Chiếu
Kiến Nghiệp Xứ - Vipassana Kammatthana
Tỳ Kheo Giác Chánh
Nhâm Thân, P.L. 2536 - 1992
Chiếu KiếnChiếu kiến là gì? Chiếu là soi sáng. Kiến là thấy rõ. Như vậy, Chiếu Kiến là soi sáng cho thấy rõ. Cái gì soi sáng? Và soi sáng cái gì? Cái gì thấy rõ? Và thấy rõ cái gì ? Ðó là những câu hỏi, và cần phải được giải thích cho rõ rệt, cũng như sự hiểu biết cho chắc chắn đối với ai muốn thực tập Pháp VIPASSANA (Chiếu Kiến). Cái gì soi sáng? Chính là SATI hay niệm. Niệm là pháp chủ thể trong Tứ Niệm Xứ, là một trong Ngũ Căn (Niệm Căn - Satindriya), là một trong Ngũ Lực (Niệm Lực - Satipala), là một trong Thất Giác Chi (Niệm Giác Chi - Satisambojjhanga), và cuối cùng là một trong Bát Chánh Ðạo (Chánh Niệm - Sammasati). SATI hay Niệm ở đây phải được hiểu là trạng thái soi rọi của Tâm. Không có từ nào được dịch gần đúng nghĩa của chữ SATI hơn là Niệm, nhưng chữ Niệm ở đây phải hiểu như chữ "Minh Chiếu " hay "Soi Sáng" mới đúng. Soi sáng cái gì? Soi sáng ngũ uẩn. Ngũ Uẩn là đối tượng của SATI hay Niệm trong phương thức thực hành VIPASSANA. Ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ngũ uẩn nếu gom lại thành hai phần là Sắc (Thân) và Danh (Tâm). Thông thường, người ta cứ hiểu Sắc là "Thân ", Danh là "Tâm". Hiểu như vậy chẳng phải là sai, nhưng chưa đủ, chưa trọn vẹn ý nghĩa. Bởi vì chữ Sắc được dịch từ chữ RUPA. Chữ RUPA theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) phân tích ra có tới 28 thứ: Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong, Nhãn vật, Nhĩ vật, Tỷ vật, Thiệt vật, Thân vật, Cảnh Sắc, Cảnh Thinh, Cảnh Khí, Cảnh Vị, (Cảnh Xúc là Ðịa, Hỏa, Phong nên không kể thêm), Sắc nam, Sắc nữ, Ý vật, Mạng căn, Vật thực, Hư không, Thân biểu tri, Khẩu biểu tri, Sắc khinh, Sắc nhu, Sắc thích nghiệp, Sắc sinh, Sắc tiến, Sắc dị và Sắc diệt. Như vậy chữ Sắc ở đây bao gồm tất cả phần vật chất thuộc thân thể và không thuộc thân thể (như đất, nước, cây cỏ, v.v.). Còn chữ Danh được dịch từ chữ NAMA. Từ NAMA theo Abhidhamma giải thích gồm có 121 thứ Tâm, 52 thứ Tâm Sở và Níp Bàn (Nibbana - Niết Bàn). Tâm và Tâm Sở là Danh pháp hữu vi, còn Níp Bàn là Danh pháp vô vi. Lại nữa, từ Danh dù không kể Níp Bàn đi nữa (tức là chỉ kể phần Danh pháp hữu Vi) thì Danh ở đây cũng gồm cả Tâm và Tâm Sở. Thế nên, chữ Danh được phân ra thành 4 uẩn: Thọ uẩn (Thọ Tâm Sở), Tưởng uẩn (Tưởng Tâm Sở), Hành uẩn (gồm có 50 Tâm Sở còn lại), Thức uẩn (gồm cả 121 thứ Tâm). Như vậy, chỉ có từ "Ngũ Uẩn" là chính xác nhất (không dư không thiếu cũng không thể bị hiểu lầm lộn). Tóm lại cái soi sáng (Năng chiếu) là Niệm -- Sati, Cái chỗ soi sáng (Sở chiếu) là Ngũ Uẩn - Pancakhandha. Cái gì thấy rõ? Chính là Trí (Nãna) hay Tuệ (Panna). Trí tuệ là pháp tối quan trọng, tối cần thiết đối với phương pháp VIPASSANA. Trí tuệ là một trong Tứ Thần Túc (Thẩm Thần Túc - Vimamsiddhi-pada), là một trong Ngũ Căn (Tuệ Căn - Pannindriya), là một trong Ngũ Lực (Tuệ Lực - Pannapala), là một trong Thất Giác Chi (Trạch Pháp Giác Chi - Dhammavicayasambojjhanga), và cuối cùng là một trong Bát Chánh Ðạo (Chánh Kiến - Sammaditthi). Trí tuệ ở đây phải được hiểu là trạng thái sáng suốt của Tâm, là sự biết rõ bản chất của sự vật mà từ trước chưa từng biết. Chữ Trí Tuệ ở đây có thể hiểu như Kiến tri, Kiến thức, Kiến thị, hay là sự thấy biết đúng với thể trạng của các Pháp. Thấy rõ cái gì? Thấy rõ ba tướng: Vô Thường Tướng, Khổ Não Tướng và Vô Ngã Tướng. Ba tướng này là thực trạng, thực tướng của ngũ uẩn. Năm uẩn là bản chất thực thể của Tam Tướng. Ngũ uẩn như nước, tam tướng như sóng. Tóm lại, thấy (Năng kiến) là Trí Tuệ ; chỗ thấy (Sở kiến) là Tam Tướng (Tilakkhana). Như thế, VIPASSANA có nghĩa là "Chiếu Kiến", Chiếu là Niệm, Kiến là Tuệ, tức là "Chánh Niệm và Tỉnh Giác" (SATISAMPAJJANNA) Tóm tắt Người hành VIPASSANA luôn luôn phải bám sát Sắc và Danh. Sắc và Danh là đối tượng của Niệm và Tuệ. Nếu rời Sắc Danh lúc nào là hành sai lúc đó. Sắc Danh phải là đối tượng hiện tại, là cảnh hiện hữu, là sở tri hiện diện chứ không phải là thứ Sắc Danh tưởng tượng, Sắc Danh khái niệm. Cũng như người đốn cây thì phải có cây trước mặt thật sự, chứ không thể đốn cây trừu tượng, giả tưởng được! Và lúc nào Tâm xao lãng hay quên Niệm thì phải nhận thức ngay, đừng chán nản, và cũng đừng chiều theo Tâm phóng túng. Cũng như người tập cưỡi ngựa, ngựa có cử chỉ gì thì phải biết, mới tập cưỡi, nếu lỡ té, đừng chán nản, phải tiếp tục tập cưỡi, và cũng đừng chiều theo tánh ngựa.
Vipassana KammatthanaVipassana Kammatthana là gì? Mệnh đề Vipassana Kammatthana ở đây chia ra thành hai:
Như vậy, Vipassana Kammatthana dịch là "Chiếu Kiến Nghiệp Xứ". Theo Ngài Anuruddha viết trong tập Abhidham-mattha Sangaha (Thắng Pháp Tập Yếu Luận) thì có 7 Thanh Tịnh (Visuddhi), 3 Tướng (Lakkhana), 3 Tùy Quán (Anupassana), 10 Trí (Nana), 3 Giải Thoát (Vimokkha). Ðó là những công thức cần phải được biết đến trong tiến trình giác ngộ Níp Bàn., nhưng không được cho hành giả biết trước, vì hành giả biết trước thì sẽ khởi tâm vọng mống. Tâm vọng mống là thuộc về giặc phiền não, mà phiền não thì phải sát trừ chứ không được nuôi dưỡng. Nếu nuôi dưỡng Tâm phiền não tức thì chấp thủ Cảnh phiền não. Nếu hành giả nuôi dưỡng Tâm phiền não và chấp thủ Cảnh phiền não thì đã đi sai Chánh Ðạo. Bởi thế, ở đây chỉ trình bày những gì có thể trình bày cho hành giả biết, tức là cần cho biết những gì đáng biết, phải cần biết để hành, những gì chưa hành tới được xem như là chưa đúng lúc cần phải biết. Ðường Vào Thực Tại(An Trú Chánh Niệm) Trước hết, hành giả tập Chánh Niệm cho vững chắc: Khi đi, phải chú tâm biết rõ
trạng thái đi. Nói tóm lại, nhất cử, nhất động của Thân, hành giả phải chú tâm biết rõ. Trừ oai nghi Ði, còn lại ba oai nghi Ðứng, Nằm, Ngồi sau khi chú tâm biết rõ xong rồi, nếu không có động tác nào mới, thì hành giả chú tâm vào hơi thở: Khi thở vô dài, phải chú tâm
biết rõ trạng thái thở vô dài. Tóm lại, hơi thở như thế nào, hành giả phải có Chánh Niệm (Sati) biết rõ như thế đó. Ngoài ra, còn các tiểu oai nghi khác như co tay, co chân, duỗi tay, duỗi chân, gật đầu, lắc đầu, nói, cười, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng ... hành giả đều phải tập chú Tâm biết rõ. Nếu Tâm phóng đi thì biết: Tâm phóng đi. Nếu lỡ quên Niệm, khi nào nhớ lại thì bắt đầu Niệm ngay những gì đang có mặt trong khi đó. Nên nhận thức rằng sự biết có 3 loại: Sự biết của TƯỞNG: Biết cái đã
biết. Trong khi Thiền Chỉ (SAMATHA) cần cái biết của Tưởng bao nhiêu thì trong Thiền Quán (VIPASSANA) lại cấm kỵ cái biết của Tưởng (SANNA) bấy nhiêu. Hành giả nên cần có Niệm (SATI) kềm Tâm trong cái biết của Thức (VINNANA) để chờ đợi cái biết của Trí (NANA). Bởi phương pháp Chiếu Kiến Nghiệp Xứ là phải lột bỏ Chế định (PANNATTI), và cần thấy rõ Pháp Thực Tướng (SABHAVADHANNA), tức là loại bỏ Tục Ðế (SAMMUTISACCA), để thấy rõ Chân Ðế (PARANATTHA-SACCA). Trên phương diện Trí Tu (NANABHAVANA), Chế định hay Tục đế như lớp mây thịt, hay hột cườm che án con ngươi trong tròng con mắt. Nếu người nào bị mây hay cườm che bít con ngươi thì mắt người đó không thể trông thấy được vật gì trước mắt. Cũng như thế, khi hành giả chưa lột được lớp mây Chế định, Tuệ nhãn không thể thấy được bản thể của Pháp. Cảnh Chân đế là Sở tri của Niệm theo pháp Vipassana phải là Hiện tại. Nếu không phải là cảnh hiện tại thì không phải là đối tượng tu tập VIPASSANA. Như vậy, đối tượng tu tập Vipassana nhất định bắt buộc hành giả phải biết rõ đó là cảnh có thật (thực tướng) và là cảnh hiện tại, chứ không phải là cảnh chế định, hay cảnh quá khứ, hoặc cảnh vị lai. Khi mặc áo, nếu chúng ta lỡ mặc lộn thì có thể mặc lại, nhưng nếu Niệm lộn thì không thể Niệm lại,. Bởi vì cái áo nếu chúng ta lỡ mặc trái thì vẫn còn đó; nhưng tâm thức, nếu quên thì nó đã trở thành quá khứ, nên không thể Niệm bổ túc như chúng ta bổ túc hồ sơ. Nếu hành giả đưa tay ra nhận một vật gì đó mà quên Niệm, khi chợt nhớ ra thì cứ Niệm ngay cái gì đang hiện hữu, chứ không cần phải co tay vào rồi từ từ đưa ra để Niệm, vì hành giả phải Niệm (ghi nhận) cái đang có mặt, chứ không cần phải chuộc lại được cái quên Niệm khi nãy, như người ta chuộc hay xin lại món đồ đã lỡ bỏ quên. Người mới tập chạy xe đạp, nếu lỡ té ngã, thì đứng lên tập chạy lai, chỉ có nghĩa là tập chạy cho được, chứ không phải làm lại để khỏi cái té ngã khi nãy. Nhưng có thể khỏi sợ bị té ngã nữa, vì mỗi lúc tập chạy ấy đã có thêm kinh nghiệm, nên rất chú tâm và hết sức thận trọng. Ở đây, chúng ta cũng nên lưu ý rằng Pháp Học chỉ cho chúng ta hiểu biết về phương pháp thực hành mà thôi, còn sự thực chứng thì hành giả phải thực tập. Tuy nhiên, ta không thể chối bỏ Pháp Học được. Có nhiều vị thiền sư lý luận rằng: "Ðứng trước một con sư tử thật (ngũ uẩn) thì cần gì phải nhìn vào bức ảnh (Pháp Học) chụp hình sư tử". Nếu lý luận như vậy thì chúng ta thử nghĩ: Nếu Pháp Học (bức ảnh) không cần thiết thì tại sao Ðức Phật lại dạy? Chẳng lẽ hồi thời Ðức Phật, chúng sinh không có ngũ uẩn (con sư tử thật) hay sao? Trong Kinh Ðại Bát Níp Bàn (MAHA PARINIBBANA) Ðức Phật có dạy rằng "Sau này sẽ có những vị tỳ khưu tuyên bố rằng: Chính tôi được thọ trì Pháp của Ðức Thế Tôn như vầy... như vầy... Lúc ấy, các người không nên vội vàng chấp nhận, cũng không nên vội vàng bác bỏ, mà nên đem những điều đó đối chiếu với Kinh, so sánh với Luật, nếu thấy tương ưng với Kinh, khế hợp với Luật thì nên thọ trì; bằng trái với Kinh, sai với Luật thì nên bác bỏ". Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) Ðức Phật dạy rằng: "Dù thuộc nhiều kinh điển, nhưng không hành trì, lại phóng dật, thì chẳng khác đếm bò người, không hưởng Sa môn hạnh" và trái lại: "Dù thuộc ít kinh điển, nhưng y giáo phụng hành, từ bỏ tham, sân, si, giác tỉnh, tâm giải thoát, thì tất sẽ hưởng Sa môn hạnh." Như vậy, chỉ có nghĩa là Ðức Phật khiển trách người Học mà không Hành, chứ đâu phải Ngài bác bỏ Pháp Học. Mà Pháp Học là gì? Chính là những lời chỉ dạy để Hành kia mà! Ngay cả những vị thiền sư chủ trương "bất lập văn tự" thì những gì các vị ấy chỉ dạy cho người khác đều được ghi chép lại, đó chẳng thuộc về Pháp Học ư? Và nếu "không cần học" thì những lời lẽ của các vị ấy nói cũng phải bỏ luôn? Sự thật chúng ta học để hành, chứ không phải chỉ học suông. Nếu học suông thì không thực chứng được đạo quả. Và bổn phận của Pháp Sư hay Thiền Sư là nên làm cho sáng tỏ Phật ngôn bằng cả lý thuyết lẫn thực hành chứ không nên làm cho người đời sau hoang mang về Phật Pháp. Thắp Sáng Hiện Hữu(Phân Biệt Danh Sắc) Hành giả nên nhớ thí dụ này để làm phương châm tu tập: "Tâm chúng ta như khỉ vượn. Tinh tấn như sợi dây. Niệm như trụ cột. Ngũ uẩn hay Danh Sắc như mặt đất. Trí Tuệ như cây roi. Ðức tin như lòng tin chắc sự huấn luyện khỉ vượn bằng dụng cụ nói trên." (dây, trụ, đất, roi tức là cần, niệm, danh sắc, và trí tuệ). Tin chắc rằng dùng dây cột khỉ vượn vào cột trụ vốn được chôn sâu xuống đất, và dùng roi để đánh khỉ vượn khi nó muốn bức dây v.v. là phương pháp duy nhất để dạy được khỉ vượn. Chúng là thú vật hằng chạy nhảy, thì ta cương quyết và luôn áp dụng phương pháp này cho đến khi dạy được chúng. Cũng vậy, hành giả tin chắc rằng sự tinh tấn cột tâm vào chánh niệm, chánh niệm được y cứ vào sắc danh (là đối tượng, đề mục), và có trí tuệ để quan sát vọng tâm, là phương thức luyện tâm hữu hiệu nhất. Khi ấy, hành giả cũng cương quyết và luôn luôn áp dụng phương thức này cho đến khi dạy được tâm trở nên trong sạch. Hành giả sau một thời gian luyện tập theo phương pháp số một (An trú Chánh Niệm), khi đã có Niệm vững chắc trong bốn oai nghi và các tiểu oai nghi rồi thì bắt đầu phân biệt Sắc và Danh cho thật rõ rệt. Nếu ghi nhận kỹ lưỡng trong các đại oai nghi và tiểu oai nghi là phận sự chính trong phương pháp số một thì sự phân tích rõ ràng đâu là Sắc, đâu là Danh là phận sự chính trong phương pháp số hai (Phân biệt Danh Sắc) này vậy: Khi đi, hành giả tập phân biệt như vầy: Ði (chân dở, bước, đạp, đụng) là Sắc (đất, nước, lửa, gió, hư Không...). Tâm biết sự đi là Danh. Tâm điều khiển việc đi cũng là Danh. Khi đứng, hành giả phân biệt như vầy: Ðứng (thân dừng lại, có hai chân chống đỡ thân xác) là Sắc. Tâm biết sự đứng là Danh. Tâm điều khiển việc đứng cũng là Danh. Khi nằm, hành giả phân biệt như vầy: Nằm (thân trải dài trên giường, ván, bộ ngựa) là Sắc. Tâm biết sự nằm là Danh. Tâm điều khiển việc nằm cũng là Danh. Khi ngồi, hành giả phân biệt như vầy: Ngồi (thân được bẻ gập theo góc vuông và bàn tọa làm điểm tựa) là Sắc. Tâm biết sự ngồi là Danh. Tâm điều khiển việc ngồi cũng là Danh. Khi ăn, hành giả phân biệt như vầy: Ăn (răng cắn, nhai vật thực, lưỡi nếm, trộn vật thực và nuốt vật thực) là Sắc. Vật ăn cũng là Sắc.Tâm biết sự ăn là Danh. Tâm điều khiển việc ăn cũng là Danh. Khi uống, hành giả phân biệt như vầy: Uống (miệng hớp nước, lưỡi nếm và nuốt vô cổ) là Sắc. Nước uống cũng là Sắc. Tâm biết sự uống là Danh. Tâm điều khiển việc uống cũng là Danh. Khi đại tiện, hành giả phân biệt như vầy: Ðại tiện (nín hơi để lấy sức ép của gió trong bụng đưa phân ra khỏi hậu môn) là Sắc. Phân cũng là Sắc. Tâm biết sự đại tiện là Danh. Tâm điều khiển việc đại tiện cũng là Danh. Khi tiểu tiện, hành giả phân biệt như vầy: Tiểu tiện (lấy sức ép của gió trong bàng quang đưa nước tiểu ra ngoài) là Sắc. Nước tiểu cũng là Sắc. Tâm biết sự tiểu tiện là Danh. Tâm điều khiển việc tiểu tiện cũng là Danh. Các tiểu oai nghi hành giả cũng phân biệt cho rõ rệt đâu là Sắc, đâu là Danh cũng như thế ấy. Quán hơi thở Hơi thở, là một động tác thường có luôn luôn, được xem là Thân Hành. Bất cứ lúc nào, trong các đại oai nghi Nằm, Ngồi, và Ðứng, nếu không có các động tác tiểu oai nghi thì hành giả nên phân biệt như vầy: Khi thở vô, vị ấy biết rõ trạng thái hơi thở vô (dài, ngắn, thô, tế) Khi hơi thở vô đầy (không còn hít vô được nữa) tự nhiên hơi thở phải dừng lại, vị ấy phải biết rõ trạng thái dừng lại của hơi thở vô. Khi dừng lại của hơi thở vô vừa chừng (để tự nhiên không nên cố ý nín thở) tự nhiên hơi thở bắt đầu thở ra, hành giả cũng phải biết rõ trạng thái của hơi thở ra (dài, ngắn, thô, tế). Khi hơi thở ra đã hết (không còn thở ra được nữa), tự nhiên hơi thở ra phải dừng lại. Hành giả cũng phải biết rõ ràng trạng thái dừng lại của hơi thở ra. Khi sự dừng lại của hơi thở ra vừa chừng (phải để tự nhiên chớ có dụng ý nín thở) tự nhiên hơi thở bắt đầu thở vô. Hành giả cũng phải biết rõ trạng thái của hơi thở vô, y như trước, và hành giả cứ thế tiếp tục quan sát hơi thở vô, hơi thở ra cho đến khi nào có sự vật gì sinh khởi lên lấn áp việc theo dõi hơi thở (như một tiếng động, một sự đau nhức của thân, một ý nghĩ, một cảm thọ của tâm chẳng hạn) thì hành giả nên biết rõ trạng thái vừa sinh khởi của sự vật đó. Ðừng có sợ rằng nhận biết sự vật mới sinh khởi (như một tiếng động) là mất Chánh Niệm. Chính sự ghi nhận, biết rõ kịp thời ấy là Chánh Niệm vậy. Ngược lại, nếu hành giả cố bám chặt lấy hơi thở thì đó là phương pháp SAMATHA (Chỉ Tịnh) chứ không phải là phương pháp VIPASSANA (Quán Tuệ). Có điều đáng lưu ý hơn nữa là hành giả chỉ nên theo dõi, biết rõ (Pajanati) trạng thái của hơi thở (dài, ngắn, thô, tế) mà thôi, chứ không nên nói thì thầm, hoặc phân biệt trong Tâm: "Ðây là hơi thở vô dài, hoặc đây là hơi thở ra dài, v.v.". Có nghĩa là hành giả không nên dùng danh từ chế định (Pannatti) mà ngôn ngữ thông thường đã đặt tên cho bản thể (Dabhava) ấy (như hơi thở vô, hơi thở ra, dài, ngắn, thô, tế) mà chỉ nên biết rõ thuần túy cái trạng thái ấy mà thôi (Bất tùy phân biệt). Thí dụ: Như khi đụng nhằm cục lửa đỏ, thân ta có cảm giác thế nào thì chỉ ghi nhận rõ cái trạng thái ấy mà thôi, chứ không cần phải nói hoặc suy nghĩ: "Nóng à!" Vì dù cho là người, bất luận là người dân tộc nào, và kể cả các loài thú cũng đều có cảm giác giống nhau. Bởi sự nóng đó là bản thể thật (Sabhava), chứ từ hoặc chữ "Nóng" là của người Việt Nam, chứ còn loài thú hoặc người dân tộc khác (như Âu, Mỹ chẳng hạn) thì lại có cách nói khác, chẳng giống nhau. Mà sự tu tập theo phương pháp VIPASSANA là cần nhận biết sự thật (Paramatthasacca) chứ không phải là sự nhận thức theo giả danh của thế thường (Sammutisacca). Tuy nhiên hành giả cũng phải theo phương pháp Quán sơ đẳng là sự phân biệt "Sắc Danh" như vầy: "Hơi thở là Sắc, Tâm điều khiển hơi thở là Danh, Tâm biết rõ hơi thở cũng là Danh". Nên biết rằng khi quán như vậy (bất cứ trường hợp nào, như khi Ði, Ðứng, Nằm, Ngồi, hay các tiểu oai nghi khác) không phải là Niệm (Sati) mà là Trí phân biệt Danh Sắc (Nama Rupaparicchedanana). Trí Tuệ nầy tuy vẫn còn vướng trong Pháp Tục đế (Sammutisscca), nhưng phải nhờ trí tuệ này để tiến lên tuệ trực giác, không còn phân biệt theo Pháp tục đế nữa. Hành giả nên phân tích rõ ràng về Niệm, về Trí phân biệt Danh Sắc, và về Tuệ trực giác theo thí dụ sau đây: Người ta dùng hai thanh cây kéo cọ nhau, lúc đầu có phát sinh chất nóng, từ từ phát ra lửa. Sự kéo cọ ấy như Niệm, chất nóng như Trí phân biệt Danh và Sắc. Tuệ trực giác như lửa. Lửa không phải là chất nóng ban đầu, cũng không phải là sự cọ sát của hai thanh gỗ. Cũng vậy, Tuệ trực giác không phải là Trí phân biệt Danh Sắc, cũng không phải là Niệm. Niệm là Niệm, Trí phân biệt Danh Sắc là trí phân biệt Danh Sắc, Tuệ trực giác là Tuệ trực giác. Mặc dù có sự hỗ tương giữa Niệm và Trí Tuệ, hay sự tiếp nối nhau giữa Trí phân biệt Danh Sắc và Tuệ trực giác, nhưng phải biết rõ: Cái nào ra cái nấy, đừng lầm lẫn. Hành giả nên biết thêm rằng Trí phân biệt: "Cái này là Sắc, cái này là Danh" tuy vẫn còn vướng theo Tục đế, nhưng có khả năng tiến lên Tuệ trực giác và Tục đế này là "Danh Chân Chế Ðịnh". Còn sự ghi nhận: "Chân mặt bước, chân trái bước ..." khó phát triển Tuệ trực giác, vì Tục đế này là "Phi Danh Chân Chế Ðịnh". Trí phân biệt Danh Sắc (Danh Chân Chế Ðịnh) sẽ thấy được tướng Vô thường, Khổ não, Vô ngã của Danh Sắc. Khi thấy được tướng Vô thường, Khổ não, Vô ngã của Danh Sắc thì sự nhận định còn vướng Tục đế (Danh Chân Chế Ðịnh) cũng mất đi. Lại nữa, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hành giả nên an trú Chánh Niệm (ghi nhận luôn), khi cần quán thì chỉ nên quán trong ba oai nghi: đứng, nằm, ngồi mà thôi, chớ không nên quán trong oai nghi đi. Vì lúc đi, thân di chuyển, nếu quán thì sẽ mắc cái tật "quên mình trong suy tư". Như vậy, trong khi đi chỉ nên chuyên Niệm, nếu thấy cần quán thì phải đứng lại, hoặc ngồi lại, hay nằm xuống rồi quán cũng được. -oOo- |
[Thư Mục chính] |
Last updated: 30-01-2001 |
Web master:
binh_anson@yahoo.com |