BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Đạo đức Phật giáo và Hạnh phúc con người
Hòa thượng Thích Minh Châu
Phật lịch 2546, TL. 2002
Phần V [21] NĂM HẠ PHẦN KIẾT SỬ HAY ĐẠI KINH MALUNKYAPUTTA N ăm hạ phần kiết sử (Olambhàgiyàsam-yoyanà) -- thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục và sân -- là những kiết sử trói buộc con người vào sanh tử luân hồi. Có thoát ly khỏi các hạ phần kiết sử, mới mong đạt được Thánh quả.Thế Tôn hỏi các Tỷ-kheo có ai thọ trì năm hạ phần kiết sử này thời Tôn giả Màlunkyaputta đáp là có thọ trì năm pháp này nhưng bị ngoại đạo dùng ví dụ đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa, không có tự thân, thời đâu có thân kiến; không biết đến các pháp, thời từ đâu có thể khởi lên các nghi hoặc đối với các pháp; không có giới, thời từ đâu có thể khởi lên giới cấm thủ trong các giới; không có dục vọng, thời từ đâu nó có thể khởi lên tham dục trong các dục; nếu đứa con nít nằm ngửa không có biết các loài hữu tình, thời từ đâu nó có thể khởi lên lòng sân? Đứng trước những lời chỉ trích như vậy, đức Phật dạy cách trả lời là đứa con nít nằm ngửa, tuy không có thân kiến hiện hành, nhưng thật sự thân kiến sống tiềm tàng trong nó. Tuy không có nghi hoặc khởi lên, nhưng nghi hoặc tùy miên sống tiềm tàng trong nó. Tuy không có giới, nhưng giới cấm thủ tùy miên sống tiềm tàng trong nó. Tuy không có tham dục, nhưng tham dục tùy miên sống tiềm tàng trong nó. Tuy không có các loài hữu tình, nhưng sân tùy miên sống tiềm tàng trong nó. Theo lời yêu cầu của Tôn giả A Nan, Thế Tôn bắt đầu giảng về năm hạ phần kiết sử. Trước hết là hạng vô văn phàm phu không yết kiến các bậc Thánh và các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Thánh và các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Thánh và các bậc Chân nhân, sống với thân bị thân kiến triền phược, bị thân kiến chi phối, không như thật tuệ tri sự xuất ly ra khỏi thân kiến đã khởi lên. Do vậy thân kiến của vị này kiên cố, không được nhiếp nhục, trở thành một hạ phần kiết sử. Cũng vậy đối với nghi hoặc, đối với giới cấm thủ, đối với tham dục, đối với sân, năm hạ phần kiết sử của vị này trở thành kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành hạ phần kiết sử. Trái lại đối với các bậc Đa văn Thánh đệ tử, vị này đến yết kiến các bậc Thánh, các bậc Chân nhân, thuần phục pháp các bậc Thánh, các bậc Chân nhân, tu tập pháp của bậc Thánh, của bậc Chân nhân, không bị năm hạ phần kiết sử chi phối, không bị năm hạ phần kiết sử triền phược. Vị này như thật tuệ tri sự xuất ly các hạ phần kiết sử khởi lên. Nhờ vậy năm hạ phần kiết sử với các tùy miên được trừ. Tiếp đến đức Phật giải thích con đường đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử. Con đường ấy cần phải thực hành mới mong biết rõ, thấy rõ, và đoạn trừ đuợc năm hạ phần kiết sử. Như một cây lớn đứng thẳng với lõi cây. Nếu người không đẽo vỏ trong, không đẽo giác cây, vẫn có thể đẽo được lõi cây; sự tình như vậy không xảy ra. Cũng vậy lộ trình nào, con đường nào đưa đến sự đoạn trừ năm phần hạ kiết sử, nếu không thực hành con đường ấy, thời không có hy vọng được thấy rõ, được hiểu rõ hay được đoạn diệt; sự tình như vậy không xảy ra. Và con đường nào, lộ trình nào đưa đến đoạn trừ năm phần hạ kiết sử, nếu thực hành con đường ấy, thời năm hạ phần kiết sử được biết rõ, được thấy rõ, hay được đoạn diệt; sự tình như vậy có xảy ra. Rồi đức Phật dùng hai ví dụ để nêu rõ sự cần thiết phải thực hành lộ trình ấy, con đường ấy. Ví như đối với một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy sau khi đẽo vỏ trong, sau khi đẽo giác cây, sẽ đẽo được lõi cây; sự tình này xảy ra. Ví như sông Hằng nước đầy tràn, con quạ có thể uống được. Rồi một người ốm yếu đi đến và nghĩ như sau: "Sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của ta, ta đến được bờ bên kia an toàn". Nhưng người ấy không thể lội cắt ngang sông Hằng. Cũng vậy bất cứ ai, khi được nghe giảng pháp để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu tâm của vị ấy không phấn khởi, không tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, thời vị ấy cần phải được xem giống như người ốm yếu kia. Ví như sông Hằng, nước đầy tràn con quạ có thể uống được. Rồi một người lực sĩ đi đến và quyết định với tay của mình, lội cắt ngang sông Hằng và đến được bờ bên kia một cách an toàn. Cũng vậy bất cứ ai, khi được giảng pháp để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu tâm của vị ấy phấn khởi, tịnh tín, an trú và hướng đến thời vị ấy được xem là giống như nhà lực sĩ kia, có khả năng đoạn trừ năm hạ phần kiết sử. Rồi đức Phật trình bày lộ trình đưa đến đoạn năm hạ phần kiết sử. Ở đây, vị Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (upadhi), do đoạn trừ các pháp bất thiện, do làm cho an tịnh thân thể ác hạnh một cách toàn diện, vị này ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, mọi thọ pháp, mọi tưởng pháp, mọi hành pháp, mọi thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bịnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã...Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy (tức năm hạ phần kiết sử). Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung vào bất tử giới (amata dhàtu) và nghĩ rằng: "Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, đây là an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn diệt các lậu hoặc, thời do tham pháp và hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Đây là lộ trình, đây là con đường đưa đến đoạn tận năm hạ phần kiết sử. Cũng vậy vị Tỷ-kheo diệt tầm diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai... chứng và trú Thiền thứ ba,... chứng và trú Thiền thứ tư. Vượt lên mọi sắc tưởng, chứng và trú Không vô biên xứ, ... chứng và trú Thức vô biên xứ, ... chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, mọi thọ pháp, mọi tưởng pháp, mọi hành pháp, mọi thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chứng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới, và nghĩ rằng: "Đây là tịnh tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị ấy đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp và sự hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Đây là lộ trình, đây là con đường đưa đến đoạn tận năm hạ phần kiết sử. Cuối cùng, Tôn giả A-nam hỏi đức Phật rằng đây là con đường đưa đến sự đoạn trừ các năm hạ phần kiết sử, thời do hành trì như thế nào mà một số Tỷ-kheo chứng tâm giải thoát, một số chứng tuệ giải thoát. Thế Tôn trả lời là do sự khác về căn tính. * * * [22] NĂM UẨN TRONG KINH XÀ DỤ T rong Kinh Trung Bộ, có nhiều kinh đề cập đến năm uẩn như Đại Kinh Mãn Nguyệt (Số 9, Trung Bộ Kinh), cũng rất quan trọng không kém. Nhưng nay, chỉ lựa Kinh Xà Dụ, vì muốn nhấn mạnh những tai hại do chấp năm thủ uẩn là tự ngã và đường hướng giải thoát là sự thoát ly khỏi sự chấp thủ năm thủ uẩn.Như chúng ta đã biết, nói đến năm thủ uẩn là nói đến con người của chúng ta, gồm có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, cũng có khi được phân tích thành sáu giới, tức là địa giới, thủy giới, phong giới, không giới và thức giới. Dùng danh từ "thủ uẩn" hàm nghĩa sự tập họp tác thành con người của chúng ta, và sự tập họp chỉ có thể tác thành, nhờ sự nắm giữ, chấp thủ. Trong Kinh Xà Dụ, đức Phật đề cập đến sáu kiến xứ, chớ không phải là năm. Chấp thủ năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Ngoài năm kiến xứ ấy, những ai khởi lên tư kiến "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, ta sẽ sống, thường hằng, thường tại, sống như vậy mãi mãi không có biến hoại" Đây là kiến xứ thứ sáu, lập thành sáu kiến xứ, xem như vầy: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này tự ngã của ta". Đây là thái độ của các vô văn phàm phù, không yết kiến các bậc Thánh, các bậc chân nhân, cho nên chấp sáu kiến xứ này là tự ngã và do vậy, chịu đựng bao nhiêu phiền lao nhiệt não. Trái lại, các hàng đa văn Thánh đệ tử, thường yết kiến các bậc thánh, các bậc chân nhân, tu tập pháp các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không chấp thủ sáu kiến xứ này là tự ngã, và như vậy thoát ly các lo âu phiền muộn. Đến đây, Thế Tôn trả lời các câu hỏi của vị Tỷ-kheo, hỏi rằng có thể có cái không thực có ở ngoài có thể gây ra phiền mụôn. Thế Tôn đáp có. Nếu có người suy nghĩ như sau: "Cái này chắc chắn đã là của tôi nay chắc chắn không còn là của tôi nữa. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi chắc chắn tôi không được cái ấy, Suy nghĩ như vậy, vị ấy sầu muộn, than vãn, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Như vậy có cái không thực có ở ngoài, có thể gây ra lo âu phiền muộn". Vị Tỷ-kheo hỏi tiếp: "Có cái không thực có ở ngoài mà không gây ra lo âu phiền muộn?" Thế Tôn đáp: "Có cái không thực có ở ngoài mà không gây ra lo âu phiền muộn. Ở đây có người không suy nghĩ như sau: 'Cái này chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy'. Do không suy nghĩ như vậy, nên người ấy không sầu muộn than vãn, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Như vậy, có cái không thực có ở ngoài, mà không gây ra lo âu phiền muộn". Vị Tỷ-kheo hỏi tiếp: "Có cái gì không thực có ở trong, có thể gây ra lo âu phiền muộn?" Thế Tôn đáp: "Có thể có. Ở đây, có người có tà kiến: 'Đây là thế giới, đây là tự ngã. Sau khi chết, ta sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển'. Khi được nghe Thế Tôn hay đệ tử Thế Tôn thuyết pháp để để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên kiến, tùy miên, làm tịnh chỉ tất cả hành, từ bỏ các sanh y, diệt trừ tham ái, đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn; thời người ấy suy nghĩ: 'Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, sẽ bị hoại diệt, sẽ không tồn tại'". Như vậy vị ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Như vậy có cái không thật có ở trong, nhưng có thể gây ra lo âu phiền muộn. Nếu người ấy không có tà kiến nghĩ rằng sau khi chết sẽ tồn tại, mãi mãi, không biến hoại, thì dầu có nghe Thế Tôn hay đệ tử Thế Tôn có thuyết pháp để bạt trừ khát ái, thời vị ấy không có nghĩ sau khi ta chết ta sẽ bị đoạn diệt, sẽ bị hoại diệt. Do không suy nghĩ như vậy, nên vị ấy không sầu muộn, than vãn, than khóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Như vậy là có cái không thực có ở bên trong không gây nên sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh..." Như vậy, chúng ta có thể nói, nhờ không rơi vào sáu kiến xứ, không chấp nhận các kiến xứ là của ta, là ta, tự ngã của ta, nên chận đứng được các phiền lao nhiệt não, khiến chúng khôgn khởi lên. Tiếp đến, đức Phật trình bày rất rõ ràng, phàm sở hữu gì được nắm giữ, sở hữu ấy không thể thường còn, thường hằng mãi mãi mà phải hoại diệt. Như vậy mọi tà kiến chấp sáu kiến xứ là của ta, là ta, là tự ngã của ta, là nguồn gốc của mọi đau khổ, sầu muộn than vãn. Tiếp đến, đức Phật xác nhận với các Tỷ-kheo, phàm có ngã luận thủ gì, nếu chấp thủ ngã luận thủ ấy, thời khởi lên sầu bi khổ ưu não. Phàm y chỉ kiến y gì, thời cũng khởi lên sầu bi khổ não. Hơn nữa, thật là ngu si ám độn, khi đã thấy ngã và ngã sở thuộc đều không thể chấp nhận là thường còn, thường hằng, mà còn chấp kiến xứ. "Đây là thế giới, đây là tự ngã. Sau khi chết, ta sẽ sống thường hằng, thường tồn." Thật là tối thượng ngu si mới chấp các kiến xứ tự ngã. Không những chấp sáu kiến xứ là ngu si và là nguồn gốc phát sinh đau khổ vô lượng vô biên; và vì muốn cho chúng sinh thoát khỏi mê hồn trận này, đức Phật dạy, cần phải chánh quán năm thủ uẩn là vô thường, là khổ... cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi. Và cuối cùng đức Phật trải rộng thuyết vô ngã đối với toàn thể sự vật như sau: "này các Tỷ-kheo, bất cứ sắc pháp nào... bất cứ cảm thọ nào... bất cứ tưởng nào... bất cứ hành nào... bất cứ thức nào quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức là: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta". Đến đây, Thế Tôn khuyên các vị Tỷ-kheo: "Nên từ bỏ cái gì không phải của ta, từ bỏ như vậy sẽ đưa lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho các ngươi. Sắc không phải của các ngươi,... Thọ không phải của các ngươi,... Tưởng không phải của các ngươi,... Hành không phải của các ngươi,... Thức không phải của các ngươi. Hãy từ bỏ năm thù uẩn. Từ bỏ năm thù uẩn sẽ đưa lại hạnh phúc cho các ngươi. Như trong rừng Jetavana này, nếu có người thâu lượm cỏ lá cành cây lại rồi đốt chúng. Làm như vậy, không phải thâu lượm chúng ta và đốt chúng ta. Vì sao vậy? Vì chúng ta không phải tự ngã hay không phải sở thuộc của ngã. Cũng vậy, cái gì không phải của các ngươi, hãy từ bỏ chúng. Năm uẩn thủ không phải của các ngươi. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc an lạc cho các ngươi". Cần phải như thật quán với chánh trí tuệ. Và chính nhờ chánh quán như vậy, vị Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát có trí khởi lên biết được đã giải thoát. "Sanh đã tận. Phạm hành đã thành. Những gì nên làm đã làm. Không còn trở lui tại đây với một đời sống khác". (Trung Bộ I, số 22) * * * [23] KINH SÁU SÁU Đ ây là một kinh được xem là rất đặc biệt, vì sau khi đức Phật thuyết pháp kinh này, có 60 vị Tỷ-kheo được chứng quả A-la-hán.Như thường lệ, đức Phật tổng thuyết phân biệt 36 pháp cần phải được hiểu biết, tức là sáu nội xứ, sáu ngoại xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân và sáu ái thân cần phải được biết. Rồi đức Phật biệt thuyết 36 pháp này là gì: - 6 nội xứ là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
và ý. Như vậy có tất cả là 36 pháp, rồi đức Phật giải thích 36 pháp ấy là vô ngã, không thể xem là tự ngã, vì 36 pháp này có sanh, có diệt. Nếu nói 36 pháp này là tự ngã thời xác nhận tự ngã có sanh có diệt là một điều không hợp lý. Và như vậy phải đi đến kết luận 36 pháp này là vô ngã. Tiếp đến, đức Phật trình bày con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến (sakkàyaditti). Đối với ai quán 36 pháp này là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi, thời như vậy là sự tập khởi của thân kiến. Trái lại, những ai quán 36 pháp này không của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi, thời như vậy là sự đoạn diệt của thân kiến. Đến đây, đức Phật mới hướng dẫn con đường đưa đến giải thoát và giác ngộ. Trước hết, đức Phật lấy ví dụ con mắt (nội xứ) duyên với các sắc (ngoại xứ), khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm giác lạc thọ, khởi lên hoan hỷ tán thán, lạc ấy xâm nhập tâm và an trú. Do vậy tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy cảm giác khổ thọ, sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Chính vì do không đoạn tận tham tùy miên, đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ. Không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra. Tiến trình tương tự như vậy sẽ xảy ra đối với năm căn và năm trần còn lại, tức là tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và các pháp. Chính tại nơi đây, đức Phật chỉ rõ con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, được giải thoát và giác ngộ. Do duyên mắt, do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ, không hoan hỷ tán thán, không để lạc ấy xâm nhập tâm và an trú. Do vậy tham tùy miên không có tùy tăng. Vị ấy cảm giác khổ thọ, không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Sân tùy miên của vị ấy không có tùy tăng. Vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly ra khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không có tùy tăng. Chính do đoạn tận tùy miên, chính do nhổ lên vô minh tùy miên, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là chấm dứt khổ đau, sự kiện như vậy có xảy ra. Tiến trình giải thoát như vậy cũng đến với các nội xứ và ngoại xứ khác. Giảng đến đây, đức Phật mới trực tiếp khuyên các vị Tỷ-kheo là những vị Thánh đệ tử, nhàm chán mắt, nhàm chán sắc, nhàm chán nhãn thức, nhàm chán xúc, nhàm chán thọ, nhàm chán ái; cũng vậy đối với năm nội xứ và ngoại xứ khác. Nhờ nhàm chán ái nên ly tham; nhờ ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát vị ấy tụê tri: "Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Như đã nói ở trên, kinh này kết thúc với 60 vị Tỷ-kheo chứng ngay quả A-la-hán. Một vài nhận xét: Chúng ta nhận thấy từ trong bản kinh quý giá này là trước tiên người Đa văn Thánh đệ tử phải nghe nhiều và hiểu biết sự sanh khởi và sự đoạn diệt của các pháp, và các pháp đây liên hệ đến thế giới con người và thế giới con người đang sống. Ở đây, đức Phật đã khéo léo tán thán các pháp ấy trong 36 pháp được đề cập đến trong kinh này. Và việc đầu tiên của vị Thánh đệ tử là phải quan sát 36 pháp ấy là vô ngã. Quán các pháp là vô ngã mới thấy sự sanh khởi thân kiến (sakkàyaditthi) là do chấp 36 pháp này là "Của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi". Và muốn tiến bước vào con đường tu hành đi đến giải thoát và giác ngộ, đưa đến sự đoạn diệt thân kiến là phải quán 36 pháp này là "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Chỉ có khi đoạn trừ được thân kiến rồi, người tu hành mới thật sự tiến dần đến đích giác ngộ và giải thoát. Vị Tỷ-kheo thấy được 36 pháp là không phải tự ngã, là vô ngã, nên sanh nhàm chán đối với 36 pháp; do nhàm chán nên ly tham; do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy tuệ tri được rằng Ta đã giải thoát. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa". (Trung Bộ Kinh III, Kinh số 148, tr, 522.) * * * [24] KINH TỔNG THUYẾT VÀ BIỆT THUYẾT K inh này đáng chú ý vì đề cập đến một lời dạy của đức Phật, trong ấy tóm thâu gọn ghẽ tiến trình tu tập của một người xuất gia đưa đến thánh quả. Kinh này cũng giới thiệu một phương pháp đức Phật hay thường dùng để thuyết pháp. Phần đầu gọi là tổng thuyết (Uddesa) tóm thâu tất cả một vài câu súc tích, rồi phân tích giải thích rộng ra (Vibhanga). Có khi đức Phật chỉ nói lên phần tổng thuyết, rồi để một Đại đệ tử của mình phân tích phần biệt thuyết. Như trong kinh này, chính Ngài Mahà Kàccana (Đại Ca Chiên Diên) giải thích phần biệt thuyết rồi được đức Phật xác chứng là đúng với Chánh pháp. Có khi đức Phật giải thích cả phần tổng thuyết và biệt thuyết, nhờ vậy bài kinh được trình bày gọn ghẽ và súc tích hơn. Một điều đáng chú ý nữa là kinh này diễn tả tiến trình giải thoát và dùng một số danh từ chuyên môn có thể ghi chép sai lạc, cả tiếng Pàli và chữ Hán, bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ và lựa chọn. Chính nhờ phải suy nghĩ và lựa chọn, chúng ta có khả năng tiến gần đến chính xác hơn.Lời tổng thuyết của đức Phật dạy trong kinh này như sau: "Này cácTỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố: anupàdàya na parttas-seyya)? Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố), thời sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh già bệnh chết trong tương lai". Lời tổng thuyết này được Tôn giả Mahà Kaccàna phân tích như sau: "Sao gọi là thức đối với ngoại trần bị tán loạn, bị tản rộng? Ở đây, khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức truy cầu sắc tướng, bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, bị cột chặt bởi vị của sắc tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng, như vậy gọi là thức đối với ngoại trần bị tán loạn, bị tản rộng. Cũng vậy đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý thức pháp. "Sao gọi là thức đối với ngoại trần không bị tán loạn, bị tản rộng? Ở đây khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức không truy cầu sắc tướng, không bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, không bị cột chặt bởi vị của sắc tướng, không bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng. Như vậy gọi là thức đối với ngoại trần, không bị tản rộng. Cũng vậy đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức pháp. "Thế nào là tâm trú trước nội trần? Ở đây vị Tỷ-kheo ly dục ly bất thiện pháp, chứng và an trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Thức vị ấy truy tìm hỷ lạc do ly dục sanh, bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do ly dục sanh, như vậy gọi là tâm trú trước nội trần. Lại nữa vị Tỷ-kheo đình chỉ tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Thức của vị ấy truy tầm hỷ lạc do định sanh, bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do định sanh, bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do định sanh, bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do định sanh, như vậy gọi là tâm trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Thức của vị ấy truy tầm xả và lạc, bị trói buộc bởi vị xả và lạc, bị cột chặt bởi vị xả lạc, bị triền phược bởi kiết sử xả và lạc, như vậy gọi là tâm trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo, xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Thức của vị ấy truy tìm không khổ không lạc, bị trói buộc bởi vị không khổ không lạc, bị triền phược bởi kiết sử không khổ không lạc. Như vậy gọi là tâm trú trước nội trần. "Thế nào là tâm không trú trước nội trần? Ở đây vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Thức của vị ấy không truy tìm hỷ lạc do ly dục sanh, không bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, không bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, không bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do ly dục sanh, như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo, đình chỉ tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Thức của vị ấy không truy tìm hỷ lạc do định sanh, không bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do định sanh, không bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do định sanh, không bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do định sanh, như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Thức của vị ấy không truy tìm xả và lạc, không bị trói buộc bởi vị xả và lạc, không bị cột chặt bởi vị xả và lạc, không bị triền phược bởi kiết sử xả và lạc, như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo xả lạc và khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Thức của vị ấy không truy tầm không khổ không lạc, không bị trói buộc bởi vị không khổ không lạc, không bị cột chặt bởi vị không khổ không lạc, không bị triền phược bởi kiết sử không khổ không lạc. Như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần. "Thế nào là bị chấp thủ quấy rối (khủng bố)? Ở đây kể vô văn phàm phu, không yết kiến các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không thuần pháp các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không tu học pháp các bậc Thánh, các bậc chân nhân, thấy sắc như là tự ngã, hay là tự ngã như là có sắc, thấy sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã như là trong sắc. Sắc pháp của vị ấy biến hoại đổi khác. Với sự biến hoại đổi khác trong sắc pháp ấy, thức của vị ấy bị tùy chuyển bởi sự biến hoại đổi khác trong sắc pháp của vị ấy. Do thức bị tùy chuyển, nên các pháp quấy rối (khủng bố) khởi lên, xâm nhập tâm và an trú. Vì tâm bị xâm nhập nên vị Tỷ-kheo sợ hãi, bực phiền và đầy những khao khát, và vị Tỷ-kheo bị chấp thủ quấy rối (khủng bố: anupàdà paritassanà). Cũng vậy đối với bốn thủ uẩn thọ, tưởng, hành, thức. "Và thế nào là không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố)? Ở đây, vị đa văn thánh đệ tử yết kiến các bậc Thánh, các bậc chân nhân, thuần thục pháp các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không thấy sắc như là tự ngã, không thấy tự ngã như là có sắc, không thấy sắc ở trong tự ngã, không thấy tự ngã ở trong sắc. Sắc pháp của vị ấy bị biến hoại đổi khác. Với sự biến hoại đổi khác trong sắc pháp, thức của vị ấy không tùy chuyển bởi sự biến hoại đổi khác trong sắc pháp của vị ấy. Do thức không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại đổi khác trong sắc pháp, nên các pháp quấy rối (khủng bố) không khởi lên, không xâm nhập tâm vào an trú. Vì tâm không bị thâm nhập, nên vị Tỷ-kheo không sợ hãi, không bực phiền, không đầy những khao khát. Và vị ấy không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố). Như vậy là không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố). Cũng vậy đối với bốn thủ uẩn thọ, tưởng, hành thức." Như đã được đề cập, kinh này trình bày một phương pháp tu tập cho vị Tỷ-kheo đạt đến tiến trình giải thoát và giác ngộ. Vị Tỷ-kheo trước hết đối với ngoại trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không truy cầu sắc tướng, thanh tướng v.v... không bị luyến aí, triền phược bởi vị của sắc tướng, thanh tướng v.v..., được tự tại, thoát ly sự chi phối của ngoại trần. Đối với nội trần, ở đây chỉ cho các thiền chi của bốn cảnh thiền, tức là hỷ lạc do ly dục sanh, hỷ lạc do định sanh, xả và lạc xả, không khổ không lạc, vị Tỷ-kheo không bị đam mê bởi các thiền chi này, mà vượt lên trên chúng để đạt các thiền chứng cao hơn, và nhờ vậy vị Tỷ-kheo không có trú trước nội trần. Vị Tỷ-kheo tuệ quán năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, và nhờ vậy khi năm uẩn này bị biến hoại đổi khác, thức của vị Tỷ-kheo không bị tùy chuyển theo sự biến hoại đổi khác này. Nhờ vậy, các pháp quấy rối (khủng bố) không khởi lên, không thâm nhập tâm vào an trú. Do tâm không bị xâm nhập, nên vị Tỷ-kheo không có sợ hãi, bực phiền, lòng đầy khao khát. Nhờ vậy vị Tỷ-kheo không bị chấp thủ quấy rối và như vậy được giác ngộ, được giải thoát. Ở đây chúng ta nhận thấy lý thuyết vô ngã quan trọng bực nào trong tiến trình giác ngộ, được giải thoát. Vị Tỷ-kheo còn chấp ngã, xem năm thủ uẩn là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta, thời khi năm uẩn chịu sự biến hoại và đổi khác, thức của vị Tỷ-kheo tùy chuyển theo sự biến hoại đổi khác này. Do vậy các pháp quấy rồi, khủng bố khởi lên, xâm nhập tâm vào an trú. Do tâm bị xâm nhập, vị Tỷ-kheo sợ hãi, bực phiền, lòng đầy khao khát... Do vậy vị Tỷ-kheo bị chấp thủ quấy rối, bị khủng bố, không được giác ngộ. Có một số danh từ cần phải giải thích, như: anupàdàya paritassati - vị ấy bị chấp thủ quấy rối hay khủng bố. Chữ paritassati dịch là khủng bố có hơi nặng nên dùng chữ quấy rối cho nhẹ hơn, dẫu rằng chữ khủng bố thường được kinh chữ Hán dùng. Ở đây, kinh chữ Hán tương đương giải thích đoạn này có dùng một số danh từ sai khác nhưng nói chung cũng tương đương với lời giải thích từ chữ chữ Pàli. Kinh Hán tạng tương đương là "Kinh Phân biệt quán pháp", Trung A Hàm số 164, Đại I, 694b. Kinh Hán tạng chép: "Chư hiền, thế nào là Tỷ-kheo không thọ mà khủng bố? Chư hiền, Tỷ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát. Chư hiền, nếu có Tỷ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát, vị ấy muốn được sắc, cầu sắc, trước sắc, trụ sắc, sắc tức là ngã, sắc là sở hữu của ngã. Khi muốn được sắc, cầu sắc, trú sắc, sắc tức là ngã, sắc là sở hữu của ngã, thời thức ôm ấp sắc. Khi thức ôm ấp sắc, thời khi sắc ấy biến dị, thức chuyển theo sắc, thời nó sanh khủng bố pháp và tâm trú trong ấy. Nhân vì tâm không biết, nên sanh sợ hãi phiền lao, không thọ mà khủng bố". Ở đây, kinh chữ Hán dịch "annupàdà aparitassanti" là "không thọ mà khủng bố". Thình thoảng, chúng ta gặp một bài kinh, tóm tắt một cách tuyệt diệu tiến trình giải thoát giác ngộ như bài kinh này. Ở đây, chúng ta chứng kiến cách dùng văn khéo léo của đức Phật, đã tóm thâu cả phương pháp tu hành đạt đến thánh quả, chỉ trong một số câu ngắn gọn súc tích, được phân tích rạch ròi, không có kéo dài lê thê, không có rườm rà với những điển tích khó hiểu. Lời dạy của Ngài bao giờ cũng trong sáng gọn nhẹ, nhưng thiết thực và hướng thượng. (Trung Bộ III, số 138) * * * [25] KINH BÁNH MẬT B ài kinh nêu rõ mục đích hòa bình của đạo Phật là Kinh Bánh Mật (Xác định rõ thái độ không tranh chấp với một ai ở đời). Hơn thế nữa, kinh này lại giới thiệu phương pháp giải quyết các tranh chấp, chấp trượng, chấp kiếm, đưa đến tiêu diệt các bất thiện pháp, không còn dư tàn.Kinh này có thể xem là gồm có ba lời tuyên bố: Hai lời đầu là hai lời tuyên bố của Thế Tôn, nói lên quan điểm không tranh chấp của đức Phật và phương pháp diệt tận các tranh chấp. Lời tuyên bố thứ ba là của Tôn giả Mahà Kaccàna, giải thích rộng hơn và rõ hơn lời tuyên bố thứ hai của Thế Tôn, và trình bày rõ tiến trình đoạn tận các tranh chấp, các ác, bất thiện pháp. 1/ Câu trả lời thứ nhất: Khi được một ngoại đạo tên là Dandapàni (gậy cầm tay) hỏi Sa môn Gotama có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì. Thế Tôn trả lời một cách rõ ràng dứt khoát: "Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa môn, Bà-la-môn, chư môn và loài người, không có tranh luận với ai ở đời". Đây là một câu trả lời dứt khoát, lời dạy của Ngài không gây một tranh chấp nào, cạnh tranh, đấu tranh nào. Rồi Ngài giải thích thêm hạng người nào có thể thoát ly khỏi sự tranh chấp: Chính là những vị không bị các tưởng chi phối, sống không bị các dục triền phược, với mọi nghi ngờ, hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Chính do các tưởng chi phối, các dục triền phược, các nghi ngờ do dự triển khai, các tà kiến hữu và phi hữu ám ảnh, nên con người rơi vào các tranh chấp, đấu tranh, cạnh tranh. 2/ Câu trả lời thứ hai: Thế Tôn dạy: "Do bất cứ nhân duyên gì, một số lý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở nơi đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, mạn tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên, sự đoạn tâm của chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ, chính ở nơi đây những ác bất thiện pháp này được tiêu diệt không có dư tàn". Lời khuyên của đức Phật rất rõ ràng: Chớ có hoan hỷ, chớ có đón mừng, chớ có chấp thủ, các hý luận vọng tưởng ấy, thời thái độ như vậy sẽ giúp đoạn tận bảy tùy miên, giúp đoạn tận mọi cạnh tranh, mọi chấp kiếm, chấp trượng, ly gián ngữ, các bất thiện pháp không còn dư tàn. Tốt nhất là đừng cho khởi lên các hý luận vọng tưởng; và nếu chúng có khởi lên thời đừng hoan hỷ, đón mừng, chấp thủ chúng. Có vậy mới đoạn trừ mọi tranh chấp, chấp trượng, chấp kiếm, ly gián ngữ, vọng ngữ, và mọi bất thiện pháp đều được đoạn trừ không có dư tàn. 3/ Lời tuyên bố thứ ba: Câu trả lời thứ hai của Thế Tôn không có giải thích rõ ràng, khiến một số Tỷ-kheo không hiểu rõ ý nghĩa, nên đồng thanh mời Tôn giả Kaccàna giải thích thêm cho rõ. Ban đầu, Tôn giả Kaccàna từ chối; trước sự cầu thỉnh nhiệt tình, Tôn giả Kaccàna mới chấp thuận và giải thích như sau: "Do nhân sáu căn xúc chạm với sáu trần, sáu thức, khởi lên, sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Dó duyên xúc nên cảm thọ, những gì có thọ thời có tưởng. Những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận này làm nhân, một số hý luận vọng tưởng hiện hành khởi lên cho một người, đối với sáu trần, do sáu căn nhận thức, quá khứ, tương lai, hiện tại... Sự kiện này không xảy ra, khi nào không có sáu căn, khi nào không có sáu trần, khi nào không có sáu thức thời không có sự thi thiết của xúc. Khi nào không có sự thi thiết của xúc, thời sự thi thiết của thọ không được hiển lộ. Khi nào không có sự thi thiết của thọ, sự thi thiết của tưởng, sự thi thiết của suy tầm không được hiển lộ. Khi nào không có sự thi thiết của suy tầm, thời sự thi thiết hiện hành một số hý luận vọng tưởng không được hiển lộ. Như vậy toàn bộ các pháp hý luận không được xuất hiện, không thể làm cho khởi lên đấu tranh, luận tranh, chấp trượng, chấp kiếm, cuối cùng đoạn trừ tất cả bất thiện pháp, không có dư tàn. Pháp môn này không những loại bỏ các tranh chấp, hý luận, lại còn loại trừ 7 tùy miên, đoạn tận các ác, bất thiện pháp, giúp người hành giả được giải thóat khỏi sanh, già, bệnh, chết một cách hoàn toàn. Sau khi nghe Tôn giả Mahà Kaccàna thuyết giảng, các vị Tỷ-kheo liền đi đến yết kiến Thế Tôn và trình bày lời giải thích của Tôn giả Mahà Kaccàna. Thế Tôn tán thán Tôn giả Mahà Kaccàna là bậc Đại tuệ, là bậc Hiền trí. Ngài nói, nếu các Tỷ-kheo có hỏi Ngài, thời Ngài cũng trả lời như Tôn giả Mahà Kaccàna đã trả lời. Tôn giả Ananda có mặt trong buổi họp này, dùng ví dụ một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật và cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Cũng vậy, vị Tỷ-kheo có tri thức biệt tài, cứ mỗi phần suy tư đến ý nghĩa của pháp môn này với trí tuệ, cứ mỗi phần vị ấy được thưởng thức sự hoan hỷ, được thưởng thức sự thoải mái tâm trí. Tôn giả Ananda hỏi Thế Tôn nên đặt tên kinh này là gì, Thế Tôn đáp nên đặt tên kinh này là bánh mật (mật hoàn) và hãy như vậy mà thọ trì. Nếu bánh mật làm dịu được sự khao khát của con người, thời những lời dạy của đức Bổn Sư làm dịu đi khát vọng của con người, giải thoát con người khỏi các tùy miên, loại trừ các đấu tranh, kháng tranh, đem lại sự hòa đồng, thông cảm cho tất cả mọi người . (Trung Bộ I, số 18) * * * [26] KINH ĐA GIỚI Đ ây là một bài kinh đức Phật dạy:"Phàm những sợ hãi (behayàni) gì khởi lên, chỉ khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí; phàm có những thất vọng (upaddavà) gì khởi lên, thất vọng ấy khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí; phàm có những hoạn nạn (upa-saggà) gì khởi lên, những hoạn nạn ấy khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí". Rồi đức Phật dùng ví dụ tia lửa từ ngôi nhà bằng cây lau, ngôi nhà bằng cỏ, có thể lây lan thiêu cháy ngôi nhà có lầu gác, được trét trong trét ngoài, được che chở khỏi gió, có chốt khóa gài kỹ, có cửa sổ gài kỹ. Như vậy đức Phật đi đến kết luận: "Kẻ ngu đầy những sợ hãi, kẻ trí không có sợ hãi; kẻ ngu đầy những thất vọng, kẻ trí không có thất vọng; kẻ ngu đầy những hoạn nạn, kẻ trí không có hoạn nạn. Không có sợ hãi cho người trí, không có thất vọng cho người trí; không có hoạn nạn cho người trí". Và đức Phật khuyên các Tỷ-kheo cần phải tu học để thành người có trí. Theo lời yêu cầu của Tôn giả Ananda, Thế Tôn giải thích mức độ cần phải đạt được để trở thành người có trí: "Cho đến khi vị Tỷ-kheo thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về duyên khởi, thiện xảo về xứ và phi xứ, cho đến mức độ như vậy, này Ananda là vừa đủ để nói với Tỷ-kheo là người Hiền trí biết suy tư tìm hiểu". Rồi Thế Tôn giải thích thế nào là thiện xảo về 18 giới: tức là nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Hay thiện xảo về 6 giới: địa giới, thuỷ giới, hoả giới, phong giới, không giới, thức giới. Hay thiện xảo về 6 giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. Hay thiện về 6 giới: dục giới, ly dục giới, sân giới, ly sân giới; hại giới, bất hại giới. Hay thiện xảo về 3 giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Hay thiện xảo về 2 giới: hữu vi giới, vô vi giới. Như thế nào là thiện xảo về xứ? Tức là thiện xảo về 6 nội xứ, 6 ngoại xứ. Tức là mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Thế nào là vị Tỷ-kheo thiện xảo về duyên khởi? Ở đây, vị Tỷ-kheo biết như sau: Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sanh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, do duyên sanh, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khởi uẩn này. Nhưng do diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, do sáu nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt hoàn toàn Khổ uẩn này. Cho đến như vậy là vừa đủ để nói vị Tỷ-kheo thiện xảo về duyên khởi. Và như thế nào để nói vị Tỷ-kheo thiện xảo về xứ và phi xứ? Xứ có nghĩa là những sự kiện không thể xảy ra. Trước hết là trường hợp người có Chánh kiến không đi đến các hành (sankhara) và xem các hành là thường còn; không có thể đi đến các pháp với ý niệm tự ngã. Trái lại người phàm phu có thể đi đến các hành với ý niệm thường còn; đi đến các hành với ý niệm lạc trú, đi đến các pháp với các ý niệm lạc trú, đi đến các pháp với ý niệm tự ngã. Sự kiện không thể xảy ra là người thành tựu chánh kiến có thể giết sinh mạng người mẹ, có thể giết sinh mạng của người cha, có thể giết sinh mạng vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, có thể phá hòa hợp Tăng, có thể đề cao một Đạo sư khác. Trái lại người phàm phu có thể giết mẹ, có thể giết cha, có thể giết vị A-la-hán, có thể vì ác tâm làm thân Như Lai chảy máu, có thể phá hòa hợp Tăng có thể đề cao một vị Đạo sư khác. "Vị ấy biết rõ rằng trong một thế giới (Lokadhàtu), hai vị A-la-hán Chánh đẳng Giác có thể xuất hiện một lần; sự kiện như vậy không thể xảy ra. Sự kiện này có xảy ra trong một thế giới: một vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện một lần; sự kiện như vậy có thể xảy ra. Vị ấy biết rõ sự kiện này không xảy ra: cùng trong một thế giới, hai vua Chuyển Luân Thánh Vương có thể xuất hiện một lần, không trước không sau; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này có xảy ra trong một thế giới: một vị Chuyển Luân Thánh Vương có thể xuất hiện, sự kiện như vậy có xảy ra. Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra: một nữ nhân có thể thành một vị A-la-hán Chánh đẳng Giác; sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này có thể xảy ra: một nam nhân có thể thành một vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác; sự kiện như vậy có thể xảy ra. Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không xảy ra: một nữ nhân có thể trở thành một vị Sakka (Đế Thích); sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này có thể xảy ra: một nam nhân trở thành một vị Sakka (Đế Thích); sự kiện như vậy có thể xảy ra. Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra: một nữ nhân có thể trở thành Ma vương; sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết rõ sự kiện nầy có thể xảy ra: một nam nhân trở thành Ma vương; sự kiện như vậy có xảy ra. Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra: một nữ nhân có thể trở thành Phạm thiên; sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này có thể xảy ra: một nam nhân có thể trở thành Phạm thiên; sự kiện như vậy có xảy ra. Vị này biết rõ rằng sự kiện này không xảy ra: một thân ác hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc; sự kiện này không xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này xảy ra: một thân ác hành có thể ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc; sự kiện như vậy có xảy ra. (tương tự cho khẩu ác hành và ý ác hành). Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không xảy ra, không có hiện hữu: một thân thiện hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ; sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này có xảy ra: một thân thiện hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ; sự kiện như vậy có xảy ra (tương tự cho khẩu ác hành và ý ác hành). Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra: một người hành trì thân ác hành, do nhân thân ác hành ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này; sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết rõ rằng sự kiện này có xảy ra: một người hành trì thân ác hành, do nhân thân ác hành ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục; sự kiện này có xảy ra (tương tự cho khẩu ác hành và ý ác hành). Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra: một người hành trì thân thiện hành, do thân thiện hành ấy, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú. đoạ xứ, địa ngục; sự kiện như vậy không có xảy ra. Và vị ấy biết sự kiện này có xảy ra: một người hành trì thiện hành, do nhân thân thiện hành ấy, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này; sự kiện như vậy có xảy ra (tương tự cho khẩu ác hành và ý ác hành). Cho đến mức độ như vậy là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo thiện xảo về xứ, phi xứ". Khi được nghe Thế Tôn giảng như vậy, Tôn giả Ananda nói lên lời tán thán hy hữu và hỏi pháp môn này có tên gì. Thế Tôn dạy hãy thọ trì pháp môn này là Đa giới, hãy thọ trì là Bốn chuyển (Catuparivatto), hãy thọ trì là Trống bất tử. (Kinh Trung Bộ III, số 115) * * * [27] KINH VÍ DỤ TẤM VẢI V iệc huấn luyện tâm và cải thiện tâm là vấn đề được đức Phật quan tâm hàng đầu. Chúng ta có thể thấy có rất nhiều phương thức được đức Phật trình bày như là pháp môn tu tập nhằm huấn luyện và cải thiện tâm. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu một pháp môn tu tập rất thiết thực, cụ thể, đơn giản nhưng đầy đủ, đó là pháp môn tu tập qua kinh Ví Dụ Tấm Vải.* (1) Trước hết, đức Phật trình bày giáo lý nhân quả được cụ thể hóa bằng ví dụ tấm vải. Ngài dạy: "Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác, vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được sạch sẽ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác, vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm tốt đẹp. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế". Tâm Không cấu uế sẽ đưa đến kết quả được sanh vào cõi thiện, còn tâm cấu uế sẽ đưa đến kết quả sanh vào cõi ác; cũng như tấm vải dơ hay sạch tất sẽ đưa đến kết quả màu nhuộm của nó xấu hay đẹp của chính nó, cho dù được nhuộm với màu với màu nhuộm gì. Thực tế là như vậy, bởi vì giá trị tấm vải trước hết phải là chất lượng, chứ không phải màu nhuộm. Ở đây chịu trách nhiệm tạo ra mọi hạnh phúc hay khổ đau của chính chúng ta trong đời này và đời sau. Khi chúng ta hành động cho dù bất cứ công việc gì thì công việc ấy vẫn chưa xác định là thiện hay ác, nếu chưa có sự tác ý của tâm. Mọi hình thức công việc trong đời này chỉ là "màu nhuộm" mà thôi. Màu nhuộm ấy luôn luôn có giá trị tùy thuộc vào "tấm vải" tâm của chúng ta. Mối tương quan này là nghiệp nhân; và nghiệp quả là cõi thiện, cõi ác. Với ví dụ tấm vải, chúng ta dễ dàng soi rọi vào tâm của chúng ta, dễ dàng thấy được quy luật nhân quả vận hành như thế nào để có chánh kiến cho đường hướng tu tập của mình. (2) Kế tiếp, đức Phật đi sâu vào phân tích các trạng thái cấu uế của tâm; và khi biết được chúng là cấu uế của tâm thì cấu uế ấy được đoạn trừ. Chẳng hạn, khi biết được tham dục là cấu uế của tâm đưa đến cõi ác trong tương lai thì tham dục ấy được đoạn trừ. Như một người biết một món ăn được nấu bằng những chất liệu có nhiều độc tố gây bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng trong tương lai, người ấy sẽ từ bỏ, không ăn món ăn đó. Bằng kinh nghiệm chúng ngộ, đức Phật phân tích cấu uế của tâm gồm có mười sáu pháp, tức là dục tham, sân, phẫn, hận, hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, mạn, quá mạn, kiêu, phóng dật (abhijjha-visama-lobha, byapada, kodha, upanaha, makkha, palasa, issa, macchariya, maya, satheyya, thambha, sarambha, mana, atimana, mada, pamada). Mười sáu pháp này là mười sáu pháp tu quán, nhìn thẳng vào tâm của mình. Khi biết loại cấu uế nào khởi lên trong tâm, thấy sự nguy hiểm của cấu uế này và quán sát như vậy nhiều lần, chúng ta có thể đoạn trừ được nó. (3) Khi biết và đoạn trừ được cấu uế của tâm, vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với đức Phật: "Ngài là bậc Thế Tôn A-la-hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn". Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu". Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tăng: "Diệu hạnh là chúng Tăng đệ tử Thế Tôn, trực hạnh là chúng Tăng đệ tử Thế Tôn, như lý hạnh là chúng Tăng đệ tử Thế Tôn, Chánh hạnh là chúng Tăng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cung kính, tôn trọng cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời". Ba ngôi báu là chuẩn mực lý tưởng cho đời sống tâm linh của người đệ tử Phật. Lòng tin Tam bảo ở đây là lòng tin ở mức độ cao, với cấu uế đã được đoạn trừ, nên đức Phật gọi là "Thành tựu lòng tin tuyệt đối" đối với Tam bảo. Đây là sự thành tựu của hành giả trên đạo lộ tu tập đoạn trừ các tâm cấu uế. (4) Đến giai đoạn này, vị ấy đã đạt đến sự giải thoát, sự xả ly. Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối với Phật, Pháp. Tăng" và chứng được nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỉ sanh; từ hỉ, thân được khinh an; từ thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định. Chỉ với lòng tịnh tín bất động đối với Tam bảo, vị ấy cũng có thể đạt được giải thoát. Vị Tỷ-kheo thành tựu giới như vậy (đoạn trừ cấu uế), pháp như vậy (thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tam bảo), tuệ như vậy (sự giải thoát, sự xả ly), nếu có ăn đồ ăn khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món ăn khác cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy, Như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, được bỏ vào trong nước sạch trở thành thanh tịnh sạch sẽ, như vàng bỏ vào lò lửa trở thành thanh tịnh sạch sẽ. Vị hành giả đến đây đã được đạt tâm tự tại. Dù vị ấy có thọ dụng các vật dụng thế gian, hay hành động với hình thức nào thì những hình thức đó đều biểu lộ sự vô hại, không trở thành chướng ngại cho vị ấy, vì vị ấy không còn tham đắm, tâm không bị chi phối bởi các vật dụng. Lúc này vị ấy sống nương tựa vào pháp, an trú vào pháp; và chính pháp đã khiến cho vị này trở thành thanh tịnh sạch sẽ hơn; như nước trong sạch làm cho tấm vải sạch sẽ hơn, lửa làm cho vàng tinh khiết hơn. (5) Qua quá trình tu tập như vậy, vị hành giả đạt được sự thanh tịnh tự thân; và tâm không còn bị dao động. Khi đạt được như vậy, đức Phật hướng dẫn cho hành giả tu tập bước tiếp theo, đó là tu tập bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả. Ngài dạy: "Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm cùng khởi với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm cùng khởi với bi... , hỉ... , xả... quảng đại vô biên, không hận, không sân". Trong giai đoạn này, vị hành giả phát khởi tâm rộng lớn hơn. Tâm từ, bi, hỉ, xả được mở ra không có giới hạnh trong bất cứ đối tượng nào, phương xứ nào. Tinh thần lợi tha được thực hiện triệt để ở nơi đây; và trong lúc hành lợi tha, hành giả cũng đạt được tâm hướng thượng và giải thoát cho tự thân. (6) Sự thành tựu do tu tập bốn vô lượng tâm khiến hành giả dần dần bước vào tuệ giác cứu cánh phạm hạnh. Vị ấy biết: "Có cái này, có cái hạ liệt, có cái cao thượng, có sự giải thoát vượt qua các tưởng". Do biết và thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". (7) Từ khi mười sáu pháp cấu uế hiện hữu trong tâm cho đến khi chứng được quả A-la-hán là một quá trình gột rửa nội tâm. Đối với hành giả thành tựu quả vị cuối cùng này, đức Phật gọi là vị "được tắm nội tâm". Như vậy, pháp môn tu tập theo Kinh Ví Dụ Tấm Vải này là pháp môn huấn luyện, cải thiện nội tâm theo trình tự thứ lớp được áp dụng cho bất kỳ ai. Điều quan trọng được Kinh này nhấn mạnh là chúng ta phải có chánh kiến ngay từ bước ban đầu, nghĩa là do tâm tác thành. Và trong quá trình tu tập, vị hành giả luôn luôn theo dõi sát tâm của mình, biết được cấu uế nào đang khởi lên và đoạn trừ cấu uế ấy. Khi tất cả các cấu uế đã được đoạn trừ, con đường thênh thang sẽ tự mở ra cho sự an lạc và giải thoát, vì cấu uế chính là chướng ngại căn bản, làm che mờ sự giác ngộ giải thoát. Lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Pháp, Tăng chỉ được phát sinh khi cấu uế của tâm đã được đoạn trừ. Cũng như để tu tập bốn vô lượng tâm được thành tựu viên mãn thì vị hành giả phải là người đã đoạn tận cả các tâm cấu uế. * Không có một sức mạnh từ bên ngoài nào có thể gột rửa được tâm cấu uế của chúng ta. Và cũng không có một thế lực từ bên ngoài nào có khả năng đem lại sự giải thoát cho chúng ta, mà mỗi người phải tự mình làm cho mình giải thoát thanh tịnh, mỗi người phải tự mình làm cho mình giải thoát. Như tiếng chuông cảnh tỉnh giữa đêm dài chi những ai mù quáng tin theo những phong tục mê tín, đức Phật tuyên bố sông Bahuka, sông Gàya, sông Sundarikà không thể đem lại sự giải thoát cho kẻ ngu nhiều ác nghiệp, cũng không thể rửa sạch nghiệp đen của kẻ ác gây tội. Rồi Ngài nói lên bài kệ sau: Với kẻ sống thanh tịnh, Đức Phật đã mở ra một con đường tìm cầu hạnh phúc chân thật, không huyền bí, không cao siêu, mà rất thiết thực, phù hợp với mọi tâm tư của con người. Trong kinh Ví Dụ Tấm Vải, đức Phật nói lên một trình tự tu tập từ đầu cho đến khi giải thoát, tuy nhiên, ví dụ tấm vải vẫn là biểu tượng rõ ràng cho tâm của chúng ta; và phương pháp làm cho tấm vải trong sạch như thế nào thì phương pháp làm cho tâm của chúng ta trong sạch cũng như vậy. (Kinh Ví Dụ Tấm Vải, Trung Bộ I, số 7) * * * [28] MỘT NẾP SỐNG AN LÀNH Đ ây là bài học kinh nói lên một đề tài quán tưởng, đức Phật dạy cho các đệ tử đầu tay của Ngài, một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), giảng đường Ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và nói Ngài sẽ thuyết giảng Tổng thuyết và Biệt thuyết của bài kệ tên là "Kinh Một Nếp Sống An Lành". Chữ Pàli là Bhaddekaratta, Bhaddeke có thể dịch là hiền, là an lành, Ðây là một bài kệ đem lại sự an lành cho người quán. Trước hết, là Tổng thuyết bài kệ:"Quá khứ không truy tìm. Tiếp đến là phần Biệt thuyết. "Thế nào là vị Tỷ-kheo truy tìm quá khứ? Vị Tỷ-kheo nghĩ "Như vậy là Sắc của tôi trong quá khứ" và truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Thọ của tôi trong quá khứ" và truy tầm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Tưởng của tôi trong quá khứ: " và truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Hành của tôi trong quá khứ" và truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Thức của tôi trong quá khư" và truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự truy tìm quá khứ. " "Và này, các Tỷ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ?" Vị ấy nghĩ: "Như vậy là Sắc của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Thọ của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan ấy. "Như vậy là Tưởng của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Hành của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Như vậy là Thức của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy, như vậy này các Tỷ-kheo, là không truy tìm quá khứ". "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ước vọng tương lai?". Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là Sắc của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ la Thọ của tôi trong tương lai", và truy tìm hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ là Tưởng của tôi trong tương lai" và truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ là Hành của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ là Thức của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng tương lai. " "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai". Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là Sắc của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ là Thọ của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ là Tưởng của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy sẽ là Hành của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy. "Mong rằng như vậy, sẽ là Thức của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy này các Tỷ-kheo là không ước vọng trong tương lai". "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị nầy quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong tưởng; quán hành là tự ngã, hay quán tự ngã là có hành, hay quán hành là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong hành; quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay là quán thức trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. " "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị đa văn Thánh đệ tử, đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại". "Quá khứ trong truy tìm Khi Ta nói: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảm cho các thầy Tổng thuyết và Biệt thuyết", chính duyên ở đây mà nói như vậy (Kinh Nhất dạ hiền giả, Trung Bộ II, 131). * * * [29] KINH ĐIỀM LÀNH TỐI THƯỢNG B ài kinh "Điềm lành tối thượng" nói về nếp sống học pháp và hành pháp của người Phật tử, một nếp sống thiết thực, có cân nhắc chọn lựa giữa thiện và bất thiện: một nếp sống cung kính khiêm tốn, biết làm tròn các bổn phận; một nếp sống không phóng dật, biết điều phục thân tâ, hướng đến Thiền định và trí tuệ.Bài kinh này (kinh số IV, Phẩm Nhỏ, Kinh Tập) do đức Phật thuyết giảng cho một vị này đến hỏi Ngài về ý nghĩa của điềm lành. Sau đây là câu hỏi của vị Thiên nhân: "Nhiều thiên nhân và người Như vậy, điềm lành là niềm mong ước và chờ đợi của tất cả mọi người. Cả chư Thiên và loài Người đều mong ước và chờ đợi điềm lành, đúng như lời vị Thiên nhân đã nói. Nhưng điềm lành ấy là gì? Đó là một nếp sống an toàn và an lành, đáp ứng lòng tha thiết của mọi người. Quả vậy, tất cả mọi người chúng ta đều mong ước và chờ đợi một nếp sống an toàn. Nhưng nếp sống an toàn sẽ không tự dưng đến với chúng ta nếu không được nuôi dưỡng và xây dựng tốt cả mọi người chúng ta. Và đó là lý do vì sao đức Phật giảng dạy kinh Điềm lành của người Phật tử, mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày sau. * Trước hết điềm lành thứ nhất là: "Không thân cận kẻ ngu Điềm lành tối thượng đầu tiên mà người Phật tử cần nuôi dưỡng là thái độ chọn lựa giữa kẻ ngu và bậc trí để giao thiệp, thân cận, người ngu thời xa lánh, bậc trí thời gần gũi. Đây là thái độ hết sức căn bản nhằm xác định người nào nên theo, cũng như pháp nào nên theo, pháp nào cần từ bỏ. Người trí tiêu biểu cho tiếng nói của Chánh pháp, thiện hạnh, đạo đức, do đó là người nên theo, nên gần gũi, thân cận. Kẻ ngu tiêu biểu là tà pháp, ác hạnh, phi đạo đức, do đó cần xa lánh, không nên gần gũi. Đây là điềm lành thứ nhất mở đường cho nếp sống thiện, nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của người Phật tử. "Học nhiều nghề nghiệp giỏi Một điềm lành khác mà người Phật tử cần nuôi dưỡng ấy là về phương diện học tập và rèn luyện cho thật giỏi. Để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, người Phật tử cần phải nỗ lực học tập thật nhiều cũng như cần phải nắm vững tay nghề của mình và không ngừng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Học tốt làm tốt rồi, người Phật tử cũng cần nói lời tốt đẹp nữa. Đó là điềm lành tối thượng thứ hai vậy. Điềm lành tiếp theo đây là: "Hiếu dưỡng mẹ và cha Đây là điềm lành nói về trách nhiệm và bổn phận của một người Phật tử sống tại gia đình, có trách nhiệm chăm lo đời sống cho vợ con và bổn phận đối với cha mẹ khi cha mẹ tuổi già. Là người Phật tử thì trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ, vợ con là hết sức quan trọng. Gia đình có hạnh phúc hay không sẽ tùy thuộc vào mỗi thành viên trong gia đình có làm tốt trách nhiệm và bổn phận của mình đối với gia đình hay không. Dĩ nhiên, trách nhiệm và bổn phận sẽ tùy thuộc vào vị trí và vai trò của từng thành viên trong gia đình mà có sự sai khác. Ở đây vì nhấn mạnh đến vai trò chủ quản của người Phật tử ở trong gia đình nên trách nhiệm và bổn phận của vị ấy là chăm sóc nuôi dưỡng vợ con và phụng dưỡng cha mẹ. Bởi có trách nhiệm chăm lo đời sống cho cha mẹ vợ con nên người ấy cần có công ăn việc làm ổn định. Người ấy cần làm việc với nghề nghiệp hợp pháp, đúng pháp. Vị ấy không nên vì bất cứ lý do gì mà làm các nghề nghiệp không hợp pháp khiến gây bất an cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Trong trách nhiệm nuôi dưỡng vợ con thì người Phật tử không những phải chăm lo đầy đủ các tiện nghi vật chất cho vợ con, mà còn phải chú ý đến đời sống tinh thần của vợ con nữa. Người Phật tử cần dành thì giờ để chăm lo việc giáo dục con cái, hướng dẫn trở thành những đứa con ngoan, những học trò giỏi. Người ấy cần vui vẻ, hòa thuận với vợ mình trong mọi công việc và đặc biệt, cần lắng nghe và tham khảo ý kiến của cha mẹ trong nhiều trường hợp. Đó là dấu hiệu của điềm lành tối thượng dành cho những ai khéo cư xử tốt trong các trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình. Một điềm lành khác: "Bố thí, hành đúng pháp Ngoài các quan hệ có tính cách gia đình ra, người Phật tử cũng cần có những quan hệ khác như quan hệ với bà con thân hữu, quan hệ với mọi người ở trong xã hội. Ở đây, một điềm lành khác chờ đợi người Phật tử đó là việc bố thí đúng pháp và săn sóc các bà con thân thuộc khi những người này cần đến sự giúp đỡ của mình. Trong trường hợp này, người Phật tử cần có thái độ hoan hỷ và thiệp vì đây là những quan hệ khá tế nhị. Việc bố thí không những cần đúng pháp, đúng đối tượng, mà cũng cần đúng lúc, đúng thời và cần được làm với một tâm tư hoan hỷ, trân trọng. Tương tự, việc săn sóc, giúp đỡ các bà con cũng cần được tiến hành với các tinh thần trên thì mới có kết quả tốt đẹp, lợi mình, lợi người. Mọi việc làm của người Phật tử cần phải được làm một cách đúng pháp, không lỗi lầm thì kết quả mới tốt đẹp. Đó là dấu hiệu của điềm lành tối thượng vậy. Một điềm lành khác nữa: "Chấm dứt, từ bỏ ác Đây là điềm lành nói về sự tu tập cá nhân, không phóng dật trong cuộc sống, từ bỏ điều ác và chế ngự sự đam mê cờ bạc, rượu chè. Có thể nói đây là các đức tánh hết sức căn bản nhằm xây dựng nhân cách tốt đẹp cho người Phật tử, bởi vì người Phật tử là người luôn luôn gương mẫu trong nếp sống không phóng dật, nếp sống từ bỏ điều ác, làm các điều lành và nếp sống không chạy theo rượu chè, cờ bạc. Không phóng dật tức là không để cho thân, khẩu, ý tự do hoạt động theo sở thích của mình, mà ngược lại, cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm soát thân, khẩu, ý, không để chúng rơi vào các hành vi ác, bất thiện. Chấm dứt hay từ bỏ ác có nghĩa là xa lìa các hành động ác, bất thiện như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến. Đây là nếp sống thông minh, sáng suốt của người Phật tử nhằm xây dựng hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Chế ngự đam mê rượu chè là nếp sống thông minh, sáng suốt của người Phật tử. Bởi rượu chè làm cho con người mất đi bản tính sáng suốt, thiếu tự chủ trong mọi hành động, dẫn đầu nhiều hậu quả tai hại. Do đó, người Phật tử kiên quyết không uống rượu hay các chất say tức là đang sống một đời sống tỉnh táo, sáng suốt, có thể nhìn rõ mọi sự bằng cặp mắt bình thường của mình, chớ không phải bằng con mắt quờ quạng, bệnh hoạn. Vì cuộc sống vốn đã quay cuồng rồi, cần phải tỉnh táo sáng suốt hơn, chớ không nên góp phần làm cho thêm quay cuồng nữa! Tiếp theo là điềm lành nói về thái độ nghe pháp, thái độ cung kính khiêm tốn và thái độ cung kính khiêm tốn và thái độ biết đủ, biết ơn của người Phật tử: "Kính lễ và hạ mình Là người Phật tử thì việc học pháp, nghe pháp hết sức cần thiết để nuôi dưỡng tuệ đức cho cá nhân và đóng góp tiếng nói trí tuệ cho con người và cuộc đời. Bởi trí tuệ là sự nghiệp lớn, giải thoát con người và cuộc đời khỏi mọi sai lầm, tối tăm do lòng dục, lòng sân và lòng si gây nên. Vì việc nghe pháp nhắm pháp triển trí tuệ nên rất quan trọng đối với người Phật tử; có nghe pháp và hành pháp thì trí tuệ mới phát sinh. Thiếu hoặc không nghe pháp, giống như người đi trong đêm tối rất khó định hướng, lối đi của mình. Đạo Phật đề cao trí tuệ, xem trí tuệ là ngọn đèn soi sáng hướng đi giải thoát của người Phật tử, giống như ngọn hải đăng luôn soi tỏ hướng đi của các con tàu vậy. Ngoài việc nghe pháp, phát triển trí tuệ, người Phật tử cần nuôi dưỡng thêm các đức tính như lòng cung kính khiêm tốn, thái độ biết đủ, biết ơn đối với cuộc đời vậy. Đây là các đức tính đặc biệt của người Phật tử, bởi sự khiêm cung luôn là sức mạnh chinh phục mọi kiêu căng, ngã mạn của con người, thái độ biết ơn là lòng thủy chung cao đẹp; và mọi cám dỗ của tham dục. Cuộc sống đang ra sức cám dỗ con người bằng nhiều hình thức hấp dẫn và phương tiện tinh vi, nếu không nhận ra sự thật của lòng dục (nghĩa là vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của các dục) thì con người khó lòng thoát khỏi sự chi phối của lòng dục. Vì các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại càng nhiều. Do đó thái độ sống biết đủ của người Phật tử đối với các nhu cầu cuộc sống chính là mũi tên phá vỡ mọi ràng buộc cám dỗ của tham dục đang nô lệ hóa con người vậy. Các đức tính khác như nhẫn nhục, nói lời hòa nhã, yết kiến các Sa môn, và bàn luận chánh pháp cũng là điềm lành cần được nuôi dưỡng của người Phật tử: "Nhẫn nhục lời hòa nhã Các đức tính này tỏ cho thấy người Phật tử là người có hành trì pháp và tôn trọng pháp. Bởi có hành trì pháp, tôn trọng pháp, người Phật tử mới có các đức tính nói trên. Thái độ nhẫn nhục là thái độ của người Phật tử biết kham nhẫn mọi phiền toái của cuộc đời không để cho cuộc đời lung lạc bởi sự khen chê, tốt xấu. Với sự nhẫn nhục đúng pháp, người Phật tử nhìn cuộc đời một cách an nhiên tự tại, không vui khi được khen, không buồn khi bị chê. Vị ấy đón nhận mọi việc với lòng thanh thản, thản nhiên. Người Phật tử cũng là người khéo nói với lời từ tốn, hòa nhã vì "Lời nói không mất tiền mua". Vậy vì sao không tìm lời tao nhã để nói với nhau? Một lời nói tao nhã, lịch sự không những để gây cảm tình với người khác mà còn khiến cho nhân cách người nói được nâng cao. "Yết kiến các Sa môn và bàn luận chánh pháp": Vì các Sa-môn là những vị sống tùy thuận pháp và hành trì pháp. Do vậy, yết kiến Sa-môn, bàn luận chánh pháp với các Sa-môn, là điềm lành tối thượng của người Phật tử có học pháp và hành pháp vậy. Điềm lành tiếp theo là: "Khắc khổ và Phạm hạnh Ðây là điềm lành đòi hỏi nhiều thực hành, thực sâu của người Phật tử trong giáo pháp giải thoát của đức Phật. Các việc như sống Phạm hạnh kham khổ, thấy lý Thánh đế, giác ngộ quả Niết-bàn là những việc khó làm, nhưng đó cũng là các mục tiêu cần hướng đến của người Phật tử, Phạm hạnh là nếp sống chuyên sâu vào việc thực hành Giới Ðịnh Tuệ, là nếp sống thanh tịnh về giới đức, từ bỏ hay xa lìa các dục, các ác pháp, bất thiện pháp để đi vào Thiền chứng; còn sự phát triển trí tuệ giải thoát nhằm đoạn trừ các phiền não, lậu hoặc, chấm dứt sinh tử khổ đau. Thấy lý Thánh đế tức là thấy rõ về bốn chân lý: khổ, khổ đoạn diệt, và con đường đưa đến khổ diệt. Thấy rằng sanh, già, bệnh, chết là khổ; sự có mặt của thân ngũ uẩn là khổ, thấy rõ ái là nguyên nhân đưa đến sự khổ đau tập khởi, thấy rõ ái diệt là khổ diệt, thấy rõ Bát Chánh Ðạo là con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau. Giác ngộ quả Niết-bàn tức là giác ngộ quả vị tối thượng Bồ-đề của chư Phật. Rõ ràng người Phật tử sống tại gia khó hoàn thành trọn vẹn đời sống Phạm hạnh với các sở hành, sở chứng nói trên. Tuy nhiên, đây là các mục tiêu mà người Phật tử cần nhắm đến, nhất là việc giữ gìn các giới đức (ngũ giới, thập thiện giới), và hành Thiền là hết sức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của người Phật tử. Một điềm lành khác nữa chứng tỏ nếp sống có hành trì Thiền định của người Phật tử: "Khi xúc chạm việc đời Thiền là nếp sống điều hòa thân tâm dựa trên pháp môn Anàpànasati (quán hiệm hơi thở) của đức Phật. Thiền bắt đầu bằng việc xa lìa các dục, các ác pháp, bất thiện để tập trung năng lực vào việc theo dõi và giác tỉnh về các đối tượng. Có hai đối tượng chính đề bạt trong Thiền là niệm hơi thở ra vào và giác quán 16 đề tài về thân thọ, tâm và pháp. Cốt yếu của Thiền dẫn đến sự an tịnh của thân tâm, khi thân tâm đã tịnh thì hành giả sẽ tập trung niệm vào 16 đề tài Thiền quán để tiếp tục nuôi dưỡng niệm và để phát triển trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp; nhằm cắt đứt tâm tham ái - chấp thủ. Dĩ nhiên, Thiền là pháp môn đơn giản nhưng không dễ làm, bởi Thiền đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì thường xuyên của người thực hành. Người Phật tử chúng ta nên xem Thiền là pháp môn căn bản cho sự tu tập của mình. Ðặc biệt là cần phải áp dụng Thiền vào đời sống hằng ngày như là một sinh hoạt thường nhật. Ban đầu tuy khó khăn nhưng hãy tập, tập nhiều lần rồi mọi khó khăn sẽ qua đi, cho đến lúc chúng ta nhận ra Thiền là sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhờ có Thiền, khi xúc chạm với mọi việc ở đời, tâm tư người Phật tử sẽ không bị khuấy động, không sầu muộn, không bị uế nhiễm và hoàn toàn được an ổn. Đó là điềm lành tối thượng của sự thực hành Thiền định mà người Phật tử đạt được trong giáo lý cùa đức Phật. Điềm lành sau cùng, tóm tắt toàn bộ các điềm lành như đã trình bày: "Làm sự việc như vậy * Tóm lại, Kinh "Điềm lành tối thượng" trên đây được trình bày như là nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của người Phật tử. Đây là điều mong mỏi của chúng tôi khi trình bày với quý vị bài kinh này. Mong rằng quý vị Phật tử chúng ta hãy yên tâm tin tưởng nhiều hơn về nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của mình. Bởi vì, khi chúng ta làm lành thì không những tự thân chúng ta được hạnh phúc an lạc mà ngay cả người khác cũng được hạnh phú an lạc nhờ những ảnh hưởng bởi nếp sống làm lành của chúng ta. Một người sống làm lành, một gia đình được hạnh phúc an lạc. Một gia đình sống làm lành, một khu phố được thêm bình yên, loại bỏ các tệ nạn xã hội. Một thành phố trông chờ các khu phố bình yên. Nhưng tất cả sẽ tùy thuộc vào nếp sống làm lành của mỗi người chúng ta. Chúng ta làm lành đồng thời khuyên người khác cũng làm lành. Có làm thời có kết quả. Nếp sống làm lành của người Phật tử chúng ta được ví như bông hoa tươi đẹp, vừa có sắc lại vừa có hương, hân hoan, thích thú như đức Phật từng dạy: "Như bông hoa tươi đẹp Bông hoa tươi đẹp dự báo một hương sắc tinh khiết đối với người trồng hoa cần mẫn. Cũng vậy, điềm lành tối thượng của Phật tử dự báo một nếp sống hạnh phúc an lạc đối với người Phật tử chuyên tâm học pháp và hành pháp. Mọi khả năng đều nằm sẵn trong bàn tay của chúng ta, trông chờ sự quyết tâm, nỗ lực thực hành của mỗi người chúng ta. Đã qua rồi các thời đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi hạnh phúc là gì và đạo đức là gì? Ngày nay, không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã hiểu rõ hạnh phúc không thể trông chờ người khác và đạo đức không chỉ là sự cổ vũ, đề cao các giá trị nhân bản trên sách báo, hoặc trong các bài diễn văn mang tính chuyên đề. Cuộc sống hiện đại không cần thêm lượng tri thức về hạnh phúc và đạo đức. Cuộc sống hiện đại trông đợi nhiều những biểu hiện của đạo đức và hạnh phúc nơi mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi xã hội. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | Phần I | Phần II | Phần III | Phần IV | Phần V |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã hỗ trợ công tác vi tính (Bình Anson, 04-2003).
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2003