BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đạo đức Phật giáo và Hạnh phúc con người

Hòa thượng Thích Minh Châu
Phật lịch 2546, TL. 2002


Phần IV


[15]

PHÁP TRÍ

Đức Phật thường khuyên chúng ta, đối với hàng xuất gia thời hành trì năm Pháp: tín, giới, đa văn, tinh tấn và trí tuệ; còn đối với hàng tại gia, thời cũng hành trì năm Pháp, trong ấy, bố thí được thay thế cho tinh tấn. Như vậy trong cả hai hội chúng xuất gia và tại gia, đức Phật đều khuyên nên "đa văn" (nghe nhiều), và nghe nhiều được đức Phật định nghĩa như sau: "Là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Đối với pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa văn, đề cao phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Đối với các pháp như vậy được nghe nhiều, được thọ trì, được ghi nhớ, được đọc tụng nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến" (Tăng Chi II, 159).

Trong kinh Pháp Trí (Tăng Chi II, tr 534) đức Phật xác định rõ nhờ nghe nhiều, vị Tỷ-kheo có khả năng chứng đắc Pháp Trí, tức là một vị đã thành tựu bảy Pháp, tức là đạt được bảy sự hiểu biết về Pháp được phân tích như sau: biết Pháp (Dhammannu), biết nghĩa (atthannu), biết tự ngã (attannu), biết vừa đủ (mattannu), biết thời (kalannu), biết hội chúng (parisannu), biết người thắng kẻ liệt (puggalaparorannu).

Rồi đức Phật giải thích rộng rãi hiểu biết này. Ở đây, biết Pháp, tức là biết Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự thuyết, Thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng. Đây là chín thể văn đức Phật đã sử dụng trong khi Ngài thuyết Pháp độ sanh, chín thể văn được chứa đựng một cách đầy đủ trong kinh tạng. Như vậy biết Pháp ở đây có nghĩa là biết những lời dạy của đức Phật.

Còn biết nghĩa là biết ý nghĩa của những câu những lời Phật dạy, biết rõ câu này có nghĩa như thế này, câu kia có ý nghĩa như thế kia. Từng bài kinh, hiểu rõ ý nghĩa của từng bài kinh; từng bài kệ hiểu rõ ý nghĩa của từng bài kệ, hiểu rõ ràng minh bạch không có hiểu lầm, không có hiểu sai. Như vậy là biết nghĩa.

Còn thế nào là biết tự ngã? Thường đức Phật dạy các đệ tử tại gia hành trì năm Pháp: tín, giới, đa văn, bố thí và trí tuệ. Có chỗ thêm pháp thứ 6 là biện tài. Biết tự ngã ở đây có nghĩa là "cho đến mức độ như vậy tôi có lòng tin. Cho đến mức độ như vậy tôi có giữ giới. Cho đến mức độ như vậy tôi có bố thí. Cho đến mức độ như vậy tôi có trí tuệ". Như vậy biết tự ngã, tức là biết khả năng và mức độ tu tập của chính mình đối với năm pháp đức Phật dạy. Có hiểu mình rõ ràng như vậy tức là biết tự ngã.

Còn biết ước lượng vừa đủ là biết mức độ vừa phải của một vị Tỷ-kheo khi nhận lãnh bốn sự cúng dường của tín đồ về y áo, đồ ăn khất thực, sàng toạ và dược phẩm trị bệnh. Biết nhận vừa phải, vừa đủ, không quá tham lam, không quá nhiều, như vậy gọi là biết ước lượng vừa đủ.

Với vị Tỷ-kheo có bốn trách nhiệm phải làm là thuyết giảng cho tín đồ, tự mình hỏi đạo, tu tập về thiền định. Vị Tỷ-kheo biết thời là biết đây là thời phải thuyết giảng vị và vị ấy đúng thời thuyết giảng. Đây là thời cần phải hỏi đạo, cần phải chất vấn, vị Tỷ-kheo đúng thời chất vấn. Cũng vậy đối với thời phải tụ tập, vị ấy tu tập. Đối với thời phải thiền định, vị ấy thiền định, như vậy gọi là biết thời.

đây, biết hội chúng là biết bốn hội chúng. Hội chúng Sát đế lỵ, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa môn. Đối với từng hội chúng, vị ấy biết nên đi đến hội chúng ấy như vậy, nên đứng như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy. Như vậy là biết hội chúng.

Như thế nào là biết người thắng kẻ liệt? Vị Tỷ-kheo biết được có hai hạng người: một hạng ưa thấy các bậc Thánh, một hạng người không ưa thấy các bậc Thánh. Vị Tỷ kheo biết hạng người không ưa thấy các bậc Thánh, đáng bị chỉ trích. Hạng ưa thấy các bậc Thánh đáng được tán thán. Có hạng người không ưa nghe diệu pháp, hạng ưa nghe diệu pháp. Hạng không ưa nghe diệu pháp đáng bị chỉ trích. Hạng ưa nghe diệu pháp đáng được tán thán. Có hạng người lắng tai nghe diệu pháp và có hạng người không lắng tai nghe diệu pháp. Hạng người không lắng tai nghe diệu pháp đáng bị chỉ trích. Hạng người lắng tai nghe diệu pháp đáng được tán thán. Một hạng người nghe xong thọ trì pháp, một hạng người nghe xong không thọ trì pháp. Hạng người nghe xong không thọ trì pháp đáng bị chỉ trích. Một hạng người nghe xong thọ trì pháp đáng được tán thán. Một hạng người quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, một hạng người không quan sát ý nghĩa pháp không được thọ trì. Hạng người không quan sát ý nghĩa pháp được thọ trì đáng bị chỉ trích. Hạng người quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì đáng được tán thán. Một hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp, tùy pháp. Một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã không thực hành pháp, tùy pháp, do vậy đáng bị chỉ trích. Hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp và tùy pháp, do vậy hạng người này đáng được tán thán. Một hạng người thực hành với mục đích tự lợi không có lợi tha. Một hạng người thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha. Hạng người thực hành pháp và tùy pháp, với mục đích tự lợi, không lợi tha. Do sự việc này họ đáng bị chỉ trích. Hạng người thực hành pháp và tùy pháp với mục đích tự lợi và lợi tha, hạng người này đáng được tán thán. Như vậy đối với Tỷ-kheo, loại người được biết theo hai hạng. Như vậy Tỷ-kheo biết kẻ thắng hay người liệt.

*

Với những định nghĩa trên, chúng ta hiểu người có pháp trí là là người biết pháp, là người biết nghĩa, là người biết tự ngã, là người biết vừa đủ, là người biết thời, là người biết hội chúng, là người biết người thắng kẻ liệt. Đầy đủ bảy sự hiểu biết như vậy mới được gọi là người có pháp trí. Và như vậy pháp trí không phải chỉ thuần túy tri thức mà gồm cả ưa nghe diệu pháp, lắng tai nghe diệu pháp, thọ trì diệu pháp, hiểu ý nghĩa diệu pháp, hành trì diệu pháp, thuyết giảng diệu pháp và hiểu biết trình độ căn cơ của những người nghe pháp và hành trì pháp. Nếu chúng ta hiểu biết pháp là biết những pháp môn Phật dạy đưa đến giải thoát và giác ngộ, và hiểu nghĩa là hiểu mục đích giải thoát và giác ngộ, thời biết pháp tương đương với Đạo đế, và biết nghĩa tương đương với Diệt đế.

* * *

[16]

Ý NGHĨA LỄ VU LAN

Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy Âm lịch, toàn thể Phật tử Việt Nam chúng ta và Phật tử khắp năm châu đều tổ chức long trọng lễ Vu Lan, cúng dường Phật và chúng Tăng, dựa vào uy lực và giới đức của đức Phật và chúng Tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được an lạc và cha mẹ đã quá cố được siêu thăng cõi Tịnh Độ.

Vu Lan là gọi tắt, nếu nói đầy đủ là Vu Lan Bồn. Vu Lan Bồn là cứu tội bị treo ngược, từ Sanskrit là Ulambana, hay là Avalamba nghĩa là "treo ngược". Có tác giả nói từ Bồn là từ Trung Quốc nghĩa là chậu, nghĩa là chậu đựng các thứ cúng dường đức Phật và chư Tăng.

Tôn giả Mục-kiền-liên là một đệ tử lớn của đức Phật, và được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A-la-hán. Ngài dùng thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục-kiền-liên không biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật nói: "Mẹ ông bao nhiêu đời sống xan tham keo kiệt, nên phải chịu khổ báo là quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi mẹ đâu. Phải nhân ngày rằm tháng bảy tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Thánh Tăng mười phương nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thóat được".

Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ ra hạ của chư Tăng, đem thức ăn, đèn, sáp, hương hoa... đặt vào chậu lớn, cúng dường trai Tăng. Bà mẹ của Tôn giả Mục-kiền-liên nương nhờ vào uy lực của giới đức và phước đức của chư Tăng mười phương, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả Mục-kiền-liên, mà sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói, nỗi khổ ví như nỗi khổ của người bị treo ngược, siêu thăng lên các cõi lành.

Nhân đó, đức Phật Thích Ca có lời dạy Tôn giả Mục-kiền-liên rằng: "Làm người đệ tử Phật có đức hiếu thuận, phải thường xuyên ghi lòng tạc dạ công ơn cha mẹ đời này cho đến bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy, hãy nên làm lễ Vu Lan Bồn, cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để báo ơn sanh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi và sau khi mạng chung được sanh vào các cõi lành".

Kinh Vu Lan Bồn chủ yếu được lưu hành rộng rãi ở các nước Phật giáo Á Châu, là nơi có truyền thống hiếu kính cha mẹ và thờ phụng tổ tiên rất sâu đậm. Ngày lễ Vu Lan được nhân dân các xứ này tổ chức như một lễ lớn trong năm và trong cả nước, ngày lễ báo ơn báo hiếu đối với cha mẹ, ông bà, sư trưởng, cũng như đối với tất cả những người xứng đáng được tri ân, nhưng trước hết là công ơn cha mẹ và ông bà cho tới bảy đời.

Ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và nhiều nước khác ở Đông Nam Á, ngày lễ Vu Lan được quần chúng hưởng ứng rất rộng rãi. Có thể nói là mọi người kể cả những người không theo đạo Phật, những gia đình theo Nho giáo hay theo Lão giáo cũng đều làm lễ Vu Lan, nhân ngày lễ đó tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đến bảy đời, công ơn thầy dạy, công ơn quốc gia cũng như công ơn của tất cả chúng sinh.

Trong kinh tạng Pàli của Phật giáo Nguyên thuỷ, chúng ta có thể đọc được những lời đức Phật dạy về chữ Hiếu thật là đầy đủ, sinh động và cụ thể, những lời mà chỉ có đức Phật là bậc đại trí tuệ mới có thể nói ra được.

"Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn mẹ và cha... (Tăng Chi I, 75).

Các kinh Bắc tông nói về đạo hiếu cũng rất nhiều, ngoài Kinh Vu Lan Bồn ra, có thể kể các kinh khác như: Nhẫn Nhục Kinh, Đại Tập Kinh, Tứ Thập Nhị Chương Kinh... lời lẽ trong các kinh này cũng thống thiết, sinh động như trong các kinh Nguyên thuỷ vậy. Như Kinh Nhẫn Nhục nói: "Thiện cùng cực, không có gì hơn hiếu; ác cùng cực; không gì hơn bất hiếu". Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: "Phàm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ. Cha mẹ là vị thần tối thượng". Kinh Đại Tập nói: "Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ. Khéo phụ thờ cha mẹ cũng giống như khéo phụng thờ Phật".

Như vậy kinh điển của Phật giáo Nam Tông cũng như Bắc Tông đều nói đến đạo hiếu và rất coi trọng đạo hiếu. Trước đây và hiện nay vẫn còn có một số người chưa hiểu hết giáo lý giải thoát của nhà Phật, cho rằng các vị đi tu không có vợ con nên không có con nối dõi tông đường, họ cho là bất hiếu. Vì họ hiểu sai về lý tưởng xuất gia của đạo Phật. Xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân. Xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ mọi tình cảm hẹp hòi vị kỷ, từ bỏ ba độc tham-sân-si. Sách Phật thường nói về sự xuất gialý xuất gia. Cạo tóc, mặc áo cà sa vào chùa ở chỉ mới là sự xuất gia. Từ bỏ được ân ái hẹp hòi, từ bỏ được danh lợi thế gian tầm thường, từ bỏ được mọi tham muốn thấp hèn về ăn uống, tiền tài danh sắc, ngủ nghỉ, từ bỏ được tham sân mới gọi là xuất gia.

Người tu sĩ sau khi xuất gia, chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội đều là cha mẹ, anh em, con cái của mình, và thương yêu với một tình thương không phân biệt. Đức Phật Thích Ca được tôn xưng là đấng Từ phụ, tức là cha lành, vì Ngài thương yêu tất cả chúng sinh như con một của mình. Mọi người xuất gia cũng vậy, noi gương đức cha lành, cũng xem mọi người trong xã hội đều như cha mẹ anh em, bà con ruột thịt của mình.

Hơn nữa người xuất gia làm tròn đạo hiếu của mình bằng một cách khác. Tức là bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyến khích cha mẹ bố thí và tu học chánh pháp, đạt tới trí tuệ chơn chánh. Và làm như vậy, theo như lời đức Phật nói, chính là báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ trọn vẹn nhất.

Chữ báo hiếu không có nghĩa cha mẹ làm gì mình cũng tán thành, dù rằng làm ác, làm điều bất thiện. Ngay báo hiếu cũng phải có trí tuệ. Đạo Phật nói đến chữ Nhân và chữ Hiếu như đạo Nho, nhưng với một nội dung rộng lớn hơn nhiều, như có thể thấy qua câu mở đầu toát yếu toàn bộ ý tứ trong tập truyện thơ dân gian "Nam Hải Quan Âm", rất được ưa chuộng của dân chúng Việt Nam:

"Chơn như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu l
à độ được song thân,
Nhân l
à cứu vớt trầm luân muôn loài.
...
Trên thời hiếu báo sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sinh Ta bà".

Độ thoát cha mẹ khỏi vòng sống chết luân hồi là cách thức báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi vì mình có tu hành chứng quả, độ thoát được mình, mới có thể độ thoát cho cha mẹ được. Đó là việc làm đức Phật bà Quan Âm Diệu Thiện trong truyện Nam Hai Quan Âm.

Thế nhưng tất cả chúng ta, dù xuất gia hay tại gia đều có thể trả ơn đầy đủ cho cha mẹ, nếu chúng ta học tập và thực hành theo lời đức Phật dạy trong Tăng Chi bộ Kinh Tập I trang 75;

"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ".

Những lời dạy của đức Phật, tất cả Phật tử chúng ta đều có thể thực hành được.

Chúng ta đều là đệ tử Phật, là con Phật. Chúng ta đều thọ Tam quy: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nếu cha mẹ chúng ta chưa tin Tam Bảo, thì chúng ta khéo léo hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ đặt niềm tin ở Tam Bảo, và tiến dần tới Tam quy y. Phép quy y cũng có sự quy y và lý quy y. Làm lễ quy y Tam Bảo mới chỉ là sự quy y. Chúng ta còn phải giảng giải cho cha mẹ rõ thế nào là Phật, Pháp, Tăng và quy y Phật, Pháp, Tăng có lợi ích như thế nào. Nếu cha mẹ có làm những điều ác bất thiện nơi thân hay nơi lời nói như sát, đạo, dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói ác, nói lời vô nghĩa, thì chúng ta phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyến khích cha mẹ phóng sanh, thay vì sát sanh; bố thí thay vì lấy của không cho; sống chánh hạnh thay vì tà hạnh; nói lời thật thay vì nói dối; nói lời đoàn kết thay vì nói chia rẽ; nói lời dịu hiền thay vì nói ác độc; nói lời có ý nghĩa thay vì nói vô nghĩa... Những lời dạy của đức Phật, mặc dù nói ra cách đây hơn hai ngàn rưỡi năm, nhưng vẫn mang tính thời sự nóng bỏng đối với xã hội chúng ta hiện nay. Những lời nói đó xứng đáng là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chúng ta, cho mọi cung cách ứng xử của chúng ta trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tất cả chúng ta hãy sống theo lời dạy của đức Phật, tức khắc chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc. Nếu ngược lại, chúng ta sẽ bất hạnh và đau khổ.

Vì lợi lạc của mọi người, của số đông, chúng ta hãy phổ biến rộng rãi những lời dạy vàng ngọc đó của đức Phật. Mỗi chúng ta, chứ không gì riêng Tăng sĩ, đều phải nói pháp, khéo nói pháp, có như vậy bánh xe pháp mới thường chuyển, ngọn đèn pháp mới ngày đêm sáng tỏ.

Đức Phật đã từng dạy rằng: "Trong tất cả hình thức bố thí, thì bố thí pháp là đệ nhất".

Cho nên tất cả chúng ta phải học nói pháp, biết nói pháp, khéo nói pháp. Đừng nên nghĩ rằng nói pháp phải là đăng đàn thuyết pháp, nói hai ba giờ liền và dẫn chứng nhiều kinh điển mới là thuyết pháp. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật đã từng răn dạy rằng: "Nói trăm ngàn lời cũng không bằng nói một lời làm cho tâm người nghe được an tịnh".

Học pháp là học những lời đức Phật dạy để biết rõ đâu là thiện, đâu là bất thiện; đâu là gốc rễ của thiện, của bất thiện. Không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, có chánh kiến là thiện. Ngược lại là bất thiện. Tham sân si là gốc rễ của bất thiện. Ngược lại là thiện. Học rồi đem sở học ấy áp dụng vào nếp sống hàng ngày của chính mình và khuyến khích người khác áp dụng thì gọi là hành pháp.

Học pháp là hành pháp là nếp sống tu học song đôi của người Phật tử. Nếp sống ấy vừa phù hợp với đạo lý tu nhân tích đức của người Việt Nam, vừa nói lên ý nghĩa đúng đắn của một người Phật biết sống vì mình vì người. Đó là cách báo hiếu báo ân tốt đẹp nhất của mỗi người Phật tử chúng ta.

(Bài thuyết giảng Đại Lễ Vu Lan PL 2540)

* * *

[17]

CHỮ HIẾU TRONG KINH TẠNG PÀLI

Đối với người Việt Nam chúng ta, Vu Lan đã trở thành truyền thống là một mùa báo hiếu cho những người con chân thành tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ - người còn cũng như kẻ mất - và cố gắng thực hiện những cái có thể làm được để trả ơn, đền ơn và phụng dưỡng cha mẹ.

Chúng ta làm sao quyên được những câu ca dao mộc mạc nói lên công ơn trời biển của cha mẹ, khi các bà cụ nhẹ nhàng âu yếm ru cháu ngủ:

"Ru hời ru hỡi ru hơi,
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng m
ênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi".

Hay:

"Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình".

Hoặc:

"Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Gi
ã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già".

Và gần đây hơn, ta nhớ đến hình ảnh của một thi sĩ đã diễn tả nỗi niềm mất mẹ của một người con như đã mất cả một bầu trời:

" Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu ti
ên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi.
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân y
êu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất.
Từ nay tôi hết thấy
Tr
ên trán mẹ hôn con
Những khi con phải đòn
Đau lòng mẹ la lẫy.
Kia nhà ai sung sướng
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ con không có
Khi buồn biết chốn đâu
Ho
àng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời".

Và nói đến chuông chùa, tức là nhớ đến lời Phật dạy, nhớ đến truyền thống báo Hiếu mà giáo lý đức Phật đã gầy dựng lên. Vì vậy, nhân ngày lễ Vu Lan, chúng tôi xin trích dịch một số lời dạy của đức Phật về báo Hiếu, từ kinh tạng Pàli. Chúng tôi cố ý hạn chế vào một số kinh điển thật sự Nguyên thuỷ, cho đến các kinh Jàtaka Pàli (Chuyện tiền thân đức Phật) cũng để ra ngoài, vì muốn nói lên những gì trung thực nhất của đức Phật về sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, khỏi phải qua những phát triển tưởng tượng và tình cảm của các học phái về sau. Chúng tôi cũng phải thú nhận rằng, chúng tôi chỉ có thể trích dịch từ những kinh điển đã được phiện dịch. Đây là một khuyết điểm không thể tránh được khi kinh tạng Pàli chưa được dịch xong, và chúng ta chủ trương "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa".

Chúng ta được biết đức Phật là một vị đã đạt được Pháp nhãn, đã chứng ngộ trí tuệ, nên cái nhìn của Ngài rất khác lạ đối với hành động của con người và sự liên hệ giữa người và người. Khi thấy Singàla (Thi-ca-la-việt) mỗi buổi sáng, dậy sớm đảnh lễ sáu phương (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ IV, 188B), đúng theo lời dặn của người cha để lại, đức Phật thấy rõ sự vô ích của lễ nghi và Ngài đã giải thích theo hướng chuyển thành hành động đúng bổn phận của mình. Phương Đông chỉ cho cha mẹ và con cái, phương Nam chỉ cho sư trưởng, phương Tây chỉ cho vợ chồng, phương Bắc chỉ cho bạn bè, phương Dưới chỉ cho kẻ phục vụ và phương Trên chỉ cho Sa môn, Bà-la-môn. Và hành động ở đây có nghĩa là bổn phận của người con đối với cha mẹ, và cha mẹ đối con, chỉ cho phương Đông; bổn phận thầy đối với trò, trò đối với thầy, chỉ phương Nam, v.v...: Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: "Nuôi dưỡng cha mẹ (khi cha mẹ già yếu); làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản kế thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời." Cha mẹ cũng có năm trách nhiệm với con cái: "Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm việc thiện; dạy con nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con". Đây rõ là một thông điệp trách nhiệm hỗ tương không chỉ một chiều. Con có năm bổn phận đối với cha mẹ, và cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con. Và khi cha mẹ và con cái làm tròn bổn phận của mình, thời phương Đông được an lành hạnh phúc. Nói cho rõ hơn, vận may chỉ đến gia đình nào, khi trong gia đình ấy cha mẹ chọn tình đối với con cái, và con cái trọn đạo đối với cha mẹ. Trong Kinh Mangalasutta (Hạnh phúc Kinh), khi được một thiên nhân hỏi tại sao được vận may (mangala), với hi vọng đức Phật sẽ dạy cho một hình thức lễ nghi để cầu may phước, đức Phật dạy cho ba mươi tám hành động phải làm để được may mắn và một trong hành động ấy là phải phụng dưỡng mẹ cha:

"Màtàpitu uptthànam...
Etammanagalamuttamam".

"Phụng dưỡng cha và mẹ...
Là vận may tối thượng"

Hiếu không phải những gì nói suông bằng lỗ miệng, bằng những nghi lễ cầu may cầu phước, Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể, và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha.

Hình ảnh sau đây gợi ý cho chúng ta thấy công ơn trời biển của cha mẹ rộng như biển cả ngàn trùng, khi đức Phật tuyên bố trong Kinh Tương Ưng tập I, trang 208, rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhiều hơn bể cả:

"Các người nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi di chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?"

"Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ chúng con đã uống, trong khi chúng con lưu chuyển liên hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển".

"Lành thay, lành thay này các Tỷ-kheo; lành thay này các Tỷ-kheo, các ngươi đã hiểu như vậy, pháp do Ta dạy".

"Cái này là nhiều hơn, cái này các Tỷ-kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển".

"Vì cớ sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo! Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo! Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, là vừa đủ để các ngươi giải thoát, đối với tất cả các hành".

Trong Kinh Tăng Chi tập I, trang 74, cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người.

"Thế nào là lửa đáng cung kính?"

"Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ những người cha của người ấy. Này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao?"

"Từ đấy, này Bà-la-môn, khiến cho mang lại, khiến cho sanh ra (ato yamàhùto sambhùto). Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, đem lại chánh lạc".

Sữa mẹ dùng để nuôi con được xem là nhiều hơn biển cả, cha mẹ lại được ví như ngọn lửa đem lại nguồn sống cho con, thời công ơn của cha mẹ đối với con, thật là vô cùng vô tận, và vì vậy, đức Phật nói đến hai hạng người không thể trả ơn được, tức là mẹ và cha, như được ghi trong Kinh Tăng Chi tập I trang 75.

"Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được (suppatikàram). Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện; như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này; Như vậy, này các Tỷ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng (àpàdakà), nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này".

Chính trong khi phụng dưỡng, nuôi nấng cha mẹ, chính người con lại được hưởng những công đức tốt lành, do lòng hiếu dưỡng đem lại. Trước hết, phụng dưỡng cha mẹ, thời được cha mẹ thương tưởng, và như vậy gia đình ấy sẽ được lớn mạnh, không bị giảm thiểu, như đoạn kinh sau đây nêu rõ (Tăng Chi tập 2B, trang 106): "Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử với những tài sản nỗ lực tinh tấn thu hoạch đụơc, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm ra một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng giường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến. Và này Mahànamà, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng không phải là sự giảm thiểu". Như vậy, người con hiếu dưỡng cha mẹ được hưởng rất nhiều hạnh phúc.

Trong Kinh Tương Ưng tập một, trang 225, Bà-la-môn Màtaposka đến hỏi đức Phật:

"Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy, tôi có làm đúng trách nhiệm không?".

"Này Bà-la-môn, người làm như vậy là có làm đúng trách nhiệm: Này Bà-la-môn, ai tìm món ăn, thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha, người ấy được nhiều công đức".

"Người này theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Đối với cha và mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh
Hưởng an lạc chư Thi
ên".

Khi Bà-la-môn Manatthaddba hỏi đức Phật nên cung kính dường ai là tốt lành, đức Phật khuyên (Tương Ưng tậpI, trang 221):

"Với mẹ và với cha,
Với anh tuổi nhiều hơn,
Với thầy là thứ tư,
Không nên sanh kiêu mạn,
Nên kính trọng vị ấy,
Nên tôn kính vị ấy,
Cúng dường chúng tốt lành".

Phụng dưỡng cha mẹ đúng Pháp, được hưởng quả tốt lành như kệ số 404 sau đây trong Kinh Suttanipàta đã nêu rõ:

"Dhanmena màtàpitaro bhareyya,
Payojaye dhammikam so vanijjam
Etam gihì vattayam appamatto
Sayam pabhe nàma upeti dive".

"Thờ mẹ cha đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật th
à,
Gia chủ không phóng dật,
Được sanh Tự Quang Thiên".

Bước thêm một bước nữa, đức Phật trong Kinh Tăng tập I, trang 147, dùng một hình ảnh táo bạo hơn nhưng rất linh động và chính xác để tán dương các gia đình có những người có hiếu. Những gia đình ấy, được xem ngang bằng với Phạm Thiên, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, gia đình đó đáng được cúng dường, tôn trọng. Nói một cách rõ rệt hơn, là gia đình nào có con cháu biết hiếu dưỡng với cha mẹ, những gia đình ấy là những gia đình đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chấp tay, ngang bằng với Phạm Thiên, là những chư Thiện cao nhất ở dục giới và sắc giới, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, là những vị đáng được tôn trọng nhất từ xưa đến nay.

"Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ (pùjittà) mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường (sàhuneyyakàni).

"Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư ngày xưa, này các Tỷ-kheo, là các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng vào đời".

"Cha mẹ gọi Phạm Thiên,
Bậc Đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
V
ì thương đến con cháu.
Do vậy bậc hiền trí,
Đảnh lễ v
à tôn trọng.
Dâng đồ ăn và uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp (cả thân mình).
Tắm rửa cả chân tay.
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng thiên lạc"
(Tăng Chi II A, trang 94)

Và chính Saka (Đế Thích), vị Thiên chủ ở cõi Tam thập tam thiên cũng nhờ công ơn phụng dưỡng cha mẹ và sau được sanh làm Thiên chủ (Sakka). Như đoạn kinh sau đây diễn tả (Tương Ưng tập I, trang 288):

"Này các Tỷ-kheo, thuở xưa khi Thiên chủ (Sakka) còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới. Nhờ chấp chỉ bảy cấm giới này. Vị ấy được địa vị Sakka".

"Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng,
Nói những lời nhu hoà,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng xan tham,
Là con người chân thực,
Nhiếp phục được phẫn nộ,
Với con người như vậy,
Chư Thi
ên Tam thập tam,
Gọi là bậc chân thân"
.

Khi đáng giá giá trị con người, đức Phật không bao gìơ quên đề cập đến hiếu thuận và Ngài đánh giá con người có hiếu rất cao.

Trong khi đó có người xem:

"Giữa các loài hai chân,
Sát-ly là tối thắng;
Giữa các loài bốn chân,
đực là tối thắng;
Trong các loài thê thíêp,
Quý nữ là tối thắng;
Trong các loài con trai,
Trưởng nam là tối thắng".

Thế Tôn xác nhận rất sai khác như sau:

"Giữa các loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng;
Giữa các loài bốn chân,
Thuần thục là tối thắng;
Trong các loài thê thiếp,
Nhu thuận là tối thắng;
Trong các loài con trai,
Hiếu thuận nam là tối thắng".
(Tương Ưng tập một, trang 8)

Cha mẹ khi sinh con, tự nhiên muốn con phụ giúp cho mình để xây dựng gia đình, và vì vậy người con cần phải hiểu bổn phận của mình, đừng để cho cha mẹ phải thất vọng. Bài kệ sau đây, trong Kinh Tăng Chi tập 2B, trang 69, nói lên sự mong ước ấy của cha mẹ, và lòng biết ơn, nhớ ơn của những người con có trí:

"Do thấy năm sự việc,
Bậc trí muốn con trai,
Được giúp, giúp ta lại,
Sẽ l
àm việc cho ta,
Sẽ duy trì lâu dài,
Truyền thống của gia đình.
Sẽ tiếp tục gìn giữ,
Gia sản được thừa hưởng.
Hay đối với hương linh,
Hiến dâng các vật cúng.
Do thấy sự việc ấy,
Bậc trí muốn con trai.
Bậc hiền thiện chân nhân,
Nhớ ơn biết trả ơn.
Nhớ đến việc l
àm xưa,
Chúng hiếu dưỡng cha mẹ,
Chúng làm mọi công việc,
Như trước làm cho chúng.
Thực hiện lời giảng dạy,
Đươc giúp, hiếu dưỡng lại.
Với truyền thống gia đ
ình,
Duy trì được lâu dài
Đầy đủ tín và giới,
Con trai được tán thán".

Khi đã nói đến nhớ ơn và trả ơn mẹ cha, chúng ta sẽ thấy đức Phật nhấn mạnh đến và đề cao đức tánh nhớ ơn và trả ơn một cách rất đặc biệt như thế nào, trong đoạn kinh sau đây sẽ nêu rõ (Tăng Chi tập 2B, trang 210):

Các người Licchavi thưa với đức Phật có năm châu báu khó tìm lại được ở đời là voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu và cư sĩ báu, đức Phật lại nói đến năm châu báu khác khó tìm đuợc ở đời, vì là những châu báu có thể đem lại sự giải thoát đau khổ cho chúng sinh: "Sự hiện diện của Như Lai, bậc A-la-hán, chánh đẳng giác khó tìm được ở đời. Và hạng người có thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm đuợc ở đời. Và người đem thực hành các Pháp và tùy Pháp được hữu hiệu, từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người biết ơn và nhớ ơn khó tìm đuợc ở đời". Khi nói đến biết ơn và nhớ ơn trước hết là nói đến biết ơn và nhớ ơn cha mẹ.

Nhưng dù đức Phật có khuyên các người con nên phụng dưỡng cha mẹ, Ngài cũng đề cao cảnh giác những người con vì muốn phục vụ cho cha mẹ mà làm các ác hạnh vào thân, về lời nói, về ý nghĩ.

Vấn đề ở đây, được đức Phật đặt ra rất khác biệt. Phụng dưỡng cúng dường cha mẹ là điều nên làm, nhưng vì muốn cha mẹ sung sướng mà làm việc bất nhân, thời nhất định đức Phật không thể nào chấp nhận. Trong kinh Dhànanjàni, Trung Bộ Kinh tập II, trang188a; Ngài Sàriputta đã khéo hỏi Dhànanjàni: "Này Dhànanjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làn các điều bất chánh, hay một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp làm các điều chân chánh, ai tốt đẹp hơn?"

"Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người ấy tốt đẹp hơn"...

Và ngài Sàriputta kết luận: "Này Dhànanjàni, có những hành động khác, cá nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Người đã làm ác để nuôi cha dưỡng mẹ, cũng không thể nào tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình; và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và để bào chữa cho những hành động bất chánh của mình."

Như đoạn kinh sau sẽ nêu rõ:

"Dhànanjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì cha mẹ làm điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều bất chánh, các quân địa ngục quăng kéo nó vào địa ngục. Nó có làm được gì khi nó nói: 'Tôi vì cha mẹ làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh, chớ có để các quân địa ngục kéo tôi vào địa ngục'. Hay cha mẹ có làm gì được khi nói: 'Con chúng tôi đã vì cha mẹ làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ để quân địa ngục kéo nó vào địa ngục'?"

- "Thưa không được, Tôn giả Sàriputta. Các quân địa ngục vẫn quăng nó xuống địa ngục vẫn quăng xuống đại ngục, dù nó than khóc".

Không những đức Phật khuyên các người con không nên vì cha mẹ mà làm các điều ác, vì làm như vậy chỉ đem tai hại cho tự thân mà cón đem lại sự nguy hại cho mẹ cha. Đức Phật còn khuyên các người con còn phải làm thế nào để cha mẹ từ bỏ con đường bất thiện, dấn thân vào con đường thiện. Trong Tăng Chi bộ Kinh tập một, trang 75; khi đề cập đến các vị chân nhớ ơn và đền ơn cha mẹ, đức Phật dạy rằng:

"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới, đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha".

Nói cho rõ hơn, trả hiếu bằng cách cúng dường tài sản vật chất cho cha mẹ chưa đủ để trả ơn, vì của cải tài sản vật chất dù cho có dồi dào đi nữa, cũng phải vô thường biến hoại...

Nói một cách khác, trong trách nhiệm của một giáo chủ, đức Phật không bao giờ quên mục giải thoát mọi khổ đau của con người; và vì vậy muốn cho cha mẹ thật sự giải thoát, con cái cần phải gây dựng lòng tin nơi cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ bỏ các ác hạnh, làm các hạnh lành; từ bỏ xan tham, thực hành bố thí; và nhất là từ bỏ vô minh, chứng đạt trí tuệ. Chỉ có như vậy mới thiết thực báo đáp công ơn cho họ.

Phân tích lời dạy trên của đức Phật, chúng ta thấy khởi điểm là xây dựng lòng tin nơi cha mẹ nếu cha mẹ chưa có lòng tin. Lòng tin ở đây là lòng tin Chánh pháp, và Chánh pháp không có nghĩa là lời Phật dạy, mà Pháp còn có nghĩa là chân thật, là quyết định tánh hiền thiện. Pháp là những gì chân thật, không có hư vọng, không có giả dối; Pháp là những gì hiền thiện tốt đẹp, không phải độc ác bất thiện. Và xây dựng lòng tin cho cha mẹ là xây dựng tánh chất chân thực, tánh chất hiền thiện nơi cha mẹ.

Lời khuyên thứ hai là một thông điệp bỏ ác làm lành. Nếu cha mẹ theo ác giới, tức là sống một nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời khuyên cha mẹ làm các điều thiện hạnh về thân, về lời, về ý nghĩ, một đời sống trong sạch và hiền thiện. Lời khuyên thứ ba là một lời khuyên nhân đạo, lợi tha, khuyên cha mẹ, nghĩ đến sự đau khổ của người khác mà bố thí, làm vơi nhẹ những khổ đau chung quanh ý nghĩ đến tình nhên loại. Lời khuyên thứ tư không theo ác tuệ, là một lời khuyên chánh kiến chân thật, xây dựng một các nhìn lành mạnh và hướng thiện cho cuộc đời.

Và chúng ta cũng không lấy làm lạ, khi tội giết mẹ được đức Phật liệt kê vào năm tội ngũ nghịch, một tội mà phạm nhân không bao giờ thoát khỏi địa ngục, như được trích trong Tăng Chi Bộ Kinh tập 2b, trang 185:

"Có năm nghịch tội (parikuppa) này, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạ xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị. Thế nào là năm? Đoạt mạng của mẹ, đoạt mạng của cha, đoạt mạng của vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu và pháp hòa hợp Tăng".

"Này các Tỷ-kheo, năm pháp ngũ nghịch này đưa đến đoạ xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị".

Và vì vậy khi Vua Ajàtasattu (A-xà-thế) đến yết kiến đức Phật và nghe pháp, như đã được ghi chép trong Kinh Sa môn quả, Trường Bộ Kinh. Vua đã chịu nhận tội giết cha của mình và ăn năn hối tiếc:

"Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội vì ngu si, vi vô minh, vì bất thiện; con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh đế đoạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn đón về tương lai".

đức Phật chấp nhận tội ấy cho vua:

"Này đại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, đại vương đã hại mạng một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Vì đại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, Ta nhận tội ấy cho đại vương. Đó là một sự tiến bộ. thưa đại vương, trong luật pháp của bậc Thánh: Những ai thấy tội là tội, thú tội đúng Chánh Pháp và ngăn đón ở tương lai".

Và khi vua Ajàtasattu từ biệt và ra đi, đức Phật đưa ra nhận xét như sau: "Này các Tỷ-kheo, tâm của vị vua ấy rất ăn năn. Này các Tỷ-kheo, cái tâm của vị vua ấy rất hối quá. Nếu vị vua rất chơn chánh, thì ngay trong chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế".

Trong những đoạn kinh trên, chúng ta đã thấy rõ ngang qua lời dạy của đức Phật, công ơn trời biển của cha mẹ như thế nào, bổn phận đền ơn và trả ơn của con cái phải như thế nào, và như vậy đức Phật không bao giờ quên khuyên dạy các đệ tử biết lòng nhớ ơn và trả ơn cha mẹ. Tuy vậy, Ngài hiểu được tâm tánh của chúng sinh một cách sâu sắc và xác thực, và vì vậy, chắc Ngài cũng phải buồn lòng khi đưa ra nhận xét rằng số chúng sinh không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn là chúng sinh có hiếu với cha mẹ, như đã được ghi trong Tương Ưng Bộ kinh tập 5B, trang 255 (bản ronéo):

... Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo: "Các ngươi nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay?"

-"Chúng con không thể ước tính được, so sánh được có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn, với một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay".

-"Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là chúng sinh không hiếu kính với mẹ... Cũng vậy ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với cha mẹ. Và nhiều hơn chúng sinh không hiếu kính với cha... ".

Và với nhận xét trên đây, khi đức Phật thấy một người cha già bị các người con đuổi ra khỏi nhà, không nuôi dưỡng, vì cha già yếu vô dụng, đức Phật liền can thiệp cà dạy cho người cha học thuộc lòng và đọc lên bài sau đây (Tương Ưng Bộ Kinh tập một, trang 218), khi quần chúng tụ họp tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp:

"Khi chúng sinh, tôi sướng,
Tôi muốn chúng sinh thành,
Cùng vợ chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác g
ì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn.
Ác độc v
à lỗ mãng.
Chúng gọi tôi: "Cha thân"
Chúng thật quỷ Dạ Xoa,
Đội lốt là con tôi
Và chúng đuổi tôi ra,
Khi tôi đến tuổi gi
à,
Như ngựa già suy nhược.
Bị đuổi khỏi chuồng ăn.
Nay cha gi
à bọn trẻ,
Phải xin ăn ở người .
Th
à cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu,
Với gậy chận bò dữ,
Chận được loài chó dữ.
Chỗ tối dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ng
ã đứng dậy được"

Người cha làm theo như lời Phật dạy và các người con khi nghe người cha đọc lên bài kệ này, liền hối hận ăn năn và đem người cha về nuôi.

Hình ảnh người cha già bị các người con bất hiếu hất hủi vì lớn tuổi vô dụng, là một cảnh giác nghiêm trọng mà đức Phật đã kéo nhắn nhủ chúng ta, và nhất là mùa Vu Lan này, chúng ta cũng nên tự kiểm điểm lấy mình, và xem lại chúng ta đã và đang đối xử với cha mẹ chúng ta như thế nào?

*

Chúng ta đã được nghe một số lới Phật dạy nói về chữ Hiếu, nói đến công ơn trời biển của cha mẹ, nói đến trách nhiệm của con cháu đền ơn đáp nghĩa cha mẹ. Chúng ta đã được hiểu rằng không phải lễ nghi là chính yếu mà chính những hành động cụ thể, nuôi dưỡng cha mẹ mới là quan trọng. Chúng ta cũng hiểu được rằng, cách trả ơn tốt nhất là hướng dẫn cha mẹ bước vào con đuờng chánh thiện, bỏ ác giới, bỏ xan tham, theo đời sống đạo đức, thực hành bố thí, bỏ con đường ô minh tối tăm, hướng đến ánh sáng của trí tuệ quang vinh. Và ở nơi đây, chúng ta càng thấy rõ vai trò chánh pháp đã hướng dẫn chữ Hiếu đạt đến những thiện quả tốt đẹp và thù thắng.

Nhưng rồi đức Phật cũng cảnh giác chúng ta rằng, với sự nhận xét của Ngài, người không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn là người có hiếu với cha mẹ. Và hình ảnh của người cha già bị con cháu ruồng bỏ vì già yếu vô dụng đuợc đức Phật can thiệp, cũng là một cảnh giác não lòng cho chúng ta suy nghĩ, và đánh giá lại niềm hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ, và xem có gì khiếm khuyết để bổ túc cho đươc chu đáo tốt đẹp hơn. Nhất là trong các mùa Vu Lan, chúng ta hãy thành tâm hướng niệm đến công ơn của cha mẹ và thực hiện ngay những gì chúng ta có thể làm được, để cha mẹ hoan hỉ an lạc. Và đi xa hơn nữa, hạnh phúc tốt đẹp nhất để dành cho cha mẹ như lời Phật dạy là hướng dẫn cha mẹ vào con đường hành thiện, bỏ ác làm lành, xây dựng lòng tin, theo Chánh pháp, và đạt giải thoát sanh tử khổ đau.

Nhân dịp lễ Vu Lan năm nay, chúng tôi xin cầu chúc toàn thể quý vị một mùa báo Hiếu viên mãn, đầy đủ ý nghĩa cao quý tốt đẹp đúng như lời Phật dạy. Xin kính chúc quý vị song thân người còn cũng như kẻ mất, được thọ hưởng nhiều duyên lành, nhiều phước đức thù thắng tốt đẹp trong mùa Vu Lan này.

* * *

[18]

CHỮ HIẾU TRONG KINH TẠNG HÁN VĂN

Chúng ta có thể nói rằng, một người Á Đông, một người dân Việt Nam không thể không có hiếu với cha mẹ. Lòng biết ơn cha mẹ đã trở thành tánh tự nhiên, ăn sâu vào tâm của những người phương Đông; và khi lọt lòng chào đời, đứa con như đã thâm cảm được tất cả ân đức sâu dày của cha mẹ đã tác thành và đã thương yêu mình. Một người Việt Nam không ghi ơn và trả ơn cha mẹ thì còn là một người Việt nữa, vì người ấy đã tự mình bới gốc rễ những gì tinh hoa nhất của tinh thần Viêt Nam, tự mình phá huỷ những gì cao đẹp nhất của tinh thần dân tộc.

Tinh hoa và tinh thần cao đẹp ấy của người dân Việt, không phải chính tự nhiên mà có, mà chính là nhờ ảnh hưởng của cả một nền giáo dục, một tổ chức văn hóa từ ngàn xưa để lại, xứng hợp với bản tánh, với phong tục của người Á Đông, của dân tộc Việt Nam; và nhờ vậy mà truyền thống từ lâu đời này qua đời khác vẫn được mật thiết duy trì phát triển. Trong tất cả các ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn nhất của đạo Phật, một tôn giáo, một nền giáo dục được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ I, được đi sâu vào tầng lớp quần chúng và mãi được duy trì, qua các thời đại; cho đến ngày nay vẫn được đa số dân chúng tôn thờ quy ngưỡng. Chúng ta hãy tìm ở đây quan điểm đạo Phật đối với chữ Hiếu như thế nào, và những lời Phật dạy đã có ảnh hưởng gì đối với dân tộc Việt Nam.

Trước hết, đạo Phật nêu rõ công ơn của cha mẹ đối với con cái, công ơn sâu dày thâm trọng không thể nào tả xiết. Với lý tương quan tương duyên giữa mọi sự vật trong vũ trụ, đức Phật đã trình bày rõ ràng luật tương quan sinh tồn của con người; và người con được sống ở đời được thành người tất cả là nhờ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha trải biết bao năm tháng. Hãy thành kính đọc lên những câu kinh thấm nhuần đạo Hiếu của người con đã nhớ đến nỗi đau khổ của người mẹ trong khi thai sản:

"Ở đời mẹ hiền chịu thai con
Mười tháng cưu mang luôn chịu khổ
Với năm dục lạc, t
ình không đắm
T
ùy thời ăn uống cũng chung đồng
Ng
ày đêm canh cánh lòng thương xót
Đi đứng nằm ngồi chịu khổ đau
Đến thời m
ãn nguyệt sanh con dại
Đau tợ dao gươm cắt ruột gan
M
ê mẫn đông tây không phân biệt
Khắp thân đau đớn khó nhẫn kham... "
(Kinh Tâm Địa Quán)

Và những người dân quê trong những phút chạnh lòng tưởng nhớ đến cha mẹ, hát lên câu ca dao:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một thời thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".

Có lẽ, người dân quê mộc mạc ấy đã được một vị Tổ sư nào xa xưa dạy cho câu kinh này trong Tâm Địa Quán:

"Cha lành ơn cao như non Thái
Mẹ hiền ân sâu như biển cả
Nếu ta ở đời trong một kiếp
Nói ân mẹ hiền không thể hết".

Có người tự cho mình là văn minh dám nói rằng: "Cha mẹ không có ân gì với con cả, chỉ muốn thoả mãn một chút dục tình mà chẳng may sinh con, nay nuôi nấng, chịu khổ cực vì con là phải lắm". Nhưng đã sanh ra làm con người, ai lại khỏi có dục tình? Vì còn phải sống trong dục giới nên mới lập gia đình, mới sanh con đẻ cái, mới tác thành con người, nào có gì là vượt khỏi địa giới con người đâu? Nhưng cha mẹ một khi sanh con, không một cha mẹ nào lại không hy sinh cho con, và vui lòng chịu cực khổ vì con. Nhưng cha mẹ chịu chết vì con thì nhiều, những người con chịu chết vì cha mẹ hiếm lắm. Như vậy làm sao dám tính toán so lường ân cao nghĩa trọng của mẹ cha?

Hãy đọc hai đoạn kinh sau đây để thành kính nghiêng mình trước hình ảnh hai bậc ân nhân cao trọng của những người con biết vinh dự được làm người con:

"Cha mẹ đối với con cái, ân đức cao nặng sâu dày; ân đức sản sanh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao nhảng nhớ con thương con như ảnh theo hình". (Kinh Bổn Sự)

"Ân cha hiền lớn như núi cả, ân mẹ hiền to như bể rộng, không gì hơn một niềm hiếu thuận, đem vật nhỏ mọn nuôi dưỡng mẹ lành. Ở đời lấy gì làm sáng, lấy gì làm tối? Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời sáng chói; mẹ hiền mất rồi gọi là đêm tối u ám". (Kinh Tâm Địa Quán)

Tình tương thân tương ái giữa cha mẹ và con cái ấy sở dĩ mặn nồng và mãnh liệt, cũng nhờ đạo lý đồng thể Đại Bi của đạo Phật khai sáng một phần nào. Người mẹ trong khi ôm ấp đứa con, đã nhận chân được máu thịt của con chính là máu thịt của mình, thân xác của con chính là thân xác của mình. Vì vậy cho nên, người mẹ là người đã khổ với nỗi khổ của con, đã vui sướng với nỗi vui sướng của người con. Lòng hy sinh không bờ bến bắt nguồn từ tâm Đại Bi của các vị Bồ-tát đã ngụyên trọn đời cứu độ cho chúng sinh, chung vui chịu khổ với chúng sinh, thể nhập vào thân xác của từng chúng sinh, để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh, và đức Bồ-tát Quán Thế Âm, bà mẹ của những bà mẹ, đã được toàn thể chúng sinh tôn xưng là bậc Từ Mẫu ngàn đời của những người con xoay vần trong biển xanh từ đau khổ.

Người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là người mẹ bất diệt trên lịch sử hùng cường của nòi giống Việt Nam. Trong lúc nước nhà điêu linh, gia đình tan nát, những bà mẹ không những tự tay phải lo sự sống xa gia đình, xa nhà, tản mát trên trận địa để chống giữ bờ cõi nước nhà. Cứ mỗi tin một người con bỏ mình trong nạn chiến tranh cũng làm trào động bể nước mắt đau khổ của bao bà mẹ. Nếu "Nước mắt của chúng sinh tràn đầy bốn bể đại dương" như lời Phật dạy, thời ba phần nước mắt ấy phải để dành riêng cho tình thương của những bà mẹ lên chùa khẩn cầu chư Phật gia hộ cho con mình được mọi điều an lành trong khi xa vắng. Nhìn cử chỉ chí thành chí kính, nghe tiếng khẩn vái thiết tha não ruột, lòng người con Phật sao khỏi cảm động bồi hồi. Trong khi mình không được ở bên con để lo miếng cơm manh áo, để kết khuy nút cho con, để kéo mền đắp cho con trong cơn mưa lạnh, để che chở cho con khỏi bị các loại nạn nguy hiểm, những bà mẹ Việt Nam lên chùa khẩn cầu đức Phật, bà mẹ của những bà mẹ, thành kính gửi tình thương của chính tự lòng mình, nhờ chư Phật chuyển đạt lòng thương ấy đến bên người con, âu yếm che chở cho con. Những lời khẩn cầu nồng nàn chí thiết của ngàn vạn bà mẹ Việt Nam đã toả rộng làn sóng tình thương, lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Và những người con trong khi xa nhà, vắng bóng mẹ hiền, cũng cảm thấy lòng mình được sởi ấm, lòng thương mẹ, thương nước dạt dào thêm. Chúng ta có thể nói: "Chỉ có những bà mẹ mới hiểu được tình thương của những bà mẹ. Chỉ có các vị Bồ- tát mới hiểu được tình thương của những bà mẹ Việt Nam ".

Một lần nữa, chúng ta hãy thành kính nghe lời tán thánh của đức Phật đối với những bà mẹ hiền:

Quả đất ở đời gọi là nặng
Mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều
Tu-di người đời gọi là cao
Mẹ hiền ân cao quá hơn nhiều
Gió lốc ở đời gọi là mau
Nhất niệm mẹ hiền mau hơn nhiều"
(Kinh Tâm Địa Quán)

Nếu bà mẹ là cả một tình thương bộc lộ mãnh liệt, say đắm, thời người cha Việt Nam thương con lại kín đáo, mạnh liệt, và sáng suốt hơn. Một người bạn đã đến nói với chúng tôi: "Mãi khi hơn hai mươi tuổi tôi mới biết cha tôi thương tôi". Quen sống với đời sống bên trong, và tự nhận thiên trách của mình khác hẳn với bà mẹ, người cha chú trọng hơn nhiều đến sự giáo dục và tác thành cho con, muốn con trở thành trở thành những người lý tưởng của mình, nối nghiệp cho cả giòng giống tổ tiên của mình. Lòng thương can đảm và bình tĩnh ấy khiến người con nông nổi khó chịu thật, nhưng chính là cả một sức mạnh khiến các người con sống đúng với tinh thần gia tộc, xứng đáng là một người con lý tưởng cho gia đình, cho nước nhà. Một người con đến xin phép cha cho ra trận, người cha nói tự nhiên: "Ừ thôi con đi, gắng sao cho xứng đáng nước non nhà". Một tin đưa từ mặt trận về: "Người con đã từ trần", người cha thốt lên một câu: "Chết vinh còn hơn sống nhục. Con mình xử sự đúng với tinh thần của gia đình, của Tổ Quốc là đủ". Rồi mặc cho vợ con khóc lóc, người cha thản nhiên châm thuốc hút. Nói rằng người cha không biết đau vì con là không hiểu một chút nào tâm trạng của người cha, đã phải nuốt giận chịu đắng, để đủ sáng suốt, đủ can đảm mà nắm cương lãnh gia đình, để đào tạo những người con lý tưởng cho đất Việt. Người cha Việt Nam thản nhiên, lãnh đạm, nhưng cương quyết ấy đã sống đúng với tinh thần Á Đông, kín đáo, trọng lý trí, trọng lý tưởng và quên mình nghĩ đến gia tộc, nghĩ đến Tổ quốc, nghĩ đến nhân loại. Chính tình thương sáng suốt và kín đáo ấy đã được đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân tượng trưng một cách thiết thực và toàn cõi Á Đông đều thành kính tôn xưng Ngài là đấng Từ Phụ của muôn loài.

Đối với tình thương cao cả và mãnh liệt của những bậc cha mẹ như vậy, đạo Phật luôn nhắc nhủ các người con phải biết ơn và nhớ ơn. Kinh Đại Tập dạy rằng: "Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật". Kinh Tứ Thập Nhị Chương đã từng nói: "Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có Hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh". Với hai lời dạy trên, đức Phật tôn trọng cha mẹ đến bậc nào, và chúng ta thấy hiếu hạnh là một trong những hạnh cần thiết nhất của người Phật tử. Chính đức Phật luôn luôn nhắc nhở công ơn của cha mẹ Ngài:

"Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn cha mẹ Ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ". (Phân Biệt Kinh)

"Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ; do công đức như vậy, nên lên các tầng trời thì làm vị Thánh vương" (Kinh Hiền Ngu).

Công đức hiếu hạnh thật không thể nghĩ lường và muốn thành tựu tư cách của con người trên đường đời cũng như trên đường đạo không thể không nghĩ đến hạnh báo Hiếu.

"Điếu thiện tối cao không gì hơn hiếu; điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục).

"Làm con đối với cha mẹ đem lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ thì tội cũng vô lượng" (Kinh Tập Bảo Tạng).

Công đức báo hiếu đã được đức Phật luông luôn tán thán, và đạo làm con không thể nào không nghĩ đến sự hiếu dưỡng cha mẹ, nên cách báo hiếu thiết thực chơn chánh, được đức Phật chỉ dạy rất nhiều và rất tinh tường.

Biết ân cha mẹ và muốn báo đáp ân đức cũng chưa đủ. Hệ trọng là phải biết cách báo ân chân chánh, thiết thực có lợi ích cho cha mẹ và cho tất cả mọi người. Thông thường ở ngoài đời, phần nhiều lo phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất, luôn luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và xử sự thế nào cho cha mẹ khỏi phải phiền lòng. Ở nơi đây, chúng ta để ra ngoài những người con chỉ biết tự lo thân sung sướng mà hất hủi cha mẹ, chúng ta cũng để ra ngoài những người con làm ô danh gia tộc bằng những hành vi đê tiện xấu xa, vì những người con này không còn đuợc gọi là một người con nữa và không được gọi là người dân Việt nữa - vì không một người Việt nào lại không có Hiếu. Chúng ta lấy cách báo ân như vậy cũng tạm gọi là chân chánh; và ở đời, sống cam tâm trong trong cuộc đời giả tạm, đành chịu những nỗi đau khổ: Già, Đau, Sống, Chết đoanh vậy, thì không có gì quý bằng sự phụng dưỡng cha mẹ và sống cuộc đời thanh bạch đạo đức làm hiển danh cha mẹ. Và đức Phật cũng đã từng khuyên những người con hãy: "Phụng sự cha mẹ không thiếu thốn, phàm làm việc phải trình trước cha mẹ rõ... "(Kinh Trường A Hàm).

Nhưng mục đích đạo Phật là giải thoát con người khỏi những nỗi đau khổ căn bản của cuộc đời là Sanh, Lão, Bệnh, Tử; thời đối với những người của con chí thành chí hiếu, đức Phật dạy rằng bổn phận của người con là phải làm thế nào cứu độ cha mẹ thoát khỏi những nỗi khổ cội rễ của con người. Và chỉ có vậy mới thiết thực báo ân cha mẹ.

Kinh Hiếu Tử nói rằng:

"Cúng dường cha mẹ không bì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành bỏ việc ác".
"Ở đời gọi là hiếu phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành".
"Nếu không thể cải hóa cha mẹ phụng trì Tam Bảo; thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ, cũng gọi là bất hiếu".

Đức Phật lại dạy thêm:

"Làm con phụng dưỡng cha mẹ, dùng trăm vị cam lộ dâng cúng cha mẹ, dùng thiên nhạc vi diệu làm vui lòng cha mẹ, hai vai tự cõng cha mười mẹ đi cùng khắp bốn biển, trọn đời đáp ân nuôi dưỡng cha mẹ, như vậy chưa gọi là Hiếu, Cha mẹ ngu si không kính thờ Tam Bảo, hung ngược dâm dật, nguy biện trái đạo... người con phải hết sức cản ngăn, mới gọi là Hiếu" (Kinh Hiếu Tử).

"Muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với các pháp nhân quả v.v..., cha mẹ chưa tin, khuyên cha mẹ tin rồi, khiến lòng tin tăng trưởng; cha mẹ không giữ tịnh giới, khuyên giữ tịnh giới, khuyên làm việc huệ thí; khéo an trú để tự điều phục. Như vậy, mới gọi là chân thực báo ân cha mẹ... (Cảnh Sách).

đức Phật so sánh hai cách báo hiếu:

"Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian cha mẹ hưởng phước vô tận, vì cha mẹ được sinh Tịnh độ phước thọ trải vô lượng kiếp; như vậy mới là đại hiếu" (Long Thư Tịnh Độ Văn).

Chúng ta thấy rằng, đức Phật trong khi dạy những người con khuyên cha mẹ phụng thờ Tam Bảo không phải muốn cho mọi người tôn thờ Ngài và đạo của Ngài như nhiều người lầm tưởng; chính đức Phật chỉ muốn khai sáng cho tất cả những bậc cha mẹ, noi theo đường chân chánh sáng suốt, thiết thực dắt dẫn mọi người thoát khỏi những nỗi khổ mà thôi. Khi những người con khuyên cha mẹ theo đạo Phật, quy y Tam Bảo là chỉ muốn cha mẹ được sống giác ngộ giải thoát. Sống giác ngộ là nhận sự thật hiển nhiên của sự vật và sống đúng với sự vật ấy, không còn mê mờ mù quáng; sống giải thoát là sống vượt ra khỏi sự trói buộc của dục vọng của sự vật, và được sống tự tại thanh tịnh. Chính chỉ có vậy mới là chân thực báo ân cha mẹ, và chỉ có vậy mới là báo ân chân chánh; ngoài ra đều chỉ là những chữ Hiếu giả tạm.

Đối với cha mẹ đã từ trần rồi, người con cần phải làm thế nào? Thông thường chú trọng trong lúc đám hiếu đám tang, kỵ giỗ, tế lễ, làm thế nào cho hương hồn được thoả mãn và cho miệng thế gian khỏi chê trách là được. Người Việt Nam rất trọng thờ cúng tổ tiên. Đối với dân tộc Á Đông, chết rồi không phải là mất hẳn, và các ông bà cha mẹ vẫn còn sống với con cháu và ủng hộ che chở cho con cháu. Những ngày kỵ giỗ không những để cho con cháu có dịp nhớ tưởng đến ông bà mà thôi, mà cũng là một dịp để nhắc lại tinh thần của gia đình, của gia tộc, để khuyến khích con cháu phải làm thế nào sống cho đúng tinh thần ấy. Nhưng mọi sự kính lễ hình như mất hết ý nghĩa thuần túy xưa, và biến thành những cử chỉ mê tín dị đoan, làm cho có làm, và nhiều khi gây ra tai hại khác nữa.

Đạo Phật với đạo lý Luân hồi trình bày cho chúng ta rõ rằng cha mẹ ông bà khi chết đi không phải là mất hẳn, mà chỉ là chuyển nghiệp thác sanh vào một trong sáu cõi phàm mà thôi; và còn ở trong các cõi phàm là còn phải sanh tử luân hồi đau khổ. Vì vậy, các người con chí hiếu và sáng suốt phải chú trọng làm thế nào mà chuyển đổi được trọng nghiệp của cha mẹ khỏi đoạ lạc trong sáu đường, và nhất là đừng tạo nên nghiệp ác cho cha mẹ. Ví dụ như, khi cha mẹ lâm chung, mà khóc than ảo não, làm cho cha mẹ luyến tiếc không có niệm xả ly, tức là khiến cha mẹ tạo thêm nghiệp đoạ lạc trong sáu đường dữ. Lại khi cúng tế mà giết hại các loài súc sanh tức là làm tăng thêm nghiệp ác cho cha mẹ và bắt buộc cha mẹ phải đoạ lạc. Khi cha mẹ sắp sửa trút hơi thở cuối cùng, cần nhất phải làm cho cha mẹ thân tâm thanh tịnh, không có sợ hãi, không có mến tiếc cõi đời, chỉ có nhất niệm dứt bỏ tất cả dục vọng, tất cả luyến ái, luôn luôn chí thành hướng niệm chư Phật, cầu vãng sanh lên cõi Tịnh Độ là một cõi không còn tham sân si, không còn sanh tử luân hồi. Cần nhất là con cháu trong nhà đứng xung quanh giường, nhất tâm niệm Phật, không khóc than, không kêu gào, chỉ giữ chí thành kính cầu nguyện cho cha mẹ được vãng sanh lên cõi Tịnh Độ mà thôi. Đối với những cha mẹ ví tạo những nghiệp quá nặng không thể tự giải thoát được thời các người con có hiếu cần phải luôn luôn hướng niệm đến cha mẹ và cầu sức chú nguyện của thập phương tăng, dùng đạo đức tu hành mà chuyển nghiệp cho cha mẹ khỏi đau khổ luân hồi trong sáu đường dữ. Tóm lại, đạo Phật rất chú trọng đến hai đức tánh là Giác ngộ và Giải thoát cho cha mẹ, khi còn sống cũng như đã mất, bao giờ người con chí hiếu cũng phải nhất tâm nhất niệm chú nguyện cho cha mẹ được Giải thoát và Giác ngộ.

Riêng đối với cha mẹ, người con cần phải báo hiếu như trên, nhưng đối với tự thân, người con cần phải xử sự thế nào để đền đáp ân đức sanh thành của cha mẹ? Nhận hiểu đúng với chân tinh thần đạo Phật, những người con Phật sẽ tự thấy con đường tiến thân đúng với nghĩa báo hiếu nhất là tự mình sống đúng với lời Phật dạy. Một người con can tâm sống trong đêm tối của mê tín, mê muội, nghĩa là sống trái với tinh thần giác ngộ, tức là khiến cho toàn thể chúng sinh trong đấy có cha mẹ mình chịu ảnh hưởng ngu muội của mình; như vậy tức là bất hiếu. Một người dục vọng sướng trong sự dục lạc vật chất, tức là đem lửa dục vọng thiêu đốt chúng sinh, trong ấy đau khổ nguy hại, như vậy tức là bất hiếu. Một người con làm cho chúng sinh khác đau khổ, trong đấy có cha mẹ mình, như vậy là bất hiếu. Cử chỉ xứng hợp với tinh thần báo hiếu chân chính của người Phật tử là sống đúng với lời Phật dạy và làm mọi người sống đúng với lời Phật dạy.

Ở nơi đây, cần phải hiểu thêm rằng, một người không phải là Phật tử mà mọi cử chỉ đều đúng với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thời người ấy thật chính là một Phật tử chân chính và là một người con chí hiếu. Một người Phật tử mà xử sự trái với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thì người ấy không phải là người Phật tử chân chính, và là một người con bất hiếu.

Hiểu một cách rộng rãi và giải thoát hơn, Hiếu là gì? Nếu không phải là những hạnh nghiệp diệt trừ những sự sai khác riêng biệt giữa Phật và chúng sinh, giữa cha mẹ và con cái, để thể nhập vào bản thể chung cùng rộng rãi của muôn sự muôn vật. Hiếu hạnh không còn là những chướng ngại ngăn đón sự giải thoát cá nhân hay toàn thể, không còn là những nguyên nhân ích kỷ nhỏ nhen khiến cho mọi gia đình đau khổ để gia đình mình được sung sướng, cũng không còn là những câu chấp lễ nghi phiền phức làm trở ngại những sự phát triển chân chánh. Nghĩa chữ Hiếu ở nơi đây không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, gia tộc, xã hội mà mở rộng khắp muôn loài muôn vật trong đại gia đình chúng sinh trong đại gia đình Phật tử.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là gương sáng của hạnh chí hiếu toàn thiện toàn mỹ, và đời Ngài chỉ là phản ánh trung thành của tâm đức đại Hiếu đại Từ.

Ngày còn làm Thái tử, nhận hiểu được con người là phải bị sự đau khổ: Sống, Đau, Già, Chết bức bách, doanh vây. Ngài nghĩ đến Phụ vương Ngài, nghĩ đến bà Ma-Gia mẹ Ngài cũng phải quay cuồng hụp lặn trong biển đau khổ ấy. Ngài hiểu rằng cha mẹ đau khổ là chúng sinh đau khổ, chúng sinh đau khổ là cha mẹ đau khổ. Lo riêng cứu độ cho cha mẹ, thời sự cứu độ ấy không được rốt ráo; lo riêng cứu độ cho chúng sinh, thời không tròn đạo Hiếu.

Ngài lại hiểu thêm rằng nguyên nhân khổ đau là do mê mờ ái dục. Vì mê mờ nên không nhận chân được sự thật, vì ái dục nên say đắm trong cảnh trần lao đau khổ. Chính lòng thương chúng sinh, lòng hiếu cha mẹ thúc đẩy, Ngài từ bỏ tất cả quốc thành thê tử để tìm đạo giải thoát cho cha mẹ, cho muôn loài. Cũng chính lòng thương lòng hiếu ấy là những sức mạnh giúp Ngài trì chí chuyên tâm, tìm đạo, tu khổ hạnh, tu thiền định và thành bậc Chánh giác. Thành đạo, giác ngộ được sự thật, Ngài thực hành ngay chí nguyện độ sanh kiền đi giáo hóa cứu khổ cho tất cả chúng sinh, không thể kể xiết.

Rồi Ngài về thành Ca-tỳ-la-vệ, thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn, lên cung trời Đao Lơi thuyết pháp cho bà Ma-Gia nghe. Đến khi vua cha lâm bệnh sắp từ trần, Ngài đến bên giường thuyết pháp giảng dạy khiến cho vua Tịnh Phạn khỏi phải đau khổ, buồn rầu, và thác sanh lên cõi Tịnh Cư Thiên. Khi đưa đám vua cha đức Phật cũng một tay bưng quan tài để làm gương cho cho những người con bất hiếu ở đời, tự thân làm lễ trà tỳ cho vua cha.

Và cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài chỉ một từ tâm vô lượng cứu độ cho toàn thể chúng sinh không một phút giây dừng nghỉ. Cứ mỗi chúng sinh được hóa độ, đức Phật lại được tán dương, quy ngưỡng và vua Tịnh Phạn và bà Ma-Gia lại được tôn kính, được danh tiếng thêm lên. Nếu ngày nay hàng vạn hàng vạn ức Phật tử biết cung kính, biết được tên họ của vua Tịnh Phạn và bà Ma-Gia; hàng vạn ức chúng sinh được giác ngộ giải thoát tất cả là nhờ công ơn báo hiếu vẹn toàn của đức Phật, một người con chí hiếu, một bậc cha mẹ đại từ, không thể nghĩ nghì, không thể ước-lường, không thể tán dương cho hết lời được.

(1950)

* * *

[19]

THỪA TỰ PHÁP

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthpindika, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và thuyết giảng:

"Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật". Ta có lòng thương tưởng các Thầy và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?". Và này các Tỷ-kheo, nếu các ngài là những người thừa tự tài vật của Ta, không là những người thừa tự pháp, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp".

Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thày và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật".

Do vậy, "Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật".

Đức Phật kể câu chuyện:

- Có hai vị Tỷ-kheo đến chỗ Thế Tôn, sau khi Ngài dùng cơm đã xong, một vị Tỷ-kheo nghĩ: "Này Thế Tôn ăn đã xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng lẽ được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh". Nhưng Thế Tôn có dạy "Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật". Sau khi suy nghĩ, vị ấy không ăn đồ ăn này, trải qua ngày đêm ấy, đói lả và kiệt sức.

Vị Tỷ-kheo thứ hai nghĩ: "Nay Thế Tôn ăn xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này trừ bỏ đói lả và kiệt sức". Do vậy, vị ấy ăn loại đồ ăn ấy.

Đức Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, dù cho Tỷ-kheo này sau khi ăn loại đồ ăn để trừ bỏ đói và kiệt sức, nhưng đối với Ta, vị Tỷ-kheo đầu tiên đáng được nể hơn, đáng được tán thán hơn. Vì sao? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy trong một thời gian lâu ngày ít dục, biết đủ, kham khổ, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật".

Thế Tôn thuyết giảng xong và đi vào tinh xá.

Lúc ấy, Tôn giả Sàriputta liền gọi Tỷ-kheo và nói vị: "Này các Hiền giả, như thế nào là vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?" Các Tỷ-kheo mong được Tôn giả Sàriputta thuyết giảng, Tôn giả thuyết giảng như sau:

- Ở đây vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly nghĩa là những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ. Vì những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ, các vị ấy sống trong sự đầy đủ, liềng biếng, dẫn đầu về đoạ lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này chư Hiền, có ba trường hợp đáng bị quở trách:

1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly.
2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị ấy không từ bỏ.
3) Các vị ấy sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đoạ lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Đó là ba trường hợp đáng bị quở trách bởi Thượng toạ Tỷ-kheo, Trung toạ Tỷ-kheo và tân học Tỷ-kheo.

- Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly? Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đoạ lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này các chư Hiền, có ba trường hợp đáng được tán thán:

1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly.
2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị từ bỏ.
3) Các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đoạ lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Đó là ba trường hợp đáng được tán thán đối với các bậc Thượng toạ, Trung tọa và tân học Tỷ-kheo.

đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham sân, khiến tịnh nhãn sanh, trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng tri, giác ngộ, Niết-bàn. Con đường Trung đạo ấy tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

* * *

[20]

ĐẠI KINH VÍ DỤ LÕI CÂY

Kinh này được Thế Tôn thuyết giảng khi xảy ra sự kiện Devadatta phá hòa hợp Tăng, đem 500 vị Tỷ-kheo đi Gayàsisa, vì Thế Tôn không chấp nhận cho Devadatta lãnh đạo hội chúng Tỷ-kheo.

Đức Phật dạy có năm hạng người xuất gia sống Phạm hạnh cùng một tâm nguyện giải thoát khỏi khổ đau, vượt ngoài sự chi phối của sanh già chết:

- Hạng thứ nhất khi xuất gia vị ấy được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do được lợi dưỡng, tôn kín, danh vọng, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, vị ấy khen mình chê người: "Ta được lợi dưỡng danh vọng như vậy, còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít biết có uy quyền". Vị ấy vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say tham đắm phóng dật. Do sống phóng dật, nên vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, cầu tìm cõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây đứng trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu." Vị Tỷ-kheo ấy được gọi là vị nắm lấy cành lá của Phạm hạnh.

- Hạng thứ hai là hạng phát tâm xuất gia được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy khen mình chê người: "Ta là người trì giới theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới theo ác pháp". Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây, trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi tưởng đó là lõi cây, một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu." Cũng vậy, ở đây vị Tỷ-kheo do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ. Vị Tỷ-kheo ấy là vị đã nắm lấy vỏ ngoài của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

- Hạng thứ ba là các vị xuất gia với mục đích thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Vị ấy xuất gia như vậy, không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình chê người. Vị này không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say tham đắm. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không khen mình chê người . Do thành tựu giới đức này, vị ấy không trở thành mê say, tham đắm phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ tự mãn. Do thành tựu thiền định này vị ấy khen mình chê người: "Ta có Thiền định nhất tâm. Các vị Tỷ-kheo khác không thiền định, tâm bị phân tán". Do thành tựu Thiền định này vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây, trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu." Như vậy vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã nắm giữ vỏ trong của Phạm hạnh, và do vậy vị ấy đã dừng lại ở đây.

- Hạng thứ tư là hạng xuất gia với mục đích thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Vị ấy xuất gia như vậy được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này mà hoan hỷ tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này mà khen mình chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này mà trở thành mê say tham đắm phóng dật. Do sống không phóng dật vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Do vị ấy thành tựu Thiền định nên hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu Thiền định này, khen mình chê người. Vị ấy không vì thành tựu Thiền định này trở thành mê say tham đắm phóng dật. Do sống không phóng dật vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì tri kiến này trở nên hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy do tri kiến này, khen mình, chê người: "Ta sống, thấy và biết. Các Tỷ-kheo khác sống, không thấy và không biết". Vị ấy, do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây và mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người ấy không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu". Như vậy vị này được gọi là Tỷ-kheo đã nắm giữ giác cây của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

- Hạng thứ năm là hạng xuất gia với lòng tin: "Ta bị chìm đắm trong vòng sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Vị ấy do thành tựu Thiền định này, hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Do thành tựu tri kiến này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu phi thời giải thoát.

Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: "Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện". Tâm giải thoát bất động chính là mục đích của Phạm hạnh, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của Phạm hạnh.

"Phi thời giải thoát" có nghĩa là giải thoát tuyệt đối. Devadatta chỉ nghĩ đến danh vọng lợi dưỡng nên muốn đức Phật nhường lại cho địa vị lãnh đạo hội chúng Tỷ-kheo. Và khi đức Phật từ chối, nên phá hòa hợp Tăng, lôi kéo 500 vị Tỷ-kheo cùng đi đến Gayàsesa với mình.

Như vậy, Phạm hạnh này không phải vì lợi ích thành tựu lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Chính tâm giải thoát bất động này là mục tiêu của Phạm hạnh. Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo không nên dừng lại ở các quả vị trung gian vì đây chưa phải là mục đích cứu cánh của Phạm hạnh.

(Trung Bộ I, số 29)

* * *

Ðầu trang | Mục lục | Phần I | Phần II | Phần III | Phần IV | Phần V

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã hỗ trợ công tác vi tính (Bình Anson, 04-2003).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2003

Thich Minh Chau - Dao duc Phat Giao - 04

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đạo đức Phật giáo và Hạnh phúc con người

Hòa thượng Thích Minh Châu
Phật lịch 2546, TL. 2002


Phần IV


[15]

PHÁP TRÍ

Đức Phật thường khuyên chúng ta, đối với hàng xuất gia thời hành trì năm Pháp: tín, giới, đa văn, tinh tấn và trí tuệ; còn đối với hàng tại gia, thời cũng hành trì năm Pháp, trong ấy, bố thí được thay thế cho tinh tấn. Như vậy trong cả hai hội chúng xuất gia và tại gia, đức Phật đều khuyên nên "đa văn" (nghe nhiều), và nghe nhiều được đức Phật định nghĩa như sau: "Là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Đối với pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa văn, đề cao phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Đối với các pháp như vậy được nghe nhiều, được thọ trì, được ghi nhớ, được đọc tụng nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến" (Tăng Chi II, 159).

Trong kinh Pháp Trí (Tăng Chi II, tr 534) đức Phật xác định rõ nhờ nghe nhiều, vị Tỷ-kheo có khả năng chứng đắc Pháp Trí, tức là một vị đã thành tựu bảy Pháp, tức là đạt được bảy sự hiểu biết về Pháp được phân tích như sau: biết Pháp (Dhammannu), biết nghĩa (atthannu), biết tự ngã (attannu), biết vừa đủ (mattannu), biết thời (kalannu), biết hội chúng (parisannu), biết người thắng kẻ liệt (puggalaparorannu).

Rồi đức Phật giải thích rộng rãi hiểu biết này. Ở đây, biết Pháp, tức là biết Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự thuyết, Thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng. Đây là chín thể văn đức Phật đã sử dụng trong khi Ngài thuyết Pháp độ sanh, chín thể văn được chứa đựng một cách đầy đủ trong kinh tạng. Như vậy biết Pháp ở đây có nghĩa là biết những lời dạy của đức Phật.

Còn biết nghĩa là biết ý nghĩa của những câu những lời Phật dạy, biết rõ câu này có nghĩa như thế này, câu kia có ý nghĩa như thế kia. Từng bài kinh, hiểu rõ ý nghĩa của từng bài kinh; từng bài kệ hiểu rõ ý nghĩa của từng bài kệ, hiểu rõ ràng minh bạch không có hiểu lầm, không có hiểu sai. Như vậy là biết nghĩa.

Còn thế nào là biết tự ngã? Thường đức Phật dạy các đệ tử tại gia hành trì năm Pháp: tín, giới, đa văn, bố thí và trí tuệ. Có chỗ thêm pháp thứ 6 là biện tài. Biết tự ngã ở đây có nghĩa là "cho đến mức độ như vậy tôi có lòng tin. Cho đến mức độ như vậy tôi có giữ giới. Cho đến mức độ như vậy tôi có bố thí. Cho đến mức độ như vậy tôi có trí tuệ". Như vậy biết tự ngã, tức là biết khả năng và mức độ tu tập của chính mình đối với năm pháp đức Phật dạy. Có hiểu mình rõ ràng như vậy tức là biết tự ngã.

Còn biết ước lượng vừa đủ là biết mức độ vừa phải của một vị Tỷ-kheo khi nhận lãnh bốn sự cúng dường của tín đồ về y áo, đồ ăn khất thực, sàng toạ và dược phẩm trị bệnh. Biết nhận vừa phải, vừa đủ, không quá tham lam, không quá nhiều, như vậy gọi là biết ước lượng vừa đủ.

Với vị Tỷ-kheo có bốn trách nhiệm phải làm là thuyết giảng cho tín đồ, tự mình hỏi đạo, tu tập về thiền định. Vị Tỷ-kheo biết thời là biết đây là thời phải thuyết giảng vị và vị ấy đúng thời thuyết giảng. Đây là thời cần phải hỏi đạo, cần phải chất vấn, vị Tỷ-kheo đúng thời chất vấn. Cũng vậy đối với thời phải tụ tập, vị ấy tu tập. Đối với thời phải thiền định, vị ấy thiền định, như vậy gọi là biết thời.

đây, biết hội chúng là biết bốn hội chúng. Hội chúng Sát đế lỵ, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa môn. Đối với từng hội chúng, vị ấy biết nên đi đến hội chúng ấy như vậy, nên đứng như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy. Như vậy là biết hội chúng.

Như thế nào là biết người thắng kẻ liệt? Vị Tỷ-kheo biết được có hai hạng người: một hạng ưa thấy các bậc Thánh, một hạng người không ưa thấy các bậc Thánh. Vị Tỷ kheo biết hạng người không ưa thấy các bậc Thánh, đáng bị chỉ trích. Hạng ưa thấy các bậc Thánh đáng được tán thán. Có hạng người không ưa nghe diệu pháp, hạng ưa nghe diệu pháp. Hạng không ưa nghe diệu pháp đáng bị chỉ trích. Hạng ưa nghe diệu pháp đáng được tán thán. Có hạng người lắng tai nghe diệu pháp và có hạng người không lắng tai nghe diệu pháp. Hạng người không lắng tai nghe diệu pháp đáng bị chỉ trích. Hạng người lắng tai nghe diệu pháp đáng được tán thán. Một hạng người nghe xong thọ trì pháp, một hạng người nghe xong không thọ trì pháp. Hạng người nghe xong không thọ trì pháp đáng bị chỉ trích. Một hạng người nghe xong thọ trì pháp đáng được tán thán. Một hạng người quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, một hạng người không quan sát ý nghĩa pháp không được thọ trì. Hạng người không quan sát ý nghĩa pháp được thọ trì đáng bị chỉ trích. Hạng người quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì đáng được tán thán. Một hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp, tùy pháp. Một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã không thực hành pháp, tùy pháp, do vậy đáng bị chỉ trích. Hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp và tùy pháp, do vậy hạng người này đáng được tán thán. Một hạng người thực hành với mục đích tự lợi không có lợi tha. Một hạng người thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha. Hạng người thực hành pháp và tùy pháp, với mục đích tự lợi, không lợi tha. Do sự việc này họ đáng bị chỉ trích. Hạng người thực hành pháp và tùy pháp với mục đích tự lợi và lợi tha, hạng người này đáng được tán thán. Như vậy đối với Tỷ-kheo, loại người được biết theo hai hạng. Như vậy Tỷ-kheo biết kẻ thắng hay người liệt.

*

Với những định nghĩa trên, chúng ta hiểu người có pháp trí là là người biết pháp, là người biết nghĩa, là người biết tự ngã, là người biết vừa đủ, là người biết thời, là người biết hội chúng, là người biết người thắng kẻ liệt. Đầy đủ bảy sự hiểu biết như vậy mới được gọi là người có pháp trí. Và như vậy pháp trí không phải chỉ thuần túy tri thức mà gồm cả ưa nghe diệu pháp, lắng tai nghe diệu pháp, thọ trì diệu pháp, hiểu ý nghĩa diệu pháp, hành trì diệu pháp, thuyết giảng diệu pháp và hiểu biết trình độ căn cơ của những người nghe pháp và hành trì pháp. Nếu chúng ta hiểu biết pháp là biết những pháp môn Phật dạy đưa đến giải thoát và giác ngộ, và hiểu nghĩa là hiểu mục đích giải thoát và giác ngộ, thời biết pháp tương đương với Đạo đế, và biết nghĩa tương đương với Diệt đế.

* * *

[16]

Ý NGHĨA LỄ VU LAN

Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy Âm lịch, toàn thể Phật tử Việt Nam chúng ta và Phật tử khắp năm châu đều tổ chức long trọng lễ Vu Lan, cúng dường Phật và chúng Tăng, dựa vào uy lực và giới đức của đức Phật và chúng Tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được an lạc và cha mẹ đã quá cố được siêu thăng cõi Tịnh Độ.

Vu Lan là gọi tắt, nếu nói đầy đủ là Vu Lan Bồn. Vu Lan Bồn là cứu tội bị treo ngược, từ Sanskrit là Ulambana, hay là Avalamba nghĩa là "treo ngược". Có tác giả nói từ Bồn là từ Trung Quốc nghĩa là chậu, nghĩa là chậu đựng các thứ cúng dường đức Phật và chư Tăng.

Tôn giả Mục-kiền-liên là một đệ tử lớn của đức Phật, và được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A-la-hán. Ngài dùng thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục-kiền-liên không biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật nói: "Mẹ ông bao nhiêu đời sống xan tham keo kiệt, nên phải chịu khổ báo là quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi mẹ đâu. Phải nhân ngày rằm tháng bảy tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Thánh Tăng mười phương nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thóat được".

Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ ra hạ của chư Tăng, đem thức ăn, đèn, sáp, hương hoa... đặt vào chậu lớn, cúng dường trai Tăng. Bà mẹ của Tôn giả Mục-kiền-liên nương nhờ vào uy lực của giới đức và phước đức của chư Tăng mười phương, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả Mục-kiền-liên, mà sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói, nỗi khổ ví như nỗi khổ của người bị treo ngược, siêu thăng lên các cõi lành.

Nhân đó, đức Phật Thích Ca có lời dạy Tôn giả Mục-kiền-liên rằng: "Làm người đệ tử Phật có đức hiếu thuận, phải thường xuyên ghi lòng tạc dạ công ơn cha mẹ đời này cho đến bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy, hãy nên làm lễ Vu Lan Bồn, cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để báo ơn sanh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi và sau khi mạng chung được sanh vào các cõi lành".

Kinh Vu Lan Bồn chủ yếu được lưu hành rộng rãi ở các nước Phật giáo Á Châu, là nơi có truyền thống hiếu kính cha mẹ và thờ phụng tổ tiên rất sâu đậm. Ngày lễ Vu Lan được nhân dân các xứ này tổ chức như một lễ lớn trong năm và trong cả nước, ngày lễ báo ơn báo hiếu đối với cha mẹ, ông bà, sư trưởng, cũng như đối với tất cả những người xứng đáng được tri ân, nhưng trước hết là công ơn cha mẹ và ông bà cho tới bảy đời.

Ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và nhiều nước khác ở Đông Nam Á, ngày lễ Vu Lan được quần chúng hưởng ứng rất rộng rãi. Có thể nói là mọi người kể cả những người không theo đạo Phật, những gia đình theo Nho giáo hay theo Lão giáo cũng đều làm lễ Vu Lan, nhân ngày lễ đó tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đến bảy đời, công ơn thầy dạy, công ơn quốc gia cũng như công ơn của tất cả chúng sinh.

Trong kinh tạng Pàli của Phật giáo Nguyên thuỷ, chúng ta có thể đọc được những lời đức Phật dạy về chữ Hiếu thật là đầy đủ, sinh động và cụ thể, những lời mà chỉ có đức Phật là bậc đại trí tuệ mới có thể nói ra được.

"Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn mẹ và cha... (Tăng Chi I, 75).

Các kinh Bắc tông nói về đạo hiếu cũng rất nhiều, ngoài Kinh Vu Lan Bồn ra, có thể kể các kinh khác như: Nhẫn Nhục Kinh, Đại Tập Kinh, Tứ Thập Nhị Chương Kinh... lời lẽ trong các kinh này cũng thống thiết, sinh động như trong các kinh Nguyên thuỷ vậy. Như Kinh Nhẫn Nhục nói: "Thiện cùng cực, không có gì hơn hiếu; ác cùng cực; không gì hơn bất hiếu". Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: "Phàm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ. Cha mẹ là vị thần tối thượng". Kinh Đại Tập nói: "Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ. Khéo phụ thờ cha mẹ cũng giống như khéo phụng thờ Phật".

Như vậy kinh điển của Phật giáo Nam Tông cũng như Bắc Tông đều nói đến đạo hiếu và rất coi trọng đạo hiếu. Trước đây và hiện nay vẫn còn có một số người chưa hiểu hết giáo lý giải thoát của nhà Phật, cho rằng các vị đi tu không có vợ con nên không có con nối dõi tông đường, họ cho là bất hiếu. Vì họ hiểu sai về lý tưởng xuất gia của đạo Phật. Xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân. Xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ mọi tình cảm hẹp hòi vị kỷ, từ bỏ ba độc tham-sân-si. Sách Phật thường nói về sự xuất gialý xuất gia. Cạo tóc, mặc áo cà sa vào chùa ở chỉ mới là sự xuất gia. Từ bỏ được ân ái hẹp hòi, từ bỏ được danh lợi thế gian tầm thường, từ bỏ được mọi tham muốn thấp hèn về ăn uống, tiền tài danh sắc, ngủ nghỉ, từ bỏ được tham sân mới gọi là xuất gia.

Người tu sĩ sau khi xuất gia, chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội đều là cha mẹ, anh em, con cái của mình, và thương yêu với một tình thương không phân biệt. Đức Phật Thích Ca được tôn xưng là đấng Từ phụ, tức là cha lành, vì Ngài thương yêu tất cả chúng sinh như con một của mình. Mọi người xuất gia cũng vậy, noi gương đức cha lành, cũng xem mọi người trong xã hội đều như cha mẹ anh em, bà con ruột thịt của mình.

Hơn nữa người xuất gia làm tròn đạo hiếu của mình bằng một cách khác. Tức là bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyến khích cha mẹ bố thí và tu học chánh pháp, đạt tới trí tuệ chơn chánh. Và làm như vậy, theo như lời đức Phật nói, chính là báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ trọn vẹn nhất.

Chữ báo hiếu không có nghĩa cha mẹ làm gì mình cũng tán thành, dù rằng làm ác, làm điều bất thiện. Ngay báo hiếu cũng phải có trí tuệ. Đạo Phật nói đến chữ Nhân và chữ Hiếu như đạo Nho, nhưng với một nội dung rộng lớn hơn nhiều, như có thể thấy qua câu mở đầu toát yếu toàn bộ ý tứ trong tập truyện thơ dân gian "Nam Hải Quan Âm", rất được ưa chuộng của dân chúng Việt Nam:

"Chơn như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu l
à độ được song thân,
Nhân l
à cứu vớt trầm luân muôn loài.
...
Trên thời hiếu báo sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sinh Ta bà".

Độ thoát cha mẹ khỏi vòng sống chết luân hồi là cách thức báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi vì mình có tu hành chứng quả, độ thoát được mình, mới có thể độ thoát cho cha mẹ được. Đó là việc làm đức Phật bà Quan Âm Diệu Thiện trong truyện Nam Hai Quan Âm.

Thế nhưng tất cả chúng ta, dù xuất gia hay tại gia đều có thể trả ơn đầy đủ cho cha mẹ, nếu chúng ta học tập và thực hành theo lời đức Phật dạy trong Tăng Chi bộ Kinh Tập I trang 75;

"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ".

Những lời dạy của đức Phật, tất cả Phật tử chúng ta đều có thể thực hành được.

Chúng ta đều là đệ tử Phật, là con Phật. Chúng ta đều thọ Tam quy: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nếu cha mẹ chúng ta chưa tin Tam Bảo, thì chúng ta khéo léo hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ đặt niềm tin ở Tam Bảo, và tiến dần tới Tam quy y. Phép quy y cũng có sự quy y và lý quy y. Làm lễ quy y Tam Bảo mới chỉ là sự quy y. Chúng ta còn phải giảng giải cho cha mẹ rõ thế nào là Phật, Pháp, Tăng và quy y Phật, Pháp, Tăng có lợi ích như thế nào. Nếu cha mẹ có làm những điều ác bất thiện nơi thân hay nơi lời nói như sát, đạo, dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói ác, nói lời vô nghĩa, thì chúng ta phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyến khích cha mẹ phóng sanh, thay vì sát sanh; bố thí thay vì lấy của không cho; sống chánh hạnh thay vì tà hạnh; nói lời thật thay vì nói dối; nói lời đoàn kết thay vì nói chia rẽ; nói lời dịu hiền thay vì nói ác độc; nói lời có ý nghĩa thay vì nói vô nghĩa... Những lời dạy của đức Phật, mặc dù nói ra cách đây hơn hai ngàn rưỡi năm, nhưng vẫn mang tính thời sự nóng bỏng đối với xã hội chúng ta hiện nay. Những lời nói đó xứng đáng là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chúng ta, cho mọi cung cách ứng xử của chúng ta trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tất cả chúng ta hãy sống theo lời dạy của đức Phật, tức khắc chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc. Nếu ngược lại, chúng ta sẽ bất hạnh và đau khổ.

Vì lợi lạc của mọi người, của số đông, chúng ta hãy phổ biến rộng rãi những lời dạy vàng ngọc đó của đức Phật. Mỗi chúng ta, chứ không gì riêng Tăng sĩ, đều phải nói pháp, khéo nói pháp, có như vậy bánh xe pháp mới thường chuyển, ngọn đèn pháp mới ngày đêm sáng tỏ.

Đức Phật đã từng dạy rằng: "Trong tất cả hình thức bố thí, thì bố thí pháp là đệ nhất".

Cho nên tất cả chúng ta phải học nói pháp, biết nói pháp, khéo nói pháp. Đừng nên nghĩ rằng nói pháp phải là đăng đàn thuyết pháp, nói hai ba giờ liền và dẫn chứng nhiều kinh điển mới là thuyết pháp. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật đã từng răn dạy rằng: "Nói trăm ngàn lời cũng không bằng nói một lời làm cho tâm người nghe được an tịnh".

Học pháp là học những lời đức Phật dạy để biết rõ đâu là thiện, đâu là bất thiện; đâu là gốc rễ của thiện, của bất thiện. Không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, có chánh kiến là thiện. Ngược lại là bất thiện. Tham sân si là gốc rễ của bất thiện. Ngược lại là thiện. Học rồi đem sở học ấy áp dụng vào nếp sống hàng ngày của chính mình và khuyến khích người khác áp dụng thì gọi là hành pháp.

Học pháp là hành pháp là nếp sống tu học song đôi của người Phật tử. Nếp sống ấy vừa phù hợp với đạo lý tu nhân tích đức của người Việt Nam, vừa nói lên ý nghĩa đúng đắn của một người Phật biết sống vì mình vì người. Đó là cách báo hiếu báo ân tốt đẹp nhất của mỗi người Phật tử chúng ta.

(Bài thuyết giảng Đại Lễ Vu Lan PL 2540)

* * *

[17]

CHỮ HIẾU TRONG KINH TẠNG PÀLI

Đối với người Việt Nam chúng ta, Vu Lan đã trở thành truyền thống là một mùa báo hiếu cho những người con chân thành tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ - người còn cũng như kẻ mất - và cố gắng thực hiện những cái có thể làm được để trả ơn, đền ơn và phụng dưỡng cha mẹ.

Chúng ta làm sao quyên được những câu ca dao mộc mạc nói lên công ơn trời biển của cha mẹ, khi các bà cụ nhẹ nhàng âu yếm ru cháu ngủ:

"Ru hời ru hỡi ru hơi,
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng m
ênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi".

Hay:

"Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình".

Hoặc:

"Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Gi
ã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già".

Và gần đây hơn, ta nhớ đến hình ảnh của một thi sĩ đã diễn tả nỗi niềm mất mẹ của một người con như đã mất cả một bầu trời:

" Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu ti
ên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi.
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân y
êu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất.
Từ nay tôi hết thấy
Tr
ên trán mẹ hôn con
Những khi con phải đòn
Đau lòng mẹ la lẫy.
Kia nhà ai sung sướng
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ con không có
Khi buồn biết chốn đâu
Ho
àng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời".

Và nói đến chuông chùa, tức là nhớ đến lời Phật dạy, nhớ đến truyền thống báo Hiếu mà giáo lý đức Phật đã gầy dựng lên. Vì vậy, nhân ngày lễ Vu Lan, chúng tôi xin trích dịch một số lời dạy của đức Phật về báo Hiếu, từ kinh tạng Pàli. Chúng tôi cố ý hạn chế vào một số kinh điển thật sự Nguyên thuỷ, cho đến các kinh Jàtaka Pàli (Chuyện tiền thân đức Phật) cũng để ra ngoài, vì muốn nói lên những gì trung thực nhất của đức Phật về sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, khỏi phải qua những phát triển tưởng tượng và tình cảm của các học phái về sau. Chúng tôi cũng phải thú nhận rằng, chúng tôi chỉ có thể trích dịch từ những kinh điển đã được phiện dịch. Đây là một khuyết điểm không thể tránh được khi kinh tạng Pàli chưa được dịch xong, và chúng ta chủ trương "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa".

Chúng ta được biết đức Phật là một vị đã đạt được Pháp nhãn, đã chứng ngộ trí tuệ, nên cái nhìn của Ngài rất khác lạ đối với hành động của con người và sự liên hệ giữa người và người. Khi thấy Singàla (Thi-ca-la-việt) mỗi buổi sáng, dậy sớm đảnh lễ sáu phương (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ IV, 188B), đúng theo lời dặn của người cha để lại, đức Phật thấy rõ sự vô ích của lễ nghi và Ngài đã giải thích theo hướng chuyển thành hành động đúng bổn phận của mình. Phương Đông chỉ cho cha mẹ và con cái, phương Nam chỉ cho sư trưởng, phương Tây chỉ cho vợ chồng, phương Bắc chỉ cho bạn bè, phương Dưới chỉ cho kẻ phục vụ và phương Trên chỉ cho Sa môn, Bà-la-môn. Và hành động ở đây có nghĩa là bổn phận của người con đối với cha mẹ, và cha mẹ đối con, chỉ cho phương Đông; bổn phận thầy đối với trò, trò đối với thầy, chỉ phương Nam, v.v...: Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: "Nuôi dưỡng cha mẹ (khi cha mẹ già yếu); làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản kế thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời." Cha mẹ cũng có năm trách nhiệm với con cái: "Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm việc thiện; dạy con nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con". Đây rõ là một thông điệp trách nhiệm hỗ tương không chỉ một chiều. Con có năm bổn phận đối với cha mẹ, và cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con. Và khi cha mẹ và con cái làm tròn bổn phận của mình, thời phương Đông được an lành hạnh phúc. Nói cho rõ hơn, vận may chỉ đến gia đình nào, khi trong gia đình ấy cha mẹ chọn tình đối với con cái, và con cái trọn đạo đối với cha mẹ. Trong Kinh Mangalasutta (Hạnh phúc Kinh), khi được một thiên nhân hỏi tại sao được vận may (mangala), với hi vọng đức Phật sẽ dạy cho một hình thức lễ nghi để cầu may phước, đức Phật dạy cho ba mươi tám hành động phải làm để được may mắn và một trong hành động ấy là phải phụng dưỡng mẹ cha:

"Màtàpitu uptthànam...
Etammanagalamuttamam".

"Phụng dưỡng cha và mẹ...
Là vận may tối thượng"

Hiếu không phải những gì nói suông bằng lỗ miệng, bằng những nghi lễ cầu may cầu phước, Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể, và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha.

Hình ảnh sau đây gợi ý cho chúng ta thấy công ơn trời biển của cha mẹ rộng như biển cả ngàn trùng, khi đức Phật tuyên bố trong Kinh Tương Ưng tập I, trang 208, rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhiều hơn bể cả:

"Các người nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi di chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?"

"Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ chúng con đã uống, trong khi chúng con lưu chuyển liên hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển".

"Lành thay, lành thay này các Tỷ-kheo; lành thay này các Tỷ-kheo, các ngươi đã hiểu như vậy, pháp do Ta dạy".

"Cái này là nhiều hơn, cái này các Tỷ-kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển".

"Vì cớ sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo! Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo! Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, là vừa đủ để các ngươi giải thoát, đối với tất cả các hành".

Trong Kinh Tăng Chi tập I, trang 74, cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người.

"Thế nào là lửa đáng cung kính?"

"Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ những người cha của người ấy. Này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao?"

"Từ đấy, này Bà-la-môn, khiến cho mang lại, khiến cho sanh ra (ato yamàhùto sambhùto). Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, đem lại chánh lạc".

Sữa mẹ dùng để nuôi con được xem là nhiều hơn biển cả, cha mẹ lại được ví như ngọn lửa đem lại nguồn sống cho con, thời công ơn của cha mẹ đối với con, thật là vô cùng vô tận, và vì vậy, đức Phật nói đến hai hạng người không thể trả ơn được, tức là mẹ và cha, như được ghi trong Kinh Tăng Chi tập I trang 75.

"Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được (suppatikàram). Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện; như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này; Như vậy, này các Tỷ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng (àpàdakà), nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này".

Chính trong khi phụng dưỡng, nuôi nấng cha mẹ, chính người con lại được hưởng những công đức tốt lành, do lòng hiếu dưỡng đem lại. Trước hết, phụng dưỡng cha mẹ, thời được cha mẹ thương tưởng, và như vậy gia đình ấy sẽ được lớn mạnh, không bị giảm thiểu, như đoạn kinh sau đây nêu rõ (Tăng Chi tập 2B, trang 106): "Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử với những tài sản nỗ lực tinh tấn thu hoạch đụơc, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm ra một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng giường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến. Và này Mahànamà, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng không phải là sự giảm thiểu". Như vậy, người con hiếu dưỡng cha mẹ được hưởng rất nhiều hạnh phúc.

Trong Kinh Tương Ưng tập một, trang 225, Bà-la-môn Màtaposka đến hỏi đức Phật:

"Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy, tôi có làm đúng trách nhiệm không?".

"Này Bà-la-môn, người làm như vậy là có làm đúng trách nhiệm: Này Bà-la-môn, ai tìm món ăn, thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha, người ấy được nhiều công đức".

"Người này theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Đối với cha và mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh
Hưởng an lạc chư Thi
ên".

Khi Bà-la-môn Manatthaddba hỏi đức Phật nên cung kính dường ai là tốt lành, đức Phật khuyên (Tương Ưng tậpI, trang 221):

"Với mẹ và với cha,
Với anh tuổi nhiều hơn,
Với thầy là thứ tư,
Không nên sanh kiêu mạn,
Nên kính trọng vị ấy,
Nên tôn kính vị ấy,
Cúng dường chúng tốt lành".

Phụng dưỡng cha mẹ đúng Pháp, được hưởng quả tốt lành như kệ số 404 sau đây trong Kinh Suttanipàta đã nêu rõ:

"Dhanmena màtàpitaro bhareyya,
Payojaye dhammikam so vanijjam
Etam gihì vattayam appamatto
Sayam pabhe nàma upeti dive".

"Thờ mẹ cha đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật th
à,
Gia chủ không phóng dật,
Được sanh Tự Quang Thiên".

Bước thêm một bước nữa, đức Phật trong Kinh Tăng tập I, trang 147, dùng một hình ảnh táo bạo hơn nhưng rất linh động và chính xác để tán dương các gia đình có những người có hiếu. Những gia đình ấy, được xem ngang bằng với Phạm Thiên, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, gia đình đó đáng được cúng dường, tôn trọng. Nói một cách rõ rệt hơn, là gia đình nào có con cháu biết hiếu dưỡng với cha mẹ, những gia đình ấy là những gia đình đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chấp tay, ngang bằng với Phạm Thiên, là những chư Thiện cao nhất ở dục giới và sắc giới, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, là những vị đáng được tôn trọng nhất từ xưa đến nay.

"Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ (pùjittà) mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường (sàhuneyyakàni).

"Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư ngày xưa, này các Tỷ-kheo, là các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng vào đời".

"Cha mẹ gọi Phạm Thiên,
Bậc Đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
V
ì thương đến con cháu.
Do vậy bậc hiền trí,
Đảnh lễ v
à tôn trọng.
Dâng đồ ăn và uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp (cả thân mình).
Tắm rửa cả chân tay.
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng thiên lạc"
(Tăng Chi II A, trang 94)

Và chính Saka (Đế Thích), vị Thiên chủ ở cõi Tam thập tam thiên cũng nhờ công ơn phụng dưỡng cha mẹ và sau được sanh làm Thiên chủ (Sakka). Như đoạn kinh sau đây diễn tả (Tương Ưng tập I, trang 288):

"Này các Tỷ-kheo, thuở xưa khi Thiên chủ (Sakka) còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới. Nhờ chấp chỉ bảy cấm giới này. Vị ấy được địa vị Sakka".

"Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng,
Nói những lời nhu hoà,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng xan tham,
Là con người chân thực,
Nhiếp phục được phẫn nộ,
Với con người như vậy,
Chư Thi
ên Tam thập tam,
Gọi là bậc chân thân"
.

Khi đáng giá giá trị con người, đức Phật không bao gìơ quên đề cập đến hiếu thuận và Ngài đánh giá con người có hiếu rất cao.

Trong khi đó có người xem:

"Giữa các loài hai chân,
Sát-ly là tối thắng;
Giữa các loài bốn chân,
đực là tối thắng;
Trong các loài thê thíêp,
Quý nữ là tối thắng;
Trong các loài con trai,
Trưởng nam là tối thắng".

Thế Tôn xác nhận rất sai khác như sau:

"Giữa các loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng;
Giữa các loài bốn chân,
Thuần thục là tối thắng;
Trong các loài thê thiếp,
Nhu thuận là tối thắng;
Trong các loài con trai,
Hiếu thuận nam là tối thắng".
(Tương Ưng tập một, trang 8)

Cha mẹ khi sinh con, tự nhiên muốn con phụ giúp cho mình để xây dựng gia đình, và vì vậy người con cần phải hiểu bổn phận của mình, đừng để cho cha mẹ phải thất vọng. Bài kệ sau đây, trong Kinh Tăng Chi tập 2B, trang 69, nói lên sự mong ước ấy của cha mẹ, và lòng biết ơn, nhớ ơn của những người con có trí:

"Do thấy năm sự việc,
Bậc trí muốn con trai,
Được giúp, giúp ta lại,
Sẽ l
àm việc cho ta,
Sẽ duy trì lâu dài,
Truyền thống của gia đình.
Sẽ tiếp tục gìn giữ,
Gia sản được thừa hưởng.
Hay đối với hương linh,
Hiến dâng các vật cúng.
Do thấy sự việc ấy,
Bậc trí muốn con trai.
Bậc hiền thiện chân nhân,
Nhớ ơn biết trả ơn.
Nhớ đến việc l
àm xưa,
Chúng hiếu dưỡng cha mẹ,
Chúng làm mọi công việc,
Như trước làm cho chúng.
Thực hiện lời giảng dạy,
Đươc giúp, hiếu dưỡng lại.
Với truyền thống gia đ
ình,
Duy trì được lâu dài
Đầy đủ tín và giới,
Con trai được tán thán".

Khi đã nói đến nhớ ơn và trả ơn mẹ cha, chúng ta sẽ thấy đức Phật nhấn mạnh đến và đề cao đức tánh nhớ ơn và trả ơn một cách rất đặc biệt như thế nào, trong đoạn kinh sau đây sẽ nêu rõ (Tăng Chi tập 2B, trang 210):

Các người Licchavi thưa với đức Phật có năm châu báu khó tìm lại được ở đời là voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu và cư sĩ báu, đức Phật lại nói đến năm châu báu khác khó tìm đuợc ở đời, vì là những châu báu có thể đem lại sự giải thoát đau khổ cho chúng sinh: "Sự hiện diện của Như Lai, bậc A-la-hán, chánh đẳng giác khó tìm được ở đời. Và hạng người có thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm đuợc ở đời. Và người đem thực hành các Pháp và tùy Pháp được hữu hiệu, từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người biết ơn và nhớ ơn khó tìm đuợc ở đời". Khi nói đến biết ơn và nhớ ơn trước hết là nói đến biết ơn và nhớ ơn cha mẹ.

Nhưng dù đức Phật có khuyên các người con nên phụng dưỡng cha mẹ, Ngài cũng đề cao cảnh giác những người con vì muốn phục vụ cho cha mẹ mà làm các ác hạnh vào thân, về lời nói, về ý nghĩ.

Vấn đề ở đây, được đức Phật đặt ra rất khác biệt. Phụng dưỡng cúng dường cha mẹ là điều nên làm, nhưng vì muốn cha mẹ sung sướng mà làm việc bất nhân, thời nhất định đức Phật không thể nào chấp nhận. Trong kinh Dhànanjàni, Trung Bộ Kinh tập II, trang188a; Ngài Sàriputta đã khéo hỏi Dhànanjàni: "Này Dhànanjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làn các điều bất chánh, hay một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp làm các điều chân chánh, ai tốt đẹp hơn?"

"Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người ấy tốt đẹp hơn"...

Và ngài Sàriputta kết luận: "Này Dhànanjàni, có những hành động khác, cá nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Người đã làm ác để nuôi cha dưỡng mẹ, cũng không thể nào tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình; và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và để bào chữa cho những hành động bất chánh của mình."

Như đoạn kinh sau sẽ nêu rõ:

"Dhànanjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì cha mẹ làm điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều bất chánh, các quân địa ngục quăng kéo nó vào địa ngục. Nó có làm được gì khi nó nói: 'Tôi vì cha mẹ làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh, chớ có để các quân địa ngục kéo tôi vào địa ngục'. Hay cha mẹ có làm gì được khi nói: 'Con chúng tôi đã vì cha mẹ làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ để quân địa ngục kéo nó vào địa ngục'?"

- "Thưa không được, Tôn giả Sàriputta. Các quân địa ngục vẫn quăng nó xuống địa ngục vẫn quăng xuống đại ngục, dù nó than khóc".

Không những đức Phật khuyên các người con không nên vì cha mẹ mà làm các điều ác, vì làm như vậy chỉ đem tai hại cho tự thân mà cón đem lại sự nguy hại cho mẹ cha. Đức Phật còn khuyên các người con còn phải làm thế nào để cha mẹ từ bỏ con đường bất thiện, dấn thân vào con đường thiện. Trong Tăng Chi bộ Kinh tập một, trang 75; khi đề cập đến các vị chân nhớ ơn và đền ơn cha mẹ, đức Phật dạy rằng:

"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới, đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha".

Nói cho rõ hơn, trả hiếu bằng cách cúng dường tài sản vật chất cho cha mẹ chưa đủ để trả ơn, vì của cải tài sản vật chất dù cho có dồi dào đi nữa, cũng phải vô thường biến hoại...

Nói một cách khác, trong trách nhiệm của một giáo chủ, đức Phật không bao giờ quên mục giải thoát mọi khổ đau của con người; và vì vậy muốn cho cha mẹ thật sự giải thoát, con cái cần phải gây dựng lòng tin nơi cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ bỏ các ác hạnh, làm các hạnh lành; từ bỏ xan tham, thực hành bố thí; và nhất là từ bỏ vô minh, chứng đạt trí tuệ. Chỉ có như vậy mới thiết thực báo đáp công ơn cho họ.

Phân tích lời dạy trên của đức Phật, chúng ta thấy khởi điểm là xây dựng lòng tin nơi cha mẹ nếu cha mẹ chưa có lòng tin. Lòng tin ở đây là lòng tin Chánh pháp, và Chánh pháp không có nghĩa là lời Phật dạy, mà Pháp còn có nghĩa là chân thật, là quyết định tánh hiền thiện. Pháp là những gì chân thật, không có hư vọng, không có giả dối; Pháp là những gì hiền thiện tốt đẹp, không phải độc ác bất thiện. Và xây dựng lòng tin cho cha mẹ là xây dựng tánh chất chân thực, tánh chất hiền thiện nơi cha mẹ.

Lời khuyên thứ hai là một thông điệp bỏ ác làm lành. Nếu cha mẹ theo ác giới, tức là sống một nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời khuyên cha mẹ làm các điều thiện hạnh về thân, về lời, về ý nghĩ, một đời sống trong sạch và hiền thiện. Lời khuyên thứ ba là một lời khuyên nhân đạo, lợi tha, khuyên cha mẹ, nghĩ đến sự đau khổ của người khác mà bố thí, làm vơi nhẹ những khổ đau chung quanh ý nghĩ đến tình nhên loại. Lời khuyên thứ tư không theo ác tuệ, là một lời khuyên chánh kiến chân thật, xây dựng một các nhìn lành mạnh và hướng thiện cho cuộc đời.

Và chúng ta cũng không lấy làm lạ, khi tội giết mẹ được đức Phật liệt kê vào năm tội ngũ nghịch, một tội mà phạm nhân không bao giờ thoát khỏi địa ngục, như được trích trong Tăng Chi Bộ Kinh tập 2b, trang 185:

"Có năm nghịch tội (parikuppa) này, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạ xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị. Thế nào là năm? Đoạt mạng của mẹ, đoạt mạng của cha, đoạt mạng của vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu và pháp hòa hợp Tăng".

"Này các Tỷ-kheo, năm pháp ngũ nghịch này đưa đến đoạ xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị".

Và vì vậy khi Vua Ajàtasattu (A-xà-thế) đến yết kiến đức Phật và nghe pháp, như đã được ghi chép trong Kinh Sa môn quả, Trường Bộ Kinh. Vua đã chịu nhận tội giết cha của mình và ăn năn hối tiếc:

"Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội vì ngu si, vi vô minh, vì bất thiện; con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh đế đoạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn đón về tương lai".

đức Phật chấp nhận tội ấy cho vua:

"Này đại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, đại vương đã hại mạng một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Vì đại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, Ta nhận tội ấy cho đại vương. Đó là một sự tiến bộ. thưa đại vương, trong luật pháp của bậc Thánh: Những ai thấy tội là tội, thú tội đúng Chánh Pháp và ngăn đón ở tương lai".

Và khi vua Ajàtasattu từ biệt và ra đi, đức Phật đưa ra nhận xét như sau: "Này các Tỷ-kheo, tâm của vị vua ấy rất ăn năn. Này các Tỷ-kheo, cái tâm của vị vua ấy rất hối quá. Nếu vị vua rất chơn chánh, thì ngay trong chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế".

Trong những đoạn kinh trên, chúng ta đã thấy rõ ngang qua lời dạy của đức Phật, công ơn trời biển của cha mẹ như thế nào, bổn phận đền ơn và trả ơn của con cái phải như thế nào, và như vậy đức Phật không bao giờ quên khuyên dạy các đệ tử biết lòng nhớ ơn và trả ơn cha mẹ. Tuy vậy, Ngài hiểu được tâm tánh của chúng sinh một cách sâu sắc và xác thực, và vì vậy, chắc Ngài cũng phải buồn lòng khi đưa ra nhận xét rằng số chúng sinh không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn là chúng sinh có hiếu với cha mẹ, như đã được ghi trong Tương Ưng Bộ kinh tập 5B, trang 255 (bản ronéo):

... Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo: "Các ngươi nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay?"

-"Chúng con không thể ước tính được, so sánh được có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn, với một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay".

-"Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là chúng sinh không hiếu kính với mẹ... Cũng vậy ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với cha mẹ. Và nhiều hơn chúng sinh không hiếu kính với cha... ".

Và với nhận xét trên đây, khi đức Phật thấy một người cha già bị các người con đuổi ra khỏi nhà, không nuôi dưỡng, vì cha già yếu vô dụng, đức Phật liền can thiệp cà dạy cho người cha học thuộc lòng và đọc lên bài sau đây (Tương Ưng Bộ Kinh tập một, trang 218), khi quần chúng tụ họp tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp:

"Khi chúng sinh, tôi sướng,
Tôi muốn chúng sinh thành,
Cùng vợ chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác g
ì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn.
Ác độc v
à lỗ mãng.
Chúng gọi tôi: "Cha thân"
Chúng thật quỷ Dạ Xoa,
Đội lốt là con tôi
Và chúng đuổi tôi ra,
Khi tôi đến tuổi gi
à,
Như ngựa già suy nhược.
Bị đuổi khỏi chuồng ăn.
Nay cha gi
à bọn trẻ,
Phải xin ăn ở người .
Th
à cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu,
Với gậy chận bò dữ,
Chận được loài chó dữ.
Chỗ tối dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ng
ã đứng dậy được"

Người cha làm theo như lời Phật dạy và các người con khi nghe người cha đọc lên bài kệ này, liền hối hận ăn năn và đem người cha về nuôi.

Hình ảnh người cha già bị các người con bất hiếu hất hủi vì lớn tuổi vô dụng, là một cảnh giác nghiêm trọng mà đức Phật đã kéo nhắn nhủ chúng ta, và nhất là mùa Vu Lan này, chúng ta cũng nên tự kiểm điểm lấy mình, và xem lại chúng ta đã và đang đối xử với cha mẹ chúng ta như thế nào?

*

Chúng ta đã được nghe một số lới Phật dạy nói về chữ Hiếu, nói đến công ơn trời biển của cha mẹ, nói đến trách nhiệm của con cháu đền ơn đáp nghĩa cha mẹ. Chúng ta đã được hiểu rằng không phải lễ nghi là chính yếu mà chính những hành động cụ thể, nuôi dưỡng cha mẹ mới là quan trọng. Chúng ta cũng hiểu được rằng, cách trả ơn tốt nhất là hướng dẫn cha mẹ bước vào con đuờng chánh thiện, bỏ ác giới, bỏ xan tham, theo đời sống đạo đức, thực hành bố thí, bỏ con đường ô minh tối tăm, hướng đến ánh sáng của trí tuệ quang vinh. Và ở nơi đây, chúng ta càng thấy rõ vai trò chánh pháp đã hướng dẫn chữ Hiếu đạt đến những thiện quả tốt đẹp và thù thắng.

Nhưng rồi đức Phật cũng cảnh giác chúng ta rằng, với sự nhận xét của Ngài, người không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn là người có hiếu với cha mẹ. Và hình ảnh của người cha già bị con cháu ruồng bỏ vì già yếu vô dụng đuợc đức Phật can thiệp, cũng là một cảnh giác não lòng cho chúng ta suy nghĩ, và đánh giá lại niềm hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ, và xem có gì khiếm khuyết để bổ túc cho đươc chu đáo tốt đẹp hơn. Nhất là trong các mùa Vu Lan, chúng ta hãy thành tâm hướng niệm đến công ơn của cha mẹ và thực hiện ngay những gì chúng ta có thể làm được, để cha mẹ hoan hỉ an lạc. Và đi xa hơn nữa, hạnh phúc tốt đẹp nhất để dành cho cha mẹ như lời Phật dạy là hướng dẫn cha mẹ vào con đường hành thiện, bỏ ác làm lành, xây dựng lòng tin, theo Chánh pháp, và đạt giải thoát sanh tử khổ đau.

Nhân dịp lễ Vu Lan năm nay, chúng tôi xin cầu chúc toàn thể quý vị một mùa báo Hiếu viên mãn, đầy đủ ý nghĩa cao quý tốt đẹp đúng như lời Phật dạy. Xin kính chúc quý vị song thân người còn cũng như kẻ mất, được thọ hưởng nhiều duyên lành, nhiều phước đức thù thắng tốt đẹp trong mùa Vu Lan này.

* * *

[18]

CHỮ HIẾU TRONG KINH TẠNG HÁN VĂN

Chúng ta có thể nói rằng, một người Á Đông, một người dân Việt Nam không thể không có hiếu với cha mẹ. Lòng biết ơn cha mẹ đã trở thành tánh tự nhiên, ăn sâu vào tâm của những người phương Đông; và khi lọt lòng chào đời, đứa con như đã thâm cảm được tất cả ân đức sâu dày của cha mẹ đã tác thành và đã thương yêu mình. Một người Việt Nam không ghi ơn và trả ơn cha mẹ thì còn là một người Việt nữa, vì người ấy đã tự mình bới gốc rễ những gì tinh hoa nhất của tinh thần Viêt Nam, tự mình phá huỷ những gì cao đẹp nhất của tinh thần dân tộc.

Tinh hoa và tinh thần cao đẹp ấy của người dân Việt, không phải chính tự nhiên mà có, mà chính là nhờ ảnh hưởng của cả một nền giáo dục, một tổ chức văn hóa từ ngàn xưa để lại, xứng hợp với bản tánh, với phong tục của người Á Đông, của dân tộc Việt Nam; và nhờ vậy mà truyền thống từ lâu đời này qua đời khác vẫn được mật thiết duy trì phát triển. Trong tất cả các ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn nhất của đạo Phật, một tôn giáo, một nền giáo dục được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ I, được đi sâu vào tầng lớp quần chúng và mãi được duy trì, qua các thời đại; cho đến ngày nay vẫn được đa số dân chúng tôn thờ quy ngưỡng. Chúng ta hãy tìm ở đây quan điểm đạo Phật đối với chữ Hiếu như thế nào, và những lời Phật dạy đã có ảnh hưởng gì đối với dân tộc Việt Nam.

Trước hết, đạo Phật nêu rõ công ơn của cha mẹ đối với con cái, công ơn sâu dày thâm trọng không thể nào tả xiết. Với lý tương quan tương duyên giữa mọi sự vật trong vũ trụ, đức Phật đã trình bày rõ ràng luật tương quan sinh tồn của con người; và người con được sống ở đời được thành người tất cả là nhờ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha trải biết bao năm tháng. Hãy thành kính đọc lên những câu kinh thấm nhuần đạo Hiếu của người con đã nhớ đến nỗi đau khổ của người mẹ trong khi thai sản:

"Ở đời mẹ hiền chịu thai con
Mười tháng cưu mang luôn chịu khổ
Với năm dục lạc, t
ình không đắm
T
ùy thời ăn uống cũng chung đồng
Ng
ày đêm canh cánh lòng thương xót
Đi đứng nằm ngồi chịu khổ đau
Đến thời m
ãn nguyệt sanh con dại
Đau tợ dao gươm cắt ruột gan
M
ê mẫn đông tây không phân biệt
Khắp thân đau đớn khó nhẫn kham... "
(Kinh Tâm Địa Quán)

Và những người dân quê trong những phút chạnh lòng tưởng nhớ đến cha mẹ, hát lên câu ca dao:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một thời thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".

Có lẽ, người dân quê mộc mạc ấy đã được một vị Tổ sư nào xa xưa dạy cho câu kinh này trong Tâm Địa Quán:

"Cha lành ơn cao như non Thái
Mẹ hiền ân sâu như biển cả
Nếu ta ở đời trong một kiếp
Nói ân mẹ hiền không thể hết".

Có người tự cho mình là văn minh dám nói rằng: "Cha mẹ không có ân gì với con cả, chỉ muốn thoả mãn một chút dục tình mà chẳng may sinh con, nay nuôi nấng, chịu khổ cực vì con là phải lắm". Nhưng đã sanh ra làm con người, ai lại khỏi có dục tình? Vì còn phải sống trong dục giới nên mới lập gia đình, mới sanh con đẻ cái, mới tác thành con người, nào có gì là vượt khỏi địa giới con người đâu? Nhưng cha mẹ một khi sanh con, không một cha mẹ nào lại không hy sinh cho con, và vui lòng chịu cực khổ vì con. Nhưng cha mẹ chịu chết vì con thì nhiều, những người con chịu chết vì cha mẹ hiếm lắm. Như vậy làm sao dám tính toán so lường ân cao nghĩa trọng của mẹ cha?

Hãy đọc hai đoạn kinh sau đây để thành kính nghiêng mình trước hình ảnh hai bậc ân nhân cao trọng của những người con biết vinh dự được làm người con:

"Cha mẹ đối với con cái, ân đức cao nặng sâu dày; ân đức sản sanh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao nhảng nhớ con thương con như ảnh theo hình". (Kinh Bổn Sự)

"Ân cha hiền lớn như núi cả, ân mẹ hiền to như bể rộng, không gì hơn một niềm hiếu thuận, đem vật nhỏ mọn nuôi dưỡng mẹ lành. Ở đời lấy gì làm sáng, lấy gì làm tối? Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời sáng chói; mẹ hiền mất rồi gọi là đêm tối u ám". (Kinh Tâm Địa Quán)

Tình tương thân tương ái giữa cha mẹ và con cái ấy sở dĩ mặn nồng và mãnh liệt, cũng nhờ đạo lý đồng thể Đại Bi của đạo Phật khai sáng một phần nào. Người mẹ trong khi ôm ấp đứa con, đã nhận chân được máu thịt của con chính là máu thịt của mình, thân xác của con chính là thân xác của mình. Vì vậy cho nên, người mẹ là người đã khổ với nỗi khổ của con, đã vui sướng với nỗi vui sướng của người con. Lòng hy sinh không bờ bến bắt nguồn từ tâm Đại Bi của các vị Bồ-tát đã ngụyên trọn đời cứu độ cho chúng sinh, chung vui chịu khổ với chúng sinh, thể nhập vào thân xác của từng chúng sinh, để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh, và đức Bồ-tát Quán Thế Âm, bà mẹ của những bà mẹ, đã được toàn thể chúng sinh tôn xưng là bậc Từ Mẫu ngàn đời của những người con xoay vần trong biển xanh từ đau khổ.

Người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là người mẹ bất diệt trên lịch sử hùng cường của nòi giống Việt Nam. Trong lúc nước nhà điêu linh, gia đình tan nát, những bà mẹ không những tự tay phải lo sự sống xa gia đình, xa nhà, tản mát trên trận địa để chống giữ bờ cõi nước nhà. Cứ mỗi tin một người con bỏ mình trong nạn chiến tranh cũng làm trào động bể nước mắt đau khổ của bao bà mẹ. Nếu "Nước mắt của chúng sinh tràn đầy bốn bể đại dương" như lời Phật dạy, thời ba phần nước mắt ấy phải để dành riêng cho tình thương của những bà mẹ lên chùa khẩn cầu chư Phật gia hộ cho con mình được mọi điều an lành trong khi xa vắng. Nhìn cử chỉ chí thành chí kính, nghe tiếng khẩn vái thiết tha não ruột, lòng người con Phật sao khỏi cảm động bồi hồi. Trong khi mình không được ở bên con để lo miếng cơm manh áo, để kết khuy nút cho con, để kéo mền đắp cho con trong cơn mưa lạnh, để che chở cho con khỏi bị các loại nạn nguy hiểm, những bà mẹ Việt Nam lên chùa khẩn cầu đức Phật, bà mẹ của những bà mẹ, thành kính gửi tình thương của chính tự lòng mình, nhờ chư Phật chuyển đạt lòng thương ấy đến bên người con, âu yếm che chở cho con. Những lời khẩn cầu nồng nàn chí thiết của ngàn vạn bà mẹ Việt Nam đã toả rộng làn sóng tình thương, lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Và những người con trong khi xa nhà, vắng bóng mẹ hiền, cũng cảm thấy lòng mình được sởi ấm, lòng thương mẹ, thương nước dạt dào thêm. Chúng ta có thể nói: "Chỉ có những bà mẹ mới hiểu được tình thương của những bà mẹ. Chỉ có các vị Bồ- tát mới hiểu được tình thương của những bà mẹ Việt Nam ".

Một lần nữa, chúng ta hãy thành kính nghe lời tán thánh của đức Phật đối với những bà mẹ hiền:

Quả đất ở đời gọi là nặng
Mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều
Tu-di người đời gọi là cao
Mẹ hiền ân cao quá hơn nhiều
Gió lốc ở đời gọi là mau
Nhất niệm mẹ hiền mau hơn nhiều"
(Kinh Tâm Địa Quán)

Nếu bà mẹ là cả một tình thương bộc lộ mãnh liệt, say đắm, thời người cha Việt Nam thương con lại kín đáo, mạnh liệt, và sáng suốt hơn. Một người bạn đã đến nói với chúng tôi: "Mãi khi hơn hai mươi tuổi tôi mới biết cha tôi thương tôi". Quen sống với đời sống bên trong, và tự nhận thiên trách của mình khác hẳn với bà mẹ, người cha chú trọng hơn nhiều đến sự giáo dục và tác thành cho con, muốn con trở thành trở thành những người lý tưởng của mình, nối nghiệp cho cả giòng giống tổ tiên của mình. Lòng thương can đảm và bình tĩnh ấy khiến người con nông nổi khó chịu thật, nhưng chính là cả một sức mạnh khiến các người con sống đúng với tinh thần gia tộc, xứng đáng là một người con lý tưởng cho gia đình, cho nước nhà. Một người con đến xin phép cha cho ra trận, người cha nói tự nhiên: "Ừ thôi con đi, gắng sao cho xứng đáng nước non nhà". Một tin đưa từ mặt trận về: "Người con đã từ trần", người cha thốt lên một câu: "Chết vinh còn hơn sống nhục. Con mình xử sự đúng với tinh thần của gia đình, của Tổ Quốc là đủ". Rồi mặc cho vợ con khóc lóc, người cha thản nhiên châm thuốc hút. Nói rằng người cha không biết đau vì con là không hiểu một chút nào tâm trạng của người cha, đã phải nuốt giận chịu đắng, để đủ sáng suốt, đủ can đảm mà nắm cương lãnh gia đình, để đào tạo những người con lý tưởng cho đất Việt. Người cha Việt Nam thản nhiên, lãnh đạm, nhưng cương quyết ấy đã sống đúng với tinh thần Á Đông, kín đáo, trọng lý trí, trọng lý tưởng và quên mình nghĩ đến gia tộc, nghĩ đến Tổ quốc, nghĩ đến nhân loại. Chính tình thương sáng suốt và kín đáo ấy đã được đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân tượng trưng một cách thiết thực và toàn cõi Á Đông đều thành kính tôn xưng Ngài là đấng Từ Phụ của muôn loài.

Đối với tình thương cao cả và mãnh liệt của những bậc cha mẹ như vậy, đạo Phật luôn nhắc nhủ các người con phải biết ơn và nhớ ơn. Kinh Đại Tập dạy rằng: "Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật". Kinh Tứ Thập Nhị Chương đã từng nói: "Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có Hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh". Với hai lời dạy trên, đức Phật tôn trọng cha mẹ đến bậc nào, và chúng ta thấy hiếu hạnh là một trong những hạnh cần thiết nhất của người Phật tử. Chính đức Phật luôn luôn nhắc nhở công ơn của cha mẹ Ngài:

"Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn cha mẹ Ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ". (Phân Biệt Kinh)

"Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ; do công đức như vậy, nên lên các tầng trời thì làm vị Thánh vương" (Kinh Hiền Ngu).

Công đức hiếu hạnh thật không thể nghĩ lường và muốn thành tựu tư cách của con người trên đường đời cũng như trên đường đạo không thể không nghĩ đến hạnh báo Hiếu.

"Điếu thiện tối cao không gì hơn hiếu; điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục).

"Làm con đối với cha mẹ đem lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ thì tội cũng vô lượng" (Kinh Tập Bảo Tạng).

Công đức báo hiếu đã được đức Phật luông luôn tán thán, và đạo làm con không thể nào không nghĩ đến sự hiếu dưỡng cha mẹ, nên cách báo hiếu thiết thực chơn chánh, được đức Phật chỉ dạy rất nhiều và rất tinh tường.

Biết ân cha mẹ và muốn báo đáp ân đức cũng chưa đủ. Hệ trọng là phải biết cách báo ân chân chánh, thiết thực có lợi ích cho cha mẹ và cho tất cả mọi người. Thông thường ở ngoài đời, phần nhiều lo phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất, luôn luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và xử sự thế nào cho cha mẹ khỏi phải phiền lòng. Ở nơi đây, chúng ta để ra ngoài những người con chỉ biết tự lo thân sung sướng mà hất hủi cha mẹ, chúng ta cũng để ra ngoài những người con làm ô danh gia tộc bằng những hành vi đê tiện xấu xa, vì những người con này không còn đuợc gọi là một người con nữa và không được gọi là người dân Việt nữa - vì không một người Việt nào lại không có Hiếu. Chúng ta lấy cách báo ân như vậy cũng tạm gọi là chân chánh; và ở đời, sống cam tâm trong trong cuộc đời giả tạm, đành chịu những nỗi đau khổ: Già, Đau, Sống, Chết đoanh vậy, thì không có gì quý bằng sự phụng dưỡng cha mẹ và sống cuộc đời thanh bạch đạo đức làm hiển danh cha mẹ. Và đức Phật cũng đã từng khuyên những người con hãy: "Phụng sự cha mẹ không thiếu thốn, phàm làm việc phải trình trước cha mẹ rõ... "(Kinh Trường A Hàm).

Nhưng mục đích đạo Phật là giải thoát con người khỏi những nỗi đau khổ căn bản của cuộc đời là Sanh, Lão, Bệnh, Tử; thời đối với những người của con chí thành chí hiếu, đức Phật dạy rằng bổn phận của người con là phải làm thế nào cứu độ cha mẹ thoát khỏi những nỗi khổ cội rễ của con người. Và chỉ có vậy mới thiết thực báo ân cha mẹ.

Kinh Hiếu Tử nói rằng:

"Cúng dường cha mẹ không bì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành bỏ việc ác".
"Ở đời gọi là hiếu phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành".
"Nếu không thể cải hóa cha mẹ phụng trì Tam Bảo; thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ, cũng gọi là bất hiếu".

Đức Phật lại dạy thêm:

"Làm con phụng dưỡng cha mẹ, dùng trăm vị cam lộ dâng cúng cha mẹ, dùng thiên nhạc vi diệu làm vui lòng cha mẹ, hai vai tự cõng cha mười mẹ đi cùng khắp bốn biển, trọn đời đáp ân nuôi dưỡng cha mẹ, như vậy chưa gọi là Hiếu, Cha mẹ ngu si không kính thờ Tam Bảo, hung ngược dâm dật, nguy biện trái đạo... người con phải hết sức cản ngăn, mới gọi là Hiếu" (Kinh Hiếu Tử).

"Muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với các pháp nhân quả v.v..., cha mẹ chưa tin, khuyên cha mẹ tin rồi, khiến lòng tin tăng trưởng; cha mẹ không giữ tịnh giới, khuyên giữ tịnh giới, khuyên làm việc huệ thí; khéo an trú để tự điều phục. Như vậy, mới gọi là chân thực báo ân cha mẹ... (Cảnh Sách).

đức Phật so sánh hai cách báo hiếu:

"Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian cha mẹ hưởng phước vô tận, vì cha mẹ được sinh Tịnh độ phước thọ trải vô lượng kiếp; như vậy mới là đại hiếu" (Long Thư Tịnh Độ Văn).

Chúng ta thấy rằng, đức Phật trong khi dạy những người con khuyên cha mẹ phụng thờ Tam Bảo không phải muốn cho mọi người tôn thờ Ngài và đạo của Ngài như nhiều người lầm tưởng; chính đức Phật chỉ muốn khai sáng cho tất cả những bậc cha mẹ, noi theo đường chân chánh sáng suốt, thiết thực dắt dẫn mọi người thoát khỏi những nỗi khổ mà thôi. Khi những người con khuyên cha mẹ theo đạo Phật, quy y Tam Bảo là chỉ muốn cha mẹ được sống giác ngộ giải thoát. Sống giác ngộ là nhận sự thật hiển nhiên của sự vật và sống đúng với sự vật ấy, không còn mê mờ mù quáng; sống giải thoát là sống vượt ra khỏi sự trói buộc của dục vọng của sự vật, và được sống tự tại thanh tịnh. Chính chỉ có vậy mới là chân thực báo ân cha mẹ, và chỉ có vậy mới là báo ân chân chánh; ngoài ra đều chỉ là những chữ Hiếu giả tạm.

Đối với cha mẹ đã từ trần rồi, người con cần phải làm thế nào? Thông thường chú trọng trong lúc đám hiếu đám tang, kỵ giỗ, tế lễ, làm thế nào cho hương hồn được thoả mãn và cho miệng thế gian khỏi chê trách là được. Người Việt Nam rất trọng thờ cúng tổ tiên. Đối với dân tộc Á Đông, chết rồi không phải là mất hẳn, và các ông bà cha mẹ vẫn còn sống với con cháu và ủng hộ che chở cho con cháu. Những ngày kỵ giỗ không những để cho con cháu có dịp nhớ tưởng đến ông bà mà thôi, mà cũng là một dịp để nhắc lại tinh thần của gia đình, của gia tộc, để khuyến khích con cháu phải làm thế nào sống cho đúng tinh thần ấy. Nhưng mọi sự kính lễ hình như mất hết ý nghĩa thuần túy xưa, và biến thành những cử chỉ mê tín dị đoan, làm cho có làm, và nhiều khi gây ra tai hại khác nữa.

Đạo Phật với đạo lý Luân hồi trình bày cho chúng ta rõ rằng cha mẹ ông bà khi chết đi không phải là mất hẳn, mà chỉ là chuyển nghiệp thác sanh vào một trong sáu cõi phàm mà thôi; và còn ở trong các cõi phàm là còn phải sanh tử luân hồi đau khổ. Vì vậy, các người con chí hiếu và sáng suốt phải chú trọng làm thế nào mà chuyển đổi được trọng nghiệp của cha mẹ khỏi đoạ lạc trong sáu đường, và nhất là đừng tạo nên nghiệp ác cho cha mẹ. Ví dụ như, khi cha mẹ lâm chung, mà khóc than ảo não, làm cho cha mẹ luyến tiếc không có niệm xả ly, tức là khiến cha mẹ tạo thêm nghiệp đoạ lạc trong sáu đường dữ. Lại khi cúng tế mà giết hại các loài súc sanh tức là làm tăng thêm nghiệp ác cho cha mẹ và bắt buộc cha mẹ phải đoạ lạc. Khi cha mẹ sắp sửa trút hơi thở cuối cùng, cần nhất phải làm cho cha mẹ thân tâm thanh tịnh, không có sợ hãi, không có mến tiếc cõi đời, chỉ có nhất niệm dứt bỏ tất cả dục vọng, tất cả luyến ái, luôn luôn chí thành hướng niệm chư Phật, cầu vãng sanh lên cõi Tịnh Độ là một cõi không còn tham sân si, không còn sanh tử luân hồi. Cần nhất là con cháu trong nhà đứng xung quanh giường, nhất tâm niệm Phật, không khóc than, không kêu gào, chỉ giữ chí thành kính cầu nguyện cho cha mẹ được vãng sanh lên cõi Tịnh Độ mà thôi. Đối với những cha mẹ ví tạo những nghiệp quá nặng không thể tự giải thoát được thời các người con có hiếu cần phải luôn luôn hướng niệm đến cha mẹ và cầu sức chú nguyện của thập phương tăng, dùng đạo đức tu hành mà chuyển nghiệp cho cha mẹ khỏi đau khổ luân hồi trong sáu đường dữ. Tóm lại, đạo Phật rất chú trọng đến hai đức tánh là Giác ngộ và Giải thoát cho cha mẹ, khi còn sống cũng như đã mất, bao giờ người con chí hiếu cũng phải nhất tâm nhất niệm chú nguyện cho cha mẹ được Giải thoát và Giác ngộ.

Riêng đối với cha mẹ, người con cần phải báo hiếu như trên, nhưng đối với tự thân, người con cần phải xử sự thế nào để đền đáp ân đức sanh thành của cha mẹ? Nhận hiểu đúng với chân tinh thần đạo Phật, những người con Phật sẽ tự thấy con đường tiến thân đúng với nghĩa báo hiếu nhất là tự mình sống đúng với lời Phật dạy. Một người con can tâm sống trong đêm tối của mê tín, mê muội, nghĩa là sống trái với tinh thần giác ngộ, tức là khiến cho toàn thể chúng sinh trong đấy có cha mẹ mình chịu ảnh hưởng ngu muội của mình; như vậy tức là bất hiếu. Một người dục vọng sướng trong sự dục lạc vật chất, tức là đem lửa dục vọng thiêu đốt chúng sinh, trong ấy đau khổ nguy hại, như vậy tức là bất hiếu. Một người con làm cho chúng sinh khác đau khổ, trong đấy có cha mẹ mình, như vậy là bất hiếu. Cử chỉ xứng hợp với tinh thần báo hiếu chân chính của người Phật tử là sống đúng với lời Phật dạy và làm mọi người sống đúng với lời Phật dạy.

Ở nơi đây, cần phải hiểu thêm rằng, một người không phải là Phật tử mà mọi cử chỉ đều đúng với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thời người ấy thật chính là một Phật tử chân chính và là một người con chí hiếu. Một người Phật tử mà xử sự trái với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thì người ấy không phải là người Phật tử chân chính, và là một người con bất hiếu.

Hiểu một cách rộng rãi và giải thoát hơn, Hiếu là gì? Nếu không phải là những hạnh nghiệp diệt trừ những sự sai khác riêng biệt giữa Phật và chúng sinh, giữa cha mẹ và con cái, để thể nhập vào bản thể chung cùng rộng rãi của muôn sự muôn vật. Hiếu hạnh không còn là những chướng ngại ngăn đón sự giải thoát cá nhân hay toàn thể, không còn là những nguyên nhân ích kỷ nhỏ nhen khiến cho mọi gia đình đau khổ để gia đình mình được sung sướng, cũng không còn là những câu chấp lễ nghi phiền phức làm trở ngại những sự phát triển chân chánh. Nghĩa chữ Hiếu ở nơi đây không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, gia tộc, xã hội mà mở rộng khắp muôn loài muôn vật trong đại gia đình chúng sinh trong đại gia đình Phật tử.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là gương sáng của hạnh chí hiếu toàn thiện toàn mỹ, và đời Ngài chỉ là phản ánh trung thành của tâm đức đại Hiếu đại Từ.

Ngày còn làm Thái tử, nhận hiểu được con người là phải bị sự đau khổ: Sống, Đau, Già, Chết bức bách, doanh vây. Ngài nghĩ đến Phụ vương Ngài, nghĩ đến bà Ma-Gia mẹ Ngài cũng phải quay cuồng hụp lặn trong biển đau khổ ấy. Ngài hiểu rằng cha mẹ đau khổ là chúng sinh đau khổ, chúng sinh đau khổ là cha mẹ đau khổ. Lo riêng cứu độ cho cha mẹ, thời sự cứu độ ấy không được rốt ráo; lo riêng cứu độ cho chúng sinh, thời không tròn đạo Hiếu.

Ngài lại hiểu thêm rằng nguyên nhân khổ đau là do mê mờ ái dục. Vì mê mờ nên không nhận chân được sự thật, vì ái dục nên say đắm trong cảnh trần lao đau khổ. Chính lòng thương chúng sinh, lòng hiếu cha mẹ thúc đẩy, Ngài từ bỏ tất cả quốc thành thê tử để tìm đạo giải thoát cho cha mẹ, cho muôn loài. Cũng chính lòng thương lòng hiếu ấy là những sức mạnh giúp Ngài trì chí chuyên tâm, tìm đạo, tu khổ hạnh, tu thiền định và thành bậc Chánh giác. Thành đạo, giác ngộ được sự thật, Ngài thực hành ngay chí nguyện độ sanh kiền đi giáo hóa cứu khổ cho tất cả chúng sinh, không thể kể xiết.

Rồi Ngài về thành Ca-tỳ-la-vệ, thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn, lên cung trời Đao Lơi thuyết pháp cho bà Ma-Gia nghe. Đến khi vua cha lâm bệnh sắp từ trần, Ngài đến bên giường thuyết pháp giảng dạy khiến cho vua Tịnh Phạn khỏi phải đau khổ, buồn rầu, và thác sanh lên cõi Tịnh Cư Thiên. Khi đưa đám vua cha đức Phật cũng một tay bưng quan tài để làm gương cho cho những người con bất hiếu ở đời, tự thân làm lễ trà tỳ cho vua cha.

Và cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài chỉ một từ tâm vô lượng cứu độ cho toàn thể chúng sinh không một phút giây dừng nghỉ. Cứ mỗi chúng sinh được hóa độ, đức Phật lại được tán dương, quy ngưỡng và vua Tịnh Phạn và bà Ma-Gia lại được tôn kính, được danh tiếng thêm lên. Nếu ngày nay hàng vạn hàng vạn ức Phật tử biết cung kính, biết được tên họ của vua Tịnh Phạn và bà Ma-Gia; hàng vạn ức chúng sinh được giác ngộ giải thoát tất cả là nhờ công ơn báo hiếu vẹn toàn của đức Phật, một người con chí hiếu, một bậc cha mẹ đại từ, không thể nghĩ nghì, không thể ước-lường, không thể tán dương cho hết lời được.

(1950)

* * *

[19]

THỪA TỰ PHÁP

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthpindika, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và thuyết giảng:

"Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật". Ta có lòng thương tưởng các Thầy và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?". Và này các Tỷ-kheo, nếu các ngài là những người thừa tự tài vật của Ta, không là những người thừa tự pháp, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp".

Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thày và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật".

Do vậy, "Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật".

Đức Phật kể câu chuyện:

- Có hai vị Tỷ-kheo đến chỗ Thế Tôn, sau khi Ngài dùng cơm đã xong, một vị Tỷ-kheo nghĩ: "Này Thế Tôn ăn đã xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng lẽ được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh". Nhưng Thế Tôn có dạy "Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật". Sau khi suy nghĩ, vị ấy không ăn đồ ăn này, trải qua ngày đêm ấy, đói lả và kiệt sức.

Vị Tỷ-kheo thứ hai nghĩ: "Nay Thế Tôn ăn xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này trừ bỏ đói lả và kiệt sức". Do vậy, vị ấy ăn loại đồ ăn ấy.

Đức Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, dù cho Tỷ-kheo này sau khi ăn loại đồ ăn để trừ bỏ đói và kiệt sức, nhưng đối với Ta, vị Tỷ-kheo đầu tiên đáng được nể hơn, đáng được tán thán hơn. Vì sao? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy trong một thời gian lâu ngày ít dục, biết đủ, kham khổ, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật".

Thế Tôn thuyết giảng xong và đi vào tinh xá.

Lúc ấy, Tôn giả Sàriputta liền gọi Tỷ-kheo và nói vị: "Này các Hiền giả, như thế nào là vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?" Các Tỷ-kheo mong được Tôn giả Sàriputta thuyết giảng, Tôn giả thuyết giảng như sau:

- Ở đây vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly nghĩa là những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ. Vì những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ, các vị ấy sống trong sự đầy đủ, liềng biếng, dẫn đầu về đoạ lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này chư Hiền, có ba trường hợp đáng bị quở trách:

1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly.
2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị ấy không từ bỏ.
3) Các vị ấy sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đoạ lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Đó là ba trường hợp đáng bị quở trách bởi Thượng toạ Tỷ-kheo, Trung toạ Tỷ-kheo và tân học Tỷ-kheo.

- Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly? Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đoạ lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này các chư Hiền, có ba trường hợp đáng được tán thán:

1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly.
2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị từ bỏ.
3) Các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đoạ lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Đó là ba trường hợp đáng được tán thán đối với các bậc Thượng toạ, Trung tọa và tân học Tỷ-kheo.

đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham sân, khiến tịnh nhãn sanh, trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng tri, giác ngộ, Niết-bàn. Con đường Trung đạo ấy tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

* * *

[20]

ĐẠI KINH VÍ DỤ LÕI CÂY

Kinh này được Thế Tôn thuyết giảng khi xảy ra sự kiện Devadatta phá hòa hợp Tăng, đem 500 vị Tỷ-kheo đi Gayàsisa, vì Thế Tôn không chấp nhận cho Devadatta lãnh đạo hội chúng Tỷ-kheo.

Đức Phật dạy có năm hạng người xuất gia sống Phạm hạnh cùng một tâm nguyện giải thoát khỏi khổ đau, vượt ngoài sự chi phối của sanh già chết:

- Hạng thứ nhất khi xuất gia vị ấy được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do được lợi dưỡng, tôn kín, danh vọng, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, vị ấy khen mình chê người: "Ta được lợi dưỡng danh vọng như vậy, còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít biết có uy quyền". Vị ấy vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say tham đắm phóng dật. Do sống phóng dật, nên vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, cầu tìm cõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây đứng trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu." Vị Tỷ-kheo ấy được gọi là vị nắm lấy cành lá của Phạm hạnh.

- Hạng thứ hai là hạng phát tâm xuất gia được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy khen mình chê người: "Ta là người trì giới theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới theo ác pháp". Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây, trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi tưởng đó là lõi cây, một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu." Cũng vậy, ở đây vị Tỷ-kheo do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ. Vị Tỷ-kheo ấy là vị đã nắm lấy vỏ ngoài của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

- Hạng thứ ba là các vị xuất gia với mục đích thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Vị ấy xuất gia như vậy, không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình chê người. Vị này không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say tham đắm. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không khen mình chê người . Do thành tựu giới đức này, vị ấy không trở thành mê say, tham đắm phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ tự mãn. Do thành tựu thiền định này vị ấy khen mình chê người: "Ta có Thiền định nhất tâm. Các vị Tỷ-kheo khác không thiền định, tâm bị phân tán". Do thành tựu Thiền định này vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây, trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu." Như vậy vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã nắm giữ vỏ trong của Phạm hạnh, và do vậy vị ấy đã dừng lại ở đây.

- Hạng thứ tư là hạng xuất gia với mục đích thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Vị ấy xuất gia như vậy được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này mà hoan hỷ tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này mà khen mình chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này mà trở thành mê say tham đắm phóng dật. Do sống không phóng dật vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Do vị ấy thành tựu Thiền định nên hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu Thiền định này, khen mình chê người. Vị ấy không vì thành tựu Thiền định này trở thành mê say tham đắm phóng dật. Do sống không phóng dật vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì tri kiến này trở nên hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy do tri kiến này, khen mình, chê người: "Ta sống, thấy và biết. Các Tỷ-kheo khác sống, không thấy và không biết". Vị ấy, do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ. Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây và mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người ấy không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu". Như vậy vị này được gọi là Tỷ-kheo đã nắm giữ giác cây của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

- Hạng thứ năm là hạng xuất gia với lòng tin: "Ta bị chìm đắm trong vòng sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Vị ấy do thành tựu Thiền định này, hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Do thành tựu tri kiến này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu phi thời giải thoát.

Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: "Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện". Tâm giải thoát bất động chính là mục đích của Phạm hạnh, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của Phạm hạnh.

"Phi thời giải thoát" có nghĩa là giải thoát tuyệt đối. Devadatta chỉ nghĩ đến danh vọng lợi dưỡng nên muốn đức Phật nhường lại cho địa vị lãnh đạo hội chúng Tỷ-kheo. Và khi đức Phật từ chối, nên phá hòa hợp Tăng, lôi kéo 500 vị Tỷ-kheo cùng đi đến Gayàsesa với mình.

Như vậy, Phạm hạnh này không phải vì lợi ích thành tựu lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Chính tâm giải thoát bất động này là mục tiêu của Phạm hạnh. Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo không nên dừng lại ở các quả vị trung gian vì đây chưa phải là mục đích cứu cánh của Phạm hạnh.

(Trung Bộ I, số 29)

* * *

Ðầu trang | Mục lục | Phần I | Phần II | Phần III | Phần IV | Phần V

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã hỗ trợ công tác vi tính (Bình Anson, 04-2003).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2003