BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Con đường xưa

Hòa thượng Piyadassi
Minh Châu và Ðặng Tấn Hậu trích dịch


Mục Lục

Duyên khởi
Lời tựa

[01] Ðức Phật và Ðạo Phật

[02] Cốt tủy đạo Phật - Tứ Diệu Ðế

Khổ Ðế (Dukkha)
Tập Ðế (Samudaya)
Diệt Ðế (Nirodha)
Ðạo Ðế (Magga)

[03] Bát Chánh Ðạo: Tuệ Học

Chánh Kiến (Samma-ditthi)
Chánh Tư Duy (Samma-samkappa)

[04] Bát Chánh Ðạo: Giới Học

Chánh Ngữ (Samma-vaca)
Chánh Nghiệp (Samma-kammata)
Chánh Mạng (Samma-ajiva)

[05] Bát Chánh Ðạo: Ðịnh Học

Chánh Tinh Tấn (Samma-vayama)
Chánh Niệm (Samma-sati)
Chánh Ðịnh (Samma-samadhi)

Chân thành cám ơn anh BT đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính và gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 7-2000).

-oOo-

 

Duyên Khởi - Ðức Phật Ðã Nói Thế Nào Là Khổ?

Gần 26 thế kỷ trước tại vườn Lộc Uyển Ðức Phật tuyên thuyết và chuyển bánh xe Chánh Pháp đầu tiên. Ngài đã xác quyết về giáo lý khổ trước năm anh em Kiều Trần Như, đây là Bức Thông Ðiệp về một vấn đề lớn đối với vận mệnh chung của kiếp người, trở thành vấn đề trung tâm của Phật giáo.

Ðức Phật nói đến "khổ ". Ðiều chúng ta cần phải lưu tâm về ý nghĩa của chữ khổ nhất định không phải là một cảm thọ (tức là do cảm giác trực tiếp cảm nhận, hoặc do sự đề kháng đối với mọi sự bất toại nguyện) và cũng không nằm trong cặp tương đối "sướng khổ" trên nền tảng của đối đải. Nếu hiểu cái "khổ " mà Ðức Phật muốn nói là cái khổ do cảm thọ quả là một lầm lẫn lớn. Chính trên căn bản cũng như hệ quả của sự lầm lẫn nầy đã đóng góp một phần vào sự suy tàn của Phật Giáo Ấn Ðộ trải từ thế kỷ thứ 6 cho đến thế kỷ 12, khi giặc Hồi đánh bật Phật Giáo ra khỏi nơi chôn nhao cắt rún. (Chỉ vì do sự lầm lẫn nầy đã đưa giáo lý khổ tới tinh thần tiêu cực, bạt nhược, chối từ cuộc sống và sợ hãi cuộc đời... đọc "The Rise and Decline of Buddhism in India", Kana Lal Harra)

Thật ra cái "khổ" mà Ðức Phật đưa ra được dựa trên một lập trường tích cực, "phát xuất từ một lập trường thâm sâu hơn, đó là cái bản chất mâu thuẩn cố hữu của cuộc đời do lý tính của con người phát triển". (Ðại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - Kimura Taiken, Thích Quảng Ðộ dịch, tr. 355).

Ðức Thế Tôn đã nhìn sâu sắc và toàn vẹn vào hai khía cạnh mâu thuẫn bất khả tư nghì:

1- Sự trưởng dưỡng, sinh tồn của con người trong môi trường thiên nhiên. Thiên nhiên chỉ vận hành theo cái định luật của riêng nó. Còn về mặt ngoài, con người lại là một hiện tượng của thiên nhiên nên không có cách lựa chọn mà phải khuất phục định luật thiên nhiên để có sự an ninh đồng thời bảo đảm cho sự tồn vong của chính nó.

2- Về mặt nội tại, con người có khuynh hướng muốn lấy tự do làm đặc tướng, dùng ý chí tự do quy định cho sự sinh hoạt cho chính mình để thực hiện chí "xẻ núi lấp sông" và "vá trời lấp biển" trong khi đời người lại phải đối chứng trước một thực tại bi đác đó là "sinh lão bệnh tử". Sự xung đột trên hai khía cạnh tương phản nầy chính là nguồn gốc đích thực về sự đau khổ của con người. Một đằng ý chí tự do muốn được thể hiện một đằng vấn đề sinh lão bệnh tử luôn luôn chụp xuống đời người vô phương chống trả; đằng khác, dưới uy lực vô song của thiên nhiên và năng lực vô thường không ngừng bủa xuống đời người. Ba thế lực đó (thiên nhiên, vô thường và ý chí tự do) trên hai mặt xung đột, đã tạo ra những mâu thuẫn giằng co bất tận chính là nguồn gốc khổ đau của con người. Ấy là chưa nói đến những vấn đề bất an có tính cách nội tại nơi tự thân đối trước những hiện thực của nền văn minh tiến bộ của thời đại...

* Tiếp xúc với cặp nhân quả chuyển lưu "Khổ và Tập" là để thấy được nguyên nhân, vận hành, tác dụng của cái khổ, tức là tiếp xúc để nhận diện ra hành tung của khổ rồi quán chiếu để thấy sâu sắc về nền tảng của bản chất đích thực của khổ cũng là để nhận chân được vị trí của kiếp người đối trước cái giá trị đích thực cuộc sống (có thể phát khởi tinh thần tích cực hoặc tiêu cực do ở mức độ tỉnh thức của tự thân). Bởi vì mục đích của giáo lý khổ chính là nhận diện khổ để tích cực hành động chứ không buông xuôi, than mây khóc gió, vo tròn khổ đau trong máu hận.

Tay gõ vào bia mười ngón dập,
Mười năm theo máu hận tan tành. (thơ Vũ Hoàng Chương)

hoặc chỉ ôm lấy nổi lung lạc của quảng đời quá khứ, chao đảo trong mưa gió đoạn trường, trong cuộc sống long đong phiêu bạc đầy khổ đau như Thúy Kiều để rồi chỉ còn thương hại cho chính mình

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

* Tiếp xúc với cặp nhân quả hoàn diệt "Diệt và Ðạo" là để thấy xa hơn và sâu sắc hơn về bản chất "bất thực" của cái khổ, để thấy được từ căn-để cái "khổ" có thể phơi bày thực tướng dưới ánh sáng của chánh niệm. Ðây là con đường tích cực nhất phải được thể hiện qua giáo lý khổ, để chấm dứt khổ, điều mà chúng ta phải thấy cho được và thực hiện cho bằng được nếu muốn giải thoát cho chính mình và giải thoát cho kẻ khác. Ðó là đoạn đường gay go nhất, đoạn đường của sự dừng lại các ức tưởng phân biệt, soi chánh niệm vào chính nổi khổ, chặt đứt mọi tham muốn về cả cái khổ thọ lẫn ảo tưởng về lạc thọ hoặc cả về lạc thọ lẫn ảo tưởng về khổ thọ. Ðó chính là con đường của Ðạo Ðế, con đường của Bát Chánh Ðạo (con đường chân chính 8 chi để phá khổ).

Ðức Phật đã dạy rất sâu sắc, tỉ mỉ về con đường chân thật nầy, ở đó mỗi chi phần của Bát Chánh Ðạo đều có một liên hệ không rời đối với 7 chi phần khác. Nhìn vào chánh kiến thấy có chánh ngữ, chánh tư duy, chánh niệm ... hoặc nhìn vào chánh tinh tấn thấy có mặt đầy đủ của những chi phần kia. Nghĩa là vấn đề thế kỷ đã được thiết lập toàn vẹn và hợp nhất trong quá trình 45 năm thuyết giáo của Ðức Phật nằm trong "nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất" (một là tất cả, tất cả là một) của giáo lý Hoa Nghiêm.

Trên nền tảng đã nêu, chúng ta cùng đi vào quyển Con Ðường Xưa của Ðại Lão Hòa Thượng Piyadassi Nayaka Maha Thera, bằng cả thân và tâm trong tinh thần thực tâm tu học để rút tỉa và tiếp thu mọi tinh hoa làm tư lương cho con đường học và hành đạo. Ðạo lão Hòa Thượng Piyadassi bằng quá trình hơn 60 năm sống đời phạm hạnh, hơn 60 năm kinh nghiệm tu học và hành đạo đã men trở về "con đường xưa" mở ra một chân trời mới, con đường nền tảng để xây dựng bản chất đích thực cho sự tu học trong khi triển khai một cách sáng tỏ giáo lý khổ của Ðức Phật để tiếp tục khai thị cho chúng sinh qua các thế hệ.

Tiếp nhận quyển sách nầy, chúng con cung kính ngưỡng mộ công đức vô lượng của Ðại Lão Hòa Thượng Piyadassi và cũng chân thành tán thán công đức của Damita Ðặng Tấn Hậu và Metta Minh Châu đã xử dụng lối dịch hết sức đặc sắc, sáng tỏ và khúc chiết.

Nguyện đem công đức ấn tống nầy hồi hướng đến toàn thể pháp giới chúng sanh đồng triêm lợi lạc, đồng trọn thành Phật Ðạo.

Tâm Tịnh kính đề,
Sydney, Úc châu, tháng 11-1997

-oOo-

Lời Tựa

Mục đích của đạo Phật là giúp chúng sanh chấm dứt sanh tử luân hồi, giải thoát biển khổ đến bờ an lành hạnh phúc. Vì thế, đạo Phật còn được gọi là đạo diệt khổ ban vui. Cách nay hơn 2,500 năm, sau khi chứng ngộ đạo quả cao thượng, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ban truyền thông điệp đầu tiên cho thế gian không ngoài chân lý khổ não, nguồn gốc của sự khổ, sự chấm dứt khổ và con đường diệt khổ. Bài pháp Tứ Diệu Ðế ngài giảng cho năm anh em Kiều Trần Như trong kỳ chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển là nền tảng thiết yếu của Phật Giáo, đã chuyển hóa tư tưởng và lối sống của một phần lớn nhân loại.

Vì Tứ Diệu Ðế nói về sự khổ nên một số người thiếu hiểu biết thường ngộ nhận đạo Phật bi quan yếm thế. Thực ra, Ðức Phật không yếm thế cũng không lạc quan. Ngài rất thực tế, không chạy trốn sự thật về sự khổ như đà điểu chui đầu xuống cát. Ngài nhận thức sự khổ trên thế gian, sau đó, ngài tinh tấn thực hành con đường diệt khổ dẫn đến an vui hạnh phúc cao thượng.

Trên con đường tu học, có duyên đưa đẩy chúng tôi thọ lãnh giáo pháp nguyên thủy, giáo lý đại thừa cũng như kim cang thừa. Càng học pháp, chúng tôi càng thấy rỏ muốn thực hành bất cứ pháp môn nào của đạo Phật, ta đều cần sự hiểu biết sấu sắc về Tứ Diệu Ðế vì đây là kim chỉ nam giúp ta phân biệt chánh pháp và tà đạo dị đoan. Nơi nào có giảng dạy và thực hành Tứ Diệu Ðế là nơi ấy có Phật Pháp. Học pháp đại thừa, thiền tông, hay mật tông, mà không biết và thực hành Tứ Diệu Ðế không thể nào đạt đến thánh quả.

Với mục đích tự tu học và thực hành, chúng tôi tóm lược quyển "The Buddha's Ancient Path" (Con Ðường Xưa của Chư Phật) do Ðại Lão Hòa Thượng Piyadassi Nayaka Maha Thera viết năm 1964 giảng về Tứ Diệu Ðế dựa theo kinh điển Nam Phạn (Pali) là bản kinh xưa nhất trong đạo Phật.

Ngài Piyadassi, tu sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy Tích Lan, là vị tỳ khưu với hơn 60 tuổi hạ, nổi tiếng về sự hiểu biết Phập Pháp uyên thâm và giới đức đạo hạnh nghiêm minh. Ngài đã viếng thăm hơn 80 quốc gia trên thế giới để truyền bá chánh pháp. Sách Anh Văn của ngài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Pháp, Ðức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển, Việt Nam v.v. Trước năm 1975, ngài thường đến Việt Nam cùng với sư huynh là lão tăng Narada Nayaka Maha Thera nên một số Phật tử Việt Nam đã có duyên lành trở thành đệ tử của ngài. Năm 1991, Hội Ðồng Chư Tăng Tích Lan gồm có 28 vị hòa thượng và hơn 4,000 thượng tọa đồng tấn phong ngài Piyadassi là Ðại Lão Hòa Thượng, Visvakirti Sri Sasanasobhana (Viên Ngọc Giáo Pháp Quý Báu Trên Trên Thế Gian) , với sự chủ tọa của Thủ Tướng Tích Lan. Ngài hiện là viện trưởng chùa Vajirarama tại Colombo, Tích Lan. [*]

Nhân ngày giáp năm của mẹ là cụ bà Hồ Thị Thân, chúng tôi phát hành quyển Con Ðường Xưa của Chư Phật để hồi hướng phước báu đến mẹ và Ðại lão Hòa thượng Piyadassi Nayaka Maha Thera.

Xin thành kính đãnh lễ chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Tăng và các bậc Thầy Tổ đã từ bi ban truyền giáo pháp. Phật Pháp thâm sâu, lời lẽ ngôn ngữ chúng tôi lại thật yếu kém. Xin thành tâm sám hối nếu có sai lầm khi diễn đạt lời pháp. Mong quí vị đọc sách nầy, tìm ý pháp, quên lời văn, để giữ trọn lòng quí trọng giáo pháp.

Minh Châu, Metta
Ðặng Tấn Hậu, Dhammika
Tháng hai, 1997

[*] Ngài Pyadassi viên tịch năm 1998 tại Tích Lan (Bình Anson)

 

Chương kế


Update: 24-07-2000


[Trở về trang Thư Mục]