BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Địa vị người phụ nữ trong giáo lý Đức Phật
Thích Nữ Huệ Hướng


  

Chương I

Phụ Nữ Trong Các Chế Độ Xã Hội
Thời Phật Tại Thế


Địa vị xã hội của mỗi cá nhân là cái mà xã hội công nhận nơi mỗi cá nhân đó. Một cách tổng quát, trong bậc thang xã hội giữa vị trí xã hội và địa vị xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một vị trí nhất định có giá trị tương ứng trong bậc thang xã hội phản ánh thế lực và quyền lợi mà cá nhân đó được hưởng.

Nhưng trên thực tế, có một loại địa vị được gọi là ‘địa vị gán’ (2) và cá nhân nào đã bị xã hội gán một địa vị nào đó thì không hề được quyền lựa chọn. Đó chính là trường hợp của những người phụ nữ trong các chế độ xã hội cùng thời Phật tại thế.

1. Phụ nữ trong tư tưởng cổ truyền phương Tây:

Ở phương Tây, địa vị người phụ nữ được nhào nặn trong tư tưởng Hy Lạp và La Mã và trong truyền thống đạo Do Thái. Vào khoảng thế kỷ VI trước Tây lịch, các nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp xuất hiện. Với sự xuất hìện này, lầu đầu tiên loài người dám suy nghĩ độc lập dựa vào lý trí của mình, tách khỏi thần thoại và tôn giáo.

Hai trong những triết gia Hy Lạp dựng nên tư tưởng phương Tây là Plato và Aristotle. Plato là một triết gia đương thời với đức Phật, sanh trong một gia đình quý tộc. Với tư tưởng tiến bộ: mong muốn xây dựng một xã hội lý tưởng căn cứ trên đạo đức chứ không phải bằng bạo lực. Ông chủ trương người phụ nữ giới thượng lưu (và chỉ trong giới thượng lưu mà thôi) phải được giáo dục và huấn luyện để lãnh đạo. Nhưng trên thực tế, tư tưởng của Aristotle thịnh hành hơn. Ông chủ trương người phụ nữ phải ‘thụ động, phục tùng và ít lời’.

Còn riêng xã hội La Mã ngay trong thời tiền sử, các bộ tộc người La Tinh sống ở bờ biển miền trung và tây nước Ý này đã thời phụng rất nhiều thần linh và numina (những lực lượng siêu nhiên và thần bí sống chung quanh con người trong các nơi: rừng, sông, suối,.... và cả ở trong nhà có người ở).

Với sự phát triển lớn mạnh của thành phố La Mã vào thế kỷ VI trước Tây lịch, tôn giáo La Tinh cũng phát triển theo hai hướng cực kỳ nhanh chóng: một hướng đi vào cuộc sống người nông dân, hướng thứ hai đi vào thành phố La Mã. Lúc bấy giờ các thần linh cũng phát triển thành những thiên thần như Jupiter - vị thần cõi trời lớn nhất, Mars - thiên thần của thực vật và chiến tranh, Juno - vợ của Jupiter, cai quản giới phụ nữ cũng như nữ thần Hy Lạp Hera vậy, nữ thần Minerva trông coi nghệ thuật và thủ công,... Như vậy, ở một phương diện nào đó, các vị nữ thần trong đời sống tư tưởng cổ truyền La Mã đã thể hiện phần nào quyền hạn và địa vị người phụ nữ trong xã hội đương thời. Nhưng, nói chung, đại đa số nữ giới La Mã vẫn bị chèn ép và bóc lột không khác gì ở phương Đông.

Mặt khác, ở phương Tây trên bình diện tôn giáo, người phụ nữ của mẫu mực Do Thái bị hạn chế trong vai trò người vợ và người mẹ. Giáo lý Do Thái khoan hồng với chế độ đa thê, người đàn ông có quyền bỏ vợ. Trong gia đình, mẹ phải dạy và kiểm soát con về giáo lý nhưng vào nhà thờ, phụ nữ không được dâng lễ.

Trong đạo Do Thái, có khá nhiều nghi lễ do luật Toral đặt ra nhằm phân biệt cái thanh tịnh với cái không thanh tịnh, cái phàm tục với cái thiêng liêng; kể cả vấn đề ‘người đàn ông không được mặc áo quần người đàn bà’:

‘Chết được xem là không thanh tịnh, kinh nguyệt và một vài loại bệnh được xem như là không thanh tịnh’ (3).

Hoặc là khi cả gia đình đi lễ ở lễ đường:

‘Đàn ông ngồi ở hội trường lớn, còn phụ nữ thì ngồi tập trung ở một khoảng nhà thờ dành cho họ’ (4).

Với sự phải cầu kinh ở nơi riêng, phải cách biệt với nơi đàn ông làm lễ, cho thấy quyền lợi của người phụ nữ trong Do Thái giáo truyền thống khó mà kiếm được một sự bình đẳng tương đương với nam giới. Từ đó ta biết, trong xã hội phưuơng Tây bấy giờ, người phụ nữ tuy đã có nhiều sự ưu đãi được thể hiện qua hình tượng các nữ thần, nhưng vẫn không sao tránh khỏi những thiệt thòi mất mát mà xã hội loài người đã gán cho.

2. Phụ nữ trong quan niệm cổ truyền phương Đông:

Cùng nhịp đập của nhân loại, người phụ nữ trong các chế độ xã hội của phương Đông lúc bấy giờ không kém phần chịu nhiều tủi nhục. Đông phương có hai nền văn minh căn bản là Trung Hoa và Ấn Độ. Địa vị người phụ nữ ở Đông phương từ xưa cho đến lúc tiếp xúc với Tây phương hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới.

Đạo Khổng, căn bản của tổ chức xã hội Trung Hoa bấy giờ, khép kín người phụ nữ sau cánh cửa gia đình (khuê môn bất xuất) với các nguyên tắc ‘tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy’. Nhưng nay ta đang khảo sát đến những vấn đề liên hệ giữa đạo Phật và nữ quyền, và vì đạo Phật phát sinh từ Ấn Độ, ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn lịch sử nữ quyền tại Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những vùng đất có nền văn minh cổ nhất của lịch sử loài người. Đấy là nền văn minh ở thượng lưu sông Indus (sông Ấn), trải xuống cả thượng lưu sông Ganges (sông Hằng). Có thể nói trung tâm và linh hồn của nền văn minh tương đối thuần chất và cổ nhất Ấn Độ đã tập trung ở vùng này, nơi mà giống dân Dravidian sinh sống.

Đến thế kỷ XIII trước Tây lịch, bộ lạc Aryan du mục tràn từ các cánh đồng Urals, miền ranh giới hai châu Âu Á ngày nay, xuống Ấn Độ, trước tàn sát một phần, sau đồng hóa người Dravidian lập nên nền văn minh Vệ Đà (Vedas). Bà la môn giáo lầy Vedas làm căn bản, đã thiết lập một trật tự chặt chẽ gồm bốn đẳng cấp:

1. Bà la môn (Bràhmana): chủ trương việc nghi lễ tôn giáo.
2. Sát đế lợi (Khattiya): giai cấp vua quan, nắm quyền thống trị.
3. Tỳ xá (Vessa): giai cấp bình dân, nông, công, thương.
4. Thủ đà la (Sudda): giai cấp tiện dân, bần cùng.

Chế độ đẳng cấp này dựa trên đức tin thần linh, và ảnh hưởng rất nhiều đến mọi lãnh vực, mọi bình diện: kinh tế, chính trị, xã hội, ... Trong mỗi giai cấp, lại phân biệt người đàn ông là chúa, người đàn bà là tôi.

Người phụ nữ bấy giờ, bị khinh rẻ và chỉ là những món đồ tiêu khiển của đàn ông thuộc giới quyền quý. Sự bắt cóc, cưỡng ép, cũng như sự buôn bán phụ nữ, thiếu nữ thường xuyên xảy ra. Trong đời sống thường nhựt, người phụ nữ phải chịu khá nhiều thiệt thòi: họ không được ra khỏi nhà mà không che mặt, không có quyền trong các hoạt động xã hội, không có mặt trong lãnh vực tôn giáo... Những ngày vô tận của họ chỉ là để chờ đợi trong thầm lặng sự viếng thăm của người đàn ông, cho đến khi người này chết thì phải chịu sự thiêu sống để đi theo người đã chết (tục lệ Sati).

Sự đau khổ, sự bất công đang tràn ngập khắp các nẻo đường, khắp các phố phường thành thị, ai là người dắt lối đưa đường? Các nhà triết lý, lịch sử có nghi lại có sáu mươi hai vị, lại thêm Kỳ Na giáo (đạo Jaina) nhưng chỉ bàn luận về những vấn đề siêu hình, về bản thể vũ trụ, về sự hữu biên hay vô biên của thế giới, về sự hiện hữu hay không hiện hữu của linh hồn, về sự có tưởng hay không có tưởng sau khi chết, về sự đoạn diệt hay không đoạn diệt bản ngã, ... tất cả đều không đáp ứng được khát vọng của dân chúng.

Ngay trong môi trường sinh thái này, đức Phật Thích Ca ra đời, sáng lập nên một tôn giáo bình đẳng, vị tha. Ngài phủ nhận giai cấp bất công, đem chế độ bình đẳng để đãi ngộ mọi hạng người trong xã hội. Và từ đó, Ngài đã mở ra cho nữ giới con đường giải phóng không những ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết bàn.

-ooOoo-

Mục lục | Dẫn nhập |  1 | 2 | 3 | 4 | Kết luận


Source: Buddhism Today ( http://www.buddhismtoday.com ) & Quang-Duc ( http://www.quangduc.com )


[Trở về trang Thư Mục]

update: 29-04-2001