BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Địa
vị người phụ nữ trong giáo lý Đức Phật
Thích
Nữ Huệ Hướng
A. Dẫn NhậpỞ một góc độ nào đó, nếu khách quan mà nhìn chúng ta chắc chắn sẽ tìm được một sự công bằng, bình đẳng nào đó. Nhưng thực tế, khi đã nói ‘chúng ta nhìn’ tức đã nhuốm màu ngã tính với cái nhìn đây của ta, là của ta, là tự ngã của ta. Và đó cũng chính là nguyên nhân của biết bao sự bất bình đẳng, sự kỳ thị màu da chủng tộc, đặc biệt là sự phân biệt nam nữ. Do vậy, khi nói đến phụ nữ người ta thường nghĩ ngay đến những phong trào đòi bình quyền, đòi quyền sống, đến những quan niệm kỳ thị nam nữ. Những ý kiến ủng hộ hay chống đối những quan niệm ấy chia ra hai phe rõ rệt mà người bênh vực sự kỳ thị dĩ nhiên đa số là phái nam, và người chống đối sự bất bình đẳng thì luôn luôn là phái nữ. Tựu trung, vần đề kỳ thị nam nữ có thể so sánh với vấn đề kỳ thị màu da, chủng tộc, nó bao hàm một sự tranh chấp về quyền lợi và thế lực. Như chúng ta đã biết, trong khoảng bốn mươi năm gần đây phong trào nữ quyền (Feminism) không ngớt làm sôi động dư luận. Chỉ riêng với tổ chức Liên Hiệp Quốc, nằm 1952 bản Tuyên Ngôn về Quyền chính trị của Nữ giới được long trọng tuyên khải. Năm 1975 được gọi là năm quốc tế Nữ quyền, và Liên Hiệp Quốc triệu tập Hội nghị Thế giới và Nữ quyền tại Mexico. Hội nghị đầu tiên về Quyền sinh sản làm mẹ và quyền tự do lựa chọn ngừa thai, giữ thai hay phá thai họp tại Nairobi, Phi Châu năm 1985. Mười năm sau, 1995, Liên Hiệp Quốc tổ chức Đại hội Nữ quyền Thế giới tại Bắc kinh, thủ đô nước Trung hoa. Hội nghị kết hợp một trăm tám mươi lăm (185) quốc gia, gồm bốn ngàn đại biểu chính phủ, thảo luận trong mười ngày nhằm thay đổi đường lối, chính sách của các quốc gia để cải thiện phương ti?n y tế, giáo dục, kinh tế và chính trị trong đời sống người phụ nữ. Trong lãnh vực tôn giáo cũng vậy, phong trào Nữ quyền hợp lực với các phong trào Canh tân Tôn giáo, đang làm rung chuyển tận gốc rễ giáo lý của Gia tô giáo, nhằm khai phóng người phụ nữ khỏi bị ràng buộc vì các điều ngăn cấm của nhà thờ trong đời sống gia đình như ly dị, ngừa thai, phá thai ..., và cho người nữ tu được thực thi mọi nhiệm vụ linh thiêng và hưởng trọn vẹn quyền lợi của người nam tu sĩ. Ở vào một vị trí địa dư khác, tại các quốc gia Hồi giáo, giáo hội Hồi giáo muốn đề phòng các khuynh hướng thay đổi địa vị người phụ nữ ở trong gia đình và thánh đường cũng như ở ngoài cộng đồng xã hội; lại muốn nhấn mạnh các nguyên tắc độc tôn của giáo lý Hồi giáo (Fundamentalist Islam) đã và đang chi phối quyền hạn của người phụ nữ. Câu hỏi người viết đặt ra bây giờ là phản ứng của đạo Phật trước các diễn biến nói trên như thế nào? Từ lâu, đối với một số người, đạo Phật bị xem như là yếm thế, là bi quan, là bảo thủ đối với những vấn đề then chốt của đời sống hàng ngày. Như khi bàn đến ‘giá trị và hạn chế của Phật giáo trong phương pháp tư duy của người Việt’ giáo sư Nguyễn Tài Thư trong bài Phật giáo và thế giới quan người Việt Nam trong lịch sử cho rằng: ‘Phật giáo chỉ thấy cá nhân con người mà không thấy xã hội con người, chỉ thấy con người nói chung mà không thấy con người thuộc các giai cấp đối kháng nhau trong xã hội trước đây, không thừa nhận sự đấu tranh giai cấp trong xã hội. Do đó, không thấy được nguyên nhân xã hội đưa đến sự khổ ải của con người, không thấy được sự cần thiết phải đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Và vì thế quan niệm từ bi, bác ái của Phật giáo có trường hợp bất lợi cho sự đấu tranh giải phóng quần chúng bị áp bức’. (1) Sự thật có phải vậy chăng? Người viết tự hỏi: ngày xưa đức Phật nhìn vị trí của nữ giới trong xã hội và trong tôn giáo như thế nào? Phải chăng do đạo Phật ‘không thấy con người thuộc các gia cấp đối kháng nhau trong xã hội trước đây’ nên ‘không thấy được sự cần thiết phải đấu tranh chống áp bức, bóc lột’ của quần chúng nói chung và sự đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ nói riêng? Tìm hiểu rõ vấn đề này, ta có thể dự phóng được lập trường của đạo Phật trong phong trào nữ lưu canh tân ngày nay. Trong bài tiểu luận này, người viết trước hết tìm hiểu địa vị người phụ nữ trong lịch sử loài người vào thời Phật tại thế. Từ đó, sẽ khảo sát quan niệm về nữ giới trong giáo lý Phật giáo để rồi phân tích xem lời dạy của đức Phật (đối với một số vấn đề) có phải là hạn hẹp, chống cởi mở đối với nữ giới hay chỉ là một điều ngộ nhận của một số người nào đó. Và sau cùng, người viết sẽ tìm hiểu sự ảnh hưởng của đạo Phật đối với phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay. Để hướng việc nghiên cứu đề tài vào một hệ thống, người viết đã sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp và dùng những thuật ngữ chuyên môn theo cuốn Phật học từ điển của Hòa Thượng Minh Châu (nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1991). Vì đây là đề tài quan trọng mà kiến thức thì còn quá non kém nên để làm được bài tiểu luận này, người viết đã dựa vào không ít kinh sách Phật học và tham khảo khá nhiều kiến giải tri thức của chư Tôn đức Thân giáo sư. Nhưng, dù đã cố gắng hết sức người viết vẫn không sao tránh khỏi những điều thiếu sót đáng tiếc, cúi xin các bậc Cao minh từ bi chỉ giáo. -ooOoo- |
Source: Buddhism Today ( http://www.buddhismtoday.com ) & Quang-Duc ( http://www.quangduc.com )
update: 29-04-2001