BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trên đường hoằng pháp của Phật tổ Gotama
Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu
G. Giả Từ Savatthi trở lại Rajagaha 121- Từ Savatthi, Ðức-Phật còn tính đi mở đạo nơi nào khác nữa chăng?? Savatthi lâu ngày, Ðức-Phật trở lại Rajagaha. Ngài thường qua lại hai xứ Kosala và Magadha nhiều lượt vì Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) và Vua Bimbisãra (Tần-Bà-Sa) hết lòng tin-tưởng và giúp-đỡ Ðức-Phật trong mọi phương-diện. Nơi hai xứ nầy lại có nhiều người hữu-duyên với Ðức-Phật; lâu ngày vắng bóng Phật, dường như họ thương nhớ và khao-khát muốn được nghe pháp của Ngài. 122- Ðức-Phật giảng đạo cách nào mà người ta mê-thích dữ vậy?Ðức-Phật tùy trình-độ của mỗi người, mỗi nhóm, đem những pháp phù-hạp với tâm-địa, hoàn-cảnh của thính-giả mà giảng-giải cho họ nghe. Thường khi trước công-chúng, Ngài bắt đầu dạy những pháp thông-thường dễ-hiểu, dễ-hành như sự bố-thí đến kẻ tật-nguyền, đói khổ, tư-cách ăn ở theo luân-thường đạo-lý để gieo trồng cội-phúc, hầu tiến hóa từ địa vị con người đến ngôi-phẩm của các vị Trời. Ngài chỉ rõ những tội-lỗi trong sự đam-mê theo tình-dục và những phước-báu của sự trì-giới tham-thiền. Khi nhận thấy tinh-thần của người hỏi đạo hoặc của thính-giả, đã được tắm-gội, mềm-dịu, hân-hoan và có đức tin nơi Ngài thì Ngài bắt qua giảng-giải về cái khổ ở đời, về nhân-sanh khổ, về phương-pháp diệt khổ và con đường giải-thoát khỏi khổ. Chẳng khác nào như một tấm vải vừa giặt sạch-sẽ, trắng-trẻo, liền được nhúng vào nước nhuộm, vải ấy cầm màu tươi-tắn; cũng như người hỏi đạo hoặc thính-giả được tâm-trí mở rộng liền liễu-ngộ chân-lý, ngay khi Ðức-Phật dứt lời. Ðược khai sáng, đã thấy, đã chứng, đã thấm-nhuần lý-đạo đã dứt hoài-nghi, đầy tin-tưởng, hoàn-toàn bị chinh-phục bảo sao họ không hoan-hô ca-tụng: "Bạch Ðức Thế-Tôn, thật là huyền-diệu, phi-thường chẳng khác nào chúng con té, được Ðức Thế-Tôn đở dậy; chẳng khác nào chúng con lạc đường, được Ðức Thế-Tôn chỉ nẻo; chẳng khác nào chúng con đi trong đêm tối, được Ðức Thế-Tôn rọi đèn. Ðức Thế-Tôn chỉ dạy rành-rẻ đủ phương-diện. Từ nay chúng con xin qui-y Phật, qui-y Pháp, qui-y Tăng". 123- Có lúc nào Ðức-Phật thâu-phục toàn cả thính-giả trong một thời pháp ch ăng?Có. Một ngày nọ, Vua Bimbisãra triệu-tập tám muôn vị lý-trưởng trong xứ Magadha về kinh-thành Rajagaha để dạy phương-pháp trị dân. Sau cuộc hội-nghị, Vua Tần-Bà-Sa khuyên họ đến viếng Ðức-Phật đương tịnh-dưỡng trên núi Kicchakuta (Kỳ-Xà-Quật). Các vị lý-trưởng ấy vốn không thích tu-hành nhưng khi Ðức-Phật giảng cho họ nghe một thời pháp, họ liền xin qui-y thọ-giới làm thiện-nam trong Phật-Giáo. 124- Có lúc nào Ðức-Phật bị người ta âm-mưu hảm-hại ch ăng?Một lúc nọ, Ðức-Phật ngự tại vườn Veluvana (Trúc-Lâm), ngoài thành Rajagaha, có một vị giáo-chủ trong nhóm Lục-Sư tên Purana phái một tín-đồ đại-phú gia đến lân-la tỏ-vẻ nhiệt-thành sùng mộ Ðức-Phật. Ngày nọ, ông đến thỉnh Phật và Chư-Tăng thọ-trai tại tư-gia. Trước khi tổ-chức bữa trai-tăng, ông cho đào giữa sân ngay lối vào nhà một cái hầm sâu ngặp đầu, chờ khi Ðức-Phật sắp đến, ông cho đốt lửa than đỏ rực, trên miệng gát ván mỏng, trải chiếu lót đường nghinh tiếp Ðức-Phật và Chư-Tăng. Biết trước mưu-sâu kế-độc của ông trưởng-giả Srigupta, Ðức-Phật cũng vẫn đến. Khi Ngài cùng Chư-Tăng tới nơi, cái hầm lửa bổng trở thành một hồ sen tươi-tốt, bông to lá lớn, nổi lên làm cầu cho Ðức-Phật và Chư Thinh-Văn đi vào. Ðức-Phật cũng thản-nhiên như không hay biết chi cả. Thọ-thực rồi Ngài thuyết-pháp độ được vợ ông Srigupta. Thất-bại, hôm sau Ðạo-sĩ Purana và nhóm đồ-đệ mang bát đến nhà ông Srigupta xin ăn như thường lệ. Vào trong ông ta chép miệng cười. Một vị Ðạo-sĩ nhỏ đã toa-rập trước với thầy liền hỏi: "Bạc Tôn Sư, thiên-nhãn của Ngài đã thấy điều chi phi-thường, mà hôm nay Ngài lại chép miệng cười?" Ông Tôn-Sư nghiêm-nghị trả lời: -"Không có chi lạ, bần-tăng vừa thấy cách đây trăm dậm, một con khỉ té xuống nước, đương chơi-vơi giữa dòng sông, chảy ngang qua thành Savatthi (Xá-Vệ). Cả nhà kinh-ngạc cảm-phục, ngoại trừ bà Srigupta. Ðể thử tài vị Tôn-Sư của chồng, bà bước ra rước bát và trái hơn thường lệ, bà để vật thực dưới đáy bát rồi mới đổ cơm lên trên, đem dâng trả lại cho Ðức-thầy. Liếc mắt thấy toàn là cơm trắng, ông Ðạo-sĩ Purana liền kêu bà nói: "Nầy con, con quên để vật thực cho thầy". Bà tín-nữ của ông Sa-Môn Gotama (Cồ-Ðàm) giả-bộ không nghe xây lưng trở vào, vừa đi vừa nói: -"Vật-thực ở dưới đáy bát mà không thấy, lại thấy khỉ chết chìm cách xa trăm dậm". 125- Tại xứ Magadha Ðức-Phật còn ở chỗ nào khác hơn Vườn Trúc-Lâm và còn thâu được tín-đồ nữa chăng?Rajagaha (Vương-Xá) là một kinh-đô phồn-thịnh, các vị thương-gia khắp xứ Ấn-Ðộ thường tới lui buôn bán, được dịp nghe Ðức-Phật thuyết-pháp giảng-đạo, đi tới nơi khác họ loan-truyền và ca tụng thanh-danh của Vị Giáo-chủ mới ra đời, nên từ bốn phương các nhà mộ đạo, đủ giai-cấp, cho đến những người lầu-xanh kỵ nữ, đều lũ-lượt đến Trúc-Lâm ra mắt Ðức-Phật, chẳng khác nào kẻ khát nước đi tìm mạch nước. Hằng ngày đàn ông, đàn bà, thanh-niên, thiếu nữ, trang phục xinh đẹp, kẻ đem bông hoa, người đem vật thực đến cúng-dường Ðức-Phật và bao vây qui-y hỏi đạo. Ngày nầy sang qua ngày nọ, Ðức-Phật luôn luôn ôn-tồn niềm-nở đón tiếp trai lành, gái tín: như một nguồn nước công cộng ngọt-ngào mát-mẽ, để cho mọi người tự-do đến giải-khát. Mỗi ngày Ðại-Ðức Ananda có phận sự tiếp khách đưa vào yết-kiến Ðức-Phật và sau khi khách ra về phải lo đi gom-gót cất giùm đồ-vật của khách bỏ quên lại, ông cũng như Ðức-Phật không biết mệt-mỏi. Ðối với hai thầy trò, nghệ-thuật cảm hóa chúng-sanh vào của chân-lý tựa hồ như một môn thể-thao. Lúc nào có chút thì giờ rảnh-rang, Ðức-Phật cùng Ðại-Ðức Ananda, khi thì ngự tại Tịnh-Xá "Vườn-xoài" của Ông Ngự-y Jivaka cất dâng cho Ðức-Phật, dưới triền núi Kỳ-Xà-Quật, khi thì lên tịnh-dưỡng trên núi Vediyaka (núi kên-kên), cũng gọi là núi Kicchakuta (Kỳ-Xà-Quật), cách Trúc-Lâm không bao xa. Không gặp Ðức-Phật tại Trúc-Lâm, thiện-nam tín-nữ cũng lên núi tìm Ngài, trong thạch-động Indasãlã. Nơi đây, ban ngày Ðức-Phật vẫn phải tiếp chuyện với thập-phương bá-tánh, ban đêm còn phải giảng-đạo cho hàng Chư-Thiên và Càn-Thát-Bà nữa. 126- Cũng có các Vị-Trời xuống thọ-giáo với Ðức-Phật nữa sao? Chúng sanh trong Tam-giới còn ở trong vòng sanh-tử luân-hồi; Ðức-Phật là bậc siêu-thoát khỏi Tam-giới, nên Ngài là thầy của Chư-Thiên và Nhân-loại. Gặp thời kỳ Ðức-Phật ra đời, các Vị Trời có chánh-kiến, đêm khuya thanh-vắng thường xuống hầu Phật hỏi đạo, nên có nhiều Vị đắc Thánh-quả. Một dêm nọ, tại thạch-dộng Indasãlã, Vua Trời Sakka (Ðế-Thích) và Chư-Thiên trên cõi Ðạo-Lợi có xuống yết-kiến Ðức-Phật và yêu cầu Ngài giải-thích 42 diều hoài-nghi. Sau khi được cởi-mở hoài-nghi, Vua Trời Sakka đắc Tu-Ðà-Hườn Ðạo-Tuệ cùng một lượt với một muôn Vị trời trong đám tùy-tùng của Ngài. Nhờ đắc quả Tu-Ðà-Hườn Ðạo-Tuệ Vua Trời Ðế-Thích, vừa mãn-kiếp, được hoá-sanh trở lại ngôi vị cũ. Tích nầy rất dài có lợi ích cho người tìm chân-lý, đã được trích-dịch ra việt-văn, tựa đề: Sakkapanha (Ðế-Thích vấn đạo), soạn-giả: Thông-Kham (Bộ kinh Dighanikãya : Trường A-Hàm; phẩm Mahãmagga).
H. Từ Rajagaha trở lại Savatthi 127- Ðức-Phật ở Rajagaha bao lâu và còn đi đâu nữa?Lịch-sử ít khi dề cập đến thời gian Ðức-Phật cư-ngụ mỗi nơi là bao lâu. Từ Rajagaha, Ngài trở lại Savatthi. 128- Tại sao Ðức-Phật chỉ qua lại hai kinh-thành Vương-Xá và Xá-Vệ mà không đi mở-đạo nơi khác?Rajagaha và Savatthi là hai trung-tâm Phật-giáo rất quan-trọng. Vương-Xá ở miền Nam, Xá-Vệ thuộc về miền Tây-Bắc, trong lưu-vực phồn -thạnh của sông Găng. Từ thành nầy qua thành kia, dĩ-nhiên Ðức-Phật phải đi cả tháng và ghé nhiều thành nhỏ như Kusinara, Saketa ... cùng nhiều làng-mạc thôn-quê, phổ-độ dân-chúng; vì không xảy ra việc chi đáng kể nên lịch-sử không ghi-chép. Vả lại mỗi nơi ấy đều có các Vị Thánh-Tăng lãnh nhiệm-vụ Hoằng-pháp, lâu lâu Ðức-Phật qua lại cũng như đi kinh-lý. 129- Ðức-Phật đối đải với các môn-đệ của Ngài ra sao?Ðức-Phật luôn luôn ân-cần lo-lắng cho các thầy Tỳ-Khưu. Mỗi bữa vào xế chiều Ngài hội các thầy lại, chỉ dạy đường lối tu-hành, dìu-dắt mọi người mạnh tiến trên đường giải-thoát. Ðối với các thầy Tỳ-Khưu kiết-hạ ở phương xa, Ðức-Phật hằng có hai mối bận lòng: lo cho họ không hòa-thuận với nhau và không đuợc no ấm, bởi hai điều nầy là nguồn tai hại thường đe-dọa những người sống chung-chạ, nhàn-rổi, lại bám-nhờ nơi đàn-na tín-thí. Ra hạ, các thầy tìm dến vấn-an Ðức-Phật; vừa gặp các thầy, Ngài lăng-xăng cật hỏi: "Các thầy được an-vui không? Các thầy no-dủ không? Các thầy có hòa-thuận nhau không? Có gây-gổ nhau không? Có thiếu-thốn vật-thực không? " Tự thấy trách-vụ lớn lao đối với hàng môn-sinh, về phương-diện vật-chất lẫn tinh-thần, Ðức-Phật hằng khuyến-khích tín-đồ bố-thí cúng-dường đến các bậc tu trì-giới-đức, để hưởng lấy phước báu nhân-thiên. 130- Ðối với các thầy Tỳ-Khưu có bệnh, Ðức-Phật làm sao? Hàng cư-sĩ không để cho Ðức-Phật bận lo về việc ấy. Tại Vương-Xá, Vua Bimbisãra giao nhiệm-vụ săn-sóc Ðức-Phật và Chư-Tăng cho Ông Jivaka, vị ngự-y đại-tài của hoàng-triều; tại Xá-Vệ có Ông Cấp-Cô-Ðộc và Bà Visakhã; ngoài ra còn nhiều tín-đồ sẵn lòng lo thuốc men cho Chư-Tăng. Còn Ðức-Phật thì ít đau-ốm. 131- Thầy Tỳ-Khưu đối với nhau trong lúc bệnh hoạn ra thế nào? Các thầy có phận-sự kiếm thuốc giùm cho người có bệnh và nếu cần, họ phải thay phiên nhau chăm nom canh giữ ngày đêm cho đến khi lành mạnh. Nhưng đôi khi họ cũng quên phận-sự của họ. Một bữa nọ tại Savatthi, Ðức-Phật và Ðại-Ðức Ananda, rảo bước trong vùng Tịnh-Xá Cấp-Cô-Ðộc, Ngài gặp một vị Tỳ-Khưu Girimananda té nằm trên phẩn và nước tiểu, Ngài vội vã bước đến đở ông ấy và hối Ðại-Ðức Ananda đi xách nước; rồi hai thầy-trò xúm nhau tắm rữa sạch-sẽ, khiêng thầy để lên giường, thay y-phục, an-ủi và hỏi: "Thầy đau bệnh chi? Không ai săn-sóc thầy sao? Tại sao các thầy Tỳ-Khưu không chăm-nom giúp đở thầy? " -"Bạch Ðức Thế-Tôn, con đau cả tạng-phủ, lại thêm kiết-lỵ. Chẳng có người bạn nào săn-sóc con vì con đã không giúp ích họ". Ðức-Phật liền triệu-tập Tăng-chúng lại quở-trách và dạy rằng: "Nầy các thầy, nơi đây các thầy là người không cha, không mẹ để chăm nom săn-sóc các thầy, nếu các thầy không trợ giúp lẫn nhau, thì lấy ai nương-nhờ trong khi đau-ốm? Từ nay về sau, thầy nào muốn ân-cần săn-sóc Như-Lai, xin để tâm ân-cần săn-sóc các bạn mình trong cơn bệnh hoạn". 132- Ðức-Phật có tâm Từ-bi rộng lớn bao la, tại sao môn- đệ của Ngài lại chẳng giống Ngài?Trong Tăng-chúng có hai hạng: Thánh-Tăng và Phàm-Tăng. Các Vị Thánh-Tăng mới có tâm rộng lớn như Ðức-Phật. Các Ngài được phó-thác trọng trách Hoằng-pháp độ sanh, dĩ-nhiên hàng Thinh-Văn La-Hán cũng chăm nom săn-sóc môn-đệ của các Ngài với tấm lòng Từ-bi như Ðức-Phật. Trái lại, trong nhóm Phàm-Tăng có rất ít người xuất-gia với chí-nguyện giải-thoát, đại đa số là những người xuất-thân từ giai-cấp thấp-thỏi, chưa cởi bỏ được tánh-nết xấu-xa; họ chỉ lợi-dụng uy-danh và đức-độ khoan-hồng của Ðức-Phật, xin nhập-môn giữ đạo, vì hoàn-cảnh cô-độc, nghèo-khó, tạm mang lốt Tỳ-Khưu để làm kế nuôi mạng. Trong các bộ chú-giải có nhiều tích chỉ cho thấy rằng xưa kia Ðức-Phật phải buộc lòng khiển-trách các thầy Tỳ-Khưu thiếu tư-cách nhã-nhặn, thiếu tiết-độ liêm-sĩ, thiếu nết-na trinh-khiết. Ngài hết sức ngăn-cấm không cho họ nêu gương xấu, không cho họ xúc-phạm đến phong-tục tập-quán, đến tín-ngưỡng cổ-truyền của từng lớp dân-chúng. Mỗi khi, vì hành động xấu-xa của các thầy Tỳ-Khưu, mà có sự chê-bai, chỉ-trích của người thế-tục, Ðức-Phật nhóm họp Chư-Tăng để nghe Ngài xử-phạt các thầy đã làm mất thanh-danh Tăng-già và liền lúc ấy Ngài chế-định điều-luật răn cấm. 133- Phải chăng tại giới-luật nghiêm khắc mà ít người theo nổi? Ngoài đời có pháp-luật để duy-trì an-ninh trật-tự cùng bảo-tồn thuần-phong mỹ tục, thì trong đạo cũng phải có giới-luật để diệt-trừ tham sân tật-đố tà-mạng mê-tín; như thế không thể gọi là nghiêm khắc. Không ai bắt buộc phải tu, nếu muốn tu, chẳng những phải nghiêm-trì giới-luật trong đạo, mà cũng phải thừa-hành luật-pháp ngoài đời. 134- Có khi nào xảy ra những cuộc xung đột giữa các thầy Tỳ-Khưu chăng?Sự xung-đột không thể tránh được trong một đoàn-thể bình-đẳng đông người trình-độ khác nhau. Ngoài các Vị Thánh-Tăng đã diệt tận Tham, Sân, Si và các Vị Phàm Tăng chân-chánh đương nông-trang tu-học, còn lại những thầy Tỳ-Khưu chưa tẩy sạch được bợn-trần; hoài-nghi, biếng-nhác, sân-hận, buông-lung theo điều-ác, dính-mắc trong tình-dục, xan-tham, nguyện-cầu, ganh-gỗ, không hoan-hỷ, không tri-túc là hạng người còn mang những chứng bệnh trầm-kha, dầu họ có học thức, nằm lòng kinh-pháp của Ðức-Phật giảng-giải hằng ngày, họ cũng chẳng khác nào như cái vá nằm trong nồi canh. Chân-lý đối với họ không có giá trị bằng lợi dụng uy-danh của Ðức-Phật và oai-lực của bộ Cà-sa dể làm kế sinh-nhai cấp-thời. Những sự gây-gỗ, cải-vả là thường-sự. Ðức-Phật hằng lo sợ họ nuôi mầm chia rẽ, lưu-truyền gương xấu cho hậu-thế, mà làm cho Phật-Pháp phải suy-đồi. Biết rằng đoàn-kết là sống, chia-rẽ là chết, nên Ðức-Phật khép tội chia-rẽ vào bốn Ngỗ-nghịch đại-tội:
Tội này sẽ đem lại kết-quả thảm-khốc trong đời hiện tại.
I. Từ Savatthi sang qua Kosambi 135- Có khi nào các thầy Tỳ-Khưu tỏ thái- độ vô-lễ với Ðức-Phật chăng?Lúc nọ Ðức-Phật cùng Chư-Tăng ngự đến Kosambi, kinh-đô của Vua Udayana, thuộc dòng Vatsas, ở về hướng Tây xứ Magadha và hướng Nam xứ Kosala. Ðức Thế-Tôn và Chư-Tăng nhập-hạ tại Tịnh-Xá Ghosita. Trong hạ có một vị Tỳ-Khưu, một hôm nọ vào phòng tắm-rửa xong, vô-tình quên dọn quét và cũng quên xách nước châm thêm vào lu. Kế một vị khác, cũng bậc thượng-tọa như ông trước, vào tắm. Có lẽ vì thiếu nước nên ông nầy bất-bình; thay vì đi ngay lại nhắc-nhở người bạn của mình, ông đem câu chuyện ấy thuật với nhóm học trò của ông và bảo rằng ông kia phạm điều-luật răn cấm của Ðức-Phật. Ðám học trò nầy, ác-nghiệt, đem câu chuyện thuật lại cho nhóm đồ-đệ của ông kia nghe với giọng nhạo-báng, khoe rằng thầy mình là một vị đệ-nhất luật-sư. Câu chuyện rất xoàng, trở thành quan-trọng. Vì binh thầy-tổ, bên nào cũng giành phần phải, sanh ra gây-gổ, la-lối, cải-vả om-sòm, cho đến thấu tai Ðức-Phật. Ngài vội-vàng đến nơi, vừa đi vừa nói: "Thôi rồi, Tăng-chúng đã chia rẽ". Xây qua nhóm của Vị Luật-sư, Ðức-Phật khuyên: "Các thầy nên hoan-hỷ tha-thứ cho nhau đi". Dòm qua phía đối-lập, Ngài dạy: "Các thầy nên thành thật sám-hối với nhau đi". Rồi Ðức-Phật phân-giải cho đôi bên thấy rõ đặc tính cao-thư?ng của bậc tu-hành là khoan-từ và dễ-dạy; nhưng chẳng ai đếm-xĩa đến Ngài. Ðức-Phật nhẫn-nại thuật lại cho họ nghe một tiền-tích rất cảm-động, để chỉ rõ những tai-hại về sự kết-cấu oan-trái, mà chúng-sanh phải vay trả nhiều đời nhiều kiếp, do sự không tha-thứ cho nhau, và khuyên họ biểu-dương tinh-thần khoan-dung hòa-thuận để làm guơng cho tín-đồ. Lời vàng, tiếng ngọc của bậc Chí-tôn không còn hiệu-lực thức tỉnh các ông Tỳ-Khưu đương quên mình vì tự-ái và danh-dự của phe-đảng. Chẳng những không biết phục-thiện, họ còn cưỡng-biện với Ðức-Phật bằng những lời mĩa-mai vô-lễ: "Bạch Ðức Thế-Tôn, bởi Ðức Thế-Tôn là bậc Giáo-chủ, nên Ngài cần phải nhẫn-nại. Vậy xin Ngài chẳng nên bận lòng, cứ tỉnh-tọa an-hưởng hạnh-phúc; chúng tôi gây-gổ, cải-vả, xung-đột, xin để chúng tôi chịu lấy trách-nhiệm". Nghe qua mấy lời, Ðức-Phật tự nghĩ: "Kẻ ngu-ngốc nầy đã lâm vào tình cảnh tuyệt-vọng, hết còn biết phải quấy!". Rồi Ngài ôm bát vào rừng, sống với một con khỉ đột và một con voi chúa-đoàn. Voi và khỉ cũng vì sự quấy-rầy của bầy dả thú, chán-nãn tìm nơi thanh-vắng tịnh-cư an-nhàn. Ðồng một cảnh-ngộ cô-độc, như Vị chúa-đoàn của loài người, voi và khỉ hết lòng săn-sóc nuôi-dưỡng Ðức-Phật, để hưởng lấy sự mát-mẻ an-vui bên cạnh Ngài. Hay tin các thầy Tỳ-Khưu xung-đột chia rẻ nhau vì một nhân nhỏ mọn, đã không vâng lời khuyên-nhủ lại còn vô-lễ với Ðức-Phật, tín-đồ Kosambi hợp lại quyết-định không bố-thí vật-thực cho các thầy ấy nữa. Biện-pháp cương-quyết nầy làm cho các thầy không còn sức lực để tranh-chấp nhau nữa. Các thầy phải xuống nước kêu gọi tín-đồ: "Chúng tôi đã ăn-năn và hòa-thuận nhau rồi; các ông, các bà nên hoan-hỷ hộ-độ chúng tôi cho qua ba tháng hạ nầy. Chúng tôi đói khát còn da bọc xương, các ông các bà đành bỏ chúng tôi chết đói hay sao?". Thấy vậy, thiện tín không nở làm lơ, trở lại hộ-độ cầm-chừng và ra điều kiện: "Các thầy phải tìm cho được Ðức-Phật, sám-hối tội-lỗi và thỉnh Ngài trở lại, thì chúng tôi sẽ cung-cấp đầy-đủ vật-thực như xưa". Túng thế, các thầy yêu-cầu Ðại-Ðức Ananda đi tìm thỉnh giùm Ðức-Phật trở về cho họ sám-hối. Ðại-Ðức Ananda nói rằng Ngài không dám lãnh sứ-mạng ấy; hơn nữa Ngài không được phép bỏ hạ ra đi, chờ mãn hạ sẽ hay. Các thầy phải cam chịu mọi sự thiếu-thốn; xanh-xao, ốm-gầy, trông cho mau hết mùa hạ đặng đi tìm Ðức-Phật. Tiếng đồn đến thành Savatthi, Ông Anathapindika (Cấp-Cô-Ðộc) và Bà Visakhã nóng lòng lo sợ cho Ðức-Phật phải sống khổ-cực trong rừng. Vừa ra hạ, Ông Cấp-Cô-Ðộc và Bà Visakhã thỉnh Chư-Tăng nhập hạ tại Kỳ-Viên cấp tốc lên đường sang qua thành Kosambi, hiệp cùng Ðại-Ðức Ananda tìm thỉnh Ðức-Phật về Savatthi. Một phái-đoàn 500 vị Tỳ-Khưu đến Kosambi đi cùng Ðại-Ðức Ananda tìm gặp Ðức-Phật ở giữa rừng. Hỏi lại thì trong hạ, Ðức-Phật nhờ con voi chúa-đoàn và một con khỉ cung-cấp đủ loại trái cây và mật ong, nên Ngài vẫn khỏe mạnh. Ðại-Ðức Ananda chuyển lời thỉnh cầu của Ông Cấp-Cô-Ðộc và Bà Visakhã lên Ðức-Phật. Khi Ðức-Phật ra đi, voi chúa-đoàn và con khỉ tỏ vẻ buồn rầu, đứng ra cảng đường, ra dấu yêu cầu Ðức-Phật ở lại. Ðức-Phật vuốt-ve an-ủi chúng nó an-phận ở rừng và Ngài cũng không thể đem chúng nó theo Ngài từ xứ nầy sang xứ nọ. Ra tới mé rừng, Ðức-Phật an-ủi chúng nó một lần nữa, bảo rằng vì mang lốt thú, chúng nó không thể sống chung-chạ với loài người, khuyên chúng nó trở lại. Hai con thú buộc lòng từ biệt Ðức-Phật và hết sức đau-khổ vì cảnh chia-lìa nên ngã ra chết rục giữa rừng. Hai thế-kỷ sau, Hoàng-đế Asoka (A-Dục) đến chiêm bái chỗ Ðức-Phật chung sống với voi và khỉ và có cho xây một trụ đá kỷ-niệm, trên ấy có khắc chiếu-chỉ nghiêm-cấm sự chia-rẽ trong Tăng-già.
J. Từ Kosambi trở lại Savatthi 136- Ra khỏi rừng, Ðức-Phật và Chư-T ăng có trở lại Kosambi không?Ðức-Phật và đoàn tùy-tùng trực-chỉ về Savatthi vì có lời thỉnh cầu của Ông Cấp-Cô-Ðộc và Bà Visakhã. 137- Các thầy Tỳ-Khưu ở Kosambi tính sao? Hay tin Ðức-Phật ngự về Savatthi, các thầy liền lên đường đến đó, để xin sám-hối tội-lỗi. Nghe vậy, Ðức Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) vào Kỳ-Viên Tịnh-Xá yết-kiến Ðức-Phật và bạch rằng: "Bạch Ðức Thế-Tôn, trẫm nhất-định cấm các thầy Tỳ-Khưu đã phạm tội chia rẽ và vô-lễ với Ðức Thế-Tôn tại Kosambi, để chân vào lãnh-thổ Kosala của trẫm, xin Ðức Thế-Tôn biết cho". Ðức-Phật can-gián: "Tâu Ðại-Vương, các thầy ấy đã biết lỗi, ăn-năn, Ðại-Vương nên rộng lượng cho họ đến đây sám-hối với Như-Lai”. Nghe lời Từ-bi khoan-hồng của Ðức-Phật, Vua Pasenadi cảm-động, vâng lời. 138- Thái-độ của tín-đồ Savatthi đối với các thầy ấy ra sao? Khi các thầy đến trước cổng Kỳ-Viên Tịnh-Xá, người gát cổng, khoá cổng không cho vào vì có lệnh của Ông Cấp-Cô-Ðộc. Ðức-Phật hay tin cho mời Ông Cấp-Cô-Ðộc đến khuyên lơn: "Nầy Ông Trưởng-giả, các thầy Tỳ-Khưu xứ Kosambi đã lở-lầm gây ra tội-lỗi, nay họ đã ăn-năn cải-hóa, Ông cũng nên hoan-hỷ cho họ vào gặp Như-Lai, để họ sám-hối". Không dám cải lời Ðức-Phật, Trưởng-giả Cấp-Cô-Ðộc buộc lòng cho họ vào; nhưng khi các thầy Tỳ-Khưu Kosambi vừa đến thềm cửa, thiện-nam tín-nữ giả-vờ rộ lên hỏi: "Bạch Ðức Thế-Tôn, những thầy Tỳ-Khưu nào ngoan-ngạnh, vô-lễ với Ðức Thế-Tôn và đã chủ-trương sự chia rẻ Tăng-chúng tại Kosambi, xin Ðức Thế-Tôn hoan-hỷ giới-thiệu cho chúng con biết với". Ðức-Phật trỏ tay chỉ ra cửa: "Ðó, các thầy đương bước vào đó". Các thầy tủi-nhục, không dám ngước mặt lên, ríu ríu vào lạy dưới chân Ðức-Phật, tỏ lời thiết-tha xin ân-xá tội-lỗi. Ðức-Phật vui-vẻ tha-thứ và để lời phủ-vụ: "Các thầy, từ nay phải cố-gắng trau-giồi hạnh-kiểm, trước tỏ ra xứng-đáng với lòng sùng-mộ của hàng thiện-nam tín-nữ, sau chuyên lo tu-học, để mạnh tiến trên đường giác-ngộ". Tín-đồ xầm-xì: "Họ báo-hại cho Ðức Cha-lành của chúng mình phải liên-đới chịu mọi sự thiếu-thốn trong hạ nầy; chẳng thấy Ngài để lời quở-trách, lại còn nhỏ-nhẹ an-ủi. Cao cả thay lòng Từ-bi Vô-lượng của Bậc Chí-Tôn". 139- Ðức-Phật còn tại-tiền mà có những thầy Tỳ-Khưu quá-quắt như vậy; nhờ đâu mà Phật-Pháp còn tồn-tại tới ngày nay?Sau khi Ðức-Phật nhập Niết-bàn, Phật-Pháp còn tồn-tại tới nay, trước nhờ ảnh-hưởng của các Vị Tánh-Tăng, ẩn-dật nơi rừng núi, duy-trì đạo quả Tứ-Thánh và các Vị Chân-tu nơi chùa-chiền, sau nhờ sự sáng-suốt và tâm nhiệt-thành của các nhà lãnh-đạo, kế đó nhờ số tín-đồ chánh-kiến. Nơi nào không có hai hạng tín-đồ hộ-pháp như Ðức Vua Pasenadi, như Ông Trưởng-giả Anathapindika, như Bà tín-nữ Visakhã, kế-tiếp như hàng thiện-tính chùa Kosambi và chùa Jetavana, thì nơi ấy không còn Thánh-Tăng và cũng không còn Chánh-Pháp. Khi con người đã xuống dốc tội-lỗi rồi, tâm của họ hết rung-động trước lời thức tỉnh chân-chánh của Ðức-Phật. Ðối với họ phải dùng biện pháp cứng-rắn như các vị thiện-nam tín-nữ ở Kosambi và Savatthi, mới có thể đem họ trở lại lẻ phải. Bài học ở Kosambi cho thấy rằng, dầu trong thời kỳ Ðức-Phật còn tại thế, hoặc trong những thế-hệ hậu-lai, những người gánh vai-trò quan-trọng trong sự duy-trì Chánh-Pháp, là hàng Tín-đồ chân-chánh, dám hy-sinh và bất-chấp dư-luận tà-vạy, cương-quyết thực-hành đúng theo lẽ phải. 140- Hành- động cứng-rắn quá đối với các thầy Tỳ-Khưu, sợ e mang tội chăng?Hành-động theo lẽ phải, để đánh thức kẻ mê-lầm, trở về với Chánh-Pháp, sao gọi là cứng-rắn, là tội-lỗi? Cương-quyết bỏ đói và làm cho hổ-thẹn các phần-tử ngỗ-nghịch, không kỷ-luật, không hạnh-kiểm, cố-tâm gây mầm chia rẽ, các Ông thiện-nam xứ Kosambi và Savatthi đã giúp một cách đắc-lực Ðức-Phật cứu vớt họ khỏi vòng đọa-lạc; ấy là thi-ân cho họ, là bảo tồn Phật-Pháp. Ðây là một bài học đáng ghi nhớ cho toàn thể Phật-Giáo đồ. Ngày nay, những tín-đồ nào cương-quyết bài trừ hành-động xấu-xa của các thầy Tỳ-Khưu, đều bị các thầy khép vào tội: khi Tăng, dứt Qui, phá Ðạo. Bài-trừ tật-xấu để nâng-cao giá-trị Tăng-già là có tội, người Phật-tử nghĩ sao, trước những lời hăm-dọa ngông-nghênh ấy? Không lẻ vì sợ tội mà phải xúm nhau cung-cấp đủ mọi nhu cầu cho các thầy Tỳ-Khưu giả-dối, ngụy-thiện, ích-kỷ, không kiêng-nể giới-luật, không ghê-sợ tội-lỗi; giúp đủ phương-tiện cho người bất-chánh tự do thao-túng, lập phe chia đảng, tranh dành địa-vị, nuôi mộng lập-giáo? So-sánh lại hai cách hành-động kể trên, rồi mới thấy rõ ai là kẻ mang tội: khi Tăng, dứt Qui, phá Ðạo.
K. Từ Savatthi sang qua Rajagaha 141- Ở Savatthi lâu ngày, Ðức-Phật tính đi đâu?Ðức-Phật trở lại Rajagaha, vì có tin bất-tường thấu đến tai Ngài. 142- Tin chi mà gọi là bất-tường? Tại Rajagaha, là nơi Ðức-Phật lập nền-tãng vững-chắc cho Ðạo của Ngài, nhờ Vua Bimbisara hết lòng ủng-hộ. Nhưng lâu ngày phải có sự thay đổi; vì một tiền-nghiệp ác-nghiệt của chúng-sanh, mà Ðức-Phật phải cam-chịu mất người hộ-pháp nhiệt-thành; Vua Tần-Bà-Sa đã bị Hoàng-tử Ajãtasatta (A-Xà-Thế) đoạt-ngôi, hạ-ngục và bỏ đói đến chết. Tội giết cha làm cho Hoàng-tử trở thành kẻ thù-địch với Ðức-Phật. Người bỉnh-cán cho Hoàng-tử A-Xà-Thế giết Vua cha là một thầy Tỳ-Khưu trong Giáo-Hội. Kẻ ác-độc nầy cố ý mượn tay Hoàng-tử A-Xà-Thế thủ-tiêu Vua Tần-Bà-Sa, để mưu-toan cướp Ngôi Giáo-chủ của Ðức-Phật. Khi tước-vị Ðế-vương rồi, vua A-Xà-Thế dùng uy-quyền ủng-hộ thầy nọ thi-hành thủ-đoạn dã-man của thầy. Trong triều-đình, ai lộ-vẽ tin-tưởng Ðức-Phật đều bị tử hình. Ông Ngự-y Jivaka nhiệt-thành sùng-mộ Ðức-Phật, củng phải ôm lòng nín chịu. Ðấng Từ-bi Vô-lượng, đã từng nếm đủ mùi cay-đắng trên đường thực-hiện các pháp Ba-La-Mật và biết rằng nợ oan-trái của chúng-sanh phải vay-trả là thường, nên Ngài thản-nhiên đón rước nghịch-cảnh. Thầy Tỳ-Khưu ác-độc đương ngấm-ngầm hảm-hại Ðức-Phật, chính là thầy Devadatta (Ðề-Bà-Ðạt-Ða), anh ruột của Công-chúa Yasodhara (Da-Du-Ðà-La). Thầy quen tánh kiêu-căng, mục-hạ vô-nhân, đầy tham vọng, nặng-mang chứng-bệnh trầm-kha rất phổ-thông và nguy-hiểm, là bệnh Ái-dục, mặc dầu thầy đã đắc Tứ-Thiền và các pháp thần-thông. Thầy chỉ thua Ðức-Phật vài ba tướng tốt; về giai-cấp xã-hội, thầy cũng ngang hàng với Ðức-Phật; thầy cũng được tín-đồ tôn-kính. Vì đó thầy xin Ðức-Phật để cho thầy thay thế chưởng-quản Giáo-Hội Tăng-già. Ðức-Phật không thể làm vừa lòng thầy. Ngài đã không tính phó-thác trọng-trách ấy cho hai vị đại Ðệ-tử xứng-đáng là Ðại-Ðức Sariputa (Xá-Lợi-Phất) và Moggalãna (Mục-kiền-Liên), thì lẽ nào Ngài lại khứng giao quyền bỉnh-cán Chư-Tăng cho một người mà Ngài dư biết có tánh đê-tiện tật-đố như Ðề-Bà-Ðạt-Ða. Không được toại-nguyện, thầy Devadatta tìm chiến-lược khác. Trong Tăng-già có nhiều thầy Tỳ-Khưu còn tin-tưởng nơi hiệu-lực của lối tu khổ-hạnh. Thầy Devadatta thấu hiểu tâm-lý ấy thường khen tặng cách tu-hành của phái Lục-Sư và chỉ-trích thuyết trung-đạo của Ðức-Phật. Nhờ tài giả-dối ngụy-thiện, thầy Devadatta chinh-phục được một số người và lập ra một nhóm gọi là nhóm "Thanh-nghiêm tu-sĩ". Ngày nọ, giữa Ðại-hội, thầy Devadatta, nhân-danh nhóm Thanh-nghiêm tu-sĩ, đứng ra yêu cầu Ðức-Phật tái-lập thủ-tục khổ-hạnh cổ-truyền, bắt-buộc các thầy Tỳ-Khưu, từ nay về sau phải: ẩn-dật nơi thanh-vắng, đi xin ăn mỗi ngày, mặc y bàng giẻ-rách chầm-vá, ở nơi không che-lợp và kiêng-cử thịt cá. Là người yêu-chuộng tự-do chủ-nghĩa, Ðức-Phật nhất quyết để cho các thầy Tỳ-Khưu tùy thích áp-dụng cùng không năm qui-tắc của thầy Devadatta đề-nghị. Thầy Devadatta cũng chưa chịu thua. Nhờ một đồ-đệ đầy tham-vọng lại có tánh sàm-báng, tên Kokãlika, giúp sức, lợi-dụng sự từ-khước của Ðức-Phật, khoe-khoang với mọi người rằng thầy Devadatta là người chỉnh-túc nghiêm-trang; nhờ đó thầy dụ-dỗ được 500 người từ Vesali mới đến, vừa được Ðức-Phật cho phép xuất-gia. Hay tin các vị Tỳ-Khưu nầy cuốn gói theo thầy Devadatta. Ðức-Phật phái hai Vị Ðại đệ-tử Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên đến thuyết-phục họ. Nhận rõ mình là bầy chiên đi lạc, họ kéo nhau trở về với Ðức-Phật. Devadatta càng tức-giận thêm, nhất định phải hạ-sát cho được Ðức-Phật. Thầy liền vào kể-lể công-ơn với Vua A-Xà-Thế và xin giúp thế-lực cho thầy chiếm đoạt ngôi-vị của Ðức-Phật. Ðược sự ủng-hộ của nhà vua, thầy Devadatta tổ chúc liên-tiếp ba cuộc mưu-sát Ðức-Phật. Ðầu tiên thầy muợn bọn côn-đồ thích-khách Ðức-Phật. Nhưng khi bọn ấy đến nơi bị Ðức-Phật bắt gặp và đem lời đạo-đức thức-tỉnh; chúng nó liền bỏ gươm-đao mọp lạy, xin xuất-gia theo Phật. Kế đó thầy Devadatta chực đón Ðức-Phật trên đường lên núi Kỳ-Xà-Quật, xẻo một tạng đá to lớn, từ trên chót núi lăn xuống cho nát thây. Rất may, chỉ có một mảnh đá nhỏ va-chạm nhằm bàn chân Ðức-Phật, làm cho rướm máu. Ðến lượt thứ ba, thầy Devadatta cho thả voi Nalagiri, là một con vật hung dữ đệ-nhất của Vua A-Xà-Thế, đón chà-đạp Ðức-Phật, giữa lúc Ngài đi trì-bình trong thành Vương-Xá (Rajagaha). Voi nầy được phục rượu cho hăng thêm, vừa gặp Ðức-Phật nó ngóng-vòi, vảnh-tai, cong-đuôi, xốc tới. Mọi người kinh-hải chạy trốn, kêu réo Ðức-Phật, bảo Ngài mau mau tạm lánh trong một nhà kế-cận. Ðức-Phật thản-nhiên đi tới và rải tâm Từ-bi cho voi. Con vật hung-ác nầy liền tỉnh trí, mọp quì dưới chân Ðức-Phật, chịu cho Ngài vuốt tay lên trán, như rước lấy pháp qui-y tế-độ, để rồi từ đó trở nên hiền-lành; về sau có câu phương-ngôn:
Lúc ấy chỉ có Ðức-Phật thấu rõ mưu-sâu kế-độc của thầy Devadatta. Ngài không nói ra và Ngài cũng biết kẻ thù của Ngài chưa chịu dừng bước trên đường tội-lỗi. Ngài thương hại Devadatta, nhưng chẳng biết làm sao cứu-rỗi thầy, vì tham-vọng mà thầy quá đổi si-mê cuồng-nhiệt. 143- Tại sao Ðức-Phật cảm-hoá được bọn côn-đồ đến thích-khách Ngài và voi Nalagiri, mà Ngài không độ được thầy Devadatta, là vị thầy tu đã đắc tứ-thiền và các phép thần-thông?Trường-hợp của bọn côn-đồ và voi Nalagiri khác với cảnh-ngộ của thầy Devadatta. Bọn côn-đồ không có ác-tâm giết Ðức-Phật, họ chỉ vì tiền bạc thôi. Voi Nalagiri có thú-tánh hung-dữ, gặp ai giết nấy, không phải cố-tâm thù-oán Ðức-Phật. Thầy Devadatta tham-lam vô-độ, cố-ý thủ-tiêu Ðức-Phật, để đoạt ngôi giáo-chủ, như Hoàng-tử A-xà-Thế cũng vì ngôi vua mà nở lòng giết cha. Ác tâm của thầy Devadatta, của Vua A-Xà-Thế, làm cho họ si-mê, không phân biệt phải quấy, không ghê-sợ tội-lỗi, nên những lời đạo đức không có năng-lực cảm-hóa họ được. Thầy Devadatta, mặc dầu nhờ Ðức-Phật chỉ dạy đường lối tu-hành, đắc được tứ-thiền và các pháp thần-thông; nhưng còn nặng mang bẩm-tính sâu-đọc, thầy không chứng Tuệ-Giác để diệt tận Tham, Sân, Si, cùng các ác pháp trầm-nịch ẩn-khuất trong tiềm-thức. Khi ác-tâm của thầy phát khởi, thì thiền-định của thầy đã đứt mất, các pháp thần-thông cũng tiêu-ma. Ðã không tự-tỉnh ăn-năn, lại còn muốn sánh với Ðức-Phật, muốn làm thầy các bậc phàm-Tăng và Thánh-Tăng. Bên trong có bọn tà-sư ca-tụng kích-thích, bên ngoài có nhóm mê-tín sùng-bái cúng-dường, nên càng ngày thầy càng đi sâu vào đường tội-lỗi. Sẵn tánh tự-đắc ngã-mạn, thầy Devadatta thấy sự tu-hành được phát-triển tốt đẹp, càng hãnh-diện tự-cao, lầm tưởng rằng không ai bằng mình; chẳng dè tâm xấu-xa ấy là nhân che-lấp con đường Niết-bàn và cũng là nhân thiêu-hủy những kết-quả của thầy đã gieo-trồng. Không tìm trở lại được những phàp-lành trong thiền-định, các pháp thần-thông cũng không còn linh-nghiệm, thầy Devadatta đã trở thành người thất-vọng cuồng-si. Càng thất bại trong mưu-mô chia rẻ Tăng-chúng và hảm-hại Ðức-Phật, tâm của thầy càng ác-độc thêm lên. Do đó , có tục-truyền rằng thầy Devadatta có kết oan-trái với Ðức-Phật tù khi còn làm vị Bồ-Tát trong Vô-lượng tiền-kiếp và trong các kiếp luân-hồi, mối oan-trái ấy càng tăng-bồi thêm mãi, vì mỗi khi thầy Devadatta ra tay rửa thù, thì Bồ-tát sẵn có phước báu Ba-La-Mật che chở được bình-yên vô-sự. Vì đó mà thầy Devadatta căm-hận, nhất nguyện phải trả-thù cho được mới thôi. Ác-ý sâu-độc ấy đưa đẩy hai bên gặp nhau trong mỗi kiếp. Ðến kiếp cuối-cùng, mối thù của thầy Devadatta đã biểu-lộ từ thuở thiếu-niên, trong những lúc chơi đùa trửng-giởn, đến những buổi tập-luyện võ-nghệ với Hoàng-Tử Sĩ-Ðạt-Ta. Một đàng thì khoan-dung hỷ-xả, đàng khác tiểu-mọn cố-chấp, càng thận-trọng nhau, mối thù càng thêm nguy-hiểm.
L. Từ Rajagaha Ðức-Phật trở lại Savatthi 144- Thầy Devadatta còn tính hại Ðức-Phật bằng cách nào nữa? Thất bại trong ba cuộc mưu-sát Ðức-Phật, thầy Devadatta còn tìm kế-hoạch khác. Lúc ấy Ðức-Phật lên đường trở qua Savatthi (Xá-Vệ), cư-ngụ tại Tịnh-Xá của Ông Cấp-Cô-Ðộc. Mưu-kế sắp đặt xong, thầy Devadatta và thầy Lokãlika theo qua Xá-Vệ, giả-bộ ăn-năn, đi tìm Ðức-Phật để sám-hối, chờ lúc vào mọp lạy, với móng tay tẩm thuốc độc, sẽ quào cho rách chân Ðức-Phật. Mưu-chước sâu độc của kẻ tiểu-nhân, muốn tiêu-diệt một bậc Chánh-Ðẳng Chánh-Giác không dễ gì thành-tựu được. Hay tin thầy Devadatta đã hồi đầu hướng-thiện, đến xin yết-kiến Ðức-Phật để sám-hối tội-lỗi, ai ai cũng hoan-hỷ, mong từ nay trong nội-bộ Tăng-già sẽ được yên-vui hòa-thuận. Chẳng dè một chập sau có tin báo-cáo rằng hai thầy-trò của thầy Devadata vừa bị đất sụp chôn thây dưới vực thẩm. Nghiệp-lực nặng-nề đã đến lúc phát-hiện, để lôi-kéo kẻ hiểm-độc đi đền tội trong muôn đời. Trải qua 25 thế-kỷ, dưới sức tàn phá của thời-gian, chùa Kỳ-Viên của Ông Cấp-Cô-Ðộc hiện nay chỉ còn chút ít nền gạch để làm di-tích, trái lại cái hố-sâu đã vùi thân thầy trò Devadatta dưới tro-bụi vẫn còn nguyên vẹn; dường như tạo-vật muốn cho thập-phương du-khách, trong các thế-hệ về sau, đem cái bản-án về ba cái trọng-tội của thầy Devadatta (xúi Thái-tử A-Xà-Thế giết cha đoạt ngôi, chia rẻ Tăng-chúng, hảm-hại Ðức-Phật) nêu lên sách vở, hầu cảnh-tỉnh các thầy Tỳ-Khưu trong bốn phương vũ-trụ, chẳng nên nuôi mộng lập-giáo, làm tổ-sư để thống-trị Tăng-đồ và tín-đồ. 145- Hành- động xấu-xa của thầy Devadatta có gây ảnh-hưởng chi trong Phật-giáo chăng??nh hưởng của thầy Devadatta được nhiều nơi hấp-thụ và lưu-truyền, cho nên khi thầy Pháp-Hiển (thế-kỷ thứ bảy) sang Ấn-Ðộ còn gặp trong hai miền thượng và hạ-lưu sông Găng nhiều nhóm trung-thành với chủ-nghĩa thanh-nghiêm của thầy Devadatta và bỏ Phật Thích-Ca, thờ Phật quá-khứ. Do khởi nguyên thờ phượng trái lý và chủ-nghĩa thanh-nghiêm ấy mà nảy sanh ra nhiều loại kinh-sách không thích-hợp với tôn-chỉ của Ðức-Phật Thích-Ca. 146- Ðức-Phật là bậc Tuệ-Giác Viên-Minh, cớ sao Ngài cho bọn hung-ác vào hàng-ngũ Tăng-già làm chi cho chúng âm-mưu phản-bội và cũng không thấy Ngài dùng biện-pháp nào để ngăn ngừa? Ðức-Phật, thấu-rõ quá-khứ hiện-tại vị-lai, thông-suốt ba-giới bốn-loài, biết trước sẽ có nhiều chướng-ngại trong sự hoằng-dương đạo-giáo của Ngài, do oan-trái của chúng-sanh tạo ra những nghiệp-lực không thể tránh được. Bởi thế, trước khi rời khỏi rừng Uruvela, Ngài đã xem xét đủ mọi khuynh-hướng tín-ngưỡng của dân-chúng, cân phân lợi-hại và lập một chương-trình châu-du khai-đạo. Cửa chân-lý đã rộng mở cho người hữu-duyên, nhưng chẳng vì đó mà không đón tiếp kẻ bạc-phước. Dầu vô-duyên xấu-phước mà biết phân-biệt chánh-tà, ghê-sợ tội-lỗi, cũng có thể tiến đến nơi giác-ngộ. Ðức-Phật thường tuyên-bố rằng Ngài chỉ là người hướng-đạo dẫn đường, không có quyền-năng sửa đổi luật nhân-quả để cứu-vớt những kẻ gây nhân tạo-nghiệp, dầu cho kẻ ấy là môn-sinh hay thân-nhân quyến-thuộc của Ngài. Những biện-pháp để ngăn-ngừa các thầy Tỳ-Khưu hư-hỏng là những điều răn-cấm trong Giới-bổn, nhưng chỉ có một số ít người tu-hành chân-chánh tuân-theo. 147- Người ta thường nói xuất-gia để gieo duyên Niết-Bàn là nghĩa sao? Ðây là nói về những bậc xuất-gia có chí-nguyện giải-thoát. Trọn đời nghiêm-trì giới-luật, tinh-tấn tu-hành, nếu kiếp nầy chưa đắc đạo-quả tứ-Thánh, cũng là một đoạn đường tiến lần đến mục-dích cứu-cánh. Nhờ nền tảng sẵn tạo ấy, trong các kiếp vị-lai mới nhớ được mà tiếp-tục xây-dựng thêm mãi mãi, cho đến khi đạo-đầy quả-đủ, gặp Phật khai-sáng, chứng-ngộ chân-lý. Như thế gọi là gieo-duyên Niết-Bàn. Nhưng nói thì dễ, mà làm thật rất khó. Bởi nói dễ, nên có nhiều người xuất-gia. Bởi làm khó, nên không có người đắc-đạo. Có kẻ lại lầm hiểu rằng miễn là xuất-gia có đủ y-bát có sắc-tướng Tỳ-Khưu, là gieo-duyên Niết-Bàn. Xuất-gia cho có cái dạng bề-ngoài là một việc mà ai ai cũng làm được; nhưng chí-nguyện giải-thoát, tu-hành chân-chánh, là một điều rất cao-thượng mà hàng thức-giả không dám liều-lĩnh nghe theo những lời rủ-ren ngọt-ngào, khi họ chưa làm-chủ được tâm họ, nhất là khi họ chưa gặp được bậc giới-đức để làm nơi nương-nhờ. Cạo-đầu mặc áo cà-sa, làm thầy Tỳ-Khưu, ăn không ngồi rồi, hưởng của thập-phương bá-tánh, mà không cố-gắng tu-hành cho xứng-đáng với sự cúng-dường của thí-chủ, tâm còn quyến-luyến theo trần-tục, tham-danh trục-lợi, muốn có đệ-tử cho nhiều, muốn gầy-dựng chùa-chiền cho đồ-sộ, nếu chẳng phải với mục-đích lợi-dụng Phật-Pháp để khuếch-trương sự-nghiệp, thì cũng không đúng với đường lối giải-thoát. Như thế không phải là gieo duyên Niết-Bàn, mà chính đó là mở nẻo đi đến nơi đọa-lạc. 148- Còn những người nào đã gieo-duyên Niết-Bàn, được Ðức-Phật tế-độ như Angulimãla chăng?Trọn 45 năm châu-du hoằng-pháp, Ðức-Phật tế-độ toàn những người có gieo-duyên Niết-Bàn ít nhiều. Những người ấy thường gọi là người hữu-duyên được tế-độ. Trong hạ thứ 16, nhầm lúc Ðức-Phật ngự tại Tịnh-Xá Cấp-Cô-Ðộc (Savitthi), có chỗ nói tại xứ Lichavi. Ngài soi thiên-nhản biết nơi xứ Alavĩ (không biết thuộc về hướng nào) một đứa trẻ con sắp bị một con Dạ-xoa (Chằng-tinh) ăn-thịt. Ðứa trẻ ấy là Hoàng-tử Alavi có duyên đắc quả A-na-Hàm; con Dạ-xoa tên Alavaka, lại cũng có duyên đắc quả Tư-đà-Hàm. Nếu Ðức-Phật không thân-hành đến tế-độ kịp thời, thì hai chúng-sanh ấy mất cơ-hội giải-thoát và cũng nhờ duyên lành của họ sẵn có, nên đúng thời-giờ, nhân-duyên đưa đẩy họ gặp Ðức-Phật. Số là 12 năm về trước, Vua xứ Alavĩ, trong một cuộc săn-bắn, vì mê rượt thịt, lạc vào rừng sâu, bị Dạ-xoa Alavaka bắt, tính ăn th?t. Ðức vua yêu cầu xin tha và hứa mỗi ngày sai quân-lính dẫn đến nạp cho một người và một mâm cơm, để chuộc mạng. Dạ-xoa bằng lòng cho về, Vua trọng lời hứa, ban đầu bắt tù tử-hình đem nạp, lần lần tới trọng tội, nhẹ tội. Tiếng đồn không còn ai dám phạm tội, khám-đường bỏ trống. Vua ra lệnh bắt những người già cả, kế đến con nít nhỏ. Dân chúng sợ hãi, bế con trốn ra khỏi xứ; chỉ còn Hoàng-tử Alavĩ là trẻ con; vua phải đành chịu cho quân lính dẫn con đem nạp cho Dạ-xoa. Trước khi Hoàng-tử Alavĩ bị đưa tới chỗ chết, Ðức-Phật thân hành đến tận nơi lâu-đài của Dạ-xoa. Thừa lúc Dạ-xoa vắng mặt, Ðức-Phật vào thẳng bên trong, ngồi chờ giữa nhà. Dạ-xoa trở về gặp một Ông Sa-môn liều-lĩnh đến nạp thịt, lại còn cả gan chiếm chỗ ngồi của mình, liền hóa phép bắt Ðức-Phật; nhưng Ðức-Phật vẫn ngồi bình yên. Dạ-xoa tức-giận đem hết phép-tắt ra chiến-đấu với Ðức-Phật; nào là binh-ma tướng-quỉ, mưa-đá, mưa-tro, mưa-lửa, Ðức-Phật thản-nhiên ngồi xem, chẳng một phép nào va-chạm đến Ngài. Hết phép rồi, Dạ-xoa nghĩ rằng Ông Sa-Môn nầy ắt có tu pháp nhẫn-nhục cao-siêu, nên khó bề thắng nổi. Dạ-xoa định thí-nghiệm pháp nhẫn-nhục của Ðức-Phật, nên kêu bảo rằng: "Sa-Môn kia, ngươi phải đi ra khỏi chỗ này". Ðức-Phật đứng dậy đi ra. Dạ-xoa kêu: "Sa-Môn kia, ngươi hãy trở vô". Ðức-Phật trở vô. Ra vô ba lượt, đến lượt thứ tư, Ðức-Phật nhất-định không ra và bảo Dạ-xoa: "Ngươi còn pháp nào đem ra thử nữa đi; nếu Như-Lai thua. Như-Lai mới đi ra". Vô phương thắng Ðức-Phật, Dạ-xoa đem lòng cảm-phục, dùng lời nhỏ-nhẹ, đem những câu phương-ngôn của ông-cha truyền lại, nhờ Ðức-Phật trả lời, để nhóng xem Trí-Tuệ của Ngài: "Nầy Ông Sa-Môn, nếu Ông trả lời đúng lý những câu hỏi của tôi, tôi sẽ cảm-phục ông:
Ðức-Phật đáp:
Dạ-xoa thỏa-mãn, yêu-cầu Ðức-Phật giảng-đạo cho nghe; rồi xin qui-y thọ-giới. Sáng ngày, quân-lính đem Hoàng-tử Alavĩ nạp cho Dạ-xoa. Vì đã qui-y thọ-giới nguyện làm tôi Ðức-Phật, Dạ-xoa không còn ăn thịt người nữa; nên bồng Hoàng-tử trao cho Ðức-Phật, yêu cầu Ngài giao trả lại cho đức Vua. Từ đó, Hoàng-tử có cái biệt hiệu là Hattaka-Alavaka, nghĩa là người được Dạ-xoa Alavaka ẵm trên tay, trao trả lại cho Ðức-Phật. Dạ-xoa bắt đầu tu-hành theo Chánh-Pháp, chẳng bao lâu đắc-quả Tu-Ðà-Hàm. Hoàng-tử lớn lên xuất-gia đầu-Phật, tu đắc A-Na-Hàm đạo quả. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 14-04-2002