BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Giải đáp thắc mắc người cư sĩ
Pháp sư Thông Kham
(Mahà Medhivongse)

  

 [01-2]

Chủ đề NGŨ GIỚI (tt)

-oOo-

 

HỎI: Những điều răn mà Ðức Thế Tôn đã dạy, hàng Phật tử phải thừa hành như thế nào?

ÐÁP: Theo Phật pháp gọi đó là điều học. Người Phật tử phải học cho hiểu rõ lời dạy của Ðức Thế Tôn rồi hành theo cho thật đúng.

Ðối với hàng tại gia cư sĩ, Ðức Phật khuyên giữ năm điều học và mỗi điều học đều có chia ra bốn phần khái quát:

1. Trọng điểm của điều học.
2. Ý nghĩa của điều học (cũng gọi là giới răn).
3. Chi tiết của điều học. Nghĩa là tất cả mọi khía cạnh, mọi trường hợp phụ thuộc để dễ biết khi nào phạm và khi nào không phạm.
4. Nhân và Quả của mỗi điều học.

Ðiều học thứ nhất: Tránh xa sự sát sinh (Pànàtipàtà veramanì).

Trọng điểm. Trọng điểm đây có nghĩa là sự quan trọng của điều học mà mình đã thọ trì. Ta nên đặt câu hỏi: Tại sao Ðức Phật khuyên không nên sát sinh? Có phải ngài sợ thú vật chết hết không? Vậy điều học thứ nhất này có mục đích gì?

Ðức Phật dạy không nên sát sinh, và cần phải tự nguyện không giết hại một sinh vật nào, dù là một con kiến nhỏ. Ðó là Ðức Phật muốn dạy cho con người phải có lòng Từ (là thương lẫn nhau dù người hay thú).

Ý nghĩa của điều học thứ nhất:

Không nên sát sinh, nghĩa là không nên giết hại chúng sinh có thức tánh. Ðiều này dạy cho chúng ta có lòng thương yêu nhau. Người trì giới phải tránh xa ba điều hành động:

- Sự giết.
- Sự hủy hoại thân thể của người và thú.
- Sự hành hạ người hay thú.

Giải rộng thêm:

A- Sự giết có nghĩa là làm cho chúng sinh không còn sống.

* Tội của sự giết: Giết chúng sinh có thức tánh là phạm vào giới sát. Nhưng còn tùy theo trường hợp tội lỗi có nặng nhẹ khác nhau.

* Ðối tượng của giới sát: Nói về thú, giết thú vật nuôi trong nhà hữu ích cho nhân loại tội nặng hơn thú rừng thú dữ.

Nói về giết người, giết người hung ác như trộm cướp, hay người không có giới đức, tội nhẹ hơn giết người lương thiện, giết những người lương thiện tội còn nhẹ hơn giết người tu sĩ hay bậc ân nhân của mình (như ông bà, cha, mẹ, thầy tổ). Giết cha, mẹ, A La Hán hay làm cho Ðức Phật chảy máu vì ác ý phải phạm vào ngỗ nghịch đại tội. Sau khi chết phải đọa vào a tỳ.

* Tác ý của người phạm giới: Khi giết mà cố tâm vì sân hận, oán thù hay giết mướn, tội nặng hơn khi bị bắt buộc phải giết để tự vệ.

* Phương pháp giết: Nếu giết bằng cách hành hạ cho phải thật khổ sở chết từ từ trong sự rên siết đau đớn, tội này rất nặng.

Ngoài ra còn có hạng người si mê giết thú để tiêu khiển (như đi săn) giết để khoe tài như đấu bò, đem thú thả cho chạy rồi thì đua nhau bắn xem ai bắn giỏi. Hạng người này mua vui bằng cách không lương thiện đã phạm vào điều ác mà không hay. Nếu những người này đến lò sát sinh họ sẽ trông thấy con thú biết chảy nước mắt khi bị đem đi giết, vì chúng nó cũng biết tham sống sợ chết như người vậy.

Ba tội ác trên đều do sự hành động khác nhau, dĩ nhiên hậu quả cũng sẽ nặng nhẹ không đồng nhau.

b- Sự hủy hoại thân thể như chặt tay, chân, hay khoét mắt... làm cho người bị tàn tật suốt đời.

C- Sự hành hạ là sự đày đọa khổ sở đánh đập người dưới quyền hoặc kẻ thù của mình.

Sự hành hạ có nhiều cách:

1/- Sử dụng như bắt thú kéo xe nặng quá sức mà còn đánh đập không hề thương hại, không cho ăn uống đầy đủ. Ðối với người cũng xử sự như với loài vật.

2/- Nhốt thú lại để tự mình xem chơi, hoặc cho người khác coi, nhưng nếu nuôi dưỡng tử tế, không để thiếu thốn, cực khổ tạm cho là được. Nhưng về một phương diện khác là muốn làm cho vừa lòng mình mà làm mất sự tự do của chúng sinh khác, thì cũng không tránh khỏi nghiệp ác. Thử hỏi nếu có ai nuôi ta đầy đủ, nhưng chỉ cho ở trong phạm vi một căn phòng nhỏ hẹp, thiếu sự tự do, ta có bằng lòng không?

Nhốt thú dù với dụng ý nào, mà không cho ăn uống đầy đủ đều thuộc về việc làm khổ hay hành hạ.

3/- Ðem đi, như đem gà vịt đi bằng cách cột chân tréo cánh, treo theo xe, phơi nắng không cho ăn uống ... đều phạm vào tội hành hạ súc vật.

Chi tiết của điều học thứ nhất.

Muốn biết có phạm giới hay không, coi theo năm chi tiết dưới đây:

1. Pànà, chúng sinh có thức tánh.
2. Pànasannito, biết chúng sinh có thức tánh.
3. Vadhakacittam, tính giết.
4. Upakkamo, ráng sức giết.
5. Tena maranam, chúng sinh chết bởi sự ráng ấy.

Tự mình giết, bảo kẻ khác giết hay nói khéo bằng cách này cách khác, hay ra dấu cho người khác biết để giết. Khi thấy giết được rồi lấy làm thỏa thích. Cả hai, kẻ xúi giết cũng như người giết, đều phạm vào tội sát sinh.

Nhân và quả:

Thông thường hay nói Tội và Phước cho gọn và để lãnh hội, thật ra, hiểu theo giáo lý của Ðức Thế Tôn chỉ có trạng thái vui buồn, hoặc sướng hay khổ của thân tâm mà thôi. Ðức Phật dạy không có một đấng uy quyền tối cao nào hay một vị Thiên vương nào có thể ban phước cho ta như phần đông ta lầm tưởng. Sự thật thì mọi việc gì đến với ta đều do ta mà có hết. Chỉ có sự hành động và kết quả của sự hành động mà thôi. Nói và hiểu theo Phật pháp là luật Nhân quả, làm lành được vui, làm ác gặp khổ. Thân này khi già thì phải chết, có người chết trước tuổi già, nhưng trái lại tâm là phần vô hình thì không bao giờ chết, khi chết tư tưởng cuối cùng đưa con người đi tái sinh một cảnh nào tùy theo tốt xấu mà mình đã tạo. Cái gọi là tư tưởng cuối cùng ấy có nghĩa là khi mình sắp chết có hiện tượng sinh ra trước mắt người sắp lâm chung. Phạm ngữ gọi Gatinimitta nghĩa là Kiển mộng. Sở dĩ có kiển mộng là vì do chúng ta tạo nghiệp, khi sắp lâm chung, Nghiệp ấy hiện ra một cảnh vui hay khổ tùy theo nghiệp mà mình đã tạo.

Tóm lại, luân hồi hưởng cảnh an vui hay chịu khổ cũng do nơi ba phiền não tham lam, sân hận, si mê. Khi tâm thanh cao được sinh về cảnh an vui, tâm xấu xa đê hèn phải sinh về cõi khổ. Con người đang tu hành tinh tấn, tâm đang trong sạch mà bị phiền não ấy sinh lên rồi thiếu trí nhớ, không kiểm soát được tâm để phiền não xâm nhập làm cho tâm tối mê quên giới răn, không khác nào như người xuống thang vậy. Bậc thang cuối cùng của tâm là khi đã phạm giới.

Mỗi một bước xa giới răn là một bậc thang của tâm và đi gần đến nơi khổ sở là ác đạo.

Tội thật ra là hậu quả xấu của sự hành động trái với giới luật làm cho thân tâm trở nên nhơ bẩn và con người phải đau khổ mãi mãi.

 

HỎI: Tại sao trong năm điều học Ðức Thế Tôn lại để giới không sát sinh đứng đầu? Ðây là sự tình cờ hay Ðức Phật có ý sắp như vậy?

ÐÁP: Ðức Phật là đấng Toàn giác. Nên mỗi lời Ngài đã giảng dạy đều có một ý nghĩa cao siêu, không phải vì tình cờ mà nói. Trước khi nói Ngài đã dùng tuệ giác xem xét, và nói với sự giác ngộ chớ không phải như chúng sinh nói mà không suy nghĩ. Ðức Phật đặt giới không sát sinh hàng đầu vì nó là giới quan trọng hơn hết. Ngài thấy chúng sinh không thương yêu nhau, và người không thương gì bằng thương thân ta. Mất thân này đối với chúng sinh là mất hết tất cả. Mặc dù thế giới này là một khối kim cương đi nữa cũng vô ích, một khi chúng sinh không có thân này để hưởng, vì thế chúng sinh quý mạng sống này nhất không gì sánh bằng.

Ðời người có hai điều quan trọng nhất: Sống và Chết. Ai ai cũng ham sống sợ chết, có chăng một số rất ít, vì thất vọng, thực tại vì quá khổ không còn chịu nổi nên muốn tự tử mà thôi. Cái muốn trọng đại nhất của người đời là muốn sống mãi.

Nếu phải chọn ba điều:

- Một người phụ nữ tuyệt đẹp.
- Tiền của thật nhiều.
- Và sự sống.

Chắc chắn con người sẽ chọn sự sống, và trái lại còn muốn sống thật lâu nữa là khác.

Trên đời này không vật gì quan trọng bằng sinh mạng vì vậy tất cả các tội lỗi ở đời không tội nào bị kết án nặng bằng tội giết người.

Trên thế gian này các tôn giáo tuy bề ngoài có khác nhau nhiều điểm nhưng có một điểm giống nhau là cấm giết người, và một vài con vật mà tôn giáo ấy không được phép giết như Bà la môn giáo cấm giết bò trái lại còn thờ bò, Hồi giáo cấm giết heo. Chỉ có Phật giáo khuyên chớ giết người và tất cả động vật có thức tánh dù thật nhỏ. Ðối với Ðức Phật, tất cả những loài hữu tình (có sinh mạng) đều có giá trị hầu như ngang bằng nhau. Vì vậy nên Ngài gọi một tiếng là Chúng sinh, ý Ngài gọi tất cả nhân vật Thiên vương, Phạm thiên. Ngài biết rõ đã là chúng sinh thì chúng sinh nào cũng tham sống sợ chết. Vậy chúng ta không nên vì tư lợi, oán thù hay vì một lý do gì mà giết hại nhân vật khác. Loài thú không có tài sản như chúng ta, nhưng cũng có tài sản quý nhất là mạng sống của nó. Sinh mạng là vật có giá trị rất cao quý riêng của mỗi chúng sinh. Vì những lý do kể trên, nên Ðức Thế Tôn khuyên tất cả hàng Phật tử nên thương yêu nhau, không nên giết hại một nhân vật nào vì một lý do gì.

 

HỎI: Thưa ông, nói giết nhân vật ngoài mình ra có tội đã đành, còn nếu tự mình giết mình, có tội hay không?

ÐÁP: Nói về vấn đề tự sát, ta hãy tìm nguyên nhân của sự hành động đó. Khái quát ta phải hiểu ba lý do là:

- Tự tử để trốn cái khổ mà chính mình không còn chịu đựng nổi.
- Tự tử để phản đối việc làm của người khác.
- Tự tử để tỏ ra lòng cương quyết của mình.

Nếu đem ba nguyên nhân trên để so sánh với mạng sống của con người là vật vô giá thì sinh mạng của con người còn quý hơn nhiều. Trên đời này không có vật gì quý bằng sinh mạng. Vì vậy chúng ta không nên cẩu thả nhất thời thiếu suy nghĩ mà tự tử hay hủy hoại nó.

Nếu theo giáo lý của Ðức Phật thì tự sát cũng có tội. Vì khi người tự sát là người đang ở trong trạng thái của tâm Si mê, không còn sáng suốt nhận định được phải quấy lành dữ, người chết trong trạng thái như vậy chỉ bỏ cái xác thân vô dụng này. Chủng tử là mầm của tâm si mê sẽ đưa người đi tái sinh vào cảnh tối tăm tương xứng với tâm si mê và cũng tiếp tục hứng chịu tất cả hậu quả mà đã tạo. Ðã nói là nghiệp thì không khi nào chúng ta trốn nó được, vì vậy nên Ðức Phật có dạy: Nghiệp là nơi sinh ta ra - Kammasakomhi... người Phật tử chân chính không nên làm chuyện quá si mê như thế.

 

HỎI: Nếu người này giết người kia để trả thù cho mình hay cho cha mẹ mình hoặc thân nhân mình, như vậy có tội hay không? Theo ý kiến tôi thì không tội. Vì sở dĩ mà người ấy phải giết người kia để trả thù nghĩa là người đi giết người kia không còn chịu nổi cái khổ của người bị giết gieo vào lòng họ. Thì tôi nghĩ không tội.

ÐÁP: Sự cố ý giết người với tâm ác, thì làm sao khỏi tội được, khi đã giết được kẻ thù rồi ta cũng không mập thêm mà cũng không ăn thịt người ấy được, trái lại còn mang thêm tội lỗi oan trái oán thù. Lòng ta luôn luôn phập phồng lo sợ, vì sợ ngày nào đó tội sát nhân bị khám phá thì bị tù đày giam cầm khổ sở. Nếu may ra mà trốn tránh được khỏi luật trên đời này rồi cũng chưa yên vì tâm hằng phập phồng lo sợ con cháu họ trả thù. Người ấy sống với một tâm trạng lo âu như vậy, thử hỏi làm sao yên vui được. Do đó nên gọi là Tội. Người Phật tử chân chính biết giữ giới rất trọng giới luật của mình, hết sức không cho phiền não phát sinh.

Ðức Phật dạy sở dĩ chúng sinh phải bị luân hồi, một phần cũng vì còn lòng sân hận ngoan cố không chịu dứt bỏ sự thù oán và oan trái. Vì có trả thù nên mới có oan trái triền miên không bao giờ ngừng nghỉ. Vì vậy nên Ngài có dạy trong kinh Pháp cú rằng;

Lấy oan trái cột oan trái thì oan trái ấy không bao giờ dứt.
Lấy ơn trả oán, oán ấy mới tiêu tan. (Kinh Pháp cú câu 3, 4, 5.)

Ðức Phật thường dạy Phật tử thà là mình chịu khổ, đừng làm khổ kẻ khác. Trên thực tế Ngài dạy chúng ta nên cố nhẫn nại, hỷ xả để tha lỗi kẻ khác.

Nơi đây tôi xin nhắc lại một tích, mặc dù có hơi dài, nhưng không ngoài ý chỉ cho ta thấy oan trái không nên cột, đây là tích trong kinh Pháp cú. (Kinh Pháp cú câu 5, Tích Người sinh làm nữ Dạ xoa. Xin xem thêm "Chú giải Kinh Pháp cú" do Ngài Trưởng lão Pháp Minh dịch, xuất bản năm 1997, 1998.)

Có một gia đình khá giả, nhưng chỉ sinh được có một người con trai. Sau khi cha đã quá vãng, một mình phải lo việc đồng áng còn lo việc gia đình thật là cực nhọc. Bà mẹ thấy con quá lao lực nên lấy làm thương hại, nên bà lo cưới vợ cho con trai bà để có người phụ lo việc trong nhà. Dâu bà cũng là con nhà khá giả, hiền lành, bà cũng hết lòng thương yêu, nhưng khổ nỗi dâu bà không sinh nở gì cả. Vì vậy nên bà định cưới vợ lẽ cho con bà.

Cô dâu nghe tin ấy nghĩ rằng: "Ta nên cưới vợ bé cho chồng ta, nếu để cho bà đứng cưới thì về sau này ta sẽ không có quyền gì với cô vợ bé ấy cả. " Cô liền lo kiếm nơi xứng đáng cưới về cho chồng, không lâu cô vợ bé có thai.

Cô vợ lớn mới nghĩ rằng: "Nếu nàng này mà có con thì sẽ làm chủ gia đình này. Vậy ta phải làm cho nó không có con mới được. " Nghĩ rồi cô mới nói với cô vợ bé rằng: "Khi nào em có thai, em hãy bảo cho chị biết, để chị chia vui với em. "

Cô vợ bé là người chất phác thật thà nên cô mới nói thật với người vợ lớn là cô đã có thai. Cô vợ lớn mới tìm thuốc phá thai cho cô vợ nhỏ uống. Vì vậy nên thai ấy hư. Ðến lần thứ nhì cũng vậy. Ðến lần thứ ba, người hàng xóm lấy làm lạ mới hỏi cô vợ bé, và cô ta mới thuật cho mà nghe. Khi biết chuyện, người hàng xóm mới khuyên cô: "Từ nay đi phải giấu đừng cho cô vợ lớn biết. "

Ðến lần thứ ba cô vợ lớn biết thì đã muộn lắm rồi, nhưng cô cũng cứ vẫn cố tìm thuốc phá thai cho cô vợ bé uống. Cô vợ lớn nói dối rằng đây là thuốc dưỡng thai. Vì thai bào đã quá lớn nên sức thuốc không phá được. Nhưng cũng hành hạ cô vợ bé thật là khổ sở, rồi thai ấy cũng hư và cô vợ bé cũng chết thảm thiết.

Trong những ngày đau đớn trên giường bệnh, trước khi sắp chết cô ta mới cột oan trái rằng: "Người đã cố làm hại ta hai lần, lần này lại giết ta nữa. Sau khi chết, ta nguyện sinh làm giống gì cũng được miễn là ta ăn thịt lại mẹ con ngươi mới hả lòng."

Sau khi chết cô được tái sinh lại làm mèo trong gia đình ấy.

Còn người chồng sau khi biết rõ chuyện ác đó, ông ta tức giận đánh chết cô vợ lớn, cô này lại tái sinh làm gà mái cũng trong gia đình ấy. Không bao lâu gà đẻ, ấp con, mèo ăn luôn như thế hai lượt, đến lượt thứ ba mèo ăn cả mẹ lẫn con của gà.

Khi gà sắp chết có cột oan trái với mèo rằng: "Ngươi đã ăn con ta hai lần, lần này lại ăn cả ta. Kiếp sau ta nguyện ăn con ngươi và ngươi lại. "

Kiếp sau đó người vợ lớn sinh làm cọp, người vợ bé sinh làm nai. Khi nai sinh, cọp đến ăn con của nai hai lần, đến làn thứ ba ăn cả mẹ lẫn con.

Nai tức giận mới cột oan trái rằng: "Ngươi ăn con ta hai lần trước rồi, hôm nay ngươi lại ăn cả mẹ con ta nữa. Ta nguyện kiếp sau ta ăn cả mẹ lẫn con của ngươi lại."

Kiếp sau đó, nai sinh làm Dạ xoa, còn cọp sinh làm con gái của một gia đình trong thành Sàvatthì. Khi lớn lên cô cũng có chồng người thành Sàvatthì.

Khi cô ấy sinh, Dạ xoa hóa thành một người đến thăm, rồi bắt đứa trẻ ấy ăn. Ðến lần thứ nhì cũng vậy. Ðến lần thứ ba cô nọ có thai gần ngày sinh mới nói với chồng rằng: "Nơi đây có Dạ xoa và đã đến ăn con ta hai lần rồi, vậy lần này cho tôi về sinh ở gia đình tôi." Chồng cô bằng lòng.

Vì Dạ xoa bận việc nên năm tháng sau khi sinh của cô kia, Dạ xoa mới trở lại tìm cô vợ lớn để ăn thịt con cô. Tìm khắp nơi mới biết cô kia đi về sinh ở bên gia đình cô, Dạ xoa lập tức đi đến nơi ấy, nhằm lúc hai vợ chồng đang trên đường về nhà. Khi vừa đi đến chùa Kỳ Viên nơi ao tên Pokkharanì là nơi mà Ðức Thế Tôn hằng ngự đến tắm (ao ấy ở ngoài vòng chùa Kỳ Viên), lúc ấy trời đang nóng cô trao con cho chồng để xuống ao tắm. Khi tắm xong, lên bồng con thay chồng xuống tắm, thì Dạ xoa cũng vừa đến. Cô lấy làm kinh sợ ngó trước sau không thấy nơi nào có thể trốn khỏi Dạ xoa, cô liền bồng con chạy thẳng vào tịnh xá Kỳ Viên nơi Ðức Thế Tôn đang ngự. Cố nhiên khi Ðức Thế Tôn ngự nơi nào đều có chư Thiên theo hầu nơi ấy, nên Dạ xoa vừa đến nơi ấy bị chư Thiên không cho vào. Còn cô kia thì quá kinh sợ, không còn biết gì hết. Cô thấy Ðức Thế Tôn đang ngự trên pháp tọa thuyết pháp giữa hàng tứ chúng, cô để đại đứa bé vào tay Ðức Phật và bạch: "Bạch Ðức Thế tôn, con xin cúng dường đứa bé này cho Ngài, xin nhờ oai đức Ngài cứu sống mạng nó."

Khi ấy Ðức Thế Tôn mới dạy Ðại đức Ananđa ra gọi Dạ xoa vào hầu Phật. Ngài dạy:

- Tại sao ngươi tạo ra ác nghiệp như thế này? Nếu hai người không gặp được Như Lai hôm nay thì các người còn cột oan trái đến cả kiếp (Ðức Phật muốn ám chỉ Kiếp là tuổi của trái đất chớ không phải một đời người). Cũng như oan trái giữa rắn và chồn, hay con gấu và cây căm xe, hoặc như con quạ và chim mèo. Oan trái mà dứt được là nhờ nơi không cấu kết với nhau. Ðức Thế Tôn dạy thêm rằng: "Từ cổ chí kim, oan trái không khi nào dứt được vì sự cấu kết với nhau, nhưng oan trái sẽ dứt nhờ sự diệt bỏ oan trái. Ðây là pháp tối cổ, làm dứt oan trái là con đường đi của bậc Thánh nhơn như Thinh văn, Duyên giác, độc giác hay Chính Ðẳng Chính Giác.

Khi Ðức Thế Tôn thuyết vừa dứt câu Dạ xoa đắc quả Tu đà hườn. Ðức Thế Tôn mới bảo cô gái kia:

- Ngươi hãy trao con ngươi cho Dạ xoa.

Cô ấy đáp:

- Bạch Ðức Thế Tôn con vẫn còn sợ quá.

Ðức Thế Tôn dạy:

- Ngươi chớ lo, sự tai hại giữa người và Dạ xoa không còn nữa.

Nghe vậy cô mới trao con cho Dạ xoa. Dạ xoa bồng con hôn rồi trả lại cho cô kia. Trả xong, Dạ xoa lại khóc.

Ðức Thế Tôn phán hỏi:

- Tại sao ngươi khóc?

- Bạch Ðức Thế Tôn, bởi vì tôi không còn nuôi mạng sống được như xưa nữa. Từ nay tôi không biết phải sống bằng cách nào.

Ðức Thế Tôn biết người đã đắc quả Tu đà hườn rồi thì không còn phạm một tội nào rất nhỏ trong Ngũ giới. Dạ xoa là hạng ăn thịt sống thì làm sao sống theo đúng chính pháp được. Ðức Thế Tôn dạy cô kia đem Dạ xoa về nuôi, cả hai thương yêu nhau và dứt bỏ oan trái, oán thù. Nhờ đó mà cả hai sống an vui.

Khi ấy Ðức Thế Tôn thuyết câu kệ:

"Akkochimam avadhinam ajininam ahàsi me ye ca tam upaneyyanti veram tesam na sammati...
Na hi verena veràni samantidha kudàcanam. Averena ca sammanti esa dhammo sanandano"

Nghĩa:

Kẻ nào cột oan trái rằng, họ đã giết ta, đã đánh ta, đã thắng ta, đã cướp của ta, oan trái của người ấy không bao giờ dứt. Người nào không còn oan trái như thế, thì oan trái của người ấy sẽ dứt. Và từ cổ chí kim, oan trái không bao giờ dứt được bởi sự cột oan trái. Oan trái chỉ dứt được bởi sự không cột oan trái.

Cột oan trái: nghĩa là cố nhớ tội lỗi hay điều mà người ta đã làm trái nghịch với ta, và có cơ hội đặng trả thù trả oán. Người hành động như thế gọi là kết cấu oan trái oán thù. Khi người cột oan trái oán thù cũng như vay rồi trả, trả xong lại vay, không biết chừng nào mới hết, nếu người không có trí tuệ để nhận định chân lý về cái khổ của mình khi bị người làm hại. Trước khi muốn dứt oan trái thì người nên dẹp sự giận hờn, oán ghét và gieo mầm từ ái trong tâm mình, rồi rải lòng từ đến cho tất cả chúng sinh, người làm được như thế mới mong giải thoát khỏi sự oán thù và oan trái.

Trở lại vấn đề giết để trả thù. Người cố tâm trả thù. Trước hết trong tâm người ấy chứa đầy sự oán giận, căm hờn. Tâm ấy thuộc về tâm ác, đó là nhân tạo ác nghiệp. Gây thêm oan trái. Tâm người nghĩ muốn trả thù là tâm đã hướng về điều ác, hay đang đi trên con đường tới nơi khổ là bốn đường ác. Người mà nghĩ đến trả thù, họ không nghĩ rằng, họ đang tăng thêm sự lo sợ và khổ vào lòng họ, đã gọi là giết thì dù với nguyên nhân nào cũng đều phạm vào giới sát, nếu khi nhận thấy đủ chi tiết.

 

HỎI: Còn một điều nữa mà tôi lấy làm nghi ngờ là: Khi tôi còn nhỏ thấy chó hoang bệnh, đói nằm một chỗ, trông thật là khổ não, mà nhất là mùa rét. Tôi nghĩ nhất định con chó này thế nào cũng chết không sớm thì muộn. Nếu để nó sống thế này mãi thì nó càng bị kéo dài chuỗi ngày đau khổ. Vì thương hại nó nên tôi đập nó chết. Tác ý tôi là để giúp con chó mau thoát khổ để sinh vào kiếp khác. Thưa ông như vậy tôi có tội không?

ÐÁP: Theo trong câu hỏi này có hai điều lẫn lộn nhau là tâm từ và tâm Ác. Chiếu theo kinh luật của Ðức Thế Tôn như đã giải thì ông đã phạm vào tội sát sinh có đầy đủ tất cả năm chi.

Giờ đây tôi xin nhắc lại sự làm tội do nơi ba nguyên nhân là:

- Lobhahetu - Nguyên nhân làm tội do lòng tham lam.
- Dosahetu - Nguyên nhân làm tội do lòng sân hận.
- Mohahetu - Nguyên nhân làm tội do lòng si mê.

Vì si mê nên không nhận định phải quấy rồi làm tội mà cho là phước. Giờ hãy suy nghĩ xem việc tội giết con chó do nguyên nhân nào? Có phải là si mê không? Theo việc làm của ông thật là thiếu sáng suốt. Mặc dù thấy chó khổ, nhưng làm sao biết rằng: Nó muốn chết hay không? Ðiều này khó mà cả quyết được.

Còn như ông bảo đập nó chết để giúp nó mau tái sinh vào kiếp khác khỏi khổ thì lấy gì làm bằng chứng mà dám tin chắc như vậy. Hơn nữa, ông làm sao biết được nghiệp con chó ấy hết hay chưa?

Theo Phật giáo thì chỉ có những chúng sinh nào không còn nghiệp ác mới khỏi bị đọa vào các cảnh khổ, chúng sinh nào tạo nghiệp thiện mới được sinh vào nơi nhàn cảnh.

Cái chết dù chớp nhoáng hay dây dưa trong tình trạng bị bệnh tình hành hạ oằn oại cũng chưa hẳn là dứt được cái khổ.

Muốn thoát khổ chỉ có con đường duy nhất là trì giới, lo tu hành, sống một đời sống đạo đức đúng theo chính pháp.

Như vậy thử hỏi làm sao biết được con chó kia ở trong trường hợp nào mà dám quả quyết chết như vậy nó sẽ mau được tái sinh kiếp khác an vui khỏi khổ hiện tại.

Thật là một điều đáng tiếc cho ông vì thiếu sáng suốt và kém thông hiểu Phật Pháp. Nên cho việc quấy là phải.

 

HỎI: Thưa ông nếu trường hợp mình gặp một chúng sinh khổ như thế, ta là Phật tử phải làm thế nào giúp đỡ, không lẽ để vậy, lấy mắt nhìn hay sao?

ÐÁP: Trong trường hợp đó, có hai điều ta cần làm nếu ta có thể thực hành là:

- Nếu có thể ta cho thuốc trị bệnh hay là cho tiền của, cơm nước tùy theo hoàn cảnh.

- Nếu tự mình không đủ sức làm việc trên thì tìm người khác có đủ phương tiện hơn để giúp đỡ. Nếu trường hợp này mà là nhà sư thì chỉ có một phương pháp là rải lòng từ, hồi hướng phước báo cho người hay vật đang thọ khổ ấy hết bệnh hay khỏi khổ. Ngoài ra không còn phương tiện nào khác hơn.

 

Ðiều học thứ nhì: Tránh xa sự trộm cắp.

HỎI: Thưa ông? Tôi đã rõ được điều học thứ nhất, xin ông giải cho tôi điều học thứ nhì.

ÐÁP: Ðiều học thứ nhì: Adinnàdànà-veramanì là: Tác ý lánh xa sự trộm cắp.

 

HỎI: Trọng điểm của điều học này ở chỗ nào?

ÐÁP: Trọng điểm của điều học này là chỉ cho ta thấy rõ cái khổ vì bị mất của và dạy cho người Phật tử ăn ở cho thành thật. Theo Phật giáo gọi là chính mạng.

Ðiều răn này có ba là:

A. Corakammam - Việc làm của kẻ trộm cắp, cướp bóc. Ðiều này có thể chia ra làm 14 chi:

1. Trộm nghĩa là lén lấy của người ta, trong khi chủ nhân không hay biết chi hết.

2. Giật nghĩa là đoạt ngang trên tay người khác khi mà chủ nhân không bằng lòng cho, hay không để ý rằng sẽ bị giật.

3. Dọa nghĩa là nói những gì làm cho người khác kinh sợ phải đem của mình ra cho, hoặc ăn uống trong tiệm xong rồi làm cách cho chủ sợ, như làm lòi dao, hay súng rồi nói khéo làm cho người chủ nghe biết mà không dám đòi tiền.

4. Cướp nghĩa là dùng bạo lực để uy hiếp tài gia lấy của, không kiêng nể pháp luật.

5. Phao vu nghĩa là đưa tin không đúng với sự thật như nói: Nhà người kia có chứa đồ quốc cấm, người ấy là kẻ sát nhân v. v... để làm cho chủ nhân kinh sợ đưa tiền ra.

6. lường nghĩa là lừa dối, bịp bợm người để lấy của.

7. Gạt nghĩa là lừa đảo có tác ý nói cho người tin theo để đưa của ra cho mình. Lời nói này là lời nói dối. Nhưng tác ý là lấy cho được của. Như thường thấy có người đến than khóc kể lể nói chồng con hay quyến thuộc chết trong bệnh viện, nhưng không có tiền mua hòm chôn... khi người hảo tâm thấy vậy động lòng thương giúp đỡ.

8. Lừa tráo nghĩa là Thiếu như những người buôn gian bán lận, mua cân già bán cân non. Như kẻ không tàn tật nhưng giả bộ bị tàn tật, để đi xin ăn.

9. Giả nghĩa là không đúng sự thật, như hàng nội hóa nói hàng ngoại mới nhập cảng, để bán giá cao. Hay vàng giả nói vàng thật để làm cho người lầm.

10. Mượn nghĩa là không chịu trả, vì người chủ quên.

11. Ăn lời nghĩa là làm không đúng sự thật, như người làm công mua đồ cho chủ rẻ nói cho đắt để được lời một số tiền. Hoặc hùn vốn buôn bán với nhau khi chia lời, chia cho mình nhiều, cho phần của kẻ khác ít hơn, mặc dù vốn góp và công sức bỏ ra như nhau.

12. Ðổi nghĩa là của mình giá rẻ đem đổi lấy cái giá đắt hơn, hay của mình cũ đổi lấy cái mới của kẻ khác.

13. Lậu thuế nghĩa là buôn bán không chịu đóng thuế, hay đóng mà khai gian, nhiều khai ít.

14. Thụt két nghĩa là lấy cắp tiền trong quỹ do mình được giao giữ; như người được chủ tin cậy giao cho một số tiền rồi lấy trốn đi, hoặc khi đi thu tiền được xong trốn luôn không đem về cho chủ.

Mười bốn phép kể trên thuộc về tội trộm cắp.

B. Anulomacorakammam - tạm gọi là trộm cướp, điều này không hẳn là trộm cắp, vì tác ý có khác hơn 14 điều trên. Ðiều này lại chia ra làm ba chi khác nhau:

1. Ðồng lõa nghĩa là giúp mua đồ do trộm cắp được hay trốn lậu thuế, hoặc oa trữ của bất chính, để kẻ trộm cho hoa hồng, hay giúp đỡ cơm gạo vật ăn thức uống.

2. Chơi thân nghĩa là chơi thân với kẻ trộm vì thâm tâm muốn kẻ trộm cho tiền của khi lấy được của người khác.

3. Hối lộ nghĩa là trường hợp công chức có thế lực ăn của đút lót để tha hoặc chỉ cách cho người khác để qua mặt pháp luật. Khi xong việc được người đền ơn.

Nếu điều thứ ba này người giúp cho kẻ gian làm hại cho quốc gia hay cho nhiều người khác thì luật lệ hiện hành sẽ lên án nặng vì nó là một trọng tội.

C. Chayàcorakammam - bóng dáng của sự trộm cướp, điều này có hai ý nghĩa khác nhau:

1. Làm cho người bị phá sản, hay bị mất đi một phần nào tài sản. Không đem của cải ấy về cho mình, nhưng chỉ cốt làm cho người bị mất hay bị hại.

2. Lấy của người vì nghĩ rằng: Nếu chủ nhân biết hoặc thấy cũng bằng lòng cho ta, vì là chỗ thân bằng quyến thuộc.

Giới này khi phạm đầy đủ năm chi gọi là phạm vào tội trộm cắp.

Năm chi ấy là:

1. Parapariggahatam - Vật có chủ gìn giữ.

Có nghĩa là vật ấy có chủ, ta lấy họ không hay biết chi hết. Người chủ của ấy là người thường, hay của chùa, của hội hoặc của cơ quan chính phủ...

2. Parapariggahanam - Biết rõ rằng, vật này có chủ, nghĩa là người biết rõ rằng: vật ấy có chủ ta lấy họ không biết, hoặc bán đồ thuộc loại quốc cấm như nha phiến, nha phiến trắng, hoặc đồ ấy phải đóng thuế, nhưng lại trốn thuế. Nếu thật tình không biết đồ này phải đóng thuế hay thuộc loại quốc cấm, không dối lòng mình thì không phạm giới, nhưng đối với pháp luật hiện hành thì không dung chế được.

3. Theyyacittam - Tính trộm cắp hay cố ý trộm cắp. Câu này có nghĩa là: khi người lấy của ấy có tác ý là chỉ mượn thôi. Nhưng khi không ai thấy mình lấy và khi dùng coi thích quá nên không trả, hoặc khi thấy của rơi, trước hết tác ý chỉ lượm đem trình cho nhà chức trách, nhưng khi nghĩ lại làm cho lòng tham phát sinh lấy làm của mình luôn.

4. Upakkamo - Ráng sức làm đủ cách để chiếm lấy. Nghĩa là đang rình rập hay đi đến chỗ trộm cắp đồ vật, khi đưa tay ra lấy được vật ấy về cho mình là phạm giới trộm cắp. Hoặc giả viết thư hoặc nói ra lời phao vu cho người tài gia để lấy của ấy. Khi lấy được là phạm vào tội trộm cắp.

5. Tenaharanam - Trộm cắp được do nơi sự cố gắng ấy.

Theo điều học này cho chúng ta nhận thấy rằng: Chính yếu của điều học là do nơi tác ý. Vì tác ý là nguyên tố làm cho con người hành động.

Ðiều học thứ nhất và thứ nhì liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của con người, hai điều này thuộc về chính mạng một trong Bát chính đạo.

Người đời thường nghĩ rằng: Nuôi mạng là chuyện riêng về vật chất, thì tại sao lại có liên quan đến tinh thần? Có người lại nghĩ sở dĩ khuyên tránh xa trộm cắp là không muốn cho kẻ khác buồn rầu thất vọng khổ sở vì mất của. Nhận định như vậy thật đúng, nhưng chỉ đúng một phần nào thôi. Sự thật người trộm cắp muốn làm giàu bằng sự cực nhọc của kẻ khác. Ðây là về phương diện vật chất, còn về phương diện tinh thần, người trộm cắp là người muốn được an vui trên cái đau khổ buồn rầu của kẻ khác.

Do nhân chẳng lành ấy, người trộm cắp thường bị tù đày về phần thể xác (vật chất). Về phương diện tinh thần, tức là tâm của người đó cũng không bao giờ được bình tĩnh để hưởng an vui, luôn luôn sống trong phập phồng lo âu sợ sệt, ăn năn, hối tiếc tội lỗi đã làm.

Ðó là chưa kể tâm người trộm cắp càng ngày càng bị ô nhiễm tánh tham lam, vì ác pháp là nguyên nhân đem phiền não đến cho người kiếp này và đời vị lai.

Người không giải thoát hay đang mang nặng tội lỗi nên cố mài giũa, nếu có thể được thì nên quăng bỏ được của nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy. Tham lam là một gánh thật nặng nề của con người còn trong luân hồi.

Trong năm chi trộm cắp, hết bốn chi thuộc về phần Tâm rồi.

Bốn chi ấy là:

1. Biết rõ rằng của lấy trộm ấy có chủ.
2. Nghĩ đến sự trộm của ấy.
3. Cố ráng hết sức mình tìm phương thế trộm cắp.
4. Ðã đem của ấy về cho mình (đoạn này thuộc về Tâm và Thân).

Ta có thể ví như người có thói quen xấu hay lân la gần bên hầm phân, rồi té xuống đó. Nếu không sớm vớt lên, chất hôi thối càng ngày càng ngấm vào người, hoặc sẽ phải uống nhiều nước phân, để rồi phải chết chìm luôn trong đó.

Tâm kia cũng vậy, nếu không sớm thức tỉnh ngăn ngừa các ác ý xâm chiếm, thì càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi, y như chứng bệnh, nếu không sớm lo chuyên trị thì sẽ trở thành nan y.

 

HỎI: Xin giải thích rõ thêm 5 chi trên cho dễ hiểu?

ÐÁP: Năm chi ấy có thể hiểu đại cương như thế này:

1. Của có chủ (khi người mới nghĩ đến của này có chủ, nơi đây chưa có thể nói là phải tội hay không, nó còn lưng chừng).

2. Biết rằng vật ấy có chủ, (đoạn này cũng còn trong vòng chưa phải là tội hay không).

3. Tính trộm cắp (nơi đây tâm đã bắt đầu bị phiền não xâm chiếm quấy nhiễu rồi và cũng bắt đầu quên điều lành. Tâm đã hướng vào tội lỗi, giới luật bắt đầu bị đe dọa).

4. Cố gắng hay ráng sức trộm (đoạn này tâm đã tụt xuống một bậc thật thấp vì nó đã quá khắng khít với tội ác).

Ðến giai đoạn này thật cũng khó cho người kéo tâm trở lại được, phải cần có nhiều nghị lực và hai pháp hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi cho mạnh.

5. Khi chính mình biết rằng: đã trộm được vật mà mình cố ráng đem về rồi (đây là tội thật sự, và cũng đã đi tới mức cuối cùng của tâm trộm cắp).

Trên đây tôi phân tích sơ lược để ông dễ nhận xét về những giai đoạn của tâm, nhưng nếu nói về Sát na của tâm thì rất là lẹ, thật ra trong tam thế này không có gì lẹ bằng Sát na của tâm. Tâm con người hằng vọng động, sự luân hồi của chúng sinh không có ai có thể đoán trước được. Khi còn trong Tam giới có thể mới là một vị Thiên vương sẽ trở lại làm người hay là súc sanh ngạ quỉ. v. v... tùy theo sát na cuối cùng xấu hay tốt của tâm. Vậy chúng ta đang có được thân này hiện tại đây chứng tỏ kiếp trước, chúng ta có tâm thanh cao tinh khiết, nếu nay sớm biết tội nên lánh xa tội và mau mau cố tạo thêm thiện pháp là đào tạo cho mình con đường xán lạn về ngày vị lai.

Sở dĩ Ðức Thế Tôn khuyên không nên trộm cắp của kẻ khác. Ðiều này nếu chúng ta giữ được là có ích cho bản thân ta chớ không lợi gì cho Ngài. Nhưng chỉ vì lòng Từ bi muốn chúng sinh mau giải thoát khỏi đời sống lầm than cơ cực này. Ðức Phật dạy sự biết kính nể quyền lợi của kẻ khác. Phạn ngữ gọi là Manussa-dhamma có nghĩa là Pháp trong tâm của con người (ta cũng có thể gọi là nhân đạo hay lòng nhân đạo).

Người có học và hiểu lý đạo thấy rõ rằng: Cướp bóc, lường gạt của kẻ khác đem về xài cho toại lòng tham lam đó không phải là khôn ngoan hay có trí tuệ mà trái lại là sự dại dột và thường bị lỗ lả. Vì khi ta lấy được của người bằng cách bất chính nào để nuôi dưỡng thể xác này, còn Tâm là một vật rất quý báu thì lại để thoái hóa, nếu không muốn nói là đã tụt xuống thấp.

Sự trộm cắp hay sang đoạt của người bằng phương pháp nào đem về cung phụng cho thể xác nhơ nhớp này và người trong gia tộc, chỉ được một thời gian nào đó thôi, nhưng rồi sau bị trả quả sẽ thọ khổ trong bốn đường Ác không có hạn định năm tháng bằng con số được, mà khi chịu khổ ấy quyến thuộc, vợ con ta không ai chịu thế cho ta được. Thật là dại dột làm tội để kẻ khác thọ hưởng. Nói đây tôi không dám ám chỉ người ích kỷ chạy trốn phận sự làm chồng, làm cha, làm con, nhưng người muốn làm tròn phận sự thì phải làm việc chân chính Phật giáo gọi là Chính nghiệp.

 

HỎI: Thưa ông, giới răn không trộm cắp rất hữu ích cho một cá nhân, nhưng đối với xã hội có ích lợi gì hay không?

ÐÁP: Nói về ích lợi cho xã hội, thì không thể kể hết được.

Nếu trong xã hội mà toàn là kẻ trộm cướp, thì thử nghĩ coi Chính phủ phải khổ tâm đến độ nào? Chính phủ làm sao có đủ nhà giam để giam giữ kẻ trộm cướp ấy. Tài chính đâu để trả cho Cảnh sát canh phòng. Ðất đâu mà chôn cho đủ những kẻ trộm cướp giết hại nhau.

Phật dạy chúng sinh tránh tội lỗi không phạm vào điều ác được bao nhiêu người, thì đỡ cho xã hội bấy nhiêu. Thí dụ như Việt Nam có 80% tín đồ Phật giáo giữ giới, thì chính phủ Việt Nam khỏi lo 80% dân số ấy phạm vào tội trộm cắp. Vậy Phật giáo có đem lợi ích cho quốc gia xã hội hay không?

(Xem tiếp: Phần 3, Chương 1)

-oOo-

Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Ðầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 01-02-2001