Trì Giới Độ Tỳ khưu Chánh Minh
II- Phân tích giới. 1) Những phương diện khác nhau của giới. Ngoài những yếu tố được xem là giới như: - Sự cố ý (cetanā) tránh xa những hành động bất thiện như sát sanh...là giới. - Không làm những điều ác là giới. Giới còn bao gồm 3 yếu tố ngăn trừ (virati) là: chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta) và chánh mạng (sammā ājīva), (thuộc về Giới uẩn trong bát chánh đạo). Vô tham (alobha hay anabhijjhā), vô sân (adosa hay abyāpāda), chánh kiến (sammādiṭṭhi hay amoha), cũng được xem như là giới. Năm sự thu thúc (saṃvara) hay điều không được vi phạm (avītikkama) cũng được xem là giới. Nói gọn hơn, Giới được phân theo ba lãnh vực: - Lãnh vực vi phạm (vītikkama), đó là "có ý (cetanā)" lánh xa thân, ngữ ác. Hay thực hiện những đều tốt đẹp từ thân, ngữ như: cung kỉnh bậc đáng cung kính, phục vụ người, làm tròn bổn phận đối với bậc trưởng thượng, cha mẹ, thầy tổ... - Lãnh vực ý (manodhātu- ý giới), là "có ý" gìn giữ tâm không cho rơi vào tà nghiệp, tà ngữ, tà mạng. - Lãnh vực khuynh hướng (anusaya - ngũ ngầm), là kiểm soát tâm không cho rơi vào tham, sân và tà kiến. Giải: Ba hành động thân ác là: sát sanh, lấy của không cho (adinnādāna), tà hạnh trong dục lạc (kāmesumicchācārā), là tà nghiệp. Bốn ngữ hành ác là: nói dối, nói đâm thọc, nói hung ác và nói nhãm. Là tà ngữ. Tà nghiệp, tà ngữ có thể dẫn đến tà mạng. Như ngư dân, thợ săn, những kẻ trộm cướp, kỹ nữ... hay dùng lời xảo trá lừa gạt người, để thu hoạch tài sản nuôi mạng sống ... Nên ghi nhận: "Lấy của không cho" bao hàm trộm cắp lẫn cướp đoạt tài sản của người khác.Hành động bất chánh này có thể thực hiện nơi thân, có thể thực hiện bằng lời như lừa đảo người, mê hoặc người... Tà nghiệp, tà ngữ không dẫn đến tà mạng như: câu cá để giải trí, đi săn như một môn thể thao... Đoạn trừ được ba tà nghiệp có hoặc không dẫn đến việc nuôi mạng, là do chánh nghiệp. Gọi là "đoạn trừ nhờ chánh nghiệp (sammā kammanta viratī)". Đoạn trừ bốn tà ngữ có hoặc không gắn liền với việc nuôi mạng, là do chánh ngữ. Gọi là "đoạn trừ nhờ chánh ngữ (sammā vaca viratī)". Đoạn trừ việc nuôi mạng không chân chính, là do chánh mạng. Gọi là "đoạn trừ nhờ chánh mạng (sammā ajiva viratī)". Ba sự đoạn trừ trên, được xem là "ngăn trừ giới (virati sīila)". Ngăn trừ giới phải có "có ý (cetanā)" đi chung. Nên gọi "có ý là giới (cetanā sīla), hay ý giới. Vô tham (là) giới (alobha sīla). Lòng tham thúc đẩy chúng sanh đi chiếm đoạt tài sản của người khác, gọi ý tham ác (abhijjhā manoduccarita). Đoạn trừ được những ý nghĩ này là vô tham (alobha), khi vô tham tăng trưởng, người này có khuynh hướng "lìa bỏ" ngay chính cả tài sản của mình. Nên Vô tham là giới ở lãnh vực khuynh hướng (anusaya - ngũ ngầm). Vô sân là (giới) (adosa sīla). Khi muốn hại kẻ khác, đó là sự căm thù tăng trưởng. Là tâm sân đến hồi cường thịnh, gọi là ý sân ác (byāpāda manoduccarita). Nhờ vô sân loại trừ được sân ác, khi vô sân tăng trưởng, người này có khuynh hướng "tươi vui" trước mọi hoàn cảnh, tức là có khuynh hướng vô sân. Nên Vô sân là giới trong lãnh vực khuynh hướng. Chánh kiến (là) giới (sammādiṭṭhi sīla). Người cho rằng "không quả lợi ích từ bố thí, trì giới...". Là người đang bị tà kiến ác (micchā diṭṭhi manoduccarita) vây phủ. Đoạn trừ kiến ác này là do có trí tuệ, khi trí tuệ tăng trưởng, người này thấu rõ mọi sự thật, không còn bị những ảo tưởng che lấp. Trong đời sống thường nhật, thường có khuynh hướng suy xét "đúng - sai, nhân - quả, lợi ích hay không lợi ích, tìm học hỏi những pháp cao thâm vi diệu.Nên Chánh kiến là giới trong lãnh vực khuynh hướng. Khi có 3 ác pháp: tham, sân và tà kiến, thì người này có thể phạm những nghiệp bất thiện như sát sanh, lấy của không cho ... mà làm hoại giới. Khi có 3 thiện pháp: vô tham, vô sân, trí tuệ, thì ngăn trừ được sự vi phạm vào giới. Do đó, vô tham, vô sân, vô si được gọi là giới. Nên ghi nhận rằng: "Ba tâm sở (cetasika): chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới ở vùng vi phạm (vītikkama), ba tâm sở vô tham, vô sân, trí là giới ở vùng ý (manodhādu), kiểm soát tâm không cho xa lìa ba tâm sở trên. Khi vô tham, vô sân, vô si tăng trưởng vững mạnh, đó là giới trong vùng khuynh hướng, tức là kiểm soát được tâm không cho rơi vào vùng ngũ ngầm của tham, sân, si, tà kiến." Đức Phật có dạy: "Phàm nghiệp nào do vô tham tác thành, này các tỳ khưu, sanh ra từ vô tham do vô tham làm duyên, do vô tham tập khởi,, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục (nghiệp cho quả an lạc - Ns), nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi. Phàm nghiệp nào do vô sân tác thành ..... Phàm nghiệp nào do vô si tác thành...." [1]. Rõ ràng khi vô tham, vô sân, vô si ở vùng ý giới thì còn cho quả an lạc, nhưng ở vùng khuynh hướng thì "đưa đến diệt nghiệp, nghiệp không đưa đến nghiệp tập khởi " ám chỉ chứng đắc Nípbàn. - Giới thu thúc
(saṃvara sīla). Các loại giới được đề cập ở trên áp dụng cho cư sĩ lẫn các vị Tỳ khưu, riêng hai loại giới: thu thúc và không vi phạm, có phần chỉ dành riêng cho tỳ khưu, như: "thu thúc trong giới bổn" chẳng hạn.
2) Giới thu thúc (saṃvara sīla). Vị tỳ khưu có bốn cách thu thúc: a- Thu thúc trong giới bổn (pāṭimokkha saṃvara sīla). Là giữ mình trong những giới căn bản dành cho vị tỳ khưu. Sự thọ trì này sẽ giúp vị tỳ khưu thoát khỏi những mối nguy hiểm tái sanh vào khổ cảnh, đồng thời từng bước đạt đến giải thoát, ra khỏi luân hồi. Tạng Luật có định nghĩa chữ Pāṭimokha là: "Điều này là đứng đầu của các thiện pháp"[2]. Và: "Ở đây, này các tỳ khưu, các học pháp thắng hạnh (abhisammācārikā) được ta chế định cho các đệ tử, để những ai ít lòng tin phát khởi lòng tin, để những ai có lòng tin, được tăng trưởng lòng tin. Do vậy, một đệ tử sau khi chấp nhận và học tập trong các học pháp, đối với các học pháp ấy, là người có sở hành không bị bể vụn ( na khaṇḍakārī), sở hành không bị cắt xén, sở hành không bị vết nhơ (na sabalakārī), sở hành không bị chấm đen (na kammāsakārī)".[3] Trong bài kinh khác, Đức Thế Tôn dạy: "Này các tỳ khưu, bản tụng đọc này, gồm hơn 15o học giới cần phải đọc nửa tháng một lần. Ở đây, các thiện gia nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các tỳ khưu, tất cả được thâu nhiếp (sabbaṃ samodhānaṃ gacchati) hợp lại thành ba học giới này. Thế nào là ba?. "Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học giới này, này các tỳ khưu thâu nhiếp tất cả."[4] Tiếp theo Đức Phật dạy: -"Vị hành trì toàn phần giới luật, hành trì một phần định, một phần với tuệ. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt, được xem là thanh tịnh. Phàm có những học pháp nào là căn bản phạm hạnh, tương xứng phạm hạnh, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến chánh giác. Tương tự như thế, vị ấy đạt đến Nhất lai. - Với vị hành trì toàn phần học giới, định toàn phần và tuệ một phần. Vị ấy đạt đến bậc Bất lai. - Với vị hành trì toàn phần học giới, định toàn phần, tuệ toàn phần, chứng đạt quả Alahán. Thu thúc trong giới bổn mang lại lợi ích như thế. Nên lưu ý đoạn kinh văn trên: "Những học giới nào là căn bản phạm hạnh, tương xứng phạm hạnh, vị ấy gìn giữ rất nghiêm túc". Thế nào là "căn bản của
đời sống phạm hạnh "? "Này các tỳ khưu, phạm hạnh được sống không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng (janalapanatthaṃ), không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng[5], nghĩ rằng: "Mong quần chúng biết đến ta như vậy". "Này các tỳ khưu, phạm hạnh được sống vì mục đích chế ngự (saṃvara) và vì mục đích đoạn tận (pahāna)."[6] Học giới làm nền cho đời sống phạm hạnh trong giáo pháp này, đó là bốn giới tẩn xuất (pārājika), vị tỳ khưu vi phạm vào một trong 4 giới này, xem như đã phá hủy đời sống phạm hạnh trong giáo pháp này, cho dù có người biết hay không có người biết. Những giới còn lại nhất là 13 giới tăng tàng (saṅghadisesa) tương xứng (với đời sống) phạm hạnh. Bốn điều tẩn xuất là: - Vị tỳ khưu hành dâm (bất
kỳ với đối tượng nào). Về 13 pháp tăng tàng xin xem Luật phân tích tỳ khưu. Đoạn kinh văn trên ghi "hơn 150 học giới". Số chính thức tỳ khưu giới là 220 giới và 7 điều diệt trừ tranh sự. Có lẽ khi Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh này, khi ấy có khoảng hơn 150 học giới được Đức Thế Tôn chế định cho chư tỳ khưu, về sau có những vị tỳ khưu hành động sái quấy, Đức thế Tôn lại chế định thêm học giới. Và đến khi Đức Thế Tôn viên tịch thì hình thành con số 22o giới. Mặt khác, vào hạ thứ 12 khi Đức Thế Tôn an cư mùa mưa tại xứ Verañja của Bàlamôn Verañja, bấy giờ Đức Sāriputta (Xálợiphất) có thỉnh cầu Đức Thế Tôn ban hành học giới cho chư tỳ khưu, nhưng Đức Thế Tôn dạy rằng " chưa phải thời, vì chư tỳ khưu còn trong sạch".[7] Như vậy, bài kinh này được Đức Thế Tôn thuyết sớm nhất cũng phải "vào hạ thứ 15 của Đức Thế Tôn". b- Niệm thu thúc (sati saṃvara). Còn gọi là Quyền thu thúc giới (indriyasaṃvarasīla). Đó là sự thu thúc bằng chánh niệm, nhiếp hộ năm môn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, để sáu trần cảnh "sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp" không thể nhập vào tâm, khi các trần cảnh này xâm nhập sẽ chiếm ngự tâm, khiến tâm rơi vào quyền lực của chúng. Chính vì không có niệm thu thúc đối với các trần cảnh, vị tỳ khưu sẽ rơi vào quyền lực của phiền nảo ma (kilesa māra) nói chung, nhưng mối lo lớn nhất đối với đời sống phạm hạnh là "đắm nhiễm nữ nhân". Đức Phật có dạy: "Này các tỳ khưu, Ta không thấy một sắc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm (cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati) người nam như sắc người nữ... "Này các tỳ khưu, Ta không thấy một tiếng nào khác... một hương... một vị... Này các tỳ khưu, Ta không thấy xúc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm người nam như xúc người nữ..."[8]. Trong bài kinh "Vị chiến sĩ"[9], Đức Thế Tôn đề cập đến 5 hạng chiến sĩ, ví như năm hạng tỳ khưu. Ba hạng đầu vì không có niệm trước nữ nhân, nên đã trở về với đời sống thế tục, hạng thứ tư tuy tồn tại đời sống phạm hạnh nhờ nương vào các bậc đồng phạm hạnh. Riêng hạng thứ năm thành đạt được mục tiêu "giải thoát". "Vị tỳ khưu khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nh6an ấy, hộ trì nhãn căn, nhiệt thành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng.... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị.... thân cảm xúc.... Ý nhận thức..... Không còn trở lui lại trạng thái này nữa. Hay: -"Này các tỳ khưu, đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại an trú đau khổ, có hoạn nạn (savighātaṃ) có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mệnh chung, chờ đợi là ác thú...
Ngược lại, vị tỳ khưu có đầy đủ hai pháp: hộ trì các căn và ăn uống có tiết độ, ngay trong hiện hại được an lạc, sau khi mệnh chung sanh về nhàn cảnh.[11] Trong bài kinh Āditta pariyāya (giải về lửa) Đức Phật có dạy rằng: "Thật tốt hơn, này các tỳ khưu, nếu nhãn căn bị hủy hoại với một cây kim bằng sắt nung đỏ, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Như vậy không có nắm giữ tướng chung, không có nắm giữ tướng riêng đối với các sắc do mắt nhận thức. Này các tỳ khưu, thức có thể vững trú, kiên trú, bị trói buộc bởi vị ngọt của tướng chung hay vị ngọt của tướng riêng. Trong thời gian ấy, nếu mệnh chung thì sự kiện này xảy ra: "tái sanh vào địa ngục hay bàng sanh".[12] Cũng trong bài kinh này, Đức thế Tôn dạy: "Tốt hơn là nằm ngủ.... Vì rằng, nếu ngũ thời không có suy nghĩ những vấn đề để có thể bị những vấn đề chinh phục, để có thể phá hòa họp tăng.Này các tỳ khưu, thấy sự trống không (của nằm ngũ) và sự nguy hại (của tỉnh thức), Ta nói như vậy". Ý của đoạn kinh này, Đức Thế Tôn dạy " tuy sự nằm ngũ là tai hại, vì trống không, không mang lại lợi ích chi cả, là mù mờ (momūhaṃ), nhưng không dẫn đến tai hại như khi tỉnh thức mà không phòng hộ các căn, bị các cảnh trần chi phối thì còn tai hại hơn nhiều". Lợi ích của niệm thu thúc giới là như thế. Tuy niệm thu thúc giới, Đức Thế Tôn đề cập đến vị tỳ khưu, nhưng xét ra người cư sĩ vẫn có thể áp dụng với phương án chung này. Tức là: "Khi tiếp xúc với 6 trần cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp), cố gắng giữ gìn sáu cửa (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) cho trong sạch.Khong cho hai pháp bất bình hay vui thích sanh khởi trong tâm, chỉ biết rằng "các trần cảnh này gặp nhau, sẽ là như vầy... như vầy". Sự gìn giữ các cửa được trong sạch là do niệm (sati), nên "thu thúc các cửa", gọi là niệm thu thúc giới (sati saṃsara sīla). Có câu hỏi rằng: "Niệm thu thúc giới khác với niệm cảnh ngoại phần ra sao?". Chúng ta có thể dùng hình ảnh người canh cổng thành để minh họa cho vấn đề này. Người lính canh cổng thành đứng trước cổng thành, y quan sát những người qua lại trước cổng thành, y nhận định: "đây là người tốt, đây là người xấu, đây là người cao sang, đây là dân nô lệ...". Với người hợp pháp y sẽ cho vào thành phố, người không hợp pháp, xấu, kẻ dữ y sẽ chặn lại, không cho xâm nhập vào. Nếu do chểnh mảng, kẻ xấu lọt qua cửa thành, y sẽ trục xuất kẻ ấy ra ngoài. Thành phố ví như vùng ý giới, cổng thành ví như ý môn, người lính ví như niệm. Năm cảnh trần ví như người qua lại trước cổng thành, nhận định "người tốt, người xấu..." ví như niệm các trần cảnh. Không cho kẻ xấu qua cổng thành, ví như niệm thu thúc giới. Trục xuất kẻ xấu ra ngoài ví như diệt trừ những thích thú hay khó chịu trước 5 trần cảnh đang sanh khởi trong tâm. Hai bài kinh sau dẫn chứng cho vấn đề này là: Tôn giả Ajita:
Thế Tôn:
Và:
c- Trí thu thúc (nāṇa saṃvara). Còn gọi là "Quán tưởng tứ vật dụng (paccayasannissitasīla). Sự thu thúc bằng trí tuệ là kiểm soát tâm, không cho tâm rơi vào đắm nhiễm đối với bốn món vật dụng (paccayā): vật thực, y phục, sàng tọa và dược phẩm. Bằng cách quán tưởng trong ba thời kỳ: trước khi thọ dụng, trong khi thọ dụng và sau khi thọ dụng. Sự quán tưởng này nhằm mục đích ngăn chặn các phiền não như: ái dục, tà kiến và vô minh, đang trôi chảy vào tâm. Trước khi thọ dụng: Quán tưởng để thấy rằng: "bốn món vật dụng này chỉ là nguyên chất (đất, nước, lửa, gió), dù có dùng hay không dùng, chúng cũng chỉ là tứ đại, không phải là chúng sanh, không phải là vật có sinh mạng". Tức là nhờ quán tưởng này, vị tỳ khưu thấy rõ bản chất của tứ vật dụng sự (catuttha paccaya) chỉ đơn thuần là tứ đại, nhờ đó ngăn chận được tham đối với vật dụng xinh tốt, ngăn chận được sân (khó chịu) đối với vật dụng thấp kém, ngăn trừ được si vì không bị giả định như: tơ, lụa, thịt, cá, trái cây, giường bằng gỗ chiên đàn... lừa mị tâm, để rồi dẫn đến hiểu sai (tà kiến) về 4 món vật dụng này. Cần nên ghi nhận rằng: "Tuy bản chất thật của tứ sự dù tốt hay thấp kém cũng là tứ đại, nhưng vị tỳ khưu không vì thế mà tìm kiếm "tứ đại tốt", đi ngược với đời sống xuất gia là tri túc và thiểu dục". Trong phần Học giới Ưng đối trị (pacittiya - Badậtđề), phẩm vật thực nêu lên có nêu 10 học giới.[15] như: "Vào bấy giò Đức Thế Tôn giác giả trú ở thành Rājagaha tại Vẹluva khu nuôi dưỡng những con sóc. Cùng thời đó, Devadatta lợi đác cung kỉnh bị tôn giảm, y với tùy tùng cứ xin xỏ nơi các gia đình mà thọ thực. Người ta ta thán, phiền hà rằng; Tại sao các Sa môn Thích tử cứ xin xỏ nơi các gia đình mà thọ thực vậ? Đồ tốt ai mà chẳng ưa, đồ ngon ai mà chẳng thích".... (sđd- học giới thứ hai). Hay: "Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục sư mang những đôi dép làm bằng da sư tử, mang những đôi dép làm bằng da cọp, mang những đôi dép làm bằng da beo, mang những đôi dép làm bằng da hươu..." [16] Và Đức Thế Tôn đã cấm chế không được mang những đôi dép làm bằng những loại da như thế, vì bị chỉ trích là: "Giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy".(sđd). Lại nữa, trước khi thọ dụng, quán thấy rằng: "Những vật này không phải là vật uế trược, nhưng khi chạm vào thân này thì trở thành uế trược". Nhờ quán tưởng như thế, loại trừ được ảo tưởng "thân này trong sạch", thấy rõ thân này là uế trược và một khi những vật này trở thành nhơ bẩn thì tâm thích thú đối với chúng không còn. Trong khi thọ dụng: - Về y phục: Mặc y phục đây là để ngăn ngừa nóng, lạnh, gió, muỗ, rắn, rết làm hại cơ thể và y phục này dùng che thân, tránh điều hổ thẹn. - Về vật thực: Dùng vật thực để duy trì xác thân, nhằm mục đích thực hành phạm hạnh. Không phải để vui chơi như trẻ con, không phải để có sức mạnh như võ sĩ, hoặc để trang điểm thân thể cho xinh đẹp.. Đức Phật có dạy: "Ví như này các tỳ khưu, hai vợ chồng đem theo một ít lương thực. đi qua một quảng đường hoang dã với một đứa con khả ái, thương mến. Rồi này chư tỳ khưu, trong khi hai vợ chồng ấy đang đi trên con đường hoang vu, số lương thực ít oi ấykhánh tận. Và vùbng hoang vu chưa được chúng vượt qua. Rồi này chư tỳ khưu, hai vợ chồng suy nghĩ: "lương thực ít oi của chúng ta đã khánh tận. Còn lại vùng hoang vu này chưa được vượt qua. Vậy chúng ta hãy giết đứa con khả ái dễ thương này, làm lương thực và vượt qua vùng hoang vu. Chớ để cả ba chúng ta đều bị chết.... "Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ thế nào? Chúng ăn món ăn (thịt đứa con - Ns) có pảhi để vui chơi ? Hay chúng ăn món ăn để tham đắm? Hay chúng ăn món ăn để trang sức? Hay chúng ăn món ăn để béo tốt?...[17] Ý nghĩa bài kinh nói lên "vị tỳ khưu dùng vật thực để thực hành phạm hạnh, thành tựu mục đích giải thoát (ví như vượt qua vùng hoang vu), không phải dùng vật thực để rơi vào tham đắm..." Sách Thanh tịnh đạo có ghi câu truyện sadi cháu ngài Saṅgharakkhita: Ngài Saṅgharakkhita thấy vị sadi (là cháu Ngài cũng là đệ tử Ngài) dùng vật thực không quán tưởng, nên nhắc rằng: - Này sadi, chớ có đốt cái lưỡi của ngươi bởi những vật thực này. Xúc động, vị sadi quán tưởng vật thực, rồi lấy đó làm đề mục suy quán, chứng đạt quả Alahán. Sau đó, Ngài nói lên kệ ngôn:
- Về chỗ trú ngụ: Quán tưởng rằng: "Ta thọ dụng chỗ trú ngụ đây để ngăn ngừa sự lạnh, nóng, muỗi mòng, gió, nắng... tránh khó chịu của thời tiết và được nơi yên tịnh để tu tập sa môn pháp. - Về thuốc trị bịnh: Quán tưởng rằng: "Ta thọ dụng thuốc trị bịnh này để ngăn ngừa những sự khổ đã phát sanh và cho được dứt khỏ những đau khổ ấy". Lưu ý rằng: "Ngoài những dược chất là thuốc trị bịnh. Có những loại vật thực cũng là dược chất, như vị tỳ khưu cần nước thịt (truyện cận sự nữ Suppiyā), Đức Sāriputta (Xálợiphất) bị bịnh sốt cần cần các cọng súng và cọng sen, hoặc 5 loại dược phẩm là: bơ lỏng(sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu mè (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ)".[19] Vì không được xem là vật thực, nên vị xuất gia cần quán tưởng theo cách "thuốc trị bịnh", để ngăn trừ tham đắm vào các "thuốc trị bịnh" này. Sau khi thọ dụng: Tương tự như trong khi đang thọ dụng, chỉ khác là "đã thọ dụng". Sự quán tưởng thọ dụng đối với bốn món vật dụng, giúp tâm không rơi vào tham đắm. Nếu trước hay trong khi thọ dụng bốn món vật dụng thì sẽ bố khuyết bằng cách quán tưởng "sau khi thọ dụng", nhưng chỉ có hiệu lực trước khi mặt trời mọc, nếu khi mặt trời mọc chưa quán tưởng xem như "thiếu nợ". Các Giáo thọ Sư có nói rắng: "Có bốn cách thọ dụng tứ sự:[20] - Thọ dụng như kẻ trộm: Là sa môn không có giới hạnh (ác giới) thọ dụng 4 món vật dụng, cho dù có ngồi chung với Tăng chúng, gọi là dùng như kẻ trộm. - Thọ dụng như người mang nợ: Là bậc sa môn có giới hạnh, nhưng thọ dụng bốn món vật dụng mà không quán tưởng. Đối với y phục phải quán tưởng mỗi khi mặc, vật thực phải quán tưởng trong từng vắt vật thực khi dùng. Nếu không quán tưởng trong khi thọ dụng thì sau khi thọ dụng phải quán tưởng vào canh đầu của đem, canh giữa của đên hay gần cuối canh chót của đêm. Nếu mặt trời lên mà chưa quán tưởng thì xem như "mang nợ". Đối với trú xứ, cần phải quán tưởng mỗi khi dùng (cho dù đó là liêu cốc cá nhân của mình). Đối với dược phẩm cần phải quán tưởng hai thời: trước và trong khi thọ dụng. Nêu trước khi thọ dụng có quán tưởng, trong khi thọ dụng thì không, xem như có lỗi. Trước khi thọ dụng không quán tưởng, trong khi thọ dụng có quán tưởng xem như không có lỗi. - Thọ dụng như người thừa hưởng gia sản của cha (là sự thọ dụng tứ sự của bậc Thánh hữu học). - Thọ dụng như người chủ (là sự thọ dụng tứ sự của bậc Alahán).[21] - Nhẫn thu thúc giới (khanti saṃvarasīla). Sự thu thúc bằng pháp nhẫn nại, nghĩa là sự kiểm soát tâm, không cho những tư tưởng ô nhiễm xâm nhập vào tâm, khi đang chịu đựng sự nóng nực, lạnh rét, hoặc những cảnh nghịch khác. Hoặc khi thọ dụng sắc, thinh, hương vị xúc giữ được tâm định tỉnh, không cho tham ái xâm nhập vào tâm. "Này các tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu khi mắt thấy sắc, không tham đắm các sắc khả ái, có thể giữ tâm định tỉnh. Như vậy, này các tỳ khưu, tỳ khưu kham nhẫn các sắc. "Này các tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu khi tai nghe tiếng, không tham đắm các tiếng khả ái, có thể giữ tâm định tỉnh. Như vậy, này các tỳ khưu, tỳ khưu kham nhẫn các tiếng.. "Này các tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu khi mũi ngửi các hương, không tham đắm các hương khả ái, có thể giữ tâm định tỉnh. Như vậy, này các tỳ khưu, tỳ khưu kham nhẫn các mùi. "Này các tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu khi lưỡi nếm các vị, không tham đắm các vị khả ái, có thể giữ tâm định tỉnh. Như vậy, này các tỳ khưu, tỳ khưu kham nhẫn các vị. "Này các tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu khi thân cảm các xúc, không tham đắm các xúc khả ái, có thể giữ tâm định tỉnh. Như vậy, này các tỳ khưu, tỳ khưu kham nhẫn các xúc."[22] - Tinh tấn thu thúc giới (viriya saṃvara sīla). Còn gọi là nuôi mạng thanh tịnh giới (ājīva pārisuddhi sīla). Vị tỳ khưu gọi là nuôi mạng chân chánh, là cố gắng xa lánh 5 ác pháp (pāpadhamma) và 21 điều tà mạng. Có nữ du sĩ ngoại đạo là Sucimukhī có hỏi Đức Sāriputta (Xálợiphất) rằng: - Này Sa môn, có phải người ăn cúi mặt xuống? - Này chị, tôi ăn không cúi mặt xuống. - Vậy Sa môn, người ăn ngưỡng mặt lên? - Này chị, tôi ăn không ngưỡng mặt lên. - Vậy Sa môn, người ăn mặt ngưỡng về bốn phương chính. - Này chị, tôi ăn mặt không ngưỡng về bốn phương chính. - Vậy Sa môn, người ăn mặt ngưỡng về bốn phương phụ. - Này chị, tôi ăn mặt không ngưỡng về bốn phương phụ. Và Đức Sāriputta (Xálợiphất) đã giải thích chó nữ du sĩ rõ rằng: "Ăn cúi mặt xuống, là nuôi mạng bằng nghề địa lý (vatthuvijjaa) và súc sanh minh (nghề hèn hạ - theo sớ giải là xem tướng các con vật, như xem ngựa tốt hay xấu, voi, chó, mèo.. để định giá cao hay thấp các con vật ấy)". "Ăn ngẩng mặt lên, là nuôi mạng bằng nghề xem thiên văn (nakkhattavijjā) và súc sanh minh (xem tướng các loài chim)." "Ăn ngẩng về bốn hướng chính, là nuôi mạng bằng nghề "đưa tin, làm trung gian môi giới". "Ăn ngẩng về bốn hướng phụ, là nuôi mạng bằng nghề "bói toán và các nghề hèn hạ khác".[23] Nuôi mạng bằng những nghề trên, Đức Sāriputta gọi là "tà mạng". Sự nuôi mạng chân chánh, gọi là tinh tấn thu thúc giới. Đối với người cư sĩ thì xa lìa 5 nghề nuôi mạng bất chánh là: 1'- Satthavaṇijjā:Buôn bán
khí giới (như cung tên, gươm, đao...) dùng để sát hại sinh vật khác. Đối với bậc xuất gia thì xa lánh 5 ác pháp là: 1'- Kuhanā: Giả trá (làm bộ
cao thượng). Đồng thời tránh xa 21 điều tà mạng (5 ác pháp và 21 điều tà mạng, xin xem trong Tứ thanh tịnh giới của Đại trưởng lão Bửu Chơn soạn, hay trong Thanh tịnh đạo). Ngoài ra, thu thúc bằng pháp tinh tấn, là cố gắng ngăn chặn những ý nghĩ ác, ý nghĩ về dục lạc (kāma vitakka - dục tầm), ý nghĩ sân hận (byāpāda vitakka - sân tầm), ý nghĩ độc ác (vihiṃsā vitakka - hại tầm). 3) Năm ác pháp. a- Kuhanā: giả trá. Có ba loại giả trá: - Giả trá có liên quan đến 4 món vật dụng (paccayapatisevana). Khi có người Phật tử dâng cúng đến vị tỳ khưu các món vật dụng như y phục... Dầu rất thích nhưng vì ham muốn thái quá, vị tỳ khưu ra vẻ "là người tu hành chân chánh" để được nhiều hơn, nói rằng "đối với vị tỳ khưu cần gì những đắc giá như thế này, chỉ cần những bộ y phấn tảo (paṅsukula) làm bằng vải vụn là đủ". Về vật thực, vị ấy nói rằng: "đối với vị tỳ khưu cần gì những món ăn sang trọng như vậy, vị tỳ khưu chỉ thích hợp với những món ăn kiếm được do đi khất thực". Về chỗ ngụ, vị ấy nói rằng: "đối với vị tỳ khưu cần gì chỗ ngụ tốt như thế này, chỉ cần chỗ ngụ dưới cội cây hoặc ngoài chỗ trống là thích hợp dành cho vị ấy". Về thuốc chữa bịnh, vị ấy nói rằng: "đối với vị tỳ khưu, cần gì thuốc chữa bịnh đắc giá như thế, đối với vị ấy, chỉ cần nước tiểu bò đen là tốt rồi". Để thực hành điều đã nói ra, vị ấy chỉ mặc y thô, chổ ngụ loại thô và thuốc chữa bịnh loại thô. Phật tử sẽ rất kính trọng vị ấy khi nghĩ rằng: "vị Đại đức này sống thiểu dục, tri túc, vị ấy đã thoát khỏi những ham muốn về vật chất và dục lạc, vị ấy không trà trộn với người cư sĩ: vị ấy cũng rất tinh tấn trong sự thực hành pháp". Rồi dâng cúng bốn món vật dụng đến vị ấy, ngày càng nhiều. Bấy giờ vị tỳ khưu tham lam ấy khoát lác rằng: "Này các phật tử, khi có hiện diện ba pháp này: đức tin, vật dụng dâng cúng và người thọ lãnh, khi đó vị thí chủ có lòng tịnh tính sẽ được nhiều phước. Ở đây là phật tử có niềm tin vững chắc, có vật dụng để dâng cúng và ta là người thọ lãnh. Nếu ta không thọ lãnh vật thí của người thì phước của người sẽ bị tổn giảm. Bởi vậy, để tiếp độ cho người ta sẽ thọ lãnh vật thí của người mặc dầu ta chẳng cần đến chúng". Nói như vậy, vị ấy thọ lãnh nhiều cổ xe y phục và vật thực, nhiều chổ ngụ và số lượng lớn thuốc chữa bịnh. Như vậy, dầu vị tỳ khưu ấy tham lam, giả vờ ít tham muốn, dùng những vật dụng loại thô để khiến cho phật tử đánh giá cao về vị ấy. Gọi là giả trá liên quan đến tứ vật dụng. - Giả trá liên quan đến Pháp chứng (sāmanta jappana). Tuy không nói thẳng: "Ta đã chứng thiền Đạo và Quả rồi", nhưng khiến mọi người nghĩ rằng "vị ấy đã chứng đạt Đạo quả", tỳ khưu ấy nóibóng gió như vầy: "vị tỳ khưu mặc loạiy như thế có oai lực, vị tỳ khưu mang loại bát đó, đồ lọc nước đó, dây lưng đó, đi loại dép đó là có oai lực". Đây gọi là giả trá có liên quan đến pháp chứng, (chữ sāmanta nghĩa là gần với, sāmanta jappana: gần với pháp chứng đạt: thiền, Đạo và Quả siêu thế) để lừa phật tử. - Giả trá trong oai nghi (iriyāpatha saṇthapana). Vì muốn được Phật tử kính trọng và khen ngợi, vị tỳ khưu nghĩ rằng: "nếu ta đi theo cách này, mọi người se khen ngợi và kính trọng ta". Rồi thực hành cách đi, đứng, nằm, ngồi giống như bậc Thánh. Đây là giả trá trong oai nghi (iriyāpatha saṇthapana) để lừa gạt phật tử. b- Lapanā: Nói hư ngụy. Là cách nói do tham ác thúc đẩy. Như vị tỳ khưu trông thấy người đi đến chùa, liền đi đến trước họ và hỏi rằng: "này đạo hữu, đạo hữu đến đây để thỉnh các vị tỳ khưu phải không? Nếu vậy, đạo hữu hãy đi trước, bần tăng sẽ mang bát theo sau". Hoặc nói rằng: "Ta là Trưởng lão Tissa, được Đức vua và các đại thần tôn kính"... (tức là khoe khoang điều không có thực). Hay "nói bợ đở hay nịnh hót". Trong khi nói chuyện, vị ấy cẩn thận không làm phật ý hoặc làm buồn lòng các phật tử, trái lại còn tâng bốc, gọi họ là: "Đại Trưởng giả", "đại thí chủ", "bậc đại tịnh tín", "đại trí tuệ"... để lấy lòng phật tử, khiến họ dâng cúng đến vị ấy. c- Nemittikata: Giả hiệu tướng. Là gợi ý bằng cách ra dấu hoặc bằng lời, khiến người bố thí như: Khi thấy một người nam mang một số vật thực, vị tỳ khưu muốn được cúng dường vật thực, nói rằng: "Có phải ông đã có được vật thực để cúng dường rồi chăng?", "ông kiếm được nó ở đâu vậy?", "Ông kiếm nó bằng cách nào?"... Khi thấy những người chăn bò, vị ấy chỉ vào những con bê và nói rằng: "những con bê này uống sữa hay uống nước?". Những người chăn bò đáp lại rằng: "những con bê này còn đang uống sữa". -Vậy à, các vị tỳ khưu cũng dùng sữa". Những người chăn bò hiểu lời gợi ý của vị tỳ khưu và nói lại với cha mẹ (hay chủ) của chúng để dâng sữa đến vị tỳ khưu ấy. Gợi ý như vậy để khiến người ta bố thí gọi là nói giả vờ (nemittikatā). Sách Thanh Tịnh đạo có nêu ra một câu chuyện về vị Tỳ khưu Kulupaka, là người hay đến nhà phật tử, như sau: Tỳ khưu Kulupaka là người có thói quen đến nhà phật tử, là đi thẳng vào nhà, tự tiện kéo ghế ra ngồi (vì ông luôn muốn có vật thực). Một lần, tỳ khưu Kulupaka đi vào nhà một nữ cận sự, không muốn cho vị ấy vật thực, bà nói: "nhà con hết gạo rồi sư ơi!". Rồi đi ra tựa như đang tìm xem có còn chút nào không và nấn ná ở ngoài nhà. Bấy giớ, tỳ khưu Kulupana lén đi vào bên trong nhà, nhìn thấy cây mía trong kẹt cửa, những cục đường phèn ở trong cái bát, miếng cá chiên trong chảo, cơm trong nồi và bơ trong cái keo. Vị ấy trở ra ngồi vào chỗ cũ. Nữ nhân đi vào, thấy vị tỳ khưu còn ngồi, nên nói rằng: "Không có vật thực sư ơi". Vị Tỳ khưu nói rằng: "Bà ạ, sáng nay sư gặp điều báo không có gì để ăn". - Điều gì vậy Sư?". - Trên đường đến đây để tìm vật thực, Sư trông thấy con rắn lớn bằng cây mía ở sau kẹt cửa. Để đuổi nó đi, Sư bèn tìm một vật gì đó và trông thấy cục đá cỡ bằng cục đường phèn đựng trong bát, khi Sư ném cục đá vào con rắn thì cái đầu nó phình ra lớn bằng miếng cá chiên trong cái chảo. Khi con rắn há miệng ra để cắn cục đá, nó nhe răng trông trắng như phau như những hột cơm trong cái nồi, nước rải của nó tuôn ra giống như bơ trong cái keo". Những lời nói của vị ấy như mạng nhện trói chặt con mồi, khiến nữ cận sự không còn lối thoát. Và bà miễn cưỡng cúng cho vị tỳ khưu Kulupana cây mía, cơm cùng với bơ, đường phèn và món cá chiên. d- Neppesikatā: Nói chê trách. Là dạng ác ngữ khác. Vị tỳ khưu muốn có lợi lộc bằng cách dùng lời tức bỏ hoặc phá vỡ những đức lành của người phật tử, như: để có được chất thơm phải nghiền nát hoặc tán nhuyễn những vật liệu có chất thơm. Nói chê trách có nhiều cách để buộc người ta bố thí, như: "người chẳng có đức tin chút nào cả", "ngươi chẳng giống như những phật tử khác". Nói nặng với người không chịu cho như: "Thí chủ mà như thế à! đại thí chủ mà như thế sao". Nói lời khiêu khích đến người phật tử không chịu cho trước mặt trước mặt những phật tử khác, như: "Này ông, đừng nên như ông... Ai đến nhà ông ấy khất thực, chỉ nhận được vỏn vẹn một câu: "Tôi chẳng có gì cả". Đây là cách nói chê trách với mục đích tìm lợi lộc. e- Labhena lābhaṃ nijisanatā: Lấy lợi câu lợi. Như khi đi bát kiếm được vật thực kẹo bánh, vị tỳ khưu đem cho đến con cái của những phật tử có khả năng bố thí dồi dào. Kết quả là cha mẹ bọn trẻ dâng cúng đến vị tỳ khưu ấy những thứ quý hơn, dồi dào hơn vì nghĩ rằng vị tỳ khưu kia thương mến con cái của mình. Như vậy, sự kiếm sống bằng cách vi phạm sáu điều học do Đức Phật ban hành liên quan đến sự nuôi mạng như đã giải thích ở trước và năm ác pháp, được gọi là Tà mạng (Micchājīva). Sự kiên tránh nuôi mạng bằng những hình thức trên, gọi là chánh mạng thanh tịnh giới. 4) Giới không vi phạm ((avītikkama sīla). Đây là loại giới được tu tập bằng cách kiêng tránh sự vi phạm về thân, ngữ qua các điều học mà hành giả đã nguyện thọ trì. Từ năm loại thu thúc giới và không vi phạm giới được mô tả ở trên, có thể suy ra rằng: - Giải thoát thu thúc giới, là nhóm tâm sở (cetasika) có đức tin (saddhā) là trưởng (tín quyền), đi chung với tâm sở Tư (cetanā), vô tham, vô sân và vô si. Và Đức phật không cho chư tỳ khưu chế định học giới.[25] - Niệm thu thúc giới, là nhóm tâm sở có niệm (sati) là trưởng (niệm quyền), đi chung với tâm sở Tư, vô tham, vô sân và vô si. - Trí thu thúc giới, là nhóm tâm sở có trí (paññā) là trưởng, đi chung với tâm sở Tư, vô tham, vô sân và vô si. - Nhẫn nại thu thúc giới, là nhóm tâm sở thiện dẫn đầu là vô sân, chế ngự những khó chịu của tâm trước nghịch cảnh. - Tinh tấn thu thúc giới, là nhóm tâm sở có tấn (viriya) là trưởng, đi chung với tâm sở Tư, vô tham, vô sân và vô si.. - Giới không vi phạm, bao gồm nhóm tâm sở thiện, dẫn dắt tránh vi phạm các điều học đã thọ trì. Trong đó tâm sở Tư có vai trò chính phố hợp với (một trong) ba tâm sở ngăn trừ phần (virati) là: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. 5) Vì sao được gọi là giới? Đối với câu hỏi này, câu trả lời ngắn gọn là: Được gọi là giới vì: - Không để các hành động thân khẩu diễn ra một cách thô bạo và phóng túng, nó kiểm soát và hướng dẫn thân, ngữ, ý được yên lặng. - Là sự nâng đở, làm sanh khởi những loại tâm thiện trong: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế. Ngoài ra, còn sanh khởi những câu hỏi như sau: -"Định cũng hướng dẫn thân, ngữ, ý được yên lặng, vậy việc "hướng dẫn" giữa giới và định có khác nhau không?". Đáp: Giới "kiểm soát thân, ngữ theo đúng pháp", đồng thời ngăn trừ thân, ngữ không cho thô tháo, phóng túng, hướng chúng vào sự yên lặng. Còn Định ngăn chặn tâm và các sở hữu tâm kết hợp với nó, "không cho tán loạn", bằng cách hướng chúng tập trung vào một đề mục. Giới khác định về cách hướng dẫn như thế. - "Địa đại (pathavī) cũng có phận sự "nâng đỡ", vậy phận sự của giới và địa đại có khác nhau không?". Đáp: Giới "nâng đở tâm, tiến từ lãnh vực dục giới sang tâm thiện Sắc giới.. cuối cùng đạt đến tâm thiện Siêu thế". Còn địa đại "nâng đở các pháp khởi sanh khác, không xa lìa nhau". Ví như bà nhũ mẫu giữ hài tử trong đôi tay, không để đứa bé bò lê lết quanh phòng. Tức là phận sự nâng đở của địa đại "không cho vượt thoát", còn phận sự "nâng đở" của giới là "tiến lên". Bộ Thanh Tịnh Đạo chỉ nêu ra hai nghĩa ngữ pháp sīlana như đã giải thích ở trên. Nhưng một số vị Giáo thọ sư khác cho rằng: chữ sīla bắt nguồn từ chữ sira hay sīsa, cả hai đều có nghĩa là "cái đầu". Khi đầu bị đứt thì người ấy chết, cũng vậy khi giới bị hoại, thì tất cả mọi loại phước đều bị hoại. Do đó, chữ sīla hình thành từ chữ sira, hay từ chữ sīsa (thay "s" trong sa bằng "l" thành sīla). Nhưng quan điểm này không thuyết phục, vì nó được rút ra chỉ dựa vào cái âm thanh tương tự từ các chữ sira, sīsa đối với chữ sīla, đồng thời diễn dịch "ý nghĩa cái đầu". Nhưng không bàn về ý nghĩa thật của sīla là: "thói quen, tự nhiên, giới hạnh" như đã định nghĩa ở trên. Tuy đặc tính "thói quen" mang cả 2 nghĩa "tốt lẫn xấu", nhưng chúng ta chỉ xét về thói quen tốt, là thói quen của các bậc hiền trí thưở xưa như chư Phật, các B6ạc Alahán... Ở đây, chữ Sīla được dùng trên phương diện tốt đẹp, như chữ Dhamma (pháp) có thể là thiện pháp hoặc ác pháp, nhưng khi nói "con xin quy y Pháp" thì chữ Pháp ở đây là thiện pháp. Tương tự, chữ "Saṅgha" (tăng) nghĩa là "nhóm", "tụ hội", như: "manussa saṅgha- nhóm người", "sakuma saṅgha- bầy chim". Nhưng khi nói "con xin quy y Tăng" thì Saṅgha chỉ mang ý nghĩa "chúng tỳ khưu". Theo phương cách này, ý nghĩa của chữ sīla nên dùng theo định nghĩa của bộ Abhidāṇappadīpika là "đặc tánh tự nhiên". Và Sīla được gọi là giới "vì đó là đặc tánh tự nhiên của những bậc hiền trí thuở xưa như chư Phật, chư Alahán..." 6) Tứ ý nghĩa của Giới. Trạng thái (lakkhaṇa): Giới có trạng thái (hay đặc tánh) là: kiểm soát những hành động vì thân khẩu của người ta và hướng chúng đi theo con đường đúng. Hay: Giới là nền tảng cho tất cả mọi phước thiện. Ngay cả khi bố thí, giới kiểm soát thân thực hiện hành động bố thí đúng đắn, hay kinh cung kỉnh, phục vụ... Hoặc khi thuyết pháp, giới kiểm soát ngữ, hướng dẫn ngữ đi vào con đường đúng. Do đó nói rằng: " Giới là nền tảng mọi phước thiện". Phận sự (rasa): Giới ngăn chặn sự phạm tội do những hành động thân khẩu không được kiểm soát. Giới giúp người ta duy trì hành kiểm trong sạch, thoát khỏi sự chê bai của bậc trí. Sự hiện khởi (paccupaṭṭhāna): Sự hiện khởi của giới là: "lời nói và việc làm được trong sạch". Khi các bậc trí tuệ suy xét về bản chất của giới, họ thấy rằng: Đó là sự trong sạch thân hành (việc làm của thân), sự trong sạch của ngữ hành và sự trong sạch của ý hành. Nhân cần thiết (padaṭṭhāna): Nhân cần thiết (hay nhân gần) cho giới sanh khởi là: "hổ thẹn tội lỗi (hiri) và ghê sợ tội lỗi (ottappa)". Tuy nghe pháp cũng làm sanh khởi giới, nhưng đó chỉ là nguyên nhân xa. Chỉ qua hổ thẹn tội lỗi, ghê sợi tội lỗi người ta mới từ bỏ thân ác, ngữ ác, và ý ác, nên hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi mới là nguyên nhân cần thiết. Đức Phật có dạy:
7) Lợi ích của giới. Người có giới hạnh được hưởng nhiều lợi ích như tâm hân hoan dẫn đến hỷ lạc (pāmojja), có hỷ lạc dẫn đến thân tâm khinh an (passadhi), thân tâm khinh an dẫn đến định (samādhi). Hoặc là: "Nhờ có giới, định sanh khởi dễ dàng, nhở định sanh khởi giúp hành giả có thể thấy các pháp như thật (yathābhūtañāṇa). Khi đạt đến tuệ quán thấy các pháp như thật, người ấy trở nên nhàm chán đối với sự khổ của luân hồi, nhàm chán các pháp hành mang đến sự khổ. Khi tuệ quán tăng trưởng sung mãn, trở thành tuệ lực, hành giả diệt trừ ái dục, chứng đạt đạo tuệ dẫn đến tuệ quả giải thoát. Nói cách khác, người ấy đã chứng ngộ Nípbàn hạnh phúc tuyệt đối. Như vậy giới có nhiều lợi ích bao gồm sự chứng ngộ Nípbàn. Trong nhiều bài kinh, khi có vị tỳ khưu lâm trọng bịnh, Đức Thế Tôn ngự đến nơi vị ấy ngụ, sau những lới thăm hỏi, Đúc Thế Tôn hỏi rằng: "- Này Vakkali, ngươi có điều gì tự trách mình về giới luật không?[27]... "- Này Assaji, ngươi có điều gì tự trách mình về giới luật không?[28]... Rồi Đức Thế Tôn thuyết giảng lý vô thường của năm uẩn, trợ giúp các vị ấy chứng đắc quả Alahán. Hay: "Này các tỳ khưu, thành tựu năm pháp, vị tỳ khưu đáng được cung kỉnh, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là năm?. -Này các tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đấy đủ giải thoát tri kiến...."[29] Rõ ràng, từ giới vị tỳ khưu thành tựu định, tuệ. giải thoát và giải thoát tri kiến. Thế nào là "đầy đủ giới"? Sự không vi phạm thuộc về thân, sự không vi phạm thuộc về ngữ, sự không vi phạm thuộc về thân ngữ. Đây được gọi là "đầy đủ giới" (sīlasampadā).[30] Ở trong nhiều bài kinh, Đức Phật nêu ra năm lợi ích sau đây mà người thọ trì giới và an trú trong giới có được. "- Này các tỳ khưu, có năm lợi ích cho vị giữ giới, đầy đủ giới. Thế nào là năm? 1- Do nhân không phóng dật,
thâu được tài sản lớn. Người không có giới lúc lâm chung thường hay ân hận về những việc ác đã làm, nên tâm thường bấn loạn, trái lại người có giới không hề hối hận về việc làm của mình khi cái chết đến với người ấy. Thay vào cảnh tượng lúc sắp lâm chung là những việc lành đã làm. Những việc lành này lần lượt xuất hiện trong tâm của người ấy, khiến tâm rơi vào sợ hãi, tâm tỉnh táo để đối mặt với cái chết, giống như một người sắp được cái hủ bằng vàng vui sướng từ bỏ cái hủ đất. Đức Phật có dạy chư tỳ khưu có ước nguyện, trước tiên phải là người đầy đủ giới. - Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu có ước nguyện: 1- Mong rằng: Ta được các bậc đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng. 2- Mong rằng: Ta được các tư cụ như y phục, vật thực, trú xứ và thuốc trị binh. 3- Mong rằng: Những thí chủ cúng dường tứ sự ấy, có được quả báo lớn. 4- Mong rằng: Những thân bằng huyết thống với Ta, khi chúng chết và mệnh chung, nghĩ (đến Ta) với tâm hoan hỷ (và nhờ vậy) được quả báo lớn, lợi ích lớn. 5- Mong rằng: Ta sống luôn nhiếp phục lạc và bất lạc được khởi lên. 6- Mong rằng: Ta sống luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi. 7- Mong rằng: Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phiền toái, Ta chứng được bốn thiền. 8- Mong rằng: ta chứng được 4 thiền Vô sắc. 9- Mong rằng: Ta diệt trừ được ba kiết sử (là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ - Ns), chứng đạt Dự lưu, không còn bị thối đọa. 10- Mong rằng: Chứng được quả Nhất lai. 11- Mong rằng: Diệt trừ năm hạ phần kiết sử, chứng quả bất lai. 12- Mong rằng: Chứng được các loại thần thông. 13- Mong rằng: Thành tựu quả vị Alhán. Muốn thành tựu các ước nguyện ấy, tỳ khưu cần phải thành tựu" viên mãn giới", kiên trì nội tâm định tỉnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.[32]. Khi mở đầu bài kinh này, Đức Thế Tôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giới, vì đó là căn bản cần yếu của sự tu tập để thành tựu những ước nguyện. Theo bản Sớ giải: "Thành tựu viên mãn giới" là Giới học, "kiên trì, nội tâm định tỉnh, không gián đoạn thiền định" là Định học, "thành tựu quán hạnh" là tuệ học. Còn thích sống tại các trú xứ không tịnh là điều kiện để hoàn thành các mục tiêu trên.[33] Về cư sĩ gìn giử năm giới có lợi ích như sau: "Người gìn giữ năm giới, sẽ đoạn tận năm sợ hãi hận thù và sẽ sanh về cõi trời". "Này gia chủ, do duyên sát sanh, người sát sanh hiện tại sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, hiện tại không sanh khởi sợ hãi hận thù, đới sau sanh khởi sợ hãi hận thù,tâm không cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, như vậy sợ hãi hận thù được tịnh chỉ" "Này gia chủ, do duyên lấy của không cho... do duyên tà hạnh trong dục... do duyên nói dối... do duyên đám say rượu men, rượu nấu..."[34]. Hay:
-ooOoo- [1] - A.i, 263, [2] - Mhv, Chương lễ Uposatha, Đại Đức Nguyệt Thiên dịch. [3] - A.ī, 243. [4] - A.i, 234. [5] - Xem S.ii, 226. [6] - A.ii, 26. [7] - Luật Phân tích tỳ khưu - Đại Đức Giác Giới dịch. [8] - A.i, 1. [9] - A.iii, 93. [10] - Itv. 22. [11] - Itv. 23. [12] - S.iv, 168. [13] - Sn - 1035. [14] - Sn - 1055 - 1056. [15] - Luật phân tích tỳ khưu - Đại Đức Giác Giới dịch. [16] - Mhv - Chương da thú, Đại Đức Nguyệt Thiên dịch. [17] - S.ii, 97. [18] - Visdhm, số 130 - Sư cô Thích nũ Trí Hãi dịch. [19] - Mhv - Chương được phẩm, Đại Đức Nguyệt Thiên dịch. Trong chương này có ghi rõ những loại dược chất như là vật thực, nhưng không d8ược xem là vật thực. [20] - Visdh.m - Sư cô Trí Hải dịch. [21] - Visdh.m, số 125. Sư cô Thích nữ Trí Hải dịch. [22] - A.iii,157. [23] - S.iii, 238. [24] - Kho tàng Pháp bảo - Đại trưởng lão Bửu Chơn soạn. [25] - Luật Phân tích tỳ khưu, chương Ưng xả đối trị (nissaggiya), học giới (9-10). Đại Đức Giác Giới dịch. [26] - Dhp- câu 245. [27] - S. iii, 119. [28] - S.iii, 124. [29] - A.iii, 134. [30] - Dhams- Phần Nhị đề kinh, Đại trưởng lão Tịnh Sự dịch. [31] - A.iii, 252. [32] - M.i, kinh Ước nguyện (Ākaṅkheyya sutta) [33] - Bản của Đại trưởng lão Ñāṇamoli, Sư cô Thích nữ Trí Hải dịch. [34] - A.iii, 204. [35] - Dhp, câu 246 - 247. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu
Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 11-2004)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 03-01-2005