáu xả cận hành, xem sđd. như kinh 315 trên.

[57].   Sáu thường hành 六常行, cũng nói là sáu hằng trú; xem Tập Dị Môn Túc Luận 15. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha satata-vihārā: bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā n’eva sumano hoti na dummano upekkho viharati sato sampajāno, Tỳ-kheo khi thấy sắc bởi mắt mà không khoái ý cũng không bất mãn nhưng an trụ xả với chánh niệm chánh trí.

 

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 24-02-2004

Kinh Tap A Ham - Thich Duc Thang dich
Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

 

Tạp A-Hàm

Mở đầu
Quyển 01
Quyển 02
Quyển 03
Quyển 04
Quyển 05
Quyển 06
Quyển 07
Quyển 08
Quyển 09
Quyển 10

Quyển 11
Quyển 12
Quyển 13
Quyển 14
Quyển 15
Quyển 16
Quyển 17
Quyển 18
Quyển 19
Quyển 20

Quyển 21
Quyển 22
Quyển 23
Quyển 24
Quyển 25
Quyển 26
Quyển 27
Quyển 28
Quyển 29
Quyển 30

Quyển 31
Quyển 32
Quyển 33
Quyển 34
Quyển 35
Quyển 36
Quyển 37
Quyển 38
Quyển 39
Quyển 40

Quyển 41
Quyển 42
Quyển 43
Quyển 44
Quyển 45
Quyển 46
Quyển 47
Quyển 48
Quyển 49
Quyển 50

 

TẠP A-HÀM QUYỂN 13

 

KINH 304. LỤC LỤC[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[2], Câu-lưu-sấu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Có sáu pháp sáu[3]. Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.

“Sáu nội nhập xứ[4] là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ, thân nhập xứ, ý nhập xứ.

“Sáu ngoại nhập xứ[5] là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ. Sáu thức thân[6] là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Sáu xúc thân[7] là những gì? Đó là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân. Sáu thọ thân[8] là những gì? Đó là, nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc sanh thọ. Sáu ái thân[9] là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.

“Nếu có người nói rằng ‘mắt là ta’[10], điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu mắt là ta thì ta này phải chịu sanh tử[11]. Cho nên nói mắt là ta, điều này chẳng đúng. Cũng vậy, hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ta, thì điều này cũng chẳng đúng. Vì sao? Vì thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu thọ do mắt tiếp xúc sanh ra là ta, thì ta này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sanh ra là ta, thì điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta. Cũng vậy, thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải ta. Vì sao? Vì thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu là ta thì ta này phải chịu sanh tử, cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sanh ra là ta, thì điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết-bàn. Thế nào là thấy biết như thật về cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết-bàn?”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, mắt chẳng phải ta. Nếu sắc, nhãn thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc[12]; kia cũng quán sát là chẳng phải ta. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật về sự tác thành do mắt, cho đến chánh hướng Niết-bàn. Đó gọi là kinh nói về Sáu pháp sáu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 305. LỤC NHẬP XỨ[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[14], Câu-lưu-sấu, bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Ở nơi nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối, tương ưng, luyến tiếc, kết buộc tâm, năm thọ ấm được tăng trưởng[15]; và tham ái hữu đương lai[16] câu hữu với hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc[17], thân tâm thiêu đốt, thân tâm hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sanh ra cảm giác khổ. Vì thân sanh ra cảm giác khổ nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với mắt thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, thấy biết như thật; vì thấy rồi, nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp[18], không ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thọ ấm và tham ái hữu tương lai câu hữu tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc, tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai đều bị tiêu diệt và thuần một khối khổ ấm lớn cũng bị diệt.

“Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh đầy đủ, thì đó gọi là tu tập tám Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ rồi, thì bốn Niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ-đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập[19].

“Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. Những pháp nào cần phải biết, cần phải dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát. Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chánh quán.

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; thì đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, thật sự chứng đắc vô gián đẳng[20], đạt đến cứu cánh của mé khổ.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 306. NHÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: “Tỳ-kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo nên biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?’”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên[21] cho đến)... những thứ chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu[22], phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu[23].

“Lại nói như vầy: ‘Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.’ Kia giả lập rồi nói như vầy: ‘Vị Tôn giả này tên như vậy, sanh như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng như vậy.’ Này Tỳ-kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết[24]; tất cả các pháp này đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, thì chúng là khổ. Khổ này phát sanh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh mà các khổ khác không tiếp nối, không phát sanh nữa; thì đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,… thân, xúc làm duyên sanh thức thân, cả ba hòa hợp sanh ra xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Duyên ý và pháp sanh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, vàø bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Nếu có người nào, đối với các pháp này, tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển, đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, thì đó là thấy pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 307. KIẾN PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: “Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi là thấy pháp?” Suy nghĩ xong, từ nơi thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?’ Hôm nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải thích cho.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức… Nói đầy đủ như trên.”

Tỳ-kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ:

“Mắt, sắc, hai thứ duyên,

Sanh tâm và tâm pháp,

Thức, xúc cùng câu sanh,

Thọ, tưởng… đều có nhân.

Chẳng ngã, chẳng của ngã,

Chẳng phải phước-già-la,

Chẳng phải ma-nậu-xà,

Cũng chẳng ma-na-bà.

Đây là pháp sanh diệt,

Khổ ấm, pháp biến dịch,

Nơi pháp này giả tưởng,

Giả lập là chúng sanh.

Na-la, ma-nậu-xà,

Cùng với ma-na-bà,

Cũng còn nhiều tưởng khác,

Đều từ khổ ấm sanh.

Các nghiệp ái vô minh,

Ấm tích lũy đời khác.

Sa-môn các đạo khác,

Nói về hai pháp khác.

Nếu họ nói như vậy,

Nghe rồi càng nghi hoặc.

Tham ái dứt không còn,

Vô minh lặng, diệt hẳn,

Ái sạch, các khổ dứt,

Vô thượng, Phật nói rõ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 308. BẤT NHIỄM TRƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chư Thiên, người thế gian, đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời và người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với âm thanh, mùi, vị, xúc, pháp cũng yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời, người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật. Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết như thật thì không còn ưa thích, đắn nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, nên sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh. Ách ngại bị diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh ra xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi, pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại và khi đã hết trở ngại rồi thì gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

“Nơi sắc, thanh, hương, vị,

Xúc, pháp, sáu cảnh giới,

Một hướng sanh vui thích,

Ái nhiễm, vui đắm sâu.

Chư Thiên và Người thế,

Chỉ vì cái vui này,

Khi biến đổi, diệt mất,

Họ sanh ra khổ đau.

Chỉ có bậc Hiền thánh,

Thấy chúng diệt, an vui,

Cái vui của thế gian,

Quán sát đều là oán.

Hiền thánh thấy là khổ,

Thế gian cho là vui,

Cái khổ của thế gian,

Đối với Thánh là vui.

Pháp sâu xa khó hiểu,

Thế gian sanh nghi hoặc,

Chìm đắm trong tối tăm,

Mờ mịt chẳng thấy gì.

Chỉ có người trí tuệ,

Mở bày sự sáng tỏ,

Lời sâu xa như vậy,

Phi Thánh nào ai biết?

Không lại thọ thân sau,

Đạt xa lẽ chân thật.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 309. LỘC NỮU (1)[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già[26] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu[27], đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Đức Thế Tôn đã dạy, “Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn độc một mình[28].” Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này.”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Nếu sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục[29]. Nếu Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại[30]. Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với người thứ hai [31]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào giống như vậy, thì dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ, cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Vì hỷ ái không đoạn, không diệt. Ái dục không được đoạn trừ, không được biến tri, chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.

“Nếu có Tỳ-kheo nào đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ. Do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; được gọi là sống đơn độc một mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào giống như vậy, thì dù ở nơi lầu các, gác cao, cũng vẫn là sống đơn độc một mình. Vì sao? Vì tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã biến tri, chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình.”

Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, đảnh lễ mà đi.

*

 

KINH 310. LỘC NỮU (2)[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già[33] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo:

“Lành thay! Lành thay! Lộc Nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Nếu có Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp lại cũng nói như vậy.”

Tôn giả Lộc Nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

*

 

KINH 311. PHÚ-LAN-NA[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Phú-lan-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Phú-lan-na, nếu Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ,ï nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy.”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú-lan-na muốn an trú chỗ nào?”

Tôn giả Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian đi về xứ Thâu-lô-na ở phương Tây[35].”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Người ở Thâu-lô-na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa chưởi bới. Phú-lan-na, nếu ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, thì ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu-lô-na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na ở phương Tây này vẫn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họï ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục, ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Người Thâu-lô-na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối với ngươi, ngươi có thể tránh được. Nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, thì ngươi như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu-lô-na ở phương Tây dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi nữa, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng tay đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, thì sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết ta.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Giả sử những người này giết ngươi, thì sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu-lô-na phương Tây giết con, thì con nghĩ rằng: ‘Các đệ tử của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu-lô-na phương Tây này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải thoát.’”

Phật bảo:

“Lành thay! Phú-lan-na! Ông khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay ngươi có thể đến ở lại Thâu-lô-na. Ngươi nên đến độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn.”

Bấy giờ, Tôn giả Phú-lan-na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi đi.

Sáng hôm sau Tôn giả Phú-lan-na đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, trở ra, giao lại ngọa cụ, đem y bát du hành đến nước Thâu-lô-na phương Tây và an cư tại đó. Tôn giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu-bà-tắc và kiến lập năm trăm Tăng-già-lam, cúng dường các thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ. Trải qua ba tháng hạ, đầy đủ Tam minh, liền ở nơi ấy nhập Vô dư Niết-bàn.

*

 

KINH 312. MA-LA-CA-CỮU[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Ma-la-ca-cữu[37] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: không còn tái sanh đời sau nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp luật của Ta còn không biếng nhác; huống chi là ngày nay tuổi của ngươi đã già, các căn đã suy yếu, mà đối với pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt.”

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Ma-la-ca-cữu bạch như vậy ba lần.

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Hãy thôi đi!”

Ba lần nói như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà đáp lời của Ta.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Nếu đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?”

Ma-la-ca-cữu đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai đối với âm thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng nói như vậy.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Lành thay! Này Ma-la-ca-cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn[38]; cảm giác, do cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn.”

Và Phật nói bài kệ:

Nếu ngươi chẳng phải kia,

Kia cũng chẳng phải đây,

Cũng chẳng giữa hai bên,

Thì đây là mé khổ[39].

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?”

Ma-la-ca-cữu trình lên Phật bài kệ:

“Nếu mắt đã thấy sắc,

Mà mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Giữ lấy tướng yêu nhớ.

Người giữ tướng yêu thích,

Tâm thường bị vướng mắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng sắc tập sanh.

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Khiến tâm mình sụt giảm,

Nuôi lớn thêm các khổ,

Vĩnh viễn lìa Niết-bàn.

Thấy sắc chẳng chấp tướng,

Tâm mình theo chánh niệm,

Không nhiễm ái, ác tâm,

Cũng chẳng sanh hệ lụy.

Không khởi lên các ái,

Vô lượng sắc tập sinh,

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Chẳng thể hại tâm mình.

Ít nuôi lớn các khổ,

Lần lượt gần Niết-bàn.

Đấng Nhật Tôn đã nói,

Lìa ái, đạt Niết-bàn.

Nếu tai nghe các tiếng,

Tâm mất đi chánh niệm,

Cứ giữ tướng âm thanh,

Giữ chặt mà không xả.

Mũi, hương, lưỡi thưởng vị,

Thân, xúc, ý nhớ pháp,

Quên mất đi chánh niệm,

Giữ tướng cũng như vậy;

Tâm mình sanh yêu thích,

Buộc đắm bám vững chắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng pháp tập sanh,

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Sụt giảm hại tâm mình,

Nuôi lớn các tụ khổ,

Vĩnh viễn lìa Niết-bàn.

Chẳng nhiễm nơi các pháp,

Chánh trí, trụ chánh niệm,

Tâm mình chẳng nhiễm ô,

Lại cũng không thích đắm,

Chẳng khởi lên các ái,

Vô lượng pháp tập sanh,

Tham, sân, nhuế, hại, giác,

Chẳng lui giảm tâm mình,

Các khổ theo đó giảm,

Dần dần gần Niết-bàn.

Ái tận, Bát-niết-bàn,

Thế Tôn đã nói thế.

“Đó gọi là giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Vì như ngươi đã nói kệ:

Nếu mắt thấy các sắc,

Quên mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Giữ lấy tướng ái niệm.

Như trên, nói đầy đủ chi tiết.

Tôn giả Ma-la-ca-cữu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, làm lễ rồi đi.

Sau khi, Tôn giả Ma-la-ca-cữu đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến thành A-la-hán, tâm được giải thoát.

*

 

KINH 313. KINH PHÁP[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có kinh pháp, mà các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới; tuy đối với kinh pháp, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả[41], nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe kỹ và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, khi mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.’ Nếu Tỳ-kheo nào mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.’ Các ông nghĩ sao? Ở đây, người này có tín, có sở thích, có sở văn, có tư duy sở hành, có kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?[42]

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy[43].”

“Quy hướng trên pháp này, thì có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng nói như vậy.”

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới. Tuy đối với kinh pháp này, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 314. ĐOẠN DỤC[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 315. NHÃN SANH[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu mắt sanh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, thì khổ sanh khởi, bệnh đình trú, già, chết xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, thì khổ sanh cũng diệt, bệnh dứt, (già) chết biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 316. NHÃN VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và cũng có thể nói: ‘Đối với con mắt ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.’ Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra và đối với mắt không thể muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 317. NHÃN KHỔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 318. NHÃN PHI NGÃ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như ba kinh Nội lục nhập xứ, ba kinh Ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.

*

 

KINH 319. NHẤT THIẾT[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nói rằng ‘tất cả’, vậy thế nào là tất cả?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói rằng: ‘Đó không phải là tất cả, mà Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập riêng tất cả khác,’ thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Bà-la-môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 320. NHẤT THIẾT HỮU[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài nói tất cả đều có[48], vậy thế nào là tất cả đều có?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà-la-môn, ý ông thế nào, mắt là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Sắc là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Này Bà-la-môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên từ giã.

*

 

KINH 321. NHẤT THIẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả pháp. Nếu có người lại nói: ‘Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,’ thì người ấy chỉ nói trên ngôn thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như ba kinh Bà-la-môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ-kheo khác hỏi và ba kinh Tôn giả A-nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.

*

 

KINH 322. NHÃN NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ, Thế Tôn chỉ nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo này:

“Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại[49]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy.”

Lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế nào ý là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại, thì đó gọi là ý nội nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Như lời Đức Thế Tôn đã dạy về sắc ngoại nhập xứ, Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi Phật:

“Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Như thanh, mùi vị cũng như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế Tôn đã nói về xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ, vậy thế nào là xúc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do tứ đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là xúc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể thấy, không đối ngại. Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 323. LỤC NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 324. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp ngoại nhập xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 325. LỤC THỨC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 326. LỤC XÚC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xúc thân. Đó là nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân. Đó là sáu xúc thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 327. LỤC THỌ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thọ thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó gọi là sáu thọ thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 328. LỤC TƯỞNG THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu tưởng thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 329. LỤC TƯ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu tư thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tư và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Đó gọi là sáu tư thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 330. LỤC ÁI THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi là sáu ái thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 331. LỤC CỐ NIỆM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ luyến nhớ[50]. Đó là luyến nhớ sắc, luyến nhớ thanh, luyến nhớ hương, luyến nhớ vị, luyến nhớ xúc, luyến nhớ pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 332. LỤC PHÚ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ che đậy[51]. Đó là sắc hữu lậu giữ tâm che đậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu giữ tâm che đậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 333. VÔ THƯỜNG[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh ra nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Như vô thường, thì khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.

Như bốn kinh Nội nhập xứ, bốn kinh Ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.

*

 

KINH 334. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ-kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.

“Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Đó là, nghiệp là nhân, nghiệp là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.

“Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.

“Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.

“Vô minh có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy đúng là hệ phược của vô minh.

“Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng? là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư duy đúng nên sanh ra si mê. Sự ngu si ấy là vô minh. Dục cầu si mê gọi là ái. Hành vi do ái tạo tác nên gọi là nghiệp.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh. Vô minh là nhân của ái. Ái là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

 

KINH 335. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Đệ nhất nghĩa không. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số[53]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.

“Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 336. LỤC HỶ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu hỷ hành[54]. Đó là: Này các Tỳ-kheo, nếu ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ-kheo gọi đó là sáu hỷ hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 337. LỤC ƯU HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ưu hành[55]. Đó là, này các Tỳ-kheo, nếu mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến hành nơi pháp xứ này, các Tỳ-kheo gọi đó là sáu ưu hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 338. LỤC XẢ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xả hành[56]. Đó là, này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến hành nơi pháp xứ này, thì đó gọi là sáu hành xả của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 339. LỤC THƯỜNG HÀNH (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành[57]. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí, thì đó gọi là sáu thường hành của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 340. LỤC THƯỜNG HÀNH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu sáu thường hành này, là điều thế gian khó làm được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 341. LỤC THƯỜNG HÀNH (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu sáu pháp thường hành này, là điều thế gian khó làm được, thì người này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 342. LỤC THƯỜNG HÀNH (4)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu được sáu pháp thường hành này, thì nên biết đó là Xá-lợi-phất v.v… Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].    Kinh Sáu Sáu; Đại Chánh, quyển 13, kinh 304. Ấn Thuận xếp lại vào quyển 12. Quốc Dịch quyển 11. Phẩm x, Tương ưng Lục nhập (tiếp theo kinh 282). Pāli, M.148. Chachakka-sutta.

[2].    Câu-lưu-sưu Điều ngưu tụ lạc 拘留搜調牛聚, xem cht.38, kinh 245; cũng dịch là Điều phục bác ngưu tụ lạc 調伏鉢牛聚落, kinh 247.

[3].    Lục lục pháp 六六法. Pāli: cha chakāni.

[4].    Nội nhập xứ 內入處. Pāli: ajjhatika āyatana.

[5].    Ngoại nhập xứ 外入處. Pāli: bāhira āyatana.

[6].    Thức thân 識身. Pāli: viññāṇakāya.

[7].    Xúc thân 觸身. Pāli: phassakāya.

[8].    Thọ thân 受身. Pāli: vedanakāya.

[9].    Ái thân 愛身. Pāli: taṇhakāya.

[10].   Pāli: cakkhu attā ti, mắt là tự ngã.

[11].   Pāli: attā me uppajjati ca veti cā ti, tự ngã của tôi sanh và diệt.

[12].   Pāli: cakkhuñca bhikkhave paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, tiṇṇaṃ saṅgati samphassa; samphassa-paccayā uppajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; do duyên xúc, cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc sanh.

[13].   Pāli, M. 149. Mahāsaḷāyatana-sutta.

[14].   Xem cht.2, kinh 304.

[15]Pāli: tassa sārattassa samyuttassa samūḷhassa assādānupassino viharato āyatiṃ pañcupādānakkhandhā upacayam gacchanti, vị ấy an trụ với quán sát vị ngọt, tham đắm, hệ phược, mê muội; do vậy năm thủ uẩn tương lai được tích tập.

[16].   Đương lai hữu ái tham hỷ (...)當來有愛 (trong bản in nhầm thụ ) 貪喜. Ấn Thuận thêm: bỉ bỉ lạc trước彼彼樂著. Pāli: taṇhā cassa ponobbha vikā nandī-rāgasahagatā tatratatrābhinandinī, khát ái hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, thích thú (sẽ sinh) chỗ này chỗ kia.

[17].   Thân tâm bì ác 身心疲惡.Pāli: kāyikāpi darathā... cetasikāpi darathā pavaḍḍhanti, những sự bất an của thân, của tâm đều tăng trưởng.

[18].   Xem lại đoạn trên: (…) không tương ưng.

[19].   Đối với bốn Thánh đế: Khổ nên biết, Tập nên đoạn, Diệt nên chứng, Đạo nên tu.

[20].   Nghĩa là thành tựu hiện quán Thánh đế, chứng đắc Tu-đà-hoàn.

[21].   Xem kinh 213.

[22].   Trong bản: sĩ kỳ 士其; đây sửa lại sĩ phu 士夫. Xem cht. dưới.

[23].   Các danh từ và ý niệm liên hệ tự ngã: na-la (Pāli: nara, con người, nói chung), ma-nậu-xà (manussa, con người trong xã hội), ma-na-bà (māṇavaka, niên thiếu), sĩ phu (puggala, con người nhân vị hay nhân xưng), phước-già-la (puggala, tức sĩ phu, hay con người), kỳ-bà (jīva, mạng, sanh mạng hay linh hồn), thiền-đầu (jantu, sanh loại).

[24].   Hán: tưởng, chí, ngôn thuyết , , 言說 , tức chỉ cho giả tưởng, giả tự xưng và giả ngôn thuyết.

[25].   Lưới bắt nai. Tên người. Pāli, S. 35. 63. Migajāla.

[26].   Yết-già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.

[27].   Lộc Nữu Pāli: Migajāla.

[28].   Đệ nhị trú 鹿紐. Pāli: sadutiyavihārī, sống với người thứ hai. Nhất nhất trú 一一住. Pāli: ekavihārī, sống một mình.

[29].   Pāli: kāmupasaṃhitā rajaniyā, (sắc bị) tham nhiễm liên kết với ái dục.

[30].   Ách ngại 阨礙 bị cái ách cùm cổ. Pāli: saṃyogo, sự kết buộc (buộc cổ hai con bò vào một cái ách).

[31].   Tức người sống chung thứ hai.

[32].   Pāli, như kinh 309.

[33].   Yết-già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.

[34].   Pāli, M. 145. Puṇṇovāda-sutta.

[35].   Tây phương Thâu-lô-na 西方輸盧那. Pāli: Sunāparantaka; quê của Phú-lan-na.

[36].   Pāli, S. 35. 95. Saṅgayha.

[37].   Ma-la-ca-cữu 摩羅迦舅. Pāli: Mālukyaputta.

[38].   Kiến dĩ kiến vi lượng 見以見為量. Pāli: diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sẽ chỉ thấy nơi cái được thấy.

[39].   Pāli: tato tvaṃ, mākukyaputta, nevidha,nahuraṃ na ubhayam antarena. Esevanto dhussā’ti, vì vậy, Māluhyaputta, ngươi đời này không có, đời sau không có, giữa hai đời không có. Đây chính là chỗ tận cùng sự khổ.

[40].   Pāli, S. 35. 152. Atthinukhopariyāya.

[41].   Pāli: atthi nu kho, bhikkhave, pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma bhikkhu aññtreva saddhāya aññatra ruciyā, aññatra anussavā, aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā aññanaṃ vyākāreyya: khīṇā jāti…, có pháp môn nào, mà y trên pháp môn đó, chứù không y nơi tín tâm, không y theo sở thích, không y nơi sự học hỏi, không y nơi luận biện, y nơi sự đam mê suy lý huyền tưởng, mà Tỳ-kheo có thể tuyên bố: “sự sanh đã dứt”.

[42].   Pāli: api nume bhikkhave dhammā saddhāa vā viditabbā, ruciyā vā veditabbā... No hetam bhante, những pháp này có phải được do bởi có tín, do bởi có sở thích...? Bạch Thế Tôn, không.

[43].   Bản Pāli: trả lời “không phải”.

[44].   Pāli, S. 27. 1. Cakkhu.

[45].   Pāli, S. 26. 1. Cakkhu.

[46].   Pāli, S. 35. 23. Sabba.

[47].   Pāli, như kinh trên; nhưng nội dung không hoàn toàn tương đồng. Hình như kinh này riêng biệt của Hữu bộ, là cơ sở giáo lý về chủ trương “Nhất thiết hữu”. Chú thích của Ấn Thuận.

[48].   Nhất thiết hữu 一切有.

[49].   Vô kiến, hữu đối 見有對. Quan điểm về nội xứ của Hữu bộ. Xem Câu-xá luận 1 và 2.

[50].   Lục cố niệm 六顧念.

[51].   Lục phú 六覆.

[52].   Pāli, S. 35. 7-12. Anicca, v.v...

[53].   Tục số pháp 俗數法, tức pháp nói theo tục đế.

[54].   Lục hỷ hành 六喜行, Tập Dị Môn Túc Luận 15: sáu hỷ cận hành. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha somanassūpavicārā: cakkhunā rūpaṃ dsvā somanassṭhāniyaṃ rūpaṃ upavicarati, sau khi nhận thức sắc bằng con mắt vị ấy tư niệm (đi sát, tiếp cận) sắc tùy thuận với hỷ.

[55].   Lục ưu hành 六憂行, cũng nói là sáu ưu cận hành; sđd. như kinh trên.

[56].   Sáu xả hành 六捨行, hay sáu xả cận hành, xem sđd. như kinh 315 trên.

[57].   Sáu thường hành 六常行, cũng nói là sáu hằng trú; xem Tập Dị Môn Túc Luận 15. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha satata-vihārā: bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā n’eva sumano hoti na dummano upekkho viharati sato sampajāno, Tỳ-kheo khi thấy sắc bởi mắt mà không khoái ý cũng không bất mãn nhưng an trụ xả với chánh niệm chánh trí.

 

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 24-02-2004