BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Họ đã
nghĩ như thế
Giác Nguyên dịch Việt
[15] Ðại đức KittisaroThiền định giữa đời thườngTiểu sử: Ðại đức Kittisaro (Randolph Weinberg) sinh năm 1952 tại Tennessee. Thời trẻ, đại đức học hành rất giỏi. Sau khi đạt nhiều giải thưởng quan trọng tại trường trung học, vào năm 1974 đại đức lại được tốt nghiệp với số điểm thi xuất sắc về hai môn Sử và Triết ở đại học Princeton. Sau đó dù rất muốn học ngành Y nhưng theo yêu cầu trong học bỗng của đại học Princeton, đại đức phải vào học khoa Anh văn tại đại học Oxford. Trong thời gian thực hiện bản luận án về Aldous Huxley, đại đức đã dần dần nghĩ về đời sống nội tâm. Ðể công việc nghiên cứu được tốt hơn, đại đức đã tìm những chỗ vắng vẻ và thật tình cờ, đại đức đã tìm đến một trung tâm Phật giáo tại Oakenholt gần khu Oxford. Chính tại đây, đại đức đã gặp một nhà sư Miến Ðiện (Thượng tọa tiến sĩ Revata Dhamma) và tiến sĩ Douglas Burns, học trò của Ngài thiền sư Ajahn Chah. Ðược nghe kể về Ngài Ajahn Chah và Ngài Sumedho, đại đức Kittisaro đã quyết định tìm sang Thái Lan để xuất gia. Tháng 2 năm 1977, đại đức Kittisaro đã thọ giới sa di tại chùa Pah Pong rồi bốn tháng sau lại thọ giới tỳ kheo, cùng với Ngài Ajahn Chah. Trong hai năm sống ở Thái Lan, đại đức Kittisaro đã mắc phải chúng bệnh sốt nhiễm khuẩn và tưởng đã không qua khỏi. Thế rồi trong khi bệnh vẫn chưa bình phục, vì quá nhớ nhà, đại đức đã trở về Mỹ. Từ Hoa Kỳ, đại đức không quay lại Thái Lan mà đi sang Anh Quốc sống với các huynh đệ người Tây Phương ở Chithurst. Ðến lúc này, tình trạng sức khỏe của đại đức ngày càng tệ hại hơn để mãi đến mấy năm sau mới từ từ hồi phục. Từ năm 1985 đến năm 1988, đại đức là trụ trì tại chùa Devon Vihàra. Bài viết sau đây là những câu trả lời của đại đức Kittisaro về Phật pháp tại một buổi công giảng ở Bath và cho những câu hỏi của các giáo sư Tôn Giáo Học đến viếng Devon Vihàra. Những câu vấn đáp này đều được thực hiện năm 1986. Thiền Ðịnh Giữa Ðời Thường. Hỏi: Ðại đức có thể cho chúng tôi được biết nếp sống sinh hoạt thường nhật của đại đức không ạ? Ðáp: - Ở chùa, chúng tôi luôn thức dậy lúc bốn giờ sáng để tập thể dục và làm vệ sinh cá nhân cho đến 4:45 giờ. Từ năm giờ sáng, là thời gian tụng kinh, thắp hương, đốt nến, chưng hoa và quỳ gối cầu nguyện. Tất cả những động tác này đối với chúng tôi là những chuẩn bị để bắt đầu cho một ngày mới bằng tất cả tấm lòng hướng về Ðức Phật với mong mỏi được sống trong chánh niệm và tỉnh thức. Có thể nói đó là hướng sinh hoạt chung cho trọn ngày của chúng tôi. Huynh đệ chúng tôi luôn có chung một lời cầu nguyện là "mong sao từng hơi thở của mình trong ngày hôm nay đều mang lại niềm an lành cho tất cả chúng sinh". Sau đó chúng tôi ngồi thiền và thường thì thời gian này được kéo dài trong một tiếng đồng hồ. Lúc 6:30 giờ, chúng tôi lau dọn phòng ốc rồi uống một chút gì đó để lót dạ như trà hay bột ngũ cốc. Sau đó, riêng phần tôi thì có thể đọc sách hoặc trò chuyện với huynh đệ. Công việc này cũng không chiếm nhiều thời gian và chúng tôi lại đi khất thực quanh các khu dân cư lân cận. Trên đường đi, chúng tôi không được có một thái độ hay cử chỉ nào không cần thiết. Việc khất thực đối với chúng tôi chỉ là một bổn phận phải được thực hiện trong một cung cách thật chuẩn mực: không cố ý làm phiền đến ai, cố tránh mọi thái độ có thể gây phiền phức hoặc khó xử cho bất cứ ai, mà chỉ lặng lẽ đi qua từng nơi vừa đủ để người ta biết đến sự có mặt của mình. Chúng tôi phải luôn tỏ ra sẵn sàng nhã nhặn và nghiêm túc trước những người đặt bát hoặc muốn trao đổi gì đó. Hiện nay trong khu vực gần chùa chúng tôi đã có khoảng mười lăm gia đình là thí chủ thường xuyên thỉnh về cúng dường tại cư gia theo lịch trình các ngày trong tháng. Như vậy trong giờ khất thực, chúng tôi chỉ từng bước lặng lẽ với chiếc bình bát trong tay mà không nói hay làm cái gì thừa thãi. Chúng tôi dùng cơm trưa lúc 11:30 giờ. Thức ăn gồm những món khất thực được hoặc cũng có thể là các thứ Phật tử mang đến tận chùa cúng dường. Sau giờ ăn, tất cả chúng tôi về phòng riêng nằm nghỉ một lát. Bắt đầu từ buổi xế chiều trở đi, tôi luôn có nhiều việc để làm. Chẳng hạn như gặp gỡ khách khứa và dạo một vòng tu viện để nhắc nhở các lớp thiền và lớp học. Chúng tôi thư dãn bằng cách uống trà trong đôi ba phút rồi sau đó là lên chánh điện lúc 7:30 giờ tối để tụng kinh, đôi khi là có các Phật tử quanh vùng cùng đến dự. Mỗi tuần có ít nhất là hai buổi chiều thuyết pháp cho các Phật tử và một đêm thức trắng để thiền định trong hai tư thế thiền tọa và kinh hành. Có thể nói rằng chúng tôi phải mất hàng mấy năm trời để tu học được cách sống chung đụng trong một tập thể gồm toàn những người dưng với nhau, học cách đối nhân xử thế, học cách sống cô đơn và đạm bạc trong một điều kiện vật chất hạn chế tối đa. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến cái khó khăn nhất của đời sống tập thể là phải biết lãng quên chính mình đi, không cực lòng về cái vị trí của mình trước mọi người. Những khi rỗi rảnh, tôi vẫn luôn tìm đến vấn an các bậc trưởng lão. Ðối với tôi, việc đó luôn mang ý nghĩa nối kết tình pháp hữu mà không cần thiết phải bận tâm đến việc đánh giá xem các vị đó có hơn kém gì mình. Tôi cho đó là một cách sống thiết yếu và có nhiều ý nghĩa: Trước hết là tinh thần tôn ti trật tự và sau đó còn là dịp để học thêm đức tính khiêm cung. Trong một ngôi chùa, mỗi cá nhân là một thành viên và không có qui định nào để ai đó có thể tự cho mình là khôn ngoan hơn cả. Càng lúc, tôi càng thấm thía được cái ý nghĩa tuyệt vời trong việc vấn an, đảnh lễ các bậc tôn túc. Hỏi: Xin Ngài cho biết một nếp sống được xem là cần thiết cho người Phật tử? Ðáp: - Thường thì Ðức Phật đề nghị các Phật tử cư sĩ nên giữ tròn năm học giới ngay trong đời sống thường nhật của mình. Ðó là: Tránh sát sinh, tránh trộm cướp, tránh gian dâm (quan hệ tình dục bất hợp pháp), tránh nói dối, và tránh uống các thứ gây say. Có giữ được năm học giới này ta mới có dịp để hoàn chỉnh nhân cách tốt hơn và giữ giới trong tinh thần hiểu biết. Chúng ta phải thấy được một cách rõ ràng là đời sống của mỗi người luôn bị thúc đẩy bởi đủ thứ ham muốn và chúng ta nên cố gắng trung thực nhìn thẳng vào lòng mình để khỏi phải sống tuân theo cái bản năng cuồng điên. Chúng ta phải thấy được cái nguy hiểm từ các áp lực tham dục đối với những sự vật cần được nhìn thấy. Chẳng hạn bia, rượu cùng các thứ thuốc kích thích khác đều là những thứ làm ta mê muội đi. Nếu không có phát nguyện thọ trì các học giới thì chúng ta rất khó có được cái trang bị tâm lý để kiêng khem những đòi hỏi vật chất tội lỗi. Nhưng nhờ có một lời nguyện trước Tam Bảo thì chỉ riêng cái ý nghĩa tinh thần của nghi thức đó cũng có thể giúp ta dễ dàng thực hiện hơn. Các học giới tuy có vẻ đơn giản nhưng cái giá trị thực dụng thì lớn lắm. Không giữ được các học giới, chúng ta không thể đủ sức hiểu được cái đau khổ của đời sống, trong khi con đường giác ngộ giải thoát lại được bắt đầu từ đó. Hỏi: Ðạo Phật có nói gì về tình yêu hay không? Ðáp: - Phật giáo dạy rằng sự yêu thương, trong bất cứ trường hợp nào, cũng nên có sự hiểu biết đi chung. Thông thường thì chúng ta cứ khư khư một định nghĩa về hai chữ yêu thương: đó là cảm giác "thấy thích, muốn có, muốn được, muốn gần". Chúng ta gần như sử dụng động từ này một cách quá bừa bãi. Bừa bãi ở đây có nghĩa là sử dụng nó trước khi cho nó một định nghĩa thật rõ ràng. Theo tinh thần của Phật giáo mà nói thì Yêu hay Thương một người hay một sự vật nào đó thì có nghĩa là ta đang "chạy theo" hoặc muốn kết hợp với đối tượng đó và nói như vậy thì một sự yêu thương đúng mức, như đã nói, phải gắng liền với một sự hiểu biết: Hiểu biết để lắng nghe và chăm sóc. Chẳng hạn như một bà mẹ thương con thì bà luôn chú ý đến những gì nó cần. Thái độ đó đâu phải lúc nào cũng làm cho bà mẹ được hạnh phúc, nhưng chỉ vì thương con nên bà phải làm như thế. Chẳng hạn như khi đứa bé bị giật mình rồi khóc đêm thì dù muốn hay không, bà mẹ vẫn phải thức trắng với nó. Vì tình mẫu tử, bà mẹ thành ra một khối với đứa con mình. Ðứa bé lúc này coi như đã thành ra cái đối tượng để bà mẹ hóa thân. Theo cách hiểu của tôi về lời dạy của Ðức Phật thì sự yêu thương trong sạch nhất không hề có sự pha lẫn nào với một trạng thái hiềm khích xung đột. Sự yêu thương phải là thái độ "chiều đón" nhau mà sống, đối với nhau bằng tất cả tấm lòng rồi chăm sóc, lưu tâm với nhau. Như vậy, thái độ thủy chung là một yếu tính rất cần thiết trong sự yêu thương. Có thể quý vị ở đây sẽ có người cho rằng kiểu yêu thương đó xem ra có vẻ tù túng và thiếu kịch tính. Sự yêu thương kiểu đó đâu có linh động và xem ra chẳng có được bao nhiêu ảnh hưởng đối với cuộc đời xung quanh. Nhưng ta thử nhìn lại xem, một sự yêu thương thủy chung như vậy luôn có một sức tác động rất lớn, nó có thể gây tạo ở chúng ta một khả năng hoán chuyển sâu sắc. Phải nói rằng đây là tất cả kinh nghiệm của chính bản thân tôi, đặc biệt là trong những ngày tháng bệnh hoạn. Tôi đã may mắn không chết, để cho đến bây giờ tôi ít nhất cũng có thể tới lui đây đó và gặp gở mọi người. Trong nhiều năm qua, tôi gần như chỉ sống vật lộn với tấm hình hài này trong tất cả khó khăn và đau đớn. Tôi đã phải chạy theo tình trạng sức khỏe của mình trong từng ngày, từng giờ, để đối diện với nó, trông chừng nó và vận dụng tất cả những nguồn dinh dưỡng cần thiết nhất. Chúng ta nhận thấy rằng các nhà khoa học hôm nay dường như đã không còn giữ lại cái cách bàn thảo chung chung nữa, họ xé nhỏ các lãnh vực chuyên môn ra thành từng vấn đề để giải quyết. Vấn đề đơn giản nhất đề chúng ta nhìn vào mọi sự là bắt đầu thay đồi chúng. Như tôi đã nói, sự yêu thương trong Phật giáo không thể để song hành với một thái độ so sánh nào cả. Mọi sự yêu thương thật sự phải đứng độc lập thì nó mới được tồn tại trọn vẹn. Nếu chúng ta còn nghĩ đến việc "ghi nhận" đối tượng mình ghét để có thể xác định sự yêu thương đối tượng mình thích thì rất có thể trước khi có được sự yêu thương, tâm hồn chúng ta đã đầy ắp những chán ghét. Mà Ðức Phật đã dạy: Lòng oán ghét không bao giờ có thể được giải quyết bằng chính lòng oán ghét. Ðể dàn xếp nó, chỉ có tình thương mà thôi. Như vậy mọi tâm lý thù nghịch chỉ có thể được chấm dứt thông qua một tâm lý bao dung chứ không thề được chấm dứt bằng bất cứ tâm lý nào mang tính sát phạt, đối nghịch. Ta càng nỗ lực chấm dứt thái độ oán ghét, thù nghịch trong khi chưa tự có được một tấm lòng yêu thương thật sự thì chỉ càng hoài công thêm thôi. Hỏi: Chúng tôi rất muốn được biết thái độ của Phật giáo về những vấn đề mà thế giới vẫn đang quan tâm, chẳng hạn như vấn đề vũ trụ quan hay nguồn gốc của tất cả mọi sinh vật? Ðáp: - Phải nói rằng đây là một vấn đề cực kỳ mông lung mà cho dầu chúng ta có ngồi lại để nói tới như những chuyện vui thì không biết cho đến bao giờ mới đủ. Còn đòi hỏi đến những giải đáp mang tính khoa học nghiêm túc thì chắc chắn là sẽ mất thời gian mà thôi. Ðức Phật đã từng dùng đến một câu chuyện ngụ ngôn để nhắc nhở chúng ta hãy biết cẩn thận trước những khao khát tri thức về các vấn đề vừa nói. Ngài đã đưa ra hình ảnh một người bị trúng tên độc vẫn lì lợm không chịu để cho người khác trị thương giúp mình để rồi cứ khăng khăng đòi được trả lời những câu hỏi vớ vẩn của mình về thân thế của người bắn tên, chất liệu của cây cung và mũi tên... nạn nhân chắc chắn sẽ chết đi trước khi được nghe những câu trả lời. Ðã có rất nhiều người đến hỏi Ðức Phật những vấn đề thật ra nếu có được trả lời thì cũng chỉ có ý nghĩa là làm thỏa mãn một cách nhất thời những thắc mắc của họ: "Vũ trụ là vô biên hay hữu biên? Ðiều gì sẽ xảy ra cho vị A La Hán sau khi vị này viên tịch? Dòng luân chuyển sinh diệt của thế giới được bắt đầu như thế nào?..." Thường thì trước những câu hỏi này, Ðức Phật chỉ có một lời đáp mà đại ý là: "Người ta sẽ chết đi trước khi nghe xong câu trả lời cho những thắc mắc đó. Hãy nhớ rằng thân người là một cơ hội tuyệt vời để thực hiện lý tưởng giải thoát, hãy tận dụng nó một cách có ý nghĩa, đừng làm hoang phí nó bằng những điều vớ vẩn". Ðiều thật sự cần thiết của tất cả chúng ta là giải thoát khỏi vô minh để thưởng thức được cái hương vị giải thoát. Giải thoát ở đây là sự vượt ngoài những ảo tưởng về cái Tôi, Của Tôi, vượt ra khỏi những gì vẫn giới hạn chúng ta từ bấy lâu nay. Lời dạy của Ðức Phật luôn nhắm tới cái khả năng giải thoát vô minh và đau khổ ở mỗi con người. Chúng ta đừng tiêu phí thời gian cho những khao khát kiến thức không cần thiết. Thời gian là hiếm hoi, hãy tranh thủ nhổ ra mũi tên độc ở chính mình và bước thẳng vào con đường tu tập. Hỏi: Xin hãy cho biết thái độ của Phật giáo đối với các vấn đề xã hội cũng như những gì Phật giáo có thể đóng góp cho xã hội? Ðáp: - Trước hết, theo tôi thì tất cả chúng ta ở đây nên xét lại cái quan niệm cho rằng nếu chỉ với ý chí, tức chỉ có đời sống tinh thần, thì coi như chẳng đóng góp được gì cho ai. Có một điều mà tôi biết rất rõ là khi trong chùa tôi có một vị nào đó vui tính dễ chịu hoặc nóng tính khó gần thì chỉ riêng điều này thôi cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ đối với các vị chung quanh. Chúng ta phải nhận rằng giữa thiện chí với hành động cụ thể đúng là có một khoảng cách rõ ràng. Nhưng ta cũng thấy rằng cái thiện chí ở mỗi người luôn có một vai trò rất quan trọng. Cùng nhìn vào một vấn đề, nhưng mỗi người có một cách giải quyết riêng . Ðiều này xuất phát từ ý tưởng của chúng ta, có thiện chí hay không có thiện chí. Những người Phật tử chúng ta có thể đem tinh thần của Lý Tứ Ðế mà áp dụng vào đời sống. Thánh Ðế thứ nhất dạy cho chúng ta về tất cả đau khổ trên đời nói chung và trong đời mình nói riêng. Thông thường thì khi gặp phải đau khổ, chúng ta luôn tìm mọi cách đế trốn tránh nó, trốn tránh trong một tinh thần hèn nhát và mù quáng. Ðức Phật dạy rằng thái độ đó sẽ không bao giờ giúp ta thoát khỏi đau khổ được. Rồi chúng ta lại ôm ấp tất cả những gì khoái lạc và hạnh phúc, thế nhưng có thứ hạnh phúc nào lại không thay đổi, bởi dù gì hạnh phúc cũng chỉ là một sự thật mang tính Tương Ðối. Vấn đề chính yếu đối với Thánh Ðế thứ nhất là chúng ta phải học cách nhìn thẳng vào tất cả đau khổ. Ðiều này xét ra cũng giống như câu nói của Ðức Chúa Jesus: "Các con hãy nhặt lấy chiếc thập tự giá". Về sử học và theo ý nghĩa của Kinh Thánh thì chiếc thập tự giá là biểu tượng cho tất cả sự trừng phạt và đau đớn. Những người Phật tử chúng ta cũng thế, chúng ta phải có can đảm chấp nhận cái thập tự giá của đời mình, phải biết đối diện với tất cả sự thật mà đừng vận dụng một cách trẻ con bất cứ một khả năng nào đó để trốn chạy đau khổ, buông khỏi tay mình chiếc thập tự giá. Như đã nói, chúng ta phải biết nhìn thẳng và phân tích tất cả đau khổ mà mình đang đối diện. Ðừng sợ hãi chúng rồi xuôi tay quy hàng. Nói ra thì có vẻ thần thánh, một lần nào đó, chúng ta hãy thử nhìn vào từng cơn đau thì sẽ thấy nó chỉ là một giai đoạn cực ngắn của một chuỗi dài cảm giác luôn biến đổi thật nhanh. Ðiều này cũng dễ hiểu thôi, cái mà chúng ta vẫn gọi là những đau đớn nhức buốt thật ra đâu phải là một hiện hữu bất biến. Như vậy thì ta cũng có thể nói rằng đau khổ là cái mà các nhà khoa học phải học hỏi thêm: Bởi ngay chính sự đau khổ rồi cả thái độ nhìn ngắm nó cũng là từng đơn tử luôn sinh hóa. Có tận mắt ngắm nghía những đau khổ, chúng ta mới thấy được rằng bản thân mỗi người thật ra chỉ là từng biến thể của nó trong mỗi khoảnh khắc. Hiểu biết được điều này, sống hết mình với nhận thức này, chúng ta sẽ được cái thái độ tỉnh thức trọn vẹn trước mọi đau khổ và hạnh phúc. Phát hiện ra chân lý này, chúng ta sẽ cảm nhận được lắm điều thú vị: Từng nỗi đau hay từng cơn đau đớn chỉ là những người khách lạ chợt đến chợt đi mà sự hiện hữu của chúng ta chỉ là một chuỗi dài ghép nối của những đau khổ và hạnh phúc. Như vậy chúng ta từng người vẫn là những kẻ khách lạ giữa trần gian luôn đổi thay này. Nãy giờ là chúng ta đã nói về hai chữ "ý chí", còn theo Phật giáo thì nếp sống Hành Ðộng phải thực hiện ra sao? Cái yêu cầu cao nhất của những người Phật tử là phải có được cái can đảm phơi mở tâm hồn và nhìn thẳng vào những gì thật sự cần được thực hiện chứ không phải đưa mắt nhìn ngó mông lung về những gì xa vời, viễn vông. Ðiều đáng buồn cười là chúng ta thường có thói quen thích chú ý đến những chuyện khác mang tính "đời thường, tiểu tiết" như về gia đình hay cách cư xử thì chúng ta chẳng mấy khi quan tâm. Chúng ta đã quên mất một điều là nếu không thực hiện được những "tiểu tiết đời thường" đó, thì sinh hoạt của chúng ta lập tức bị xáo trộn. Chúng ta có thể nói thật nhiều về thái độ sống hài hòa và đoàn kết nhưng đã có mấy ai giữ được mình khi phải đối diện với những vấn đề đó một cách nghiêm túc. Vậy thì kể từ bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu sống Hành Ðộng đi: quay về với chính mình để có một cái nhìn chín chắn về mọi sự và nhận thức được tất cả những gì mình phải làm. Dựa trên khả năng bản thân và điều kiện sống trước mặt, chúng ta hãy biến đời mình thành một món quà ý nghĩa cho tất cả chúng sinh. Trong đời sống của một tu sĩ Phật giáo, tôi phải luôn nhận ra những điều mình có thể làm và không thể làm. Chẳng hạn như một trong những điều mà tôi phải học hỏi để thực hiện chính là đời sống giản dị: giải dị trong cái ăn, giản dị trong trang phục, trong cách tận dụng và trân trọng những gì người khác đem cúng dường. Tôi còn phải học cách chào đón tất cả mọi hạng người, một cách phát triển và nuôi lớn lý tưởng sống. Nói cho cùng, thì toàn bộ đời tu của tôi chỉ là một chiếc răng cưa bé xíu của cổ máy vũ trụ vĩ đại nhưng đó cũng là một đóng góp, vì tôi đã sống Hành Ðộng. Trong câu trả lời này về vấn đề xã hội, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến ba chi Thánh Ðạo trong giáo lý Tứ Ðế là Chánh Ngữ, Chánh Mạng và Chánh Niệm. Chánh Ngữ và Chánh Mạng ngoài cái giá trị căn bản là đóng vai trò những nguồn đạo lực trong hành động giải thoát của bản thân, còn có một giá trị khác nữa là xây dựng và đóng góp rất nhiều cho tất cả mọi người. Riêng về Chánh Niệm, ngoài giá trị hàm dưỡng một đời sống tỉnh thức, còn giúp người Phật tử tránh được tất cả những thành kiến, định kiến, lập trường, ý niệm, quan điểm lệch lạc. Cuộc tu của chúng ta có thể là một hành trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, nhưng điều đó chẳng sao hết, nếu chúng ta không bỏ cuộc, mỗi giờ khắc sẽ là từng bước chân trưởng thành, thăng hoa. Chúng ta hãy học cách vận dụng đúng mức khả năng trí tuệ của mình để phơi mở và soi rọi một cách khách quan cái nhận thức về bản thân, gia đình, quê hương xứ sở hoặc lập trường chính trị của mình. Chỉ với một tí thiên kiến chủ quan thôi, chúng ta sẽ tự chuốc lấy cho mình vô vàn đau khổ. Trong khi đó việc cần thiết của chúng ta chỉ đơn giản là cảm nghiệm tất cả mọi đau khổ, bất luận là chúng xảy đến từ phía nào, rồi thấu đáo nó một cách thông minh. Phải nói rằng thế giới hôm nay đang trải qua những tháng ngày khổ nạn nghiêm trọng nhất. Biết bao người trong số chúng ta nắm được trong tay quá nhiều quyền hành nhưng chúng ta đã giải quyết được gì đâu?! Trước mắt chúng ta vẫn còn tồn đọng trăm ngàn vấn đề nhức nhối. Mà điều đau xót nhất là có mấy ai hiểu được rằng những vấn đề đó của nhân loại không thể nào chỉ được giải quyết bằng bạo lực. Mọi chuyện rắc rối chỉ có thể dàn xếp ổn định bằng một thái độ chăm sóc nghiêm cẩn, bằng vào sự đóng góp hết mình của từng người trên hành tinh này. Hỏi: Xin cho biết con đường tu học hoàn chỉnh nhất có phải là cần được tuân theo cái trình tự Tự Giác rồi mới Giác Tha? Ðáp: - Ðây là cả một vấn đề để chúng ta phải bàn thảo ở đây. Về mặt lý tuyết, thì vấn đề có vẻ gần giống như vậy: Quý vị trước hết phải là người tự giác ngộ rồi sau đó mới có thể tiếp độ người khác. Chưa giải quyết được chính mình một cách trọn vẹn, thì ta không thể làm được gì hết. Sự thật thì không phải như vậy. Cả hai thái độ sống Tự Giác và Giác Tha luôn đi đôi với nhau. Tôi đã rút ra được bài học này ngay từ lúc còn sống ở Thái Lan. Hồi đó, tôi thường quan tâm đến chuyện giúp đỡ đến những người khác như các vị thầy bạn trong chùa và xem đó như một niềm vui, một phần lẽ sống. Thế rồi tôi trở bệnh và thành ra người bất lực. Tình trạng sức khỏe của tôi lúc đó đã không cho phép tôi được sống như ý mình muốn nữa. Và tinh thần phục vụ của tôi cũng từ đó bị suy giảm rõ rệt. Dựa vào đây, tôi mới hiểu rằng trí tuệ tu học của mình thật ra vẫn chưa được trang bị một cách kỹ càng. Mọi sinh hoạt của tôi vào thời điểm đó coi như cứ chất đầy những thất vọng và chính thái độ thất vọng này đã có những ảnh hưởng thật sự tệ hại đối với từng sinh hoạt lớn nhỏ của tôi. Ðây là lý do tại sao Phật giáo vẫn thường xuyên nhắc tới một nếp sống thăng bằng và nhấn mạnh cái giá trị của một thời khóa sinh hoạt tập trung vào tinh thần ổn định bản thân. Những người Phật tử còn đang tu học như chúng ta đều rất cần tới những thời gian sống trong tĩnh lặng qua từng phút từng giây. Bởi vì chỉ với một nếp sống như vậy, chúng ta mới có thể nhận ra mình đang nghĩ về cái gì và cái gì là điều cần phải thực hiện. Có thể nói rằng cái lỗi lầm nghiêm trọng nhất trong mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta chính là những gì bị tác động bởi khái niệm về một cái Tôi. Hãy luôn luôn cảm nhận một cách trung thực mọi biến động của bản thân, nhìn ngắm cẩn thận những gì vẫn xảy ra quanh mình trong từng lúc rồi tự đặc mình vào một nếp sống đầy hiểu biết. Nếu chúng ta chỉ ngồi đó để cố trông chờ cái giây phút giác ngộ trong khi chẳng chịu làm thêm cái gì nữa thì tôi xin nói thẳng rằng cuộc nói chuyện của tôi gởi đến cho quý vị đêm nay hoàn toàn vô nghĩa. Cho tôi xin lỗi khi phải đưa ra ví dụ này rằng nếu chúng ta cứ ngồi bất động để chờ đợi từng đàn gia súc xuất hiện trong trang trại của mình thì chắc có lẽ quý vị cũng hiểu rằng đó chỉ là một ước mơ hão huyền. Bởi bất cứ lý tưởng nào, ước mơ hay ý muốn nào cũng cần phải có một cơ sở hợp lý. Ta không thể nào đạt được mục đích với cùng lúc quá nhiều những nghi ngờ: "Tôi đã sẵn sàng để thành tựu được cái ước muốn đó hay chưa?". Chúng ta luôn thiếu thốn quá nhiều những chuẩn bị. Nhưng nói như vậy, cuộc tu không phải hoàn toàn chỉ gồm những thất vọng và câu tư vấn trên đây cũng rất có thể là một thiền án tuyệt vời để chúng ta có thể nhìn thấy chính mình mọi nơi và từng lúc một cách chính xác theo đúng tinh thần của thiền quán. Tôi lấy ví dụ như khi chúng ta đang ngồi thiền định và tâm tư lại hướng vọng về cái chuyện giác ngộ thì câu tư vấn trên đây vào lúc này quả thật là cần thiết. Ta hãy ghi nhận nó cho đến khi nó biến mất thì coi như nội tâm của chúng ta đã có được một sự bình yên cần thiết. Chẳng riêng gì tư tưởng đó, mà đối với bất cứ tư tưởng nào cũng thế, có nhìn thấy được chúng đến và đi như thế nào thì chúng ta mới thấm thía được cái bản chất vô thường của nội tâm. Tôi không muốn nhắc tới ở đây bất cứ một vấn đề nào nằm ngoài ra chuyện đang bàn. Tôi cũng không muốn các vị phải lưu tâm đợi chờ cái giây phút mà nội tâm mình không còn bị vướng vít bởi những câu hỏi vớ vẩn. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là chúng ta hãy chú ý đến từng tư tưởng tự vấn và thực hiện những gì thật sự cần thiết mà khả năng bản thân cho phép. Chính thái độ bình tĩnh này sẽ giúp ta nuôi lớn sức mạnh kiên tâm và ổn định hóa tinh thần. Tôi cho rằng tất cả những gì vừa nói trên đây đều có một ý nghĩa quan hệ mật thiết với nhau. Thế còn vấn đề thời gian, chúng ta phải mất nhiều thời giờ để thanh lọc chính mình và trở thành ông thánh cao khiết hay không? Chúng ta phải bắt đầu mọi sự bằng từng công việc nhỏ nhặt nhất. Chúng ta muốn trở thành Ðức Chúa Kito hay Ðức Phật để cứu thế thì cũng tốt thôi nhưng vấn đề nằm ở chỗ là chúng ta phải khởi sự từ đâu chứ? Như đã nói, ngay đến Ðức Phật, Ngài cũng đã bắt đầu con đường của mình bằng những cái nhỏ nhặt nhất. Ngài đã từng dạy chúng ta hãy luôn tự biết lượng sức, phải biết leo lên đỉnh núi cao từ đáy sâu của vực thẳm. Chúng ta không thể trong một sớm một chiều mà thành Phật, thành Chúa. Chúng ta phải biết khởi hành cuộc đi của mình ngay từ những gì đang có trước mắt, chẳng hạn như một cơn nhức đầu, sổ mũi. Chân lý chỉ có thể được phát hiện vào từng phút giây tỉnh thức, từng phút giây chánh niệm trong mỗi thời khắc hiện tại. Hỏi: Thế giới sẽ ra sao nếu ai cũng làm đúng lời Phật dạy? Và theo đại đức chúng ta cần có thái độ thế nào đối với thế giới khoa học hiện đại, chẳng hạn như những thay đổi nào đó. Ðáp: - Ðối với riêng tôi mà nói thì cái việc suy nghĩ và cảm giác của người Phật tử về thế giới không quan trọng tí nào hết. Lý do hết sức đơn giản là toàn bộ giáo lý nhà Phật chỉ nhắm đến một đời sống Tỉnh Thức. Ngôn ngữ và lý luận chỉ làm rắc rối cuộc đời thêm thôi. Chẳng hạn như đối với ngay chính căn phòng này, mỗi người trong số chúng ta ở đây đều có một nhận xét riêng, chẳng ai giống ai. Kể cả những gì tôi nói cho quý vị cũng thế, làm sao chúng ta lại có thể hoàn toàn thống nhất suy nghĩ với nhau được. Mặc dù, một cách khách quan, tôi vẫn nhận ra rằng nhân loại chúng ta bây giờ gần như đã có chung nhau một số quy tắc cơ bản để hệ thống hóa một cách nhất quán các sự kiện. Chúng ta có thể đặt ra những chuyên ngành để sắp xếp các sự vật thông qua phương pháp khoa học và cũng đã bắt đầu hiểu được ít nhiều những qui luật cấu tạo của không ít sinh vật trong trời đất. Chúng ta cũng đã có những khả năng quan trọng để can thiệp vào thiên nhiên: Di chuyển cái này, sửa đổi cái kia, khoét sâu địa cầu, đưa người lên trăng, du khảo các thiên thể...nhân loại còn có khả năng sáng tạo ra thật nhiều thứ. Ngay cả ngôn ngữ và cớ cấu xã hội cũng nằm trong những phát minh của loài người. Với tất cả những cái đó, một tôn giáo giàu tính thần quyền đến mấy cũng phải nhận rằng nhân loại đã tiến bộ vượt bực và gần như còn có thể làm chủ thiên nhiên. Thậm chí có người còn tin rằng đến một lúc nào đó khoa học sẽ có thể giúp con người đạt được cái ước mơ trường sanh bất tử để đời đời hưởng lạc. Tất nhiên đó chỉ là một thứ không tưởng xuất phát từ quan điểm duy vật cực đoan. Mà đã là cực đoan, quá khích thì những suy nghĩ đó trước sau cũng vẫn chỉ là những quan niệm kiến chấp. Có thể nói con người vẫn không ngừng nuôi lớn những khát vọng sáng tạo ra trăm nghìn thứ để đoạt quyền tạo hóa dựa trên những khả năng trí tuệ mà mình đang có được nhưng ta hãy nhớ rằng những tham vọng đó rất có thể sẽ khiến con người đánh mất nhân tính. Bởi cho dầu chúng ta có khôn ngoan đến mấy, văn minh đến bao nhiêu nhưng trước mắt, chỉ có mỗi một vấn đề thôi mà nhân loại xem ra có vẻ như không thể thực hiện nổi, đó chính là mối tương giao giữa người với người: Nhân loại vẫn từng ngày đánh nhau, chia cắt nhau rồi hiểu lầm nhau. Các tôn giáo chín chắn nói chung đều dạy ta hãy sống hiểu biết và cảm thông, từ vật đến người. Hiểu biết hay cảm thông ở đây chính là sự phơi mở trái tim, trải rộng tâm hồn. Khi chúng ta còn bé, đứng trên một bờ biển nào đó rồi nhìn ra khơi với đôi mắt mở rộng hồn nhiên. Chúng ta lúc đó hãy còn thơ ngây lắm, chưa biết tới những kiến thức khoa học về trời mây sóng nước. Chung quanh và trước mắt chúng ta lúc đó chỉ là từng cơn gió biển, những đợt sóng vỗ bờ, cái âm thanh ngàn đời của đại dương... và bây giờ dù đã là những người lớn, có đôi lúc chúng ta cũng nên quay lại với cái tâm hồn bé con của mình ngày nào là mở rộng tâm hồn rồi lắng nghe và nhìn ngắm một cách đơn giản, thiệt thà, khách quan, trung thực, không toan tính mưu cầu gì hết. Tôi tin rằng nếu sống lại được bằng cái tâm thái kỳ diệu đó chúng ta sẽ thấu suốt trọn vẹn tất cả những gì vẫn bị che kín từ lâu. Chúng ta sẽ biết ngạc nhiên, thành kính và hài hòa với thế giới chung quanh. Bên cạnh đó, một khía cạnh khác của thái độ trên mà chúng ta cần phải triển khai ở đây, đó chính là lòng yêu thương, trạng thái "hết mình" với vạn vật một cách trung thực, bất luận đó là những thương đau hay cái dễ chịu, hạnh phúc. Sống trong lòng yêu thương, chúng ta tự nhiên trở thành một bộ phận mật thiết của trời đất, chúng ta gắn liền với tất cả mọi người, mọi vật một cách trọn vẹn nhất. Nhưng cái gì trên đời cũng là tương đối cả, đến ngay thái độ yêu thương tuyệt vời như vậy không khéo cũng sẽ trở thành một thứ cực đoan. Chúng ta thử nghĩ xem mình sẽ hành động như thế nào, kể cả những gì là cần thiết nhất và hoàn toàn tương ứng với lòng yêu thương đó, nếu như chúng ta bắt tay vào bằng một thái độ mù quáng cuồng nhiệt. Như vậy không có một thứ cực đoan nào là có thể chấp nhận được cả. Chúng ta không thể nông nổi đánh giá những tiến bộ khoa học hiện đại là hoàn toàn tốt đẹp hay tuyệt đối tội lỗi, cho dầu đó là những phát minh về y học hay những đầu đạn hạt nhân. Bản thân những phát minh đó không là gì cả, vấn đề nằm ở chỗ những người đã sử dụng chúng. Do đó, ở đây tôi không hề muốn nhân danh một cái gì hoặc ai đó để đưa ra cho mọi người một hướng hành động như là những giáo điều. Tôi chỉ muốn đề nghị với từng người thái độ phơi mở để mà sống, để có đủ can đảm và sáng suốt đối diện với tất cả đau khổ và biết nuôi dưỡng ở tâm hồn mình một khả năng biết yêu thương. Chỉ với tình thương, chúng ta mới có thể sống san sẻ. Chúng ta phải cảm thông một cách đúng mức những nỗi đau của người khác và cố tránh tối đa những gì có thể gây thương tổn cho tha nhân. Chúng ta đừng dùng lý luận hay giáo điều để rao giảng người khác hãy sống như thế này, đừng hành động như thế kia. Bởi vì theo tôi đó cũng là một cách sử dụng vũ lực, hay ít nhất cũng là tạo áp lực. Chính cái tham vọng, hoặc nói nhẹ nhàng hơn, cái toan tính xếp đặt cho người khác chấp nhận đi theo con đường của mình một cách khiên cưỡng thì đây cũng là một kiểu hành động vô minh. Trong khi đó Ðức Phật đã từng dạy rằng cội nguồn của mọi rắc rối trên cuộc đời này lại chính là vô minh. Chúng ta hãy ghi nhớ điều đó để có thể sống tỉnh thức và yêu thương mà không mắc phải lỗi lầm nào, những cực đoan mà nãy giờ tôi đã ít nhiều nói tới./. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Ðẳng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)
last updated: 01-10-2003