BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Họ đã nghĩ như thế
Giác Nguyên dịch Việt


  

[21]

Lá thư cho những người tìm đạo


Bài viết sau đây của Ðại đức Kittisaro, đã được đăng tải trên tờ báo riêng Newsletter của chùa Devon Vihàra vào tháng 9 năm 1987.

Thân gởi các pháp hữu trên toàn thế giới.

Trước hết tôi xin gởi lời chào đầy đạo tình đến mọi người để có thể bắt đầu đi vào lá thư. Có thể tôi đã có dịp gặp gỡ các vị tại ngôi chùa này vào mùa hè năm nay hoặc trong một buổi công giảng nào đó của tôi nhưng tôi vẫn chưa có dịp viết một lá thư để gởi đến các vị. Tôi nghĩ rằng quả là một nhân duyên lớn khi từng người trong số chúng ta tự thấy được rằng mình là một thành viên có mặt trong một tập thể đông đảo cùng hướng về cứu cánh giải thoát. Sự thành tựu một tập thể hướng thượng như vậy chính là sức mạnh của tăng chúng. Chữ Pàli "Sangha" chỉ có nghĩa đơn giản là một nhóm đông, một cộng đồng, một sự góp mặt của nhiều người. Còn nói riêng về thuật ngữ Phật giáo thì danh từ này được sử dụng với một ý nghĩa rất chuyên biệt.

Tăng chúng là một trong ba ngôi báu , một trong ba đối tượng để tất cả Phật giáo đồ quy ngưỡng bằng cách đưa cả ba thần tượng này vào trong chính cuộc tu của mình ở từng phút từng giây thông qua một lời phát nguyện quy y.

Vậy thì chư Tăng chúng trong lời nguyện đó là gì và có ý nghĩa như thế nào trên hành trình giải thoát của chúng ta? Nói một cách chính xác nhất, Tăng chúng trong trường hợp này ám chỉ cho tất cả những cá nhân đã thành tựu Chánh Tri Kiến. Nói khác đi, đó là một tập thể của các vị thánh nhân bất luận Tăng, Tục, nam phụ lão ấu. Và điều đặc biệt hơn nữa, các thành viên trong tập thể này rất có thể là những người chưa từng được xem là Phật tử. Miễn sao đó là những người có khả năng làm chủ được chính mình và toàn bộ đời sống sinh hoạt của họ luôn được điều động bởi trí tuệ như thật.

Từng người trong Thánh chúng là những vị đã thấu đáo được nguyên lý Tứ Ðế. Các vị chứng ngộ được cứu cánh thoát khổ và cảm nghiệm trọn vẹn sự an lành tuyệt đối của một người giác ngộ. Ngoại trừ ra bậc A La Hán , các tầng Thánh còn lại phải tiếp tục tu học để nâng cao trình độ Chánh Tri Kiến của mình. Con đường đó của các Ngài cũng hoàn toàn giống như hành trình tu học của các phàm phu chúng ta. Các Ngài vẫn phải liên tục tri nhận một cách chín chắn từng phút giây thực tại theo đúng tinh thần của pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Nói gọn lại Thánh chúng hay tập thể Tăng chúng Thánh nhân là bao gồm những con người trí tuệ, những bậc hiền giả thật sự.

Các Ngài cũng vẫn là những con người bình thường như chúng ta nhưng tại sao lại được xem là một trong ba đối tượng để chúng ta quy ngưỡng? Ðây là một câu hỏi rất quan trọng nhưng câu trả lời thì rất đơn giản: Chính vì các Ngài là những con người có thật, cũng bằng xương bằng thịt, chúng ta có thể gặp gỡ được các Ngài trong đời sống thường nhật và nhờ vậy các Ngài đã mặc nhiên trở thành một biểu tượng sống động cho con đường giải thoát mà chúng ta đang phải đi qua. Chính tính cách cụ thể và điển hình đó của các Ngài đã dễ dàng tác động vào chúng ta một cách hiệu quả trong khi khái niệm về Phật bảo và Pháp bảo thì đối với phần đông xem ra có vẻ xa vời và trừu tượng hơn nhiều. Chính Thánh chúng đã mang lại cho cuộc đời những lời dạy, có thể bằng ngôn từ, có thể bằng nhân cách.

Phải nhớ thêm rằng một nhãn hiệu hay một thông tin mang ý nghĩa tôn xưng hoặc phủ nhận ai đó là Thánh nhân hay phàm phu, đối với chúng ta quả thật không cần thiết. Bởi vì cho dầu có tò mò đến mấy, trong tự thâm tâm, chúng ta cũng không sao tránh được một nỗi hoài nghi về những thông tin và nhãn hiệu đó.

Vấn đề quan trọng nhất chính là việc chúng ta tự hàm dưỡng lấy cho chính mình cái khả năng cảm nhận và đánh giá bằng chính trí tuệ bản thân. Chính khả năng đó mới khả dĩ đem lại cho chúng ta những người bạn tốt. Một người bạn tốt có đủ những tiêu chuẩn đã nói ở phần trước luôn được Ðức Phật xếp vào hàng ngũ tăng chúng của Ngài. Ngài dạy đó là những vị "Xứng đáng nhận được các tặng vật, xứng đáng nhận được các lễ phẩm, các cử chỉ tôn kính của người khác. Các vị là phước điền vô thượng cho đời". Và dầu có nói như thế nào đi nữa thì Tăng bảo vẫn là một chỗ nương nhờ cho những người tu học. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó.

Như đã nói, theo kinh văn thì Tăng chúng được ám chỉ cho các vị tỳ kheo và tỳ kheo ni nhưng nếu giải thích một cách rốt ráo thì từ ngữ tăng chúng có nghĩa rộng hơn, gồm luôn tất cả những ai thành tựu được Chánh Tri Kiến. Bởi một điều hết sức rõ ràng là lá y với chiếc đầu không tóc xem ra vẫn chưa đủ để đảm bảo những giá trị trí tuệ và đức hạnh. Nếp sống xuất gia chỉ thực sự có giá trị khi được thực hiện một cách nghiêm túc và hết mình để nhờ vậy giới tu sĩ mới có điều kiện phát triển đời sống nội tâm. Thực tế đã cho ta thấy rằng hình thức sống không quan trọng, mà tinh thần sống mới là điều quyết định giá trị của một tập thể hay cá nhân. Từ đó suy ra, cái gọi là Tăng chúng trong chùng mực nào đó, không hề bị giới hạn trong một màu áo hay nhãn hiệu tôn giáo nào cả.

Như vậy, ở một định nghĩa rộng rãi và chính xác nhất, ý nghĩa của chữ Tăng Chúng chỉ được qui định từ chính nội dung của mỗi cá nhân trong tập thể mà thôi. Nhiều cá nhân như vậy sẽ hình thành nên cái gọi là Tăng Bảo, Tăng Chúng. Trong khi thế giới phàm phu là một dòng thác lũ xô bồ và tạp loạn với đủ thứ tình cảm, định kiến và thống lụy thì thánh chúng của Ðức Phật quả là một vùng biển lặng, bình yên, thâm sâu mà vẫn tươi mát đủ mang lại cho người náu nương một sự yên tâm, an lòng. Tăng Chúng là những người bạn tốt, những người thầy có nhiệt tâm để nâng bước và hoàn chỉnh chúng ta. Niềm tin của chúng ta đặt nơi Tăng Chúng phải được xây dựng để thành ra một phần máu xương của đời sống, những tần số, tín hiệu chính xác nhất. Trình độ tu chứng của mỗi người không thể được đánh dấu bằng những con tem xác nhận.. Nếu chúng ta cứ dại khờ chạy theo một nhãn hiệu nào đó để cố tin rằng ông này đã chứng Dự Lưu, bà kia là vị Bất Lai... thì xem ra chúng ta vẫn cứ là một người mù lòa bám theo tay người khác và suốt đời sẽ phải bị đau đầu vì những con dấu hỏi vô ích.

Nói vậy có nghĩa là chúng ta không cần thiết phải làm thỏa mãn tính tò mò của mình bằng cách tin bừa vào quả vị chứng ngộ của ai nhưng điều này cũng không có nghĩa là chúng ta chối bỏ hoàn toàn việc xác nhận ai đó là bậc hiền trí, một vị thiện hữu, một người thầy khả kính. Tuy không nhắm mắt tin theo lời người khác để vội vã đánh giá một các nhân nào nhưng bằng vào khả năng cảm nhận của bản thân, nếu chúng ta xác nhận được ai đó là đối tượng đáng để cho mình học hỏi rồi tôn kính và gần gũi họ, thì đây cũng là một điều hết sức quan trọng. Bởi chúng ta cũng còn nhớ rằng Ðức Phật đã từng dạy người Phật tử nên thân cận các bậc hiền trí hơn là những người thiếu trí. Thái độ sống nhờ cậy này của chúng ta không còn là một sự theo đuổi mù quáng nữa, mà đây chính là những bước đầu để chúng ta học cách xác định cái gì là thiện ác, đúng sai thông qua khả năng phản ánh của tự tâm. Rồi cũng từ chặng đường đó, chúng ta sẽ bắt đầu học được cách trân trọng những đức tánh giá trị để ân đức Tăng bảo lúc này sẽ thành ra một nguồn đạo lực quan trọng cho chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên thông minh hơn và từ cảnh giới tư tưởng của phàm phu, chúng ta sẽ tiếp nhận được những hướng dẫn mang nội dung vượt thoát. Chúng ta sẽ nghe được những giáo lý như thật về Ta, về Người, về Thời Gian, về những Khát Vọng và sau cùng là được nghe về tất cả những gì đã làm nên sự hiện hữu chính mình.

Ngay trong lời phát thệ quy y Tăng bảo coi như chúng ta đã nói lên ước nguyện tìm thấy cho mình người bạn lành trong nội tâm. Tăng chúng trong lòng ta không còn là những đối tượng tương giao mang tính chủ khách nữa, ở đây Tăng chúng đã trở thành một thứ đạo tình vô phân biệt: Tăng chúng là biểu tượng cho các đức tính và các đức tính dĩ nhiên phải được xem là một phần nội tâm của chúng ta. Thậm chí tôi còn muốn tất cả các bạn hãy đọc lá thư này bằng cái đạo tình đó nữa.

Với tất cả những gì tôi đã nói về Tăng Bảo tức Tăng Chúng nãy giờ, tôi mong tất cả các bạn hãy cùng tôi đi xa hơn nữa trong định nghĩa này. Nếu Tăng Chúng đã được hiểu là những biểu trưng cho các đức tính thì ngay khi có lòng quy ngưỡng Tăng chúng, chúng ta đã đồng thời nhắc lại lời phát thệ quy ngưỡng Phật bảo và Pháp bảo thêm một lần nữa. Như vậy hễ nhắc đến Tăng bảo thì chúng ta không chỉ đơn giản nói tới một cá nhân hay tập thể nào hết, mà sâu rộng hơn, chúng ta phải nhớ tới tất cả những gì được xem là nguồn đạo lực cho cuộc tu của mình.

Mùa hè năm nay tôi đã có được một cơ hội thật tuyệt vời để cảm nghiệm trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ "Tăng Chúng": Ðó là từng buổi hướng dẫn các thiền sinh, từng giờ đàm luận Phật pháp, những buổi hành lễ chung với chư tăng và các cô nữ tu học trò tôi và đặc biệt là với đại đức Sumedho, người thầy khả kính của tôi. Tôi đã học khá nhiều điều thú vị từ sự góp mặt của từng người trong tập thể. Nhớ lại chuyện từ hồi xưa cho đến bây giờ, kể từ ngày bỏ nhà ra đi để trở thành một tu sĩ với lý tưởng tìm đạo giải thoát, tôi đã được Tăng chúng giúp đỡ rất nhiều. Các bạn có biết không, trên suốt con đường tu học của bản thân, chúng ta không sao phủ nhận được cái đạo tình của các pháp hữu mà ở đây tôi muốn các vị gọi là Tăng chúng. Dù có ở đâu và với trình độ tu học như thế nào, chúng ta vẫn luôn là bé bỏng trong sự chở che của Tăng Chúng. Với sự trợ lực của Tăng Chúng, đời tu của chúng ta sẽ mỗi lúc một tốt hơn và chúng ta cũng sẽ ngày một xứng đáng với tất cả ân tình của đời sống.

Nói vậy có nghĩa là trong Tăng Chúng luôn có Tăng Chúng và chính Tăng Chúng tạo ra Tăng Chúng. Chưa hiểu gì về Tăng Chúng, chưa được sống trong cái tình pháp hữu thật sự thì coi như chúng ta vẫn cứ mãi tự cô lập mình trong một cái lồng kín Tôi và Của Tôi vốn mong manh như một bong bóng nước. Tự nhốt mình trong một thế giới như vậy, không gian sinh hoạt của chúng ta và cả thời gian tồn tại của chúng ta coi như đã bị thu hẹp, niềm hạnh phúc có được từ tha nhân cũng vì vậy mà bị giới hạn. Tôi nghĩ rằng các bạn cũng có những suy nghĩ như tôi vừa nói.

Nào, bây giờ chúng ta hãy thử kiểm tra lại cảm giác của mình khi có một nếp sống nội tâm hòa nhập với Tăng Chúng, một tập thể gồm những người hiền trí và tịnh lạc. Như đã nói, Tăng Chúng luôn đem lại cho chúng ta một sức mạnh trí tuệ và niềm hạnh phúc có được từ thành quả tu học đó sẽ giúp chúng ta được thư giãn, niềm tin của chúng ta càng được củng cố. Phải nói rằng đối tượng của niềm tin đó là một sức mạnh rất lớn. Ta hãy thử nghĩ xem, với những định nghĩa trên đây thì số lượng Tăng Chúng quả là vô hạn và từng người trong tập thể đó đều là những cá nhân sống tỉnh thức trước mọi bản chất của cuộc đời trong từng giây phút. Ðối với một tâm hồn bị ràng buộc trong những định kiến phân biệt thì một sự hòa nhập như vây chính là một nguồn đạo lực vô cùng quan trọng. Tất nhiên là trong đời sống của chúng ta vẫn còn trăm thứ nhiêu khê khác nhưng với một niềm tin vào Tăng Chúng, chúng ta vẫn có thể tự tại tu học. Niềm tin vào Tăng Chúng là một thứ đạo tình mang giá trị của một nguồn đạo lực giúp ta xây dựng được Chánh Tri Kiến và phá vỡ được cái không gian tù túng của ngã chấp mà từ bấy lâu nay chúng ta vẫn bị giam giữ trong đó.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta dĩ nhiên không thể dễ dàng chọn hay tránh những người đồng trú một cách như ý. Tuy nhiên giữa tất cả những nghịch cảnh và thử thách khốc liệt nhất chúng ta vẫn có thể tìm thấy cho chính mình một sức mạnh tu học từ thái độ hiểu biết và quy ngưỡng Tăng Chúng. Tăng Chúng theo đúng như định nghĩa mà tôi đã nói ở trước thì luôn có thể hiện diện ở bất cứ nơi đâu và vào lúc nào. Ðôi lúc chúng ta nếu cần thì cũng tạm thời quên đi những người chung quanh mình nếu họ không thật sự có được những giá trị của một thành viên trong Tăng Chúng. Ðối với chúng ta lúc này, hình bóng Tăng Chúng đã được thiết lập vững chắc ngay trong nội tâm, bất cứ ai, kể cả những người trong gia đình của chúng ta cũng đều có thể là Tăng Chúng được cả và ai cũng có thể giúp chúng ta những lời dạy quý giá. Nói tóm lại, chính niềm tin nơi Tăng bảo đã biến chúng ta thành ra một bậc hiền giả đức hạnh và đồng thời cũng mang lại cho chúng ta một bậc hiền giả đức hạnh. Ðó là một hiền giả luôn im lặng nhưng nói rất nhiều và bổn phận của chúng ta là phải biết trân trọng, tri ân bằng tất cả chân thành.

Mong sao các bạn luôn tìm thấy cho mình một người pháp hữu như vậy.

Thân ái,
Tỳ kheo Kittisaro.

-Hết-

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Ðẳng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 01-10-2003