BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trên đường hoằng pháp của Phật tổ Gotama
Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu
Sự-tích của Phật-tổ GOTAMA (Cồ-đàm)1- Ai là Vị Giáo-chủ của Ðạo-Phật? Chính là Ðức-Phật Gotama (Cồ-Ðàm). Tôn-hiệu người ta thường dùng là Phật Sakya-Muni, âm-trại qua giọng Việt-Nam là Thích-Ca Mâu Ni hay Thích-Già Mâu Ni, nghĩa là Bậc Trí-Tuệ của dòng Thích-Ca. 2- Phật là người như thế nào? Ðức-Phật là người đã biến-hóa đến mức toàn thiện, toàn mỷ và tự tìm ra ánh sáng chân-lý, thấu rõ định-luật cấu-hợp thiên nhiên của vạn-vật, cho nên không còn bị ở dưới quyền chi-phối của định-luật ấy nữa, tức là được hoàn toàn giải-thoát khỏi vòng sanh-tử luân-hồi. Tự mình giải thoát rồi, Ðức-Phật còn một nghĩa-vụ thiêng-liêng là hướng dẫn chúng sinh theo Ngài đến nơi an-vui tuyệt đối, nơi không còn khổ, không còn sanh, già, đau, chết gọi là Niết-Bàn. 3- Phật phải là một vị Trời không? Không, Phật cũng là người như chúng ta nhưng là một người độc nhất vô nhị, cả muôn triệu ức năm mới gặp được một người như thế. 4- Ngài tên họ là chi? Tên của Ngài là Siddhattha (Sĩ-Ðạt-Ta). Họ của Ngài là Gotama (Cồ-Ðàm). 5- Thân-sinh của Ngài là ai? Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn-Vương) và Hoàng-hậu Maya (Ma-da). Hoàng-hậu sanh Thái-tử Siddhattha dược bảy ngày rồi thăng-hà; nhờ bà Thứ-hậu Mahapajapati hay Gotami là dì ruột săn-sóc nuôi dưỡng đến trưởng thành. 6- Dân chúng dưới quyền cai-trị của Vua Suddhodana thuộc về dân nào, dòng nào? Dân Ấn-Ðộ, dòng Sakya (Thích-Ca), thuộc giống Ariya da trắng ở Âu-Châu và Á-Châu, gần dân Latins (Ý), Germans (Ðức) và Slaves (Tư-Lạp-Phu). 7- Nước của Vua Suddhodana ở đâu?? Ðông-Bắc Ấn-Ðộ, dưới chân Hymalaya (Hy-Mã-Lập-Sơn), Kinh-đô là Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ), trên bờ sông Robini, cách thành Bénarès 150 cây số về hướng Bắc. 8- Hoàng-tử Siddhattha ra đời lúc nào?Ðúng bữa trăng tròn ngày thứ 6 tháng Vesakha (Nhằm tháng Năm dương-lịch hoặc tháng Tư âm-lịch, năm Tuất). Cách đây 2.582 năm trước kỷ nguyên Gia-tô 623 năm (1.959 + 623). 9- Lúc Hoàng-tử Siddhattha ra đời có điềm chi lạ?Có. Chính các thầy Bà-La-Môn làm quốc-sư và chiêm tinh gia trong trào đã báo trước điềm lành; Hoàng-tử Siddhattha sẽ trở thành một vị Ðại Hoàng-đế, thống trị các xứ. Bằng như Hoàng-tử xuất-gia tìm đạo. Ngài sẽ trở thành một vị Phật, một ánh sáng cho thế-gian. 10- Còn điềm lành nào nữa chăng?Còn. Thuở ấy một vị Ðạo-sĩ tên Asita, đương ẩn-tu trên Hy-Mã-Lập-Sơn, đoán biết có quý-nhân ra đời, liền hạ sơn đến thành Kapilavastu, xin ra mắt vị Hoàng-tử sơ-sinh. Vừa gặp Hoàng-tử, vị Ðạo-sĩ ấy cung kính cúi lạy và nói rằng một ngày kia Hoàng-tử sẽ thành Ðấng Vô-Thượng Chánh-Giác và làm thầy hướng dẫn Chư-Thiên và nhân-loại trên đường giải-thoát. Rồi vị Ðạo-sĩ khóc-lóc tức tưỡi, buồn tủi phận già, không thể sống đến thời kỳ Hoàng-tử đắc quả Phật để nhờ Ngài tế độ. 11- Khi nghe lời tiên-tri của Ðạo-sĩ Asita, Vua Suddhodana có tỏ vẽ vui thích không? Không. Trái lại vua cha tìm đủ mọi phương-pháp để ngăn ngừa không cho Hoàng-tử xuất-gia bởi Ngài muốn cho con trở thành một vị Ðế-Vương hùng cường, trị vì thiên hạ. 12- Vua Suddhodana dùng phương-pháp chi để cầm giữ Hoàng-tử Siddhattha?Khi Hoàng-tử lớn lên, vua cha không cho lìa cung nội, ra lệnh nghiêm-nhặt không ai được phép thố-lộ cho Hoàng-tử thấy biết những sự buồn thảm, bệnh-tật và những cảnh đau khổ, tử-biệt trong đời. Ngày ngày, Hoàng-tử sống giữa yến-tiệc, ca-xang; hết cuộc vui nầy đến trò vui khác, làm cho Hoàng-tử say-mê, không quan-tâm lo nghĩ đến thế-sự. Ngoài ra còn có nhiều danh-sư chuyên dạy văn chương võ-nghệ, rèn-luyện cho Hoàng-tử có đủ tài ba lỗi-lạc. Ðến lúc trưởng thành, vua cha tạo cho Hoàng-tử ba tòa cung điện thích hợp với ba mùa trong xứ: Mùa nóng, mùa lạnh và mùa mưa. Bên trong cung-điện được trang hoàng cực-kỳ sang-trọng; bên ngoài có vườn thượng uyễn rộng lớn bao la, cây cối sum-sê, bông hoa đủ màu, hồ sen, suối nuớc và nhiều thắng cảnh vui-đẹp làm cho Hoàng-tử càng say-mê cuộc đời vương-giả trong cái tuổi xuân-xanh mơ-mộng. 13- Hoàng-tử sống nơi ấy một mình trơ-trọi hay sao? Không. Ðể tránh cảnh đơn-độc, không thích-hợp với ý-định của hoàng-triều, vua cha chọn lựa giữa hàng công tôn, những trai tài đầy hy-vọng về tương-lai, hằng ngày vui sống bên cạnh Hoàng-tử. Ðến khi vừa được 16 tuổi, Vua cha cưới cho Hoàng-tử nàng Công-chúa Yasodhara (Da-Du-Ðà-La), con vua Suppabuddha và Hoàng-hậu Amita (Bà nầy là em ruột của Vua Suddhodana, tức là cô ruột của Hoàng-tử) của xứ Devadaha ở kế-cận, lại còn cấp cho một đoàn cung-phi trẻ tuổi yêu-kiều diễm-lệ, rành nghề ca-xang nhạc vũ. 14- Giữa đời sống cực kỳ vui sướng như thế ấy, cớ sao Hoàng-tử lại nảy sanh tư-tưởng chán đời? Lúc dạo chơi trong vườn thượng uyễn, tình cờ được mục-kích bốn hiện tượng phi-thường, Hoàng-tử chợt tỉnh thấy rõ tình trạng khổ-não của đời sống thế-gian. 15- Bốn hiện tượng ấy như thế nào? a) Một người già quằn-quại
dưới sự tàn-phế suy-nhược của xác-thân. 16- Xin tường thuật bốn hiện tượng ấy? a) Một ngày nọ, Hoàng-tử đi dạo chơi trong vườn thượng uyễn, bổng gặp một ông già thân hình còn da bọc xương, khom lưng, chống gậy, hai chân run-rẫy, bước tới nặng nhọc, tỏ vẻ người tàn-tạ dưới sức nặng của tuổi già. Hoàng-tử lấy làm ngạc-nhiên (vì chưa từng thấy), kêu tên xa-phu hỏi: Kìa Channa (Xa-Nạt), người gì kỳ lạ vậy? - Channa trả lời: Tâu Hoàng-tử, ấy là một người già. Người ấy sinh ra với hình thể như vậy sao? - Tâu lệnh Ngài, trước kia người ấy cũng tráng kiện, tương-tắn, khỏe-mạnh như Ngài. Còn nhiều người già như ông ấy chăng? - Tâu Ngài, có rất nhiều. Tại sao ông nầy phải lâm vào tình-trạng buồn thảm như vậy? - Ấy là định-luật thiên-nhiên, dành chung cho nhân-loại; hết lúc xuân-thời tráng-kiện, đến tuổi già-yếu suy-nhược, da nhăn, má hóp, mắt lờ, tai điếc, lưng mỏi, gối dùn. Ta đây cũng sẽ già như vậy sao, Channa? - Cũng vậy, tâu Ngài. Câu trả lời của Channa đánh mạnh vào tâm-trí của Hoàng-tử, làm cho Ngài ngạc-nhiên kinh-sợ, lặng thinh suy-nghĩ. Từ nhỏ đến lớn chưa từng gặp một thảm-cảnh nào khêu gợi trạng-huống bi-quan của số-phận loài người đến như thế, nên Hoàng-tử buồn-bả, bảo Channa quay xe trở về cung-nội. b) Một thời-gian sau, cũng trong một cuộc du-ngoạn trong vườn thượng-uyễn, Hoàng-tử gặp một người bị ghẻ chóc, lở-lói cùng mình, rên siết khổ-sở. Channa cũng giải thích cho Hoàng-tử biết thân người là nơi phát-sanh rất nhiều thứ bệnh-tật và mọi người bất luận trẻ già, sang hèn, không ai tránh khỏi được. Nghe qua, Hoàng-tử phát ghê-tởm cái xác-thân và bắt đầu chán-nãn cuộc đời. Từ đó, Hoàng-tử không còn vui thú dục-tình, ngày đêm lo nghĩ tìm kiếm phương-pháp diệt-trừ sự già và sự đau. c) Sau một thời-gian nữa, Hoàng-tử gặp một tử-thi sình-nhầy nơi cạnh đường. Lần này cũng nhờ Channa vạch rõ cho Hoàng-tử thấy cái chết là mức cuối cùng của con người. Từ thường dân đến vua chúa, khi ra đời đều phải tiến lần đến chỗ chết, không ai tránh khỏi và cũng không ai biết được mình sẽ chết già hay chết trẻ. Hoàng-tử gạn hỏi Channa: Ta đây cũng sẽ chết hay sao? - Tâu Ngài, trong hoàn-vũ nầy, không một ai thoát khỏi tay tử-thần. Nếu Ngài cho phép tôi nói sự thật, tôi xin tâu rằng: Một ngày kia, Ngài cũng sẽ chết như mọi người ở thế-gian. Lời quả quyết của Channa làm cho Hoàng-tử không còn ngờ-vực, liền hối quay xe trở về hoàng-cung. Ðem hết tâm trí suy-tưởng đến cái già, cái đau, cái chết, Hoàng-tử kết-luận: Ích-lợi gì cái đời vinh-quang oanh-liệt của nhà vua, nếu những chuổi ngày hạnh-phúc chốn lầu son điện ngọc sẽ đưa ta đến chỗ già đau, chết? Ô hởi! Ðời người thật là khốn khổ, tìm đâu cho ra con đường diệt-khổ? Từ đó không giờ khắc nào Hoàng-tử xao lãng việc tìm kiếm con đường diệt-khổ. d) Mỏi mệt cả tinh-thần trí-não mà tìm cũng không ra lối thoát, Hoàng-tử bảo Channa bỏ xe thơ-thẩn trên những con đường xa xâm u-tịch của vườn thượng-uyễn. Ngồi trên xe mà tâm-trí vẫn chú vào đề mục giải-thoát khỏi cảnh già, đau, chết. Bỗng nhiên, trước mắt Hoàng-tử xuất hiện một Ðạo-sĩ du-phương, phong-độ uy-nghiêm, sắc-diện trầm tỉnh dưới bộ áo nâu sòng. Hoàng-tử chợt tỉnh, lĩnh-hội điềm lành, biết rằng đây là con đường duy-nhất phải trải qua để khám phá nguyên nhân trói-cột con người trong chỗ già, đau, chết.
Từ đó Hoàng-tử nhất định xuất-gia tìm đạo. 17- Hoàng-tử hy sinh cả một đời sống vương-giả được sao?Trình độ tiến-hóa của một vị Bồ-Tát đã hy-sinh nhiều kiếp với chí-nguyện độ đời, không thể tưởng-tượng được. Ngài đã từng bố-thí tài-sản, vợ con, tai mắt, máu thịt và thân mạng, từ Vô-lượng kiếp để đem lại hạnh-phúc cho chúng-sanh, thì sá chi ngôi vàng, điện ngọc, vợ đẹp, hầu sinh trong một tấn-tuồng mà Ngài đã từng diễn đi, lập lại, trên con đường phiêu-bạt giữa cõi luân hồi. Bởi thế Bồ-Tát Siddhattha dứt bỏ những nhân-vật thương yêu một cách dễ-dàng. Nếu gươm Trí-Tuệ của Ngài chưa sắc-bén thì kiếp này chưa phải là kiếp chót để thành-công đắc-quả. 18- Trốn cha, lìa vợ, Hoàng-tử há chẳng phải là người thất-hiếu, bạc-tình? Không thể dựa nơi tình-thương ích-kỷ của cha đối với con, vợ đối với chồng, mà khép cho Hoàng-tử cái tội thất-hiếu, bạc-tình. Lòng từ-bi của một vị Bồ-Tát bao trùm cả muôn loài vạn-vật. Tình-thương bình-đẳng mới gọi là chân-thật và hy-hữu. Vả lại, Bồ-Tát chỉ tạm-biệt gia-đình một thời-gian, khi thành-công đắc-quả trở về cứu-độ gia-đình quyến-thuộc. Cũng chẳng vì sự vắng mặt tạm thời ấy mà cha già, vợ yếu, con thơ phải đói khổ, mà gọi Hoàng-tử là người thất-hiếu, bạc-tình. 19- Hoàng-tử trốn ra đi bằng cách nào?Giữa đêm trăng tròn của ngày rằm tháng 6 năm Mẹo, trong lúc mọi người an giấc, Hoàng-tử sẽ lén vào phòng nhìn vợ, xem con, rồi trở ra đánh thức Channa, bảo thắng ngựa Kanthaka (Kiền-trắc), thầy trò ra đi không ai hay biết. 20- Lúc ấy Hoàng-tử Siddhattha được mấy tuổi?Hoàng-tử vừa được 29 tuổi. 21- Hoàng-tử đi về hướng nào?Hoàng-tử đi về hướng Ðông-Nam, thẳng đến bên kia bờ sông Anoma, dừng ngựa lấy gươm cắt tóc, cởi trang phục bên ngoài, giao cho Channa, bảo trở về Kapilavastu yêu cầu Vua cha và Công-chúa Yasodhara an tâm để cho Ngài đi tìm đạo. Sau khi Channa lên ngựa trở về, Hoàng-tử ở lại bờ sông Anoma bảy ngày, tỉnh-tọa giữa cảnh u-tịnh, rất vui thích được tiến một bước đầu trên đường xuất-gia. Rồi sau khi đổi y-phục cho một người Ðạo-sĩ, Ngài lên đường lần bước đến Rajagaha (Vương-Xá thành), kinh-đô của xứ Magadha (Mã-Biệt-Ðà). (Từ đây người ta gọi Hoàng-tử là Sa-môn Gotama, hay Bồ-Tát Siddhattha, trong lúc Ngài chưa thành Phật). 22- Bồ-Tát Siddhattha đến Rajagaha để làm gì?Gần thành Rajagaha có hai thầy Bà-la-môn tên Alara và Uddaka nổi danh là bậc Trí-Tuệ siêu phàm, nên Bồ-Tát đến đó để xin thọ-giáo với hai vị danh-sư ấy. 23- Hai thầy Bà-la-môn ấy dạy những chi? Hai thầy dạy phải tấm gội linh-hồn bằng kinh-kệ, cúng tế và mọi cách hành-lễ để cầu xin Ân-huệ của Thượng-Ðế cho được giải-thoát. 24- Sa-môn Gotama có cho tôn-chỉ ấy là chân-chánh không? Ban-sơ Bồ-Tát cố-gắng học tất-cả giáo-lý của hai vị Bà-La-Môn và tinh-tấn thực-hành nhưng không thấy tiến được bước nào đến mục đích giải-thoát. 25- Không được toại nguyện Bồ-Tát đi tìm đạo nơi đâu nữa? Bồ-Tát còn đi thọ-giáo với nhiều Ðạo-sĩ khác, trong vùng kế cận Rajagaha, học tu khổ-hạnh để diệt trừ ái-dục phiền-não. Học xong Bồ-Tát vào ẩn-dật trong một khu rừng tịch-mịch, tại làng Uruvela và hết sức kiên-nhẫn, giam mình trong mọi pháp hành thân hoại thể, cực kỳ khổ sở. Tiếng đồn Ngài là Bậc Thánh-nhân, nên có năm người đồng tu khổ hạnh như Ngài đến xem cho biết. Thấy tận mắt họ đem lòng kính-phục, cho rằng Bồ-Tát Gotama thật là người có tinh-thần cứng rắn và can-đảm trong pháp khổ-hạnh. Họ tin-tưởng một ngày kia Bồ-Tát sẽ thành-công đắc quả chẳng sai, nên xin ở lại đó, mong sẽ được làm môn-đệ của Bồ-Tát. 26- Năm Thầy ấy tên chi? Tên:
Thường gọi là nhóm năm Thầy Kiều-Trần-Như. 27- Bồ-Tát Gotama ở tại rừng Uruvela bao lâu? Gần sáu năm. Sức lực càng ngày càng suy-nhược, thân thể gầy còm, do sự nhịn ăn, thức đêm, thức ngày, mệt-mỏi rủ-liệt nhưng không thối chuyển. Một đêm nọ, Bồ-Tát đi kinh-hành mặc-tưởng, té quị chết giấc vì đã kiệt sức. Năm Thầy Kiều-Trần-Như tưởng Bồ-Tát đã chết nhưng một chập sau Ngài tỉnh lại. 28- Bồ-Tát còn tiếp tục tu khổ-hạnh nữa không? Không. Ngài đã thấy pháp khổ-hạnh không đem lại thành-công và giải-thoát ... Ðã cố-gắng liều thân đến cùng, mà vẫn không đạt được mục-đích, cũng không thấy tiến hóa về mặt tinh-thần, Bồ-Tát nhất định bỏ lối hành xác và bắt đầu ăn uống trở lại như thường. Năm Thầy Kiều-Trần-Như thấy vậy cho rằng Bồ-Tát đã thối-chí ngã-lòng, nên bỏ ra đi nơi khác, không còn tin-tưởng nơi Ngài nữa. 29- Ðã nói rằng Bồ-Tát là bậc Trí-Tuệ, sao cũng lầm-lạc theo mê-tín? Chẳng phải vậy. Tin những điều chi mù-mờ, vô căn-cứ, không đúng với chân-lý, mà vẫn cố tin, cố thực-hành mới gọi là mê-tín. Sa-môn Gotama là người thật tâm giải-thoát, không bao giờ tin bướng, nghe càng, cũng chẳng hề đặt trọn tin-tưởng nơi một tôn-giáo nào trước khi nghiên-cứu và thực hành chu đáo. Nghe nơi đâu có danh-sư, dầu đường sá xa xôi hiểm trở. Bồ-Tát cũng tìm đến học đạo và trong khi học, Ngài đem tất cả tinh-thần nghị-lực, kiên-nhẫn suy-tầm chân-lý tận nơi huyền-vi sâu-kín, dùng Trí-Tuệ suy-xét và thực-nghiệm đạo-pháp để nhận-định chánh-tà; như thế chẳng phải là mê-tín. Bồ-Tát Siddhattha là người duy-nhất đã cố-công khảo-cứu và thực-hành tất cả đạo-giáo trong thời kỳ Ngài đi tìm đạo. Nhờ chí kiên-nhẫn mà Ngài không lầm-lạc và cũng nhờ Trí-Tuệ xét đoán nên Ngài mới tìm ra chân-lý. 30- Ðến đâu cũng không được toại-nguyện Bồ-Tát có thối-chí ngã lòng chăng?Không. Ðã kinh-nghiệm bao nhiêu pháp cầu-khẩn, cúng-tế, hành-xác mà không đắc kỳ sở-nguyện, bấy giờ Bồ-Tát định tự vạch lấy con đường tiến-hóa sáng-kiến của mình. Bỏ khổ-hạnh, Bồ-Tát áp-dụng phương-pháp thu-thúc Lục-căn, chế-ngự dục-vọng. Ðồng thời nhờ cảnh cô-độc, được tịnh tâm an-trí, Bồ-Tát khai thông những kinh-nghiệm sẵn có và làm phát-triển những tiềm-lực siêu-việt bên trong. Một đêm nọ, Bồ-Tát thấy triệu-chứng sắp thành-công đắc-quả. Sáng ngày Bồ-Tát xuống sông Niranjara (Ni-Liên) tắm rửa sạch-sẽ, rồi thọ một bữa cơm sữa của nàng Sujata. Nàng nầy, trước kia có khấn-vái với vị Thọ-thần, xin được gặp một người chồng vừa-ý và sanh được một trai đầu lòng. Lời khấn-vái ấy đã thành-tựu nên sắm một mâm cơm nấu sữa tươi đem ra cây cổ-thọ cúng trả lễ cho vị Thọ-thần. Trông thấy Bồ-Tát đương ngồi trầm-tư mặc-tưởng dưới cội cây, nàng tưởng rằng vị Thọ-thần ứng-hiện nên thành-tâm đem cơm dâng cúng cho Bồ-Tát. Sau khi thọ-thực, Bồ-Tát thấy trong mình khỏe-mạnh phi-thường. Trọn ngày đó Bồ-Tát ngồi trên bờ sông tham-thiền quán-tưởng. Chiều lại, Ngài đến cội Bồ-đề kế-cận, ngồi xây mặt về hướng Ðông và nhất-nguyện không lìa khỏi nơi ấy trước khi đắc đạo-quả. Chính dưới cội Bồ-đề nầy, Bồ-Tát Siddhattha chiến thắng vẻ-vang trận giặc cuối cùng hết sức khó-khăn. 31- Trận giặc thế nào mà gọi khó-kh ăn?a) Thất-tình lục-dục là những bẩm-thụ thiên-nhiên, hẳng đưa con người đến sa-đọa điêu-linh. Bồ-Tát luôn luôn thu-thúc, đè-nén, không để cho các tật ấy chi phối nên trong thời gian xuất-gia tìm đạo, những bẩm-thụ cố hữu bên trong, tựa hồ như đã bị diệt tận gốc rễ; chẳng dè trong giai-đoạn chủ-yếu nầy, bao nhiêu thị-dục và khuynh-hướng về thế-gian, bấy lâu đã ẩn-khuất im-bặt trong tiềm-thức, thình-lình lập-lòe phản-ứng, gây ra một bức tường chướng-ngại kiên-cố. Vì thế Bồ-Tát phải quyết-liệt chiến đấu với Dục-Lậu Phiền-Não nầy (Kamãsava). b) Sau mũi giặc thứ nhất xuất hiện một loạt ảo-giác bộc-lộ những háo-thích về các lạc-thú đã từng nếm trải, kích-thích sự mến-tiếc và mong-ước được sống cho lâu dài, để tận-hưởng mùi-vị hương-trần. Biết được sự tham sống là cội rễ, nhân-sanh ra bản-thân nầy và cũng là nguồn gốc của mọi sự khổ-não dính liền với thân, Bố-tát gom thần-lực Trí-Tuệ, tẩy-trừ những trần-cấu, đã lâu đời chồng-chất, tích-trử trong tâm-khảm của Ngài. Ðây gọi là Tái-Sanh Lậu Phiền-Não (Bhavãsava). c) Kế tiếp xuất hiện trong tâm Bồ-Tát một màn-ảnh rất linh-động: Nào là lộc cao, tước-trọng, thanh-danh, uy-quyền, giàu sang, vinh-hiển, ái-tình, dục-lạc, hạnh-phúc, gia-đình cho đến tất cả những thú-vị, những vui-sướng của người được đặc-biệt ưu-đải trên thế-gian như Bồ-Tát, đều liên-tiếp biểu-hiện những tranh-cảnh rất cám-dỗ, làm cho Bồ-Tát bị cảm-kích, xiêu-lòng, tấn-thối lưỡng-nan. Ðây gọi là Vô-Minh Lậu Phiền-Não (Avijjãsava). Chợt nhớ lại lời cương-quyết thề-nguyện "Thà chết hơn là từ bỏ mục-đích giải-thoát". Sa-môn Gotama liền vận-dụng tất-cả tiềm-lực Trí-Tuệ phi-thường, hùng-dũng chiến-đấu và đã toàn thắng trận giặc-lòng rất ghê-tởm ác-nghiệt. Sau khi những dấu vết cuối cùng của ba Pháp Trầm-luân bên trong đã được dứt-khoát t?y-trừ thì sự vắng-lặng sâu-kín của Niết-Bàn đã tràn-ngập cõi lòng, Bồ-Tát nâng Trí-Tuệ lên từ nấc Giác-Ngộ đến đỉnh Tuệ-Giác Viên-Minh tuyệt-đối. Màn Vô-Minh đã bị xé tan, Ngài đạt được mục đích cứu-cánh, chứng quả Toàn-Giác thành một vị Vô-Thượng Chí-Tôn, một Vị Phật. 32- Ngày giờ nào Bồ-Tát thành Phật và lúc ấy Ngài được mấy tuổi?Trận chiến đấu cuối cùng để thắng mọi vi-tế phiền-não bên trong vừa chấm dứt thì trời vừa sụp tối, trăng rầm tháng Vesakha lố mọc, rạng tỏ chân trời. Chính trong đêm trăng tròn tháng Vesakha ấy, Bồ-Tát Siddhattha đã chứng quả vị Chánh-Ðẳng Chánh-Giác nhằm năm Dậu, ngày thứ tư kể tới nay được 2.547 năm (1959 + 623 - 35). Lúc ấy Ngài được 35 tuổi. 33- Xin giải rõ thế nào gọi là đắc quả Vị Phật?Nhờ trau-dồi Trí-Tuệ sắc bén, do pháp Thiền-định Minh-sát, Bồ-Tát tận-diệt gốc rễ phiền-não vi-tế trong tiềm-thức, không còn một chướng ngại nào che án, nên tâm-thần thanh-thoát, sáng-suốt càng sáng-suốt thêm. Thắng được trận giặc lòng rồi, trong canh một Bồ-Tát dùng Tuệ-Giác soi thấy trong mỗi kiếp luân-hồi, từ gần đến xa, Ngài đã sanh nơi đâu, làm chúng-sanh ở cảnh-giới nào, cha, mẹ, vợ, con là ai. Tuệ-Giác thấu rõ tiền kiếp của mình gọi là Túc-Mạng-Minh (Pubbenivasanusatinãna). Qua canh hai, Bồ-Tát dùng Tuệ-Giác soi cùng khắp ba-giới bốn-loài thấy chúng-sanh bị trầm-luân trong sáu nẻo luân-hồi (Trời, Người, Súc-sanh, A-tu-la, Ngạ-quỷ, Ðịa-ngục) do sự gây nhân tạo-nghiệp (nhân quả báo ứng). Tuệ-Giác nầy gọi là Thiên-Nhãn-Minh (Cutuppatanãna). Qua canh ba, Bồ-Tát dùng Tuệ-Giác quan-sát đời sống của chúng-sanh thấu rõ pháp Tứ-Ðế (Catu-ãriyasacca) là bốn điều chân-thật về:
Tuệ-Giác nầy gọi là Asavakkhayãnãna (Lậu-Tận-Minh). Ðắc được ba cái Tuệ-Giác nói trên, Bồ-Tát thấu rõ cái định-luật cấu-tạo sáu loại chúng-sanh trong ba cõi: (Dục-Giới, Sắc-Giới, Vô-Sắc-Giới) nên không còn dính-mắc trong định-luật ấy tức là hoàn-toàn giải-thoát khỏi vòng sanh-tử luân-hồi. Từ đây Bồ-Tát đã chứng-quả Vị Phật cũng gọi là đạo-quả Niết-Bàn Vô-sanh Bất-diệt. 34- Bồ-Tát Gotama thành Phật rồi, còn ở trong rừng Uruvela bao nhiêu ngày? Từ nay không còn dùng hai chữ Bồ-Tát nữa bởi Bồ-Tát (Bodhisatta) có nghĩa là chúng-sanh có Trí-Tuệ. Khi chúng-sanh ấy đã thành Phật rồi ta phải dùng danh-từ Phật Gotama (Buddha Gotama) hay Phật Thích-Ca Mâu-Ni (Buddha Sakya Muni). Trong lịch-sử có chỗ nói rằng: Ðức-Phật ở lại rừng Uruvela bảy tuần nhật (49 ngày), có chỗ nói Ngài ở bốn tuần (28 ngày).
35- Nghe rằng Ðức-Phật có một kẻ cừu- địch đeo theo phá-khuấy, nhiểu-hại, kẻ đó là ai?Người xưa hay dùng thí-dụ, ngụ-ngôn cùng nghĩa bóng cốt yếu để tô-điểm thêm vẽ huyền-bí cho những đoạn lịch-sử của vị Giáo-chủ. Nhiều kinh sách chứa đầy sử-tích thần-thoại, không thích-hợp với đời nay lại còn làm cho thương-tổn giá-trị của nền đạo-giáo cao-siêu của Ðức-Phật. Người ta muốn che-đậy những sự thật đã xảy ra, chẳng qua là sợ giảm uy-tính và thanh-danh của bậc Chí-tôn. Vì đó người ta trừu-tượng một con quỷ để làm kẻ cừu-địch của Ðức-Phật. Con quỷ ấy được đặt tên là Ma-Vương. Tùy trường hợp Ma-Vương có nhiều nghĩa:
36- Lúc nào Ðức-Phật cảm thắng Ma-Vương? Lúc hoàng-hôn, trước giờ thành đạo, Bồ-Tát Siddhattha chiến đấu để dẹp yên trận giặc lòng (Như đã ghi chép nơi câu giải số 30 đoạn a và b). 37- Xin cho biết Ðức-Phật cảm thắng Ma-Vương như thế nào? Dưới tựa đề: "Ðức-Phật cảm thắng Ma-Vương" sách ghi rằng: Ðược báo tin nguy-cấp, kẻ thù không dung thứ được là Sa-môn Gotama sắp thành Phật, Ma-Vương cấp-tốc huy-động một ngàn người con và các tướng-soái rần-rộ kéo binh bao-vây Bồ-Tát. Một đạo binh ghê-tởm, chưa từng nghe, chưa từng thấy toàn là những quái-vật kỳ-hình, dị-tướng, lưỡi dài, nanh nhọn, mắt lửa, nhóm không tay, nhóm cả ngàn tay, nhóm không đầu, nhóm cả ngàn đầu, đủ loại yêu-quái, có lũ mang sọ người, lũ khác phun ra những rắn độc, nhóm thì xô đá, lăn cây, xạ tên, nhóm làm mưa, làm sấm-sét, vận-dụng toàn-lực, cố hạ-sát cho được vị Sa-môn cô-độc đương tỉnh-tọa dưới cội Bồ-đề. Ma-Vương chỉ huy đốc-suất nhưng binh-ma tướng-quỷ chẳng hề va động tới chân lông của Bồ-Tát. Các pháp Ba-la-Mật và lòng từ-bi Vô-lượng của Ngài làm một hàng rào kiên-cố, bảo vệ Ngài bình-an vô-sự. Tên bắn vào như mưa, mũi nào cũng tà đầu và trở thành những đóa hoa tươi đẹp nằm ngổn-ngang chung quanh Ngài. 38- Lúc nào Ðức-Phật bị ba nàng con gái của Ma-Vương cám-dỗ? Ðể tô-điểm câu giải 30 đoạn C trên đây, người ta thuật rằng sau khi thất bại trong trận đột kích vị Sa-môn Cồ-Ðàm, Ma-Vương sai ba người con gái đến cám-dỗ Bồ-Tát, nghĩ rằng khí-giới không thắng được vị thầy tu cô-độc, có lẽ bùa-mê của sắc đẹp sẽ làm xiêu lòng vị này một cách dễ-dàng. Ba nàng kiều mỹ tên Tanha (Ái-Dục), Arati (Tình-yêu), Raga (Tham-Ái) vâng lệnh Cha đến trêu ghẹo Bồ-Tát. Sắc-phục và trang-điễm lộng-lẫy, ba cô ca-hát, múa nhảy, trừng liếc, rủ-rê; người thì khêu-chọc, người lại tỏ vẽ bẻn-lẻn thẹn-thùng. Bao nhiêu nghệ-thuật khêu gợi dục-tình chẳng hề làm rung động Bồ-Tát (Theo sách khác, ba nàng nầy đến quyến-rủ Ðức-Phật trong tuần lễ thứ năm sau khi Ngài đắc đạo). 39- Lúc nào Ma-Vương thỉnh Ðức-Phật nhập Niết-Bàn? Chính lúc Ðức-Phật đương suy-nghĩ thấy giáo-lý của Ngài cao-siêu, khó hiểu, khó hành, khó cho người đời hấp thụ được (Xem câu giải số 33 đoạn a). Lúc ấy Ma-Vương biết được tâm Phật đương băn-khoăn về vấn đề Hoằng-pháp, chen vào yêu cầu Ngài nhập Niết-Bàn an nghỉ, bởi chúng-sanh ngu-muội không thể cứu độ được. Ma-Vương lo sợ chúng-sanh siêu thoát theo Phật, mà trần-gian không còn ai để thống-trị. 40- Lúc nào Trời Phạm-Thiên đến thỉnh Ðức-Phật khai đạo cứu đời?Kế tiếp thấy Ðức-Phật do dự (xem giải câu 33 đoạn b) Vua trời Phạm-Thiên Brahma Sahampati xuống yêu cầu Phật-Tổ mở rộng cửa Chân-lý cho chúng-sanh nhờ. 41- Sự thật rất giản-dị mà người ta lại bày vẽ thêm nhiều chuyện phi-thường, ắt cũng do một duyên cớ nào? Trong đời thượng-cổ, dân-chúng xứ nào cũng tin-tưởng nơi thần-quyền, chuyện một họ bịa đặt ra mười, truyền khẩu đời nầy qua đời khác, sau lại các nhà viết sách "Thánh-nhân Liệt-truyện" chỉ dựa theo tục-truyền trong dân-gian, rồi tùy thích tô-điểm cho thích hợp với tín-ngưỡng của thời-đại. Chính các nhà viết sách ấy cũng đồng một khuynh hướng thần-thoại của thời-đại ấy. Chỉ có những cổ-truyền do các vị Tỳ-Khưu, mắt thấy, tai nghe, viết để lại thì vắn-tắt và giản-dị nhưng bị xem như là khô-khan thô-thiển. Chính trong thời-đại văn-minh khoa-học nầy cũng còn nhiều dân tộc giữ vững đức tin theo học thuyết thần-quyền, yêu chuộng triết-lý siêu-hình hơn chứng-cớ thiết-thực. 42- Sau khi đã quyết-định đem đạo giải thoát ra chỉ dạy cho chúng-sanh, Ðức-Phật còn suy tính chi nữa? Ðức-Phật còn tỉnh-tọa dước cội cây Ajapala và dưới nhiều cây cổ-thụ khác trong vùng Uravela thêm ba tuần lễ nữa để thưởng-thức hạnh-phúc tối đại của đạo-quả Niết-Bàn và suy nghĩ về phương-cách mở đạo. Trọn 28 ngày, nhờ tọa-hưởng lạc-thú giải-thoát. Ðức-Phật không biết đói khát. Qua ngày thứ 29, Ngày định ra đi truyền đạo và mở lời tuyên-minh rằng: "Từ nay cửa Chân-lý đã rộng mở, ai có tai cứ nghe lời thuyết-giáo của Như-Lai và trọn đời hành theo". 43- Trọn bốn tuần-nhật không ăn-uống, Ðức-Phật cũng ra đi được sao? Vừa lúc ấy có một đoàn xe 500 cổ từ xứ Ukala (nay thuộc địa phận tỉnh Grandjãm), thuộc miền Nam, chở hàng hóa lên miền Bắc như Bayã, Rajagaha, Vésali vừa đến địa-phận làng Uruvela, có nhiều xe bị trục-trặc, cái thì súc bánh, cái thì bị lún cát, cái thì bị bò chứng không chịu đi tới, làm cho mọi người lo sợ, không biết điềm lành dữ. Hai người lái-buôn, chủ của đoàn xe tên Tapussa (Sa-Lệ-Phú-Ba) và Bhallika (Bấc-Lê-Ca) nhảy xuống rảo bước xem coi có việc chi bất thường chăng. Hai người chợt thấy Ðức-Phật đương tỉnh-tọa dước cội cây Tãrãyana, hào-quang tủa sáng như mặt trời ban mai, họ định-tỉnh tinh-thần và nói với nhau: Ðây là một vị Thánh-nhân và giờ nầy có lẽ Ngài cũng sấp thọ-trai, vậy chúng ta nên đem vật-thực cúng-dường cho Ngài. Tapussa và Bhallika trở lại xe lấy món thực-phẩm nấu mật và mía róc, đến gần mọp lạy dưới chân Ðức-Phật và sau khi đi ba vòng quanh Ðức-Phật, đứng chấp tay cung kính bạch: Xin Ðức Thế-Tôn xuống phước thọ nhận vật-thực chúng tôi đem đến dâng cúng cho Ngài. 44- Ðức-Phật thọ-lãnh vật thực bằng cách nào? Các vị Phật chẳng hề đưa tay ra thọ nhận vật-thực của thí-chủ cúng-dường. Ðức-Phật tự hỏi phải làm thế nào để giữ cho đúng phong-cách của Bậc Chánh-Giác. Liền khi ấy Tứ-đại Thiên-vương hiện đến dâng cho Ngài một cái bình-bát bằng đá. Hai người lái-buôn liền để vật-thực vào bát dâng lên cho Ðức-Phật (Nội vấn đề "Bình-bát" các nhà lịch-sử cũng thêu-dệt nhiều thuyết hoang-đường, thấy không bổ-ích nên xin miễn thuật). 45- Sau khi thọ-thực rồi, Ðức-Phật có nói chi với hai chàng lái buôn không? Ðức-Phật có ban ít lời khích-lệ để nâng đở tinh-thần sùng-mộ của hai người và tặng một bài-kệ hộ-thân, gồm những lời ca-tụng tán dương Ân-đức của các vị Trời ở bốn-phương tám-hướng nhất là Tứ-Ðại Thiên-vương và Ngọc-Hoàng Ðế-Thích thường hộ-trì bốn châu thiên hạ. Kệ ấy có năng lực đem lại sự an-lành cho họ và đoàn tùy-tùng và sự may-mắn trên bước thương-trường. 46- Hai người lái buôn ấy nghĩ sao? Hai người rất thỏa-thích, liền xin qui-y với Ðức-Phật và cầu xin Ngài ban cho một vật kỷ-niệm để tôn-thờ. 47- Ðức-Phật có làm vừa lòng họ không? Ðức-Phật hoan-hỷ cho họ qui-y theo Ngài và cho họ ít sợi tóc và rẻo móng tay làm kỷ-niệm. 48- Sự qui-y của hai người thiện-nam đầu tiên nầy có ý nghĩa chi khác không? Hai vị thương gia Tapussa và Bhallika nầy là hai người tâm-đạo sâu-sắc, thấy Ðức-Phật biết Ngài là bậc Thánh-nhân, phát tâm trong sạch dâng vật thực cho Ngài (sau buổi đắc đạo) và xin làm thiện-nam đầu tiên trong Phật-Giáo. Hành-động của họ khác hơn nàng phú-gia Sujata là người có đức-tin thiển-bạc, tưởng Bồ-Tát là vị Thọ-thần, dâng bát cơm sữa cho Ngài (trước giờ thành đạo) để trả lễ cho một lời khấn-vái bông-lông. Hai sự cúng-dường có giá trị khác nhau. Ðức tin nào căn cứ nơi bằng chứng thiết-thực mới gọi là Chánh-tín. Hai người thiện-nam đầu tiên nầy là tượng-trưng của đức tin chân-chánh. Rường-cột trung-kiên của Phật-Giáo là hạng tín-đồ biết phân biệt chánh-tà, biết nhận-định chân-giả. 49- Hai ông Tapussa và Bhallika làm gì với tóc và móng tay của Ðức-Phật? Hai người nầy cầm đầu đoàn thương-đội, đi từ Nam lên Bắc, từ Bắc xuống Nam, và nhiều khi mướn thuyền vượt biển sang qua các xứ hải-ngoại. Ði đến đâu họ đem vật kỷ-niệm ấy ra chiêm-bái và gây ảnh-hưởng tốt đẹp cho sự truyền bá Phật-Pháp. Sau lại hai người lái buôn đến kinh-doanh lập nghiệp tại Miến-Ðiện, xây tháp thờ tóc và móng tay của Ðức-Phật tại thành Rangoon (Ngưỡng-Quãng). Vua Miến-Ðiện cũng như các vị Vua xứ kế cận, nhờ sự loan-truyền tin-tức của hai ông Tapussa và Bhallika, sang tận Ấn-Ðộ ra mắt Ðức-Phật, thọ-giáo qui-y, đem lời giáo-huấn của Ðức Thế-Tôn về khuyên-dạy dân chúng và bắt đầu tham dự vào công việc kiến-trúc đền thờ xá-lợi tóc và móng tay, tiếp sức với hai vị cư-sĩ đầu tiên khuyếch-đại Thánh-tháp, đến nay đền thờ ấy trở thành một kỳ-quan vô-giá tại trung-tâm kinh-đô Miến-Ðiện gọi là Shwedagon. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 14-04-2002