Luận
giải Kinh Chánh Tri Kiến Tỳ khưu Chánh Minh
Tiêu đề 15- Trí hiểu rõ về Vô minh (avijjā). Chánh kinh. Chư Hiền, thế nào là vô minh (avijjā), thế nào là tập khởi của vô minh, thế nào là đoạn diệt của vô minh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh? Sự không biết về khổ (dukkhe aññāṇaṃ), không biết về tập khởi của khổ (dukkhasamudaye aññāṇaṃ), không biết về diệt khổ (dukkhanirodhe aññāṇaṃ), không biết về con đường đưa đến diệt khổ (dukkhanirodhagāminī paṭipādāya aññāṇaṃ), chư Hiền, như vậy gọi là vô minh. Từ tập khởi của lậu hoặc (āsava) có tập khởi của vô minh; từ đoạn diệt của lậu hoặc có đoạn diệt của vô minh; và Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt vô minh, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”. Giải. 1- Ý nghĩa từ avijjā. Avijjā phân tích thành na+ căn vid. Căn vid có nhiều nghĩa, nhưng ở đây chỉ cho sự hiểu biết, sự biết rõ (tương đương với ñāṇa - trí). Từ ý nghĩa này, phát sinh chữ veda (minh triết), vedagū, vidū, vedī (bậc minh triết, bậc hiểu biết), vijjā (sáng suốt, thông minh). Avijjā trước tiên có ý nghĩa “không hiểu biết”, ngoài ra còn một số ý nghĩa khác như “sự thờ ơ (với chân lý)”, “sự nhầm lẫn”, “sự mê muội”. - Vô minh với ý nghĩa “không hiểu biết”, là không biết rõ 4 chân lý cao thượng: Khổ, tập, diệt và đạo đế. Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức Thế Tôn: “Avijjā, avijjā’ti bhante, vuccati. Katamā nu kho, bhante, avijjā? “Vô minh, vô minh, bạch Đức Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch đức Thế Tôn, thế nào là vô minh? “Yaṃ kho, bhikkhu, dukkhe aññānaṃ , dukkhasamudaye aññānaṃ, dukkhanirodhe aññānaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññānaṃ . Ayaṃ vuccati, bhikkhu, avijjā. - Này Tỳkhưu, chính không rõ biết về khổ, không rõ biết về khổ tập, không rõ biết về khổ diệt, không rõ biết về con đường đưa đến khổ diệt. Này Tỳkhưu, đây gọi là vô minh”.[1] Một đoạn kinh khác ghi nhận. Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: ““Avijjā, avijjā’ti bhante, vuccati. Katamā nu kho, bhante, avijjā? “Vô minh, vô minh, bạch Đức Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch đức Thế Tôn, thế nào là vô minh? “Iddha, bhikkhu, assutavā puthujjano rūpaṃ nappajānāti, rūpasamudayaṃ nappajānāti, rūpanirodhaṃ nappajānāti, rūpanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānāti. - Ở đây, này Tỳkhưu, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Vedanaṃ nappajānāti ... saññā nappajānāti ... saṅkhāre nappajānāti ... Không biết rõ thọ... không biết rõ tưởng... không biết rõ hành... Viññāṇaṃ nappajānāti, viññāṇasamudayaṃ nappajānāti, viññāṇanirodhaṃ nappajānāti, viññāṇanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānāti. Ayaṃ vuccati, bhikkhu, avijjā... Không biết rõ thức, không biết rõ thức tập khởi, không biết rõ thức đoạn diệt, không biết rõ con đường dẫn đến thức đoạn diệt. Này Tỳkhưu, đây gọi là vô minh.” [2] Hai đoạn kinh trên tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng đều quy về “không biết tứ đế”. Không hiểu biết về tứ đế, đồng nghĩa “không thấy tam tướng của các pháp hữu vi”. Đó cũng là một ý nghĩa của vô minh. Có vị Tỳkhưu bạch hỏi Đức thế Tôn rằng: “Kathaṃ nu kho, bhante, jānato kathaṃ passato avijjā pahīyati, vijjā uppajjatī’ti? “Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào vô minh được đoạn tận, minh được sinh khởi?. “Cakkhuṃ kho, bhikkhu, aniccato jānato passato avijjā pahīyati, vijjā uppajjati. - Này Tỳkhưu, d0 biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sinh khởi.”[3] - Vô minh với ý nghĩa “thờ ơ với sự thật”. Có hạng chúng sinh, nhờ nghe pháp của Đức Thế Tôn tuy hiểu được 4 chân lý này, nhưng không thực hành pháp để chứng đạt những gì cần chứng đạt, được gọi là “thờ ơ với chân lý”, và điều này được xem như “do vô minh chi phối”. Có lần vua Trời Đế Thích cùng thiên chúng đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, nghe Pháp từ Đức Thế Tôn rồi trở về thiên giới. Đức Mụckiềnliên (Moggallāna) muốn biết các thiên tử có thực hành pháp hay không, Ngài đi đến cung trời Đạo lợi, thấy các thiên chúng vẫn say mê trong dục lạc [4]. Đây là ý nghĩa “thờ ơ với chân lý”. Hoặc: “Thành tựu ba pháp, này các Tỳkhưu, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? - Phạm tội không thấy là phạm tội. - Thấy phạm tội nhưng không sám hối (chừa cải). - Người khác thấy phạm tội, nhưng (người phạm tội) không chấp nhận.” [5]. - Vô minh với ý nghĩa “nhầm lẫn”. Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến kết quả vô cùng tai hại, đó là tà kiến. Không biết chưa hẳn dẫn đến điều ác xấu, nó có thể dẫn đến điều tốt, như một đứa bé để dành thức ăn ngon cho cha mẹ, dù rằng nó không biết “đó là điều tốt”. Còn nhầm lẫn, tốt cho là xấu, xấu cho là tốt mới là nguy hại. Người giúp mình lại cho là “kẻ ấy hại ta” nên đem oán báo ân, kẻ hại mình lại cho là “ân nhân”, nên tri ân kẻ thù, đó chẳng phải là hiểm nạn sao?. Ngài Buddhaghosa có giải thích: “Taṃ avindiyaṃ vindatī’ti avijjā: Vô minh là không thấy điều đáng thấy”. Và: “Taṃ vindiyaṃ na vindatī’ti avijjā: Vô minh là thấy điều không đáng thấy.”[6] Điều không đáng thấy là thân ác hạnh, ngữ ác hạnh. Điều đáng thấy là thân thiện hạnh, ngữ thiện hạnh. Đức Phật có dạy: “Avajje vajjadassino; vajje cāvajjadassino. Micchādiṭṭhi samādānā; sattā gacchanti duggatiṃ. “Không lỗi, lại thấy lỗi; có lỗi lại thấy không. Không sợ lại đáng sợ, đáng sợ, lại thấy không. Do chấp nhận tà kiến, chúng sinh đi ác thú (duggatiṃ).”[7] Hay: “Avijjāgatassa, bhikkhave, aviddasuno micchādiṭṭhi pahoti. “Với kẻ bị vô minh chi phối, không biết, này các Tỳkhưu, tà kiến sanh (pahati = uppajjati: sanh khởi)”.[8] - Vô minh với ý nghĩa “mê muội” (hay ngu si, si ám, mê si). Là đồng nghĩa với si (moha), loại vô minh này là nền tảng cho tham (lobha), sân (dosa) cùng các pháp tùy tùng với chúng được sinh lên (sđd), như Kinh văn: “Yā kāc’imā duggatiyo asmiṃ loke paranti ca, avijjāmūlikā sabbā, icchālobhasamussayā. Phàm có khổ cảnh gì, đời này và đời sau. Tất cả do vô minh, làm gốc, làm cội rễ. Dục tham được chất chứa.” [9] Và: “Yena mohena mūḷhāse, Sattā gacchanti duggatiṃ... Với si, bị si mê. Chúng sinh đến khổ cảnh...” [10].. Do vô minh chúng sinh đến khổ cảnh, bị si mê chúng sinh đến khổ cảnh, như vậy vô minh (trong trường hợp này) đồng nghĩa với si mê (moha). Tóm lại, vô minh chỉ là trạng thái “không sáng suốt” khi đối diện với chân lý, khi đứng trước cảnh. Vô minh tuy có gốc rễ là si (moha) nhưng lại khác si, si dẫn xuống khổ cảnh còn vô minh có thể dẫn đến nhàn cảnh. Có thể hình dung Si (moha) như người đi trong đêm đen, luôn luôn gặp những tai họa, còn vô minh như người như người đi trong bối cảnh mờ mờ ảo ảo, có thể lạc đường, nhầm lẫn nhưng ít gặp tai họa hơn. Hoặc ví như người mù đi lang thang vô định, người ấy có lúc leo lên núi cao (ví như vô minh), cũng có lúc lần xuống vực thẳm (ví như si), cả núi cao hay vực thẳm y đều không biết, cũng vậy, có những lúc vô minh trợ giúp trợ tạo thiện nghiệp, có những lúc trợ tạo ác nghiệp. Điểm chính của vô minh là ngăn che đạo quả và Nípbàn, dẫn dắt chúng sinh đi vào luân hồi. a- Những giải thích về từVô minh. Pāli có giải thích về avijjā (vô minh) như sau [11]: - Vijjā paṭikkhati = avijjā: Chống lại (paṭi) sự sáng suốt, gọi là vô minh. - Catusaccadhammaṃ vidati pākataṃ karotī’ti = avijjā: Làm cho không biết pháp bốn sự thật (Tứ đế) , gọi là vô minh. -Avindiyaṃ vindatī’ti = avijjā: Vui thích trong (pháp) đau khổ (ác xấu), gọi là vô minh. Nghĩa là, những pháp người đời cho là lạc như danh tiếng, quyền lực, lợi đắc... thật sự là “đau khổ”, vui thích với những pháp tiềm ẩn đau khổ như thế, gọi là vô minh. -Vindiyaṃ navindatī’ti = avijjā: Không vui thích trong pháp tốt đẹp, gọi là vô minh. - Avijjamāne javāpetī’ti = avijjā: Không biết (pháp) hiện tại, gọi là vô minh. (avijjamāna là không biết hiện tại, javāpeti = java (chạy nhanh) + apeti (biến mất). Tức là, vô minh làm cho tâm chỉ biết “cái quá khứ”, hay “cái vị lai”, hai cái biết này là “do tưởng tạo thành”, cái gì do tưởng biết, tưởng tạo thành, thường là cảnh chế định (sammutārammaṇa), vì “biết rõ trong hiện tại là biết được thực tính pháp”. Do đó, Đức Phật dạy: “Atītaṃ nañvāgameyya, nappaṭikaṅkhe anāgataṃ... Quá khứ kkông truy tầm, tương lai không ước vọng...”[12]. Hay: “Anāgatappajappaaya, atītassānusocanā. Etena bālā sussanti, naḷova harito luto’ti. “Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua. Nên kẻ ngu héo úa, như lau xanh rời cảnh”[13] Và cũng vì thế nên các Giáo Thọ Sư dạy: “Vô minh chỉ biết cảnh chế định”. - Vijjāmāne na javāpetī’ti = avijjā: Không biết pháp chân đế (như uẩn, xứ, giới...), gọi là vô minh. - Veditabbaṃ aviditaṃ karotīti = avijjā: Làm cho không biết điều đáng biết, gọi là vô minh. Có thể hiểu: “Biết điều không đáng biết, không biết điều đáng biết, đều là vô minh”. Điều đáng biết là gì? Chính là Bốn sự thật: Khổ, nguyên nhân sinh khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Theo Phật giáo, bậc thiện trí thức (sappurisa) là bậc đã thấy được 4 điều này, người không thấy được bốn sự thật, không phải là bậc thiện trí thức, cho dù đó là vị Hoàng Đế, hay các Samôn, Bàlamôn học rộng biết nhiều. “Yathindakkhīlo paṭhaviṃ sito siyā. Catubbhi vātebhi asampakampiyo. Tathūpamaṃ sappurisaṃ vadāmi. “Như cây cột trụ đá. Khéo nương tựa (sito) lòng đất. Dầu có gió bốn phương. Cũng không thể giao động. Ta nói bậc chân nhân (sappurisa). Giống như ví dụ này. Vị thể nhập với tuệ. Thấy được bốn Thánh đế.”[14] Các vị Thánh Alahán còn triển khai ý nghĩa “không biết bốn sự thật” qua các hình thức khác như: không biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của ngũ uẩn [15], không biết vị ngọt, nguy hại, sự xuất ly của ngũ uẩn.[16] b-Bốn ý nghĩa thực tính của vô minh. - Trạng thái: Không biết (añāṇalakkhaṇā) - Phận sự: Làm tối tăm các pháp (ngay cả chính nó) (sammoharasā) - Thành tựu: Ngăn che bản thể thực tính của các pháp (ohādanapaccupaṭṭhānā). - Nhân cần thiết: Có pháp ngâm tẩm (āsavapadaṭṭhānā) Giải. - “Không biết”. Biết có ba loại: Biết do trí, biết do tưởng, biết do thức, “không biết” ở đây ám chỉ “không có cái biết của trí”. Mặt khác, “không biết” là không biết nguyên nhân sinh khổ, không biết con đường diệt khổ. Trước thời Đức Phật, các Samôn, Bàlamôn cũng biết khổ, nhưng nguyên nhân sinh ra khổ thì các vị ấy cho rằng: “Do Thượng Đế tạo ra” hay “do nghiệp quá khứ”, Đức Phật đã bác bỏ thẳng thừng quan điểm “khổ do nhân Thượng Đế tạo ra”, đối với quan điểm “khổ do nhân nghiệp quá khứ”, Đức Phật cũng không chấp nhận hoàn toàn, nghĩa là “có phần là thế, có phần lại không”.[17] Và Đức Phật chỉ ra “nguyên nhân sinh khổ là do ái “. Để diệt khổ các vị ấy thực hành những tà pháp, thế là “không biết phương pháp trừ diệt khổ”. Đã không biết “con đường dẫn đến diệt khổ”, tất nhiên “sự diệt khổ” cũng không biết nốt. Các Samôn, Bàlamôn trước thời Đức Phật, tuy biết khổ, nhưng cái biết này do tưởng “vẽ lại”, còn khổ đang đình trụ, đang diễn tiến thì không thể “thấy - biết”. Tóm lại, vì vắng mặt của trí, nên “không biết bốn sự thật”. - “Làm tối tăm các pháp”. Là làm cho tâm cùng các pháp sinh chung với tâm không nhận định được đâu là chân lý, đâu là thực, đâu là phi chân lý, đâu là ảo. Ví như ảo thuật gia làm hoa mắt người xem để thực hiện việc làm riêng của mình. - “Ngăn che bản thể thực tướng”. Tức là ngăn che 3 tướng trạng của pháp hữu vi. Ngay cả khi hành giả có nhận thức được “khổ”, vô minh tạo ra “lạc” để ru ngũ tâm. Trong “lạc thọ” đã có “khổ ẩn vào”, nhưng hành giả không nhận thức được. Đó là thành tựu của Vô minh, nên Đức Phật dạy: “Hãy quán thọ khổ như mũi tên, quán thọ lạc là khổ, quán thọ xả là vô thường”. - “Có pháp rịn thấm (āsavadhamma)”. Là có pháp “rỉ ra, thấm vào”, ví như nhựa cây rỉ ra từ vết nứt thân cây, rồi thấm vào thân cây, giác cây. Pháp ngâm tẩm ở đây chỉ cho: Dục rịn thấm (kāmāsava), hữu rịn thấm (bhāvāsava), kiến rịn thấm (diṭṭhāsava) và Vô minh rịn thấm (avijjāsava). 2- Các dạng thức của Vô minh. Vô minh xuất hiện rất đa dạng, có rất nhiều hình thức tùy theo sự hoạt động của nó. Trước tiên, vô minh là gốc rễ của tất cả bất thiện pháp, vì kẻ tùy tùng đắc lực của vô minh là phóng dật (uddhacca), chính phóng dật khiến tâm chỉ biết (cảnh) quá khứ hay (cảnh) vị lai, xa lìa pháp hiện tại. “(Evameva kho), bhikkhave, ye keci akusalā dhammā sabbe te avijjāmūlakā... “(Cũng vậy), này các Tỳkhưu, phàm có những bất thiện nào, chúng đều lấy vô minh làm cội rễ... “Tasmātiha, bhikkhave, evaṃ sikkhitabbaṃ “appamattā viharissāmā’ti”. Do vậy, này các Tỳkhưu, các ngươi cần phải học tập như sau: “Chúng ta sống không phóng dật (appamatta là tên gọi khác của niệm - sati - Ns).”[18]. Nhờ có niệm mạnh, phóng dật bị tiêu trừ, do đó các bất thiện pháp không thể sinh lên. Và một khi chánh trí xuất hiện thì vô minh không thể có mặt, thế là tâm không chạy theo quá khứ hay vị lai. “Appamādarato bhikkhu, pamāde bhayadassi vā, Abhabbo parihānāya. Nibbānass’ eva santike. “Vị Tỳkhưu thích thú trong chú niệm, thấy sợ hãi trong phóng dật, (vị ấy) không còn thối đọa, vị ấy đối diện với Nípbàn.”[19] Hay:“Này các Tỳkhưu, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sinh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): “Ta có trong quá khứ? Ta không có mặt trong quá khứ. Ta có mặt như thế nào trong quá khứ... Hay không chạy theo tương lai (với những câu hỏi): “Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai?...”[20] Chính do ý nghĩa này, các Luận Sư đã bảo: Chi pháp của vô minh là tâm sở Si (mohacetasika). - Vô minh xuất hiện với dạng dòng nước mạnh (oghā), lôi cuốn chúng sinh vào luân hồi, được gọi là avijjoghā [21] (vô minh bộc lưu hay vô minh cuồng lưu). Chữ oghā, Pāli có giải thích như sau: “Avattharitvā hanantīti = oghā: Tràn ngập, xâm hại chúng sinh, gọi là cuồng lưu.[22] - Vô minh xuất hiện với dạng pháp che lấp (nīvaraṇadhamma), ngăn cản không cho trí sinh khởi để chứng đắc thiền hoặc Đạo quả, được gọi là avijjānīvaraṇa (Vô minh che lấp).[23] Pāli có giải thích từ nīvaraṇa như sau: “Jhānadika nīvārentīti = nivaraṇāni: Ngăn chận, không cho chứng đạt Thiền, gọi là che lấp (sđd). - Vô minh xuất hiện với dạng ngủ ngầm (anusaya), như Kinh văn: “Yato kho, bhikkhave, bhikkhuno sukhāya vedanāya rāgānusayo pahīno hoti, dukkhāya vedanāya paṭighānusayo pahīno hoti. Adukkhamasukhāya vedanāya avijjānusayo pahīno hoti... “Này các Tỳkhưu, khi nào Tỳkhưu đoạn tận tham ngủ ngầm (rāganusaya) với lạc thọ, đoạn tận sân ngủ ngầm (paṭighānusaya) với khổ thọ, đoạn tận vô minh ngủ ngầm (avijjānusaya) với thọ không khổ không lạc...” [24] Gọi là “ngủ ngầm - anusaya”, là khi có cơ hội thích ứng các pháp này sẽ sinh lên. Như sóng vốn không có sẵn trong nước, nhưng khi có gió thì sóng nổi dậy. Pāli có giải thích như sau: “Santāna anu anu sentī’ti = anusaya: Pháp (dường như) ngủ nghĩ liên tục, gọi là ngủ ngầm.” “Anurūpaṃ kāranaṃ labhitvā santi uppajjantī’ti = anusaya: Theo sắc (dường như) ngủ yên, khi gặp điều kiện thích hợp thì sinh lên, gọi là ngủ ngầm. Tuy pháp ngủ ngầm cũng có thể nương theo danh pháp sinh lên khi gặp điều kiện thích ứng, nhưng phần lớn do nương theo sắc pháp, cho dù chứng đạt thiền Sắc giới, pháp ngủ ngầm cũng nương sinh do có liên hệ đến sắc tưởng, ngoại trừ những vị chứng thiền Vô Sắc, nhưng những vị chứng thiền Vô sắc rất ít. - Vô minh xuất hiện với dạng ngâm tẩm (āsavadhamma), (chữ āsava, các vị Tiền bối thường dịch là lậu hoặc - Ns). “Tayome, bhikkhave, āsavā. Katame tayo? Kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo. Ime kho, bhikkhave, tayo āsavā’ti. “Này các Tỳkhưu, có ba loại ngâm tẩm này. Thế nào là ba? Dục ngâm tẩm, hữu ngâm tẩm, vô minh ngâm tẩm. Này các Tỳkhưu, có ba ngâm tẩm này.” [25] - Vô minh xuất hiện với dạng dây trói buộc (saṃyojana: triền)[26], gọi là vô minh triền (avijjāsaṃyojana). Pāli có giải thích: “Saṃyojananti bandhantī’ti = saṃyojana: Cột trói (chúng sinh), gọi là triền. Có vị chư thiên bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Kiṃsu saṃyojano loko, kiṃsu tassa vicāraṇaṃ. “Vật gì trói buộc đời?. Vật gì lôi kéo đời?. Đức Thế Tôn đáp: “Nandī saṃyojano loko, vitakkassa vicāranaṃ “Chính hỷ trói buộc đời, tầm cầu lôi kéo đời”[27]. Sự cột trói này có ba loại: Cột trói bình thường, gọi là triền. Cột thắt cứng (khá chặc), gọi là kết (yoga), vô minh xuất hiện với dạng này, gọi là vô minh kết (avijjāyoga)[28]. Tức là vô minh cột khá chặt chúng sinh vào vòng luân hồi, pāli có giải thích: “Vaṭṭasmiṃ satte yojentī’ti - yoga: Cột chúng sinh dính khắn khít vào luân hồi, gọi là kết. Và “cột cứng chắc”, gọi là gantha hay bandha (phược)[29], nhưng vô minh không xuất hiện với dạng này. 3- Phân tích vô minh. - Vô minh có một loại: Không biết, không thấy. Là không biết, không thấy chân lý, nên luôn luôn bị vô minh dẫn dắt vào sinh tử luân hồi. “Dīgho bālānaṃ saṃsāro, saddhamaṃ avijjānataṃ. “Kẻ ngu luân hồi dài, do không biết diệu pháp” [30]. - Vô minh có 2 loại: Không thực hành điều nên thực hành, thực hành điều không nên làm. “Không thực hành điều nên thực hành”, là không làm những thiện sự, hay thực hành bát chánh đạo, “Thực hành điều không nên thực hành”, là tạo những ác, bất thiện nghiệp từ thân, ngữ, ý hay thực hành những pháp khổ hạnh thuộc tà giải thoát. Lại nữa, vô minh có hai loại: “Điều sai lầm cho là đúng, điều đúng lại cho sai lầm”. Ám chỉ sự “nhầm lẫn” của vô minh, từ đó nảy sinh tà kiến. “Asāre saramatino. Sāre cāsāradassino... “Cốt lõi, cho không cốt lõi. Không cốt lõi, thấy là cốt lõi...” [31]. - Vô minh có ba loại: Là tâm sở Si tương ưng với ba thọ. Chính vì không biết sự nguy hại của thọ, vì thọ dẫn đến ái, bao giờ còn ái là còn lưu chuyển trong luân hồi. - Vô minh có bốn loại: Là bất tri tứ đế. - Vô minh có 5 loại: Là che đậy tội lỗi trong 5 nẻo tái sinh: Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người và trời.. - Vô minh có sáu loại. Là không thấy vô thường, khổ, vô ngã trong sáu môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý môn) và sáu cảnh (sắc, thinh, mùi, vị, xúc và pháp cảnh), như “không thấy mắt là vô thường, khổ, vô ngã, tai là vô thường, khổ vô ngã .... Phần 2. Bất tri tứ đế. Nên phân biệt đế và Thánh đế, đế là sự thật theo thường tình, còn Thánh đế là sự thật của bậc thánh, vì thành tựu Thánh vị nên gọi là Thánh đế, là sự thật cao quý không hề thay đổi. Sự thật theo thường tình (lokiyasacca - tục đế) thường thay đối, có những sự thật theo thường tinh, nhưng bậc Thánh không thực hành, như: “Này các Tỳkhưu, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sinh, câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm.... Những câu chuyện như thế này, này các Tỳkhưu không đưa đến mục đích, không làm căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Nípbàn”.[32] Hay, theo thường tình thì “thương yêu mà gần” họ cho là lạc, trái lại bậc Thánh vẫn xem là khổ... như bà Dhammadinnā có trả lời ôngVisākha, khi ông hỏi: “Sukhā pan’ayye vedanā kiṃ sukhā kiṃ dukkhā? - Thưa Ni sư, trong thọ lạc, cái gì là lạc cái gì là khổ. “Sukhā kho āvuso Visākha vedanā ṭhitisukhā vipariṇāmadukkhā. - Này hiền giả Visākha, trong thọ lạc, đang trú là lạc, diệt mất là khổ.[33] Tứ đế ở đây ám chỉ Tứ Thánh đế, đối với bậc Thánh thì: - Khổ đế cần phải thắng tri. - Tập đế cần phải đoạn trừ. - Diệt đế cần phải tác chứng. - Đạo đế cần phải tu tiến. I - Không biết về khổ (dukkhe aññāṇaṃ). 1- Ý nghĩa từ dukkha (khổ). Chữ aññāṇaṃ là chỉ cho tâm sở Si. Chữ dukkha có rất nhiều ý nghĩa, theo nghĩa từ nguyên thì DU (xấu xa, khó chịu) + KHA (rổng không, trống không) = dukkha. Sở dĩ gọi là xấu xa, khó chịu vì là chỗ trú của nhiều hiểm nạn, gọi là “trống rỗng” vì chỗ trú không bền vững, không có cốt lõi. Chỗ trú của khổ ở đâu? Chính là danh sắc, danh sắc là chỗ trú của khổ. Thế gian này được khởi lên do có danh sắc, mà danh sắc lại “rỗng không”, bất cứ điều nào bám vào danh sắc hay ngũ uẩn đều dẫn đến khổ. Đức Phật có ví dụ: “Sắc uẩn như bọt nước, thọ uẩn ví như bong bóng nước, tưởng uẩn ví như hoa nắng, hành uẩn ví như cây chuối (không có lõi) và thức uẩn ví như trò ảo thuật.”[34]. Và Ngài dạy ngắn gọn trong kinh Chuyển Pháp Luân là: “Pañcupādakkhandhā dukkhā: Nắm giữ năm uẩn là khổ”. Như vậy, nắm giữ năm uẩn chính là cái khổ cùng tột, cái khổ sinh tử luân hồi, không thấu rõ sự thật về khổ chính là ở điểm này. Vì sao nắm giữ 5 uẩn? Vì có vị ngọt trong năm uẩn. Chính vị ngọt (là hỷ lạc) của năm uẩn dẫn dắt chúng sinh luân chuyển trong tam giới, đồng thời chính nó che lấp cái nguy hại của 5 uẩn. Đã không thấy được nguy hại qua đặc tướng vô thường của năm uẩn, thì làm sao thấu đáo được “khổ”, thế là ngoan ngoãn đưa tay cho vô minh trói buộc. “Yaṃ kho lokaṃ paṭicca upajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ loke assādo. “Do duyên với đời khởi lên lạc, hỷ gì, đấy là vị ngọt(assāda) ở đời”[35] (đời ở đây chỉ cho danh sắc hay năm uẩn- Ns). Thì ra, chính hỷ tham (nandī) trợ giúp sức mạnh cho vô minh để ngăn che trí, không cho trí biết rõ khổ. Cái vị ngọt ở đời, chính là sắc, thinh, hương, vị, xúc do mắt, tai mũi, lưỡi, thân tiếp nhận, các pháp khả hỷ, khả lạc liên hệ đến dục (kāma) do ý tiếp nhận. Tất cả đều bị định luật vô thường chi phối, chúng luôn đổi thay tiêu hoại, bám víu vào chúng, thích thú với chúng thì quả là vô trí. Đức Phật dùng hình ảnh người đốt lá, cỏ hay cây trong rừng Jeta, người khác không nghĩ rằng: “Người này đang đốt ta hay những vật của ta”. Và Ngài dạy: “Yaṃ, bhikkhave, na tumhākaṃ taṃ pajahatha. Taṃ vo pahīnaṃ hitāya sukhāya bhavissati. “Này các Tỳkhưu, cái gì không phải của các ngươi, hãy từ bỏ chúng.Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc an lạc”.[36] Bám giữ năm uẩn, cho là ta, là của ta , đó là khổ. Có vị chư thiên bạch hỏi Đức Phật: “Kismiṃ loko patiṭṭhito’ti - Trên gì đời an trú?. Đức Phật trả lời: “Dukkhe loko patiṭṭhito’ti: Trên khổ, đời an trú.”[37]. (đời - loka, ở đây chỉ cho danh sắc hay năm uẩn - Ns). Hiểu biết cái khổ của danh sắc là điều rất quan trọng, từ đó định hướng cho tâm thoát ra sự khổ, “tâm đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh”[38]. Thật ra, chúng sinh vẫn thấy khổ, nhưng chỉ hiểu cái khổ trên phương diện thế tục, còn trên phương diện chân lý thực tính khổ của danh sắc thì không thấu đáo. Ngài Buddhaghosa có nêu lên: “Khổ có bốn ý nghĩa: là bức bách (pīḷana), là bị tạo ra (saṅkhata), là nóng bức (santāpa), là biến đổi(vipariṇāma). Đây là bốn nghĩa của Thánh đế về khổ”.[39] -Khổ với ý nghĩa là “bức bách”. Danh sắc này cho dù bên ngoài hay bên trong đều chịu sự hư hoại, muốn bền vững không thể được, ví như người ở khoảng không muốn dừng cũng không được, người ấy đang bị “sự rơi” bức bách. Chính vì không thể làm chủ được lạc, nên khổ xuất hiện, muốn khổ đừng có, khổ cứ hiện lên, khổ bức bách thân-tâm đi vào khó chịu, đau đớn. - Khổ với ý nghĩa là “bị tạo ra”. Pháp nào “bị tạo ra” pháp ấy là khổ, như Phật ngôn: “Sabbe saṅkhārā dukkhā’ti: Các pháp hữu vi là khổ.” - Khổ với ý nghĩa là “nóng bức”. Là thích thú khi đạt được cái yêu thích, tâm phừng phựt như ngọn lửa bốc cao, không đạt được hoặc mất đi cái yêu thích, tâm rơi vào sầu muộn, héo xào giống như lá cây bị lửa làm cho co lại, héo úa. Đức Phật có dạy: “Cakkhu, bhikkhave, ādittaṃ, rūpa ādittā, cakkhuviññāṇaṃ ādittaṃ, cakkhusamphasso āditto. “Này các Tỳkhưu, mắt bị bốc cháy, các sắc bị bốc cháy, nhãn thức bị bốc cháy, nhãn xúc bị bốc cháy. “Yampidaṃ cakkhusamphassapaccayā upajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā tampi ādittaṃ. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay không lạc không khổ, cảm thọ ấy bị bốc cháy. “Kena ādittaṃ? Rāgagginā, dosagginā, mohagginā ādittaṃ. Jātiyājarāya maraṇena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi, ādittan’ti vadāmi. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.”[40]. Tương tự như thế đối với các xứ còn lại là: Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cùng với thanh, mùi, vị, xúc thân và pháp. - Khổ với ý nghĩa “biến đổi”. Ám chỉ kết quả tất yếu của sự vô thường, cái gì vô thường cái ấy dẫn đến khổ. Pāli có giải thích dukkha (khổ) như sau: “Dukkhananti = dukkhaṃ: Nhận lấy khó chịu (xấu), gọi là khổ. Hay: “Dukkucchitaṃ hutvā kāyikasukkhaṃ khaṇatī’ti = dukkhaṃ: (Pháp nào) xấu xa, khó chịu, làm tiêu hoại sự an lạc thân từng sátna (khaṇa), gọi là khổ. [41] (đây là nói về khổ của thân - Ns). 2- Thực tính của khổ đế. [42] -Trạng thái: Bị bức bách (bādhanalakkhaṇaṃ) - Phận sự: Làm cho nóng bức (santāpanarasaṃ). - Thành tựu: Hiện bày ra (pavattipaccupaṭṭhāṇaṃ). - Nhân cần thiết: Có danh sắc. (nāmarupapadaṭṭhānaṃ). 3- Phân tích khổ. Thật ra, cái khổ chỉ một kiếp nhân sinh thôi, cũng nhiều vô số như nước chứa trong đại dương, không ai biết tất cả khổ ngoại trừ bậc Chánh Giác. Tuy vậy vẫn có thể hiểu thấu khổ, ví như người chỉ uống chút ít nước biển cũng biết được vị mặn của biền. Do đó, Đức Sāriputta (Xálợiphất) dạy: “Dukkhaṃ ariya saccaṃ, dukkhasamudayaṃ ariya saccaṃ, dukkhanirodhaṃ ariya saccaṃ, dukkhanirodha gāminī paṭipadā ariya saccaṃ. Ime cattāro dhammā abhiññeyyā. “Sự thật cao quý về khổ, sự thật cao quý về tích tập của khổ, sự thật cao quý về diệt khổ, sự thật cao quý về con đường dẫn đến diệt khổ. Đó là bốn pháp cần phải hiểu cao tột.”[43].. Tức là hiểu về khổ không cần phải hiểu nhiều, hiểu rộng mà là phải hiểu sâu, nhất là hiểu rõ về bản chất thật của năm uẩn, bấy nhiêu cũng đủ. Mọi người đều biết khổ, nhưng phần nhiều biết theo thế tục như nghèo là khổ, xấu là khổ, bị thất bại là khổ, vất vả là khổ ... họ không biết cái khổ đúng theo thực tướng. Có những điều theo bậc Thánh (ariya) là khổ, thì người đời cho là hạnh phúc, như: Giàu có, quyền uy, danh vọng, chức vị ... Bốn sự thật (sacca) được gọi là Thánh đế vì là “cái biết, cái thấy của bậc Thánh”. Gọi là Thánh đế vì là cái thấy, biết cao quý (ariya). Có ba cách hiểu về “sự cao quý”: - Gọi là cao quý, vì đó là cái biết của bậc Thánh. Bậc Thánh (ám chỉ Đức Chánh Giác) thông suốt bốn chân lý này, các Ngài dạy cho chúng sinh cùng hiểu để giải thoát khỏi sinh tử. “Sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya Tathāgato ariyo; tasmā ariyasaccānī’ti vuccanti. “Này các Tỳkhưu, trong các thế giới chư thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, và quần chúng Samôn, Bàlamôn, Như Lai là bậc Thánh, do vậy được gọi là Thánh Đế”.[44] - Gọi là cao quý, vì khi thấu triệt một sự thật, sẽ đưa đến thành tựu địa vị Thánh nhân, trở thành bậc cao quý. Tôn giả Gavampati có dạy: “Sammukhā metaṃ, āvuso, bhagavato sutaṃ, sammukhā paṭiggahitaṃ - “yo bhikkhave, dukkhaṃ passati dukkhasamudayampi so passati, dukkhanirodhampi passati, dukkhanirodhagāminiṃ paṭipādampi passatī’ti. “Này chư Hiền, tôi tự thân nghe từ Đức Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như sau: “Này chư Tỳkhưu, ai thấy khổ, người ấy cũng thấy khổ tập, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt”...[45]. Và: “Này các Tỳkhưu, do biết, do thấy: “Đây là khổ, các lậu hoặc được đoạn tận”. Do biết, do thấy: “Đây là khổ tập”.... Do biết, do thấy: “Đây là khổ diệt”... Do biết, do thấy: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, các lậu hoặc được đoạn tận”.[46] Nội dung bài kinh nêu lên: “Biết và thấy một sự thật (bất kỳ sự thật nào về bốn sự thật) sẽ thấy cả bốn”. Như vậy, không thấy được khổ theo đúng chân lý, đồng nghĩa không thấy cả bốn sự thật, và đó là do vô minh bao phủ (phần đông Phật tử chúng ta chỉ mới biết khổ nhưng chưa thấy “sự thật của khổ”. Ns) - Gọi là cao quý, vì những sự thật này không hề có hư ngụy, hay thay đổi trở thành khác, như đã là vô thường thì không thể nào trở thành thường, đã là khổ thì không thể nào là lạc cho dù có biến đổi ra sao vẫn là khổ... “Cattārimāni, bhikkhave, ariyasaccāni. Katamāni cattāri? “Này các Tỳkhưu, có bốn thánh đế? Thế nào là bốn?. Dukkhaṃ ariyasaccaṃ, dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ, dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadā ariyasaccaṃ. Thánh đế vế khổ, Thánh đế về khổ tập, Thánh đế về khổ diệt, Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Imāni kho, bhikkhave, cattāri ariyasaccāni tathāni avitathāni aññathāni. Tasmā ariyasaccāni’ti vuccanti. “Bốn Thánh đế này, này các Tỳkhưu, là như thật, không lìa như thật, không khác như thật. Do vậy, được gọi là Thánh đế.”[47] Bộ Vibhaṅga (Phân tích) trong Tạng Luận có nêu ra 12 cái khổ là: - Sanh là khổ (jātipi dukkhā). - Già là khổ (jarāpi dukkhā). - Chết là khổ (maraṇaṃpi dukkhaṃ). - Sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ (sokaparidevadukkhadomanassupāyāsāpi dukkhā). - Gần cái không ưa là khổ (appiyehi sampayogo dukkho). - Xa lìa cái thương mến (piyehi vippayogodukkho) là khổ. - Mong muốn không được là khổ (yampicchaṃ na labhati). Tóm lại, nắm giữ năm uẩn là khổ (pañcupādānakkhandhā dukkho). Trong kinh Chuyển Pháp Luân có nêu thêm: Bịnh là khổ (byādhipi dukkhā), là nói đến cái khổ riêng của chúng sinh có sắc thô như nhân loại, súc sinh để dẫn dắt trí năm Ngài KiềuTrầnNhư (Koṇḍañña) tiến đắc Đạo quả, còn Bộ Phân tích nói đến cái khổ chung của tất cả chúng sinh là “sinh, già, chết”.[48] Bàn về bịnh là khổ. Bịnh có hai loại: Thân bịnh và tâm bịnh. Thân bịnh chỉ có đối với chúng sinh thai sinh, noãn sinh và thấp sinh, chúng sinh hóa sinh như ngạ quỷ, chư thiên, Phạm thiên hữu sắc thì không có thân bịnh (vì đó là loại sắc tế). Tâm bịnh là: sầu, bi, khổ, ưu, não được đề cập kế tiếp. Nhìn tổng quát, chúng ta thấy rằng; - Sinh, già, bịnh, chết là nêu bày “khổ phổ biến - sāmaññadukkha”, vì đã có sinh muốn không bị già, muốn không bị bịnh, muốn không bị chết là điều không thể có được [49]. Còn “sầu, bi, khổ, ưu, não, ghét phải gần, thương phải xa, muốn không được” là “khổ cá biệt - visesadukkha”, cái khổ chỉ có riêng với số chúng sinh này mà không có đối với chúng sinh khác (sđd). - Sinh, già, bịnh chết là nói đến cái khổ của thân lẫn tâm, còn “sầu, bi, ưu, não, ghét phải gần, thương phải xa, mong muốn không được” là nói đến cái khổ của tâm. - “Khổ” là nói riêng khổ thân. Nói theo tính chất “do duyên sinh khởi” thì: - Già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, có duyên chủ yếu là “sinh”(theo lý duyên khởi), còn “ghét phải gần, thương phải xa, muốn không được”, duyên chủ yếu là “sinh lẫn ái”. Sinh có mặt lại do ái làm duyên. Sinh - già - chết là ba giai đoạn diễn hoạt của khổ. Sinh là khổ của năm uẩn đang hình thành. Già là khổ của năm uẩn đang diễn tiến (ở chặng giữa). Chết là khổ của năm uẩn ở giai đoạn cuối. Ví như ngọn lửa vừa nhen lên (sinh), ngọn lửa cháy sáng (già) và ngọn lửa thiêu rụi vật đang bị đốt (chết), cái gì là nhiên liệu cho ngọn lửa? Chính là ái danh sắc. “Nắm giữ năm uẩn là khổ”, là tổng quát về khổ. Trong hiện tại có thân năm uẩn là do “nắm giữ” trong quá khứ. Hiện tại “nắm giữ năm uẩn” tất nhiên năm uẩn trong tương lai (đời sau) sẽ hiện hữu. Thế là, khổ cứ theo nhau tiếp diễn. Đức Phật dạy: “Upādāne bhayaṃ disvā, jātimaraṇasambhave. Anupādā vimuccanti, jātimaraṇasaṅkhaye. “Thấy sợ trong chấp thủ, trong hiện hữu sinh tử. Được giải thoát, không thủ, sinh tử được đoạn trừ”.[50] Lại nữa, khổ khi phân tích theo đặc tính thì có ba. Có vị Tỳkhưu có bạch hỏi Đức Sāriputta(Xálợiphất) rằng: “Dukkhaṃ, dukkhan’ti, āvuso Sāriputto vuccati. Katamaṃ nu kho, āvuso, dukkhan’ti? “Khổ, khổ, này hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Này hiền giả, thế nào là khổ?. “Tisso imā, āvuso, dukkhatā, dukkhadukkhatā, saṅkhāradukkhatā, vipariṇāmadukkhatā. - Này hiền giả, có ba khổ tánh (dukkhatā) này: Khổ khổ tánh (dukkhadukkhatā), hành khổ tánh (saṅkhāradukkhatā), biến khổ tánh (vipariṇāmadukkhatā).[51] Khổ khổ tánh là nói đến khổ thân (kāyikadukkha) và khổ tâm (cetasikadukkha). Chi pháp của khổ thân là “(tâm) thân thức thọ khổ - dukkhasahagataṃ kāyaviññānaṃ”. Chi pháp của khổ tâm là “hai tâm sân”. “Sầu, bi, khổ, ưu, não ... muốn không được”, liệt vào khổ khổ tánh (vì liên hệ đến (tâm) thân thức thọ khổ và hai tâm sân) Hành khổ tánh là cái khổ của pháp hữu vi khi sinh lên, chi pháp là thọ xả. Sinh là khổ được liệt vào hành khổ tánh. Biến khổ tánh là cái khổ của pháp hữu vi khi diệt mất, chi pháp là thọ lạc khi bị diệt. “Già - chết” được liệt vào phần này. Xét ra, vị Thánh Alahán chí đến Đức Phật Chánh giác, khi còn thân năm uẩn các Ngài không có khổ tâm, nhưng khổ thân, hành khổ, hoại khổ vẫn còn. Như vậy, cần phải hiểu khổ qua hai phương diện: Hiện tượng khổ và tánh khổ. Hiện tượng khổ có hai loại: - Khổ phổ biến (sāmaññadukkha). Là cái khổ không một chúng sinh nào tránh khỏi khi còn thân năm uẩn, cho dù là vị Thánh Alahán, bậc Độc Giác Phật hay bậc Chánh đẳng giác, đó là “già, chết”. Già chết không từ chối một ai [52] nên già, chết được gọi là khổ phổ biến. Nổi bật nhất của hiện tượng khổ là khổ thân, nó hiển lộ rõ nhất ở chúng sinh hạ đẳng như chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhân loại tuy không hẳn là hạ đẳng, nhưng không cao cấp như chư thiên, Phạm thiên. Đồng thời sự khổ thân của nhân loại cũng đa dạng. Thông thường người giàu ít khổ thân hơn so với người nghèo khổ nhưng không hẳn hoàn toàn như vậy, nghèo mà thân khỏe mạnh vẫn ít khổ hơn giàu mà thân bịnh triền miên ... - Khổ cá biệt. Là nổi khổ riêng cho từng cá nhân, nỗi khổ này cũng rất đa dạng. Sầu, bi, khổ, ưu, não thông thường chúng xuất phát từ một trong 5 tổn thất: - Tổn thất thân tộc (ñātibyana): Là mất mát thân quyến hay bạn thân. - Tổn thất tài sản (bhogabyasana): Là mất mát tài sản, lợi lộc. - Sự bất an trong cơ thể, như bịnh, mất tay, mất chân... (rogabyasana). - Sự hư hoại giới hạnh (sīlabyasana). -Sự hư hoại tri kiến: Là rơi vào một trong những loại tà kiến (diṭṭhibyasana), dẫn đến thực hành khổ hạnh, như trường hợp hai du sĩ trong kinh Hạnh con bò (Trung bộ kinh). Ba loại khổ kế (ghét phải gần, thương phải xa, muốn không được) phần nhiều xuất phát từ “yêu cái tôi” hay “yêu cái của tôi” (trong đó cũng có 3 sự tổn thất đầu). Ngoài ra, có những sự khổ đa dạng khác như: Khổ vì chiến tranh, khổ vì thiên tai, khổ vì giặc cướp, khổ do bị cường quyền, khổ vì nạn đói, khổ do hành xác... cũng xếp vào “khổ cá biệt”. Ngay cả chư thiên cũng có khổ cá biệt này, thiên tử Pañcasikha (Ngũ kế) đau khổ vì nàng thiên nữ Suriya vaccasā [53]... Các Phạm thiên tuy không có khổ cá biệt, nhưng khổ phổ biến vẫn có. Cho dù tuổi thọ của vị Phạm thiên có dài đến đâu, cũng phải đi đến cái chết, đã có sinh tức có sự biến hoại, đó là định luật bất di dịch của dòng luân hồi. Mười hai cái khổ được giải thích lần lượt như sau: 1- Sinh là khổ (jātipi dukkhā). Ý nghĩa “sinh là khổ”, hiện bày rõ ràng nhất trong khổ vức. Chúng sinh sinh vào địa ngục, phải chịu đựng khổ khốc liệt như bị lửa đốt, bị trôi dạt trong nước đồng (kim loại) sôi sùng sục, bị tra khảo, đánh đập … Chúng sinh sinh vào cảnh giới ngạ quỷ (peta) thì bị đói khát triền miên, bị lửa thiêu đốt … Chúng sinh vào cảnh giới Atula, là cảnh giới tối tăm, lạnh lẽo (ở dưới đáy biển nên ánh sáng mặt trời không chiếu đến được). Chúng sinh sinh vào thai bào cũng gặp phải nhiều khổ nạn phức tạp. Nỗi khổ ở khổ vức sẽ không có, nếu không có sự sinh vào nơi đó, mở rộng phạm vi hơn “nếu không có sinh vào cảnh giới nào thì khổ ở cảnh giới ấy không có”. Do đó Đức Phật dạy “Sinh là khổ” trước tiên. - Già - chết đã giải thích ở phần trước, xin giải về các khổ pháp tiếp theo. 4- Sầu (soka). Là trạng thái buồn rầu, phiền muộn do mất mát điều yêu thích, như buồn tình, buồn vì mất cha, mất mẹ, mất người bạn thân (như vua Pasenadi sầu muộn khi hay Hoàng hậuMallikā chết ...), buồn vì tài sản khánh kiệt...Hoặc như Ngài Sudinna sầu muộn vì làm nhơ uế phạm hạnh[54]. Nói chung “tâm phiền muộn khi rơi vào 1 trong năm điều tổn thất (byasana). Các Ngài giải thích chữ soka như sau: “Socanaṃ = soko: Ưu tư, gọi là sầu”. Và: “Socanti cittaparilāham gacchanti etenāti soko: Sầu là tâm thái phiền muộn, nhiệt não”[55]. Bốn đặc tính pháp của sầu là: - Trạng thái: Nung nấu nội tâm hay làm nội tâm khô héo (antonijjhānalakkhaṇo). - Phận sự: Luôn đốt cháy nội tâm (ceto parinijjhāyanaraso). - Thành tựu: Ưu tư, phiền muộn liên tục (anusocanapaccupaṭṭhāno). - Nhân cần thiết: Có tâm sân sinh khởi (dosacittuppādapadaṭṭhāno). Như vậy, sầu là thọ ưu trong hai tâm sân. Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có giải thích sầu là khổ như sau: “Sattānaṃ hadayaṃ soko, visasallaṃva tujjati. Aggitattova nārāco, bhusaṃva dahate puna. Samāvahati ca byādhi - jarāmaraṇabhedanaṃ Dukkhampi vividhaṃ yasmā, tasmā dukkhoti vuccatī’ti.[56] “Sầu xuyên vào tim chúng sinh, nỗi đau như cắt xé. Như mũi tên tẩm độc, như ngọn giáo đỏ lửa, Đâm sâu vào tim, làm tâm khô héo như vỏ trấu bị đốt. Dẫn đến khổ vị lai, Giống như già, bịnh, chết. Nên gọi sầu là khổ. 5- Bi (parideva). Là phiền muộn đến mức độ phải khóc, các Ngài có giải thích: “Paridevanaṃ = paridevo: Kêu khóc, gọi là bi. Hay: “Taṃ taṃ pavattiṃ parikittetvā devanti kandanti etenāti = paridevo: Cách làm cho chúng sinh rơi nước mắt, than thở, kêu la, gọi là bi.” Theo Luận Atỳđàm (abhidhamma), thì tiếng khóc chỉ là âm thanh do tâm tạo (cittajavippalasasadda), và nó biểu thị cho trạng thái tâm đang bị sầu khổ chi phối quá mức chịu đựng. Bốn thực tính pháp của Bi. - Trạng thái: Than khóc, kể lể (lālappamalakkhaṇo). - Phận sự: Nhắc đến chuyện tốt hay xấu đã qua (của mình lẫn người) (guṇadosaparikittanaraso). - Thành tựu: Tâm bấn loạn (sambhamapaccupaṭṭhāno). - Nhân cần thiết: Có sắc tứ đại do tâm sân tạo (dosacittajamahābhūtapadaṭṭhānaṃ). Sách Thanh tịnh đạo có giải thích: “Yaṃ sokasallavihato paridevamāno, Kaṇṭhoṭṭhatālutalasosajamappasayham, Bhuyyodhimattamadhigacchatiyeva dukkhaṃ, Dukhoti tena bhagava paridevamāhā’ti.[57] “Trúng phải mũi tên sầu, lại than van, kể lể, Làm khổ thêm tăng trưởng, rát họng, miệng - môi khô, Đức Thế Tôn, Ngài dạy: “Bi lụy chính là khổ”. 6- Khổ (dukkha). Nói gọn, khổ có hai loại là “khổ thân và khổ tâm”. Trong năm pháp: sầu, bi, ưu, não chỉ cho khổ tâm, còn khổ ở đây chỉ cho khổ thân (kāyikadukkha), chi pháp của khổ là (tâm) thân thức thọ khổ. Trong khổ thân này, có loại hiện bày rõ ràng, người ngoài có thể thấy được như: Bị đâm, bị chém, bị hành hạ, bị đánh đập, bị thương tật... gọi là hiện khổ (appaṭicchannadukkha hay pākaṭadukkha). Có loại khổ thân, người ngoài không thấy được, chỉ riêng kẻ ấy biết như: Đau răng, nhức đầu, chóng mặt, thân thể uể oải, mệt mỏi... gọi là ẩn khổ (paṭicchannadukkha hay apākaṭadukkha). Các Ngài có giải thích về khổ thân như sau: “Dukucchitaṃ hutvā kāyikasukhaṃ khaṇatī’ti = dukkhaṃ “Làm hư hoại và đối nghịch với thân lạc, gọi là khổ”. Giải thích tổng quát về khổ thì: “Dukkhamanti = dukhaṃ: Khó chịu, gọi là khổ”. Bốn đặc tính pháp của khổ như sau: - Trạng thái: Bức bách thân xác (kāyapīḷanalakkhaṇaṃ). - Phận sự: Khiến kẻ ngu sầu muộn (duppaññaṇaṃ domanassakaraṇarasaṃ) - Thành tựu: Đau đớn thân (kāyi kāpādhapaccupaṭṭhāṇaṃ). - Nhân cần thiết: Có thần kinh thân (kāyapasādapadaṭṭhāṇaṃ) Sách Thanh tịnh đạo có giải thích: “Pīḷeti kāyikamidaṃ, Dukkhañca mānasaṃ bhiyyo, Janayati yasmā tasmā, Dukkhanti visessato vuttan’ti.[58] “Đau đớn nơi thân xác, Lại dẫn đến khổ tâm, Tác động (tâm) như thế, Ngài gọi: sự khổ (thân), thật sự là khổ vậy.” 7- Ưu (domanassa). Chữ domanassa từ du+ manassa (xấu xa của ý). Ưu là buồn rầu, khó chịu của tâm. Pāli có giải thích: “Dumanasssabhāvo = domanassaṃ: Tâm khó chịu, gọi là ưu”. Chi pháp của ưu là tâm sở thọ ưu. Sầu, bi là khổ tâm, dẫn đến khổ thân. Từ khổ thân lại dẫn đến khổ tâm, một chuỗi tương sinh liên hoàn nối tiếp nhau như thế, nên chi ưu xếp nối tiếp của chi khổ. Thực tế cho thấy: Đối với phàm nhân khi thân bất an (như bịnh, thân uể oải ...) thường dẫn đến tâm bất an, tâm bất an dẫn đến phiền muộn, có phiền muộn là có giao động, thế là phiền não sinh khởi. Đức Phật có dạy: “Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti, sabbaṃ iñjitapaccayā... “Phàm khổ gì hiện hữu. Tất cả, duyên giao động...”[59]. Lại nữa, đôi khi phẩn uất quá mạnh, người ta tự dày vò thân như đấm ngực, bức tóc, dậm chân, nằm lăn lộn trên đất... thậm chí có thể tự tử bằng dao, thuốc độc... Nhân phát sinh ưu có rất nhiều, tựu trung là gặp “cảnh bất toại ý” hoặc “không đạt được điều mong muốn”. Trong Tương Ưng kinh, Đức Phật có dạy: “... Piyānaṃ adasssanaṃ dukkhaṃ Appiyānañ ca dassanaṃ. “...Không gặp điều thích ý và gặp điều không thích, là khổ”. Trong các loại khổ tâm thì ưu là nhẹ nhất, nhưng nếu không khéo sẽ dẫn đến sầu, bi. Bốn ý nghĩa thực tính của ưu là: - Trạng thái: Bức bách tâm (cittapiḷanalakkhaṇaṃ) - Phận sự: Tra khảo tâm (manovigātarasaṃ) -Thành tựu: Tâm không an tịnh ( mānassabayādhipaccupaṭṭhānaṃ) -Nhân cần thiết: Có sắc ý vật (hadayavatthupadaṭṭhānaṃ)[60] Có câu hỏi rằng: Vì sao vị Phạm thiên hữu sắc cũng có sắc ý vật, lại không có thọ ưu. Đáp rằng: Vị Phạm thiên khi thọ ưu sinh khởi thì mệnh chung, để gìn giữ mạng sống nên các Ngài thường quân bình tâm khi nhận cảnh không hài lòng (do thấy hoặc do nghe). Mặt khác, sắc ý vật cõi dục thô xấu hơn so với sắc ý vật của vị Phạm thiên, do đó thọ ưu dễ sinh khởi hơn ví như đống rác dễ sinh sâu bọ hơn so với nơi sạch sẽ. Cũng vì có nhân cần thiết là “sắc ý vật” nên ưu xếp sau khổ. Sách Thanh tịnh đạo có giải thích về ưu như sau: “Piḷeti yato cittaṃ, Kāyassa ca pīḷanaṃ samāvahati; Dukkhanti domanassaṃ, Vidomanassā tato āhū’ti.[61] “Khó chịu bức bách tâm, lại còn bức hại thân. Nên ưu gọi là khổ, Bậc vô ưu[62] nói thế”. 8- Não (upāyāsa). Chữ upāyāsa phân tích thành upa (gần, khắn khít)+ āyāsa (phiền muộn, buồn phìền). Các Ngài có giải thích não như sau: “Bhuso āyāsanaṃ = upāyāsa: Rất nhiều phiền muộn, gọi là não. Não là sự sầu khổ quá lớn, vượt trội nhất trong các sự khổ, sầu quá nhiều dẫn đến bi lụy (khóc), điểm cao tột của sầu là não. Với người bị não xâm chiếm mạnh, có thể rơi vào bất tỉnh hay điên loạn, như bà Pātācarā bị não xâm chiếm do chồng chết, con chết, cha mẹ chết, bà rơi vào điên loạn. Trong Mahāniddesa (Đại xiển minh) có ghi câu Phật ngôn: “Tassa ce kāmayānassa, chandajātassa jantuno. Te kāmā parihāyanti, sallaviddhova ruppati. “Với ai sống về dục, bị dục chế ngự tâm Khi các dục mất đi, hắn khổ như bị tên”. (Đại đức Giác Nguyên dịch). Bốn ý nghĩa thực tính của não: - Trạng thái: Thiêu đốt tâm mãnh liệt (cittaparidahanalakkhaṇo) - Phận sự: Làm tổn hại tâm ( nitthunnaraso) (chữ nitthunna nghĩa là rên rỉ, than van). -Thành tựu: Tuyệt vọng ( visadapaccupaṭṭhāno) - Nhân cần thiết: Có sắc ý vật (hadayavatthupadaṭṭhāno) Ngài Buddhaghosa (Giác Âm), có giải thích: “Cittassa ca paridanā, Kāyassa visādanā ca adhimattaṃ; Yaṃ dukkhamupāyāso, Janeti dukkho tato vutto ‘ti.[63] “Đặt lên tâm và thân, Sự tổn hại tột cùng. Đó chính là khổ não, Nên Ngài dạy: Não là khổ”. Phân tích theo chi pháp thì: Sầu là thọ ưu, bi là âm thanh do tâm sân tạo ra, còn não là tâm sân. Sách Thanh tịnh đạo có nêu lên ví dụ để giải thích ba trạng thái của sầu, bi (than khóc) và não, như sau: Sầu ví như dầu nấu trong nồi với lửa nhỏ ngọn, bi ví như lửa mạnh làm dầu tràn ra ngoài (phát ra tiếng khóc), còn não như dầu còn lại sau khi trào ra ngoài cho đến khi khô cạn”. Như vậy, theo ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể hiểu “não là trạng thái sầu muộn đến nỗi muốn khóc mà không khóc được”. Đức Phật dạy: “... Sukhena phuṭṭhā athavā dukkhena Na uccāvacaṃ paṇḍitā dassayanti . “... Dù hạnh phúc hay đau khổ, bậc thiện trí không bồng bột cũng không để tinh thần suy sụp”. [64] 9- Ghét phải gặp (apiyasampayogo). Là gặp phải người hay vật mà mình không ưa thích. Sự gặp gỡ điều không đang ưa thích có hai: - Đã từng gặp người, vật hay điều không ưa thích, nay gặp lại, tâm cảm thấy khó chịu. - Chỉ mới gặp lần đầu, nhưng không hợp với khuynh hướng của tâm nên khó chịu. Như người phật tử tuy mới gặp lần đầu, nhưng nghe người nói những câu chuyện về trụy lạc thì cảm thấy khó chịu, hoặc người ngoại giáo nghe Phật tử tán dương Đức Phật thì tỏ ra bất mãn ... Ý nghĩa thực tính của ghét phải gặp là: - Trạng thái: Dính vào điều không thích (aniṭṭhasamodhānalakkhaṇo). - Phận sự: Làm tâm khó chịu (cittavighātakaraṇaraso). - Thành tựu: Có sự tai hại (anatthabhāvapaccupaṭṭhāno). “Ghét phải gặp” là khổ, vì khi tâm khó chịu dẫn đến thân không an lạc, nó là điểm tựa cho khổ (dukkha) sinh lên. 10- Thương phải xa lìa (piyavippayoga). Là phải lìa bỏ những người hay vật mà mình yêu mến. - Ý nghĩa thực tính pháp của thương phải xa lìa là: - Trạng thái: Lìa bỏ những đối tượng thương mến (iṭṭhavatthuviyogalakkhaṇo). - Phận sự: Sanh sầu khổ (sokuppādanaraso). - Thành tựu: Mất mát (byasanapaccupaṭṭhāno). “Thương phài xa lìa” là khổ, vì nó là điểm tựa cho sầu (soka) sinh lên. 11-“Mong muốn không được (icchitālābho)”. Là mong cầu hạnh phúc mà không được, như muốn đừng xa lìa người hay vật hài lòng, đừng gặp những điều bất hạnh, đau khổ, muốn đừng già, đừng bịnh, đừng chết.... -Ý nghĩa thực tính của mong muốn không được là: - Trạng thái: Mong mõi điều không thể có (alabhaneyyavatthūsu icchanalakkhaṇā). - Phận sự: Tầm cầu điều đó (tappariyesanarasā). - Thành tựu: Thất vọng (tesaṃ appattipaccupaṭṭhānā). Muốn không được là điểm tựa cho khổ khởi lên, nên nói “muốn không được là khổ”. 12- Nắm giữ năm uẩn là khổ. Giữa uẩn và thủ uẩn có khác nhau không? Có, Đức Thế Tôn có dạy: “Pañca, bhikkhave, khandhe desessāmi pañcupādānakkhandhe ca. “Này các Tỳkhưu, Ta sẽ giảng năm uẩn và năm thủ uẩn, hãy lắng nghe.” [65] Về bản chất, uẩn và thủ uẩn không có gì sai khác, điểm sai khác duy nhất là: “Không nắm giữ là uẩn”, “có nắm giữ là thủ uẩn”, (uẩn ở đây chỉ cho những thành phần có trong thân chúng sinh, không đề cập đến sắc uẩn vô sinh vật- Ns). Nói cách khác: uẩn thành tựu từ nghiệp tham ái hay làm cảnh cho tham ái, là thủ uẩn, ngoài ra chỉ là uẩn. Trong bộ Pháp Tụ, Tạng Thắng pháp, phần mẫu đề tam (mātikā) có ghi nhận: “Anupādinnānupādāniyā dhammā: Các pháp phi thành do thủ, phi cảnh thủ”. Là những pháp thành tựu không do tham ái, tà kiến, đồng thời cũng không nhận cảnh của tham ái hay tà kiến tạo ra. Đó là 8 tâm siêu thế (lokuttaracittaṃ), cùng 36 tâm sở hợp và Nípbàn. Tám tâm siêu thế là thức uẩn, không là thức thủ uẩn. Tâm sở thọ trong 8 tâm siêu thế là thọ uẩn, không là thọ thủ uẩn v..v.. Trong năm uẩn, sắc uẩn là pháp thành tựu từ pháp thủ, nên sắc uẩn là thủ uẩn, cho dù sắc uẩn có hay không thành cảnh cho tham ái hay tà kiến, sắc uẩn vẫn là thủ uẩn. Còn thọ, tưởng, hành và thức khi không nhận cảnh do tham ái hay tà kiến tạo ra, chỉ là uẩn, không là thủ uẩn. Nắm giữ năm uẩn là khổ. Nghĩa là bao giờ còn dính mắc với tham ái (tạo nghiệp hay nhận cảnh do tham ái tạo ra) là còn khổ. Khổ đế được bao gồm vào 7 hoặc 9 loại: 1- Khổ khổ (dukkhadukkhaṃ). Là cái khổ thuộc về thân tâm. Khi phân tích thì khổ khổ có hai là: Khổ thân (thân thức thọ khổ) và khổ tâm (thọ ưu). 2- Biến hoại khổ (vipariṇāmadukkhaṃ): Là khi thọ lạc thay đổi trở thành thọ khổ. Chi pháp là thọ lạc đang trụ (ṭhiti) 3- Hành khổ (saṅkhāra dukkhaṃ). Là cái khổ sinh diệt liên tục của pháp hữu vi. Chi pháp là thọ xả trước các pháp hành trong ba cõi. 4- Ẩn khổ (paṭicchannadukkhaṃ). Là cái khổ không lộ ra ngoài, người khác không biết được, như nhức răng, đau tai, thân uể oải... hoặc sự nóng nảy sinh lên từ sân, sự nóng nảy sinh lên từ tham... Gọi là ẩn khổ vì hỏi mới biết được, như khi thấy vị Tỳkhưu thân xanh xao, vàng vọt, chư Tỳkhưu hỏi: “Này Hiền giả, vì sao thân hình hiền giả xanh xao, vàng vỏ như thế?” 5- Hiện khổ (appaṭicchanna): Là cái khổ không cần hỏi cũng biết, như người bị khánh tận tài sản, tâm tư ưu sầu, người biết rõ sự kiện, thấy người bị khánh tận “mặt buồn rười rượi”, thì hiểu biết ngay, không cần phải hỏi. Hoặc các chứng bịnh được thấy rõ. 6- Ảnh hưởng khổ (pariyāyadukkha) . Là từ cái khổ này nảy sinh cái khổ khác, như bị ngọn giáo đâm vào thân làm thành vết thương, vết thương lại tạo ra sự khổ khác. Hành khổ và biến hoại khổ là ảnh hưởng khổ, vì từ hai loại khổ này, các khổ khác sinh ra. 7- Bất ảnh hưởng khổ (nippariyāyadukkha). Là chịu trực tiếp cái khổ phát sinh nơi thân hoặc tâm, ám chỉ 12 chi phần của khổ đế như sinh, già .... còn gọi là chánh khổ. Khổ khổ được xem là chánh khổ. Nguyên nhân bất tri khổ đế. Theo Sớ giải kinh Chánh tri kiến, sở dĩ không biết sự thật về khổ, do bốn lý do: - Khổ ẩn và0 bên trong. Là khổ ẩn mình sau lớp hỷ lạc bọc bên ngoài, như chất độc của trái cây được che dấu sau lớp vò có màu sắc xinh đẹp, như vị đắng của viên thuốc bọc đường, khổ ẩn vào bên trong hỷ lạc nên chúng sinh không thấy khổ. Một người vượt đường xa cảm thấy mỏi mệt, y ngồi nghỉ và cho “đó là lạc”, nếu “là lạc” thì người ấy phải ngồi mãi, nhưng đến một giai đoạn nào đó y cảm thấy không thể ngồi được nữa phải đứng lên, điều này cho thấy “khổ ngồi” bị che lấp bởi cái lạc. Sáu nội xứ, sáu ngoại xứ đều có vị ngọt riêng của chúng như mắt trong sáng tinh tường, sắc xinh đẹp, tai thính, âm thanh du dương ..., chính vị ngọt này khiến chúng sinh đắm nhiễm[66] đồng thời che lấp cái khổ. “Sukhaṃ vā yadi vā dukkhaṃ, adukkhamasukhaṃ saha; Ajjhattañca bahiddhā ca, yaṃ kiñci āthi veditaṃ Etaṃ dukkhanti ñatvāna, mosadhammaṃ palokinaṃ... “Với lạc thọ, khổ thọ. Nội thọ và ngoại thọ. Phàm có cảm thọ gì Biết được đây là khổ. Giả dối (mosa), bị hủy hoại (palokinaṃ) [67]. - Khổ nương tựa vào vô minh.. Như đứa bé nương tựa vào cha mẹ nó, cũng vậy khổ sinh lên từ vô minh và ái, rồi nương tựa vào đó. Một khi vô minh bị đẩy lùi hay bị trừ diệt thì khổ hiện bày, như đứabé vắng cha mẹ sẽ kêu khóc, từ đó người ta biết có nó. - Cảnh chế định. Chúng sinh vẫn nhận biết khổ, nhưng chỉ nhận biết qua ý nghĩa thế tục, như nghèo là khổ, giàu sang là hạnh phúc, xấu xí là khổ, xinh đẹp là hạnh phúc... còn “cái đang chịu bức bách” (thực tướng của khổ) thì không thấy. Một số chúng sinh tìm mọi cách hưởng thụ trần cảnh với phương cách ác xấu, tuy có hưởng an lạc tạm thời nhưng sau đó nhận lấy ác quả. Như thanh niên Nanda hành động tà vạy với vị Thánh nữ Uppalavaṇṇā (Liên hoa nữ), sau đó bị đất rút, nhân đó Đức Thế Tôn dạy: “Madhu vā maññati bālo; yāva pāpaṃ na paccati Yadā ca paccati pāpaṃ; atha bālo dukkhaṃ nigacchati. “Người ngu nghĩ là ngọt, khi ác chưa chín muồi. Ác nghiệp chín muồi rồi, người ngu chịu khổ đau.”[68]. Số chúng sinh khác lại tạo thiện nghiệp bố thí, trì giới, tu thiền, để thụ hưởng những trần cảnh tốt đẹp này, tuy có khá hơn hạng trên nhưng cuối cùng vẫn chịu sinh tử triền miên, luôn trôi nỗi trong các sinh hữu để rồi nhận lãnh nỗi khổ “già, chết”. Các sinh hữu bất luận sinh hữu nào, đều là nơi ẩn chứa nhiều bất trắc, khổ nạn. Đức Phật có dạy: “Này chư Tỳkhưu, Như Lai không tán thán bất kỳ hữu nào, dù chỉ chút ít”.. - Bị che đậy. Là khổ này bị khổ khác che lấp. Thật ra, cả một chuỗi khổ sinh diễn nối tiếp nhau, nhưng chúng sinh chỉ thấy cái khổ trước mắt, còn các khổ khác thì không, như danh sắc cùng hoại diệt, nhưng khổ sắc pháp có thể thấy qua các hiện tượng răng long, tóc bạc... khổ danh pháp thì không hề thấy. Mặt khác, chính sự nhầm lẫn của vô minh đã che đậy cái khổ, cho khổ là lạc[69]. Lại nữa, hầu hết chúng sinh hài lòng với “sự hiện hữu của chính mình”, chính cái “hiện hữu của danh sắc” đã che đậy tính vô thường của các pháp hữu vi. Vô thường bị che đậy, hẳn nhiên khổ cũng bị che đậy. II- Không biết về tập khởi của khổ ((dukkhasamudaye aññāṇaṃ). 1- Ý nghĩa từ samudaya (tập). Ngài Buddhaghosa có giải thích từ samudaya như sau: Saṃ + U+ Aya = Samudaya. SAṂ là hội hợp như samāgamo ( đến nơi hội hợp), sametaṃ (nơi hội hợp). U là phát sinh, như uppannam, (đã sinh lên), uditaṃ (đã xẩy đến). AYA là nguyên nhân. Như vậy, samudaya là “hội các nguyên nhân (hay duyên) để khởi lên”, dukkhe samudaye là “hội các nguyên nhân lại để sinh lên khổ”. Thật ra khổ sinh lên chẳng phải do một mà do nhiều duyên hội lại. Nguyên nhân chính cho khổ trong sinh tử luân hồi đó là ái (taṅhā), ngoài ra cái khổ khác (không phải là khổ sinh tử luân hồi) phát sinh do nhiều nhân khác (không phải do ái). Tập đế có bốn ý nghĩa: Là tích lũy (āyuhana), là căn nguyên (nidāna), là trói buộc (saṃyogaṭṭho), là chướng ngại (palibodha). Gọi là tích lũy vì huân tập nhiều đời nhiều kiếp. Gọi là căn nguyên (hay nguồn cội), là từ đó sinh khởi các khổ, cụ thể là gì? Chính là danh sắc. Gọi là trói buộc, là trói buộc chúng sinh trong vòng luân hồi, chính là ái danh sắc này. Gọi là chướng ngại, vì không cho thoát ra khỏi sinh tử. Ý nghĩa thực tính pháp của tập đế: - Trạng thái: Là nguồn gốc sinh ra (pabhavalakkhaṇaṃ) - Phận sự: Không gián đoạn (anupacchedakaraṇarasaṃ) - Thành tựu: Tạo ra chướng ngại (palibodhapaccupaṭṭhānaṃ) Giải. “Nguồn gốc sinh ra”. Khổ sinh ra từ nơi nào, nơi ấy gọi là nguồn gốc củakhổ. “Không gián đoạn”. Khổ này diệt, khổ khác sinh lên, gọi là (khổ) không gián đoạn. “Tạo chướng ngại”. Khổ thân là một chướng ngại của tâm, khổ tâm làm cho thân uể oải, suy nhược, là chướng ngại của thân. 2- Phân tích. Nhân chủ yếu sinh khổ là ái (taṅhā), vì có ái mới có thân tâm. Ái được phân tích làm ba loại: Ái dục (kāmataṅhā), ái sắc (rūpataṅhā) ái vô sắc (vibhavataṅhā) như đã trình bày ở trên (phần trí hiểu rõ về ái). Ngoài ra, còn một số duyên hội hợp khác, đơn cử như: - Sinh là khổ. Ngoài ái là nhân, còn có sinh hữu là duyên, nghiệp hữu là duyên, tác ý là duyên, xúc là duyên, cảnh là duyên... Như: “Do duyên tịnh tướng, tham sinh khởi”, “do duyên bất tịnh tướng, sân sinh khởi” [70]. Hay: “Kalyāṇamittasssa, bhikkhave anuppannā ceva kusalā dhammā uppajjanti.. Làm bạn với thiện, này chư Tỳkhưu, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi...[71] - “Bịnh là khổ”. Bịnh sinh lên do duyên thời tiết, do duyên vật thực, do duyên bị đánh đập, do duyên phi nhân tạo ra... Đức Phật có dạy: “.. pittasamuṭṭhānā ābādhā semhasamuṭṭhānā ābādhā vātasamuṭṭhānā ābādhā sannipātikā ābādhā utupariṇāmayā ābādhā visamaparihārajā ābādhā opakkamikā ābādhā kammavipākajā ābādhā sītaṃ uṇhaṃ jighacchā pipāsā uccāro passāvo’ti. “Các bịnh khởi lên do mật, bịnh khởi lên từ đàm, niêm dịch (semhasamutthānā), bịnh khởi lên từ gió, bịnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra (sannipātikā ābādhā), bịnh do thời tiết sinh, bịnh do làm việc quá độ (visamaparihārajā) (là do ngồi hay đứng quá lâu), bịnh do trùng hợp các sự kiện (opakkamikā ābādhā), bịnh do nghiệp thuần thục, bịnh do lạnh, do nóng, do đói khát, do tiểu tiện, do đại tiện.”[72]. - Sầu, bi, khổ, ưu, não do duyên gặp cảnh trái ý, do mất mát những vật đáng thích ý... Trong Kinh Tập (Suttannipāta) của Tiểu Bộ kinh, bài kinh Hai pháp tùy quán [73]. (Dvayatānupassanā suttaṃ), Đức Phật nêu lên nhiều loại duyên khiến khổ hiện bày, như: “Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti, sabbaṃ saṅkhārapaccayā... Phàm khổ gì hiện hữu. Tất cả do duyên hành... “Yaṃ kiñci dukkhaṃ bhoti, sabbaṃ viññāṇapaccayā. Phàm khổ gì hiện hữu. Tất cả do duyên thức.... “Yaṃ kiñci dukkhaṃ, sabbaṃ iñjitapaccayā... Phàm khổ gì hiện hữu. Tất cả do (duyên) giao động... Tuy duyên cho khổ sinh lên đa dạng như vậy, nhưng cội nguồn cũng chỉ từ vô minh mà thôi. “Upadhinidānā pabhavanti dukkhā, Ye keci lokasmimanekarūpā, Yo ve avidvā upadhiṃ karoti Punappunaṃ dukkhaṃ upeti mando... “Từ sinh y, sinh khổ Với rất nhiều hình tướng, Khác khác nhau, trong đời, Vô minh tạo sinh y, Khổ sinh và tiếp diễn”. [74] Phật ngôn trên cho thấy vô minh là cội nguồn (mūla) của khổ. Chúng ta có thể hiểu chính vô minh là gốc rễ, ái là nhân (hetu) để có danh sắc, có danh sắc thì có khổ hiện bày với nhiều hình thức đa dạng. 3- Nguyên nhân bất tri tập đế. Bất tri tập đế có ba lý do: - Nương tựa khổ. Đã có danh sắc tất nhiên có khổ, nhưng hầu hết chúng sinh đều “mong mỏi được tồn tại”, chính sự mong mỏi này là ái vi tế . Chúng sinh tạo phước lành để mong cầu có được danh sắc thù diệu, nhưng còn danh sắc là còn khổ. Chỉ vì muốn tồn tại nên chúng sinh mong mỏi các sinh hữu, sinh hữu nào cũng bị định luật vô thường chi phối. Có sinh hữu là có khổ, ái ước muốn cả hai: Danh sắc và sinh hữu, nên nói “ái nương tựa vào khổ”. Đức Phật dạy: “Anissito na catati, nissito ca upādiyaṃ: Không nương tựa, không động, Nương tựa, có chấp thủ”.(sđd, 757) Và: “... Na siyā loka vaddhano: ... Không nên nâng đở thế gian”.[75] - “Do trần cảnh”. Với những trần cảnh tốt đẹp, chúng sinh lăn xả vào để chiếm hữu bằng ác hành cũng có, bằng thiện hành cũng có. Cho dù bằng cách nào chăng nữa, tất cả đều là nô lệ cho tham ái. Trong kinh Đại viên tịch (Mahānibbānasuttaṃ) ở Trường bộ, có ghi nhận: Có lần Đức Thế Tôn vượt qua bên kia sông Hằng, Ngài thấy chư Tỳkhưu đang tìm thuyền để sang sông, cảm hứng Đức Thế Tôn nói lên kệ ngôn: “Appakā te manussesu, ye janā pāragāmino Athāyaṃ itarā pajā,tīramevānudhāvati. Ít người giữa nhân loại, đến được bờ bên kia Còn số người còn lại, xuôi ngược chạy bờ này”[76]. Ý nghĩa kệ ngôn trên ám chỉ rất ít chúng sinh “giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”, đa số vẫn chìm đắm trong giòng sinh tử. Thậm chí khi thọ dụng các trần cảnh khả ái, người thiếu trí cho là lạc, trái lại, bậc trí cho là nguy hại. “Appassādā āvuso, kāmā vuttā Bhagavatā bahudukkhā bahupāyāsā, adīnavo etthabhuyyo. Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói: Các dục (kāmā) vị ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn [77]. - Bị che đậy. Nhân sinh khổ là ái, nhưng do sự nhầm lẫn của vô minh, đa số chủ trương do Thượng đế tạo ra, số khác lại chủ trương do nghiệp quá khứ... Lại nữa, chính hỳ lạc của cảnh trần, của thân năm uẩn đã quyến rủ tâm rơi vào đắm nhiễm, đồng thời chính hỳ lạc ấy đã che đậy khổ lẫn nguyên nhân sinh khổ. “Etha passath’ imaṃ lokaṃ. Cittaṃ rājarathūpamaṃ Yattha bālāa visīdanti. Natthi saṅgo vijānataṃ. Đến đây, hãy nhìn thế gian này, như chiếc long xa trang hoàng lộng lẫy. Kẻ cuồng dại lặn hụp trong thế gian ấy, nhưng bậc thiện trí thì không luyến ái.”[78] (thế gian ở đây chỉ cho năm uẩn, và sáu trần cảnh - Ns). Lại nữa, hầu hết chúng sinh đều thích thú, hài lòng với “cái hiện hữu của chính mình” và rất sợ hãi khi nghĩ đến “mất cái hiện hữu” ấy. Cái hiện hữu ấy là nơi khổ hội tụ, cũng là nơi sinh khổ (ảnh hưởng khổ - Ns), tuy các pháp hữu vi luôn vô thường, nhưng hiện hữu này nối tiếp hiện hữu khác, nên nó che lấp hiện tượng vô thường. III- Không biết sự diệt khổ (dukkhanirodhe aññānaṃ). 1- Ý nghĩa từ nirodha. Phân tích từ nirodha = NI + RODHA. Ni là không có, rodha xuất phát từ ngữ căn rudhi nghĩa là “đóng lại, bịt lại”, nirodha là “không bị đóng lại”, “không còn nhà tù”, “sự phá tan”, “sự diệt mất”. Nirodha trong ý nghĩa cùng tột là “sự phá tan các cảnh giới (tái sinh)”. Diệt đế (nirodhasaccaṃ) có bốn ý nghĩa: Là thoát ra (nissaraṇa), là vắng vẻ (viveka), không bị tạo ra (asaṅkhata), là bất tử (amata). Gọi là thoát ra, là thoát khỏi sự giam cầm trong tam giới, là thoát khỏi mọi trói buộc của phiền não... Gọi là vắng vẻ, vì không có bóng dáng của pháp hữu vi. Gọi là không bị tạo ra, là không do pháp khác tạo ra, đồng thời cũng không tạo ra pháp khác. Phàm cái gì tạo ra, chính cái đó sẽ bị tạo như phước cho quả an lạc thì chính phước được tạo ra... Gọi là bất tử, vì không bị định luật vô thường chi phối. Không có vô thường là không có khổ, nên diệt đế xem như là lạc, như Phật ngôn: Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Nípbàn là an lạc tối thượng”[79]. (Diệt đế, bất tử, vô bịnh (aroga) là những tên gọi khác của Nípbàn - Ns). Thực tính pháp của diệt đế là: - Trạng thái: Vắng lặng (santilakkhaṇaṃ). - Phận sự: Bất động (accutirasaṃ). - Thành tựu: Không hình tướng (animittapaccupaṭṭhānaṃ). Nípbàn là một pháp rất thâm sâu, cực kỳ vi tế không thể hiểu qua ngôn từ hay trí văn hoặc trí tư. Ngoại trừ bậc Thánh, phàm nhân chỉ có khái niệm về “nípbàn”, đó là sự diệt tắt cái khổ và cái khổ ấy không còn sinh khởi trở lại (asaṅkhata). Phàm nhân khi chứng đắc Nípbàn lần đầu trở thành Bậc Thánh Dự lưu, chẳng những tà kiến và hoài nghi bị diệt mà cái khổ do chúng (hoài nghi và tà kiến) sinh ra cũng bị diệt. Không những thế, ngay cả nhân sinh ra tà kiến, hoài nghi lẫn những pháp đồng sinh với chúng cũng bị diệt không còn dư sót. Mặt khác, không những nghiệp dẫn tái sinh vào bốn khổ cảnh do tà kiến hoài nghi bị diệt, ngay cả những nghiệp dẫn xuống khổ cảnh xuất phát từ tâm tham ly tà hay tâm sân cũng bị diệt tận, cho dù bậc Thánh Dự lưu vẫn còn tâm tham ly tà và tâm sân. Chữ nibbāna tích thành ni (không có) + varna (kết dệt). Nibbāna nghĩa là không còn kết dệt với ái, nên được gọi là diệt khổ. Và Nípbàn chỉ có một không thể có hai để có cái tương tự. Ông Visākha có hỏi bà Dhammadinnā: “Nibbānassa pan’ayye kiṃ paṭibhāgo ti: ( Thưa Ni sư) Nípbàn lấy gì làm tương đương. Bà Dhammadinnā đã trả lời: “Accasarāvuso Visākha pañhaṃ, nāsakkhi pañhānaṃ pariyantaṃ gahetuṃ: Này hiền giả Visākha, câu hỏi đi quá xa, vượt ra ngoài giới hạn câu trả lời. Tiếp theo bà giải thích: “Nibbānogadhaṃ hi āvuso Visākha brahmacariyaṃ nibbānaparāyanaṃ nibbānapariyosānaṃ: “Này hiền giả Visākha, Phạm hạnh là chứng đắc Nípbàn, đến Nípbàn, Nípbàn là tối hậu (pariyosāna).” [80] Thanh niên Udaya có hỏi Đức Thế Tôn: .... Kissassa vippahānena, nibbānaṃ iti vuccati?. ... Do đoạn được cái gì, được gọi là Nípbàn? Đức Thế Tôn đáp: .... Taṅhāya vippahānena, nibbānaṃ iti vuccati. ... Do đoạn được khát ái, được gọi là Nípbàn.[81] Rõ ràng, ái tuy đa dạng, có nhiều thứ nhiều loại, nhưng diệt ái chỉ có một. Như một cội cây có nhiều nhánh, nhưng bứng tận gốc rễ thì tất cả đều ngã. Cũng vậy, ái có nhiều loại ví như nhánh cây, diệt ái chỉ có một là Nípbàn. Nípbàn có phải là cõi trú của chúng sinh không? Không, Nípbàn không có danh sắc. Có vị chư thiên bạch hỏi Đức Thế Tôn: “Kuto sarā nivattanti, katthavattam na vattati. Kattha nāmañca rūpañca, asesaṃ uparujjhatī ‘ti. Chỗ nào nước chảy ngược, chỗ nào nước xoáy dừng. Chỗ nào danh và sắc, được đoạn diệt không dư. Đức Thế Tôn trả lời: Yattha āpo ca pathavī, tejo vāyo na gādhati Ato sarā nivattanti, etthavattaṃ na vattati Ettha nāmañca rūpañca, asesaṃ uparujjhatī ’ ti. Chỗ nào nước và đất, lửa gió không vững trú. Do vậy nước chảy ngược, chỗ ấy nước xoáy dừng. Chỗ ấy danh và sắc, được đoạn diệt không dư [82]. Bản sớ giải giải thích “ettha (do vậy)”, chỉ cho Vô dư Nípbàn. Vị Thánh Alahán viên tịch thì không còn danh sắc nào cả, đã không có danh sắc thì Nípbàn không phải là cõi trú của chúng sinh. Nípbàn là phi hữu, vậy Nípbàn là một thực tại hay hư vô? Nípbàn là một thực tại, đó là sự diệt tận tham, sân, si. Du sĩ Jambukhādaka có bạch hỏi Đức Sāriputta rằng: “Nibbānaṃ, nibbānanti, āvuso Sāriputta, vuccati. Katamaṃ nu kho, āvuso, nibbānanti? “Nípbàn, nípbàn, này hiền giả Sāriputta, như vậy được nói đến. Này hiền giả, thế nào là Nípbàn?. Yo kho, āvuso, rāgakkhayo dosakkhayo, mohakkhayo. Idaṃ vuccati nibbānanti.” - Này hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Đây gọi là Nípbàn.”[83] IV. Không biết con đường đưa đến khổ diệt (dukkhanirodhagāmini paṭipadāya aññāṇaṃ). 1- Ý nghĩa. Gọi là “đạo diệt khổ” vì đối diện với diệt khổ, nói cách khác, gọi là “đạo diệt khổ vì nhận cảnh là Nípbàn”. Chữ paṭipadā là “phương cách thực hành tiến hóa”, đạo ở đây có bốn ý nghĩa: Hướng dẫn thoát ra (niyyāna), nguyên nhân (hetu), thấy (dassana), ưu thắng (adhipateyya). Gọi là “hướng dẫn thoát ra”, như một người thoát ra khỏi khu rừng nhờ đi đúng hướng. Cũng vậy, người thoát ra luân hồi chấm dứt khổ sinh tử do thực hiện đúng phương pháp. Tức là thực hành theo cách thức như vậy sẽ diệt khổ từng phần, cuối cùng đoạn tận tử sinh. Gọi là “nguyên nhân”, là nhân thoát ly ra mọi thống khổ. Gọi là “thấy”, vì thấy rõ các pháp: Khi có sinh lên tất có diệt, nhân nào sinh ra pháp ấy, nhân nào diệt pháp ấy, cách thức diệt nhân ấy. Tất cả đều thấy rõ. Gọi là “ưu thắng”, vì khổ đã được thấy cùng tột (abhiñeyya), nguyên nhân sinh khổ đã được đoạn trừ, sự diệt khổ đã chứng nghiệm và phương pháp thực hành diệt khổ đã tu tiến thành đạt. Thực tính pháp của đạo đế là: - Trạng thái: Hướng dẫn thoát ra (niyyānalakkhaṇaṃ) - Phận sự: Diệt trừ phiền não (kilesappahānakaranarasaṃ). - Thành tựu: Thoát ra (khổ) (vuṭṭhānapaccupaṭṭhānaṃ). 2- Phân tích. Đạo đế là con đường có 8 chi như Đức Phật dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân, đó là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Con đường 8 chi này có hai loại: Còn trong thế gian và xuất thế gian. Còn trong thế gian là trong giai đoạn tu tiến, gọi là hữu lậu (sāsavā), xuất thế gian là khi thành tựu tâm Đạo (đạo Thánh đế), gọi là vô lậu (anāsāva) [84]. Những ý nghĩa thực tính của chánh kiến.... chánh định lần lượt giải, là nói đến thực tính pháp của 8 chi này trong tâm Đạo (maggacittaṃ). a- Chánh kiến (xem phần duyên khởi ở trước). Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo) có giải thích: “Chánh kiến trong tâm đạo mang ý nghĩa: Thấy rõ con đường, đoạn trừ tà kiến...” [85]. Chánh kiến có hai loại: - Chánh kiến còn trong thế gian, gọi là chánh kiến hữu lậu vì còn cho quả tục sinh. - Chánh kiến xuất thế gian, là chánh kiến trong tâm siêu thế, gọi là chánh kiến vô lậu. Tương tự như thế đối với 7 chi đạo còn lại. b- Chánh tư duy (sammasaṅkappo). Là sự suy tư đúng. Theo Tạng Thắng Pháp thì sự tư duy là tâm sở Tầm (vitakkacetasika). Khi suy tư liên hệ với bất thiện thì gọi là tà tư duy, khi suy tư liên hệ với vô tham, vô sân, vô si thuộc thiện, gọi là chánh tư duy. Tâm sở Tầm trong tâm quả hay tâm duy tác không gọi là chánh hay tà, đơn thuần là tầm vô ký (kriyavitakko), vì không cho tâm quả dị thục an lạc hay tâm quả dị thục bất lạc. Tuy nhiên, chánh tư duy trong ý nghĩa “suy nghĩ đúng”, thì tâm sở Tầm trong những tâm duy tác hữu nhân (tâm của vị Thánh Alahán) xem như là “chánh tư duy”, vì sự suy tư của các Ngài không còn liên hệ đến tham, sân, si. Tâm sở Tầm trong tâm quả hiệp thế chúng chỉ hiện diện nhưng không hoạt động, tương tự như thế trong tâm quả Siêu thế bình thường. Nhưng trong lộ nhập thiền quả của vị thánh Thân chứng, tâm sở Tầm trong tâm quả Siêu thế là chánh tư duy vì trở thành chi thiền. Theo Kinh Tạng, chánh tư duy có ba chi phần là: - Suy nghĩ cách thức thoát trần (nekkhamma vitakko). - Suy nghĩ không thù oán (abyāpāda vitakko). - Suy nghĩ không hãm hại (avihiṃsa vitakko).[86] Ngược với chánh tư duy là tà tư duy. Tà tư duy là “suy nghĩ về hưởng thụ dục lạc (kāma vitakko), suy nghĩ về sự thù oán (byāpāda vitakko), suy nghĩ về hãm hại (himsa vitakko), tức là loại tâm sở Tầm đi chung với tham, sân. Tham, sân dựa vào vô minh để sanh khởi và tăng trưởng, một khi chúng có gốc rễ (mūla) rồi thì đoạn trừ chúng rất khó khăn, đồng thời chúng trở thành một chướng ngại (sân độc cái, tham dục cái) cho sự thoát ly khỏi thế gian. Một khi không có tham sân thì mãnh đất vô minh kia không gây nguy hiễm nhiều, chính sự suy gẫm về phương thức thoát trần đã hạn chế sức mạnh của vô minh đang tiềm ẩn trong tâm hành giả. “Mā bhikkhave, pāpake akusale vitakke, vitakkheyyātha, seyyathidaṃ kāmavitakkaṃ, byāpādavitakkaṃ, vihiṃsāvitakkaṃ... “Này các Tỳkhưu, chớ có suy tầm các tầm ác - bất thiện như dục tầm, sân tầm, hại tầm... “Vitakkentā ca kho tumhe, bhikkhave: Idaṃ dukkhan’ti vitakkeyyātha, ayaṃ dukkhasamudayo’ti vitakkeyyātha, ayaṃ dukkhanirodho’ti vitakkeyyātha, ayaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā’ti vitakkeyyātha. “Này các Tỳkhưu, các ngươi hãy suy tầm: Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt...”[87]. Ý nghĩa thực tính của Chánh tư duy là: - Trạng thái: Hướng tâm đúng, đặt vào (nơi) cao tột (sammācittābhiniropana lakkhanaṃ). - Phận sự: Kiên cố (appanārasaṃ). - Thành tựu: Diệt trừ tà tư duy (micchāsaṅkappapahānapaccupaṭṭhāṇo).[88] Gọi là “hướng tâm đúng, đặt vào nơi cao tột”. Nơi cao tột chính là cảnh giới Nípbàn, sự hướng tâm đến Nípbàn, là đối tượng của đạo, đó là chi phần “xuất ly tầm - nekkhamma vitakko” của chánh tư duy được phát huy cao tột. “Này các Tỳkhưu, tâm đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh”. Gọi là “kiên cố ”, vì không rung động trước tà tư duy. Trong thời điểm đối diện với Nípbàn chánh tư duy trở thành một chi thiền của tâm đạo, trước khi Nípbàn xuất hiện (trong những sátna: Chuẩn bị, Cận hành, Thuận thứ - Xem bản tâm lộ đắc đạo), chi tầm này nhận một trong ba cảnh thực tướng của pháp hữu vi. Nếu nhận cảnh là “tướng vô thường”, chánh tư duy trở thành chi thiền của định vô tướng, tâm đạo thoát ly thế gian qua cửa nảy, gọi là vô tướng giải thoát môn. Nếu nhận cảnh là “khổ tướng”, chánh tư duy trở thành chi thiền của định vô nguyện, tâm đạo thoát ly thế gian qua cửa này, gọi là vô nguyện giải thoát môn. Nếu nhận cảnh là “tướng vô ngã”, chánh tư duy trở thành chi thiền của định không tánh, tâm đạo thoát ly thế gian qua cửa này, gọi lả không tánh giải thoát môn. Gọi là “diệt trừ tà tư duy”, là không cho dục tầm, sân tầm, hại tầm sinh lên làm ô nhiễm tâm. Nói cách khác là “không cho tham, sân sinh khởi”. Chánh tư duy trong tâm Đạo mang ý nghĩa “đang hướng đến (đối tượng) của đạo[89], đoạn trừ tà tư duy....” (sđd). Chánh kiến và chánh tư duy được gom vào tuệ uẩn. Chánh kiến có đặc tính “soi sáng”, nhưng không có khả năng phân tích, chánh kiến phân tích được tam tướng là nhờ chánh tư duy, vì đặc tính của chánh tư duy là “suy gẫm”. Ví như người thấy viên ngọc, nhưng không thể xác định thật hay giả, nhờ bàn tay xoay viên ngọc mọi chiều, mắt quan sát được rõ ràng và xác định thật hay giả. Cũng vậy, pháp hữu vi luôn có ba tướng: Vô thường, khổ , vô ngã, chánh kiến muốn nhận rõ một trong ba tướng phải nhờ đến chánh tư duy (tức là tâm sở Tầm). c-Chánh ngữ(sammāvācā). Là tránh xa 4 tà ngữ, sách Thanh tịnh đạo giải thích ý nghĩa thực tính của Chánh ngữ là: - Trạng thái: Giữ gìn (pariggahalakkhaṇā). - Phận sự:Tránh xa (viramanarasā). - Thành tựu: Đoạn trừ tà ngữ (micchāvācappahānapaccupaṭṭhāno). Gọi là “gìn giữ” là gìn giữ sự thật. Gọi là “tránh xa”, là tránh xa những điều hư ngụy. Sách Vô ngại giải đạo có giải thích: “Trong sátna đạo, chánh ngữ mang ý nghĩa xác nhận sự thật, đoạn trừ tà ngữ....”. d- Chánh nghiệp (sammākammanto). Là việc làm đúng, đó là sự tránh xa những ác- bất thiện pháp thuộc về thân như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong dục .... Sách Thanh tịnh đạo giải thích thực tính pháp của chánh nghiệp như sau: - Trạng thái: Thực hiện việc đúng (sammāṭhāpanalakkhaṇo). - Phận sự: Tránh xa (viramanarasā). - Thành tựu: Đoạn trừ tà nghiệp (micchākammantappahaanapaccupaṭṭhāno). Sách Vô ngại giải Đạo giải thích: “Trong sátna đạo, chánh nghiệp có ý nghĩa “việc làm đúng”, đoạn trừ việc làm sai”. “Việc làm đúng” là giúp các pháp đồng sinh cùng với chính mình tiến đắc Nípbàn, diệt trừ phiền não. e-Chánh mạng (sammā ājīvo). Chánh mạng theo đời thường là nuôi mạng đúng, tức là tránh xa cách nuôi mạng tà vạy, như người cư sĩ lánh xa 5 nghề: buôn bán người, buôn bán thú sống, buôn bán chất độc, buôn bán vũ khí (dùng để sát hại sinh vật như cung tên, giáo, đao, thương...), buôn bán chất say, cùng một số nghề sái quấy khác. Sách Thanh tịnh đạo có giải thích ý nghĩa thực tính của Chánh mạng là: - Trạng thái: Trong sạch (yodānalakkhaṇo) - Phận sự:Duy trì sự sống đúng (ñāyājīvappattiraso). - Thành tựu: Đoạn trừ tà mạng (micchājīvappahānapaccupaṭṭhāno). Gọi là “duy trì sự sống đúng”, chữ jīva nghĩa là “sự sống”, nghĩa mở rộng là “sự tồn tại”. Tâm đạo cùng các tâm sở đồng sanh là danh uẩn hữu vi, khi nhận cảnh Nípbàn ĐANG SÁT TRỪ PHIỀN NÃO, danh uẩn hữu vi này cần phải tồn tại, sự tồn tại phải được trong sạch hóa tuyệt đối (đúng), chính chánh mạng đãm nhận phận sự này. Sách Vô ngại giải đạo có giải thích: “Trong sátna đạo, chánh mạng có ý nghĩa là trong sạch, đoạn trừ tà mạng (đời sống sai)”. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng được gom vào Giới uẩn. Trong đời sống thường nhật, chúng là những tâm sở bất định không hề sanh chung với nhau, vì cảnh của chúng sai biệt. Khi có đối tượng là “lời nói” thì chánh ngữ sinh lên để diệt trừ tà ngữ, đồng thời nói ái ngữ. Khi đối tượng là “việc làm về thân” thì chánh nghiệp sinh lên để đoạn trừ tà nghiệp, đồng thời thực hành những việc lành như: Cung kỉnh, phục vụ... Khi đối tượng là “sự nuôi mạng sống”, thì chánh mạng sinh lên để diệt trừ những cách thức nuôi mạng gian trá. Trong tâm đạo ba tâm sở này cùng có mặt vì liên hệ với chánh kiến và chánh tư duy, ba tâm sở này đều có một cảnh là Nípbàn, đều có chung phận sự là “diệt trừ ác xấu thô thiển”. f- Chánh tinh tấn (sammāvāyāmo). Trong đời sống thường nhật, tinh tấn mang ý nghĩa “cắt đứt lười biếng”, chi pháp là tâm sở tinh tấn (viriyacetasika). Tinh tấn có hai loại: Tà tinh tấn và chánh tinh tấn. Tà tinh tấn là loại tinh tấn đi chung với tham sân si (ám chỉ tâm sở tinh tấn trong 12 tâm bất thiện). Chánh tinh tấn là loại tinh tấn đi chung với vô tham, vô sân và vô si (ám chỉ tâm sở tinh tấn trong những tâm thiện), chánh tinh tấn được tu tập với bốn chi phần: - Tinh tấn ngăn trừ các ác bất thiện pháp chưa sinh, không sinh lên. - Tinh tấn diệt trừ các ác bất thiện pháp đang có. - Tinh tấn làm cho các thiện pháp chưa sinh được sinh lên. - Tinh tấn duy trì và làm tăng trưởng những thiện pháp đang có. Sách Thanh tịnh đạo có giải thích ý nghĩa của chánh tinh tấn như sau: - Trạng thái: Nỗ lực (paggahalakkhaṇo). - Phận sự: Không cho điều bất thiện sinh lên (anuppanna akusalānuppādanādiraso) - Thành tựu: Đoạn trừ tà cần (micchāvāyāmappahānapaccupaṭṭhāno). g- Chánh niệm (samāsati). Trong thời tu tiến, niệm (sati) là sự ghi nhớ, ghi nhận, khi nhớ chính xác gọi là chánh niệm. Có hai loại chánh niệm: - Chánh niệm theo chế định, là ghi nhận những danh từ chính xác có ý nghĩa thực tính pháp, như ghi nhận “đất, nước, lửa. gió...”, sự ghi nhận này mang lại lợi ích là: chứng đắc thiền hiệp thế. - Chánh niệm theo Tứ niệm xứ, là ghi nhớ để thấy rõ một trong ba tướng vô thường, khổ, vô ngã. Ghi nhớ được (một trong) tam tướng đó là chánh niệm theo thực tướng pháp (chánh niệm có cảnh là (một trong) tam tướng). Chánh niệm là thành phần quan trọng trong đời sống tu tập của hành giả. Hành giả an trú tâm vào 4 nơi ghi nhận là: - Niệm thân trong thân. - Niệm thọ trong thọ. - Niệm tâm trong tâm. - Niệm pháp trong pháp. Chánh niệm trong tâm đạo là “ghi nhớ (một trong ) tam tướng”. Sách Thanh tịnh đạo giải thích ý nghĩa thực tính của chánh niệm là: - Trạng thái: An trú (upaṭṭhānalakkhaṇā). - Phận sự: Không quên lãng (asmmussanarasā). - Thành tựu: Đoạn trừ tà niệm (micchāsetiyappahānapaccupaṭṭhāno). Gọi là “an trú”. Chánh niệm luôn an trú một trong bốn chỗ: Thân, thọ, tâm, pháp. Nếu nói gọn thì “an trú trong danh sắc hữu vi”. Có hai loại chánh niệm như đã giải ở trên, chánh niệm theo thiền chỉ thì nhận cảnh là chế định, còn chánh niệm theo thiền quán thì nhận cảnh thực tướng của pháp hữu vi, cảnh thực tướng này chỉ có trong danh sắc hay 5 uẩn. Nếu phân theo danh sắc thì: Thân niệm xứ là “ghi nhớ” sắc, thọ niệm xứ và tâm niệm xứ là “ghi nhớ” danh, pháp niệm xứ là “ghi nhớ” danh và sắc. Nếu phân tích theo 5 uẩn thì: Thân niệm xứ là “ghi nhớ” sắc uẩn, thọ niệm xứ là “ghi nhớ” thọ uẩn, tâm niệm xứ là “ghi nhớ” thức uẩn, pháp niệm xứ là “ghi nhớ” tưởng uẩn và hành uẩn. Chính trong danh sắc hữu vi hay 5 uẩn này, tam tướng mới hiển lộ để niệm ghi nhớ thực tướng. Gọi là “không quên lãng”. Hàm ý không có sự mê muội trong cách ghi nhớ. Gọi là “tà niệm”, là ghi nhớ sai, tà niệm có thể là tà tín, tà tưởng, tà kiến [90]. Sở dĩ đoạn trừ được tà niệm vì nương theo chánh kiến thấy rõ tam tướng, những gì là vô thường không thể ghi nhớ là thường, những gì là khổ không thể ghi nhớ là lạc, những gì vô ngã không thể ghi nhớ là ngã. h- Chánh định (sammā samādhi). Định là tâm an trú vững chắc trong một cảnh, chánh định là an trú tâm trong cảnh đáng an trú. An trú tâm vào cảnh không đáng an trú (là cảnh quyến rủ tham, sân sinh khởi) là tà định. Chi pháp của tà định hay chánh định đều là tâm sở Nhất hành (ekaggatā cetasika), chỉ khác nhau về cảnh đáng an trú hay cảnh không đáng an trú. Có hai loại chánh định: - Chánh định hiệp thế. Là sự chứng đắc các tầng thiền Sắc giới và Vô sắc giới, hay an trú tâm vào một trong tam tướng của hành giả đang tu tập thiền quán, tức là an trú tâm trong tướng vô thường, gọi là “vô tướng định (animitta samādhi)”, hoặc an trú tâm trong tướng khổ, gọi là “vô nguyện định (apaṇihita samādhi)” hay an trú tâm trong tướng vô ngã, gọi là “không tánh định (suññata samādhi)” . “Rāgassa bhikkhave, abhiññāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Suññato samādhi, animitto samādhi, appaṇihito samādhi. Rāgassa, bhikkhave, abhiññāya, ime tayo dhammā bhāvetabbā”. “Này các Tỳkhưu, để thắng tri tham ái (rāgassa abhiññāya), ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba? Không định, vô tướng định, vô nguyện định. Để thắng tri tham ái, này các Tỳkhưu, ba pháp này cần phải tu tập.”[91] - Chánh định siêu thế. Là định trong tâm đạo và tâm quả Siêu thế, là loại định nhận Nípbàn làm cảnh. Nên ghi nhận: Phàm định là các tầng thiền hiệp thế mà phàm nhân chứng đắc được. Thánh định là các tầng thiền hiệp thế của bậc Thánh, và định trong tâm Siêu thế cũng được xem là Thánh định. Sách Thanh tịnh đạo có giải thích ý nghĩa thực tính của chánh định là: - Trạng thái: Không phân tán (avikkhepalakkhaṇo). - Phận sự: Tập trung (samādhānaraso) - Thành tựu: Diệt trừ tà định (micchāsamādhippahānapaccupaṭṭhāno). Gọi là “không phân tán”, là cảnh cùng với tâm trở thành một, tâm không buông lìa cảnh, cảnh không lìa tâm. Gọi là “tập trung”, là tâm cùng các tâm sở cùng với định, chỉ là một trong cảnh. Gọi là “diệt trừ tà định”, là không an trú vào những cảnh khiến cho tham sân sinh khởi. Ba chi: Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định được gom vào Định uẩn. Trong phần định uẩn thì Định là chủ yếu, tuy nhiên chánh định được vững mạnh phải nhờ chánh tinh tấn và chánh niệm trợ giúp. Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có cho ví dụ như sau: Có ba người vào vườn cây, muốn hái trái chín, nhưng trái cây ở cao, bất kỳ người nào cũng không thể hái được. Họ lập thế, một người đứng lên vai người bạn tuy vừa tầm với có thể hái được trái cây, nhưng người ở dưới không đủ lực nên người đứng trên vai bị rung chuyển đứng cũng không vững, người thứ ba kề vai vào, người kia hai chân đặt trên hai vai của hai người bạn, nên đứng vững vàng và hái trái cây. Người đứng trên vai hai người bạn ví như Định, hai người kề vai ví như chánh niệm và chánh tinh tấn. Trong Bát Thánh đạo, tuy chánh kiến dẫn đầu, nhưng chánh định giữ vai trò rất quan trọng, vì phận sự của chánh định là “tập trung” sức mạnh hổ trợ cho chánh kiến sát tuyệt phiền não vô minh và ái tùy miên. Có câu hỏi: Nhân gần của từng chi đạo trong Bát Thánh Đạo là gì?”. Đáp: Trong tâm đạo, bát chi đạo nương nhau sinh lên bằng đồng sinh duyên (sahajāta paccaya). Như trong kinh Đại Tứ Thập của Trung bộ kinh III có ghi: “Katamo ca bhikkhave, ariyo sammāsamādhi sa - upaniso sapparikkhāro? Seyyathīdaṃ: Sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo, sammāvācā, sammākammanto, sammā-ājīvo, sammāvāyāmo, sammāsati... “Này các Tỳkhưu, thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và các tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm”. Nếu tính riêng từng chi đạo thì chi đạo sau do nương chi đạo trước bằng cách cận y duyên (upanissaya paccaya), như: “Sammādiṭṭhissa sammāsaṅkappo pahoti: Do chánh kiến, chánh tư duy được khởi lên. “Sammāsaṅkappassa sammāvācā pahoti: Do chánh tư duy, chánh ngữ được khởi lên. “Sammāvācassa sammākammanto pahoti: Do chánh ngữ, chánh nghiệp được khởi lên. “Sammākammantassa sammā-ājīvo pahoti: Do chánh nghiệp, chánh mạng được khởi lên. “Sammā-ājīvassa sammāvāyāmo pahoti: Do chánh mạng, chánh tinh tấn được khởi lên. “Sammāvāyāmassa sammāsati pahoti: Do chánh tinh tấn, chánh niệm được khởi lên. “Sammāsatissa sammāsamādhi pahoti: Do chánh niệm, chánh định được khởi lên. (sđd). Không thấu đáo Diệt đế và đạo đế chỉ có một nhân, đó là: (do vô minh) che đậy. Dứt trí hiểu về vô minh. -ooOoo- Tiêu đề 16- Trí hiểu rõ về pháp ngâm tẩm (āsava). (Xin xem đoạn trừ lậu hoặc, tức luận giải bài kinh “Tất cả lậu hoặc - sabbāsava sutta, do Ngài Achariya Buddharakkhita soạn, Việt dịch: Đại Đức Pháp Thông ). Soạn xong vào mùa an cư 2005 - năm Ất Dậu. PL. 2549. -ooOoo- TÀI LIỆU THAM KHẢO Kinh Tạng PĀLI. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch: - Dīgha Nikāya (Trường Bộ Kinh), I, II, III, IV. (1972). Sài Gòn, Viện Đại Học Vạn Hạnh. - Majjhima Nikāya (Trung Bộ Kinh), I, II, III.(1973). Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh. - Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ), I, II, III, (1987 - 1988), Tp Hồ Chí Minh, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam. - Saṃyutta Nikāya (Tương Ưng bộ), I, II, III, IV, V. (1982), Tp Hồ Chí Minh, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh. - Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh), (1982), Tp Hồ Chí Minh,Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh. - Suttanipāta (Kinh tập). - Itivuttaka (Như thị thuyết). - Dhammapāda (Kinh Pháp cú). - Jātaka atthakātha (Câu chuyện tiền thân) Nguyễn Hoàng Hải (dịch) (1988), Vô ngại giải đạo (Paṭisambhidāmagga). - Đại trưởng lão Pháp Minh, Chú giải kinh Pháp cú I (1997), II (1998), III (2000) (Dhammapāda - Atthakathā), Tp Hồ Chí Minh, Thành hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh. Đại Trưởng lão Hộ Tông, (2000), Kinh Nhật tụng cư sĩ, Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tp Hồ Chí Minh. Đại Trưởng lão Hộ Tông, (1995),Thập độ, Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật Giáo. Thành Phố Hồ Chí Minh . Đại Trưởng lão Bửu Chơn, (1962), Kho Tàng Pháp Bảo, Sài Gòn, nhà in Nguyên Ba. Đại Trưởng Lão Bửu Chơn dịch. Đại Trưởng lão Giới Nghiêm, (1962 - 1981), Mi Tiên vấn đáp I, II, III (Milindapañhā), Đại Đức Thiện Phúc dịch (kn) - Sớ giải Therīgāthā, (Trưởng lão Ni kệ). - Sớ giải Theragāthā (Trưởng lão Tăng kệ). - Chú giải người và cõi. - Đại Đức Giác Giới, (kn), Tầm nguyên ngữ căn. - Đại Đức Minh Huệ (dịch), Pháp duyên khởi. - Sư cô Thích nữ Trí Hải (dịch), (2001), Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo. - Sớ Giải Thiên cung sự ….. - Sớ giải kinh Hemavata. - Sớ Giải kinh Đại Viên tịch. *** Luật Tạng.- Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Luật Đại Phẩm (Vinaya- Mahā Vagga). - Đại Đức Giác Giới (dịch): (Kn) Luật Đại Phân Tích Tỳ Kheo (Mahā Vibhaṅga bhikkhu). (Kn) Luật phân tích Tỳ kheo ni (Vinaya bhikkhunī). *** Luận Tạng. Đại Trưởng lão Tịnh Sự (dịch): - (1990) Pháp Tụ (Dhammasaṅgani), Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. *- (kn) Siêu Lý Sơ học . *- (kn) Siêu Lý Cao Học. - HT. Thích Minh Châu (dịch), (1966), Thắng Pháp Tập Yếu Luận (abhidhammatthasaṅgaha), Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh. - Tâm An - Minh Tuệ (dịch), (1988), Luận điểm (Kathāvatthu), Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội PG Tp Hồ Chí Minh. - Phạm Kinh Khánh (dịch) (kn), Vi diệu pháp toát yếu. - Đại Đức Giác Nguyên, (1995), Giáo Lý Duyên Sinh. - Đại Đức Khải Minh (dịch), (kn) Mẫu đề tam (Mātikā). - Pāli - English Dictionary . -ooOoo- [1]- HT. TMC (d), Tương ưng sự thật (saccasaṃyuttaṃ), kinh Vô minh (avijjāsuttaṃ). [2]- HT. TMC (d), S.iii, 162. Tương ưng Uẩn (Khandhasaṃyuttaṃ), kinh Vô minh (avijjāsuttaṃ). [3]- HT. TMC (d), S.iv, 30. [4]- M.i, Tiểu kinh đoạn tận Ái (Cūlataṅhāsaṅkhayasuttaṃ). [5]- HT. TMC (d), A.i, 101. [6]- Vsm, chương XVII. 587. [7]- HT. TMC (d), Dhp, câu số 318. [8]- HT. TMC (d), S.v, 1. [9]- HT. TMC (d), It, 34 (chương II, phẩm II, 3). [10]- HT. TMC (d), It, 6 (chương I, phẩm II, 1). [11]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (sd), Siêu lý cao học, Y tương sinh. [12]- M.iii, Bhaddekarattasuttaṃ (Kinh Nhất dạ hiền giả). [13]- HT. TMC (d), S.i, 5. Tương ưng chư thiên (Devatāsaṃyuttaṃ), kinh Rừng núi (araññasuttaṃ). [14]- HT. TMC (d), Sn, 39- Ratanasutta (kinh Châu báu).. [15]- S.iii, 171. [16]- S.iii, 172. [17]- M. iii, Devadahasuttaṃ (Kinh Thiên Tý). HT. Thích Minh Châu dịch. [18]- HT. TMC (d), S.ii, 262. [19]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 32. [20]- HT. TMC (d), S.ii, 26. [21]- S.iv, 257. [22]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (s), Siêu lý Sơ học. [23]- A.i, 223. S.ii, 23. [24]- HT. TMC (d), S.iv, 205. Tương ưng thọ (Vedanāsaṃyuttaṃ), kinh Đoạn tận (Pahānasuttaṃ). [25]- HT. TMC (d), It, 49. [26]- Dhs, phần tụ Triền (saññojanagocchaka). [27]- S.i, 39. [28]- D.iv, kinh Thập thượng (Dasuttarasuttaṃ). HT. Thích Minh Châu dịc h là ách. [29]- S.i, 8. [30]- Dhp, câu 60. [31]- Dhp, câu 11. [32]- S.v, 419. [33]- M.i, kinh Tiểu Phương Quảng. [34]- Đại trưởng lão Bửu Chơn (d), Kho tàng Pháp bảo. [35]- A.i, 258. [36]- S.iv, 128 [37]- S.i, 40. [38]- A.i, 8. [39]- Sư cô Thích nữ Trí Hải (d), Vsm, chương XVI, mô tả về Đế. [40]- S.iv,19. [41]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (sd), Siêu lý cao học, Y tương sinh. [42]- Vsm, chương giải về Quyền- Đế. [43]- HT. TMC (d), D.iv, kinh Thập thượng (Dasuttarasuttaṃ). [44]- HT. TMC (d), S.v, 435. Tương ưng sự thật (saccasaṃyuttaṃ), Kinh Thế giới (Lokasuttaṃ). [45]- HT. TMC (d), S.v, 436. [46]- HT. TMC (d), S.v,434. [47]- HT. TMC (d), S.v, 435. [48]- Tuy chư thiên có thân là sắc tế (sukhumarūpa), vẫn nhận biết già (S.i, 2) và (A.iii,54). [49]- A.iii, 54. [50]- HT. TMC (d), A.i. 138, Kinh Diêm chúa. [51]- HT. TMC (d), S.iv, 259. Tương ưngJambukhādaka (Jambukhādaka saṃyutta), Kinh Khổ vấn (Dukkhapañhāsuttaṃ). [52]- Dhp, câu 135. [53]- D.iii, kinh Đế Thích vấn đạo. [54]- Tạng Luật, luật phân tích Tỳkhưu giới, điều học thứ 1. [55]- Giáo lý duyên khởi, Đức Saddhammajotikathera soạn, Đại Đức Giác Nguyên dịch. [56]- Vsm, chương XVI, xiển minh Quyền- Đế (Indriya- sacca niddesa), số 544. [57]- Vsm, 545. [58]- Sư cô Thích nữ Trí Hải (d), Thanh tịnh đạo q.2. Vsm, 546. [59]- Sn, 139 . 750. [60]- Xem phần giải thích về thọ ưu trong Tâm sở vấn đáp, tập 1, về thọ ưu. [61]- Sư cô Thích nữ Trí Hải (d), Thanh tịnh đạo q.2. Vsm, 547. [62]- Ám chỉ Đức Phật [63]- Vsm, 548. [64]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu số 83. [65]- HT. TMC (d), S.iii, 47. [66]- S.iv, 1o. [67]- HT. TMC (d), Sn. 139 . 738. [68]- HT. TMC (d), Dhp, số 69. [69]- A.ii, 52. [70]- A.i, 3. [71]- A.i, 14. [72]- HT. TMC (d), A. v, 108. Pháp 10 chi, kinh Girīmānanda (Girīmānandasuttaṃ). [73]- HT. TMC (d), Sn. 139. [74]- HT. TMC (d), Sn, 139. 733. [75]- Dhp, câu 167. [76]- Dhp, câu 85. [77]- A.iii, 93. Pháp 5 chi, kinh người chiến sĩ.. [78]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 171. [79]- HT. TMC (d), Dhp, câu 203. [80]- M.i, Kinh Tiểu Phương quãng (Cūḷavedallasuttaṃ) [81]- Sn, 190 . 1109. [82]- HT. TMC (d), S.i, 15. Kinh nước chảy ngược (sarasuttam.). [83]- S.iv, 251. [84]- M.iii, kinh Đại Tứ thập (mahācattārīsakasuttaṃ). [85]- Nguyễn Hoàng Hải (d), Vô ngại giải đạo. Psm, Luận đề đạo (maggakathā). [86]- Còn được dịch là “ly dục tầm”, “ly sân tầm”, “ly hại tầm”. [87]- S,v, 417. Tương ưng sự thật (saccasaṃyuttaṃ), kinh Các Tầm. [88]- Psm. Chương XVI, xiển minh Đế. [89]- Ám chỉ Nípbàn, Nípbàn là cảnh của tâm Đạo. [90]- HT. TMC (d), A.ii, 52. [91]- A.i, 299 -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 11-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 17-01-2006