Luận
giải Kinh Chánh Tri Kiến Tỳ khưu Chánh Minh
Tiêu đề 2. Trí biết rõ về bốn loại vật thực. Chánh kinh. “Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi của thức ăn, thế nào là đoạn diệt của thức ăn, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn? Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài hữu tình đã sanh được an trú (bhūtānaṃ vā sattānaṃ ṭhitiyā), hay các loài hữu tình sẽ sanh được phò trợ (sambhavesinaṃ vā anuggahāya). Thế nào là bốn? Đoàn thực thô hay tế (ālāra oḷāriko và sukhumo), xúc thực là thứ hai (phasso dutiyo), tư niệm thực là thứ ba (manosañcetana tatiyo), thức thực là thứ tư (viññanaṃ catuttho). Từ tập khởi của Ái có tập khởi của thức ăn (taṅhā samudayā āhārasamudayo). Từ đoạn diệt ái có đoạn diệt thức ăn (taṅhānirodha āhāranirodho). Thánh đạo tám ngành (ariyo aṭṭhanigiko maggo) là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh kiến (sammādiṭṭhi), chánh tư duy (sammāsaṅkappo), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanto), chánh mạng (sammā-ājīvo), chánh tinh tấn (sammāvāyāmo), chánhniệm (sammāsati), chánh định (sammāsamādhi)”. Giải: Đoạn kinh văn trên nêu lên bốn loại vật thực là: Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Và ái là nguyên nhân có thức ăn này, trừ diệt ái là đoạn diệt thức ăn. Đức Phật có tuyên bố: “Sabbe sattā āhāraṭṭhika: Tất cả hữu tình tồn tại do vật thực”[1]. Có câu hỏi: Bốn loại thức ăn này cần phải hiểu, hay cần phải tu tập? Câu trả lời là: “Cần phải hiểu rõ một cách rộng rãi (pariññeyya). Đức Sāriputta có dạy: “Katame cattāro dhammā pariññeyyā? Cattāro āhārā, kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ. Ime kho cattāro dhammā pariññeyyā. “Thế nào là bốn pháp cần phải biến tri (pariññeyyā)? Bốn thực (cattāro āhārā): Đoàn thực thô hay tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Đó là bốn pháp cần phải biến tri [2]. Chữ pariññeyya = Pari (trọn vẹn, đầy đủ) + ñeyya (điều nên hiểu biết). Pariññeyya là điều nên hiểu biết trọn vẹn, hiểu biết đầy đủ không dư sót. Chữ āhāra = ā + ngữ căn har. Căn har là “mang lại, đem lại, dẫn đến”. Tập Sớ giải thích āhāra là duyên (paccayā) vì tự mang kết quả đến, tức làm duyên cho pháp khác sinh lên. Có câu giải tự về vật thực (āhāra) như sau: Āhāriyatīti = āhāro: Những chất bổ dưỡng, làm cho tiến hóa (tăng trưởng), gọi là āhāra. Attano udayānaṃtaraṃ rūpaṃ janatīti = ojā: Giúp các pháp liên hệ được sinh ra, gọi là chất bổ dưỡng (ojā). [3] Như vậy, gọi là vật thực (āhāra) vì có dưỡng tố (ojā), dưỡng tố là phần tinh túy của vật thực, chính dưỡng tố duy trì và làm tăng trưởng sắc pháp. Hỏi: Vật thực làm duyên cho pháp khác sinh lên, là như thế nào? Đáp: Vật thực (āhāra) mang ý nghĩa là duyên (paccaya) đã được Đức Thế Tôn thuyết giảng như sau: “Ko ca, bhikkhave, āhāro anupannassa vā kāmacchandassa uppādāya, upannassa vā kāmacchadassa bhuyyobhāvāya vepullāya?. Atthi, bhikkhave, subhanimittaṃ. Tattha ayonisomanasikārabahulīkāro-ayamāhāro anuppannassa vā kammacchandassa uppādāya, uppannassa vā kāmacchandassa bhuyyobhāvāya vepullāya... “Này các Tỳkhưu, cái gì là món ăn khiến cho dục tham (kāmacchanda) chưa sinh, được sinh khởi, hay dục tham đã sinh, được tăng trưởng quảng đại? Này các Tỳkhưu, có tịnh tướng. Ở đây, nếu phi như lý tác ý, làm cho sung mãn, chính cái này là món ăn khiến cho dục tham chưa sinh được sinh khởi, hay dục tham đã sinh được tăng trưởng quảng đại...” [4] Và: “Dveme, bhikkhave, paccayā rāgassa uppādāyā. Katame dve? Subhanimittañca ayoniso ca manasikāro. Ime kho, bhikkhave, dve paccayā rāgassa uppādāyā’ti”. “Có hai duyên này, này các Tỳkhưu, khiến tham (rāga) sinh khởi? Thế nào là hai? - Tịnh tướng và không như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỳ khưu là hai duyên khiến tham sinh khởi.[5] Hay: ...uṭṭhānaṃ anālasyaṃ bhogānaṃ āhāro. Maṇḍanā vibhūsanā vaṇṇassa āhāro. Sappāyakiriyā ārogyassa āhāro... ... Hăng hái, không thụ động là món ăn cho các tài sản. Trang sức, tô điểm là món ăn cho dung sắc. Hành động thích ứng là món ăn cho không bịnh...” [6]. Những đoạn kinh trên cho thấy āhāra (vật thực) được dùng với ý nghĩa là “paccaya – duyên”. - Đoàn thực làm duyên cho sắc bất ly (avinibbhogarūpa). Chữ avinibbhoga nghĩa là “không thể tách rời”. Có tám loại sắc không thể tách rời, hễ sinh lên phải có đủ tám, gọi là sắc bất ly. Đó là: đất, nước, lửa, gió, sắc cảnh sắc, sắc cảnh khí, sắc cảnh vị và sắc vật thực (đây là đơn vị cơ bản của một đơn vị sắc pháp). Pāli có giải thích: Avinibbhogo’ti = avinibbhogo: Không thể tách rời, gọi là bất ly.[7] Theo Luận Atỳđàm, những đoàn sắc pháp (kalāparūpa) sau khi bình số là 51 bọn, cứ mỗi sátna tiểu của tâm có một bọn diệt đi, một bọn khác sinh lên (mỗi sátna tâm có ba sátna tiểu là: Sinh, trụ, diệt). Do đó, các đoàn sắc pháp luôn bình số là 51 bọn. Ví như ngọn lửa luôn tồn tại là nhờ có nhiên liệu, cũng vậy, tuy sắc pháp sinh diệt liên tục nhưng vẫn tròn đủ là do có sắc vật thực (đoàn thực) làm duyên trợ sinh. Khi sắc vật thực cũ diệt đi, sắc vật thực mới sinh lên, thế là bảy sắc còn lại cũng sinh theo. Do đó nói rằng: “Sắc vật thực làm duyên cho sắc bất ly sinh lên”. - Xúc thực làm duyên cho thọ sinh lên. Như kinh văn: “Phassa paccayā vedanā: xúc duyên thọ”. Người có thần kinh nhãn (cakkhu pasāda) tốt, gặp cảnh sắc (rūpārammaṇa) rõ, có sự nhận thức cảnh (là nhãn thức), ba pháp này hội lại, thế là nhãn xúc sanh lên, khi nhãn xúc sinh lên sẽ làm duyên cho những cảm thọ lạc, khổ hay xả phát sinh (trong lộ đổng lực), nên nói “xúc thực làm duyên cho thọ sinh ra”. - Tư niệm thực làm duyên cho thức tái sinh (paṭisandhiviññāṇa). Như nghiệp tương ưng với Dục giới sẽ làm duyên cho thức tái sinh trong cõi Dục giới. Nghiệp tương ưng với Sắc giới sẽ làm duyên cho thức tái sinh trong cõi Sắc giới. Nghiệp tương ưng với Vô sắc giới sẽ làm duyên cho thức tái sinh trong cõi Vô sắc giới. Như vậy, tư niệm thực làm duyên cho tái sinh vào ba cõi. -Thức thực làm duyên cho danh - sắc sinh lên bằng đồng sanh duyên (sahājātapaccayo). Khi thức tục sinh hiện khởi, bấy giờ danh (nāma) cũng sinh lên, danh ở đây là ba uẩn: thọ, tưởng và hành uẩn. Đồng thời với thức tục sinh, những đoàn sắc nghiệp cũng sinh lên, loại sắc nghiệp này gọi là sắc tục sinh (đây là nói cõi ngũ uẩn, cõi vô sắc chỉ có danh, ở cõi Vô tưởng chỉ có sắc Mạng quyền làm việc tục sinh). Trong thời bình nhật, khi tâm sinh lên lập tức các tâm sở cũng hiện khởi, các tâm sở ấy là danh. Đồng thời tâm cũng tạo ra một loại sắc để hành động hay nói, gọi là sắc tâm tạo (cittajarūpa), ngoại trừ ngũ song thức và các tâm quả Vô sắc không tạo sắc tâm, những tâm còn lại đều tạo sắc tâm. Có Phật ngôn: “Viññāṇa paccayā nāmarūpaṃ: Thức duyên cho danh - sắc”. Thức trong lý duyên khởi chỉ cho những tâm quả, một số tâm quả đảm nhiệm việc tục sinh, số khác thì không như nhãn thức, nhĩ thức chẳng hạn. Còn thức thực chỉ cho tất cả các tâm. Có thể có người nghi ngờ câu Phật ngôn: “Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā: chúng sanh tồn tại do vật thực” còn thiếu sót. Vì rằng: Có chúng sanh là phạm thiên Vô tưởng (asaññī) không có đoàn thực, không có xúc thực, không có tư niệm thực, không có thức thực nhưng vị ấy vẫn tồn tại. Đáp rằng: Chữ sattā (hữu tình hay chúng sanh) là ám chỉ cho uẩn (khandha). Như có Pāli rằng: “Katame dhammā sappaccayā? Pañcakkhandhā: Thế nào là pháp hữu duyên? Năm uẩn (là pháp hữu duyên). Khi các uẩn hội lại, gọi là sattā (chúng sinh) . Như vậy, khi nói đến chúng sinh tức là nói đến uẩn, Phạm thiên Vô tưởng tuy chỉ có sắc uẩn, nhưng đó là loại sắc uẩn có mạng quyền, sắc Mạng quyền là loại sắc thành tựu do nghiệp lực. “Sattā kammadāyadā: Chúng sinh là thừa tự của nghiệp” [8]. Và tuy chỉ có sắc uẩn nhưng Phạm thiên Vô tưởng vẫn được gọi là chúng sinh, vì thừa tự của nghiệp. Ví như có nhiều nhà hội lại, gọi là làng, lửa cháy một nhà trong làng, người ta cũng gọi là cháy làng. Tức là: “Nói đến làng ngầm nói đến nhà, nói đến chúng sinh ngầm nói đến uẩn. Nói đến nhiều nhà ngầm nói đến làng, nói đến uẩn ngầm nói đến chúng sinh. Có làng có nhiều loại nhà, có làng chỉ có một loại nhà. Cũng vậy, có hạng chúng sinh nhiều uẩn (5 uẩn, hoặc bốn uẩn) ví như làng có nhiều loại nhà; có hạng chúng sinh một uẩn, ví như làng có một loại nhà. Do đó, Phạm thiên Vô tưởng tuy chỉ có một uẩn vẫn được gọi là chúng sinh”. Vị Thánh nữ Alahán Vajirā có dạy như sau: … Yathā hi aṅgasambhātā, hoti saddo ratho iti; Evaṃ khandhesu santesu, hoti sattohi sammuti… “...Như bộ phận quy tụ, tên xe được nói lên, Cũng vậy uẩn quy tụ, thông tục gọi chúng sinh...” [9]. a- Đoàn thực (kalaḷīkāra āhāra). Đoàn thực là những miếng ăn, hay là dưỡng tố có trong miếng ăn. Có câu giải tự: Kalaḷīkāro āhāro āhārarūpaṃ nāma: Gọi là đoàn thực là sắc vật thực (tức là chất bổ dưỡng trong miếng ăn). Thành phần cơ bản của sắc vật thực là “đất, nước, lửa, gió”, chính “dưỡng tố (ojā)” mới là quan trọng. Một cọng rau hay miếng thịt chỉ là “cách gọi tên (chế định)” chứ bản chất thực của chúng đều là đất, nước, lửa, gió, chúng chỉ khác nhau về dưỡng tố. Theo thực tính pháp (sabhāvadhamma), sắc vật thực là tinh chất của tứ đại, nói cách khác nương từ tứ đại, sắc vật thực hình thành. Có hai loại sắc vật thực là: - Sắc vật thực bên ngoài (bahidhāhāra): Là những chất bổ dưỡng từ bên ngoài đưa vào thân thể. - Sắc vật thực bên trong (ajjhattāhāra):Là chất bổ dưỡng của mỗi bọn sắc trong thân thể chúng sinh, đây là loại sắc thành tựu do nghiệp thủ (kammupādāna). Kinh văn ghi “đoàn thực thô hay tế” là chỉ cho loại sắc vật thực bên ngoài, thô hay tế mang tính tương đối: - Đoàn thực thô, tế. *- Vật thực cứng gọi là thô (oḷāriko), vật thực mềm gọi là tế (sukhumo). Cứng hay mềm chỉ là cách so sánh tương đối, gân mềm so với xương nhưng cứng so với thịt, thịt mềm so với gân nhưng cứng so với mở... *- Vật thực có nhiều dưỡng tố là vật thực tế, ít dưỡng tố là vật thực thô. Một người dùng chén cháo trắng đầy, không bao lâu lại cảm thấy đói, trái lại người dùng chén canh có nhiều dưỡng tố có thể no cả ngày. Vật thực và dưỡng tố liên quan mật thiết với nhau, vật thực làm tan biến sự đói khát, nhưng không bảo dưỡng được sinh mạng chúng sinh, dưỡng tố bảo dưỡng duy trì được sinh mạng chúng sinh, nhưng không diệt trừ được đói khát. Vật thực và dưỡng tố kết hợp nhau vừa dứt trừ sự đói vừa bảo dưỡng được sinh mạng chúng sinh. Sau đây là một số nét tương đối của hai loại vật thực thô - tế. - Vật thực của dân thành phố là tế so với vật thực của người dân thôn quê. - Vật thực của vua quan là tế so với vật thực của dân thành phố. - Vật thực của vua Chuyển Pháp Luân là tế so với vật thực của nhân loại. - Vật thực của Chư thiên địa cầu là tế so với vật thực của vua Chuyển luân. - Vật thực của Tứ Đại Vương vi tế hơn vật thực của Chư thiên địa cầu.... Có câu hỏi rằng: Vật thực bảo dưỡng cho các pháp khác được tồn tại và tăng trưởng? Vậy pháp nào bảo dưỡng cho vật thực? Đáp: Chính vật thực tự bảo dưỡng cho mình. Ví như người mẹ bảo dưỡng hài nhi, giúp hài nhi lớn mạnh, chính người mẹ cũng tự bảo dưỡng mình. Chúng sinh năm uẩn đang và sẽ hiện hữu với bốn loại thức ăn. Chúng sinh bốn uẩn đang và sẽ hiện hữu với ba loại thức ăn: xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Chúng sinh Vô tưởng đang hiện hữu (ṭhīti) với sắc mạng quyền do nghiệp tạo, sắc mạng quyền là thành quả của tư niệm thực, tuy hiện tại không có tư niệm thực nhưng thành quả còn đó xem như có tư niệm thực, ví như di chúc của người quá cố. Khi chúng sinh cõi Vô tưởng mệnh chung, thức tái sinh hiện khởi do duyên tư niệm thực. b. Xúc thực (phassāhāra). Là sự tiếp chạm giữa căn (indriya), cảnh (ārammaṇa) và thức (viññāṇa). Khi các quyền (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp chạm với cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) và thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức), bấy giờ phát sinh xúc tương ứng (nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc). Vì sao cần phải có thức? Vì không có sự hướng tâm đến cảnh sẽ không nhận thức cảnh, người có mắt, có cảnh sắc nhưng không chú ý đến cảnh sắc sẽ không nhận thức được. Hay tuy có tai, có âm thanh nhưng không chú ý sẽ không nghe chi cả, dĩ nhiên trừ trường hợp cảnh quá lớn như cảnh kinh hoàng đột nhiên ập đến, tiếng sấm nổ, mùi nồng nặc... Do đó, nói rằng: “Không có thức sinh lên thì xúc cũng không sinh”. Đồng thời, chính vì căn, cảnh và thức sai biệt nên có xúc sai biệt. “Dhātunānattaṃ, bhikkhave, paṭicca uppajjati phassanānattaṃ. “Này các Tỳkhưu, do duyên giới sai biệt nên xúc sai biệt khởi lên” [10]. Giới (dhātu) ở đây, chỉ cho 18 giới, là sáu căn, sáu cảnh và sáu thức. Căn, cảnh, thức phối hợp tương thích với nhau, không hề lẫn lộn. - Nhãn căn (thần kinh nhãn) + cảnh sắc + nhãn thức à nhãn xúc. - Nhĩ căn (thần kinh nhĩ) + cảnh thinh + nhĩ thức à nhĩ xúc. - Tỷ căn (thần kinh tỷ) + cảnh mùi + tỷ thức à tỷ xúc. - Thiệt căn (thần kinh thiệt) + cảnh vị + thiệt thức à thiệt xúc. - Thân căn (thần kinh thân) + cảnh xúc + thân thức à thân xúc. - Ý thức + cảnh pháp à ý xúc. Như vậy, có sáu xúc: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc. Sáu xúc này sai biệt nhau. c. Tư niệm thực (manosañcetanā). Sự cố ý (cetanā) Ngài gọi là Tư niệm thực, cetanā luôn là duyên (vật thực) để sinh khởi thức (tâm quả). Nhưng manosañcetanā [11] là “ý hướng đến”, tức là sự suy nghĩ khắn khít để sinh khởi thức tái sinh trong tương lai. “Yañca, bhikkhave, ceteti yañca pakappeti yañca anuseti, ārammaṇametaṃ hoti viññāṇassa ṭhitiyā, ārammaṇe sati patiṭṭhā viññāṇassa hoti. Tasmiṃ patiṭṭhite viññāṇe viruḷhe nati hoti. Natiyā sati āgatigati hoti… “Này các Tỳkhưu, cái gì chúng ta tư niệm (ceteti), cái gì chúng ta tư lường, cái gì chúng ta có thầm ý (anuseti) [12], cái ấy trở thành cảnh [13] cho thức an trú, khi nào có cảnh thời có thức an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có hướng về (nati). Do có hướng về nên có đi đến tái sinh...” [14]. Hay: “Này các Tỳkhưu, có tám thọ sanh do bố thí (dānupāpattiyo)... Ở đây, này các Tỳkhưu, có hạng người căn bản làm phước bố thí cho các Sa môn, Bàlamôn với đồ ăn, đồ uống... người ấy bố thí và mong hưởng quả (paccāsimsatiṇ). Người ấy thấy các Sát đế lỵ đại phú, hay các Bàlamôn đại phú, hay các gia chủ đại phú, sung túc đầy đủ, thọ hưởng năm dục tăng trưởng. Người ấy suy nghĩ sau: “mong rằng, sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh cộng trú với Sát đế lỵ đại phú...” [15]. Ý nghĩa bài kinh này cho thấy: “Người tạo phước mong mõi sinh hữu trong tương lai”, chính sự mong mõi sinh hữu trong tương lai, được gọi là sañcetanā (tư niệm thực). Như vậy, sañcetanā là: “Hướng đến tái sinh trong tương lai”, sự hướng đến tái sinh này do ái làm duyên, nên Đức Xálợiphất có dạy: “Từ tập khởi của ái, có tập khởi cũa thức ăn” (là thức thực – Ns). Lại nữa, sự hướng đến tái sinh trong tương lai có hai cách: - Có khuynh hướng thiên về. Là khi tạo phước lúc nào cũng mong mõi được tái sanh về cành an vui như được làm người cao sang, quyền quý hay được là vị thiên nhân. Câu truyện nàng Patipūjikā là minh chứng. Nàng Patipūjikā [16]. Ở cõi trời Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) có vị thiên tử tên là Mālabhārī (người mang vòng hoa), có ngàn thiên nữ tùy tùng. Một lần nọ, thiên tử cùng ngàn thiên nữ đi vào vườn Nandavana (Hỷ lạc lâm) để vui chơi, một nửa thiên nữ leo lên cây để hái hoa ném xuống, một nửa kết hoa làm vòng hoa cho thiên tử Mālabhārī. Bất ngờ một thiên nữ đang ngồi trên cành cây mệnh chung , tái sinh về nhân loại, trong một gia đình trưởng giả trong thành Sāvatthī (Xávệ), (chư thiên mệnh chung ví như ngọn đèn chợt tắt, không lưu lại thi hài, vì sắc chư thiên là sắc tế). Khi được 16 tuổi, nàng được cha mẹ gả cho một công tử thuộc gia đình có môn đăng hộ đối. Do phước duyên còn dư sót, nàng nhớ lại kiếp trước của mình, nàng ước ao sinh về cõi chư thiên, là vợ của thiên tử Mālabhārī như kiếp trước. Vào những ngày Uposatha (Bốtát), nàng thường cúng dường vật thực, nước và phục vụ chư tăng chu đáo, nàng ước nguyện “được trở về với chồng”, nên nàng có tên Patipūjikā (người nữ cúng dường để được gần chồng). Thời gian ở nhân loại của nàng là 32 năm, nàng có được 4 người con. Một hôm, sau khi cúng dường đến chư Tăng, thọ trì giới Bát quan, nàng ngồi nghe pháp. Đến tối, đột nhiên nàng lâm bịnh và qua đời, tái sinh trở lại nơi thiên giới trong vườn Nandavana, nơi nàng mệnh chung khi trước. Chợt thấy cô, thiên tử Mālabhārī hỏi: - Từ sáng đến giờ nàng đi đâu? (một ngày đêm cõi Ba mươi ba bằng trăm năm cõi nhân loại, nên 32 năm cõi nhân loại chỉ hơn nửa ngày ở cõi chư thiên). Nàng Patipūjikā thuật lại mọi việc cho thiên tử nghe, vị Thiên tử than rằng: “Đời sống nhân loại ngắn ngủi như thế, sao họ không lo tạo việc lành nhỉ?”. Hôm sau, chư Tỳkhưu biết nàng Patipūjikā mệnh chung, bạch hỏi Đức Thế Tôn về cảnh giới tái sinh của nàng, Đức Thế Tôn giải đáp thắc mắc cho chư Tỳkhưu xong, nhân đó Ngài thuyết lên kệ ngôn: “Pupphāni h’eva pacinantaṃ. Byā sattamanasaṃ naraṃ Atittaṃ yeva kāmesu. Antako kurute vasaṃ “Người nhặt các loại hoa. Ý đắm say, tham nhiễm Các dục chưa thỏa mãn. Đã bị chết chinh phục”(HT. TMC dịch). - Không có khuynh hướng thiên về. Tuy không có khuynh hướng thiên về, nhưng những gì được tạo ra bởi tâm sở Tư (cetanā cetasika), tâm sở Tư sẽ khắn khít với cảnh giới phù hợp với tâm quả (làm việc tục sinh) sau này. Như tâm sở Tư trong ác, bất thiện nghiệp sẽ khắn khít với bốn khổ cảnh (rõ ràng chẳng một chúng sinh nào thích thú hướng tâm đến 4 khổ cảnh cả, nhưng kẻ làm ác vẫn phải sinh về một trong 4 cõi này). Tâm sở Tư thiện sẽ khắn khít với nhàn cảnh (cho dù người tạo thiện nghiệp không mong cầu, khi mệnh chung, tâm sở Tư vẫn tạo tâm quả tục sinh cho sinh vào nhàn cảnh). Ngoài ra, tư niệm thực còn mang ý nghĩa là: Tạo ra tâm quả thiện hay tâm quả bất thiện trong thời bình nhật. d. Thức thực. Mỗi sátna tâm đều làm duyên cho các tâm sở sinh lên, đồng thời các sắc pháp (sắc tâm) được hình thành, nên mỗi tâm được gọi là thức thực. Luận Atỳđàm có ghi “Nhân cận (padaṭṭhānaṃ) của tâm sở là “phải có tâm sanh (cittuppāda)” [17]. Hiểm họa của bốn vật thực. a- Hiểm họa của đoàn thực là ái luyến sắc thân. Vật thực nuôi dưỡng thân, thân được xinh tốt là do vật thực có nhiều dưỡng tố, đồng thời chính vị chất của dưỡng tố làm tâm đắm nhiễm. Vật thực là một nhu cầu không thể thiếu được của chúng sinh trong cõi Dục. Chính vì nhu cầu này nên chúng sanh phải đi tìm kiếm (ngoại trừ những chúng sanh có nhiều quả lành như Chư thiên). Sự tìm kiếm vật thực không phải dễ dàng, loài người phải làm việc vất vả mới có được. Chính vì vật thực mà người ta có thể tạo ra những ác bất thiện pháp như sát sanh, trộm cắp, lừa dối, giết hại lẫn nhau… Ngay cả loài thú cũng vì miếng ăn, đôi khi chúng phải đổ máu, mang thương tật hay bị thiệt mạng. Nhiều tai nạn, bất trắc, ác bất thiện pháp nảy sinh từ miếng ăn, đây là hiểm họa của vật thực. Đói khát là sự sợ hãi lớn, hằng đè nặng tâm của chúng sinh, đói khát là một chứng bịnh trầm kha không bao giờ dứt. Thông thường, khi đau ốm người ta dùng những dược chất thích hợp để trị, bịnh sẽ thuyên giảm rồi dứt hẳn, nhưng bịnh đói thì bất trị, hễ ăn no rồi sau đó lại đói. “Jighachā paramā rogā: Đói là chứng bịnh tối trọng”. [18] Trong Trung bộ kinh II, bài kinh Catuma, có nêu lên: “Ví như người lội xuống nước có bốn điều sợ hãi chờ đợi là: Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ. Cũng vậy, bậc xuất gia cũng có bốn điều sợ hãi chờ đợi là: Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy và sợ hãi về cá dữ. Sợ hãi về cá sấu là sợ đói, không kham nhẫn trong vật thực vị Tỳkhưu có thể vì đói khát mà hoàn tục, hoặc do đắm nhiễm trong vị ngon của vật thực phải trở về với đời sống thế gia. Câu truyện sau đây là minh chứng. Tôn giả Cūlapiṇḍapatika Tissa. Thanh niên Tissa là con độc nhất của một gia đình giàu có trong thành Vương xá. Một hôm được nghe pháp từ Đức Thế Tôn, vị ấy suy nghĩ: “Theo lời dạy của Đức Thế Tôn thì đời sống tại gia, giới hạnh không được bóng sáng như vỏ ốc xa cừ được đánh bóng. Vậy ta hãy xuất gia”. Thế rồi, Tissa về nhà xin với cha mẹ cho phép chàng xuất gia, cha mẹ chàng không đồng ý, Tissa bỏ ăn 7 ngày như công tử Ratthapāla (Kinh Trung bộ, số 83) và chàng được xuất gia. Sau khi xuất gia, Tôn giả Tissa đi đến thành Sāvatthī (Xávệ) trú ngụ nơi Jetavanavihāra (Tinh xá Kỳviên), thực hành hạnh đầu đà “đi khất thực ăn”, nên Ngài được gọi là Cullapiṇḍapatika Tissa. Tại thành Vương xá (Rājagaha), nhân một ngày lễ hội, cha mẹ của Tissa lấy đồ trang sức của Tissa thường dùng bỏ vào trong hộp bạc, cầm hộp bạc đặt trên ngực mình than khóc: - Trong những ngày lễ hội, con ta thường mang những trang sức này. Sa môn Gotama mang đứa con yêu quý nhất của chúng ta đến thành Xávệ. Nay con chúng ta ngồi ở đâu? Đứng ở đâu? Một kỹ nữ xinh đẹp đi ngang qua, thấy bà trưởng giả than khóc, liền hỏi vì sao bà than khóc. Bà trưởng giả kể lại câu chuyện, nàng kỹ nữ hỏi thăm: - Thưa bà, con trai bà ưa thích gì? - Nó ưa thích thứ này, thứ này… - Nếu bà cho con chủ quyền hoàn toàn trong gia đình này. Con sẽ đem con trai bà về. Bà trưởng giả đồng ý lời đề nghị của nàng kỹ nữ, cho tiền phí tổn đến nàng bảo rằng: - Hãy đi và dùng sức mạnh của nữ nhân đem con trai ta về. Nàng kỹ nữ đi đến thành Sāvatthī (Xávệ), thuê căn nhà có 7 tầng lầu trên đường Ngài Cullapiṇḍapatika Tissa đi khất thực. Khi Tôn giả đi khất thực ngang qua nhà nàng, nàng cúng dường vật thực loại thượng vị vào bát Tôn giả. Vài ngày sau nàng cho tiền bọn trẻ, bảo bọn trẻ tung bụi lên khi nàng cúng dường vật thực cho Tôn giả Cullapiṇḍapatika Tissa. Bọn trẻ làm theo lời dặn, nàng bạch với Tôn giả: - Thưa Ngài, bọn trẻ quấy rối quá, xin Ngài hãy ngự vào trong nhà. Tôn giả đi vào trong nhà nhận vật thực, vài ngày sau nàng lại cho tiền bọn trẻ, bảo chúng hãy ném gạch đá vào nhà, rồi nàng thỉnh Tôn giả ngự lên lầu một. Theo cách thức ấy, nàng đưa Tôn giả đến lầu bảy. Tôn giả Cullapiṇḍapatika Tissa vì tham vị chất ngon ngọt, đã rơi vào bẩy của nàng kỹ nữ. Khi lên đến lầu bảy nàng khêu gọi dục tình của Tôn giả Cullapiṇḍapatika Tissa và Tôn giả đã phá hoại giới cấm, từ bỏ đời sống xuất gia trở về đời sống thế tục. [19] Trong chú giải kinh Pháp cú cũng có mẫu truyện tương tự, chỉ khác là Tôn giả Sundarasamudda (Mỹ Hải), thoát ra cạm bẩy của nàng kỹ nữ nhờ sự trợ giúp của Đức Thế Tôn, Ngài phóng quang ảnh đến trước mặt Tôn giả Sundarasamudda, nói lên kệ ngôn: Yo’dha kāme pahatvāna. Anāgāro paribbaje. Kāmabhava parikkhīṇaṃ. Taṃ ahaṃ brūmi brāhmanaṃ. Ai ở đời, đoạn dục. Bỏ nhà sống xuất giaDục hữu được đoạn tận. Ta gọi Bàlamôn.[20] Nghe được kệ ngôn, Tôn giả Sundarasamudda đình chỉ dục vọng, đưa tâm quán xét chứng quả Alahán, Ngài dùng thần thông xuyên qua nóc nhà cô kỹ nữ về đến Jetavanavihāra (Tinh xá Kỳviên), đảnh lễ Đức Thế Tôn. Lại nữa, một người dùng vật thực nhiều dưỡng tố và đầy đủ, xác thân sẽ tươi nhuận xinh đẹp, trái lại do thiếu vật thực, thân xác gầy guộc, xấu xí… Do thân thể xinh đẹp, người này có thể rơi vào ái luyến thân của mình, từ đó dẫn đến tham đắm các mỹ phẩm sắc, hương, cùng các vật trang điểm khác để tô điểm thân xác này thêm xinh đẹp. Thế là tâm đắm chìm trong dục (kāma) dẫn đến luân hồi trong cõi dục, đây là một trong những hiểm họa của đoàn thực. Điển hình là nàng Abhirūpanandā (em gái Ngài Nanda, con của bà Pajāpati Gotamī) thuộc gìòng Thích ca, được xuất gia trong Pháp luật này, chỉ vì ái luyến thân xinh đẹp của mình nên không chịu đi nghe Pháp từ Đức Thế Tôn. Tuy nhiên, khi duyên lành hội tụ, Tỳkhưu ni Abhirūpananda đến nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, Đức Phật dùng thần thông hóa ra một nữ nhân xinh đẹp đứng quạt hầu Ngài. Nữ nhân này nhan sắc rất diễm lệ, sắc đẹp của nàng Abhirūpananda so với sắc đẹp của nàng chẳng khác nào con quạ đen so với con công. Khi tâm trí nàng Abhirūpanandā chỉ còn biết lặng ngắm nữ nhân xinh đẹp, Đức Thế Tôn khiến thiếu nữ phát triển từ từ, có một con, 2 con … rồi già, bịnh, chết. Tấm thân xinh đẹp trước đây, khi ấy chỉ còn là một khối sình thối, rữa nát... Nàng chợt tỉnh ngộ, tiếp theo Đức Phật dạy kệ ngôn: Aṭṭhinaṃ nagaraṃ kataṃ. Maṇsalohitalepanaṃ. Yattha jarā ca macu ca. Māno makkho ca ohito. “Thành trì (này) dựng lên bằng xương, đấp thịt và máu bên ngoài, trong đó tích trữ bịnh tật, chết chóc, ngã mạn và phỉ báng. [21] Nghe xong bà chứng quả Alahán trở thành vị nữ Thánh nữ Alahán Câu truyện của bà Hoàng Khemā cũng tương tự như vậy (kệ ngôn tiếp dẫn của của Đức Đạo sư có khác) và bà trở thành vị Thánh nữ Alahán đệ nhất trí tuệ của Đức Thế Tôn… Đức Phật có dạy: “Upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṅhā pavaḍḍhati. “Này các Tỳkhưu, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ (upādāniya dhammā), ái được tăng trưởng” [22]. Hay: “Saṃyojaniyesu dhammesu assādānupassitā: Thấy vị ngọt trong các pháp, có thể khởi lên giây trói buộc”. [23] Trong Tương ưng kinh, Đức Phật có dạy: “Cattārome, bhikkhave, āhārā bhūtānaṃ vā sattānaṃ ṭhitiyā sambhavesīnaṃ vā anuggahāya “Này các Tỳkhưu, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại hay sự chấp thủ tái sinh cho các hữu tình hay các loài chúng sinh” [24]. Và Đức Thế Tôn dạy chư Tỳkhưu nên quán xét đoàn thực ví như người phải ăn thịt chính con của mình. Đoạn kinh văn miêu tả như sau: Ví như hai vợ chồng cùng với đứa con khả ái, thương mến, họ mang theo một ít lương thực, đi qua một quảng đường hoang vu. Thế rồi, lương thực hết quảng đường còn dài, khi đứa con chết hai vợ chồng đành dùng thịt con mình làm lương thực, để vượt qua vùng hoang dã. “Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nu te davāya vā āhāraṃ āhāreyyuṃ, madāya vā āhāraṃ āhāreyyuṃ, maṇḍanāya vā āhāraṃ āhāreyyuṃ, vibhūsanāya vā āhāraṃ āhāreyyun’ti? – No hetaṃ, bhante. “Này các Tỳkhưu, các ngươi nghĩ thế nào? Chúng ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay chúng ăn món ăn để tham đắm? Hay chúng ăn món ăn để trang điểm (thân)? Hay chúng ăn để được béo tốt? “ - Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn. - Nanu te, bhikkhave, yāvadeva kantārassa nittharaṇatthāyaāhāraṃ āhāreyyun’ti? - Evaṃ, bhante. - Có phải chúng ăn món ăn chỉ với mục đích vượt qua vùng hoang vu. - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. - Evameva khvāhaṃ, bhikkhave, kabaḷīkāro āhārodaṭṭhappo’ti vadāmi. Kabaḷīkāre, bhikkhave, āhāre pariññāte pañcakāmaguṇiko rāgo pariññāto hoti. Pañcakāmaguṇike rāge pariññāte natthi taṃ saṃyojanaṃyena; saṃyojanena saṃyutto ariyasāvako puna imaṃ lokaṃ āgaccheyya. - Cũng vậy, này các Tỳkhưu, Ta nói, đoàn thực cần phải nhận xét như vậy. Này các Tỳkhưu, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử[25], do kiết sử này một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này” (sđd). Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích [26]. - Không phải để vui chơi. Là dùng vật thực không phải với mục đích để vui đùa như những thanh niên nam nữ. Không phải để vui chơi “ám chỉ từ bỏ si, làm cho si không tăng trưởng”. - Không phải để tham đắm. Là dùng vật thực không phải với mục đích say mê, như võ sĩ say mê với sức mạnh. Lẽ thường, những võ sĩ tìm những loại thức ăn thích hợp để tăng cường sức mạnh. Cũng vậy, vị Tỳkhưu không đi tìm những loại thức ăn hợp khẩu vị theo mong muốn, vị Tỳkhưu không đòi hỏi “thức ăn này phải như vầy... như vầy...”, để tăng cường sức lực cho thân. Đức Phật có dạy: “Vị xuất gia cần phải nên quán sát: Sự sống của ta tùy thuộc vào người khác nên bậc xuất gia phải là người dễ nuôi dưỡng [27]”, không đòi hỏi những loại vật thực thích hợp với khẩu vị. Câu “không phải tham đắm” là từ bỏ sân, không làm cho sân tăng trưởng. Vì sao? Vì khi nhận những loại vật thực không theo ý sẽ làm sân sinh khởi, nhận nhiều lần loại vật thực không ưng ý khiến sân tăng trưởng. - Không phải để trang sức. Là dùng vật thực không phải với mục đích làm cho thân thể có vóc dáng xinh đẹp như những vũ nữ của Đức vua, những kỹ nữ... những người này dùng vật thực với mục đích “làm cho thân thể trở nên hấp dẫn người khác”. Vị Tỳkhưu dùng vật thực không phải với mục đích “có được thân thể xinh đẹp, tươi tốt”. - Không phải để béo tốt. Là không dùng vật thực với mục đích làm cho thân thể được tăng trưởng nhiều thịt, nhiều mở. “Không phải để trang sức” và “không phải để béo tốt” là từ bỏ tham, không làm tham tăng trưởng. Bản sớ giải kinh Chánh tri kiến [28] có nêu lên chín thứ thịt đáng nhờm gớm là: 1- Thịt của bản thân mình. 2- Thịt của quyến thuộc. 3- Thịt của con mình. 4- Thịt của người yêu quý. 5- Thịt của trẻ nhỏ. 6- Thịt sống. 7- Thịt không phải đễ ăn. 8- Thịt phải ăn khi không muốn ăn. 9- Thịt không được nướng chín. Do đó, khi dùng vật thực nên quán tưởng “loại vật thực đang dùng là một trong 9 thứ thịt đã nêu”. Lại nữa, “quán tưởng thức ăn” là một trong mười đề mục tùy niệm (anussati). Sách Thanh Tịnh đạo có mô tả “vị Tỳkhưu quán xét sự không trong sạch của vật thực”[29]. Tóm lược vài nét như sau: - Vật thực tìm được dù có vẻ tốt đẹp bên ngoài, nhưng khi đưa từng miếng vào miệng, bị răng nghiền nát, vẻ đẹp ban đầu không còn, rồi bị nước bọt tẩm ướt, nước bọt ấy hòa lẫn chất bẩn nơi chân răng chỗ tăm không xỉa đến được và vật thực ấy trở nên dơ bẩn. - Khi nuốt vào bao tử, đối với phàm nhân có bốn thứ rỉ ra, thấm vào thức ăn là: mật, đàm, mủ, máu (Độc Giác Phật và Chuyển Luân Vương chỉ có một trong bốn chất trên rỉ ra, thấm vào vật thực, không thấy sách Thanh Tịnh đạo đề cập đến Đức Chánh Đẳng Giác và bậc Alahán, không rõ vì sao? Có lẽ hai bậc này cũng tương tự, nhất là vị Alahán. Tức là từ khi trở thành bậc Alahán, các Ngài chỉ có 1 trong bốn thứ rỉ ra, còn bậc Chánh giác chất rỉ ra giồng như vua Chuyển Luân). Khi thức ăn được mật rỉ ra nhiều thấm vào, nó có mùi buồn nôn, khi được đàm tiết ra nhiều thấm vào, nó có mùi tanh tưởi của đàm, khi được mủ tiết ra nhiều thấm vào, nó có mùi hôi thối như sữa chua thối rữa, khi được máu rỉ ra nhiều thấm vào, nó như được nhuộm hoàn toàn với màu máu đáng ghê tỡm ... Do quán tưởng vật thực bất tịnh như thế, tâm hành giả không còn tham đắm trong vị chất của vật thực. Và quán thấy đoàn thực như thịt đứa con mình, sẽ chế ngự được sự ham muốn khi thọ dụng vật thực thô hay tế. “Kabaḷīkāre ce, bhikkhave, āhāre atthi rāgo atthi nandī atthi taṅhā, patiṭṭhitaṃ tattha viññāṇaṃ viruḷhaṃ. “Này các Tỳkhưu, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, chỗ ấy thức được an trú, tăng trưởng. Yattha patiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ viruḷhaṃ, atthi tattha nāmarūpassa avakkanti. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Yattha atthi nāmarūpassa avakkanti, atthi tattha saṅkhārānaṃ vuddhi. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Yattha atthi saṅkhārānaṃ vuddhi atthi tattha āyatiṃ punabbhavābhinibbatti. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai. Yattha atthi āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, atthi tattha āyatiṃ jātijarāmaranaṃ. Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai. Yattha atthi āyatiṃ jātijarāmaranaṃ, sasokaṃ taṃ, bhikkhave sadaraṃ sa upāyāsanti Chỗ nào có sanh, già, chết trong tương lai, này các Tỳ khưu, Ta nói chỗ ấy có sầu, có não.”[30] Đoạn kinh trên cho thấy: “Đoàn thực mang đến sự tồn tại chúng sinh trong tương lai”. Và đó là hiểm họa cao nhất của đoàn thực. b- Hiểm họa của Xúc thực là dính mắc. Xúc làm duyên cho thọ sinh lên. Thọ có ba là: Khổ thọ, lạc thọ và xả thọ. Khổ thọ dẫn đến dính mắc với sân, lạc thọ dẫn đến dính mắc với tham, xả thọ dẫn đến dính mắc với si. Lẽ thường chúng sinh không hài lòng với khổ thọ hay xả thọ, chỉ thích thú đối với lạc thọ. Và lạc thọ chỉ khởi lên do có xúc. Người uống rượu thích thú khi thấy rượu (nhãn xúc), người đam mê âm nhạc sẽ hài lòng khi nghe bản nhạc y tâm đắc (nhĩ xúc), người thích thụ hưởng cảm thấy an lạc khi nằm trên giường nệm êm ái (thân xúc) …. Một khi có sự tiếp xúc với cảnh nghịch ý (cảnh xấu) thì có cảm giác khó chịu, bấy giờ tâm đã dính mắc với sân. Người nghiện rượu không hài lòng khi nghe ai khuyên họ bỏ rượu (nhĩ xúc), người đam mê âm nhạc sẽ khó chịu khi nghe bản nhạc tồi tệ, nằm trên đất, trên cỏ là sự khó chịu đối với người thích thụ hưởng nệm êm chăn ấm..… Khi dính mắc với lạc thọ qua xúc chạm với cảnh khả ý, cảnh đáng hài lòng, một khi đối tượng ấy mất, chúng sinh này cảm thấy đau khổ, cố tìm lại đối tượng đã mất. Thế là, chúng sinh ấy có thể rơi vào những ác bất thiện pháp, bị tù tội, bị hành phạt ngay trong hiện tại, đời sau cũng đau khổ do nhân ác ấy. Như một người mất số tiền họ cố tìm lại số tiền ấy, bằng cách lừa gạt người khác, trộm cắp của người … Do vậy, sự dính mắc trong xúc chạm đáng hài lòng được xem là một hiểm họa. Để ngăn trừ sự dính mắc trong xúc thực, Đức Phật dạy xúc thực cần phải nhận xét như con bò cái bị lột da. Lớp da bao bên ngoài thịt đã bị lột ra, khi ấy chạm bất cứ nơi nào trên thân đều đau nhức, rát buốt. Cũng vậy, xúc thực đối với bất kỳ đối tượng (cảnh) nào cũng chỉ mang lại đau khổ. “Seyyathāpi, bhikkhave, gāvī niccammā kuṭṭaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye kuṭṭa nissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ. Rukkhaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye rukkhanissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ. Udakaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye udakanissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ. Ākāsaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye ākāsanissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ. Yaṃ yadeva hisā, bhikkhave, gāvī niccammā nissāya tiṭṭheyya, ye tanniṭṭhitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ. “Ví như này các Tỳkhưu, một con bò cái bị lột da, nếu nó đứng dựa vào tường thì các sinh vật sống ở tường cắn nó. Nếu nó dựa vào cây, thời các sinh vật sống ở cây cắn nó. Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sinh vật sống ở trong nước cắn nó. Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sinh vật sống giữa hư không cắn nó. Này các Tỳkhưu, con bò cái ấy đứng dựa chỗ nào, thời các sinh vật trong chỗ ấy cắn nó…”[31] Vị Tỳkhưu quán thấy xúc thực này giống như con bò bị lột da, đụng chạm vào bất cứ cảnh nào: xấu, tốt, không xấu không tốt cũng đều mang lại đau khổ, nhờ vậy sẽ chế ngự ham muốn trong xúc chạm với đối tượng (cảnh) đáng hài lòng, chế ngự phẩn nộ, khó chịu khi xúc chạm cảnh không hài lòng. Vì sao? Vì xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái. “Phasse, bhikkhave āhāre pariññāte tisso vedanā pariññātā honti. Tisu vedanāsu pariññātāsu ariyasāvakassa natthi kiñci uttarikaraṇīyanti. “Này các Tỳkhưu, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ [32] được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa” (sđd). Và: “Phassa ce, bhikkhave, āhāre atthi rāgo atthi nandī atthi taṅhā, patiṭṭhitaṃ tattha viññāṇaṃ viruḷhaṃ. Yattha patiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ viruḷhaṃ, atthi tattha nāmarūpassa avakkanti. Yattha atthi nāmarūpassa avakkanti, atthi tattha saṅkhārānaṃ vuddhi. Yattha atthi saṅkhārānaṃ vuddhi atthi tattha āyatiṃ punabbhavābhinibbatti. Yattha atthi āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, atthi tattha jātijarāmaranaṃ. Yattha atthi āyatiṃ jātijarāmaranaṃ, sasokaṃ taṃ, bhikkhave sadaraṃ sa upāyāsanti “Này các Tỳkhưu, nếu đối với xúc thực có tham, có hỷ, có ái, chỗ ấy thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có não.”[33] Xúc thực làm sinh khởi thọ, thọ dẫn đến ái. Ái dẫn đến sinh tử luân hồi, đây là hiểm họa cao nhất của xúc thực. c- Hiểm họa của Tư niệm thực là huân tập. Khi chúng sinh tạo ra những nghiệp bất thiện hay những nghiệp thiện hữu lậu, những nghiệp này dẫn chúng sinh trôi lăn trong ba cõi. Có một số người không tin luân hồi, không tin nghiệp báo, hạng người này không từ chối bất kỳ ác nghiệp nào, họ thực hiện các ác nghiệp để phục vụ cho sự an lạc nhất thời của mình, đó là huân tập ác nghiệp. Truyện đồ tể Cunda là điển hình. Đồ tể CundaTương truyền rằng, đồ tể Cunda sống bằng nghề giết mổ heo suốt cả 55 năm. Khi muốn giết heo, ông trói heo thật chặt và0 cây cộc rồi dùng chày vồ đánh lên khắp mình con heo cho sưng lên để thịt được mềm. Sau đó ông chống hai hàm heo bằng cây nêm nhỏ, đổ nước sôi vào trong họng heo, nước nóng thấm vào dạ dày heo làm lỏng phẩn trôi ra hậu môn, bao giờ còn phẩn thì nước còn đục, khi nước chảy ra trong vắt thì heo hết phẩn (dĩ nhiên con heo đau khổ, kêu la inh ỏi cho đến lúc chết). Rồi ông cạo lông, đốt những lông cứng bằng cây đuốc, sau đó ông quay heo, dùng máu heo thoa lên lớp da đang quay. Ông cùng gia đình dùng thịt heo ấy, phần còn lại đem bán. Ông sinh sống bằng cách như thế trong 55 năm, nhà ông tuy ở gần Tinh xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra), nhưng Cunda không hề cúng dường đến Đức Thế Tôn hay chư Tăng dù chỉ một nắm hoa hay một muổng cơm, không hề làm một công đức chi cả. Một hôm ông lâm bịnh, ác nghiệp giết heo trả quả, ông bò như heo khắp nhà, miệng kêu như heo đang bị hành hạ. Sau 7 ngày ông mệnh chung, tái sinh vào địa ngục Atỳ (avīciniraya). Nhân câu truyện này Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn: Idha socati pecca socati. Pāpakārī ubhayattha socati. So socati so vihaññati. Disvā kammakiliṭṭham attano. Nay sầu, đời sau sầu. Kẻ ác hai đời sầu. Nó sầu, nó ưu não. Thấy nghiệp uế mình làm.[34] Một số người tuy có trí, có niềm tin vào luân hồi, nghiệp báo, nhưng tham đắm vào sự an lạc, họ tránh xa ác, bất thiện pháp, cố gắng tạo mọi thiện pháp để mai hậu hưởng quả an lành, điển hình là nàng Patipūjikā (cúng dường vì chồng). Với nghiệp bất thiện chúng sinh bị đọa vào bốn khổ cảnh, chịu nhiều đau khổ. Với nghiệp thiện tuy sinh vào nhàn cảnh, ít đau khổ hơn nhưng vẫn bị già, bịnh, chết dày vò, còn bị bức bách bởi định luật sinh diệt liên tục của pháp hữu vi. Vì thế, sự tạo nghiệp đồng nghĩa với khổ và sự huân tập trong nghiệp xem như là một hiễm họa sinh tử luân hồi. Để chế ngự sự ham muốn trong tư niệm thực, Đức Phật dạy cần phải nhận xét tư niệm thực như hầm lửa đỏ. “Seyyathāpi bhikkhave, aṅgārakāsu sāthikaporisā puṇṇā aṅgārānaṃ vītacchikānaṃ vītadhūmānaṃ. Atha puriso āgaccheyya jīvitukāmo amaritukāmo sukhakāmo dukkhappaṭikūlo. Tamenaṃ dve balavanto purisā nānābāhāsu gahetvā taṃ aṅgārakāsuṃ upakaḍḍheyyuṃ. Atha kho, bhikkhave, tassa purisassa ārakāvassa cetanā ārakā patthāna ārakā paṇidhi. “Này các Tỳkhưu, ví như một hố than hừng, sâu hơn một thân người, chứa đầy than cháy đỏ rực, hừng cháy không có khói. Rồi một người đi đến, muốn sống không muốn chết, muốn lạc chán ghét khổ. Có hai người lực sĩ đến, nắm chặt lấy hai cánh tay nó, kéo nó đến hố than hừng ấy. Này các Tỳkhưu, người ấy quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa (hố than hừng ấy)”. [35] Hố than hừng ví như tam giới, còn rơi vào tam giới là còn khổ, còn bị những than hừng già, bịnh, chết thiêu đốt. Người có trí khi tạo thiện nghiệp không mong cầu hưởng an lạc trong tam giới, chỉ muốn lánh xa tam giới, tức là chỉ muốn thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, như vậy được gọi là “không huân tập trong tư niệm thực”. Khi còn sinh tử luân hồi là do còn ái, khi hiểu rõ và chấm dứt ba ái thì sự luân chuyển trong tam giới không còn. “Manosañcetanāya, bhikkhave, āhāre pariññāte tisso taṅhā pariññātā honti. Tisu taṅhāsu pariññātāsu ariyasāvakassa natthi kiñci uttarikaraṇīyanti. “Này các Tỳkhưu, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái [36] được hiểu biết. Khi ba ái được hiểu biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có làm gì thêm nữa.” (sđd). Và: “Manosañcetanāya ce, bhikkhave, āhāre atthi rāgo atthi nandī atthi taṅhā, patiṭṭhitaṃ tattha viññāṇaṃ viruḷhaṃ. Yattha patiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ viruḷhaṃ, atthi tattha nāmarūpassa avakkanti. Yattha atthi nāmarūpassa avakkanti, atthi tattha saṅkhārānaṃ vuddhi. Yattha atthi saṅkhārānaṃ vuddhi atthi tattha āyatiṃ punabbhavābhinibbatti. Yattha atthi āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, atthi tattha āyatiṃ jātijarāmaranaṃ. Yattha atthi āyatiṃ jātijarāmaranaṃ, sasokaṃ taṃ, bhikkhave sadaraṃ sa upāyāsanti. “Này các Tỳkhưu, nếu đối với tư niệm thực có tham, có hỷ, có ái, chỗ ấy thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có não.”[37]d- Hiểm họa của Thức thực là sự tái sinh. Thức thực làm duyên cho danh sắc trong thời điểm tục sinh (paṭisandhi), điều này đồng nghĩa xuất hiện một chúng sinh mới, tiếp theo là già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não và toàn bộ sự khổ sinh lên cho chúng sinh ấy. Từ sự sinh lên này, những nỗi thống khổ từ đó sinh lên. Do đó hiểm họa của thức thực là danh sắc trong thời điểm tục sinh, nói cách khác hiểm họa của thức thực là sự tái sinh. Lẽ thường chúng sinh trong thế gian thường mong cầu “được thông minh, có trí tuệ”, “là người giàu sang, có danh tiếng, có quyền uy…” hay mong mỏi “có sắc đẹp, có sức mạnh, tai thính, mắt tinh”. Họ cố gắng tạo những việc lành phù hợp với những mong cầu này. Khi mệnh chung, thiện nghiệp ấy cho quả là tâm tục sinh, chính tâm tục sinh này tạo ra danh sắc phù hợp với ước nguyện trước đó, nhưng rồi kết quả này cũng bị vô thường chi phối, lại trở về với khổ (nếu còn tái sinh, còn danh sắc). Chẳng khác nào người cần cù làm việc trong một thời gian dài, tích lũy nhiều tài sản, rồi lại phung phí hưởng thụ, sau cùng lại trở nên bần khổ như xưa. Trái lại, người tạo ác nghiệp, nghiệp này cho quả là thức tái sinh (thức thực), thức tái sinh ấy cũng tạo ra danh sắc thích ứng với cảnh giới tái sinh. Như một chúng sinh bị đọa vào địa ngục, thức thực tạo ra danh sắc thích ứng với lửa địa ngục, không bị lửa này làm tiêu hoại. Vua Milinda có hỏi Đức Nāgasena (Natiên) về “lửa địa ngục rất nóng, một tảng đá lớn như cái nhà, rơi vào địa ngục sẽ tiêu hoại trong giây lát. Vì sao chúng sinh có thể sống trong đó thời gian cả ngàn năm hay lâu hơn để chịu khổ được?”. Đức Nāgasena trả lời: “Đó là do sức mạnh của ác quả gìn giữ mạng sống chúng sinh ấy.” Ngài Nāgasena có cho ví dụ: Những vật thực đi vào bụng người nữ bị tiêu hoại bởi sức nóng của lửa, nhưng thai bào nằm trong bụng mẹ thì vô sự. [38] Chính thức tục sinh tạo ra danh sắc phù hợp với môi trường hiện khởi của chúng sinh và thức tục sinh này nâng đở, gìn giữ chúng sinh được tồn tại nhờ sức mạnh của ác quả ấy”. Như Phật ngôn: “So na ca tāva kālaṃ kareyya yāva na taṃ pāpakammaṃ byantī hoti: Nếu không có thời gian dài trôi chảy, ác quả (của) nghiệp ấy không tiêu hoại.” Để ngăn trừ dính mắc trong thức thực (tức là dính mắc trong danh sắc tốt đẹp), Đức Phật cho ví dụ 300 ngọn giáo. Kinh văn nêu ví dụ: Đức vua bắt được tên trộm, Đức vua ra lịnh hành phạt tội nhân, vào buổi sáng đâm vào người tội nhân 100 ngọn giáo (satti), nhưng không cho tội nhân chết, vào buổi trưa đâm vào người tội nhân 100 ngọn giáo, vào buổi chiều đâm vào người tội nhân 100 ngọn giáo. “Taṃ kiṃ maññattha bhikkhave, api nu so puriso divasaṃ tīhi sattisatehi haññamāno tato nidānaṃ dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvediyethā’ti? “Này các Tỳkhưu, các ngươi nghĩ thế nào? Người ấy trong một ngày bị đâm 300 ngọn giáo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu chăng? Ekissāpi bhante, sattiyā haññamāno tato nidānaṃ dukkaṃ domanassaṃ paṭisaṃvediyetha; ko pana vādo tīhi sattisattehi haññamāno’ti. - Bạch Thế Tôn, chỉ một ngọn giáo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu, còn nói gì bị đâm 300 ngọn giáo. Evameva khvāhaṃ bhikkhave, viññāṇāhāro daṭṭhabboti vadāmi. - Như vậy, này các Tỳkhưu, Ta nói thức thực cần phải nhận xét. Viññāṇe, bhikkhave, āhāre pariññāte nāmarūpaṃ pariññātaṃ hoti. Nāmarūpe pariññāte ariyasāvakassa natthi kiñci uttarikaraṇīyanti vadāmi. -Này các Tỳkhưu, khi thức thực được hiểu rõ, thời danh sắc được hiểu rõ. Khi danh sắc được hiểu rõ thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không làm gì thêm nữa.”[39] Với chỉ một vết thương cũng đau khổ, nhức nhối khôn tả rồi, huống hồ là 300 vết thương do ngọn giáo đâm vào chỉ trong một ngày, thì sự đau đớn khốc liệt vô cùng. Sự tái sinh ví như bị ngọn giáo đâm vào, danh sắc hiện khởi ví như vết thương, những đau khổ khác biệt nhau sinh khởi từ vết thương ví như sự khổ khác biệt của danh sắc. Vết thương nối tiếp vết thương chỉ trong một ngày thì nỗi thống khổ của danh sắc này đủ để ngán ngẫm. Khi có danh sắc thì có ba sự khổ phát sinh, đó là: - Khổ khổ (dukkha dukkhatā). Là sự khổ thân và khổ tâm. Thân nhận lãnh thọ khổ, tâm nhận lãnh thọ ưu. - Hữu vi khổ (saṅkhāra dukkhatā). Là sự khổ khi còn pháp hữu vi, pháp hữu vi luôn sinh diệt, còn sinh diệt thì còn dẫn đến khổ. Lại nữa, còn pháp hữu vi (danh sắc) thì còn phải nhận lãnh những ác quả lẫn thiện quả do nghiệp đã tạo trong quá khứ hay trong hiện tại. Chí đến Đức Chánh giác, khi chưa Vô dư Nípbàn, còn thân năm uẩn Ngài vẫn phải nhận những ác quả do ác - bất thiện nghiệp đã gieo trong quá khứ. - Hoại khổ (viparinṇāma dukkhatā). Là sự khổ sinh lên khi bị biến hoại, nói cách khác là do vô thường chuyển đổi. Như sự an lạc thân tâm mất đi, chúng sinh còn tham ái, cảm thấy khổ sở vô hạn. Vị Thánh Anahàm Visākha có hỏi Thánh nữ Alahán Dhammadinnā: “Sukha pan’ ayye vedanā kiṃ sukhā kiṃ dukkhā? - Thưa Ni cô, đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?” Vị Thánh nữ Alahán đáp rằng: “Sukhā kho āvuso Visākha, vedanā ṭhitisukhā vipariṇāmadukkhā. - Này hiền giả Visākha, đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là khổ.[40] Đức Phật dạy: “Viññāṇa, bhikkhave, āhāre atthi rāgo atthi nandī atthi taṅhā, patiṭṭhitaṃ tattha viññāṇaṃ viruḷhaṃ. Yattha patiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ viruḷhaṃ, atthi tattha nāmarūpassa avakkanti. Yattha atthi nāmarūpassa avakkanti, atthi tattha saṅkhārānaṃ vuddhi. Yattha atthi saṅkhārānaṃ vuddhi atthi tattha āyatiṃ punabbhavābhinibbatti. Yattha atthi āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, atthi tattha āyatiṃ jātijarāmaranaṃ. Yattha atthi āyatiṃ jātijarāmaranaṃ, sasokaṃ taṃ, bhikkhave sadaraṃ sa upāyāsanti “Này các Tỳkhưu, nếu đối với thức thực có tham, có hỷ, có ái, chỗ ấy thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có não (sđd). Đối với chúng sinh là thai sinh, khi tục sinh có ba đoàn sắc là: Đoàn ý vật, đoàn tính (nam hay nữ), đoàn thân, sở dĩ ba đoàn này có mặt trước tiên vì: - Đoàn thần kinh thân có nhiều nơi thân do đó đoàn thân sinh trước. - Đoàn tính sinh lên để xác định nam hay nữ sau này. - Đoàn ý vật sinh lên để làm nơi nương cho tâm tục sinh và những tâm hữu phần (bhavaṅga) sinh kế tiếp. Đối với chúng sinh hóa sinh trong cõi có sắc, khi tâm tục sinh vừa hiện khởi thì những đoàn sắc do nghiệp tạo đồng sinh theo (cõi Phạm thiên Sắc giới có 4 đoàn: Đoàn nhãn, đoàn nhĩ, đoàn ý vật, đoàn mạng quyền. Chư thiên Dục giới, ngạ quỷ, chúng sinh địa ngục có đủ các đoàn sắc nghiệp tương ứng, Phạm thiên Vô tưởng thì tục sinh bởi đoàn mạng quyền). Trong các đoàn sắc nghiệp có sắc vật thực bất ly (sắc vật thực trong đoàn bất ly), sắc vật thực bất ly là sắc do nghiệp thủ (kammupādāna) tạo thành, nghiệp thủ có là do ái tập khởi. Do đó, ái là tập khởi của đoàn thực. Nên Đức Sāriputta dạy: “Từ tập khởi của ái, vật thực tập khởi”. Nghĩa là khi còn ái thì còn tái sinh, còn luân hồi sinh tử. Duy trì sự tồn tại của chúng sinh là vật thực, nên nói “ái là tập khởi của vật thực”, rồi vật thực duyên ngược lại cho ái bằng Hổ tương duyên (nương qua nương lại, ví như hai cây nương vào nhau đứng vững trên đất). Xúc thực duyên cho thọ, tư niệm thực duyên cho thức tái sinh, thức thực duyên cho danh sắc. Tất cả đều hiện khởi trong thời điểm tục sinh, do ái làm duyên. Nên ghi nhận trong phần trí hiểu rõ về vật thực, Đức Sāriputta (XálợiPhất) trình bày hai loại vật thực: Vật thực thành tựu do nghiệp thủ, vật thực thành tựu không do nghiệp thủ. Nói cách khác: Có loại vật thực là nhân (vật thực thành tựu không do nghiệp thủ), có loại vật thực là quả (vật thực thành tựu do nghiệp thủ). Vật thực thành tựu do nghiệp thủ. Là ba thực (xúc, tư niệm và thức thực) trong tâm quả hiệp thế, và sắc vật thực trong sắc nghiệp. Vật thực thành tựu không do nghiệp thủ. - Là sắc do thời tiết tạo (utujarūpa), sắc do vật thực tạo, những loại sắc ấy đều có sắc vật thực trong đoàn bất ly. Riêng sắc do tâm tạo (cittajarūpa), có loại thành tựu do nghiệp thủ (là sắc do tâm quả hiệp thế tạo ra), có loại thành tựu không do nghiệp thủ (là những sắc do những tâm ngoài tâm quả hiệp thế tạo ra). - Tâm bất thiện, tâm thiện, tâm duy tác là thức thực, đều có xúc thực, tư niệm thực, đây là những vật thực thành tựu không do nghiệp thủ. Đức Sāriputta (Xálợiphất) dạy: “Vật thực diệt do ái diệt”. Tức là khi không còn ái thì vật thực thành tựu do nghiệp thủ hay thành tựu không do nghiệp thủ trong tương lai sẽ không tồn tại, riêng trong hiện tại, bao giờ còn 5 uẫn, vị Thánh Alahán vẫn còn vật thực. Nên câu nói “vật thực diệt do ái diệt”, ám chỉ sau thời điểm viên tịch của vị Thánh Alahán, tức là không còn tái sinh. Dứt phần giải về vật thực. -ooOoo- Tiêu đề 3. Trí hiểu rõ Tứ đế. (Xin xem phần giải về Vô minh trong tập sách này, đồng thời xin tham khảo “Con đường cổ xưa” (Pūrāṇa maggaṃ), do Đại trưởng lão Piyadassī biên soạn, việt dịch Đại Đức Pháp Thông). -ooOoo- Tiêu đề 4. Trí hiểu rõ về già - chết. Chánh kinh. “Chư Hiền, thế nào là già chết, thế nào là tập khởi của già chết, thế nào là đoạn diệt của già chết, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của già chết?. Chư Hiền, khi nào vị Thánh đệ tử biết già chết (jarā maraṇañca pajānāti), biết căn nguyên già chết (jarāmaraṇa samudayañca pajānāti). Biết sự đoạn diệt của già chết, biết con đường đưa đến đoạn diệt của già chết... và thành tựu diệu pháp này. Thế nào là già? Sự già cả (jarā), suy lão (jīraṇatā), rụng răng (khaṇdhicaṃ), tóc bạc (paliccaṃ), da nhăn (valittacatā), tuổi thọ ngày một hao mòn, sự lão hóa các căn (indriyānaṃ paripāko). Chư Hiền, như vậy gọi là già. Thế nào là chết? Chết (cuti), chuyển đổi (cavanatā), hư hoại (bhedo), biến mất (antaradhānaṃ), chết rồi chết (maccumaranaṃ), thời các uẩn hư hoại (kālakiriyā khandhaṃbhedo), tử biệt (kaḷebarassa nikkhepo). Chư Hiền, như vậy gọi là chết. Từ sự tập khởi (samudaya) của sinh (jāti), là sự tập khởi của già chết. Từ sự đoạn diệt của sinh (jātinirodhā) là sự đoạn diệt của già chết (jarāmaraṇanirodho). Thánh đạo tám ngành (ariyo aṭṭhanigiko maggo) là con đường đưa đến đoạn diệt già chết, tức là: Chánh kiến (sammādiṭṭhi), chánh tư duy (sammāsaṅkappo), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanto), chánh mạng (sammā-ājīvo), chánh tinh tấn (sammāvāyāmo), chánhniệm (sammāsati), chánh định (sammāsamādhi)”. Giải: Già và chết là hai trong những đặc điểm của khổ, chúng là nơi trú của khổ. Nơi nào có già, chết, nơi ấy có khổ. Đức Sāriputta hướng tâm chư Tỳkhưu quán xét cái khổ của năm uẩn, khởi đầu là già - chết. A-Về sự già (jarā) 1- Ý nghĩa các từ. - Già (jarā). Già được định nghĩa là “sự cằn cỗi”, “sự suy thoái của các pháp hữu vi”. Chữ jarā trong kinh văn ám chỉ thực tính pháp của già, tức là sự biến đổi của các pháp hữu vi, để dẫn đến cằn cỗi rồi hư hoại (bhaṅga). - Suy lão (jīraṇatā). Chữ jīraṇatā xuất phát từ ngữ căn jīr là “lớn lên, già lên” [41]. Jīraṇatā là nói đến hiện tượng già cỗi, như mắt mờ, tai điếc, lưng còng... Tức là nói đến già theo phương diện chế định. Jīraṇatā có thể dịch là “già tăng trưởng”. Bất cứ danh sắc hữu vi nào, khi sinh lên sẽ có một giai đoạn tồn tại, cho dù thời gian ấy cực ngắn chỉ một sátna tiểu, sátna ấy được gọi là sátna trụ (khaṇaṭṭhiti). Chính sátna trụ gọi là già. - Răng lung lay (khaṇḍicaṃ. Từ trạng thái vững chắc đã trở thành suy nhược, không thể nghiền nát những vật thực cứng như thuở xưa. - Tóc bạc (paliccaṃ). Là sự biến dạng màu sắc, từ trạng thái đen nhánh của tuổi trẻ hiền thiện đầy sức sống, chuyển sang lốm đốm bạc (muối tiêu) rồi bạc trắng, báo hiệu “tuổi trẻ buổi thanh xuân, tiếp tục bỏ chúng ta” (vayoguṇā anupubbaṃ jahanti) [42]. - Da nhăn (valittacatā). Là sự biến đổi từ làn da mịn màng trơn láng chuyển sang nhăn nheo. - Sự lão hóa các căn (indriyānaṃ paripāko). Paripāka nghĩa là “chín trọn vẹn”, tức là các căn quyền như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đã không còn “sức sống”, nó như trái cây chín muồi chỉ chờ giờ rơi rụng. Đoạn kinh văn trên, Đức Xálợiphất nêu lên sự già, tiếp theo Ngài đề cập đến trạng thái già (jīraṇatā), rồi Ngài trình bày già theo chế định (răng lung lay, tóc bạc, da nhăn), sau cùng Ngài nói đến “già theo chân đế (sự lão hóa các căn)”. 2- Phân tích. Có hai loại già: Già hiện bày (jākaṭajarā) và già bị che khuất (paṭicchanejarā). a- Già hiện bày là “già của sắc pháp” hiển lộ sự biến dạng, sự thay đổi của thân như tóc bạc, da nhăn, các căn (indriya) bị hư hoại... b- Già bị che khuất là sự già của pháp vô sắc (thọ, tưởng, hành, thức). Sự già của pháp vô sắc bị che lấp là do pháp vô sắc sinh diệt quá nhanh, ví như một đóm lửa di động rất nhanh sẽ tạo thành một vệt lửa, khoảng trống giữa hai ngọn lửa đã bị che lấp. “Evañhetaṃ Ānanda, hoti – jarādhammo yobbaññe, byādhidhammo ārogye, maraṇadhammo jīvite. “Sự thể là vậy, này Ānanda, tánh già nắm trong tuổi trẻ, tánh bịnh ở trong sức khỏe, tánh chết ở trong sự sống [43]. Phật ngôn trên nói lên ý nghĩa “già bị che khuất”. Lại nữa, “già của sắc pháp” cũng có 2 loại: Già không thấy (avīcijarā) và già nhận thấy (savīcijarā). a- Già không thấy (avīcijarā). Chữ avīci nghĩa là “không khoảng cách, không gián đoạn”. Na (không có) + vīci (khoảng cách) = avīci. Đây là sự già của vàng, ngọc, đất, đá, mặt trời, mặt trăng ... tuy chúng vẫn có thay đổi nhưng rất khó nhận biết sự biến đổi của chúng trong khoảng thời gian ngắn, nhận thức được sự biến đổi của chúng phải có thời gian dài Một đứa trẻ sơ sinh thay đổi hình hài từng giờ, từng ngày, nhưng bà mẹ không thể thấy sự thay đổi của hài tử, một tuần sau, một tháng sau mới nhận thấy. Hoặc cây, lá, hoa, quả... đều biến đổi theo từng thời điểm, nhưng khó nhận thấy. Hoặc như cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa), các thiên nhân không có hiện bày sự già, tóc bạc răng long, mắt mờ, tai lãng, da nhăn, bịnh hoạn, nam chư thiên có sắc thân như thanh niên 20 tuổi cho đến trọn kiếp, nữ chư thiên thì có thân sắc như cô gái 16 tuổi cho đến trọn kiếp [44], tuy nhiên sự già của sắc pháp vẫn có, vì sắc pháp của thiên nhân vẫn sinh diệt. Trong Tương Ưng kinh, phẩm Tương Ưng chư thiên có ghi nhận: “Một vị chư thiên đi đến yết kiến Đức Thế Tôn bạch kệ rằng: “Upanīyati jīvitamappamāyu. Jarūpanītassa na sati tāṇa… “Mạng sống bị dẫn dắt, tuổi thọ chẳng là bao. Bị dẫn đến già nua, không có nơi dừng bước …”[45]. Bài kinh trên, chứng tỏ chư thiên vẫn có sự già, nhưng là “già không thấy”. Có câu hỏi rằng: vị Chư thiên hay phạm thiên già như thế nào?. Đáp rằng: Chư thiên và Phạm thiên chỉ có già theo chân đế, họ không có hiện tượng già như răng long, tóc bạc ... Vì sao thân những vị ấy không có hiện tượng già?Vì rằng: Thân Phạm thiên và Chư thiên lấy sắc nghiệp làm cơ bản, trong khi thân nhân loại, súc sanh ... có cả sắc thời tiết (utujarūpa), sắc vật thực thô, hai loại sắc này choán chỗ nhiều so với sắc nghiệp, do đó chúng hiện bày rõ hiện tướng già. Tuy Chư thiên cũng dùng vật thực nhưng là loại tịnh thực, tan biến hòa lẫn khắp cơ thể không để lại chất cặn bã như nhân loại, mặt khác loại lửa trong thân Chư thiên rất cao nên tịnh thực đi vào cơ thể của các thiên nhân ví như giọt bơ rơi vào chảo nóng, tan biến không còn dấu vết.[46] b- Già nhận thấy (savīcijarā). Savīci = sa (có) + vīci (khoảng cách). Là do có thời gian vừa đủ để chúng hiển lộ ra dấu hiệu cũ kỷ, già lão, thay đổi. Như hoa lá có sự thay đổi màu sắc rõ rệt, cây non tăng trưởng thành già cỗi, núi đá hao mòn, vàng ngọc biến đổi … Già có hai loại khác nữa: a- Già theo phương diện thế tục (paññatti), như người già, đồ vật cũ kỹ … Bộ phân tích (vibhaṅga) của Tạng Thắng Pháp (abhidhamma piṭaka) có định nghĩa như sau: “Tattha katamā jarā? Yā tesaṃ tesaṃ sattānaṃ tamhi tamhi sattanikāye jarā jīraṇatā khaṇḍiccaṃ pāliccaṃ valittacatā āyuno saṃhāni indriyānaṃ paripāko ayaṃ vuccati “jarā”. Ở đây, già là thế nào? Đối với mỗi chúng sinh, có sự kiện cũ kỹ, già nua, răng long, tóc bạc, da nhăn, giảm tuổi thọ, chín mùi các căn trong thân hữu tình ấy. Đây gọi là già.[47] b- Già theo thực tính pháp (sabhāvadhamma). Là già theo từng sátna, là sátna trụ của pháp hữu vi. Đại Trưởng lão Luận sư Saddhamma Jotika có trình bày trong Giáo lý duyên khởi (bằng Thái ngữ, Đại Đức Giác Nguyên Việt dịch), có nêu ra chín trường hợp già, bao gồm cả chân đế lẫn chế định, như sau:[48] 1’- Già theo chế định, có sáu loại: a’. Già do tuổi đời chồng chất (vayovuddhijarā, chữ vuddhi nghĩa là “phát triển”). Thông thường đời người có ba giai đoạn: giai đoạn thanh xuân (pathamavayā) là thời kỳ trẻ tuổi, giai đoạn trung niên là khoảng giữa cuộc đời và giai đoạn lão niên, là thời kỳ suy thoái của tuổi thọ và trạng thái già (jīraṇatā) đã hiển lộ rõ. Theo Chánh giác tông (Buddhavaṃsa) “vào thời Đức Phật, tuổi thọ bình quân của nhân loại là 100 tuổi, cứ 100 năm giảm đi một tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân của nhân loại là 75”. Sở dĩ tuổi thọ ngày càng giảm, là do nhân loại suy giảm thiện pháp, sống theo ác pháp nhiều, ác pháp tăng thì tuổi thọ giảm. Nếu tính đời người là 75 tuổi thì giai đoạn thanh xuân từ 1 – 25 tuổi, giai đoạn trung niên từ 25 – 5o tuổi (đây là thời rực rỡ nhất của tuổi thọ), giai đoạn lão niên, từ 50 – 75 tuổi. Nếu tính tuổi thọ đời người là 100 tuổi thì: *- Giai đoạn thanh xuân: Từ 1 – 30 tuổi, chia ra ba chặng: Giai đoạn tuổi dại khờ (mandasakavaya) từ 1 – 10 tuổi, đây là giai đoạn non trẻ nhất của đời người. Giai đoạn vui chơi (khiddādasakavaya), từ 10 – 20 tuổi. Giai đoạn dung sắc (vaṇṇadasakavaya), từ 20 – 30 tuổi, đây là giai đoạn hoàn chỉnh nhất của ngoại hình. *- Giai đoạn trung niên: Từ 30 – 60 tuổi, giai đoạn này cũng có ba chặng: Chặng bản lãnh (baladasakavaya) từ 30 – 40 tuổi, giai đoạn này khẳng định thể lực, đồng thời có nhiều năng lực hoạt động về thân. Chặng mẫn tiệp (paññadasakavaya) từ 40 – 50 tuổi, đây là giai đoạn phát triển trí sung mãn nhất. Chặng thối thất (hanidasakavaya) từ 50 – 60 tuổi, đây là chặng có dấu hiệu xuống dốc về mọi mặt (đối với thân và tâm). *- Giai đoạn lão niên: Từ 60 – 100 tuổi, giai đoạn này có bốn chặng: Chặng suy yếu (pabbharadasakavaya) từ 60 – 70, đây là chặng cơ thể trở nên suy yếu dần. Chặng hư hoại dung sắc (vankadasakavaya) từ 70 – 80, đây là chặng lưng còng, tai lãng, mắt kém... Chặng lú lẫn (momūhadasakavaya) từ 80 – 90, đây là chặng lãng trí của người già, khi nhớ khi quên... Chặng thường nằm (sayanadasakavaya): từ 90 – 100, đây là chặng người già nằm một chỗ nhiều hơn là hoạt động qua các oai nghi đi, đứng, ngồi. Trong “già do tuổi thọ chồng chất”, các Giáo thọ sư bảo rằng: - Từ bé đến 40 tuổi (baladasakavaya) là già làm cho tăng trưởng (abhikkamajarā), gọi là “giai đoạn phát triển”. - Còn từ 40 tuổi trở về sau là già làm cho thoái hóa (patikkamajarā), ở giai đoạn này hiện bày cơ thể suy thoái, gọi là “giai đoạn suy thoái”. Như vậy, cả hai giai đoạn (phát triển hay suy thoái) đều là già. b’. Già kéo dài (santatijarā). Là sự già liên tiếp nhau, sự già này diệt đi sự già khác sinh lên, ví như trên sông, từng lượn sóng đuổi nhau nối tiếp. Cái già này liên tục theo đuổi chúng sinh cho đến tận cùng tuổi thọ, như Phật ngôn: Yathā daṇḍena gopāta, gāvo pāceti gocaraṃ Evaṃ jarā ca maccū ca, āyaṃ pācenti pāninaṃ Với gậy, người lùa bò, lùa bò ra bãi cỏCũng vậy, già và chết, lùa người đến mạng chung [49]. c’. Già tự nhiên (pakaṭajarā). Là già do có biến tướng của da, tóc, răng … Loại già này tương tự già do tuổi thọ chồng chất. d’. Già bị che lấp (avīcijarā). e’. Già hiển lộ (savīcijarā). f’. Già theo chế định (pannattijarā). Là bao gồm 5 loại già trên, ngoài ra còn có những cách nói như “trí già dặn, kinh nghiệm già dặn …”. 2’- Già theo chân đế (paramatthajarā), có ba loại: a’- Già theo từng sát na (khaṇikajarā). Ám chỉ sátna Trụ của danh sắc hữu vi. Tức là giai đoạn tồn tại của danh sắc, danh pháp hữu vi chỉ tồn tại sát na tiểu, còn sắc pháp tồn tại 49 sát na tiểu (kānadha). b’-Sự già cỗi của danh pháp (paṭicchannajarā). Tương tự như già do tuổi thọ chồng chất, chỉ khác về phương diện danh pháp. Sự già cỗi của danh pháp có hai phương diện: *- Khi bất thiện được sung mãn thì pháp thiện đi đến già cỗi rồi hoại tiêu. Bậc trí không khinh thường ác nhỏ, một khi ác nhỏ được “chồng chất” sẽ làm hư hoại thiện pháp. Nghĩa là thiện pháp trở nên cằn cỗi. “Māvamaññetha pāpassa, na maṃ taṃ āgamissati. Udabindunipātena, udakumbho’ pi pūrāti Pūrati bālo pāpassa, thokathokam’ pi ācinaṃ.[50] “Không nên khinh thường điều ác, nói rằng “Nó không đến gần ta”. Từng giọt nhỏ rơi xuống, lâu ngày cũng làm đầy bình. Dường thế ấy, người cuồng dạy góp nhặt mỗi lần chút ít điều ác, (ngày kia) sẽ bị cái ác thấm nhuần trọn vẹn.” - Khi thiện pháp được tu tập (pháp thiện càng sung mãn) thì bất thiện pháp dần dần bị hao mòn (già). Nghĩa là ác pháp già lão không còn sức mạnh, trái lại thiện pháp không già, nên bậc trí không khinh thường thiện nhỏ, khi thiện nhỏ được “chồng chất” sẽ làm hư hoại ác, bất thiện pháp.[51] Seyyathāpi, bhikkhave, sāmuddhikāya nāvāya vettabandhanabandhāya cha māsāni udake pariyādāya hemantikena thalaṃ ukkhittāya vātātapaparetāni bandhanāni tāni pāvussakena meghena abhippavuṭṭhāni appakasireneva paṭippassambhanti, pūtikāni bhavanti. “Này các Tỳkhưu, ví như chiếc thuyền đi biển, đầy đủ cột buồm và bị mắc cạn trên bờ, trong sáu tháng bị nước làm cho hao mòn (pariyāyena), trong mùa khô, các dây buồm bị gió và mặt trời làm cho hư hoại, rồi trong mùa mưa lại thấm ướt (abhippavutthāni) bởi cơn giông rất dễ bị yếu hư và mục nát. Evameva kho, bhikkhave, bhikkhuno ariyaṃ aṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ bhāvayato ariyaṃ aṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ bahulīkaroto appakasireneva saṃyojanāni paṭippassambhanti pūtikāni bhavanti. Cũng vậy, này các Tỳkhưu, một Tỳkhưu tu tập Thánh đạo tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử (saṃyojana – dây trói buộc) yếu mòn và mục nát [52]. Và: Jīrantive rājarathā sucitta. Atho sarīraṃ pi jaraṃ upeti Sataṃ ca dhammo na jaraṃ upeti. Santo have sabbhi pavedayanti. Xe vua đẹp cũng già. Thân này rồi sẽ giàPháp bậc thiện không già. Như vậy bậc chí thiện Nói lên cho bậc thiện[53]. Một thiên nhân có bạch hỏi Đức Thế Tôn: “Kiṃsu ajarasā sādhu. Kiṃsu sādhu adhiṭṭhitaṃ… “Vật gì tốt không già?” Vật gì tốt trường tồn?...Đức Thế Tôn đáp rằng:“Sīlaṃ ajarasā sādhu. Saddhā sādhu adhiṭṭhitaṃ… “Giới tốt không già. Tín tốt trường tồn….” [54].. c’-Già chân đế (paramatthajarā). Tương tự như già theo từng sátna, chỉ khác chút ít về phần sắc pháp. Tức là sátna trụ của sắc pháp bao gồm 49 sátna tiểu[55], từ sátna thứ 2 đến sátna thứ 25 gọi là tiến triển, sátna thứ 26 là sátna quyền (indriya), từ sátna thứ 27 đến sátna thứ 50 gọi là già lão. 3- Bốn khía cạnh thực tính của già. - Trạng thái: Là sự cằn cỗi của năm uẩn trong hiện tại (khandhaparipāka lakkhaṇa). - Phận sự: Đưa đến gần với tử vong (maraṇāpanāyama rasā). - Thành tựu: Phá hoại giai đoạn tươi tốt (yobbanavināsapaccupaṭṭānā). - Nhân cần thiết: Có sắc pháp đang cằn cỗi (paripāccamanurūpapadaṭṭhānā). Trạng thái của già ám chỉ cả 5 uẩn, phận sự, thành tựu và nhân gần của già là nói về sắc pháp, vì chúng hiển lộ rõ sự già hơn danh pháp. Trong bản kinh, chữ suy lão là trạng thái của già, răng lung lay (khaṇḍicaṃ), tóc bạc (paliccaṃ), da nhăn (valittacatā) là phận sự của già, vì liên quan đến sắc pháp nơi nhân loại hoặc súc sinh, là sự già hiển lộ khi năm tháng đi qua. Nói cách khác, năm tháng là con đường giúp sự già vững mạnh, nhận thức được sự già qua năm tháng, chỉ là nhận thức “vết tích của chúng”, còn sự diễn tiến của chúng khó thấy được. Ví như nước lũ đi qua, cây cỏ đổ rạp xuống, nhìn thấy cây cỏ rạp xuống, người ta hiểu rằng: “nước lũ đã đi qua”. Hay “lửa đi qua, cây cỏ cháy rụi”, nhìn vết tích người ta hiểu rằng “lửa đã đi qua”. Riêng sự già theo chân đế, sự già từng sátna, sự già cỗi của danh pháp phải nhận thức bằng trí. Ngài Buddhaghosa trong sách Thanh Tịnh Đạo có dạy: “Già là căn bản của khổ về thể xác lẫn tinh thần”. Về thể xác thì tứ chi nặng nề, các căn quyền suy yếu hay hư hoại. Về tinh thần thì tuổi trẻ biến mất, sức lực hoại tiêu, trí nhớ không trọn vẹn, trí tuệ không minh mẫn.” [56] B - Chết. 1- Ý nghĩa từ ngữ. - Chết (cuti). Bộ Phân tích (Vibhaṅga) trong tạng Thắng pháp có định nghĩa về “chết (cuti)” như sau: Tattha katamaṃ maranaṃ? Yā tesaṃ tesaṃ sattānaṃ tamhā tamhā sattanikāyā cuti cavanatā bhedo antaradhānaṃ maccu maranaṃ kālakiriyā khandhānaṃ bhedo kaḷevarassa nikkhepo jīvitindriyassupacchedo. Idaṃ vuccati “maranaṃ”. Ở đây, chết là thế nào? “Đối với mỗi mỗi chúng sinh, từ thân hữu tình ấy có sự chuyển biến, đổi dời hư hoại, tiêu mất, chết, tán vong, quá vãng, tan rã ngũ uẩn, bỏ xác, dứt mạng quyền. Đây gọi là chết” [57]. - Chuyển đổi (cavanatā). Một chúng sinh thay đổi từ thể trạng này sang thể trạng khác, xem như chúng sinh ấy đã chết, một chúng sinh khác sinh lên. Thật ra, hai chúng sinh ấy không phải một cũng không phải hai, nương sự chết của chúng sinh trước, chúng sinh sau hình thành. Đức Nāgasena (Na tiên) có giải đáp cho vua Milinda như sau: Ví như sữa tươi biến thành sữa chua, sữa chua biến thành sữa đặc. Tất cả gọi là sữa, nhưng sữa tươi không phải là sữa chua, sữa chua không phải là sữa đặc ([58]. Chính ý nghĩa này được Đức Thế Tôn nói đến, khi Ngài dạy Trưởng lão Aṅgulimāla kệ ngôn như sau: “Yatohaṃ bhagini ariyāya jātiyā jāto nābhijānāmi sañcicca pānaṃ jīnitā vosopetā. Tena saccana sotthite hotu sotthi gabbhassa”. “Hỡi này hiền tỷ, từ khi ta sinh vào dòng thánh rồi, ta không hề cố ý sát hại sinh mạng ai nữa. Do nhờ chân ngôn này, mong hiền tỷ được an lành và thai nhi cũng được an lành”.[59] Rõ ràng tướng cướp Aṅgulimāla đã chết, vị Thánh Aṅgulimāla sinh ra. Mọi chúng sinh đều có sự chuyển đổi từ thể trạng này sang thể trạng khác, cho dù đó là sắc vi tế của những vị chư thiên hay Phạm thiên, sắc vi tế cũng sinh diệt, diệt sinh diễn ra liên tục. Công tử Soreyya từ thân nam tử chuyển thảnh nữ giới. Sau khi sám hối Ngài Mahā Kaccāyana, thì từ thân nữ giới chuyển thành nam [60]. Đây cũng là hình thức sự chết theo ý nghĩa “chuyển đổi”. Sự chuyển đổi xảy ra rõ ràng nhất sau khi chết, người có thể chuyển thành thú, ngạ quỷ, chư thiên hay Phạm thiên hoặc thành người khác... Phạm thiên có thể chuyển thành người, chư thiên hay vị Phạm thiên Sắc giới khác. Chư Phạm thiên không hề rơi trực tiếp xuống 4 khổ cảnh, trái lại chư thiên Dục giới có thể rơi thẳng xuống địa ngục, như ác ma Dūsī, trong kinh Hàng ma ở Trung bộ Kinh I, bài kinh số 50. - Biến mất (antaradhānaṃ). Ám chỉ các uẩn biến mất ở cảnh giới hiện hữu, để rồi tái hiện khởi ở cảnh giới (bhava) mới. - Chết rồi chết (maccumaraṇa). Cả hai từ maccu và maraṇa đều có ý nghĩa là “chết”, nên maccumaraṇa có thể hiểu “chết dẫn theo chết”, nghĩa là: “chết, sinh lên rồi lại chết”. Bản Sớ giải có giải thích: “Đức Xálợiphất dùng từ maccumaraṇa, là ám chỉ chết còn tái sinh”, tức là Ngài không đề cập đến “cái chết dứt tuyệt (samucchedamaraṇa)” của bậc Alahán. - Thời các uẫn hoại diệt (kālakiriyā khandhānaṃ bhedo). Kālakiriyā là thời thực hiện, Ngài Xálợiphất dùng từ này ám chỉ cái chết nhân loại và súc sanh, vì còn để lại thi hài (sắc uẩn). Còn khandhānaṃ bhedo (các uẩn hoại diệt) ám chỉ cái chết của chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ (peta), Atula (asurā), Chư thiên, Phạm thiên hữu sắc, Phạm thiên Vô tưởng và Phạm thiên Vô sắc, vì không lưu lại sắc uẩn. Lại nữa, kālakiriyā ám chỉ cái chết theo nghĩa chế định, vì còn nhận ra sự chết đã hiện bày, còn khandhānaṃ bhedo là nói đến cái chết theo ý nghĩa chân đế. Theo chân đế, khi các uẩn đang diệt xem như đang chết, nhưng các uẩn đang diệt khó nhận biết, chỉ nhận biết khi các uẩn đã diệt, nên không thể định được thời tử. Có câu hỏi rằng: Vì sao người và súc sanh khi chết còn lưu lại sắc uẩn, các chúng sinh khác thì không? Đáp rằng: Vì rằng cõi nhân loại hay súc sinh có thân là sắc thô, những chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, Atula (asura), Chư thiên, Phạm thiên hữu sắc có thân là sắc tế (sukhumarūpa), nên khi mệnh chung thì sắc uẩn không còn. Sắc thô là loại sắc có sức nóng của lửa kém hơn lửa sắc tế, nên không thể hủy sắc pháp nhanh chóng như lửa sắc tế. Trong Sớ giải Trường bộ, bài kinh Phạm võng có ghi: “Thiên nhân bỏ ăn một bữa sẽ chết, vì sức lửa đốt cháy thân xác”. Đoạn kinh văn trên, Đức XálợiPhất nêu lên tuần tự như sau: Chết (cuti), diễn tiến của chết (chuyển đổi, biến mất), chết còn tục sinh (maccumaraṇa), rồi Ngài nêu lên “chết theo chế định (kālakiriyā)”, chết theo thực tính pháp (khandhānaṃ bhedo). 2- Phân tích. Sự chết có hai loại: a- Chết theo chế định (sammuttimaraṇā). Là chết theo thông thường như tắt thở, lìa trần, hay sự tiêu hoại vật chất thế gian. b- Chết theo chân đế (khaṇikamaraṇā – sátna tử). Là sự diệt của danh sắc trong từng sátna, ám chỉ sátna diệt của danh sắc. 3- Bốn khía cạnh của chết là: - Trạng thái: Chuyển đổi (cutilakkhaṇa). - Phận sự: Ngăn cách, chia lìa những gì trong hiện tại (viyogarasa). - Thành tựu: Vắng mặt ở cảnh giới cũ (gativippavāsapaccupaṭṭhānaṃ). - Nhân cần thiết: Danh sắc đang biến hoại (paribhijjamānanānarūpa padaṭṭhānaṃ). Trong kinh văn, Đức XálợiPhất chỉ trạng thái chết, Ngài dùng từ “sự chuyển đổi” (cavanatā). Chỉ cho thành tựu của chết, Ngài dùng các từ: Rời ra (bhedo, xuất phát từ ngữ căn bhid là phá hủy)[61], hư hoại (antaradhānaṃ), “chết rồi chết” (maccumaraṇa). 4- Thời tử. Về thời tử theo chế định có hai loại là: Chết phi thời (akāla maraṇa) và chết hợp thời (kālamaraṇa). a- Chết không hợp thời. Là chưa hết tuổi thọ, nhưng do một nguyên nhân phát sinh, khiến người này mệnh chung. Đức Nāgasena (Na Tiên) có nêu ra 7 nguyên nhân chết không hợp thời như sau: - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị đói mà chết. - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị khát mà chết. - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị rắn độc cắn mà chết. - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị thuốc độc mà chết (tự sát hay bị bức bách). - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị lửa đốt mà chết. - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị rớt xuống nước mà chết. - Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị khí giới đâm (chém) mà chết.[62] - Chết hợp thời. Là chết do bịnh, bịnh phát sinh do 8 nguyên nhân: - Do mật, do đàm, do gió, do thời tiết, do hoạt động không thích ứng (hành động không thích ứng là chướng ngại của những bịnh)[63], do vật thực, do nghiệp, do phi nhân nhập. Lại nữa, chết xuất hiện do một trong bốn nguyên nhân (hetu maraṇa). 1. Chết do hết tuổi thọ (āyukkhayamaraṇa). Như những vị thiên nhân có tuổi thọ nhất định, khi hết tuổi thọ dù còn phước cũng phải mệnh chung. 2. Chết do hết nghiệp (kammakkhayamaraṇa). Nghiệp ở đây chỉ cho nghiệp tục sinh, là loại nghiệp tạo ra tâm quả làm phận sự tục sinh khởi đầu kiếp sống mới, khi nghiệp này chấm dứt thì chúng sinh ấy mệnh chung. 3. Chết do hết tuổi thọ đồng thời cũng hết nghiệp (ubhayamaraṇa). 4- Chết do nguyên nhân bất kỳ khác. (upakkamaraṇa). Bốn nguyên nhân phát sinh sự chết được ví như sự tắt của cây đèn dầu, cây đèn dầu tắt là do: - Hết tim đèn (ví như hết tuổi thọ). - Hết dầu (ví như hết nghiệp). - Hết cả tim lẫn dầu. - Tắt do gió mạnh, do mưa hay do một nguyên nhân nào khác. Chết do hết tuổi thọ, do hết nghiệp được gọi là chết hợp thời, ngoài ra là chết không hợp thời. Chết không hợp thời là do nghiệp đoạn tận sinh khởi (upaghātakakamma), cắt đứt mạng sống. Ví như mũi tên được bắn ra, thông thường phải đi đến tận cùng của lực bắn, tuy nhiên có một lực mạnh hơn chận đứng sự lao vút của mũi tên và làm cho mũi tên rớt xuống. Lực bắn mũi tên ví như sức mạnh của nghiệp tái sinh, thời gian mũi tên lao đi ví như tuổi thọ chúng sinh, sức mạnh chận đứng mũi tên ví như lực của nghiệp đoạn tận, mũi tên rớt xuống ví như tuổi thọ chấm dứt (không hợp thời). Cái chết bất ngờ, là cái chết do bị bức bách, ví như trái cây chưa đến thời chín, nhưng vì một nguyên nhân nào đó khiến trái cây lìa cành. Cũng vậy, do bị bức bách nên “cái chết” phải hiện bày sớm hơn, các Ngài gọi là upakkamamaraṇa (chữ upakkama nghĩa là “tấn công, bức bách”). Chết do bức bách xuất hiện do nhiều nguyên nhân như: - Tự tử vì chán nãn cuộc sống, như các Tỳkhưu tự sát vì hiểu lầm lời dạy của Đức Thế Tôn[64] hay như Ngài Godhika không chịu đựng nỗi cơn bịnh. - Do kẻ khác gây ra. - Do tạo oan trái trong quá khứ, như trường hợp nữ Dạ xoa hóa thành con bò húc chết Ngài Bāhiya, Ngài Pukkusati… - Do một ác nghiệp trổ quả đoạn tuyệt mạng sống như trường hợp cận sự nam Mahā Kāla, trong quá khứ vu oan cho người khác trộm ngọc để chiếm đoạt vợ người ấy, kiếp này tuy sống đạo đức nhưng bị dân chúng ngờ oan là kẻ trộm và đánh chết. - Do tai nạn bất ngờ… Có hai loại chết nữa là: a- Chết không còn tái sinh (samucchedamaraṇa). Đây là sự viên tịch (parinibbāna) của vị Thánh Alahán. b- Chết còn tái sinh (jātikkhayamaraṇa). Là cái chết từ bậc Anahàm trở xuống. Ngoài ra, theo cái nhìn thực tính về sự chết, thì danh sắc sinh rồi diệt, diệt rồi sinh liên tục, các Ngài gọi là “chết không gián đoạn (santatimaraṇa)”. Trưởng lão Ghosaka. Trưởng lão Ghosaka là một danh tướng của vua Pasenadi, Ngài xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn. Khi trú ngụ ở Hắc Thạch trên đỉnh núi Isigili, Ngài tinh tấn hành thiền, chứng Sơ thiền. Chứng nội thương trong thời trẻ chinh chiến của Ngài khởi lên, khi Ngài ngừng tinh tấn thì chứng bịnh dứt, cả sáu lần Ngài chứng thiền rồi hoại thiền cũng vì chứng nội thương ấy. Ngài suy nghĩ “nếu sống mà rỗng không, thà chết mà có được pháp thượng nhân”, lần thứ bảy Ngài chứng thiền và chứng nội thương lại khởi lên. Ngài quyết định tự tử, quyết không cho mất pháp thiền định mà Ngài đã chứng đắc, Ngài dùng dao cạo cắt cổ mình, trong giây phút cận kề sự chết, Ngài đưa tâm quán xét và chứng đắc quả Alahán, sau đó Ngài viên tịch. Nhân câu truyện này, Đức thế Tôn dạy kệ ngôn: “Tesaṃ sampanna sīlānaṃ. Appamādavihārinaṃ Sammadaññāvimuttānaṃ. Māro maggaṃ na vindati. “Giữa ai có giới hạnh. An trú không phóng dật. Chánh trí, chân giải thoát. Ác ma không thấy đường.[65] Cận sự nam Mahākāla [66]. Tương truyền, trong thành Sāvatthī (Xávệ), có cận sự nam Mahākāla (Đại Thời), nhiệt tâm tín thành Tam bảo, mỗi tháng đều thọ trì giới bát quan trai giới vào những ngày Uposattha (Bốtát) và vào chùa nghe pháp trọn đêm Vào một ngày Bốtát, cận sự nam Mahākāla sau khi thọ giới Bát quan xong, vào chùa nghe pháp. Trong đêm ấy, có bọn trộm đánh cắp tài sản của một gia tộc ở gần Tinh xá Kỳviên, chúng bị gia chủ phát hiện và rượt đuổi, chúng chạy tán loạn khắp nơi, một tên chạy vào khuôn viên chùa Kỳviên Khi đêm gần mãn, cận sự nam Mahākāla (Đại thời) ra bờ hồ súc miệng rửa mặt, tên trộm chạy đến, quăng bỏ túi đồ trộm được của gia chủ trước mặt cận sự nam rồi bỏ chạy mất. Gia nhân của gia tộc bị trộm đuổi theo, thấy cận sự nam có túi đồ trước mặt, ngỡ là tên trộm, họ túm lấy ông và đánh đến chết. Sáng ra, chư Tỳkhưu phát giác xác cận sự nam Mahākāla, bảo nhau: - Cận sự nam này chết thật oan uổng. Vào buổi chiều, tại Giảng đường các Ngài lại bàn luận về cái chết oan uổng của cận sự nam Mahākāla, Đức Phật ngự đến Giảng đường, ngồi vào chỗ ngồi được soạn sẵn, tiếp theo chư Tỳkhưu trình lên Đức thế Tôn về vấn đề đang bàn luận. Đức Thế Tôn dạy: - Này chư Tỳkhưu, cận sự nam Mahākāla chết bất xứng trong hiện tại, nhưng tương xứng với nghiệp đã tậo trong quá khứ. Theo lời thỉnh cầu của chư Tỳkhưu, Đức Thế Tôn giải tiền nghiệp của cận sự nam Mahākāla. Tiền nghiệp của cận sự nam Mahākāla. Thời quá khứ, vùng biên địa của vương quốc Bāraṇasī, có một bọn cướp trú trong khu rừng thường chận cướp khách bộ hành băng qua rừng. Đức vua xứ Bāraṇasī đặt một vị quan canh giữ khu rừng, có nhiệm vụ đưa người từ bìa rừng này sang bìa rừng kia, tiền thân cận sự nam Mahākāla là vị quan giữ khu rừng ấy. Một hôm có chàng thanh niên cùng cô vợ xinh đẹp đi đến khu rừng vào buối chiều, chàng ngỏ ý vượt rừng, nhìn thấy cô vợ của khách, quan giữ rừng khởi lên tà tâm, nên bảo. - Bây giờ sắp tối, để sáng mai tôi sẽ đưa ông bà sang rừng. Tuy không muốn nhưng không biết phải làm sao, chàng thanh niên đành chịu. Đêm hôm ấy, quan giữ rừng cho người lén bỏ vào trong xe chàng thanh niên viên ngọc quí, rạng đông ông tri hô “mất ngọc”, cho khám xét và tìm được viên ngọc trong xe. Quan giữ rừng vu oan cho chàng thanh niên trộm ngọc, sai người đánh chết chàng thanh niên và ông đã chiếm vợ chàng trai ấy. Mệnh chung, quan giữ rừng rơi vào địa ngục Atỳ (avīciniraya) với thời gian không thể đếm năm, nay tái sinh làm người, tuy thực hành pháp tốt đẹp nhưng nghiệp còn dư sót đến hồi trả quả, nên bị ngờ oan là kẻ trộm và bị đánh chết như thế. Ngài Saddhamma Jotika [67] nêu ra chín trường hợp của sự chết là: 1- Chết theo nghĩa thông thường (sammuttimaraṇa) 2- Chết trong từng giai đoạn kiếp sống (santatimaraṇa), đó là sự thay đổi tâm lý hoặc cơ thể trong thân. 3- Chết theo sátna diệt của danh sắc (khaṇikamaraṇa). 4- Chết không còn tái sinh (samucchedamaraṇa). 5- Chết còn tái sinh (jātikkhayamaraṇa). 6- Chết do sự bức bách (upakkamamaraṇa). 7- Chết do hết nghiệp lẫn thọ mạng (sarasamaraṇa). 8- Chết do hết tuổi thọ (āyukkhayamaraṇa), cho dù không có nghiệp đoạn tận khởi lên. 9- Chết do hết phước (puññakkhayamaraṇa), dù chưa hết tuổi thọ. Như một số thiên nhân chết do tham dục quá độ hay do sân hận. Trí hiểu rõ sự chết giúp hành giả nhận thức được rằng: “Sự chết không có gì đáng sợ hãi, trong từng giây phút sự chết đều diễn ra, đó là định luật tự nhiên (pakatiniyāma)”. Tưởng niện “sự chết” là một pháp hành tốt đẹp, giúp hành giả có thể chứng đạt Nípbàn. “Navayimā, bhikkhave, saññā bhāvitā bahulīkatā mahapphalā hoti mahānisaṃsā amatogadhā amatapariyo sanā. Katamā nava? Này các Tỳkhưu, có chín tưởng này, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, đạt được bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là chín? Asubhasaññā, maraṇasaññā, āhāre paṭikūlasaññā, sabbaloke anabhiratasaññā, aniccasaññā, aniccedukkhasaññā, dukkhe anattasaññā, pahānasaññā, virāgasaññā… Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng ghê tỡm trong vật thực, tưởng không ưa thích tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.[68] Đoạn kinh văn trên cho thấy: “Tưởng chết, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, đạt được bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh” . Tôn giả Nārada có dạy vua Muṇḍa rằng: “Jarādhammaṃ mā jiri’ti alabbhaniyaṃ ṭhānaṃ samaṇena vā brāhmaṇena vā devena vā mārena vā brahmunā vā kenaci vā lokasmiṃ. “Bị già và muốn không già, là một sự kiện không thể có được bởi một Samôn hay Bàlamôn, bởi Ma vương hay Phạm thiên, hay một ai ở đời. Byādhidhammaṃ mā byādhiyi’ti .…. maraṇadhammaṃ mā miyi’ti.…. khayadhammaṃ mā khiyi’ti.… Bị bịnh và muốn không bịnh … Bị chết và muốn không chết … Bị hoại diệt và muốn không hoại diệt … Nassanadhammaṃ mā nassi’ti alabbhaniyaṃ ṭhānaṃ samaṇena vā brāhmaṇena vā devena vā mārena vā brahmunā vā kenaci vā lokasmiṃ. Bị tiêu diệt và muốn không bị tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Samôn hay Bàlamôn, bởi Ma vương hay Phạm thiên, hay một ai ở đời.” [69]. Như vậy, dù có sợ chết cũng không tránh khỏi cái chết, sợ chết chỉ làm tăng trưởng bấn loạn trong tâm khi lâm chung mà thôi. Một bài kinh khác có ghi nhận các vị Tỳkhưu niệm sự chết như sau: - Mong rằng, ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn. - Mong rằng, ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn. - Mong rằng, ta sống nửa ngày tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn. - Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn một phần đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn. -Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn miếng đồ ăn, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn. - Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn. - Cho đến khi nào, sau khi thở và0, ta thở ra, hay sau khi thở ra, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn . Và Đức Thế Tôn đã khen ngợi các vị ấy khéo tu tập về “niệm sự chết”.[70] Cô thợ dệt thành Aḷāvī.Một cô thợ dệt người thành Āḷavī, nhân nghe Đức Phật dạy: “Hãy quán niệm sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: Đời sống của ta mong manh, cái chết của ta hẳn phải có. Chắc chắn ta phải chết”. Nàng thợ dệt tu tập “niệm sự chết” liên tục 3 năm. Vào một buổi sáng, Đức Thế Tôn thấy được duyên lành đạo quả của nàng thợ dệt và thấy nàng sẽ mệnh chung trong ngày hôm ấy. Ngài ngự đến thành Āḷavī, dân chúng cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn, rồi ngồi lại nghe pháp. Đức Thế Tôn im lặng chờ nàng thợ dệt đến, khi nàng đến, Đức Thế Tôn hỏi: - Con từ đâu đến đây? - Bạch Thế Tôn, con không biết. - Con sẽ đi về đâu? - Bạch Thế Tôn, con không biết? - Con biết hay không biết? - Bạch Thế Tôn, con biết? - Con thật biết ư? -Bạch Thế Tôn, con không biết. Sau bốn câu trả lời của nàng thợ dệt, đại chúng cho rằng nàng nói như cợt đùa với Đức Thế Tôn, nên rầy mắng cô. Đức Thế Tôn bảo đại chúng im lặng, Ngài hỏi nàng thợ dệt: - Vì sao, Như Lai hỏi “con từ đâu đến”, con đáp “con không biết”? - Bạch Thế Tôn, Ngài biết con từ nhà đến đây, nhưng ý Đức Thế Tôn hỏi: Con từ cảnh giới nào sinh lại cảnh giới này, nhưng con không biết mình từ đâu sinh lại cõi này, nên con đáp là “con không biết”. - Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng ý nghĩa của Như Lai hỏi. Này con, khi Như Lai hỏi “con đi về đâu”, vì sao con đáp là “con không biết”? -Bạch Thế Tôn, Ngài biết là: Sau khi nghe pháp con trở về nhà, nhưng ý Đức Thế Tôn muốn hỏi “sau khi chết, con tái sinh vào cảnh giới nào?”, con không biết mình sẽ tái sinh về đâu, nên con đáp “con không biết”. - Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng ý nghĩa Như Lai hỏi. Này con, khi Như Lai hỏi “con biết hay không biết?”, vì sao con trả lời “con biết”?. - Bạch Thế Tôn, vì con biết chắc chắn “mình sẽ chết” nên con đáp là “con biết”. - Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng ý nghĩa câu hỏi của Như Lai. Này con, vì sao Như Lai hỏi “con thật biết ư?”, con trả lời là không biết? - Bạch Thế Tôn, con biết chắc chắn con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào: ban ngày hay ban đêm, chết ở trên rừng, dưới sông hay ở đồng ruộng ... chết cách nào? Chết vì bịnh, chết do rắc độc cắn, chết do tai nạn, chết do bị thuốc chết ... con không biết được, nên con đáp là “con không biết”. Đức Thế Tôn khen ngợi nàng lần thứ tư, rồi Ngài dạy kệ ngôn: “Andhabhūto ayaṃ loko. Tanuk’ettha vipassati. Sakunto jālamutto’va. Appo saggāya gacchati. “Thế gian này mù quáng. Người thấy rõ thật hiếm hoi như số chim thoát khỏi lưới, ít người đi đến nhàn cảnh”. Cuối thời pháp thoại, nàng thợ dệt chứng quả Dự Lưu. [71] Già, chết là hai pháp đáng kinh sợ cho kiếp nhân sinh, phần lớn không ai thích thú già, chết nhưng không một ai tránh khỏi, chí đến Đức Phật cũng phải viên tịch. Quán niệm về sự chết của: phàm phu, Thánh Hữu học, Thánh Alahán và Đức Phật, hành giả sẽ nhận ra bản chất mong manh của danh sắc, để rồi có tâm nhàm chán danh sắc và cố gắng tìm cách thoát ra danh sắc. Chính già, bịnh, chết là nỗi ám ảnh lớn nhất của Bồtát Siddhattha (Sĩđạtta), trong 6 năm xuất gia tìm đạo, Ngài không từ chối một phương thức nào, thậm chí khổ hạnh không ai bằng, mục đích duy nhất là thoát ra già chết. Chính tại trong khu rừng Uruvela, Ngài khổ hạnh đến mức kiệt sức phải ngã quỵ, một thiên tử Ác ma đã hiện xuống nói với Ngài rằng: - Ngài sẽ chết mất thôi, hãy trở về hưởng lạc thú, hãy làm các công đức để hưởng chơn an lạc. Bồ tát đã trả lời: “Anumatto pi puññena. Attho mayhaṃ na vijjati Yesañca attho puññena. Te māro vattumarahati. “Hân hoan với công đức. Điều này không làm ta thích thú. Ai mong điều công đức, Hỡi Ác ma, ngươi hãy mang đến cho họ”. Bồtát xuất gia chỉ mong cầu giải thoát khỏi già chết, không phải mong cầu công đức, nên Ngài trả lời Ác ma như thế. Và căn nguyên (samudaya) của già chết là do có sanh (jāti). Dứt giải về già chết. -ooOoo- Tiêu đề 5- Trí hiểu rõ về sanh (jāti). Chánh kinh. “Chư Hiền, thế nào là sanh, thế nào là tập khởi của sanh, thế nào là sự đoạn diệt của sanh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh (jāti), sanh khởi (sañjāti), xuất hiện (okkanti), hiện diện (abhinibbatti), hiện hành các uẩn (khandhānaṃ pātubhavo), thành tựu các xứ (āyatanānaṃ), chư Hiền, như vậy gọi là sanh. Từ sự tập khởỉ của hữu (bhava), có sự tập khởi của sanh, từ sự đoạn diệt của hữu có sự đoạn diệt của sanh và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.” Giải. 1- Ý nghĩa các từ. a- Jāti (sinh). Jāti xuất phát từ ngữ căn Jan, nghĩa là “sản xuất, phát sinh” [72], jāti có nghĩa là “sự sinh ra, sự xuất hiện”. Pāli có giải chữ jāti (sanh) như sau: Janannaṃ = jāti: xuất hiện, gọi là sinh. Jāyanti patubhavanti dhammā etāyāti = jāti: Pháp hữu vi có được do nương pháp chi, pháp ấy gọi là sinh [73]. Chữ jāti (sinh ra) có hai nghĩa: Gián tiếp sinh lên, trực tiếp sinh lên. - Gián tiếp sinh lên, như: “Vị ấy nhớ lại một đời, hai đời…” [74], ám chỉ hữu quá khứ khởi hiện nhờ Túc mạng trí. Hay “do nghe pháp Thánh trí sinh khởi”, nghĩa là “nghe pháp rồi thực hành pháp nên Thánh trí sinh khởi, Thánh trí trực tiếp sinh lên do hành pháp, gián tiếp là do nghe pháp”. Hoặc như Ngài Aṅgulimāla nói: “Yatohaṃ bhagini ariyāya jātiyā jāto…Này hiền tỷ, từ khi Ta sinh vào dòng Thánh rồi…” Những dẫn chứng trên, nêu lên ý nghĩa “sự sinh lên gián tiếp”. - Trực tiếp sinh lên, như: “Bồtát sinh vào thai bào”, “do dục tầm, dục tưởng các ác, bất thiện pháp sinh lên”… Lại nữa, sinh lên (jāti) có 2: - Sinh theo ý nghĩa chế định (paññatti) như: “Câu chuyện khởi lên, câu hỏi khởi lên…” - Sinh theo ý nghĩa chân đế (paramattha) như: “Pháp nhãn khởi lên”, các ác bất thiện pháp khởi lên”, “các uẩn khởi lên…” . Jāti ở đây, Đức Sāriputta ám chỉ “uẩn đang khởi lên, nhưng chưa hình thành”, ví như khói ngún là dấu hiệu (nimitta) có lửa, nhưng chưa hiện bày ánh lửa. Bản Sớ giải kinh Chánh Tri kiến có giải thích: Jāti do ý nghĩa (mới) sinh ra, chưa đủ các xứ, tức là chưa có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Như chúng sinh noãn sinh, thai sinh chẳng hạn. b- Sañjāti (sanh khởi). Chữ sañjāti = saṃ (trọn vẹn) +jāti [75], sañjāti là “sinh ra đầy đủ”, ngoài ra sañjāti còn có nghĩa là “kết quả”, tức là “hoàn tất sự sinh ra ”. Bản Sớ giải kinh Chánh tri kiến có giải thích sañjāti là “sinh ra đầy đủ”, tức là đã có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Các Giáo Thọ sư giải thích rằng: Chúng sinh khi nhập thai bào (trong bụng mẹ), bảy ngày đầu chỉ là một tinh chất trong ngần, ví như giọt dầu mè dính lông con thú, lại rảy sợi lông ấy bảy lần chỉ còn chút ít dính lại, đó là nguyên chất ban đầu tạo nên thân chúng sinh về sau. Nguyên chất ban đầu gọi là kalalarūpa (chất thụ thai đầu tiên trong bụng mẹ), gọi là jāti (sinh) (dĩ nhiên khi ấy có thức tục sinh rồi). - Bảy ngày sau, chất kalala biến thành chất nước màu dợt dợt, gọi là abbadarūpa. - Bảy ngày kế tiếp, chất abbada trở thành miếng thịt mềm mại, gọi là pesirūpa. - Bảy ngày kế tiếp, chất pesi trở thành cục thịt bằng trứng gà. - Bảy ngày nữa, cục thịt ấy chia thành năm nhánh để phát triển thành đầu, hai tay và hai chân, rồi từ đó phát triển mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Tức là sau 35 ngày, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đã hình thành, khi ấy gọi là sañjāti (sinh khởi).[76] Đối với chúng sinh là hóa sinh, ngay sátna tâm tục sinh gọi là jāti (sinh), từ sátna tâm thứ hai sinh lên (tâm hữu phần đầu tiên trong kiếp sống mới), khi ấy năm quyền (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) xuất hiện, gọi là sañjāti (sinh khởi). c- Okkanti (xuất hiện). Okkanti từ động từ okkamati, okkamati = ava + căn kam + a, là “đi vào, rơi vào”. Okkanti ám chỉ sự nhập vào thai bào, tức là nói đến noãn sinh (aṇḍajayoni) và thai sinh (jalābujayoni). Như kinh văn. “Okkantā sukkamūlā te, jātimaraṇā gāmino… Chúng đi vào thai bào, Dựa trên gốc tinh dịch (sukkamūlā)Chúng đi đến sinh tử (jātimaraṇa)” [77]. d- Abhinibbatti (hiện diện). Chữ abhinibbatti= abhi + nibbatti: là sự sinh lên cao nhất, ám chỉ hóa sinh. Bản Sớ giải giải thích abhinibbatti là chỉ cho hóa sinh và thấp - hóa sinh (hóa sinh nơi ẩm thấp) [78]. Chữ abhinibbatti có thể hiểu: “đột nhiên hiện khởi, đột nhiên sinh ra”. Một thời Đức Sāriputta trú ở giữa dân chúng Magadha, tại làng Nālākā [79]. Rồi du sĩ Sāmandakāni đi đến Tôn giả Sāriputta, sau khi chào hỏi thân hữu, ngồi xuống một bên, du sĩ Sāmandakāni hỏi: “Kiṃ nu kho āvuso sāriputta sukhaṃ, kiṃ dukkhan’ti? - Thưa hiền giả Sāriputta, thế nào là lạc, thế nào là khổ?.Abhinibbatti kho avūso dukkhā, anabhinibbatti sukhā… Này hiền giả, khởi lên (sinh) là khổ, không khởi lên (không sinh) là lạc” [80]. e-Khandhānaṃ pātubhavo (hiện hành các uẩn). Là các uẫn hiện bày rõ ràng như cõi Dục, cõi Sắc giới hữu tưởng thì 5 uẩn hiện bày rõ ràng, trong cõi Vô tưởng thì sắc uẩn hiện bày, trong cõi Vô sắc thì bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức uẩn) hiện bày. f-Āyatanānaṃ paṭilābho (thành tựu các xứ). Chữ paṭi nghĩa là “thu được”, āyatana (xứ) ở đây ám chỉ 6 nội xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ) [81] Đoạn kinh văn trên, trước tiên Đức Xálợiphất trình bày tổng quát về sinh (jāti), diễn tiến của sinh (sañjānāti). Tiếp theo Ngài trình bày “sinh theo chế định” (okkanti, abhinibbati), rồi Ngài trình bày “sinh theo chân đế” là “hiện hành các uẩn”, “thành tựu các xứ”. Có câu hỏi rằng: Đức Sāriputta (XálợiPhất) nêu lên “sự hiện hành các uẩn” là đủ rồi, vì sao Ngài còn dạy tiếp “thành tựu các xứ”? Đáp rằng: Với người có trí nhanh lẹ, khi nói đến uẩn cũng đủ phát sinh trí để quán xét 5 uẩn, với người trí có sự chần chừ, cần phải nói rộng hơn tức là nói đến xứ (āyatana), với người có trí chậm chạp càng phải nói rộng hơn nữa, tức là nói đến giới (dhātu). Ở đây, Đức XálợiPhất nhắm đến hai hạng người, trí tuệ nhậm lẹ (hiện hành các uẩn) và trí tuệ chần chừ (thành tựu các xứ). Sinh nói theo thời điểm. Có ba cách [82]: a. Sinh nối liền (paṭisandhijāti). Là khi dứt thọ mạng cũ, một thức mới sinh khởi (thức này) do nghiệp tục sinh (janakakamma) tạo ra, nối liền hai kiếp sống cũ và mới. Thức này có tên gọi là thức tục sinh hay thức nối liền (paṭisandhiviññāṇa). b- Sinh liên tiếp (santatijāti). Là danh - sắc hữu vi liên tục sinh diệt, diệt sinh không hề gián đoạn suốt cả kiếp sống của chúng sinh ấy. b- Sinh (theo) sátna (khaṇikajāti). Chỉ cho sátna sinh (khaṇuppāda) của danh sắc hữu vi. Theo luận Atỳđàm, đời sống của tâm chỉ kéo dài một sátna (khaṇa), trong sátna này chia làm ba giai đoạn bằng nhau là sinh, trụ, diệt. Sátna sinh ở đây chỉ cho tiểu sátna sinh. Sắc pháp có đời sống dài hơn đời sống tâm pháp 17 lần, nên đời sống của sắc pháp = 51 sát na tiểu. Sátna sinh của sắc pháp là chỉ cho sátna tiểu thứ nhất, sátna tử chỉ cho sátna thứ 51, 49 sát na giữa chỉ cho sự trụ hay già. Thật ra, sinh, già, chết chỉ là một, chúng chỉ khác nhau về thời điểm vận hành của pháp hữu vi, cùng với phận sự. Ví như sợi dây có điểm đầu, điểm cuối cùng những điểm ở khoảng giữa, tất cả những điểm (của sợi dây) đều giống nhau về bản chất, chỉ khác nhau từng (thời) điểm cùng công dụng. Sợi dây ám chỉ tuổi thọ của danh pháp hay sắc pháp, điểm đầu tiên ví như sátna sinh (jāti), điểm cuối cùng ám chỉ sátna tử (maraṇa), những điểm giữa gọi là sátna trụ (ṭhiti). Trong Sammohavinodanī, phần Saccavibhaṅgatthakathā (giải về phân tích sự thật), Ngài Buddhaghosa có nêu ra một hình ảnh ví dụ về sanh, già, chết như sau ([83]. Có ba gả thanh niên muốn thanh toán một chàng trai thù nghịch nên phân công nhau: Gả thứ nhất tìm cách dụ dỗ chàng trai vào rừng, gả thứ hai có nhiệm vụ hành hạ, tra tấn chàng trai cho kiệt sức và gả thứ ba có bổn phận chặt đầu chàng trai. Gả thứ nhất ám chỉ sinh, gả thứ hai ám chỉ già và gả thứ ba ám chỉ chết. Chúng ta có thể hiểu 3 gả thanh niên chỉ là một, giai đoạn đầu y lừa chàng trai vào rừng, giai đoạn hai y hành hạ chàng trai và giai đoạn ba y sát hại chàng trai. Theo Tạng Atỳđàm (abhidhammapiṭaka) thì sinh chỉ cho tâm tục sinh, chết chỉ cho tâm tử (cuticitta). 2-Sinh nói theo uẩn. Nói theo sự khởi hiện của uẩn (khandha) thì jāti (sanh) có ba là: - Ngũ uẩn sanh (pañcakkhandhajāti). Là những chúng sinh hiện khởi trong cõi Dục giới hay các Phạm thiên Sắc giới hữu tưởng. - Tứ uẩn sanh (cadukkhandhajāti). Là những chúng sinh cõi Vô sắc. - Nhất uẩn sanh (ekakkhandhajāti. Là chúng sinh cõi Vô tưởng. 4- Sinh nói theo địa vức (bhūmi). Nói theo cảnh giới sinh lên thì có bốn là: - Sinh vào khổ cảnh (apāyabhūmi). - Sinh vào nhàn cảnh dục giới (kāmasuggati bhūmi). - Sinh vào Sắc giới (rūpabhūmi). - Sinh vào Vô sắc giới (arūpabhūmi). 5- Bốn khía cạnhthực tính của sinh. - Trạng thái: Khởi đầu trong các sinh hữu (tattha tattha bhave pathamābhinibbattilakkhaṇā). - Phận sự: Chuyển giao lại (niyyātana rasā). - Thành tựu: Mất cái cũ, xuất hiện cái mới (atītabhavato idha ummujjanā paccupaṭṭhāna). - Nhân cần thiết: Có danh sắc đầu tiên trong kiếp sống (upacittanāmarūpapadaṭṭhāna) Giải: “Khởi đầu trong các sinh hữu”. Có hai loại sinh hữu: sinh hữu trong hiện tại và sinh hữu trong tương lai. Trong hiện tại, bất kỳ pháp nào khởi lên đó là trạng thái của sinh. Trong tương lai, danh sắc nào xuất hiện đầu tiên cho một kiếp sống (trong cảnh giới nào đó), là trạng thái của sanh và xem như “khởi đầu trong các sinh hữu”. Trong cõi ngũ uẩn, thì danh sắc ở sátna tục sinh, gọi là trạng thái sinh của danh sắc. Có 15 tâm xuất hiện ở giai đoạn khởi điểm này là: 2 tâm quan sát xả thọ, 8 tâm quả Dục giới hữu nhân và 5 tâm quả Sắc giới. Trong cõi Vô tưởng, sắc Mạng quyền ở sát na đầu tiên gọi là trạng thái sinh của sắc. Trong cõi Vô sắc, tâm tục sinh đầu tiên (một trong bốn tâm quả thiền vô sắc), gọi là trạng thái sinh của danh. “Bỏ cái cũ, xuất hiện cái mới”. Là “cái cũ mất đi, tiếp theo là cái mới xuất hiện”. Cái mới có thể khác cái cũ, như người tạo ác nghiệp, khi bỏ thân nhân loại, tái sinh vào khổ cảnh, người tạo thiện nghiệp khi bỏ thân người sanh về nhàn cảnh. Hay: “Pháp bất thiện mất đi nhường cho pháp thiện sinh lên”. Cái mới có thể giống như cái cũ, như tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) trước diệt đi, tâm hữu phần sau sinh lên, tuy hoàn toàn giống nhau nhưng không phải một … Lại nữa, “bỏ cái cũ, xuất hiện cái mới” còn hàm ý “khổ cũ đã diệt, khổ mới xuất hiện, mà sinh là bước đầu”. Nói cách khác “thành tựu của sinh là khởi đầu cho khổ”. Sinh lên rồi diệt đi là định luật tự nhiên của pháp hữu vi, cái mới sinh lên che lấp cái khổ, khiến chúng sinh có ảo tưởng là lạc, nên nói “sinh trang điểm cho khổ ”. Sự trang điểm che lấp những nét xấu, cũng vậy sinh trang điểm cho khổ, khiến chúng sinh không thấy được cái khổ trong sinh. Đức Sāriputta có trả lời cho du sĩ Sāmandakāmi: “Abhinibbattiyā āvuso sati idam dukkhaṃ pāṭikaṇkhaṃ: Này hiền giả, khi có sanh (nên) ghi nhận (sati) khổ chờ đợi. [84]. “Có danh sắc đầu tiên trong kiếp sống”. Chính danh sắc đầu tiên trong kiếp sống là điểm tựa cho sinh tiếp diễn. Thật ra, danh sắc đầu tiên cũng được gọi là sinh, nhưng danh sắc này có nhân gần là nghiệp hay tâm sở Tư (cetanā cetasika) trong quá khứ, còn sinh ở đây muốn nói đến sañjāti (sự sinh hoàn tất). Sañjāti muốn diễn tiến phải có điểm tựa, điểm tựa ấy là danh sắc đầu tiên của một kiếp sống. Nên nói nhân gần cần thiết cho sinh là danh sắc đầu tiên. Có sinh tất có diệt, có sinh diệt tất có khổ, trí quán xét được sự khổ xuất phát từ sinh, tâm hành giả không còn bám víu vào sinh. “Yaṃ kho idaṃ anekavidhaṃ nānappakārakaṃ dukkhaṃ loke uppajjati jarāmaraṇaṃ. “Sự khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời, như già và chết. Idaṃ kho dukkhaṃ jātinidānaṃ jātisamudayaṃ jātijātikaṃ jātippabhavaṃ. Sự khổ này lấy sinh làm nhân, lấy sinh làm tập khởi, lấy sinh làm tác sinh, lấy sinh làmhiện hữu. Jātiyā sati jarāmaraṇaṃ hoti, jātiyā asati jarāmaraṇaṃ na hotī’ti. Do sinh có mặt, già chết có mặt; do sinh không có mặt, già chết không có mặt.”[85] Lại nữa, thấy được sự thay đổi liên tục của các uẩn qua sự sinh, hành giả không có “quan niệm một tự ngã thường hằng bất biến”, từ đó xa lìa thân kiến (kāyadiṭṭhi), là sợi dây trói buộc ban đầu, là một chướng ngại cần phải phá hủy trước tiên trên chặng đường đi đến giải thoát hoàn toàn sinh tử. Có câu hỏi rằng: Đức phật có dạy “sinh là khổ - jāti pi dukkhā”. Tâm đạo sinh lên, vậy tâm Đạo (cittamagga) có dẫn đến khổ không?”. Đáp: Đức Sāriputta có dạy: “Do có nghiệp hữu (kammabhava) nên có sinh”. Tâm Đạo (maggacitta) có công năng cắt đứt nghiệp hữu (nghiệp dẫn đi tái sinh), do đó tâm Đạo không dẫn đến khổ. “Anabhinibbattiyā āvuso sati idam sukhaṃ pāṭi kaṇkhaṃ: Này hiền giả [86], khi không có tái sinh nên ghi nhận lạc chờ đợi”[87]. Với cái nhìn theo chân pháp thì tâm Đạo là pháp hữu vi, đã là pháp hữu vi (saṅkhāradhamm), có sinh tất phải có diệt là lẽ thường tình, cho nên tâm Đạo vẫn có khổ, đó là cái khổ do diệt mất, gọi là hoại khổ (vipariṇāmadukkha), hay cái khổ của pháp hành (saṅkhāradukkha). Và cũng vì thấy rõ như thế, nên các bậc Alahán không hề nắm giữ bất cứ cái gì, cho dù đó là Thánh đạo hay Thánh quả Siêu thế trước khi viên tịch. Đức Sāriputta có hỏi Đức Punna Mantāniputta: “Kimatthañ – carah’ āvuso bhagavati brahmacariyam vussatīti: Này Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn?”. Đức Punna trả lời: “Anupādā parinibhānatthaṃ kho āvuso bhagavati brahmariyaṃ vussatīti: Này Hiền giả! Với mục đích không nắm giữ khi viên tịch, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn. [88] Chính câu trả lời của Đức Punna mantāniputta cho thấy bậc Alahán chẳng những biết rõ “cái ngã (atta) vốn không có” mà “các pháp (dhammā) cũng rỗng không (saññatā)”, nên các bậc Alahán không nắm giữ (anupāda) khi viên tịch (parinibbāna). Nguyên nhân có sinh là do có hữu (bhava). Khi hữu diệt thì sinh diệt, không có sinh là Nípbàn nên “hữu diệt là Nípbàn”. Dứt phần giải về sanh. -ooOoo- 6-Trí biết rõ về hữu (bhava). Chánh kinh. “Chư Hiền, thế nào là hữu, thế nào là tập khởi của hữu, thế nào là sự đoạn diệt của hữu, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của hữu? “Này chư Hiền, có ba hữu: Dục hữu (kāmabhavo), sắc hữu (rūpabhavo), vô sắc hữu (arūpabhavo). Từ tập khởi của thủ (upādānasamudayā), có tập khởi của hữu, từ đoạn diệt của thủ, có đoạn diệt của hữu và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của hữu, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định”. Giải. 1- Ý nghĩa bhava (hữu). Bhava (hữu), xuất phát động từ bhavati (trợ giúp, trở thành), động từ bhavati xuất phát từ ngữ căn bhū, nghĩa là “trở thành” [89]. Do đó bhava ở đây mang ý nghĩa “cảnh giới sinh tồn, cảnh giới hiện hữu”. Pāli có giải thích: “Bhavatīti = Bhavo: trở thành, gọi là hữu [90]. Hay: Bhavati etasmāti = Bhavo: Nương nhờ để hình thành, gọi là hữu. Ở đây hữu (bhava) bao gồm cả nghiệp hữu (kammabhavo) và sinh hữu (upattibhavo). a- Nghiệp hữu. Các Ngài có giải thích: “Kammameva bhavo kammabhavo: Hành động nào có tác năng tạo ra quả, gọi là nghiệp hữu”. Như vậy, tất cả những hành động thiện ác của chúng sanh đã tạo từ thân - ngữ - ý, đang hay đã cho kết quả, đặc biệt là “đã dẫn chúng sinh ấy đi vào cảnh giới mới sau khi mệnh chung”, gọi là nghiệp hữu. Nghiệp hữu có hai loại: Cho quả tái sinh vào cảnh giới mới, cho quả trong cảnh giới đang sống. Nói cách khác, nghiệp cho hai loại quả: dẫn đến tái sinh, không dẫn đến tái sinh. Và khi đã cho quả thì gọi là nghiệp hữu. Theo Luận Atỳđàm, nghiệp cho hai loại quả (đã nói ở trên) là những nghiệp thuộc lãnh vực dục giới (những tâm thiện hay bất thiện Dục giới). Nghiệp chỉ cho quả tái sinh là những tâm thiện thiền Sắc giới hay Vô sắc giới. Ngài Buddhaghosa có dạy: Tulyopi bahichetumhi, yamakānaṃ payatulyatā. Na cañño kammato tasmā, neyyo so jāti paccayo. “Dầu có tương đồng với nhau đến mấy đi nữa, các chúng sinh vẫn mỗi người mỗi vẻ. Điều đó không do chi khác ngoài ảnh hưởng của nghiệp, bậc trí nên hiểu rằng chính nghiệp là tác nhân của mọi sinh hoạt hữu tình” ([91]. Và Đức Phật có dạy: “Kammaṃ satte vibhajeti yadidaṃ hīna paṇītattāya. Nghiệp phân định chúng sinh, trở thành có ưu có liệt.[92] Nên lưu ý rằng: “Bậc Alahán chỉ đoạn trừ được nghiệp dẫn đến tái sinh qua mãnh lực của Thánh đạo tám ngành, còn các loại nghiệp khác thì không”. Điển hình như: Đức Phật vẫn bịnh kiết lị, Đức MụcKiềnLiên (Moggallāna) bị đánh tan xác, sau đó Ngài vô dư Nipbàn, Ngài Upasena (em của Đức XáLợiPhất) bị rắn cắn rồi viên tịch [93]… Nói rõ hơn, bậc Alahán chỉ diệt trừ loại quả (của nghiệp) dẫn đến tái sinh. “Katamañca, bhikkhave, kammaṃ akaṇha asukkaṃ, akaṇha asukkavipākaṃ kammakkhayāya saṃvattati? Sammādiṭṭhi…. sammāsamādhi. “Và này các Tỳkhưu, thế nào là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, đưa đến diệt nghiệp? Chánh kiến…. chánh định. Idaṃ vuccati, bhikkhave, kammaṃ akaṇha asukkaṃ, akaṇha asukkavipākaṃ kammakkhayāya saṃvattati. Này các Tỳkhưu, đây gọi là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến diệt nghiệp ([94]. Rõ ràng bát Thánh đạo là nghiệp dẫn đến diệt nghiệp, thuốc diệt bịnh sau khi diệt bịnh thì thuốc ấy cũng tiêu tan, không còn dư tàn. Do vậy, Bát Thánh Đạo trong tâm đạo không là nghiệp dẫn đến tái sinh. Nghiệp bị diệt ở đây là nghiệp tái sinh (janakakamma), là nghiệp dẫn vào sinh hữu mới. Như bậc Dự lưu diệt nghiệp tái sinh vào bốn khổ cảnh, bậc Bất lai diệt nghiệp tái sinh vào dục giới, bậc Alahán diệt nghiệp tái sinh vào tam giới. Vì sao Thánh đạo tám ngành đưa đến diệt nghiệp (tái sinh)? Vì Thánh đạo sinh lên diệt trừ vô minh và ái (taṅhā), bao giờ còn vô minh và ái thì còn tái sinh. Vị Thánh Alahán trừ tuyệt vô minh và ái, do đó các Ngài diệt tuyệt nghiệp tái sinh. Đức Phật có dạy: - Vjjūpamā dhammā: Các pháp ví như điển chớp (vijju + upama). Là trí của Thánh hữu học (là trí trong 15 tâm Siêu thế Hữu học). - Vajirūpama dhammā: Các pháp ví như sét đánh (vajira + upama).[95] Là trí Thánh đạo Alahán. Pháp như điển chớp. Ngài Buddhaghosa có giải thích: “Ví như người đi trong đêm tối, chợt ánh chớp khởi lên, người này thấy rõ con đường đi (ví như Thánh đạo Dự lưu), không còn hoài nghi chi nữa. Ánh chớp lại lóe sáng lần hai (ví như Thánh đạo Nhất Lai), người này thấy rõ thêm con đường. Ánh chớp lóe sáng lần ba (ví như Thánh đạo Anahàm), con đường càng rõ ràng. Đó là những pháp ví như “điển chớp”. Pháp như sét đánh. Lẽ thường, khi sét đánh xuống cây, sẽ phá hủy tận gốc rễ, khiến cây không còn sinh khởi trong tương lai. Cũng vậy, khi Thánh đạo Alahán sinh lên, phá hủy tận gốc rễ tham si, khiến tham si không còn sinh khởi trong tương lai, Đức Phật ví Thánh đạo Alahán là pháp “như sét đánh”. Vì sao các Ngài không trừ diệt tất cả nghiệp?. Danh sắc này sinh lên do nghiệp, danh sắc hiện khởi trong kiếp sau là do: Có nhựa ái nuôi dưỡng, có rễ lớn (vô minh) cùng các rễ con (kiết sử). Diệt trừ rễ cái, rễ con và nhựa sống, cây “danh sắc” không thể sanh khởi trong kiếp sau, nên không cần phải làm hoại sự sống của danh sắc hiện có. Đức Phật có dạy “làm cỏ rừng chứ không làm hại cây rừng”, nghĩa là diệt trừ phiền não chứ không làm hại danh sắc đang hiện hữu (danh là tâm hữu phần, sắc là sắc do nghiệp tạo). “Yathā pi bhamaro pupphaṃ, vaṇṇagandhaṃ aheṭhayaṃ… “Như loài ong chỉ hút mật hoa rồi bay đi, không làm tổn hại hương và sắc hoa…” [96] Các vị Thánh Alahán có thể viên tịch ngay sau khi chứng quả Alahán, có thể không đợi hết tuổi thọ, như trường hợp bà Gotamī cùng 500 vị Thánh nữ Alahán đồng thời viên tịch [97]. Hay như Ngài Rahula sau khi chứng quả Alahán, Ngài lên cõi chư thiên Ba mươi ba viên tịch trước Đức Thế Tôn. Sở dĩ các Ngài duy trì danh sắc, không phải do ái luyến danh sắc, mà vì lợi ích đến cho chúng sinh, chỉ cung kỉnh, cúng dường các Ngài thôi cũng có phước lớn, có quả báo lớn. Như kệ ngôn: “Yaṃ kiñci iṭṭhaṃ va hataṃ va loke. Saṃvaccharaṃ yajetha puññapekho Sabbaṃ pi taṃ na catubhāgameti. Abhivādanā ujjugatesu seyyo. “Suốt năm cúng tế vật. Để cầu phước ở đời. Không bằng một phần tư. Kính lễ bậc chánh trực.”[98] Ý kệ ngôn này là: “Cung kính bậc Thánh, nhất là bậc Alahán còn cao quí hơn cúng dường đến phàm nhân”, dĩ nhiên cúng dường đến Thánh nhân Alahán thì không còn gì phải bàn nữa. Lại nữa, nghiệp tái sinh do vô minh và ái làm duyên mới tạo ra tâm quả tái sinh, những nghiệp khác không cần phải có vô minh và ái làm duyên, có thể do pháp khác làm duyên để trổ sinh quả. Như Đức Phật bị bịnh nhức đầu khi ngăn cản vua Vidūdabha tru diệt dòng ThíchCa, thọ khổ này do thời tiết làm duyên, do nghiệp quá khứ là nhân, rõ ràng Đức phật đã diệt trừ tận gốc vô minh và ái rồi. Ngài Cakkhupāla bị mù do tinh tấn làm duyên[99], bảy vị Tỳkhưu bị nhốt trong hang là nghiệp trổ quả do thời tiết làm duyên [100], nghiệp đoạn tận mạng sống vua Vidūdabha cùng đoàn quân là do nước lũ dâng tràn làm duyên [101] … Đức Nāgasena có giải thích: “Thọ khổ sinh lên do tám duyên: Do gió, do mật, do đàm, do hội tụ (sannipatika), do thời tiết thay đổi (utuparināma), do hành động không thích ứng (visamaparihāra), do bị đánh đập (opakkamika), do quả của nghiệp chín muồi (kammavipākayā).”[102] Thọ khổ sinh lên do một trong 7 duyên đầu cũng dễ hiểu, còn do duyên quả của nghiệp chín muồi thì như thế nào? Ví như người bị tên bắn trúng (quả của nghiệp), rồi vết thương bị nung mủ, đau nhức…. Nên ghi nhận: “Theo Luận Atỳđàm, thân thọ khổ là thọ (vedanā) trong tâm quả bất thiện (tức là do nghiệp bất thiện tạo ra, chính xác là tâm thân thức thọ khổ), tâm thọ khổ (thọ ưu) là thọ trong tâm bất thiện sân.” Vị Giáo Thọ sư là tác giả bộ sách Mūlaṭīka cho rằng: “Cả nghiệp hữu và sinh hữu đều có vai trò tác năng cho sanh (jāti) [103]. Tức là, quả của nghiệp sinh khởi được phải có nghiệp hữu lẫn sinh hữu. Ý kiến của Giáo Thọ sư tác giả Mūlaṭīka chuẩn xác trong thời bình nhật (là sau khi sinh ra rồi cho đến lúc sắp mệnh chung (nói theo thời sátna thì kể từ sátna tâm hữu phần đầu tiên sau sátna tâm tục sinh cho đến sátna tâm hữu phần cuối cùng trước tâm Tử). Riêng trong thời tục sinh thì: - Chuẩn xác với chúng sinh còn vô minh và ái, tức là nghiệp hữu là nhân, sinh hữu, ái, vô minh là duyên. Ví như hạt giống (nghiệp) gieo vào ruộng (sinh hữu) có nước (ái), có phân (vô minh) hạt giống sẽ nảy mầm (thức tái sanh) rồi tăng trưởng (tạo thành danh sắc). - Không chuẩn xác với vị Alahán. Rõ ràng các cảnh giới tái sinh vẫn có, nghiệp quá khứ của các Ngài vẫn còn, nhưng vô minh và ái đã tận trừ, tâm quả làm việc tái sanh không có. Ví như hạt giống gieo vào ruộng, không có nước hay độ ẩm (ái) thì không thể nảy mầm (tái sinh). Nếu phân tích chi tiết thì: - Bậc Dự lưu đã diệt tận vô minh và ái dẫn tái sinh vào 4 cảnh khổ. - Bậc Anahàm đã diệt tận vô minh và ái dẫn tái sinh vào Dục giới. - Bậc Alahán đã diệt tận vô minh và ái dẫn tái sinh vào tam giới. Đã diệt tận vô minh và ái, cho dù còn nghiệp dẫn đi tái sinh, nhưng nghiệp này không thể cho quả tái sinh được. Như bậc Dự Lưu chẳng hạn, trước khi trở thành bậc Dự lưu hẳn vị ấy có những nghiệp dẫn vào khổ cảnh, nhưng từ khi diệt tận vô minh và ái dẫn tái sinh vào khổ cảnh, nghiệp ấy không thể cho quả tục sinh, chỉ có thể cho quả trong thời bình nhật, điển hình như Ngài Aṅgulimāla, nghiệp giết 999 người trước khi đắc quả Dự lưu chỉ trả quả khi Ngài đi bát, bị dân chúng ném đá vào Ngài, khiến Ngài bị thương nơi đầu. Hay người đao phủ giết người suốt 55 năm, nhờ nghe pháp từ nơi Trưởng lão Sārīputta. Dự lưu, sau đó bị bò húc chết, Ngài cũng không rơi vào khổ cảnh. Hay như bậc Anahàm, tuy còn nghiệp dục giới, nhưng không hề tục sinh vào cõi Dục, Luận sư Anuruddha dạy: “Sau khi tâm Tử diệt, một thức nối liền (paṭisandhi viññāṇa - còn gọi là thức tái sinh) sinh lên, tiếp theo là 16 sátna tâm hữu phần (bhavaṅga citta). Tiếp đến là Ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana citta), rồi 7 đổng lực (javana) “ưa thích với đời sống mới” (bha – nikanti-javana)[104], tiếp theo là luồng hữu phần. Các vị Luận sư Atỳđàm dạy: “Cho dù là Bồtát kiếp chót, luồng đổng lực cũng là loại đổng lực tham (nikantijavana)”. Vì “bao giờ còn tái sinh là còn vô minh tùy miên và ái tùy miên”, Pāli có ghi: “… Tasmiṃ niruddhāvasāne tass’ ānantaraṃ eva tathā gahitaṃ ālambanam ārabbha savatthukaṃ avatthukaṃ eva vā yathārahaṃ avijjānusaya parikkhittena taṅhānusayamūlakena saṅkhārena jāniyamāhaṃ sampayutteti … “Tức khắc sau khi chập tử tâm chấm dứt, chập thức tái sinh khởi lên, thiết lập kiếp sống kế tiếp, (thức tái sinh) nhận lấy cảnh trước đó, có vật (nương) hay không có vật (vatthu) nương tùy trường hợp. Thức tái sinh này bị thúc đẩy bởi vô minh tùy miên và nương vào ái tùy miên, sinh ra bởi nghiệp (saṅkhāra) cùng các tâm sở tương ưng…”[105] Như vậy, sự xuất hiện trong cảnh giới mới dù bất cứ phương cách nào cũng không ngoài một trong bốn cách: Noãn, thai, thấp, hóa và đều gọi là tái sinh. Còn tái sinh đồng nghĩa còn vô minh và ái dục. Bồtát sau khi chứng đạt quả Vô thượng Chánh giác, Ngài đã nói lên kệ hoan hỷ (udāna): “Anekajāti saṅsāraṃ. Sandhāvisaṃ anibbisaṃ Gahakārakaṃ gavesanto. Dukkhā jāti punappunaṃ. Lang thang bao kiếp sống. Ta tìm nhưng chẳng gặp Người xây dựng nhà này. Khổ thay phải tái sinh. “Gahakārakaṃ diṭṭho’si. Puna gehaṃ na kāhasi Sabbā te phāsukā bhaggā. Gahakūṭaṃ visaṅkhitaṃ Visaṅkhāragataṃ cittaṃ. Taṅhānaṃ khayaṃ ajjhagā. Hỡi người làm nhà kia. Nay ta đã thấy ngươi. Ngươi không làm nhà nữa. Đòn dông ngươi bị gãy Kèo cột ngươi bị tan. Tâm ta đạt tịch diệt Tham ái thảy tiêu tan.[106] Bản Sớ giải hai kệ ngôn này có giải thích: Nhà chỉ cho danh sắc. Người thợ làm nhà là ái. Cây đòn dông (gahakūṭa) là vô minh. Kèo cột là 10 loại phiền não (kilesa): tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, nghi, phóng dật, hôn trầm, vô tàm, vô quý. Kệ ngôn trên cho thấy “vô minh diệt thì ái diệt” (nay ta đã thấy ngươi), chính ái làm duyên cho danh sắc sinh khởi. Đối với vị Alahán, tâm tử được gọi là viên tịch (parinibbāna), không còn tái sinh. Sau đây là bốn khía cạnh của nghiệp hữu: - Trạng thái: (có) nghiệp (kammalakkhaṇo). - Phận sự: Tạo tác (bhāvanaraso). - Thành tựu: Thiện hay bất thiện (kusalākusalapaccupaṭṭhāno). - Nhân cần thiết: Có (pháp) Thủ (upādānapadaṭṭhāno). b- Sinh hữu. Còn sinh hữu ra sao? Các Ngài có giải thích: - Upajjatīti = upatti: Sinh lên kiếp sống mới, gọi là tái sinh. - Upatti ca sa bhavocati = upattibhavo: Tái sinh ở kiếp sống mới, gọi là sinh hữu. Như vậy, sinh hữu là cảnh giới tái sinh trong tương lai, cho dù cảnh giới kế tiếp giống như cảnh giới cũ, như người chết sinh lại làm người, nhưng rõ ràng hai người (cũ và mới) không hoàn giống nhau, họ vẫn khác nhau về nhiều phương diện cả thân xác lẫn tinh thần. Người hiểu biết sinh hữu là khổ, sẽ không còn mong mõi một sinh hữu nào nữa cho dù đó là cảnh giới an lạc cõi chư thiên, Phạm thiên. Đức Phật có dạy: “Seyyathāpi bhikkhave, appamattakopi gūtho duggandho hoti. Evamevaṃ kho ahaṃ, bhikkhave, appamattakampi bhavaṃ na vaṇṇemi, antamaso accharāsaṅghātamattampi”. “Ví như, này các tỳkhưu, một ít phẩn có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỳkhưu, Ta không tán thán về hữu (bhava), dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay”.[107] Và: “…Sa ve bhūtapariñño, so vītataṅho bhavābhave; bhūtassa vibhavā bhikkhu, nāgacchati punabbhavan’ti”. “... nếu vị ấy liễu tri Sinh hữu (là sinh hữu) Vị ấy ly tham ái Đối hữu và phi hữu Tỳkhưu quyết phi hữu Đối với chúng sanh hữu Sẽ không còn đi đến. Sanh đi rồi sanh lại” [108]. Bốn khía cạnh của sinh hữu là: - Trạng thái: Có quả (của) nghiệp (kammaphalalakkhaṇo) - Phận sự: Hiện hữu (bhavanaraso) - Thành tựu: Là pháp vô ký (abyāketapaccupaṭṭhāno). - Nhân cần thiết: Có (pháp) Thủ (upādānapadaṭṭhāno). So sánh giữa nghiệp hữu và sinh hữu thì phận sụ và nhân cần thiết giống nhau, riêng trạng thái thì: Trạng thái của sinh hữu là quả của nghiệp hữu. Như vậy, ở khía cạnh nào đó cho chúng ta ý niệm “nghiệp là nhân, sinh hữu là quả”. Về thành tựu của nghiệp hữu và sinh hữu thì khác biệt rõ: Thành tựu của nghiệp hữu là thiện hay bất thiện, còn thành tựu của sinh hữu thì không thiện cũng không bất thiện. Đức Sāriputta (Xálợiphất) có giải thích “hữu có ba là: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu”. 2- Dục hữu (kāmabhava). Chữ kāma ở đây ám chỉ cho năm trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị và xúc. Dục hữu là cảnh giới thọ lãnh đầy đủ năm trần cảnh. Cõi Sắc giới tuy cũng là sắc pháp, nhưng chư Phạm thiên không thọ lãnh hương, vị và xúc vì ba loại thần kinh (tỷ, thiệt, thân) để tiếp nhận ba cảnh này, các Ngài không có. Mặt khác, tuy các Ngài có mắt và tai nhưng không phải với mục đích “hưởng thụ cảnh sắc hay cảnh thinh”, vì: - Mãnh lực ly dục của tâm quả thiền. - Các Ngài muốn có mắt và tai để thấy được Đức Phật Chánh giác và nghe Giáo pháp của Ngài. Ước muốn này là “pháp dục (dhammacchanda)” thoát ra dục dục (kāmacchanda). Đức Ānanda có bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Bhavo, bhavoti, bhante, vuccati. Kittā vatā nu kho, bhante, bhavo hoti? “Hữu, hữu, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn được xem là có hữu! Đức Thế Tôn đáp: “Kāmadhātuvepakkhañca, Ānanda, kammaṃ nābhavissa, api nu kho kāmabhavo paññāyetha’ti? No hetaṃ, bhante. - Này Ānanda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của Dục giới (kāmadhātuvepakkaṃ) thời dục hữu có thể trình bày được không? - Thưa không bạch Thế Tôn. Iti kho, Ānanda, kammaṃ khettaṃ, viññāṇaṃ bījaṃ, taṅhā sneho. Avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṅhāsaṃyojanānaṃ majjhimāya dhātuyā viññāṇaṃ hīnāya dhātuyā viññāṇaṃ patiṭṭhitaṃ evaṃ āyatiṃ punabbhavābhinibbatti hoti, Evaṃ kho, Ānanda, bhavo hotī’ti. - Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống, ái là sự nhuộm ướt (sneha). Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy trong tương lai có sự tái sinh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, gọi là hữu ”[109]. Bài kinh trên cho thấy, Đức Phật dạy “hữu” bao gồm: Nghiệp, thức (tâm quả, chủ yếu là thức tục sinh), (cảnh) giới, ái và vô minh. Đây là ý nghĩa mở rộng của hữu. Như vậy, gọi là dục hữu bao gồm: nghiệp cho quả trong dục giới, tâm quả dục giới, cõi Dục, vô minh và ái dẫn tái sinh vào cõi dục. Dục giới có hai cảnh giới: khổ cảnh và nhàn cảnh. Nghiệp hữu cho quả tái sinh về khổ cảnh gồm 10 ác bất thiện nghiệp (như đã giải). Nghiệp hữu cho quả tái sinh lên nhàn cảnh (từ cõi người đến cõi Tha hóa tự tại) bao gồm 20 thiện nghiệp: 10 thiện nghiệp như đã trình bày ở trên và 10 thiện nghiệp khác là: Bố thí, trì giới, tu tiến (bhāvanā) (thực hành thiền chỉ (samādhijhāna, nhưng chưa đắc định, thực hành thiền quán – vipassanājhāna, nhưng chưa đắc đạo quả), cung kỉnh, phục vụ, hoan hỷ phước, hồi hướng phước, nghe pháp, thuyết pháp và chấn chỉnh tri kiến cho đúng với chân lý. Nên lưu ý: Dục hữu là chỉ cho thành quả của nghiệp (không phải nghiệp) trong cõi dục. Theo Luận Atỳ đàm thì dục hữu bao gồm 23 tâm quả Dục giới (15 tâm quả Vô nhân + 8 tâm quả Dục giới hữu nhân) cùng các tâm sở phối hợp và 20 sắc nghiệp. Một ý nghĩa khác của dục hữu là: “Chỉ rõ chúng sinh trong cõi dục”. Nên ghi nhận: “Một số nghiệp được tạo trong dục giới, không cho quả trong cảnh giới khác ngoài dục giới”. Như quả của ác nghiệp .... không thể cho quả ở cõi Phạm thiên Sắc giới hay Vô sắc giới. Mặt khác, chính những nghiệp được tạo trong Dục giới cũng không thể trổ quả trong cõi Dục do không tương thích. Như nghiệp bố thí không thể cho quả ở cảnh giới ngạ quỷ (ngoại trừ loại ngạ quỷ Vemānika), những thiện nghiệp không thể cho quả ở cảnh giới địa ngục, chúng sinh địa ngục khi khởi lên tâm thiện, lập tức thoát ra cõi địa ngục ấy.[110] Một số nghiệp được tạo trong cõi dục, cho quả vượt ra Dục giới, đó là những tâm thiện thiền Sắc hay Vô sắc. 3- Sắc hữu (rūpabhava). Chữ rūpa (sắc) ở đây chỉ cho vị tu tập thiền chỉ tịnh thành tựu được những tầng thiền hữu sắc (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền). Đức Phật có dạy Đức Ānanda: “Ruupadhātuvepakkhañca, Ānanda, kammaṃ nābhavissa, api nu kho ruupabhavo paññāyetha’ ti? No hetaṃ, bhante. “Này Ānanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới thời sắc hữu có trình bày được không? - Thưa không bạch Thế Tôn. Iti kho, Ānanda, kammaṃ khettaṃ, viññāṇaṃ bījaṃ, taṅhā sneho. Avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṅhāsaṃyojanānaṃ majjhimāya dhātuyā viññāṇaṃ hīnāya dhātuyā viññāṇaṃ patiṭṭhitaṃ evaṃ āyatiṃ punabbhavābhinibbatti hoti, Evaṃ kho, Ānanda, bhavo hotī’ti. - Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống, ái là sự nhuận ướt. Chúnh sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sinh sanh khởi. Như vậy này Ānanda, hữu có mặt. (sđd). Như vậy, sắc hữu là: Nghiệp dẫn về cõi Sắc, tâm quả Sắc giới, cõi Sắc, vô minh và ái dẫn tái sinh về cõi Sắc. Nói theo Luận Atỳđàm thì sắc hữu bao gồm: 5 tâm quả Sắc giới, hai tâm Nhãn thức, hai tâm Nhĩ thức, hai tâm Tiếp thâu (sampaṭicchana citta), ba tâm Quan sát (santīrana citta) cùng các tâm sở hợp và 15 sắc nghiệp (8 sắc bất ly + sắc thần kinh nhãn, sắc thần kinh nhĩ, sắc mạng quyền, sắc ý vật và ba sắc đặc biệt: khinh, nhu, thích nghiệp). Vị Phạm thiên chỉ có mắt và tai, không có sắc thần kinh lưỡi, sắc thần kinh mũi, sắc thần kinh thân, sắc nam tính và sắc nữ tính. Lại nữa, nói đến sắc hữu là “chỉ rõ chúng sinh cõi Sắc”. 5- Vô sắc hữu (arūpabhava). Chữ ārupa là “không có sắc pháp”. Sau thành tựu các tầng thiền Sắc giới, hành giả tiếp tục tu tập thiền chỉ tịnh với đề mục vô sắc như: Đề mục Không vô biên xứ, đề mục Thức vô biên xứ, đề mục Vô sở hữu xứ, đề mục Phi tưởng phi phi tưởng xứ và thành tựu theo tuần tự (không thể đi tắt). Đức Phật có dạy Ngài Ānanda: “Arūpadhātuvepakkhañca, Ānanda, kammaṃ nābhavissa, api nu kho arūpabhavo paññāyetha’ ti? No hetaṃ, bhante. “Này Ānanda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín mùi của Vô sắc giới, thời Vô sắc hữu có thể trình bày được không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. Iti kho, Ānanda, kammaṃ khettaṃ, viññāṇaṃ bījaṃ, taṅhā sneho. Avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṅhāsaṃyojanānaṃ majjhimāya dhātuyā viññāṇaṃ hīnāya dhātuyā viññāṇaṃ patiṭṭhitaṃ evaṃ āyatiṃ punabbhavābhinibbatti hoti, Evaṃ kho, Ānanda, bhavo hotī’ti. - Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống, ái là sự nhuận ướt. Chúnh sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sinh sanh khởi. Như vậy này Ānanda, hữu có mặt”.(sđd) Như vậy, Vô sắc hữu bao gồm: Nghiệp dẫn về cõi Vô sắc, tâm quả Vô sắc, cõi Vô sắc, vô minh và ái dẫn tái sinh về cõi Vô sắc. Theo Luận Atỳđàm thì Vô sắc hữu chỉ cho: Bốn tâm quả Vô sắc giới cùng các tâm sở hợp (30 tâm sở). Lại nữa, Vô sắc hữu chỉ cho chúng sinh trong cõi Vô sắc. Đức Sāriputta trình bày ba hữu: Dục, Sắc và Vô sắc hữu, Ngài ám chỉ nghiệp tái sinh vào Dục giới, Sắc giới hay Vô sắc giới. Hữu nếu phân tích rộng có đến chín hữu, như Phật ngôn: Katame navasu? Navasu sattāvāsesu. Thế nào là chín Pháp? Chín hữu tình cư (navasattāvāsā).[111] Nói chín hữu là do phân theo ba phương diện: Cõi, tâm thức và uẩn. Phân theo cõi thì có: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu như đã giải. Phân theo tâm thức thì có ba là: - Tưởng hữu (saññībhava): Chỉ cho 31 tâm hiệp thế (15 tâm quả vô nhân + 16 tâm quả hiệp thế hữu nhân (trừ tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ) + 35 tâm sở hợp (13 tâm sở tợ tha + 22 tâm sở tịnh hảo (trừ ba tâm sở giới phần). - Vô tưởng hữu (asaññībhava): Chỉ cho bọn sắc mạng quyền (hīvitinnavakalapa) trong cõi Vô tưởng. -Phi tưởng phi phi tưởng hữu (nevasaññībhava): Chỉ cho tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ + 30 tâm sở hợp (10 tâm sở tợ tha + 20 tâm sở tịnh hảo (trừ ba giới phần, 2 vô lượng phần). Phân theo uẩn có ba là: - Nhất uẩn hữu (ekavokārabhava): Chỉ cho bọn sắc Mạng quyền trong cõi Vô tưởng hay Phạm thiên cõi Vô tưởng. - Tứ uẩn hữu (catuvokārabhava): Chỉ cho bốn tâm quả Vô sắc giới cùng tâm sở hợp (20 tâm sở), hay chỉ cho Phạm thiên cõi Vô sắc giới. - Ngũ uẩn hữu (pañcavokārabhava): chỉ cho 23 tâm quả dục giới, năm tâm quả sắc giới + 35 tâm sở hợp và 20 sắc nghiệp, hay chỉ cho chúng sanh cõi Dục giới và Phạm thiên hữu sắc. 6- Có gì khác biệt giữa ba hữu và chín hữu? Nói đến chín hữu là phân tích rộng từ ba hữu (dục, sắc, vô sắc hữu). a- Chúng sanh tuy sống trong dục hữu vẫn có thể thành tựu cảnh giới Phạm thiên hữu sắc hay vô sắc. Đức Thế Tôn có dạy các gia chủ Bàlamôn ở làng Venāgapura như sau: “Tiṇi kho imāni, brahmaṇa, uccāsayanamahāsayanāni, yesāhaṃ etarahi nikāmalābhi akicchalābhi akasiralābhi. Katamāni tīṇi? “Này các Bàlamôn, có ba loại giường cao và giường lớn, ta được chúng không khó khăn, được chúng không mệt nhọc, được chúng không phí sức. Thế nào là ba? Dibbaṃ uccāsayanamahāsayanā, brahmaṃ uccāsayanamahāsayanā, ariyaṃ uccāsayanamahāsayanā. Gường cao, giường lớn chư thiên, giường cao, giường lớn Phạm thiên, giường cao, giường lớn bậc Thánh” [112]. Tiếp theo Đức Thế Tôn giảng: “Vị đã chứng đạt bốn thiền Sắc giới, thì nơi đang kinh hành, nơi đứng, nơi ngồi, nơi nằm là giường cao, giường lớn của Chư thiên”. “Vị an trú trong Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả, làm biến mãn khắp mọi phương với tâm đi chung với từ, với bi, với hỷ, với xả. Nơi vị ấy đi kinh hành, nơi ngồi, nơi đứng, nơi nằm là giường cao, giường lớn Phạm thiên”. “Vị diệt trừ mọi lậu hoặc. Nơi vị ấy đi kinh hành, nơi ngồi, nơi đứng, nơi nằm là giường cao, giường lớn bậc Thánh”. Trong bài kinh khác, Đức Phật dạy: “Ở đây, này các Tỳkhưu, có người hoàn toàn vượt qua sắc tưởng, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai lệch, xem “cái không là vô biên”, đạt đến và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức (assādeti) cảnh giới ấy...[113]. Hay: “Santi bhikkhave, bhikkhū imasmiṃ bhikkhusaṅghe devappattā viharanti. “Có những Tỳkhưu, này các Tỳkhưu, trong Chúng Tỳkhưu này, sống đạt được địa vị Chư thiên. Santi, bhikkhave, bhikkhū imasmiṃ bhikkhusaṅghe brahmappattā viharanti. Có những Tỳkhưu, này các Tỳkhưu, trong Chúng Tỳkhưu này, sống đạt được địa vị Phạm thiên. Santi, bhikkhave, bhikkhū imasmiṃ bhikkhusaṅghe āneñjappattā viharanti. Có những Tỳkhưu, này các Tỳkhưu, trong Chúng Tỳkhưu này, sống đạt được địa vị bất động[114]. Santi, bhikkhave, bhikkhū imasmiṃ bhikkhusaṅghe ariyappattā viharanti. Có những Tỳkhưu, này các Tỳkhưu, trong Chúng Tỳkhưu này, sống đạt được địa vị bậc Thánh.[115]. Những đoạn kinh trên cho thấy người Dục giới vẫn có thể đạt được cảnh giới Sắc hay Vô sắc trong hiện tại. Lại nữa, tuy là Phạm thiên hữu sắc hay Phạm thiên vô sắc, khi khởi lên tham hay si, xem như rơi vào dục hữu. Vị Thánh có rơi vào trạng thái Vô tưởng hữu không? Với vị Thánh Anahàm hay Alahán cõi Dục hay cõi Sắc an trú trong trạng thái Diệt thọ tưởng định, khi ấy chỉ còn bọn sắc Mạng quyền tồn tại, hình thức tương tự như vị Phạm thiên Vô tưởng, dĩ nhiên có nhiều điểm khác biệt nhau. Ở khía cạnh nào đó, có thể nói “vị Thánh rơi vào trạng thái Vô tưởng”, hoặc “vị thánh Vô dư y Nípbàn tạm thời”. b- Tuy cùng một địa vức (bhūmi), có những địa vức chúng sinh sai khác nhau hoặc về thân hoặc về thức tái sinh hoặc cả hai. Có những địa vức không khác nhau về thân lẫn thức tái sinh. Theo cách này thì chín nơi trú của chúng sinh được phân tích như sau: Trước tiên cần nắm rõ tâm tục sinh đưa về các cảnh giới, tâm tục sinh giống nhau, gọi là tưởng đồng, tâm tục sinh khác nhau, gọi là tưởng dị. Thân là sắc tướng. - Cõi chúng sinh có thân dị, tưởng dị (nānattakāyā nānattasaññibhūmi): Là nhóm chúng sinh có thân khác nhau, tâm tục sinh cũng khác nhau, như người, chư thiên, ngạ quỷ (peta) (ám chỉ loại ngạ quỷ Vemānika). “Santi, bhikkhave, sattā nānattakāyā nānattasaññino, seyyathāpi manussā, ekacce ca devā, ekacce ca vinipātikā. “Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân khác, tưởng khác. Ví như người, một số thiên nhân, một số các loài ở đọa xứ”[116]. Về thân khác nhau (tưởng dị), tập Sớ giải thích: Tuy là anh em sinh đôi (người) nhưng vẫn khác nhau về tiếng nói, điệu bộ đi đứng... Một số thiên nhân ở dục giới có thân xanh (như Đa văn Thiên vương – Vessavana), có thân vàng (như Tăng trưởng thiên vương - Viruḷhaka), có thân đỏ (như Quãng mục Thiên vương – Virūpakkha), có thân trắng (như Trì quốc Thiên vương – Dhatarattha)... Chúng sinh ở đọa xứ (peta - ngạ quỷ), thân lớn nhỏ khác nhau, có màu sắc khác nhau, tâm chúng giống như tâm người (đây là nói đến nhóm ngạ quỷ Vemānika). Về tưởng khác nhau (tưởng dị). Là nói đến tâm tục sinh khác nhau. - Tâm Quan sát xả thọ quả thiện cho tái sinh vào cõi người hay cõi Tứ đại vương. - Tám tâm quả Dục giới hữu nhân cho tái sinh về cõi người lẫn 6 cõi trời Dục giới. Rõ ràng, tuy là người, hay là chư thiên nhưng có tâm tục sinh khác nhau. Do đó, gọi là “tưởng khác nhau”. 2. Cõi chúng sinh có thân dị, tưởng đồng (nāvuttakāyā ekattasaññībhūmi): Là những chúng sinh có thân khác nhau, nhưng có tâm tục sinh giống nhau, như Phạm thiên cõi sơ thiền. “Santi, bhikkhave, sattā nānattakāyā ekattasaññino seyyathāpi devā brahmakāyikā paṭhamābhinibbattā. “Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân khác, tưởng là một, như Phạm chúng thiên được sanh nhờ chứng sơ thiền”(sđd, A. iv, 39). Tập sớ giải thích: Chúng sinh ở Phạm chúng thiên có thân lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc trình độ chứng đạt Sơ thiền. Gọi là tưởng đồng, vì vị Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên hay Đại phạm thiên đều tái sinh bằng tâm quả Sơ thiền. Theo Luận Atỳđàm, cả ba người khổ (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ (ngoại trừ nhóm ngạ quỷ vemānīka) đều tục sinh bằng tâm quan sát thọ xả quả bất thiện. Như vậy, nhóm chúng sinh này cũng liệt vào “thân dị, tưởng đồng”. Atula (asura) liệt vào hạng người nào?. Có hai loại Atula: - Loại khổ như ngạ quỷ, loại này được liệt vào nhóm Atula ngạ quỷ (kāḷakanjaka asura), loại này tục sinh bằng tâm Quan sát thọ xả quả bất thiện. - Loại có quyền lực như chư thiên, được liệt vào hạng Atula chư thiên (Vepacitti asura)[117], loại này tục sinh bằng một trong tám tâm Đại quả. Như nàng thiên hậu Sujātā vợ vua trời Đế Thích (sakka) chẳng hạn. 3. Cõi chúng sinh có thân đồng, tưởng dị (ekattakāyā nānattasaññībhūmi): Là những chúng sinh có thân như nhau, nhưng có tâm tục sinh khác nhau. Đó là những chúng sinh ở cõi Nhị thiền. “Santi, bhikkhave, sattā ekattakāyā nānattasaññino seyyathāpi devā ābhassarā. “Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân là một, tưởng khác, ví như chư Quang âm thiên”(sđd). Tập sớ giải thích: Chúng sinh cõi Nhị thiền thân to lớn, phát hào quang như chớp. Cõi nhị thiền tuy chia làm ba cõi: Thiểu quang thiên (parittābhā), Vô lượng quang thiên (appamāṇābhā) và Quang âm thiên (ābhassarā) là nương theo hào quang phát ra nhiều hay ít mà định danh, không phải do nương vào thân để định danh. Gọi là tưởng dị vì tục sinh vào cõi nhị thiền do tâm quả Nhị thiền và tâm quả Tam thiền đảm nhận (thiền năm bậc). Nên ghi nhận: Theo Kinh tạng, thiền được phân tích theo bốn bậc: Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền, đó là phân tích theo cõi, còn luận Atỳđàm phân tích thiền có năm bậc: Sơ, Nhị, Tam, Tứ và Ngũ thiền, đó là phân tích theo chi thiền. Nhị thiền trong Kinh tạng thì mất cả 2 chi thiền Tầm và Tứ, còn Nhị thiền theo Luận tạng thì mất chi Tầm, Tam thiền thì mất chi Tứ. Như vậy Nhị và Tam thiền của Luận tạng = Nhị thiền của Kinh tạng. 4. Cõi chúng sinh có thân đồng, tưởng đồng (ekattakāyā ekattasaññībhūmi): Là những chúng sinh có thân hình giống nhau, có tâm tục sinh cũng giống nhau. Đó là những vị Phạm thiên ở cõi Biến tịnh thiên (subhakiṇhā). “Santi, bhikkhave, sattā ekattakāyā ekattasaññino, seyyathāpi devā subhakiṇhā. “Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân là một, tưởng là một ví như chư thiên Biến tịnh (subhakiṇhā)” (sđd). Gọi tưởng đồng vì tục sinh về cõi Tam thiền do tâm quả Tứ thiền đảm nhận (theo thiền năm bậc). 5. Không vô biên xứ (ākāsāsañcāyatanūpagā - chữ upaga là “đi đến”): Là những chúng sinh thành tựu thiền Vô sắc với án xứ “cái không vô cùng tận”, sau khi mệnh chung sinh về cõi này. “Santi, bhikkhave, sattā sabbaso rūpasaññānaṃ samatikkamā paṭighasaññānaṃ atthaṅgamānānattasaññānaṃ amanasikārā’ananto akāso’ti ākāsānañcāyatanūpagā. “Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, vượt hoàn toàn sắc tưởng, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, đạt đến không vô biên xứ”[118]. Biết rằng “(cái) không vô cùng tận”. (sđd). 6. Thức vô biên xứ trú (viññānañcāyatanūpagā): Là những chúng sinh thành tựu thiền vô sắc với án xứ “Thức vô cùng tận”. “Santi, bhikkhave, sattā sabbaso ākāsānañcāyatanaṃ samatikkamma ‘anantaṃ viññāṇan’ti. Viññāṇañcāyatanūpagā. “Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, vượt hoàn toàn “không vô biên xứ”, đạt đến Thức vô biên xứ”, biết rằng: “Thức là vô biên”. (sđd) Sách Thanh tịnh đạo có giải thích: Vị hành giả sau khi chứng đạt thiền Không vô biên xứ, vị ấy suy tư “cái không này còn bị thức biết, như vậy thức mới vô cùng tận”. Vị ấy lấy tâm Không vô biên xứ làm đề mục, niệm tưởng “cái thức vô cùng tận”. 7. Vô sở hữu xứ trú (ākiñcaññāyatanūpaga). Là chúng sinh thành tựu thiền Vô sắc với đề mục “vô sở hữu”. 8. Cõi Vô tưởng (asaññībhūmi): Là chúng sinh tái sinh về cõi Vô tưởng do bọn sắc mạng quyền làm nhiệm vụ tục sinh. 9. Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññāsaññāyatanabhūmi): Là cõi của những chúng sinh thành tựu được tầng thiền Vô sắc cao nhất. Đức Sāriputta dạy “nguyên nhân có hữu (nghiệp hữu và sinh hữu) là do có thủ, khi thủ diệt thì hữu diệt”, hữu diệt là Nípbàn. Dứt phần giải về hữu. -ooOoo- [1]- A.v, 49. [2]- HT. TMC (d), D.iv, Kinh Thập thượng (Dasuttarasutta). [3]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (soạn dịch) (kn), Siêu lý Sơ học. [4]- HT. TMC (d), S.v, 102. [5]- HT. TMC (d), A.i, 86. [6]- HT. TMC (d), A.v, 135. [7]-Đại trưởng lão Tịnh Sự (soạn dịch) (kn), Siêu lý sơ học. [8]- HT. TMC(d), M. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt. [9]- S.i, 135. Vajirasuttaṃ (Phẩm Tương ưng Tỳkhưu ni). HT. TMC dịch. [10]- HT. TMC (d), S.ii, 140. [11]- Theo Chánh kinh. [12]- Anuseti là một danh từ khác chỉ cho ái ngủ ngầm. [13]- Ārammaṇa (cảnh), cảnh là đối tượng bị tâm biết. [14]- HT. TMC (d), S.ii, 66. Tương ưng Nhân duyên , Tatiyacetanāsuttaṃ (Kinh Tư tâm sở 3). [15]- HT. TMC (d), A.iv, 239. [16]- DhpA, kệ ngôn số 48 [17]- Đại Trưởng lão Tịnh Sự (soạn dịch) (kn), Siêu Lý Sơ Học. [18]- Dhp, câu 203. [19]- Trần Phương Lan (dịch), JA, truyện số 14 (Vātamigajātaka). [20]- HT. TMC (dịch), Dhp- số 415. [21]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 150. [22]- HT. TMC (d), S.ii, 84. [23]- HT. TMC (d), A.i, 47 (saṃ yo janasuttaṃ) [24]- S.ii, 97. [25]- Saṃyojana: giây trói buộc. [26]- Vsm, 90-91. [27]- A.v, 87. [28]- Đại Đức Thiện Phúc (dịch) (kn), Sớ giải kinh Chánh tri kiến. [29]- Vsm, Chương XI, từ đoạn 11- 26. [30]- HT, TMC(d), S.ii, 101. [31]- HT. TMC (d), S.ii, 97 [32]- Lạc thọ, khổ thọ và xả thọ. [33]- HT. TMC (dịch), S.ii, 101. [34]- DhpA, câu số 15. [35]- HT.TMC (d), S.ii, 97. [36]- Dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Hay dục ái, hữu ái, vô hữu ái. [37]- S.ii, 101. [38]- Xem Milindapañhā, cuốn 1, phẩm iv, câu hỏi số 6 (pakati aggito nerayaggīmaṃ uṇhākarā)- Đại trưởng lão Giới Nghiêm dịch. [39]- S.ii.97. [40]- M.i, kinh Tiểu Phương quảng (Cūlavedallasuttaṃ). [41]- Đại Đức Giác Giới (soạn) (kn)- Tầm nguyên ngữ căn. [42]- HT. TMC (d)- S.i, 3. [43]- HT. TMC (d)- S.v, 216. [44]- Đại Đức Thiện Phúc (d) (kn), Chú giải Người và cõi,- nói về cõi Đao lợi. [45]- HT TMC (d), S.i, 2. [46]- Đại Đức Giác Nguyên (d), (kn), Giáo lý duyên khởi. [47]- Đại Trưởng lão Tịnh Sự (d), Vibh, q.1 (267)- Duyên khởi phân tích (236). [48]- Sđd, tr. 142. [49]- HT.TMC (d), Dhp, câu 135. [50]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 121. [51]- Dhp, câu 122. [52]- HT. TMC (d), S.v, 51. [53]- HT. TMH (d), Dhp, câu 151. [54]- HT. TMC (d), S.i, 36. [55]- Đời sống 1 sắc pháp có tuổi thọ là 51 sátna tiếu, sátna tiểu thứ 1 là sátna sinh, sátna tiểu thứ 51 là sátna diệt, 49 sátna còn lại là sátnatrụ- Ns. [56]- Sư cô Thích nũ Trí Hải (d), Thanh tịnh đạo (Vsm, chương XVI, mô tả về Đế, số 45. [57]- Đại Trưởng lão Tịnh Sự (d), Bộ phân tích q.1 (267), Duyển khởi phân tích (236). [58]- Đại Trưởng lão Giói Nghiêm (d), (1962), Mi Tiên vấn đáp, q1- phẩm thứ hai, câu thứ nhất. [59]- HT. TMC (d), M.ii, Aṅgulimālasuttaṃ (kinh Aṅgulimāla). [60]- DhpA, câu kệ số 43. [61]- Đại Đức Giác Giới (bd), (kn), Tầm Nguyên Ngữ căn. [62]- Đại trưởng lão Giới Nghiêm (d), Mi tiên vấn đáp, q.3, phẩm 9, (câu hỏi số 1). [63]- HT. TMC (d), A.v, 135. [64]- Đại Đức Giác Giới (d), Luật phân tích Tỳkhưu, điều triệt khai thứ tư. [65]- HT. TMC (d), Dhp, kệ ngôn số 57. [66]- DhpA, kệ ngôn số 161. [67]- Tác giả bộ Giáo lý duyên khởi bằng Thái ngữ- Đại Đức Giác Nguyên, Việt dịch. [68]- HT. TMC (d), A. iv, 387. [69]- HT. TMC (d), A.iii, 57. Pháp năm chi , Nāradasuttaṃ (Kinh Nārada). [70]- HT. TMC (d), A.iv, 320. [71]- DhpA, câu số 174. Ông Phạm Kinh Khánh dịch kệ ngôn. [72]- Đại Đức Giác Giới (s), Tầm nguyên ngữ căn. [73]- Đại trưởng lão Tịnh Sự, Siêu Lý Cao Học- Y Tương Sinh. [74]- D.i,81. Brhamajālasuttaṃ (kinh Phạm võng). [75]- Pāli- English Dictionary, ghi là “outcom”, Đại trưởng lão Bửu Chơn dịch là “kết thúc”. [76]- Là có 5 quyền khởi lên. [77]- HT. TMC (d), It, Phẩm 2, số 42. [78]- Thấp sinh có hai loại: Thấp sinh bình thường như con muỗi, con ếch… và hóa sinh nơi ẩm thấp (gọi là thấp- hóa sinh), như nàng Ambapālī thấp- hóa sinh ở cội xoài, nàng Ciñcā thấp-hóa sinh ở gốc cây me… Sự khác nhau giữa hóa sinh và thấp-hóa sinh là: Hóa sinh thì sau sátna tục sinh là sátna tâm hữu phần, chúng sinh ấy trưởng thành ngay tức khắc, còn thấp- hóa sinh phải tuần tự phát triển như trẻ sơ sinh phát triển. [79]- Đức Sāriputta sinh ra ở làng này, đồng thời cũng viên tịch ở làng này. [80]- HT. TMC (d), A.v, 121. [81]- Nhãn xứ là thần kinh nhãn, nhĩ xứ là thần kinh nhĩ, tỷ xứ là thần kinh tỷ, thiệt xứ là thần kinh thiệt, thân xứ là thần kinh thân và ý xứ là tất cả tâm. [82]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (sd), Siêu Lý Cao Học- Y Tương Sinh. [83]- Saddhammajotikathera- Giáo Lý Duyên Khởi- Đại Đức Giác Nguyên Việt dịch. [84]- HT. TMC (d), A.v, 1o2. Kinh Lạc (số 1), (pathamasukhasukhaṃ). [85]- HT. TMC (d), S.ii, 80. Kinh Tư lường (parivīmaṃsanasuttaṃ). [86]- Là du sĩ Sāmandakāni- Ns [87]- HT. TMC (d), A.v, 102. [88]- HT. TMC (d), M.i- Kinh Trạm xe (Ratthavivūtasutta). [89]- Đại Đức Giác Giới (sd), Tầm Nguyên Ngữ Căn. [90]- Đại trưởng lão (sd), Siêu lý Cao Học. [91]- Đại Đức Giác Nguyên (d), Giáo Lý Duyên Khởi. [92]- HT. TMC (d), M.iii, kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Cūḷakammavibhaṅgasuttaṃ). [93]- HT. TMC (d), S.iv, 40. [94]- HT. TMC (d), A.ii, 235. Pháp bốn chi, Chương XXIV. Phẩm nghiệp, Ariyamaggasuttaṃ (Kinh Thánh đạo). [95]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), Dhs, phần mẫu đề theo kinh (suttantamātikā), số 837. [96]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, kệ ngôn 49. [97]- Bà Thánh nữ Alahán Gotamī sống đến 120 tuổi, nên sự viên tịch của bà không có chi là lạ, riêng 500 vị Thánh nữ Alahán dòng ThíchCa đồng viên tịch, đó là điểm lưu ý. Vì trong số các vị Thánh nữ ấy, có thể có vị chưa hết tuổi thọ- Ns. [98]- HT. TMC (d), Dhp, kệ ngôn 108. [99]- DhpA, kệ ngôn số 1. [100]- DhpA, kệ ngôn số 127. [101]_ DhpA, kệ ngôn số 47. [102]- Đại trưởng lão Giới Nghiêm (d), Milindapañhā, q.2, phẩm 1, câu hỏi thứ 8. [103]- Đại Đức Giác Nguyên (d), Giáo Lý Duyên Khởi.. [104]- HT.Thích Minh Châu (d)- Thắng Pháp tập yếu luận, tập 1, (1966), Sài Gòn: Viện Đại Học Vạn Hạnh, tr.138. (nguyên tác: Anuruddha- Abhidhammatthasaṅgaha). [105]- Phạm Kim Khánh (d)- Vi Diệu Pháp toát yếu. [106]- HT. TMC (d), Dhp, kệ ngôn số 153- 154. [107]- HT. TMC (d), A.i, 33 (A.i; 320- Ekadhammapāli- Tatiyavaggo- Phẩm 3). [108]- HT. TMC (d), It. 43 (It. 49. Dukkanipāto- Chương 2 pháp; Diṭṭhigatasuttaṃ). [109]- HT. TMC (d), A.i, 223.Pháp ba chi, chương VIII, phẩm Ānanda, Bhavasuttaṃ (Kinh Hữu) . [110]- Sớ giải kinh Thiên Sứ ( Trung bộ, bài kinh số 130.), Sớ giải Người và cõi, Đại Đức Thiện Phúc dịch. [111]- HT. TMC (d), A.v, 54. Pháp 10 chi, kinh Những câu hỏi lớn số 1 (Pathamamahāpañhāsuttaṃ). [112]- HT. TMC (d), A.i, 180. Pháp ba chi, Kinh xứ Venāga (Venāgapurasuttaṃ). [113]- HT. TMC (d), A.i, 267. [114]- Vị Tỳkhưu thành tựu được một (hay cả bốn) thiền Vô sắc giới, gọi là sống đạt được địa vị bất động- Ns [115]- A.ii, 183. Pháp 4 chi, kinh Ngày trai giới (Uposathasuttaṃ).. [116]- HT. TMC (d), A.iv, 39. Pháp bảy chi, chương V, sattaviññāṇaṭṭhitisuttaṃ (Kinh 7 thức trú). [117]- Tâm An- Minh Tuệ (d), Luận điểm (Kathāvatthu), chương VIII, luận điểm 1. [118]- Ākāsānañca: dịch là “hư không vô cùng tận”, e nhầm lẫn với sắc hư không. Hư không là một đề mục của thiền hữu sắc nên ākāsānañca nên dịch là “(cái) không vô cùng tận”, vì đó chỉ là ý tưởng, nên gọi là vô sắc. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 11-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated:
17-01-2006